Ngày 06-02-2014
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Muối Mặn, Đèn Sáng
Nguyễn Trung Tây, SVD
00:54 06/02/2014
Nguyễn Trung Tây, SVD
Muối Mặn, Đèn Sáng


Bàn ăn trong tiệm và tại tư gia ngoài khăn trải, thông thường ngay chính giữa còn xuất hiện hai lọ, một tiêu một muối. Khách ngồi vào bàn, tùy khẩu vị, có người nếm thức ăn xong, đưa tay với lấy lọ muối, rắc muối trắng vào chén của mình. Người ăn mặn, rắc nhiều muối hơn. Thử tưởng tượng, không có muối, tô Phở gà thơm mùi hồi trong tiệm ăn hoặc tô canh “đầu tôm nấu với ruột bầu” tại tư gia sẽ nhạt nhẽo biết bao. Khách sẽ ngó ngang ngó ngửa tìm kiếm lọ muối (nếu không thấy trên bàn). Nếu ông chủ hoặc chủ nhà vô tình không để ý, cuối cùng, khách lịch sự hỏi xin người chạy bàn hoặc chủ gia lọ muối, bởi thức ăn…hơi nhạt! Nếu kiếm không ra muối (trường hợp thật xấu), khách coi như buồn tựa bún thiu, bởi thật thà nhận xét, thức ăn không đủ muối thích hợp với khẩu vị của khách, thì ôi thôi, “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” (Nguyễn Du).

Thử tưởng tượng, không muối ướp, thịt heo, thịt bò, hoặc thịt cừu nướng BBQ sẽ vô duyên biết bao. Nếu không muối, mùi mỡ thơm của thịt nướng vẫn không lấn át, không “lừa gạt”, và không chiến thắng được vị nhạt phèo phèo của miếng thịt khi nhai. Nếu được mời tới tư gia, ăn miếng thịt nhạt muối, khách sẽ đoán già đoán non, chắc…chủ gia dạo này có tí tuổi, hơi đãng trí, quên không ướp muối miếng thịt BBQ. Mà nếu quán ăn bày món thịt chiên, nhưng quên không ướp muối; ui chu choa! đời vất vả! khách sẽ không ghé vào quán ăn nữa; chưa hết người này ra về, có thể ông hoặc bà ta sẽ đồn thổi khắp cùng thiên hạ cái tiệm đó, ở đường đó, chủ nhân và đầu bếp bắt đầu lẩm cẩm, nấu ăn món nào món nấy, nhạt thếch như nước ốc. Thế là xong, tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm. Ô hô! Khi Chúa thương gọi con về!

Ban ngày, mặt trời chiếu sáng, ánh sáng chan hòa khắp nơi. Ban đêm, có người thắp đèn cầy, hoặc đèn dầu, hoặc đèn điện. Không ánh sáng mặt trời, không ánh sáng đèn cầy, đèn dầu, đèn điện, thế giới tối tăm. Ban tối, gia đình ngồi quây quần bên ánh đèn dầu hoặc đèn điện ăn cơm, chia sẻ, lắng nghe từng câu chuyện của từng nhân vật trong gia đình. Không ánh sáng hoặc của đèn dầu hoặc của đèn điện, thiên hạ có người dám gắp nhầm, thay vì gắp thịt, lại cầm đũa gắp mắm tôm. Không ánh sáng của đèn giao thông thiên hạ lái xe…cứ thế tà tà…húc nhau, gãy tay, bể đầu… Ơi cực! Khi đó là què! Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn núi chiếu sáng, trở thành điểm nhắm cho những con thuyền lênh đênh trên sóng nhắm hướng chèo tới. Nếu đèn hải đăng không cháy sáng nữa, nhiều mạng người sẽ vất vả, lao đao. Ơi khổ! Khi đó là lạc! Vào những ngày đèn điện cúp, cả một khu phố bỗng dưng tối om! Không ánh sáng đèn điện, giờ biết làm gì? Thiên hạ đi ra đi vào, than thở, chờ đợi giây phút đèn điện sáng trở lại.

Hạt muối căn bản và tổng thể là mặn. Là muối là mặn! Muối đồng nghiã với mặn. Thế mà muối tự dưng không mặn nữa. Tại sao vậy? Tại sao muối lại mất đi tính mặn?

Đèn cầy, đèn dầu, đèn điện xuất hiện trên đời để sáng soi. Tại sao đèn lại không cháy sáng nữa? Tại cạn bấc nến? Tại đèn hết dầu? Tại bóng đèn đứt dây? Tại cúp điện? Đèn hải đăng đứng cao trên ngọn đồi sao tự nhiên lại không cháy sáng? Tại sao vậy nhỉ?

Kitô hữu là muối mặn ướp đời, ướp người! Mỗi người Kitô là một hạt muối! Thế mà tự dưng tôi lại không mặn nữa! Tự dưng tôi trở thành hạt muối nhạt thếch. Vị mặn biến mất trên khuôn mặt và trong tâm hồn! Tại sao vậy cà?

Kitô hữu là đèn cháy sáng, soi sáng trần gian. Mỗi người Kitô là một ngọn đèn cầy, là một ngọn đèn dầu, là bóng đèn điện, là đèn hải đăng đứng cao trên đỉnh núi. Thế mà tự dưng đèn cầy của tôi tắt lửa! Bỗng dưng đèn dầu của tôi mất ánh sáng! Đèn điện của tôi tắt cái phụp! Đèn hải đăng bỗng dưng tối om! Tại sao vậy nhỉ!

Lời Nguyện
Lạy Chúa, nếu con đã hết mặn, xin ướp muối tâm hồn con.
Nếu đèn cầy con tắt lửa, xin gửi lửa Thánh Linh đốt cháy hồn nguội lạnh.
Nếu đèn con cạn dầu, xin đổ vào tim con dầu thánh.
Nếu đèn hải đăng hồn con tắt sáng, xin đổ lửa trời, đốt lại ngọn lửa đèn lương tâm con.


Nguyễn Trung Tây, SVD
www.nguyentrungtay.com
 
Bảo Vệ Căn Tính
Lm Vũđình Tường
06:14 06/02/2014
Khi lẩn vào đám đông chúng ta bị mất hút trong đám đông. Càng đông người thì việc nhận diện người thân quen càng khó, ngoại trừ người đó có đặc điểm. Khó nhận bởi vỉ người giống người. Khó nhận bởi tầm nhìn bị hạn chế. Khó nhìn xa vì vật gần bắt mắt.

Để tránh bị đám đông thu hút Đức Kitô khuyên chúng ta cần phải bảo vệ căn tính. Một khi bị đám đông thu hút căn tính là bị lạc vào rừng người, rừng tư tưởng. Sức quyến rũ của đám đông thường mạnh hơn sức đối kháng cá nhân nên chiều theo số đông là bị cuốn theo chiều gió. Bị đám đông quyến hút căn tính bị lung lay, trật gốc thế là bị đám đông đồng hoá. Đồng hoá trong lòng đám đông và đồng hoá xảy ra trong cõi lòng mình. Bị đám đông đồng hoá cách suy nghĩ, lối sống thì căn tính Kitô hữu bị thay đổi. Đức Kitô dùng hai hình ảnh quen thuộc giúp ta bảo vệ căn tính Kitô hữu. Muối giúp thực phẩm lâu hư nát. Muối có tác dụng diệt trùng, bảo vệ và thẩm thấu. Đây là những đức tính người Kitô hữu cần có để thanh tẩy và triệt tiêu tư tưởng sai lầm để bảo vệ chính mình và bảo vệ người. Đồng thời giúp tình yêu Chúa thấm nhập vào lòng mình và lòng người. Bởi vì căn tính đó mà tình yêu Kitô hữu đi đến bất cứ đâu cũng luôn gặp hai trường hợp. Sẽ có những người vui mừng hoan hỉ đón nhận tình yêu Đức Kitô; lại cũng có nhóm người chống báng, ra mặt đối nghịch tình yêu Đức Kitô do các sứ giả Tin Mừng mang lại. Họ không chỉ chống lại tình yêu Chúa mà còn chống lại mọi biểu hiệu diễn tả tình yêu Chúa. Vì thế cầm giữ bảo vệ căn tính Kitô hữu và làm cho căn tính đó sống động là điều tối quan trọng trong việc làm nhân chứng Tin Mừng cho muôn dân. Nếu không là chứng nhân đích thực sẽ trở thành chứng nhân giả tạo. Giả tạo bởi vì thay vì là muối ướp đời lại bị muối đời hoà tan mất trong lòng đời. Vì thế chúng ta thấy rất nhiều Kitô hữu có danh mà không có thực chất căn tính, không thể hiện tình yêu Chúa trong cuộc sống, trong cách giao tế hàng ngày. Họ là Kitô hữu biến thể, Kitô hữu lí thuyết còn thực hành tình yêu Chúa thì không, trái lại họ sống theo đường lối trần thế. Nói cách khác chứng nhân bị mất căn tính thì lời chứng thiếu yếu tố tín trung.

Một hình ảnh quen thuộc khác là ánh sáng. Thiếu ánh sáng mắt sẽ bị quáng gà nên chúng ta thường nghe ví ‘nhìn gà hoá quốc’. Thực ra việc chủ trương làm trong bóng tối thường có kết quả xấu. Vì thế tội phạm thường mượn bóng tối để thi hành điều ám muội.

Ánh sáng soi sáng sự vật làm cho sự vật trở nên tốt lành, sáng láng hơn. Nhìn cầu vồng vắt ngang trời ta thấy bầu trời đẹp hơn. Ánh sáng chiếu trên sóng biển óng ánh giúp tâm hồn trải rộng, thảnh thơi, thoải mái. Ánh sáng chiếu trên giọt sương mai làm cho buổi sáng tươi mát, mang hy vọng một ngày vui. Xem thế ánh sáng không phải chỉ chiếu dọi vẻ đẹp bề ngoài mà còn khơi dậy, làm sống lại cái đẹp trong tâm hồn. Thánh vịnh 36,9 diễn tả ánh sáng Chúa dẫn ta nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa và thánh vịnh 119,105 nhắc đến ánh sáng Chúa soi đường cho con bước đi.

Ân sủng Chúa đong đầy lòng ta làm cho tâm hồn vui trong an bình, nội tâm thanh thản và nơi nào có tình yêu Chúa tràn đầy bóng tối sẽ bị đẩy lui, tiêu diệt. Ánh sáng Chúa chiếu dọi tâm hồn các tín hữu và giúp họ cảm nhận tình yêu tuyệt vời trong nước Chúa. Đức Kitô từng tuyên bố không có gì che dấu mãi mà không bị lộ ra ngoài. Chúng ta thường hiểu là điều xấu chúng ta muốn che dấu nhưng không thể dối mình mãi và dối Thiên Chúa. Hơn nữa những điều tốt lành cũng bị che dấu khỏi tầm nhìn của những tâm hồn hững hờ, dửng dưng với tình yêu Chúa. Họ nhìn mà không thấy nhưng tâm hồn công chính, ước ao tìm kiếm sự thật sẽ nhận ra sự tốt lành, trọn hảo của tình yêu Chúa.
Tâm hồn khiêm nhượng vui mừng đón nhận muối và ánh sáng Đức Kitô ban cho sẽ được Ngài ban cho muối công chính ướp đời tươi sáng và ánh sáng Ngài soi đường cho ta bước vì thế sẽ không sợ vấp ngã vì có ánh sáng Chúa soi đường và tình yêu Chúa đồng hành trong cuộc sống. Những tâm hồn đó cầm giữ được căn tính Kitô hữu bởi tình yêu Chúa luôn đồng hành với họ.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lời chia sẻ nhân bản tin của Liên Hiệp Quốc lên án Tòa Thánh
Lm Võ Tá Khánh
11:01 06/02/2014
LỜI CHIA SẺ NHÂN BẢN TIN LHQ LÊN ÁN TÒA THÁNH

Anh H.

Mấy chục năm rồi không hề nhận được thư anh, bất chợt chiều nay được email của anh, chẳng phải để mừng Xuân nhưng là chia sẻ nỗi buồn sâu sắc trước bản tin trên báo về việc Liên Hiệp Quốc tố cáo Tòa Thánh bao che tội ấu dâm của một số giáo sĩ.

Lá thư bất ngờ làm sống dậy những ngày tiểu chủng viện của chúng ta. Xin cám ơn Chúa vẫn giữ nơi anh tâm tình yêu mến Hội Thánh như ngày nào, giữa lòng đời bươn chải vẫn thổn thức đồng cảm với Hội thánh. Anh khóc: “Bản tin này lan khắp nước không những có thể xóa sạch công lao rao giảng của K. và anh em linh mục suốt bao năm qua mà còn tô đậm nơi nhiều lương dân và bạn trẻ một hình ảnh sai lạc về Hội Thánh và các linh mục”. Trước khi đọc những dòng ấy của anh, tôi cũng đã có cùng một cảm nghĩ như anh. Anh quá biết ngày nay các thế lực sự dữ đang toa rập với nhau để triệt hạ uy tín của Hội thánh Công Giáo Rôma. Một cách nhịp nhàng, người ta giáng những đòn chí tử để đánh gục Hội thánh cho bằng được. Tôi còn nhớ năm 2010 cũng sau tết âm lịch, truyền thông đã tấn công Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI tới tấp, buộc ngài phải chịu trách nhiệm về những chuyện lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội. Mở đầu Tuần Thánh năm ấy, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, lúc ấy là Giám mục chính tòa Mỹ Tho, đã viết bài “Lời trần tình với những người Công Giáo” với những dòng tha thiết để bênh vực Đức Thánh Cha:

“Chính vì Giáo Hội quyết chí canh tân, kẻ thù quan trọng hơn cả của Giáo Hội là “thần dữ” nhất quyết chống lại Giáo Hội và tìm cách phá Giáo Hội. Thần dữ áp dụng “chiến lược gậy ông đập lưng ông” để đánh phá Giáo Hội, làm cho Giáo Hội nản chí, không còn quyết tâm bảo vệ các giá trị truyền thống của mình nữa. Thần dữ lợi dụng những lỗi lầm của các giáo sĩ trong Giáo Hội về phương diện lạm dụng tình dục, có khi đã xảy ra cách đây 60 năm, để thúc đẩy các thế lực thù địch tấn Công Giáo Hội, làm mất uy tín của Giáo Hội, đặc biệt của hàng Giáo phẩm, và ngay cả uy tín của Đức Thánh Cha.

Nếu công bằng mà phân tích tình hình đạo đức trên thế giới, nhiều người đều phải công nhận là thế giới chúng ta đang xuống dốc cách trầm trọng về nhiều phương diện, đặc biệt về phương diện luân lý tính dục. Bệnh “Aids” đang lan tràn khắp nơi trên thế giới chẳng phải là hậu quả rõ rệt của một sự sa đoạ trầm trọng về phương diện luân lý đó sao? Tình trạng nhiều gia đình tan rã vì nạn ly dị kéo theo nhiều hậu quả bi thảm cho hạnh phúc gia đình cũng không thể chối cãi được! Nạn phá thai và giết người bừa bãi khắp nơi đã tới mức không thể chấp nhận được nữa! Máu của những người vô tội đã kêu lên tới thấu trời! Hằng ngày các toà án trên thế giới phải giải quyết không biết bao nhiêu các vụ loạn luân trong gia đình. Những trường hợp lạm dụng tình dục nhan nhản khắp nơi trong các cơ quan và xí nghiệp, thậm chí trong cả các trường học.

Xét về việc lạm dụng tình dục, phải công nhận rằng so với ngoài xã hội, tỷ lệ phạm pháp trong Giáo Hội rất thấp. Ấy vậy mà các thế lực trần gian, thù địch với Giáo Hội, bao gồm nhiều báo chí và các phương tiện truyền thông, các tập đoàn luật sư… tập trung chĩa mũi dùi vào Giáo Hội. Họ muốn làm gì đây? Phải chăng họ muốn làm sụp đổ uy tín tinh thần của Giáo Hội, để Giáo Hội không còn dám lên tiếng nói về những điều mà họ không ưa thích. Dĩ nhiên việc trừng trị những tội ác thực sự đã xảy ra là điều phải lẽ, các nạn nhân của lạm dụng tình dục thật đáng thương và phải được đền bù xứng đáng. Nhưng không phải vì thế mà bôi nhọ cả một Tập thể, và gán ghép trách nhiệm một cách bừa bãi….

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đích thực là một con người hiền hòa, bình tĩnh, trái tim dào dạt yêu thương, đầu óc rộng mở lắng nghe, đối thoại, đón nhận với lòng kính trọng những lời nói thẳng, nói thật. Đức Thánh Cha là một “con người của chân lý”, luôn luôn phục vụ chân lý, luôn dùng những lời lẽ tế nhị để nói lên sự thật, đang bị “những thế lực dối trá” toa rập với nhau để tấn công và làm hại. Trong lịch sử Kitô giáo, từ lúc ban đầu những thế lực xấu đã toa rập với nhau mà chống lại “Tôi Tớ thánh của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa đã xức dầu” (Cv 4, 27). (Trích theo http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20100402/4441).

Hồi đó, bản tin CNA ngày 24-3-2010 viết:

“Trên tờ Politics Daily, một nhà văn Công Giáo nổi tiếng, Bà Elizabeth Lev, tố cáo trước công luận rằng: tuy những lạm dụng là có thật, nhưng những hình thức chống giới tu sĩ ngày nay phản ảnh những vụ vu khống trước thời Cách mạng Pháp. Đã đành là có những sai trái và tai hại gây ra bởi một thiểu số nhỏ các linh mục, nhưng hành vi sai trái của họ đã được sử dụng để làm giảm danh tiếng của đại đa số các giáo sĩ, là những người đang sống một cuộc sống thánh thiện âm thầm trong giáo xứ của họ.

"Những lỗi phạm lẻ tẻ của một số giáo sĩ đã được phóng đại lên như thể sự đồi bại ấy là đặc thù của toàn thể các linh mục… Bà Lev tố cáo rằng những báo cáo về lạm dụng tình dục được trình bày như thể là tội phạm ấy chỉ giới hạn trong hàng giáo sĩ Công Giáo. Họ đã thổi phồng lớn hơn cả những vụ thảm sát các Kitô hữu tại Ấn Độ và Iraq.

Theo bà Lev, ước tính có 39 triệu trẻ em ở Mỹ là nạn nhân bị lạm dụng tình dục, khoảng gần 60 phần trăm bị lạm dụng bởi một thành viên trong gia đình, năm phần trăm do giáo viên trường học, và ít hơn hai phần trăm đã bị lạm dụng bởi các linh mục Công Giáo. Thế nhưng báo chí lại làm như thể là chỉ có các giáo sĩ Công Giáo lạm dụng tình dục trẻ em".

Bà Lev cho rằng lý do đằng sau các vụ tấn công vào các linh mục Công Giáo là nỗ lực để "tiêu diệt mức độ tin cậy của một tiếng nói đạo đức mạnh mẽ trong cuộc tranh luận công khai”.

Xin xem toàn văn bản tin tại

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=78352

Cách nay khoảng một tháng Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên tiếng than phiền giới truyền thông đã thiếu khách quan, không nhắc gì tới đông đảo những con người tuyệt vời đang cống hiến toàn tâm toàn ý cho sự thiện nhưng lại chỉ tập trung vào chuyện tiêu cực của một thiểu số.

Vấn đề nằm ở chỗ người ta không thèm đếm xỉa tới tiếng nói của sự thiện. Ngày 22-1 vừa qua, liền sau ngày bão tuyết phủ ngập Washington D.C., trời đang băng giá, hàng trăm ngàn người đã diễn hành trước tòa nhà Quốc hội Mỹ để kêu gọi bảo vệ sự sống thai nhi, nhưng truyền thông chính thức ở Mỹ không hề nhắc tới. Ngược lại, ngay hôm sau, chỉ mươi người biểu tình trước tòa đại sứ Nhật gần đó để phản đối việc sát hại các con cá heo vô tội lại vẫn được tương trình thật đầy đủ. Một sự chọn lọc tinh tế để phủ nhận điều này và thổi phồng điều khác.

Nơi sự kiện ngày 05-01-2014, lá bài đặc biệt thâm hiểm. Người ta tìm cách lợi dụng tiếng nói của một cơ quan quốc tế đáng tin cậy là LHQ để đánh lận con đen, khẳng định một lời kết án khiến con cái Hội thánh có thể bị chìm trong mặc cảm, không còn dám nói gì tới những lời kêu gọi của Mẹ mình!

Trưa nay tôi dùng bữa tại nhà một giáo dân. Dù chưa đọc thư anh, tôi rất ít nói vì trong đầu cứ lởn vởn câu hỏi làm sao xóa được ảnh hưởng xấu của bản tin ấy. Việc trả lời giúp người ta hiểu thì không khó nhưng cái khó là chúng ta không có cơ hội nào để chạy đua trong cuộc chiến bằng truyền thông. Cả tôi và cả những anh chị em đơn sơ của chúng ta làm sao mà trả lời gãy gọn cho những anh chị em lương dân đã có sẵn những hình ảnh không tốt về Đạo Chúa? Các học sinh Công Giáo bé nhỏ của chúng ta biết ăn nói thế nào khi bạn bè của các em chỉ vào bản tin sờ sờ trên báo?

Thế nhưng anh H. ơi, tôi đang rất nản lòng thì bỗng chốc, nghe có lời Chúa an ủi: “Chúa ngự tòa cao thấy thế bật cười”. Nguyên văn từ thánh vịnh thứ 2 như sau:

“1Sao chư dân lại ồn ào náo động ?

Sao vạn quốc dám bày kế viển vông ?

2Vua chúa trần gian cùng nổi dậy,

vương hầu khanh tướng rập mưu đồ

chống lại ĐỨC CHÚA,

chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

3Chúng bảo nhau: “Xiềng xích họ, nào ta bẻ gãy,

gông cùm họ, ta hãy quẳng đi !”

4Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười,

Người chế nhạo bọn chúng.” (Tv 2,1-4)

Vâng, xin anh hãy nhìn sự việc trong toàn cảnh cuộc chiến cuối cùng giữa Chúa Kitô và tên Đầu sỏ sự dữ. Chính Chúa đã báo trước để ta khỏi nản lòng: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,11-13). Và “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.” (Lc 21,28).

Thêm nữa, xin anh lưu ý rằng đã đến lúc Chúa cho mọi anh chị em trong Hội thánh Ngài được diễm phúc chia sẻ cùng một số phận với Ngài. “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà” (Mt 10,24-25).

Khi hai tông đồ Phêrô và Gioan được thả ra khỏi tù, Kinh thánh viết gì, anh còn nhớ chứ? “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bản dịch Tin lành ghi là “hớn hở vì mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Giêsu” và bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn ghi là “hân hoan… vì đã thấy mình đáng được chịu sỉ nhục vì Danh”, nhấn mạnh sự sỉ nhục. Vâng, chúng ta là ai để được coi là xứng đáng chịu nhục cách bất công như Chúa? Ông Phêrô biết thế cho nên khi người ta đã đóng đinh tay chân ông vào thập giá, ông đã năn nỉ họ đóng ngược đầu xuống đất vì ông không xứng đáng được giống như Thầy.

Quả là ý nghĩa khi sự việc xảy ra liền trước Mùa Chay, để một lần nữa chúng ta biết cố gắng thay đổi chính mình hầu an ủi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Có những chuyện nhỏ thôi nhưng rất công hiệu để đảo ngược cái nhìn của thiên hạ, chẳng hạn như bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia để không làm gương xấu cho các bạn trẻ và những người yếu đuối. Cách duy nhất để phản biện lại sự bất công của dư luận là chân thành gặp gỡ mọi người để người ta được thuyết phục nhờ “trăm nghe không bằng một thấy”. Đức Thánh Cha Phanxicô đang hô hào một nền văn hóa gặp gỡ. Lời hô hào ấy trước hết được ngỏ với các tôi tớ Chúa trong Hội thánh để nhờ đó mà ta hóa giải được đủ thứ thành kiến lệch lạc về Hội thánh và người của Hội thánh. Chuyện này nào có gì khó, những ngày đầu năm, bất cứ gia đình nào cũng sẵn lòng đón tiếp chúng ta, thử hỏi mỗi chúng ta đã đến được với mấy gia đình lương dân? Để đón tiếp bà con lối xóm, chỉ cần bán hết bầy chó giữ nhà, chỉ cần đừng khóa cổng vào nhà xứ. Tiếc thay, nhiều người vẫn luôn đinh ninh rằng Đức Thánh Cha đang nói cho ai khác chứ không nói với bản thân họ.

Dù sao tôi cũng có một tin nho nhỏ để anh vui. Tôi đã có chút sáng kiến để đẩy mạnh chuyện gặp gỡ mà Đức Thánh Cha đang kêu gọi, là khuyến khích mỗi dòng họ trong các giáo xứ tổ chức thánh lễ cho bà con đồng tộc, mời cả người giáo và người lương cùng tham dự. Ngay ngày mai đây, mùng 8 Tết Giáp Ngọ 2014, khoảng mười giáo xứ tại giáo phận Qui Nhơn mình bắt đầu có thánh lễ như thế. Tôi tin rằng ít ra là bà con lương dân trên địa bàn giáo phận mình, nhờ những thánh lễ ấy, sẽ ngày càng có hình ảnh tốt về Chúa và những người của Chúa.

Xin cám ơn anh đã chia sẻ với tôi cả một tấm lòng cho Hội thánh. Xin anh cũng cầu nguyện cho tôi và cho tất cả anh em mình ngày xưa, nay là linh mục hay giáo dân, để mỗi người đều là một nguồn an ủi cho tất cả.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
 
Công bố Sứ Điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ 2014
LM. Trần Đức Anh OP
12:23 06/02/2014
VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các bạn trẻ sống tinh thần thanh bần: tự do đối với những của cải vật chất, quan tâm săn sóc người nghèo, và học hỏi sự khôn ngoan nơi họ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 6-2-2014, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành cấp Giáo Hội địa phương vào Chúa Nhật lễ lá 13-4-2014 tới đây với chủ đề ”Phúc cho ai có tinh thần thanh bần vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Đây là bước đầu trong 3 chặng trên hành trình tiến về Ngày Quốc Tế giới trẻ sẽ được cử hành ở cấp hoàn cầu vào năm 2016 tới đây tại Cracovia, Ba Lan. Đề tài ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, 2015, là ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8) và sau cùng năm 2016 sẽ có chủ đề là ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).

Trong sứ điệp, sau khi đề cao sức mạnh cách mạng của các Mối Phúc trong Tin Mừng, ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy can đảm đi ngược dòng, tìm kiếm hạnh phúc chân thực, mở rộng con tim tìm kiếm những sự cao cả, và đừng hài lòng với cuộc sống tầm thường, nhỏ bé. ”Các bạn đừng chấp nhận văn hóa tạm thời, hời hợt và loại bỏ, không làm cho các bạn có khả năng lãnh nhận trách nhiệm và đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống!”.
ĐTC đặc biệt giải thích ý nghĩa mối phúc thanh bần, và nêu rõ 3 điểm giúp các bạn trẻ sống Mối Phúc này một cách cụ thể:

- Trước tiên, ”các bạn hãy cố gắng giữ thái độ tự do đối với sự vật. Chúa kêu gọi chúng ta sống cuộc sống Tin Mừng, với tinh thần điều độ, không chiều theo văn hóa tiêu thụ. Cố gắng tìm kiếm những gì thiết yếu, học cách từ bỏ bao nhiêu thứ dư thừa và vô ích, bóp nghẹt chúng ta. Chúng ta hãy từ bỏ sự ham hố sở hữu của cải, con tiền bạc như thần tượng, rồi phung phí!.. Hãy đặt Chúa Giêsu ở chỗ đứng thứ nhất, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi những thứ thần tượng biến chúng ta thành nô lệ. Hỡi các bạn trẻ, hãy tín thác nơi Thiên Chúa! Ngài biết chúng ta, yêu thương và không bao giờ quên chúng ta...”

- Thứ hai là hoán cải đối với người nghèo. Chúng ta phải chăm sóc họ, nhạy cảm đối với những nhu cầu tinh thần và vật chất của họ. Các bạn trẻ có nghĩa vụ đặc biệt là đặt tình liên đới ở trung tâm nền văn hóa của con người. Đứng trước những hình thức nghèo đói mới mẻ, như nạn thất nghiệp, xuất cư, bao nhiêu thứ nghiện ngập, chúng ta có nghĩa vụ tỉnh thức và ý thức, khắc phục cám dỗ dửng dưng lãnh đạm. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người không cảm thấy được yêu thương, không có hy vọng tương lai, từ khước dấn dân trong cuộc sống vì nản chí, thất vọng, sợ hãi. Chúng ta phải học ở với người nghèo. Đừng làm đầy miệng chúng ta bằng những lời đẹp đẽ về người nghèo! Hãy gặp gỡ họ, nhìn tận mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo đối với chúng ta là cơ hội cụ thể để gặp chính Chúa Kitô, động chạm đến thân mình đau khổ của Ngài”.

- Thứ ba là những người nghèo không phải chỉ là những người chúng ta trao tặng, giúp đõ, nhưng họ cũng có rất nhiều điều trao và dạy cho chúng ta. Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi sự khôn ngoan của người nghèo! Các bạn hãy nghĩ đến một vị thánh ở thế kỷ 18, Benedetto Giuseppe Labre, đã ngủ trên đường phố Roma, sống bằng của bố thí của dân chúng, đã trở thành cố vấn tinh thần của bao nhiêu người, trong đó có cả những nhà quí tộc và giám chức. Theo một nghĩa nào đó, người nghèo giống như thầy của chúng ta. Họ dạy chúng ta rằng một người có giá trị không phải vì những gì họ sở hữu. Một người nghèo, tuy thiếu thốn vật chất, nhưng vẫn giữ nguyên phẩm giá của họ. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác nơi Thiên Chúa” (SD 6-2-2014)
 
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2014
+ ĐGH Phanxicô
12:25 06/02/2014
Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3)

Các bạn trẻ thân mến,

Buổi gặp gỡ mà chúng ta đã có ở Rio de Janeiro nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 28 vẫn còn ghi dấu đậm trong trí nhớ của tôi: Đó là một buổi lễ lớn của niềm tin và tình huynh đệ! Những người dân Brazil tuyệt vời đã đón tiếp chúng ta với những cánh tay rộng mở, hệt như tượng Chúa Kitô Cứu Chuộc nhìn xuống từ đồi Corcovado, trên dải đất thơ mộng của bãi biển Copacabana. Trên bãi biển, Đức Giêsu đã lặp lại vời mọi gọi của Người muốn từng người chúng ta trở thành những môn đệ truyền giáo, khám phá ra nơi ấy một kho tàng quý báu cho cuộc sống của chúng ta và chia sẻ sự phong phú ấy cho người khác xa gần, kể cả những người ở những vùng ngoại biên xa xôi về địa lý và về tính hiện sinh của thời đại chúng ta.

Điểm dừng tiếp theo trên cuộc hành hương giới trẻ liên lục địa sẽ là ở Krakow vào năm 2016. Như một cách thức đồng hành với nhau trên chuyến hành trình, trong ba năm tiếp, tôi muốn suy tư với các bạn về Các Mối Phúc Thật trong Tin Mừng theo thánh Matthêu (5:1-12). Năm nay chúng ta sẽ bắt đầu với việc suy tư về Mối Phúc thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3). Đối với năm 2015, tôi đề nghị là: “Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Và năm 2016, chủ đề của chúng ta là: “Phúc cho ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7)

Sức mạnh mang tính cách mạng của Các Mối Phúc

Chúng ta thường cảm nghiệm thấy một niềm vui khôn tả khi đọc và suy tư về Các Mối Phúc! Đức Giêsu đã công bố những điều này trong bài giảng lớn đầu tiên của mình, tại biển hồ Galilê. Có một đám người đông đảo, vì thế Đức Giêsu phải đứng trên núi để giảng dạy các môn đệ. Đó là lý do tại sao, Các Mối Phục cũng được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Trong Kinh Thánh, núi được xem như là nơi mà Thiên Chúa mặc khải chính mình. Qua việc rao giảng trên núi, Đức Giêsu mặc khải chính mình như là một bậc thầy thiêng liêng, một Môse mới. Ngài nói với chúng ta điều gì? Ngài nói với chúng ta về con đường dẫn đến sự sống, con đường mà chính Ngài cũng sẽ đi qua. Hơn hết, chính Ngài là con đường, và Ngài giới thiệu con đường này như còn lối đi dẫn tới hạnh phúc đích thực. Xuyên suốt cuộc sống của mình, từ lúc hạ sinh trong chuồng bò ở Bêlem đến cái chết trên thập giá và sự phục sinh, Đức Giêsu luôn là hiện thân của Các Mối Phúc. Tất cả lời hứa của Vương Quốc Thiên Chúa được kiện toàn trong Ngài.

Khi công bố Các Mối Phúc, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy theo Ngài và đi với Ngài trên hành trình tình yêu, hành trình duy nhất dẫn tới cuộc sống vĩnh cửu. Đây không phải là một hành trình dễ dàng, tuy nhiên Thiên Chúa hứa sẽ ban cho chúng ta ân sủng và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Chúng ta đối diện với rất nhiều thử thách trong cuộc sống: nghèo đói, đau buồn, sỉ nhục, chiến đấu cho công bình, bắt bớ, khó khăn hoán cải hàng ngày, nỗ lực giữ lòng trung tín với lời mời gọi nên thánh và nhiều điều khác. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho Đức Giêsu, để cho ngài đi vào trong lịch sử chúng ta, nếu chúng ta chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với Ngài, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự bình an và một niềm vui mà chỉ có Thiên Chúa, Đấng là tình yêu miên viễn, mới có thể trao ban.

Các mối phúc của Đức Giêsu mang chúng ta đến một cuộc cách mạng mới, một kiểu mẫu hạnh phúc ngược lại với những gì thường được các phương tiện truyền thông và lối nghĩ thịnh hành thông truyền. Lối suy nghĩ trần tục sẽ cho là điên rồ khi Thiên Chúa trở nên một trong chúng ta và chết trên thập giá! Theo cái luận lý của thế giới này, những ai mà Đức Giêsu tuyên bố là có phúc được xem, “những người chịu mất mát”, những người yếu thế. Cái được xem là vinh quang phải là thành công bằng mọi giá, sự giàu có, đỉnh cao quyền lực và được người khác nhìn nhận mình.

Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu thách thức chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi hướng đến sự sống của Ngài và quyết định đâu là con đường mà chúng ta muốn đi để có được niềm vui đích thực. Đây là một thách đố to lớn của đức tin. Đức Giêsu thẳng thắn hỏi các môn đệ là liệu họ có thật sự muốn theo Ngài không hay họ thích một con đường khác (x. Ga 6:67). Simon Phêrô đã dũng cảm đáp lại rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Nếu các bạn cũng có thể nói “vâng” với Đức Giêsu, cuộc sống của các sẽ trở nên ý nghĩa và sinh nhiều hoa trái.

Can đảm để có hạnh phúc

Nhưng “Phúc thay” có nghĩa là gì (trong tiếng Hy Lạp makarioi)? Được chúc phúc, nghĩa là có được hạnh phúc. Hãy nói cho tôi biết: các bạn có thực sự muốn được hạnh phúc không? Những khi chúng ta bị lôi kéo bởi những ảo tưởng có vẻ là hạnh phúc, chúng ta đang liều mình tự hài lòng với những cái nhỏ bé, với một chút ý tưởng “vụn vặt” của cuộc sống. Hãy mở ra với những cái lớn hơn! Hãy mở con tim mình ra! Như chân phước Piergiorgio Frassati có lần đã nói “sống mà không có niềm tin, không có gia tài để bảo vệ, không có nguồn nâng đỡ trong cuộc chiến trường kỳ bảo vệ chân lý: đó không phải là sống, chỉ là tồn tại cho qua ngày. Chúng ta đừng bao giờ chỉ tồn tại cho qua ngày, nhưng hãy sống” (Thư gửi I.Bonini, 27.2.1925). Trong bài giảng vào ngày lễ phong chân phước cho ngài (20.5.1990), Đức Gioan Phaolo II đã gọi ngài là “con người của các Mối Phúc” (AAS 82 [1990], 1518)

Nếu các bạn thật sự mở ta cho những rung động sâu thẳm nhất của con tim mình, các bạn sẽ nhận ra rằng có một khao khát cháy bỏng về niềm hạnh phúc và điều này cho phép các bạn loại trừ và gạt bỏ tất cả những gì “kém giá trị” chung quanh các bạn. Khi chúng ta tìm kiếm thành công, thỏa mãn và sở hữu theo kiểu ích kỷ, và chúng ta hướng những điều đó đến các thần tượng, có thể chúng ta sẽ có những khoảng khắc phấn chấn, một cảm giác thỏa mãn thăng hoa, nhưng rốt cuộc, chúng ta trở thành nô lệ, bị lôi kéo phải đi tìm để có hơn nữa. Thật là một điều đáng buồn khi thấy một bạn trẻ “có tất cả” nhưng lại yếu ớt.

Khi viết cho những người trẻ, thánh Gioan đã dạy bảo họ rằng: “Anh em là những người ạnh mẽ; lời Thiên Chúa ở lại trong anh em và anh em đã thắng ác thần.” (1Ga 2:14). Những bạn trẻ nào chọn lựa Đức Kitô là những con người mạnh mẽ: họ được lời Người nuôi dưỡng và họ không cần phải “nhồi nhét” mình với những điều khác! Hãy có dũng lực để đi ngược dòng! Hãy có dũng lực để có hạnh phúc đích thực! Nói không với nền văn hóa phù du, hời hợt và loại trừ, một nền văn hóa cho rằng bạn không thể mang lấy trách nhiệm và không thể đối mặt với những thử thách lớn lao của cuộc sống.

Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó…

Mối phúc đầu tiên, chủ đề cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ sắp tới, nói rằng những ai có tinh thần nghèo khó thì được phúc phúc vì Nước Trời là của họ. Khi mà có quá nhiều người đang chịu khổ do hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính, thật là lạ khi nối kết nghèo khổ với hạnh phúc. Làm sao chúng ta có thể xem nghèo đói là một mối phúc?

Trước hết, chúng ta hãy cố hiểu ý nghĩa của từ “tinh thần nghèo khó”. Khi Con Thiên Chúa làm người, Ngài chọn cho mình con đường nghèo khó và tự hủy ra không. Như Thánh Phaolô nói trong thư gửi cho các tín hữu Philipphê: “

Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu. Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (Pl 2:5-7). Đức Giêsu là Thiên Chúa trút bỏ hết mọi vinh quang. Ở đây chúng ta thấy chọn lựa trở nên nghèo hèn của Thiên Chúa: ngài giàu sang nhưng đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Người ( x. 1Cor 8:9). Đây là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngắm nơi hang đá khi chúng ta thấy Con Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, và sau đó là trên thánh giá, nơi sự tự hủy của Người đạt đến đỉnh cao nhất.

Tính từ ptochós (nghèo) của tiếng Hy lạp không chỉ có nghĩa đơn thuần mang tính vật chất. Nó có nghĩa là “một người hành khất”. Cần phải liên kết nó với ý niệm anawim của người Do Thái, nghĩa là “người nghèo của Thiên Chúa”, nói đến sự thấp bé, ý thức những giới hạn và điều kiện mang tính hiện sinh của riêng con người. Một anawin luôn tin tưởng vào Thiên Chúa và họ biết rằng họ có thể bám vào Người.

Như thánh Teresa Hài Đồng Giêsu đã thấy rõ, qua việc nhập thể, Đức Giêsu đã đến giữa chúng ta như một người hành khất nghèo, cầu xin tình thương của chúng ta. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về con người là một “người hành khất trước mặt Thiên Chúa (số 2559) và lời cầu nguyện là sự gặp gỡ giữa khao khát của Thiên Chúa với khao khát của chúng ta (số 2560)

Thánh Phanxicô Assisi cũng đã hiểu rõ bí mật của Mối Phúc dành cho người nghèo trong tinh thần. Thật vậy, khi Đức Giêsu nói với ngài thông qua người cùi và tượng khổ nạn, thánh nhân đã nhận ra sự cao cả của Thiên Chúa và điều kiện thập bé của mình. Trong lời cầu nguyện của mình, Người Nghèo thành Assisi đã dùng nhiều giờ để hỏi Thiên Chúa: “Ngài là ai? Con là ai?” Ngài đã từ bỏ một cuộc sống giàu có và thảnh thơi để kết hôn với “Bà Chúa Nghèo”, để noi gương Đức Giêsu và theo sát mặt chữ Tin Mừng. Thánh Phanxicô đã sống trong sự noi gương Đức Kitô trong khó nghèo và trong tình yêu dành cho người nghèo – đối với ngài, hai điều này nối kết chặt chẽ với nhau – giống như hai mặt của một đồng tiền.

Các bạn có thể hỏi tôi: Một cách cụ thể chúng ta có thể làm gì để làm cho tinh thần nghèo khó trở thành một lối sống, một cách cụ thể trong cuộc sống của riêng chúng ta? Tôi sẽ trả lời qua ba điều.

