Ngày 20-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lòng từ tâm
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
05:16 20/02/2008

Lòng từ tâm

Lazarô, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Có người hỏi,

— Tại sao lại ăn chay vào mùa Chay?

Tại sao?

Theo như thánh sử Luca 16:19-31, tại một thành phố kia có một người nhà giàu ngày đêm yến tiệc linh đình. Ngày ngày ông ta khoác vào người một bộ quần áo đẹp sang trọng. Nằm ngay trước cửa nhà là ông ăn mày Lazarô ghẻ lở đầy mình. Người hành khất bần hàn chỉ có một giấc mơ nhỏ nhoi là được ăn những mảnh vụn của thức ăn dư thừa rơi từ bàn ăn của ông nhà giàu. Nhưng rất tiếc ước mơ nhỏ nhoi này cũng không bao giờ trở thành hiện thực. Ngày ngày Lazarô nằm trước cửa nhà của ông nhà giàu, nhưng không ai để ý tới sự hiện diện của người hành khất ngoại trừ những con chó, ngày ngày chạy đến liếm những vết thương ghẻ lở trên thân thể của ông ta. Cuối cùng người nhà giàu và ông hành khất cũng qua đời. Trong khi người hàng xóm bần hàn thuả xưa được đưa thẳng về trời, ông nhà giàu lãnh cái vé xe lửa tốc hành một chiều đi thẳng tới Hỏa Ngục.

Vào một ngày kia ngước mắt nhìn lên, ông nhà giầu nhận ra người hàng xóm Lazarô đang ngồi trong lòng của tổ phụ Abraham, hình ảnh của Thiên Chúa. Người nhà giàu mở miệng xin một giọt nước, bởi ông ta bị đốt cháy trong ngọn lửa nóng. Nhưng Thiên Chúa nói qua miệng của tổ phụ Abraham,

— Trễ quá rồi con! Trễ quá rồi!

Một giọt nước chẳng là chi. Một trăm giọt nước cộng lại ra một chén nước lạnh cũng không là gì. Không ai buôn bán một giọt nước. Chẳng ai nỡ lòng từ chối một chén nước lạnh với người qua đường. Nhưng yêu cầu nhỏ nhoi, một giọt nước làm nguội đầu lưỡi của ông nhà giàu trong Hỏa Ngục cũng bị Thiên Chúa, một Thiên Chúa của từ bi và nhân hậu thẳng thắn chối từ. Thiên Chúa không phạt ông nhà giàu bởi sự giàu có của ông ta, bởi nếu con cái của Ngài trở thành triệu phú, sống trong nhung êm nệm gấm, Thiên Chúa cũng mừng vui cho họ. Ông nhà giàu bị phạt rớt thẳng xuống Hỏa Ngục bởi đời sống thiếu bác ái, nói một cách khác, đời sống ích kỷ của chính ông ta. Cả một đời sống trong cơm ngon áo đẹp, không bao giờ ông ta mở mắt nhìn đến người hàng xóm đang ngày ngày nằm ngay trước cửa nhà của mình. Có một điều khá lạ, tên của người hành khất được đánh vần viết rõ từng chữ, Lazarô, nhưng tên của người nhà giàu là chi, không ai biết, chẳng ai hay. Người nhà giàu trở thành một nhân vật vô danh bởi tên tuổi của ông ta không được thánh sử Luca nhắc tới. Một trong những cách để giải thích hiện tượng thiếu vắng tên tuổi này là bởi vì đời sống ích kỷ của ông ta đã biến người nhà giàu trở thành một thứ rác rưởi của xã hội. Một người có đời sống rác rưởi như vậy, tên tuổi của người đó không xứng đáng được ai nhắc tới. Hỏa Ngục hay Sheol trong tiếng Cổ Do Thái cũng có nghĩa là nơi chứa rác rưởi. Ðời sống ích kỷ của người nhà giàu đã biến ông thành rác rưởi. Bởi vậy, Sheol, Hỏa Ngục, nơi chứa rác rưởi là nơi duy nhất xứng đáng dành cho những con người rác rưởi như ông ta định cư lâu đời và định cư mãi mãi.

Theo như thánh sử Matthew, vào ngày cuối đời, Thiên Chúa sẽ chất vấn những người đứng bên tay trái và bên tay phải của Ngài đúng một câu hỏi, “Khi xưa ta đói, các con có cho Ta ăn? Ta khát, các con có cho Ta uống? Ta là khách lạ, các con có tiếp rước? Ta trần truồng, các con có cho Ta mặc? Ta đau yếu, các con có thăm viếng? Ta ngồi tù, các con có hỏi thăm?” (Matt 25:35-36). Dựa vào Matt 25:31-46, chúng ta kinh ngạc khám phá ra một điều, theo như thánh sử Mátthêu, vé vào cửa Thiên Đàng sẽ được đóng mộc bởi một và chỉ một con dấu mà thôi, xin thưa con dấu của lòng từ tâm. Ngày xưa, khi bị Thiên Chúa chất vấn, “Em con đâu rồi?”, Cain nhún vai nói, “Con không biết. Con có phải là người chăm sóc em con hay không?” (Genesis 4:9). Giavê Thiên Chúa không chấp nhận câu trả lời này. Mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đều là con cái của Chúa, bởi vì vào ngày thứ Sáu trong tuần nhân loại đã được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa (Genesis 1:27). Bởi thần đề căn bản này, mọi người trên trái đất đều có nhiệm vụ phải săn sóc và bảo vệ những người kém may mắn hơn mình. Câu hỏi Giavê Thiên Chúa hỏi Cain thuả xưa, “Em con đâu rồi” (Genesis 4:9), Ngài sẽ hỏi lại chúng ta một lần nữa, khi con người đứng trước mặt Tòa Án Tối Cao trên Nước Trời. Tùy theo câu trả lời, chúng ta sẽ được sắp xếp đứng bên tai phải hay tay trái của Thiên Chúa. Nếu giàu lòng từ tâm, chúng ta đứng bên phía của ông Lazarô. Nếu thiếu lòng từ tâm, chúng ta xếp hàng song song với ông nhà giàu vô danh.

Suy Niệm

Ăn chay vào mùa Chay là một cơ hội để thực hiện lòng từ tâm, bởi số tiền thay vì để mua tôm hùm, cua Alaska, vi cá, và bào ngư, người tín hữu sẽ dùng trọn vẹn số tiền đó làm việc bác ái cho những người thiếu may mắn hơn mình. Mùa Chay do đó cũng là mùa của lòng từ tâm, bởi mỗi một người tín hữu được Giáo hội kêu gọi hãy mở rộng lòng, nhìn qua bên hàng rào của hàng xóm, của thôn làng, của quốc gia, để nhận ra không phải chỉ riêng mình khổ, nhưng cả thế giới này đang nghèo đói.

Thực hành

Trong Mùa Chay này, tôi sẽ làm ba việc bác ái,

— Một cho người thân trong gia đình,

— Một cho hàng xóm.

— Một cho chính mình...

Lời Nguyện

Lạy Chúa, trong Mùa Chay thánh này, xin dạy con mở rộng lòng để con nhận ra cả thế giới này đang đói khát và nghèo nàn. Xin ban cho con thêm lòng từ tâm để tim con biết rung một nhịp khốn khó với tha nhân.

www.nguyentrungtay.com
 
Thay Đổi Cuộc Đời (thơ)
Tuyết Mai
11:55 20/02/2008
Thay Đổi Cuộc Đời

Có khi nào anh thử tự tưởng tượng!?
Nằm giả chết không còn biết sự gì chung quanh!?
Anh thử tưởng tượng khi anh nhắm hai con mắt,
Nằm ngay đơ không cục cựa trong quan tài đẹp đẽ,
Bao nhiêu vòng hoa trang hoàng thật đẹp thật thơm tho,
Chung quanh anh hương thơm luôn tỏa ngát mùi.

Tưởng tượng xem gia đình đứng chung quanh anh,
Mặc một màu tang trắng phủ che kín mặt,
Khóc thương anh hỡi người chồng, bố, anh, em
Cậu, chú, ông nội, ông ngoại,....!

Điều gì sẽ làm anh xúc động và thương cảm?
Điều gì sẽ làm lương tâm anh cắn rứt?
Điều gì sẽ làm anh bực bội và cần phải lên tiếng?
Điều gì sẽ làm anh nuối tiếc vì anh chưa được làm?
Điều gì sẽ làm anh muốn đổi tất cả để chỉ mong được sống?

Một cuộc sống bình thường không tất bật vất vả.
Một cuộc sống không chủ đích muốn làm giầu.
Một cuộc sống chỉ cầu vừa đủ xài?
Một cuộc sống trong hòa bình và công chính.
Một cuộc sống hữu dụng và làm lợi cho đời và cho người.

Khi anh nằm với thân xác lạnh lẽo và bất động,
Anh nghĩ anh sẽ làm được gì để thay đổi gia đình anh?
Anh nghĩ anh sẽ làm được gì để thay đổi chính anh?
Anh nghĩ anh sẽ làm được những gì cho ai chung quanh anh?
Những người mà anh từng hiếp đáp và làm họ buồn lòng,
Anh có muốn xin lỗi họ không khi anh có thể!?

Bây giờ thì anh có quyền mở mắt ra,
Để thấy được sự sống,
Sự sống thật sự anh muốn sống.
Chúc anh thật hạnh phúc trong một con người,
Hoàn toàn đổi mới của anh.
Hãy trở về và làm lại cuộc đời,
Làm người thật hữu dụng cho anh,
Gia đình, Tổ Quốc, và tất cả mọi người chung quanh anh.
 
Một chút tâm tình Mùa Chay
Trần Bảo Kỳ
11:56 20/02/2008
Một chút tâm tình Mùa Chay

Đã có lần cũng trên diễn đàn này tôi viết rằng giáo dân chúng ta được nghe nhiều bài giảng hay vào Mùa Chay. Hôm nay, tôi chợt nhớ đến bài giảng hay về Xét mình và Sám hối của linh mục Chân Tín trong Mùa Chay tại một buổi lễ Chúa Nhật ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng cách đây đã hai mươi năm có lẻ.

Tôi không nhớ rõ chi tiết nhưng ngài giảng hay quá, tôi ‘mê mẩn’ nghe, để rồi đến một đoạn, tôi cảm thấy lạnh gáy vì mới được tha ra từ trại cải tạo, những kỷ niệm xót xa vẫn còn quá mới, khi nghe ngài dằn giọng: “Nhà Nước cũng phải sám hối”. Tôi giật mình và nghĩ ngay ‘Cha Chân Tín muốn đi ở tù’. Tôi đem chuyện nói với một người bạn biết nhiều về Lm Chân Tín hơn và được anh cho biết rằng có lần Công an tới làm khó dễ ngài, ngài đã đưa hai tay cho Công an và nói rằng: “Các anh cứ bắt tôi đi. Ngày xưa có bất công tôi chống, và ngày nay có bất công tôi cũng chống”. Thế nhưng ‘ngày xưa’ khác và ‘ngày nay’ khác. Hậu quả của sự chống cái bất công ‘ngày nay’ của ngài là ngài đã gặp muôn vàn khó khăn.

Cho tới ngày nay, tôi nghĩ rằng Nhà Nước Việt Nam có xét mình, có sám hối, nói theo ngôn từ nhẹ hơn thì NNVN có xét lại những lỗi lầm và có sửa đổi, nhưng chưa đủ, chưa đều khắp. Nhưng đó không phải là mục đích của bài viết này vì, thứ nhất, đã có nhiều bài viết về đề tài này và, thứ hai, nếu muốn viết nữa thì cũng còn dài lắm.

Hôm nay, tôi xin được góp vài ý nhỏ về việc giáo dân xét mình và sám hối trong Mùa Chay mặc dầu tôi nghĩ rằng chẳng phải đợi đến Mùa Chay chúng ta mới xét mình và sám hối. Tôi tin chúng ta đều đồng ý với nhau rằng không ai trong chúng ta mà không mắc sai lầm, không có tội, dù lớn hay nhỏ. Thế nhưng có mắc sai lầm, có tội, mà nhận ra sai lầm, mà nhìn ra tội lỗi, và có sám hối, có sửa đổi, thì Chúa sẽ tha thứ và loài người có thể thông cảm.

Vấn đề chỉ trở nên phức tạp hơn khi người mắc sai lầm không nhận ra sai lầm, có nghĩa là không xét mình đúng mức, và do đó vẫn cho rằng việc làm của mình là đúng, là có thể mang lại lợi ích về mặt nào đó, cho ai đó. Trầm trọng hơn, khi những sai lầm có thể biến thành tội lỗi nếu tạo ra những hệ quả tiêu cực cho tha nhân, cho cộng đồng xã hội, và cho chính bản thân mình.

Vậy những sai lầm, những tội lỗi xuất phát từ đâu? Từ trong bài ‘On Being Sinfully Ignorant’ của Lm James V. Schall, S.J., giáo sư môn Political Science tại Đại học Georgetown, đăng trên trang web Crisis, mà tôi đã chuyển ngữ thành ‘Vì dốt nát mà phạm tội’, chúng ta có thể rút ra những điều thật hữu ích sau đây:

Trước hết, đã có sự không đồng ý giữa hai triết gia nổi tiếng. Trong khi triết gia Socrates cho rằng tội lỗi chỉ là vấn đề dốt nát. Nếu chúng ta hiểu biết nhiều hơn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ phạm tội, thì triết gia Aristotle lại cho rằng càng học cao thì những chất liệu tạo ra tội lỗi càng tinh vi hơn, càng phức tạp hơn. Một thành phần của tri thức là một yếu tố đuợc coi như nghệ thuật khéo léo của sự ác. Lại nữa, khi chúng ta muốn làm một việc gì, chúng ta luôn có thể tạo ra lý do để giải thích cho việc làm đó, để chúng ta an tâm rằng việc làm đó là có thể chấp nhận được.

Thật là không may, nếu việc làm của chúng ta là không đúng mà chúng ta tưởng là đúng, là hợp lòng người, là có thể đem lại một cái gì tốt đẹp hơn.

Từ nhận xét trên, chúng ta có thể thấy rằng sai lầm, hay tội lỗi, do dốt nát không trầm trọng lắm, và có vẻ như dễ giải quyết vì chỉ cần đến sự giáo dục tốt. Thế nhưng khi đã có sự giáo dục tốt, đã có tri thức tốt, mà lại dùng sự giáo dục đó, tri thức đó như một nghệ thuật của sai lầm, của sự ác, thì thật là một thảm họa, ít là tiềm tàng, cho tha nhân, và có khi cho chính mình.

Vậy đã là người Công giáo, là con cái Chúa, thì nếu không phải là mỗi ngày, ít ra cũng một lần một năm trong Mùa Chay này, chúng ta phải cầu nguyện xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để chúng ta thôi căn cứ vào cái vốn học thức trần thế của mình, cái sức hiểu trần thế của mình, cũng như nhận xét chủ quan của mình mà tiếp tục làm điều sai mà vẫn tưởng là đúng, để rồi việc làm sai của mình gây ra những hệ lụy phức tạp hơn cho đại gia đình con cái Chúa.

