Ngày 01-02-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Kinh Thánh - Từ ngày 01 đến 16.02.2009
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
07:08 01/02/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Tháng 02 từ ngày 01 đến 15-02-2009

Ngày 01-02-09: Vì thế, mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Kitô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều phải làm. (Plm: câu 8).

Phaolô muốn yêu cầu ông Philêmôn giải phóng người nô lệ cũ. Tôi luôn đối xử với mọi người đều là anh em, bình đẳng trước mặt Chúa.

Ngày 02-02-09: Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó… (Plm: câu 9).

Trong Đức Kitô, mọi người phục vụ lẫn nhau và coi nhau như anh em. Tình huynh đệ và hiệp thông trong Chúa hôm nay rất cần thiết.

Ngày 03-02-09: Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là ông Ô-nê-xi-mô. (Plm: câu 10)

Mặc dù ở tù, Phaolô vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng qua Philêmon. Bạn cần tế nhị, không áp đặt hay truyền lệnh khi phục vụ Tin Mừng.

Ngày 04-02-09: Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Kitô, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. (Dt 1, 11)

Nguồn gốc đây là Chúa Cha, còn về loài người là Adam, Abraham.

Sự liến kết của bạn và tôi với Đức Kitô hàng ngày là rất cần thiết.

Ngày 05-02-09: Tôi sẽ tin cậy Thiên Chúa. Người lại nói: Này tôi đây, cùng với những con cái mà Thiên Chúa đã ban cho tôi. (Dt 2,13)

Đưc Kitô không chiến thắng cô độc, nhưng cùng với Thiên Chúa. Xin giúp con luôn tin tưởng vào Chúa trong mọi lúc gian chuân.

Ngày 06-2-09: Như thế, vì con cái thì cùng chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu cùng mang lấy huyết nhục đó…. (Dt 2, 14)

Huyết nhục chỉ sự mỏng manh và hư nát như con người của Chúa Giêsu. Xin dạy con biết kết hợp với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh.

Ngày 07-02-09: Người anh em phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giầu có thì hãy tự hào khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ. (Gc 1, 9-10)

Kẻ giầu người nghèo đều được Chúa sửa dạy. Con luôn sám hối và tỉnh thức trong mọi lúc, để chuẩn bị hành trang cho ngày Chúa đến.

Ngày 10-02-09: Phúc thay người biết chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ được lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1, 12)

Ăn ngay ở lành và kiên tâm trong gian nan thử thách đều có phúc đức. Xin Chúa Thánh Linh soi dẫn và giúp đỡ con tìm gặp Chúa.

Ngày 11-02-09: Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: “Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ”, vì Thiên Chúa không thể cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai. (Gc 1, 13)

Ở nơi Chúa, không có sự xấu và tội lỗi, nên Ngài không cám dỗ ai. Xin giúp con biết nhận tội lỗi mình và quyết tâm lánh xa, chống trả.

Ngày 12-02-09: Nhưng khi mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. (Gc 1, 14)

Dục vọng là lòng tham-sân-si như tham lam đủ thứ, tức giận, si mê.

Xin giúp con chống lại những cạm bẫy và quyến rũ của xác thịt.

Ngày 13-02-09: Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội; còn tội khi đã phạm rồi thì lại sinh ra cái chết. (Gc 1, 15)

Chết đây là chết về tâm hồn, nghiã là ơn Chúa cho bạn đã bị mất đi và tàn luị, vì bạn đả bị nô lệ cho tội lỗi, và mất sự sống đời đời.

Ngày 14-02-09: Anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giêsu tỏ hiện. (1Pr 1, 13)

Khi tôi vâng phục và hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, lo làm việc lành, tránh xa các dịp tội, là tôi đang tỉnh thức và cậy trông.

Ngày 15-02-09: Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em. Vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Pr 1, 15-16)

Con nên bắt chước cha, người Tín hữu bắt chước Thiên Chúa. Nếu bạn yêu Chúa thì bạn sẽ nói năng, phản ứng, hành động giống như Chúa. Nhiều Tín hữu hôm nay chỉ lo giữ đạo theo luật Giáo hội mà quên sống thánh thiện như Chúa muốn, làm nhiều người thất vọng.

Phó tế: Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Học và Sống Năm Thánh Kinh: Bài 6 - Thánh Kinh và việc Dạy Giáo Lý
Phaolô Phạm Xuân Khôi
14:57 01/02/2009
Thánh Kinh là Lời Chúa được viết xuống dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Nhưng Thánh Kinh không chứa trọn vẹn Lời Chúa vì Lời viên mãn của Thiên Chúa chính là Đức Kitô, mà không một sách nào có thể chừa trọn. Lời này đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền. Cả hai hợp lại thành một Kho Tàng Đức Tin, được các Thánh Tông Đồ truyền lại trong Hội Thánh. Còn Giáo Lý là cách Hội Thánh trình bày, giải thích, áp dụng và bảo toàn Kho Tàng Đức Tin này. Cho nên Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý vì Thánh Kinh “trình bày Lời của Chính Thiên Chúa dưới một dạng không thay đổi” và làm cho “tiếng Chúa Thánh Thần vọng đi vọng lại trong những lời của các ngôn sứ và các Tông Đồ” (Dei Verbum, số 21).

Nguồn Gốc của Giáo Lý

Trong thời các Tông Đồ, khi nói đến Thánh Kinh là nói đến Cựu Ước vì các sách Tân Ước khi ấy chưa được viết ra, và nếu có được viết ra thì cũng chưa được Hội Thánh công nhận là phần tử của Thánh Kinh. Hình thức dạy Giáo Lý đầu tiên là việc các Tông Đồ dùng Cựu Ước để giải thích những biến cố liên quan đến cuộc đời và giáo huấn của Đức Kitô, cùng những chứng từ cá nhân của các Tông Đồ, các môn đệ và các nhân chứng ban đầu. Một phần của Giáo Lý này được ghi lại và hợp thành bộ Tân Ước. Một phần khác được truyền lại qua Thánh Truyền. Đến thời các Giáo Phụ thì hầu hết các bài Giáo Lý được giảng dạy dưới hình thức giải thích Lời Chúa trong Thánh Kinh. Qua mọi thời đại “Lời Chúa là nguồn mạch của Giáo Lý” (Cẩm Nang Chung về Giáo Lý, số 95). “Việc dạy Giáo Lý luôn rút nội dung từ nguồn mạch sống động là Lời Chúa được truyền lại qua Thánh Truyền và Thánh Kinh, bởi vì Thánh Truyền và Thánh Kinh tạo thành một kho tàng Lời Chúa duy nhất, được trao phó cho Hội Thánh” (Catechesi Tradendae, số  27, x. Dei Verbum, số 10 a e b; x. 1 Tim 6:20 ).

Liên Hệ giữa Giáo Lý và Thánh Kinh

Giáo Lý không phải là Thánh Kinh. Giáo Lý giúp chúng ta hiểu biết và áp dụng Thánh Kinh trong Hội Thánh. Giáo Lý trình bày các giáo huấn của Hội Thánh một cách có hệ thống và đầy đủ để hướng dẫn đời sống chúng ta.

Việc dạy Giáo Lý, một hình thức của thừa tác vụ Lời Chúa, phải được nuôi dưỡng và thăng tiến trong sự thánh thiện nhờ Lời Chúa trong Thánh Kinh (x. Dei Verbum, số 12). Môn Giáo Lý phải lấy Thánh Kinh làm nguồn cảm hứng, học trình căn bản, và mục đích, bởi vì Thánh Kinh củng cố Đức Tin, nuôi linh hồn, và bồi dưỡng đời sống tâm linh: “Thánh Kinh cung cấp khởi điểm, nền tảng và quy luật cho việc dạy Giáo Lý” (Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh, số 19). Vì thế chúng ta thấy các sách Giáo Lý hiện đại dùng rất nhiều Lời Chúa để chứng minh và trình bày Giáo Lý.

Giáo Lý không trái ngược với Thánh Kinh và không có ưu thế trên Thánh Kinh, nhưng lệ thuộc vào Thánh Kinh và phục vụ Thánh Kinh. Nhờ học Giáo Lý chúng ta hiểu biết Thánh Kinh một cách tường tận và đúng hơn theo truyền thống của Hội Thánh. Giáo Lý là kho tàng khôn ngoan được tích trữ trong hơn 2000 năm lịch sử Hội Thánh. Cả Giáo Lý lẫn Thánh Kinh nuôi dưỡng thừa tác vụ dạy Giáo Lý (x. Chỉ Nam Chung về Giáo Lý, số 128).

Dùng Thánh Kinh trong việc Dạy Giáo Lý

Vì ý thức được rằng Thánh Kinh là nền tảng của Giáo Lý, cho nên các sách giáo khoa về Giáo Lý hiện đại chưng dẫn rất nhiều câu Thánh Kinh để chứng minh nguồn gốc của những giáo huấn Hội Thánh trong bài Giáo Lý. Các Giáo Lý viên có nhiệm vụ phải hiểu tường tận và sử dụng những câu Thánh Kinh này để giúp cho chính mình vả các học sinh có một sự hiểu biết vững chắc về những điều mình dạy dựa theo ánh sáng Lời Chúa. Không những Giáo Lý viên phải hiểu biết Lời Chúa mà phải thấm nhuần và sống Lời Chúa để họ trở nên linh hoạt và thu hút khi nói về Chúa. Muốn truyền thụ Lời Chúa cho linh hoạt, Giáo Lý viên cần có những phương pháp khác nhau để đem Thánh Kinh vào bài Giáo Lý, như các trò chơi về Thánh Kinh, vẽ tranh, tô màu Thánh Kinh, chiếu phim Thánh Kinh…. Ba phương pháp thông dụng nhất có thể dùng trong mọi lớp Giáo Lý là:

1) Kể chuyện Thánh Kinh

Chúng ta ai cũng thích nghe kể chuyện, đặc biệt là các trẻ em. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu dùng các dụ ngôn để giảng dạy dân chúng. Trong các dụ ngôn này, Chúa Giêsu dùng những hình ảnh quen thuộc với các thính giả của Người để giúp họ hiểu giáo huấn cao siêu của Nước Trời. Một Giáo Lý viên cũng phải biết kể chuyện cách hấp dẫn và hợp với lứa tuổi cùng trình độ kiến thức của học viên để giúp họ hiểu bài Giáo Lý mình dạy.

2) Hoạt Cảnh

Một trong những cách để làm cho Thánh Kinh trở nên sống động, nhất là với trẻ em, là diễn kịch. Các hoạt cảnh này có thể được sửa soạn kỹ càng hay ứng biến tại chỗ. Chúng có thể được diễn tả cách hiệu quả bởi các trẻ em trẻ khoảng sáu tuổi, cũng như người lớn. Hoạt cảnh là một phương pháp dạy học có thể được dùng thường xuyên, giúp cho nhiều người tham gia, và sử dụng nhiều giác quan trong tiến trình học hỏi. (Hoạt cảnh không bao giờ được thay thế việc công bố Tin Mừng và bài giảng trong Thánh Lễ). Không những trẻ em có thể đóng hoạt cảnh, mà đôi khi sự tham gia của phụ huynh làm cho các hoạt cảnh thêm sống động. Trong khi có thể đóng những vở kịch nhỏ bất cứ lúc nào, có một số thời điểm của năm Phụng Vụ rất thích hợp cho hoạt cảnh Thánh Kinh, như các mùa Vọng/Giáng Sinh và mùa Chay/Phục Sinh. Nhưng bạn cũng có thể dùng bài đọc Chúa Nhật hay bài Giáo Lý bạn sẽ dạy làm đề tài cho hoạt cảnh của bạn. Nên chọn những câu truyện dễ đóng kịch, như dụ ngôn người con hoang đàng, người Samaritanô nhân từ.. . .

Sau hoạt cảnh, khuyến khích tham dự viên tham gia việc suy niệm cá nhân và nhóm nhỏ. Cung cấp các câu hỏi dùng để hội thảo tại chỗ, và có thêm cả những câu hỏi để các em đem về thảo luận trong gia đình sau biến cố này (từ Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer của HĐGMHK).

3. Cầu Nguyện bằng Thánh Kinh

Cách tốt nhất để tập cho học sinh cầu nguyện bằng Thánh Kinh là dùng Thánh Kinh trong khi cầu nguyện mở đầu lớp học. Hầu hết các sách giáo khoa về Giáo Lý ngày nay mở đầu một bài học bằng một câu hay một đoạn Thánh Kinh thích hợp với bài học đó, cùng một lời nguyện ngắn và một hình ảnh đẹp giúp chúng ta suy niệm về câu Thánh Kinh này. Hãy cùng học sinh đọc to đoạn Thánh Kinh ấy. Rồi nói các em vừa lập đi lập lại câu Thánh Kinh, vừa nhìn ngắm bức hình và tự hỏi xem Chúa muốn nói gì với các em qua đoạn Thánh Kinh đó. Sau đó cho vài em chia sẻ cảm nghiệm của mình trước khi cầu nguyên chung.

Một hình thức cầu nguyện bằng Thánh Kinh khác là Lectio Divina, như đã được bàn đến trong bài trước. Có nhiều cách khác nhau trong tiến trình này, nhưng đây là một cách có thể dùng dễ dàng trong một lớp học. Tiến trình này được HĐGMHK đề nghị trong tài liệu Tips for Using Scripture in Catechesis and Prayer cho Chúa Nhật Giáo Lý 2008.

§ Bắt đầu bằng cách hỏi các tham dự viên để cho tâm trí và tinh thần lắng đọng.

§ Giải thích rằng bạn sẽ đọc lớn tiếng một đoạn Thánh Kinh vài lần, và mời các tham dự viên cùng theo dõi với bạn bằng cách nhìn vào Thánh Kinh của họ.

§ Đọc qua lần thứ nhất, họ phải lắng nghe để tìm được một lời hay một câu làm cho họ chú ý. Họ có thể viết xuống để suy nghĩ sau đó.

§ Trước khi lớn tiếng đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ nhì, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ xem đoạn Thánh Kinh này có ý nghĩa gì đối với đời sống của chính họ.

§ Trước khi đọc đoạn Thánh Kinh lần thứ ba, yêu cầu tham dự viên suy nghĩ về việc họ phải trả lời thế nào đối với Lời của Thiên Chúa.

§ Sau mỗi lần đọc để cho các tham dự viên suy nghĩ về đoạn Thánh Kinh và cầu nguyện bằng đoạn Thánh Kinh ấy. Họ có thể dùng sổ tay để viết các suy tư, cám tưởng, hình ảnh và tư tưởng mà bài đọc gợi ra trong tâm trí họ xuống.

§ Cuối cùng, sau một thời gian thích hợp, hỏi xem có tham dự viên nào muốn chia sẻ lớn tiếng tư tưởng và lời cầu nguyện của họ từ cảm nghiệm này không.

Tóm lại trong việc dạy Giáo Lý, hãy làm sao để cho Thánh Kinh thấm nhuần đời sống chúng ta và lan tran đến các học sinh của chúng ta. Muốn được như thế, chúng ta phải đọc trước những câu Thánh Kinh có liên quan đến bài Giáo Lý mình sắp dạy ít ra là ba ngày, suy niệm về câu Thánh Kinh và Giáo Lý mà mình sẽ dạy. Hãy nhóm những lời ấy lên trong trí tưởng tượng của mình, và mời những lời ấy vào đời sống mình là nơi mà chúng có thể trở nên sống động và thích hợp với kinh nguyện hằng ngày. Có như thế khi đến lớp học, Chúa ở trong chúng ta sẽ dạy thay cho chúng ta và các học sinh sẽ được thấm nhuần Lời Chúa cùng hiểu được sự liên hệ giữa bài Giáo Lý với Thánh Kinh và với đời sống thường nhật của các em.

 
Lao nhọc là cuộc sống của con người
LM. Anphong Trần Đức Phương
16:58 01/02/2009
KIẾP SAU XIN CHỚ LÀM NGƯỜI
(CHÚA NHẬT V, THƯỜNG NIÊN, B)
“LAO NHỌC LÀ CUỘC SỐNG CỦA CON NGƯỜI”


Khi gặp những khổ đau, vất vả, bội bạc… trong cuộc sống, cha ông chúng ta có câu:

“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm con chim nhạn tung trời mà bay…”

Hoặc:

“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…”

Khi gặp những khổ đau chồng chất, Ông Gióp cũng phải kêu lên: “Lao nhọc là kiếp sống của con người!” Đó là tư tưởng chúng ta đọc thấy trong Bài Đọc I, Chúa Nhật này (Giop 7, 1-4, 6-7). Trong Bài Phúc Âm (Matcô: 1, 29-39), Thánh Matcô ghi lại việc Chúa Giêsu chữa lành các bệnh nhân, và họ kéo đến thật đông đảo để xin được chữa lành. Còn trong Bài Đọc II (1 Corinto: 9, 16-19, 22-23), Thánh Phaolô nói đến bổn phận rao giảng Phúc Âm Ngài đã lãnh nhận mà Ngài đã chu toàn, và để công cuộc rao giảng được kết quả, “Ngài đã trở nên yếu đuối với người yếu đuối… trở nên mọi sự cho mọi người.”

Cuộc sống của mỗi người đều phải trải qua những lúc khổ đau, bệnh hoạn; đó là kiếp người qua những giai đoạn “sinh, lão, bịnh, tử.” Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu cũng chấp nhận kiếp sống như vậy để trở nên ‘giống con người chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi…” Mặc dầu công việc chính của Ngài trong thời gian sống công khai là rao giảng Tin Mừng cứu độ, nhưng Ngài cũng không quên chú ý an ủi và nâng đỡ những con người đau khổ, bịnh hoạn kéo đến với Ngài.

Noi gương Chúa Giêsu, ở mọi thời đại, Giáo Hội cũng luôn làm những gì có thể để giúp đỡ những con người nghèo khó, bệnh tật trên khắp thế giới. Đó là nhờ sự dấn thân hy sinh của các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngoài việc lập các trường học, các xưởng dạy nghề để mở mang văn hóa và huấn nghệ, Giáo Hội cũng mở các trại phong cùi, các nhà thương, viện tế bần, viện dưỡng lão v.v… ở các vùng hẻo lánh bên Phi Châu, Á Châu, Nam Mỹ và ngay tại Việt Nam chúng ta trước đây, dù hiện nay thì gặp nhiều khó khăn và hạn chế hơn.

Chúng ta đã đọc nhiều sách, nghe nhiều bài chia sẻ về ý nghĩa của sự đau khổ. Chính Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, ở giữa chúng ta, Ngài cũng dạy chúng ta giá trị của sự đau khổ trong công cuộc cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận mọi khổ đau trong cuộc sống, chịu đóng đinh, và chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta, trước khi sống lại, lên trời vinh hiển. Hiểu được giá trị của đau khổ là để thanh luyện và đem lại ơn cứu rỗi, chúng ta sẽ không chán nản, bi quan, uất ức khi gặp đau khổ, bội bạc; trái lại, chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Nhờ ơn Chúa toàn năng nâng đỡ, chúng tôi có thể vui mừng chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho cuộc đời chúng tôi.” (Colosê 1, 11). Khi các Thánh Tông Đồ bị bắt, bị sỉ nhục và đánh đòn, các Ngài ra về và “lòng rất vui mừng vì đã được coi là xứng đáng chịu xỉ nhục vì danh Chúa Giêsu (Công Vụ Tông Đồ: 5,40). Thánh Phêrô cũng căn dặn chúng ta “được chịu đựng mọi đau khổ vì Chúa Kitô, anh chị em hãy vui mừng...” (1 Phêrô: 4, 13). Ông Gióp cũng là một gương mẫu để cho mọi người hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ và lòng can đảm của những người tin kính Chúa khi chịu đựng đau khổ.

Rồi mọi sự cũng qua đi mau chóng. Mọi khổ đau cũng tiêu tan. Rồi cuộc đời của mỗi người cũng qua đi.

Những người biết noi gương Chúa chấp nhận những biến cố đau thương của cuộc đời mới có thể “bỏ mình đi, vác Thánh Giá hàng ngày theo chân Chúa” (Matthêu: 16,24…) đi đến ngày sống lại và về trời vinh hiển. “Qua Thánh Giá mới có thể đến Ánh Sáng!”

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho những người đang phải chịu nhiều đau khổ ở khắp nơi trên thế giới: đau khổ tinh thần, đau khổ thể xác, đau khổ vì chiến tranh, vì thiên tai, vì già yếu, bệnh hoạn. Cũng xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá, suy gẫm cuộc tử nạn của Chúa, để chính chúng ta cũng biết chấp nhận mọi đau khổ hàng ngày, trong khi vẫn cố gắng để nâng đỡ những con người đau khổ chung quanh chúng ta.
 
Nhờ lời Chúa để đẩy lùi quyền lực Sa-tan
LM Inhaxiô Trần Ngà
22:25 01/02/2009
Chúa nhật 4 thường niên theo Tin Mừng Mác cô 1, 21-28

Chưa bao giờ ma quỷ mạnh thế như ngày hôm nay. Quyền lực ma quỷ đang bao trùm khắp thế giới.

Hiện nay, ma quỷ chi phối, lôi kéo, lèo lái rất nhiều người theo chúng. Có cả một tôn giáo mới được lập nên để tôn thờ Sa-tan gọi là đạo thờ Sa-tan và các tín đồ của đạo nầy quyết tâm phá hại đạo thánh Chúa và triệt hạ lòng đạo đức.

Hiện nay ma quỷ xem ra đang thắng thế trên khắp địa cầu. Chưa bao giờ tội lỗi lan tràn khắp chốn như ngày hôm nay: ly dị nhiều hơn, phá thai nhiều hơn, ngoại tình nhiều hơn, thanh thiếu niên phạm pháp nhiều hơn. Một trong những mối lo của xã hội hôm nay là càng ngày thanh thiếu niên phạm pháp càng nhiều, ngay cả những thiếu nhi ở độ tuổi học trò cũng ra tay giết người cách thản nhiên như giết một con thằn lằn, không mảy may xúc động. Đời sống đạo đức khắp nơi trên thế giới đang suy đồi khủng khiếp. Một trong những tội lỗi đáng sợ là tệ nạn tình dục đồng phái và hôn nhân đồng tính: người nam quan hệ tình dục với nam, nữ quan hệ tình dục với nữ, rồi những cặp nầy đòi sống chung và đòi được pháp luật công nhận họ như một gia đình. Làm như thế là tuyệt nòi tuyệt giống. Làm như thế là sa đoạ hơn cả dân thành Sôđôma và Gômôra ngày xưa.

Những điều nói trên chứng tỏ ngày nay ma quỷ đang thắng lớn và nếu không có một mặt trận tinh thần chống lại thì nguy cơ huỷ diệt của loài người ngày càng chắc chắn. Điều khôn khéo của ma quỷ là chúng thường ẩn mặt, không mấy khi lộ diện nên nhiều người lầm tưởng chúng không hiện hữu trên đời. Ma quỷ ngày nay ít xuất đầu lộ diện hơn thời trước.

Cách đây vài chục năm, có một con quỷ nhập vào một phụ nữ tại giáo xứ Bảo Toàn, thuộc giáo phận Xuân Lộc, khiến cho giới trẻ khiếp sợ nên siêng năng đến nhà thờ đông đúc không nơi nào có. Hễ đến giờ lễ giờ kinh là thanh niên nam nữ vào chật cứng nhà thờ.

Khi người ta biết có ma quỷ hiện diện, người ta khiếp sợ chúng, ắt người ta chạy đến với Chúa khiến ma quỷ khó làm ăn. Thế nên ma quỷ hôm nay tinh khôn hơn. Chúng rất ít khi xuất đầu lộ diện, nhưng luôn ẩn mặt dấu mày, đứng trong bóng tối và dùng ma lực của chúng điều khiển, xui khiến người ta phạm tội như ta sử dụng remote để điều khiển màn hình TV.

Vì lầm tưởng ma quỷ không hiện hữu nên không mấy ai đề phòng mưu thần chước quỷ của chúng. Và khi người ta không đề phòng thì ma quỷ càng dễ chi phối điều khiển con người làm nô lệ cho chúng.

Khí giới độc hại ma quỷ thường dùng là phim ảnh xấu, sách báo xấu, âm nhạc đồi truỵ, những điệu vũ khiêu dâm, nạn mua bán dâm tràn lan khắp nơi dưới mọi hình thức.

Chúng còn tạo ra những mốt thời trang hở hang gợi dục, xui khiến giới trẻ mặc những kiểu áo quần thiếu vải. Nhiều bạn gái trẻ lòng non dạ, hăm hở chạy theo mốt thời trang thiếu đoan trang nầy và vô tình trở thành những người tiếp tay cho ma quỷ trong việc làm băng hoại giềng mối đạo đức và tiết hạnh.

Lấy gì để xua đuổi, để diệt trừ quyền lực Sa-tan?

Người ta không thể tưới xăng đốt chúng, vì không có thứ lửa nào có thể đốt cháy chúng được.

Thậm chí người ta không thể dùng bom đạn, vũ khí hoá học, bom vi trùng, bom nguyên tử để tiêu diệt chúng vì chúng vô hình.

Chỉ có phương thế duy nhất để tẩy trừ chúng ra khỏi tâm hồn và trí não là cậy nhờ vào lời quyền năng của Thiên Chúa.

Hãy dùng Lời Chúa để xua quỷ khỏi tâm hồn mình.

Tin mừng Mác-cô thuật lại: Hôm ấy, “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này! "Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.” (Mác-cô 1, 21-27)

Quả là Lời Chúa Giê-su có sức mạnh vạn năng.

Trước nấm mồ của La-da-rô đã chết đến bốn ngày, Chúa Giê-su đã dùng lời quyền năng của Người mà phán: “Ladarô! hãy ra ngoài!” thì người chết liền đội mồ sống lại.

Khi cùng các môn đệ chèo thuyền trên biển, sóng gió bão táp nổi lên tư bề, Chúa Giê-su cũng dùng lời truyền lệnh cho bão tố và sóng gió liền lặng im.

Khi trong hội đường có người bị quỷ nhập, Chúa Giê-su đã dùng lời truyền khiến: “Hãy xuất khỏi người nầy” và quỷ phải xuất ra.

Chỉ có lời quyền năng của Chúa Giê-su mới có thể đẩy lùi quyền lực ma quỷ và xua trừ chúng khỏi lòng người.

Vậy chúng ta hãy quý trọng lời Chúa Giê-su và vận dụng lời Người để thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi tham vọng xấu xa, khỏi những ước muốn đê hèn; loại trừ khỏi cuộc đời chúng ta những hành vi gian ác.

Một khi Lời quyền năng của Chúa Giê-su đã thanh luyện cuộc đời và làm cho tâm hồn chúng ta được bừng sáng nhân đức thì quyền lực của ma quỷ sẽ từng bước bị đẩy lùi và vương quốc Chúa Giê-su ngày càng lan rộng trong tâm hồn, trong gia đình và trong xứ đạo chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giới trẻ cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh
Bùi Hữu Thư
00:36 01/02/2009

Giới trẻ cầu nguyện cho hòa bình tại Đất Thánh



Trên 400 thành phố tham gia vào chương trình cầu nguyện 24 giờ

Giêrusalem, ngày 30 tháng 1, 2009
(Zenit.org).- Giới trẻ tại 400 thành phố trên khắp thế giới sẽ cùng tham gia vào các Thánh Lễ, các Buổi Chầu Mình Thánh và cầu nguyện để xin Thiên Chúa ban hòa bình cho Đất Thánh.

Biến cố 24 giờ này được nhiều hiệp hội Ý tổ chức, sẽ được thực hiện chính thức tại Ý ngày Thứ Bẩy sắp tới, nhưng giới trẻ tại Âu Châu, Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Châu Phi và Úc cũng sẽ tham dự.

Chương trình sẽ được truyền tiếp từ thành phố này sang thành phố khác, với hai cao điểm là một Thánh Lễ được cử hành lúc 1 giờ chiều, giờ địa phương tại Giáo Xứ Thánh Gia ở Gaza, và 24 giờ cầu nguyện trước Bàn Thờ Canvariô tại Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh Chúa tại Giêrusalem.

Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh Chúa
Mộ Thánh Chúa


Vatican cũng tham gia vào ngày cầu nguyện với một Thánh Lễ được Đức Hồng Y Raffaele Farina, giám đốc Thư Viện Vatican cử hành sáng Thứ Bẩy cùng với cộng đồng Sa-lê-diêng thuộc văn phòng ấn loát Vatican.

Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện cho Hòa Bình là một đáp ứng cho lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Benedict XVI ngày 28 tháng 12, 2008 là phải “sốt sắng cầu nguyện” cho hòa bình tại Đất Thánh.

Vào dịp này ngài nói, “quê hương của Chúa Giêsu không thể tiếp tục phải chứng kiến mãi những cuộc đổ máu liên tiếp không ngừng!"

Sáng kiến này được các tổ chức của các giới trẻ Ý: Papaboys, Giới Trẻ cho Đời Sống và các Nhà Nguyện Chầu Mình Thánh Thường Trực tại Ý nêu ra.

Ban tổ chức tạo dựng một gia trang Facebook bằng tiếng Ý mang tên "Vogliamo la Pace in Terra Santa" (Chúng Tôi Muốn có Hòa Bình tại Đất Thánh), cho đến hôm nay đã có trên 4.000 người tham gia.
 
Chứng Nhân Tận Mắt Công Đồng Vatican II (4)
Vũ Văn An
04:41 01/02/2009
Chứng Nhân Tận Mắt Công Đồng Vatican II

13. Các Thành Viên Ủy Ban Ngẩng Ðầu Cao Rời Nhà Thờ Thánh Phêrô

Thứ Hai, ngày 16 tháng 11 năm 1964, một thoáng sôi động xẩy ra tại Công đồng khi vị tổng thư ký đứng lên tuyên bố một số điều liên quan đến vấn đề gay cấn nhất của Công đồng, tức chương 3 trong đề án về Giáo hội, một chương nói đến quyền tối thượng và tính tập đoàn.

Ít ra cũng đã có những cố gắng vô vọng nhằm loại bỏ chương này. Một phản đối đã được đệ nạp chống lại việc vi phạm thủ tục và đã có lời kêu gọi đức Phaolô VI phải can thiệp vào nội dung tín lý.

Vì có việc phản đối về thủ tục như trên, nên đã có những “ghi chú giải thích” được đưa ra nhằm ấn định nên giải thích một số thuật ngữ ra sao. Những nhấn mạnh tỉ mỉ về quyền tối thượng như thế khiến nhiều vị trong cánh cấp tiến lẩm bẩm.

Tiếp theo đó là danh sách 19 điểm tu chính đề án về Ðại Kết được “thẩm quyền trên” gửi xuống. Thẩm quyền trên là thẩm quyền nào? Chỉ có thể là đức Giáo hoàng.

Sau đó là lời công bố của chính đức Thánh Cha trong một buổi triều yết chung. Ngài cho hay ngài có ý định chính thức công bố tước hiệu mới của Ðức Mẹ, tước hiệu “Mẹ Giáo hội”, một tước hiệu mà Công đồng đã không chấp thuận.

Những can thiệp trên của đức Thánh Cha hiển nhiên làm bối rối khá nhiều thành viên của Công đồng. Xem ra có vẻ như đức Giáo hoàng muốn kéo các thành viên từng cảm thấy thất bại đối với các thái độ và xác tín cổ truyền xưa, vào chính giòng của Công Ðồng.

Tất cả những điều ấy tuy thế vẫn chẳng nhằm nhò gì so với cơn bùng nổ sau đó. Thứ Tư của tuần lễ cuối cùng, có công bố cho hay sẽ có cuộc bỏ phiếu giải thích (explanatory vote) đối với bản văn đã được sửa đổi về Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo. Sáng hôm sau, khi đang tranh luận về Giáo dục Công giáo, có công bố cho hay vị đứng đầu chủ tịch đoàn của Công Ðồng là đức Hồng y Tisserant muốn việc bỏ phiếu trên được hoãn lại. Ngài cho hay các vị chủ tịch muốn hoãn việc bỏ phiếu trên đến khóa thứ bốn.

Ðức Hồng y Meyer của Chicago, một trong các vị chủ tịch, bèn phản pháo như một trái bom. Ngài vụt ra khỏi chỗ ngồi như một ánh chớp, cực lực phản đối lời công bố trên. Các nghị phụ khác, nhất là các nghị phụ Mỹ, cùng ùa ra khỏi chỗ ngồi và tập trung tại các khoảng trống chung quanh bàn thờ chính. Trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn, một bản kiến nghị được luân chuyển để thu chữ ký. Bản kiến nghị này yêu cầu đức Thánh Cha bác bỏ quyết định của chủ tịch đoàn. Ba hồng y – Meyer, Ritter của St Louis, và Léger của Montréal - nhận bản kiến nghị để đệ lên đức Giáo hoàng Phaolô, nhưng đức Thánh Cha đã không đồng ý bãi bỏ quyết định đó.

Các thỉnh nguyện viên cảm thấy việc trì hoãn bỏ phiếu trên sẽ đem lại hậu quả thảm hại đối với công luận. Các giám mục Mỹ đặc biệt nhậy cảm đối với vấn đề này. Các ngài cảm thấy việc cổ vũ tự do tôn giáo là đóng góp lớn lao của các ngài đối với Công Ðồng và các ngài muốn mọi người thấy mình có thể gặt hái được thành quả và các viên chức trong giáo triều không được phép qua mặt 2000 giám mục khác, trong đó có 200 giám mục Mỹ.

Giữa những xúc dộng lớn lao ấy, Công đồng cố gắng thảo luận về Giáo dục Công giáo và việc cải cách một số luật lệ về hôn phối, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân hỗn hợp.

Ðề án về Giáo dục Công giáo cũng là trách nhiệm của ủy ban phụ trách về huấn luyện chủng viện, một ủy ban tôi là thành viên. Buồn thay, đề án không gặp thời khắc thuận lợi trong Công đồng.

Khởi đầu gọi là đề án về các Trường và Ðại học Công giáo, sau mới mở rộng thành đề án về Giáo dục Công giáo vì có lời yêu cầu cho rằng chỉ có 20% trẻ em và thiếu niên Công giáo học tại các trường và đại học Công giáo mà thôi.

Việc thay đổi tựa đề và chú điểm trên có nghĩa là phải duyệt lại bản văn gần như toàn bộ. Rồi nhiều mệnh đề bị cắt bỏ và dù sau đó nhiều mệnh đề được viết lại dài hơn, đề án trên vẫn chỉ là một đề án gầy guộc để rồi cuối cùng trở thành một tuyên ngôn, không phải hiến chế hay sắc lệnh. Rõ ràng chủ đề này đã không được chú ý thích đáng.

Cùng với những hoạt động khác của tuần lễ cuối, nhiều đề án được đem ra đầu phiếu hoặc toàn bộ hoặc từng phần. Chúng tôi kết thúc các đề án về Giáo hội, về Giáo hội Ðông phương và Ðại kết.

Khóa ba của Công đồng kết thúc sớm hơn dự liệu để một số nghị phụ đủ thì giờ tham dự Ðại hội Thánh Thể tại Bombay (nay là Mumbai). Tôi là một trong số đó và nhân cơ hội này đi viếng Thánh Ðịa trên đường tới Bombay luôn.

Núi Tabor và Biển Galilêa thanh bình xiết bao so với tuần lễ cuối cùng của Công Ðồng.

14. Phiếu Công Ðồng giúp Ðức Giáo Hoàng được đón tiếp nồng hậu tại LHQ

14 tháng 9 năm 1965 là ngày khai mạc khóa bốn Công đồng Vatican II. Buổi chiều hôm trước, đáp lời đề nghị của đức Thánh Cha, các giám mục tham dự một cuộc đi bộ thống hối giữa hai Vương cung Thánh đường của Rôma; Vương cung Thánh Ðường Thánh giá Giêrusalem và Vương cung Thánh đuường Thánh Gioan Lateran, nhà thờ chính tòa của Rôma. Cuộc đi bộ không quá khó khăn, nhưng đứng từ đầu đến cuối quả là mệt mỏi.

Tuy thế, cuộc đi bộ ấy không làm giảm lòng hăng say của những vị can dự vào việc thảo luận vòng hai vấn đề tự do tôn giáo.

Trước khi cuộc thảo luận trên bắt đầu, đức Giáo hoàng Phaolô Ðệ Lục công bố với Công đồng rằng ngài sắp sửa thiết lập ra một cơ chế mệnh danh Thượng Hội Ðồng Giám Mục, để cố vấn cho ngài; do đó, nói cho đúng, không phải là một cơ chế tập đoàn. Thượng hội đồng trên sẽ họp những phiên thường và ngoại lệ. Các phiên thường lệ cứ ba năm họp một lần, gồm đại diện các hội đồng giám mục thế giới.

Về vấn đề tự do tôn giáo, cánh cấp tiến tại Công đồng, với sự đại diện mạnh của Mỹ, không thể thấy được tại sao Giáo hội Công giáo có thể bước vào bất cứ cuộc đối thoại nào với thế giới hiện đại mà lại không tuyên bố là mình chấp nhận lương tâm và tự do thờ phượng. Không nền văn hóa nào, không thẩm quyền nhà nước nào có thể đặt để một tín ngưỡng lên con người ta. Họ phải được tự do chấp nhận tín ngưỡng ấy.

Các vị bảo thủ, từng ngụp lặn trong truyền thống của Giáo hội Công giáo vốn can dự sâu sắc vào nền văn hóa của dân chúng, không thể thấy tại sao vị thế đặc biệt của Giáo hội lại không được nhìn nhận. Dù thế nào, Giáo hội Công giáo cũng là Giáo hội của Chúa. Nó chính là ý muốn của Chúa. Làm sao có thể đặt các Giáo hội khác hay tôn giáo khác trên cùng một căn bản cho được?

Gần như mọi điều cần nói về chủ đề này đã được nói hết vào năm trước trong cuộc tranh luận sơ khởi về tự do tôn giáo, nhưng cánh cấp tiến có ưu điểm về nhân cách nơi các vị trước đây từng chịu đau khổ do các hạn chế khắt khe của nhà nước trong lãnh vực thực hành và cổ võ đức tin, đó là đức Hồng Y Slipyi của Ukraine, đức Hồng y Beran của Tiệp khắc và đức Hồng y Wyszynski của Ba-lan.

Ðức Hồng y Beran nói rằng ngài cảm thấy đất nước ngài đang tẩy rửa những bạo tàn nó đã phạm trong quá khứ nhân danh đức tin Công giáo, như vụ thiêu sống Jan Hus thế kỷ 15 và việc cưỡng bức người ta trở lại đạo trong thế kỷ 17.

Kết quả 1997 phiếu thuận, 224 phiếu chống đề án. Vấn đề còn lại chỉ là xử lý các đề nghị tu chính và nghi thức bỏ phiếu có lệ để phổ biến mà thôi.

Cuộc tranh luận ấy diễn tiến trong khi đức Thánh Cha lên đường bay qua New York để đọc diễn văn trước Liên Hiệp Quốc. Với tự do tôn giáo trong tay, ngài chắc chắn được chào đón nồng nhiệt và được nhiều người lắng nghe hơn là nếu quan điểm bảo thủ thắng thế.

Mục kế tiếp của nghị trình là tranh luận vòng hai về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay. Cuộc tranh luận này được tổ chức thành 7 giai đoạn: có nên chấp nhận đề án không, dẫn nhập vào đề án (một khảo sát về mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới), tiếp sau là 5 vấn đề chuyên biệt: hôn nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị và hòa bình.

Khi bàn về việc có nên chấp nhận đề án hay không, các chỉ trích không phải là không có. Nhiều nghị phụ cho rằng đề án không nhấn mạnh đủ đến sự ác trong thế gian. Nhiều vị khác nghĩ rằng đề án đã lẫn lộn giữa sự phát triển Kitô giáo và sự phát triển nhân bản. Một nghị phụ rất bảo thủ là đức Tổng giám mục Sigaud của Brazil nói rằng ngài sợ đề án này mở cửa cho mọi thứ sai lầm triết học, mà cao điểm là chủ nghĩa Mác-xít.

Tuy nhiên, có đủ nghị phụ bênh vực đề án, cho phép nó được chấp nhận với 2111 phiếu thuận, 44 phiếu chống.

Diễn giả đầu tiên phát biểu về phần dẫn nhập là đức Hồng y Cardijn, vị sáng lập ra Phong trào Thanh Lao Công. Ngài đãi Công đồng những lời trình bầy lên tinh thần và hết sức hùng biện. Ngài muốn Công đồng chú ý đặc biệt đến ba vấn đề: tuổi trẻ, công nhân và “thế giới thứ ba”, nghĩa là các quốc gia nghèo đói kinh niên của Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Các đại diện các Giáo hội Ðông phương tỏ ra thất vọng khi thấy đề án không nhấn mạnh đủ đến tác động của việc Chúa Giêsu Phục sinh đối với khung cảnh nhân bản. Các nghị phụ khác chú ý tới chủ đề vô thần và đề nghị phải dành cho nó một xử lý cẩn trọng. Cũng có ý kiến cho rằng Thánh kinh và sự tạo dựng đã không được nhấn mạnh đủ.

Cha Pedro Arrupe, vừa được bầu làm bề trên cả Dòng Tên, nhận thấy Giáo hội yếu kém về thông đạt đối với thế giới ngày nay, vì ngôn từ của mình quá xa cách và trừu tượng.

Dù có những chỉ trích như thế, vẫn có đủ những phát biểu ủng hộ cho thấy đề án này thực hiện nhiều bước tiến khả quan.

Khi phần dẫn nhập đã được bàn một cách thỏa đáng, bước kế tiếp là đi vào năm vấn đề chuyên biệt, bắt đầu bằng hôn nhân.

15. Tái Bút gửi Một Thần học gia: Cha quả hết sức đúng

Hôn nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị và hòa bình – đây là những vấn đề được biết đến như là năm vấn đề đặc biệt tại Vatican II.

Về chủ đề hôn nhân, chia rẽ ý kiến chính, một đàng, giữa những vị muốn duy trì và khẳng định thái độ cố hữu trong Giáo hội muốn đặt lên hàng đầu việc sinh sản và giáo dục con cái, và đặt xuống hàng dưới việc nâng đỡ nhau và thỏa mãn tính dục. Ðàng khác, quan điểm gần đây hơn, được đức Hồng y Léger của Montréal trình bầy, lại coi hôn nhân là một cộng đồng sự sống và tình yêu, một cộng đồng tìm được tròn đầy trong sinh sản và giáo dục con cái.

Khi lắng nghe các vị ủng hộ quan điểm thứ hai, tôi nhớ lại khoảng một phần tư thế kỷ trước đây, lúc tôi theo một giảng khóa đặc biệt về hôn nhân tại đại học Gregoriana, do một thần học gia ưu tú là Cha Hurth, Dòng Tên, phụ trách, trong đó, ngài nhắc đến tên một tác giả Ðức, cha Doms, người bắt đầu đưa ra một quan điểm nhân bản hơn về “cộng đồng sự sống và tình yêu”. Ðiều Doms đề nghị lúc đó không được Rôma ủng hộ. Bây giờ, khi phải đặt bút ký vào bản văn sau cùng về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, tôi cảm thấy muốn thêm lời tái bút sau đây: “Doms, cha quả hết sức đúng”. Quả có nhiều dịp những tái bút như thế liên quan tới các nhà thần học khác không phải là không thích hợp.

Sau hôn nhân là văn hóa, một đề tài vĩ đại có thể cung cấp chương trình thảo luận cho cả một công đồng chuyên biệt. Tuy nhiên, tại Vatican II, nó lại không kích thích người ta tranh luận nhiều lắm, có thể vì Giáo hội đã nằm ngoài lãnh vực đồng cảm với hầu hết các phát triển văn hóa trong các thế kỷ trước đây chăng.

Các giám mục Pháp rất nổi bật trong cuộc tranh luận này, chủ yếu bàn đến vấn đề phải gây ảnh hưởng trên nền văn hóa khoa học của thời nay. Ðức giám mục người Ðức, Spullbeck, của địa phận Meissen cảnh cáo rằng không dễ nói chuyện với đầu óc khoa học bởi khoa học lệ thuộc kinh nghiệm và tính toán, và rất ít thiên về đức tin và triết học. Một giám mục khác của Ðức đề cập một cách ý nhị đến vai trò không thể thiếu được của phụ nữ, bất luận có gia đình hay độc thân, giáo dân hay tu sĩ, trong việc phát triển văn hóa.

Vào khoảng thời gian này, vị Tổng thư ký của Công đồng loan báo rằng cuộc tranh luận về các đề án phải kết thúc vào ngày 17 tháng 10 năm 1965 vì sau đó cần rất nhiều thời gian để tu chính và đầu phiếu để các đề án ấy có hình thức chung cuộc.

Cuộc tranh luận về kinh tế tiếp theo cuộc tranh luận về văn hóa cũng là một cuộc tranh luận không được thoả mãn lắm, phản ảnh sự kiện này là ít có giám mục nào tại Công đồng quen thuộc đủ với chủ đề kinh tế. Nhiều điểm đúng đắn đã được nói đến liên quan tới tài nguyên, tư bản, lao động, hợp tác kinh tế, sự nghèo đói của đa phần thế giới, và sự chênh lệch càng ngày càng lớn giữa người giầu và người nghèo.

Cha Mahon, bề trên cả của dòng Mill Hill, nhấn mạnh rằng trong 12 tháng giữa cuộc tranh luận thứ nhất và thứ hai về đề án 13 (Giáo hội trong Thế giới Ngày nay), 35 triệu người đã chết vì đói.

Ðức Hồng y Cardijn lên tiếng lần nữa với văn phong mạnh mẽ và hùng hồn cố hữu về đề tài quen thuộc của mình là: Công nhân, tuổi trẻ và “Thế giới Thứ ba” của những người kém may mắn tại Châu Á, Châu Phi và Châu Nam Mỹ.

Về chủ đề chính trị, chỉ có bốn diễn giả, mà tôi là một. Căn cứ vào điểm đề án kêu gọi tinh thần như đức Kitô trong thái độ của Giáo hội đối với chính quyền, tôi nhấn mạnh rằng đôi khi thái độ giống đức Kitô này bao gồm việc phải kiên quyết đối với sự tự do của chính Giáo hội cũng như quyền lợi của những con người chịu hậu quả tai hại do các hành động cũng như quên sót của chính quyền gây ra.

Sự mệt mỏi trong các buổi tranh luận về văn hóa, kinh tế và chính trị mau chóng bị đẩy lui khi cuộc tranh luận quay qua vấn đề hòa bình và chiến tranh.

16. Công đồng tìm đường dẫn đến hòa bình

Phần trong đề án về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay bàn đến chiến tranh và hòa bình đã đưa ra toàn bộ một bức tranh phức tạp hết sức có chất lượng.

Theo bản văn trên, hòa bình là một giá trị tích cực cần phải thực hiện cho bằng được. Nó đòi hỏi những tâm trí cở mở và sự hợp tác liên quốc về mọi lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực kinh tế. Các nước đang mở mang cần được giúp đỡ và khuyến khích. Việc bùng nổ dân số cần được đương đầu và giải quyết bằng một sự phát triển kinh tế đầy nhiệt tâm.

Chiến tranh là nỗi kinh hoàng tột cùng. Chiến tranh toàn diện (hạch nhân, sinh học, hóa học và qui ước) là hoàn toàn vô luân. Tuy thế, vũ lực có thể được sử dụng để chống lại kẻ xâm lăng. Sự cân bằng thế gián chỉ (như giữa các nước có vũ khí hạch nhân) là điều đáng sợ, tuy vậy xét theo một vài phương diện nào đó nó có giúp duy trì hoà bình. Mối hy vọng duy nhất là thuyết phục các quốc gia đặt chiến tranh ra ngoài vòng pháp luật và thiết lập ra một thẩm quyền thế giới để buộc các nuớc không được gây chiến. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, các quốc gia có thể sở hữu vũ khí hạch nhân để răn đe các nước khác.

Xét theo lương tâm, không ai buộc phải vâng theo điều trái với thiên luật. Bởi thế, theo Công đồng, phải đưa ra các dự liệu cho phép người ta phản đối trong lương tâm.

Ðức Hồng y Alfrink của Hòa Lan yêu cầu phải có một văn bản mạnh mẽ hơn liên quan đến thế quân bằng gián chỉ, giải giới và phản đối lương tâm. Ðức Hồng y Owen McCann của Cape Town lên tiếng mạnh mẽ về ý niệm một tổ chức tập trung về công bình xã hội để loại bỏ nguyên nhân gây ra chiến tranh.

Hàng giáo phẩm Pháp nối đuôi nhau tham gia cuộc tranh luận: ba hồng y, hai tổng giám mục và hai giám mục đã làm thành một nhóm diễn giả đáng nể trong tổng số hai mươi lăm vị tất cả. Nếu nguyên cảm quan hùng biện, tức giận và cuồng nhiệt có thể xua đuổi được chiến tranh ra khỏi mặt đất, thì chắc chắn bẩy vị giáo phẩm của Pháp đã đủ để hoàn thành việc đó.

Các ngài để sang một bên việc phân biệt giữa các cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chiến tranh nhỏ và chiến tranh lớn, người gây chiến và kẻ vô tội. Các ngài kêu gọi phải thẳng thừng kết án chiến tranh, đặt ra ngoài vòng pháp luật vũ khí hạch nhân, giáo dục dư luận quần chúng, kêu gọi lương tâm các chính khách, quyền được phản đối lương tâm, và nhìn nhận sức mạnh của bất bạo động.

Vị diễn giả Pháp mạnh mẽ nhất chính là đức cha giáo phận Verdun, nơi 1 triệu 3 binh lính Pháp và Ðức chết trong Thế chiến I.

Dù vậy, không ai có thể nói điều các nhà chủ hòa Kitô giáo muốn các giám mục phải nói: đó là một bên phải giải giới dù bên kia không chịu giải giới, và sẵn sàng chấp nhận hậu quả.

Vấn đề hệ trọng là: trong thời đại nguyên tử, lương tâm Kitô giáo có đòi hỏi phải đơn phương giải giới hay không? Có khoảng 20 phụ nữ cầu nguyện và ăn chay tại Rôma để Công đồng chịu nói là phải đơn phương giải giới như thế. Nhưng Công đồng đã không đi xa đến thế.

Trong khi trận chiến về hoà bình đang diễn ra trên đầu chúng tôi, thì một cuộc phục kích nhỏ xẩy ra cho vấn đề dân số.

Một vị giám mục chủ trương rằng việc gia tăng dân số là một vấn đề hệ trọng đến nỗi việc ngừa thai bằng bất cứ phương tiện nào hiện có phải được bênh vực. Một thành viên khác của Công đồng kêu gọi cho phép tự do di dân không hạn chế để dân số có thể di chuyển đến nơi có thực phẩm.

Ðức Hồng y Ottaviani lên tiếng mạnh mẽ lên án chiến tranh và kêu gọi phải dùng mọi phương tiện có thể có để loại trừ nó. Một vài gợi ý của ngài không thực tế lắm, nhưng lòng thành thực của ngài thì hết sức hiển nhiên và vì tài hùng biện của ngài, nên cử tọa đã vỗ tay tán thưởng rất nhiều. Hy vọng điều này được duy trì như một kỷ niệm đẹp để cân bằng hóa khá nhiều kỷ niệm khác về những trận khẩu chiến mà ngài đã đánh và đã thua tại Công đồng.

Như thế là kết thúc cuộc tranh luận về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, một trong bốn chủ đề chính của Công đồng – ba chủ đề kia là Giáo hội, Phụng vụ và Lời Thiên Chúa (Mạc Khải).

(Còn 1 kỳ)
 
Hàng ngàn người tham dự cuộc tranh biện về chủ nghĩa vô thần và tôn giáo tại trường đại học Colorado ở Boulder
Phạm Hoàng Nghị
19:37 01/02/2009
Boulder, CO (CNA) - Hai nhà văn Dinesh D’Souza và Christopher Hitchens đã đem tài luận chiến về tôn giáo và chủ nghĩa vô thần vào cuộc tranh biện tại trường đại học Colorado ở Boulder trước một cử tọa đông tới 2050 người trong thính đường Macky tọa lạc nơi khuôn viên trường đại học.

Ông D’Souza, một người Công giáo và tác giả cuốn “What’s So Great about Christianity” (Những điều Cao cả biết bao nơi Thiên Chúa giáo) lý luận rằng đạo Thiên Chúa là nền tảng của nhiều giá trị chung, chẳng hạn như yêu cầu tìm hiểu khoa học, và sự tôn trọng cá nhân. Thêm vào đó, ông khẳng định rằng Thiên Chúa giáo đề ra câu trả lời tốt đẹp nhất để tạo ra cây cầu nối liền khoảng cách biệt lớn lao giữa con người và Thiên Chúa.

Hitchens, một người vô thần nổi tiếng và là tác giả cuốn sách “God is not Great” (Chúa không Cao cả”) lý luận rằng ảnh hưởng của tôn giáo phần lớn là điều xấu cho xã hội. Ông nói rằng mặt khác tôn giáo làm cho con người tốt làm những chuyện xấu, ngăn chặn trước tư tưởng con người, và giới hạn trách nhiệm của con người.

Cuộc tranh luận được điều hợp do ông Dan Caplis, người chủ trì những cuộc thính đàm thuộc đài phát thanh Denver, và được bảo trợ do Trung tâm Nghiên cứu Tư tưởng Công giáo Thánh Tôma Aquina, là một chương trình nhằm hướng tới giới trí thức của Giáo xứ Thánh Tôma Aquina tại Boulder, bang Colorado. Cuộc tranh biện tập chú vào đề tài “What’s so Great about God? – Atheism vs. Religion.” (Có điều gì Cao cả đến thế về Thiên Chúa chăng? - Chủ nghĩa Vô thần chống với Tôn giáo.”

Linh mục chánh xứ Giáo xứ Thánh Tôma Aquina là Kevin Augustyn khai mạc cuộc tranh luận, nói rằng: “Là người Công giáo, chúng ta không sợ những cuộc tranh biện có tính cách trí thức. Đức tin và lý trí không đối kháng nhau.”

Mở đầu luận cứ của mình, ông D’Souza nói rằng ông chỉ muốn tranh biện trên “căn bản lý trí” mà thôi. Ông liệt kê ra những điều ông tin tưởng là quan trọng cho tất cả mọi người, kể cả người vô thần: đó là mối quan tâm về tư tưởng của cá nhân, khoa học như một cơ chế tự trị, phẩm giá bình đẳng của phụ nữ, việc hủy bỏ chế độ nô lệ, và lòng từ tâm.

“Thiên Chúa giáo đã đưa vào thế giới này những giá trị đó”. Ông cho rằng chế độ nô lệ đã được bãi bỏ nơi các xã hội theo Thiên Chúa giáo trong khoảng từ thế kỷ 4 cho đến thế kỷ 10.

Ông nói: Khoa học hiện đại đã có “nền tảng đức tin” theo nghĩa bắt nguồn từ những giả định của Thiên Chúa giáo. Chúng ta cho rằng chúng ta sống trong một vũ trụ có luật pháp và duy lý, mà tính cách duy lý ngoại vi được phản ảnh trong chính tâm tưởng chúng ta, những giả định này được Thiên Chúa giáo nuôi dưỡng.

Ông nói: “Không phải tính cờ mà khoa học tân tiến đã phát triển trong nền văn hoá Tây phương.”

Sau đó, D’Souza biện luận rằng vũ trụ đã “được điều chỉnh tốt đẹp cho cuộc sống”. Hãy tưởng tượng rằng khi các bối cảnh vật lý của vũ trụ này có thể bị một cơ chế kiểm soát nào đó làm thay đổi đi, thì một sự đổi thay vô cùng nhỏ bé xảy ra cho một hằng số cũng sẽ đẩy vũ trụ có thể cư ngụ được vào tình huống bất khả.

Ông cũng giả thiết rằng, bất chấp những hạn chế tự nhiên, “ở một mức nào đó, con người được tự do không bị các luật pháp cố định chi phối.” Con người được đặt giữa hai lãnh vực rõ rệt: “đường lối chúng ta đang sống” và “đường lối chúng ta phải thể hiện.”

“Chúng ta làm đúng khi sống như có một Thiên Chúa hiện hữu, bởi vì chung cuộc điều đó làm cho chúng ta thành con người tốt hơn.”

Hitchens mở đầu những lời phê bình của ông bằng cách nửa đùa nửa thật nói rằng ông không cho tình nhân ái là có giá trị và quả có vui thích trước những nỗi bất hạnh của người khác.

Bắt đầu biện bác, ông chế diễu cái ý tưởng phổ biến cho rằng vắng bóng tôn giáo sẽ gây ra những sự xáo trộn về phương diện luân lý. Ông hỏi: Nếu người ta chứng minh được rằng Chúa Giêsu, bà Maria hay một nhân vật tôn giáo nào khác đều là những nhân vật “hoàn toàn chỉ có trong thần thoại”, thì quý vị có thực sự nhìn người lân cận bằng con mắt khác đi hay không? Hoặc thế là quý vị có trở thành một tên ăn trộm hay một kẻ chuyên đi hãm hiếp?”

Hitchens lý luận rằng: nếu chủ nghĩa vô thần là đúng, “chúng ta cũng đang ở đúng vị trí chúng ta đứng hiện nay” xét về phương diện những nghĩa vụ của chúng ta đối với người khác và lý do tại sao chúng ta đang ở vị trí tại nơi này.

Sau đó ông cho rằng: vì khư khư chủ trương đã xảy ra sự mặc khải từ Thiên Chúa, nên tôn giáo ngăn chặn những vấn nạn đó, cho là chỉ cần sống theo đúng những giới răn do tôn giáo đặt ra. Điều này làm cho trách nhiệm cá nhân trở thành vô nghĩa, và tấn công vào nhân loại nơi “chính tính chất trung thực sâu xa nhất” của chúng ta khi nói rằng chúng ta không có ý thức gì hết về điều thiện và điều ác.

Hitchins cho rằng đấy cũng là “nguồn gốc của chủ nghĩa độc tài toàn trị”.

Ông kết án vị Chúa mà người Kitô giáo tin theo, vị Chúa làm cho chúng ta đau yếu và truyền dậy chúng ta phải mạnh khỏe, cho rằng quan niệm về Chúa như thế là “rất kém cỏi, rất tội lỗi, hoặc rất độc ác.” Ông đặt câu hỏi là tại sao Chúa cứu chuộc nỗi khổ đau của con người chỉ bằng cách cất đi các tội lỗi, chứ không phải bằng cách đi vào nhà tù hoặc trở thành đau ốm thay cho họ.

D’Souza trả lời bằng cách lập luận rằng nếu không có Thiên Chúa giáo “chúng ta sẽ có một nền văn minh rất khác”, một bằng chứng là chỉ có những quốc gia phương Tây chịu ảnh hưởng bởi Thiên Chúa giáo là có vẻ vội vã chạy đến cứu trợ các nạn nhân thiên tai trên khắp thế giới. Ông trưng dẫn một câu tục ngữ Ấn độ được biết hồi còn trẻ nói rằng “nước mắt người lạ chỉ là nước lã.”

Sau đó Hitchens đặt những câu vấn nạn tại sao Thiên Chúa giáo phải được coi là cao quý hơn các tôn giáo khác, như Hồi giáo chẳng hạn.

D’Souza đáp lại bằng cách nêu lên sự đứt quãng giữa “cách thức sự việc đang hiện hữu” và “cách thức sự việc chúng phải là.” Điều này có thể được giải thích bằng cách giả thiết là có một khoảng ngăn cách giữa “cấp độ nhân loại” của cuộc sống và “cấp độ thần linh.” Theo quan điểm của D’Souza, Hồi giáo và Do thái giáo chủ trương rằng khoảng ngăn cách lớn lao này có thể được nhân loại làm cho gần lại bằng cách xây dựng một “cái thang” để trèo lên được tới Thiên Chúa.

Tuy nhiên, Thiên Chúa giáo nói rằng dự án đó là “tuyệt vời nhưng không thể thực hiện được” qua lời giảng huấn rằng khoảng ngăn cách này “phải được lấp kín từ phía bên kia” qua việc Thiên Chúa nhập thể vào thế giới trong con người của Đức Giêsu Kitô.

Hitchens trả lời bằng cách cố tâm so sánh sự ngang bằng giữa hai sự việc: Mohamet cho rằng ông ta là một tiên tri, còn người theo Thiên Chúa giáo thì cho rằng Đức Kitô là người Thiên Chúa sai đến. Sự so sánh này bị D’Souza phản bác lại, nói rằng Hitchens đã bỏ qua không xét đến vị trí của thiên tính Đức Kitô trong thần học Thiên Chúa giáo.

Các vấn đề khác được nêu ra trong cuộc tranh biện gồm có: sự hiện hữu của các luật tự nhiên, tính cách lịch sử của các sách Tin Mừng, tính khả tín của những chứng nhân Kitô giáo buổi sơ khai, và tính chất của giảng huấn Công giáo về nhu cầu phải có sự cứu độ của Đức Kitô và Giáo hội.

D’Souza cũng mô tả lần gặp gỡ đầu tiên với Hitchens sau khi ông này viết một bài bình luận đăng trên tạp chí thiên tả “The Nation” ủng hộ sự bảo vệ về luật pháp đối với trẻ chưa sinh.

Hitchens sau đó giải thích rằng ông thấy việc loại bỏ “trẻ trong dạ người mẹ” ra khỏi gia đình nhân loại là một điều cực kỳ đáng nên phản đối.

Sau cuộc tranh luận, thông tấn xã CNA có nói truyện với Cha Augustyn. Ngài cho biết đây là một cuộc “tranh luận xuất sắc” với cả hai diễn giả đã làm “rất tốt” vai trò của họ. Theo nhận xét của ngài thì D’Souza đã phản bác và “lột mặt nạ” một số những điều so sánh về các tôn giáo có tính cách “bất công” và “lựa lọc” của Hitchens.

“Đồng thời, Christopher Hitchens cũng là một đối thủ cừ khôi. Ông ta rất hóm hỉnh, rất sắc bén, đã đưa ra những luận điểm tốt và đem thính giả tham gia vào cuộc tranh biện. Tôi không nghĩ rằng các lời biện bác của ông ta là vững chãi, nhưng tôi thiết nghĩ ông ta là một người tranh luận giỏi.”

Trung tâm Thánh Tôma Aquina dự trù sẽ tổ chức các phiên họp theo dõi để thảo luận về cuộc tranh biện nói trên tại các lớp trong trường đại học vào những buổi tối ngày thứ Ba, Tư và Năm. Cha Augustyn cho biết đó là những buổi biện giải cho tôn giáo hoặc là những phiên họp có hỏi-đáp.”

Ngài cho biết rằng cuộc tranh luận nói trên đã được trực tiếp truyền đi tới một cơ sở khác có chứa khoảng 300 khán giả, đem tổng số người tham dự lên tới hơn 2300 người.

Cha Augustyn nói: “Đây là biến cố lớn lao nhất mà chúng tôi đã chủ trì trong lịch sử của trường”, đồng thời cha kêu gọi có thêm nhiều người tham gia trợ giúp sứ vụ phúc âm hóa trong môi trường đại học.
 
Đức Thánh Cha Benedict XVI: an lạc tử là một giải pháp “giả mạo”
Bùi Hữu Thư
23:35 01/02/2009

Đức Thánh Cha Benedict XVI: an lạc tử là một giải pháp “giả mạo”



Ngài nói giải đáp là tình yêu

VATICAN ngày 1 tháng 2, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói, chấm dứt đời sống của một con người là một giải pháp “giả mạo” cho vấn đề đau khổ, và là một giải pháp không xứng đáng với phẩm giá con người.

Sau khi cầu nguyện kinh Truyền Tin hôm nay với đám đông tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nói rằng an lạc tử thường là một cám dỗ lớn lao khi có người phải chịu đau đớn. Ngài nói, giải đáp là tình yêu.

Trong bài diễn từ Ngày Cho Đời Sống tại Nước Ý, Đức Thánh Cha bàn về chủ đề được Hội Đồng Giám Mục Ý lựa chọn: “Sức Mạnh của Đời Sống trong Đau Khổ."

Ngài nói, "Tôi hoàn toàn hết lòng hưởng ứng sứ điệp này trong đó chúng ta thấy tình yêu của các chủ chiên đối với đoàn chiên của mình, và việc tuyên xưng sự thật, niềm can đảm để nói lên rõ ràng, thí dụ, an lạc tử là giải pháp giảo mạo cho bi kịch đau khổ, một giải pháp không xứng đáng với con người.”

Đức Thánh Cha nói giải pháp không phải là chấm dứt nỗi đau đớn của một con người, dù cho họ có làm điều này với ý định “tốt lành” đến đâu, nhưng phải là “làm nhân chứng cho tình yêu giúp chúng ta đối phó với những sự đau đớn và hấp hối một cách nhân bản."

Đức Thánh Cha khẳng định, "Chúng ta biết chắc chắn rằng, Thiên Chúa không bỏ xót bất cứ một giọt nước mắt nào phải nhỏ xuống, vì những ai đang đau đớn hay của những kẻ đứng kế bên."

Đức Thánh Cha gửi gấm tất cả những ai đang đau khổ và những người đang săn sóc cho họ cho Đức Trinh Nữ Maria, đấng “ôm ấp trong tim Mẹ bí mật của Con Mẹ, Mẹ đã chia sẻ với Chúa Giêsu trong những giờ phút đau thương của cuộc tử nạn và đóng đinh, và lòng Mẹ đã được an ủi bởi niềm hy vọng Phục Sinh."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ngày Quốc Tế Dành Cho Các Bệnh Nhân: Phóng Sự Đối Mặt Tử Thần Tập I
Thúy Hồng
16:34 01/02/2009
Ngày 11 tháng 2, lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, được Giáo Hội chọn là Ngày Quốc Tế Dành Cho Các Bệnh Nhân để suy tư về ý nghĩa đau khổ và cách thế các Kitô hữu đón nhận đau khổ ấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào khi đau khổ xuất hiện.

Trong bài phóng sự này, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị các giáo dân thuộc tổng giáo phận Perth có thể nói là đã đối mặt với tử thần và may mắn thay họ đã thoát tay tử thần trong những trường hợp rất là hy hữu.

Qua trường hợp của các anh chị này chúng ta có thể thấy rằng ho đã biết hướng đến Đức Mẹ để có thể tuân hành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa với một niềm tin kiên vững và không thể lay chuyển, bất chấp những thử thách và đau khổ gặp phải. Mẹ Maria là mẫu gương về sự hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa: Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Vĩnh Cửu trong tâm hồn và chịu thai Chúa trong cung lòng đồng trinh của Mẹ; Mẹ đã tín thác vào Thiên Chúa, và với tâm hồn bị lưỡi gươm đau khổ đâm thâu qua, Mẹ không do dự chia sẻ cuộc khổ nạn Con của Mẹ, lập lại dưới chân Thánh Giá trên đồi Canvê lời thưa “xin vâng” của Mẹ trong cuộc Truyền Tin. Chúng ta hãy để cho mình bị thu hút bởi lời thưa “xin vâng” đã liên kết Mẹ một cách lạ lùng với sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc nhân loại; là để cho mình được Mẹ cầm tay dìu dắt để thưa “fiat”, xin vâng theo thánh ý Chúa trong trọn cuộc sống với những vui buồn, những hy vọng và những điều không được mãn nguyện, với ý thức rằng thử thách, đau đớn và sầu khổ làm cho cuộc lữ hành của chúng ta trên mặt đất thêm phong phú về ý nghĩa.

Sự hiện diện của nhiều tín hữu bệnh nhân và những người thiện nguyện tháp tùng họ tại Lộ Đức và tại các đền thánh kính Đức Mẹ giúp suy tư về sự chăm sóc ân cần và từ mẫu mà Đức Mẹ biểu lộ đối với những nỗi đau đớn và sầu khổ của con người. Được liên kết với Hy Tế của Chúa Kitô, Mẹ Maria, Mẹ Sầu Bi (Mater Dolorosa), dưới chân Thánh Giá cũng chịu đau khổ với Người Con Thần Linh của Mẹ, và được cộng đồng Kitô đặc biệt cảm thấy gần gũi, một cộng đồng quây quần quanh các phần tử đau khổ của mình đang mang những dấu hiệu thương khó của Chúa. Mẹ Maria cùng chịu đau khổ với những người gặp thử thách, và Mẹ cùng hy vọng với họ và là niềm an ủi cho họ, Mẹ nâng đỡ họ bằng sự phù trợ hiền mẫu. Một điều chân thực là chính kinh nghiệm thiêng liêng của bao nhiêu bệnh nhân đã thúc đẩy họ ngày càng hiểu rằng “Đấng Cứu Chuộc muốn đi sâu vào tâm hồn của mỗi người đau khổ qua trái tim Người Mẹ rất thánh của Ngài, là hoa quả đầu mùa và là tột đỉnh của mọi người được cứu chuộc” (Gioan Phaolô 2, Tông thư “Khổ đau cứu độ ”, 26).

Ước gì Ngày Thế giới các bệnh nhân tới đây là cơ hội thuận lợi để đặc biệt cầu khẩn sự bảo vệ của Mẹ Maria trên những người đang bị thử thách vì bệnh tật, trên các nhân viên y tế và những người làm việc mục vụ y tế. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta hiểu tỏ rằng câu trả lời duy nhất có giá trị đối với đau đớn sầu khổ của con người chính là Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết khi phục sinh và ban cho chúng ta sự sống không cùng tận.

Phần Thứ Hai
 
Nhân dịp Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ lên đại thọ 100 tuổi: Trong dòng thời gian
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
17:06 01/02/2009

Trong dòng thời gian



Trong một mẩu chuyện dụ ngôn, Michael Ende kể lại đoạn hai chú bé Tim và Luca lái xe lửa đi xuyên trong sa mạc. Xe của họ chạy ngang qua những bãi cát hoang vu bát ngát.Thình lình từ đàng xa phía chân trời trước mặt, họ nhìn thấy một bóng người khổng lồ xuất hiện đang tiến tới theo hướng ngược chiều xe đang chạy. Họ hoảng sợ toát mồ hôi và muốn nhảy xuống khỏi xe chạy trốn...

Bỗng có âm thanh như tiếng người nói nhỏ nhẹ phát ra: “Các Bạn đừng chạy trốn làm gì! Tôi biết mọi người đều hoảng sợ khi gặp tôi và đều muốn chạy trốn cả!”.

Hai chú bé nghe thế liền đứng lại nhìn người khổng lồ tiến lại gần hơn.

Trước mắt hai chú bé một sự kinh ngạc xảy ra: Người khổng lồ càng đến gần bao nhiêu, người đó lại càng bé đi bấy nhiêu. Khi người khổng lồ sau cùng đến sát gần bên họ, người đó không to cao lớn hơn hai chú.

Ngạc nhiên hai chú hỏi người khổng lồ: Làm sao ông lại như thế này. Từ xa ông trông có hình dạng khổng lồ làm chúng tôi hoảng hốt sợ hãi toát mồ hôi ra! Nhưng bây giờ gần sát bên ông, ông lại cũng chỉ là một người lớn già dặn bình thường cao hơn chúng tôi chút ít thôi!

Người khổng lồ đáp lại: “Mỗi con người có một bí mật. Nói đúng hơn mỗi người là một mầu nhiệm. Nơi những người khác như thế này: họ càng đi ra xa, hình bóng của họ càng nhỏ đi. Nơi tôi thì lại khác: tôi càng đi ra xa, thân hình tôi càng chiếu tỏa to lớn ra. Tôi càng tới gần, người ta lại càng nhận ra thân thể hình dạng thật của tôi”.

Qua câu chuyện trên, tôi và có lẽ nhiều người cũng thắc mắc: câu chuyện có liên quan gì tới đời sống của một con người như Đức Cha Michael Nguyễn Khắc Ngữ không?

Trực tiếp thì không. Nhưng gián tiếp thì có tương quan chặt chẽ ở Ơn Kêu Gọi của Đức Cha vào làm thợ trong khu vườn của Thiên Chúa rất nhiều.

Chúa Giêsu sai các Tông đồ và những người làm sứ gỉa cho Ngài ra đi đến trong trần gian với sứ mệnh đến với con người, đến với gia đình con người sinh sống, đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Họ là những người bị lạc đường, bị thương tổn thể xác cũng như tinh thần, sống trong thất vọng lo âu, trong sợ hãi, mất niềm tin và cảm thấy cuộc đời mất ý nghĩa.

Ơn Kêu gọi của Đức Cha Michael Nguyễn Khắc Ngữ theo Chúa làm Sứ gỉa cho Ngài là ơn kêu gọi ra đi đến với con người!

Qua ơn Gọi làm sứ gỉa cho Chúa, hình dạng chân thật của Chúa được nhận ra: Hình dạng một Thiên Chúa to lớn cao cả luôn gần gũi với con người.

45 năm qua, tôi và nhiều chúng bạn cùng trang lứa không chỉ là con chiên bổn đạo trong giáo phận Longxuyên. Nhưng còn là người chịu nặng ơn nghĩa với Đức Cha Michael Nguyễn khắc Ngữ

45 năm qua, chúng tôi không chỉ là những học trò nội trú chủng viện. Nhưng được giáo dục thành người, hy vọng sẽ cùng với Đức Cha giúp vào việc rao truyền Tin Mừng của Chúa trong giáo phận Longxuyên.

45 năm qua, chúng tôi không chỉ là những người đơn giản được thu nhận chọn vào học làm ứng sinh Linh mục cho Giáo Hội Chúa Giêsu sau này. Nhưng chúng tôi là niềm hy vọng cùng là mối quan tâm lo lắng hàng đầu trong trái tim của Đức Cha Michae Nguyễn khắc Ngữ.

Tôi còn nhớ mãi:

Hầu như hằng tuần Đức Cha Michael Ngữ đều sang thăm chủng viện, gặp gỡ nói chuyện huấn đức, khuyên nhủ chúng tôi chịu khó học hành tu luyện tập nhân đức, rồi ngài cùng ăn cơm chia sẻ với các chủng sinh.

Mỗi khi đi dự họp Công Đồng bên Roma trở về thuở những năm 1964,1965, ngài thường mua Tràng Hạt, ảnh Tượng Đức Mẹ, Thánh Terexa tặng chúng tôi. Rồi ngài kể chuyện về Thánh nữ Terexa hài đồng Giêsu, về gương đời sống của cha sở họ Ars, Thánh Gioan Vianney.

Ngài dậy chúng tôi kinh dâng mình cho Chúa mỗi ngày: „ Lạy Chúa, con xin dâng mình con ngày hôm nay trong tay Chúa. Xin Chúa chúc lành cùng gìn giữ con luôn mãi. Amen“.

Lời kinh này khắc ghi sống động trong tâm hồn tôi từ ngày đó.

Sau khi các chủng sinh học xong chương trình trung học ở tiểu chủng viện, ngài tìm gặp riêng từng người chúng tôi hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, về cha mẹ anh chị em trong gia đình, về sức khoẻ trong tình nghĩa cha con, về ý thích muốn gì. Sau đó ngài nhận vào đại chủng viện học chuẩn bị làm Linh mục.

Chưa hết, ngài còn tặng mỗi người chúng tôi một chiếc áo dòng linh mục. Tôi còn nhớ ngài không ban phép lành giám mục cho tôi lúc đó. Nhưng suy nghĩ lại cuộc thăm hỏi nói chuyện thân mật tình cha con, và món qùa tặng chan chứa ý nghĩa đó là lời chúc lành cho đời tôi rất nhiều.

Lời chúc lành đó đã mang lại hiệu qủa thần thiêng thánh đức, giúp tôi cố gắng sống ý chí vững vàng tu luyện trở thành Linh mục trong Giáo Hội của Chúa sau này.

Từ khi trở thành Linh mục của Chúa, mỗi khi dâng Thánh Lễ đọc tới câu: „ Dominus vobis cum – Chúa ở cùng anh chị em“, tôi cảm động nhớ tới Đức cha Michae của tôi. Lời kinh chào mừng này gợi nhớ trực tiếp đến khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Michael Ngữ: „Christus in vobis – Chúa Kitô ở trong anh chị em“.

Phải, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Đức cha Michael của tôi suốt dọc đời sống từ 100 năm nay trong mọi hoàn cảnh đã sống làm chứng loan truyền Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa cao cả to lớn. Nhưng luôn gần sát bên cạnh đời sống cho mọi người, mà tôi hơn 45 năm qua đã được ngài uốn nắn dậy dỗ, khuyến khích trở thành linh mục sống làm chứng mang Chúa Giêsu đến cho trần gian.

Rồi mỗi khi đi ngang qua cây cầu ngang kênh ở quê tôi xứ Bình Châu, từ bờ bên đất Thánh nghĩa địa sang Nhà Thờ, tôi nhớ đến Đức Cha Michae, người đã giúp cho xứ đạo tôi có phương tiện xây dựng cây cầu xi măng vững chắc đó.

Ngày xưa, chỉ mình Thầy cả thượng phẩm thành Rôma có danh xưng Pontifex summus - Người bắc nhịp cầu tối cao. Sau này khi đạo Công giáo loan truyền tới đó, danh hiệu này được dùng chỉ cho Đức giáo hoàng bên Roma.

Là Giám mục trong Giáo Hội Chúa Giêsu do Đức Giáo Hoàng tuyển chọn bổ nhiệm. Đức cha Michael của chúng ta cũng là người bắc nhịp cầu.

Qua đời sống dấn thân hy sinh „Chúa Giêsu Kitô ở trong anh chị em“, ngài đã giúp bắc những nhịp cầu nối liền hai bờ sông kênh lạch cho đời sống sinh hoạt của con người, những nhịp cầu thiêng liêng giữa Chúa và con người, những nhịp cầu tình nghĩa cha con với nhau.

Đời sống khiêm nhượng đơn gỉan từ y phục, căn phòng nhà ở tới cách sống gần gũi tình nghĩa con người và việc ăn uống hằng ngày của đức cha Michae là một đời sống đạo đức lành mạnh. Đồng thời đó cũng là khuôn mẫu cho đời sống của một nhà tu hành sống đức tin vào Thiên Chúa, cùng làm chứng nhân rao truyền tình yêu Thiên Chúa cao cả cho con người.

Tôi còn nhớ, đã có lần ngài nhắn nhủ khuyên chúng tôi: nên ăn uống có chừng mực điều độ, ăn rau, hoa qủa tươi rất tốt cho sức khoẻ không chỉ về thân xác thể lý mà còn cho cả tinh thần tâm trí đạo đức nữa!

Lời cặn dặn tâm tình khi xưa của vị cha gìa kính yêu cách đây hơn bốn chục năm ngày càng thời sự cùng cần thiết cho con người hôm nay. Chả thế mà hơn khi nào hết, bây giờ khắp nơi cổ võ việc trồng cấy dùng rau tươi „nước sạch“, sản phẩm „Bio“, vừa vệ sinh sạch sẽ, lại vừa tốt cho sức khoẻ tinh thần lẫn thể xác!

Đức cha Michael của tôi năm nay có kỷ niệm thánh đức mừng vui được Thiên Chúa ban cho đại thọ 100 tuổi (1909-02.02.-2009), một tuổi trời hiếm có ai được ân phúc đạt tới như thế.

100 năm qua ngài đã đón nhận ân đức sự sống cao cả to lớn của Thiên Chúa.

Và ngài cũng đã nghe theo tiếng Chúa kêu gọi vào làm thợ trong vườn nho của Chúa với chức vụ Linh mục từ 75 năm qua 1934- 2009, rồi trong chức vụ Giám mục từ năm 1961.

Con người Gíam mục Michael Nguyễn khắc Ngữ được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh cao cả của Ngài. Nhưng con người đó suốt dọc đời sống 100 năm là nhân chứng cho một Thiên Chúa tình yêu luôn sát gần bên con người: “Mỗi con người có một bí mật. Nói đúng hơn mỗi người là một mầu nhiệm. Nơi những người khác như thế này: họ càng đi ra xa, hình bóng của họ càng nhỏ đi. Nơi tôi thì lại khác ngược lại: tôi càng đi ra xa, thân hình tôi càng chiếu tỏa to lớn ra. Tôi càng tới gần, người ta lại càng nhận ra thân thể hình dạng thật của tôi”.

Phải, đúng như thế. Càng sống gần đức cha Michael Nguyễn Khắc Ngữ, chúng tôi càng cảm nhận ra hình ảnh một con người khiêm hạ đơn giản. Nhưng có một trái tim to lớn cao cả, có lối sống đạo đức đơn thành chất phác mà thâm sâu.

Bây giờ Đức Cha Michae của tôi từ năm 1975 lui vào sống cảnh hưu dưỡng. Nhưng tâm hồn ngài không đi nghỉ hưu.

Trái lại, ngài vẫn hằng tiếp tục bắc nhịp cầu thiêng liêng „ Chúa Giêsu Kitô ở trong anh chị em“ bằng lời cầu xin khấn nguyện lên Thiên Chúa hằng ngày.

„Quả vậy, Thượng Tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ tế đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy „ ( Thư Do Thái 5,1-3).

Xin tạ ơn Thiên Chúa, và với tấm lòng biết ơn xin cúi đầu chúc mừng Đức Cha Michae Nguyễn khắc Ngữ của tôi.

Cùng với mọi người trong Giáo phận Longxuyên xin hợp lời nói lên tâm tình lòng biết ơn vị cha gìa yêu kính của tôi: Đức Cha Michae Nguyễn khắc Ngữ.

02.02.2009

Con chiên học trò cũ Giáo phận Long Xuyên.
 
Mái âm tình thương Đồng Tiến -Bình Thuận
Pm. Cao Huy Hoàng
21:46 01/02/2009
BÌNH THUẬN - Khi sự phân cấp xã hội làm chênh lệch quá lớn giữa giàu và nghèo trong một đất nước được coi là còn quá nhỏ bé về mọi mặt, thì trong quần chúng, đã xuất hiện một số từ mới trong tiếng Việt ghép với từ tình thương như gạo tình thương, quần áo tình thương, nồi cháo tình thương, nhà tình thương, nghĩa trang tình thương, phần mộ tình thương, mái ấm tình thương…mà cụ thể là người dân ở Thị Xã Lagi, Bình Thuận, hầu như quá quen thuộc bởi tất cả những tình thương ấy đều có nơi Mái Ấm Tình Thương Đồng Tiến, Thị xã Lagi, Bình Thuận.

Xem hình ảnh

Chiều mùng 5 tết, tôi đến thăm Mái Ấm, thấy xuất hiện mấy “việt kiều tình thương”, anh chị Tân -Ngọc, anh chị Hưởng-Tảo từ Houston, Texas về, chen trong 170 người khuyết tật đang cầm trong tay giấy mời nhận quà tình thương do Sr. Maria Nguyễn Thị Thanh Mai, Giám đốc Mái Ấm, ký mời.

Cha Giuse Nguyễn Hữu An, tuyên úy Mái Ấm, chúc xuân bằng một khẳng định “Thiên Chúa là Tình Thương” và Ngài cầu nguyện cho anh chị em khuyết tật -cả lương lẫn giáo- luôn tin tưởng rằng Tình Thương của Thiên Chúa vẫn tuôn tràn qua những con người có tấm lòng của Thiên Chúa.

Chị Ngọc Nguyễn được mời chia sẻ với những người khuyết tật. Chị cho biết chị là một người tân tòng, được ơn Chúa qua việc bác ái, từ thiện, đã nhận ra Thiên Chúa là Tình Thương, đã được rửa tội và Ngài muốn cho chị sống trong Tình Thương, để cuộc đời chị được hạnh phúc. Chị xin những người khuyết tật “tin tưởng vào Tình Thương của Chúa, vì anh chị em đang là những bạn hữu chí thiết của Ngài. Xin tạ ơn Chúa, không phải cho anh chị em gặp chúng tôi, mà là, cho chúng tôi được gặp anh chị em trong dịp năm mới nầy”.

Cha Linh hướng, các nữ tu, các anh chị chia nhau phát quà cho người khuyết tật. Mỗi phần quà tết gồm có: 5kg gạo, một thùng mì tôm, một chai dầu gió, một túi ba bộ quần áo, một bì thư 200 ngàn đồng việt nam, và đặc biệt, một tờ kinh “lòng thương xót Chúa”.

Những cụ bà, cụ ông sung sướng đến rơi lệ. Những người thân và cả người khuyết tật cũng cảm động trước nghĩa cử của những người trao quà: một lời chào, một lời chúc, kể cả những nụ hôn trên những người kém may mắn. Đúng là “của cho không quí bằng cách cho”.

Mọi người ra về trong niềm vui. Tôi được gặp một người khuyết tật 50%, chưa kịp hỏi anh ta tên gì, chỉ mới nói “chúc anh vui nhé”, anh liền trả lời: “Ngày em chăn hai con bò cho người ta, mỗi con được 3 ngàn. Nay em được nhiều quá. Dzìa Mẹ mừng lắm. Lên bà kia mua cái nệm cũ cho Mẹ nằm”.

Khi mọi người ra về, Cha Linh Hướng, Sr. Giám Đốc và tôi đi viếng Nghĩa Trang Tình Thương. Chiều đang xuống. Hương trầm thơm lan tỏa khắp nghĩa trang cả ngàn ngôi mộ tình thương san sát nhau, đồng phục.

Đến đây, tôi mới khám phá ra bao nhiêu công việc tình thương của các chị em Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Cộng Đoàn Đồng Tiến Lagi. Và nếu tôi không lầm, thật đáng kể, mà chưa ai kể, hoặc nếu có kể, thì cũng chỉ là phần nào những gì trông thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai, phần nhỏ của tình thương Thiên Chúa đặt trong mỗi trái tim yêu thương và phục vụ.

Từ những năm 2000, các chị em đã phát hiện nhiều nấm mộ hoang quanh đồi Hoa Sim, ngoài nghĩa trang Đồng Tiến, ở Hiệp hòa, ở Bảo An và ở một vài nơi quanh thị xã. Những nấm mộ đã bị xói mòn, có chỗ theo con nước chảy đã lộ ra những khúc xương người phơi nắng… Chị em đã đưa những trăn trở vào lời kinh nguyện. Và một quyết định táo bạo đã hình thành, để đến đầu năm 2003 bắt đầu thực hiện việc cải táng các hài cốt về phía tây Nghĩa Trang Giáo Xứ Đồng Tiến. Liên tiếp những đợt cải táng đồng nghĩa với việc liên tục kêu gọi những nhà hảo tâm cho công tác của niềm tin “xác loài người sẽ sống lại”. Cho đến nay, Nghĩa Trang Tình Thương đã có hơn 1000 ngôi mộ. Mỗi phần mộ có hồ sơ riêng. Có thể là một chiếc thẻ bài còn ghi rõ tên tuổi, số quân, cấp bậc, binh chủng; có thể là một tấm poncho còn ghi tên người chung số phận với nó, có thể là một thẻ căn cước, một kỷ vật… nhưng, cũng có thể là không có gì cả ngoài một một bộ xương người. Có những người tìm đến Nghĩa Trang nầy và qua những hồ sơ riêng, đã tìm được hài cốt người thân mất tích trong chiến tranh, nay đã hơn 35-40 năm.

Xem hình ảnh

Chúng tôi đến một phần của Nghĩa Trang Tình Thương để kính viếng phần mộ của các thai nhi do chính các chị xin được, hoặc do những thiện nguyện viên xin về cho các chị an táng. Từ năm 2005 đến nay, mà con số các thai nhi được an táng đã lên đến hơn 5000- hơn 5000 em bé, nếu được sinh ra, đã được 5,6 tuổi. Mỗi phần mộ dành cho các thai nhi có 6 hộc. Mỗi hộc có thể an táng đến 15 hoặc 20 thai nhi. Hầu như ngày nào cũng có các thai nhi bị nạo bỏ! Vì thế, mỗi phần mộ có thể có 60, 80, 100, hoặc120 thai nhi.

Phần mộ tình thương và phần mộ thai nhi có ghi rõ tên ân nhân phụng lập. Tôi thấy có tên những ân nhân ở GX. Thanh Xuân, ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Thủ Đức, và có cả các ân nhân ở Anh Quốc, ở USA, ở Úc, ở Pháp, ở Na-uy…. Thật đáng quí những đồng tiền mang giá trị cứu độ. Có hơn 400 phần mộ xây từ sớm, nay đã xuống cấp trầm trọng. Được biết, vì ngày ấy khó khăn quá, tiền xin được thì ít, mà hài cốt tìm được thì quá nhiều, nên các chị đã làm có tính cách tạm thời cho kịp thời vụ. Nay, các chị đang có kế hoạch tân trang kiên cố các phần mộ với giá tiền 1 triệu tư cho mỗi phần mộ. Thật là một kế hoạch vu vơ, nếu các chị không có một niềm tin mãnh liệt rằng các chị đang thực hiện kế hoạch tình thương của Chúa.

Tích cực hơn với sự sống của các thai nhi, các chị em đã ra sức vận động những người lầm lỡ về sống với cộng đoàn các chị để dưỡng thai và để cho con chào đời. Đây là công việc không dễ dàng chút nào trước cơn cám dỗ “giết con cho khỏe mẹ”, nhưng các chị đã thực hiện được nhờ lời cầu nguyện của nhiều người, nhờ sự kiên trì thuyết phục, và phần nào nhờ những điều kiện vật chất các chị chu cấp cho mẹ cho con trong thời gian dưỡng thai và sinh con. Có những bà làm mẹ, chị làm mẹ, em làm mẹ đã sinh con và gửi lại cho các chị nuôi dưỡng, rồi ra đi. Có người trở lại thăm con. Có người biền biệt. Công việc “bảo vệ sự sống” của các chị có thể nói là thành công, dẫn đến việc các chị phải chạy đôn chạy đáo để xin tiền xây dựng một cơ sở gọi là Mái Ấm Tình Thương. Và quả thực, Chúa đã thực hiện việc tốt đẹp này qua tay biết bao ân nhân trong và ngoài nước để Mái Ấm Tình Thương Đồng Tiến hình thành một cơ sở “bảo vệ sự sống” nay đã có 79 cháu bé được chào đời, trong số đó, có 31 cháu được mẹ xin về sum họp gia đình, còn lại 48 cháu đang được nuôi dưỡng.

Trở về Mái Ấm, tôi đến phòng số 1, có 3 chị bảo mẫu lo cho 11 cháu từ 1 đến 6 tháng tuổi, cháu nào cũng sạch đẹp, dễ thương. Ở phòng số 2, có 2 chị bảo mẫu lo cho 10 cháu từ 6 đến 12 tháng tuổi, và ở phòng số 3 và số 4 có mấy sơ và một chị bảo mẫu lo cho 23 cháu từ một đến 5 tuổi. Tôi tính nhẩm, mới có 44 cháu và được một sơ cho biết có 4 cháu lớn học lớp 1 ở phòng riêng bên kia. Ồ, thật tuyệt. Cháu nào cũng tuyệt vời quá. Tạ ơn Chúa vì những công trình sáng tạo của Chúa.

Công việc của chỉ hơn mười con người, 5 sơ và 6 bảo mẫu-cũng có bảo mẫu là chính những chị em đang mang thai- không dừng lại ở việc chăm sóc các trẻ, mà hằng ngày còn phải thức dậy thật sớm từ 3g30 sáng để nấu một thùng nước sôi, một nồi cháo tình thương cho những bệnh nhân ở Bệnh Viện Thị Xã Lagi gần đó. Những bệnh nhân nầy hầu hết từ những vùng sâu, vùng xa đến chữa bệnh tại bệnh viện. Đa số là người nghèo, vì những người có đủ điều kiện thường vẫn thích chữa bệnh tại các bệnh viện lớn hơn. Mỗi ngày có trung bình từ 120 đến 150 phần nước sôi và cháo tình thương cho bệnh nhân, nên tháng nào trung bình các chị cũng phải chi khoảng trên 5 triệu cho nồi cháo tình thương ấy. Hơn thế nữa, các chị được Cha xứ cho phép mang Mình Thánh Chúa đến cho những bệnh nhân công giáo ở Bệnh Viện mỗi thứ bảy, và khi cần.

Trái tim đầy tình thương bao giờ cũng có những sáng kiến độc đáo và có sức cuốn hút nhiều người nhập cuộc vào chương trình tình thương của Chúa. Vì thế, từ con số 15,18 người nông dân làm thiện nguyện viên thời kỳ bốc mộ cải táng, nay đã có đến 62 thiện nguyện viên tích cực góp phần mình cho công việc của tình thương. Họ rất đơn sơ và nhiệt thành, không nề hà việc gì cả, từ việc quét dọn Nghĩa Trang Tình Thương, đến việc thăm viếng, giới thiệu những người khuyết tật, cùng khổ, đến việc tranh thủ xin những thai nhi bị vất vào thùng rác bệnh viện, và đến những việc cực nhọc hơn như bốc mộ cải táng... Các thiện nguyện viên này không nhận tiền thù lao, và phần thưởng cho họ chính là niềm vui họ mang đến cho người khác, được tham dự thánh lễ mỗi khi có Cha Linh Hướng về Mái Ấm và cũng được tĩnh huấn ít nhất một lần trong năm.

Ở Mái Ấm Tình Thương về, tôi không thể làm thinh trước công trình tình thương của Chúa. Tôi thật thán phục niềm tin, sức chịu đựng và nổ lực của những chị em Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang tại Đồng Tiến trước những thách đố thật đáng kể về các khoản kinh phí cho công trình bảo vệ sự sống nầy. Tôi thật cảm động vì biết có nhiều ân nhân xa gần đã hổ trợ cho các chị mặc dầu chưa tận mắt thấy một nghĩa trang tình thương thẳng tắp những ngôi mộ, chưa tận tai nghe tiếng trẻ con đỏ hon hỏn khóc đòi sữa mẹ, cũng chưa thực sự tin rằng những đồng tiền chắt chiu của họ lại có giá trị lớn lao như thế. Tôi có nghe người ta nói về Sr. Thanh Mai rằng: “Bà Sơ nầy xin tiền giỏi lắm”. Hôm nay, tôi mới hiểu ra là không phải Bà Sơ xin tiền giỏi, mà là chính Chúa đã gửi đến cho bà những người có trái tim của Chúa và bà giỏi sử dụng đồng tiền người ta cho vào đúng kế hoạch Chúa muốn, để cả giáo lẫn lương nhận ra Thiên Chúa là Tình Thương.

Tôi nhớ sau bữa ăn tối, vợ chồng anh chị Tân-Ngọc, anh chị Hưởng-Tảo, cùng chúng tôi cầu nguyện ngay tại bàn ăn: “Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì chúng con đang sống nhờ tình thương của Chúa. Xin cho tất cả việc chúng con làm vì tình thương. Và xin cho chúng con xác tín rằng: vì tình thương, chúng con sẽ có tất cả”.

Tất cả vì tình thương. Vì tình thương, có tất cả.
 
Mừng Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ thọ 100 tuổi: con người tuyên xưng
+ GM JB Bùi Tuần
22:16 01/02/2009
Hôm nay, giáo phận Long Xuyên mừng Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ thọ 100 tuổi (02/02/1909-02/02/2009).

Đức Cha Tiếu và Đức Cha Ngữ
Để mừng Ngài, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho Ngài vô vàn ơn thiêng. Ơn chung và ơn riêng.

Trong những ơn riêng, tôi thấy có một ơn đặc biệt Đức Cha đã và đang đón nhận, đã và đang dùng, để phục vụ Hội Thánh nói chung và giáo phận Long Xuyên nói riêng. Ơn đặc biệt đó là Ngài dùng chính đời sống mình, để:

"Tuyên xưng việc Chúa tử nạn,
- tuyên xưng việc Chúa sống lại,
- và tuyên xưng việc Chúa đang đến
".

Ba tuyên xưng đó là giáo lý căn bản, gắn liền với trung tâm thánh lễ. Đức Cha Micae tuyên xưng không phải bằng lời nói mà bằng đời sống.

1/ Đức Cha Micae tuyên xưng Chúa Giêsu chịu tử nạn

Suốt đời Đức Cha là một chuỗi tuyên xưng về Chúa tử nạn. Nhưng trong mấy chục năm nay, càng ngày Ngài càng đi vào mầu nhiệm thánh giá. Nhờ đó Ngài càng tuyên xưng ơn Ngài được tham gia vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.

Tham gia đó không là một lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng là một vâng phục sáng suốt. Hơn nữa, đó là một ơn gọi đầy vinh dự.

Thánh Phaolô viết: "Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu. Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa... Hồi còn ở với anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 1,17-18;2,2).

Thánh Phaolô đã viết về bản thân Ngài như thế. Thiết tưởng Đức Cha Micae cũng đang theo thánh Phaolô viết cho chúng ta như vậy. Viết bằng chính đời sống thánh giá của Ngài. Một thánh giá có sức cứu độ, một thánh giá được chia sẻ từ thánh giá Đức Kitô.

2/ Đức Cha Micae tuyên xưng Chúa Giêsu phục sinh

Ngài tuyên xưng Chúa Giêsu phục sinh bằng sự Ngài không ngừng trở nên con người mới, con người hoà giải.

Thánh Phaolô viết: "Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải.... Vì thế, chúng tôi là sứ giả hoà giải thay mặt Thiên Chúa" (2 Cr 5,17-20).

Như vậy, cầu nguyện cho mọi người được hoà giải với Chúa và được hoà giải với nhau, đó là một hiện diện sống động của Chúa phục sinh giữa thế gian này. Đức Cha Micae đang tích cực tham gia vào sự hiện diện đó. Nhờ vậy, mà bao tâm hồn đã được phục sinh, để cùng nhau làm chứng cho một Nước Trời gồm những người góp phần xây dựng sự hoà giải và bình an trong Chúa.

3/ Đức Cha Micae tuyên xưng việc Chúa đang đến

Tác giả bức thư gửi Do Thái viết: "Vì chỉ còn ít lâu nữa, một ít thôi, Đấng phải đến sẽ đến. Người sẽ không trì hoãn..." (Dt 10,37-38).
"Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Kitô là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin" (Dt 12,1-2).

Chúc thọ Đức Cha Ngữ
Mấy lời trên đây của thư gửi Do Thái nhấn mạnh đến niềm hy vọng và lòng tin vào lời Chúa hứa, đặc biệt là lời Chúa hứa sẽ được Chúa đem về quê hương trên trời.

Đức Cha Micae đang hy vọng và tin mạnh mẽ như thế. Hy vọng của Ngài, lòng tin của Ngài làm cho Ngài phấn khởi. Dù ở mãi một chỗ, nhưng Ngài vẫn như chạy đua đi đón Chúa đang đến với Ngài.

Với vài suy nghĩ trên đây, chúng ta cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng ta Đức Cha Micae.

Chúng ta cảm ơn Đức Cha Micae vì bao cống hiến phục vụ hữu ích.

Chúng ta cầu nguyện cho Đức Cha Micae luôn được sống theo ý Chúa.

Xin Ngài cũng cầu nguyện cho chúng ta vì chúng ta rất yếu đuối, rất mong manh, nhất là trong thời buổi khó khăn khác thường này.

Long Xuyên, ngày 02/02/2009
 
Giáo phận Thái Bình: Thánh lễ Tạ ơn của tân giáo xứ Vinh Sơn
J.B Nguyễn Hữu Vinh
22:32 01/02/2009
THÁI BÌNH - Theo sắc lệnh của Giám mục Giáo phận Thái Bình thành lập Giáo xứ Vinh Sơn, ngày 30 tháng 1 năm 2009 tại Tân Giáo xứ Vinh Sơn thuộc xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã tổ chức Thánh lễ tạ ơn. Đông đảo các linh mục, giáo dân Giáo xứ và các giáo xứ bạn trong Giáo phận Thái Bình đã hân hoan đón mừng sự kiện này.

Xin xem hình ảnh Thánh lễ Tạ ơn tại tân Giáo xứ Vinh Sơn

Linh mục Daminh Đặng Văn Cầu, Tổng Đại diện cùng nhiều linh mục khác đã dâng Thánh lễ đồng tế tạ ơn trong niềm hân hoan của giáo dân trước sự lớn mạnh của Giáo xứ, giáo phận và Giáo hội và đón nhận một Tân Giáo xứ ra đời.

Giáo xứ Vinh Sơn, trước đây là Giáo họ Nam Trạch, có số nhân danh khoảng 800, sau một thời gian phát triển lớn mạnh, đã được Giám mục Giáo phận nâng lên thành Giáo xứ mới.

Toàn thể cộng đồng dân chúa, độc giả xin chân thành kính chúc tân giáo xứ một năm mới đầy tràn hồng ân Thiên Chúa và ngày càng lớn mạnh, xây dựng một Giáo hội thánh thiện, thông công và hiệp nhất.
 
Hàng vạn người hành hương kéo về Giáo họ Trại Gáo thuộc Giáo phận Vinh để kính Thánh Antôn
J.B Nguyễn Hữu Vinh
22:41 01/02/2009
VINH - Hàng vạn lượt người đã kéo về Giáo họ Trại Gáo, thuộc địa bàn xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Tỉnh Nghệ An để hành hương đến cùng Thánh Antôn.

Xem hình ảnh hành hương

Dịp năm Thánh đền Thánh Antôn (từ 6/2008 đến 6/2009) nhân kỷ niệm 110 năm ngày thành lập đền kính Thánh Antôn số lượng giáo dân và người ngoài công giáo kéo về đây ngày càng đông.

Đặc biệt ngày 03 tết năm nay, những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, ước tính có hơn 15.000 người đã hành hương về nơi đây, để cầu xin cùng Thánh nhân những điều mong ước cho một năm mới có nhiều ơn phúc và thành quả tốt đẹp.

Thánh Antôn nổi tiếng là một đấng Thánh hay làm phép lạ bầu cử cứu giúp nhiều người, vì vậy rất nhiều người bất kể công giáo hay ngoài công giáo đã chạy đến cùng người khi gặp khó khăn gian nan. Nơi đây, cách đây 110 năm, đền kính Thánh Antôn đã được xây dựng.

Một vùng quê cách đường quốc lộ chỉ mấy km, thuộc vùng đồi núi của xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã trở thành điểm hành hương lý tưởng cho những người có những nhu cầu về tâm linh và tinh thần, đặc biệt là những người gặp những khó khăn biết chạy đến cùng Thánh Antôn cầu xin người bầu cử, cứu giúp để được ơn Chúa cho cá nhân, gia đình và xã hội.

Chúng tôi đến tham dự ngày hội minh niên Kỷ Sửu tại Giáo họ Trại Gáo trong dòng người đông đúc quy tụ về đây bằng mọi loại phương tiện từ thô sơ như xe đạp, đến cơ giới như xe máy, ô tô. Quãng đường mấy km đã trở nên chật chội với lượng người đổ về đây dù hôm nay mới là ngày 03 tết và thời tiết buổi sáng lạnh lùng đầu xuân rất lạnh.

Giám mục Paull Cao Đình Thuyên – Giám mục Giáo phận Vinh, linh mục Fanxico Xavie Võ Thanh Tâm – Tổng đại diện Giáo phận và linh mục Paull Nguyễn Văn Hoá – Quản lý Toà Giám mục và đông đảo các linh mục, tu sỹ chủng sinh trong Giáo phận đã đồng tâm dâng Thánh lễ Đồng tế đầu năm trước sự hiện diện của hàng vạn giáo dân và những người ngoài Công giáo.

Trong Thánh lễ nêu lại tiểu sử của Thánh nhân, những mẫu gương của Thánh nhân và lịch sử ngôi đền Thánh tại đây, tạ ơn Chúa đã dâng ban cho Giáo hội. Giáo phận và Giáo xứ, Giáo họ những hồng ân tràn đầy để hôm nay ở đây có một chi thể vững mạnh, kiên cường trong Giáo hội.

Hiệp thông cùng toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam, lời nguyện trong Thánh lễ đã cầu nguyện cho oàn thể Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam, cầu nguyện cho những nơi, những vùng đã và đang bị trấn bức với niềm tin tôn giáo của mình.

Đặc biệt, Thánh lễ đã cầu nguyện cho Tổng Giáo phận Hà Nội, Thái Hà và những nơi tài sản của giáo hội, quyền thờ phượng quyền tự do tín ngưỡng đang bị chiếm đoạt bởi cơ chế xin – cho mà thực chất là sự cướp đoạt quyền đó của người dân vào tay một thể chế, chính quyền. Lời nguyện đã làm dâng lên trong lòng mọi tín hữu niềm cảm xúc trào dâng và tự hào về một Giáo hội thông công hiệp nhất.

Lời nguyện đầu năm là lời nguyện tiếp nối những buổi cầu nguyện rầm rộ lớn mạnh như một dòng thác của Giáo phận Vinh dâng lên Thiên Chúa những ngày qua theo tinh thần của Hội Đồng Giám mục và thư chung của chủ chăn Giáo phận Vinh. Lời nguyện đầu năm này mở đầu cho một phong trào cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà Bình tại Giáo phận Vinh hoà chung với những ngọn nến cầu nguyện khắp nơi nơi trong Giáo hội Hoàn vũ.

Cuối Thánh lễ, lời Kinh hoà bình đã được cất lên cùng cầu nguyện cho Sự thật – Công lý – Hoà bình, đây là những nhu cầu cấp thiết của mỗi cá nhân, tổ chức xã hội, Giáo hội và đất nước cũng như toàn dân tộc Việt Nam hiện nay, khi mà cơ chế dối trá, nạn nhũng loạn cướp bóc đang lan tràn trở thành bình thường trong một xã hội manh danh Xã hội chủ nghĩa - Cộng sản vô thần.

Thời gian qua, toà Giám mục Giáo phận đã chăm lo cho nơi này những công trình, những điều kiện cần thiết tối thiểu để đáp ứng một phần nhu cầu của những người hành hương đến đây, một số công trình mới được xây dựng, lễ đài dâng lễ đã được chỉnh sửa đáp ứng với số lượng người tham dự đông đảo.

Con đường từ quốc lộ 1 dẫn vào nơi Đền Thánh đã được nâng cấp lớn hơn so với trước đây, tuy nhiên với số lượng người hành hương nhân những dịp lễ lớn thì vẫn chưa đảm bảo nhu cầu. Hàng trăm chiếc xe ô tô, xe máy đã tắc nghẽn cả quảng đường chục cây số từ 3-4 tiếng đồng hồ nhân dịp lễ khai mạc Năm thánh Trại Gáo và tắc nghẽn khoảng gần 2 tiếng nhân lễ minh niên ngày 03 tết đã nói lên điều đó.

Hi vọng rằng mai đây, nơi đây sẽ trở thành một nơi hành hương về cùng Thánh Antôn và cũng là nơi hành hương du lịch tâm linh cho những người trong và ngoài Giáo Hội muốn tìm đến Thánh nhân để được an ủi, cậy trông và che chở những khi khó khăn.

Rời giáo họ Trại Gáo, một giáo họ nhỏ nhưng để lại trong lòng những người hành hương đầu năm về một miền quê chân chất, còn nghèo nhưng đầy lòng sốt mến với Thiên Chúa, sự nồng ấm và mến khách với những khách thập phương đến với Thánh nhân.

Hiệp cùng lời cầu nguyện của giáo dân và toàn thể Giáo hội, chúng ta nguyện cầu cùng Thiên Chúa và cầu xin qua Thánh Antôn để ngài cầu bầu cho Giáo hội, dân tộc Việt Nam được vững bước tiến lên dưới ánh sáng của ngọn lửa Sự thật – Công lý – Hoà Bình đã được thắp sáng lên nơi nơi.

Hà Nội, ngày 6 tết Kỷ Sửu
 
Sinh viên công giáo Thái Bình mừng lễ kính Thánh Quan Thầy
Hương Giang
22:49 01/02/2009
THÁI BÌNH - Nhóm sinh viên công giáo Thái Bình (SVCGTB) đang sinh sống và học tập tại Hà Nội đã nhận Thánh Tôma Aquynô làm Quan Thầy của mình cách đây 12 năm. Năm nay, vì ngày kính Thánh Quan Thầy trùng vào dịp tết Nguyên Đán (ngày 3 tết) nên các bạn sinh viên đã quyết định mừng lễ muộn hơn vào ngày 5 và 6 tết tại quê nhà (giáo xứ Thanh Minh, huyện Tiền Hải – Thái Bình) để tiện cho các thành viên trong nhóm tới dự lễ cũng như có cơ hội giao lưu với các bạn trẻ trong giáo xứ.
Xem hình ảnh

Gương Thánh Quan Thầy

Thánh Tôma Aquynô (1225 – 1274) là bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ và được vinh danh với tước vị “Tiến Sĩ Hội Thánh” và “Tiến Sĩ Thiên Thần”. Đó là mẫu gương thiết thực đối với các bạn sinh viên nói chung trong đó có SVCGTB đang học tập tại Hà Nội. Ngài không chỉ là người học rộng tài cao mà còn là người đạo đức thánh thiện, chuyên chăm cầu nguyện không ngừng. Trong thư gửi Thánh Gioan – môn đệ của Ngài, Ngài đã khuyên Thánh Gioan rất cặn kẽ trong chuyện học hành như sau: “Điều đang học và đang nghe thì phải làm sao cho hiểu. Điều đang hoài nghi thì phải làm sao giải tỏa. Và lo gìn giữ mọi điều mà anh có thể đưa vào thư viện ký ức của anh, tương tự như khi anh muốn đổ đầy một chiếc bình vậy. Đừng tìm kiếm điều gì quá sức anh. Bao lâu còn duy trì được lề lối này trong cuộc sống, bấy lâu anh sẽ đâm chồi nảy mầm và sinh hoa quả hữu ích trong vườn nho của Chúa các đạo binh trên trời. Và anh có thể đạt tới mục đích này bao lâu anh còn cố gắng đeo đuổi những lời khuyên trên đây”. Những lời mà thánh Tôma Aquynô khuyên Thánh Gioan cũng chính là những lời nhắn gửi của Thánh Quan Thầy tới mỗi thành viên trong nhóm SVCGTB. Vì thế, nhân ngày mừng kính lễ Quan Thầy mỗi bạn sinh viên cần nỗ lực noi gương thánh quan Thầy để xứng đáng là những người con ngoan trong gia đình, trò giỏi trong nhà trường để mai này góp sức xây dựng Giáo Hội ngày càng vững mạnh, xã hội ngày càng dân chủ, văn minh.

Lời huấn dụ của Đức Cha giáo phận:

Mặc dù còn bận “trăm công nghìn việc” trong những ngày đầu xuân nhưng Đức Cha giáo phận vẫn luôn dành sự quan tâm ưu ái đặc biệt với nhóm SVCGTB đang học tại Hà Nội. Và trong ngày mừng lễ kính Thánh Quan Thầy của nhóm Ngài đã đến chia sẻ với các bạn trẻ về vấn đề “giới trẻ trong giáo dục gia đình”. Trong buổi chia sẻ hôm nay, Người nhấn mạnh: “mỗi người trong gia đình cần sống đúng bổn phận của mình” và “noi theo mẫu gương gia đình Ba Ngôi”. Cụ thể, người cha người cha trong gia đình có bổn phận:

Sinh con nuôi dưỡng cả gia đình
lái con thuyền mấy hy sinh
Người cha gia đình như Tạo Hóa
Trồng cây hạnh phúc đầy quang vinh


Người mẹ thì:

Gia đình là tổ ấm yêu thương
Trái tim người mẹ ngọn lửa hồng
Ấp ủ gia đình qua năm tháng
Mãi mãi mùa xuân chẳng có đông


Và người con:

Hoa thơm, thơm mãi nở trên cành
Quả ngon, ngon ngọt giữa trời xanh
Người con ngoan ngoãn trong gia thất
Diễm lệ ngàn sao phải tị ganh


Đó là những lời huấn dụ dễ nhớ, dễ hiểu mà Đức Cha giáo phận muốn gửi tới các con chiên của mình trong năm “giáo dục gia đình Kitô giáo” này.

Trong dịp đầu xuân Đức Cha cũng chúc mọi người có một mùa xuân hạnh phúc trong tinh thần “đổi mới” như lời Thánh Kinh “Ta đến để đổi mới mọi sự”, từ đó góp phần chuẩn bị cho ngày xuân vĩnh cửu, ngày tết đời đời, ngày Thiên Chúa sẽ trở lại trong vinh quang...

Đối với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn SVCGTB đang học tập tại Hà Nội Ngài nhắc nhở cần noi theo mẫu gương thánh Tôma Aquynô trong nhiệm vụ học tập, cầu nguyện để đem Chúa đến cho mọi người trong môi trường của mình. Mỗi bạn trẻ cần biết xin Thiên Chúa cho mình ơn “khôn ngoan” như vua Salomon xưa, đó là biết “nếm hưởng Thiên Chúa” chứ không phải sự khôn ngoan của người đời. Từ đó mỗi người cần sống theo công bình, đấu tranh cho sự thật và công lý để làm chứng cho Chúa trong suốt cuộc đời của mình.

Sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên

Mặc dù ngày lễ quan thầy trùng vào dịp Năm Mới nhưng các bạn SVCGTB ở khắp nơi trong địa phận như: Hưng Yên, Vũ Thư, Thái Thụy, Hưng Hà... đều họp mặt đông đủ. Không chỉ có các bạn sinh viên Thái Bình đang học tại Hà Nội mà với tinh thần liên đới các bạn sinh viên công Giáo của tổng Giáo phận Hà Nội cũng về chia vui mừng lễ Quan Thầy với nhóm, đại diện tiêu biểu là anh trưởng nhóm sinh viên tổng giáo phận - anh Nguyễn Tiến Đạt cũng tới mừng lễ với nhóm Thái Bình.

Sự nhiệt tình là tố chất ăn sâu trong mỗi thành viên trong nhóm, vì thế khi nhóm muốn tổ chức bất kỳ hoạt động nào đều thành công rực rỡ. Và trong ngày mừng lễ kính Thánh Quan Thầy của mình tinh thần ấy lại càng được phát huy gấp bội và nó là nguyên nhân quyết định sự thành công của ngày mừng lễ. Bạn Hoa, quê ở Hưng Hà (cách giáo xứ Thanh Minh khoảng 70 km) cho biết: “em đã tới đây từ chiều hôm qua để cùng các bạn trong nhóm chuẩn bị chương trình mừng lễ quan Thầy. Tối qua nhóm đã giao lưu văn nghệ với các bạn trẻ trong xứ Thanh Minh, đã cầu nguyện Taize và sau đó đốt lửa trại tới tận khuya mới nghỉ. Sáng nay, bọn em lại dậy sớm để đón Đức Cha, các Cha và các khách mời. Các bạn trong nhóm ai cũng nhiệt tình trong công việc nên mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ và thành công. Chiều nay, nhóm sẽ tổ chức đi thăm bãi biển nổi tiếng nhất của Thái Bình – bãi Cồn Vành, cách giáo xứ Thanh Minh không xa”.

Để có được lễ quan thầy diễn ra long trọng và tốt đẹp như vậy ngoài sự nhiệt tình của các thành viên trong nhóm cần kể đến sự quan tâm cách đặc biệt của Đức Cha giáo phận đối với các bạn SVCGTB đang học tập tại Hà Nội, sự quảng đại của các vị ân nhân đã giúp đỡ nhóm về vật chất cũng như tinh thần, sự ưu ái của Cha xứ Thanh Minh, của quý hội đồng mục vụ cũng như tất cả giáo dân trong giáo xứ. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả mọi người, xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho các bạn sinh viên đang phải sống xa nhà có được tinh thần học tập hăng say, có được lòng mến Chúa tha thiết như Thánh quan Thầy Tôma Aquynô.
 
Sơn La vùng Tây Bắc: Những chứng nhân anh dũng của Đức Tin
An Dân
23:04 01/02/2009
SƠN LA - Tết này, chúng tôi đi Tây Bắc.

Mùa xuân Tây Bắc thật đẹp. Những cánh rừng bạt ngàn mầu trắng của hoa mận, hoa mơ. Những khóm đào trước hiên nhà bung nở những đoá hoa tạo nên một mầu hồng quyến rũ. Cả một khung trời bừng sáng với muôn sắc hoa.

Chúng tôi đi Tây Bắc trong phong thái nhẹ nhàng của những lữ khách du xuân, lòng háo hức chờ đợi được sống những giây phút hạnh phúc bên những con người chân chất thật thà nơi vùng cao nhiều biến động.

Sáng ba mươi tết, chúng tôi tới Sông Mon, một bản làng H’Mông thuộc xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, cách thành phố Sơn La khoảng 40Km. Đường vào Sông Mon dễ đi nhưng không dễ tới. Những ngày này, Sông Mon chìm trong sương mù nên đường trơn và lạnh cóng. Những cánh rừng nguyên sinh phả ra cái lạnh tái tê. Đoạn đường từ quốc lộ vào bản chỉ dài 8km, nhưng lại là đoạn đường thử thách cho những khách bộ hành. Đèo cao, đường hẹp, trơn, chiếc xe máy chở chúng tôi cứ chốc chốc lại tự quay đầu, làm một vòng như muốn đưa người xuống núi.

Chúng tôi tới chân bản cũng là lúc ánh nắng bắt đầu xuyên được qua những tán cây rừng. Bên bìa rừng anh công an bản Sông Mon - Vàng A Pủa, như từ trời rơi xuống chặn đường chúng tôi, dò xét. Sau khi nắn sờ những thứ hàng cồng kềnh chúng tôi mang theo mình, anh hỏi chúng tôi lên bản làm gì? Chúng tôi thật thà nêu lý do lên bản thăm người thân dịp tết và được anh cặn kẽ chỉ đường. Anh còn bảo chúng tôi anh sẽ đi gọi người mà chúng tôi cần gặp.

Chúng tôi theo anh lên bản. Anh đi trước, chúng tôi theo sau. Mọi người ai cũng háo hức bước theo anh với lòng biết ơn Thượng đế đã gửi đến cho mình một người dẫn đường.

Bản Sông Mon nằm tận đỉnh của một ngọn núi cao bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh. Những năm qua, chúng tôi đã đi nhiều bản làng, nhưng đây là lần đầu chúng tôi tới một bản làng như vậy: lạnh, ẩm và đầy mùi tử khí. Những đứa trẻ áo quần rách rưới, những ngôi nhà tồi tàn, những ánh mắt dò xét làm chúng tôi chột dạ.

Cả bản chỉ gồm 24 hộ gia đình nhưng có gần ba trăm nhân khẩu. Trước đây, Sông Mon là một bản công giáo toàn tòng. Hiện nay, cả bản chỉ còn hai gia đình giữ đạo. Đây là hai gia đình nghèo nhất trong bản. Ngôi nhà họ ở tuềnh toàng, rách nát, với những tấm liếp mà người ta có thể quan sát được sinh hoạt của gia đình từ bên ngoài.

Khi chúng tôi vừa bước vào nhà thăm họ, thì cũng là lúc anh công an xã Vàng A Pủa dẫn theo khoảng hơn chục dân quân bao vây ngôi nhà. Anh ngồi bên bếp lửa nghe chuyện, với vẻ đĩnh đạc của một quan chức vùng cao. Ngồi chưa ấm chỗ, anh đã trịnh trọng thông báo quyết định của công an huyện Mai Sơn rằng “vào dịp Noel và tết, bất cứ người lạ mặt nào vào bản thì phải kiểm tra giấy tờ bởi vì dịp này có nhiều kẻ xấu lợi dụng truyền bá đạo trái phép”. Sau khi bị chúng tôi phản ứng dữ dội về việc anh đang vi phạm quyền tự do đi lại của người dân, thì anh cho biết: “Ở đây, nó là vậy. Tao có quyền. Công an huyện chỉ thị như thế nên phải thi hành. Nếu không cho kiểm tra giấy tờ thì xã có trách nhiệm giữ lại chuyển về công an huyện”. Chúng tôi bảo anh: “Chúng tao đâu có muốn lên bản. Lúc nãy, chúng tao gặp mày ở bìa rừng, chúng tao không muốn lên, chính mày mời chúng tao lên chơi. Bây giờ mày lại bắt chúng tao là thế nào. Chúng tao không phải người xấu”. Biết gặp phải chuyện dữ, chúng tôi đánh bài chuồn, bằng cách để lại bản một người anh em có hộ khẩu Sơn La làm con tin.

Chúng tôi xuống núi cùng một người công giáo theo sau. Trên đường đi, anh kể nhiều cho chúng tôi về đời sống đức tin của người công giáo tại đây. Trước đây, cả bản đều có đạo. Nhưng, những năm qua, trong chiến dịch đàn áp những người công giáo, chính quyền huyện Mai Sơn đã tìm mọi cách để triệt tiêu họ. Anh kể, vào lúc cao điểm của cuộc trấn áp, chính quyền Mai Sơn đã mang lại vào bản và đưa tới từng nhà những “bàn thờ ma”, treo lên và gỡ bàn thờ Chúa xuống đốt đi. Trước đây, khi còn theo đạo, cuộc sống của bản làng thật an vui, nhưng từ ngày chính quyền Mai Sơn thành công trong việc đưa những hủ tục về lại bản làng thì đời sống kinh tế của người dân rất khó khăn. Tệ nạn cúng ma khi có người chết trong nhà khiến cuộc sống đã nghèo lại càng thêm nghèo khổ. Riêng đối với hai gia đình nhất quyết không chịu bỏ đạo, chính quyền Mai Sơn tiếp tục đàn áp bằng cách cắt hết mọi khoản trợ cấp theo diện chính sách và bị mọi người cô lập ngay trên chính mảnh đất của mình. Nhiều lần họ chuyển nhà ra khỏi bản nhưng đều bị chính quyền ngăn chặn. Theo người giáo dân này cho biết, họ không thể chuyển nhà đi, bởi chủ trương của chính quyền là chỉ muốn xoá sạch dấu vết của người có đạo. Chúng tôi hỏi anh theo đạo khổ thế sao không bỏ đạo? Anh trả lời chúng tôi bằng một câu hỏi và một sự giãi bày: “Theo đạo là tốt tại sao phải bỏ? Vì khổ mà bỏ một điều tốt thì còn khổ hơn. Tao khổ quen rồi”.

Nhìn dáng anh mạnh mẽ quay ngược về bản sau khi tiễn chúng tôi tới bìa rừng, khiến chúng tôi trào nước mắt. Câu nói đanh thép “vì khổ mà bỏ một điều tốt thì còn khổ hơn” tiếp tục theo chúng tôi về nhà.

Trên đường về lớp lớp câu hỏi cứ xoắn lấy chúng tôi:

Phải chăng nơi anh, sự thiện đã thắng được sự ác?

Phải chăng nơi núi rừng Tây Bắc tiếng vọng kinh nguyện của những con người bị bách hại không đến được tai Chúa và Hội thánh của Người?

Những con người này họ có tội gì? Tội dám bỏ đi những hủ tục, lạc hậu, tốn kém? Tội dám công khai bày tỏ đức tin trong khi nhà nước Sơn La chủ trương chỉ được “tu tại gia” và trong khi các đảng viên cộng sản chủ chốt từ trung ương tới địa phương chỉ dám “dấm dúi với thần thánh” và khi bị phát hiện thì la toáng lên rằng chúng tôi là người theo chủ thuyết vô thần?

Câu nói “Độc lập (trừ) Tự do (trừ) Hạnh phúc” thật đúng với Sông Mon. Ở đây, nơi vùng đất này, người ta được tự do áp đặt mọi thứ luật lệ nhắm bách hại người tín hữu. Ở đây, chính quyền địa phương đang thực hiện một cách xuất sắc chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước Sơn La, nhưng ở đây cũng có một “số sót” đang âm thầm, chấp nhận chịu bách hại để giữ lại một chút gì là đức tin, là lòng thành kính với Chúa Trời.

Chúng tôi thoát khỏi Sông Mon vừa lúc mặt trời bị một đám mây che khuất. Từ đỉnh đèo ngắm con đường ngoằn ngoèo trước mặt tự hỏi sứ mạng truyền giáo Chúa giao tại vùng đất này sẽ đi đâu?

Ngày 01/02/2009
 
Đức Tổng Giám mục đón tết với anh chị em giáo dân người Mường
Giuse Trần Ngọc Huấn
23:50 01/02/2009
HÀ NỘI - Tết là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng và các nước vùng Viễn Đông nói riêng. Trong những ngày Tết, mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán đặc trưng riêng để chào đón năm mới. Khi tiếng chuông đồng hổ điểm lên 12 tiếng giữa đêm khuya, báo hiệu thời điểm thiêng liêng nhất – thời khắc giao thừa – chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Trong những giờ phút giao thừa đầy ý nghĩa này, theo thói quen truyền thống của người Việt, mọi gia đình xum họp quây quần bên nhau để cùng tạm biệt năm cũ và đón một năm mới vừa đến.

Xem hình ảnh

Dù vậy, giữa những sương gió giá rét của đêm giao thừa, một đoàn xe vẫn nối đuôi trong hành trình dài trên con đường vắng lặng. Giữa cảnh hoang vu lạnh lẽo của núi rừng, có một đoàn người lặng lẽ rời tổ ấm gia đình của mình để đến với gia đình thiêng liêng, đến với những anh chị em nghèo nơi vùng sơn cước để cùng chia sẻ những gì thiêng liêng cao quý nhất của đêm giao thừa. Giữa những giá lạnh tê tái của thời tiết khắc nghiệt, lòng người lữ khách vẫn ấm áp vui tươi.

Khi mà mọi gia đình đang xum họp đầm ấm bên nhau trong đêm giao thừa, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và khoảng 60 giáo dân thủ đô lặng lẽ rời căn nhà ấm cũng của mình để đến chung chia niềm vui đón giao thừa với những anh chị em người dân tộc thuộc liên miền Hòa Bình tại giáo xứ Mường Riệc.

Trong đêm giao thừa, trải qua gần 200km đường đèo rừng núi quanh co khúc khuỷu, Đức Tổng giám mục Giuse đến thăm và dâng thánh lễ giao thừa với hàng ngàn giáo dân đang hân hoan mong chờ Ngài tại giáo xứ Mường Riệc – một xứ đạo nghèo nằm giữa vùng sơn cước của tỉnh Hòa Bình. Có thể nói, việc được cùng hiệp thông trong Thánh lễ giao thừa với Đức Tổng tại ngay giữa vùng rừng núi hoang vu cô quạnh này là một niềm vui không ngờ đối với các giáo dân người dân tộc Mường trong tổng giáo phận Hà Nội. Niềm vui, sự hân hoan ánh lên trên khuôn mặt đơn sơ chất phác của mọi người nơi đây. Những người giáo dân dân tộc Mường đã chào đón vị chủ chăn đến với mình bằng những làn điệu dân ca mang bản sắc văn hóa dân tộc của họ.

Cùng đi với Đức Tổng giám mục đến với người dân tộc ở vùng núi xa xôi này, có khoảng 60 giáo dân đến từ một số giáo xứ trong nội thành thủ đô Hà Nội: Thượng Thụy, Vạn Thái, Hàm Long,… Đặc biệt, từ vài ngày qua, giáo dân giáo xứ Vạn Thái đã gói khoảng 800 chiếc bánh chưng, giáo họ Ngô Khê đem đến hàng tấn gạo… mang theo để chia sẻ cho anh chị em người Mường có một cái tết ấm cúng, no đủ.

Giáo xứ Mường Riệc nằm giữa một vùng đồi núi hoang vu cô quạnh, trải trên một địa bàn rộng lớn với khoảng 2.200 nhân danh. Đây là một giáo xứ toàn tòng người dân tộc Mường với những nét văn hóa riêng rất đặc sắc, cuộc sống đơn sơ đạm bạc. Hiện nay giáo xứ do Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế làm chính xứ và Cha Trần Cao Tích đặc trách. Cách đây khoảng hai năm, Đức Tổng giám mục đã đến đây để cử hành thánh lễ khởi công xây dựng nhà thờ mới của giáo xứ. Hôm nay, thánh lễ đầu tiên đã được cử hành trong ngôi nhà thờ còn dang dở nhưng trở nên thật ấm cúng, đượm tình gia đình trong đêm giao thừa.

Đại diện cộng đồng dân Chúa, Cha Giuse Nguyễn Khắc Quế đã bày tỏ tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và tri ân đặc biệt Đức Tổng giám mục và phái đoàn cùng đi với Ngài. Đức Tổng đã đem đến cho giáo xứ Mường Riệc nói riêng và liên miền Hòa Bình nói chung một niềm vui lớn lao không ngờ, làm xúc động lòng người. Đức Tổng và phái đoàn đã rời khỏi chốn thị thành phồn hoa, ra khỏi gia đình ấm cúng của mình trong đêm giao thừa đầy thiêng liêng để đem niềm vui đến với những anh chị em giáo dân Mường giữa vùng đồi núi giá lạnh, hoang vu cô quạnh xa xôi này. Ngôi thánh đường tuy còn dang dở nhưng hôm nay trở nên ấm cúng và tràn đầy niềm vui, chan hòa tình Chúa – tình Người.

Đức Tổng giám mục Giuse đã bày tỏ niềm vui và sự xúc động của Ngài khi được đến đây để cùng cử hành thánh lễ đón giao thừa với những giáo dân Mường Riệc – những anh chị em mà Ngài luôn yêu mến và dành nhiều sự quan tâm cách đặc biệt. Ngài kêu mời mỗi người hãy cùng cảm tạ hồng ân Chúa đã ban cho giáo phận, giáo xứ và mỗi gia đình của mỗi người trong suốt một năm qua, cùng chia sẻ niềm vui đón giao thừa và nguyện xin Chúa ban muôn phúc lành bình an trong năm mới vừa tới.

Trong những năm qua, đã có nhiều đoàn khách quốc tế, các vị có lòng hảo tâm từ thiện… được Đức Tổng giới thiệu đến để giúp đỡ và thăm viếng các giáo dân vùng Mường này. Gần đây nhất, một cây cầu do các bạn trẻ Pháp tự quyên góp tiền và đến tận nơi để giúp giáo dân ở đây xây dựng, các con đường được bê tông hóa, nhà cửa được giúp đỡ để xây dựng kiên cố hơn. Cuối Thánh lễ hôm nay, Đức Tổng đã tặng quà cho những anh chị em khuyết tật, nghèo khổ; trao lộc Lời Chúa và quà năm mới cho mọi người hiện diện.

Trước đây, toàn vùng Hòa Bình có 10 nhà thờ của các giáo dân Mường nhưng qua thời gian với nhiều biến động của hoàn cảnh xã hội, tất cả đều hư hại hoặc bị chiếm dụng. Hiện nay, có ba ngôi nhà thờ đang được xây dựng mới, các nơi khác sinh hoạt tôn giáo cũng đang dần được khôi phục lại, các linh mục và tu sĩ được cử đến thường xuyên để cử hành thánh lễ và thăm viếng giáo dân. Nhờ đó, bên cạnh đời sống vật chất được cải thiện thì lòng Đạo và niềm Tin của giáo dân vùng Mường được củng cố và thêm kiên vững, có chiều sâu.

Đặc biệt, chuyến đi này cũng để lại ấn tượng, đem lại nhiều cảm nghĩ sâu xa cho mỗi người trong đoàn đi cùng với Đức Tổng Giám mục. Rời gia đình ấm cúng tiện nghi, rời giáo xứ nội thành thủ đô đông đảo sầm uất, họ cùng với vị chủ chăn đến với những người anh chị em đồng đạo kém may mắn hơn nơi miền rừng núi nghèo lạnh giá, đó là một sự hy sinh nhưng cũng là dịp để giúp mỗi người cảm nghiệm thêm về tha nhân còn nhiều thiếu thốn quanh mình. Một chị giáo dân thuộc xứ Hàm Long cùng đi trong đoàn cho biết: “Chưa năm nào chúng tôi được đón một giao thừa xúc động và ý nghĩa như hôm nay, đó sẽ là một kỷ niệm khó quên, đồng thời chuyến đi này cũng giúp chúng tôi ý thức hơn về những hồng ân quá sức rộng lớn mà Chúa đã ban cho mỗi người, để từ đó không ngại chia sẻ với những người bất hạnh hơn chúng tôi…”

Ngoài ra Xem hình ảnh Đức TGM Giuse thăm và chúc tết gia đình các ông bà cố

Chiều ngày mùng 1 tết nguyên đán Kỷ Sửu, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và quý Cha đã đến thăm và chúc tết gia đình các ông bà cố của các linh mục trong nội thành Hà nội.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mới đầu năm đã chơi trò bơm giá!
Anmai, CSsR
23:06 01/02/2009
Cơm tối xong, rảnh rỗi xem đôi ba tin tức trên màn ảnh nhỏ. Như một số người nói tin tức nghĩa là xem xong thì tức, câu nói ấy quả không sai chút nào cả. Xem thì xem cho biết chứ thực tế có giải quyết được chuyện gì đâu hay là thực tế nó lại đau lòng như bản tin thời sự tối nay (31-01-2009).

Bản tin thời sự tối nay đưa tin là trong buổi họp đầu năm, một số vị hữu trách của thành phố Hồ Chí Minh quyết định tăng giá đất ở 3 tuyến đường trung tâm thành phố lên gấp 3 lần năm ngoái. Bản tin cho biết đó là bước đột phá để đẩy nhanh tiến độ đền bù cho dân. Tăng giá đất những vùng đó để dân “sốt sắng” giao đất giao nhà để làm dự án.

Để giải quyết chuyện bà con nằm trong lô đất bị giải toả không phải là chuyện tăng khung giá ở khu đó nhưng duyệt xét làm sao cho có tình và có lý. Nếu giải quyết có tình và có lý chắc hẳn những hộ gia đình nằm trong chuyện di dời sẽ cảm thông. Nhưng mấy khi giải toả mang lại niềm vui cho đôi bên. Tăng giá đền bù để giải toả cho nhanh để rồi đàng sau đó biết bao nhiêu bất cập lại đến. Những người kém may mắn cầm chút tiền “gọi là” để đi nơi khác còn những ai ở lại giá trị că nhà bỗng dưng cao ngất ngưỡng !!! Nhiều và nhiều bất cập trong chuyện giải toả, di dời để rồi bà con nhân dân lại tăng thêm phẫn uất.

Nhớ đến con đường Hào Nam ở Hà Nội nhân dịp ra Thái Hà hồi năm ngoái. Con đường Hào Nam cần phóng lớn ra để kịp theo nhịp phát triển của thành phố Hà Nội. Chẳng hiểu sao đến đoạn cống hộp đoạn đường ấy thay vì đi thẳng thì lại quẹo. Nếu thẳng thì đụng vào nhà của “đầy tớ nhân dân” còn nếu quẹo thì đụng đến nhà của “chủ đất nước”. Để phản đối hành vi nắn đường vô lý ấy những căn nhà bị giải toả uất ức đành treo cờ đỏ rực trước hiên nhà.

Ở Dốc Mơ - Đồng Nai cũng thế ! Dự án phóng đường được triển khai, ấy vậy mà một căn nhà to cao, đẹp lộng lẫy mọc lên ngay cái ngã ba. Thế là căn nhà nghèo nọ bị giải toả. Sau nhiều lần thương thảo căn nhà nhỏ đành phải “cuốn gói” lên đường. Lý do tại sao thì chỉ có ông Trời mới biết được.

Còn nhiều và quá nhiều nghịch lý trong chuyện đất đai.

Tiếp lời cho quyết định tăng giá khu đất ấy thì một đại gia kinh doanh bất động sản nói rằng ông ta không sợ tăng giá nhưng sợ thủ tục rườm rà. Hoá ra là người giàu luôn sẵn có để mua những lô đất ngàn vàng ấy dù giá cao đến mức nào đi chăng nữa.

Vấn đề tế nhị dù không nói ra nhưng ai cũng biết đó là nhà đất mà nhà nước định giá thì không bao giờ thật với cái giá mà người mua phải trả cho người bán.

Có một người quen mua mảnh đất ở ngoại thành. Giá mà người mua phải trả cho người bán là 120.000.000 đồng (một trăm hai mươi triệu đồng) thế nhưng khi làm giấy tờ “Quyền sử dụng đất” thì giá mảnh đất ấy chỉ có 20.000.000 (hai mươi triệu đồng) thôi. Giá bán thực không bao giờ bằng giá trên giấy cả. Có nằm mơ cũng chẳng tìm thấy được giá trị mua bán thực với khung giá thông tin trên báo chí.

Điều đơn giản mà ai cũng biết đó là chiếc xe Air Blade. Giá trong hãng niêm yết trên website của honda.com là 28.500.000 đồng (hai mươi tám triệu năm trăm ngàn đồng) nhưng đi thắp đuốc đi tìm cũng chẳng thể nào tìm thấy cái giá đó ngoài thị trường cả !

Nếu tăng giá lên 3 lần và vịn vào lý do là đẩy mạnh tiến độ đền bù cho những nhà thuộc diện giải toả trên những con đường ấy thì nó làm sao đấy ! Nếu quyết định tăng như thế thì những con đường lân cận buộc phải tăng theo. Lẽ nào giá của những tuyến đường đó tăng còn những đường khác lại chịu đứng im. Lại một lần nữa giá đất được bơm như trò chơi bơm bong bóng vậy. Hơn một lần dân chúng khổ vì đất đai lớn nhanh như thổi bong bóng và đã hơn một lần dân chúng phải lãnh cái hậu quả của trò thổi bong bóng giá cả này. Nay dân lại phải đón nhận hậu quả của một đợt bơm bong bóng mới.

Nghĩ cũng vô duyên ! Quyết định đúng đắn và sáng suốt của các vị hữư trách, mình là dân đen làm sao biết được những quyết định sáng suốt đúng đắn ấy. “Ăn cơm nhà vác ngà voi chăng” ? Chắc là không khi nhìn vào cuộc sống của đại đa số dân nghèo ngày đêm phải vất vả tìm cách mưu sinh cho cuộc sống thường nhật.

Các “đầy tớ nhân dân” và các đại gia thì có bị tổn hại gì đâu về chuyện giá cả nhà đất. Các vị lúc nào cũng an thân trong bốn bức tường của ngôi biệt thự lộng lẫy hay những căn hộ cao cấp Phú Mỹ Hưng, Phú Long, Trung Sơn. Chỉ tội những con người nghèo lam lũ ngày đêm vẫn chưa đủ no cơm ấm áo chứ nói gì đến mái ấm che chở nắng mưa.

Chuyện các đại gia kinh doanh bất động sản không bận tâm chuyện giá cả để nói lên rằng khoảng cách giữa giàu và nghèo ngày càng tăng. Người giàu họ sẵn sàng mua cho bằng được miếng đất mà họ thích vì tiền họ sẵn có trong tay, còn người nghèo suốt cuộc đời lam lũ bôn ba với cuộc sống, mảnh đất nhỏ cắm dùi nương thân qua ngày đoạn tháng dẫu họ nằm mơ cũng chẳng hề có.

Những người quyết định đâu có biết rằng sau cái quyết định của mình đã để lại hậu qủa khôn lường cho đám dân nghèo.

Giá xăng tăng để rồi giá cả tăng nhưng thử hỏi giá xăng nay đã giảm thì giá cả những mặt hàng khác có giảm theo không ? Xăng chẳng là gì cả trong cuộc đời này nhưng nó lại là yếu tố quyết định cho cuộc sống thường nhật. Tại sao không tìm cách tốt nhất để bình ổn giá xăng dầu mà lại để nó tăng quá cao giờ đây lại hạ xuống bất thường.

Vì lý do tăng giá xăng nên giá gửi một chiếc xe 2 bánh là 3.000 đ/chiếc nhưng tiếc thay giá xăng giảm đã lâu nhưng chẳng được mấy chỗ giảm xuống còn 2.000 đ/ chiếc như trước. Những điểm lễ hội vui chơi trong ngày Tết có nơi lại “chém” 15.000 đ/chiếc.

Nghĩ đến chuyện này cũng vô duyên ! Các đại gia và các vị các “đầy tớ nhân dân” có đời nào đi xe 2 bánh đâu mà phải bận tâm đến chuyện của đám dân nghèo. Đại gia thì bao nhiêu tiền cũng được, “đầy tớ nhân dân” thì xe con vừa đến đã có kẻ đưa người đón ! Chỉ tội nghiệp cho đa phần dân nghèo phải trả giá cho những sinh hoạt thường ngày cao hơn rất nhiều sau khi tăng giá xăng dầu.

Người nghèo vẫn khổ, người nghèo lại khóc trước những quyết định bề mặt xem ra là “mạnh mẽ”, “tăng trưởng” cho nền kinh tế của đất nước.

Đấy là chuyện đất đai, mới đầu năm đã có tín hiệu bơm giá, chẳng biết trong năm mới Con Trâu này còn biết bao nhiêu giá mới được bơm lên trên các mặt hàng khác. Năm Con Trâu ắt hẳn bà con phải nai lưng ra làm như con trâu thì may ra mới chống chõi được những cơn bão giá đang còn ẩn hiện ở tương lai.