Ngày 11-02-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đem yêu thương vào nơi oán thù
Lm. Anphong Trấn Đức Phương
10:34 11/02/2010
ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ

Đứng trước những bách hại tôn giáo hiện nay tại Việt Nam, nhiều người gọi điện thoại tỏ vẻ lo lắng, buồn phiền, bức xúc.

Không biết phải làm sao, nên tôi mở Phúc Âm để tìm an ủi nơi Chúa, và để lấy can đảm và nhìn ra Thánh Ý Chúa nhiệm mầu để vâng theo.

Trong câu Phúc Âm theo Thánh Matthêu 6:34, Chúa bảo: Các con đừng quá lo lắng về ngày mai; ngày mai cứ để ngày mai lo, ngày nào có cái khổ của ngày ấy!” Tôi liền nhớ đến một câu chuyện về Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963); trên ngôi Giáo Hoàng từ 1958-1963: Trong một đêm khi Ngài đang ngủ, Ngài mơ thấy bao nhiêu vấn đề cấp thiết trong Gíao Hội cần phải giải quyết ngay; đặc biệt là nỗi lo âu về những bách hại lúc đó do Cộng Sản đang gây ra cho Giáo Hội tại Liên Sô, Đông Âu và nhiều nơi trrên thế giới. Ngài mong cho đến sáng để xin vào triều yết Đức Giáo Hoàng, và trình bày những vấn đề cần phải làm ngay để cứu vãn Giáo Hội. Trong giấc mơ, Ngài hồi hộp mong cho chóng sáng. Rồi Ngài bừng tỉnh khỏi giấc mơ, và nhân ra chính Ngài đang là Giáo Hoàng: “Chính Ta đang là Giáo Hoàng đây!” Ngay lúc đó, Ngài cảm thấy một nỗi lo sợ về trách nhiệm đang đè nặng trên vai. Nỗi sợ hãi, lo lắng quá làm Ngài toát mồ hôi: “Ta phải làm gì đây!” Và Ngài cầu nguyện xin ơn Chúa giúp…” Ngay lúc đó như có tiếng Chúa Giêsu nói với Ngài: “Giáo Hội là của Ta, chứ không phải của con!” Thế Là Ngài lấy lại bình tĩnh. Rồi nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Ngài đã khai mở Công Đồng Vatican II (1962-1965). Rồi Chúa cất Ngài về với Chúa năm 1963. Rồi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1978, trên ngôi Giáo Hoàng từ 1963-1978) tiếp tục công việc của Đức Gioan XXIII. Công Đồng đã được diễn ra và hoàn tất tốt đẹp. Cho đến Đức Gioan Phaolô II (1920-2005): trên ngôi Giáo Hoàng từ 1978-2005, Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là người Ý trong vòng 450 năm, từ một nước Ba Lan cộng sản được bầu lên ngôi Giáo Hoàng. Lúc đó, có người lo sợ vị “Giáo Hoàng đỏ” này sẽ nhuộm đỏ các Giáo Hội sao! Nhưng không phải thế. Nhờ đời sống thánh thiện và những hoạt động mạnh mẽ và nhửng cuộc thăm viếng mục vụ của Ngài đến nhiều nơi trên thế giới, đã làm cho các quyết định của Công Đồng Vatican II được áp dụng mạnh mẽ khắp nơi trong Giáo Hội. Cũng nhờ một phần lớn ảnh hưởng của Ngài, chế độ Cộng sản đã sụp đổ hoàn toàn ở Liên sô và Đông Âu (1989). Khối Cộng sản Liên sô tan rã (1991). Bức tường ô nhục ở Bá linh (Đông Đức), dựng lên năm 1961 đã bị phá hủy bình địa vào năm 1989.

Ngày nay, Giáo Hội vẫn bị bách hại tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Việt Nam hiện nay. Chúa đâu rồi? Hàng Giáo Phẩm đâu rồi? Sao không thấy đứng lên hành động gì cả?

Nhiều người lo sợ Giáo Hội Việt Nam rồi sẽ ra sao, sẽ bị phá tan nát sao? Không, không bao giờ!

Các vua triều Nguyễn và nhóm Văn Thân đã áp dụng mọi biện pháp qủy quyệt và tàn bạo nhất để nhằm tiêu diệt Đạo Thánh Chúa ở Việt Nam. Nhưng Chúa vẫn ở với Giáo Hội. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam vẫn khôn ngoan, sáng suốt lãnh đạo Giáo Hội. Rồi Triều Nguyễn đã qua đi, các Vua Chúa triều Nguyễn tất cả đã trở về với cát bụi, nhưng Giáo Hội Việt Nam vẫn trường tồn, vẫn phát triển để rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người. Giáo Hội Việt Nam vẫn còn đó để giúp đỡ các bệnh nhân, các người nghèo khó, và để mở mang nền văn hóa cho Dân Tộc Việt Nam qua các trường học từ Mẫu Giáo đến Đại Học.

“Khi Chúa mở ra thì không ai đóng lại được; khi Chúa đóng lại thì không ai mở ra được!” (Khải Huyền 3:7)

Mọi người đều là con cái Chúa, vì mọi người được dựng nên theo hình ảnh Chúa (Sách Khởi Nguyên 1: 27). Chúa để mọi người có tự do, và phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của mỗi người. Ngài luôn rộng lượng chờ đợi và kêu gọi các tín hữu hãy thực thi bác ái chứ không bạo động; “Ai kiện cáo để lấy áo trong, hãy để cho họ lấy cả áo ngoài nữa! Hãy yêu kẻ thù, hãy cầu nguyện cho những người bách hại chúng con… Thiên Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa xuống trên người công chính, cũng như cho kẻ bất lương…” (Matthêu 5: 38-48).

Hai ngàn năm trước, khi chịu chết treo trên Thánh Giá cùng với hai tên trộm cướp, một người đã nói với Chúa: Ông Giêsu ơi, nếu ông thực sự là Đấng Kitô, ông hãy cứu lấy ông đi và cứu cả chúng tôi nữa!” (Luca 23: 39) Nhưng Chúa Giêsu chẳng hành động gì cả, chẳng hô hào phải bạo động, hận thù. Trái lại, trước khi tắt thở, Chúa đã xin với Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” (Luca 23: 34).

Lạy Chúa, trong bức xúc nhiều khi đi đến hờn căm, hận thù, xin cho chúng con biết noi gương quảng đại tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con nhớ đến lời Chúa, can đảm thực thi lời Chúa, tin tưởng, phó thác vào sự quan phòng của Chúa, và can đảm hát lên, với cả tâm hồn, lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô khó nghèo:

“Lạy Chúa từ nhân,

Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm …(Kim Long: Thánh ca Kinh Hòa Bình).
 
Bình An - Quà Tặng Năm Mới
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
11:30 11/02/2010
Bình an – Đó là điều mà chúng ta mong ước và cầu chúc cho nhau mỗi lần tết đến xuân về. Bình an là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người kể cả trên bình diện xã hội và tâm linh. Bình an như là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đang đồng hành giữa nhân loại và thái độ đáp trả của con người bằng đời sống yêu thương. Vì khi sống yêu thương, chúng ta cũng đồng thời được tận hưởng một thế giới an bình.

1. Thiên Chúa là nguồn mạch bình an

Nguồn bình an đích thực đến từ Thiên Chúa. Từ thuở tạo thiên lập địa, chính Thiên Chúa đã khai thông nguồn bình an ấy đến tận muôn loài. Riêng đối với con người, Ngài đã ưu ái đặc biệt khi cho chúng ta được cộng tác với Ngài trong việc tạo lập bình an cho thế giới. Nhưng chúng ta đã khước từ tình yêu của Thiên Chúa, lạm dụng quyền tự do Ngài ban theo những chiều hướng xấu dẫn đến bất an, đau khổ.

Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Khi nhân loại bị tước mất nguồn bình an vì phải xa lìa Thiên Chúa, thì chính Ngài lại tiếp tục nâng đỡ và kêu mời chúng ta trở về nhận lại ơn bình an nơi Con Một Người là Đức Giêsu Kitô

“Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1Tx 5, 23-24).

Một khi ý định của Thiên Chúa đã được thành toàn nơi Đức Kitô, nhân loại thực sự được mời gọi bước vào sống trong thế giới của nguồn bình an vô tận. Khi đã được tháp nhập vào thân thể huyền nhiệm của Đức Kitô, chúng ta không còn phải bất an vì lo sợ quyền lực sự dữ thống trị.

“Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3, 15).

Cuộc lữ hành trong Đức tin của người môn đệ Chúa dù phải đối diện với muôn vàn mối hiểm nguy luôn rình rập đe doạ, nhưng đó sẽ là cơ hội quý giá cho chúng ta tận hưởng bình an chân thật do chính Thập Giá mang lại.

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến, cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).

2. Không có bình an nếu thiếu tình yêu

Như vậy, bình an là quà tặng vô giá do bởi tình yêu mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại. Điều này cho thấy bản chất của bình an được khởi đi từ tình yêu. Tình yêu vừa là động lực, vừa là cốt tuỷ của sự bình an. Bình an mà Đức Kitô đã dành trọn cho nhân loại trong công cuộc cứu độ của Ngài, chính là nguồn bình an mà nhờ đó con người được sống trong tình yêu Thiên Chúa và anh em.

Kitô giáo đã mở ra cho chúng ta một hướng nhìn toàn diện khi nghiệm xét điều mà nhân loại hôm nay không ngừng vươn tới: bình an. Đích điểm mà con người bao đời vẫn kỳ vọng là được sống trong một thế giới hoà bình sẽ trở thành ảo tưởng, nếu thế giới ấy thiếu đi tình thương.

Vẫn còn đó những bất an khi con người chưa đáp ứng lời mời của Đức Kitô: hoà giải – thứ tha.

Vẫn còn đó những bất an khi những nhóm, hay cá nhân bất chấp các nguyên tắc luân lý nền tảng của sự sống và nhân phẩm con người.

Vẫn còn đó những những bất an khi người ta nhân danh quyền lực để chèn ép, áp bức đồng bào vô tội.

Vẫn còn đó những bất an khi đồng tiền được đặt trên tình thương…

Vẫn còn đó những bất an khi chúng ta chưa chịu xả thân hết mình để chia sẻ những mất mát, đau thương của bao người…

3. Bình an – quà tặng năm mới

Thật là một sự trùng hợp đẹp đẽ: Ngày Cầu Bình An (1/1) cho năm Canh Dần 2010 đúng vào Ngày Lễ Tình Yêu (14/2). Hai sự kiện này nói lên sự tác động tương liên giữa BÌNH AN – TÌNH YÊU.

BÌNH AN- Món quà thiêng liêng nhất mà chúng ta trao đến nhau trong ngày đầu năm mới. Nó không là một lời chúc suông hoa mỹ, mà hàm chứa một thái độ sống, một nỗ lực sống của chúng ta trên chặng đường những tháng ngày mới đang được mở ra.

Món quà BÌNH AN chỉ thực sự sinh động và và có ý nghĩa khi chúng ta gói gém vào trong đó những nguyện ước chân thành và thiện chí xây dựng một cuộc sống êm ấm tốt đẹp cho cho nhau.

Món quà BÌNH AN chỉ có thể đem lại bầu khí an bình đích thực khi nó được khắc vào đó dấu ấn Thân Ái – Thứ Tha.

Một năm mới bình an khi mỗi người dành cho nhau nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ, nâng đỡ và cùng nhau thăng tiến trong hiệp nhất.

Bình an là ân ban của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Đức Kitô. Do vậy, thực chất của ơn bình an chính là một cuộc sống luôn kết hiệp với Đức Kitô trên tinh thần tôn trọng sự thật và xây dựng một xã hội công bình, yêu thương.

“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối giây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 14).
 
Niềm Vui Và hạnh Phúc Năm Mới
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
17:02 11/02/2010
Đời Sống Tâm Linh # 26

NIỀM VUI và HẠNH PHÚC NĂM MỚI

Trước thềm Năm Mới, người người, nhà nhà đều mong muốn có một không khí mới mẻ, vui tươi. Sau đây là những Lời Chúc Qúy Báu của Chúa giúp cho Tín hữu nào khát khao sống Hạnh Phúc:

1/ Được sự thỏa lòng: Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn. Người sẽ cho được phỉ chí thỏa lòng. (Thánh vịnh 37, 4)

2/ Được sống khiêm nhường: Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao, và nâng kẻ khiêm nhường lên. (Luca 2, 52)

3/ Được Thánh Linh dẫn dắt: Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đấy có tự do. (2 Cor 3, 17)

4/ Được tin tưởng vào Chúa: Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. (Châm ngôn 3, 5)

5/ Được sống dồi dào: Kẻ trộm chỉ đến ăn trộm, giết hại và phá hủy. Phần Ta đến, để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10, 10)

6/ Được tự do sống cho Chúa: Anh em hãy coi mình như đã chết với tội lỗi; nhưng nay được sống cho Thiên Chúa. (Roma 6, 11)

7/ Được nên giống Chúa: Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (Mt 6, 44)

8/ Được nên hoàn thiện: Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. (Mt 5, 48)

9/ Được là bạn với Chúa: Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng ta và và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta. (Khải Huyền 3, 20)

- Chín Lời Chúa hứa trên đây là sức mạnh và quyền năng của Chúa, để bạn có được niềm vui mỗi ngày, giúp bạn sống đời hạnh phúc.

Phó tế: GB Maria Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mừng Xuân Mới Với Nguyện Ước Được Bình An
LM. Trần Bình Trọng
18:42 11/02/2010
MỪNG XUÂN MỚI VỚI NGUYỆN ƯỚC ĐƯỢC BÌNH AN

Lễ Tân Niên, Mẫu C
Is 11:1-9; Cl 3:12-17; Ga 14:23-27


Mang dòng máu Việt tộc, người ta có hai truyền thống để duy trì trong dịp Tết là truyền thống gia đình: lễ nghĩa, hiếu thảo, kính trên nhường dưới: đi tết và mừng tuổi. Kế đến là truyền thống văn hoá dân tộc như cách thế ăn mừng ngày Tết với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hàng, câu đối đỏ.. Riêng người công giáo còn có một truyền thống nữa để duy trì, là truyền thống đi lễ ngày Tết để thờ phượng, cảm tạ và xin ơn.

Ngôn sứ Isaia trong phụng vụ lời Chúa của ngày Tết nguyên đán nhìn đến thời kì bình an của miêu duệ Gie-sê khi mà: Không còn ai tác hại và tàn phá (Is 11:9), một thời kì mà theo nghĩa bóng, thì loài sói, chiên, beo và dê, bò tơ, sư tử và cả bé thơ sống chung hoà bình (c. 6-8). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê cầu chúc: Ước mong ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em (Cl 3:15).

Còn trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các môn đệ, nhưng không phải bình an như thế gian ban tặng (Ga 14:27). Bình an hiểu theo nghĩa thế gian là vắng bóng chiến tranh, không còn nghe tiếng súng đạn. Tuy nhiên mầm mống chiến tranh không phải là do súng đạn. Mầm mống chiến tranh là do từ bên trong phát ra: do lòng tham lam, ích kỉ của con người, điều mà người ta gọi là lí do kinh tế. Mầm mống chiến tranh cũng có thể do lòng kiêu căng, thù ghét, muốn làm bá chủ hoàn cầu, như là chiến tranh ý thức hệ. Mầm mống chiến tranh cũng do lòng ghen tuông, hận thù, ganh tị, do tôn giáo tính hoặc chủng tộc tính quá khích gây ra. Vì vậy súng đạn chỉ là phương tiện người ta dùng để chém giết lẫn nhau. Ðời xa xưa khi chưa có súng đạn, người ta dùng đá ném nhau, dùng cung tên để bắn nhau. Nếu không có khí giới nào khác cho người ta dùng để đánh nhau, thì người ta dùng chân tay để đấm đá nhau hay miệng lưỡi để mạt sát nhau.

Để có được sự bình an mà Chúa hứa ban, Chúa căn dặn các môn đệ đừng để lòng xao xuyến và sợ hãi (Ga 14:2 vì xao xuyến và sợ hãi làm mất sự bình an trong tâm hồn. Bình an theo tinh thần Phúc âm phải được ăn rễ và phát triển trong tâm hồn mỗi người. Có được tâm hồn bình an là điều người ta có thể tìm kiếm và duy trì. Khi nói hay làm điều gì mà làm tâm trí bị xao xuyến nghĩa là làm mất sự bình an, và nếu người ta coi giá trị của bình an là quí giá cho tâm hồn, người ta sẽ tìm cách lấy lại bình an. Và rồi người ta còn tìm cách để tránh những lời nói hay việc làm có thể làm cho tâm trí bị xao xuyến để duy trì bình an và hoa quả của sự bình an. Bình an là quà tặng của Chúa ban cho các tông đồ, và qua các tông đồ cho người tín hữu. Tuy nhiên bình an không phải là tác động một chiều từ trên xuống. Tiếp nhận bình an rồi, người tín hữu phải làm gì để duy trì bình an nữa bằng cách sống đời ngay lành, lương thiện và công chính. Bình an là sứ điệp mà Giáo hội rao giảng. Bình an cũng phải là sứ điệp mà người môn đệ đích thực của Chúa phải cố gắng đạt tới, duy trì và cổ võ cho chính mình, cho gia đình và cho cộng đồng giáo xứ, cộng đồng hàng xóm và dân tộc.

Phúc âm Lễ Tân Niên Mẫu C giống Phúc âm Chúa nhật 6 Phục Sinh, Năm C (Ga 14:23-29). Như vậy cũng có thể dùng thêm nhữnt tư tưởng bình an trong bài suy niệm Phúc âm Chúa nhật 6 Phục Sinh, Năm C.

Tết nguyên đán là ngày lễ có tính cách văn hoá dân tộc. Tuy nhiên người công giáo cần đem ý nghĩa tôn giáo vào ngày Tết, có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là Chúa của mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, Chúa của ngày Tết, Chúa của thời giờ, năm tháng và đem Chúa vào việc mừng Xuân mới sang. Chúa của thời giờ và thời tiết còn có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an. Vào dịp Tết nghe thấy người ta chúc nhau mọi sự tốt đẹp như giàu sang phú quí, làm ăn phát tài, sống bạc đầu râu, thêm đông con nhiều cháu... Tại sao lại không nguyện chúc cho nhau được bình an?

Thường người ta không đánh giá được sự vật mà ngưòi ta luôn có trong tầm tay, nghĩa là người ta coi thường sự vật đang có. Khi mất đi sự vật đó, người ta mới cảm thấy quí hoá và luyến tiếc. Tâm trạng của người mất bình an là lòng dạ bồi hồi, xáo trộn khiến ăn không ngon, và tâm hồn lo âu, xao xuyến, khiến ngủ không yên. Giả sử có ai có kinh nghiệm khi mất bình an trong tâm hồn, rồi cảm nghiệm lại được sự bình an mới được phục hồi, mới cảm thấy sự bình an nội tại là quí giá như thế nào! Và nếu có ai khác muốn đánh đổi sự bình an mà mình có, nghĩa là muốn trả cho mình một số tiền to lớn, để mua lấy sự bình an của mình, thì chưa chắc mình muốn đổi vì bình an là một bảo vật vô giá.

Lời cầu nguyện xin Chúa ban bình an cho năm mới:

Lạy Thiên Chúa là Chúa Xuân.
Trong ngày đầu Xuân hôm nay
xin Chúa chúc lành cho Quê hương, Giáo hội Việt Nam
và cho người dân Việt chúng con.
Nguyện xin Chúa chúc lành cho ông bà, cha mẹ,
chú bác, cô dì, cậu mợ, anh chị em, họ hàng chúng con.
Xin Chúa ban bình an cho đời chúng con. Amen.

 
Chúa chúc phúc
LM Jb Nguyễn Minh Phương, CSsR
20:51 11/02/2010
Chúa nhật VI thường niên C (Lc 6, 17. 20 – 26)

Phụng vụ Chúa nhật VI thường niên năm 2010 trùng với ngày mồng một tết Nguyên Đán của người Việt Nam.

Ngày xuân, người ta thường chúc cho nhau giàu sang phú quý: tiền vào như nước, tiền ra nhỏ giọt…Vậy mà Tin Mừng xem ra trái ngược với lẽ thường tình của con người khi Chúa chúc phúc cho người nghèo và khiển trách người giàu.

Chúa Giêsu không nhấn mạnh chuyện kinh tế hay chính trị nhưng Người quan tâm đến hạnh phúc.

I. PHÚC CHO ANH EM NHỮNG KẺ: NGHÈO… ĐÓI…KHÓC… BỊ BÁCH HẠI…

Nghèo, đói, khóc, bị bách hại… tự nó là một thảm cảnh. Phải chăng khi chúc phúc như thế Chúa Giêsu chủ trương đi ngược sự tiến bộ của nhân loại?

1. Nghèo

Người nghèo không có tài sản để sở hữu, để bị ràng buộc, để bám víu, để bận tâm canh chừng…

Tự nguyện sống nghèo, người ta thanh thoát và hiểu được giá trị của vật chất. Vật chất là phương tiện góp phần cho hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc.

Hiểu như vậy, người tự nguyện sống nghèo sử dụng vật chất nhưng không dính bén và không làm nô lệ cho vật chất. Trái lại, họ còn sử dụng vật chất vào những việc hữu ích cho mình và cho đồng loại.

Theo nghĩa đó, họ sẽ góp phần thăng tiến nhân loại và đáng được chúc phúc.

2. Đói

Người đói luôn có nhu cầu nạp năng lượng... Năng lượng ở đây không chỉ là cơm bánh, là mớ vật chất thoáng hiện thoáng mất như hoa sớm nở tối tàn, nhưng còn là nhu cầu tâm linh.

Chúa không chủ trương: cứ đói khát, cứ nghèo xơ xác, nghèo mạt rệp, nghèo rớt cục mồng tơi… thì có phúc. Người đói ở đây là người nhận ra những khoảng trống tâm linh nơi mình và khao khát được lấp đầy bởi chính tình yêu thương của Thiên Chúa.

Người đói khát tâm linh được chúc phúc bởi họ “đặt niềm tin vào Chúa… có Chúa làm chỗ nương thân”.

3. Khóc

Người khóc thường mang tâm trạng xúc động. Sự xúc động có thể do vui sướng nhưng phần nhiều người ta khóc do quá khổ đau.

Chấp nhận cùng khóc với người khác không có nghĩa là người ta hèn nhát, bạc nhược, ủy mị “mít ướt” … nhưng là đồng cảm với phận người khốn khổ: đem niềm vui cho người sầu khổ, vực dậy những người thất vọng, mang tình thương đến những người bị loại trừ, bị gạt ra bên lề xã hội, mang công bình bác ái đến cho nhân loại…

Theo nghĩa đó, người biết khóc là người đáng được chúc phúc, bởi họ góp phần làm vơi đi nỗi đau của nhân loại, phục sinh những tâm hồn tưởng chừng như đã chết lịm.

4. Bị bách hại

Người bị bách hại thường thường là người yếu thế.

Người của Chúa tuy bị bách hại nhưng họ là những người mạnh, người hùng, người chiến thắng sự sợ hãi… “Anh hùng không phải là không sợ nhưng là người chiến thắng sự sợ hãi”. Bị bách hại nhưng họ không thỏa hiệp những gian trá của thế gian, không làm nô lệ cho sự dữ, cho tội lỗi, cho những trò bịp bợm lừa đảo, mất tính người… “không tìm sức mạnh phàm nhân làm nơi nương tựa”. Thế gian có thể giết chết thân xác nhưng không giết được linh hồn của họ.

Thì ra, người của Thiên Chúa có Lời Chúa làm điểm tựa. Dù bị bách hại nhưng họ luôn trung kiên theo Chúa. Gian khổ đắng cay không khuất phục được họ. Họ đáng được chúc phúc bởi “lòng họ thanh, tâm họ chánh”.

Tóm lại

Người nghèo: không có gì để mất, để lo, bởi tất cả là hồng ân, tất cả là của Chúa.

Người đói: chọn Chúa làm gia nghiệp; trần gian, không gì khiến họ phải bận tâm.

Người khóc: biết khóc cho mình và khóc cho người.

Người bị bách hại: có Chúa phù trợ không mãnh lực trần gian nào uy hiếp được họ.

