Ngày 13-02-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:01 13/02/2024

32. Thời gian tạ ơn sau khi rước lễ, là thời gian được thánh sủng quý báu.

(Chân phước Alvarez of Cordova)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:04 13/02/2024
78. TẤM BIA CỦA HÁN SƠN

Dũ Tín là nhà văn học nổi tiếng của thời nam bắc triều, được Lương Minh đế phái đi sứ Bắc Châu, ông ta rất thích “bia Hán Sơn” của nhà văn học bắc Ngụy là Ôn Tử Thăng đã trước tác.

Có người hỏi ông ta:

- “Bắc phương như thế nào?”

Dũ Tín nói:

- “Chỉ có một tấm thạch của Hán Sơn (tức là bia Hán Sơn) là có thể kết bạn, còn những cái khác thì nghe đâu cũng giống như lừa kêu chó sủa mà thôi !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 78:

Thương rồi thì dù xấu cũng trở thành đẹp, thích rồi thì có hư cũng thành tốt, đó là “mãnh lực của tình yêu” vậy.

Phương bắc chắc chắn là có rất nhiều phong cảnh và những cái đẹp, nhất là có nhiều người hay người giỏi để kết làm bạn thân hơn là tấm “bia Hán Sơn” của Ôn Tử Thăng, nhưng Dũ Tín chỉ thấy mỗi một tấm bia thạch của Hán Sơn là đẹp nhất mà thôi vì ông ta là nhà văn học...

Cũng có những lúc người Ki-tô hữu thấy việc luật buộc đi lễ ngày chúa nhật là một cực hình cho họ, nhưng họ lại không thấy những ơn ích to lớn mà họ được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua việc tham dự thánh lễ ngày chúa nhật; đôi lúc, người Ki-tô hữu cũng thấy thánh lễ nó rườm rà hết phần này qua phần nọ, hết đứng lại quỳ, không như các giáo phái tin lành họp nhau lại ngày chúa nhật hát hò, chia sẻ Thánh Kinh và giải tán, nó đơn giản ngắn ngủi, nhưng họ không biết rằng đó không phải là một thánh lễ diễn lại thánh lễ trên đồi Golgotha mà Đức Chúa Giê-su đã cử hành, đơn giản nó chỉ là một cuộc hội họp tôn giáo như những buổi hội họp cầu nguyện chia sẻ Lời Chúa mà thôi...

Chỉ thấy cái mình thích trước mắt rồi cho nó là số một, còn những thứ khác mình chưa thấy thì cho là giống lừa kêu chó sủa mà thôi thì quả là thiển cận và ngạo đời, không giống tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm và không giống như người hiểu biết đạo lý của Giáo Hội Công Giáo.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Tư Lễ Tro (Năm B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 13/02/2024
THỨ TƯ LỄ TRO

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là thứ Tư Lễ Tro, là ngày bắt đầu vào mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ngày hôm nay thực hành hai việc: giữ chay sám hối và thực thi bác ái.

Về vấn đề giữ chay và sám hối, thì chúa nhật tuần qua (trong bài giáo lý) tôi đã nói rõ ràng và cụ thể, tuy nhiên, hôm nay tôi cũng nhắc lại vài điểm chính để cho mỗi người thấy rõ việc ăn chay và sám hối là quan trong như thế nào đối với linh hồn của chúng ta.

“Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”.

“Xé lòng” tức là hy sinh, là bỏ đi ý riêng của mình cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, như thánh vịnh đã nói: “Ngày hôm nay các ngươi hãy nghe tiếng Chúa và đừng cứng lòng nữa”. Bởi vì trong cuộc sống, chúng ta đã nghe tiếng Chúa quá nhiều, nhưng chưa lần nào chúng ta thực hành ý Chúa trong cuộc sống đời thường của mình, do đó, mùa chay là dịp và là cơ hội để mỗi người trong chúng ta thực hành ý muốn của Thiên Chúa là sám hối ăn năn và thực thi bác ái trong cuộc sống của mình.

Trong ngục tù không một tội nhân nào được đối xử ngang hàng bình đẳng như những người ở ngoài nhà tù, tức là những người tự do, trong nhà tù họ ăn cơm đạm bạc, thiếu thốn mọi bề...

Cũng vậy, chúng ta đều là những tội nhân của lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta không được như những người tự do –lành thánh- xứng đáng đón nhận từ ân huệ này đến ân huệ khác của Thiên Chúa, chúng ta chỉ có một việc phải làm, đó là sám hối tội lỗi của mình bằng chay tịnh hãm mình dẹp xác, bởi vì –xét cho cùng- chính thân xác là đối tượng và nguyên cớ khiến cho tâm hồn chúng ta phạm tội.

Ăn chay tức là tiết chế sự ăn uống để thân xác phục tùng ý chí.

Thân xác phục tùng ý chí tức là làm những việc mà thân xác “không thích” làm, như thức dậy sớm để đi dâng lễ, như làm một vài việc bác ái hy sinh mà thân xác “rất sợ” làm...

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay ma quỷ ra sức cám dỗ chúng ta, bởi vì mùa chay là khung cảnh không gian và thời gian mà con người nhìn nhận ra những tội lỗi của mình khi suy đến sự đau khổ và sự chết của Đức Chúa Giê-su đã chịu vì tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta từ bỏ cái gì thì ma quỷ sẽ dùng những thứ ấy để cám dỗ lại chúng ta: ngày hôm nay chúng ta ăn chay, ma quỷ đem việc ăn uống lại cám dỗ chúng ta như là thích ăn những thứ mà ngày thường chúng ta không thèm ăn, hôm nay tự nhiên chúng ta thèm uống một ly cà phê, thèm ăn miếng thịt bò, tự nhiên hôm nay cảm thấy rất mau đói mà thường ngày có thể nhịn ăn.v.v...

Chúng ta không thể chống trả nổi với cơn cám dỗ nếu không có ơn Chúa giúp, do đó, trong ngày hôm nay, cũng như trong suốt mùa chay và cả cuộc đời, chúng ta luôn trông cậy vào lòng nhân từ của Chúa qua bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, để chúng ta mạnh dạn chống trả với cơn cám dỗ xảy đến cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Cầu xin Đức Mẹ Ma-ri-a luôn gìn giữ chúng ta trong an bình cũng như trong thử thách ở đời tạm này.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thân phận con người
Lm Phan Văn Lợi
03:22 13/02/2024
CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY NĂM B : MC 1,12-15

Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng
”.



THÂN PHẬN CON NGƯỜI

Người Eskimô ở Bắc cực có một cách bẫy chó sói rất độc đáo, để lấy bộ lông làm áo mà mặc. Thợ săn mài một con dao thật sắc, lưỡi dao mỏng và bén đến độ chỉ cần vuốt nhẹ là cắt da lòi thấu xương. Họ nhúng con dao ấy vào trong máu súc vật, rồi đem ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại. Họ làm như thế nhiều lần cho đến khi con dao bọc toàn máu. Khi trời nhá nhem tối, họ đem nó ra cắm ngoài cánh đồng tuyết mênh mông. Với cái mũi rất thính của mình, con sói Bắc cực đánh hơi được ngay mùi máu tươi đông lạnh. Nó vội vàng chạy tới liếm lấy liếm để, liếm tới tấp, liếm điên cuồng cho đến khi lưỡi nó đã bị dao cắt đứt mà vẫn sung sướng liếm dòng máu tươi, không hề biết mình đang liếm máu của chính mình. Càng say máu, sói càng liếm cuồng điên cho tới khi kiệt sức rồi lăn ra chết.

Con vật đã bị cám dỗ như thế. Con người lại càng bị cám dỗ hơn. Mang lấy thân phận loài người, Đức Giê-su cũng đã không thoát khỏi tình cảnh tương tự. Mỗi năm, cứ đến Chúa nhật thứ I Mùa Chay, chúng ta lại đọc thuật trình về việc Người bị Xa-tan cám dỗ. Mát-thêu và Lu-ca trình bày khá dài dòng giai thoại này như một cuộc đọ sức mà hai bên đều dùng lời Cựu Ước để tranh thắng bại. Riêng Mác-cô thì đã khéo léo tóm lược trong hai câu, vừa vắn gọn lại vừa đầy đủ, nhất là đã mở ra một viễn ảnh to lớn.

1. Chiến đấu và chiến thắng

Mác-cô kể lại cuộc cám dỗ rất nhanh nhẹn bằng cách trình bày bốn nhân vật (Thần Khí, Đức Giê-su, Xa-tan, các thiên sứ) và bốn hành động : Thần Khí thúc đẩy Đức Giê-su vào hoang địa, Xa-tan cám dỗ Người, các thiên sứ hầu hạ Người, Người sống giữa loài dã thú đã trở nên thân thiện. Nhưng không phải vì vắn gọn như thế mà trình thuật chẳng nói lên được gì.

Sau khi nhắc đến cuộc cám dỗ bằng một câu hết sức sơ sài, Mác-cô công bố theo cách của mình cuộc khải hoàn của Đức Giê-su trên quyền lực sự dữ : “Người sống giữa loài dã thú”. Đây là một cách nói Đức Giê-su khai mở thời đại cứu thế mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo từ bao thế kỷ : “Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6). Đấng Mê-si-a xuất hiện như một con người mới, sống hòa hợp tuyệt vời với trời cao cũng như đất thấp. Thần Khí trong Người đã đẩy Người tới những chiến thắng khiến trái đất trở lại như thuở ban đầu : một địa đàng trong đó mọi sự đều hài hòa tốt đẹp.

Chỉ với một câu văn thôi mà thánh sử Mác-cô đã trình bày được một cuộc lật ngược ngoạn mục : một Đức Giê-su bị cám dỗ trong hoang địa trở thành một Đức Giê-su ngời sáng trong một vũ trụ hòa hợp và đẹp xinh. Đó là tạo thành mà Thiên Chúa yêu quý. Một Đức Giê-su toàn thắng sự dữ, trong một thế giới được hòa giải với Thiên Chúa và với chính mình. Ở đó ta tìm thấy toàn bộ Thánh Kinh, toàn bộ lịch sử của nhân loại. Chỉ trong vài hàng chữ đầy hoài niệm Cựu Ước, ta thấy nổi lên nguồn hy vọng vượt khỏi tầm mức con người.

Đức Giê-su ở trong hoang địa 40 ngày chịu Xa-tan cám dỗ. Thế rồi, báo trước buổi bình minh Vượt qua, Người sống an hòa với mãnh thú, và các thiên sứ từ trời xuống hầu hạ Người. Hoang địa, một vùng đất mênh mông đầy thế lực thù nghịch, cuộc sống luôn bị thần chết đe dọa. Tuy nhiên tình thế ấy đã bị Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người đến lật ngược. Người đã trả lại cho vũ trụ ra méo mó dung mạo của Thiên Chúa, và cho Thiên Chúa một vũ trụ có dung mạo xinh đẹp. Thần Khí bay lượn trên miền đất khô ráo và kìa Đấng Hằng Sống chỗi dậy trong một khu vườn xanh tươi, nở đầy hoa. Bức phù điêu khắc hình A-đam, một A-đam đau khổ vì sống trong sự xung khắc với chính Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình, đã lật sang mặt kia có hình Đức Ki-tô đang ngồi giữa bầy dã thú đã trở nên như chiên cừu, trong một khung cảnh an bình hòa hợp. Địa đàng đã không bị đánh mất phía sau ta. Nó đang ở phía trước, và ta có thể tìm thấy nhờ cộng tác với Đức Giê-su và nhận lấy Thánh Thần.

Tóm lại, trình thuật về Đức Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa cho thấy : Người xuất hiện ở đây với tư cách Đấng thắng Xa-tan, thắng cơn thử thách và thắng cơn cám dỗ. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng đó là Đức Giê-su sống giữa loài dã thú và được các thiên sứ hầu hạ phục vụ. Được các thiên sứ phục vụ có nghĩa là được Thiên Chúa che chở (x. Tv 91,11-13) và hòa hợp với tất cả tạo thành trong tư cách Đấng Mê-si-a (x. Is 11,6-9). Chiến thắng Xa-tan, Đấng Mê-si-a đã khai mạc một thời mới, thời thái bình đầy tình huynh đệ, trong đó mọi nỗi hận thù đều tan biến.

2. Chiến đấu để chiến thắng

Thế nhưng ý tưởng “cám dỗ”, vốn đã được trình bày sơ sài (Xa-tan như bị lép vế giữa Thánh Thần và các thiên sứ !), ý tưởng đó lấy lại sức mạnh của nó ngay từ lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su : “Anh em hãy sám hối!” Cuộc sống của con người trên trái đất sẽ luôn luôn là một trận chiến chống lại cám dỗ, một nỗ lực hoán cải trường kỳ.

Đức Giê-su đã không đến để lôi chúng ta khỏi cuộc chiến ấy, xin Người như thế chẳng phải là một lời cầu nguyện tốt đẹp. Người đã đến “để chúng ta được sống dồi dào” (Ga 10,10), điều này kéo theo nhiều cuộc đấu tranh kiên trì chống lại thói kiêu căng, những lo lắng kiểu dân ngoại và tính dục hỗn loạn bừa bãi, vốn mang một bộ mặt hấp dẫn nhưng che giấu những nguy hiểm chết người không kém con dao bọc máu của tay thợ săn Bắc cực. Các cuộc chiến đấu ấy sẽ chỉ kết thúc khi ta trút hơi thở cuối cùng.

Trước hết, nó mang dáng vẻ một cuộc biến đổi rõ ràng. Ra khỏi một buổi giảng thuyết, một giờ suy niệm, một cuộc tĩnh tâm, bị một cơn bệnh, một cái tang đánh động hay một tình yêu bắt lấy, ta khám phá thấy mình đã từng sống tệ hại và thật sự quyết tâm thay đổi. Có thể xác định thời điểm của cuộc chuyển hướng, quay đầu này. Cuộc sống của vài người hoán cải, qua sự thay đổi lớn lao, tượng trưng cho cái xảy đến với chúng ta cách bé nhỏ hơn nhiều : người ta cuối cùng đã nói vâng trước Thiên Chúa.

Nhưng đoạn tiếp sau đó lại gây chán nản. Nơi những con người hoán cải đích thực, sự thay đổi đứng vững, họ ngày càng lên cao. Phần chúng ta thì rơi vào lại trong cái tầm thường, hay thậm chí vào lại trong sự dữ. Cuộc hoán cải của chúng ta chỉ là một cơn sốt thánh thiện nhỏ bé.

Điểm yếu nằm ở chỗ nào? Phải chăng chúng ta là những kẻ tầm thường, hèn nhát không sửa được? Đúng hơn, chúng ta là những kẻ chẳng nghe Tin Mừng cho nên, nhất là khi bản văn quá ngắn, như bản văn đang nghiên cứu, và có nguy cơ bị xuyên tạc. Đức Giê-su bảo : “Anh em hãy sám hối… và tin vào Tin Mừng”. Chỉ lấy nửa câu là làm hỏng tất cả, người ta sẽ tiếp tục sống với niềm mơ ước sám hối và chẳng có gì hơn nữa. Có lẽ nên thay đổi một chữ để nêu bật mạnh mẽ mối liên hệ cần thiết : “Anh em hãy sám hối bằng cách tin vào Tin Mừng”.

Tin. Trước hết là tin. Trước hết không phải là xăn tay áo song là tin rằng Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, trong tầm tay, với Đức Giê-su Ki-tô, và rằng Tin Mừng là một Tin Mừng thật sự : toàn thể thế giới có thể được Đức Giê-su Ki-tô cứu thoát. Dù bạn là ai và hoàn cảnh hiện tại của bạn thế nào, bạn cũng có thể được Đức Giê-su Ki-tô cứu thoát. Ơn rỗi này đã được ban tặng. Nếu tin điều ấy, bạn sẽ được rỗi.

Nhưng ta chớ bẻ đôi lời công bố của Đức Giê-su theo một cách khác cũng tai hại : tin vào Tin Mừng… mà chẳng xăn tay áo. Tin Mừng cho chúng ta hay từ nay mọi sự đều khả dĩ, và thành thử người ta có thể dấn thân vào. Phải dấn thân !

Điều tuyệt diệu, đó là ta chẳng còn phải chiến đấu đơn độc, trái lại được bảo đảm rằng mình có thể thắng. “Các thiên sứ hầu hạ Người”. Các thiên sứ sẽ phục vụ chúng ta, còn các thú dữ sẽ yên ngủ. Các cuộc hoán cải của chúng ta đã từng thất bại vì chúng ta đã từng bơi trong thói duy chí ngây thơ hay kiêu hãnh : “Tôi muốn sám hối !” Không, phải nói : “Xin Chúa giúp con muốn, rồi con sẽ muốn với Ngài và nhờ Ngài”. Một cuộc hoán cải chân thực là một kinh nghiệm về Triều đại Thiên Chúa, là sự khám phá sống động rằng tất cả đều có thể nếu tất cả đều được cầu xin. Nói : “Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi” là nói : “Bạn có thể cầu xin”. Vậy hãy xin nào, cố gắng xin nào. Hãy chiến đấu với Chúa Ki-tô để chiến thắng !
 
Những hình thức chay tịnh mới
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:41 13/02/2024
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
St 9,8-15; 1 Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
NHỮNG HÌNH THỨC CHAY TỊNH MỚI

Mùa Chay thánh là thời gian tập luyện nhân đức. Tin Mừng hôm nay bắt đầu với những lời này:
“Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ” (Mc 1,12).

Hôm nay, chúng ta không tìm hiểu về Xatan và những cám dỗ, nhưng sẽ tập trung vào câu đầu tiên: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.” Câu này chứa đựng một lời mời gọi quan trọng để bắt đầu Mùa Chay. Chúa Giêsu vừa nhận sứ vụ qua phép rửa tại sông Giođan để rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Nhưng điều này không phải là điều phải làm ngay. Trái lại, theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Người đi vào hoang địa ở đó bốn mươi ngày, ăn chay, cầu nguyện, suy niệm và chiến đấu. Tất cả những điều này diễn ra trong sự cô tịch và thinh lặng sâu xa.

Trong lịch sử đã có nhiều đoàn người nam-nữ bắt chước Chúa Giêsu quyết đi vào sống trong sa mạc. Ở Đông Phương, bắt đầu với thánh Antôn ẩn tu, nhiều người bắt chước ngài đã lui vào trong sa mạc ở Ai Cập và ở Palestina để sống đời cô tịch và chay tịnh; ở Tây Phương, vì không có những sa mạc cát trắng, người ta lui vào trong những nơi cô tịch, trên núi và thung lũng xa. Bắt đầu với thánh Bênêđictô thành Norcia, là người đã lập đan tu đầu tiên ở Subiaco. Ngài cũng là người đã đóng góp quyết định cho sự phát triển văn hóa Châu Âu và nông nghiệp với châm ngôn sống: ora et labora, cầu nguyện và làm việc. Vì thế, ngài được chọn là quan thầy của Châu Âu.

Nhưng lời mời gọi theo Chúa Giêsu vào sa mạc không chỉ được gửi đến với các đan tu và những độc tu. Trong hoàn cảnh khác nhau, đó là lời ngỏ tới mọi người. Các người đan tu và độc tu đã chọn lựa một nơi trong sa mạc, chúng ta cũng phải chọn cho mình một thời gian sa mạc để rút mình trong thinh lặng nội tâm, làm rỗng chính mình, nhờ đó chúng ta tìm lại sức mạnh nội tâm, thoát khỏi sự ồn ào và náo nhiệt bên ngoài để đi vào gặp gỡ với những nguồn mạch sâu xa nhất trong chúng ta.

Kinh Thánh luôn đề cập đến ý nghĩa tích cực này của sa mạc, khác với ý nghĩa tiêu cực về nơi chốn hoang vu, không sự sống, không có sự liên lạc. Chẳng hạn, khi Thiên Chúa nói về dân mình như là một người vợ:
“Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).

Mùa Chay là cơ hội mà Giáo Hội ban cho mỗi người để sống một thời gian sa mạc nội tâm mà không cần phải đi vào nơi hoang địa, để thanh lọc tâm hồn khỏi những ô nhiễm từ môi trường sống hôm nay.

Ngày nay, con người đã bắn vào vũ trụ những máy dò để dò ngoại vi của hệ mặt trời, nhưng lại không nhận biết những gì diễn ra trong trái tim mình. Con người không biết mình. Con người né tránh và sao nhãng với mình, đùa giỡn với mình: đó là những lời hướng dẫn chúng ta thực hiện một cuộc ra khỏi mình, thoát khỏi sự giả tạo của cuộc sống. Bởi vì, chúng ta thích sống trong sự ảo tưởng hơn là trong thực tại. Hôm nay, người ta nói nhiều về sự “vong thân” hay vong ngã khi đánh mất chính mình.

Cuộc sống hôm nay có quá nhiều âm thanh ồn ào ru ngủ con người. Những người trẻ là những người thích ồn ào. Ngày xưa vua Pharaô nói với người trẻ Do Thái rằng:
“Chúng là quân lười biếng, vì thế mà chúng hô lên: Nào chúng ta đi tế lễ Thiên Chúa chúng ta! Phải giao cho bọn người ấy những công việc thật nặng nhọc để chúng lo làm, mà khỏi chú ý vào những lời dối trá” (Xh 5,8b-9).

Những Pharaô ngày nay cũng nói tương tự như thế: “Hãy đưa những người trẻ vào trong sự ồn ào náo nhiệt, để họ không suy nghĩ, không cân nhắc, nhưng theo thời trang, mua những gì chúng ta muốn, tiêu thụ những sản phẩm chúng ta quảng cáo.”

Chúng ta phải làm gì và làm thế nào? Truyền thống Kitô giáo cho chúng ta câu trả lời với lời này: ăn chay. Có rất nhiều kiểu ăn chay. Đôi khi nói đến ăn chay, chúng ta nghĩ đơn thuần là ăn ít thức ăn và kiêng thịt. Nhiều người ăn chay để giảm cân, giữ eo và làm đẹp. Tin Mừng không khuyến khích chúng ta ăn chay theo kiểu đó, nhưng muốn chúng ta ăn chay kiêng thịt với một tinh thần hy sinh, diệt trừ tính mê ăn uống, sống tiết độ và nhất là dành phần của cải để chia sẻ với người đói khổ.

Tuy nhiên, ngày hôm nay, có một sự chay tịnh khác mà chúng ta cần làm hơn là kiêng ăn uống. Vì không có thức ăn nào tự thân là ô uế. Sự chay tịnh cần thiết nhất là sự chay tịnh khỏi tiếng ồn ào, náo nhiệt, và nhất là khỏi những hình ảnh xấu. Chúng ta đang sống trong một nền “văn minh hình ảnh.” Chúng ta trở thành những “con nghiện” hình ảnh. Qua tivi, báo chí, internet và cuộc sống, những hình ảnh đi vào trong tâm trí chúng ta. Nhiều hình ảnh xấu, bạo lực, lừa đối và dâm ô đã làm ô nhiễm ký ức tâm hồn. Đó là những hình ảnh đầy cám dỗ. Chúng tạo nên trong chúng ta những ý tưởng sai lầm hay thế giới ảo về cuộc sống. Những hậu quả của chúng tác động trên chính cuộc sống, tư tưởng và hành động chúng ta.

Nếu chúng ta không tạo ra một thứ máy lọc hay ngăn ngừa, thì không lâu tâm hồn chúng ta cũng bị “trần tục hóa.” Những hình ảnh xấu lưu lại trong chúng ta, trong ổ nhớ ký ức, chúng tác động vào trong tiềm thức, ước muốn, nhu cầu bên trong và thúc đẩy chúng ta bắt chước, hành động, chúng làm giới hạn tự do chọn lựa của chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ nô lệ của những đam mê xấu. Những hình ảnh xấu gây nên những tác hại lớn lao đối với mọi người, nhất là đối với người trẻ và trẻ em. Chúng thúc đẩy làm theo những gì đã nhìn thấy.

Bởi thế, chúng ta cần phải biết làm chủ bản thân, giữ ngũ quan và kiểm soát cả những gì lọt qua mắt và đi vào tâm trí. Thiên Chúa sáng tạo chúng ta có đôi mắt để nhìn, nhưng Người cũng sáng tạo chúng ta có lý trí để phân biệt tốt xấu, làm hay không làm.

Ngoài những điều trên, chúng ta còn phải biết “chay tịnh” việc nói xấu nói hành. Thánh Phaolô yêu cầu:
“Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29).

Những lời nói hành, nói xấu, chỉ trích trong cộng đoàn và gia đình làm cho mỗi người khép kín trong chính mính, tạo ra bầu khí đố kỵ, thù địch và giận ghét nhau. Thánh Giacôbê cũng lưu ý với chúng ta về sự nguy hiểm của ba tấc lưỡi.

Như thế, bước vào Mùa Chay thánh, chúng ta không thể đi vào sa mạc, nhưng chúng ta có thể tạo nên một sa mạc xung quanh mình để sống tĩnh lặng, thoát khỏi sự ồn ào, náo nhiệt cuộc sống, loại bỏ những gì bên ngoài lôi kéo, để tìm kiếm chính Thiên Chúa và những điều tốt lành đến từ Người.

Ước gì Chúa Thánh Thần, Đấng đã dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, xin Người cũng hướng dẫn và trợ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lại sự dữ và các chước cám dỗ, để chúng ta chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh với một tâm hồn được hoàn toàn đổi mới. Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
07:09 13/02/2024

BÀI ĐỌC 1  Ge 2:12-18

Bài trích sách ngôn sứ Giô-en.

Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”

Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.

Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng:

“Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?”

Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  2Cr 5:20-6:2

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  

Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.

TIN MỪNG  Mt 6:1-6,16-18

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”

Đó là Lời Chúa.
 
Xót Thương, tất cả chỉ có thế
Lm. Minh Anh
15:04 13/02/2024

XÓT THƯƠNG, TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ!
“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!”.

“Khi nói về thiên đàng, hãy để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời! Khi nói về địa ngục, bạn cứ để tự nhiên, khuôn mặt bạn đã làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi xuống; cúi xuống để biết phận mình, phận của những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Đấng Xót Thương, tất cả chỉ có thế!” - Charles Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’; và Mùa Chay, Mùa Xót Thương, tất cả cũng chỉ có thế! Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ nói ngần ấy. Vì thế, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” - Thánh Vịnh đáp ca - bạn đang kéo ghì Chúa xuống, xin Ngài tiếp tục xót thương!

Nói đến Mùa Chay, bạn thường sợ hãi vì phải “từ bỏ một cái gì đó”. “Từ bỏ một cái gì đó?”. Đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn! Chúa Giêsu nói đến thực hành khổ chế qua bố thí, cầu nguyện và ăn chay - Tin Mừng hôm nay. Nhưng với chỉ ngần ấy, xem ra không đủ, vì Mùa Chay còn là mùa mời gọi đến với ân sủng hơn là mùa của những gánh nặng!

“Từ bỏ một cái gì đó” chỉ thực sự mang ý nghĩa khi biết ‘chìm hẳn’ vào lòng thương xót của Thiên Chúa ở một ‘mức độ sâu hơn!’. Đó là cởi bỏ những gì đang trói buộc hầu bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống mới. “Từ bỏ” đơn giản như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức về tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở ‘mức độ Chúa muốn’. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘một Ai đó’ thì đáng giá hơn gấp bội! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để hướng tới thiên đàng, “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!”.

Vậy mà trong cuộc sống, cảm xúc và ham muốn thường thao túng bạn và tôi; chúng điều khiển chúng ta một cách dễ dàng! Vì thế, thực hành khổ chế, từ chối bản thân sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các khuynh hướng rối loạn hơn là để chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ đối với đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn. Nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái và sống xót thương.

Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, bạn và tôi trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là ‘yêu’ như Ngài yêu; tự do để tình yêu chấp cánh cho linh hồn. Bấy giờ, chúng ta “xé lòng, trở về với Chúa” - bài đọc Gioel; “làm hoà với Ngài” - thư Phaolô. Được tình yêu chiếm hữu, việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn khó khăn!

Anh Chị em,

‘Xót thương, tất cả chỉ có thế!’. Xót thương là quà tặng miễn phí được trao ban cho chúng ta, “những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng”. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi suốt Mùa Chay này, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót, chúng ta xót thương nhau. Hãy biến mùa này thành mùa ân sủng! Đừng mắc kẹt với ý nghĩ, hy sinh là nặng nề; chúng là một phần thiết yếu trên con đường dẫn đến một cuộc sống mới mà Thiên Chúa muốn tặng ban, cuộc sống nên thánh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì ân sủng và lòng Chúa xót thương rửa sạch linh hồn con, khuôn mặt con… hầu nó rạng ánh thiên đàng, khi con tìm lại được những gì đã mất!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fiducia Supplicans và sự rõ ràng tín lý
Vũ Văn An
16:51 13/02/2024

Đức ông Hans Feichtinger, trên First Things, ngày 12 tháng 2, 2024, cho hay: Cách đây không lâu, những tài liệu của Vatican không đúng mục đích sẽ khiến ngài tức giận. Bây giờ, ngài thấy chúng giống như những sự kiện bi thảm. Đó là trường hợp của Fiducia Supplicans, một Tuyên bố mới được Bộ Giáo lý Đức tin ban hành gần đây. Mục đích của tài liệu này được cho là làm sáng tỏ các vấn đề gây tranh cãi và hàn gắn những rạn nứt trong sự hiệp thông Công Giáo. Nó thất bại ở cả hai mặt. Việc giáo dân và giáo sĩ trên toàn thế giới nhận được tài liệu này là một điềm xấu cho cách chúng ta xử lý các vấn đề gây chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo, những vấn đề đã gây chia rẽ trong các giáo hội khác.



Về mặt thần học, Fiducia Supplicans không phải là một tác phẩm hay bài viết hay. Về mặt tín lý, nó đứng trên những nền tảng yếu ớt; các điểm tham chiếu truyền thống và Kinh Thánh của nó còn yếu. Điều này có thể là do phiên họp thường lệ (Feria IV) của Bộ dường như không tham gia vào việc xây dựng và phê duyệt tài liệu, điều này rất bất thường đối với một tài liệu được cho là liệt vào hàng Tuyên bố. Bản văn này dường như là sản phẩm trí thức của Đức Hồng Y Fernandez, tân bộ trưởng của Bộ, cùng với một nhóm nhỏ các chuyên gia và nhân viên. Việc tham gia của các thành viên bình thường, các Hồng Y và giám mục của bộ, có thể sẽ trì hoãn việc công bố tài liệu, nhưng chắc chắn nó sẽ góp phần vào sự rõ ràng về mặt tín lý, phẩm chất thần học và sự tiếp nhận hiệu quả hơn của tài liệu trong và ngoài Giáo hội. Hơn nữa, cách hành động chủ tinh hoa này trái ngược một cách kỳ lạ với văn hóa đồng nghị được giáo triều Rôma bảo vệ. Một tiến trình đồng nghị hơn sẽ phục vụ tốt hơn cho Đức Giáo Hoàng, người mà thế giá chưa thực sự được củng cố sau toàn bộ vụ việc.

Nhưng những vấn đề này chỉ là thứ yếu so với điều đang bị đe dọa sâu xa nhất: sự rõ ràng của Giáo hội về bí tích hôn nhân và những gì nó thông ban, có ý nghĩa và đòi hỏi – mối quan hệ một vợ một chồng, trọn đời yêu thương và chung thủy giữa người chồng và người vợ sẵn sàng đón nhận hồng phúc con cái. Điều này được mặc khải ngay từ đầu Cựu Ước và được chính Chúa Kitô đưa ra ánh sáng đầy đủ trong Tin Mừng và các sách Tân Ước khác. Tín lý này đã được tiếp nhận và phát triển cùng với truyền thống thánh thiêng của Giáo hội.

Tuyên bố đề xuất một sự hiểu biết rộng hơn về các phép lành, đưa ra sự phân biệt giữa các phép lành phụng vụ và các phép lành tự phát. Sự phân biệt này có ý nghĩa phẩm trật, theo nghĩa là các phép lành phụng vụ dường như ở một cấp độ cao hơn, cả về những gì chúng đòi hỏi cũng như những gì chúng ban phát. Sự phân biệt như vậy không có tính thuyết phục ngay lập tức. Cuối cùng, nỗ lực của tài liệu nhằm phân biệt giữa việc chúc phúc cho một cặp và việc chúc phúc cho một cuộc kết hợp đã thất bại, về mặt luận lý, thần học và mục vụ. Thất bại này bao gồm sự so sánh căng thẳng và không thích đáng được tài liệu này giải thích giữa các cặp đồng tính và các cặp chưa kết hôn.

Fiducia Supplicans cũng mắc phải một sự hiểu lầm đáng tiếc, thậm chí đáng buồn, về cách các hình thức chung sống khác liên quan đến hôn nhân thánh thiện và ơn cứu rỗi. Ý định của nó dường như là tìm ra những cách thức mới, thậm chí là một thái độ hoàn toàn mới, để Giáo hội thích nghi với những người đang ở trong những mối quan hệ như vậy. Nhưng liệu giải pháp của nó có hứa hẹn như nó tuyên bố hay không thì vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, vì đây chủ yếu là một vấn đề mục vụ mà các quy tắc phổ quát không thể hình thành được. Bằng chứng nằm ở trong chiếc bánh pudding. Văn kiện này sẽ được phán đoán dựa theo việc làm của nó, được tuân theo ở những người bị ảnh hưởng trực tiếp và trong cộng đồng Kitô giáo lớn hơn. Tòa Thánh sẽ can thiệp như thế nào khi ngay cả những giới hạn rộng rãi do Tuyên bố này đưa ra cũng bị vi phạm?

Hơn nữa, Fiducia Supplicans dường như đã được xây dựng mà không quan tâm đầy đủ đến tác động của nó đối với một số Giáo Hội cụ thể, đặc biệt là các Giáo Hội đang phát triển và sôi động ở Châu Phi, trong đó thái độ chung đối với việc chung sống không kết hôn (hoặc thậm chí đồng tính) khá khác với nền văn hóa thống trị ngày nay ở hầu hết Châu Âu và Châu Mỹ. Những Giáo Hội này vẫn thấy mình nằm ngoài sự quan tâm và chăm sóc của Vatican. Các tín đồ và giáo sĩ châu Phi tiếp tục bị đối xử với thái độ trịch thượng và chủ nghĩa gia trưởng bởi những người chịu ảnh hưởng bởi các nền thần học được du nhập từ Châu Âu và Châu Mỹ, bao gồm phần lớn thần học “giải phóng”. Sự thiếu nhận thức và tôn trọng này đặc biệt nghiêm trọng khi được thể hiện bởi các nhà thần học người Đức, những người phô trương ý thức văn hóa được cho là của họ. Tôi cho rằng cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhóm tín lý của ngài đều không hài lòng với các chiến thuật được sử dụng bởi các giám mục (chủ yếu là người châu Âu), những người tuyên bố mình được tài liệu này chứng thực và tiếp tục thúc đẩy các phép lành bán phụng vụ, do đó làm suy yếu một trong những ý định chính của nó.

Đằng sau những vấn đề về nội dung và phong cách, về chất liệu và hình thức, là ý định tự tuyên bố của tài liệu nhằm xây dựng một thực hành ban phép lành dựa trên “tầm nhìn mục vụ” của chính Đức Giáo Hoàng. Không ai nghi ngờ sự cam kết và năng lực của Đức Thánh Cha trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Đức ông Feichtinger vẫn không bị thuyết phục trong việc cho rằng đây là một ý tưởng hay để Đức Giáo Hoàng mở rộng phạm vi thẩm quyền chính thức của mình vượt quá tín lý và kỷ luật, đồng thời yêu cầu, ngoài quyền tối thượng về giáo huấn và tài phán, một “quyền tối thượng mục vụ” mới có thể sẽ dẫn đến một chủ nghĩa tập quyền không có lợi cho việc dẫn đến một thừa tác mục vụ hữu hiệu trong nhiều bối cảnh đa dạng và đôi khi căng thẳng trong đó nó được thực hiện trên khắp thế giới. Thừa tác vụ này, đặc biệt nếu nó có mục tiêu truyền giáo, phải hướng tới sự hòa giải, giải phóng và đào tạo theo nghĩa sâu sắc nhất, và do đó hướng tới sự hoán cải - một khái niệm hoàn toàn không quan trọng trong Fiducia Supplicans. Ngược lại, tài liệu, như được viết ra và được tiếp nhận, không phải là một dấu hiệu của sự hoán cải trong chính Giáo hội nhưng cuối cùng đã cố gắng làm tròn một hình vuông, tạo ra các loại phép lành cho mọi hình thức hôn nhân giả, và trong nhiều trường hợp, các mối quan hệ tình dục hiện có trong các xã hội hậu hiện đại. Không ngạc nhiên chi, khi nói chung, nó được hoan nghênh như một “bước đầu tiên” bởi các giám mục đang bị mắc kẹt trong thế giới thể chế của Kitô giáo trong quá khứ, nhưng lại không sẵn lòng nhận ra những dấu hiệu của thời đại: Chúng ta cần những sự hoán cải mới, trong và ngoài Giáo hội. Suy cho cùng, đó chính là ý nghĩa của hạn từ “phúc âm hóa”.

Tuyên bố được đưa ra bởi Bộ Giáo Lý, đặc biệt là dưới thời vị tân tổng trưởng, trên thực tế, một lần nữa, đã trở thành cơ quan “tối cao” mà nó luôn luôn là và phải như vậy. Sự phát triển đó mang lại cho Đức ông Feichtinger niềm hy vọng đối với toàn thể giáo triều Rôma. Nhưng khi thi hành sứ mạng đặc biệt của mình, Bộ Giáo Lý phải tính đến hai trách nhiệm: các tài liệu của nó cần phải rõ ràng; và họ phải giải quyết những điều không chắc chắn, chứ không phải tạo ra chúng. Để làm được như vậy, Bộ không thể hài lòng với những công thức mà bằng cách nào đó, thông qua những xiên xẹo, có thể dung hòa được với học thuyết Công Giáo. Họ phải bảo đảm rằng những tuyên bố của họ khó bị thao túng (thí dụ, bởi các phương tiện thông tin đại chúng) và dễ hiểu đối với dân Chúa, bắt đầu từ các giám mục và giáo sĩ.

Mưu toan đang diễn ra của một số nhà thần học và giám mục nhằm giải thích tại sao phép lành cho một cặp không phải là phép lành cho sự kết hợp của họ bằng cách tuyên bố rằng đó là một loại phép lành “mới”, là điều không thể đứng vững được. Các nhà thần học Công Giáo, không chỉ ở Đức, cần phải nhìn lại chính mình và tự hỏi họ đã đóng góp gì cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội trong hơn một trăm năm qua. Các nhà thần học cần phải thống hối nhớ rằng nền tảng mà họ đứng trên cũng chính là nền tảng mà đức tin, tín lý và kỷ luật của Giáo hội đặt lên trên: Kinh thánh và truyền thống. Cả huấn quyền lẫn thực hành mục vụ, kinh nghiệm hay khuynh hướng đều không phải là nguồn bổ sung của chân lý thần linh. Và thần học mục vụ từ trên cao sẽ không trở nên thuyết phục hơn nếu những đề xuất của nó được tuyên bố là những biểu hiện của lòng đạo đức bình dân, vốn tự nó là một động thái có phần võ đoán tùy tiện.

Thần học mục vụ nói riêng, ngay cả khi được các giám mục hoặc Tòa thánh truyền bá, cần được làm sáng tỏ, định hình và đôi khi được thanh lọc bằng ánh sáng Tin Mừng. Việc mở rộng thẩm quyền của giáo hoàng sang lĩnh vực hoạt động mục vụ là vấn đề khó khăn vì hai lý do: Việc đặt nền tảng cho các tuyên bố tín lý (chuyên nhất, hoặc phần lớn) về tầm nhìn mục vụ của một cá nhân, thậm chí là một giáo hoàng, đã đẩy thẩm quyền mặc khải của Thiên Chúa vào một vị trí ngoài lề một cách kỳ lạ; hơn nữa, hoạt động mục vụ, tuy đặt nền tảng trên đức tin chung, nhưng lại mang tính cá nhân, và do đó đặc biệt, từ cả hai phía - được một cá nhân mục tử chấp nhận và quan tâm đến sự cứu rỗi của một cá nhân (hoặc một nhóm nhỏ hơn). Nói cách khác, hoạt động mục vụ (và thần học mục vụ) nhất thiết phải đa dạng, vì nó có thể mang nhiều hình thức trong những bối cảnh khác nhau, và nó phải lấy sự trung thành về tín lý làm trung tâm. Mặt khác, chúng ta đang xem xét tình trạng sa đọa về tín lý và hệ tư tưởng mục vụ trong Giáo hội. Ít nhất, bất cứ giám mục nào tuyên bố rằng tất cả các linh mục bằng cách nào đó có nghĩa vụ ban các phép lành được coi là có thể có trong Fiducia Supplicans, và bất cứ giáo sĩ nào ban các phép lành đó một cách rộng rãi, sẽ cần phải sớm được sửa chữa và nói chung không thích hợp cho thừa tác vụ trong lĩnh vực này.

Đức ông Feichtinger không tin rằng Fiducia Supplicans sẽ giúp ích rất nhiều cho mục vụ trên thực địa. Không thể hình thành các phép lành mà về bản chất vốn không chính thức và tự phát. Trừ khi Tòa thánh thực hiện các biện pháp cụ thể ngay bây giờ chống lại những người vượt quá giới hạn do Fiducia Supplicans thiết lập, nếu không Tòa thánh sẽ mất uy tín và thẩm quyền. Rõ ràng, chúng ta không thể gạt đi tất cả những lời chỉ trích nó là kém cỏi về mặt trí thức hoặc ác ý. Thay vào đó, việc rút lại bản văn một cách đáng kể xem ra trung thực hơn về mặt thần học và hứa hẹn hơn về mặt mục vụ so với những nỗ lực vô tận để biện minh cho nó.

“Nắm vững sự thật”, chúng ta “truyền lại đức tin Công Giáo và tông truyền”. Vì vậy, “phát triển tín lý” không có nghĩa là hợp pháp hóa các dự án thần học, mục vụ hoặc truyền giáo của chúng ta. John Henry Newman lập luận rằng học thuyết Kitô giáo có thể phát triển trong khi vẫn trung thành với sự mặc khải thần linh. Xoay chuyển khái niệm này để biến nó thành một công cụ hoặc những gì “chúng tôi” (thậm chí các thượng hội đồng, giáo hoàng hoặc hội đồng) có thể điều chỉnh và cập nhật sẽ chuyển khái niệm này sang một bình diện hoàn toàn khác. Thế giới đương thời có rất nhiều điều phức tạp, những căng thẳng trong Giáo hội chúng ta đang tăng cao, và chúng ta phải chống lại sự cám dỗ làm xáo trộn tín lý. Kinh thánh và truyền thống là những gì truyền cảm hứng và hướng dẫn những nỗ lực mục vụ và thần học của chúng ta. Mọi giáo xứ, mọi giáo phận và mọi văn phòng tại Tòa thánh đều được kêu gọi noi gương thái độ này. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể đào sâu sự hoán cải của chính mình, và do đó, lòng trung thành của chúng ta với đức tin mạc khải, đồng thời nuôi dưỡng sự cam kết của người Công Giáo trên toàn thế giới đối với sứ mệnh đào tạo môn đệ, rửa tội và giảng dạy của Chúa Kitô.
 
Nữ thánh đầu tiên của Á Căn Đình làm phép lạ mới với Đức Phanxicô và Tổng thống dân túy Milei
Vũ Văn An
17:34 13/02/2024

Elise Ann Allen, trên tạp chí mạng Crux ngày 12 tháng 2 năm 2024, cho hay Nữ thánh đầu tiên của Á Căn Đình được cho là đã thực hiện một phép lạ khác trong Thánh lễ phong thánh Chúa nhật của chính bà, đưa Đức Đức Giáo Hoàng Phan-xicô và Tổng thống Á Căn Đình theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu Javier Milei, nổi tiếng với những nhận xét xúc phạm đến giáo hoàng, cùng nhau ôm hôn nồng nhiệt.



Từng là chuyên gia truyền hình, Milei được bầu làm tổng thống Á Căn Đình vào tháng 11. Ông đã thu hút sự chú ý hoàn cầu trong chiến dịch sử dụng ngôn ngữ đầy màu sắc mà ông dùng để mô tả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, gọi ngài là “kẻ ngu ngốc”, “cộng sản”, “cánh tả bẩn thỉu” và “thằng khốn nạn”, cùng những chữ miệt thị khác.

Trong một cuộc phỏng vấn ngay sau cuộc bầu Milei, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bác bỏ những luận điệu mang tính kích động như vậy, nói rằng: “Bạn phải phân biệt rất nhiều giữa những gì một chính trị gia nói trong chiến dịch bầu cử và những gì ông ta thực sự làm sau đó, bởi vì sau đó sẽ đến thời điểm cụ thể, của các quyết định.”

Giây phút cụ thể đó đã đến vào Chúa Nhật, khi Đức Giáo Hoàng và tổng thống gặp nhau lần đầu tiên tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để dự lễ phong thánh cho vị thánh bản xứ đầu tiên của Á Căn Đình, Maria Antonia của Thánh Joseph de Paz y Figueroa, người được người dân Á Căn Đình trìu mến gọi là “Mama Antula. ” (Má Antula)

Sau khi chào mừng Milei một cách ngắn gọn vào đầu buổi lễ Chúa nhật, Đức Giáo Hoàng Phan-xicô đã chào tổng thống Á Căn Đình lần thứ hai cùng với các bộ trưởng chính phủ khác trên đường rời đi, trong đó Milei phá vỡ nghi thức và ôm lấy Đức Giáo Hoàng.

Hai người dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gặp riêng, chính thức vào thứ Hai lúc 9 giờ sáng tại Vati-can, trong đó họ dự kiến sẽ thảo luận về tình hình kinh tế đang khó khăn của Á Căn Đình và chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới đất nước này vào cuối năm nay.

Đức Phanxicô và Milei đã trao đổi ngắn gọn về những vấn đề này bằng các cuộc trao đổi bằng văn bản và trong cuộc gọi điện thoại kéo dài 8 phút sau cuộc bầu Milei vào tháng 11.

Trong cuộc trò chuyện đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chúc mừng chiến thắng của Milei và cả hai đã đề cập đến cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập niên của Á Căn Đình, với 40.1% dân số sống trong cảnh nghèo đói và tỷ lệ lạm phát ở mức trên 200%, theo cơ quan thống kê INDEC của chính phủ.

Tháng trước, Milei đã viết một lá thư dài hai trang gửi Đức Giáo Hoàng cảm ơn ngài vì “lời khuyên khôn ngoan và những lời chúc can đảm và khôn ngoan cho tôi”, đồng thời bày tỏ mong muốn Đức Phanxicô đến thăm “quê hương yêu dấu” của họ.

Để giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước, Milei đã thực hiện một số bước đi mạnh mẽ và gây chia rẽ, phá giá đồng peso hơn 50%, cắt giảm trợ cấp nhiên liệu và vận tải của nhà nước, đồng thời đưa ra dự luật cải cách mới liên quan đến nhiều vấn đề công và tư, chẳng hạn như tư nhân hóa, bộ luật hình sự, địa vị của các câu lạc bộ bóng đá và các vấn đề văn hóa.

Đức Giáo Hoàng Phan-xicô trong bài giảng lễ phong thánh cho Mẹ Antula hôm Chúa Nhật đã chỉ trích những thái độ mà ngài nói làm cho tình trạng nghèo đói và bất công trở nên tồi tệ hơn.

“Sợ hãi, thành kiến và tôn giáo sai lầm là ba nguyên nhân gây ra sự bất công lớn lao. Đó là ba ‘bệnh phong cùi trong tâm hồn’ khiến những người yếu đuối phải đau khổ và rồi bị vứt bỏ như rác rưởi,” ngài nói.
Ngài cảnh cáo các tín hữu không nên nghĩ rằng những thái độ này là “di tích của quá khứ” và đề cập đến “nhiều người đàn ông và đàn bà đau khổ” mà họ gặp hàng ngày.

“Biết bao nỗi sợ hãi, thành kiến và mâu thuẫn, ngay cả giữa những người là tín hữu và tự gọi mình là Kitô hữu, góp phần làm họ tổn thương hơn nữa! Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, có những trường hợp tẩy chay đáng chú ý, những rào cản cần phải được phá bỏ, những hình thức ‘bệnh phong’ cần được chữa trị,” ngài nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết vấn đề nảy sinh khi “chúng ta rút lui khỏi người khác và chỉ nghĩ đến bản thân mình; khi chúng ta thu hẹp thế giới xung quanh về giới hạn trong ‘vùng an toàn’ của chính mình; khi chúng ta tin rằng vấn đề luôn luôn và chỉ ở những người khác.”

“Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần phải chú ý, vì chẩn đoán rất rõ ràng: một ‘bệnh cùi của tâm hồn’: một căn bệnh làm chúng ta mù quáng trước tình yêu và lòng trắc ẩn, một căn bệnh hủy hoại chúng ta bởi những vết loét của tính ích kỷ, thành kiến, thờ ơ và không bao dung”. Ngài nói như thế.

Để đạt được mục tiêu này, ngài ca ngợi “lòng bác ái thầm kín” do Mama Antula thực hành và nói rằng sự gần gũi chu đáo với những người cần giúp đỡ, “không sợ hãi và thành kiến, bỏ lại đằng sau một lòng tôn giáo buồn tẻ và xa rời,” chính là điều mang lại sự chữa lành.

Ngoài công việc từ thiện với người nghèo và cơ cực, Mama Antula còn được biết đến với việc cổ vũ các bài linh thao của Thánh I-nha-xiô.

Sinh ra ở Silipica, Santia-go del Estero, vào năm 1730, ở tuổi 15, bà đã cùng với các chàng trai và cô gái khác hỗ trợ các tu sĩ Dòng Tên hướng dẫn các bài linh thao I-nha-xiô, thành lập một nhóm gọi là “Beate” và mặc áo đen của các tu sĩ Dòng Tên. Cô đã khấn riêng và sống như một nữ giáo dân thánh hiến.

Khi các tu sĩ Dòng Tên bị trục xuất khỏi Châu Mỹ vào năm 1767, bà tiếp tục công việc của họ khi họ vắng mặt, tổ chức các cuộc tĩnh tâm dựa trên các bài linh thao khắp Santiago del Estero và xa hơn nữa, đồng thời phục vụ người nghèo và người thiếu thốn.

Năm 1780, bà mở một cơ sở linh thao I-nha-xiô và tổ chức tĩnh tâm cho hàng ngàn người trước khi qua đời gần 20 năm sau, vào ngày 7 tháng 3 năm 1799. Án phong chân phước cho bà được mở vào năm 1905 theo yêu cầu của các giám mục Á Căn Đình. Bà được phong chân phước vào năm 2016.

Lễ phong thánh cho bà vào ngày 11 tháng 2 diễn ra vào ngày kỷ niệm việc Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ở Lộ Đức.

Nhiều người tin rằng việc phong thánh cho Mẹ Antula là một khoản trả trước cho chuyến tông du tới Á Căn Đình của Đức Giáo Hoàng Phan-xicô, người đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được đến thăm quê hương của mình, chuyến trở lại này sẽ đánh dấu chuyến trở về đầu tiên của ngài kể từ cuộc bầu cử vào năm 2013 và do đó sẽ là một trong những chuyến đi quốc tế quan trọng nhất của Đức Giáo Hoàng.

Đức Phanxicô đã cho biết chuyến viếng thăm của ngài, nếu nó diễn ra, sẽ diễn ra vào nửa cuối năm nay, trước hoặc sau Thượng hội đồng Giám mục tháng 10 về tính đồng nghị, nhưng nó vẫn nằm trong “dấu ngoặc đơn” vì ngài phải giải quyết các thách thức sức khỏe khác nhau khiến những chuyến đi quốc tế dài ngày khó khăn.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm thành phố Venice phía bắc nước Ý vào ngày 28 tháng 4
Thanh Quảng sdb
21:55 13/02/2024

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm thành phố Venice phía bắc nước Ý vào ngày 28 tháng 4 để viếng thăm cộng đồng Giáo hội địa phương và tham dự cuộc Triển lãm Nghệ thuật Venice Biennale 2024.
(Tin Vatican - Devin Watkins)

Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican hôm thứ Ba (13/2/2024) đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Venice vào ngày 28 tháng 4. Trong chuyến thăm mục vụ kéo dài một ngày tới thành phố bắc Ý này, Đức Thánh Cha sẽ dừng chân tại cuộc Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 60 tại La Biennale di Venezia năm 2024.
Ngài sẽ dành một chút thời giờ để chiêm ngắm gian triển lãm của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm của Biennale ở Giudecca. Với tiêu đề “Với đôi mắt của tôi”, gian hàng tập chú vào chủ đề nhân quyền và những người sống bên lề xã hội. Gian hàng được hai nghệ nhân Chiara Parisi và Bruno Racine phối trí, nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đến những người mà bị phần đa thế giới làm ngơ, đồng thời nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ.
Tòa Thánh mong ước những người tới xem sẽ hiểu được những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô theo nghĩa đen, khi Ngài mời gọi mọi người nhìn thẳng vào mắt người khác, nhìn xa hơn địa vị xã hội của họ để gặp được nhân tính của họ. Triễn lãm Art Biennale Venice 2024 mang chủ đề “Người nước ngoài ở mọi nơi”, sẽ mở cửa từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 24 tháng 11. Theo thông cáo báo chí từ Bộ Văn hóa và Giáo dục và Tòa Thượng phụ Venice, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dành thời gian với các thành viên của cộng đồng Giáo hội ở Venice. Lịch trình chi tiết về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được công bố sau.a bắc nước Ý vào ngày 28 tháng 4 để viếng thăm cộng đồng Giáo hội địa phương và tham dự cuộc Triển lãm Nghệ thuật Venice Biennale 2024.
(Tin Vatican - Devin Watkins)
Bộ Văn hóa và Giáo dục Vatican hôm thứ Ba (13/2/2024) đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Venice vào ngày 28 tháng 4. Trong chuyến thăm mục vụ kéo dài một ngày tới thành phố bắc Ý này, Đức Thánh Cha sẽ dừng chân tại cuộc Triển lãm Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 60 tại La Biennale di Venezia năm 2024.
Ngài sẽ dành một chút thời giờ để chiêm ngắm gian triển lãm của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm của Biennale ở Giudecca. Với tiêu đề “Với đôi mắt của tôi”, gian hàng tập chú vào chủ đề nhân quyền và những người sống bên lề xã hội. Gian hàng được hai nghệ nhân Chiara Parisi và Bruno Racine phối trí, nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đến những người mà bị phần đa thế giới làm ngơ, đồng thời nuôi dưỡng một nền văn hóa gặp gỡ.
Tòa Thánh mong ước những người tới xem sẽ hiểu được những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô theo nghĩa đen, khi Ngài mời gọi mọi người nhìn thẳng vào mắt người khác, nhìn xa hơn địa vị xã hội của họ để gặp được nhân tính của họ. Triễn lãm Art Biennale Venice 2024 mang chủ đề “Người nước ngoài ở mọi nơi”, sẽ mở cửa từ ngày 20 tháng 4 đến ngày 24 tháng 11. Theo thông cáo báo chí từ Bộ Văn hóa và Giáo dục và Tòa Thượng phụ Venice, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ dành thời gian với các thành viên của cộng đồng Giáo hội ở Venice. Lịch trình chi tiết về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ được công bố sau.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Minh Niên 2024_ CĐCG Thánh Linh Tempe
Phan Hoàng Phú Quý
03:28 13/02/2024
THÁNH LỄ MINH NIÊN TẠI CỘNG ĐOÀN Công Giáo THÁNH LINH TEMPE

Xem Hình

Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Linh Tempe là cộng đoàn trẻ trung nhất trong tiểu bang, tuy mới thành lập nhưng quy tụ được rất nhiều giáo dân trong vùng về sinh hoạt Phụng Vụ và Thờ Phượng, ngoài ra còn có các lớp Giáo Lý Việt Ngữ, Lớp Tân Tòng, bên cạnh đó còn có Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh, mục đích giúp cho quý vị cao niên có cơ hội gặp gở, hàn huyên tâm sự với nhau về những vui buồn trong cuộc sống hầu giúp nhau sống vui sống khỏe, sống lành mạnh trong tuổi xế chiều.

Ngày Đầu Năm Giáp Thìn, Đức Giám Mục Eduardo Nevares, Đức Ông Peter Bùi Đại, linh mục chánh xứ John Thomas, linh mục phụ tá Vương Thiện Quốc, linh mục Bùi Lâm Sơn chánh xứ giáo xứ St. Louis King, linh mục Hoàng Thanh Sơn chánh xứ và linh mục Hoàng Anh phó xứ thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN, đã hiệp dâng thánh lễ Tân Niên để cầu Bình an cho Quê Hương, cho Giáo xứ và cho Cộng Đoàn dân Chúa, trong thánh lễ này, mọi người cũng được phát lộc và nhận lì xì lấy hên đầu năm.

Trong phần chia sẽ Lời Chúa, Đức Giám Mục nhắc nhở mọi người về Lời Chúa mà chúng ta được nghe hôm nay, Chúa Giêsu là đứng chữa lành, nhất là chữa lành những vết thương trong đời sống gia đình, vì đời sống gia đình có nhiều áp lực, áp lực công ăn việc làm, áp lực con cái, áp lực của giáo hội, khi người ta nói trong đời sống gia đình không hạnh phúc thì nên li dị, nhưng đó không phải là sự lựa chọn gia đình của người Công Giáo, vậy chúng ta hãy xin Chúa Giêsu là Đấng chữa lành cho tất cả các thương tích, bịnh tật từ những người mù, người què, người điếc, và ngay cả trong đời sống gia đình, vì trong gia đình ngày chúng ta nhận lãnh bí tích hôn nhân, chúng ta đã thề hứa với nhau,”Anh chọn Em, Em chọn Anh” làm chồng, làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe, vẫn yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày suốt đời.

Trong đời sống gia đình chúng ta cần được Chúa nâng đỡ, trong những ngày kế tiếp này, chúng ta bước vào Mùa Chay, có lẽ trong những ngày của mùa chay này, chúng ta nên thực hành những việc như là: từ bỏ không uống bia rượu, nước ngọt, không ăn nhiều, siêng năng làm việc bác ái, v,v,. Nhưng điều quan trọng là chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu là Đấng chữa lành cho gia đình của mình, để gia đình của mình được sống trong những ngày của Mùa Xuân Yêu Thương, mùa xuân mà mùa chay này chúng ta bắt đầu bước vào cử hành.

Ước gì Chúa Giêsu là Đấng Chữa Lành các vết thương tật nguyền, các vết thương của người cùi, và các vết thương của mỗi người chúng ta, Amen.

Sau Thánh Lễ, tất cả mọi người được mời ở lại để cùng nhau tham dự buổi tiệc mừng xuân,với những món ăn thuần túy của ngày Tết như: Củ kiệu, dưa hành, bánh tét, bánh chưng, xổ số lấy hên và thưởng thức một chương trình văn nghệ Mừng Xuân thật tưng bừng và vui nhộn, có các ca sĩ Lương Tùng Quang, Cam Thơ và nhạc sĩ Lê Quang đến từ Cali, xuất sắc nhất là bài “Việt Nam Việt Nam” do Ban Hợp Ca Hội Cao Niên Công Giáo Thánh Linh trình bày.

Song Song với chương trình văn nghệ còn có bán đấu giá 1 Thánh tượng Đức Mẹ La Vang được điêu khắc từ nước Ý, tượng cao, có thể đặt trong nhà hay ngoài vườn, để mỗi người trong gia đình được nhìn ngắm Mẹ, cầu nguyện và xin ơn Mẹ mỗi ngày, có một người trong cộng đoàn đã bỏ ra 2500 dollars để rước Mẹ về với gia đình mình. Cây Mai Việt Nam 65 tuổi rất quý hiếm, được tài trợ và hợp tác bởi Arizona Bonsai Society bán với giá tượng trương 2000 dollars.

Mai 5 cánh tượng trưng cho ngũ phúc, Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh.(giàu có, sang trọng,sống lâu, mạnh khỏe, bình an. Chính vì thế mà gia đình nào cũng mong muốn có 1 cây mai để trang trí hầu hy vọng được phát tài, phát lộc, hạnh phúc và bình an.

Xuân Giáp Thìn 2024
 
Thánh Lễ Minh Niên Giáp Thìn 2024 _ CĐVN GX St Maria Goretti - San Jose
thaikpham
15:07 13/02/2024
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh của tro bụi
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
03:20 13/02/2024
Hình ảnh của tro bụi

Hằng năm ngày thứ Tư lễ Tro bắt đầu 40 ngày mùa chay cho tới lễ mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống lại từ cõi chết. Vào ngày thứ tư Lễ Tro mọi người tín hữu tiếp nhận chút tro xức trên trán, hay trên đỉnh đầu. Ðây là tập tục tôn giáo đạo đức có từ thời xa xưa trong Cựu ước.

Nhưng tro bụi diễn tả hình ảnh dấu chỉ ý nghĩa gì cho đời sống niềm tin đạo giáo?

Sau buổi lửa trại một đống củi được đốt thắp sáng lên lúc chiều tối, sáng hôm sau chỉ còn lại một nắm tro tàn nguội.

Ngày tháng đời sống con người cũng như vậy. Những lời chân tình trao cho nhau như than hồng nồng cháy, những ước vọng nhiệt huyết hăng say làm sưởi ấm lòng người, sau cùng cũng biến thành tro tàn.

Lời kinh Thánh nhắn nhủ. Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro!

Tro tàn còn lại sau trận hỏa hoạn. Tro tàn từ đống sách báo bị thiêu đốt hủy diệt

Tro tàn sau trận chiến chém giết nhau bên Sarajevo, bên Irak, bên Haiiti, bên Congo, bên Hiroshima, bên Ðông Timor, bên Afghanistan, bên Ukraina, bên dải bờ biển mảnh đất Gaza Palestina…

Tro tàn gắn liền với lịch sử đời sống con người: tro tàn của tội lỗi.



Và tro tàn cũng do tội lỗi, thiếu xót của lịch sử từng cá nhân còn lưu lại: một tâm hồn tan hoang chán chường thất vọng, đổ vỡ không còn muốn nhìn về đằng trước. Vì niềm tin, niềm hy vọng đã cạn, như lời Ðức Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: Họ hết rượu rồi!

Lời kinh Thánh nhắn nhủ. Hỡi người hãy nhớ mình là người tội lỗi. Tội lỗi là đống tro tàn trong tâm hồn đời sống.

Sau mùa gặt hái, rơm rạ cây khô cỏ dại ngoài đồng ruộng được đốt cháy chỉ còn lại tro bụi. Bụi tro đó thẩm thấu xuống lòng đất, và biến thành chất phân bón sức sống cho cây lúa, cho hạt giống nẩy mầm đời sống mới của mùa gieo trồng kế tiếp.

Trong lò lửa, than củi bị đốt cháy, tạo nên sức nóng cực mạnh làm nung chảy vàng bạc kim loại và từ đấy lọc tẩy ra, đúc thành khuôn mẫu hình thù mới.

Ðời sống con người cũng bị thử thách trôi luyện như vậy, để trở thành một „người mới khác“.

Hỡi người hãy biết mình được tạo dựng sinh ra cho sự sống, cho tốt lành thiện hảo. Hãy trở về với niềm tin và đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, Ðấng là nguồn sự sống đời mình!
 
VietCatholic TV
Zelenskiy tiếp tục cải tổ quân đội. Số xe tăng Nga gục ngã ở Avdiivka đủ trang bị một sư đoàn.
VietCatholic Media
03:13 13/02/2024


1. Nga mất 10% số xe tăng được triển khai khi cố gắng chiếm Avdiivka

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Russia Lost 10 Percent Of Its Deployed Tanks Trying To Capture Avdiivka”, nghĩa là “Nga mất 10% số xe tăng được triển khai khi cố gắng chiếm Avdiivka.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trận chiến kéo dài 4 tháng tại Avdiivka có lẽ đã lên đến đỉnh điểm khi lực lượng đồn trú của Ukraine tại thành phố đổ nát, chỉ cách Donetsk bị Nga tạm chiếm ở miền đông Ukraine 5 dặm về phía tây bắc, hết đạn dược - hậu quả trực tiếp của việc các thành viên Quốc Hội Mỹ từ chối viện trợ—và bộ binh Nga tiến vào thành phố từ phía bắc và phía nam, đe dọa đường tiếp tế của quân đồn trú.

Đó là một mất mát đau đớn đối với Ukraine - khu định cư lớn đầu tiên mà nước này để mất vào tay Nga trong gần một năm - nhưng, như một chiến thắng, nó có thể còn đau đớn hơn đối với Nga. Để chiếm được vài dặm vuông địa hình đô thị bị phá hủy và dân cư thưa thớt, Điện Cẩm Linh đã hy sinh gần như toàn bộ số xe tăng của một sư đoàn cơ giới hóa.

Như nhà phân tích nguồn mở @partisan_oleg đã chỉ ra, trước khi Liên Xô sụp đổ, trên giấy tờ, một sư đoàn súng trường cơ giới gồm 10.000 người sẽ có 220 xe tăng. Quân đội Nga nhìn chung vẫn tuân thủ thiết kế lực lượng của Liên Xô.

Kể từ khi tấn công Avdiivka vào đầu tháng 10, Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 2 và 41 của Nga đã mất 214 xe tăng mà nhà phân tích @naalsio26 đã thống kê được. Chủ yếu là T-72 và T-80, nhưng cũng có một số T-90 cao cấp. Trong khi đó, các lữ đoàn Ukraine trong và xung quanh Avdiivka chỉ mất 18 xe tăng.

Tổn thất của xe tăng Nga quanh Avdiivka có thể lên tới hơn 10% tổng số xe tăng mà lực lượng Nga có ở Ukraine.

Người Nga không thể đổ lỗi tỷ lệ tổn thất 12 trên một là do người Ukraine không triển khai xe tăng trong chiến dịch phòng thủ ở Avdiivka: người Ukraine đã triển khai xe tăng, bao gồm cả một số chiếc Leopard 2A6 tốt nhất do Đức sản xuất - trước khi tách những chiếc xe tăng đó thành một lữ đoàn trấn giữ phòng tuyến xung quanh Kreminna, 50 dặm về phía bắc.

Người Nga cũng không thể chỉ ra lợi thế truyền thống của một hậu vệ được đào sâu so với một kẻ tấn công lộ liễu. Trong lịch sử, kẻ tấn công sẽ phải chịu tổn thất gấp ba lần người phòng thủ.

Không, người Ukraine chỉ đơn giản là đánh bại người Nga bằng mìn, pháo binh, máy bay không người lái, hỏa tiễn và hỏa lực súng trường kiểu cũ từ các vị trí cố thủ. Và họ đã làm điều đó bất chấp việc dần dần cạn kiệt đạn dược sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ từ chối viện trợ cho Ukraine bắt đầu từ tháng 10.

Khi mất số xe tăng gấp 4 lần dự kiến, quân Nga đã rơi vào bẫy tiêu hao. Họ có thể chiếm được những gì còn lại của Avdiivka, nhưng nếu lực lượng đồn trú của Ukraine rút lui ngay bây giờ, người Nga sẽ giành được tàn tích với cái giá phải trả là về người và thiết bị mà họ có thể không thể cải thiện nhanh chóng - và có thể không làm chậm tốc độ hoạt động ở những nơi khác dọc theo mặt trận dài 600 dặm trong cuộc chiến kéo dài 23 tháng của Nga với Ukraine.

Tất nhiên, vấn đề là lực lượng đồn trú của Ukraine ở Avdiivka có thể sẽ không rút lui. Nếu, theo lệnh của bộ chỉ huy miền đông Ukraine hoặc tổng tư lệnh mới, tướng Oleksandr Syrsky, lực lượng đồn trú chiến đấu đến người cuối cùng, thì lực lượng đồn trú có nguy cơ mất đi lợi thế tiêu hao của mình.

Vẫn chưa quá muộn để trận chiến Avdiivka gây tổn hại cho Nga nhiều hơn là làm tổn thương Ukraine, ngay cả khi Nga “thắng” cuộc chiến. Tuy nhiên, đối với người Ukraine, giành lấy chiến thắng từ thất bại có nghĩa là biết khi nào nên rút lui khi họ cố gắng chạy về phía tây khỏi một thành phố mà họ không còn có thể bảo vệ được nữa.

2. Thủ tướng Estonia cho biết chiến tranh ở Ukraine sẽ tiếp diễn cho đến khi Nga nhận ra chiến thắng là không thể

Cuộc chiến của Nga với Ukraine sẽ kéo dài cho đến khi Điện Cẩm Linh nhận ra rằng họ không thể giành chiến thắng, do đó điều quan trọng là phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cung cấp cho quốc gia mọi thứ họ cần.

Đó là nhận định của Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia với các phóng viên báo chí.

“ Chiến tranh vẫn tiếp tục. Chúng ta không nên rơi vào những cái bẫy khác nhau đã được giăng sẵn. Thật sai lầm khi tin rằng cuộc chiến có thể thắng nhanh chóng. Nga đang chuẩn bị cho một thời gian dài chiến tranh. Nó sẽ kéo dài cho đến khi Nga nhận ra rằng mình không thể giành chiến thắng”, Kallas nói, khi bình luận về câu hỏi liệu năm 2024 có mang tính quyết định đối với số phận của Ukraine hay không.

Theo Thủ tướng Estonia, một trong những cái bẫy nằm ở chỗ “hòa bình có thể được đàm phán”. “Nếu chúng ta chấp nhận việc chiếm đất thì nhu cầu của Nga sẽ được đáp ứng. Không phải là bỗng nhiên mọi chuyện lại bình yên”, Kallas nói.

Một cái bẫy khác liên quan đến nỗi sợ hãi và lo ngại về sự khiêu khích lớn hơn của Nga. “Cũng có cái bẫy của sự sợ hãi. Nga đang chơi đùa với nó. Cái bẫy thứ tư nằm ở chính chúng ta, nếu chúng ta nói rằng hành động của chúng ta sẽ chỉ khiêu khích người Nga hơn nữa. Sự yếu đuối khiêu khích Nga chứ không phải sức mạnh”, Thủ tướng Estonia nói.

Cô nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt trong cuộc chiến là có đủ đạn dược.

“Đó là lý do tại sao chúng ta quyết định cung cấp một triệu quả đạn pháo. Liên minh Ramstein có ngân sách gấp 13 lần Nga. Chúng ta mạnh hơn, nhưng chúng ta cần giúp Ukraine tự vệ, cung cấp cho họ những gì họ cần. Và chúng ta phải tin vào một chiến thắng của Ukraine chứ không phải vào câu chuyện rằng Nga dù sao cũng sẽ thắng. Nga muốn chúng ta tin rằng Ukraine không thể thắng để rồi chúng ta ngừng ủng hộ họ”, Thủ tướng Estonia nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết Liên Hiệp Âu Châu nên nhanh chóng thực hiện các cam kết của mình và tặng một triệu quả đạn pháo hoặc thậm chí nhiều hơn cho Ukraine.

3. Pavliuk nói rằng ông sẽ làm tất cả để tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Lục quân Ukraine, đưa chiến thắng đến gần hơn

Trung tướng Oleksandr Pavliuk, tư lệnh mới được bổ nhiệm của Lực lượng Lục quân Ukraine, cho biết ông nhận thức được toàn bộ nhiệm vụ và sẽ làm mọi thứ có thể để tăng cường sức mạnh cho bộ phận quân đội Ukraine được giao phó cho ông.

Pavliuk cho biết Lực lượng Lục quân Ukraine là “bộ phận lớn nhất và đông đảo nhất của Quân đội Ukraine vẻ vang, tấn công chính vào đối phương và gánh chịu gánh nặng nặng nề nhất của cuộc chiến”.

Ông nói: “Thật vinh dự khi được sát cánh cùng các bạn, những chiến binh dũng cảm.

“Tôi biết toàn bộ nhiệm vụ mà các đơn vị của chúng ta phải đối mặt và toàn bộ cơ cấu của Lực lượng Lục Quân ngày nay. Tôi cảm ơn Tổng thống Ukraine, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và toàn thể đội ngũ của Bộ vì sự tin tưởng và hợp tác mang tính xây dựng trong Bộ Quốc phòng. Tôi sẽ sử dụng kinh nghiệm có được để phát triển Lực lượng Lục Quân”, ông nói thêm.

Pavliuk nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng tư lệnh tối cao, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ tổng tham mưu, ông sẽ làm mọi cách có thể để tăng cường sức mạnh cho Lực lượng mặt đất và đưa chiến thắng của Ukraine đến gần hơn.

Cơ quan báo chí của Lực lượng Lục quân Ukraine cho biết Tướng Pavliuk đã tích cực tham gia bảo vệ Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vũ trang. Năm 2014, dưới sự chỉ huy của ông, Lữ đoàn cơ giới 24 đã giải phóng Sloviansk, Krasny Lyman, Kramatorsk, Lysychansk và nhiều thành phố khác ở vùng Donetsk và Luhansk phía đông Ukraine.

Pavliuk “biết rất rõ các chi tiết cụ thể của Lực lượng Lục Quân” bởi vì ông đã trải qua tất cả các giai đoạn ở các vị trí quản lý - từ Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến phía Tây đến Tham mưu trưởng Lực lượng Mặt đất.

Ngày 11/2, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh bổ nhiệm Pavliuk làm tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine.

4. Kyiv cho rằng Nga sử dụng Starlink 'có hệ thống' ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Use of Starlink 'Systemic' in Ukraine: Kyiv”, nghĩa là “Kyiv cho rằng Nga sử dụng Starlink 'có hệ thống' ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cơ quan tình báo quân sự Kyiv cho biết hôm Chúa Nhật rằng các lực lượng Nga đang sử dụng mạng lưới vệ tinh Starlink một cách “có hệ thống” để chống lại Ukraine, đặt ra câu hỏi về cách thức các vệ tinh thiết yếu hiện đang được sử dụng trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của GUR Ukraine, nói với hãng tin RBC của Ukraine hôm Chúa Nhật: “Đã có những trường hợp được ghi nhận về việc quân xâm lược Nga sử dụng các thiết bị này”. Yusov nói với cơ quan truyền thông: “Điều này đang bắt đầu mang tính chất hệ thống.

Trong một tuyên bố riêng, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết họ đã chặn các cuộc trò chuyện vô tuyến giữa các lực lượng Nga sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink trên chiến trường. GUR cho biết, quân đội thuộc Lữ đoàn tấn công số 83 của Mạc Tư Khoa đang sử dụng Starlink để truy cập Internet tại các điểm nóng ở khu vực phía đông Donetsk, bao gồm gần làng Klishchiivka và thị trấn Andriivka.

Starlink được sở hữu và điều hành bởi công ty hàng không vũ trụ SpaceX có trụ sở tại California của doanh nhân Elon Musk. Starlink chiếm tỷ lệ lớn trong số các vệ tinh đang hoạt động, cung cấp khả năng truy cập Internet ở những khu vực như khu vực xung đột đã được Ukraine sử dụng rộng rãi trong suốt cuộc chiến.

Đáp lại yêu cầu bình luận của Newsweek vào Chúa Nhật, SpaceX lặp lại các tuyên bố trước đó, nói rằng họ “không kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào với chính phủ hoặc quân đội Nga”.

“Starlink không hoạt động ở Nga, có nghĩa là dịch vụ sẽ không hoạt động ở quốc gia đó”, công ty cho biết trong một tuyên bố. “SpaceX chưa bao giờ bán hoặc tiếp thị Starlink ở Nga cũng như chưa bao giờ vận chuyển thiết bị đến các địa điểm ở Nga. Nếu các cửa hàng ở Nga tuyên bố bán Starlink cho dịch vụ ở quốc gia đó thì họ đang lừa đảo khách hàng của mình “.

“Nếu SpaceX biết được rằng thiết bị đầu cuối Starlink đang được sử dụng bởi một bên bị trừng phạt hoặc trái phép, chúng tôi sẽ điều tra khiếu nại và thực hiện các hành động để vô hiệu hóa thiết bị đầu cuối nếu được xác nhận,” công ty cho biết thêm.

Chuyên gia quân sự và vũ khí David Hambling nói với Newsweek rằng những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội “dường như ủng hộ tuyên bố của GUR rằng Nga đang sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink bên trong Ukraine bị tạm chiếm”.

Ông nói thêm, các báo cáo đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Nga cần sử dụng Starlink và điều này có thể cho thấy điều gì về khả năng của các hệ thống thông tin vệ tinh thương mại trong việc cung cấp những gì mà mạng lưới quân sự không thể.

Đầu tuần này, một nguồn tin Ukraine giấu tên nói với DefenseOne rằng Nga dường như đang tận dụng nhiều thiết bị đầu cuối Starlink trên khắp chiến tuyến. Nguồn tin nói với tờ báo: “Khi họ có hàng trăm thiết bị, chúng tôi sẽ khó sống”.

Hai nguồn tin trong chính phủ Ukraine nói với hãng tin Reuters rằng Kyiv đã phát hiện việc sử dụng Starlink của Nga trên lãnh thổ bị tạm chiếm ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

SpaceX cũng dẫn chiếu các báo cáo cho biết các thiết bị đầu cuối internet Starlink đã rơi vào tay Nga thông qua các bên trung gian ở Trung Đông, đồng thời cho biết Starlink “không hoạt động ở Dubai”.

“Không thể mua Starlink ở Dubai và SpaceX cũng không giao hàng ở đó,” công ty lặp lại vào Chúa Nhật. “Ngoài ra, Starlink chưa ủy quyền cho bất kỳ bên trung gian, đại lý hoặc nhà phân phối bên thứ ba nào dưới bất kỳ hình thức nào bán Starlink ở Dubai.”

Các báo cáo cho rằng Mạc Tư Khoa đang sử dụng Starlink trên lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát, đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh cáo buộc sử dụng nó dọc theo tiền tuyến.

Ukraine đã sử dụng Starlink để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Trong những tháng đầu của cuộc chiến, Musk cho biết Starlink đã “chống lại các nỗ lực tấn công và gây nhiễu chiến tranh mạng của Nga”, nhưng “họ đang tăng cường nỗ lực”.

“Starlink thực sự là huyết mạch của toàn bộ cơ sở hạ tầng truyền thông của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo GUR của Ukraine, Kyrylo Budanov, sau đó cho biết trong bài phát biểu được truyền thông Ukraine đưa tin vào tháng 9 năm 2023: “Chắc chắn tất cả các chiến tuyến đều đang sử dụng chúng”.

“Đó là một khả năng quan trọng đối với Ukraine,” Hambling nói. “Chúng tôi không biết Nga sử dụng nó để làm gì, nhưng họ sẽ không áp dụng nó nếu không có ý định sử dụng cụ thể.”

Hambling dự đoán: “Thông tin liên lạc vệ tinh chi phí thấp, an toàn, dễ tiếp cận có thể ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai bên”.

Đầu tháng này, chủ tịch và giám đốc điều hành SpaceX, Gwynne Shotwell, cho biết công ty đã chuyển sang hạn chế quyền truy cập của Ukraine vào Starlink để điều khiển máy bay không người lái.

Vào tháng 9 năm 2023, Musk cho biết trước đó ông đã chặn Ukraine truy cập Starlink để thực hiện các hoạt động xung quanh bán đảo Crimea bị sáp nhập. Ông ấy đã nhận được “yêu cầu khẩn cấp từ chính quyền Ukraine về việc kích hoạt Starlink đến tận Sevastopol,” Musk nói trong một tuyên bố với X.

Nga đặt nhiều nguồn lực của hạm đội hải quân Hắc Hải tại Sevastopol, một thành phố cảng lớn của Crimea trên bán đảo mà Nga kiểm soát từ năm 2014. Crimea được quốc tế công nhận là của Ukraine và Kyiv đã tuyên bố sẽ đòi lại nó. Nó đã phát động các cuộc tấn công liên tục vào Crimea và Sevastopol trong gần hai năm chiến tranh tổng lực.

Musk nói: “Mục đích rõ ràng” là “đánh chìm phần lớn hạm đội Nga đang neo đậu”. “Nếu tôi đồng ý với yêu cầu của họ, thì SpaceX rõ ràng sẽ đồng lõa trong một hành động leo thang chiến tranh và xung đột lớn.”

Budanov nói: “Tôi hoàn toàn có thể xác nhận rằng hệ thống Starlink đã không hoạt động gần Crimea trong một thời gian nhất định vì chúng tôi cũng đã áp dụng một số kỹ thuật nhất định”.

5. Thượng viện Hoa Kỳ bị chia rẽ sít sao sẽ cố gắng tiến gần hơn tới việc thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ Mỹ Kim

Thượng viện Hoa Kỳ đã tiến gần hơn tới việc thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine, Israel và Đài Loan vào Chúa Nhật, đồng thời hy vọng có đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng để thúc đẩy biện pháp này được Quốc hội thông qua.

Dự luật cần 60 phiếu bầu để vượt qua rào cản thủ tục và tiếp tục được Thượng viện thông qua trong những ngày tới. Nó có thể tiến triển nhanh hơn nếu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận đẩy nhanh biện pháp này, mặc dù ngay cả khi đó nó sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt tại Hạ viện.

Số tiền này được Kyiv coi là rất quan trọng khi Ukraine hướng tới lễ kỷ niệm thứ hai ngày Nga xâm lược. Tổng thống đảng Dân chủ Tổng thống Joe Biden, người đã tìm kiếm viện trợ trong nhiều tháng hôm thứ Sáu cho biết Quốc hội sẽ phạm tội “bỏ bê” nếu không thông qua biện pháp này.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người chiếm đa số mỏng manh trong đảng Cộng hòa là 219-212, đã chỉ ra rằng ông có thể cố gắng chia các điều khoản viện trợ thành các biện pháp riêng biệt, sau khi dự luật được Thượng viện gửi đến.

Nhưng một dự luật viện trợ độc lập cho Israel đã trở thành nạn nhân tại Hạ viện vào tuần trước do sự phản đối của các đảng viên Đảng Dân chủ.

Dự luật đang tranh cãi bao gồm 61 tỷ Mỹ Kim dành cho Ukraine, 14 tỷ Mỹ Kim dành cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas và 4,83 tỷ Mỹ Kim để hỗ trợ các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan, và ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc.

Theo Reuters, nó cũng sẽ cung cấp 9,15 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza và Bờ Tây, Ukraine và các khu vực xung đột khác trên toàn cầu.

6. Macron hoãn chuyến thăm Ukraine vì lý do an ninh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoãn chuyến thăm Ukraine vì lý do an ninh.

Đài Tiếng nói Âu Châu cho biết chuyến thăm dự kiến tới Ukraine vào ngày 13 và 14 tháng 2 đã bị hoãn lại. Dự kiến, trong chuyến thăm, ông Macron có thể công bố việc ký kết thỏa thuận song phương về bảo đảm an ninh.

Hội đồng kinh doanh Pháp-Ukraine của Medef International, cơ quan đã sắp xếp đồng thời cho một “phái đoàn đặc biệt” đến Kyiv, cũng đã hủy bỏ chuyến hành trình.

Macron cũng được cho là sẽ đến thăm Odesa và thông báo thành lập quỹ 200 triệu EUR, dùng để quyên góp cho các dự án dân sự do các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp thực hiện.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 17 Tháng Giêng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ thăm Ukraine vào tháng tới và hứa sẽ bàn giao hàng chục hỏa tiễn tầm xa SCALP cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Ông cũng tuyên bố ý định đích thân ký một thỏa thuận an ninh song phương trong chuyến thăm và nói thêm rằng Pháp “sẽ cung cấp thêm nhiều thiết bị và giúp Ukraine những gì họ cần để bảo vệ bầu trời của mình”.

7. Zelenskiy tiếp tục cải tổ hàng lãnh đạo quân đội Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tiếp tục tổ chức lại hàng lãnh đạo cao nhất của lực lượng vũ trang nước này, tuần trước đã chứng kiến việc loại bỏ Valery Zaluzhny khỏi chức vụ tổng tư lệnh đất nước.

“Chúng tôi tiếp tục khởi động lại hàng lãnh đạo trong Lực lượng Vũ trang,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu video hàng đêm, sau đó được trích dẫn trên kênh Telegram chính thức của mình.

Các đại tá Vadym Sukharevskyi và Andriy Lebedenko đã được bổ nhiệm làm “phó của Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi”. Cả hai đều tham gia sâu vào sự phát triển công nghệ của quân đội Ukraine, chẳng hạn như việc sử dụng máy bay không người lái trên chiến trường.

“Cần phải thực hành rõ ràng với các công nghệ mới,” Zelenskiy nói về công lao của hai đại tá.

Tổng thống cho biết, các Chuẩn tướng Volodymyr Horbatiuk, Oleksiy Shevchenko và Mykhailo Drapatyi đều đã được bổ nhiệm làm “phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine”.

Hàng loạt sự bổ nhiệm mới là một phần của cuộc cải tổ rộng rãi hơn trong quân đội Ukraine sau cuộc tấn công yếu kém vào mùa hè và mùa thu của lực lượng Ukraine.

“Nếu chúng ta muốn giành chiến thắng, tất cả chúng ta phải đi theo cùng một hướng, tin chắc vào chiến thắng - chúng ta không thể nản lòng, thất vọng - chúng ta phải có năng lượng tích cực phù hợp,” Zelenskiy nói với trang web RaiNews của Ý vài ngày trước khi sa thải Zaluzhny.

Sau đó, ông nói thêm trên Telegram rằng “năm 2024 chỉ có thể thành công đối với Ukraine nếu có những thay đổi hiệu quả về cơ sở phòng thủ của chúng tôi”.

8. Nhật Bản quyên góp hơn 100 triệu Mỹ Kim giúp khôi phục Ukraine

Trong một hội nghị chung ở Tokyo, Nhật Bản sẽ phân bổ 15,8 tỷ yên hay 106 triệu Mỹ Kim viện trợ để hỗ trợ Ukraine phục hồi sau ảnh hưởng của chiến tranh trong bảy lĩnh vực tiếp theo.

Điều này đã được Kyodo News đưa tin với sự tham khảo từ các nguồn thông tin, Ukrinform cho biết.

Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản, Thủ tướng Denys Shmyhal của Ukraine và nhà lãnh đạo Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản, Masakazu Tokura, sẽ tham dự hội nghị tái thiết.

Dự kiến, Chính phủ hai nước sẽ đồng thanh về việc Nhật Bản tham gia tái thiết Ukraine sau chiến tranh và ký hơn 10 bản ghi nhớ hợp tác, tất cả đều nằm trong khuôn khổ hội nghị Nhật Bản-Ukraine sẽ được tổ chức tại Tokyo vào ngày 19/2.

Các nguồn tin cho biết viện trợ của Nhật Bản sẽ được sử dụng để cung cấp thiết bị rà phá bom mìn và bắc cầu tạm thời. Các nguồn tin cho biết, Nhật Bản cũng sẽ phân bổ vốn để mở rộng nông nghiệp, cải thiện tình hình nhân đạo, công nghệ sinh học và cải tiến công nghiệp, công nghệ thông tin, cũng như tăng cường các biện pháp quản lý và chống tham nhũng.

Đồng thời, bản ghi nhớ giữa Nhật Bản và Ukraine, dự kiến được ký tại hội nghị, sẽ bao gồm các dự án chăm sóc y tế, an ninh mạng và năng lượng gió. Dự kiến, một thỏa thuận về loại bỏ việc đánh thuế hai lần đối với các công ty kinh doanh tại Ukraine cũng sẽ được ký kết.

Chính phủ hai nước có kế hoạch bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận đầu tư nhằm thúc đẩy sự tham gia của các công ty Nhật Bản vào các dự án tái thiết.

Cần nhớ lại rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ukraine, Fumio Kishida và Volodymyr Zelenskiy, vào tháng 11 năm 2023 đã đồng ý tổ chức một hội nghị dành riêng cho việc tái thiết kinh tế Ukraine. Tokyo sẽ tổ chức sự kiện này vào ngày 19 tháng 2.

9. Cuộc biểu tình của thân nhân quân nhân được động viên đang lan rộng ở Nga

Người thân của những người lính Nga được huy động vẫn tiếp tục biểu tình trên khắp nước Nga bất chấp những nỗ lực trước đây của Điện Cẩm Linh nhằm kiểm duyệt những cuộc biểu tình tương tự và ngăn chặn bất kỳ sự trỗi dậy nào có thể xảy ra của một phong trào xã hội rộng lớn hơn ủng hộ những người lính Nga được huy động.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đã cho biết như trên.

Các hãng đối lập Nga Sota và Mobilization News đã công bố đoạn phim vào ngày 10 tháng 2 cho thấy các thành viên của phong trào xã hội “Đường về nhà” của Nga đặt hoa và tập trung tại các tượng đài ở Mạc Tư Khoa, St. Petersburg, Vladivostok và Yekaterinburg để kêu gọi người thân của họ xuất ngũ.

Các thành viên “Đường về nhà” cũng đã đến thăm trụ sở tranh cử của ứng cử viên tổng thống Nga Vladislav Davankov ở Mạc Tư Khoa và gửi thư ủng hộ việc xuất ngũ tới đội của Davankov.

Chính quyền Nga gần đây đã cố gắng kiểm duyệt một cuộc biểu tình của các thành viên “Đường về nhà” tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Mạc Tư Khoa và Quảng trường Manezhanaya gần đó.

Các chuyên gia của ISW kết luận: “ISW tiếp tục đánh giá rằng những nỗ lực của Điện Cẩm Linh trong việc kiểm duyệt và làm mất uy tín của phong trào xã hội 'Đường về nhà' cho thấy Điện Cẩm Linh đang cố gắng ngăn chặn các phong trào này, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm 2024”.

10. Ukraine có kế hoạch đưa hoạt động sản xuất thiết bị tác chiến điện tử vào lộ trình thị trường

Ukraine có kế hoạch đưa việc sản xuất thiết bị tác chiến điện tử vào thị trường, như trường hợp của máy bay không người lái.

Phó Thủ tướng Ukraine phụ trách Đổi mới, Phát triển Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Mykhailo Fedorov cho biết điều này trên podcast “Elephant” trên kênh YouTube “Diia”

“Chúng tôi hiện đang nỗ lực để lặp lại thành công của máy bay không người lái, mở cửa thị trường nhiều nhất có thể và tạo ra sự cạnh tranh. Fedorov cho biết, EW đã được bổ sung vào các quy định về máy bay không người lái để các công ty có thể có lợi thế ngoài lề, nhờ đó việc ký kết hợp đồng có thể dễ dàng hơn “.

Ông lưu ý rằng Ukraine muốn triển khai sản xuất tác chiến điện tử cho các doanh nhân. Theo ông, các công ty sẽ cạnh tranh với nhau để giành được các hợp đồng từ Bộ Quốc phòng Ukraine.

11. Orbán nói Serbia nên gia nhập Liên Hiệp Âu Châu trước Ukraine

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán cho biết trong một cuộc phỏng vấn rộng rãi được công bố vào cuối tuần này rằng Liên Hiệp Âu Châu “sẽ mất” Serbia vào tay Trung Quốc trừ khi nước này sớm được gia nhập khối và nên làm như vậy trước khi kết nạp Ukraine.

“Chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ mở rộng cũ trước khi bắt đầu mở rộng mới với Ukraine. Nếu chúng ta không hội nhập Serbia càng sớm càng tốt, chúng ta sẽ đánh mất quốc gia này”, Orbán nói trong cuộc trò chuyện với cựu Thủ tướng Áo Wolfgang Schüssel cho Tiếng nói Âu Châu, một tạp chí do Die Presse xuất bản. Ông cũng cho rằng Ukraine nên là vùng đệm trung lập giữa phương Tây và Nga.

Serbia đã nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2009 nhưng đơn xin gia nhập của nước này bị đình trệ do lo ngại về nền dân chủ đang thụt lùi và mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Quốc.

“Serbia có những lựa chọn khác. Một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vừa được ký kết”, Orbán nói, đề cập đến một thỏa thuận được ký vào tháng 10 năm ngoái với đối tác thương mại lớn thứ hai của Serbia sau Liên Hiệp Âu Châu.

Orbán cũng bác bỏ triển vọng của Kyiv trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga và gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, cho rằng cách duy nhất để Ukraine tồn tại là đất nước này trở thành “vùng đệm giữa Nga và phương Tây”.

“Nếu điều đó không hiệu quả, Ukraine sẽ tiếp tục mất lãnh thổ. Nga sẽ hủy diệt Ukraine hết lần này đến lần khác. Nga sẽ không bao giờ chấp nhận có một Liên Hiệp Âu Châu và thành viên NATO như Ukraine ở biên giới của mình, không bao giờ,” ông nói.

Orbán nói thêm rằng Nga không coi trọng Âu Châu vì khối này quá yếu về mặt quân sự.

“Người Âu Châu chúng ta không đủ mạnh để người Nga coi trọng chúng ta. Đây là một trò chơi quyền lực. Đây là một cuộc chiến,” Orbán nói.

12. Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga tự nhận người Nga là những kẻ xâm lược và cực kỳ xấu xa

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian State TV Host Says 'We Are Aggressors and Extremely Evil'“, nghĩa là “Người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga nói 'Chúng ta là những kẻ xâm lược và cực kỳ xấu xa'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Người dẫn chương trình truyền thông nhà nước Nga cho biết công dân Nga “luôn quay trở lại lấy những gì thuộc về họ”, đồng thời gọi quân đội Mạc Tư Khoa là “những kẻ xâm lược” khi cuộc chiến mệt mỏi ở Ukraine nhanh chóng tiến gần đến mốc 2 năm.

Người dân Nga là “những kẻ xâm lược và cực kỳ độc ác”, Sergey Mardan, nói trong một đoạn clip do Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, dịch và đăng lên mạng xã hội.

Trong suốt cuộc chiến, Điện Cẩm Linh đã coi Ukraine là một phần của nước Nga lịch sử. Quay trở lại năm 2021, trước khi lực lượng Nga tiến vào Ukraine để thực hiện cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa, Tổng thống Vladimir Putin đã nói “Người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một tổng thể duy nhất”.

Nhưng Kyiv và nhiều nhà phân tích phương Tây mô tả cuộc chiến là cuộc chiến sinh tồn của Ukraine, với binh lính của nước này đang chiến đấu chống lại sự xóa bỏ văn hóa.

Mardan nói: “Họ nói rằng chúng tôi là những kẻ xâm lược và những kẻ cực kỳ xấu xa, độc ác, v.v.,” Mardan nói và không phân biệt công dân Nga, quân đội hay chính phủ. “Tôi luôn trả lời rằng: 'Vâng, vâng, bạn nói đúng.'“

“Đúng, người Nga là những kẻ xâm lược; vâng, người Nga có thể tàn nhẫn và không quên bất cứ điều gì. Người Nga luôn quay trở lại lấy những gì thuộc về họ,” Mardan nói, theo bản dịch của Gerashchenko.

“Người Nga không cảm thấy tội lỗi. Người Nga không có xu hướng suy ngẫm. Người Nga đang tham gia vào việc chiếm đoạt văn hóa và thậm chí còn không hiểu nó là gì.”

Putin dường như đã nhân đôi chiến thuật lâu đời này nhằm biện minh cho việc nước ông xâm lược Ukraine trong cuộc phỏng vấn được kiểm tra kỹ lưỡng với cựu phát thanh viên Fox News, Tucker Carlson, vào đầu tuần này. “Ukraine là một quốc gia nhân tạo,” nhà lãnh đạo Nga nói, theo thông tin từ Điện Cẩm Linh.

“Tổng thống Nga đã nói với thế giới phương Tây một cách cẩn thận và chi tiết nhất có thể tại sao không có Ukraine, không có và sẽ không có”, cựu Tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng an ninh nước này, ông Dmitry Medvedev, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Truyền thông nhà nước Nga, trong suốt cuộc chiến, đã khuếch đại những lời lẽ tương tự. Mardan, một tiếng nói nổi bật trong số các nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, trước đây đã tuyên bố việc trở thành người Ukraine là một lựa chọn chính trị và “hoàn toàn có chủ ý”.

Bằng một hình ảnh tương tự, Mardan sau đó so sánh việc tuyên bố danh tính người Ukraine với việc “thề với quỷ dữ”.

Rory Finnin, phó giáo sư nghiên cứu Ukraine tại Đại học Cambridge, cho biết: “Trong nhiều thế kỷ, Nga đã tìm cách gạt sang một bên và dập tắt ngôn ngữ và văn hóa Ukraine”, họ đã tấn công vào các cộng đồng Ukraine ở Nga một cách có hệ thống.
 
Nữ Tổng thống ân nhân các Kitô Hữu bị bách hại bất ngờ từ chức. Kitô giáo và Tết Nguyên Đán
VietCatholic Media
05:04 13/02/2024


1. Một cái nhìn Kitô giáo về Tết Nguyên Đán

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài bình luận về sự giao thoa giữa Tết nguyên đán và thứ tư Lễ tro.

Năm nay một lần nữa, thời điểm bắt đầu Mùa Chay lại trùng với thời điểm bắt đầu Tết Nguyên Đán Năm con Rồng. Sự trùng hợp này có liên quan đến việc hai sự kiện được ấn định về thời gian theo âm lịch.

Thoạt nhìn, hai sự kiện có vẻ trái ngược nhau: Mùa Chay là thời gian ăn chay, kiêng thịt và sám hối, trong khi Năm Mới là thời gian vui mừng cử hành. Nhưng trong Thư Mục vụ Mùa Chay 2024, Đức Giám Mục Giuse Cam Tuấn Thâu (Gan Junqiu, 甘俊秋) người đứng đầu Tổng Giáo phận Quảng Châu, cho thấy tầm nhìn Kitô giáo có thể hóa giải mâu thuẫn rõ ràng này như thế nào. Đức Giám Mục Trung Quốc viết: “Trên thực tế, mọi hành động được thúc đẩy bởi ý định yêu thương cuối cùng đều hướng về Thiên Chúa. Như vậy, “khi chúng ta bỏ lại sự cô đơn của cuộc sống đô thị phía sau, chúng ta chấm dứt khoảng ngăn cách chúng ta với những người thân yêu của chúng ta và chúng ta trở về nhà, nơi niềm vui được ở bên gia đình ngự trị. Đồng thời, chúng ta có thể sống Phụng vụ Lễ Tro khi nhận ra rằng đó cũng là lời mời gọi từ Chúa Cha Hằng Hữu dành cho chúng ta, lời mời gọi trở về nhà.”

Trong Thư mục vụ Mùa Chay 2024 có tựa đề “Lạy Chúa, xin tạo cho con một trái tim trong sạch” (Tv 51:10), Đức Giám Mục Giuse Cam cho thấy “làm thế nào chúng ta, những Kitô hữu, có thể đắm mình trong tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa trong kỳ nghỉ lễ gia đình này”. Năm Mới, Đức Giám Mục Quảng Châu nhấn mạnh, là “tống cựu nghinh tân (từ biệt quá khứ để chào đón tương lai)”. Trong hành trình Kitô giáo, cũng thế, kinh nghiệm tha thứ và thống hối vì tội lỗi của mình cũng là một “tống cựu” và một bước đi đầy tin tưởng hướng tới thời gian sắp tới. Trong cảm nghiệm như vậy, “chúng ta trở nên tràn đầy niềm vui và hy vọng vào cuộc sống, chúng ta được đổi mới bởi tình yêu Chúa Kitô, trong ân sủng của Thiên Chúa.”

Mùa Chay là “thời gian chuẩn bị cho niềm vui Phục Sinh”. Và chính xác, thời điểm Tết Nguyên Đán, Đức Cha Cam nhấn mạnh, là một cơ hội vàng để làm chứng cho đức tin Công Giáo trong và với gia đình mình. Người ta có thể tham dự “Thánh lễ tạ ơn đêm giao thừa cùng với gia đình, nơi cả gia đình có thể cùng nhau tạ ơn Chúa vì sự che chở và phúc lành của Người trong năm vừa qua, và xin Chúa chúc lành cho bình an, sức khỏe của các thành viên trong gia đình và công việc chúng ta.”

Bằng cách cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích với những người thân yêu của mình, chúng ta cũng có thể đón nhận, với lòng biết ơn Chúa Giêsu, tâm trạng lễ hội và biết ơn của Năm Mới âm lịch.” trong nền văn hóa truyền thống của chúng ta, nhưng chúng ta có thể chứng tỏ rằng đức tin Kitô giáo là một món quà luôn ở trong tâm hồn chúng ta, cho dù thế nào đi nữa”.

Trong lễ mừng Năm Mới – Đức Giám Mục Cam viết – các Kitô hữu có thể cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa cũng như chăm sóc người lân cận của mình.

“Tết Nguyên Đán là thời điểm tốt lành để chăm sóc người khác, bắt đầu từ người già, người bệnh, người cô đơn và những người gặp khó khăn. “Chúng ta có thể trải nghiệm được phước lành và bình an của Chúa trong Lễ hội mùa xuân bằng cách dành thời gian cho gia đình, cầu nguyện trong sự hiệp thông và quan tâm đến người khác”, Đức Giám Mục Cam kết luận.

2. Katalin Novák từ chức tổng thống Hung Gia Lợi

Katalin Novák từ chức tổng thống Hung Gia Lợi hôm thứ Bảy trong bối cảnh phản đối quyết định ân xá của cô vào năm ngoái cho một người đàn ông bị kết tội che giấu hàng loạt vụ lạm dụng tình dục trẻ em trong một nhà trẻ do nhà nước điều hành.

“Tôi đã ban hành lệnh ân xá khiến nhiều người hoang mang và bất ổn,” Novák nói trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc vào ngày 10 tháng 2. “Tôi đã phạm sai lầm.”

Một đồng minh thân cận của Thủ tướng Viktor Orbán, Novák, 46 tuổi, theo đạo Tin lành Calvin, đã là người đấu tranh phò sinh được yêu mến đối với nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới vì sự ủng hộ mạnh mẽ của cô đối với các chính sách ủng hộ sự sống, và gia đình. Là mẹ của ba đứa con, cô là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hung Gia Lợi và là người trẻ nhất từng giữ chức vụ này.

Việc từ chức bất ngờ của cô đã giáng một đòn mạnh vào đảng cầm quyền theo chủ nghĩa dân tộc Hung Gia Lợi Fidesz, là đảng cầm quyền từ năm 2010 với đa số theo hiến pháp.

Sự phản đối kịch liệt của công chúng về việc ân xá chỉ mới nổ ra trong tuần qua. Người đàn ông được cô ân xá vào tháng 4 năm 2023 đã bị ngồi tù từ năm 2018 sau khi bị kết án 8 năm tù vì tội lạm dụng tình dục ít nhất 10 đứa trẻ từ năm 2004 đến năm 2016.

Ở Hung Gia Lợi, quyền ân xá cá nhân được thực hiện bởi tổng thống nước cộng hòa, quyết định của Tổng thống được Bộ trưởng tư pháp ký xác nhận. Việc ân xá của tổng thống không bị kháng cáo về mặt pháp lý.

“Tôi đã quyết định ủng hộ sự khoan hồng vào tháng 4 năm ngoái với niềm tin rằng người bị kết án không lạm dụng sự tổn thương của những đứa trẻ được giao phó cho anh ta. Tôi đã phạm sai lầm,” Novák nói hôm thứ Bảy. “Tôi xin lỗi những người tôi đã làm tổn thương và bất kỳ nạn nhân nào có thể cảm thấy tôi không đứng lên bảo vệ họ.”

Ngay sau thông báo của tổng thống sắp mãn nhiệm, Bộ trưởng tư pháp, Judit Varga, người đã ký quyết định ân xá được đề cập, cũng từ chức và tuyên bố rút lui khỏi đời sống công cộng.

Tin tức này đến như một tiếng sét vang dội ở Hung Gia Lợi, nơi Novák và Varga đã khẳng định mình là những nhân vật tiêu biểu trong chính phủ Orbán trong hai năm qua. Nhưng về lâu dài, cái bóng này sẽ làm mất uy tín của đảng Fidesz, Novák đã xây dựng sự nổi tiếng của mình chính xác dựa trên hình ảnh đạo đức trung thực gắn liền với cô, cũng như các chính sách ủng gia cư và ủng hộ trẻ em được thực hiện khi cô còn là nhà lãnh đạo Bộ Công tác gia đình từ năm 2020 đến năm 2021.

Vào ngày 8 tháng 2, hai ngày trước khi Novák từ chức, Orbán đã thông báo trên trang Facebook của mình rằng ông đã thay mặt chính phủ của mình đệ trình một bản sửa đổi hiến pháp, khiến không thể ân xá cho thủ phạm gây ra tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Trong thông điệp có tựa đề “Không thương xót những kẻ ấu dâm”, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một tình huống ngoại lệ cho tất cả các tội ác đối với trẻ em.

Sau khi Novák từ chức, một nhóm người biểu tình do đảng Momentum đối lập dẫn đầu đã tập trung trước Cung điện Sándor, nơi ở chính thức của tổng thống nước cộng hòa ở Hung Gia Lợi, để yêu cầu chính phủ giải thích thêm.

Với 40 lệnh ân xá được cấp vào năm 2023, Novak, theo truyền thông quốc gia, là “người ban hành lệnh ân xá lớn nhất” trong lịch sử Hung Gia Lợi gần đây.


Source:Catholic News Agency

3. Lịch sử và ý nghĩa Thứ Tư Lễ Tro.

Ngày Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe văng vẳng lời thánh ca từ Sách Sáng thế: Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro. Lời Kinh thánh này nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người qua biểu hiệu “bụi tro” được dùng trong Kinh thánh và trong nghi lễ ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay. Trong bài viết này tôi sẽ nói qua về lịch sử và ý nghĩa thần học phụng vụ của Ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Những Quy luật tổng quát của Năm phụng vụ nói về ngày Thứ Tư Lễ Tro như sau: “Mùa Chay bắt đầu từ Thư Tư Lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc Ly. Ngày Thứ Tư đầu Mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay” (số 28 và 29). Lời chỉ dẫn này cho chúng ta biết ý nghĩa của Ngày Thứ Tư Lễ Tro trong Năm phụng vụ, cũng như trong suốt Mùa Chay thánh. Với Thứ Tư Lễ Tro, Giáo hội bắt đầu Mùa Chay. Ngoài ra trong cơ cấu phụng vụ của ngày này, Giáo hội cử hành lễ nghi làm phép tro và xức tro.

Trong truyền thống phụng vụ từ thế kỷ thứ 7, Ngày Thứ Tư Lễ Tro là một ngày quan trọng, và không một lễ nào có thề vượt lên trên. Người ta cũng gọi ngày này là “Ðầu Mùa Chay” (Caput ieiunii), hay “ Ðầu Mùa ăn chay 40 ngày” (Caput Quadragesimalis). Việc ăn chay trong Mùa này đã có từ thời Ðức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (590-604).

Về nghi thức làm phép tro và xức tro, qua thời gian lễ nghi này đã có sự biến đổi từ một nghi thức nghi thức thống hối trong định chế về tập tục thống hối công cộng thời xưa. Lịch sử phụng vụ về việc thành hình Nghi thức cử hành bí tích thống hối và hòa giải, cũng như định chế Giáo hội về một số sinh hoạt đặc biệt, đã có tục lệ bỏ tro cho hối nhân công cộng đã phạm một số tội nặng cách công khai, mà mọi nguời đều biết, như chối bỏ đức tin, giết người, ngoại tình... Những người này bị loại ra khỏi cộng đoàn tín hữu. Ðể được nhận lại trong cộng đoàn, họ phải làm việc thống hối công cộng theo định chế Giáo hội đưa ra. Vào ngày thứ tư trước Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, những hối nhân công cộng này sẽ tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, và sau khi xưng thú tội của mình, họ sẽ được Ðức Giám mục trao cho chiếc áo nhậm mang trên mình, rồi lãnh nhận tro trên đầu và trên mình. Sau đó họ bị đưổi ra khỏi nhà thờ và được chỉ định đi tới một tu viện để ở đó và thi hành một số việc thống hối đã ra cho họ. Vào sáng thứ năm Tuần thánh, các hối nhân này tụ tập lại tại nhà thờ chính tòa, được Ðức Giám mục xem xét việc thực hành thống hối của họ trong Mùa Chay, sau đó ngài đọc lời xá giải tội lỗi của họ để giao hòa với cộng đoàn. Từ đây họ được quyền tham dự các buổi cử hành bí tích. Tại Rôma, vào thế kỷ thứ 7, các hối nhân công cộng tập họp tại một số nhà thờ tước hiệu của thành phố, cũng như tại 4 Ðại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, thánh Phaolô ngoại thành, thánh Gioan Lateranô và Ðức Bà Cả, để cử hành nghi lễ như vừa nói trên đây.

Về sau định chế thống hối công cộng không còn nữa, tuy nhiên lễ nghi bỏ tro vẫn còn giữ lại trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Ðầu tiên chỉ có các tín hữu lãnh nhận tro trên mình. Về sau các Ðức Giáo hoàng và tín hữu đều lãnh tro, để tỏ lòng thống hối. Sang thế kỷ thứ 10, thì có việc làm phép tro và một lời nguyện kèm theo bắt chước cơ cấu thánh lễ, nghĩa là có lời nguyện giống như Kinh nguyện thánh thể, và việc lãnh nhận tro như khi cử hành việc rước lễ.

Vào thế kỷ thứ 11, cũng tại Rôma, Ðức Giáo hoàng tập họp các giáo sỹ, giáo dân tại nhà thờ thánh Anastasia. Ngài làm phép tro, bỏ tro cho mọi người, sau đó tất cả đi kiệu về nhà thờ thánh nữ Sabina ở đồi Aventino. Trong khi đi kiệu, Ðức Giáo hoàng và cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Tất cả đều mặc áo nhậm, đi chân không, để tỏ lòng thống hối ăn năn. Khi đoàn kiệu đến nhà thờ thánh Sabina, Ðức Giáo hoàng đọc lời xá giải và cộng đoàn cùng hát bài “Chúng ta hãy thay đổi đời sống, Xức tro và ăn chay hãm mình, khóc than vì lỗi lầm đã phạm. Hãy khẩn cầu Thiên Chúa chúng ta. Vì Người rất từ bi nhân hậu sẵng sàng tha thứ mọi tội khiên” (Immutemur, xc. Ge 2, 13). Sau đó ngài cử hành thánh lễ. Ðó là trạm đầu tiên (statio) của Mùa Chay. Ngày nay vào Thứ Tư Lễ Tro, Ðức Giáo hoàng cũng đến làm phép tro và bỏ tro tại nhà thờ thánh nữ Sabina theo truyền thống xưa. Trước đó có cuộc rước kiệu từ nhà thờ thánh Anselmô cũng trên dồi Aventino. Tại nhà thờ thánh nữ Sabina, ngài công bố sứ điệp Mùa Chay cho toàn thể Giáo hội (Sứ điệp Mùa Chay năm 2002 mang tựa đề: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không [Mt 10,8]).

Vào năm 1091, Công đồng Benevento (Nam Italia) đã truyền cử hành nghi lễ bỏ tro cho tất cả các nơi trong Giáo hội. Trong khi bỏ tro, vị linh mục đọc lời: “Ta là thân cát bụi sẽ trỏ về cát bụi” (St 3, 19). Tro này lấy từ những cành lá đã được làm phép trong ngày Chúa nhật Lễ Lá năm trước để lại. Trước công cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng chung Vaticanô II, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro được cử hành trước thánh lễ. Vào năm 1970, khi công bố Sách Lễ Rôma được tu chính, thì lễ nghi này được cử hành sau phần phụng vụ lời Chúa. Ngoài câu trích từ Sách Sáng thế, còn có thêm một công thức dùng khi bỏ tro, lấy từ Phúc âm: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15). Với công thức mới này được thêm vào, thì biểu hiệu “tro” đã mang thêm một ý nghĩa mới nữa đó là việc canh tân đời sống trong suốt Mùa Chay thánh. Sau đây là một trong hai lời nguyện làm phép tro: “Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết ăn năn. Xin nghe lời chúng con khẩn nguyện và rộng tay giáng phúc cho hết thảy chúng con sắp nhận lấy tro này, để chúng con kiên trì giữ bốn mươi ngày chay thánh, và nhờ đó được nên tinh tuyền, xứng đáng cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, Con Một Chúa, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời” (còn có một lời kinh khác trong Sách Lễ Rôma).

Ý nghĩa việc bỏ tro và ngày Thứ Tư Lễ Tro

Trong Cựu Ước, việc xức tro và mặc áo nhậm được dùng để thực hành và biểu lộ lòng thống hối cá nhân hay toàn thể cộng đoàn dân Israel. Tro chỉ thân xác chúng ta là bụi tro, sẽ phải chết.

Trong truyền thống các đan sĩ và tụ viện, tro được dùng để nói lên mối liên hệ với sự chết và sự khiêm nhường thống hối trước mặt Chúa. Vì thế, các tu sĩ, các đan sĩ có tục lệ tại một số nơi, muốn nằm trên đống tro với chiếc áo nhặm để chết. Thánh Martino thành Tours bên Pháp đã nói: “Không gì xứng hợp hơn cho một tu sĩ là việc nằm chết trên đống tro bụi”. Các vị này lấy tro đã được làm phép trong ngày Thứ Tư Lễ Tro, rồi vẽ hình thánh giá trên đất, trên đó còn trải thêm áo nhặm và rồi các vị nằm trên đó khi hấp hối và khi chết. Các tu sĩ cũng có thói quen trộn tro vào bánh như của ăn. Ðó là một hình thức hãm mình nhiệm nhặt mà các tu sĩ phải giữ.

Từ đây chúng ta nhận ra, trước tiên Giáo hội đã đặt nền tảng cho việc thống hối, đó là nhìn nhận lại tình trạng nguyên tuyền của ơn thánh đã bị mất do tội nguyên tồ, và hậu quả là con người xa Thiên Chúa, ttốn tránh Thiên Chúa. Con người sẽ phải chết như là một hậu quả của tội lỗi. Vì thế cần phải “quay trở lại” một cách tận căn, như ý nghĩa diễn tả qua từ “canh tân” trong ngôn ngữ Do thái, là quay ngược lại với 360 độ. Ðàng khác suy tư về bụi tro, để cho thấy sự yếu hèn của mình và tính cách tùy thuộc vào Thiên Chúa vì con người được Ngài tạo dựng. Nhưng Thiên Chúa đoái thương và ban ơn cứu rỗi. Phụng vụ đã diễn tả nền tảng này qua các biểu hiệu và các lời kinh của ngày Thư Tư Lễ Tro.

Cùng với một số biểu hiệu khác được Giáo hội dùng trong Mùa Chay, như mầu áo lễ tím, không đọc Kinh Vinh Danh, không trưng bông hoa trên bàn thờ, không dùng đàn trong thánh lễ, bụi tro cũng được dùng để cho thấy tính cách thống hối của Mùa Chay và thân phận của con người hay chết.

Nói tóm lại, lễ nghi làm phép tro và bỏ tro trong ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi ra cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Ðồng thời, lễ nghi khởi đầu này cũng đề ra cho tín hữu một hành trình phải đi theo trong thời gian suốt Mùa Chay.

Hành trình đó là thực hành các việc làm biểu lộ sự thống hối, sống bác ái; đàng khác, tín hữu cũng phải đi sâu vào tâm tình thống hối, khi suy tư về thân phận con người, về lỗi lầm của mình và nhu cầu khẩn thiết phải trở về, phải canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, tín hữu không làm những việc này trong ý thức khổ hạnh cá nhân, nhưng là để hướng về ơn cứu rỗi Chúa Kitô đã thực hiện và Giáo hội đang chuẩn bị mừng trong đại lễ Phục sinh. Ngày nay các biểu hiệu bên ngoài, như thống hối công cộng, như mặc áo nhậm, như đi chân không trong cuộc hành hương, vv... không còn được thực hiện như xưa, vì hoàn cảnh xã hội đổi thay, nhưng thái độ và ý chí thống hối, canh tân trở về vẫn phải in khắc sâu đậm trong thâm tâm mỗi người. Mỗi người sẽ tự đưa ra cho mình một số những thực hành thống hối trong cuộc sống cụ thể để biểu lộ ý nghĩa và tinh thần của lễ nghi xức tro.
 
Đại Tá Nga khét tiếng, chỉ huy Khu Trục Hạm, đền tội. 5 lời nói dối của Putin với Tucker Carlson
VietCatholic Media
15:24 13/02/2024


1. Bí ẩn xoay quanh hoàn cảnh thiệt mạng của Đại Tá Nga khét tiếng

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 1st Rank Frigate Commander Dead after Touting Strikes on Civilians”, nghĩa là “Chỉ huy khu trục hạm hạng 1 của Nga thiệt mạng sau khi hô hào tấn công dân thường.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Igor Krokhmal, chỉ huy khu trục hạm cấp 1, người từng chỉ huy một số tàu trong sự nghiệp của mình, đã qua đời vào tháng 12, nhưng cái chết của ông đang gây ra nhiều đồn đoán vào hôm Thứ Hai, 12 Tháng Hai.

Theo báo cáo của Nga, người đàn ông 52 tuổi này đã chết “sau một thời gian dài bị bệnh”, nhưng các nhà phân tích đã chỉ ra rằng ông ta nằm trong danh sách do cơ quan tình báo Ukraine công bố, và đã bị biệt kích Ukraine thanh lý.

Krokhmal đã bị Kyiv liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh, trong đó nói rằng anh ta nằm trong số những người “tham gia vào vụ sát hại những công dân ôn hòa của Ukraine và tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn vào các thành phố của Ukraine.” Cơ quan tình báo Ukraine, gọi tắt là GUR, đã công bố nhiều thông tin chi tiết về ông trên mạng, bao gồm cả địa chỉ nhà riêng của ông ta.

Khrokmal đặc biệt bị chỉ trích ở Ukraine sau một cuộc phỏng vấn gây tranh cãi mà ông thực hiện trên truyền hình Nga, trong đó ông mô tả cách nhắm hỏa tiễn Zircon vào một ngôi nhà dân cư, lưu ý rằng nếu nó bắn trượt mục tiêu, nó vẫn sẽ hạ gục những người hàng xóm.

Một tài khoản mạng xã hội có tên KilledInUkraine trên X, theo dõi những cái chết của quân nhân Nga bằng cách theo dõi tin tức, cáo phó và thông báo tang lễ của Nga—được đăng trên trang này vào hôm thứ Hai.

Chia sẻ bức ảnh của người chỉ huy, chú thích có nội dung: “Thuyền trưởng Nga cấp 1, tức là Đại tá ở các quân chủng khác, Igor Krokhmal, chỉ huy khu trục hạm Đô đốc Gorshkov, 'đã qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2023 sau một thời gian dài bị bệnh'. Tình cờ anh ta có tên trong danh sách tội phạm chiến tranh của GUR cần bị loại bỏ…”

Kênh tin tức Crimea Wind trên trang mạng xã hội Telegram cũng chia sẻ thông tin về cái chết của Khrokhmal trong một bài đăng hôm Chúa Nhật. Kênh này đã tải lên đoạn phim về cuộc phỏng vấn truyền hình khét tiếng của anh ta, trong đó có cảnh người chỉ huy trên khu trục hạm nhỏ của anh ta nói: “Ví dụ, một tòa nhà năm tầng, chúng tôi nhắm vào lối vào và nếu không phải cái này thì chắc chắn nó sẽ bay vào cái tiếp theo.”

Bên dưới đoạn clip, kênh tin tức viết: “Chỉ huy khu trục hạm nhỏ 'Đô đốc Gorshkov' nói về độ chính xác của cú tấn công bằng ví dụ về một tòa nhà dân cư 5 tầng có lối vào là mục tiêu điển hình của quân đội Nga. Và anh ta nói về nó một cách thản nhiên… Anh ta sẽ không đến được Tòa án Hình sự Quốc tế The Hague. Tháng 12 năm ngoái, Igor Krokhmal đã qua đời.”

Một kênh có tên InformNapalm, tự mô tả là một cộng đồng tình báo trực tuyến, cũng chia sẻ đoạn clip truyền hình tương tự trên Telegram vào cuối tuần qua và ghi chú bằng tiếng Ukraine: “Những bình luận khá thẳng thắn về mục tiêu mà anh ta chọn để tấn công hỏa tiễn từ tên tội phạm chiến tranh Nga, kẻ chỉ huy khu trục hạm 'Đô đốc Gorshkov', Thuyền trưởng cấp 1 Igor Krokhmal sống tại địa chỉ: vùng Murmansk, Severomorsk, bao gồm đầy đủ thông tin chi tiết như số nhà tòa nhà của anh ta... Xe: Toyota, Land Cruiser, màu đen. Nó nằm trong danh sách trừng phạt của NAKC và danh sách GUR”

Kênh đã thêm một hình ảnh mô tả dấu kiểm và viết: “Cảm ơn GUR, nó đã được giải quyết xong. Ông ta chết trước năm mới.”

Công ty truyền thông Ukraine Hromadske đưa tin về cái chết của người chỉ huy hôm Chúa Nhật, cho biết: “Một số phương tiện truyền thông Nga, như Info24 và SeverPost.ru, đã viết về điều này vào cuối tháng 12, cho thấy rằng ông ấy được cho là đã chết do một vụ tấn công. Đồng thời, Cộng đồng Tình báo Quốc tế InformNapalm đã báo cáo hôm qua, ngày 10 tháng 2, rằng Krokhmal đã chết 'trước Tết', khi Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng Ukraine làm việc với anh ta.

Theo ngày sinh do GUR cung cấp, Krokhmal 51 tuổi, nhưng hầu hết các phương tiện truyền thông, bao gồm cả các nguồn tin của Nga, đều nói rằng ông ta 52 tuổi. Ông qua đời vào ngày 22 tháng 12 và tang lễ của ông diễn ra ở St. Petersburg vào cuối tháng đó.

Báo cáo cho biết: “Hôm nay, tại nghĩa trang Serafimovskoye ở St. Petersburg, các thủy thủ quân sự đã tiễn Thuyền trưởng hạng 1 Igor Krokhmal, người trong nhiều năm chỉ huy các tàu hỏa tiễn và tàu chống ngầm của Hạm đội phương Bắc, trong chuyến đi cuối cùng của ông. Đứng đầu thủy thủ đoàn của khu trục hạm đầu tiên thuộc Dự án 22350, Đô đốc Hạm đội Liên Xô Gorshkov, ông đã bảo đảm thử nghiệm thành công hệ thống hỏa tiễn siêu thanh Zircon.”

Bài báo cho biết thêm, Krokhmal đã nhận được nhiều giải thưởng cấp nhà nước vì lòng dũng cảm và thành tích, đồng thời cho biết ông được chôn cất “bên cạnh các cựu chiến binh, anh hùng tàu ngầm và các nhân vật danh dự khác của Hải quân” với nhiều nhân vật cao cấp tham dự để “ tiễn đưa người chỉ huy trong chuyến hành trình cuối cùng của ông” và gửi lời chia buồn tới gia đình anh ta.”

“Tang lễ diễn ra với sự vinh danh của quân đội dưới một loạt súng trường bắn ba viên,” tài khoản tiếp tục. “Buổi lễ chia tay kết thúc bằng màn diễn hành long trọng của trung đội biểu ngữ theo bài hát 'Varyag' do dàn nhạc quân đội biểu diễn. Theo truyền thống, con dao găm của sĩ quan và lá cờ tiểu bang phủ trên quan tài được tặng cho góa phụ của viên chỉ huy.”

2. Nga lần đầu tiên phóng hỏa tiễn Zircon vào Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 13 Tháng Hai, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho rằng các giám định pháp y cho thấy Nga đã sử dụng hỏa tiễn 3M22 Zircon trong vụ tấn công hỏa tiễn vào Kyiv hôm 7/2.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mảnh hỏa tiễn, bao gồm cả các dấu hiệu cụ thể.

Đại Tá Yurii Ihnat nhấn mạnh rằng hỏa tiễn nhắm vào một khu dân cư không có cơ sở quân sự xung quanh, khiến cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hại và dân thường thiệt mạng và bị thương.

3M22 Zircon là hỏa tiễn hành trình siêu thanh chống hạm được Nga đưa vào sử dụng từ Tháng Giêng năm 2023. Đối phương tuyên bố hỏa tiễn dài 8 đến 10m có thể bay với tốc độ lên tới Mach 8 ở tầm bắn từ 600m đến 1.500 km, mang theo đầu đạn nặng 300 đến 400kg.

Các chuyên gia lưu ý rằng các thiết bị vi điện tử được tìm thấy trong mảnh vỡ được bảo quản kém và thực tế không thể phân tích do hư hỏng vật lý nghiêm trọng.

Các chuyên gia Ukraine cũng cho rằng loại vũ khí này không đáp ứng các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật mà Nga tuyên bố một cách phóng đại.

Các dấu vết tìm thấy trên các mảnh hỏa tiễn cho thấy vũ khí này được lắp ráp gần đây.

Như đã đưa tin trước đó, 4 người thiệt mạng và 38 người bị thương ở Kyiv do vụ tấn công hỏa tiễn của Nga hôm 7 tháng 2.

3. Tính toán mới nhất của Putin dành cho Hạm Đội Hắc Hải có thể chỉ là vô ích

Khi Nga chuẩn bị chuyển một số lực lượng của mình về phía đông Hắc Hải, việc di chuyển ra xa bờ biển Ukraine có thể không đủ để bảo vệ hạm đội Hắc Hải khỏi mối đe dọa tiềm tàng từ các chiến đấu cơ F-16 và F-18 mà Ukraine sắp nhận được.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga có thể đang chuẩn bị xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Hắc Hải ở khu vực ly khai được coi là một phần của Georgia. Công việc xây dựng và nạo vét có thể được nhìn thấy trong các hình ảnh của cảng Ochamchire ở Abkhazia trên những bức ảnh do BBC thu được.

Lãnh đạo khu vực, Aslan Bzhania, nói với hãng tin Izvestia của Nga hồi đầu năm nay rằng Nga sẽ thành lập một căn cứ hải quân mới ở khu vực ly khai. Bzhania nói: “Tất cả đều nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của cả Nga và Abkhazia”.

Các cơ sở mới ở Abkhazia cũng đặt ra câu hỏi về số phận của hạm đội Hắc Hải của Nga, đóng tại Crimea nhưng đã bị buộc phải di chuyển về phía đông do các cuộc tấn công thường xuyên của Ukraine vào bán đảo bị sáp nhập.

Tin tức về căn cứ mới ở Abkhazia làm dấy lên lo ngại Mạc Tư Khoa có thể mở rộng cuộc chiến ở Ukraine, kéo Georgia vào cuộc xung đột. Tbilisi đang hy vọng được gia nhập Liên minh Âu Châu, tổ chức đã hỗ trợ nỗ lực chống lại Điện Cẩm Linh của Kyiv.

Điện Cẩm Linh đã di dời một số tài sản từ Crimea đến căn cứ Novorossiysk ở vùng Krasnodar của Nga. Căn cứ hải quân tại Ochamchire sẽ đưa hạm đội của Nga cách xa bờ biển Ukraine hơn nhiều và ít bị tấn công hơn.

Phó đô đốc đã nghỉ hưu Robert Murrett, giáo sư thực hành về hành chính công và các vấn đề quốc tế tại Đại học Syracuse, cho biết điều này phản ánh “sự di chuyển liên tục về phía đông của hạm đội Hắc Hải của Nga”.

Ông nói với Newsweek: “Các lực lượng Ukraine đã tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu và cơ sở cảng của Nga ở vùng biển giáp Ukraine, ở Crimea và xa hơn nữa”. Ông lập luận rằng một số cuộc tấn công gây thiệt hại nhằm vào các căn cứ của hạm đội Hắc Hải của Nga trong những tháng gần đây đã “tạo động lực mạnh mẽ khiến Mạc Tư Khoa phải tìm kiếm một bến cảng an toàn hơn ở khu vực Abkhazia”.

Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, đồng ý rằng Ochamchire “cách xa Ukraine nhất có thể trong phạm vi Hắc Hải”.

Ông nói với Newsweek: “Việc rút lui chiến lược này đã trở thành điều không thể tránh khỏi đối với hạm đội Hắc Hải của Nga vừa là minh chứng cho các hoạt động hiện tại của Ukraine vừa là dấu hiệu rõ ràng về mối nguy hiểm do sự xuất hiện của chiến đấu cơ F-16 sắp xảy ra”.

Ukraine đã kiến nghị với các đồng minh phương Tây về máy bay phản lực F-16 thế hệ thứ tư trong nhiều tháng và đạt được những lời hứa về loại máy bay tiên tiến này giữa cuộc phản công mùa hè của Ukraine.

Mertens cho biết, mặc dù vẫn chưa rõ chính xác khi nào các máy bay phản lực sẽ đến đất nước bị chiến tranh tàn phá này, nhưng chúng sẽ là một bản nâng cấp đáng kể cho lực lượng không quân của Kyiv và gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng hơn” đối với hạm đội hải quân Hắc Hải của Nga.

Mertens cho biết thêm Ukraine đã sử dụng các máy bay phản lực Su-24 cũ thời Liên Xô, được trang bị hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp để đẩy Nga ra khỏi căn cứ chính ở Hắc Hải tại Sevastopol ở Crimea.

Vào giữa tháng 9, Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow để hạ gục một tàu ngầm Nga ở Sevastopol - cuộc tấn công đầu tiên và duy nhất vào một cuộc tấn công bằng tàu ngầm được cho là đã tiến hành thành công.

Mertens cho biết: “Mối đe dọa từ các chiến đấu cơ F-16 và F-18 sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, vì những máy bay Mỹ này có giao diện phù hợp để tận dụng tối đa tiềm năng của vũ khí phương Tây”, bao gồm cả hỏa tiễn Harpoon.

Mertens cho biết, khi đối mặt với các máy bay Mỹ do Ukraine vận hành, Mạc Tư Khoa sẽ cần phải dựa vào lực lượng hàng không vũ trụ, được gọi là VKS, để bảo vệ hạm đội mặt nước của mình. Các tàu phòng không của Nga kém xa các tàu tương đương của Mỹ, đặt ra “thách thức thực sự” trước sức mạnh không quân ngày càng tăng của Ukraine ở Hắc Hải. Murrett lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chặn quyền tiếp cận Hắc Hải và ngăn chặn thêm nhiều tàu chiến Nga di chuyển vào khu vực.

Nga thậm chí có thể mất quyền kiểm soát ở trung tâm Hắc Hải, mặc dù điều này không có nghĩa là Ukraine khi đó có thể kiểm soát khu vực này.

Mertens cho rằng việc rút lui về Ochamchire là “dấu hiệu cho thấy cuộc chiến trên biển không diễn ra theo kế hoạch của Putin”, nhưng xét cho cùng thì đây cũng là một bước đi thông minh của Nga. Từ căn cứ này, Mạc Tư Khoa có thể nạp lại hỏa tiễn hành trình Kalibr lên tàu của mình, điều này “có ý nghĩa quân sự vững chắc”, ông nói.

“Việc không thể sử dụng Sevastopol để thực hiện sứ mệnh này hiện đang cản trở chiến dịch hỏa tiễn chiến lược của Nga”.

Các chính trị gia Georgia đã tố cáo kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân của Nga ở Ochamchire là “mối đe dọa trực tiếp” đối với Tbilisi và hy vọng gia nhập Liên minh Âu Châu của nước này.

Bộ Ngoại giao Tbilisi cho biết: “Những hành động như vậy thể hiện sự vi phạm trắng trợn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Georgia”.

Nhưng việc chuẩn bị cho một căn cứ ở Abkhazia không gây nguy hiểm cho nguyện vọng trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu của Georgia, vì khối này đã cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia vào đầu tuần này.

Murrett cho biết, việc xây dựng một căn cứ hải quân lâu dài tại Ochamchire sẽ thúc đẩy yêu sách của Nga đối với Abkhazhia. Ông nói thêm: “Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ lôi kéo Tbilisi vào các cuộc giao tranh của hải quân ở Hắc Hải”.

Các chuyên gia vẫn cho rằng khó có khả năng Georgia sẽ bị kéo vào cuộc chiến mệt mỏi, hiện đã tiến gần đến mốc hai năm.

Mặc dù khó có thể xảy ra vào thời điểm này, nhưng sự tham gia như vậy trong tương lai có thể tạo ra một cái cớ sai lầm cho các hoạt động quân sự bổ sung của Nga chống lại Georgia. Mertens nói: “Rất có thể Georgia sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột này”.

Mertens cho biết đây vẫn là tin xấu đối với cả Georgia và các nước phương Tây. “Về lâu dài, điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất phức tạp.”

4. 5 lời nói dối và 1 sự thật từ cuộc phỏng vấn của Putin với Tucker Carlson

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “5 lies and 1 truth from Putin’s interview with Tucker Carlson”, nghĩa là “5 lời nói dối và 1 sự thật từ cuộc phỏng vấn của Putin với Tucker Carlson.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kiểm tra thực tế cho thấy Vladimir Putin tự mâu thuẫn như thế nào.

Chúng ta có thể tin được bao nhiêu - nếu có - những gì Putin nói trong cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson?

Putin không thể nhớ nổi cuộc trò chuyện cuối cùng của mình với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden diễn ra khi nào nhưng vẫn có thể trích dẫn lịch sử Nga từ 400 năm trước một cách chính xác.

Chúng tôi đã lắng nghe những câu chuyện lịch sử và những lời biện minh cho cuộc xâm lược của Putin để tìm kiếm những mâu thuẫn, những điều không chính xác… và thậm chí có thể là một số sự thật.

Biện minh cho sự xâm lược

Ông ta nói gì: “Tôi không hề nói là Mỹ sẽ tấn công bất ngờ vào Nga. Tôi không nói điều đó.”

Tại sao ông ta sai? Thưa: vì chính ông ta đã nói như vậy.

Putin biện minh cho việc xâm lược Ukraine bằng cách cáo buộc mối đe dọa từ Mỹ, tuyên bố chỉ ba ngày trước khi chiến tranh bắt đầu: “Chúng tôi cũng biết đối thủ chính của Mỹ và NATO là ai - đó là Nga. Trong các tài liệu của NATO, nước ta được chính thức và trực tiếp tuyên bố là mối đe dọa chính đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương. Và Ukraine sẽ đóng vai trò là chỗ đứng tiên tiến cho một cuộc tấn công bất ngờ như vậy.”

Ai cấm đàm phán hòa bình?

Putin nói: “Tổng thống Ukraine đã ra luật cấm đàm phán với Nga”.

Tại sao ông ta sai? Thưa: Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh cấm đàm phán cụ thể với Putin, chứ không phải với nước Nga.

“Với vị tổng thống Nga này, điều đó là không thể. Ông ta không biết nhân phẩm và sự trung thực là gì. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng với một tổng thống khác”, ông Zelenskiy nói.

Tuy nhiên, Putin nhận thức rằng bản thân ông là đại diện hợp pháp duy nhất của Nga. Các quan chức chủ chốt của ông đều có chung cảm giác: “Không có nước Nga ngày nay nếu không có Putin”, Vyacheslav Volodin, nhà lãnh đạo Hạ viện Quốc hội Nga, cho biết.

Vì sao Liên Xô sụp đổ

Putin nói: “Nga thậm chí còn đồng ý một cách tự nguyện và chủ động về sự sụp đổ của Liên Xô. … Suy cho cùng, sự sụp đổ của Liên Xô là do giới lãnh đạo Nga khởi xướng một cách hiệu quả.”

Tại sao ông ta sai. Thưa: Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin là một trong ba người ký kết Hiệp định Belovezha vào tháng 12 năm 1991, tuyên bố Liên Xô tan rã. Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô chủ yếu là do các cuộc đấu tranh kinh tế và chính trị nội bộ, với việc một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô tuyên bố độc lập trái với mong muốn của Mạc Tư Khoa.

Ai có sức tuyên truyền mạnh mẽ hơn

Putin nói: “Trong cuộc chiến tuyên truyền, rất khó đánh bại Mỹ vì Mỹ kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông thế giới và nhiều phương tiện truyền thông Âu Châu. Người hưởng lợi cuối cùng của các phương tiện truyền thông lớn nhất Âu Châu là các tổ chức tài chính Mỹ.”

Tại sao ông ta sai. Thưa: Các công ty truyền thông tin tức lớn nhất đều thuộc sở hữu tư nhân và hoạt động mà không có sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ, trái ngược với bối cảnh truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Nga. Truyền hình nhà nước Nga và các cơ quan thông tấn chính ở đó là tài sản của chính phủ, và Điện Cẩm Linh kiểm soát các phương tiện truyền thông khác hoặc tiêu diệt những cơ quan không sẵn sàng cộng tác.

Theo Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, vào năm 2023, chính quyền Nga đã tống giam 28 phóng viên. Trong số đó có hai công dân Mỹ: phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal, bị buộc tội gián điệp; và nhà báo người Mỹ gốc Nga Alsu Kurmasheva, làm việc cho Đài Âu Châu Tự do, bị cáo buộc không ghi danh làm “đặc vụ nước ngoài”.

Về Evan Gershkovich

Putin nói: “Nếu một người nhận được thông tin bí mật và thực hiện điều đó theo cách có âm mưu, thì điều này đủ tiêu chuẩn là hoạt động gián điệp. Và đó chính xác là những gì anh ta đang làm. Anh ta đã nhận được thông tin mật, và anh ta đã làm điều đó một cách bí mật.”

Tại sao ông ta sai? Thưa: Wall Street Journal đã kịch liệt phủ nhận việc bắt giữ Gershkovich ở Yekaterinburg và các cáo buộc chống lại anh ta. Putin cáo buộc Gershkovich hoạt động gián điệp mà không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố của ông rằng FSB đã bắt quả tang phóng viên này.

Sức mạnh thực sự của Nga

Putin nói: “Phương Tây sợ một Trung Quốc hùng mạnh hơn là sợ một nước Nga hùng mạnh, bởi vì Nga có 150 triệu dân và Trung Quốc có 1,5 tỷ dân. Như Bismarck đã từng nói, tiềm năng là quan trọng nhất.”

Tại sao ông ấy đúng. Thưa: Việc Putin thừa nhận rằng phương Tây sợ một Trung Quốc mạnh hơn là một nước Nga mạnh phản ánh một đánh giá thực tế về động lực quyền lực địa chính trị. Tuy nhiên, việc trích dẫn Otto von Bismarck để hỗ trợ cho lập luận của ông vẫn còn nhiều nghi vấn; POLITICO không thể xác nhận Bismarck đã đưa ra tuyên bố mà Putin đã sử dụng.

Tuy nhiên, Putin lại thích sử dụng những câu trích dẫn giả. Vào tháng 12 năm 2023, Putin trích dẫn Bismarck nói rằng “chiến thắng không phải là do các tướng lĩnh giành được mà do các giáo viên và linh mục giáo xứ”. Bismarck chưa bao giờ nói điều đó.

5. Người Nga tăng áp lực lên trục Bakhmut, cố gắng tấn công Bohdanivka

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 13 Tháng Hai, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết tại khu vực Lyman, Lực lượng vũ trang Ukraine đã vô hiệu hóa 138 quân xâm lược Nga và 78 binh sĩ Nga khác – gần Bakhmut.

“Theo hướng Lyman, đối phương đã tiến hành 247 cuộc tấn công sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, chủ yếu là súng cối có cỡ nòng khác nhau và tham gia vào 5 cuộc đụng độ, trong đó quân xâm lược mất 138 binh sĩ thiệt mạng và bị thương cùng 12 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự, trong đó có một chiếc xe tăng, một xe tải và 10 máy bay không người lái các loại”,

Ở hướng Bakhmut, Nga đang tăng cường các nỗ lực tấn công, đặc biệt là gần Bohdanivka, nơi quân Nga tấn công theo nhóm nhỏ, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái và pháo binh. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, quân xâm lược không thể sử dụng khí tài hạng nặng.

“Phần lớn, đây là các đơn vị tấn công Storm Z và Storm V, những đơn vị mà người Nga có xu hướng sử dụng thả giàn nhất, theo kế hoạch cổ điển của họ, nhằm phát hiện các bãi mìn và điểm bắn của chúng ta. Họ được lệnh xông vào và xác định vị trí của chúng ta như những kẻ có thể tiêu hao. Ngoài ra, lực lượng Nga đã tiến hành 358 cuộc tấn công vào các vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine và 19 cuộc đụng độ đã diễn ra, trong đó 78 kẻ xâm lược bị giết hoặc bị thương, đồng thời thêm 10 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự bị phá hủy, bao gồm một chiếc xe chiến đấu bộ binh và 9 chiếc máy bay không người lái khác.”

Nhìn chung, tình hình ở khu vực chiến tranh nói trên vẫn căng thẳng nhưng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, Nga đã giảm số đợt tấn công từ 700-800 vụ một ngày trong một hướng xuống còn 716 vụ trên toàn khu vực. Ông cho rằng điều này là do điều kiện thời tiết không thuận lợi và những vấn đề mà quân xâm lược phải đối mặt trong thời gian chiến sự.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, 63 cuộc đụng độ đã diễn ra trên tiền tuyến trong ngày. Mười tám cuộc tấn công đã bị đẩy lùi ở khu vực Avdiivka.

6. Cuộc tấn công 'quy mô lớn' ở Avdiivka của Nga trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt đạn pháo có nguy cơ chia cắt lực lượng Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Massive' Avdiivka Offensive by Russia Threatens to Split Ukraine Forces”, nghĩa là “Cuộc tấn công 'quy mô lớn' ở Avdiivka của Nga có nguy cơ chia cắt lực lượng Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đối mặt với làn sóng tấn công cường tập bằng xe tăng của Nga nhằm vào Avdiivka, binh sĩ Ukraine bảo vệ thành trì bị tàn phá tuy mệt mỏi nhưng vẫn quyết tâm.

“Tình hình căng thẳng nhưng trong tầm kiểm soát”, Đại úy Dmytro Lykhovii, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine, lực lượng đang bảo vệ Avdiivka, nói với Newsweek. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho những thử thách mới”

Hơn bốn tháng sau cuộc tấn công dữ dội của Nga vào Avdiivka, một thị trấn công nghiệp chiến lược nằm ở phía tây bắc thủ đô khu vực do Nga kiểm soát, Thành phố Donetsk, Nga đang tăng cường sức mạnh.

Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy lực lượng Tavria, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Mạc Tư Khoa đang “ngày càng bổ sung các nhóm xe tăng để tấn công các nhóm bộ binh” xung quanh Avdiivka.

Các nhân vật cao cấp khác của Ukraine cũng đồng tình. Lykhovii nói: “Tôi có thể xác nhận rằng quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng xe tăng thường xuyên hơn cho các hoạt động tấn công vào Avdiivka”.

Lykhovii cho biết thêm, cho đến nay, Nga đã sử dụng các nhóm nhỏ gồm tối đa hai xe tăng để hỗ trợ lực lượng bộ binh của mình. “Nhưng chúng tôi dự đoán rằng đối phương sẽ tiếp tục sử dụng xe tăng với số lượng lớn hơn – cùng với việc gia tăng các hành động tấn công.”

Nga đã chuyển hướng các nguồn lực vào cuộc tấn công chống lại Avdiivka kể từ ngày 10 tháng 10, biến thị trấn kiên cố của Ukraine thành một “máy xay thịt”, một thuật ngữ dùng để mô tả các trận chiến kéo dài với số lượng thương vong cao và tiêu tốn nguồn tài nguyên đáng kể. Avdiivka là một giải thưởng – đối với Nga, nó có giá trị thực sự mang tính biểu tượng cũng như chiến lược. Đối với Ukraine, việc mất đi có thể làm suy giảm thêm tinh thần sau một mùa hè đáng thất vọng và thất bại trong cuộc phản công vào thời điểm lo lắng ngày càng sâu sắc về tương lai viện trợ quân sự từ Mỹ.

Thị trấn đã trải qua một thập kỷ ở tiền tuyến, trong đó Ukraine đã chuẩn bị phòng thủ trong suốt những năm xảy ra xung đột ở miền đông Ukraine. Thời gian Ukraine dành để xây dựng công sự đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Mạc Tư Khoa nhằm chiếm thị trấn bằng các cuộc tấn công do bộ binh chỉ huy – là một chiến thuật cốt lõi của Điện Cẩm Linh trong những tháng gần đây.

Trong những tuần đầu tiên của cuộc tấn công dữ dội, Nga đã mất một số xe tăng và xe thiết giáp. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Mỹ, cho biết vào giữa tháng 12 rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa sau đó đã chuyển sang các cuộc tấn công do bộ binh dẫn đầu xung quanh Avdiivka để “bảo toàn các xe tăng và xe thiết giáp sau hai đợt tấn công đầu tiên vào khu định cư”.

Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, cho biết, việc Nga sử dụng bộ binh cơ giới hóa ở Avdiivka là điều hợp lý vì Ukraine có các công sự rộng lớn. Cô nói với Newsweek rằng lợi ích của Mạc Tư Khoa là bảo vệ hai bên sườn của mình bằng xe thiết giáp và xe tăng.

Hiện Ukraine đang nắm giữ Avdiivka. Các nhà phân tích phương Tây, khi nhìn vào các công sự tỉ mỉ của Ukraine, tin tưởng vào sự kiểm soát của Kyiv đối với thị trấn trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công của Nga, nhưng khi nhiều tháng trôi qua, niềm tin này đã trở nên mờ nhạt. Mặc dù phải trả một cái giá đắt đỏ, Nga vẫn liên tục tiến quân quanh vùng ngoại ô Avdiivka.

Huyết mạch của Ukraine là nước này đã giữ được tuyến đường cung cấp chính của mình. Đường cao tốc 00542, chạy vào Avdiivka từ phía tây thị trấn từ Orlivka gần đó, có vai trò quan trọng trong việc duy trì lực lượng của Ukraine.

Miron cho biết Nga đang nỗ lực cắt đứt con đường này và các nguồn lực mà nó cho phép Ukraine sử dụng để bảo vệ thị trấn. Đồng thời, Mạc Tư Khoa đang nỗ lực cắt giảm một nửa lực lượng Ukraine ở đó

Miễn là tuyến đường cung cấp chính vẫn còn nguyên vẹn và Ukraine có thể tiếp tục các cuộc phản công cục bộ nhằm vào lực lượng Nga, “Avdiivka có thể vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine”. Nếu không có tuyến đường cung cấp này, triển vọng sẽ rất ảm đạm.

Và Nga đang giành được chỗ đứng. Lykhovii nói với truyền thông Ukraine cuối tuần qua rằng Nga đang tập trung vào huyết mạch tiếp tế của Ukraine, đồng thời thừa nhận rằng Mạc Tư Khoa hiện đang tấn công lực lượng Ukraine tại các tòa nhà ở Avdiivka và tập trung vào khu vực phía bắc thị trấn.

ISW cho biết trong đánh giá mới nhất của mình rằng hôm Chúa Nhật, các chiến binh của Nga đã đạt được những bước tiến được xác nhận ở phía bắc Avdiivka, cũng như ở phía tây nam.

Miron dự đoán Nga có thể sẽ tiếp tục sử dụng máy bay không người lái và bom trên không để hỗ trợ các nỗ lực trên mặt đất.

Các máy bay phản lực của Nga tiếp cận Avdiivka đã buộc phải tấn công từ xa vào các vị trí của Ukraine, bị cản trở bởi lực lượng phòng không Ukraine gây nguy hiểm cho máy bay. Chính phủ Anh đánh giá vào tuần trước rằng điều này đã làm giảm độ chính xác của các cuộc không kích, nhưng vẫn gây ra thiệt hại nặng nề cho Avdiivka.

Miron nói: “Bằng cách này, người Nga có thể duy trì áp lực lên lực lượng Ukraine”.

7. Zelenskiy tổ chức cuộc gặp đầu tiên với Bộ Tổng Tham Mưu mới về Avdiivka, Kupiansk, và phía nam

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp với Tham mưu của Tổng tư lệnh tối cao, nơi họ thảo luận về tiền tuyến và việc bảo vệ các khu vực tiền tuyến khỏi sự khủng bố trên không của Nga.

Tổng thống cho biết: “Các vấn đề ưu tiên vẫn không thay đổi: tiền tuyến và bảo vệ các khu vực tiền tuyến, con người và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi sự khủng bố trên không của Nga”.

“Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã được đổi mới. Các vấn đề ưu tiên vẫn không thay đổi: tiền tuyến và bảo vệ các khu vực tiền tuyến, người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi sự khủng bố trên không của Nga”, Tổng thống nói.

Zelenskiy đã nghe báo cáo từ Tổng Tư Lệnh Oleksandr Syrskyi và Tổng tham mưu trưởng Anatolii Barhylevych, đại diện các cơ quan tình báo và chỉ huy các nhóm tác chiến và quân sự chiến lược.

Tại cuộc họp, họ đã thảo luận về Avdiivka, Kupiansk và miền nam. Cung cấp cho quân đội mọi thứ họ cần: đạn pháo, máy bay không người lái, tác chiến điện tử.

Tổng thống cũng đã nghe báo cáo của các kỹ sư điện lực và nhà lãnh đạo chính quyền dân sự - quân sự ở khu vực tiền tuyến. Họ thảo luận về việc phát triển hơn nữa cơ chế bảo vệ đa cấp đối với các cơ sở cung cấp điện, nước và nhiệt.

“Chúng tôi đã quyết định tăng số lượng và khả năng của các nhóm hỏa lực cơ động”, Zelenskiy nói.

Như đã đưa tin, Zelenskiy đã thực hiện những thay đổi đối với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia cũng như Ban Tham mưu của Tổng Tư lệnh Tối cao. Đặc biệt, nguyên thủ quốc gia đã bổ nhiệm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Syrskyi vào Bộ tham mưu.

8. ATACMS có thể hạ gục cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với Krasnodar của Nga không?

Sau khi, ATACMS, hay gọi tắt theo quân đội Mỹ là a-tá-kừm, đã hạ gục 21 máy bay trực thăng, và 3 tổ hợp phòng không S-400 của Nga, trị giá tới 1,8 tỷ Mỹ Kim, báo chí tại Kyiv hô hào quân đội hãy mau chóng dùng ATACMS hạ gục ngay cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với Krasnodar của Nga, mà chi phí xây dựng lên đến 3,7 tỷ Mỹ Kim.

Tuy nhiên, ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s New ATACMS Missiles Aren’t Bridge-Killers. Not Yet, At Least.”, nghĩa là “Hỏa tiễn ATACMS mới của Ukraine không phải là kẻ hủy diệt cầu. Ít nhất là chưa.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Sau nhiều tháng giới chức Ukraine vận động hành lang, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng đã chuyển Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội M39 tới Ukraine. Và người Ukraine đã nhanh chóng bắn ba trong số những hỏa tiễn nặng hai tấn vào một căn cứ trực thăng của Nga ở Berdyansk, miền nam Ukraine bị tạm chiếm; trước khi tấn công cú thứ hai hủy diệt 3 tổ hợp phòng không S-400 được Putin hứa hẹn là bất khả chiến bại.

Các hỏa tiễn đạn đạo dẫn đường quán tính đã xuyên thẳng qua chiếc ô phòng không đã sờn của Nga và khi chúng đến gần mặt đất, rải hàng nghìn quả đạn con cỡ lựu đạn trên các sân đậu máy bay trực thăng của phi trường Berdyansk, và được cho là đã phá hủy ít nhất 21 máy bay trực thăng của Nga.

Theo Fighterbomber, một kênh Telegram nổi tiếng của Nga, đây là “một trong những cuộc tấn công nghiêm trọng nhất mọi thời đại” trong cuộc chiến kéo dài 21 tháng của Nga với Ukraine. Và mối đe dọa ATACMS có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều đối với người Nga nếu Chính quyền Biden bổ sung các hỏa tiễn M39 30 năm tuổi bằng M39A1 hay M48 mới hơn.

Quân đội Hoa Kỳ đang sở hữu hàng trăm hỏa tiễn M39A1 và M57 có động cơ hỏa tiễn đã hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng và Quân đội có thể cho đi sau khi kiểm tra nhanh — tất cả đều không gây nguy hiểm cho khả năng tiến hành một cuộc chiến lớn với khoảng 1.000 hỏa tiễn ATACMS chưa hết hạn sử dụng của mình..

Phiên bản M39 của ATACMS được dẫn đường bởi một bộ con quay laze liên tục xác định vị trí của hỏa tiễn và điều chỉnh đường đi của nó bằng cách tính toán tốc độ của nó và định hướng từ vị trí phóng của nó.

Điều hướng quán tính có độ chính xác hợp lý. Chắc chắn là đủ chính xác để khoảng 60 bệ phóng M-270 và bánh xe của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao của Ukraine bắn trúng một phi trường từ cách đó 50 dặm. Đó là khoảng cách giữa Berdyansk và tiền tuyến ở miền nam Ukraine.

Nhưng phiên bản M39A1 của hỏa tiễn ATACMS thậm chí còn chính xác hơn. Nó bổ sung hướng dẫn GPS vào hướng dẫn quán tính để mang lại cho đạn dược xác suất sai số vòng tròn khoảng 30 feet, nghĩa là hầu hết các hỏa tiễn có khả năng hạ cánh cách mục tiêu trong vòng 9 mét.

Phiên bản M48 thay thế 950 quả đạn con của M39A1 bằng một đầu đạn xuyên thấu nặng 500 pound. Trong khi M39 là vũ khí khu vực, được tối ưu hóa để tiêu diệt số lượng lớn mục tiêu không có lớp giáp bảo vệ, thì M48 là vũ khí phá boong-ke, phá công trình và diệt tàu. Nó thực sự có chung thiết kế đầu đạn với hỏa tiễn chống hạm Harpoon của Hải quân Hoa Kỳ.

Khi lực lượng không quân Ukraine tấn công vào một tàu ngầm Nga trong ụ tàu ở Sevastopol, vùng Crimea bị tạm chiếm vào tháng trước, lực lượng này đã sử dụng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất với đầu đạn xuyên thấu tương tự. Hiệu quả thật tàn khốc. Hỏa tiễn hành trình xuyên thủng vỏ thép của tàu ngầm rồi phát nổ bên trong tàu như pháo nổ trong quả trứng.

Với M39, quân Ukraine có thể tấn công vào các mục tiêu lớn không được bảo vệ: như phi trường, bãi chứa đạn, kho tiếp tế, bãi sửa chữa phương tiện, v.v. Với M39A1, họ có thể tấn công vào các mục tiêu nhỏ hơn không được bảo vệ: chẳng hạn như các trạm chỉ huy. Với M48, họ có thể phá hủy các mục tiêu nhỏ được bảo vệ như hầm ngầm... và cầu.

Thật vậy, những cây cầu có thể là mục tiêu có giá trị nhất trong danh sách mục tiêu nếu Ukraine có được M48. Các tuyến đường tiếp tế của Nga xuyên qua miền nam Ukraine đi qua một số cây cầu quan trọng, đáng chú ý nhất là Cầu Kerch nối liền Nga với Bán đảo Crimea.

Lực lượng Ukraine đã phá hỏng một đoạn cầu Kerch hồi tháng 7, được cho là bằng cách điều khiển một chiếc thuyền không người lái chở đầy chất nổ bên dưới nhịp cầu. Cuộc tấn công đã siết chặt hoạt động hậu cần của Nga ở Crimea, nhưng chỉ là tạm thời: cây cầu đã được mở cửa trở lại hoàn toàn vào tuần trước.

Người Ukraine đã có một số loại đạn có thể tấn công cây cầu. Ngoài các thuyền robot, chúng còn bao gồm hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP-EG và hỏa tiễn đạn đạo S-200. M48 sẽ mở rộng các lựa chọn của Kyiv và có thể thực hiện một cuộc tấn công lớn thứ hai vào cây cầu.

Tuy nhiên, đây có thể là một hoạt động khó khăn đối với các khẩu đội hỏa tiễn của quân đội Ukraine. M48 tự hào có tầm bắn 186 dặm hay 300km, gần gấp đôi tầm bắn của M39. Nhưng từ tiền tuyến đến cầu Kerch là 150 dặm hay 241km, nên các khẩu đội sẽ phải di chuyển đến gần tiền tuyến và có rủi ro là bị phát hiện cũng như bị phản pháo.

Tất nhiên đó chỉ là phỏng đoán. Không có bằng chứng nào cho thấy Tòa Bạch Ốc đã gửi M39A1 hoặc M48 hoặc có kế hoạch thực hiện điều đó trong tương lai gần. Các nhà ngoại giao Ukraine phải mất một năm thuyết phục Chính quyền Biden gửi M39; ai biết được sẽ cần bao lâu để có thể nhận được M39A1 và M48.
 
Ấn Độ bắt giữ các linh mục và nữ tu. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 – Thứ Tư Lễ Tro
VietCatholic Media
17:02 13/02/2024


1. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro và cuộc rước kiệu truyền thống tại Rôma

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ và cuộc rước truyền thống Thứ Tư Lễ Tro vào ngày 14 tháng 2 trên Đồi Aventine ở Rôma.

Văn phòng Cử hành Phụng vụ đã thông báo vào ngày 6 tháng 2 rằng trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự tại chặng Mùa Chay đầu tiên tại Nhà thờ Thánh Anselmô, cũng nằm trên đường Aventine, lúc 4:30 chiều giờ địa phương.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham gia cuộc rước sám hối đến Vương cung thánh đường Thánh Sabina, nơi ngài sẽ cử hành Thánh lễ lúc 5 giờ chiều và làm phép tro sẽ được phân phát cho các tín hữu.

Các chặng dừng Mùa Chay là một trong những truyền thống sâu xa nhất về việc bắt đầu Mùa Chay ở Rôma. Đó là một phong tục cổ xưa trong đó các tín hữu dừng lại ở các nhà thờ khác nhau để suy niệm Cuộc Khổ nạn của Chúa.

Mỗi ngày Mùa Chay, các tín hữu Rôma dừng lại trước một trong những nhà thờ ở trung tâm thành phố lịch sử được dựng lên để tưởng nhớ các vị tử đạo. Sau đó, cuộc rước diễn ra trong đó các bài kinh thường được hát và cuối cùng Thánh lễ được cử hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện khóa tĩnh tâm Mùa Chay cá nhân từ chiều Chúa Nhật, ngày 18 tháng Hai đến thứ Sáu, ngày 23 tháng Hai.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật Ký Trừ Tà 278: Đền thờ Chúa Thánh Thần

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #278: Temple of the Holy Spirit”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà 278: Đền thờ Chúa Thánh Thần”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tôi đang cầu nguyện cho một người bị ma quỷ ám ảnh và tôi đã đọc đến cụm từ trong lời cầu nguyện mệnh lệnh cuối cùng có nội dung: “Hãy nhận biết Thần Khí chân lý và ân sủng, Đấng đẩy lùi các cuộc tấn công của ngươi và làm tiêu tan những lời dối trá của ngươi”. Ngay sau đó là mệnh lệnh “Hãy rời khỏi người đàn ông hay người phụ nữ này, người mà Thiên Chúa đã xức dầu thiêng liêng đã xây nên một ngôi đền thánh”. Phản ứng của ma quỷ rất mạnh mẽ. Điều này rõ ràng đã gây chấn động.

Vì vậy, tôi đã nhấn mạnh những chân lý thần học này: “Nhân danh Chúa Giêsu, tôi truyền lệnh cho ngươi hãy mở mắt ra và thấy rằng người này là đền thờ của Chúa Thánh Thần!” Và tôi lại cầu nguyện: “Chúa Thánh Thần ngự trong anh ta hay cô ta; không có chỗ cho ngươi. Ánh sáng của Chúa Thánh Thần xua tan bóng tối!” Một nhà trừ quỷ khác của chúng tôi cũng có trải nghiệm tương tự. Anh ta cũng vậy, trong các buổi trừ quỷ, anh ta đã nói lên sự thật: “Cô ấy/anh ấy là đền thờ của Chúa Thánh Thần.”

Khía cạnh liên quan đến Chúa Thánh Thần này của Nghi thức Trừ tà là một sự bổ sung mạnh mẽ. Nó rất có ý nghĩa. Sự nhập thể của Con Thiên Chúa giúp nhân loại chúng ta được tràn đầy Chúa Thánh Thần và tham gia vào đời sống Thiên Chúa. Điều này đã không xảy ra với các thiên thần.

Người ta suy đoán rằng một trong những lý do khiến Lucifer từ chối Chúa là do anh ta ghen tị với loài người. Vì vậy, trong lễ trừ quỷ, tôi nói tiếp: “Hãy mở mắt ra và nhìn xem! Hãy xem rằng người này là đền thờ của Chúa Thánh Thần, mà các ngươi sẽ không bao giờ trở thành!” Điều này ngay lập tức được theo sau bởi một phản ứng ma quỷ rất mạnh mẽ.

Đó là một sự thật tuyệt vời rằng, trong Chúa Kitô và nhờ ân sủng thánh hóa của các bí tích, giờ đây chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúng ta không nghĩ nhiều về điều đó và tôi không nghĩ chúng ta thực sự nắm bắt được thực tế sâu sắc này. Nhưng lũ quỷ, những kẻ coi thường con người là những kẻ thấp kém nhất, rõ ràng là khá hiểu điều đó. Nó hành hạ họ.


Source:Catholic News Agency

3. Giữa các vụ bắt giữ các linh mục và nữ tu Ấn Độ, giám mục kêu gọi ‘xông vào Thiên Đàng’

Sau các vụ bắt giữ gần đây các linh mục và một nữ tu ở Ấn Độ với cáo buộc vi phạm luật “chống cải đạo” của quốc gia có đa số người theo đạo Hindu, một giám mục Công Giáo đã gửi đi lời kêu gọi “hãy xông vào thiên đàng bằng những lời cầu nguyện”.

Đức Giám Mục Ignatius D'Souza Địa phận Bareilly thuộc Tổng Giáo phận Agra đã đưa ra “yêu cầu cầu nguyện” trên mạng xã hội vào ngày 7 tháng 2.

Đức Cha D'Souza cầu xin: “Tôi yêu cầu anh chị em hãy xông lên thiên đàng để tất cả những người đang giải quyết vụ án nhạy cảm này có thể được Chúa Thánh Thần soi sáng và anh em của chúng ta có thể sớm được thả ra”.

Ngài cho biết Cha Dominic Pinto và chín nhà tổ chức giáo dân Tin Lành đã bị bắt giam vì cáo buộc các vị vi phạm đạo luật chống cải đạo. Tưởng cũng nên biết thêm: đạo luật này không cho phép những người bị bắt được tại ngoại.

11 trong số 28 bang của Ấn Độ đã thông qua luật hình sự hóa việc cưỡng bức cải đạo, nhưng trên thực tế, chúng được sử dụng để ngăn chặn việc thực hành đức tin Kitô giáo.

Pinto, giám đốc trung tâm mục vụ của Giáo phận Lucknow ở phía bắc bang Uttar Pradesh, đã bị bắt vào ngày 6 tháng 2 vì cho phép một cuộc tụ tập 100 người do các mục sư theo đạo Tin lành dẫn đầu diễn ra tại trung tâm Công Giáo. Chính phủ Uttar Pradesh được kiểm soát bởi Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, là đảng của Thủ tướng Narendra Modi.

Dân số Ấn Độ có 79,8% theo đạo Hindu, 14,2% theo đạo Hồi và 2,3% theo Kitô giáo. Tại bang Uttar Pradesh – bang đông dân nhất Ấn Độ với 2,3 triệu dân – chỉ có 0,18% là người theo Kitô giáo.

Cha Donald D'Souza, Chưởng ấn Giáo phận Lucknow, nói với CNA: “Những người theo trào lưu chính thống Ấn Độ giáo xông vào trung tâm và nhất quyết yêu cầu bắt giữ linh mục tại đồn cảnh sát cùng với các mục sư trong khi những người theo trào lưu chính thống khác thậm chí còn đe dọa tu viện và các nữ tu gần đó”.

Vào ngày 7 tháng 2, Sơ Mercy của Trường Carmel thuộc Giáo phận Ambikapur ở bang Chattisgarh, nơi chính phủ cũng do BJP cai trị, đã bị bắt vì “tiếp tay cho vụ tự tử” của một nữ sinh lớp sáu. Trước khi cô gái qua đời, nữ tu đã thẩm vấn cô và hai cô gái khác vì đã ở cùng nhau trong phòng tắm một thời gian dài. Nữ tu đã yêu cầu các cô gái đưa bố mẹ đến trường vào ngày hôm sau.

Ngay sau khi cô gái tự sát, các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu đã sắp xếp một đám đông lớn tuần hành đến trường và cảnh sát được gọi đến hiện trường. Cảnh sát đã bắt giữ nữ tu vào sáng hôm sau.

Cha Anil Mathew, người quản lý một ký túc xá dành cho trẻ em, cũng bị bắt vào ngày 7 tháng 1 tại Bhopal, thủ phủ bang Madhya Pradesh ở miền trung Ấn Độ, vì điều hành một “ký túc xá bất hợp pháp” và được tại ngoại sau hai tuần ngồi tù. BJP cũng là đảng cầm quyền ở bang Madhya Pradesh.

Một linh mục Công Giáo bị chính quyền Ấn Độ bắt giữ vì vi phạm luật “chống cải đạo” đã được thả ra khỏi tù vào ngày 22 tháng 12 sau khi bị giam giữ gần ba tháng trong bối cảnh cuộc đàn áp các Kitô hữu ngày càng gia tăng ở bang Uttar Pradesh có đa số người theo đạo Hindu.

“Các cuộc tấn công nhằm vào các Kitô hữu tiếp tục gia tăng ở các vùng khác nhau của Ấn Độ. Việc quấy rối nhân viên phục vụ trong các trại trẻ mồ côi, các cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe dựa trên cáo buộc sai trái về việc cải đạo đã trở nên phổ biến”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ than thở vào ngày 7 tháng 2 khi kết thúc cuộc họp kéo dài một tuần với sự tham dự của 170 giám mục.

“Việc quấy rối các Kitô hữu và những người điều hành các tổ chức đã trở thành chuyện thường ngày ở những bang này”, Đức Giám Mục Jerald Almeida, giám mục đã nghỉ hưu của Jabalpur, cũng ở Madhya Pradesh, phát biểu với CNA vào ngày bế mạc hội nghị CBCI.

“Tôi có hai trường hợp sai trái chống lại tôi về việc cải đạo và thậm chí tra tấn trẻ em và sáu trường hợp khác chống lại các linh mục, nữ tu và giáo viên”, Đức Cha Almeida nói.

Diễn đàn Kitô giáo thống nhất, cơ quan giám sát bạo lực chống Kitô giáo ở nước này, trong báo cáo ngày 8 tháng 12 năm 2023 đã chỉ ra rằng trong số 687 vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu trong 334 ngày vào năm 2023, có 531 vụ xảy ra trong bốn tiểu bang, và 287 diễn ra ở Uttar Pradesh.


Source:Catholic News Agency