Phải chăng đó là thành thật Xét Mình và Sám Hối?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:17 20/02/2008
TỬ CHI ĐẢO NGÔN

N2T


Tử Chi là thừa tướng nước Yên, quyền lớn trong tay, có rất nhiều người, vì muốn được lợi nên tự nhiên sẽ nghĩ dùng mọi thủ đoạn xấu xa để kết thân với ông ta. Do đó, đối với Tử Chi mà nói, thì người bên cạnh ai nói gì có thể tin thì tin, ai nói điều gì không thể tin thì không tin, là rất quan trọng.

Có một lần, khi ông ta và các quan lại đang nói chuyện với nhau, đột nhiên giả bộ nói: “Ái dà, cái gì mới đi qua vậy hử ? Là con ngựa bạch chăng ?”

Mọi người đều nói không nhìn thấy, nhưng lại có một người đứng dậy đuổi theo, một lúc sau trở lại báo cáo: “Đúng là một con ngựa bạch.”

Tử Chi cũng biết người bên cạnh ai là người không thành thực.

(Hàn Phi tử: Nội các thuyết thượng-Thất thuật)

Suy tư:

Càng làm lớn thì càng có nhiều người bên cạnh, người bên cạnh có thể là người nịnh hót, có thể là người đến nhờ cậy, có thể là người của kẻ thù cài vào, cũng có thể là người quân tử hoặc cũng có thể là kẻ tiểu nhân, có thể là người thành thực và cũng có thể là người dối trá...

- Có một vài quan lớn cảm thấy thỏa mãn vì có nhiều người đến bên mình, tâng bốc nịnh bợ mình, đó là những ông quan tham nhũng, hối lộ và kiêu căng.

- Có những ông quan lớn cảm thấy buồn và bực mình khi thấy chung quanh mình toàn là những người chỉ biết nghe biết dạ mà không biết sáng tạo, phản bác và năng động, đó là những ông quan có tinh thần cấp tiến muốn đổi mới.

- Có những ông quan lớn hay thở dài vì thấy những bất công và bất hợp lý của cấp trên, vì thấy cấp dưới chỉ biết lo cho bản thân mà không làm tròn trách nhiệm chung, đó là những ông quan an phận có chút lương tâm để làm tròn bổn phận của mình.

- Có những ông quan lớn bị “đì” vì dám cãi lời cấp trên, vì dám nói dám làm, vì liêm chính vô tư khi làm việc quan.

Làm quan lớn mà chí công vô tư thì cũng khó thật, bởi vì quyền lực và vật chất thì làm cho họ ngã ngựa, nhưng những người xum xoe quanh họ thì làm cho họ chết mất lương tâm của mình, mà cái chết của lương tâm chính là mắt bị mờ nhìn không thấy cái khổ của bá tánh, vì bị những người chung quanh che khuất; tâm hồn lương thiện bị ô nhiễm vì những lời nói nịnh bợ của những người xum xoe chung quanh; miệng bị bịt kín bởi những tờ giấy bạc xanh đỏ của những người xum xoe chung quanh...

Chỉ có những ai nghe lời dạy của Chúa Giê-su mới trở thành một người lãnh đạo khiêm tốn, một ông quan chí công vô tư, lời của Chúa Giê-su như sau: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt 20, 26-27)
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 20/02/2008
N2T


5. Thánh Thể giống như ngọn lửa bừng cháy, khiến tôi khi rời khỏi bàn thờ vẫn phát ra lửa yêu rất mạnh, làm cho ma quỷ kinh khiếp.

(Thánh John Chrysostom)
 
Truyền bá Lời Chúa cho các tù nhân
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
19:57 20/02/2008
TRUYỀN BÁ LỜI CHÚA CHO CÁC TÙ NHÂN

Trong vòng 15 năm, Cha Yves Aubry là Linh Mục Công Giáo Tuyên Úy nhà tù Bois-d'Arcy ở Yvelines, thuộc vùng Phụ cận Paris, thủ đô nước Pháp. Cha sáng lập Hội ”Le Bon Larron - Người Trộm Lành” có mục đích loan báo Lời Chúa cho các tù nhân. Cha cũng thành lập Hội ”Les Amis de Tibériade - Các Bạn Hữu Tibériade” nhằm giúp cựu tù nhân hội nhập vào đời sống Giáo Hội và xã hội. Cha Yves Aubry nói về công tác mục vụ ”Trình bày Ánh Sáng THIÊN CHÚA” nơi các nhà tù như sau.

Chỉ người nào được Chúa Thánh Linh thúc đẩy mới dám loan báo Lời Chúa cho các tù nhân. Lời an ủi, Lời chữa lành cho những ai tiếp nhận Lời Chúa. Phải, chỉ khi nào được Chúa Thánh Linh sai khiến - điều kiện đầu tiên và không thể thiếu được - thì mới có đủ can đảm rao giảng Lời Chúa và trông thấy cảnh Lời Chúa thấm nhập vào con tim các tù nhân. Đây là kinh nghiệm tôi từng chứng kiến nơi các nhà tù. Từ đó, loan báo Lời Chúa trở thành nhu cầu đích thực, một cần thiết cho kẻ được Tình Yêu từ Con Tim THIÊN CHÚA chạm đến trong cõi thâm sâu nhất của lòng mình.

Thánh Phaolo tông đồ đã chẳng từng nói: ”Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Đức Chúa GIÊSU KITÔ” (1Cor 9,16b) đó sao? Chúng ta nhớ rằng, sau khi nhận lãnh Thánh Thần và trước khi bắt đầu rảo quanh các miền để công bố Tin Mừng, lời đầu tiên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ chính là: ”Thầy đến để trả tự do cho người bị áp bức, giải thoát kẻ bị giam cầm, giải phóng các tù nhân, những người ở sau chấn song cũng như mọi người khác, và chính vì vậy mà Thầy trao ban cho họ Thần Khí của Thầy” (xem Luca 4,18-19). Nếu ai biết tiếp nhận Lời Chúa thì Ngài sẽ dẫn người ấy đi vào nội tâm sâu thẳm và ban cho họ sức mạnh giải thoát. Họ sẽ được tái tạo nhờ Tình Yêu.

Tôi từng sống, từng cảm nhận và chia sẻ nỗi sầu khổ dằn vặt của các tù nhân. Không nên quên rằng, người bị tù phải chịu đau khổ thật dữ dội. Họ bị bứt khỏi tình cảm gia đình, không được hưởng hoa trái lao công, bị bứng khỏi môi trường tự do và an toàn. Họ bị tống giam gần giống như người ta giam cầm các con thú dữ. Phần đông các tù nhân sống triền miên trong sầu khổ, trong tủi hổ, trong hối hận vì nhận ra điều dữ mình đã làm cho người khác. Các tù nhân còn bị dằn vặt bởi mặc cảm thấp hèn, bất lực và nhất là bị lương tâm cắn rứt ngày đêm.

Trong hoàn cảnh đáng thương như thế của các tù nhân, nếu chúng ta - các tín hữu Công Giáo - không loan báo Đức Chúa GIÊSU Cứu Thế cho họ, thì thử hỏi: ai sẽ làm công việc này? THIÊN CHÚA đã mặc xác phàm để băng bó vết thương các con tim. Chỉ duy nhất Ngài mới có đủ khả năng chữa lành những ai tiếp nhận Lời Chúa được rao giảng với tình yêu. Chỉ duy nhất THIÊN CHÚA mới có thể đi vào tận cõi thâm-sâu kín-ẩn nhất của con người để soi sáng và chữa lành. Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng Cứu Độ duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Việc biến đổi nhà tù thành nơi thanh luyện mang tính chất nhân bản, tùy thuộc phần lớn việc truyền giáo cho các tù nhân, được tái sinh trong nhân phẩm của họ. Vì thế, để loan báo Lời Chúa nơi nhà tù, tín hữu Công Giáo cần phải hợp tác chặt chẽ với nhiều người khác hầu biến nhà tù thành nơi có tình người hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của tín hữu Công Giáo chính là rao giảng Lời Chúa cách trung thực, không quanh co bóp méo và rao giảng với trọn tình yêu nơi Đấng Cứu Thế duy nhất.

Trong thông điệp ”Redemptoris Missio - Sứ Mệnh Cứu Thế” (7-12-1990), Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005) nhắn nhủ rõ ràng rằng: ”Thời đã điểm để mọi người dùng toàn sức lực của Giáo Hội dấn thân trong việc Truyền Giáo Mới. Không một người nào tin vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, cũng không một đoàn thể nào của Giáo Hội, được phép tránh né khỏi nhiệm vụ tối cao là loan báo Đức Chúa GIÊSU KITÔ”. Nói tắt một lời, các tín hữu Công Giáo phải can đảm trở thành nhà truyền giáo!

... ”Thật vậy, chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính THIÊN CHÚA, thì đó là một ân huệ. Vì nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu, thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn THIÊN CHÚA ban. Anh em được THIÊN CHÚA gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Chúa KITÔ đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (Thư I Thánh Phêrô 2,19-23).

(”Famille Chrétienne”, n.1120, Juillet/1999, trang 18)
 
Lá dừa mùa Chay
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
21:41 20/02/2008

Lá dừa mùa Chay

Bóng thời gian, Ảnh Nguyễn Trung Tây
Mùa hè Úc Châu, xoài Darwin bán khắp nơi. Ăn xoài xong, tôi ơ hờ quẳng bỏ hột xoài. Bẵng đi một tháng, tôi nhìn thấy hột xoài vẫn nằm lẻ loi ngoài sân vườn. Nhìn hột xoài mốc meo, tôi không còn nhận ra hình dạng trái xoài Darwin to tròn thơm ngát ngày nào. Xót xa cho phận xoài, tôi cúi xuống đào lỗ làm đám tang chôn hột xoài. Rồi quên đi.

Thứ ba trước ngày thứ Tư Lễ Tro, cha Giám Đốc chủng viện hỏi tôi còn giữ lại những lá dừa Lễ Lá năm ngoái hay không? Cha nói ngài đang cần lá dừa đốt cháy ra tro cho ngày Lễ Tro. Tôi đi vô phòng, cầm những lá dừa năm ngoái mang ra sân vườn. Nhìn những cánh lá khô quắt cong queo trên tay, tôi thấy lại lá dừa xanh năm ngoái. Hôm đó tôi mặc áo đỏ Lễ Lá vẩy nước phép lên những cành lá dừa xanh màu lá mạ của Melbourne. Màu xanh năm ngoái tươi vui giờ này đổi sang màu lá úa. Sợi lá dầy cứng năm xưa giờ này gầy ốm khẳng khiu. Nhìn đến là thương cho một kiếp thảo sinh. Tự nhiên tôi mơ ước nếu lá dừa đừng biến đổi màu sắc và hình thể. Tự dưng tôi thương tiếc cho đời lá ngắn ngủi. Bỗng nhiên tôi ngần ngại không muốn nổi lửa đốt lá dừa cháy ra tro.

Cách đây mấy tháng bạn tôi gọi điện thoại báo tin thân phụ vừa qua đời. Bác trai tôi vẫn thường xuyên ghé vào thăm hỏi. Bác sinh ra tại phố Hàng Đào Hà Nội, di cư vào Ông Tạ Sài Gòn, sinh viên Sĩ Quan Đà Lạt, bay sang California tu nghiệp hai năm, tham dự hội chợ quốc tế Osaka tại Nhật rồi ở lại tu nghiệp thêm một năm, sau năm 75 quay lại về Bắc cải tạo Hoàng Liên Sơn mười năm, tái định cư tại Melbourne Úc Châu năm 90. Có lần tôi nói,

— Bác sinh ra bọc vải điều, lại có sao Thiên Mã. Cho nên bác đi từ Bắc vào Nam, bốn vùng chiến thuật dấu giầy ghi đậm. Mỹ bác cũng biết. Nhật bác cũng rành. Giờ lại đi Úc. Nhất bác.

— Ừ, bác thấy mình đi cũng nhiều thật. Mà lần nào cũng đi xa.

Nghĩ ngợi khoảng một giây, bác lại nói,

— Không biết lần này thì sao?

Tôi nhìn bác, ánh mắt bác đăm chiêu,

— Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đúng là tro bụi…

Bác như đang nói với chính mình,

— Hành trình một đời người cũng đã xong. Hành lý cũng đã gọn gàng!

Tự nhiên bác buông lời gọn, âm tươi,

— Lần này thì lại đi…

Tháng trước tôi ghé vào bệnh viện thăm chồng cô em họ. Nhìn người nằm trên giường bệnh, tôi không nhận ra được khuôn mặt quen thuộc. Những sợi tóc đen dầy cứng giờ đã rụng hết, trơ lại bên trên vầng trán cao khoảng trống mênh mông. Màu da tuổi ba mươi giờ này không còn hồng hào nhưng bủng beo tai tái bởi căn bệnh hiểm nghèo. Dọc theo hai bên cánh tay cắm sâu những ống chích, một bên dây máu đỏ và thuốc truyền vào, một bên dây nước biển. Tôi ngồi xuống bên giường bệnh muốn lắng nghe nhiều hơn. Nhưng bởi thuốc và bệnh, người bệnh cũng kiệt sức không nói nhiều. Tôi cầm quyển kinh, lúng túng chọn bài Phúc Âm. Cuối cùng, tôi chọn Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).

Sáng Chúa Nhật thánh lễ xong, tôi mang Mình Thánh Chúa đến tư gia cho cụ. Đầu giường nơi cụ nằm có tấm hình cụ ông và cụ bà thời còn trẻ. Trong hình, cụ quấn khăn nhung đen, cần cổ cao thon tròn đều kiềng vàng, má lúm đồng tiền để lộ hàm răng trắng đều, đôi mắt mở lớn long lanh, nhìn đẹp quá. Thấy tôi chăm chú nhìn bức hình, cụ nói,

— Cái hình thời mới di cư vào Nam đấy mà. Khi đó tôi sinh được cháu đầu lòng mới non một tháng. Đấy, cái đứa bé đang ẵm trên tay là nó đấy.

Nói chuyện một hồi, tôi mới biết “cháu đầu lòng mới non một tháng” giờ cũng đã có cháu nội,

— Đây hình mấy đứa chắt… Thằng nào giờ cũng lớn tướng cả rồi.

Nhìn hình cụ ngày xưa, tôi không cầm được, bật miệng khen,

— Cụ đẹp quá…

Cụ cười móm mém hai hàm răng,

— Cha nói, thì cũng là một thời hoa khôi trong xóm giáo nhà ta. Nhưng thôi, cũng chỉ là thế gian…

Vâng, thôi, cũng chỉ là thế gian, phận người cũng như phận lá, nhân sinh cũng như thảo sinh, tất cả cũng chỉ là bụi tro rồi sẽ quay về bụi tro. Tôi thôi tiếc xót cho một đời lá dừa, nhưng quyết định nổi lửa đốt lá. Ngọn lửa bừng bừng đốt cháy đổi màu lá úa sang màu nâu, rồi là xám tro, rồi đen tuyền, màu của đất lành dưỡng nuôi.

