Ngày 19-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:34 19/02/2009
MÂU THUẪN

N2T


- “Con phải làm như thế nào để được Thiên Chúa ?”

- “Nếu con muốn được Thiên Chúa, thì con phải biết hai bí quyết này: một là biết sâu rộng tất cả các phương pháp để được Thiên Chúa là vô hiệu.”

- “Bí quyết thứ hai là gì ?”

- “Con cần phải quên đi bí quyết thứ nhất, theo lệ thường nổ lực kiên trì không buông lỏng.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Sư phụ dạy thật là mâu thuẫn, quá mâu thuẫn, nhưng thực ra đó đúng là bí quyết để được Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Học khinh thánh, học giáo lý, học tu đức, học các phương pháp linh đạo của các thánh nhân nổi tiếng là để nắm bắt được Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không phải là một thứ bảo vật trân châu quý hiếm, Ngài cũng không phải là một ý tưởng của một chủ thuyết nào đó để mà nắm bắt, nhưng Ngài là Thiên Chúa vượt trên tất cả mọi sự. Cho nên khi học rồi thì phải quên đi các phương pháp tân kỳ và cổ điển ấy, để mà sống như ý muốn của Thiên Chúa là “kính mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận như chính mình”.

Tất cả những điều đã học được về cách thức để được Thiên Chúa chỉ là lý thuyết, phải quên nó đi để thấy Chúa nơi tha nhân, nơi người bất hạnh, nơi người đang cần giúp đỡ, bằng không thì những lý thuyết đã học ấy sẽ trở thành sợi dây xích trói buộc chúng ta lại, không để chúng ta nắm bắt Chúa nơi tha nhân. Đó là mâu thuẫn.

Ai hiểu được thì hiểu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:36 19/02/2009
N2T


85. Nếu ý chí của các con chưa đặt trên tất cả mọi sự, thậm chí rất khiến cho người ta ghét bỏ mọi sự để vui vẻ thuộc về Thiên Chúa, thì tuyệt đối không nên tin tưởng các con đã đạt tới hay chưa đạt tới biên giới thuần khiết.

(Thánh Francis de Sales)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:37 19/02/2009
N2T


29. Nếu không chạm tay vào giải quyết vấn đề khó khăn của cuộc sống, thì vấn đề mãi mãi sẽ không cách gì giải quyết được.

 
Ngày tình yêu: chia sẻ với các bạn trai & bạn gái (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:33 19/02/2009
1. Tình yêu của các bạn gái

Các bạn gái thân mến,

“Nam thập lục, nữ thập tam” là câu nói để chỉ sự dậy thì của con trai và con gái, và như thế cũng có nghĩa là con gái dậy thì sớm hơn con trai, và tuy dậy thì sớm nhưng vẫn luôn cứ e ấp không “công khai” bày tỏ ra bên ngoài như bọn con trai, do đó, mà những người có trách nhiệm cần hướng dẫn đầy đủ cho các em gái đến tuổi dậy thì hiểu được giới tính của mình, bằng không thì các em sẽ hiểu sai lệch và sẽ có những hậu quả không tốt.

Tình yêu đến bất chợt như ngọn gió thoảng len lõi vào trong từng sợi tóc, cô gái tuổi mười lăm mười sáu như chợt thấy thay đổi thói quen hằng ngày của mình. Những phát triển tâm sinh lý này xin dành lại cho các nhà chuyên môn, ở đây chỉ chia sẻ với các bạn gái về tình yêu và những thực tế trong cuộc sống yêu thương giữa nam và nữ.

Và theo các nhà nghiên cứu cho biết thì thời nay các em gái dậy thì sớm hơn, có lẽ vì ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, của những trào lưu mà các em đọc được trên sách báo hoặc coi trên truyền hình chăng !

Tuổi mới lớn và những xúc động đầu đời đã làm cho các bạn gái biến chuyển tâm sinh lý, các bạn gái khi soi gương thì tự thấy mình lớn hơn và sự yêu thích thần tượng càng bộc lộ ra. Tuổi này các bạn gái đã biết chú ý đến cách làm đẹp, đã lén cha mẹ đi mua những lọ nước hoa, tập tành tự trang điểm cho mình và thỉnh thoảng hay cãi lời cha mẹ…

Rung động đầu đời chứ không phải lả tình yêu, sự xúc động này sẽ qua đi sau một hoặc hai năm để sau đó trở lại trạng thái bình thường để bước vào giai đoạn khác, đó là giai đoạn của tuổi yêu thương. Do đó, mà các bạn gái nên bình tĩnh, nên phớt lờ những rung động “kỳ lạ” đầu đời ấy, để chuyên tâm học hành, và nhất là để định hướng cho mình một tình yêu tốt đẹp hơn cho ngày mai.

Tình yêu thưở ban đầu đẹp như bức tranh, nhưng nếu không hiểu biết đầy đủ, thì sẽ trở thành nổi nhức nhối đau khổ cho các bạn gái sau này. Bởi vì tuổi mười sáu mười bảy thì tâm hồn có nhiều ước muốn cho tương lai, và đặc biệt là biết “nghe theo tiếng gọi của tình yêu”, cho nên với lứa tuổi này, các bạn gái có thể là thiên thần đem lại yêu thương và gương tốt cho người khác trong công việc học tập, nhưng cũng có thể là ma quỷ trở thành nỗi kinh sợ cho cha mẹ và cho các bạn khác. Tại sao vậy ? Là vì với lứa tuổi này, các bạn gái dễ dàng thu thập những cái hay cái tốt, và cả những điều xấu nữa, cho nên, nếu không được hướng dẫn thì các bạn gái sẽ là những con thiêu thân vào các hộp đêm quay cuồng với ánh đèn màu bên ly rượu, hoặc trở thành thân tàn ma dại vì ma túy, và nhiều cạm bẫy khác đã được giăng ra để bẫy các bạn gái vì “theo tiếng gọi tình yêu” mà trở thành con mồi đáng thương…

Tình và những cạm bẫy

Một ngày nào đó, tự nhiên cô gái biết e ấp, biết soi gương, biết làm đẹp và thích tìm những bài thơ tình trên các trang báo để đọc, và có khi chép vào tập nhật ký rồi học thuộc lòng để mơ mộng theo những câu thơ mà mình đã đọc, và rồi cách ăn nói cũng không còn như trước, nghĩa là cô bé bây giờ nói năng có suy nghĩ “có đầu có đuôi” hơn, đó chính là “điềm báo” cô bé đã bước vào giai đoạn chuẩn bị làm người lớn.

Tình yêu tự nó rất đẹp, đẹp là bởi vì nó phát xuất từ Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn của hai con người nam và nữ, đặc biệt là vì tình yêu này không phải là tình bạn, cũng không phải là tình yêu con cái dành cho cha mẹ, nhưng dành cho một người khác phái không phải là mình, do đó càng làm cho cô gái trở thành bâng khuâng với những trạng thái “không trọng lượng” mỗi lần nhìn thấy đối tượng mà mình để ý, tuy nó chưa thành hình tượng của tình yêu thật sự, nhưng nó cũng sẽ làm cho các bạn gái cảm thấy mình không còn là mình của ngày hôm qua nữa...

Có nhiều phụ huynh vì không hể để ý để việc thay đổi tình cảm của con gái mình, cho nên các em gái không có cơ hội để được bày tỏ tuổi dậy thì của mình với cha mẹ (nhất là mẹ), và đó chính là một thiếu sót rất lớn đã làm cho các em gái mới lớn trong tuổi dậy thì bước những bước sợ hãi trong cô độc, và rồi các em sẽ tìm tới những người bạn cùng trang lứa với mình để kết bạn vui chơi, và tìm đối tượng cho mình trong những cuộc hội hè cùng với chúng bạn nam nữ do nhà trường hay một đoàn thể nào đó tổ chức, và qua những cuộc tiếp xúc trò chuyện vui chơi với nhau này, mà tình cảm “thưở ban đầu” của các em dần dần lớn mạnh, và hình thành rõ nét khi các em -tự cho mình- đã tìm được mối tình yêu của mình.

Rồi một thực tế xảy ra: vì yêu sớm và yêu vội, nên có các em gái trốn học đi chơi với người yêu; có những em gái tan học không về nhà, nhưng lại đi vào tiệm nét (internet) để chát chít với bạn trai mà quên luôn cả giờ ăn mà cha mẹ đang chờ ở nhà; đáng buồn hơn là có những em gái tập tành uống rượu với bạn trai của mình.v.v...Đó chính là hiện tượng đáng lo ngại gần đây nơi các bạn gái, mà lẽ ra, chính gia đình, nhà trường và xã hội phải thấy để quan tâm hướng dẫn các em đi đúng con đường hơn.

Tình cảm mới lớn này nó phát triển cách tự nhiên, như búp măng phát triển, nếu cha mẹ không chú ý để hướng dẫn và bản thân các bạn gái nếu không hiểu biết, thì hậu quả khó mà lường được, bởi vì một khi đã sẩy một chân thì khó mà đứng dậy được với lứa tuổi mười lăm mười sáu của các em gái.

Ở đời có nhiều cạm bẫy, tuy nhiên, ở đây xin chia sẻ với các bạn gái hai cạm bẫy thực tế nhất, đã và đang xảy ra trong xã hội hưởng thụ này.

1. Cạm bẩy thứ nhất: đẹp trai

Vóc dáng đẹp thì ai cũng thích, các bạn gái mới lớn lên và bắt đầu yêu cũng như thế, thích những bạn trai có cái mã đẹp trai, phớt đời và có chút tài vặt. Chính những cái vẻ bên ngoài này mà nhiều bạn gái mới lớn đã đi vào “con đường bên trái”, tức là không còn đi đúng đường đến nhà trường, không còn đi đúng đường từ trường về nhà mình nữa, bởi vì các bạn gái mới lớn này đã nghe theo các bạn khác và liều mình “thử” đi trật đường một lần xem sao, và khi trật đường một lần thì cứ trật hoài và sau đó không còn e sợ cha mẹ hay thầy cô nữa, bởi vì như các bạn trẻ thường nói: “yêu là lỗ, mà không yêu thì khổ, thà khổ lơn là lỗ”.

Cái mã đẹp trai bên ngoài không là gì cả so với tâm hồn bên trong, thường những anh chàng có cái mã đẹp trai bên ngoài chưa chắc là có một tâm hồn đẹp, bởi vì nếu các bạn gái không hấp tấp vội vàng theo thúc giục của sự xúc động của tuổi mới lớn, thì nên cố gằng chăm chỉ học hành, tham gia các sinh hoạt có ích bởi các đoàn thể đứng đắn, chẳng hạn như tham gia sinh hoạt đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hoặc đoàn Hướng Đạo trong giáo xứ, hoặc tham gia ca đoàn giáo xứ để không những mở rộng tâm hồn phục vụ, mà còn làm cho các bạn gái quên đi sự xúc động ban đầu ấy mà cứ tưởng lầm là tình yêu.

Qua cái xúc động ấy rồi, thì tâm hồn và con tim sẽ ngủ yên thanh thãn lại, cho nên, đừng vội vàng đi theo cái hình thức bên ngoài, nhưng biết chế ngự và tất cả dành cho việc học hành là chính, đó là vì tương lai của mình vậy.

2. Cạm bẫy thứ hai: tiền

Có một thực tế đang xảy ra, và hình như là một phong trào nơi những cô bé mới mười sáu mười bảy tuổi ở thành phố (và sẽ lan tràn ra tận miền quê), nhưng đã sành đời với các thứ ăn chơi: uống rượu, hút thuốc, nhảy nhót, chát chít (internet) và đi khách sạn với đàn ông...

Thử đi qua các tiệm cà phê ở bên bờ kênh Nhiêu Lộc vào buổi tối mà xem thì sẽ thấy: các cô gái tuổi non choẹt đang lòe loẹt son phấn, áo quần ngắn củn, đang phì phèo thuốc lá ngồi xẻo nẻo trên chân người đàn ông; thử đi qua các tiệm nhậu xem sao, các cô gái tuổi còn non nớt đang “dô dô” cụng lý với các bợm nhậu. Cái gì làm cho các cô gái phải làm như vậy ? Đó chính là tiền, và không ai ngờ rằng những cô gái ấy ban ngày cắp sách đến trường, ban tối lại đến quán nhậu, quán cà phê để phục vụ mua vui cho những người có tiền...

Một mốt mới cũng đang xảy ra trong lớp các bạn gái, đó là “cặp bồ” với những đại gia là những người có nhiều tiền bạc và vung tiền không tiếc, hoặc ít nữa có những bạn gái cũng cặp bồ với những đàn ông tóc muối tiêu đã có vợ con, tức là những người đáng làm bố làm ông nội ngoại của mình, chắc chắn không ai lên án một tình yêu chân chính giữa những đôi như thế, nhưng người ta sẽ thấy không thuận mắt khi một ông già chạy xe mà sau lưng một cô gái mới lớn má phấn môi son ôm eo chạy vào khách sạn...

Tiền bạc đương nhiên rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng các bạn gái đừng đánh đổi tương lai của mình bằng những hưởng thụ hôm nay.

Cần tiền để đi học hay cần tiền để thỏa mãn nhu cầu tiêu xài hưởng thụ, đã trở thành thói quen không thể thiếu của mình, do đó mà có rất nhiều cô gái trẻ không còn quan niệm tình yêu là như thế nào nữa, chỉ cần kiếm một đại gia bao bọc cho tiền tiêu xài, đóng học phí là mọi thứ đều OK, bất kể hậu quả như thế nào. Đó không phải là tình yêu, nhưng là một cuộc trao đổi thỏa mãn những nhu cầu của đại gia (người có tiền) và cô gái: đại cần thỏa mãn nhu cầu nhục dục, tìm của lạ; cô gái cần thỏa mãn có tiền để hưởng thụ mua sắm, học phí.v.v...và kết quả thì luôn là thiệt thòi cho các bạn gái.

Mời các bạn gái đọc bài phóng sự đau lòng sau đây để suy nghĩ, và để trở thành một cô gái luôn đem lại vui tươi cho gia đình, cho nhà trường và cho xã hội.

Khi Sinh Viên Đi Làm… "Gái Bao"

Lúc này mà cặp với cave, hay mấy em cà phê này nọ là xưa rồi. Bây giờ muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình thì phải có bồ nhí, vợ bé là các em sinh viên trẻ đẹp thì mới oai. Bởi vì đi đâu mà kè kè theo một em nhà lành, lại có trình độ hẳn hoi thì oách còn gì bằng”.

Sinh viên làm…vợ bé

T. sinh viên trường Đại học N, quê ở Hải Phòng, hiện đang cặp với một đại gia buôn bán xe hơi, cô tự hào khoe với bạn bè rằng mỗi tháng cô được “nhà tài trợ” đưa cho cô 500 USD để tiêu vặt và phụ tiền học. Còn chi phí ăn ở, đi lại mua sắm đều đã được ông ta lo tất tần tật.

Mỗi sáng, T. chỉ việc vi vu trên chiếc xe Dylan đến giảng đường với những bộ cánh đắt tiền, sang trọng. Phải thừa nhận T. có một thân hình đẹp, nước da trắng như trứng gà bóc, ba vòng đều rất “chuẩn” nên từ khi mới lên Hà Nội học, cô đã được nhiều chàng trai theo đuổi. Nhưng ngay từ thời đó T. đã biết rằng cặp với bọn “chíp hôi” thì chẳng có “màu” gì cả. T nói: “Mình có nhan sắc, có tuổi xuân cho nên đại gia nào lắm tiền cần mình, thì mình cứ “đánh đổi” miễn là có tiền tiêu sài, có nhà cửa để ở…là được”.

Cũng chính bởi quan niệm “sốc” này mà mới học đến năm thứ 2 đại học mà T. đã có thành tích khá dày là “sưu tầm” được 3 đại gia, chủ yếu là các giám đốc các công ty TNHH, dân làm ăn kinh doanh… Tay đại gia buôn bán xe hơi này, cô vừa “chăn” được vài tháng và cũng chẳng biết sẽ còn “con nhạn xanh” nào nữa lọt vào “tầm ngắm” của cô nàng sắp tới. “Thành tích” mà T. thu được sau những cuộc tình này là những chiếc điện thoại di động đời mới, hai chiếc xe máy đắt tiền và cùng vô số nữ trang… và một căn nhà nhỏ ở chung cư Mỹ Đình.

Trường hợp đi “làm thêm” sau giờ đến giảng đường như T. khá phổ biến trong giới sinh viên ở Hà Nội và Saigon hiện nay. P. là một trường hợp cũng tương tự như vậy, cô là sinh viên trường Đại học M. Năm ngoái cô được “bồ” mua cho hẳn một căn nhà sang trọng, đầy đủ tiện nghi ở ngoại thành, sở dĩ bồ cô “ga lăng” như vậy là do ông ta là một chủ thầu xây dựng có tiếng tăm.

Người tình kiêm “nhà tài trợ” của P. đã có vợ và 3 con, năm nay ông ta đã gấp nghé 60 tuổi, gấp 3 lần tuổi cô, thậm chí còn lớn tuổi hơn cả bố cô ở quê, nhưng P. thấy không có vấn đề gì nhiều lắm, bởi cô đâu có quan tâm đến ông ta như thế nào.

Mục đích mà P. sống bên ông ta đến giờ này, chỉ với hy vọng ông ta sẽ sớm hoàn tất thủ tục sang tên cho cô ngôi nhà cô đang ở, để cô đàng hoàng đón cả nhà ở dưới quê lên thành phố sinh sống, nhưng cái “tương lai” ấy vẫn còn khá xa và còn rất mịt mờ. L. bạn thân cùng lớp với P. thấy bạn “gặt hái” được quá, cũng đã theo “nghiệp” của bạn đi làm “vợ” của một đại gia chuyên kinh doanh bất động sản. Mỗi tháng cô nhận được 600 USD “tình phí” cùng với vô vàn quần áo đẹp, nữ trang cao cấp… L. cho biết gặp nhau mà thấy kết thì đại gia hay thiếu gia gì cũng được, miễn là họ dư dả, chu cấp cho mình sống tốt hơn, còn bù lại thì mình sẽ bù đắp tình cảm cho họ… thế thôi chứ chả ai lợi dụng ai cả…??!

Tình trạng sinh viên đi cặp bồ với những người đàn ông có vợ, như ngày một nhiều thêm, bởi do những suy nghĩ lệch lạc, hoặc do bạn bè lôi kéo. Nên đã có nhiều sinh viên đã tình nguyện đi làm công việc tương tự như gái bán thân thế này, chỉ vì muốn có tiền tiêu pha, ăn chơi.

Ảo vọng và tiền bạc

Những cuộc tình “qua đường” kiểu này giữa các sinh viên với các đại gia thường kéo dài chẳng được bao lâu, bởi hai bên đến với nhau chỉ để tranh thủ “kiếm chác” những thứ mà mình cần ở người kia rồi đường ai nấy đi. Chỉ sau một thời gian, nếu không bị “bà lớn” của các ông phát hiện, đánh ghen tơi bời thì cũng tự “chán” nhau mà đôi người đôi ngả. Lại cũng có những em sinh viên đã thẳng tay “đá” bồ của mình, để đến với các đại gia to hơn.

Tất nhiên, suy cho cùng thị hậu quả nặng nề nhất vẫn là những người con gái. Họ phải trả giá cho con đường mình đã chọn, khi đã bị đồng tiền cuốn vào thì xem như chuyện học hành trở nên trầy trật. Rồi sau đó thì bị cấm thi, đến giảng đường với cái đầu rỗng tếch, thiếu hụt kiến thức nghiêm trọng.

Như trường hợp của T. ở trên, sau một thời gian làm bồ nhí, nhan sắc bị phai tàn, không còn đại gia nào thèm “nhòm ngó” nữa. T. đã chuyển sang làm gái gọi để có tiền thoả mãn nhu cầu ăn tiêu của mình. Còn việc học hành thì dở dang, cô bỏ học vì bỏ thi quá nhiều nên bị nhà trường đình chỉ việc học tập.

Còn vô số những chuyện bi hài xảy ra với những cô sinh viên “làm thêm” kiểu này. Cách đây một thời gian, chân dài P. kể trên đã phải nhập viện vì bà vợ lớn của tay bồ biết chuyện dan díu giữa hai người. Bà bèn thuê một bọn “đàn em” dạy cho P. một bài học khá nặng tay. Kết quả là cô phải nhập viện với tấm thân tàn tạ mà không dám kêu ai, vì sợ xấu hổ với thầy cô, bạn bè.

Ba trường hợp trên đây mới chỉ là một số ít trong rất nhiều trường hợp các nữ sinh đi cặp kè với những người đàn ông lớn tuổi để có tiền ăn chơi. Và hậu quả thì cũng không chỉ có dừng ở đấy, có nhiều trường hợp bị tạt axit, khiếp cho họ sống giở chết giở bởi những trận đòn ghen kinh hoàng. Không ít trường hợp các cô gái từ “vợ bé” chuyển sang là gái gọi rồi thành má mì dẫn khách lúc nào không hay, chỉ đến khi phải vào tù ngồi nhận án, thì mới thấy xót xa, ân hận.

Những trường hợp này đa phần đều bị bạn bè, thầy cô thậm chí cả gia đình phát hiện, và khi đó thì điều tất yếu là họ sẽ bị bạn bè xa lánh, thầy cô chê cười, vì học hành dở giang, bê trễ. Thậm chí với kiểu “chung chạ” bừa bãi này, sẽ dẫn các cô gái đến tình trạng phá thai nhiều lần, có những cô gái còn vĩnh viễn mất đi thiên chức làm mẹ thiêng liêng của mình…

Có nhìn thấy mới thấy xót xa, mới thấy tiếc nuối cho những kẻ hồng nhan mà cố tình đưa chân vào số “bạc phận” như thế này. Giá như những cô gái ấy biết suy nghĩ chín chắn hơn, đừng quá tham vọng vào những vinh hoa phú quý phù phiếm như vậy, thì chắc cuộc đời họ đã có một tương lai tươi đẹp hơn. (nguồn báo: take2tango online)


(còn tiếp)

-----------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Cuộc xuất hành mới
Pm. Cao Huy Hoàng
13:38 19/02/2009
Chúa Nhật 7 Thường Niên B

Nếu cuộc Xuất hành cũ là giải phóng dân Thiên Chúa khỏi tay bảo hộ của Ai cập đế quốc, thì cuộc xuất hành mới của Chúa Giêsu là giải phóng con người khỏi ách thống trị của sự gian ác, dối trá, và tội lỗi. Lời Chúa hôm nay, cho thấy cuộc xuất hành mới ấy đã khởi đầu

Sách tiên tri Isaia ghi rằng: “Đây là lời Đức Chúa phán: "Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43, 18-19)

Vâng, Thiên Chúa sẽ mở một con đường giữa sa mạc… giải thoát cho con người khỏi những gian ác. Thiên Chúa vẫn biết con người trở nên gian ác vì nhàm chán Thiên Chúa, và theo đuổi những dục vọng hư hèn, những thực tại lợi lạc trước mắt, để khẳng định sự hiện hữu của mình. Thiên Chúa đã đau khổ vì những lầm lỗi của con người trở nên một thách đố đối với lời hứa cứu độ. Nhưng, Thiên Chúa đầy tình yêu thương, luôn trung tín với lời hứa, Ngài phán: “Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xóa bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa” (x. Is. 21.24b-25)..

Thánh Phao lô quả quyết Người thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu: “Vì Đức Kitô Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi, là Xinvanô, Timôthê và tôi, rao giảng cho anh em, đã không vừa là "có" vừa là "không", nhưng nơi Người chỉ toàn là "có". Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là "có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa. (2 Cr 1,19-20)

Chúa Giêsu Kitô, Đấng thực hiện lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trung tín, bắt đầu công trình xuất hành mới, bắt đầu cuộc giải phóng mới. Mục đích tối thượng của công cuộc giải phóng mới: giải phóng con người khỏi tội lỗi.

Qua trình thuật chữa bệnh cho người bại liệt, Chúa Giêsu trước tiên muốn giải phóng một não trạng, mà đại diện cho khối người mang não trạng ấy là các kinh sư. Những người nầy vẫn xem những người thấp bé, cùng cực, bệnh tật là những người tội lỗi. Với họ, bệnh tật là sự trừng phạt nhãn tiền của Thiên Chúa. Ai chưa mắc bệnh tật, ấy là người tốt lành trước mặt Chúa. Người bệnh tật luôn bị họ loại trừ vì làm nhơ nhớp đền thờ, nhơ nhớp cộng đoàn và ô danh Thiên Chúa. Não trạng ấy kéo dài cả ngàn năm trong lịch sử Do thái, và cho đến hôm nay, vẫn còn thường trú trong lòng con người. Chúa Giêsu không chấp nhận não trạng ấy, vì não trạng ấy đánh lừa con người tự nhận mình là đạo đức, đánh lừa cả cộng đoàn phải công nhận một tập thể lành mạnh là đạo đức. Với Thiên Chúa, thì không ai có thể lừa đảo được Ngài. Ngài nhìn thấu suốt tận tâm can mỗi người. Lời Ngài hôm nay soi rọi vào tận sâu thẳm những cõi lòng bệnh hoạn ấy-những cõi lòng bại liệt không mở ra nỗi để đón nhận anh em đồng loại, để thương cảm những bất hạnh trên đời.

Trong tin mừng tuần trước, người phong cùi bất chấp mọi não trạng, mọi rào cản, mọi khinh dễ loại trừ của xã hội để thân hành đến gặp Chúa Giêsu với niềm tin và lòng khiêm tốn xin cho được sạch theo ý Chúa và đã được sạch. Hôm nay, người biết mình bại liệt, ước muốn được lành, cũng với niềm tin đã thôi thúc anh ta nhờ đến bốn người khỏe mạnh khiêng anh ta đến với Chúa Giêsu. Anh ta không những muốn vượt ra cái khuôn định loại trừ của xã hội mà còn bất chấp những trở ngại về không gian, tình huống. Tập thể của những đức tin đơn sơ chân thành mà rất mãnh liệt ấy đã quyết định dỡ mái nhà và thả thòng người bại liệt xuống ngay chỗ Chúa Giêsu ngồi. “Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống” (Mc 2,3-4).

Những tưởng trước một niềm tin và lòng khát khao mãnh liệt ấy, Chúa Giêsu sẽ chữa cho người bại liệt lành bệnh ngay, nhưng không, ngài phán: “Này con, con đã được tha tội rồi."

Câu nói nầy gây một bất ngờ lớn đối với các kinh sư, vì họ không mong đợi. Họ chỉ muốn xem Đức Giêsu làm phép lạ ngay cho người bại liệt. Hơn nữa, họ cho đây là một câu nói phạm thượng, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Họ không biết rằng đây là câu nói mạc khải ơn cứu độ, vì người nói được câu nói nầy chính là Con Thiên Chúa. Có thể người bại liệt cũng có những tội riêng của mình, nhưng cụ thể hơn, anh ta đang mang kiếp tội mà người khác áp đặt cho anh. Vì thế, câu nói “Này con, con đã được tha tội rồi” cũng giải phóng anh khỏi những hàm oan, những bất công mà xã hội đặt định. Đồng thời, nói lên sự cao cả của ơn cứu độ, của cuộc xuất hành mới, là tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho những kẻ thấp cùng.

Trước những thách thức của một não trạng bại liệt đối với mầu nhiệm Thiên Chúa và ơn cứu độ, Chúa Giêsu không ngần ngại tỏ quyền năng để lời chứng về mạc khải hùng hồn hơn: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (Mc 2, 8 -11)

Chúa Giêsu đã chữa lành cả hồn cả xác cho người bại liệt. Nội dung sứ điệp của cuộc xuất hành mới đang gửi đến chúng ta. Ơn cứu độ Thiên Chúa hứa cho con người đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Và để được hưởng ơn cứu độ ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Đức tin vào Đức Giêsu cụ thể bằng việc đổi mới theo tinh thần giáo huấn của Ngài:

- Không loại trừ anh em, nhưng phải loại trừ ngay não trạng kết án, buộc tội.

- Không để tâm hồn bại liệt khô cứng, nhưng mở lòng ra đón nhận những người đau khổ, bệnh tật, bần cùng như Chúa Giêsu luôn yêu thương họ.

- Khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và hậu quả của nó là gây cản trở cho anh em đến với Chúa Giêsu.

- Phải có lòng khát khao ơn được chữa lành phần hồn phần xác và khẩn trương tìm đến Đức Giêsu, đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải.

- Liên đới với cộng đoàn trong tinh thần giúp nhau nên tốt, giúp nhau làm điều tốt, giúp nhau đến với Chúa Giêsu bất chấp mọi rào cản.

Trong cơn bại liệt của linh hồn con, lạy Chúa Giêsu, anh em chúng con đã khiêng con tới Chúa để được chữa lành. Xin tạ ơn Chúa đã tha thứ. Xin tạ ơn anh em đã giúp đỡ. Và xin cho con vác chõng mà về nhà Chúa để hưởng niềm vui xuất hành về Đất Hứa Phục Sinh hồn xác muôn đời.

Tạ ơn Chúa Giêsu, nhờ Người mà chúng con hô lên "Amen" để tôn vinh Thiên Chúa.
 
Đức tin trong sáng
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
14:28 19/02/2009
Chúa Nhật VII Thường niên
Chúa Nhật VII thường niên (Mc 2, 1–12)

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

1 Khi dân chúng hay tin Chúa Giêsu trở lại thành Ca-phác-na-um và đang ở nhà, 2 họ tụ tập lại, đông đến nỗi không còn chỗ nữa, cả ngoài cửa cũng không còn. Người giảng lời cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Chúa Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng, 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: "Này con, con đã được tha tội rồi." 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 "Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng ! Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội?"

8 Tâm trí Chúa Giêsu thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: "Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? 9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Ðứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi", điều nào dễ hơn? 10 Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, - Chúa Giêsu bảo người bại liệt, - 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!" 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !"


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Không làm được những việc cần làm. Không đến được những nơi muốn đến. Chúa Giêsu làm phép lạ chữa nhiều bệnh. Tin ấy lan tới mọi hang cùng ngõ hẻm thành Ca-phác-na-um. Người bại liệt nghe biết, nhưng ông không làm cách nào đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa lành. Đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt. Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Người, nhưng những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được. Đam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ. Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mong muốn. Truyện ngụ ngôn kể lại: có con ngựa vừa đói vừa khát. Người ta đem đến một máng cỏ và một máng nước. Con ngựa cứ quay sang máng nước rồi lại quay sang máng cỏ, không biết nên ăn hay nên uống trước. Sau cùng nó chết vì đói và vì khát. Ngạn ngữ Pháp có câu: Hoả ngục được lát bằng những ước muốn tốt. Ước muốn suông mà không làm sẽ chẳng giúp thăng tiến thân phận con người.

Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức. Đây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin mừng đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới. Cảnh 4 anh em khiêng người bại liệt, trèo lên mái nhà, rỡ ngói, thả chiếc cáng xuống trước mặt Chúa Giêsu, cho ta thấy một đức tin đơn sơ trong sáng.
Đức tin đơn sơ trong sáng không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm. Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm. Biết người bệnh cần gặp Đức Giê su, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Đức tin đơn sơ trong sáng lập tức lên đường, không chịu ngồi lì một chỗ. Đã quyết là lên đường ngay, không ngần ngại vì đường xa, không e dè vì gánh nặng. Họ khiêng người bệnh, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt vẫn tin tưởng, nụ cười vẫn vui tươi vì tâm hồn họ luôn luôn sẵn sàng lên đường.

Đức tin đơn sơ trong sáng giúp họ đồng tâm nhất trí với nhau. Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Đức tin đơn sơ trong sáng không lùi bước trước khó khăn. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Đức Giê su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn. Đã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Đức Giê su. Đức tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Đức tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo. Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ đức tin mãnh liệt của họ.

Đức tin trong sáng có sự tế nhị, nhẹ nhàng. Chắc chắn họ phải xin phép chủ nhà và sau đó, phải lợp lại mái nhà hẳn hoi tử tế. Trước sự tế nhị của họ, chắc chắn chủ nhà phải hài lòng và cảm phục.

Đức tin trong sáng không nhiều lời. Tự những việc làm đã nói nhiều hơn những bài diễn văn lê thê. Họ chưa nói lời nào để cầu xin Chúa, nhưng nhìn thấy người bệnh được thòng xuống trước mặt mình, Đức Giê su và tất cả mọi người đều thấy được đức tin của họ, và Đức Giê su đã chữa bệnh trước khi họ cầu xin.

Nhìn vào đức tin trong sáng của 4 người khiêng, ta thấy đức tin của mình còn đang bị tê liệt, không hoạt động. Ta bị tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc. Ta bị tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng. Ta bị tê liệt vì những ước muốn nửa vời. Ta bị tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng.

Hôm nay, ta hãy noi gương 4 người khiêng bệnh nhân. Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn. Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy biến đức tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái. Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn. Hãy sống đức tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết. Một đức tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường cho ta đi đến với Chúa, cùng đích của đời ta.

Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1-Tình trạng đức tin của bạn hiện nay ra sao ? Đang hoạt động hay bị tê liệt?
2-Đức tin của bạn đang bị những chứng tê liệt nào?
3-Khi nhìn ngắm đức tin của những người khiêng bệnh nhân bất toại, bạn nghĩ gì về lòng tin của bạn? Lòng tin của bạn còn thiếu những nét nào?
4- Đức tin trong sáng có những đặc điểm nào?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:12 19/02/2009
HÌNH TƯỢNG

N2T


Nếu không có con mắt khôn ngoan khác, thì trên người đại sư hình như tìm không thấy có chỗ nào siêu phàm. Nếu hoàn cảnh cho phép, thì ông ta cũng bày tỏ sự sợ hãi hoặc thất ý, ông ta cũng có thể khóc lớn tiếng hoặc vui vẻ cười vang, thậm chí đùng đùng giận dữ; ông ta thích món ăn ngon, và cũng không từ chối uống tiếp ly thứ hai; gặp mấy cô gái đẹp, ông ta cũng chú ý nhìn.

Có một người khách đến thăm chùa, bắt đầu bàn luận rằng đại sư hoàn toàn không phải là thánh nhân. Một vị đệ tử sửa lưng ông ta, nói: “Một người có phải là thánh hay không là một chuyện, nhưng sư phụ trong con mắt của ngài giống hay không giống thánh nhân lại là chuyện khác.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Không ai trở thành thánh nhân khi còn sống ở đời này, nhưng người ta vẫn có thể sống như một thánh nhân; không ai đang sống ở đời này mà không bị cám dỗ, nhưng người ta vẫn có thể nhờ ơn Chúa để tránh và chống lại được cơn cám dỗ.

Có những người, dưới mắt người này là tài giỏi nhưng dưới mắt người kia thì chẳng là gì cả; có những người được giáo dân khen là thánh thiện, nhưng dưới mắt một số linh mục thì là đạo đức giả; có một số linh mục dưới mắt một số giáo dân thì là vị thánh, nhưng dưới mắt bạn bè (cùng là linh mục) thì chỉ là người có biệt tài xin tiền bà góa.v.v...

Hình tượng thánh nhân không phải chỉ là thạch cao sơn son thếp vàng đặt đứng trên bục trong nhà thờ, nhưng còn là người biết khom lưng xuống để phục vụ và rửa chân cho tha nhân; hình tượng thánh nhân không tùy thuộc vào ai cả, bởi vì khi tâm hồn chúng ta ích kỷ, thiên kiến, kiêu ngạo, thì nhìn một người thánh thiện thành người tội lỗi, nhìn thánh nhân thành ma quỷ.

Thánh nhân sống ở đời này không vì cái nhìn của chúng ta mà họ nên thánh hoặc không nên thánh, nhưng họ luôn nhìn vào Chúa Giê-su và Đức Mẹ Maria để sống đời sống thánh nhân ở đời này.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:13 19/02/2009
N2T


86. Lạy Chúa, ngài tạo dựng nên chúng con là vì Ngài, tâm hồn chúng con nếu không được Ngài, thì cuối cùng cũng không đạt được bình an.

(Thánh Augustin)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:14 19/02/2009
N2T


30. Con người ta cần phải khiêm tốn, không nên để danh dự của mình như bong bóng trên nước chớp mắt mất tiêu.

 
Ngày tình yêu: chia sẻ với các bạn trai & bạn gái (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
23:17 19/02/2009
Các bạn gái thân mến,

Chính hai cạm bẫy ngoại hình của con trai và tiền bạc trên đây, đã làm cho rất nhiều các bạn gái trở thành những con thiêu thân lao vào cuộc sống hưởng thụ bất cần tương lai như thế nào, miễn là có người cung cấp tiền bạc để mình tiêu xài là được rồi. Những lý luận như thế không những làm cho bản thân mình trở thành món đồ chơi cho bọn đàn ông lắm tiền bạc, mà còn làm cho cha mẹ và gia đình buồn bực không dám ngẫng mặt lên với hàng xóm và với người thân...

Sống với nhau thử trước hôn nhân

Đây cũng là một hiện tượng làm nhức đầu các nhà đạo đức học, bởi vì những gì trái với luật tự nhiên thì chắc chắn không trước thì sau cũng bị kết án và hậu quả thì không lường được cho những thanh niên nam nữ sống với nhau thử trước khi kết hôn.

Tình yêu sẽ mất đi hết ý nghĩa của nó khi các bạn gái quá dễ dàng “sống thử” với người yêu của mình như vợ chồng trước khi kết hôn theo luật, sự sống chung này gọi nôm na là “ăn bánh trước trả tiền sau”, nhưng sau những ngày tháng sống chung với nhau thì các bạn gái “được” gì, sẽ được những cái sau đây:

1. Phá thai nhiều lần vỉ không muốn có con, vì đang còn đi học, vì chưa được chuẩn bị làm cha làm mẹ.

2. Thiếu thốn kinh tế tài chánh vì đang học, và là thêm một gánh nặng cho nhau.

3. Cãi vã nhau nhiều lần, vì mình bạn gái đã cho đi “cái giá ngàn vàng” rồi, nên người yêu không cần tôn trọng nữa.

4. Mệt mỏi vì chuyện vừa học vừa làm vợ khi chưa chính thức trước bà con họ hàng.

5. Sợ hãi cho một tương lai không mấy tốt đẹp…

Và còn rất nhiều cái “được” khác mà các bạn gái vì quá yêu hay vì quá phóng túng, để rồi phải trả một cái giá rất đau, bởi vì chưa một đôi nam nữ nào sống với nhau thử trước khi kết hôn mà được hạnh phúc lâu dài, bởi vì xã hội lên án mà Giáo Hội cũng không cho phép làm như thế, và nhất định là không được Thiên Chúa chúc lành cho như các đôi hôn phối chính thức khác.

Có nhiều bạn gái đã một thời yêu đến cuồng loạn, xa người yêu một ngày thì như là một thế kỷ, và thế là chấp nhận đề nghị của người yêu sống thử với nhau như vợ chồng với rất nhiều lý do: nào là trước sau gì mình cũng cưới nhau, nào là mình ở với nhau cho quen, nào là mình ở với nhau để tiện chăm sóc nhau.v.v…tất cả những lý do ấy đều che đậy một lối sống buông thả, chỉ biết nô lệ cho dục vọng và thỏa mãn tính ích kỷ của người con trai mà thôi, nhưng phần thiệt thòi thì vẫn luôn luôn là các bạn gái phải chịu lấy, và để rồi ôm hận một mình.

Sống thử với nhau là hạ giá tình yêu của mình, là bôi vào tình yêu cao thượng của mình một lớp sơn đen bằng những yêu cuồng sống vội, mà không nghĩ đến hậu quả của ngày mai.

Thiên Chúa luôn chúc lành cho tình yêu chân chính của con người, nhất là tình yêu vợ chồng hợp pháp, bởi vì chính họ sẽ là những người chính thức thay mặt Ngài, để sinh thành dưỡng dục con cái của mình trở thành những con người tốt xây dựng một xã hội tốt đẹp như ý muốn của Ngài. Và Chúa Giê-su, cũng đã đến chia vui với đôi tân hôn tại thành Ca-na, và đã làm cho hạnh phúc của gia đình cô dâu chú rễ và khách dự tiệc được kéo dài thêm, khi Ngài làm cho nước biến thành rượu ngon trước sự ngỡ ngàng của mọi người (Ga 2, 1-12). Chính Chúa Giê-su đã nâng tình yêu vợ chồng lên hàng bí tích, để nhờ bí tích Hôn Phối này, mà Thiên Chúa đổ tràn ân sủng của Ngài xuống trên đôi tân hôn, để họ chu toàn bổn phận và trách nhiệm của người cha người mẹ, người vợ người chồng. Và nhờ bí tích Hôn Phối mà đôi vợ chồng gắn bó với nhau mãi mãi suốt đời, kiên nhẫn chịu đựng nhau dù cho trong cuộc sống gia đình có nhiều đau khổ hay sóng gió, bởi vì tình yêu của họ được tạo dựng trên nền tảng bí tích của Chúa Giê-su lập ra.

Cho nên, việc nam nữ thời nay chọn lối sống “tiền dâm hậu thú”, với hy vọng sẽ hạnh phúc hơn sau khi chính thức kết hôn với nhau. Nhưng thử tìm trong một trăm cặp nam nữ sống thử thì được bao nhiêu cặp tiến đến chính thức là vợ chồng ? Và sau khi kết hôn rồi, thì những cặp vợ chồng ấy có bao nhiêu phần trăm hạnh phúc ?

Dưới đây là những bằng chứng hậu quả của những bạn gái đã “sống thử”, và trong sau cuộc “sống thử” họ có được hạnh phúc hay không, báo điện tử Vietnam.net đã có bài phóng sự sau đây:

Hậu "sống thử"

Cho đến bây giờ, Hồng vẫn chưa một lần về thăm nhà bởi nỗi ám ảnh mệt mỏi của những tháng ngày "sống thử".

Có vóc dáng đẹp, gương mặt ấn tượng nên khi bước chân vào giảng đường đại học, Vân được nhiều chàng trai cùng trường theo đuổi. Thế nhưng bỏ qua cơ hội có người yêu là dân thành phố chính gốc, Vân quyết tâm yêu Cường, một chàng trai tỉnh lẻ, đang học năm cuối trường Bách khoa. Yêu nhau được vài tháng, Vân quyết định chuyển về sống với Cường trong căn phòng trọ ở quận 3, TP HCM. Bạn bè can ngăn nhưng Vân bảo họ yêu nhau và đã quyết tâm cưới sau khi họ ra trường. Để vui đắp cho ngày cưới trong tương lai, ngay từ bây giờ họ phải "sống thử".

Ba tháng đầu bạn bè cả hai bên đều yên tâm khi thấy cả hai người quấn quýt bên nhau. Dần dà mâu thuẫn bắt đầu nẩy sinh, Vân chê Cường không gọn gàng ngăn nắp. Cường chê Vân không đảm đang tháo vát. Từ đó mỗi ngày họ đều cãi nhau. Vài tháng sau, Cường ra trường cũng là lúc Vân không chịu nổi nên dọn về sống chung với mấy người bạn. Cường giận, chia tay và bắt đầu cặp kè với cô bồ mới làm cùng công ty. Lúc này, đám bạn thấy Vân mệt mỏi, xanh xao và thường xuyên phải nghỉ học vì một cuộc tình không có kết quả và cái thai gần ba tháng tuổi đã làm Vân kiệt sức. Giải quyết xong hậu quả của một năm sống thử, Vân bỏ học, về quê mở một cửa hàng tạp hóa và sống với người mẹ goá bụa trong căn nhà nhỏ ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Đối với Quyên thì khác, tốt nghiệp trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn. Ra trường kiếm được việc làm trong một công ty kinh doanh máy tính ở thành phố. Giám đốc công ty là một chàng còn khá trẻ nhưng đã ly dị vợ. Là một phụ nữ dịu dàng, sự thông minh khéo léo cộng với sắc đẹp không kém phần hấp dẫn, Quyên đã lôi cuốn ông giám đốc trẻ vào mối tình thầm kín. Trước đây, khi là sinh viên Quyên đã yêu một kỹ sư tin học nhưng rồi mối tình đầu đẹp đẽ đó đã tan thành mây khói khi chàng trai đi lấy vợ. Buồn chán và đau khổ, Quyên chẳng còn tin vào bất kỳ một người đàn ông nào cho đến khi gặp vị giám đốc này.

Sau một năm yêu thương, Quyên tuyên bố là họ sắp cưới nhau, vì thế Quyên không thuê nhà nữa mà dọn về nhà riêng của vị giám đốc ở Gò Vấp. Thời gian cứ trôi qua trong lặng lẽ, mỗi lần, mỗi lần bạn bè hỏi đến đám cưới, Quyên đều lảng tránh: "Tụi mình còn làm vài hợp đồng chưa làm xong, chắc phải vài tháng nữa". Rồi một hôm Quyên xách valy đến nhà của một người bạn xin ngủ ké. Sự khác thường này khiến cho bạn bè nghi ngờ về một sự rạn nứt trong quan hệ của họ. Vài ngày sau, Quyên xin nghỉ việc ở công ty. Ngày lên xe về quê, Quyên chỉ giải thích: "Tụi mình không hợp nhau". Sự đau khổ và chạy trốn của Quyên làm cho đám bạn vừa thương, vừa giận. Thương vì Quyên là cô gái dịu dàng, dễ thương nhưng giận vì cô quá nông nổi và bảo thủ. Hiện tại, Quyên đã lấy chồng nhưng sống không hạnh phúc lắm vì sự ẩn hiện của quá khứ.

"Sống thử" còn lan sang cả giới "gõ đầu sinh viên". Cô Thanh là một giảng viên trẻ tu nghiệp ở nước ngoài về. Gặp và quen một chàng kỹ sư tin học. Sau ba tháng, họ quyết định về sống với nhau trong căn phòng trọ trên đường Trần Hưng Đạo. Lúc đầu, cô sống trong hạnh phúc và chuẩn bị tiến đến hôn nhân nhưng sau đó vài tháng, họ tách rời nhau không một lời giải thích. Gặp nhau trên giảng đường, họ thậm chí không thèm nhìn nhau. Không ai dám hỏi vì sao họ chia tay nhưng mọi người đều nhìn thấy sự đau khổ trong đôi mắt của cô.

Trong số hàng chục SV ở ngôi nhà trọ khá khang trang thuộc quận Bình Thạch có khá nhiều cặp "sống thử". Hồng, SV năm thứ 2, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Không chỉ thu hút nhờ cách ăn nói nói thông minh và cá tính. Hồng là cô gái khá đẹp với mái tóc ngang vai và gương mặt sáng. Sát bên cạnh phòng trọ của Hồng là Hà, một sinh viên hơn cô hai tuổi. Những ngày đầu mới là hàng xóm, quan hệ giữa hai người chỉ là những câu trêu đùa vô tình. Mọi việc chỉ khởi đầu khi anh hàng xóm bỗng trở nên buồn bực, chán chường vùi đầu trong men rượu vì chia tay người yêu.

Sự chia sẻ, an ủi của Hồng lúc này trở thành liều thuốc hữu hiệu nhất vừa là chất keo kết dính hai người. Khi chính thức trở thành người yêu, họ dọn sang ở chung phòng cho tiện bề cơm nước. Đôi bạn trẻ quên hẳn việc học, chỉ vùi đầu vào những ngày hoan hỉ. Song niềm vui chẳng kéo dài, Hồng phải nghỉ học cả tháng trời để đến bệnh viên "giải quyết hậu quả".

Cũng từ đó, cô gái ngoan hiền, xinh xắn thay đổi hẳn: ít nói, không về thăm bố mẹ ở quê, học hành sa sút. Cô không có mặt trong ngày phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Cuộc sống chung ngắn ngủi ấy kéo dài thêm vài tháng nữa rồi "đường ai nấy đi". Cho đến bây giờ, Hồng vẫn chưa một lần về thăm nhà bởi nỗi ám ảnh mệt mỏi của những tháng ngày "sống thử". (Theo Vietnam.net online)


Hậu quả của việc “sống thử” đã làm cho rất nhiều bạn gái trở thành những người không có tương lai, và xét cho thấu đáo, chính họ -các bạn gái- đã tự mình đánh mất mình, khi chấp nhận “sống thử” như vợ chồng với bạn trai, nỗi đau này không phải chỉ các bạn gái chịu mà thôi, nhưng còn cha mẹ, anh chị em và những người thân khác họ cũng sẽ rất nhục nhã và khó mà thông cảm khi con gái mình có một lối sống như thế.

Có nhiều bạn gái đến nhờ tôi làm “tư vấn cho linh hồn” vì đã “sống thử” với bạn trai, và các bạn gái này rất đau khổ vỉ đã “đâm lao thì theo lao”, mà việc đau khổ lớn nhất của các bạn gái ấy là phá thai, tức là giết con của mình ngay trong bụng, có người phá thai một lần, có người phá thai đến ba lần, bởi vì không thể có con khi sự nghiệp chưa có, không thể có con khi mà cha mẹ chưa biết mặt thằng con rể tương lai, chưa thể có con vì chưa nghĩ đến chuyện nuôi con.v.v...nhưng vẫn cứ “sống thử” vớ bạn trai. Và lập trường dứt koác của tôi khi “tư vấn cho linh hồn” thì rất rõ ràng: không thể “sống thử” với nhau, nếu yêu nhau thật sự thì tại sao không làm đám cưới chính thức, việc gì phải sống thử ? Nếu yêu nhau thật sự thì tại sao không đến nhà cha mẹ hai bên để coi mắt ?

Việc đau khổ thứ hai của những bạn gái đã “sống thử” là không về thăm gia đình cha mẹ và anh chị em, bởi vì các bạn ấy mang một mặc cảm tội lỗi với Thiên Chúa và có lỗi với cha mẹ mình, từ mặc cảm ấy, các bạn gái ấy càng lún sâu vào trong đám bùn của cuộc sống buông thả khó mà rửa sạch, cho nên mặc cho sự hối hận dày vò, mặc cho những nhớ thương gia đình cha mẹ, thì các bạn gái ấy vẫn chấp nhận, chứ không thể rút chân ra khỏi cuộc “sống thử” đầy lo âu và hối hận.

(còn tiếp)

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha Anrê Tsien “nhà vô địch” trong việc bảo vệ Giáo Hội “hầm trú” Trung Quốc qua đời
Trần Hoàn Chỉnh
13:29 19/02/2009
Đài Bắc (AsiaNews) – Đức Cha Anrê Tsien Chih-chun, giám mục hiệu tòa Giáo phận Hualian đã qua đời hôm qua vì bệnh tim tại bệnh viện Mennonite của thành phố, thọ 83 tuổi. Nghỉ hưu từ năm 2002, vị giám mục được biết đến như một ủng hộ mạnh mẽ cho Giáo Hội “thầm lặng” tại Trung Quốc. Nhiều năm qua, ngài đã có những nỗ lực trong việc hòa giải giữa Giáo Hội “chính thức” và Giáo Hội “thầm lặng” tại Hoa lục. Giáo phận Hualian đã mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn của ngài “Xin Thiên Chúa dang rộng vòng tay yêu thương chào đón Đức Cha”. Việc chuyển bị cho tang lễ cho đến nay chưa được công bố chính thức.

Đức Giám Mục Tsien sinh tại Yuhuai (Zhejiang) và đã được rửa tội cùng dịp với toàn thể gia đình của ngài. Ngài gia nhập Chủng viện năm 1947 để theo học thần học ở Jiaxing, nhưng khi Mao Trạch Đông và chế độ cộng sản lên cầm quyền ở Trung Quốc, ngài đã được gửi sang Genoa (Ý) để tiếp tục việc học. Sau đó, ngài học triết học tại Đại học Thánh Tâm Chúa Giêsu tại Milan.

Năm 1960 sau khi trở lại Đài Loan, ngài đã làm việc mục vụ tại nhiều giáo xứ như: Xinzhu, Jilong, Đài Bắc, Xinzhuang… Năm 1966 ngài trở thành trưởng khoa triết tại đại học Công Giáo Phụ Nhân. Năm 1970, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc của Viện nghiên cứu triết học và Viện nghệ thuật năm 1984. Năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Hualian.

Nhiều người nhớ đến Đức cha Tsien như một mục tử cao thượng, rất thân thiện với người trẻ và yêu mến các sinh viên.

Ngài đã có nhiều nỗ lực trong việc hòa giải giữa Giáo Hội “chính thức” và Giáo Hội “thầm lặng” vào thời gian Giáo Hội “thầm lặng” phải chịu nhiều đau khổ, bắt bớ trong khi Giáo Hội “chính thức” hoàn toàn quy phục Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc (CCPA).

Trong diễn văn từ biệt giáo phận của ngài trước khi về hưu năm 2002 ngài đã nói rằng: “Bây giờ, tôi sẽ về hưu, nhưng tôi sẽ không trở thành người ăn không ngồi rồi… tôi sẽ tiếp tục tập trung giúp đỡ Giáo Hội thầm lặng tại Hoa lục. Tôi sẽ sát cánh bên họ, cùng chia sẻ đau khổ với họ, trở thành người phát ngôn cho họ… Tôi sẽ cố gắng thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo Hội thánh thiện, công giáo và tông truyền.”

“Xin đừng cho các giám mục, linh mục thuộc Giáo Hội “thầm lặng” là bướng bỉnh,” ngài nói thêm. “anh chị em giúp đỡ Giáo Hội “chính thức” (Giáo Hội được nhà nước công nhận), nhưng đừng giúp đỡ cho CCPA. Hãy động viên các giám mục, linh mục của Giáo Hội “chính thức” trở về trung thành (với Giáo Hội hoàn vũ) và hãy phản đối những nguyên tắc vô thần của CCPA và tuyên bố về sự độc lập của mình. Cùng với Giáo Hội “thầm lặng” chúng ta phải đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và phẩm giá con người. Tự do và phẩm giá là một món quà của Thiên Chúa; không thế lực chính trị nào trên thế giới này có thể lấy đi khỏi anh chị em. Ngược lại, họ phải tôn trọng và bảo vệ nó.”
 
Mao Trạch Đông và cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo
Linh Tiến Khải
14:13 19/02/2009
Phỏng vấn Linh Mục Angelo Lazzarotto, thừa sai Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano, chuyên viên nghiên cứu Trung Hoa về các tội của Mao Trạch Đông đối với Giáo Hội Công Giáo

Ngày 10-2-2009 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bắt đầu chuyến viếng thăm các nước Phi châu là Mali, Senegal, Tanzania và đảo Mauritius. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên trong thời đại khủng hoảng tài chánh kinh tế toàn cầu. Trước khi sang Phi châu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm A rập Sauđi, là quốc gia chính cung cấp dầu lửa cho Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mục đích chuyến viếng thăm là để tạo tình hữu nghị với các nước Phi châu nói trên, chứ không phải kinh tế thương mại, vì các nước này không có nhiều tài nguyên mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Nhưng từ nhiều năm qua Trung Quốc liên tục gia tăng liên hệ buôn bán thương mại với các nước Phi châu; năm ngoái ngân khoản giao thương đã lên tới 106,8 tỷ mỹ kim so với 40 tỷ hồi năm 2005. Trung Quốc không sợ sự cạnh tranh của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, vì các nước châu Âu không dám đầu tư vì sợ tình trạng chính trị xã hội bấp bênh, nạn gian tham hối lộ và chiến tranh. Trong khi Hoa Kỳ đã không bao giờ nhắm bành thị trường bên Phi châu. Trái lại Nhà Nước Bắc Kinh đầu tư hàng tỷ mỹ kim qua các hãng xưởng địa phương, đặc biệt để có thể nhập cảng tài nguyên thiên nhiên từ các nước Phi châu; chẳng hạn như dầu lửa từ Sudan, Nigeria và Angola; cobalto và đồng từ Zambia và Cộng Hòa Dân Chủ Congo; sắt từ Liberia; bauxít từ Guinea. Đó là chưa kể tới các quặng mỏ qúy hiếm như kim cương, vàng, bạc và Uranium.

Hiện nay Trung Quốc có 700 hãng xưởng đủ loại hoạt động tại 49 nước Phi châu. Số công nhân trung quốc làm việc trong kỹ nghệ khai thác dầu hỏa tại Sudan lên tới 10.000 người.

Các nước Phi châu rất thích buôn bán với Trung Quốc, vì họ cần đủ thứ mọi thứ sản phẩm mà Trung Quốc có thể thỏa mãn một cách nhanh chóng dễ dàng. Trung Quốc giúp tài chánh cho các nước Phi châu để xây dựng các cơ cấu hạ tầng như đường rầy xe lửa, đường sá cầu cống, dinh thự, hệ thống dây điện và điện thoại, cũng như các dự án khai thác khoáng chất và xây các nhà máy lọc dầu, với điều kiện là để cho các hãng Trung quốc thực hiện. Trung Quốc cũng bán sang các nước Phi châu đủ mọi thứ sản phẩm như xe hơi, vải vóc, tơ sợi, các dụng cụ truyền thông, các máy móc điện tử, và họ cạnh tranh với các hãng xưởng kỹ nghệ địa phương.

Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình bài Trung Quốc tại Nam Phi. Trong khi các tổ chức quốc tế thì tố cáo chính quyền Trung Quốc là làm ăn với các chính quyền thối nát, mà không chú ý xem các số tiền lời có thực sự tới tay người dân Phi châu hay không. Trung Quốc cũng bị tố cáo là khai thác bóc lột sức lao động của người dân địa phương. Hồi tháng 3 năm 2008, công nhân hầm mỏ Zambia đã biểu tình và săn đuổi các chủ nhân Trung hoa.

Trong 50 năm qua tình hình Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Nhưng cách đây nửa thế kỷ Nhà Nước Bắc Kinh đã thẳng tay trục xuất các thừa sai nước ngoài và bách hại các Kitô hữu rất tàn bạo. Đây đã là nội dung cuốn sách của cha Angelo Lazzarotto, người Ý, thuộc Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano. Cha mới cho xuất bản cuốn sách nghiên cứu về tình hình Giáo Hội Trung Quốc trong các năm 1938-1954, dưới thời Mao Trạch Đông. Cha Lazzarotto đã từng làm việc thừa sai tại Hồng Kông nhiều năm trời và là chuyên viên nghiên cứu tình hình Trung Quốc.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha về cuốn sách nói trên, ghi lại những trang sử đen tối và thê thảm nhất của lịch sử Trung Quốc.

Hỏi: Thưa cha Lazzarotto, cuốn sách cha viết dầy hơn 500 trang kể lại công việc của một nhóm nhỏ các thừa sai thuộc Hiệp Hội Thừa Sai Nước Ngoài Milano gọi tắt là PIME bên Trung Quốc, trong một thời gian ngắn. Ngoài các đặc thái lôi kéo sự chú ý của các chuyên viên, cuốn sách có gì đặc biệt?

Đáp: Tôi tin rằng cuốn sách có giá trị như lời Đức Tổng Giám Mục Claudio Celli khẳng định trong phần dẫn nhập: ”Khoảng thời gian đã không dài, nhưng có ý nghĩa lớn trên quan điểm chính trị cũng như trên bình điện giáo hội”. Qua các biến cố xảy ra cho các thừa sai PIME tại Hà Nam, tôi đã dựng lại bối cảnh lịch sử của Trung Quốc hồi đó, một đàng bằng cách giải thích sự chao đảo chính trị đã dẫn đưa tới biến cố thiết lập chủ nghĩa cộng sản và khai sinh ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, đàng khác là sự chín mùi đường lối chính trị tôn giáo của Mao Trạch Đông, là người đã tạo ra các cơ cấu kiểm soát trong bối cảnh luật lệ xã hội, vần còn hiệu lực cho tới ngày nay trên cuộc sống của Giáo Hội tại Trung Quốc.

Hỏi: Thưa cha, để có thể hiểu tình hình của Giáo Hội tại Trung Quốc hiện nay cần phải quay ngược về qúa khứ cách đây nửa thế kỷ, có đúng thế không?

Đáp: Nếu ngày nay chúng ta có hai cộng đoàn giáo hội tại Trung Quốc: một cộng đoàn chính thức, một cộng đoàn hầm trú, thì đó là bởi vì hồi đầu thập niên 1950 các tín hữu đã bị bó buộc phải lựa chọn: chấp nhận các lời hứa cho tự do của chính quyền như là điều tốt lành, hoặc là nhìn các quyết định cụ thể của chính quyền và chống lại những gì không phù hợp với các quyền lợi của tín hữu. Thảm cảnh nảy sinh từ sự kiện tín hữu kitô đã không bao giờ được phép tự do thảo luận và trao đổi ý kiến với nhau: do đó mỗi người đã phải lựa chọn theo các quyết định cá nhân của mình.

Hỏi: Chính vì thế mà đã xảy ra tình trạng rất hỗn độn. Nó đã được xác định bởi sự khác biệt trong các chiến thuật truyền giáo được các Giáo Hội Kitô khác nhau áp dụng, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đùng thế. Trước sự kiện chế độ của Mao Trạch Đông được củng cố, tại Vaticăng cũng như trong đa số các Giáo Hội Tin Lành người ta đã hy vọng sẽ có các thời điểm tốt lành hơn. Sự kiện vào cuối năm 1947 Hiệp Hội Truyền Giáo Nước Ngoài Milano đã gửi một nhóm các thừa sai trẻ đến các cứ điểm truyền giáo Trung Quốc đã là một biến cố ý nghĩa. Nó chứng minh cho thấy thái độ không thiên kiến tiêu cực đối với chế độ cộng sản. Nhưng cChính trong bối cảnh này các tài liệu tôi thu thập cho thấy rõ nỗi đau đớn của các thừa sai và các cộng đoàn công giáo trước sự củng cố tiệm tiến của chế độ cộng sản trong thực tại sống sượng của nó.

Hỏi: Thưa cha, cuốn sách của cha trình bầy một số chứng từ trực tiếp và các tài liệu hé mở cho thấy thực tại thê thảm, mà chế độ Mao Trạch Đông đã tạo ra tại Trung Quốc. Và tình trạng này lại đã được giới trí thức tây âu huyền thoại hóa và người ta đã im lặng che đậy không hé môi trong thời gian lâu dài như vậy, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Cuốn sách này của tôi, cũng như ”Cuốn sách đỏ của các vị tử dạo Trung Quốc” tôi cho xuất bản cách đây ba năm, cống hiến cho người đọc một bức tranh lịch sử liên quan tới ý thức hệ Mao Trạch Đông, sự kiện nó thành công tại Trung Quốc và các hậu qủa tàn phá khủng khiếp, mà nó đã gây ra cho xã hội Trung Quốc. Các hậu qủa đó đã được chính giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thừa nhận. Tôi tin rằng việc đọc lại các dữ kiện ấy là một điều khẩn thiết, để loại bỏ một số kiểu nói hoa mỹ thuộc lòng, liên quan tới chế độ Mao Trạch Đông lưu hành tại Tây Phương bao gồm cả Italia này nữa.

Hỏi: Thưa cha, bức thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi tín hữu Trung Quốc hồi tháng 7 năm 2007 nhắc lại rằng ”Sự lén lút không phải là sự bình thường trong cuộc sống của Giáo Hội”. Một vài người bình luận đã coi đó như là việc Đức Thánh Cha đánh gía cao những ai biết cộng tác với chế độ, mặc dù có các khó khăn. Và điều này đã xảy ra trong các cộng đoàn ”chính thức” được Nhà Nước Bắc Kinh thừa nhận. Riêng cha thì cha nghĩ sao?

Đáp: Đã có không ít người chỉ trích thái độ kiên vững của các thừa sai ngoại quốc, cho rằng các vị bị trục xuất vì các vị chống lại chế độ cộng sản. Cả mới đây nữa cũng có người cho rằng Giáo Hội cần duyệt xét lại việc phán xử sự lựa chọn của giới lãnh đạo các cộng đoàn công giáo theo khunh hướng cộng tác với Nhà Nước và của Hội Công Giáo Yêu Nước. Đến độ trong thư gửi cho 4 Giám Mục Trung Quốc để mời các vị tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới hồi năm 2005, Đức Thánh Cha cũng đã mời một vài vị xem ra đã giàn xếp với Nhà Nước Trung Quốc nữa.

Hỏi: Cha có đồng ý với thái độ này hay không?

Đáp: Tôi xác tín rằng nếu ngày nay đa số các Giám Mục Trung Quốc có thể tuyên bố là các vị hiệp thông với Tòa Thánh, thì trước hết đó chính là nhờ lập trường kiên vững của những người đã phải trả giá mắc mỏ cho sự kiên trì trung thành với Giáo Hội hoàn vũ, bằng cách gánh chịu tù đầy, bắt bớ và giam cầm. Nhưng có điều mâu thuẫn: đó là chính các thái qúa của chế độ Mao Trạch Đông, chính các cuộc bách hại của cuộc Cách Mạng Văn Hóa cũng đã không dung tha cho những người đã thành thật cộng tác với Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc. Chính các điều này đã khiến cho người ta mở mắt nhiều nhất liên quan tới các mục tiêu cuối cùng của Nhà Nước Cộng Sản Trung Quốc.

Hỏi: Ngày nay tình hình tại Trung Quốc đã thay đổi nhiều và nhanh chóng rồi thưa cha...

Đáp: Vâng, ngày nay thách đố lớn nhất đối với Giáo Hội không còn là chủ thuyết mác xít nữa, mà là chủ thuyết duy vật thực tiễn, do nền văn hóa kim tiền mang tới. Vì thế các chủ chăn phải biết diễn tả cùng một sự kiên trì ấy ra, để bảo vệ các nguyên tắc nền tảng của Kitô giáo trong ý chí chân thành cộng tác xây dựng một xã hội hài hòa.

(Avvenire 24-1-2009)
 
Năm Vũ Trụ Học và Năm Darwin
Linh Tiến Khải
14:20 19/02/2009
Một số nhận định của ông Nicola Cabibbo, giáo sư vật lý học kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh, về ”Năm Vũ Trụ Học” và ”Năm Darwin”

Năm 2009 đã được Liên Hiệp Quốc tuyên bố là ”Năm Vũ Trụ Học”, kỷ niệm 400 năm khoa học gia Galileo Galilei người Ý, khám phá ra kính viễn vọng. Nhưng năm 2009 cũng là năm kỷ niệm 200 năm nhà khoa học thiên nhiên Charles Darwin người Anh sinh ra.

Hôm mùng 10-2-2009 một cuộc triển lãm về nhà thiên nhiên học Darwin đã được khai mạc tại Roma, sau đó cuộc triển lãm sẽ được trình bầy tại Milano bắc Italia, rồi tại Bari nam Italia. Đây là cuộc triển lãm vĩ đại nhất từ trước tới nay, do Viện bảo tàng Lịch sử thiên nhiên Hoa Kỳ tổ chức tại Dinh Triển Lãm Roma từ ngày 12-2 là ngày sinh của khoa học gia Darwin (12-2-1809), cho tới ngày 3 tháng 3.

Cuộc triển lãm này đã được tổ chức nhiều nơi trên thế giới, nhưng lần này có thêm hai khu vực hoàn toàn mới mẻ so với các lần triển lãm trước đây. Có một phòng trưng bầy lịch trình tiến hóa của con người, với các hình người tiền sử có kích thước lớn như người thường, và một phòng trưng bầy các dấu tích người hóa thạch tìm thấy tại Italia. Mục đích cuộc triển lãm là để giúp người xem lần lại con đường lich sử của nhân loại theo cái nhìn của khoa học gia Charles Darwin, khi ông đi đó đây quan sát thiên nhiên và ghi chép lại trong sổ tay của ông cây gia phả cuộc sống con người và thú vật.

Biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra trong 200 năm qua. Nhưng năm 2009 này cũng là dịp kỷ niệm 150 năm Charles Darwin cho in cuốn sách của ông liên quan tới ”Nguồn gốc các chủng loại qua sự tuyển chọn tự nhiên hay qua việc duy trì các chủng tộc ưu tiên trong cuộc chiến đấu cho sự sống”. Cuốn sách này đã được in năm 1859. Darwin đã sống tại thiên đàng quần đảo Galapagos lâu năm để quan sát hình thái nhiều thú vật khác nhau và đưa ra thuyết tiến hóa giúp chúng ta hiểu tiến trình tiến hóa của các chủng loại khác nhau. Nhưng ngày nay các loài thú khác nhau sống tại quần đảo Galapagos cũng đang gặp nguy cơ diệt chủng, vì các tay buôn bán thú vật qúy hiếm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Nicola Cabibbo, giáo sư vật lý học, kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh, về khoa học gia Galileo Galilei và Charles Darwin. Theo giáo sư Cabibbo, từ tinh sao cho tới các phân tử di truyền tất cả đều là các sự kiện hết, chứ không phải là các lý thuyết.

Hỏi: Thưa giáo sư Cabibbo, cách đây 400 năm khoa học gia Galileo Galilei, người thành Pisa bắc Italia, đã chế ra kính viễn vọng cho phép nghiên cứu vũ trụ. Những thuyết của ông về vũ trụ đã khiến cho Galileo trở thành cha đẻ của khoa thiên văn. Trong năm kỷ niệm này các giới chức chuyên môn có cho thấy cả các khía cạnh ít được dân chúng biết tới trong cuộc đời của Galileo hay không?

Đáp: Với Galileo, từ thiên văn hình học và lý thuyết chúng ta bước sang thiên văn vật lý. Nhưng mà Galileo cũng được nhắc tới vì phần đóng góp của ông cho cơ khí, với luật trọng lượng và cho khoa học chất liệu nữa. Khoa học gia Galileo đã thành lập ra trường học trong đó có các nhà khoa học tên tuổi như Evangelista Torricelli, là người kế nghiệp ông nghiên cứu việc chế ra hàn thử biểu để đo áp xuất trong không khí. Trường nghiên cứu do Galileo thành lập đã đẩy mạnh sự phát triển của khoa học.

Hỏi: Thưa giáo sư, vào thời của Galileo thuyết trái đất xoay quanh mặt trời của khoa học gia Copernic đã chưa được chứng minh một cách vĩnh viễn. Và các thẩm phán đã nghĩ rằng họ có bổn phận phải ngăn chặn việc phổ biến thuyết này, có đúng thế không?

Đáp: Thuyết do Galileo đưa ra là một thuyết mới mẻ, nhưng tất cả những gì ông đã khám phá ra đã khiến cho các thẩm phán hiểu rằng các sự việc tiến triển như khoa học gia Copernic đã nghĩ. Trong khi các vệ tinh của Mộc Tinh xoay quanh hành tinh của chúng, thì có cái gì đó không xoay quanh Trái Đất. Tuy nhiên đó không phải là một bằng chứng đích thật cho thấy Trái Đất xoay quanh Mặt Trời. Bằng chứng Trái Đất xoay quanh Mặt Trời sẽ được đưa ra vào thế kỷ thứ XVII, nhưng sau Newton, và với khoa học gia Bradley, là người đã khám phá ra hiện tượng sao lệch, tức một sự xê xích rất nhỏ vị trí của các vì sao, do sự chuyển động của Trái Đất gây ra. Khám phá của khoa học gia Bradley là bằng chứng đầu tiên không thể chối cãi được chứng minh cho thấy hệ thống Copernic có lý. Việc chứng minh vĩnh viễn sẽ xảy ra vào năm 1851 với dây rọi của khoa học gia Jean Bernard Foucault dưới mái tròn của đền thờ các thần trong thủ đô Paris.

Hỏi: Như thế, thật là dễ hiểu khi các nhà vũ trụ học Roma nài nỉ khoa học gia Galileo đưa ra các chứng cớ chắc chắn hơn, có đúng vậy không thưa giáo sư?

Đáp: Đúng vậy. Các chứng cớ tăng dần theo thời gian, và có đúng thật là các chứng cớ do Galileo đưa ra đã không được xác đáng cho lắm. Tuy nhiên tư tưởng của Galileo hay đẹp hơn hệ thống của Tolomeo rất nhiều, nó có một sự thanh lịch nội tại, và cho phép giải thích nhiều hiện tượng trên trời với sức thuyết phục không thể nghi ngờ được.

Hỏi: Hồi đó các người chống đối khoa học gia Galileo đã hỏi ông những điều gì thưa giáo sư?

Đáp: Câu hỏi thứ nhất mà những người chống lại Galileo đưa ra đó là: ”Nếu trái đất di chuyển, thì tại sao chúng ta lại không cảm thấy điều đó?” Câu trả lời nằm trong nguyên tắc của tính tương đối đã được ông Giordano Bruno minh giải, được Galileo lấy làm của mình và được khoa học gia Albert Eistein lấy lại. Galileo giải thích rằng: nếu tôi ở trên một con thuyền đang đi, thì tôi không nhận thấy là tôi chuyển động. Cũng thế dân chúng sống trên Trái Đất không nhận thấy Trái Đất đang di chuyển một cách nhanh chóng.

Hỏi: Thế mà tại sao Galileo lại trượt chân trên việc lấy hiện tượng thủy triều để giải thích việc trái đất di chuyển thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, trong trường hợp này thì Galileo bị lóa mắt. Ông cho rằng hiện tượng thủy triều là bằng chứng Trái Đất xoay quanh chính mình. Lý lẽ này đã không đứng vững, vì hiện tượng nước thủy triều lên xuống là do hấp lực của Mặt Trăng và Mặt Trời, chứ không phải vì Trái Đất xoay quanh chính nó.

Hỏi: Người ta đã đề nghị với khoa học gia Galileo trình bầy trực giác của ông tức thuyết mặt trời là trung tâm như là giả thuyết, thế mà tại sao khoa học Gia Galileo lại đã không chấp nhận?

Đáp: Đối với một khoa học gia lớn như ông thời đó, thật là điều xấu hổ khi phải khẳng định một điều mình không tin. Nhưng rất tiếc là sau đó ông đã phải làm. Galileo là khoa học gia lớn, vì ông đã có một quan niệm mới về thiên văn và về khoa học nói chung. Trước ông thiên văn đã chỉ được dùng để xác định ngày lễ Phục Sinh, hay khi nào có nhật thực. Với Galileo người ta bắt đầu nghiên cứu tinh sao như là các vật thể vật lý, như là các đối tượng, trong một cách nào đó giống Trái Đất. Galileo đã khám phá ra rằng Mặt Trăng có các núi non gò nổng của nó, và nếu các núi đó là núi đá thì Mặt Trăng có cùng bản chất vật lý của Trái Đất. Ông cũng khám phá ra rằng Kim Tinh có các giai đoạn của nó và Mặt Trời cũng xoay quanh chính mình, vì Galileo nhận thấy các vết trên Mặt Trời và các vết đó cũng di chuyển, vì Mặt Trời cũng xoay quanh chính nó. Ngoài ra với Galileo chúng ta sang trang đối với nghành thiên văn siêu việt: theo hệ thống thiên văn cổ điển các vật thể trên trời di chuyển trên các hình cầu thủy tinh đồng tâm với Trái Đất; mỗi một hành tinh có hình cầu của nó.

Khoa học gia Galileo đã là một người sáng tạo lớn với luật trọng lượng rơi, với các áp dụng khác nhau trong sự chuyển động của đạn, và với các nghiên cứu tiên tiến về sự kháng cự cơ khí của các vật thể. Galileo cũng đã là người đầu tiên thực hiện các dụng cụ giúp nghiên cứu một định luật vật lý.

Hỏi: Thưa giáo sư Cabibbo, năm 2009 cũng là năm kỷ niệm 200 năm khoa học gia Charles Darwin sinh ra, đồng thời là năm kỷ niệm 150 ấn hành cuốn sách ”Nguồn gốc các chủng loại” của ông. Có các dữ kiện khoa học mới mẻ nào trong lãnh vực này không?

Đáp: Dưới ánh sáng của các hiểu biết liên quan tới hệ phân tử di truyền “genoma”, chúng ta có thể khẳng định rằng sự tiến hóa là một sự kiện, chứ không phải là một giả thuyết nữa. Chúng ta biết các yếu tố di truyền của con người, của các loài khỉ, và của các thú vật khác, qua các nghiên cứu thực hiện trên các dấu tích thạch hóa và các chủng loại sống động. Lịch sử của sự sống trên Trái Đất có một cấu trúc hết sức vững vàng. Có thể dựng lại cây gia phả và thiết định ”ai là bà con với ai”. Chẳng hạn chúng ta có được minh xác từ vitamine C, mà cơ thể con người không thể sản xuất được. Phân tử di truyền cần thiết nằm trong DNA của con người và của đười ươi trong cùng vị thế như trong DNA của tất cả các thú vật khác. Nhưng trong con người cũng như nơi đười ươi phân tử di truyền bị hư, bị gẫy trong cùng một cách thức như nhau. Và điều đó là một trong những yếu tố chứng minh cho thấy ”liên hệ bà con” giữa đười ươi và con người. Giải thích theo thuyết tiến hóa thì đó là vì các loài khỉ và các siinh vật đầu tiên bao gồm cả con người, tìm cách tự cung cấp vitamine C bằng cách ăn trái cây bù lại, và vì thế không cần đến phân tử di truyền này.

(Avvenire 25-1-2009)
 
Những lĩnh vực mới của di truyền học và những nguy cơ của thuyết ưu sinh
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:19 19/02/2009
Những lĩnh vực mới của di truyền học và những nguy cơ của thuyết ưu sinh

Vatican (VIS) – Sáng hôm 17/02/2009, tại Văn phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican đã diễn ra cuộc họp báo để trình bày về hội nghị sắp diễn ra với chủ đề: “Những lĩnh vực mới của di truyền học và những nguy cơ của thuyết ưu sinh”. Hội nghị này do Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống tổ chức nhân Đại hội toàn thể lần thứ 25 tại New Synod Hall ở Vatican trong hai ngày 20 và 21 tháng Hai.

Tham gia buổi họp báo có sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Đức Ông Ignacio Carrasco de Paula, là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống, và Giáo sư Bruno Dallapiccola, giáo sư y khoa về di truyền tại Đại học "La Sapienza" của Rôma.

Đức Tổng Giám Mục Fisichella giải thích: "Hội nghị sẽ có sự tham dự của các nhà khoa học từ một số trường đại học, những người sẽ thẩm tra các vấn đề từ các quan điểm khác nhau: từ hoàn toàn y sinh học đến pháp lý; từ triết học và thần học đến xã hội học". "Nhờ có những hoạt động tích cực đã thực hiện trong mười năm qua, trên hết Dự Án Bản Đồ Gene Người (Human Genome Project) của Francis Collins, nó có thể cho ra hàng ngàn bản đồ gene và vì vậy đạt được sự hiểu biết về các loại dịch bệnh khác nhau; điều này thường cung cấp khả năng thực sự để tìm cách vượt qua các bệnh di truyền".

Đức Tổng Giám Mục cho hay: "Mục đích của Hội nghị này là để xác minh xem liệu trong lĩnh vực thí nghiệm di truyền, có hay không những khía cạnh vốn có khuynh hướng dẫn đến - hoặc thực thi có hiệu quả - hoạt động ưu sinh". Những hoạt động như thế "tìm thấy biểu hiện trong các dự án khoa học, sinh học, y khoa, xã hội và chính trị khác nhau, tất cả chúng ít nhiều tương quan với nhau. Các dự án này đòi hỏi sự phán quyết về luân lý, nhất là khi nó được tìm cách đề xuất hoạt động ưu sinh được thực hiện nhân danh 'tính chuẩn tắc' của sự sống để giúp ích cho các cá nhân đơn lẻ".

"Một tâm thức như thế, vốn được giảm bớt nhưng tồn tại, có khuynh hướng xem một số người ít quan trọng hơn những người khác, hoặc vì hoàn cảnh sống, chẳng hạn như nghèo đói hay thiếu giáo dục, hoặc vì lý do tình trạng cơ thể của họ, như người khuyết tật, các bệnh về tâm thần, người sống trong 'tình trạng thực vật', người cao tuổi hoặc người bị bệnh hiểm nghèo". "Không phải luôn luôn đòi hỏi khoa học y khoa phải đáp ứng sự chấp thuận của các triết gia hoặc thần học gia, nhưng nếu một mặt, người ta thường không chịu nổi cám dỗ để xem xét cơ thể hoàn toàn thuần vật chất, mặt khác, lại ưu tư để đảm bảo thể thống nhất cơ bản của mỗi cá nhân. .. là điều gì đó không được gạt qua một bên hoặc bỏ qua ".

Đức Tổng Giám Mục đi đến kết luận: "Tất nhiên nghiên cứu nhằm mục đích làm dịu nỗi đau khổ cá nhân phải được tăng cường và phát triển, đồng thời chúng tôi kêu gọi bảo đảm sự gia tăng và phát triển của lương tâm đạo đức, không có nó tất cả thành quả đạt được sẽ vẫn còn bị giới hạn và khiếm khuyết".

Đức Ông Carrasco nhận xét rằng Dự Án Bản Đồ Gene Người "là một trong những công việc tuyệt vời vào đầu của thiên niên kỷ mới này, nếu nói về y khoa, và không chỉ cho riêng y khoa, thì hiểu biết về bản đồ gene người là hết sức cần thiết, nhưng cũng quan trọng không kém để xác định về mặt đạo đức, pháp lý, và hậu quả xã hội của nó".

Phó Chủ tịch Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống cho hay thêm: "Ngày nay, thuyết ưu sinh đại diện cho sự tận dụng phân biệt đối xử mà những khám phá của khoa học di truyền có thể được sử dụng. Đây là những gì hội nghị nhắm đến để thẩm tra. Rõ ràng, các mục tiêu chính là kêu gọi sự chú ý của người dân nhắm đến những lợi ích to lớn mà chúng ta có thể có được từ các nghiên cứu về di truyền, nếu nó có vẻ như đúng đắn và thích hợp, nó sẽ thu hút được những nỗ lực của các nhà nghiên cứu và những đầu tư công và tư, trong khi vượt qua bất kỳ sự cám dỗ nào để theo những con đường tắt được trình bày bởi thuyết ưu sinh".

Trong bình luận của mình, Giáo sư Dallapiccola chỉ ra rằng "sự gia tăng các phân tích bộ gene được trù định không chỉ để làm cho đời sống con người phụ thuộc nhiều hơn vào y khoa, mà còn làm biến đổi vai trò của các bác sĩ.. .. Kỷ nguyên hậu bản đồ gene có nguy cơ sản sinh sự dính dáng sâu hơn bóng dáng bác sĩ, những người có lẽ được trù định trở thành 'nhà bản đồ gene', nói cách khác là một chuyên gia trong việc giải thích dữ liệu tinh vi nổi lên từ một số máy móc thiết bị công nghệ cao".

Giáo sư kết luận: "Chúng ta phải đưa ra lập trường phê phán, cả hai khuynh hướng của 'những người theo giản hóa luận (reductionists)', họ tin rằng chuỗi bản đồ gene người có khả năng làm rõ ý nghĩa của cuộc sống con người, và khuynh hướng của 'những người tin vào thuyết tiền định (determinists)', họ cho rằng họ có thể tiên đoán vận mệnh sinh học của con người, chỉ đơn giản bằng cách kiểm tra DNA của họ".

Ghi chú:

Thuyết Ưu Sinh (eugenics): học thuyết cho rằng chủng tộc người có thể (hoặc phải) cải tiến bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát giữa những người có tính trạng mong muốn như sức khoẻ, vóc dáng, trí tuệ. Đây là vấn đề đang tranh cãi, một phần do những khó khăn trong phán đoán vai trò tương ứng của nhân tố môi trường và di truyền. Nhiều người cho rằng đó là vấn đề đạo đức, bao gồm cả tự do của con người và mối nguy hiểm của việc sử dụng thuyết ưu sinh vào mục đích chính trị tàn bạo. (Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/)
 
65% người Mỹ cho rằng tôn giáo quan trọng trong cuộc đời thường của họ
Phụng Nghi
17:20 19/02/2009
Princeton, N.J. (CNA).- Một cuộc thăm dò về tình trạng tôn giáo do Viện Gallup thực hiện hồi tháng giêng vừa qua cho thấy Hoa kỳ nói chung là một quốc gia ngoan đạo, tuy các bang vùng New England ít ngoan đạo nhất còn bang ở phía nam thì sùng đạo hơn cả.

Gallup đã hỏi 355.334 người trên 18 tuổi câu hỏi như sau: “Tôn giáo có phải là yếu tố quan trọng trong cuộc sống thường nhật của bạn hay không ?”

Tổng kết có 65% số người được hỏi đã trả lời: Có. Tỷ lệ trả lời “Có” cao nhất là cư dân ở bang Mississippi: 85%, trong khi cư dân bang Vermont có số trả lời thấp nhất: 42%.

Theo kết quả cuộc thăm dò này thì các bang khác có nhiều người ngoan đạo hơn cả là Alabama, South Carolina, Tennessee, Louisiana và Arkansas, còn các bang ít cư dân sùng đạo nhất là: New Hampshire, Maine và Massachusetts.

Nevada và các bang vùng tây bắc Thái bình dương như Washington, Oregon, và Alaska được sắp hạng thấp về vấn đề mến mộ tôn giáo, còn được sắp hạng tương đối cao là North Dakota, South Dakota và Utah.

Viện Gallup nói là khó mà giải thích lý do tại sao cư dân của một số bang cho rằng tôn giáo có tầm quan trọng trong cuộc sống của họ hơn người dân ở các bang khác.

Gallup cho rằng: “Các truyền thống và chi phái tôn giáo khác biệt có khuynh hướng, về mặt lịch sử, nổi bật lên nơi một số bang cụ thể, và các nhóm tôn giáo lại có những khuôn mẫu sùng đạo khác nhau đáng kể trong đám tín đồ của họ.”

Khác biệt về chủng tộc và thành phần dân tộc cũng liên hệ với mức độ chênh lệch nơi lòng sùng đạo, trong khi đó một số bang đã có thể thu hút những người di dân có lòng mộ đạo đặc biệt.

Viện Gallup cũng gợi ý là khác biệt về “các nền văn hóa trong tiểu bang” cũng có thể là một yếu tố.

Sai số mẫu trong cuộc thăm dò tại hầu hết các bang là + hay -1, còn trong các bang ít dân cư sai số có thể lên đến + hoặc -4 điểm.
 
Top Stories
Vietnam: Interview du directeur du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses
Eglises d'Asie
13:25 19/02/2009
Vietnam: Interview du directeur du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses
à propos des récentes séances de négociations du « groupe mixte Vietnam-Vatican »


NDLR : La deuxième séance de négociations de ce qui est appelé officiellement le « groupe mixte de travail Vietnam-Vatican » s’est achevée dans l’après-midi du 17 février. La délégation du Saint-Siège, conduite par Mgr Pietro Parolin, y a rencontré celle des Affaires étrangères vietnamiennes placée sous la direction de Nguyên Quôc Cuong, secrétaire d’Etat aux Affaires étrangères du Vietnam.

Dans la soirée, l’Agence vietnamienne d’information, suivie par l’ensemble la presse officielle vietnamienne, a fait état d’une conférence de presse qui s’est tenue à l’issue de cette réunion. Aucune information précise n’a été donnée, sinon qu’une partie des débats avait porté sur des questions concernant l’Eglise du Vietnam. Le chef de la délégation vietnamienne a rappelé la politique religieuse de son pays et demandé à l’Eglise catholique de collaborer à la « grande union nationale ». Mgr Parolin a pris acte des déclarations de la partie vietnamienne et il s’est déclaré convaincu que les questions en suspens seraient réglées par le dialogue.

Le journal de la capitale, le Hà Nôi Moi, a publié une interview du directeur du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses, Nguyên Thê Doan, sur l’évolution des rapports entre le Saint-Siège et le Vietnam. Ces propos ne contiennent pas davantage de révélations sur le contenu des débats. Cependant, ils apportent un certain nombre d’indications significatives. On peut remarquer que, dans ce texte, il n’est jamais question, ni directement ni indirectement, de l’établissement de relations diplomatiques entre les deux Etats, comme objectif des travaux du groupe de travail récemment fondé. Dans cette interview comme dans la plupart des commentaires de la presse officielle des 17 et 18 février, il est simplement question d’une « impulsion » (thuc dây) donnée aux relations entre les deux « parties ». Le responsable des Affaires religieuses dresse un bilan éminemment positif des 17 rencontres ayant déjà eu lieu entre les deux délégations et énumère les trois conditions nécessaires à la mise en œuvre de cette « impulsion ».

La rédaction d’Eglises d’Asie a traduit en français ce texte mis en ligne sur le site du journal Hà Nôi Moi le 18 février à 7h49 (heure locale). Les notes explicatives sont du traducteur.


Texte de l'interview:

Hà Nôi Moi : M. le Directeur du Bureau gouvernemental des Affaires religieuses, nous avons appris que, le 16 et le 17 février, un groupe de représentants du Saint-Siège a participé aux travaux du groupe mixte d’experts Vietnam-Vatican qui tenait sa première réunion au Vietnam. Pourriez-vous nous parler de l’évolution des relations entre les deux Etats ?

Nguyên Thê Doan: Comme les mass media en ont informé l’opinion publique, le groupe de représentants du Saint-Siège venus au Vietnam est composé de trois membres. Il est conduit par Mgr P. Parolin, vice-secrétaire aux Affaires étrangères du Saint-Siège. Il s’agit là du 16ème voyage officiel de la délégation au Vietnam depuis 1990. Jusqu’en juin 2008, le groupe représentant le Saint-Siège et celui des représentants du gouvernement vietnamien s’est rencontré 17 fois, cette fois-ci étant la 18ème. En effet, en 1992 et en 2006, la rencontre entre les deux délégations a eu lieu à Rome. Ces rencontres ont lieu pratiquement chaque année, selon des accords passés entre les deux Etats en 1990.

Lors de la 16ème rencontre (en mars 2007) et de la 17ème (en juin 2008), les deux parties se sont mis d’accord pour fonder le groupe mixte d’experts composé des deux parties, chacune conduite par un responsable des Affaires étrangères pour discuter des moyens à employer pour donner une nouvelle impulsion aux relations entre les deux Etats. Les questions concrètes concernant ce domaine feront l’objet d’échanges sur la base des usages internationaux et des conditions imposées par la situation de chaque partie.

La récente rencontre est la première depuis que les deux parties se sont accordées pour fonder le groupe mixte d’experts. En dehors des débats sur les relations entre le Vietnam et le Vatican, les deux parties ont aussi discuté de questions relatives à l’Eglise catholique du Vietnam et de certaines autres qui préoccupent les deux parties. Car si, d’un point de vue religieux, l’Eglise catholique vietnamienne est une partie de l’Eglise universelle, elle est aussi, d’un point de vue social, une organisation religieuse dont les activités ont lieu au Vietnam dans le cadre de la législation vietnamienne. Ainsi, des questions concernant l’Eglise catholique du Vietnam ont été l’un des sujets abordés dans les deux récentes réunions.

Comme vous l’avez vous-même rappelé, de 1990 à aujourd’hui, il y a eu 17 échanges entre les délégations et nous en sommes à la 18ème rencontre. Pourriez-vous nous informer de l’évolution qui a eu lieu au cours de cette période ? Quel est, d’après vous, l’élément le plus important pour donner une impulsion nouvelle aux relations entre les deux parties ?

Je pense qu’à la suite de toutes ces rencontres, les deux parties se comprennent mieux. Je vois qu’il est nécessaire de respecter les accords de principe adoptés entre nous, tout comme il faut respecter les questions que les deux parties ont pris soin de débattre lors des rencontres. On peut aussi affirmer que le dialogue est le moyen le plus adapté pour contribuer à la création d’un climat d’intimité qui nous permettra de nous comprendre mieux et de résoudre ensemble, en vue du bien commun et dans l’intérêt de chacune des deux parties, les questions qui les préoccupent toutes les deux. C’est pourquoi, dans l’ensemble, à chacune de leur rencontre, les deux parties éprouvent une certaine satisfaction.

Comme vous le savez, le 25 janvier 2007, une rencontre entre le pape Benoît XVI et le chef du gouvernement de la République socialiste du Vietnam, Nguyên Tân Dung, a eu lieu au Saint-Siège. Cet événement a constitué un témoignage de la bonne qualité de la politique étrangère et de la politique religieuse de l’Etat vietnamien en cette période de rénovation (Dôi Moi) de notre pays. C’était aussi le fruit de la méthode et du processus de dialogue mis en place par les deux parties depuis 1990 jusqu’alors. Le maintien du dialogue et les résultats acquis grâce à lui ont donné aux deux parties l’occasion de resserrer leurs liens et leur compréhension mutuelle, qui n’ont cessé de grandir au fil du temps. Les résultats obtenus progressivement se sont révélés toujours plus positifs.

A l’issue de sa 15ème visite au Vietnam, la délégation vaticane avait rendu visite à la totalité des 26 diocèses catholiques du Vietnam. Ces visites ont permis à la délégation d’apprécier le soin avec lequel elle était accueillie par le gouvernement vietnamien, par les autorités centrales concernées comme par les autorités du lieu de la visite. Elle a aussi pris connaissance des sentiments sincères éprouvés pour elle par l’ensemble du clergé et des fidèles catholiques des divers diocèses. En même temps, ces visites ont permis au Vatican d’améliorer sa connaissance de l’Eglise du Vietnam, de son pays, de ses habitants, de son histoire, de sa culture et de ses coutumes. On peut dire, en fin de compte, que ces visites ont été les préliminaires à une impulsion nouvelle donnée aux relations des deux parties.

Selon moi, parmi les éléments les plus importants pouvant donner une nouvelle impulsion à ces relations, il faut placer en premier lieu le respect mutuel, qui implique le respect de l’indépendance, de la souveraineté, de l’histoire, de la culture et des traditions de la nation vietnamienne, de sa législation. Il nous entraîne à partager et à respecter les différences, à faire preuve ensemble de bonne volonté afin de trouver des conditions favorables pour de nouveaux accords.

En second lieu, si l’on veut des résultats dans ce domaine, il faut chercher à harmoniser les intérêts réciproques des deux parties.

Troisièmement, les deux parties doivent résolument s’orienter vers le développement (1) dans la clarté et l’honnêteté. En particulier, le maintien et l’affirmation de l’orientation de l’Eglise catholique vietnamienne, qui consiste à « cheminer avec son peuple » (2). Une orientation qui revêt une importance particulière. On ne devra pas être influencé par les pensées ou les activités négatives provenant d’une quelconque tierce partie.

Quelles remarques vous inspire la réunion d’aujourd’hui et l’évolution des rapports entre les deux parties ?

Comme je viens de le dire, les 17 séries d’échanges nous ont apporté des résultats positifs et réels. Bien que ce soit pour la première fois, le groupe mixte de travail s’est réuni avec toute l’expérience acquise lors des rencontres précédentes, et avec la bonne volonté des deux parties. Les résultats de notre rencontre d’aujourd’hui constitueront certainement un fondement utile aux étapes qui suivront.

(1) Il s’agit sans doute du développement des relations entre les deux parties.
(2) Allusion à la première lettre pastorale (1979) de la Conférence épiscopale du Vietnam dans laquelle les évêques donnaient cette consigne aux catholiques.

(Source: Eglises d'Asie, 19 février 2009)
 
The persecuation of Christians today
Catholic Today Birmingham
13:36 19/02/2009
 
Vatican diplomats call for honest dialogue
J.B. An Dang
13:55 19/02/2009
Clouded with the worst crackdowns against Catholics in Vietnam, talks between Vietnam and Vatican diplomats have concluded without any significant achievements regarding the normalization of diplomatic ties except a “good basis for further progress”, and the agreement to meet again at unspecified date. In order to achieve the ultimate goal the bilateral talks was originally aimed for, Vatican diplomats have called for honesty as a necessary condition for fruitful dialogue.

Led by Msgr. Pietro Parolin, Under-secretary of State for Relations with States, the Vatican delegation met with Nguyen Quoc Cuong, Vietnam Vice Foreign Minister, on Monday and Tuesday. The Vietnamese government acknowledged last week that the talks were designed to explore "the possibility of establishing diplomatic relations with the Holy See." However, it is obviously that conditions for the restoration of diplomatic ties have not ripen, especially after a difficult year, which saw Catholic activists clash repeatedly with the Communist regime over the ownership of Church properties that had been seized by the government.

On Thursday, Msgr. Parolin told reporters that, in fact, the talks have focused on basic principles for fruitful dialogue. In this regard, “we have already set up good basis for further progress," he said, admitting that it was impossible for him to forecast on how long the process would take to reach to diplomatic relations.

During talks, Vatican diplomats, in particular, have emphasized honesty as a prerequisite condition to improve bilateral relations. They seem to be frustrated with the way Vietnam government keeps its own words. On the 15th visit in last June, Vatican diplomats were still assured with promise of Hanoi nunciature being returned "step by step" from their Vietnam counterpart. Three months later, the government decided to bulldoze the building and converted it into a public park. It has become increasingly alarming that Vietnam government has shown a lack of willingness and capability to carry out international agreements.

The talks have also focused on rising Church-state tensions, in particular, the Church’s property issues, the aggressive public campaign of vilification against Catholics in the state-controlled media, the rights of Catholics to live in peace and the duties of the state to protect Catholics from attacks of state-sponsored thugs.

Vatican and North Vietnam interrupted their diplomatic relations in March 1959 when Archbishop John Jarlath Dooley, S.S.C.M.E, the then Apostolic Delegate to Vietnam, left Hanoi. A few weeks later the communist seized the Vatican Embassy. A similar incident occurred in 1975 when Archbishop Henri Lemaître, the then Apostolic Delegate to Vietnam was deported shortly after the Communist takeover of Saigon.

Prime Minister Nguyen Tan Dung met with Pope Benedict XVI at the Vatican in 2007, and the two countries have since held several discussions on restoring diplomatic ties.

The issue remained sensitive due to various reasons. On the part of the Holy See, a primary condition for establishing diplomatic relations with a country is a certain satisfactory level of freedom of religion which obviously does not exists today in Vietnam.

For its part, Vietnam government seems still not be able to overcome the fear of being undermined by the Catholic Church. The “Armed forces and People” publisher has recently published various books depicting Pope John Paul II as having decisive influences in the fall of Communist governments in Poland and other Eastern European countries. These publications have been published in the wake of Catholic protests to alert communist cadres of the “peace evolution plot of hostile forces attempting to cause social unrest and divide the country, to interfere in Vietnam’s internal affairs, to undermine the country’s national unity, territorial integrity and sovereignty.”

On Tuesday, Nguyen The Doanh, Head of the Government Committee for Religious Affairs, spelt out the fear with a state-run media outlet. “The first important thing in the Vietnam – Vatican relationship is mutual respect, including respect for the sovereignty, history, culture, tradition, and laws of the Vietnamese nation,” and that “the Vietnamese Catholic Church ‘taking the same road as the nation.’”

“Should you expect to see any improvements in Vatican-Vietnam diplomatic relations in these talks, you would be very disappointed,” said Fr. Joseph Nguyen from Hanoi. “For now, nothing relating to diplomatic relations with Vatican exists in the vision of Vietnamese officials. Facing angry reactions against their notorious Human Rights record, they simply took these meetings as an opportunity to deceive the international community that they are willing to improve religious freedom conditions,” he explained.
 
Talks between Vatican and Hanoi a ''basis for further progress''
Asia-News
19:50 19/02/2009
This is the view expressed by Monsignor Pietro Parolin. Full respect for religious freedom seems to remain the central issue for relations between the Holy See and the Vietnamese government. According to some analysts, the government is continuing the talks only in order to show the international community a facade of respect for human rights.

Hanoi (AsiaNews) - Talks between a Vatican delegation and the government of Hanoi have laid "the basis for further progress" in establishing diplomatic relations, even if it is impossible to guess at a date. The announcement was made today by Monsignor Pietro Parolin, Vatican undersecretary for relations with states, who is heading the Holy See delegation. He also referred to "the explanations made by the Vietnamese delegation on the policy on freedom of religious life in Vietnam," and expressed his hope that "that the remaining unsolved matters in bilateral relations between Vietnam and the Holy See could be settled with goodwill through sincere dialogue."

Respect for religious freedom in Vietnam therefore appears to be the true focal point in relations with the Vatican, although these are now marking the 16th official visit, since 1990, from representatives of the Holy See to Hanoi.

This has been confirmed, indirectly, by Vietnam's deputy foreign minister, Nguyen Quoc Cuong, who in referring to diplomatic relations spoke of "Vietnam’s consistent policy on the freedom of belief," and expressed his hope for "the Holy See’s active contribution to the life of the Catholic community in Vietnam, the strengthening of solidarity between religions and of the entire Vietnamese population, and the practical contributions to national construction."

The faithful of Hanoi and Thai Binh have expressed their "joy if the discussions on diplomatic relations succeed. This demonstrates that we understand each other, and we have more solidarity with one another." "In order to have diplomatic relations, one must listen, have respect, harmony, and mutual trust. This serves the unity of the local Church, with unity we can have peace, justice, and acceptance of one another. We will have cooperation and development if we trust each other."

But there are some who are not demonstrating much hope. "Should you expect to see any improvements in Vatican-Vietnam diplomatic relations in these talks, you would be very disappointed,” Fr. Joseph Nguyen tells VietCatholic News. “For now, nothing relating to diplomatic relations with the Vatican exists in the view of Vietnamese officials. Facing angry reactions against their notorious human rights record, they simply took these meetings as an opportunity to deceive the international community that they are willing to improve religious freedom conditions."
 
“Basi per ulteriori progressi” i colloqui tra Vaticano e Hanoi
Asia-News
19:51 19/02/2009
E’ il giudizio espresso da mons. Pietro Parolin. Il pieno rispetto per la libertà religiosa appare essere ancora centrale nei rapporti tra la Santa Sede e il governo vietnamita. Che, secondo alcuni, manda avanti gli incontri solo per mostrare alla comunità internazionale una facciata di rispetto dei diritti umani.

Hanoi (AsiaNews) – Hanno posto “le basi per ulteriori progressi” i colloqui che la delegazione vaticana ha avuto a Hanoi con il governo per lo stabilimento di rapporti diplomatici, anche se è impossibile ipotizzarne una data. Lo ha dichiarato oggi mons. Pietro Parolin, sottosegretario vaticano per i rapporti con gli Stati, che guida la delegazione della Santa Sede, che ha poi fatto riferimento alle “spiegazioni date dalla delegazione vietnamita sulla politica per la libertà di vita religiosa in Vietnam” e ha espresso l’auspicio che “le irrisolte questioni che rimangono potranno essere risolte con buona volontà attraverso un dialogo sincero”.

Il rispetto della libertà religiosa in Vietnam appare dunque essere il vero nodo dei rapporti con il Vaticano, che pure segnano l’attuale 16ma visita ufficiale, dal 1990, di rappresentanti della Santa Sede a Hanoi.

Lo ha confermato, indirettamente, il viceministro vietnamita degli esteri, Nguyen Quoc Cuong, quando, riferendosi ai rapporti diplomatici, ha parlato di “coerente politica vietnamita sulla libertà di credere”, esprimendo poi l’auspicio di un “attivo contributo della Santa Sede alla vita della comunità cattolica” in Vietnam, il “rafforzamento della solidarietà tra religioni e l’intera popolazione” e di “concreti contributi alla costruzione nazionale”.

Fedeli di Hanoi e di Thai Binh hanno espresso “gioia se le discussioni per le relazioni diplomatiche hanno successo. Ciò mostra che ci capiamo e abbiamo maggiore solidarietà l’uno per l’altro”. “Per avere rapporti diplomatici bisogna avere ascolto, rispetto, accordo e fiducia reciproci. Così serve l’unità della Chiesa locale, con l’unità possiamo avere pace, giustizia e accettazione l’uno dell’altro. Avremo cooperazione e sviluppo se abbiamo fiducia l’uno per l’altro”.

C’è però chi non mostra speranze. “Se vi aspettate di vedere progressi sui rapporti diplomatici – ha detto padre Joseph Nguyen a VietCatholic News - resterete proprio delusi”. “Per ora – ha aggiunto – nella visione dei funzionari vietnamiti non c’è nulla riguardo alle relazioni diplomatiche con il Vaticano. Essi semplicemente prendono questi incontri come una opportunità per dare alla comunità internazionale l’illusione che vogliono migliorare la situazione della libertà religiosa”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phái đoàn Tòa Thánh thăm Đại Chủng Viện Hà Nội
Gioan Đình Sơn
04:59 19/02/2009
Quan tâm đặc biệt đến “khu vườn đang ươm trồng những mầm non” của Giáo Hội, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến thăm, nói chuyện và dâng Thánh Lễ tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội. Trong đoàn gồm có Đức ông Pietro Parolin, thứ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh, đặc trách các vấn đề quan hệ với các quốc gia- trưởng đoàn; Đức ông Phanxico Cao Minh Dung, đặc trách vùng Đông Nam Á Châu của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, vụ trưởng Bộ Truyền Giáo.

Đúng 18h30 ngày 18 tháng 2 năm 2009, với niềm hân hoan mừng đón của mỗi thành viên gia đình ĐCV, phái đoàn vui mừng tiến vào hội trường trong những tràng pháo tay liên tiếp của cộng đoàn. Những tràng pháo tay chưa kịp dứt thì một slideshow xuất hiện trên một màn chiếu rộng lớn với bài hát “tình gia đình”. Quả vậy, mọi người dù có bất đồng ngôn ngữ, sống và làm việc cách nhau nghìn dặm thì tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội đã kết họ thành một gia đình, một hướng sống, một mục đích…

Niềm vui của gia đình chủng viện được nhân lên gấp bội bởi sự hiện diện của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, Đức Tổng Giám Mục Giuse, quý Đức Cha, quý cha trong Ban Giám đốc và Ban Giáo sư ĐCV.

Khởi đi từ bài chào mừng bằng Pháp ngữ của cha giám học Phêrô Đặng Xuân Thành, ngài nói: Với chúng con dường như cuộc viếng thăm của quý Đức ông trong phái đoàn Tòa Thánh và quý Đức Cha chiều hôm nay cũng giống chư cuộc thăm viếng của Đức Maria với bà Elisabet xưa. Do vậy, chúng con cũng không ngần ngại lặp lại lời bà Elisabet đã thốt lên với Mẹ Maria, có thay đổi: “Bởi đâu chúng con được các đấng vị vọng của Giáo Hội đến viếng thăm”. Giờ đây, chúng con thật ngỡ ngàng và tràn đầy niềm vui như bà Elisabet vậy. Bài chào mừng của cha Phêrô được tiếp nối qua bốn điểm chính sau: Nhân sự đào tạo- Chương trình huấn luyện- Cơ sở vật chất và tinh thần sống của gia đình ĐCV.

Sau phần trình bày sơ lược về những hoạt động của ĐCV, cha giáo không quên gửi tới phái đoàn lời chúc sức khỏe, bình an và niềm vui để các ngài sớm hoàn thành công việc đầy khó khăn nhưng vô cùng hữu ích.

Cảm động trước tình hình hiện nay, Đức ông Pietro Parolin- trưởng đoàn phát biểu: Tôi rất vui được đến thăm và nói chuyện với gia đình ĐCV, nhìn vào số lượng chủng sinh đông đức tôi liên tưởng tới một tương lai tốt đẹp đang chờ đón Giáo Hội Việt Nam ở phía trước.

Trong bài nói chuyện bằng tiếng anh, ngài nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm quan trọng lần này của phái đoàn. Nước Việt Nam hiện nay chưa có vị đại diện chính thức của Đức Thánh Cha (ĐTC) tại Giáo Hội địa phương nên sự hiện diện các ngài chiều nay như chính ĐTC hiện diện vậy, vì ĐTC vẫn hằng cầu nguyện và đặt anh em trong trái tim của người. Đức ông nói tiếp, mục đích chuyến viếng thăm của vị đại diện ĐTC lần này nhằm cải thiện mối quan hệ qua lại giữa nhà nước Việt Nam và Giáo Hội địa phương được hài hòa tốt đẹp. Sau cùng, Đức ông hứa sẽ mang về cho ĐTC những hình ảnh mắt thấy tai nghe và xin ngài đến đây để thấy được những nét quý trong ĐCV này.

Cuối bài nói chuyện, Đức ông bày tỏ niềm cảm ơn quý Đức Cha và gia đình ĐCV đã đón tiếp các ngài chu đáo và ấm áp tình gia đình.

Vào hồi 6h sáng ngày 19 tháng 2 năm 2009, phái đoàn Tòa Thánh dâng Thánh lễ bằng tiếng anh tại nguyện đường ĐCV, cùng đồng tế với đoàn có Đức Cha Giám đốc Lôrensô Chu Văn Minh, gần chục cha giáo và 170 chủng sinh đang tu học ở đây.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, Đức ông Pietro Parolin nhắc lại những khó khăn và đau khổ trong công cuộc rao giảng của Đức Kitô tại trần thế. Ở thời nào cũng vậy, những môn đệ theo Chúa Kitô không thể tránh khỏi điều Thầy mình đã phải chịu, đánh đập và bắt bớ. Vì thế ngài mời gọi anh em biết từ bỏ, thay đổi não trạng để đi vào chính con đường Chúa Kitô đã đi. Trong Công Đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh: “Chúa Giêsu Kitô đã từ bỏ tất cả vì chúng ta”. Giáo Hội hôm nay cũng vậy, chúng ta cần phải biết từ bỏ những gì thuộc về thế gian, danh vọng và lợi lộc để noi gương Thầy Chí Thánh của mình….

Trước khi ban phép lành cuối lễ, Đức ông Pietro Parolin một lần nữa cảm ơn Đức Cha Giám đốc, quý cha giáo và tất cả các chủng sinh. Ngài cũng mời gọi tất cả hãy cầu nguyện đặc biệt cho Phái đoàn Tòa Thánh còn tiếp tục làm việc với nhà nước Việt Nam trong những ngày tới.

Nguyện chúc ơn Thánh Thần luôn đồng hành với Phái đoàn, ơn khôn ngoan và anh minh để các đấng biết quyết định những gì hữu ích nhằm giúp Giáo Hội Việt Nam ngày một phát triển và an bình.
 
Ghi Nhận Từ Đại Lễ Kính Thánh Phêrô Hoàng Khanh tại Giáo họ Trung Hậu, G.p Vinh.
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
16:33 19/02/2009
Ghi Nhận Từ Đại Lễ Kính Thánh Phêrô Hoàng Khanh tại Giáo họ Trung Hậu, G.p Vinh.

Thiên nhiên Xứ Nghệ sáng ngày (18 – 2 – 2009) như đồng điệu với con người. Tiết trời xuân ấm áp, chan hòa trong niềm vui, niềm tôn kính trìu mến thiết tha của hàng ngàn người từ khắp nơi trong Giáo phận Vinh tuôn về Đền Thánh Hoàng Khanh, Giáo họ Trung Hậu, mừng đại lễ kính Thánh Phêrô Hoàng Khanh. Trong dòng người hành hương ấy, nhiều người là lương dân cũng về Đền Thánh chung chia niềm vui với anh chị em theo đạo và khấn xin những điều tốt lành cho bản thân và gia đình trong năm mới.

Thánh lễ càng thêm phần long trọng, thể hiện tinh thần hiệp thông sâu xa trước sự hiện diện của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, quý Cha trong Ban giảng huấn ĐCV, đông đảo quý Cha trong và ngoài Giáo phận, cùng quý nam nữ tu sỹ, chủng sinh.

1. Chiêm Ngắm Một Mẫu Gương.

Về dự đại lễ, trước hết, khách hành hương có được những thời khắc quý giá để chiêm ngắm vị mục tử của Chúa Kitô thật tuyệt vời trong tình yêu cao cả, đã tự nguyện dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Sống và phục vụ giữa một thời điểm đầy khó khăn, thử thách khốc liệt, nhưng Ngài đã can đảm dấn thân phục vụ trên cánh đồng truyền giáo và luôn thao thức gia tăng đội ngũ nhân sự nhiệt thành, sung vào chiến tuyến truyền giáo đang từng giây phút đe dọa đức tin của bao tín hữu. Nào ai có thể ngờ được, giữa những ngày tháng bách hại, chủng viện bị giải tán, thì chính Cha Khanh đã âm thầm đào tạo cho Giáo hội những tông đồ nhiệt thành dám xả thân vì đàn chiên Chúa. Với thời gian 22 năm linh mục của Cha, thì con số 40 chủng sinh và 8 linh mục mà Cha đã đào tạo được quả là một công trình không nhỏ, mang đầy dấu ấn của một tâm hồn dồi dào đức ái. Thành quả ấy như bó lúa vàng nặng trĩu hạt mà Cha đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam.

Chiêm ngắm mẫu gương tuyệt vời của Thánh Phêrô Hoàng Khanh, những người con Giáo phận càng thêm lạc quan khi nghiệm thấy nguồn hoa trái Đức tin đã trổ sinh từ những hạt giống đầu tiên mà Cha Thánh đã gieo xuống vùng đất Nghệ - Tĩnh này. Xác thực nhất, sống động nhất là số ơn gọi linh mục luôn dồi dào, thể hiện qua sự đáp trả dấn thân phục vụ của đông đảo những bạn trẻ trong Giáo phận. Giáo họ Trung Hậu, nơi vinh dự tọa lạc Đền Thánh Hoàng Khanh, cũng đã liên tục đóng góp nhiều người con ưu tú cho cánh đồng truyền giáo của Giáo phận trong những năm qua.

Chiêm ngắm mẫu gương tuyệt vời của Thánh Phêrô Hoàng Khanh, cũng là chiêm ngắm hình tượng một chứng nhân vì tình yêu Chúa, yêu tha nhân, dám can đảm đánh đổi cả mạng sống mình để làm chứng cho Sự Thật. Theo tiểu sử Cha Thánh: “… Vì mến phục vị chứng nhân đức tin, các quan tỉnh tìm cách cứu cha khỏi chết. Các ông đề nghị cha giấu chức linh mục, trước sau cứ khai nghề thầy lang thì họ sẽ tìm cách xin ân xá. Nhưng cha Khanh không chấp nhận đề nghị phải nói dối ấy. Thế là bản án của Cha được gửi về Huế để vua Thiệu Trị ký duyệt. Ngày 11 – 7 – 1842, bản án gửi về Hà Tĩnh kết án cha là “một kẻ điên rồ”, mù quáng và dốt nát đáng chém đầu…”.

Quả đúng như lời Cha Giuse Nguyễn Viết Nam trong bài giảng lễ: “… Ngài đâu là một vĩ nhân với những công trình nghiên cứu đồ sộ, cũng không phải là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới ! Ngài chỉ là một linh mục, một kỹ sư tâm hồn. Ngài không nghiên cứu những công trình vĩ đại, nhưng lâu đài của Ngài chính là lòng mến Chúa và yêu tha nhân, tường thành của Ngài chính là sự can đảm bênh vực công lý và bảo vệ hòa bình”.

2. Tính Thời Sự Của Sứ Điệp Tử Đạo.

Không ngẫu nhiên mà dịp mừng đại lễ kính Thánh Phêrô Hoàng Khanh năm nay cũng như những năm qua, lượng người về dự lễ luôn rất đông đảo, gồm đủ mọi mọi thành phần, mọi trình độ. Điều này xuất phát từ nhiều động cơ; một trong những lý do quan trọng, đó là tính thời sự của sứ điệp tử đạo vẫn còn nguyên vẹn nơi vị chứng nhân tiêu biểu, Thánh Phêrô Hoàng Khanh. Không chỉ để chiêm ngắm một mẫu gương sống Đức tin tuyệt vời, mà những người về dự lễ còn được học tập nơi Cha thánh tâm huyết sống đạo, lòng thao thức, nhiệt thành với vận mệnh của Giáo hội; tinh thần can đảm nói lên tiếng nói công lý xuất phát từ tình yêu Chúa và tha nhân.

Sứ điệp tử đạo ngày hôm nay vẫn còn mới mẻ, hệ tại ở chỗ, con người dám chết đi trong mình những ý đồ đen tối, đau đớn trước thực trạng nhân phẩm bị coi rẻ, công lý bị bóp nghẹt, sự thật bị cắt xén… Cũng theo Cha Giuse Nguyễn Viết Nam đã chia sẻ trong thánh lễ: “… Chúng ta không được phúc tử đạo như các thánh xưa, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để bước theo Cha Thánh và làm chứng cho Tin Mừng. Mỗi phút giây, chúng ta sống là khoảnh khắc đòi hỏi nơi chúng ta một tinh thần tử đạo nhất định. Ơn gọi tử đạo hôm nay là chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi khi phải bênh vực cho công lý và sự thật… Sống giữa một thế giới văn minh mà mọi người đều lo sợ cho số phận của mình, mỗi người chúng ta hãy là những cánh chim mang đến cho nhân loại sứ điệp hòa bình, hạnh phúc. Đó là chúng ta biết mến Chúa và yêu tha nhân, như Thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh…”.

3. Lời Nguyện Cầu.

Bên Thánh Phêrô Hoàng Khanh, những người về đây không phân biệt lương giáo, đều thắp lên trước Ngài nén hương lòng tôn kính, cảm mến, tri ân, nguyện cầu. Mỗi người tùy nhu cầu riêng, dâng lên Chúa nỗi niềm khấn xin qua lời bầu cử của Thánh Phêrô Hoàng Khanh, cho bản thân, cho gia đình được sống an vui, mạnh khỏe, phát đạt… Tâm tình cầu xin càng ý nghĩa, thể hiện tinh thần liên đới bền chặt, khi tất cả cùng hiệp trong trong lời nguyện chung: Xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, can đảm chấp nhận mọi hình thức tử đạo, kiên tâm xây dựng Hội Thánh. Xin cho những người sống đời thánh hiến, biết quảng đại hủy bỏ mình đi, trung thành trong ơn gọi, và làm chứng cho Đức Kitô qua việc phục vụ Chúa và tha nhân. Xin cho Giáo phận Hà nội và những ai đang chịu đau khổ, bách hại vì danh Chúa được bền vững trung kiên, noi gương các thánh tử đạo Việt Nam, sẵn sàng hy sinh để minh chứng cho tình yêu Chúa; cho mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận nhà, biết đón nhận những khó khăn gian khổ trong cuộc sống hiện tại, sống yêu thương, công bằng, bác ái, phục vụ vô vị lợi để đáng được hưởng vinh quang mai sau…

4. Lên Đường.

Sau khi nhận phép lành cuối lễ từ vị Cha chung Giáo Phận, những người về dự lễ đại lễ kính Thánh Phêrô Hoàng Khanh còn nhận được những tâm tình khích lệ, nguyện ước tha thiết từ Đức Cha Phaolô kính yêu: “…Chúc mừng cho giáo xứ Xã Đoài, giáo họ Trung Hậu đã được một người con ưu tú của Giáo phận luôn hiện diện với chúng ta… Ước gì mỗi người chúng ta học tập gương sống đạo của Ngài, để rồi giúp cho tinh thần đạo trong giáo họ, giáo xứ của Giáo phận được mỗi ngày một thăng tiến hơn. Xin Thánh Phêrô Hoàng Khanh bầu cử để Chúa sẽ đổ tràn phúc lành đầu xuân xuống trên tất cả anh chị em…”.

Mọi người hân hoan lên đường trong tiếng ca kết lễ của ca đoàn: “Đây bài ca ngàn trùng dâng về Thiên Chúa, bài ca thắm nhuộm máu hồng, từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu… Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu, nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường…”.

Thật hạnh phúc cho những người con của Giáo phận Vinh “được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Giáo phận Vinh thân yêu này, mảnh đất thắm đượm dòng máu của các vị anh hùng tử đạo. Dòng máu đã trở nên sức sống cho hạt giống Tin Mừng nảy nở và trổ bông chín vàng như hôm nay” ( L.m Giuse Nguyễn Viết Nam)./.

(Đại Chủng viện Vinh – Thanh).
 
Thư Chia Buồn Của HĐGM Việt Nam Và Tòa TGM Hà Nội Gửi Giáo Hội Hàn Quốc
Giuse Trần Ngọc Huấn
16:50 19/02/2009


 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Một tài năng trẻ chính trị của Đức gốc Việt Nam chính thức trở thành Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông TB Niedersachsen:
Hà Long
01:41 19/02/2009
Đức quốc, Hannover - Trưa thứ tư, ngày 18/2/2009 quốc hội tiểu bang Niedersachsen miền Bắc Đức bỏ phiếu chấp thuận ứng cử viên Dr. Philipp Roesler thuộc đảng FDP (Dân Chủ Tự Do) vào chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông vào lúc 13g. Sau đó lúc 15g tân Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông Philipp Roesler đã tuyên thệ trước quốc hội và nhận ủy nhiệm thư từ tay thống đốc Dr. Christian Wulf. Anh Philipp Roesler là một trong 3 bộ trưởng trẻ tuổi nhất tại Đức trong độ tuổi 35 và rất vinh dự là một người Đức gốc ngoại quốc đầu tiên nắm giữ chức vụ bộ trưởng tại Đức. Trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại đây cũng là một trường hợp duy nhất từ trước tới nay cho một nhà chính trị gốc Việt Nam tham gia trực tiếp điều khiển guồng máy chính quyền tại nơi mình sinh sống.

Tiểu bang Niedersachsen với 3,2 triệu dân số bao gồm 198 thành phố, tỉnh lỵ và là tiểu bang nằm sát thành phố cảng quan trọng Hamburg.

Người tiền nhiệm, cựu Bộ Trưởng Walter Hirche nhận định về người kế vị Philipp Roesler: „Ý tưởng bén nhọn và những lời nói chau chuốt chính là nhãn hiệu của Tân Bộ Trưởng. Sự Phân tích chớp nhoáng và cho ứng dụng nhanh chóng; Nhìn ra con đường mà ai cũng có thể đi được: Đó là tài năng lớn của Dr. Philipp Roesler.“

Cựu chủ tịch đảng FDP, ông Otto Graf Lambsdorff đã khen không ngớt trong bài phỏng vấn với tờ báo Handelsblatt khi được hỏi về Dr. Philipp Roesler: „Đó là một nhà chính trị trẻ sẽ mang nhiều hy vọng (Hoffnungsträger) cho đảng FDP.“

Anh Philipp Roesler là một đứa bé sơ sinh sống trong một trại mồ côi công giáo tại Sàigòn. Bố mẹ nuôi người Đức đón nhận về làm con nuôi vào năm 1973 lúc còn là baby bú sữa đúng 9 tháng tuổi và đặt tên là Philipp Roesler. Trong giấy tờ em bé Philipp sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng. Từ lúc này em bé Philipp hoàn toàn không còn quan hệ với Việt Nam và cũng không có tên Việt Nam. Anh Philipp Roesler lớn lên trong gia đình Đức và môi trường Đức như một đứa trẻ Đức thực thụ và chưa bao giờ có cơ hội gặp người Việt Nam trong lứa tuổi thơ cho nên anh không hề biết tiếng Việt.

Theo công việc của bố mẹ Đức anh Philipp phải di chuyển nhiều nơi vào thời niên thiếu trong vùng Bắc Đức như ở Hamburg, Bückeburg und Hannover. Sau bậc trung học anh Philipp gia nhập quân đội Đức với tương lai sẽ trở thành bác sĩ quân y. Đúng như vậy, sau chương trình học y khoa tại Hannover anh Philipp học chuyên khoa về mắt và trở thành bác sĩ nhãn khoa trong quân đội.

Sự nghiệp chính trị

- Năm 1992 (19 tuổi) anh Philipp Roesler gia nhập vào đảng FDP của giới trung lưu tại tiểu bang Niedersachsen. FDP tuy là đảng nhỏ nhưng trong nhiều năm đã kết hợp với một trong hai đảng lớn CDU (Thiên Chúa Giáo) và SPD (Xã Hội) để điều khiển chính quyền Liên Bang Đức. Riêng tại tiểu bang Niedersachsen đã bầu lại chính phủ vào ngày 27/01/2008 và đảng FDP dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Philipp Roesler đạt được số phiếu 8,2%. Hai đảng liên minh FDP và CDU tiếp tục đủ trên 50% số phiếu để cầm quyền cho 5 năm tới. Đảng FDP tại Đức là đảng Tự Do Dân Chủ tranh đấu cho quyền tự do của mỗi người dân, nghiêng về thành phần trung lưu, tầng lớp trí thức và luôn thúc đẩy canh tân thị trường kinh tế tự do.

- 1996 (23 tuổi) anh Philipp Roesler trở thành một thành viên trong ban chấp hành đảng FDP của tiểu bang Niedersachsen.

- Năm 2000 (27 tuổi) anh Philipp Roesler đã tiến lên thật mau với chức vụ tổng thư ký của đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen.

- Năm 2003 (30 tuổi) tiến thêm bước nữa trong sự nghiệp chính trị anh Philipp Roesler được tín nhiệm vào chức vụ trưởng khối FDP trong quốc hội tiểu bang Niedersachsen. Lúc ấy đảng liên minh CDU nhìn anh Philipp có vẻ mỉa mai cho vóc dáng Á Châu của anh.

- Từ năm 2005 (32 tuổi) anh Philipp Roesler được bầu làm chủ tịch đảng FDP tại tiểu bang Niedersachsen trong một cuộc đại hội đảng tại Goettingen với đa số số phiếu tín nhiệm tuyệt đối 96%, người chủ tịch đảng trẻ nhất tại Đức từ trước đến nay khi mới 32 tuổi đời.

- Năm 2007 (34 tuổi), sau một bài phát biểu hùng hồn tại thủ đô Berlin anh Philipp Roesler được bầu vào ban chấp hành đảng FDP của toàn Liên Bang Đức với số phiếu thật ấn tượng 95%. Đó là sự tin tưởng không những tuyệt đối so với các ứng cử viên khác mà còn vô tình tạo ra cuộc tranh luận ai sẽ là chủ tịch đảng FDP tại Đức sau này.

- Năm 2008 (34 tuổi), dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Philipp Roesler, đảng FDP đạt được số phiếu 8,2% trong cuộc bầu cử tại tiểu bang Niedersachsen và tiếp tục cầm quyền với đảng CDU cho đến năm 2013.

- Ngày 18/2/2009 (còn trong tuổi 35) Philipp Roesler tuyên thệ trở thành Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông. Một nhà chính trị đầu tiên mang chức bộ trưởng tại Đức không sinh ra trong phần đất Âu Châu. Một trong những Bộ Trưởng trẻ nhất tại Đức và được ghi vào lịch sử Đức với hiện tượng này.

Hạnh phúc gia đình

Với vóc dáng của một người cao 1,79 mét mảnh khảnh mặc dù tập luyện thể thao nhưng anh Philipp là một nhân vật chính trị có tính cách quyết định mau lẹ, thực tiễn, ứng khẩu tài tình và khôn ngoan, không ngại một câu trả lời và chạy trốn trước một thách đố.

Cho vóc dáng Á Châu của một người gốc Việt Nam mà đạt được đến đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị tại nước Đức thì đúng là khó khăn hơn tại các nước khác, tuy nhiên đó không phải là điều trở ngại cho anh Philipp: „Tôi biết, tôi nhìn khác người Đức. Tôi có một cái mũi tẹt, mái tóc đen và đôi mắt nhỏ như tất cả các người Á Châu,“ câu trả lời cho báo chí Đức của anh. Nhiều hơn nữa anh Philipp không có thể đón nhận được nền văn hóa Á Châu nào nữa, vì là một đứa con mồ côi và lớn lên với bố mẹ Đức thời còn bú sữa. Khi nói chuyện với người viết bài này anh Philipp phải nói: „Tôi phải làm anh thất vọng vì tôi không có tên Việt Nam.“ Đâu đó một bất hạnh thoáng trên đôi mắt anh Philipp khi phải nói về số phận hẩm hiu của mình khi được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam mà không được nhìn thấy khuôn mặt cha mẹ ruột của mình.

Hạnh phúc gia đình là một điều thiêng liêng đối với anh Philipp, từ sở làm về điều đầu tiên là vui sướng được thay tã cho 2 cô con gái sinh đôi. Cách đây 4 tháng anh Philipp Roesler trở thành người bố lần đầu của hai cô con gái sinh đôi, đặt tên là Grietje Marie und Gesche. Người vợ Đức yêu thương tên Wiebke và cũng là một là nữ bác sĩ. Chính người vợ này đã hướng dẫn anh Philipp trở thành một người Công Giáo và cũng là người đỡ đầu cho anh lúc được rửa tội tại Hannover. Điều quý báu và đặc biệt báo chí Đức có nhắc đến anh Philipp là người giữ đạo và xác tín với đạo (bekennender Katholik). Chính điều này anh Philipp liên lạc với người viết và xác định trong thư viết trao đổi với nhau. Hôm tuyên thệ nhận chức anh Philipp đã rõ ràng tuyên xưng với câu trả lời truyền thống về đạo: „Tôi nhận với sự giúp đỡ của Thiên Chúa!“ - „So wahr mir Gott helfe!“ (Chúng ta nên biết câu nói về đức tin này rất hiếm được nghe từ miệng của một nhà chính trị Đức theo đảng FDP).

Không biết có phải giòng máu Việt còn chảy đều trong tim anh Philipp hay không vì khi được hỏi về tương lai cho chính quyền trung ương tại thủ đô Berlin, thì anh Philipp trả lời với triết lý Á Đông: Trâu ta ăn cỏ đồng ta, tuy rằng cỏ ngắn nhưng mà vẫn ngon. „Điều này không quyến rũ tôi“ anh Philipp trả lời và nói thêm „Tôi không thích hợp với thủ đô Berlin vì ở đó có một đường lối chính trị khác. Tôi cảm thấy ở Hannover rất dễ chịu vì nơi đây có tình cảm gia đình.“

Trong chức vụ Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông anh Philipp Roesler sẽ trở thành một thành viên trong Ban Điều Hành Quản Trị cao cấp nhất của hãng xe VW (Volkswagen), hãng xe này nằm trong địa bàn của tiểu bang Niedersachsen và tiểu bang nắm giữ 20% cổ phần của VW. Ngoài ra anh Philipp Roesler còn là một thành viên cao cấp của tổ chức Trung Ương Phong Trào Giáo Dân Công Giáo Đức.

Đảng liên minh CDU trước đây vài năm cười mỉa mai anh Philipp thì giờ đây qua nhiều thành công từ đảng FDP dưới sự dẫn dắt của chủ tịch đảng Dr. Philipp Roesler làm cho họ phải kính trọng người gốc Việt Nam này. Anh Philipp được giới báo chí Đức gọi là món „Vũ khí bí mật“ (Geheimwaffe) của đảng FDP trong cuộc bầu cử toàn quốc Đức sẽ được diễn ra trong tháng 9/2009.

Chỉ sau 2 ngày nhậm chức bộ trưởng Bộ Trưởng Kinh Tế và Giao Thông anh Philipp Roesler sẽ có bài phát biểu tại Thượng Viện ở thủ đô Berlin vào thứ sáu 20/2/2009 về gói kích cầu kinh tế Đức lần 2 với nhiều tỷ bạc. Tiếng nói và tấm phiếu chống hoặc thuận của anh Philipp tại đây được đánh giá rất quan trọng, khi đại diện cho tiếng nói của tiểu bang Niedersachsen.

Với tài năng thiên bẩm về chính trị của anh Philipp Roesler đang đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, tuy rằng hoàn cảnh mồ côi không cho anh cơ hội tiếp cận được với văn hoá Việt Nam trong thời thơ ấu và trưởng thành, nhưng anh Philipp Roesler đang là một biểu tượng thành công và rất đáng quý cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói chung và cho riêng cộng đồng Công Giáo có một giáo dân Đức gốc Việt Nam gương mẫu.
 
Hành trình tự hủy diệt
Hoàng Cúc
13:20 19/02/2009
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” , câu nói ngắn gọn, nhưng cũng diễn tả thật đầy đủ lòng trân trọng của tiền nhân đối với những kẻ giỏi giang, những người được xem là tinh hoa, là yếu tố quyết định chuyện thịnh suy hưng phế của cả dân tộc. Đọc lại chuyện xưa, nhìn lại chuyện gần đây để nhận ra điều phải quấy có lẽ vẫn là chuyện cần và nên làm.

Đọc lại chuyện xưa

Câu trên đây được tạc trên tấm bia tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3, 1442. Tấm bia này được dựng năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, 1484. Người soạn văn bia là Thân Nhân Trung. Sự kiện này được Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau:

“Vua cho là từ năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến giờ, việc dựng bia, đề tên tiến sĩ các khoa vẫn chưa làm được, sai Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo biên rõ họ tên, thứ bậc các tiến sĩ từ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông, khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 triều Nhân Tông, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4, khoa Bính Tuất năm thứ 7, khoa Kỷ Sửu năm thứ 10, khoa Nhâm Thìn năm Hồng Đức thứ 3, khoa Ất Mùi năm thứ 6, khoa Mậu Tuất năm thứ 9, khoa Tân Sửu năm thứ 12 đến khoa Giáp Thìn năm nay, khắc vào bia đá.”

Đại Việt sử kí toàn thư còn cho biết thêm:

“Bọn từ thần là Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại thần học sĩ Thân Nhân Trung, Hàn lâm viện thị độc Đông các hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Đôn Hậu, Hàn lâm viện thị thư kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục tư huấn Lương Thế Vinh, Đông các hiệu thư Lê Tuấn Ngạn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Tú lâm cục tư huấn Nguyễn Xung Xác chia nhau soạn văn bia. Bọn Trung thư giám chính tự Nguyễn Tủng và Thái Chúc Liêm cùng điển thư Phạm Lý vâng sắc chỉ viết chữ. Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngai vâng sắc chỉ viết chữ triện.”

Đoạn văn trên không hề nhắc tới Đỗ Nhuận, nhưng liền sau đó, Đại Việt sử kí toàn thư trích lại đoạn văn bia do Đỗ Nhuận soạn. Có thể nói, tư tưởng nổi bật trong đoạn văn được trích lại trong chính sử cũng không khác với tư tưởng trong văn bia do Thân Nhân Trung soạn. Đỗ Nhuận viết rằng: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của Đế vương, không gì cần kíp hơn nhân tài …”

Trong một cái nhìn toàn diện hơn, việc vua Lê Thánh Tông cho dựng văn bia tại Văn Miếu là tiếp nối ý định của các vua đầu triều Lê, cũng là nối chí các triều Lí - Trần. Việc này cho thấy bận tâm hàng đầu của các triều đại trong việc đào tạo và kén chọn nhân tài lo việc nước. Trong cái nhìn của người xưa, người hiền tài là kết tụ của tinh hoa sông núi. Người có tài mà không được sử dụng là tội của nhà vua. Khi quốc gia có tai họa, nhà vua tự xem xét kiểm điểm bản thân. Khả năng phát hiện và sử dụng nhân tài là một trong những điểm mà nhà vua phải lưu tâm tự xét mình. Như thế, câu văn “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trong quá khứ từng là triết lí chính trị, là “chủ trương lớn” của các triều đại.

Xem chuyện mới đây

Từ nửa cuối thế kỉ 19, qua đầu thế kỉ 20, nước Việt Nam chịu sự đô hộ của thực dân Pháp. Vận nước lúc đó suy vi, thiết tưởng không cần phải nói nhiều. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua, tôi không khỏi ngậm ngùi nhận thấy rằng người Việt chúng ta đã vì một ý thức hệ ngoại lai nào đó mà vứt bỏ truyền thống tốt đẹp ngàn đời của tiền nhân, nên nỗi bao chuyện thương tâm huỷ diệt và đè nặng khiến con dân đất Việt không mở mày mở mặt nổi với thiên hạ!

Có thể nói bi kịch bắt đầu với công cuộc giành độc lập năm 1945. Viễn tượng độc lập vừa mở ra, cũng là lúc các đảng phái bắt đầu tranh giành ảnh hưởng, sát phạt lẫn nhau. Không ít anh tài tuấn kiệt của đất nước đã mất mạng, nhiều khi vì những lí do không đâu giữa các đảng phái.

Sau đó là cuộc chiến chín năm với người Pháp với những tai hoạ khủng khiếp bắt đầu lộ diện. Nước Việt trở thành bàn cờ để các nước lớn xâu xé, mặc cả và chia chác. Nhân danh cuộc “đấu tranh giai cấp” , những người cộng sản đã bắt đầu làm lại bản sao cuộc cách mạng xoá bỏ “giai cấp bóc lột” ở những phần đất do họ kiểm soát, để rồi sau đó mở rộng cuộc tàn sát từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc. Công cuộc này dĩ nhiên được họ tô hồng, nhưng không sao che đậy được bao vết máu tím bầm trên thân thể Việt Nam. Trong khoảng thời gian vài ba năm, họ đã dùng biện pháp khủng bố để giết hại những kẻ được gọi là “có nợ máu với nhân dân” . Thực ra, những người bị sát hại có cái tội là đã tổ chức làm ăn giỏi, tạo ra được nhiều của cải. Phần lớn trong số họ làm những nông dân suốt đời cần kiệm tích cóp, tính toán chăm chỉ làm ăn, là những nhà tiểu tư sản dân tộc vừa bắt đầu áp dụng cung cách buôn bán và sản xuất theo kĩ nghệ Tây phương. Có thể tạm xem họ là tầng lớp ưu tú trong nền kinh tế đất nước vào thời điểm đó. Vậy mà bằng nền tảng là giấc mộng mơ màng của một thiên đường phù phiếm, với tham vọng xây dựng từ đầu một xã hội hoàn toàn mới trên máu và nước mắt, giữa tiếng gào thét kinh hoàng của biết bao người, những kẻ từ rừng rú bước ra đã không ngần ngại xoá sạch tất cả!

Chừng đó đau thương xem ra vẫn còn chưa đủ, những kẻ nắm quyền sinh sát lại tiếp tục nhúng bàn tay đầy máu của họ vào một cuộc thanh trừng mới, không đến nỗi “long trời lở đất” , nhưng cũng không kém phần bi thảm.

Những người từng một thời cúc cung tận tuỵ “hi sinh cho sự nghiệp cách mạng” đến lúc bắt đầu tỏ ra bất nhẫn với thói cai trị độc tài ngạo mạn, miệng nói “sửa sai” , nhưng lại nghiền nát mọi lời tố cáo sai lầm, đè bẹp mọi lời cảnh tỉnh. Họ là lớp người từng được “bọn đế quốc” đào tạo, nên không chấp nhận thực tế quái gở là một nhúm người tự cho mình cái quyền làm thay và nghĩ thay cho toàn xã hội. Thế là vụ án mang tên “Nhân văn giai phẩm” ra đời, nhằm gom góp tất cả những kẻ bắt đầu trở nên chướng tai gai mắt đối với đảng cầm quyền. Họ bị kết tội, bị đày đoạ chỉ vì họ muốn suy nghĩ, sáng tạo, muốn nói lên tiếng nói của riêng mình, chứ không chịu để cho đảng tự tung tự tác nghĩ hộ, nói hộ. Những cung cách cư xử với nhóm “Nhân văn giai phẩm” thực ra là cầm tù và giết chết mọi suy nghĩ và sáng tạo cá nhân. Bằng cách đó, khá nhiều nhân tài của một thời cùng với con cháu họ đã bị bách hại, huỷ diệt hay thui chột!

Tuy nhiên, loài người tự nhiên vốn đa dạng. Đối với những người có chút chữ nghĩa ăn học, việc tự rập khuôn theo lối nói, lối nghĩ của một nhúm người tự xưng là đảng “vô địch” , cũng đồng nghĩa với việc tự tử về mặt tư tưởng. Chẳng chóng thì chày những kẻ này sẽ bằng cách này hay cách khác bày tỏ suy nghĩ riêng mình, dù họ cũng chẳng có ý định chống lại ai. Thế nhưng trong mắt những kẻ ham mê quyền lực, lại tàn ác đa nghi, vài biểu hiện nho nhỏ cũng đủ làm họ sợ hãi nháo nhác. Chính trong bối cảnh như thế mà một vụ án mới mang tên “Vụ án xét lại chống đảng” chào đời với mục đích bóp nát bất cứ kẻ nào vẫn còn muốn lẽo đẽo không chịu cun cút để “đảng quang vinh” mớm cho từng lời từng ý.

Trong vài chục năm, lịch sử Việt Nam đã phải chứng kiến sự vận hành khủng khiếp của cỗ máy huỷ diệt. Cỗ máy này mang một sức mạnh kinh hồn vì dù sao bằng nhiều mánh lới lừa bịp, nó cũng tổng hợp được sức mạnh cơ bắp của cả vài chục triệu người đã bị bịt mắt để có thể lao vào bất cứ chỗ dầu sôi chảo lửa nào theo ý muốn của vài kẻ cầm quyền!

Gần hai chục năm là thời gian đủ để cho mấy nước lớn chia chác bàn cờ thế giới. Thế cờ Việt Nam đã đến lúc phải có hồi kết theo kiểu phân chia lợi nhuận của đám con buôn quốc tế. Trong khoảng hai chục năm đó, hai phía người Việt đã lao vào nhau với tất cả mọi sức mạnh huỷ diệt để cùng nướng khoảng vài triệu thanh niên, đất nước tan hoang đổ nát.

Ngày một số kẻ ca khúc khải hoàn cũng là ngày số còn lại ôm mối hận trong tim. Những bàn tay đã vấy đầy máu bầm lại tiếp tục một cuộc lên đồng huỷ diệt mới. Bao tầng lớp ưu tú của “miền Nam ruột thịt” chịu cảnh đoạ đày tù tội, gia đình họ nheo nhóc tan hoang. Khi những bài ca “hừng hực khí thế cách mạng” , khi đội “quân giải phóng” tràn ngập miền Nam cũng là lúc bao người vỡ mộng, là lúc bao gia đình sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Và rồi bổn cũ sao lại với chút ít sắc thái cũ, ít mùi khủng bố hơn, những vẫn nguyên si bản chất cướp giật và huỷ diệt. Cỗ máy mù quáng, cơn lên đồng mới, lại đẩy tiếp hàng triệu người vào cảnh khốn cùng khiến không ít người lao ra biển, bằng mọi giá mong tìm một chân trời mới.

Xã hội thực sự dân chủ là một xã hội nơi mà người dân được bày tỏ ý kiến, sự bất bình của mình đối với chính quyền khi chính quyền làm những điều phương hại tới lợi ích của các cá nhân hoặc lợi ích của quốc gia, thậm chí, nếu cần, họ có thể thay đổi cả chính quyền. Vậy mà trong một chế độ tự xưng dân chủ gấp triệu lần tư bản, khi cỗ máy huỷ diệt liên tục lao vào những trò say máu điên khùng, người dân không hề có bất cứ một phương tiện nào để tự bảo vệ, hoặc bày tỏ sự phản đối, hay điều chỉnh lại cái cơ cấu gây tại hoạ, mà chỉ còn cách hoặc lao mình vào guồng quay khủng khiếp, hoặc trốn chạy càng xa càng tốt!

Dĩ nhiên, không phải tất cả những người bị hại trong những biến động kinh tế chính trị xã hội tại Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua đều là “hiền tài” , nhưng khủng khiếp thay, dường như trong số họ, con số hiền tài là khá nhiều. Người còn chút tâm với quê hương đất nước đọc lại lịch sử quê hương suốt thế kỉ 20, rồi soi trang sử ấy vào tấm gương “Hiền tài là nguyên khi quốc gia” không khỏi giật mình khi thấy dân tộc mình cứ lao vào những cuộc lên đồng tự huỷ diệt, hết cuộc này tới cuộc khác, khiến nguyên khí hao mòn kiệt quệ. Như vậy, phải nói vận mạng nước Việt không suy vi mới lạ, chứ nếu có suy vi tàn tạ cũng chỉ vì con cháu đã ngu muội phá bỏ kho tàng khôn ngoan minh triết của tổ tiên để cuồng loạn lao vào những trò ngu dại! Lịch sử sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng nhận ra sai lầm quá khứ, không tìm được cách ứng xử phù hợp trong hiện tại, nếu chúng ta vẫn tiếp tục lao vào những cuộc tự huỷ diệt để trong tương lai tên gọi Việt Nam sẽ chỉ còn là chút kí ức xa xôi của nhân loại hoặc chỉ là vài con chữ ghi trên sách vở!
 
Nguyễn Thế Doanh tuyên bố theo kiểu muốn Giáo Hội đi theo “lề phải”
Trung Thiên
16:22 19/02/2009
Nguyễn Thế Doanh tuyên bố theo kiểu muốn Giáo Hội đi theo “lề phải”

Hà Nội (AsiaNews) - Những khó khăn mà Giáo Hội đang đối mặt tại Việt Nam, và không chỉ là thiết lập quan hệ ngoại giao, là một phần của cuộc hội đàm giữa chính quyền Hà Nội và phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm Việt Nam. Xác nhận chính thức của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm 18/02 của Thông tấn xã Việt Nam đã nêu bật những trở ngại mà Hà Nội đang đặt ra để chống lại việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, mặc dù chính quyền mong muốn đạt được điều này.

Làm rõ những gì là vấn đề thật sự cho đến nay đã ngăn chặn việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao - mang ý nghĩa trong chính nó – là một thực tế để người ta nói về khả năng trao đổi đại sứ không phải là vị bộ trưởng ngoại giao, nhưng lại là một viên chức chính quyền có liên quan đến các vấn đề tôn giáo trong nước. Viên chức này đưa ra tuyên bố khó hiểu không gì khác hơn là mù quáng lặp lại đe dọa chống lại Đức Tổng Giám Mục Hà Hội, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, và nói chung chống lại những người đấu tranh cho việc tôn trọng tự do tôn giáo hoàn toàn. Ông Nguyễn Thế Doanh nói rằng Tòa Thánh Vatican và Việt Nam “đều phải quyết tâm cùng nhau hướng tới sự phát triển một cách trong sáng và lành mạnh, trong đó có việc duy trì và khẳng định đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công Giáo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không để bị tác động bởi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực từ bất cứ phía thứ ba nào".

Ngoài ra, giọng điệu của ông rõ ràng là tích cực, với việc đề cập cụ thể từ năm 1990 - hoặc kể từ "xu hướng mới" của Việt Nam, trong đó đặt ra đường lối "cởi mở" – các đại diện của Hà Nội và Vatican đã gặp nhau 18 lần: "Có thể nói đối thoại là phương thức thích hợp nhất, góp phần tạo ra môi trường thân thiện để hiểu nhau hơn và để cùng giải quyết những vấn đề cùng quan tâm"

Mặc dù vậy, "Những yếu tố quan trọng nhất góp phần thúc đẩy quan hệ hai bên, trước hết là sự tôn trọng lẫn nhau, trong đó có việc tôn trọng độc lập chủ quyền, lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, pháp luật của Việt Nam, vừa cùng chia sẻ và tôn trọng sự khác biệt, vừa cùng thể hiện tinh thần thiện chí để tìm ra những điểm đồng thuận mới"

Nguồn: AsiaNews
 
Bất thường từ Tòa Án Thành phố Hà Nội
Tạ Phong Tần
17:06 19/02/2009
BẤT THƯỜNG TỪ TÒA ÁN TP HÀ NỘI

Khoản 1 Điều 20 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS) quy định: "Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm"; vì vậy, việc phải chấp nhận kháng cáo và phải xét xử phúc thẩm đối với vụ án Hình sự của 8 giáo dân Thái Hà mà Tòa án quận Đống Đa đã xét xử ngày 8/12/2008 là chuyện Tòa án Thành phố Hà Nội không thể từ chối.

Căn cứ khoản 2 Điều 237 BLTTHS "Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án và kháng cáo, kháng nghị cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị", ngày hết hạn kháng cáo là 23/12/2008, thì Tòa án quận Đống Đa phải chuyển hồ sơ vụ án này cho Tòa án Thành phố Hà Nội chậm nhất là ngày 30/12/2008.

Cũng theo Điều 242 Bộ Luật này, Tòa án Thành phố Hà Nội phải mở phiên tòa phúc thẩm chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án quận Đống Đa chuyển đến, như vậy hạn chót của thời hạn mở phiên tòa xét xử phúc thẩm các giáo dân là ngày 30/02/2009.

Bào chữa cho các giáo dân Thái Hà trong phiên xử phúc thẩm lần này, ngoài Luật sư Lê Trần Luật còn có thêm Luật sư Huỳnh Văn Đông và Luật sư Hoàng Cao Sang (cùng ở Sài Gòn) tham gia. Theo BLTTHS và Luật Luật sư thì việc bào chữa cho những công dân bị cáo buộc vi phạm vào các Điều luật được quy định tại Bộ Luật Hình Sự là hoạt động nghề nghiệp bình thường của Luật sư. Tuy nhiên, trong vụ án xét xử các giáo dân Thái Hà này cơ quan tố tụng Hà Nội lại có những biểu hiện bất thường.

Theo Luật sư Lê Trần Luật thì nhóm Luật sư bào chữa đã trực tiếp đến Tòa án Thành phố Hà Nội 5 lần để yêu cầu được nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng đều bị cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội viện hết lý do này đến lý do khác hẹn lần hẹn lữa để cản trở nhóm Luật sư tiếp xúc với hồ sơ. Khi bị Luật sư chất vấn thì cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội tên Bùi Thị Hồng viết tiếp giấy hẹn "ngày 23/2/2009 Luật sư đến nghiên cứu hồ sơ".

Tuy nhiên, ngày 18/2/2009, cán bộ Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội lại gọi điện thoại thông báo rằng ngày 23/2/2009 Luật sư vẫn chưa có thể tiếp xúc hồ sơ vì “Vụ án sẽ hoãn vô thời hạn và ngày 23/2/2009 các Luật sư vẫn chưa có thể đọc được hồ sơ”, “Đây là ý kiến chỉ đạo của cấp trên". Không hiểu cái gọi là "cấp trên" mà cô Thư ký Tòa án Thành phố Hà Nội nói là cá nhân nào mà lại có quyền "chỉ đạo" trái pháp luật như thế?

Rõ ràng, việc cố tình nại ra đủ thứ lý do để cản trở Luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ án của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội là vi phạm nghiêm trọng vào điểm e khoản 2 Điều 50, điểm g khoản 2 Điều 58, Điều 11 BLTTHS. Bởi lẽ, hạn chót phải mở phiên Tòa phúc thẩm là ngày 30/2/2009, nhưng đến thời điểm này có vẻ như Tòa án Thành phố Hà Nội không muốn cho Luật sư được nghiên cứu hồ sơ vụ án thì làm sao các Luật sư có sự chuẩn bị luận cứ bào chữa chặt chẽ nhằm bảo vệ tốt nhất cho các thân chủ của mình?

Bức xúc trước việc làm khuất tất của cán bộ Tòa án Thành phố Hà Nội đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền được bào chữa của bị cáo và quyền của Luật sư, Luật sư Lê Trần Luật đã gởi đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án Thành phố Hà Nội.

Trong đơn khiếu nại, Luật sư Lê Trần Luật viết: "Thưa Ngài Chánh án! Nhân đây, tôi cũng xin được mạn phép trao đổi với Ngài rằng: “Trì hoãn và cản trở những điều pháp luật cho phép thực hiện là cố tình phủ nhận công lý”, còn tôi thì tôi lại nghĩ rằng: "Khuất tất và bóng tối luôn luôn là nơi ẩn núp của hèn hạ và tội ác".











 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tư Liệu Thánh Kinh (13): Ai Cập
Vũ Văn An
09:51 19/02/2009
Tư Liệu Thánh Kinh: Ai Cập

Sa mạc Sahara bao la chạy dài suốt bắc Phi Châu từ vùng núi Morocco phía tây kéo dài tới Biển Đỏ ở phía đông. Từ các hồ và cao nguyên của Đông Phi nhiệt đới, Sông Nin chẩy theo hướng bắc xuyên qua các sa mạc khô cằn đến tận Địa Trung Hải. Suốt 600 dặm cuối cùng, Sông uốn khúc qua một thung lũng sừng sững vách đá dựng đứng hai bên. Rồi cách biển 100 dặm, nó chia thành hai ngành bọc lấy một khu tam giác đất bằng có tên Đồng Bằng Sông Nin, vì hình thù nó giống y hệt mẫu tự delta của Hy Lạp.

Lũ Sông Nin: Hằng năm, mưa nhiệt đới miền Đông Phi Châu làm nước sông tràn các bờ, đem theo đất phù sa vào đồng ruộng dọc khắp khu tam giác là khu tạo thành hoàn toàn nhờ chất phù sa này. Ai Cập là như thế đó: những đồng lúa xanh phì nhiêu trên đất đen dọc theo dải bọc gồm thung lũng và sông nước suốt Khu Tam Giác rộng. Hai bên, các sa mạc mầu nâu vàng chạy dài quá bên kia vách đá. Ngày nay, các đập lớn đã được xây để điều hòa lượng lũ Sông Nin, và giữ lại các chất bùn của sông. Thời xưa, mặc tình lũ lụt xẩy ra. Lượng lũ quá nhỏ có nghĩa là không đủ nước cho mùa màng, và thế là đói kém xẩy ra. Lượng lũ quá lớn có nghĩa là làng mạc, hoa mầu và thú vật đều bị cuốn đi. Để trải đều nước càng xa càng tốt, người Ai Cập thời xưa đào những con kênh và những đường dẫn thủy nhập điền dẫn nước vào ruộng.

Vận Tải: Người Ai Cập mau chóng học được nghề đóng thuyền. Thoạt đầu, họ chế tạo những chiếc xuồng bằng sậy (papyrus-reeds), sau đó mới làm được những con thuyền bằng gỗ. Nhờ những phát minh này, họ có thể ung dung du hành dọc Sông Nin, khắp vùng thung lũng hay khắp vùng Đồng Bằng. Đi lên Bắc, họ chỉ cần chèo theo giòng. Xuống phía nam, gió bấc sẽ căng phồng các lá buồm của họ giúp thuyền phom phom ngược giòng mà đi. Cho nên, Sông Nin luôn luôn là ‘lộ lưu thông chính’ của họ. Các vùng khác của xứ sở cũng rất quan trọng. Các sa mạc và bán đảo Xi-nai chứa nhiều kim loại qúi giá (đồng, vàng) và đá dùng cho việc xây những kim tự tháp vĩ đại và những ngôi đền khắp vùng Thung Lũng Sông Nin.

Một Mảnh Đất Lịch Sử: Để bắt đầu, ta nên nhớ tại Ai Cập, có hai vương quốc: Thung Lũng Sông Nin (Thượng Ai Cập) và Đồng Bằng Sông Nin (Hạ Ai Cập). Nhưng trước năm 3000 trước CN, một ông vua vùng Thung Lũng đã đánh bại ông vua của vùng Đồng Bằng, trở thành vua của toàn cõi Ai Cập. Để cai trị khắp nước, ông cho xây thủ đô tại Mem-phít, tại địa điểm nơi thung lũng kia mở rộng ra thành Đồng Bằng. Ông vua đầu tiên ấy chính là Mê-nét, người đã khởi xướng ra giòng vua ‘Pha-ra-ô’. Suốt 3000 năm sau, 30 triều đại các giòng vua này thay nhau cai trị Ai Cập. Trong thời gian ấy, Ai Cập trải qua 3 thời kỳ phát triển rực rỡ.

Thời Kim Tự Tháp: Thời kỳ vĩ đại đầu tiên của Ai Cập là thời ‘Vương Quốc Xưa’ (khoảng 2600 đến 2200 trước CN) hay ‘Thời Kim Tự Tháp’, gọi theo những ngôi mộ khổng lồ bằng đá nhọn đầu do chính nhà Vua xây cất. Sau đời các vua hùng mạnh của Thời Kim Tự Tháp, Ai Cập trở nên nghèo hơn do những ông vua kém khả năng. Một lần nữa, các ông vua thù nghịch nhau nổi lên khắp từ bắc chí nam tranh quyền lẫn nhau. Phải đợi đến lúc ông hoàng Tê-bét xuất hiện mới tái thống nhất được Ai Cập.

Thời Trung Vương Quốc: Gia đình Vua này và gia đình sau đó (Triều đại thứ 12) được gọi là ‘Trung Vương Quốc’ (vào khoảng 2060-1786 trước CN). Các Pha-ra-ô mới và hùng mạnh này chiếm cứ vùng sông và thung lũng cũng như sa mạc Nu-bi-a, phía nam Ai Cập để khai thác vàng và nhiều sản phẩm khác của Phi Châu. Nhờ biết cải tiến phương pháp sử dụng nước Sông Nin vào nông nghiệp, các vị vua này đã gia tăng lượng lúa trồng, và sự thịnh vượng cho dân. Có lẽ vào thời này, Áp-ra-ham đã qua Ai Cập khi nạn đói xẩy ra tại Ca-na-an. Nhiều người khác như ông đã làm như vậy. Một số ở lại, được thăng quan tiến chức trong guồng máy cai trị của Ai Cập, số khác, kém may mắn hơn, trở thành đầy tớ hay nô lệ.

Sau Triều đại thứ 12, từ khoảng năm 1780 đến 1550 trước CN, các vua yếu kém hơn đã lên cầm quyền. Đây có lẽ là lúc Giu-se bị bán qua Ai Cập làm nô lệ và sau đó ít năm gia đình ông đã qua theo. Trong số những người ngoại quốc sinh sống ở phía đông khu Đồng Bằng, nhiều ông hoàng đã nổi lên hùng cứ một phương rồi sau đó trở thành vua cả nước Ai Cập. Họ được gọi là Hyksos, tức Triều Đại Thứ Mười Lăm. Nhưng sau đó không lâu, các hoàng tử thuộc dòng Tê-bét chính tông Ai Cập từ phương nam bắc tiến xua đuổi các ông vua Hyksos để tái thống nhất đất nước.

Thời Đế Quốc: Các Pha-ra-ô này còn chiếm được cả quyền kiểm soát đất Ca-na-an về phía bắc Ai Cập cũng như đất Nu-bi-a về phía nam. Thời ‘Vương Quốc Mới’ này đôi khi còn được gọi là ‘Thời Đế Quốc’, gồm các Triều Đại từ 18 đến 20, từ khoảng năm 1500 tới 1070 trước CN. Các vị Vua thời này đánh nhiều trận tại Ca-na-an và Xy-ri. Còn tại Ai Cập, họ xây nhiều ngôi đền đồ sộ, mà đồ sộ nhất là ngôi đền tại Mem-phít (thủ đô) và tại Tê-bét (thánh địa).

Trong khi đó, người Khết ở cực bắc xâm chiếm một phần đế quốc Ai Cập tại Xy-ri. Một dòng Pha-ra-ô mới cố gắng dành lại các tỉnh đã mất, nhất là các vua Xê-thốt Đệ Nhất và Ram-xết Đệ Nhị (Triều đại thứ 19, thế kỷ 13 trước CN). Các vua này là những vua xây cất lớn. Là dòng tộc của Đồng Bằng, họ xây một hoàng thành mới Pi-Ramesse, dòng tộc Ram-xết thời Xuất Hành, ở phía đông. Đây chính là tột điểm ‘áp bức’ đối với người Do Thái, là những người bị sử dụng làm nhân công nô lệ cho Pha-ra-ô, và là lúc Mô-sê được sai đến lãnh đạo người Do Thái ra khỏi đất Ai Cập (Xuất Hành). Trước năm 1200 trước CN không lâu, một Pha-ra-ô khác là Mơ-ren-pơ-ta phái quân đội tới Ca-na-an và đánh bại nhiều sắc dân tại đó, trong đó có dân Ít-ra-en, là những người hiển nhiên đã có mặt tại đây lâu rồi. Sau năm 1200 trước CN không lâu, thế giới cổ thời bị khuấy động. Những ’giống dân biển’ và các giống dân khác lật đổ đế quốc Khết-và phần lớn các vương quốc Xy-ri và Ca-na-an. Ram-xết Đệ Tam cố gắng đẩy lui những kẻ xâm lăng này ra khỏi biên giới Ai Cập trong hai trận chiến dữ dội cả trên bộ lẫn dưới biển. Một trong các giống dân này chính là quân Phi-li-tinh. Sau Ram-xết Đệ Tam, Triều Đại 20 và đế quốc mất hẳn quyền lực dưới thời các vua yếu kém. Họ cai trị rất tồi và vùng hạ lưu Sông Nin bị đói kém.

Hậu Thời Đại: Khoảng từ 1070 tới 330 trước CN, Ai Cập trải qua thời gọi là ‘Hậu Thời Đại’. Nước này sẽ không bao giờ còn hùng mạnh như trước nữa. Năm 925 trước CN, Sốt-xen-cơ Đệ Nhất (tức Sít-sắc) chinh phục Giu-đa của Rơ-kháp-am và Ít-ra-en của Gia-róp-am. Người Ai Cập ghi chép chiến thắng này tại đền thờ của họ ở Ca-nắc. Nhưng quyền lực của họ không bền: 200 năm sau, nên Tia-ha-ca không giúp các vua Do Thái chống lại được người Át-sua. Cả Hố-phơ-ra nữa, năm 588, cũng không giúp gì được Xít-ki-gia-hu chống lại người Ba-by-lon.

Từ năm 525 trước CN, giống như các lân bang khác, Ai Cập trở thành một phần của Đế Quốc Ba-tư. Có lúc nổi lên và dành được độc lập (Các Triều Đại 28-30), để cuối cùng bị A-lê-xan-đê Đại Đế chiếm đóng (332-323 trước CN). Sau A-lê-xan-đê, các vua dòng Pơ-tô-lê-mai Pơ-tô-lê-mai của Hy Lạp thay nhau cai trị Ai Cập cho đến lúc xuất hiện Đế Quốc La Mã. St 12:10-20; 37-50; Xh 1:11 vá các chương 1-14; 1V 14:25-27; 2V 17:4; 19:9ff; Gr 37:5-7 và 44:30.

Sinh Hoạt Tại Ai Cập Thời Xưa: Pha-ra-ô là người thống trị Ai Cập. Ông được các vĩ nhân trợ giúp, cả những vị thông thái khôn ngoan chuyên giải đoán mộng mị. Nước được chia thành nhiều tỉnh. Mỗi tỉnh có thủ phủ lo việc cai trị và tiếp liệu. Phần lớn dân Ai Cập làm nghề nông, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, do đó lệ thuộc vào Sông Nin. Tất cả những yếu tố đó đều hiện diện trong các giấc mộng mà Pha-ra-ô yêu cầu Giu-se giải đoán. Mộng mị rất quan trọng đối với mọi tầng lớp (từ tù nhân tới vua chúa) và người Ai Cập còn viết cả sách giải mộng nữa.

Chữ viết của người Ai Cập khởi đầu có tính tượng hình (hieroglyphs), dùng ghi lại âm tiếng nói. Con cú là m, miệng là r, vân vân…Dùng trên giấy sậy (papyrus), loại giấy đầu tiên, hình thức thảo (hieratic, demotic) được sử dụng. Người Ai Câp viết sử ký, thi ca, sách khôn ngoan (giống như Sách Châm Ngôn), cũng như mọi vấn đề hàng ngày như danh sách, thư từ và sổ sách kế toán.

Cả người Ai Cập lẫn ngoại kiều đều phải làm việc như những lao công tại các công trình xây cất, nhất là làm gạch. Để chế ra gạch, rơm cần để trộn vào đất sét. Các bản giấy sậy có nhắc đến rơm và số lượng công việc cố định phải thực hiện. Giống Mô-sê, nhiều thanh niên ngoại kiều được nuôi dưỡng trong triều và được giáo dục cao, đảm nhận đủ mọi công việc. Giống như Mô-sê và người Do Thái nói chung, những người khác cũng muốn thoát khỏi Ai Cập. Các bản giấy sậy có nhắc đến các nô lệ trốn thoát tìm tự do. St 40 và 41; Xh 1-14. Xem Egyptian Religion.

Tôn Giáo Của Người Ai Cập: Người Ai Cập thờ nhiều thần. Một số thần phát nguyên từ thiên nhiên: Re, thần mặt trời; Thoth, Khons, các thần mặt trăng; Nut, nữ thần bầu trời; Geb, thần đất; Hapi, thần lũ Sông Nin; và Amun, thần các sinh lực tiềm ẩn trong thiên nhiên. Một số thần khác tượng trưng cho các ý niệm: Maat, nữ thần chân lý, công bình và trật tự; Thoth cũng là thần của học vấn và khôn ngoan. Ptah là thần của khéo tay. Phần đông người Ai Cập chạy đến với thần Osiris trong niềm hy vọng có cuộc sống đời sau. Người ta cho rằng Osiris bị anh giết và sau đó trở thành vua âm phủ.

Những con vật nổi tiếng nhờ những phẩm tính đặc biệt được coi như thánh thiêng đối với một số thần. Chúng là hình ảnh sống động của các vị thần đó. Bởi vậy, con bò Apis đối với Ptah, con cò quăm (ibis) đối với Thoth, con chim ưng đối với Horus, con mèo đối với nữ thần Bastet đều là thánh thiêng cả. Các thần thường được miêu tả mang cái đầu của con vật thiêng để dễ nhận dạng.

Với khá nhiều thần thánh kiểm soát thế giới của họ như thế, người Ai Cập buộc phải đặt mối liên hệ giữa các thần với nhau. Họ tạo ra các huyền thoại trong đó, các thần được gom lại thành ‘gia đình’, với đủ thần chủ làm chồng thần nữ làm vợ và những thần nam thần nữ nhỏ hơn làm con trai con gái.Thế kỷ thứ 14 trước CN, Pha-ra-ô Akhenaten cố gắng buộc chư dân của ông chỉ thờ thần mặt trời mà thôi nhưng ông đã thất bại, và sau khoảng 10 năm, người Ai Cập lại trở lại thờ bất cứ thần nào như trước đây. Thờ Phượng Tại Các Đền Thờ Lớn: Cuộc sống mà người Ai Cập tưởng tượng ra cho các thần của họ đã được mô phỏng theo chính cuộc sống hằng ngày của họ. Ngôi đền thờ bằng đá vĩ đại, ẩn phía sau những bức tường sừng sững chính là nơi ngự của thần minh. Các giáo sĩ là gia nhân của thần. Mỗi buổi sáng họ có nhiệm vụ đánh thức thần dậy bằng một bài thánh ca bình minh, tháo gỡ những niêm phong trên điện thờ, sửa sang lại hình tượng của thần, rồi dâng đồ ăn thức uống cho thần điểm tâm. Những của dâng này sau đó được đặt trước tượng tổ tiên của Pha-ra-ô và các vĩ nhân của Ai Cập trước khi được chính các giáo sĩ này hưởng dùng. Đến trưa, một buổi phụng tự và dâng lễ ngắn hơn làm buổi ăn trưa cho thần. Và vào buổi tối với lần dâng lễ thứ ba làm bữa ăn tối là bài thánh ca cuối cùng đưa thần vào giấc ngủ. Vào những ngày lễ đặc biệt, các tượng nhỏ của thần được rước từ đền này qua đền nọ. Đó là những ngày các thần ‘đi thăm’, đôi khi để kỷ niệm những biến cố đã được kể trong truyện tích về mình. Người ta tin rằng ‘hồn’ của thần sống trong hình tượng của ngài đặt trong đền thờ.

Trên lý thuyết, Pha-ra-ô là thầy cả thượng phẩm của tất cả các thần. Trên thực tế, đại biểu cho ông là các thầy cả thượng phẩm tại mỗi đền, được các thầy cả khác phụ tá. Chỉ có vua, các thầy cả và các viên chức cao cấp mới được tiến qua sân đền vừa được ánh sáng đầu tiên của mặt trời chiếu sáng để bước vào những căn phòng mờ mờ đầy hàng cột và vào bóng tối của nội điện thánh thiêng bên trong đền thờ. Tôn giáo thờ thần mặt trời của Akhenaten cũng làm tương tự như thế, nhưng diễn ra tại nơi khoảng khoát rộng mở. Có bài thánh ca nổi tiếng ca tụng Aten là đấng hóa công đã dưỡng nuôi thế gian. Có người so sánh bài thánh ca này với Thánh Vịnh 104. Nhưng không hề có mối liên hệ nào giữa bài thánh ca Ai Cập và Thánh Vịnh cả, hay với việc thờ phượng một Thiên Chúa chí thánh của người Do Thái.

Tôn Giáo của Người Dân: Pha-ra-ô là trung gian giữa các thần và thần dân. Qua các thầy cả là người thay mặt mình, vua dâng lễ vật lên các thần nhân danh thần dân để các thần thương đoái ban phát ơn lành xuống trên Ai Cập (Sông Nin tràn nước đúng mức, hoa mầu phong phú). Vua cũng hành xử như người thay mặt các thần nơi thần dân. Ông hướng dẫn việc xây cất và bảo trì các đền thờ là những tòa nhà luôn luôn được xây dựng nhân danh ông.

Quần chúng bình dân không được bước vào các đền thờ lớn của quốc gia. Họ chỉ được thấy các thần lớn trong những ngày lễ hội khi các ảnh tượng có phủ màn của các thần được các giáo sĩ rước đi trong những chiếc thuyền thánh. Thay vào đó, bá tánh bình dân thờ phượng các thần tại những ngôi đền nhỏ ở địa phương hay tại những nguyện đường ở cổng các đền lớn. Việc thờ phượng của họ chủ yếu là dâng lễ theo một số những nghi lễ nhất định. Người dân được phép vui chơi trong những ngày hội lớn. Đôi khi dân được nghỉ việc để thờ phượng các thần riêng của mình (đó là điều Mô-sê đã xin Pha-ra-ô cho phép làm: Xh 5:1,3). Khi gặp nạn như đau yếu chẳng hạn, người Ai Cập tin rằng đó là các thần trừng phạt vì mình làm trái. Thế là họ phải thú tội và cầu xin được lành bệnh và được trợ giúp. Nếu được lành, họ thường dựng những bảng khắc nhỏ với một bài thánh ca ngắn dâng lên thần để ghi lại lời tạ ơn của họ.

Giống như các dân tộc khác, người Ai Cập xưa có nhận thức luân lý về đúng sai. Giết người và trộm cắp là sai, giống như bây giờ. Nhưng ma thuật được sử dụng để bắt quyết quyền lực siêu nhiên. Ma thuật tốt hay ma thuật ‘trắng’ được dùng để trừ khử các rắc rối của đời sống. Những ma thuật xấu hay ma thuật ‘đen’ được coi là tội ác cần phải trừng phạt. Ma thuật thường có nghĩa là phải đọc y hệt các câu thần chú trên những mẫu ảnh hay tranh vẽ nhỏ có liên quan tới chủ thể ma thuật. Người ta thường đeo bùa may hay bùa chống họa. Biểu hiệu sự sống hay con bọ hung tượng trưng cho sự đổi mới được nhiều người dùng hơn cả.

Sự sống đời sau: Người Ai Cập ngày xưa chôn cất người chết của họ dọc theo bìa những sa mạc khô ráo chạy dài theo thung lũng Sông Nin. Cát khô và sức nóng mặt trời làm thân xác những người cổ xưa ấy khô nhờ thế mà bảo toàn được lâu trong những ngôi mộ nông sơ. Người Ai Cập tin rằng xác con người là nơi chứa linh hồn, và trong cuộc sống sau khi chết linh hồn ấy vẫn cần những đồ dùng cá nhân y như cuộc sống trên trần gian. Bởi thế khi huyệt mộ trở nên quá lớn và quá sâu khiến nắng mặt trời không chiếu thấu, họ đã nghĩ đến những phương thế nhân tạo khác. Như chèn xác với muối, ướp và bó xác (mummification). Xác ướp như thế sau đó được để trong áo quan và chôn trong mộ huyệt cùng với các vật dụng cá nhân khác. Ông Giu-se đã được tẩm niệm kiểu này, và chôn trong áo quan trên đất Ai Cập (St 50:26).

Phần lớn người Ai Cập hy vọng có được một cuộc sống tươi đẹp đời sau trong vương quốc của Osiris. Họ có sách bùa phép viết trên giấy sậy giúp họ qua khỏi cuộc phán xét dành cho người chết. Mà cuốn nổi tiếng nhất chính là cuốn Sách Người Chết. Linh hồn các vị vua quá cố sống đời sau với thần mặt trời, dùng thuyền qua lại bầu trời ban ngày. Còn ban đêm, họ vào vương quốc Osiris, chăm nom các thần dân của mình. Việc nhấn mạnh đến những vấn đề như ướp xác, bùa phép và trang trí lộng lẫy cho các ngôi mộ khiến người ta có những quan niệm hết sức duy vật chất về cuộc sống mai hậu.

Tôn giáo của Người Ai cập và Thánh Kinh: Tôn giáo của người Ai Cập rất khác với tôn giáo của người Do Thái. Thiên Chúa của Ít-ra-en liên hệ với dân Ngài trong lịch sử thực tại. Ngài đòi họ tuân theo luật công chính của Ngài hơn là nghi lễ hay dâng cúng (1 Sm 15:22). Nghi lễ mà không sống cho đúng là vô ích. (Người Ai Cập đôi khi cũng đồng ý như thế). Không như các thần Ai Cập (vốn cần ba bữa một ngày), Thiên Chúa của Ít-ra-en không cần ăn uống cũng như bất cứ những gì do bàn tay con người làm ra (xem Tv 50:11-13). Các nghi lễ của Ai Cập là các biểu tượng, các hành vi phù phép. Các nghi thức diễn ra trong nhà tạm và đền thờ Do Thái có mục đích giáo huấn dân về bản tính và sự thánh khiết của Thiên Chúa. Các nghi thức Ai Cập phức tạp và chỉ dành cho một thiểu số đặc biệt. Trái lại, các nghi lễ Do Thái đơn giản hơn nhiều, mục đích phần lớn là để giáo hóa cả dân lẫn các giáo sĩ.
 
Thông Báo
Thông báo về Lễ Mừng Thượng Thọ Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ tại Sydney
Lm. Paul Chu Van Chi
20:14 19/02/2009
Trong Tâm Tình tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria cũng như Thánh Nữ Têrêxa, Gia Đình Têrêxa Liên Bang Úc Châu sẽ Tổ Chức Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Thượng Thọ Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận Long Xuyên, Ngài vừa tròn 100 tuổi trong tháng 2 năm 2009. Để Cảm Tạ Hồng Ân Thiên Chúa và để nhớ ơn Ngài, Gia Đình Têrêxa Liên Bang Úc Châu sẽ tổ chức Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Thượng Thọ Ngài với chi tiết như sau:

1. Thời Gian: Thánh Lễ vào lúc 7.30 tối Thứ 6 ngày 27 tháng 2 năm 2009.

2. Địa Điểm: Tại Nhà Thờ Regina Coeli, 70 Ponyara Road, BEVERLY HILLS NSW 2209. (gần góc đường King Georges và Ponyara Rds).

Xin kính mời Anh Chị Em thuộc Giáo Phận Long Xuyên, Quý Học Trò, Quý Thân Hữu, và Gia Đình Têrêxa Liên Bang Úc Châu tới hiệp ý dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Thượng Thọ Đức Cha Micae trong dịp trọng đại này.

Nguyện Xin Thiên Chúa toàn năng, Mẹ Maria Từ Ái, và Thánh Nữ Têrêxa chúc lành cho toàn thể Quý Vị.

Trân Trọng thông báo.

Linh Mục Paul Văn Chi.

Linh Mục Joseph Nguyễn Ngọc Thụ.
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Trẻ Mãi
Trà Lũ
04:39 19/02/2009
Chuyện phiếm: TRẺ MÃI

Tết đã qua mà không khí tết vẫn còn quanh quẩn trong làng. Ông Từ Hoè, hội viên viễn cư, đã về miền Tây, nhưng bóng dáng ông vẫn như còn ẩn hiện với mọi người. Người nhớ ông nhất là hai cô Huế. Hai công nương này lúc nào cũng nói: Người mô mà dễ thương chi lạ !

Sở dĩ dân làng mê và nhớ ông Từ Hoè là vì sau tết ông còn ở nán lại với mọi người một tuần và làm thêm nhiều việc kỳ diệu. Trước khi tiễn ông về miền tây, dân làng đã làm một bữa ăn tiễn đưa. Bữa này do Chị Ba Biên Hòa đứng chủ bếp. Các cụ có biết Chị Ba nấu món gì không ? Chị biết dân làng đã ngấy bánh chưng bánh tét và giò chả nên chị nấu món dân giả. Chị đãi cơm trắng, cá lóc kho, dưa giá. Chao ơi, cái bữa đặc sệt Nam Kỳ này làm tôi nhớ quê hương qúa chừng. Cá lóc kho với thị nạc lưng, với nước dừa, với hột vịt, ăn với dưa giá, sao mà nó ngon làm vậy.

Ông Từ Hoè cũng xin làm thêm một món. Đó là món cá bống kho tiêu. Cái ông này đúng là thổ công Toronto. Ông tìm ra được cá bống trứng mới tài chứ. Ông bảo con cá bống trứng này chắc phải nhập cảng từ VN. Nó làm ông nhớ lại những ngày xưa đóng quân ở Đồng Tháp Mười. Đây là những con cá nhỏ bằng ngón tay út, chúng bám vào đám rễ lục bình trôi trên sông, chúng sống bằng bọt bèo lục bình nên trong ruột không có chất dơ. Dân Đồng Tháp chỉ cần quơ lưới dưới bè lục bình là bắt được chúng dễ dàng. Vì trong bụng không có chất dơ nên không cần mổ bụng cá, ta chỉ cần rửa cá sơ sơ rồi xóc muối, cho vào tã đất, thêm nước mầu, thêm chút dầu, lửa liu riu. Khi cá chín lúc đó mới cho tiêu. Ông vừa rắc tiêu vào tã cá vừa cười khà khà: Hạt tiêu nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất hết mùi thơm. Bây giờ sắp bắt tã cá ra, tôi mới cho tiêu là vậy. Đây là bí quyết làm món cá thơm nhức mũi. Mà không phải ông xài hạt tiêu đã xay sẵn. Ông bảo hạt tiêu xay sẵn sẽ mất mùi thơm nhanh chóng. Khi nào ăn mới xay. Chịu ông quá.

Cụ B.95 thấy Chị Ba kho cá lóc, ông Từ Hoè kho cá bống, cụ liền làm một nồi canh Bắc Kỳ: canh rau đay nấu với cua. Quê hương VN là đây, trong cái bếp thân yêu này, đâu phải tìm ở xa.

Cả làng thấy cơm nóng canh sốt đã nấu xong liền ngồi vào bàn ngay. Ai cũng ăn uống xì xụp, thật là thân tình và vui quá sức. Trong lúc mọi người đang mải mê ăn, ông Từ Hoè lên tiếng: bữa ăn ngon thế này mà nếu có thêm chuyện cười thì độ ngon sẽ tăng lên gấp bội. Tôi xin mở đầu. Đây là chuyện liên hệ tới việc đón tết ngày xưa ở quê nhà. Chuyện như thế này: Tại một gia đình kia, bà vợ thì tíu tít chuẩn bị đón khách, nào pha trà, nào têm tràu. Bà thấy ông chồng cứ đủng đỉnh như không chuẩn bị gì cả, liền nói: Này ông, khách khứa sắp tới, ông định cứ mặc quần xà lỏn để tiếp khách sao ? Ông chồng ngày đầu năm bị vợ trách tức qúa liền đáp: Ừ, tôi định mặc quần xà lỏn để cho mọi người thấy bà đã nuôi tôi thế này. Bà vợ không phải tay vừa liền nói: Nếu ông đã nói vậy thì ông nên cởi luôn quần xà lỏn ra để thiên hạ thấy ông có xứng đáng được tôi phụng dưỡng không !

Cả làng bò ra cười, nhất là phe liền ông.

Anh John được hứng liền giơ tay xin phụ họa: Chuyện này gốc ở VN, khi nó sang tới Canada thì nó biến thái, như sau: Có một cặp vợ chồng cao niên đã tới tuổi xin được tiền già. Bà vợ tỏ vẻ băn khoăn. Bà nói với chồng: Ông đã đánh mất hết giấy tờ liên hệ tới ngày sinh thì làm sao chứng minh được tuổi già ? Ông chồng liền trả lời: Bà cứ an tâm vì tôi đã có cách. Và ngày hôm sau ông đi xin tiền giàtừ sáng sớm. Đến trưa thì cụ ông về nhà giơ cho cụ bà xem tấm ngân phiếu. Cụ bà phục qúa bèn hỏi làm cách nào mà cụ ông chứng minh được tuổi già. Cụ ông liền cười rồi đáp ngay: Khó gì ! Tôi phanh ngực ra cho nhân viên họ thấy lông ngực tôi trắng xoá, thế là họ tin ngay. Cụ bà phục qúa, nhưng rồi lại nói, giọng tiếc rẻ: Sao ông không phanh luôn phiá dưới cho họ thấy mức độ tàn phế để họ cấp dưỡng thêm ?

Phe liền ông cười như phá. Phe các bà cười bò lăn bò càng, đấm nhau thùm thụp. Không khí ăn tết của làng tôi vui thế đấy các cụ ạ.

Trong bữa ăn ai cũng tấm tắc khen món cá lóc của Chị Ba làm chị sung sướng qúa chừng. Chị bảo đầu năm mà được khen thế này chắc chị sẽ hên cả năm. Nhân ăn món cá lóc, ông Từ Hoè lại miên man sang con cá này. Ông bảo ngày xưa quê nhà ăn món cá lóc nướng xỏ cành tre hay nướng bẹ chuối sao mà nó ngon thế. Chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế ngơ ngác, không hiểu món cá xỏ cành tre và ốp bẹ chuối là món gì, ông Từ Hoè cười ha ha rồi nói ngay: Hai món này chỉ ở đồng quê mới có. Con cá lóc bự bắt được dưới đìa đem lên bờ, không phải đánh vảy mổ bụng gì cả, ta lấy một cành tre vót nhọn, thọc từ miệng cá đến đuôi rồi đem nướng trên lửa hồng. Ta trở qua trở lại cho chín đều, bao giờ thấy da cá nứt nẻ tươm mỡ ra là biết cá chín tới. Tuốt con cá ra khỏi cành tre, đem đặt vào đĩa. Lấy đũa trấn trên lưng cá, tự nhiên lớp da cá vảy cá tróc ra, ta có một con cá trắng ngần, thơm ngát nóng hổi. Ta bèn cuốn bánh tráng, rau sống, củ kiệu, chuối chát, chấm với mắm nêm. Ôi món ăn đồng quê sao mà ngon thế. Đó là món nướng xỏ cành tre. Còn một cách nướng cá khác cũng hấp dẫn lắm. Con cá lóc tươi để nguyên, không phải đánh vảy mổ bụng gì cả. Ta lấy bẹ chuối tươi ốp cá lại, rồi cột một sợi kẽm chung quanh, rồi phủ rơm khô đốt lên. Rơm chóng tàn nên ta đốt nhiều lượt. Khi nào thấy bẹ chuối tóp lại và thấy mỡ cá tươm ra, đó là dấu cá chín. Ta cũng làm như cá nướng cành tre ở trên, bày lên đĩa, cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm. Món này nhậu với la de củ kiệu thì ngon quên chết.

Sau phần chuyện cá lóc thì làng tôi chuyển sang đề tài con trâu. Năm con trâu mà, đâu đã hết chuyện. Ông ODP đố mọi người chữ Hán gọi con trâu là gì. Ai cũng đáp là ‘ngưu’. Ông đồ ODP lắc đầu. Ngưu là con bò. Con trâu cũng họ nhà bò nhưng vì con trâu ưa đầm mình dưới nước nên để phân biệt trâu với bò, người ta dùng tên ‘thủy ngưu’ để gọi con trâu. Người Mỹ thấy ta có lý qúa nên mới bắt chước ta mà gọi con trâu là ‘water buffalo’ là thế. Ông ODP lại cười ha ha rồi đố câu thứ hai: Con trâu cả đời chỉ ăn cỏ ăn rơm, suốt đời ăn chay, không hề biết đến miếng thịt, tại sao con trâu lại khoẻ thế ? Cả làng chịu. Ông ODP đặt ra câu hỏi mà cũng chịu luôn, ông cũng không tìm ra câu trả lời. Các cụ có biết tại sao không, xin mách cho làng tôi với.

Rồi làng chuyển sang phần tin thời sự. Anh John vui vẻ thuyết trình ngay. Rằng tin nổi bật trong tháng là lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Hoa Kỳ Obama. Cả thế giới theo dõi. Điểm nổi bật nhất trong khối triệu triệu người ăn mừng là khối dân da đen. Hoa Kỳ qủa thật là một nước dẫn đầu về dân chủ. Tổ tiên họ nội của Obama đâu có gốc Hoa Kỳ, thế mà dân Hoa Kỳ vẫn chấp nhận. Tổng thống Obama tuổi con trâu nha. Ngày lễ tuyên thệ sao mà thời tiết lạnh thế. Nghe nói Thượng nghị sĩ Kennedy đã bị cảm lạnh và phải vào bịnh viện ngay.

Ông ODP phụ họa: Vì nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu theo năm dương lịch nên buổi lễ nhậm chức phải vào mùa đông, chứ giá mà lễ nhậm chức vào mùa xuân thì đẹp biết bao. Cũng vì lễ nhậm chức vào mùa đông nên lịch sử ghi là Tổng thống William Harrison vì đọc diễn văn dài mà lại đứng giữa trời giá lạnh nên ông bị cảm sưng phổi nặng và đã quy tiên sau đó một tháng. Nghĩ cũng buồn cười về các bài diễn văn nhậm chức, có tổng thống chỉ nói ngắn gọn có chút xíu như Tổng thống George Washington năm 1793, bài diễn văn dài có 135 chữ. Có tổng thống thì nói dài như Tổng thống William Harrison năm 1841 trên đây, bài diễn văn những 8,445 chữ !

Tin thời sự sốt dẻo tiếp theo là quốc gia đầu tiên mà tân tổng thống Obama sẽ thăm là nước Canada. Tổng thống Mỹ nào nhậm chức xong cũng đều xuất hành phương bắc. Phương bắc chính là láng giềng Canada. Đây là một truyền thống tốt đẹp đã lâu đời, tổng thống Mỹ nào cũng giữ, trừ tổng thống Bush. Ông Bush đã xuất hành phương nam, đi thăm Mexico thay vì phương bắc, do vậy mà lâu nay Canada không có thắm thiết lắm với ông Bush.

Đó là tin tức thời sự nổi cộm. Còn nhiều tin tức khác cũng đặc biệt và mang mầu sắc rất Canada. Như bà Jackie Nash ở tỉnh bang Saskatchewan ở miền trung Canada vừa kiện chính quyền đã bắt và giết ba con chó của bà. Cảnh sát đã bắt 3 con chó vì chúng chạy nhông ngoài đường và không có bảng đeo cổ. Vì chủ nhân là bà Nash thì đang ăn tiền xã hội nên cảnh sát sợ bà không có đủ tiền nộp phạt. Tòa án đã cho bà Nash thắng kiện, và chính quyền đã phải bồi thường.

Tin tiếp theo là sở cảnh sát ở Vancouver tháng qua đã phải hoá trang đóng kịch để bắt cướp. Số là lâu nay ở thành phố miền tây Canada này nhiều người già đi lạng quạng trên đường phố thường bị bọn cướp giật đồ, nạn nhân thường bị té và bị thương. Tháng qua, hai viên chức cảnh sát đã phải hóa trang thành hai ông già loạng choạng trên đường để nhử bọn xấu. Kết quả là hai vị cảnh sát đóng vai ông già đã bắt được 10 tên cướp.

Trên đây là tin từ miền tây và trung tây Canada. Bây giờ là tin Toronto, cũng liên quan tới an ninh. Cuối năm 2008 vừa qua, cơ quan cảnh sát Toronto đã mở chiến dịch ‘Amnesty’, đổi súng lấy qùa. Quý vị có súng có đạn, qúy vị cứ đem tới sở cảnh sát, cảnh sát sẽ không hỏi lý lịch tên tuổi qúy vị. Cứ trao súng, cảnh sát sẻ thưởng máy ảnh. Kết quả là cảnh sát đã thu được hơn 1,900 khẩu súng và 58,217 băng đạn đủ loại. Sẽ đỡ được bao nhiêu tội ác và án mạng. Cảnh sát Toronto khôn qúa chứ.

Tin cuối cùng là tin ở Montréal, miền đông. Đó là viẹc thành phố này sắp ra luật cấm các người biểu tình che mặt. Quý vị đã có can đảm xuống đường biểu tình thì phải có can đảm công khai lộ diện. Cảnh sát sẽ tôn trọng tự do và giữ an ninh cho qúy vị biểu tình, nhưng đễ tránh những vụ bạo động và quá khích, chính quyền phải biết mặt quý vị. Hợp lý qúa.

Trên đây toàn tin về an ninh, chắc các cụ nghĩ Canada lộn xộn lắm phải không ạ ? Không đâu. Canada vừa được liệt kê trong danh sách 10 quốc gia an toàn và có mức sống hạnh phúc nhất thế giới.

Cộng đồng VN tại Canada đông tới 200 ngàn. Kỳ tết, nơi nào cũng hội chợ, vui vẻ qúa chừng.

Rồi dân làng xin nghe chuyện thời sự VN. Việc này phải nhờ tài của Ông ODP. Ông liền cười hề hề, chắc ông nhiều chuyện lắm đây. Quả đúng như vậy. Ông kể chuyện bạn thân của ông mới về VN. Khi sang lại Canada, ông bạn đã kể cho ông nghe mấy chuyện VN, nghe như tiếu lâm mà không phải tiếu lâm chút nào.

Bạn ông kể rằng đây là một bản tóm lược tình trạng đất nước:

.. . Đảng chỉ tay, Quốc Hội giơ tay, Mặt Trận vỗ tay, Chính phủ ra tay, Doanh nghiệp nhà nước ngửa tay, Công ty hữu hạn ngoặc tay, Công An còng tay, Tội phạm bắt tay, Báo chí chùn tay, Trí thức phủi tay, Đồng đội cụt tay, Quan chức đầy tay, Dân chúng trắng tay.. .

Nếu bạn còn ngơ ngác chưa hiểu gì cả, tin gì mà toàn tay, xin mời bạn đọc bài phiếm về To với Nhỏ ở VN, như sau:

.. . Việt Nam là một nước rất nhỏ nhưng lại có thủ đô rất to.
Trong thủ đô rất to lại có những con đường rất nhỏ.
Trong những con đường rất nhỏ lại có những biệt thự rất to.
Trong những biệt thự rất to lại có những cô vợ rất nhỏ.
Những cô vợ rất nhỏ này lại dành riêng cho các quan chức rất to.
Các quan chức rất to này lại có những cái cặp rất nhỏ.
Những cái cặp rất nhỏ lại chứa những dự án rất to.
Dự án rất to nhưng hiệu qủa lại rất nhỏ.
Tuy hiệu quả rất nhỏ nhưng công quỹ lại thất thoát rất to.
Những thất thoát rất to này lại được coi la những lỗi rất nhỏ.
Ôi những to những nhỏ làm toàn dân lo.


Dân làng tôi nghe xong hai bài tường trình của ông ODP thì ai cũng nhếch mép cười chứ không cười xòa. Ai cũng thấy xót xa trong lòng. Đất nước VN thân yêu của chúng ta bây giờ vậy sao ? Làm sao bây giờ ?

Ông ODP lại lên tiếng. Ông bảo bây giờ ở Saigon có một câu ca dao mới, thoạt nghe thì thấy vô vị, nhưng nghe xong, suy thêm nột chút thì thấy câu ca dao này tầm bậy qúa. Xin mời các bạn nghe thử rồi cho biết cái tầm bậy nằm ở chỗ nào:

Bát hồ bát cháo bát cơm
Bát cơm bát cháo còn hơn bát hồ.


Hồ là một loại cháo nước thật lỏng, không có nhiều chất dinh dưỡng, mà chỉ có chất dẻo để ta làm keo dán., hoặc làm cho vải cứng láng. Trong ba bát trên đây thì hồ kém chất lượng nhất.

Đọc lần thứ nhất theo giọng Bắc Kỳ thì ta thấy cái nghĩa ‘bát hồ’ là như thế. Nhưng nếu đọc theo giọng Nam Kỳ thì ta thấy nó khác. Cái khác này làm ta bỗng giật mình. Thế này nha: Người Bắc phát âm rất rõ phụ âm cuối –t và –c, nhưng người Nam phát âm phụ âm cuối –t giống y như phụ âm cuối-c, ‘người Việt làm việc’được phát âm là / người diệc làm diệc /.

Từ cái phát âm sai –t biến ra –c, bát hồ biến ra bác hồ. Cái gì vậy cà ? ta như nghe một quả bom nổ. À, cái anh Nam kỳ này dám mang tên Bác Hồ ra xỏ xiên:

Bát cơm bát cháo còn hơn Bác Hồ !

Anh John nghe đến đây liền lên tiếng bênh tiếng Nam của vợ ngay. Anh nói: Chẳng riêng gì dân Nam Kỳ xỏ xiên Bác Hồ, mà có một người Bắc Kỳ chính cống, rất nổi tiếng trong văn đàn vừa công khai xúc phạm Bác. Đó là nhà văn nữ Dương Thu Hương. Bà này được tôi luyện trong trường văn ở miền Bắc, được Đảng huấn luyện thành cây viết chống Mỹ, chống Miền Nam. Nhưng sau 1975, vào tới miền Nam, bà mở mắt. Bà không những bỏ Đảng mà còn quay ra chống Đảng chửi Đảng kịch liệt. Bao nhiêu cái xấu cái gian dối của Đảng bà đem ra ánh sáng hết. Bà xin được tỵ nạn ở Paris. Sau 15 năm nghiên cứu các hồ sơ bên Pháp, bà vừa cho xuất bản cuốn ‘ Đỉnh Cao Chói Lọi’, bản Pháp văn tên là ‘Au Zenith’. Trong cuốn này bà phanh phui hết đời tư xấu xa của Bác.

Ôi, cái bà họ Dương Bắc Kỳ này kỳ qúa. Năm xưa nhà văn Vũ Thư Hiên đã phanh phui rồi mà, nay bà cậy có thêm tài liệu nên bà đem ra tung hê hết phải không ? Phiền qúa !

Phe các bà nghe đến đây đều than nhức đầu và xin tiếng cười để giải tỏa sự căng thẳng. Anh H.O. liền lên tiếng phụ họa. Anh bảo: Xin bác Từ Hoè cho nghe một chuyện tiếu lâm nào mà bác cho là hay nhất xưa nay. Bác có chuyện tiếu lâm Canada nào hay không ? Theo ý tôi thì chỉ có chuyện tiếu lâm VN là hay, chứ tiếu lâm Canada dở ẹc, nhạt thếch.

Bị nói khích, ông Từ Hoè liền nổi máu văn nghệ. Ông giao hẹn trước: Bữa nay còn trong tuần lễ tết nha bà con, tôi được phép kể bất cứ thứ chuyện cười nào nha. Chuyện này gốc Canada, như thế này.

Có anh chị Canada kia yêu nhau tha thiết và đang trên đường tiến đến hôn nhân. Anh là kỹ sư cơ khí, tên Tom. Chị là kỹ sư tin học, tên Jane. Bữa đó là ngày sinh nhật của anh Tom, chị Jane liền mời anh tới nhà đãi tiệc. Anh Tom diện bộ đồ đẹp nhất, tay cầm một gói qua đắt tiền, mặt tươi như hoa, dáng vẻ yêu đời vô cùng. Tới cửa nhà người yêu, anh hồi hộp bấm chuông. Chị Jane mặt mũi cũng tươi như hoa ra mở cửa. Anh vừa bước vào nhà thì bị chị bịt mắt ngay. Chị thắt cái khăn rất chặt rất kỹ quanh mắt anh và giao hẹn là anh không được mở ra cho tơi khi chị cho phép. Anh bị bịt mắt và dẫn vào bàn ăn. Anh được chị kéo ghế cho ngồi. Vừa lúc đó thì điện thoại ở phòng khách reng. Chị xin lỗi chạy ra trả lời. Trước khi đi, chị bắt anh hứa danh dự là ngồi im không nhúc nhích. Anh xin hứa.

Trong lúc chị líu lo nói chuyện điện thoại thì cái bụng của anh bắt đầu chuyển động. Cái gì thế này ? Thôi, hỏng rồi. Đĩa hạt đậu nướng anh ăn trước khi đến đây bây giờ nó đang làm loạn. Sao nó lại sôi sục trong bụng thế này? Ui cha, khó chịu qúa. Ui cha, nó đòi xì ra. Anh vẫn còn nghe cô bạn cười nói khúc khích ở phòng khách. Nàng vẫn còn bận nói chuyện. Thôi thì thế này. Mình phải cho nó xì ra cho nhẹ bụng. Anh nghĩ anh ngồi một mình, cô bạn ở tận phóng khách, do đó anh vẹo mông, nhếch chân lên. Một quả bom đã nổ, sức công phá mãnh liệt. Ngào ngạt một vùng. Chính anh cũng không chịu được cái hơi này. Anh quơ tay và lấy được cái khăn ăn. Anh dùng nó làm quạt. Anh quạt hơi ngạt cho nó bay đi chỗ khác. Thật là quá sức. Anh ngồi thẳng người lại. Mà cái gì nữa thế này. Hơi trọng bụng vẫn còn nặng nề. Ui cha, nó đòi giải phóng tiếp. Thôi cũng đành. Lần này anh vẹo mông bên trái, nhếch chân bên trái. Một quả bom ngạt thứ hai nặng kí đã nổ tiếp theo. Cũng thât là quá sức. May quá, em Jane vẫn còn mải mê với điện thoại. Anh ngồi ngay ngắn trở lại, và không quên tiếp tục dùng cái khăn ăn làm quạt.

Mãi rồi không khí trong lành mới vãn hồi. Vừa lúc đó em Jane trở lại bàn ăn. Sau khi kiểm soát lại khăn bịt mắt, biết là anh đã giữ lời hứa, em mới hô lớn tiếng: một, hai, ba ! Tức thì vòng khăn được tháo ra. Và cái gì thế này, một màn hợp ca Happy Birthday được cất lên. Và cái gì thế này ? Chu cha, trước mặt anh là bố mẹ và hai cô em của Jane. Thế nghĩa là sao ? Chúa ơi. Thế nghĩa là tất cả bố mẹ và hai cô em gái của Jane đã ngồi đây từ đầu, ngồi im lặng, và đã chứng kiến cảnh ném bom và cam chịu hơi ngạt của hai quả bom tạ của anh ! Anh gục đầu xuống bàn. Anh muốn được biến đi ngay lập tức.

Kể đến đây rồi ông Từ Hoè tuyên bố hết chuyện.

Cả làng vỗ tay rồi quay ra bình luận về câu chuyện. Ai dám bảo chuyện cười Canada không hay ? Hay chứ. Quả là bạo. Quả là lạ. Quả là buồn cười.

Ông Tư Hoè hỏi cả làng: Nếu bạn là anh Tom thì bạn sẽ phản ứng ra sao trong hoàn cảnh này ?

Chị Ba Biên Hoà đáp: Tui uýnh cho em Jane một bạt tai rồi chạy biến ra cửa thoát thân ! Các cụ thì sao ? Anh Tom phải làm sao đây ? Chà, khó xử qúa chứ.

Sau khi cười ngặt nghẽo, cô Cao Xuân phát biểu: Lời khuyên rút ra từ chuyện này, là trước khi đi dự tiệc, ta chớ có xơi món hạt đạu nướng, và khi dự tiệc ta chớ để cho ai bịt mắt.

Cụ B.95 cười mãi không thôi. Cụ cười chảy cả nước mắt nước mũi. Mãi rồi cụ mới nói nên lời: Cái Bác Từ Hoe này đã trọng tuổi, trên đầu đã hai thứ tóc, mà lòng bác còn trẻ quá. Ông Từ Hoè đáp ngay: Cụ nói đúng, lòng tôi không già bao giờ. Chú Paul em kết nghĩa của tôi mới tặng tôi câu thơ này:

Soi gương thì thấy mình già,
Soi lòng lại thấy mình là thanh niên


Không khí Tết vẫn còn, xin kính chúc các cụ trẻ mãi không già, đặc biệt cái đầu và cõi lòng. Một ông bạn vừa gửi cho tôi bài thơ chúc tết, lơi thơ nổ quá. Xin được chuyển tới các cụ thay vì pháo:

Ngàn lần như ý
Vạn lần như mơ
Triệu lần bất ngờ
Tỷ lần hạnh phúc.


Trân trọng.
 
Con Một Mẹ Sao Biển
Nguyễn Đức Hạnh Nhuần
13:39 19/02/2009
Nắng dọi sân những gai
Đá sỏi hột ngắn dài
Banh một quả lăn lóc
Loạng choạng chân miệt mài

Có hòn đá ném ngang
Lã chã rụng trái bàng
Hỗn độn đầu nhau cụng
Ngấu nghiến - chiều vội tàn

Giếng đá hẹp thật sâu
Lẻ tẻ lủng chiếc gầu
Lắm tay hì hục múc
Xối vội đủ ướt đầu

Mắm bốc thoang thoảng mùi
Dăm quả cà cắp chui
Cơm khô cay ớt trộm
Nuốt vội, đũa ngậm ngùi

Tội muôn tội lẫn nhau
Xanh tức tưởi mái đầu
Thầm thì kinh sớm tối
Hỡi bạn, giờ chốn đâu

Bao năm đã thế rồi
Ngỡ đành vậy thì thôi
Mà gặp nhau thổn thức
Kỷ niệm gói bồi hồi

Rồi tay nắm mặt mừng
Ngượng nghịu mắt rưng rưng
Tóc bạc cười hơn trẻ
Hả hê như đã từng

Vét vun về chốn này
Ký ức mòn góp xây
Đậm thay tình huynh đệ
Mẹ ơi, chúng con đây

(Thân mến tặng anh em chủng sinh Sao Biển)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Con Suối Mùa Đông
Lm. Trần Cao Tường
18:15 19/02/2009

CON SUỐI MÙA ĐÔNG



Ảnh của Cao Tường (ở Smoky Chimney)

Tình thương của Người

suốt đời nọ đến đời kia

trên những kẻ kính sợ Người.

(Luca 1:50)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền