Ngày 10-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ý nghĩa Phép Rửa
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
02:26 10/01/2020

Chúa Nhật 1 Chúa Giêsu chịu Phép Rửa
Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17

Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan. Khác với chúng ta, Giáo Hội Đông Phương cử hành lễ này như một trong những đại lễ lớn nhất của Năm Phụng vụ. Bởi biến cố Phép Rửa mang lại những mạc khải lớn lao. Nhân dịp này, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa và lý do tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa? Và đâu là mối liên hệ với Phép Rửa của chúng ta?

1- Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa?

Tin Mừng kể lại: sau khi sinh ra tại Bêlem, Chúa Giêsu trở về Nadarét. Ở đó, Người sống mai danh ẩn tích trong 30 năm với cha mẹ mình là Đức Maria và thánh Giuse. Đây là thời gian rất quan trọng đối với Chúa Giêsu để chuẩn bị cho sứ vụ công khai. Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm Phép Rửa cho mình. Chính Gioan và nhiều giáo phụ cũng như các nhà thần học xưa và nay đều thắc mắc: Tại sao Chúa Giêsu chịu Phép Rửa? Phải chăng Chúa cũng có tội?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xác định: Trước hết, Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Người là Đấng vô tội. Nghĩa là nơi Người không hề vướng mắc một tội nào. Điều đó được Kinh Thánh quả quyết: “Người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi” (x. Hr 4,15). Vì thế, Người không cần phải sám hối và chịu Phép Rửa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu chủ động đến xin Gioan làm Phép Rửa không phải để thanh tẩy tội lỗi của mình nhưng là để thanh tẩy tội lỗi nhân loại và thánh hóa bản tính loài người. Thánh Grêgôriô Nadien có lý khi nói: “Có thể Chúa muốn thánh hóa kẻ sắp làm Phép Rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hóa sông Giođan; vì Người vừa là Thần Khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.” Đó là ý do Chúa Giêsu chịu Phép Rửa.

2- Mạc khải quan trọng tại Giođan

Biến cố Phép Rửa của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta những mạc khải quan trọng và ý nghĩa qua trình thuật của thánh Mátthêu. Đây không chỉ là mạc khải về Chúa Giêsu, nhưng còn là mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi cho loài người. Tại sông Giođan, lần đầu tiên, trời mở ra và những bí nhiệm ẩn dấu của Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải.

Chúng ta hãy lắng nghe lời chú giải rất tuyệt vời của thánh Cirillô, giám mục thành Giêrusalem (315-386): “Chúng ta không thể nghĩ đến Chúa Kitô mà không nghĩ đến Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Quả thật, để có thể được gọi là Đức Kitô, Đấng đó phải được xức dầu. Bởi vì từ Kitô có nghĩa là người được xức dầu. Để có thể trở thành Đức Kitô, cần phải có ai đó xức dầu, người đó là Chúa Cha, và cần có ai đó là sự xức dầu, đó là Chúa Thánh Thần.” Điều đó được thánh Phêrô trong bài đọc II quả quyết: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38).

Không có Chúa Ba Ngôi, danh từ Kitô không có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do tại sao hình Icône về Phép Rửa của Chúa Giêsu trình bày Chúa Giêsu đứng ở nơi sông Giođan, từ trên cao, một Bàn Tay tượng trưng cho Đấng đang xức dầu là Chúa Cha vô hình… và một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu là một ngôi vị trong Thiên Chúa Ba Ngôi tình yêu: Hôm nay, đây là mạc khải đầu tiên về mầu nhiệm này. Có thể nói, nơi biến cố Phép Rửa của Chúa, đã xảy ra cuộc thần hiện mới của Thiên Chúa Ba Ngôi với loài người.

Lúc bấy giờ, các tầng trời mở ra, biển cả nên hiền hòa, trái đất mừng vui hớn hở, núi đồi hoan ca. Bởi vì, xưa kia, do tội lỗi nguyên tổ của Ađam và Evà, cửa trời đã bị đóng lại, không cho ông bà và con cháu vào. Nhưng nay, cửa trời được mở ra cho toàn thể loài người vào. Thật là vui mừng và hạnh phúc biết bao! Chúa Giêsu đã khai mở một kỷ nguyên cứu độ cho chúng ta khi làm cho trời đất mở ra và thông giao với nhau.

3- Với Phép Rửa chúng ta

Sau khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Chúa Cha phán ra rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Chúa Giêsu đã thi hành thánh ý của Chúa Cha khi hạ mình xuống để chịu Phép Rửa. Đó là lý do vì sao, tại đây, Chúa Giêsu là một người hạnh phúc, một người được yêu mến.

Bí tích Rửa Tội của chúng ta có một ý nghĩa tương tự: Nhờ Phép Rửa mà Chúa Giêsu thiết lập, chúng ta được tẩy xóa hết mọi tội lỗi, được gia nhập Giáo Hội và được làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta cũng trở thành những người được Thiên Chúa yêu mến, thánh hiến và yêu thương. Bởi lẽ, chúng ta là con cái của Thiên Chúa, cùng chung một Cha trên trời. Khi chịu Phép Rửa, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta rằng: “Con là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con.”

Để được như thế, chúng ta được mời gọi luôn noi gương Chúa Giêsu, sống đẹp lòng Chúa Cha và ngoan ngùy với Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy sống đúng tư cách là con cái Chúa và sống xứng đáng với những hồng ân Thiên Chúa ban qua bí tích Rửa Tội. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Con Đường Yêu Thương Diệu Kỳ
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:23 10/01/2020
Con Đường Yêu Thương Diệu Kỳ

(Lễ Chúa Giêsu Chịu phép rửa)

Để mạc khải tình yêu cho muôn loài, Con Thiên Chúa đã làm người. Để bày tỏ tình yêu đến cùng với con người, Thiên Chúa chọn con đường đồng thân với nhân loại. “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”(Ga 1,14). Không chỉ mang lấy kiếp người, Con Thiên Chúa còn mang vào chính bản thân phận tôi đòi, phận tội nhơ của con người. Xếp mình vào đoàn dân đang tự nhận là tội nhân đến với Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Giođan là một hành vi thật khó lý giải theo sự luận suy của lý trí. Con tim có lý lẽ của nó. Và chúng ta chỉ có thể hiểu động thái chịu phép rửa của Chúa Giêsu bằng con tim. Tuy nhiên, dưới ánh sáng lời mạc khải qua các bài đọc Thánh Lễ Chúa chịu phép rửa, chúng ta có thể nhận ra mục đích của Đấng Cứu Độ khi để cho Gioan làm phép rửa trên bờ sông Giođan.

1.Tự nguyện liên đới với mọi người để yêu thương hết mọi người.

Hai từ liên đới gợi mở cho ta hình ảnh gắn liền đai lưng với nhau. Nói đến chung lưng đấu cật là nói đến những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ cần vượt qua. Chính vì thế không ai lại nói liên đới trong những thành công hay chung lưng trong những hoàn cảnh thuận lợi. Hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất của con người có thể nói là khi gặp phải các sự dữ. Có những sự dữ do khách quan như thiên tai hay địch họa. Có những sự dữ lại do chủ quan là do bản thân tự gây ra cho chính mình. Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có một sự dữ đáng gọi là dữ, đó là tội lỗi. Các sự dữ khác chỉ có thể làm hại sự sống đời này, còn tội lỗi thì có thể làm thiệt hại cả sự sống đời này và cả sự sống mai sau.

Dù là Đấng vô tội, dù là Đấng ngàn trùng chí thánh, Chúa Giêsu vẫn muốn đồng phận với nhân loại chúng ta trong kiếp tội nhân. Khởi đầu bằng việc chung hàng với đoàn người tội lỗi và điều này đã làm đẹp lòng Chúa Cha: “Này là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Trong quá trình rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không ngại ngần đến với những người tội lỗi và đồng bàn với họ, bất chấp những lời xầm xì của nhiều người nhóm biệt phái và luật sĩ (x.Lc 5,29-32; 15,1-2). Người còn tự nguyện đứng về phía những người nghèo, những người bất hạnh, cô thế, kém phận, dĩ nhiên vẫn không từ chối lời mời của những người quyền quý, lớn vai hay nhiều vế trong xã hội (x.Lc 7,36-50). Tất cả những sự việc ấy nói lên rằng Chúa Cứu Thế muốn bày tỏ tình yêu với hết mọi người.

2. Đi xuống tận cùng đáy sâu thân phận tội lỗi của kiếp người để nâng mọi người lên.

Tự dìm mình dưới dòng sông Giođan để cho thánh Gioan Tẩy giả làm phép thanh tẩy là quyết định khởi đầu của Con Thiên Chúa làm người khi công khai rao giảng Tin Mừng. Và điểm đến của quyết định ấy là cái chết trong phận một phạm nhân trọng tội. Con Chiên tinh tuyền của Thiên Chúa đã cúi mình xuống trước một Giuđa đã rắp tâm phản bội Thầy, trước một Phêrô lát nữa đây sẽ chối bỏ Thầy và trước cả nhóm môn đồ còn lại, vốn tham sinh, úy tử cách ích kỷ, sẵn sàng bỏ Thầy để giữ lấy mạng sống riêng mình. Người cúi xuống là để nâng con người lên.

Thiên Chúa không muốn bất cứ một ai trong nhân loại phải hư mất. Đấng Cứu độ đã đi xuống tận cùng của cảnh kiếp tội nhân. Và giờ đây không một ai, không một tội nhân nào là không có thể được tha thứ và cứu sống. Một tuơng lai tràn trề hy vọng đang mở ra cho từng người, cho toàn thể nhân loại. Nói như Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “Không một thánh nhân nào là không có một quá khứ (quá khứ lỗi lầm), vì thế, chẳng có một tội nhân nào mà chẳng có một tương lai”. Sự khả thể đang mở ra với nhân loại khi Đức Giêsu tự nguyện đồng phận với kiếp tội nhân của con người. Và điều khả thể này đã hiện thực cách rõ ràng với người tử tội bị treo bên phải Chúa Giêsu năm xưa: “Ta bảo thật với anh: Ngay hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23,43).

Vấn nạn đặt ra cho chúng ta hôm nay và mãi mãi.

- Không được phép ngã lòng về bản thân mình cho dù ta đang trong hoàn cảnh bi đát hay tồi tệ thế nào. Không một ai là ngoài tình thương của Thiên Chúa. Không gì có thể tách lìa chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự nguyện liên đới với chúng ta cho đến cùng (x.Rm 8,38-39). Không một ai, không một tình trạng nào vượt quá quyền năng vô biên của Thiên Chúa, Đấng mà không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26), chỉ trừ người phạm đến Chúa Thánh Thần, tức là cố tình không đón nhận tình yêu cứu độ. Thiên Chúa có thể làm được mọi sự nhưng Người vẫn tôn trọng tự do của con người, một món quà vô giá mà Người đã ban cho nhân loại. Mọi sự đều là có thể cho người luôn biết hy vọng và nỗ lực vươn lên trong niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.

- Không được phép thất vọng về bất cứ một ai cho dù họ đang bê bối hay đáng chúc dữ dường nào. Biết bao người thời Chúa Giêsu rất đáng và đã bị Người chúc dữ thế mà vẫn được Người xin Chúa Cha tha thứ vì họ lầm chẳng biết (x.Lc 23,34). Con người là hữu thể đang chuyển thành (l’homme c’est l’ être en devenir). Chính vì thế, điều mà ta cần loại bỏ, cần xóa đi, đó là những định kiến của ta về tha nhân. Giữ mãi thành kiến không tốt về tha nhân là ta đang đóng đinh anh em mình bằng những chiếc đinh ác tâm, vô tình. Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét (x.Mt 7,1-5). Xin đừng quên chính khi đóng đinh tha nhân bằng định kiến là ta tự đóng đinh số phận của mình. Lời kinh nguyện duy nhất Chúa Giêsu dạy, nhắc nhớ chúng ta về sự liên đới với tha nhân như là một trong những điều kiện tất yếu để đón nhận hồng ân của Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con…” (Mt 6,9-15)

Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là tán dương tình thương của Chúa, một tình thương vô biên và diệu kỳ. Mừng mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa là phấn khởi và tích cực dưỡng nuôi niềm hy vọng vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Thiên Chúa đã nên hữu hình nơi Đức Kitô, Đấng không chỉ “không bẻ gãy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói”, mà còn “mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm” (Is 42,3; 7), Đấng đầy tràn Thánh Thần và đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Mầu nhiệm Chúa chịu phép rửa lại còn thôi thúc chúng ta tích cực đón nhận tha nhân để giúp nhau hoán cải, đổi mới và thăng tiến. Khoanh tay đứng nhìn hay cam chịu thúc thủ trước sự dữ là một thái độ “phỉ báng” hành vi cúi mình chịu phép rửa của Chúa Kitô trên dòng sông Giođan. Ước gì được một lần trong đời, ta thầm nghe được lời Chúa phán: “Này là con yêu dấu của Cha, con đẹp lòng Cha”, khi ta biết yêu thương nhau bằng con đường đi xuống (như nghĩa của từ Giođan).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:06 10/01/2020

35. Bệnh hoạn đau khổ làm cho tôi cảm thấy vui sướng; tôi vui sướng không phải vì đau khổ, nhưng vì đau khổ mà tôi được sự nhẫn nại để làm gương cho người khác về sự nhẫn nại.

(Thánh Basil)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:09 10/01/2020
13. MONG MUỐN KỲ LẠ TRƯỚC KHI CHẾT

Trịnh Tuyền trước khi chết thì nói với bạn bè:

- “Sau khi tôi chết thì chôn tôi bên cạnh lò nấu gốm để làm người đầy tớ, đợi một trăm năm sau, có lẽ tôi có may mắn hóa thành đất sét dùng để làm bình rượu, đó thực là điều khiến tôi vừa lòng vừa ý vậy !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 13:

Có người trước khi chết thì ước mơ được...ăn miếng thịt chó rồi chết cũng đành; có người ước vọng trước khi chết thì được gặp mặt cha mẹ anh chị em lần cuối; có người ước mơ trước khi chết thì được thấy con mình dâng một thánh lễ mở tay rồi chết cũng mãn nguyện... tất cả những ước mơ ấy đều tốt, nhưng ít người ước mơ sau khi chết được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng.

Ước mơ duy nhất trước khi chết của người Ki-tô hữu là: xin được chết an bình trong tình yêu của Thiên Chúa, đó là ước mơ rất chính đáng và đẹp lòng Thiên Chúa, ước mơ này bày tỏ một tâm hồn thánh thiện đạo đức, nhưng để đạt ước mơ đó người Ki-tô hữu cần phải thực hành lời của Đức Chúa Giê-su dạy, đó là biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình...

Ước mơ được chôn bên lò gạch để trở thành đất sét thì là một ước mơ tuy kỳ quặc nhưng rất hợp với người thích uống rượu, bởi vì suốt đời họ là con sâu rượu, là đệ tử của lưu linh.

Ước mơ được chết an bình trong tình yêu Thiên Chúa là ước mơ rất đáng ước mơ, vì nó bày tỏ một tâm hồn luôn biết phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa đối với họ trong cuộc sống đời này...

Con người ta có rất nhiều ước mơ trước khi chết, nhưng ít có ai ước mơ được chết lành trong bình an của Thiên Chúa.

Còn tôi thì sao, có ước mơ nào trước khi chết ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Đức Chúa Giê-su chịu phép Rửa (A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 10/01/2020
Chúa Nhật

LỄ ĐỨC CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA


(Chúa Nhật I thường niên)

Tin mừng : Mt 3, 13-17

“Chịu phép rửa xong, Đức Chúa Giê-su thấy Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Người”.


Anh chị em thân mến,

Mùa giáng sinh sẽ chấm dứt sau Chúa Nhật lễ Đức Chúa Giê-su chịu Phép Rửa, cũng có nghĩa là Ngài đã công khai đi rao giảng tin mừng Nước Trời với sự chứng nhận của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Với biến cố này, tôi chia sẻ với anh chị em mấy điểm sau đây:

1. Khiêm tốn của thánh Gioan Tẩy Giả.

Một con người xuất hiện giữa lúc dân chúng mòn mỏi trông mong đấng cứu thế đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang, người ta cho rằng ông Gioan Tẩy Giả là vị đại tiên tri mà các tiên tri đã loan báo, là người mà dân Do Thái trông đợi, và người ta đã ùn ùn kéo đến để nghe lời ngài giảng dạy, chịu phép rửa của ngài để tỏ lòng thống hối ăn năn.

Khi mà cao trào ngưỡng mộ của quần chúng muốn tôn vinh ông lên cao, thì ông đã thẳng thắn nói với họ rằng ông không phải là Đấng Mê-si-a; và rõ ràng nhất là trong sự đối thoại của ông với Đức Chúa Giê-su khi Ngài đến để xin ông làm phép rửa: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !”- Sự khiêm tốn này của thánh Gioan Tẩy Giả đã được Thiên Chúa chọn làm người dọn đường cho Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a phải đến.

Người khiêm tốn là người luôn nhận thức sâu xa về sứ vụ và trách nhiệm của mình, dù cho ánh hào quang thành công của mình đang tỏa sáng nơi quần chúng. Thánh Gioan Tẩy Giả đã có sự khiêm tốn ấy nên Thiên Chúa đã chọn Ngài giữa muôn ngàn người làm người tiền hô của Đấng Cứu Thế.

2. Khiêm tốn của Đức Chúa Giê-su.

Là Con Thiên Chúa, là Đấng Mê-si-a mà muôn dân trông đợi từng giây từng phút, Đức Chúa Giê-su đã đến không như vị quân vương oai hùng trên lưng ngựa, nhưng như tất cả những người thanh niên Do thái khác kéo đến sông Gio-đan xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, không ầm ĩ, không kèn trống, không có người dẹp đường và tiếng hô vang, Đức Chúa Giê-su đã âm thầm xuống nước cúi đầu để ông Gioan Tẩy Giả dìm trong nước bày tỏ sự thống hối ăn năn, dù Ngài không vướng tội nào.

Sự khiêm tốn này được thấy rõ nhất nơi hang đá Bê-lem: Con Thiên Chúa bỏ trời xuống thế, vinh quang biến thành tầm thường, Đấng tạo dựng trở thành tạo vật, Đấng cứu độ lại trở thành như kẻ tội nhân khi nhận phép rửa nơi sông Gio-đan, và cuối cùng thì chết trên thập giá. Đó là sự khiêm tốn mà chính các thiên thần cũng còn phải ngạc nhiên và sấp mình kính phục, vang tiếng ngợi khen; sự khiêm tốn này làm cho ma quỷ phải kinh sợ và hoài nghi: đây có phải là Đấng sẽ đến để đánh đổ quyền lực tội lỗi của mình chăng ?

Sự khiêm tốn này đã trở thành nền tảng cho nhân loại trên con đường cứu rỗi, và là nền tảng hòa bình lâu dài của con người, bởi vì ân sủng của Thiên Chúa chỉ ở nơi tâm hồn của những người khiêm tốn.

Anh chị em thân mến,

Làm chứng nhân cho Nước Trời là sứ mạng và là bổn phận của những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là một vinh dự và là một niềm tự hào cho chúng ta.

Nhưng để được Thiên Chúa sáng danh trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta phải là một chứng nhân cho Tin Mừng mà Đức Chúa Giê-su rao giảng, Tin Mừng đó là sống yêu thương và hy sinh như chính Đức Chúa Giê-su đã sống, bởi vì sẽ không là Tin Mừng nếu chúng ta không sống yêu thương, và sẽ không là niềm vui cho tha nhân nếu chúng ta không biết hy sinh chính mình, Đức Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả đã làm như thế khi ở nơi sông Gio-đan: quên mình đi để danh Thiên Chúa được vinh quang.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa A
Lm. Jude Siciliano, OP
19:07 10/01/2020


Isaia 42: 1-4, 6-7; T.vịnh 41; Cv 10: 34-38; Mátthêu 3: 13-17


Thánh Mátthêu đã kết thúc phần phúc âm nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trong lễ Thánh Gia, chúng ta biết gia đình các Ngài trở về Galilê từ Ai Cập và sống trong một thị trấn nhỏ gọi là Nadarét. Bấy giờ, sau khi ông Gioan Tẩy Giả giảng dạy (Mt 3: 1-12) Đức Giêsu bày tỏ Ngài một cách công khai. Thánh Mátthêu thuật lại một cách đơn giản trong dòng mở đầu của bài phúc âm hôm nay: "Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa" Chúa Giêsu cũng đến với ông Gioan đang rao giảng về việc Ngài sẽ đến và hạ mình chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. "...Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đữc công chính".

Chúa Giêsu sẽ tiếp tục sứ vụ mà Thiên Chúa đã loan báo qua lời các ngôn sứ và cho đến ông Gioan. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã tiếp cận với dân Ngài. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, Triều Đại Thiên Chúa đã hiện diện cho các người ở sông Giođan hôm đó như thế nào, và triều đại đó hiện diện cho chúng ta bây giờ như thế nào? Qua Đức Giêsu Kitô, Đấng đã thực hiện hoàn tất hy vọng của dân Thiên Chúa chờ đợi từ ngàn xưa. Chúa Giêsu là Đấng ông Gioan loan báo, Ngài sẽ đến sau ông để làm phép rửa "với Chúa Thánh Thần và lửa" (Mt 3: 1-12). Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, khi ngài vừa ở dưới nước bước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán xuống "đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người". Thần Khí đã hứa qua lời ngôn sứ Isaia là Người là Đấng Thiên Chúa chọn làm Tôi Tớ.

Chúng ta đang ở trong mùa Chúa Hiễn Linh, nói về sự thể hiện của bản tính Thiên Chúa trong Chúa Giêsu cho thế giới. Tuần vừa qua các nhà Chiêm Tinh từ phương đông đến nhìn nhận Chúa Giêsu, và hôm nay thánh Mátthêu nói với chúng ta là Thần Khí Thiên Chúa phán từ trời xuống và công bố Chúa Giêsu là "Con yêu dấu của Thiên Chúa". Nếu một người được gọi là con yêu dấu của Thiên Chúa thì người đó sẽ mong đợi điều gì? – Đây là câu trả lời cho tất cả những vấn đề trong cuộc sống khi các sự việc được phát sinh như thế nào? Hay tốt hơn không có vấn đề gì cả! Vậy lẻ nào "con yêu dấu" của Thiên Chúa lại mong có cuộc sống sẽ không gặp đau khổ hay xung đột? Và khi đến lúc gần chết, chắc là người "con yêu dấu" sẽ có lối thoát nhanh chóng và dễ dàng ra khỏi cuộc sống này vào vòng tay của Thiên Chúa.

Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài sẽ được Chúa Thánh Thần trô giúp khi gặp thử thách với Satan trong hoang địa. Và ở đó có những cám dổ được đặt ra với Chúa Giêsu về việc chứng tỏ Ngài được Thiên Chúa đối xử một cách đặc biết - "nếu ông là con Thiên Chúa". Vậy tại sao Ngài lại không được đối xử một cách đặc biết và tránh khỏi những đau đớn và chán nản của cuộc sống? Nhưng, Chúa Giêsu sẽ sống đời sống Ngài như chúng ta là tin tưởng vào tình yêu thương mãi mãi của Thiên Chúa, ngay cả trong khi đau khổ và chán nản. Và đó là niềm tin Ngài sẽ giảng dạy - sau khi Ngài chịu phép rửa và chịu những cám dổ trong hoang địa - và trong khi Ngài gọi các môn đệ đầu tiên của mình (Mt 4 ; 1-16), và trong khi Ngài đi qua Galilê giảng dạy, loan báo tin mừng và chữa lành bệnh cho mọi người. Tiếng nói từ trời xuống cơng bố Chúa Giêsu là "Con yêu dấu của Thiên Chúa" và chúng ta, với đức tin đã đón nhận, nhìn nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa, đang cùng chia sẽ cuộc sống với chúng ta và cho chúng ta biết nét nhân từ của Thiên Chúa.

Thật lạ lùng là Chúa Giêsu bảo ông Gioan làm phép rửa cho Ngài. Ngài nói "để giữ trọn đức công chính". Thiên Chúa đang dự định thiết lập quyền của con người phải nên công chính như Thiên Chúa là đấng Công Chính, để hóa giải và cắt đứt mọi liên hệ với tội lỗi của chúng ta. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem đến sự "công chính", Nhưng, không phải chỉ giữa Thiên Chúa và chúng ta mà thôi. Thiên Chúa muốn làm cho sự liên hệ giữa chúng ta với nhau cũng nên công chính nữa. Bởi thế Chúa Giêsu ra đi giảng dạy và chữa lành sau khi Ngài chịu phép rửa. Ngài đến với những người xin được tha thứ, những người cần được chữa lành và những người khao khát lời Thiên Chúa.

Phần đông trong chúng ta không thích nghe đến từ "công chính", nghe giống như từ "công lý". Vì từ đó nói đến ý tưởng cao cấp và xa cách. Có thể chúng ta nên có một bài học về những người trong lao tù. Tôi có nghe một người trong nhà tù tả người canh tù, hay cả một người tù khác là "công chính". Từ đó có nghĩa là người đó sống theo lời nói của họ và có thể được tín tưởng để làm việc chính đáng. Điều đó không chắc phải là ý nghĩa đầy đủ của từ "công chính" trong Kinh Thánh, nhưng đó cho chúng ta một dấu chỉ đúng về ý nghĩa. Một người công chính sông một đời sống không xa cách người khác, hay phán xét họ, nhưng lôi kéo họ xích lại gần với nhau trở thành một hoàn cảnh dễ chấp nhận và tín nhiệm nhau.

Chúa Giêsu "thực hiện tất cả mọi điều công chính". Bởi thế chúng ta không cần phải trở nên công chính với Thiên Chúa. Chúng ta không làm để suốt đời chúng ta "trả ơn cho Thiên Chúa" cho những tội lỗi chúng ta đã vấp phạm và sữa đổi quá khứ của chúng ta. Chúng ta không cần phải hạ mình xuống để xin Thiên Chúa đến với chúng ta. Chúng ta không cần phải cầu xin liên lỉ để làm cho Thiên Chúa bớt tức giận để đáp ứng những nhu cầu cấp thiết cần giúp đở của chúng ta. Tiếng phán tử trên trời nói Chúa Giêsu là "Con yêu dấu của Ta" là dấu ấn của Thiên Chúa đối với Chúa Giêsu. Và bởi thế, những điều gì Chúa Giêsu loan báo trong lời nói và việc làm của Ngài về tình yêu thương vô vàn của Thiên Chúa có thể tin tưởng được. Thông điệp của Chúa Giêsu là chúng ta không cần phải làm cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta rồi. Chúng ta không cần phải thúc đẩy Thiên Chúa để Ngài đến với chúng ta. Vì Ngài đã đứng với chúng ta. Mà Chúa Giêsu là dấu chỉ chứng tỏ thật sự Thiên Chúa đang ở với chúng ta trong đời sống của chúng ta. Thánh Mátthêu nói với chúng ta là Emmanuel là "Thiên Chúa ở với chúng ta". Đời sống và sự chết của Chúa Giêsu cam đoan với chúng ta rằng chúng ta không cần phải nhận lãnh sự công chính của Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta. Vậy, như thế thì chúng ta phải làm gì?

Chúng ta có thể sông đời sống công chính vời Thiên Chúa bằng cách sống "công chính" với các người khác. Chương trình của Thiên Chúa "để thực hiện tất cả nên công chính", có nghĩa là chúng ta nên thực hiện mọi sự nên công chính với nhau qua sự tha thứ, tình yêu thương và công bằng. Chúng ta có thể hành động đẻ chữa lành những mối quan hệ bị tan vỡ, tha thứ cho người khác như chúng ta đã được tha thứ; đón tiếp người xa lạ như Thiên Chúa đã đón tiếp chúng ta; cho người đói khát ăn uống như Chúa Giêsu đã làm v.v... Từ chỗ này trở đi, trong phúc âm thánh Mátthêu sẽ có những đoạn chứng tỏ người Con yêu dấu của Thiên Chúa làm sao mạc khải sự liên hệ của Ngài với Thiên Chúa. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể noi theo gương của Ngài.

Chúng ta không thể tự chúng ta làm cho chúng ta tất cả những điều này. Nhưng, qua Chúa Giêsu chúng ta có thể làm được. Chúa Giêsu, Đấng mà ông Gioan đã hứa sẽ làm phép rửa cho chúng ta với Thần Khí đã xuống trên Ngài. Vậy đó có phải là nhiệm vụ của chúng ta là một Kitô hữu phải "thực hiện tất cả nên công chính" hay không? Được hướng dẩn và thêm năng lực bởi Chúa Thánh Thần mà chúng ta lãnh nhận trong phép rửa, chúng ta sẽ cố gắng làm cho mọi sự nên công chính trên thế giới, nhất là với những người yếu đuối, không ai giúp đở, những người bị bỏ rơi và những người bị ngược đãi.

Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP


THE BAPTISM OF THE LORD (A)
Isaiah 42: 1-4,6-7; Psalm 42; Acts 10: 34-38; Matthew 3: 13-17

Matthew has ended his infancy narrative. On the feast of the Holy Family we heard that they left Egypt and settled in Galilee, in a town called Nazareth. Now, after John the Baptist’s preaching (3:1-12), Jesus enters the scene. Matthew states it simply in the opening line of today’s gospel, "Jesus came from Galilee to John at the Jordan to be baptized by him." Jesus is lining himself up with John who preached his coming. He is affirming John’s baptism and submitting himself to God’s will, "...it is fitting for us to fulfill all righteousness."

Jesus will continue the mission God proclaimed through all the prophets and up to John. Through Jesus, God has come close to God’s people. God’s kingdom is at hand. How was God’s kingdom present to those at the Jordan that day and how is it present to us now? – through the person of Jesus Christ, who has fulfilled the hope of God’s long-waiting people. He is the one John proclaimed was coming after him to baptize with "the Holy Spirit and fire" (2nd Sunday of Advent, Mt. 3: 1-12). After his baptism Jesus comes out of the water, the heavens open and he sees the Spirit descending like a dove on him – the Spirit God promised, through Isaiah, that would be given to God’s chosen servant.

We are in a season of epiphanies, manifestations of Jesus’ identity to the world. Last week the visitors from the East recognized Jesus and today Matthew tells us that the Holy Spirit descended on Jesus and a voice from heaven announces him as God’s "beloved Son." If one were announced as God’s beloved child what would one expect? – answers to all life’s problems as they arose? Or, better still, no problems at all! Shouldn’t God’s "beloved" expect to get through life without pain and conflict? And when death did come, certainly a "beloved child" should have a swift, sure and easy passage out of this life into the arms of God.

After his baptism Jesus will be led by the Spirit to wrestle with Satan in the desert and there the temptations put to Jesus will be about expecting special treatment from God – "if you are the Son of God,"... why not receive privileged status and be spared life’s pains and disappointments? But Jesus will reject these temptations to power, glory and a pain-free life. He will live our life as we must live it, trusting in the love and constancy of God, even amid life’s pains and disappointments. That is the message he will preach – after his baptism and desert temptations – as he calls his first disciples (4: 1-16) and travels through Galilee teaching, proclaiming the good news and curing people. The voice proclaimed that Jesus is God’s "beloved Son" and we, gifted with faith, recognize him as that beloved Son of God who shares our life and shows us God’s gracious face.

It is curious that Jesus urges John to baptize him in order, he says, "to fulfill all righteousness." God is planning to set humans right with God, to restore the relationship broken by our sin. Through Jesus, God will bring about "righteousness," but not only between God and us. God wants to make our relationships right with others as well. So, Jesus went forth preaching and healing after his baptism, reaching out to those who: asked for forgiveness, were in need of healing and hungered for God’s Word.

Many of us don’t like the sound of "righteousness." It feels too close to "self righteousness." It smacks of superiority and separation. Maybe we can take a lesson from prison lingo. I have heard inmates describe a guard, or even another inmate, as "righteous." It means they live up to their word and can be trusted to do the right thing. That’s certainly not the full understanding of the biblical notion of "righteousness," but it gives us a clue of its positive implications. A righteous person lives a life that does not separate people or judge them, but draws them together in an atmosphere of acceptance and trust.

Jesus did "fulfill all righteousness." Therefore, we don’t have to make ourselves right with God; we don’t have to spend our lifetime "paying God back" for our sins and making amends for our past; we don’t have to grovel to get God on our side; we don’t have to say endless prayers to convince some angry god to yield to our urgent needs. The voice affirming Jesus as God’s "beloved son" was God’s stamp of approval on Jesus. Henceforth, what he proclaimed in words and actions about God’s love for us could be trusted. His message is that we don’t have to make God love us. God already does. We don’t have to push and shove to move God to our side. God is already standing with us. Jesus is proof-positive of where God is in our lives. Jesus, Matthew tells us, is Emmanuel, "God with us." Jesus’ life and death assure us that we don’t have to earn God’s righteousness, God has given it to us. Well then, what are we to do?

We could live out our right relationship with God by living "righteously" with others. God’s plan, "to fulfill all righteousness," means that we are to set things right with one another through forgiveness, love and justice. We might: work to heal broken relationships; forgive others, as we have been forgiven; reach out to strangers, as God has reached out to us; feed the hungry, as Jesus did, etc. From this point in the gospel Matthew will show how the beloved child of God reveals his relationship to God. Empowered by his Spirit, we can follow his example.

We can’t do all this on our own, but we can through Jesus who, as John promised, baptized us with the same Spirit that descended on him. Isn’t that our mission as Christians, "to fulfill all righteousness?" Enabled and directed by the Spirit we received at baptism, we strive to set things right in the world, especially for the defenseless, neglected and mistreated.
 
Gánh tội đời Chúa nối lại tình trời
Lm Nguyễn Xuân Trường
19:11 10/01/2020



Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lạ quá! Lạ là vì Kinh Thánh khẳng định rõ rằng: Chúa Giêsu giáng sinh làm người giống chúng ta mọi sự chỉ trừ tội lỗi. Chúa Giêsu không có tội thì cần gì phải rửa, nên chính thánh Gioan đã ngỡ ngàng thốt lên khi Chúa đến xin chịu phép rửa: Chính Ngài rửa cho tôi mới phải chứ sao Ngài lại xin tôi rửa cho Ngài ! Hành động lạ lùng này đã khai mở sứ mạng của Đức Giêsu đến để mạc khải một Thiên Chúa giàu lòng xót thương: Chúa không nỡ lòng thẳng tay kết tội trừng phạt tội nhân được diễn tả hết sức giàu hình ảnh trong bài đọc I: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.” Đối với tội nhân, Chúa đồng cảm, Chúa tha thứ, Chúa gánh tội cho họ.

Chúa xuống thế dùng yêu thương cứu độ nhân loại. Thế nên, Chúa chịu phép Rửa xong thì cửa trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống, ngược với cảnh khi ông bà nguyên tổ Ađam-Evà phạm tội thì cửa trời đóng lại, thiên thần cầm gươm canh giữ. Hai hình ảnh hoàn toàn đối ngược nhau cho thấy: nếu Ađam-Evà đã dẫn cả nhân loại vào con đường tội lỗi, khổ đau và chết chóc, thì Chúa Giêsu đến dẫn nhân loại vào con đường ơn phúc, tình thương và sự sống. Nếu Ađam-Evà phạm tội đã cắt đứt tình nghĩa Cha-con với Thiên Chúa, thì nay Đức Giêsu đến gánh tội để nối lại mối tình Cha-con giữa Thiên Chúa và loài người. Nhờ đó mới có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

Thế nên, mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa nhắc nhớ phép Rửa tội cho chúng ta được làm con Chúa. Hãy sống làm người con hiếu thảo, ngoan hiền để Chúa Cha cũng nói với mỗi người chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con.” thì sung sướng biết bao. Chứ nếu Chúa phải than thở: Con là con yêu quái, Cha đau lòng vì con thì chết dở mất rồi! Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thư của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân gởi cho các Hồng Y trên thế giới
Đặng Tự Do
03:03 10/01/2020
Ủy ban Thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã công bố một báo cáo theo đó tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm ngoái, 2019, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc leo thang các cuộc đàn áp nhắm vào người Công Giáo sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Vatican vào năm 2018.

Theo sau báo cáo này, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã yêu cầu các cơ quan truyền thông Công Giáo công bố một lá thư ngài gởi cho tất cả các Hồng Y trên thế giới mấy tháng trước đây.

Thiết tưởng ngài là một vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo và ngài là một người Trung Hoa. Cho nên, tiếng nói của ngài về vấn đề này nên được lắng nghe. Vì thế, chúng tôi dịch toàn văn lá thư của ngài sang Việt Ngữ. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.


Ngày 27 tháng 9 năm 2019

Đức Hồng Y thân mến,

Xin tha thứ cho tôi vì sự quấy rầy bức thư này sẽ gây ra cho ngài. Tôi viết thư cho ngài bởi vì, theo lương tâm, tôi tin rằng vấn đề mà tôi đang trình bày không chỉ liên quan đến Giáo Hội ở Trung Quốc, mà là toàn Giáo Hội, và các Hồng Y chúng ta có trách nhiệm nghiêm trọng trong việc giúp đỡ Đức Thánh Cha hướng dẫn Giáo Hội.

Bây giờ, dựa trên phân tích của tôi về Tài liệu của Tòa thánh (công bố ngày 28 tháng 6 năm 2019) có tựa đề “Hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh liên quan đến việc ghi danh dân sự của các giáo sĩ ở Trung Quốc”, tôi thấy rõ ràng là tài liệu này khuyến khích các tín hữu ở Trung Quốc tham gia vào một Giáo Hội ly giáo (độc lập với Đức Giáo Hoàng và tuân theo lệnh của Đảng Cộng sản).

Vào ngày 10 tháng 7, tôi đã trình bày bản “dubia” của mình cho Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha, vào ngày 3 tháng 7, đã hứa với tôi rằng ngài sẽ quan tâm đến tài liệu đó, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nghe thấy gì.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng khi chúng ta nói về Giáo Hội độc lập ngày nay, chúng ta đừng nên tiếp tục ám chỉ rằng sự độc lập này là tuyệt đối, bởi vì thỏa thuận này công nhận vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo.

Trước hết, tôi không thể tin rằng có một tuyên bố như vậy trong thỏa thuận và tôi vẫn chưa hề được nhìn thấy nó (giữa những điều khác, tại sao một thỏa thuận như vậy phải bí mật và thậm chí không được trao cho tôi, một Hồng Y Trung Quốc, để xem qua? ), nhưng, thậm chí còn rõ ràng hơn, toàn bộ tình huống sau khi thỏa thuận được ký kết cho thấy rằng trong thực tế không có gì thay đổi.

Đức Hồng Y Parolin trích dẫn một cụm từ trong thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô hoàn toàn nằm ngoài ngữ cảnh, đến mức nó trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa của đoạn văn [từ đó được trích dẫn].

Sự thao túng tư tưởng Đức Giáo Hoàng Danh dự là một sự thiếu tôn trọng rất nghiêm trọng đối với ngài; thật vậy, đó là một sự xúc phạm tồi tệ đối với nhân vị của vị Giáo Hoàng hiền lành vẫn còn sống.

Nó cũng làm tôi căm phẫn khi họ thường tuyên bố rằng những gì họ đang làm là liên tục với suy nghĩ của vị Giáo Hoàng trước, trong khi thực tế thì ngược lại như thế. Tôi có lý do chính đáng để tin (và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có thể chứng minh điều đó bằng các tài liệu lưu trữ) rằng thỏa thuận đã được ký là y chang với một thỏa thuận mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã từ chối không chịu ký.

Đức Hồng Y thân mến, lẽ nào chúng ta lại có thể chứng kiến một cách thụ động việc giết chết Giáo Hội ở Trung Quốc này từ phía những người lẽ ra phải bảo vệ và bênh vực Giáo Hội ấy trước các kẻ thù? Tôi quỳ gối xuống van xin ngài, người anh em của ngài.

+ Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, S.D.B.


Source:One Peter Five
 
Phản ứng của hàng giáo phẩm Iraq và Hoa Kỳ trước tình trạng căng thẳng hiện nay.
Đặng Tự Do
06:17 10/01/2020
Trong một lá thư gởi cho các Giám Mục trên thế giới, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq đã đưa ra một tiên đoán đầy bi quan là nếu chiến tranh diễn ra, năm nay sẽ là năm cuối cùng của người Công Giáo Iraq. Ngài nhắc lại rằng dân số Công Giáo tại quốc gia này chỉ còn 10% so với trước năm 2003, khi Hoa Kỳ tấn công vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein. Một cuộc chiến nữa sẽ khiến 10% còn lại biến mất hoàn toàn khỏi đất nước nơi các tín hữu Kitô đã có mặt ngay từ thời các thánh Tông Đồ. Vì thế, ngài yêu cầu các Giám Mục trên thế giới tác động để chặn đứng chiến tranh.

Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Trước những căng thẳng đang leo thang với Iran, chúng ta phải cầu nguyện một cách khẩn cấp xin cho các nhà lãnh đạo thế giới của chúng ta biết theo đuổi đối thoại và tìm kiếm hòa bình. Xin hãy cùng tôi cầu xin Đức Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình của chúng ta can thiệp, xin Chúa Giêsu Kitô thêm sức cho những người kiến tạo hòa bình, an ủi những người đau khổ và bảo vệ những người vô tội và tất cả những người đang bị gây hại cách này cách khác, đặc biệt là những người nam nữ trong quân đội của chúng ta và các viên chức ngoại giao.”

Đức Cha David J. Malloy, Giám Mục Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của USCCB, cũng đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng thường xuyên để khuyến khích việc theo đuổi hòa bình ở Trung Đông. Chúng tôi kêu gọi một lần nữa rằng tất cả các bên, trong những ngày quan trọng này, theo đuổi hòa bình hơn là bạo lực. Hòa bình đã quá mong manh - ký ức còn rất mới mẻ của chúng ta cho thấy chiến tranh đã khiến hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng, bên cạnh đó còn biết bao những đau khổ không thể kể xiết và tình trạng bất ổn lan tràn. Đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến và đề cập đến các hành vi bạo lực ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây, mới nhất là vụ tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iraq, vụ giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani vào thứ Sáu tuần trước, và vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào các căn cứ của Iraq hôm 8 tháng Giêng. Chúng tôi kêu gọi những nỗ lực ngoại giao cần thiết, một tinh thần đối thoại can đảm và những nỗ lực không mệt mỏi vì hòa bình để giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu như vậy. Chúng tôi kêu gọi như thế ngay bây giờ, và chúng tôi sẽ luôn luôn làm như vậy.

Cầu xin Chúa giúp tất cả các bên trong thời kỳ căng thẳng chiến tranh này có thể vượt qua một cuộc xung đột khác và đánh giá cao những nỗi sợ hãi hợp pháp ẩn sau các hành động của đối phương. Tất cả phải khám phá ra những hòn đảo tin tưởng trong một vùng biển bao la những nghi kỵ, cùng nhau làm việc chăm chỉ cho một tư duy hợp lý, thừa nhận sự vô ích của bạo lực và sự điên rồ của những hành động quân sự xa hơn nữa, đồng thời khiêm tốn theo đuổi lợi ích chung. Chúng ta hãy suy ngẫm về thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Giáo Hoàng cho năm 2020 và cầu nguyện để có thể chiến thắng cái ác bằng điều thiện và đáp lại lòng thù hận bằng tình yêu.

Hôm nay, chúng tôi hiệp nhất trong niềm hy vọng được nhiều người bày tỏ là người dân Iran chia sẻ lời hứa về một tương lai tươi sáng hơn và Hoa Kỳ đang sẵn sàng đón nhận hòa bình với tất cả những ai tìm kiếm nó. Trong tinh thần này, chúng tôi nhiệt thành tin tưởng, hy vọng, làm việc và thực sự dự đoán rằng những ngày hòa bình đang ở phía trước. Chúng ta vừa cử mừng Chúa chúng ta giáng sinh. Chúa Giêsu, là Hoàng tử của Hòa bình, kêu gọi chúng ta sự đổi mới cho một trời mới đất mới. Chúng ta hãy làm chứng cho sự thật này, bắt đầu với mỗi người chúng ta.”


Source:USCCB
 
Nỗi chua xót của một linh mục 70 tuổi, 43 năm linh mục, bị treo chén vì một lý do vô cùng lảng nhách.
Đặng Tự Do
14:26 10/01/2020
Giáo phận Allentown cho biết một linh mục Công Giáo ở Pennsylvania đã bị cấm thi hành các thừa tác vụ công khai như một biện pháp đề phòng, sau khi có người khiếu nại ngài chụp ảnh các học sinh tham gia đô vật ở một trường trung học mà không hỏi ý kiến của họ.

Điều cần nói ngay ở đây là ngài dùng điện thoại để chụp ảnh các học sinh này ở ngay khán đài nơi có rất đông người, và các học sinh mặc quần áo thi đấu rất chỉnh tề. Vấn đề duy nhất là ngài chụp ảnh từ sau lưng chụp tới. Nếu ngài chụp khuôn mặt của họ như bao nhiêu người khác đang chụp thì không có sao hết.

Vị linh mục bị treo chén là Đức ông Thomas Derzack. Giáo phận Allentown cho biết Đức ông Thomas Derzack, năm nay 70 tuổi, 43 năm trong chức linh mục, là cha sở của giáo xứ St. Nicholas ở Walnutport, Pennsylvania.

Ngày 27 tháng 12, ngài dẫn các học sinh của trường trung học giáo xứ đến thi đấu tại một trường trung học Công Giáo khác, là trường Bethlehem Catholic High School. Lúc đó, ngài không mặc trang phục giáo sĩ.

Vì ngài không mặc trang phục giáo sĩ, nên một khán giả không nhận ra ngài là linh mục, đã khiếu nại với một cảnh sát viên đang canh gác tại khu vực thi đấu khi thấy ngài chụp hình các học sinh thi đấu từ phía sau lưng các em này.

Viên cảnh sát này đã yêu cầu cha Derzack cho xem các hình ảnh. Sau đó, anh ta lưu lại, yêu cầu ngài xóa khỏi điện thoại của mình và rời khỏi hiện trường.

Cảnh sát trưởng quận Bethlehem là ông Mark DiLuzio nói với tờ WFMZ-TV Sunday rằng cơ quan an ninh đã giám định những bức ảnh này và thấy rằng không thể coi là tội phạm.

Ông nói thêm:

“Tôi không thể trách những bậc cha mẹ đã báo động. Họ làm đúng khi báo cảnh sát về vụ việc.”

Với chính sách không khoan nhượng, giáo phận nói trong một tuyên bố rằng cha Derzack đã bị cấm tham dự các sự kiện liên quan đến các trường học trong giáo phận và không được lui tới các trường học nữa. Một cuộc điều tra của giáo phận sẽ xác định liệu Cha Derzack còn phù hợp với thừa tác vụ linh mục hay không.

Đức Cha Alfred Schlert, Giám Mục giáo phận Allentown, đã chỉ thị cho giáo phận phải thông báo cho Pennsylvania ChildLine và văn phòng công tố viên quận Northampton về vụ việc.

