Ngày 19-02-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thần lành, thần dữ
Lm Vũđình Tường
06:59 19/02/2015
Cuộc đời rao giảng nơi trần thế của Đức Kitô cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa thần lành và thần dữ. Thần lành hướng dẫn Đức Kitô vào hoang địa chuẩn bị cho cuộc đời rao giảng công khai. Trái lại thần dữ rình rập tìm cơ hội cám dỗ Đức Kitô nơi hoang địa. Còn một thần nữa Kinh Thánh không nhắc đến đó chính là thần khí của Đức Giêsu. Kinh Thánh dường như không phân biệt sự khác biệt giữa Thần Khí Thiên Chúa và Thần Khí của Đức Kitô nhưng thường dùng chung, hoán đổi cho nhau.

Trong bài giảng đầu tiên nơi hội đường, người ta đưa cho Đức Kitô sách thánh, Ngài mở ra đúng đoạn tiên tri Isaiah nói về Ngài.

Thần Khí Thiên Chúa ngự trên tôi Lk 4,18

Sách tiên tri Isaiah chương 62,1-2 tiên đoán về cuộc đời rao giảng của Đức Kitô trong đó nhấn mạnh đến việc

Ngài đến để mang Tin Mừng đến cho người nghèo khó, giải thoát kẻ bị giam cầm, cho người mù sáng mắt, giải thoát kẻ bị đoạ đầy và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

Sứ mạng của Đức Kitô được hiểu một là ích lợi về phần xác và hai là ích lợi phần tâm linh. Đức Kitô mang thân phận con người như chúng ta nên con tim Ngài cũng có cảm giác như chúng ta cảm nghiệm. Con tim Ngài cũng biết đau khổ, sợ sệt khi đối đầu với thập giá. Con tim Ngài cũng quằn quại, dằn vặt trước bất công của xã hội, đè nén, chèn ép con người dành cho nhau. Con tim Ngài cũng thấm cảnh con người hành hạ con người, mệt mỏi khó khăn của kẻ tìm công việc. Con tim Ngài cũng biết chán nản, biết mệt mỏi khi phải mong chờ. Những lúc như thế Ngài thường tìm nơi thanh vắng tâm sự cùng Chúa Cha. Con tim Ngài cũng rung động khi ban phát tình yêu và vui mừng đón nhận yêu thương và những lúc như thế Ngài trở về hoang địa tâm hồn, tìm nơi thanh tịnh cảm tạ Chúa Cha. Vì thế để hiểu tâm tình của Đức Kitô chúng ta cũng cần có con tim biết cảm thông của Ngài. Để biết được tâm tình của Thiên Chúa Cha chúng ta cần biết tâm tình của Đức Kitô. Để trở thành môn đệ trung tín của Đức Kitô chúng ta cần tìm nơi thanh vắng tâm sự cùng Đức Kitô.

Về phương diện tâm linh Đức Kitô công bố năm hồng ân của Thiên Chúa và kêu gọi con người thống hối và tin vào Tin Mừng Mk 1,15.

Hành trình thống hối gặp khó khăn, chống đối mãnh liệt từ thần dữ vì thống hối chính là từ bỏ đường lối sống của thần dữ để trở thành con cái sự sáng. Thần dữ coi việc từ bỏ này là hành động phản bội lại chúng và chúng sẽ tìm mọi cách để cám dỗ và nếu cần phải tiêu diệt kẻ phản bội chúng sẽ không ngần ngại. Vì thế hành trình thống hối luôn gặp khó khăn, nội chiến trong tâm hồn xảy ra. Bao nhiêu tư tưởng ma quỷ đưa ra khiến ta ngập ngừng, tìm cơ hội kéo dài thời gian quyết định mong ta dùng giằng trước ngã ba hầu mệt mỏi, buông xuôi theo con đường ma quỷ muốn ta đi theo. Quyết tâm đầu tiên trong hành trình thống hối là tiến vào sa mạc, nơi thanh vắng, chỗ không người đề tâm hồn được an nghỉ. Chính nơi đó ta nghe tiếng mời gọi của Thiên Chúa rõ ràng hơn, mạch lạc hơn, trong sáng hơn bởi thế sa mạc tâm hồn là nơi ta tìm được tiếng Thiên Chúa và tình yêu Chúa.

Đức Kitô không cần thống hối, không cần vào sa mạc nhưng Ngài tự nguyện vào sa mạc để chỉ cho con người con đường thống hối, con đường sa mạc. Chính nơi đó Ngài gặp Chúa Cha nhưng vừa bước chân ra khỏi samạc ma quỷ đã chờ sẵn để cám dỗ. Đức Kitô dùng Lời Chúa đáp trả chúng và chúng đã thua. Chúng ta cũng cần học hỏi Lời Chúa để đáp trả ma quỉ khi chúng đến cám dỗ. Thống hối thật cần đi chung với Lời Chúa, không có lời Chúa đi kèm không có thống hối thật sự vì tự chúng ta không đủ sức chống lại cám dỗ của ma quỉ.

Có sự khác biệt giữa thần khi của Đức Giêsu trần thế và thần khi của Đức Kitô Phục Sinh. Thần khi nơi trần thế của Đức Giêsu nhấn mạnh đến con tim yêu thương của Thiên Chúa; Thần Khí của Đức Kitô Phục Sinh nhấn mạnh đến việc làm cho vinh quang Thiên Chúa rạng rỡ hơn. Vì thế khi nhắc đến Đức Kitô Phục Sinh là nhắc đến vinh quang, khải hoàn, chiến thắng và triều thiên vinh hiển nơi thiên quốc. Nhắc đến thần khí Đức Giêsu trần thế là nhắc đến tâm tình yêu thương, tha thứ và bác ái, từ bi, nhẫn nại.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Mùng Một Tết: Lời Chúc Tết của Con Trời
Nguyễn Trung Tây
10:52 19/02/2015
□ Nguyễn Trung Tây
Mùng Một Tết: Lời Chúc Tết của Con Trời


...Mùng Một Tết, lắng nghe Con Trời
cất giọng chúc Tết
người tín hữu Việt Nam khắp nơi...




Mùng Một Tết, nhìn chung quanh mình, nhìn hàng xóm, nhìn phố xá, nhìn những khu thương xá, người Việt Nam tỉnh thức nhận ra Tết lại thêm một lần nữa theo chu kỳ vòng quay tròn đều của trái đất đang ghé về thăm hỏi dân tộc Việt Nam.

Tết, một con vật mới, một con số mới trong nấc thang của khái niệm thời gian nhắc nhở mọi người về phép lạ nhiệm mầu của đời sống; bởi bây giờ bên hải ngoại vẫn là tuyết rơi, là lạnh cóng. Nhưng, không bao lâu nữa, nắng xuân của tháng Tư, tháng Năm rồi cũng sẽ quay về, đốt sáng đêm đen, sưởi ấm nhân loại. Tháng Năm mùa Xuân sẽ trôi qua, tháng Sáu mùa Hè sẽ tới. Khi đó trời mùa Hè ẩm thấp hơi nước. Tháng Chín, tháng Mười của mùa Thu sẽ lại đến. Khi đó thiên nhiên rộn ràng hòa tấu khúc giao hưởng của gió bấc thổi sáo, gõ phím đàn chuyển cung màu lá xanh sang màu lá đỏ và màu lá vàng. Cứ thế, nhân gian luân hồi, sinh ra, biến mất, khỏe mạnh, bệnh tật, trẻ măng, già lão, rồi lại sinh ra.

Bạn,

Mới ngày nào, chúng ta chỉ mới oe oe khóc trên nôi, giờ này thanh niên, thiếu nữ. Mới hôm qua thôi, chúng ta thanh xuân, da căng trái đào, giờ này gia đình, một vợ một chồng, con cái nhà cửa. Mới sáng hôm nay, chúng ta trung niên, bây giờ buổi chiều tuổi già xế bóng. Cứ thế vòng bánh xe luân hồi xoay tròn, xoay tròn.

Mới đó, vào năm 2879 B.C., Ông Nội Lộc Tục xưng Vương, biệt hiệu Kinh Dương, đặt tên nước Xích Quỷ. Sáng ngày hôm đó, Long Nữ sánh duyên cùng Lộc Tục, hạ sinh Bố Sùng Lãm. Bố Sùng Lãm vươn vai lớn lên thành thanh niên gõ trống đồng, thổi sáo, đánh đàn, cất tiếng hát mê hồn làm mềm lòng con gái Đế Lai, dệt nên thiên tình ca Văn Lang.

Nhắm mắt lại, mở mắt ra, người Việt quốc nội và hải ngoại đang đang hít thở không khí rộn ràng của Mùng Một Tết. Cuộc sống cứ tuần tự đi tới. Hôm qua là 2879 trước Công Nguyên. Hôm nay đang là Mồng Một Tết.

Chúa Giêsu phán, “Đừng lo lắng cho tương lai làm chi” (Matt 6:34). Giáo Hội có lý do riêng khi chọn bài đọc Phúc Âm Matt 6:25-34, bàn về những cái lo lắng không cần thiết, vào ngày Mùng Một Tết. Điều mà Giáo Hội muốn nhắc nhở và kêu gọi mọi người tín hữu trong ngày đầu Xuân là, “Hãy tỉnh thức! Hãy mơ với tương lai, nhưng hãy sống với hiện tại”, bởi vì đời sống tiếp tục xoay tròn theo vòng tròn của bánh xe thời gian. Ngày hôm qua là Lộc Tục Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai Sùng Lãm. Ngày hôm nay là chúng ta, con cháu của chim trắng gõ nhịp trống đồng Lạc Việt đang hít thở không khí trong lành của một ngày mới tinh khôi.

Ngày mai sẽ ra sao? Không ai biết! Thật vậy, không ai biết chuyện chi sẽ xẩy ra vào ngày mai. Cho nên Chúa Giêsu mới nói đừng lo lắng cho tương lai, nhưng hãy sống với hiện tại.

Tuổi thơ luôn luôn mơ ước mình trở thành người lớn. Nhưng ngày đó sẽ tới dù chúng ta có muốn hay không muốn. Hãy tỉnh thức sống với giây phút hiện tại của tuổi ngây thơ trong trắng chưa nhìn đời với ánh mắt nghi ngờ, vẩn đục niềm tin.

Tuổi hai mươi hay mơ ước gặp gỡ người tình trong mộng. Người tình trong mộng của chúng ta rồi sẽ xuất hiện. Hãy sống với tuổi trăng tròn ươm mơ, bởi tuổi trăng tròn sẽ không bao giờ quay lại, gõ cửa tâm hồn và thể xác của bạn một lần nữa! Hãy tỉnh thức để nhận ra sức sống đang cuộn tròn, nhựa sống căng tràn trên khóe mắt; bởi ngày đó sẽ tới, ngày mà sức sống thôi không còn cháy bừng sáng, nhưng le lói bập bùng như ngọn đèn cạn dầu trước gió.

Tuổi ba mươi! Hãy mơ ước sự nghiệp! Nhưng hãy tỉnh thức để nhận ra chúng ta còn ba mươi năm nữa để bước vào tuổi sáu mươi, cái tuổi của mơ ước về hưu. Tuổi của hồi hưu dẫn tới tuổi bẩy mươi chuẩn bị yên nghỉ. Cuối cùng là tuổi tám mươi nghĩ tới sinh phần.

Hãy tỉnh thức! Hãy tiếp tục mơ với tương lai, nhưng sống với hiện tại. Hãy tỉnh thức để nhận ra mình còn Bố, còn Mẹ. Hãy tỉnh thức để nhận ra mình có những người con đang vươn vai lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương.

Hãy tỉnh thức để nhận ra phép lạ nhiệm mầu của trời và đất, xuân hạ thu đông bốn mùa thay đổi. Hãy tỉnh thức để nhận ra màu xanh của lá cây bên khung cửa, của tiếng chim hót chào mừng bình minh, đang nhè nhẹ gõ cửa sổ, trao ban tận tay hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tặng phẩm đời sống do Thiên Chúa gửi tặng chúng ta hằng ngày vào mỗi sáng sớm. Hãy tỉnh thức để nhận ra mình vẫn có cơm trắng gạo thơm. Hãy tỉnh thức để nhận ra sức khỏe vẫn còn đang sung mãn. Hãy hít vào, thở ra, để nhận ra hơi thở của Thiên Chúa đang cuồn cuộn dâng cao trong thể xác và trong linh hồn. Hãy tỉnh thức để mở một nụ cười thật tươi với chính bạn, với vợ, với chồng, và với con vào mỗi sáng sớm.

Đầu năm mới qua bài Phúc Âm của thánh lễ Mùng Một Tết, người Việt Nam có dịp lắng nghe Con Trời cất giọng chúc Tết người tín hữu Việt Nam khắp nơi, từ trong quốc nội ra tới hải ngoại. Ngài nói,

— Năm mới, Chúa chúc người Việt Nam nhiều bình an và hạnh phúc trên con đường tìm kiếm Nước Trời. Đừng lo chi cho ngày mai, bởi vì tương lai sẽ lo cho tương lai (Matt 6:33-34).

Sống tỉnh thức, sống sung mãn, sống ý thức, và sống tràn đầy với phép lạ của đời sống trong giây phút hiện tại là một trong những lời chúc của Thiên Chúa gửi tới người tín hữu Việt Nam nhân ngày đầu Xuân dân tộc.


Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong ngày đầu Xuân, xin giúp chúng con tỉnh thức sống trọn vẹn với phép lạ nhiệm mầu của đời sống hằng ngày. Xuân về, xin tuôn đổ ơn trời xuống mặt đất để nhân loại trên toàn thế giới mau chóng bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của thanh bình và hạnh phúc.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.webs.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoa Kỳ liên kết đồng tính luyến ái với cuộc chiến chống khủng bố
Vũ Van An
00:36 19/02/2015
Sự xuất hiện man rợ của ISIS và bộ máy truyền thông của Tây Phương hiện nay hầu như làm người ta quên khuấy cả một trận chiến khác của khủng bố Hồi Giáo đó là Boko Haram ở Nigeria. Sự quên khuấy này không hẳn là một tình cờ lịch sử, mà là một phần chiến lược của chính quyền Obama hợp tác với ý thức hệ đạo đức tính dục.

Ít nhất thì đó cũng là nhận định của Tân Chủ Tịch Truyền Thông của các giám mục Phi Châu, Đức Cha Emmanuel Badejo của Oyo, Nigeria, trong một cuộc phỏng vấn của Diane Montagna, thuộc tạp chí Aleteia, một tạp chí chuyên về bảo vệ sự sống.

Theo Đức Cha Badejo, các giá trị Phi Châu, tuy không bị đem ra bán đại hạ giá, nhưng hiện đang bị đe dọa nặng nề bởi điều mà Đức GH Phanxicô vốn gọi là “thực dân hóa ý thức hệ” nhằm phá hoại gia đình. Chính sách thực dân mới này tồi tệ đến độ Hoa Kỳ không ngần ngại nói rõ: họ chỉ giúp Nigeria đánh trả nhóm khủng bố Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình và kiểm soát sinh đẻ.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn:

Thưa Đức Cha, là một giám mục tại Nigeria, Đức Cha có thể cho chúng con biết gì về bản chất và các hoạt động của Boko Haram?

Muốn biết mọi câu trả lời chính xác về Boko Haram, có lẽ ta cần rất nhiều thì giờ. Sự thật là từ các suy tư, khám phá và kinh nghiệm của chúng tôi với những người có liên hệ với sự man rợ và bạo lực của Boko Haram, thì đây quả là một pha trộn của rất nhiều sự việc: như tội ác của các chính phủ trong quá khứ, thối nát, hành chánh đồi bại, thiếu chú ý tới lớp trẻ, thiếu chú ý tới những trụ cột chính của dân chủ như giáo dục dân chúng, nhất là ở miền bắc của xứ sở.

Theo tôi, chúng tôi bị lãng quên bởi chính sách cai trị tồi bại của 30 tới 35 năm trước đây.

Chúng tôi thấy chính sách ấy phát xuất từ lâu tại Nigeria. Cô có thể lên miền bắc của Nigeria, ngay cả trong thời hòa bình nhất, cô sẽ thấy từng đoàn người ở ngoài đường phố, không làm gì cả, chỉ biết ăn xin. Bất cứ ai chỉ cần một chút khả năng phân tích cũng biết đây là vấn đề. Không cần phải là Boko Haram. Bất cứ ai với bất cứ ý đồ tội ác nào cũng có rất nhiều tay chân để thuê mướn, để sử dụng cho việc cướp bóc, phá hoại an ninh công cộng.

Khi mới xuất hiện, nền dân chủ đem tới thật nhiều kỳ vọng, nhưng phần lớn những kỳ vọng này không thành sự thật. Giới trẻ, những người đã bị biến thành bất lực không tự chăm sóc cho mình được vì thiếu giáo dục, thiếu nhân dụng, lại thấy các chính trị gia trước đây vốn chẳng là ai nay bỗng trở thành đại gia, có khả năng muốn gì được nấy. Và rồi các phương tiện truyền thông quốc tế nữa, họ thi nhau cho thấy thế nào là một cuộc đời đáng sống, nên giới trẻ này, trước kia bất cần, giờ đây bắt đầu thấy mình cần lưu tâm tới những gì mình có thể có nếu mình cũng nắm được những địa vị kia. Về việc này có nhiều khả thể như đi học chẳng hạn, nhưng làm gì có trường mà học. Cũng làm gì có việc làm. Chỉ mới đây, chính phủ mới bắt đầu xây trường. Nhưng theo tôi, đã quá muộn.

Cũng còn nan đề khác đó là việc thiếu tôn trọng pháp trị. Nigeria có hiến pháp, nhưng hiến pháp này, trong nhiều năm, vốn bị lạm dụng vì chính phủ thiếu ý chí áp dụng luật pháp khi cần. Người ta phạm pháp và không bị luật pháp trừng trị. Nhiều năm trước đây, khi luật Sharia được đem ra áp dụng, chính phủ đã không có biện pháp nào đối phó, chỉ ngồi hy vọng tự nó sẽ tan biến. Chứng tỏ họ không có khả năng kiểm soát bất cứ điều gì.

Tất cả các yếu tố trên đều góp phần vào việc khuyến khích bạo loạn. Thành thử khi Boko Haram nổi lên, những người bất mãn với hệ thống và chính quyền có chỗ bám theo. Cho mãi tới nay, tôi biết vẫn còn những người trẻ tham gia các nhóm khủng bố không phải vì họ thích các nhóm này mà họ cần một ngõ ngách để chống phá chế độ, để bày tỏ sự chống đối của họ. Tất cả những điều này góp tay vào bộ phận tội ác khổng lồ, cai trị dở, thối nát ở miền bắc.

Một nhân tố khác là các tổ chức tôn giáo, là các tổ chức rất có thể đã gia giảm được được hậu quả ở miền bắc, nhưng trên thực tế đã gặp nhiều trở ngại. Các bộ phận của Kitô Giáo, các tổ chức của Giáo Hội, không được tự do mà đáng lý họ phải được hưởng. Ở bắc Nigeria, họ bị chính phủ gây khó khăn trong rất nhiều năm.Theo luật lệ, cô không được mua đất đai, nếu cô là Kitô hữu, và nhiều lần, các giám mục Công Giáo tại Nigeria đã tranh đấu về vấn đề này, nhưng không đi đến đâu. Sự thật là tại một số tiểu bang của Nigeria, cô không thể sở hữu đất đai nếu cô sử dụng đất đai này vào các mục đích tôn giáo. Mục đích này bao gồm việc huấn luyện người cho các trường học, xây các phương tiện cho người ta, cung cấp nền giáo dục luân lý. Vì người ta chỉ chú trọng tới các trường Hồi Giáo, nên họ chỉ dạy Kinh Kôrăng mà thôi, nên cấu trúc tinh thần của xã hội cứ mai một dần.

Lý do khiến điều trên quan trọng là: tôi xuất thân từ miền tây Nigeria, nơi nền văn hóa Yoruba rất mạnh. Nhiều người Hồi Giáo theo nền văn hóa này. Tại khu vực của tôi, chúng tôi là thiểu số Kitô Giáo sống với đại đa số Hồi Giáo, nhưng chúng tôi sống chung với nhau rất tốt đẹp. Trong giáo phận tôi, và tôi nghĩ việc này chưa được truyền thông lưu ý đủ, tôi có 17 trường học. Bẩy mươi phần trăm học sinh tại các trường của tôi là trẻ em Hồi Giáo và một số các em này, không nhiều lắm nhưng cũng đông đủ, đã chấp thuận trở lại Kitô Giáo và cha mẹ các em không hề phản đối. Tôi nói thực với cô như vậy.

Tôi cũng có một số imam (giáo sĩ) và một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo thân nhau đến nỗi khi xây nhà mới, họ mời tôi tới để làm phép. Khi chúng tôi cử hành hay mừng lễ nào đó mà mời họ, là họ vui lòng tới ngay. Tôi vốn cử hành nhiều đám cưới cho người Công Giáo và người Hồi Giáo. Tại nhiều nơi như giáo phận tôi, người Hồi Giáo trông cậy vào người Công Giáo để có người lãnh đạo trong các vấn đề xã hội, công lý, phụ nữ, huấn luyện người vào đại học. Thành thử, nói chung có sự tin tưởng lẫn nhau, nhiều sự hợp tác với nhau.

Đã có những lúc tôi phải đề cập tới vấn đề Boko Haram ở bắc Nigeria. Tôi quyết định phải tham khảo các nhà lãnh đạo Hồi Giáo vốn thân thiết với mình. Tôi hỏi họ tại sao chúng tôi, tại miền tây, không có cùng một vấn đề như ở miền bắc. Họ chỉ ra điều này: bối cảnh văn hóa vững chắc vốn hợp nhất chúng tôi, chúng tôi không để nó mai một. Trái lại, ở miền bắc, nền văn hóa Hồi Giáo đã mai một. Nền văn hóa Hausa đã mai một. Hồi Giáo có tính Ả Rập và đã bén rễ lâu đời, nhưng chính vì vậy, nhiều người đã mắc kẹt ở giữa. Đúng, họ là Hồi Giáo, nhưng nền văn hóa nằm ở bên dưới thì không còn nữa, không có nền văn hóa cho các giá trị.

Ở Yorubaland, phẩm giá và sự sống nhân bản được coi là thánh thiêng. Kitô Giáo đã tới rửa tội cho nó. Không ai thuyết phục tôi tin rằng Kitô Giáo tới chỉ để đem lại lòng tôn kính sự sống con người. Lòng tôn kính này đã có từ trước. Cô không thể bình thản tiến hành việc giết một ai đó. Có rất nhiều châm ngôn cho thấy sự khôn ngoan của người Yoruba. Họ quen nói: ngươi không được đánh nhau cho tới chết. Khi đánh nhau, bất đồng hay tranh chấp, ngươi không được tiếp tục cho tới chết, vì ngươi không bao giờ biết chuyện gì sẽ xẩy ra vào ngày mai, và ngươi cần tới ai.

Tôi nghĩ rằng việc thiếu cơ sở văn hóa, việc cai trị tồi tệ trong quá khứ, việc phá hủy các tiền đề cai trị dân chủ, và việc hàng triệu người trẻ bị bỏ rơi ngoài đường phố, không một chút hy vọng, không một chút khả năng, đã chuẩn bị mảnh đất tốt cho Boko Haram. Nó là chỗ cho nhiều người bám vào.

Khi Boko Haram mới nổi dậy năm 2009, người ta rất dễ mô tả nó, dù từ xa. Nay, nó đã qui tụ nhiều lực lượng khác dưới cây dù Boko Haram. Đúng thế, chính tổng thống Nigeria, mấy tháng trước đây, từng cho rằng hiện nay có nhiều loại Boko Haram khác nhau: kinh tế, tôn giáo, xã hội. Ông cũng thừa nhận rằng ngay trong chính phủ của ông, cũng có người có thiện cảm với Boko Haram. Thành thử nó trở thành chiếc dù lớn cho bất cứ ai bất mãn hay muốn phá hoại cấu trúc tinh thần của Nigeria.

Theo nhận định của Đức Cha, ta có thể đánh bại Boko Haram cách nào?

Vấn đề này khá khó. Chúng tôi đã đi tới chỗ đồng ý với nhau rằng chính phủ Nigeria không đủ sức làm việc này. Đây là một trong những lý do tại sao chính phủ tỏ ra bất cần. Hai nghìn người đã thiệt mạng. Thành thử muốn gì đây, nếu không thể làm gì được. Tại sao còn làm ầm ĩ lên làm gì? Đây chỉ là vấn đề thái độ. Nhiều người đang mất mạng, nhiều binh sĩ Nigeria đang mất mạng.

Cách nay không lâu, tôi có cung cấp cho Đài Phát Thanh Vatican một bài phân tích, trong đó tôi đặt ra hai câu hỏi: có đúng sự thực là không ai ở ngoài kia có thể nhận diện tất cả tiền bạc của Boko Haram từ đâu mà có hay không? Có đúng sự thực là không ai ở Tây Phương có khả năng chặn đứng nguồn tài trợ cho Boko Haram hay không? Tôi nghĩ có một sự đồng loã nào đó ở Tây Phương đối với những gì đang diễn ra.

Truy nguyên ra, tôi thấy tất cả là do nghị trình kiểm soát dân số. Lý thuyết của tôi là vậy. Bất cứ điều gì có thể giảm dân số. Về việc nổ bùng dân số tại Phi Châu, đang có những tiếng chuông cảnh báo vô trật tự. Và bất cứ điều gì có thể giảm thiểu hay giới hạn được đà gia tăng dân số tại Phi Châu đều được hết lòng hoan nghinh.

Thực vậy, gần đây tôi được báo động khi nghe Hillary Clinton, lúc còn là ngoại trưởng, nói rằng chính phủ Hoa Kỳ cam kết làm bất cứ điều gì có thể để đẩy mạnh nghị trình kiểm soát dân số. Hoa Kỳ thực sự tuyên bố rằng họ chỉ giúp Nigeria đương đầu với Boko Haram nếu nước này chịu thay đổi các luật lệ liên quan tới đồng tính luyến ái, kế hoạch hóa gia đình, và kiểm soát sinh đẻ. Điều hết sức rõ ràng là chủ nghĩa đế quốc về văn hóa quả đang hiện hữu. Thực thế, theo tôi, Phi Châu chịu đau khổ nhiều vì chủ nghĩa đế quốc văn hóa đang làm sói mòn các giá trị văn hóa của chúng tôi.

Theo tôi, đó là hình tội. Vì nếu Tây Phương huyênh hoang mình dấn thân cho tự do nhân bản, thì họ hãy chứng tỏ thực sự họ muốn thế đi. Nếu có những giá trị được Tây Phương qúy trọng, thì họ đừng nên áp đặt chúng lên Phi Châu. Đây là một phần của tự do nhân bản. Và, ít nhất, Phi Châu cũng có thể đứng lên và tuyên bố: “Đây là các giá trị được chúng tôi qúy trọng và là những giá trị chúng tôi muốn duy trì”. Nếu Tây Phương qúy trọng tự do cho người đồng tính và các cuộc kết hợp đồng tính cũng như việc phá thai và ngừa thai, thì họ phải giả thiết người Phi Châu không có khuynh hướng đối với những điều đó. Đối với người Phi Châu, sự sống là điều thánh thiêng. Thế giới đang chứng kiến hàng trăm người chết ở Nigeria mỗi ngày mà vẫn có thể ngoảnh mặt làm ngơ: điều này cho thấy cái mà chúng tôi vẫn gọi là nền Văn Minh Tây Phương quả đang bệnh hoạn. Những điều họ nói về nhân phẩm và nhân quyền chỉ là giả hình. Người ta càng ngày càng ít lòng kính trọng đối với tính thánh thiêng của sự sống. Và tất cả những điều này đang bị áp đặt lên Phi Châu, bằng bất cứ giá nào: chúng tôi cho rằng điều này hết sức vô luân và bất công nữa…

Trả lời câu hỏi điều gì ngăn cản Boko Haram không nắm được chính quyền ở Nigeria. Đức Cha Badejo cho rằng: nhờ Tây Nigeria rất vững do dân chúng được giáo dục, sống chung hòa bình. Vả lại, tại nhiều vùng khác, vẫn còn một hình thức cai trị và được an toàn. Một số tiểu bang của Nigeria trở nên an toàn hơn trước, nhờ chính quyền ở đây, thuộc phe đối lập, có một phương thức khá hơn phương thức của chính phủ. Hơn nữa, lãnh thổ do Boko Haram chiếm được tuy khá rộng, nhưng so với toàn quốc, vẫn còn rất nhỏ...

Về việc Tây Phương có thể giúp được gì, Đức Cha Badejo nói rằng: họ có thể giúp về phương diện bác ái, cung cấp tài nguyên, phương tiện sức khỏe. Về việc ngăn chặn các hoạt động sát nhân của Boko Haram, Đức Cha Badejo cho rằng không có tiến bộ, một phần do Tây Phương không lưu ý tới Nigeria đủ. Ngài bảo, chỉ có mấy người chết tại Paris do khủng bố Hồi Giáo gây ra đã làm rúng động cả thế giới, vậy mà hàng chục nghìn người chết vì khủng bố tại Nigeria, thì không ai xúc động hết. Ngài hỏi: Tại sao lưu ý tới Pháp mà lại không lưu ý tới Nigeria? Ngài bảo: quả có sự đồng loã…

Được hỏi thêm về tân chủ nghĩa đế quốc văn hóa song song với kiểu nói “thực dân hóa đầy tính ý thức hệ”của Đức GH Phanxicô nhân dịp tông du Phi Luật Tân, Đức Cha Badejo cho hay:

Tôi muốn nói rằng hệ thống giá trị của Phi Châu xem ra có khác với hệ thống giá trị hiện nay của Tây Phương. Người Phi Châu nói tới tính thánh thiêng của sự sống. Ở Tây Phương, người ta quá nhấn mạnh tới phẩm chất của sự sống. Đó là lý do khiến người Phi Châu cho rằng đứa con là trân châu ngọc bảo dù đứa con này phải trải nghiệm nhiều khó khăn để lớn lên. Ở Tây Phương, nếu đứa con không thể có được điều tốt nhất ở trên đời, thì nó không nên sống. Đấy không phải là thế giới quan của Phi Châu.

Thế giới quan Phi Châu là mọi sự sống đều thánh thiêng, hữu ích và là một trân châu bảo ngọc cả. Vì người Phi Châu coi hôm nay thấp giá hơn ngày mai. Cô không bao giờ biết điều gì sẽ xẩy ra ngày mai, nhưng luôn có hy vọng. Và dựa trên thế giới quan đó, toàn bộ phong trào nhân danh kế hoạch hóa gia đình là thúc đẩy điều Đức Giáo Hoàng gọi là “nền văn hóa sự sống”, nghĩa là, ngừa thai, phá thai và tất cả những gì giới hạn sự hiện hữu của con người đều tởm gớm đối với người Phi Châu, và người Phi Châu trung bình ở ngoài đường phố thẩy đều chống đối chúng…

Cô hẳn biết Uganda, nước mà chính phủ của họ trước đây đã thông qua luật lệ chống đồng tính luyến ái, vì đây không thuộc nền văn hóa của họ. Nhưng cuối cùng, họ buộc phải thay đổi đạo luật đó để được hưởng một khoản viện trợ của Hoa Kỳ.

Đấy, xin cho tôi phát biểu như thế này: thế giới Tây Phương cho rằng mọi quyền đều là nhân quyền, và mọi tác phong phải có vị thế của một nhân quyền. Chúng tôi bảo như thế không đúng. Không phải mọi tác phong của con người đều có vị thế của một nhân quyền. Có những nhân quyền và có những tác phong của con người. Nhưng không phải tác phong nhân bản nào cũng có vị thế đó. Người Phi Châu tin như thế vì họ luôn khởi đi từ hữu thể cao hơn. Thiên Chúa luôn có đó và có một chỗ đứng trong đời sống của người Phi Châu.

Ở Tây Phương, ngược lại, vì bất cứ lý do nào, họ cũng không thấy cần có Thiên Chúa nữa. Mọi sự đều xuông xẻ: sống tốt và cô có thể giải thích mọi sự. Người Phi Châu bác bỏ việc họ có khả năng giải thích mọi sự.

Tôi nghĩ ở Tây Phương, người ta phóng đại cái hiểu của họ về tự do nhân bản. Tự do vô giới hạn, cá nhân được hoàn toàn tự do. Nhưng hoàn toàn tự do là trở nên phóng túng. Và người Phi Châu không nhìn thế giới như thế. Họ tin rằng đời họ là một ân ban, và niềm tin này rất hữu ích cho Phi Châu. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về gia đình. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn còn ý thức mạnh về nhân loại. Gia đình cô không chấm dứt với con cái của cha cô hay con cái của mẹ cô, nhưng nó trải dài qua người khác có tình máu mủ với cô. Và điều này rất giúp ích cho Phi Châu. Thành thử có một cái hiểu quá phóng đại về tự do vô trách nhiệm, có thể đã phát khởi từ tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nay còn có tuyên ngôn nhân quyền của con nít, nhưng tôi chưa thấy một tuyên ngôn nào về trách nhiệm cả. Thành thử đây là một thế giới quan hoàn toàn khác, và theo tôi, nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ ở Tây Phương, vốn có giá trị rất giới hạn ở Phi Châu.

Theo tôi, nếu những người thuộc các nhóm vận động khác nhau trên thế giới ngày nay muốn chủ trương rằng phải dành cho mọi loại tác phong vị thế một nhân quyền, thì họ nên nhớ rằng nếu tôi không tin như thế, tôi cũng có quyền phát biểu chứ. Tại sao ai cũng có quyền áp đặt thế giới quan khác lên tôi. Theo tôi, việc đó hết sức vô luân.

Được hỏi về việc so sánh phong trào tranh đấu quyền đồng tính với phong trào dân quyền của người Mỹ Da Đen thập niên 1960, Đức Cha Badejo trả lời:

Người Da Đen tranh đấu vì họ muốn được nhìn nhận là người. Còn người đồng tính tranh đấu để tác phong của họ được nhìn nhận là một nhân quyền. Đâu phải trên cùng một bình diện, không hề cùng một bình diện.

Người da đen tranh đấu để được hiện hữu như người đối tác da trắng. Đó là nhân quyền. Còn người dấn thân vào các mối liên hệ không có tính sinh sản, đâu phải cùng một chuyện. Đây là vấn đề tác phong, những tác phong từng được chứng minh, cả về phương diện khoa học nữa, là có thể thay đổi được, những tác phong từng được chứng minh cả trên bình diện khoa học là bệnh lý. Còn là người da đen đâu phải chuyện bệnh lý. Tôi không thể thay đổi để trở thành người da trắng.

Quay qua Thượng Hội Đồng về gia đình, điều gì quan trọng đối với các giám mục Phi Châu? Và các ngài ưu tư ra sao đối với các mưu toan nhằm thay đổi thực hành mục vụ trong các vấn đề gây tranh cãi như ly dị và tái hôn, đồng tính luyến ái, sống chung…

Trước đây tôi có nói rằng có một số giá trị ở Phi Châu mà tôi tin Kitô Giáo chỉ tới để rửa tội cho. Sự sống luôn là điều thánh thiêng. Gia đình luôn được tôn trọng, trước khi Kitô Giáo tới đây. Về Thượng Hội Đồng về gia đình, chúng tôi coi đây là một cơ hội để chặn đứng làn sóng các giá trị phản gia đình vốn phát xuất từ Tây Phương và thoát khỏi điều tự gọi là “nền văn minh hiện đại” và thoát khỏi các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông vốn là kẻ đồng loã đầy thế lực trong vấn đề này.

Trong Thượng Hội Đồng vừa qua, điều Phi Châu muốn nhấn mạnh là khả năng để chúng tôi nói lên các ưu tư của mình. Các ưu tư của chúng tôi không phải là các ưu tư của Tây Phương. Nhưng Phi Châu không nói rằng Tây Phương không nên nói lên các ưu tư của họ.

Càng ngày nhiều người Phi Châu càng bắt đầu lên tiếng cho chính họ và cưỡng lại thái độ tổng quát trong quá khứ là người Phi Châu ít nghĩ tới chính mình, không biết điều gì tốt cho mình.

Điều Phi Châu muốn là: được dành cho cơ hội để vừa là người Phi Châu vừa là người Kitô hữu, vừa là người Phi Châu vừa là người Công Giáo. Ở Phi Châu, các vấn đề gia đình và hôn nhân là các vấn đề liên quan tới đa thê, liên quan tới những cuộc hôn nhân chưa tới tuổi, liên quan tới việc năng lực hóa phụ nữ và các vấn đề khiến chúng tôi quan tâm về mầu da.

Chúng tôi muốn những vấn đề trên trở thành một phần trong các vấn đề liên quan tới Giáo Hội. Nếu Tây Phương ưu tư tới người ly dị và tái hôn, thì điều ấy tốt thôi. Nhưng chúng tôi phải bao gồm các vấn đề khiến Phi Châu ưu tư và ưu tư này cũng là ưu tư của các nơi khác trên thế giới. Đó là ý nghĩa của một Thượng Hội Đồng: chúng ta đem các ưu tư và các ưu điểm của chúng ta lại với nhau.

Giáo Hội tại Phi Châu có thể cung hiến điều gì cho Giáo Hội Hoàn Vũ mà Tây Phương không thể cung hiến hay sẽ không cung hiến?

Chúng tôi nghĩ rằng Phi Châu có khả năng nhắc thế giới nhớ tới những điều hết sức cốt yếu: nhân tính ta, tính thánh thiêng của sự sống con người, vẻ đẹp của gia đình, vẻ đẹp của việc chấp nhận con cái như một ân ban của Thiên Chúa, chứ không như một gánh nặng. Đối với nhiều người ở Tây Phương, con cái đã trở thành một gánh nặng.

Phi châu bác bỏ nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, chỉ nghĩ tới phẩm chất của đời sống, chứ không nghĩ tới tính thánh thiêng của nó. Và Phi Châu bác bỏ thứ văn hóa chỉ nói tới tự do chứ không nói tới trách nhiệm. Chúng tôi bác bỏ loại giáo dục tính dục kiểu Tây Phương hiện đang rất thịnh hành chỉ nhắm tấn công trẻ em, chỉ nhằm “giải phóng” chúng và đem lại quyền “lựa chọn” trong các tác phong tính dục của riêng chúng. Điều ấy đang diễn ra. Có những cơ quan của Liên Hiệp Quốc đoan hứa sẽ giúp trẻ em thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ và các tổ chức tôn giáo. Những trẻ em chỉ mới 5, 6 tuổi. Tại sao các trẻ em ấy và cả người trẻ nữa cần phải biết về kế hoạch hóa gia đình? Chúng đã có gia đình đâu. Chúng kế hoạch hóa cái gì?...

Về câu hỏi liên quan tới lời phát biểu trước đây của Đức HY Kasper rằng người Phi châu không nên bảo ta phải làm gì, Đức Cha Badejo cho hay:

Tôi nghĩ nhận định của Đức HY Kasper nghe có vẻ ngạo mạn. Ngài có thể nói cho nước ngài. Và người Phi Châu cũng nên nói cho nước mình. Tôi nhớ vị Chủ Tịch của Hội Đồng Giám Mục Nigeria đã mạnh mẽ nói về các vấn đề gia đình rồi. Các thượng hội đồng được nhằm cho việc đem mọi niềm tin và ý kiến khác nhau lên bàn (mổ xẻ)…

Ngài cho biết thêm:

Tôi là một giám mục Phi Châu, và tôi có thể nói với cô rằng nếu tôi tới Thượng Hội Đồng, tôi sẽ ủng hộ những gì Giáo Hội luôn giảng dạy. Đồng tính luyến ái là một xáo trộn. Người đồng tính vẫn là con cái Thiên Chúa. Họ có quyền được tôn trọng. Họ có quyền được cảm thương. Họ có quyền được chấp nhận như những con người nhân bản. Nhưng vẫn có yếu tố phân biệt giữa nhân quyền và tác phong nhân bản. Tôi không phải chấp nhận tác phong tính dục, giống như tôi không phải chấp nhận việc ghiền ma túy, ăn trộm, và khủng bố. Nhưng tôi chấp nhận con người nhân bản và tôi nghĩ đó là đường ranh cuối cùng.

 
Quan điểm của Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu về Thượng Hội Đồng sắp tới
Vũ Van An
21:31 19/02/2015
Nhân hội nghị của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu (SECAM) họp tại Rôma vừa qua, Đức Hồng Y Wilfrid Napier cho hay: các giám mục Phi Châu muốn Thượng Hội Đồng sắp tới tập chú vào việc củng cố Giáo Hội bằng các gia đình tốt lành, trước khi bàn qua những vấn đề khác như cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Catholic News Agency ngày 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Napier cho biết tại hội nghị trên, các giám mục Phi Châu nhất trí tập chú vào các vấn đề sau đây tại Thượng Hội Đồng sắp tới:

Trước nhất, các giám mục Phi Châu muốn nhấn mạnh tới sự kiện chúng ta hiện có nhiều cuộc hôn nhân tốt đẹp, nhiều gia đình tốt đẹp; do đó, chúng ta nên có tinh thần tích cực trước nhất và trên hết.

Thứ hai, phải làm sao để bảo đảm rằng thế hệ kế tiếp cũng sẽ có các gia đình và các cuộc hôn nhân tốt đẹp. Muốn thế phải chú trọng tới việc chuẩn bị và đồng hành.

Hai ưu tiên trên là câu Đức Hồng Y Napier muốn dùng để trả lời cho câu hỏi về lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriel Palmer-Buckle, giáo phận Accra, Giáo Hoàngana. Theo ký giả John Allen, vị giáo phẩm sau gần đây có cho rằng ngài sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ, dù cuộc hôn nhân trước của họ không được tuyên bố vô hiệu, theo đề nghị của Đức Hồng Y Kasper, tại Thượng Hội Đồng hồi tháng Mười vừa qua.

Về biến cố ấy, Đức Hồng Y Napier cho biết: “…một trong các vị Hồng Y (của chúng tôi) đã gọi cho vị giáo phẩm liên hệ (Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle), và Đức Tổng Giám Mục cho hay, ‘trời đất, con chỉ nói một cách hết sức chung chung, và đúng, người ta có đặt câu hỏi, và câu trả lời là trong những trường hợp như thế, bạn phải xem xét vấn đề trên căn bản từng trường hợp một, bạn không thể đưa ra câu tuyên bố tổng quát rằng bạn có thể ban Mình Thánh cho những người ly dị và tái hôn…’”.

Đức Hồng Y Napier nhận định: “thành thử đây là một trong những điều chúng tôi coi là vấn đề cần phải đương đầu. Tôi tin chắc vấn đề này sẽ xuất hiện một lần nữa, nhưng chúng tôi, trong tư cách các nhà lãnh đạo Giáo Hội Phi Châu, không muốn lạc vào các vấn đề, các câu hỏi, mà trước nhất không xem xét những điều tốt đẹp đang có đó, và làm cách nào củng cố Giáo Hội bằng những cuộc hôn nhân tốt đẹp và những gia đình tốt đẹp ”.

Cũng nên biết Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle được Hội Đồng Giám Mục Ghana bầu làm đại biểu tham dự Thượng Hội Đồng sắp tới về gia đình. Hội đồng này đã chấp thuận bản tuyên bố ngày 15 tháng Mười Một năm rồi, khi kết thúc đại hội thường niên, mời gọi mọi người lưu ý tới “giáo huấn trường cửu và bất biến của Giáo Hội về gia đình” và việc “Thiên Chúa muốn hôn nhân bất khả tiêu như lời Chúa Giêsu quả quyết ‘sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly’”.

Cũng trong tuyên bố trên, các giám mục Ghana, trong đó, có Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle, xác quyết rằng “Giáo Hội cũng sẽ tiếp tục dạy rằng ly dị người phối ngẫu hiện còn sống và hợp pháp là điều Giáo Hội không cho phép vì nó phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp. Giáo Hội đau khổ với những người không được rước lễ vì tình thế hôn nhân của họ và sẽ tiếp tục đồng hành với họ trong đức tin để khuyến khích họ đừng ngã lòng”.

Đức Hồng Y Napier cho hay từ sau tuyên bố trên của Hội Đồng Giám Mục Ghana, các giám mục toàn lục địa Phi Châu chờ mong Thượng Hội Đồng tháng Mười sắp tới tại Rôma. Được hỏi về việc chuẩn bị của các vị, Đức Hồng Y Napier cho hay: các hội đồng giám mục đã khảo sát bản câu hỏi do Thượng Hội Đồng soạn thảo.

Ngài nói: “theo ý kiến của tôi, các giám mục đã quyết định đơn giản hóa bản câu hỏi và tập chú vào 5 phạm vi phát xuất từ văn kiện cuối cùng”.

Phạm vi đầu tiên là “vấn đề chủ yếu phải chuẩn bị và đồng hành với hôn nhân”.

Nhắc tới “Familiaris consortio”, tức tông huấn hậu thượng hội đồng năm 1980 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Napier cho hay: “chúng tôi không chỉ nói tới việc chuẩn bị cho ngày cưới, mà là trọn chương trình giáo lý từ lúc chịu Thêm Sức cho tới lúc kết hôn. Còn đồng hành thì trong 4 hay 5 năm đầu: làm cho cặp vợ chồng hiện diện trong giáo xứ, đồng hành với cặp vừa kết hôn”.

Phạm vi thứ hai liên quan tới thừa tác vụ “khi hôn nhân tan vỡ” và phạm vi thứ ba là việc sống chung. Đức Hồng Y cho rằng “Nhiều cặp sống với nhau trước khi tiến tới. Điều gì khiến họ làm như thế? Kết hôn có gì khác đối với họ? Đại loại những câu hỏi như thế, chúng ta phải tìm ra đâu là nguyên nhân”.

Phạm vi thứ tư là “vấn đề khi cuộc hôn nhân tan vỡ, thì làm cách nào họ tới được các tòa án để cuộc hôn nhân của họ được điều tra, và tuyên bố là vô hiệu nếu đó là trường hợp?”

Phạm vi thứ năm “là các hoàn cảnh ngoại thường mà một số gia đình đang phải sống trong đó” như cha mẹ đơn lẻ và các gia hộ do con trẻ đứng đầu”.

Đức Hồng Y Napier cũng cho rằng điều tuyệt đối quan trọng là tín hữu phải cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng và các giám mục tham dự.
Ngài đặc biệt nhắc đến tuần cửu nhật thờ lạy Thánh Thể do Christine McCarthy và Diane Montagna thuộc Hội Thờ Lạy Thánh Thể tổ chức. Khi các nhà tổ chức nói cho ngài biết sáng kiến của họ, ngài bèn trình bày sáng kiến này với Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu “và lập tức sáng kiến này được đem ra bàn tại uỷ ban thường trực, và tôi biết Đức Tổng Giám Mục Accra, của Ghana, cho hay nó sẽ được áp dụng tại giáo phận của ngài”.

Đức Hồng Y Napier nói rằng cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng là việc quan trọng: “Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được việc lời cầu nguyện là một sự hỗ trợ mà bạn có thể cảm nhận, cho bằng lúc, trước khi có mật nghị hội bầu giáo hoàng trước đây, chúng ta có chương trình gọi là Nhận Một Đức Hồng Y (Adopt a Cardinal); ôi, quả thật tuyệt diệu, khi nhận được một tin nhắn hay một “tweet” của ai đó nói rằng ‘Con nhận được tên của Đức Hồng Y, và con đang cầu nguyện cho Đức Hồng Y, con muốn Đức Hồng Y biết điều đó’. Tôi chắc chắn cảm nhận được việc chúng tôi được những lời cầu nguyện ấy nâng đỡ”.

“Và tôi nghĩ: đối với Thượng Hội Đồng lần này, đặc biệt vì nó bàn tới vấn đề sinh tử là gia đình và hôn nhân, chúng tôi cần càng nhiều lời cầu nguyện càng hay: thành thử ý niệm Thờ Lạy Thánh Thể là một trong những ý niệm hay nhất, tôi nghĩ vậy”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giao thừa tại Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm và Maidstone Melbourne.
Trần Văn Minh
02:53 19/02/2015
Melbourne, Vào lúc 8.30 tối 18/2/2015 nhằm Ngày 30 Tháng Chạp Quý Ngọ, tại Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm đã tổ chức Thánh lễ đón giao thừa theo phong tục Tết cổ truyền dân tộc cho giáo dân Việt Nam vui đón năm mới trong khuôn viên Trung tâm Vinh Sơn Liêm.

Mời coi hình

Buổi lễ được tổ chức thật long trọng, uống nước nhớ nguồn, Cờ Úc và Cờ Việt Nam Cộng Hòa được trịnh trọng kéo lên vị trí cao nhất trên nóc lễ đài, tung bay trong gío chiều, hợp cùng các cờ đuôi nheo treo dọc theo suốt hàng rào mặt tiền của trung tâm tạo cho cảnh quan thêm tươi vui rộn rã đón chào Xuân mới Ất Mùi.

Trước khi tiến hành Thánh lễ, ban nghi lễ đại diện cộng đoàn với các thành phần nam phụ lão và thiếu nhi, các cụ trong quốc phục cổ truyền Việt Nam với áo dài khăn đống màu vàng lên dâng hương, dâng hoa, và nến trước bàn thờ Thiên Chúa.

Thánh lễ giao thừa được Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne chủ sự Thánh lễ đồng tế cùng Linh mục quản nhiệm Trần Ngọc Tân và Linh mục Thăng đồng tế. Ca đoàn Vô Nhiễm cũng trong đồng phục cổ truyền, áo dài the cho ca viên nam và áo dài màu hoàng yến cho ca viên nữ, với các bài ca Xuân vui, được ca đoàn dùng lời ca thánh thót du dương mừng Xuân mới dâng lên cảm tạ Thiên Chúa.

Sau Thánh lễ, ông Cao Minh Đức trưởng ban mục vụ đã lên cám ơn và chúc mừng năm mới tới Đức cha Vincent, Linh mục quản nhiệm Giuse và cha khách, cùng các tu sĩ nam nữ, cộng đoàn. Sau đó, một em đại diện cho Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể Vinh Sơn Liêm đã lên đọc bài vè chúc tết, lời lẽ dí dỏm thật vui, và đầy đủ ý nghĩa làm cho cả cộng đoàn cùng hưởng ứng vỗ nhịp theo từng câu vè. Các em thiếu nhi đã mang qùa tết của cộng đoàn dâng lên Đức cha, quý cha, cùng quý tu sĩ nam nữ. Đức cha cũng gửi lời chúc tết đến cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm,và ngài đã làm phép lộc Xuân để ban phát cho toàn thể cộng đoàn.

Linh mục quản nhiệm đã lì xì cho các em lễ sinh, các ca đoàn trong cộng đoàn và cộng đoàn đã đốt hai phong pháo rộn rã chào mừng Xuân mới trong niềm vui của toàn thể cộng đoàn. Riêng các em nhỏ đã được phát cho những chiếc bong bóng mầu thật đẹp, mọi người vui chúc mừng nhau trong tiếng hát, tiếng nhạc rộn ràng những bản nhạc Xuân.

Rời Trung tâm Vinh Sơn Liêm, chúng tôi đến với Cộng đoàn Công giáo Việt Nam Maidstone. Cộng đoàn có Thánh lễ đón giao thừa vào lúc 10.30 tối. Thánh lễ do Linh mục Philip Lê Văn Sơn phụ trách cộng đoàn dâng lễ. Đây là cộng đoàn thuộc khu vực Miền Tây của TGP Melbourne, và là cộng đoàn dâng Thánh lễ muộn nhất trong khu vực.

Được biết, ngoài các Thánh lễ tại hai cộng đoàn trên. Các Cộng đoàn Thánh Tôma Duệ và Cộng Đoàn Phêrô, đều có các Thánh lễ đón giao thừa và minh niên ngày 1 Tết để các cộng đoàn đón chào năm mới Ất Mùi.

 
Thánh lễ đầu năm tại Gx Nữ Vương Hòa Bình Mỹ Tho
Dũng Nguyễn
09:10 19/02/2015
GP.MỸ THO - Sáng nay, vào lúc 6giờ00 - ngày 19 tháng 2 năm 2015 (tức Mùng 1 Tết Ất Mùi). Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình vinh hạnh được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục giáo phận Mỹ Tho đến chúc tết và hiệp dâng Thánh lễ cầu bình an trong năm mới cùng với quý Cha, Quý tu sĩ và bà con trong giáo xứ.


 
Thánh lễ đầu năm tại Gx Nữ Vương Hòa Bình Mỹ Tho
Dũng Nguyễn
09:14 19/02/2015


Video Thánh Lễ GP.MỸ THO - Sáng nay, vào lúc 6giờ00 - ngày 19 tháng 2 năm 2015 (tức Mùng 1 Tết Ất Mùi). Giáo Xứ Nữ Vương Hòa Bình vinh hạnh được Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Giám mục giáo phận Mỹ Tho đến chúc tết và hiệp dâng Thánh lễ cầu bình an trong năm mới cùng với quý Cha, Quý tu sĩ và bà con trong giáo xứ.
 
Thánh Lễ Cầu Bình An Cho Năm Mới tại Gx Sơn Lộc, Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
09:54 19/02/2015
Sáng sớm mùng một tết, thời khắc được cho là “Linh thiêng” nhất của một năm. Vì thế, ngay khi trời vừa hừng sáng, đã có đông đảo bà con giáo dân giáo xứ quy tụ về nhà thờ, với ý nguyện dâng lên Thiên Chúa tất cả những niêm vui, những nỗi buồn trong năm qua và xin ơn bình an cho năm mới.

Hình ảnh

Thời gian mới, không gian mới, lòng người vui, vì thế đã có khoảng 2000 người tham dự thánh lễ với trang phục đẹp nhất, trang trọng nhất, nói cười vui vẻ, tâm trạng thoải mái, khi đến với Chúa, đến với anh em.

Trong ngôi nhà nguyện tạm (nhà thờ đang xây mới), các chỗ ngồi đã hết và chỉ để dành riêng cho các em thiếu nhi, người lớn tuổi cùng các nữ tu, Hai bên hành lang rộng lớn cũng không còn đủ chỗ, vì thế mọi người ngồi tràn ra cả khoảng sân xa.

Thánh lễ do cha xứ Simon chủ tế. Trong bài giảng, cha nói: Hôm nay ngày tết, chúng ta ai cũng diện trang phục đẹp, ai cũng chau chuốt cho mình thật lịch lãm. Nhưng chúng ta bình tâm suy nghĩ: Mọi tạo vật khác, chúng không biết điểm trang, chúng không biết tính toán lo xa, vậy mà chúng không có vẻ gì là xấu, chúng đẹp một cách kỳ diệu, đến nỗi các nhà động vậy học, các thi, nhạc, họa sĩ đã phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của chúng. Các bông hoa cũng vậy, chúng chỉ là loại sớm nở tối tàn mà sao chúng đẹp, chúng tỏa hương thơm ngào ngạt.

Là con người, nhất là con người ngày nay, chúng ta đứng trước bao nhiêu là sự phù phiếm xa hoa, bao nhiêu là cám dỗ của trần tục, chúng ta cảm thấy thiếu thốn, không bằng chị bằng em. Rồi chúng ta lo lắng, từ lo lắng thái quá làm tâm ta đảo điên để đi đến một quyết định sai.

Chúng ta dâng lên Chúa tất cả sự lo lắng ấy thật thành tâm, thật tin yêu như Tin Mừng hôm nay Chúa đã dạy: Chớ áy náy lo lắng cho mang sống mình.

Như mọi năm, sau lời nguyện hiệp lễ là phần chúc tuổi Chúa, chúc tuổi Mẹ Maria, chúc tuổi thánh Giuse. Xin độ trì cho con năm mới vẹn toàn.

Trước khi nhận phép lành bình an năm mới, công đoàn đọc kinh “Sáng soi”” và từng người lên hái Lộc Thánh trên cành mai vàng.(Lộc Thánh là những đoạn Lời Chúa được trích ra có tính bảo ban, dạy dỗ chứ không phải là một câu ứng nghiệm).

Thánh lễ kết thúc. Đại diện Ban hành giáo, đại diện các khu, các giới, các hội đoàn vào nhà xứ chúc tuổi cha xứ, thầy xứ với những lời chúc thành tâm nhất.
 
Thánh lễ minh niên tại nhà thờ Phủ Cam Huế
Trương Trí
09:59 19/02/2015
HUẾ - Sáng hôm nay, ngày đầu năm mới Ất Mùi, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế dâng Thánh lễ Minh niên tạ ơn Thiên Chúa và mừng năm mới tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế.

Hình ảnh

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục mời gọi Cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa lời tri ân và cảm tạ, vì bao hồng ân mà Chúa đã ban cho mỗi một người chúng ta trong suốt một năm qua. Ngài cũng xin gởi đến Cha Tổng Đại diện, quí Cha, quí tu sĩ nam nữ và mọi người lời cầu chúc năm mới.

Năm 2015 này, Giáo Hội phát động chương trình “Tân Phúc âm hóa Đời sống Giáo xứ”. Ngài mời gọi Cộng đoàn siêng năng tham dự Thánh lễ và lãnh nhận các Bí tích, hăng say phục vụ Giáo xứ và Giáo Hội. Năm mới, chúng ta cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria La Vang ban cho mỗi một người chúng ta càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan trước mặt mọi người.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám mục chia sẻ câu chuyện: Có một người kia ở vùng biên cương có một người con trai và một con ngựa. Một ngày kia, con ngựa của ông bị mất, mọi người đến chia buồn cùng ông, ông bảo chưa chắc đã là “họa”. Vài ngày sau, con ngựa của ông trở về dẫn theo mấy con ngựa nữa. Hàng xóm đến chúc mừng ông, ông bảo chưa chắc đã là “phúc”. Mấy ngày sau, con trai ông tổ chức đua ngựa và bị té gảy chân, hàng xóm đến chia buồn với ông, ông bảo chưa chắc đã là “họa”. Thật vậy, vài ngày sau, có cuộc chiến tranh tại vùng biên cương đó, mọi người phải sung vào quân ngủ đi đánh giặc, con trai ông bị què chân nên được miễn. Ngài đúc kết: trên đời này không có cái gì là phúc, cũng chẳng có gì là họa cả, tất cả mọi sự đều là Thánh ý của Chúa.

Đối với mỗi một người chúng ta, hạnh phúc là niềm tin tín thác vào Chúa. Hãy trút bỏ mọi âu lo phiền muộn cho Chúa, vì: “Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng”. Chúa lại còn dẫn chứng: “Hãy xem chim trên trời không gieo không gặt nhưng vẫn no đủ và sinh sôi nẩy nỡ, hoa Huệ ngoài đồng không chăm bón nhưng vẫn đẹp tươi”. Thật vậy, mỗi sợi tóc trên đầu chúng ta cũng đã được Chúa đếm hết rồi. Đức Tổng Giám mục nhắc nhỡ mỗi người Tín hữu đừng bao giờ để những lo âu băn khoăn mà đánh mất lòng tin vào Thiên Chúa, mà hãy ký thác đường đời vào Chúa.

Đức Tổng đúc kết rằng: Năm mới, đi đâu ai ai cũng nghe người ta chúc nhau “Vạn sự như ý”. Nhưng Ngài chỉ nhắc nhỡ mọi người hãy chúc nhau: “Vạn sự như ý Chúa”.

Sau Thánh lễ, ông Matthêô Nguyễn Đình Lục, Chủ tịch HĐGX thay mặt Cộng đoàn dâng lời mừng tuổi và chúc Tết Đức Tổng Giám mục, Cha Tổng Đại diện Quản xứ Chính tòa, quí Cha đồng tế, quí Thầy Phó tế, quí tu sĩ nam nữ và Cộng đoàn. Các em thiếu nhi Giáo lý dâng lên Đức Tổng Giám mục, Cha Tổng Đại diện, quí Cha và quí Thầy Phó tế những bó hoa tươi thắm thể hiện lòng kính yêu của toàn thể Giáo xứ.

Nhân ngày đầu năm mới, trước Tiền đường Nhà thờ,Giáo xứ đã tổ chức vui Xuân và hái Lộc Thánh. Đức Tổng Giám mục nhận được câu: “Ai nghe lời Thầy, chính là nghe Đấng đã sai Thầy”.

Các em thiếu nhi giúp vui với vũ khúc Mừng Xuân mới, đồng thời mời rượu Xuân và mứt gừng Đức Tổng và quí Cha. Đức Tổng Giám mục cắt giây khai mở biểu tượng “Tân Phúc âm hóa Đời sống Giáo xứ”, Ngài cũng phát Lộc Thánh cho đại diện cộng đoàn tham dự trong ngày đầu năm mới hôm nay.
 
Lễ Tro và Tất Niên tại Giáo xứ thánh Philipphê Phan Văn Minh, Orlando
Nguyễn Ngọc Sáng
11:29 19/02/2015
FLORIDA - Chiều tối ngày thứ tư 18 tháng 2 năm 2015, trời Orlando lạnh. Tuy nhiên, cái lạnh không ngăn chận được đông đảo bà con giáo dân đến nhà thờ giáo xứ thánh Minh, Orlando. Thánh lễ hôm nay mang hai ý nghĩa: lễ Tro và lễ Tất Niên.

Hai ngày lễ được “mừng” trong một ngày với hai ý tưởng tương phản nhau. Nét tương phản được nhìn thấy qua màu sắc trang trí trong nhà thờ.

Hai tấm “màng” màu tím, những cành cây khô trơ trụi lá đem lại vẻ sắc buồn. Thì ra cũng phải vì hôm nay là lễ Tro, ngày bắt đầu mùa chay. Mùa chay sẽ kéo dài 40 ngày. Con số 40 nhắc lại nhiều việc: 40 ngày dân Do Thái đi trong rừng trên đường về đất hứa, 40 ngày dân thành Ninivê sám hối để được ơn tha thứ, 40 ngày Chúa ăn chay trong rừng, … Con số 40 còn nhắc nhở người Việt Nam 40 năm rời xa quê hương. Giảng lễ, cha chánh xứ kêu gọi mọi người lo ăn chay, hãm mình, mà cụ thể là ráng đi dự ba ngày tĩnh tâm sắp được tổ chức tại giáo xứ để được hướng dẫn mà dọn lòng, và lo đi xưng tội mùa chay để đón mừng đại lễ Phục Sinh.

Bên cạnh đó, màu đỏ của “khăn che”, màu vàng của bông cúc, sắc màu hổn hợp của mâm ngủ quả đem lại nét tươi vui. Thì ra cũng đúng vì lễ đêm nay là lễ Tất Niên, đêm bắt đầu năm mới. Năm mới sẽ kéo dài … “suốt năm”. Cha chánh xứ chúc mọi người được may mắn suốt năm, công ăn việc làm được vững chắc và sức khỏe được dồi dào.

Sau phần giảng lễ là nghi thức “xức tro”, nhắc nhở mọi người nhớ mình là tro bụi. Thánh lễ tiếp diễn. Trước khi ra về, các cha lì xì cho các em tuổi từ 15 trở xuống, và phân chia “lộc thánh cho mọi gia đình.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Quê Hương và Giáo Hội
Joseph Nguyễn Văn Thống
14:10 19/02/2015
Xuân về, người dân Việt Nam dù ở đâu làm gì cũng hướng về dân tộc. Ngày xuân, cũng là dịp để tri ân tiền nhân. Đối với người Công Giáo Việt Nam, Giáo Hội dành riêng ngày mùng hai tết để tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Ngậm ngùi hướng về đất mẹ, dường như mấy câu thơ của Nguyễn Bính phần nào nói lên nỗi lòng xa hương của người Việt Nam.

“Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Chao ơi, Tết đến em không được
Trông thấy quê hương thật não lòng.”
Trông thấy quê hương thật não lòng


Trong khoảng hai năm ở Hoa Kỳ, một trong những điều mà tôi cảm nhận được, đó là sự “tự do”. Có những đêm đang ngủ, tôi nghĩ mình đang bị giam trong tù hay đang bị công an Cộng Sản bám đuôi sách nhiễu, đến lúc giật mình thức giấc mới biết mình đang ở trên miền đất tự do. Cứ mỗi lần như vậy, tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi cảm nhận sâu sắc được giá trị hai chữ tự do là gì, nhưng cũng xót xa cho dân tộc đang quằn quại rên xiết dưới ách thống trị của Cộng Sản.

Dưới chế độ Cộng Sản, tình hình kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của đất nước Việt Nam ngày càng xuống dốc. Liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, nhà cầm quyền Cộng Sản đang tiếp tục bán đất, bán biển cho Tàu Cộng và rước giặc Tàu vào nước, mà hình thức cho các công ty Tàu Cộng thuê rừng, thuê biển dài hạn và cho hàng chục ngàn công nhân Tàu đến làm việc trên các dự án trọng điểm của Việt Nam, điển hình là Cảng Vũng Áng tại Hà Tĩnh, thuộc giáo phận Vinh, là một bằng chứng điển hình. Nhiều tờ báo lề trái và cả lề phải đã đưa thông tin về những hệ lụy nguy hiểm cho dân tộc xuất phát từ dự án Vũng Áng. Bản tin trên tờ báo RFA đăng ngày 27 tháng 8 năm 2014 cho biết số “lao động Trung Quốc ở Vũng Áng đủ lập hai “ sư đoàn.”

Liên quan đến Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam, những năm qua nhiều cộng đồng Công Giáo đã phải chịu bách hại, từ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ, Tam Tòa, Đồng Chiêm, đến Cồn Dầu, Con Cuông, Mỹ Yên v.v. Và mới đây nhất, những ngày đầu năm 2015, nhà cầm quyền đuổi linh mục, tìm cách phá nhà thờ Giáo xứ Đắc Jak thuộc Giáo phận Kontum, trước đó đã có lệnh trục xuất linh mục. Giáo Hội Công Giáo đông đảo, có tổ chức, có hậu thuẫn quốc tế mà còn bị bách hại như vậy, thì tất nhiên các tôn giáo khác như Hòa Hảo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành Menonite ở Sài Gòn và các Hội Thánh Tin Lành ở Tây Nguyên và Tây Bắc còn bị bách hại nặng nề hơn nữa. Xem ra thời gian qua đi tình hình tôn giáo tại Việt Nam vẫn không sáng sủa hơn, mà trái lại các tôn giáo còn bị nhà cầm quyền cộng sản kìm kẹp tinh vi và bách hại trắng trợn hơn trước. Đây đó xuất hiện những nhận định lạc quan về tình hình đất nước Việt Nam nói chung và tình hình tôn giáo nói riêng, nhưng theo chúng tôi có lẽ chỉ có giới cầm quyền cộng sản và những người ăn chia quyền lợi trong hệ thống cộng sản mới có thể có những nhận như vậy; và chắc chắn nếu không bị danh lợi và quyền lực làm cho người nhận định trở nên mù quáng, thì cũng là lạc quan tếu của người ở cõi khác. Còn những người dấn thân và gần dân như Đức TGM Ngô Quang Kiệt hoặc Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh, GM Kontum, chắc chắc không thể có những nhận định như vậy, như chúng ta đã thấy.

Xuân hy vọng

Dù đau lòng trước cảnh quê hương điêu tàn và Giáo Hội bị bách hại kéo dài, nhưng tôi không mất niềm hy vọng.

Tôi vẫn tin rằng Chúa đã chọn chúng ta làm người Việt Nam, “Đức Chúa đã gọi tôi, từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi”( Isaia, 49). Bởi thế như ĐHY Nguyễn Văn Thuận, tôi vẫn hãnh diện vì mình là người Việt Nam:

“Con có một tổ quốc Việt Nam
Quê Hương yêu quí ngàn đời
Con hãnh diện, con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sỹ hào hùng”

( Trich Đường Hy Vọng, ĐHY Nguyễn Văn Thuận)

Một trong những lý do để tôi hy vọng là tại Việt Nam, nhiều người không sợ tù đầy để dấn thân tranh đấu cho quyền làm người và quyền tự do tôn giáo. Càng bị đàn áp, đức tin và tình yêu dành cho Giáo Hội và dân tộc càng lớn mạnh. Sinh viên Trần Hữu Đức, một trong những thanh niên Công Giáo vừa ra tù ngày 2 tháng 11 năm 2014, chia sẻ với tôi: “Em tạ ơn Chúa trong những năm tháng tù đày càng giúp em thêm đức tin và can đảm dấn thân cho Giáo Hội và quê hương đất nước.” Về mặt xã hội, có khoảng 20 tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam công khai hoạt động trong những năm gần đây, như nhóm Phụ nữ Nhân quyền, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Bầu bí Tương thân, v.v. Các thành viên của những nhóm này dù bị đàn áp nhưng vẫn hiên ngang dấn thân cho đất nước sớm có được dân chủ và nhân quyền.

Về phía Giáo Hội Việt Nam chúng ta cũng thấy có những dấu chỉ hy vọng. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thời gian qua cũng đã ra văn thư kiến nghị xóa bỏ điều 4 hiến pháp, lên tiếng về các vấn nạn xã hội. Điều này góp phần từng bước thay đổi nhận thức và hành động của tín hữu trong tư cách là công dân trước vận mạng đất nước lâm nguy. Và năm 2014, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, tổng thư Ký Hội Đồng Giám mục Việt Nam, đã ra văn thư “Minh định các thủ tục hành chính xã hội về việc chủng sinh nhâp đại chủng viện và truyền chức linh mục” bác bỏ cơ chế “ xin cho” của nhà cầm quyền. Một trong những “ dây thòng lòng” đã áp chế lên Giáo Hội tại Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Một trong những điểm thu hút nhiều người tham dự cầu nguyện và dấn thân cho đất nước và Giáo Hội nhất là nhà thờ DCCT Thái Hà, Hà Nội và nhà thờ DCCT Sài Gòn. Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình hàng tháng thu hút hàng ngàn người tham dự, trong đó có nhiều người ngoài Công Giáo.

Tại Hải Ngoại, chúng ta thấy một trong những tấm gương về lòng yêu nước là Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne, Úc Đại Lợi. Ngài đã từng nói: “Giải thế chế độ cộng sản, không thể tách rời với sứ vụ Giám mục của tôi.”Trong thư mục vụ đầu năm 2015, Ngài viết: “Năm Ất Mùi hứa hẹn một năm đầy tin yêu hy vọng đối với người Việt Công Giáo ly hương. Như dân tộc Chúa chọn vào đất hứa sau 40 năm trong sa mạc, chúng ta cũng vững tin vào tương lai tươi sáng sau 40 năm mất nước vào tay chế độ cộng sản phi nhân, vô thần và vong nô. Tôi luôn thâm tín rằng, người Việt Công Giáo xa quê hương có một vai trò quan trọng trong cuộc xóa bỏ chế độ cộng sản và xây dựng đất nước. Bởi thế tôi nghĩ chúng ta không ngã lòng hay vô cảm với những đồng bào ruột thịt đang “đói khát sự công chính” trong một xã hội bị băng hoại toàn diện. Trong niềm tin vào sự chiến thắng của công lý và sự thật, chúng ta cũng liên kết với đồng bào quốc nội và đóng góp sức mình vào đại cuộc đó. Đây mới là công việc “ bác ái” ý nghĩa nhất.”

Trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Philippine từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 1 năm 2015, một em bé đặt câu hỏi cho Đức Thánh Cha: Thưa Đức Thánh Cha, tại sao Chúa để các bé gái phải chịu đau khổ? Đức Thánh Cha đã ngậm ngùi nhưng không có câu trả lời. Tôi chợt nghĩ, nếu có ai đó cũng hỏi Đức Thánh Cha: thưa Đức Thánh Cha, tại sao Chúa để dân tộc chúng con phải trải qua quá nhiều đau khổ và làm sao chúng con thoát khỏi ách cộng sản? Có lẽ ngài cũng không có câu trả lời. Phần tôi, tôi luôn tự hỏi mình có thể làm được gì lúc này để thể hiện tình yêu đất nước và góp phần xóa bỏ ách độc tài Cộng Sản, mang lại tự do cho dân tộc và tương lai cho đất nước?

Trong cuốn sách “How can you change the world- làm sao bạn có thể thay đổi thế giới”, do Catholic Answers xuất bản, đã viết: “Bạn là ai hoặc bạn sống ở đâu, chẳng thành vấn đề. Bạn giàu hay nghèo, trẻ hay già, trình độ hay không có trình độ, nữ giới hay nam giới. Tất cả những điều đó chẳng thành vấn đề. Bạn là con Chúa và bạn được mời gọi làm phần của bạn để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn” Trong tin mừng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói về việc người đầy tớ khôn ngoan biết dùng những nén bạc ông chủ trao để làm lợi (Matthew 25: 14-30). Bởi thế tôi tin rằng chúng ta cũng được mời gọi dùng những“nén bạc” Chúa ban để làm điều tốt nhất trong khả năng của mình cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam.

Lời dạy của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vẫn còn âm vang trong ta:

“ Là người Công Giáo Việt Nam
Con phải yêu tổ quốc gấp bội
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con
Cha mong giòng máu ái quốc
Sôi trào trong huyết quản con”

California, nhân dịp Xuân 2015.
 
Văn Hóa
Trước bàn thờ tổ tiên ngày Tết
Lm. Ðaminh Nguyễn ngọc Long
16:32 19/02/2015
Trước bàn thờ Tổ Tiên ngày Tết

A. Dâng hương

Theo luật tuần hoàn của vũ trụ, năm Giáp Ngọ âm lịch đi vào qúa khứ . Và năm mới Ất Mùi âm lịch đang về với đất trời cùng với lòng con người.

Chúng ta, những người con dân đất nước Việt Nam, dù sinh sống nơi đâu trên thế giới, đều đón mừng mùa xuân năm mới Ất Mùi với tâm hồn vui mừng rộn rã.

Đó là tập tục văn hóa đã khắc ghi trong dòng máu chúng ta. Và đó cũng là nếp sống đạo đức làm người trong tương quan với Đấng Tạo Hóa càn khôn, và với xã hội con người.

Đón mừng mùa Xuân năm mới, nhưng tâm hồn ta luôn hướng về cội nguồn Tổ tiên quê hương tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Trước bàn thờ Đấng Tạo Hóa càn khôn, và bàn thờ Tổ Tiên xin cùng thắp những nén nhang lòng yêu mến nhớ về cội nguồn của chúng ta.

Thành kính dâng lời tạ tổ tiên,

Đầu nơi cội mạch lập gia hiền.

Khơi nguồn tựa suối trôi liên lỉ,

Trổ rễ như cây mọc vững bền.

Đứng mũi chở che giông chẳng quản,

Chịu sào chèo chống bão không nghiêng.

Mãn phần an nghỉ về Thiên quốc,

Thắp nén trầm hương nhớ cửu huyền.

B. 12 cây nến nguyện cầu

1. Kính lạy Đấng tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa Xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến tâm tình tạ ơn Đấng Tạo Hóa luôn hằng chúc phúc lành che chở cho đời sống chúng con thời gian năm cũ Giáp Ngọ vừa qua.

2. Kính lạy Đấng tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa Xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến lòng ái quốc cho quê hương tổ quốc, cho Tổ Tiên chúng con đã dầy công lao xây dựng, gìn giữ quê hương đất nước Việt Nam từ ngàn xưa.

3. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến chúc phúc lành cho dân tộc Việt Nam chúng con, trong mọi hoàn cảnh luôn đặt niềm tin tưởng vào Đấng Tạo Hóa, Đấng là nguồn mạch mọi ân đức chúc phúc lành.

4. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến lòng hiếu thảo biết ơn Ông Bà Cha Mẹ chúng con, những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục đào tạo chúng con nên người ở đời.

5. Kính lạy Đấng tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến gia đình. Xin cho các gia đình có được đời sống no cơm ấm áo, hòa thuận thương yêu nhau, phát triển tình nghĩa giữa các thành phần trong gia đình với nhau.

6. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến niềm vui tuổi xuân xanh cho con em bạn trẻ chúng con. Xin cho họ sống khoẻ mạnh hồn xác, học hành tấn tới, thành công trong việc làm, cùng tin tưởng vào ngày mai.

7. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến tình yêu cho các người trẻ đang trên đường đi tìm xây dựng con đường đời sống, lòng hăng say mong muốn dấn thân phục vụ con người, nhận ra dấu chỉ tín hiệu của ý Chúa muốn cho đời sống họ hôm nay và ngày mai.

8. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến hòa bình cho những đất nước trên thế giới đang sống trong những biến chuyển chiến tranh có nhiều đe dọa xáo trộn, bị phân ly chia rẽ sống đời lưu lạc tỵ nạn, có được hòa bình công lý, đời sống an cư lạc nghiệp trở lại.

9. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến niềm an ủi cho những người bị bệnh tật yếu đau, những người sống trong hoàn cảnh nghèo túng, trong thiên tai, nhận được sự trợ giúp tình người.

10. Kính lạy Đấng tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến lòng nhân đạo cho những người bị đối xử phân biệt ngược đãi bất công, cho những thai nhi bị phá hủy sự sống ngay từ cung lòng mẹ, được tôn trọng phẩm gía là con người do Thượng Đế tạo dựng nên.

11. Kính lạy Đấng Tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến niềm hy vọng cho những người sống trong thất vọng cô đơn, cho những người bị bỏ rơi khinh miệt, cho những người bị vướng mắc vào hoàn cảnh tù đày bạc đãi, được tìm thấy ánh sáng tự do vươn lên cho đời sống.

12. Kính lạy Đấng tạo Hóa càn khôn là Chúa mùa xuân năm mới, xin dâng lên bàn thờ cây nến sự sống nơi cõi vĩnh hằng

-cho những người đã dấn thân hy sinh tính mạng gìn giữ bảo vệ tổ quốc quê hương Việt Nam chúng con,

-cho Tổ Tiên , Ông bà, Cha mẹ, vợ hay chồng, con cháu, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những người thân yêu trong gia đình, mà nay đã về cùng Thiên Chúa.

- cho các Linh mục, các vị Tu sỹ nam nữ đã qua đời.

- cho các người đã bỏ mình trong chiến tranh loạn lạc, bị khủng bố, bị chết vì đói khát nghèo túng bệnh tật.

- cho những người đã sống làm ơn cho chúng con trong đời sống, mà nay tất cả đã khuất núi ra đi về đời sau.

Trước bàn thờ Chúa cùng theo làn khói ánh nến tỏa lan lung linh, chúng con chân nhận rằng:

Nhục thể ly trần lưu cát bụi,

Hồn thiêng thoát tục nhập thiên cung
.“ Amen.

Mùng Một Tết Ất Mùi 2015

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đu Đủ Và Xoài
Tấn Đạt
22:14 19/02/2015
ĐU ĐỦ VÀ XOÀI
Ảnh của Tấn Đạt
Năm mới mong mọi người
lúc nào cũng…đủ ..xài.
Vừa đủ HẠNH PHÚC
để tâm hồn Bạn luôn thanh cao
Vừa đủ HY VỌNG
để hạnh phúc mãi ngự trị nơi Bạn
Vừa đủ BẠN BÈ
để giúp Bạn an vui
Vừa đủ NIỀM TIN
để xua tan nơi Bạn
những chán nản ngã lòng..
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 12/02 – 18/02/2015: Lễ Tro và Công Nghị Tấn Phong Hồng Y
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:21 19/02/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Thứ Tư Lễ Tro tại Rôma

Lúc 4:30 chiều thứ Tư 18 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã chủ sự cuộc rước kiệu sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh.

Đi trong đoàn rước với Đức Thánh Cha, có đông đảo các Hồng Y và Giám Mục trong giáo triều Rôma, đông đảo tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Tổng quyền của 2 dòng này. Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Lúc 5 giờ chiều, tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ Năm, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trong tư cách là dân Chúa, hôm nay chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay, một thời gian trong đó chúng ta cố gắng để kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ mầu nhiệm cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài.

Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro trình bày với chúng ta, trước hết, một đoạn nói về tiên tri Joel, được Thiên Chúa sai đến để kêu gọi mọi người ăn năn hối cải trước một tai họa là nạn châu chấu đang tàn phá xứ Giuđêa. Chỉ có Chúa mới có thể cứu dân khỏi tai họa này, và do đó dân chúng cần phải khẩn khoản cầu nguyện và ăn chay, cũng như thú nhận tội lỗi của mình.

Vị tiên tri nhất mực đòi dân chúng phải hoán cải nội tâm: "Hãy quay về với Ta với tất cả con tim ngươi" (2:12). Trở về với Chúa "với tất cả con tim" có nghĩa là chọn một con đường hoán cải không hời hợt hay chóng qua, nhưng là một hành trình tâm linh đạt đến nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn của chúng ta. Tâm hồn, thực tế là chỗ ngự trị những tình cảm của chúng ta, là trung tâm nơi các quyết định và thái độ của chúng ta được hình thành.

Như thế, "quay về với Ta với tất cả tâm hồn ngươi" không chỉ liên quan đến cá nhân, nhưng mở rộng ra cho cộng đồng, là một lời hiệu triệu cho tất cả: "Hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! (2:16) "

Vị tiên tri đặc biệt nhắm đến những lời cầu nguyện của các tư tế, khi lưu ý rằng lời cầu nguyện của họ nên được kèm theo nước mắt. Vào đầu Mùa Chay này chúng ta hết sức kêu cầu xin ân sủng biết rơi lệ, để lời cầu nguyện của chúng ta và cuộc hành trình hoán cải của chúng ta trở nên đích thực hơn bao giờ hết và không có chút đạo đức giả nào.

Đây chính là thông điệp của Tin Mừng hôm nay. Trong đoạn trích từ Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nhắc lại ba việc bác ái theo quy định của luật Môi sê là: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Theo thời gian, các quy định này được thực hiện hời hợt bề ngoài, thậm chí còn bị biến dạng thành một thứ dấu chỉ của sự ưu việt xã hội. Chúa Giêsu nhấn mạnh một cám dỗ chung trong ba công việc này, có thể được mô tả tóm lược là đạo đức giả (Ngài nhắc đến từ đạo đức giả này đến ba lần): “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. .. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen...Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. .. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả” (Mt 6: 1, 2, 5, 16)"

Khi thực hiện điều gì tốt, hầu như tự nhiên nảy sinh nơi chúng ta ước muốn được quí chuộng và chiêm ngưỡng vì hành động tốt ấy, để được hài lòng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thi hành các việc lành ấy mà không khoa trương, và chỉ tín thác nơi phần thưởng của Chúa Cha trên trời, Đấng nhìn thấy tận những nơi sâu kín”(Mt 6,4.6.18).

Anh chị em thân mến, Chúa không bao giờ ngừng thương xót chúng ta, và luôn mong muốn ban cho chúng ta sự tha thứ của Ngài một lần nữa, mời gọi chúng ta trở về với Ngài bằng một trái tim mới, tinh tuyền khỏi mọi tội lỗi, để dự phần trong niềm vui của Ngài. Làm thế nào để nhận lời mời này? Thánh Phaolô đưa ra một gợi ý cho chúng ta trong bài đọc thứ hai ngày hôm nay: "Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi tha thiết mong anh em hòa giải với Thiên Chúa. (2 Cor 5:20)" Công việc hoán cải này không chỉ là một nỗ lực của con người. Hòa giải giữa chúng ta và Thiên Chúa có thể thực hiện được là nhờ vào lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng, vì yêu thương chúng ta, đã không ngần ngại hy sinh Con Một của Ngài. Chúa Kitô, Đấng công chính và tinh tuyền không chút tội lỗi nào đã thành tội nhân vì chúng ta (câu 21). Trên thập tự giá, Ngài đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, và như vậy đã cứu chuộc chúng ta và làm cho chúng ta được nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong Ngài, chúng ta có thể trở nên công chính, trong Ngài, chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta chấp nhận ân sủng của Thiên Chúa và không để "thời thuận tiện (6: 2)" trôi qua trong vô ích.

Với nhận thức này, tin tưởng và vui tươi, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay. Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nâng đỡ trận chiến tâm linh của chúng ta chống lại tội lỗi, đồng hành với chúng ta trong thời thuận lợi này, để chúng ta có thể cùng nhau hát mừng niềm hân hoan chiến thắng trong lễ Phục Sinh.

Giờ đây chúng ta sẽ thực hiện cử chỉ xức tro trên đầu. Vị chủ tế nói những lời này: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro (x Gen 3:19)” hoặc lặp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. (Mk 1:15)” Cả hai công thức là một lời nhắc nhở về sự thật của sự hiện hữu của con người: chúng ta là những tạo vật có giới hạn, là những người tội lỗi luôn cần đến sám hối và hoán cải. Thật là quan trọng để lắng nghe và đón nhận lời nhắc nhở này trong thời của chúng ta! Lời mời gọi hoán cải là một sự thúc đẩy để trở về trong vòng tay Thiên Chúa dịu dàng và đầy lòng thương xót như người con trai trong dụ ngôn để tin cậy và phó thác chúng ta cho Ngài.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, Đức Hồng Y Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện.

2. Đức Thánh Cha khai mạc công nghị Hồng Y

Lúc 9 giờ sáng thứ Năm 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã khai mạc công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn và đề cao mục đích cuộc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong số 165 vị hiện diện tại Công nghị ở Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Nội thành Vatican cũng có 20 tiến chức Hồng Y được bổ nhiệm vào ngày thứ Bẩy 14 tháng Hai, trong đó có Đức Hồng Y Tân Cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội.

Trong lời mở đầu sau kinh giờ Ba, Đức Hồng Y niên trưởng Angelo Sodano đã chào mừng Đức Thánh Cha và cho biết các Hồng Y sẵn sàng cộng tác với ngài trong việc cải tổ Giáo triều Roma. Ngài cũng nói là có 25 HY xin kiếu không đến dự công nghị vì lý do già yếu.

Tiếp lời, Đức Thánh Cha đã chào mừng 20 vị Hồng Y tân cử và cám ơn các Hồng Y khác đã đến tham dự. Đặc biệt, ngài cám ơn Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn cũng như Đức Cha Marcello Semeraro Giám Mục giáo phận Albano, Tổng thư ký của Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn, đồng thời cũng là vị trình bày tổng hợp tiến trình làm việc trong những tháng qua của Hội đồng Hồng Y này nhắm đạt tới một dự thảo Tông hiến mới nhằm cải tổ giáo triều Roma.

Đức Thánh Cha nói:

“Mục đích cần đạt tới vẫn luôn là tạo điều kiện để có sự hòa hợp nhiều hơn trong hoạt động của các cơ quan Trung ương Tòa Thánh, để thực hiện một sự cộng tác hữu hiệu hơn trong sự minh bạch tuyệt đối, kiến tạo công nghị tính và đoàn thể tính chân thực.”

Đức Thánh Cha minh xác rằng: “Cuộc cải tổ tự nó không là một mục tiêu, nhưng là một phương thế để làm chứng tá Kitô mạnh mẽ hơn, để đạt tới sự loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn, để thăng tiến tinh thần đại kết phong phú hơn, để khích lệ một cuộc đối thoại xây dựng hơn với mọi người. Cuộc cải tổ này, vốn được đại đa số các Hồng Y nồng nhiệt mong ước trong các phiên họp trước mật nghị bầu giáo hoàng, phải củng cố hơn nữa căn tính của Giáo triều Roma, nghĩa là phụ giúp Người Kế Vị Thánh Phêrô trong việc thi hành nhiệm vụ mục tử tối cao hầu mưu ích và phục vụ Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội địa phương. Nhờ sứ vụ này, sự hiệp nhất đức tin, tình hiệp thông của Dân Chúa được củng cố và sứ mạng của Giáo Hội trên thế giới được củng cố.”

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng: “Chắc chắn đạt tới mục tiêu ấy không phải là điều dễ dàng, nó đòi phải có thời gian, sự quyết tâm, và nhất là sự cộng tác của tất cả mọi người. Nhưng để thực hiện điều này, trước tiên chúng ta phải tín thác nơi Chúa Thánh Linh, là Đấng thực sự hướng dẫn Giáo Hội, và khẩn cầu Chúa ban ơn biện phân chân thực.”

Trong phiên họp, Đức Hồng Y Rodriguez Maradiaga, Điều hợp viên nhóm 9 Hồng Y cố vấn, đã gợi lại tiến trình lịch sử của Hội đồng này, rồi Đức Cha Semeraro đã trình bày cho Hồng Y đoàn công việc và các ý kiến của Hội đồng Hồng Y cố vấn, trước khi các Hồng Y góp ý kiến. Có 12 vị đã phát biểu.

Ban chiều, các Hồng Y tái nhóm từ lúc 5 giờ đến 7 giờ chiều.

3. Ngày thứ hai của Công nghị ngoại thường Hồng Y đoàn

Chiều ngày 13 tháng Hai, Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp dưới quyền chủ tọa của Đức Thánh Cha và với sự tham dự của 164 Hồng Y, kể cả 20 Hồng Y tân cử.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 13 tháng Hai, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong ngày đầu tiên 12 tháng Hai, sau bài tường trình của vị điều hợp và tổng thư ký Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha, đã có 40 Hồng Y - 12 vị ban sáng và 28 vị ban chiều, lên tiếng phát biểu về các vấn đề khác nhau liên quan đến dự án cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, đặc biệt là tương quan giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương.

Một số Hồng Y kêu gọi đẩy mạnh tiến trình tản quyền về địa phương, những gì giáo phận và Hội Đồng Giám Mục có thể làm được thì nên tản quyền về địa phương theo nguyên tắc phụ đới. Nhưng cũng có một số Hồng Y khác đề cao vai trò của Tòa Thánh, nâng đỡ các Giáo Hội địa phương yếu, để các Giáo Hội này đỡ chịu sức ép từ các phía khác, kể cả từ các Giáo Hội “giầu mạnh”.

Một số ý kiến kêu gọi tăng cường sự hiệp thông và cộng tác giữa các cơ quan trung ương Tòa Thánh với nhau. Vai trò của Phủ Quốc vụ khanh cũng được đề cập tới, đặc biệt là trong các quan hệ của Tòa Thánh với quốc tế, và Phủ quốc vụ khanh giúp duy trì sự thống nhất lập trường và đường lối của Tòa Thánh trong các quan hệ quốc tế.

Một số phát biểu khác nói về trách nhiệm của giáo dân và vai trò, chỗ đứng của phụ nữ, kể cả ở các vị trí trách niệm trong các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong phiên họp sáng ngày 13 tháng Hai có sự hiện diện của 164 Hồng Y (so với 165 vị ngày 12 tháng Hai). Vấn đề được bàn tới nhiều là kinh tế và các cơ quan kinh tế của Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Georg Pell, Chủ tịch Văn phòng kinh tế mới được Đức Thánh Cha thành lập, đã lên tiếng giới thiệu hoạt động của cơ quan này, và tiếp đến là giáo sư Zara người Malta, Phó điều hợp viên Hội đồng kinh tế gồm 8 HY và 7 giáo dân chuyên gia. Trước đó, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục giáo phận Munich bên Đức, Chủ tịch của Hội đồng này cũng trình bày cho Hồng Y đoàn về chức năng và hoạt động của Hội đồng.

Chủ tịch Viện giáo vụ (quen gọi là Ngân Hàng Vatican, IOR) đã trình bày về hiện tình cơ quan này và viễn tượng tương lai.

Các bài tường trình đó chiều phần lớn thời giờ của khóa họp ban sáng. Sau đó 18 Hồng Y đã lên tiếng yêu cầu giải thích làm sáng tỏ hơn một số điểm. Nhiều Hồng Y đã đánh giá tích cực hoạt động của các cơ quan được trình bày.

Trong phiên họp ban chiều ngày 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Sean O'Malley, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ các trẻ em, đã tường trình cho các Hồng Y về hoạt động của cơ quan này. Ủy ban đã nhóm phiên đầu tiên từ ngày 6 đến 8 tháng Hai vừa qua tại Vatican, và cho biết đã trình lên một số đề nghị để tăng cường chính sách bảo vệ trẻ em chống nạn lạm dụng tính dục trong môi trường Giáo Hội ở các nơi trên thế giới.

4. Công nghị phong 20 Hồng Y và xác định lễ phong 4 hiển thánh

Sáng ngày 14 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 20 Hồng Y mới, trong đó có Đức Hồng Y Nguyễn Văn Nhơn, đồng thời xác định sẽ tôn phong 4 thánh nữ vào ngày 17 tháng Năm.

Đây là công nghị lần thứ 2 Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô để tấn phong Hồng Y Lần đầu tiên ngày 22 tháng Hai năm 2014 để phong 19 Hồng Y và lần này 20 vị thuộc 18 quốc tịch.

Giống như năm ngoái, hiện diện tại buổi lễ cũng có Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đáp lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y đẳng Giám Mục và Thượng Phụ. Tiếp đến có 145 Hồng Y, khoảng 100 giám mục và 8 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, bạn hữu và giáo hữu của các tiến chức Hồng Y.

Có một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao sức yếu, đó là Đức Hồng Y José de Jesus Pimiento Rodriguez, 96 tuổi, nên đã xin nhận Mũ Đỏ tại gia.

19 tiến chức Hồng Y ngồi hai bên bàn thờ chính, trong khi các Hồng Y và các GM ngồi phía trước bàn thờ. Trong số các tân Hồng Y có 15 vị dưới 80 tuổi và đến từ 14 quốc gia, gồm 5 vị người Âu, 3 vị Á châu, 3 vị Mỹ la tinh, 2 từ Phi châu và 2 vị từ Úc châu. 2 tiến chức Hồng Y Phi châu đến từ Etiopia và Capo Verde, hai vị người Úc đến từ New Zealand và quần đảo Tonga, 3 vị Á châu là người Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, 3 vị Mỹ châu la tinh đến từ Mêhicô, Urugay và Panama.

Vị Hồng Y duy nhất được Đức Thánh Cha bổ nhiệm cho giáo triều Roma lần này là Đức Hồng Y Dominique Mamberti. Năm 2006, sau 4 năm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Sudan, ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm làm ngoại trưởng Tòa Thánh. Hồi tháng 11 vừa qua Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngài làm Chủ tịch Tối cao Pháp Viện của Tòa Thánh.

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Khi tiến lên bàn thờ chính, Đức Thánh Cha đã đến chào Đức Giáo Hoàng danh dự rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, vị đứng đầu danh sách các tiến chức đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn Đức Thánh Cha, đồng thời cũng chào thăm vị Tiền Nhiệm của ngài đang hiện diện.

5. Bài giảng của Đức Thánh Cha trong công nghị tấn phong Hồng Y

Sau lời nguyện của Đức Thánh Cha, cộng đoàn đã nghe đọc đoạn thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corinto, đoạn thứ 12 và 13 (12,31-13,13), đề cao vai trò của đức bác ái: dù thông thạo mọi sự, dù làm những công trình to lớn hay bao công việc khác, nếu không có bác ái thì cũng vô ích...

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Thánh Thư vừa đọc và đề cao tầm quan trọng của đức bác ái trong đời sống các vị được giao phó trọng trách trong Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

Anh em Hồng Y thân mến,

Tước Hồng Y chắc chắn là một địa vị nhưng không phải là địa vị vinh dự. Nguyên danh từ Cardinale đã cho thấy điều đó, từ này gợi lại từ “cardine”, bản lề; vì thế đây không phải là một cái gì phụ thuộc, trang trí, làm cho người ta nghĩ đến một huy chương danh dự, nhưng là một bản lề, một điểm tựa và sự chuyển động thiết yếu đối với đời sống của cộng đoàn. Anh em là ”những bản lề” và được tháp nhập vào Giáo phận Roma, là giáo phận chủ trì cộng đoàn hiệp thông bác ái hoàn vũ” (LG 13, Xc Ignatio Ant., Ad Rom. Prologo).

Trong Giáo Hội mỗi chức vị chủ tịch đều xuất phát từ đức bác ái, phải được thực thi trong tình bác ái và có mục đích là bác ái. Cả trong lãnh vực này, Giáo Hội ở Roma thi hành một vai trò gương mẫu: về cách thức chủ trì trong tình bác ái, để mỗi Giáo Hội địa phương được kêu gọi chủ trì trong tình bác ái nơi khuôn khổ của mình.

Vì thế, tôi nghĩ rằng “bài ca đức ái” trong thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi các tín hữu thành Corinto là lời hướng dẫn buổi cử hành này và sứ vụ của anh em, đặc biệt đối với những người trong anh em hôm nay gia nhập Hồng Y đoàn. Và để cho chúng ta được hướng dẫn như thế thật là tốt, bắt đầu từ tôi và anh em cùng tôi. Chúng ta được hướng dẫn bằng những lời linh hứng của thánh Phaolô Tông Đồ, đặc biệt khi thánh nhân liệt kê những đặc tính của đức bác ái. Ước gì Mẹ Maria giúp chúng ta trong sự lắng nghe này. Mẹ đã trao tặng cho thế giới Đấng là ”Con đường tuyệt hảo nhất” (Xc 1 Cr 12,31) là Chúa Giêsu, là Đức Bác Ái nhập thể; ước gì Mẹ giúp chúng ta đón nhận Lời này và luôn tiến bước trên Con đường là Chúa Giêsu. Xin Mẹ giúp chúng ta với thái độ khiêm tốn và dịu dàng của Mẹ, vì đức bác ái, hồng ân của Thiên Chúa, tăng trưởng tại nơi nào có khiêm tốn và dịu dàng.

Nhất là thánh Phaolô nói với chúng ta rằng đức bác ái thì “đại đảm” và “từ nhân”. Hễ trách nhiệm càng rộng lớn trong việc phục vụ Giáo Hội, thì con tim càng phải mở rộng, nở lớn theo mức độ của con tim Chúa Kitô. Đại đảm, theo một nghĩa nào đó, cũng đồng nghĩa với đặc tính Công Giáo: nghĩa là biết yêu thương vô biên, nhưng đồng thời trung thành với những hoàn cảnh đặc thù và với những cử chỉ cụ thể. Yêu thương những gì là cao cả nhưng không lơ là những gì là bé nhỏ; yêu những điều bé nhỏ trong chân trời của những điều lớn, bởi lẽ “không nản chí vì những công trình vĩ đại, nhưng dấn thân vào những việc bé nhỏ nhất, đó thực là điều thần linh” (Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est). Biết yêu thương bằng những cử chỉ từ nhân. Từ nhân là ý hướng cương quyết và bền bỉ, luôn luôn muốn điều thiện và cho tất cả mọi người, kể cả những người không thích chúng ta.

Rồi Thánh Tông Đồ nói rằng, đức bác ái “không ghen tương, không háo danh, không tự kiêu tự đại”. Đây thực là một phép lạ của đức bác ái, vì con người chúng ta, tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi trong cuộc sống, chúng ta có xu hướng ghen tương và kiêu ngạo do bản tính của chúng ta đã bị thương tổn vì tội lỗi. Và cả những địa vị trong Giáo Hội cũng không được miễn nhiễm khỏi cám dỗ này. Nhưng chính vì thế, anh em thân mến, sức mạnh thần linh của đức bác ái có thể càng nổi bật trong chúng ta, sức mạnh biến đổi con tim, đến độ không còn là bạn sống, nhưng là Chúa Kitô sống trong bạn. Và Chúa Giêsu là tất cả tình yêu.

Ngoài ra, đức bác ái “không thiếu sự tôn trọng, không tìm tư lợi”. Hai đặc điểm này cho thấy ai sống trong đức bác ái thì không qui hướng vào mình. Ai tự qui hướng vào mình thì chắc chắn là điều tôn trọng và thường họ không nhận thấy điều đó, vì ”tôn trọng” chính là khả năng để ý đến người khác, đến phẩm giá, hoàn cảnh và những nhu cầu của họ. Ai tự tập trung vào mình thì chắc chắn sẽ tìm tư lợi, và dường như họ thấy đó là điều bình thường, hầu như là điều bắt buộc. “Lợi lộc” ấy cũng có thể được bọc bằng những bộ áo cao thượng, nhưng bên dưới đó vẫn luôn luôn là tư lợi. Trái lại đức bác ái làm cho bạn không tự tập trung vào mình và đặt bạn ở nơi trung tâm đích thực là một mình Chúa Kitô. Và như thế, bạn có thể là một người tôn trọng và quan tâm đến thiện ích của tha nhân.

Thánh Phaolô nói: “Đức bác ái không thịnh nộ, không để ý đến điều ác phải chịu”. Đối với người mục tử sống tiếp xúc với dân chúng, không thiếu những dịp để nổi giận. Và chúng ta càng có nguy cơ nổi giận trong những quan hệ với các anh em của mình, vì trong thực tế chúng ta ít có lý do để chữa mình. Cả trong trường hợp này, đức bác ái, và chỉ có đức bác ái mới giải thoát chúng ta. Giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ phản ứng theo sự thúc đẩy của bản năng, nói và làm những điều sai lầm, và nhất là đức bác ái giải thoát chúng ta khỏi nguy cơ tử vong của sự giận dữ bị dồn nén, “bị âm ỉ” bên trong, khiến bạn để ý đến những điều ác mà bạn phải chịu. Không, điều này không thể chấp nhận được nơi con người của Giáo Hội. Người ta có thể tha thứ sự nổi giận nhất thời rồi nguội đi ngay, nhưng đối với sự oán hận thì không. Xin Chúa giúp chúng ta tránh thoát và giải phóng chúng ta khỏi những điều ấy.

Thánh Phaolô nói thêm rằng đức bác ái “không vui mừng vì điều bất công nhưng vui mừng vì chân lý”. Ai được kêu gọi thi hành công tác phục vụ là cai quản trong Giáo Hội thì phải có một ý thức mạnh mẽ về công lý, đến độ thấy rằng không thể chấp nhận bất kỳ điều bất công nào, cả điều bất công có lợi cho bản thân hoặc cho Giáo Hội. Và đồng thời, “vui mừng vì chân lý”: thật là một thành ngữ đẹp dường nào! Người của Thiên Chúa là người được chân lý thu hút và tìm thấy chân lý trọn vẹn trong Lời và trong Thân Mình của Chúa Giêsu Kitô. Chúa là nguồn mạch niềm vui vô tận cho chúng ta. Ước gì Dân Chúa luôn có thể tìm thấy nơi chúng ta sự quyết liệt tố giác bất công và vui mừng phục vụ chân lý.

Sau cùng, đức bác ái “tha thứ tất cả, tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Ở đây trong 4 lời này có chứa đựng một chương trình đời sống thiêng liêng và mục vụ. Tình yêu được Chúa Thánh Linh đổ vào tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta sống và trở thành thế này: thành người có khả năng luôn luôn tha thứ; luôn luôn tin tưởng, vì đầy tràn niềm tin nơi Thiên Chúa; có khả năng luôn luôn mang lại hy vọng vì tràn đầy hy vọng nơi Thiên Chúa; trở thành những người biết kiên nhẫn chịu đựng mọi tình trạng, mọi người anh chị em, trong niềm kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương chịu đựng gánh nặng của tất cả tội lỗi chúng ta”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh em thân mến, tất cả những điều ấy không đến từ chúng ta, nhưng từ Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương và Ngài thi hành mọi điều ấy, nếu chúng ta ngoan ngoãn đối với tác động của Thánh Linh của Ngài. Vì vậy chúng ta phải trở thành ”người được tháp nhập và ngoan ngoãn”. Hễ chúng ta càng được tháp nhập vào Giáo Hội ở Roma, thì chúng ta càng phải trở nên ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để đức bác ái có thể mang lại hình thái và ý nghĩa cho tất cả những gì chúng ta sống và làm. Được nhập tịch vào Giáo Hội chủ trì trong đức bác ái, ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh là Đấng đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu của Thiên Chúa (Xc Rm 5,5). Amen

6. Nghi thức phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng Y mới. Ngài nói:

“Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

“Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, Đức Thánh Cha lần lượt xướng tên 20 Hồng Y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đức Thánh Cha ấn định 3 vị tân Hồng Y thuộc đẳng phó tế, 17 vị còn lại là các Hồng Y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Nhà thờ hiệu tòa được Đức Thánh Cha chỉ định cho Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn là nhà thờ giáo xứ thánh Tômaso Tông Đồ ở khu ngoại ô phía Đông Nam Roma cách trung tâm chừng 30 cây số. Giáo xứ này được thành lập cách đây 51 năm, thánh đường mới của giáo xứ được khánh thành cách đây 2 năm và hồi năm ngoái đã được Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm. Trong những năm gần đây dân số giáo xứ gia tăng mạnh gồm hơn 6 ngàn gia đình với trên 20 ngàn dân. Phần lớn dân cư tại đây thuộc giai cấp trung lưu và thượng trung lưu.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân Đức Thánh Cha Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Hội, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt Đức Thánh Cha để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

“Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, Đức Hồng Y hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là Đức Hồng Y phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.

Và khi trao nhẫn, ngài nói:

“Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo Hội của Đức Hồng Y được kiện cường”.

Sau cùng Đức Thánh Cha trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với Đức Thánh Cha các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 19 chiếc ghế dành cho các vị phía tay trái của Đức Thánh Cha, đối diện với hàng ghế của các Hồng Y cũ.

Nghi thức tấn phong các Hồng Y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền.

7. Công nghị phong thánh

Phần thứ 2 của Công nghị là việc phong hiển thánh cho 3 nữ chân phước: 1 vị người Pháp và 2 vị người Palestine:

Mở đầu, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh Giáo Hội cùng với các Hồng Y và Giám Mục tụ họp nơi đây xin Đức Thánh Cha ghi tên 3 vị chân phước vào sổ bộ các thánh trong tương lai gần đây, đó là Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsa Danil Ghattas.

Rồi Đức Hồng Y tóm lược tiểu sử của 3 vị nữ chân phước:

- Đứng đầu là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, sáng lập dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành phố Castres, miền nam Pháp, sinh năm 1811 và qua đời năm 1854 lúc 43 tuổi đời. Năm 1836, khi được 25 tuổi, chị thành lập một cộng đoàn nữ tu với danh hiệu “Các nữ tu xanh ở Castres”: giữa thời cách mạng công nghệ, chị và hai người bạn đồng chí hướng chăm sóc các phụ nữ nghèo khổ, các nữ công nhân, bệnh nhân và phụ nữ mại dâm, trong một căn nhà ở Castres. Dòng này hiện có hơn 600 nữ tu thuộc 120 cộng đoàn, hoạt động trong lãnh vực giáo dục, y tế, và xã hội tại nhiều nước Phi châu, Âu Châu, Mỹ la tinh và Á châu Thái Bình Dương.

- Thứ hai là chân phước Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh, tục danh là Maria Baouardy, nữ đan sĩ dòng Cát Minh nhặt phép, người Palestine. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, khi lên 13 tuổi Maria bị chú ruột ép cho một người họ hàng theo phong tục thời ấy, nhưng Maria quyết liệt từ khước vì muốn dâng mình cho Chúa. Chị là một nhà thần bí, với nhiều thị kiến. Chị qua đời năm 1878 tại Đan viện ở Bethlehem lúc 32 tuổi.

- Sau cùng là chân phước Maria Alphonsa Danil Ghattas, người Palestine, sinh tại Jerusalem năm 1843 và qua đời năm 1927, thọ 84 tuổi. Chị cũng là một nhà thần bí và đã sáng lập dòng nữ Đa Minh Mân Côi tại Thánh Địa. Chị được phong chân phước tại Nazareth ngày 22-11 năm 2009 (SD 6-2-2015)

Và Đức Hồng Y Amato kết luận rằng: Vì vậy, để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho toàn Giáo Hội, con nồng nhiệt xin ĐTC, dùng quyền Tông Đồ, quyết định phong hiển thánh cho các vị chân phước này, và xác định ngày long trọng ghi tên các vị vào sổ bộ các thánh.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúng tôi đã được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, cho biết tất cả những gì cần thiết đã được hoàn thành tốt đẹp tại Bộ, để các chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh Baouardy và Maria Alfonsina Danil Ghattas được ghi vào sổ bộ các thánh. Nhưng anh em đáng kính, trước khi cử hành công nghị này, qua giấy tờ, anh em đã bày tỏ riêng ý kiến của anh em và tuyên bố các vị chân phước này đáng được đề nghị như mẫu gương cho toàn thể Giáo Hội, đặc biệt trong hoàn cảnh thời nay. Anh em đáng kính, tôi vui mừng vì anh em nghĩ rằng 3 vị chân phước đáng được đề nghị cho toàn thể Giáo Hội tôn kính. Vì thế, với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, và quyền của chúng tôi, chúng tôi quyết định rằng, cùng với chân phước Maria Cristina Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, mà việc phong thánh đã được quyết định trong công nghị Hồng Y năm ngoái, ba chân phước Jeanne de Villeneuve, Maria Chúa Giêsu chịu đóng đanh và Maria Alfonsina Danil Ghattas sẽ được ghi vào sổ bộ các thánh ngày 17 tháng 5 năm 2015.

Công nghị kéo dài 1 giờ 25 phút và kế thúc lúc 12 giờ 25.

8. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y

Lúc 9:45 sáng Chúa Nhật Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tạ ơn với các Tân Hồng Y tại Đền Thờ Thánh Phêrô một ngày sau khi ngài trao mũ đỏ cho 20 vị tân Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới.

Trong công nghị tấn phong Hồng Y lần này, Đức Thánh Cha tấn phong 20 Hồng Y nhưng có một tiến chức Hồng Y xin kiếu không đến dự công nghị được vì tuổi cao sức yếu, đó là Đức Hồng Y José de Jesus Pimiento Rodriguez, 96 tuổi, đã xin nhận Mũ Đỏ tại gia. Do đó, hiện diện trong thánh lễ này chỉ có 19 vị Hồng Y.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã tập trung vào lòng từ bi của Chúa Kitô, lòng mến, và sự cống hiến trọn vẹn của Ngài để trở thành thuyền và xe để chuyên chở lòng thương xót chữa lành của Chúa Cha. Đây cũng là bản chất sứ vụ của Giáo Hội phải được thể hiện rõ rệt hơn hết nơi các vị Hồng Y.

Trình bày suy tư của ngài về các bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Thánh sử Máccô nói về cuộc chiến của Chúa Kitô chống lại tất cả các hình thái của sự dữ, thể hiện đặc biệt nơi những người đang đau khổ về thể xác và tinh thần, trong trường hợp này là phép lạ Chúa chữa lành một người bị bệnh phong, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

"Những người cùi, một khi được Người chữa khỏi, đã trở thành một sứ giả của tình yêu Thiên Chúa.

Thưa các tân Hồng Y, điều này là ‘luận lý’, là suy nghĩ của Chúa Giêsu, và cũng là cách thức của Giáo Hội. Chúng ta không chỉ chào đón và phục hồi với lòng can đảm của Tin Mừng tất cả những ai gõ cửa chúng ta, nhưng còn phải đi ra ngoài và tìm kiếm, không sợ hãi và không có thành kiến, tất cả những người ở xa, và chia sẻ miễn phí những gì chính chúng ta đã nhận được cách nhưng không."

Đó cũng là một chủ đề mà Đức Thánh Cha đã trở lại trong bài huấn dụ của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật trước hàng chục ngàn khách hành hương và du khách tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

"Lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua mọi rào cản," Đức Thánh Cha nói. "Bàn tay của Chúa Giêsu chạm vào người phong cùi, nghĩa là Chúa Kitô không hành động từ một khoảng cách an toàn, cũng không hành động qua một trung gian nhưng tiếp xúc trực tiếp với sự lây lan tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, tội lỗi của chúng ta trở thành một nơi gặp gỡ: Đức Giêsu gánh lấy bệnh hoạn nhân sinh của chúng ta và chúng ta nhận lãnh nơi Ngài ơn chữa lành – là nhân tính lành mạnh của Ngài. Điều này xảy ra mỗi khi chúng ta nhận lãnh một bí tích với đức tin: Chúa Giêsu 'chạm' vào chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng của Ngài. Trong trường hợp này, chúng ta đặc biệt nghĩ đến là Bí Tích Hòa Giải là bí tích chữa lành chúng ta khỏi thứ phong cùi tội lỗi. "

Đức Thánh Cha kết luận rằng, nếu chúng ta bắt chước Chúa Kitô, như Thánh Phaolô khuyên chúng ta trong Thư gửi tín hữu Côrintô (xem 1 Cor 11: 1) trước những người nghèo hoặc người bệnh, chúng ta không nên sợ nhìn vào mắt những người đau khổ này, nhưng hãy gần gũi với những người đau khổ với sự dịu dàng và lòng từ bi.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Nếu điều ác là truyền nhiễm, thì điều thiện cũng vậy; do đó, chúng ta phải để cho sự thiện triển nở giữa chúng ta, ngày càng nhiều; để chúng ta bị nhiễm bởi những điều thiện, và chúng ta hãy lây lan những sự tốt lành này. "

Cuối buổi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chúc mừng đặc biệt tất cả những dân tộc trên thế giới đang chuẩn bị đón năm mới âm lịch. "Cầu xin những lễ hội này mang lại những dịp vui mừng để tái khám phá và sống mãnh liệt tình anh em, đó là mối giây ràng buộc quý giá của cuộc sống gia đình và là nền tảng của đời sống xã hội,"

Đức Thánh Cha cũng bày tỏ hy vọng rằng các dân tộc sẽ đánh dấu năm mới âm lịch với một quyết tâm xây dựng một xã hội trong đó các quan hệ giữa các cá nhân được hình thành với sự tôn trọng lẫn nhau, công lý và bác ái.

9. Đức Hồng Y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đứng thứ 6 trong danh sách các vị được tấn phong lần này. Năm nay ngài 77 tuổi, thụ phong linh mục ngày 21-12-1967 thuộc lớp đầu tiên của Giáo Hoàng Chủng viện thánh Piô 10 Đà Lạt và 24 năm sau, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Đà Lạt ngày 11-10-1991, và trở thành Giám Mục chính tòa 3 năm sau đó (23-3-1994).

Cách đây 5 năm (22-4-2010) ngài được bổ làm Tổng Giám Mục Phó Tổng giáo phận Hà Nội, và chỉ 11 ngày sau đó, 13-5-2010, ngài trở thành Tổng Giám Mục chính tòa Hà Nội, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Cũng như hầu hết các Hồng Y khác trong đợt ngày, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn không hề được Tòa Thánh báo trước việc chọn ngài làm Hồng Y, và ngài chỉ được Đức Tổng Giám Mục Girelli, Đại Diện Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam, chính thức báo tin việc bổ nhiệm này 1 giờ sau khi Đức Thánh Cha đã công bố danh tánh các tiến chức Hồng Y trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 4 tháng Giêng vừa qua tại Vatican.

Phái đoàn đến từ Việt Nam có Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Giáo phận Sàigòn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Vũ Huy Chương Giám Mục giáo phận Đàlạt, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám Mục Cao Bằng Lạng Sơn, Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Vinh.

10. Đức Thánh Cha kêu gọi cứu giúp các thuyền nhân

Đức Thánh Cha cầu nguyện và liên đới với các thuyền nhân vượt biên bị thiệt mạng vì trên đường vượt biên đến đảo Lampedusa cực nam Italia.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày 11 tháng Hai tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi lo âu theo dõi những tin tức đến từ đảo Lampedusa, nơi đã có thêm những người chết trong số những người di dân, vì lạnh, trong cuộc vượt biên qua Địa Trung Hải. Tôi muốn đoan chắc cầu nguyện cho các nạn nhân và tái khuyến khích liên đới với họ, để không ai bị theo sự cứu giúp cần thiết”.

Sau cùng, tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện cho Công nghị Hồng Y nhóm trong những ngày tới đây. Xin Chúa Thánh Linh phù trợ công việc của Hồng Y đoàn và soi sáng cho các Hồng Y mới và công việc phục vụ của các vị dành cho Giáo Hội”.

Hôm 9-2-2015 có 29 thuyền nhân trẻ, tuổi từ 15 đến 20, bị chết lạnh ở kênh Sicilia, cách đảo Lampedusa của Italia hơn 100 hải lý. Có 75 người sống sót.

Trưa ngày 11-2-2015, bà Carlotta Sami, thuộc cao Ủy tị nạn LHQ cho biết có thêm hơn 300 thuyền nhân bị chết, họ đi trên 4 xuồng bằng cao su. Con số này dựa trên chứng từ của 9 người sống sót trong tai nạn này.

Hội Đồng Giám Mục Italia mạnh mẽ phê bình Liên hiệp Âu Châu đã chấm dứt chương trình Mare Nostrum cứu giúp các thuyền nhân tại Địa Trung Hải.

11. Tòa Thánh không công nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine

Vị giám mục được ủy thác chăm sóc mục vụ cho người Công Giáo nghi lễ Latin ở Crimea nói rằng Vatican không công nhận sự sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga của chính quyền Putin. Một báo cáo được công bố bởi Cục Thông tin tôn giáo của Ukraine đã cho biết như trên.

"Tòa Thánh chưa bao giờ công nhận sự sáp nhập Crimea vào Nga", Đức Cha Jacek Pyl là Giám mục phụ tá của giáo phận Odessa-Simferopol cho biết như trên.

Ngài nói thêm: "Đúng là một số tín hữu đã rời khỏi Crimea nhưng một số tín hữu mới đã đến đó. Sự sáp nhập Crimea vào Nga đã chia rẽ một số gia đình và gây ra nhiều hoang mang. Giáo Hội cố gắng để vượt qua những chia rẽ và đoàn kết mọi người xung quanh Đức Kitô. "

Đức Giám Mục Pyl nói rằng ngài có kế hoạch mời một dòng chiêm niệm đến khu vực và yêu cầu cầu nguyện cho việc truyền giáo cho người dân Crimea.

12. Lập trường của Tòa Thánh trước cuộc leo thang bạo lực tại Ukraine

Tòa Thánh bày tỏ quan tâm trước tình trạng leo thang bạo lực tại Ukraine, làm cho gần 5.400 người chết và có nguy cơ trầm trọng thêm.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 10 tháng Hai, Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói:

“Tòa Thánh chú tâm theo dõi tình hình cuộc khủng hoảng ở các nơi trên thế giới, trong đó có tình hình ở miền Đông Ukraine. Đứng trước sự leo thang xung đột đốn ngã nhiều nạn nhân vô tội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi hòa bình. Với những lời can thiệp ấy, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho những người chết và bị thương vì bạo lực, đồng thời ngài nhấn mạnh sự cấp thiết mở lại các cuộc thương thuyết, là con đường duy nhất có thể theo để ra khỏi tình trạng gia tăng những lời cáo buộc và phản ứng.

“Đứng trước những giải thích khác nhau người ta đưa ra về những lời của Đức Giáo Hoàng, nhất là những lời ngài nói ngày 4 tháng Hai vừa qua, tôi thấy nên minh xác rằng Đức Thánh Cha muốn có ý ngỏ lời với tất cả những phe liên hệ, tin tưởng nơi cố gắng chân thành của mỗi phe trong việc áp dụng những thỏa hiệp đã cùng nhau đạt tới và ngài nhắc nhở nguyên tắc về công pháp quốc tế, mà Tòa Thánh đã nhiều lần tham chiếu từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng này. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nhiều lần lập lại, nhân loại phải tìm được can đảm thay thế luật sức mạnh bằng sức mạnh của luật.

“Đức Thánh Cha vui mừng chờ đợi cuộc hành hương của hàng Giám Mục Ukraine về viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô từ ngày 16 đến 21 tháng Hai. Biến cố này sẽ thêm một cơ hội để gặp gỡ các anh em Giám Mục, để được thông tin trực tiếp về tình hình của đất nước Ukraine yêu quí, để an ủi Giáo Hội tại Ukraine cũng như tất cả những người đang đau khổ và để cùng nhau cứu xét những con đường hòa giải và hòa bình”

13. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn minh mẫn và không hề hối tiếc về quyết định thoái vị của mình

Ngày 11 tháng Hai năm 2013, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố quyết định thoái vị. Hai năm sau, thư ký riêng của ngài cho biết Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 vẫn còn minh mẫn và không hề hối tiếc về quyết định của mình.

Đức Tổng giám mục Georg Gänswein nói với nhật báo Corriere della Sera, tức là Tin Chiều, tại Rôma rằng Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 "đã chọn một cuộc sống ẩn tu" và chỉ xuất hiện trước công chúng khi ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời.

Ngoài thói quen cầu nguyện, đọc sách và trả lời thư từ, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã chơi đàn piano thường xuyên hơn. Đức Tổng Giám Mục nói: "Đặc biệt là nhạc Mozart, và cả những tác phẩm khác đến với tâm trí ngài. Ngài đánh đàn chủ yếu từ ký ức mình. "

Đức Tổng Giám mục Gänswein bác bỏ tin đồn rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bị áp lực phải từ chức. Những tin đồn như thế dựa trên giả thuyết thuần túy, không có sự kiện hỗ trợ. Trong thực tế, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã rất "thanh thản" khi quyết định về hưu; ngài xác tín rằng mình đã lựa chọn đúng, và tin rằng Giáo Hội cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, năm nay là 87 tuổi, vẫn còn trong tình trạng sức khoẻ khá tốt. Đôi khi ngài gặp khó khăn khi đi đứng vì một số vấn đề với đôi chân của mình, nhưng ngoài ra ngài có không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào.

14. Giám Mục Pháp yêu cầu các giáo xứ cất Mình Thánh Chúa khỏi các nhà tạm sau hàng loạt các vụ phạm thánh

Trước làn sóng gia tăng những vụ phạm thánh kể từ tháng Mười năm ngoái cho tới nay, đặc biệt nghiêm trọng là những vụ phạm thánh tại 5 nhà thờ trong hai ngày 6 và 7 tháng Hai, Đức Giám Mục giáo phận Bellay-Ars đã truyền cho các linh mục phải rước Thánh Thể ra khỏi các nhà thờ và nhà nguyện.

Đức Cha Pascal Roland yêu cầu Thánh Thể phải được lưu giữ tại một địa điểm an toàn hơn, và cửa ra vào nhà tạm phải được giữ mở toang ra để cho thấy rõ ràng rằng Thánh Thể không có trong nhà tạm.

Thánh Thể chỉ có thể được rước trở lại các nhà tạm cho việc thờ phượng khi có đủ số tín hữu có mặt.

Ngoại lệ duy nhất của nghị định này là trong trường hợp nhà tạm được làm bằng kim loại có khóa cẩn thận và chắc chắn.

Năm nhà thờ đã bị phạm thánh tại giáo phận Bellay-Ars miền đông nước Pháp vào ngày 6 và 7 tháng Hai.

Trong bốn nhà thờ, bình thánh đã bị đánh cắp, nhưng Mình Thánh Chúa đã được thánh hiến dường như được bỏ lại tại chỗ. Tại giáo xứ Montluel, một thị trấn 7,000 dân, cả bình thánh và Mình Thánh Chúa đều đã bị đánh cắp.

Năm nhà thờ khác trong giáo phận đã phạm thánh hoặc phá hoại trong thời gian từ tháng Mười năm ngoái đến tháng Giêng năm nay.

Đức Cha Pascal Roland nói:

“Giáo Hội mời gọi mọi Kitô hữu cầu nguyện cho sự tha thứ và sự ăn năn của những người đã phạm vào những hành vi nghiêm trọng này”

15. Khủng bố Hồi Giáo IS đã giết 21 tín hữu Kitô Ai Cập bị bắt cóc

Cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” đã công bố việc giết hại 21 Kitô hữu Ai Cập đã bị bắt cóc tại Libya vào đầu tháng Giêng vừa qua.

Một thông cáo của quân khủng bố Hồi Giáo IS nói rằng các Kitô hữu Coptic đã bị giết nhằm "trả thù cho những người phụ nữ Hồi giáo bị bách hại bởi quân vô đạo Coptic ở Ai Cập”. Đây là điều ám chỉ một biến cố trong đó có hai phụ nữ Ai Cập kết hôn với hai tín hữu Coptic đã đưa ra cáo buộc là họ bị nhà chồng buộc phải bỏ đạo Hồi.

Trước đó, Đức Thượng Phụ Tawadros Đệ Nhị của Chính Thống Giáo Ai Cập đã lên tiếng xin cầu nguyện cho các tín hữu của ngài đã bị bắt tại quốc gia láng giềng Libya. Lời kêu gọi của Đức Thượng Phụ đã được đưa ra trong thông điệp mừng Giáng Sinh được tổ chức ngày 7 tháng Giêng.

Phản ứng trước cái chết của các tín hữu Coptic này Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Máu của họ kêu thấu tới trời cao”.

Đức Giáo Hoàng đã dâng thánh lễ sáng hôm thứ Ba 17/2 để cầu cho những linh hồn của họ, những người đã chịu tử đạo vì đức tin nơi Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha mời cộng đoàn hiệp ý với ngài trong lời cầu nguyện cho "những người anh em Coptic của chúng ta đã bị cắt đứt cổ họng chỉ vì lý do duy nhất họ là các tín hữu Kitô. Xin Thiên Chúa đón nhận họ như các vị tử đạo và ban ơn an ủi cho gia đình, và cho người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Tawadros, là những người đang đau khổ rất nhiều.

Tối thứ hai, Đức Giáo Hoàng đã gọi điện thoại chia buồn với Đức Thượng Phụ Tawadros, là Thượng Phụ Chính Thống Coptic của thành Alexandria, để bày tỏ nỗi buồn của mình về các vụ giết người tàn bạo này.

16. Đức Thánh Cha tiếp phó tổng thống Iran.

Sau khi phiên họp đầu tiên của Công Nghị Hồng Y Ngoại Thường kết thúc lúc 12 giờ rưỡi trưa thứ năm 12 tháng Hai. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến bà Sgahindokht, Phó Tổng thống Cộng Hòa Hồi giáo Iran, đặc trách về gia đình, trước khi bà hội kiến với Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin.

Sau cuộc họp, Tòa Thánh thông báo rằng Iran sẽ gửi một phái đoàn phụ nữ đến Hội nghị thế giới của gia đình sẽ được tổ chức vào tháng Chín tại Philadelphia. Ngoài ra, các quan chức Iran đã đưa ra một lời mời Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình đến thăm Iran.

Đức Tổng Giám Mục Paglia cho biết buổi nói chuyện của Đức Giáo Hoàng và bà Molaverdi đã tập trung vào tình trạng các gia đình ngày nay, và Tòa Thánh hy vọng hợp tác với Iran trong nỗ lực thúc đẩy cuộc sống gia đình trong các cuộc họp quốc tế. Ngài nhận xét: "Gia đình không phải là một di sản Công Giáo nhưng là một di sản thế giới".