Thân phụ bạn tôi nhắm mắt lại. Theo lời yêu cầu của người chết, bạn tôi thiêu xác thân phụ. Sau nghi thức làm phép linh cửu tại nghĩa trang, nhân viên nhà quàn chuyển áo quan xuống lò đốt. Tôi đứng cạnh bạn chứng kiến ngọn lửa lem lẻm đốt cháy linh cửu. Gỗ quan cháy để lộ ra xác người bên trong cong oằn dưới ngọn lửa tưởng như người chết sống dậy dãy dụa đớn đau. Bạn tôi không cầm được nước mắt, ngã gục vào vai tôi khóc nức nở. Chúng tôi quyết định bỏ về. Hôm sau quay lại chỉ để nhận được hũ tro.

Tôi hốt tro đen của lá dừa vô chén. Mang vô nhà nguyện, tôi đặt chén tro giữa cung thánh, chuẩn bị cho nghi thức Lễ Tro ngày mai. Nhìn tro lá dừa, tôi nghĩ tới hũ tro thân phụ người bạn và hũ tro tương lai thật gần của chồng cô em họ. Ngày hôm qua, gia đình nước mắt ngắn dài bàn chuyện hậu sự cho người thân ba mươi tuổi. Tôi ngồi bên giường bệnh, tiếp tục đọc Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp (Matt 5:4)…

Người bệnh hôm nay rất tỉnh,

— Xin cha cầu nguyện cho em…

Tôi lúng túng chọn lựa chữ nghĩa,

— Anh sẽ làm lễ… dâng một thánh lễ cầu bình an cho chú…

Tôi ngần ngại,

— Cho anh hỏi một câu có được không?

— Cha cứ hỏi…

— Anh cầu nguyện cho chú, nhưng chú có cầu nguyện cho mình hay không?

Người bệnh nói liền,

— Có chứ. Em cầu nguyện với Chúa nếu cho em làm lại, em sẽ sống khác…

— Khác như thế nào?

— Em sẽ thiết tha với cuộc sống nhiều hơn. Cha ơi, ba mươi năm trôi qua nhanh quá!

Ba mươi năm qua trôi nhanh thật. Tuổi ba mươi, có mấy người nghĩ hành trình trần thế sẽ chấm dứt, hành lý phải gọn gàng cho một chuyến đi xa.

Chiều ngày thứ Tư lễ Tro, tôi lại ghé vào nhà cụ, mang theo Mình Thánh Chúa để cụ rước lương thực thiêng liêng. Cụ nhìn tôi cười trơ hai lợi răng,

— Vất vả cha quá!

— Vậy là bác “nợ” cháu một lời kinh rồi nhé.

— Việc gì cứ phải một lời kinh. Tôi là tôi đọc cho cha ba tràng chuỗi mỗi ngày đấy.

— Cám ơn bác.

Tôi xức dấu thánh giá tro lên đầu cụ,

— Hãy nhớ mình là bụi tro…

Rồi tôi cho cụ rước lễ,

— Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

— Amen.

— Mình Thánh Chúa Kitô,

— Amen.

Chuyện qua chuyện lại, cụ lật từng trang sách thời tây càn ngoài Bắc kể cho tôi nghe,

— Mỗi lần tây càn tổng bên cạnh, thầy u vội vàng đẩy tôi vào sâu trong hầm dưới sàn cung thánh nhà thờ họ giáo. Sống dưới chân Chúa có lần tới cả tuần lễ. Làm thân con gái thời loạn, thật khổ…

Tôi hỏi cụ,

— Tám mươi năm rồi, từ Bắc vô Nam, từ Nam qua Úc, bác có lời hay ý đẹp nào muốn truyền lại cho con cháu hay không?

Cụ mắng yêu tôi,

— Cha đến là khéo nói...

Nhìn thấy tôi ánh mắt thiết tha và thật thà, cụ chép miệng,

— Nhưng thôi, cha hỏi thì nói. Tám mươi năm rồi, tôi vẫn không có điều gì hối tiếc. Của thế gian thì thôi giả lại cho thế gian. Linh hồn của Chúa thì thôi giả lại cho Chúa. Cha thấy, mới tháng trước con cháu mừng sinh nhật linh đình lắm, hành trình tám mươi năm rồi, hành lý giờ đã gói ghém cẩn thận đâu ra đấy. Giá ngày mai Chúa có cất đi, tôi vẫn sẵn sàng. Còn cha, hành lý của cha đã bọc gói tới đâu rồi?

Tôi bước ra ngoài xe, tự hỏi nếu ngày hôm nay Chúa gọi tôi về, hành lý tu sĩ tôi đã sẵn sàng hay chưa?

Nhà dòng Ngôi Lời có phong tục xướng tên cha, hoặc thầy, hoặc nữ tu thuộc đại gia đình Ngôi Lời vào ngày lễ giỗ.

— Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho linh hồn Cha Kevin, Thầy Sáu John, Sơ Mary…

Có những người tôi biết mặt, biết rõ.

Cha Kevin lớn tuổi, tính tình vui vẻ, bao dung. Gặp ai cũng cười mở miệng hỏi thăm. Nói chuyện với cha Kevin thì cười không dứt, bởi ngài có biệt tài kể chuyện tiếu lâm. Thế đấy! Buổi chiều vẫn thấy cha ngồi ăn cơm tối. Buổi tối trôi qua. Sáng không thấy cha đi lễ. Gọi điện thoại ngài không trả lời, ngoài lời nhắn văng vẳng từ trong máy...

(Xin đón đọc tiếp bài suy niệm Lá dừa Mùa Chay trong báo Nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, số 155, tháng 3 để biết trái xoài Darwin, lá dừa Melbourne, và những người Công giáo Úc Châu đã sống Mùa Chay và Mùa Phục Sinh như thế nào...).

www.nguyentrungtay.com
 
Xin ban cho con nước hằng sống
Lm Jude Siciliano OP
23:45 20/02/2008
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY A

Xuất hành 17: 3-7; Tv 95; Rôma 5: 1-2,5-8; Gioan 4: 5-42

Thưa quí vị

Từ “di dân” (immigrant) ngày nay quen thuộc với hết mọi người, mọi quốc gia. Nhưng cách đây không lâu thị còn là ngôn ngữ lạ tại vì những người mới đến thường được ta gọi bằng từ khác: dân ngoại cư (alien). Phong trào di dân bây giờ cũng là chuyện thường tình. Lý do thì vô số: kinh tế, chính trị, tôn giáo, sắc tộc…

Ông tổ tôi là người miền nam nước Ý đại lợi. Tên họ chúng tôi chứng minh điều ấy. Cư dân nước Mỹ bây giờ đều như thế cả: Anh, Pháp, Đức, Ái nhĩ lan, Phi châu, Á châu. Ngay cả dân da đỏ, tự nhận mình là dân bản địa (native). Nhưng thực ra thì cũng từ nơi khác đến. Có thể là 20, 30 ngàn năm về trước. Chẳng cần khảo cổ, cứ tra cứu tên gốc của họ, tự khắc biết. Thời còn trẻ, dưới con mắt của tôi, ông bà cha mẹ tôi là những old folks (dân kỳ cựu) họ bỏ quê hương tìm đến “đất hứa”. Họ đã chịu đựng nhiều thiệt thòi, gian khổ, rét mướt, khinh dễ, thành kiến, ghét ghen, kỳ thị… và họ cam chịu để con cháu được hưởng phúc lộc hôm nay. Ông bà tôi kể, lúc mới đến người ta ghê tởm họ vì lầm tưởng họ là những kẻ ăn giun (trùng). Thực ra họ ăn spaghetti một đặc sản của nước Ý, nổi tiếng bây giờ, nhưng lúc ấy còn rất nghèo, nên spaghetti có màu xám. Ngoài ra họ thường bị hiểu lầm về nhiều chuyện khác do ngôn ngữ bất đồng. Về phần ông bà tôi thì cũng nhớ quê hương da diết bởi phải gánh chịu những nặng nhọc, khó khăn mới.

Vậy thì chúng ta hiểu tâm lý của dân tộc Israel trong bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Xuất hành:”Trong sa mạc, dân chúng khát nước đã kêu trách ông Môsê rằng: ông đưa chúng tôi khỏi Ai cập để làm gì? Có phải để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay sao?” Tuyển dân cũng đang trên đường di cư. Họ rời bỏ kiếp nô lệ ở Ai Cập, nơi mà tổ tiên họ đã cư ngụ 400 năm, để về đất hứa. 400 năm là thời gian dài, họ đã cắm rễ sâu vào mảnh đất ấy, quen thuộc với phong tục, tập quán, nếp sống củ hành củ tỏi Ai Cập. Lúc này phải bỏ lại tất cả để ra đi, thì thật là khó, rồi phải đương đầu với những gian nan nhọc nhằn mới ở đất lạ quê người, chiến đấu với thiên nhiên, thú dữ, thổ dân. Cho nên tâm lý bất an, chao đảo là điều không thể tránh được. Như xuất hành thuật lại: Tác giả dùng hai từ cụ thể làm bằng cớ: Massah: thử thách và Meriba: chịu đựng. Cuộc hành trình thật dài, thật gian khổ, thất bại và thất vọng triền miên. Sách kể tiếp: Họ nghi ngờ kêu lên: Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?

Chúng ta có thể đồng hóa với tuyển dân trong mùa chay này, khi mà hằng ngày cũng gặp những giây phút tương tự, hoàn cảnh tương tự, trên con đường thiêng liêng, với bao cám dỗ của đồng đạo, đồng bào và thế giới chung quanh. Chúng ta than: Ích chi những khổ chế trong khi thiên hạ ngày ngày yến tiệc linh đình, ích chi khó nghèo, khiêm nhường, vâng phục; trong khi nhung lụa ê hề, kiêu căng tự khẳng định khắp hang cùng ngõ hẻm: Ti vi, báo chí, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo hội, nhà tu? Liệu tôi chịu đựng được bao lâu? Liệu Chúa còn ở với tôi không? Kết thúc rồi thế nào? Điều chi ở phía trước? Từ chối mình để làm chi? Tốt nhất là người ta sao mình vậy? Thử xem ai đã hơn ai? Trăm nghìn cám dỗ ở chân núi Horeb như tuyển dân vậy.

Hiểu thế để chúng ta thấy rằng muốn trung thành với ơn gọi chúng ta phải khao khát Chúa. Chúng ta cần đến Ngài từng giây từng phút. Chúng ta phải thay đổi não trạng thế tục để có thể tiếp tục đi tiếp con đường đã “trót chọn” theo tiếng Chúa gọi. Chúng ta luôn cảm nghiệm sa mạc trong cõi lòng mình, cho nên luôn cần nước trong lành của Ngài để giải khát, chứ đừng thắc mắc: Tôi vào nhà dòng để làm gì? Để rồi cố gắng thu tích sung sướng cho riêng mình.

Bởi lẽ, cứ như câu truyện hôm nay Chúa sai Môsê đập đá tảng cho chúng ta có nước uống. Chính từ những gian khổ hàng ngày, những vật lộn với các cám dỗ mà ơn thánh sẽ vọt ra làm đỡ cơn khát cho các môn đệ trung thành. Điều này không phải là khuyên nhủ ăn bánh vẽ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaritana ở giếng Giacóp là bằng chứng chân lý. Câu truyện dài và quá quen thuộc. Nhưng hoàn cảnh hơi khác thường. Cứ theo thói tục. Thì phân biệt giới tính thời Chúa Giêsu rất nặng nể trong các xã hội Palestine. Đàn bà, con gái, trẻ em lúc ấy chẳng có chút địa vị và nhân phẩm nào. Họ thuộc “sở hữu” của đàn ông. Luật lệ do đàn ông ban hành. Phụ nữ chỉ có bổn phận vâng theo mù quáng và tuyệt đối. Chỗ của họ là ở nhà, bếp núc, con cái. Chỗ của đàn ông là đồng ruộng, nơi công cộng, chợ búa và cổng làng. Giếng nước là chung nhưng khác thời gian: Buổi sáng và chiều, đàn bà con gái. Đàn ông, các lúc còn lại. Nhưng người phụ nữ hôm nay ở giữa trưa vắng vẻ. Các chú giải bảo rằng vì chị ta nổi tiếng xấu, nên tránh đàm tiếu của dân làng. Không hiểu thực hư thế nào. Nhưng rõ ràng câu chuyện chỉ xẩy ra giữa hai người: Một, đàn ông Do thái, kẻ thù của dân tộc Samaritanô. Hai, phụ nữ trắc nết, thuộc cư dân rối đạo.

Chắc quí vị đoán ra ngụ ý của Gioan: Ông muốn đưa vào Tin mừng một cuộc cách mạng: xã hội, tôn giáo và chủng tộc. Một con đường tinh thần hoàn toàn mới: Xóa bỏ mọi ranh giới ngăn cách. Khơi dây trong lòng người ta nội lực vô tận. Xin đọc kỹ Phúc âm. Tác giả John P. Pilch đếm được 7 lần Đức Giêsu cất tiếng nói và 7 lần người phụ nữ ngỏ lời. Đó là điều mới lạ trong cộng đồng Gioan, nơi chỉ có đàn ông được phép nói. Người ta miệt thị phụ nữ, coi họ như nô lệ. Ngày nay cũng vẫn vậy, mặc dù lý thuyết có đổi khác.

Chính các tông đồ đi chợ về chứng kiến quang cảnh cũng lấy làm gương mù. Rồi thì chị ta lại dám đi vào thành loan tin cuộc trò truyện của mình với một đàn ông lạ mặt. Đúng là Đức Kitô đang thực hiện một cuộc “tạo dựng” mới. Tạo dựng bình đẳng giữa người và người tại một nơi rất tầm thường “giếng nước”. Nhưng ý nghĩa thật là sâu sắc. Giống như Thiên Chúa ngày thứ nhất dựng nên ánh sáng. Đức Giêsu cũng kéo người phụ nữ ra khỏi tối tăm của tâm hồn, khỏi nếp sống sa đọa của chị, ban cho chị dần dần ý thức được tình trạng nô lệ của mình và căn cước của người nói chuyện với chị. Thoạt đầu, chị gọi Ngài là dân Do thái, sau đó tiến lên Đấng tiên tri, rồi Đấng thiên sai, cuối cùng Cứu Chúa của thế gian. Thì ra chị đã hiểu Đức Giêsu hơn ai hết trong giai đoạn này.

Phần Đức Kitô lại còn sâu sắc hơn. Ngài tế nhị xin nước của chị, rồi dần dần dẫn chị đến lòng khao khát “nước” Ngài ban cho chị, nước ấy vọt ra từ tâm hồn chị vươn đến sự sống muôn đời. Đó là nội lực của mỗi linh hồn. Ngôn ngữ võ nghệ gọi là thế công. Chúng ta nên suy nghĩ sâu xa hơn về biến cố này và áp dụng cho linh hồn mình. Kẻo cứ vô tâm chạy theo thế gian mãi.

Riêng đối với những ai làm việc truyền giáo, cũng nên học nơi bài đọc 3 hôm nay nghệ thuật thu hút linh hồn người ta. Không bằng tiền tài, danh vọng hoặc cưỡng chế thuyết phục, học thức hào nhoáng. Nhưng bằng kỹ thuật của Đức Kitô. Kỹ thuật đó cũng là “nội lực” của linh hồn Ngài, rồi tiếp đến xin người ta cho nước ưống, tức tài năng trí tuệ hiện trạng mà họ đang có, rồi dẫn đến sự thiếu thốn trong con người họ. Từ đấy nảy sinh lòng khao khát sự thật. Đức Kitô không dùng áp lực để tiến vào tâm hồn chị phụ nữ. Nếu như Ngài làm như vậy chị sẽ lập tức đóng cửa linh hồn chị lại, chứ không mở toang ra cho Ngài. Đây là sự khác biệt to lớn giữa những người tự nhận là thông thái, là độc quyền chân lý và Đức Giêsu, nhà truyền giáo thật sự và vĩ đại. Ngài khơi đầu câu chuyện bằng cách bày tỏ “nhu cầu” của mình: Ngài đang khát khao linh hồn người đối diện. Chị liền mở lòng ra ban tặng “nước” cho Ngài. Câu truyện tiến hành hết sức tự nhiên. Người đàn bà từ từ nhận ra “nhu cầu” của mình và tình nguyện xin “nước hằng sống”. Xin tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng lạ lùng thay Chúa bảo chị “nước” đó đang nằm sẵn trong trái tim chị. Chị chỉ cần khơi dậy và được uống thỏa thuê.

Than ôi, xưa nay chúng ta kiêu căng và ngu tối biết bao! Cho nên chẳng lạ gì thế giới vẫn đi trong đêm tối âm u. Bao nhiêu lần chúng ta rao giảng về Chúa, khoe mình là thông thạo về Ngài. Nhưng kỳ thực chưa bao giờ được gặp Ngài. Vì nếu gặp thì đã nên giống chị đàn bà Samaritana hôm nay. Vội vàng chạy vào thành báo tin và cả thành ùa ra đón Chúa và mời Chúa ở lại với chúng ta. Phúc âm kể rằng Ngài đã ở lại đó hai ngày. Sau cùng họ nói với chị: không phải vì lời chị mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người là Đấng cứu độ trần gian.

Chúng ta dâng cho Chúa phần nhỏ nhất mình có, phần còn lại dành cho vinh quang mình. Ăn chay, đánh tội, khổ chế cũng vậy thôi, chứ chưa nói đến việc dung dưỡng xác thịt. Chúng ta quên rằng hy sinh cho Chúa, sẽ nhận lại gấp trăm. Ở Cana, Chúa xin mấy người phục vụ đổ nước lã đầy các chum và kết quả là 6,7 trăm lít rượu ngon. Trên núi, em bé cho Ngài năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ, vậy mà hàng vạn người ăn no nê. Hôm nay chị đàn bà cho Ngài uống chút nước và chị được nguồn suối tình yêu vọt lên đến sự sống muôn đời. Chúng ta nghĩ sao về mùa chay này, hy sinh cho Chúa hay tiếp tục gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Cái đó tùy lòng đạo đức mỗi người. Amen.

Chuyển ý Lm Thomas Túy OP
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông Du Hoa Kỳ: Người Việt Nam đánh bóng Chén Thánh cho Đức Giáo Hoàng.
Ngọc Loan
10:04 20/02/2008
“Để chuẩn bị tinh thần và đón mừng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tông du lần đầu tiên tới Hoa Kỳ từ ngày 15-20/4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đặt chủ đề cho chuyến tông du này là: Đức Kitô Niềm Hy Vọng của Chúng Ta”

Tulsa, Okla: Công Ty F.C. Ziegler Co tại Tulsa được vinh dự cao quý trong một công việc hết sức quan trọng, đó là đánh bóng và phục hồi lại Chén Thánh từ năm 1938 để cho Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI xử dụng cử hành Thánh Lễ trong chuyến Tông Du tại Hoa Kỳ vào tháng 4 tới đây. Nhóm người được chỉ định làm công việc này có một người Việt Nam là anh Trần Lâm.

Anh Trần Lâm đang đánh bóng chén thánh
Ông Don Taylor, người điều hành văn phòng hoàn chỉnh và đánh bóng của Công Ty Ziegler, ông cũng là tín hữu tại Giáo Xứ Cecilia ở Claremore, thuộc vùng Đông Bắc Tulsa bày tỏ rằng: “Khi anh có một vật như thế và anh biết ai sẽ xử dụng nó và những nhân vật nào đã xử dụng trong quá khứ. Tôi chắc chắn rằng sẽ run lắm, vâng đúng như vậy”.

Chén Thánh cổ này đã được đặt trong Tòa Khâm Sứ tại Washington và đã được các vị Giáo Hoàng trước đây đã tông du tới Hoa Kỳ xử dụng, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Công Ty Ziegler là công ty cha truyền con nối chuyên cung cấp phụng vụ thánh, họ cũng làm chén thánh, phẩm phục.. Công ty này bắt đầu từ trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào khoảng cuối thập niên 1920 tại Hoa Kỳ.

Công việc của nhóm chuyên môn trong Công Ty gồm có ông Tailor, anh Trần Lâm và những người khác, là lấy ra những miếng trạm trỗ trang điểm trên chén thánh, gồm có những viên ngọc xanh, kiếng màu, chùi lại và đánh bóng, sau đó gắn lại và mạ lớp vàng 24 carat. Lẽ ra vào ngày 19/2 chén thánh phải được sửa soạn xong và đưa về lại Washington.

Chén thánh này được làm tại Luân Đôn vào mùa Xuân năm 1938. Ông Tailor ước lượng rằng ngày nay phải tốn khoảng từ 12,000 – 15,000 Mỹ Kim để đúc chén thánh này.

Tại Washington, chén thánh được các nữ tu lau chùi 1 hay 2 lần trong tuần, và xem ra lớp đánh bóng bên ngoài đã biến dần đi. Cho nên công việc đánh bóng và hồi phục trở lại xem giống y như mới.
 
Tông Du Hoa Kỳ: Danh sách 8 chuyến tông du triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI
Ngọc Loan
10:05 20/02/2008
“Để chuẩn bị tinh thần và đón mừng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tông du lần đầu tiên tới Hoa Kỳ từ ngày 15-20/4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đặt chủ đề cho chuyến tông du này là: Đức Kitô Niềm Hy Vọng của Chúng Ta”

California: Chuyến tông du tới đây của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI tại Hoa Kỳ từ ngày 15-20/4 sẽ là chuyến tông du thứ 8 trong triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI.



7 chuyến tông du trước đây là:

- Đức Quốc, 18-21/8/2005

- Ba Lan, 25-28/5/2006.

- Tây Ban Nha, 8-9/7/2006.

- Đức Quốc, 9-14/9/2006

- Thổ Nhĩ Kỳ, 28/11-1/12/2006

- Brazil, 9-13/5/2007

- Austria, 7-9/9/2007
 
Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được đón tiếp tại Tòa Quốc Hội Úc châu
Mỹ Hạnh
12:37 20/02/2008
SYDNEY -- Vào hôm nay 19/02/2008, Thánh Giá ĐHGTTG và Ảnh Đức Mẹ đã làm chuyến viếng thăm lịch sử đến Tòa Quốc Hội Úc Đại Lợi.

Trước đám đông gồm khoảng 400 học sinh địa phương và khoảng 100 nghị viên, Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ được long trọng đón rước vào Tòa Quốc Hội do Thủ Tướng Kevin Rudd; Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney; Giám Mục Anthony Fisher, Điều Hợp Viên Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới; Tổng Giám Mục Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Canberra-Goulburn; và Nghị sĩ Ursula Stephens.

Cây Thánh Giá cao 3,8m, nặng 40kg đã chu du vòng quanh thế giới trong hơn 20 năm qua. Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ là lời Đức Giáo Hoàng mời giới trẻ đến tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, được tổ chức tại Sydney từ ngày 15-20 tháng 7 năm nay.

Thánh Giá ĐHGTTG và Ảnh Đức Mẹ đã viếng thăm các Tòa Quốc Hội khắp thế giới, và chuyến viếng thăm nơi đây là một dịp để suy gẫm”, theo lời Đức Hồng Y George Pell.

“Đây là giây phút cầu nguyện cho hòa bình, công lý, và bình đẳng trên đất nước chúng ta. Đây cũng là giây phút để nhìn nhận rằng có những giai đoạn trong lịch sử nước ta, những người tuyên xưng Chúa Kitô đã không trung thành vác Thánh Giá Người”.

Lần đầu tiên, một chiếc Gậy Truyền Tin của Thổ Dân đã cùng đi với Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ trong chuyến hành trình vòng quanh nước Úc. Đây là lời mời gọi tham dự ĐHGTTG08 của bộ tộc Eora Gadigal ở Sydney đến giới trẻ Thổ Dân Úc Châu.

Nghi lễ hôm nay gồm có Welcome to Country, một nghi thức chào mừng của Thổ Dân Úc Châu, do Agnes Shea, một vị niên trưởng bộ tộc Ngunnawal cử hành. Sau đó là nghi thức phụng vụ do Đức Tổng Giám Mục Coleridge chủ xướng, và các bài đọc do một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của Quốc Hội, cô Amanda Rishworth, nghị viên vùng Kingston, phụ trách, cùng với ông Paul Neville, nghị viên vùng Hinkler, Thượng Nghị Sĩ Ursula Stephens và Helen Polley.

Chuyến viếng thăm lịch sử của Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ cũng trùng hợp với ngày kỷ niệm 20 năm khánh thành Tòa Quốc Hội.

Hơn 500.000 người được ước đoán sẽ tham dự ít nhất một trong các sinh hoạt của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới từ ngày 15-20 tháng 7 năm 2008. Đại Hội – do Giáo Hội Công Giáo tổ chức, nhưng mở rộng cho tất cả mọi người – sẽ đánh dấu chuyến viếng thăm đầu tiên của Đức Thánh Cha Benedict XVI đến Úc Châu.
 
Quan hệ đầy sóng gió giữa chế độ Castro và giáo hội Công giáo Cuba
Phụng Nghi
15:26 20/02/2008
Washington (CNS) – Trong suốt 50 năm cầm quyền của Fidel Castro, mối quan hệ giữa ông và giáo hội Công giáo Cuba thật đầy sóng gió.

Fidel Castro trước kia đã được học ở trường dòng Tên. Trong những năm đầu của cuộc cách mạng vào thập niên 196, Castro thường dễ dàng coi giáo hội Cuba như lực lượng cơ sở, cũng như sau này ông đã trò chuyện thân mật với ĐGH Gioan Phaolô II khi ngài viếng thăm Cuba năm 1998.

Castro nay đã 81 tuổi, mới loan báo hôm 19 tháng 2 rằng ông sẽ từ chức chủ tịch nước. Tháng 7 năm 2006 ông đã tạm thời nhường quyền cho người em là Raul Castro sau khi phải giải phẫu vì chảy máu trong ruột, nhưng từ đó đến nay ông không hề trở lại văn phòng làm việc, chấm dứt hơn 49 năm liên tục cầm quyền.

Ông nắm giữ quyền hành cai trị đảo quốc vùng Caribbean này từ ngày 1 tháng giêng năm 1959, lúc mới 32 tuổi, sau khi lãnh đạo thành công cuộc chiến tranh du kích chống nhà độc tài mất lòng dân lúc đó là Fulgencio Batista.

Batista lên cai trị năm 1952. Lúc đó Castro còn là một luật sư trẻ, bắt đầu tổ chức một lực lượng phiến loạn.

Ban đầu, cuộc nổi loạn thành công của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người Công giáo. Để nuôi dưỡng sự ủng hộ đó, ông thường nói cuộc cách mạng của ông là do các nguyên tắc Kitô giáo thúc đẩy. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một linh mục Công giáo ngay sau khi nắm quyền, Castro cho biết có 6 linh mục làm tuyên úy cho lực lượng phiến loạn của ông.

Nhưng sự việc biến đổi mau chóng. Năm 1961, ông tuyên bố mình theo chủ nghĩa Mác-Lê, và biến Cuba thành nước cộng sản đầu tiên trong vùng Tây bán cầu, đem nước này vào quỹ đạo chiến tranh lạnh của Liên bang Sô viết.

Chính quyền của ông bắt đầu triệt phá giáo hội từ cơ sở, quốc hữu hóa 350 trường học Công giáo và trục xuất 136 linh mục. Hoạt động của giáo hội bị hạn chế chỉ còn các lễ nghi tôn giáo trong khuôn viên tài sản của giáo hội. Các dự án hoạt động xã hội bị ngăn cấm, các chương trình của giáo hội bị kiểm soát. Chính quyền làm nản lòng người Cuba để họ khỏi muốn đến dự các lễ nghi phụng tự, bằng các phân biệt đối xử với những người hay đi nhà thờ khi những người này xin vào học đại học hay xin làm việc cho nhà nước.

Quan điểm của Castro còn chua chát hơn giữa thập niên 1960 khi có Chiến dịch Pedro Pan, lúc các viên chức giáo hội Hoa kỳ giúp định cư 14 ngàn trẻ em Cuba được cha mẹ cho trốn lánh tới nước Mỹ để tránh chế độ Castro.

Tuy đàn áp giáo dân, Castro không hề cắt đứt liên hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican, và trong suốt nhiều thập niên đã nhận được những lời tuyên bố của Vatican, của hàng giáo phẩm giáo hội Cuba và giáo hội Hoa kỳ, chỉ trích việc phong tỏa kinh tế Cuba của Mỹ. Ông thường xuyên coi đó là lý do làm cho kinh tế Cuba phải kiệt quệ.

Vì lý do có sự ủng hộ của giáo hội như thế nên trong mối liên hệ giữa nhà nước và giáo hội cũng có một số điểm tích cực.

Trong cuộc viếng thăm Hoa kỳ năm 2006, Đức Hồng y người Cuba cai quản giáo phận Havana là Jaime Ortega Alamino nói rằng kể từ thập niên 1980 “đã có tiến bộ về phiá nhà cầm quyền nhằm gia tăng mối thông cảm giữa giáo hội và nhà nước, và sự căng thẳng đã bắt đầu giảm đi.”

Kết quả là, theo lời Đức Hồng y, các hạn chế đối với giáo hội liên quan đến việc phụng tự không còn nữa, nhưng giáo hội Công giáo vẫn không được mở trường học hay dạy tôn giáo trong các trường công lập.

Nhưng Castro cũng biết cách lợi dụng các yếu tố về giáo hội ngoại quốc để chống lại hàng giáo phẩm Cuba, làm cho người ta tưởng rằng chỉ có người Công giáo trong nước là chống đối sự cai trị của ông.

Trong thập niên 1970 ông lợi dụng mối quan tâm vào chủ nghĩa Mác của một số thần học gia ở châu Mỹ Latinh và ý đồ chính trị của họ muốn dùng chủ nghĩa xã hội để thay thế cho chủ nghĩa tư bản thịnh hành trong khu vực. Ông nuôi dưỡng sự ủng hộ của những trí thức và linh mục Công giáo không thuộc gốc Cuba, là những người bất mãn vì khoảng cách giữa kẻ giầu người nghèo trong khu vực càng ngày càng gia tăng. Ông mời họ tới thăm đảo quốc, dùng họ làm đối trọng để đương đầu với các chỉ trích của hàng giáo phẩm Cuba và Tòa thánh Vatican.

Năm 2003, ông tránh né các giám mục Cuba, trực tiếp thương thảo với Tòa thánh Vatican để cho một nhóm các nữ tu dòng Thánh Brigitte được vào Havana, giữa lúc các giám mục Cuba có một danh sách dài liệt kê các linh mục và nữ tu nước ngoài muốn xin giấy phép nhập cảnh.

Vào đầu thập niên 1990, những cuộc thảo luận nghiêm túc đã bắt đầu về khả năng ĐGH tới thăm viếng Cuba, theo sau cuộc sụp đổ của khối Sôviêt.

Sau khi Castro viếng thăm ĐGH Gioan Phaolô tại Vatican năm 1996, các kế hoạch cuối cùng đã phát triển cho chuyến tông du Cuba của Đức thánh cha từ ngày 21 đến 25 tháng giêng năm 1998, được giải thích là dấu hiệu có sự cải thiện trong mối liên lạc giữa giáo hội và nhà nước, dựa vào thiện chí của chính quyền muốn cho giáo hội không khí khoáng đãng dễ thở hơn sau trong thời hậu Chiến tranh lạnh.

Castro đã tiếp kiến ĐGH nhiều lần khi ngài viếng thăm Cuba, đã để cho hàng giáo phẩm được động viên người Công giáo đến tham dự các nghi lễ do Đức thánh cha chủ tọa và cho phép các hoạt động của Đức thánh cha được truyền hình và tường thuật trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
 
Cú hích nhẹ của Steven Spielberg làm… xốn xang hàng tỉ người Tàu
Hà Long
18:28 20/02/2008
BẮC KINH -- Nhà đạo diễn điện ảnh đoạt giải Oscar kiêm sản xuất phim ảnh danh tiếng thế giới Steven Spielberg từ chức nhiệm vụ quảng cáo cho Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè 2008 tại Bắc Kinh đang làm xốn xang hàng tỉ người Tàu vào ngày 14/2/2008.

Chú Tàu cộng sản, một nước được mệnh danh là “công xưởng rẻ tiền của thế giới“ và „xứ sở của hàng nhái“ đã ăn lên làm ra trong những năm vừa qua thúc đẩy cho sự tăng trưởng quốc gia tiến lên vượt bực. Về mặt ngoại giao họ đạt được điều tối ưu là nước tổ chức đăng cai Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như tên bắn đó, những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới luôn tìm mọi cách tới gần thị trường Tàu cộng. Và sự kiện lớn như Olympic 2008 chính là cơ hội vàng để tiếp cận gần hơn với hơn 1 tỉ người tiêu dùng nơi đây. Theo những công ty chuyên tổ chức quảng cáo, có lẽ chưa có một sự kiện thể thao nào lại thu hút sự tham gia của các thương hiệu lớn trên thế giới cũng như những nhà tài trợ thương mại như Olympic Bắc Kinh 2008. Nắm bắt nguồn lợi to tát này, toàn dân Tàu đang dồn mọi nỗ lực cho sự thành công lễ hội thể thao mùa hè vĩ đại nhất thế giới: họ kết hợp từ quân sự, kỹ thuật khoa học, kiến trúc, quảng cáo, sức người, cải tạo môi trường thải khí độc… Ngay cả khía cạnh việc mời gọi các nhân vật nổi tiếng thế giới làm quảng cáo cho Olympic 2008 cũng được bộ máy tuyên truyền mở công xuất tối đa, có cả tin đồn đến việc họ muốn trải thảm đỏ đón tiếp Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trước ngày khai mạc thế vận hội để đánh bóng cho khuôn mặt Tàu cộng.

Chuẩn bị cho bộ mặt đẹp của Tàu cộng dịp Olympic 2008 họ đã mời được nhà đạo diễn lừng danh Steven Spielberg vào chức cố vấn nghệ thuật cho Olympic 2008 tại Bắc Kinh, một chức vụ ngồi mát hưởng bát vàng. Steven Spielberg là một trong các vị vua đạo diễn qua những bộ phim: E.T. the Extra-Terrestrial năm 1982; Schindler’s List năm 1993 với 7 giải thưởng Oscar; Der weiße Hai (engl. Jaws) năm 1975.

Vào ngày 14/2/2008 nhà đạo diễn đoạt giải Oscar Steven Spielberg tuyên bố từ chức nhiệm vụ quảng cáo cho Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè 2008 tại Bắc Kinh đang tạo ra cú sốc lớn đối với chú Tàu cộng sản. Một lý do phản đối Tàu cộng đang tiếp tay với chính phủ nước Sudan đàn áp giết người dân lành tại khu vực Darfur, số nạn nhân bị giết đã lên đến 200.000 và hơn 2 triệu người bị mất nhà cửa trong những cuộc xung đột kể từ 2003 đến nay. Tàu cộng đóng góp rất tích cực trong việc viện trợ và giúp đỡ nhân đạo vô điều kiện (bất chấp thể chế khủng bố, đàn áp, gây hại môi trường) để ôm kho dầu hỏa của Sudan. Hiện nay Tàu cộng đã gởi đến Sudan khoảng 4.000 quân chính quy để làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở dầu lửa của họ. Một cách gián tiếp nào đó Tàu cộng tiếp tay ngăn cản sự tham gia quân đội của Liên Hiệp Quốc vào Darfur để được hưởng lợi riêng một mình, như họ đang làm tại Myanmar ủng hộ chính phủ độc tài từ năm 1962 để thò tay thu nhặt tài nguyên nơi đây.

Ngày hôm sau tất cả báo chí thế giới cho chạy ngay tít báo về tin tức giật gân của Steven Spielberg cộng thêm nhiều bình luật tiêu cực chống Tàu cộng. Một ý đồ kiểu thực dân mới do cộng sản Tàu đẻ ra trên các quốc gia nghèo, nhưng lại giàu có về tài nguyên dầu hỏa và quặng mỏ. Vô tình Steven Spielberg kéo lên một hồi chuông cảnh tỉnh thế giới tự do về hiểm họa tư bản đỏ Tàu cộng ngay trong những tháng cuối chạy rút cho Olympic 2008 sẽ được khai mạc vào ngày 08/8/2008 tại Bắc Kinh.

Như một phản ứng dây chuyền những mặt trái của tấm huy chương Thế Vận Hội đang được báo chí quốc tế đăng tải liên tiếp trong những ngày vừa qua bởi hàng loạt xì-căn-đan của Tàu cộng gây ra tại bên trong cũng như ngoài nước của họ:

- 03/2/2008: Ôtô Trung cộng kém an toàn tại Nga. Hành khách trên chiếc Freedom Cruiser của hãng xe Trung cộng Geely gần như không có cơ hội sống sót trong thử nghiệm an toàn EuroNCAP, do tạp chí Auto Review của Nga tổ chức ngày 03/2.

- 12/2/2008: Mỹ bắt giữ 4 gián điệp Trung cộng tại Mỹ do cung cấp thông tin bí mật quốc phòng cho Trung cộng. Phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các vụ việc này là những vi phạm nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

- 12/2/2008: Mỹ cũng đã than phiền cùng ngày về tình trạng vi phạm bản quyền phim và nhạc tại Trung cộng.

- 12/2/2008: Liên Hiệp Âu Châu EU cũng đang cân nhắc việc khởi kiện lên WTO việc Trung cộng có chính sách hạn chế các tập đoàn tin tức tài chính nước ngoài.

- 13/2/2008: Nhật Bản phát hiện thuốc trừ sâu trong bánh bao của Trung cộng. Hiệp hội những người tiêu dùng Nhật Bản cho biết họ phát hiện một lượng thuốc trừ sâu nhỏ trong 17 túi bánh bao được thu hồi tại Tokyo, Chiba và Saitama vào ngày 13/2.

- 14/2/2008: Mỹ đã giành thắng lợi ban đầu trong một vụ kiện lên Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) đối với các chính sách thuế của Trung cộng, gây trở ngại cho hoạt động nhập khẩu phụ tùng ô tô nước ngoài. Sau khi các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin về báo cáo mật của WTO tại Geneva (Thuỵ Sĩ), một quan chức thương mại Mỹ cho biết WTO đồng ý với Mỹ rằng Trung cộng đã hành động trái với các cam kết WTO.

- 19/2/2008: Nhật Bản lại phát hiện thuốc trừ sâu trong cá thu đông lạnh chế biến tại Trung cộng. Ngày 19/2, Trung cộng đã cho thu hồi 19 loại sản phẩm làm từ cá thu đông lạnh xuất khẩu sang Nhật Bản sau khi một công ty thực phẩm đông lạnh ở Sanuki thuộc tỉnh Kanagawa cho biết họ đã phát hiện thuốc trừ sâu trong cá thu đông lạnh được chế biến. Số cá thu trên được chế biến tại 2 nhà máy của Trung cộng ở tỉnh Sơn Đông và đã được phân phối cho các cửa hàng bán món Sushi trên toàn quốc của Nhật.

- 19/2/2008: Một bức ảnh đoạt giải báo chí của Trung cộng chụp cảnh bầy linh dương Tây Tạng di chuyển bên dưới một chuyến tàu đang rầm rập lao về phía trước đã bị phát hiện là ảnh ghép. Tác phẩm do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Lưu Vị Cường của Trung cộng chụp được giữa cảnh vật thiên nhiên và kỹ thuật, đăng lần đầu trên Tân Hoa Xã vào tháng 6/2006 và đăng lại trên hơn 200 cơ quan báo chí quốc tế, đã đoạt giải đồng hạng ảnh báo chí của năm 2006 do Đài truyền hình trung ương Trung cộng trao tặng. Thậm chí chính quyền Trung cộng còn dùng nó làm "bằng chứng" cho thấy tuyến đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở khu vực nó đi qua. Một cư dân mạng đã nghi ngờ tấm ảnh được "phù phép" khi phát hiện một đường kẻ bất thường ở gần phía dưới tấm ảnh. Một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp phân tích rằng loài linh dương Tây Tạng có tập tính sợ tiếng ồn, nếu có chuyến tàu đang chạy ở phía sau, chúng sẽ chạy tán loạn chứ không ngay hàng thẳng lối như trong hình. Vào ngày 19/2/2008 Báo Thành Đô Buổi Chiều cho biết ông Lưu Vị Cường, hiện là tổ phó tổ ảnh của báo Đại Khánh Buổi Chiều, đã thừa nhận dùng kỹ thuật ghép hai ảnh thành một, nhưng không có ý định đăng ảnh này với tính chất ảnh báo chí mà chỉ xem nó là ảnh "nghệ thuật". Tuy nhiên trước đó, ông Lưu từng "nổ" trong một cuộc phỏng vấn rằng mất tám ngày tám đêm "mai phục" để chụp tấm ảnh này.

Các tin tức tiêu cực từ trong ra ngoài của những ngày vừa qua làm cho Tàu cộng xốn xang không thể bưng bít kịp thời, cộng với thời gian đến ngày khai mạc Olympic càng gấp rút. Đúng ra lời tuyên bố từ chối hợp tác với Olympic 2008 của Steven Spielberg là cú hích choáng váng cho Bắc Kinh trong thời gian chuẩn bị quan trọng này hơn hết. Các nước Tây Phương luôn là đối thủ gầm gừ với Tàu cộng lợi dụng cũng tuôn ra các nguồn tin rất tiêu cực gây bất lợi cho nước tổ chức đăng cai Thế Vận Hội.

Thế Vận Hội luôn là lễ hội quan trọng cho đời người thể thao và có sức thu hút mãnh liệt cho các lực sĩ đến tranh tài thi đấu. Khoảng 15.000 vận động viên sẽ tới Bắc Kinh để thi đấu và khoảng 25.000 phóng viên quốc tế đại diện cho hơn 200 quốc gia đến ghi nhận và tường thuật các bộ môn thi đấu, cộng với nhiều tổ chức nhân quyền sẽ được cuốn theo dòng thác Thế Vận Hội du nhập vào nước Tàu cộng sản bằng nhiều danh xưng khác nhau. Chắc chắn cách nhìn của giới báo chí không chỉ nhắm vào thi đấu thể thao nhưng họ cũng sẽ lợi dụng dịp lễ hội để dòm ngó thêm về môi trường khí độc, sự bách hại về tôn giáo và nhân quyền, án tử hình do các địa phương hành xử độc đoán, nạn đàn áp công nhân, các hãng xưởng nhái hàng, buôn bán các bộ phận của tử tù, sử dụng đội ngũ trẻ em lao động… Đạo diễn Steven Spielberg đang đi tiên phong khơi dậy các vấn đề nhạy cảm của Tàu cộng mà họ luôn muốn dấu diếm thế giới.

Tiếp nối Steven Spielberg các ủy hội thế vận quốc gia của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ðức, Nhật, Tây Ban Nha xác định rằng không hạn chế bất cứ điều gì các vận động viên muốn phát biểu tại Bắc Kinh nếu không vượt quá quy định trong Hiến Chương Thế Vận Hội. Phát Ngôn Viên Darryl Seibel của Ủy Hội Thế Vận Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi sẽ dùng Hiến Chương Thế Vận Hội làm phương châm và tiêu chuẩn cho mọi việc, tuy nhiên sẽ không có sự hạn chế hay cấm đoán gì liên quan đến quyền tự do phát biểu đã được Ủy Hội Thế Vận Hoa Kỳ xác định”.