Đức Cha Schlert nói: “Hành vi của Cha Derzack vi phạm các tiêu chuẩn về các hành vi có thể chấp nhận được, và ngài đã bị cấm thi hành các thừa tác vụ công khai như một biện pháp đề phòng.”

Đức Cha Schlert đã đến thăm giáo xứ Thánh Nicholas vào các Thánh Lễ cuối tuần để thông báo cho anh chị em giáo dân về những gì đã xảy ra.

Với kết luận của cảnh sát trưởng quận Bethlehem, người ta tự hỏi liệu giáo phận Allentown có cần thiết phải cạn tàu ráo máng với một linh mục 70 tuổi, 43 năm linh mục như thế không?


Source:Crux
 
Đức Cha Robert Barron: The Two Popes là một bức tranh biếm họa bôi bác Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
J.B. Đặng Minh An dịch
18:07 10/01/2020
Nhiều người đã thẳng thắn lên tiếng phê bình bộ phim The Two Popes. Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em bài phê bình sau đây của một vị Giám Mục Hoa Kỳ.

Đức Cha Robert Emmet Barron (sinh 19 tháng 11 năm 1959) là Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Los Angeles, kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2015. Trước đó, ngài là Giám Đốc chủng viện Mundelein của Tổng Giáo Phận Chicago. Đức Cha Barron là một thần học gia, một tác giả, một nhà truyền giáo nổi tiếng với chương trình Word On Fire (Lời Bừng Cháy).

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


The One Pope
by Bishop Robert Barron, January 2, 2020


Cuốn phim Một Vị Giáo Hoàng
Giám mục Robert Barron, ngày 2 tháng Giêng 2020


Bộ phim mới The Two Popes - Hai Vị Giáo Hoàng - được quảng cáo rất ồn ào của Netflix, lẽ ra phải được gọi là The One Pope – Một Vị Giáo Hoàng, vì trong khi nó thể hiện một bức chân dung có sắc thái, kết cấu và cảm thông về Đức Jorge Mario Bergoglio (Đức Giáo Hoàng Phanxicô), nó lại là một bức tranh biếm họa hoàn toàn về Đức Joseph Ratzinger (Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI). Sự mất cân bằng này làm tổn hại nghiêm trọng đến bộ phim, mà mục đích của nó, dường như, là để cho thấy rằng Đức Bênêđíctô già nua gắt gỏng, vụ luật đã tìm thấy định hướng tâm linh của mình thông qua những trợ giúp của Đức Phanxicô thân thiện, có tầm nhìn hướng tới tương lai. Nhưng một quỹ đạo theo chủ đề như vậy cuối cùng chà đạp cả hai vị, và biến những gì lẽ ra là một nghiên cứu nhân vật cực kỳ thú vị thành một lời xin lỗi có thể dự đoán trước và thật tẻ nhạt của nhà làm phim về phiên bản của đạo Công Giáo mà ông ta ưa thích.

Sự kiện chúng ta đang đối diện với một bức tranh biếm họa về Đức Ratzinger trở nên rõ ràng ngay trong những phút đầu của bộ phim, Đức Hồng Y xứ Bavaria được trình bày như đang hoạch định một âm mưu đầy tham vọng để bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử mình thành Giáo hoàng vào năm 2005. Thực ra, ít nhất ba lần, Đức Hồng Y Ratzinger đã thực sự cầu xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho phép ngài rút lui khỏi vị trí người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin để tiếp tục cuộc sống nghiên cứu và cầu nguyện. Ngài ở lại chỉ vì Đức Gioan Phaolô II kiên quyết từ chối các thỉnh cầu này. Và vào năm 2005, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô II, ngay cả những người chống đối ý thức hệ của Đức Ratzinger cũng thừa nhận rằng vị Hồng Y bảy mươi tám tuổi bây giờ không muốn gì hơn là trở về Bavaria và viết các khảo luận về Kitô học của mình. Cố nhiên, phải có âm mưu tham vọng cho đúng tuồng tích của bức tranh biếm họa về một giáo sĩ “bảo thủ”, nhưng nó hoàn toàn không liên quan gì đến Đức Joseph Ratzinger bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, trong cái cảnh miêu tả cuộc gặp gỡ tưởng tượng giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô và Đức Hồng Y Bergoglio trong các khu vườn tại Castel Gandolfo, vị Giáo Hoàng già nua đã cau mày đả kích đồng nghiệp người Á Căn Đình của mình, chỉ trích cay đắng thần học của vị Hồng Y này. Một lần nữa, ngay cả những người thường gièm pha Đức Joseph Ratzinger cũng phải thừa nhận rằng “Rottweiler của Thiên Chúa” [tiếng Việt thường gọi là “Con chó nhà Đức Chúa Trời” – xuất phát từ hình ảnh con chó ngậm bó đuốc sáng rực biểu hiệu cho các nhà thuyết giáo, hỗ trợ vị Mục Tử Giêsu, canh chừng cho đoàn chiên khỏi sói rừng. Thuật ngữ này thường được nhắc đến trong thời gian ngài đảm trách chức vụ tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin – chú thích của người dịch] trong thực tế luôn là người từ ái, ăn nói nhỏ nhẹ, và dịu dàng khi giao tiếp với người khác. Một lần nữa hình ảnh một nhà tư tưởng đang sủa là một bức tranh biếm họa thường được dùng nhưng nó không gần gũi chút nào với con người thực của Đức Ratzinger.

Nhưng sự bôi nhọ tính cách nhân vật nghiêm trọng nhất xảy ra vào cuối cuốn phim khi một Đức Bênêđíctô bị mất tinh thần, quyết tâm từ chức giáo hoàng, thừa nhận rằng ngài đã ngừng nghe tiếng nói của Chúa và ngài chỉ bắt đầu nghe lại được tiếng nói ấy qua tình bạn mới được tìm thấy nơi Đức Hồng Y Bergoglio! Xin nói ngay với anh chị em là khi nói những điều sau đây tôi không có ý muốn thể hiện một sự thiếu tôn trọng đối với con người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng cho rằng một trong những người Công Giáo thông minh và nhạy bén về mặt siêu nhiên nhất trong một trăm năm qua mà phải cần đến sự can thiệp của Đức Hồng Y Bergoglio để nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa thì quá sức vô lý. Từ đầu đến cuối sự nghiệp của ngài, Đức Ratzinger/Bênêđíctô đã tạo ra một số kiệt tác thần học sáng ngời nhất trong truyền thống vĩ đại. Đến năm 2012, ngài mệt mỏi và ốm yếu về thể chất, và ngài cảm thấy không có khả năng cai quản bộ máy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo, vâng, tất nhiên là như thế. Nhưng cho rằng ngài mất tinh thần thì xạo quá. Một lần nữa, một số người khuynh tả hoang tưởng rằng “những người bảo thủ” che dấu sự phá sản tinh thần của họ đằng sau một lớp vỏ các luật lệ và thói độc đoán, nhưng cố mà áp đặt cái lối diễn giải này lên Đức Joseph Ratzinger thì khó đấy.

Phần hay nhất của bộ phim này là những đoạn hồi tưởng về những giai đoạn trước trong cuộc đời của Đức Jorge Bergoglio, đã làm sáng tỏ đáng kể sự phát triển tâm lý và tâm linh của vị Giáo Hoàng tương lai. Cảnh mô tả cuộc gặp gỡ mạnh mẽ của ngài với một cha giải tội chết vì ung thư là đặc biệt xúc động, và cũng không thể chê vào đâu được là cảnh ngài đối phó với hai linh mục Dòng Tên thuộc thẩm quyền của mình trong “Cuộc Chiến Bẩn Thỉu” tại Á Căn Đình đã đi được một chặng đường dài nhằm giải thích sự dấn thân của ngài đối với người nghèo và sự đơn sơ của ngài trong cuộc sống. Điều có thể cải thiện rất lớn cho bộ phim, theo đánh giá khiêm tốn của tôi, là một cách đối xử tương tự đối với Đức Joseph Ratzinger. Ước chi bộ phim có một đoạn hồi tưởng về cậu bé mười sáu tuổi xuất thân trong một gia đình chống phát xít quyết liệt, lại bị ép buộc thi hành nghĩa vụ quân sự trong những ngày tàn của Đệ tam Quốc xã, thì chúng ta sẽ hiểu sâu sắc hơn về sự nghi ngờ sâu sắc của Đức Ratzinger đối với chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa toàn trị, và những nhóm cuồng tín suy tôn cá nhân. Phải chi bộ phim có một đoạn hồi tưởng lại vị linh mục trẻ, cố vấn thần học cho Đức Hồng Y Frings, lãnh đạo phe tự do tại Công Đồng Vatican II và háo hức muốn từ bỏ chủ nghĩa bảo thủ tiền Công Đồng, chúng ta sẽ hiểu rằng ngài không phải là người nhắm mắt bảo vệ cho bằng được hiện trạng. Giá mà bộ phim có một đoạn hồi tưởng về vị giáo sư tại Đại Học Tübingen, kinh hoàng trước một thứ chủ nghĩa cực đoan hậu Công Đồng đang gây hại cho thần học, chúng ta có thể hiểu sự thận trọng của ngài đối với các chương trình ủng hộ cho những thay đổi chỉ vì muốn có sự đổi thay. Ước chi bộ phim có một đoạn hồi tưởng về vị tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin sáng tác một tài liệu đầy sắc thái, vừa phê phán lại vừa đánh giá sâu sắc về Thần học Giải phóng, chúng ta có thể hiểu rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô không hề thờ ơ với hoàn cảnh của người nghèo.

Bây giờ, tôi nhận ra rằng nếu làm như thế thì bộ phim sẽ dài hơn rất nhiều, nhưng ai quan tâm chuyện đó? Tôi đã sẵn sàng bỏ ra ba tiếng rưỡi đồng hồ xem bộ phim khá tẻ nhạt The Irishman. Tôi sẽ rất vui khi bỏ ra bốn tiếng xem một bộ phim chân thực và sâu sắc về Đức Joseph Ratzinger cũng như về Đức Jorge Mario Bergoglio. Đó không chỉ là một nghiên cứu tâm lý hấp dẫn, mà còn là một cái nhìn sáng sủa về hai quan điểm giáo hội khác nhau nhưng bổ sung sâu sắc cho nhau. Nếu không, chúng ta lại chỉ có thêm một phim biếm họa.


Source:Word On Fire
 
Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh
Vũ Văn An
20:10 10/01/2020


Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh

Nhân dịp trao đổi những lời chúc mừng năm mới, Tại đại sảnh Regia Thứ Năm, ngày 9 tháng 1 năm 2020

Thưa qúy vị

Qúy bà và qúy ông

Một năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta; giống như tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh, nó làm chúng ta tràn ngập niềm vui và hy vọng. Tôi muốn nói chữ đó, chữ “hy vọng”, vì đây là một nhân đức chủ yếu đối với các Kitô hữu, để truyền cảm hứng cho cách chúng ta tiếp cận thời gian ở phía trước.



Chắc chắn, hy vọng phải thực tiễn. Nó đòi hỏi phải thừa nhận nhiều vấn đề rắc rối đang đặt ra cho thế giới của chúng ta và các thách đố đang lấp ló cuối chân trời. Nó đòi các vấn đề được gọi đúng tên và sự can đảm phải có để giải quyết chúng. Điều này thúc giục chúng ta nhớ rằng gia đình nhân loại của chúng ta bị thẹo và bị thương bởi hàng loạt các cuộc chiến ngày càng có tính tàn phá, những cuộc chiến này đặc biệt ảnh hưởng đến người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất [1]. Đáng buồn thay, năm mới dường như không được đánh dấu bằng các dấu hiệu đáng khích lệ, mà là bằng các căng thẳng và hành động bạo lực gia tăng.

Chính trong những tình huống này, chúng ta không thể buông hy vọng. Và hy vọng đòi lòng can đảm. Nó có nghĩa là thừa nhận sự ác, sự đau khổ và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng, và ngay cả những vấn đề phức tạp nhất cũng có thể và phải đương đầu và giải quyết. Vì hy vọng là một “nhân đức linh hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiến lên phía trước, ngay cả khi những chướng ngại vật dường như không thể vượt qua” [2].

Các Đại sứ thân mến, trong tinh thần này, hôm nay, tôi xin chào đón qúy vị và gửi đến Qúy vị những lời chúc tốt đẹp của tôi cho năm mới. Tôi cảm ơn một cách đặc biệt vị Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài George Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp, vì những lời chào chúc thân ái của ông thay mặt Qúy vị. Tôi biết ơn tất cả các Qúy vị vì sự hiện diện vốn được đánh giá cao của Qúy vị và cho những nỗ lực hàng ngày của Qúy vị để củng cố các mối liên hệ hiện có giữa Tòa Thánh và các quốc gia khác nhau và các tổ chức quốc tế vì sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Hòa bình và sự phát triển toàn diện của con người trên thực tế là mục tiêu chính của Tòa Thánh trong việc tham gia của mình vào lĩnh vực ngoại giao. Đây cũng là mục đích của công việc được thực hiện bởi Phủ Quốc Vụ Khanh và các bộ sở của Giáo triều Rôma, nhưng còn bởi các Đại diện Giáo hoàng, những người mà tôi cảm ơn vì lòng tận tụy trong việc họ thực hiện sứ mệnh hai mặt của họ là đại diện cho Giáo hoàng trước Giáo hội địa phương và trước chính phủ liên hệ của Qúy vị.

Về phương diện này, chúng ta có thể nghĩ đến các Hiệp định có tính chất tổng quát được ký kết và phê chuẩn trong năm qua với Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi yêu dấu, Burkina Faso và Ăng-gô-la, cũng như Hiệp định giữa Tòa thánh và Cộng hòa Ý về việc áp dụng Công ước Lisbon về việc công nhận bằng cấp liên quan đến giáo dục đại học ở khu vực châu Âu.

Cũng vậy, các chuyến thăm Tông du, ngoài việc là một phương tiện ưu tuyển để Người kế vị thánh Phêrô củng cố anh chị em của mình trong đức tin, còn là dịp để cổ vũ đối thoại ở các bình diện chính trị và tôn giáo. Năm 2019, tôi đã có cơ hội thực hiện một số chuyến viếng thăm quan trọng. Tôi muốn duyệt lại chúng với Qúy vị và sử dụng việc này như một cơ hội để xem xét sâu hơn về một số vấn đề quan yếu của thời điểm hiện tại.



Vào đầu năm ngoái, trong Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34 ở Panama, tôi đã gặp những người trẻ tuổi từ năm châu lục, tràn đầy ước mơ và hy vọng, họ đã đến với nhau để cầu nguyện và nuôi dưỡng mong muốn được can dự vào việc xây dựng một thế giới nhân ái hơn [ 3]. Đó luôn là một niềm vui và một cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ các người trẻ tuổi. Họ là tương lai và là niềm hy vọng của các xã hội chúng ta, nhưng cũng là hiện tại của các xã hội này nữa.

Tuy nhiên, bi thảm thay, như chúng ta biết, không ít người lớn, trong đó có các thành viên khác nhau của hàng giáo sĩ, đã phải chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng đối với phẩm giá của người trẻ, của trẻ em và các thiếu niên, vi phạm sự vô tội và sự riêng tư của họ. Đây là những tội ác xúc phạm đến Thiên Chúa, gây ra thiệt hại về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân của chúng và làm hại cuộc sống của cả nhiều cộng đồng [4]. Sau cuộc họp của tôi tại Vatican vào tháng 2 năm ngoái với các đại diện của các giám mục thế giới, Tòa Thánh đã đổi mới cam kết của mình sẽ đưa ra ánh sáng các hành vi lạm dụng đã vi phạm và đảm bảo việc bảo vệ các vị thành niên qua một loạt các quy tắc để xử lý các trường hợp như vậy theo giáo luật và trong sự hợp tác với các chính quyền dân sự ở bình diện địa phương và quốc tế.

Vì tính nặng nề của tác hại gây ra, điều càng trở nên cấp thiết hơn là việc người lớn không được từ bỏ trách nhiệm giáo dục vốn là của riêng mình, trái lại phải thực hiện những trách nhiệm đó một cách nhiệt thành hơn nữa, để hướng dẫn các người trẻ đến sự trưởng thành về tinh thần, về nhân bản và xã hội.

Vì lý do này, tôi đã lên kế hoạch cho một biến cố toàn thế giới sẽ diễn ra vào ngày 14 tháng 5 sắp tới với chủ đề: Tái tạo Hiệp ước Hoàn cầu về Giáo dục. Cuộc tập hợp này nhằm để “khơi dậy cam kết của chúng ta đối với và cùng với những người trẻ tuổi, làm mới lại niềm say mê của chúng ta về một nền giáo dục cởi mở và bao gồm hơn, trong đó có việc lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại xây dựng và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Chưa bao giờ lại có nhu cầu phải hợp nhất các nỗ lực của chúng ta trong một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo các cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua chia rẽ và đối kháng, và khôi phục mạng lưới liên hệ vì thiện ích của một nhân loại huynh đệ nhiều hơn [5].

Giống như sự thay đổi có tính thời đại mà chúng ta đang trải qua, mọi thay đổi đều kêu gọi phải có một diễn trình giáo dục và tạo ra một làng giáo dục có khả năng hình thành một mạng lưới liên hệ cởi mở và nhân bản [6]. Ngôi làng đó nên đặt con người ở trung tâm, bằng cách đầu tư một cách sáng tạo và đầy trách nhiệm vào các dự án dài hạn, đào tạo các cá nhân sẵn lòng hiến mình phục vụ cộng đồng.

Lúc đó, điều cần thiết là một viễn kiến giáo dục có thể bao gồm một loạt rộng rãi các trải nghiệm sống và diễn trình học hỏi, để giúp người trẻ, cả cá nhân lẫn tập thể, phát triển nhân cách của họ. Giáo dục không giới hạn trong các lớp học ở trường và đại học; chủ yếu được bảo đảm bằng cách củng cố và tăng cường quyền giáo dục hàng đầu của gia đình, và quyền của các Giáo hội và các cộng đồng xã hội trong việc hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình nuôi dạy con cái họ.

Giáo dục đòi phải bước vào cuộc đối thoại chân thành và chân thực với người trẻ. Họ là những người trước hết làm cho chúng ta nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải có sự liên đới giữa các thế hệ, điều, đáng buồn thay, đang rất thiếu trong những năm gần đây. Thực thế, ở nhiều nơi trên thế giới, hiện đang có xu hướng chỉ biết lưu tâm đến mình, lo bảo vệ các quyền và đặc quyền đã thủ đắc được, và nhìn thế giới trong một chân trời chật hẹp, đối xử với người già một cách thờ ơ và không còn chào đón trẻ sơ sinh. Sự lão hóa chung của dân số thế giới, đặc biệt ở phương Tây, là một điển hình đáng buồn và đầy biểu tượng của điều này.

Mặc dù không quên rằng người trẻ muốn nghe lời và nhìn gương sáng của người lớn, chúng ta cũng nên nhận thức rõ rằng bản thân họ có nhiều điều để cung ứng, nhờ vào lòng nhiệt tình và dấn thân của họ. Chưa nói đến lòng khao khát sự thật của họ, một điều luôn nhắc nhở chúng ta về sự kiện này: lòng hy vọng không phải là điều không tưởng và hòa bình luôn là điều tốt đẹp có thể đạt được.

Chúng ta đã thấy điều này trong cách nhiều người trẻ trở nên tích cực trong việc kêu gọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo chính trị đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta phải là mối quan tâm của mọi người chứ không phải là đối tượng của xung đột ý thức hệ giữa các quan điểm khác nhau về thực tại hoặc, ít hơn, giữa các thế hệ. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “khi tiếp xúc với thiên nhiên, các cá nhân tái khám phá được chiều kích riêng của họ; họ nhận ra rằng họ là các tạo vật nhưng đồng thời là những người duy nhất, ‘có khả năng biết Thiên Chúa’ vì tự thẩm cung, họ cởi mở đón nhận Đấng Vô hạn” [7]. Việc bảo vệ ngôi nhà đã được ban cho chúng ta bởi Đấng Tạo Hóa không thể bị làm ngơ hoặc giảm xuống thành một mối quan tâm chỉ của những người ưu tuyển. Các người trẻ nói với chúng ta rằng điều này không thể đúng, vì ở mọi bình diện, chúng ta đang được thách thức một cách khẩn cấp phải bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và “đem cả gia đình nhân loại lại với nhau để mưu tìm một sự phát triển bền vững và toàn diện” [8]. Chúng nhắc nhở chúng ta về nhu cầu cấp thiết phải hoán cải sinh thái, một điều “phải được hiểu một cách toàn diện, như một biến đổi cách chúng ta tương quan với anh chị em của chúng ta, với các sinh vật khác, với sáng thế trong sự đa dạng phong phú của nó và với Đấng Tạo Dựng vốn là nguồn và gốc mọi sự sống” [9].

Đáng buồn thay, sự cấp bách của việc hoán cải sinh thái này dường như chưa được nền chính trị quốc tế nắm vững, vì tại nơi này, việc đáp ứng các nan đề do các vấn đề hoàn cầu nêu ra như biến đổi khí hậu vẫn còn rất yếu và là một nguồn gây lo ngại nghiêm trọng. Hội nghị thứ 25 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP25), được tổ chức tại Madrid vào tháng 12 năm ngoái, làm dấy lên nhiều mối lo ngại nghiêm trọng về ý chí của cộng đồng quốc tế để đương đầu với sự khôn ngoan và hiệu quả của hiện tượng hoàn cầu nóng lên, một việc đòi phải có đáp ứng tập thể có khả năng đặt thiện ích chung lên trên lợi ích đặc thù.



Các xem xét trên khiến chúng ta chú ý tới Châu Mỹ Latinh trở lại, và đặc biệt là Phiên Đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục Vùng Amazon, được tổ chức tại Vatican vào tháng 10 năm ngoái. Thượng hội đồng, trong yếu tính, là một sự kiện giáo hội, được thúc đẩy bởi ước muốn lắng nghe các hy vọng và thách đố của Giáo hội tại toàn vùng Amazon và mở ra những nẻo đường mới để loan báo Tin Mừng cho dân Chúa, nhất là cho các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, phiên họp của Thượng Hội Đồng không thể không thảo luận cả các vấn đề khác, bắt đầu với hệ sinh thái toàn diện. Những vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống của khu vực đó, rất rộng lớn và quan trọng đối với toàn thế giới, bởi vì rừng nhiệt đới Amazon là ‘trái tim sinh học’ đối với trái đất ngày càng bị đe dọa” [10].

Ngoài tình hình ở khu vực Amazon, một nguyên nhân khác gây lo ngại là sự lan tràn các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số ngày càng tăng các quốc gia của lục địa Mỹ, kèm theo các căng thẳng và các hình thức bạo lực không quen thuộc làm gia trọng các xung đột xã hội và gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội và nhân đạo. Việc phân cực lớn hơn này không giúp giải quyết các vấn đề thực chất và cấp bách của công dân, đặc biệt những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, bạo lực cũng không thể, người ta không có lý do nào có thể sử dụng bạo lực như một biện pháp để xử lý các vấn đề chính trị và xã hội. Ở đây, trong khung cảnh này, tôi muốn đề cập đến Venezuela cách riêng, để các cố gắng tìm kiếm giải pháp sẽ tiếp tục.

Nói chung, các cuộc xung đột của khu vực Châu Mỹ, bất chấp nguồn gốc khác nhau, đều có liên hệ với nhau bởi các hình thức bất bình đẳng, bất công sâu xa và tham nhũng đặc hữu, cũng như các hình thức nghèo đói khác nhau xúc phạm đến nhân phẩm. Do đó, cần có các nhà lãnh đạo chính trị biết làm việc cần mẫn để thiết lập lại nền văn hóa đối thoại vì thiện ích chung, củng cố các định chế dân chủ và cổ vũ việc thượng tôn pháp luật, như một biện pháp chống lại các khuynh hướng phản dân chủ, dân túy và cực đoan.

Trong hành trình thứ hai trong năm 2019 của tôi, tôi đã đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, chuyến thăm đầu tiên của một Người kế vị Phêrô đến Bán đảo Ả Rập. Tại Abu Dhabi, tôi đã cùng Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, ký kết Văn kiện về tình huynh đệ nhân bản vì hòa bình thế giới và chung sống. Đây là một bản văn quan trọng, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo, và cùng tồn tại hòa bình trong các xã hội ngày càng đa sắc tộc và đa văn hóa. Trong khi lên án mạnh mẽ việc sử dụng tên của Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, đày ải, khủng bố và áp bức [11], Tài liệu nhắc lại tầm quan trọng của khái niệm quyền công dân, “dựa trên sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, theo đó tất cả đều được hưởng công lý” [12]. Điều này đòi phải tôn trọng tự do tôn giáo và quyết tâm bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ đầy kỳ thị “các nhóm thiểu số”, một thuật ngữ vốn gây ra cảm giác cô lập và mặc cảm tự ti, và dọn đường cho thù nghịch và bất hòa, kỳ thị giữa các công dân trên cơ sở thống thuộc tôn giáo của họ [ 13]. Để đạt mục tiêu này, điều đặc biệt quan trọng là huấn luyện các thế hệ tương lai trong cuộc đối thoại liên tôn, vốn là con đường chính để nhận thức nhiều hơn, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau.

Hòa bình và hy vọng cũng là tâm điểm của chuyến thăm Ma-rốc của tôi, nơi, với Đức vua Muhammed VI, tôi đã ký một lời kêu gọi chung về Giêrusalem, để công nhận đặc tính độc đáo và thánh thiêng của Jerusalem / Al-Quds Acharif, và sâu sắc quan tâm đến ý nghĩa tâm linh và ơn gọi đặc biệt của nó như là một thành phố của hòa bình [14]. Và từ Giêrusalem, một thành phố thân yêu đối với tín hữu của ba tôn giáo độc thần, một thành phố được kêu gọi trở thành nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng và chung sống hòa bình, nơi tôn trọng và đối thoại lẫn nhau được vun sới [15], tôi không thể không quay về toàn bộ Thánh địa và nhắc lại nhu cầu cấp thiết để toàn bộ cộng đồng quốc tế tái xác nhận, một cách can đảm và chân thành, và tôn trọng luật pháp quốc tế, cam kết của mình trong việc hỗ trợ tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

Một sự tham gia kiên trì và hữu hiệu hơn về phần cộng đồng quốc tế là điều cấp bách nhất ở nhiều phần khác của khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông. Tôi nghĩ đặc biệt đến bức màn im lặng có nguy cơ phủ lên cuộc chiến từng tàn phá Syria trong suốt thập niên qua. Điều bắt buộc là phải đưa ra các giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa có khả năng tạo điều kiện cho người dân Syria yêu dấu, vốn kiệt sức vì chiến tranh, giành lại hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước. Tòa Thánh ủng hộ mọi sáng kiến nhằm đặt nền móng cho việc giải quyết cuộc xung đột, và một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn đối với Jordan và Lebanon vì đã nghinh đón và nhận trách nhiệm, với nhiều hy sinh đáng kể, đối với hàng triệu người tị nạn Syria. Đáng buồn thay, ngoài những khó khăn gây ra bởi sự nghinh đón này, các yếu tố bất trắc kinh tế và chính trị khác, ở Lebanon và các quốc gia khác, đang gây ra căng thẳng trong dân chúng, gây nguy hiểm cho sự ổn định mong manh của Trung Đông.

Đặc biệt đáng lo ngại là các tín hiệu đến từ toàn bộ khu vực tiếp theo việc gia tăng các căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ, có nguy cơ trước hết ảnh hưởng đến diễn trình tái thiết dần dần ở Iraq, cũng như đặt cơ sở cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh khỏi. Do đó, tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi rằng mọi bên liên hệ nên tránh việc leo thang cuộc xung đột và “duy trì ngọn lửa đối thoại và tự kiềm chế” [16] trong việc hoàn toàn tôn trọng luật pháp quốc tế.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Yemen, nơi đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây giữa sự thờ ơ chung của cộng đồng quốc tế, và hướng về Libya, trong nhiều năm đã trải qua một tình huống xung đột, bị làm cho trầm trọng hơn do sự đột nhập của các nhóm cực đoan và do sự tăng cường bạo lực hơn nữa trong những ngày gần đây. Tình hình đó cung cấp mảnh đất màu mỡ cho tai họa bóc lột và buôn bán người, được thực hiện bởi những người vô lương tâm chuyên khai thác sự nghèo đói và đau khổ của những tình huống xung đột hoặc nghèo đói cùng cực mau qua này. Trong số những người vừa kể, nhiều người trở thành con mồi của các tổ chức tội phạm thực sự, chúng giam cầm họ trong những điều kiện vô nhân đạo và làm mất phẩm giá họ, bắt họ chịu tra tấn, bạo lực tình dục và các hình thức tống tiền.

Tổng quát hơn, cần lưu ý rằng nhiều ngàn người trên thế giới của chúng ta đang đưa ra các yêu cầu hợp pháp xin tạm trú, và có những nhu cầu nhân đạo có thể kiểm chứng được và nhu cầu bảo vệ chưa được nhận diện thỏa đáng. Nhiều người đang liều mạng sống của họ trong những chuyến đi đầy nguy hiểm bằng đường bộ và nhất là bằng đường biển. Thật đau đớn khi phải thừa nhận rằng Biển Địa Trung Hải tiếp tục là một nghĩa trang rộng lớn [17]. Do đó, ngày càng cấp bách để mọi quốc gia chấp nhận trách nhiệm tìm ra các giải pháp lâu dài.

Về phần mình, Tòa Thánh rất hy vọng nhìn thấy các nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm chia sẻ gánh nặng tái định cư cho người tị nạn, đặc biệt những người chạy trốn các trường hợp nhân đạo khẩn cấp, và cung cấp cho họ một nơi an toàn để sống, được giáo dục và có khả năng có việc làm và đoàn tụ với gia đình của họ.

Các Đại sứ thân mến,

Trong các chuyến đi của tôi trong năm vừa qua, tôi cũng đã có thể đến thăm ba quốc gia Đông Âu, đầu tiên là Bulgaria và Bắc Macedonia, và sau đó là Romania. Ba quốc gia khác nhau, nhưng được liên kết bởi sự kiện: trong nhiều thế kỷ, họ vốn là cầu nối giữa Đông và Tây, và là ngã tư của các nền văn hóa, sắc tộc và nền văn minh đa dạng. Khi tôi đến thăm họ, tôi được một lần nữa trải nghiệm tầm quan trọng của đối thoại và nền văn hóa gặp gỡ trong việc tạo ra các xã hội hòa bình, trong đó mỗi cá nhân có thể tự do phát biểu bản sắc sắc tộc và tôn giáo của mình.

Vẫn còn trong bối cảnh châu Âu, tôi muốn khẳng định lại tầm quan trọng của việc hỗ trợ đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế như là một biện pháp giải quyết “các cuộc xung đột đóng băng” vẫn tồn tại trên lục địa, một số trong đó đã kéo dài hàng thập niên nay và đòi phải có một giải pháp, bắt đầu với các tình huống liên quan đến phía tây dẫy Balkan và miền nam dẫy Caucasus, bao gồm Georgia. Trong khung cảnh này, tôi cũng muốn bày tỏ sự khích lệ của Tòa Thánh đối với các cuộc đàm phán để thống nhất đảo Síp, một điều sẽ gia tăng sự hợp tác khu vực và thúc đẩy sự ổn định của toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Tôi cũng bày tỏ sự đánh giá cao của tôi đối với các nỗ lực đã đưa ra nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và chấm dứt đau khổ của người dân.

Đối thoại – chứ không phải vũ khí - là cách thiết yếu để giải quyết các tranh chấp. Về phương diện này và trong khung cảnh này, tôi muốn ghi nhận sự đóng góp, thí dụ, ở Ukraine, của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đặc biệt trong năm nay, năm đánh dấu kỷ niệm bốn mươi lăm năm Đạo luật Helsinki Cuối cùng. Đạo luật này đã kết thúc Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (CSCE), được khởi xướng vào năm 1973 để cổ vũ sự lắng dịu và hợp tác giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, vào thời điểm lục địa còn bị chia cắt bởi Bức màn sắt. Đạo luật Cuối cùng là một giai đoạn quan trọng trong một diễn trình bắt đầu sau Thế Chiến hai, một diễn trình coi đồng thuận và đối thoại như công cụ chính để giải quyết các cuộc xung đột.

Các nền tảng của diễn trình hội nhập châu Âu đã được đặt ở Tây Âu vào năm 1949 với việc thành lập Hội đồng châu Âu và việc thông qua Công ước châu Âu về nhân quyền sau đó. Công ước này nhìn thấy một trụ cột thiết yếu trong Tuyên bố ngày 9 tháng 5 năm 1950 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Robert Schuman. Ông Schuman tuyên bố rằng “hòa bình không thể được bảo đảm ngoại trừ bằng cách đưa ra các cố gắng sáng tạo tương xứng với những nguy cơ đe dọa nó”. Những người sáng lập ra châu Âu hiện đại nhận ra rằng chỉ nhờ một diễn trình tiệm tiến chia sẻ các lý tưởng và tài nguyên, lục địa này mới có thể phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh và những chia rẽ mới nảy sinh sau đó.

Tòa Thánh đã rất quan tâm theo dõi dự án châu Âu từ những năm đầu tiên của nó; năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm sự hiện diện của Toà Thánh như một Quan sát viên cạnh Hội đồng Châu Âu và việc thiết lập liên hệ ngoại giao với các Cộng đồng Châu Âu khi đó. Tòa Thánh vốn tìm cách nhấn mạnh lý tưởng của một diễn trình tăng trưởng bao gồm lấy cảm hứng từ tinh thần tham gia và liên đới, có khả năng biến châu Âu thành một mô hình nghinh đón và bình đẳng xã hội được hướng dẫn bởi các giá trị chung có tính nền tảng. Dự án châu Âu tiếp tục là sự bảo đảm căn bản cho việc phát triển đối với những ai vốn chia sẻ từ lâu và là cơ hội cho hòa bình, sau những xung đột và thương tích đầy sóng gió, cho những quốc gia nào vốn mong muốn tham gia vào đó.

Do đó, châu Âu không nên đánh mất cảm thức liên đới mà trong nhiều thế kỷ từng làm nó nổi bật, ngay trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử. Mong sao nó không đánh mất tinh thần đó, một tinh thần vốn tìm thấy nguồn gốc của nó, trong số những nguồn khác, trong lòng hiếu thảo (pietas) La Mã và trong đức ái (caritas) Kitô giáo vốn định hình tinh thần của các dân tộc châu Âu. Vụ hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà ở Paris cho thấy ngay cả những thứ dường như quá vững chắc cũng có thể dễ tan vỡ và dễ dàng bị phá hủy. Thiệt hại cho một tòa nhà không những chỉ quý giá đối với người Công Giáo mà còn quan trọng đối với toàn bộ nước Pháp và toàn bộ nhân loại, đã làm sống lại câu hỏi về các giá trị lịch sử và văn hóa của Châu Âu, và nguồn gốc sâu xa hơn của nó. Trong các tình huống nơi thiếu khung giá trị, người ta thấy việc nhận diện các yếu tố chia rẽ dễ dàng hơn việc nhận diện các yếu tố đoàn kết.

Lễ kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày Bức tường Berlin sụp đổ nhắc nhở chúng ta về một trong những biểu tượng đau đớn nhất của Lịch sử lục địa gần đây và khiến chúng ta nhận ra một lần nữa việc dựng lên các rào cản dễ dàng biết bao. Bức tường Berlin vẫn là biểu tượng của một nền văn hóa chia rẽ khiến mọi người xa lánh nhau và mở đường cho chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Chúng ta thấy điều này ngày càng nhiều trong các ngôn từ thù hận nhan nhản trên internet và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thay vì những bức tường thù hận, chúng ta thích những cây cầu hòa giải và đoàn kết hơn; thay vì những gì làm ra xa cách, chúng ta thích những gì thu hút mọi người lại gần nhau hơn. Vì chúng ta biết rằng, như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Bênêđíctô XV đã viết cách đây một trăm năm, “không thể có hòa bình ổn định... nếu không có hòa giải dựa trên tình bác ái hỗ tương như một phương tiện để dập tắt hận thù và xua đuổi thù hận” [18].

Các Đại sứ thân mến,

Tôi đã có thể nhìn thấy các dấu hiệu hòa bình và hòa giải trong chuyến thăm châu Phi của tôi, nơi niềm vui hết sức rõ rệt nơi những người cảm thấy là một phần của một dân tộc và cùng nhau đối diện với những thách thức hàng ngày của cuộc sống trong tinh thần chia sẻ. Tôi đã trải nghiệm niềm hy vọng cụ thể dưới hình thức nhiều biến cố đáng khích lệ, bắt đầu với những tiến bộ hơn nữa đạt được ở Mozambique trước ngày ký kết việc dứt khoát chấm dứt chiến sự ngày 1 tháng 8 năm 2019.



Ở Madagascar, tôi đã thấy người ta có thể tạo được an ninh như thế nào tại một nơi trước đây vốn có sự bất ổn, thấy được niềm hy vọng thay vì tâm trạng không thể tránh khỏi, thấy được các dấu hiệu của sự sống ở một nơi có nhiều chết chóc và hủy diệt được công bố [19]. Điều thiết yếu trong phương diện này là các gia đình và cảm thức cộng đồng, những điều có thể giúp sự tăng trưởng của niềm tin tưởng căn bản vốn là gốc rễ của mọi mối liên hệ nhân bản. Ở Mauritius, tôi quan sát “cách các tôn giáo khác nhau, dù tôn trọng bản sắc chuyên biệt của mình, vẫn cùng tay trong tay đóng góp cho sự hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của cuộc sống chống lại mọi loại chủ nghĩa giản lược” [20]. Tôi tin tưởng rằng sự nhiệt tình, rất hiển hiện ở mọi thời điểm trong chuyến hành trình của tôi, sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các hành động chấp nhận cụ thể và các dự án có khả năng cổ vũ công bằng xã hội và tránh các biểu hiện loại trừ.

Mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến các phần khác của lục địa, thật đau lòng khi chứng kiến, đặc biệt ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Nigeria, các tình tiết bạo lực liên tục chống lại những người vô tội, trong đó, nhiều Kitô hữu bị bách hại và sát hại vì trung thành với Tin Mừng. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nỗ lực của các quốc gia này nhằm loại bỏ đại họa khủng bố đang gây ra ngày càng nhiều đổ máu ở khắp nhiều vùng châu Phi, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Trước những biến cố này, chúng ta cần thực hiện các chiến lược thiết thực không những chỉ nhằm tăng cường an ninh, mà còn giảm nghèo, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ nhân đạo, và cổ vũ việc cai trị tốt và dân quyền. Đây là những trụ cột của sự phát triển xã hội đích thực.

Tương tự như vậy, cần phải khuyến khích các sáng kiến nhằm cổ vũ tình huynh đệ trong mọi nhóm văn hóa, sắc tộc và tôn giáo địa phương, đặc biệt ở vùng Sừng châu Phi, ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi bạo lực vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở phía đông của nước này. Các tình huống xung đột và khủng hoảng nhân đạo, bị làm cho trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, đang gia tăng số lượng người phải di tản và ảnh hưởng đến những người vốn đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều quốc gia trải qua những tình huống này đang thiếu các cơ cấu thỏa đáng để đáp ứng nhu cầu của người di tản.

Về phương diện này, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thật đáng buồn, vẫn chưa có một đáp ứng quốc tế nhất quán để giúp giải quyết hiện tượng di tản nội bộ. Điều này phần lớn do thiếu một định nghĩa được quốc tế đồng ý, vì hiện tượng này diễn ra trong biên giới quốc gia. Kết quả là những người phải di tản trong nước không phải lúc nào cũng nhận được sự bảo vệ mà họ đáng được, và phải phụ thuộc vào chính sách và khả năng đáp ứng của các quốc gia nơi họ cư ngụ.

Gần đây, Hội Đồng cấp cao của Liên hiệp quốc về Việc Di Tản Nội bộ đã bắt đầu hoạt động, hội đồng mà tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý và hỗ trợ khắp thế giới cho những người di tản, trong khi đưa ra các kế hoạch và dự án cụ thể.

Về phương diện này, tôi cũng nghĩ đến Sudan, với niềm hy vọng mãnh liệt rằng các công dân của họ sẽ có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng, và hợp tác trong việc tăng trưởng kinh tế và dân chủ của đất nước. Tôi cũng nghĩ tới Cộng hòa Trung Phi, nơi một thỏa thuận hoàn cầu được ký kết vào tháng 2 năm ngoái để chấm dứt hơn 5 năm nội chiến. Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Nam Sudan, nơi tôi hy vọng có thể đến thăm trong năm nay. Tháng Tư vừa qua, tôi đã dành một ngày tĩnh tâm cho đất nước này, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo của nó và với sự đóng góp được đánh giá cao của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, và Mục sư John Chalmers, cựu điều hành viên của Giáo hội Trưởng lão Scotland. Tôi tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị sẽ theo đuổi đối thoại để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.



Hành trình cuối cùng của tôi trong năm vừa kết thúc là đến Đông Á. Ở Thái Lan, tôi đã có thể chứng kiến sự hòa hợp đặc trưng của nhiều nhóm sắc tộc của đất nước, với những nền triết lý, văn hóa và tôn giáo đa dạng của họ. Điều này nói lên một thách thức đáng kể trong bối cảnh hoàn cầu hóa hiện nay, nơi mà các khác biệt có xu hướng được dần dần san bằng và được chủ yếu xem xét về mặt kinh tế và tài chính, với nguy cơ xóa bỏ các đặc điểm khác biệt của các dân tộc khác nhau.

Cuối cùng, ở Nhật Bản, tôi đã trải qua một cách thấm thía nỗi đau và nỗi kinh hoàng mà con người chúng ta có khả năng gây ra cho nhau [21]. Khi nghe những lời chứng của một số Hibakusha, những người sống sót sau những quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, tôi thấy rõ rằng hòa bình đích thực không thể được xây dựng dựa trên mối đe dọa hủy diệt hoàn toàn loài người bằng vũ khí hạch nhân. Hibakusha “vẫn giữ ngọn lửa của lương tâm tập thể, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về nỗi kinh hoàng của những gì đã xảy ra vào tháng 8 năm 1945 và những đau khổ không thể kể xiết vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Lời chứng của họ đã đánh thức và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại có thể trỗi dậy chống mọi thèm khát thống trị và hủy diệt” [22], đặc biệt là lòng thèm khát được thúc đẩy bởi việc sở hữu các thiết bị có khả năng hủy diệt như các vũ khí hạch nhân. Những vũ khí này không những chỉ nuôi dưỡng bầu không khí sợ hãi, nghi ngờ và thù địch; chúng còn phá hủy hy vọng. Việc sử dụng chúng là vô luân, “một tội ác không những chỉ chống lại nhân phẩm mà còn chống lại bất cứ tương lai khả hữu nào đối với ngôi nhà chung của chúng ta” [23].

Một thế giới “không có vũ khí hạch nhân là điều có thể có và cần thiết” [24]. Đã đến lúc để các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra rằng một thế giới an toàn hơn sẽ xuất hiện không phải nhờ sự sở hữu có tính răn đe các phương tiện hủy diệt hàng loạt mạnh mẽ, mà nhờ những nỗ lực kiên nhẫn của những người đàn ông và đàn bà có thiện chí, những người, trong các lĩnh vực riêng của họ, tân tụy một cách cụ thể trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, liên đới và tôn trọng lẫn nhau.

Năm 2020 cung cấp một cơ hội quan trọng về phương diện này, kể từ Hội nghị lần thứ mười Duyệt xét Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạch nhân sẽ được tổ chức tại New York vào ngày 27 tháng 4 đến 22 tháng 5 tới. Hy vọng sống động của tôi là cộng đồng quốc tế sau đó sẽ xoay sở để đạt được sự đồng thuận có tính kết luận và chủ động về các cách thức thực thi công cụ pháp lý quốc tế này, một điều tự cho thấy đã trở nên quan trọng hơn trong các thời kỳ giống như thời kỳ của chúng ta.

Khi kết thúc bài duyệt lại các nơi tôi đã ghé thăm trong năm qua, các suy nghĩ của tôi hướng đặc biệt về một quốc gia tôi chưa đến thăm, đó là nước Úc, đang bị tấn công nặng nề trong những tháng gần đây bởi những đám cháy dai dẳng đã ảnh hưởng đến cả các khu vực khác ở Châu Đại Dương. Tôi muốn bảo đảm với người dân Úc sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi, đặc biệt với các nạn nhân và tất cả những người trong khu vực bị tàn phá bởi hỏa hoạn.

Thưa qúy vị, quý bà và qúy ông,

Năm nay, cộng đồng quốc tế kỷ niệm năm thứ bảy mươi lăm ngày thành lập Liên Hiệp Quốc. Sau những thảm kịch đã xảy ra sau hai cuộc chiến tranh thế giới, ngày 26 tháng 4 năm 1945, bốn mươi sáu quốc gia đã ký Hiến chương Liên hiệp quốc và thiết lập một hình thức hợp tác đa phương mới. Bốn mục tiêu của Tổ chức, được quy định ở Điều 1 của Hiến chương, vẫn còn hiệu lực cho đến ngày hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng các cố gắng của Liên Hiệp Quốc trong bảy mươi lăm năm qua phần lớn đã thành công, nhất là trong cách ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới khác. Các nguyên tắc nền tảng của Tổ chức - mong muốn hòa bình, theo đuổi công lý, tôn trọng phẩm giá con người, hợp tác và hỗ trợ nhân đạo - thể hiện khát vọng chính đáng của tinh thần con người và cấu tạo ra các lý tưởng nên trở thành nền tảng cho các mối liên hệ quốc tế.

Trong năm kỷ niệm này, chúng ta mong muốn tái khẳng định quyết tâm của toàn bộ gia đình nhân loại sẽ làm việc vì thiện ích chung như một tiêu chuẩn cho hành động đạo đức và là mục tiêu truyền cảm hứng cho mỗi quốc gia hợp tác để bảo đảm sự tồn tại và an ninh hòa bình của mọi quốc gia khác, trong tinh thần tôn trọng phẩm giá bình đẳng và tình liên đới hữu hiệu, và trong một hệ thống pháp lý dựa trên công lý và theo đuổi các thỏa hiệp chính đáng [25].

Điều này sẽ hữu hiệu hơn bao lâu các cố gắng được thực hiện để vượt qua cách tiếp cận gián tiếp vốn được sử dụng trong ngôn ngữ và hành vi của các cơ quan quốc tế, nhằm tìm cách liên kết các quyền căn bản vào các tình huống ngẫu nhiên. Cách tiếp cận như vậy quên mất điều này: các quyền này có cơ sở nội tại ngay trong bản chất con người. Bất cứ khi nào từ vựng của các tổ chức quốc tế mất đi cơ sở khách quan rõ ràng, người ta có nguy cơ cổ vũ sự xa lánh hơn là sáp lại gần giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế, với cuộc khủng hoảng tiếp theo đối với hệ thống đa phương, hiện đang, buồn thay, rất hiển hiện đối với mọi người. Trong bối cảnh này, rõ ràng cần phải, một lần nữa, tiến tới cuộc cải cách tổng thể hệ thống đa phương, bắt đầu với hệ thống Liên Hiệp Quốc, một hệ thống sẽ làm cho nó trở thành hữu hiệu hơn, có tính đến một cách thích đáng bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Các Đại sứ thân mến,

Lúc kết thúc những suy tư này, tôi muốn đề cập đến hai ngày kỷ niệm khác sẽ diễn ra trong năm nay, dù dường như không liên quan gì đến cuộc gặp gỡ hôm nay. Đầu tiên là lễ kỷ niệm năm trăm năm ngày qua đời của Raphael [Raffaello Sanzio], nhà nghệ sĩ vĩ đại quê ở Urbino, người đã chết ở Rome vào ngày 6 tháng 4 năm 1520. Raphael để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại hết sức đẹp đẽ. Giống như một thiên tài nghệ sĩ có thể pha trộn các nguyên liệu thô và màu sắc và âm thanh khác nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ngoại giao cũng thế, được yêu cầu phải hài hòa các đặc điểm khác biệt của các dân tộc và quốc gia khác nhau để xây dựng một thế giới công lý và hòa bình. Đây thực sự là kiệt tác tuyệt đẹp mà tất cả chúng ta muốn có thể chiêm ngưỡng.

Raphael là một nhân vật quan trọng thời Phục hưng, một thời đại làm phong phú toàn nhân loại. Đó là một thời đại có những vấn đề riêng của nó, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Khi nhắc tới nhà nghệ sĩ kiệt xuất này, tôi muốn gửi lời chào thân ái đến người dân Ý, với niềm hy vọng kiểu cầu nguyện rằng họ sẽ khám phá lại tinh thần cởi mở đối với tương lai vốn điển hình hóa thời Phục hưng và làm cho bán đảo này trở nên đẹp đẽ và phong phú về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.

Một trong những chủ đề yêu thích của Raphael, là Đức Trinh Nữ Maria. Với ngài, ông đã dành nhiều bức tranh mà, ngày nay, ta có thể chiêm ngưỡng trong các viện bảo tàng khắp thế giới. Đối với Giáo Hội Công Giáo, năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ bảy mươi ngày công bố việc Mông Triệu của Đức Trinh Nữ Maria. Nhìn lên Đức Maria, tôi muốn nói một lời đặc biệt với mọi phụ nữ, hai mươi lăm năm sau Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ tư của Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995. Tôi hy vọng rằng vai trò vô giá của phụ nữ trong xã hội có thể ngày càng được thừa nhận trên toàn thế giới và mọi hình thức bất công, kỳ thị và bạo lực chống lại phụ nữ đi đến hồi kết liễu. “Mọi hình thức bạo lực đối với một người phụ nữ là một sự phạm thượng đối với Thiên Chúa” [26]. Các hành vi bạo lực và bóc lột nhắm vào phụ nữ không chỉ đơn thuần sai lầm; chúng còn là các tội ác phá hủy sự hài hòa, thi ca và vẻ đẹp mà Chúa đã muốn ban cho thế giới [27].

Việc Mông Triệu của Đức Maria cũng mời gọi chúng ta nhìn về phía trước, tới việc hoàn thành cuộc hành trình trần thế của chúng ta, tới ngày khi công lý và hòa bình sẽ được thiết lập lại hoàn toàn. Lúc đó, mong sao chúng ta cảm thấy được khuyến khích làm việc siêng năng, qua chính sách ngoại giao vốn là sự đóng góp không hoàn hảo của con người chúng ta nhưng luôn có giá trị, để đẩy nhanh việc hoàn thành khát vọng hòa bình này, vì biết rằng mục tiêu này có thể đạt được. Khẳng định lại cam kết này, tôi xin lặp lại với tất cả Qúy vị, các Đại sứ thân yêu và các vị khách quý, và cho các quốc gia của Qúy vị, những lời chúc thân ái tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới giàu hy vọng và mọi phước lành.

Xin cảm ơn Qúy vị!

_________________________________



[1] Xem Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 1.

[2] Ibid.

[3] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ các nhà chức trách, Ngoại giao đoàn và Đại diện Xã hội, Panama, ngày 24 tháng 1 năm 2019.

[4] Tự sắc Vox Estis Lux Mundi, ngày 7 tháng 5 năm 2019.

[5] Thông điệp nhân ngày ra mắt Hiệp ước Hoàn cầu về giáo dục, ngày 12 tháng 9 năm 2019.

[6] ibid

[7] Kinh Truyền tin, Les Combes, 17 tháng 7 năm 2005.

[8] Thông điệp Laudato Si , ngày 24 tháng 5 năm 2015, 13.

[9] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 4.

[10] Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục cho khu vực Amazon, “Amazon: Những nẻo đường mới cho Giáo Hội và cho nền sinh thái toàn diện” 2,.

[11] Văn kiện về tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019.

[12] Ibid.

[13] ibid

[14] Lời Kêu gọi của Đức vua Mohammed VI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Jerusalem / Al Quds, Thành phố Thánh và một nơi gặp gỡ, Rabat, ngày 30 tháng 3 năm 2019.

[15] ibid

[16] Kinh Truyền tin, ngày 5 tháng 1 năm 2020.

[17] Diễn văn với Nghị viện châu Âu, Strasbourg, ngày 25 tháng 11 năm 2014.

[18] Đức Bênêđictô XV, Thông điệp Pacem, Dei Munus Pulcherrimum, 23/5/1920.

[19] Xem Lễ Chào mừng tại Thành phố Hữu nghị Akamasoa, Antananarivo, ngày 8 tháng 9 năm 2019.

[20] Xem Diễn văn với các Nhà cầm quyền, đại diện xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn, Port Louis, ngày 9 tháng 9 năm 2019.

[21] Xem Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[22] Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2020, ngày 8 tháng 12 năm 2019, 2.

[23] Diễn văn tại Cuộc Gặp gỡ vì Hòa bình, Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[24] Diễn văn về vũ khí hạch nhân, Nagasaki, ngày 24 tháng 11 năm 2019.

[25] Xem Đức Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, 11 tháng 4 năm 1963, 98 [ed. Carlen].

[26] Bài giảng Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Ngày Hòa bình Thế giới 2020, ngày 1 tháng 1 năm 2020.

[27] Xem La donna è l’armonia del mondo. Suy niệm trong thánh lễ buổi sáng tại nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, ngày 9 tháng 2 năm 2017.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhà Thờ Giáo Họ Vĩnh Điền Hiện Tại & Tương Lai - Thế Kỷ 21. ĐP Hà Tĩnh. 10.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
15:00 10/01/2020
Nhà Thờ Giáo Họ Vĩnh Điền Thế Kỷ XXI (thuộc Giáo Xứ Vĩnh Hội)

Địa Phận Hà Tĩnh

Giáo Họ Vĩnh Điền - Nhiệm Mầu Tình Chúa Bao La

Cách nay chắc khoảng 15-20 năm, trong chương trình giúp đỡ học sinh nghèo ở Việt Nam, tôi được các Sisters… giới thiệu một số các em nữ vừa mãn lớp 6…. từ miền đất sỏi đá khô cằn…. vào Huế học…. tôi nhận đỡ đầu một số em… mỗi năm…. tiền túi…

Rồi bẵng đi một thời gian, tôi có cơ hội về thăm Quê Hương và Giáo Hội Mẹ, tôi quyết định làm một chuyến ra Trung ra Bắc, sau khi bắt được ‘Nhịp Cầu’ với những người ‘Con Tinh Thần’ mà tôi ‘Chưa Bao Giờ’ gặp. Bây giờ gặp, những đứa con nầy đã lập gia đình, có con có cháu hết rồi... Tôi được hân hạnh rửa tội cho một vài cháu của ‘Các Đứa Con Tinh Thần’

“Miền Trung Sỏi Đá Nghèo Nàn”… Tôi được gia đình những đứa con tinh thần đưa đi thăm các Xứ Đạo, Giáo Họ… Như Dụ Thành và Vĩnh Hội, Thuận Nghĩa, Cửa Sót… đến những Giáo Họ Nghèo như Vĩnh Điền, Vĩnh Sơn, Yên Hội…và từ những quen biết nầy, tôi đã có dịp đến sống và sinh hoạt giữa họ để cảm thông và chia sẻ cuộc sống của họ….

MỘT NHÀ THỜ Ở THẾ KỶ 21

- MƯỜNG TƯỢNG ĐÓ LÀ MỘT SHED - KHO CHỨA ĐỒ CŨ - GARAGE WORKSHOP.

Một chút sơ lược lại về lịch sử thành lập Giáo Họ Vĩnh Điền nầy….

Giáo họ Vĩnh Điền: hội tụ năm 1993, là một giáo họ thuộc vùng sâu vùng xa, đến năm 2003 mới được chính thức lập họ và đặt tên là Vĩnh Điền, do Cha Gioan Trần Thanh Đạt.

Đến năm 2013 chuyển vị trí ở của toàn giáo họ đi nơi khác về vị trí mới đang còn rất khó khăn, đến nay năm 2017 mới có đất đai. Đã san ủi mặt bằng và có nhà thờ tạm không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 28, có 98 nhân danh.

Giáo họ nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.



Với hình đính kèm trên đây, có lẽ không ai trong chúng ta nếu đã không có dịp chứng kiến tận mắt chắc không bao giờ tin đó là Nhà Nguyện-Nhà Thờ của Giáo Họ Vĩnh Điền trong thế kỷ 21 nầy? Tôi có dịp đi rất nhiều nơi, chưa nơi nào tôi lại được dâng lễ trong Nguyện Đường như thế nầy bao giờ….

Một hôm, khi được Cha Xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu, Chính Xứ Vĩnh Hội, đưa tôi đi dâng lễ ở Giáo Họ Vĩnh Điền… tôi có dịp tiếp xúc cận kề khi sống giữa họ… tôi mới cảm nghiệm sâu xa ‘Cái Nghèo-Thiếu Thốn’ của họ trong suốt năm nhất là ‘Mùa Nước Lũ’ họ sống trên mái nhà, khi nước rút họ rời mái nhà với ‘Tay Trắng Tay’. Cuộc sống của họ phải bắt đầu lại bằng ’Đôi Tay Trắng’.

Một hôm, có dịp chuyện trò với một cụ cao niên trong Giáo Họ, cụ nhờ ‘Ai Đó’ chuyển đến tôi ‘Lời Nguyện Ước’ của cụ là: Xin tôi giúp để nới rộng nền Nhà Thờ hiện nay ra dài hơn với 2 lý do:

* Lý do thứ I: Để khi cụ qua đời có nơi cao ráo để xác cụ trong mùa ‘Nước Lũ’, bà con đến đọc kinh-cầu lễ cho cụ.

* Lý do thứ II, nếu trong Mùa Nước Lũ, thay vì bà con phải ở trên mái nhà 2,3 tháng, họ có thể lên Nhà Thờ để tá túc… nguyện kinh mỗi ngày…

Khi biết được ý nguyện đơn thuần của cụ, tôi rất xúc động và quyết định tìm cách giúp Giáo Họ Vĩnh Điền. Sau khi tham khảo ý kiến với Cha Chính Xứ Phêrô… Ngài cho tôi biết với công trình lớn của Giáo Xứ Vĩnh Hội còn dang dở, nếu phải thực hiện việc xây cất cho Giáo Họ Vĩnh Điền chắc phải chờ thêm khoảng ít nhất “10 năm nữa”

.Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ, tôi nhận lời sẽ tìm cách giúp xây cất Nguyện Đường Thánh Phanxicô Xaviê, Kính Lòng Thương Xót Chúa. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề ‘Tài Chánh’ một vấn đề ‘Tế Nhị-Nhạy Cảm’. Nếu đi ‘Ăn Mày’ thì cũng rất ‘Hỗ Ngươi’. Tôi đã ‘Tín Thác’ vào sự ‘Quan Phòng của Thiên Chúa là ‘Nguồn Tình Yêu’. Nhiều người quen từ khắp đó đây đã biết công việc ‘Thiện Nguyện nầy đã ‘Âm Thầm Góp Những Viên Gạch Xây Cất Nguyện Đường Nầy’ - ‘Của Ít Lòng Nhiều’. Theo Cha Xứ cho biết tiền giáo dân ‘Dâng Cúng’ mỗi cuối tuần khoảng 1 triệu tiền Việt Nam Đồng - tương đuơng với 70-80 Úc Kim…

Chúng tôi, một nhóm gọi là “Ăn Mày” khởi sự cách “Âm Thầm” mời gọi lòng hảo tâm của những người thân quen biết xa gần. Chúng tôi tổ chức ‘Bán Đồ Second Hand”, “Garage Sales” vào cuối tuần gây quỹ, “Nấu Đồ Ăn Bán - Take Way Food or Food To Go”. Góp Gió Thành Bão”. Ngày qua ngày chúng tôi “Âm Thầm Khất Sĩ”

Nhóm chúng tôi, còn có người, ngày ngày đi lượm đồ phế thải trên các vĩa hè, đem bán cho những trung tâm mua đồ phế thải, ngày qua ngày, tuần qua tuần, năm qua năm, chúng tôi kiên trì “Hành Khất” trên bước đường xây dựng ‘Tình Thương-Tình Người…Mỗi năm trong khu phố hay tiểu bang có những định kỳ ”Bỏ đồ-Thu Lượm” đồ phế thải…. những gì trong nhà không xử dụng hay không cần đến, họ bỏ ra vỉa hè cho xe của thành phố thu hốt đi…. Đây lại là những cơ hội cho nhóm ‘Hành Khất’ chúng tôi thu lượm… về nhà lựa lại để ‘bán second hand’ giúp cho chương trình giúp người nghèo đó đây… hay cân ký những “Aluminum for recycled”... Công việc của nhóm “Hành Khất-Thiện Nguyện” chúng tôi cứ tiến hành liên tục không ngừng nghỉ… Luôn tâm niệm: “Người Khác Là Hồng Ân”. Tôi cũng đã từng “Trải Nghiệm”, gõ cửa những “Đại Gia”… nhưng không hiệu nghiệm “No Works”… thà làm người “Khất Sĩ” trong thế giới hôm nay hơn là “Người Khất Sĩ Ở Kiếp Sau”, như câu chuyện của Lazarô và Ngưòi Giàu trong Phúc Âm… Tôi luôn tin tưởng vào sự “Quan Phòng Diệu Kỳ của Thiên Chúa”.

Cách nay khá lâu rôi, tôi có đọc một bài viết... mà tôi không nhớ là của tác giả nào.... tôi xin phép được trích một đoạn vì thấy "Ý Nghĩa" phù hợp cho bài tôi đang viết.. Xin chân thành cám ơn tác giả mà tôi không nhớ "Bút Hiệu"....Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, Chúa cũng vẫn tiếp tục hành động theo đường lối của Ngài: Ngài đã dùng những người có tinh thần khiêm hạ, bé nhỏ để làm những việc cả thể trong Giáo Hội. Khiêm tốn như thánh Antôn ẩn tu, Thánh Đaminh, Thánh Phanxicô Khó Khăn, Thánh Gioan Vianey, Thánh Catharina thành Siena, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Giáo Hoàng Piô X... Chúng ta xác nhận rằng các thánh là những vị có tinh thần đơn sơ, khiêm hạ. Sau nữa, Chúa và Đức Mẹ cũng thường dùng những người đơn sơ, ít học như thánh Catharina Labôrê, thánh nữ Bernađetta, ba trẻ tại Fatima... để ban những sứ điệp quan trọng cho thế giới, đặc biệt những người nghèo khó-bé nhỏ.

Chúa Giêsu đã đến trần gian và Ngài đã thiết lập một vương quốc mới, trong vương quốc nầy chỉ chấp nhận những kẻ bé mọn đơn sơ làm thần dân. Những ai sống tự cao tự đại, coi mình thông thái hơn người khác sẽ cảm thấy lạc lỏng trong phần đất của những kẻ cần tình thương của Chúa là vua bình an. Thiên Chúa sẽ để cho những kẻ tự cao tự đại thoả mãn ý muốn của họ, nhưng Ngài sẽ kêu gọi những ngườ tự cảm thấy mình bé khiêm tốn đến với Ngài: "Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho".

Qua phép Thánh Tẩy, chúng ta được sống trong vương quốc mới nầy, gia nhập vào vương quốc nầy, người tín hữu phải luôn chiến đấu giữa hai cuộc sống: sống theo thể xác và sống theo Thánh Thần. Đi vào sống trong vương quốc của Đức Kitô có nghĩa là mặc lấy tinh thần của Ngài trong một cuộc sống mới. Tinh thần của Đức Kitô là tinh thần của hiền lành và khiêm nhường trong lòng và phục vụ tha nhân. Cho nên đời sống của người Kitô hữu phải thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô là luôn khiêm hạ, quên mình để gặp Chúa “Nơi Tha Nhân-Ngưòi Khác”. Chỉ có những kẻ tự coi mình là nhỏ bé mới được Thiên Chúa mạc khải cho những mầu nhiệm của vương quốc mới nầy, trong đó có sự cư ngụ của Thánh Linh. Hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho chúng ta được cư ngụ trong vương quốc yêu thương của Ngài.

Đồng thời, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải sống khiêm hạ, yêu thương để tình yêu của Chúa có cơ hội tuôn chảy như dòng suối trong trái tim chúng ta, làm đắm đuối con tim ta, để ta yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta. Còn nếu chúng ta sống hay đối xử với anh chị em đồng loại chỉ bằng lý trí, khắc nghiệt với anh em, bốc lột anh em đồng loại, coi lý trọng hơn tình, kiêu căng, tự coi mình là thông thái, ta đây hơn người thì Chúa sẽ không bao giờ mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Ngài cho chúng ta.Chúa Giêsu đã kêu mời chúng ta: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi". Và Ngài mời mọc thêm: "Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng". Chúng ta cầu xin Mẹ Maria và Các Thánh chúng ta đã nhắc đến tên Các Ngài trong bài viết nầy, giúp chúng ta biết sống khiêm hạ như Mẹ và Các Thánh, để chúng ta trở nên những thần dân bé nhỏ trong vòng tay yêu thương của Vua Muôn Thuở - tức là Cha của chúng ta trên trời... Hết Trích)

Trong hình đính kèm, Quý Đọc Giả thấy trong thế kỷ XXI nầy mà vẫn còn thấy một Nhà Thờ của một Giáo Họ như thế, như môt cái mà chúng tôi gọi là “Shed, Patio, Garage, Workshop…”.

Mùa Xuân năm Kỷ Hợi - sắp kết thúc - Cha xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu và tôi lên gặp ĐGM Phaolô của GP Hà Tĩnh và Cha xứ Phêrô đã trình Ngài ‘Ước Nguyện’ của chúng tôi… ĐGM Phaolô đã cho phép Cha xứ tiến hành việc xây cất Nguyện Đường Thánh Phanxicô Xaviê để Tôn Kính Lòng Thương Xót Chúa.

Nhìn phong cảnh thiên nhiên với núi rừng hùng vỹ bao quanh, trong tương lai với mô hình Nhà Nguyện, có thể trở nên nơi thu hút nhiều người chạy đến ‘Kín Múc-Ơn Thánh Nơi Lòng Thương Xót Chúa. Tất cà đều nằm trong sự ‘Quan Phòng Kỳ Diệu của Thiên Chúa’.

Nếu điều kiện và khả năng tài chính cho phép, Tân Nhà Nguyện Thánh Phanxicô Xaviê, được xây để Tôn Kính Lòng Thương Xót của Chúa và sẽ được Đức Giám Mục Tiên Khởi Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP, khánh thành theo như ‘Dự Trù-Nguyện Ước’ là 2 năm sau, cũng vào ngày 21.1 năm 2022.

Chúng ta hiệp thông trong lời cầu nguyện, xin thánh cả Phanxicô Xaviê là Quan Thầy của Giáo Họ Vĩnh Điền và Mẹ Maria là Quan Thầy của Tân Địa Phận Hà Tĩnh phù hộ và chở che, được sự giúp đỡ của ‘Ân Nhân Xa Gần’ cho công trình xây cất Tân Nguyện Đường nầy được hoàn thành theo nguyện ước.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Làn nước bí tích rửa tội
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:24 10/01/2020
Làn nước Bí tích rửa tội

Ông Thánh Gioan tẩy gỉa ngày xưa, bên bờ sông Jordan đã vâng nghe theo lời Chúa Giêsu làm phép rửa cho Ngài. Không biết khi đó Ông Gioan có hỏi những người đến xin lãnh nhận nước rửa tội điều gì không.

Nhưng bây giờ khi cha mẹ bồng ẵm con mình đến xin lãnh nhận làn nước bí tích rửa tội gia nhâđp Giáo Hội Công Giáo, linh mục hỏi cha mẹ em bé về sự trông mong chờ đợi điều gì từ bí tích rửa tội cho đời sống em bé.

Câu trả lời của cha mẹ: Là cha mẹ, chúng tôi không chỉ có bổn phận nuôi dưỡng con chúng tôi khoẻ mạnh lớn lên về thân xác. Nhưng còn có trách nhiệm tinh thần cầu mong chăm sóc cho con chúng tôi có một đời sống tốt lành chính thực, một đời sống tinh thần có niềm vui hạnh phúc. Là con người chúng tôi không có khả năng làm được điều đó cho con chúng tôi. Nên chúng tôi trông mong chờ đợi và cũng là lòng khấn nguyện cầu xin của chúng tôi từ Bí tích rửa tội cho con chúng tôi do Thiên Chúa, Trời cao ban xuống cho con người.

Vâng theo đức tin Công Giáo, qua làn nước Bí tích rửa tội người chịu Bí tích này được thâu nhận vào cộng đoàn Giáo hội Chúa Giesu Kitô. Món qùa tặng đời sống trong vòng thân hữu với Chúa Giêsu Kitô cùng với những người đã nhận lãnh bí tích này trong cộng đoàn Giáo hội Chúa.

Cha mẹ, người đỡ đầu cho em bé cùng toàn thể cộng đoàn hiện diện trong lễ rửa tội cùng tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa của sự sống, Đấng Tạo Hóa khôn ngoan đã trao ban tạo dựng vũ trụ và sự sống thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Nền văn hóa sự sống qua lòng tuyên tín vào Thiên Chúa sự sống ẩn chứa tầm nhìn hướng đến một viễn tượng sự sống lớn lao:

Tin vào Thiên Chúa như điều răn thứ nhất, thứ hai và thứ ba đòi buộc.

Về gia đình như nơi điều răn thứ bốn nói đến.

Về sự sống như điều răn thứ năm đòi buộc.

Về trách nhiệm gìn giữ tình yêu mầm sự sống như điều răn thứ sáu chỉ dẫn.

Về sự liên đới, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, và sự công chính như điều răn thứ bẩy hướng dẫn

Về sự chân thật trung thành như điều răn thứ tám hướng dẫn vạch ra cho con đường đời sống.

Về sự kính trọng người khác và tài sản thuộc về họ như điều răn thứ chín và thứ mười chỉ ra cho cung cách sống.

Trong nghi lễ bí tích rửa tội còn có những hình ảnh dấu chỉ tượng trưng được thực hiện nơi em bé nhận lãnh bí tích :

Dấu thập gía Chúa Giesu Kitô được vẽ trên trán em bé là hình ảnh dấu chỉ đời sống em bé được Chúa phù hộ che chở.

Làn nước được gội đổ trên đỉnh đầu em bé là hình ảnh dấu chỉ về sự sống mới trong Chúa Giêsu Kitô.

Dầu thánh Chrisam là hình ảnh tượng trưng nói lên sức mạnh , sự đẹp, sức khoẻ, được xức trên đầu em bé sống trong cộng đoàn Giáo hội Chúa Giêsu Kitô.

Tấm áo trắng rửa tội đặt trên mình em bé nói lên hình ảnh nền văn hóa sự thiện mỹ, nền văn hóa sự sống.

Và sau cùng cây nến rửa tội của em bé được thắp sáng lên từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu Kito phục sinh nhấn mạnh đến ánh sáng sự chân thật soi chiếu xua đuổi bóng tối sự dữ trong đời sống, và chỉ đường cho con người nhận ra mình là ai, từ đâu đến trong trần gian, và sau cùng đi về nơi đâu.

Cho em bé nhận lãnh làn nước bí tích rửa tội đức tin vào Chúa Giêsu Kitô gia nhập gia đình cộng đoàn Giáo hội Chúa ở trần gian ẩn chứa tâm tình tạ ơn Thiên Chúa món qùa tặng sự sống được trời cao ban cho.

Và đồng thời cũng là lời cầu xin khấn nguyện cho con đường đời sống em bé hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cây Đa Đầu Làng
Dominic Đức Nguyễn
22:40 10/01/2020
CÂY ĐA ĐẦU LÀNG
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Cây đa đầu làng dầu chỉ của em anh
Cái buổi ban đầu trăng chờ trăng đợi
(Trích thơ của Anh Vũ)
 
VietCatholic TV
Đức Hồng Y Muller cảnh báo: Nhiều người mơ tưởng một Giáo Hội Công Giáo không có 10 điều răn Đức Chúa Trời
Đặng Tự Do
16:06 10/01/2020
Khủng hoảng Giáo Hội đang phải đối diện xuất phát từ cố gắng - ngay cả bởi một số thành phần bên trong Giáo Hội – muốn thích ứng với văn hóa và từ bỏ những giáo huấn về đức tin. Đức Hồng Y Mueller cảnh giác như trên trong ngày đầu năm mới 1/1/2020.

Đức Hồng Y Mueller đã bày tỏ lập trường trên với hàng ngàn tham dự viên của Hội nghị Thượng đỉnh về nghệ thuật lãnh đạo sinh viên 2020 tại Phoenix do Hiệp Hội Các Sinh Viên Đại Học, gọi tắt là FOCUS, tổ chức. Ngài nói thêm: “Cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội là do con người tạo ra và nó nổi lên bởi vì chúng ta đã thích nghi chính mình một cách tháo thứ với tinh thần của một cuộc sống không có Chúa.”

“Chất độc gây tê liệt Giáo Hội là ý kiến cho rằng chúng ta nên thích nghi với Zeitgeist, tức là với tinh thần thời đại, chứ không phải tinh thần của Chúa, và rằng chúng ta nên tương đối hóa các điều răn của Chúa và giải thích lại tín lý về đức tin đã được mặc khải.”

Đức Hồng Y cảnh giác rằng ngay cả một số người trong Giáo Hội đang “mong ngóng” một loại Công Giáo không có tín lý, không có bí tích và không có huấn quyền bất khả ngộ.

Đức Hồng Y Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cử hành thánh lễ đầu năm mới kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Trong bài giảng Thánh lễ, ngài đã suy tư về mong muốn của con người đón nhận những niềm vui khác khi Thiên Chúa bị qua một bên.

“Nhưng người tín hữu không cần ý thức hệ. Ai hy vọng sẽ không tìm đến thuốc phiện. Ai yêu thương thì không chạy theo dục vọng của thế giới này, là điều sẽ qua đi cùng thế giới. Ai yêu Chúa và tha nhân sẽ tìm thấy hạnh phúc trong sự hy sinh trao ban chính mình.”

“Chúng ta sẽ hạnh phúc và tự do khi trong thần khí của tình yêu, chúng ta đón nhận hình thái sự sống mà Thiên Chúa đã mời gọi mỗi người chúng ta một cách cá vị: trong bí tích hôn nhân, trong đời sống độc thân linh mục, hoặc trong đời sống tu trì theo ba lời khấn khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh vì Nước Trời.”

Đức Hồng Y Mueller nhấn mạnh rằng tạ ơn là một phần quan trọng của đời sống Kitô hữu. Vào đầu năm mới, ngài khuyến khích người Công Giáo nói lên lòng biết ơn đối với tất cả các kỳ công sáng tạo, lòng biết ơn Thiên Chúa đã gửi Chúa Kitô đến thế giới như vị cứu tinh của chúng ta, lòng biết ơn Đức Trinh Nữ Maria, Giáo Hội Công Giáo, hồng ân gia đình và tất cả các phước lành khác mà nhiều người có thể dễ dàng coi là chuyện đương nhiên.

“Là các Kitô hữu, chúng ta có một nhận thức có tính âm nhạc về cuộc sống: Trong trái tim chúng ta vang lên bài ca tạ ơn vì được cứu chuộc. Giai điệu của cuộc sống chúng ta là tình yêu, và hòa âm của nó là niềm vui trong Chúa”

Thay vì đặt hy vọng vào số phận, Kitô hữu nhận ra rằng đau khổ là không thể tránh khỏi, nhưng vẫn có thể tìm thấy niềm vui trong Chúa Kitô, Đấng cũng phải chịu đau khổ và mở ra cho chúng ta cánh cửa đến sự sống đời đời.

Tuy nhiên, trong những thời điểm thử thách này, những tai tiếng trong Giáo Hội và một cuộc khủng hoảng giữa các xã hội có truyền thống Kitô ở phương Tây đã khiến nhiều người lo lắng tự hỏi liệu tảng đá trên đó Chúa Kitô xây dựng Giáo Hội của Ngài có bị vỡ vụn hay không, Đức Hồng Y nói.

“Đối với một số người, Giáo Hội Công Giáo bị tụt hậu đến 200 năm so với thế giới ngày nay. Có chút sự thật nào trong lời cáo buộc này không?”

Những đòi hỏi hiện đại hóa cho rằng Giáo Hội phải bác bỏ những gì Giáo Hội vẫn coi là đúng, nhằm mục đích xây dựng “một tôn giáo mới thống nhất với thế giới”, Đức Hồng Y Mueller cảnh báo.

“Để có thể được nhận vào thứ siêu tôn giáo này, cái giá duy nhất mà Giáo Hội phải trả là từ bỏ yêu sách chân lý của mình. Dường như không có vấn đề gì lớn, vì chủ nghĩa tương đối thống trị trong thế giới của chúng ta dù sao cũng bác bỏ ý tưởng rằng chúng ta thực sự có thể biết sự thật, và chủ nghĩa tương đối ấy cho rằng mình là người bảo đảm cho hòa bình giữa tất cả các quan điểm thế giới và các tôn giáo trên thế giới.”

Xã hội hậu Kitô giáo hoan nghênh những nỗ lực này để tái cấu trúc Giáo Hội “như là một tôn giáo dân sự thuận tiện”, Đức Hồng Y nói.

Thuốc giải độc cho thế tục hóa trong Giáo Hội là một đời sống đức tin, được sống trong sự thật trường tồn của Chúa Kitô, Đức Hồng Y Mueller nói với những người có mặt.

Ngài nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa, Đấng vĩnh cửu, không thể bị thay đổi bởi ý thích bất chợt của xã hội.

“Trong một con người cụ thể là Chúa Giêsu thành Nagiarét, sự thật phổ quát của Thiên Chúa hiện diện một cách cụ thể ở đây và bây giờ - trong thời gian và không gian lịch sử,” ngài nói. “Chúa Giêsu Kitô không phải là một biểu trưng của một số sự thật tối cao: Ngài là hiện thân của ‘đường, sự thật và sự sống’”.


Source:Catholic News Agency