Ngày 16-02-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:16 16/02/2016
95. CÁT SỎI PHÍA SAU.
Vương Văn Độ và Phan Vinh Kỳ hai người đều là thủ hạ làm việc dưới trướng Giản Văn Công.
Họ Vương tuổi lớn mà địa vị nhỏ, họ Phan tuổi nhỏ mà địa vị lớn, về sau, chức vụ của Phan lại trao qua cho họ Vương.
Vương Văn Độ giểu cợt Phan Vinh Kỳ, nói:
- “Sàn sảy bốc lên, rơm rác phía trước.”
Phan Vĩnh Kỳ giểu cợt lại, nói:
- “Đào thải chọn lọc, cát sỏi phía sau.”
(Thế Thuyết Tân Ngữ)

Suy tư 95:
Người đời thường lấy tước hiệu, chức vị để coi trọng và đánh giá lẫn nhau cho nên mới nảy sinh phân biệt giai cấp, coi thường nhân phẩm của người nghèo, và lẻ phải công bằng đều ở cả nơi người giàu có, người có tước vị, chức quyền...Nhưng tất cả những tước hiệu chức vị ấy đều không tồn tại, hôm nay nó được trao cho người này, thì ngày mai ngày mốt nó cũng sẽ được trao qua cho người khác, có gì là vênh vang lếu láo với anh em chị em chứ ?
Trên đời chỉ có một tước hiệu cao quý nhất và vĩnh viễn không mất đi, đó là thiên chức Linh Mục, bởi vì tước hiệu chức vụ này là do Đức Chúa Giê-su lập ra chứ không phải do con người, mà đã do Chúa lập ra thì làm sao mà mất mà hư được chứ ?
“Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê”, “muôn thuở” tức là đời đời vĩnh viễn, đời đời vĩnh viễn là tư tế của Thiên Chúa.
Nhưng có những lúc người ta không nhận ra tôi là một linh mục đời đời của Đức Chúa Giê-su, người ta chỉ biết tôi là một con người bon chen như họ, vẫn ham danh đoạt lợi như họ, vẫn chia bè kết phái để đấu đá nhau như người đời, vẫn muốn ăn trên ngồi trốc như những quan quyền trong xã hội... Các tín hữu của thời đại ngày nay rất hiểu và thông cảm cho tính yếu đuối của con người nơi các linh mục của họ, nhưng không phải vì thế mà họ chấp nhận những thái độ quá ư là không linh mục nơi tôi, đó là : kiêu căng, phách lối, hách dịch, kẻ cả...
“Muôn thuở, con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-sê-đê” chứ không phải là theo cơ chế phẩm trật của nhà vua, của chính quyền hay của một đoàn thể xã hội nào cả ở trần gian này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:18 16/02/2016

16. Tâm hồn và tinh thần thuần khiết thì thấu triệt tất cả trên trời dưới đất.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô tới Morelia gặp các linh mục, tu sĩ
Vũ Văn An
17:18 16/02/2016
Hôm thứ Ba, Đức Giáo Hoàng đã tới Morelia, thủ phủ Tiểu Bang Michoacan của Mễ Tây Cơ. Tiểu bang này vốn nằm ở trung tâm con đường buôn bán ma túy, một vùng của nghèo đói, thất nghiệp, bạo lực và thối nát.

Việc đầu tiên là ngài cử hành Thánh Lễ với các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ tại Vận Động Trường Venustiano Carranza của thành phố và thúc giục các vị đừng đầu hàng các khó khăn đặt ra bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma túy và coi thường nhân phẩm, trái lại tiếp tục kiên trì rao giảng Tin Mừng.

Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng tại Morelia cũng là một dấu chỉ lòng kính trọng của ngài đối với Đức Tổng Giám Mục của Thành Phố mà ngài vừa nâng lên hàng Hồng Y năm ngoái, Đức Hồng Y Alberto Suarez Inda.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô nói với các vị hiện diện rằng đời các vị “nói về cầu nguyện” và “trường cầu nguyện là trường đời”.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

Có một câu ngạn ngữ nói rằng “hãy cho tôi biết bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ cho bạn biết bạn sống thế nào; hãy cho tôi biết bạn sống thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn cầu nguyện ra sao. Vì khi chỉ cho tôi thấy bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ học được cách tìm thấy vị Thiên Chúa mà bạn đã sống vì, và khi chỉ cho tôi thấy bạn sống thế nào, tôi sẽ học được cách tin vị Thiên Chúa mà bạn cầu nguyện với”. Vì đời sống ta nói về cầu nguyện và cầu nguyện nói về đời sống ta. Cầu nguyện là một điều học được, giống như ta học đi, học nói, học lắng nghe.

Trường cầu nguyện là trường đời và trong trường đời ta tiến bộ trong trường cầu nguyện. Và khi Thánh Phaolô quen nói với người môn đệ yêu mến của ngài là Timôtê, khi ngài quen dạy ông và khuyên bảo ông sống đức tin của ông, ngài thường nói rằng “Con hãy nhớ tới mẹ con và bà con”. Và khi các chủng sinh buớc vào chủng viện, họ thường hỏi tôi: “Thưa cha, con muốn cầu nguyện một cách sâu sắc hơn, trong tâm trí nhiều hơn… ”. “Cứ cầu nguyện theo lối người ta dạy con ở nhà. Rồi từ từ, việc cầu nguyện của con sẽ phát triển như con đã phát triển trong đời”. Ta học cầu nguyện, y hệt như ta học sống.

Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các đồng bạn của Người vào mầu nhiệm Sự Sống, vào mầu nhiệm sự sống thần linh của Người. Người chỉ cho họ bằng cách ăn, ngủ, chữa bệnh, rao giảng và cầu nguyện, là Con Thiên Chúa có nghĩa gì. Ngài mời gọi họ chia sẻ cuộc sống của Người, nội tâm của Người, và sự hiện diện của Người giữa họ; Người cho phép họ rờ mó sự sống của Chúa Cha trong thân xác Người. Người giúp họ cảm nghiệm sự mới mẻ khi đọc kinh “Lạy Cha” ngay trong ánh mắt của Người, ngay trong cách ngài mạnh mẽ lên đường. Trong Chúa Giêsu, việc biểu lộ này không hề có dấu vết nào của lề thói hay lặp đi lặp lại nguyên tuyền. Trái lại, nó có ý hướng sống, trải nghiệm, chân thực. Với hai chữ “Lạy Cha”, Người biết phải sống sự cầu nguyện và phải cầu nguyện sự sống ra sao.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng làm y hệt như thế. Ơn gọi thứ nhất của ta là cảm nghiệm tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha trong đời ta, trong các trải nghiệm của ta. Ơn gọi thứ nhất của Người là dẫn chúng ta vào tính năng động mới mẻ của tình yêu, của phận làm con. Ơn gọi thứ nhất của ta là học đọc “Lạy Cha”, nghĩa là Thưa Bố.

Thánh Phaolô từng nói rằng “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”, vâng, “khốn cho tôi!”. Ngài nói tiếp, vì rao giảng Tin Mừng không phải là vì vinh vang mà đúng hơn là một nhu cầu (1Cr 9:16).

Người vốn mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống Người, đời sống Thiên Chúa của Người, và khốn thay cho chúng ta nếu chúng ta không chia sẻ đời sống này, khốn cho chúng ta, các người tận hiến nam nữ, các linh mục, các chủng sinh, các giám mục, khốn cho chúng ta, nếu chúng ta không làm chứng cho những điều chúng ta đã thấy và đã nghe, khốn cho chúng ta. Chúng ta không phải là và không muốn là “những nhà quản trị của thể thần linh”, chúng ta không là và không muốn là các công nhân của Thiên Chúa, vì chúng ta được mời gọi chia sẻ đời sống Người, chúng ta được mời gọi bước vào trái tim Người, một trái tim cầu nguyện và sống, khi nói “Lạy Cha”. Nếu không nói thế bằng đời sống ta, thì đâu là mục đích của chúng ta. Từ đầu đến cuối, như hiền huynh giám mục của chúng ta mới chết đêm qua, đâu là sứ mệnh của ta nếu không nói thế bằng đời sống mình, “Lạy Cha”?

Đấng là Cha chúng ta, Người chính là Đấng chúng ta ngỏ lời năn nỉ cầu xin hàng ngày: Chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Chúa Giêsu cũng đã xin y như thế. Người cầu xin để các môn đệ của Người, của ngày qua và của ngày nay, khỏi sa chước cám dỗ. Đâu là cơn cám dỗ phạm tội đang vây khốn ta? Đâu là cơn cám dỗ phát sinh không những từ việc quan sát thực tế mà còn từ việc sống thực tế nữa? Cơn cám dỗ nào đến với chúng ta từ những chỗ thường bị thống trị bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma túy, coi thường nhân phẩm, và dửng dưng trước đau khổ và kém thế? Cơn cám dỗ nào ta từng chịu tới chịu lui khi đối diện với thực tế xem ra đã biến thành một hệ thống thường trực này?

Tôi nghĩ ta có thể tóm tắt trong một chữ “nhẫn nhục buông xuôi” (resignation). Đối diện với thực tế này, ma qủy có thể thắng lướt chúng ta bằng một trong các vũ khí ưa thích của hắn: nhẫn nhục buông xuôi. Một nhẫn nhục buông xuôi làm chúng ta tê liệt và ngăn chúng ta không những bước đi mà còn cả thực hiện cuộc hành trình nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những làm chúng ta khiếp đảm, mà còn làm chúng ta cố thủ trong các “phòng áo lễ” và các an ổn giả tạo của ta nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những ngăn cản chúng ta tuyên xưng, mà còn ngăn cấm chúng ta dâng lời ngượi khen nữa. Một nhẫn nhục buông xuôi không những cản trở chúng ta nhìn về tương lai, mà còn phá ngang ý muốn chấp nhận rủi ro và thay đổi của chúng ta. Và do đó, “Lạy Cha, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Tốt đẹp biết bao nếu khi bị cám dỗ, ta biết nối mạch vào các ký ức của mình. Sẽ giúp ích biết mấy nếu ta chịu nhìn vào “chất liệu” mà từ đó ta đã được tạo nên. Mọi sự không bắt đầu với ta, mọi sự cũng không kết thúc với ta, và do đó, điều tốt đối với ta là biết nhìn trở lại các trải nghiệm quá khứ của mình, những trải nghiệm đã đem ta tới chỗ ta hiện diện bây giờ.

Và trong việc hồi tưởng này, ta không thể bỏ qua một người từng yêu nơi này xiết bao, một người tự biến mình thành người con của lãnh thổ này. Chúng ta không thể bỏ qua một con người từng nói về mình rằng: “Các ngài đã lãnh tôi từ một tòa án và đặt tôi vào nghĩa vụ trông coi chức linh mục vì tội lỗi của tôi. Tôi, một kẻ vô dụng và không hề có khả năng thi hành một nhiệm vụ cao cả như thế; tôi, người không biết sử dụng mái chèo, các ngài đã chọn tôi làm Giám Mục đầu tiên của Michoacán” (Vasco Vázquez de Quiroga, Thư Mục Vụ, 1554). Và tôi muốn cám ơn Đức Hồng Y Tổng Giám Mục vì ngài muốn Thánh Lễ này được cử hành bằng chén thánh của con người vừa nói.

Tôi muốn nhắc nhớ người truyền giảng Tin Mừng trên với anh chị em; ngài là người đầu tiên có biệt danh “người Tây Ban Nha đã trở thành người Bản Địa”.

Tình huống người Bản Địa Purhépechas, những người ngài mô tả là “bị bán, bị hạ nhục và vô gia cư ở các cửa chợ, đi lượm các mẩu bánh dưới đất”, thay vì cám dỗ ngài phờ phạc buông xuôi, đã đốt cháy đức tin của ngài, đã củng cố lòng cảm thương của ngài và linh hứng ngài thi hành nhiều kế hoạch vốn là “làn khí tươi mát” giữa không biết bao nhiêu bất công từng làm tê liệt nhiều người. Cái đau và cái khổ của các anh chị em của ngài đã trở thành lời cầu nguyện của ngài, và lời cầu nguyện của ngài đã dẫn tới đáp ứng của ngài. Nơi người Bản Địa, ngài có tên “Tata Vasco”, mà trong tiếng Purhépechan, có nghĩa là cha, bố, bố cưng…

Chúa Giêsu mời gọi ta đọc lời cầu nguyện này, đọc kiểu nói này. Lạy Cha, thưa bố, bố cưng ơi… chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhẫn nhục buông xuôi, chớ để chúng con sa chước cám dỗ đánh mất ký ức, chớ để chúng con sa chước cám dỗ quên khuấy các vị cao niên của chúng con, những người từng dạy chúng con kinh “Lạy Cha” bằng chính cuộc sống của các ngài.
 
Đức Phanxicô với trẻ em và giới trẻ Mễ Tây Cơ
Vũ Văn An
21:02 16/02/2016
Hôm thứ Ba, 16 tháng Hai, nhân viếng thăm Nhà Thờ Chính Tòa Morelia, thủ phủ Tiểu Bang Michoacan, Mễ Tây Cơ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với hàng trăm trẻ em ở đây rằng muốn làm Kitô hữu tốt lành, các em phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người lân cận như chính các em.

Nhà thờ chính tòa có từ thế kỷ 17, xây dựng bằng đá mầu hồng của địa phương với chiếc tháp đôi đầy ắp trẻ em hoan hô vang dội khi Đức Giáo Hoàng tới đây trên đường đi gặp giới trẻ vào buổi chiều.

Tại phòng áo lễ, ngài đã gặp một nhóm các viện trưởng đại học và các nhà lãnh đạo các cộng đồng Kitô Giáo hiện hữu tại Mễ Tây Cơ, trước khi đặt một bó hoa lớn trên bàn thờ. Rồi, trước sự hoan hỉ của những người hiện diện, ngài đã cầm lấy máy vi âm và nói ứng khẩu, nhắn nhủ các em cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà các em, các thầy cô và tất cả những ai săn sóc các em.

Ngài kết thúc bằng cách chúc lành cho các em và nhắc các em cầu nguyện cho ngài. Rồi ngài ra ngoài qua ngả cánh chính của nhà thờ chính tòa, dừng lại để thăm hỏi riêng rẽ một số trẻ trai và trẻ gái.

Trong số những em ngài dừng lại để thăm hỏi chốc lát là bé gái 7 tuổi tên Lupita, người đã được chữa lành một cách lạ lùng khỏi chứng trục trặc ở óc, đe dọa tới mạng sống, lúc em mới 3 tháng tuổi. Phép lạ này được gán cho sự cầu bầu của Chân Phúc José Sanchez Del Rio, một bé trai từng tham gia phong trào ‘Cristero’ để bảo vệ Giáo Hội thời nội chiến Mễ Tây Cơ đầu thế kỷ 20.

Cậu bé 14 tuổi trên bị viên chức chính phủ xử tử năm 1928 vì đã không chịu từ bỏ đức tin Công Giáo. Cậu được nhìn nhận chết vì đạo ngày 22 tháng Sáu, năm 2004 bởi Đức Gioan Phaolô II và được phong chân phúc ngày 20 tháng Mười Một năm 2005 tại Mễ Tây Cơ. Tháng rồi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận phép lạ, cho phép việc phong thánh cho ngài vào cuối năm nay.

Giới trẻ là sự giầu có của quốc gia

Vào buổi chiều thứ Ba, Đức Phanxicô đã gặp gỡ hàng nghìn bạn trẻ khắp Mễ Tây Cơ để nói với họ rằng họ là sự giầu có của quốc gia.

Sau khi thưởng thức hàng trăm người trẻ vận sắc phục dân tộc sặc sỡ ca hát và nhẩy múa, ngài bảo họ đặt hy vọng của họ không phải vào tiền bạc hay của cải vật chất, mà vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đang kêu gọi họ trở thành “muối và ánh sáng” giữa các bạn bè và cộng đồng của họ.

Ngài cũng cho họ hay: ngài hiểu các khó khăn họ phải đương đầu khi mất bạn bè hoặc vì ma túy hoặc vì các tổ chức tội phạm, khi không có công ăn việc làm hay cảm thấy các quyền lợi của họ bị chà đạp. Nhưng ngài bảo họ đừng mất hy vọng, hãy xích lại gần Chúa Kitô hơn và ra đi công bố đức tin cho người khác.

Dưới đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài:

Các bạn trẻ thân mến, Chào các bạn buổi chiều,

Khi tôi tới xứ sở của các bạn, tôi đã được nghinh đón nồng hậu. Tôi đã thấy một điều mà tôi cảm thấy từ lâu: sinh lực, niềm vui và tinh thần lễ hội của nhân dân Mễ Tây Cơ. Và nay… sau khi lắng nghe các bạn, nhất là sau khi thấy các bạn, tôi còn biết chắc một điều nữa, một điều tôi đã thưa với Tổng Thống của quốc gia này khi tôi tới đây. Một trong các điều qúy giá vĩ đại nhất của Mễ Tây Cơ là nó có gương mặt trẻ trung: tức giới trẻ của họ. Đúng, các bạn là sự giầu có của lãnh thổ này. Tôi không nói niềm hy vọng của lãnh thổ này, mà là sự giầu có của nó.

Các bạn sẽ không thể sống trong hy vọng, hay nhìn về tương lai nếu các bạn trước nhất không biết cách tự trân qúy chính các bạn, nếu các bạn không cảm thấy đời mình, bàn tay mình, lịch sử mình đáng được cố gắng. Hy vọng phát sinh khi các bạn có khả năng cảm nghiệm rằng chưa mất tất cả; và để điều này xẩy ra, điều cần thiết là khởi sự “tại nhà”, bắt đầu với chính các bạn. Chưa mất tất cả. Tôi không mất; tôi đáng một điều gì đó, tôi rất đáng. Các đe dọa lớn nhất đối với hy vọng là các lời nói nhằm hạ giá các bạn, khiến các bạn cảm thấy hạng nhì. Đe doạ lớn nhất đối với hy vọng là khi các bạn cảm thấy các bạn không đáng kể đối với bất cứ ai hay các bạn bị gạt qua một bên. Đe dọa lớn nhất đối với hy vọng là khi các bạn cảm thấy rằng hiện diện hay không, các bạn chẳng tạo được gì khác biệt. Điều này là điều giết người, điều này đè bẹp chúng ta và mở cửa cho nhiều đau khổ. Đe dọa chính đối với hy vọng là các các bạn để mình tin rằng các bạn bắt đầu có giá trị khi biết mặc quần áo đúng mốt, hàng hiệu mới nhất, hay khi các bạn có tiếng tăm, quan trọng vì mình có tiền; nhưng tận đáy lòng, các bạn không tin rằng mình đáng được xử tốt hay đáng được yêu thương. Đe dọa lớn nhất là khi người ta cảm thấy rằng họ phải có tiền để mua được mọi sự, kể cả tình yêu của người khác. Đe dọa lớn nhất là tin rằng có được chiếc xe hơi lớn, các bạn sẽ hạnh phúc.

Các bạn là sự giầu có của Mễ Tây Cơ, các bạn là sự giầu có của Giáo Hội. Tôi hiểu rằng đôi khi khó mà cảm thấy mình có giá trị khi các bạn liên tục bị tiếp giáp với việc mất mát bạn bè hay thân nhân trong tay giới buôn bán ma túy, trong tay chính ma túy, trong tay các tổ chức tội phạm chuyên gieo rắc khủng bố. Khó cảm nhận được sự giầu có của quốc gia khi không hề có cơ may nào để có việc làm xứng đáng, không có khả thể nào để học hành hay tiến thân, khi các bạn cảm thấy quyền lợi của mình bị chà đạp, một điều sẽ dẫn các bạn tới các tình huống cực đoan. Khó mà đánh giá được giá trị của một nơi chốn, khi, vì tuổi trẻ của các bạn, các bạn bị lạm dụng cho những mục đích ích kỷ, bị quyến rũ bởi những lời hứa mà kết cục trở thành sai lầm.

Tuy nhiên, bất chấp các điều trên, tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi để nói rằng các bạn là sự giầu có của Mễ Tây Cơ.

Các bạn đừng nghĩ rằng tôi nói thế vì tôi là người tốt bụng hoặc tôi có nhiều ý tưởng súc tích về nó; không, các bạn thân mến, không phải thế. Và các bạn có biết tại sao không? Tại vì, giống như các bạn, tôi tin Chúa Giêsu Kitô. Và chính Người đã không ngừng đổi mới trong tôi niềm hy vọng đó, chính Người không ngừng đổi mới cái nhìn của tôi. Chính Người không ngừng mời gọi tôi hồi tâm. Các bạn thân mến, đúng thế, tôi nói thế vì nơi Chúa Giêsu, tôi tìm thấy Đấng có khả năng rút những điều tốt nhất từ tôi. Tay trong tay với Người, chúng ta có thể tiến về phía trước, tay trong tay với Người, chúng ta có thể bắt đầu đi bắt đầu lại, tay trong tay với Người, chúng ta tìm được sức mạnh để nói: dối trá là tin rằng con đường duy nhất để sống hay để trẻ trung, là phó mình cho các tay buôn bán ma túy hay những người khác không làm gì khác ngoài việc gieo rắc hủy diệt và chết chóc. Tay trong tay với Chúa Giêsu Kitô, chúng ta có thể nói: dối trá là tin rằng con đường duy nhất để sống làm người trẻ ở đây là nghèo nàn và loại bỏ; loại bỏ các cơ hội, loại bỏ không gian, loại bỏ đào tạo và giáo dục, loại bỏ hy vọng. Chính Chúa Giêsu Kitô bác bỏ mọi mưu toan biến các bạn thành người vô dụng hay chỉ là những lính đánh thuê cho tham vọng của những người khác.

Các bạn xin tôi cho một lời hy vọng, và lời mà tôi phải cho các bạn là: Giêsu Kitô. Khi mọi sự xem ra quá sức, khi xem ra thế giới đang tan vỡ chung quanh các bạn, các bạn hãy ôm lấy Thập Giá của Người, hãy xích lại gần Người, và xin các bạn vui lòng, đừng bao giờ buông tay Người; xin các bạn vui lòng đừng bao giờ lìa Người. Tay trong tay với Người, ta sẽ có khả năng sống trọn vẹn, bằng cách nắm tay Người, ta có thể tin rằng thật là đáng cố gắng để các bạn cho đi những gì tốt đẹp nhất, trở thành men bột, muối và ánh sáng giữa bạn bè, khu xóm và cộng đồng của các bạn. Vì thế, các bạn thân mến, nắm tay Chúa Giêsu, tôi yêu cầu các bạn đừng để mình bị loại bỏ, đừng tự cho phép mình bị hạ giá, đừng để người ta đối xử với các bạn như một món hàng. Dĩ nhiên, có thể các bạn sẽ không có những chiếc xe hơi đời mới nhất trước cửa, có thể các bạn sẽ không có những chiếc túi đầy tiền, nhưng các bạn sẽ có một điều mà không ai có thể tước mất khỏi các bạn, đó là kinh nghiệm được yêu, được ôm ấp và đồng hành. Đó là kinh nghiệm được là một gia đình, tự cảm thấy là thành phần của một cộng đồng.

Hôm nay, Chúa tiếp tục kêu gọi các bạn, Người tiếp tục lôi kéo các bạn vào Người, y hệt như Người đã làm với người Bản Địa Juan Diego. Người mời gọi các bạn xây dựng một đền thánh. Một đền thánh không phải là một nơi thể lý mà đúng hơn là một cộng đồng, một đền thánh tên là “Giáo Xứ”, một đền thánh tên là “Quốc Gia”. Là một cộng đồng, một gia đình và biết rằng ta là công dân là một trong những phản cực tốt nhất đối với tất cả những gì đang đe dọa chúng ta, vì nó làm chúng ta cảm nhận được rằng chúng ta là thành phần của đại gia đình Thiên Chúa. Đây không phải là một lời mời chạy trốn và tự tự khép kín vào mình, ngược lại, là lời mời ra đi và mời gọi nhiều người khác, ra đi và loan báo cho nhiều khác biết: ở Mễ Tây Cơ, làm người trẻ là sự giầu có vĩ đại nhất, và do đó, không thể hy sinh được.
Chúa Giêsu sẽ không bao giờ yêu cầu chúng ta làm những tên sát nhân; nhưng đúng hơn, Người kêu gọi chúng ta làm môn đệ của Người. Người sẽ không bao giờ sai chúng ta vào cõi chết, mà đúng hơn mọi điều ở trong Người đều nói đến sự sống. Sự sống trong gia đình, sự sống trong cộng đồng; các gia đình và các cộng đồng cho lợi ích của xã hội.

Các bạn là sự giầu có của đất nước này, và khi hoài nghi điều đó, các bạn hãy nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng hủy diệt mọi cố gắng biến các bạn thành người vô dụng hay chỉ là khí cụ cho các tham vọng của những người khác.
 
500,000 người kính viếng thánh Piô Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic trong một tuần
VietCatholic Network
23:01 16/02/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Biến cố nổi bật trong tuần trước là hơn nửa triệu người đã đến kính viếng thánh tích của hai vị thánh lừng danh về giải tội là Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic.

Trong chương trình phóng sự đặc biệt này, chúng tôi xin trình bày một số chi tiết chung quanh diễn biến này.

Tuần qua, di hài hai vị thánh đã được mang đến Thánh Đường Thánh Laurensô Ngoại Thành, trước khi được đưa đến nhà thờ San Salvatore tại Lauro, Rôma. Hôm thứ Sáu 05 tháng Hai, di hài của các ngài đã được rước dọc theo con đường của những người hành hương Rôma để đến Đền Thờ Thánh Phêrô.


Những hình ảnh cảm động mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là nghi thức rước di hài của các ngài, vẫn còn nguyên vẹn như khi còn sinh tiền, từ quảng trường Thánh Phêrô vào Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cộng đoàn đang hát kinh cầu các thánh trong khi di hài của hai vị được rước vào Đền Thờ Thánh Phêrô.

Cha Pio là Vị Thánh lớn của thời đại này. Ðọc qua tiểu sử của Cha, chúng ta thấy rằng: Cha đã được Chúa chọn để diễn lại cuộc Tử nạn của Chúa, giữa một thế giới, như thế giới ngày nay, thi đua chạy theo vật chất và thú vui, mỗi ngày mỗi xa Chúa. Cha là một môn đệ thực hiện đầy đủ lời Chúa dạy: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thánh giá hằng ngày và theo Ta”. Cuộc đời đau khổ của Cha nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta lời Thánh Phaolô nói: “Tôi rao giảng Chúa Kitô và Chúa Kitô chịu đóng đinh”. “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cor 4, 10). Cha Pio đã có thể nói như Thánh Tông đồ: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi”.

Cha Pio sinh tại xã Pietrelcina, thuộc tỉnh Benevento (miền nam nước Ý) ngày 25 tháng 5 năm 1887, trong gia đình nông thôn, rất sùng đạo. Thân phụ tên là Grazio Forgione, mẹ là Giuseppina Di Nunzio. Trong ngày rửa tội, Cha Piô nhận tên thánh Francesco (Phanxicô).

Hồi năm tuổi, Francesco đã mơ ước trở thành một Tu sĩ Dòng Phanxicô-Cappucin với bộ râu, hằng ngày từ nhà này qua nhà khác xin bố thí cho Tu viện. Một ngày kia, trước bàn thờ chính của nhà thờ Pietrelcina, chính Francesco kể lại là mình thấy Chúa Giêsu lại gần và đặt tay trên đầu, như dấu hiệu yêu thương, khích lệ. Francesco cũng thấy Thiên Thần bản mệnh, luôn luôn đồng hành và Ðức Mẹ Maria hiện ra. Francesco thấy cả Quỉ dữ dưới những hình ảnh rất ghê tởm.

Các hiện tượng này không thể giải thích như những tưởng tượng của tuổi trẻ, nhưng Francesco nghĩ rằng: những hiện tượng như vậy cũng xẩy đến cho các bạn cùng tuổi mình.

Các người trong gia đình hết sức ngạc nhiên về những vụ đánh tội của Francesco ban đêm. Francesco nghĩ rằng: để thánh hiến cuộc đời cho Chúa, phải gần gũi hết sức có thể Chúa Giêsu. Một ngày kia, Bà mẹ Giuseppina không thấy con, liền chạy đi tìm. Francesco trả lời: “Con phải đánh mình con như người Do thái xưa kia đã đánh đập Chúa Giêsu, đến độ làm Máu của Người chảy ra”. Nhiều lần Francesco ngủ trên sàn nhà lát đá cẩm thạch, gối đầu trên một viên đá, bởi vì Francesco nghĩ rằng: phải tự gánh tội trần gian theo gương Chúa Giêsu. Ðây là một ơn gọi riêng, ơn gọi đau khổ; nếu không, Francesco nghĩ rằng: sẽ đi đến chổ hư mất đời đời. Francesco sớm ý thức về ơn gọi chịu đau khổ này.

Ngày 6 tháng Giêng năm 1903, lúc 15 tuổi, Francesco được nhận vào Tập viện tại Morcone, cách Molise ít cây số. Sau hai tuần tĩnh tâm, Francesco được mặc áo Dòng và nhận tên dòng là “Pio da Pietrelcina”, để kính nhớ Ðức Thánh Pio V, Giáo Hoàng, và cũng kính nhớ Ðức Thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914), lúc đó vừa được bầu làm Giáo Hoàng. Thời gian của Tập viện là thời gian rất gay go theo Luật Dòng Phanxicô. Pio đã trải qua thời kỳ thử thách này một cách gương mẫu. Việc chiến đấu với Satan càng ngày càng gia tăng đến độ từ những phòng kế bên phòng của Pio, các Tu sĩ khác thường nghe thấy những vụ đập đánh và những tiếng động. Lúc các thầy chạy đến xem, thì thấy Pio nằm bất tỉnh trên sàn nhà. Sau những năm tập viện,Thầy Piô tuyên khấn tạm, và ngày 27 tháng giêng năm 1907, thầy khấn trọng thể.

Thầy Pio lúc đó chưa phải là linh mục, đã được ơn hiện diện tại hai nơi một lúc, như chính Thầy kể lại với Cha Agostino: “Một ngày kia (ngày 18 tháng Giêng năm 1905) con thấy xẩy ra một sự kiện khác thường, trong lúc con đang ở trong nhà thờ (nơi hát kinh) với Thầy Anastasio, con cũng thấy mình ở trong nhà của một gia đình, nơi đây người cha đang hấp hối, chính trong lúc đó một trẻ em cũng sắp ra đời. Ðức Mẹ Maria hiện ra nói với con: “Mẹ phú thác đứa nhỏ này cho con... Con đừng sợ hãi: đứa nhỏ này một ngày kia sẽ đến với con, nhưng trước đó, con sẽ gặp đứa nhỏ này tại San Pietro”. Ngay sau đó, con lại thấy mình ở trong nhà thờ hát kinh”. Ðứa nhỏ này tên là Giovanna Rizzani. Sau này sẽ trở nên người con thiêng liêng của Cha Pio và thuộc Dòng Ba Phanxicô.

Thầy Piô được lãnh chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Benevento, ngày 10 tháng 8 năm 1910, lúc 25 tuổi. Nhưng vì vấn đề sức khỏe, Bề Trên cho phép Cha Piô ở lại gia đình cho đến năm 1916. Tháng 9 cùng năm 1916 nầy, Cha được sai đến Tu Viện Santa Maria delle Grazie, -- Thánh Maria của Muôn Ơn Lành,-- ở San Giovanni Rotondo, và ở lại đây cho đến lúc qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968.

Ngày 20 tháng 9 năm 1918, lúc thánh lễ ban sáng vừa kết thúc, và mọi người ra về, Cha Pio còn ở lại cầu nguyện trong yên lặng và như xuất thần. Một nhân vật bí nhiệm hiện ra, tay và chân đẫm máu. Cha Pio kể lại cho Cha Agostino và Cha Benedetto như sau: “Từ ngày đó, con bị một vết thương chí tử. Trong thâm tâm, con cảm thấy vết thương này luôn luôn mở ra, làm con đau đớn nhiều”. Vết thương cạnh sườn bị đâm bởi một nhân vật trên trời bằng một lưỡi dao rất dài và rất sắc ở đầu, trong lúc Cha Pio ngồi tòa giải tội ngày 6 tháng 8 năm 1918. Cha Agostino và Cha Benedetto cho biết: Cha Pio đã sống “cuộc thử thách của tình yêu đặc biệt: vết thương thiêng liêng của nhân vật trên trời là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho Cha”. Cha Pio có cảm giác không chịu nổi một sự đau đớn lớn lao như vậy được. Với thời gian qua đi, Cha Pio khám phá ra những vết thương đẫm máu kia trở nên những vết thương của chính mình. Những vết thương này mọi người đều thấy và làm cho Cha trở nên một “người bị đóng đanh sống động”. Cha muốn giấu, nhưng vết máu tiếp tục chảy ra, và anh em trong Dòng đều thấy. Từ ngày đó, Cha phải mang găng tay bằng len mầu xám tối, chỉ để thò ngón tay ra mà thôi, nhưng lúc đọc lời truyền phép, dâng Mình và Máu thánh Chúa lên, găng tay được tháo ra.

Bề trên nhà và Bề trên Tỉnh Dòng Cappucin muốn biết chắc chắn về các vết thương của Cha Pio, để đề phòng khỏi nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng các bác sĩ và giáo sư chuyên môn chỉ có thể giải thích được rằng: các vết thương kia không phải là những vết thương gây nên do chứng lao phổi, cũng không phải những vết thương tự tạo nên. Giáo sư Luigi Romanelli của Bệnh viện Barletta coi là “chứng bệnh mầu nhiệm”. Trong sự đau khổ không thể diễn tả được, Cha Pio xác nhận rằng: “Tất cả những gì Chúa Giêsu đã chịu trong cuộc Tử nạn của Người, nay tôi cũng chịu như vậy”, theo sức có thể của một tạo vật yếu hèn, không phải vì công nghiệp của tôi, nhưng chỉ vì lòng nhân hậu của Chúa mà thôi”.

Tiếng đồn về dấu thánh của Cha Pio mỗi ngày mỗi lan rộng các nơi. Các tín hữu tuốn đến Tu viện Santa Maria delle grazie ở San Giovanni Rotondo. Ðời sống của Cha Pio cũng thay đổi. Cha trả lời các thư nhận được. Cha ngồi Tòa giải tội và cử hành thánh lễ. Cha Pio trở nên như “một mầu nhiệm cho nhiều người”. Các vết thương của Cha trở nên đề tài học hỏi, nghiên cứu, không những trong lãnh vực Y khoa, nhưng cả nơi Giáo quyền. Những vụ xuất thần trong lúc Truyền phép và dâng Mình Máu thánh Chúa, đám đông lũ luợt tuốn đến mỗi ngày mỗi thêm nhiều tìm Cha Pio.... Tất cả đặt ra nhiều câu hỏi.

Ngày 18 tháng 4 năm 1920, Cha Pio được Cha Agostino Gemelli viếng thăm (Cha Gemelli là một nhà trí thức, sáng lập Bệnh viện Bách khoa Gemelli ở Roma, thuộc Ðại học Thánh Tâm Chúa ở Milano). Cha Pio không cho Cha Gemelli khám xét các vết thương, vì không có phép chính thức. Cha Gemelli theo tư tưởng này là các vết thương kia không thực. Một nhận xét không phù hợp với ý nghĩ mà Ðức Benedicto XV (1914-1922) vẫn có về Cha Pio: “Ðây là một trong các người mà Thiên Chúa đã sai đến mỗi khi cần đến trên thế gian này để làm cho con người trở lại”. Ngày 2 tháng 6 năm 1922, những biện pháp đầu tiên được gủi đến Cha Pio. Cha không được cử hành thánh lễ công khai, cũng không được thư từ với cha linh hướng của mình, và với rất nhiều tín hữu từ khắp thế giới viết cho ngài.

Trước những biện pháp giới hạn, Cha Pio chỉ đáp lại bằng sự yên lặng và vâng phục: “Tôi là người con của sự phục tùng”.

Từ năm 1923 đến 1933 Cha Pio bị kiểm soát ngặt nghèo, Cha không được giải tội và dạy các học sinh của trường thuộc Tu viện nữa. Cha bị hoàn toàn cô lập. Khiêm tốn, Cha đáp lại: “Tôi là người con của sự phục tùng”. Ðây chính là thái độ của một tu sĩ Cappucin. Thái độ vâng phục này sẽ tránh được những cuộc biểu tình chống đối có thể lan rộng nơi các tín hữu vốn sùng kính Cha Pio.

Những tố cáo chống lại Cha dần dần thấy rõ là không có nền tảng nào cả. Từ ngày 16 tháng 7 năm 1933 (sau 10 năm), Cha lại có thể cử hành thánh lễ công khai và năm sau trở lại tòa giải tội. Sứ mệnh của Cha là tòa giải tội, một ơn vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa. Cha còn được ơn thấy những bí nhiệm trong tâm hồn của các người đến tòa giải tội. Nhiều lúc, sau khi giải tội, người ta thấy cha khóc vì đau đớn. Và đây cũng là một ơn riêng Chúa dành cho Cha, một cái nhìn siêu nhiên về tình trạng đáng thương của con người tội lỗi. Dù sống đầy đủ thừa tác vụ linh mục, Cha Pio thỉnh thoảng bị cám dỗ về một hồ nghi dữ dội làm Cha đau khổ nhiều: “Tôi đẹp lòng Chúa hay không?”.

Các nhóm cầu nguyện. Trong những năm 1940, Cha Pio lãnh nhận lời mời gọi của Ðức Pio XII (1939-1958) lập các nhóm cầu nguyện để nâng đỡ nhân loại bị chiến tranh đe dọa. Ðây cũng là những năm bắt đầu đào móng xây cất Bênh viện “Casa del Sollievo della Sofferenza”, được khánh thành 5 tháng 5 năm 1956. Hoa kỳ và các quốc gia đồng minh cung cấp phần lớn tài chính để xây cất Bệnh viện này, sau đệ nhị thế chiến. Số tiền gửi đến Cha Pio thật nhiều. ÐTC đã miễn Cha khỏi lời Khấn Khó nghèo. Và sau này Cha Pio đã trao việc quản trị và thừa hưởng gia tài cho Tòa Thánh.

Lòng sùng kính mỗi ngày gia tăng của người dân đối với Cha Pio làm tiêu tan những thù địch trước đây. Dân chúng luôn luôn coi Cha Pio là người của Thiên Chúa. Sau chuyến viếng thăm của Ðức Giám mục Carlo Maccari, đại diện Tòa Thánh, Cha Pio được hoàn toàn phục hồi trong năm 1965, thời Ðức Phaolô VI, để thi hành Thừa tác vụ linh mục. Ngoài ra, ÐTC còn cho phép Cha Pio, lúc đó đã già yếu, cử hành thánh lễ theo lễ nghi Latinh cũ, thay vì lễ nghi mới, được cải tổ sau Công đồng Vatican II.

Các đau khổ không lúc nào từ bỏ Cha Pio. Vào cuối năm 1966, Cha không thể đứng để cử hành thanh lễ, bắt buộc phải ngồi trong suốt thánh lễ. Cha cũng không thể đi từ phòng ở đến Tòa giải tội đặt trong nhà thờ.

Ngày 20 tháng 9 năm 1968, kỷ niệm 50 năm lãnh nhận dấu thánh. Trong dịp này, Ðại hội quốc tế các nhóm cầu nguyện được tổ chức; nhưng Cha Pio không thể tham dự, vì ngài sắp qua đời. Lúc 2g30 ngày 23 tháng 9 năm 1968, Cha đã tắt thở. Lúc các Bác sĩ và các Tu sĩ mặc áo lễ cho Cha, các vết thương biến mất hoàn toàn, không để lại dấu vết nào cả.

Năm 1982 ÐTC Gioan Phaolô II cho phép khởi sự vụ làm án phong Chân phước cho Cha Pio và, năm 1997 (sau 15 năm), ngài công nhận nhân đức anh hùng của Cha. Ngày 2 tháng 5 năm 1999, ÐTC chủ tế Thánh lễ tôn phong Cha lên bậc Chân phước, sau khi công nhận phép lạ do lời bầu cử của Cha. Người được khỏi bệnh lạ lùng và tức khắc là bà Consiglia De Martino, lúc đó điều trị tại Bênh viện ở thành phố Salerno (miền nam nước Ý). Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: “Chứng tá của Cha Pio là một lời kêu gọi mạnh mẽ về chiều kích siêu nhiên ... Vũ khí thực của Ngài là những cử chỉ thánh hằng ngày của việc giải tội và thánh lễ, bởi vì thánh lễ là trung tâm mỗi một ngày của Ngài”.

Và Chúa Nhật 16 tháng 6 năm 2002, tức sau ba năm, chính ÐTC lại chủ tế Thánh lễ phong Hiển Thánh cho Chân phước Pio, và từ đây Thánh Pio được tôn kính trong toàn Giáo Hội. “Mirabilis Deus in Sanctis suis”, Chúa thật kỳ diệu và làm những việc kỳ diệu nơi các Thánh của Người”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sáng thứ Năm 11 tháng Hai, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, là Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa, đã dâng thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô để tôn vinh Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic.

Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục Fisichella cho biết trong Năm Thánh “Chúa kêu gọi chúng ta từ bỏ chính mình, vác thập giá, và theo Chúa Giêsu - như Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh và Thánh Leopoldo Mandic đã làm”

Sau Thánh lễ vào sáng thứ Năm 11 tháng Hai, hài cốt của Cha Thánh Pio Năm Dấu Thánh đã bắt đầu cuộc hành trình trở về San Giovanni Rotondo, trong khi hài chốt của Thánh Leopoldo được đưa trở về nơi an nghỉ của ngài tại Padua.

Các nhà chức trách của thành phố Rôma ước tính trên 500,000 người đã kính viếng hai vị thánh trong một tuần qua.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban truyền thông hạt Hố Nai hành hương Đức Mẹ Núi Cúi
Khổng Hữu Nguồn
10:22 16/02/2016
BAN TRUYỀN THÔNG HẠT HỐ NAI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ NÚI CÚI

Sáng thứ Ba ngày 16/02/2016, (nhằm ngày mồng 9 tết Bính Thân) chiếc xe 25 chỗ chở 15 thành viên trong Ban Truyền Thông Hạt Hố Nai, dưới sự hướng dẫn của Cha Gioan Bt Vũ Minh Tân - Đặc Trách Ban Truyền Thông Hạt Hố Nai, đi du xuân và hành hương tại Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi, thuộc giáo phận Xuân Lộc. Để cảm tạ Chúa và Đức Mẹ trong một năm đã qua đồng thời khấn xin cùng Chúa và Mẹ ban muôn ơn lành cho chúng con trong năm mới này.

Xem Hình

Trung tâm hành hương nơi đây có phong cảnh hữu tình, đồi núi sông nước mênh mông bao la. Trong chuyến đi hành hương còn là dịp giúp các thành viên được học hỏi thêm về kỹ thuật chụp ảnh, quay phim qua sự hướng dẫn của Ông Trưởng cựu Giuse Khổng Hữu Nguồn, một cây bút giầu kinh nghiệm và chụp ảnh.

Đúng 9g15, trong niềm phấn khởi ngập tràn, toàn Ban có mặt tại Trung Tâm cùng với sự hiện diện của nhiều đoàn hành hương khác.

Ngay giây phút đầu tiên tại Trung Tâm, Cha Gioan Bt. Trần Ngọc Bảo - Phó Ban Truyền thông Giáo Phận cũng đã hiện diện để khích lệ, động viên và chúc mừng cho sự phát triển của Ban Truyền Thông Hạt Hố Nai dưới sự dẫn dắt của Cha Đặc Trách Hạt.

Dịp này, Ban Truyền Thông Hạt Hố Nai cũng được vinh hạnh gặp gỡ giao lưu với Anh chị em Ban Truyền Thông Hạt Gia Kiệm về việc tổ chức, hình thành và phát triển cũng như kỹ năng viết lách và chụp ảnh.

Sau ít phút thư giãn, chụp hình lưu niệm và dâng lời kinh khấn trước tượng đài Mẹ Maria, tiếp đến, mọi người vào trong Nhà Nguyện tham dự giờ Chầu Thánh Thể do Cha Gioan Bt. Trần Ngọc Bảo chủ sự.

Rời Trung Tâm Hành Hương, trên đường về, đoàn đã ghé vào đất thánh nghĩa trang giáo xứ Dốc Mơ đọc kinh và chụp ảnh lưu niệm.

Rời đất thánh, đi khoảng hai cây số nữa, đoàn về đến nhà Ông Bà cố Cha Gioan Bt Vũ Minh Tân – đặc trách, để thăm viếng và chúc tết. Tại đây, vị đại diện đoàn đã dâng lời chúc mừng năm mới đến với Ông Bà cố và gia đình. Ông Bà cố đã thiết đãi đoàn bữa cơm trưa thịnh soạn và ngon miệng.

Xin Tạ Ơn Chúa và Mẹ Maria đã ban cho chúng con chuyến du xuân hành hương bình an, thật là phấn khởi, xin giúp chúng con hăng say nhiệt huyết hơn nữa trong công tác truyền thông loan báo Tin Mừng của Chúa đến với mọi người ở khắp mọi nơi.

Chúng con cũng xin cám ơn Quý Cha đồng hành với chúng con và xin quý Cha tiếp tục đồng hành nâng đỡ chúng con nhiều hơn nữa trong công tác Tông Đồ Truyền Thông Công Giáo.

Truyền Thông Hạt Hố Nai
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Mai Ngày Xuân
Joseph Ngọc Phạm
18:16 16/02/2016
HOA MAI NGÀY XUÂN
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Đầu mùa xuân đất trời vui với nắng
Nụ mai vàng e ấp nở trong sân.
(Trích thơ của Viễn Du)