Điều người viết muốn ghi nhận ra đây là tất cả cơ quan truyền thông của cộng sản Việt Nam hoàn toàn bưng bít kín tin tức về sự từ chức của nhà đạo diễn danh tiếng thế giới Steven Spielberg. Thông thường hơn 700 tờ báo Việt Nam rất nhanh chóng dịch các tin tức quan trọng cho đến các tin gà tin vịt trên thế giới để cống hiến người dân, nhưng lời nói của Steven Spielberg họ bỏ lửng tránh đi thì cho chúng ta thấy kẽ hở của cộng sản rất sợ sức mạnh dân chủ của Tây phương. Ông Steven Spielberg đã dùng sự tự do suy nghĩ của mình nói lên chính kiến chống lại bạo lực độc tài và lũ người tham gia gây tội ác. Điều ông làm đang gây tiếng vang lớn quốc tế. Chúng ta cũng nhớ lại trường hợp ông Nguyễn Minh Triết đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 6/2007 được báo The Washington Post bật mí ngày 25/1/2008 khi liên quan đến những buổi cầu nguyện đòi công lý tại Tòa Khâm Sứ Hà Nội: “State Department pressured Hanoi for Quan's release, which came just before Vietnamese President Nguyen Minh Triet made a trip to Washington.” Dịch nôm na: “Phải thả luật sư Quân thì mới được qua Mỹ.” Chủ tịch Triết đã phải vâng lệnh “giặc Mỹ” phán dạy chỉ vì một người phò dân chủ rất tầm thường, lúc đó đang bị cộng sản Việt Nam giam giữ. (http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2008/01/25/AR2008012500887.html).

Đạo diễn Steven Spielberg tạo ra một sức mạnh dân chủ gây xốn xang cho cộng sản Tàu qua sự từ chối chức vụ quảng cáo nghệ thuật, nhiều nhà nghệ thuật thế giới noi theo đang mở màn tấn công Tàu cộng với làn sóng tự do dân chủ, nhất là tự do ngôn luận, đôi lúc họ có thể tự bộc phát đưa ra ý kiến ngay cả trong các cuộc tranh tài thể thao tại Bắc Kinh. Có thể đây là khí giới mà Tàu cộng sợ nhất vì không có gì để trừng phạt họ, như Tàu vẫn làm đối với thế giới Tây phương bằng cách cấm khẩu kinh tế vào thi trường Tàu, điều Tây phương rất úy kị vì đụng chạm đến lợi nhuận kinh tế sống còn của họ.

Qua hành động của ông Steven Spielberg đối với Tàu cộng mang đến cho chúng ta một tia hy vọng trong cuộc cầu nguyện đòi công lý và đòi lại đất đai tại Việt Nam, nếu chúng ta dùng được sức mạnh dân chủ từ mọi hướng làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính nghĩa này.
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân nói cần có sức mạnh nhân dân để diệt trừ tham nhũng
Đồng Nhân
19:42 20/02/2008
MANILA, Phi Luật Tân - Tờ báo The Philippine Star cho biết Chủ tịch Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân hôm Thứ Ba 19 Tháng Hai đã gợi ý rằng một cuộc nổi dậy khác của dân chúng như cuộc nổi dậy "dân quyền" EDSA vào năm 1986 để chống lại tình trạng tham nhũng coi như bất trị hiện nay của chính quyền bà tổng thống Arroyo thì hình như không lôi kéo được quần chúng vì người Phi luật tân đã quá mỏi mệt về "cách mạng".

TGM Angel Lagdameo
TGM Angel Lagdameo là người trước đó đã kêu gọi nên có một hành động tập thể trước vụ viên chức chính quyền về môi trường là ông Rodolfo Lozada Jr đã từ chức nhưng phải ra điều trần về việc lem nhem tiền bạc tới $329 triệu mỹ kim trong vụ mạng dịch vụ Boadband network (NBN) với công ty Trung cộng ZTE Corp. TGM tin rằng người Phi bây giờ có thể tìm cách chận đứng lại nạn hối lộ thay vì xuống đường. TGM cũng đã đưa ra lời phát biểu khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi nữ Tổng Thống Gloria Macapagal Arroyo hãy từ chức trong lúc Thượng Viện mở cuộc điều tra này.

Các nhân vật lãnh đạo giáo hội Công Giáo tại Phi trước đó đã từng ủng hộ cuộc nổi dậy của dân chúng với hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình trong quốc gia với đa số dân theo đạo Công Giáo. Những cuộc biểu tình vĩ đại này đã lật đổ chế độ của nhà độc tài Ferdinand Marcos năm 1986 và Tổng Thống Joseph Estrada năm 2001.

Tổng Giám Mục Lagdameo đã tuyên bố với giới truyền thông sau khi họp với khoảng 50 hội đoàn, tổ chức sinh viên và thương mại rằng phong trào chống tham nhũng đưa đến việc lật đổ ông Estrada là một thất bại vì “đưa lên một tổng thống (bà Arroyo) mà sau đó bị coi là người tham nhũng nhất.”

Tổng Giám Mục Lagdameo kêu gọi phải có một “sức mạnh mới của quần chúng” và cho hay một chiến dịch bài trừ tham nhũng trong chính quyền có thể là một sự khởi đầu.

TGM Lagdameo cũng nhấn mạnh rằng khi phải đưa ra những lời tuyên bố "mạnh mẽ" thì đó là việc hết sức khó khăn cho các giám mục.

Ngài nói thêm "nhưng không phải chỉ các giám mục nói mà thôi, xã hội dân sự cũng phải lên tiếng và tìm ra những hành động cần thiết hầu chấm dứt tệ trạng tham những trong xã hội".

TGM khen ngợi các linh mục, nữ tu và hàng ngàn giáo dân đã tham dự thánh lễ đặc biệt tại La Salle Greenhills ở thành phố Mandaluyong vào Chúa nhật tuần qua và đã tổ chức các buổi cầu nguyện nhằm phản đối tình trạng tham nhũng và tham gia các cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố để đòi hỏi bà Arroyo phải từ chức.

Các linh mục Dòng Tên thuộc đại học Ateneo ở Manila cũng đã tổ chức "Thánh Lễ cho sự Thật và Công lý" vào chiều ngày thứ Hai hôm kia ở nhà thờ Chúa Giêsu trong khuân viên Đại học ở thành phố Quezon.
 
Đức Thánh Cha gặp Hội đồng các Bề trên Tổng quyền nam, nữ
LM. Trần Đức Anh OP
19:51 20/02/2008
VATICAN. ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi các tu sĩ toàn thế giới hãy tiếp tục tin tưởng, hy vọng và dấn thân, mặc dù có những khủng hoảng, khó khăn do trào lưu tục hóa trong thế giới ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây vào cuối phiên họp sáng ngày 18-2-2008 với 16 thành viên của Hội đồng liên lạc giữa Bộ các dòng tu và Hiệp hội quốc tế các bề trên tổng quyền nam và nữ. Hiện diện tại buổi họp còn có ĐHY Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Franc Rodé CM, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và vị Tổng thư ký của Bộ là Đức TGM Gianfranco Gartin, OFM Conv.

Trong phiên họp, các vị đã làm nổi bật những yếu tố tích cực, những khó khăn, mong đợi và thách đố mà các gia đình dòng tu đang gặp phải trong việc làm chứng cho Tin Mừng.

Ngỏ lời với mọi người vào cuối phiên họp, ĐTC ghi nhận rằng: ”Đáng tiếc là tiến trình tục hóa, lan tràn trong nền văn hóa ngày nay, cũng xảy ra trong các cộng đoàn dòng tu. Nhưng không vì thế mà chúng ta được để cho mình nản chí thất vọng, vì tuy có những đám mây dầy đặc nơi chân trời của đời tu, nhưng cũng không thiếu những dấu hiệu do Chúa Quan phòng gợi lên, đang tăng trường và mang lại những lý do để hy vọng.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Sự kiện đáng ghi nhận là những dòng tu nào bảo tồn và chọn lựa cuộc sống nghiêm túc, nhiệm nhặt, trung thành với Tin Mừng được sống thực trọn vẹn, thì thường có nhiều ơn gọi. Tôi nghĩ đến bao nhiêu cộng đồng tín hữu và những kinh nghiệm mới mẻ về đời thánh hiến mà anh chị em biết rõ. Tôi nghĩ đến công việc truyền giáo của nhiều nhóm và phong trào Giáo Hội từ đó nảy sinh nhiều ơn gọi LM và tu sĩ; tôi nghĩ đến các thanh niên thiếu nữ bỏ mọi sự để gia nhập các đan viện và tu viện chiêm niệm. Chúng ta có thể vui mừng nói rằng ngày nay, Chúa tiếp tục gửi các thợ của Ngài đến làm việc trong vườn nho của Ngài và làm cho dân Chúa được thêm bao nhiêu ơn gọi thánh thiện”.

ĐTC nhận xét nơi nhiều dòng tu có truyền thống kỳ cựu, nam cũng như nữ, trong những thập niên gần đây, đang gặp khủng hoảng khó khăn vì tình trạng các phần tử ngày càng già nua, ơn gọi giảm sút, và có một sự mệt mỏi về tinh thần và đoàn sủng. Trong một số trường hợp, cuộc khủng hoảng này lên tới mức độ đáng lo âu. Tuy nhiên, bên cạnh những hoàn cảnh khó khăn, người ta cũng phải ghi nhận những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là khi các cộng đoàn ấy quyết định trở về nguồn, để sống hợp hơn với tinh thần của vị Sáng Lập”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Cần phải tiếp tục con đường này và cầu xin Chúa cho công trình Ngài đã khởi sự được hoàn thành viên mãn”. Cụ thể, là ĐTC kêu gọi các dòng tu hãy luôn tái khởi hành từ Chúa Kitô, nếu muốn duy trì hoặc tìm lại sức sinh động và hiệu năng tông đồ.

Theo ĐHY Franc Rodé, trong toàn Giáo Hội hiện có 1 triệu 40 ngàn tu sĩ nam nữ, trong đó có 137 ngàn linh mục dòng. Nếu kể cả các tu huynh và đan sĩ và thành viên các nam tu hội đời, con số đó lên tới 196 ngàn người. Tổng số nữ tu là 836 ngàn, trong đó có 47 ngàn đan sĩ chiêm niệm và 767 nữ tu thuộc các dòng hoạt động, và 21 ngàn thành viên các nữ tu hội đời. (SD 19-2-2008)
 
ĐTC: Thánh Agostino hiện diện sống động trong các tác phẩm và bút tích của người
Linh Tiến Khải
19:54 20/02/2008
VATICAN -- Sáng thứ tư 20-2-2008 đã có hơn 15.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha. Vì đại thính đường Phaolo VI chỉ có 8000 chỗ nên Đức Thánh Cha đã phải chia buổi tiếp kiến thành hai nơi: phần đầu trong đền thờ thánh Phêrô và phần hai trong đại thính đường Phaolo VI.

Trong đền thờ thánh Phêrô Đức Thánh Cha đã ngỏ lời chào các tín hữu bằng 5 thứ tiếng khác nhau và cầu mong con đường mùa Chay Thánh là dịp giúp mọi người hoán cải và canh tân tinh thần, thức tỉnh lòng tin, tái chiếm trở lại tương quan với Thiên Chúa và dấn thân sống Tin Mừng một cách quảng đại hơn.

Trong bài huấn dụ chính tại đại thính đường Phaolo VI Đức Thánh Cha tiếp tục trình bầy gương mặt thánh Giáo Phụ Agostino, đặc biệt là các sáng tác và bút tích của thánh nhân. Đức Thánh Cha nói:

Một số các bút tích của thánh Agostino có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đối với lịch sử Kitô giáo, mà cả đối với sự hình thành của toàn nền văn hóa Tây phương nữa. Thí dụ điển hình nhất là cuốn ”Tự Thú”, chắc chắn là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trong nền văn chương Kitô cổ. Cũng như nhiều Giáo Phụ khác của các thế kỷ đầu, thánh Agostino đã có ảnh hưởng rất sâu rộng.

Một vài năm trước khi qua đời, chính thánh nhân đã kiểm điểm các tác phẩm của người và sau khi thánh nhân qua đời các tác phẩm đó được ghi chép cẩn thận trong ”Danh mục”, do Giám Mục Possidio thêm vào cuốn tiểu sử thánh Agostino. Giám Mục Possidio đã làm như thế nhằm duy trì ký ức các bút tích của thánh Agostino trước làn sóng xâm lăng tàn phá của rợ Vandal, lúc bấy giờ đang hoành hành trong vùng Bắc Phi châu, nằm dưới quyền kiểm soát của Roma. Đức Cha Possidio, khi đó đang ẩn trốn tại Ippona, đã dùng danh mục trong thư viện của thánh Agostino. Có từ 3 tới 4 ngàn bút tích của thánh Agostino, kết qủa của 40 năm giảng dậy và sáng tác, nhưng ngày nay chỉ còn lại hơn 300 bức thư và gần 600 bài giảng. Trong các năm gần đây người ta cũng đã khám phá ra thêm một nhóm thư nữa và vài bài giảng khác của thánh nhân.

Đức Cha Possidio viết trong cuốn tiểu sử thánh Agostino: ”Nhiều sách đã được thánh Agostino sáng tác và công bố. Nhiều bài người giảng trong nhà thờ đã được ghi chép lại, sửa chữa và phổ biến, để chống lại các kẻ lạc giáo cũng như để giải thích Kinh Thánh và xây dựng các thánh con cái Giáo hội. Các bút tích đó qúa nhiều, một học giả khó có thể đọc và hiểu biết hết được” (Vita Augustini, 18,9).

Hơn một ngàn bút tích ấy của thánh nhân thuộc nhiều thể loại khác nhau: từ triết lý tới hộ giáo, từ giáo lý tới luân lý, từ chú giải Kinh thánh cho tới chống lại lạc giáo. Trong số đó nổi bật vài tác phẩm quan trọng, chẳng hạn như cuốn ”Tự thú”, gồm 13 cuốn, viết giữa các năm 397-400 để chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Nó là một loại tiểu sử mang hình thái một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Thể loại văn chương này phản ánh chính cuộc sống của thánh Agostino, một cuộc sống không đóng kín co cụm trong chính mình và phân tán trong nhiều sự, nhưng được sống nòng cốt như cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Rồi Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa tựa đề ”Tự thú” như sau:

Tự thú trước hết ám chỉ việc xưng thú các yếu đuối của mình, cái bần cùng của tội lỗi, nhưng đồng thời tự thú cũng có nghĩa là ngợi khen, nhớ ơn Thiên Chúa. Nhìn sự khốn cùng của mình dưới ánh sáng của Thiên Chúa trở thành sự ngợi khen Thiên Chúa và cảm tạ Thiên Chúa vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, chấp nhận chúng ta, biến đổi chúng ta và nâng chúng ta lên với Chúa. Tác phẩm đã được rất nhiều người thời thánh nhân ưa thích. Nhờ nó chúng ta có thể theo dõi từng bước con đường nội tâm của thánh nhân, một con người ngoại thường say mê Thiên Chúa.

Tác phẩm ”Thu hồi - Retractationes” gồm 2 cuốn viết vào năm 427, ít được biết tới hơn, nhưng là tác phẩm duyệt xét toàn bút tích do thánh nhân viết khi đã già, và là tài liệu rất qúy cho thấy giáo huấn về sự khiêm tốn và liêm chính trí thức.

Tác phẩm ”Nền văn minh của Thiên Chúa - De civitate Dei” sáng tác giữa các năm 413-426 gồm 22 cuốn, khai triển tư tưởng chính trị Tây âu. Nhân vụ quân rợ Got cướp phá thành Roma năm 410 người ta nói giờ đây Thiên Chúa của người Kitô và các Tông Đồ không thể che chở thành phố, như các thần ngoại giáo trước kia. Tác phẩm trình bầy tương quan giữa tín hữu với Thiên Chúa và tương quan giữa lãnh vực chính trị và lãnh vực lòng tin. Cả ngày nay nữa tác phẩm này là suối nguồn giúp định nghĩa tính cách đời đích thực và nhiệm vụ của Giáo Hội. Tác phẩm giải thích lịch sử nhân loại là cuộc chiến đấu giữa hai tình yêu: tình yêu đối với chính mình đến chỗ thờ ơ với Thiên Chúa, và tình yêu đối với Thiên Chúa đến độ thờ ơ với chính mình (De civitate Dei, XIV, 28), cho đến chỗ hoàn toàn tự do khỏi chính mình để phục vụ tha nhân trong ánh sáng của Thiên Chúa. Đây có lẽ là tác phẩm lớn nhất và có tầm quan trọng thường hằng trong các bút tích của thánh Agostino.

Tác phẩm ”Ba Ngôi Thiên Chúa - De Trinitate” gồm 15 cuốn, viết trong hai giai đoạn: 12 cuốn đầu viết năm 412 và được công bố mà thánh Agostino không hay biết, rồi được bổ túc năm 420. Sách trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất nhưng gồm Ba Ngôi Vị. Trong khi tác phẩm ”Giáo lý Kitô - De doctrina Christiana” là sách dẫn nhập vào việc chú giải Kinh Thánh và vào Kitô giáo.

Tuy ý thức được tầm vóc trí thức của mình, thánh Agostino coi việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng cho tín hữu là điều quan trọng và cấp thiết hơn. Đề cập tới điểm này Đức Thánh Cha nói:

Vì thế đối với thánh nhân thông truyền lòng tin một cách dễ hiểu cho tất cả mọi người là điều ích lợi hơn là viết các tác phẩm thần học lớn. Thánh nhân cảm nhận được tinh thần trách nhiệm sâu xa đối với việc phổ biến rộng rãi sứ điệp Kitô. Nó làm phát sinh ra tác phẩm ”Giáo lý cho dân quê - De catechizandis rudibus” hay ”Thánh vịnh chống lại bè phái Donatus - Psalmus contra partem Donati”, trong đó thánh Agostino cho biết người cố ý viết sai cả văn phạm để cho người dân đơn sơ ít học có thể hiểu rằng giáo huấn của bè phái Donatus khẳng định rằng Kitô giáo đích thực là phi châu là sai, vì chỉ trong sự hiệp nhất của Giáo Hội thì tương quan của chúng ta với Thiên Chúa mới hiện thực và hòa bình mới lớn lên trên thế giới này.

Nhưng đặc biệt là các bài giảng mà thánh Agostino nói buông, được tín hữu ghi chép trong lúc đó, và được phổ biến ngay, trong đó nổi tiếng nhất là tập ”Enarrationes in Psalmos”. Thói quen phổ biến các bài giảng, không được tác giả kiểm soát trước, giải thích sự phố biến rộng rãi và lưu lạc sau này của các bút tích của thánh Agostino cũng như sức sinh động của chúng. Các Giám Mục và linh mục khác cũng sưu tầm và lấy chúng làm mẫu mực cho các bài giảng của mình, được thích ứng với các hoàn cảnh mới.

Ngay từ thế kỷ thứ IV truyền thống hội họa đã vẽ thánh Agostino tay cầm cuốn sách, ám chỉ các bút tích của người có ảnh hưởng sâu rộng trên tâm thức và tư tưởng Kitô, nhưng nó cũng ám chỉ tình yêu thương của thánh nhân đối với sách vở, giúp hiểu biết nền văn hóa to lớn có trước. Khi qua đời, thánh Agostino đã không để lại gì, ngoại trừ thư viện có rất nhiều thủ bản qúy hiếm gồm cả các bút tích của người, mà thánh nhân dặn dò phải bảo trì. Qua các bút tích đó thánh nhân vẫn sống động và hiện diện giữa chúng ta ngày nay và tín hữu thuộc mọi thời đại.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau trước khi cẤt kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Các linh mục quê quán Giáo xứ Văn Hải, Phát Diệm, họp mặt mừng Xuân và cầu cho tiên tổ
Người Văn Hải
09:57 20/02/2008
PHÁT DIỆM -- Sáng ngày 20 tháng 02 năm 2008, từ khắp các ngả đường thuộc giáo xứ Văn Hải, từ người già đến trẻ em, có cụ già gần 100 tuổi, trẻ em được cha mẹ bồng ẵm trên tay, nô nức tiến về ngôi thánh đường thân thương, trái tim của Giáo xứ-Nhà thờ xứ Văn Hải để cùng nhau hiệp dâng thánh lễ nhân dịp đầu năm.

Thánh lễ đầu xuân hôm nay đặc hơn bởi lẽ, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954 tới nay các cha “quê hương” đang làm mục vụ trong cánh đồng giáo phận hội tụ về đầy đủ nhất:

1. Cha Giuse Trần Ngọc Văn (chính xứ Ninh Bình)

2. Cha Inhaxiô Bùi Ngọc Hoàng (chính xứ Hướng Đạo)

3. Cha Phêrô Trần Ngọc Vũ (chính xứ Hảo Nho)

4. Cha Giuse Lê Văn Hưởng (chính xứ Sào Lâm)

5. Cha Vixentê Nguyễn Văn Phương (Chính xứ Khoan Dụ)

6. Cha Phaolô Nguyễn Văn Định (chính xứ Lãng Vân) cùng với cha Giuse Vũ Công Hòang (Chính xứ), cha Phaolô Nguyễn Tất Ứng (Phó xứ) và tòan thể cộng đòan dân Chúa thuộc giáo xứ Văn Hải hiệp dâng thánh lễ cầu cho người sống và những ai đã ly trần.

10g15, thánh lễ được cử hành. Cha Giuse Trần Ngọc Văn, nguyên Tổng Đại Diện và hiện đang trong cương vị Phó Đại Diện Đức cha Giám Quản chủ sự thánh lễ cùng với cha chánh, phó xứ và các cha “cùng quê hương”.

Dẫn vào Thánh lễ, cha chủ tế kêu mời cộng đồng Phụng vụ tạ ơn Thiên Chúa về những ân huệ mà Ngài đã tặng ban cho giáo xứ, chúc mừng và cầu nguyện cho giáo xứ nhân dịp năm mới và không quên cầu nguyện cho các bậc tiền nhân trong giáo xứ đã ly trần.

- Khái quát nhìn lại những ân huệ mà Thiên Chúa tặng ban cho giáo xứ trải qua dòng thời gian thăng trầm; nhìn vào cơ sở vật chất, cơ sở tinh thần trong hiện tại để cảm nghiệm hồng ân Thiên Chúa.

- Ghi nhớ các bậc tiền nhân và công lao của các cha xứ, các cha giúp xứ cũng như cha phó xứ.

- Cảm ơn và ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân; gợi mở những thực hành sống đạo nhằm xây dựng giáo xứ cho xứng với công đức của các cha, các bậc tiền nhân là nội dung chính yếu trong bài giảng mà cha Phaolô Nguyễn Văn Định chia sẻ trong thánh lễ.

Cuối lễ, cha Inhaxiô Bùi Ngọc Hòang đã có những lời chia sẻ cảm nghĩ về cuộc hội ngộ đông đủ và đầy ý nghĩa qua sáng kiến của cha chính và cha phó xứ nhân dịp đầu xuân này. Cha Inhaxiô kêu mời mọi người trong giáo xứ và những người quê hương Văn Hải hiện đang sống trên khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, cũng như những người quê Văn Hải đang sống ở hải ngọai hãy giữ vững truyền thống tốt đẹp của Văn Hải; và ngài cũng ước mong rằng các năm sau cũng sẽ có cuộc hội ngộ như hôm nay và có có thể còn đông hơn, vui hơn nữa; ngài hy vọng rằng sẽ có các cha các thầy, các sơ và những anh chị em quê Văn Hải cùng về hội ngộ đầu xuân tại quê nhà.

Sau những chia sẻ của cha Inhaxiô, ông Nguyễn Văn Thức, phó trương - đại diện cộng đòan giáo xứ Văn Hải nói lên niềm vui và bày tỏ lòng biết ơn đối với cha chính và phó xứ cũng như các cha quê hương.

Thánh lễ kết thúc trong tâm tình hân hoan của ngày xuân trong ca khúc Nữ Vương Mùa Xuân.

Sau thánh lễ, là tiệc gặp mặt tại hội trường giáo xứ Văn Hải trong tình thân ái.
 
Lễ bàn giao và nhậm chức cha sở Hoa Châu, hạt Phú Yên
Lm. Jos. Trương Đình Hiền
10:20 20/02/2008
LỄ BÀN GIAO NHẬMCHỨC CHA SỞ HOA CHÂU

Hôm nay, Thứ Tư 20.02.2008, một biến cố mục vụ trọng đại đã diễn ra tại giáo xứ Hoa Châu, thuộc giáo hạt Phú Yên, Giáo phận Qui Nhơn: Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Qui Nhơn đã chủ trì thánh lễ đồng tế với khoảng 40 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng đông đảo tu sĩ, giáo dân thuộc giáo xứ Hoa Châu và các xứ đạo lân cận thuộc hạt Phú Yên, để chính thức bổ nhiệm cha Phêrô Võ Hùng Sinh, nguyên phó xứ Mằng Lăng, về làm Chánh xứ Hoa Châu, thay cho cha F.X. Trần Hòa đang dưỡng bệnh tại Sài Gòn.

Được biết, Cha F.X. Trần Hòa, nguyên chánh xứ Hoa Châu, sau khi bị tai nạn xe trên đường từ Tuy Hòa về Hoa Châu hôm 20.10.2007, sức khỏe yếu đi, đã xin Đức Cha cho được nghỉ hưu tại Sài Gòn. Trước yêu cầu mục vụ cấp thiết của giáo xứ Hoa Châu, một cộng đoàn đã có từ lâu đời, khoảng năm 1850, nằm vào cực Tây-Nam của giáo phận Qui Nhơn, Đức Giám Mục giáo phận đã quyết định đưa cha Võ Hùng Sinh, đương nhiệm phó xứ Mằng Lăng, về làm chánh xứ Hoa Châu thay cho cha F.X. Trần Hòa, vị linh mục đã phục vụ tại đây gần 33 năm. Thánh lễ đã diễn ra trong bầu khí trang trọng, sốt sắng, ấm áp tình hiệp thông của cộng đoàn Dân Chúa và tình huynh đệ trong chức linh mục. Cộng đoàn dân Chúa giáo hạt Phú Yên hân hoan đón mừng Cha sở mới Hoa Châu, Phêrô Võ Hùng Sinh, và chia vui với giáo xứ Hoa Châu trong giai đoạn mới. Xin Chúa chúc lành cho Cha sở mới và cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa giáo xứ Hoa Châu.
 
Tờ báo tại Giáo Phận Tulsa đăng tin về Tòa Khâm Sứ Hà Nội
Ngọc Loan
10:44 20/02/2008
Tulsa: Điểm qua các báo Công Giáo và các Thông Tấn Xã Công Giáo nổi tiếng trên thế giới không ít thì nhiều đều đăng tin về Tòa Khâm Sứ Hà Nội. Ngay cả Thông Tấn Xã Công Giáo Hoa Kỳ là Thông Tấn Xã lớn nhất cũng đã đăng tin về Tòa Khâm Sứ Hà Nội 3 lần.

Hôm nay thử mua tờ báo Eastern Oklahoma Catholic của Giáo Phận Tulsa tại Hoa Kỳ xem họ đăng những gì, có lẽ tin đăng về Việt Nam trên báo số này so với người Việt là tin muộn màng, thế nhưng tờ báo này là số mới nhất ra ngày 17/2 và ra 2 tuần một lần, hẳn nhiên họ chỉ đăng lên những tin thật quan trọng và giá trị. Mời Quý Vị và Quý Bạn thử đọc xem.

Xin nhấn vào đây
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Hà Đông với Muà Chay Công Lý
Bs Vũ Linh Huy
01:41 20/02/2008
Hà Đông với Muà Chay Công Lý.

Hà Đông ơi, vững tâm cầu nguyện,
Hãy luân phiên thắp nến khấn xin,
Nến này củng cố Niềm Tin,
Soi đường Công Lý đến nghìn dặm xa.

Vì bạo lực, gian tà, giả dối,
Mà quê hương tăm tối triền miên!
Hễ con cái Chuá kết liên,
Sức ta vô địch, bạo quyền phải lui.

Cầu nguyện mãi, dù đòi được đất,
Bởi dân ta còn mất quá nhiều,
Dể khinh, chèn ép đủ điều,
Vu oan, bóc lột bao nhiêu năm trường!

Muà Chay này tình thương rộng mở,
Xót đồng bào oan khổ, buồn đau,
Xót thương Dân Chuá vùng cao,
Bạo quyền dày xéo đã bao năm rồi!

Đòi đất chính là đòi Công Lý,
Thắp nến vì một ý thương dân,
Lưả thiêng chuyển khắp xa gần,
Quê hương bừng sáng, hoa Xuân rợp trời.

Dân ta đứng dậy làm người!

Boston, ngày 19 tháng 2 năm 2007
 
Kết đoàn, chúng ta đòi công lý cho toàn dân!
Bs Vũ Linh Huy
01:43 20/02/2008
Kết đoàn, chúng ta đòi công lý cho toàn dân!

Dân Việt ta ơi, dậy mà đi!
Giờ đã điểm rồi, đợi chờ chi?
Kết đoàn, sức ta là vô địch,
Chướng ngại, chông gai, có xá gì!

Ta, trải bao năm, có giận nhau,
Có gây cho nhau những buồn đau.
Hôm nay, vì nước, ta tha thứ,
Để gốc yêu thương trổ phép mầu.

Ta dù khác đạo, khác niềm tin,
Nhưng lòng yêu nước đã kết liên,
Nghiã tình dân tộc ta trân quý,
Bao nhiêu ngăn cách cũng nối liền.

Tự Do Tôn Giáo bạn từng đòi,
Nắm tay ta xác quyết một lời:
Tự Do Tôn Giáo cho cả nước,
Cho mọi con dân cuả Phật, Trời!

Bạn từng tranh đấu chống bạo quyền,
Từng vì dân dân nước chịu truân chuyên,
Họp nhau ta thổi bùng ngọn lưả,
Rồi chuyển lưả đi khắp mọi miền.

Bạn còn trong đảng cũng không sao,
Thấy điều bất nghiã dạ đớn đau,
Thương dân cùng khốn vì bạo lực,
Nối tay ta cùng bắc nhịp cầu!

Bạn là binh sĩ hoặc công an,
Chẳng ưng tham nhũng, ghét dối gian,
Ta hãy cùng nhau liên kết lại,
Cứu người oan ức, kẻ lầm than!

Người Việt khắp nơi hãy kết đoàn,
Đẩy lui bóng tối, bạo lực tan,
Công Lý, Hoà Bình ta gây dựng,
Tình Thương rực nở khắp giang san!

Boston, ngày 18 tháng 2 năm 2008
 
Hoài niệm về Chùa và Tháp Bảo Thiên
Nguyễn Đình Tư
13:16 20/02/2008
HOÀI NIỆM VỀ NGÔI THÁP BÁO THIÊN

Nguyễn Đình Tư

Lời giới thiệu: Trong thời gian gần đây, nhiều bài báo đã có những lời lẽ không đúng sự thật về Chùa Báo Thiên và ngôi Tháp Báo Thiên, gây nên những hiểu lầm tai hại như người Công giáo cộng tác với thực dân Pháp phá chùa, phá tháp, cướp đất của nhà chùa… có thể làm mất tình đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc. Để phục vụ cho công lý và hoà bình, chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Nguyễn Đình Tư lấy nguồn trong cuốn "Nghĩ về Thăng Long Hà Nội của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam" (do Nhà Xuất Bản Trẻ phát hành, năm 2001, trang 100-105).

Triều đại nhà Lý là một triều đại cực thịnh về Phật Giáo. Các vua đều là những tín đồ thuần thành. Vua Lý Thánh Tông là người thấm nhuần giáo lý Đức Phật nhất. Chính sách trị nước của ông dựa trên đức từ bi hỉ xả. Ông thương dân như thương con ruột. Trong lúc bản thân ông được mặc áo lông cừu, đắp chăn bông ấm áp nơi cung điện nguy nga, ông lại nghĩ đến những tù nhân đang bị giam cầm nơi ngục thất, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Nhờ chính sách “dân vi quý” ấy mà đất nước được sống trong thanh bình, dân chúng được ấm no an lạc.

Khi nhà vua lên ngôi, trong nước thái bình, thịnh trị nên đặt niên hiệu là Long Thuỵ Thái Bình. Năm thứ 3 Bính Thân 1056, mùa Thu tháng Tám (1), nhà vua cho xây ngôi chùa trên bờ hồ Lục Thuỷ (2) ở về phía Đông thành Thăng Long. Chùa được đặt tên là Sùng Khánh Báo Thiên. Nhà vua còn ra lệnh xuất kho lấy 12.000 cân đồng (3) đúc chuông để tại chùa. Nhà vua thân làm bài minh khắc vào chuông.

Qua năm sau, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ 4, Đinh Dậu 1057, mùa Xuân tháng Giêng, nhà vua lại cho xây ngôi bảo tháp tại chùa gọi là Đại Thắng Tự Thiên cao đến vài chục trượng, theo Việt Sử lược thì chia làm 30 tầng, còn theo Đại Việt Sử ký Toàn thư và nhiều sách sử khác thì chia làm 12 tầng. Vì tháp của chùa Sùng Khánh Bảo Thiên, nên về sau người ta quen gọi là Tháp Bảo Thiên, cũng như khi sắp xếp phường phố của thành Thăng Long, người ta cũng gọi phường ở khu vực này là Phường Bảo Thiên.

Tháp được xây trên một gò đất cao. Nền tháp xây đá và gạch. Các viên gạch đều khắc dòng chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo”, nghĩa là chế tạo năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư triều vua thứ 3 nhà Lý. Tầng trệt của tháp có 4 cửa, có lẽ do tháp xây theo hình vuông. Ngoài ra còn có những tượng người, tiên (4), chim muông cho đến những giường, ghế, chén bát không thể kể xiết, toàn bằng đá (5).

Các tầng trên cùng bằng đồng. Vì vậy mà tháp thường bị sét đánh sạt đổ phần trên. Sử chép rằng tháng 8 năm Mậu Ngọ 1258, niên hiệu Nguyên Phong năm thứ 8 triều vua Trần Thái Tông, gặp mưa bão lớn, ngọn tháp bị cuồng phong quật đổ rơi xuống. Tháng 3 năm Nhâm Tuất 1322, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 9 triều vua Trần Minh Tông, sét đánh Tháp Báo Thiên sụt mất 2 tầng góc phía Đông. Tháng 6 năm Bính Tuất 1406, niên hiệu Khai Đại năm thứ 4 triều Hồ Hán Thương, đỉnh tháp lại bị rơi đổ. Viên An Phủ Sứ thành Đông Đô không tâu báo, bị biếm một tư. Có lẽ vì tháp xây quá cao vào lúc đầu, thường bị mưa bão hoặc sét đánh rơi đổ các tầng trên đỉnh, nên về sau trùng tu hạ xuống còn 12 tầng.

Cửa tháp tầng thứ 3 khắc 4 chữ “Thiên tử vạn tuế” có ý cầu cho vua sống muôn tuổi, mà theo quan niệm xưa, vua tức là nước, vua sống muôn tuổi thì nước được trường tồn bất diệt. Đỉnh tháp có hàng chữ “Đao Ly Thiên” nghĩa là ngọn giáo cao liền trời, ngụ ý ngọn tháp Báo Thiên nơi kinh đô biểu tượng cho nước Đại Việt hiên ngang tồn tại một góc trời, phù hợp với ý của Lý Thường Kiệt đã khẳng định “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.

Như trên chúng ta đã thấy, Tháp Báo Thiên cao đến vài chục trượng, vượt khỏi các ngọn cây, cao tận trời xanh nên từ xứ Nam thiền sư Minh Không đi thuyền buồm ngược sông Nhị Hà, khi tới bến Yên Duyên (6) đã nhìn thấy đỉnh tháp rồi, được thiền sư mô tả cảm xúc qua câu thơ sau đây đầy vẻ tự hào:

Tằng tằng bảo sái nhập vân yên (7)

Từ ngày chùa Sùng Khánh và Tháp Báo Thiên được xây dựng, nơi đây trở thành một danh thắng của đế đô Thăng Long và là trung tâm của Phật giáo nơi đế kinh. Năm Canh Ngọ 1150, niên hiệu Đại Định năm thứ 11 đời vua Lý Anh Tông, thiền sư Đại Huệ, đời thứ 9 dòng Thiền Tông ở chùa Phật Tích, xứ Bắc, được nhà vua vời về kinh vào cung chữa bệnh, đã lưu lại chùa này mở trường dạy học rồi tịch ở đây vào năm 1172. Cũng tại chùa này, năm 1177, thiền sư Tĩnh Giới được vua Lý Cao Tông mời đến làm lễ cầu mưa có kết quả, được nhà vua gọi là “vũ sư” nghĩa là nhà sư cầu được mưa. Năm Bính Thìn 1136, niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ 4, vua Lý Thần Tông bị bệnh phải mời thiền sư Nguyễn Minh Không vào cung chữa trị. Khi thiền sư đến Thăng Long, nhà vua cho cất nhà bên cạnh chùa để sư ở, sau thành đền Lý Quốc Sư cho đến nay. Cũng tại chùa này, vào những năm hạn hán, các vua nhà Lý thường sai quân tổ chức lễ cầu mưa.

Như trên đã nói, chùa Sùng Khánh và Tháp Bảo Thiên là một danh thắng của thành Thăng Long. Cho nên được nhiều danh sĩ đương thời làm thơ ngâm vịnh. Bài Đề Báo Thiên tháp sau đây của nhà thơ lớn đời Trần là Phạm Sư Mạnh đã nói lên tầm cỡ quy mô và vai trò của Tháp báo Thiên đối với thành Thăng Long:

Phiên âm:
Trấn áp Đông Tây củng đế kỳ,
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy.
Sơn hà bất động kình thiên trụ,
Kim cổ nan ma lập địa chuỳ.
Phong bãi chung linh thời ứng đáp,
Tinh di đăng chúc, dạ quang huy
Ngã lai dục thử đề danh bút,
Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì.

Đào Thái Tông dịch thơ:
Trấn áp Đông Tây giữ đế đô,
Hiên ngang ngọn tháp đứng trơ trơ.
Non sông vững chãi tay trời chống,
Kim cổ khôn mòn đỉnh tháp nhô.
Thỉnh thoảng gió lay chuông ứng đáp,
Đêm đêm sao xế đuốc khôn mờ.
Tới đây những muốn dầm ngòi bút,
Chiếm cả dòng sông mài mực thơ.
(8)

Tiếc thay, Tháp Báo Thiên đã bị quân Minh dưới quyền chỉ huy của Vương Thông, năm 1426, bị quân của Bình Định Vương Lê Lợi bao vây trong thành Đông Quan (9) phá sập để lấy đồng đúc súng đạn dùng chống lại quân Lam Sơn. Từ đó, chùa bị bỏ hoang. Triều Lê cho đắp núi đất phủ lên nền cũ. Cuối thế kỷ XVIII, nơi sân chùa thì họp chợ gọi là chợ Báo Thiên. Núi dùng làm nơi xử chém những tội nhân bị kết án tử hình. Năm 1791, người ta đào lấy những gạch đá nơi nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.

(Nguồn: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nghĩ về Thăng Long Hà Nội, NXB Trẻ 2001, TP.HCM, tr 100-105)

Chú thích:
1 Đại Việt Sử lược ghi tháng 8, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi tháng 4.
2 Hồ Lục Thuỷ về sau là hồ Tả Vọng hay hồ Thuỷ Quân hay hồ Hoàn Kiếm.
3 Đại Việt Sử lược ghi 11.000 cân.
4 Đây là tượng các vị Bồ Tát và La Hán.
5 X. Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sở VHTT Hà Nội 1975.
6 Nay là Yên Sở, huyện Thanh Trì.
7 Nghĩ là Tầng tầng Bảo tháp quyện khói mây.
8 Thơ văn Lý Trần, tập III, tr. 115-116.
9 Tức Đông Đô, Thăng Long.
 
Thông Báo
Phân Ưu: Ông Antôn Nguyễn Văn Qui đã từ trần tại Saigòn Việt Nam
Bạn Lớp
12:17 20/02/2008

PHÂN ƯU


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh
chúng tôi xin hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn:

Ông Antôn Nguyễn Văn Qui


sinh năm 1941 tại xã Qui Hậu, xứ Tôn Đạo, Phát Diệm
được Chúa gọi về Nhà Cha ngày 9/02/2008 tại Saigòn.
Thánh lễ đồng tế An Táng được cử hành tại Nhà thờ Tân Phước
ngày 12/02/2008 và tro cốt được giữ tại Nhà Cốt giáo xứ Tân Phước.

Những người bạn cùng lớp với Anh Qui xin chân thành chia buồn
với Chị Nguyễn Qui và các cháu: Minh Nguyệt, Quang Toàn (Saigòn)
và Phương Thúy (Texas), và gia đình.

Xin Chúa ban phúc trường sinh cho linh hồn Antôn vào nơi ánh sáng ngàn thu.

Các bạn cùng lớp: LM Viễn, LM Tòan, Thực (Việt Nam) LM Duyệt (Roma),
Khoái, Phúc, LM Nghị, Thao, Thế, Súy, LM Trọng, Vinh (Hoa Kỳ)...
 
Tin Đáng Chú Ý
Mỹ 'lạc quan' về khả năng thay đổi ở VN
BBC
10:06 20/02/2008
Mỹ 'lạc quan' về khả năng thay đổi ở VN

Việt Nam đang tiến về trước, nhanh hay chậm?

Hôm 12-2, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã trình bày một số nhận định về chính trị Việt Nam trước Tiểu ban Nhân quyền của Quốc hội Mỹ (Congressional Human Rights Caucus).

Ông Jon Aloisi nhìn nhận vẫn có nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng, nhưng nhấn mạnh về tốc độ và triển vọng thay đổi bên trong ở Việt Nam.

Tiến bộ công nghệ, mà tiêu biểu là Internet, đang giúp tạo nên những thay đổi trong nhận thức của người dân.

Chính phủ ở Hà Nội đã có nhiều biện pháp để kiểm soát, nhưng ông Jon Aloisi nói các hạn chế này “bị đè bẹp vì cơn sóng thông tin tràn vào đất nước rất trẻ trung, nhiều học thức này”.

Ông thừa nhận Việt Nam vẫn là một nước “duy trì quyền bắt bớ bất cứ người nào, tống vào tù và vất chìa khóa đi”.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ tỏ ý lạc quan về tiềm năng của những tiến bộ, nói rằng vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây là “bước tiến lớn”.

Ông Aloisi nói: “Chúng ta có thể dùng vị trí thành viên của họ để giáo dục và thúc đẩy thay đổi”.

Ông cũng nói Việt Nam có thể đang ở trong lộ trình tiến đến dân chủ đa đảng trong vòng 15 – 20 năm tới.

Những tuyên bố của các viên chức ngoại giao Mỹ được xem là chỉ dấu về chính sách của Washington đối với Việt Nam.

‘Không lạc quan’

Vậy bình luận mới nhất của Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam được những người quan tâm đến công cuộc dân chủ hóa nhìn nhận ra sao?

Ông Vũ Quốc Dụng, làm việc ở Hiệp hội nhân quyền Quốc tế ở Đức, cho rằng phía Mỹ tin tưởng vào những dàn xếp của họ với chính quyền ở Hà Nội. Nhưng ông cho rằng Washington đã lạc quan hơi quá.

Ông Dụng khen Sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã có những cố gắng tiếp xúc với những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam.

“Nhưng họ chờ đến khi những người ấy bị bắt thì mới lên tiếng; thái độ đó là quá chậm. Theo tôi phía Mỹ cần lên tiếng sớm hơn, làm sao để ngăn những hành động gây khó dễ,” ông Dụng nhận xét.

Trong hai năm gần đây, một loạt những tổ chức chính trị được cho là đã ra đời ở Việt Nam, mặc dù không ai biết rõ số lượng thành viên thật sự là bao nhiêu.

Theo ông Vũ Quốc Dụng, hiện nay chính quyền không chính thức cấm đảng nào ra đời, nhưng chính quyền vô hiệu hóa hoạt động của họ.

“Những người nào hoạt động tích cực nhất thì bị vô hiệu hóa. Mỹ không nên nhìn vấn đề theo bề mặt, mà có lẽ phải đi sâu vào để giải quyết các phát sinh thực tế,” ông Dụng nói.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bâng Khuâng
Diệp Hải Dung
00:20 20/02/2008

BÂNG KHUÂNG



Ảnh của Diệp Hải Dung - Australia - Hình chụp tại Sydney.

Thoáng buồn nhìn cánh hoa xuân

Tìm ôn dĩ vãng tựa vầng mây trôi…

(Diệp Hải Dung)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền