Ngày 07-02-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Hai 8/2: Giáo Hội vì người nghèo - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
01:21 07/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 07-February-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mc 6, 53-56

“Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Đó là lời Chúa.
 
Vẫn có thể thưa lên
Lm. Minh Anh
05:31 07/02/2021
VẪN CÓ THỂ THƯA LÊN

“Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật không thể tưởng tượng, những gì ông Gióp than thở qua bài đọc thứ nhất Chúa Nhật hôm nay, vì nó vẫn được gọi “Đó là lời Chúa!”. “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng, đời sống tôi chỉ là hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”. Vậy mà điều nực cười là, ngay khi bài đọc kết thúc, toàn thể cộng đoàn tham dự Thánh Lễ thưa lên, “Tạ ơn Chúa!”. Có thật không? Bài đọc này có đáng để tạ ơn Chúa không? Chúng ta có thực sự muốn cảm ơn Chúa vì một biểu hiện đau đớn như thế không? Vậy mà hầu chắc tất cả chúng ta ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.

Rõ ràng, ông Gióp đã bày tỏ những cảm xúc mà đôi khi, chúng ta phải đối mặt. Gióp nói đến những đêm không ngủ, cảm giác mất hy vọng, những tháng ngày khốn khó như khổ dịch… Hy vọng những cảm giác này không phải là chuyện thường ngày của chúng ta, nhưng chúng có thật và mỗi người đều có lúc trải nghiệm chúng. Vậy chìa khóa để chúng ta hiểu được bài đọc này là phải nhìn vào toàn bộ cuộc sống của ông Gióp. Bởi lẽ, dẫu Gióp cảm thấy như vậy, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến những quyết định của ông; Gióp không nhượng bộ tuyệt vọng đến tột cùng; Gióp không bỏ cuộc, Gióp mải kiên trì. Và nó đã được đền đáp! Gióp luôn trung thành với Thiên Chúa qua bi kịch mất đi mọi thứ quý giá của mình; vì Gióp không bao giờ mất niềm tin và hy vọng vào Chúa. Vào giờ phút đen tối nhất của cuộc đời, cả khi bạn bè của Gióp cũng đã đến nói với Gióp rằng, ông đang bị Thiên Chúa trừng phạt, hãy nguyền rủa Người; tất cả khổ đau là do Người. Thế nhưng, Gióp không tin họ, Gióp ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.

Hãy nhớ những lời đầy sức mạnh của Gióp, “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi; Người muốn sao nên vậy, xin chúc tụng danh Chúa!”. Không thể tuyệt vời hơn! Gióp ca ngợi Thiên Chúa về những điều tốt lành ông nhận được, nhưng khi chúng bị lấy đi, Gióp vẫn tiếp tục chúc tụng Người. Dù ở hoàn cảnh nào, Gióp ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”. Đây là bài học và là nguồn cảm hứng trọng tâm nhất, trong cuộc đời của Gióp. Gióp không nhượng bộ cách thức mà chính ông đã cảm nhận, một cảm nhận từ kiếp người; Gióp không bị cám dỗ để tuyệt vọng; vì tuyệt vọng sẽ ngăn cản Gióp ngợi khen và thờ phượng Chúa; Gióp ca tụng Chúa trong tất cả mọi điều xảy ra. Và này, Thiên Chúa đã trả lại cho Gióp tất cả; tâm tình của Gióp được Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bộc lộ, “Hãy chúc tụng Chúa, Đấng cứu chữa những kẻ giập nát tâm can”.

Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy những con người cậy trông vào Chúa; họ ùn ùn kéo đến với Chúa Giêsu từ sáng đến chiều, mang theo những người đau yếu bệnh tật và Ngài đã chữa lành. Thiên Chúa gớm ghiếc sự dữ và đau khổ nhưng Người vẫn để cho chúng xảy ra; Người không cất sự dữ khỏi thế gian và ngay cả việc không miển trừ cho Giêsu, Con Một Người; Tung Hô Tin Mừng hôm nay thật thâm thuý, “Đức Kitô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. Thiên Chúa muốn con người nhìn lên Đức Giêsu để cậy trông hơn qua đau khổ và sự dữ. Chính Chúa Giêsu đã trải qua đau khổ, ngay cả cái chết; Ngài đến để ‘rửa tội’ cho đau khổ và sự dữ, mặc cho nó một ý nghĩa cứu độ, ý nghĩa phục sinh. Sống mầu nhiệm đau khổ và sự dữ như Thiên Chúa muốn là rao giảng Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng như Thánh Phaolô chia sẻ hôm nay trong bài đọc Côrintô, “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”.

Chuyện kể về một vườn hoa của một nhà quý tộc. Người làm vườn đã vất vả để biến khu đất thành một thiên đường thực sự. Một buổi sáng, ông vào vườn để thăm những bông hoa yêu thích. Ông hốt hoảng khi phát hiện rằng, những cánh hoa đẹp nhất đã bị cắt đi. Lòng đầy lo lắng và tức giận, ông vội vã đến hỏi các nhân viên, “Ai đã hái trộm hoa?”. Một người giúp việc trả lời, “Sáng nay nhà quý tộc vào vườn, tự tay hái những bông hoa đó và mang đi. Tôi nghĩ ngài muốn thưởng thức vẻ đẹp của chúng”. Sau đó, người làm vườn nhận ra rằng, ông không có lý do gì để lo lắng, việc nhà quý tộc, chủ của ông, chọn một số hoa riêng cho mình là hoàn toàn đúng đắn.

Anh Chị em,

Hơn cả những cánh hoa của nhà quý tộc, chúng ta là của Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa; và để cho vinh quang Người, Thiên Chúa có thể cắt tỉa chúng ta, đưa chúng ta đến một nơi nào đó, trao cho chúng ta một sứ vụ nào đó. Người yêu chúng ta theo cách của Người. Như Gióp, chúng ta trung thành phó mình cho Người; để trong mọi hoàn cảnh, ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày cuối năm, tạ ơn Chúa đã cho con bình an, hoặc cũng có thể cuộc sống con còn nhiều khó khăn và gánh nặng; xin giúp con chìm sâu trong niềm tin vào Chúa. Cho con luôn yêu mến và tôn thờ Chúa; để trong mọi hoàn cảnh, con ‘vẫn có thể thưa lên’, “Tạ ơn Chúa!”.

(Tgp. Huế)
 
Tin Mừng Và Chiến Lược Truyền Thông
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:28 07/02/2021
CN 5 TN B 2021

Qua cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ cuối năm 2020 vừa qua, và cho đến những ngày “hậu bầu cử” khi thế giới bước vào năm 2021, người ta nói nhiều về quyền lực của những “lão đại gia công nghệ và truyền thông” (Big tech, Big media); và một cách nào đó, kể từ khi Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ bị các “Ông lớn” Twitter, Facebook… “khóa miệng”, cũng là lúc con đường “ở lại Nhà Trắng” của ông đã bị “bít lối” !

Mà thật ra, không phải chỉ trong thời đại hôm nay, mà từ xa xưa, trải qua các thời kỳ “hoang sơ hái lượm” cho đến khi “đặt chân lên mặt trăng”, từ lúc còn trao đổi giao tiếp qua những ký hiệu giản đơn, cho đến khi dùng chữ viết, và rồi, thiết lập các cổng giao tiếp viễn liên qua internet, điện thoại thông minh…, công cụ truyền thông, tuyên truyền, loan báo… luôn chiếm vị trí và vai trò quan trọng trong các lãnh vực cuộc sống.

Đặc biệt, trong lãnh vực niềm tin Kitô, việc loan báo, chuyển tải giáo lý, chân lý, đạo pháp… luôn là một ưu tiên hàng đầu, nên tác giả Thánh Vịnh trong Do Thái giáo trước thời Công Nguyên đã từng xác quyết: “Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu” (Tv 18,5). Và rồi, chính Đức Giêsu Kitô, Người được mệnh danh là “Lời của Thiên Chúa đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), một “phương thế truyền thông cuối cùng” mà Thiên Chúa đã dùng để chuyển tải chân lý cứu độ cho loài người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2), cũng đã tận dụng tròn 3 năm trong cuộc đời công khai để “cật lực” truyền thông, rao giảng Tin Mừng như các sách Tin Mừng kể lại, hay như mô tả “chương trình một ngày truyền thông” của Ngài dưới ngòi bút của thánh sử Máccô trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. (Mc 1,38-39).

Nếu kể từ Chúa Nhật “Chúa Giêsu chịu phép rửa”, sứ điệp Lời Chúa liên tiếp mở ra chương trình “rao giảng mầu nhiệm Nước Trời” và thực thi “công cuộc cứu độ qua các dấu chỉ phép lạ chữa lành” như những thể nghiệm ban đầu, thì Chúa Nhật hôm nay, CN 5 Thường niên chu kỳ năm B, Lời Chúa muốn trình bày những “nguyên tắc nền tảng” của Chúa Giêsu trong công cuộc loan báo Tin Mừng, hay nói theo ngôn ngữ đời một chút, những “chiến lược truyền thông” Ngài đề nghị cho Giáo Hội của Ngài thực hiện muôn nơi và muôn thuở.

Và sau đây là 3 điểm then chốt:

- Trước hết, rao giảng Tin Mừng luôn là một “lựa chọn thường xuyên” và “ưu tiên hàng đầu” của Hội Thánh và của những ai được tháp nhập vào Thân Mình Giáo Hội nhờ Phép Rửa. Giáo lý nầy được truyền dạy cách long trọng từ chính Đức Kitô trước khi Ngài về trời: “Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15); và được chính “Nhà Truyền Giáo vĩ đại” là Phaolô xác tín và chia sẻ lại cho muôn thế hệ Kitô hữu mà chúng ta vừa nghe lại nơi Bài đọc 2 trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.

Riêng Công Đồng Vatican, sau 20 thế kỷ trải nghiệm và đúc kết, đã không ngần ngại xác quyết rằng: “Truyền giáo chính là căn tính của Hội Thánh”: “Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì chính Giáo Hội được khởi sinh từ việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Sắc lệnh về Truyền Giáo – Ad Gentes, số 2); và Đức Giáo Hoàng Phanxico đã cho rằng: thực thi việc loan báo Tin Mừng chính là cách thể thăng tiến và kiện toàn nhân cách Kitô hữu: “Khi kêu gọi người Kitô hữu đảm nhận nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh chỉ đơn giản vạch ra cho họ thấy nguồn mạch đích thực của sự hoàn thành bản thân. Bởi vì “ở đây chúng ta khám phá ra một qui luật sâu xa của thực tại: đó là chúng ta đạt được sự sống và làm nó phát triển tuỳ theo mức độ chúng ta từ bỏ nó để trao ban sự sống cho người khác. Đây chắc chắn là ý nghĩa của truyền giáo” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 10). Chính vì thế, thái độ thờ ơ, lãnh đạm, xem thường bổn phận thiết yếu nầy chính là một “trọng tội”, đồng nghĩa với việc “các ngươi đã không cho họ ăn…” (Mt 25,42) mà “Vị Thẩm Phán Tối Cao sẽ tuyên án trong ngày cánh chung”.

- Thứ đến, loan báo Tin Mừng theo phong cách Đức Kitô chính là “đồng hành”, đồng cảm, sẻ chia; là mang trái tim “chạnh thương” của người mục tử, là điểm tựa và niềm hy vọng cho những kẻ khổ đau, nghèo đói, bệnh tật, như cách mô tả của Tin Mừng về “một ngày cật lực, dày đặc công tác” của Chúa Giêsu: Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy.… Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ… Đây cũng là cách Thánh Phaolô đã sử dụng trong chiến lược truyền giáo của ngài: “tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi…” (BĐ 2).

Trong nhịp sống của Hội Thánh suốt 2000 năm nay, đã không thiếu những mẫu gương Tông Đồ theo gương Đức Kitô, dấn thân phục vụ và yêu thương trong mọi hoàn cảnh để Tin Mừng của Chúa thấm sâu vào mảnh đất tâm hồn của bao ức triệu con người. Trong những giai thoại, chuyện kể về gương tông đồ của các linh mục Việt nam trong thời bách hại, có câu chuyện “linh mục gánh nước thuê” thường được giáo dân truyền tụng.

- Cuối cùng, để việc loan báo Tin Mừng có chất lượng, đúng hướng và sinh hoa kết trái đích thực, người loan báo phải “cầu nguyện không ngừng”: Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Phải chăng, đây chính cách xác tín của Hội Thánh khi đặt “người nữ tu Dòng Kín Têrêsa Hài Đồng Giêsu” đứng ngang hàng hàng với vị thưa sai lừng danh Phanxicô Xavie trong “thiên chức” bảo hộ cho công cuộc truyền giáo.

Cùng với những điều cốt yếu trên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn gởi đến chúng ta một “chứng từ” của sự hy sinh và “thinh lặng đợi chờ trong tin yêu phó thác của “ông thánh Gióp”, khi phải đối diện với những “thập giá hay đồi Sọ” của công cuộc loan báo Tin Mừng: “Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc” (BĐ 1).

Trong một thế giới quá ồn ào để không nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa để “ra đi rao giảng”; và quá thế tục và ích kỷ để nhắm mắt trước những tiếng kêu thảm thiết của tha nhân, thì lời kinh “xin ơn thinh lặng” của Mẹ Thánh Têrêsa Cacutta, vị tông đồ vĩ đại của thế kỷ 20, thật là thích hợp để chúng ta cùng cầu nguyện và suy tư trong những ngày “tất niên” nầy:

Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng,

Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài,

Trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời Hằng Sống.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt,

Biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân,

Biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai,

Để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói,

Để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ.

Xin dạy chúng con thinh lặng trong miệng lưỡi,

Để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người,

Tránh mọi lời nói gây đớn đau, đổ vỡ.

Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn,

Để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá.

Cuối cùng, xin dạy chúng con thinh lặng nơi quả tim,

Để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét,

Để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen.

Và đó cũng chính là những lời nguyện chúng ta dành cho nhau và cho chính mình trong thánh lễ hôm nay.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Suy Niệm Mùng Một Tết Con Trâu 2021
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
11:46 07/02/2021
Anh chị em thân mến,

Năm con Chuột trôi qua, chúng ta đón chào năm con trâu đến, Năm Tân Sửu. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, một biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Trâu là một loài động vật có quan hệ với con người. Có lẽ không người Việt Nam nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này: "Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta - Cấy cày vốn nghiệp nông gia - Ta đây trâu đấy ai mà quản công - Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".

Những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "tậu trâu cưới vợ, làm nhà…", "ruộng sâu, trâu nái", "chín đụn mười trâu"… nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với người nông dân. Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân. Thủa thiếu thời thì chăn trâu, cắt cỏ giúp đỡ mẹ cha… lớn lên điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, về già, trẻ trâu trở thành các cụ lại tiếp tục dắt trâu, giúp con cháu.

Chúng ta không thể phủ nhận quá trình lao động bên nhau đã tạo nên quan hệ gắn bó giữa người với trâu. Có những nét tương đồng về số phận, khiến trâu và người trở thành bạn thân thiết. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục". Trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, người có sức khỏe được ví "khỏe như trâu". Ai đó nói "đàn gẩy tai trâu" ý muốn nói trâu vô cảm là chưa đúng, trâu cũng thông minh, "tinh quái" ra phết, biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí.

Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về : “Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Bản tính hiền lành, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Câu chuyện "Trâu đoàn kết giết hổ" là một bài học về tinh thần đoàn kết chống lại kẻ thù. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng.

Trâu trong Kinh Thánh

Mừng Năm Tân Sửu, chúng ta tìm hiểu xem trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.

Trước hết, con trâu đã được Thiên Chúa dựng nên: ““Kìa con trâu nước mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi” (G 40,10-19). Trâu tượng trưng cho sức mạnh : “Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai cập, Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu” (Ds 23, 22); Tác giả vịnh gian than vãn cầu xin Chúa cứu khi lâm nạn : “Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, Gỡ thân con thoát miệng chó rừng, Khỏi nanh sư tử hãi hùng, Phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (Tv 22,20-22). Trâu được kẻ vào loài không thanh sạch (x. Lv 11,3); “Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoẵng, sơn dương, linh dương, trâu rừng” (Đnl 14,4-5).

Amốt dùng hình ảnh trâu cày nơi thôn quê để thức tỉnh dân Chúa: “Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12).

Hãy nghe Sách Ông Gióp nói về con trâu : “Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi, có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi? (G 39,9). Liệu ngươi có đặt được ách vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày, và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng? (G 39,10). Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh mà giao cho nó những công việc nặng nề được không? (G 39, 11). Ngươi có thể nghĩ rằng trâu rừng sẽ trở lại và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?” (G 39,12).

Bài học từ năm con trâu

Có người cho rằng trong thời đại 4.0, hình ảnh con trâu kềnh càng, chậm chạp không còn phù hợp. Thời đại mới, tất cả đều nhanh chóng, “siêu tốc”, “phi mã”, gọn nhẹ, tinh xảo hơn…Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nóng, thiếu kiểm soát, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về văn hóa, xã hội, môi trường…đe dọa sự phát triển bền vững, thậm chí dự báo những thảm họa. Vì vậy, biểu tượng con trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như : hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Đó là bài học giản dị, sâu sắc của cha ông mà đôi lúc nhiều người không nhớ.

Đối với quản lý xã hội, cần lấy dân làm gốc, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của dân, quan tâm đến đời sống của dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Từ mấy thế kỉ trước, danh tướng Trần Hưng Đạo trước khi lâm chung đã căn dặn đức vua: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước…”, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng thiết tha mong mỏi: “Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”; “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.

Đối với giáo dục, vì chạy theo thành tích, bằng cấp, không chú trọng thực chất, đào tạo ra những con người thiếu kiến thức căn bản, thiếu kĩ năng nghề nghiệp, lâm vào tình cảnh dở dang, lửng lơ… gây nên nhiều nhức nhối cho xã hội.

Một số bậc làm cha làm mẹ chỉ lo đầu tư cho con học cho giỏi, vào trường chuyên, lớp chọn, đỗ vào các trường đại học danh giá, tìm kiếm những việc làm nhàn hạ, thu nhập cao, dạy cho con những cách ứng xử vừa lòng cấp trên, lo vun vén cho cá nhân…mà coi nhẹ giáo dục cho con cái lòng trung thực, tình yêu lao động, lòng nhân ái, khoan dung, hiệp nghĩa. Nhà trường thì chú trọng việc dạy chữ, mà coi nhẹ dạy người. Nghĩa là chúng ta đang rời xa “văn hóa Trâu” xích gần hơn “văn hóa Cáo”, lo ngọn quên gốc, một nguy cơ của đạo đức xã hội. Như thế có gì là hay, là khôn ngoan.

Nhiều người mải mê kiếm tiền, đến khi ngoảnh nhìn lại, trong tay có tất cả nhưng lại than thở không biết hạnh phúc là gì. Khi coi việc kiếm tiền là mục đích sống, con người đã tự chuốc lấy bi kịch. Khi luôn phải bận rộn toan tính, tìm cách "khôn ngoan", sống "lá mặt lá trái" không tin tưởng, chân thành với mọi người thì không thể có hạnh phúc. Hẳn mọi người còn nhớ bi kịch của chàng Đông Ki-sốt, bi kịch của lòng hiệp nghĩa, của lòng tốt, sự trung thực trở nên cô độc, buồn cười trong một xã hội quá khôn ngoan, tỉnh táo.

Hy vọng rằng năm Tân Sửu 2021, tinh thần “văn hóa Trâu” với những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc sẽ được phục hưng. Chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Thứ Ba 9/2: Các giới răn Thiên Chúa và luật lệ phàm nhân - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
22:45 07/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 08-February-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mc 7, 1-13

“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Đó là lời Chúa.
 
Một cuộc sáng tạo mới
Lm. Minh Anh
22:55 07/02/2021
MỘT CUỘC SÁNG TẠO MỚI
“Từ nguyên thuỷ Thiên Chúa đã tạo thành trời đất”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bài đọc Sáng Thế hôm nay nói đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa, một cuộc sáng tạo từ nguyên thuỷ. Với bài Tin Mừng, qua Chúa Giêsu, sẽ có một công trình mới, “Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”, Ngài không chỉ chữa lành phần xác nhưng cả phần hồn; và bấy giờ, việc chữa lành này được gọi là ‘một cuộc sáng tạo mới’.

Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa tạo thành trời đất. Người phán, “Hãy có ánh sáng!”; “Hãy có vòm trời!”; “Hãy có những vật sáng trên vòm trời!”… Qua những buổi chiều và những buổi sáng, Thiên Chúa thấy chúng tốt đẹp; Người đáng được hân hoan như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bộc lộ, “Công trình Chúa làm Chúa được hân hoan”. Khác nào người mẹ chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể trước khi tạo thành con người. Và như thế, mỗi ngày, khi hít thở, vui hưởng ánh sáng, ngắm nhìn trăng sao, sử dụng những gì Chúa đã sáng tạo... con người đã sờ đụng Thiên Chúa, sờ đụng huyền nhiệm sự hiện diện của Người.

Trong Đức Giêsu Kitô, không chỉ sáng tạo, Thiên Chúa còn là một Thiên Chúa cứu độ. Tin Mừng hôm nay nói, “Dân chúng liền rảo chạy khắp miền; nghe tin Người ở đâu thì khiêng những kẻ đau yếu nằm trên chõng đến đó”. Thật thú vị! ‘Rảo chạy’ có nghĩa là ‘nhốn nháo’, ‘bước những bước ngắn vội vã’, ‘chạy tới chạy lui’ và dường như họ đang có một điều gì đó bất ổn bên trong tâm hồn. Họ vội vã, phải, nhưng chỉ để mang những con người muốn được lành phần xác; điều này khá dễ dàng, vì chỉ cần chạm đến gấu áo Ngài; họ không ‘rảo chạy’ để được chữa lành phần hồn. Lạ thay! Con người luôn luôn sợ tật bệnh thể xác hơn bệnh tật linh hồn; họ quên rằng, điều này đánh mất ân sủng của Thiên Chúa! Vì thế, chữa lành bên trong sẽ cấp thiết biết bao, một cuộc chữa lành mà Chúa Giêsu ước ao bội phần; Ngài đến cốt chỉ để làm điều này. Vì một khi bên trong con người được Ngài sờ đụng, hay linh hồn sờ đụng được Ngài thì nó trở nên huyền nhiệm, sự sờ đụng huyền nhiệm này, chữa lành này có tên là ‘một cuộc sáng tạo mới’.

Franz Joseph Haydn, nhà soạn nhạc người Áo thế kỷ 18-19, được gọi là “Cha đẻ của nền nhạc giao hưởng”; một trong những tuyệt phẩm của ông là “The Creation”, “Sự Sáng Tạo”. Ngày kia, ông được mời đến Vienna Opera, nơi người ta trình tấu kiệt tác này. Suy yếu vì tuổi tác, nhà soạn nhạc vĩ đại phải ngồi trên xe lăn. Khi tác phẩm của ông đang được biểu diễn, khán giả bị cuốn theo với những cảm xúc vô tận. Đến đoạn “Hãy có ánh sáng!”, dàn giao hưởng và dàn hợp xướng đã bùng nổ với sức mạnh đỉnh điểm cao trào đến mức đám đông không thể kìm hãm sự cuồng nhiệt; mọi người đứng dậy trong tiếng vỗ tay như sấm và phần trình tấu phải gián đoạn. Franz Joseph Haydn cố gắng đứng lên, ra hiệu cho mọi người im lặng; với bàn tay run run và ngón trỏ chỉ lên trời, ông nói, “Không, không, không phải tôi, nhưng là Người, tất cả đã có!”. Sau khi dành sự tôn vinh và ngợi khen cho Đấng Tạo Hoá, ông ngã ngửa ra ghế, kiệt sức.

Anh Chị em,

“Tội anh được tha!”; “Chị hãy về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”; “Hãy theo tôi!”; “Hãy xuống mau!”... Mỗi khi Chúa Giêsu chữa lành bên trong một ai, mọi người vui mừng nhìn về Ngài đang vui mừng; thế nhưng, như Franz Joseph Haydn, Ngài cũng sẽ chỉ tay lên trời và nói, ‘Không, không, không chỉ Tôi! Cha trên trời và cả triều thần thánh trên trời cùng vui mừng’. Ngài không chỉ ngã ngửa ra ghế, nhưng đã ngã gục trong mồ đến ba ngày và nay hằng chôn mình trong nhà chầu, nên của ăn nuôi sống chúng ta trên các bàn thờ trong bí tích Thánh Thể, mong chúng ta thêm chất Chúa, bớt chất người. Ngài đang tiếp tục làm những gì tốt đẹp qua những buổi chiều và những buổi sáng để mỗi ngày có ‘một cuộc sáng tạo mới’ đáng ao ước nhất trong chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, những ngày cuối năm, xin cho con đừng ‘chạy loanh quanh’ nhưng biết xông thẳng vào Chúa. Xin chữa lành con, biến đổi con bằng ‘một cuộc sáng tạo mới’; nhờ đó, con có thể đi vào một năm mới như ‘một tạo vật mới’, một tạo vật đã được sờ đụng huyền nhiệm”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô và Kế hoạch ‘Đại Tái Lập’
Vũ Văn An
00:20 07/02/2021

Giống như những người cổ vũ kế hoạch (Đại Tái Lập), Đức Phanxicô cũng tin rằng nền kinh tế hoàn cầu cần được định hình lại để thoát khỏi đại dịch; nhưng không giống như họ, viễn kiến của ngài chú tâm tới ơn thánh của Thiên Chúa.



Trên đây là nhận định của Edward Pentin của tờ National Catholic Register ngày 4 tháng 2 năm 2021.

Ký giả trên cho hay: Kể từ lần đầu tiên được công chúng chú ý vào tháng 6 năm 2020, nhiều cuộc thảo luận đã xoay quanh “Đại Tái Lập” - một viễn kiến hoàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thúc đẩy và được các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ nhằm xây dựng lại một xã hội sau COVID dựa trên liên đới nhiều hơn và một nền kinh tế bền vững hơn.

Những người ủng hộ nổi bật bao gồm Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thái tử Charles của Anh. Mỗi người đều coi đây là một kế hoạch chi tiết để “tái lập chủ nghĩa tư bản”, một cơ hội để “xây dựng trở lại tốt hơn” sau đại dịch hoàn cầu, và đặt thế giới vào một nẻo đường bền vững và thân thiện hơn về môi trường, một nẻo đường “không hề có thay thế”.

Nhưng nhiều người khác đã chỉ trích các tham vọng của Đại Tái Lập, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Ernesto Araujo, người đã bác bỏ nó hoàn toàn; ông nói, “kiểm soát xã hội một cách toàn trị không phải là phương thuốc cho bất cứ cuộc khủng hoảng nào,” và tác giả cấp tiến Naomi Klein, người lo ngại nó sẽ tạo ra một “ấn tượng xảo quyệt” và “sai lầm” cho rằng giới tinh hoa hoàn cầu rất nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề được Đại Tái Lâp đặt ra. Trong Giáo hội, Đức Hồng Y Raymond Burke đã gọi đây là một cuộc tấn công đầy tính thao túng đối với tự do và gia đình.

Nói tổng quát hơn, các nhà phê bình coi đây là một chương trình nghị sự thiếu sót và nguy hiểm mở đường cho một tương lai hoàn cầu chuyên quyền gần giống với hệ thống cộng sản-tư bản của một Trung Quốc ngày càng thống trị.

Đại Tái Lập là sản phẩm trí tuệ của giáo sư Klaus Schwab, một nhà kinh tế học người Đức và là người sáng lập của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một cuộc tụ họp hàng năm của các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị cấp cao mà từ năm 1971 đã thường gặp nhau ở Davos, Thụy Sĩ.

Theo trang web của Đại Tái Lập, dự án nuôi dưỡng viễn kiến coi cuộc khủng hoảng coronavirus đã phơi bày “các bất nhất, bất cập và mâu thuẫn” trong các hệ thống xã hội, nhưng cũng cung cấp “cơ hội độc đáo” để định hình thế giới. Chuyên biệt hơn, Đại Tái Lập tự quảng cáo như một sáng kiến để “xây dựng một hợp đồng xã hội mới biết tôn trọng phẩm giá của mọi hữu thể nhân bản”.

Để đạt được hợp đồng xã hội mới đó, các kiến trúc sư của Đại Tái Lập lý luận rằng thế giới "phải hành động chung và nhanh chóng nhằm cải tiến mọi khía cạnh của các xã hội và nền kinh tế của chúng ta, từ giáo dục đến hợp đồng xã hội và các điều kiện làm việc".

Bản thân Schwab vốn coi hệ thống kinh tế chủ yếu dựa vào phương Tây, đang è cổ gánh những khoản nợ khổng lồ ước tính lên tới 277 nghìn tỷ USD, như “không còn phù hợp với thế kỷ 21” nữa và cần được cải cách. Ông tin rằng thế giới đang bước vào cái mà ông gọi là “Cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ tư” - một kỷ nguyên mới của sự thay đổi mô hình được thúc đẩy bởi những đột phá kỹ nghệ như trí khôn nhân tạo, điện toán lượng tử và người máy - và cần phải thích ứng cho phù hợp”.

Trong cuốn “Đại Tái Lập” xuất bản năm 2020, đồng tác giả với nhà kinh tế học người Pháp Thierry Malleret, Schwab viết, “Với các biện pháp ứng phó kinh tế cấp thời đối với đại dịch hiện đang được áp dụng, có thể nắm bắt cơ hội để thực hiện các loại thay đổi định chế và các lựa chọn chính sách nhằm đặt các nền kinh tế vào một nẻo đường mới hướng tới một tương lai xanh hơn, công bằng hơn. Mọi quốc gia, từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, đều phải tham gia, và mọi ngành kỹ nghệ, từ dầu hỏa và khí đốt đến kỹ thuật, đều phải được biến đổi”.
Tờ Register đã liên hệ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhiều lần để nhận định về sáng kiến Đại Tái Lập nhưng không nhận được phản hồi.

Chồng chéo với phương thức của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Chủ đề về “đại tái lập” không phải của riêng Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Những người khác vốn cũng đã kêu gọi một số hình thức tái lập có tính cộng đồng các giá trị và định chế, trong đó có Đức Giáo hoàng Phanxicô, người coi đại dịch đã phơi bày những sai sót của chủ nghĩa tư bản.

Sau khi giám sát cuộc tái lập Giáo hội được tranh luận sôi nổi của chính ngài trong tám năm qua, Đức Giáo Hoàng đã bắt đầu một số sáng kiến theo cùng đường hướng như Schwab.

Ngài thường xuyên bày tỏ mong muốn thế giới nắm lấy cơ hội thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID nhưng tốt hơn, trong đó có thông điệp xã hội Fratelli Tutti hồi tháng 10 năm 2020 (mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới coi như đã đề xuất một tái lập tương tự), sáng kiến “kinh tế Francesco” của ngài ở Assisi hồi tháng 11 đề xuất một "nền kinh tế mới " của "sự giàu có cộng đồng ", sáng kiến Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục do ngài liên kết với Liên hợp quốc, hoặc sự hợp tác của Vatican với Mission 4.7, một dự án do Liên hiệp quốc hậu thuẫn, giống như Hiệp ước Hoàn cầu, nhằm mục đích giáo dục thế giới về lối sống bền vững, bình đẳng phái tính và nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.

Cũng liên quan tới viễn kiến của ngài về việc tái lập các hệ thống kinh tế xã hội thế giới là cuốn sách thuật lại cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô của người viết tiểu sử ngài là Austen Ivereigh. Có tên là Chúng ta Hãy Mơ mộng: Nẻo đường dẫn đến Một Tương lai Tốt đẹp Hơn, một đoạn trích sách này đã được đăng trên tờ The New York Times, viễn kiến của Đức Phanxicô, xét về bản chất, trùng lắp với Đại Tái Lập.

Ngài viết, "Đối với tôi, điều đó rõ ràng là chúng ta phải thiết kế lại nền kinh tế để nó có thể cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận với một cuộc sống xứng đáng trong khi vẫn bảo vệ và tái tạo thế giới tự nhiên.”

Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện, đã nhìn thấy những điểm tương đồng đáng kể khác giữa các mục tiêu của Đại Tái Lập và các mục tiêu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và ngài cũng nhấn mạnh quyết định của Đức Phanxicô hồi năm ngoái thành lập một ủy ban để suy tư về một “tương lai kinh tế - xã hội - văn hóa” mới, hậu đại dịch và đề xuất “các phương thức có liên quan”. “Ủy ban COVID-19 của Vatican,” với khẩu hiệu “Chuẩn bị cho tương lai”, được lãnh đạo và điều hành bởi thánh bộ của Đức Hồng Y.

Đức Hồng Y Turkson nói với tờ Register ngày 28 tháng 1 rằng Vatican mong muốn được “cởi mở” với các sáng kiến như Đại Tái Lập; ngài nói thêm rằng sự cởi mở và liên kết như vậy bắt nguồn từ lời kêu gọi của Công đồng Vatican II là trở thành “nhân chứng” và biểu lộ “tình liên đới với nhân loại. Mục tiêu đối với chúng tôi và theo quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là tưởng nghĩ lại một trật tự xã hội nhiều công bằng, bình đẳng hơn, nơi các bất công xã hội được khắc phục”.

Ngài giải thích, Đây là lý do tại sao thánh bộ của ngài đã “chia sẻ khá nhiều thông tin với Davos, Liên Hiệp Quốc, về phương thức của chúng tôi,” khiến “rất có thể” ngôn ngữ của Vatican và Diễn đàn Kinh tế Thế giới “giờ đây bắt đầu gần gũi nhau hơn”.

Hình ảnh Sai về Nhân loại?

Đức Hồng Y Gerhard Müller, tổng trưởng hồi hưu của Bộ Giáo lý Đức tin, cho biết ngài hoan nghênh các nhà kinh tế và chính trị gia gặp gỡ để thảo luận về kinh tế thế giới, vì nền kinh tế phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không phải một số ít được chọn. Nhưng ngài tự hỏi “hình ảnh nhân loại” trong chủ trương của các thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới và thành viên của các nhóm được lựa chọn tương tự khác là chi. Đối với các sáng kiến như Đại Tái Lập, ngài có một cái nhìn rõ ràng không có cảm tình.

Không trực tiếp đề cập đến sáng kiến này, ngài nói với tờ Register ngày 29 tháng 1 rằng hai bên - "chủ nghĩa tư bản trục lợi, những công ty kỹ thuật khổng lồ của các nước phương Tây" và "chủ nghĩa cộng sản của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" - ngày nay "hội tụ và hợp nhất thành một chủ nghĩa xã hội-tư bản thống nhất, ”tạo ra một“ chủ nghĩa thực dân mới ”mà Đức Giáo Hoàng “thường cảnh báo chống lại”.

Đức Hồng Y Müller tin rằng mục tiêu của họ "là kiểm soát tuyệt đối suy nghĩ, lời nói và hành động".

Ngài nói thêm "Con người bị đồng nhất hóa có thể được chỉ đạo dễ dàng hơn. Thế giới homo digitalis (con người kỹ thuật số) của Orwellian đã bắt đầu. Qua diễn trình làm mọi sự được coi là bình thường (mainstreaming), sự đồng điệu hoàn toàn trong ý thức quần chúng sẽ đạt được nhờ các phương tiện truyền thông”. Và ngài nhắc ta nhớ tới nhà thông thái người Pháp thế kỷ 19 Gustave Le Bon, người đã tiên đoán tình huống như vậy trong cuốn The Psychology of Crowds (Tâm lý Đám đông) của ông.

Renato Cristin, giáo sư thông diễn triết học tại Đại học Trieste, Ý, nhận định rằng “vấn đề lương tâm” không được đề cập trong cuốn sách của Schwab và, bằng cách “loại bỏ các yếu tố của chủ nghĩa tư bản,” nó du nhập “các nguyên tắc của một loại khác: xã hội chủ nghĩa trên hết, và do đó duy nhà nước (statist)".

Theo Cristin, người mô tả Đức Giáo Hoàng nói chung có thiện cảm với các sáng kiến “thù địch với hệ thống tư bản”, trong việc bác bỏ chủ nghĩa tư bản, Đại Tái Lập có lẽ có điểm tương đồng lớn nhất với viễn kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Điều trên không phải là không được Diễn đàn Kinh tế Thế giới lưu ý. Một bài báo trên trang web của họ ca ngợi Đức Giáo Hoàng vì, trong Fratelli Tutti, ngài đã bác bỏ rõ ràng chủ nghĩa tân tự do - tức hệ thống kinh tế cạnh tranh theo định hướng thị trường ngày nay nhằm loại bỏ các kiểm soát giá cả, bãi bỏ quy định thị trường tư bản, hạ thấp các rào cản thương mại và giảm ảnh hưởng của nhà nước đối với nền kinh tế. Tương tự như vậy, Đại Tái Lập cũng bác bỏ hệ thống này.

Trong các lĩnh vực khác, Cristin tin rằng cuốn sách của Schwab “thiếu sự chắc chắn và ý tưởng rõ ràng” để xây dựng tương lai, một triệu chứng của điều được ông gọi là “mất phương hướng” và “dấu ấn hỗn loạn” ảnh hưởng tai hại đến thế giới phương Tây ngày nay. Ông tin rằng nó tạo ra “chủ nghĩa thế tục hư vô”, và “mở đường cho một xã hội phi Kitô giáo” cũng như “các thế lực tiêu cực như chủ nghĩa duy Hồi giáo”.

Thay vì đi theo những sáng kiến như vậy, những sáng kiến bị ông mô tả là những viễn kiến thần học-chính trị liên kết với thần học giải phóng, ông tin rằng Giáo hội nên áp dụng học thuyết xã hội của mình “theo công thức độc đáo và chân chính do Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra trong thông điệp Rerum Novarum và do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra trong thông điệp Laborem Exercens Centesimus Annus của ngài”. Ông nói, thế giới cần những lý thuyết “có cơ sở đàng hoàng, vững chắc, rõ ràng và hữu hiệu đề cập đến những giá trị vĩ đại của truyền thống phương Tây” và là những lý thuyết “thực sự mang lại trật tự cho thế giới”.

Nhưng, theo một số nhà phê bình, có lẽ mối nguy hiểm đáng kể nhất của sáng kiến Đại Tái Lập là viễn kiến vô thần không tưởng của nó. Schwab và Malleret, chẳng hạn, chưa bao giờ đề cập đến Thiên Chúa hay tôn giáo trong cuốn sách của họ, hoặc dành chỗ cho thể siêu việt.

Đức Hồng Y Müller nhận định rằng lịch sử dạy rằng những bỏ sót như vậy không phải là điềm tốt. Ngài nhắc nhở, bất cứ khi nào con người muốn “tái tạo và cứu chuộc chính mình,” thay vào đó, một con quái vật đã được tạo ra; ngài trưng dẫn làm thí dụ cuộc “thử nghiệm con người đầy khủng khiếp” của Liên Xô cộng sản trùng hợp với cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Ngài nói, “Điều đó từng thuyết phục chúng ta rằng không tưởng về một thiên đường trên trái đất dưới mọi hình thức đều dẫn đến những tội ác lớn nhất chống lại loài người (bác bỏ tự do của những người bất đồng chính kiến, hủy hoại sức lao động, giảm dân số bằng cách phá thai và an tử). Bản chất của con người, bị tổn thương bởi tội lỗi, cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ có ơn thánh của Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta ‘sự tự do và vinh quang của con cái Thiên Chúa’”.

'Sự khác biệt triệt để’

Đức Hồng Y Turkson nói rằng mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đều “nói về việc thiết lập lại tương lai” và coi hệ thống hiện tại là “thiếu sót”, nhưng phương thức của Đức Giáo Hoàng “bén rễ trong Kinh Thánh, bén rễ vào ơn thánh của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô”, nhưng ngài không áp đặt nó. Vì lý do này, Đức Hồng Y Turkson nhìn nhận có sự xung đột tiềm tàng với các nhân vật chủ đạo của Đại Tái Lập.

Ngài nói: “Khi chúng ta mở lòng đón nhận ơn thánh của Thiên Chúa, chúng ta có khả năng siêu việt, vượt ra ngoài chính mình. Đó là sự khác biệt triệt để với phương thức của họ".

Đối với ý niệm cho rằng Đại Tái Lập nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới do giới tinh hoa kiểm soát, Đức Hồng Y Turkson đã qui lỗi cho các lý thuyết như vậy trên các trang web và các âm mưu “từng được cho là của Illuminati” - một hội kín ở Bavaria được thành lập vào năm 1776 và tương tự như Phái Tam Điểm.

Cristin cũng không thích nói tới một “âm mưu”, mà chỉ nói đến một “cuộc đấu tranh giành quyền lực” để xây dựng một “trật tự thế giới mới”. Nhưng, ông dự đoán, nếu một trật tự mới như vậy có đạt được một kết quả nào, “nó vẫn sẽ là một đóng góp thêm vào sự hỗn loạn hoàn cầu”.

Đức Hồng Y Müller bày tỏ sự cảm thông đối với những người gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc Đại Tái Lập và nhắc nhở rằng các hệ thống độc tài “luôn bôi xấu mọi lời chỉ trích, cho là âm mưu và lật đổ”.

Đức Hồng Y người Đức nói: “Nhiều lời cảnh báo về chế độ độc tài toàn trị trong thế kỷ 20 “khó có thể bị bác bỏ là các lý thuyết âm mưu, vì những phát triển chính trị thực tế đã chứng minh chúng đúng. Sự tin tưởng mù quáng vào thái độ nhân ái của các nhà lãnh đạo các Quĩ Lớn và Xã Hội Mở chỉ có thể có được với việc bác bỏ thực tại hoàn toàn ngây thơ”. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhắc nhở các tín hữu về các nguy hiểm lâu đời như vậy.

Phát biểu tại buổi yết kiến chung hàng tuần của ngài vào ngày 27 tháng 1, kỷ niệm 76 năm ngày giải phóng trại tử thần Đức Quốc xã tại Auschwitz, Đức Phanxicô nói rằng việc tưởng niệm không những là “một dấu chỉ văn minh”, mà còn “có nghĩa là cảnh giác vì những điều này có thể xảy ra một lần nữa, bắt đầu bằng những đề xuất ý thức hệ cho rằng mình cứu một dân tộc mà thực ra kết cục là tiêu diệt dân tộc ấy và cả nhân loại ”.

Ngài nói, “Hãy coi chừng cách con đường chết chóc, tận diệt và tàn bạo này bắt đầu ra sao”.
 
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong năm 2022
Thanh Quảng sdb
05:43 07/02/2021
Ý chỉ cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong năm 2022

Hôm thứ Bảy 6/2/2021, Vatican đã công bố các ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha trong suốt năm 2022.

(Tin Vatican)

Các ý cầu nguyện của ĐTC sẽ được phát tán trên Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu, mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập từ ngày 17 tháng 11 năm 2020.

Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu mà Đức Thánh Cha dùng như là một công cụ vận động cho hết mọi người Công Giáo cầu nguyện cho những thách đố của nhân loại và sứ mệnh mà Giáo hội phải đối diện. Những thách đố này được phó dâng cho Trái Tim Chúa Giêsu xin Chúa thương đổ tràn tình thương của Ngài cho thế giới.

Trước đây chương trình này được gọi là Giờ Tông đồ Cầu nguyện, một mạng lưới được ra đời như một sáng kiến của Dòng Tên vào năm 1844 từ một trung tâm học viện dòng ở Vals, miền nam nước Pháp. Cha Phanxicô Xaviê Gautrelet SJ, linh hướng các thầy, đã gợi ý cho các thầy cách trở thành sứ giả truyền giáo ngay trong cuộc sống hàng ngày bằng cách dâng lên Chúa mọi việc họ làm, xin Chúa Giêsu thánh hóa mọi sinh hoạt…

Lòng nhiệt thành này mau chóng lan rộng ra trong Giáo hội, vào năm 1890 Đức Thánh Cha Lêô XIII đã giao phó công tác phổ biến ý cầu nguyện hàng tháng cho mạng lưới của Dòng Tên và năm 1915, Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể ra đời cũng nhằm mục đích cho việc cầu nguyện này.

Năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đổi tên mạng “Tông đồ Cầu nguyện” này thành “Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha”. ĐTC đã đặt công tác này như một công cuộc của Đức Thánh Cha vào năm 2018 và biến nó thành công tác pháp lý và theo giáo luật của Tòa thánh Vatican vào năm 2020. Mạng lưới được đặt trụ sở chính tại Vatican, và được Dòng Tên quản trị.

Trong những năm gần đây, Mạng lưới đã phổ biến ý cầu nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha qua Video, được phổ biến trên 98 quốc gia cho hơn 35 triệu tín đồ Công Giáo.

Dưới đây, là ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong suốt năm 2022:

THÁNG GIÊNG

Cầu nguyện cho tình huynh đệ chân chính của con người

Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những người bị kỳ thị và bị đàn áp vì tôn giáo; xin cho các quyền lợi và nhân phẩm của họ được tôn trọng, và tất cả là anh chị em trong một gia đình nhân loại.

THÁNG HAI

Cầu cho các nữ tu

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu, sống đời thánh hiến; cảm ơn họ vì sứ mệnh và lòng dũng cảm mà họ dấn thân; Xin cho họ bền bỉ tiếp tục khám phá ra những sáng kiến mới cho những thách đố của thời đại.

THÁNG BA

Cầu cho các Kitô hữu trước những thách đố về đạo đức sinh học

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu đang đối diện với những thách đố đạo đức sinh học mới; Xin cho họ can đảm tiếp tục bảo vệ phẩm giá của sinh mạng con người bằng lời cầu nguyện và hành động.

THÁNG TƯ

Cầu cho các nhân viên y tế

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhân viên y tế, biết chăm sóc sức khỏe phục vụ các bệnh nhân và những người già cả, đặc biệt tại các nước nghèo; ước mong những người nghèo được chính phủ lưu tâm và cộng đoàn địa phương để ý giúp đỡ.

THÁNG NĂM

Cầu cho giới trẻ được đầy niềm tin

Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người trẻ, có thể sống một cuộc sống trọn vẹn hoàn hảo; theo gương Đức Maria, biết lắng nghe, suy niệm và phân định với lòng can đảm, dạt dào đức tin để đưa ra hành động dấn thân phục vụ.

THÁNG SÁU

Cầu cho các gia đình

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình Kitô hữu trên khắp thế giới; Xin cho họ hiện diện và cảm nghiệm được tình yêu thương chứa chan vô điều kiện mà thăng tiến trong sự thánh thiện trong cuộc sống thường ngày của họ.

THÁNG BẢY

Cầu cho những người cao niên

Chúng ta cầu nguyện cho những người cao niên, những người đang nắm giữ cội nguồn và lịch sử của dân tộc; mong rằng kinh nghiệm và sự hiểu biết của họ giúp cho giới trẻ biết hướng vọng về tương lai với hy vọng và trách nhiệm.

THÁNG TÁM

Cầu cho các doanh nghiệp nhỏ

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các doanh nghiệp nhỏ; Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội, họ có cách tiếp tục hoạt động và phục vụ cộng đồng của họ.

THÁNG CHÍN

Xin cho chấm dứt án tử hình

Chúng ta cầu nguyện cho các quốc gia bác bỏ các án tử, vì nó xúc phạm tới phẩm giá con người.

THÁNG MƯỜI

Cầu cho Giáo hội biết rộng mở cho tất cả mọi người

Chúng ta cầu nguyện cho Giáo hội; luôn trung thành và can đảm rao giảng Tin Mừng, xin cho Giáo Hội luôn là một cộng đoàn yêu thương huynh đệ và mãi thăng tiến trong tình yêu hiệp thông.

THÁNG MƯỜI MỘT

Cầu cho giới trẻ vị thành niên

Chúng ta hãy cầu nguyện cho những trẻ em đang bị đau khổ, đặc biệt là những trẻ em vô gia cư, mồ côi và nạn nhân của chiến tranh; xin cho các em can đảm, biết chuyên chăm học hành và cho các em được cảm nghiệm tình yêu gia đình.

THÁNG MƯỜI HAI

Cầu cho các tổ chức tự nguyện vô vị lợi

Chúng ta cầu nguyện cho các tổ chức tình nguyện vô vị lợi biết cùng nhau cam kết phát triển con người. Giúp họ có được nhiều người tận tâm vì lợi ích chung và không ngừng tìm kiếm những con đường hợp tác quốc tế mới.
 
ĐTC Phanxicô Bổ Nhiệm Nữ Tu Nathalie Becquart Làm Phó Ủy Ban Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới
Lê Đình Thông
10:03 07/02/2021
ĐTC Phanxicô Bổ Nhiệm Nữ Tu Nathalie Becquart Làm Phó Ủy Ban Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

Ngày 065/02/2021, ĐTC Phanxicô đã chính thức bổ nhiệm Nữ tu Nathalie Becquart vào chức vụ Phó Ủy ban Thư ký Thượng hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI sẽ được tổ chức vào năm 2022.

Nữ tu Becquart thuộc Dòng Nữ Xavières, từ năm 2019 là tham vấn Thượng hội đồng. Tông sắc bổ nhiệm ngày 06/02/2021 viết như sau;

Nomina di Sotto-Segretari del Sinodo dei Vescovi

o P. Luis Marín de San Martín, O.S.A

Suor Nathalie Becquart, Xavière

Quyết định bổ nhiệm phản ảnh ý muốn của Đức Thánh Cha thăng tiến vai trò của phụ nữ trong tiến trình thẩm định và quyết định của Hội thánh. ĐHY Mario Grech hiện là Tổng Thư Ký của Ủy ban Thư ký Thượng Hội đồng.

Nữ tu Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên có quyền biểu quyết trong Thượng hội đồng. Với lòng khiêm cung, vị nữ tu người Pháp tuyên bố: ‘‘Tôi lãnh nhận sự bổ nhiệm càng thêm nhiệm vụ thiêng liêng. Có thêm trách nhiệm là gia tăng phục vụ.’’

Nữ tu Becquart sinh tại Fontainebleau năm 1969, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại (HEC), đồng thời tốt nghiệp triết học và thần học Đại học Dòng Tên Paris (Centre Sèvres - Facultés jésuites de Paris), tốt nghiệp xã hội học Trường Cao học Xã hội học (EHESS). Bà vừa được mời làm chuyên gia về môn Giáo hội học (Ecclésiologie) tại Đại học Thần học và Thừa tác vụ Boston (Boston College School of Theology and Ministry).

Tại Pháp, bà chuyên trách việc phúc âm hóa giới trẻ và ơn gọi trong Hội đồng Giám mục Pháp từ 2012 đến 2018. Từ năm 2019, bà tư vấn cho Thượng hội đồng, chuyên về giới trẻ.

Nữ tu Nathalie Becquart là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ quan trọng tại một bộ (dicastère) tại Giáo triều, cùng với các giáo sĩ người Pháp khác là ĐHY Dominique Mamberti (Tối cao Pháp viện), ĐGM Bruno-Marie Duffé (Phát triển Toàn diện), ĐGM Maurice Monier (Tòa Thượng thẩm) và ĐGM Joël Mercier (Thánh bộ Giáo sĩ).

Từ cuối thập niên 60, các vị đại biểu trong hàng giám mục trên thế giới được Tòa thánh triệu tập để thảo luận vế các vấn đề quan trọng. Theo thông báo của phòng Báo chí Tòa thánh, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2022.

Lê Đình Thông
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/2/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
16:21 07/02/2021
Ngày Chúa Nhật 7 tháng Hai, Giáo Hội trình bày cho chúng ta thấy lòng thương cảm của Chúa Giêsu khi Ngài ra tay cứu chữa nhiều người đau ốm khỏi những chứng bệnh khác nhau.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, từ cửa sổ phòng làm việc của ngài nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Chào buổi sáng!

Một lần nữa chúng ta lại quay trở lại Quảng trường! Đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mc 1,29-39) trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành nhạc mẫu của ông Phêrô và sau đó là nhiều người bệnh tật, đau khổ khác đang quây quần bên Người. Việc chữa lành bệnh cho nhạc mẫu của Thánh Phêrô là sự chữa lành thể xác đầu tiên được Thánh Máccô kể lại: người đàn bà bị sốt nằm trên giường. Vị Thánh sử ghi nhận rằng thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với bà thật đầy biểu tượng: “Người đến và cầm tay bà” (câu 31). Có rất nhiều sự dịu dàng trong hành động đơn giản này, xem ra rất tự nhiên: “cơn sốt đã rời khỏi bà; và bà đã phục vụ họ” (thd). Quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không gặp sự phản kháng nào; và người được chữa lành trở lại cuộc sống bình thường của bà, ngay lập tức nghĩ đến người khác chứ không phải bản thân mình - và điều này rất quan trọng; đó là dấu hiệu của “sức khỏe” thật sự!

Hôm đó là một ngày sabát. Người dân trong làng chờ đợi mặt trời lặn, tức là lúc hết phải giữ nghĩa vụ nghỉ ngơi, họ đi ra ngoài và mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những bệnh nhân và những người bị quỷ ám. Và Ngài chữa lành cho họ, nhưng cấm ma quỷ tiết lộ rằng Ngài là Chúa Kitô (xem câu 32-34). Như vậy, ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng yêu thương của Người đối với những người đau khổ về thể xác và tinh thần: Chúa Giêsu ưu ái đến gần những ai đau khổ phần hồn hay phần xác. Vì lòng ưu ái của Chúa Cha, mà Ngài nhập thể và thể hiện lòng ưu ái ấy bằng những việc làm và lời nói. Các môn đệ của Ngài đã chứng kiến điều này; họ nhìn thấy và sau đó đưa ra chứng tá về điều đó. Nhưng Chúa Giêsu không muốn thấy các môn đệ chỉ là những khán giả quan sát sứ mệnh của Ngài: Ngài lôi cuốn họ tham gia vào; Người sai họ đi; Người còn ban cho họ quyền năng chữa lành bệnh tật và trừ quỷ (x. Mt 10, 1; Mc 6: 7). Và điều này đã tiếp tục không bị gián đoạn trong đời sống của Giáo Hội, cho đến ngày nay. Và điều này là quan trọng. Chăm sóc mọi người bệnh không phải là một “hoạt động tùy chọn” đối với Giáo hội, không! Nó không phải là một cái gì đó nới rộng, không phải như thế. Chăm sóc mọi người bệnh là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của Giáo hội, như trong sứ mệnh Chúa Giêsu. Và sứ mệnh này là mang sự dịu dàng của Thiên Chúa đến với một nhân loại đang đau khổ. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong vài ngày tới, vào ngày 11 tháng 2, Ngày Thế giới Bệnh Nhân

Thực tế mà chúng ta đang trải qua trên khắp thế giới do đại dịch làm cho thông điệp này, sứ mệnh thiết yếu này của Giáo hội, đặc biệt phù hợp. Tiếng nói của ông Gióp, vang dội trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa diễn giải thân phận phàm nhân của chúng ta, rất cao cả trong phẩm giá, nhưng đồng thời lại rất mỏng giòn. Đứng trước thực tại ấy, trong tâm hồn chúng ta luôn nảy sinh câu hỏi: “tại sao?”.

Và đối với câu hỏi này, Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, không trả lời bằng một lời giải thích - vì chúng ta có phẩm giá cao cả và thân phận quá mong manh, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi ‘tại sao’ này bằng một lời giải thích - nhưng bằng một sự hiện diện đầy yêu thương, cúi xuống, cầm tay nâng lên, như Người đã làm với mẹ vợ ông Phêrô (x. Mc 1:31). Cúi xuống để nâng người kia lên. Chúng ta đừng quên rằng cách chính đáng duy nhất để nhìn một người từ trên xuống là khi anh chị em đưa tay ra đỡ họ dậy. Đó là cách duy nhất. Và đây là sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội. Con Thiên Chúa bày tỏ Quyền Uy Chúa Tể của Ngài không phải “từ trên xuống”, không phải từ xa, nhưng khi cúi xuống, đưa tay ra; Ngài thể hiện Quyền Uy Chúa Tể Càn Khôn của mình trong sự gần gũi, dịu dàng, trong lòng trắc ẩn. Gần gũi, dịu dàng, từ bi là phong cách của Chúa. Thiên Chúa đến gần, và Ngài đến gần với sự dịu dàng và lòng thương cảm. Chúng ta đọc bao nhiêu lần trong Tin Mừng, trước một vấn đề sức khỏe hay bất kỳ vấn đề nào: “Người động lòng trắc ẩn”. Lòng thương cảm của Chúa Giêsu, sự gần gũi của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu là phong cách của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng trắc ẩn này bắt nguồn sâu xa từ mối quan hệ mật thiết với Chúa Cha. Tại sao? Trước khi trời sáng và sau khi mặt trời lặn, Chúa Giêsu lui vào thanh vắng một mình cầu nguyện (câu 35). Từ đó Ngài rút ra sức mạnh để hoàn thành sứ mệnh, rao giảng và chữa bệnh.

Cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta để Chúa Giêsu chữa lành chúng ta - chúng ta luôn cần điều này, tất cả mọi người - để đến lượt chúng ta, chúng ta có thể trở thành chứng nhân cho sự dịu dàng chữa lành của Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày này, tôi đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc đến những diễn biến tình hình đang xảy ra tại Miến Điện, một đất nước mà kể từ chuyến Tông du năm 2017, tôi đã mang trong lòng rất nhiều tình cảm. Trong thời điểm mong manh nhất này, tôi muốn một lần nữa bảo đảm sự gần gũi về tinh thần, lời cầu nguyện và tình đoàn kết của tôi với người dân Miến Điện. Và tôi cầu nguyện rằng những người có trách nhiệm với đất nước sẽ chân thành phục vụ thiện ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, vì một sự chung sống hài hòa và dân chủ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Miến Điện. [im lặng cầu nguyện]

Tôi muốn đề cập đến một thỉnh cầu dành cho các trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm. Có rất nhiều em như thế! Đáng buồn thay, trong số những người vì nhiều lý do buộc phải rời bỏ quê hương, luôn có hàng chục trẻ em và thanh niên đơn độc, không gia đình và phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong những ngày này, tôi đã biết về hoàn cảnh bi đát của những người trên cái gọi là “tuyến đường Balkan”. Nhưng cũng có một số trên tất cả các “tuyến đường” khác. Chúng ta phải bảo đảm rằng những sinh vật mong manh và không có khả năng tự vệ này không thiếu các kênh nhân đạo ưu ái và chăm sóc họ thích hợp.

Hôm nay tại Ý, chúng ta đang kỷ niệm Ngày vì Cuộc sống với chủ đề “Tự do và cuộc sống”. Hiệp cùng với các giám mục Ý, tôi nhắc lại rằng tự do là ân sủng tuyệt vời mà Chúa đã ban cho chúng ta để tìm kiếm và đạt được lợi ích cho chính mình và cho người khác, bắt đầu từ thiện ích chủ yếu là sự sống. Cầu xin cho xã hội của chúng ta được chữa lành khỏi tất cả các cuộc tấn công vào sự sống, để sự sống có thể được bảo vệ trong tất cả các giai đoạn của nó. Và cho phép tôi thêm một trong những mối quan tâm của tôi: đó là mùa đông nhân khẩu học ở Ý. Ở Ý, sinh suất đã giảm và tương lai đang bị đe dọa. Chúng ta hãy giải quyết mối quan tâm này và tìm cách bảo đảm rằng mùa đông nhân khẩu học này kết thúc, và một mùa xuân mới của trẻ em sẽ phát triển mạnh mẽ.

Ngày mai, lễ tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita, một phụ nữ Sudan, một nữ tu quen thuộc với những nhục hình và đau khổ của chế độ nô lệ, chúng ta kỷ niệm Ngày Cầu Nguyện Và Nâng Cao Nhận Thức Chống Lại Nạn Buôn Người. Mục tiêu của năm nay là làm việc cho một nền kinh tế không ủng hộ, dù chỉ là gián tiếp, nạn buôn người đáng khinh bỉ này, tức là một nền kinh tế không bao giờ biến con người trở thành hàng hóa, đồ vật, nhưng phải luôn coi họ là mục tiêu. Phục vụ cho con người, nhưng không sử dụng họ như hàng hóa. Chúng ta hãy kêu cầu Thánh Josephine Bakhita giúp chúng ta trong việc này.

Và tôi xin gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, người dân thành phố Rôma và những người hành hương: Tôi rất vui khi thấy anh chị em một lần nữa tập trung tại Quảng trường, ngay cả những nữ tu người Tây Ban Nha cũng ở đây, những người luôn có mặt; dù mưa hay nắng! Và cả những người trẻ của phong trào Đức Mẹ Vô Nhiễm. Tất cả các bạn. Tôi rất vui. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn một bữa trưa ngon miệng! Chào tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Myanmar hãy phục vụ cho công ích
Thanh Quảng sdb
16:26 07/02/2021
Đức Thánh Cha kêu gọi các nhà lãnh đạo Myanmar hãy phục vụ cho công ích

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về những diễn biến chính trị gần đây ở Myanmar, nơi hàng chục ngàn người đang biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự vào hôm thứ Hai 1/2/2021.

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Trưa Chủ nhật 7/2/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết với người dân Myanmar và kêu gọi các nhà lãnh đạo của đất nước này hãy thể hiện sự sẵn sàng phục vụ cho công ích.

Phát biểu sau buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang theo dõi với rất nhiều lo ngại trước những diễn biến đang xả ra tại Myanmar, “một quốc gia mà ngài có trong tim rất nhiều tình cảm, kể từ chuyến tông du vào năm 2017”.

“Trong khoảnh khắc tế nhị này”, ĐTC nói, “Tôi muốn đảm bảo sự gần gũi, cầu nguyện và hiệp thông thiêng liêng của tôi với người dân Myanmar.”

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Tôi cầu nguyện cho những người có trách nhiệm chính trị hãy thể hiện sự sẵn sàng chân thành phục vụ vì lợi ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia” theo quan điểm của một cuộc sống chung hòa hợp và dân chủ, và ngài yêu cầu các tín hữu hãy cùng tham gia cầu nguyện với ngài cho quốc gia này.

Cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó, hàng chục nghìn người đã qui tụ lại trên khắp đất nước Myanmar vào Chủ nhật hôm nay (7/2/2021) để lên án cuộc đảo chính tuần trước và yêu cầu hãy trả tự do tức khắc cho các nhà lãnh đạo dân sự của chính phủ của bà Aung San Suu Kyi. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ Cách mạng năm 2007, một cuộc cách mạng đã đưa đến một sự cải cách dân chủ.

Vào buổi chiều ngày biểu tình lớn lao này, chính quyền quân sự đã rỡ bỏ lệnh phong tỏa internet kéo dài máy ngày qua, đã làm bùng lên sự tức giận kể từ cuộc đảo chính vào thứ Hai tuần trước.

Một hàng ngũ cảnh sát vũ trang với lá chắn chống biển người đã được dựng lên làm rào cản nhưng đã không ngăn chặn được cuộc biểu tình. Một số người tuần hành cho biết đã tặng hoa cho cảnh sát như một dấu hiệu của hòa bình.

Cuộc đảo chính được thực hiện bởi tướng Min Aung Hlaing, người đã tuyên bố có sự gian lận trong cuộc bầu phiếu vào tháng 11, trong đó, bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo và biểu tượng của nền dân chủ, đảng của bà đã giành được đa số phiếu. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ các cáo buộc về bất cứ một sự gian lận nào!...

Hơn 160 người đã bị bắt kể từ khi quân đội đảo chính và nắm chính quyền.
 
Tử vong vì coronavirus tăng rất mạnh tại Bồ Đào Nha
Đặng Tự Do
16:29 07/02/2021


Tử vong tại Bồ Đào Nha, lên đến 13,740 người, 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus

Tử vong tại Bồ Đào Nha, tính đến 6 tháng Hai, đã lên đến 13,740 người, trong số 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus. Đất nước này đang trải qua đợt bùng phát coronavirus lần thứ ba. Trong tuần qua, con số nhiễm bệnh hàng ngày ở khoảng 9,000 người nên đã có những lo ngại là hệ thống y tế có thể sụp đổ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra tại một nhà quàn tại Lisbon. Các nhà quàn tại Bồ Đào Nha đã trở nên bận rộn hơn bao giờ. Một nhân viên làm việc ở đây nói:

Tình hình rối loạn, thực sự rối loạn. Quá nhiều người chết. Không có chỗ để đặt quá nhiều người chết. Mọi người nên cẩn thận. Họ cần phải biết rằng COVID-19 đang giết người, thực sự là như thế. Tôi đã mất dì tôi, anh em họ tôi, cha tôi và ông tôi.

Bồ Đào Nha có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Chỉ trong tháng Giêng vừa qua đã có hơn 5,500 người chết vì COVID-19.

Artur Palma, giám đốc điều hành nhà quàn Velinho nói: “Đây là một sự gia tăng đều đặn. Một gánh nặng rất lớn, một gánh nặng to lớn trong mọi lãnh vực. Thể lực, tâm lý. Chúng tôi ngủ rất ít khi cố ngủ. May mà chúng tôi có một phòng lạnh để bỏ các tử thi vào đó, nhưng chúng tôi đã đến mức giới hạn và chúng tôi không thể đưa các xác chết đến nhà thương vì không có thêm chỗ cho họ ở đó.

13,000 người đã chết ở quốc gia nhỏ bé này vì dịch bệnh.

Jose Santos, nhân viên nhà quàn Velinho nói: “Tình hình phức tạp. Và nó ảnh hưởng đến chúng tôi tại nhà và trong các gia đình. Họ ủng hộ chúng tôi, họ thông cảm tình hình mà chúng ta đang trải qua, họ giúp chúng tôi. Họ cố gắng, nhưng thực sự mà nói không dễ dàng gì. Nó chẳng dễ một chút nào.”


Source:AFP
 
Chuông nhà thờ vang lên kêu gọi người dân chích ngừa coronavirus
Đặng Tự Do
16:30 07/02/2021


Tại ít nhất một quận của Paris, tòa thị chính đã được điều chỉnh thành trung tâm tiêm vắc xin. Đối với một số người không thể dễ dàng đến các trung tâm tiêm chủng, vắc-xin sẽ đến với họ.

Ở miền đông nước Pháp, chuông nhà thờ vang lên ở Mery-Premecy khi “Vacci'bus” kéo vào làng. Những người cao niên ở địa phương bước lên xe bus và ngồi xuống để nhận những mũi tiêm từ các thành viên của dịch vụ tiêm chủng địa phương.

“Đối với những người ở độ tuổi nhất định sống ở những ngôi làng xa xôi và không thể di chuyển dễ dàng, chiếc xe buýt này thực sự là một ân sủng Chúa ban đối với họ”, một người tiêm chủng trên tàu, Jeremy Miclo cho biết.

Trong khi đó, địa danh nổi tiếng nhất của Brazil đã trở thành một địa điểm tiêm chủng khác

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, Brazil, đã sử dụng địa danh nổi tiếng nhất của mình để tiến hành tiêm chủng. Người dân đã nhận được vắc xin dưới bóng của bức tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố.

Các bác sĩ và y tá cũng đã đưa vắc-xin tới các trại tị nạn như trại này ở Jordan.

Người tị nạn Syria Fatima Ali nhận vắc xin khi ngồi trên chiếc xe buýt nhỏ đưa cô đến phòng khám ở Mafraq, Jordan. Cô chạy trốn khỏi cuộc chiến đang diễn ra ở đất nước của mình bảy năm trước cùng chồng và sáu đứa con, để tìm nơi trú ẩn trong một trại tị nạn gần Mafraq.

“Tôi rất vui vì đã được tiêm phòng”, cô ấy nói.

“Xin Chúa phù hộ cho tất cả mọi người và chấm dứt đại dịch này, để chúng tôi có thể trở về quê hương và gặp lại các con của mình”.

Sau 10 tháng đóng cửa bởi đại dịch, công viên giải trí Disneyland ở California rợp bóng cây cọ đã trở lại hoạt động như một trung tâm tiêm chủng, với mục tiêu tiêm 7,000 mũi mỗi ngày.


Source:AFP
 
Các bác sĩ Miến Điện dẫn đầu trong phong trào phản kháng sau cuộc đảo chính
Đặng Tự Do
16:31 07/02/2021


Các lời kêu gọi tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự ở Miến Điện đã tăng tốc vào thứ Tư ngày 3 tháng 2 khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục lên án cuộc đảo chính của quân đội nước này và tuyên bố sẽ trừng phạt thêm các tướng lĩnh đứng sau vụ cướp chính quyền.

Miến Điện đã quay trở lại chế độ quân sự trực tiếp vào hôm thứ Hai khi binh lính bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác trong một loạt các cuộc đột kích rạng sáng 1 tháng Hai, kết thúc cuộc thử nghiệm ngắn ngủi với nền dân chủ của nước này.

Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. NLD đã giành được chiến thắng vang dội với vào tháng 11 năm ngoái nhưng quân đội tuyên bố có các gian lận trong cuộc bầu cử.

Với binh lính và xe bọc thép trở lại đường phố của các thành phố lớn, cuộc đảo chính đã không gặp phải bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào trên đường phố.

Nhưng các dấu hiệu của sự tức giận trong công chúng và các kế hoạch chống lại cuộc đảo chính đã bắt đầu xuất hiện.

Các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện trên khắp đất nước hôm thứ Tư thông báo rằng họ đang đeo dải ruy băng đỏ -là màu của NLD - và từ bỏ mọi công việc không khẩn cấp để phản đối cuộc đảo chính.

Các nhà hoạt động đã công bố các chiến dịch của họ trên một nhóm Facebook có tên “ Phong trào Bất tuân dân sự”, đến chiều thứ Tư đã có hơn 150,000 người theo dõi trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt.

Phong trào cho biết trong một tuyên bố rằng các bác sĩ tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế ở 30 thị trấn đã tham gia cuộc biểu tình.

Họ cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên những khó khăn của người dân trong đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 3,100 người thiệt mạng ở Myanmar, một trong những nơi có mức tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Tiếng ồn ào của xoong nồi - và tiếng còi xe - cũng vang lên khắp Yangon vào tối thứ Ba sau khi những lời kêu gọi phản đối được phát ra trên mạng xã hội.
Source:CNA
 
Đức Hồng Y Cupich và Đức Tổng Giám Mục Gomez trong lòng ưu ái của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
21:22 07/02/2021

Gần đây, Đức Hồng Y Cupich của Chicago, Mỹ, được dư luận chú ý qua việc lớn tiếng phản đối Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong việc phê phán tân Tổng Thống Mỹ Joe Biden vào ngay ngày nhậm chức của ông ta, và liền sau đó, bay qua Rôma và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến riêng.



Viết trên tờ National Catholic Register ngày 5 tháng 2, 2021, Cha Raymond de Souza trích lời ký giả Gerard O’Connell của Tạp chí America, cho hay: mục đích của gặp gỡ công khai trên là để chứng tỏ rằng Đức Hồng Y Cupich là người của Giáo hoàng ở Hoa Kỳ, còn Tổng giám mục Gomez thì nằm ngoài các ưu tiên của ngài.

Cha Raymond de Souza, trong bài báo trên, cho rằng: Tất cả các vị giáo hoàng đều có người các ngài ưu ái (favoutires) ở Mỹ. Tuy nhiên, trích dẫn lời Joan Frawley Desmond (‘Ill-Considered’? Cardinal Cupich’s Tweets Get Few ‘Likes’ Among Bishops| National Catholic Register [ncregister.com]), cha cho rằng Đức Hồng Y Cupich đã không tỏ ra đặc biệt thành công trong việc thuyết phục các giám mục anh em của mình.

Đúng vậy, Desmond minh họa rằng Đức Hồng Y Cupich luôn là một loại người đứng ở bên ngoài (outlier) và ngay cả sau sáu năm ở Chicago, ngài vẫn như vậy.

Cha de Souza nghĩ rằng ta nên xem xét tình hình hiện tại của Đức Hồng Y Cupich trong một bối cảnh rộng lớn hơn.

Đầu tiên, “người của Giáo hoàng” có nghĩa gì ở một quốc gia nào đó. Thứ hai, theo quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Gomez, việc bị coi nằm ngoài các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng có nghĩa gì.

Chọn Người của Giáo hoàng

Khi Đức Cha Blase Cupich được bổ nhiệm từ Spokane về Chicago vào năm 2014, trái với nhiều kỳ vọng, người ta đã công nhận rộng rãi rằng, 18 tháng sau khi đắc cử, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng việc ngài bổ nhiệm chức vụ quan trọng đầu tiên để đưa ra đường hướng mới cho Giáo hội tại Hoa Kỳ. Đó không những là đặc quyền của Đức Giáo Hoàng, mà còn là điều được người ta mong đợi nữa. Tại một đất nước rộng lớn và phức tạp, Đức Thánh Cha cần một người thụ ủy (proxy) tại địa phương, có thể nói, để phản ảnh và làm chứng cho các ưu tiên của ngài.

Có lẽ điển hình rõ ràng nhất của điều trên là việc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng Giám mục John O’Connor từ Scranton, Pennsylvania về New York vào năm 1984.

Xuất thân từ nghiệp tuyên úy quân đội, Đức Hồng Y O’Connor chỉ mới ở Scranton được bảy tháng khi Đức Gioan Phaolô chọn ngài cho tòa nổi bật nhất trong nước.

Nói một cách ngắn gọn, Đức Hồng Y O’Connor đã trở thành điển hình của giám mục Gioan Phaolô ở Hoa Kỳ - ngay cả đôi khi điều đó khiến ngài đối nghịch với ban lãnh đạo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Vì vậy, hoàn toàn không có gì là mới lạ hay thậm chí rắc rối, khi
Đức Hồng Y Cupich, giám mục của Đức Phanxicô, thấy mình ở trong một tình huống tương tự.

Câu hỏi liên quan hơn là liệu Đức Hồng Y Cupich có hữu hiệu trong vai tuồng của ngài như Hồng Y O’Connor hay không. Có vẻ như không, theo các lời phàn nàn của chính Đức Hồng Y Cupich về việc ngài không gây được ảnh hưởng.

Đó có thể là lý do tại sao có báo cáo suy đoán rằng cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y Cupich với Đức Giáo Hoàng Phanxicô là về việc ngài được trao một chức vụ có ảnh hưởng ở Vatican - có lẽ là tổng trưởng Bộ Giám mục. Nếu người của giáo hoàng ở Mỹ không hoàn thành tốt được công việc giao phó, thì có lẽ tốt hơn nên là người xử lý công việc cho Đức Giáo Hoàng tại Rôma.

Các vị giáo hoàng bổ nhiệm rất nhiều giám mục. Trong 27 năm, Đức Gioan Phaolô đã bổ nhiệm hầu hết mọi vị. Nhưng chỉ một số có thể nói là nắm được yếu tính chương trình của triều giáo hoàng và đó là lý do tại sao các vị quan trọng, cũng như các thành công hay thất bại của các vị. Cùng với O’Connor ở New York, Đức Gioan Phaolô còn có Hồng Y Jean-Marie Lustiger ở Paris - cũng được thăng chức sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi ở một giáo phận nhỏ - Hồng Y Camillo Ruini ở Rome và Hồng Y George Pell, đầu tiên ở Melbourne và sau đó ở Sydney. Những vị giáo phẩm này nhất định đã làm thay đổi hẳn nền văn hóa giáo hội ở các quốc gia liên hệ của các vị.

Từ O’Connor / Neuhaus đến Cupich / Martin

Tại Hoa Kỳ, một số giáo phẩm nắm được yếu tính của một triều giáo hoàng. Hồng Y Cupich là của Đức Giáo Hoàng Phanxicô y như Hồng Y O’Connor là của Đức Gioan Phaolô và Hồng Y Francis George là của Đức Bênêđictô XVI. Đó không phải là vấn đề chức vụ cho bằng thế giá tinh thần, kỹ năng lãnh đạo, chiều sâu thần học, sức lôi cuốn, trí thông minh và lòng quý trọng, toàn là những điều phải giành được chứ không phải do một mình chức vụ mà có được.

Đức Gioan Phaolô không cần phải bơm hơi cho Đức Hồng Y O'Connor, một mục tử anh hùng và là nhân chứng phò sinh, bằng những cuộc yết kiến đặc biệt, và Đức Bênêđíctô cũng không cần dành sự ưu ái đặc biệt cho dự án tin mừng hóa nền văn hóa của Đức Hồng Y George, với ưu tiên dành cho sự thật và vẻ đẹp.

Điều đó cũng có thể được mở rộng cho các nhà giải thích nổi tiếng. Trong số các linh mục, Cha Richard John Neuhaus là nhà giải thích có ảnh hưởng và là nhà trí thức bênh vực Đức Gioan Phaolô. Cha Robert Barron lúc đó cũng làm y như vậy với Đức Bênêđíctô. Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vai trò đó đã rơi vào tay Linh mục Dòng Tên James Martin.

Sự thất vọng của Đức Hồng Y Cupich đối với lễ nhậm chức có thể một phần là do việc vận động của cặp Cupich / Martin cho các ưu tiên mục vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn chưa có được tác động như O’Connor / Neuhaus và George / Barron. Cả Đức Hồng Y Cupich và Cha Martin đều đã được mời tiếp kiến cách trang trọng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô để hỗ trợ họ trong công việc; câu hỏi đặt ra là liệu Đức Thánh Cha có hài lòng với kết quả đầu tư mà ngài đã thực hiện nơi họ hay không.

Nằm ngoài với Rome?

Theo O’Connell, buổi tiếp kiến của Đức Hồng Y Cupich ở Rôma, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự mất ưu ái của Đức Giáo Hoàng với Đức Tổng Giám Mục Gomez. Đức Tổng Giám Mục Gomez nên nghĩ gì về điều này?

Bất cứ nghĩ gì, ngài cũng đã quen với nó rồi. Tổng giám mục Los Angeles, người Mỹ gốc Mexico đầu tiên đứng đầu giáo phận lớn nhất tại Hoa Kỳ và là người đầu tiên đề xướng khắp hoàn cầu hai ưu tiên song đôi của Đức Phanxicô là phò sinh và nhập cư, đã bị làm ngơ mũ Hồng Y quá nhiều lần đến nỗi cả thế giới đều biết rằng Đức Thánh Cha không ưu ái ngài. Khi những chiếc mũ màu đỏ được trao cho một số giám mục mà toàn bộ giáo phận nhỏ hơn một giáo xứ ở Los Angeles, tín hiệu quả là rõ ràng. Việc chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ không được Đức Thánh Cha ưu ái không phải là chuyện mới lạ; mới lạ là việc các giám mục Hoa Kỳ đã chọn ngài làm nhà lãnh đạo của họ mặc dù biết điều đó.

Trong một bối cảnh rộng hơn, điều hoàn toàn bình thường khi các giám mục can đảm và đáng ngưỡng mộ ở các vùng khác nhau trên thế giới thấy mình nằm ngoài các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong nhiều năm, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích dấn thân, dù không có kết quả, vào việc đối thoại với các chế độ chuyên chế ở Nga / Ukraine, Venezuela và Trung Quốc, các giám mục địa phương vốn đã là những người đã đưa ra quan điểm phê phán, thách thức và can đảm hơn.

Khi Chủ tịch Tập ở Bắc Kinh nhận được những lời chỉ trích nặng nề từ Đức Hồng Y Joseph Zen ở Hồng Kông và Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Myanmar, ông biết rằng mình có thể tin tưởng vào sự im lặng bù trừ từ Rôma. Khi Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với sự phản kháng từ cả Công Giáo và Chính thống giáo ở Ukraine vì cuộc xâm lược của mình, ông biết rằng một sự tiếp đón thân thiện đang chờ đợi ông tại Vatican. Khi Hồng Y Jorge Urosa và Hồng Y Baltazar Porras tố cáo sự tàn bạo gây chết đói của chế độ Maduro ở Venezuela, chính Maduro đã kêu gọi các ngài hãy lắng nghe những lời dịu dàng hơn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tổng thống Joe Biden không phải là người đứng đầu độc đoán của một chế độ xấu xa, nhưng động lực của ông cũng không hoàn toàn khác. Khi chính sách phá thai triệt để của ông vấp phải sự chỉ trích từ các giám mục Hoa Kỳ, đứng đầu là Đức Tổng Giám Mục Gomez, ông tìm đến Đức Thánh Cha để đỡ đạn. Đó là lý do tại sao ông ta đặt một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng với các bức ảnh gia đình sau bàn làm việc của mình trong Phòng Bầu dục, ngay cả khi ông ký các lệnh hành pháp cổ vũ việc phá thai ở nước ngoài và hạn chế tự do tôn giáo ở trong nước.

Về mặt lịch sử, Đức Tổng Giám Mục Gomez có những bạn đồng hành rất tốt. Vị giáo sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20, chỉ trừ người cộng sự “đàn em” Karol Wojtyła của mình, sẽ sớm được phong chân phước, tức Đức Hồng Y Stefan Wyszynski của Warsaw, người đã chiến đấu với cộng sản trong tư cách là giáo chủ của Ba Lan trong 33 năm, 1948-1981. Ngài thấy mình mâu thuẫn với chính sách của Vatican trong phần lớn thời gian đó. Đầu tiên, dưới thời Đấng Đáng Kính Piô XII, khi các viên chức cao cấp của Rôma cho rằng ngài quá thỏa hiệp, và sau đó, dưới thời Thánh Phaolô VI, khi Vatican cho rằng ngài không thỏa hiệp đủ.

Cha de Souza kết luận rằng: Sự ưu ái của Đức Giáo Hoàng không tương đương với sự lãnh đạo mục vụ khôn ngoan.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh Dâng Thánh Lễ Mừng Thọ Và Xức Dầu Cho Các Bậc Cao Niên Tại Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Huế
Trương Trí
10:31 07/02/2021
Sáng Chúa nhật cuối cùng của năm Âm lịch, tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam Huế, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Giáo phận Huế đã chủ tế Thánh lễ Mừng thọ và xức Dầu cho 284 cụ cao niên trên 75 tuổi. Trong đó có các Nữ tu Hội Dòng Mến Thánh giá Huế, là những người đã có nhiều công sức góp phần xây dựng Giáo xứ từ tuổi thanh xuân, nay đã già yếu thì lời cầu nguyện hằng ngày của các cụ luôn được Thiên Chúa chấp nhận để làm cho Giáo xứ ngày càng rạng rỡ.

Xem Hình

Trước khi đi vào Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục nói lời chào mừng các cụ và Cộng đoàn. Ngài trân trọng truyền thống tốt đẹp của Giáo xứ có bề dày lịch sử, là Giáo xứ Mẹ của Giáo phận, luôn nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ngài mời gọi cộng đoàn dâng lời cầu nguyện cho các cụ được nhiều ơn lành của Chúa trong tuổi già. Mùa Xuân năm nay là một mùa Xuân nhiều ảm đạm khi đại dịch Covid 19 đang hoành hành không chỉ tại Việt Nam mà cả toàn thế giới, chúng ta cầu xin Chúa cứu lấy nhân loại.

Trong bài giảng lễ, Đức Tổng Giám Mục chia sẻ: “Thánh lễ hôm nay là Thánh lễ mừng Thọ, chúc Thọ là một việc làm của con cháu tỏ lòng hiếu thảo đối với Ông Bà Cha Mẹ. Mỗi một người chúng ta đều theo quy luật “Sinh-Lão-Bệnh-Tử”, không một ai trong chúng ta là không chết, nhưng được tuổi Thọ là rất hiếm. Khi tuổi già đến, chúng ta không khỏi lâm bệnh, nhưng cũng có người lâm bệnh và chết khi còn trẻ. Như Thánh nữ Têrêsa, vào Dòng Kín lúc chỉ mới 15 tuổi, nhưng cuộc đời của Thánh nữ lại lâm trọng bệnh và chết khi còn rất trẻ. Nhưng cuộc đời của Thánh nữ luôn sống trong cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cho các xứ truyền giáo. Trong nhật ký của Ngài ghi lại Ngài đã từng mơ ước được qua truyền giáo tại Việt Nam chúng ta. Mặc dù chết từ lúc trẻ, nhưng cuộc đời của Thánh nữ được tôn vinh và phong Thánh, và là Bổn mạng của các xứ truyền giáo. Ngay cả cuộc đời của Chúa Giêsu cũng chỉ 33 tuổi, và có lúc Ngài tỏ ra yếu đuối và thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con”. Các cụ cao tuổi hiện diện hôm nay cũng vậy, lúc còn trẻ các cụ đã làm việc và góp công sức cho Giáo xứ và Giáo hội, giờ đây tuổi già sức yếu, các cụ dâng lời cầu nguyện cho Giáo hội, Giáo xứ và cho chúng ta. Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban sức mạnh và bình an cho các cụ, vì Chúa là sức mạnh.

Đức Tổng Giám Mục dâng lời nguyện chúc phúc lành cho các cụ, Ngài cùng các Linh mục đồng tế tiến đến xức Dầu cho các cụ.

Sau Thánh lễ, ông Phero Đặng Văn Hoàng, Chủ tịch HĐGX thay mặt Cộng đoàn chúc Tết và tặng hoa Đức Tổng Giám Mục, vị Chủ chăn của Giáo phận. Đồng thời cũng chúc thọ cho các cụ: Kính trọng người già không chỉ là đạo hiếu của phận làm con làm cháu mà còn tỏ ra kính sợ Thiên Chúa. Trong Thánh lễ này, chúng con muốn tỏ bày sự hiếu thảo và quan tâm chân thành đến các bậc cao niên, là những người đã bước qua tuổi “Xưa nay hiếm”. Đó cũng là cái phúc của các cụ và cũng là của chúng con và của Hội Dòng. Vì tuổi thọ là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, người cao tuổi có thời gian dài để trãi nghiệm cuộc sống và đúc rút kinh nghiệm khôn ngoan cho con cháu.

Đức Tổng Giám Mục và quý Cha đồng tế đã trao quà mừng tuổi cho các cụ với tất cả lòng chân thành quý trọng.

Sau khi ban phép lành cho cộng đoàn, Đức Tổng đã chụp hình lưu niệm với các cụ trước cung thánh.

Trương Trí
 
Ngày quốc Tế bệnh nhân tại xứ Tân Việt, Sàigon
Vinh sơn Trần văn Đẩu
15:41 07/02/2021
Sáng hôm nay Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho bệnh nhân trong giáo xứ. Chúng ta cũng hướng về Đức Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức là nơi trung tâm hành hương, cũng là nơi các bệnh nhân được chữa lành… Đó là lời nhắn nhủ của Lm chánh xứ Tân Việt Đa Minh Vũ Ngọc Thủ khi ngài chủ tế Thánh lễ cầu cho các bệnh nhân diễn ra lúc 10g sáng Chúa nhật 07/02/2021 tại giáo xứ Tân Việt hạt Tân Sơn Nhì.

Xem Hình

Trước đó lúc 9g00, các bệnh nhân đã được đưa tới nhà thờ để các cha ban các bí tích xức dầu bệnh nhân.

Chia sẻ Tin mừng, Lm chủ tế nói: ” Bài Tin mừng chúng ta thấy người ta đem đến với Chúa rất nhiều bệnh hoạn tật nguyền đủ mọi bệnh để xin Chúa chữa lành. Trước hết là phần hồn chúng ta qua ơn tha thứ của Bí Tích Hòa Giải và Bí tích Xức dầu. nhìn lại một năm qua với bao ơn lành Chúa ban để tạ ơn Chúa và cám ơn nhau.
Tạ ơn Chúa đã quy tụ chúng ta trong ngày cuối năm để cầu nguyện cho nhaa và cầu nguyện cho các bệnh nhân, cám ơn tất cả vì đã hiện diện trong Thánh lễ để chúc tụng Chúa và xin Chúa chúc lành cho các bệnh nhân và mỗi người chúng ta trong dịp tết này được bình an. Bởi vì dịch bệnh đang lấp ló nơi này nơi khác nhưng chúng ta có Chúa ở với chúng ta nên chúng ta luôn được bình an.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sauk hi ban phép lành, hai cha gởi đến quý bệnh nhân một món quà năm mới.

Lạy Mẹ là nguồn an ủi cho những người đau yếu, bệnh tật. Chúng con xin dâng lên Mẹ những bệnh nhân đau yếu tinh thần và thể xác. Xin me ban ơn trợ giúp để chúng con nhận ra Thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời sống.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Văn Hóa
Hình ảnh con trâu trong đời sống
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
11:45 07/02/2021
Trong công trình thiên nhiên có nhiều loài thú động vật khác nhau. Con Trâu là một trong những loài thú động vật được con người chăn nuôi ở nhà và cùng loài thú vật hữu ích cho đời sống con người nhiều.

Hình ảnh con Trâu cần cù kéo cày, kéo bừa, kéo cộ chở lúa mạ trên ruộng đồng, hay con Trâu đứng nằm hiền hòa gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm gíac thị vị thanh bình vùng miền quê bên các nước Á châu, ở Phi châu, nhất là miền quê Việt Nam.

Con Trâu loài động vật có sức dẻo dai

Trâu là loài thú động vật có bốn chân, da đen bóng với làn lông thưa thớt– ít có con trâu nào da mầu trắng hay vàng - Trâu có thân hình cao to lớn cânnặng hàng trăm kịlô, đôi mắt to lớn, da dầy rắn chắc, có đuôi dài ngoe nguẩy đuổi ruồi muỗi côn trùng, đầu có mõm dài, phía trên đôi vành tai to vểnh ra bên ngoài là cặp sừng cứng khô, mỗi sừng uốn thành hình vòng cung như hình mặt trăng lưỡi liềm tạo nét cân đối gần như vòng tròn cho hình dạng của Trâu. Sờng trâu được dùng làm kèn tù và như một loại nhạc cụ cho sinh hoạt, khi đi săn thú ở rừng hoang dã …Những chi tiết này tạo nên vẻ uy nghiêm hùng dũng chững chạc cho Trâu.

Bề ngoài xem ra Trâu cứng nhắc, không có gì hấp dẫn. Nhưng Trâu là loài động vật có đời sống thanh đạm đơn giản, chỉ uống nước lạnh, nước lã ở vũng ao hồ. Thực phẩm của Trâu là cỏ rơm tươi hoặc khô. Trâu có sức khoẻ dẻo dai chịu đựng bền bỉ, kéo chở đồ nặng, chăm chỉ làm việc lao động nặng nhọc, cùng xem ra tính khí hài hòa thong thả. Khi Trâu nằm nghỉ mắt nhắm mơ màng mang nét vẻ bình an vô tư lự. Trâu không nói được, nhưng lại biết tuân nghe theo sự hướng dẫn hò hét của người điều khiển.

Tính tình của Trâu lầm lì rất ít khi kêu rống, chỉ phì hà hơi to thôi. Thịt Trâu, nhất là Trâu còn non trẻ - thường gọi là nghé -, ngon không thua kém gì thịt bò.

Nguyên điểm này cũng phát tỏa ra nơi Trâu vẻ đẹp tích cực ẩn kín thâm trầm nhiều rồi.

Nhưng khi lên cơn lôi đình nổi giận, Trâu cũng rất bướng bỉnh cứng nhắc, rồi đôi khi còn tìm cách trả thù dùng cặp sừng húc quăng hất lên cao xa nữa. Loại trâu hoang sống trong rừng hoang đã không được cắt xỏ dây nơi mũi tính khí rất hung hăng phá phách gây nguy hiểm sự sống cho người đến gần chúng. Vì thế tính tình thâm trầm của Trâu đôi khi cũng nham hiểm không thể tính lường trước được cho người nuôi chăn Trâu.

2. Hình ảnh con Trâu trong sử sách huyền thoại

Theo tương truyền bên xứ đất nước Hy Lạp và những đất nước vùng Đông Nam châu Á, Trâu là con vật thánh thiêng dùng vào việc lễ tế thần thánh.

Có bức tranh vẽ nhà hiền triết Lão Tử cỡi Trâu đi xuyên khắp cánh đồng đi về hướng Tây. Hình ảnh này diễn tả triết lý sống thanh bình. Nhưng cũng đầy lòng thao thức của người khôn ngoan đi tìm chân lý từ Đông sang Tây.

Người chăn nuôi Trâu, giống như những người mục đồng chăn Chiên Cừu Dê bên vùng Trung Đông hay bên u châu, Mỹ châu, thường bị nhìn bằng con mắt coi thường. Vì cuộc sống lam lũ của họ quanh năm ngày tháng chỉ sống với đàn súc vật loài Trêu, hầu như cách biệt xa vời với đời sống văn minh phát triển ngoài xã hội.

Nhưng trái lại, trong văn chương bình dân của Việt Nam có câu hát hò của chú bé chăn Trâu:“ Ai bảo chăn Trâu là khổ? Chăn Trâu sướng lắm chứ ơi!“, nói lên nét đẹp thi vị thanh thản cùng bằng lòng thỏa mãn của người chăm sóc nuôi Trâu nhai gặm cỏ ngoài đồng. Phải chăng đó không là một cung cách thấm nhuần triết lý sống sao?

Theo tương truyền từ thời Vua Hùng dựng nước Việt Nam, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ ngoài đồng vùng nông thôn. Và đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian ViệtNam miền thôn quê đồng ruộng:

„ Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con Trâu đi bừa!“

Hình ảnh này từ cuối thế thể kỷ 20. càng ngày chỉ còn là bức tranh nếp sống của thời qúa khứ, hay là trong văn chương thôi. Vì đời sống xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển công nghiệp hóa ngành nông nghiệp với đủ lọai máy móc thay thế cho người lao động vất vả trên ruộng đồng, thay cho con Trâu đi cày bừa, kéo cộ lúa.

Theo truyền sử ngày xưa anh hùng Đinh Bộ Lĩnh thuở còn bé đã cùng đám trẻ chăn Trâu trong vùng Hoa Lư cỡi Trâu rước cờ lau tập trận. Sau này Ông là người đã dẹp loạn 12 sứ quân và xây dựng nên triều đại nhà Đinh năm 968.

3. Con Trâu trong tục ngữ, ca dao

Trong Tục ngữ ca dao Việt Nam hình ảnh con Trâu đi đôi với đời sống hằng ngày của con người:

“Con trâu là đầu cơ nghiệp
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay.”

Nó cũng là hình ảnh nói lên sự sung túc, thành công của nhà nông: „Ruộng sâu, trâu nái“
Ở vùng miền nông thôn, công việc chăn Trâu ăn cỏ thường là việc của các trẻ em trai. Vì thế con Trâu và em bé chăn Trâu gắn bó thân thiết với nhau: chăn gần gũi với trâu, vui đùa với trâu, tắm trâu, phơi áo trên lưng trâu, thả diều …

Và tình cảm mối liên hệ tương quan giữa người nông dân với con Trâu là tài sản cơ nghiệp riêng của họ đậm sâu rõ nét qua tâm tình

„ Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cấy cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.“
Bao giờ cây lúa trổ bông,
Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

4. Con Trâu trong niên lịch dân gian

Theo cách phân chia thời gian năm tháng bên vùng Á châu chịu ảnh hưởng văn hóa Trung hoa thời xưa, con Trâu cũng là một biểu tượng cho một năm. Một năm có 12 tháng. Một vòng chu kỳ năm âm lịch bao gồm 12 năm. Mỗi năm âm lịch có tên của một con thú vật: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Con Trâu đứng hàng thứ hai trong vòng chu kỳ 12 năm âm lịch. Năm nay bắt đầu từ ngày Mồng Một tháng Giêng âm lịch theo hệ mặt trăng, trùng vào ngày 12.02.2021 năm Dương lịch theo hệ mặt trời, là năm của con Trâu: Tân Sửu.

Phải chăng những ai sinh ra đời nhằm vào năm con Trâu có đời sống vất vả, phải nhẫn nhục chịu đựng như con Trâu phải lam lũ đi cày ruộng?

Điều này không ai có thể qủa quyết được. Điều này cũng chỉ là sự tin tưởng vào số mệnh trong dân gian thôi.

Và phải chăng năm con Trâu có những đặc thái tính tốt của loài thú vật như trầm lặng, hiền hòa, thuần thục nghe lời,trong đời sống xã hội con người?

Điều này cũng không có gì làm bằng chứng xác định được. Đây cũng là cách suy diễn chiết giải ý nghĩa nếp sống theo hình ảnh dấu chỉ thôi.

Cùng năm con Trâu cũng bị ảnh hưởng xảy ra những biến cố bất thường, như khi Trâu nổi cơn lôi đình thành ra hung hăng cứng nhắc bướng bỉnh trong cuộc sống xã hội?

Điều này cũng không thể dựa vào đó nói được đúng hay sai, không có gì là bằng chứng khoa học. Và nếu có chăng cũng chỉ là một loại suy diễn theo tin tưởng truyền khẩu dân gian.

Cách tính phân chia đặt tên cho mỗi năm với một con vật, mang ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa phong tục đời sống, và cũng ẩn hiện điều tin bình dân. Nó cũng tiềm tàng mang chút tính chất huyền bí đoán vận mạng cung số tử vi của con người thôi.

5. Con Trâu trong Kinh Thánh Công Giáo

Trong Kinh Thánh không nói đến tên con Trâu. Có lẽ ở vùng Trung Đông không có loài thú vật hình dạng giống Trâu như bên Á châu.

Nhưng theo khoa học ngành động vật học Trâu Bò là loài thú vật cùng chủng loại: “Trâu là một loài động vật thuộc họ Trâu bò (Bovidae). Chúng sống hoang dã ở Nam Á (Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan) và Đông Nam Á. Ngoài ra trâu cũng sống hoang dã ở phía bắc Úc.

Tuy trâu rừng vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên nhưng số lượng trâu hoang dã không còn nhiều. Giới khoa học lo rằng trâu rừng hoang dã thuần chủng không còn tồn tại nữa. Riêng tại Việt Nam số lượng trâu rừng còn rất ít, chủ yếu phân bố dọc dãy Trường Sơn, trong đó có khu vực miền tây Thanh Hóa giáp với Lào. Nhiều đàn trâu đã được thuần dưỡng và lai với trâu nhà. Trâu có 2 loại: loại màu da xanh đen (trâu đen) và loại màu da sáng hồng (trâu trắng).“

Nếu Trâu Bò cùng thuộc một chủng họ Bovidae, tuy chúng có khác biệt nhau nhiều, thì Trâu cũng có chỗ đứng, nói cách khác nó cũng đựơc nói đến trong Kinh Thánh với tên Bò.

Trong hang đá ngày mừng lễ Chúa Giêsu giáng sinh có nơi đặt hình tượng các con thú vật đứng nằm chung quang hài nhi Giêsu được dựng bày chung quanh luôn luôn có một hai con Bò. Vì theo Kinh Thánh thuật lại, Chúa Giêsu giáng sinh làm người trong chuồng súc vật giữa cánh đồng Bethlehem ( Lc 2, 1-20). Như thế con Trâu Bò cũng như con Cừu, con Lừa là „nhân“ chứng mắt thấy tai nghe lúc Chúa Giêsu sinh ra làm người khi xưa!

Sau này đi rao gỉảng nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng nói đến hình ảnh con Bò: „ Thế ngày Sabát, ai trong các ngươi lại không cởi dây dắt Bò Lừa rời máng cỏ đi uống nước“ ( Lc 13,15).

Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan nói đến hình con vật thứ hai giống như con Bò có cánh dương rộng ra đang đứng bên ngai Thiên Chúa ngày đêm hát ca tụng Người. (Kh 4,7-8).

Thế giới đang lâm vào cơn khủng hoảng bị vi trùng Corona lây lan truyền nhiễm gây bệnh nạn cùng tử vong cho nhân loại từ cuối năm 2019, và còn kéo dài cho tới hôm nay, và cũng không biết tới khi nào cơn đại dịch Corona mới chấm dứt hoành hành đe dọa sức khoẻ đời sống nhân loại!.

Xin chắp đôi tay cúi đầu tưởng nhớ đến những người đã ra đi về đời sau trong cơn bệnh đại dịch Corona. Họ không còn cùng chung đón mừng mùa Xuân Tân Sửu trên mặt đất nữa. Nhưng trong tin tưởng linh hồn họ được vào sống trong quê hương mới, nơi là mùa xuân vĩnh cửu bên Thiên Chúa, Đấng là chúa mùa xuân đời sống của vạn vật hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Cơn khủng hoảng kinh hoàng bệnh đại dịch Corona truyền nhiễm đe dọa làm ngưng đình trệ đảo lộn mọi chương trình trật tự đời sống con người trên toàn cầu về mọi khía cạnh. Đời sống hầu như lúc nào cũng trôi nổi trong những biến chuyển tiêu cực nhiều hơn tích cực từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Con người phải sống giữ khoảng cách xa nhau, phải đeo khẩu trang bịt kín khuôn mặt môi miệng cùng mũi hít thở không khí, để tránh bị vi trùng Corona xâm nhập vào trong cơ thể, nhất là buồng phổi.

Đời sống tinh thần đạo giáo, vì phải cách ly giữ khoàng cách xa nhau không có dịp gặp nhau nơi nhà riêng, hội đoàn cũng như nơi thánh đường, nơi thờ tự như xưa. Nên trở nên như lu mờ trong làn sương mù che khuất tầm nhìn của con mắt tinh thần.

Có lẽ gương tính tình chất khí của con Trâu về chăm chỉ, dẻo dai bền bỉ chịu đựng cùng sống ăn uống đơn giản làm việc là hình ảnh mẫu gương giúp gợi suy nghĩ để có được kiên nhẫn bình an tìm thấy con đường ra bước khỏi làn sương mù khi gặp khó khăn khủng hoảng!

Chúc mừng Năm Mới Tân Sửu - 2021

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Kết quả bất ngờ sau khi Facebook cấm sách bênh vực Đức Mẹ. Kẻ chống Đức Mẹ sẽ không có kết quả tốt
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:28 07/02/2021

1. Tử vong vì coronavirus tăng rất mạnh tại Bồ Đào Nha

Tử vong tại Bồ Đào Nha, lên đến 13,740 người, 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus

Tử vong tại Bồ Đào Nha, tính đến 6 tháng Hai, đã lên đến 13,740 người, trong số 755,774 trường hợp nhiễm coronavirus. Đất nước này đang trải qua đợt bùng phát coronavirus lần thứ ba. Trong tuần qua, con số nhiễm bệnh hàng ngày ở khoảng 9,000 người nên đã có những lo ngại là hệ thống y tế có thể sụp đổ.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây diễn ra tại một nhà quàn tại Lisbon. Các nhà quàn tại Bồ Đào Nha đã trở nên bận rộn hơn bao giờ. Một nhân viên làm việc ở đây nói:

Tình hình rối loạn, thực sự rối loạn. Quá nhiều người chết. Không có chỗ để đặt quá nhiều người chết. Mọi người nên cẩn thận. Họ cần phải biết rằng COVID-19 đang giết người, thực sự là như thế. Tôi đã mất dì tôi, anh em họ tôi, cha tôi và ông tôi.

Bồ Đào Nha có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới. Chỉ trong tháng Giêng vừa qua đã có hơn 5,500 người chết vì COVID-19.

Artur Palma, giám đốc điều hành nhà quàn Velinho nói: “Đây là một sự gia tăng đều đặn. Một gánh nặng rất lớn, một gánh nặng to lớn trong mọi lãnh vực. Thể lực, tâm lý. Chúng tôi ngủ rất ít khi cố ngủ. May mà chúng tôi có một phòng lạnh để bỏ các tử thi vào đó, nhưng chúng tôi đã đến mức giới hạn và chúng tôi không thể đưa các xác chết đến nhà thương vì không có thêm chỗ cho họ ở đó.

13,000 người đã chết ở quốc gia nhỏ bé này vì dịch bệnh.

Jose Santos, nhân viên nhà quàn Velinho nói: “Tình hình phức tạp. Và nó ảnh hưởng đến chúng tôi tại nhà và trong các gia đình. Họ ủng hộ chúng tôi, họ thông cảm tình hình mà chúng ta đang trải qua, họ giúp chúng tôi. Họ cố gắng, nhưng thực sự mà nói không dễ dàng gì. Nó chẳng dễ một chút nào.”


Source:AFP

2. Chuông nhà thờ vang lên kêu gọi người dân chích ngừa coronavirus

Tại ít nhất một quận của Paris, tòa thị chính đã được điều chỉnh thành trung tâm tiêm vắc xin. Đối với một số người không thể dễ dàng đến các trung tâm tiêm chủng, vắc-xin sẽ đến với họ.

Ở miền đông nước Pháp, chuông nhà thờ vang lên ở Mery-Premecy khi “Vacci'bus” kéo vào làng. Những người cao niên ở địa phương bước lên xe bus và ngồi xuống để nhận những mũi tiêm từ các thành viên của dịch vụ tiêm chủng địa phương.

“Đối với những người ở độ tuổi nhất định sống ở những ngôi làng xa xôi và không thể di chuyển dễ dàng, chiếc xe buýt này thực sự là một ân sủng Chúa ban đối với họ”, một người tiêm chủng trên tàu, Jeremy Miclo cho biết.

Trong khi đó, địa danh nổi tiếng nhất của Brazil đã trở thành một địa điểm tiêm chủng khác

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, Brazil, đã sử dụng địa danh nổi tiếng nhất của mình để tiến hành tiêm chủng. Người dân đã nhận được vắc xin dưới bóng của bức tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro trên ngọn đồi nhìn xuống thành phố.

Các bác sĩ và y tá cũng đã đưa vắc-xin tới các trại tị nạn như trại này ở Jordan.

Người tị nạn Syria Fatima Ali nhận vắc xin khi ngồi trên chiếc xe buýt nhỏ đưa cô đến phòng khám ở Mafraq, Jordan. Cô chạy trốn khỏi cuộc chiến đang diễn ra ở đất nước của mình bảy năm trước cùng chồng và sáu đứa con, để tìm nơi trú ẩn trong một trại tị nạn gần Mafraq.

“Tôi rất vui vì đã được tiêm phòng”, cô ấy nói.

“Xin Chúa phù hộ cho tất cả mọi người và chấm dứt đại dịch này, để chúng tôi có thể trở về quê hương và gặp lại các con của mình”.

Sau 10 tháng đóng cửa bởi đại dịch, công viên giải trí Disneyland ở California rợp bóng cây cọ đã trở lại hoạt động như một trung tâm tiêm chủng, với mục tiêu tiêm 7,000 mũi mỗi ngày.


Source:AFP

3. Các bác sĩ Miến Điện dẫn đầu trong phong trào phản kháng sau cuộc đảo chính

Các lời kêu gọi tham gia một chiến dịch bất tuân dân sự ở Miến Điện đã tăng tốc vào thứ Tư ngày 3 tháng 2 khi các quốc gia trên thế giới tiếp tục lên án cuộc đảo chính của quân đội nước này và tuyên bố sẽ trừng phạt thêm các tướng lĩnh đứng sau vụ cướp chính quyền.

Miến Điện đã quay trở lại chế độ quân sự trực tiếp vào hôm thứ Hai khi binh lính bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân sự khác trong một loạt các cuộc đột kích rạng sáng 1 tháng Hai, kết thúc cuộc thử nghiệm ngắn ngủi với nền dân chủ của nước này.

Bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NLD, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đó. NLD đã giành được chiến thắng vang dội với vào tháng 11 năm ngoái nhưng quân đội tuyên bố có các gian lận trong cuộc bầu cử.

Với binh lính và xe bọc thép trở lại đường phố của các thành phố lớn, cuộc đảo chính đã không gặp phải bất kỳ cuộc biểu tình lớn nào trên đường phố.

Nhưng các dấu hiệu của sự tức giận trong công chúng và các kế hoạch chống lại cuộc đảo chính đã bắt đầu xuất hiện.

Các bác sĩ và nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện trên khắp đất nước hôm thứ Tư thông báo rằng họ đang đeo dải ruy băng đỏ -là màu của NLD - và từ bỏ mọi công việc không khẩn cấp để phản đối cuộc đảo chính.

Các nhà hoạt động đã công bố các chiến dịch của họ trên một nhóm Facebook có tên “ Phong trào Bất tuân dân sự”, đến chiều thứ Tư đã có hơn 150,000 người theo dõi trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt.

Phong trào cho biết trong một tuyên bố rằng các bác sĩ tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế ở 30 thị trấn đã tham gia cuộc biểu tình.

Họ cáo buộc quân đội đặt lợi ích của mình lên trên những khó khăn của người dân trong đợt bùng phát COVID-19 khiến hơn 3,100 người thiệt mạng ở Myanmar, một trong những nơi có mức tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Tiếng ồn ào của xoong nồi - và tiếng còi xe - cũng vang lên khắp Yangon vào tối thứ Ba sau khi những lời kêu gọi phản đối được phát ra trên mạng xã hội.


Source:CNA

4. Não trạng bài Công Giáo của Facebook và Instagram trong vụ cấm sách bênh vực Đức Mẹ

Facebook và Instagram thuộc sở hữu chung đã cấm bán cuốn sách “The Anti-Mary Exposed: Rescuing the Culture from Toxic Femininity”, nghĩa là, “Vạch Trần Não Trạng Bài Đức Mẹ: Giải Cứu Nền Văn Hóa Khỏi Nọc Độc Nữ Quyền Quá Khích” của tác giả Công Giáo Carrie Gress, với cáo buộc cho rằng cuốn sách này “không tuân thủ” chính sách thương mại của họ.

Tác giả Công Giáo Carrie Gress
Cuốn sách điều tra nguồn gốc của một “não trạng chống lại Đức Mẹ” trong đó cổ vũ cho phá thai và sự hủy hoại cuộc sống của vô số đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Gần đây, cuốn sách đã có xu hướng trở thành sách bán chạy hàng đầu trong số các sách đề cập đến lý thuyết nữ quyền trên Amazon.

Gress chia sẻ trên trang Instagram của mình rằng Facebook đã triệt hạ các bài đăng trên nhiều tài khoản Facebook đề cập đến cuốn sách, và Instagram, thuộc sở hữu của Facebook, cũng đã cấm Gress bán cuốn sách này. Không mạng xã hội nào giải thích tại sao cuốn sách vi phạm chính sách thương mại của họ.

Amazon gần đây cũng đã thôi không làm trung gian bán cuốn sách này, nhưng sau đó đã khôi phục cuốn sách vào cửa hàng của mình sau khi nhà xuất bản của Gress liên hệ với họ nhiều lần.

Sự quan tâm đến cuốn sách đã tăng vọt sau khi người dùng mạng xã hội biết rằng nó đang bị cấm. Nhà phân phối sách Công Giáo theo truyền thống TAN Books tiết lộ rằng chỉ vài ngày sau khi có tin về việc kiểm duyệt cuốn sách, kho sách của họ đã bán hết.

Không rõ tại sao cuốn sách đã bị từ chối và bị cấm trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Một số người đã suy đoán rằng ít nhất một thuật toán nào đó phải chịu trách nhiệm một phần trong việc kiểm duyệt này. Nếu đúng như thế, nó đặt ra câu hỏi và những lo ngại về cách thức hoạt động của một chính sách như vậy. Tính đến thời điểm bài báo này được đăng tải, Facebook chưa phản hồi yêu cầu của LifeSiteNews về việc giải thích thông báo vi phạm.

Gress giải thích trong phần giới thiệu của cô ấy về cuốn sách rằng hai phần đầu tiên của cuốn sách được dành để tiết lộ “danh tính và những biểu hiện cố ý che đậy” của não trạng bài Đức Mẹ, cũng như vạch trần xuất xứ của chúng. Khi thảo luận về điều này, cô đề cập đến:

Chủ nghĩa nữ quyền cực đoan có liên quan đến những sai lầm của nước Nga như thế nào, mà năm 1917, Đức Mẹ Fatima đã cảnh báo sẽ lan rộng khắp thế giới nếu nước Nga không được thánh hiến cho Trái tim Vô nhiễm của Mẹ.

Sự tham gia và ảnh hưởng của phong trào nữ thần và những điều huyền bí

Ảnh hưởng của các “nữ quỷ”, như Lilith và Jezebel

Những kiến trúc sư trưởng của chủ nghĩa nữ quyền cực đoan

Những nhóm phụ nữ có học vấn dấn thân cổ vũ phá thai, kiểm soát suy nghĩ của hầu hết phụ nữ thông qua truyền thông, chính trị, Hollywood, thời trang và các trường đại học.

Các gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông xã hội đều thường xuyên bị chỉ trích gay gắt vì những gì mà nhiều người chê bai là không nhất quán, thiếu mạch lạc hoặc thực thi chính sách kiểm duyệt không chính đáng.

Riêng Facebook đã có một lịch sử lâu dài trong việc kiểm duyệt các tổ chức và cá nhân dựa trên đức tin. Gã khổng lồ truyền thông xã hội đã buộc phải xin lỗi vì nhiều trường hợp triệt hạ các nội dung bảo thủ hoặc liên quan đến niềm tin Kitô, cáo buộc một cách vô lý là “gây thù hận” hoặc không phù hợp. Chỉ vài năm trước, Facebook đã kiểm duyệt hình ảnh ông già Noel quỳ gối trước Chúa Hài Đồng Giêsu, và gọi đó là có “nội dung bạo lực”.
Source:Life Site News
 
ĐTC Phanxicô nói về tình huynh đệ nhân loại: Tất cả đều được sinh ra bởi cùng một Cha
Giáo Hội Năm Châu
22:53 07/02/2021

Video sẽ bắt đầu từ 5g chiều ngày 08-February-2021 theo giờ Việt Nam


1. ĐTC Phanxicô nói về tình huynh đệ nhân loại: Tất cả đều được sinh ra bởi cùng một Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô nêu bật chủ đề tình huynh đệ qua một thông điệp video trong Ngày Quốc tế Tình huynh đệ đại đồng đầu tiên được cử hành vào thứ Năm 7/2/2021. Ngài kêu gọi một thế giới tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có thể chọn trở thành anh chị em để sống còn hoặc là mất tất cả.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh dấu Ngày Quốc tế đại đồng nhân loại lần đầu tiên, mừng vào ngày thứ Năm (7/2/21), qua trang mạng do Sheikh Mohammed bin Zayed tổ chức từ Abu Dhabi, với sự tham dự của Đại Giáo Trưởng Grand Imam of Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, ông António Guterres, Tổng thư ký LHQ và nhiều yếu nhân khác.

Trong dịp này, qua thông điệp video, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã góp phần vun góp tình huynh đệ bất chấp những thử thách khó khăn.

“Anh chị em - đó là từ ngữ,” Đức Thánh Cha dùng. “Anh chị em là những người anh chị em của tôi, là những người bạn đồng hành của tôi trong những thử thách và gian nan trong cuộc tranh đấu xây dựng tình huynh đệ.”

Đức Thánh Cha ghi nhận công lao lớn lao đặc biệt của Đại Giáo trưởng Grand Imam, Ahmad Al-Tayyeb, vì những lời chứng và sự cộng tác của ngài trong việc phát hành chung một tài liệu được công bố vào hai năm trước đây. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed, của Tiểu vương quốc Abu Dhabi, vì đã tin tưởng thông vào dự án và Thẩm phán Abdel Salam trước sự tham gia tích cực của ông trong quá trình phát triển dự án.

ĐTC Phanxicô nói: “Cảm ơn tất cả các bạn đã cam kết trong tình huynh đệ, vì ngày nay, tình huynh đệ chính là biên giới mới của nhân loại, hoặc chúng ta là anh chi em với nhau hoặc chúng ta tiêu diệt lẫn nhau”.

Không phải là lúc để thờ ơ

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục nhấn mạnh rằng “ngày nay, không phải là thời gian thờ ơ nữa” và “chúng ta không thể rửa tay” trước tình trạng hiện tại bằng giữ những khoảng cách, bằng sự coi thường và làm ngơ. ĐTC khẳng định rằng chúng ta là anh chị em của nhau, "hoặc mọi sự sẽ sụp đổ", đây chính là biên giới mà chúng ta phải xây dựng - "thách thức của thế kỷ chúng ta và thách thức của thời đại chúng ta."

Tình huynh đệ, Đức Thánh Cha tiếp tục, “có nghĩa là một bàn tay giang rộng. Tình huynh đệ nghĩa là tôn trọng. Tình huynh đệ nghĩa là lắng nghe với trái tim rộng mở. Tình huynh đệ có nghĩa là sự kiên định trong niềm tin của đời người ”bởi vì“ không thể có tình huynh đệ thực sự nếu niềm tin của con người còn đang được thương lượng!”

Chúng ta là anh chị em với nhau bất chấp những khác biệt

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng bất chấp những khác biệt về văn hóa và truyền thống, chúng ta là anh chị em, “được sinh ra bởi cùng một người Cha”. Về phương diện này, tình huynh đệ phải được xây dựng, không phải bằng thương lượng, nhưng bằng sự tôn trọng các nền văn hóa và truyền thống khác nhau của chúng ta.

Đức Thánh Cha xác quyết: “Đây là khoảnh khắc lắng nghe, là khoảnh khắc của sự chấp nhận chân thành, là thời điểm đầy xác tín rằng một thế giới không có tình anh chị em là một thế giới của thù hận!”

ĐTC nhấn mạnh thêm rằng “chúng ta không thể nói chúng ta là anh chị em hoặc không phải là anh chị em”, hay đúng hơn “chúng ta là anh chị em hoặc là kẻ thù của nhau” bởi vì sự thờ ơ là “một hình thái thù địch rất tinh vi”.

“Chúng ta không cần phải có chiến tranh mới trở thành kẻ thù của nhau, coi thường nhau đã đủ là kẻ thù của nhau! Đức Thánh Cha nói thêm rằng đã đến lúc phải chấm dứt thái độ nhìn về một hướng khác và phớt lờ người khác như thể họ không hiện hữu.

2. Giải thưởng Zayed năm 2021 cho tình huynh đệ nhân loại

Một phần của các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Tình huynh đệ nhân loại là trao Giải thưởng Zayed về “Tình huynh đệ nhân loại” năm 2021 cho ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, và nhà hoạt động người Pháp gốc Maroc là Latifa Ibn Ziaten.

Phát biểu trước ông Tổng thư ký LHQ, Đức Thánh Cha Phanxicô chúc mừng ông về giải thưởng và bày tỏ lòng biết ơn vì những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy hòa bình “một điều chỉ đạt được bằng một trái tim huynh đệ”.

Hướng sự chú ý của mình tới người được lãnh Giải thưởng Zayed năm 2021 lần thứ hai, cô Latifa Ibn Ziaten, Đức Thánh Cha ghi nhận lời chứng đầy quả của cô về niềm đau mất mát một người con, nhưng cô đã biến niềm đau ấy thành sức mạnh nuôi dưỡng tình yêu và tình huynh đệ.

“Vâng, thưa anh chị em, lời của cô ấy không phải là một niềm tin mơ hồ ‘chúng ta là anh chị em’ mà là một xác tín. Đức Thánh Cha nói: Một niềm tin được bộc phát từ nỗi đau, từ vết thương của cô ấy.

“Cha cám ơn lời chứng của con,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Và cảm ơn con đã là người mẹ của bé trai, của nhiều trẻ em, vì hôm nay nhân loại đang lắng nghe con và học hỏi nơi con: con đường của tình huynh đệ, của tình anh chị em, hoặc chúng ta mất tất cả!”

3. Đức Thánh Cha nói: Lòng kiên nhẫn là tước hiệu của người tu sĩ

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Chúa dâng mình vào đền thánh, được coi là Ngày Thế giới về Đời sống Thánh hiến. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tu sĩ nam nữ hãy kiên tâm và can đảm thăng tiến, khám phá những con đường mới, và đáp lại ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

(Tin Vatican)

Trong lễ dâng Chúa vào đền thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung vào lời của ông Simeon nói về “nỗi chờ mong ơn cứu độ của Israel” (Lc 2,25).

Đức Thánh Cha giải thích rằng ông Simeon, đã nhận ra Hài Nhi Giêsu là “ánh sáng soi chiếu cho muôn dân:” Ông là một người lão thành, đã kiên nhẫn chờ đợi sự hiện thực lời hứa của Chúa.

Sự kiên tâm của ông Simeon

“Chúng ta hãy chiêm ngưỡng sự kiên tâm của ông Simeon,” Đức Thánh Cha nói, “Trong suốt cuộc đời, ông đã chờ đợi, trong sự kiên tâm của tâm hồn.” ĐTC lưu ý rằng “Ông Simeon đã ý thức được rằng Chúa không đến trong những sự bất thường, nhưng Ngài hoạt động giữa những đơn điệu của cuộc sống thường ngày của chúng ta, trong những nhịp điệu thường xuyên bình lặng của các sinh hoạt của chúng ta, trong những cái nhỏ nhặt tầm thường, qua những việc làm kiên trì và âm thầm, chúng ta cố gắng thể hiện theo ý Chúa.”

ĐTC nói tiếp, Ông Simeon đã không nản chán dù trong quãng đời dài của ông chắc chắn đã có những lúc đau thương và khó khăn, nhưng ông không hề thất vọng: “ngọn lửa vẫn cháy sáng trong tim ông”.

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: Bằng niềm tin sắt son vào lời hứa của Chúa, ông đã không để mình nản chí thất vọng ngay cả lúc tuổi đời ông đã xế chiều cạn kiệt!

“Niềm hy vọng và sự kỳ vọng của ông được thể hiện qua sự kiên tâm hàng ngày, đợi chờ cho đến phút cuối “mắt ông ấy đã nhìn thấy ơn cứu độ đã được hứa ban”.

Một tấm gương phản ánh sự kiên tâm của chính Thiên Chúa

Đức Thánh Cha tiếp tục nhận xét rằng sự kiên tâm của ông Simeon là tấm gương phản chiếu sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa. Thật vậy, từ lời cầu nguyện và lịch sử dân tộc của mình, ông Simeon đã học được cách nhìn thấy nơi Chúa “một Thiên Chúa từ nhân và đôn hậu, chậm bất bình và dồi dào tình yêu thương và lòng thành tín”.

ĐTC đã suy tư về lá thư của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Roma, trong đó thánh nhân nói lòng kiên tâm “dẫn chúng ta đến sự ăn năn”, và ĐTC trích dẫn lời của một linh mục, một học giả người Đức, Romano Guardini, người đã từng nhận xét rằng sự kiên nhẫn là cách Thiên Chúa đáp lại sự yếu hèn của chúng ta, Chúa cho chúng ta thời gian để chúng ta hoán cải, Đức Thánh Cha nói “Hơn ai hết, Đấng Mêsia, Chúa Giêsu, Đấng mà ông Simeon đã ôm trong tay, cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Cha nhân từ, Đấng luôn mời gọi chúng ta, ngay cả phút giây cuối đời của chúng ta."

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại, Thiên Chúa không đòi hỏi sự hoàn hảo, nhưng Ngài luôn chờ mong một sự trở về ngay cả lúc tưởng chừng chúng ta đã hư đi, với một chờ mong biến đổi của trái tim chai cứng của chúng ta.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi chờ đợi chúng ta

“Đây là lý do cho niềm hy vọng của chúng ta: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi chờ đợi chúng ta,” Đức Thánh Cha thêm rằng “khi chúng ta ngoẳn mặt đi, thì Ngài đến tìm chúng ta; khi chúng ta vấp ngã, thì Ngài nâng chúng ta dậy; khi chúng ta quay trở về với Chúa sau khi lạc đường, Chúa vẫn chờ chúng ta với vòng tay rộng mở. Tình yêu của Chúa không đặt để trên sự cân bằng của những tính toán con người, nhưng trong tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa cho chúng ta can đảm để bắt đầu lại. "