II. KHỐN CHO CÁC NGƯƠI NHỮNG KẺ: GIÀU… NO…CƯỜI…ĐƯỢC CA TỤNG

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, cớ sao những người giàu có… no đầy… vui cười… được ca tụng lại bị Chúa khiển trách?

1. Giàu

Người giàu có nhiều của cải, nên bận tâm canh chừng…

Lòng say mê của cải dễ khiến người ta quên lãng Chúa bởi của cải chiếm mất chỗ của Chúa trong lòng họ. Không ít người vì của cải mà họ đã bất chấp mọi thủ đoạn. Họ sẵn sàng loại trừ Thiên Chúa, loại trừ người thân.

Thiên Chúa không lên án vật chất, nhưng thật tiếc cho những ai vì tiền của mà bán rẻ lương tri, loại trừ Thiên Chúa, loại trừ đồng loại.

2. No

Người no không còn nhu cầu tiếp nhận năng lượng.

Khi vật chất dồi dào, an sinh xã hội bảo đảm, người ta không còn cảm thấy nhu cầu cần Chúa và cần nhau. Họ dễ dàng quên lãng tình cảm và dửng dưng trước nhu cầu tâm linh.

No thỏa là dấu hiệu sung mãn, nhưng no bứa thì lại là dấu hiệu chán chê và có nguy cơ dẫn đến cuồng loạn, dửng dưng… Người no bứa trái tim không còn độ nhậy bén để nhận phúc lành của Chúa.

3. Vui cười

Thường vui cười là biệu hiện của tâm hồn phấn trấn, cởi mở hay ít là ngoại giao…

Khi người ta cười trên sự đau khổ của người khác thì lại là biểu hiện của sự thiếu ý thức hoặc ngạo mạn khiêu khích... Cười trên sự đau khổ của người khác đã là điều đáng trê trách; lạm dụng những khổ đau của người khác thì quả là mất tình người.

Tiếng cười là liều thuốc mang lại niềm vui, mang lại sức khỏe… Thật đáng chê trách khi tiếng cười là sự đắc thắng hả hê, là niềm vui của nhóm người bất chánh không còn tính người, lạm dụng nỗi khổ đau của người khác.

4. Được ca tụng

Tán thưởng ca tụng là niềm khích lệ giúp người ta thăng tiến vượt lên chính mình để sống tốt hơn.

Mỉa mai thay những lời ca tụng, “xông hương” xu nịnh, ton hót, cười hùa… đã gây biết bao tổn hại. Những lời vuốt ve xu nịnh vừa hủy diệt lương tâm kẻ được tâng bốc, đồng thời hủy diệt chính kẻ xu nịnh.

Tán thưởng, ca tụng, vuốt ve, tâng bốc… như một thứ dịch bệnh làm băng hoại lòng người. Bệnh dịch này biến những nhóm bè phái chức quyền thành những tay đao phủ làm đổ máu người vô tội.

Tóm lại

Người giàu: dễ mắc nguy cơ bận tâm của cải. Lòng họ không có chỗ của Chúa không còn anh em.

Người no bứa: không còn nhu cầu tình cảm và tâm linh dễ trở thành kẻ xơ cứng đóng băng đời mình.

Người cười vô ý thức: dễ bị vô cảm và dễ lạm dụng người khác.

Người được ca tụng: dễ bị vong thân đánh mất chính mình, bởi quen thói được vuốt ve chiều chuộng nên cũng dễ biến thành kẻ hủy diệt.

Những người như thế trái tim đã đóng băng không còn chỗ nhận phúc lành của Chúa.

Xuân đến mọi người chúc cho nhau muôn điều tốt đẹp.

Đồng hành với cuộc đời, người tín hữu vui xuân trong niềm tin mọi phúc lành đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng trân trọng và yêu thương những tâm hồn nghèo khó.

Kính chúc mọi người, mọi nhà được vạn sự như ý trong Lời của Thiên Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh lên án những tấn công bất công và thóa mạ nhắm đến các viên chức Tòa Thánh
Nguyễn Hoàng Thương
10:36 11/02/2010
Tòa Thánh lên án những tấn công bất công và thóa mạ nhắm đến các viên chức Tòa Thánh

Vatican (VIS, ZENIT) – Hôm 09/02/2009, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đưa ra tuyên bố phản bác sau loạt bài báo không đúng sự thật trong tháng qua trên truyền thông Ý cáo buộc Giovanni Maria Vian, chủ bút L'Osservatore Romano (Quan Sát Viên Rôma), cung cấp một tài liệu dối trá và phỉ báng cho tờ nhật báo Il Giornale của gia đình Thủ Tướng Silvio Berlusconi liên quan đến vụ việc chủ bút Boffo của nhật báo Avvenire từ chức.

Tuyên bố cho hay: "Từ ngày 23 tháng Giêng, ngày càng gia tăng số lượng các bản tin và bài dựng chuyện liên quan đến các sự kiện quanh việc từ chức của chủ bút Nhật báo Công Giáo Ý 'Avvenire', nhất là trong giới truyền thông Ý, với mục đích rõ rệt là muốn minh chứng sự dính líu của chủ bút 'Osservatore Romano', thậm chí còn tiến xa đến mức ám chỉ trách nhiệm của Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh. Những bản tin và bài dựng chuyện này không có bất kỳ cơ sở thực tế nào”.

Tuyên bố giải thích thêm: “Cụ thể là, thật sai trái khi cho rằng các viên chức Vệ Binh Vatican hay chủ bút 'Osservatore Romano' đã cung cấp những tài liệu đằng sau vụ việc từ chức của chủ bút 'Avvenire' hôm 03 tháng Chín năm ngoái; thật là sai trái khi cho rằng chủ bút tờ 'Osservatore Romano' đã đưa – hay bằng cách nào đó chuyển tải hoặc xác nhận – thông tin về những tài liệu này; và thật là dối trá khi cho rằng ông đã viết dưới bút hiệu, hoặc đã truyền tải các bài báo trong các ấn phẩm khác”.

Tuyên bố lên án những tấn công bất công nhắm đến các viên chức Tòa Thánh: “Dường như rõ ràng có sự gia tăng nhanh chóng những quả quyết và những giả thiết lạ thường nhất – được truyền thông lặp đi lặp lại với sự hòa nhịp thực sự đáng kể - vốn mọi thứ dựa trên những kết án không có cơ sở, với mục đích quy chụp vô cớ và vu khống cho chủ bút 'Osservatore Romano' hành động vô cớ, bất hợp lý và hiềm thù. Điều này làm gia tăng một chiến dịch phỉ báng chống lại Tòa Thánh, thậm chí liên quan đến Đức Giáo Hoàng La Mã. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, người thường xuyên nắm bắt thông tin, than phiền về những tấn công bất công và thóa mạ này, nhắc lại sự tin cậy hoàn toàn của ngài vào những cộng sự viên và cầu nguyện cho những ai thực tâm với Giáo Hội dùng tất cả mọi phương tiện để đảm bảo rằng sự thật và công lý chiến thắng”

Tòa Thánh Vatican đã đưa ra tuyên bố trên để phủ nhận những cáo buộc cho rằng Vatican đóng vai trò quan trọng dẫn đến việc từ chức của ông Dino Boffo, cựu chủ bút nhật báo Công Giáo Ý Avvenire. Ông từ chức hồi tháng Chín năm ngoái sau bất hòa gây ầm ĩ với Thủ Tướng Ý Silvio Berlusconi.

Tờ Il Giornale, tờ nhật báo do gia đình Thủ Tướng Silvio Berlusconi làm chủ, đã là trung tâm của tranh cãi ầm ĩ nổ ra vào cuối mùa hè năm ngoái giữa Thủ tướng và chủ bút Boffo sau khi ông Boffo cho đăng loạt bài trên tờ Avvenire chỉ trích chính sách di dân và đời tư của Thủ Tướng Berlusconi. Đời tư của Thủ Tướng đã trở thành đề tài cho truyền thông Ý khi ông bắt đầu vụ kiện ly dị vợ, và bắt đầu có mối quan hệ với một người mẫu 18 tuổi.

Tờ nhật báo Il Giornale trả đũa bằng cách đăng một bài báo ngày 28/8 về đời tư của chủ bút Boffo gồm những điều không đúng sự thật quay về thời điểm 2004, cho rằng ông là người đồng tính. Tờ Il Giornale công khai thừa nhận rằng bài báo là sự đáp trả cho những chỉ trích của ông Boffo về đời tư của Thủ Tướng Berlusconi và gọi ông Boffo là kẻ đạo đức giả.

Mặc dù nhấn mạnh nhiều lần về sự vô tội của mình nhưng ông Boffo đã từ chức vào ngày 3 tháng Chín. Ông trần tình rằng vào thời điểm mà Giáo Hội “có nhiều điều tốt hơn để làm hơn là cố gắng bảo vệ một người, dù rằng bị nhắm đến một cách bất công”. Ông cũng cho rằng những tấn công chống lại cá nhân ông là vì tờ Avvenire là một tiếng nói độc lập với “quyền lực thế tục”.

Tòa Thánh Vatican bị kéo vào mối bất hòa khi ông Vian của 'Osservatore Romano' đã không lên tiếng cho ông Boffo vào thời điểm đó. Sự im lặng được giải thích như là nguyên nhân gây nên điểm bất đồng giữa tạp chí Tòa Thánh và Hội đồng Giám Mục Ý.

Sau đó, một bài báo vào tháng Giêng lại một lần nữa gây tranh cãi hàng đầu trên truyền thông khi chủ bút tờ Il Giornale, Vittorio Feltri, tường thuật lại rằng tài liệu chứng minh những cáo buộc trước đây nhận được từ “một nhân vật của Giáo Hội trong một cơ quan đáng tin cậy”.

Xác nhận này dẫn đến đông đảo các tờ báo quả quyết rằng Đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hoặc ông Vian là người phát tán tài liệu. Bản thân ông Feltri thì phủ nhận những giải thích này, nhưng giới truyền thông thì tiếp tục suy đoán. Chính vì thế mà Tòa Thánh Vatican đã đưa ra tuyên bố bác bỏ những luận điệu dựng chuyện.
 
Đức Thánh Cha nói, chúng ta hãy xây dựng trên những thành quả về đại kết
Bùi Hữu Thư
10:40 11/02/2010
Ngài chào mừng phái đoàn Lutheran Hoa Kỳ đến Vatican

VATICAN, ngày 10 tháng 2, 2010 (Zenit.org).- Hôm nay Đức Thánh Cha Benedict XVI mời gọi một phái đoàn Lutheran từ Hoa Kỳ hãy nâng niu những thành quả và công trình về đại kết để một ngày kia sự hiệp nhất toàn vẹn có thể được thực hiện.

Đức Thánh Cha nói lời này khi đón tiếp Đức Giám Mục Lutheran Mark Hanson và phái đoàn tháp tùng trong buổi triều kiến chung tại sảnh đường Phaolô VI.

Đức Thánh Cha nói, "Ngay từ lúc khởi đầu của giáo triều của tôi, tôi rất hứng khởi vì mối tương quan giữa Công Giáo và Lutheran đã tiếp tục tăng tiến, nhất là trên mức độ hợp tác cụ thể cho việc phụng sự Phúc Âm.”

Ngài bầy tỏ niềm hy vọng là “việc đối thoại liên tục giữa Lutheran và Công Giáo tại Hoa Kỳ và trên thế giới sẽ trợ giúp cho việc tiếp tục xây dựng trên những thoả hiệp đã đạt được cho đến nay."

Năm ngoái, là năm kỷ niệm đệ thập chu niên bản tuyên ngôn biện minh chung của Công Giáo và Lutheran được ban hành.

Đức Thánh Cha ghi nhận đối thoại giữa Công Giáo và Lutheran “đã được khởi sự đầy hứa hẹn sau Công Đồng Vatican II, và vẫn còn có những công tác quan trọng để có thể gặt hái được kết quả.”

Đức Thánh Cha Benedict XVI đề nghị: "Để có thể xây dựng trên những gì chúng ta đã đạt được từ đó đến nay, một sự đại kết thiêng liêng phải được đặt nền tảng trên kinh nguyện sốt sắng và sự trở về với Chúa Kitô, là nguồn của ân sủng và sự thật. Xin Chúa giúp chúng ta biết nâng niu những gì đã đạt được cho đến nay, bảo vệ thật cẩn thận, và nâng đỡ cho phát triển thêm."

Đức Giám Mục thành Rôma kết luận bằng việc trích dẫn lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, “trong giáo triều của ngài đã có rất nhiều thành quả trên con đường dẫn đưa đến sự hiệp nhất toàn vẹn giữa các Kitô hữu."

Ngài nói: "Quý vị rất được hoan nghênh chào đón nơi đây. Chúng ta hãy vui mừng vì một cuộc gặp gỡ như vậy đã có thể xẩy ra. Chúng ta hãy cương quyết cởi mở cho Chúa Kitô để Người có thể dùng buổi gặp gỡ này cho mục tiêu của Người, đó là đem lại sự hiệp nhất Người mong muốn. Xin cảm ơn quý vị về những nỗ lực đã làm cho việc hiệp nhất trọn vẹn về đức tin và đức ái."
 
Diễn biến Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 2010 tại Vatican
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
17:22 11/02/2010
Vatican - Ngày thế giới Bệnh Nhân năm 2010 được cử hành vào ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức, thứ năm 11/02, với chủ đề trong sứ điệp của Đức Thánh Cha: « Giáo Hội yêu thương, phục vụ những ai đau khổ ». Ngày này trùng lặp với dịp kỷ niệm 25 năm ngày Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ chăm sóc sức khỏe.

Những cử hành cho ngày này đã được Đức cha Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục Vụ sức khỏe Zygmunt Zimowski giới thiệu hôm 05/02 tại Vatican trước sự chứng kiến của thư ký và phó thư ký thuộc bộ này, cùng với hai vị khách mời đặc biệt gồm: Đức cha Jacques Perrier, Giám mục giáo phận Tarbes và Lộ Đức và ông Salvatore Pagliuca, Phó Chủ tịch Hiệp Hội quốc gia Italia chuyên chở bệnh nhân tới Lộ Đức và các đền thánh quốc tế viết tắt là UNITALSI.

Theo Đức Cha Chủ tịch của bộ này, những buổi cử hành cho năm nay được diễn ra trong ba ngày từ 9 đến 11 tháng hai. Thời gian của hai ngày đầu tiên được dành cho một hội nghị quốc tế chuyên đề với 540 người ghi danh thuộc 35 quốc gia trên thế giới liên quan đến các nhân viên chăm sóc sức khỏe, các tuyên úy bệnh nhân, các y bác sĩ, đại diện các hiệp hội và các tổ chức thiện nguyện.

Tưởng cũng nhắc lại rằng trong sứ điệp về Ngày Bệnh Nhân năm nay, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quy chiếu với tông thư Khổ Đau Cứu Độ năm 1984 của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, lại vừa nói đến những màu nhiệm về cuộc đời của Đức Kitô: « Chính trong màu nhiệm khổ nạn, sự chết và sự phục sinh mà đau khổ nhân loại kín múc ý nghĩa và sự miên mãn của ánh sáng ».

Về phần mình, Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng với Cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, đau khổ nhân loại đạt tới đỉnh điểm và « đã hoàn toàn mặc lấy một chiều kích mới, đồng thời cũng được bước vào một trật tự mới: đó là được liên kết với tình yêu » (x. số 18).

Đức Cha Chủ tịch cũng nhắc đến thông điệp đầu tay của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II « Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần » để nhấn mạnh đến « Tình yêu của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế ».

Vị Tổng thư ký thuộc bộ đã đặt trọng tâm trong việc kế tục con đường mà 3 vị Hồng Y tiền nhiệm của Bộ đã vạch ra để vừa có thể thẳng tiến nhưng lại vừa gắn chặt với cội nguồn.

Còn vị phó tổng thư ký của bộ đánh giá cao hội « Người Samaritanô nhân hậu » do Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sáng lập. Hiện nay hiệp hội này chăm sóc những bệnh nhân và có mặt tại 15 quốc gia nghèo, đặc biệt là cung cấp những liệu pháp cần thiết cho bệnh nhân SIDA tại các nước này, cũng như cho các bệnh nhân lao liệt và sốt rét.

Ngoài ra, trong khuôn khổ kỷ niệm lần thứ 25 của bộ này còn có một cuộc triển lãm được diễn ra trong ba ngày với 30 bức tranh về Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, về đau khổ và còn có một buổi hòa nhạc.

Được biết hai ngày hội nghị đầu tiên được kết thúc bằng bài diễn văn của vị đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

(Nguồn: http://zenit.org/article-23447?l=french)
 
Bệnh viện của Giáo Hội Công Giáo chiếm 1/4 cơ sở y tế toàn cầu
Peter Nguyễn Minh Trung
17:24 11/02/2010
SAO PAULO, BRAZIL, 10-02-2010 (CNA) -- Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho Nhân viên Y tế vừa công bố thống kê chi tiết rằng Giáo hội Công Giáo điều hành 26% trên tổng số các cơ sở chăm sóc y tế trên toàn thế giới. Theo thông cáo vừa phát hành, Giáo hội có "117.000 cơ sở chăm sóc y tế, bao gồm các bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa và các trại mồ côi" cũng như "18.000 nhà thuốc, và 512 trung tâm". Hơn 500 trung tâm này chăm sóc cho những người bị phong cùi.

Theo Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho Nhân viên Y tế, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ cử hành thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô vào thứ năm như một phần của hoạt động kỷ niệm.

Thứ năm ngày 11-02 cũng là Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Ngày Thế Giới Cầu Cho Bệnh Nhân lần thứ 18.

Sau thánh lễ tại Đền Thánh Phêrô vào thứ năm, Đức TGM Zimowski cùng với thị trưởng thành phố Rôma, các bệnh nhân và một số thiện nguyện viên tham dự cuộc rước Thánh Thể với thánh tích của Thánh nữ Bernadette và linh ảnh Đức Mẹ Lộ Đức. Cuộc rước đi từ Lâu đài Các Thiên Thần đến Quảng trường Thánh Phêrô, nơi Đức Giáo Hoàng ban phép lành Tòa Thánh cho đoàn rước từ cửa sổ phòng riêng.

Cũng trong tinh thần ấy, một buổi hòa nhạc được tổ chức hôm 10-02 tại Đại Thính Đường Phaolô VI do Đức Hồng Y Claudia Koll chủ trì và có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ pianô lừng danh Rolf-Peter Wille đến từ Đức, nghệ sĩ Lina Yeh đến từ Đài Loan, cùng một dàn hợp xướng của Ca đoàn Nhà thờ Thánh Cecilia tại Rôma.

Một cuộc hội nghị chuyên đề quốc tế đã diễn ra tại Tân Đại Thính Đường Công Nghị để thảo luận về hai văn kiện Tông Đồ, đó là Tông Thư “Salvifici Doloris” (Khổ Đau Cứu Độ) của Đức Gioan Phaolô II và Tự Sắc “Dolentium Hominum” (Đau Khổ Của Con Người) cũng do ngài ban hành cho riêng Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ cho Nhân viên Y tế.

Chủ đề của hội nghị là: "Giáo hội chăm sóc, yêu thương những ai đau khổ", lấy từ Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Cho Bệnh Nhân 2010 của Đức Thánh Cha.

Hơn 500 đại diện đến từ 35 quốc gia đã tham dự hội nghị.

(Nguồn: http://www.catholicnewsagency.com/news/catholic_hospitals_represent_26_percent_of_worlds_health_facilities_reports_pontifical_council/)
 
Phụ Nữ Công Giáo và Ngày Valentine
Vũ Văn An
23:28 11/02/2010
Năm nay, Ngày Valentine rơi vào trúng ngày Mồng Một Tết Canh Dần, khiến bầu không khí Tết tại các xã hội Tây Phương trở thành sinh động hẳn lên với cảnh tấp nập mua sắm, gửi quà tặng hoa sầm uất. Có lẽ cũng vì sự trùng hợp này, mà Trời Đất tại Úc Châu xem ra chiều lòng người hơn mọi khi bằng cách giảm nhiệt độ một cách đáng kể: ngày 30 tết, nhiệt độ tối đa chỉ là 24 độ bách phân, và ngày Mồng Một Tết, nhiệt độ ấy chỉ nhích lên chút đỉnh: 25 độ bách phân; không như những năm qua, có khi nhiệt độ ấy lên đến 42 độ bách phân.

Mỗi người nhìn Ngày Valentine một cách, riêng qúy ông, đây hẳn là một dịp để kiểm điểm hay kiểm nghiệm lại mối liên hệ của mình với “nửa phần tốt hơn”. Để giúp qúy ông làm việc này, Hãng Tin Zenit có làm một cuộc phỏng vấn với Rebecca Teti, một cộng tác viên thường xuyên của trang mạng www.faithandfamilylive.com, đồng thời là biên tập viên của Tập San Faith & Family Magazine và giữ mục Good Company cho Hãng Tin Catholic News Agency. Rebecca có gia đình, với 4 người con (3 trai, 1 gái). Bà dựa vào một cuộc thăm dò với các độc giả cũng như kinh nghiệm riêng để phát biểu về ngày này.

Nếu chỉ dựa vào quảng cáo báo chí, người ta có cảm tưởng điều mọi người phụ nữ mong muốn cho ngày 14 tháng Hai hằng năm chỉ là kim cương hay điện thoại di động. Thực ra, những tặng phẩm vật chất này có làm phụ nữ hạnh phúc không? Teti cho hay là có. Dĩ nhiên, quảng cáo bao giờ cũng cường điệu hóa hầu có thể bán được một số sản phẩm nào đó, nhưng nếu có chở theo một biểu tượng sâu sắc hơn như yêu thương, âu yếm hay biết đánh giá, thì tặng phẩm lúc nào cũng là điều đem lại hân hoan. Điều làm phật lòng phụ nữ là hàm ý của quảng cáo cho rằng họ chỉ biết sống cho quà cáp tặng phẩm, chỉ biết trân qúy quà cáp mắc tiền và biểu tượng yêu thương là điều có thể áp đặt được. Tuy nhiên, không vì thế mà ta quên mất cái tiền đề tích cực đòi ta phải biết tỏ cho người mình yêu rằng ta trân qúy họ, biết đánh giá họ. Của cải vật chất không có năng lực làm ta hạnh phúc nhưng quả chúng có làm cuộc sống thường ngày của ta ra dịu ngọt hơn. Ta không sống bởi cơm áo mà thôi, nhưng quả ta có sống nhờ cơm áo ấy.

Thế thì các phụ nữ Công Giáo chờ mong gì ở ngày Valentine năm nay? Teti cho hay phần đông các độc giả của bà chờ mong những niềm vui rất đơn giản: một tấm thiệp, một hộp xô-cô-la nhỏ, có thể là một bông hồng tươi. Một số bà mong có dịp được ăn mặc chải chuốt hơn để đi ra ngoài; nhưng không thiếu bà lại muốn có một buổi chiều thanh tĩnh trong gia đình. Bất cứ dưới hình thức nào, điều mọi phụ nữ có gia đình mong ước là thì giờ đồng hòa với người chồng thân yêu. Niềm mơ ước nói chung là được phá những lệ, những việc buồn tẻ hằng ngày để được dịp vui hưởng những giây phút bên nhau hai đứa.

Teti cho rằng câu hỏi “các bà vợ đặc biệt chờ mong gì nơi các phu quân?” là câu hỏi quá lớn. Bà chỉ dám có ý kiến về điều xem ra là cốt lõi của ngày Valentine. Bà cho hay nhờ “Thần Học Thân Xác” của Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội đã hiểu sâu sắc hơn bao giờ hết ý nghĩa của câu nói trong sách Sáng Thế: “Người dựng nên họ có nam có nữ”. Nói cách khác, người đàn ông và người đàn bà cùng nhau biểu lộ cho nhân loại hình ảnh của Thiên Chúa. Ơn gọi của người đàn bà là biểu lộ vẻ đẹp của Thiên Chúa cho nhân loại, cho thế giới. Người đàn bà được dựng nên để đẹp. Việc nền văn hóa của ta nhấn mạnh tới cái đẹp là điều không sai, nhưng sự nhấn mạnh ấy hết sức nông cạn và đôi khi khiến người ta lầm lẫn. Cách sâu sắc nhất để người đàn bà ra đẹp là lúc nàng cho người khác thấy chính sự tốt lành của họ bằng cách dạy họ tình yêu mà Thiên Chúa vốn dành cho họ. Thiên tài của phụ nữ nằm ở chỗ này: vén mở sự tốt lành của con người nhân bản, và do đó chính vẻ đẹp của Thiên Chúa. Điều Mẹ Têrêxa thành Calcutta làm cho người nghèo, mọi phụ nữ đều có thể làm trong môi trường của mình, và chắc chắn tại nhà mình, cho chồng cho con mình. Đó là “việc làm” thỏa mãn và hạnh phúc nhất của người đàn bà. Tuy nhiên, nơi mỗi người đàn bà, vẫn có cái nhu cầu xúc cảm muốn cảm thấy vẻ đẹp của mình được trân qúy, đánh giá. Bởi thế tặng phẩm đáng giá nhất mà người chồng có thể tặng vợ là đem đến cho nàng niềm xác tín hoàn toàn rằng dưới con mắt chàng nàng luôn luôn đẹp: bất chấp các vết nhăn, vết nám, các ký thừa ký dư vốn là hậu quả của thai nghén, của bao năm nấu nướng, chăm sóc người khác mà quên cả thân mình. Thiển nghĩ, đó mới là ý nghĩa thực sự của lãng mạn đối với phần đông các bà vợ: đó là dấu chỉ họ được đánh giá không phải chỉ là bà bếp, bà tài xế, bà quản gia hay bà giúp việc, mà là một người vợ.

Nhưng trong tư cách gia đình thì sao, người Công Giáo nên cử hành ngày Valentine như thế nào? Teti cho rằng về phương diện này, độc giả của Faith & Family có nhiều ý tưởng hay. Một số tìm tòi học hỏi các vị thánh có tên Valentine. Số khác dùng ngày này để nhớ đến những ai dễ bị bỏ quên bằng cách đem thiệp Valentine tới người bệnh hay người cao niên nằm một chỗ. Hầu như ai cũng nhân ngày này, trao đổi thiệp với các thành viên trong gia đình, mừng vui vì tình nghĩa yêu thương vốn dành cho nhau. Lẽ tất nhiên phải có những chiếc bánh ngọt hình trái tim.

Nhân dịp này, Teti cũng trả lời câu hỏi liên quan đến gốc gác Kitô Giáo của ngày lễ này. Thực ra không phải chỉ có một vị thánh, mà có tới vài ba vị mang tên Valentine, tất cả đều được phúc tử đạo thời Giáo Hội Tiên Khởi. Nhưng sở dĩ ngày lễ kính Thánh Valentine lôi cuốn được quảng đại quần chúng theo nghĩa lãng mạn như hiện nay một phần là nhờ Geoffrey Chaucer, tác giả bài thơ mô tả hôn lễ của Richard II với Anne nước Bohemia. Chaucer tôn vinh Thánh Valentine là quan thầy của hôn nhân. Trong bài thơ trên, Ông có nhắc tới hai thần tình yêu là Cupid và Venus. Từ đó, người ta thường đồng hóa Cupid với Thánh Valentine và ngày Valentine được liên tưởng với tình yêu cung đình tại các triều đình trung cổ.

Dĩ nhiên, ý nghĩa lãng mạn của yêu đương dần bị thoái hóa trở thành chỉ còn là tình ái nhục thân. Ngày nay, liệu có chỗ cho cả hai thứ ấy hay không? Theo Teti, Đạo Công Giáo không hề duy thanh khiết (puritanical). Cách tiếp cận của Công Giáo đối với văn hóa luôn luôn là tiếp nhận những gì lành mạnh và dùng sự thiện thắng vượt sự ác. Dĩ nhiên không cần phải cử hành Ngày Valentine; nó đâu phải là ngày lễ buộc! Nhưng đối với ai giữ ngày này, thì không có lý do nào lại không thể coi nó như một cơ hội để cử hành tình yêu nhân bản trong mọi chiều kích của nó, kể cả chiều kích lãng mạn và gợi dục (erotic), những chiều kích vốn được coi là quà phúc mà Thiên Chúa trao tặng cho các người chồng và người vợ.

Lịch sử Ngày Valentine

Lịch sử Ngày Valentine và của cả vị Thánh Quan Thầy của nó có nhiều bí ẩn. Ngày ấy mang nhiều dấu vết của cả hai truyền thống Kitô Giáo và La Mã thời xưa. Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận ít nhất 3 vị thánh có tên Valentine hay Valentinus, tất cả đều chết vì đạo.

Một truyền thuyết cho rằng Valentine là một linh mục tại Rôma, thuộc thế kỷ thứ 3. Lúc ấy, vì cho rằng các thanh niên độc thân phục vụ quân ngũ tốt hơn các người đã lập gia đình, nên Hoàng Đế Claudius II ra đạo luật cấm các thanh niên không được cưới vợ. Cho rằng điều đó bất công, linh mục Valentine bất chấp đạo luật trên và vẫn cử hành hôn lễ cho các thanh niên nam nữ một cách bí mật. Hành động của ngài bị bại lộ, do đó, ngài đã bị Claudius xử tử.

Nhiều truyện tích khác cho rằng Valentine có thể bị xử tử vì lý do đã giúp các Kitô hữu trốn khỏi các nhà tù ác nghiệt của Rôma, nơi họ bị đánh đập và tra tấn dã man. Theo một truyền thuyết khác, chính Valentine là người thực sự đã gửi bức thư tình ký tên Valentine mà ngày nay được thiên hạ gọi là “thư valentine”. Câu truyện như sau: khi bị giam tù, Valentine đem lòng yêu thương một cô gái, rất có thể là con gái viên cai ngục. Cô gái vào tù thăm ông luôn. Truyền thuyết cho rằng: trước khi bị hành hình, ông gửi cho cô gái một bức thư vỏn vẹn được ký bởi “Từ Valentine của em”, một kiểu kết thúc thư hiện nay được nhiều người sử dụng. Dù khó biết được thực hư trong các câu truyện trên đây, nhưng những câu truyện này đều nhấn mạnh tới hình ảnh một con người thiện cảm, anh hùng, và quan trọng nhất là lãng mạn. Không lạ gì đến thời Trung Cổ, Valentine trở thành vị thánh nổi tiếng nhất tại Anh và Pháp.

Dù một số người tin rằng Ngày Valentine được cử hành vào giữa tháng Hai để kỷ niệm ngày Thánh Valentine chết hay được chôn cất, một việc hình như đã xẩy ra khoảng năm 270, nhưng không thiếu người cho rằng Giáo Hội Kitô Giáo quyết định cử hành ngày lễ Thánh Valentine vào ngày 14 tháng Hai hằng năm là để rửa tội cho ngày lễ Lupercalia của ngoại giáo. Thời Rôma xưa, tháng Hai chính thức là tháng khởi đầu của Mùa Xuân và được coi là lúc thanh tẩy. Nhà cửa được thanh tẩy theo lễ nghi bằng cách quét dọn sạch sẽ rồi được rắc muối và một loại lúa mì đặc biệt khắp bên trong nhà. Lễ Lupercalia, bắt đầu vào giữa tháng Hai, tức ngày 15, là ngày lễ cầu mầu mỡ, dâng kính Faunus, thần nghề nông của người Rôma, và dâng kính hai ông tổ của thành này tức Romulus và Remus.

Để bắt đầu ngày lễ hội, thành viên của Luperci, một giai cấp tư tế của Rôma, tụ tập tại chiếc hang thánh nơi người ta tin rằng hai trẻ Romulus và Remus, ông tổ của Rôma, đã được một chó sói cái, tức lupa, nuôi dưỡng. Sau đó, các tư tế dâng hy lễ bằng một con dê để cầu mầu mỡ và một con chó để cầu thanh tẩy.

Sau đó, các bé trai cắt da dê thành từng giải, nhúng các giải này vào máu hiến tế và đem ra đường phố, chạm chúng nhẹ vào cả các phụ nữ lẫn hoa mầu. Các phụ nữ Rôma không những không sợ, còn thích được các giải da dê này đụng tới vì họ tin rằng các giải da dê ấy sẽ làm họ mắn đẻ hơn nữa trong năm tới. Cùng ngày đó, mọi thiếu nữ Rôma còn có lệ đặt tên mình trong một chiếc bình lớn. Các chàng trai độc thân của kinh thành mỗi người sẽ bốc tên một thiếu nữ nào đó, trúng tên ai, hai người sẽ cặp đôi suốt năm đó. Nhiều cặp sau đó đã cưới nhau. Khoảng năm 498, Đức Giáo Hoàng Gelasius tuyên bố ngày 14 tháng Hai là ngày lễ Thánh Valentine. Tục “sổ số” của người Rôma để chọn bạn bị coi là không hợp tinh thần Kitô Giáo và do đó đã bị ngăn cấm.

Thời Trung Cổ, nhất là tại Anh và Pháp, người ta tin rằng ngày 14 tháng Hai cũng là ngày bắt đầu mùa trống mái của chim chóc. Điều này càng làm tăng ý niệm coi ngày 14 tháng Hai, ngày Valentine, là ngày của tình yêu lãng mạn. Bài thơ valentine xưa nhất còn đến bây giờ là bài thơ của quận công Charles của Orleans viết gửi phu nhân khi ông bị giam tại Tháp London sau Trận Agincourt. Bức thư này, viết năm 1415, trở thành một phần của bộ thủ bản trong British Library tại London. Người ta cho rằng ít năm sau, Vua Henry V đã thuê một nhà văn tên John Lydgate viết một thư tình kiểu valentine gửi cho Catherine thành Valois.

Tại Anh, Ngày Valentine bắt đầu được cử hành một cách phổ thông khoảng thế kỷ 17. Đến giữa thế kỷ 18, bạn hữu và những người yêu nhau đã có thói quen trao đổi nhiều biểu hiệu yêu đương cũng như những thư ngắn tâm tình. Cuối thế kỷ đó, các thiệp in sẵn đã thay thế cho các thư viết tay nhờ tiến bộ của kỹ thuật in. Các tấm thiệp in sẵn này là phương thế dễ dàng để người ta biểu lộ xúc cảm vào thời việc trực tiếp nói ra các xúc cảm bản thân ấy không được khích lệ. Lệ phí bưu điện rẻ cũng góp phần gia tăng tính phổ thông của việc gửi thiệp valentine. Người Mỹ bắt đầu trao đổi lời chúc valentine viết tay có lẽ vào đầu thập niên 1700. Đến thập niên 1800, Esther A. Howland bắt đầu cho sản xuất và bày bán hàng loạt các thiệp valentine tại Hoa Kỳ.

Theo Hiệp Hội Thiệp Chúc (Greeting Card Association), ước lượng có đến một tỷ thiệp valentine được trao đổi hàng năm, biến Ngày Valentine thành ngày lễ gửi thiệp chúc mừng nhiều thứ nhì trong năm. Vì trong Lễ Giáng Sinh, ước lượng có tới 2.6 tỷ thiệp chúc mừng được trao đổi. Khoảng 85 phần trăm thiệp valentine được phụ nữ mua. Ngoài Mỹ ra, Ngày Valentine còn được mừng tại Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ, Anh, Pháp và Úc.
 
Top Stories
Hanoi's Problems Run Deeper Than the Dong
Duy Hoàng /The Wall Street Journal
11:18 11/02/2010
Hanoi's Problems Run Deeper Than the Dong

The Vietnamese Communist Party is again in a pickle. Its economic management is on trial in the court of public opinion—and losing, as evidenced by a steadily falling black-market exchange rate that has forced Hanoi to periodically devalue the official rate, most recently by 3.4% yesterday. Inflation is rising again, to 7.6% in January compared to an earlier government projection of 7% for the entire year.

Those economic pressures only add to Hanoi's other troubles. Whether it's public anger with Hanoi's handling of a territorial dispute with China or controversy over land seized from the Catholic Church, the Party has plenty of reasons to be uneasy. The result is a worsening crackdown on dissent.

Despite strong growth in the last decade, the economy is a particular problem. Hanoi responded to the global downturn with a major fiscal stimulus, driving the budget deficit last year to approximately 10% of gross domestic product. Much of the stimulus was funneled through state banks that lent to government-favored enterprises.

Instead of stimulating real growth, the excess money has caused prices to pick up. High inflation and unsustainable fiscal and trade deficits have spurred local residents and businesses to dump the dong for dollars and gold as state-owned enterprises grapple with increasing dollar debts.

.The regime's supposed ability to manage the economy is one of its main claims to legitimacy. The economic unease is translating into action that challenges the government. According to official statistics, there were over 200 unsanctioned labor strikes in the last year, with several walkouts involving tens of thousands of workers. Sit-ins by rural residents protesting land confiscations have become a regular sight outside government offices.

Meanwhile the Party's other claim to legitimacy—that it will "put Vietnam first" relative to foreign powers according to the mythology it built while fighting the French and the Americans—is also open to question.

The controversy over a Chinese-invested bauxite mine in the central highlands crystallizes this issue. To many observers the mining plan makes no economic or environmental sense. The $15 billion project entails Vietnam mining bauxite ore and refining it into alumina—a low-margin input for aluminum—via a highly toxic process. The alumina would be exported to China. Vietnamese bloggers have alleged that Hanoi is proceeding with this venture for the personal enrichment of high-level officials and to placate China's need for mineral resources.

Hanoi is also under pressure for its lax defense of Vietnam's claims to the Spratly and Paracel archipelagos in the South China Sea, which China also claims. Activists inside Vietnam have publicized the cases of Vietnamese fishermen fired on by Chinese navy vessels in Vietnamese waters, while state media often ignore the shooting incidents or mention them only obliquely.

Party leaders themselves understand the threat they face. Marking the Communist Party's 80th anniversary on Feb. 2, General Secretary Nong Duc Manh declared: "We are trying hard to maintain political stability and we struggle against all the maneuvers of hostile forces by preventing them from profiting from matters such as democracy, human rights, multiparty and pluralism to sabotage the Vietnamese revolution."

So the Party is cracking down. Since October, authorities have convicted 17 activists in a series of one-day trials for antistate propaganda, subversion and physical assault. The assault charge against renowned novelist Tran Khai Thanh Thuy is representative. She was accused of assaulting a neighbor. In reality, she and her husband were beaten by thugs with the support of police as her 13-year old daughter watched.

Yet so far the regime's opponents seem undaunted. The Internet helps, enabling Vietnamese to organize without official permission and to share ideas. While the regime has tried detaining bloggers, it cannot restrict the Internet too much because businesses depend on the Web. And if its restrictions go too far, the Communist Party risks alienating millions of Internet users, many of them the young, successful children of the ruling elite.

Last year Hanoi tried to curtail the hugely popular social-networking site Facebook. In November, authorities quietly ordered local Internet service providers to intermittently deny access to Facebook, to bleed the site of user interest. Traffic to Facebook plummeted initially but now Vietnamese users are back, having learned to circumvent the restrictions and because some Internet providers seemingly ignore the government decree.

There are also indications that highly organized hackers based in Vietnam, most likely the authorities themselves given the scale, have started attacking Web sites critical of the regime. The most prominent victim is Bauxite Vietnam, a site which has attracted around 20 million page views in less than a year for its opposition to the mining venture. But if the authorities try to shut down this movement they risk a rupture with a large segment of Vietnamese intellectuals, and perhaps some progressives within the regime.

While it is true that most Vietnamese citizens are not yet prepared to take to the streets, it is an open question how many will actively support the current system if the economy continues to deteriorate and sovereignty issues linger. This week's currency devaluation is only a symptom of a much larger instability.

(Source: http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703382904575058671452503744.html?mod=googlenews_wsj)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giảng lễ Tạ Ơn ĐGM Mathêô Nguyễn Văn Khôi
Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính
08:43 11/02/2010
GIẢNG LỄ TẠ ƠN ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI

(Ed 3, 16-21; 2 Cr 5, 14-20; Ga 10, 11-16)
Nhà thờ Tuy Hoà, ngày 09 tháng 02 năm 2010


Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của người mục tử mà hình ảnh đại diện là chính Đức Tân Giám Mục của chúng ta đây, hôm nay đến với cộng đoàn, trước hết để cùng với cộng đoàn giáo hạt Phú Yên tạ ơn Chúa và kế đến cũng với mục đích để “chiên của ta biết ta”, như trích đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Có thể nhiều người trong chúng ta “Kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, nghe tiếng ngài đã lâu nhưng chưa được chiêm ngắm dung nhan. Vậy thì dịp lễ hôm nay cũng là dịp tốt để nghe tiếng ngài, nhìn ngắm ngài cho thoả lòng mong uớc, như trong Sách Diễm Tình Ca 3,4 nói rằng: “Nào! xin cho được thấy mặt, nào! xin cho được nghe tiếng; vì tiếng thì ngọt ngào mà mặt thì duyên dáng”.

Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc nghe tiếng biết mặt mà còn yêu mến ngài nữa vì người ta cũng thường nói “vô tri bất mộ”, không biết thì không yêu mến, mà đã biết rồi thì đưa đến yêu mến, tri rồi thì đưa đến mộ. Mà cũng từ nay, không chỉ có “tri” và “mộ” thôi mà còn “tùng” nữa: chúng ta cần phải đi theo sự hướng dẫn của ngài vì đã thuộc về đàn chiên của ngài. “Con chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta”. Từ nay, sự an toàn của chúng ta sẽ là mối bận tâm của ngài đến nỗi nếu cần ngài sẽ hy sinh ngay cả mạng sống mình như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Người mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Thật vậy, đó là ý nghĩa thâm sâu của cả cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, người hy sinh ngay cả mạng sống mình vì Đức Kitô, vì Giáo Hội, vì đoàn chiên mà từ nay ngài đã được đặt lên làm người chăm sóc. Đó cũng chính là điều mà bắt đầu từ cách đây 2000 năm cho đến hiện nay, Giáo hội vẫn còn sống đúng như vậy tại nhiều miền đất trên thế giới, đâu đó vẫn còn có những môn đệ của Đức Kitô chứng minh cho đức tin của mình, cho tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, tình yêu của mình đối với đàn chiên, dầu phải đổ cả máu mình ra.

Hy sinh đó là điều dễ nói nhưng khó làm, và nhất là hy sinh mạng sống mình cho người khác thì lại càng khó hơn nữa. Tuy nhiên, với tình yêu thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Trong khi trong tiếng Việt quanh đi quẩn lại chỉ có một từ để diễn tả “tình yêu”, thì tiếng Hy Lạp có 3 lựa chọn từ ngữ để nói về tình yêu: erôs nhắm đến tình yêu trai gái, một tình yêu chiếm đoạt,vị kỷ; philia nhắm đến tình bạn hay sự yêu thích tự nhiên; và cuối cùng agapè, mà tiếng Latinh dịch là caritas, đó là một tình yêu vô vị lợi, tự do và nhưng không. Đây cũng chính là từ mà Chúa Giêsu đã dùng khi hỏi: “Phêrô con có yêu mến thày không?”. Và chính Phêrô đã dùng lại từ này khi đáp lại: Thầy biết con yêu mến thầy” (scis quia te amo), và đây cũng chính là khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Chính Phêrô của chúng ta. Chỉ có tình yêu-agapè này mới chuyển tải được hết ý nghĩa, hết tính chất của chuyển động kép nơi tình yêu: tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.

Và có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý khi đây cũng chính là từ “tình yêu” mà Đức Tân Giám Mục đã chọn làm khẩu hiệu giám mục của ngài: “Caritas Christi urget nos - Tình yêu Thiên Chúa thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5,14). Quả là tư tưởng lớn luôn gặp nhau, cả hai Giám Mục giáo phận chúng ta đều chọn cùng một nhiên liệu cho cổ máy hoạt động trong sứ vụ mình là “tình yêu-agapè”, một tình yêu nhưng không và vô vị lợi. Và không gì thiết thực hơn khi chúng ta nghe lại chính Đức Tân Giám Mục đã giải thích khẩu hiệu của ngài rằng: “Tôi chọn câu Thánh Kinh này vì sự thúc bách của nhu cầu truyền giáo tại Việt Nam nói chung và tại giáo phận Qui Nhơn nói riêng … Công cuộc truyền giáo được thúc bách bởi chính Tình Yêu Đức Kitô chứ không phải bởi bất kỳ một động lực nào khác và không riêng vị Giám mục hay các linh mục, tu sĩ, mà mọi thành phần Dân Chúa đều phải tham gia trong sự cộng tác và chia sẻ trách nhiệm”.

Thế thì đã rõ, chúng ta làm việc cho Thiên Chúa là do động lực tình yêu chứ không phải do sợ hãi, mặc dầu sợ hãi cũng là một trong những lý do để chúng ta làm việc cho Thiên Chúa, vì sợ bị phán xét trong ngày sau hết. Ngay trước đoạn 2 Cr 5, 14 mà Đức Tân Giám Mục đã lấy làm khẩu hiệu, chỉ cách 3 câu thôi, trong 2 Cr 5,11, thánh Phaolô nói đến sự kính sợ Thiên Chúa. “Vậy, vì kính sợ Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta”. Như vậy, sợ bị phán xét cũng là một lý do khiến chúng ta làm việc cho Thiên Chúa. Chúng ta kính sợ Thiên Chúa vì chính Ngài sẽ là Thẩm Phán tương lai của chúng ta. Thế nhưng, nếu chỉ muốn kết án con người thì Thiên Chúa đâu cần phải xuống thế để chịu chết trên Thập Giá, chỉ nhẫn nha rung đùi ngồi chờ chúng ta sập bẩy như những con chuột nhắt, để rồi hả hê nhặt lên từng con và quẳng vào lò lửa cho xứng đáng với cái tội phá phách của nó. Không, Thiên Chúa đã chứng minh tình yêu của ngài dành cho chúng ta bằng cái chết của Đức Kitô trên thập giá. Thế là sự sợ hãi đã được tình yêu Thiên Chúa bao bọc lấy, che lấp đi và cuối cùng chỉ còn là tình yêu, tình yêu và tình yêu.

Nhưng ỷ lại vào tình yêu Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta ngũ quên trên chiến thắng và mất cảnh giác. Vì thế Chúa Giêsu luôn kêu mời chúng ta hãy tỉnh thức, hãy canh chừng. Và nếu trong giáo hội, có người nào đó luôn phải tỉnh thức, phải luôn canh chừng, cảnh giác thì người đó chính là giám mục. Ngài là người canh chừng mà Thiên Chúa đã trao nhiệm vụ qua miệng tiên tri Ezechiel mà chúng ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất: « Hỡi con người, ta đặt con làm người canh chừng cho nhà Israël. Khi ngươi nghe lời nào xuất phát từ miệng ta, thì ngươi hãy thay mặt ta mà cảnh báo cho dân Israel” (Ez. 3, 17). Như vậy, bổn phận của giám mục là cảnh báo dân Chúa, cho những người cùng thời đại mình về những băng hoại của một xã hội. Chẳng những chính mình phải tỉnh thưc mà còn phải canh chừng cho tất cả mọi người thuộc quyền. Chính nguyên ngữ của tiếng giám mục đã nói lên điều đó: giám mục là gì? “giám” là gì nếu không phải là giám sát, là canh chừng. Theo tiếng Hy Lạp, giám mục là επίσκοπος (episcopos). Episkopos là người có tầm nhìn (skopos) ở bên trên (epi) và bao quát trên đám đông. Người có tầm nhìn trên mọi người thì chắc phải là người có chiều cao như Đức Tân Giám Mục của chúng ta đây. Nếu hiểu như vậy thì chỉ có Đức Tân Giám Mục chúng ta đây mới có đủ tiêu chuẩn làm giám mục. May mắn thay không hoàn toàn đúng như vậy, người có tầm nhìn trên mọi người hiểu theo nghĩa bóng chính là ngưòi có nhiệm vụ chăm sóc cho mọi người, tỉnh thức canh chừng cho mọi người yên giấc và trên hết là người chủ toạ cuộc hội họp và là trung tâm điểm của cuộc hội họp của cộng đoàn. Ngài phải là người canh thức, là người quan tâm giúp đỡ mọi người chuẩn bị để tiếp đón ngày Chúa đến. Và sự chuẩn bị này được thể hiện qua tất cả chiều kích của đời sống Giáo Hội: bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, trong Giáo Lý, trong việc cầu nguyện và trong cử hành bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, trong việc hướng dẫn đời sống Giáo Hội. Ngài giúp cho Giáo Hội và thế giới có một cái nhìn được soi dẫn bằng đức tin.

Điều may mắn là giáo phận chúng ta có những giám mục là người của giáo phận, luôn đồng hành và gắn bó với giáo phận. Chính Đức Tân Giám Mục cũng đã nói lên điều đó: “Cuộc đời của tôi từ lúc chào đời đến nay hoàn toàn gắn bó với quê hương và giáo phận nhà. Tôi tha thiết mong sao cho dân tình được ấm no, cho cuộc sống đạo ngày càng phát triển … Xin mọi người giúp lời cầu nguyện cho tôi được trở nên một mục tử như lòng Chúa mong ước, để cùng với mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận phục vụ Nước Chúa và hạnh phúc của đồng bào”. Những lời này nói lên cả một tấm lòng đối với giáo phận, với đàn chiên mà từ nay đã được giao phó cho mình. Những lời này làm sống dậy lời của Thánh Augustino nói với giáo dân của mình: “Với anh em tôi là Kitô hữu, cho anh em tôi là giám mục”. Những lời này cũng thôi thúc chúng ta gắn bó hơn với vị chủ chăn của chúng ta. Vào thế kỷ thứ 2, Thánh Ignace d'Antioche, khi sắp chịu tử đạo ở Roma, đã viết thư khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô hãy gắn bó với giám mục của mình như những sợi dây đàn gắn liền với cây đàn. Một sợi dây đàn lạc lõng bên ngoài thì chỉ là một sợi dây vô tác dụng, cả cây đàn cũng thế nếu không có dây đàn gắn vào. Nhưng khi gắn dây vào thân đàn thì mọi chuyện đã đổi khác. Chỉ có gắn bó như thế, dây đàn và cây đàn, thì khi khảy vào những dây đàn, cả cây đàn mới rung lên, mới bật thành những âm giai hoà hợp của tình cảm, vang lên những hoà âm của tình yêu, và như thế, cả giáo hội mới có thể ca ngợi Thiên Chúa.

Trọng kính Đức Cha,

Lời Chúa nới với tiên tri Giêrêmia rất có ý nghĩa: “Ta đã đặt con làm tiên tri các dân tộc [...] con sẽ đi đến với những người ta sẽ gởi đến cho con và con sẽ nói tất cả những gì ta truyền cho con nói [...] Ta ở với con " (Jr 1, 5-8). Thật sự, chúng con biết rằng Thiên Chúa đã không bao giờ để Đức Cha phải đơn độc trong công việc. Đồng thời với ân huệ của Thiên Chúa, có biết bao vị thánh sẵn sàng nâng đở Đức Cha, có Đức Mẹ, Thánh Giuse, có biết bao vị thánh cả, nhất là thánh bổn mạng Matthêô của Đức Cha. Bên cạnh đó có biết bao vị thánh tử đạo Việt Nam, những vị thánh đã từng gắn bó với đất nước này và nhất là các thánh của riêng giáo phận: Thánh Giám mục Cuénot Thể, Thánh Anrê Năm Thuông, và Chân phước Anrê Phú Yên. Chúng con tin rằng những ước nguyện của Đức Cha đối với giáo phận sẽ sớm trở thành hiện thực. Lời cuối, chúng con xin kính chúc Đức Cha Ad multos annos! Trẻ mãi không già!
 
Diễn văn mừng ĐGM Mathêô Nguyễn Văn Khôi nhân dịp thánh lễ tạ ơn tại Tuy Hoà, Quy Nhơn
Micae Trần Kim Đạt
08:53 11/02/2010
DIỄN VĂN MỪNG ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI NHÂN DỊP THÁNH LỄ TẠ ƠN TẠI TUY HÒA

Kính thưa Đức Cha
Kính thưa Cha hạt trưởng Phú Yên – Cha sở Tuy hòa
Kính thưa quý Cha đồng tế

Thời gian hơn 7 tháng, với tất cả tình cảm, sự háo hức đợi chờ, giáo dân hạt Phú Yên chúng con lần lượt đón tiếp hai Giám mục.

Lần đầu, là Giám Mục nhưng chúng con không thấy gậy mục tử trên tay dẫu biết rằng Giám Mục là phổ quát nhưng lãnh thổ chẳng thuộc về mình – Giám Mục, con của Phú yên nhưng là Giám Mục khách, Giám Mục Ban Mê Thuột.

Lần này, chúng con đón Giám Mục là đón tiếp người cha mới của gia đình, người cha đến thăm con cái để con cái có dịp tỏ bày sự vâng phục, lòng yêu mến đối với chủ chăn và cũng để nghe chủ chăn nói với mình rằng: Giáo hội yêu thương chúng con biết chừng nào.

Kính thưa Đức Cha!

Chúng con biết rằng, trước khi nhận lấy chức Giám Mục, người kế vi các tông đồ, Đức Cha đã dành nhiều thời gian cho riêng mình nhằm chuẩn bị cho ngày ra mắt thần dân, nhờ sự chuẩn bị đó, nên hôm nay chúng con nhận ra một Giám Mục rất đặc trưng, đậm chất Qui Nhơn. Điều này không có gì lạ vì Đức Cha là người Bình Định, chúng con không có ý nói đến Qui nhơn đó, Qui Nhơn được giới hạn bỡi vài ngàn cây số vuông nhưng muốn nói đến cái đậm đặc của truyền thống, của kế thừa của gốc nguồn giáo phận Đàng Trong mà Qui Nhơn là chiếc nôi của nó.

Không diễn tả được bằng lời, ngôn ngữ không theo kịp tình cảm nhưng nhận rõ qua cốt cách, cái nhìn, bước đi, chúng con đã nói với nhau rằng, Giám Mục Qui nhơn phải là người như Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi. Xin phép Đức Cha cho chúng con phạm úy.

Khi tham dự lễ tấn phong của Đức nơi sân tiểu chủng viện, chúng con chợt nhớ một sáng tác của nhạc sĩ Từ Huy trong đó có câu:

“Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy…”

Để Đức Cha:

“Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ”

Chọn vị trí này, có thể vì nó rộng nhưng với chúng con, Đức Cha chọn vì nơi đó định hình cho Đức Cha lúc khởi đầu đời dâng hiến và Đức Cha muốn cảm ơn nơi đây..

Khi được thông báo ngày lễ tấn phong, chúng con vội lật tìm lịch phụng vụ và thấy rằng:

· Ngày 3 tháng 2, kính thánh Blasio Giám Mục tử đạo, Thánh Ansgario Giám Mục

· Ngày 4 tháng 2, lịch để trống dành chỗ cho ngày tấn phong

· Ngày 5 tháng 2, Thánh Agata, đồng trinh, tử đạo

· Ngày 6 tháng 2, Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo

Ngày tấn phong, rơi vào ngày 21 thàng 12 năm Kỷ Sửu, ngày Lập Xuân, ngày khởi đầu cho một chu kỳ thời tiết mới và chúng con cũng kịp hiểu rằng đây cũng là ngày khởi đầu cho một cuộc lên đường mới và ngày “Lập Xuân” này được phủ trước che sau bằng sắc đỏ màu áo tử đạo, cũng hứa hẹn nhiều lần tử đạo mới.

Hình những con chim lạc trên mặt trống đồng đã có vị trí đặc biệt nơi huy hiệu Giám Mục của Đức Cha như muốn nói với chúng con rằng Đức Cha đã lớn lên và sẽ mãi trung thành với nền văn hóa này, những hình ảnh trên mặt trống đồng đã giúp các tù trưởng của các bộ tộc chu toàn nhiêm vụ lãnh đạo của mình và nó cũng là biểu tượng uy quyền của vị Hoàng đế để chúng con nhận ra rằng Đức Cha là người tù trưởng của bộ tộc tín hữu Phú yên

Câu khẩu hiệu: “Tình yêu Đức KiTô thúc bách chúng tôi” là kết tinh của một thứ tiềm thức cộng thông được chảy về từ muôn kiếp trước, từ quá khứ thánh thiện và hào hùng mà Đức Cha đã được thông ban.

Mặc dù Thiên Chúa đã chuẩn bị thật kỹ để Đức Cha lãnh nhận vai trò thủ lãnh giúp Đức Cha đủ sức đáp lại những đòi hỏi của Giáo Hội qua vị Giám Mục chủ phong với tất cả sự mạnh mẽ qua 8 lần đáp trả:

- Thưa con muốn thì thực tế mồ hôi vẫn cứ chảy để lần sau cùng Đức Cha đáp lại lời mời gọi bằng một câu dài hơn: Nhờ ơn Chúa giúp, Con muốn. Xét về mặt con người, chức vụ Giám Mục đâu chỉ là ngày Lập Xuân của chiếc nhẫn trung tín mà còn là mùa Hạ của lòng người hay đổi thay, đâu chỉ là buổi sáng rạng rỡ chói ngời nhân đức nơi chiếc mũ Mitra mà còn là buổi chiều của lòng sám hối bên tòa giải tội; đâu chỉ là sự quyết đoán can trường của chiếc gậy mục tử, khi trên đường dẫn dắt đoàn chiên luôn xuất hiện quá nhiều ngã rẽ làm cho lòng người dễ rụt rè thoái chí.

Vâng, chỉ có thập giá của thao thức kiếm tìm mới làm cho ngày Lập Xuân của “hạt nắng vô tư” thêm lung linh, lấp lánh.

Không sao ! Giáo dân Phú Yên vừa nghe văng vẳng tiếng Đức Cha an ủi: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta”. Thật vui khi nghe câu khẩu hiệu này. Cảm ơn Đức Cha đã cho chúng con tham dự vào chức vụ Giám Mục khi chúng con được mời gọi chịu phần thúc giục của Tình yêu Đức Kitô. Chỉ có con người mới hiểu được giá trị của tình yêu và cũng chỉ có tình yêu dựng nên con người cùng sự sống.

Cái vui lớn nhất nơi chúng con chiều nay là từ đây chúng con có tới hai người chăm sóc, để chúng con luôn tắm mình trong suối mát và thỏa thuê nơi đồng cỏ tốt tươi.

Nhìn thấy Đức Cha cùng các linh mục của Chúa xúm xít quanh bàn tiệc thánh, chúng con thấy được hội thánh cách cụ thể và sống động, một Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Tông truyền, hình ảnh này làm chúng con tin tưởng nhiều hơn, yêu mến nhiều hơn, nhiệt thành nhiều hơn để sống tinh thần năm thánh 2010 là sống Mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ nhiều hơn.

Ngày Lập Xuân đã qua nhưng ngày Nguyên Đán chưa tới, và ngày Nguyên Đán sắp tới là ngày Nguyên Đán đầu tiên trong chức vụ Giám Mục của Đức Cha, một sự trùng hợp do Thiên Chúa muốn, ngày Nguyên Đán năm nay cũng là ngày tình yêu, ngày 14 tháng 2. Ngày này là dịp các bạn trẻ tỏ tình cho nhau, chúng con mượn ngày này để gởi đến Đức Cha cành hồng tình yêu của chúng con dẫu cho cành hồng này có nhiều gai nhọn của thân phận con người yếu đuối và chắc chắn chúng con sẽ được nhận lại nơi Đức Cha đóa hồng thằm mịn màng mà gai góc đã được gọt tỉa.

Cũng là dịp may hiếm có, giáo dân Tuy Hòa được nhìn thấy đông đủ quý cha của Hạt Phú Yên trong thánh lễ của ngày cận tết. Giáo dân Tuy Hòa xin tỏ lòng biết ơn về những tình cảm mà quý cha dành cho Tuy hòa nhất là vào những dịp lễ lớn khi quý cha sẵn sàng về giúp mục vụ nơi đây. Chúng con kính chúc quý cha năm mới nhiều hồng phúc Chúa ban.

Kính xin gởi Đức Cha, Quý Cha chút quà nhỏ của chúng con.

Buon felice nuovo anno.
Chúng con xin kính chào.

Micae Trần Kim Đạt, CT/HĐGX Tuy Hòa

 
Phụ huynh, tu sinh và dự tu gặp gỡ với Giám mục giáo phận
Trường Giang
10:33 11/02/2010
THÁI BÌNH - Lúc 8 giờ 30 sáng nay 10/02/2010 (27 tết), tại nhà thờ Chính Tòa, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình gặp gỡ và dâng thánh lễ cầu nguyện cho các phụ huynh, các anh em tu sinh và dự tu toàn giáo phận.

Trước khi dâng thánh lễ, Đức cha có cuộc gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các phụ huynh, anh em tu sinh và dự tu về tình hình ơn gọi trong giáo phận. Đồng thời Đức cha kêu gọi các gia đình hãy chung tay đắp xây, cộng tác với giáo phận để vun trồng và đào tạo ơn gọi.

Sau khi chia sẻ hiện tình ơn gọi cũng như đường hướng đào tạo trong năm 2010, Đức cha chủ sự thánh lễ đồng tế, có sự hiện diện của Đức ông Hieronimo Nguyễn Phúc Hạnh, Tổng đại diện, quý cha ban Giám đốc chủng viện Mỹ Đức, đặc trách ơn gọi giáo phận. Vào đầu thánh lễ Đức cha giới thiệu năm linh mục mới được phong chức ngày 02 tháng 02 vừa qua, để quý phụ huynh cũng như các anh em tu sinh, dự tu thấy được những mầm mống ơn gọi đã được các gia đình và giáo phận ươm trồng trong nhiều năm qua, nay mới đơm hoa kết trái. Trong phần chia sẻ Lời Chúa, Đức cha nêu cao vai trò, cũng như sự hi sinh rất nhiều của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng ơn gọi ngay tại gia đình. Nhìn về tương lai, khi cha mẹ dâng người con của mình cho Thiên Chúa không ai nghĩ rằng người con đó sẽ đem tiền bạc về cho bố mẹ, cho gia đình. Ngược lại cha mẹ phải tần tảo một nắng hai sương, chắt chiu từng đồng tiền để nuôi con khôn lớn và cho con theo học suốt một tiến trình dài tới mười mấy hai mươi năm. Người con khi thành đạt thì luôn ý thức rằng hồng phúc Thiên Chúa ban tặng không phải chỉ cho bản thân mình mà cho cả cha mẹ và gia đình mình nữa. Khi chọn lựa ơn gọi làm tông đồ cho Chúa, đây quả là một con đường đầy chông gai cho bản thân đương sự cũng như cho cả gia đình. Cha mẹ được mời gọi hiệp thông và đồng hành với con mình trong suốt tiến trình dài từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Kết thúc bài giảng Đức cha dâng lên Thiên Chúa tất cả những người trẻ đang trên đường tìm hiểu ơn gọi. Xin Thiên Chúa đón nhận, nâng đỡ và củng cố, để họ có trái tim quảng đại, dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội, hầu mang Tin Mừng của Chúa đến những vùng đất đang cằn khô, đang đói tình yêu và cần lòng nhân ái, vị tha.

Sau thánh lễ, các phụ huynh, các anh em tu sinh và dự tu cùng chung vui với vị cha chung giáo phận trong bữa cơm ân tình, ấm cúng, kèm theo đó là chương trình văn nghệ vui xuân của các thày và anh em tu sinh đang làm việc tại Tòa Giám mục.
 
Linh mục đoàn Bắc Ninh tĩnh tâm và thăm Đền Hùng dịp tất niên
Nguyễn Xuân Trường
10:37 11/02/2010
BẮC NINH - Trong hai ngày 9-10.2.2010 (tức ngày 26-27 tháng Chạp Kỷ Sửu), tất cả linh mục giáo phận Bắc Ninh đã về tòa giám mục tham dự tĩnh tâm dịp tất niên âm lịch. Đức giám mục giáo phận Cosma Hoàng Văn Đạt đã cùng với các linh mục nhìn lại một năm qua và chia sẻ những cảm nghĩ của Ngài cũng như của cộng đồng dân Chúa về đời sống các linh mục trong giáo phận. Ngài vui mừng vì thấy có nhiều phản ứng tích cực đối với các linh mục.

Hình ảnh thăm Đền Hùng

Sáng ngày 10, đức cha và các cha đã cùng hiệp dâng thánh lễ tất niên tại nguyện đường tòa giám mục. Trong bài giảng, khi nhìn lại một năm qua, đức cha đã chia sẻ về tâm tình tạ ơn và tạ lỗi. Tạ ơn vì bao ơn lành Chúa ban cho mỗi linh mục mà có những khi mình không nhận ra những ơn ban ấy; tạ lỗi vì những lầm lỡ, yếu đuối và thiếu sót mắc phải trong đời sống sứ vụ linh mục. Đức cha cũng ước mong năm mới tới, các linh mục có nhiều niềm vui mới như Mẹ Maria trong bài ca Magnificat.

Điều đặc biệt trong dịp tĩnh tâm này là sáng kiến của đức giám mục muốn tất cả linh mục đoàn cùng đi với nhau đến thăm Đền Hùng. Có thể có những linh mục đã từng đến đó một vài lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên tất cả đi cùng nhau. Đức giám mục nhấn mạnh đây không chỉ là một chuyến đi chơi thăm quan mà còn là một chuyến đi giảng. Giảng không chỉ bằng lời mà bằng cả một chuyến đi hiệp thông.

Sau thánh lễ sáng, đức giám mục và các linh mục rời tòa giám mục hướng tới Đền Hùng. Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền miếu thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức tại đây hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Phái đoàn cùng đi thăm các di tích chính như: Cổng Đền, Đền Giếng, Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Tại Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi, đức giám mục và các linh mục đã dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương. Mỗi người thắp lên nén nhang để nhờ làn hương trầm nói hộ những điều tâm niệm của mình với tổ tiên, với dân tộc, với đất nước.

Trong tâm tình tạ ơn và cầu cho quốc thái dân an, cả đoàn đã cùng nhau xướng lên Kinh Lạy Cha dâng lên Cụ Tổ của muôn loài: Lạy Cha chúng con ở trên trời… Những lời kinh nhắc nhớ cho mọi người dân Việt và cho cả nhân loại rằng: chúng ta là con cùng một Cha, chúng ta là anh em với nhau. Điều xác tín này cũng trùng hợp với truyện trăm trứng chung một bọc. Dù là dân miền biển hay miền núi, dân miền Nam hay miền Bắc, thì tất cả chúng ta đều chung một mẹ: mẹ Âu Cơ, mẹ Việt Nam, chúng ta là đồng bào, là anh em của nhau. Đã là anh em, thì không còn lựa chọn nào khác là chúng ta phải yêu thương nâng đỡ nhau thay vì thù ghét loại trừ nhau. Sau lời Kinh Lạy Cha, cả đoàn cùng cất vang lời ca Kinh Hòa Bình: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Bầu khí linh thiêng vốn có của Đền Hùng phút chốc trở thành bầu khí của Đền Thờ Thiên Chúa thiêng thánh hơn với âm vang của lời Kinh Lạy Cha, của lời Kinh Hòa Bình.

Giữa rừng núi đất trời nơi Đền Hùng đất tổ, linh mục đoàn Bắc Ninh muốn dâng lên Tổ Tiên lời tạ ơn chân thành và muốn gửi đi sứ điệp mang dấu ấn tình huynh đệ anh em; đó là sứ điệp đem yêu thương tha thứ thay cho thù oán ghét ghen, đem hòa giải thay cho tranh chấp, đem chân lý thay cho gian dối, đem vị tha thay cho ích kỉ. Và muốn thực hiện được những lý tưởng cao đẹp ấy, không thể thiếu được niềm tin vào Quốc Tổ Hùng Vương để khơi lại ý thức rằng: toàn dân Việt là con chung một Mẹ. Và rồi, phải hướng đến Cụ Tổ Tối Cao là chính Thiên Chúa. Xin quốc tổ Hùng Vương phù hộ độ trì cho con cháu. Nguyện xin Cha Trên Trời chúc phúc cho dân tộc Việt Nam chúng con, xin cho chúng con biết lấy tình thương mà cư xử tử tế với nhau.
 
Bão tuyết kỷ lục vùng Hoa Thịnh Đốn
Bùi Hữu Thư
11:46 11/02/2010
Arlington, VA: Sau bao nhiêu ngày bão tuyết, vùng Hoa Thịnh Đốn bị chôn vùi dưới trên một mét tuyết, với những cơn gió lên đến 50 dặm một giờ làm cho không thể nhìn xa quá vài chục thước. Toàn vùng bị tê liệt, hàng trăm ngàn gia đình không có điện. Nhiều nhà không có điện thoại, TV và internet. Các cây thông nặng chĩu tuyết gẫy đổ chắn ngang lối đi và đè bẹp các chiếc xe đậu ngoài đường. Ngày Chúa Nhật tại Giáo Xứ CTTĐVN Arlington, trước các thánh lễ buổi sáng chỉ có năm bẩy người tham dự. Thánh Lễ 5 giờ chiều còn được khoảng 60 người. Thánh lễ thứ hai khoảng 30. Thánh Lễ thứ tư cũng lưa thưa.

Nhà Thờ CTTĐVN Arlington, 1 ngày tuyết
Tuyết phủ chôn vùi các xe hơi


Cha xứ cũng phải ra phụ xúc tuyết lối đi cho bà con. Hai xe xúc tuyết đến từ đêm thứ bẩy cũng không vào được bãi đậu xe. Sáng Chúa Nhật hai xe và 5 nhân công phụ đẩy tới chiều xe mới vào sân nhà thờ được. Tuy nhiên ngoài đường thì vẫn không có xe ủi tới, giáo dân không có thể đậu xe ngoài đường như thường lệ.

Dốc đường Wakefield xe front-wheel leo lên cũng bị tụt, chỉ có xe 4 bánh là còn chạy ngon. Ngoài xa lộ 495 và 66 các vụ đụng xe làm tắc nghẹn lưu thông, có tai nạn làm cho 4, 5 chiếc xe chất đống. Virginia DOT yêu cầu mọi người ở nhà để cho xe cào tuyết làm việc. Xe cha xứ Vượng có bình điện nguyên thủy đã 10 năm. Sau một đêm quá lạnh, sáng hôm sau ngài đề máy thì bình điện đã chết. Những giáo dân liều mạng ra đường vừa chạy vừa đọc kinh xin cho đi đến nơi về đến chốn. Các siêu thị bán thức ăn, dân đến vét sạch các quầy hàng. Đây là tục lệ thông thường, mỗi khi có tiên báo tuyết là dân đi chợ mua thức ăn về tich trữ. Cũng có thể là khi trẻ em không đi học, người lớn không đi làm, họ không biết làm gì chỉ ngồi trong nhà xem TV và ăn nhậu. Có tiệm người bán hàng bỏ về, không khóa cửa, dân tự ý lấy thức ăn rồi bỏ tiền lại một cách tượng trưng. Tối Thứ Bẩy 6/2/2010 dân chúng ở nhà xem trận đấu football chung kết Superball giữa đội Indianapolis Colt và đội New Orleans Saints tại Miami hết sức gay cấn vì Saints bị dẫn trước 0 - 10 quarter đầu, đã thắng vào phút chót với tỉ số 31- 17. New Orleans đoạt giải Lombardi vô địch năm 2010. Thành phố này rất hoan hỉ vì đã chiếm giải vô địch toàn quốc đầu tiên, và là nơi bị trận bão Katrina 2005 tàn phá và đang phải tái thiết.

Đây là mùa đông nhiều tuyết nhất kể từ năm 1899. Từ ngày 18 tháng 12, 2009 cho đến nay đã có 55.6 inches (trên 1 m 30). Các trường học đóng cửa 8 ngày liền cho tới thứ hai ngày Lễ Các Tổng Thống Hoa Kỳ và cũng là Mồng Hai Tết Canh Dần 15/2/2010. Hội Chợ Tết Giáo Xứ được dự trù tổ chức ngày thứ bẩy 6/2/2010 phải hoãn lại đến ngày Chúa Nhật 14/2/2010 cũng là ngày Mừng Lễ Các Người Yêu (Valentine Day). Năm 1979 cũng nhiều tuyết nhưng không có con số chiều cao bằng. Nhưng cũng là năm các trường học đóng cửa 17 ngày. Những năm như vậy học trò sẽ phải học bù vào tháng 6 nhiều ngày và mất những ngày nghỉ hè.

Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington Virginia đang có công trình xây cất cũng gặp một vài trở ngại: thợ lợp ngói và làm bên ngoài không thể làm việc vì trời quá lạnh và leo cao trơn trượt nguy hiểm. Các nhân công chỉ có thể làm bên trong. Cha Xứ Vượng đêm này cầu xin cho trời chỉ mưa và tuyết vào cuối tuần để trong tuần thợ có thể làm việc. Chúa đã nghe lời ngài cầu xin, nên cứ cuối tuần là có mưa và tuyết khiến cho số giáo dân đi lễ lưa thưa và số tiền thu cũng sút giảm. Đây cũng là một sự mâu thuẫn bất khả kháng. Xin cho xây cất nhanh chóng hay xin cho có nhiều người đi lễ?

Hôm nay thứ năm 11/2/2010, bão đã tan, nắng đã lên nhưng tiên đoán thời tiết cho hay sẽ lại có tuyết ngày thứ hai 15/2/2010. Điều hơi tréo cẳng ngỗng là tại Vancouver, Canada, nơi sẽ có khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông cuối tuần này kể từ ngày 12-28 tháng 2, 2010, lại không có tuyết, người ta phải dùng xe vận tải chở tuyết đến, trong khi ở đây phải tải tuyết đi.

Nhân dịp tuyết rơi xin gửi bài thơ cảm đề:

Lộc Trời Tuyết Sa

  • Hôm nay trời lại cao xanh,
  • Sau bao ngày tuyết đổ quanh một miền.
  • Tuyết rơi như những cánh tiên,
  • Bay bay trước gió triền miên chập chùng.
  • Tuyết rơi êm ái như bông,
  • Như sương kết tụ trên không bạt ngàn.
  • Tuyết sinh, trinh trắng mơ màng,
  • Tuyết giăng như tựa áo voan của nàng.
  • Tuyết sa im lắng không gian,
  • Chim trời bặt tiếng, sóc khoan kiếm mồi.
  • Cành dương chĩu nặng tuyết rơi,
  • Tuyết sa phủ kín cho đời hắt hiu.
  • Con đường lạnh lẽo cô liêu,
  • Hàng xe nằm dưới mồ nhiều tấc xâu.
  • Tuyết bay lất phất qua cầu,
  • Tuyết sa triền núi một mầu trắng tinh.
  • Tuyết về trên phố vắng tanh,
  • Tuyết rơi ướt đẫm áo anh, tóc nàng.
  • Lối xưa, đường cũ đẹp sang,
  • Cảnh tiên Chúa đã hóa trang huy hoàng.
  • Kìa căn nhà phế, bỏ hoang,
  • Rêu phong, tuyết phủ, sáng choang lâu đài.
  • Tuyết ơi! Tuyết đẹp cho ai?
  • Tuyết rơi làm khổ lưng, vai, chàng lười.
  • Tuyết rơi làm dáng cho đời,
  • Tuyết nhiều trói buộc chân người lãng du.
  • Không gian bát ngát mịt mù,
  • Một mầu trắng xóa, ôi phù phiếm sao!
  • Ngày mai nắng sẽ lên cao,
  • Tuyết tan để lại bùn nâu trên đường.
  • Tuyết tan lại hóa hơi sương,
  • Theo mây bay vút không vương bụi trần.
  • Chúa ơi! Chúa khéo bội phần,
  • Tuyết, mưa, sương, khói, là ân sủng Người.
  • Tạ ơn Thiên Chúa hết lời,
  • Ban cho con cái "Lộc Trời Tuyết Sa".
 
Thăm nhau ngày Xuân
Giuse Phan Tấn Hồ
17:34 11/02/2010
HUẾ 10.02.2010 – Đã thành lệ, hằng năm trước khi tết đến xuân về, anh em Dòng Thánh Tâm không quên truyền thống viếng mộ tiền nhân, chào thăm người nghèo, cám ơn và chúc tết bao người đã tận tình giúp đỡ Hội Dòng trong suốt năm qua.

“Thăm nhau ngày xuân” năm nay, với bao người chúng tôi gặp gỡ, ấn tượng nhất là bác Sanh, (em trai ruột của cha Micae Nguyễn văn Châu) người đã từng đồng cam cộng khổ với Dòng Thánh Tâm trong những năm gian khó. Hiện nay bác đang bị bán thân bất toại, nhưng vẫn không nguôi niềm mong ước, muốn đến thăm Nhà Dòng Thánh Tâm, nơi một thời bác gắn bó keo sơn... Chia tay bác Sanh, cha Antôn Huỳnh Đầy và chúng tôi không nguôi nỗi buồn thương cho một người giàu lòng hiếu nghĩa, đang lâm cảnh bất ưng.

Rời gia đình bác Sanh, cha Antôn Huỳnh Đầy và chúng tôi đến thăm Trung Tâm Cô Nhi Viện Dục Anh, Dòng St. Paul Huế, số 3/22 đường Vạn Xuân- Kim Long-Thành Phố Huế. Gặp nhau không lâu nhưng đủ để ôn lại bao kỷ niệm buồn vui của một thời gian khó, khi mà các cha các thầy Dòng Thánh Tâm không còn trường lớp để tiếp tục dạy học trò, phải lên rừng cày sâu cuốc bẩm... mưu sinh. Tạm quên những chuyện buồn một thuở, chúng tôi được Soeur Julienne Đặng Thị Loan, Bề Trên Cộng đoàn Dòng Phaolô Kim Long, Soeur Chantal và Quí Soeurs, hướng dẫn để thăm 70 cháu đang sống trong Cô Nhi Viện Dục Anh.

Với chủ đích “Thăm nhau ngày xuân”, nên việc chúng tôi trao cho các cháu mồ côi chút quà mọn cũng chỉ để gọi là. Thật ra, khoảng thời gian linh thiêng của những ngày cuối năm, khi tết đến xuân về, giữa lúc cánh người lớn đầy đủ mọi bề cũng nôn nao khó tả, thì bánh kẹo đối với các cháu mồ côi lúc này nhiều hay ít chắc cũng chẳng là gì !
Rất may cho phận đời côi cút cô nhi, các cháu vẫn còn đó những Soeurs Phaolô không bao giờ “về tết”. Vì về sao đặng? khi các Soeurs Phaolô đã chọn các cháu làm người thân, và Cô Nhi Viện Kim Long là mái ấm của đời mình.

Chia tay Quí Soeurs và các cháu cô nhi, chúng tôi tìm về nới yên nghĩ của Đức Cha Tổ Phụ Allys – Lý và của các cha các thầy để kính viếng, tri ân.

Đứng giữa đất trời, nơi an nghĩ của tiền nhân, thoáng trong nắng xuân, đó đây bao lao công đang tất bật tu bổ mộ phần, do Tòa Giám Mục Huế đảm trách, bất chợt lòng trào dâng bao cảm xúc khó thành lời.
Tạ biệt tiền nhân, trở về với những xôn xao trần thế, nhưng tâm hồn bình an rất lạ; âu cũng nhờ những giây phút lắng mình bên mộ phần của cha ông, những người đã hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa, đã dày công xây đắp cho con cháu một cơ đồ... nay thanh thoát nghĩ yên trong lòng Đất Mẹ.

Xuân Nhớ
Xuân đến hoài mong khách chốn xa
Bao năm cách biệt chẳng thăm nhà
Vào ra ngóng đợi càng thêm nhớ
Lữ khách phiêu bồng nỡ quên ta
Có biết tình xuân đang ngóng đợi
Ơi người có thấu nỗi lòng ta
Xuân sang trăm mối tơ lòng rối
Tiếc nhớ bao mùa xuân đã qua.
(Joseph Phan)
 
Mừng Ngọc Khánh Hôn Nhân: ơn gọi cao qúy trong đời sống gia đình
Thanh Quang CSsR
20:47 11/02/2010
Ngày nay, khi nói về hôn nhân gia đình, có nhiều người hào hứng phấn khởi nhưng cũng có không ít người chua chát bỉu môi tỏ ra ngán ngẩm và thậm chí sợ hãi chạy trốn. Vì sao? Thưa vì nhiều lý do. Chúng ta bỏ qua không nói về những người hào hứng phấn khởi kia mà chỉ nói về những người bi quan. Những lý do làm cho người ta có thái độ tiêu cực đó là: những vất vả nhọc nhằn, nghèo nàn, kinh tế eo hẹp, con cái nheo nhóc hư hỏng, ly dị nhan nhản, ngoại tình như cơm bữa!... Tuy vậy, trong cuộc đời, có không ít những cặp vợ chồng, đặc biệt những đôi hôn nhân Công Giáo đã sống hạnh phúc, sống tình yêu tràn đầy, sống vui vầy bên nhau đến tuổi cao niên. Cụ thể mới đây chính bản thân tôi đã dâng thánh lễ Ngọc Khánh Hôn Phối cho một đôi “uyên ương” U80!

Hình ảnh lễ Ngọc Khánh hôn nhân

“Cậu” tên là Phanxicô Xaviê Vũ Duy Tân, “cô” là Maria Trần Thị Ninh. Hai “cô cậu” năm nay đã quyết tâm từ Đức trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình để tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành hôn. Đây quả là một trường hợp quý hiếm. Quý hiếm là bởi vì còn quá ít đôi hôn phối nào còn sống vẹn toàn như hai “cô cậu” này. Hoặc còn ông thì mất bà hay còn bà nhưng ông “khuất bóng”!

Hai “cô cậu” đã tâm đầu ý hợp với nhau từ khi “chàng” 18 và “cô nàng” 16 cho đến hôm nay đã 80, 78. Tôi có dịp tìm hiểu và biết được rằng họ đã sống đời sống hôn nhân Công Giáo một cách tuyệt vời. Họ luôn cảm thông, quan tâm, chia sẻ, yêu thương, phục vụ, nâng đỡ, giữ gìn, bảo vệ, cùng nhau sống đức tin, sống đạo, cùng nhau đầu tư nuôi dưỡng, giáo dục con cái, cùng tạo niềm vui cho nhau và chia sớt những nỗi buồn của nhau. Họ đã lấy Chúa làm cùng đích và xem con cái là niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Họ sống quên mình vì con cái và tha nhân. Họ sống khiêm tốn và chan hòa với mọi người. Ngoài ra, họ còn sống quảng đại trong việc xây dựng Hội Thánh. Họ không giàu có nhưng họ có tấm lòng quảng đại, chính vì vậy làm cho họ càng trở nên những con người giàu có về đức độ và ân sủng. Họ làm việc thiện đối với những người nghèo, làm việc nghĩa đối với một số Xứ, Họ đạo. Ông kể, ông đã phải trồng rau xanh để bán lấy tiền làm việc thiện, việc nghĩa. Họ chính là mẫu gương lớn cho những đôi hôn nhân đang chán nản thất vọng noi theo. Có lẽ, các đôi hôn nhân nên đặt câu hỏi, tôi đã làm gì để đem lại niềm vui hạnh phúc cho chồng (cho vợ), cho con cái, cho người thân, cho hàng xóm láng giềng, cho xứ đạo, cho quê hương đất nước,... của tôi?

Lễ Ngọc Khánh của hai ông bà đã để lại nhiều dấu ấn trên bản thân ông bà, trên con cái cháu chắt, trên bà con lương giáo. Dấu ấn về đời sống chung thủy yêu thương tha thứ trong đời sống hôn nhân gia đình. Dấu ấn về sự tôn trọng lẫn nhau. Dấu ấn về tính giáo dục lòng biết ơn và tạ ơn. Biết ơn tạ ơn Chúa và biết ơn tạ ơn nhau. Dấu ấn về lòng quảng đại. Dấu ấn về sự hy sinh. Dấu ấn về bài học làm việc thiện, việc nghĩa. Dấu ấn về tình liên đới chan hòa với mọi người bất kể lương giáo hay thể chế chính trị. Đúng vậy, hai ông bà đã để lại dấu ấn và bài học lớn cho chính tôi và mọi người.

Ngay sau thánh lễ, hai ông bà còn ước mong nếu Chúa muốn, sẽ về lại quê hương Bổng Điền Thái Bình để tổ chức lễ “Kim Cương” (70 năm) Thành Hôn! Tôi thầm cầu nguyện và mong cho điều ước của hai ông bà thành hiện thực.

Nhìn hình ảnh hai ông bà với những nụ cười tươi rói chan chứa hạnh phúc, đầy tràn niềm tin yêu, tôi lại liên tưởng đến nhiều đôi hôn nhân khác. Họ đang phải bươn chải vất vả trong cuộc sống, đang phải đối diện với những thực trạng bi đát của hôn nhân như nghi kỵ, ruồng rẫy, đánh đập nhau, ngoại tình, ly thân, ly dị. Họ đáng được hưởng tình yêu hạnh phúc lắm chứ nhưng kỳ thực lại để vuột mất hoặc không được hưởng. Tôi nguyện cầu cùng Chúa cho các đôi hôn nhân ấy cũng được như hai ông bà vừa kỷ niệm mừng lễ Ngọc Khánh Thành Hôn, để rồi cũng được đón nhận lấy ân huệ của Thiên Chúa và tình yêu thương của nhau, mà sống ơn gọi hôn nhân gia đình tràn đầy ý nghĩa, tình yêu, hạnh phúc và niềm vui sung mãn.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lịch sử truyền giáo Việt Nam'' Tổ chức công đồng xây dựng truyền giáo ở Ayuthia 1664
Trần Văn Cảnh
10:44 11/02/2010
MỪNG NĂM THÁNH 2010, XEM LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM

Bài 9: Tổ chức Công Đồng xây dựng chương trình truyền giáo ở Ayuthia năm 1664

Được bổ nhiệm làm giám mục tông tòa ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, hai đức cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte, kẻ trước người sau, cùng với một số cộng sự viên, đã lên đường đi nhận giáo phận. Những vị đến được thủ đô Ayuthia nước Xiêm gồm tất cả 8 người. Ba người trong phái đoàn thừa sai Ðàng Trong đến ngày 22.08.1662: Ðc Lambert với hai cha Jacques de Bourges và François Deydier. Năm người thuộc đoàn thừa sai Ðàng Ngoài đến ngày 27.01.1664: Ðc Pallu và bốn cha Pierre Brindeau, Louis Laneau, Louis Chevreuil và Antoine Hainques. Nhưng ngày 14.10.1663 cha Jacques de Bourges được Ðc Lambert gửi về Âu Châu với sứ mệnh trình bày cho Tòa Thánh về những khó khăn với các cha dòng Tên Bồ Ðào Nha và xin nới rộng quyền cho các giám mục đại diện tông tòa. Vị chi, ở thời điểm này, đầu năm 1664, có mặt tại Ayuthia chỉ có 7 người.

1. Công đồng Ayuthia, năm 1664

Cả hai đức cha Pierre Lambert de La Motte và François Pallu đều nóng lòng muốn đi đến hai địa phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài của mình. Nhưng những thơ từ của các cha dòng Tên và những chứng tá của các giáo hữu việt nam tỵ nạn tại Xiêm đều cho thấy rằng ở Việt Nam, Bắc Hà với Trịnh Tạc và nhất là Nam Hà với Hiền Vương, đạo công giáo đang bị ngăn cấm và bách hại: các thừa sai bị trục xuất, các nhà thờ bị triệt hạ, giáo dân bị bắt bớ, giam cầm, đánh đập và giết hại. Bị khó khăn và bách hại như vậy, song các giáo dân vẫn kiên cường tuyên xưng đức tin. Ðiều đó làm hai Ðức cha lấy làm yên ùi và tin tưởng. Trong các thư liên lạc, các cha dòng Tên ở Việt Nam cũng khuyên hai đức cha nên gởi người đi quan sát trước khi khởi sự. Ðó là một trong những lý do khiến Ðc Lambert trao cho cha Louis Chevreuil làm tổng quản giáo phận Ðàng Trong và gởi ngài đi Hải Phố vào tháng 06 năm 1664.

Hai đức cha Lambert và Pallu bàn luận và trao đổi với nhau rất nhiều. Cả hai đều nhận định rằng trong tình trạng bất lợi ở Việt Nam như vậy, sự hiện diện của mình chỉ càng gây thêm khó khăn và làm cho cuộc bách đạo trầm trọng hơn, nên các ngài quyết định phải nhẫn nại chờ đợi ít lâu.

Ðàng khác, cùng năm được bổ nhiệm, Thánh bộ Truyền giáo đã gởi đi cho hai đức cha những dặn dò, nhắn nhủ trong tài liệu có thể gọi là « Huấn thị Truyền giáo » ngày 10/11/1659 (Quoniam vos ea estis diligentia). Đc Pallu đã đọc kỹ bản huấn thị này, đã suy nghĩ và đã viết xong ở Ispahan một ít « Những điều góp thêm vào Huấn thị Truyền Giáo » năm 1662. Phải chăng đây là dịp Chúa Quan Phòng định liệu, để thảo luận chung với Đức cha Lambert và các cha thừa sai khác về những nguyên tắc mà Thánh Bộ đã chỉ thị, hầu thống nhất hành động ?

Thêm vào đó, khi còn ở Paris, chưa hiểu biết đủ về cách sồng địa phương, chưa nắm vững bản chất và những khó khăn của sứ mệnh thừa sai, chưa có kinh nghệm về đời sống truyền giáo, các ngài chưa nghĩ đến chuyện ấn định những nguyên tắc sống cho mình và cho các cộng tác viên. Bây giờ, đã học được nhiều trên đường đi, đã thấy không ít những điều mới lạ qua cuộc sống tại chỗ trên đất Xiêm, đã gặp và sống cụ thể với những giáo dân việt nam tại Ayuthia, hai Ðức Cha thấy cần phải tổng hợp những huấn thị của Thánh bộ với những quan sát nhận được để rút tỉa ra những kết luận làm nguyên tắc sống, để tiến thoái khôn khéo hơn và bảo vệ kín đáo hơn.

Hai đức cha mang ý tưởng này chia sẻ cùng bốn linh mục thừa sai còn lại ở Ayuthia: Deydier, Hainques, Brindeau và Laneau (Cha de Bourges đã về Âu châu, cha Chevreuil đã đi Đàng Trong). Các cha đều đồng ý. Thế là Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên đã được thực hiện vào năm 1664, xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc truyền giáo.

Khởi đầu, tất cả 6 vị thừa sai gồm 2 giám mục và 4 linh mục, đã làm một cuộc tĩnh tâm, cầu nguyện và ăn chay. Trong thánh lễ khai mạc, các ngài đã xin Chúa Thánh thấn đổ đầy ơn khôn ngoan xuống cho mỗi người. Rồi vào công đồng, phân phát tài liệu làm việc và khuyến cáo mỗi người, hãy tựa vào Thánh Kinh, Giáo Luật, chỉ dậy giáo hoàng, giảng dậy giáo phụ, gương lành các thánh, đặc biệt là thánh Phanxicô Xaviê, để góp ý tìm ra những nguyên tắc và quyết định. Kết quả là một tài liệu đã được soạn thảo với đầu đề là « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo, dành cho các thừa sai ở Trung Hoa, Đàng Ngoài, Đàng Trong và Xiêm La, họp tại Ayuthia, thủ đô nước Xiêm ». Tài liệu này, gọi tắt là « Chỉ dẫn Thừa sai » (Monita ad Missionarios), đề cập đến ba ý tưởng nòng cốt là: 1- sự thánh hóa người tông đồ rao giảng ơn cứu rỗi kitô, 2- sự trở lại đạo của lương dân và 3- sự tổ chức Giáo Hội. « Chỉ dẫn Thừa sai » đã lấy lại những ý tưởng nền tảng của bản « Huấn Thị gởi các Ðại Diện Tông Tòa đang chuẩn bị lên đường đi Trung Hoa, Đàng Ngoài và Đàng Trong », do Thánh bộ Truyền Giáo gởi ngày 10.11.1659 (3). Có thể bảo rằng đây là thủ bản phác thảo những nét chính yếu cho việc rao giảng tin mừng ở Viễn Ðông về phương pháp, phương tiện hành động và việc thiết lập các cộng đoàn kitô. Từ nay, dẫu ở trong những hoàn cảnh và thời gian rất khác biệt, hay ở trong những xứ và với những người rất mới lạ, « Chỉ dẫn Thừa sai » này đã, vẫn và sẽ được tôn trọng và áp dụng cho các Thừa sai Hải ngoại Paris.

2. Nội dung « Chỉ dẫn Thừa sai » của Công Đồng Ayuthia 1664

31. « Chỉ dẫn Thừa sai » gồm 10 chương. Ba chương đầu nói về con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có. Chương 1 nói về những cám dỗ mà thừa sai phải chống trả: quá lo lắng cho thân xác, tính tự phụ và hiếu danh, tính hà tiện. Muốn chống trả những cám dỗ này, hai phương tiện đã được công đồng nêu ra là cầu nguyện và đọc sách nguyện. Chương 2 nói về việc sửa soạn phải làm trước khi rao giảng tin mừng: Tĩnh tâm, ăn chay và cầu nguyện; chống trả lại các nết xấu của mình và những cám dỗ của ma quỉ; phải hiểu biết tình trạng truyền giáo; phải học ngôn ngữ địa phương và phải biết nói ngôn ngữ này. Chương 3 nói về việc xử dụng các phương tiện vật chất trong tác vụ thánh: không được kinh doanh vì bất xứng với linh mục và càng bất xứng hơn với một người làm tông đồ; không được dùng sức mạnh để cưỡng ép lương dân trở lại đạo; không được nghiên cứu nghệ thuật và khoa học, nếu vì đó mà quên mất sứ mệnh chính của mình là rao giảng tin mừng.

32. Năm chương tiếp theo, các chương 4, 5, 6, 7 và 8, nói về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến: giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung. Bằng lời nói và dẫn giải thì nên tiến hành như sau: cắt nghĩa cho thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa và những thuộc tính của ngài; rồi giáo lý về sự thưởng phạt đời đời; rồi đến sự tuyệt mỹ và trong sáng của đạo kitô sánh với những điều sai xấu phiếm thần; sau đó, khi tân tòng đã khá hiểu biết, cắt nghĩa cho biết về tội tổ tông, về Chúa Ba Ngôi, về sự nhập thể, về thần tính của phúc âm, về sự tạo lập giáo hội.

33. Hai chương 9 và 10 nói về việc tổ chức giáo hội, qua 3 khía cạnh: tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.

331. Về việc tổ chức giáo xứ, đặc biệt là những giáo xứ không có linh mục, công đồng viết : « Trong những giáo xứ không có linh mục, tùy theo số các giáo dân, phải chọn lấy một hay hai người có hiểu biết giáo lý, có lòng đạo đức và có đời sống gương mẫu. Nếu không có giám mục, thì Linh mục bắt họ khấn và hứa không bao giờ dùng tiền dâng cúng vào việc khác, cho riêng mình hay cho việc trần tục khác, rồi đặt họ làm trưởng giáo khu (Trùm và Câu hay Biện); họ phải lo việc cầu kinh cho các tín hữu tụ họp nhau vào mỗi chủ nhật hay lễ trọng.

« Vào những dịp này, sau khi đã đọc kinh tin, kinh thờ lậy và kinh cám ơn, rồi các kinh sáng, họ giúp giáo dân hướng lòng về Tòa Thánh để rước lễ thiêng liêng. Những lời nguyện mà họ đọc phải được Thánh Bộ hay Ðức Giám Mục duyệt xét trước. Theo lời Vị Tông Ðồ Dân Ngoại dậy rằng phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng (Tim I, ch. 2, 1-2), họ phải nhắc bảo cho các tín hữu rằng trong các chủ nhật và lễ trọng, trước khi lui khỏi nhà thờ, phải đọc ba lần Kinh Chủ Nhật và Kinh Thiên Thần Truyền Tin để cầu cho việc truyền bá đức tin và mở rộng giáo hội; cho Ðức Thánh Cha La Mã; cho giám mục và các chủ chăn; cho các vua chúa và quân quan; cho những người có tội được Chúa tha thứ và quay trở về đường ngay của Chúa; cho những người rối đạo được biết tuân phục giáo hội công giáo; cho lương dân được biết rời bỏ lầm lẫn mà gắn bó tin vào Chúa Kitô; cho các linh hồn đã qua đời, đặc biệt là những linh hồn đã an nghỉ trong giáo hội, được khỏi ách luyện hình; cho các dân nước được thịnh vượng mà thoát khỏi tai ương bất hạnh.

« Thêm vào đó, như của ăn nuôi dưỡng linh hồn bổn đạo, họ đọc sách đạo do Ðức Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa chỉ dậy, hoặc về những lý lẽ đức tin, hoặc về những điều khác cần thiết cho sự rỗi.

« Ho cũng đọc lịch báo trước cho giáo dân các ngày lễ, ngày chay, chiều trước lễ,… có thể có trong tuần và những việc mà giáo dân phải làm để giữ đúng luật đạo thánh.

« Họ công bố các lễ cưới và tìm xem những ngăn trở, nếu có.

« Họ Công bố các lệnh truyền của giám mục và đọc các lời rao theo hoàn cảnh. Tất cả những việc đó đều phải làm vào ban sáng.

« Về ban chiều, nếu có thể, họ lại tụ họp giáo dân lần nữa để đọc kinh, xét mình và đọc kinh chiều.

« Ðặc biệt họ phải lo lắng rửa tội cho con nít và người lớn, nếu họ xin, và vào lúc lâm tử.

« Họ cũng đặc biệt lo lắng cho các bệnh nhân, cứu giúp người hấp hối, chôn cất kể chết và xin giáo xứ cầu nguyện cho họ; như vậy, họ sẽ cố gắng gây lên lòng sùng kính các linh hồn nơi luyện tội mà tránh cho người ngoại đạo cái thiên kiến rằng chỉ có họ mới biết tôn kính tổ tiên.

« Họ dậy giáo lý và lòng đạo cho các trẻ em theo cách thức và thói quen đã được truyền dậy, với một lòng xác tín rằng công việc giáo dục giới trẻ là một trong những việc quan trọng nhất.

« Họ bảo trợ các trẻ mồ côi, các goá phụ công giáo và cả các góa phụ ngoại đạo.

« Chẳng bao giờ họ xen mình vào những cuộc kiện cáo giữa những giáo dân, để quyết định; nhưng họ gắng sức khôn ngoan giải hòa.

« Họ chứng kiến các cuộc cử hành hôn lễ, cùng với hai người làm chứng.

« Và để cho các việc thánh được coi là thánh, họ phải áp dụng những luật lệ rõ rệt cho lễ nghi rửa tội trẻ em và ngưới lớn, cho việc giúp đỡ kẻ hấp hối, tẩm liệm kẻ chết, việc ma chay, việc phó dâng linh hồn, việc rao hôn phối, việc cử hành hôn phối và tất cả những việc liên quan đến họ, theo như luật giáo hội đòi hỏi.

« Họ cần có một cuốn sổ ghi chép những lý do cho phép cử hành mỗi dịp lễ trong nhà thờ và những kinh nguyện đặc biệt cho những lễ này.

« Họ có một cuốn sách trình bày những điểm chính yếu về đạo kitô, về các tội trọng, về những lời khuyên phúc âm, về 4 mục đích tối hậu ( Sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục)

« Họ có tại nhà họ cuốn lịch các ngày lễ do các thừa sai soạn.

« Họ coi sóc thứ tự các sổ rửa tội, thêm sức, qua đời, hôn phối và lưu trữ tại nhà họ hay nhà hàng xóm, nếu an toàn hơn.

« Nếu các trưởng giáo khu này không đủ sức làm hết những công việc đó, thì các thừa sai phải giúp họ. Như vậy, thứ nhất, để giúp giải quyết những vụ kiện tụng giữa các tín hữu, người ta có thể chỉ định vài ba người vị vọng để khởi sự nghe các người kiện trước khi trình lên quan tòa sự tranh chấp, hầu nghe theo sự phân xử phụ mẫu của họ, hầu nhân nhượng giao hòa với nhau. Nhưng để tránh bóng vía ngoại đạo, nhửng người trọng tài này phải tránh xuất hiện như là muốn tạo lập nên một loại tòa án mới.

« Thứ hai, cần phải đào tạo những thầy giáo kitô, để họ có thể cung cấp cho tuổi trẻ công giáo cũng như không công giáo những lời giảng dậy phù hợp với phong hóa của xứ sở; có thể chinh phục được thiện cảm của dân bản địa và có thể trải rộng khắp nơi hương thơm đạo thánh; như vậy họ có thể dậy bảo trẻ em kitô làm hết bổn phận đức ái.

« Cũng phải chọn những đàn bà công giáo đạo đức để làm công việc bà mụ, hầu họ không để một trẻ em nào chết mà không rửa tội, ngay cả khi chúng là những con của cha mẹ ngoại đạo.

« Sau cùng, các trưởng giáo khu này phải thường xuyên gởi các bản tường trình chi tiết về tình trạng tôn giáo trong những xứ mà họ được trao trách nhiệm coi sóc.


332. Về các thầy giảng, họ là những người có rất nhiều trách nhiệm. Lần lượt, họ có thể được coi là thơ ký, người giữ nhà thờ, thầy giáo, dự thẩm, luật sư, triết gia, người rửa tội, tắt một lời, là những quản gia đích thực, họ là những trợ tá rất cần thiết của các thừa sai và là một trong những dụng cụ tông đồ; không có họ, sự nhiệt tình hữu hiệu nhất cũng chẳng sinh kết quả gì; có họ, rất nhiều điều trở thành dễ dàng. Linh mục là đầu, thầy kẻ giảng là cánh tay, nhưng là một cánh tay thông minh, biết ứng xử theo hoàn cảnh; bình thường, nhờ thầy kẻ giảng mà nhà truyền giáo biết được tình hình khiến ông biết việc phải làm và xét đoán người phải hướng dẫn; các ý kiến của thầy kẻ giảng dựa vào những hiểu biết sâu xa về phong tục, tập quán, tư tưởng, tính xấu của người đồng hương, cung cấp những chỉ dẫn rất quí hóa. Do đó phải kỹ lưỡng chọn lựa họ. Sau đây là những đức tính lớn mà người ta muốn thấy nơi họ:

« Các thầy kẻ giảng, vì là những cộng tác viên và những thợ rao giảng tin mừng, phải trổi vượt kẻ khác về tính trung thực và chuyên cần. Do đó, chỉ nên chọn những người có đạo hạnh và nhân đức từ lúc họ mới rửa tội, hay là người, sau đôi lần lạc hướng, đã hoàn toàn trở lại cùng Chúa và cho thấy có hy vọng sống một đời sống thánh thiện.

« Không nên trao trách nhiệm kẻ giảng cho những người kiêu căng, nóng tính, hà tiện, say sưa, bài bạc, vì trong một vài miền, cái đam mê bài bạc này có thể đem người có máu mê đến chỗ không chỉ đùa dỡn với tiền bạc, mà với cả tự do nữa. Họ phải là những người trinh tiết, tiết độ, công chính, có danh tiếng tốt; nhất là họ phải sáng ngời với đức nhẫn nại, lòng dịu hiền và đức khiêm nhường, đức đầu tiên của người kitô hữu.

« Vì phải liên tục chống lại ma quỉ, mà nhiều đứa chỉ có thể đuổi bằng lời cầu nguyện và sự chay tịnh, các thầy kẻ giảng phải thắp sáng nơi mình lòng nhiệt thành đạo hạnh, nhờ sự suy ngắm kiên trì, họ phải yêu mến kinh nguyện, sự hãm mình phạt xác và nhất là sự xung tội rước lễ.

« Họ phải thúc đẩy và đốt cháy lòng nhiệt thành bằng việc nghĩ rằng Ðức Kitô đã thương ta, bởi vậy, ta cũng phải thương tha nhân mà dẫn đưa họ về ánh sáng thật.

« Bổn phận của họ là phải dậy bảo kể khác, do đó, bắt buộc họ phải nghiền ngẫm giáo lý Phúc Âm, hầu có thể chuyển giao cho người chầu nhưng một tin mừng tinh ròng và nguyên vẹn.

« Ngay từ đầu, họ phải chống lại những sai lầm dị giáo; và để được như vậy, rất mong sao họ biết được kinh sách dị giáo, hầu hiểu được những chuyện hoang đường, những chuyện kỳ quái, những chuyện dị đoan của chúng. Họ cũng nên tìm biết những nét chính yếu mà tà giáo ngoại đạo giống với đạo ta. Như thế, được trang bị đầy đủ, họ sẽ có thể dễ dàng bác bỏ luận cứ dị giáo bằng chính những lý lẽ và luận chứng của chúng mà dãi bày chân lý của đạo kitô.

« Họ nên có một phương pháp rõ ràng và chính xác, hầu dẫn giải được một cách đơn sơ song vững chắc về đức tin cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu.

« Họ nên sống độc thân, vì sợ rằng mối lo lắng cho những sự thuộc về thế gian này sẽ làm họ chia lòng về việc thánh; nhưng cũng không nên loại bỏ những người đã có gia đình, nhưng xứng đáng.

« Không nên chọn làm thầy kẻ giảng những người, vì một khuyết tật thân xác nào đó, mà nêu trò cười, gây sự khinh miệt hay ăn nói khó khăn.

« Và cho dẫu có những vị có đầy đủ các tính tốt trên, nhưng họ vẫn chưa nên dấn thân vào sứ vụ này, nếu họ đã chưa được trao phó một địa sở rõ rệt, có phê chuẩn riêng biệt, địa sở mà họ làm việc dưới sữ diều hành của một thừa sai hay của một thầy giảng kỳ cựu.

« Còn đới với các học trò chủng sinh, thì dễ dàng nhận biết họ có đủ tính tốt hay không để làm công việc thầy giảng. Bởi vì dễ dàng quan sát tài năng của họ, sự hiểu biết của họ, cũng như dễ dàng thử thách tính tình và nhân đức của họ.

« Người đi dậy thì phải dậy không chỉ kẻ ngu dại, mà cả người thông thái nữa, các thầy giảng sẽ phải được dậy cho biết cách cư xử chính đáng với người thông thái và kẻ ngu dại.

« Khi bề trên chủng viện thấy rằng họ đã được đào tạo đầy đủ, họ sẽ bắt đầu dậy những tân tòng đơn sơ, đến khi họ đủ kinh nghiệm thì sẽ lo đến kẻ thông thái, rồi họ sẽ phân giải những lý lẽ bác bẻ và điều hành một khu vực.


333. Về việc đào tạo linh mục bản xứ, công đồng đề nghị nên chọn lựa họ giữa những thầy giảng.

« Các thầy giảng mà có đủ những đức tính vừa kể trên, và đã nhiều năm làm việc dưới sự hướng dẫn của các thừa sai thì người ta nên dậy họ những điều căn bản về tiếng la tinh và lần lượt nên phong các chức cho họ. Khi họ đã được phong chức phó tế rồi, thì nên dậy họ tất cả những gì liên hệ đến Thánh tế hy sinh Misa, về chất liệu cũng như hình thức và cách ban phát các phép bí tích; Nên đòi hỏi họ biết khôn khéo quyết định theo phương pháp trường hợp lương tâm, biết làm sáng tỏ những ngăn cản kết hôn, nhất là đừng quên rằng lòng đạo đức là nền tảng thiết yếu của đời sống linh mục.

« Mỗi ngày các linh mục phải suy ngắm ít là một giờ, để múc ra trong lời kinh nguyện những điều không thể học được từ sách vở, hầu, nhờ Chúa giúp sức, họ sẽ thực hiện được những công việc cao cả của sứ vụ họ.

« Mỗi ngày, qua tay linh mục, Chúa tự hiến mình làm của lễ hiến tế đẹp lòng dâng lên Chúa Cha Toàn Năng. Cũng vậy, mỗi ngày linh mục phải tự hiến mình làm của lễ hy sinh, trong một liên kết chặt chẽ ý chí với Ðấng Cứu Chuộc, để làm vinh danh Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn ».


LỜI KẾT

Trước khi đi Viễn Ðông, mỗi người một cách, hai Giám Mục Ðại Diện Tông Tòa đã chuẩn bị tại Pháp ba việc chính: xem lại tình hình truyền giáo Viễn Ðông, nhận « Huấn thị Truyền giáo » của Tòa Thánh và củng cố hậu cần bằng cách nghĩ đến việc thiết lập Chủng Viện Thừa Sai và lập Sở Quản Lý Paris. Trong khi kẹt lại ở Xiêm La, trước khi đến Việt Nam, hai Ðức Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài cũng lại đã dành một thời giờ quan trọng để chuẩn bị. Chuẩn bị bằng việc cầu nguyện để thảo ra một « Chỉ dẫn Thừa sai » hướng dẫn việc truyền giáo xoay quanh việc tu đức, việc giảng đạo và việc tổ chức giáo hội.

« Chỉ dẫn Thừa sai ». Ðó là đề tài quan trọng và chính yếu của Công Ðồng Ayuthia 1664, công đồng đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, đã được viết thành văn bản và đã được Thánh Bộ Truyền giáo ấn hành vào năm 1669. Cho in « Chỉ dẫn Thừa sai », phải chăng Thánh Bộ Truyền Giáo đã muốn bày tỏ một sự công khai chấp nhận đường lối và chương trình truyền giáo của Hai Giám Mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam ? « Chỉ dẫn Thừa sai » là bản đồ chỉ đường hành động cho các thừa sai. Sau Công Đồng Ayuthia 1664, hai công đồng khác đã được Đức cha Lambert de la Motte tổ chức để kiểm soát và cải tiến việc truyền giáo, theo những tiêu chuẩn đã được đua ra trong bản « Chỉ dẫn Thừa sai ». Một ở Đàng Ngoài vào năm 1670, gọi là Công Đồng Dinh Hiến. Một ở Đàng Trong vào năm 1672, gọi là Công Đồng Hội An.

Rất nhiều công sức đã được dành cho việc cầu nguyện, suy nghĩ, thiết kế, lập chương trình, hành động, kiểm soát và cải tiến. Chúng ta ngạc nhiên một cách thích thú khi xem lại lịch sự truyền giáo mà các thừa sai đã thực hiện từ hồi thế kỷ XVII. Ngay từ thời đó mà các ngài đã xử dụng một phương pháp quản trị rất khoa học và hiện đại của thế kỷ XX, XXI ngày nay. Đó là phương pháp dự án: thiết kế chương trình hành động (to plan), hành động (to do), kiểm soát (to check) và cải tiến (to act) !

Giáo hội Việt Nam đang hồ hởi cử hành NĂM THÁNH 2010, kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Chính Tòa Việt Nam (1960-2010). Quyết định tổ chức Năm Thánh và Đại Hội Dân Chúa 2010 phải chăng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam muốn nối tiếp truyền thống tốt đẹp của các giám mục tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam để đưa ra một « Huấn thị truyền giáo 2010 » mới cho Giáo Hội Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ III này ?

Paris, ngày 11 tháng 02 năm 2010

Trần Văn Cảnh

Chú thích

(1). Tôn Tử đã soạn « Binh Pháp » để hướng dẫn việc giao chiến. Các Giám mục thừa sai đã họp công đồng để soạn thảo đường hướng và phương pháp truyền giáo. Có thể bảo rằng các ngài đã soạn « Truyền giáo Pháp » để hướng dẫn việc truyền giáo. Toàn bài này đã được dựa vào 4 tài liệu chính yếu sau dây:

LAUNAY, A.: Histoire générale de la Société des Missions Etrangères; 1894: Téqui, Paris; t.1, trang 91-110

VAN GRASDORFF Gilles: La belle histoire des Missions Etrangères 1658-2008, Edition PERRIN; 2007, 492 trang, tr. 60-74, 86-98.

FAUCONNET-BUZELIN, Françoise: Aux sources des Missions Étrangères: Pierre Lambert de la Motte; Editions PERRIN, 2006, 360 trang, tr. 76-130
 
Chủ đề được ưa chuộng nhất trên mạng truyền thông
Trần Mạnh Trác
17:06 11/02/2010
Tiêu chuẩn ưu tiên khi đưa tin cuả báo chí là: có yếu tố giật gân, tình dục, gây tranh cãi hay là những chuyện lạ lùng. Còn những chuyện bổ ích hay đạo đức thì bị coi là tầm thường và nhàm chán.

May mắn thay quan niệm trên trong một tương lai gần có thể bị coi là lỗi thời, hay ít ra là không còn ăn khách.

Câu tục ngữ “tiếng dữ đồn xa” có còn hợp thời không? Con người vẫn còn thích những chuyện chướng tai gai mắt hơn là những chuyện khai sáng không? và tại sao người ta lại thích chia sẻ những câu chuyện đó? để gây ấn tượng, để gây bè kết đảng?

Ký giả John Tierney cuả New York Times mới đây đã tìm ra câu trả lời nhờ những nghiên cứu của một số nhà xã hội học tại Đại học Pennsylvania dựa trên việc kiểm tra cách cư xử cuả các người xử dụng email.

Cuộc nghiên cứu dùng danh sách của hầu hết email lấy bài viết cuả tờ New York Times để chuyển (forward) cho người khác, kiểm tra mỗi 15 phút trong hơn sáu tháng, phân tích nội dung của hàng ngàn bài viết và trừ hao các yếu tố như vị trí cuả bài trong một trang hoặc trên trang chủ.

Kết quả đáng gây ngạc nhiên. Nó đánh đổ hai chiến lược cơ bản cuả các nhà xuất bản. Một là, viết bất cứ điều gì về tình dục. Hai là, lựa những tựa đề giật gân như: "Thức ăn cuả chó có thể đe dọa Hôn nhân của bạn."

Rõ ràng thị hiếu cuả độc giả ngày nay đã tiến lên một cấp cao hơn, theo các nhà nghiên cứu Jonah Berger và Katherine A. Milkman. Người ta ưa thích những bài dài với chủ đề tích cực, và họ thích chuyển cho nhau các chủ đề có nhiều thử thách trí tuệ.

Có lẽ hầu hết độc giả muốn chia sẻ những điều gây ra một cảm hứng “bàng hoàng kính sợ” (awe), một cảm xúc mà các nhà nghiên cứu nhận ra sau khi thấy rằng rất nhiều bài có tính cách khoa học được nằm trong trong danh sách.

Nói chung, 20 phần trăm các bài trên trang chủ đựợc chuyển đi, nhưng tỷ lệ tăng lên 30 phần trăm cho các bài khoa học, kể cả các bài với một tiêu đề vô duyên như "Triển vọng và năng lực cuả RNA (Ribonucleic acid)".

"Khoa học vẫn quyến rũ hơn là chúng ta nghĩ", Tiến sĩ Berger, một nhà tâm lý xã hội học và một giáo sư tiếp thị tại Penn's Wharton School. "Chúng tôi dự đoán rằng mọi người sẽ chia sẻ bài viết có các thông tin thực tế về sức khỏe hoặc về các tiện ích, và họ đã làm như thế, nhưng họ cũng đã gửi bài viết về Cổ Sinh Vật học và Vũ Trụ học. Và cả những bài buồn cười như nghiên cứu quang học về thị giác cuả một con hươu. "

Đào xâu hơn, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 7.500 bài báo xuất bản từ tháng 8 2008 đến tháng 2 2009. Họ đánh giá tính phổ biến của mỗi bài sau khi trừ hao các yếu tố như thời gian trong ngày nó được đưa lên mạng, nằm ở phần nào trong trang và được quảng cáo nhiều ít trên trang chủ.

3.000 bài viết đã được chọn một cách ngẫu nhiên (random sample) để đưa cho các độc giả độc lập đánh giá về phẩm chất như là có giá trị thực tế hoặc là đáng ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng máy vi tính để tìm tỷ lệ các danh từ cảm xúc trong một bài viết và để đánh giá mức độ tích cực hoặc tiêu cực.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng những câu chuyện tình cảm được ưa chuộng, và những điều tích cực được chia sẻ nhiều hơn những điều tiêu cực. Bài báo dài thì tốt hơn so với bài viết ngắn, mặc dù Tiến sĩ Berger cho rằng có thể là bài viết dài thì có nhiều chủ đề hơn.

Những bài gây ngạc nhiên, thí dụ như một đàn gà xổ lồng trên đường phố New York, cũng có nhiều khả năng được chuyển đi, mặc dù đó không phải là một khám phá mới mẻ gì. Nhưng cũng có những bài viết khá phổ biến mà chất lượng thì bất ngờ.

"Nếu tôi đi vào lớp học ăn mặc như một tên cướp biển, thì đó gây ra ngạc nhiên, nhưng không phải là một sự kiện gây “kính sợ bàng hoàng (awe-inspiring,)" Tiến sĩ Berger nói. "Một bài viết về những quả dưa hấu hình vuông là đáng ngạc nhiên, nhưng nó không gây cảm giác rằng thế giới là hùng vĩ và tôi là nhỏ bé."

Xây dựng trên những nghiên cứu đã có từ trước, các nhà nghiên cứu xác định chất lượng “bàng hoàng kính sợ” như là “một cảm xúc siêu việt, một cảm giác ngưỡng mộ và thăng tiến trước một cái gì đó lớn hơn mình."

Một câu chuyện gây “bàng hoàng” có hai tiêu chuẩn: quy mô của nó quá lớn, và nó đòi hỏi " một sự thích nghi cuả tinh thần" bằng cách buộc người đọc phải nhìn thế giới theo một cách khác.

"Nó liên quan đến việc mở rộng tâm trí," theo Tiến sĩ Dr. Berger và Dr. Milkman, một nhà nghiên cứu hành vi kinh tế học ở trường Wharton.

"Đi thăm cảnh Grand Canyon, đứng trước một bức tranh nghệ thuật, nghe một lý thuyết lớn hoặc nghe một bản nhạc giao hưởng đẹp, tất cả có thể tạo ra cảm hứng bàng hoàng (awe.) Cảm hứng này cũng có thể là phát hiện ra một cái gì đó sâu sắc và quan trọng từ một cái gì mà bạn thường xem là bình thường, hoặc nhận ra một quan hệ nhân quả giữa những điều quan trọng mà bạn thường không rõ nguyên nhân. "

Động lực nào đã thúc đẩy độc giả chuyển đi những bài viết gây cảm xúc bàng hoàng này? Có nhiều trường hợp dễ hiểu, nhưng cũng có một số trường hợp thì câu trả lời không lập tức rõ ràng lắm, tiến sĩ Berger nói. Thí dụ như chia sẻ công thức nấu ăn hoặc lời khuyên tài chính hoặc tư vấn y tế thì rõ ràng chúng ta có thể áp dụng lý thuyết cổ điển về hữu ích kinh tế: tôi cung cấp cho bạn một cái gì đó có giá trị thực tế với hy vọng rằng một ngày nào đó bạn sẽ trả lại ân huệ đó cho tôi. Cũng có thể vì lý do ích kỷ mà tôi chia sẻ một điều ngạc nhiên: tôi sẽ được coi như là một người hiểu biết sâu rộng khi tôi gửi những tin làm bạn sửng sốt (shock).

Nhưng tại sao gửi cho một người nào đó môt bài về cơ học lượng tử? Trong một số trường hợp, có thể đó là một cách để phô trương, đặc biệt nếu người gửi viết kèm theo một lời nhắn nhủ như: "Đây là một vấn đề có thể làm anh tiêu khiển đôi chút, nhưng tất nhiên đây chỉ là những luận cứ hời hợt. Tại sao họ không áp dụng phương trình của Schrödinger nhỉ? "

Nhưng nói chung, những người gởi cho nhau loại bài viết như thế này có vẻ có một động cơ sâu sa hơn là để gây ấn tượng với bạn bè. Đó là họ đang tìm kiếm sự thông cảm (chia sẻ cảm xúc), Tiến sĩ Berger nói.

"Nói chung cảm xúc thường dẫn đến việc chia sẻ, và “bàng hoàng” là một cảm xúc khá mạnh mẽ," ông nói."Nếu tôi chỉ cần đọc câu chuyện này mà quan niệm về thế giới và về bản thân tôi đã thay đổi, thì tôi cũng muốn nói chuyện với những người khác về ý nghĩa của nó. Tôi muốn kết nạp thêm bạn hữu để chia sẻ cảm giác. Và nếu bạn đọc bài viết và cũng cảm thấy những cảm xúc đó, thì nó sẽ làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn.“

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng các độc giả chia sẻ những cảm xúc khác, như lo âu (giống như lý thuyết thương mại “càng có sợ hãi, báo càng bán mạnh” cuả ngành báo chí) là cảm xúc có vẻ ảnh hưởng nhiều nhất trên độc giả. Nhưng sau khi nghiên cứu tất cả các biến số, Tiến sĩ Berger nói, cảm xúc bàng hoàng là mối quan hệ quan trọng và mạnh nhất.
 
Thông Báo
Phân ưu: thân phụ của LM John Trần Nhàn vừa qua đời tại New Orleans
LM. Joseph Nguyễn Thanh Liêm
08:26 11/02/2010

PHÂN ƯU
Vừa được tin:
Ông cố Gioan Trần Văn Dũng
là thân phụ của Linh mục Gioan Trần Nhàn.
qua đời vào ngày 8-2-2010 tại New Orleans.

Thánh lễ an táng sẽ được cử hành tại Họ Đạo Thánh Giuse, Woodlawn, LA. vào Thứ Bảy, ngày 13 tháng 2 lúc 9:00 AM.

Thay mặt cho Liên Đoàn, xin chân thành phân ưu với Cha Nhàn và tang quyến.
Xin Thiên Chúa vì lượng nhân từ, sớm cho linh hồn Ông Cố GIOAN về hưởng nhan Thánh Chúa trên thiên quốc.

Cha Nhàn hiện là Chánh xứ Giáo xứ Thánh Joan of Arc tại La Palace, Louisianna.
Rev. John Nhàn Trần
Giáo xứ St. Joan of Arc
529 W. 5th St., La Palace, LA 70062

Thành kính phân ưu.

Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ

 
Tâm Thư Xuân Canh Dần của LHTTCGVN về ngày Hiệp Thông Cầu Nguyện cho Giáo Hội và Quê Hương
Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo
15:09 11/02/2010
TÂM THƯ XUÂN CANH DẦN CỦA LIÊN HIỆP TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM.

Kính Thưa Quý Cộng Đồng và Quý Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới,

Kính Thưa Quý Hội Đoàn, Phong Trào, Đoàn Thể,


Trước Thềm năm mới Canh Dần năm 2010, Đại Diện Anh Chị Em trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam, chúng tôi xin kính chúc Quý Vị một năm mới khang an, thịnh vượng, hạnh phúc, thành công, và tràn đầy hồng ân của Chúa Xuân Canh Dần.

Mùa Xuân mang đến nhiều ý nghĩa linh thiêng và cao quý của dân tộc Việt Nam. Mùa Xuân chan chứa tâm tình tạ ơn Trời Đất. Mùa Xuân gợi nhớ tấm lòng biết ơn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, những người đã sinh thành dưỡng dục. Mùa Xuân là thời gian nhớ ơn Quý Tiền Nhân anh dũng. Mùa Xuân còn là khoảnh khắc nối kết những tấm lòng yêu thương gắn bó cùng nhau trong máu đỏ da vàng từ khắp năm châu bốn bể trong tâm tình hiệp thông chia sẻ.

Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin chân thành cám ơn tất cả quý vị, đã cầu nguyện, yêu thương nâng đỡ và đồng hành với Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam trong suốt những năm vừa qua, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng Việt Nam Công Giáo tốt đẹp trong yêu thương đoàn kết và gắn bó, đồng thời, tích cực cầu nguyện và hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong những hoàn cảnh cụ thể đặc biệt, nhất là trong Năm Thánh 2010.

Kính Thưa Quý Vị,

Xuyên suốt từ năm 2002 tới năm 2010, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói riêng và Quý Tôn Giáo bạn nói chung, liên tiếp đối diện với những khó khăn về Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền, đặc biệt về những đất đai thuộc các Tôn Giáo bị chiếm đoạt từ năm 1945, khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lên nắm chính quyền tại Miền Bắc, và nhất là từ năm 1975, khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cai trị toàn cõi Việt Nam.

Qua những biến cố đau thương từ năm 2007 với Toà Khâm Sứ, Giáo Xứ Thái Hà, Loan Lý, Bầu Sen, Đồng Chiêm, Cồn Dầu…cùng với một số khá nhiều những cơ sở Tôn Giáo và cả các Tu Viện Công Giáo bị cưỡng chiếm… Anh Chị Em trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam chúng tôi cảm thấy thật đau lòng trước những biến cố và các sự kiện này. Qua những tin tức của các cơ quan truyền thông thế giới như BBC, VOA, Asia-News, Fides, RFA, Reuters, AP, AFP, Vatican Radio, Eglise d’Asie, La Croix, CWN…và qua biến cố đặc biệt của toàn thể Giáo Hội Ba Lan dành một ngày 4/2/2010 để cầu nguyện và hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam cũng như đã tổ chức “Chuỗi Trái Tim” để nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam, chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam từ khắp bốn phương trời, cùng một mẫu số chung là đức tin và máu đỏ da vàng, cũng phải làm gì cho Giáo Hội và Dân Tộc Việt Nam chúng ta.

Anh Chị Em trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam chúng tôi đã cùng chung vai sát cánh trong việc thông tin đặt trên công lý và sự thật, qua đó, chúng tôi cũng muốn như Đức Cha Tarnowski Wiktor Skworc, chủ tịch Ủy Ban Truyền Giáo của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan: “nói to lên cho mọi người nghe là Giáo Hội đang bị bách hại tại Việt Nam, và chúng ta không thể câm nín nhượng bộ được.” Đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ cho Giáo Hội Việt Nam bằng mọi phương thế như cầu nguyện chia sẻ, hiệp thông, và đồng hành.

Trong những tâm tình ấy, chúng tôi ước mong quý Cộng Đồng, Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới, dành trọn Ngày Mùng 1 Tết Năm Canh Dần, để tổ chức Ngày Linh Thiêng hiệp thông và cầu nguyện đặc biệt cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

Phương thức tổ chức sẽ tuỳ hoàn cảnh cụ thể khác biệt của mỗi địa phương để tổ chức tốt đẹp. Chúng tôi thiết nghĩ, khi tất cả chúng ta cùng hiệp lực cầu nguyện, hiệp thông và chia sẻ đồng hành với Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam, chắc chắn Thiên Chúa yêu thương và Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội Việt Nam, sẽ thực hiện những điều tốt đẹp nhất cho Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam dấu yêu của chúng ta.

Qua tâm thư này, Anh Chị Em trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam chúng tôi xin chân thành cảm tạ Quý Vị đã cầu nguyện, yêu thương, nâng đỡ, và đồng hành với chúng tôi, đặc biệt, sẽ cùng chúng tôi tổ chức cầu nguyện, hiệp thông và chia sẻ với Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam trong Ngày Cầu Bình An Linh Thiêng nhất của Mùa Xuân Canh Dần.

Chúng tôi nguyện xin Chúa của Mùa Xuân Canh Dần và Mẹ Maria dịu hiền ban muôn hồng phúc trên toàn thể Quý Vị trong Năm Mới Canh Dần này.

Một lần nữa, chúng tôi hân hoan và trân trọng chúc mừng Năm Mới Canh Dần, với tràn đầy hồng ân và hạnh phúc trong Thiên Chúa yêu thương và Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội Việt Nam.

Cung Chúc Tân Xuân.

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam.

Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài
Giám Đốc Radio VERITAS Asia
Buick St. North Fairview,
Quezon City, Philippines
P.O. Box 2642
Email: rvaprogram@rveritas-asia.org

Lm. Gioan Trần Công Nghị
Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo VietCatholic
435 Berkeley Ave
Claremont, CA 91711, USA
Tel (909) 581-8888
Email: conggiao@gmail.com

Lm. Joachim Nguyễn Đức Việt Châu
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu
PO Box 1419 Gretna,
LA 70053-5440, USA.
Email: danchuausa@yahoo.com

Lm. Antôn Nguyễn Hữu Quảng
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Úc Châu
715 Sydney Rd. Brunswick Vic 3056
Australia
Email: quangsdb@yahoo.com

Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu
Magazine Catholique
Katholische Monatszeitschrift
Monthly Catholic Magazine
Email: info@danchua.de

Lm. Paul Chu Văn Chi
Thông Tấn Xã Công Giáo VietCatholic.
92 The River Rd - Revesby
NSW 2212
Australia
Email: paulvanchi@yahoo.com

 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Xuân Bất Tái Lai
Nguyễn Trung Tây, SVD
06:36 11/02/2010
Truyện ngắn: Xuân Bất Tái Lai

Xuân bất tái lai, Ảnh NTT
Trời lạnh. Người tự nhiên nổi sần sượng, ngứa. Ngứa gãi sướng tay sướng chân. Cứ thế mà gãi. Càng gãi những vết sần sượng càng đỏ tươi, nhìn như ghẻ, nhìn thấy sợ, nhìn thấy ngán. Lấy lotion bôi. Da bớt khô nhưng vẫn nứt ngang dọc tương tự như ruộng lúa vào một ngày nắng hạn, như đường đào bới ngổn ngang của những con cái ghẻ.

Trời lạnh. Làn da xám đen rủ nhau nổi dầy cộm tương tự như người phong cùi. Phong cùi? Con cái nhà cửa có mà cũng như không. Đành phải giã từ, chui vào trại tập trung, ngày ngày phơi nắng trước sân, ngước mắt nhìn trời xanh ngậm ngùi tiếc xót. Phong cùi? Thà là nhảy sông nhảy suối. Chết đi, xác trôi lềnh bềnh ba ngày ba đêm rồi tấp vào bờ vào bụi biến thành thằng chổng. Phong cùi? Chẳng lẽ tại mình ở dơ? Sáng Thái tắm. Tắm xong, bớt ngứa, bớt gãi, những vết đỏ sần sượng bớt gồ ghề kéo đồi kéo núi. Nhưng sau đó khoảng một tiếng, chó đen lại hoàn mực đen. Ghẻ tiếp tục đội mồ sống dậy. Ngứa! Gãi sướng da sướng thịt!

Trời lạnh. Mây đen mây xám kéo ngập bầu trời. Bước xuống xe, khoác lên người mảnh áo len, Thái ghé vào cafeteria của sở,

— Một ly cà-phê đen, please.

Người thâu ngân viên mắt xanh tóc nâu gốc Mễ Tây Cơ đang đứng sau quầy tính tiền,

— Amigo uống cà-phê Mỹ hay cà-phê Việt Nam?

— Amiga cũng biết pha cà-phê Việt Nam hay sao?

— Biết chứ, manager Việt Nam mới chỉ tuần rồi.

— Thôi, con lậy mẹ, amiga. Mẹ pha cà-phê Expresso thì họa may.

— Amigo đau hả?

— Giỡn chơi!

— Sao nhìn mặt mệt mỏi như ốm mới dậy vậy?

— Well, I guess…I’m S.A.D.

— Sad?

— Không phải.

— ???

Tính gãi, nhưng ngại. Ai lại làm chuyện mất thể diện thế kia trước mặt người đẹp. Cầm ly cà-phê Mỹ đi vội về văn phòng. Ngồi xuống ghế, Thái len lén cúi xuống gãi bằng thích. Trời lạnh, ngứa. Trời lạnh, xìu. Đứng dậy bật hết bốn năm ngọn đèn trong văn phòng. Cái này chắc là tại S.A.D., Seasonal Affective Disorder.

Tiếng gõ cửa vang lên. Thái ngưng gãi ghẻ, cười tươi chào đón đồng nghiệp tóc vàng,

— Hôm qua Danny tới văn phòng. Hắn hăm he đưa mi ra phiên họp toàn ban tuần tới.

Tự nhiên hết ngứa. Ngứa biến tan khi nhận được bản tin bất ngờ. Cơn ngứa biến mất nhường chỗ cho cơn giận. Thái tính mở miệng chửi thề văng tục. Phải chửi toáng lên cho hả cơn giận. Đã mở miệng ra rồi. Lời nói đã dâng cao đầu môi, câu chửi đã thập thò chót lưỡi. Nhưng thôi. Nuốt vào. Nhịn. Nhịn như nhịn không gãi khi bị cơn ghẻ ngứa hành hạ gần một tuần nay.

Cô người Nga độc thân ăn tiền trợ cấp có hẹn sáng nay lúc 10 giờ. 9 giờ gọi vào, con đau đang nằm trong bệnh viện, xin gặp tuần sau. Đóng sổ lại, Thái đi ra cafeteria ăn sáng.

Người đẹp amiga Mễ biến mất. Giờ này thanh niên gốc Việt ngáp ngắn ngáp dài đứng trông quán,

— Xếp uống chi?

— Thôi đại ca, cho ly nước lạnh, thật lạnh và cái menu.

— Ủa, không cà-phê sao?

— Không.

— Nghe nói Sở An Sinh Xã Hội đang kiếm người mới cho chức vụ Trưởng Văn Phòng. Có mấy người nói xếp và Danny là hai con bài sáng giá. Có ăn khao, đừng quên em nhé xếp.

— Mi cũng nhậy tin dữ. Làm ơn cho xem cái menu.

Người thâu ngân viên gốc Việt đưa cái menu. Nhìn tới nhìn lui. Sao hàng chữ nhảy múa rồng rắn thế kia? Đưa sát vào mặt, hàng chữ nhòe nhoẹt. Đưa cái menu ra xa, rồng thôi nhảy, rắn thôi múa. Đưa ra xa hơn nữa, hàng chữ đen đen hiện rõ nguyên hình. Chẳng lẽ viễn thị? Không phải đâu. Chắc tại trời âm u. Thái nhìn chung quanh, đèn trắng bật sáng khắp nơi. Đưa cái menu vào sát cặp mắt, mờ ảo lại hiện ra. Đẩy cái menu ra xa, chữ đen đen hàng hàng xếp lớp. Vậy là đúng ngay chóc. Vậy là dám bị viễn thị rồi.

Thái nhớ lại tuổi mười lăm đọc truyện chưởng coi phim bậy trong bóng tối mờ mờ. Tình trạng đọc lén coi lút diễn đi lập lại cho tới một hôm ngồi ngay hàng ghế thứ hai trong lớp, nhưng Thái thấy hàng chữ phấn trắng trên bảng đen trong lớp tiếng Việt Nam mờ mịt sương mù. Quay sang mấy thằng bạn ngồi bên cạnh, Thái thấy chúng nó viết như điên.

Phục Ba Tướng Quân Mã Viện mang quân đuổi theo Hai Bà Trưng. Cùng đường Hai Bà nhảy xuống sông Hát Giang tự vận vào ngày 6 tháng 3 năm Quý Mão, 43 A.D.

— Sao tao không thấy chi hết? Chữ trên bảng mờ như thế mà mày cũng thấy. Chữ đó chữ chi? Phục hay phúc? Phục hả? Thế mà lại tưởng cô giáo hôm nay loạn, viết tiếng Việt lộn sang tiếng Anh.

Tới lúc đó mới biết là mình cận thị, phải đeo kính.

Bây giờ bốn mươi mốt tuổi, hình như viễn thị ghé ngang hỏi thăm. Hèn chi mấy lần trước trong phòng họp, tới giờ thuyết trình, Thái cầm giấy chuẩn bị đọc nhưng tự nhiên thấy chữ nhảy múa. Nghĩ là tại ngồi lâu với computer, mắt mỏi, Thái gỡ kính cận ra dụi đôi mắt, lại thấy sáng chói như cũ. Thái nhớ tới mấy người bị bifocal, phải đeo kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm nhìn thấy dị. Bây giờ cũng dám tới phiên mình mắt lõm mắt lồi.

Ghẻ ngứa kéo lên cả da mặt. Ghé vô phòng vệ sinh soi gương. Trời lạnh mây xám âm u, mặt mày Thái xám đen xám xịt. Chân tóc kéo cao lộ cái trán bướng. Tóc vuốt một cái rụng đầy cả nắm. Nhìn vô trong gương một lần nữa, Thái nhận ra được bao nhiêu khoảng trống lộ thiên giữa chân tóc. Thái nhìn tới nhìn lui, phòng vệ sinh không có ai. Đưa sát cái mặt vào gương, nhìn lên Thái nhận ra gầu bám dọc ngang da đầu tương tự lá mùa thu phủ ngập sân cỏ. Tóc lưa thưa như mới ốm dậy, như người chạy chemotherapy. Tình hình như vầy chẳng mấy chốc mà rụng hết tóc. Hói là con đường không thể chạy trốn.

Thái nhìn xuống, bụng đã to. Thời gian gần đây quần 32 nhảy vèo lên 35. Ban đầu Thái không tin, nghĩ mình nhìn lộn, thử tới thử lui. Nín thở, hít bụng, mặt đỏ căng cứng, quần 32 vẫn chật. Thái nhắm mắt thử quần 35. Vừa y!

Giáng Sinh vừa qua, Thái gặp mấy người bạn thời trung học. Nếu không được báo trước, Thái sẽ không nhận ra hai thằng bạn của tuổi mười tám. Hai đứa tóc rụng lưa thưa nhìn như đám cháy rừng của miền Nam Cali. Một thằng mập, lùn, tròn như hột mít, bệnh gan. Thằng kia còn tệ hơn, mập, bụng to như thùng nước lèo, bệnh tiểu đường, cholesterol. Đã hói, tóc bạc, nó còn bị đụng xe rụng hết nguyên một hàm răng phía dưới.

Thái nhe răng ra. Răng thì cũng tạm được. Tất cả hai hàm răng đều là của thật, không có của giả. Răng thật, chân răng không bị viền đen bám chung quanh. Nhưng ông nha sỹ trong lần khám răng tháng trước nói nướu răng của sir bắt đầu bị mòn. Tiện tay, ông trám lại những lỗ bị sâu nằm phía trong, mắt thường dân nhận không ra. Tiện miệng, ông ta khen sir có hàm răng tốt, chân răng bị mòn nhưng lợi răng còn đỏ hồng. Tiện chuyện, ông khuyên nên bỏ thuốc và bớt uống cà-phê, bởi răng của sir bị khói thuốc và cà-phê bám vàng, vàng như nghệ.

Bước ra khỏi phòng vệ sinh của sở, Thái lẩm bẩm,

— Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!

oOo

Thái lái xe về tới nhà, nhà trống trơn. Cơm nước trong bếp nguội lạnh. Trên bàn một mảnh giấy kẹp dưới tàn thuốc, “Thiên is sick. I’m with Thảo in Cedar Creeks Hospital”.

Thái phóng vào bệnh viện cửa Cấp Cứu.

— Tên bệnh nhân?

— Trần Thiên.

— Phòng 832.

Thái phóng tới thang máy. Phòng 832 nằm ngay góc. Thằng Thiên nhắm mắt ngủ say trên giường bệnh. Con Thi đứng hôn thằng bồ mùi mẫn sau cánh cửa. Con Thảo ngồi bệt dưới đất ngủ gật ngay góc phòng. Thấy bố, con Thi đẩy thằng con trai ra, mặt tỉnh bơ,

— Hi, Daddy.

Thằng con trai xa lạ nhìn Thái, không mở miệng nói một câu, bước ra ngoài. Con Thi đi theo sau.

Nghe tiếng động, con Thảo mở mắt. Mặt mũi con bé dơ như một con chó con bị ghẻ. Con Thảo ôm bụng, nước mũi thập thò,

— Bố ơi, con đói…

Thái nén cơn giận nhìn theo con Thi đang xà nẹo với thằng bồ trước cửa phòng. Nhìn con gái, Thái nhận ra hình dạng của người vợ thuở nào. Nhớ tới vợ, Thái bấm bẩy số. Chuông điện thoại vang lên, reng, reng, reng... Không ai bắt phone. Thái liếc nhìn, con Thi vẫn chưa buông rời thằng con trai tóc xanh tóc đỏ tòng teng xỏ đầy hai lỗ tai, nhìn cực kỳ văn minh. Thái thở dài,

— Vợ là tội. Con là nợ.

Tự nhiên Thái thấy mình sao ngu quá sức, biết thế hồi xưa cạo đầu đi tu.

Vợ Thái hồi đó học lớp Mười; con gái mặc quần jean căng phồng, chơi bi-da đi hai cơ, game over. Vợ Thái hồi đó lớp Mười Một chơi bóng chuyền; con gái nhảy cao, đập xuống, con trai đứng ngẩn ngơ nhìn theo, chảy nước miếng. Vợ Thái hồi đó lái xe số tay ngoài freeway; xe cảnh sát hú còi,

— Young lady, vận tốc tối đa của freeway là 65, cô chạy tới 95 dặm một giờ. Cho xem bằng lái.

Vợ Thái lớp Mười Hai chớp chớp mắt, òa ra khóc nức nở. Tóc dài con gái rối tung. Người cảnh sát ngạc nhiên, e dè hỏi. Vợ Thái tiếp tục nghẹn ngào, tiếng được tiếng mất, nói mẹ đang hấp hối trong bệnh viện. Tưởng thật, người cảnh sát tha tào cho cái ticket.

— Em đóng kịch giỏi ghê.

— Kẹt quá đành chơi đại. Ông cảnh sát mà gọi vào bệnh viện Cedar Creeks hỏi có mẹ em ở trong đó hay không là vỡ mặt.

Cuộc tình càng lúc càng căng thẳng, đơm hoa trổ nụ. Hai đứa mê nhau như điếu đổ, yêu nhau như tài tử Holywood. Ba mặt con, bon chen kèn cựa tới lui, Thái vẫn không vượt quá khỏi bàn giấy của văn phòng. Quay đi quẩn lại cũng vẫn chỉ loay hoay với dân thất nghiệp, dân chửa hoang, dân tái định cư của Sở An Sinh Xã Hội. Tình yêu biến mất. Nàng bỏ đi không một lời giã từ. Một năm sau, nàng ghé nhà nói hai đứa lên tòa ký giấy. Thái nói,

— Không!

Tối hôm đó Thái trằn trọc trên giường. Hồi xưa cứ tưởng tình yêu bền vững đời đời. Thiên hạ lắm kẻ tán phét thế mà cả thế giới xúm vào, tin. Thế nào mà bền vững được? Tình yêu, love at first sight? Excuse moi! Tình dục, lust at first sight thì có. Mà đó là chuyện đương nhiên. Con người là chi? Cũng chỉ là động vật như mọi động vật khác thôi. Hồi xưa ở trong rừng Phi Châu leo trèo phá phách như mọi con khỉ khác. Bất ngờ tự nhiên bữa đó hứng hứng đứng lên chơi chơi. Đứng lên được một lần, đứng tiếp, đứng tiếp nữa. 6, 7 triệu năm trôi qua, khỉ thành người. Động vật dù là động vật cao cấp thì cũng vẫn chỉ là động vật. Tình dục để duy trì nòi giống là bản tính tự nhiên Ông Trời ban cho. Thời người ta mới lớn, người ta yêu hay người ta dục? Tình dục, đương nhiên, lust at first sight. Chấm hết! Thỏa mãn rồi, chán nhau. Lấy nhau, ở với nhau, biết tẩy nhau, bỏ nhau. Tình nghĩa vợ chồng nên giải thích theo một cách khác. Tình đây không phải là tình yêu mà là tình dục. Dục nghĩa vợ chồng. Dục hết, nghĩa kéo tới. Nếu nghĩa không ghé thăm, thế là bankruptcy. Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm.

Thái biết khi tình dục đã hết, tình nghĩa bốc hơi biến tan. Vậy thì thôi! Giữ lại gót hài sen làm chi? Thái quyết định giữ lại ba đứa con.

Vợ Thái ở cách một thành phố, sống một mình. Năm ghé về nhà một lần tối 25 tặng cho mấy đứa con quà Giáng Sinh, rồi bỏ đi. Thái nhìn theo vợ, tiếc.

Hồi vợ mới bỏ đi, Thái nhớ gọi qua mấy lần. Khuya, tiếng người nhấc điện thoại đàn ông, giọng mệt lả thở không ra hơi. Máu ghen nổi lên, Thái nghĩ tới án mạng. Chắc phải có đổ máu. Chắc phải lên trang nhất của báo địa phương. Phải cho người tình phụ một bài học. Phải nhìn mặt người đàn bà bội phản trợn tròn, chớp chớp hối hận, giọng thều thào,

— Anh!... Anh! Em biết em có lỗi. Em phụ một lời thề. Em không hối hận nếu được chết trong bàn tay của anh. Mai này, nhớ em, hãy ra mộ. Anh trải hoa hồng lên mộ là linh hồn em vui rồi…

Không được! Người cảnh sát ngày xưa khờ dại, nhưng Thái không dại khờ. Thái tính toán, trong hoàn cảnh này nhất định phải quay mặt đi; nhất định không để cho ánh mắt giai nhân lung lạc; nhất định phải vung tay lên, cương quyết đưa xuống để ánh mắt kia lạc thần, mờ lại, bạc thếch.

Tốt nhất là căn vào lúc nàng đi làm về, Thái đứng núp sau bụi cây cạnh ngay cánh cửa của căn chung cư. Phải đợi nàng vặn khóa, mở cửa, Thái đeo mặt nạ đen như ninja, nhào ra, một tay bịt miệng, tay kia đẩy nàng vào nhà. Phải khóa cửa thật lẹ. Không nhìn ánh mắt của nàng, không nói gì hết, tay vung cao, hạ xuống. Không cho nàng cơ hội mở miệng nói một lời, nếu không là hỏng bét. Ánh mắt giai nhân chớp chớp một lần, nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc.

Càng nghĩ về dự án cho tương lai, lòng Thái càng mềm đi. Sát khí trong người hạ xuống. Thái nhớ lại, hồi còn đi học báo Mỹ đăng tin có một người đàn ông Việt Nam bắn chết vợ, lên ghế điện, mấy đứa con bơ vơ mất cả bố lẫn mẹ. Thái với mấy thằng bạn ngồi ăn trưa trong cafeteria của trường trung học cười hô hố nói thằng cha đó khùng, ai mà chết vì gái. Thế mà giờ đây Thái đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Lên ghế điện, Thái chẳng ham. Sát khí tan, Thái bỏ qua dự án cho tương lai.

Gần năm năm trôi qua, vợ Thái đã lên xe hoa với người khác.

oOo

Thái bật bếp điện nấu nước phở. Con Thi nói con không ăn tối, giờ này ngồi trong phòng, chắc lại đang ôm điện thoại. Thái dọn ra ba tô phở cho thằng Thiên, con Thảo và chàng. Con bé Thảo sáu tuổi, giờ tươi như hoa, thơm mùi xà bông đu đủ, sạch sẽ mịn màng như công chúa Mỵ Nương sau khi được gà trống Hùng Thái Vương tắm rửa.

— Bé Thảo đói chưa?

— Con đói.

— Bé Thảo ăn phở hay hambuger?

Con bé nhìn bố cười toe toét,

— Con thích phở.

Thằng Thiên, mặt còn xanh lét như tàu lá chuối, đang nằm trên giường nhìn Thái giỡn với con Thảo. Nó bật cười,

— Bố ơi! Con cũng ăn phở.

Thái bế con Thảo trên tay, tay kia sờ trán thằng nhỏ, trán còn hơi nóng,

— Người lính trẻ phải đợi thêm mười phút nữa Phở Thái mới mở cửa.

Thái bỏ con bé Thảo xuống, lại ngứa. Tính gãi cho đã, nhưng nhớ mình đang đứng trước mặt con, Thái dừng lại, di di ngón tay trên vết ghẻ, đi lên lầu,

— Thi, xuống ăn tối.

— I told you I’m not hungry!

Đóng cửa lại, Thái đi xuống. Cái kiểu con Thi rồi cũng là kiểu bỏ đi. Con bé mở miệng là sổ tiếng Hồng Mao. Tiếng Việt không biết một chữ gãy đôi. U a u ơ như người Mỹ nói tiếng Việt. Thái hối hận hồi đó không chịu để ý đến nó nhiều hơn. Hồi đó ham làm quá, mất vợ. Giờ này ngơ ngơ ngác ngác gà trống nuôi con. Làm găng với con Thi, nó bỏ nhà đi hoang, mất con. Mai mốt nó về, vác theo cái của nợ quẳng cho ông ngoại nuôi. Nhịn nó một chút như nhịn gãi ghẻ. Sang năm con Thi vô đại học, xong một cái nợ.

Thái chép miệng, phải đổi chiến thuật, phải chịu khó hơn một chút dậy cái giống họ Trần đang ngồi trên giường húp xùm xụp tô phở nói tiếng Việt.

— Bố ơi, mai con có đi học không?

— Thôi, ốm, ở nhà.

— Con cũng ở nhà với Thiên.

— Con phải nói…với anh Thiên. Nói.

— Con cũng ở nhà với anh Thiên.

— Giỏi. Con gái rượu của bố tuyệt vời. Ngày mai cho hai anh em ở nhà chơi. Mai khỏi đi học, khỏi đi làm. Mai bố ở nhà dậy tụi con tiếng Việt. Bây giờ người lính trẻ đánh vần trước. Còn nhớ chữ Việt đánh vần làm sao hay không?

Cái giống họ Trần ngừng húp phở,

— Vờ, i, vi, …ê, via, …tê, viết, …nặng, …Việt.

— Giỏi, giỏi quá.

— Còn chữ Nam?

— En nờ, a, …na, em mờ, …Nam.

oOo

Ông bác sỹ nói,

— Ông bị dị ứng với thịt bò. Ông càng ăn thịt bò, ông càng bị ngứa.

Thái trợn tròn mắt,

— Bác sỹ nói sao chớ cả đời tôi ăn thịt bò mà có thấy chi đâu?

Không nói chi, ông bác sỹ lật hồ sơ cá nhân của Thái lên, cười nhếch mép, chậm rãi nói, giọng hơi đểu,

— Ông năm nay bốn mươi mốt tuổi, tuổi đã toan về già. Ông còn ăn thịt bò, ông sẽ còn ngứa dài dài. Ông nhìn những vết mề đay nổi đầy trên người đi. Ông tiếp tục ăn thịt bò, có ngày mất mạng. Ông trên bốn mươi rồi, tôi đề nghị kỳ tới ông lấy hẹn khám prostate đi.

Nghĩ tới lúc phải cong lưng xuống cho ông bác sỹ khám tuyến tiền liệt, Thái rùng mình, rụt xương sống, mặt xanh lại. Chàng chấp nhận gà trống một mình nuôi con, chấp nhận tóc hói, chấp nhận mặc quần 35, chấp nhận giã từ thịt bò; nhưng chết thì chết, chàng nhất định không chịu cong lưng xuống; chết thì chết, chàng nhất định không chịu đeo kính, kính hai tròng, mắt lồi mắt lõm.

www.nguyentrungtay.com
 
Nẻo đường hồn nhiên của Tin Mừng (9): Trải nghiệm chay lạt của một Linh Mục
Lm. Trăng Thập Tự
10:53 11/02/2010
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG (9): Trải nghiệm chay lạt của một linh mục

Xin cảm ơn những bạn đọc đã gửi thư bày tỏ đồng cảm về nẻo đường chay lạt. Mùng 4 Tết, Lễ Tro, Mùa Chay của Năm Thánh 2010 khởi đầu. Tôi xin được tiếp nối câu chuyện bằng trải nghiệm của chính mình.

Cái khó của tôi là làm sao có thể theo đuổi thực đơn chay khi hằng ngày phải dùng cơm chung với cộng đoàn. Khoảng năm 1985, tôi đang sống với anh em Don Bosco Đà Lạt, dịp may đã đến. Một số anh em rủ nhau “vô thất”, tuyệt thực theo tân dưỡng sinh Osawa – 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày. Ba bốn nhóm, tổng cộng trên mười người, trong đó có tôi. Sau khi nhịn đói, mỗi người phải dùng gạo lứt muối mè với thời gian dài hơn số ngày đã nhịn ăn. Quan niệm dưỡng sinh Osawa được cả cộng đoàn trân trọng. Sau “phong trào” ấy, tôi có thể ăn chay mà không sợ bị tiếng là lập dị. Tôi không xin nhà bếp nấu riêng. Tôi chấp nhận một giới hạn: dùng chung thức ăn với anh em nhưng không gắp thịt cá.

Cuối năm 1996, về Sài Gòn sống chung với các sinh viên dự tu Dòng Cát Minh Về Nguồn, trong nhà chỉ có mấy người, tự nấu ăn với nhau, tôi có thể theo thực đơn chay cách triệt để hơn. Có chút đáng trách là tôi đã vô tình khiến một số bạn trẻ ngộ nhận không dám vào Dòng, tưởng rằng vào Dòng này phải ăn chay trường. Năm 2000, sang Tây Ban Nha, vào Nhà Tập Dòng Cát Minh, tôi đã xin và cha Tập sư đã đồng ý cho tôi ăn chay trường: “Anh có thể tùy ý chọn những gì được dọn ra trong nhà cơm, trên bàn ăn cũng như nơi bàn phục vụ, nhưng không được tự tiện lục tủ lạnh”. May mắn, thầy già Domingo phụ trách nhà bếp đã biết ý nên luôn dọn đủ các loại rau quả và phó mát ở bàn phục vụ, còn trên bàn ăn lúc nào cũng có dầu ôliu. Có một đồng bạn phản đối, sợ tôi không đủ sức khỏe, nhưng tôi bảo anh ta: “Bạn thấy đó, các bạn vào phòng ăn phải cầm theo thuốc, còn tôi thì không” – và anh ta thua! Thời gian học viện tại Philppines, tình cảnh dễ hơn. Trước khi tôi đến cộng đoàn, cha Thomas Martin, người Mỹ, đã dùng thực đơn vegeterian. Tôi chỉ đơn giản là đệ tử của ngài (đồng thời ngài cũng là cha giáo tập của tôi). Vào nhà cơm, hai cha con chúng tôi mỗi người nhận được một tô rau quả còn sống, những gì cần hấp chín thì chúng tôi cho vào lò vi ba. Cuối năm 2005 tôi bị đau nhức nặng. Lúc đầu bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh gút. Một số anh em trong nhà kết luận vì tôi dùng nhiều đậu nành khiến lượng acid uric tăng cao. Để khỏi phụ lòng cộng đoàn, tôi chấp nhận ăn lại thịt cá. Thế nhưng cuối năm 2006, thực đơn chay tôi được minh oan. Một bác sĩ khác chứng minh rõ rằng tôi chỉ bị đa khớp thấp chứ không bị bệnh gút và chỉ cần kiêng những gì mình không thích. Thế là tôi được quyền quay về với thực đơn chay.

Bây giờ tôi ở nhà hưu dưỡng linh mục tại Qui Nhơn. Khi ăn cơm khách, khi dùng bữa chung với anh em, tôi ăn những gì người ta dọn để không gây phiền cho ai (Để mưu tìm ơn cứu rỗi cho những người tâm trai thiện chí khắp nơi, phải sống chan hòa với anh em đồng đạo bên cạnh mình trước đã). Còn khi dùng cơm riêng, tôi dần dần thuyết phục nhà bếp loại bỏ thịt và cá ra khỏi bữa ăn của tôi. Có một điều lạ: với người đời, khi tôi ngỏ ý dùng thực đơn chay thì được vui vẻ chấp thuận ngay, còn với các nữ tu, thuyết phục cho được rất khó. Có vẻ như phần đông các nữ tu lo cơm nước cho khách vẫn nghĩ rằng phải là thịt cá mới bổ dưỡng (và mới là trọng khách) còn rau quả thì không. Họ có ngờ đâu với những người xác tín thực đơn chay thì không gì chán ngán cho bằng nhìn thấy thịt, cá, tôm, cua! Chỉ một số cộng đoàn thân quen, coi tôi như người nhà, vui vẻ dọn cho tôi rau quả, đậu phụ, tương chao và nấm…

Vừa qua có những bài báo nhấn mạnh rằng việc truyền giáo tại Việt Nam ít kết quả và nêu lên những nguyên do. Với kinh nghiệm riêng, có thể chủ quan chăng, tôi nghĩ có hai điều sẽ đem lại kết quả lớn: Nhiệt tình truyền giáo của người tông đồ và kinh nghiệm chay lạt. Hồi trước tôi chỉ biết làm thơ mới. Khi làm linh mục rồi, dấn thân truyền giáo, gặp một số vị cao niên thích thơ Đường, tôi học làm thơ Đường để xướng họa với họ và dần dần nói cho họ nghe về Chúa. Khi bị bệnh khớp rồi được lành, chạy bộ ở bờ biển, tôi nói chuyện với những người đang tập đi về vật lý trị liệu. Đã tha thiết muốn chia sẻ Tin Mừng thì chuyện gì cũng có thể thành nhịp cầu, tuy nhiên mỗi lần chia sẻ bắt đầu từ kinh nghiệm chay lạt với những người ăn chay, bao giờ tôi cũng được đón nhận nồng nhiệt, và từ chuyện chay bắt sang chuyện đạo thật hồn nhiên. Tôi ăn chay lạt để tự nhắc mình nhớ đến ơn cứu rỗi của một lớp rất đông những người ăn chay lạt trên đất nước này và nhiều nơi khác tại châu Á…

Trong thời gian bị kìm chân vì bệnh khớp, khi cầm đũa gắp cọng rau miếng đậu, tôi thường có một cảm giác êm đềm. Không còn được rong ruổi như Phanxicô Xaviê cũng chẳng được chôn mình trong cõi vắng như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, cũng chẳng sao, tôi vẫn có thể góp phần truyền giáo cách bình thường lặng lẽ, hướng về những người đang cần ơn cứu rỗi trong tâm tình tạ ơn và khẩn nguyện của phút tâm trai. Và lòng lại dâng lên một khát khao mãnh liệt: phải chi ngày càng có nhiều chủng sinh, đệ tử, nam nữ tu sĩ và linh mục Công giáo cụ thể hóa lời nguyện truyền giáo bằng phát nguyện tâm trai đồng cảm với anh chị em phương Đông, mỗi tuần một ngày chẳng hạn. Chắc hẳn mùa gặt sẽ bội thu thấy rõ. Rồi lại theo một ước vọng khác: ước chi rồi sẽ có một thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục mời gọi tự nguyện ăn chay theo phương Đông! Tại sao lại không? Phải chăng vì quên nhấn mạnh lời mời gọi tự nguyện của Tân Ước, khoa giáo lý Công giáo đã vô tình đẩy tín hữu vào não trạng tiêu cực, loay hoay mãi với câu hỏi cái gì được phép, cái gì không, và vì thế khó vươn lên được những tầm cao trưởng thành? Khi phát nguyện ăn chay, người phương Đông chẳng vướng mắc gì với chuyện “bị cấm” hoặc “tội nặng” nhưng họ chỉ tự nguyện, tự răn, tự cấm lấy mình. Biết đâu nhờ phát huy tâm tình tự nguyện này mà Trưởng Nữ của Giáo Hội tại châu Á có thể góp phần tích cực vào việc phục hưng Giáo Hội tại Âu Mỹ!...

Tôi nghĩ vấn đề nghiêm túc lắm. Khi nâng bánh rượu lên hiến thánh thành thịt máu Chúa, tôi hình dung thấy Thiên Chúa Tân Ước là Thiên Chúa của chay lạt. Giữa những tháng ngày rao giảng, vị Chúa làm người đã hòa mình với đám đông tội nhân, ăn uống như họ, đến độ bị mang tiếng là “tay ăn nhậu” (Mt 11,19). Thế nhưng Ngài đã vào bằng cửa của chúng ta và ra bằng cửa của Ngài. Trong bữa ăn thịt chiên Vượt Qua cuối đời, Ngài mở trang sử mới. Dấu chỉ của bí tích không phải thịt cá mà là bánh và rượu. Ngài tự nguyện nộp mình và đổ máu cho người người được ơn tha tội và, cùng lúc, chấm dứt việc đổ máu những con vật vô tội theo nghi lễ Cựu Ước.

Hơn kém nửa thế kỷ qua, Cha Maria Maximô Đỗ Chính Thống ở đan viện Xitô Vũng Tàu, đã đi đầu trong kinh nghiệm trường trai. Rải rác đây kia hẳn vẫn có những người theo bước chân ngài, tu sĩ cũng như giáo dân. Có điều là, như lời chia sẻ của chị Đông A, giữa hàng trăm người đi qua kinh nghiệm này, chưa chắc đã có một người mạnh dạn viết lên kinh nghiệm. Cũng chính vì thế, tôi ước mong được nói lên tiếng nói của một số người thầm lặng. Và vui sao, một câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm về chay lạt Công giáo đang từng bước thành hình.

Linh mục TRĂNG THẬP TỰ

gopnhattho@yahoo.com
 
Xuân về nhớ Quê hương
Lê Dân Việt
17:27 11/02/2010
XUÂN VỀ NHỚ QUÊ

Xuân đã trở về ngào ngạt hương
Phố xá đông vui, khắp phố phường
Tuổi trẻ vui chơi, xây đời mộng
Hoa tươi khoe sắc đủ mùi hương

Pháo nổ đì đùng, rực sáng trưng
Trẻ con đốt pháo, nổ đì đùng
Quần áo mới toanh, vui đẹp thế
Quây quần chúc tuổi, lấy quà mừng

Gói đỏ trong đó có những đồng
Nhận được quà mừng, là trẻ dông
Dưa hấu thơm ngon, vỏ xanh ngắt
Thịt mỡ, dưa hành… cho ấm lòng

Cho đời hưởng trọn những ngày xuân
Theo đời dõng dạc tiếng chuông ngân
Để nhớ tết xưa, gây mùi nhớ
Khi ở xứ người, kiếp lỡ chân.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Năm mới cầu chúc cho muôn nhà
Từ Bắc trong Nam lẫn ngoài xa
An khang, thịnh vượng và may mắn
Chúc cho ông bà được sống lâu

Chúc cho người lớn luôn khỏe mạnh
Chúc cho cha mẹ được bằng an
Chúc cho chú, bác…được khang an
Chúc cho cô dì… luôn thịnh vượng

Chúc cho sinh viên sớm thành tài
Chúc cho học sinh chăm chỉ học
Chúc cho các cháu luôn vui tươi
Chúc cho mọi nhà được hạnh phúc

Chúc cho công nhân được sung túc
Chúc cho nông dân được ấm no
Chúc cho dân Việt sớm tự do
Chúc cho báo đài thêm vững mạnh

Viết lách bênh vực kẻ bất hạnh
Để tự hào ta đây dân Việt
Theo cha anh giòng giống hào kiệt
Cùng dân xây dựng vững nước Nam

Đấu tranh thay đổi lũ gian tham
Để dân đỡ khổ, đỡ lầm than
Cuộc đời dân Việt bớt long đong
Thỏa lòng dân tộc đang chờ mong.

XUÂN VỀ TRÊN QUÊ HƯƠNG

Ôi nàng Xuân! Đang đến nơi bên rồi…
Người với người, đang chào đón khắp nơi
Trong hoan hỉ, chào mừng năm mới tới
Hoa Xuân về, nở rộ khắp đất trời

Như hòa nhịp, mừng vui khắp nơi nơi
Các em nhỏ, sung sướng cả một bầy
Bên hương Xuân, ngào ngạt đến ngất ngây
Người lớn tuổi, nhìn thay đổi, hăng say

Rất hãnh diện, ta giòng giống da vàng
Lớp người trẻ, đang thay đổi màu nắng
Cho quê hương, trỗi dậy trong hân hoan
Để xứng danh, ta giòng giống Tiên Rồng

Như tổ tiên, đã đặt lòng cậy trông
Nay già, trẻ hân hoan mừng năm mới
Ly rượu Xuân nhấp miệng cho ấm lòng
Để cùng nhau, xây dựng cả non sông

Để vực dậy, tổ quốc của cha ông
Bỏ ghen ghét, thù hận…ngày tháng qua
Hãy đồng tâm, bảo vệ đất quê cha
Xuân mới về, phải cùng nhau hối thúc

Giữ tổ quốc, được độc lập bền lâu
Cho giang sơn, mãi mãi được đẹp màu
Bảo vệ nước, toàn dân vẫn trước sau
Để Xuân về…, người Việt lại bên nhau.

MỪNG XUÂN

Nàng Xuân hớn hở đã trở về
Vui mừng chào đón khắp đồng quê
Tỉnh thành, phố xá cùng muôn ngõ
Tống cựu nghinh tân đón giao thừa

Pháo nổ rền vang mừng năm mới
Ông bà vui sướng cháu chúc thọ
Bố mẹ vui mừng con chúc tết
Người lớn hoan hỉ thấy tương lai

Nơi quê Việt sáng lạng ở ngày mai
Trẻ con mừng rỡ quần áo mới
Chắp tay cám ơn nhận phong bì
Màu đỏ trong đó tiền lì xì

Vui chơi cho thỏa ba ngày tết
Bầu cua tôm cá.. . đủ trò vui
Thịt mỡ, dưa hành… câu đối đỏ
Bánh chưng tràng pháo đón xuân sang

Mức kẹo ê hề thôi đủ loại
Hân hoan chào đón chúa xuân về.

MỪNG XUÂN MỚI VUI CA

Mọi người nô nức đón gió Xuân
Nàng Xuân bay nhẹ, đáp xuống trần
Mai, đào hé nụ đang e ấp
Chào đón nàng tiên, đến với Xuân

Mang đến niềm vui khắp trần ai
Cả năm vất vả đã mệt nhoài
Nhờ mấy ngày Xuân, đời vươn khá
Hoài mong khấm khá ở tương lai

Năm Mới chúc nhau mãi được hên
Chúc đời tươi mát, sống êm đềm
Hạnh phúc chan hòa xây nên mộng
Chung sống hòa bình, trong dịu êm

Tiền của dồi dào, sống có dư
Những người giàu có, có lòng từ
Chia sẻ nghèo hèn, khi lỡ bước
Chứ đừng thấy khó, lại vô tư

Hãy có trong lòng chút vị tha
Yêu thương giúp đỡ kẻ không nhà
Chứ đừng thấy nghèo lại hờ hững
Hãy cứu giúp người, cứu người ta
Giàu nghèo mừng xuân ta vui ca.
 
Xuân Nguyện
Jos. Tú Nạc, NMS
20:48 11/02/2010
Bên song cửa một đóa mai vừa nở.
Sương long lanh còn âu yếm bờ môi.
Cơn gió sớm làm lời tình cách trở.
Chia tay sương buồn từ giã đơn côi.
Đâu đây vẳng nhịp xuân đang nhẹ bước.
Cuối đông buồn run rẩy những nỗi đau.
Ta chắp tay nguyện cầu trong thổn thức.
Xin Chúa Xuân mang hơi ấm nhiệm mầu.
Vì trần thế bao mảnh đời oan khuất.
Bao tâm hồn quằn quại cả mùa đông.
Dòng nước mắt tuôn rơi trong ngục thất.
Xin Chúa Xuân niềm ấp ủ bao dung.
Và tháp chuông không lời tình réo gọi.
Thánh Giá buồn lặng lẽ với chờ mong,
Đợi đàn con về hiệp nhất một lòng.
Xin Chúa Xuân trọn vòng tay một mối.
Đêm Giao thừa chuông ngân vang hoàn vũ.
Muôn lời kinh rộn rã đón xuân về.
Xuân yêu thương đong đầy tình nhân thế.
Nguyện yêu thương trải khắp nẻo đường quê.

(Xuân Canh Dần 2010)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mới Tinh Khôi
Lm. Trần Cao Tường
21:08 11/02/2010

MỚI TINH KHÔI



Ảnh của Cao Tường

Hòa nhập vào cùng một dòng sức sống đất trời đang chuyển hóa:

"Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất...

Này đây, Ta đổi mới mọi sự." (Khải Huyền 21:1,5)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nguyện Cầu Cuối Năm
Diệp Hải Dung
23:07 11/02/2010

NGUYỆN CẦU CUỐI NĂM



Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia (Hình chụp tại Fairfield West Sydney)

Lung linh ánh nến tỏa hồng

Thắp lên dâng Mẹ với lòng cậy trông

Đường đời nhiều lúc long đong

Nguyện xin ơn Mẹ cho lòng bình an...

(Trích Thơ của Nhã Lan)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền