Ngày 15-02-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy tha thứ - Đừng báo thù
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:55 15/02/2014
Chúa Nhật VII THƯỜNG NIÊN, năm A
Mt 5, 38-48

HÃY THA THỨ. ĐỪNG BÁO THÙ

Hãy tha thứ và thứ tha là giới răn hoàn toàn mới của Đức Kitô. Sống trên đời người ta phải đấu tranh để sinh tồn. Do đó, ngay từ cổ thời xa xưa, có những bộ tộc đã tranh đấu với nhau để sống còn, có những dòng tộc, họ hàng đã chiến đấu với nhau để bảo vệ họ hàng, dòng tộc của mình. Trên thế giới, nhiều nước, nhiều nơi còn chiến tranh, chiếm giết để bảo vệ chủ quyền của mình, để bảo tồn nòi giống của mình. Thời Cựu Ước, luật viết:” Mắt thế mắt. Răng đền răng “ là công thức của luật báo thù. Đức Giêsu khi tới trần gian lại nói : ” Còn Thầy, Thầy bảo các con :hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con “, ”Hãy tha thứ thì được thứ tha “ vv… Chúa Giêsu đến để làm cho luật nên hoàn thiện, nâng luật lên tầm cao tuyệt đối.

Nghiên cứu, tìm hiểu bộ luật của Sách Ngũ Kinh, chúng ta nhận ra nhiều điểm chưa hoàn thiện của luật Môsê. Chúng ta hãy xem chẳng hạn luật mắt thế mắt răng đền răng, luật về ngoại tình, luật bác ái vv…Tất cả những điều khoản này được ghi chép rất tỉ mỉ trong luật Môsê. Những luật này không những nằm trong luật của Môsê, nhưng thực tế nó vẫn tồn tại trong tâm hồn của con người. Bởi vì, đối với con người, khuynh hướng báo thù, trả oán nhiều hơn khuynh hướng tứ tha. Anh đánh tôi, tôi đánh lại hoặc sẽ tìm cách báo thù, biện hộ cho tôi…

Chúa Giêsu đến trần gian để đem cho mọi người, cho nhân loại một giới luật mới, giới luật yêu thương. Ngài dạy con người : ” Hãy dập tắt mầm mống oán thù, chia rẽ đang âm ỉ trong con người. Đừng cho những hành động xấu nhen nhúm trong trái tim con người, trong lòng, trong tâm hồn của con người chúng ta “. Ngài truyền: ” Đừng chống cự lại kẻ ác”.

Mầm mống báo thù luôn âm ỉ trong tâm hồn, Chúa dạy hãy dập tắt ngay và hãy có tâm hồn sám hối, sự hoán cải để sự báo oán, hờn căm, nổi giận không có cơ hội nổi dạy trong con người. “ Hãy yêu thương kẻ thù “ là một lệnh truyền tuyệt đối của Chúa Giêsu, Vị sáng lập Đạo Tình Thương. “ Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu “. Đây là một giới răn, một lệnh truyền. Bởi vì, đối với Chúa tình yêu không có chuyện mắt thế mắt răng đền răng, không có chuyện trả thù.

Chúng ta hãy đọc lại câu chuyện người con hoang đàng, người phụ nữ ngoại tình sẽ thấy lòng nhân hậu, thứ tha của Thiên Chúa tình yêu như thế nào ? Sự thật tuyệt vời, bài học vô giá Chúa đã để lại cho nhân loại, cho con người, cho mỗi người là sự tha thứ tuyệt vời của Chúa. Chúa đã tha thứ cho những kẻ bắt Ngài, hành hạ Ngài, kết án Ngài.

Trên thập giá, Chúa đã tha thứ và đưa vào Thiên Đàng người trộm lành biết ăn năn hối cải : ” Hôm nay, ngươi sẽ ở trên Thiên Đàng với Ta “. Chúa đã tha thứ ngay khi Ngài bị kết án bất công, bị đóng đinh trên thập giá :” Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm “ ( Lc 23, 34 ). Chết mới nói lên lời. Chết mới nói lên tình ây trọn vẹn, tình yêu vô vị lợi, tình yêu dâng hiến.

Tha thứ, yêu thương kẻ thù là điều rất khó thực hiện. Nhưng Chúa dạy :” Các con phải trở nên hoàn thiện như cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”( Mt 5, 48 ).

Ở trần gian, con người thường muốn cho vay ăn lời, càng lợi nhuận, càng lời nhiều càng tốt. Chúa dạy :” …Ai muốn vay mượn hãy sẵn sàng “. Cho vay ở đây không lợi nhuận, không ăn lời. Cho vay là giúp đỡ, là tạo cơ hội cho con người vượt khó, giúp họ làm lại cuộc sống của họ. Sự hòa giải, quảng đại, tha thứ sẽ đem lại cho con người sự bình an. Sự an bình luôn cần thiết cho đời sống con người. Ở đời nhiều người đã hối hận đã tìm lại được nguồn vui khi họ luôn cố tình nói xấu, làm hại người, nhưng ngược lại họ luôn nhận được sự thứ tha, cảm thông và tấm lòng tốt của người khác.

Đời sống của mỗi người, thánh giá mỗi người vác hàng ngày đã nặng lắm rồi. Nếu chúng ta không chia sẻ, không cảm thông với nỗi nhục nhằn, nặng nề của kẻ khác thì chúng ta cũng đừng chất gánh nặng trên vai kẻ khác vì thánh giá họ vác mỗi ngày họ đã phải hy sinh, cố gắng lắm rồi…

Các Thánh là những người đã sống như chúng ta ở trần thế này, nhưng các Ngài đã hơn chúng ta vì đã dám sống đức tin tỏa sáng, đã dám vác thập giá, đã dám sống quảng đại, tha thứ cho cả những kẻ làm hại mình.

Lạy Chúa Giêsu, sống như Chúa yêu là điều không phải dễ, nhưng với ơn Chúa giúp, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, chắc chắn chúng con có thể thực hiện được những điều mà Chúa mong muốn.Xin giúp chúng con biết tuân theo lời dạy của Thánh Phanxicô khó khăn: ”…đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm “. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa lại nói yêu thương cả kẻ thù ?
2.Mắt thế mắt răng đền răng là gì ?
3.Giới răn mới của Chúa được gọi là giới răn gì ?
4.Yêu thương như Chúa yêu là sao ?
5.Thường những kẻ xúc phạm đến chúng ta, chúng ta đối xử thế nào ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 15/02/2014
Thiên Chúa TRỞ THÀNH CỦA ĂN
N2T

Thiên Chúa muốn xuống phỏng vấn người trần, trước tiên sai thiên thần đi coi tình hình thế gian như thế nào, thiên thần trở về báo cáo:
- “Nhân loại đại đa số đều thiếu thức ăn và thiếu việc làm.”
Thiên Chúa bèn nói:
- “Ta tự nguyện giáng trần để làm lương thưc thực cho người đói, và việc làm cho người thất nghiệp.”

Suy tư:
Thiên Chúa là tình yêu, như lời thánh Augustino nói: cứ yêu đi rồi làm gì thì làm. Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người trước nên mới tạo dựng con người, Ngài đã yêu con người trước khi con người vẫn còn là tội nhân, do đó mà Ngài đã tự nguyện giáng trần để cứu chuộc nhân loại.
Cái mà con người sợ nhất là đói, đói than xác và đói tâm hồn, cái con người sợ không thua gì cái đói là sự thất nghiệp, bởi vì thất nghiệp thì không thể có một cuộc sống bình an và hạnh phúc…
Thiên Chúa xuống thế làm người để trở nên của ăn cho con người, đó chính là Mình và Máu Thánh của Đức Chúa Giê-su, Ngài thật sự là lương thực nuôi sống những ai tin vào Ngài là Đấng cứu chuộc thế gian; Đức Chúa Giê-su xuống thế để trở ên việc làm cho mọi người, việc làm đó chính là hành động bác ái, hành động phục vụ, hành động yêu thương.v.v…
Khi Đức Chúa Giê-su trở thành lương thực và việc làm cho chúng ta –người ki-tô hữu- thì chúng ta có trở thành bánh và việc làm cho tha nhân không ?
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 6 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:42 15/02/2014
Chúa Nhật VI THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 5, 20-22a.27-28.33-34a.37
“Anh em đã nghe luật dạy người xưa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết.


Anh chị em thấn mến,
Đã có nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta khen ngợi các linh mục là những người tài giỏi đáng để chúng ta học hỏi, nhưng Đức Chúa Giê-su lại bảo cho chúng ta biết, nếu chúng ta không ăn ở công chính hơn những người kinh sư và biệt phái thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Công chính thì khác với tài giỏi.
Có những linh mục rất tài giỏi đa năng, vừa viết nhạc vừa hát hay lại vừa làm diễn viên thu hình, những tài hoa này không làm cho những linh mục ấy trở nên người công chính, những tài hoa này không làm cho các ngài được vào Nước Trời, nếu các ngài không có đời sống kết hợp sâu xa với Thiên Chúa, bằng không thì chỉ thêm gây phiền phức cho đời sống nội tâm của các ngài mà thôi, bởi vì chính đời sống nội tâm của người linh mục mới làm cho họ trở nên người công chính trước mặt người đời và trước mặt Thiên Chúa.

Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu rất giỏi về luật Môi-sê, những chính các ông ấy đã bị Đức Chúa Giê-su khiển trách vì trở nên cớ vấp phạm cho người khác, khi chính họ không thực hành lề luật.

Người công chính là người tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, là người biết chu toàn bổn phận của mình cách trọn hảo dù cho tài năng của mình xuất chúng, nhưng không vì tài năng, không vì tiêng khen ngợi của mọi người mà quên đi bổn phận mục tử của mình. Tài hoa là phương tiện giúp cho mục đích của đời mục tử, chứ không phải tài hoa là mục đích của đời sống linh mục.

Luật cũ và luật mới chỉ khác nhau chữ Tâm.
Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu cũng biết giữ lề luật của Môi-sê, nhưng họ không dùng cái tâm để giữ và thực hành, họ chỉ dùng cái vẻ đạo mạo bên ngoài để làm cho người khác phải ca ngợi mình với áo thụng dây tua, với cung cách bệ vệ mà thôi, cho nên họ không không thể dẫn dắt người khác vào Nước Trời.

Thời nay có những mục tử cũng biết giữ luật Chúa như những kinh sư và người Pha-ri-siêu, tức là họ không dùng cái tâm để giữ, mà chỉ dùng cái mã tốt tướng đạo mạo bên ngoài để giữ, những mục tử này thì rất dễ thấy trong xã hội ngày nay, đó là:
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng để răn đe giáo dân đừng uống rượu, nhưng lễ xong thì các ngài uống rượu nhiều gấp mấy giáo dân, các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ không nói bằng cái tâm.
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng nói về sự công bằng bác ái, nhưng chính các ngài lại cho giáo dân vay tiền lấy lãi nặng hơn cả các chủ nợ khác. Các mục tử này chỉ nói cho sướng miệng chứ các ngài không thực hành bằng cái tâm.
- Khi các ngài đứng trên tòa giảng dạy giáo dân phải thảo kính cha mẹ, kính trên nhường dưới, nhưng chính các ngài ăn nói thô lỗ cộc cằn, ngạo mạn với các đấng bậc lớn tuổi hơn mình. Các mục tử này chỉ nói cho sướng cái miệng chứ các ngài không hề dùng cái tâm để giảng dạy.

Anh chị em thân mến,
Các kinh sư và những người Pha-ri-siêu đã bị Đức Chúa Giê-su nhiều lần khiển trách, không phải vì Ngài ghét họ, nhưng vì Ngài muốn cho họ trở nên những bậc thầy thánh thiện gương mẫu, và bởi vì chính họ mỗi khi làm gương xấu thì ảnh hưởng to lớn và tai hại vô cùng cho dân Ngài.

Sự công chính được phát xuất từ một tâm hồn biết yêu thương thật sự, chứ không phải phát xuất từ tài năng, thông luật hay giỏi Thánh kinh. Bởi vì nếu không yêu thương thật sự, thì tất cả chỉ là hình thức giả tạo đáng ghét bên ngoài mà thôi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
---------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 15/02/2014
N2T

5. Khi linh mục dâng lễ thì có rất nhiều thiên thần chầu quanh bàn thờ thờ lạy Thánh Thể thương tích của Đức Chúa Giê-su.

(Thánh John Chysostom)
---------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:48 15/02/2014
CHIA SẺ
Linh mục nghĩa phụ chia sẻ với con đỡ đầu (nghĩa tử) của mình:
- “Giúp xứ là giúp cho cha sở một vài việc như tập hát hoặc dạy giáo lý, nhưng quan trọng hơn đó chính là tập làm cha sở thánh thiện, cho nên con cố gắng căng tai lên, mở mắt và mở lòng để nghe để thấy và để cảm nhận được công việc của một cha sở. Công việc của cha sở có ba bước: bước thấp nhất là lãnh đạo, bước trung là mục tử và bước cao nhất là làm đầy tớ trung thành của Chúa.”
--------------
http://nhantai.info
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
http://www.vietcatholic.net/nhantai
 
Lề luật mang dạng đứng tình yêu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
11:37 15/02/2014
Lề Luật Mang Dáng Đứng Tình Yêu

(Chúa Nhật 6 thường niên năm a)

Sau khi dân Ít-ra-en được Mô-sê dẫn ra khỏi đất Ai Cập, thoát khỏi cuộc đời lầm than nô lệ, thì Thiên Chúa muốn họ hướng về tương lai trong một niềm hy vọng ngút ngàn để xây dựng cuộc đời mới trong tự do, tươi sáng.

Và để làm nền tảng cho cuộc sống mới của Đoàn Dân Được Tuyển Chọn, Chúa đã trao ban cho họ một “bảng hiến pháp” tuyệt vời, đó là MƯỜI ĐIỀU RĂN, mà Ngài đã long trọng khắc ghi vào bia đá, giao cho Mô-sê từ trên đỉnh núi Si-Nai trong khung cảnh uy hùng khói bốc, lửa dậy.

- Kể từ đây, họ sẽ được tự do thờ phượng một Thiên Chúa đích thực mà không còn phải nô lệ cho những thần tượng giả tạo hay những thứ mê tín dị đoan của người Ai Cập và dân ngoại. (Điều răn I)

- Kể từ đây, họ sẽ chọn Thiên Chúa là Cha đang đồng hành và hiện diện giữa họ, để họ có thể gặp gỡ và thân thưa cách thân tình, phụ tử, chứ không còn là một thần tượng xa vời, kết buộc con người bằng những lời thề thốt giả tạo. (Điều răn II).

- Kể từ nay, họ có một ngày nghĩ lễ Sabat tuyệt vời trong tuần để dành riêng thờ Chúa và sống đậm đà tình huynh đệ cộng đoàn, chứ không phải nơm nớp lo sợ cúi đầu để thờ phượng lung tung những thần tượng trống rỗng và bị trói buộc mỗi phút mỗi giây trước những quyền lực phù phiếm và trần tục. (Điều răn III)

- Kể từ nay giữa cộng đồng và giữa xã hội Do Thái không còn có thể xảy ra việc giết người, ngoại tình, trộm cướp, làm chứng gian, cáo tội đồng loại….(Các điều răn V, VI, VII, VIII)

- Kể từ nay trong cộng đồng và trong xã hội Do Thái không ai còn nghĩ đến chuyện ham muốn nhà cửa hay mê vợ của kẻ khác, hoặc muốn chiếm hữu tớ trai tớ gái hoặc bò lừa và bất cứ vật gì của người đồng loại….(Điều răn IX, X)

Đây quả thật là giấc mơ cho tương tai hoàn toàn được giải phóng và tự do, giải phóng khỏi sự sợ hãi của những tộc ác và tự do khỏi những cơn cám dỗ, khỏi những khuynh hướng làm ác.

Nhưng rồi, qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, cho tới thời Chúa Giêsu, Bản Luật Mười Điều Răn đó, đã được người Do Thái chú giải, bày đặt, thêm thắt thành hàng ngàn khoản luật nhỏ, đến độ biến thành một “mớ bòng bong lề luật” truyền khẩu chi li, rườm rà, gần như che khuất hết vẽ đẹp rạng ngời và trong sáng thánh thiện của Mười Điều Răn. Thay vì Giới Luật của Chúa nhằm để giải thoát và cho con người được tự do trong tình yêu, lề luật đã trở thành những thứ giây chằng chịt trói buộc, biến mối tương quan giữa người và Thiên Chúa trở nên xa cách và người với người trở nên lạnh lùng.

Vì luật họ để mặc những anh chị em bịphung cùi chết dần chết mòn trong hoang mạc với cuộc sống hoàn toàn bị cách ly, gạt bỏ.

Vì luật, họ chẳng thèm giao tiếp với những anh chị em thu thuế, những người Samari, những bà con lương dân thấp cổ bé miệng.

Vì luật họ khinh thường và loại trừ những hạng người như cô gái làng chơi Maria Mađalêna, hay chàng Gia-kê trưởng ty thuế vụ, hoặc người mù từ lúc mới sinh lê lết bên bờ cuộc sống…

Họ đã biến tôn giáo mặc khải trở thành tôn giáo của luật lệ, và biến lề luật trở thành những chữ viết vô hồn trong sách vở của họ hay trên những tua áo họ mang trên mình mà hoàn toàn không còn chút sức sống của tình yêu, của con tim để dành cho Thiên Chúa là Cha và cho mọi người là anh em.

Chính Đức Ki-tô đã phê phán nặng nề thái độ nầy của đám biệt phái, luật sĩ đương thời : “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa” (Mt 15,3)

Đức Ki-tô đã đến để đem lại sức sống và vẽ đẹp tuyệt vời cho lề luật. Hôm nay, Ngài chính thức tuyên bố với những tay biệt phái bảo thủ, từng theo dõi mọi lời rao giảng và mọi hành vi của Ngài, những điều mà họ hoàn toàn dị ứng với nếp nghĩ và ứng xử tôn giáo của họ.

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”

Và điều cốt yếu mà Đức Ki-tô muốn thiết lập để kiện toàn Lề Luật đó chính là Tình Yêu. Tình yêu dành cho Thiên Chúa và Tình Yêu đối với con người. Mọi luật lệ đều phải quy chiếu vào nội dung cơ bản nầy. Đức Ki-tô muốn những ai là môn sinh của Ngài phải chu toàn Lề Luật trong tinh thần đó :

“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Sự công chính mới mà Ngài muốn các môn sinh của Ngài thực hiện không được dừng lại trên việc tuân thủ cách hình thức và đúng mực theo quy định của Lề Luật ; nhưng tiên vàn đó là thái độ tinh thần và con tim làm nền tảng và định hướng cho mọi ứng xử.

Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. …

Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. …

Qua những lời tuyên bố cụ thể đó, Chúa Giê-su muốn nội tâm hóa lề luật, để con người không chỉ dừng lại trước việc thực thi và tuân thủ máy móc ; nhưng là phải có một trái tim, một tinh thần, một tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa cũng như đối với tha nhân.

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : "Ai yêu thương thì đã chu toàn lề luật" (Rm 13,8) và thánh Augustinô cũng nhắc nhở : "Bạn hãy yêu thương đi rồi làm theo ý bạn muốn” (Ama et fac quod vis).

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà “luật lệ thì đầy dẫy”, nhưng người ta chỉ muốn xài “luật rừng”.

Luật cấm giết người ai mà không biết. Nhưng mỗi ngày có biết bao nhiêu vụ giết người man rợ đã xảy ra. Vào đúng ngày Lễ Tình Nhân hôm qua (14/2/2014), tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ án mạng kinh khủng. Một chàng thanh niên đã đâm chết người yêu rồi nhảy lầu tự tử.

Luật thương mại, sản xuất có đầy đấy chứ. Nhưng ngoài thị trường hàng giả, hàng nhái đầy dẫy. Luật giao thông có đấy, nhưng hàng ngày biết bao tai nạn thương tâm vì người ta bất cần luật…

Luật cấm mê tín dị đoan có đấy chứ. Nhưng từ cán bộ trung ương đến hàng hàng lớp lớp dân chúng thay nhau mà cướp ấn của Đền Trần trong ngày hội khai ấn vừa qua tại Ninh Bình để mong được cầu tài và phúc lộc vật chất, cho dù phải dẫm đạp lên nhau, sống chết mặc kệ.

Phải chăng vì con người hôm nay đã đánh mất cái tâm, cái tinh thần tương thân tương ái, cái trái tim để yêu thương và tương kính lẫn nhau.

Như vậy, chúng ta, những người được chính Đức Ki-tô dạy bảo : “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”, chúng ta phải là chứng nhân cho một thế giới mới, một thế giới được giải thoát khỏi những u mê lầm lạc của mê tín dị đoan và nô lệ cho những thần tượng giả mạo ; một thế giới đầy tình huynh đệ yêu thương trong mái nhà của con cái cùng một Cha chung duy nhất.

Và con đường để thực thi đời sống chứng tá đó không gì khác là cùng nhau tuân giữ và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa trong tinh thần yêu thương mà Đức Ki-tô đã dạy. Nói cách khác, luật của người Kitô hữu là luật mang dáng đứng tình yêu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô: Giáo Hội chẳng được lợi gì từ những khuôn mặt buồn như đưa đám của các tín hữu
Đặng Tự Do
16:48 15/02/2014
Trong một số nền văn hóa nhất định, người ta khích lệ các tín hữu phải có một khuôn mặt đạo mạo, thậm chí là rầu rĩ trong trạng thái của một hối nhân đau buồn trước tội lỗi của mình. Tuy nhiên, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Giáo Hội chẳng được lợi gì từ những khuôn mặt “buồn như đưa đám” của các tín hữu.

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 14 tháng 2 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một Kitô hữu chân chính phải là người tiến bước giữa thế giới này tung tăng hớn hở như một chiên con của Chúa.

Đề cập đến bài đọc thứ nhất trong ngày, trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày những nét chính yếu trong căn tính Kitô giáo, và nhấn mạnh rằng một Kitô hữu trước hết phải được hiểu như là một người được Chúa “sai đi vào thế giới để rao giảng Tin Mừng”. Như thế, Kitô hữu phải là một môn đệ “luôn chuyển động, luôn tiến về phía trước”. Một Kitô hữu đứng yên là một người “mắc bệnh”, bởi vì, nét đặc thù đầu tiên của căn tính Kitô là khả năng “tiến bước ngay cả trong những khó khăn, để vượt qua những trở ngại này”.

Là một Kitô hữu có nghĩa “là một con chiên, và phải giữ cho được bản sắc này”. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô đó là đặc điểm thứ hai của căn tính Kitô giáo. Ngài nói: “Chúa sai chúng ta ra đi như chiên con giữa bầy sói”. Một số người đề nghị sử dụng sức mạnh chống lại những con sói, nhưng Đức Thánh Cha cảnh cáo rằng chúng ta phải nhớ đến bài học của Đa-vít khi ông chiến đấu với quân Phi-li-tinh. Người ta muốn mặc cho Đa-vít tất cả các áo giáp của Sau-lô, nhưng như thế Đa-vít không thể di chuyển được, “Đa-vít không còn là mình nữa, ông không còn nhanh nhẹn nữa.” Vì thế, cuối cùng Đa-vít cởi phăng mọi thứ và cầm lấy cái ná của mình và đã thắng trận.

Đôi khi chúng ta bị cám dỗ suy nghĩ rằng: ‘Trường hợp này thật là khó khăn. Những con sói này quỷ quyệt và ta phải quỷ quyệt hơn chúng’. Nhưng chừng nào anh chị em vẫn là những chiên con, Chúa sẽ bảo vệ anh chị em, nếu anh chị em là sói, Chúa sẽ bỏ mặc anh chị em.

Tính chất đặc thù thứ ba của căn tính Kitô, là "phong cách Kitô giáo", đó là niềm vui. “Kitô hữu là những người hân hoan vì họ biết Chúa và mang Chúa đến cho thế gian.” Không thể tiến bước trong tư cách là Kitô hữu với một khuôn mặt đưa đám. Ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách, những gian truân, hay với cả những sai lầm và tội lỗi của chúng ta, anh chị em hãy vui lên vì niềm vui trong Chúa Giêsu, Đấng luôn tha thứ và phù giúp chúng ta.

"Những Kitô hữu với 'phong cách sống' rầu rĩ, phàn nàn quanh năm suốt tháng chẳng giúp gì được cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài: đó không phải là phong thái người môn đệ Chúa Kitô."

Đức Thánh Cha kết luận rằng “trong ngày lễ kính hai môn đệ Chúa là hai thánh Xyrilô và Mêthôđiô, chúng ta cần phải suy tư trên căn tính người môn đệ Ngài. Một Kitô hữu phải là một người nam hay người nữ không bao giờ đứng chết trân một chỗ nhưng tiến bước và tiến bước hớn hở như chiên con. Nhờ lời cầu bầu của hai vị thánh bổn mạng của châu Âu, xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng để tung tăng tiến bước như chiên con."
 
ĐTC Phanxicô: Các tín hữu có thể đánh mất đức tin vì những đam mê và cuộc sống phù hoa
Đặng Tự Do
16:53 15/02/2014
Vua Solomon và các phi tần ngoại giáo
Trong thánh lễ sáng thứ Năm 13 tháng 2 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói các Kitô hữu có thể mất niềm tin vì những đam mê và cuộc sống phù hoa của họ, trong khi một người ngoại giáo lại trở thành một tín hữu nhờ sự khiêm tốn của mình.

Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của ngài trên bài Tin Mừng trong ngày thuật chuyện một phụ nữ dân ngoại đã được Chúa chữa cho con gái bà vì niềm tim của bà.

Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy Lạp, gốc Phênixi thuộc xứ Xyria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn cũng có thể được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”

Cảm động trước lòng tin của bà, Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa bé nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Đức Thánh Cha giải thích rằng người phụ nữ này "không xấu hổ" khi bày tỏ niềm tin nơi Chúa Giêsu và, vì vậy, bà đã được Chúa nhậm lời.

Trong khi đó, lại có những kẻ như vua Solomon được tường trình trong bài đọc Một như là một người khôn ngoan và nhận được nhiều ân sủng to lớn từ Thiên Chúa. Thế nhưng, ông lại bao quanh mình với các phi tần ngoại giáo. Vì thế, đức tin của ông yếu dần và con tim ông bị băng hoại vì cuộc sống phù hoa của mình.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng: “Vâng, đúng là Solomon có thể đọc Kinh Tin Kính, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra là một người miệng vẫn mấp máy đọc kinh mà lòng thì đã thiếu đi niềm tin.”

Hạt giống nhơ nhớp của đam mê đã dẫn Solomon đến chỗ sùng bái ngẫu tượng.

Để kết luận, Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta phải đi theo con đường người phụ nữ ngoại giáo được nêu trong bài Phúc Âm, là người đã đón nhận Lời Chúa, là Lời dẫn chúng ta đến ơn cứu rỗi.
 
Đức Thánh Cha lên tiếng ca ngợi sự năng động của cộng đồng Công Giáo Bulgaria
Đặng Tự Do
16:46 15/02/2014
ĐTC hôn kính một bức ảnh do các GM Bulgaria tặng
Trong buổi tiếp kiến hôm thứ Năm 13 tháng Hai dành cho các Giám Mục Bảo Gia Lợi hay còn gọi là Bulgaria đang trong chương trình ad limina viếng mộ Các Thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng ca ngợi cộng đồng Công Giáo Bulgaria vì tính năng động và chủ động tông đồ của họ.

Thống kê toàn quốc năm 2011 ghi nhận có 48,945 anh chị em tín hữu Công Giáo tại quốc gia này. 10 năm trước đó số người Công Giáo là 43,811. Như vậy, số tín hữu Công Giáo gia tăng hơn 5,000 người.

Đức Thánh Cha nói rằng mặc dù người Công Giáo là nhóm thiểu số tại Bulgaria, nhưng chứng tá của họ là rất quan trọng "trong một xã hội có nhiều khoảng trống tinh thần do chế độ vô thần cũ để lại và tình trạng chấp nhận không chút phê phán các mô hình văn hóa duy vật chất và thực dụng" của các nước Tây phương.

Ngài nhận xét rằng Giáo Hội tại Bulgaria đã đưa ra những chứng tá anh hùng trong quá khứ, và tiếp tục đưa ra cho xã hội những phản bác cho trào lưu duy vật chất cũng như sự trợ giúp cho những người nghèo và quẫn bách.

Đức Thánh Cha cũng nhắc các Giám Mục Bulgaria là ngày 27 tháng 4 ngài sẽ phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Đó là một ngày đặc biệt đối với người Công Giáo Bungari. Chân Phước Gioan Phaolô II đã giữ một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của họ vì ngài là vị Giáo Hoàng Slavic đầu tiên. Chân Phước Gioan XXIII đã từng sinh sống nhiều năm tại Bulgaria khi ngài là sứ thần Tòa Thánh ở đó.

Một vị Giám Mục Bulgaria đã xin Đức Thánh Cha đứng bên trái ngài để chụp hình lưu niệm. Đức Thánh Cha đã đứng chụp hình nhưng bông đùa rằng: “Tôi ái ngại quá vì sợ người ta hiểu lầm là tên trộm ở bên trái Chúa Giêsu chịu đóng đinh.” Truyền thống, thường gọi là người trộm dữ, là kẻ tới chết cũng không có chút lòng ăn năn.
 
Tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn muốn mời Đức Thánh Cha thăm Ấn Độ
Đặng Tự Do
07:02 15/02/2014
Cuối phiên họp khoáng đại từ 5 tháng Hai đến 12 tháng Hai, các Giám Mục Ấn Độ đã bầu Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal là thượng phụ Công Giáo nghi lễ Syro-Malanka làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn thay thế cho Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, người đã giữ chức vụ này trong 4 năm qua và hiện là một trong 8 vị Hồng Y cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Phiên họp đã quy tụ 185 Giám Mục thuộc 167 giáo phận bao gồm cả Công Giáo nghi lễ La Tinh, Công Giáo nghi lễ Syro-Malankara, và Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar.

Đức Hồng Y tân chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn sinh ngày 15 tháng Sáu năm 1959. Ngài được thụ phong linh mục ngày 11 tháng Sáu năm 1986, và được tấn phong Giám Mục ngày 15 tháng Tám 2001.

Ngài đã được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tấn phong ngày 24 tháng 11 năm 2012.

Hôm thứ Bẩy 08 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ một nhóm anh chị em người Sri Lanka di dân sang Ý do Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo dẫn đầu. Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã chào đón Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, và cảm ơn ngài vì lời mời tới thăm Sri Lanka. Ngài nói: "Tôi hoan nghênh lời mời này, và tôi nghĩ rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta đặc ân đó."

Trước diễn biến này, Đức Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal bày tỏ hy vọng là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Ấn Độ trong chuyến đi thăm Sri Lanka.
 
Bất ngờ lớn: Account Twitter của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng La Tinh thu hút 213,000 người.
Đặng Tự Do
16:42 15/02/2014
Cha Daniel Gallagher
Account Twitter của Đức Thánh Cha bằng 9 sinh ngữ thông dụng trên thế giới đã có hơn 10 triệu người theo dõi. Điều bất ngờ nhất là account bằng tiếng La Tinh. Theo dự kiến ban đầu, account này sẽ thu hút khoảng 5,000 người theo dõi nhưng hiện nay đã có hơn 213,000 người.

Cha Daniel Gallagher, học giả tiếng La tinh, đang làm việc tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói:

"Nó gần như một phép lạ. Chúng tôi không biết chắc lý do tại sao account này đã thành công lớn như vậy. Tuy nhiên, từ các thư từ nhận được, các dòng nhắn tin và các ý kiến đóng góp, thì rõ ràng nhiều người trong công chúng vẫn nghĩ rằng La Tinh ngày nay vẫn còn là một ngôn ngữ rất hữu ích, dù là dùng để trao đổi những suy nghĩ cao siêu hay chỉ để nói chuyện bình thường. Thực tế là có một nền văn hóa lớn đằng sau ngôn ngữ này."

Mặc dù, xem ra khá mỉa mai, nhưng thực tế cho thấy dù La Tinh là một ngôn ngữ không được dùng để nói trong nhiều thế kỷ qua, nó vẫn có thể trở thành một phương tiện truyền thông phổ biến nhất và hiện đại.

Cha Daniel Gallagher nói:

“La Tinh có khả năng thể hiện trọn vẹn các ý tưởng một cách ngắn gọn, chính xác, và vui tươi mà nhiều ngôn ngữ khác không làm nổi. Những gì chúng ta thường phải dùng đến 12 hoặc 14 từ để thể hiện trong các ngôn ngữ khác thì trong tiếng Latin bốn từ là đủ. Tiếng La Tinh nổi tiếng về khả năng rút ngắn, và thể hiện chính xác những điều muốn chuyển tải.”

Hiện nay số người theo dõi account Twitter của Đức Thánh Cha bằng tiếng La Tinh còn đông hơn số người theo dõi bằng tiếng Ả Rập, Ba Lan và tiếng Đức.

Cha Daniel Gallagher nói tiếp:

"Không thể nói chính xác nơi cư trú của những người đang theo dõi các account của Đức Thánh Cha. Nhưng nhiều người Đức nói với chúng tôi họ thích theo dõi account tiếng La Tinh của Đức Thánh Cha. Chúng ta biết là việc học tiếng La Tinh vẫn còn rất phổ biến trên toàn nước Đức, đến mức mà học sinh lớp Tư hay lớp Năm đã có thể bắt đầu hiểu nội dung của những lời nhắn."

Qua nhiều thế kỷ, Giáo Hội đã sử dụng Latin để trao đổi với nhau, và truyền bá thông điệp Tin Mừng trên toàn thế giới. Trong thời hiện đại, có vẻ như xã hội ngày nay đã biết đánh giá cao ngôn ngữ cổ điển này.
 
Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI, một cuộc sống cần mẫn, khuôn mẫu và ẩn dật .
Pt Huỳnh Mai Trác
16:07 15/02/2014
Đức Giáo Hòang danh dự Bênêđictô XVI cư trú không quá xa nơi cư trú và văn phòng của Đức Giáo Hòang Phanxicô, Đấng kế nhiệm, Đức Giáo Hòang danh dự hòan tòan rút lui khỏi Tòa Thánh Vatican và sống ẩn dật trong một tu viện nhỏ bé.

Đức Bênêđictô XVI chỉ cầu nguyên và tiếp tục nghiên cứu về thần học và không hề chú ý đến mọi sự việc chung quanh và các ngài giáo hòang đều có lòng thân ái và kính trọng dành cho nhau.

Giáo Hòang danh dự, đó là danh xưng của ngài. Từ nay ngài là một giáo hòang ẩn tu. Ngài đã trình bày rỏ ràng vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, điều ngài mong muốn sau khi từ nhiệm: “Phần tôi, trong tương lai, điều mà tôi có thể làm được với tất cả tâm tình của tôi là để phục vụ Hội Thánh Chúa, là tận hiến cuộc đời còn lại trong cầu nguyện. ”Thật vậy, từ ngày 2 tháng 5 năm 2013, sau những ngày tạm trú tại Castel Gandolfo ở Roma, thì ngài trở về sống tại tu viện Mater Ecclesia trong thành Vatican do các nữ tu thuộc dòng chiêm nghiệm cai quản, đã sửa mới để ngài xử dụng.

Ông Nicolas Diat tác giả « L’Homme qui ne voulait pas être pape » (Người không muốn trở thành giáo hòang), ghi lại là khi Đức Bênêđictô XVI đến viếng các tu viện vào tháng 10 năm 2011, ngài đã tỏ ý thán phục đời sống ở đó và mong muốn có một ngày nào đó ngài sẽ có nếp sống như vậy ».

Dưới bóng Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô mà từ xa ngài có thể nhìn thấy vòm nhà thờ cao trên nền trời, và ngài không sống hòan tòan cách biệt với những cuộc sống chung quanh như một nhà tu khổ hạnh hay là một ẩn sĩ ngòai sa mạc. Bốn giáo dân phục dịch tại dinh thự giáo hòang ngày trước nay cũng đến đây phục dịch, và quang cảnh của thủ đô náo nhiệt cũng đang bao quanh nơi ngài hưu dưỡng.

Cuộc sống của ngài được gạch kẻ lên như mẫu giấy để ghi chép âm nhạc

Một người nữa cũng đến sống với ngài là Đức Tổng Giám mục Georg Ganswein, thư ký riêng của ngài. Ngừơi đồng hương này chia sẻ các bữa ăn cùng ngài. Trong ngày chức vụ của ngài là Giám quản ở Tòa Thánh làm việc bên cạnh Đức Giáo Hòang Phanxicô, khi trở về tu viện thì sống với ngài như tình cha con

Người anh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger, cũng cư trú với ngài tại đây. Đức Ông đã 90 tuổi, đã ở lại rất lâu, như trong lễ Giáng Sinh vừa qua. Ngài được có một phòng dành riêng. Với người anh bất ly thân, mắt yếu kém, nên Đức Bênêđictô phải đọc giùm thánh vịnh. Ngài cũng đã rời tu viện đến bệnh viện Agostino Gemelli ngày 4 tháng 1 thăm người anh. Đó là lần đi ra ngòai rất đặc biệt, còn lại mọi thời gian đều ở sau những bức tường tu viện Mater Ecclesiae.

Cuộc đời của ngài được gạch đúng khuôn mẫu như tờ giấy ghi âm nhạc, mà cũng có thể nói đó là lối sống của ngài. Mỗi buổi sáng, ngài dâng lễ trong nhà nguyện xây bằng gạch hướng về phương Đông, xây lưng lại với những người tham dự thánh lễ. Sách vỡ cũng là bạn đồng hành của ngài. Nơi hưu trí của ngài, ngài đã mang theo hàng ngàn quyển sách từ thư viện của ngài và lẽ nhiên cả chiếc đàn dương cầm của ngài. Nhà thần học vĩ đại này luôn có thái độ nghiên cứu không hề mệt mỏi. Nếu ngài còn muốn xuất bản một quyển sách nữa lẽ dĩ nhiên chắc chắn sẽ là sách thần học.

« Trong khi nghĩ hưu trí, Đức Joseph Ratzinger có cảm tưởng là mình đã hòan tất nhiệm vụ đã đóng góp đầy đủ phần vụ của mình. Giữa thư viện và chiếc đàn dương cầm, ngài đã tìm lại được không khí của một giáo sư thần học Herr Doktor Professor. Ngài đã quá mệt mỏi và không còn ý muốn để ý đến những gì đang xẩy ra ở Tòa Thánh, Đức Hồng Y Paul Poupard nói với Đài AFP.

Sự hiện diện của ngài được ví như người ta có một người cha già trong nhà.

Lâu lâu thỉnh thỏang ngài cũng có tiếp xúc với người ngòai, phần đông là những nhà nghiên cứu hay các giáo sư. Chẳng hạn như giáo sư triết người Pháp Rémi Brague vào mùa hè vừa qua. Tất cả các khách thăm viếng đều nhận thấy là sức khỏe của ngài còn tốt và tinh thần rất minh mẫn và an lạc khi ngài không còn đảm trách chức vụ giáo hòang, lối sống của ngài bây giờ là nếp sống của cụ già 86 tuổi. Đi phải chống gậy. Và hằng ngày ngài cũng dành thì giờ đi tản bộ quanh vườn rau trong tu viện.

Dù vậy cũng không ngăn cản việc Đấng kế nhiệm thỉnh thỏang gọi điện hỏi thăm hoặc đến tham vấn ý kiến. Hay đến viếng thăm cùng cầu nguyện với nhau, như hôm trước ngày lễ Giáng Sinh. « Sự hiện diện của ngài ví như người ta có một cha già trong nhà. » mà Đức Giáo Hòang Phanxicô đã so sánh trước mặt các ký giả vào cuối tháng 7, chứng tỏ là Đức Phanxicô rất ngưỡng mộ ngài về sự khôn ngoan và những gia sản mà ngài đã để lại. Sau ngày lễ Giáng Sinh, ngài cũng được mời đến dùng bữa tại Nhà Trú Thánh Marta, nơi cư trú của Đức Giáo Hòang mới, chỉ cách xa khỏang 300 mét nơi ngài đang hưu trí.

Người ta cũng có cảm tưởng là ngài hòan tòan không để ý gì về những gì đang xẩy ra trong công việc của Tòa Thánh.

Trong thâm tâm, Đức Bênêđictô XVI tự nhủ: nhận biết là có một mối liên hệ mật thiết với Đức Giáo Hòang Phanxicô « theo như lời của nhà thần học Hans Kung nhận xét khi nói với tờ Báo La Republica vào ngày 10 tháng 2 khi nói về một là thư của người đồng viện: « Tôi cảm nghiêm là tôi có bổn phận độc nhất và khẩn thiết là cầu nguyện cho Đức đương kim Giáo Hòang và Tòa Thánh ».

Và ông ấy nhận xét là Đức Giáo Hòang danh dự không muốn có một ý kiến gì về công việc của Tòa Thánh Một sự việc xẩy ra bất chợt là việc xuất bản trong tháng 9 vừa qua là một bức thư gởi cho Piergiorgio Odifredi phản biện về việc ông triết gia vô thần người Ý này viết một quyển sách chỉ trích Giáo Hội.

Việc ra nơi công cọng trong lần tới nếu có sẽ là vào ngày 27 tháng 4, ngày phong thánh cho các giáo hòang Gioan XXIII và Gioan Phaolô II là các đấng mà Đức Benêđictô XVI đã phục vụ. « Nhưng tự ý ngài, ngài cũng không muốn, chỉ đến khi nào Đức Phanxicô mời hỏi, theo như lời của Nicolas Diat. Trước khi từ nhiệm ngài đã tuyên bố là tuyệt đối trung thành và vâng phục Đức Giáo Hòang tại chức. (Sébastien Maillard).

(Trích dịch từ báo La Croix)
 
Đức Thánh Cha tiếp Tổng thống Cộng hòa Cyprus
Nguyễn Việt Nam
16:35 15/02/2014
Sáng thứ Bẩy 15 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Cyprus, là ông Nicos Anastasiades.

Trong các cuộc thảo luận trong đó nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Cyprus (thường được gọi là Síp), hai bên đã đề cập đến một số vấn đề quan tâm chung: như vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội và việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Cả hai vị bày tỏ sự hài lòng với việc nối lại các cuộc đàm phán về tình hình hiện tại của đảo quốc này.

Cyprus là một đảo quốc ở Đông Địa Trung Hải. Đây là hòn đảo đông dân thứ ba ở Địa Trung Hải nằm ở phía đông của Hy Lạp, về phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây Syria và Li Băng, phía tây bắc của Israel và phía bắc Ai Cập.

Ngày 15 Tháng Bảy năm 1974, chính quyền quân sự Hy Lạp thực hiện một cuộc đảo chính tại Cyprus, nhằm thống nhất hòn đảo này với Hy Lạp. Năm ngày sau, vào ngày 20 tháng 7 năm 1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược hòn đảo với lý do khôi phục lại trật tự hiến pháp của nước Cộng hòa Cyprus. Áp lực quốc tế dẫn đến một lệnh ngừng bắn, và sau đó 37% hòn đảo nằm dưới quyền kiểm soát của người Thổ Nhĩ Kỳ. 180, 000 người Cyprus gốc Síp Hy Lạp đã bị đuổi đi. Đồng thời, khoảng 50.000 người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ được chuyển đến các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thành lập Nước Cộng hòa Bắc Cyprus Thổ Nhĩ Kỳ. Hy vọng của nước Cộng hòa Cyprus lấy lại được phần lãnh thổ này rất mong manh.

Đức Thánh Cha và tổng thống Nicos Anastasiades cũng đã bày tỏ mối quan tâm về sự bất ổn chính trị trong vùng Cận và Trung Đông là nguyên nhân dẫn đến đau khổ của đông đảo dân chúng, và chia sẻ hy vọng là cộng đồng Kitô hữu trong các quốc gia được tự do và được tiếp tục đóng góp xây dựng một tương lai thịnh vượng và hạnh phúc.

Sau khi gặp Đức Thánh Cha, ông Nicos Anastasiades đã gặp Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ trưởng Quan hệ với các dân nước.
 
Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức gặp nhiều khó khăn vì trận lụt năm ngoái
Nguyễn Việt Nam
17:19 15/02/2014
Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức đã sẵn sàng để đón những người hành hương trong ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức hôm 11 tháng Hai vừa qua, nhưng "vẫn còn rất nhiều việc phải làm" để sửa chữa những thiệt hại từ trận lũ lụt kinh hoàng năm ngoái.

Đức Cha Nicolas Brouwet Giám Mục Tarbes và Lourdes nói với hãng tin ANSA rằng thiệt hại do lũ lụt năm ngoái là rất nặng nề vì toàn bộ đền thánh đã bị ngập nước. "Chúng tôi đã làm việc không ngừng trong tám tháng qua để sửa chữa.” Chi phí phục hồi Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức ước tính lên đến 7,3 triệu €. Với sự giúp đỡ "chưa từng có" của các ân nhân, hơn một nửa số tiền đó đã quyên được trong vòng vài tuần sau khi trận lũ lụt xảy ra nặng nề đến mức ngôi đền thờ nổi tiếng nhất nước Pháp đã phải đóng cửa.

Tuy nhiên, Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức vẫn phải đối mặt với những mối quan tâm về tài chính. Một phần là do sự suy giảm về số lượng khách hành hương thăm viếng đền thờ mỗi năm. Đức Cha Brouwet nói: "Chúng tôi đang cảm thấy khó khăn từ cả cuộc khủng hoảng về đức tin cũng như cuộc khủng hoảng về kinh tế".

Theo Đức Cha Brouwet những vị có trách nhiệm tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức, trong khi sửa chữa thiệt hại lũ lụt, cũng nhận được sự tư vấn của các chuyên gia về cách bảo vệ đền thánh trước những trận lũ lụt trong tương lai.
 
Quốc hội Bỉ đã bỏ phiếu chấp thuận việc trợ tử cho trẻ em.
Nguyễn Việt Nam
20:26 15/02/2014
Biểu tình phản đối luật trợ tử cho trẻ em
Hội Đồng Giám Mục Bỉ trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Bẩy 15 tháng Hai nói rằng các Giám Mục tại nước này "rất thất vọng" bởi các hành động của quốc hội.

Với số phiếu 86-44, hôm thứ Sáu 14 tháng Hai, Hạ viện Bỉ đã thông qua dự luật cho phép các bác sĩ được trợ tử, tức là được kết thúc cuộc sống của các trẻ em muốn được chết nếu chúng bị bệnh nan y và đau đớn. Dự luật quy định trẻ em phải hiểu rõ yêu cầu của chúng, và phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Các Giám Mục Bỉ lo ngại điều này sẽ "mở rộng cửa trong tương lai cho việc giết hại những người tàn tật, những người bị mất trí nhớ, những người bị bệnh tâm thần, thậm chí cả những ai khoẻ mạnh nhưng mệt mỏi với cuộc sống dưới các áp lực tâm lý.”

Lo ngại của các Giám Mục Bỉ hoàn toàn có cơ sở. Năm ngoái 1432 trường hợp trợ tử đã diễn ra tại Bỉ.
 
Quốc tế phải can thiệp để tránh cảnh tắm máu tại Cộng hòa Trung Phi
Nguyễn Việt Nam
20:48 15/02/2014
ĐTGM Dieudonné Nzapalainga được ĐTC trao dây Pallium hôm 29/06/2013
Tổng thống Michel Djotodia một vài giờ trước khi tuyên bố từ chức
“Hận thù đã nhập vào tĩnh mạch con người, những cuộc tắm máu đã diễn ra phổ biến trên khắp đất nước. Nếu không có một ai giữ lại bàn tay của ma quỷ ở đây, nó sẽ đạt được mục tiêu của mình." Đó là tiếng kêu cứu của Đức Cha Dieudonne Nzapalainga, Tổng Giám Mục thủ đô Bangui thuộc Cộng hòa Trung Phi với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội đau khổ.

Đức Tổng Giám Mục nói ngài đã “nhìn thấy những điều làm cho ai cũng phải nghĩ đến một cuộc diệt chủng, tương tự như cuộc tắm máu đã xảy ra ở Rwanda.”

Theo Đức Tổng Giám Mục, điều cần thiết là phải có một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn bạo lực lan rộng, vì chính phủ nước này không thể duy trì hòa bình. Cho đến nay lời kêu cứu của Đức Cha Nzapalainga vẫn chỉ rơi vào những đôi tai giả điếc của các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới.

Các cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt giữa quân Hồi Giáo Séléka với lực lượng Anti-Balaka trung thành với tổng thống François Bozizé là người đã bị Séléka lật đổ hồi tháng Ba năm 2013. Thủ lĩnh của Séléka là tổng thống Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài hôm 10 tháng Giêng.
 
Thông Báo
Hành hương Đức Mẹ La Vang 2014 tại Seattle, TB Washington
Lm Peter Võ Sơn
11:20 15/02/2014

THÔNG BÁO:

Ngày 14 tháng 02 năm 2014

Kính gửi: - Quý Đức Cha, quý Đức Ông và quý Cha
- Quý Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh và Cộng Đoàn Dân Chúa tại Hoa Kỳ

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG 2014 - SEATTLE, WASHINGTON STATE

Đức Mẹ La Vang là Đấng Che Chở con dân Việt trong cơn hoạn nạn, và là niềm hy vọng của mọi tín hữu Việt Nam trong cảnh khốn cùng. Mẹ luôn hiện diện trong đời sống Giáo Hội, cách riêng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hằng năm, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức Hành Hương, cung nghinh Đức Mẹ La Vang.

Năm nay, Hành Hương Đức Mẹ La Vang được tổ chức tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 6801 - S 180th Street, Tukwila, WA 98188 từ Thứ Sáu ngày 30 đến Thứ Bảy ngày 31 tháng 5 năm 2014.

Ban Tổ Chức: Liên Đoàn Công Giáo cùng với Lm Joachim Đào Xuân Thành, Chánh Xứ Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Lm Dominic Nguyễn Anh Tuấn, Chủ Tịch Miền Tây Bắc Hoa Kỳ, và quý Linh mục trong Miền Tây Bắc.

Kính mời quý Đức Cha, quý Đức Ông, quý Cha, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em tham dự.

Trân trọng,
Tổng Thư Ký Liên Đoàn CGVNHK
 
Văn Hóa
Vợ Bỏ!
Nguyễn Trung Tây, SVD
02:35 15/02/2014
□ Nguyễn Trung Tây
Vợ Bỏ!


...Đức Giêsu nói, “Có nói có, không nói không” (Matt 5:37).

Ông hàng xóm khu chung cư người Việt từ hồi bị vợ bỏ đâm ra đổi tính đổi nết, đang hiền như con gái bỗng dưng cục cằn thô tục, đang lành như Bụt bỗng dưng trở nên cám lợn dở hơi.

Bình thường, đậu lộn vào ô xe chỗ của ông, ông yên lặng lái xe ra đậu xa xa ngoài đường. Nhưng tối hôm qua, người bị vợ bỏ dộng cửa nhà người đậu xe nhầm, đập ầm ầm, chửi trời chửi đất, chửi văng xích địa, chửi luôn hàng xóm. Bao nhiêu ngôn ngữ hàng tôm hàng cá vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh, ông hàng xóm sổ tuốt tuột vào mặt vào tai người nhầm chỗ đậu.

— [!]… mày! [!]… you!

Người kia biết tội, cứ liên tục mở miệng xin lỗi,

— Em lạy quan bác, em xin quan bác, em nhầm! Quan bác bỏ qua.

Tối, nửa đêm về sáng, ông mở nhạc hết bài Đàn Bà, “Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu…”, lại tới bài Lầm, “Anh đã lầm đưa em sang đây…”, nghe buồn nẫu ruột nẫu gan. Nửa đêm thanh vắng, âm thanh nhạc sến vang dội len lỏi qua bốn bức tường phiền tai chung cư. Nhưng hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, người người chép miệng nói, thôi, nhịn, bỏ qua.

Sáng, người bị vợ bỏ mở cửa lái xe đi làm, cô hàng xóm sát vách liếc trộm nhìn vào thấy chai bia trống rỗng nằm la liệt trên thảm. Cô thông báo,

— Bên trong chai bia đen ngòm tàn thuốc lá!

Chiều đi làm về, người bị vợ bỏ đi bộ ra đầu ngõ ghé tiệm tạp hóa 7-Eleven mua mấy két bia và nguyên một cây thuốc Malboro. Con nít trong xóm có đứa ngỗ nghịch, đi theo lấy đá chọi. Người bị vợ bỏ dừng lại, mở miệng nói cám ơn, tay móc bóp, trong đó có bao nhiêu tiền, ông ta chia đều cho đám con nít. Cô hàng xóm thông báo bản tin cho mọi người trong chung cư, rồi buông lời kết luận,

— Thằng chả mát rồi, mát thiệt tình. Bả biết chi không? Cho đám con nít tiền xong, thằng chả lại đi bộ về nhà, lấy mớ tiền khác, rồi lại đi bộ ra đầu ngõ mua bia mua thuốc. Cứ như vậy. Gần một tuần rồi. Mà bà chị nhìn coi, mới gần một tuần, thằng chả người gầy xanh lét, thịt da biến đâu mất tiêu, nhìn cứ như con chàng hiu.

Nữ phóng viên đài CCCC (Chung Cư Cây Cam) xuống giọng, nói thì thào,

— Hôm qua tui còn nhìn thấy thằng chả xé mấy cái áo cũ, cuộn tròn lại giống như sợi dây thừng. Mắt còn liếc nhìn lên trần nhà như đang tìm chỗ để treo sợi dây…

Tối thứ Sáu, hoạt cảnh ông hàng xóm bị vợ bỏ vẫn tiếp diễn trên sân khấu của Chung Cư Cây Cam như thường lệ. Hoạt cảnh kéo dài cho tới nửa đêm về sáng của ngày thứ Bẩy, tự nhiên hoạt cảnh ngừng, thôi diễn. Căn phòng trọ của người đàn ông bỗng tự nhiên trở nên yên lặng, yên phăng phắc, không “lại là con dao” mà cũng chẳng “anh đã lầm”… Không ai hiểu chuyện chi đã xảy ra. Có người tự nhiên nhớ tới lời của cô hàng xóm, mọi người trong chung cư yên lặng hồi hộp chờ đợi giây phút đèn xanh đèn đỏ của xe cấp cứu và xe cảnh sát chớp sáng một góc của Chung Cư Cây Cam.

Nguyên ngày Chúa Nhật, người người trong khu chung cư tấp nập kéo đến gõ cửa hỏi người nữ phóng viên đài CCCC, nhưng cũng không ai biết chi thêm. Có người đề nghị phá cửa xông vào nhà, nếu không xác của thẳng chả sình thối, mất vệ sinh toàn khu phố. Có người nói gượm hẵng, để coi…

Sáng thứ Hai, căn phòng vẫn tiếp tục yên lặng như tờ. Người trong chung cư lại kéo tới tổng đài CCCC, hỏi thăm tin tức. Tổng đài đóng cửa kín mít, ngay phía trước dán bản tin ngắn ngủn, cộc lộc: Về rồi!

Tối thứ Hai, trong nhà lại thấy râm ran tiếng đọc kinh Mân Côi của đôi vợ chồng son. Tiếng đọc kinh của ông chồng lần này nghe có vẻ to và sốt sắng hơn cả tiếng của cô vợ.

□ Nguyễn Trung Tây
www.nguyentrungtay.com
 
Đời tu và hạnh phúc
Jos.Vinc. Ngọc Biển
11:40 15/02/2014
Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây..., đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút. Thánh Tôma Aquinô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc” . Chính vì thế, mà nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.

Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?

1. Hạnh phúc là gì và ở đâu?

Thực sự câu trả lời rất khó để khẳng định đâu là hạnh phúc; ai là người được hạnh phúc, và dựa vào tiêu chuẩn nào để cho rằng mình hạnh phúc! Lại càng khó hơn khi mỗi người đều có một quan điểm hay một khái niệm để mặc định cho nó. Đôi khi dẫn đến tình trạng uốn nắn hạnh phúc theo chủ ý khách quan của mình.

Nhưng như đã nói, hạnh phúc được mỗi người hiểu một cách khác nhau, nên rất khó thống nhất. Các trường phái hay tôn giáo cũng có những quan niệm khác nhau khi bàn về hạnh phúc.

Trong từ điển tiếng Việt khi nói về hạnh phúc thì viết: “Có được nhiều sung sướng, toại nguyện” . Còn theo ngôn ngữ triết học thì: “Tình trạng sung sướng của con người khi khuynh hướng được hoàn toàn thỏa mãn, về lượng, về phẩm, về lâu dài theo đúng bậc thang (hay là trật tự) giá trị” . Hoặc theo Bách khoa Toàn thư thì: “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí” .

Sự sung sướng, hay thỏa mãn có thể là cái gì đó nắm bắt được cách cụ thể như: tiền tài, danh lợi, sức khỏe, sắc đẹp, địa vị, uy thế, quyền lực, thành công, thỏa mãn ước muốn..., bởi vì người ta phỏng chiếu sự hạnh phúc dưới nhiều lăng kính chủ quan và có phần hiện sinh, nên đôi khi “thấy vậy mà không phải vậy”. Tôi theo góc độ và vị thế của tôi; anh theo chủ quan của anh. Mỗi người sẽ tùy thuộc vào quan điểm, hiểu biết và bậc sống của mình dựa trên nhu cầu về thể lý hay tâm linh để hình thành nên một quan niệm về hạnh phúc.

Nhưng nếu chỉ có thế thì quan niệm của con người về hạnh phúc thật lệnh lạc vì nó không bám rễ sâu trong tâm hồn, nơi nội căn của con người. Hạnh phúc như thế, thì phải chăng không phải là hạnh phúc thật, bởi vì nó mang nặng tính chủ quan, phiến diện, nên con người cứ nhọc công tìm kiếm, và lòng tham vô đáy của con người biết đâu cho vừa, nên cứ phải đi tìm hoài, tìm mãi... Người đời thường có câu: “Con dao và cái nĩa không làm cho người ta ngon miệng” (De Sirvy). Còn trong nhà tu thì có ngạn ngữ: “Áo dòng không phải chân tu, hoa thơm nhân đức đời tu mới thành” hay: “chiếc áo không làm nên thầy tu”.

Từ cái nhìn đó, mỗi người chúng ta hiểu được ngay rằng: những thứ bên ngoài thì không đem lại cho người ta hạnh phúc thật, còn những cái ở bên trong mới đem lại cho con người hạnh phúc.

Như vậy, hạnh phúc là một cái gì đó cao quý, thiêng liêng, là vô hằng mà ai cũng mong muốn đạt được. Nó là một trạng thái nội tâm sâu xa được khởi đi từ nội căn chứ không phải thứ hạnh phúc bề ngoài do ngoại tại tác động. Còn khi nói đến hạnh phúc trong đời tu, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nói khi gặp gỡ các linh mục và tu sĩ tại Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm mục vụ năm 2008: “Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ đề có nhiều, nhưng Giáo Hội cần có các linh mục, tu sĩ hạnh phúc vì được là linh mục tu sĩ”. Rồi trong năm Đức Tin vừa qua, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình: “Tái khám phá hành trình Đức Tin để làm sáng lên niềm vui, lòng phấn khởi được gặp gỡ Đức Kitô”. Tiếp theo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã quyết định chọn năm 2014 là năm: “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình”, qua đó các ngài mời gọi mọi thành phần dân Chúa sống tinh thần “Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình để thông truyền Đức Tin”.

Tất cả những lời giáo huấn của các đấng chủ chăn trong Giáo Hội luôn mời gọi mỗi người hãy cảm nghiệm được: “Evangelii Gaudium - Niềm Vui Tin Mừng”. Khi cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc vì có Chúa ở cùng và sống với, mỗi người chúng ta mới có thể loan báo và lưu truyền Đức Tin cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, thành phần quan trọng trong sứ vụ này không ai khác là chính những người sống đời thánh hiến. Nhưng trước khi giúp cho người khác khám phá và tái khám phá niềm vui, hạnh phúc khi đi theo và gắn bó với Đức Kitô, thì chính những người được thánh hiến phải trở nên dấu chỉ về niềm hy vọng, hạnh phúc và niềm vui của mình cho người khác.

2. Đời tu và hạnh phúc

Có một câu chuyện kể rằng: “Một ông vua giàu có nọ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, bởi vì tất cả tài sản mà ông có đều do sự miễn cưỡng đóng góp của thần dân. Ông tự so sánh mình với những người hành khất: người hành khất nhận được tiền của do lòng thương của người khác, còn ông, ông nhận được tiền do sự cưỡng bách.

Ngày nọ, ông vua giàu có đã cải trang thành người hành khất để cảm nghiệm được những đồng tiền bố thí... Thế là mỗi ngày Chúa Nhật, ông biến mình thành một người ăn xin lê lết trước cửa giáo đường. Ông được nhiều người giúp đỡ ông và tỏ lòng thương mến. Tối về, ông tự nghĩ: ‘bây giờ ta mới thực sự là người giàu có nhất trên đời, bởi vì tiền của ta nhận được là do lòng thương xót của con người, chứ không do một sự cưỡng bách nào’.

Một thời gian sau đó, ông gom góp tặng hết những gì mình có cho người nghèo trong vùng rồi chảy đi nơi khác. Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, bởi vì lần đầu tiên ông cảm nghiệm được niềm vui của sự ban tặng. Ông hiểu được rằng cho thì có phúc hơn là nhận lãnh... Lần này, ông thốt lên với tất cả xác tín: ‘Tôi là người hạnh phúc nhất trên trần gian này’”.

Đời tu cũng thế, hạnh phúc không phải là ở trong một nhà dòng to lớn có bề dày về truyền thống, hay có những cơ sở hạ tầng vĩ đại, hoặc một giáo xứ lớn, những nơi giáo dân luôn tôn trọng, nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi là hạnh phúc. Không! Hạnh phúc đời tu không phải như thế! Hạnh phúc trong đời tu chính là gắn bó với Chúa liên lỉ trong đời sống hằng ngày.

Chỉ có sự gắn bó với Chúa, được biểu hiện qua đời sống cầu nguyện, chúng ta mới thấy được hạnh phúc nội tâm và niềm vui chia sẻ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nói: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô” (x. GLHTCG số 2564).

Như vậy, nhờ cầu nguyện, chúng ta được đi vào giao ước thánh của lòng ta với Thiên Chúa. Có cầu nguyện, ta mới khám phá ra hạnh phúc thật và hạnh phúc giả tạo: “Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).

3. Sống thân tình với Thiên Chúa

Khi chọn đời sống tu trì để hiến dâng cho Thiên Chúa và con người, thì đời tu của mỗi chúng ta là một cuộc giao ước thánh. Thông qua giao ước này, ta chọn Chúa làm Chủ đời ta, ta thuộc về Ngài, và Ngài thuộc về ta. Cuộc giao ước này là một cuộc giao ước tình yêu. Lời mời gọi của Đức Giêsu “hãy theo Thầy” và ta đáp trả, ấy là một cuộc tình được thiết lập, mà Đức Giêsu là người chủ động đi bước trước.

Đây là một lời mời gọi mang đầy tình mến mà Đức Giêsu dành cho những ai Ngài chọn. Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi đó, là chính lúc ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Thánh Phaolô đã nói thật thâm sâu: “ Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi …” (Pl 3, 8).

Tông Huấn về đời sống thánh hiến khẳng định: “Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) và sống gắn bó với Ngài.

Sự gắn bó với Đức Kitô được hiểu như là sự sống còn. Chính Ngài cũng đã diễn tả tâm tình này khi đưa ra hai dụ ngôn người tá điền và anh lái buôn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44 – 46).

Niềm vui và hạnh phúc của người môn đệ chính là xác tín thật chắc chắn về vị Thầy mà mình quyết định đi theo để được ở cùng và sống với Ngài. Vị Thầy đó chính là kho tàng, là viên ngọc quý. Nói cách khác, Ngài là lẽ sống, là lý tưởng, là thần tượng của chúng ta. Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô (x. Rm 8, 38). “Khi được Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (x. Pl 3,7-8). Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy có câu chuyện chàng thanh niên giàu có được Đức Giêsu đem lòng yêu mến, quý trọng và mời gọi anh ta bước đi theo Ngài để được hạnh phúc: “ Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". (22) Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,21-22). Tuy nhiên, anh đã không đáp lại lời mời gọi ấy và đã buồn rầu bỏ đi chỉ vì anh ta có nhiều của cải. Chúa của anh là đồng tiền. Chính đồng tiền đã chiếm địa vị độc tôn nơi anh ta.

Trong thực tế, giới nhà tu của chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều người muốn theo Chúa, hiến thân để sống đời phục vụ... Nhưng oái oăm thay, họ lại không chịu những điều kiện đi đôi với ước muốn đó. Họ muốn cả hai và luôn trong tình trạng sẵn sàng “bắt cá hai tay”; hay “tu sĩ hàng hai”. Họ ngại khó, ngại hy sinh, và khó từ bỏ. Hoặc thay vì đi theo và chọn Chúa, thì lại chỉ lo làm việc của Chúa! Đến khi không có việc của Chúa hay không ưng ý với công việc được trao thì sinh ra buồn phiền, chán nản và bỏ đi như chàng thanh niên giàu có kia.

Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều người tỏ vẻ bên ngoài thành công, mũ mão cân đai, họ nói cười oang oang, họ vỗ ngực xưng tên, họ được nhiều người trọng dụng... Nhưng thực chất, khi đối diện với lương tâm, họ là những người bi đát, thất vọng vì không có nguồn hạnh phúc thật là chính Chúa, mà chỉ có những thứ hạnh phúc rẻ tiền mà thôi.

Vậy muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật, thì trước tiên, người sống đời thánh hiến phải yêu mến và siêng năng đời sống cầu nguyện.

4. Đời sống cầu nguyện nơi người thánh hiến

Nói đến nghề đi buôn, người ta nghĩ ngay đến chuyện buôn gì, có lời hay lỗ. Cũng vậy, khi nói đến đời tu, người ta nghĩ ngay đến đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện được ví như hơi thở: " Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mt 26,41). Nếu không cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ bị cám dỗ và xa dần Thiên Chúa nữa.

Cầu nguyện đối với người sống đời thánh hiến được khởi đi từ lúc bình minh đến khi chiều tà. Từ khi mặt trời ló rạng đến khi khuất núi ban chiều. Mẹ Têrêsa Calcutta đã cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện trong mọi cảnh huống thường ngày. Tuy nhiên, mẹ không phải lúc nào cũng ở trong nhà thờ để cầu nguyện. Với mẹ, mọi nơi mọi lúc đều có thể cầu nguyện được. Chính vì thế, hễ những ai gặp được mẹ, từ người quyền cao chức trọng, đến thường dân. Từ người giàu đến người sống trong khu ổ chuột... ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi gặp mẹ. Mẹ không có tiền bạc, không phải là một phụ nữ hấp dẫn, trẻ trung, không phải là người có địa vị trong xã hội... Nhưng mẹ hấp dẫn là vì mẹ có tình yêu. Tình yêu của mẹ là tình yêu hướng tha, được khởi đi từ sự cầu nguyện. Chính trong đời sống cầu nguyện mà mẹ cảm nghiệm thật hạnh phúc, đồng thời mẹ trao ban niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người.

Trong đời tu, nhiều khi chúng ta không cảm thấy hạnh phúc ngay trong những chiến thắng bề ngoài. Tại sao vậy? Thưa chỉ đơn giản là không có cầu nguyện. Hay lời cầu nguyện của chúng ta bị đóng khung ở bên trong nhà thờ; bị khóa chặt trong cuốn sách kinh mà không hề ăn nhập gì với cuộc sống cả. Những người như thế, họ như là “xác không hồn” và không sớm thì muộn, đời tu của họ sẽ sụp đổ tan tành ngay bởi sự nhàm chán trong công việc phụng vụ, phục vụ và nỗi cô đơn trong đời tu.

Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng có nói: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV 119).

Khi không có đời sống cầu nguyện trong cuộc đời của người tận hiến, chúng ta làm mọi chuyện chỉ là việc cưỡng ép, mà nếu làm như vậy, thì có lẽ máy móc tân tiến ngày nay làm hơn chúng ta nhiều.

Nếu chúng ta không có đời sống cầu nguyện, thì chúng ta mất đi nguồn sự sống, nguồn bình an, và như thế, chính bản thân ta đâu có đủ tư cách nói rằng tôi làm việc này hay việc khác vì Chúa đâu! “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện (ĐHV 120). Những người không có đời sống cầu nguyện, thì dù họ có làm được phép lạ cũng đừng tin. Cuộc đời của họ sẽ sụp đổ nhanh chóng vì họ xây nhà trên cát (x. Lc 6, 49).

Có rất nhiều anh chị em chúng ta nói: tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi dành cho Chúa rất nhiều thời giờ, nhưng sống với anh chị em trong cộng đoàn thì chẳng ra gì cả. Người đời thường nói: “Khoảng cách xa nhất trong cuộc sống chính là từ miệng đến bàn tay”.

Như vậy, cầu nguyện phải là một trạng thái thanh thoát và bình an. Cầu nguyện không phải là chuyện làm cho xong để rồi giờ cầu nguyện được ví như giờ lên lớp hay trả bài. Không phải thế, cầu nguyện là lòng với lòng, ta với Chúa trong tình Cha - con. Vì thế, đừng lý luận cao siêu, đừng bóp trán nặn óc để thưa lên với Chúa những lời sáo rỗng từ chương, nhưng thực chất chẳng có gì.

Mặt khác, cầu nguyện còn giúp cho mỗi chúng ta trở về với lòng mình cách chân thực để biết mình và biết Chúa. Nhận ra con người yếu đuối của mình, và nhận ra Thiên Chúa là đáng tuyệt mỹ. Khi nhận ra mình như thế thì điều đầu tiên cần có là tâm hồn sám hối và sung sướng vì được Chúa thương yêu. Khi họ cầu nguyện, họ được vì như: “Người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá ” (Mt 7, 24-25).

Những người sống đời cầu nguyện thâm sâu, thì họ sẽ suy nghĩ, nhìn, nói, hành động theo ý muốn và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Khi kết hiệp với Chúa, họ không ngừng sám hối và cũng không ngớt được thúc đẩy mở rộng lòng bao dung, tình thương đến với người khác. Pierre Van Brieman đã nói: “Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay: của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi… Nếu tôi mở tay ra, những ‘của cải’ trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện”.

Người sống đời tận hiến chỉ hạnh phúc khi gắn bó với Nguồn cội, với Đấng đã, đang và sẽ ban cho mình tất cả.

Nói cho cùng, chúng ta hạnh phúc vì đã mở ra, mở ra với Thiên Chúa và mở ra với tha nhân.

Như một lời kết luận, xin mượn câu chuyện của mẹ Têrêsa Calcutta với một ký giả, khi ông này có buổi tiếp xúc với mẹ.

Câu chuyện được bắt đầu với lời hỏi của anh ta:

Sáng nay mẹ làm gì?

Cầu nguyện.

Bắt đầu từ mấy giờ?

4 giờ rưỡi.

Và sau khi cầu nguyện?

- Chúng tôi tôi tiếp tục cố gắng cầu nguyện qua công việc bằng cách làm những công việc đó với Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu. Điều này giúp chúng tôi đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc đang làm. Những người đang hấp hối, những người đang co quắp, những người bệnh tâm thần, những người bị bỏ rơi, những người không được yêu thương. Họ là Chúa Giêsu cải trang....

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy đời sống cầu nguyện của chúng ta rất quan trọng. Khi cầu nguyện, chúng ta tin nhận Thiên Chúa là chủ đời ta cũng như vận mệnh của đời ta. Chúng ta sẽ làm mọi chuyện vì quy Kitô. Lấy Chúa Kitô làm trung tâm của ơn gọi và sứ vụ. Lúc đó chúng ta sẽ hạnh phúc vì có Chúa ở cùng chứ không bị lệ thuộc vào những công việc của Chúa hay những thứ bề ngoài.