Ngày 16-02-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Mùng Hai Tết 17/2/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:50 16/02/2018
Bài Ðọc I: Hc 44,1.10-15

"Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ."

Bài trích sách Huấn Ca.

Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.

Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

Ðó là lời Chúa.

Bài Ðọc II: Ep 6,1-4.18.23.24

"Hãy tôn kính cha mẹ. Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này".

Bài trích thư của Thánh Phaolô Tông Ðồ các gửi tín hữu thành Êphêsô.

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin. Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.

Ðó là lời Chúa.

Câu xướng trước Phúc Âm

Hạnh phúc thay người nào kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương chúc phúc.

Phúc Âm: Mc 7,1-2. 5-13a

"Hãy thảo kính cha mẹ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước.

Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?"

Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì chúng dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy".

Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, người đó phải chết". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được, nay tôi muốn nó trở thành Corban (nghĩa là của dâng cúng)", rồi các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau".

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tự sắc Imparare a congedarsi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đặng Tự Do
00:45 16/02/2018
Hôm 12 tháng 2, Đức Thánh Cha đã ký ban hành một Tông Thư dưới dạng Tự Sắc có tên là Imparare a congedarsi, nghĩa là “Học cách nói lời tạm biệt” liên quan đến việc từ chức vì lý do tuổi tác của các Giám Mục trên thế giới.

“Việc kết thúc một chức vụ trong giáo hội cần phải được coi là một phần không thể tách rời của sứ vụ đó, vì nó đòi hỏi một hình thức mới của thái độ sẵn sàng”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như trên trong lời giới thiệu của Tự Sắc này

Những thái độ nội tâm

Đức Thánh Cha đã đưa ra một suy tư về những thái độ nội tâm nhất định là điều cần thiết cho những vị phải đối mặt với việc từ chức vì tuổi tác, cũng như đối với những vị mà chức vụ của các ngài cần phải được kéo dài do những nhu cầu thực tế. Ngài mời gọi những vị chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo hãy “phân định qua lời cầu nguyện cách sống trong giai đoạn sắp tới, và lập ra một dự án mới cho cuộc sống.”

Đối với những vị có thể được yêu cầu phục vụ thêm sau hạn định nghỉ hưu (75 tuổi), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “quyết định này không phải là đương nhiên, nhưng đó là một hành động cai quản, và do đó đòi hỏi đức tính thận trọng trong việc đưa ra một quyết định phù hợp”. Khi một vị được yêu cầu một cách ngoại lệ tiếp tục việc phục vụ trong một thời gian dài hơn thì “tình trạng này không thể xem là một đặc ân, hay một chiến thắng cá nhân, hoặc một ân huệ xuất phát từ sự đòi buộc của tình bạn hay một quan hệ gần gũi nào đó, và cũng không phải là một sự thưởng công vì đã làm việc hữu hiệu. Những sự gia hạn như thế chỉ nên hiểu là vì những lý do liên hệ tới công ích của Giáo Hội”. Dịp này, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị đã quảng đại từ bỏ những dự phóng mới riêng của các ngài để tiếp tục phục vụ Giáo Hội.

Dù vẫn duy trì nội dung của sắc lệnh Rescriptum ex audienia ban hành ngày 3 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài muốn đưa ra một số sửa đổi cho điều 2 của văn kiện đó, như sau: “Việc thôi giữ các chức vụ mục vụ nói trên chỉ có hiệu quả từ thời điểm điều này được chấp thuận bởi thẩm quyền hợp pháp. “

Những thay đổi

Với Tự Sắc này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra hai thay đổi đối với các đạo luật trước đây:

Thứ nhất, sau khi nộp một lá thư xin từ chức, người đó vẫn giữ chức vụ cho đến khi nhận được “thông báo chấp nhận đơn từ chức” hoặc “thông báo gia hạn chức vụ”, “trong một khoảng thời gian cụ thể hoặc không được xác định, sẽ được thông báo cho đương sự” (Điều 5). Điều này là một sự thay đổi đối với điều 189 triệt 3 của Bộ Giáo Luật và điều 970 triệt 1 của Bộ Giáo Luật dành cho các Giáo Hội Đông phương, trong đó quy định một thời gian nhất định là ba tháng.

Thứ hai, những người đứng đầu các cơ quan của Giáo triều Rôma, mà không phải là Hồng Y, cũng như các vị giám chức khác đang nắm giữ các chức vụ tại Tòa Thánh hoặc các vị Đại diện của Đức Giáo Hoàng không tự động ngừng giữ chức vụ khi tròn 75 tuổi. Thay vào đó, các vị phải đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha và ngài “sẽ quyết định sau khi đánh giá theo từng hoàn cảnh cụ thể” (Điều 2 và 3).

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tự Sắc rằng ngài “nhận thức được sự cần thiết phải cập nhật các quy tắc về thời gian và phương thức từ chức khi đạt đến độ tuổi giới hạn.” Và ngài viết rằng những gì ngài quy định “chỉ được đưa ra sau các cuộc thảo luận cần thiết.”.
Source: Vatican News Motu Proprio: Learning How To Resign
 
Đại Hội Thánh Mẫu dưới chân tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới
Đặng Tự Do
04:07 16/02/2018
Hàng năm, vào đầu tháng Hai, người Công Giáo Bolivia lại tề tựu bên dưới chân tượng Đức Mẹ cao nhất thế giới để cử hành Đại Hội Thánh Mẫu. Tượng Đức Mẹ ở đây được kể là cao nhất trần gian này, cao hơn cả tượng Chúa Kitô được làm bằng nguyên một khối đá tại Rio de Janeiro và tượng Chúa Kitô Hoà bình ở Cochabamba, Bolivia.

Bức tượng Đức Mẹ cao 45.4m của thành phố Oruro, được đặt nằm trên đỉnh một ngọn núi cao 3657m ở phía nam thủ đô La Paz của Bolivia, nhìn xuống bao quát toàn bộ khu vực. Bức tượng Đức Mẹ ở đây cao hơn bức tượng Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc của thành phố Rio de Janeiro đến 6.7m. Người Boliavia gọi tượng này là Virgen de la Candelaria, nghĩa là Nữ Vương những người thợ mỏ, là những người thường xuyên kêu cầu Mẹ Thiên Chúa ban ơn cho các khoáng sản trong khu vực đừng bao giờ cạn kiệt.

Lễ hội kính Đức Mẹ được UNESCO công nhận
Lễ hội được bắt đầu vào ngày 2 tháng 2, là sự kiện văn hoá lớn nhất trong năm được diễn ra ngay bên dưới chân tượng. Truyền thuyết kể rằng vào năm 1789, một bức tranh phù điêu của Đức Trinh Nữ Maria xuất hiện một cách kỳ diệu trong một giếng nước ở mỏ bạc giàu sản lượng nhất của Oruro. Kể từ đó, mỗi năm các tín hữu ăn mặc y phục truyền thống rước kiệu dài đến năm cây số, khiêu vũ, múa hát và quỳ lạy trước bức ảnh Đức Trinh Nữ được đặt trong đền thánh được xây dựng tại giếng nước này. Sự sùng kính Đức Mẹ này mạnh mẽ đến nỗi lễ hội Oruro được ghi vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể của UNESCO vào năm 2008.


Tượng đài tưởng niệm

Tình cảm của người dân đối với Đức Mẹ đã khiến các nhà chức trách dân sự quyết định xây dựng vào năm 2009 một bức tượng khổng lồ để phản ánh tầm vóc lòng tôn kính của người dân. Có ít nhất 110 người lao động làm việc trên tượng đài này, có chiều cao bằng chiều cao của một tòa nhà 9 tầng. Bức tượng trình bày Đức Mẹ chân đạp mặt trăng, tay bồng Hài Nhi Giêsu bên tay trái của Đức Mẹ và bên tay phải, Đức Mẹ cầm một ngọn nến. Cấu trúc này được thiết kế để chịu được các chuyển động địa chấn, các cột thôi lôi cũng như các đèn an toàn cũng được lắp đặt để máy bay và máy bay trực thăng không đâm vào.

Ở tầng trệt của bức tượng Đức Trinh Nữ là một nhà nguyện dành cho các tín hữu đến cầu nguyện. Trong khi đi lên các tầng trên, du khách có thể chiêm ngưỡng thành phố với một tầm nhìn toàn cảnh rất ngoạn mục, và khung cảnh này còn ngoạn mục hơn nữa trên các tầng trên cùng nơi 140 ngôi sao được xếp dọc theo lớp áo choàng của Đức Mẹ. Mỗi ngôi sao là một cửa sổ từ đó du khách có thể có một tầm nhìn ngoạn mục hướng về thành phố La Paz. Cho đến nay, bức tượng Đức Mẹ trên núi Oruro là tượng đài tôn giáo cao nhất ở Mỹ Latinh.



Source: Aleteia This statue of the Virgin Mary is taller than Christ the Redeemer
 
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem cương quyết chống lại việc đánh thuế các tài sản của Giáo hội
Đặng Tự Do
04:43 16/02/2018
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Jerusalem đã chính thức yêu cầu chính quyền thành phố Jerusalem thu hồi lại tuyên bố của họ về việc áp đặt thuế địa phương đối với các tài sản của Giáo hội.

Một tuyên bố được công bố vào hôm Thứ Tư Lễ Tro của các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội tại Jerusalem nói rằng ý định áp đặt thuế địa phương lên các Giáo hội mâu thuẫn với tương quan lịch sử giữa các Giáo hội và các cơ quan dân sự trong nhiều thế kỷ qua.

Tuyên bố nhấn mạnh rằng các quan chức dân sự đã luôn luôn nhìn nhận ra và tôn trọng những đóng góp to lớn của các Giáo hội Kitô như việc đầu tư hàng tỷ Mỹ Kim xây dựng các trường học, bệnh viện và nhà cửa cho người cao niên và những người chịu thiệt thòi ở Thánh Địa.

Tuyên bố nhận xét rằng việc đóng thuế đối với các Giáo hội phá hoại tính cách thiêng liêng của thành Giêrusalem, và gây nguy hiểm cho khả năng của các Giáo Hội trong việc thực hiện sứ vụ của mình trên mảnh đất này thay mặt cho các cộng đồng và các Giáo Hội trên toàn thế giới.

Các Thượng Phụ và các nhà lãnh đạo các Giáo hội tại Jerusalem, vì thế, chính thức yêu cầu chính quyền địa phương rút lại tuyên bố của họ và bảo đảm rằng nguyên trạng hiện tại đã được lịch sử phân định phải được duy trì, và đặc tính thánh thiêng của Thành Thánh Giêrusalem phải được tôn trọng. Tuyên bố này được ký bởi mười ba vị thủ lãnh của Giáo hội và cộng đồng Kitô hữu hiện diện tại Jerusalem.


Source: Vatican News Church leaders in Jerusalem say no to the taxation of Church properties
 
Năm năm đã qua, Đức Phanxicô được ca ngợi về việc nối vòng tay lớn, nhưng bị chỉ trích về việc giải quyết tai tiếng giáo sĩ lạm dụng
Vũ Văn An
16:52 16/02/2018
Theo Christopher White của tạp chí Crux, thứ Ba vừa qua, 13 tháng 2, 2018, một số chuyên gia Công Giáo đã tụ họp nhau tại Đại Học Georgetown để duyệt lại 5 năm từ ngày Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng.

Nói chung, các chuyên gia trên ca ngợi việc nối vòng tay lớn của ngài về mục vụ và việc ngài thúc đẩy Giáo Hội tiếp cận thế giới hiện đại một cách tích cực hơn, nhưng họ cho rằng mọi sự có cơ nguy bị lu mờ đi nếu ngài không giải quyết hữu hiệu tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội.



Chủ đề cuộc gặp gỡ là “Nhân Tố Phanxicô lúc Năm Năm: Suy Tư và Đối Thoại” do trung tâm Initiative on Catholic Social Thought and Public Life (Sáng Kiến về Tư Tưởng Xã Hội Công Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng) của Đại Học Georgetowm đứng ra tổ chức, một trung tâm, mà theo Chủ Tịch John DeGoia, từng đem 15,000 cá nhân tới Đại Học này trong 5 năm qua để hiểu rõ hơn về đời sống của Giáo Hội.

Buổi gặp gỡ bắt đầu với bài suy tư của linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, chủ bút tờ La Civiltà Cattolica và là một trong các cố vấn thân cận nhất của Đức Phanxicô. Tiếp theo là cuộc thảo luận với sự tham dự của Greg Erlandson, chủ bút hãng tin Catholic News Service, Nữ Tu Norma Pimentel, giám đốc chấp hành của cơ quan Catholic Charities of the Rio Grande Valley, và Kirsten Powers, bình luận gia chính trị của CNN và giữ 1 mục của tờ USA Today, và được sự điều hợp của John Carr, giám đốc chấp hành của Initiative.

Nền ngoại giao thương xót hoàn cầu và các liên hệ Vatican-Trung Hoa

Cha Spadaro bắt đầu bài thuyết trình bằng cách nhận định rằng Đức Phanxicô bác bỏ “việc chạm trán giữa các nền văn minh” và trình bày một cái nhìn tổng thể về điều cha gọi là “nền ngoại giao bệnh viện dã chiến” vốn bắt nguồn từ một viễn kiến hoàn cầu về tình liên đới giữa các quốc gia được ngôn ngữ thương xót gợi hứng.

Đối với Cha Spadaro, các cuộc tông du của Đức Phanxicô cho thấy các ưu tiên của triều giáo hoàng của ngài: ngài tới những nơi nổi tiếng vì “các vết thương toang hoác” của họ.

Dựa trên các cuộc tông du Cairo, Bê Lem, Nam Hàn, Miến Điện, Bangladesh, và biên giới Mỹ Mễ, Cha nói: “các cuộc tông du cho phép Đức Giáo Hoàng rờ vào các vết thương toang hoác bằng chính đôi tay của ngài, thực hiện một cử chỉ có tính trị liệu”.

Đề cập vấn đề nóng bỏng nhất của nền ngoại giao Vatican vào lúc này, Cha Spadaro nói đến các động thái đang được bàn luận sôi nổi liên quan tới việc bình thường hóa mối liên hệ giữa Trung Hoa và Tòa Thánh.

Từ khi đảng Cộng Sản nắm chính quyền ở Trung Hoa năm 1949, Giáo Hội ở đấy bị chia thành điều người ta quen gọi là “Giáo Hội hầm trú” và Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa do nhà nước điều khiển. Trong khi Tòa Thánh và Trung Hoa không có liên hệ ngoại giao từ năm 1951, người ta đang đồn rằng một thỏa hiệp về việc bổ nhiệm giám mục sắp sửa được công bố.



Các nhà phê bình vốn cho rằng Vatican đang qụy lụy nhà nước Trung Hoa, trong khi nhiều người khác ca ngợi động thái này là cơ hội lịch sử để rao giảng Tin Mừng và là một cơ may giúp nhiều người Công Giáo hơn thực hành đức tin của họ với nhiều tự do hơn.

Cha Sparado nói rằng: “Đức Phanxicô đang đi cùng một con đường như Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, cố gắng tìm cách đối thoại hữu hiệu với các nhà cầm quyền Trung Hoa”.

Cha cho biết thêm: “một số người đang nêu câu hỏi liệu có thể chấp nhận được việc cấp quyền phong chức giám mục cho Chính Phủ Trung Hoa hay không. Câu hỏi này hoàn toàn sai lầm. Đấy không phải là nội dung của thỏa thuận. Nói như thế là nói sai. Giáo Hội không muốn từ bỏ thẩm quyền phong chức giám mục”.

Cha nói tiếp: “lịch sử Giáo Hội là lịch sử tìm kiếm các thoả thuận với các nhà cầm quyền chính trị về việc bổ nhiệm các giám mục. Trong các thỏa thuận hiện nay với một số nước dân chủ Tây Phương, ta thấy vẫn còn các qui định nói về quyền phủ quyết của các chính phủ đối với việc bổ nhiệm các giám mục. Ở khoảng 12 quốc gia trên thế giới, chính phủ dân sự vẫn có quyền được tham khảo hoặc thậm chí được giới thiệu”.

Theo Cha, “cho nên, đây không phải là vấn đề duy trì sự đối kháng kinh niên giữa các nguyên tắc và cơ cấu chống đối nhau, mà là tìm ra các giải pháp mục vụ thực tiễn giúp các người Công Giáo sống đức tin của họ và tiếp tục công trình rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh chuyên biệt của Trung Hoa”.



Cha Spadaro cho biết: dưới thời Đức Phanxicô, Giáo Triều Rôma hành xử như một cột ăng-ten, nghĩa là “có khả năng vươn tới với những con người và những quốc gia giúp Đức Giáo Hoàng có thể lắng nghe thế giới và các nhu cầu của nó”.

Nối vòng tay lớn với các khu ngoại vi

Một trong các chủ đề lớn của triều giáo hoàng Phanxicô là việc nhấn mạnh rằng Giáo Hội phải chú tâm tới những khu ngoại vi cả theo nghĩa vật lý lẫn nghĩa hiện sinh, hơn là những khu trung tâm.

Ông Erlandson cho rằng ông tin Đức Phanxicô được các vị Hồng Y bầu năm 2013 để lên khuôn khổ lại cho việc Giáo Hội bắt tay với thế giới chung quanh.

Ông nói rằng các Hồng Y cử tri đi tìm “một loại nhà lãnh đạo khác, một người không bị mắc kẹt vì các lo lắng và vấn đề nội bộ của Giáo Hội, nhưng biết cố gắng thúc đẩy Giáo Hội đi ra ngoài và bắt tay với thế giới” theo kiểu các triều giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI hợp lại với nhau.

Bà Powers cũng có cùng những tâm tư như thế và bà cho hay trong lãnh vực truyền thông của bà, Đức Phanxicô “đã làm cho Giáo Hội trở thành có liên quan bằng một cách chưa bao giờ có trước đây nơi những con người duy tục”. Bà cho biết các phản ứng của bà trong những ngày đầu tiên của triều giáo hoàng Phaolô, lúc thế giới vẫn còn đang cố gắng hình dung ra Jorge Mario Bergoglio là người thế nào, “như thể đang ngắm nhìn Chúa Giêsu” vậy.

Được Ông Carr gọi là “vị nữ tu ưu ái của Đức Giáo Hoàng”, Nữ Tu Pimentel nói việc Đức Phanxicô nhấn mạnh đến gặp gỡ đã nhắc Giáo Hội nhớ ra sao rằng “chúng ta là một gia đình”.

Đức Phanxicô đã đơn cử Nữ Tu Pimentel trong một buổi yết kiến ảo năm 2015 và ca ngợi bà đã chào đón các di dân tại biên giới Mỹ Mễ.

Ngài nói rằng “Cha muốn cám ơn con. Và qua con, cám ơn mọi chị em thuộc các dòng tu ở Hoa Kỳ về công việc các con đã và đang thực hiện ở Hoa Kỳ…Đức Giáo Hoàng nói thế có thích đáng không? Cha yêu tất cả các con rất nhiều”.

Nữ Tu Pimentel nói rằng căn cứ vào bản chất việc bà làm, điều chủ yếu đối với bà là là xây dựng các mối liên hệ vững chắc với các di dân, cũng như các viên chức kiểm soát biên giới và các viên chức đô thị.

Bà cho hay triều giáo hoàng Phanxicô xác nhận “chúng tôi đang làm đúng” trong việc bắc cầu.

Bà nói thêm: “Có cảm giác được chứng thực. Người thuộc cộng đồng La Tinh cảm thấy hài lòng được trở nên thành phần của Giáo Hội nhờ 1 vị giáo hoàng biết hỗ trợ và khuyến khích chúng tôi và nói với chúng tôi”.

Lạm dụng tình dục, cải tổ, và đối kháng

Theo Bà Powers, trong khi Đức Phanxicô được ca ngợi nhiều về việc nối vòng tay lớn mục vụ, thì vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục “đang treo lơ lửng trên di sản của ngài và thực sự có nguy cơ hoàn toàn xóa sạch hết mọi chuyện”.

Tiếp theo cuộc tông du Chile của ngài vào tháng trước, Đức Phanxicô đang bị vây khốn bởi nhnữg lời tố cáo xử sự không khéo vụ Đức Cha Juan Barros của giáo phận Osorno. Đức Cha Barros là người được che chở bởi Cha Fernando Karadima, người bị kết tội lạm dụng tình dục. Các nạn nhân của cha vốn tố cáo Đức Cha Barros biết chuyện lạm dụng nhưng cố tình che đậy.



Để trả lời, Tòa Thánh đã phái vị điều tra hàng đầu về lạm dụng tình dục, là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna của Malta, qua Chile để điều tra thêm về vụ việc.

Bà Powers cho rằng “bạn phải lắng nghe các nạn nhân và coi trọng họ… nếu có việc phải chọn lựa ở đây, thì ưu tiên phải dành cho các nạn nhân”.

Ông Erlandson thì cho rằng tình huống ở Chile là một vụ “PTSD” (post traumatic stress disorder = rối loạn do căng thẳng hậu chấn thương) vì nhiều người Công Giáo Hoa Kỳ vẫn đang quay cuồng vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Ông nói: “tôi thực sự nghĩ rằng việc phái Đức Tổng Giám Mục Scicluna… một người có thành tích hết sức gây ấn tượng… là một động thái tốt, nhưng sẽ không đủ. Tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng, người vốn là bậc thầy về cử chỉ và bậc thầy về thương xót và cả tha thứ nữa, tôi nghĩ, ngài sẽ tìm cách đích thân giải quyết tình thế”.

Ngoài việc lạm dụng tình dục, Ông Erlandson nói việc đề kháng đối với triều giáo hoàng Phanxicô còn xoay quanh tông huấn năm 2016 của ngài, tựa là Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) trong đó có mở ra khả thể hạn chế cho phép người Công Giáo ly dị tái hôn được rước lễ.

Ông cho hay một số các quan tâm này không trực tiếp nhắm vào Đức Giáo Hoàng, nhưng nhắm vào “những người có thể đứng cùng hàng với ngài, muốn đi tới những điều mà chính Đức Giáo Hoàng không nhất thiết có ý định đi”

Bất chấp sự chống đối, Ông Erlandson bác bỏ nỗi sợ có ly giáo, coi đây là “ngôn từ gây khiếp sợ” mà người Công Giáo không nên lắng nghe.

Bà Powers thì cho rằng những người phê phán Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều là những người bảo thủ “lẫn lộn chính trị với thần học”. Theo bà, Đức Phanxicô nên thách thức các người Hoa Kỳ thuộc mọi khuynh hướng chính trị và bà nêu bài diễn văn của ngài trước lưỡng viện Quốc Hội năm 2015 làm điển hình.

“Nếu bạn là người Công Giáo thực sự, bạn thực sự không thể trở thành một người ý thức hệ, và do đó, Giáo Hội Công Giáo không xếp hàng theo đảng nào cả. Nó không hề làm thế. Điều này làm ngài trở thành người đôi khi nói 1 điều xúc phạm đến người Dân Chủ và đôi khi xúc phạm đến người Cộng Hòa”

Bất chấp các tranh cãi, và sự không chắc chắn về hướng đi của những vấn đề tín lý đặc thù hay cách đáp ứng đối với việc lạm dụng tình dục, buổi gặp gỡ đã kết thúc ở chỗ Cha Spadaro bắt đầu tức tập chú vào chủ đề thương xót của Đức Phanxicô.

Ông Erlandson cho hay: bất cứ triều giáo hoàng Phanxicô có 1 tương lai ra sao, ông hy vọng sứ điệp thương xót của ngài sẽ không bị người ta quên lãng. Ông nói: “điều tôi yêu thích nhất đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thể hiện trong năm thương xót. Than phiền duy nhất của tôi là đáng lẽ nó nên kéo dài hai năm”.

Săn lùng phù thủy

Nhưng người ta rất sợ Ông Erlandson không hiểu rõ sứ điệp thương xót của Đức Phanxicô. Sứ điệp ấy không phải chỉ áp dụng cho một phía, cho một số người, mà phải áp dụng cho mọi con người theo mẫu mực mà Đức Kitô đã nói rõ trong các sách Tin Mừng: Thiên Chúa cho mưa cho nắng trên cả kẻ lành lẫn kẻ dữ!



Người ta có cảm tưởng con người thời nay đa số chỉ biết xót thương nạn nhân lạm dụng tình dục mà quên rằng những kẻ lạm dụng tình dục cũng đáng được thương xót, vì đơn giản họ cũng là nạn nhân của một nền văn hóa quá đề cao thỏa mãn cá nhân. Chỉ biết thương xót một phía đang biến xã hội ta thành một xã hội chuyên “săn lùng phù thủy”.

Phù thủy đúng là một sự ác cần diệt trừ, nhưng não trạng “săn lùng phù thủy” thì hình như có mùi không hay ho cho lắm. Từ điển mở Wikipedia định nghĩa sự kiện “săn lùng phù thủy” như sau: săn lùng phù thủy là việc săn lùng những người bị dán nhãn hiệu “phù thủy” hay có bằng chứng hành nghề phù phép, đôi khi mang dáng dấp hốt hoảng tinh thần hay điên loạn tập thể.

Thời gian săn lùng phù thủy cổ điển ở Âu Châu đầu thời cận đại và thời khai phá Bắc Mỹ diễn ra khoảng năm 1450 tới năm 1750… kết quả có khoảng từ 35,000 tới 100,000 vụ xử tử. Nếu tính cả các vụ xử tử bất hợp pháp và kiểu “tiền trảm hậu tấu” nữa thì con số tròm trèm 200,000 “phù thủy” bị tra tấn, thiêu sống hay treo cổ trong thế giới Tây Phương trong khoảng từ năm 1500 tới năm 1800.

Có người còn cho con số trên lên đến 500,000, thậm chí 1,000,000 vụ hoặc hơn. Mà phần lớn nạn nhân đều thuộc giai cấp thấp về kinh tế. Hai tác giả Scarre và Callow miêu tả như sau: “một phù thủy đặc trưng là vợ hay góa phụ một lao công nông nghiệp hay một tá điền nhỏ, và bị tai tiếng là người có bản chất hay cãi nhau và hay gây hấn”.

Với 1 mô tả như thế và bầu khí hốt hoảng và điên loạn tập thể, chắc chắn việc săn lùng trên là điều không đáng duy trì. Các xã hội Phương Tây đã chấm dứt nó từ lâu. Tuy nhiên tại các nước chậm tiến, nó vẫn còn được duy trì ở một số nơi. Chính vì thế, Liên Hiệp Quốc đã chính thức coi việc này là một vi phạm nhân quyền khổng lồ.

Nhưng não trạng “săn lùng phù thủy” thì vẫn còn đó, và nó mang nhiều hình thức khác nhau. Một trong các hình thức ấy lấp ló phía sau phong trào tố cáo lạm dụng tình dục và kiện cáo trừng phạt hiện nay, đến độ coi những người lạm dụng không còn phải là những con người, để ta có quyền kết tội trước khi công lý kết tội họ.

Điều ấy dễ hiểu đối với những ai khác, chứ nói đến thương xót, thì “săn lùng phù thủy” không hề có trong ngữ vựng của Đức Phanxicô.
 
George Weigel: Những đề nghị mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đã từng bị Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 bác bỏ
Đặng Tự Do
18:03 16/02/2018
Ông George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ, và phần tiếp theo của nó, The End and Beginning, là tài liệu về những thất bại của chính sách Ostpolitik từ các tài liệu đã từng được mật vụ cộng sản phân loại là tuyệt mật.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định rằng những đề nghị mà Trung Quốc đưa ra hiện nay đã từng bị Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 bác bỏ. Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ bài viết của ông.

Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể xem tại đây:


Pope Francis Is Playacting Realpolitik

Trong những tuần gần đây, nhiều nhà quan sát đã rất hoang mang, và một số thật sự ngã lòng, bởi những gì dường như là một thỏa thuận sắp xảy ra giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thỏa thuận này sẽ thừa nhận một vai trò quan trọng của chế độ Cộng sản Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo La Mã ở Trung Quốc, như một bước đi trên con đường dẫn đến mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh. Nhiều câu hỏi đã được nêu ra về một thỏa thuận như thế.

Tại sao Vatican lại tin tưởng vào bất cứ thỏa thuận nào với một thế lực độc tài, mặc dù đã có những kinh nghiệm không vui chút nào trước đó với Mussolini của Ý và Hitler của Đế Chế Đệ Tam, cả hai đều đã vi phạm một cách có hệ thống những thoả thuận của chúng với Toà Thánh?

Tại sao các nhà ngoại giao của Vatican (và thậm chí cả chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô) đã bác bỏ ngoài tai những lời cảnh báo từ bên trong Trung Quốc, và từ giám mục về hưu của Hương Cảng, là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, về những tác động tiêu cực của một thỏa thuận như vậy đối với những người Công Giáo Trung Quốc vẫn trung thành với Rôma chứ không phải là với cái Hiệp hội Công Giáo yêu nước được chính quyền bảo trợ?

Tại sao Giáo hội lại vi phạm chính bộ Giáo Luật của mình (theo đó “không trao quyền hay bất cứ đặc ân nào liên quan đến các cuộc bầu cử, bổ nhiệm, tiến cử, hoặc bổ nhiệm các giám mục cho các quan chức dân sự”) như một bước tiến nhằm trao đổi ngoại giao đầy đủ với một chế độ thường xuyên vi phạm nhân quyền, quá thường khi với một sự tàn bạo kinh hoàng?

Điều gì thúc đẩy sự theo đuổi không mệt mỏi của các nhà ngoại giao Vatican đối với quan hệ ngoại giao giữa Toà Thánh và Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua?

Trả lời những câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải quay lại ba thời điểm trong lịch sử: đầu tiên là năm 1870, rồi đến năm 1929, và cuối cùng là năm 1962.

Vào năm 1870, khi lực lượng của phong trào Risorgimento của Ý chiếm được Rôma và biến nó thành thủ đô của một nước Ý thống nhất, những di tích cuối cùng của nước Đức Giáo Hoàng cũ (từng bao gồm toàn bộ miền trung nước Ý) đã biến mất, và Đức Giáo Hoàng Piô thứ Chín đã phải quy ẩn sau bức tường Leonine, xem mình như “Tù Nhân tại Vatican”. Tòa Thánh, mà theo luật pháp quốc tế và tập quán ngoại giao quen thuộc từ lâu, đã được công nhận là hiện thân pháp lý của vai trò mục tử toàn thể Giáo Hội Công Giáo, tiếp tục gửi và nhận các đại sứ ngay cả khi Tòa Thánh chẳng còn bất kỳ lãnh thổ nào để thực hiện một thứ chủ quyền được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, bốn vị Giáo Hoàng kế nhiệm Đức Piô đã cố gắng đạt được thỏa thuận với nhà nước Ý tân lập ngõ hầu có thể bảo đảm sự độc lập của Đức Giáo Hoàng với tất cả các quyền lực trần thế.

Mục tiêu đó cuối cùng đã đạt được bởi Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11 qua Hiệp ước Latêranô vào năm 1929, tạo ra Quốc gia Thành Vatican độc lập trên một mảnh đất 108 mẫu tây quanh Đền Thờ Thánh Phêrô.

Nhưng dù Hiệp ước Latêranô bảo đảm sự tự do của Đức Giáo Hoàng trong việc thực thi sứ vụ toàn cầu của mình mà không bị can thiệp bởi một quốc gia khác, việc hạn chế lãnh thổ chủ quyền của Đức Giáo Hoàng trong phạm vi thành phố Vatican đã nhấn mạnh rằng, trong tương lai, nền ngoại giao Tòa Thánh sẽ phải tập trung vào việc thực hiện thẩm quyền luân lý của Đức Giáo Hoàng chứ không thể xem là các công cụ hữu hình thông thường của quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, hầu hết các dịch vụ ngoại giao của Vatican xem ra chẳng nắm bắt được ý nghĩa của Hiệp ước Latêranô. Thay vào đó, có vẻ như các chuyên gia về chính sách đối ngoại này vẫn tiếp tục nghĩ rằng Toà Thánh mới/ Quốc gia thành Vatican vẫn giống như Toà Thánh cũ/ Nước Đức Giáo Hoàng là quyền lực thứ ba ở châu Âu. Và khi bản thân Ý trở thành một diễn viên lu mờ dần trong chính trị thế giới, các nhà ngoại giao Ý của Đức Giáo Hoàng đã mưu tìm một vai trò quan trọng cho “Rôma” trên sân khấu toàn cầu, hành xử trong một hệ thống như thể một thứ cường quốc thứ ba khác.

Sau đó đến tháng 10 năm 1962. Người ta đã không chú ý đúng mức đến sự kiện là việc khai mở Công đồng Vatican II – một cuộc họp kéo dài bốn năm của tất cả các giám mục Công Giáo trên thế giới đã trở thành sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Công Giáo kể từ phong trào Cải cách và đặt nền tảng cho vai trò hiện tại của Công Giáo như một định chế chủ yếu trong việc đề cao và bảo vệ nhân quyền - đã trùng hợp chính xác với cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và đoàn ngoại giao Vatican đã bị chấn động trầm trọng trước khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân có nguy cơ kết thúc sớm Công Đồng Vatican II nên các vị đã nghĩ ra một sự chuyển hướng sâu xa trong chính sách ngoại giao của Vatican đối với thế giới cộng sản Châu Âu. Điều này được biết đến với cái tên là Vatican Ostpolitik, và đại diện chính của nó là một nhà ngoại giao của Vatican, Đức Tổng Giám Mục Agostino Casaroli.

Chính sách Ostpolitik của Đức Tổng Giám Mục Casaroli, được bắt đầu trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (1963-1978), nhằm mục đích tìm ra một modus non moriendi, một “con đường để không chết” (là cụm từ Đức Tổng Giám Mục Casaroli thường nói) cho Giáo Hội Công Giáo sau bức màn sắt. Để có thể bổ nhiệm các giám mục, là những vị có thể truyền chức linh mục và do đó duy trì đời sống bí tích hay đời sống thiêng liêng của Giáo hội dưới các chế độ vô thần, Vatican đã kết thúc những luận điệu chống lại cộng sản tiêu biểu cho chính sách ngoại giao trong những năm 1950, loại bỏ các giáo sĩ cao cấp từ chối không nhượng bộ bất cứ điều gì đối với các chế độ cộng sản (như Đức Hồng Y Jozsef Mindszenty của Hung Gia Lợi và Đức Hồng Y Joseph Beran của Tiệp Khắc), dập tắt bất kỳ vai trò công khai nào của các nhà lãnh đạo Công Giáo lưu vong như Đức Hồng Y Josyf Slipyj, kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân hầm trú ngừng các hoạt động chống lại các chế độ cộng sản tại địa phương, tập chú vào việc tìm kiếm các hiệp định với các chính phủ cộng sản. Một tiền đề hình thành nên sự trở mặt đáng kể này là luận cứ cho rằng những luận điệu chống lại cộng sản của Vatican trước đó đã khiến cho các chế độ cộng sản khủng bố Giáo hội; người ta giả định rằng nếu Vatican tỏ ra thân thiện hơn (từ thông dụng là “đối thoại”), thì một sự dịu giọng như thế sẽ được [cộng sản] hồi đáp.

Tình hình đã không xảy ra như thế. Và dưới bất kỳ một đánh giá khách quan nào, chính sách Ostpolitik của Casaroli là một thất bại - và trong một số trường hợp là một đại thảm hoạ.

Tại Rôma, chính sách này đã cho phép các cơ quan tình báo Đông Âu thâm nhập sâu xa vào Vatican. Đại thảm hóa phản gián này (ngày nay đã được ghi nhận đầy đủ từ các nguồn tài liệu gốc [của các chế độ cộng sản Trung - Đông Âu]) đã đẩy các nhà ngoại giao của Giáo hội xuống một vị trí yếu thế hơn nữa trong các cuộc đàm phán với các đối tác cộng sản của họ, là những kẻ biết quá rõ kế hoạch của Vatican nhờ công việc của các tiểu tổ và các cá nhân cung cấp thông tin được cài khéo léo bên trong Giáo triều Rôma.

Tại các quốc gia được cho là những nước được hưởng lợi chính từ chính sách Ostpolitik, không có cải thiện nào có thể coi là kết quả của lề lối ngoại giao con thoi của Casaroli, và trên thực tế nhiều thiệt hại đã xảy ra. Hàng Giáo Phẩm Công Giáo Hung Gia Lợi đã trở thành một công ty mà nhà nước Hung Gia Lợi sở hữu 100% vốn, điều đó có nghĩa là đảng cộng sản Hung Gia Lợi nắm hết toàn bộ. Sự đàn áp tăng lên tại miền đất lúc đó còn gọi là Tiệp Khắc, với các tổ chức giả danh Công Giáo thân thiện với chế độ được biểu dương mạnh mẽ trước công chúng trong khi các giám mục và linh mục hầm trú phải làm việc như những người bảo vệ, những thợ sửa cửa sổ, sửa chữa thang máy, để có thể lặng lẽ thực thi sứ vụ của mình vào ban đêm.

Chính sách Ostpolitik chẳng làm được gì để cải thiện tình hình của người Công Giáo ở Liên bang Xô viết: Giáo Hội Công Giáo Đông phương của Ukraine vẫn là cộng đồng tôn giáo bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới, và các nhà lãnh đạo bất khuất của Công Giáo Litva đã phải cong lưng làm các công việc khổ sai trong các trại lao động cưỡng bách.

Tuy nhiên, chính sách Ostpolitik không có ảnh hưởng nghiêm trọng ở Ba Lan. Đức cố Hồng Y Stefan Wyszynski và Đức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám mục Krakow, đã gật đầu lịch sự trước các cuộc thăm viếng của các nhà ngoại giao Vatican nhưng vẫn tiếp tục đối đầu với nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan với những cuộc biểu tình mạnh mẽ của công chúng vì các ngài nghĩ rằng điều cần thiết là phải bảo tồn vững vàng không gian tự do của Giáo hội trong một nhà nước cộng sản. Chính chiến lược đó lại giúp củng cố cộng đồng Công Giáo lớn mạnh nhất trong khối Xô viết, mặc dù chính sách Ostpolitik của Vatican đã làm suy yếu hầu hết các Giáo hội địa phương ở các quốc gia trong khối Hiệp ước Warsaw.

Khi Đức Wojtyla được bầu làm giáo hoàng vào năm 1978, lấy tên là Gioan Phaolô II, chính sách Ostpolitik Casaroli lặng lẽ bị chôn vùi - mặc dù Đức Gioan Phaolô đã bổ nhiệm Casaroli làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh của ngài, để tạo ra một chiến thuật gây hỏa mù. Casaroli sẽ tiếp tục công việc ngoại giao con thoi của ông ta tại Đông và Trung Âu. Nhưng điều đó, Đức Gioan Phaolô hiểu là sẽ tạo ra một tấm bình phong hữu ích để ngài có thể sử dụng loa phóng thanh của giáo hoàng thách thức mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền của cộng sản trong các cuộc hành hương của ngài trên khắp thế giới, đáng chú ý nhất là chuyến viếng tông du đầu tiên của ngài trở lại Ba Lan vào tháng 6 năm 1979 và sau đó vào tháng 10 năm đó từ diễn đàn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chiến lược hai hướng này là một công cụ trong việc khơi dậy cuộc cách mạng lương tâm đã hình thành nên cuộc Cách mạng năm 1989 và tiến trình tự giải phóng các miền Đông và Trung Âu khỏi chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên, những bài học rút ra từ tất cả những điều này - rằng chính sách Ostpolitik đã thất bại bởi vì việc nhượng bộ các chế độ độc tài cộng sản và các chế độ độc tài khác không bao giờ có hiệu quả, và rằng thẩm quyền duy nhất và thực sự mà Tòa Thánh và Đức Giáo Hoàng có trong chính trị thế giới ngày nay là thẩm quyền luân lý – đã không được những người thừa kế của Agostino Casaroli học hỏi, nhiều người trong số họ là những người có ảnh hưởng trong ngành ngoại giao Vatican ngày nay. Tại Học viện Giáo hoàng về Giáo Hội tại Rôma, chính sách Ostpolitik vẫn được giới thiệu với các nhà ngoại giao tương lai của Vatican như là một mô hình thành công, và ở bất kỳ cấp độ nào trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chẳng có một nhà trí thức nào nhắc đến các bằng chứng cho thấy những thất bại của chính sách ngoại giao Casaroli.

Cuộc bầu cử Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Buenos Aires vào cương vị Giáo Hoàng vào tháng 3 năm 2013 đã không làm thay đổi bộ máy lãnh đạo “Casarolian” trong tư tưởng ngoại giao của Vatican. Hoàn toàn ngược lại là đàng khác. Đức Bergoglio đã mang đến triều giáo hoàng của ngài một kỷ lục đối kháng chế độ độc tài Kirchner ở Á Căn Đình quê hương của ngài, trong đó ngài đã can dự vào một số vấn đề. Nhưng ngài không có kinh nghiệm về chính trị thế giới, và ngay từ đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nói rõ rằng ngài tin rằng “đối thoại”, có lẽ là từ ưa thích của ngài khi nói về các vấn đề quốc tế, có thể có tác dụng với những người như Vladimir Putin, Bashar al -Assad, Nicolás Maduro, và Raúl Castro.

Vì thế, dưới thời Đức Phanxicô, phương pháp Casaroli cho nền ngoại giao Vatican đã được hoan hô trở lại, trong khi các thành tựu thay đổi thế giới của Đức Gioan Phaolô II, kết quả của sự lãnh đạo tinh thần có sức lôi cuốn, xem ra đã bị các nhà ngoại giao cao cấp của Giáo hội phớt lờ. Và một kết quả của sự trở lại [phương pháp Casaroli] này là một bước tiến mới với Trung Quốc, là quốc gia mà những nhà ngoại giao cao cấp người Ý của Vatican coi như là một thế lực đang lên như diều trên thế giới nên cần phải xem là một “đối tác”.

Đức Gioan Phaolô và người kế nhiệm ngài là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã có thể đạt được một thỏa thuận như những gì đang được Bắc Kinh đề xuất hoặc một điều gì đó tương tự như vậy. Nhưng cả hai đều bác bỏ, bởi vì các ngài biết rằng đó không phải là một bước tiến mang lại tự do hơn cho Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc nhưng là một bước hướng tới sự phục tùng nặng nề hơn của người Công Giáo đối với chế độ Cộng sản Trung Quốc, đó là một sự phản bội những người Công Giáo bị bách hại trên khắp Trung Quốc, và là một trở ngại cho tương lai truyền giáo ở Trung Quốc. Cả hai vị cũng có thể đã cân nhắc rằng bất kỳ việc trao đổi ngoại giao chính thức nào của Vatican đối với Bắc Kinh cũng sẽ dẫn đến hệ lụy là phải chấm dứt mối quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là nền dân chủ Trung Hoa đầu tiên trong lịch sử - và đó sẽ là một dấu chỉ rất xấu đối với phần còn lại của thế giới trước cam kết thực hiện học thuyết xã hội Công Giáo của Vatican.

Chính sách ngoại giao của Vatican ngày nay đang dựa vào những nền tảng rất lung lay và không an toàn - và đang dựa vào những hoang tưởng của những nhà ngoại giao Ý rằng Tòa Thánh ở thế kỷ 21 có thể hành xử trên trường quốc tế như thể vào năm 1815, khi Đức Hồng Y Ercole Consalvi, nhà ngoại giao chủ yếu của Đức Piô VII, là một diễn viên quan trọng tại Hội Nghị Vienna. Những nền tảng lung lay và hoang tưởng đó không phải là đơn thuốc cho một nền ngoại giao thành công. Đó là một đơn đặt hàng cho những thất bại cả trên hai phương diện ngoại giao và giáo hội, mà kết quả trước mắt là thỏa thuận hiện đang được cổ võ giữa Vatican và Trung Quốc.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Giao thừa 2018
Văn Minh
10:22 16/02/2018
“Hạnh phúc sẽ thuộc về người nào biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”

Đó là tâm tình chia sẻ của cha xứ Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ Giao thừa diễn ra lúc 21g00 thứ Năm, ngày 15.02.2018, do ngài chủ sự. Tham dự trong Thánh lễ, có quý thầy ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn, quý soeur, là những người con của giáo xứ nhân dịp được nghỉ Tết về bên gia đình cùng đông đảo cộng đoàn trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, đại diện quý vị trong HĐMVGX, các đoàn thể cùng các em trong Ban Lễ sinh rước cha chủ tế từ ngoài sân vào trong ngôi thánh đường hòa trong bài hát “Lời dâng trong phút Giao thừa” do ca đoàn Cêcilia hợp xướng.

Đầu lễ, cha Gioakim nhấn mạng đến sự yếu đuối mỏng dòn của con người nói chung và của linh mục nói riêng. Đồng thời, mời gọi cộng đoàn hiệp lời cầu nguyện cho ngài trở nên xứng đáng hơn trong thiên chức linh mục của mình.

Trong phần giảng lễ, cha Gioakim chia sẻ cùng cộng đoàn: Trong giờ phút thiêng liêng sắp bước sang năm mới, chúng ta cùng nhau quy tụ về ngôi thánh đường thân thương này để tạ ơn Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không, cùng muôn loài vạn vật. Đồng thời, chính Ngài đã ban cho mỗi gia đình và cho mỗi người chúng ta những ơn lành trong suốt một năm qua. Gia đình là cái nôi của sự sống, là mái ấm của tình thương bao dung và hiệp nhất. Dẫu có gặp phải những khó khăn, thử thách trong cuộc đời, chúng ta hãy vững một lòng trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra, chúng ta còn phải quan tâm và giúp đỡ lần nhau như Lời Đức Giêsu đã truyền dạy: “Hạnh phúc sẽ thuộc về người nào biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thơi - Chủ tịch, thay mặt cộng đoàn giáo xứ lên ngỏ lời tạ ơn Chúa, cảm ơn cha xứ Gioakim, quý thầy, quý soeur, cách riêng, đối với chính quyền các cấp đã tạo điều kiện cho giáo xứ sinh hoạt trong năm vừa qua, cùng mọi thành phần dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ thật sốt sắng; và bó hoa tươi thắm gói ghém tâm tình của những người con được em Lễ sinh dâng lên vị mục tử trong tiếng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Đáp lời, cha xứ Gioankim cảm ơn và chúc cho cộng đoàn giáo xứ được nhiều hồng ân, và luôn cộng tác cùng ngài trong mọi công việc. Qua đây, ngài cũng ước mong trong năm mới này, mỗi người tuy theo khả năng của mình ra phục vụ giáo xứ, và giúp cho các em thiếu nhi trong giáo xứ tinh thần cũng như vật chất ngày được tốt đẹp hơn.

Thánh lễ khép lại lúc 22g15, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an từ cha chủ tế và ra về trong niềm vui được biểu lộ trên nét mặt mỗi người.
 
Thánh lễ Minh Niên cầu bình an cho năm mới 2018 tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột
Vũ Đình Bình
11:06 16/02/2018
Mùa Xuân đã về trên quê hương, tỏa hương Xuân trên mọi nẻo đường, trên từng góc phố, xua tan giá lạnh cuối đông. Mùa Xuân đã về mang sắc xuân huy hoàng, hương xuân thơm ngát, gió xuân ngọt lành. Mùa Xuân đã về ban tặng cho chúng ta sức sống mới cùng với muôn vàn ân lộc.

Xem Hình

“Trí đương no và khí Xuân đương khỏe

Nhạc đương say và rượu hãy còn thơm

Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé

Trong phút giây trân trọng của linh hồn”... (Nguồn Thơm)

Trong phút giây trân trọng của linh hồn vào buổi sáng tinh mơ của ngày đầu năm mới – Xuân Mậu Tuất, và trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa là Chúa Mùa Xuân, Cộng đoàn Giáo xứ Thánh Tâm hân hoan tụ họp về Nhà thờ Chính tòa, trước Núi đá Đức Mẹ, hiệp dâng Thánh lễ Minh Niên tán tụng Thiên Chúa và cầu xin an bình cho quê hương, cho đất nước, cho mọi người, mọi nhà.

Thánh lễ do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, (Giám Mục Phụ Tá Toronto, Canada, người con của Tây Nguyên về thăm quê), Cha GB. Nguyễn Huy Bắc (Giám đốc TTMV), Cha quản xứ Giuse Trịnh Văn Hân, Cha phó Vinh Sơn Nguyễn Hữu Mạnh, Cha Phanxico Salêsio Lê Văn La Vinh, OP và Cha Nam (Don Bosco). Tham dự Thánh lễ đầu xuân, có Quý Tu sĩ nam nữ, Quý Chức và hơn 3.000 tín hữu. Thời tiết năm nay ấm áp, khá thuận lợi nên nhiều cụ cao niên cũng có thể hiện diện, nhiều gia đình trẻ đưa cả con nhỏ đến sốt sắng hiệp thông cầu nguyện trong Thánh lễ Tạ ơn ngày đầu năm mới.

Sau bài ca nhập lễ, Đức Cha Vinh Sơn mời gọi cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến biết ơn về những ân huệ trong năm qua và xin Chúa tiếp tục phù trì trong năm mới. Trong năm qua, Giáo phận đã khai mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo phận để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa và tri ân tiên tổ, những bậc tiền nhân đã đổ mồ hôi nước mắt, hy sinh trong công cuộc truyền giáo, làm chứng cho Tin Mừng. Anh chị em tín hữu chúng ta cố gắng sống đạo tích cực hơn qua đời sống yêu thương, hiệp thông và chia sẻ. Tạ ơn Chúa trong năm qua đã hướng dẫn chúng ta đã tùy theo khả năng của mình vượt qua những khó khăn về công ăn việc làm, tương quan trong gia đình cũng như ngoài xã hội để luôn can đảm sống theo lương tâm của người con cái Chúa. Chúng ta xin Chúa và những người thân tha thứ những khuyết điểm thiếu sót trong năm cũ, để trong năm mới này, chúng ta quyết tâm sống tâm tình yêu thương nhau theo mẫu gương Thiên Chúa Cha yêu thương con người tội lỗi, theo gương Chúa Giêsu động lòng thương tất cả mọi hoàn cảnh đau thương khốn khó. Trong dịp này chúng ta cũng xin cho Giáo phận thân yêu được mọi ơn lành. Xin cho mọi thành phần trong dân Thánh biết sống thánh thiện và sống tinh thần truyền giáo. Xin cho mỗi gia đình biết sống yêu thương, thuận hòa và hạnh phúc.

Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu gợi lại nét đẹp ngày tết, ngày của xum họp, ngày của niềm vui, ngày của yêu thương. Ngài liên tưởng đến Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm 2016 của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề “Vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm và cố gắng đạt tới hòa bình”. Trong sứ điệp này Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở điều đó vì Thiên Chúa không thờ ơ lãnh đạm! Đối với Thiên Chúa, nhân loại rất quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nhân loại! Ngày nay, thái độ lãnh đạm của một số người khiến họ khép kín con tim mình hầu không lưu tâm tới những người khác; họ nhắm chặt đôi mắt mình lại để khỏi nhìn thấy những gì chung quanh, hay tránh né để những vấn đề của người khác khỏi đụng chạm tới mình, nói lên đặc điểm của một mẫu người đang tương đối phổ biến và có thể được bắt gặp trong bất cứ thời đại lịch sử nào. Nhưng trong thời đại của chúng ta, không còn phải nghi ngờ gì nữa, thái độ đó đã vượt qua lãnh vực cá nhân để tiếp nhận một chiều kích có tính toàn cầu, và phát sinh ra hiện tượng “toàn cầu hóa sự thờ ơ lãnh đạm”, qua 3 thái độ:

- Sự thờ ơ đối với Thiên Chúa,

- Sự thờ ơ đối với tha nhân,

- và sự thờ ơ đối với thế giới thiên nhiên.

Cuối bài chia sẻ, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu nói: “Trong giây phút này, trong Thánh lễ cầu bình an đầu năm mới, trong Năm Thánh mừng Kim khánh Giáo phận, nguyện chúc năm mới mạnh tốc, an hòa, vui tươi, tràn đầy phúc lộc và Ơn Chúa. Cầu chúc mọi người quyết tâm vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm hầu xây đắp nền văn hóa đồng cảm, liên đới và thương xót để sự hiện diện và gần gũi của tình yêu, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nên sống động trong lòng đời hôm nay”.

Trước khi kết lễ, ông Chủ tịnh HĐGX chúc tuổi Quý Đức Giám Mục, Cha Quản xứ, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, Quý cụ cao niên, Quý Hội đoàn và toàn thể cộng đoàn dân Chúa.

Sau Thánh lễ Đức Cha Vinh Sơn làm phép “Lộc Xuân” để phân phát cho mọi người biết sống Lời Chúa trong năm mới. Hai Đức Cha và Cha Quản xứ được mời “Khai Lộc”. Đức Cha Giáo phận rất vui khi nhận được câu Thánh vịnh 39 câu 2: “Tôi đã hết lòng trộng đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu”. Ngài nói đúng là lời cầu nguyện của ngài trong năm Kim Khánh Giáo phận xin cho mọi người trong Giáo phận được niềm vui và chia sẻ với nhau.

“Tứ thời Xuân! Tứ thời Xuân non nước

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang

Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước

Như triều thiên vờn lượn khắp không gian” (Nguồn Thơm)

Nguyện xin Chúa Xuân ban bình an cho mọi người trong năm mới này và trong Năm Thánh Giáo phận. Nguyện xin mọi người biết vượt thắng sự thờ ơ lãnh đạm để sống Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến một cách mạnh mẽ và biết yêu thương hiệp nhất với nhau trong một đoàn chiên và một chủ chiên.
 
Thánh Lễ Minh Niên Mậu Tuất 2018 tại Giáo Xứ Nhượng Nghĩa – Giáo Phận Đà Nẵng
Toma Trương Văn Ân
13:30 16/02/2018
Hòa chung niềm vui với Đất nước và các Dân Tộc vùng Viễn Đông trong ngày Tết Nguyên Đán.

Sáng Mồng Một Tết, cộng đoàn Giáo xứ Nhượng Nghĩa cùng hiệp dâng Thánh lễ: Cám ơn Thiên Chúa vì nhiều ơn lành Thiên Chúa ban cho: Thế giới, Đất nước, Dân tộc, Giáo Hội và mỗi người trong mọi hoàn cảnh, trong suốt năm qua. Đồng thời dâng lời nguyện xin Thiên Chúa ban an bình hạnh phúc, yêu thương nâng đỡ, cảm thông chia sẻ, hòa thuận bác ái…. Cho tất cả các Dân Tộc, quốc gia, gia đình, cách riêng các gia đình trẻ và mỗi người trong năm mới này.

Xem Hình

Sau Thánh lễ, cộng đoàn Giáo xứ cùng quây quần trước sân đài Đức Mẹ dâng tâm tình con thảo lên Mẹ trong ngày đầu năm. Vài tiết mục Hò vè chúc xuân mới An khang thịnh vượng, đồi dào Ân Thánh…. những vũ khúc vui tươi của các em thiếu nhi và hơn 300 bong bóng được đốt nổ thay pháo mừng Năm mới, làm tăng thêm niềm vui cho cộng đoàn.

Những bánh mứt và ly rượu chúc xuân do Ban Thường vụ Giáo xứ chuẩn bị, tạo tình thân anh chị em trong cộng đoàn, nhiều tà áo mới khoe sắc, muôn hình dáng xuân và dung nhan, như cùng chung chia niềm vui hạnh phúc, ưu tư lo lắng, hy sinh và cộng tác trong việc loan báo Tin Mứng cho anh chị em xung quanh nơi mình đang sống, đang làm việc và xây dựng Giáo Hội, cách riêng Giáo Hội địa phương là Giáo xứ…. một năm mới đầy hứa hẹn và nhờ ơn Chúa giúp, đảm bảo cho nhiều điều tốt đẹp.

Toma Trương Văn Ân
 
Tin vui cho Việt Nam ngày đầu xuân: chỉ số đau khổ vì kinh tế ở mức thấp, khá hơn cả Anh Úc Đức Tây…
Trần Mạnh Trác
13:31 16/02/2018
Chỉ số đau khổ vì kinh tế, còn được gọi là Bloomberg Misery Index cho năm 2018 được dự đoán là khá tốt cho Việt Nam, đứng hàng 99 trong tổng số 126 quốc gia (hạng số đau khổ càng ở dưới thì càng hạnh phúc hơn), chỉ thua Mỹ và Tầu có một nhích, nhưng hơn hẳn các cường quốc khác như Anh, Đức, Ức, Tây, vv và vv.

Chỉ buồn 5 phút là Việt Nam vẫn thua 2 ông bạn ở ngay sát nách: Campuchia và Lào.

Đứng đầu (tức là xếp hạng chót về đau khổ) là đương kim vô địch Thái Lan.

Có người sẽ tự hỏi những quốc gia bé nhỏ như Lào và Campuchia mà có chỉ số cao hơn cà những siêu cường giầu mạnh như Trung Hoa, Âu Mỹ ư? Xin thưa ngay, đây không phải là chỉ số về sức mạnh kinh tế mà là chỉ số về đau khổ do nền kinh tế gây ra, một nước nhỏ và yếu kém nhưng tiền tệ không lạm phát và công việc dễ tìm thì người dân cảm thấy thoải mái hơn, ít ra là trong năm đó.

Lai lịch cuả tỷ số này bắt đầu từ việc tìm cách đo lường sự ‘hạnh phúc kinh tế’ cuả người dân, ông Arthur Okun, một nhà kinh tế cuả Học Viện Brookings và là thành viên của hội đồng cố vấn kinh tế cho tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson, đã dùng 2 tiêu chí rất đơn giản là tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát để liên kết với các vấn đề kinh tế xã hội lớn hơn. Tỷ số đau khổ được tính ra từ 2 con số đó, và một hệ luận tất yếu là nếu tỷ số đau khổ mà thấp thì người dân phải cảm thấy đời sống hạnh phúc hơn,

Rồi từ năm 1970 cho đến nay, các nhà kinh tế xã hội học trên toàn thế giới đã khám phá ra đây là một tỷ số rất hữu ích cho việc tiên đoán khả năng kinh tế, mức hài lòng cuả người dân, và xa hơn nữa, tiên đoán khá chính xác sự an bình hay rối loạn cuả một xã hội trong tương lai.

Xét theo chỉ số này thì trong năm tới, Việt Nam sẽ đứng hạng 99 về đau khổ, tức là 27 về hạnh phúc, là một con số đáng nể. Tuy nhiên nếu so sánh với những năm trước (2016) thì đã có những dấu hiệu đáng lo, đó là chúng ta không khá hơn mà lại đi thụt lùi. Ước mong sao sang năm mới, cái xu hướng đó sẽ được đổi chiều.

Sau đây là chỉ số đau khổ vì kinh tế trong năm 2018.

(Hạng sồ càng nhỏ thì càng đau khổ hơn)

Hạng Quốc gia Chỉ số 2018 (dự kiến) Chỉ số 2016 (thực tế) Xếp hạng năm 2016

1............Venezuela................1993.0...............................1518.6...................................1

2............Yemen........................47.0....................................21.2....................................17

3............DR Congo..................45,3....................................19.2....................................22

4............Mozambique..............34,2....................................41.8....................................3

5............Nam Phi.....................33,4....................................33.1....................................5

6............Kosovo.......................28.4....................................27.8....................................7

7............Argentina...................28.0....................................49.6....................................2

8............Nigeria........................26.5....................................29,1....................................6

9............Ai Cập.........................26.5....................................26.4....................................9

10...........Angola........................25.4....................................39.0....................................4

11...........Haiti............................24,7....................................27,0....................................8

12...........Botswana....................23,8....................................21.2....................................18

13...........Macedonia..................23.6....................................23.5....................................13

14...........Bosnia.........................22.2....................................24,3....................................11

15...........Iran..............................22.1....................................21,5....................................16

16...........Ô-Man.........................21.4....................................18.6....................................25

17...........Hy Lạp.........................21.3....................................22,7....................................15

18...........Uzbekistan...................21.1....................................16.9....................................31

19...........Thổ Nhĩ Kỳ..................20,1....................................18.7....................................24

20...........Armenia.......................20.0....................................16.6....................................34

21...........Tunisia.........................19.6....................................19.0....................................23

22...........Zambia.........................19.2....................................25.4....................................10

23...........Ukraina.........................19.2....................................24.1....................................12

24...........Montenegro..................19.0....................................17,6....................................26

25...........Iraq................................18.5....................................16.6....................................33

26...........Jordan...........................18.4....................................14.5....................................39

27...........Ethiopia........................18.2....................................12,5....................................44

28...........Tajikistan......................18.1....................................8.4....................................74

29...........Algérie..........................17.4....................................16.9....................................30

30...........Tây Ban Nha.................17.0....................................19.4....................................21

31...........Jamaica.........................16.9....................................15.6....................................37

32...........Cộng hoà Dominica......16.9....................................14.6....................................38

33...........Albania..........................16.2....................................15.9....................................36

34...........Kenya............................16.1....................................17.3....................................29

35...........Brazil.............................15.6....................................20,2....................................19

36...........Serbia.............................15.1....................................16.4....................................35

37...........Georgia..........................14.9....................................13.8....................................41

38...........Uruguay..........................14.5....................................17,5....................................27

39...........Turkmenistan.................14.5....................................12.2....................................45

40...........Ghana.............................14.3....................................23.2....................................14

41...........Puerto Rico.....................13.4....................................11.5....................................50

42...........Belize..............................13,3....................................11.8....................................47

43...........Croatia............................12.9....................................13.9....................................40

44...........Colombia.........................12.7....................................16,7....................................32

45...........Mông Cổ..........................12.6....................................9,0....................................68

46...........Kyrgyzstan.......................12.4....................................8.1....................................78

47...........Ý........................................2,1....................................11.6....................................48

48...........Azerbaijan.......................12.0....................................17.4....................................28

49...........Costa Rica.......................11.8....................................9.5....................................63

50...........Kazakhstan.......................11.5..................................19.7....................................20

51...........Ma Rốc.............................11.5....................................11.1..................................52

52...........Cộng hoà Cyprus..............11.3...................................11.6...................................49

53...........Pakistan............................11.2....................................8.8....................................70

54...........Myanmar..........................11,0....................................10.8...................................53

55...........Bờ biển Ngà......................11,0....................................10,0..................................58

56...........Nicaragua..........................10.9....................................9.7....................................62

57...........Latvia.................................10.9....................................9.9...................................61

58...........Pháp...................................10.4....................................10.2.................................57

59...........Paraguay...........................10.4....................................11.5..................................51

60...........Li-băng..............................10.3....................................6,0.................................104

61...........Bangladesh.........................10,0....................................10,0...............................59

62...........Lithuania...............................9.9....................................8.8..................................71

63...........Estonia..................................9.9....................................6.9.................................93

64...........Bồ Đào Nha..........................9.7....................................11.8...............................46

65...........Uganda...................................9.7....................................7.7...............................83

66...........Moldova................................9.6....................................10.7...............................54

67...........Honduras................................9.5....................................9,0...............................69

68...........Phần Lan.................................9.4....................................9.2..............................65

69...........Slovakia...................................9.3....................................9.2..............................64

70...........Chi-lê.......................................9.3....................................10.3............................56

71...........Indonesia..................................9.3....................................9.1............................66

72...........Xri Lan-ca................................9.2....................................8.4............................73

73...........Ả Rập Saudi..............................9,0....................................9.1............................67

74...........Bỉ.............................................9,0....................................9.9.............................60

75...........Peru...........................................9,0....................................10.3.........................55

76...........Philippines................................8.9....................................7.3............................86

77...........Liên bang Nga..........................8.8....................................12.6.........................43

78...........El Salvador...............................8.8....................................7,6...........................84

79...........Ba Lan.......................................8.7....................................8.4...........................75

80...........Romania.....................................8.5...................................4.4...........................118

81...........Belarus.......................................8.4....................................12.6.........................42

82...........Tanzania....................................8.4....................................7.8...........................82

83...........Bulgaria.....................................8.4....................................7.2...........................87

84...........Thuỵ Điển...................................8.3....................................7.9..........................80

85...........Slovenia......................................8.2....................................8,0..........................79

86...........Canada........................................8.1....................................8.4........................72

87...........Mexico.......................................8.1....................................6.7..........................95

88...........Ấn Độ..........................................7.9....................................8.2........................77

89...........Trinidad và Tobago....................7.9....................................7,0.........................91

90...........Úc...............................................7.7....................................7,0.........................90

91...........Luxembourg................................7,5....................................6.7.........................96

92...........Bolivia........................................7,5....................................7,5..........................85

93...........Bahrain.......................................7.3....................................7.1..........................88

94...........Panama.......................................7.3....................................6.3........................99

95...........UAE............................................7.3....................................5.3........................112

96...........Áo...............................................7.2....................................7,0..........................92

97...........Đức..............................................7.2....................................6.6.........................97

98...........Vương Quốc Anh........................7.1...................................5,6.........................108

99...........Việt Nam.....................................7.1....................................5.9.........................105

100.........Guatemala...................................6.9....................................6.8.........................94

101.........Hungary......................................6.8....................................5.5........................109

102.........Ai Len.........................................6.8....................................7.9...........................81

103.........New Zealand...............................6.6....................................5.7........................107

104.........Trung Quốc.................................6.3....................................6,0.........................103

105.........Hoa Kỳ........................................6.2....................................6.2..........................101

106.........Ecuador.......................................6.1....................................7.1.........................89

107.........Malaysia......................................6,0....................................5.5.......................110

108.........Hà Lan.........................................6,0....................................6.3.........................98

109.........Malta...........................................6,0....................................5.4........................111

110.........Cộng hoà Séc..............................5.9....................................6.2.......................102

111.........Đan Mạch....................................5.7....................................4.5........................117

112.........Na Uy..........................................5,6....................................8.3..........................76

113.........Hồng Kông..................................5,6....................................5.8........................106

114.........Hàn Quốc....................................5.5....................................4.7........................116

115.........Iceland.........................................5.4....................................4.7........................115

116.........Israel...........................................5.4....................................4.2........................119

117.........Kuwait.........................................5.1....................................5.3........................114

118.........Đài Loan......................................5.1....................................5.3.......................113

119.........Lào..............................................4.3....................................3.1.......................121

120.........Thuỵ Sỹ......................................3.8....................................2,9........................124

121.........Campuchia.................................3.7....................................3.3........................120

122.........Nhật bản.....................................3.6....................................3.0........................123

123.........Singapore...................................3.4....................................1.5........................125

124.........Qatar...........................................3.3....................................3.0.......................122

125.........Brunei.........................................3.0....................................6.2........................100

126.........Thái Lan....................................2.4....................................1.2.........................126
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chuyện lạ có thật: Ông Nguyễn Thiện Nhân đi thăm Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm
Phương Trạch
19:07 16/02/2018
Chuyện lạ có thật: Ông Nguyễn Thiện Nhân đi thăm Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm

Có 2 điều lạ trong câu chuyện sau đây:

1. Bí thư TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đi thăm Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm.

2. Ông Nguyễn Thiện Nhân khuyên các sơ Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm "hãy luôn giữ vững đức tin".

Báo Một thế giới hôm nay (10/02/2018) có bài: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chúc Tết Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm”.

Theo đó: “Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động và mong Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm luôn giữ vững đức tin.

Ngày 9.2, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm (quận 2) và UBND phường An Lợi Đông (quận 2).

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động và mong Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm luôn giữ vững đức tin. Chúc các sơ năm mới mạnh khỏe, góp phần làm cho cuộc sống đồng bào bình yên nhằm chung sức xây dựng và phát triển đất nước" (1).

Khu đô thị Thủ Thiêm nằm ở bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM, có tổng diện tích 657 ha. Được chính phủ phê duyệt từ năm 1996, bán đảo này được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á.

Để đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm này, TP HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, khoảng 15.000 hộ dân đã di dời để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Trong dự án khu đô thì mới Thủ Thiêm, khu đất tại Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, và chùa Liên Trì là đích ngắm cho các quan tham lâu nay.

Cưỡng chiếm đất của nhà dòng.

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vốn là một cơ sở tôn giáo đã hiện diện trên 170 năm tại Việt Nam. Trong đó có ngôi trường trước năm 1975, tên là Trường Thánh Ana (76A, đường Nhà Thờ, Thủ Thiêm, Thủ Đức), thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Đây là cơ sở giáo dục thứ hai của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Sau khi chính quyền mới tiếp quản, đổi tên thành trưởng tiểu học Thủ Thiêm. Đến cuối năm 2011, trường tiểu học Thủ Thiêm bị giải thể. Ngay sau đó, cơ sở tôn giáo này bị biến thành trụ sở của Công An, cán bộ.

Vào sáng ngày 22 tháng 10- 2015, các nữ tu nhận thấy cơ sở giáo dục của họ trước đây đang bị vây kín lại để không thể thấy được diễn biến bên trong. Ngay từ sáng các nữ tu đã vào và gặp vị chủ tịch quận 2 và được người này nói là vào để làm cột đèn; thế nhưng sau đó thì thấy có xe cẩu đến và rồi là tiếng đập phá cơ sở.

Sau khi chiếm đất của nhà dòng này, dư luận trong và ngoài nước cực lực lên tiếng phản đối nhà cầm quyền VN lợi dụng quy hoạch để cướp đất tôn giáo.

Tổng Lãnh Sự Quán Canada tại Sài Gòn đã lên tiếng về việc nhà cầm quyền thành phố này dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm, đồng thời nói rằng đây là các di sản còn lâu đời hơn cả Canada như sau: “Có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn có dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?"(2)

Do bị dư luận trong và ngoài nước, nên kế hoạch tiếp tục cướp đất phần còn lại của nhà dòng, và phá chùa Liên Trì của nhà cầm quyền tạm dừng. Nhưng nhà cầm quyền vẫn rắp tâm cướp đất của hai tôn giáo này cho bằng được.

Về chùa Liên Trì, là ngôi chùa được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ tọa lạc tại phường An Khánh, quận 2 Sài Gòn. Từ khi xây dựng đến nay, chùa Liên Trì là nơi gắn bó với đời sống tâm linh cho bà con phật tử và cư dân Thủ Thiêm. Chùa Liên Trì là một trong số ít ỏi những ngôi chùa còn giữ được truyền thống thuần túy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất kể từ sau biến cố năm 1975. Do vị trí đắc địa nằm gần bờ sông Sài Gòn, đối diện với khu trung tâm sầm uất của quận 1 nên chùa Liên Trì nằm trong “khu đất vàng” của thành phố. Vì vậy ngôi chùa đã lọt vào tầm ngắm của những nhóm lợi ích. Với giá trị lợi nhuận cao cùng những việc công đức mà Hòa thượng Thích Không Tánh (vị trụ trì chùa) đã làm hàng chục năm qua, chùa Liên Trì trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền và họ đã quyết tâm phá bỏ.

Theo Hòa thượng Thích Không Tánh và các thầy cho biết, chính quyền sở tại đã nhiều lần tới vận động các thầy nhận tiền đền bù ban đầu là 700 triệu, sau đó là 5,4 tỷ và mới đây là 6 tỷ để di dời đến khu xa xôi hẻo lánh phía sâu bên trong bến phà Cát Lái. Tuy nhiên các thầy là những nhà tu hành, ý nguyện của các thầy là xây dựng ngôi chùa tại đây để phục vụ nhu cầu tâm linh cho cư dân khu Thủ Thiêm. Nếu chính quyền di dời chùa ra khỏi khu dân cư Thủ Thiêm thì các thầy sẽ không chấp nhận. Các thầy dứt khoát sẽ không nhận tiền đền bù để di dời chùa đi nơi khác. Là những người tu hành, nếu chính quyền sở tại phá dỡ chùa thì các thầy sẽ quyết tâm cầu nguyện xin ơn trên phù hộ độ trì.

Đến ngày 8 tháng 9/2016, lợi dụng lúc thầy Thích Không Tánh đi vắng, chính quyền TP HCM đã dùng một lực lượng lên tới 400 công an, chưa kể lực lượng an ninh vây chặn nhiều nhà hoạt động dân chủ nhân quyền tại nhà riêng, để dùng vũ lực cưỡng chế ngôi chùa Liên Trì (3).

Một ngày sau khi chùa Liên Trì bị cưỡng chế, vị Hòa thượng “thất thập cổ lai hy” này trở về, thấy cảnh chùa tan hoang. Vì quá đau xót, thầy lên cơn đột quỵ. Nhà cầm quyền cưỡng chế thầy vào bệnh viện Quận 2, và ném thầy vào khoa nhi, nằm trong một phòng riêng biệt theo cách “biệt giam”. Xung quanh dày đặc công an, người vào người ra đều bị theo dõi ghi hình lộ liễu và trắng trợn. Thậm chí công an còn vào cả phòng bệnh của thầy Không Tánh để chụp ảnh ông Lê Quang Hiển đến thăm thầy.

Với chùa Liên Trì, suốt đời Bí thư Lê Thanh Hải chưa dám đụng tới. Nhưng khi Đinh La Thăng về làm Bí thư thành Hồ, ngoài việc ra lệnh đàn áp khốc liệt người dân biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, thì Đinh La Thăng còn lập công với đảng bằng việc cho đập nát chùa Liên Trì, là điểm tựa tâm linh của bà con phật giáo, để thực hiện kế hoạch cướp đất.

Nhờ 2 thành tích vang dội này, mà Đinh La Thăng phải tra tay vào còng, cúi gằm mặt khóc lóc năn nỉ ỉ ôi trước tòa. Ông ta lại còn đưa hoàn cảnh gia đình ra hòng đánh động lòng thương của quan tòa. Điều nực cười là Đinh La Thăng không thèm xin các quan tòa, là người lẽ ra có quyền định đoạt mức án của ĐLT. Mà ông ấy lại xin lỗi và năn nỉ ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Điều đó càng chứng tỏ các quan tòa ngồi đây chỉ là những con rối mà thôi, và không có quyền hành gì tại tòa án cả.

Tuy đã biết sám hối, nhưng cuối cùng ĐLT được đảng tặng cho 13 năm tù giam.

Chẳng những vậy, mà em trai Y là Đinh Mạnh Thắng cũng bị cho vào lò nướng.

Khi nhìn hình ảnh ĐLT với chiếc còng số 8 trên tay bị dẫn giải ra tòa, thì nhiều người rất hả hê, và cho rằng, đây là quả báo, là "Trời có con mắt".

Mời nghe bài Thánh Ca "Tấu Lậy Bà" của LM nhạc sĩ Vinh Hạnh do các Nữ tu Mến Thánh Giá thủ Thiêm trình bày
Dư luận cho rằng, là khu đô thị có nhiều dân cư trú, trong đó có đồng bào các tôn giáo, như phật giáo và Công Giáo. Tại sao không để các cơ sở tôn giáo này tại chỗ cho dân sử dụng, vừa đỡ lãng phí, tốn kém, mà lại phải di dời nơi khác?

Trong lúc sóng gió và áp lực về việc bị cướp đất tại đây đang tạm yên ắng, thì nay bỗng dưng vì sao mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lại mò đến đây để thăm và chúc tết là nhằm âm mưu gì?

Một người cộng sản vô thần như NTN, lại đi khuyên nhủ các bà sơ nơi đây "hãy luôn giữ vững đức tin". Nhưng ông ta không nói với các sơ là hay tin vào Chúa hay tin vào đảng???

Nếu NTN khuyên các sơ hãy luôn vững tin vào Chúa, thì đúng là điều khôi hài. Người vô thần đi khuyên người tu hành hãy luôn vững niềm tin?

Nếu ông ta khuyên các sơ hãy vững tin vào đảng, thì có lẽ đến vua hề Sác-lô cũng chào thua.

Vẫn biết người cs luôn đóng kịch, luôn diễn. Nhưng diễn kiểu này thì chẳng khác gì, như câu thành ngữ hơi thô tục dân ta hay nói, là dạy... gì đó.

Hay là NTN đã tự diễn biến, tự chuyển hóa, nên có lòng sám hối mà mò đến đây để mở đường quay về với nhân dân chăng?

Cũng có thể là NTN đến để ngắm miếng mồi này, sau đó sẽ hoạch định cho kế hoạch cướp tiếp khu đất này. Do đó, hôm nay đến đây theo kiểu "ném đá dò đương", để dò xét thái độ của mấy bà sơ này ra sao?

Cũng có thể thấy khúc xương khó gặm, nhất là sau khi đập phá chùa Liên Trì, đã bị dư luận trong nước và thế giới phản đối, nên NTN đến đây để vuốt ve an ủi chăng?

Lẽ ra các bà sơ Dòng MTGTT nên khuyên NTN nói riêng, và lãnh đạo cs nói chung, hãy lấy tấm gương của Nguyễn Bá Thanh và Đinh La Thăng làm bài học. Nguyễn Bá Thanh cũng đã đập phá khu nghĩa địa Cồn Dầu để cướp đất của dân, đến người chết cũng không được yên trước lòng tham vô độ của các quan, nên mới bị quả báo.

Lenin và Engels từng nói: “Tuyên chiến với tôn giáo là ngu xuẩn"

Chưa biết ông NTN đến Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm nhằm mục đích gì. Nhưng dù sao, trong những ngày năm hết tết đến này, một vị lãnh đạo cao nhất của thành Hồ, đến một cơ sở tôn giáo để thăm hỏi và chúc tết cũng là điều đáng khen.

Chúng ta hãy câu chúc cho các vị lãnh đạo nước nhà sang năm mới dồi dào sức khỏe, và hướng đến cội nguồn dân tộc.

Hãy lây dân làm gốc, chứ đứng lấy Tàu làm gốc.

Phương Trạch
(Nguồn: danlambaovn.blogspot.com)


Chú thích:

(1) http://beta.motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/bi-thu-nguyen-thien-nhan-chuc-tet-dong-men-thanh-gia-thu-thiem-81914.html
(2) http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/canada-len-tieng-ve-vu-pha-tu-vien-dong-men-thanh-gia-thu-thiem/
(3) http://www.ghpgvntn.net/tai-sao-nha-cam-quyen-quyet-tam-cuong-che-giai-toa-chua-lien-tri/

Comments:

Dân VN • 5 days ago
Vào đây để đọc câu chuyện cảm động ở Hoa Kỳ, Khi xây dựng lăng mộ của tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ (Ulysses S. Grant), người ta vẫn giử nguyên ngôi mộ của một đứa bé 5 tuổi đã có trước đó 80 năm, chỉ cách lăng của tổng thống Grant chưa tới 100m. Năm 1997, nhân kỹ niệm 100 ngày mất của tổng thống Grant, ngôi mộ của đứa bé được trùng tu, và thị trưởng của thành phố New York, đã viết câu chuyện này lên ngôi mộ của đứa bé.
http://tapchihoaky.info/ngo...
Trong chế độ CS không thể có những chuyện như vậy. Những di tích lịch sử của VN bị đảng CSVN thẳng tay xóa bỏ như lăng Nguyễn Văn Học (đào lăng Nguyễn Văn Học để tìm vàng), phá lăng Cha Cả ở Sài Gòn, đập nhà của bác sĩ Yersin... Lăng Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An (Long An) suýt bị đập, nhưng khi đập cổng vào thì xãy ra tai nạn lao động, người đang đập cổng bị té chết, thay người khác cũng bị té chết, người ta đồn Nguyễn Huỳnh Đức hiển linh nên không ai dám đập nữa.

Tom Lee • 5 days ago
Khi Việt gian cộng sản Thiện Nhan hay ác nhân gì đó nói thì sau lưng của hắn đều có lận cái mã tấu,hãy đề phòng,đừng vội mừng!...quí vị quên lời dặn dò của nguyên thủ QGVN là TT.Nguyễn văn Thiệu rồi sao? là đùng nghe những gì cộng sản nói,mà hãy nhìn những gì cộng sản lam..!!!

phuongnam • 5 days ago
Lũ Giòi bọ đang tìm cách"MỊ DÂN " !!
Quỷ vào Nhà Thờ khuyên Tín Đồ "Giữ vững niềm tin. ..
Hãy cẩn thận"Đừng tin những gì cộng sản nói, Hãy nhìn những gì cộng sản làm" !!

Bison • 6 days ago
Tôi đã từng đi thăm tu viện. Hai nữ tu ở hình tôi không quen, nhưng rất quen biết một nữ tu như một người nhà tại đó. Tu viện theo tôi là rất tĩnh lặng. Tôi đã mong được ở chơi lâu, nhưng không có cơ duyên. Tu viện ở một vị trí rất gần thành phố, bên con đò, có hồ cá ngoài trời, có những con thuyền gỗ. Tôi mong rằng csVN phải bị diệt vong, nêu không, tôn giáo nào cũng bị đầy đọa. Tôi thật là phải khóc cho tình trạng VN hiện nay. Còn nước còn tát, chúng ta không thể bỏ cuộc tranh đấu cho một VN không còn cs.

Hãy Can Đãm như Công Giáo • 6 days ago
Dám phá chùa vì sư trụ trì có khi là đảng viên có thẻ đảng và súng K-59, Làm sao dám đụng tới nhà thờ? Kiếm đâu ra Linh mục lận lưng K-59 và có thờ tượng hồ bả chó trong nhà thờ? Xin lỗi nha! Chùa còn có cái dựng tượng thằng đó chễm chệ để phật tử quỳ lạy chứ thử chỉ ra cho tôi thấy có Nhà thờ nào cho thằng đó vào ngự trị hay không?

3Quạo • 6 days ago
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vốn là một cơ sở tôn giáo đã hiện diện trên 170 năm tại Việt Nam. Trong đó có ngôi trường trước năm 1975, tên là Trường Thánh Ana (76A, đường Nhà Thờ, Thủ Thiêm, Thủ Đức), thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Đây là cơ sở giáo dục thứ hai của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Sau khi chính quyền mới tiếp quản, đổi tên thành trưởng tiểu học Thủ Thiêm. Đến cuối năm 2011, trường tiểu học Thủ Thiêm bị giải thể. Ngay sau đó, cơ sở tôn giáo này bị biến thành trụ sở của Công An, cán bộ.
Hahaha. .. Đất nước Việt có hơn 4000 năm văn hiến mà đảng csVN của thằng NGU Nguyễn Thiện Nhân còn ăn cướp, thằng NGU Nguyễn Thiện Nhân còn không biết thì nhà dòng là một cơ sở tôn giáo đã hiện diện trên 170 năm tại Việt Nam thấm thía gì với thằng ngu nầy.

Mẹ Mướp • 6 days ago
Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng?"(2)

Câu nói này của ngài Tổng Lãnh Sự Canada chẳng khác nào mắng vào mặt Quốc Hội Việt Cộng chúng mày là lũ đầu tôm.
Để người nước ngoài nhắc nhở cái Tu Viện Thủ Thiêm là di sản văn hóa quốc gia mà bọn tiến sĩ trong nước không biết thì... lạ thật.

3Quạo Mẹ Mướp • 6 days ago
Trích: “... Để người nước ngoài nhắc nhở cái Tu Viện Thủ Thiêm là di sản văn hóa quốc gia mà bọn tiến sĩ trong nước không biết thì... lạ thật.”
Khổ ghê, thôi thì chia với cô MM bức ảnh nầy để sau nầy cô đừng bao giờ nói đến bọn lãnh đạo, bọn tiến $ĩ trong nước nữa!!!

3Quạo Mẹ Mướp • 6 days ago
Trích: “... Câu nói này của ngài Tổng Lãnh Sự Canada chẳng khác nào mắng vào mặt Quốc Hội Việt Cộng chúng mày là lũ đầu tôm.”
Ấy ấy... Cô MM nói thế thì coi chừng lũ NGU csVN hèn với giặc ác với dân, chúng sẽ bảo: Chúng ông là con hoang của Tàu, Tập cố nội còn phá chùa ở Tây Tạng cả ngàn năm tuổi thì đám con hoang phá nhà dòng cở nầy là đúng rồi mà...

AR.15 • 6 days ago
Thằng phá chùa Liên Trì đã bị quả báo nhãn tiền do đồng chí nhưng không đồng bọn của nó trừng trị, giờ thằng nào ngon phá Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm thì không phải chờ đồng chí của nó nữa mà là nhân dân, dám phá không?

Bison • 6 days ago
Theo tôi hiểu dòng cũng phải theo luật lệ của tụi csVN, ví dụ tham gia trình diễn kịch bản văn nghệ với vở tuồng Võ Thị Sáu. Là tôi có nghe như thế. Tôi cũng không rõ tham gia như thế có ý nghĩa thế nào với csVN hay với người chống cộng. Đảng cộng sản VN được hướng dẫn đi theo đường của Tập Cận Bình. Tập Cận Bình và bác Hồ cho rằng Chúa không cứu dân nhưng mà là Hồ & Tập, đổi niềm tin tôn giáo thành niềm tin vào đảng.