Trước hết, hãy cố gắng tự do với những của cải vật chất. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống một đời sống theo Tin Mừng, được đánh dấu bằng sự giản dị, bằng việc từ bỏ khao khát sống nền văn hóa tiêu thụ. Nghĩa là chỉ tìm kiếm những gì thiết yếu và học cách cởi bỏ khỏi mình những gì không cần thiết vây quanh chúng ta. Chúng ta hãy học cách tách ra khỏi những sở hữu và tôn sùng bạc tiền và những chi tiêu hoang phí. Chúng ta hãy đặt Đức Giêsu lên trên hết. Ngài có thể giải phóng chúng ta khỏi những thứ tôn thờ ngẫu tượng là những cái biến chúng ta thành nô lệ cho nó. Hãy đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa, hỡi các bạn trẻ thân mến! Ngài biết và yêu chúng ta, và Ngài không bao giờ lãng quên chúng ta. Cũng giống như việc Ngài đã chăm lo cho hoa huệ ngoài đồng thế nào (x. Mt 6:28), thì Ngài cũng đảm bảo rằng chúng ta không thiếu cái gì. Cũng như để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính, cần phải sẵn sàng thay đổi lối sống và tránh những phung phí quá đáng. Cũng như chúng ta cần sự can đảm để được hạnh phúc, chúng ta cũng cần sự can đảm để sống giản dị.

Thứ hai, nếu chúng ta sống mối phúc này, tất cả chúng ta cần trải nghiệm cuộc hoán cải trong cách thức chúng ta nhìn đến người nghèo. Chúng ta phải quan tâm đến họ và nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng và vật chất của họ. Những bạn trẻ thân mến, tôi trao phó các bạn, một cách đặc biệt, nhiệm vụ phục hồi lại tình liên đới nơi trọng tâm của văn hóa con người. Đối mặt với những hình thức nghèo đói cũ và mới – thất nhiệm, di dân và nghiện ngập dưới nhiều hình thức – chúng ta có nhiệm phục phải cảnh giác và thận trọng, tránh những cám dỗ giữ thái độ lãnh đạm. Chúng ta phải nhớ đến tất cả những người cảm thấy mình không được yêu mến, những ai không có niềm hy vọng cho tương lai và những ai buông xuôi cuộc sống do nhụt chí, thất vọng hay sợ hãi. Chúng ta phải học cách ở bên cạnh người nghèo, chứ không chỉ buông ra những hùng biện về người nghèo! Chúng ta hãy đi ra để nhìn họ, nhìn vào đôi mắt họ và lắng nghe họ. Người nghèo cho chúng ta một cơ hội cụ thể để nhìn thấy chính Đức Giêsu, và đụng chạm đến thân xác đau khổ của Người.

Tuy nhiên – và đây là điểm thứ ba – người nghèo không chỉ là người là chúng ta bố thí cho cái gì đó. Họ có nhiều điều để cho chúng ta và dạy chúng ta. Các bạn đã học được bao nhiêu từ khôn ngoan của người nghèo! Hãy suy nghĩ về điều này: vài trăm năm trước, một vị thánh, thánh Benedict Joseph Labré, người đã sống trên các ngã đường ở Rôma nhờ của bố thí mà ông nhận được, trở thành một người hướng dẫn thiêng liêng cho tất cả mọi loại người, kể cả những người chức cao vọng trọng và các linh mục. Theo một cách thức rất thực, người nghèo là thầy dạy của chúng ta. Họ cho chúng ta thấy rằng giá trị của con người không được đo lường bằng sở hữu của người ấy hay bằng số tiền họ có trong ngân hàng. Một người nghèo, một người thiếu đi của cải vật chất, vẫn luôn có nhân phẩm của mình. Người nghèo có thể dạy chúng ta rất nhiều về sự khiêm nhường và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế (x. Lc 18:9-14), Đức Giêsu đã đặt người thu thuế như một kiểu mẫu vì sự khiêm nhường và thái độ thừa nhận mình là một tội nhân của ông. Người góa phụ dâng cúng 2 đồng bạc cho đền thờ là một ví dụ về lòng quảng đại cho những ai hầu như không có gì nhưng đã cho đi những gì mình có (Lc 21:1-4)

…. Vì nước trời là của họ

Đề tài trọng tâm của Tin Mừng là Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu là Vương Quốc của Thiên Chúa nơi con người; ngài là Emmanuel, Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta. Và chính nơi cõi lòng con người mà Vương quốc, vương quyền của Thiên Chúa bám rễ và lớn lên. Nước Thiên Chúa vừa là món quà, vừa là lời hứa. Nó đã được ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu, nhưng nó chưa đi đến sự kiện toàn. Đó là lý do vì sao chúng ta cầu nguyện Kinh Lạy Cha mỗi ngày: “Nước Cha trị đến”.

Có một sự nối kết rất gần gũi giữa nghèo khó với việc Tin Mừng hóa, giữa đề tài của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần trước –“Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy!” (Mt 28:19) – và chủ đề của năm nay: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ” (Mt 5:3). Thiên Chúa muốn một Giáo Hội nghèo khó truyền giảng tin mừng cho người nghèo. Khi Đức Giêsu sai nhóm mười hai đi rao giảng, Ngài nói với họ: “Đừng sắm vàng, bạc, hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy, vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:9-10). Sự nghèo khó mang tính tin mừng là một điều kiện cơ bản để lan truyền nước Thiên Chúa. Những diễn tả niềm vui tự nhiên và tuyệt đẹp nhất mà tôi đã thấy trong đời mình chính là với người nghèo, những người chỉ có một chút ít để nắm giữ. Tin Mừng hóa trong thời đại chúng ta sẽ chỉ có thể diễn ra như là hệ quả của việc lan tỏa niềm vui đến cho người khác.

Chúng ta đã thấy rằng Mối Phúc khó nghèo trong tinh thần làm nên tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với của cải vật chất và với người nghèo. Bằng những ví dụ và lời nói của Đức Giêsu trước mắt chúng ta, chúng ta nhận ra là mình cần phải được hoán cải biết bao nhiêu, để luận lý “là hơn nữa” vượt trên luận lý “sở hữu hơn nữa”. Các thánh có thể giúp chúng ta hiểu tốt nhất ý nghĩa sâu sắc của Các Mối Phúc. Lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh, sẽ là một sự kiện đánh dấu một niềm vui to lớn. Ngài sẽ là đấng bảo trợ cao cả cho các Ngày Giới Trẻ Thế Giới mà chính ngài đã khởi sự và luôn ủng hộ. Trong sự hiệp thông với các thánh, ngài sẽ luôn là một người cha và người bạn của tất cả các bạn.

Tháng tư này cũng là tháng kỷ niệm 30 năm việc trao Thánh Giá Năm Thánh Cứu Chuộc cho người trẻ. Hành vi biểu tượng này của Đức Gioan Phaolô II là sự bắt đầu cho chuyến hành hương giới trẻ to lớn đi khắp năm châu. Những lời của ngài vào dịp Chúa Nhật Phục Sinh năm 1984, vẫn còn đọng mãi: “Các bạn trẻ thân mến, vào dịp kết thúc Năm Thánh, tôi trao cho các bạn một dấu chỉ của Năm Thánh: thánh giá Đức Kitô! Hãy mang nó đến với thế giới như một biểu tượng của tình yêu Đức Chúa Giêsu dành cho con người, và công bố cho mọi người rằng chỉ trong Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh từ cõi chết, chúng ta mới có thể tìm thấy ơn cứu độ và sự cứu chuộc.

Các bạn thân mến, bài ca Magnificat, bài ca tán dương của mẹ, người có tinh thần nghèo khó, cũng là một bài ca của những ai sống các mối phúc. Niềm vui của Tin Mừng trỗi lên từ một con tim mà, trong sự khó nghèo của nó, đã vui mừng và kinh ngạc trước những công trình của Chúa, như trái tim của Mẹ chúng ta, Đấng là muôn thế hệ sẽ khen là “diễm phúc “(x. Lc 1:48). Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của người nghèo và là vì sao của viện Tân Phúc Âm hóa giúp chúng ta sống Tin Mừng, giúp chúng ta sống các mối phúc và có được sự can đảm để luôn được hạnh phúc.

Từ Vatican, ngày 21.1.2014, lễ thánh Agnese, Trinh Nữ, Tử Đạo
(Chuyển ngữ: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ)
 
Liên đới để bảo vệ gia đình và hôn nhân truyền thống tại Châu Âu
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
16:44 06/02/2014
Một phái đoàn thuộc tổ chức biểu tình cổ võ cho hôn nhân tự nhiên giữa một người nam và một người nữ và cho gia đình truyền thống của Italia được dẫn đầu bởi Jacopo Coghe, điều phối viên quốc gia, đã đến thủ đô Paris hôm Chúa Nhật, 02/02/2014 vừa qua, để cùng với 500 ngàn người tại đây tham gia tuần hành nhằm bảo vệ giá trị hôn nhân và gia đình truyền thống.

Paris là một trong số bảy thành phố trên toàn Châu Âu đã diễn ra cuộc biểu tình cùng ngày Chúa Nhật, 02/02/2014, với mục đích chống lại đạo luật đã được Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu ba ngày sau đó, ngày 05/02/2014. Đạo luật này nhằm áp đặt trên toàn phạm vi các nước thành viên của Cộng Đồng Châu Âu về việc hôn nhân và nhận con nuôi của những người đồng tính.

Điều phối viên quốc gia Italia Jacopo Coghe đã đánh giá cao các nhà tổ chức của Pháp được xem như trường hợp điển hình của Châu Âu, vì trong suốt hơn một năm qua đã tổ chức được nhiều cuộc biểu tình phản đối lại những chính sách của chính phủ đương kim làm tổn hại đến gia đình truyền thống.

Theo ông, bằng mọi giá cần phải bảo vệ gia đình và trong cuộc chiến này cần có sự tương tác giữa các tổ chức trên toàn Châu Âu: « Chúng tôi, những người dân Italia, theo gương các bạn và nhờ sự khích lệ của các bạn, đã huy động để bảo vệ những giá trị này và chúng ta tiếp tục tương trợ lẫn nhau trong cuộc chiến này, vì sự kết hợp giữa người nam và người nữ mới có thể tạo nên nền tảng ổn định cho gia đình, nơi then chốt của tình liên đới và đón tiếp ».

Ông Jacopo Coghe cũng chỉ cho thấy rằng đạo luật này của Nghị Viện Châu Âu làm tổn thương đến gia đình. « Gia đình là nạn nhân của những đợt tấn công phía bên trong của Nghị Viện Châu Âu. Chính vì thế, tôi lên tiếng mạnh mẽ với các vị nghĩ sĩ rằng Italia không ngần ngại bảo vệ gia đình và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, đồng thời thẳng thắn từ chối dự luật hôn nhân mới thông qua này ».

Trước khi rời thủ đô Paris, ông Jacopo Coghe chuyển lại lời chào thăm của nhóm mình và bản thân tràn trề lạc quan: « Tôi trở lại Roma với một hành trang lớn của niềm hy vọng cho tương lai của Châu Âu. Gia đình ở trong tầm tay của chúng ta. Hãy cũng nhau bảo vệ nó ».
 
Ý kiến chuyên gia về Ủy Ban Nhi Quyền LHQ: từ chính sách tới ý thức hệ
Vũ Văn An
22:46 06/02/2014
Phúc trình hôm thứ Tư vừa qua của Ủy Ban Nhi Quyền LHQ liên quan tới việc Giáo Hội xử lý các vụ lạm dụng tình dục đã lôi cuốn chú ý của cộng đồng quốc tế. Phúc trình này đưa ra các chỉ trích gay gắt đối với Tòa Thánh nhưng làm ngơ nhiều biện pháp đã được Tòa Thánh đưa ra nhằm thi hành các công ước về nhi quyền.

Đó không phải là sai sót duy nhất của bản phúc trình. Ủy ban này còn khuyến cáo rằng Vatican phải thay đổi lập trường của mình về phá thai và đồng tính luyến ái, và như thế họ đã đi quá xa thẩm quyền của họ và quả đã từ chính sách nhẩy qua ý thức hệ. Đức TGM Silvano Tomasi, Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève tuyên bố rằng ngài tin các tổ chức phi chính phủ đang gây ảnh hưởng đối với ủy ban, nên mới có việc chèn vào bản phúc trình các lập trường có tính ý thức hệ như thế.

Một số người bất đồng với nhận định của Đức TGM Tomasi, nhưng Stefano Gennarini thì tin chắc nhận định đó hoàn toàn đúng. Gennarini hiện là giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp tại C-FAM, tức Viện Gia Đình và Nhân Quyền Công Giáo, có trụ sở tại New York và Washington D.C. Cơ quan này được thiết lập năm 1990 để đáp ứng lời Đức Gioan Phaolô II kêu gọi người Công Giáo tham dự vào diễn đàn công cộng.

Ảnh hưởng của các nhóm ý thức hệ

Ngày 5 tháng Hai vừa qua, Gennarini nói với Zenit về các khuyến cáo của Ủy Ban LHQ về Nhi Quyền và ảnh hưởng của các nhóm ý thức hệ bên trong LHQ.
Gennarini cho biết C-FAM chuyên nghiên cứu để cung cấp tín liệu cho các cuộc tranh luận của LHQ về các vấn đề gia đình và sự sống. Cơ sở này cũng phúc trình những gì diễn ra tại LHQ và các định chế quốc tế khác qua bản tin hàng tuần Friday Fax. Cơ sở đã và đang tham dự mọi cuộc thương thuyết chính của LHQ về chính sách xã hội kể từ Hội Nghị Cairo năm 1994, và mới đây được đề cử làm tham vấn đặc biệt cho Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội của LHQ.

Về các nhận xét và khuyến cáo của Ủy Ban Nhi Quyền, Gennarini cho hay dù đã quen với những điều dở hơi của các chuyên viên và nhân viên hành chánh của LHQ, ông cũng khá lo âu khi đọc các nhận xét và khuyến cáo này. Quả là điều bất hạnh khi họ đi theo ngả đường đó. Làm thế họ chỉ phá hoại công trình của LHQ trong việc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền. Từ nay, không quốc gia nào sẽ coi trọng các nhận xét và khuyến cáo của ủy ban nữa vì người ta coi nó như thiên vị về chính trị và ý thức hệ.

Ông không ngạc nhiên gì trước các nhận xét và khuyến cáo này vì cơ sở của ông từng chiến đấu chống lại các nhóm phò phá thai và phò đồng tính từng nắm giữ các bộ phận giám sát hiệp ước của LHQ trong nhiều năm qua. Các bộ phận này đã trở thành sân chơi đối với họ nhờ các tặng dữ hậu hĩnh của các nước Bắc Âu và Âu Châu nói chung. Việc làm của các bộ phận này là giải thích các hiệp ước do họ giám sát sao cho thật mơ hồ và rộng rãi để họ mặc tình thêm thắt bất cứ điều gì họ muốn. Thành thử dù hiệp ước không nói gì tới phá thai hay xu hướng tính dục, các chuyên viên của các bộ phận này vẫn cứ thêm chúng vào một số điều khoản của hiệp ước. Rõ ràng đây là lối giải thích luật lệ hết sức tồi tệ.

Điều ấy thật bất hạnh vì các ủy ban giám sát này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia chu toàn các nghĩa vụ nền tảng về nhân quyền. Nhưng khổ một điều việc làm của họ phần lớn bị làm ngơ vì họ cứ nằng nặc đòi cổ vũ phá thai và đồng tính luyến ái cũng như các vấn đề nặng về chính trị như thể đó là nhân quyền. Điều này chỉ làm người hoài nghi hoài nghi thêm đối với các bộ phận của LHQ và Dự Án Nhân Quyền.

Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ đưa ra các khuyến cáo ngông cuồng phi lý cho Tòa Thánh cách riêng. Tòa Thánh hiện đang là kẻ thù công khai số một đối với các nhóm phá thai và đồng tính vì đây là tiếng nói luân lý oang oang nhất tại LHQ, một tiếng nói luôn nhắc các quốc gia nhớ sự thật về nhân phẩm. Nếu không có sự can thiệp của Tòa Thánh, thì phá thai và đồng tính đã “được” tuyên bố là nhân quyền phổ quát rồi. Tòa Thánh là phái bộ duy nhất tại LHQ không chấp nhận bất cứ sự hàm hồ nào về vấn đề phá thai. Phần lớn các quốc gia để mặc các quốc gia khác muốn làm gì thì làm với các trẻ chưa sinh của họ. Tòa Thánh là phái bộ duy nhất của LHQ không chịu đứng nhìn và chấp nhận việc đó.

Ông đồng ý với Đức TGM Tomasi khi cho rằng phúc trình này được soạn sẵn trước khi phái bộ Tòa Thánh phát biểu trước Ủy Ban. Ông co rằng đó là một sự thực. Vì sự thực là chỉ một số ít chuyên viên trong các bộ phận giám sát hiệp ước có quyền kiểm soát nội dung các nhận xét. Vả lại, các chuyên viên không được trả lương và chỉ làm việc cho các vấn đề này mỗi năm một vài tuần lễ. Nên người thực sự kiểm soát các buổi làm việc chính là các nhân viên tại Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền. Họ làm việc toàn thời gian tại Genève để soạn thảo các phúc trình, các nhận xét và khuyến cáo. Bởi thế, khi các chuyên viên gặp Tòa Thánh hồi tháng Giêng và nói chuyện với Đức TGM Tomasi, tất cả đều vô nghĩa, vì các nhà hành chánh của LHQ đã quyết định trước về nội dung các nhận xét và khuyến cáo rồi.

Gennarini cũng đồng ý với Đức TGM Tomasi khi ngài cho rằng các tổ chức phi chính phủ chuyên cổ vũ hôn nhân đồng tính và phá thai đứng đàng sau các nhận xét của ủy ban. Vì chính các quốc gia tại LHQ cũng đã liên tiếp than phiền về việc thiếu trong sáng trong cung cách các ủy ban giám sát làm việc qua lại với các tổ chức phi chính phủ. Nhiều khi các tín liệu do các quốc gia trình bày bị làm ngơ và các ủy ban LHQ gần như hoàn toàn dựa vào tín liệu do các nhóm phi chính phủ này cung cấp. Cũng cái ủy ban chỉ trích Tòa Thánh này lên án Nga vì đã ban hành luật lệ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những tín liệu có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe các em bằng cách nói dối các em rằng hành vi đồng tính y hệt như việc giao hợp giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. Các nhóm đồng tính muốn cho toàn bộ xã hội con người ủng hộ các lựa chọn tính dục của họ và theo họ LHQ là một phương tiện khác để đạt được sự ủng hộ này.

Điều chẳng may là các tổ chức cổ vũ phá thai, đồng tính luyến ái và quyền hưởng tính dục của trẻ em đã len lỏi vào được các bộ phận giám sát của LHQ, kể cả những bộ phận được nhiều người ngưỡng mộ trước đây như Ân Xá Quốc Tế, và Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế và một bộ phận mới có gần đây là Trung Tâm Giám Sát Quyền Sinh Sản và Nhân Quyền. Mặt khác, trong hơn 30 năm qua, một số bộ phận trước đây, thời chiến tranh lạnh, chuyên giám sát các quyền dân chính và chính trị, nay hết việc làm từ ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ, nên quay qua lo các quyền về tính dục. Điều họ đang cố gắng làm là biến sự độc lập vô giới hạn về tính dục thành các nhân quyền chủ yếu. Phá thai và đồng tính luyến ái là các biểu hiện cực đoan nhất của sự độc lập vô giới hạn về tính dục. Các nước Tây Phương, nơi sự độc lập tính dục vô giới hạn này trở thành một qui luật lôi cuốn, đã và đang tài trợ cho các tổ chức này trong 20 năm qua. Nhờ thế các tổ chức này có cả hàng tỷ đôla để tài trợ cho việc tranh tụng, cho việc giáo dục, làm áp lực và các dự án khác để cổ vũ lập trường của họ.

Theo Gennarini, C-FAM đang phát động một chiến dịch làm kiến nghị ủng hộ Tòa Thánh tại trang mạng www.defendthevatican.org. Họ sẽ trình bày để bằng hữu của họ tại LHQ thấy phúc trình trên chỉ là một thí dụ nữa co thấy việc lạm quyền của các ủy ban giám sát. Trong ba năm qua, cơ sở này cũng đã vận động với các nhà ngoại giao tại Đại Hội Đồng LHQ để họ cải tổ các bộ phận giám sát hiệp ước và tăng cường các bộ phận này để chúng hoạt động thích đáng hơn trong tương lai. Điều quan trọng là các chuyên viên này phải chịu trách nhiệm đối với việc làm của họ.

Phúc trình LHQ có thể có hiệu quả ngược lại

John Allen Jnr. cho rằng những phát đạn gây nhức nhối của ủy ban nhi quyền LHQ với mục đích mong Tòa Thánh đẩy mạnh chiến dịch chống lạm dụng tình dục sẽ có hiệu quả ngược lại khi nó làm mờ nhạt chính nghĩa bảo vệ trẻ em bằng cuộc chiến tranh văn hóa dành lối sống tính dục.

Cuộc chiến tranh ấy phi lý đến nỗi tấn công vào cả các giáo huấn cốt lõi của Giáo Hội Công Giáo liên quan tới phá thai, đồng tính luyến ái và ngừa thai. Không hiểu ủy ban có hiểu rõ việc giáo luật phạt tuyệt thông tiền kết đối với việc phá thai hay không? Sự ngu dốt này chỉ càng làm cho các vị cực bảo thủ trong Giáo Hội xưa nay có khuynh hướng bác bỏ các tai tiếng lạm dụng coi phúc trình này đơn thuần như lời chỉ trích thế tục quá quen thuộc xưa nay vốn do chính trị thúc đẩy.

Việc trên cũng có thể làm mờ nhạt một số khuyến cáo của ủy ban mà chính các vị chủ trương cải cách trong Giáo Hội vốn tranh đấu xưa nay. Allen nêu thí dụ: ủy ban gợi ý rằng ủy ban mới về bảo vệ trẻ em do Đức Phanxicô công bố hồi tháng Mười Hai nên được trao cho nhiệm vụ không những điều tra các lời tố cáo lạm dụng, mà còn phải điều tra cả các trường hợp nhiều vị giám mục không chịu áp dụng chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” (Zero tolerance) mới đây của Giáo Hội. Đây là điều những nhà tranh đấu trong Giáo Hội vốn từng làm, điển hình là Đức Cha Charles Scicluna của Malta, người nổi tiếng đã vạch mặt một giáo sĩ Mễ Tây Cơ nhiều uy thế là cha Marcial Maciel Degollado, vị sáng lập ra dòng Đạo Binh Chúa Kitô.

Maciel vốn có một mạng lưới rộng lớn gồm nhiều bằng hữu và đồng minh tại Vatican, nhưng Đức Cha Scicluna nhất định bám sát vị giáo sĩ này. Và năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI đã buộc giáo sĩ này phải sống cuộc sống cầu nguyện và đền tội. Đức Cha cho hay: “Một giám mục không thể là người quản lý tốt nếu không biến việc bảo vệ trẻ em thành ưu tiên số một của mình”.

Nếu ủy ban LHQ tự giới hạn mình vào những nhận xét như thế có phải sẽ tăng cường việc làm của những vị như Đức Cha Scicluna hơn không? Đàng này, họ lại làm mờ nhạt những nhận xét như thế bằng việc tấn công vào giáo lý nòng cốt của Giáo Hội Công Giáo!

Rõ ràng, trong Đạo Công Giáo, rất nhiều người vẫn cho rằng Giáo Hội bị đối xử bất công khi bị tố cáo là che chở các phạm nhân lạm dụng tình dục. Phản ứng lại, dù có ra các biện pháp ngăn ngừa, họ cũng chỉ đưa ra những biện pháp ngắn hạn, có chừng có mực mà thôi, không rốt ráo như nhiều người mong đợi. Hội Đồng Giám Mục Ý chẳng hạn, chỉ mới tháng trước, mới chấp nhận các hướng dẫn chống lạm dụng, nhưng không bao gồm điều khoản buộc các giám mục phải báo cáo cho cảnh sát các lời tố cáo đáng tin về lạm dụng. Tân tổng thư ký Hội Đồng do Đức Phanxicô bổ nhiệm là Đức Cha Nunzio Galantino cho hay giám mục “không phải là viên chức công” nên không buộc phải tố giác chính các linh mục của mình.

Allen cho rằng Đức Cha Galantino không hề thuộc phe bảo thủ. Ngài là giám mục của một giáo phận nhỏ, nổi tiếng sống đạm bạc và yêu thương người bình dân, rất ăn ý với đức tân giáo hoàng. Việc ngài không ngồi cùng toa với chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” cho thấy cuộc tranh đấu trong lãnh vực này không dễ dàng, đừng nên đổ dầu vào lửa, gây nản chí cho những người như ngài. Phải nói gì, khi những người thiện chí như ngài đọc tới những phần chỉ cốt phục vụ cuộc chiến tranh văn hóa đầy phi lý?
 
Top Stories
Media director for U.S. Bishops: UN child protection report ''a lost opportunity''
Sister Mary Ann Walsh
12:45 06/02/2014
2014-02-06 Vatican - Sister Mary Ann Walsh, the Director of Media Relations for the USCCB, has described a recent report from the United Nations Committee on the Rights of the Child as a “lost opportunity.”

The UN report was highly critical of the Church’s handling of cases of abuse of children. “Sexual abuse of a minor is a sin and a crime and no organization can become complacent about addressing it,” said Sr Walsh. She emphasized, however, that “the Catholic Church has certainly done more than any other international organization to face the problem and it will continue to lead in doing so.”

She highlighted efforts both in the United States and at the Vatican to eliminate cases of sexual abuse by the clergy and to bring offenders to justice. She also pointed out efforts by the Church to support victims of abuse.

The UN’s report, Walsh said, “is weakened by including objections to Catholic teaching on such issues as gay marriage, abortion and contraception.” These objections, she said, “seem to violate the U.N.’s obligation from its earliest days to defend religious freedom.”

Sister Walsh said UN’s Committee on the Rights of the Child “is correct to voice concern over sexual abuse,” and commended their efforts. “It would have credibility, however, if it also worked to protect the most basic right of a child: the right to live... When the U.N. committee strays into the culture wars to promote abortion, contraceptives and gay marriage, it undermines its noble cause and trades concern for children to concern for organizations with other agendas. What a lost opportunity.”

Read the full text of Sister Mary Ann Walsh’s latest blog:

The United Nations: Caring for Children or Caring for Culture Warriors
By Sister Mary Ann Walsh

Sexual abuse of a minor is a sin and a crime and no organization can become complacent about addressing it. The Catholic Church has certainly done more than any other international organization to face the problem and it will continue to lead in doing so.

In the United States, the number of cases of sexual abuse of minors by clergy has plummeted. This is in no small part due to the fact that millions of Catholic children have been instructed on safe environments and tens of thousands of adults who work with them in the church have gone through background checks and safe environment education. In 2012, for example, dioceses and religious institutes conducted background checks on 99 percent of clerics, 97 percent of educators, 95 percent of employees, and 96 percent of volunteers. Every diocese has a victim assistance coordinator who assists those who have been abused and a safe environment coordinator who works to prevent abuse from occurring again.

The Vatican also has shown resolve in addressing the issue. Pope John Paul II changed the age of maturity in church law so more abuse cases could be prosecuted. Pope Benedict called on every bishops’ conference in the world to develop policies. Pope Francis recently announced a commission to strengthen the church’s handling of sexual abuse.

A report from the United Nations Committee on the Rights of the Child highlights the problem of sexual abuse of minors by clergy. Unfortunately the report is weakened by including objections to Catholic teaching on such issues as gay marriage, abortion and contraception. This seems to violate the U.N.’s obligation from its earliest days to defend religious freedom. In 1948, the organization adopted its Universal Declaration of Human Rights that declared that “everyone has the right to freedom of thought, conscience and religion.” Certainly the U.N. charge to defend religious freedom includes defending the Church’s right to determine its own teachings. Defense of religious freedom is no small matter in a world where people, including children, get murdered for simply going to church. That’s what happened last September when militants killed 81 people, including children, attending Sunday school at a Christian church in Peshawar, Pakistan.

The Committee on the Rights of the Child is correct to voice concern over sexual abuse and is to be commended for its efforts. It would have credibility, however, if it also worked to protect the most basic right of a child: the right to live. Would that it made headlines because of concern for minors being trafficked in the world’s sex trade and children dying from starvation and dysentery from impure water. When the U.N. committee strays into the culture wars to promote abortion, contraceptives and gay marriage, it undermines its noble cause and trades concern for children to concern for organizations with other agendas. What a lost opportunity.
 
Fr Hans Zollner: The Church is committed to safeguarding children
Vatican Radio
12:46 06/02/2014
2014-02-06 Vatican - Jesuit Father Hans Zollner, head of the Institute of Psychology at the Gregorian University in Rome and Centre for the Protection of Minors, says the Church has learnt lessons and has made great strides in the safeguarding of children.He made the comments to Vatican Radio following the publication of a report issued on Wednesday by the UN Committee on the Rights of the Child which accused the Vatican of turning a blind eye to decades of sexual abuse of children by priests.

The report comes less than a month after a meeting between the United Nations Committee and a Holy See delegation in Geneva.

Fr Zollner said the report was “harsh in parts but recognises that the Holy See and the Church as a whole has made steps forward.”

Asked about references made in the report to issues such as abortion, homosexuality and contraception, Fr Zollner said there was no reason for these issues to be included, he said, “it looks as if some people… just wanted to make their point…”

Reflecting on the strides the Church has made in the field of child protection, Fr Zollner said that the Catholic Church in countries such as Germany, Ireland and the US is the only institution making inroads in child safeguarding but he points out that more efforts need to be made, especially in the area of helping and doing justice to the victims of abuse
 
Pope's Message for WYD: Resist “low cost” offers of happiness and embrace the revolutionary Beatitudes
+ Pope Francis
12:48 06/02/2014
2014-02-06 Vatican - Pope Francis has released a message for the 29th World Youth Day (WYD) on Palm Sunday 2014 (April 13th) that will be celebrated locally in each diocese around the world. The theme chosen for this celebration is taken from the Beatitudes: “Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven.” In his message the Pope reflects on the meaning of this theme and urges young people to use the revolutionary power of the Beatitudes as a central point of reference in their lives.

Please find below a translation in English of Pope Francis’ message:

“Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven” (Mt 5:3)

Dear Young Friends,

How vividly I recall the remarkable meeting we had in Rio de Janeiro for the Twenty-eighth World Youth Day. It was a great celebration of faith and fellowship! The wonderful people of Brazil welcomed us with open arms, like the statue of Christ the Redeemer which looks down from the hill of Corcovado over the magnificent expanse of Copacabana beach. There, on the seashore, Jesus renewed his call to each one of us to become his missionary disciples. May we perceive this call as the most important thing in our lives and share this gift with others, those near and far, even to the distant geographical and existential peripheries of our world.

The next stop on our intercontinental youth pilgrimage will be in Krakow in 2016. As a way of accompanying our journey together, for the next three years I would like to reflect with you on the Beatitudes found in the Gospel of Saint Matthew (5:1-12). This year we will begin by reflecting on the first Beatitude: “Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven” (Mt 5:3). For 2015 I suggest: “Blessed are the pure in heart, for they shall see God” (Mt 5:8). Then, in 2016, our theme will be: “Blessed are the merciful, for they shall obtain mercy” (Mt 5:7).

1. The revolutionary power of the Beatitudes

It is always a joyful experience for us to read and reflect on the Beatitudes! Jesus proclaimed them in his first great sermon, preached on the shore of the sea of Galilee. There was a very large crowd, so Jesus went up on the mountain to teach his disciples. That is why it is known as “the Sermon on the Mount”. In the Bible, the mountain is regarded as a place where God reveals himself. Jesus, by preaching on the mount, reveals himself to be a divine teacher, a new Moses. What does he tell us? He shows us the way to life, the way that he himself has taken. Jesus himself is the way, and he proposes this way as the path to true happiness. Throughout his life, from his birth in the stable in Bethlehem until his death on the cross and his resurrection, Jesus embodied the Beatitudes. All the promises of God’s Kingdom were fulfilled in him.

In proclaiming the Beatitudes, Jesus asks us to follow him and to travel with him along the path of love, the path that alone leads to eternal life. It is not an easy journey, yet the Lord promises us his grace and he never abandons us. We face so many challenges in life: poverty, distress, humiliation, the struggle for justice, persecutions, the difficulty of daily conversion, the effort to remain faithful to our call to holiness, and many others. But if we open the door to Jesus and allow him to be part of our lives, if we share our joys and sorrows with him, then we will experience the peace and joy that only God, who is infinite love, can give.

The Beatitudes of Jesus are new and revolutionary. They present a model of happiness contrary to what is usually communicated by the media and by the prevailing wisdom. A worldly way of thinking finds it scandalous that God became one of us and died on a cross! According to the logic of this world, those whom Jesus proclaimed blessed are regarded as useless, “losers”. What is glorified is success at any cost, affluence, the arrogance of power and self-affirmation at the expense of others.

Jesus challenges us, young friends, to take seriously his approach to life and to decide which path is right for us and leads to true joy. This is the great challenge of faith. Jesus was not afraid to ask his disciples if they truly wanted to follow him or if they preferred to take another path (cf. Jn 6:67). Simon Peter had the courage to reply: “Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life” (Jn 6:68). If you too are able to say “yes” to Jesus, your lives will become both meaningful and fruitful.

2. The courage to be happy

What does it mean to be “blessed” (makarioi in Greek)? To be blessed means to be happy. Tell me: Do you really want to be happy? In an age when we are constantly being enticed by vain and empty illusions of happiness, we risk settling for less and “thinking small” when it come to the meaning of life. Think big instead! Open your hearts! As Blessed Piergiorgio Frassati once said, “To live without faith, to have no heritage to uphold, to fail to struggle constantly to defend the truth: this is not living. It is scraping by. We should never just scrape by, but really live” (Letter to I. Bonini, 27 February 1925). In his homily on the day of Piergiorgio Frassati’s beatification (20 May 1990), John Paul II called him “a man of the Beatitudes” (AAS 82 [1990], 1518).

If you are really open to the deepest aspirations of your hearts, you will realize that you possess an unquenchable thirst for happiness, and this will allow you to expose and reject the “low cost” offers and approaches all around you. When we look only for success, pleasure and possessions, and we turn these into idols, we may well have moments of exhilaration, an illusory sense of satisfaction, but ultimately we become enslaved, never satisfied, always looking for more. It is a tragic thing to see a young person who “has everything”, but is weary and weak.

Saint John, writing to young people, told them: “You are strong, and the word of God abides in you, and you have overcome the evil one” (1 Jn 2:14). Young people who choose Christ are strong: they are fed by his word and they do not need to ‘stuff themselves’ with other things! Have the courage to swim against the tide. Have the courage to be truly happy! Say no to an ephemeral, superficial and throwaway culture, a culture that assumes that you are incapable of taking on responsibility and facing the great challenges of life!

3. Blessed are the poor in spirit...

The first Beatitude, our theme for the next World Youth Day, says that the poor in spirit are blessed for theirs is the kingdom of heaven. At a time when so many people are suffering as a result of the financial crisis, it might seem strange to link poverty and happiness. How can we consider poverty a blessing?

First of all, let us try to understand what it means to be “poor in spirit”. When the Son of God became man, he chose the path of poverty and self-emptying. As Saint Paul said in his letter to the Philippians: “Let the same mind be in you that was in Christ Jesus, who, though he was in the form of God, did not count equality with God a thing to be grasped, but emptied himself, taking the form of a servant, being born in human likeness” (2:5-7). Jesus is God who strips himself of his glory. Here we see God’s choice to be poor: he was rich and yet he became poor in order to enrich us through his poverty (cf. 2 Cor 8:9). This is the mystery we contemplate in the crib when we see the Son of God lying in a manger, and later on the cross, where his self-emptying reaches its culmination.

The Greek adjective ptochós (poor) does not have a purely material meaning. It means “a beggar”, and it should be seen as linked to the Jewish notion of the anawim, “God’s poor”. It suggests lowliness, a sense of one’s limitations and existential poverty. The anawim trust in the Lord, and they know that they can count on him.

As Saint Therese of the Child Jesus clearly saw, by his incarnation Jesus came among us as a poor beggar, asking for our love. The Catechism of the Catholic Church tells us that “man is a beggar before God” (No. 2559) and that prayer is the encounter of God’s thirst and our own thirst (No. 2560).

Saint Francis of Assisi understood perfectly the secret of the Beatitude of the poor in spirit. Indeed, when Jesus spoke to him through the leper and from the crucifix, Francis recognized both God’s grandeur and his own lowliness. In his prayer, the Poor Man of Assisi would spend hours asking the Lord: “Who are you?” “Who am I?” He renounced an affluent and carefree life in order to marry “Lady Poverty”, to imitate Jesus and to follow the Gospel to the letter. Francis lived in imitation of Christ in his poverty and in love for the poor – for him the two were inextricably linked – like two sides of one coin.

You might ask me, then: What can we do, specifically, to make poverty in spirit a way of life, a real part of our own lives? I will reply by saying three things.

First of all, try to be free with regard to material things. The Lord calls us to a Gospel lifestyle marked by sobriety, by a refusal to yield to the culture of consumerism. This means being concerned with the essentials and learning to do without all those unneeded extras which hem us in. Let us learn to be detached from possessiveness and from the idolatry of money and lavish spending. Let us put Jesus first. He can free us from the kinds of idol-worship which enslave us. Put your trust in God, dear young friends! He knows and loves us, and he never forgets us. Just as he provides for the lilies of the field (cf. Mt 6:28), so he will make sure that we lack nothing. If we are to come through the financial crisis, we must be also ready to change our lifestyle and avoid so much wastefulness. Just as we need the courage to be happy, we also need the courage to live simply. Second, if we are to live by this Beatitude, all of us need to experience a conversion in the way we see the poor. We have to care for them and be sensitive to their spiritual and material needs. To you young people I especially entrust the task of restoring solidarity to the heart of human culture. Faced with old and new forms of poverty – unemployment, migration and addictions of various kinds – we have the duty to be alert and thoughtful, avoiding the temptation to remain indifferent. We have to remember all those who feel unloved, who have no hope for the future and who have given up on life out of discouragement, disappointment or fear. We have to learn to be on the side of the poor, and not just indulge in rhetoric about the poor! Let us go out to meet them, look into their eyes and listen to them. The poor provide us with a concrete opportunity to encounter Christ himself, and to touch his suffering flesh.

However – and this is my third point – the poor are not just people to whom we can give something. They have much to offer us and to teach us. How much we have to learn from the wisdom of the poor! Think about it: several hundred years ago a saint, Benedict Joseph Labré, who lived on the streets of Rome from the alms he received, became a spiritual guide to all sorts of people, including nobles and prelates. In a very real way, the poor are our teachers. They show us that people’s value is not measured by their possessions or how much money they have in the bank. A poor person, a person lacking material possessions, always maintains his or her dignity. The poor can teach us much about humility and trust in God. In the parable of the pharisee and the tax-collector (cf. Lk 18:9-14), Jesus holds the tax-collector up as a model because of his humility and his acknowledgment that he is a sinner. The widow who gave her last two coins to the temple treasury is an example of the generosity of all those who have next to nothing and yet give away everything they have (Lk 21:1-4).

4. … for theirs is the kingdom of heaven

The central theme of the Gospel is the kingdom of God. Jesus is the kingdom of God in person; he is Immanuel, God-with-us. And it is in the human heart that the kingdom, God’s sovereignty, takes root and grows. The kingdom is at once both gift and promise. It has already been given to us in Jesus, but it has yet to be realized in its fullness. That is why we pray to the Father each day: “Thy kingdom come”.

There is a close connection between poverty and evangelization, between the theme of the last World Youth Day – “Go therefore, and make disciples of all nations!” (Mt 28:19) – and the theme for this year: “Blessed are the poor in spirit, for theirs is the kingdom of heaven” (Mt 5:3). The Lord wants a poor Church which evangelizes the poor. When Jesus sent the Twelve out on mission, he said to them: “Take no gold, nor silver, nor copper in your belts, no bag for your journey, nor two tunics, nor sandals, nor a staff; for the labourers deserve their food” (Mt 10:9-10). Evangelical poverty is a basic condition for spreading the kingdom of God. The most beautiful and spontaneous expressions of joy which I have seen during my life were by poor people who had little to hold onto. Evangelization in our time will only take place as the result of contagious joy.

We have seen, then, that the Beatitude of the poor in spirit shapes our relationship with God, with material goods and with the poor. With the example and words of Jesus before us, we realize how much we need to be converted, so that the logic of being more will prevail over that of having more! The saints can best help us to understand the profound meaning of the Beatitudes. So the canonization of John Paul II, to be celebrated on the Second Sunday of Easter, will be an event marked by immense joy. He will be the great patron of the World Youth Days which he inaugurated and always supported. In the communion of saints he will continue to be a father and friend to all of you.

This month of April marks the thirtieth anniversary of the entrustment of the Jubilee Cross of the Redemption to the young. That symbolic act by John Paul II was the beginning of the great youth pilgrimage which has since crossed the five continents. The Pope’s words on that Easter Sunday in 1984 remain memorable: “My dear young people, at the conclusion of the Holy Year, I entrust to you the sign of this Jubilee Year: the cross of Christ! Carry it throughout the world as a symbol of the love of the Lord Jesus for humanity, and proclaim to everyone that it is only in Christ, who died and rose from the dead, that salvation and redemption are to be found”.

Dear friends, the Magnificat, the Canticle of Mary, poor in spirit, is also the song of everyone who lives by the Beatitudes. The joy of the Gospel arises from a heart which, in its poverty, rejoices and marvels at the works of God, like the heart of Our Lady, whom all generations call “blessed” (cf. Lk 1:48). May Mary, Mother of the poor and Star of the new evangelization help us to live the Gospel, to embody the Beatitudes in our lives, and to have the courage always to be happy.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Long thăm mục vụ CĐVN tại Đài Loan
Pv Ðài Loan
11:02 06/02/2014
Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne viếng thăm Mục Vụ Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan

Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, viếng thăm Mục Vụ Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan.

Ðài Loan (VnMissio 31-01-201) - Từ ngày 30 tháng 1 đến 6 tháng 2 năm 2014. Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Ðại Lợi, đã đến viếng thăm Mục Vụ Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan, và tìm hiểu, quan tâm đến đời sống cũng như hoàn cảnh của các công nhân và những di dân Việt Nam tại Ðài Loan.

Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, Úc Ðại Lợi, đến viếng thăm Mục Vụ và dâng thánh lễ cho Cộng Ðoàn Việt Nam tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên, Ðài Loan.

Vào sáng ngày mồng một Tết Giáp Ngọ, 31 tháng 1 năm 2014, Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long đã đến với Cộng Ðoàn Việt Nam tại Thành Phố Tân Trúc. Ngài đã chung vui tiệc xuân, thưởng thức những mục Văn nghệ cùng với những công nhân Việt Nam chung quanh vùng Tân Trúc. Chiều cùng ngày 31 tháng 1 năm 2014, Ðức Cha đã đến dâng Thánh Lễ Ðầu Năm tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên. Cộng đoàn Việt Nam tại Thành Phố Ðào Viên là cộng đoàn có số giáo dân Việt Nam đông nhất tại Ðài Loan. Cùng đồng tế với Ðức Cha là những Linh Mục Việt Nam đang phục vụ tại Ðài Loan. Trước Thánh Lễ, Linh Mục Nguyễn Hùng Cường, Dòng Maryknoll, linh mục quản nhiệm cộng đoàn, đã giới thiệu Ðức Cha cùng cộng đoàn và nói lên những niềm vui được đón tiếp Ðức Cha tại Ðài Loan, đặc biệt đã tâm sự cùng Ðức Cha những vui buồn của những người con xa nhà, sống và làm việc vất vã, vì phải đi xuất khẩu lao động trên đất khách quê người, chỉ với một niềm hy vọng kiếm được chút ít đồng tiền giúp gia đình tại Việt Nam. Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long cũng sẽ viếng thăm và dâng thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam tại Ðài Bắc vào ngày 1 tháng 2 năm 2014 (mùng 2 tết), và cho cộng đoàn Việt Nam tại Ðài Trung vào ngày 2 tháng 2 năm 2014 (Mùng 3 Tết).

Sau đâu là Bài Giảng của Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long trong thánh lễ ngày mồng một Tết Giáp Ngọ 2014 tại Nhà Thờ Trái Tim Ðức Mẹ, Thành Phố Ðào Viên, Ðài Loan:

Kính thưa qúy Ông Bà, Anh Chị Em,

Hôm nay, tôi rất hân hạnh được đến thăm Cộng Ðồng Việt Nam tại Ðài Loan theo lời mời của các cha Việt Nam tại Ðài Loan. Lời đầu tiên, tôi xin được cùng với toàn thể đồng bào và tín hữu chúng ta tại Úc Ðại Lợi gởi đến toàn thể quý vị lời chúc Xuân và Năm Mới Giáp Ngọ nhiều sức khoẻ, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Xin Ngài quan phòng cho mọi nhu cầu hồn xác của anh chị em và những người thân yêu tại quê nhà. Nhưng trên hết mọi sự, xin Ngài kiện toàn thánh ý nhiệm mầu của Ngài nơi chúng ta: Ðó là Ngài biến chúng ta - những người Việt tha phương vì chế độ Cộng Sản - thành khí cụ của tự do, công lý và nhân bản. Dù ở đâu, người Việt Nam chúng ta cũng cố gắng để làm rạng danh 'con Rồng cháu Tiên' và cùng tranh đấu cho một tương lai tươi sáng của quê hương dân tộc.

Tôi cũng xin cám ơn qúy Ông Bà, Anh Chị Em đã hiệp thông với tôi trong lời cầu nguyện và sự khích lệ để tôi mạnh dạn hiến thân hay nói theo châm ngôn của tôi chọn, là mạnh dạn "ra khơi" theo lời mời gọi của Giáo Hội. Sự kiện làm giám mục của tôi cũng như sự hiện diện năng động của các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam hải ngoại khác đánh dấu sự hội nhập và lớn mạnh của chúng ta. Tôi thâm tín rằng, Thiên Chúa đã quan phòng và tuyển chọn người Việt Công Giáo ly hương như Ngài đã quan phòng và tuyển chọn dân Do Thái lưu đầy năm xưa, để thực hiện những kỳ công của Ngài. Ðể rồi như lời Thánh Vịnh nói: "Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó là việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trước mặt chúng ta".

Qủa thế thưa qúi Ông Bà, Anh Chị Em,

Ðức Kitô chính là phiến đá bị thế lực của bóng tối và tà thần loại bỏ. Nhưng Ngài đã chiến thắng trên chúng qua con đường khổ giá và trở thành tảng đá góc tường. Ai theo Ngài thì cũng phải đối diện với thế lực của bóng tối và tà thần, cũng phải bị chúng loại bỏ rồi mới thông phần chiến thắng của Ðức Kitô. Người Việt Nam ly hương trên khắp năm châu bốn bể vì chế độ Cộng Sản một phần nào cũng là những phiến đá bị người thợ xây là tà quyền trên chính quê hương mình loại bỏ. Nhưng hôm nay, chúng ta đã và đang trở nên những tảng đá góc tường, cho Giáo Hội và xã hội chúng ta đang sống đồng thời cho công cuộc phục hưng của đất nước.


Ðại diện Cộng đoàn tặng hoa cám ơn Ðức Cha và hy vọng Ðức Cha cầu nguyện cho anh chị em công nhân Việt Nam đang lao động khổ cực trên đất khách quê người.

Làm sao chúng ta quên được cái qúa khứ qúa bi thương, đau khổ, tủi nhục, đắng cay của chúng ta những nạn nhân của chế độ cộng sản. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua bao giai đoạn nghiệt ngã. "1,000 năm nô lệ giặc Tầu; 100 năm nô lệ giặc Tây; 20 năm nội chiến từng ngày" (lời bài hát của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn). Thế nhưng chẳng bao giờ người Việt chúng ta lại phải bỏ nước ra đi trong những cuộc vượt biển vượt biên vô tiền khoáng hậu, vĩ đại nhất và bi thương nhất. Chẳng bao giờ có hiện tượng người Việt Nam bỏ nước ra đi bằng đủ mọi cách để mưu sinh và để chạy trốn chế độ hà khắc bất nhân trên chính quê hương mình. Làm sao chúng ta có thể quên được cái quá khứ đầy tủi nhục, thương đau và nước mắt ấy. Khi xác định cái căn cước tỵ nạn hay ít ra là khi xác định cội rễ của những nỗi nhục quốc thể, chúng ta mới không quên sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã đặt để cho chúng ta. Sứ mạng đó là gì? Thứ nhất là làm nhân chứng sống động của tình yêu Thiên Chúa, vì Ngài đã yêu thương quan phòng cho chúng ta có ngày hôm nay. Thứ hai, chúng ta là chứng nhân của tự do công lý và của những giá trị nhân bản bất khả xâm phạm. Chúng ta có bổn phận với những nạn nhân của tự do, những người đã chết trên chiến trận, trong ngục tù, nơi biển cả, ở vùng kinh tế mới và trên khắp nẻo đường đất nước; chúng ta có bổn phận với đồng bào quốc nội đang khao khát một xã hội nhân bản. Chúng ta có bổn phận với qúa khứ, với hiện tại và với tương lai của dân tộc. Trách nhiệm ấy thôi thúc chúng ta góp phần vào ngày Chân Thiện Mỹ khải hoàn trên quê hương dấu yêu.

Tôi liên tưởng đến người dân Chúa chọn. Trên đất lưu đầy, họ không quyên nguồn gốc của họ và giao ước với Giavê. Họ thực hiện hai điều kỳ diệu là làm chứng cho dân ngoại biết về Thiên Chúa của họ và làm hạt nhân cho cuộc tái kiến thiết cơ đồ dân tộc sau ngày lưu đày. Phải chăng chúng ta, những người Việt Công Giáo lưu vong cũng đang được mời gọi để tham dự vào chương trình tình yêu của Thiên Chúa cho Giáo Hội và cho quê hương? Tôi nghiệm thấy rằng, sau gần 40 năm từ ngày có dấu chân người Việt lưu vong trên thế giới, Giáo Hội đã được trẻ trung hoá nhờ vào sự hiện diện và đóng góp rất năng động của chúng ta. Có ai ngờ rằng cái lớp người tỵ nạn năm xưa với biết bao khổ nhục, kinh hoàng, đắng cay giờ đây đã trở thành rường cột hay ít nhất là luồng sinh khí mới cho Giáo Hội từ Úc Châu tới Mỹ Châu, từ Âu Châu tới Á Châu.

Nhưng thưa qúy ông bà anh chị em, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở đây. Chúng ta không thể quên căn cước tỵ nạn và bổn phận làm hạt nhân trong công cuộc phục hưng và công lý hóa đất nước. Ðó là bổn phận không thể tách lìa khỏi căn cước Kitô hữu của chúng ta. Như Ðức Kitô đến để đem cuộc sống sung mãn cho đồng loại, chúng ta cũng không thể vô cảm với những tiếng than khóc của đồng bào ruột thịt đang quằn quạy dưới gông cùm cộng sản. Chúng ta không thể vô cảm với sự ác độc gian dối là chế độ vong nô đang khống chế toàn diện đời sống của người dân trong nước. Chúng ta không thể lặng yên khi Thái Hà, Cồn Giầu, Ðồng Chiêm, Văn Giang, Tiên Lãng, Con Cuông và dân oan khắp nơi tiếp tục bị đàn áp. Người Việt hải ngoại chúng ta đóng góp hàng chục tỷ Mỹ Kim mỗi năm cho thân nhân và Giáo Hội quê nhà. Nhưng trên hết mọi sự giúp đỡ, chúng ta hãy đóng góp vào tiến trình công lý hóa cho dân tộc. Một chính thể bất lương là nguyên cớ của sự bất công và sự bế tắc toàn diện. Một chính thể vong nô vong bản là nguyên cớ của những nỗi nhục quốc thể mà lịch sử 4,000 năm văn hiến dân tộc chúng ta chưa từng chứng kiến.

Thưa qúy ông bà anh chị em,

Hôm nay, ở tại một quốc gia có rất nhiều gắn bó với Việt Nam, chúng ta không thể không bồi hồi cho số phận của quê cha đất tổ. Chúng ta không thể không ngậm ngùi khi nhìn thấy sự tương phản hay ít ra là sự khác biệt đáng đau buồn giữa một quốc gia dân chủ pháp quyền nhân bản với một xã hội độc tài đảng trị. Tôi không nghĩ là chúng ta làm chính trị theo cái nghĩa hẹp hòi tiêu cực khi phải chia sẽ những trăn trở về hiện tình đất nước. Tranh đấu cho công lý và sự thật, tự do và nhân phẩm là con đường tất yếu của những ai theo Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta không thể đồng lõa và vô cảm với sự giả dối, gian ác và phi nhân. Chính tình yêu đối với Thiên Chúa và nhiệt tâm cho Vương Quốc của Ngài đòi hỏi thôi thúc chúng ta trong cuộc chiến cho công lý và sự thật, ánh sáng và sự sống - cuộc chiến mà chính Ðức Kitô đã tranh đấu và khải hoàn qua sự chết và phục sinh của Ngài.


Quý linh mục Việt Nam tại Ðài Loan chụp hình kỷ niệm cùng Ðức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long.

Bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta là đừng chỉ kiếm những gì giới hạn cho nhu cầu vật chất: phải ăn gì, uống gì, mặc gì. Ngay cả trong việc sống đạo, đôi khi người Công Giáo chúng ta cũng chỉ giới hạn vào những việc thuàn tuý tôn giáo như đi nhà thờ, đọc kinh, rước sách vvv.. Ở Việt Nam, có nhiều nơi xây nhà thờ như trăm hoa đua nở. Thiển nghĩ rằng việc xây dựng con người nhân bản và xã hội công bằng mới là quan trọng hơn cả. Ðức Kitô dạy rằng: "Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, rồi những thứ kia Ngài sẽ ban thêm cho". Nước Thiên Chúa là gì nếu không phải là một môi trường, một xã hội có nhân bản, tôn trọng quyền làm người, phát huy phẩm giá, bảo vệ người cô thế. Sự công chính của Thiên Chúa là gì nếu không phải là sự thật, công lý, chính trực.

Anh chị em thân mến, mùa Xuân là mùa của hy vọng. Chúng ta, những người Công Giáo đã cảm nghiệm được phần nào ánh sáng hy vọng nơi Ðức Giáo Hoàng Phanxicô. Sự đơn sơ, nghèo khó và nhất là sự quan tâm của ngài đến những người cùng khốn đã làm cho người Công Giáo khắp nơi như có được sinh khí mời của Chúa Thánh Thần. Riêng đối với người Việt Công Giáo chúng ta, sự kiện Ðức Giáo Hoàng Phanxicô chính là sự tỏ bày uy quyền của Thiên Chúa trong nhỏ mọn yếu đuối. Thiên Chúa tiếp tục dùng khí cụ mọn hèn như Ðức Giáo Hoàng Phanxicô và có thể nói như người Việt Công Giáo, nhất là người Việt Công Giáo ly hương tỵ nạn chúng ta. Tôi xin kính chúc qúy ông bà anh chị em một mùa Xuân an bình thánh thiện và nhiều hồng ân của Thiên Chúa. Xin Ngài tiếp tục biến đổi chúng ta thành những khí cụ của Ngài bằng đời sống cầu nguyện, yêu thương, hy sinh và dấn thân.


Cuối thánh lễ, chủ tịch cộng đoàn Việt Nam tại Thành Phố Ðào Viên đã đại diện cộng đoàn nói lên những lời cám ơn của cộng đoàn đến Ðức Cha và chúc tết Ðức Cha:

Tình yêu Thiên Chúa bao la muôn đời con sẽ ngợi ca danh Ngài.

Trọng kính Ðức Cha! Kính thưa quý Cha, quý Tu Sĩ , quý Ân Nhân, quý khách xa gần và thưa tất cả cộng đoàn. Hôm nay trong không khí hân hoan, của ngày đại lễ Tết cổ truyền của dân tộc, đang diễn ra trên cộng đoàn của chúng con. Cùng hòa chung với những cảm xúc ngọt ngào của cảnh sắc đất trời nơi xứ người. Chúng con vô cùng vui sướng, được đón nhận hồng ân của Chúa, của Mẹ tình thương, của Ðức Cha, quý Cha, cùng với sự hiệp thông chia sẻ, của quý vị Tu Sĩ, quý Ân Nhân, quý khách xa gần. Ðây quả là niềm vinh dự đặc biệt đối với chúng con. Trước hết, chúng con thành kính dâng lên Ðức Cha, quý Cha, và quý vị, lời chào trân trọng , tâm tình, mến yêu, với lòng biết ơn chân thành, và lời chúc tốt đẹp nhất của ngày đầu xuân.

Lạy Ðức Cha kính mến! kính thưa quý Cha và quý vị. Ngày mừng vui hôm nay, thoáng nhìn ngược về dòng lịch sử của cộng đoàn chúng con. 20 năm về trước, nơi đây, còn đơn sơ trống rỗng, một số anh chị em tham dự Thánh Lễ có thể đếm đầu ngón tay. Nhưng đến ngày hôm nay, con số anh chị em tham dự Thánh Lễ mỗi ngày Chúa Nhật mỗi ngày một gia tăng, vào khoảng từ 500 đến 700 người. Vì cộng đoàn chúng con, phần đa là anh em lao động, kẻ đến người về nên hàng năm phải bầu lại ban mục vụ. Và nhận Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam làm bổn mạng của cộng đoàn. Sau nhiều năm thành lập cho tới nay, cộng đoàn chúng con có gặp nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Nhưng nhờ tình thương của Chúa quan phòng, cùng với sự hy sinh năng động của quý Cha và sự giúp đỡ của tất cả quý vị. Hôm nay trên mảnh đất hẻo lánh ngày nào năm xưa, hàng trăm hàng ngàn người quy tụ nơi đây, trong không khí tưng bừng, đón mừng ngày tết cổ truyền. Cảm tạ tình thương Chúa đã xuyên suốt cuộc hành trình của cộng đoàn chúng con.

Ðồi kia ai đắp mà cao!
Sông sâu bể rộng ai đào mà sâu.


Chúng con xin được thành kính tri ân , Cha, Nhạc sĩ Pet Nguyễn Hùng Cường, phụ trách cộng đoàn chúng con. Kính thưa Cha chúng con chẳng biết lấy gì để đền đáp công ơn mà Cha đã dành cho chúng con. Qua nhiều năm thăng trầm, Cha đã vất vả hy sinh, không quản ngại đường sá xa xôi. Mặc cho mưa dầm giá rét, cũng như lúc mùa hè nóng nực, Cha vẫn đến để động viên, khích lệ, với bao mồ hôi nước mắt và lòng thương yêu quảng đại của Cha, đã làm cho cộng đoàn chúng con trang sử mới huy hoàng.

Ơn sâu nghĩa nặng, tình đầy,
Tri ân cảm tạ mỗi ngày đời con.


Trọng kính Ðức Cha khả ái! Chúng con được biết Ðức Cha là những bông hoa đầu mùa của Giáo Hội Việt Nam. Ðang rực rỡ tươi nở nơi xứ người. Chúng con được nghe biết và xem thấy qua các trang mạng về Ðức Cha rất nhiều. Nhưng hôm nay thật hạnh phúc vì chúng con được xem thấy trực tiếp, không những xem thấy, mà chúng con còn được Ðức Cha, dành cho nhiều thời gian vàng bạc, đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên, khích lệ, để chúng con vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Những hình ảnh ấy, tình yêu ấy, chúng con sẽ luôn khắc ghi vào tâm trí. Chúng con nguyện kính chúc Ðức Cha, luôn sức khỏe, thánh đức, tràn đầy hồng ân của Chúa trên con đường mục vụ. Chúng con hết lòng cảm tạ Cha quản hạt, quý Cha đồng tế... và tất cả quý vị đã giúp đỡ cách này hay cách khác, để cho Thánh Lễ diễn ra được phần trang trọng và sốt sắng. Cúi xin Chúa là nguồn mỗi ơn phúc và các Thánh Tử Ðạo Bổn mạng, tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác và trả công bội hậu, cho tất cả những ai đã giúp đỡ chúng con. Chắc rằng trong dịp lễ trọng đại này, chúng con không thể tránh khỏi những thiết sót. Xin Ðức Cha, quý Cha, và quý vị rộng lượng tha thứ. Cuối cùng một lần nữa, chúng con xin hết lòng cảm tạ và xin được gửi tới Ðức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn , lời chúc sức khỏe, và lời chào bình an trong chúa xuân.

Giờ đây, chúng con có bó hoa tươi, với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân, kính dâng Ðức Cha và quý Cha. Xin Ðức Cha và quý Cha vui nhận.

Cuối cùng, một đại diện Cộng đoàn đã tặng hoa cám ơn Ðức Cha và bày tỏ ước mong Ðức Cha sẽ luôn cầu nguyện cho anh chị em công nhân Việt Nam đang lao động khổ cực trên đất khách quê người tại Ðài Loan này.

(Ban Mục Vụ Cộng Ðoàn Việt Nam tại Ðào Viên Ðài Loan)
 
Linh địa Trại Gáo – Gx Mỹ Yên: ''Ngày tết Ông thánh Antôn''
PM. Hòa Thắng
19:04 06/02/2014
Linh địa Trại Gáo – Gx Mỹ Yên: "Ngày tết Ông thánh Antôn"

Ngày Mồng Ba Tết, như đã thành thông lệ, tại Trung tâm hành hương Linh địa Trại Gáo - giáo xứ Mỹ Yên (GP Vinh) là một ngày hội lớn. Nhiều người đã dí dỏm gọi đây là "Ngày tết Ông thánh Antôn". Năm nay, ước chừng có trên 20 nghìn người không phân biệt niềm tin tôn giáo từ khắp nơi đã tề tựu về đây tham dự thánh lễ, cầu xin ơn thánh hoá công việc làm ăn. Thánh lễ do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ sự, cùng với Đức Tổng Giám mục Đaniel (Canađa), Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, và đông đảo quý cha đồng tế.

Xem Hình

Ngay đầu Thánh lễ, Đức Cha chủ chăn Giáo phận đã chúc mừng tuổi mới quý Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ, chủng sinh và đông đảo cộng đoàn hiện diện. Mọi người cũng chúc mừng nhau với những tràng pháo tay rộn rã. Ước nguyện một năm mới Giáp Ngọ nhiều may lành, hạnh phúc và thịnh đạt trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, nhờ sự cầu bầu của thánh Antôn.

Chia sẻ trong thánh lễ, với ý nghĩa của thánh lễ cầu xin ơn thánh hoá công việc làm ăn, Đức Cha chủ tế đã nêu bật những giá trị của lao động. Theo đó, lao động không chỉ là tạo ra của cải vật chất, đảm bảo nhu cầu sinh tồn mà còn là cải tạo thiên nhiên, kiến tạo thế giới và làm thăng tiến con người. Nhờ lao động, con người nhân hoá vạn vật, cải thiện xã hội và hơn nữa, qua lao động, con người “càng trở thành người” hơn. Như thế, lao động không phải là hình phạt của tội nguyên tổ, mà là phần nỗ lực của con người để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã trả lại giá trị cứu độ, giá trị Tin mừng cho lao động khi chính Người đã làm việc trong xưởng mộc làng Nazareth.

Theo giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo: con người là chủ thể của lao động; nguồn gốc, phẩm giá của lao động không phải được kiếm tìm nơi chiều kích khách quan “làm gì?” mà là khía cạnh chủ quan “ai làm?”.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và đất nước, Vị chủ chăn khích lệ mọi người biết vươn lên lao động chân chính, biết tận dụng và làm lợi tối đa những nén bạc Chúa trao.

Việt Nam chúng ta từng được xem là "hòn ngọc viễn đông", nhưng sau 40 năm thống nhất đất nước, giờ lại đang là một quốc gia nghèo và phải đi làm thuê tứ xứ. Người Việt Nam cần cù, chịu khó lao động, tháo vát; nước ta lại giàu có về tài nguyên; vậy điều gì đã đẩy đưa nước ta đến tình trạng hiện nay? Cái ách nào đang đè nặng lên hưng khí quốc gia và khiến đất nước phải thụt lùi trong đà tiến của nhân loại?... Đó thực sự là những nỗi trăn trở chưa có lối thoát của những người thiện chí vì sự hưng thịnh của nước nhà.

"Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên" và “không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15,5), vì thế, chúng ta nài xin Chúa chúc phúc và thánh hoá những cố gắng, lao nhọc của chúng ta. Để không chỉ đạt được đạt được những kết quả mong muốn mà còn diễn tả được những giá trị cao quý của lao động, và dù có cực nhọc cũng có thể nói được như thánh Tôma Aquinô: cực nhọc hồng phúc.

Vị chủ chăn cũng không quên cầu chúc cho mọi người một năm mới nhiều may lành, thuận lợi; mọi nhà được no ấm, hạnh phúc. Ngài còn nhắn nhủ: hãy làm việc như tất cả ở trong tay chúng ta và hãy cầu xin như tất cả ở trong tay Chúa.

Cuối thánh lễ, sau phần chúc tết của cha quản xứ và đại diện cộng đoàn Giáo xứ Mỹ Yên, Đức Cha chủ chăn Giáo phận đã long trọng công bố chuyển sở hạt Nhân Hoà về Trại Gáo và đổi thành giáo hạt Trại Gáo. Ngài cũng cám ơn những hy sinh, quảng đại của cha quản xứ và giáo xứ Mỹ Yên, cách riêng là giáo họ Trại Gáo đã tích cực cộng tác với Giáo phận trong thời gian qua. Đức Cha mong muốn tiếp tục nhận được sự cộng tác nhiệt thành trong thời gian tới của cộng đoàn sở tại, khi Trại Gáo trở thành trung tâm sở hạt mới. Sau đó, ngài đã trao tặng quý Hội đồng mục vụ giáo xứ và 4 giáo họ thuộc giáo xứ Mỹ Yên bức tượng Mẹ Việt Nam, như một cử chỉ phó thác cho Mẹ Maria, xin Mẹ chúc lành và đồng hành cùng giáo xứ trong năm mới và sứ mạng mới.

Ước gì mỗi người cảm nghiệm được tiếng Chúa khích lệ "Ơn Ta đủ cho con" (2Cr 12,9), để giữa những khó khăn, khốn quẫn của cuộc sống thường nhật, chúng ta cảm nhận được bàn tay từ ái của Thiên Chúa. Xin Người chúc phúc thánh hoá và giúp chúng ta biết tận dụng và làm sinh lợi những nén bạc người đã đặt để nơi chúng ta.

PM. Hòa Thắng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Việt Nam nói Có là Không - Nói Không là Có
Phạm Trần
10:52 06/02/2014
VIỆT NAM NÓI CÓ LÀ KHÔNG-NÓI KHÔNG LÀ CÓ

“Báo cáo Quốc gia về thực hiện quyền con người ở Việt Nam” của Bộ Ngọai Việt Nam đọc trước Hội đồng Nhân quyền Liện Hiệp Quốc ngày 05/02/2014 ở Geneve, Thụy sỹ là một thảm kịch không những đã bôi nhọ danh dự của một Quốc gia mà cả Dân tộc Việt Nam vì nói dối nhiều qúa.

Phúc trình dài 20 trang của Việt Nam đã được gửi cho Ban Thư ký Hội đồng Nhân quyền ngày 31/10/2013, là một trong số 14 nước đến kỳ hạn phải báo cáo theo “cơ chế kiểm định kỳ phổ qúat” (UPR, The Universal Periodic Review), chu kỳ II của Liên Hiệp Quốc. Chu kỳ I được tổ chức ngày 08/05/2009.

13 quốc gia khác phải báo cáo phần nước mình tại kỳ họp Kỳ 18 từ ngày 27/01 đến 07/02/2014 gồm New Zealand (Tân Tây Lan), Afghanistan, Chile, Cambodia (Cao Miên), Uruguay, Yemen, Vanuatu, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Comoros, Slovakia, Eritrea, Cyprus vả the Dominican Republic.

Theo lời Trưởng đòan Việt Nanm, Thứ trưởng Ngọai giao Hà Kim Ngọc thì : “Báo cáo này được soạn thảo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 60/251 ngày 15/3/2006 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Nghị quyết số 5/1 ngày 18/06/2007 và Quyết định số 17/119 ngày 19/6/2011 của Hội đồng Nhân quyền nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện các quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam.”

Vậy Việt Nam báo cáo “hay ho và thật thà” như thế nào mà phải vận hành đến hết trí tuệ của các “chuyên viên về quyền con người” thuộc 16 Bộ, Cơ quan và 2 Ủy ban Quốc Hội để khoe với Thế giới ?

Bộ Ngọai giao Việt Nam trình với Liên Hiệp Quốc: “Việc soạn thảo Báo cáo được thực hiện bởi Nhóm Công tác liên ngành gồm các cơ quan thuộc Chính phủ và Quốc hội liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy các quyền con người: (1) Văn phòng Chính phủ, (2)Bộ Ngoại giao, (3) Bộ Tư pháp, (4) Bộ Công an, (5) Bộ Nội vụ, (6) Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, (7) Bộ Thông tin và Truyền thông, (8)Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (9) Bộ Y tế, (10) Bộ Giáo dục và Đào tạo, (11) Bộ Xây dựng, (12) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (13) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (14) Uỷ ban Dân tộc, (15)Toà án Nhân dân Tối cao, (16)Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, (17) Ủy ban Pháp luật và (18) Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối soạn thảo Báo cáo.”

(Ghi chú: Đánh số thứ tự do Tác giả bài viết này thực hiện)

Bộ Quốc phòng được miễn tham gia, nhưng có chắc “quyền con người” của trên 1 triệu người lính đã được tôn trọng tuyệt đối trong Quân đội ?

Nhưng đâu phải chỉ có Chính quyền Trung ương được tham gia ý kiến vào Báo cáo quan trọng này mà còn có cả hàng hà sa số người khác cũng đã được hỏi ý để “đánh cho thật bóng” bảng hiệu “quyền con người” của Việt Nam.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói : “Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện nhờ sự đóng góp ý kiến của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân. Dự thảo báo cáo đã được đăng công khai trên website của Bộ Ngoại giao. Hình thức tham vấn được lựa chọn là lấy ý kiến đóng góp qua hộp thư điện tử và qua một số cuộc họp tham vấn về nhiều chủ đề cụ thể. Quá trình tham vấn là cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Nhóm soạn thảo và tất cả các bên liên quan. Các ý kiến đóng góp được Nhóm soạn thảo tổng hợp, bổ sung vào Báo cáo. Một hội thảo quốc gia được tổ chức sau đó, đã trở thành diễn đàn để các bên quan tâm cùng trao đổi, thảo luận về nội dung Báo cáo, giúp khẳng định rõ các bước phát triển mới trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, đồng thời chỉ rõ các thách thức cần giải quyết và các hướng ưu tiên nhằm đem lại sự thụ hưởng tốt nhất các quyền con người của người dân.”

Như vậy có phải là “quyền làm người và quyền công dân” của trên 90 triệu người Việt Nam đã được Nhà nước bảo đảm trong mọi lĩnh vực rồi phải chăng ?

MẶT TRÁI-MẶT PHẢI

Chưa hẳn đã được như thế vì vô số những vấn đề nêu trong Báo cáo là không có thật hay đã bị đổi “trắng thay đen” và ngược lại để đánh lừa những ai không biết gì về “cách ăn nói” của người Cộng sản Việt Nam.

Sau đây là sự thật đã bị lật tẩy trong Báo cáo của Việt Nam :

Thứ nhất, trong mục “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người”, Báo cáo viết : “ Xây dựng Nhà nước Pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đảm bảo các quyền con người được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân được triển khai đồng bộ và xuyên suốt thông qua các chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và các chính sách, cơ chế nhằm triển khai các Luật và văn bản luật này trên thực tế.”

Điều này hoàn toàn sai vì nhân dân đã bị áp đặt phải chấp nhận guồng máy cai trị không do dân bầu ra, không đại diện cho dân vì Nhà nước này là của đảng “duy nhất cầm quyền” Cộng sản Việt Nam dựng lên để phục vụ cho quyền lợi của Đảng.

Càng sai hơn khi Báo cáo khoe khống lên rằng : “Ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong việc kiện toàn hệ thống pháp luật hiện nay là đẩy mạnh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là đảm bảo sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị phù hợp với tình hình và những phát triển mới về dân chủ, tiếp tục ưu tiên phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.”

Nhưng “dân chủ” có đồng nghĩa với “dân làm chủ” hay chỉ là chiếc bánh vẽ đã có trong tất cả 5 Bản Hiến Pháp 1946,1959,1980, 1992 và 2013 ?

Vì vậy, khi ông Hà Kim Ngọc nói rằng “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi dành toàn bộ chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Ngoài ra, nội dung quyền con người cũng được quy định tại nhiều điều khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp” là ông không nói thật với Liên Hiệp Quốc.

Bởi vì Điều 14 trong Chương này đã viết rằng : “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Nhưng có ai giải thích được, hay đã có Luật nào của Việt Nam quy định thế nào là “ lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” ?

Sang Điều 15 cũng “ấm ớ hội tề” , “lấp lửng con cá vàng” và “đánh bẫy” như thế này :

“1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”

Thế nào là “lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” ?

Đến Điều 16 cũng “hoang tưởng” không kém, trong đó có 2 câu :

1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Vì Báo cáo của Việt Nam với Liên Hiệp Quốc không kèm theo bản dịch ra tiếng nươc ngòai Hiến pháp 2013 nên không ai biết Đảng và Nhà nước CSVN đã “kỳ thị” những công dân theo đạo Công Giáo và những Tôn giáo không chịu gia nhập “Giáo Hội” của Nhà nước tồi tệ như thế nào.

Họ cũng không sao hiểu được “mặt sau” của Điều 16 Hiến pháp viết :

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Vì thực tế, sau ngót 40 năm chấm dứt cuộc chiến Tháng Tư năm 1975 và đất nước đã thống nhất, quy về một mối trong tay đảng CSVN, có người nước ngòai nào biết được số phận hẩm hiu của Quân và Dân miền Nam Việt Nam đã phải trải nghiệm cay đắng như thế nào ?

Cho đến ngày nay, có mấy người ngọai quốc biết rằng dù Nhà nước vẫn huyênh hoang “đòan kết tòan dân, xóa bỏ hận thù, quên đi qúa khứ ” nhưng “những người bại trận và con cháu họ” từ Vỹ tuyến 17 vào tận mũi Cà Mâu vẫn còn bị ngược đãi khi vác đơn đi xin việc làm và đi học, dù có giỏi hơn con cán bộ chục lần, vẫn khó mà chui vào được biên chế Công chức của nhà nước ?

Đến Điều 20 của “Chương II quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân” mà Báo cáo của Việt Nam đã “làm to chuyện” cho hoa mắt Liên Hiệp Quốc thì cũng hòan tòan “phản bội trắng trợn” với những gì đã xẩy ra cho “hàng chục người tù lương tâm” đang bị giam hãm với các điều kiện ăn uống, vệ sinh và y tế thiếu thốn và ngặt nghèo nhất.

Điều này viết:

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.

Thế còn những vụ đàn áp dã man bởi những tay anh chị Công an “vai u, thịt bắp”, Dân phòng và Côn đồ vũ phu chống người dân vô tội chỉ muốn bảo vệ quyền sống và quyền làm chủ tài sản, ruộng vườn đã và đang diễn ra ở khắp mọi nơi thì sao, có phải là vi phạm “quyền con người không?”

BỊP VÀ BỢM

Thứ hai, Báo cáo Việt Nam cũng khoe không biết ngượng mồm rằng : “ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai để lấy ý kiến đóng góp của của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân nhằm đảm bảo quyền làm chủ và phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân được bắt đầu từ ngày 02/01/2013 và tính đến tháng 8/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong đó tập trung nhiều nhất vào nội dung Chương II về các quyền con người và quyền công dân. Các ý kiến đóng góp được tổng hợp đầy đủ, chính xác và được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu tiếp thu, giải trình nhằm hoàn thiện….”

Đọan này được viết ra chỉ để “bôi tro, trát phấn” vào mặt Nhà nước mà thôi. Làm gì có chuyện lấy ý kiến để “đảm bảo quyền làm chủ và phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân ” ?

Con số “hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” là son số không biết nói nhưng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã biết có bao nhiêu triệu cán bộ, đảng viên, binh lính và công dân đã “đành nhắm mắt đưa chân” cho khỏi bị làm rắc rối khi họ viết “đồng ý” trăm phần trăm ?

Nhưng khi Báo cáo nói rằng góp ý của dân đã “ tập trung nhiều nhất vào nội dung Chương II về các quyền con người và quyền công dân” là hòan tòan bịp bợm không có “cầu chứng” tại tòa !

Cũng thắc mắc tại sao Báo cáo không dám nói đến mấy triệu con người, trong đó có nhóm 72 Trí thức và các Giáo Hội Công Giáo, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành độc lập và Phật giáo Hòa hảo Thuần Túy (Cụ Lê Quang Liêm), Thanh niên, Sinh viên, Học sinh, cựu đảng viên và viên chức Nhà nước đã ký tến đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp cho phép đảng CSVN tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước ?

BÁO-ĐÀI CỦA AI ?

Trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do báo chí, Báo cáo “quyền con người” của Việt Nam trắng trợn viết rằng : “Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật; được đảm bảo ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.

Việc Dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đăng công khai và nhận được hơn 26 triệu ý kiến đóng góp là một minh chứng rõ nét về tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của người dân đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Dự án Luật tiếp cận thông tin cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhằm cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp về quyền được thông tin của công dân.”

Đoạn viết trên đây “hòan tòan che lấp một sự thật” là các báo, đài của nhà nước đã không dám đăng Bản Dự thảo Hiến pháp Dân chủ của nhóm 72 Trí thức, không dám đăng những ý kiến chỉ trích Điều 4 Hiến pháp và Ủy ban Sọan thảo Dự thảo Hiến pháp cũng không dám công khai các “ý kiến trái chiều” xem người dân có còn muốn đảng CSVN cầm quyền nữa hay không ?

Ngược lại báo-đài chính phủ đã được lệnh “tấn công tàn mạt” những ai chỉ trích bản Dự thảo Hiến pháp.

Tưởng nói nhiêu đó cũng đủ ngượng rồi, không ngờ Báo cáo còn hồ hởi phang thêm: “ Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, bày tỏ chính kiến, đóng góp ý kiến về tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác.”

Viết “phấn khởi và trôi chảy” như thế tưởng rằng đã che mắt” được Liên Hiệp Quốc khi ai cũng biết các “tổ chức xã hội” là của đảng, không phải của dân vì người dân Việt Nam chưa bao giờ được phép lập hội và biểu tình như quy định trong Hiến pháp !

Và mọi người trên Thế giới đều biết Việt Nam cấm tư nhân ra báo thì tự do báo chí có còn là của dân nữa không ?

Ngay cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược đất liền và biển đảo của Việt Nam còn bị đàn áp dã man vì Nhà nước sợ những người cầm quyền ở Bắc Kinh hơn sợ dân thì quyền bảo vệ Tổ quốc có phải là “quyền con người” Việt Nam hay quyền của ai ?

TỰ DO TÔN GIAO-TÍN NGƯỠNG

Sang lĩnh vực Tôn giáo của dân, Bộ Ngọai giao Việt Nam đã bịp Liên Hiệp Quốc như thế này : “Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, với sự hiện diện của các tôn giáo được truyền vào từ bên ngoài như Phật giáo, Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo… và các tôn giáo được hình thành trong nước như đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Nhiều tôn giáo có bề dày lịch sử và cũng có những tôn giáo mới hình thành. 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (so với khoảng 20 triệu người năm 2009). Tính trên cả nước có khoảng 25 ngàn cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.”

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, tháng 11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo với nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân.”

Sự thật về sinh hoạt của các Tôn giáo không chịu chui vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bị kỳ thị và áp chế như thế nào thì các Tổ chức Tôn giáo và Nhân quyền trên Thế giới, cũng như Liên hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Chính phủ và Quốc hội Mỹ đều đã biết rõ, không cần phải “tô son điểm phấn” làm gì cho rát mặt thêm.

Còn khi khoe Nghị định 92/2012/NĐ-CP hay ho ra sao thì chỉ cần hỏi ba Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy xem họ đã phản đối như thế nào từ hai năm qua sẽ tìm ra ngay bộ mặt trái lem luốc và qủy quyệt của nó.

Như vậy thì Cuộc điều trần của Thứ trưởng Ngọai giao Hà Kim Ngọc về “thực hiện quyền con người ở Việt Nam” với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thay đổi được bộ mặt son phấn lòe loẹt của Đảng và Nhà nước Việt Nam không, hay ông chỉ làm cho mặt mũi Việt Nam xấu xí hơn và làm cho Dân tộc Việt Nam xấu hổ lây ?

Phạm Trần

(02/014)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiện tượng xã hội mới ở Mỹ: Mass Mob
Trần Mạnh Trác
19:10 06/02/2014

Có ai nghe tới chữ Flash Mob bao giờ chưa?

Flash là đèn chớp, giống như đèn chớp cuả máy hình, tuy chớp nhoáng nhưng để lại một dấu tích lâu dài là có một tấm hình có đủ ánh sáng.

Người ta thường dùng chữ Flash với chữ Flood để chỉ một hiện tượng mưa lũ tại các thành phố. Vì diện tích đất trống bị thu hẹp (có nhiều nhà cửa và đường xá,) cho nên mỗi khi trời mưa to, nước không có chỗ thấm, tạo ra một cơn Flash Flood () đổ xuống các đường hẹp và thấp, trôi đi xe cộ và đôi khi cả người nữa. Năm nào Tin Tức cũng cho biết có hàng chục tai nạn như thế.

Thời xưa chỉ có vùng cao nguyên La Pampas ở Argentina là có hiện tượng Flash Flood nổi tiếng mà thôi. Vì không có cây cho nên mỗi khi có một cơn bão lớn đổ xuống vùng núi thì nước tràn về đó giống như một bức tường đố xập, cuốn trôi mọi vật. Không ai ở đây được. Người ta đã trị liệu cái hiện tượng thiên nhiên này bằng cách trồng thêm thật nhiều cây cối và bây giờ vùng La Pampas đã có thể ở được, nhiều thành phố đã được dựng lên.

Nhưng con ngươì hình như không thấm nhuần cái bài học quí giá đó, ở nhiều nơi trên thế giới người ta vẫn tiếp tục phá rừng taọ nên những cơn lũ nhân tạo mà hàng ngàn năm trước thiên nhiên đã không bao giờ cho xảy ra !

Nhưng thôi, hãy trở lại với chữ Flash. Như vậy thì Flash có nghiã là bất chợt, chớp nhoáng, và để lại một hậu quả lâu dài.

Flash Mob là một hiện tượng xảy ra ở trên Internet. Mob là tụ tập, kéo bè kéo đảng. Flah Mob là một sự tụ tập chớp nhoáng để làm một việc gì đó. Có thể là xấu nhưng cũng có thể là tốt.

Năm 2003, một nhóm hô hào nhau trên email để tụ tập phản đối một gian hàng ở Manhattan New York. Tin bị lộ và cảnh sát và nhà hàng đã can thiệp kịp thời không cho đám đông tụ họp.

Lấy kinh nghiệm thất bại đó, họ tổ chức những cách truyền tin chớp nhoáng hơn, bằng ký hiệu điện thoại cầm tay vào những phút chót, và đã có khoảng 300 người tụ họp thành công vào ngày 17 tháng 6 năm 2003 tại một gian hàng Macy's.

Lịch sử cuả Flash Mob không dừng tại đó, nhưng mau chóng lan tràn ra khắp thế giới. Trong những năm qua, những Flash Mob đã tái diễn qua các cuộc biểu tình chớp nhoáng làm thay đổi các chế độ độc tài mà chúng ta được biết chung bằng một danh xưng là "muà Xuân Ả Rập".
...
Cũng cùng một phương thức đó, mới đây người ta thấy xuất hiện một hiện tượng gọi là Mass Mob. Mass là Thánh Lễ và Mob là Flash Mob. Mass Mob là một cuộc tụ tập chớp nhoáng để tràn ngập một nhà thờ.

Để làm gì?

Xin thưa để chia sẻ cái lối sống lịch sử cuả ngôi nhà thờ với những giáo dân còn ở lại đó.

Có nhiều ngôi nhà thờ cổ kính ở trong nội thành đang dần dà bị bỏ hoang. Ngày Chuá Nhật chỉ còn khoảng dăm ba chục người dự lễ. Nhưng vẻ đẹp cuả lối kiến trúc, vẻ mỹ thuật cuả các tác phẩm điêu khắc đã làm cho các ngôi nhà thờ đó trở thành những địa điểm lý tưởng để cử hành lễ cưới, lễ kỷ niệm...

Bây giờ có nhiều người nghĩ rằng các ngôi nhà thờ đó là địa điểm lý tưởng để sống lại cái tình cảm đạo đức dạt dào cuả tiền nhân.

Sự việc xảy ra như sau: Vào một ngày Chúa Nhật nhất định nào đó, những thành viên tham gia phong trào Mass Mob chọn một trong những nhà thờ cổ kính bằng cách bỏ phiếu trực tuyến qua Facebook và Twitter.

Khi lựa chọn, họ được cung cấp thông tin về lịch sử, về nét đặc biệt và về tình trạng sử dụng cuả ngôi nhà thờ. Do đó khi đến tham dự thánh lễ, họ sẽ trải nghiệm những vẻ đẹp về kiến trúc, về lịch sử và về di sản tinh thần cuả ngôi nhà thờ.

Cho nên giỏ tiền quyên góp cũng đầy ắp hơn lên.

"Nó giống như là bày tỏ sự quan tâm và giúp đỡ những giáo dân còn ở lại đó" theo lời anh Christopher Byrd, một thành viên Mass Mob ở Buffalo, NY.

Buffalo NY là nơi mà những Mass Mob đầu tiên đã được thực hiện. Anh Christopher Byrd đã nẩy ra cái ý tưởng này từ muà Thu năm ngoái và đã tổ chức được 2 buổi Mass Mob, mỗi buổi thu hút khoàng 200 người.

"Tôi gọi những nhà thờ này là những nơi bổ dưỡng đức tin. Bạn không thể bước vào mà không có cảm giác gần gũi hơn với một quyền lực cao hơn ", anh nói.

Một trong những nhà thờ mà họ chọn là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nằm cạnh con sông Buffalo. Ngôi nhà thờ cổ kính kiểu Gothic từng có một dân số là 800 gia đình trong những năm 1900. Nhưng ngày nay chỉ còn có 50 người già dự lể mỗi Chuá Nhật.

Những câu chuyện giảm dân số như thề thì không lạ, thành phố Buffalo đả từng có một dân số lên tới 580 ngàn người trong năm 1950, bây giờ dân số chỉ còn một nửa.

Theo đà dân số giảm, những ngôi nhà thờ xây dựng bởi những người di dân gốc Ba Lan. Đức, Ái Nhĩ Lan và Ý cũng bị bỏ hoang vì dân chúng đã di dời qua các vùng Ngoại ô rộng rãi hơn.

Được biết Giáo phận Buffalo đã đóng cửa gần 100 nhà thờ trong những năm gần đây vì dân số giảm và các linh mục nghỉ hưu.

Cha Donald Lutz, chánh xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp , khi được báo cho biết nhà thờ được chọn, ngài vui mừng thốt lên :"It's wonderful" (thật là tuyệt.)

" Nó cho thấy rằng chúng tôi không chỉ là một giáo xứ mà thôi, mà còn là một bộ phận trong gia đình của giáo phận . Chúng ta chăm sóc cho nhau."

" Và , " Ngài nói thêm, " nó giúp chúng tôi trả được một vài hóa đơn... "

Ngày Chuá Nhật hôm đó, mọi ghế trong nhà thờ đều chật ních, những người đến muộn phải đứng ở phiá dưới. Bà Elizabeth Barrett, một giáo dân đã 88 tuổi, hồi tưởng lại trong nước mắt những kỷ niệm cuả một nhà thờ đông đảo như vậy khi bà còn bé.

" Bạn phải đi lễ rất sớm khi tôi còn trẻ , vì nhà thờ đông quá ", bà nói . "Nhưng bây giờ chỉ còn lại một số rất ít người. Thật khó mà chấp nhận được, nhưng biết làm sao được. "

Trong lúc chúc bình an, cha Lutz đã bỏ ra nhiều phút đi lên đi xuống bắt tay từng người một. Sau lễ, Ngài mời mọi người đi qua hội trường để chia sẻ một ly cafe và vài miếng bánh ngọt.

Những người khách thì đi tới với máy ảnh cầm tay, nhắm vào những tấm kính màu rực rỡ được nhập cảng từ nước Áo, và nhất là chiếc bàn thờ bằng cẩm thạch với những công trình điêu khắc tỉ mỉ.

" Thật là tuyệt vời được xem các nhà thờ cũ như thế này. Thật là đẹp, " là lời cuả cô Barbara Mocarski , một thành viên Mass Mob đến từ Lackawanna.

"Được chứng kiến một cộng đồng tụ họp với nhau và được quan tâm đến họ, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc , " cô nói.

Cô Karen Huber đến từ West Seneca thì hy vọng sẽ có nhiều người trẻ tuổi trở lại nhà thờ thường xuyên hơn, chứ không phải chỉ một lần như lần này.

Không rỏ điều ước nguyện cuả cô Huber sẽ thành đạt được bao nhiêu, vì hiện tượng còn mới mẻ quá. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều nơí khác đang manh nha những phong trào tương tự như vậy.
...
Vậy thì, một ngày Chuá Nhật đẹp trời nào đó, xin đừng ngạc nhiên khi thấy có hàng trăm bộ mặt lạ tràn ngập giáo xứ cuả bạn với máy ảnh trên tay, nháy lia nháy lịa. Hãy trao cho họ một nụ cười thật tươi. Họ là những Mass Mob tốt lành cả thôi.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bưu Điện Sàigòn Vào Đêm
Nguyễn Hùng
22:20 06/02/2014
BƯU ĐIỆN SÀIGÒN VÀO ĐÊM
Ảnh của Nguyễn Hùng
Từ phương trời xa lạ, những cánh thư bay về đây.
Cùng Sài Gòn ngủ say, cùng Sài Gòn thức giấc.
Ngày mai thư sẽ bay tới những bàn tay quen lạ.
Và mỗi bàn tay sẽ cầm nắm một hạt giống buồn vui.
(Pleiksor nth)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 31/01 -06/02/2014 Sứ Điệp Mùa Chay - Năm Đời Sống Thánh Hiến
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:25 06/02/2014
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bộ Giáo lý đức tin

Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh giác chống lại cám dỗ lợi dụng đạo lý của Giáo Hội và ngài khích lệ giải quyết những vấn đề giáo lý đức tin trong tinh thần đoàn thể của hàng Giám Mục.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31 tháng Giêng, dành cho 24 Hồng Y, Giám Mục thành viên, cùng nhiều chuyên gia cố vấn, vừa kết thúc khóa họp toàn thể của Bộ giáo lý đức tin, dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Tổng trưởng Gerhard Mueller. Khóa họp bàn về tương quan giữa đức tin và bí tích hôn phối.

Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò của Bộ Giáo lý đức tin là “thăng tiến và bảo vệ đạo lý đức tin và phong hóa trên toàn thế giới Công Giáo” (Tông Hiến Pastor Bonus – Mục Tử Nhân Lành, 48). Đó là một việc phục vụ dành cho Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng và toàn thể Giáo Hội. Vì thế Bộ dấn thân để các tiêu chuẩn đức tin luôn được trổi vượt trong lời nói và hành động của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Ngay từ thời kỳ đầu của Giáo Hội đã có cám dỗ muốn hiểu đạo lý theo nghĩa ý thức hệ hoặc thu hẹp đạo lý vào những lý thuyết trừu tượng và khô cằn (Tông huấn Evangelii Gaudium Niềm Vui Phúc Âm, 39-42). Trong thực tế, đạo lý có mục đích duy nhất là để phục vụ đời sống của Dân Chúa và nhắm bảo đảm cho đức tin chúng ta một nền tảng chắc chắn. Thực tế có một cám dỗ lớn muốn chiếm hữu các hồng ân cứu độ đến từ Thiên Chúa, để thuần hóa các hồng ân ấy theo quan điểm và tinh thần thế tục, kể cả với một thiện ý”.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng “việc quan tâm bảo vệ đức tin toàn vẹn là một nghĩa vụ rất khó khăn, được ủy thác cho Bộ giáo lý đức tin, luôn luôn cộng tác với các vị Chủ Chăn địa phương và với các Ủy ban giáo lý đức tin của các Hội Đồng Giám Mục.

Ngài nói: “Tôi biết rằng Bộ giáo lý đức tin nổi bật về việc thực hành tinh thần đoàn thể của hàng Giám Mục và đối thoại. Thực vậy, Giáo Hội là nơi hiệp thông, và ở mọi cấp độ, tất cả chúng ta được mời gọi vun trồng và thăng tiến tình hiệp thông, mỗi người trong trách nhiệm mà Chúa đã ủy thác. Tôi chắc chắn rằng hễ đoàn thể tính càng là một đặc điểm đích thực trong hoạt động của chúng ta, thì ánh sáng đức tin của chúng ta càng rạng người trước mặt thế giới”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cám ơn Bộ giáo lý đức tin vì đã dấn thân xử lý những vấn đề tế nhị liên quan đến những tội ác nặng nhất, đặc biệt là tệ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài nói: “Anh em hãy nghĩ đến thiện ích của trẻ em và người trẻ, các em luôn luôn phải được bảo vệ và nâng đỡ trong cộng đồng Kitô trong tiến trình trạng trưởng của các em về mặt nhân bản và tinh thần. Theo chiều hướng ấy, hiện có nghiên cứu xem có thể liên kết với Bộ giáo lý đức tin Ủy ban đặc biệt bảo vệ trẻ em mà tôi đã thành lập và muốn Ủy ban này là gương mẫu cho tất cả những người muốn thăng tiến thiện ích của trẻ em”

2. Đức Giáo Hoàng nói Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến đã được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập và cử hành lần đầu tiên năm 1997. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Bras de Aviz, Tổng trưởng bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, và Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo Tổng thư ký.

Thánh lễ đã được mở đầu với cuộc rước của 50 nam nữ tu sĩ, đại diện cho mọi lứa tuổi của đời thánh hiến.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cũng được gọi là lễ của sự gặp gỡ: gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Khi Đức Maria và thánh Giuse đem con vào Đền Thờ Giêrusalem, thì xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân người được đại diện bởi hai cụ già Simeong và Anna.

Đời thánh hiến cũng là một cuộc găp gỡ với Chúa Giêsu: chính Người được Mẹ Maria và thánh Giuse đem đến cho chúng ta, và chúng ta được Thánh Thần hướng dẫn bước tới với Người.

Trong đời thánh hiến người ta cũng sống cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người già, giữa sự tuân giữ và lời tiên tri. Chúng ta đừng coi hai thực tại này là chống đối nhau. Hãy để Chúa Thánh Thần linh hoạt cả hai, và dấu chỉ của cuộc gặp gỡ đó là niềm vui: niềm vui của sự tuân giữ, bước đi trong một luật sống và niềm vui được Thần Khí hướng dẫn, không bao giờ cứng nhắc, không bao giờ khép kín, nhưng luôn luôn rộng mở cho tiếng Chúa, nói, mở ra và hướng dẫn.

Thật là tốt cho những tu sĩ trẻ biết thu thập kinh nghiệm và sự khôn ngoan của những người đi trước, đừng lưu trữ những điều này trong một viện bảo tàng, nhưng đưa ra thực hành để có thể đối phó với những thách thức của cuộc sống.

3. Không thể tưởng tượng được một Giáo Hội mà không có các nữ tu.

Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 2 tháng Hai, Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô dù trời mưa.

Đức Thánh Cha nói:

"Anh chị em đang bị ướt hết! Anh chị em tất cả rất dũng cảm."

Trình bày suy tư của ngài về Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến tầm quan trọng của các nữ tu đối với Giáo Hội và cho xã hội. Ngài mô tả các nữ tu như men mang sứ điệp của Chúa.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

Điều gì sẽ xảy ra nếu không có các nữ tu? Không có nữ tu trong bệnh viện, trong việc truyền giáo, trong các tổ chức bác ái, trong các trường học... Anh chị em có thể tưởng tượng nổi một Giáo Hội mà không có các nữ tu không. Thật là không thể tưởng tượng nổi!

Mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên cuộc lữ hành của Giáo Hội. Cần có các sự hiện diện này biết bao nhiêu, cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục Kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiên niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, và cho dấn thân cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo Hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Vì thế cần đánh giá cao với lòng biết ơn các kinh nghiệm của đời sống thánh hiến và đào sâu việc hiểu biết các đặc sủng và nền tu đức khác nhau. Cần phải cầu nguyện để người trẻ trả lời “vâng” với Chúa là Đấng gọi họ tận hiến cho Người để phục vụ các anh em chị em khác một cách vô vị lợi. Chình vì các lý do đó nên năm 2015 sẽ là Năm của đời thánh hiến.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày cho sự sống được Hội Đồng Giám Mục Italia phát động cử hành Chúa Nhật hôm qua về đề tài “Sản sinh ra tương lai”. Ngài khích lệ các hiệp hội, các phong trào và trung tâm văn hóa dấn thân bảo vệ và thăng tiến sự sống.

Cùng với các Giám Mục ngài tái nhấn mạnh rằng: “Mọi con cái là gương mặt của Chúa là Đấng yêu thương sự sống, là ân sủng cho gia đình và cho xã hội”

4. Mục tiêu và chương trình cử hành Năm về Đời Sống thánh hiến

Trong cuộc họp báo sáng ngày 31 tháng Giêng, tại Phòng báo chí Tòa Thánh, Đức Hồng Y João Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ các dòng tu, và vị Tổng thư ký là Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô đã cho biết rằng Năm Đời sống thánh hiến, do Đức Thánh Cha Phanxicô đề xướng, sẽ bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kết thúc vào tháng 11 năm tới 2015.

Đức Hồng Y Braz de Aviz, người Brazil, cho biết Năm Đời sống Thánh Hiến được tiến hành trong bối cảnh 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm công bố sắc lệnh “Đức mến trọn lành” (Perfectae caritatis) của Công đồng về việc canh tân đời sống thánh hiến.

Việc cử hành năm Đời sống Thánh Hiến nhắm 3 mục tiêu là:

- Thứ Nhất, nhìn lại quá khứ gần đây trong tâm tình biết ơn và đồng thời thống hối vì những yếu đuối và thiếu sót;

- Thứ Hai là hướng nhìn về tương lai trong hy vọng. Đức Hồng Y nói: “Tuy đời sống thánh hiến đang trải qua khủng hoảng và hành trình khó khăn, nhưng chúng ta không muốn coi cuộc khủng hoảng này như phòng chờ chết, trái lại như một thời điểm thuận tiện để tăng trưởng trong chiều sâu và hy vọng, với xác tín rằng đời sống thánh hiến không bao giờ có thể biến mất khỏi Giáo Hội, vì được chính Chúa Giêsu mong muốn như thành phần không thể bị loại bỏ khỏi Giáo Hội”.

- Thứ Ba là khích lệ các vị sống đời thánh hiến sống hiện tại trong sự hăng say. Năm đời sống thánh hiến là thời điểm quan trọng để tu sĩ “phúc âm hóa” ơn gọi của mình và làm chứng về vẻ đẹp của việc bước theo Chúa Kitô trong nhiều hình thức khác nhau của đời tu trì.

Trong cuộc họp báo, Đức Tổng Giám Mục Carballo, người Tây Ban Nha, nguyên là Bề trên tổng quyền dòng Phanxicô, đã trình bày những điểm nổi bật trong lịch trình cử hành Năm đời sống thánh hiến:

- Năm này sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức khai mạc với thánh lễ đồng tế trọng thể tại Quảng trường thánh Phêrô, có thể là vào ngày 21 tháng 11 năm nay, là ngày thế giới cầu nguyện cho các “đan sĩ chiêm niệm”.

- Tiếp đến có Đại hội của Bộ các dòng tu vào tháng 11 về đề tài “Điều mới mẻ trong đời thánh hiến từ Công đồng chung Vatican 2” và nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo quốc tế được tổ chức tại Rôma.

5. Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Sáng thứ Bẩy 01 tháng 2 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ còn có 11 Hồng Y, hơn 50 Giám Mục các nước, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” trên thế giới, các linh mục đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện.

Các tham dự viên đã hát thánh ca trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô. Khi ngài tiến vào, 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng đã dành cho ngài những tràng pháo tay nồng nhiệt.

Ông Kiko Arguello, một trong những người sáng lập phong trào Con đường Tân dự Tòng nói:

"Khi anh chị em này nhận lãnh Bí tích Rửa tội, gánh nặng tội lỗi của xác thịt mất đi sức mạnh của nó đến mức giờ đây họ cảm thấy tự do để dâng hiến bản thân mình cho Giáo Hội. Đây là kết quả của Bí Tích Rửa Tội."

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra những lời khuyên khi 10,000 thành viên này chuẩn bị cho công việc truyền giáo của họ. Các gia đình sẽ di chuyển đến các khu vực như Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi mà sự hiện diện của Giáo Hội là rất khiêm tốn, hay thậm chí là không tồn tại. Khi họ đi đến những "vùng ngoại vi" của Giáo Hội này Đức Giáo Hoàng nói điều quan trọng là xây dựng sự hiệp nhất Giáo Hội ở nơi đó.

Đức Thánh Cha giải thích:

"Điều này có nghĩa là anh chị em hãy chú ý đến đời sống của Giáo Hội ở nơi mà các nhà lãnh đạo gửi anh chị em đến, để củng cố những người vững mạnh, chịu đựng những người yếu đuối nếu cần, và đồng hành cùng nhau, như một đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của các mục tử của Giáo Hội địa phương".

Đức Thánh Cha cũng nói rằng Thánh Linh Thiên Chúa sẽ giúp đỡ họ hội nhập nhanh chóng với các nền văn hóa của các nước truyền giáo, và tìm ra những phương thế mà Tin Mừng có thể giúp đỡ người dân trong khu vực. Ngài cũng yêu cầu các thành viên của Con đường Tân dự Tòng lo lắng cho nhau, đặc biệt là những người yếu thế nhất.

Ngài nói:

“Con đường Tân Dự Tòng, trong tư cách là một hành trình khám phá bí tích rửa tội của mình, là một con đường nhiều đòi hỏi, trên đó một anh chị em có thể gặp những khó khăn bất ngờ. Trong những trường hợp ấy, sự thực thi lòng kiên nhẫn và lòng từ bi từ phía cộng đoàn chính là dấu chỉ sự trưởng thành trong đức tin. Không thể cưỡng bách tự do của mỗi người, và phải tôn trọng các sự chọn lựa của người quyết định tìm kiếm bên ngoài Con đường Tân Dự Tòng, những hình thức khác của đời sống Kitô giúp họ tăng trưởng trong việc đáp lại tiếng gọi của Chúa.”

6. Buổi triều yết chung thứ Tư 5 tháng Hai

Trong buổi triều yết chung thứ Tư 5 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài về Bí Tích Thánh Thể. Ngài mô tả bí tích này như là nguồn sống của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong bài giáo lý của chúng ta về các bí tích khai tâm Kitô giáo, giờ đây chúng ta suy tư về Thánh Thể, về bí tích Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Thể là nguồn sống của Giáo Hội. Thánh Thể đồng hành với chúng ta trong mỗi bước của cuộc hành hương trong đức tin, trong tình anh chị em đồng đạo, và trong chứng tá của chúng ta.

Thánh Lễ là một bữa tiệc nuôi dưỡng chúng ta không chỉ với thần lương cuộc sống nhận được từ bàn thờ, nơi hy tế của Chúa Kitô được dâng lên, nhưng còn với cả việc công bố Lời Chúa trong Thánh Kinh. Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Kitô đã truyền lại cho chúng ta bí tích này khi Ngài bẻ bánh và nâng chén tạ ơn như là điềm báo của hy tế trên thập giá.

Trong hy tế Thánh Thể, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta lời cầu nguyện tột đỉnh để tán tụng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót của chúng ta. Khi tưởng niệm cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, Thánh Thể trình bày với chúng ta mầu nhiệm vượt qua trong toàn bộ quyền năng cứu độ của mầu nhiệm này.

Xin cho chúng ta biết tạ ơn hồng ân tuyệt vời này, được ban cho chúng ta để chúng ta có thể nếm trước bữa tiệc trên trời khi chúng ta được diện kiến thiên nhan Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa, hiện diện trong Bí Tích Thánh này, luôn luôn hun đúc cuộc sống của chúng ta và cộng đoàn của chúng ta.

7. Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 20,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 29 tháng Giêng. Thấy tín hữu kiên nhẫn chịu mưa và lạnh Đức Thánh Cha đã khen ngợi họ can đảm.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý về bí tích Thêm Sức hay Chứng Thực, tiếp tục bí tích Rửa Tội và gắn liền với bí tích Rửa Tội một cách không thể tách rời được. Ngài nói:

Hai Bí tích này cùng với bí tích Thánh Thể làm thành một biến cố cứu độ duy nhất gọi là “khai tâm kitô”, trong đó chúng ta được tháp nhập vào Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, và trở thành thụ tạo mới và chi thể của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ban đầu ba Bí tích này được cử hành trong một lúc duy nhất, vào cuối lộ trình tân tòng, bình thường trong lễ Vọng Phục Sinh.

Bí tích Thêm Sức khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Chúa Kitô, trở thành thụ tạo mới và là chi thể của Giáo Hội, ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để phổ biến và bảo vệ đức tin, để tuyên xưng danh Chúa Kitô và không bao giờ xấu hổ vì thập giá.

8. Đức Giáo Hoàng tiếp tổng thống Samoa

Hôm thứ Hai 03 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón vị nguyên thủ quốc gia của Samoa tại Điện Tông Tòa của Vatican. Tổng thống Tui Atua Tupua Tamasese Efi cùng với phu nhân và một phái đoàn chính phủ đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề như tăng trưởng kinh tế và nhận thức về môi trường.

Người đứng đầu nhà nước Samoa đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức tranh bãi biển Samoa và nững bức tranh được dệt theo kỹ thuật truyền thống. Đức Giáo Hoàng đã tặng lại tổng thống một cây bút được thiết kế như một trụ cột bàn thờ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Như thường lệ, ngài cũng yêu cầu tổng thống cầu nguyện cho ngài.

Samoa là quốc gia nhỏ bé ở phía Nam Thái Bình Dương ở giữa đường từ Hawaii đến Tân Tây Lan, với 195,500 dân trong đó 20% là người Công Giáo, 60% theo Tin Lành.

9. Các nhóm hành hương mặc đồng phục đầy màu sắc để gây sự chú ý trong buổi triều yết chung

Ngày càng có nhiều những nhóm hành hương mặc đồng phục để gây sự chú ý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong các buổi triều yết chung thứ Tư hàng tuần.

Đây là nhóm các bạn trẻ đến từ khu vực Calabria ở phía Nam Italia. Họ là những thành viên của hiệp hội Công Giáo gọi là Mercy – Lòng Thương Xót, đã được thành lập hơn tám thế kỷ. Chi nhánh của họ tại thành phố Trebisacce, chuyên cung cấp việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực, vừa tròn 15 tuổi. Để ăn mừng, họ đã đến Rôma để gặp Đức Giáo Hoàng.

Đây là lần đầu tiên họ đã đến để gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chuyến đi cuối cùng của họ đến Roma có một mục đích long trọng hơn nữa.

"Thật không may, lần đó chúng tôi đến Rôma đúng lúc Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Chúng tôi đã ở đây để dự Thánh Lễ đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16."

10. Một linh mục cho biết hàng triệu người Syria đang chết đói tại Homs

Một linh mục người Hà Lan đang bị mắc kẹt tại Homs nói với thông tấn xã Fides và tờ The Telegraph là các cư dân của thành phố Syria này đang chết đói dần.

"Thành phố của chúng tôi đã trở thành một khu rừng vô luật lệ," Cha Frans van der Lugt cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình để kêu gọi con người hành xử trong tình huynh đệ với nhau và không giết nhau vì đói."

"Sáng nay tôi đến thăm một trung tâm cho người khuyết tật. Trong ba ngày qua họ đã không còn gì để ăn ngoài mấy trái ô liu. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để giúp đỡ, nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều."

Homs là một thành phố cổ, nơi trước đây có ít nhất là 60,000 Kitô hữu.

Cha Frans van der Lugt nói: "Bây giờ chỉ còn một mình tôi và 66 Kitô hữu khác."

"Chúng tôi sợ cộng đồng quốc tế bỏ rơi chúng tôi. Họ tìm kiếm những lợi ích chính trị trên những đau khổ của người dân Syria”

11. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Hai

Ý chung: Cầu cho Giáo Hội và xã hội biết tôn trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người cao tuổi.

Ý truyền giáo: Cầu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân biết cộng tác với nhau cách quảng đại trong việc loan báo Tin Mừng.

12. Đức Thánh Cha gửi 414 gia đình đi truyền giáo

Sáng thứ Bẩy 01 tháng 2 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 10,000 thành viên của phong trào Con đường Tân dự Tòng.

Hiện diện trong buổi gặp gỡ còn có 11 Hồng Y, hơn 50 Giám Mục các nước, các vị giám đốc của 100 đại chủng viện thừa sai “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” trên thế giới, các linh mục đã được đào tạo trong các chủng viện thuộc Con đường Tân dự Tòng ở Âu Châu cũng như các chủng sinh đang được huấn luyện.

13. Đức Thánh Cha chuẩn y một số quyết định về phong Chân Phước

Bộ Phong Thánh, với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành nghị định ngày 27 tháng Giêng xác nhận cha Pietro Asua Mendia, một linh mục người Tây Ban Nha đã tử vì đạo vào năm 1936 trong cuộc nội chiến của nước này. Ngày phong chân phước cho ngài sẽ được công bố sau.

Đức Thánh Cha cũng công nhận các "nhân đức anh hùng" của 7 ứng cử viên khác gồm 2 linh mục, 3 nữ tu và một giáo dân. Các vị được tôn kính như các tôi tớ Chúa và sẽ được phong chân phước nếu một phép lạ được xác nhận là do lời cầu bầu của các ngài. Đó là:

• Cha Giuseppi Girelli, linh mục người Ý Đại Lợi;

• Cha Zacarias Salterain Viscarra, linh mục người Tây Ban Nha;

• Chị Marcelle Mallet, nữ tu người Canada;

• Chị Maria Benita Arias, nữ tu người Á Căn Đình;

• Chị Margerita De Brincat, nữ tu người Malta;

• Chị Noemy Cinque, nữ tu người Ba Tây;

• Chị Elisabetta Sanna, giáo dân thuộc Dòng Ba Đa Minh Ý Đại Lợi.

14. Hội thảo về truyền thông xã hội tại Mỹ Châu La Tinh

Tuần trước chúng tôi đã có dịp trình bày với quý vị và các bạn về sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô cho “Ngày Truyền Thông Thế Giới” sẽ được cử hành trong toàn thể Giáo Hội vào Chúa Nhật trước Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm nay là ngày 01 tháng Sáu.

Nhiều sáng kiến đã và đang được thực hiện theo những đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô. Riêng tại Mỹ Châu, ba mươi lăm giám mục từ các quốc gia Trung Mỹ và vùng Caribbean sẽ gặp gỡ trong một cuộc hội thảo về truyền thông xã hội diễn ra tại Havana, thủ đô của Cuba, vào tháng Hai tới đây.

Cuộc hội thảo kéo dài bốn ngày được tổ chức bởi Hội đồng Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội hy vọng sẽ đưa ra với các giám mục những cơ hội để phát triển chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn cho các giáo phận.

Cuộc hội thảo này cũng đánh dấu một bước tiến trong quan hệ giữa nhà nước Cuba và Giáo Hội tại đây trong cố gắng của Giáo Hội muốn cải cách đất nước theo chiều hướng dân chủ. Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi tháng Chí năm ngoái, trong một lá thư với những lời lẽ rất quyết liệt, các Giám Mục Cuba đã yêu cầu giới lãnh đạo hãy thay đổi hệ thống chính trị đất nước.

Một số nới rộng về quyền tự do kinh tế mà thôi là không đủ. Các Giám mục Cuba đã bày tỏ những lời chỉ trích của các ngài trong một bức thư gởi cho ông Raul Castro để đòi hỏi những thay đổi sâu rộng hơn tại đảo quốc này. Bức thư có tiêu đề, "Hy vọng không thể lụi tàn" của các Giám Mục Cuba khẳng định rằng "cần phải có quyền đa dạng và sự nhìn nhận những cách nghĩ khác nhau. Hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn đòi hỏi nhất thiết phải có một trật tự chính trị mới", bởi vì Cuba được mời gọi để trở nên một "xã hội đa nguyên"

Bức thư kết thúc với nhận định rằng "một nhà nước hợp tác dứt khoát phải được thành hình để thay thế cho thứ nhà nước hành xử như bố mẹ dân chúng."

Lá thư cũng chỉ trích tình cảnh nghèo nàn mà người dân Cuba phải chịu trong hơn nửa thế kỷ qua, do thiếu cơ hội, và tiền lương chết đói, "không đủ để nuôi sống một gia đình."

Để đạt được những thay đổi này, các giám mục đã đề xuất việc tạo ra các cuộc đối thoại giữa người dân Cuba trong nước và những người Cuba lưu vong trên thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

15. Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục Áo, không hài lòng với tình trạng của Giáo Hội tại quốc gia này

Hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón một phái đoàn của Hội Đồng Giám Mục Áo, do Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna hướng dẫn.

Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Dinh Tông Tòa của Vatican giữa Đức Thánh Cha và các Đức Giám Mục Áo đang về Rôma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Schönborn đã nói về bộ mặt của Giáo Hội tại Áo. Ngài nói rằng mặc dù Giáo Hội tại Áo có thể được coi là "cũ" và ngày càng ít thành viên, Giáo Hội tại quốc gia ngay trung tâm châu Âu thực sự vẫn sống động, với những người trẻ tham gia một loạt các phong trào của Giáo Hội.

16. Quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tàn sát một giáo xứ Công Giáo

Cha Raymond Danbouye, phát ngôn viên của giáo phận Yola trong bang Borno cho biết hôm Chúa Nhật 26 tháng Giêng, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bao vây làng Kawuri, là một làng Kitô Giáo ở phía Đông Bắc của bang này trong 4 giờ đồng hồ và giết chết ít nhất 63 người.

Sau đó, chúng đặt bom và bắn xối xả vào một nhà thờ Công Giáo trong vùng, giết chết thêm 22 tín hữu đang tham dự thánh lễ Chúa Nhật tại đó.

Lúc 7h sáng ngày thứ Sáu 31 tháng Giêng, quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram lại đặt bom tại làng Kuthra, cũng là một làng Công Giáo trong giáo phận Yola, giết chết thêm 7 tín hữu Kitô và làm bị thương 3 người khác. Quả bom phát nổ khi một chiếc Toyota 18 chỗ ngồi cán phải một quả bom.

Tổng thống Goodluck Jonathan, là tín hữu Công Giáo nói: “Các hành động chống lại thường dân không phương thế tự vệ này là một tấn kích chống lại sự tự do và nền an ninh quốc gia của chúng ta, và là điều không thể biện minh được”.

Nigeria có 174 triệu dân, người Công Giáo chiếm 32% dân số, 50% là người Hồi Giáo.

17. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đại Học Notre Dame trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ, đồng thời khích lệ Đại học này tiếp tục duy trì bản sắc Công Giáo của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn gồm 130 người, trong đó có Hội đồng chỉ đạo, nhóm họp tại Roma, nhân dịp khánh thành Trung Tâm của Đại Học Notre Dame ở Roma.

Đại Học này do cha Edward Sorin và các tu sĩ đầu tiên của Dòng Thánh Giá thành lập năm 1842 ở bang Indiana và hiện là một trong những đại học nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ xác tín rằng Trung tâm mới của Đại Học Notre Dame ở Roma sẽ góp phần vào sứ mạng của Đại Học, giúp các sinh viên tiếp xúc với đặc tính có một không hai của Kinh Thành muôn thuở, phong phú về lịch sử, văn hóa và tinh thần, mở rộng tâm trí các sinh viên về sự liên tục lạ lùng giữa đức tin của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đức tin của vị hiển tu và tử đạo của mọi thời đại và đức tin Công Giáo được thông truyền cho họ trong các gia đình, trường học và giáo xứ.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Ngay từ khi mới được thành lập, Đại Học Notre Dame đã đóng góp quan trọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, dấn thân giáo dục tôn giáo cho giới trẻ và giảng dạy một kiến thức được soi sáng nhờ sự tín thác nơi sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong việc theo đuổi chân lý và sự ngay chính”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục can đảm làm chứng tá trong môi trường đại học về giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ quyền tự do bênh vực các giáo huấn đó trong và qua các cơ sở giáo dục của Giáo Hội, trong tư cách các giáo huấn ấy được các vị Chủ Chăn giảng dạy một cách thế giá. Ngài nói: “Tôi cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục cống hiến chứng tá minh bạch và không thể thiếu được về khía cạnh căn bản này trong bản sắc Công Giáo cơ bản của mình, nhất là đứng trước những toan tính từ bất kỳ phía nào muốn làm tan loãng căn tính Công Giáo ấy”.

Đại Học Notre Dame hiện có hơn 11.700 sinh viên với 1.240 giáo sư. Hơn 93% sinh viên của Đại học này là Kitô hữu trong số này hơn 80% là tín hữu Công Giáo.

18. Đức Thánh Cha ca ngợi và cám ơn Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi Đại Học Notre Dame trong việc phục vụ Giáo Hội và xã hội Hoa Kỳ, đồng thời khích lệ Đại học này tiếp tục duy trì bản sắc Công Giáo của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến phái đoàn gồm 130 người, trong đó có Hội đồng chỉ đạo, nhóm họp tại Roma, nhân dịp khánh thành Trung Tâm của Đại Học Notre Dame ở Roma.

Đại Học này do cha Edward Sorin và các tu sĩ đầu tiên của Dòng Thánh Giá thành lập năm 1842 ở bang Indiana và hiện là một trong những đại học nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha bày tỏ xác tín rằng Trung tâm mới của Đại Học Notre Dame ở Roma sẽ góp phần vào sứ mạng của Đại Học, giúp các sinh viên tiếp xúc với đặc tính có một không hai của Kinh Thành muôn thuở, phong phú về lịch sử, văn hóa và tinh thần, mở rộng tâm trí các sinh viên về sự liên tục lạ lùng giữa đức tin của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, đức tin của vị hiển tu và tử đạo của mọi thời đại và đức tin Công Giáo được thông truyền cho họ trong các gia đình, trường học và giáo xứ.”

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Ngay từ khi mới được thành lập, Đại Học Notre Dame đã đóng góp quan trọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, dấn thân giáo dục tôn giáo cho giới trẻ và giảng dạy một kiến thức được soi sáng nhờ sự tín thác nơi sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí trong việc theo đuổi chân lý và sự ngay chính”.

Sau cùng Đức Thánh Cha cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục can đảm làm chứng tá trong môi trường đại học về giáo huấn luân lý của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ quyền tự do bênh vực các giáo huấn đó trong và qua các cơ sở giáo dục của Giáo Hội, trong tư cách các giáo huấn ấy được các vị Chủ Chăn giảng dạy một cách thế giá. Ngài nói: “Tôi cầu chúc Đại Học Notre Dame tiếp tục cống hiến chứng tá minh bạch và không thể thiếu được về khía cạnh căn bản này trong bản sắc Công Giáo cơ bản của mình, nhất là đứng trước những toan tính từ bất kỳ phía nào muốn làm tan loãng căn tính Công Giáo ấy”.

Đại Học Notre Dame hiện có hơn 11.700 sinh viên với 1.240 giáo sư. Hơn 93% sinh viên của Đại học này là Kitô hữu trong số này hơn 80% là tín hữu Công Giáo.

19. Người đàn phong cầm của Đức Giáo Hoàng, một nhân chứng của những khoảnh khắc độc đáo

Những đền thờ tuyệt vời như Đền Thờ Đức Bà Cả ở Roma sẽ cảm thấy trống rỗng nếu không có âm nhạc này. Trong gần 30 năm Juan Paradell – Solé đã chơi đàn phong cầm trong tất cả các nghi lễ trong nhà thờ này, tại một vị trí độc đáo gần cung thánh.

Từ năm 2011, người nghệ sĩ Tây Ban Nha này cũng chơi đàn phong cầm tại các nghi lễ ở Vatican do Đức Giáo Hoàng chủ sự. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà ca đoàn nhà nguyện Sistina, là ca đoàn riêng của Đức Giáo Hoàng, chính thức có một đàn phong cầm.

Người nghệ sĩ này đã sớm nhận ra Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã rất coi trọng âm nhạc trong các nghi lễ của mình.

Nghệ sĩ Juan Paradell – Solé nói:

20. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp kiến

Hôm 4 tháng Hai, Radio Vatican cho biết Nữ Hoàng Elizabeth II sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến vào ngày 3 tháng Tư tới đây.

Cùng đi với Nữ Hoàng có Huân Tước Philip là phu quân của Nữ Hoàng. Hai vị sẽ hội kiến với Đức Giáo Hoàng sau khi dùng cơm trưa với Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

Đây là lần đầu tiên Nữ Hoàng Elizabeth II- vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh Quốc - gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viếng thăm Edinburgh, Glasgow, London và Birmingham trong một chuyến tông du kéo dài 4 ngày. Đây

là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Anh Quốc kể từ khi Vua Heny Đệ Bát ly khai với Giáo Hội Công Giáo và thiết lập Giáo Hội Anh Giáo vào năm 1534.

21. Họp báo về sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sáng ngày 4 tháng 2, Đức Hồng Y Robert Sarah, người Guinée Xích Đạo, bên Phi châu, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, nghĩa là Đồng Tâm, đã giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hiện diện trong trên bàn chủ tọa cuộc họp báo còn có 2 vị Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký của Hội đồng Đồng Tâm và ông Bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.

Chủ đề Sứ điệp của Đức Thánh Cha xoay quanh một câu trong thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Côrintô “Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8,9)

Đức Hồng Y Robert Sarah cho biết:

"Trung tâm của sứ điệp này là Chúa Kitô đã trở nên nghèo vì chúng ta. Tầm nhìn của chúng ta đứng trước những tình cảnh nghèo nàn trên thế giới phải được lấy cảm hứng từ hạt nhân của sứ điệp này, đó là Chúa Kitô nghèo vì chúng ta."

Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải vì sự nghèo nàn tự nó, nhưng - như thánh Phaolô đã nói – “là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài”. Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng! Trái lại đó là một sự tổng hợp lô-gíc yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không làm cho ơn cứu độ rơi xuống trên chúng ta từ trời cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giordano và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cải; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Như thế, chính nhờ cái nghèo của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu sang, tức là được trở nên đồng thừa tự với Chúa Kitô trong danh phận là con Thiên Chúa.

Nhà văn Léon Bloy nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh. Chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.

Đức Ông Giampietro Dal Toso, là Thư ký Hội đồng Giáo hoàng Cor Unum từ tháng 6 năm 2010 đến nay cho biết thêm:

“Đức Thánh Cha đã đưa ra một sự phân biệt sâu sắc giữa lầm than (miseria) và nghèo nàn (povertà); cũng như những dạng thức lầm than khác nhau.”

Sứ điệp viết: Lầm than không đồng nghĩa với nghèo nàn. Lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần.

Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với phẩm giá con người; nơi những anh chị em này chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô. Vì thế, khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô.

Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, thể hiện nơi tình trạng nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu chè, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần xảy ra chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự.

Đức Ông Giampietro Dal Toso cho biết:

“Kết thúc sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha bày tỏ ước vọng của ngài là muốn thấy mùa chay này toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần.”