Ngày 20-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Xin chữa con khỏi bại liệt trong tội lỗi
Lm Jude Siciliano OP
04:19 20/02/2009
CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN B

Isaia 43: 18-19,21-22, 24b-25; Tv 41; 2 Cor 1: 18-22; Mc 2: 1-12

Anh chị em thân mến,

Ngôn sứ Isaia rao giảng cho những người Do Thái đang bị tê liệt về tinh thần vì họ đang bị lưu đày ở Babylon. Lúc bấy giờ dân Do Thái nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm để cứu dân Israël ra khỏi đất Ai Cập. Họ chán nản và tự hỏi tại sao Chúa lại bỏ rơi và không cứu họ thoát khỏi ách lưu đày. Chúa đã làm gì để dân đợi lâu thế? Ngài không thấy tinh thần họ bị tê liệt sao? Họ đã đuối sức, nhưng họ vẫn muốn được trở về nơi quê cha đất tổ như một người tự do. Hôm nay, qua bài của ngôn sứ Isaia, chúng ta nghe tiếng Chúa nói với dân Ngài là họ không nên chán nản nhưng hãy hy vọng.

Lời ngôn sứ Isaia là lời đầy hy vọng, loan báo tin cho dân Do Thái sẽ được cứu khỏi sự lưu đày. Họ sẽ được dẫn qua sa mạc như trước kia, họ đã từng đi qua sa mạc để thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập. "Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn" (Is 43:19). Thiên Chúa hứa với dân Ngài, là họ sẽ được chữa khỏi bệnh tê liệt tinh thần trong cảnh lưu đày.

Ngôn sứ Isaia nói cho dân chúng biết chính tội lỗi đã làm cho họ tê liệt tinh thần, chẳng những bị lưu đày xa quê hương, mà còn bị rời xa khỏi Thiên Chúa nữa. Khi dân Do Thái đi qua sa mạc để trở về quê hương, cũng có nghĩa là họ được trở về với Chúa của họ. Nhưng Chúa sẽ bước đến gặp dân Ngài trước, không những để cứu họ ra khỏi ách nô lệ, mà cũng là để tha tội cho họ. Trước mặt Thiên Chúa, dân Do Thái sẽ được chữa lành bệnh về tinh thần và thể xác. Và đến đây chúng ta được dẫn tới Phúc âm thánh Mác-cô.

Theo câu chuyện trong Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta lại nghe tin vui, căn bản là: Thiên Chúa chữa lành bệnh và tha thứ tội lỗi. Thánh Mác-cô cho chúng ta biết là Chúa Giêsu không những chỉ đáp lời với đức tin của người liệt, mà chính Ngài đã động lòng vì niềm tin của những người đã dòng người liệt xuống từ lổ trống trên mái nhà, để đem người đó đến Chúa Giêsu. Họ phải cố gắng tạo một chổ trống trên mái nhà để đưa người liệt xuống, đó là việc không dễ làm.

Đối với chúng ta, thử hỏi chúng ta có khi nào làm việc giúp đỡ bạn bè giống như họ chưa? Khi chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống làm đức tin bị tê liệt, chúng ta rất cần sự giúp đỡ của những người bạn có đức tin vững vàng để nâng đỡ chúng ta trở lại đời sống đức tin bình thường. Nơi Bàn tiệc thánh, chúng ta cùng chung một Thánh Thể, cùng chung một đức tin, và cùng chung một sức mạnh giúp đỡ nhau. Dù cho bại liệt thế nào đi nữa, chúng ta vẫn còn bạn hữu giúp đỡ. Nhân dịp dự Bàn tiệc thánh, hãy dâng lên Chúa lời cảm ơn những người đã giúp đỡ chúng ta trong những lúc chúng ta đã bại liệt vì khó khăn trong cuộc sống.

Chúng ta cũng nên tự vấn: Mình đã giúp đỡ những ai và vào lúc nào? Ai là những người cần chúng ta giúp cho đức tin họ được mạnh hơn? Tôi biết một phụ nữ có chồng bị đột tử, bà ấy bị suy sụp hoàn toàn hầu như bị liệt vậy. Sáng sớm bà ta đi lễ và ngồi im lặng một mình. Bà ta nói là bà cảm thấy rủ liệt, và ngay trong nhà thờ bà cũng không cảm thấy đức tin mạnh mẽ. Bà cảm thấy phải dựa vào đức tin của những người chung quanh để thờ phượng Chúa: "Tôi không muốn hăng hái ca hát như họ. Và tôi đi lễ như vậy đã mấy tháng nay, rồi tôi mới ráng cố gắng hát như họ". Bà để những người khác mang bà đến dưới chân Chúa Giêsu cho tới khi bà có thể tự đến một mình với Chúa. Hiện nay, bà là người lãnh đạo nhóm giúp an ủi người sầu khổ trong giáo xứ, vì bà đã được giúp đỡ trong những tháng ngày khổ đau.

Thường thường, chúng ta không trở thành những người bạn của nhau khi cùng những người khác đi lễ chung vào ngày Chúa nhật. Nhưng sự thật, họ là những người bạn không tên tuổi cùng chung một đức tin. Họ cùng chúng ta mỗi Chúa Nhật tụ họp dưới chân Chúa để xin ơn tha thứ và ơn chữa lành. Chúng ta đều đã có những ngày tê liệt vì cuộc sống, chúng ta đã có lần cảm thấy đức tin bị lung lay vì gặp khó khăn trong cuộc sống. Những lúc ấy, có lẽ chúng ta đã được giúp đỡ bởi những người cùng ngồi chung một ghế ở nhà thờ với chúng ta, hay bởi những người trong giáo xứ mà chúng ta gặp ở chợ, hay ở ngoài đường, ở các nơi nhóm họp. Có lẽ những người đó không biết là họ đã nâng đỡ chúng ta. Ai đã gởi họ đến với chúng ta? Cũng như, ai đã gởi ngôn sứ Isaia đến với dân Do Thái trong khi họ đang bị lưu đày?

Chúng ta không nghĩ, chúng ta là những người có đức tin mạnh mẽ. Nhưng có lẽ đã có nhiều người được nâng đỡ vì đức tin của chúng ta, vì lẽ chúng ta đi lễ, hay đọc kinh nguyện thường ngày chung với họ. Chúng ta không dám nghĩ chúng ta gương mẫu. Nhưng biết đâu có người đã được đức tin chúng ta nâng đỡ họ. Chúng ta cũng không biết ai là những người đã được chúng ta mang đến dưới chân Chúa Giêsu để xin được tha thứ và chữa lành.

Trong câu chuyện Phúc âm hôm nay, có một ý nữa là: Người ta thấy Chúa Giêsu chữa người bại liệt được lành, nhưng họ lại không thấy được Ngài cũng có quyền tha tội cho người đó nữa. Chúng ta có thể hỏi thánh Mác-cô, Chúa Giêsu là ai? Thánh Mác-cô trả lời qua câu chuyện phép lạ này: Chúa Giêsu là Người quyền phép có thể tha tội cho chúng ta. Không tội nào mà Ngài không tha thứ được. Dù cho tội có nặng đến thế nào, xảy ra từ lúc nào, Ngài cũng vẫn tha thứ được. Vậy chúng ta có tin thánh Mác-cô không? Chúng ta có tin lời nói Chúa Giêsu có thể tha tội cho chúng ta và đưa chúng ta trở về với cộng đoàn hay không?

Chúng ta có nhiều câu hỏi: "Nếu như thế này? Nếu tôi không làm như thế này? Nếu lúc trước tôi không biết như bây giờ thì...? Nếu tôi không chọn lối đi như tôi đã làm thì...? Nếu tôi đã lầm lỗi và làm sao tôi có thể biết là tôi sẽ không làm lại lỗi đó thì...? Lúc đó tôi nghĩ là tôi đúng, vậy bây giờ tôi có đúng không? Nhìn lại quá khứ là điều có thể làm tê liệt hiện tại, đem đến sự tê liệt tình thương đối với gia đình và bạn bè. Sự tê liệt có thể đến dưới nhiều hình thức, mà hình thức nặng nhất là tê liệt về tinh thần làm chúng ta khó có ngày thay đổi được.

Bài Phúc âm hôm nay nhắc chúng ta hãy như người bại liệt. Chúng ta hãy nhìn ngay vào Chúa Giêsu để xin ơn được chữa lành và đứng dậy để làm đời sống được tiến tới. Chúng ta không nên nghĩ là chúng ta chỉ có một mình. Hãy nhìn chung quanh Bàn tiệc thánh. Tất cả chúng ta đều hướng về Đấng nói lời tha tội và chữa lành cho tất cả.

Hôm nay, sau khi nghe Phúc âm, chúng ta đều sửa soạn dâng thánh lễ. Chúng ta thấy những gì? Tất cả chúng ta đều đứng dậy như người bại liệt, chúng ta đến lãnh ơn chữa lành và có sức mạnh để đời sống của chúng ta tiến lên. Chúng ta đã để lại chiếc chiếu quá khứ mà chúng ta đã nằm trên đó và đã làm chúng ta vấp phạm. Bây giờ, chúng ta đã được trả lại tự do. Và cũng như người bại liệt, chúng ta đã được một đời sống mới với nhiều triển vọng mới.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
06:33 20/02/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (74)

741. Suốt đời ăn năn lo buồn về hai lỗi phạm lúc nhỏ

Lúc còn nhỏ, Lu-y Gondaga có phạm hai lỗi nhỏ: một là, lấy trộm một chút thuốc súng nói các lính hầu của cha mình, hai là, lặp lại một vài lời thô tục của các đám lính nầy, mà Lu-y Gondaga lúc đó cũng không hiểu ý nghĩa.
Sau nầy, khi nhớ lại hai lỗi mình đã phạm lúc nhỏ, thánh Lu-y Gondaga tỏ lòng ăn năn lo buồn đau đớn suốt đời.

742. Làm một thang riêng để leo lên trời một mình!

Trong thế kỷ thứ ba, Novazianô trở thành lạc giáo khi tố cáo Giáo Hội quá dễ dàng trong việc tha tội cho người có tội biết ăn năn thống hối. Ông lại còn chủ trương rằng Giáo Hội không có quyền tha các tội trọng.
Sau đó một thời gian, trong Công đồng Nixê, có một giám mục cũng tìm cách bênh vực lạc thuyết của Novazianô. Vị nầy chủ trương rằng cần phải đóng cửa trời lại, không cho người có tội vào.
Lúc đó, có hoàng đế Constantinô đang dự trong công đồng. Hoàng đế liền tức giận và nói với vị giám mục nầy: - “Thế thì ông làm riêng cho mình một cái thang, rồi tự mình leo mà lên trời một mình!”

743. Tội lỗi sinh ra sự cắn rứt trong lương tâm.

Lại tội lỗi còn sinh ra sự cắn rứt trong lương tâm, là một thứ sâu rất độc, cứ rúc rỉa mãi mãi.
Cho nên kẻ có tội luôn luôn đau đầu khổ tâm, đến nỗi có ăn tiệc cho khuây khỏa, thoải mái, lương tâm nó cũng bị cắn rứt luôn, có tiếng trách móc rằng: - “Mầy mất ơn nghĩa Chúa, mà mày giả lơ làm điếc đi sao? Rủi như chết, mày tính làm sao?”
Tiếng kêu trách bên trong đó, thật là một hình phạt rất nặng nề.
Ở đời nầy, cũng đã có nhiều người không có sức chịu nổi, phải tự tử. Chẳng hạn như Giuđa, ai ai cũng đều biết, bởi vì lương tâm cắn xé vì đã bán Chúa, cho nên chịu không nổi, sinh nản lòng, liền lấy dây thắt cổ chết khốn nạn.
Có một truyện cổ tích: Người kia phạm tội giết một đứa trẻ, muốn thoát khỏi hình phạt, nên xin vào dòng ẩn tu. Trốn trong tu viện, lương tâm không ổn, sau cùng, phải bỏ dòng mà ra toà án tự thú tội mình, xin quan kết án tử hình để cho lương tâm khỏi xâu xé. (Việc Rỗi Linh Hồn)

744. Thiên Chúa sẵn lòng tiếp nhận kẻ có tội.

Ở đời, nếu ai đã dấy lên chống lại vua, thì vua không bao giờ tha thứ dẫu người đó đã ra đầu thú trước mặt vua.
Đối với Thiên Chúa, Người chẳng bao giờ đối xử với ta như vậy đâu, như lời Thánh Kinh rằng: “Yavê Thiên Chúa của ta đầy dung thứ chạnh thương, Người sẽ không ngoảnh mặt đi với các ngươi nếu các ngươi trở lại với Người” (2 Ks 30,9).
Thật vậy, ai ăn năn trở về với Chúa, thì Người không nỡ lòng làm ngơ. Bởi vì Người luôn kêu mời người tội lỗi biết ăn năn sám hối rằng: “Con hãy trở lại với Ta, Ta sẽ đón nhận con.” (Gr 3,1)

745. Những ân hận của Bérenger

Vì chối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể, Bérenger đã lôi kéo nhiều người theo lạc thuyết của ông.
Về sau, Bérenger hối hận, lên án những lầm lạc của mình và trở lại giao hòa với Giáo Hội. Nhưng khi hấp hối nằm trên giường bệnh, ông run sợ quá chừng.
Cha giải tội khuyên Bérenger hãy tin vào lòng Chúa thương xót và đừng mất lòng trông cậy vào Chúa. Dầu vậy, Bérenger nói:
- “Tôi biết. Tôi trông cậy Chúa thứ tha vì tôi khóc lóc và ăn năn thật tình. Nhưng tôi đã gây cho nhiều người phạm tội, liệu Chúa có tha cho tôi không? Những người nầy sẽ tố cáo tôi một cách không tiếc thương khi tôi ra trước toà án của Đấng Phán xét Tối Cao?”
Nhờ cha giải tội hết sức khuyên bảo và an ủi, Bérenger mới bình tĩnh lại được và bằng an trước khi qua đời.

746. Kỷ luật của đàn sói trong việc săn bắt vây đuổi con mồi

Mấy chục con sói ẩn núp trong bụi cây gai, bị nhiều cái gai ở cây đâm vào da chảy máu, vẫn kiên trì chờ đàn dê rừng xuất hiện, mà không rên rỉ, kêu la.
Đến lúc đàn dê rừng lọt hẳn vào vòng vây, các con sói mai phục, tuy bị thương, vẫn cùng với các con sói trong đàn, xông ra, vồ bắt con mồi.
Đó là kỷ luật của loài sói.
Kỷ luật là một loại sức mạnh lớn, kỳ diệu. (Trí Tuệ và Kiên Nhẫn)

747. Hãy đọc một ngày ít nhất tám trang sách!

Một người bạn và người thầy thông thái của tôi (tôi: Richard Carlson, PH.D.), một lần, đã đưa cho tôi bộ sưu tập sách khổng lồ được viết cùng tác giả, như một món quà.
Cuốn sách thứ 26 khá kinh hãi khi tôi chỉ nhìn sơ qua.
Nhưng khi tôi mở cuốn sách đầu tiên, tác giả ghi một thông điệp. Nó trở nên một trong những sự hiểu biết giá trị nhất mà tôi đã áp dụng vào cuộc sống của mình.
Thông điệp là: “Trong một đêm, bạn không thể đọc hết được. Chỉ đọc một ngày tám trang thôi, bạn sẽ đọc hết đống sách nầy ít nhất trong ba năm.”
Để đọc tám trang, tôi chỉ mất vài phút. Nhưng tích tụ qua nhiều năm, nó thật sự quá nhiều.
Nếu bạn đọc tối thiểu tám trang mỗi ngày trên một năm, tính ra là khoảng 3000 trang. Trong 10 năm, con số đó sẽ tăng nhanh tới khoảng 30.000!
… Tôi từng rất ghét khi người ta nói với tôi: - “Đọc sách là một món quà.” Và bạn có lẽ không thích tôi nói nó với bạn. Nhưng bây giờ, tôi lại thấy đúng.
Đọc sách là một món quà!
Đọc sách là điều mà bạn có thể thực hiện hầu như mọi lúc và mọi nơi.
Đọc sách có thể là một phương pháp rất tốt để học hỏi, thư giãn và giải trí.
Vì thế, khi hiểu biết đầy đủ về công dụng của việc đọc sách, bạn hãy dành thời giờ đọc sách. (Đừng Quá Lo Lắng về Những Việc Nhỏ)

748. Hãy lập tức hành động!

Bí quyết khích lệ bản thân, chính là hành động.
Cách phát động bản thân thực tế, chính là câu nói khích lệ: “Lập tức hành động!”
Bất kể lúc nào, khi câu “Lập tức hành động!” từ tiềm thức lóe hiện ra ý thức, thì bạn cần lập tức hành động.
… Một nghệ sĩ không ngừng nổ lực, cố gắng không để cho bất cứ ý tưởng nào trôi mất. Khi ông xảy ra một ý tưởng nào mới, ông lập tức ghi lại ngay. Cho dù giữa đêm khuya, ông cũng làm như vậy.
Thói quen nầy của ông rất tự nhiên, không mất chút sức lực nào. Đối với ông, điều nầy giống như khi bạn nghĩ tới một điều vuivẻ nào đó, bạn bất giác bật cười vậy.
Rất nhiều người có thói quen lề mề kéo dài. Do thói quen nầy, họ có thể đi trễ xe, đi làm trễ, hay càng quan trọng hơn – đánh mất cơ hội tốt đẹp có thể làm thay đổi theo hướng tốt hơn, toàn bộ tiến trình cuộc sống của họ.
Hãy ghi nhớ câu nói phát động bản thân họ: ‘Lập tức hành động!” (Lòng Tự Tin)

749. Trong thời đại bùng nổ tri thức, ai không chịu học hành, sẽ bị xã hội đào thải.

Trên thảo nguyên, có một bãi cỏ rộng mênh mông dành cho cả vương quốc động vật. Thường ngày, có rất nhiều động vật đem con của mình đến đây để huấn luyện bản lĩnh.
Mỗi ngày, khi mặt trời vừa lên, động vật trên thảo nguyên đã bắt đầu tập chạy.
Khỉ mẹ dạy con mình: - “Con cần phải chạy nhanh hơn một chút. Nếu con mà chạy chậm hơn linh dương, con có thể sẽ chết đói.”
Ở một bãi đất khác, linh dương mẹ cũng dạy con mình: - “Con phải chạy nhanh hơn một chút. Nếu con không chạy vượt được khỉ, con có thể bị chúng tranh hết đồ ăn.”
Trong thời đại bùng nổ tri thức, ai không chịu học hành, sẽ bị xã hội đào thải.
Chỉ có không ngừng bổ sung hoàn thiện bản thân mình, mới đứng vững trong cuộc cạnh tranh nầy. (Truyện Nhỏ - Đạo Lý Lớn)

750. Đừng nên nổi giận bởi những việc nhỏ nhặt.

Ngày 07-5-1965, trận chung kết giải bi-a thế giới được diễn ra tại New York, Mỹ.
Louis Fox là người đang dẫn điểm. Chỉ cần một vài điểm nữa, là có thể giành được chức vô địch.
Đúng vào lúc nầy, ông ta phát hiện có một con ruồi xanh đang bay lởn vởn ở cạnh viên bi cái trên bàn. Ông lấy tay đuổi đi, nhưng khi ông ta vừa cúi người để chọc cơ, con ruồi đó lại bay trở lại bi cái. Một lần nữa, ông phải đứng dậy đuổi ruồi trong tiếng cười của khán giả.
Con ruồi quái gở nầy làm cho ông mất hết tinh thần thi đấu, trở nên căng thẳng. Dường như nó cố ý trêu ngươi ông. Mỗi khi ông quay đi, nó lại bay về phái bi cái. Điều nầy làm cho tất cả khán giả xung quanh cười la ầm ĩ.
Louis Fox rối loạn tinh thần đến mức cực điểm.
Cuối cùng, mất hết lý trí, ông tức giận dùng tay cơ, đập vào con ruồi, nhưng không ngờ lại chạm vào bi cái. Trọng tài xác định ông đã đánh bi, cho nên ông mất đi một cơ hội.
Từ đó về sau, Louis Fox liên tục bị mất điểm.
Đối thủ của ông, John Dyrain, lấy lại ưu thế, vượt qua Louis Fox và giành chức vô địch.
Sáng ngày hôm sau, người ta tìm thấy thi thể của ông Louis Fox ở trên sông. Ông đã tự tử.
Chỉ vì một con ruồi nhỏ mà Louis Fox đánh mất chức vô địch thế giới, mong ước không thành, đành phải tự sát. Đây đúng là điều chẳng đáng chút nào! (50 Điều Quan Trọng Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn)
 
Thiên Chúa trung tín, con người ngờ vực
Anmai, CSsR
07:43 20/02/2009
CHÚA NHẬT 7 TN B
Chúa Nhật VII thường niên B (Is 43, 18-19.21.22.24b.25; 2 Cr 1,18-22; Mc 2, 1-12)

Bài học tuyệt vời của Khổng Tử để lại cho hậu thế: con người sống phải có “nhân - lễ - nghĩa - trí – tín”. Trong cái gọi là ngũ thường ấy có “chữ tín”. Để viết chữ tín, để đọc chữ tín, để nói chữ tín thật là đơn giản nhưng rồi sống chữ tín ấy không đơn giản chút nào cả. Đôi khi cả đời người vẫn chưa sống được vẹn tròn chữ tín. Thiên Chúa, ngay từ những ngày tạo thiên lập địa Ngài vẫn giữ chữ tín với con người, còn con người cứ ngờ vực Thiên Chúa để rồi mối tương quan ấy chuệch choạc làm sao ấy.

Đã bao lần, con người quay lưng với Chúa, đã bỏ con đường của Chúa để đi theo tà thần vì con người ngờ vực. Dẫu ngờ vực, dẫu thất tín bất trung nhưng Thiên Chúa vẫn giữ lòng tín trung với con người. Biết bao nhiêu lần trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa luôn luôn hứa với con người rằng Ngài yêu thương con người và không bao giờ bỏ rơi con người. Bằng chứng thực tế là hôm nay, qua miệng ngôn sứ Isaia, chúng ta lại được nghe lời Chúa hứa với dân Người:

Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.
Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
Israel bội nghĩa vong ân
Vậy mà, hỡi Giacob, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta;
phải, hỡi Israel, ngươi đã chán Ta rồi.
Ngươi đã không đem chiên đến làm lễ toàn thiêu dâng Ta,
làm hy lễ cho Ta được vinh hiển.
Ta đâu có làm ngươi khổ cực vì phải dâng lễ phẩm cho Ta,
cũng chẳng làm cho ngươi chán chường
vì chuyện hương với khói.
Ngươi đã không bỏ tiền mua hương liệu dâng Ta,
cũng không dâng mỡ béo cho Ta được thoả dạ no lòng.
Ngươi lại còn làm cho Ta cực khổ vì lầm lỗi của ngươi,
làm cho Ta chán chường vì tội ác ngươi phạm.
Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta,
Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi,
và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa
”. (Is 43, 21.22.24b.25)

Những tâm tình của Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia chúng ta thấy Chúa dễ thương làm sao ấy ! Chúa như bà mẹ hiền, ấp ủ Israel trong vòng tay yêu thương của mình. Như là hờn, như là trách ấy nhưng cuối cùng vẫn là yêu, vẫn là thương. Thương đến độ không còn nhớ đến lỗi lầm xưa của Israel nữa. Chúng ta nhìn lại cuộc tình giữa Chúa và dân Israel ngày xưa chúng ta thấy buồn cười. Một bên thì qúa yêu, một bên thì cứ bướng bỉnh trước tình yêu ấy. Đặt trường hợp chúng ta, người yêu của chúng ta chỉ cần phản bội chúng ta một lần là chúng ta sẽ từ bỏ để đi tìm người yêu khác chứ chả dại gì đi yêu cái người mà cứ phản bội.

Rất buồn cười: Israel, bao nhiêu lần cũng hứa, cũng sám hối, cũng ăn năn nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, vẫn cứ ngờ vực trước tình yêu bao la của Chúa.

Lòng con người, miệng lưỡi con người nó làm sao ấy chứ nó không thật. Điều này, Thánh Phaolô trong thư gửi cộng đoàn Côrintô nói cho chúng ta: “Xin Thiên Chúa trung thành chứng giám cho chúng tôi ! Lời chúng tôi nói với anh em chẳng phải vừa là "có" vừa là "không". Vì Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xin-va-nô, Ti-mô-thê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có". Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người”. (2 Cr 1,18-20).

Thiên Chúa đã hứa là Ngài thực hiện chứ không phải là vừa có và vừa không còn con người thì ngược lại, con người ngày hôm nay lúc có lúc không chẳng thể nào mà hiểu được, chẳng thể nào mà tin được.

Thiên Chúa, Ngài đã hứa là Ngài giữ chữ tín cho đến tận cùng của cuộc đời dẫu cho phải hy sinh cả mạng sống của mình. Vì sao ? Vì Ngài là Thiên Chúa. Con người thì khác, vì sợ thiệt thòi về phía mình nên con người cứ thất hứa, cứ nghi ngờ nhau. Nếu giữ chữ tín, đôi khi phải thiệt thòi. Đơn giản như là chuyện phải giữ các Lề Luật của Thiên Chúa thì con người sẽ phải chịu thiệt về mình vì ngày hôm nay sự giả trá nó cứ tràn ngập trong cuộc đời. Vì hoàn cảnh của cuộc đời để rồi con người chẳng thể tin nhau nữa. Chúa thì Chúa khác, Chúa biết là những hành động của Chúa sẽ bị chỉ trích, bị lên án nhưng vì chữ tín, vì tình thương Chúa vẫn thực hiện tình thương ấy.

Bằng chứng cụ thể hôm nay Chúa Giêsu biểu lộ tình thương ấy cho con người qua câu chuyện mà Thánh Maccô thuật lại cho chúng ta.

Theo quan niệm của người Do Thái, người bị tật nguyền là do tội lỗi của họ gây ra. Bệnh bên ngoài cũng là do bệnh trong lòng của họ, người phạm tội xấu xa nên bị phạt như vậy. Quan niệm của người Do Thái ngày xưa hết sức là buồn cười. Chúa Giêsu, thấy anh chàng bại liệt, Chúa Giêsu chạnh lòng thương và lấy quyền năng của mình để chữa lành cho anh cả hồn lẫn xác. Thế nhưng, đáng tiếc thay là những kinh sư có mặt hôm ấy không tin vào quyền năng của Chúa, không tin vào lời của Thiên Chúa nên đã nghĩ xấu về hành động của Chúa Giêsu. Vì là Đấng có quyền năng, tuy những kinh sư không nói nhưng Chúa thấu hiểu lòng của họ và Chúa đã vạch trần bộ mặt của họ, vạch trần cõi lòng sâu thẳm của họ.

Đối lập với những kinh sư hôm ấy là những người đem anh chàng bại liệt đến để Chúa chữa lành. Vì dân chúng tụ tập quá đông trong nhà ngoài sân như thánh Maccô mô tả, họ đành phải khoét một cái lỗ hổng trên mái nhà và thả cái chõng xuống. Nghe như vậy, thấy như vậy không phải là đơn giản. Thử hỏi, chúng ta phải xúm lại mất bao nhiêu người mới lo cho bệnh nhân di chuyển, đàng này còn phải khoét mái nhà để chuyển anh ta xuống. Thật sự là lòng tin của nhóm người này quá lớn và Chúa đã đáp trả lại lòng tin của những người tin ấy bằng cách chữa lành cho anh.

Đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay thì sao ? Ngày nay vẫn có sự đối lập đấy trong cuộc đời này giữa những người tin và những người không tin. Những người không tin sẽ mỉa mai, sẽ miệt thị những người tin như những kinh sư hôm nay mỉa mai không tin Chúa Giêsu như vậy. Những người không tin vì họ trống vắng Thiên Chúa hay nói đúng hơn là họ không có Thiên Chúa trong cuộc đời nên họ đã chống đối và phỉ báng Chúa.

Những người ngày hôm nay khoét lỗ hổng để đưa anh chàng bệnh nhân xuống cho Chúa chữa lành phải chăng là hình ảnh, là bài học cho mỗi người chúng ta. Liệu rằng chúng ta có tin vào quyền năng của Chúa, vào lời hứa của Chúa, vào chữ tín của Chúa để tín thác cuộc đời của Chúa hay không ? Cũng chẳng biết trách ai khi con người ngày hôm nay đánh mất lòng tin vào Chúa nhiều quá để rồi họ cứ ngờ vực Chúa. Ngay cả như con người với con người họ còn ngờ vực nhau huống hồ gì là Thiên Chúa.

Nhìn vào thực trạng của cuộc sống, chẳng hiểu vì sao và vì sao mà tìm chữ tín nơi con người khó quá ! Người ta không còn chân thành và trung tín với nhau nữa nên tất cả các tương quan giữa người với người đều mang đậm chất của sự nghi ngờ lẫn nhau.

Đời sống của những gia đình trẻ ngày hôm nay đang đứng trên bờ vực của chia ly, phân cách. Chồng không còn tin vợ, vợ chẳng còn tin chồng, con cái chẳng tin cha mẹ và cha mẹ cũng chẳng còn tin con cái nữa. Thậm chí, những cộng đoàn sống chung với nhau cho lý tưởng cao đẹp nào đó cũng chẳng còn tin nhau như ngày xưa. Vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân nên một số người đã phá bĩnh đi cái tinh tuý, cái cao đẹp của lý tưởng họ đang sống và họ đi nói nhau đủ thứ đủ điều. Khi nói như vậy thì đâm ra xào xáo trong cộng đoàn, người này nói người kia, người kia nói người nọ để rồi chẳng còn ai dám tin ai mà tâm sự, mà chia sẻ cho nhau nữa. Và từ đó, đôi khi nhìn bề ngoài đời sống gia đình, đời sống chung đó cao đẹp nhưng bên dưới nó mang đầy sự ngờ vực, không tin tưởng nhau nữa.

Với Thiên Chúa, dù thế nào đi chăng nữa, dù có thiệt thòi và thậm chí đến mất mạng sống, Thiên Chúa vẫn tín trung với con người. Thiên Chúa mãi mãi yêu thương và tín trung với chúng ta. Lòng tín trung giữa ta và Thiên Chúa còn được bao nhiêu đó là câu trả lời của mỗi người chúng ta.

Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta nhìn lại chúng ta còn sống trung tín với ông bà cha mẹ và các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn của chúng ta hay không ? Hay là chúng ta sống chung với nhau mà như đùa cợt với nhau vậy. Bề ngoài thì thơn thớt nói cười nhưng bên trong không còn tin tưởng nhau nữa.

Lý do căn bản nhất mà chúng ta đánh mất đi lòng tin tưởng nơi nhau đó là vì chúng ta đã đánh mất lòng tin của chúng ta vào Tình Thương Bao La của Thiên Chúa. Lẽ ra tin Chúa chúng ta lại tin người đời, người đời lại thất tín bất trung để rồi ta lại chán ngán với cuộc đời. Chúa vẫn ở đó, Chúa vẫn chờ đợi chúng ta và Chúa vẫn trung tín với chúng ta. Chuyện quan trọng là chúng ta còn tín trung với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại chúng ta nữa hay không mà thôi.
 
Phạm thượng
Lm Vũđình Tường
12:34 20/02/2009
Lộng ngôn phạm thượng ngụ ý diễn tả kẻ dưới đối xử thất lễ với bề trên. Nếu tách từ lộng ngôn khỏi từ phạm thượng thì xã hội tân thời nhân danh nghệ thuật, nhân danh tự do ngôn luận khai tử ý nghĩa này. Dường như ngày nay không còn câu nói nào bị liệt vào câu nói lộng ngôn, không hành động nào gây phạm thượng.

Điểm qua vài sự việc sẽ rõ. Con cháu cãi tay đôi với cha mẹ, ông bà. Ủng hộ lập trường này giải thích là chúng có quyền phát biểu ý kiến. Nếu có hỗn láo chỉ là cả giận mất khôn, không kiềm chế được cơn giận nên đi quá xa một chút. Chấp nhất chi với con nít. Chống lập trường này kết án chúng mất hết nề nếp, gia phong. Thực khó phân biệt làn ranh cãi lại và phát biểu ý kiến. Làn ranh này lu mờ ghê lắm.

Trong nhà thì như thế. Ngoài ngõ không hơn gì. Cảnh trẻ con la ó, chửi thề, thoá mạ người lớn xảy ra khắp nơi. Khách bộ hành có nghe thấy cũng ngoảnh mặt đi cho khuất mắt cảnh trái tai gai mắt. Lên tiếng làm chi đầu chẳng phải, phải tai. Mang vạ vào thân.

Giới bình dân đã vậy, giới trí thức hành xử đôi khi còn tệ hơn nhiều. Người ta dùng hình ảnh Chúa và các thánh làm đề tài gây tiếng vang cá nhân. Nghệ nhân vịn vào lí do nghệ thuật làm nhiều việc kẻ cho là tồi bại, kẻ tích cực ủng hộ. Tất cả đều núp bóng hai chữ nghệ thuật để thực hiện. Nghệ thuật thời đại mới không có ranh giới. Nghệ nhân hoàn toàn tự do sáng tác, phát triển nghệ thuật. Kết quả những sáng tác mới trở thành tin sốt dẻo, gây ồn ào trong giới truyền thông và tạo kinh hoàng cho nhiều tín hữu. Lên tiếng phản đối bị kết án là chậm tiến, phản nghệ thuật. Nhóm tích cực ủng hộ nghệ thuật hầu như luôn thắng trong các vụ tranh tụng trước pháp luật dân sự.

Truyền thông

Một số bồi bút viết lách gây ồn ào. Truyền thông loan tin nóng hổi. Những bài báo viết đả kích, mạ lị tôn giáo thường nhận nhiều bàn luận. Do vậy thu hút độc giả. Sách báo bán chạy hơn. Tiền lời thu nhiều. Nhân danh tự do viết hết điều nghĩ được. Nhóm bài xích tôn giáo tích cực ủng hộ. Có người ủng hộ còn lo gì đến lộng ngôn; ngại gì đến phạm thượng nữa. Rõ ràng nhờ phỉ báng Danh Chúa mà danh con nổi như cồn.

Một số hoạ sĩ, điêu khắc gia, vẽ hình, tạc tượng bôi lọ niềm tin tôn giáo, khơi lên làn sóng phản kháng, phẫn uất. Để biện luận cho việc làm trên họ nhân danh nghệ thuật. Làm vì nghệ thuật, cho nghệ thuật. Đối với họ nghệ thuật quan trọng hơn cả Đấng dựng nên nghệ thuật. Nhân danh nghệ thuật đưa niềm tin ra diễu cợt.

Hoạ sĩ làm được, điêu khắc gia làm được, nhà làm phim cũng làm được. Ngại gì mà không tạo dựng những hình ảnh dựa vào óc giầu tưởng tượng dựng nên. Kết quả phim đạo phản đạo, gây chấn động niềm tin tôn giáo. Xem phim kẻ nhẹ dạ bị khủng hoảng đức tin. Phim bài xích đạo gợi lên cảm xúc bất mãn khiến khán giả cảm thấy họ là nạn nhân của niềm tin. Khủng hoảng đức tin kết quả là bất mãn, tiếp tay phỉ báng. Chống lại cộng đoàn họ là thành viên và phỉ báng Giáo Hội họ từng phục vụ.

Tất cả những việc làm trên đều nhân danh tự do ngôn luận và nhân danh nghệ thuật làm công việc chia rẽ, gây tranh cãi. Tự do ngôn luận và tự do nghệ thuật quan trọng hơn cả niềm tin, lớn hơn thần thánh và đáng tôn thờ hơn cả Thượng Đế. Họ tin thực sự hay có ý đồ mưu cầu lợi nhuận riêng. Việc làm tạo cho họ nổi danh, thu nhiều triệu tiền lời so với ít vốn bỏ ra. Vì nghệ thuật? Vì lợi nhuận? Vì ham nổi danh? Vô thần đội lốt hay việc làm trá hình quỉ dẫn lối, ma đưa đường?

Quyền hành

Ma quỷ rất sợ quyền hành của Đức Kitô nhưng Ngài cấm chúng nói ra Mc 3,11, Lk 4,41. Đám đông nghe Ngài giảng thì rất đỗi kinh ngạc, hoan hỉ loan truyền về Đấng Thiên Sai.

‘Giáo lí thì mới mẻ, người dạy lại có quyền Mc 1,27’.

Các tông đồ theo Chúa cũng đi từ bỡ ngỡ này đến sững sờ kinh ngạc khác có lần thốt lên

‘người này là ai mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh Mc 4,41’.

Chối bỏ quyền năng Chúa vẫn là các Thượng Tế, Kinh Sư, Kì Mục. Chúa càng được dân chúng theo ủng hộ, họ càng căm thù, giận ghét. Ho kết án Đức Kitô là phạm thượng, tướng quỉ. Không nhận Đức Kitô là Thiên Chúa. Không tin Ngài có quyền tha tội. Họ hạch sách,

Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai cho quyền ông để ông làm các điều ấy? Mc 11,27.

Đức Kitô đáp lại:

Vậy, để các ông biết ở dưới đất này Con Người có quyền tha tội. Đức Giêsu bảo người bại liệt– Ta truyền cho con: Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà’. Người bại liệt đứng dậy, lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Mc 2,12.


Những kẻ chống đối Chúa đâu biết làm thế chính là tự tố cáo họ nông cạn. Nghe Đức Kitô giảng, xem phép lạ Người thực hiện, đối thoại với Ngài nhưng không nhận ra Ngài vì tính kiêu căng, tự phụ làm mờ tâm trí họ, khiến họ không nhận ra Người. Phạm thượng là coi thường hay khinh chê quyền hành của người nào đó. Đây chính là hình thức kiêu ngạo trá hình. Tự cho mình quyền phê phán người khác là lạm quyền. Lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa là từ chối tôn thờ Thiên Chúa và quyền năng của Ngài.

Ngày nay nói đến lộng ngôn, phạm thượng xã hội không chấp nhận. Tuy thế khó chối bỏ được mọi hình thức lạm dụng quyền hành. Tệ nạn này xảy ra khắp nơi thuộc mọi giai cấp trong xã hội. Nơi nào chối bỏ Thiên Chúa hiện hữu; nơi đó lạm dụng quyền hành thành quốc nạn. Chối bỏ niềm tin tôn giáo sẽ coi thường mạng sống con người. Coi thường mạng người sẽ coi trọng tiền tài, danh vọng. Không sợ lộng ngôn phạm thượng đến Chúa, còn gì không dám làm.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Thư Mục Vụ Giáo phận Ban Mê Thuột: Rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân tộc thiểu số
+ GM Phaolô Nguyễn Văn Hòa
13:09 20/02/2009
GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

THƯ MỤC VỤ
Rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân tộc thiểu số


Mùa Chay 2009

Kính gởi: Các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh,
Và cộng đoàn Giáo dân Giáo phận Ban Mê Thuột.

Anh chị em thân mến,

1. Giáo Hội Việt Nam đang tích cực chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010, kỷ niệm 350 năm thành lập hai Giáo phận Tông Toà Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập phẩm trật Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Việc cử hành Năm Thánh 2010 nhằm 3 mục tiêu:

• Nhìn laị lịch sử gần 500 năm truyền giáo để thể hiện lòng biết ơn đối với Hội Thánh và các bậc tiền nhân.
• Rút ra những bài học cho việc thực thi sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Chúa Kitô đã giao phó cho Giáo Hội.
• Hướng tới tương lai trong bối cảnh văn hoá xã hội của thời đại chúng ta đang sống để làm mới hình ảnh Giáo Hội và phong phú hoá sức sống của Giáo Hội giữa lòng xã hội hôm nay.

Đồng hành với cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam, tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Ban Mê Thuột cùng nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng cho anh chị em các dân tộc thiểu số trên vùng đất cao nguyên thân yêu.

I. NHÌN LẠI LỊCH SỬ:

2. Trước hết, xin anh chị em cùng tôi trở về với những ngày đầu của công cuộc rao giảng Tin Mừng để thể hiện lòng biết ơn đối với các nhà truyền giáo anh hùng dám xả thân gieo vãi hạt giống đức tin cho anh chị em các sắc tộc miền núi và quyết tâm tiếp nối những bước chân hào hùng của các ngài: các ngài đã can đảm vãi gieo, chúng ta xin cần cù tưới gội, để Chúa làm cho nẩy mầm (x. 1 Cr 3,6), hầu cánh đồng truyền giáo cao nguyên sẽ vàng rực những bông lúa tâm hồn quý giá.

3. Vào ngày Chúa Nhật II mùa Phục Sinh 2009 này, chúng ta kỷ niệm 50 năm Nhà Thờ Ban Mê Thuột, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng (nay là Nhà Thờ Chính Toà Giáo phận), đánh dấu bước cơ bản xây dựng Giáo Hội địa phương. Để giáo xứ đầu tiên, giáo xứ Ban Mê Thuột (thuộc Giáo phận Mẹ Kontum) được thành lập (30.03.1937), để ngôi thánh đường đầu tiên được xây dựng trên vùng tây nguyên Đăklăk, bao nhiêu tiền nhân đã phải hy sinh. Xin đời đời nhớ ơn Đức Cha Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể (1840 – 1861), Giám mục Đại Diện Tông Toà Địa phận Đàng Trong (Toà Giám mục đặt taị Gò Thị, Qui Nhơn) đã quan tâm tới các sắc dân anh em trên vùng đại ngàn Tây Nguyên và đã quyết tâm thực hiện cho bằng được chương trình gieo vãi hạt giống Tin Mừng cho vùng đất này. Xin ghi nhớ những dấu chân anh hùng của các nhà truyền giáo là linh mục, thầy giảng, chủng sinh và giáo dân, từ giữa thế kỷ 19, đã sẵn sàng ra đi theo tiếng gọi của Đức Kitô dấn thân lên vùng Tây Nguyên xa lạ. Xin tưởng nhớ với lòng biết ơn sâu xa Cha Phông-ten Khâm thuộc hội Thừa Sai Pa-ri, vị thừa sai đầu tiên, từ năm 1847 đã hiện diện, dù chỉ trong thời gian vắn vỏi, trên miền đất Đăklăk thân yêu. Xin biết ơn thầy giảng Phao-lô Hiền, đã từ họ đạo Mang Yang đến thiết lập họ đạo Ban Mê Thuột và đã cùng một số giáo dân lập nhà nguyện nho nhỏ đầu tiên. Ngôi Nhà Nguyện mái tranh vách đất nầy là tiền thân của Nhà Thờ Ban Mê Thuột, sau này là Nhà Thờ Chính Toà Ban Mê Thuột.

4. “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới…” (Lc 5,4)

Vùng Tây Nguyên ngày xưa qủa thực là một vùng đất đầy những hiểm nguy từ thiên nhiên và con người, với rừng thiêng nước độc, với những bộ tộc thiểu số luôn phải cảnh giác và chiến đấu để tự sinh tồn. Trong bối cảnh thiên nhiên và xã hội đó, những bước chân rao giảng Tin Mừng của các tiền nhân quả thực đáng chúng ta khâm phục và dõi theo. Khởi từ Công Đồng Gò Thị năm 1841, theo lệnh của Đức cha Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể, nhiều đoàn truyền giáo đã tìm đường lên Tây Nguyên nhưng đều thất bại. Vào năm 1846, 2 linh mục người Việt đã đặt chân đến vùng Buôn Đôn …nhưng rồi cũng phải rút lui. Mãi đến năm 1848, thầy Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Do, một đại chủng sinh, được sai đi, đã khai mở một giai đoạn mới cho công cuộc thâm nhập và gieo rắc Tin Mừng cho đồng bào Tây Nguyên…Từ năm 1849, từ Quy Nhơn, nhiều đoàn truyền giáo với sự góp mặt của các linh mục thừa sai, các thầy giảng, các chủng sinh, giáo dân…gánh chịu bao thử thách cam go, đối mặt với những nguy hiểm chết người, tiếp tục ra đi, hiện diện và khôn khéo hoạt động giữa rừng núi quê hương của đồng bào các sắc tộc. Để có thể thiết lập 4 trung tâm truyền giáo tại vùng Gia Lai Kontum cho các sắc tộc khác nhau Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai…bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ ra, dọn đường và tưới gội vùng đất Tây Nguyên kỳ bí và hấp dẫn này, trong đó có máu đào tử đạo của thánh Giám mục Tê-pha-nô Kuy-ê-nô Thể, chết rũ tù ngày 11.11.1861 tại khám đường Bình Định. “Máu tử đạo là hạt giống phát sinh đức tin công giáo”, quả thực là như thế: sau 21 năm nỗ lực cắm thánh giá cứu đô trong lòng những anh em sắc tộc thiểu số Tây Nguyên (1848-1869), cánh đồng truyền giáo đã thu gặt những kết qủa không ngờ: 94 buôn làng dân tộc Ba-na, Xơ-đăng, Gia-rai và cả E-đê nữa đã trở thành các giáo buôn giáo sóc con cái Thiên Chúa.

II. NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ:

4. Những hoa trái bước đầu là thành quả của bao hy sinh nỗ lực của các nhà truyền giáo quyết tâm thực hiện Lời Thầy Chí Thánh: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới…”(Lc 5,4). Các ngài không mở ra một con đường nào mới mẻ mà là bước theo con đường cứu độ Đức Giêsu đã đi qua thế gian này, con đường chúng ta phải tiếp bước ra đi. Con đường này có những giai đoạn khác nhau:

• Tiếp cận và đối thoại
• Hiện diện và phục vụ
• Rao giảng và làm chứng

TIẾP CẬN VÀ ĐỐI THOẠI:

6. Đa số các giáo xứ trong Giáo phận chúng ta đều là những cộng đoàn chung sống giữa người kinh và anh em sắc tộc. Trong hoàn cảnh đặc thù của một Giáo phận truyền giáo, nhận thức rõ ràng về sứ mệnh của mình là những người được Chúa sai đến với anh chị em sắc tộc, chúng ta cùng nghe lại giáo huấn của Hội Thánh trong Sắc Lệnh về Truyền Giáo:

• “Giáo Hội phải thấm nhập vào tất cả những nhóm người theo cùng một chiều hướng như chính Chúa Kitô, Đấng đã nhờ việc nhập thể mà liên kết mình với những hoàn cảnh nhất định về xã hội và văn hóa của những người mà Chúa cùng chung sống” (SLTG số 10).

• “Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người, để dẫn đưa họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết người họ chung sống, và phải đối thoại với họ, để nhờ chính việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa đã rộng ban cho các dân tộc; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc Âm chiếu soi những ân huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (SLTG số 11).

Giáo huấn của Hội Thánh trên đây nhắc lại cho chúng ta những đòi hỏi cơ bản của công việc truyền giáo và dưỡng giáo đối với anh chị em sắc tộc thiểu số.

7. Việc truyền giáo và dưỡng giáo rất cần đến ngôn ngữ, vì thế, sự khác biệt ngôn ngữ đã tạo một khoảng cách rất lớn giữa chúng ta với anh chị em sắc tộc: sự hiểu biết lẫn nhau, sự cảm thông giúp đỡ bị hạn chế. Đàng khác việc học ngôn ngữ một dân tộc là dấu chứng sự tôn trọng quý mến chủng tộc và văn hoá truyền thống của họ. Đây là một đặc tính quan trọng của việc Rao Giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã tiếp xúc, đối thoại và rao giảng bằng chính ngôn ngữ của dân tộc Do Thái, ngôn ngữ con người, bởi vì ngài tôn trọng và yêu thương con người bằng cả tấm lòng. Đây là một sứ điệp được truyền đạt đặc biệt qua biến cố Ngũ Tuần: các tông đồ có thể nói bằng các ngôn ngữ khác nhau và chắc hẳn người nghe thuộc nhiều miền nhiều nước đã không chỉ ngạc nhiên sửng sốt nhưng còn xúc động sâu xa: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ?” (Cv 2,7).

HIỆN DIỆN VÀ PHỤC VỤ:

8. Các mục tử:

Như Đức Kytô đã đến trong nhà Người, gia đình nhân loại, gia đình con cái Thiên Chúa: “Người đã đến nhà mình” (Ga 1,11) – “…và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), các mục tử cũng phải tiếp cận và gần gũi anh chị em sắc tộc. Chỉ có gần gũi mới có thể cảm thông chia sẻ thực sự. “Xa mặt thì cách lòng”, câu ngạn ngữ này đúng cả trong lãnh vực truyền giáo và dưỡng giáo. Chúng ta có thể hiện diện gần gũi với anh chị em chúng ta bằng nhiều cách:

• Là mục tử, các linh mục không ngại đường xá cách trở, để cùng với Chúa Giêsu, đến với anh chị em chúng ta trong các thánh lễ tại gia và cử hành bí tích: bí tích Hoà giải và Thánh Thể cho người không thể đến Nhà Thờ, xức dầu cho các bệnh nhân. Đây cũng là dịp tốt để tình thương yêu và Tin Mừng được nói lên bằng ngôn từ và hành động.

• Là mục tử, các linh mục phải trở thành niềm ủi an, sự nâng đỡ cho anh chị em trong các buôn sóc chịu thử thách vì nghèo khổ, tật bệnh, tuổi già sức yếu, và tang chế. Chúa cần chúng ta và anh chị em đau khổ cần chúng ta.

• Là những mục tử công việc đa đoan, các linh mục không thể hiện diện thường xuyên bên cạnh anh chị em chúng ta. Nhưng như ngày xưa, Chúa Giêsu cũng phải chọn gọi các tông đồ, môn đệ và sai họ ra đi (x. Mt 10,1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6; Lc 10,1-3), và như các nhà truyền giáo Tây Nguyên thời đầu đã phải tuyển chọn và cắt cử các Yao Phu (là thầy giảng, giáo lý viên), các mục tử cần phải hiện diện gần gũi anh chị em các buôn sóc qua các Ban Hành Giáo buôn sóc, các Thừa tác viên ngoại thường, các Giáo lý viên, Ban Loan Báo Tin Mừng giáo xứ giáo họ và các cộng đoàn Hội Dòng trong các giáo xứ giáo họ.

9. Ban hành giáo buôn sóc:

Ban Hành Giáo giáo buôn giáo sóc phải là cánh tay phải của các vị chủ chăn và Hội Đồng Giáo xứ, Giáo họ: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội không thể trở thành muối của thế gian” (HCTL về Giáo Hội, số 33).

Họ cần được đào luyện nghiệp vụ để trở thành những tông đồ giáo dân nhiệt thành, đạo đức và hiểu biết. Họ có bổn phận phải thực hiện những gì Hội Thánh đã truyền dạy:

• “Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ” (SLTG.số 6).

• “ Vậy các nhà truyền giáo như những cộng sự viên của Thiên Chúa, phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình để họ có thể thi hành những chức vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả…

Do đó, ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu phải được thiết lập làm sao để tự mình có thể cung cấp cho mình những gì cần thiết, được phần nào hay phần nấy.

Cộng đoàn tín hữu này đã có sẵn nguồn phong phú về văn hóa của dân tộc, phải bén rễ sâu trong dân chúng: các gia đình đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm phải phát triển và phải được các trường học có giá trị nâng đỡ; phải tổ chức các hội đoàn và các nhóm người lo việc tông đồ giáo dân, để có thể đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập toàn thể xã hội” (SLTG số 15).

10. Các thừa tác viên ngoại thường :

Cần phải lưu tâm đặc biệt đến nhừng anh chị em bệnh tật, già yếu trong các buôn sóc. Trong hoàn cảnh khổ đau nghiệt ngã của phận người, họ cần có Chúa nâng đỡ ủi an. Các Thừa tác viên cho Rước Lễ ngoại thường là người kinh và nhất là người sắc tộc phục vụ anh chị em đau khổ trong các buôn sóc rất quan trọng. Chúa Giêsu muốn thăm viếng họ như ngày xưa Người đã từng thăm viếng cứu chữa những người tàn tật yếu đau (x. Mt 8,14-17). Qua các vị mục tử và các thừa tác viên ngoại thường, Người luôn khát khao thực hiện lới ngôn sứ I-sai-a: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Is 53,4).

11. Các giáo lý viên:

Giáo Hội xác quyết trong Sắc Lệnh về Truyền Giáo như sau:

“Có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi muôn dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.

Trong thời đại chúng ta, chức vụ của các giảng viên giáo lý rất quan trọng vì số giáo sĩ ít oi không đủ để rao giảng Phúc Âm cho quần chúng quá đông đúc cũng như để thi hành mục vụ” (SLTG số 17).

Cần phải liệu sao cho đủ con số các giảng viên giáo lý cho các cộng đoàn sắc tộc. Và bởi những đặc tính riêng biệt về môi trường tín ngưỡng cổ truyền, văn hoá, não trạng và ngôn ngữ, phải liệu sao cho các giáo lý viên được huấn luyện kỹ càng về giáo lý và phương pháp truyền thông giáo lý thích hợp cho một cộng đoàn sắc tộc bị giới hạn về tầm hiểu biết và về văn hóa. Phải giúp cho các giáo lý viên hiểu biết đầy đủ niềm tin và luật tục* của các sắc tộc để thanh lọc những niềm tin không phù hợp với giáo lý công giáo, thanh tẩy những luật tục* cổ xưa và giúp anh chị em tân tòng tránh được những mê lầm trên con đường sống đạo. Do đó, phải lo liệu tăng số các giáo lý viên sắc tộc chăm lo giáo lý cho các cộng đoàn sắc tộc.

12. Ban Loan Báo Tin Mừng giáo xứ giáo họ:

Mỗi giáo xứ giáo họ cần phải thành lập Ban Loan Báo Tin Mừng (Ban Truyền Giáo), gồm những người đạo đức và nhiệt thành, sẵn sàng hy sinh phục vụ phần rỗi anh em. Họ cần phải được đào tạo và hướng dẫn, để ngoài việc loan báo Tin Mừng cho anh chị em lương dân, thì trong các giáo xứ giáo họ có giáo dân sắc tộc, họ còn là những người bạn, những cố vấn nhiệt tâm luôn đồng hành với các Ban Hành Giáo và các giáo lý viên sắc tộc.

* Luật tục: toàn bộ những nguyên tắc ứng xử không thành văn được hình thành trong xã hội, sau một thời gian dài áp dụng đã trở thành truyền thống và được mọi người tuân thủ (Từ Điển Bách Khoa Việt Nam tập 2, trang 770).

13. Các cộng đoàn hội dòng

“Trong khi tận tụy hoạt động để gieo trồng Giáo Hội và hoàn toàn thấm nhuần những ơn phước huyền nhiệm đã từng làm vẻ vang truyền thống tu trì của Giáo Hội, các hội dòng phải cố gắng diễn tả và thông ban những ơn phước đó tùy theo tinh thần và đặc tính của mỗi dân tộc”(SLTG số 18).

Các cộng đoàn chiêm niệm góp phần vào công cuộc chung của Giáo phận bằng kinh nguyện, chiêm niệm và khổ hạnh để Lời Chúa được loan báo và sinh hoa kết quả trong các cộng đoàn anh em sắc tộc. Các cộng đoàn hoạt động phải nhiệt thành và khôn ngoan cộng tác với các linh mục và các tổ chức trong các giáo xứ giáo họ hướng tới anh chị em sắc tộc mà họ được sai tới. Khi hết lòng cống hiến khả năng và thời giờ cho những người nghèo khổ, họ sống Đức Ai Kitô giáo trọn vẹn và hiệu quả hơn.

RAO GIẢNG VÀ LÀM CHỨNG:

14. Đức Giêsu ngày xưa nơi vùng đất Israel đã luôn lên đường rao giảng Tin Mừng và phục vụ tình yêu thương. Đối với Người, rao giảng là phục vụ và phục vụ là lời rao giảng trung thực nhất về tình thương cứu độ đồng thời là chứng cớ hùng hồn về tình yêu của Cha trên trời. Thập giá là dấu chứng hiện thực và hùng hồn nhất của Lời Chúa phán: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Hôm qua hôm nay và ngày mai, qua Giáo Hội và mỗi Kitô hữu, Chúa luôn luôn lên đường rao giảng và làm chứng. Lời rao giảng thiếu chứng cứ là lời rỗng tuếch như thánh Phaolô đã khẳng định trong bài ca của lòng yêu mến, 1 Cr 13. Mẹ Giáo Hội, trong Sắc lệnh về Truyền Giáo đã dạy rằng:

“Sự hiện diện của các Kitô hữu giữa các nhóm người phải được tác động bằng chính tình bác ái mà Thiên Chúa đã yêu chúng ta và muốn chúng ta cũng thương yêu nhau bằng tình bác ái đó... Do đó, như Chúa Kitô đã trải qua khắp các thị thành và làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền, bệnh hoạn, làm dấu chỉ Nước Chúa đã đến, thì Giáo Hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ. Thực vậy, Giáo Hội chia vui sẻ buồn với họ, nhận biết những ước vọng và những vấn đề nhân sinh của họ, cùng chịu khổ với họ trong những lo âu về sự chết” (SLTG.số 12).

15. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm được gì để thực sự là con cái của Chúa tình yêu và là những môn đệ của Cứu Chúa tình yêu ? Ở đây tôi muốn gởi đến cộng đoàn giáo dân trong Giáo phận những lời tâm huyết:

• Xin anh chị em nhớ lại Giáo Huấn của Giáo Hội:

“Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm” (SLTG số 36).

• Anh chị em hãy làm chứng cho lòng bác ái Kitô giáo bằng quan tâm đến đời sống tâm linh và phần rỗi anh chị em sắc tộc nghèo khổ: chia sẻ đức tin và niềm hy vọng cho họ, sẵn sàng trở thành những người cha người mẹ thiêng liêng cho anh chị em dự tòng và cho con cái các tân tòng để luôn đồng hành với họ trong cuộc sống mỗi ngày.

• Anh chị em hãy làm chứng cho tình yêu Chúa bằng một tương quan đầy lòng tôn trọng và yêu thương anh chị em sắc tộc. Phải loại bỏ những biểu hiện kỳ thị sắc tộc nơi ngôn từ, trong hành động, trong công việc giao thương buôn bán làm ăn. Phải tránh xa những lời dụ dỗ ngọt ngào lợi dụng anh chị em sắc tộc.

• Chúng ta cùng nhớ lại lời thánh Phao-lô: “Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư dả là để giúp đỡ những người túng thiếu...” (2 Cr 8,14). Đừng vì lợi nhuận mà để anh chị em sắc tộc thất nghiệp. Tạo công ăn việc làm cho họ là giúp đỡ họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đồng thời lại có dịp gần gũi để chia sẻ niềm tin và niềm hy vọng cho họ.

III. VỚI CỘNG ĐOÀN GIÁO DÂN SẮC TỘC

16. Tôi muốn dành phần cuối của Thư Mục Vụ này để ngỏ lời với anh chị em giáo dân sắc tộc, những người con được yêu thương của đại gia đình Giáo Phận:

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy luôn vui mừng cảm tạ Thiên Chúa Đấng đã giải thoát anh chị em khỏi nô lệ tội lỗi mê lầm để trở thành những người con tự do: ‘Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1 Cr 7,23).

• Để có thể trung thành sống thân phận con cái Thiên Chúa, anh chị em hãy tiếp tục học hỏi và sống Lời Chúa dạy, đào sâu đạo lý công giáo. Nhờ đó anh chị em có thể tránh được tình trạng bất trung mà thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại đã đề cập tới:

“Xưa kia, không biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ cho những thứ theo bản tính không phải là thần. Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn quay trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ cho chúng một lần nữa?” (Gl 4,8-9).

• Bằng các sinh hoạt đức tin, bằng sự đoàn kết yêu thương, bằng những tương quan đầy tình bác ái đối với mọi thành phần anh em trong buôn làng, anh chị em hãy trồng Giáo Hội vào môi trường anh chị em sống để đức tin và lòng bác ái, lẽ công bình và dạ công chính của anh chị em luôn được nuôi dưỡng và phát huy, hầu anh chị em có thể thực hiện Lời Chúa phán: ”Chính anh em là muối cho đời”(Mt 5,13), “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).

• Anh chị em cũng đừng để bị mê hoặc bởi người đời: “Đừng trở nên nô lệ cho người phàm!”(1 Cr 7,23). Hãy lánh xa cách suy nghĩ, lối sống, cách cư xử không tốt, không đúng với giáo lý Chúa nơi nhiều người. Tệ nạn rượu chè say sưa, phá thai, sống chung không hôn phối, vợ chồng bỏ nhau, ly dị... những điều tệ hại này dẫn dụ anh chị em trở lại tình trạng nô lệ tội lỗi, đem lại cho xã hội và gia đình những hậu qủa xấu xa. Trong nếp sống gia đình, trong các sinh hoạt liên hệ đến hôn nhân, tang chế: anh chị em hãy sống như những người con tự do, biết tin và biết yêu của Thiên Chúa. Hãy từ bỏ những tập tục không phù hợp với niềm tin và đạo lý công giáo.

• Không có một dân tộc nào từ khởi thủy đã là dân tộc văn minh phát triển. Tất cả các dân tộc đều phải đi lên từ thực trạng nghèo đói, chậm tiến…Anh chị em đang đi trên con đường tiến bộ: hãy khát vọng và nỗ lực tự giải thoát mình khỏi tình trạng chậm tiến. Biết nâng cao trình độ kiến thức, biết chăm sóc sức khỏe, biết sống vệ sinh, biết cần cù chịu khó, biết tiết kiệm và tận dụng mọi hoàn cảnh để làm kinh tế…đó là những bước cơ bản trên con đường phát triển của anh chị em.

• Hãy trân trọng những gia tài tinh thần của ông bà tổ tiên bao đời để lại. Những tập tục tốt lành phù hợp với giáo lý công giáo, hãy lo gìn giữ. Phải bảo vệ và phát huy ngôn ngữ cùng các truyền thống văn hoá nghệ thuật của cha ông. Chúa Giêsu đã đến để nâng cao và thánh hoá các giá trị nhân văn của loài người và dẫn họ bước đi trên con đường cứu độ. Và Giáo Hội đến lượt mình đã khẳng định: “Việc phải làm là cứu rỗi con người và canh tân xã hội loài người” (HCMV số 2c). Anh chị em hãy đồng hành với Chúa Giêsu và Giáo Hội người trên con đường sống đạo trong chính buôn sóc và trong lòng dân tộc mình.

KẾT LUẬN

17. Anh chị em thân mến,

Mùa Chay 2009 đã gần đến. Mùa Chay là mùa trở về với Chúa và với chính mình. Con đường trở về này đi qua nhiều ngõ ngách dẫn chúng ta vào mọi lãnh vực của cuộc sống kitô hữu. Trong tinh thần chung của lá thư mục vụ này, để trở về với Chúa cách trọn vẹn hơn, tôi tha thiết mời gọi mọi người cũng hãy trở về với Mẹ Giáo Hội địa phương là Giáo Phận.

Giáo phận chúng ta đã lên tuổi 42. Trên hành trình 42 năm, từ con số 56.719 giáo dân trong 33 giáo xứ vào năm 1967, nay đã có trên 293.718 anh em người kinh và trên 67.408 anh em sắc tộc cùng song hành trên con đường đức tin, chung sinh hoạt trong trong 88 giáo xứ, 58 giáo họ (Số liệu theo thống kê mới nhất 02/ 2009.).

Trong 42 năm qua, mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta đã góp phần thế nào, đã làm được gì giúp Giáo phận tiếp cận, yêu thương phục vụ anh chị em mọi sắc dân để Giáo phận thực sự trở thành Bí Tích cứu độ cho mọi người ? Trả lời được câu hỏi này, chúng ta có thể hoàn thiện con đường đã đồng hành với Mẹ Giáo phận và mở ra những đường hướng mới mẻ giúp mỗi cộng đoàn và mỗi người có thể tích cực sống ơn gọi kitô hữu trọn vẹn hơn trong lòng Giáo phận, hầu mọi anh chị em chúng ta, đặc biệt anh chị em các sắc tộc được yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Bổn mạng của Giáo phận, nguyện xin bình an và ân sủng của Chúa ở cùng anh chị em. Thân chào anh chị em trong Chúa Kytô.

Ban Mê Thuột ngày 20.02.2009

Giám Mục Giám Quản Tông Toà Giáo Phận:
(Đã ấn ký)
 
Thư mục vụ mùa chay của Đức TGM Hà Nội
+TGM. Ngô Quang Kiệt
15:53 20/02/2009
Thư của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt

Gửi các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh
Và Anh chị em Giáo dân Hà nội Nhân dịp Mùa Chay 2009


Hà nội ngày 20 tháng 02 năm 2009
Anh chị em thân mến,

Mỗi năm Giáo hội mời gọi chúng ta dành thời gian 40 ngày cho việc ăn chay vì ăn chay là một thực hành quan trọng trong đời sống đạo. Thực vậy, việc ăn chay là một truyền thống đã có từ lâu trong Cựu Ước và vẫn được tiếp tục trong Tân Ước. Theo truyền thống tốt đẹp đó, việc ăn chay đem lại những ích lợi lớn lao cho đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Trước hết ăn chay giúp ta đền bù tội lỗi. Ta học được điều này từ kinh nghiệm của thành Ninivê. Đây là một thành phố tội lỗi. Sau khi nghe tiên tri Giona rao giảng, đã ăn năn sám hối bằng việc chay tịnh. Và Thiên Chúa đã chấp nhận lời cầu nguyện sám hối bày tỏ qua việc ăn chay nên đã tha tội cho họ. Tiên tri Giona viết: “Dân thành Ninivê tin vào Thiên chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến nhà vua Ninivê, vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khóac áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khóac áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình…” Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa”(Gn 3, 5-10). Tự nó, việc ăn chay không có công hiệu xóa bỏ tội lỗi. Nhưng việc ăn chay nói lên lòng sám hối. Tâm hồn ăn năn sám hối kêu xin lòng thương xót của Chúa sẽ được Chúa lắng nghe, thương xót và tha thứ tội lỗi. Vì “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50).

Việc ăn chay còn giúp ngăn ngừa tội lỗi. Tội lỗi là do những tư tưởng, lời nói, việc làm lệch lạc, phóng túng, theo dục vọng, theo ý riêng, vượt ra khỏi khuôn khổ luật Chúa, luật Hội Thánh. Theo thánh Basiliô, lệnh ăn chay đã có từ tạo thiên lập địa, khi Chúa truyền cho hai ông bà nguyên tổ: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn, nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn,, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi phải chết” (St 2, 16-17). Chúa truyền phải ăn chay (x. PG 31,163,98). Nhưng hai ông bà nguyên tổ đã không ăn chay, không kiềm chế được ý riêng, đã vượt qua lệnh cấm và lỗi luật Chúa, nên đã phạm tội. Từ kinh nghiệm đau thương ấy, Giáo hội mời gọi ta ăn chay để tập luyện tự chế. Tự chế giúp ta tiến đến làm chủ bản thân. Khi hoàn toàn làm chủ được bản thân ta sẽ đạt tới sự duy nhất trong đời sống. Thân xác tuân phục linh hồn. Linh hồn tuân phục Thiên Chúa. Như thế ăn chay giúp ta ngăn ngừa tội lỗi khi biết từ bỏ ý riêng và đạt tới sự thánh thiện khi sẵn sàng tuân hành thánh ý Thiên Chúa.

Ngoài ra, ăn chay tự nhiên giúp ta nghĩ đến người đói khát thiếu thốn. Đồng bệnh tương lân. Khi ta biết thế nào là đói khát, ta dễ cảm thông và cảm thương những người đói khát. An chay bằng giảm bớt chi tiêu để giúp đỡ tha nhân là một thực hành đi vào chiều sâu và thực tế. Theo tiên tri Isaia đó chính là cách ăn chay mà Chúa ưa thích: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cố tnhục?” (Is 58, 6-7). Khi biết quên mình, ta sẽ dễ mở lòng để nghĩ đến người khác. An chay như thế là mở rộng tâm hồn để tha thứ, để hòa giải, để chia sẻ, để chữa lành, để cứu giúp. Cách ăn chay này đang được nhiều nơi áp dụng. Thực tế trên quê hương ta hiện nay còn nhiều người túng thiếu đang cần sự giúp đỡ. Tôi biết đa số anh chị em không dư giả. Nhưng tự hạn chế những nhu cầu của bản thân để chia sẻ là một hình thức chay tịnh rất đẹp lòng Chúa. Đặc biệt năm nay anh chị em hãy tiết kiệm để giúp làm con đường cho thôn Quèn Gianh và giúp cho Lạng sơn – Cao bằng, giáo phận kết nghĩa với chúng ta.

Trên hết, việc ăn chay sẽ giúp ta khao khát Thiên Chúa. Thực vậy, khi biết từ khước những nhu cầu vật chất, ta dễ hướng lòng lên Chúa. Tự nguyện chịu cơn đói khát thể lý sẽ nuôi dưỡng tâm tình khao khát những giá trị thiêng liêng. Tự chế bản thân giúp ta khao khát sự thánh thiện. Vượt qua những giá trị trần gian ta sẽ tiến đến khao khát chính Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới thỏa mãn mọi đói khát của ta. Chỉ khi thi hành thánh ý của Thiên Chúa ta mới có lương thực nuôi dưỡng cho ý nghĩa cuộc đời. Hãy noi gương tổ phụ Môsê, nhờ ăn chay cầu nguyện trên núi 40 đêm ngày, hoàn toàn kết hợp với Chúa, nên đã tìm được thánh ý Chúa, được Chúa ban cho 10 điều răn làm chỉ nam cho đời sống của Dân Chúa. Hãy noi gương tiên tri Elia, ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trong sa mạc, nên đã gặp Chúa và nhận được hướng dẫn của Chúa, tiếp tục xuống núi thi hành công việc của Chúa. Nhất là chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh. Sau khi ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trong hoang địa, Người chiến thắng được mọi cơn cám dỗ. Và trong cơn đói khát, Người đã tìm được thánh ý Đức Chúa Cha, đã coi việc thực hành thánh ý Đức Chúa Cha là lương thực nuôi dưỡng ý nghĩa đời sống. Để không còn ước muốn điều gì khác hơn là làm theo thánh ý Đức Chúa Cha. Để hoàn toàn nên một với Đức Chúa Cha.

Trong năm Giáo dục Gia đình Kitô giáo, mọi thành viên trong các gia đình hãy ăn chay bằng cách hãm dẹp ý riêng để giữ sự hòa hợp trong gia đình. Hãy biết quên mình để nghĩ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Nếu có điều gì xích mích, hãy ăn chay bằng tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau trong mùa Chay. Đó là cách ăn chay thánh thiện rất đẹp lòng Chúa. Lễ thánh Giuse, bổn mạng các vị gia trưởng sắp tới. Các gia trưởng hãy noi gương Thánh Cả Giuse, điều khiển gia đình bằng quên mình, yêu thương và phục vụ.

Trong gia đình tổng giáo phận, xin anh chị em hãy hiệp ý với chúng tôi. Cùng với Đức Hồng Y Phaolô Giuse kính mến chúng ta hãy vững “Tin Ở Tình Yêu Thiên Chúa”. Cùng với Đức Cha Phaolô chúng ta hãy hoàn toàn “Xin Vâng” thánh ý Chúa. Cùng với tôi và Đức Cha Lôrensô, chúng ta hãy “Chạnh Lòng Thương” nhau và cùng nhau “Phục Vụ Trong Đức Ai”.

Một Mùa Chay như thế chắc chắn sẽ là một mùa ân phúc. Có chết đi trong chay tịnh quên mình chúng ta mới mong được phục sinh trong một đời sống mới cho từng người, từng gia đình, từng giáo xứ và cả tổng giáo phận thân yêu của chúng ta.

Tôi gửi lời chào thân mến đến từng anh chị em. Xin Chúa ban cho anh chị em một Mùa Chay thánh thiện và một lễ Phục Sinh tràn đầy sức sống mới của Chúa.

Thân ái

+ Giuse Ngô Quang Kiệt

Tổng giám mục Hà nội
 
Chúa Nhật I Mùa Chay
LM. Ignatio Hồ Thông
16:56 20/02/2009
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Vào Chúa Nhật I Mùa Chay năm B, bài đọc I và bài đọc II đều hướng về điển hình học của phép rửa: hình ảnh của sự chết và sự phục sinh.

St 9: 8-15

Đoạn trích từ sách Sáng Thế gợi lên nhân loại mới được cứu khỏi trận Đại Hồng Thủy. Thiên Chúa ký kết giao ước với nhân loại mới nầy đại diện ông Nô-ê và các con của ông.

1Pr 3: 18-22

Trong thư thứ nhất của mình, thánh Phê-rô muốn những người nhận phép rửa hiểu rằng việc vượt qua nước là dấu chỉ của việc họ tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Ki tô và đó cũng là sự dấn thân vào giao ước với Thiên Chúa.

Mc 1: 12-15

Tin Mừng là bài tường thuật rất ngắn của Mác-cô về cuộc thử thách của Đức Giê-su trong hoang địa: Ngài thắng các cơn cám dỗ, thế lực của sự ác.

BÀI ĐỌC I (St 9: 8-15)

Chữ "Ước" ở trong thuật ngữ "Cựu Ước và Tân Ước" được dùng để chỉ bộ Kinh Thánh được dịch từ tiếng la-tin: "Testamentum" từ nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là "Giao Ước", vì thế, thuật ngữ "Cựu Ước và Tân Ước" phải được hiểu trọn nghĩa là "Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới".

Quả thật, chữ "Giao Ước" tóm gọn tinh thần của bộ Kinh Thánh. Vấn đề những mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người chạy xuyên suốt bộ Sách Thánh. Ấy vậy, có một chỗ đứt quãng giữa công việc của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và thi ân, và cách hành xử của con người, tội nhân, nhưng chỗ đứt quãng nầy về phương diện lịch sử được lòng xót thương của Thiên Chúa đổ đầy: sau vài án phạt điển hình, Thiên Chúa tha thứ và thiết lập lại giao ước với nhân loại.

1. Giao Ước với ông Nô-ê:

Đây là Giao Ước mà Thiên Chúa đã thiết lập sau trận Đại Hồng Thủy như án phạt khắp toàn cõi địa cầu của Thiên Chúa.

Với hai ông bà nguyên tổ, A-đam và E-và, giao ước là hàm ẩn; với ông Nô-ê, giao ước được minh nhiên bày tỏ, và qua ông và hậu duệ của ông, được gởi đến cho toàn thể nhân loại.

Tính cách phổ quát của giao ước với ông Nô-ê nầy càng đáng chú ý hơn những giao ước sau nầy. Giao ước được ban cho cho tổ phụ Áp-ra-ham cũng như giao ước được ký kết với ông Mô-sê bị thu hẹp và chỉ liên quan đến một dân tộc, được tuyển chọn giữa muôn dân (thực ra, dân Chúa chọn nầy có sứ mạng chuẩn bị ơn cứu độ phổ quát).

Mặt khác, sau trận Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa cho cuộc sáng tạo một khởi điểm mới, một nhân loại mới lại bắt đầu. Ông Nô-ê là một người công chính, như A-đam trước đây đã là người công chính khi xuất ra từ bàn tay của Đấng Tạo Hóa. Vì thế, đích thật là một khởi nguyên mới.

2. Ơn cứu độ cho mọi người dưới dấu chỉ của nước:

Tác giả soạn thảo chuyện tích trận Đại Hồng Thủy nầy dựa trên những truyền thống xưa và những dữ kiện huyền thoại. Phải nói có hai chuyện tích về trận Đại Hồng Thủy được đan quyện vào nhau. Một chuyện tích xưa thuộc truyền thống Gia-vít không biết đến đề tài giao ước, và một chuyện tích khác muộn thời hơn thuộc truyền thống tư tế, được một tác giả tư tế soạn thảo có thể trong thời kỳ lưu đày hay sau đó một ít lâu. Đoạn văn của chúng ta được trích dẫn từ câu chuyện tư tế nầy. Đề tài giao ước được diễn tả ở đây. Tác giả khoắc một quan điểm thần học cho quá khứ xa xưa nầy. Khi cố gắng phân biệt giáo huấn Thiên Chúa ở đây, ông đã đọc thấy dấu chỉ của ơn cứu độ được dâng hiến cho mọi người và nước sẽ đóng một vai trò. "Nếu toàn thể nhân loại đã bị trừng phạt, cũng chính toàn thể nhân loại sẽ được cứu, lòng xót thương của Thiên Chúa còn lớn hơn cả tội lỗi nữa". Ơn cứu độ sẽ được thực hiện dưới dấu chỉ của nước, biểu tượng của cuộc tái sinh. Thánh Phê-rô, trong thư mà chúng ta đọc vào Chúa Nhật nầy, gợi lên hình ảnh tiên trưng của phép rửa nầy.

3. Giao ước với tất cả mọi sinh vật:

Giao ước của Thiên Chúa trải dài cho hết mọi sinh vật. "Cử chỉ song đôi với hành vi sáng tạo" trong "các chuyện tích về các nguồn gốc". Nô-ê là A-đam mới, nhưng Thiên Chúa không cần tái tạo nên ông: cũng vậy, những sinh vật đã được cứu; từ nay, chúng được đảm bảo tồn tại. Thiên Chúa không từ chối bất cứ gì của cuộc sáng tạo nguyên thủy.

Chúng ta có thể nhấn mạnh thêm rằng tai họa của trận Đại Hồng Thủy đã chấm hết, nước phía trên đã được phân rẽ khỏi nước phía dưới, và đất trồi lên, như trong cuộc khởi nguyên đầu tiên. Tất cả lại bắt đầu. Như vậy phép rửa sẽ có ý nghĩa của sự chết và sự sống lại.

4. Cầu vồng:

Dân Hy-lạp xem cầu vồng là khăn quàng của nữ thần Iris, sứ giả của các thần linh. Dân Do thái, xoay quanh vấn đề những mối tương quan giữa trời và đất, thấy ở đây một dấu chỉ việc Thiên Chúa giao hảo với nhân loại. Chiếc cầu vồng nối liền trời và đất là hình ảnh về chiều kích phổ quát của Giao Ước, giải thích thi ca về lời hứa của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC II (1Pr 3: 18-22)

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô nầy được chọn vì âm vang bài đọc I, gợi lên trận Đại Hồng Thủy và giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và ông Nô-ê. Thánh nhân nhấn mạnh hình ảnh tiền trưng của phép rửa.

Thư thứ nhất của thánh Phê-rô nầy được viết ở Rô-ma vào những năm 60-64 (cuộc tử đạo của thánh nhân vào năm 64). Thư được gởi đến cho tất cả Ki tô hữu bị phân tán khắp miền Tiểu Á vì bị quấy nhiễu hay bị bách hại. Vị lãnh đạo Giáo Hội quan tâm đến đàn chiên của mình. Bức thư của thánh nhân nhắc nhớ những chân lý cốt yếu của đức tin, và đã thường được văn chương Ki tô giáo đầu tiên trích dẫn.

Bức thư nầy đã được soạn thảo bởi một cộng tác viên của thánh Tông Đồ, ông Sin-va. Ông cũng là người bạn đồng hành thân tín của thánh Phao-lô. Có lẽ vì lý do đó mà những dấu ấn của thánh Phao-lô âm vang nhiều đoạn của bức thư nầy. Trong đoạn trích hôm nay, chúng ta ghi nhận "chết vì tội lỗi chúng ta", sự đối lập "thân xác và thần khí", "phép rửa" đồng nghĩa với việc "tham dự vào cuộc phục sinh của Đức Ki tô".

Những Ki tô hữu mà thánh Phê-rô ngỏ lời phải chịu dân ngoại chế nhạo và vu khống. Thánh Tông Đồ khuyên họ hãy can đảm theo gương Đức Ki tô, Ngài đã chịu đau khổ dù vô tội. Từ đó thánh nhân gợi lên ơn Cứu Chuộc và những ân phúc của nó đối với những người đã qua đời cũng như những người đang sống.

1. Đối với những người đã qua đời: xuống cõi âm ty.

Một đoạn văn, hoàn toàn ngoại lệ trong các bản văn Tân Ước, gợi lên Đức Ki tô xuống ngục tổ tông (đây chính xác là một trong các bản văn mà niềm tin nầy dựa trên).

Việc xuống nơi cư ngụ của những người đã qua đời có nghĩa là ơn cứu chuộc của những tội nhân không chỉ có giá trị đối với những ai đã qua đời sau biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki tô, nhưng cũng có hiệu quả trở về trước nữa. Đức Ki tô đã đến "loan báo Tin Mừng" cho các vong nhân, và đặc biệt hơn nữa, cho những vong nhân bị lãng quên và bị nguyền rủa, ngay cả vào thời mà ông Nô-ê và con cái của ông là những người công chính duy nhất. Những vong nhân nầy xuất hiện trong truyền thống Do thái (và đặc biệt trong văn chương khải huyền) như những kẻ nổi loạn. Chắc chắn đó là lý do mà thánh Phê-rô trích dẫn họ để ca ngợi quyền năng của ơn Cứu Chuộc và lòng xót thương vô lượng hải hà của Thiên Chúa.

Mặt khác, việc Đức Giê-su xuống cõi âm ty nêu bật giá trị với việc Ngài lên trời trong vinh quang. Đấng xuống cõi âm ty chính là Đấng "ngự bên hữu Chúa Thiên Chúa, bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền Ngài". Vinh quang tuyệt mức đã đáp trả cho sự khiêm hạ tột cùng của Con Thiên Chúa, Đấng đã dự phần vào cõi hư vô của sự chết.

2. Đối với những người đang sống: phép rửa.

Đối với những ai hiện đang sống (và đối với những ai sinh ra sau nầy), biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki tô dâng hiến ơn cứu độ dưới dấu chỉ phép rửa.

Thánh nhân nhấn mạnh rằng không cốt thanh tẩy những vết nhơ thể xác như trong các nghi thức thanh tẩy của lương dân, nhưng cốt là một tâm hồn trong trắng.

Cùng với những bản văn trước đó của thánh Phao-lô, bản văn nầy làm chứng rằng "vào những năm 60, thần học phép rửa đã được bày tỏ và khẳng định rất rõ nét".

TIN MỪNG (Mc 1: 12-15).

Đoạn trích của Tin Mừng Mác-cô hôm nay gồm có hai phần: phần thứ nhất (1: 12-13) tường thuật những chuẩn bị cần thiết của Đức Giê-su cho sứ vụ công khai của Ngài; phần thứ hai (1: 14-15) tường thuật bước khởi đầu sứ vụ công khai của Ngài.

I. Đức Giê-su chuẩn bị cho sứ mạng công khai của Ngài (1: 12-13):

Tin Mừng Mác-cô kể lại cuộc thử thách của Đức Giê-su trong hoang địa quá giản dị đến ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều cốt yếu được nói ở đây:

- Thánh Thần thúc đẩy.

- Bốn mươi ngày trong hoang địa.

- Chịu Sa-tan cám dỗ.

- Đức Giê-su chiến thắng Sự Dữ, được gợi ra một cách đơn giản bởi một dấu chỉ, dấu chỉ địa đàng: "sống giữa loài dã thú và có các thiên thần hầu hạ Người".

Trong giai đoạn cuộc đời của Đức Giê-su, phải phân biệt hai khía cạnh: rút vào hoang địa, chịu Sa-tan cám dỗ.

1. Rút vào hoang địa:

Ngay sau khi chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy giả và trước khi bắt đầu sứ vụ của mình, Đức Giê-su rút vào hoang địa. Ngài chuẩn bị sứ vụ của mình trong chiêm niệm, cầu nguyện và chay tịnh. Trước khi khai mạc công trình cứu độ của chúng ta, trước khi khởi sự cuộc đời phiêu bạt, khiêm hạ và hoàn toàn tuân theo theo mọi hướng dẫn của Chúa Cha, Đức Giê-su sống trong sự mật thiết với Cha Ngài và trang bị cho mình sức mạnh Thần Khí. Về phương diện nhân loại mà nói, Đức Giê-su chắc hẳn đã kinh qua sự e sợ và nỗi xao xuyến: Ngài đã gánh lấy thân phận yếu hèn của chúng ta; Ngài đặt mình liên đới với những âu lo của chúng ta. Ngài tăng cường lời cầu nguyện của mình bằng chay tịnh như sự huấn luyện "làm chủ bản thân mình", đồng thời như một hành vi "phụ thuộc vào Thiên Chúa".

Trước những giây phút quyết định, Đức Giê-su nhiều lần rút vào nơi cô tịch để cầu nguyện; Ngài đã cầu nguyện thâu đêm trước khi chọn các Tông Đồ của mình; Ngài đã cầu nguyện lâu giờ trước khi hỏi thánh Phê-rô lời tuyên xưng đức tin của ông; Ngài cũng đã thức suốt đêm cầu nguyện trước khi nói về Bánh Ban Sự Sống và công bố rằng Ngài ban chính mình làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta.

2. Thử thách:

Nhưng tại sao Ngài chịu ma quỷ cám dỗ? Ba lý do soi sáng vấn đề nầy.

2.1- Thử thách, thân phận con người:

Việc Đức Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ nằm trong sự hợp lý ơn gọi của Ngài: Ngài đã đồng hóa mình với nhân loại tội lỗi, Ngài đã chấp nhận phép rửa sám hối; Ngài đã đi cho đến tận cùng của sự đồng hóa nầy khi chịu thử thách như số phận của con cái A-đam và E-và. Ngài chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào chiến thắng sự thử thách. Và chính nhờ mẫu gương của Ngài, được Thánh Thần nâng đỡ như Ngài mà chúng ta có thể lập lại lời khẩn cầu mà Ngài đã dạy: "Lạy Cha…xin chớ để chúng con xa chước cám dỗ…".

2.2- Thử thách, nhắc lại những sự thử thách của Dân Chúa:

Nếu Đức Giê-su là một A-đam mới, một A-đam khải hoàn, Ngài cũng là một Mô-sê mới. Đức Giê-su đã muốn đòng hóa mình với dân Ngài, sống lại những thử thách của họ; Ngài đã biết cuộc lưu đày ở Ai-cập khi vừa mới chào đời; Ngài đã kinh qua hoang địa. Bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện của Ngài nhắc nhớ không chỉ bốn mươi ngày chay tịnh và cầu nguyện của ông Mô-sê trên núi Xi-nai, trước khi đón nhận những lời Giao Ước, nhưng cũng bốn mươi năm gian truân và thử thách mà dân Do thái đã trải qua trong hoang địa.

2.3- Thử thách, khúc dạo đầu cho cuộc tấn công sau cùng:

Cuộc đời của Đức Giê-su đầy những dấu chỉ. Cuộc thử thách trong hoang địa là một trong những dấu chỉ lớn lao. Nó là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến vĩ đại chống lại quyền lực của Sự Dữ. Về phần mình, Sa-tan đã tiên cảm một đối thủ đáng gờm; nó sẽ tăng gấp bội nổ lực của mình, sẽ gây ra những phản bội và bỏ rơi, và bên ngoài có vẽ chiến thắng vào ngày thứ sáu sau thương khó của Ngài…

II. Bước khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giê-su (1: 14-15):

Tiếp đó, thánh Mác-cô gợi lên việc ông Gioan Tẩy giả bị bắt và bước khởi đầu sứ vụ của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê, bản văn mà chúng ta đã nghiên cứu vào Chúa Nhật thứ ba thường niên năm B rồi. Tôi xin trích lại chú giải phần thứ hai nầy.

1. Bối cảnh:

Khi nghe tin Gioan Tẩy bị bắt, Đức Giê-su cho rằng cẩn trọng hơn nên rời bỏ miền Giu-đê trở lại miền Ga-li-lê. Giờ Ngài chưa đến để đón nhận số phận tương tự.

Ấy vậy, vua Hê-rô-đê An-ti-pa, người đã ra lệnh bắt giam Gioan Tẩy giả, đang cai trị xứ Ga-li-lê. Vì thế, xem ra Đức Giê-su muốn lánh xa Giê-ru-sa-lem, lánh xa trung tâm quyền lực Do thái giáo. Quả thật, Tin Mừng Gioan viết: "Nhóm Pha-ri-sêu nghe tin Đức Giê-su thâu nạp nhiều môn đệ hơn ông Gioan…Biết thế, Đức Giê-su bỏ miền Giu-đê mà trở lại miền Ga-li-lê" (Ga 4: 1-3).

2. Sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su.

Vào thời đó, miền Ga-li-lê là "ngã ba quốc tế", vì các đoàn quân ngoại quốc và các thương nhân đều phải qua lại ở nơi nầy; và từ lâu được mệnh danh là "miền đất của dân ngoại" (Is 8: 28) vì ở đây dân Do thái không chỉ sống chung với dân ngoại nhưng còn là nơi tiếp xúc với muôn dân. Vì thế, khi định vị sứ vụ đầu tiên của Đức Giê-su ở miền Ga-li-lê, thánh Mác-cô muốn nhấn mạnh rằng sấm ngôn về ơn cứu độ phổ quát của ngôn sứ I-sai-a đã được ứng nghiệm nơi sứ điệp đầu tiên của Đức Giê-su: "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi" (Is 9: 1).

Tiếng nói của vị Tiền Hô không còn vang lên nữa. Sứ mạng dọn đường cho Tin Mừng đã đến hồi kết thúc. Từ đây chính Đấng là hiện thân Tin Mừng xuất đầu lộ diện. Chúng ta ghi nhận rằng Đức Giê-su bắt đầu sự vụ của mình ở Ga-li-lê với lời công bố tương tự như lời công bố của Gioan Tẩy giả, nhưng có một điểm khác biệt cốt yếu, sứ điệp không còn hướng đến tương lai, nhưng nhấn mạnh hiện tại: "Thời kỳ đã mãn".

Lm. Ignatiô Hồ Thông
 
Bánh Sự Sống 52 - Con Muốn Nói Với Chúa Thật Nhiều
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
21:58 20/02/2009
Bánh Sự Sống # 52:

CON MUỐN NÓI VỚI CHÚA NHIỀU HƠN Tôi nhai và nuốt Lời Chúa: Hãy ngợi khen Chúa trong mọi dịp…, đó là diều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô. (1Tx 5, 18)

* Chuyện kể: Vào thời Đệ nhị thế chiến, rất nhiều nhà thờ đã mở cửa suốt ngày đêm, để mọi người có thể đến và cầu nguyện.

Vị Linh mục đã để ý một đứa bé, ngày nào nò cũng đến cầu nguyện khoảng mười phút. Một hôm đứa bé đến cầu nguyện lâu hơn thường lệ. Vị Linh mục nghĩ chắc có chuyện gì không lành, để bày tỏ sự quan tâm của mình, ông hỏi tại sao hôm nay nó lại dành nhiều thì giờ để trò chuyện với Chúa hơn những ngày trước đây. Đứa bé trả lời: “Mỗi ngày con đều đến đây vài phút gặp gỡ Chúa, xin Ngài dẫn dắt cha con trở về nhà bình an. Sáng nay cha con đã trở về nhà bình an, nên con vội đến đây để ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa nhiều hơn.”

Trong niềm vui này, con muốn nói với Chúa thật nhiều!!!

* Một phút suy tư: Sự ngợi khen, vui mừng, cảm tạ trong mọi hoàn cảnh là một đặc điểm của người Tín hữu chân chính, vì họ được biết lòng Chúa xót thương và sống Tin Mừng trong Đức Giêsu Kitô.

Người Tín hữu trưởng thành khi cầu nguyện, họ sẽ ca ngợi Chúa trong mọi lúc vui buồn. Khi gặp nan đề, khi được đáp ứng, khi gặp khốn khó, khi phải bất hạnh, họ luôn chúc tụng ngợi khen Chúa.

Rất tiếc, theo truyền thống, sự cầu nguyện của nhiều Tín hữu dường như chỉ toàn là những lời xin xỏ, vật chất tạm bợ, mà it có sự ngợi khen và tỏ lòng biết ơn Chúa. Nhiều người chỉ xem Chúa, Đức Mẹ và cac thánh là một vị thần để giải quyết những khó khăn khẩn cấp, và khi mọi việc êm xuôi thì lại lãng quên các Ngài, họ rất vụ lợi!!!

Nhiều Tín hữu trong khi cầu nguyện chung hoặc riêng chỉ: “xin Chúa nghe lời chúng con”(làm theo ý con), chứ it: “xin cho con biết nghe Lời Chúa”. Và khi không được thì: “ bất mãn, bỏ cuộc”!!

Vì thế, thánh Phaolô khuyên: “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”. Dù đó là điều tốt hay xấu, may mắn hay rủi ro, thành công…đều nằm trong chương trình tốt nhất của Ngài dành cho ta.

* Lời Chúa tôi ghi nhớ: Ha-le-lui-a! Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 107, 1)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha và Thủ Tướng Anh Gordon Brown thảo luận về viện trợ phát triển
Bùi Hữu Thư
04:33 20/02/2009

Đức Thánh Cha và Thủ Tướng Anh Gordon Brown thảo luận về viện trợ phát triển



Bà Sarah Brown thăm cộng đồng Sant'Egidio

VATICAN - Ngày 19 tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI tiếp Thủ Tướng Anh và khuyến khích công trình của ông trong việc viện trợ phát triển mặc dầu có cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn vũ.

Thủ Tướng Nước Anh Gordon Brown và Phu Nhân


Sau cuộc gặp gỡ hôm nay, ông Gordon Brown cho các phóng viên hay là trong cuộc tiếp xúc, ông mời Đức Thánh Cha viếng thăm quốc gia của ông nhân dịp phong chân phước cho Đức Hồng Y John Henry Newman (1801-1890), một người Anh giáo trở lại đạo Công Giáo vào thế kỷ 19.

Ông nói, "Ông hết sức hân hoan chào đón cuộc viếng thăm này. Đây sẽ là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng đến thăm nước Anh kể từ lần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến vào năm 1982.

Ông Brown, đến Vatican cùng với phu nhân và nhiều cộng sự viên, ông cũng đã tiếp xúc với Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, và Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Thư ký Đặc trách Liên hệ các Quốc gia.

Theo một thông cáo của văn phòng báo chí Vatican, cuộc tiếp xúc diễn ra với “các thảo luận hòa nhã về tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện hành và về trách vụ của thủ tướng là theo đuổi các dự án giúp đỡ các quốc gia kém mở mang, và để cổ võ các dự án bảo vệ con người, tôn trọng môi sinh và duy trì phát triển."

Có một sự trùng hợp là cuộc viếng thăm của ông Brown kế tiếp ngay sau một bài viết của Thủ Tướng được đăng trên trang nhất của nhật báo L'Osservatore Romano mang tiêu đề: "Khủng Hoảng Kinh Tế và việc Tiêu Trừ Nghèo Khó."

Bài báo kết luận với lời của ông Brown: “Ngày 18 tháng 6 vừa qua, Đức Thánh Cha Benedict, qua Quốc Vụ Khanh đã yêu cầu phải có ‘một giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng đến rất nhiều vùng trên trái đất’ và việc thiết lập một kế hoạch quốc tế hiệp nhất được phác họa để giải phóng thế giới khỏi nạn nghèo đói. Tôi ủng hộ lời kêu gọi này, Phiên Họp Thượng Đỉnh vào tháng Tư tại Luân Đôn [của G20] phải tìm cách đáp ứng thách đố này."

Ông Brown báo cáo là việc đăng ký các công trái phiếu của Cơ Quan Quốc Tế Tài Trợ việc Chủng Ngừa, cũng được mệnh danh là “Công trái phiếu của Giáo Hoàng,” đã thu được trên $1.6 triệu trong hơn hai năm.

Ông nói, việc này đã giúp "cứu sống trên một triệu sinh mạng, nhất là tại các quốc gia kém mở mang.”

Công trái phiếu quốc tế đầu tiên được mua nhân danh Đức Giáo Hoàng năm 2006 bởi Đức Hồng Y Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình của Đức Giáo Hoàng, như một biểu tượng cụ thể của sự cam kết của Tòa Thánh cho việc phát triển quốc tế.

Ông Brown, lúc đó là Bộ Trưởng Bộ Tài Chánh nước Anh, đã trình bầy dự án này vào tháng Bẩy 2004 nhân dịp Đại Hội về “Nạn Đói và Toàn Cầu Hóa: Tài Trợ cho việc Phát Triển” được Vatican tổ chức.

Tại Luân Đôn ngày 7 tháng 11, 2006, Ngân Hàng Quốc tế phát hành công trái phiếu để mua thuốc chủng ngừa cho 72 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu là chủng ngừa cho 500 triệu người trước năm 2015.

Chương Trình Hoàn Vũ

Bản tuyên ngôn của Tòa Thánh sau cuộc tiếp xúc nói rằng, "có niềm hy vọng được bầy tỏ về một sự tái cam kết của cộng đồng quốc tế về việc giải quyết các cuộc tranh chấp hiện hành, nhất là tại Trung Đông."

Bản tuyên ngôn này kết luận như sau, "nhiều chủ đề song phương được đem ra đề nghị, đặc biệt trên hết là về cộng đồng Công Giáo tại Anh Quốc."

Trong chuyến công du này, bà Sarah Brown cũng thăm Cộng Đồng Sant'Egidio hôm nay tại Rôma.

Một bản tin cuả cộng đồng gửi cho giới báo chí nói rằng cuộc viếng thăm là một cơ hội để bà tìm hiểu về “các hoạt động quốc tế của nhóm về Hòa Bình và về GIẤC MƠ -- DREAM – (chữ viết tắt của Drug Resource Enhancement against AIDS and Malnutrition) – một chương trình hoàn vũ tinh vi để chữa trị HIV/AIDS tại Phi Châu."

Vị đệ nhất phu nhân nước Anh đã hoan nghênh công trình của cộng đồng, bà nói, “Vai trò cuả các tổ chức tôn giáo như cuả qúy vị rất quan trọng."
 
Hy vọng kết thúc đàm phán Israel – Vatican trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Thánh Địa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
15:45 20/02/2009
Giêrusalem (AsiaNews - VIS) - Ủy ban làm việc thường trực song phương giữa Tòa Thánh Vatican và Nhà nước Israel đã nhóm họp hôm 18/02, ngồi vào bàn đàm phán có Bộ Trưởng Ngoại Giao Israel, hai bên tiếp tục đàm phán về “Thoả Ước Kinh Tế”, trong đó xác nhận tình trạng tài chính của Giáo Hội ở Israel, việc bảo vệ tài sản của Giáo Hội, nhất là những nơi thánh, cũng như việc hoàn trả lại một số nơi đã bị mất theo thời gian. Các cuộc đàm phán đã được bắt đầu từ ngày 11 tháng Ba năm 1999.

Các đoàn môtô hộ tống bảng số ngoại giao đưa rước các nhà đàm phán Tòa Thánh được nhìn thấy ở trụ sở Bộ Ngoại Giao khoảng trước 10 giờ và rời khỏi đó vào trước 1 giờ chiều hôm 18/2. Các nhà đàm phán không trả lời phỏng vấn và chỉ phát biểu cùng với Bộ Ngoại Giao Israel qua tuyên bố chung.

Tuyên bố chung đã được đưa ra hôm 19/02 với nội dung: "Phiên họp đã diễn ra hết sức thân mật và trong tinh thần hợp tác. Tiến triển cũng đã đạt được, và các phái đoàn nhắc lại cam kết chung để kết thúc Thoả Ước này càng sớm càng tốt. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban làm việc sẽ diễn ra vào ngày 7 tháng Tư".

Theo các quan sát viên, hy vọng vì thế tiến triển sẽ đi xa hơn cho đến trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha Bêđêđictô XVI đến Thánh Địa dự trù diễn ra vào tháng Năm năm nay.
 
Đền thánh Giuse nguy nga tại Montreal, Canada
LM. Anphong Trần Đức Phương
16:01 20/02/2009
ĐỀN THÁNH GIUSE NGUY NGA TẠI MONTREAL, CANADA

Theo truyền thống từ lâu đời, hàng năm, tháng Ba là tháng đặc biệt kính Thánh Giuse, với ngày 19 tháng Ba là Lễ kính Thánh Giuse bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria; còn ngày 01 tháng Năm (ngày Lao Động Quốc Tế) kính Thánh Giuse Lao Công. Ngày thứ Tư hàng tuần cũng là ngày đặc biệt kính Thánh Giuse.

Năm ngoái, chúng tôi đã viết bài “Thánh Giuse, Người Thợ Mộc Gương Mẫu”, và nói đến công cuộc xây dựng chiếc Cầu Thang Kỳ Diệu tại Nhà Nguyện Loretto, Santa Fe, New Mexico, Hoa Kỳ. Năm nay, chúng tôi xin cống hiến qúy vị công trình xây dựng kỳ diệu Đền Thánh Giuse vĩ đại tại Montreal, vùng Quebec, Canada.

Nói đến Đền Thánh Giuse Montreal, chúng ta không thể không nhắc đến một vị thánh đặc biệt là ‘Thày André Bessette’, thường được gọi cách thân mật là “Frère André’ – ‘Brother André’.

Nếu việc xây dựng Đền Thánh Giuse Montreal được coi như một ‘phép lạ’, thì chính cuộc đời của Thày André cũng được coi như một ‘phép lạ’ nhờ lời bầu cử của Thánh Giuse, vì Thày André có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Giuse. Suốt đời chỉ là một Thày Dòng đơn sơ, khó nghèo và khiêm tốn, chỉ biết đọc, biết viết chút ít; nhưng ảnh hưởng của Thày đã lan rộng khắp Canada và nhiều nơi trên thế giới. Khi Thày còn sống, bao người đến xin những lời khuyên bảo và xin Thày chữa lành bệnh. Cũng chỉ là một Thày Dòng nghèo khó mà Thày đã có thể khởi công xây dựng một công trình rất vĩ đại.

Thày André sinh ngày 9 tháng 8 năm 1845 tại một thành phố nhỏ vùng Quebec, cách Montreal khoảng 40 cây số. Thày là người con thứ 8 trong gia đình 12 người con; hai người mất sớm, còn lại 10 người. Cha mẹ Thày là những người đạo đức, tốt lành. Cha Thày, ông Isaac Bessette, làm nghề đốn cây rừng và làm thợ mộc. Mẹ Thày, bà Clothilde Foisy Bessette, lo việc gia đình và giáo dục con cái. Cha Thày chết do một tai nạn khi đốn cây. Ít năm sau, mẹ Thày cũng chết vì bệnh lao phổi. Như vậy, Thày mồ côi cha mẹ từ lúc 12 tuổi, và phải đi làm nhiều nghề khác nhau để sinh sống cùng với anh chị em trong gia đình. Suốt đời, Thày đau ốm luôn và chỉ được học để biết đọc, biết viết chút ít. Tuy nhiên, từ nhỏ Thày đã có lòng đạo đức khác thường. Tuy vẫn phải làm ăn vất vả, nhưng Thày dành những giờ rảnh rỗi để cầu nguyện trước Thánh Giá Chúa (đây cũng là lý do sau này Thày xin vào Dòng Thánh Giá). Thày thích nói chuyện về Phúc Âm với các bạn bè.

Sau bao nhiêu gian truân, vất vả và thử thách trong cuộc sống, năm 1870, lúc đã 25 tuổi, Thày cảm nhận ơn gọi vào Dòng Thánh Giá, và cũng được sự khuyến khích của Cha Sở giáo xứ của Thày. Trong thư giới thiệu, Cha sở của Thày viết: “Tôi xin gửi đến Nhà Dòng một vị Thánh…!” Tuy nhiên, vì sức khỏe yếu kém và học lực quá thấp, mà các Thày Dòng Thánh Giá lại chuyên về việc dạy học; vì thế, Nhà Dòng quyết định cho Thày về. Dầu vậy, Thày vẫn cầu khẩn với Thánh Giuse. Sau đó, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Đức Cha Ignace Bourget, Tổng Giám Mục Montreal thời đó, Thày được nhận lại và sau thời gian Nhà Thử, Nhà Tập, Thày được khấn dòng vào năm 1874, lúc Thày đã 28 tuổi, và từ đó được gọi là ‘Thày André’. Sau khi Thày khấn rồi, Bề Trên Nhà Dòng không biết phải cử Thày làm việc gì, nên cho Thày nhiệm vụ là người canh cổng trường Đức Bà (College of Notre Dame, Montreal), lo việc canh cổng và làm đủ thứ việc lặt vặt. Trong suốt 40 năm giữ nhiệm vụ khiêm nhường này, Thày luôn vui vẻ tiếp đãi và giúp đỡ mọi người đến với Thày, và vào đêm khuya, Thày vào Nhà Nguyện để cầu nguyện nhiều giờ.

Chân phước Brother André Bessette
Sau 40 năm giữ việc canh cổng, Nhà Dòng chuyển Thày đến coi sóc ngôi nhà nguyện Thánh Giuse nhỏ bé tại ngọn đồi ‘Mount Royal’ cũng gần Notre Dame College. Tại đây, Thày lại tiếp tục sống đời sống âm thầm cầu nguyện, và đặc biệt khấn xin Thánh Giuse. Cũng tại nơi đây, qua lời bầu cử của Thánh Giuse, Chúa đã làm những việc ‘kỳ diệu’ nơi Thày. Có hàng nhiều ngàn người thuộc các tôn giáo khác nhau, kể cả anh em Tin Lành, từ khắp nơi ở Canada đến với Thày để xin những lời khuyên bảo, an ủi. Những bệnh nhân, những người đau khổ đến xin khấn và xin chữa bệnh. Nhiều người đã được lành bệnh hoặc vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Người ta gọi Thày là ‘Người Chữa Lành’, ‘Người làm phép lạ thành Montreal’. Trong lúc đó, Thày cũng phải chịu nhiều đau khổ vì gặp những người nghi ngờ, chống đối, dèm pha; nhưng danh tiếng của Thày vẫn lan rộng, và càng ngày càng có nhiều người đến với Thày. Thày phải dành từ 8 đến 10 giờ một ngày để tiếp những người đến với Thày. Hàng năm có tới 80,000 bức thư gởi đến Thày để xin khấn và những lời khuyên bảo; phải có rất nhiều người làm thư ký để giúp Thày trả lời. Tuy nhiên, Thày vẫn sống rất giản dị và rất khiêm tốn. Khi người ta ca tụng Thày, Thày chỉ nói “Tôi chỉ là kẻ ngu dốt. Nếu có ai ngu dốt hơn tôi, chắc Chúa đã chọn người đó thay tôi.” (Đúng là Chúa đã dùng những con người nhỏ bé, khiêm nhường để làm những việc vĩ đại). Khi những người đến xin Thày khấn và được khỏi bệnh cám ơn Thày, Thày chỉ nói: “Đó là Thánh Giuse chữa; chứ tôi chỉ là con chó nhỏ của Ngài mà thôi.” Những thời giờ ngắn ngủi còn lại, Thày cầu nguyện và xin khấn Thánh Giuse để làm một Nhà Thờ lớn hơn vì Nhà Nguyện đã trở nên quá nhỏ bé so với số người đến kính viếng.

Suốt nhiều năm cầu nguyện và xin khấn Thánh Giuse, và tìm hết cách để ‘gây qũy’, có khi cắt tóc cho học sinh để kiếm 5 cents mỗi em bỏ vào qũy, vào năm 1940, Thày đã làm được một nhà nguyện lớn hơn bên cạnh nhà nguyện cũ. Sau cùng, cũng là phép lạ đặc biệt của Chúa qua lời bầu cử của Thánh Giuse, bao vị hảo tâm đã đóng góp, và Thày đã xây được một Nhà Thờ lớn cũng ngay trên đồi Mount Royal, đủ chỗ ngồi cho 1 ngàn người. Năm 1917, Thày làm thêm

các tầng trên và công việc kiến thiết tiếp tục, sau khi Thày đã qua đời (năm 1937). Năm 1955, Đại Thánh Đường đã được thánh hiến với danh hiệu Vương Cung Thánh Đường Thánh Giuse; tuy vẫn thường được gọi là Đền Thánh Giuse Mount Royal (Saint Joseph’s Oratory of Mount Royal). Có lẽ đây là một Đền Thờ kính Thánh Giuse lớn nhất thế giới. Vào năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày khởi công xây dựng, chính phủ Canada đã ghi Đền Thánh vào sổ các Danh Lam Thắng Cảnh Lịch Sử Quốc Gia. Hiện nay, hàng năm vẫn có hơn hai triệu người hành hương đến kính viếng và nhiều người xin khấn được nhiều ơn. Chính chúng tôi cũng đã được đi với phái đoàn hành hương đến đây hai lần.

Dù suốt đời đau yếu, nhưng Chúa đã để Thày André sống khá lâu để thực hiện những công việc Chúa muốn Thày làm để vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Thày mất vào ngày 6 tháng 01 năm 1937, hưởng thọ 91 tuổi. Trong đám tang của Thày đã có hơn 1 triệu người từ các nơi đến kính viếng và dự Lễ an táng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong Thày lên bậc Chân Phước vào ngày 23 tháng 5 năm 1982, và hàng năm, Giáo Hội mừng Lễ vào ngày Thày qua đời (mồng 6 tháng Giêng).

Công việc xây cất Đền Thánh Giuse kỳ diệu, hùng vĩ tại Montreal, Canada, được coi như một ‘phép lạ’ qua lời khấn xin với Thánh Giuse của Thày André được sánh ví như việc xây cất “Chiếc Cầu Thang Kỳ Diệu” trong Nhà Nguyện Loretto tại Santa Fe, New Mexico, Hoa Kỳ, sau khi Nhà Dòng làm tuần Cửu Nhật kính Thánh Giuse.

Nhiều vị Thánh có lòng sùng mộ Thánh Giuse cách đặc biệt như Thánh Margaret Cortona, Thánh Brigit Thụy Điển, Thánh Vinh Sơn Ferrer, Thánh Bernardine Siena, Thánh Gioan Gerson… Thánh Nữ Teresa Avila nói “không bao giờ tôi khấn xin Thánh Giuse mà không được nhận lời.” Thánh Giuse là Bổn mạng của Giáo Hội toàn cầu, cũng là Bổn mạng Giáo Hội Việt Nam; nhiều người cũng nhận Thánh Giuse làm Bổn mạng. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện xin Thánh Giuse bầu cử cùng Chúa cho toàn thể Giáo Hội, cách riêng các nơi đang gặp những bách hại, thử thách; đặc biệt cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam. Cũng xin cầu nguyện cho các người cha trong các gia đình, biết noi gương Thánh Giuse: đạo đức, kiên nhẫn, khôn ngoan, khéo léo dìu dắt gia đình luôn đi theo đường lối của Chúa và Giáo Hội, vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong thế giới hôm nay.

____________________________________________________________________________________________________________

(Qúy độc giả muốn hành hương thăm viếng, điạ chỉ như sau: 3800, Chemin Queen Mary, Montréal (Quebec), Canada H3V 1H6. Điện thoại miễn phí: 1-800-672-8647, Ext. 2795. Mạng internet: www.saint-joseph.org)
 
Nhà đạo diễn Mỹ dự tính quay phim về các vị tử đạo Nhật
Phụng Nghi
16:14 20/02/2009
TOKYO (Zenit) – Một nhà sản xuất và đạo diễn Hoa kỳ từng được giải Hàn lâm (Academy Award) đang dự trù quay một cuốn phim về những tín hữu Công giáo người Nhật bản đã chết vì đạo hồi đầu thế kỷ 17.

Theo tin từ nhật báo Asahi Shimbun của Nhật, nhà đạo diễn Martin Scorsese sẽ quay cuốn phim này tại New Zealand (Tân Tây lan) và khởi chiếu vào năm 2010. Tên của các diễn viên trong dự án này sẽ gồm các tài tử điện ảnh Daniel Day-Lewis, Gael García Bernal và Benicio Del Toro.

Martin Scorsese là đạo diễn nổi danh với các phim như "The Age of Innocence," (Tuổi ngây thơ), "The Departed," (Điệp vụ Boston), "Gangs of New York," (Băng đảng ở New York), "Casino" (Sòng bài) và cuốn phim đã gây nhiều tranh cãi "The Last Temptation of Christ." (Cơn cám dỗ sau cùng của Đức Kitô).
Martin Scorsese


Truyện phim về các vị tuẫn đạo nước Nhật được viết dựa trên cuốn sách "Chinmoku" (Niềm im lặng) của một nhà văn Công giáo người Nhật tên Shusaku Endo. Cuốn tiểu thuyết này thuật lại chuyện một nhà truyền giáo người Bồ đào nha tại Nhật bản vào những năm đầu thế kỷ 17. “Niềm im lặng” ở đây chỉ về sự im lặng của Thiên Chúa trước cây thập giá của Đức Kitô, khi thuật lại chuyện nhà truyền giáo bị ép buộc phải chối đạo bằng những cực hình khủng khiếp.

Nhà văn Endo (1923-1997) được rửa tội nhập đạo Công giáo năm 12 tuổi. Các tiểu thuyết của ông phản ảnh nỗ lực chứng tỏ Đạo Chúa đã hòa giải với nền văn hoá Đông phương, cũng như cái nhìn của ông về sự yếu đuối của con người, về tội lỗi và ân sủng. Trong các tác phẩm khác như "A Life of Jesus" (Cuộc đời Chúa Giêsu) và "Deep River," (Giòng sông sâu) ông cố gắng trình bày Thiên Chúa giáo theo tâm thức Á đông.

Ngày 10 tháng 12 năm ngoái, 188 vị tử đạo bị giết trong cùng thời kỳ thuật lại trong tiểu thuyết “Niềm im lặng” đã được Giáo hội tuyên phong chân phước. Dân số Nhật hiện nay là 127 triệu, dưới 1% theo Kitô giáo, trong số này có 450 ngàn người Công giáo.
 
Hàn Quốc: hàng ngàn người đưa tiễn Đức Hồng Y Kim
Trần Hoàn Chỉnh
16:42 20/02/2009
SEOUL (UCAN) – Thánh Lễ an táng của Đức Hồng Y Stephen Kim Sou-hwan là một minh chứng cho tinh yêu và việc phục vụ người đau khổ của ngài. Bởi bất chấp thời tiết lạnh, khoảng 10 ngàn người đã tham dự Thánh Lễ an táng Đức cố hồng y tại Nhà thờ Chính Tòa Myeongdong ngày 20 tháng 2. Hầu hết mọi người phải đứng bên ngoài nhà thờ và theo dõi diễn tiến Thánh Lễ qua những màn hình khổng lồ.

Tất cả các kênh truyền hình quốc gia đều phát sóng Thánh Lễ an táng kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Truyền thông cũng nêu bật đời phục vụ của Đức cố hồng y cùng với lời nói cuối cùng của ngài “Tôi xin cám ơn”.

Kể từ khi Đức hồng y qua đời ngày 16 tháng 2 vừa qua, hơn 400 ngàn người đã đến để bày tỏ lòng kính trọng của họ lần cuối cùng với Đức hồng y.

31 Giám mục đã cùng hiệp thông với Đức Tổng Giám mục Osvaldo Padilla, Khâm sứ Tòa Thánh tại Hàn Quốc, 2 giám mục người Nhật và khoảng 500 linh mục đồng tế trong Thánh Lễ.

Đức Hồng Y Cheong an ủi cộng đoàn phụng vụ khi ngài nói rằng sự chết không phải là chấm dứt tất cả nhưng là bắt đầu cho một cuộc sống mới. Trong bài giảng của ngài, ngài nhắc lại rằng Đức hồng y Kim rất yêu thương người nghèo và ưu tiên của ngài là chăm sóc cho họ. Đức tính tốt này cùng với niềm tin Công Giáo của ngài đã giúp ngài đứng vững khi chống lại những chế độ độc tài quân sự.

Trong bài điếu văn của mình, Đức Cha Phêrô Kang U-il của Giáo phận Cheju đã nhất mạnh rằng nhiều người thuộc mọi tôn giáo đang thương tiếc trước sự ra đi của Đức hồng y đặc biệt trong thời điểm xã hội Hàn Quốc đang phải đương đầu với suy thoái kinh tế. Đức Giám Mục Kang, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc nhận xét rằng cách thức Đức hồng y Kim đương đầu với những thử thách cam go trong chính cuộc đời ngài đã ai ủi những người đau khổ và mang lại cho họ hy vọng.

Sau Thánh Lễ, linh cữu của Đức cố hồng y với áo alba trắng, tay nắm chuỗi Mân Côi được đặt trong một quan tài bằng gỗ đơn giản được an táng tại nghĩa trang Công Giáo ở Yongin cách Seoul 40 cây số về phía đông nam.
 
Top Stories
In Hanoi, Preparing the Way
Rocco Palmo
07:27 20/02/2009
Just months after a renewed round of tensions between the nation's Communist authorities and its Catholic community, a high-level Vatican delegation has spent the week in Vietnam meeting with top Hanoi officials in the hope of laying the groundwork... not just toward diplomatic relations, but a possible papal visit, to boot:

Msgr. Parolin and Mr. Doanh
Talks between the government and Vatican have been held since 1990, but the latest round marked the first meeting of a working group studying the renewal of diplomatic ties.

It was held in a "very frank and open atmosphere," Monsignor Pietro Parolin, Vatican vice foreign minister, told reporters after meeting with Nguyen The Doanh, head of Vietnam's religious affairs commission.

"We have already set up good basis for further progress," he said, adding that it was impossible to say how long the process would take. "The outcome will be diplomatic relations."

Parolin told reporters he hoped the Pope might come to Vietnam this year, although no plans had been made for a visit.

"It depends on many things to be discussed, to be reflected upon, and I think that it's impossible to say yes or no," he said.

The working group held its first sessions on Monday and Tuesday, when Parolin met with Vice Foreign Minister Nguyen Quoc Cuong.

Foreign Ministry spokesman Le Dung said this week's meeting was an "important step" in the development of relations between Vietnam and the Vatican.

"The two sides acknowledged the encouraging developments in the relations between Vietnam and the Holy See and also agreed to continue their efforts," he said.

Parolin's delegation is scheduled to visit two dioceses in northern Vietnam later this week before departing on Sunday.

Although communist authorities closely monitor faith groups and insist on approving most church appointments, relations between Hanoi and the Holy See have begun to thaw.

Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung became the highest official to meet the Pope when he visited the Vatican in 2007.

Vietnam has one of Asia's largest Catholic populations, with more than 6 million followers.

In their ever-emergent Stateside diaspora, Vietnamese Catholics put on one of the US church's largest annual gatherings: summer's Marian Days in Missouri, which has grown to attract 75,000-plus over a weekend in August.

Last year saw another milestone for the group -- the election of the first Vietnamese member of Congress, the Louisiana Republican Anh Joseph Cao, an immigration lawyer and former Jesuit seminarian.

(Source: http://whispersintheloggia.blogspot.com/)
 
Vietnam and Vatican discuss establishment of ties
AP
07:31 20/02/2009
HANOI, Vietnam (AP) — The Holy See and Vietnam have laid a "good basis" for establishing diplomatic relations during annual meetings this week, although no target has been set, a Vatican envoy said Thursday.

Tensions have existed for decades between the communist Vietnamese government and religious organizations due to their support for South Vietnam during the war.

Talks between the government and Vatican have been held since 1990, but the latest round marked the first meeting of a working group studying the renewal of diplomatic ties.

It was held in a "very frank and open atmosphere," Monsignor Pietro Parolin, Vatican vice foreign minister, told reporters after meeting with Nguyen The Doanh, head of Vietnam's religious affairs commission.

"We have already set up good basis for further progress," he said, adding that it was impossible to say how long the process would take. "The outcome will be diplomatic relations."

Parolin told reporters he hoped the Pope might come to Vietnam this year, although no plans had been made for a visit.

"It depends on many things to be discussed, to be reflected upon, and I think that it's impossible to say yes or no," he said.

The working group held its first sessions on Monday and Tuesday, when Parolin met with Vice Foreign Minister Nguyen Quoc Cuong.

Foreign Ministry spokesman Le Dung said this week's meeting was an "important step" in the development of relations between Vietnam and the Vatican.

"The two sides acknowledged the encouraging developments in the relations between Vietnam and the Holy See and also agreed to continue their efforts," he said.

Parolin's delegation is scheduled to visit two dioceses in northern Vietnam later this week before departing on Sunday.

Although communist authorities closely monitor faith groups and insist on approving most church appointments, relations between Hanoi and the Holy See have begun to thaw.

Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung became the highest official to meet the Pope when he visited the Vatican in 2007.

Vietnam has one of Asia's largest Catholic populations, with more than 6 million followers.

Last year, tensions flared between Hanoi and local church officials, who organized a series of prayer vigils to demand that the government return church lands seized several decades ago.

(Source: http://www.google.com/hostednews/ap/article/ALeqM5juYDeuaapSvP9dfRtoukuUDBYv4QD96EI9M00)
 
Is a papal visit to Vietnam on the horizon?
Bill Tarrant
07:38 20/02/2009
Could the Pope make a historic visit to commmunist Vietnam later this year? A papal envoy hinted at this on Thursday, as Vietnam and the Vatican are seriously discussing establishing diplomatic ties. “This is my wish,” Vatican Undersecretary of State Monsignor Pietro Parolin told reporters when asked if he thought the Pope could visit the Southeast Asian country this year. He added that the question had not been discussed in meetings with the Foreign Ministry and government’s religious affairs committee.

The papal envoy has been attending the first meeting of a joint working group on improving ties this week in Hanoi. He said the talks had made progress, but establishing ties was a process that will take time.

Roman Catholicism in Vietnam dates back centuries, even before French colonial rule. Now some 7 percent of mostly-Buddhist Vietnam’s population of 86 million are Catholic, making it one of the biggest Catholic communities in Asia.

Unlike in China, where the state keeps its thumb on religion through a Communist Party-backed “patriotic” church and organisations, there is no direct state intervention in Vietnam and Catholics are loyal to the Vatican. That makes the Catholic church the largest organisation in Vietnam outside of the ruling Communist Party, which views the church as a threat to its monopoly on political power. The Vietnamese government keeps close tabs on religious organisations and curtails the activities of adherents.

Vietnam is one of only a handful of countries in the world with whom the Vatican does not have relations. In Asia, the others are China, North Korea, Laos, Malaysia and Myanmar.

(Source: http://blogs.reuters.com/faithworld/2009/02/19/is-a-papal-visit-to-vietnam-on-the-horizon/)
 
Le Saint-Siège se réjouit des premiers débats avec le Vietnam en vue de l’établissement de relations diplomatiques
Eglises d'Asie
13:15 20/02/2009
L’objectif final des travaux du « groupe mixte Vietnam-Vatican » est bien l’établissement de relations diplomatiques entre les deux Etats. Mgr Pietro Parolin l’a affirmé à l’issue des deux premières réunions du groupe le 16 et le 17 février, lors d’une conférence de presse tenue le 19 février (1): « C’est la première fois que nous nous rencontrions avec un programme formel et public sur la question des relations diplomatiques entre le Saint-Siège et le Vietnam. » Le prélat romain, sous-secrétaire pour les relations avec les Etats, qui a conduit cette année, pour la quatrième fois, la délégation romaine au Vietnam, a aussi déclaré que le Saint-Siège « salue ces discussions inédites ». Il ne pense cependant pas que les deux parties puissent aboutir à des résultats concrets dans un avenir immédiat ou prochain. Il a déclaré: « Pour des progrès plus détaillés, plus concrets, c’est encore prématuré. »

Interrogé sur l’éventualité d’une visite du pape au Vietnam, il a, selon l’Agence France-Presse, répondu que, de toute façon, un tel voyage ne pourrait être accompli avant l’an prochain..., sans préciser pour quelle raison. Cependant, les propos du prélat romain sont rapportés de façon différente par d’autres sources. Radio Free Asia (émission en vietnamien du 19 février) rapporte que Mgr Parolin «a exprimé l’espoir que le Souverain Pontife puisse visiter le Vietnam cette année » (2). La même source ajoute que le porte-parole des Affaires étrangères vietnamiennes avait affirmé que «Hanoi n’avait encore pas reçu la moindre proposition pour une telle visite ». Par ailleurs, le 18 février, lors d’un entretien avec les étudiants du grand séminaire de Hanoi, auxquels s’étaient joint Mgr Pierre Nguyên Van Nhon, président de la Conférence épiscopale, et Mgr Joseph Ngo Quang Kiêt, archevêque de Hanoi, il avait promis de rapporter au Souverain Pontife ce qu’il avait vu et entendu et de lui demander de venir rendre visite au grand séminaire (3).

Les déclarations du chef de la délégation romaine n’ont rien d’étonnant. On sait depuis longtemps que l’établissement de relations diplomatiques avec le Vietnam est l’un des objectifs constants de la diplomatie du Saint-Siège, en particulier depuis l’avènement de Benoît XVI, qui y a fait allusion dès le début de son pontificat (4). En revanche, cet objectif est moins apparent dans la politique menée par l’Etat vietnamien vis-à-vis du Vatican. Une interview du directeur des Affaires religieuses, parue le 18 février dans les colonnes du Ha Nôi Moi, se gardait d’utiliser les mots « établissement de relations diplomatiques » et parlait d’une « impulsion » à donner aux relations entre les deux Etats (5). Le communiqué officiel publié le 18 février par l’agence d’information officielle du Vietnam, à l’issue de la seconde réunion du groupe mixte, soulignait avec prudence que ces réunions étaient destinées à « échanger des points de vue sur l’établissement des relations diplomatiques ». Une expression qui n’est plus employée dans la suite du texte. Elle était également absente de l’annonce des travaux du groupe mixte par le gouvernement le 11 février dernier, ainsi que du programme officiel élaboré par le gouvernement pour la délégation du Saint-Siège.

Le communiqué officiel du gouvernement publié le 18 février annonce la tenue de nouvelles réunions du groupe mixte, en ajoutant que, pour le moment, ni le lieu ni la date n’étaient encore fixés.

(1) Agence France-Presse, 19 février 2009.
(2) Selon Associated Press (19 février), Mgr Parolin aurait dit qu’il espérait que cette visite aura lieu cette année, bien qu’elle ne soit pas encore programmée.
(3) VietCatholic News, 19 février 2009.
(4) Voir EDA 419.
(5) Voir le ‘Pour approfondir - Vietnam’ diffusé le 19 février 2009.

(Source: Eglises d'Asie, 20 février 2009)
 
Vatican hopes for improved relations with Vietnamese government
Catholic News Agency
13:22 20/02/2009
Hanoi, Vietnam, Feb 20, 2009 / 12:05 am (CNA).- A delegation from the Vatican headed by Archbishop Pietro Parolin is wrapping up a visit to Vietnam this week. Progress was made towards establishing better relations, both the Vatican and the Communist government said, but local Catholics remain skeptical.

The mood amongst local Vietnamese Catholics, who have experienced a year rife with government interference, is still one of doubt about whether any improvement in relations will be seen.

The Vatican delegation arrived in Vietnam for its sixteenth annual trip to the country last Sunday. During the past week, government and Vatican officials met to discuss the possibility of establishing diplomatic relations between the two countries.

While the Vatican hoped for progress in the relationship with the Communist country, over the past year, Catholics in Vietnam and government officials have clashed over the land where the apostolic nunciature is located. An anonymous Vietnamese official admitted to AFP that “bilateral relations have been difficult at times, and we've been on the brink of a complete break on occasion.”

However, he added, this week “represents a clear evolution, marking the resumption of dialogue between Hanoi and the Vatican." Although, he emphasized, "the road to diplomatic ties is still a long one."

The Vatican has also confirmed that the dialogue over the past week has been fruitful. On Thursday, Monsignor Pietro Parolin, Vatican Undersecretary of State, told the press that, "This is the first time that we've met with a formal, public agenda on the matter of diplomatic relations between the Holy See and Vietnam -- that is progress.”

However, he noted that it was “premature” to discuss any “detailed, concrete progress.”

As for the issue of the property disputes over the nunciature and other locations, Msgr. Parolin only commented that the concern was raised during meetings “in a general way.”

Catholics in Vietnam weren’t optimistic that any change would be made in the ties between the government and the Church. “Should you expect to see any improvements in Vatican-Vietnam diplomatic relations in these talks, you would be very disappointed,” said Fr. Joseph Nguyen from Hanoi. “For now, nothing relating to diplomatic relations with the Vatican exists in the vision of Vietnamese officials,” Fr. J.B. An Dang told CNA.

He continued, “Facing angry reactions against their notorious Human Rights record, they simply took these meetings as an opportunity to deceive the international community that they are willing to improve religious freedom conditions.”
 
Stolen Japanese items rife in Vietnam - Alleged smuggling by Vietnam Airlines staff means 'luxury' products easy to find
Hirofumi Morita
13:24 20/02/2009
(Feb. 16, 2009) -- Earlier this month, I went to Vietnam to investigate alleged smuggling by Vietnam Airlines crews of goods stolen overseas by Vietnamese theft rings.

An Duong Market in the center of Ho Chi Minh City was crammed with small stores selling foodstuffs, clothing and sundry goods, and was thronged with locals and overseas tourists.

"All items are genuine [Japanese products] brought from Japan by Vietnam Airlines crews," one female clerk said.

When asked for cosmetic items made in Japan, the clerk produced an article still with its shoplifting prevention tag and price tag intact. The latter showed a price of 1,260 yen and the name of a Japanese drugstore.

When told the local price was 200,000 dong--the Vietnamese equivalent of 1,200 yen--my interpreter gave a wry grin, and said, "Local residents are offered cheaper prices."

In addition to cosmetics, many other Japanese items, including shampoos and perfumes, were on sale at almost all the 20 shops I visited in the city. U.S.- and French-made goods also could be found.

One sales clerk even admitted the dubious provenance of such goods, saying: "The goods were probably stolen from foreign countries. Otherwise they couldn't be purchased so cheaply."

When questioned, all the stores said the items were brought into the country by Vietnam Airlines crews.

One clerk said, "We bought the goods from a woman called Hien who arranges for crews to get the items."

The same woman's name was cited by by a joint investigation headquarters comprising 14 prefectural police forces. The woman is suspected of masterminding the crimes.

According to the National Police Agency, shoplifting by Vietnamese theft rings has increased sharply since the late 1990s. Since 2006, 85 people have been arrested and the amount of financial damage caused is estimated to be at least 140 million yen.

Recently, the investigation headquarters arrested several Vietnam Airlines crew members, including a 33-year-old copilot, Dang Xuan Hop, on suspicion of buying knowingly stolen items.

As to why Japanese items have been targeted, the Japan External Trade Organization said Japan-made goods are held in high regard in Vietnam, and "smuggling and imitation are rampant."

A 26-year-old woman in Ho Chi Minh City who has visited Japan as an intern said: "Vietnamese adore Japan as the country of the rising sun. Japanese products on sale at department stores are too expensive, so everyone buys the goods cheaply at markets."

Japanese-made cosmetics being sold at a hotel were in fact relatively expensive, ranging from 1 million to 4 million dong, or about 6,000 yen to 24,000 yen. Considering the starting monthly salary for a college graduate in Vietnam is about 30,000 yen, such items are luxuries.

The fact Vietnam Airlines crews use very large bags is well known among airport staff. But in order to verify a case of theft, police need to know where and by whom specific items were stolen.

By targeting the actual shoplifters, the police recently seized documents instructing thieves where to send stolen goods. The police also arrested a Vietnam Airlines copilot to quiz him over the flow of the goods.

"This is an extremely rare case," a senior investigative officer said.

The role of the woman suspected of masterminding the crimes has reportedly become clear and the police have issued a warrant for her arrest.

(Source: Hirofumi Morita / Yomiuri Shimbun Staff Writer, http://www.yomiuri.co.jp/dy/national/20090216TDY03104.htm)
 
Argentina expels Holocaust-denying bishop
Paola Totaro
16:54 20/02/2009
LONDON 21/02/2009 1:02:39 AM - The ultra-conservative British bishop, who denied the Holocaust and mortified the Vatican, has been ordered to leave Argentina within 10 days or face being deported.

Bishop Richard Williamson, who until recently led the traditionalist Society of St Pius X Seminary at La Reja outside Buenos Aires, was told by the Argentinian Interior Ministry to leave after failing to declare his "real job" on his immigration forms.

A statement by the Minister for the Interior, Florencio Randazzo, said Bishop Williamson had not only failed to declare his true position as director of the seminary on his immigration papers but his denials of the Holocaust had also "profoundly insulted Argentinian society, the Jewish community and all of humanity by denying a historic truth".

Bishop Williamson unleashed a scandal across Europe after it was revealed that he had given an interview to a Swedish TV program arguing the gas chambers did not exist and only 300,000 Jews were killed not 6 million.

Bishop Williamson was ordered to recant his views - which he has refused to do - and was also forced to step down as director of the seminary.

The Pope's press secretary, Father Federico Lombardi, said the Vatican would not comment on the decision by Argentina. Since the controversy emerged, many of Bishop Williamson's speeches in obscure places have been unearthed and published on the internet. They reveal that his Holocaust denials have been a thematic favourite since the late 1980s.

He questioned the Holocaust while working in the US and in 1989 allegedly stated in a speech that "Jews made up the Holocaust, Protestants get their orders from the devil and the Vatican has sold its soul to liberalism".

The decision to expel the bishop was widely welcomed by Argentina's Jewish community, which is one of the largest in the world. Bishop Williamson has lived and worked in Argentina since 2003. According to Monsignor Bernard Fellay, the head of the Switzerland-based Society of St Pius X Fraternity, Bishop Williamson should be given time to reconsider his denials that the Holocaust occurred.

"He's working on the issue and he is responsible," Monsignor Fellay told the Swiss daily Le Nouvelliste.

"But we have to give him time because he wants to study seriously so that he can give a sincere and true response."

(Source: http://www.smh.com.au/world/argentina-expels-holocaustde. ..)
 
Vatikan: Gespräche mit Vietnam (tiếng Đức)
Radio Vatican
23:54 20/02/2009
Vatikan: Gespräche mit Vietnam

Der Heilige Stuhl und Vietnam verhandeln über die Wiederaufnahme diplomatischer Beziehungen. Das gab der Vatikan an diesem Freitag bekannt. Ein erstes Treffen der dazu eingerichteten gemeinsamen Arbeitsgruppe fand laut einer knappen Mitteilung Anfang dieser Woche in Hanoi in einer „Atmosphäre der Offenheit, der Freimütigkeit und des gegenseitigen Respekts“ statt. Der Untersekretär für die Beziehungen zu den Staaten, Pietro Parolin, leitete die Vatikan-Delegation, die auf Einladung der vietnamesischen Regierung nach Hanoi gereist war. Der Heilige Stuhl respektiere die Unabhängigkeit Vietnams, die katholische Kirche unternehme keinerlei politische Aktivitäten, sagte Parolin. Er würdigte im Rahmen des Treffens die „positiven Entwicklungen“ im Bereich Religionsfreiheit in Vietnam; „noch offene Fragen in den bilateralen Beziehungen“ ließen sich „mit gutem Willen und einem ehrlichen Dialog“ klären. Der vietnamesische Vize-Außenminister Nguyen Quoc Cuong erläuterte laut Vatikanerklärung die Linie Vietnams zur Religionsfreiheit. Er habe den Wunsch geäußert, der Heilige Stuhl möge zur Solidarität zwischen den Religionen und der Bevölkerung des Landes beitragen. Die bilaterale Arbeitsgruppe vereinbarte ein weiteres Treffen, ein Datum steht noch nicht fest. Auf dem Programm der vatikanischen Delegationsreise standen außerdem Gespräche mit Regierungsvertretern und Bischöfen. – Nach der kommunistischen Machtübernahme in Vietnam wurden die diplomatischen Beziehungen mit dem Heiligem Stuhl 1975 gekappt. Seit 1990 beraten beide Seiten über bilaterale Fragen wie etwa die Möglichkeit zu Bischofsernennungen. Ein neuerlicher Botschafteraustausch ist seit zwei Jahren wieder im Gespräch. (rv 20.02.2009 bp)
 
Vaticaanse delegatie in Vietnam
Asia-News
23:56 20/02/2009
Vaticaanse delegatie in Vietnam

In Vietnam is maandag een Vaticaanse delegatie gearriveerd voor gesprekken met vertegenwoordigers van de communistische regering. Officieel gaat het om gesprekken over “diplomatieke relaties”, maar het is duidelijk dat er een aantal zeer dringende zaken liggen zoals de groeiende druk vanuit de Vietnamese gelovigen om teruggave van kerkelijke bezittingen.

De gesprekken vinden plaats tegen de achtergrond van een onlangs uitgelekte oekaze van de Vietnamese premier dat geen van de 2.250 door de overheid genaaste bezittingen mag worden teruggegeven. Pikant is dat dit bevel begin vorig jaar werd uitgevaardigd toen er door tussenkomst van het Vaticaan enige ontspanning scheen op te treden.

Een tweede punt van geschil is de vurige wens van de Vietnamese regering dat de aartsbisschop van Hanoi, de strijdbare Joseph Ngo Quang Kiet, wordt vervangen. De Vaticaanse delegatie zal op haar beurt waarschijnlijk het schijnproces tegen acht katholieken uit Hanoi aan de orde stellen die in december wegens vernieling en opruiing voorwaardelijke straffen kregen opgelegd.

De Vaticaanse prelaten zullen ook een ontmoeting hebben met het dagelijks bestuur van de Vietnamese bisschoppenconferentie. Ook reist de delegatie naar de noordelijk bisdommen Thai Bin en Bui Chu, waar opnieuw sprake is van vervolging van katholieken onder de Hmong, een etnische minderheid in de bergen.

In een brief aan de gelovigen heeft de voorzitter van de bisschoppenconferentie de gelovigen opgeroepen tot “vurig gebed” “uit liefde voor de Kerk”. Ook worden de gelovigen uitdrukkelijk opgeroepen tot eenheid. Dit is een verdekte waarschuwing tegen pogingen van de regering om een alternatieve door de regering gecontroleerde Kerk op te zetten naar voorbeeld van de Chinees-patriottische vereniging. (KN/AsiaNews)
 
Vatican envoy hopes Pope visits Vietnam this year
Reuters
23:58 20/02/2009
HANOI (Reuters) - A Vatican envoy holding talks with Vietnamese officials on the eventual establishment of diplomatic ties said on Thursday that he hoped the Pope would be able to visit the country this year.

A Vietnamese Foreign Ministry official however said no formal proposal for such a visit had been received.

Hanoi and the Vatican have not had formal relations since the 1950s although Vietnam is home to more than 6 million Catholics, making it one of the biggest communities of faithful in Asia.

The two sides have held 18 meetings in the past two decades, but this week's talks represented the first meeting of a joint working group on normalisation.

"This is my wish," Vatican Undersecretary of State Monsignor Pietro Parolin told reporters when asked if he thought the Pope could visit the Southeast Asian country this year.

"But of course it depends on many things to be discussed, to be reflected upon, and I think that it's impossible to say yes or no." He added that the question had not been discussed in meetings with the Vietnamese Foreign Ministry and the government's religious affairs committee.

Hanoi has rejected previous requests for a papal visit to the country where religion remains under state supervision. Vietnam's 86 million population is mostly Buddhist.

Foreign Ministry spokesman Le Dung said the government had not received any proposal from the Vatican for a papal visit.

"Our main objective at present is to carry on the meeting of the joint working group in order to establish diplomatic relations," he told a news conference.

Prime Minister Nguyen Tan Dung met the Pope at the Vatican in early 2007, raising hopes for detente and the establishment of diplomatic relations soon. But the dialogue has moved slowly.

"We have had a very fruitful discussion and we are happy about that," Parolin said. "It was the first meeting, but we have already set up a good basis for further progress."

Dung, the Foreign Ministry spokesman, said the two sides needed further contact "to identify the framework and principles of relations".

"I would like to underscore that the establishment of relations between Vietnam and the Vatican is a process," he said.

The two sides agreed to hold another round of talks, but no date or time was set.

In addition to Vietnam, elsewhere in Asia the Vatican does not have relations with China, Laos, North Korea, Myanmar and Malaysia.
 
Vatican hails progress in relations with Vietnam
AFP
23:59 20/02/2009
HANOI (AFP) — A senior Vatican official on Thursday hailed progress in talks with Vietnam aimed at the establishment of diplomatic ties between the Holy See and the communist country.

Vietnam has Southeast Asia's largest Roman Catholic community after the Philippines -- about six million out of a population of 86 million -- but relations have long been strained between Catholics and the Communist Party.

"This is the first time that we've met with a formal, public agenda on the matter of diplomatic relations between the Holy See and Vietnam -- that is progress," said Vatican undersecretary of state Monsignor Pietro Parolin.

Parolin, whose primary task is to maintain the Vatican's relations with other states, was speaking after several days of talks with Vietnamese foreign ministry officials -- the first formal meetings on diplomatic ties.

In 2007, Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung made a historic visit to the Vatican, marking a major thaw in relations. Several Vatican delegations had already visited Hanoi.

But tensions have mounted in the past year between Hanoi and Vietnam's Catholics, who have staged repeated protests demanding the return of church lands seized after the communists took power in North Vietnam in 1954.

"Bilateral relations have been difficult at times, and we've been on the brink of a complete break on occasion," a Vietnamese diplomat told AFP on condition of anonymity.

"This first meeting therefore represents a clear evolution, marking the resumption of dialogue between Hanoi and the Vatican," he added, while cautioning that "the road to diplomatic ties is still a long one."

A Western diplomat who asked not to be identified said: "This week is important because it's the first time the Vietnamese government has admitted, 'Yes, we have to start this process.'"

Parolin told AFP it was "premature" to talk about "detailed, concrete progress".

When asked about a possible visit to Vietnam by Pope Benedict XVI, he said it could not happen before 2010 at the earliest.

Parolin said the issue of seized church lands had been raised during the talks "in a general way".

Eight Catholics in December were given suspended jail terms and warnings for disturbing public order and damaging property in protest vigils over land disputes, including at the site of the former Vatican embassy in Hanoi.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Vatican hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể đến Việt Nam trong năm nay
RFI
00:06 20/02/2009
Vatican hy vọng Đức Giáo Hoàng có thể đến Việt Nam trong năm nay

Nhân chuyến công du Việt Nam của phái đoàn Vatican, hai bên đã đề cập đến khả năng thiết lập bang giao. Theo đức ông Parolin, các cuộc thảo luận thu được kết quả tốt và phái đoàn Tòa Thánh vui mừng về điều này. Hai bên cũng đồng ý tổ chức thêm các cuộc đối thoại nhưng chưa xác định thời điểm

Trong khuôn khổ chuyến công du thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ chủ nhật, 16 tháng 2 vừa qua, phái đoàn Tòa Thánh Vatican đã có một số cuộc thảo luận với đại diện chính quyền Việt Nam.

Hôm nay, đức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Vatican, trưởng phái đoàn, bày tỏ hy vọng là Đức Giáo hoàng Benedicto 16 có thể công du Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, trưởng phái đoàn Vatican cũng nói thêm là khó có thể khẳng định được ngay, bởi vì điều này phụ thuộc vào nhiều việc cần phải thảo luận và suy nghĩ.

Theo Reuters, chính phủ Hà Nội đã nhiều lần từ chối đón tiếp Đức Giáo Hoàng mặc dù tại Việt Nam có tới 6 triệu tín đồ.

Cuộc gặp giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đức Giáo hoàng tại Vatican, năm 2007, đã làm dấy lên nhiều hy vọng là hai bên nhanh chóng có quan hệ chính thức. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại song phương tiến triển chậm chạp.

Trong chuyến đi thăm Việt Nam lần này, hai bên đề cập đến khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo đức ông Parolin, các cuộc thảo luận thu được kết quả tốt và phái đoàn Vatican vui mừng về điều này. Hai bên cũng đồng ý tổ chức thêm các cuộc đối thoại nhưng chưa xác định thời điểm
 
Đức Giáo Hòang có thể viếng thăm Việt Nam?
RFA
00:08 20/02/2009
Đức Giáo Hòang có thể viếng thăm Việt Nam

Phát biểu với báo chí sau các cuộc gặp với giới chức Việt Nam, Thứ trưởng ngoại giao Tòa thánh - Đức ông Pietro Parolin - hy vọng Đức Giáo Hòang có thể viếng thăm Việt Nam trong năm nay.

Đại diện phái đoàn ngọai giao Tòa thánh Vatican hiện đang có chuyến làm việc tại Việt Nam hôm nay lên tiếng nói là hai phía qua những cuộc gặp thường niên đã đặt được một cơ sở tốt cho việc thiết lập bang giao giữa Tòa thánh Vatican và chính quyền Hà Nội.

Thứ trưởng ngọai giao Tòa thánh, Đức ông Pietro Parolin, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với trưởng ban Tôn giáo chính phủ, ông Nguyễn Thế Doanh, rằng cuộc làm việc đầu tiên giữa ủy ban hổn hợp hai phía được diễn ra một cách thẳng thắn và trong bầu khí cởi mở.

Tuy nhiên, người đại diện đoàn ngọai giao Tòa thánh Vatican nói thêm là không thể nói rõ tiến trình đối thọai sẽ phải mất bao lâu.

Trong phát biểu với báo giới trong ngày hôm nay, Đức ông Pietro Parolin cũng bày tỏ hy vọng là có thể trong năm nay Đức Giáo hòang viếng thăm Việt Nam.

Về khả năng đó thì một đại diện ngọai giao của Việt Nam nói là Hà Nội chưa nhận được một đề nghị chính thức nào cho một chuyến viếng thăm như thế cả.
 
Thông tấn xã ngoại quốc nói gì về cuộc hội đàm Việt Nam - Vatican
Nguyễn Long Thao
06:45 20/02/2009
HÀ NỘI 19/02/09 - Hãng thông tấn AFP cho biết một giới chức cao cấp của Tòa Thánh Vatican tuyên bố là cuộc đàm phán về vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam đã đạt được tiến bộ.

Đức Ông Pietro Parolin, Thứ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh nới với thông tín viên AFP: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có nghị trình chính thức thảo luận về liên lạc ngoại giao giữa giữa Tòa Thánh và Việt Nam. Đó là một tiến bộ”

Đức Ông đưa ra lời tuyên bố trên đây sau mấy ngày đàm phán với các viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Những phiên họp này là những phiên họp đầu tiên về vấn đề quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó một giới chức ngoại giao Việt Nam xin được dấu tên đã nói với phóng viên AFP rằng “ Mối liên hệ song phương giữa Tòa Thánh và Việt Nam nhiều lúc gặp khó khăn, có lúc hầu như bị đổ vỡ

Tuy nhiên giới chức ngoại giao này cũng nói thêm “ Như vậy, phiên họp đầu tiên này rõ ràng thể hiện sự tiến triển qua việc Hà Nội và Vatican tái đàm phán". Nhưng ông cũng nói thêm là “ con đường đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao vẫn còn dài”

Một nhà ngoại giao Tây Phương tại Hà Nội cũng xin dấu tên tuyên bố” Tuần lễ này là quan trọng vì đây là lần đầu tiên chính quyền Việt Nam thừa nhận đã khởi sự tiến trình ngoại giao”

Trả lời phóng viên AFP về kết quả cuộc họp, Đức Ông Parolin cho biết còn quá sớm để nói đến những chi tiết và tiến bộ cụ thể.

Về việc liệu Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI có thăm Việt Nam hay không? Đức Ông Parolin trả lời:“việc đó không thể diễn ra trước năm 2010".

Về vấn đề đất đai của Giáo Hội bị nhà nước tịch thu, Đức Ông cho biết phái đoàn Tòa Thánh đã nêu vấn đề này ra với chính quyền. Tuy nhiên, Đức Ông cho biết vấn đề chỉ được nêu ra “ một cách tổng quát”

Về tiến trình quan hệ ngoại giao, người ta được biết vào năm 2007, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc hội kiến với ĐGH Bênêđictô XVI tại Vatican. Giới quan sát quốc tế coi đây là cuộc viếng thăm lịch sử của một nhà lãnh đạo Cộng Sản đối với Tòa Thánh và sau đó đã mở đường cho mấy phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm qua, chính quyền Việt Nam và giáo dân Công Giáo tại Hà Nội đã có sự căng thẳng về vấn đề Công Giáo đòi chính quyền trả lại đất đai và cơ sở tại Hà Nội mà họ đã tịch thu sau năm 1954. Kết quả vụ này là nhà nước lấy đất của Giáo Hội để làm 2 công viên và đưa 8 giáo dân tại xứ Thái Hà ra tòa.

Giới phân tích tình hình chính trị tại Việt Nam thì cho rằng bao lâu nhà cầm quyền Trung Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh thì bấy lâu Việt Nam chưa dám đi bước trước trong vấn đề này vì như thế là làm mất mặt chính quyền Bắc Kinh về phương diện ngoại giao. Động thái trong tuần qua của chính quyền Việt Nam, theo giới am hiểu tình hình chính trị, chỉ là những đòn phép của chính quyền nhằm che mắt thế giới để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
 
Phái đoàn Tòa Thánh thăm giáo phận Thái Bình
BTV TGP Hà Nội
13:45 20/02/2009
THÁI BÌNH - Sáng ngày 20-2-2009 trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh Vatican do Đức Ông Pietro Parolin dẫn đầu đã rời Hà Nội đến thăm Giáo phận Thái Bình. Cùng đi với phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh còn có Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Giáo phận Bắc Ninh.

Xem hình ảnh

Giáo phận Thái Bình trải rộng trên địa bàn của tỉnh Thái Bình và Hưng Yên với khoảng trên 2000km2 với khoảng 120.000 giáo dân. Từ lâu Thái Bình đã được biết đến như một cái nôi của Công Giáo miền Bắc Việt Nam. Sau khi được tách ra từ giáo phận Bùi Chu (1936), giáo phận đã có nhiều khởi sắc, đời sống đạo đức ngày một thăng tiến, tình hiệp thông giữa mọi thành phần dân Chúa ngày càng khăng khít.

Không khí chuẩn bị chào đón phái đoàn viếng thăm đã được khơi lên từ hàng tuần nay, khởi từ bức thư với chương trình chi tiết đón phái đoàn đã được Văn phòng Tòa giám mục Thái Bình gửi đến cộng đồng dân Chúa trong giáo phận. Tâm tình hân hoan tràn ngập trong lòng mỗi người trong giáo phận. Được biết, giáo xứ Đông Phú – nơi mà phái đoàn Tòa Thánh sẽ cử hành thánh lễ trọng thể hôm nay – đã gấp rút hoàn thành con đường bê tông mới dẫn vào giáo xứ, chuẩn bị kỹ lưỡng từ trang trí, âm thanh đến các ban phục vụ. Tất cả để hướng về một ngày thật đặc biệt của giáo phận.

Từ sáng sớm, hàng chục ngàn giáo dân từ khắp nơi trong Giáo phận đã quy tụ về Tòa giám mục để cùng với vị cha chung của mình là Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang chuẩn bị đón tiếp phái đoàn của Tòa Thánh đến thăm giáo phận. Trên mọi nẻo đường dẫn về Tòa Giám mục và Nhà Thờ Chính Tòa đều bắt gặp những nét mặt hân hoan, náo nức như trẩy về tham dự ngày hội lớn. Nhiều giáo xứ nằm cách xa Tòa Giám mục như vùng ven biển Tiền Hải, các linh mục cùng với bà con giáo dân đã đến Tòa Giám mục từ chiều hôm trước, mỗi người cộng tác một chút để cùng chuẩn bị đón phái đoàn của Tòa Thánh viếng thăm. Đây cũng là dịp để Giáo Phận Thái Bình trình bày sức sống của mình với thế giới Công Giáo, biểu lộ tinh thần hiệp thông sâu xa với Giáo Hội hoàn vũ và tình con thảo với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

Trong ngày làm việc của Phái Đoàn Tòa Thánh tại Thái bình, Phái đoàn viếng thăm Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình, Đền Thánh Tử Đạo Đông Phú, Chủng Viện Thánh Tâm Chúa Giêsu và Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình, Phái Đoàn cũng chào thăm Chính Quyền thành phố Thái Bình,...

Từ 8 giờ đã có nhiều giáo dân tay cầm cờ Hội Thánh náo nức chờ đợi tại khuân viên Nhà Thờ Chính Tòa, đối với họ đây là sự kiện thật đặc biệt và ý nghĩa. Những đoàn hội được vinh dự phục vụ buổi đón tiếp cũng có mặt sớm, tiếng trống dòn dã của đội Trống Sấm Giáo xứ Hoàng Xá và đội Trống Giáo xứ Bồng Tiên, cùng với những bản nhạc theo nhịp hành khúc của các ban kim nhạc, thay nhau vang lên thu hút những người đi đường dừng lại, họ cũng tự hỏi nhau: “hôm nay là ngày lễ gì vậy, sao mà vui thế?”; nhiều người tự trả lời được câu hỏi của mình khi họ nhìn thấy và đọc to khẩu hiệu: HÂN HOAN CHÀO MỪNG PHÁI ĐOÀN TÒA THÁNH - khẩu hiệu được trang hoàng ở cuối Nhà Thờ Chính toà.

Khoảng 9g30, quảng trường Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình đã không còn chỗ trống. Cờ Hội Thánh cả ngàn lá được giáo dân phất cao. Các linh mục, các chủng sinh chủng viện Thánh Tâm, các Tu sĩ của các Dòng tu trong giáo phận mang tu phục chỉnh tể quây quần bên Đức Cha kính yêu, chờ đón Phái Đoàn ở cổng chính Nhà Thờ. Đức Cha đáng kính với nét mặt tươi vui và rạng rỡ chào đón mọi thành phần dân Chúa từ khắp nơi đang tuốn về nơi đây. Hàng rào danh dự xếp ngay ngắn, từ lối rẽ đường Lê Lợi vào đường Hoàng Diệu đến khu vực tiền sảnh Nhà Thờ.

Thời gian chờ đợi kết thúc khi đoàn xe của Giáo phận đi đón Phái Đoàn từ Hà Nội về đến lối vào Nhà Thờ. Xuống xe, chúng tôi thấy có Cha Tổng Đại Diện, Đức Ông Hêrôdimô Nguyễn Phúc Hạnh, Đức Ông Tôma Trần Trung Hà, cùng với hai chủng sinh chủng viện Thánh Tâm, Nữ tu các Dòng đang phục vụ tại Thái Bình như Đaminh, Mến Thánh Giá, Phao lô... và các vị đại diện giáo dân.

Đúng 10g00 xe của bộ ngoại giao Việt Nam đưa Phái Đoàn Tòa Thánh tiến vào sân cuối nhà Thờ Chính Tòa, trong tiếng kèn rộn ràng của bản trường ca “Ca Khúc Mặt Trời” - nhạc sĩ Hải Linh sáng tác. Đức Ông Pietro Parolin, hai Đức Ông: F.X. Cao Minh Dung, Barnabe Nguyễn Văn Phương và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội – Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt – Giám mục Bắc Ninh cùng đi, bắt tay Đức Giám Mục, vẫy tay chào Linh Mục đoàn và toàn thể Dân Chúa đang hiện diện. Cái bắt tay như siết chặt tình huynh đệ, bày tỏ tình hiệp thông, thể hiện chia sẻ trách nhiệm của những người ngày đêm lo lắng chăm sóc Đoàn Chiên Chúa trao phó.

Lễ đón chính thức phái đoàn Tòa Thánh đã diễn ra vào lúc 10h cùng ngày tại quảng trường nhà thờ chính tòa Giáo phận Thái Bình. Trong diễn văn chào mừng phái đoàn Tòa Thánh, Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang đã nói nên lòng biết ơn của Giáo phận Thái Bình đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Quý Đức Ông trong đoàn luôn ưu ái đến Giáo phận Thái Bình. Đáp lại, Đức Ông Parolin đã nói nên sự kính phục của mình đối với giáo dân giáo phận Thái Bình nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung. Đức Ông hứa sẽ chuyển những tình cảm thân yêu của giáo dân Việt Nam đến với Đức Thánh Cha, và xin Đức Thánh Cha hãy “đến mà xem” đoàn con thân yêu của Ngài.

Sau đó phái đoàn đã được Đức Cha Nguyễn Văn Sang đưa đi xem và giới thiệu về ngôi nhà thờ Chính tòa mới của Giáo phận.

Kết thúc chương trình thăm TGM Thái Bình, phái đoàn đã đi thăm và dâng lễ tại Đền thánh Đông Phú của Giáo phận – cách TGM Thái Bình 40km, là Đền thánh kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mặc dù Thánh lễ diễn ra dưới tiết trời mưa phùn, nhưng bà con giáo dân vẫn không quản ngại tham dự Thánh lễ một cách sốt sáng và nghiêm trang.

Đông Phú là quê hương của hai thánh tử đạo Thuần và Dũng, là một giáo họ lớn mới được tách ra từ giáo xứ Trung Đồng để nâng lên hàng giáo xứ ngày 4-8-2007. Trước đó, nhà thờ giáo xứ Đông Phú cũng đã được giáo quyền suy xét và nhìn nhận nên đã phong làm Đền thánh Tử đạo của Giáo phận từ ngày 6-6-2006. Đặc biệt hơn nữa, kể từ ngày 6-4-2008, nhân dịp tuần chầu đầu tiên thay mặt giáo phận, tân giáo xứ Đền thánh Tử đạo Đông Phú lại được Đức cha Nguyễn Văn Sang chọn làm Trung tâm chầu Mình Thánh Chúa suốt ngày đêm của giáo phận Thái Bình. Hiện nay, giáo xứ Đông Phú có khoảng 1.300 giáo dân, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ hải sản.

Đoạn đường dài khoảng trên 40 kilômét từ Nhà thờ Chính toà về Đông Phú, phái đoàn Tòa Thánh cùng với mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận đã đi qua những dãy phố, thị trấn, thôn làng, những công ty xí nghiệp, cả những xóm dân cư chưa hề có ai tin nhận Chúa và những cánh đồng đang vụ trồng cấy. Khi về đến xã Nam Trung huyện Tiền Hải, là nơi toạ lạc của Đền thánh Đông Phú, cộng đồng dân Chúa vỗ tay vang lừng để chào đón phái đoàn. Dòng người thuộc đủ các đoàn hội của Đông Phú và các giáo xứ trong giáo phận chào đón phái đoàn Tòa Thánh trong niềm vui và sự yêu mến, tình hiệp thông chân thành.

Sau những giờ phút chào đón long trọng, Đức ông Parolin đã chủ sự Thánh lễ trọng thể tại thánh đường giáo xứ Đông Phú với sự tham dự của các Giám mục, linh mục và hàng chục ngàn giáo dân. Thánh lễ trang trọng này đã thể hiện sâu sắc tinh thần hiệp thông của hội thánh, thể hiện qua sự kết hiệp mật thiết giữa mọi thành phần dân Chúa, không phân biệt ngôn ngữ, màu da hay cấp bậc.

15h30 cùng ngày, phái đoàn Tòa thánh đã đến chào thăm xã giao lãnh đạo chính quyền tỉnh Thái Bình tại hội trường UBND tỉnh.

17 giờ, phái đoàn Tòa Thánh đã rời Thái Bình để đến thăm giáo phận Bùi Chu. Cộng đồng dân Chúa Thái Bình không giấu được niềm xúc động và sự luyến tiếc khi phải từ biệt phái đoàn. Chắc chắn, cuộc gặp gỡ hôm nay, tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng và tình cảm khó phai.
 
Quan điểm Công giáo về trách nhiệm của Giáo hội trước các vấn đề xã hội
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm
14:15 20/02/2009
Hội thảo Quốc tế “Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”

QUAN ĐIỂM CÔNG GIÁO
VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁO HỘI TRƯỚC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI


Tháng 6.1989, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố tài liệu mang tựa đề A Time for Dialogue and Healing: A Pastoral Reflection on United States – Vietnam Relations (Thời điểm cho đối thoại và chữa lành: Một suy tư mục vụ về mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam), trong đó các giám mục lên tiếng thúc đẩy việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. [1]

Năm 2002, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush quyết định tấn công Iraq, một trong những người kiên quyết tìm mọi cách ngăn cản cuộc chiến tranh là Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đến nỗi vào giờ phút chót, ngài vẫn cử một đặc sứ sang tận Washington, D.C., đích thân gặp Tổng thống Mỹ nhằm thuyết phục ông thay đổi quyết định tấn công Iraq.

Nếu theo dõi các tuyên bố của các Hội Đồng Giám Mục Công Giáo tại nhiều quốc gia, sẽ thấy các ngài lên tiếng về hầu hết các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị như chạy đua vũ trang, hoà bình tại Trung Đông, môi sinh… và những vấn đề khác.

Những sự kiện trên khiến nhiều người đặt vấn đề: Tại sao Giáo Hội lại lên tiếng về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị? Sứ mạng của Giáo Hội lại chẳng phải là sứ mạng thiêng liêng sao? Khi can thiệp vào các vấn đề xã hội như thế, liệu Giáo Hội có thi hành đúng chức năng của mình không? Có gây tranh chấp với chính quyền dân sự không? Phải làm gì để giải quyết?

Bài viết này không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề, chỉ mong trình bày một vài gợi ý và định hướng căn bản, dĩ nhiên là từ quan điểm của Giáo Hội Công giáo. Theo đó, bài viết này sẽ bàn đến (1) mối tương quan giữa sứ mạng của Giáo Hội và trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội, và (2) tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền trong những vấn đề xã hội.

1. TƯƠNG QUAN GIỮA SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG
VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI


Sứ mạng chính yếu của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho muôn dân, và sứ mạng này có mối liên hệ mật thiết với trách nhiệm xã hội về cả ba mặt: đối tượng, mục đích và nội dung[2].

Đối tượng của việc loan báo Tin Mừng là muôn dân, là những con người cụ thể, cho nên phục vụ con người trở thành con đường quan trọng nhất và căn bản nhất của Giáo Hội[3]. Con người mà Giáo Hội có trách nhiệm phục vụ vừa là một nhân vị độc đáo vừa là hữu thể mang tính xã hội. Một đàng, mỗi con người là một nhân vị độc đáo, không thể thay thế, và vì thế, phải tôn trọng mỗi con người từ khi thụ thai cho đến lúc lìa đời, bất kể sang hèn, trí thức hay bình dân, khoẻ mạnh hay đau yếu. Đàng khác, tự bản chất, con người là hữu thể xã hội, sống trong một mạng lưới phức tạp với vô số quan hệ xã hội, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, và con người chỉ có thể sống và phát triển khả năng của mình trong mối liên hệ với người khác. Tất cả những gì diễn ra trong xã hội đều gây âm hưởng trên con người cũng như trên mọi mặt của đời sống; ngược lại, chính con người là chủ thể và tác nhân của đời sống xã hội, xã hội phát triển hay trì trệ đều do chính con người làm nên[4]. Chính vì thế, để phục vụ con người cách hiệu quả, không thể không quan tâm đến chiều kích xã hội này, cũng có nghĩa là phải quan tâm đến các vấn đề xã hội. Hơn thế nữa, các vấn đề chính trị và xã hội lại liên quan đến khía cạnh đạo đức là trách nhiệm đặc thù của Giáo Hội, chẳng hạn chiến tranh, tham nhũng, phá thai, gian dối…, nên Giáo Hội lại càng cần phải quan tâm nhằm làm cho đời sống con người trở nên nhân bản hơn [5]. Xã hội, và cùng với xã hội là chính trị, kinh tế, lao động, luật lệ và văn hoá, tất cả đều hàm chứa trong nó những giá trị đạo đức, và vì thế, không thể xa lạ với sứ mạng loan báo Tin Mừng [6].

Kế đến, mục đích mà sứ mạng loan báo Tin Mừng hướng tới là dẫn đưa con người đến Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa như Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Mục đích duy nhất của Giáo Hội là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này: Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là Giáo Hội tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người”[7]. Thế nhưng Nước Trời mà Giáo Hội loan báo không chỉ là vương quốc thánh thiện và ân sủng trong thế giới mai sau, mà còn là vương quốc của công lý, yêu thương và hoà bình, nghĩa là những giá trị cần được xây đắp và vun trồng trong đời sống xã hội cụ thể, ở đây và lúc này[8]. Đàng khác, Giáo Hội không loan báo Tin Mừng Nước Trời trong cõi thiêng liêng trừu tượng mà là trong bối cảnh cụ thể của lịch sử và thế giới mà con người đang sống, do đó Giáo Hội không thể không quan tâm đến các vấn đề xã hội [9]. Như thế, có mối liên hệ hữu cơ giữa sứ mạng loan báo Tin Mừng và trách nhiệm phục vụ sự thăng tiến con người.

Thiết nghĩ ở đây cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tự nhiên và siêu nhiên. Theo quan điểm công giáo, tự nhiên và siêu nhiên không phải là hai lãnh vực tách biệt nhau, lại càng không phải là hai thực thể đối lập nhau; đúng hơn, đó là hai lãnh vực thấm nhập vào nhau. Vì thế, không nên hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm bắt đầu từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên như sự nâng đỡ và lôi kéo tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Hiểu như thế, không có gì trong thế giới tự nhiên, không có gì là của con người mà lại xa lạ hay bị loại trừ khỏi trật tự siêu nhiên của đức tin và ân sủng; trái lại, tất cả đều có mặt trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao[10]. Trung tâm của đức tin Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người và trong mầu nhiệm này, toàn bộ con người xét như hữu thể duy nhất xác-hồn và là một hữu thể xã hội – chứ không chỉ riêng linh hồn hay một hữu thể khép kín trong cá tính riêng của mình – đã được nâng lên một trật tự mới, trật tự siêu nhiên và ân sủng. Như thế, con người toàn diện và cả xã hội loài người đã được đưa vào trong nhiệm cục cứu độ của Tin Mừng. Do đó, loan báo Tin Mừng không chỉ có nghĩa là phục vụ linh hồn mà bỏ quên thân xác, cũng không chỉ quan tâm đến ơn cứu độ cá nhân mà lãng quên những thực tại xã hội. Đúng hơn, sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm cho những giá trị của Tin Mừng thấm nhuần đời sống xã hội và phong phú hoá đời sống đó[11]. Như thế, có sự phân biệt giữa hai lãnh vực thiêng liêng và trần thế, nhưng đàng khác, không có tách biệt, lại càng không có đối kháng giữa sứ mạng thiêng liêng của Giáo Hội và mối quan tâm của Giáo Hội về công lý và hoà bình, bởi lẽ siêu nhiên thấm nhập vào tự nhiên và nâng con người lên một bình diện mới: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu độ cá biệt của mình, Giáo Hội không chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, mà còn chiếu giãi ánh sáng của đời sống ấy cách nào đó trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá của nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và làm cho hoạt động thường nhật của con người được thấm nhuần một định hướng và ý nghĩa sâu xa hơn”[12].

Ngoài ra, trọng tâm của Tin Mừng mà Giáo Hội có sứ mạng loan báo là tình yêu vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Bác ái là điều răn mới và điều răn trung tâm của Kitô giáo. Nhưng làm sao có thể công bố điều răn đó mà lại không quan tâm đến tình trạng công lý và công bằng cho con người? Ở tự nó, tình yêu đã hàm chứa chiều kích xã hội vì yêu thương luôn luôn là hướng đến một tha thể ở ngoài mình. Chiều kích xã hội này càng mạnh mẽ và khẩn thiết hơn trong một thế giới mà tiến trình xã hội hoá đã vươn đến tầm cao. Bác ái không chỉ còn được nhìn trong tương quan giữa cá nhân với cá nhân mà đòi hỏi phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, vì những vấn đề này đụng chạm tới sự sống và hạnh phúc của những con người mà ta yêu thương và phục vụ. Vì thế, phải nói rằng chính điều răn yêu thương – chứ không phải động lực hay tham vọng nào khác – thúc đẩy người Kitô hữu dấn thân cho công lý và hoà bình, làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc[13].

Nói tóm lại, nhìn vào đối tượng, mục đích hay nội dung của sứ mạng loan báo Tin Mừng, ta đều thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc loan báo Tin Mừng và việc thăng tiến con người đến nỗi Thượng Hội Đồng các Giám mục thuộc thế giới thứ ba tuyên bố: “Hành động của Giáo Hội nhằm xây dựng công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới nên tốt hơn là một chiều kích cấu thành (a constitutive dimension) trong sứ mạng của Giáo Hội nhằm cứu rỗi nhân loại và giải thoát họ khỏi mọi tình trạng áp bức”[14]. Thực ra, đây không phải là điều gì mới mẻ nhưng là đòi hỏi cắm rễ sâu trong truyền thống lâu đời của Kitô giáo.

Thánh Kinh Cựu ước còn ghi lại những chỉ dẫn cụ thể về Năm sabát, nhất là Năm toàn xá, Năm thánh (x. Lêvi chương 25). Năm thánh là năm thuộc về Chúa là Đấng Thánh, năm tôn vinh Thiên Chúa là chủ của vũ trụ, thế giới và con người, đồng thời là năm tái lập sự công bằng trên trái đất và là năm giải thoát cho cả đất đai: “Trong năm toàn xá, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình… Không ai trong các ngươi được gây thiệt hại cho đồng bào mình, nhưng các ngươi phải kính sợ Thiên Chúa vì Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi… Trong năm đó, các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa, đó sẽ là một năm đất nghỉ” (Đnl 25, 2-17). Như thế, từ rất lâu, những chỉ dẫn về Năm thánh đã phản ánh ý thức cao độ về công bằng xã hội và cả việc bảo vệ môi sinh là những vấn đề mà thế giới hôm nay càng ngày càng ý thức hơn.

Cũng trong truyền thống đó, các tiên tri là những người hết sức nhạy bén trước nỗi đau của con người, do đó cũng nhạy bén trước những bất công xã hội. Tiếng nói của các ngài vừa là tiếng nói thay cho cơn hấp hối câm lặng của người nghèo vừa vọng lại cơn giận của Thiên Chúa[15]. Hãy thử đọc lại một trong nhiều bài giảng của các tiên tri để cảm nhận sự nhạy bén này:

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ:
Bao giờ ngày mồng một qua đi cho ta còn bán lúa,
Bao giờ mới hết ngày sabát để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm,
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ,
Cả lúa nát, gạo mục, ta cũng đem ra bán.
Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên hành vi nào của chúng.
Há chẳng phải vì vậy mà đất rung chuyển,
Và toàn thể dân cư lâm cảnh tang tóc đó sao
?” (Amos 8,4-8)

Cũng trong truyền thống đó, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ của Người với chương trình hành động là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4, 18-19).

Như thế, sẽ chẳng có gì khác lạ nếu Giáo Hội ngày nay lên tiếng về các vấn đề xã hội với ước mong góp phần làm cho cuộc sống con người trở thành nhân bản hơn. Giáo Hội chỉ đặt mình trong dòng chảy tự nhiên của truyền thống Kitô giáo và là đòi hỏi nội tại trong chính sứ mạng loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, khi Giáo Hội can thiệp vào các vấn đề xã hội, đâu là tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền?

II. TƯƠNG QUAN GIỮA GIÁO HỘI VÀ CHÍNH QUYỀN

Bàn về mối tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền, thiết nghĩ trước hết nên có sự phân biệt giữa xã hội dân sự và cộng đồng chính trị. Xã hội dân sự là “tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội, và những mối quan hệ cũng như các nguồn lực này độc lập cách tương đối với lãnh vực chính trị và kinh tế”[16]. Từ xã hội dân sự này, phát xuất cộng đồng chính trị là cộng đồng được thiết lập nhằm phục vụ những con người và những tập thể làm nên xã hội dân sự. Do đó, không nên coi xã hội dân sự chỉ như một thành phần của cộng đồng chính trị. Đúng hơn, Nhà Nước cung cấp khung pháp lý thích đáng để điều hoà các mối quan hệ của mình với xã hội dân sự theo nguyên tắc bổ trợ[17].

Theo đó, có thể nói đến tương quan giữa Giáo Hội và Chính quyền dân sự là tương quan trong đó cả hai bên tôn trọng sự độc lập chính đáng của nhau, đồng thời hợp tác với nhau nhằm phục vụ con người cách tốt đẹp nhất.

Giáo Hội tôn trọng quyền bính hợp pháp và chính đáng của Nhà Nước. Sự tôn trọng này phát xuất từ sự nhìn nhận tính độc lập chính đáng của những thực tại trần thế như Công đồng Vaticanô II minh định: “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế được hiểu là các thụ tạo và các xã hội đều có những định luật và giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hoà, thì đòi hỏi sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng. Đó là điều không những người đương thời đòi hỏi, mà còn phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo hoá”[18]. Cũng vậy, “Giáo Hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp”[19]. Do đó, Giáo Hội không can thiệp vào các vấn đề kỹ thuật, cũng không đề xuất hay thiết lập những hệ thống hoặc những mô hình tổ chức xã hội. Đó không phải là sứ mạng mà Đức Kitô muốn trao cho Giáo Hội. Theo Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, sự phân biệt giữa Nhà Nước và Giáo Hội như thế là thành phần trong cấu trúc nền tảng của Kitô giáo. Giáo Hội tôn trọng và nhìn nhận sự phân biệt và tự trị này, coi đó là tiến bộ lớn của nhân loại và là điều kiện nền tảng cho sự tự do của Giáo Hội cũng như cho việc Giáo Hội chu toàn sứ mạng cứu độ phổ quát giữa các dân tộc[20].

Đồng thời, Giáo Hội cũng mong muốn Nhà Nước tôn trọng sự độc lập chính đáng của Giáo Hội: “Giáo Hội xét như sự biểu lộ xã hội của đức tin Kitô giáo có sự độc lập của mình và dựa trên nền tảng đức tin, sống hình thức cộng đoàn của mình mà Nhà Nước phải tôn trọng”[21]. Cách cụ thể, Chính quyền tôn trọng sự độc lập chính đáng của Giáo Hội khi tôn trọng sự tự do phát biểu, tự do giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ Giáo Hội; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành của mình; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái[22]. Đồng thời, Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi[23].

Theo đó, khi Giáo Hội lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không làm chính trị nhưng muốn hợp tác với Nhà Nước để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Thật vậy, Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, cũng không chấp nhận bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị nào, hoặc cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào. Giáo Hội cũng không muốn cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, “Giáo Hội cũng sẽ từ chối việc sử dụng một số quyền lợi đã được hưởng cách chính đáng khi thấy rằng việc sử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành muốn làm chứng nhân của mình”[24]. Giáo Hội chỉ muốn hợp tác với Nhà Nước trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Và Giáo Hội thực hiện mục đích này bằng cách đào tạo lương tâm các Kitô hữu và thức tỉnh lương tri của mọi người trong xã hội.

Trước hết, Giáo Hội cố gắng đào tạo ý thức xã hội nơi các Kitô hữu, giúp họ ý thức rằng mình có bổn phận phải phục vụ công ích, đồng thời giúp họ có khả năng sống những giá trị Phúc âm trong mọi lãnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị; hơn nữa, góp phần làm cho các thực tại trần thế mang tính nhân bản và phù hợp với Tin Mừng hơn. Đối với các Kitô hữu dấn thân trong lãnh vực chính trị, Giáo Hội mong muốn giúp họ đào tạo lương tâm chính trị, biết từ bỏ những tiện nghi và lợi lộc vật chất cá nhân để toàn tâm toàn ý lo cho công ích[25].

Ngoài ra, khi lên tiếng về các vấn đề xã hội, Giáo Hội không chỉ lên tiếng cho con cái mình mà còn vì ích chung của tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt tôn giáo hay giai tầng xã hội. Những can thiệp này nhằm phục vụ và giúp đỡ việc giáo dục lương tâm trong chính trị, giúp nhận thức rõ ràng những đòi hỏi đích thực của công bằng và chuyển nhận thức đó thành hành động, dù phải hi sinh những lợi ích riêng tư. Thật vậy, mục đích của chính trị là thiết lập công bằng nhưng công bằng không phải là ý tưởng trừu tượng mà là vấn đề của lý trí thực tiễn, đồng thời là thực tại cần phải xây dựng trong từng hoàn cảnh cụ thể. Điều đó đòi hỏi lý trí phải hoạt động cách đúng đắn và trong sáng. Trong khi đó, kinh nghiệm lại cho thấy lý trí rất dễ bị chi phối bởi cám dỗ về lợi nhuận cũng như quyền lực. Chính vì thế, lý trí cần được thanh luyện liên tục để thực sự phục vụ sự công bằng[26]. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội lập luận dựa trên lý trí và luật tự nhiên, có nghĩa là những gì phù hợp với bản tính con người. Đây là cơ sở nền tảng để mọi người trong xã hội – dù khác biệt nhau về tôn giáo, quan điểm chính trị, lập trường xã hội – đều có thể dựa vào mà tiến hành cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề xã hội.

Hiểu như thế, Chính quyền và Giáo Hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dù dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mạng cá nhân và xã hội. Tuỳ theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự hợp tác lành mạnh, thì càng phục vụ lợi ích của con người cách hữu hiệu hơn[27].

Trong thực tế, để sự hợp tác có thể mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho mọi người, cần có đối thoại thẳng thắn và cởi mở giữa Chính quyền và Giáo Hội vì các vấn đề xã hội thường phức tạp và luôn biến chuyển. Hơn thế nữa, không thể phủ nhận rằng nhân sinh quan và thế giới quan của hai bên khác nhau, vì thế cũng nhìn nhận và giải quyết vấn đề cách khác nhau. Ngoài ra, những vấn đề xã hội thường không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế hay chính trị nhưng luôn bao hàm chiều kích nhân văn và đạo đức, vì thế cần sự bổ túc cho nhau nhằm hướng đến một giải đáp mang tính toàn diện. Nhờ đối thoại, Giáo Hội và Nhà nước có thể hiểu biết nhau hơn, xác định những hình thức bền vững và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà, ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, bổ túc cho nhau trong cách giải quyết các vấn đề nhằm mưu cầu ích chung. Đây không chỉ là lý thuyết mà còn là kinh nghiệm lâu đời của Giáo Hội Công giáo vốn hiện diện trong nhiều đất nước với những thể chế chính trị khác nhau.

Kết luận

Là những người Việt Nam và là cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu, Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam lấy vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt làm vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của chính mình, và không có gì là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng Giáo Hội. Trong những năm qua, ý thức đó đã thúc đẩy Giáo Hội góp phần giải quyết các vấn đề xã hội trong khuôn khổ luật pháp cho phép, và còn muốn góp phần nhiều hơn nữa trong tương lai[28]. Đồng thời Giáo Hội cũng ý thức rằng để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, Giáo Hội cần tiến hành cuộc đối thoại đa diện: đối thoại với Chính quyền là những người có trách nhiệm tổ chức, ổn định và xây dựng xã hội; đối thoại với các tôn giáo vốn là nền móng những giá trị đạo đức của dân tộc; đối thoại với văn hoá dân tộc là nguồn của những giá trị nhân văn đích thực và ngày nay đang có nguy cơ bị xói mòn; đối thoại với con người, nhất là người nghèo vốn vẫn chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc. Cuộc đối thoại đó đòi hỏi Giáo Hội lắng nghe để có thể hiểu được tâm tư khát vọng của người dân, tâm tư được thể hiện bằng lời và nhiều khi bằng cả sự im lặng! Giáo Hội cũng ý thức rằng đây không phải là cuộc đối thoại dễ dàng do những thành kiến của lịch sử cũng như do sự khác biệt trong cách nhìn và cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Giáo Hội xác tín rằng đó là con đường tốt nhất phải đi để xây dựng sự hợp tác chân thành và đích thực nhằm xây dựng một xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn và xứng với phẩm giá con người hơn.

Chú thích:
[1] Pastoral Letters and Statements of the United States Catholic Bishops, Volume VI (1989-1997), 72-79.
[2] Sứ mạng này phát xuất từ chính mệnh lệnh của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).
[3] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo (HTXH), Nxb. Tôn giáo, 2007, số 62.
[4] Ibid., số 61.
[5] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh khía cạnh luân lý này trong Sứ điệp cho Ngày Hoà bình thế giới 2009. X. Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the Celebration of the World Day of Peace, 1 January 2009, số 3-7.
[6] HTXH, số 61.
[7] Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (MV) số 45.
[8] Ibid., số 39.
[9] HTXH số 60.
[10] Ibid., số 63.
[11] Ibid., số 62.
[12] MV số 40.
[13] MV số 76.
[14] Third World Synod of Bishops, Justitia in mundo, số 6.
[15] Rabbi Abraham Joshua Heschel xem đây là nét nổi bật của các tiên tri trong Cựu Ước đến nỗi có thể dựa vào tiêu chuẩn đó để phân biệt giữa tiên tri thật và tiên tri giả. X. The Prophets, New York: Harper & Row, 1962.
[16] HTXH số 417.
[17] HTXH số 418.
[18] MV số 36.
[19] Gioan Phaolô II, thông điệp Centesimus annus, số 47.
[20] Phát biểu của Đức Bênêđictô XVI khi đến thăm Toà Đại sứ Italia tại Toà Thánh (tháng 12.2008).
[21] Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 28.
[22] HTXH số 426, Dignitatis humanae số 4.
[23] MV số 76.
[24] MV số 76.
[25] HTXH, số 530-532.
[26] Thiên Chúa là Tình Yêu, số 28.
[27] X. MV số 76. Cách riêng về phía Giáo Hội, theo cách diễn tả của Hồng y Roger Mahoney, có hai tiến trình: (1) phi chính trị hoá (depoliticization) tức là không biến mình thành một lực lượng chính trị vì như thế là sai với bản chất và sứ mạng của Giáo Hội, (2) tái hoà nhập xã hội (resocialization) tức là quan tâm đến các vấn đề xã hội, coi đó như thành phần thiết yếu trong sứ mạng của Giáo Hội. (X. Mahoney, As I have done for you, Origins 29/46 (May 4, 2000), p. 748.
[28] Giáo Hội tại Việt Nam đã tích cực góp phần trong những chương trình xoá đói giảm nghèo, giáo dục trẻ đường phố, chăm sóc những người có HIV/AIDS… Giáo Hội còn muốn tham gia tích cực hơn nữa vào lãnh vực y tế và giáo dục học đường; tuy nhiên, cho đến nay, khuôn khổ luật pháp vẫn chưa cho phép Giáo Hội tham gia vào những lãnh vực trên.
 
Dầu chân người đại diện Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trên đất Thái Bính
Thanh Quang CSsR
23:32 20/02/2009
DẤU CHÂN NGƯỜI ĐẠI DIỆN ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI TRÊN ĐẤT THÁI BÌNH

Đúng như lộ trình đã đề ra, sau những ngày làm việc với chính phủ Việt Nam, thăm viếng Giáo Phận Hà Nội, hôm nay Phái Đoàn Tòa Thánh Vatican, những vị đại diện cho Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã dặt những bước chân và để lại những dấu chân trên “vùng đồng chua nước mặn thẳng cánh cò bay” Thái Bình.

Những dấu chân ấy đã dể lại những ý nghĩa sau đây:

Nối kết tình hữu nghị và hợp tác giữa hai quốc gia Vatican và Việt Nam về các giá trị về phẩm giá con người, lương tâm, công lý, hòa bình, các thiện ích xã hội, các giá trị cũng như sự đóng góp to lớn của Giáo Hội Công Giáo trong việc xây dựng xã hội công bằng, văn minh, dân chủ, thăng tiến con người toàn diện.

Sự quan tâm và hiệp thông sâu sắc giữa Đức Thánh Cha Benedicto XVI và các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam.

Giáo Hội hoàn vũ đã đi sâu vào trong từng ngóc ngách của Giáo Hội Việt Nam.

Nói lên sự cảm thông sâu sắc với những nỗi khó khăn nhọc nhằn mà Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã và đang phải trải qua.

Mở ra cho một tương lai mới rạng rỡ: sẽ đến một ngày nào đó, chính Đức Giáo Hoàng sẽ đặt chân lên đất Việt mến thương của chúng ta.

Một Hội Thánh Hoàn Vũ hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.

Phái đoàn Tòa Thánh đã để lại những dấu chân ý nghĩa trên đất Thái Bình. Mong rằng Phái đoàn của những người đại diện vị cha chung vẫn tiếp tục, khi đi đến đâu, để lại những dấu chân của sự xây dựng, hàn gắn, yêu thương, tha thứ và gợi lên niềm hy vọng lớn lao cho con người trong thời đại mới hôm nay.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc hội đàm khép lại, Toà Thánh đứng về phía những người tìm kiếm công lý và sự thật
Thiên Bình
02:55 20/02/2009
Cuộc hội đàm khép lại, Toà Thánh đứng về phía những người tìm kiếm công lý và sự thật

Cuộc hội đàm gữa phái đoàn ngoại giao Toà thánh Vatican và giới chức ngoại giao Việt Nam đã khép lại sau hai ngày làm việc (16 - 18/2/2009). Kết quả của các cuộc hội đàm nhằm đưa tới việc bình thường hoá quan hệ giữa Vatican và nhà nước cộng sản Việt Nam, theo một nguồn tin nội bộ, là “chưa đi đến đâu cả ”. Những nhà quan sát ngạc nhiên vì thời lượng của các cuộc hội đàm chỉ kéo dài chưa đầy hai ngày, trong khi thời lượng phái đoàn Toà thánh dành cho các cuộc viếng thăm một số giáo phận Miền Bắc nhiều gấp đôi. Với những người giáo dân Việt Nam, chuyện thời gian hội đàm ngắn hay dài không phải là chuyện quan trọng. Điều mà người giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm là Đức Thánh Cha luôn quan tâm tới tình hình Giáo hội tại Việt Nam, nên vẫn tiếp tục đối thoại với Nhà cầm quyền Việt Nam.

Ngay sau buổi hội đàm cuối cùng, một bản thông cáo báo chí được đăng tải. Đọc bản thông cáo, nhiều người chép miệng: “Những lời lẽ có cánh: đóng góp tích cực, tăng cường quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo và qua đó tiến tới khối đoàn kết toàn dân;.. chính sách nhất quán của Việt Nam về tôn trọng tự do tín ngưỡng... có vẻ nghe đã quen tai!”

Dù những cuộc hội đàm giữa phái đoàn Toà thánh Vatican và giới chức cộng sản Việt Nam đã khép lại và kết quả theo như nhiều nguồn tin cho biết là chưa thể có việc bình thường hoá quan hệ giữa Vatican và Việt Nam, nhưng các cuộc hội đàm này cũng đã làm hé lộ nhiều điều quan trọng.

Bản thông cáo báo chí được hãng TTXVN đăng tải có đoạn: “Về phía Tòa thánh, Thứ trưởng Parolin ghi nhận trình bày của phía Việt Nam về việc thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thừa nhận những tiến bộ tích cực đã đạt được trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam và mong muốn các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican sẽ được giải quyết bằng thiện chí thông qua đối thoại chân thành.” Theo những nhà phân tích, ẩn sau những lời này là thái độ thẳng thắn, dứt khoát của Toà thánh Vatican đòi buộc Việt Nam phải có những cải thiện xác thực về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo nhằm tiến tới việc bình thường hoá quan hệ với Vatican nói riêng và với cộng đồng quốc tế nói chung. Theo một nguồn tin nội bộ từ phái đoàn Toà thánh, chính đòi buộc xác đáng này lại đang là một thách thức lớn cho nhà nước công sản Việt Nam và cũng chính vì thế việc tiến tới mối quan hệ bình thường hoá sẽ còn “gặp nhiều khó khăn” đúng như nhận định của các hãng thông tấn.

Cũng liên quan đến các cuộc hội đàm giữa phái đoàn Toà thánh Vatican và giới chức ngoại giao Việt Nam, hãng thông tấn CNA nhận định có thể phái đoàn Vatican đã nghe Hà Nội nhắc về việc thuyên chuyển tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, người đứng đầu giáo phận Hà Nội. Thực ra, theo nguồn tin đáng tin cậy từ một vị lãnh đạo của Giáo hội Việt Nam, giới chức ngoại giao cộng sản Việt Nam không hề đề cập đến chuyện liên quan tới Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt. Cũng theo như vị lãnh đạo Giáo hội nhận xét, giới lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam không nhắc đến chuyện này, vì mấy tháng trước đây họ đã quá bẽ mặt với cộng đồng quốc tế khi thực hiện chiến dịch truyền thông bôi nhọ, hạ giá tư cách của một con người thực sự yêu nước, cương trực và ngay thẳng.

Nhiều người cũng đã đặt câu hỏi: biết chắc chưa thể tiến tới việc bình thường hoá quan hệ với một nhà nước cộng sản Việt Nam, vậy tại sao phái đoàn ngoại giao Toà thánh vẫn thực hiện chuyến viếng thăm này? Một linh mục thường tháp tùng phái đoàn khi phái đoàn viếng thăm các nơi, đã đưa ra nhận định rằng sở dĩ phái đoàn Toà Thánh sang thăm Việt Nam lần này cốt để thấy rõ hơn tình hình Giáo hội Việt Nam sau những tháng ngày sóng gió, đồng thời cũng để bày tỏ quan điểm của Toà thánh là đứng về phía người nghèo trên nẻo đường tìm kiếm công lý và sự thật.
 
Diễn biến mới về vụ các giáo dân kiện các cơ quan truyền thông
CTV. C.Ss.R
04:48 20/02/2009
DIỄN BIẾN MỚI VỀ VỤ CÁC GIÁO DÂN KIỆN CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG

Sau khi nhận được giấy mời của Báo Hà Nội mới, ngày 17 tháng 2 năm 2009, bà Nguyễn Thị Việt – một trong hai giáo dân đứng đơn kiện các cơ quan truyền thông, đã gửi giấy đề nghị Báo Hà Nội mới rằng, bà rất vui được gặp Ban biên tập Báo Hà Nội mới, nhưng để buổi gặp đạt kết quả tốt, bà đề nghị ba yêu cầu: thứ nhất cho biết rõ nội dung buổi gặp mặt; thứ hai đề nghị cho Bà Dung người đồng đơn được có mặt; thứ ba yêu cầu có luật sư đi cùng. Bà cũng đề nghị Báo Hà Nội mới trả lời bà bằng văn bản.

Tuy nhiên, mọi yêu cầu của bà không được đáp ứng.

Để tránh tình trạng Báo Hà Nội mới bóp méo sự thật như thói quen họ vẫn thường làm, và nhất là theo qui định “không trả lời tức là đồng ý”, chiều ngày 19 tháng 2 năm 2009, theo giấy mời, Bà Nguyễn Thị Việt, Ngô Thị Dung đã tới Tòa soạn Báo Hà Nội mới. Cùng đi với hai bà còn có trợ lý của Luật sư Lê Trần Luật, một người cháu và một người con đỡ đầu của bà Việt.

Ngay khi bước chân vào tòa soạn, nhóm người khiếu nại đã bị chặn lại bới bốn nhân viên tự xưng là người của tòa soạn. Họ yêu cầu những người không được mời phải đứng ở ngoài; đồng thời yêu cầu phái đoàn cũng không được quay phim chụp ảnh. Nhận thấy đây là một yêu cầu vô lý, Bà Việt – người có giấy mời, và những người cùng đi nhất quyết không vào nếu cả đoàn không được vào.

Sau nửa tiếng tranh luận, thấy các đề nghị của phái đoàn khiếu kiện hữu lý, nhân viên tòa soạn đề nghị phái đoàn ngồi chờ để anh ta còn đi xin ý kiến lãnh đạo. Khoảng 40 phút sau, anh ta trở lại và vẫn lập lại điệp khúc cũ: “Quy định của ban bạn đọc chúng tôi là vậy, chỉ tiếp người có đơn”. Khi được đề nghị xem văn bản qui định, người này nói: “Đấy là chúng tôi qui định với nhau, chứ văn bản ở đây làm gì có”.

Sau một hồi tranh luận, anh nhân này bắt đầu đuối lý. Không còn cách nào khác, anh lại xin phép cho anh vào để xin ý kiến lãnh đạo.

Khoảng 20 phút sau, anh trở ra. Lần này, đi theo anh là một thanh niên cầm trên tay chiếc máy Camera. Người này lập tức cầm máy lia một vòng tất cả nhóm người khiếu kiện. Các giáo dân – nguyên đơn, phản đối dữ dội và đề nghị các nhân viên Báo Hà Nội mới không được quay phim, nếu tiếp tục quay phim, các giáo dân và đoàn khiếu kiện cũng sẽ quay phim bởi nhân viên Báo Hà Nội mới đã vi phạm chính điều họ đã đưa ra là “không được quay phim ở cơ quan”. Thế là hai bên thi nhau mạnh ai nấy chụp.

Thấy không thể giải quyết được, anh cán bộ nhân viên khi nãy lại một lần nữa trở vào xin ý kiến lãnh đạo. Khoảng 20 phút sau, anh trở ra với khuôn mặt buồn bã và tiếp tục ca lại bài ca muôn thuở, nhưng với một cung giọng thiểu não, đáng thương: “Thôi mà bác, có gì đâu, bác vào chúng tôi trả lời bác theo đơn khiếu nại, có thế thôi mà”.

Tới nước này, vì lòng nhân ái, Bà Việt đã đồng ý vào làm việc. Buổi làm việc diễn ra chóng vánh. Qua cuộc làm việc, Báo Hà Nội mới chính thức trả lời bằng miệng rằng: “Căn cứ vào diễn biến phiên tòa, họ đưa tin như thế là đúng sự thật và vì thế sẽ không cải chính”. Thế nhưng, khi được yêu cầu thể hiện những điều này bằng văn bản và lập biên bản, Báo Hà Nội mới đã từ chối.

Qua diễn biến xảy ra ngày 19 tháng 2 năm 2009 vừa qua, cho các cơ quan báo chí và bộ phận chủ quản đang hết sức lúng túng và chơi quả “cù nhầy” dây dưa. Nói như luật sư Lê Trần Luật, trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài RFA, “con kiến” đang làm cho “củ khoai” hết sức lúng túng, chỉ một buổi chiều “củ khoai” đã phải bốn lần đi xin ý kiến chỉ đạo của “người trồng khoai”.

Điều đáng nói là, dưới sự chỉ đạo, Báo Hà Nội mới tiếp tục thách thức công luận: thay vì trả lời khiếu nại bằng văn bản, Báo Hà Nội mới đã chỉ trả lời bằng miệng với dụng ý gây khó khăn cho quá trình tố tụng sau này. Đằng sau sự kiện này, ai cũng biết, có một sự “chỉ đạo xuyên suốt”, có một thế lực bảo kê cho các cơ quan truyền thông dựa lưng tiếp tục vi phạm Luật Báo chí, coi thường bạn đọc.

Về phía các giáo dân – nguyên đơn, họ cho biết dù khó khăn thế nào, dù phải trả giá, họ vẫn sẽ quyết tâm đi tìm sự thật cho tới cùng.

20/2/2009
 
Hằng trăm dân chúng xã Long Hưng, Đồng Nai, phản đối việc khai triển dự án đất
Báo Lao Động Đồng Nai
07:52 20/02/2009
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (14): Lưu Đày
Vũ Văn An
05:56 20/02/2009
Tư Liệu Thánh Kinh: Lưu đày

Cảnh lưu đày của người Do Thái bắt đầu năm 597 trước CN khi quân Ba-by-lon bắt hằng ngàn người Do Thái đày qua Ba-by-lon. Mười năm sau, chúng hoàn toàn hủy diệt Giê-ru-sa-lem và vương quốc Giu-đa hết còn hiện hữu. Dân Do Thái lâm cảnh lưu đày trên xứ người.

Ít-ra-en: Họ đã được cảnh cáo từ lâu rằng cảnh lưu đày ấy sẽ xẩy tới. Ngay trước khi vào đất Ca-na-an, Mô-sê đã cho họ hay rằng nếu họ không chịu lắng nghe Chúa và giữ luật lệ của Ngài, họ sẽ mất lãnh thổ. Trong suốt 200 năm trước khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, các tiên tri đã liên tiếp nhắc đi nhắc lại lời cảnh cáo ấy. Thế kỷ thứ tám trước CN, A-mốt và Hô-sê nói với vương quốc Ít-ra-en ở phía bắc rằng họ sẽ khốn khổ ra sao nếu họ không giữ lời hứa vâng lệnh Chúa. Họ làm ngơ lời cảnh cáo ấy, nên năm 721 trước CN, quân Át-sua chiếm Sa-ma-ri, thủ đô của họ. Dân bị phát lưu đày đi khắp các tỉnh trong đế quốc. Ngoại nhân đến định cư trên lãnh thổ của họ và lãnh thổ ấy trở thành một tỉnh của Át-sua. Mười chi tộc Ít-ra-en không bao giờ còn được nghe đến nữa. Đnl 8:19-20; 2V 17; Am 2-9; Hs 9.

Giu-đa: Ở phía nam, Giu-đa nữa cũng bị quân Át-sua đe dọa. Vua Át-sua Xan-khê-ríp chiếm nhiều thành của Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem. Nhưng Vua Khít-ki-gia tin vào Chúa và vâng theo luật của Ngài. Ông lắng nghe sứ điệp của Chúa qua miệng tiên tri I-sai-a. Khi quân Át-sua kêu gọi ông đầu hàng, ông hướng lên Chúa kêu cầu giúp đỡ, và Chúa đã giúp ông khỏi thất trận. Tuy nhiên, dân Giu-đa chỉ học được có nửa bài học. Dần dà họ có ý tưởng coi Giê-ru-sa-lem, thành thánh Thiên Chúa, như không thể nào thất thủ được. Với thành và đền thánh, họ an toàn khỏi mọi địch thủ. Bất kể họ làm gì. Họ có biết đâu rằng họ được yên ổn là nhờ đã đóng thuế cho Át-sua, là người giao chiến với các kẻ thù khác. Tiếc thay đến cuối thế kỷ thứ bẩy trước CN, đế quốc ấy tan rã và nguy cơ xuất hiện từ phía quân Ba-by-lon. Thời Vua Giô-si-gia trị vì, tiên tri Giê-rê-mi-a bắt đầu lên tiếng cảnh cáo dân Giu-đa: Phải từ bỏ lối sống ích kỷ và tuân lệnh Chúa mới được yên ổn sống. Nhưng chẳng ai nghe ông.

Thế là năm 604 trước CN, quân Ba-by-lon chiếm Xy-ri và lãnh thổ phương nam. Vua Giơ-hô-gia-kim của Giu-đa là một trong các ông vua phải triều cống họ. Vua Ba-by-lon là Na-bu-cô-đô-nô-xo cũng bắt con tin đem về Ba-by-lon. Không lâu sau đó, Giơ-hô-gia-kim nghĩ rằng đứng về phe Ai Cập sẽ tốt hơn, do đó ông nổi lên chống lại Ba-by-lon. Ông mất mạng trước khi quân Ba-by-lon tới Giê-ru-sa-lem. Sau một cuộc vây hãm ngắn, tân vương, vốn là Giơ-hô–gia-khin, con trai ông, xin đầu hàng vào ngày 16 tháng 3 năm 597 trước CN. Na-bu-cô-đô-nô-xo lột sạch mọi châu báu của Giê-ru-sa-lem và bắt cả vua lẫn nhiều công dân hàng đầu dẫn về Ba-by-lon. Cuộc lưu đày chính thức bắt đầu. Is 36-37; Gr 7; Đn 1.

Giê-ru-sa-lem thất thủ: Na-bu-cô-đô-nô–xo để Xít-ki-gia-hu, chú của vua, ở lại làm vua chư hầu Giu-đa. Giê-rê-mi-a nói đi nói lại cho dân hay muốn yên, họ phải chấp nhận sự cai trị của Ba-by-lon. Nhưng các tiên tri giả cho rằng Ba-by-lon sắp xụp đổ và khích động Xít-ki-gia-hu nổi loạn. Quân Ba-by-lon nhanh chóng tiến đánh Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem lần nữa. Các thành khác lần lượt thất thủ, chỉ còn lại Giê-ru-sa-lem. Nó tiếp tục cầm cự trong 18 tháng sau đó. Nhưng rồi lương thực cạn dần và dân ngấp ngoái. Quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-xo vượt tường tràn vào thành đúng mùa Hè năm 587 trước CN. Xít-ki-gia-hu ban đêm ráng vượt thoát nhưng bị bắt. Quân Ba-by-lon cướp phá thành phố để lại một cảnh hoang tàn bình địa, kể cả đền thánh Thiên Chúa. Nhiều yếu nhân trong thành bị xử tử. Những người sống sót khác bị phát lưu qua Ba-by-lon nhập bọn với khách lưu đày đã có sẵn,

Vương quốc Giu-đa để lại rất ít vết tích. Những người định cư từ Ê-đom đã chiếm hết lãnh thổ phía nam Khép-ron và Bết-xua. Na-bu-cô-đô-nô-xo chỉ định tổng trấn Gơ-đan-gia-hu cai trị phần còn lại của xứ sở nhân danh Ba-by-lon. Sách Ai-Ca diễn tả lại tất cả những cảnh khiếp đảm này. Mọi thành đều tan hoang. Trừ số bị đầy qua Ba-by-lon, những người khác phần đông bị chết trận, hay chết đói hay chết bịnh vì bị vây hãm. Giờ đây chỉ còn lại một số rất ít oằn lưng trên luống cày mà kẻ xâm lăng đã tàn phá.

Gơ-đan-gia-hu đặt bản doanh của ông tại Mít-pa và ráng cai trị phần đất trao cho mình. Nhưng một số vẫn không chịu chấp nhận những nhà cai trị Ba-by-lon. Họ âm mưu chống lại và hạ sát Gơ-đan-gia-hu. Những người ủng hộ ông sợ quá phải chạy qua Ai Cập, đem theo tiên tri. Người Ba-by-lon còn phát lưu nhiều người khác nữa vào năm 582 trước CN, và sát nhập phần đất còn lại vào tỉnh Sa-ma-ri. Gr 27-28; Ac; 2V 25:22-26; Gr 40-43.

Cảnh lưu đày: Tại Ba-by-lon, người Do Thái sống tại các khu định cư riêng ở thủ đô cũng như các thị trấn khác. Họ được tự do xây dựng nhà cửa, kiếm sống và giữ các phong tục và tôn giáo của mình. Họ không được trở lại quê hương, nhưng không bị đối xử tệ. Vua Giơ-hô-gia-kim và hoàng gia được sống như ‘khách’ tại hoàng cung. Một số người Do Thái như Đa-ni-en chiếm được chức vụ cao trong guồng máy công quyền. Những thợ lành nghề của Do Thái được Na-bu-cô-đô-nô-xo sử dụng giống như các công nhân khác. Nhiều người thích sống tại Ba-by-lon đến độ khi có cơ hội được trở về tái thiết đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhiều người không chịu về. Nhưng phần đông mong mỏi được trở lại Giu-đa và trong cảnh lưu đày, họ bám lấy tôn giáo cũng như cách sống riêng của họ.

Từ ngày Sa-lô-môn xây cất đến lúc này, đền thờ Giê-ru-sa-lem đã trở thành trung tâm của niềm tin và việc thờ phượng của toàn dân Do Thái. Lúc này, đền thờ ấy đã không còn. Nên không còn nơi nào để dâng của lễ. Do đó, họ bắt đầu nhấn mạnh đến những khía cạnh khác của tôn giáo mà họ có thể tuân giữ được. Giữ ngày Sa-bát vì thế trở thành rất quan trọng. Phép cắt bì cũng vậy nó trở thành dấu hiệu giao ước giữa Thiên Chúa với họ, và những khoản luật về sạch và không sạch. Họ cũng bắt đầu biết qúi trọng như họ chưa bao giờ qúi trọng đến thế những sách ghi chép lời của Chúa. Nhiều thầy cả như Ét-ra bắt đầu nghiên cứu tỉ mỉ các lề luật của Chúa (những người nghiên cứu này được gọi là luật sĩ). Nhiều sách làm thành bộ Cựu Ước đã có được hình dáng như ngày nay là nhờ thời kỳ lưu đày này.

Trở Về Cố Hương: Năm 539 trước CN, gần 50 năm sau ngày Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon chiếm Giê-ru-sa-lem, Ky-rô, vua Ba-tư, đã đánh bại người Ba-by-lon. Đế quốc Ba-by-lon rơi vào tay người Ba-tư. Họ đặt quan tổng trấn Ba-tư (gọi là satrap) cai trị mỗi tỉnh thuộc tân đế quốc. Nhưng họ ban cho nhân dân các tỉnh này nhiều tiếng nói hơn trong các sinh hoạt riêng của họ. Họ được khích lệ duy trì các phong tục và tôn giáo của họ, và các dân bị lưu đày, kể cả dân Do Thái được trở về cố hương nếu muốn. Năm 538 trước CN, Ky-rô ban hành sắc lệnh nói rằng người Do Thái có thể ‘trở về Giê-ru-sa-lem và tái thiết Đền Thờ Thiên Chúa, Chúa của Ít-ra-en’. Họ được cấp tiền bạc và vật liệu cần thiết. Ky-rô trao trả họ vàng bạc cũng như các báu vật khác mà Na-bu-cô-đô-nô-xo đã lấy đi khỏi đền thờ. Đoàn lưu đày đầu tiên đã làm cuộc hành trình lâu ngày trở lại cố hương.
 
Văn Hóa
Tác phẩm của Trà Lũ quá ''hot,'' không đủ bán
Ðỗ Dzũng/Người Việt
08:16 20/02/2009
SANTA ANA, California - Trong lúc kinh tế khó khăn, nhiều người phải thắt lưng buộc bụng, vậy mà hơn 300 đồng hương Việt Nam vẫn đến xếp hàng chờ mua sách của nhà văn Trà Lũ trong buổi ra mắt hai tác phẩm “Miền Ðất An Lạc” và “500 Chuyện Cười” của ông tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, Santa Ana, trưa Chủ Nhật vừa qua, đến nỗi ông không còn đủ sách để bán.

Trước giờ khai mạc, một hàng dài độc giả ái mộ nhà văn gốc Việt hiện sống tại Canada đã chen chúc nhau, thậm chí giành nhau, để mua hai tác phẩm này.

Không chỉ mua cho mình, một số người còn mua giùm người khác, hoặc mua thêm làm quà cho người thân và bạn bè.

Khi sách bắt đầu cạn và phải chờ mang tới thêm, nhiều người hỏi: “Bao giờ sách mới đến?”

Một người khác vừa đưa tiền vừa hỏi: “Bây giờ trả trước lát nữa lấy sách được không?”

“Xin quý vị cứ giữ tiền. Khi nào lấy sách rồi trả. Chúng tôi không chắc có đủ sách cho mọi người,” một người giúp bán sách trả lời.

Cứ thế, hết người này đến người nọ chen vào hỏi, nhất là tác phẩm “500 Chuyện Cười.”

Một người khác vừa chỉ vào những cuốn sách trên bàn vừa hỏi: “Còn mấy cuốn này sao không bán?”

“Những cuốn này đã có người mua rồi. Họ gởi đây để lát nữa đến lấy,” một người trả lời.

Cuối cùng, ban tổ chức phải lập một danh sách cho những người muốn ghi danh trước, để lát nữa có sách mới có cơ hội mua.

Trong khi đó, bên trong hội trường nhiều người đã ngồi chờ sẵn để nghe nhà văn Trà Lũ nói chuyện.

Một số độc giả khác, may mắn mua được sách trước, đã mở ra đọc ngay, trong lúc chờ đợi buổi nói chuyện.

Sau đó, ban tổ chức đem được một thùng sách ra. Chỉ trong vòng năm phút, không còn một cuốn.

Nhà báo Ðinh Quang Anh Thái, người điều khiển chương trình, đã phải khôi hài thốt lên: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này mà ông Trà Lũ từ Canada sang Little Saigon 'làm ăn' khấm khá hơn chúng tôi ở đây.”

“Một số người thất vọng quá, đòi mua luôn ông Trà Lũ về nhà để mỗi ngày kể vài câu chuyện cười thì mới thỏa,” nhà báo Ðinh Quang Anh Thái khôi hài tiếp, làm cả hội trường cười theo.

Chính nhà văn Trà Lũ cũng ngạc nhiên. Ông nói với nhật báo Người Việt như sau: “Ðây là lần thứ tư tôi ra mắt sách tại đây. Thật khác xa so với những lần trước, không ngờ đồng hương ái mộ đến thế. Trong khi kinh tế xuống mà người mua sách của tôi lại đông hơn trước. Thật là cảm động.”

Cuối cùng, ban tổ chức phải thông báo rằng nhà văn Trà Lũ sẽ gởi thêm hai tác phẩm này đến Little Saigon Radio để đồng hương có thể mua.

Ông Nguyễn Hữu Công cho phóng viên nhật báo Người Việt biết: “Khi nào nhận được sách của nhà văn Trà Lũ gởi qua, Little Saigon Radio sẽ thông báo để đồng hương đến mua.” Ông Công là giám đốc chương trình của đài phát thanh Little Saigon Radio.

Little Saigon Radio, Hồn Việt TV và tuần báo Việt Tide chính là ba cơ quan truyền thông đứng ra bảo trợ buổi ra mắt sách này.

Trong phần giới thiệu nhà văn Trà Lũ, ông Nguyễn Hữu Công nói: “Chuyện của Trà Lũ có những nhân vật nói chuyện rất văn hóa, không trơ trẽn. Trà Lũ kể chuyện ở Canada, nhưng không chỉ nói về văn hóa Canada, mà nói về văn hóa Việt Nam.”

Kế đến là phần giới thiệu tiểu sử của nhà văn Trà Lũ do cựu Ðại Tá Trần Minh Công phụ trách.

Nhà văn Trần Phong Vũ được mời giới thiệu hai tác phẩm “Miền Ðất An Lạc” và “500 Chuyện Cười.”

Nhà văn này cho rằng tác giả Trà Lũ đã khéo léo dùng ngòi bút của mình kể lại những câu chuyện cười, ngay cả tục tĩu, thành những câu chuyện mang đầy luân lý nhưng vẫn khôi hài.

Ông nói: “Hầu hết đằng sau các câu chuyện tục đều hàm ý luân lý. Nhưng ông Trà Lũ đã dùng cách kể thanh hơn để hy vọng chúng ta học được điều gì đó. Và ông vẫn giữ được nét khôi hài của câu chuyện. Viết chuyện cười đã khó, kể chuyện cười còn khó hơn. Nhà văn Trà Lũ đã thành công trong lãnh vực kể chuyện cười.”

Riêng ông Trần Minh Công thì cho rằng “hễ thấy ai đi ngoài đường mà tủm tỉm cười một mình, không bị thần kinh, thì chắc người đó đã từng đọc chuyện cười của Trà Lũ.”

Ông Trần Minh Công còn cho biết, ngoài chuyện cười, nhà văn Trà Lũ còn viết nhiều tác phẩm mà tựa đề luôn có chữ “đất,” ví dụ như “Ðất Lành,” “Miền Ðất An Lạc...” Ông còn cho biết trước đây nhà văn Trà Lũ đã viết “300 Chuyện Cười” nay thì thêm “500 Chuyện Cười” nữa.

Theo ông Trần Minh Công, nhà văn Trà Lũ tên thật là Trần Trung Lương. Ông tốt nghiệp Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1960 và sau đó dạy học tại trung học Chu Văn An.

Một thời gian sau, ông sang Anh du học. Trở về Việt Nam, ông dạy học tại Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Tháng Sáu, 1975, ông vượt biên và định cư tại Canada. Ông làm việc cho Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Di Trú Canada.

Ông bắt đầu viết năm 1986 và đến nay đã cho ra đời hơn 10 tác phẩm, đa số là chuyện cười.

(Nguồn: Bài và hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt, February 17, 2009)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Mảnh Quê Xưa
Lê Ngọc Minh
06:16 20/02/2009

MỘT MẢNH QUÊ XƯA



Ảnh của Lê Ngọc Minh

Quê tôi thơ mộng hữu tình

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh bước chân

Dòng sông nước chảy lâng lâng

Đò chiều rời bến bâng khuâng vào bờ

Lục bình trôi nổi lững lờ

Theo mây theo nước dập dờ trên sông…

(Trích thơ của Ngô Thiên Tú)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền