Ngày 15-02-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nội Tâm
Lm Vũđình Tường
02:46 15/02/2008
Việc các tông đồ được nhìn thị kiến trên núi thánh không phải do công sức, tài lực của cá nhân mà chính là ơn Chúa ban.

ĐẶC ÂN

Kinh Thánh ghi rõ Chúa đặc biệt đưa các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo người tới một ngọn núi cao. Chúa chọn các ông lên núi thánh. Đây là một đặc ân Chúa ban không phải do tài sức riêng.

Như thế chúng ta cần nhận biết không phải những gì đang có, những gì đang sở hữu là do tài năng, trí thông minh, sức riêng ta đạt được mà chính là đặc ân Chúa trao cho ta coi sóc. Nói cách khác chúng ta không phải làm chủ những gì chúng ta có, tiền tài, vật chất, trí khôn, sự thông minh, sáng suốt, sắc đẹp, sự sống, thành công, thất bại trên đời và ngay cả con cái, hay người phối ngẫu. Tất cả đều là đặc ân Chúa kí thác, trao ban cho ta quản lí, coi sóc.

Vì là quản lí các ân huệ Chúa ban nên chúng ta cần sống khiêm nhường, mang tâm tình tạ ơn và có trách nhiệm chia sẻ những đặc ân đó với các người kém may mắn hơn và dùng chúng chung dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn.

Hiểu như thế chúng ta luôn sống trong tâm tình tạ ơn, những đặc ân Chúa tin tưởng trao vào tay ta coi sóc, bảo vệ và làm cho chúng sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

QUẢN LÍ

Người quản lí khôn ngoan luôn nhớ vai trò mình là người quản lí, không phải chủ nhân. Hiểu biết điều này sẽ tránh được rất nhiều đau khổ, âu sầu không cần thiết. Khi Chúa quyết định trao món quà đang có trong tay mình cho người khác coi sóc không nên than trách hoặc phê phán. Kitô hữu luôn nhớ và xác định đúng đắn vai trò quản lí của mình.

Tình cảm tự nhiên con người mất những gì đang có thì đau buồn, nhớ thương. Điều này rất tốt vì tình cảm đó diễn tả tâm tình nối kết, gắn bó, nhớ thương. Không thổ lộ được những tình cảm đó chính là bạc tình, bạc nghĩa, thờ ơ, lãnh đạm. Tuy nhiên cũng không thể mượn cớ buồn sầu, đau khổ để kết án, phê phán vì hành động đó không thuộc phạm vi của người quản lí. Của Chúa, Chúa muốn cho ai tùy í, sao lại ghen tị. Chính Đức Kitô nói điều này trong dụ ngôn thuê làm vườn nho (Mt 20,16).

TẠ ƠN

Tâm tình tạ ơn chân thành đúng đắn phải là Chúa trao ban món quà con mong ước, mơ thích, con xin tạ ơn và hết lòng giữ gìn, bảo vệ. Chúa lấy đi món quà con hết lòng quí mến con xin dâng hiến trong tâm tình tạ ơn vì đã hoàn tất trách nhiệm Chúa trao. Chúa trao ban món quà con không xin, không thích, con cũng xin vâng đón nhận, dù đón nhận trong run sợ, lo âu, ngại ngùng cũng xin nhận với tâm tình phó thác để suy gẫm, tìm học cho biết ý Chúa qua biến cố trong cuộc sống.

Mọi kèn cựa, chèn ép hay tìm cách lung lạc tìm cách chiếm đoạt, hay chối bỏ món quà Chúa trao, dù là điạ vị, danh vọng hay của cải vật chất đều sai. Làm như thế chính là đem đời vào đạo, không phải đem đạo vào đời.

Quà tặng không phản ảnh tình cảm trong tim. Quà tặng là cách diễn tả tình cảm một cách cụ thể con người dành cho nhau. Dùng giá trị quà tặng để đo lòng người dẫn đến sai lầm vì vật biếu tặng không dò được lòng người. Cách cho quan trọng hơn quà tặng và cho vì bác ái, yêu thương quan trọng hơn cách cho.

PHÓ THÁC

Người quản lí khôn ngoan là người luôn sống trong tinh thần phó thác, xác tín, tin tưởng mọi sự đều do Chúa ban nên vui lòng nhận, dù là điều ta ưa thích hay điều ta lo sợ tất cả đều là những món quà Chúa trao cho coi sóc. Có thể giúp ta tốt hơn, có thể Chúa dùng món quà để thánh hoá ta cũng có thể để ta làm vinh danh Chúa. Không nên chê bất cứ món quà nào Chúa trao, dù lớn dù nhỏ bởi vì người trung tín trong việc nhỏ sẽ được trao công việc quan trọng hơn. Việc quan trọng hơn, trách nhiệm nhiều hơn và đau khổ cũng lớn hơn. Xem dụ ngôn nén bạc (Mt 25).

ĐAU KHỔ

Tâm được vui thì lòng được sáng. Tâm vui vì được trong sạch hoá, được thanh tẩy khỏi bụi trần. Nhờ thanh tẩy nên lòng được sáng. Thanh tẩy gắn liền với khổ đau. Không phải đau khổ nào cũng xấu, có những đau khổ tốt lành, cần thiết trong cuộc sống. Đau khổ cần thiết này giúp thanh tẩy tâm hồn, làm cho con người trong sáng hơn, dịu hiền hơn, dễ mến và thương người nhiều hơn. Trên đường xuống núi Đức Kitô dặn các tông đồ hãy giữ im lặng ‘đừng nói cho ai hay thị kiến cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy’. Còn gì đau khổ hơn khi trong lòng rộn rã niềm vui, tràn đầy hoan lạc mà không được chia sẻ, nói ra. Từ bỏ ý riêng để ý Chúa được thực hiện là đau khổ tốt. Từ bỏ những thói quen thực hành từ nhỏ, chấp nhận thay đổi theo đường lối Chúa là đau khổ tốt. Từ bỏ con người cũ sống tinh thần Phúc Âm là đau khổ tốt.

HẠNH PHÚC THẬT

Thông thường người ta thích nhận những món quà ưa thích. Món quà không ưa nếu được trao, coi đó là hình phạt, là sự dữ. Chúa gởi sự khó đến cho thì tôi nhăn nhó trong khi tôi gởi sự khó tới cho anh em tôi lại vui cười. Chúa để sự khó xảy đến cho bạn thì tôi khuyên anh Chúa thử thách anh. Chúa để sự khó xảy đến cho người tôi không ưa tôi nói Chúa phạt nó.

Hạnh phúc triền miên, bình an thực sự với lòng mong ước xảy đến sau khi đã trải qua đau khổ. Theo tinh thần bài Phúc âm hôm nay thì niềm hoan lạc thực sự đến ‘cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại’.

TÌM BÀI CŨ:

SUY NIỆM : http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

TRUYỆN NGẮN: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html
 
Chúa biến hình
Lm Thomas Túy OP
02:54 15/02/2008
CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

(Mt 17,1-9).

Thưa quí vị,

Năm mới nào cũng vậy, cứ vào thời gian ngay sau tết âm lịch, núi Bà Đen, Tây Ninh, nhộn nhịp hẳn lên vì khách hành hương từ các tỉnh tuôn đến xin xâm, bói quẻ ở chùa Bà, chùa Hang. Hai ngôi chùa ở lưng chừng núi, cách nhau hơn vài trăm mét. Nhưng tới được chúng quả là một hành trình vất vả, phải mất đến cả tiếng đồng hồ, leo các bậc thang bằng những viên đá đủ kích cở. Vậy mà hàng ngày có đến hàng ngàn hàng vạn khách đi xe đến viếng thăm. Những thanh niên khỏe mạnh có thể leo tới đỉnh núi, cao chừng hơn ba trăm mét. Nhưng tới được đỉnh thì quả là một phần thưởng: Không khí trong lành, mát mẻ, quang cảnh chung quanh bao la bát ngát, tầm mắt có thể phóng tới chân trời. Bên dưới là một bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc: ruộng vườn, làng mạc, sông lạch, rừng rậm, cây cối xanh tươi, trâu bò làm đồng, người cầy cấy coi như con kiến. Quả là một bồng lai tiên cảnh. Thiết nghĩ đây là điểm du lịch hấp dẩn ngoài việc tín ngưởng, tâm linh.

Xin nhập đề như vậy để quí vị có thể tưởng tượng được nội dung biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor hôm nay, Phúc âm không định vị rỏ ở đâu. Thánh Matthêu chỉ viết: ”Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông ra riêng một chổ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông”. Theo Luca thì việc này xẩy ra khi Chúa còn đang rao giảng ở Galilêa (Lc 9,28). Mathêu cũng đồng ý với Luca:” Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”(Mt 16,21). Truyền thuyết cho rằng ngọn núi đó là núi Tabor, ở giửa cánh đồng, gần Nazareth, cao chừng 750 mét, đúng như vị trí của núi Bà Đen, nhưng cao gấp đôi, vì Bà Đen chỉ hơn 300 mét cũng ở giửa đồng bằng chung quanh là làng mạc, sông ngò và rừng rậm. Ngày nay Tabor có đường xe hơi lên tận đỉnh núi. Thời Chúa Giêsu làm chi đã có, nên phải leo bộ, chúng ta cùng leo núi với Chúa.

Chiều cao này có ý nghĩa biểu tượng và khi lên được tới đỉnh, người ta cũng ở trong tiên cảnh bồng lai. Thánh Phêrô sau này hồi nhớ lại nên bảo Marcô viết: “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay”, nghĩa là các ông cũng giống chúng ta ở đỉnh núi Bà Đen, nhưng theo nghĩa thiêng liêng, tức là các ông đang ở trong toàn cảnh thánh thiện trước mặt Đấng là sự thánh thiện tuyệt đỉnh. Ai có thể không có ý nghĩ như vậy?

Nhưng leo lên được đỉnh núi với Chúa không phải là chuyện dể dàng. Các ông phải lao động vất vả cả về nghĩa vật chất lẩn tinh thần. Những ai muốn thử kinh nghiệm xin đi Tây Ninh và leo lên đỉnh Bà Đen. Bảo đảm nhiều người sẽ chào thua mà trở về chân núi. Leo núi thánh thiện với Chúa cũng vậy, nếu không có ơn Chúa trợ giúp, chứ không phải như thiên hạ tưởng tượng.

Chắc chắn chúng ta phải leo cực nhọc, bước những bước khốn khổ trượt ngả trên đường đi đầy sỏi đá lởm chởm mới tới được ngọn núi thánh thiện. Rồi phải liên lỉ cầu xin ơn trợ giúp như Luca kể: ”Đang lúc Người cầu nguyện, thì dung mạo bổng đổi khác”(ibi). Cho nên người ta phải vất vả leo núi Tabor thiêng liêng cùng với Chúa và ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan.

Vậy thánh thiện là gì, làm thế nào tới được bậc đó? Hôm qua thứ bẩy, Chúa nói:” Anh em hảy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48). Như thế Đức Giêsu định nghĩa thánh thiện là chính Đức Chúa Trời. Chúng ta phải rập theo khuôn mẩu đó mà sống. Cụ thể lối sống của Đức Giêsu khi còn ở trần gian. Chiều chuộng xác thịt, ăn cắp ăn trộm, lừa đảo, giả hình chắc chắn không phải là cuộc sống mà Đức Kito muốn. Chúng ta thường lấy mình ra làm “thước đo” mọi sự.

Thiên Chúa đã chỉ định cho ông Môsê ban lề luật cho tuyển dân mù quáng để họ biết đường hoàn thiện và thờ phụng Thiên Chúa cho phải đạo. Vì chính Thiên Chúa mới là ”thước đo” và mẩu mực cho nhân loại. Bây giờ Môsê cũng ở trên đỉnh núi với Đức Giêsu trong cương vị ban lề luật để trao quyền lại cho Chúa mà ông đã hằng tiên tri từ lâu trước. Lúc này Đức Giêsu vừa là người trao ban lề luật vừa là luật pháp cho nhân loại. Chúng ta vâng phục lời Ngài ra sao? Thật là khó, vì Ngài là Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, làm sao loài người theo cho nổi?

Vì vậy Ngài phải “thích nghi” với điều kiện nhân loại trong biến cố nhập thể và Đức Chúa Cha đã phán: ”Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Các ngươi hảy vâng nghe lời Ngài”. Như thế Đức Giêsu là lời giải thích, là lề luật cho mọi hành động của con người. Nhân loại phải suy tư về Ngài, học hỏi và bắt chước Ngài để nên trọn lành đích thực, chứ không giả hình lừa dối. Chính Ngài tự xưng là đường là sự thật, sự sống để chúng ta đi về với Thiên Chúa.

Việc thay hình đổi dạng khởi sự khi mổi linh hồn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Lúc ấy chúng ta chết đi cho xác thịt để sống với Đức Kitô. Đời sống này không phải là tương lai, nhưng là hiện tại ngay lúc lãnh nhận thanh tẩy và là những nội dung chúng ta phải sống hàng ngày. Những ai suy nghĩ đời sống thánh thiện thuộc tương lai, thì hoàn toàn sai lầm và sai lầm thì phải trả giá. Chúa Giêsu không hề tuyên bố đời sống trọn lành thuộc về tương lai mà thôi. Ngài nhiều lần nhấn mạnh nó là cuộc sống hiện tại:” Xưa ta đói các ngươi không cho ăn, ta tù đày các ngươi đâu có viếng thăm ta?”. Cho nên vật lộn để sống đẹp lòng Thiên Chúa như Đức Kitô dạy là cấp thiết. Sự thực thánh thiện và cuộc sống vĩnh cửu đã ở nơi chúng ta ngay trong Bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta phải phát triển nó từ tấm bé cho đến tuổi già. Giả dụ Thiên Chúa muốn chúng ta phải sáng tỏ sự thánh thiện của mình như Chúa Giêsu hôm nay trên núi Tabor, thì chúng ta cư xử ra sao và tiếng từ trời cũng phán: ông A, chị B, em C là những con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, liệu mấy ai khoe mình được như vậy? Hay chỉ bằng môi miệng, lừa dối thiên hạ.

Nói như vậy không phải là ngoa, nếu nghĩ đến mỗi lần rước lễ xong. Bí tich Thánh Thể là chính sự hoàn thiện đang ngự trong mỗi linh hồn tín hữu, linh mục, tu, sĩ. Nó phải được chiếu sáng ra nếu các dục vọng của mỗi người không ngăn cản, phủ lấp đi. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, làm việc bác ái, lãnh nhận các bí tích là tăng cường vẻ sáng ngời thánh thiện của tín hữu cho thiên hạ chiêm ngưỡng như một biến cố biến hình vậy. Nếu chúng ta trung thành với ơn gọi bằng suy nghĩ, lời nói, việc làm là lớn lên trong cuộc sống thiêng liêng. Mỗi khi cố gắng chu toàn bổn phận là leo núi Tabor.

Và con đường là thánh giá. Môsê và Êlia hiện diện trên núi thánh bàn bạc với Đức Kitô về cuộc khổ nạn của Ngài? Làm sao chúng ta tránh khỏi? Liệu chúng ta được phép xưng mình là môn đệ Chúa mà không phải vác lấy thập tự hàng ngày? Thánh Phaolô khuyên Timôteô:”Hãy chịu đựng gian khổ mà Phúc âm đòi hỏi”. Qúi vị nghĩ sao? Tận hưởng cuộc đời dễ dãi đầy tiện nghi và vẫn coi mình là môn đệ Chúa rồi hùng hồn rao giảng thập giá Đức Kitô! Trớ trêu quá.

Thôi, xin bỏ ngọn núi vật chất để nói đến quả núi thánh thiện mà Đức Kitô đã leo trong suốt cuộc sống của Ngài. Quả núi ấy là gì? Chẳng phải là xe hơi nhà lầu, kẻ sai người bảo mà là yêu thương phục vụ theo ý Đức Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập tự, chứ không êm ái trên giường bệnh hay nhà thương sang trọng, đắt tiền. Chết nhục nhã, chịu lăng nhục chửi bới chứ không điếu văn, diễn từ ca tụng. Đó là con đường người môn đệ Chúa phải nương theo trong cuộc sống để chu toàn theo thánh ý Thiên Chúa. Cụ tổ Abraham của bài đọc 1, đã 75 tuổi lìa bỏ tất cả, quê hương, tài sản di theo tiếng gọi vô hình của Đức Chúa Trời, lang thang thiếu thốn nơi đất khách quê người, không quản ngại điều chi trước tôn nhan Đức Chúa mà ông hết lòng kính sợ. Chúa Kitô phải chịu đựng nhiều hơn khi chu toàn mệnh lệnh của Đức Chúa Cha. Ngài ở giữa một đám đông thù nghịch, phản đối, chê cười, hận thù và giết chết. Hai mẫu gương cho nhân loại noi theo mà nên thánh thiện, chứ không phải chăn ấm nệm yên, ngày ngày yến tiệc linh đình. Đây là mẫu mực để chúng ta tuân giữ mùa chay và con đường hoàn thiện. Đức Giêsu cầu nguyện, ăn chay, chống trả cám dỗ, sống trong cô tịch, phục vụ người nghèo khó bệnh tật, yêu thương, đau khổ và chết, là khuôn mẫu mùa chay của các tín hữu, xin đừng cắt nghĩa kiểu khác để trốn tránh con đường thiêng liêng. Đó là bí quyết duy nhất để leo núi Tabor của chúa. Đường lên núi thánh không đi được bằng xe hơi, ngủ trong quán trọ nhà lầu, ăn cao lương mỹ vị như thiên hạ ngày nay biện minh. Con đường của họ chỉ có thể đưa xuống hố sâu của những người mù, như Đức Kitô đã cảnh cáo.

Cho nên khuôn mẫu để sống đẹp lòng Đức Chúa Cha không bao giờ thay đổi, từ ông Abraham, các tổ phụ, các tiên tri cho đến Chúa Giêsu. Bao lâu còn có tội lỗi trên thế gian, thì bấy lâu kẻ theo con đường thánh thiện của Thiên Chúa còn phải gánh chịu khổ nạn, tử đạo, chối bỏ từ tay thế gian ngay cả từ tay bạn hữu, người thân như Chúa Giêsu đã phải gánh chịu.

Đức Giêsu tóm gọn các giới răn, bát phúc, và các tiêu chuẩn thánh thiện vào cuộc sống yêu thương và phục vụ. Liệu chúng ta được phép đi con đường khác mà vẫn nên thánh? Quả là hoang tưởng khi người ta từ bỏ ăn chay, hảm mình, làm phúc bố thí, bác ái, đau khổ và cái chết nhục nhả để giữ các hình thức khác trong mùa hồng phúc!

Đến đây chúng ta đụng đến vấn đề cốt lõi: Bí quyết để nên trọn lành. Các vĩ nhân đều có bí quyết để thành công. Thí dụ: Thương gia, buôn bán phát tài. Không có luật trừ cho việc nên thánh. Những thiên tài này đều có một cảm tính đặc biệt để thành công, nằm sâu trong trái tim họ. Riêng trong lãnh vực tôn giáo chúng ta gọi các chuyên viên này là các thánh và họ đả kín múc cảm tính của mình trong Thiên Chúa nhập thể. Vậy muốn nên trọn lành như họ, chúng ta phải noi gương họ: Học hỏi, yêu mến Chúa Giêsu. Con đường ngắn nhất để được gọi là con yêu dấu của Thiên Chúa Cha đẹp lòng Ngài mọi đàng. Ước chi mùa chay này mọi tín hữu tìm được bí quyết và con đường ấy. Amen.

Tu viện Martinô, Hố Nai.
 
Thiên Chúa vẫn còn hiển dung
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:30 15/02/2008
Chúa Nhật II mùa Chay (Matthêu 17, 1-9)

Thiên Chúa vẫn còn hiển dung

Nếu bạn là một người từ hành tinh khác vừa mới đáp xuống địa cầu lần đầu tiên, ắt bạn sẽ thấy trái đất nầy quá đỗi nhiệm mầu: ngay cả mỗi chiếc lá, mỗi chiếc vỏ sò, mỗi cánh bướm, mỗi bông hoa… đều có một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng thật quyến rủ, thật nhiệm mầu và bạn cảm thấy tâm hồn ngây ngất vì vẻ đẹp lạ lùng của chúng.

Thế nhưng trong thực tế, không mấy ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp nhiệm mầu của những tạo vật như thế. Tại sao?

Vì mỗi lần nhìn vào những sự vật chung quanh, chúng ta không nhìn chúng bằng cặp mắt đầy ngạc nhiên của trẻ thơ, bằng ánh mắt của người mới thấy sự vật lần đầu; chúng ta không nhìn chúng y như chúng là, nhưng chúng ta để cho những hình ảnh ta có về chúng (vốn có sẵn trong tâm trí ta) phóng hiện ra bên ngoài và bao phủ lên những vật đó.

Thế là vạn vật chung quanh ta trở thành cũ rích và nhàm chán, vẻ đẹp tinh khôi nhiệm mầu của chúng đã bị hình ảnh ta có về chúng phóng rọi ra che phủ nên không còn hiển dung ra được nữa. Một trong những nổ lực của thiền nhân là thanh tẩy cái nhìn mang tính chủ quan của mình về ngoại giới để có thể cảm nhận được vạn vật đúng với bản chất của nó. Lúc đó, sự kỳ diệu của thế giới sẽ hiện nguyên hình.

Trong cuốn sách The Golden String, văn sĩ người Anh Bede Griffiths mô tả lại một khám phá diệu kỳ của ông khi còn là một cậu học sinh.

Một buổi chiều hè, Bede Griffiths ung dung thư thái dạo chơi ở bìa rừng. Trong lúc thơ thẩn một mình bỗng dưng cậu nhận ra tiếng hót líu lo của đàn chim trên tàng cây mới tuyệt vời làm sao! Cậu rất ngạc nhiên vì từ hồi nào đến giờ chưa bao giờ được nghe chúng hót hay đến thế.

Đang lúc tiếp tục bước tới, cậu gặp thấy những đoá hoa của những bụi táo gai như đang mỉm cười niềm nở chào đón cậu trông dễ thương lạ lùng và đang toả hương trong gió. Bede cũng rất ngạc nhiên vì từ trước tới nay cậu đã từng thấy những bông hoa như thế nở rộ cả trăm lần mà không hề nhận ra vẻ đẹp tinh khôi và hương thơm dịu dàng của chúng.

Sau cùng cậu tìm đến một nơi yên tĩnh, đứng tựa vào thân cây, lặng ngắm vầng kim ô đang dần dần chìm xuống sau rặng núi lam cuối chân trời. Bỗng chốc cậu cảm thấy trời đất vô cùng huyền diệu và bất giác cậu nghiêng mình quì gối xuống biểu lộ một niềm cảm xúc rất thánh thiêng: cậu vừa trải nghiệm được sự hiện diện rất nhiệm mầu của Thiên Chúa trong tạo vật của Ngài.

Theo Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phê-rô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giê-su. Cũng vẫn là Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môi-sê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.

Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phê-rô thay mặt anh em thưa với Chúa Giê-su: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”

Hôm nay, Thiên Chúa vẫn hiển dung dưới thiên hình vạn trạng nhưng vì đôi mắt chúng ta bị che phủ nên không nhận ra Ngài.

* Vinh quang của Thiên Chúa vẫn được hiển dung (được tỏ bày) trong các tạo vật của Ngài, qua bầu trời lung linh ánh sao đêm hay những áng mây rực rỡ ban ngày, qua những cánh đồng, những khe suối và rừng cây, qua tiếng chim ca, qua bông hoa đang nở, qua mọi tạo vật chung quanh…

Vua Đavít cảm nhận được vinh quang ấy rạng ngời lên trong vũ trụ nên đã thốt lên:

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.

Không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19, 2)

* Tình yêu của Thiên Chúa được hiển dung (được tỏ bày) rõ nét nơi tình thương chan chứa của người cha ngày đêm lao nhọc vì con, qua sự hi sinh miệt mài của người mẹ, vắt kiệt sức mình để chăm lo cho đàn con khôn lớn…

* Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng được hiển dung nơi các gia đình đấm ấm thuận hoà, chan chứa yêu thương hiệp nhất.

* Và đặc biệt, Thiên Chúa vẫn hiển dung rạng ngời nơi những anh chị em cùng sống với ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không cảm nhận được, nên bỏ lơ, nên thờ ơ và không còn muốn dựng lều chung sống với những hiện thân của Chúa chung quanh chúng ta.

Thông thường, chúng ta nhìn đời, nhìn người qua cặp kính màu đen nên chúng ta chỉ thấy được khía cạnh u tối của người đời. Xin Chúa thanh tẩy nhãn quan chúng ta để có thể nhận ra mọi người là hiện thân của Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giê-su.

Ba môn đệ nhận ra Thiên Chúa hiển dung nơi thân phận người phàm của Đức Giê-su thì chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta được nhận ra Chúa hiển dung nơi những anh chị em đang sống chung quanh, nhờ đó, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc chan hoà vì được sống cùng, sống bên nhau và có thể nói như thánh Phê-rô xưa: chúng con được ở chung với nhau nơi đây thì thật là hạnh phúc. (Mt 17,4)
 
Cuộc trở lại sau hết của người lính lê dương
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
12:35 15/02/2008
CUỘC TRỞ LẠI SAU HẾT CỦA NGƯỜI LÍNH LÊ DƯƠNG

.. Tôi được chỉ định làm Linh Mục Tuyên Úy cho một Viện Dưỡng Lão ở miền Trung nước Pháp. Mỗi khi khởi đầu công tác mục vụ mới nơi cơ sở mới, tôi có thói quen chào thăm và học biết danh tánh từng người tôi có nhiệm vụ coi sóc hoặc tiếp xúc.

Lúc vừa đến Viện Dưỡng Lão, người ta báo ngay cho tôi biết ông làm vườn rất cau-có khó-chịu. Ít ai làm quen nói chuyện được với ông. Đặc biệt, ông ghét cay ghét đắng các Linh Mục, vì ông có óc bài giáo sĩ rất nặng. Ông từng phục vụ lâu năm trong Đội Quân Lê Dương. Đối với ông, không có THIÊN CHÚA cũng chẳng có đạo giáo nào cả!

Vài ngày sau khi đến Viện, tôi ra vườn dạo chơi. Cây trái và hoa cỏ trong vườn được chăm sóc thật chu đáo. Tôi mới đi vài bước thì người làm vườn đã trông thấy bóng dáng tôi. Ông cất tiếng nói bằng giọng cộc cằn. Ông hỏi tôi xớ-rớ ngoài vườn làm gì khiến ông bị ”ngứa-mắt”! Tôi nhã nhặn trả lời:

- Tôi ra vườn vừa để hít thở khí mát vừa để chiêm ngắm những bông hoa đẹp mà ông dày công vun trồng!

Nghe tôi nói thế, ông hứ lên một tiếng và bĩu môi khinh bỉ, xong ông quay lưng bỏ đi nơi khác.

Đó là quang cảnh buổi gặp gỡ đầu tiên giữa hai chúng tôi. Tuy vậy, tôi không nản lòng. Một tuần sau, tôi lại ra vườn đổi khí và ngắm hoa. Người làm vườn vẫn giữ nguyên thái độ khó chịu ban đầu.

Tuy nhiên, đến lần gặp gỡ thứ tư và thứ năm thì bầu khí thay đổi một chút. Ông nhã nhặn hơn, thân tình hơn. Tôi vẫn kiên trì ra vườn dạo chơi và khen hoa đẹp, cây trái tốt tươi. Cho đến một ngày, chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau thật sự. Ông nói:

- Cha là vị Linh Mục đầu tiên để ý đến tôi, hỏi thăm tin tức và trao đổi ý kiến với tôi.

Nói thế, nhưng ông ranh-mãnh chặn trước:

- Dầu vậy, Cha đừng tưởng sẽ ban phép Giải Tội được cho tôi. Không có chuyện dễ dàng như vậy đâu!

Bỗng một buổi chiều, chính ông đến tận phòng tôi và nói:

- Mời Cha ra vườn, con sẽ chỉ Cha xem đầu bức tượng Đức Mẹ mà con dấu kín từ bao nhiêu năm nay.

Tôi mau mắn theo ông. Nơi một góc vườn, ẩn sau mấy bụi cây nhỏ, trông giống như một chiếc tổ chim, quả thật có đầu bức tượng Đức Mẹ. Ông làm vườn giải thích:

- Một ngày, tình cờ, con trông thấy đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy. Con thấy tội nghiệp. Con không nỡ để đầu Đức Mẹ bị bỏ rơi lăn lóc! Con lượm đem về. Con dọn dẹp một chỗ, như Cha trông thấy đó, và con đặt đầu tượng Đức Mẹ vào. Xong, con đặt hoa tươi cho Đức Mẹ. Từ đó, bên tượng Đức Mẹ, không bao giờ thiếu hoa tươi, hoa đẹp.

Kể từ ngày hôm ấy, những cuộc gặp gỡ chuyện trò giữa hai chúng tôi ngoài vườn, luôn luôn kết thúc bằng cuộc kính viếng và cầu nguyện bên chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy.

Ngày tháng trôi qua, một hôm người làm vườn lâm trọng bệnh. Bệnh tình cứ tăng dần. Tôi thường xuyên viếng thăm ông. Cho đến một ngày ông nói với tôi:

- Thưa Cha, chắc chắn lần này con không thoát chết. Vậy ngày mai, xin Cha mang ”tất cả đồ nghề Linh Mục” đến và xin Cha tự lo liệu xoay xở giúp con giải quyết vấn đề quan trọng nhất cuộc đời con: Vấn đề bước qua thế giới bên kia.

Tôi chu đáo giúp ông làm vườn chuẩn bị lãnh nhận cùng lúc ba Bí Tích sau cùng: Giải Tội, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân. Người lính ”Lê Dương” già, từng tham gia bao trận chiến khốc liệt, nhưng lại không giữ đạo nghĩa gì cả. Vậy mà, đến giờ sau hết được ơn ăn năn trở lại và được ơn chết lành, chỉ vì ông đã cứu một chiếc đầu bức tượng Đức Mẹ bị gãy. Quả Đức Mẹ MARIA thưởng công bội hậu cho một nghĩa cử, thoạt xem ra có vẻ nhỏ nhoi, nhưng lại dấu ẩn một con tim hiếu thảo và nhạy cảm.

... ”Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy, và hãy học với Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái, và gánh Thầy nhẹ nhàng” (Matthêu 11,28-30).

(René Laurentin + Albert Pfleger, ”Fioretti de la Vierge Marie”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1990, trang 70)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:19 15/02/2008
KHỔNG TỬ HẠ LỆNH CỨU HỎA

N2T


Ngày hôm ấy, nhà vua nước Lỗ dẫn đầu quần chúng đến Tích Trạch phía bắc đô thành cử hành hoạt động săn bắn. Theo truyền thống, đầu tiên họ phóng lửa đốt cỏ cây, sau đó mọi người tha thiết muốn thi thố tài năng, đợi thú săn bị ngạt lửa chạy ra để thi triển thân thủ.

Nhưng mùa đông gió bắc thổi rất mạnh, thế lửa vừa bùng lên nên không thể dập tắt, tận mắt nhìn thấy lửa muôn thiêu rụi phía nam đô thành. Lỗ Ai công rất sợ hãi nên ra lệnh cho mọi người cứu hỏa, nhưng lòng của mọi người đều để nơi cuộc đi săn thú, không có ai để ý đến thế của lửa, lửa lớn cũng từ từ không tắt.

Khổng tử kiến nghị với Ai công, nói: “Đại vương, người hưởng thụ cuộc săn bắt thú không có xử phạt, người khổ cực cứu hỏa không có thưởng, cho nên lửa vẫn cháy mạnh. Bây giờ tình trạng rất khẩn cấp, dùng thưởng thì không kịp nữa, hơn nữa nếu người cứu hỏa đều muốn thưởng công, tài sản của quốc gia đã dùng hết sạch nên cũng không đủ để thưởng, cho nên bây giờ chỉ cần hình phạt thì có thể được.”

Ai công nghe rồi thì lập tức kêu Khổng tử truyền lệnh: “Người không cứu hỏa thì chiếu theo trách nhiệm và hành vi về tội chiến bại đầu hàng địch nhân, trị theo tội trách nhiệm hành vi tự ý xông vào vườn thượng uyển.”

Mệnh lệnh chưa kịp truyền đến Tích Trạch, thì lửa đã bị dập tắt rồi.

(Hàn Phi tử: Nội các thuyết thượng-Thất thuật)

Suy tư:

Giữa thú vui chơi và sự nguy hiểm thì ai cũng thích thú vui chơi hơn; giữa thiệt hại cho cá nhân và thiệt hại chung cho mọi người, thì ai cũng thích chọn lựa cái thiệt hại chung; giúp người hoạn nạn và giúp mình thì ai cũng chọn giúp mình trước mọi người. Đó chỉ là lẽ thường tình của con người mà thôi, bởi vì ai cũng có cái tôi ích kỷ, ai cũng có cái tham sân si...

Có một vài người Ki-tô hữu hiểu rõ Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa và thích phê bình người khác không sống Lời Chúa, nhưng chính họ cũng không vượt qua khỏi cái tham sân si của chính mình, để bước vào ánh sáng tự do mầu nhiệm của Lời Chúa mà họ hiểu rất rõ. Họ cũng vì bản thân mà quên mất người bên cạnh, họ cũng vì bản thân mà không ra tay giúp đỡ người khác, họ vì bản thân mà –có khi- vu oan giá họa cho người khác, nên cuộc sống của họ chưa tỏa sáng được tinh thần Phúc Âm...

Khổng tử, trong tình thế cấp bách mà vẫn luận được nhân tình thế thái giữa thưởng và phạt, giữa cá nhân và xã hội, giữa có và không nên mới dập tắt được hỏa hoạn cho cả thành, đó chính là cái trí của thánh hiền.

Người Ki-tô hữu bất cứ trong hoàn cảnh nào xảy đến cho mình, thì họ vẫn luôn nghĩ đến cái cùng cực của tha nhân, để an ủi và cảm thông với họ. Đó chính là không những cứu linh hồn mình khỏi lửa hỏa ngục, mà còn giúp đỡ tha nhân tìm ra Chúa Giê-su đang hiện diện trong cuộc đời của họ.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:21 15/02/2008
CHỦ NHẬT II MÙA CHAY

Tin mừng: Mt 17, 1-9.

“Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.”

Bạn thân mến,

Phúc Âm hôm nay đã mở cho chúng ta thấy một bí ẩn về một sự thật, đó là vinh quang của Thiên Chúa, mà con người –qua mọi thời đại- muốn biết có thật hay không. Bởi vì có nhiều người tự nhận mình thông hiểu mọi sự, nhưng họ không hiểu và không biết về Thiên Chúa; có người có thể lý giải mọi việc xảy ra, nhưng họ lại không lý giải được tại sao có rất nhiều người tin vào Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã cho họ thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi Ngài, khi dung nhan của Ngài biến đổi trở nên sáng chói như mặt trời trước mặt ba môn đệ.

Thời nay Chúa Giê-su không còn biến hình trên núi nữa, nhưng trên mỗi bàn thờ tế lễ khắp nơi trên thế giới, Ngài đã làm cho bánh và rượu nho trở nên Máu Thịt của Ngài; thời nay Chúa Giê-su cũng không còn cấm ba môn đệ không được đem chuyện Ngài biến hình nói cho mọi người biết, nhưng trái lại Ngài còn ra lệnh cho các môn đệ hãy đi khắp thế gian để giảng dạy, thánh hóa và cai quản các kẻ tin vào Ngài, đem những gì mà các môn đệ đã thấy, đã nghe và đã cùng chia sẻ với Ngài đi loan báo và giảng dạy mọi người, ai nghe và tin vào lời giảng dạy của Giáo Hội, thi đó chính là một cuộc biến hình đổi mới cho họ, và khi mỗi người đã biến hình nên giống Chúa Giê-su, thì xã hội chắc chắn sẽ có cuộc biến hình vĩ đại trong yêu thương và hòa bình.

Bạn thân mến,

Hằng ngày bạn và tôi đều muốn mình sẽ khá hơn ngày hôm qua, do đó bạn và tôi đều nổ lực học hành và làm việc, cố gắng cho bắt kịp trào lưu của thời đại, nhưng cái mà làm cho chúng ta mới hằng ngày chính là ân sủng của Thiên Chúa:

- Nhờ ơn Chúa mà trong thất vọng chúng ta thấy hy vọng.

- Nhờ ơn Chúa mà khi ngã quỵ chúng ta biết đứng lên.

- Nhờ ơn Chúa mà trong lo âu buồn phiền, chúng ta biết lạc quan vui tươi.

- Nhờ ơn Chúa mà khi bị những áp bức bất công đè nặng, chúng ta không gục ngã...

Đó chính là cuộc đổi mới của người Ki-tô hữu trong cuộc sống hằng ngày, cuộc đổi mới này sẽ là động lực làm cho đời sống chúng ta phát sáng hình ảnh của Chúa Giê-su nơi bản thân mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:23 15/02/2008
N2T


35. Cấp thứ nhất của khiêm tốn là phục tùng, không cho phép bất kỳ kéo dài nào.

(Thánh Benedictus)
 
Niềm tin Việt Nam: Tàn phá dung nhan
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
18:40 15/02/2008

Niềm tin Việt Nam: Tàn phá dung nhan

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Nhà thờ Chúa Biến Hình, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Dì Tư hỏi chồng,

— Ông mần chi mà tui thấy ông cứ loay hoay đi ra đi vô trong toilet, rồi lại đứng hằng giờ ở trỏng săm soi trước cái kiếng? Bộ ông đau bụng hay sao? Có cần uống thuốc hay không? Hay là để tui cạo gió cho. Trời lóng nầy nắng đổ lửa như than hầm, dễ bị Tào Tháo rượt lắm đó nghen.

Ông Tư bông lơn,

— Tui hổng có sao. Bà đừng có lo. Tui là người tốt cho nên bụng cũng tốt theo. Ta nói Tào Tháo có muốn rượt, e cũng khó lắm. Bà còn nhớ năm ngoái lúc hai vợ chồng mình về Việt Nam thăm họ hàng hay không. Tình thiệt mà nói trước khi lên phi cơ, tui cũng hơi ngần ngại, bởi nghe nói nhiều người về bển uống nước rồi bị Tào Tháo rượt. Nhưng mới bước được mấy bước trên đường làng thì ta nói thiệt tình… Gần ba mươi năm trời không gặp được bà con chòm xóm, giờ tự dưng gặp lại biết bao nhiêu người, tui vui quá xá. Cho nên sang tới ngày thứ hai là tui bắt đầu sa đà, gặp thịt chó ăn thịt chó, đụng nước mía uống nước mía. Nhưng hên ông trời cho tui cái bụng tốt. Gần ba mươi năm xa nhà, giờ về Việt Nam ăn thịt chó nướng vỉ ngay bên lề đường, uống nước mía xay ngoài chợ sáng trưa chiều tối đủ bốn cữ mà vẫn tỉnh bơ như không!

— Ông đừng tưởng ông ngon! Chưa tới lúc Tào Tháo mở sổ gọi tên ông một lần nữa đâu. Ông đừng có quên cái hồi tui mới sanh thằng Hai xong, chiều hôm đó ông sa đà nhậu nhẹt thịt chó với lòng heo chấm mắm tôm. Lết về được tới nhà, ông thượng thổ hạ tả. Thiệt tình bữa đó ông hành tui gần chết…

Ông Tư cụt hứng,

— Bà! Nói chuyện nghe mắc cười…

Ngồi xuống ghế, ông Tư vô đề,

— Bà biết không? Mới lúc nãy coi TV, tui thấy người ta nói có cái bà người Pháp được bác sĩ thẩm mỹ sửa lại cái mặt...

Dì Tư khịt mũi,

— Mần chi mà phải mò tới viện thẩm mỹ sửa da sửa mặt. Bà này nhiêu tuổi rồi? Dư tiền bạc quá mà.

— Bà, chưa chi đã nghĩ xấu cho người ta. Cái bà này bị chó cắn cái mặt nát bấy như tương... Nhưng cũng còn hên cho bả, bởi gặp được bác sĩ thẩm mỹ rành nghề, cho nên khuôn mặt của bả trở lại gần như bình thường nguyên vẹn.

Ông Tư tâm sự,

— Thấy chuyện người tui lại nhớ tới chuyện mình.

— Chuyện người thì tui hiểu. Còn chuyện mình là chuyện chi?

— Bộ bà không thấy vợ chồng mình sống tới tuổi này, nhìn miết trong gương, tui thấy tóc muối nhiều hơn tiêu. Cho nên tui thấy càng sống lâu càng thêm cơ hội khiến khuôn mặt biến dạng. Tôi thấy trên đời này chỉ có mình Chúa Giêsu là còn nguyên vẹn, trắng tinh vẫn là trắng tinh như tuyết, trước sau khuôn mặt của Chúa không hề thay đổi.

— Ông nói chiện! Chúa mà! Ông còn nhớ cái tuồng Chúa biến hình ở trên núi Tabo hay không?

— Bà! Sao lại có cái vụ tuồng tích ở đây. Bài Phúc Âm Chúa Biến Hình mà bà làm như là tuồng Võ Tòng Đả Hổ hay là Tiếng Trống Mê Linh không bằng.

— Ừ, ừ, thì bài Phúc Âm… Tôi nhớ hồi còn nhỏ, nghe dì phước dậy nếu mình chịu khó siêng năng đi lễ Misa, lần chuỗi Mân Côi, ngoan ngoãn với tía má thì áo rửa tội của mình lúc nào cũng trắng tinh như áo Chúa Giêsu lúc Ngài biến hình trên núi vậy. Nghe vậy, tui khoái quá, te te đi lễ Misa ngày hai bận. Sáng tinh mơ, chuông nhà thờ vừa đổ là tui lục đục ngồi dậy đi lễ với tía má. Chiều, tui hấp tấp nấu cơm cho lè lẹ để còn kịp đi lễ. Tối khuya, nhiều khi tui còn nhắc nhở tía má lần chuỗi Mân Côi. Hồi đó tía má cứ nói mai rày lớn lên con nhỏ này sẽ đi tu. Nghe nói vậy, tui cũng khoái tê tê trong bụng, tính đi tu thiệt tình…

— Nè, bà đừng có đổ ngang là tại bà lậm tui cho nên mất đi cơ hội làm dì phước đó nghen…

Dì Tư mặt đỏ tuồng như người nhai trầu thuốc,

— Ông quỷ đa! Nói năng lảm nhảm không à.

Ông Tư bập bập hơi thuốc,

— Bà làm tui nhớ chuyện ông họa sĩ vẽ tranh Bữa Tiệc Ly. Ổng họa sĩ chọn vẽ người đầu tiên là Chúa Giêsu. Người làm mẫu cho Chúa Giêsu, ông ấy nghĩ phải kiếm cho ra người có khuôn mặt của nhân hậu nè, từ bi nè. Chỉ trong vòng một thời gian, ổng ấy đã kiếm ra người mẫu cho Chúa Giêsu. Sau đó, ổng lại đi kiếm mười một người mẫu khác cho mười một vị tông đồ. Sau cùng, ổng mới đi kiếm người mẫu cho Giuđa, một người mà theo như ổng phải có cái khuôn mặt nham hiểm bất lương. Nhưng cũng phải mất một khoảng thời gian ông họa sĩ mới kiếm ra người mẫu cho Giuđa đang ngồi ăn xin ở chợ. Mang ông ăn mày về nhà, chỉ vào bức tranh, ông họa sĩ giải thích cho người ăn mày biết công trình ông đang thực hiện. Thật là bất ngờ, khi nhìn thấy Chúa Giêsu trong bức tranh, người ăn mày bật khóc, và nói, “Ông biết chi không? Người mẫu cho Chúa Giêsu trong bức tranh chính là tôi đây nè”.

— Nghe ông kể chiện mà tự nhiên tui rùng mình ớn lạnh. Tự dưng cũng muốn đi soi kiếng coi khuôn mặt đã biến đổi tới đâu… Mà lạ hén. Người ta nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Nhưng tui không hiểu sao người ta lại biến đổi, mất đi cái tính bổn thiện vậy hả ông?

— Thì cũng có nhiều lý do. Nhưng tôi nghĩ cũng tại cái môi trường nơi mình sống. Bà còn nhớ ông bà mình hay nói, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hay là “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” hay không? Cái mặt đang tròn phúc hậu như cô Thúy Vân mà đưa vào cái ống tre ở riết thì cũng biến dạng dài thoòng. Tôi mà cứ giỡn với mực, có ngày mực đổ vấy áo hóa ra đen thui. Cho nên tôi nhớ chuyện kể Tể Tướng Án Anh nước Tề có lần công du nước Sở. Muốn làm bỉ mặt nước Tề và Án Anh, vua Sở bày kế, trong khi nhà vua và Án Anh đang đàm đạo, từ bên ngoài quân lính mang vào một người thanh niên mặc quần áo nước Tề, tay chân bị xiềng xích. Vua Sở hỏi quân lính, “Người đó tội chi mà bị xiềng xích như vậy?”. Quân lính thưa, “Tâu bệ hạ, người này nguyên gốc dân nước Tề, nay bị bắt vì tội ăn cắp”. Vua Sở quay sang hỏi Án Anh, “Bộ nước Tề có nhiều người ăn cắp lắm hay sao?”. Nghe vua hỏi, Án Anh mặt không biến sắc, nhưng điềm tĩnh trả lời, “Thần nghe nói quất Giang Nam nguyên thủy quất ngọt. Nhưng khi mang qua trồng bên đất Giang Bắc, quất ngọt hóa ra quất chua. Nay anh chàng thanh niên này nguyên thủy người nước Tề, ở bên nước Tề, sống một đời lương thiện cho đến khi dọn nhà qua bên đất Sở sinh sống, khi đó lại hóa ra quân trộm đạo bất lương”. Vua Sở nghe nói vậy, giận tím mặt, vẫy tay cho quân sĩ kéo người thanh niên ra ngoài.

— Chà, cái ông Án Anh này thiệt là lanh lợi đa. Trả lời như vậy thì còn ai nói cho lợi với ổng. Người xưa ta nói sao mà lợi khẩu quá hén.

Ông Tư bàn thêm,

— Nơi chốn mình ở chỉ là một. Nguyên nhân thứ hai khiến người ta mất đi tính bổn thiện thì lại có liên quan tới những cái chọn lựa trong đời sống hằng ngày…

Dì Tư nóng nảy,

— Nghĩa là làm sao? Cái này ông phải nói thêm rồi đa.

Ông Tư chậm rãi,

— Bà còn nhớ câu chuyện bà Evà ăn trái cấm hay không?

— Chuyện đó thì ai còn lạ chi. Nhưng mà ông lôi chuyện bà Evà vào trong đây để làm chi?

Ông Tư trợn mắt,

— Để làm chi? Bà nói nghe thấy mắc cười. Bộ bà không thấy rõ ràng là bà Evà có cái chọn lựa hay sao? Hoặc ăn hoặc không ăn. Cuối cùng, bả chọn, và bởi cái chọn lựa khờ dại này, hai vợ chồng mất đi khuôn mặt thiên đàng. Tệ hơn nữa, từ cái chọn lựa nghèo nàn của bà Evà, trần gian nảy sinh ra khuôn mặt hung thủ Cain và khuôn mặt nạn nhân Abel, nối tiếp theo sau là những khuôn mặt xác chết nổi lềnh bềnh trên dòng nước Đại Hồng Thủy. Đó, bà thấy chưa?

Dì Tư rạng ngời nét mặt,

— Thôi, tui hiểu rồi. Tôi nhớ đâu có lần tụi tui thắc mắc hỏi cha linh hướng Hội Legio về sự khác nhau giữa tội nhẹ và tội nặng. Có người còn hỏi, “Nếu khai thuế hơi quá tay một chút, rồi lấy số tiền đó gửi về cho các trại mồ côi ở bên Việt Nam, làm như vậy có được hay không?”.

— Rồi cha linh hướng nói làm sao?

— Tui nhớ đâu ổng nói, “Nếu cứ sống với những cái chọn lựa nghèo nàn, chẳng mấy chốc từ người làm mẫu cho Chúa Giêsu, mình sẽ trở thành người mẫu tuyệt vời cho Giuđa”.

— Thì đấy, vậy là bà hiểu chuyện rồi đó. Bây giờ bà còn tưởng tui bị Tào Tháo rượt nữa hay không?

Lời Chúa

Sáu ngày sau, Ðức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo bên mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phêrô thưa với Ðức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, hay quá! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái”. Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Ðức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!”. Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giêsu mà thôi (Matt 17:1-8).

Suy Niệm

Chọn lựa nghèo nàn dẫn ra đời sống nghèo nàn, khuôn mặt bần hàn.

Chọn lựa thánh thiện dẫn tới đời sống bình an, khuôn mặt thiên đàng.

Ước chi trần gian ngày càng xuất hiện thêm nhiều khuôn mặt thiên đàng như khuôn mặt Chúa trên đỉnh núi Tabo.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, xin sửa lại những đường nét hư hỏng bởi những cái chọn lựa nghèo nàn trên khuôn mặt chúng con.

www.nguyentrungtay.com
 
Núi Tabor hôm nay
Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
22:17 15/02/2008
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY A

Núi Tabor hôm nay

Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi Giêrusalem. Trên đường, Chúa lên một ngọn núi để cầu nguyện. Có lẽ đó là núi Tabor ở Galilê. Có ba môn đệ thân tín theo Chúa. Chúa đã hiển dung trước mặt các ông.

Trước núi Tabor, Chúa Giêsu đã từng lên hai ngọn núi khác. Trước hết là Chúa giảng Hiến Chương Nước Trời trên núi quen gọi là núi Bát Phúc. Sau khi cho hoá bánh ra nhiều nuôi dân, họ muốn tôn Chúa làm vua, Chúa đã lên núi cầu nguyện một mình. Sau núi Tabor, Chúa cũng lên hai ngọn núi khác: núi Sọ là nơi Chúa chịu chết trên thập giá và núi Ôliu là nơi Chúa từ biệt các môn đệ mà lên trời. Có thể nói núi Tabor đã được chuẩn bị bằng hai ngọn núi trước và chuẩn bị cho hai ngọn núi sau. Hiển Dung là cao điểm của cuộc đời rao giảng và là khởi điểm của cuộc Vượt Qua.

Người xưa tin rằng Thiên Chúa ở trên trời; núi cao, nên gần trời; vì thế người ta lên núi sẽ dễ gặp Chúa hơn. Tổ phụ Abraham lên núi hiến tế Isaac. Ông Môsê lên núi nhận bia giao ước. Ngôn sứ Êlia lên núi gặp Thiên Chúa. Thực tế là lên núi dễ gặp Chúa hơn thật:

- Thanh vắng, yên tĩnh, xa gia đình, bạn bè, phố chợ;

- Trên cao, thấy rõ công trình của Thiên Chúa trong thiên nhiên hùng vĩ hơn: mặt trời, bầu trời, trăng sao, núi sông, bình minh, hoàng hôn...

- Trên cao, thấy công trình của con người nhỏ bé hơn, vì thế dễ từ bỏ hơn.

Lên núi là điều không dễ, nhưng đem lại cho chúng ta những niềm vui mà chỉ những ai lên núi mới cảm nghiệm được.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta lên núi để chiêm ngắm Chúa hiển dung: ngay bên cạnh chúng ta, Chúa vẫn đang yêu thương người đau khổ, tha thứ cho kẻ tội lỗi, hy sinh cho người mình yêu. Đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng ta trở nên núi Tabor mới để Chúa hiển dung. Thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu mặc lấy Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Trong cuộc Vượt Qua, khuôn mặt thể lý của Chúa không còn hình dạng con người, nhưng khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu lại chói sáng trước mắt mọi người trong mọi thời đại.

Một thường dân Nhật Bản được Nhật Hoàng mời vào hoàng cung dùng cơm chung vì đã lấy máu mình vẽ chân dung Nhật Hoàng. Chúa Giêsu lấy máu mình để vẽ chân dung Thiên Chúa và được hưởng vinh quang Phục Sinh. Xin Chúa giúp chúng ta dùng cuộc sống của mình để vẽ chân dung Chúa trong thế giới hôm nay.
 
Mắt đức tin - Mắt của trái tim
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
22:20 15/02/2008
Chúa nhật 2 Mùa Chay

MẮT ĐỨC TIN - MẮT CỦA TRÁI TIM

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Mt 17, 1-9)

Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !" Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ !" Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Có nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ: tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử. Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình. Còn chính tình yêu thì ta không thấy. Điều chính yếu thì vô hình. Ta chỉ thấy được bằng trái tim.

Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu. Ví dụ như con người. Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài. Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta. Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ. Vì linh hồn thiêng liêng. Ta chỉ thấy được bằng đức tin.

Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm. Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường. Không ai nhận ra thần tính của Người. ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.

Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra, các ông chới với ngỡ ngàng. Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu. Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng. Và nhân tính được tôn vinh. "Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng".

Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.

Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng. Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.

Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật. Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm: "Người ở bên trong, còn tôi ở bên ngoài".

Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu. Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.

Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi. Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.

Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình. Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ. Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.

Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.

Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nội tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.

Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu. Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.

Như thế ta đang cộng tác vào việc biến hình thế giới. Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Việc Chúa biến hình có khiến bạn thêm tin tưởng vào vinh quang Phục sinh để sẵn sàng chịu những đau khổ đời này không ?

2- Bạn sẽ làm gì để tâm hồn bạn chiếu toả ánh sáng Thiên chúa ?

3- Bạn sẽ làm gì để khuôn mặt anh em, nhất là những người kém may mắn rạng ngời ánh sáng Thiên chúa ?
 
Ăn chay và ăn mặn
LM. Anphong Trần Đức Phương
22:47 15/02/2008
ĂN CHAY VÀ ĂN MẶN.
Đời đáng sống, hay không đáng sống…

Trong những ngày này, người Công giáo đang sống trong những ngày gọi là “Mùa Chay”. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro. Mùa Chay là mùa hy sinh hãm mình, thanh tẩy tâm hồn, canh tân đời sống để chuẩn bị tâm hồn kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô và mừng Đại Lễ Phục Sinh.

Chữ “CHAY” nơi đây hiểu theo một nghĩa hơi khác với ý niệm “CHAY” của một số tôn giáo khác. Như bên Phật giáo, chữ “CHAY” có nghĩa là “không ăn thịt”, chỉ ăn rau, hoa trái. “Chay trường” là kiêng ăn thịt suốt đời, hoặc trong một thời gian lâu dài; hoặc ăn chay theo ngày như ‘mùng một và ngày rằm”. Vì thế có danh từ “ĂN CHAY” và “ĂN MẶN”. Có những trường phái hoặc những người chủ trương “ăn chay” (vegetarian) để chữa bịnh, hoặc để tu luyện, như những tu sĩ nam nữ trong các dòng khổ tu Công giáo, như “Châu Sơn”, “Phước Sơn”, dòng tu Camêlô.v.v…

Chữ “chay” bên Công giáo hiểu là “ăn ít đi”, ngày ăn chay là ngày chỉ ăn một bửa chính và một bửa ăn nhẹ, và không ăn “vặt” giữa các bửa ăn, trừ những vị đã già nua, hoặc những người bệnh tật. Còn “kiêng thịt” mới là ngày không ăn thịt. Ngày xưa, người Công giáo không ăn thịt ngày Thứ Sáu suốt năm để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập tự giá để chuộc tội nhân loại. Bây giờ chỉ còn “Kiêng thịt ngày Thứ sáu trong Mùa Chay”. Tuy nhiên nhiều người vẫn kiêng thịt ngày Thứ Sáu quanh năm, có người kiêng thịt ngày Thứ Sáu và ngày Thứ Tư trong tuần.

Trong Mùa Chay, người Công giáo chỉ buộc vừa ăn chay (chỉ buộc những người từ 18 tuổi đến 59 tuổi), vừa kiêng thịt (chỉ buộc những người từ 14 tuổi trở lên), trong hai ngày là ngày “Thứ Tư Lễ Tro” (ngày mở đầu Mùa Chay Thánh) và ngày “Thứ Sáu Tuần Thánh” (ngày đặc biệt kỷ niệm của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu). Những người đau ốm hoặc quá già nua tuổi tác thì không phải giữ những lề luật trên đây.

Như vậy so với các tôn giáo bạn, thì lề luật “ăn chay”, “kiêng thịt” của Giáo hội Công giáo rất là nhẹ nhàng. Lý do, vì Giáo hội coi các lề luật, kể cả đi dâng lễ ngày Chúa Nhật, chỉ là nhưng “hướng dẫn cụ thể” để mọi người tùy theo hoàn cảnh, tuổi tác tự làm lấy những công việc đó một cách tự nguyện do đức tin chân thành và lòng yêu mến Chúa, chứ không chỉ làm vì sợ tội, sợ hình phạt. Giống như những người con hy sinh thời giờ đến thăm cha mẹ, hoặc giữ những lời chỉ bảo của cha mẹ, vì lòng hiếu thảo, yêu mến cha mẹ, chứ không chỉ vì sợ cha mẹ la mắng, hoặc cha mẹ ghét bỏ. Đó là thái độ “sống đạo trưởng thành”, với tấm lòng, với tình yêu thương, chứ không phải chỉ vì sợ tội. Thiên Chúa luôn luôn tôn trọng tự do của con người. Hơn nữa, Mùa Chay không phải chỉ gồm có ăn chay, kiêng thịt, mà quan trọng ở chỗ “hy sinh hãm mình”, tập luyện ý chí để tự kiểm soát con người của mình (self-control) không bị “danh, lợi, thú” điều khiển cuộc đời của mình.

Như vậy Mùa Chay là thời gian đặc biệt để mọi người tự thanh luyện con người của mình, làm mới lại con người của mình. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần giúp đở để canh tân đời sống. Thực ra đó là những điều mỗi người chúng ta đều phải làm hàng ngày để cải thiện con người của mình, để mỗi ngày trở nên tốt hơn, mới hơn (tân nhật tân); hôm nay phải cố gắng để “mới hơn hôm qua”. Đó là một cuộc hành trình đức tin để tiến lên gần Thiên Chúa là Đấng Chân Thiện Mỹ… Mỗi ngày chúng ta tiến gần cái chết hơn, đến gần nấm mồ của chúng ta hơn, và cũng là tiến gần đến với Chúa hơn. Con đường sống đạo là con đường đi lên, vươn lên mãi mãi.

Một cách cụ thể, trong Mùa Chay, mỗi người thường được nhắc nhở phải cầu nguyện nhiều hơn, ăn chay hãm mình nhiều hơn; nhưng phải đưa đến hiệu quả là “sống bác ái, vị tha” hơn, qua các công việc từ thiện, giúp đở những người nghèo khó trên thế giới, thường được gọi là “làm phúc, bố thí”. Danh từ “bố thí” bây giờ không còn được dùng; vì làm việc từ thiện là một “chia sẽ” trong tình nhân loại, chứ không phải là việc “bố thí” ban phát của người giàu cho người nghèo.

Trong Mùa Chay, mọi người đều được nhắc nhở đọc và suy ngẫm và đưa vào thực hành hàng ngày, những đoạn Kinh Thánh trong sách Cựu Ước cũng như Tân Ước nói đến tinh thần Công bằng, Bác ái.

Trong Cựu Ước Tiên Tri Isaia nhắc nhở: “Việc ăn chay mà Thiên Chúa muốn, đó là: Mở xiềng xích trói buộc cho người bị áp bức, đem tự do cho người bị đàn áp, phá tan gông cùm xiềng xích bất công. Cho người đói ăn; tìm nơi trú trọ cho người không nhà cửa; đem áo mặc cho người trần trụi…” (Isaia 58,6…). Tiên tri Ezechiel kêu gọi: “Không áp bức người ta, trả lại của cải cho người cầm cố; không gian lận của người khác; cho người đói ăn; cho người trần trụi áo mặc. Không cho vay để lấy lời nặng, không gây oan khiên…” (Ezekiel 18,7…). Trong sách Thứ Luật, có đoạn viết: “Anh em đừng cứng lòng, đừng khép lòng với người thiếu thốn; nhưng hãy rộng tay giúp đở họ trong cơn túng cực…(Sách Thứ luật 15,7…); hoặc: “Hãy lắng nghe những lời than van của đồng loại; hãy công bằng trong việc xét xử cho cả hai bên, dù một bên là ngoại kiều. Khi xét xử, đừng nể vị, hãy lắng nghe người bình dân cũng như người quyền thế”. (Thứ Luật 1,16…). Sách Cách ngôn viết: “Đừng bóc lột người nghèo khổ vì họ nghèo khổ; đừng áp bức những người yếu thế nơi xử án… (Cách ngôn 22.22…). Đặc biệt, Tiên tri Giêrêmia viết: “Hãy thi hành sự công minh, chính trực; hãy giải thoát người bị áp bức; đừng ngược đãi, hành hung những người ngoại kiều, kẻ mồ côi, người góa bụa. Không được đổ máu những người vô tội… (Giêrêmia 22, 3…).

Kinh Thánh Tân Ước càng nhấn mạnh rỏ ràng hơn về việc thực hành đức tin qua việc tôn trọng phép công bằng và lòng thương, giúp đở mọi người, nhất là những người gặp cảnh khó khăn thiếu thốn. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa thì chưa có ai nhìn thấy bao giờ; nhưng nếu chúng ta thương yêu nhau thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới được hoàn hảo…” (1Gioan 4,12…). “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở trong người đó được? Anh em thân mến, anh em đừng yêu thương nhau trên đầu môi, chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm!” (1Gioan3, 17…). Thánh Giacôbê viết: “Thưa anh em, anh em nói mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Đức tin có thể cứu rỗi người đó được chăng? Giá như có người anh em nào không có áo che thân, không đủ ăn hàng ngày, mà anh em nói: Hãy đi bình an, mặc cho ấm, và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ họ đang cần, thì nào có ích gì? Đức tin không hành động là đức tin chết!” (Thơ Giacôbê 2,14…). Chỗ khác Thánh Giacôbê viết: “Anh em đã tin vào Chúa Kitô thì đừng đối xử thiên tư. Giả như có một người bước vào dự cuộc hội họp, tay đeo nhẩn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời một người nghèo khó cũng vào, ăn mặc tồi tàn, mà anh em kính cẩn nhìn ngừơi ăn mặc lộng lẫy và nói: xin mời ông vào ngồi chỗ danh dự này; còn với ngừơi nghèo anh em lại nói: Đứng đó! Hoặc: Ngồi dưới chân tôi đây này! Như vậy là anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và là những kẻ đối xử bất công đầy tà tâm đó sao!” (Thơ Giacôbê 2:1…).

Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã sinh ra trong gia đình nghèo khó, sống cuộc đời nghèo khó (Con cáo có hang, con chim có tổ, con người không có chổ dựa đầu! ), và khi đi rao giãng Tin mừng tình thương, Ngài đã luôn đến với người nghèo khó, bịnh hoạn, phong cùi, để an ủi và chửa lành cho họ. Ngài đã nói nhiều dụ ngôn để kêu gọi mỗi tín hữu hãy biết thương yêu giúp đở người nghèo; như trong dụ ngôn “Người nhà giàu và ông Lagiarô nghèo khó”: Người giàu có ăn mặc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Trong khi ông Lagiarô thì nghèo khó, mụn nhọt đầy mình, nằm ở cổng người nhà giàu, thèm được ăn những mảnh vụn từ bàn ăn của người nhà giàu rớt xuống mà ăn cho đở đói; nhưng chẳng ai cho. Cuối cùng thì ông Lagiarô chết và người nhà giàu cũng chết. Nhưng số phận hai người sau cái chết khác hẳn nhau. Ông Lagiarô được hưởng cuộc sống hạnh phúc nước trời; còn người nhà giàu phải chịu cảnh khốn khổ! (Phúc Âm Luca 16, 19…).

Mỗi người chúng ta đều phải chết, dù giàu, dù nghèo, và khi chết chúng ta đều trở về cát bụi, không mang theo chút của cải gì. Những gì chúng ta có thể mang theo để dâng lên Chúa đó là những gì chúng ta làm cho người lâm cảnh cùng khốn. Trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta đi dâng lễ rất đông, và chúng ta đều lên chịu xức tro trên trán và nghe ca đoàn hát rất cảm động: “Hởi người, hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro…”.

Ngày phán xét cuối cùng Thiên Chúa sẽ xét xử chúng ta theo những việc chúng ta đã làm cho Chúa qua việc giúp đở những người nghèo khó, bịnh hoạn… Trong câu chuyện “Ngày phán xét chung”, Thiên Chúa nói với những người tốt lành, từ tâm: “Các con hãy vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, vì xưa Cha đói các con đã cho Cha ăn, Cha khát đã cho Cha uống, Cha bịnh hoạn các con đã viếng thăm… Khi chúng con làm những điều đó cho anh em là chúng con đã làm cho chính Cha!..” (Phúc Âm Mathêu 25, 31…).

Chính những đoạn Kinh Thánh trên đã thúc đẩy nhiều linh mục, tu sĩ, cũng như các tín hữu đã hy sinh thời giờ, tiền của, cũng như cả cuộc đời để lo giúp đở người nghèo khó trên thế giới, phục vụ người đau ốm, săn sóc những bệnh nhân trong các trại phong cùi như ở Việt Nam trước đây và cả hiện nay.

Công việc bác ái, từ thiện là việc chúng ta phải làm suốt năm, suốt đời. Nhưng đặc biệt trong Mùa Chay, chúng ta càng cần đọc và suy ngẫm Lời Chúa để đem vào thực hành trong đời sống, để âm thầm phục vụ tha nhân trong khiêm tốn với cả lòng thương người phát từ lòng chân thành của chúng ta qua tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần tự hỏi: Tôi đã làm gì để giúp đở Chúa qua những người cần được giúp đở?

Một cách thực tế chúng ta thử đặt vấn đề: Trong tủ áo của tôi có biết bao quần áo đắt tiền quý giá, nhiều khi mặc một lần rồi bỏ đó; trong khi trên thế giới có bao người không đủ quần áo để mặc cho ấm vào những ngày thời tiết lạnh giá!

Chúng ta có bao đôi giày mắc tiền, chỉ đi một lần rồi bỏ; trong khi trên thế giới có nhiều người nghèo, không có giày dép để đi.

Chúng ta ăn uống quá đầy đủ và bỏ đi bao đồ ăn dư thừa; trong khi nhiều người không có một bửa ăn no cho mình và cho con cái.

Lương tâm một con người lương thiện, một Kitô hữu không thể không đặt những vấn đề như vậy! Thực tế, đã có nhiều người đã đặt vấn đề, và đã rộng tay giúp đở các công cuộc từ thiện của Giáo hội, nhờ thế hội từ thiện của Giáo hội, thường được gọi là “Caritas” (Bác-Ái)quốc tế, cũng như ở Hoa Kỳ hàng năm, nhất là vào Mùa Chay, đã nhận được nhiều tiền của để giúp các công cuộc từ thiện, các chương trình xã hội trên tòan thế giới.

Xin Chúa Thánh Thần canh tân đời sống chúng ta trong Mùa Chay Thánh này, để chúng ta cũng được “sống lại” với Chúa trong cuộc sống mới, rộng mở tâm hồn để cùng chung tay xây dựng hòa bình, sự thịnh vượng và phát triển trên tòan thế giới, và chúng ta được thấy cuộc đời chúng ta thật tốt đẹp, thật hạnh phúc và giàu ý nghĩa.

“Ăn Chay” hay “Ăn Mặn” là tùy sự lựa chọn và hoàn cảnh sống của mỗi người; tuy nhiên, “Đời đáng sống hay không đáng sống!” “Đời chúng ta có hạnh phúc hay không ?” là tùy thái độ sống của chúng ta và lòng từ tâm quảng đại của chúng ta!

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liên lạc giữa chính quyền Tây Ban Nha và Tòa Thánh căng thẳng
Nguyễn Long Thao
10:31 15/02/2008
Madrid 14/02/08 –Thủ Tướng Tây Ban Nha José Luis Zapatero đã có cuộc họp với đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Madrid ngày 14 tháng 2 vừa qua để bày tỏ quan điểm chính phủ Tây Ban Nha không hài lòng với những bản tuyên cáo mới đây của Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha.

Theo phát ngôn viên chính phủ, trong phiên họp với đức Khâm Sứ Tòa Thánh là TGM Manuel Monteiro de Castro, Thủ Tướng đã nêu các vấn đề “khó khăn và xung đột” giữa chính quyền và Giáo Hội Tây Ban Nha.

Đảng Xã Hội đang cầm quyền tại Tây Ban Nha đã giận dữ trước bản tuyên cáo của Hội Đồng Giám Mục nước này nhắc nhở trách nhiệm giáo dân Công Giáo là vào kỳ bầu cử 9 tháng 3 sắp tới, không bỏ phiếu cho đảng nào có lập trường chống lại luân lý và đạo đức Công Giáo

Trong bản tuyên cáo, Hội Đồng Giám Mục đã chỉ trích những chính sách của đảng Xả Hội cầm quyền là dễ dãi trong luật ly di, chấp nhận hôn nhân đồng tính, ủng hộ phá thai, và thương thuyết với nhóm khủng bố Basque.

Mặc dù Hội Đồng Giám Mục không chính thức ủng hộ đảng phái nào trong cuộc tranh cử nhưng những lời chỉ trích nặng nề trên sẽ có ảnh hưởng đến đảng Xả Hội đang cầm quyền tại Tây Ban Nha. Mặt khác cuộc tập họp vào tháng 12 vừa qua tại thủ đô Madrid với khoảng 2 triệu người, được Giáo Hội ủng hộ, phản đối luật phá thai, phản đối luật cho phép hôn nhân đồng tính, sẽ có ảnh hưởng tới kết quã bầu cử sáp tới tại Tây Ban Nha.

Các nhà lãnh đạo đảng xã hội đã cho Tòa Thánh biết biện pháp trả đũa của chính phủ đối với Giáo Hội sẽ là giảm bớt tiền tài trợ của chính phủ cho các trường Công Giáo ở Tây Ban Nha.
 
Tại Algeria, một linh mục Công giáo bị án tù vì hướng dẫn giáo dân cầu nguyện
Phụng Nghi
11:42 15/02/2008
Tại Algeria, một linh mục Công giáo bị án tù vì hướng dẫn giáo dân cầu nguyện

Rome (Zenit) – Một linh mục Công giáo bị tòa án tại Oran – một thị trấn ở vùng tây bắc Algeria – kết án một năm tù vì đã “chủ trì một lễ nghi tôn giáo ở một nơi không được chính quyền công nhận.”

Cha là nạn nhân đầu tiên của đạo luật được chấp thuận vào tháng 3 năm 2006 liên quan đến việc cử hành các nghi thức phụng tự không phải là Hồi giáo, tại Algeria, một quốc gia miền bắc Phi châu có 33 triệu người, 99% là tín đồ Hồi giáo.

Phát biểu trên đài Vatican Radio hôm thứ bảy, Tổng giám mục giáo phận Alger là Henri Teissier giải thích rằng “điều làm ta ngạc nhiên nhất là bản án được tuyên chỉ vì linh mục đã viếng thăm một nhóm tín hữu Công giáo tại Cameroon. Linh mục này đã không cử hành thánh lễ, nhưng chỉ tới cùng cầu nguyện với nhóm tín hữu nói trên. Hôm đó là vào ngày 29 tháng 12, chỉ mấy ngày sau lễ Giáng sinh.”

Vị Tổng giám mục cho biết bản án sẽ không được thi hành vì tòa đã quyết định đổi thành án treo có cam kết.

Ngài nói: “Hiển nhiên là mọi người chúng tôi rất kinh ngạc vì bản án đối với người anh em của chúng tôi.”

Tường trình của nhật báo Ý Avvenire dựa theo nguồn tin từ văn phòng tổng giáo phận Alger cho biết cùng với cha Wallez, một bác sĩ Hồi giáo trẻ cũng bị kết án phạt nặng hơn (hai năm tù không được tha trước với lời cam kết) vì đã dùng các loại thuốc “được cơ quan bác ái Công giáo Caritas đài thọ”.

Tổng giám mục Tessier tuyên bố: “Họ từ chối một cách có hệ thống không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các phái đoàn của chúng tôi. Hồi tháng 11 năm rồi, họ rút giấy phép thường trú của 4 linh mục trẻ gốc Ba tây đang phục vụ những di dân Phi châu nói tiếng Bồ đào nha.”

Tại Algeria, Hồi giáo là quốc giáo, và hiến pháp rêu rao là bảo đảm việc tự do thờ phượng. Đạo luật mới về thờ tự tìm cách kiểm soát các nhóm truyền giáo hoạt động chui, theo lời Tổng giám mục Tessier thì những nhóm này “đã tạo ra đôi chút xôn xao vì việc trở lại của một số tín đồ.”

Đạo luật nói trên gồm 17 điều khoản, cấm việc cử hành các nghi thức phụng tự không theo Hồi giáo bên ngoài những cơ sở đã được nhà nước chấp thuận.

Một điều khoản cho phép phạt tiền và phạt tù bất cứ ai “thay đổi chức năng nguyên thủy của nơi thờ tự” hoặc “khích động, cưỡng ép, hoặc dùng các phương tiện để buộc một người Hồi giáo theo một tôn giáo khác.”

Hình phạt tương tự cũng áp dụng cho những ai “sản xuất, tàng trữ, hoặc phân phối các ấn phẩm hoặc dụng cụ thính thị hoặc các phương tiện khác nhằm phá hoại đức tin Hồi giáo.”

Mặc dầu cuộc đối thoại giữa Toà thánh và các nhà lãnh đạo và trí thức Hồi giáo đang tiến triển sự đối xử với linh mục Pierre Wallez là một dấu hiệu đáng lo ngại. “Tội” của ngài chỉ là hướng dẫn giáo dân cầu nguyện. Rồi đây sẽ còn những sự việc như thế xảy ra?
 
Luận Án năm 1957 của thần học gia Joseph Ratzinger
LM. Đặng Thế Dũng
22:41 15/02/2008
Luận Án năm 1957 của thần học gia Joseph Ratzinger trình bày Thần Học của Thánh Bonaventura về Lịch Sử là chìa khoá để hiểu triều giáo hoàng của Ðức Bênêđitô XVI.

Tin Roma (Zenit 14/02/2008) - Vào năm 1957, để chuẩn bị làm giáo sư đại học, linh mục Joseph Ratzinger đã trình một "Luận Án Ðịnh Vị" về thần học của Thánh Bonaventura. Giờ đây, trong tháng 2 năm 2008, tại Giáo Hoàng Ðại Học Ðường Thánh Antôn (Antonianum), ở Roma, Ðức Hồng Y Claudio Hummes, tổng trưởng bộ Giáo Sĩ, sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Ý của Luận Án năm 1957 của Linh Mục Joseph Ratzinger - mà nay là Giáo Hoàng Bênêđitô XVI - bàn về Thần Học của Thánh Bonaventura.

Theo các nhà xuất bản, thì Luận Án năm 1957 của Linh Mục Giáo Sư Joseph Ratzinger, sẽ giúp ta hiểu hơn về triều đại giáo hoàng của Ðức Bênêđitô XVI.

Linh Mục Pietro Messa, Giám Ðốc Viện Nghiên Cứu Thời Trung Cổ và Gia Tài Tư Tưởng Phanxicô của Ðại Học Antonianum, đã cho hãng tin Zenit biết rằng Viện Nghiên Cứu của Ðại Học đang cộng tác vào công việc xuất bản Luận Án trong bản dịch tiếng Ý, và chú ý đến những tư tưởng được trình bày trong Luận Án vì muốn tìm hiểu tư tưởng của Ðấng đang thi hành thừa tác vụ Phêrô trên ngai toà Roma.

Ngày 13 tháng 11 năm 2000, khi còn là Hồng Y Tổng trưởng bộ giáo lý Ðức Tin, Thần học gia Joseph Ratzinger đã nhắc đến Luận Án này trong bài diễn văn đọc trong Khoá Họp của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Xã Hội. Lúc đó, Ðức Hồng Y Ratzinger cho biết rằng nghiên cứu của ngài về Thánh Bonaventura, thần học gia thuộc thế kỷ thứ XIII, đã giúp khám phá những yếu tố mới trong suy tư về lịch sử.

Ðức Hồng Y giải thích rằng vào thế kỷ thứ 12, thần học gia Joachim Flora đã cung ứng một giải thích về lịch sử như là một khai triển tuần tự qua ba thời kỳ, bắt đầu từ thời kỳ của Thiên Chúa Cha, xuyên qua thời kỳ thứ hai của Chúa Con, và đến thời kỳ thứ ba của Chúa Thánh Thần.

Mỗi thời kỳ có đặc điểm riêng: thời đại của Thiên Chúa Cha là thời đại khó khăn của nhân loại sống dước ách lề luật; thời đại của Chúa Con là thời đại của sự tự do nhiều hơn, thành thực nhiều hơn và huynh đệ hơn; thời đại thứ ba là thời đại của Chúa Thánh Thần, là thời cuối cùng của lịch sử, thời được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Theo thần học gia Joachim Flora, đây là thời của sự hoà giải phổ quát, của sự hoà giải giữa Ðông và Tây, giữa những người Do thái và những người Kitô; đây là thời đại không còn nô lệ cho Lề Luật, hiểu theo nghĩa của thánh Phaolô; là thời đại của tình huynh đệ đích thực trong thế giới."

Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger giải thích tiếp như sau: "Tư tưởng có ý nghĩa được tôi đã khám phá là như sau: dòng suy tư theo đường lối Phanxicô đều xác tín rằng Thánh Phanxicô Assisi và dòng Phanxicô là biến cố khởi đầu thời đại thứ ba và ước mong sao những đặc điểm của thời kỳ III này trở thành hiện thực. Thánh Bonaventura duy trì một cuộc đối thoại có phê phán sáng suốt đối với dòng suy tư giải thích lịch sử theo ba giai đoạn như vừa kể.

Riêng về vai trò của Luận Án năm 1957 ảnh hưởng như thế nào trong triều giáo hoàng của đức Bênêđitô XVI, cha Pietro Messa nhận xét như sau: "Có nhiều yếu tố tư tưởng trong Luận Án, được xuất hiện trong giáo huấn của Ðức Bênêđitô; chẳng hạn như yếu tố nói về vai trò trung tâm của Chúa Kitô. Giáo Huấn của Ðức Bênêđitô XVI thường nhắc đến yếu tố này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chuyến thăm viếng Đức Mẹ Mân Côi giáo phận Bùi Chu
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
04:08 15/02/2008
Chuyến thăm viếng Đức Mẹ Mân Côi giáo phận Bùi Chu

Giáo phận Bùi Chu và Thái Bình vốn có quan hệ Mẹ Con. Năm 1936, giáo phận Thái Bình được tách ra khỏi giáo phận Bùi Chu. Một số cha, đa số thuộc dòng Đaminh như Ubrierna, sang làm việc ở giáo phận mới Bùi Chu đến khi có Giám mục tiên khởi người Việt Nam. Từ đó hai giáo phận tuy bị con sông chia cắt nhưng tình thần vẫn liên kết trong truyền thống các cha dòng Đaminh, gọi tắt là linh đạo địa phận dòng: kinh hạt, ngắm nguyện, thời gian, nghề nghiệp vv… Cách đây 18 năm khi mới về làm giám mục Thái Bình, tôi phải trải qua nhiều năm tháng bỡ ngỡ. Có lần được mời sang làm lễ và giảng kính thánh đầu dòng Đôminicô, tôi mang đại bác sang, quay bắn lung tung, giáo dân rất thích, song mắc vào mấy bức tường thủ cựu nên bị chống đối, và từ đó… không được mời nữa.

Đến khi Đức Cha Giuse Hoàng Văn Tiệm về làm Giám mục Bùi Chu, tính tình ngài vui vẻ xuề xòa nên tôi cả gan thích chọc ghẹo: gọi ngài là Mẹ…nhưng ít khi cho con bú! Tôi lên mặt đạo đức mà nói: Kinh thánh dạy sai quá, khi nói rằng: “người mẹ có quên được con chăng…”, thế mà trong thực tế mẹ Bùi Chu vẫn quên con là Thái Bình, chẳng cho bú mớm giúp đỡ gì, nhất là dịp làm ngôi nhà thờ Chính tòa lớn lao đến thế. Nói vậy cho vui thôi, thật sự giáo phận Thái Bình được thoát thai từ lòng mẹ Bùi Chu, qua 80 năm tồn tại để được “bú mớm” bởi giáo phận Bùi Chu rất nhiều. Nào các đấng bậc cha ông với truyền thống của linh đạo dòng đã giáo dục cho giáo phận Thái Bình có lòng đạo đức chân thành sốt sắng để tạo nên các xứ họ phồn thịnh ngày nay.

Ngay cả trong việc xây dựng nhà thờ Chính tòa hoành tráng mới đây, công lao của các bác thợ Bùi Chu đã đóng góp phần đáng kể. Quả chuông nặng nhất vừa được đúc do một nghệ nhân xứ Kiên Lao. Tòa vàng dát tới 35 cây vàng cũng do bàn tay tài ba của mấy gia đình giáo phận Bùi Chu. Nhất là chính Đức Giám mục chính giáo phận đã đăng đàn giảng huấn trong lễ cung hiến nhà thờ Chính tòa Thái Bình ngày 13/10/2007 làm cho con dân Thái Bình nở mày nở mặt, khi ngài tuyên bố: “Đây là một công trình đẹp nhất trong tất cả các nhà thờ Chính Tòa tại Việt Nam. Đây là thành quả của lòng mộ mến nhà Chúa của trí tuệ, của óc sáng tạo của chính Đức Cha giáo phận khả kính, cùng với sự cộng tác của hàng ngàn khối óc và bàn tay của toàn thể giáo phận Thái Bình và của các vị ân nhân xa gần”.

Như vậy, giáo phận Thái Bình chúng ta đã được bú mớm rất nhiều do người mẹ Bùi Chu.

Tôi đang định tìm dịp nào thuận tiện đích thân tới Tòa Giám Mục để tỏ lòng biết ơn. May quá, tôi được thư của Đức Giám mục Bùi Chu mời tới mồng 8 tết Mậu Tý đến Tòa Giám Mục để cùng với các đại diện khác: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bùi Chu thảo luận về việc thiết lập một chủng viện là cơ sở II của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, được gọi là Đại Chủng Viện Thánh Giuse Bùi Chu.

Sau tết, tôi đã được vinh dự tới thăm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà, nay lại được tới Bùi Chu viếng Đức Mẹ Mân Côi nghe đồn rất hoành tráng và nhiều điểm mới lạ lùng.

Sáng ngày mồng 8 tết (14/2/2008), từ 8 giờ sáng, tôi đã vượt qua con sông ngăn cách, hối hả đến Tòa Giám Mục Bùi Chu vào khoảng 9 giờ. Tưởng rằng mình đến sớm như vậy sẽ dùng thời gian trước cuộc họp để đi thăm một vài nơi và chụp hình làm kỷ niệm. Ai ngờ vừa vào tới cổng đã thấy Đức Cha Tiệm đứng đón sẵn và đưa tôi vào ngay phòng họp đã đầy đủ các cha liên hệ, từ Đức Cha phụ tá, các cha giáo có mặt tại Bùi Chu cũng như đã từng là giảng viên ở Hà Nội, Huế vv… Sau mấy lời chào hỏi, chúng tôi đã bàn thảo các công việc trong tình huynh đệ và đi tới kết quả thuận lợi, mặc dầu chưa có quyết định của Tòa Thánh, Chủng Viện mới xây dựng thì chưa được hoàn thành.

Khoảng 10 giờ, chúng tôi kết thúc buổi họp. Đức Cha Giuse đưa chúng tôi tới thăm một vài thắng cảnh có giá trị trong Tòa Giám Mục. Trước hết, chúng tôi được dẫn đến một lâu đài ba tầng xây như một tòa nhà có 4 cửa ra vào mà người hướng dẫn nói rằng 4 cửa tượng trưng cho 4 sự sau cùng: chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Trước lâu đài có thiên thần thổi loa. Phía dưới có chiếc đồng hồ chạy tích tắc, như muốn nhắn nhủ cho mọi người biết rằng mọi sự sẽ chóng qua mau hết, nên ai nấy hãy dùng thời giờ của mình để làm việc lành phúc đức. Đức Cha Giuse còn hướng dẫn chúng tôi tới tầng 1 đi qua một cửa như đi qua sự chết, và ra trước mắt chúng tôi những nấm mộ các thánh Tử đạo Bùi Chu và một vài đấng thánh thiện khác như tăng thêm phần lạc quan và phấn chấn hơn cho những ai đã qua đời. Tôi thấy có hai nấm mộ được mở ra cho mọi người thấy hết mọi xương cốt. Tuy vậy, ai nhìn vào cũng không thấy sợ hãi gì, lại được thêm niềm an ủi.

Chúng tôi được dẫn lên tầng 2 tầng 3, là nơi giữ gìn cổ vật của giáo phận từ thời các thánh Tử đạo Việt Nam tới nay, như chén lễ cổ, các nhà chầu, các chân nến, chai lọ v.v…. nhiều dạng khác nhau được thu gom từ khác xứ đạo trong giáo phận. Nhiều thứ cổ và quý được giáo dân từ khắp nơi đưa về đóng góp. Như chúng ta biết, giáo dân Bùi Chu cũng như người Do Thái xưa đã từng di cư nhiều nơi đó đây trên khắp mọi miền đất nước.

Chúng tôi ra khỏi lâu đài và được Đức Cha Giuse chỉ cho biết chủng viện đang được xây dựng gồm ba tầng, 60 phòng, có đủ chỗ cho 160 sinh viên, dự liệu có thể cuối năm 2008 là hoàn tất. Trong khi chờ đợi, 4 giáo phận có thể gửi chủng sinh vào ĐCV Hà Nội như cũ. Sau đó ngài dẫn chúng tôi tới thăm viếng Đức Mẹ Mân Côi ngự giữa vòng tràng hạt bằng đá. Mỗi hạt nặng 25 kg trông hoành tráng và đồ sộ. Tôi nói vui với ngài: mỗi hạt này là một hạt vàng, cho nên giáo phận Bùi Chu giầu đến thế. Ngài lại đưa chúng tôi tới thăm cây vả như đã nói tới trong Phúc Âm: cành lá sum suê, có nhiều trái biểu hiện cho mỗi tín hữu có nhiều công phúc. Sau cùng ngài đưa chúng tôi tới tới nhà nguyện TGM. Gọi là nhà nguyện nhưng đúng hơn là nhà thờ lớn lao đẹp đẽ. Ngay cửa ra vào là một phòng dâng kính các Thánh Tử Đạo Bùi Chu, gồm 25 bức tượng từ Giám mục, linh mục, tu sỹ, giáo dân trông rất cảm động và sốt sắng. Chúng tôi tới hành lang căn phòng thấy có nhiều bức tượng, từ Đấng giảng đạo đầu tiên ở Bùi Chu (Ninh Cường 1533 cũng là đầu tiên ở Việt Nam, Inikhu). Rồi các tượng to như người thật của Đức Giám mục tiên khởi như Pierre de Lamotte, Đức Cha Cẩn, Đức Cha Chi, Đức Cha Tĩnh, Đức Cha Cung, Đức Cha Nhất. Về phía đầu hồi là tượng các dòng tu (toàn dòng nữ như: Đaminh, Mân Côi, Trinh Vương …), trông các bà như các bà đầm môi son má phấn hơn là các tu sỹ. Ở tầng trên là nhà nguyện tôi đã tham quan cách đây mấy năm, ở đầu có một gian dùng để ca ngợi tình mẫu tử. Tôi thấy có một tượng Đức Mẹ là trinh nữ tuổi 18, 20 ngồi võng bế con, đang vạch vú cho Chúa bú rất cụ thể. Chắc ý tưởng này là một ý tưởng của Đức Cha Giuse cũng nên… Bên cạnh là một giàn treo 3 chiếc chiêng mua từ Hội An Đà Nẵng về. Ngài mời tôi đánh lên. Mỗi chiếc chiêng có âm thanh êm ái ngọt ngào khác nhau, diễn tả tinh thần các gia đình công giáo với lòng tôn kính Đức Mẹ Maria.

11 giờ trưa, ngài dẫn chúng tôi vào phòng ăn dùng bữa. Trong suốt bữa ăn tôi là người kể chuyện cho các ngài và các ngài nói rằng: Đức Cha phải viết ra để sau này chúng con có thể học hỏi. Tôi hứa sẽ viết khi nào thời gian cho phép. Rồi bữa ăn chấm dứt.

Đức Cha và các vị tiễn tôi ra xe để trở về Giáo phận, lại qua con sông ngăn cách để về tới bến bờ nhà mình, lòng vẫn tưởng nhớ giáo phận Mẹ Bùi Chu cho giáo phận Thái Bình bú mớm, nay vẫn cho bú mớm trong các công trình văn hóa nghệ thuật mà tôi đã tận hưởng và có mơ ước Thái Bình sẽ bắt chước để thực hiện trên mảnh đất chúng tôi đang sống.

Thái Binh, ngày 14 tháng 2 năm 2008
+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám mục Thái Bình.
 
Một Hội Từ thiện các Doanh nhân Đức quốc đã tài trợ giúp 400 trẻ em VN được mổ tim
LM Giuse Nguyễn Hữu An
09:54 15/02/2008
XUÂN LỘC -- Từ tháng 6 năm 2004 đến tháng 12 năm 2007, Hội từ thiện các doanh nhân Đức (SWHH) đã tài trợ giúp 400 trẻ em Việt nam được mổ tim, tổng chi phí lên đến hơn 1,5 triệu đôla. Niềm vui những ngày đầu năm mới, niềm hạnh phúc chan chứa trên khuôn mặt các em, các phụ huynh đã hoà quyện trong niềm vui hạnh phúc của các Ân nhân Đức, các bác sĩ, các cộng tác viên đã làm nên lễ hội từ trái tim đến trái tim.

Mồng 6 Tết Mậu Tý, một ngày Lễ hội của các trẻ em bị tim bẩm sinh đựơc chữa lành.

Từ sáng sớm khuôn viên giáo xứ Ba Đông – Xuân Lộc đã rộn ràng, nhộn nhịp. Những bài ca mùa xuân vui tươi hát vang chào đón quan khách.

Có 300 em cùng phụ huynh đến từ khắp mọi miền đất nước: Sài Gòn, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Bình Phước, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Rạch Giá, Cà Mau. Còn 100 em không đến dự được vì quá xa xôi từ các tỉnh phía Bắc.

Một số Linh Mục, Tu Sĩ, Nicô và các tổ chức bảo vệ trẻ em cùng tham dự lễ hội như: Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Vĩnh Long, Hội Chữ Thập Đỏ Củ Chi, Uỷ Ban Bảo Trợ Trẻ Em Tiền Giang, Uỷ Ban Dân Số Gia Đình Long An, Hội Bệnh Nhân Nghèo Bến Tre. Vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Phan, (chính bác sĩ Phan đã giải phẫu thành công 400 ca mỗ tim cho các em) và một số bác sĩ thuộc bệnh viện Triều an, Bệnh viện Nhi đồng II cũng đến chia sẽ niềm vui.

9 giờ sáng, các Ân Nhân thuộc hiệp hội các doanh nghiệp nước Đức từ Sài gòn đến với lễ hội. Tất cả các em lên sân khấu hân hoan chào đón bằng bài ca vừa lời Việt ngữ vừa lời Anh ngữ “từ trái tim đến trái tim – from the heart to the heart”. Linh mục Thanh Sang dẫn chương trình, đã làm ấm lên bằng nhiều ca khúc vui nhộn.

Thầy Sáu Mạnh, Dòng Don Bosco chuyển ngữ tuyệt vời tất cả các bài phát biểu.Xen lẫn là các bài ca vũ điệu của các em mổ tim làm bầu khí thêm phấn khởi náo nhiệt.

Sau tiệc liên hoan ban trưa, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng II khám bệnh cho tất cả các em.

Lời cám ơn của Ông Ruff

Ông Claus Ruff, Chủ tịch hội từ thiện các doanh nhân Đức, người gắn bó trực tiếp nhiều năm qua với các em mổ tim đã xúc động qua những tâm tình thổ lộ.

Hôm nay là buổi sáng tuyệt vời, mọi người quy tụ nơi đây. Chúng tôi từ nước Đức, vượt qua một quãng đường xa xôi đến gặp các em và phụ huynh với tất cả con tim của chúng tôi. Nhiều năm rồi, chúng tôi phục vụ các trẻ em đau khổ khắp thế giới. Đến Việt nam, chúng tôi được ràng buộc bằng sợi dây yêu thương thân thiết. Niềm vui lớn lao trong tâm hồn tôi khi nhìn các em hạnh phúc. Nếu không có sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các cộng tác viên thì giờ đây có lẽ nhiều em đã xanh nấm mồ. Các em là hoa trái từ những lực của chúng ta. Nếu không có sự giúp đỡ của nhiều người thì chúng ta không thực hiện được.

Cuối tháng 12 năm 2007, chúng tôi đã hoàn thành em thứ 400 được mổ tim. Đây không là công việc một người mà là chung tất cả mọi người đạt tới thành quả.

Tôi cám ơn các thành viên SWHH, những ân nhân người Đức. Cám ơn các bạn cộng tác viên Việt nam.

Tôi trân trọng tài khéo léo điều hành, lòng yêu mến của Cô Liên đối với các em nghèo. Cô đã tạo điều kiện nơi ăn chốn cho các em ở tại gia đình của Cô trong thời gian chờ mổ. Cô đã bỏ tiền túi ra giúp đỡ. Ngày nào cô cũng đến bệnh viện Triều an thăm các em. Không ai biết những hy sinh, không ai đo lường được công ơn của Cô. Đối với tôi, đây là điều duy nhất chưa từng có trên thế giới.

Chúng tôi cám ơn Bác sĩ Phan, Ban Giám đốc Bệnh viện Triều An với những ca mổ thành công đã đem lại sự sống cho nhiều em.

Chúng tôi muốn đến gần với người nghèo, chia sẽ cuộc sống của họ. Nhiều lần tôi đã rùng mình khi thăm các gia đình nghèo có con bị tim trầm trọng. Không thể gọi là nhà, một túp lều, một cái chòi như quán “cà phê ngàn sao”. Tôi tự hỏi: Chữa tim khỏi, rồi ở căn chòi thế này thì có ý nghĩa gì không? Thế là tôi tìm mọi cách để giúp xây nhà cho họ. Nguyên tắc của chúng tôi là: giúp họ để họ tự giúp mình. Tìm các cộng tác viên xây nhà,kêu gọi bạn bè làng xóm cùng giúp đỡ. Nếu không có yêu thương thì việc đưa tiền cho người nghèo là một sự xúc phạm nhân phẩm. Hành vi bác ái phục vụ là cho đi bằng cả con tim.

Các con thân mến, các con là tuyệt đối có quyền được sống. Ngày lễ của trái tim là ngày của sự sống các con. Trước khi mổ, tim các con bị bệnh, sống không bình thường, gia đình đau khổ. Trái tim đó bây giờ được hồi phục đem lại sức sống, niềm vui và cuộc bình thường của các con. Lễ hội hôm nay,tình yêu chảy tràn từ trái tim đến trái tim. Tình yêu ấy cứu sống các con và đem chúng tôi từ rất xa đến với các con. Chứng kiến niềm hạnh phúc của các con,chúng tôi yêu các con, nhiều lắm, nhiều lắm.

Vài tháng trước đây,chúng tôi nói đến “giấc mơ 500 em”. Trong 2 năm tới chúng tôi sẽ giúp mổ tim cho 500 em. Chúng tôi cần sự cộng tác của mọi người từ các ân nhân, các cộng tác viên đến chính quyền. Định mệnh 500 em lệ thuộc vào chúng ta. Tuơng lai các em ấy sẽ đen ngòm nếu chúng ta không làm việc. Hãy cho chúng tôi mượn một tay để thực hiện giấc mơ cao thượng ấy

Lời cuối, tôi cảm tạ chân thành cha Đaminh Nguyễn văn Tòng, chánh xứ Ba đông.

Hôm nay là ngày đáng ghi nhớ trong tâm hồn các em mổ tim và tất cả chúng ta.

Cầu xin Thiên Chúa ban ơn chữa lành, xin Ngài tuôn đổ trên chúng ta tình yêu và phúc lành, xin ngài cho “giấc mơ 500 em” được sớm thành sự thật.


Lời cám ơn của cộng tác viên

Cô Liên đại diện các cộng tác viên bày tỏ lời tri ân.

Kính thưa ông Claus Ruff và các quý khách người Đức, ban lãnh đạo BV Triều An, Bác Sĩ Phan, đoàn các bác sĩ bệnh viện nhi, chính quyền phường Hố Nai, Biên Hoà.

Kính thưa tất cả quý phụ huynh con em bị bệnh mổ tim đã được giải phẩu và đã bình phục.

Kính thưa tất cả cộng tác viên cho chương trình mổ tim của Hội SWHH, tất cả những ai hiện diện, tất cả những ai góp phần giúp tổ chức họp mặt gia đình hôm nay…

Sự hiện diện của tất cả các quý vị nơi đây vào lúc này, mang lại niềm vui lớn lao cho hết tất cả mọi người chúng ta. Một niềm vui sâu đậm. Niềm vui trước sự sống của những em đã từng phải đương đầu với cái chết, đã từng bị đau yếu, khổ sở vì căn bệnh đau tim bẩm sinh quái ác, hiểm nghèo. Và niềm vui khi được hội ngộ với các vị ân nhân của chúng ta. Hôm nay chính là lễ hội của những con tim, những con tim tuôn trào tình yêu, và những con tim đón nhận tình yêu, nhận lãnh sự sống và niềm vui bất tận. Tất cả chúng ta cùng đến đây để cử hành tình yêu và niềm vui ấy.

Tôi xin được đại diện cho các cộng sự viên Việt Nam, cho các em đã được mổ tim, cha mẹ các em và cách nào đó, tất cả những ai đã thụ nhận hồng ân phục vụ của chương trình mổ tim do SWHH tài trợ, xin chân thành cảm ơn ông Ruff, hiệp hội của ông cùng với tất cả các ân nhân người Đức, cụ thể là các vị có mặt hôm nay nơi đây. Những đồng tiền quý vị giúp đỡ, đúng là đồng tiền nhân nghĩa, những đồng tiền của tình yêu, tình yêu từ con tim của quý vị chảy tràn đến con tim của con em chúng tôi, tình yêu đem lại niềm vui và sự sống cho các cháu. Nếu không có đồng tiền nhân ái đó, rất nhiều cháu giờ đây đang phải quằn quại với tấm thân bệnh hoạn tật nguyền, hoặc nhiều cháu đã phải xanh nấm mộ. Đã thế, các vị lại không quản ngại đường sá xa xôi, vào những giây phút linh thiêng quý báu của ngày đầu xuân, đến thăm viếng những em các vị đã góp phần cứu mạng. Chúng tôi rất thân trọng và xin chân thành cảm tạ tất cả những gì các vị đã làm cho con em, cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi cũng xin cảm ơn chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể các tỉnh và thành phố. Các vị đã giúp đỡ rất nhiều khi tỏ ra trân trọng, tạo điều kiện, đóng góp vật chất và khích lệ chúng tôi trong công cuộc cứu người này. Sự hiện diện của quý vị hôm nay là đỉnh điểm của việc khích lệ đó, chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các vị. Trong khi cùng hoà chung niềm vui với các em đã được hồi phục sau cuộc phẫu thuật, chúng tôi muốn nói lên quyết tâm tiếp tục công cuộc phục vụ tốt đẹp này. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể, để giúp ông Claus Ruff và Hội SWHH thực hiện giấc mơ 500 của họ. Chúng tôi mong sự công tác chân thành của mọi người, của chính quyền các cấp, của các mạnh thường quân, vì sức khoẻ là hạnh phúc của các cháu, bởi chúng tôi ý thức rằng, đây không phải là thành quả của một cá nhân hay một đơn vị mà thôi. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng xin cảm ơn tất cả những ai, bằng những cách khác nhau, đã giúp đỡ để buổi họp mặt hôm nay được diễn ra trong bầu khí thân tình và tốt đẹp. Chúng tôi và các em mổ tim xin chân thành ghi ơn các vị.


Lời cám ơn của các em

Bé Ngân thay mặt các em bày tỏ lòng biết ơn.

Kính thưa các ông bà, cô chú.

Kính thưa các ông bà, các bác Tây.

Hôm nay chúng con rất vui vì là lễ của chúng con. Vui, vì cả con nít như chúng con cũng có lễ, đã được cứu sống mà lại còn có lễ. Chúng con sung sướng muốn khóc lên được.

Tụi con hồi trước mệt lắm. Chúng con bị bảo là bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Chúng con chẳng biết bẩm sinh là cái quái gì. Chỉ biết là rất mệt, làm gì cũng mệt. Học thì nhức đầu, chơi thì không chạy được, chạy một tí là thở hổn hển như sắp chết. Con tim thì cứ đập thình thịch, nhưng đau lắm. Nhiều khi ban đêm không thở nổi, không ngủ được. Chân tay chúng con cứ sưng vù lên, bầm tím lại. Người ta bảo chúng con bị tứ chứng phá lốp. Chúng con có đi phá lốp xe của ai đâu, mà bảo chúng con đi phá lốp. Có điều chắc chắn là chúng con rất mệt. Rồi, chúng con được mẹ bảo đi mổ. Mổ sợ chết được. Nhưng không mổ thì chết chắc. Họ đưa chúng con vào phòng mổ, cái gì xảy ra, chúng con chẳng nhớ. May mắn qúa, ban ngày vào phòng hồi sức. Chui ra, mệt, nhưng vẫn còn sống. Chỉ phải cái là bây giờ quá khoẻ. Ăn khoẻ, ngủ khoẻ và đứa nào đụng vào tụi con là coi chừng. Tụi con đánh cho bể đầu.

Hôm nọ, má bảo hôm nay, mùng 6 tết, phải đến đây để cám ơn mấy ông bà người Tây cho tiền mổ. Chúng con cứ hồi hộp. Nhiều bạn mong lên thành phố đi chơi một phen. Có tiền lì xì mà chẳng biết tiêu gì cho hết. Đến đây thấy đông người chúng con vui. Nhưng thấy mấy ông bà Tây, tụi con lạ lắm, nhiều bạn được mổ tim chẳng bao giờ thấy Tây. Chúng con vừa lạ, vừa sợ. Nhưng khi chúng con được biết mấy ông bà ấy đã hy sinh giúp cho chúng con tiền mổ, chúng con cảm động biết bao. Thực sự chúng con chỉ muốn khóc, vì đúng là không có họ, nhiều bạn đã xanh cỏ rồi. Hay chưa chết thì cũng sống quằn quại với con tim yếu ớt, thà chết đi con hơn. Các ông các bà cũng là con người nhưng sao lại tốt quá. Đã cứu mạng cho chúng con. Vậy thì chúng con mắc nợ họ mạng sống của chính chúng con. Bố mẹ và chúng con chẳng biết làm gì để trả món nợ ấy.

Người ta bảo chúng con rằng có rất nhiều bạn đang bị bệnh tim, đau đớn vì chưa có tiền mổ. Chẳng ai hiểu cái đau, cái quái ác của cái bệnh quỷ quái đó bằng chúng con đâu. Không ai thương các bạn đó bằng chúng con đâu. Thật đấy. Vào lúc này chúng con van xin các ông các bà Tây tiếp tục thương gởi tiền giúp các bạn đau khổ của chúng con để các bạn có đủ tiền đi mổ. Chúng con cũng xin bác sĩ Phan và các ông bà cô chú ở Triều An thương, bớt chi phí mổ, và cũng thêm số các bạn được mổ miễn phí. Giúp các bạn nhiều hơn nữa.

Một lần nữa, chúng con với ba má và gia đình xin cám ơn ông Ruff và các ông bà Tây đã giúp cứu mạng cho chúng con. Xin chúc các ông bà luôn khoẻ mạnh và có những con tim khoẻ mạnh, rộng rãi để tiếp tục yêu thương những bạn bè nghèo nàn khốn khổ của đất nước chúng con.


Vài tâm tình suy tư.

Với Ông Ruff:

Tôi đã nhiều lần cùng đi với ông Claus Ruff đến thăm các em mổ tim, các gia đình nghèo, đi thăm Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên chủ tịch Uỷ ban bác ái xã hội, HĐGMVN. Nhiều lần chứng kiến ông Ruff khóc khi thăm các gia đình nghèo. Nhìn căn nhà rách nát xiêu vẹo, trống hoác trống hươ, ông khóc vì thương yêu. Gặp những em bị tim bẩm sinh đau đớn nghẹt thở ông khóc đồng cảm. Mỗi cảnh đời nghiệt ngã luôn làm cho ông rơi lệ. Tình yêu từ trái tim của ông đã đến với trái tim của các em.

Con người ông Ruff được mang nhiều tên khác nhau làm nên CON NGƯỜI được nhiều người qúy trọng và thương yêu: Tổng giám đốc thích dây dưa với trẻ em bẩm sinh tim. Người của trẻ bất hạnh. Người của lòng nhân ái.Người đến với những người không ai đến, Người cho những người không ai cho. Người có tấm lòng nhân hậu.

Người ‘xúc cảm với trẻ mồ côi”….Người ta chỉ ‘xúc cảm’ với cái đẹp, với nghệ thuật, với người đẹp! còn ông lại xúc cảm với những nổi đau của con người.

Ông Ruff đã làm công việc tốt lành này bằng cả tình yêu. Mỗi năm gởi hàng ngàn thư ngỏ đến các ân nhân trong nước Đức, gõ cửa các công ty xí nghiệp ông quen biết, tìm đến các anh em bạn hữu, trình bày công việc mình đang làm để xin mọi người chia sẽ. Đó là giá trị của các việc bác ái xã hội mà chúng ta trân trọng. Ca dao Việt nam viết rằng: “yêu nhau trăm sự chẳng nề; yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Ông Ruff đã yêu các cuộc đời bất hạnh bằng một tình yêu vượt biên giới, bằng cả tấm lòng của một người cha, người mẹ, tận tuỵ với đàn con cái. Ở tuổi đời gần 70, ông thanh thản sống hạnh phúc với con cháu, nhưng với “trái tim không ngũ yên” ông làm việc không ngừng để có ngân quỹ cứu sống bao trẻ em bị tim bẩm sinh.

Từ những đóng góp của nhiều ân nhân, mà ông đã làm nên những điều kỳ diệu cho bao cuộc đời bất hạnh đựơc hồi sinh. Có những đóng góp như đồng tiền bà goá trong Tin mừng. Đồng tiền nhỏ nhoi và tầm thường trở thành biểu tượng hùng hồn: người đàn bà goá này đã dâng cho Thiên Chúa không phải là của dư dật của bà, nhưng là những gì bà có. Toàn bộ chính bản thân của bà.

Công việc thuận lợi tốt đẹp còn nhờ sự cộng tác nhiệt thành của quý cha, quý thầy, cô Liên, mà Ông Ruff qúy trọng và tín nhiệm như ông nói “bởi họ sống trong sạch hết mình, không bon chen, lừa lọc... cao nhất trong đạo lý làm người là yêu thương tận tụy đối với nhau”.

Với những việc làm cụ thể qua bao năm, ông Ruff đã làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu dâng hiến, tình yêu cho đi mà không mong được báo đáp. Vui và hạnh phúc cùng niềm hạnh phúc của những trẻ em tìm lại cuộc sống làm người bình thường.

Với Bác sĩ Phan

Ngồi cùng bàn tiệc với vợ chồng Bác sĩ Phan và các bác sĩ khác, tôi được biết thêm đôi điều về vị bác sĩ đầy tâm đức này. Bác sĩ Phan có học vị tiến sĩ, tu nghiệp tại Pháp, 23 năm hành nghề y đức đã giải phẩu thành công mọi ca mổ tim. Bàn tay tài hoa, trái tim nhân ái, trí tuệ xuất sắc. Bác sĩ trông rất trẻ và phúc hậu, hiện là trưởng khoa giải phẩu tim bệnh viện Triều an, giáo sư đại học y dược Sài gòn cho các sinh viên trên đại học. Với 47 tuổi đời, Bác sĩ có một gia đình hạnh phúc, vợ là Bác sĩ Phượng chuyên về tim mạch, 2 con chuẩn bị vào đại học. Ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ còn dành thời gian đi thăm các gia đình nghèo khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Đáng trân trọng vị bác sĩ tài đức song toàn.

Khi được hỏi rằng: “điều gì là cốt yếu trong cuộc đời của một con người?”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ viết rất nhiều về tình yêu và thân phận con người, đã trả lời: “điều cốt yếu trong cuộc đời của một con người là tấm lòng và sống có một tấm lòng”.

Những ngày đầu của Mùa xuân đất nước và cũng là đầu Mùa Chay của Giáo hội. Ý nghĩa và giá trị của từ thiện là chủ đề chính của Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Biển Đức 16. Qua Sứ điệp, ĐTC muốn suy tư về việc làm phúc như một phương thức cụ thể để giúp đỡ những người đang gặp cảnh túng quẫn và đồng thời, đó cũng là một việc thực hành khổ chế để giải thoát con người khỏi sự quyến luyến của cải trần thế.

Giúp đỡ những người khó khăn là “trách nhiệm của công bằng hơn là hành động từ thiện” vì “chúng ta không là chủ sở hữu mà là người quản lý những tài sản mà chúng ta có được… Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta hành động như là người quản gia của Chúa đối với người lân cận”.

Đối với Kitô hữu làm từ thiện, thì đây là một đức hạnh “đòi hỏi sự hối cải nội tâm hướng đến tình yêu Thiên Chúa và người tha nhân”.

Ngày Lễ Hội Từ Trái Tim Đến Trái Tim là ngày suy tôn những tấm lòng cao thượng, làm phúc bằng trái tim. Họ xứng đáng là chứng nhân tình yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời.
 
Mời tham dự: Giới thiệu tác phẩm nhạc ''Con đường Chúa đã đi qua'' của LM Văn Chi
Nguyễn văn Hưởng
11:14 15/02/2008
 
Những Tấm Lòng Vàng cho Giáo hội và Quê hương
VietCatholic
15:06 15/02/2008

Những Tấm Lòng Vàng cho Giáo hội và Quê hương 


Ngân phiếu xin đề:
VietCatholic
P.O. Box 1408
Claremont, CA 91711

PayPal or Credit Cards


Chúng tôi xin chân thành cám ơn những Qúi vị sau đây đã giúp hỗ trợ các Thông Tín viên, Thiện Nguyện viên và các Cộng tác viên ở Việt Nam để có phương tiện thông tin cho chúng ta. Chúng tôi cám ơn qúi Ân nhân đã giúp cho các Chương trình Từ Thiện và Tranh dấu cho Tự Do Nhân Quyền của VietCatholic tại Việt Nam như sau:

TT Ngày Ân nhân Địa chỉ
051 16.02.2008 Tien Nguyen Silver Spring, MD 20906
050 16.02.2008 Diem Vu Morrow, GA 30260
049 16.02.2008 Nguyen H Vinh & KimDzung Union, NJ 07083
048 14.02.2008 Tuynh Dao & Lan Seattle, WA 98168
047 14.02.2008 Binh Van Tran Westminster, CA 92863
046 08.02.2008 Uy Thu Houston, TX 77038
045 08.02.2008 Loc Nguyen Manville, NJ 08835
044 08.02.2008 Quyt Nguyen Champaign, IL 61820
043 08.02.2008 Tri Dinh Jonesboro, GA 30238
042 05.02.2008 Duyen Le Maple Ridge, BC, Canada
041 30.01.2008 Ellen Nguyen Stanton, CA 90680
040 30.01.2008 Lam Thanh Pham Greve 2670, Denmark
039 30.01.2008 Anhdao Mai King of Prussia, PA 19406
038 30.01.2008 Uoc Nguyen Washington, DC 20011
037 28.01.2008 Chau Vu San Gabriel, CA 91776
036 28.01.2008 Hoa V. Vo Winnipeg, Manitoba, Canada
035 28.01.2008 Ha Tran Whitecourt, Alberta, Canada
034 28.01.2008 Luc Nguyen Calgary, Alberta, Canada
033 28.01.2008 Thang Tran Regina, SK, Canada
032 28.01.2008 Tiep Nguyen Wales 2176, Australia
031 27.01.2008 Hanh Ly Austin, TX 78754
030 27.01.2008 Hung Dinh Austin, TX 78727
029 27.01.2008 Trang Nguyen San Jose, CA 95131
028 27.01.2008 Khanh Le Wales 2166, Australia
027 27.01.2008 Ngoc Tuan Nguyen D-81739 München. Germany
026 27.01.2008 Chau Thanh Do 5178 Loddefjord, Norway
025 27.01.2008 Tung Nguyen San Jose, CA 95121
024 26.01.2008 Khoi Nguyen Eeverett, WA 98204
023 26.01.2008 Nguyen Joseph 93160 Noisy Grand, France
022 24.01.2008 Ẩn danh Bridgeport, CT 06606
021 21.01.2008 Mau Nguyen Mesa, AZ 85204
020 21.01.2008 Ẩn danh Pomona, CA 91767
019 19.01.2008 John Le Toronto, Ontario, Canada
018 19.01.2008 Trach Nguyen Buffalo, NY 14202
017 19.01.2008 Khiem O'Dell Las Vegas, NV 89101
016 18.01.2008 Peter Do Chicago, IL 60630
015 17.01.2008 Quyen Nguyen Anaheim, CA 92804
014 17.01.2008 Hiep Nguyen Pflugerville, TX 78660
013 16.01.2008 Bac Nguyen Bridgeport, CT 06606
012 16.01.2008 Tung Hieu Le Minden, Germany
011 16.01.2008 Duc Thuong Vu Glostrup 2600, Denmark
010 16.01.2008 Qui Le San Jose, CA 95112
009 15.01.2008 Chung Nguyen Euless, TX 76039
008 15.01.2008 Hong Tran Arlington, TX 76014
007 15.01.2008 Hue Nguyen Oceanside, CA 92054
006 15.01.2008 Minh Tran Silver Spring, MD 20904
005 15.01.2008 Phuong Nguyen Randolph, MA 02368
004 15.01.2008 Lang Lai Burlington, VT 05401
003 15.01.2008 Nguyen Huy Thinh Paris, 92130 France
002 15.01.2008 Lan Tran Cambridge, MA 02138
001 15.01.2008 Uptown Fashion Lancaster, PA 17603
 
Sau một nửa thế kỷ, giáo xứ Tam Tòa (giáo phận Vinh) đang hy vọng được tái thiết
GP. Vinh
17:14 15/02/2008
Tam Tòa GP. Vinh đang hồi sinh

Ngày 13.02.2008, nhằm mùng 7 tết Mậu Tý, ngày mà theo truyền thống dân tộc, người ta hạ cây nêu vì đã hoàn toàn xua đuổi thế lực sự dữ ra khỏi lãnh thổ của mình, và là thời gian đầu mùa xuân, cây cối thiên nhiên sau những ngày úa tàn trong mùa đông giá lạnh đã đâm chồi nảy lộc, trào bật sự sống, thì tại nơi hoang tàn đổ nát của nhà thờ Tam Tòa, một sự sống niềm tin cũng đã được phục hồi.

1. NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM VÀ NỬA THẾ KỶ TÀN ÚA CỦA TAM TÒA*

Tam Tòa là một trong những họ giáo cổ xưa nhất của vùng đất Nam Quảng Bình. Theo sử liệu, giáo xứ Tam Tòa được thành lập từ năm 1631 với cái tên xứ đạo Đồng Hới. Nhưng năm 1774, sau khi lực lượng của chúa Trịnh chiếm được Đàng Trong và san bằng lũy Thầy, các tín hữu Đồng Hới đã di chuyển đến ở một nơi cách thành Đông Hải độ 3 cây số về phía Nam. Tại đây họ đã lập nên họ giáo Sáo Bùn.

Năm 1887, sau khi được phép của chính quyền bảo hộ, các tín hữu họ giáo Sáo Bùn đã về sinh sống tại làng Mỹ Lệ, nơi cách đó hơn hai thế kỷ trước cha ông họ đã lập nên giáo xứ Đồng Hới. Nhưng lần này họ có tên là xứ đạo Tam Tòa, vì nơi đây có miếu Tam Tòa hư hỏng, bỏ hoang từ lâu. Và ngôi thánh đường Tam Tòa đầu tiên được linh mục Clause Bonin (cố Ninh) xây dựng và khánh thành vào ngày 08.12.1887. Sau đó, vào năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) đã tái thiết ngôi thánh đường này.

Đời sống các tín hữu đang ổn định và phát triển, thì năm 1954, sau hiệp định Genève chia cắt đất nước, hầu hết giáo dân Tam Tòa đã di cư vào Đà Nẵng. Từ đây, không chỉ giáo xứ Tam Tòa mà cả các giáo xứ nằm trong địa hạt từ Sông Gianh đến sông Bến Hải hoàn toàn cách ly với giáo phận Huế. Dẫu thế, các tín hữu hạt Nam Quảng Bình nói chung và Tam Tòa nói riêng cũng được chính quyền miền Bắc lúc đó cho phép hai cha Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể về chăm sóc. Nhưng năm 1964, chiến tranh bộc phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa. Trước đó, năm 1962 cha Thể đã qua đời tại Trung Quán nên từ đó giáo hạt Nam Quảng Bình không còn bóng dáng vị chủ chăn nào nữa.

Đầu năm 1968, máy bay Mỹ oanh kích. Thị xã Đồng Hới bị san bằng, nhà thờ Tam Tòa cùng chung số phận, chỉ còn trơ lại tháp chuông.

Ngày 26.03.1997, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích tội ác chiến tranh.

Không còn chủ chăn và thánh đường, đoàn chiên Tam Tòa bơ vơ, tản mác khắp nơi. Cho đến sau khi Tòa Tổng giám mục Huế chuyển giao giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh vào ngày 15.05.2006, linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng được cử về quản xứ Sen Bàng và các xứ còn lại từ Đồng Hới trở vào, bấy giờ, các tín hữu Tam Tòa mới tìm lại với nhau; và ước tính hiện nay có khoảng 1.000 tín hữu. Nhưng vì không có nhà thờ nên mọi sinh hoạt tạm thời được tổ chức tại một nhà giáo dân, trên đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ hơn 100 mét về phía Tây Bắc.

2. ĐẦU XUÂN, SỨC SỐNG NIỀM TIN TRÀO DÂNG

Nhanh như tin thắng trận. Khi được biết ngày mùng 7 tết, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, vị chủ chăn giáo phận Vinh kế nhiệm các tông đồ đến dâng thánh lễ tại Tam Tòa, các tín hữu không chỉ trong phần đất Nam Quảng Bình mà cả nhiều xứ khác bên kia sông Gianh đã báo tin cho nhau. Vì vậy, ngay sáng sớm ngày hạ nêu, mặc dù thời tiết đang rét đậm rét hại, nhưng khắp mọi nẻo đường các tín hữu đổ về phường Đồng Mỹ, Tp. Đồng Hới, tìm đến nơi nền nhà thờ và tháp chuông trơ trọi để chuẩn bị hiệp dâng thánh lễ.

Khoảng 11 giờ trưa, một sự kiện hơn nửa thế kỷ qua chưa bao giờ có: trên con đường Nguyễn Du dọc theo dòng sông Nhật Lệ, một đoàn rước trang nghiêm và sốt sắng được diễn ra. Với tượng Chúa chịu nạn đi đầu được hai tín hữu nghinh kiệu, theo sau là các tín hữu, tu sĩ nam nữ và sau cùng là 17 linh mục và Đức giám mục trong phẩm phục chủ chăn, vừa đi vừa ban phép lành cho các tín hữu đứng dọc hai bên đường. (Thực ra, trước đó, ngày 08.12.2007, 13 linh mục cùng khoảng 1.000 tín hữu cũng đã có đi rước và dâng thánh lễ đầu tiên tại nền nhà thờ Tam Tòa. Nhưng nếu nói có sự hiện diện của Đức giám mục giáo phận, thì nay là lần đầu tiên sau hơn nửa thể kỷ).

Bước vào thánh lễ, Đức cha Phaolô mở đầu với lời chào chúc tới cộng đoàn. Ngài nói: “Hôm nay đang là ngày đầu xuân, tôi và quý cha đến đây để dâng thánh lễ cầu bình an cho giáo xứ Tam Tòa của anh chị em nói riêng và cho hết mọi người hiện diện, cho Tp. Đồng Hới, cũng như toàn đất nước nói chung. Xin Chúa là nguồn mạch bình an, ban cho tâm hồn chúng ta được bình an, gia đình chúng ta được bình an, giáo xứ chúng ta được bình an, thành phố và đất nước chúng ta được bình an. Xin cho mỗi người chúng ta biết yêu chuộng hòa bình và biết đoàn kết với nhau để xây dựng hòa bình.”

Thánh lễ diễn ra trên nền nhà thờ hoang tàn đổ nát, không bạt che, không ghế ngồi, nhưng gần 2.000 tín hữu tham dự hết sức trật tự và sốt sắng. Sự sốt mến và khao khát đời sống đức tin như thấu tới trời cao, nên thời tiết cũng hết sức thuận lợi: không mưa và ấm áp hơn. Trật tự nhất là lúc cha Tổng đại diện Fx. Võ Thanh Tâm giảng lễ. Bởi vì sau hơn nửa thế kỷ, các vị cấp cao trong giáo phận “không có cách nào đến đây được”, nên mọi người đang chờ đợi xem cha Phanxicô Xaviê, thay lời cho Đức cha vì lý do sức khỏe, sẽ nói gì?

Sau khi nhắc lại mục đích sự hiện diện của Đức giám mục giáo phận và các linh mục như lời Đức cha nói đầu lễ, cha Tổng Đại diện nói rằng: “Hòa bình là một ơn cao trọng. Thử hỏi, ai trong chúng ta lại không tha thiết với hòa bình? Bình an là thứ quý nhất trên đời. Có bình an ta mới thấy đời tươi, không có nó đời ta ngậm tràn đau đớn. Nếu không có bình an thì chỉ có loạn ly, phân cách, chia rẽ. Nhà nào không có bình an thì vợ chồng lục đục; con cái bước vào gia đình đó như bước vào ổ kiến lửa. Chỉ có Chúa mới có bình an: ‘Thiên Chúa là nguồn mạch bình an’. Vì vậy, hãy cầu xin Chúa ban bình an cho chúng ta.

Bình an với Chúa là không phạm tội, vì khi chúng ta phạm tội là chúng ta đặt mình vào hàng ngũ thù địch với Chúa. Mà nếu thù địch với Chúa thì ăn không yên ổn, ở không vững vàng, luôn luôn nghe tiếng lương tâm kết án chúng ta. Bình an với anh em là yêu thương anh em”.

Cha Tổng Đại diện cũng cho thấy, bên cạnh sự bình an trong tâm hồn, con người còn cần sự bình an bên ngoài. Cụ thể nhất, chính quyền đã để cho cộng đoàn dâng thánh lễ ngay trên nền nhà thờ của giáo xứ, đó là một sự bảo đảm an toàn: “Chúng tôi cũng xin cảm ơn chính quyền. Chắc hẳn quý vị cũng biết, không có chi bực bội cho bằng người học sinh mà không có trường học, người ốm đau mà không có bệnh viện, người có tín ngưỡng mà không có nhà thờ. Thậm chí, người có tín ngưỡng mà không có nhà thờ còn đau khổ, bực tức gấp trăm ngàn lần anh đau ốm không có nhà thương. Cho nên khi chính quyền sắp xếp cho làm lễ nơi nền nhà thờ đây, chúng tôi xin cảm ơn. Với từng này giáo hữu, chắc chắn không thể có nhà tư nhân nào chứa được. Và nếu lỡ số lượng người này dồn vào một nhà nào đó mà xảy ra chuyện gì: như sập nhà, tai nạn…, thì ai chịu trách nhiệm? Do đó, chính quyền để chúng tôi cử hành thánh lễ nơi nền nhà thờ của chúng tôi là đúng!”

Cha Tổng Đại diện cũng cho biết, Đức cha và các linh mục có trách nhiệm trong giáo phận đã lên tiếng trước việc chính quyền quyết định rào nhà thờ Tam Tòa để làm di tích tố cáo tội ác chiến tranh: “Thấy chính quyền rào lại nơi đây để làm di tích tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ, nhiều người nói rằng Tòa giám mục không có ý kiến. Không phải thế. Chúng tôi đã nói nhiều lần, nói bỏng cả cổ. Chúng tôi nói rằng: Đất đây là đất của Giáo Hội và để phục vụ cho Giáo Hội. Còn việc lưu niệm thì làm một tấm bia bằng thạch cao hay đá gì đó, rồi bỏ vào lồng kính mà bảo vệ. Khắp thế giới đều làm như vậy. Nếu lấy cái tháp nhà thờ này để làm di tích, thì mai mốt đây gió bão làm sụp đổ đi, lúc đó sẽ lấy gì để tố cáo tội ác chiến tranh ?”

Cha Tổng nói thêm: Nơi mảnh đất Tam Tòa này đã làm phát sinh những nhân vật vĩ đại như Đức cha phó Nha Trang Giuse Võ Đức Minh, nhà thơ Hàn Mạc Tử; và nhất là nhiều vị tử đạo khác. Với trang sử hào hùng, tuyệt đẹp đó, cha Tổng Đại diện như mong ước ngôi nhà thờ sớm được phép tái thiết để trở thành một trung tâm của văn hóa đạo và đời.

Trước lúc thánh lễ kết thúc, với tư cách là người đứng đầu giáo phận, sau khi vị đại diện giáo xứ có lời tri ân cộng đoàn, Đức cha cũng đã nói lên lời cảm ơn tới mọi người. Nhất là ngài cảm ơn chính quyền đã giữ trật tự cho các tín hữu được tham dự thánh lễ một cách bình an!

Người Viêt Nam nói: “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Hy vọng, sau hơn nửa thế kỷ, lần đầu tiên có thánh lễ của vị chủ chăn giáo phận diễn ra một cách tốt đẹp, thì những lần sau cũng sẽ tốt đẹp.

Cây cổ thụ Tam Tòa trụi lá sau bao nhiêu năm trời, nhiều người cứ tưởng nó đã chết. Nhưng không, vì là cây cổ thụ, nên cành lá có thể trụi xuống, nhưng rễ bám của nó thật sâu và thật vững, sức sống của nó thật mạnh mẽ và phong phú. Nó không chết. Nó chỉ trụi lá trong mùa thu và tạm ẩn mình trong mùa đông giá lạnh. Nay mùa xuân đến, những chồi non của nó đã hé nở. Chúng ta hãy trân trọng và bảo vệ những cánh lộc non yếu này, để mai này nó sẽ lớn lên và khi mùa hè đến, nó sẽ che mát cho chúng ta, che mát cho cả những lữ khách trên mảnh đất cát trắng Quảng Bình…

--------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(*) Theo bài "Kỷ Niệm 120 năm giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới và giáo hạt Nam Quảng Bình" của tác giả Dương Kim Sinh.
 
Giáo Phận Thái Bình gữi Tiền và Quà đến các bệnh nhân Trại Phong Cùi trong ngày Tết.
Đàm Nguyên
22:38 15/02/2008
Giáo Phận Thái Bình gữi Tiền và Quà đến các bệnh nhân Trại Phong Cùi trong ngày Tết.

Văn Môn, Thái Bình, Việt Nam (15/02/2008) -- Một chương trình hành động lớn nhất của một Giáo Phận vùng nông nghiệp đã được khởi hành cho năm 2008, năm Hồng Ðào của Giáo Phận Thái Bình, hướng tới những anh chị em bệnh tật, nghèo đói và đau khổ để xoa dịu, sẻ chia và đưa nhau cùng về bến bình an, tận hưởng hạnh phúc.

Vẫn theo thông lệ hàng năm vào dịp đầu xuân mới, đang khi người Việt Nam vui tươi tận hưởng những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cả Giáo Phận không quên hướng về những anh chị em đau khổ bệnh tật ở trại phong cùi lớn nhất Việt Nam, toạ lạc tại xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nơi đây là điểm dừng chân hàng năm để Giáo Phận xin Ơn Trời xuống cho tất cả các bệnh nhân thuộc đủ các loại bệnh đang ngày đêm chịu đau đớn khổ cực ở bệnh viện hay tại gia đình, ở nơi này hay nơi khác.

Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình, đã chủ sự Thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân, thánh hoá công ăn việc làm và khởi hành "cỗ xe lớn" về lãnh vực Bác Ái Xã Hội cho cả Giáo Phận bắt tay vào chương trình hành động hôm mồng 3 Tết Nguyên Ðán, tức ngày 9/2/2008. Có khoảng 20 linh mục đồng tế, đông đảo tu sĩ, chủng sinh và giáo dân trong và ngoài Giáo Phận đến tham dự.

Cũng trong ngày này, hàng trăm người, những người có tấm lòng cao cả, đã noi gương Chúa Giêsu chạnh lòng thương đến những kiếp người đau khổ. Họ đã đến bệnh viện phong Văn Môn từ sáng sớm để thực hiện một giới răn cao cả là Yêu Người. Họ rảo qua gian phòng đơn sơ ở các dãy nhà cấp 4, nơi có những bệnh nhân đang bị trùng Hansen ngày đêm cắn rỉa chân tay mặt mũi, để viếng thăm, tươi cười và sẻ chia những ánh nhìn cảm thông, trìu mến đối với những anh chị em bất hạnh.

Nơi Văn Môn, trong ngày này, đến hẹn lại lên, những ai đến tham dự Thánh Lễ đầu năm, từ hàng Giáo sĩ đến Giáo dân, lại có cơ hội để sẻ chia tinh thần và vật chất cho anh chị em kém may mắn hơn mình. Trước khi vào Thánh Lễ, ban tổ chức đã nhận được 34,532,000 đồng tiền mặt, 95 kg đường, 7 bánh chưng, 3 thùng bánh kẹo, chưa kể 1,090,000 đồng tiền bỏ giỏ lúc dâng lễ. Ðây là số tiền mặt nhiều nhất so với tất cả các dịp lễ đầu năm trước đây mà mọi thành phần dân Chúa đã đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân phong cùi ở Văn Môn.

Trong bài giảng, Ðức Cha mời gọi mọi người cộng tác với Thiên Chúa để làm cho Thế giới ngày một tốt đẹp hơn, ngài nhắc nhở mỗi người ý thức những việc làm qua khối óc hèn kém và bàn tay nhỏ bé của mình đều luôn có bàn tay uy quyền của Thiên Chúa can dự. Ðức Cha cũng khuyên những anh chị em bệnh nhân đau khổ hãy lấy làm hãnh diện và tự hào vì được Chúa ban cho những kho tàng châu báu, những nén bạc là những bệnh hoạn tật nguyền, nếu biết thánh hoá nó thì nó sẽ trở nên công phúc cao cả cho cuộc sống đời sau, làm vinh danh Thiên Chúa, ích lợi cho bản thân.

Ðức giám mục còn nói với mọi người rằng: "Trong năm nay, chúng ta phải quyết tâm xây dựng cho được một trung tâm săn sóc những bệnh nhân tật nguyền do nhiễm chất độc màu da cam đang sinh sống tại Thái Bình và Hưng Yên, đồng thời quyết tâm đề nghị chính quyền trả lại bằng được các cơ sở vật chất của Giáo Hội để Giáo Phận có nơi thực hiện các công việc bác ái xã hội". Ðức Cha mời gọi mọi người cộng tác đóng góp tinh thần vật chất, nhất là lời cầu nguyện cho chương trình hành động này được thành hiện thực trong năm này.

Cuối Thánh Lễ, Ðức Cha trao tổng số tiền và quà bánh nói trên cho Linh mục Giuse Mai Trần Huynh, chánh xứ Trà Vy, quản nhiệm Giáo xứ Thái Sa, trong đó có trại phong cùi Văn Môn, để ngài trao tận tay cho các bệnh nhân. Vị linh mục nhận và cảm ơn lòng thành cùng với nghĩa cử cao cả của Ðức Cha, các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân trong toàn Giáo Phận đã dành cho anh chị em phong cùi.

Cha Huynh, trưởng ban bác ái xã hội của Giáo Phận Thái Bình, phụ trách trại phong Văn Môn từ khi ngài về nhận nhiệm sở mới tại giáo xứ Trà Vy vào năm 1992. Cha cho biết, trại phong Văn Môn hiện có gần 600 bệnh nhận đang được điều trị nội trú tại bệnh viện và làng phong cùi Văn Môn.

Từ tháng 6 đến cuối tháng 12 năm 2007, Cha Huynh đã cùng với các bác sĩ của bệnh viện phong Văn Môn thực hiện chương trình viếng thăm và thống kê số lượng các bệnh nhân phong đang sống tại tư gia trong toàn tỉnh Thái Bình. Kết quả thống kê được là 297 bệnh nhân ngoại trú, trong số đó có nhiều bệnh nhân nặng hơn những bệnh nhân trong bệnh viện Vân Môn, một số đã được đưa về bệnh viện Vân Môn để điều trị thuốc thang, những chi phí khác như ăn uống, sinh hoạt và ngủ nghỉ hàng ngày thì cha Huynh chịu trách nhiệm chi trả cho họ.

Cha Huynh nói thêm với Ðức Cha và cộng đoàn rằng, lí do 297 bệnh nhân ngoại trú không chịu về sống và điều trị tại Vân Môn là vì họ sợ mọi người sống thành kiến và phân biệt họ, họ dấu bệnh và chấp nhận điều trị như các bệnh da liễu khác tại gia đình mình. Ðiều đó khiến cho bệnh năng thêm và có thể lây nhiễm đến người khác.

Thật vậy, sự cảm thông, tình yêu thương chia sẻ đối với những bệnh nhân là rất quan trọng, có những người sống tại Văn Môn hàng chục năm qua nhưng chưa bao giờ có người thân đến thăm viếng và hỏi han. Họ như bị bỏ rơi và họ cảm thấy mình bị xa lánh. Họ đau đớn thân xác thì ít nhưng đau khổ tinh thần thì nhiều. Họ nói rằng: của cải vật chất thì cần thiết, nhưng tình cảm và lòng thương yêu của mỗi con người dành cho nhau mới là quan trọng nhất và là tất cả.

Bà Maria Thái Thị Tài, trùm trưởng cùa giáo họ Ðông Thọ, giáo họ của những người phong cùi, đại diện cho các bệnh nhân, bày tỏ tâm tình biết ơn đối với Ðức Cha, các Cha và toàn thể cộng đoàn đến tham dự và chia sẻ tình thương cho các bệnh nhân.

Bà Tài 59 tuổi, cho biết từ tháng 4 năm 2007, làng phong cùi Văn Môn đón mừng 2 nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Mân Côi tình nguyện về sống với, ở cùng và giúp đỡ các bệnh nhân. "Bên cạnh những tà áo trắng của các y bác sĩ, từ đây còn có thêm màu áo đen của tu phục dòng nữ Mân Côi, những người mà thi sĩ Công Giáo Hàn Mạc Tử gọi là 'thiên thần thanh khiết'", bà Tài nói.

Thánh lễ kết thúc với phép lành của Ðức giám mục và bài ca năm Hồng Ðào như muốn thúc giục mọi người mau mau trèo lên 4 cỗ đại xa để nhanh tiến về trời. Bốn cỗ đại xa (xe lớn) là bốn điều quyết tâm thực thi của giáo phận Thái Bình trong năm Hồng Ðào, đó là Tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể; Yêu mến Mẹ La Vang tại Thái Bình; Chăm học Kinh Thánh và Giáo Lý; và Làm việc Bác ái Xã hội.

Ðàm Nguyên
 
Giáo xứ Võng Phan chia sẻ tình thương với những người nghèo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đàm Nguyên
22:42 15/02/2008
Linh mục, Tu sĩ và Cộng đoàn Giáo xứ Võng Phan chia sẻ tình thương với những người nghèo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Phù Cừ, Hưng Yên, Việt Nam (15/02/2008) -- Những người già cả, neo đơn, ốm đau bệnh tật và nghèo đói ở một huyện được cho là nghèo và hẻo lánh nhất tỉnh Hưng Yên, có lẽ sẽ ấm lòng hơn một chút khi được Linh mục, các Tu sĩ và Cộng đoàn Giáo xứ Võng Phan chia sẻ tình thương trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Khác với mọi năm, trong dịp cuối năm âm lịch, Linh mục Ðaminh Bùi Ngọc Hải, chánh xứ Võng Phan ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, lại có một sáng kiến để kịp thời chia sẻ tình thương cho những người nghèo khổ nhất đang sinh sống trong khu vực giáo xứ. Vị linh mục trẻ xin giáo dân trong xứ dành hết những tình cảm và vật chất cho những người nghèo, bệnh tật và già yếu.

Tại những thôn làng miền bắc Việt Nam, người ta vẫn còn giữ thói quen truyền thống, đó là từng người, từng gia đình và từng đoàn hội lần lượt kéo nhau vào nhà xứ, mang theo quà cáp và phong bì để chúc Tết hoặc mừng tuổi Cha xứ trong những ngày Tết. Cha Hải đề nghị giáo dân dành gộp những tình cảm đó trong một Thánh lễ Tất Niên, thay vì biếu quà cáp thì dâng tiền trong Thánh Lễ để Cha chuyển số tiền đó tới những người nghèo khổ.

Tổng số tiền nhận được từ tấm lòng thành của giáo dân dâng lễ là hơn 6 triệu đồng, cộng với phần tài trợ của công ty TNHH Ðầu Tư Và Phát Triển Thương Mại Toàn Cầu J.A.K và công ty LG Election, Cha Hải đã chuẩn bị 82 phần quà để trao tặng đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu vực.

Ðại diện cho Linh mục xứ là anh chị em Dòng Phaolô, Dòng Thánh Tâm và các ông trùm xứ họ, đã đến từng gia đình để thăm hỏi, nói chuyện và động viên, đồng thời trao phần quà nhỏ bé cho các gia đình có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau đó.

Có trường hợp gia đình gồm một cụ bà 106 tuổi bị loà mắt và già yếu, lại thêm một người đàn ông là con trai của cụ đang nằm liệt giường hàng chục năm nay vì bệnh tai biến. Có trường hợp cụ bà 86 tuổi sống lẻ loi một mình từ khi chồng cụ qua đời, họ là những đảng viên nhưng theo đạo Công Giáo, họ không sinh được con cái nhưng vẫn trung thành sống với nhau cho đến tuổi già tại một mái nhà tranh nghèo nàn và đơn sơ.

Có gia đình lương dân nghèo, nhưng một người con của họ bị bệnh viêm cầu thận đã và đang điều trị tốn kém hàng chục triệu đồng, họ xúc động vì nghĩa cử của tình tương thân tương ái trong khu vực, họ biếu lại 2 mớ rau thơm là kế sinh nhai của họ hàng ngày. Một trường hợp gia đình khác có 2 người con bị nhiễm chất độc hoá học màu da cam sinh ra đã bị dị tật và cả cuộc đời lủi thủi trong sự bất hạnh nghiệt ngã. Và còn nhiều hoàn cảnh gia đình khác nữa cần được trao ban tình thương, chia sẻ niềm vui và niềm hạnh phúc.

Cũng trong dịp này, Cha xứ đã trao tặng họ nhà xứ Võng Phan mỗi gia đình một cuốn lịch Công Giáo và một chiếc đồng hồ báo thức như muốn nhắn gửi tới mọi người rằng: thời gian Chúa ban là rất quý hiếm, hãy tận dụng nó để làm đẹp cho đời, nhớ đi lễ hàng ngày để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, đến nhà thờ đọc kinh lần hạt kính mến Mẹ La Vang, và nhớ đi học giáo lý đúng giờ và đúng buổi.

Hưởng ứng lời mời gọi cũng như chương trình sống và hành động của năm Hồng Ðào 2008 mà Ðức giám mục Giáo Phận đã phát động, từ tận cùng những xứ họ xa xôi hẻo lánh nhất trong Giáo Phận Thái Bình tại tỉnh Hưng Yên cũng đang thực thi trong âm thầm và khiêm tốn.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Công Lý và Sự Thật sẽ hiển trị trên quê hương
Trần Phước Mỹ
17:30 15/02/2008

CÔNG LÝ và SỰ THẬT Sẽ Hiển Trị Trên Quê Hương Việt Nam



Chứng kiến những biến cố diễn ra trong suốt hai tháng vừa qua, từ khi Đức Tổng Giám Mục, Giuse Ngô Quang Kiệt, ngỏ lời với toàn thể qúy linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân qua lá thư chung (15.12.2007), mời gọi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội hãy cầu nguyện cho Công Lý, cho Lẽ Phải và cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam được nhà nước chính quyền Cộng Sản tôn trọng. Cũng trong thời điểm này giáo dân xứ Thái Hà và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) tại cộng đoàn Hà Nội chính thức lên tiếng yêu cầu chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn trả lại phần đất 16.362m2, hiện nay đang bị chiếm đoạt bất hợp pháp bởi công ty may cổ phần Chiến Thắng tại Hà Nội.

Lẽ đó, người viết muốn ghi lại những điểm son của các biến cố vừa qua đã xảy ra ngay tại Hà Nội, Thủ Đô của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và ước mong chia sẻ một vài suy tư và nhận xét cá nhân về công cuộc đấu tranh cho Công Lý và Nhân Quyền tại Việt Nam.

Theo dõi tin tức từ các websites trên mạng lưới điện toán toàn cầu (internet), gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau, chúng ta nhận thấy các cơ quan thông tấn quốc tế hàng đầu như Agence France-Presse (AFP), Associated Press (AP), Reuters và các cơ quan thông tấn xã Công Giáo, điển hình như: Catholic News Agency (CAN), Independent Catholic News (ICN), Catholic World News (CWN), Asia-News, cũng như Asianews.it và Zenit, đã không ngừng đưa tin mỗi ngày, tại các trang đầu của websites họ trong suốt gần hai tháng vừa qua, và họ sẽ tiếp tục loan tin, cho đến khi giáo dân tại nhiều nơi ở Hà Nội và Sài Gòn không còn tổ chức các cuộc đốt nến cầu nguyện, nhằm đấu tranh cho Công Lý và Hòa Bình.

Một trong những websites truyền thông Công Giáo, trong thời gian qua đã làm việc rất có hiệu qủa và đã cung cấp các thông tin (gồm hình ảnh và các bài viết) chính xác, hết sức mau lẹ, đó là vietcatholic.net. Anh chị em phóng viên Vietcatholic đã nhanh chóng thu thập tin tức và hình ảnh từ Việt Nam để gởi đi khắp nơi trên toàn thế giới, hầu phổ biến cách rộng rãi những nguồn tin khách quan (tai nghe mắt thấy), chứ không phải chỉ có một chiều, nói cho lấy được, bất chấp dư luận và chính kiến. Đôi khi lại bóp méo cả sự thật, như những gì đã diễn ra qua các báo-đài tại Việt Nam, mà tôi nhận thấy đã được một số tác gỉa của các bài viết được phổ biến trên internet vạch cho thấy rõ, cái sự dối trá và các tiểu sảo đã được sử dụng, khi các thông tin này được phổ biến trên một vài tờ báo tại Việt Nam, tỷ dụ như báo: Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô. Điểm đáng chú ý nhất là Tòa Giám Mục Hà Nội, trong đơn khiếu nại của mình đã thẳng thắn vạch trần những thông tin không chính xác của hai tờ báo nói trên và đài truyền hình Hà Nội, cũng như yêu cầu chính quyền VN điều tra cho rõ vụ việc và có biện pháp xử lý kịp thời. [xem “Đơn khiếu nại của tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.” VietCatholic News (Chúa Nhật 27/01/2008) http://www.vietcatholic.net/News/Html/51587.htm]

Và gần đây nhất là bài viết “Về Vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội” của Linh mục Trương Bá Cần được đăng trên báo Công Giáo Dân Tộc (người giáo dân ở Việt Nam hay gọi là Công Giáo Gian Tặc, nói theo giọng miền Nam) tuần này – 15.02 - 21.02.2008. Qua bài viết đó, người đọc cũng có thể đánh gía được “ý đồ” và “chủ đích” của tác gỉa… và nhận thấy rõ, đây cũng chỉ là một loại công cụ tay sai của nhà nước, phục vụ cho đường lối tuyên truyền của Đảng CS tại Việt Nam.

Trở lại vấn đề then chốt mà người viết muốn nêu lên, đó chính là các biến cố đã diễn ra rất sôi nổi trong khoảng thời gian vừa qua, bao gồm các sự kiện quan trọng, đáng kể hơn cả là nội dung của bức tối hậu thư, do UBND TP Hà Nội gửi cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội (số 673 /UBND-VX ngày 26.01.2008), ra lệnh cho các giáo dân đang tụ tập cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ - 42 nhà chung - Hà Nội – là đúng 5 giờ chiều, ngày Chủ nhật 27 tháng giêng 2008 vừa qua, phải mang tượng ảnh ra khỏi khu đất nói trên và phải rút lui có trật tự, nếu không chính quyền sẽ có biện pháp mạnh. (Nội dung của văn thư trên đã được phổ biến tại đây - http://www.chuacuuthe.com/kysu/9814ks55.html)

Trước những lời lẽ ngông cuồng, đầy tính cách hăm dọa, sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp vũ lực để đàn áp người dân cô thế, nếu cần. Người giáo dân Hà Thành đã biểu dương cho thấy sức mạnh của họ ở niềm tin vào Thiên Chúa, vào lẽ phải và vào chân lý. Họ đã dũng cảm đấu tranh cho công lý và xem thường những hậu qủa bi đát có thể diễn ra đối với họ. Tất cả những điều này, họ cũng đã có thể mường tượng ra và tiên đoán nó có thễ diễn ra đối với họ, nhưng họ cương quyết đấu tranh đến cùng. Họ biết mạng sống của họ có thể bị lấy mất, khi quân đội và công an vũ trang đang có mặt tại khu đất Tòa Khâm Xứ, đã trang bị đầy đủ mọi khí giới, sẵn sàng tác chiến và đương đầu với đám người giáo dân có mặt cầu nguyện tại hiện trường.

Qủa thật, khi nhìn kim đồng hồ chậm rãi chạy qua … và báo cho biết giờ “G” đã gần đến, tôi lo sợ cho số phận của hơn 3.000 người giáo dân Hà Thành đang tụ tập cầu nguyện cách sốt sắng tại khu đất Tòa Khâm Xứ, mặc dầu họ có thể ý thức được rằng: họ sẽ bị trấn áp, bị đánh đập, bị lôi đi như chị người Mường… và điều gì xấu nhất cũng có thể xảy ra cho họ… Tôi thầm cầu nguyện, xin ơn trên gìn giữ họ, hầu họ được che chở và không ai trong họ phải bị điều gì không may xảy ra.

Qua ngày hôm sau – Thứ Hai, 28.01.2008 - chúng tôi được biết là chính quyền Việt Nam đã không ra tay dùng biện pháp mạnh, như họ đã cảnh báo trước. Điều này có lẽ cũng đã được sự can thiệp của các “cán bộ cao cấp” có thực quyền giải quyết vấn đề. Những vị này đã sáng suốt khi ra mệnh lệnh bãi bỏ sự đàn áp đối với người giáo dân. Có lẽ, vì không muốn chứng kiến một Thiên An Môn thứ hai xảy ra, ngay tại thủ đô Hà Nội, được mệnh danh là đã có hơn 1.000 năm văn hiến.

Nhìn lại những hình ảnh đốt nến cầu nguyện đầy kiêu hùng của những ngày qua, được tổ chức nhiều nơi, trong nước lẫn hải ngoại, nhất là ngày hành hương minh niên kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại giáo xứ Thái Hà, và tại Tu Viện DCCT Sài Gòn, vào ngày mùng 3 tết nguyên đán (Thứ Bảy, 09.02.2008).

Tin từ VN cho biết có khoảng 7.000 người giáo dân, phần lớn là họ đến từ nhiều giáo phận thuộc miền Bắc, đã đổ về nhà thờ DCCT tại Thái Hà để hành hương và khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhân dịp đầu năm. Người ta nhìn thấy một rừng người… chen chúc đan quyện vào nhau giữa thời tiết gía lạnh của mùa đông để san sẻ cho nhau hơi ấm và tình người. Họ, tuy là vạn người, nhưng họ chỉ là MỘT THÂN THỂ trong Đức Giêsu Kitô. Họ trở thành MỘT trong cùng một đức tin, một phép rửa, một giáo hội duy nhất: Công Giáo và Tông Truyền. Cho nên, sức mạnh của họ là ở điểm đó, sức mạnh của sự đoàn kết trong cùng một niềm tin vào Thiên Chúa vĩnh cữu, Đấng toàn năng và là Đấng bênh vực cho những ai cô thế, đang bị hiếp đáp vì những sự bất công. Yavê là T.C của kẻ nghèo, kẻ bị ngược đãi, kẻ bị tước đoạt tài sản và ngay cả phẩm giá con người với những quyền cơ bản, được Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền công nhận (1948).

Khi được chứng kiến những hình ảnh ấy, tôi cảm thấy niềm tự hào cho một Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, dầu sống trong sự áp bức, bị kềm kẹp đủ mọi phương diện… và hoàn toàn thiếu tự do tôn giáo, nhưng các vị lãnh đạo tinh thần và các vị chủ chăn đã rất can đảm và hết sức khôn ngoan lèo lái con thuyền giáo hội Việt Nam cho đến ngày hôm nay, trải qua biết bao nhiêu biến cố lịch sử, để con thuyền ấy luôn vượt sóng cả đại dương và bảo tố, hầu có thể về đến bến bình an.

Tôi cũng rất ngưỡng mộ và thực sự hết sức khâm phục sự can trường, lòng dũng cảm và tinh thần cương quyết đấu tranh của toàn thể giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và đặc biệt là các tín hữu giáo dân trên khắp quê hương VN, cũng như tại hải ngoại. Qúy vị đã anh dũng và hiên ngang bước theo dấu chân của các thánh tử đạo VN, sẵn sàng cam chịu mọi khổ cực, bất chấp mọi gian nan, luôn sẵn sàng hy sinh … ngay cả mạng sống để minh chứng cho đức tin và công lý. Chắc chắn các gương sáng ấy sẽ chẳng bao giờ mai một, nhưng luôn luôn ghi sâu vào trong ký ức của thế hệ con cháu mai ngày (*). Quý vị đã để lại một kho tàng vô gía, đó chính là đời sống đức tin sống động của quý vị, và chính đức tin ấy đã chiếu sáng như những ngọn hải đăng cho con thuyền của Giáo Hội Việt Nam được cập bến bình an. Xin quý vị hãy tiếp tục giương cao NGỌN NẾN ĐỨC TIN để ánh sáng đó sẽ được tỏa chiếu vào trong bóng tối của thời đại ngày hôm nay.

Xin ánh sáng mà qúy vị đang thắp lên sẽ bừng cháy khắp nơi, lan tỏa đến từng người, từng tâm hồn một, để chính họ cũng được thắp lên một ngọn nến trong tâm hồn, xua đổi những đam mê trần tục, những ý tưởng bất chính, những tham lam vô ích, chỉ muốn chiếm đoạt của người khác để làm của riêng cho mình.

Xin cho NGỌN NẾN CẦU NGUYỆN đem lại CÔNG LÝ và CÔNG BÌNH cho quê hương đất nước Việt Nam, thân yêu của chúng ta.

(*) Catholics in Vietnam still missing land, protests continue – by Catholic News Agency. Được VietCatholic News cho đăng lại (Thứ Sáu 08/02/2008).

“Since February 7 marks the Lunar New Year—called Tet in Vietnam—local government officials asked the Redemptorists to disperse the demonstrators who have been camped out at the site and send them home to prepare for Tet. The priests had in fact already told the people to leave out of concern for their health, given the cold rain and low temperature, but none of them were willing to leave.

“I keep telling my children that I have to stay here to protect Church land,” one a woman said. “People who want to tell me happy New Year can come here and see me. I will not go home.”

Thật đáng ca ngợi sự qủa cảm của bà mẹ Công Giáo Việt Nam, quyết bảo vệ tài sản của Giáo Hội, dù đã 80 tuổi.

http://vietcatholic.net/News/Html/52141.htm
 
Kỳ Đồng ơi! (thơ)
Bs Vũ Linh Huy
18:02 15/02/2008
Mến Thăm Dân Thánh Chuá
Họ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Kỳ Đồng, Sài-gòn.


Kỳ Đồng ơi!
Xin giữ lưả thiêng cho Sài-gòn,
Chờ lưả lan đi khắp nước non,
Công Lý chưa về, mơ chưa thoả,
Bất công còn đó, ước chẳng tròn,
Con Mẹ Cứu Giúp tâm vàng đá,
Môn đệ An Phong chí sắt son,
Bạo lực vẫn còn, còn thắp nến,
Nến hao, Lưả Mến chẳng hao mòn!

Boston, ngày 15 tháng 2 năm 2008
 
Cảm nghĩ sau ngày Tết
Trương Phú Thứ
18:51 15/02/2008
Cảm nghĩ sau ngày Tết

Từ vài tháng nay, ngày nào tôi cũng lên mạng VietCatholic cả chục lần để theo dõi diễn tiến của giáo dân Hà Nội đòi lại tài sản của giáo phận. Những bản tin và hình ảnh nóng hổi được đưa lên mạng đã cung cấp cho những người con xa xứ luôn ưu tư với giáo hội nghèo khó nơi quê nhà đầy đủ chi tiết của tiến trình đòi hỏi công lý trong hòa bình. Câu hỏi của giáo dân trong nước cũng như ở hải ngọai là đến bao giờ nhà nước sẽ chính thức trao trả tài sản của giáo phận cho giáo dân Hà Nội?

Chúng ta không có một câu trả lời về ngày giờ chắc chắn nhưng đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Trước hết là khi Đức Tổng Giám Mục Hà Nội yêu cầu giáo dân dẹp bỏ lều bạt và rước tượng thánh giá về tòa Tổng Giám Mục thì nhà nước cũng đã đáp trả lại rất thiện chí bằng cách đóng cửa tiệm phở và quán cà phê trên phần đất của tòa Khâm Sứ. Chắc hẳn Đức Tổng Giám Mục đã được cam kết một cách nghiêm chỉnh rằng sau khi tháo gỡ được những vướng mắc mà tất cả chỉ là quyền lợi của các bộ phận và quan chức địa phương thì tòa Khâm Sứ sẽ được trao trả lại cho giáo phận Hà Nội. Không ai biết được chi tiết về những thỏa thuận giữa Đức Tổng Giám Mục và nhà nước như thế nào nhưng qua sự hợp tác của cả hai bên thì kết cục của sự việc sẽ tốt đẹp như lòng mong muốn của giáo dân Hà Nội.

Trong bài phỏng vấn ngắn gọn của phái viên VietCatholic với Cha Giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế thì ngài cũng đã hé lộ rằng đã được hầu chuyện Đức Tổng Giám Mục và đã thấy được “quyền năng Thiên Chúa và hiệu lực của lời cầu xin”. Nói một cách rõ ràng là lời cầu xin của giáo dân Hà Nội đã có kết quả tốt đẹp, bằng quyền năng của Thiên Chúa thì tài sản của giáo phận sẽ được trả lại cho giáo dân Hà Nội. Vấn đề là chúng ta nên bình tĩnh và chờ đợi để nhà cầm quyền tháo gỡ những khúc mắc của họ cho mọi sự được thanh thỏa tốt đẹp.

Cũng có nhiều người lý luận rằng “người cộng sản nói vậy nhưng không phải vậy” và “đừng tin những gì cộng sản nói”. Người Việt Nam đã kinh qua với những đau thương tang tóc từ vụ Tết Mậu Thân đến hiệp định Paris có quyền nghi ngờ và xác quyết như vậy. Lật lọng và gian xảo luôn đi liền với lời ăn tiếng nói và cách hành xử của người cộng sản. Nhưng vị thế của nước Việt Nam bây giờ là thành viên dự khuyết của hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức thương mại và chính trị quốc tế khác sẽ không cho phép nhà nước có những phản trắc nhất là đối với một cộng đồng tôn giáo có những liên kết và ràng buộc chặt chẽ trên tòan thế giới. Chắc hẳn ai cũng có thể nhìn thấy trước nếu bị lật lọng thì giáo dân Hà Nội sẽ phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Tôi rất thích thú đọc những bài của Đức Cha Thái Bình liên quan đến tòa Khâm Sứ. Một bài học rất thực tế là khi được mời đến các cơ quan nhà nước thì không bao giờ ngồi dựa lưng lên ghế. Như vậy là vô phép là bất kính các vị quan chức. Đã lâu rồi đọc hồi ký tù cộng sản của một anh bạn, tôi cũng học được một điếu là khi nói chuyện với cán bộ thì nhớ phải gỡ cặp kính cận thị xuống. Quên là lắm chuyện lôi thôi. Bỏ qua những chuyện vớ vẩn cười ra nước mắt thì tôi cũng có một ước mơ là khi nào vế Việt Nam thì nhất định sẽ đi Thái Bình chiêm ngưỡng nhà thờ chánh tòa của địa phận. Nhìn hình thôi cũng “đã con mắt”. Được quỳ giữa lòng nhà thờ mà kinh nguyện thì còn hạnh phúc nào hơn.

Những ngày Tết đã đi qua, cây cối hoa lá đang rộn ràng với Trời Đất. Hy vọng rằng giáo dân Hà Nội sẽ có những ngày Xuân thật tươi sáng trên phần đất của tòa Khâm Sứ là gia sản của cha ông để lại cho con cháu.
 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Con Sâu, con Nhộng, và con Bướm
Nguyễn Trung Tây
04:55 15/02/2008

Truyện ngắn: Con Sâu, con Nhộng, và con Bướm



Có người hỏi, “Thời bây giờ, làm sao sống được Mùa Chay và Mùa Phục Sinh”? Xin thưa, “Đơn giản thôi! Chết đi một tật xấu đồng nghiã với sống Mùa Chay và Phục Sinh”. Nhân vật vô danh trong truyện ngắn Con Sâu, con Nhộng, và con Bướm hút thuốc vô địch… Nhưng rồi anh ta quyết định bỏ thuốc. Mời bạn theo dõi truyện ngắn để biết người nghiện thuốc sống Mùa Chay và Mùa Phục Sinh ra sao?
Con bướm, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Con Sâu

Vậy là con sâu chuyển mình nóng sốt. Thế là con sâu nằm trong kén, ốm nặng. Năm nào cũng vậy, con sâu phải dính một trận cúm nặng, phải ho nát gan nát phổi, phải hỉ ra bao nhiêu mầu xanh xanh, phải đổi giọng mất tiếng nói khoảng một hoặc hai tuần lễ.

Hồi mới sinh ra, con đầu lòng thiếu tháng, nó bị nhốt trong lồng kiếng gần hai tuần. Sau một năm nó cao lớn bình thường như những đứa trẻ một tuổi, nhưng hay đau ốm cảm cúm xụt xùi vào mùa đông. Ba nó nói tại cục A-mi-đan ở cổ, trời lạnh cục thịt dư sưng lên, thế là đau. Năm nay nó lại cúm. Không biết nó bị cảm lạnh là tại cục thịt dư như lời ba nó nói, hay tại những con vi khuẩn cảm cúm bay ngập tràn trong căn phòng kiếng của hãng, hay tại tối hôm thứ Tư vừa rồi, trời lạnh, nó đứng ngoài sân nhà hút thuốc.

Nó hút thuốc cũng khá lâu rồi. Có lẽ từ hồi trung học. Tại áp lực của bạn bè? Chắc vậy. Má nó ghét thuốc lá. Ba nó không hút. Ngũ quỷ, bốn đứa em trai cũng không. Con em út, con gái còn nhỏ không tính. Từ lớp Mẫu Giáo cho tới Lớp Mười Một nó chưa bao giờ đụng tới điếu thuốc nói chi đến chuyện hút. Một lần hồi còn nhỏ theo ba má về Việt Nam thăm họ hàng, nó thấy người Việt Nam hút thuốc khắp nơi, miệng hôi thật hôi! Nó nhăn trán, tay bịt mũi, tay phẩy phẩy khói thuốc, miệng kêu hôi quá khi người ta nhả khói thuốc vào mặt nó! Thấy nó phản ứng quyết liệt ra mặt như vậy, họ hàng khó chịu thì thào với nhau,

— Thằng Mỹ con này khó tính như quỷ.

Có một lần mấy thằng bạn lớp Mười Một đè nó ra, nhét thuốc cháy đỏ vào miệng. Nó ngậm chặt miệng lại. Mấy thằng còn lại thọt lét nó. Nó cười sặc sụa, hít vào khói thuốc đầu tiên trong đời. Cuối tuần nó hay la cà tại những quán bi-da với mấy đứa bạn. Quán bi-da nào cũng vậy, khói thuốc bốc cao ngập trần nhà. Bạn nó bên bàn bi-da, con gái cũng như con trai, đứa nào cũng hút thuốc. Mấy con nhỏ bạn nhìn nó, bĩu môi, ánh mắt khinh bỉ. Có cô cười nhếch mép, nhún vai,

— Nếu mày không hút thuốc, tới đây làm chi? Sao không lên San Francisco mà thục bi-da với mấy ông đực ở trên đó?

Nó đỏ bừng bừng như mặt trời ửng hồng mùa hè. Tự ái con trai tổn thương nặng nề. Cuối cùng nó cầm điếu thuốc đưa lên miệng. Giờ này đã hơn mười năm, nó hút không ngừng, hút liên tục, hút không cho lá phổi nghỉ ngơi dù chỉ là một ngày. Sáng, mở mắt ra, hai điếu. Tối, nhắm mắt lại, hai điếu. Trong ngày tùy hứng, nếu hứng, đốt hết hơn một gói; không hứng, xấp xỉ khoảng một bao.

Cô bạn gái đầu tiên thời trung học, sinh nhật nào của nó cũng mua tặng nguyên cây thuốc Malboro đỏ hộp cứng, gói chung với cái áo sơ-mi cổ 16 có hai cúc, tay 30/32. Hai đứa hôn nhau, cô thì thào nói không có mùi thuốc Malboro, em có cảm tưởng hôn người khác. Nó nhìn, nhăn mặt, hỏi,

— Ai?

Âu cũng là chuyện tình chó con, bởi vì hai đứa cuối cùng cũng bỏ nhau. Giờ cô ta bán bảo hiểm. Có một lần nó gặp người tình cũ đi trên phố với chồng với con. Thằng con có nét mặt y chang như người bố. Nó thắc mắc không hiểu nếu cô ta lấy nó, đứa con sẽ giống ai. Nó thắc mắc không biết người chồng của người tình xưa có hút thuốc hay không. Len lén đi theo một hồi, nó làm bộ tới gần, cười cười, chào hỏi, móc gói thuốc mời. Người chồng lắc đầu nói tôi không hút thuốc. Vội vàng kéo đứa con tránh sang một bên, người tình ngày xưa nhăn nhăn mặt khó chịu nhìn người tình cũ phun khói thuốc mịt mù. Tối đó nó về nhà lập bàn thờ hương khói ngoài sân vườn thắp nhang vái tám phương tứ hướng, cúng giải oan cho một chuyện tình.

Cô bạn hồi đại học không hút thuốc, nhưng học xong hai đứa dẫn nhau đi ăn. Thấy nó hút, cô ta hút theo. Nó trợn mắt,

— Khùng hả?

Sang năm thứ ba, không một lời giã từ, cô ta đổi trường đại học. Mùa Giáng Sinh, nó gặp người tình âu yếm một người thanh niên mặt trắng đeo kính trong tiệm ăn. Nó làm bộ ghé lại bàn hỏi chuyện. Nó mời thuốc, tình nhân không hút, mặt lạnh lùng xa vắng. Tối đó nó về nhà hút hết một gói. Ánh sáng trời cao rọi sáng tâm hồn tối đen, nó hiểu nhiều hơn về tình yêu. Nó nhớ lại truyện cổ tích thời Hồng Bàng. Nó hiểu tại sao hồi đó Thủy Tinh dâng nước đòi Mỵ Nương. Nó, nó không dâng nước lụt lội nhân gian, nhưng bỏ đi kiếm Mỵ Nương khác.

Người tình thứ ba đặc biệt hơn. Cô ta nói,

— Anh muốn hút thuốc thì cứ tự nhiên. Nhưng nếu có chuyện chi xảy đến với anh bởi vì thuốc lá, em đi kiếm người khác, coi anh như một dĩ vãng.

Nó ngạc nhiên,

— Nếu anh chết vì lý do khác? Nếu anh bị mấy người khùng căn me bắn sẻ ngoài đường, hoặc là anh bị xe đụng?

Cô ta nhìn nó, mặt nghiêm, âm rõ từng chữ,

— Em sẽ ở vậy để khăn tang thờ anh suốt cả một đời.

Nó nhíu cặp chân mày,

— Em ghét thuốc lá đến cỡ đó hay sao?

Nhưng rồi cuối cùng người ta cũng đi mất. Người ta bỏ nó hơn một tháng rồi. Bởi thế hãng thuốc lá, hãng bia, và hãng rượu kiếm thêm được bao nhiêu là tiền.

Càng ngày người Hoa Kỳ càng chủ trương bài trừ thuốc lá. Mọi nơi người ta cấm hút thuốc. Khắp nơi người ta đối xử với dân hút thuốc như công dân hạng hai trong xã hội. Bao nhiêu đại phi trường quốc tế trên đất Hiệp Chủng Quốc dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Bình thường thì cũng không sao, nhưng sau biến cố ngày 11 tháng 9 để hút được một điếu thuốc trong khi ngồi chờ đợi tại phi trường, nó phải vượt qua bao nhiêu hàng rào lính vũ trang ngập tới miệng. Hút xong hai điếu thuốc bên ngoài cửa phi trường, nó lại phải nhọc nhằn cởi giầy, cởi áo khoác, cởi thắt lưng, quần trễ tới rốn, cởi đồng hồ, móc bóp ra trình bằng lái xe, vượt cạn một mình qua hàng rào nhân viên an ninh dầy đặc như kiến đen. Thoát qua được khung cửa dò kim khí có hình dạng như máy chém thời Tây thuộc địa, nó hoàn hồn sờ lại cổ, loay hoay buộc lại dây giầy, mặc lại áo khoác, thắt lại giây lưng, đeo lại đồng hồ, cất bằng lái xe vào lại trong bóp. Chẳng trách chi mỗi một lần bay, lại thêm một lần nó có thêm nhiều lý do để ghét bỏ Osama bin Ladin.

Trong hãng, nơi nó đang làm, tự dưng người ta dẹp bỏ Phòng Hút Thuốc. Thế là cả đám con cái của rồng phun khói phun lửa phải dẫn nhau ra đứng ngồi ngoài trời. Mùa hè thì cũng không sao. Gặp lúc trời lạnh, tuyết đổ, hút được một điếu thuốc cũng thấy nhọc nhằn một kiếp con sâu. Có lần nó đang đứng phì phèo trong giờ giải lao, xếp đi ngang qua. Nhìn thấy nó, xếp khinh bỉ nói,

— Không biết mắc cở hay sao?

Nó tính cãi,

— Xếp ơi, em hút thuốc hay không thì có liên can chi đến ai. Em hút, em đứng nơi công cộng. Em không trốn trong phòng lén lút uống rượu uống bia. Em không nấp trong xó nhà len lén coi phim nhà nghèo. Em không dối vợ trốn con chui lên Las Vegas cờ bạc đỏ đen, bán nhà bán cửa...

Nhưng chợt nhớ lại thân phận bọt bèo con sâu cái kiến của mình, nó cười gượng gạo. Nhưng cơ hội cuối cùng cũng tới. Có hai ba lần, bị mấy người dưng nước lã tỉnh bơ lên lớp về vụ hút thuốc, nó khịt khịt lỗ mũi, cười nhếch mép, mặt lạnh tanh như cao bồi miền Viễn Tây trước khi rút súng,

— Cám ơn, ba má tôi còn sống đầy đủ.

Hên là cây súng bên kia lặng yên hết chuyện. Chứ không, dám lại có vụ Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải xảy ra ngay trước sân của hãng.

Nhưng nó tin rằng khám xét chặt chẽ nơi phi trường và kỳ thị dân hút thuốc không phải là nguyên nhân chính khiến nó thôi không còn muốn làm con sâu hút thuốc.

Càng ngày thuốc lá càng mắc. Chính phủ Mỹ chơi ác, nâng cao tiền thuế thuốc lá, nại cớ lấy tiền đó chữa bệnh ung thư phổi và những bệnh hiểm nghèo liên quan đến khói thuốc. Mỗi ngày nó tốn khoảng 5 đô la xanh lè cho 20 điếu thuốc đốt cháy hai lá phổi. Làm một con toán nhân đơn giản, một tháng nó phải xuất ra trên dưới 150 đô la cho mây cho khói. Nó nhớ có lần trong nhà hết thuốc. Nó sờ bóp. Cuối tháng nó chưa lãnh lương, bóp xẹp lép, rỗng tuếch. Nó hốt hoảng như người bị ma đuổi lật gối lật mền, lục trong túi áo túi quần kiếm đồng tiền lẻ bỏ quên. Tiền lẻ không có, nó chạy hớt ha hớt hải ra thùng rác lật từng bao rác dơ hôi rình như xác chuột chết kiếm tìm. Thùng rác vắng tênh những mẫu thuốc thừa, nó chạy ra đường đứng ngay trước ngõ dõi nhìn bóng người đi qua chìa tay xin một điếu thuốc. Ngã ba đường trước cửa nhà trời trưa nắng không một bóng người vãng lai, nó lại cuống cuồng chạy đông chạy tây kiếm người mượn tiền. Hên cho nó, bà chủ nhà bình thường có khuôn mặt lạnh tanh giống như Kim Hoa Bà Bà trong truyện Cô Gái Đồ Long, hôm đó tự nhiên lại vui tươi hớn hở cứ như con nít được quà, như người vừa mới nhặt được tiền rơi trước ngõ. Nhìn bà chủ đang đứng nấu cơm trong bếp, nó gãi gãi tai,

— Bà chủ cho mượn 5 đồng được không?

Không nói năng chi, bà chủ móc trong ruột tượng tờ giấy 10 đô xanh lè đưa cho nó. Nó vội vàng lái xe ra tiệm 7-Eleven nằm ngay đầu đường. Hút xong điếu thuốc, cơn ghiền đã qua, tự nhiên nó thấy mình hèn. Con trai con đứa chi mà chìa tay mượn tiền của người dưng nước lã. Thiệt tình! Hết nước nói! Tự nhiên nó ghét nó vô cùng.

Nhưng tốn kém tiền bạc cho một gói thuốc cũng không phải là nguyên nhân chính khiến nó muốn bỏ thuốc lá.

Nó nhíu cặp chân mày, nghĩ ngợi… Càng ngày sức khỏe của nó càng tệ đi. Năm vừa rồi nó đau hai lần trong vòng một năm. Mùa thu cảm. Mùa xuân cúm. Cách đây hơn ba tuần, trời trở lạnh, nó ho, ho liên tục trong vòng ba ngày. Ngày thứ tư nó ho văng ra một cục nho nhỏ mầu vàng bằng khoảng đầu đũa, mùi thối khắm lằm lặm! Ngày thứ năm nó ho ra đàm có máu. Cục đàm bay ra để lại hai mầu trên miếng giấy trắng napkin, một mầu xanh xanh, một mầu đỏ tươi. Nó ớn lạnh rung mình nhìn bức tranh lập thể hai mầu. Nó há to miệng chiếu đèn pin vào cổ họng coi xem tại vì ho, cổ họng xây xát đổ máu đỏ, hay tại phổi của nó đã lủng lỗ chỗ những tổ ong. Nó nằm trên giường, thẫn thờ nghĩ tới bác sỹ, tới nhà thương, tới ung thư phổi, tới những ống những giây lòng thòng quấn quanh người. Nó liên tưởng tới giường bệnh trải khăn trắng. Có thể nó đã bị ung thư cổ giai đoạn ba, hết thuốc chữa! Người ta sẽ đục cổ nó, nhét vào một cái còi để nó nói giống như ông bố của thằng bạn. Ông ta hút thuốc hơn ba mươi năm rồi. Giờ này ung thư cổ. Tàn đời! Ngồi trên xe lăn, muốn gì, ông bóp cái còi ngay cổ. Kèn kêu toe toe, thằng con chạy lại, đổ bô thay tã. Tối hôm đó nó mơ bị ung thư cổ, ho ra một đống máu rồi bất tỉnh. Tưởng nó chết, người ta khiêng xác quẳng vào hòm cái bốp. Kèn vướng trên cổ, nó nói không được. Nó hốt hoảng giơ tay bóp kèn. Kèn kêu toe toe. Người ta đậy nắp lại. Tiếng đinh tiếng búa đóng nắp hòm vang dội che lấp tiếng kèn. Nó ngộp thở. Nó vùng dậy, tỉnh cơn ác mộng. Người nó lạnh toát, da nổi sần sượng, toàn thân đổ mồ hôi hột. Hơn mười năm rồi hút thuốc. Cục đàm xanh lè đỏ tươi sáng nay chạy đuổi sâu vào trong giấc ngủ. Nó sợ! Nó nghĩ tới việc bỏ thuốc. Nó nghĩ tới hình ảnh của con nhộng. Chui vào tổ kén, nhộng chết đi đợi chờ một ngày mới. Ngày đó nhộng sống lại, cắn rách kén, chui ra làm bướm.

Nhưng nó vẫn không dám chắc cục đàm xanh lè vương máu đỏ là nguyên nhân chính khiến nó muốn bỏ thuốc lá…

Con Nhộng

Tối thứ Tư giữa tháng Mười Một, cơ hội để con sâu biến thành con nhộng đã tới. Bà chủ nhà dáng thướt tha, khó tính, không cho người mướn phòng hút thuốc trong nhà, ngay cả trong căn phòng riêng tư của nó, căn phòng 350 đô la một tháng bao điện nước. Chiều hôm đó nó về tới nhà trễ sau khi xếp gãi tai, cười tươi với hai mươi mấy đứa nhân viên. Cả đám phải ngồi lại trong hãng làm thêm sáu tiếng. Về tới nhà, nó đứng sau sân vườn dưới mái hiên chơi luôn hai điếu thuốc. Khói thuốc nồng nàn thấm sâu vào từng tế bào hai buồng phổi. Khói quyện tròn hòa tan trong máu. Người lâng lâng bay bổng. Trời tháng Mười Một, gió thu thổi xôn xao, gió bấc thổi ớn lạnh. Nó ngứa mũi, ắt xì liên tục! Di di tàn thuốc dưới chân, nó bỏ vô nhà, chui lên giường nhắm mắt, ngủ thẳng một mạch.

Sáng thứ Năm, nó choàng dậy, căn phòng lạnh ngắt. Nó hắt hơi liên tục. Ắt xì! Ắt xì! Ắt xi! Mười cái ắt xì đều đặn. Mỗi lần ắt xì cách nhau khoảng 5 giây. Ba lần đầu chưa có chi. Lần thứ tư nó bắt đầu cảm thấy ớn lạnh trong người. Thêm một lần ắt xì, thêm một lần ớn lạnh. Nó nghĩ chắc mình sẽ bị cảm. Rửa mặt, mặc quần áo, nó đề máy nhập vào dòng xe cộ đỏ chóe trên xa lộ. Tới giờ ăn trưa, mắt nó hoa lên, người nóng sốt. Xếp cai nhìn nó,

— Có sao không? Sao mặt mày xanh lè vậy?

Mặt xanh lè? Người nó đang nóng ran như than hồng BBQ, sao mặt lại xanh lè được? Mua dĩa cơm, nhưng nó ăn không hết, bởi lưỡi và cổ đắng nghét. 3 giờ chiều, nó hy vọng xếp đừng nhăn nhăn mặt, đừng lởn vởn đi tới đi lui, đừng gãi tai, đừng cười cầu viện với nhân viên giống như ngày hôm qua. Giờ này tiền bạc chỉ là mảnh giấy vụn. Giờ này nó chỉ muốn được nằm dài trên giường. 3 giờ 30, nó đứng dậy. Về tới nhà, len lén vặn vòi hoa sen nước nóng phòng tắm lên hết cỡ, nó tắm hơi. Nó tính nhờ bà chủ cạo gió, nhưng nhớ ông chủ nhà mặt mày bậm trợn, có tính ghen; thôi, né đi; không nên chơi dại! Nó ăn mì, mì không hương không vị. Đổ một nửa tô mì vào thùng rác, nó ra sân nhà đốt thuốc, nhưng miệng nó sao nhạt phèo. Hơi thuốc vô vị, đắng, nhạt nhẽo như nước cháo nguội. Có lẽ đau nặng, chắc gà toi rồi. Hút không hết điếu thuốc, nó thở dài nhìn đầu lửa đỏ và khói thuốc đang dần dần tan loãng vào trong thinh không. Di di điếu thuốc dưới chân, nó bỏ vô phòng. Trước khi leo lên giường ngủ, nó uống hai viên thuốc cảm.

Sáng thứ Sáu, nó gục luôn. Nằm trên giường, nó gọi vào trong hãng,

— Xếp ơi, gà bị cúm rồi, toi nặng!

Nói xong, nó chìm vào giấc ngủ nặng nề.

Bà chủ nhà gõ cửa,

— Tui thấy xe chú còn đậu trong sân... Chú đau hả? Mặt sao xanh lét vậy? Ăn cháo không? Tui nấu. Hay là để tui cạo gió cho.

Nó mở mắt nhìn người thiếu phụ xinh đẹp. Giờ này ông chồng đã đi làm từ bao giờ, mấy đứa con đã đi học. Bà chủ hình như mới ngủ dậy. Nhưng chắc không phải, bởi tóc tai chải bới gọn gàng như thế kia. Nghĩ tới ông chủ nhà bắp thịt nở nang, tập tạ đều đặn, cuối tuần hay sách súng đi săn, nó quyết định nhắm mắt lại,

— Tôi không sao! Cám ơn bà chủ.

Nguyên một ngày dài, nó nằm trong phòng liệt giường liệt chiếu, không ăn uống chi. Ngày đầu tiên trong cuộc đời, nó không hút một điếu thuốc. Người nóng sốt. Mũi tắc nghẹn! Cổ đắng nghét! Tai lùng bùng! Siêu vi khuẩn cảm cúm kéo mền che nó kín mít từ đầu tới chân. Vicks DayQuil ru nó ngủ li bì. Nó mở mắt ra, gần 3 giờ chiều rồi. Lưỡi nó khô ran.

Nó nghĩ tới điếu thuốc. Nó nhìn lên bàn, gói thuốc Malboro đỏ hộp cứng đang nằm chờ đợi. Nó ho, ho liên tục, ho từng hồi, ho rách trời! Nó nhớ tới lần ho ra máu, mầu máu đỏ tươi vẫn còn đỏ đậm trong đầu như mầu đỏ của gói thuốc Malboro. Nó nghĩ tới ung thư phổi. Tóc rụng xơ xác, da bủng xanh xao, thân thể gầy còm, cổ co rút lại tương tự dân chết đói năm Ất Dậu 45. Nó nghĩ tới ung thư cuống họng với cái kèn thổi toe toe. Nó nghĩ về sức khỏe. Năm nào cũng bị cúm bị cảm. Nó nghĩ về ba người con gái đã đi ngang qua cuộc đời, đặc biệt là người thứ ba. Nhớ tới khuôn mặt của người con gái thứ ba, nó quyết định cầm gói thuốc lên. Mở cửa phòng, nó lê những bước chân chầm chậm ra nhà bếp, những bước chân hụt hẫng trên mây trên khói. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ, nắng vàng mùa thu xanh xao bệnh hoạn. Nó bước tới, quẳng gói thuốc vào thẳng trong thùng rác, miệng nói,

— Vĩnh biệt người tình.

Bà chủ nhà đang nấu cơm, nhìn nó,

— Chú đã đỡ chưa!

Thấy dáng điệu mệt nhọc của người thuê phòng, người đàn bà tiếp tục,

— Mặt chú xám đen à. Ðể tui cạo gió cho.

— Cám ơn bà chủ.

— Hay để tui nấu cháo nhé. Cả ngày hôm nay chú đã ăn chi đâu.

— Cám ơn. Nhà còn nước cam không bà chủ?

Bà chủ mở tủ lạnh, lấy bình nước cam đưa cho nó.

— Chú cầm lấy mang về phòng đi. Chút nữa tui ra chợ mua thêm. Đến là khổ, đang vợ chồng ngon lành…

Nó cầm lấy bình nước cam đi thẳng về phòng. Nó uống thuốc cúm với nước cam. Thuốc ngủ của Vicks DayQuil thấm tan trong máu; máu đưa thuốc ngủ lên đầu; đầu chằng chịt giây thần kinh; giây thần kinh giật chuông gõ trống toàn thân; toàn thân tê tê như bị điện giật. Cứ thế nhộng mơ màng, tiếp tục chết đi trong kén.

Ngày thứ Bẩy, sáng sớm nó thức dậy. Nhìn qua cửa sổ, tuyết mỏng manh đầu mùa bay nhè nhẹ ngoài trời phản chiếu ánh sáng vàng vọt của đèn đường. Mỏi mệt, nó nhìn lên bàn. Gói thuốc Malboro đỏ đã biến mất. Nó nhớ lại tối thứ Năm, biết là đau, thế mà vẫn còn hút thuốc. Nó chép miệng thở dài, không đau nặng cũng uổng đời. Nó nhớ lại chiều hôm qua đã mang gói thuốc Malboro đỏ ra chôn sống trong thùng rác của nhà bếp.

Nó trằn trọc trên giường, đầu óc liên tưởng tới gói thuốc đỏ tươi đầu lọc thơm mùi thuốc lá. Nó lưỡng lự, ngồi dậy, chân đặt trên giường, chân chạm mặt đất. Nó nuốt nước miếng. Nó chép miệng, “Hút thêm một hơi nữa thì đã chết thằng tây nào! Một hơi nữa thôi, rồi sẽ lại bỏ. Không hút nữa”.

Nó quyết định chui ra khỏi giường. Nó nhón gót đi ra nhà bếp, mở thùng rác tìm kiếm. Bà chủ nhà đã thay bao rác mới. Như vậy gói thuốc còn mấy mười điếu của nó phải nằm bên ngoài sân nhà. Nó vén rèm cửa nhìn ra. Những bao rác nằm xếp lớp bên ngoài đã biến mất. Nó thầm kêu, “Khổ rồi, sáng nay, thứ Bẩy, Sở Vệ Sinh đã tới nhà hốt rác mang đi”. Nó nghĩ tới tiệm tạp hóa 7-Eleven đầu đường mở cửa cả ngày. Nó nghĩ tới chùm chìa khóa để trên mặt bàn trong phòng có cái chìa khóa xe hơi Toyota trong đó. Nó nghĩ tới tiền lương mới được lãnh. Nó nghĩ tới cục đàm xanh có máu đỏ trên miếng giấy lau tay mầu trắng. Nó nghĩ tới cái kèn thổi toe toe. Nó nghĩ tới người con gái thứ ba đã đi sâu vào trong cuộc đời của nó. Tự ái con trai nổi lên, nó cảm thấy mình hèn! Có một điếu thuốc lá mà cũng phải hốt hoảng lật từng bao rác kiếm mẫu thuốc thừa! Chỉ vì một hơi thuốc mà mặt dày như mo cau đứng ngay ngã ba đường chìa tay xin thuốc. Thật đúng là bán linh hồn cho quỷ! Nó nuốt nước miếng xuống cổ, quay đầu bỏ đi thẳng về phòng. Nó nhìn lên mặt bàn, đồng hồ đỏ tươi con số 5:00.

Năm giờ sáng rồi.

Ðã hơn một ngày chất ni-cô-tin không còn được bơm vào người. Hai ngày rồi nó không ăn một hột cơm. Nó lại đi ra nhà bếp. Bây giờ nó mới nhận ra đôi chân cò hương khẳng khiu của nó như đang phất phơ bước đi trong mây trong gió. Người nó tê tê như bị điện giật tưng tưng. Nó không hiểu tại sao lại tưng tưng? Tại thuốc Vicks DayQuil hay tại mạch máu đói khát chất ni-cô-tin đang dẫy dụa gào thét đòi ăn đòi hút? Nó đổ nước nóng vào tô mì. Hơi nóng quyện vào hương mì bay tỏa lên mũi. Nó ngửi được mùi mì thơm, vị hành khô nồng nàn. Đợi thêm ba phút nữa, nó nhấc đôi tay lên. Sao đôi tay lại run run mềm oặt như không còn sức sống. Nó lọng cọng, loay hoay, sửa tới sửa lui đôi đũa như người tây phương mới biết cầm đũa, rồi ngớ ngẩn đẩy những sợi mì vào ngay hai lỗ mũi không vương mùi thuốc lá! Sợi mì rơi thẳng vào tận sâu trong lỗ mũi khiến nó nghẹt thở. Nó cong lưng xuống ho bắn ra sợi mì… Nhìn sợi mì màu vàng, nó lắc đầu lẩm bẩm trong miệng,

— Mát rồi! Mát nặng!

Con Bướm

Ngày Chúa Nhật, nó mở mắt ra. Nắng bình minh của ngày cuối tuần rực rỡ chiếu xiên qua khung cửa. Cơn sốt hình như biến mất. Nó vô phòng tắm, đổ xà-bông mùi trái dâu vào bồn, mở nước nóng. Mùi xà bông trái dâu ngào ngạt bay lên thơm ngát hai lỗ mũi, hai lỗ mũi không bị khói thuốc vàng bám phủ gần ba ngày rồi.

Có tiếng gõ cửa phòng tắm. Nó làm lơ không thèm trả lời. Nằm trong bồn nước nóng, nó mơ màng nghĩ tới cánh đồng mùa xuân với những cánh bướm nhởn nhơ tung bay trên thảm cỏ. Có một thời nó là con sâu, lông lá lởm chởm xấu xí. Có một thời nó làm nhộng, chết lặng lẽ trong tổ kén. Bây giờ nó quyết định cắn tổ kén, chui ra làm bướm. Nó mở cửa phòng tắm, bước ra ngoài. Hơi nóng bay tỏa mịt mờ như khói thuốc trong những quán bi-da. Mặt trời chiếu xiên xiên ngang qua hơi nước óng ánh mầu sương sớm. Nó nhìn quanh. Bà chủ nhà bước tới nhìn nó, nhìn hơi nước mịt mờ,

— Chú mới tắm với nước nóng phải không?

Nó khó chịu. Đến là khổ! Tiền nhà 350 đồng một tháng bao điện nước, nó móc bóp trả đều đặn. Bà chủ nhà Kim Hoa Bà Bà tính tình hâm hâm khi nóng khi lạnh ưa xót tiền điện, tiếc tiền gas, ngại tiền nước. Mỗi lần biết nó tắm nước nóng, người đẹp đi tới lui nhìn ngó hơi nước bốc mịt mờ trong phòng tắm. Gần một năm chịu đựng. Giờ này tức nước vỡ bờ. Nó nghĩ chắc phải nói một lần cho xong, nếu không cả đời ấm ức. Nó muốn nói dạ tôi mới tắm với nước nóng xong, có chuyện chi không bà chủ Kim Hoa Bà Bà...

— Đúng rồi. Chú đang bệnh. Tắm nước nóng thì tốt nhất. Sao không nói, tui nấu nước nóng với sả cho chú tắm luôn.

Nó ngỡ ngàng nhìn. Người đàn bà tiếp,

— Hai ngày rồi, thấy chú đau nằm trong phòng, không ăn không uống chi hết. Tui tính nấu cháo cho chú, nhưng hỏi, chú cứ lắc đầu quầy quậy. Sáng nay đi chợ, tui ghé qua tiệm phở mua cho chú một tô xe lửa. Chú tắm xong, ăn phở nóng đi!

Nó tiếp tục ngỡ ngàng, bà chủ không những đẹp người mà lại còn đẹp nết, nhìn giống y như thiên thần.

Bước vào nhà bếp, nó nhìn thấy tô phở nóng bốc hơi quyến rũ chờ đợi trên bàn. Nó ngồi xuống. Bà chủ nhà cũng kéo ghế ngồi xuống, phía đối diện, ngón tay gãi gãi trán,

— Chú vẫn còn liên lạc với vợ chú hay không?

— Dạ có.

— Thấy chú ốm đau mấy ngày rồi, tui tính báo cho cô ấy biết. Nhưng tui đâu có số điện thoại của vợ chú.

Bà chủ nhà nhìn, ánh mắt dò hỏi,

— Nếu có dịp, tui sẽ cố gắng nói thêm cho mấy nhời…

Nó cười nhẹ. Người đàn bà đẹp người tốt bụng đâu biết tại sao vợ nó bỏ đi hơn một tháng rồi. Dám bà ta tưởng vợ nó bỏ đi theo trai. Tầm bậy! Cũng tại vợ nó đang có thai. Nàng nói,

— Anh à! Anh có hút thuốc hay không, em vẫn thương anh, em vẫn là vợ anh; nhưng, em nói rồi, nếu anh chết vì thuốc lá, em sẽ coi anh như là một dĩ vãng. Nhưng bây giờ thì lại hơi khác. Anh biết em có thai hơn một tháng. Em ngửi mùi thuốc của anh cũng không sao. Nhưng con trong bụng, nó không đi đâu được. Nằm trong bụng em, nó bị ép ngửi khói thuốc của anh. Trong thời gian em có thai, anh tạm ngưng hút thuốc đi. Mai mốt sanh con xong, anh muốn làm gì thì làm.

Nó không chịu. Hai vợ chồng nói qua nói lại mấy câu. Thế là vợ nó bỏ về nhà ở với bố mẹ. Vợ nó nói khi nào em sanh xong, con cứng cáp, em sẽ quay về.

Nó nhìn tô phở cạn nước không còn một sợi phở dưới đáy. Nó cảm thấy khỏe hẳn ra. Cảm cúm hình như biến mất. Nó nhìn bà chủ, cười, nói,

— Cám ơn bà chủ, tô phở ngon quá!

www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Tình Yêu Trên Cao
Đức Nguyên
18:46 15/02/2008

TÌNH YÊU TRÊN CAO



Ảnh của Đức Nguyên - Paris

Tình yêu Chúa bao la hơn biển lớn

Chất ngất hơn trời cao, lấp lánh muôn vì sao…

(Trích ca khúc Nguyện Chúa Thương Con của Đức Nguyên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền