Ngày 31-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:30 31/01/2020

10. Nơi quán trọ thế gian này, khó mà nói là không làm hại nhau, do đó việc phải làm gấp là làm tốt nền tảng của hiền lành để dự phòng sự đột kích của phẫn nộ, và để gìn giữ sự bình an trong tâm hồn.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 31/01/2020
31. TẠM MỜI MỘT BỮA

Viên Phương thích rượu, có một lần một mình đi bộ ra ngoại thành, cơn hứng uống rựơu lại đến, trên đường đi gặp một học trò bèn lớn tiếng mời đi uống rượu với mình, uống đến say mới cho đi.

Sáng hôm sau, anh học trò ấy tự cho mình là được Viên Phương nể trọng bèn xin được tiếp kiến, Viên Phương nói:

- “Xin anh đừng đến làm phiền ta, hôm qua uống rượu không có lấy người bạn, chẳng qua là tạm thời mời anh uống một chút vậy !”

Anh học trò xấu hổ lui về.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 31:

Đừng thấy người ta mời ăn uống mà cho là người ta yêu mến mình, cũng đừng thấy người ta cười với mình mà cho rằng người ta thích mình, vì ở đời có những cái không như chúng ta nghĩ...

Đức Chúa Giê-su thì lại khác, Ngài mời chúng ta là vì Ngài yêu mến chúng ta, Ngài mĩm cười với chúng ta là vì Ngài coi chúng ta như là bạn thân của Ngài, cho nên chúng ta có thể hoài nghi với tất cả mọi người ở trần gian này, nhưng chúng ta không thể hoài nghi tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta qua Con Một của mình là Đức Chúa Giê-su Kitô.

Có một vài người Ki-tô hữu thường hay hồ nghi về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, bởi vì họ chỉ thấy cuộc đời của mình sao gặp nhiều chông gai khốn đốn mà không thấy sung sướng hạnh phúc như người khác. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không phải là những vật chất ở đời này, nhưng là sự sống đời sau.

Các thánh nam nữ đều biết rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta nên mời gọi chúng ta chia sẻ những đau khổ của Đức Chúa Giê-su trên thập giá, bởi vì chỉ có những ai thành tâm chia sẻ với Ngài những đau khổ ấy mới thật sự là bạn hữu của Ngài.

Anh học trò quá thơ ngây nhẹ dạ nên bị xấu hổ, nhưng nếu chúng ta biết sống đơn sơ thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và mọi người thì nhất định sẽ được bình an tâm hồn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:43 31/01/2020
Chúa Nhật 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 5, 1-12a.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”.


Anh chị em thân mến,

Khoa học kỷ thuật ngày càng phát triển, mức sống con người ngày càng cao thì con người càng có nhu cầu hưởng thụ, do đó mà con người ta càng xa cách Thiên Chúa hơn. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Chúa Giê-su đã đưa ra cho chúng ta một chương trình hành động cụ thể trong một xã hội hưởng thụ, bon chen, đầy những tội ác và bất công, chương trình hành động ấy được mở đầu bằng mối phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó...” và kết thúc bằng mối phúc: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính...”

Nghèo là một hạnh phúc vì Thiên Chúa luôn bênh vực và đứng về phía người nghèo, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã chọn lấy thân phận nghèo hèn để sống giữa chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng, nghèo khó chính là một hạnh phúc và bình an của những ai yêu mến và thành tâm tìm kiếm Nước Trời. Người nghèo chân chính là người sống bình an trong cảnh nghèo của mình với ân sủng của Thiên Chúa, là người không mơ tưởng đến của cải, danh vọng của người khác...

Hiền lành là một hạnh phúc vì Đức Giê-su đã sống như thế và dạy chúng ta sống như thế khi Ngài nói: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Người hiền lành thì được Thiên Chúa chúc phúc cho hưởng gia nghiệp Nước Trời, và bời vì hiền lành chính là đầu dây của sự hòa thuận và yêu thương.

Đau khổ vì bị ngược đãi là một hạnh phúc, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã bị người ta ngược đãi khi rao giảng tin vui Nước Trời, chính Ngài là người bị ngược đãi cách bất công nhất khi tay Ngài đã chúc phúc và chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Những ai vì danh Đức Chúa Giê-su mà bị ngược đãi và đau khổ, sẽ trở nên giống Ngài hơn khi bị người khác đem những bất công trút trên đầu mình.

Khao khát nên người công chính là một hạnh phúc bởi vì Đức Chúa Giê-su là người vì sự công chính mà bị đóng đinh vào thập giá. Sống giữa một xã hội đầy những bon chen, mưu mô, gian dối, mà tìm được sự công chính của Thiên Chúa thì đúng là một hạnh phúc, sự công chính này không phải từ nơi tòa án của người đời, nhưng là nơi sự lương thiện của lương tâm và sự khao khát tìm kiếm Nước Trời như một cứu cánh, để trở nên chứng nhân cho Tin Mừng.

Xót thương người là một hạnh phúc vì Đức Chúa Giê-su đã xót thương mọi người, xót thương anh La-gia-rô đã chết, xót thương đứa con một của bà góa thành Na-im, xót thương những người tội lỗi và những người đang sống trong những nổi bất hạnh. Người biết xót thương người thì sẽ được Thiên Chúa xót thương, đó là quả phúc lành mà ai gieo thì sẽ gặt được trong cuộc sống của họ, bởi vì người biết xót thương đến những bất hạnh của tha nhân, thì cũng là người đã nhiều lần suy niệm đến tình thương của Thiên Chúa đã dành cho họ.

Tâm hồn trong sạch là một hạnh phúc vì xã hội càng văn minh thì những cơn cám dỗ càng tinh vi hơn và hiện đại hơn. Khi một xã hội với nhiều cạm bẩy làm cho người tu sĩ lỗi đức khiết tịnh, làm cho người vợ người chồng lỗi đạo phu thê, thì sống trong sạch là một lý tưởng tuyệt vời cho mọi người. Đức Chúa Giê-su đã sống đời trong sạch không tì ố dù Ngài đang tiếp xúc với nhiều hạng người, sự trong sạch này đã cảm hóa được cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, đã cảm hóa được người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và làm cho nhiều người noi gương Ngài sống đời trong sạch trong bổn phận của mình.

Xây dựng hòa bình là một hạnh phúc vì đó là niềm mơ ước của mọi người, là bài ca vui mừng của các thiên thần hát vang khi Đức Chúa Giê-su sinh ra: bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Người có bình an trong tâm hồn là người biết xây dựng bình an giữa xã hội, là người biết đem bình an đến cho mọi người bằng lời nói thiện chí và cử chỉ thân thiện, chứ không gắt gỏng và chua ngoa, là phục vụ chứ không sai khiến.

Bị bách hại vì sống công chính là một hạnh phúc đó là điều làm cho chúng ta nên giống Đức Chúa Giê-su hơn, như Đức Chúa Giê-su đã sống công chính, đã nói sự thật vì công chính mà bị giết chết, thì những môn đệ của Ngài cũng phải như thế. Cuộc sống hôm nay đầy những lừa đảo và gian dối thì cuộc sống công chính càng bị bách hại, bị truy nã hơn, do đó mà khi chúng ta biết đứng thẳng vươn người lên giữa những dối gian, là chúng ta đã đến gần thập giá của Chúa Giê-su hơn.

Anh chị em thân mến,

Tám mối phúc thật là kim chỉ nam cho người Ki-tô hữu trở nên tốt lành thánh thiện như Đức Chúa Giê-su đã sống, tự nó –Tám mối phúc thật- là cõi phúc, nhưng nếu trong tâm hồn chúng ta không có Thiên Chúa, thì Tám mối phúc sẽ là những lời trêu đùa bỡn cợt, là cái đích để cho người đời công kích chúng ta.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đọc lại những điều kỳ diệu
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
13:52 31/01/2020
Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh

Trong ngày Đức Mẹ và thánh Giuse hiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa, hai cụ già Simeon và Anna xuất hiện. Các ngài bồng ẵm và nói về Chúa những điều vừa lạ thường vừa kỳ diệu: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”

Nhưng không phải những lạ thường xung quanh Chúa Giêsu chỉ mới xảy ra từ hôm nay. Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Chúa Hài Nhi đã được các thiên thần tung hô, các mục đồng đến viếng thăm. Ngôi sao lạ bắt đầu xuất hiện. Rồi từ rất xa, các nhà đạo sĩ đã đến tôn thờ và dâng lễ vật. Những cuộc báo mộng cho các đạo sĩ và thánh Giuse nhằm đưa Chúa Hài Nhi đến nơi an toàn… Tất cả đều lạ thường, đều kỳ diệu.

Nhưng không chỉ trong tân Ước, điều kỳ diệu của ngày đáng ghi nhớ trong đền thờ hôm nay, dường như cũng được tiên tri Malakia nhìn thấy trước: “Này đây Chúa là Thiên Chúa phán: Đây Ta sai thiên thần Ta đi dọn đường trước mặt Ta! Lập tức Đấng Thống Trị mà các ngươi tìm kiếm và thiên thần giao ước mà các ngươi mong ước, đến trong đền thánh Người (3, 1).

Chúa là Chúa của muôn điều kỳ diệu. Đó không chỉ là cảm nghiệm bản thân. Tất cả những ai dấn thân cho Thiên Chúa trong bất cứ ơn gọi nào, hay tất cả những ai có đời sống nội tâm sâu lắng, thường xuyên hướng lòng về Chúa, đều nhận ra.

Qua tất cả những kỳ diệu của chính việc Chúa nhập thể làm người, lẫn những kỳ diệu mà ta có thể khám phá từ chính cõi hồn mình, cho ta niềm ý thức: Bước theo Chúa Giêsu, học đòi sự thanh sạch của Người, noi theo lòng vâng phục thánh ý Chúa Cha tuyệt đối của Người, hiến dâng mình chúng ta như Người đã hiến dâng cho Chúa Cha chính mình Người, chúng ta sẽ đi trong ân sủng tuyệt vời.

Có Chúa Giêsu làm chủ và gia nghiệp đời ta, ta sẽ thấy cuộc đời mình đầy nhiệm lạ. Chúa dẫn chúng ta đi, Chúa an bài cuộc đời chúng ta hết những kỳ diệu này, đến những kỳ diệu khác.

Hãy thường xuyên đặt mình trước tôn nhan Chúa và nhìn lại quá khứ đời mình. Nhìn lại từng chặng dừng trong quá khứ, ta sẽ thấy rõ những kỳ diệu vô cùng mà bàn tay Chúa đặt dấu ấn trên cuộc đời ta. Dấu ấn ấy không hề thoáng qua, không hề có nguy cơ nhạt nhòa theo thời gian, nhưng ngày càng rõ mồn một, ngày càng đậm đặc và tươi mới.

Tôi thường đọc lại quá khứ đời mình. Có những lúc tôi không hiểu nổi, vì sao tôi lại có thể vượt qua quá nhiều những chông gai, những thử thách. Cuộc đời tôi, biết bao lần xảy ra những hoàn cảnh, những bất hạnh như muốn vùi giập bản thân, như muốn bít mọi lối đường, dường như chỉ cón tăm tối và bế tắc.

Nhưng tôi tin, Chúa là Chúa của muôn điều kỳ diệu. Người đã đưa tôi đi qua mọi ngã đường. Người đã hun đúc trong tôi những sức mạnh thần thánh, Người đã lôi cuốn tôi, đến nỗi, dù trải qua muôn chặng đường thương đau, tôi vẫn nhận ra Người là hấp lực duy nhất của đời tôi.

Ngày lễ Dâng Chúa trong đền thánh, chúng ta hãy đọc lại những diệu kỳ đã từng xảy ra nơi cuộc đời của Chúa Giêsu. Hãy tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa của muôn điều kỳ diệu mà khám phá tất cả sự nhiệm mầu trong từng cuộc đời, nơi mỗi con người.

Ngày lễ Dâng Chúa trong đền thánh, tôi càng xác tín mạnh: Chúa là Chúa của muôn điều kỳ diệu. Người hiện diện ở đâu, nơi đó tràn đầy những kỳ diệu lớn lao, bất ngờ, khó có thể diễn tả, khó có thể nói hết.

Và như thế, Thiên Chúa của muôn kỳ diệu hiện diện trong cuộc đời ai, kẻ đó cũng sẽ được Người cho khám phá ra muôn kỳ diệu nơi chính cõi hồn mình, chính cuộc đời mình.

Lạy Chúa, chiêm ngắm tất cả mọi điều tốt đẹp đã và đang xảy ra, chúng con xin được bậc thốt thành lời, nhưng xuất phát từ lòng chúng con tâm tình cảm tạ.

Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với tình yêu mà Chúa dành cho chúng con, để chúng con luôn cảm tạ Chúa bằng cả tấm lòng và cuộc đời chúng con. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
La Croix: Thói xảo trá, che đậy và tâm tình bài tôn giáo khiến dịch bệnh tại Trung Quốc lan nhanh
Đặng Tự Do
01:12 31/01/2020
Trong số ra ngày 30 tháng Giêng, tờ La Croix, nghĩa là Thánh Giá, của Công Giáo Pháp có bài nhận định sau đây về tình trạng lây lan nhanh của virus Corona tại Trung Quốc.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Kể từ đầu tháng 12, một số cơ sở y tế tại thành phố cảng công nghiệp Vũ Hán (Wuhan - 武汉) của Trung Quốc đã điều trị cho một số bệnh nhân bị viêm phổi không rõ nguyên nhân. Các cơ sở y tế tại Vũ Hán sau đó đã tiến hành giám sát hàng trăm trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến cúm và xác định chúng là viêm phổi do virus gây ra.

Vào ngày 20 tháng Giêng, tức là hơn một tháng sau khi trường hợp đầu tiên được điều trị trong bệnh viện, Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan - 钟南山), một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia, mới tuyên bố phát hiện sự lây truyền từ người sang người của virus Corona.

Trong vòng một tháng, virus lây lan nhanh chóng. Mặc dù người ta nói rằng loại virus này không nghiêm trọng như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) xảy ra trong giai đoạn 2002-2003, nhưng các chính sách của bọn cầm quyền đã làm tình hình tồi tệ hơn.

Vụ dịch SARS, bắt đầu vào tháng 11 năm 2002 tại tỉnh Quảng Đông (Guangdong - 广东) của Trung Quốc giáp với Hương Cảng, đã lây nhiễm khoảng 8,400 người trên khắp thế giới và giết chết 800 người trong vòng 8 tháng cho đến khi nó biến mất vào tháng 6 năm 2003.

Vi khuẩn Corona Vũ Hán còn kinh hoàng hơn nhiều. Hơn 6,000 người bị lây nhiễm chỉ trong vòng một tháng và ít nhất 134 người đã bị giết chết. Tốc độ lan truyền và mức độ tử vong mà nó gây ra, đều là bằng chứng cho thấy thực chất của sự tôn trọng và giá trị cuộc sống của con người mà cộng sản Trung Quốc vẫn thường rêu rao.

Vi khuẩn được báo cáo có thời gian ủ bệnh lên đến hai tuần. Tuy nhiên, chính quyền Vũ Hán đã che giấu thông tin hơn một tháng trời trong khi đương đầu với dịch bệnh một cách quờ quạng, bừa bãi, khiến cho sự lây nhiễm lan rộng. Sau đó, họ lại cố tình che giấu số lượng các trường hợp nhiễm bệnh, dẫn đến sự bùng phát căn bệnh trong khu vực đô thị, nơi người dân không được cảnh báo để đề phòng một cách thích hợp.

Hoảng sợ trước tốc độ lây nhiễm kinh hoàng được thúc đẩy bởi sự kém hiệu quả của họ, họ đã cô lập toàn bộ thành phố. Đến lúc đó, virus đã lan rộng khắp Trung Quốc và một số quốc gia chung quanh và cả trên thế giới đã bắt đầu xác nhận sự lây nhiễm.

Các báo cáo từ Hoa lục là đáng lo ngại, mặc dù đã bị bọn cầm quyền che dấu đi rất nhiều. Giờ đây, bọn cầm quyền coi những người nhiễm bệnh như thể họ đã chết. Họ quay lưng lại với các công dân tìm kiếm sự giúp đỡ; nhiều người không được đưa vào bệnh viện để chẩn đoán và điều trị; một số người được chẩn đoán là có bệnh nhưng không nhận được sự chăm sóc y tế nào cả. Những người dân nào được yêu cầu về nhà và tự cô lập đâm ra hoảng sợ vì lo rằng mình sẽ chết chỉ trong nay mai. Một số người nhiễm bệnh tự nguyện ngủ trên đường phố, vì sợ lây bệnh cho gia đình. Trong tình cảnh như thế, sức khoẻ của họ xuống dốc nhanh hơn và khả năng tử vong nhân lên gấp bội. Cuộc sống bình thường đã biến mất, không chỉ ở Vũ Hán mà cả ở nhiều thành phố khác. Có một nhà nước nào khốn nạn như thế không?

Trong thực tế, bọn cầm quyền thành phố Vũ Hán ban đầu không chỉ che giấu và phớt lờ các khuyến cáo y tế, nhưng chúng còn bắt giữ cả những cư dân mạng đã công bố thông tin. Họ sợ gây bất ổn xã hội và hoảng loạn. Sau khi phát hiện được công bố, thị trưởng thành phố đã nói dối và tuyên bố có đủ phương thức bảo vệ dân chúng, cũng như có đầy đủ các phương tiện y tế thích hợp.

Nhân viên y tế cũng gặp nguy hiểm

Sự thật trần trụi là bọn cầm quyền đã không sẵn sàng để đối phó với sự lây nhiễm. Chúng không đủ nhân viên y tế, cơ sở bệnh viện và thiết bị y tế. Việc thiếu các thiết bị bảo vệ đầy đủ dẫn đến một thực tế là các nhân viên y tế tuyến đầu dễ bị nhiễm trùng và phải đối mặt với nguy cơ tử vong.

Ngay cả khi bọn cầm quyền Trung Quốc đã quyết định cô lập thành phố, chúng đã phớt lờ sự an toàn của các nhân viên y tế và ném họ vào vòng xoáy của dịch bệnh. Các bệnh nhân và gia đình của họ đã trút cơn giận lên các nhân viên y tế. Một số bệnh nhân xé những quần áo và các thiết bị bảo hộ của nhân viên y tế để trút giận.

Đối với các quan chức nhà nước, sự nghiệp của họ quan trọng hơn cuộc sống của con người. Họ, như mọi khi, đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là những kẻ có thành tích bất hảo trong việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Mặc dù, bộ máy tuyên truyền không ngừng lặp đi lặp lại các khẩu hiệu hoa mỹ, các chính sách và hành động của ĐCSTQ chà đạp quyền lợi của mọi người hết ngày này sang ngày khác. Tại những thời điểm quan trọng như thế này, các chính sách và hành động của chúng cùng nhau chứng minh cho thế giới thấy sự khinh miệt hoàn toàn của chúng đối với các công dân, nhân quyền, và phẩm giá con người của họ. Vi khuẩn Vũ Hán đã phơi bày hoàn toàn sự thật về ĐCSTQ.

Khi virus bắt đầu lây lan, giá khẩu trang tăng vọt. Mọi người xô đẩy nhau trên đường phố Hồ Bắc (Hubei - 湖北)và ở các thành phố khác để mua mặt nạ y tế. Những chi tiết như thế phơi bày mặt thật các giá trị xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản lúc nào cũng tự hào như tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Có lẽ chỉ khi một thảm họa xảy ra, bạn mới thấy cái xã hội và chế độ cộng sản thê thảm như thế nào.

Đối phó với virus cũng vậy, ĐCSTQ đã sử dụng phương pháp tuyên truyền chính trị thông thường của mình. Đầu tiên, đàn áp những người phơi bày sự thật và sau đó nhốt họ vào tù; rồi kiểm soát và lấp đầy các phương tiện truyền thông với những lời nói dối màu hồng, những bài ca và điệu múa. Vi khuẩn có thể đã được kiểm soát nếu ĐCSTQ không xử lý nó bằng các phương pháp và bộ máy tuyên truyền thông thường.

Nếu các phương tiện truyền thông được phép theo dõi và báo cáo một cách tự do, thì sẽ không có sự thật nào bị che giấu và mức độ lây lan sẽ không cấu thành là một dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát như hiện nay. Người dân sẽ biết sự thật và sẽ có biện pháp bảo vệ, ít nhất là tự bảo vệ cho chính mình và gia đình.

Khi sự hoảng loạn bắt đầu lan rộng, Giáo Hội Công Giáo đã thực hiện các biện pháp dự phòng. Một số giáo xứ và cộng đoàn đã ra thông báo yêu cầu đình chỉ các buổi cầu nguyện để hợp tác với các chỉ thị của chính phủ.

Tuy nhiên, Đức Cha Giuse Lý Liên Quý (Li Lian-gui - 李連貴) của Giáo phận Tiên Huyện (Xianxian - 仙县) đã có lập trường khác biệt đáng kể. Trong một tuyên bố, ngài yêu cầu người Công Giáo mở rộng cửa nhà mình để đối mặt với thảm họa và yêu cầu của tình hình. Các giáo xứ cũng nên “mở cửa của nhà thờ, và luôn chào đón anh chị em giáo dân, những người tự nguyện đến để cầu nguyện, xưng tội, tham dự Thánh Lễ và nhận các bí tích khác; và cung cấp cho họ với các dịch vụ mục vụ và hướng dẫn cần thiết”.

Mặc dù có những lo ngại rằng hành động như vậy có thể đẩy nhanh sự lây lan của virus, thực tế là trong những trường hợp như thế này, Giáo hội có thể và phải đóng vai trò là ngọn hải đăng cho sự bình an trong trái tim của mọi người, mang lại cho họ ơn an ủi và những định hướng trong những lúc hoảng loạn và cần phải vật lộn để sinh tồn này. Thay vì đóng cửa, điều cần thiết là chào đón những người cần đến những trợ giúp về tâm linh nhất vào lúc này.

Một số người sợ ĐCSTQ, vốn luôn quan tâm đến việc đàn áp Giáo hội, sẽ sử dụng dịch bệnh như một cái cớ để cấm các cuộc tụ họp của Kitô giáo, ngăn chặn Giáo hội ban phát các bí tích và thậm chí bắt buộc đóng cửa các nhà thờ.

Chúng ta hãy nhiệt thành cầu nguyện cho các tín hữu và người dân Trung Hoa trong hoàn cảnh thử thách này.


Source:La Croix
 
Các giáo hội Á Châu ra chỉ thị phòng ngừa lây nhiễm coronavirus
Trần Mạnh Trác
20:45 31/01/2020
Tại Philippines và Singapore, việc rước lễ phải được phân phát bằng tay. Ở Malaysia, những người có triệu chứng cảm cúm được khuyên nên ở nhà và hiệp lễ bằng tâm trí.

Manila (AsiaNews) - Trong khi toàn thế giới lo lắng về nạn dịch 2019-nCoV thì các Giáo Hội Công Giáo ở Đông Nam Á đang thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan, trong đó có các biện pháp dự phòng (prophylactic) như tránh sự đụng chạm trong lúc cầu kinh và hiệp lễ.



Ở Philippines, dù chưa có trường hợp coronavirus được báo cáo; tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Công Giáo Philippines (CBCP) đã ban hành một số chỉ thị như sau:

-Việc rước lễ phải được phân phát bằng tay “để tránh gây sợ hãi cho mọi người,” theo một thông cáo cuả linh mục tổng thư ký Marvin Mejia gửi đến tất cả các giáo phận.

-Cũng nên tránh tất cả các hình thức đụng chạm khác giữa những người tham gia thánh lễ. Thí dụ nắm tay nhau đọc kinh 'Lậy Cha ' hoặc bắt tay chúc bình an.

-CBCP kêu gọi các giáo xứ thường xuyên thay nước thánh ở cửa nhà thờ và dùng "màn che" trên các cửa sổ cuả tòa giải tội.

-Các giám mục Philippines cũng đã phát hành một bài kinh cầu ‘Oratio Imperata’ cho những người bị mắc bệnh và để phòng dịch lây lan. Lời kinh sẽ được quì gối và đọc sau khi rước lễ trong tất cả các thánh lễ ngày thường cũng như ngày lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật ngày2 tháng 2, là ngày lễ Dâng Chuá vào đền thánh.

Tại Singapore, các cơ quan y tế đã xác nhận có 10 trường hợp nhiễm dịch coronavirus.

Tổng giáo phận Singapore kêu gọi các tín hữu "có trách nhiệm với xã hội" và "tuân thủ các tư vấn y tế và các biện pháp kiểm soát do chính quyền ban hành.

Trên trang Web cuả Giáo Phận, cũng có đăng các một vài việc làm cụ thể như:

-Cung cấp thuốc xát trùng (chà tay) gần các lối vào nhà thờ và toà giải tội.



-Việc rước lễ sẽ được nhận bằng tay và việc rước MáuThánh trong chén thánh sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

-Cất hết các bình nước thánh ở lối vào nhà thờ vì đây có thể là phương tiện lây nhiễm.

-Các giáo lý viên và học sinh phải đo nhiệt độ của họ trước khi đến lớp.

-Các sinh hoạt cuả giáo xứ và các đoàn thể, nếu không cần thiết cho cuộc sống của cộng đồng, thì phải hoãn lại sau.



Tại Malaysia, có bảy người đã bị nhiễm bệnh. Ba vị giám mục Malaysia - Đức Tổng Giám Mục Julian Leow của Kuala Lumpur, Giám mục Sebastian Francis của Penang và Giám mục Bernard Paul của Melaka-Johor - đã đưa ra một số khuyến nghị mục vụ.

-Những người có triệu chứng giống như bị cúm, ví dụ như sốt, sổ mũi, đau họng, ho, cảm lạnh,... nên ở nhà và tránh những nơi công cộng kể cả đi tới nhà thờ.

Vì họ không thể tham dự thánh lễ, họ được khuyến khích thực hiện một hành vi hiệp thông tâm linh (dâng lời cầu nguyện tại nhà kèm theo mong muốn được kết hiệp với Chúa Thánh Thể).

-Các giám mục kêu gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân và các nhân viên y tế điều trị cho họ.

-Các ngài nói thêm rằng giáo hội địa phương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự phát triển của tình huống và sẽ cập nhật các hướng dẫn tiếp theo khi thấy cần thiết.

-Các giám mục kêu gọi tất cả giữ bình tĩnh, đặt tin tưởng vào các thông báo chính thức cuả bộ Y Tế và tuân hành các biện pháp phòng ngừa chung cuả bộ Y Tế.
 
Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với Hội Nghị về Mục Vụ cho Người Cao Niên
Vũ Văn An
23:41 31/01/2020
Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sư Sống đã tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên. Chủ đề của Hội nghị kéo dài từ ngày 29 tới ngày 31 tháng Giêng năm nay là “Sự Phong Phú của Nhiều Năm Sống”.

Hội nghị tập chú vào việc làm thế nào để đương đầu với nền văn hóa “vứt bỏ” người cao niên cũng như vai trò của các vị trong gia đình và ơn gọi đặc thù của các vị trong Giáo Hội.



Đức Hồng Y Kevin Farrell, bộ trưởng thánh bộ Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sư Sống, cho hay: ngay trong Giáo Hội, người cao niên cũng thường bị quên lãng, các vị “sống một cuộc sống lẻ loi”. Theo ngài, phải làm sao để các vị trở thành những người chủ đạo, vì các vị có rất “nhiều năm kinh nghiệm”.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Hội Đồng Giám Mục, các dòng tu, các hiệp hội và phong trào giáo dân khắp thế giới. Và được tổ chức theo lời yêu cầu của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cuối hội nghị, các người tham dự đã được yết kiến riêng ngài.

Ban tổ chức Hội nghị hy vọng rằng cuối hội nghị một “mạng lưới” sẽ được hình thành hội tụ những ai vốn đã làm việc cho người cao niên, tăng gia sự hiện diện ở bình diện các Hội Đồng Giám Mục, biến thừa tác vụ này thành một “di sản” được cả Giáo Hội hoàn vũ chia sẻ. Hội nghị cũng nhắm làm cho người cao niên ý thức được vai trò chủ đạo của các vị, như lời Đức Phanxicô từng nói với các vị “đừng rút mái chèo vào thuyền. Tôi muốn nói ta không nên bao giờ về hưu đối với Tin Mừng!” Hội nghị muốn các ngài trở thành “những nhà truyền thông của Tin Mừng”.

Ngày 31 tháng Giêng, Đức Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của hội nghị. Theo Cindy Wooden của Catholic News Service, trong buổi tiếp kiến này, Đức Phanxicô nói rằng tuổi già “không phải là một chứng bệnh, mà là một đặc ân” và các giáo phận và giáo xứ đã bỏ phí một nguồn tài nguyên vĩ đại và mỗi ngày một lớn hơn khi họ làm ngơ các thành viên cao niên của họ.

Ngài cho rằng Giáo Hội không thể hành động như thể đời sống người cao niên chỉ có quá khứ, “một thứ văn khố mốc thếch. Không. Thi6 Chúa có thể và muốn viết nhiều trang sách mới với họ, những trang sách thánh thiện, phục vụ và cầu nguyện”.



Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô:

Anh chị em thân mến

Tôi thân ái đón chào anh chị em, những người tham gia Đại hội quốc tế đầu tiên về việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên, “Sự Phong phú của Nhiều Năm Sống”, do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức, và tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrell về những lời tốt đẹp của ngài.

“Sự Phong phú của Nhiều Năm Sống” là sự phong phú của người ta, của từng con người cá nhân đã có nhiều năm sống, kinh nghiệm và lịch sử đằng sau họ. Đó là kho báu quý giá thành hình trong cuộc hành trình đời sống của mỗi người đàn ông và đàn bà, bất kể nguồn gốc, xuất xứ và điều kiện kinh tế hay xã hội của họ. Cuộc sống là một hồng phúc, và khi nó kéo dài, đó là một đặc ân, cho chính mình và cho người khác. Luôn luôn, nó luôn luôn như vậy.

Trong thế kỷ hai mươi mốt, tuổi già đã trở thành tuổi có những nét khác biệt trong nhân loại. Trong khoảng thời gian chỉ vài thập niên, kim tự tháp nhân khẩu học – một kim tự tháp trước đây đáy là một số lượng lớn trẻ em và thanh thiếu niên còn đỉnh chỉ là một vài người cao niên - đã bị đảo ngược. Nếu ngày trước, người cao tuổi có thể cung cấp nhân số cho một quốc gia nhỏ, thì ngày nay họ có thể cung cấp dân số cho toàn bộ một lục địa. Về phương diện này, sự hiện diện to lớn của người cao niên tạo nên sự mới lạ cho mọi môi trường xã hội và địa dư khắp thế giới. Ngoài ra, các mùa khác nhau của sự sống tương ứng với tuổi già: đối với nhiều người, chính độ tuổi trong đó các nỗ lực sản xuất chấm dứt, sức mạnh giảm sút và các dấu hiệu bệnh tật, nhu cầu cần giúp đỡ và sự cô lập xã hội xuất hiện; nhưng đối với nhiều người khác, nó là khởi đầu của một thời kỳ dài an vui tâm sinh lý và không bị trói buộc bởi các cam kết làm việc.

Trong cả hai tình huống, làm thế nào để sống những năm tháng này? Ta có thể dành ý nghĩa nào cho giai đoạn này của cuộc sống, một giai đoạn mà đối với nhiều người có thể là khá lâu dài? Sự mất phương hướng xã hội và, trong nhiều khía cạnh, sự thờ ơ và bác bỏ mà xã hội của chúng ta biểu lộ đối với nhu cầu của người cao niên đòi không những Giáo hội, mà tất cả chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ để học cách nắm vững và đánh giá cao giá trị của tuổi già. Thật vậy, trong khi, một mặt, các quốc gia phải học cách đối mặt với tình hình nhân khẩu học mới ở bình diện kinh tế, mặt khác, xã hội dân sự cần các giá trị và ý nghĩa cho lớp tuổi thứ ba và thứ tư. Và ở đây, trước hết, là sự đóng góp của cộng đồng giáo hội.

Đó là lý do tại sao tôi hoan nghênh một cách đầy thích thú sáng kiến của hội nghị này, một hội nghị tập chú vào việc chăm sóc mục vụ cho người cao niên và khởi xướng một suy tư về các hệ luận của sự hiện diện đáng kể của ông bà trong các giáo xứ và xã hội của chúng ta. Tôi yêu cầu đây không phải là một sáng kiến biệt lập, mà thay vào đó nó đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình khám phá và biện phân mục vụ. Chúng ta cần thay đổi các thói quen mục vụ của mình để có thể đáp ứng đối với sự hiện diện của rất nhiều người cao niên trong các gia đình và cộng đồng.

Trong Kinh thánh, tuổi thọ là một chúc phúc. Nó làm chúng ta đương đầu với sự mong manh của chúng ta, với sự phụ thuộc lẫn nhau, với mối liên hệ gia đình và cộng đồng của chúng ta, và trên hết với tư cách con cái Thiên Chúa của chúng ta. Ban tuổi già, Thiên Chúa Cha cho chúng ta thời gian để thâm hậu hóa kiến thức về Người, sự thân mật của chúng ta đối với Người, để nhập sâu hơn nữa vào trái tim của Người và phó thác cho Người. Đây là thời gian để chuẩn bị trao phó linh hồn chúng ta trong tay Người, một cách dứt khoát, với niềm tín thác như trẻ em. Nhưng đó cũng là thời gian của sự hữu hiệu mới. Thánh vịnh gia vốn viết “già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92:15). Thực thế, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa cũng được thực hiện trong sự nghèo khó của những cơ thể yếu đuối, cằn cỗi và bất lực. Từ cung lòng cằn cỗi của Sara và cơ thể trăm tuổi của Ápraham, dân Chúa Chọn đã ra đời (x. Rm 4: 18-20). Từ Elizabeth và Dacaria cao niên, Gioan Tẩy giả đã ra đời. Người cao tuổi, ngay cả khi đã yếu, vẫn có thể trở thành một dụng cụ của lịch sử cứu rỗi.

Nhận thức được vai trò không thể thay thế này của người cao niên, Giáo hội trở thành nơi các thế hệ được mời gọi tham dự kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa, trong mối liên hệ trao đổi lẫn nhau các ân phúc của Chúa Thánh Thần. Sự chia sẻ giữa liên thế hệ này buộc chúng ta phải thay đổi cái nhìn đối với người cao niên, học cách cùng với họ nhìn về tương lai.

Khi chúng ta nghĩ tới người cao niên và nói về họ, đặc biệt là trong chiều kích mục vụ, chúng ta phải học cách thay đổi một chút các thì của động từ. Không chỉ có quá khứ, như thể, đối với người cao niên, chỉ có một cuộc sống ở phía sau họ và một văn khố mốc thếch. Không. Thiên Chúa có thể và muốn viết những trang sách mới với họ, những trang sánh thánh thiện, phục vụ, cầu nguyện... Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em rằng người cao niên cũng là hiện tại và tương lai của Giáo hội. Vâng, họ cũng là tương lai của một Giáo hội, cùng với người trẻ, nói tiên tri và mơ mộng! Đây là lý do tại sao điều quan trọng là người cao niên và người trẻ phải nói chuyện với nhau, điều này rất quan trọng.

Lời tiên tri của người cao niên được ứng nghiệm khi ánh sáng Tin Mừng hoàn toàn đi vào cuộc sống của họ; khi, giống như Simeon và Anna, họ ẵm Chúa Giêsu trên tay và loan báo cuộc cách mạng của lòng dịu dàng, Tin mừng về Đấng đã đến thế gian để mang lại ánh sáng của Chúa Cha. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu anh chị em đừng ngần ngại loan báo Tin Mừng cho ông bà và người cao niên. Anh chị em hãy đến với họ với một nụ cười trên khuôn mặt anh chị em và sách Tin Mừng trong tay anh chị em. Đi ra đường phố các giáo xứ của anh chị em và tìm kiếm những người cao niên sống một mình. Tuổi già không phải là một căn bệnh, đó là một đặc ân! Cô đơn có thể là một căn bệnh, nhưng với lòng bác ái, sự gần gũi và an ủi tinh thần, chúng ta có thể chữa lành nó.

Thiên Chúa có một số lượng lớn các ông bà trên khắp thế giới. Ngày nay, trong các xã hội thế tục hóa ở nhiều quốc gia, các thế hệ cha mẹ hiện nay, phần lớn, không có được sự đào luyện về Kitô giáo và đức tin sống động, những điều mà ông bà có thể truyền lại cho các cháu của họ. Họ là mối liên kết không thể thiếu trong việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên về đức tin. Chúng ta phải làm quen với việc bao gồm họ vào các chân trời mục vụ của chúng ta và xem xét chúng, một cách trường kỳ, như một trong những thành phần hệ trọng của các cộng đồng chúng ta. Họ không những chỉ là những người mà chúng ta được kêu gọi hỗ trợ và bảo vệ để duy trì cuộc sống của họ, mà họ còn có thể là những tác nhân trong thừa tác mục vụ truyền giảng Tin Mừng, những nhân chứng ưu tuyển của tình yêu trung thành của Thiên Chúa.

Vì điều này, tôi cảm ơn tất cả những ai đã cống hiến năng lực mục vụ cho các ông bà và người cao niên. Tôi biết rõ rằng cam kết và suy tư của anh chị em được sinh ra từ tình bạn cụ thể với nhiều người cao niên. Tôi hy vọng rằng điều ngày nay chỉ là sự nhạy cảm của một số ít người sẽ trở thành gia bảo của mọi cộng đồng giáo hội. Anh chị em đừng sợ hãi, hãy thực hiện các sáng kiến, giúp các giám mục và giáo phận của anh chị em để cổ vũ việc phục vụ mục vụ cho và với những người lớn tuổi. Anh chị em đừng nản lòng, hãy tiếp tục tiến bước! Bộ Giáo dân, Gia đình và Sư sống sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em trong nhiệm vụ này.

Tôi cũng đồng hành với anh chị em với lời cầu nguyện và phước lành của tôi. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Khởi Công Xây Dựng Tánh Đường Mới Giáo Họ Vĩnh Điền, Giáo Xứ Vĩnh Hội, GP Hà Tĩnh. 21.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
00:00 31/01/2020
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NĂM GIÁO HỌ:
Yên Hội, Kẻ Mây (nay gọi là Vĩnh Hội), Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền
Trực Thuộc Giáo Xứ Mẹ Vĩnh Hội, Giáo Phận Hà Tĩnh.

Lời Tựa:
Trong bài 1 đã được đăng tải trước, chúng tôi đã trình bài về Giáo Xứ (GX) Vĩnh Hội là GX Mẹ của các Giáo Họ (GH) Yên Hội, Kẻ Mây (nay gọi là Vĩnh Hội), Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền.
Trong khuôn khổ của bài viết kế tiếp nầy, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày sự “Hình Thành và Phát Triển của 5 GH thuộc GX Mẹ Vĩnh Hội.
Sự hình thành và phát triển của 5 GH nầy đang rất cần những bàn tay từ ái của nhiều người từ khắp nơi. Cha Chính Xứ Phêrô, rất năng động đi khắp nơi trong cả nước và ra hải ngoại nữa, nhưng nhu cầu của GX chính Vĩnh Hội còn đang dở dang và những nhu cầu của ‘5 Giáo Họ Con’ cần rất nhiều thời gian trong tương lai cần sự trợ giúp của rất nhiều ‘Ân Nhân Xa Gần’ mới có thể hoàn thành được.
Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi bài viết về 5 Giáo Họ nầy…
1. Giáo họ Yên Hội:
Được thành lập vào năm 1957, cơ sở vật chất buổi đầu đang còn rất thô sơ. Năm (1960-1973) bị bom mỹ phá hoại, năm 1974 làm lại nhà thờ tạm, đến năm 2001 do Cha Gioan Trần Minh Cẩn chủ trì sửa lại bằng nhà thờ xây cho đến nay.
Với vị trí địa lý thấp trũng, nên hằng năm chịu sự ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai.
Nay đã có đất đai và san ủi mặt bằng xong để di chuyển nhà thờ lên cao.
Tổng số hộ hiện nay là 47 hộ bao gồm cả Hòa Duyệt, có 209 nhân danh.
Giáo họ nhận Thánh Anton Padova làm quan thầy.
2. Giáo họ Kẻ Mân nay là họ Vĩnh Hội:
Thành lập trước năm 1919 và là họ trị sở của giáo xứ, đồng thời cũng là nhà thờ của giáo xứ. Qua nhiều lần di chuyển, hiện nay năm 2017 nhà thờ đã ở vị trí cao không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 113 hộ, có 449 nhân danh.
Giáo họ nhận Thánh Phê-rô làm quan thầy.
3. Giáo họ Yên Thịnh:
Được thành lập vào năm 1937. Buổi đầu thành lập đang còn rất thô sơ, qua nhiều lần di chuyển và làm lại nhà thờ. Đến nay 2017 đã có nhà thờ xây kiên cố, nhà phòng khuôn viên tường rào đầy đủ không bị ngập lụt.
Tổng số hộ của giáo họ là 52 có 190 nhân danh.
Giáo họ nhận thánh Giu-se Thợ làm quan thầy.
4. Giáo họ Vĩnh Sơn:
Được thành lập năm 2003, ngày đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn ngăn trở, cho đến nay năm 2017 đã có nhà thờ xây, khuôn viên nhà phòng không bị ngập lụt hằng năm. Tổng số hộ là 27 hộ, số nhân danh là 104.
Giáo họ nhận Thánh Gioan Baotixita làm quan thầy.
5. Giáo họ Vĩnh Điền: hội tụ năm 1993, là một giáo họ thuộc vùng sâu vùng xa, đến năm 2003 mới được chính thức lập họ và đặt tên là Vĩnh Điền, do Cha Gioan Trần Thanh Đạt.
Đến năm 2013 chuyển vị trí ở của toàn giáo họ đi nơi khác về vị trí mới đang còn rất khó khăn, đến nay năm 2017 mới có đất đai. Đã san ủi mặt bằng và có nhà thờ tạm không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 28, có 98 nhân danh.
Giáo họ nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.
Linh mục quản nhiệm và kiêm nhiệm qua các thời kỳ
Tt Họ tên Quê quán Vai trò Thời gian
1 Cha Jb. Nguyễn Liên Thành lập giáo xứ 1919
2 Cha Phêrô Phúc Quản xứ 1921-1924
3 Cha Hoan
4 Cha Tính
5 Cha Tuần
6 Cha Hữu
7 Cha Chân
8 Cha An Phụ trách 1954
9 Cha Gb. Trương Văn Tạo Thổ Hoàng Quản xứ 1957-1973
10 Cha Bang Phụ trách
11 Cha Giuse Võ Văn Thìn Bột Đà Phụ trách 1976-1994
12 Cha Gio-an Trần Minh Cẩn Thanh Dạ Phụ trách 1994-2002
13 Cha Phê-rô Hồ Đức Hân Thổ Hoàng Nghỉ hưu 1980-1982
14 Cha Gioanbaotixita Trần Thanh Đạt Thuận Nghĩa Quản xứ 2002-2004
15 Cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu Nghi Lộc Quản xứ 2005-2010
16 Cha Phê-rô Nguyễn Huy Lưu Nhượng Bạn Quản xứ Từ 2010
tới nay

Danh sách các Cha An nghỉ nơi Giáo xứ
Tt Họ tên Sinh Mất
1 Jb. Nguyễn Liên 1864 1945
2 Gioan Trương Văn Tạo 1889 1973
3 Phê-rô Hồ Đức Hân 1882 1982
4 Jb. Malo 1899 1955

Danh sách các hội đoàn:
1. Hội Mân Côi
2. Hội Lòng thương Xót Chúa
3. Hội Thiếu Nhi Thánh Thể
Danh sách các trùm xứ qua các thờ kỳ:
Họ tên Họ tên
Trước không rõ
1. Cố Phê-rô Nguyễn Thông 10. Phê-rô Tràn Văn Hậu
2. Cố Phê-rô Nguyễn Văn Ba 11. Phê-rô Nguyễn Văn Khôi
3. Cố Phê-rô Lập 12. Phê-rô Nguyễn Văn Niên
4. Cố Phê-rô Phan Linh 13. Phê-rô Nguyễn Văn Lục
5. Phê-rô Nguyễn Hiển 14. Phê-rô Nguyễn Văn Phương
6. Lê Trọng Quyền 15. Gioan Nguyễn Văn Hà
7. Nguyễn Văn Trung 16. Phê-rô Nguyễn Văn Trúc
8. Phê-rô Trần Đường (Liên) 17. Phê-rô Trần Văn Trúc
9. Cố Phê-rô Nguyễn Xin (Hứa) 18. Phê-rô Nguyễn Văn Mân

Các Tu sĩ con cái trong giáo xứ:
Tt Họ tên Giáo họ Ghi chú
1 Gioan Nguyễn Văn Năng Vĩnh Hội Đang học tại ĐCV
2 G.b Trần Viết Đồng Vĩnh Sơn Đang học tại TCV
3 Maria Nguyễn Thị Tuyết Vĩnh hội Dòng TSBA Vinh
4 Phan Thị Hiền Yên Hội Đệ tử
5 Phan Thị Thảo Yên Hội Đệ tử
6 Trần Thị Trang Yên Hội Đệ tử
7 Nguyễn Thị Hiên Vĩnh Hội Đệ tử
8 Nguyễn Thị Trâm Vĩnh Hội Đệ tử
9 Giusu Nguyễn Văn Thắng Yên Thịnh Dòng An-tôn Padova
10 Trần Thị Trà Yên Thịnh Đệ tử
11 Trần Thị Tùng Yên Thịnh Đệ tử

Tổng số giáo dân trong xứ hiện nay: 1078 nhân danh
Tổng số hộ trong giáo xứ hiện nay: 277 hộ
Quan thầy của giáo xứ là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Các thành viên cộng tác:
1. Phê-rô Nguyễn Văn Phương (nguyên chủ tịch)
2. Phê-rô Nguyễn văn Khôi (nguyên chủ tịch)
3. Phê-rô Lê Hoàng Cảnh (nguyên phó xứ)
4. Giu-su Trần Văn Trường (nguyên giáo lý xứ)
5. Phê-rô Nguyễn Văn Hải (nguyên giáo lý họ)

Thay Lời Kết:
Trong bài viết kế tiếp, chúng tôi sẽ viết về Giáo Họ Vĩnh Điền, thuộc Giáo Xứ Mẹ Vĩnh Hội, do một sự may mắn ‘Tình Cờ’ nhưng đó là do sự ‘Quan Phòng-Diệu Kỳ’ của Thiên Chúa, ngày 21.1.2020 sắp tới, Đức Đương Kiêm Giám Mục GP Hà Tĩnh sẽ Làm Phép và Đặt Viên Đá Đầu Tiên, xây dựng Nguyện Đường, với Tước Hiệu là Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy của Giáo Họ, Nguyện Đường nầy được Dâng Kính-Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa.
Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi bài viết về Ngày Lễ Làm Phép-Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây cất Nguyện Đường nầy trong những ngày sắp tới.



Giáo Họ Vĩnh Điền - Nhiệm Mầu Tình Chúa Bao La
Cách nay chắc khoảng 15-20 năm, trong chương trình giúp đỡ học sinh nghèo ở Việt Nam, tôi được các Sisters… giới thiệu một số các em nữ vừa mãn lớp 6…. từ miền đất sỏi đá khô cằn…. vào Huế học…. tôi nhận đỡ đầu một số em… mỗi năm…. tiền túi…
Rồi bẵng đi một thời gian, tôi có cơ hội về thăm Quê Hương và Giáo Hội Mẹ, tôi quyết định làm một chuyến ra Trung ra Bắc, sau khi bắt được ‘Nhịp Cầu’ với những người ‘Con Tinh Thần’ mà tôi ‘Chưa Bao Giờ’ gặp. Bây giờ gặp, những đứa con nầy đã lập gia đình, có con có cháu hết rồi... Tôi được hân hạnh rửa tội cho một vài cháu của ‘Các Đứa Con Tinh Thần’
“Miền Trung Sỏi Đá Nghèo Nàn”… Tôi được gia đình những đứa con tinh thần đưa đi thăm các Xứ Đạo, Giáo Họ… Như Dụ Thành và Vĩnh Hội, Thuận Nghĩa, Cửa Sót… đến những Giáo Họ Nghèo như Vĩnh Điền, Vĩnh Sơn, Yên Hội…và từ những quen biết nầy, tôi đã có dịp đến sống và sinh hoạt giữa họ để cảm thông và chia sẻ cuộc sống của họ….
MỘT NHÀ THỜ Ở THẾ KỶ 21 - MƯỜNG TƯỢNG ĐÓ LÀ MỘT SHED - KHO CHỨA ĐỒ CŨ -GARAGE WORKSHOP.
Một chút sơ lược lại về lịch sử thành lập Giáo Họ Vĩnh Điền nầy….
Giáo họ Vĩnh Điền: hội tụ năm 1993, là một giáo họ thuộc vùng sâu vùng xa, đến năm 2003 mới được chính thức lập họ và đặt tên là Vĩnh Điền, do Cha Gioan Trần Thanh Đạt.
Đến năm 2013 chuyển vị trí ở của toàn giáo họ đi nơi khác về vị trí mới đang còn rất khó khăn, đến nay năm 2017 mới có đất đai. Đã san ủi mặt bằng và có nhà thờ tạm không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 28, có 98 nhân danh.
Giáo họ nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.
Với hình đính kèm, có lẽ không ai trong chúng ta nếu đã không có dịp chứng kiến tận mắt chắc không bao giờ tin đó là Nhà Nguyện-Nhà Thờ của Giáo Họ Vĩnh Điền trong thế kỷ 21 nầy? Tôi có dịp đi rất nhiều nơi, chưa nơi nào tôi lại được dâng lễ trong Nguyện Đường như thế nầy bao giờ….
Một hôm, khi được Cha Xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu, Chính Xứ Vĩnh Hội, đưa tôi đi dâng lễ ở Giáo Họ Vĩnh Điền… tôi có dịp tiếp xúc cận kề khi sống giữa họ… tôi mới cảm nghiệm sâu xa ‘Cái Nghèo-Thiếu Thốn’ của họ trong suốt năm nhất là ‘Mùa Nước Lũ’ họ sống trên mái nhà, khi nước rút họ rời mái nhà với ‘Tay Trắng Tay’. Cuộc sống của họ phải bắt đầu lại bằng ’Đôi Tay Trắng’.
Một hôm, có dịp chuyện trò với một cụ cao niên trong Giáo Họ, cụ nhờ ‘Ai Đó’ chuyển đến tôi ‘Lời Nguyện Ước’ của cụ là: Xin tôi giúp để nới rộng nền Nhà Thờ hiện nay ra dài hơn với 2 lý do:
* Lý do thứ I: Để khi cụ qua đời có nơi cao ráo để xác cụ trong mùa ‘Nước Lũ’, bà con đến đọc kinh-cầu lễ cho cụ.
* Lý do thứ II, nếu trong Mùa Nước Lũ, thay vì bà con phải ở trên mái nhà 2,3 tháng, họ có thể lên Nhà Thờ để tá túc… nguyện kinh mỗi ngày…
Khi biết được ý nguyện đơn thuần của cụ, tôi rất xúc động và quyết định tìm cách giúp Giáo Họ Vĩnh Điền. Sau khi tham khảo ý kiến với Cha Chính Xứ Phêrô… Ngài cho tôi biết với công trình lớn của Giáo Xứ Vĩnh Hội còn dang dở, nếu phải thực hiện việc xây cất cho Giáo Họ Vĩnh Điền chắc phải chờ thêm khoảng ít nhất “10 năm nữa”.
Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ, tôi nhận lời sẽ tìm cách giúp xây cất Nguyện Đường Thánh Phanxicô Xaviê, Kính Lòng Thương Xót Chúa. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề ‘Tài Chánh’ một vấn đề ‘Tế Nhị-Nhạy Cảm’. Nếu đi ‘Ăn Mày’ thì cũng rất ‘Hỗ Ngươi’. Tôi đã ‘Tín Thác’ vào sự ‘Quan Phòng của Thiên Chúa là ‘Nguồn Tình Yêu’. Nhiều người quen từ khắp đó đây đã biết công việc ‘Thiện Nguyện nầy đã ‘Âm Thầm Góp Những Viên Gạch Xây Cất Nguyện Đường Nầy’ - ‘Của Ít Lòng Nhiều’. Theo Cha Xứ cho biết tiền giáo dân ‘Dâng Cúng’ mỗi cuối tuần khoảng 1 triệu tiền Việt Nam Đồng - tương đuơng với 70-80 Úc Kim…
Chúng tôi, một nhóm gọi là “Ăn Mày” khởi sự cách “Âm Thầm” mời gọi lòng hảo tâm của những người thân quen biết xa gần. Chúng tôi tổ chức ‘Bán Đồ Second Hand”, “Garage Sales” vào cuối tuần gây quỹ, “Nấu Đồ Ăn Bán - Take Way Food or Food To Go”. Góp Gió Thành Bão”. Ngày qua ngày chúng tôi “Âm Thầm Cầu Thực”
Nhóm chúng tôi, còn có người, ngày ngày đi lượm đồ phế thải trên các vĩa hè, đem bán cho những trung tâm mua đồ phế thải, ngày qua ngày, tuần qua tuần, năm qua năm, chúng tôi kiên trì “Hành Khất” trên bước đường xây dựng ‘Tình Thương-Tình Người…Mỗi năm trong khu phố hay tiểu bang có những định kỳ”Bỏ đồ-Thu Lượm” đồ phế thải…. những gì trong nhà không xử dụng hay không cần đến, họ bỏ ra vỉa hè cho xe của thành phố thu hốt đi…. Đây lại là những cơ hội cho nhóm ‘Hành Khất’ chúng tôi thu lượm… về nhà lựa lại để ‘bán second hand’ giúp cho chương trình giúp người nghèo đó đây…hay cân ký những “Aluminum for recycled”... Công việc của nhóm “Hành Khất-Thiện Nguyện” chúng tôi cứ tiến hành liên tục không ngừng nghỉ… Luôn tâm niệm: “Người Khác Là Hồng Ân”.
Tôi cũng đã từng “Trải Nghiệm”, gõ cửa những “Đại Gia”… nhưng không hiệu nghiệm “No Works”… thà làm người “Khất Sĩ” trong thế giới hôm nay hơn là “Người Khất Sĩ Ở Kiếp Sau”, như câu chuyện của Lazarô và Ngưòi Giàu trong Phúc Âm… Tôi luôn tin tưởng vào sự “Quan Phòng Diệu Kỳ của Thiên Chúa”. Trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, Chúa cũng vẫn tiếp tục hành động theo đường lối của Ngài: Ngài đã dùng những người có tinh thần khiêm hạ, bé nhỏ để làm những việc cả thể trong Giáo Hội. Khiêm tốn như thánh Antôn ẩn tu, Thánh Đaminh, Thánh Phanxicô Khó Khăn, Thánh Gioan Vianey, Thánh Catharina thành Siena, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Giáo Hoàng Piô X... Chúng ta xác nhận rằng các thánh là những vị có tinh thần đơn sơ, khiêm hạ. Sau nữa, Chúa và Đức Mẹ cũng thường dùng những người đơn sơ, ít học như thánh Catharina Labôrê, thánh nữ Bernađetta, ba trẻ tại Fatima... để ban những sứ điệp quan trọng cho thế giới, đặc biệt những người nghèo khó-bé nhỏ.
Chúa Giêsu đã đến trần gian và Ngài đã thiết lập một vương quốc mới, trong vương quốc nầy chỉ chấp nhận những kẻ bé mọn đơn sơ làm thần dân. Những ai sống tự cao tự đại, coi mình thông thái hơn người khác sẽ cảm thấy lạc lỏng trong phần đất của những kẻ cần tình thương của Chúa là vua bình an. Thiên Chúa sẽ để cho những kẻ tự cao tự đại thoả mãn ý muốn của họ, nhưng Ngài sẽ kêu gọi những ngườ tự cảm thấy mình bé khiêm tốn đến với Ngài: "Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho". Qua phép Thánh Tẩy, chúng ta được sống trong vương quốc mới nầy, gia nhập vào vương quốc nầy, người tín hữu phải luôn chiến đấu giữa hai cuộc sống: sống theo thể xác và sống theo Thánh Thần. Đi vào sống trong vương quốc của Đức Kitô có nghĩa là mặc lấy tinh thần của Ngài trong một cuộc sống mới. Tinh thần của Đức Kitô là tinh thần của hiền lành và khiêm nhường trong lòng và phục vụ tha nhân. Cho nên đời sống của người Kitô hữu phải thấm nhuần tinh thần của Đức Kitô là luôn khiêm hạ, quên mình để gặp Chúa “Nơi Tha Nhân-Ngưòi Khác”. Chỉ có những kẻ tự coi mình là nhỏ bé mới được Thiên Chúa mạc khải cho những mầu nhiệm của vương quốc mới nầy, trong đó có sự cư ngụ của Thánh Linh. Hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho chúng ta được cư ngụ trong vương quốc yêu thương của Ngài. Đồng thời, Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải sống khiêm hạ, yêu thương để tình yêu của Chúa có cơ hội tuôn chảy như dòng suối trong trái tim chúng ta, làm đắm đuối con tim ta, để ta yêu thương tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta. Còn nếu chúng ta sống hay đối xử với anh chị em đồng loại chỉ bằng lý trí, khắc nghiệt với anh em, bốc lột anh em đồng loại, coi lý trọng hơn tình, kiêu căng, tự coi mình là thông thái, ta đây hơn người thì Chúa sẽ không bao giờ mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Ngài cho chúng ta.
Chúa Giêsu đã kêu mời chúng ta: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi". Và Ngài mời mọc thêm: "Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng". Chúng ta cầu xin Mẹ Maria và Các Thánh chúng ta đã nhắc đến tên Các Ngài trong bài viết nầy, giúp chúng ta biết sống khiêm hạ như Mẹ và Các Thánh, để chúng ta trở nên những thần dân bé nhỏ trong vòng tay yêu thương của Vua Muôn Thuở - tức là Cha của chúng ta trên trời.
Trong hình đính kèm, Quý Đọc Giả thấy trong thế kỷ XXI nầy mà vẫn còn thấy một Nhà Thờ của một Giáo Họ như thế, như môt cái mà chúng tôi gọi là “Patio-Garage-Workshop…”.
Mùa Xuân năm Kỷ Hợi - sắp kết thúc - Cha xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu và tôi lên gặp ĐGM Phaolô của GP Hà Tĩnh và Cha xứ Phêrô đã trình Ngài ‘Ước Nguyện’ của chúng tôi… ĐGM Phaolô đã cho phép Cha xứ tiến hành việc xây cất Nguyện Đường Thánh Phanxicô Xaviê để Tôn Kính Lòng Thương Xót Chúa.
Nhìn phong cảnh thiên nhiên với núi rừng hùng vỹ bao quanh, trong tương lai với mô hình Nhà Nguyện, có thể trở nên nơi thu hút nhiều người chạy đến ‘Kín Múc-Ơn Thánh Nơi Lòng Thương Xót Chúa. Tất cà đều nằm trong sự ‘Quan Phòng Kỳ Diệu của Thiên Chúa’.
Nếu điều kiện và khả năng tài chính cho phép, Tân Nhà Nguyện Thánh Phanxicô Xaviê, được xây để Tôn Kính Lòng Thương Xót của Chúa và sẽ được Đức Giám Mục Tiên Khởi Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP, khánh thành theo như ‘Dự Trù-Nguyện Ước’ là 2 năm sau, cũng vào ngày 21.1 năm 2022.
Chúng ta hiệp thông trong lời cầu nguyện, xin thánh cả Phanxicô Xaviê là Quan Thầy của Giáo Họ Vĩnh Điền và Mẹ Maria là Quan Thầy của Tân Địa Phận Hà Tĩnh phù hộ và chở che, được sự giúp đỡ của ‘Ân Nhân Xa Gần’ cho công trình xây cất Tân Nguyện Đường nầy được hoàn thành theo nguyện ước.












LỄ NGHI LÀM PHÉP VÀ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY CẤT
TÂN NGUYỆN ĐƯỜNG THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ,
TÔN KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA,
GIÁO HỌ VĨNH ĐIỀN, THUỘC GIÁO XỨ VĨNH HỘI, GIÁO PHẬN HÀ TĨNH.


Thay Lời Tựa:
Trong những bài đã được đăng tải trên Vietcatholic, chúng tôi đã giới thiệu đến Quý Đọc Giả về Tân Địa Phận Hà Tĩnh (ĐP), về Giáo Xứ Vĩnh Hội (GX) về 5 Giáo Họ (GH) trong Giáo Xứ Mẹ Vĩnh Hội, đặc biệt là Giáo Họ Vĩnh Điền mà ngày 21.1.2020 Đức Giám Mục tiên khởi của GP Hà Tĩnh đã làm phép và đặt viên đá đầu tiên để xây Tân Nguyện Đường Thánh Phanxicô Xaviê, của GH Vĩnh Điền để tôn kính Lòng Thương Xót Chúa.

Chúng tôi xin phép được lượt tóm lại về lịch sử cũa GH Vĩnh Điền từ lúc sơ khai cho đến ngày hôm nay để Quý Vị hiểu rõ hơn về GH nầy trong ngày trọng đại hôm nay.

Giáo Họ Vĩnh Điền - Nhiệm Mầu Tình Chúa Bao La

Cách nay chắc khoảng 15-20 năm, trong chương trình giúp đỡ học sinh nghèo ở Việt Nam, tôi được các Sisters… giới thiệu một số các em nữ vừa mãn lớp 6…. từ miền đất sỏi đá khô cằn…. vào Huế học…. tôi nhận đỡ đầu một số em… mỗi năm…. tiền túi…
Rồi bẵng đi một thời gian, tôi có cơ hội về thăm Quê Hương và Giáo Hội Mẹ, tôi quyết định làm một chuyến ra Trung ra Bắc, sau khi bắt được ‘Nhịp Cầu’ với những người ‘Con Tinh Thần’ mà tôi ‘Chưa Bao Giờ’ gặp. Bây giờ gặp, những đứa con nầy đã lập gia đình, có con có cháu hết rồi... Tôi được hân hạnh rửa tội cho một vài cháu của ‘Các Đứa Con Tinh Thần’

“Miền Trung Sỏi Đá Nghèo Nàn”… Tôi được gia đình những đứa con tinh thần đưa đi thăm các Xứ Đạo, Giáo Họ… Như Dụ Thành và Vĩnh Hội, Thuận Nghĩa, Cửa Sót… đến những Giáo Họ Nghèo như Vĩnh Điền, Vĩnh Sơn, Yên Hội…và từ những quen biết nầy, tôi đã có dịp đến sống và sinh hoạt giữa họ để cảm thông và chia sẻ cuộc sống của họ….

MỘT NHÀ THỜ Ở THẾ KỶ 21 - MƯỜNG TƯỢNG ĐÓ LÀ MỘT SHED - KHO CHỨA ĐỒ CŨ -GARAGE WORKSHOP.

Một chút sơ lược lại về lịch sử thành lập Giáo Họ Vĩnh Điền nầy….
Giáo họ Vĩnh Điền: hội tụ năm 1993, là một giáo họ thuộc vùng sâu vùng xa, đến năm 2003 mới được chính thức lập họ và đặt tên là Vĩnh Điền, do Cha Gioan Trần Thanh Đạt.

Đến năm 2013 chuyển vị trí ở của toàn giáo họ đi nơi khác về vị trí mới đang còn rất khó khăn, đến nay năm 2017 mới có đất đai. Đã san ủi mặt bằng và có nhà thờ tạm không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 28, có 98 nhân danh.

Giáo họ nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.

Giáo họ Vĩnh Điền:


Thánh lễ đặt viên đá khởi công xây dựng thánh đường mới Giáo Họ Vĩnh Điền, Giáo Xứ Vĩnh Hội, GP Hà Tĩnh
Nguồn Trích từ Website của Giáo Phận Hà Tĩnh


Sáng thứ Ba, ngày 21/01/2020, Giáo họ Vĩnh Điền thuộc Giáo xứ Vĩnh Hội, đã long trọng tổ chức mừng lễ đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ, đây quả là thời khắc trọng đại ghi dấu trên trang sử của Giáo họ miền sơn cước này.

Hiện diện và cử hành Thánh lễ có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, chủ chăn Giáo phận; Cha quản hạt Ngàn Sâu JB Nguyễn Huy Tuấn, cha quản xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu, quý cha trong và ngoài Giáo phận, cùng đông đảo cộng đoàn tham dự.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Phaolô đã nêu lên ý nghĩa của việc xây dựng ngôi thánh đường. Đồng thời, mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện để ngôi thánh đường sớm được hoàn thành. Kỳ thực, khi khởi công xây cất thánh đường mới, Giáo hội cũng mời gọi con cái mình cùng cử hành một nghi thức, để xin Chúa chúc lành cho công cuộc được hoàn thành và để huấn dụ dân Chúa về ý nghĩa của Thánh đường, như là hình ảnh của Giáo hội được xây dựng bởi những viên đá sống động là các tín hữu.
Kế đến, theo truyền thống phụng vụ, Đức Cha Phaolô đã làm phép diện tích phần đất mà ngôi Thánh đường sẽ được xây lên.

“Ngôi Thánh đường này là nơi thể hiện niềm tin, là nơi quy tụ những người con của Chúa”. Đây là lời Đức Cha Phaolô đã tỏ bày với cộng đoàn trong bài giảng. Quả thật, nhà Chúa chính là nơi quy tụ, là điểm hẹn, là nơi thể hiện tình yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. Hơn nữa, việc xây dựng nhà thờ mới cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức hơn về tòa nhà tâm hồn của mình. Như Thánh Phaolô đã nói: “…anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao” (1Cr 6,19). Chính vì thế, việc xây dựng ngôi nhà thờ mới rất quan trọng, bởi các tín hữu sẽ có một nơi để thờ phượng Chúa cách xứng đáng, hầu giúp tâm hồn mỗi người, là ngôi Thánh đường mà Chúa Thánh Thần đang ngự thêm sống động hơn.

Kết thúc Thánh lễ, một vị đại diện Hội đồng mục vụ Giáo họ đã bày tỏ niềm tri ân cảm mến đến Đức Cha Phaolô, quý cha, quý ân nhân và cộng đoàn. Ngoài ra, cám ơn cách đặc biệt đến cha Phanxicô Lý Văn Ca, một ân nhân đã giúp đỡ cho Giáo Họ. Đồng thời, gửi lời chúc mừng ngày kỉ niệm 35 năm hồng ân Linh mục của cha.
Đáp lời ông, Đức Cha Phaolô một lần nữa cám ơn cha quản xử, quý Hội đồng mục vụ Giáo xứ, Giáo họ và quý ân nhân, đã hy sinh quãng đại góp phần mình trong việc xây dựng công trình nhà Chúa.

Trong những ngày cuối của năm cũ và kề cận những ngày đầu của năm mới 2020. Đức Cha Phaolô cũng đã gửi tới những lời chúc mừng năm mới đến mọi người hiện diện, hơn nữa, Đức Cha đã gửi quà trao tặng cho 30 hộ gia đình thuộc Giáo họ Vĩnh Điền, hầu để niềm vui được trọn vẹn hơn trong những ngày đầu xuân.

Sau lời cám ơn, Đức Cha Phaolô cùng với cha quản hạt và Linh mục Phanxicô Lý Văn Ca tiến đến làm phép và đặt viên đá đầu tiên, thể hiện cho sự bắt đầu khởi công xây dựng Giáo Họ Vĩnh Điền.

Nguồn Trích từ Website của Giáo Phận Hà Tĩnh
Anh Tuấn
 
Dạ Tiệc Mừng Xuân do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức
Diệp Hải Dung
10:28 31/01/2020
Dạ Tiệc Mừng Xuân Canh Tý 2020 tại Sydney Tối thứ Sáu 31/01/2020 khoảng 700 người đã đến nhà hàng Crystal Palace vùng Canley Heights Sydney tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân Canh Tý do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Sydney tổ chức với mục đích bảo tồn nền Văn Hóa Việt Nam và tạo cơ hội giúp cho các bậc con em hiếu thảo nhớ đến ông bà cha mẹ trong dịp Xuân về.

Xem Hình

Trước khi khai mạc buổi tiệc, đoàn múa Lân chào mừng tất cả mọi người qua những điệu múa rất đặc sắc và sau đó là phần chào cờ Úc Việt. Hai Mc Ngọc Oanh và Kiên Giang giới thiệu quý Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ và Cha Lê Hồng Mạnh với y phục truyền thống dân tộc Việt Nam tiến lên sân khấu để khai mạc Đêm Dạ Tiệc Mừng Xuân. Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chúc Tết mọi người đặc biệt là các cụ Cao Niên Năm Mới Canh Tý được bình an và hồng phúc.

Kế tiếp Cha Trần Văn Trợ và anh Trường Giang Ban Thường Vụ Cộng Đồng song ca nhạc phẩm Ly Rượu Mừng khai mạc cho phần văn nghệ và với các anh chị em Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh và Liên Đoàn Thanh Niên Công Giáo TGP Sydney trình diễn những màn vũ, hợp ca, song ca, đơn ca qua những nhạc phẩm về Xuân rất đượm tình quê hương. Ngoài ra còn có màn trình diễn thời trang Áo Dài để giữ nét đẹp truyền thồng của người phụ nữ Việt Nam nơi hải ngoại. Lồng vào chương trình văn nghệ có tiết mục rao Lotto may mắn lấy hên đầu năm do hai Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể anh Phùng Hải Sơn và anh Lê Kế Toại rao rất hấp dẫn tạo bầu khí rất vui nhộn hào hứng. Đặc biệt là phần chúc Tết đến các Cụ Ông Cụ Bà cao niên được mời lên trước sân khấu và quý Cha Ban Tuyên Úy ngỏ lời chúc Tết qúy cụ ông cụ bà và phát Lộc Xuân

Trước khi kết thúc buổi Dạ Tiệc, anh Mai Phước Thành Phó Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý quan khách và tất cả mọi người đã đến tham dự buổi Dạ Tiệc Mừng Xuân Canh Tý 2020 tạo cho Cộng Đồng thêm khởi sắc và có thêm tình đoàn kết yêu thương trong dịp đầu Xuân. Buổi Dạ Tiệc kết thúc bế mạc vào lúc 11.30pm

Diệp Hải Dung
 
San Jose nơi có đông người Việt đã có người bị nhiễm Coronavirus của Tầu
Nguyễn Long Thao
18:15 31/01/2020
Sở Y tế Hạt Santa Clara xác nhận một người đàn ông từ Vũ Hán,Trung Quốc về lại San Jose, California vào ngày 24 tháng 1 năm 2020 đã bị nhiễm coronavirus. Ông đã được khám nghiệm và kết quả cho thấy có dương tính với coronavirus.

Sở Y tế Hạt Santa Clara đã tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 2 giờ chiều ngày 31 tháng 1 năm 2020 ở San Jose để cung cấp thêm thông tin về vụ nhiễm bệnh.

Đây là trường hợp đầu tiên trong quận hạt Santa Clara và là trường hợp đầu tiên được biết đến ở Vùng Vịnh.

Sở Y Tế cho biết bệnh nhân là một cư dân tại Hạt Santa Clara đã tới Vũ Hán, Trung Quốc và về nhà vào ngày 24 tháng 1 tại sân bay San Jose.

Giới chức quận hạt cho biết bệnh nhân đã không rời khỏi nhà của mình và đã có rất ít liên lạc kể từ khi trở về Hoa Kỳ từ Trung Quốc và đã tự cô lập.

Giới chức quận đảm bảo rằng trường hợp này không làm tăng nguy cơ nhiễm coronavirus cho công chúng tại Hạt Santa Clara.

Tuy nhiên dân chúng San Jose vẫn cố gắng đi mua khẩu trang tại các cửa tiệm. Có người cho chúng tôi biết họ phải đặt mua khẩu trang ở các websites nhưng phải đợi một tháng mới có hàng.

Được biết quận hạt Santa Clara có đông người Việt Nam, chỉ sau Orange County ở Nam California. Dân chúng có vẻ xôn xao, làm sao để tránh được bệnh.

Nguyễn Long Thao
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Dâng con cho Thiên Chúa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:30 31/01/2020
Hằng năm vào ngày 2. Tháng hai, Giáo Hội Công Giáo mừng lễ cha mẹ hài nhi Giêsu dâng con mình vào đền thờ cho Thiên Chúa.

Tập tục đạo đức này có từ thời Tiên tri Mose, như lề luật quy định:m"Vậy khi ĐỨC CHÚA đã đưa ngươi vào đất Ca-na-an như Người đã thề với ngươi và cha ông của ngươi, và khi Người đã ban đất ấy cho ngươi,12 thì ngươi phải nhượng lại cho ĐỨC CHÚA mọi con đầu lòng của loài người và mọi con đầu lòng của loài vật trong đàn vật của ngươi: các con đực thuộc về ĐỨC CHÚA.13 Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại.14 Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: "Điều đó nghĩa là gì? Thì ngươi sẽ nói với nó: "ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.15 Bởi vì Pha-ra-ô làm khó dễ khi phải thả chúng ta ra, nên ĐỨC CHÚA đã sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của loài người cho đến con đầu lòng của loài vật, vì thế mà cha tế dâng ĐỨC CHÚA mọi con so giống đực; còn con đầu lòng trong số con cái cha, thì cha chuộc lại.16 Đó sẽ là dấu ở tay ngươi, và là phù hiệu trên trán ngươi, vì ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập.“ ( Xuất hành 13,11-16), và nơi : Sách Levi 12,1-8, Sách ngôn sứ Isaia 8,14-42,6.

Là tín hữu Do Thái giáo cùng công dân Do Thái, cha mẹ hài nhi Giêsu cũng tuân giữ luật này như luật ấn định 40 ngày sau khi sinh cha mẹ dâng con mình cùng với lễ vật lên Thiên Chúa để người mẹ được thanh tẩy. ( Lc 2, 22-24).

Bên Giáo Hội Công Giáo Roma có lễ mừng Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thờ ngày 2. tháng Hai từ năm 650. Vì lễ mừng Chúa giáng sinh xuống trần gian vào ngày 25. Tháng Mười Hai, theo như sách luật thời Mose ấn định 40 ngày sau khi sinh con.

Từ thế kỷ 11. có nghi thức làm phép nến và rước kiệu nến thắp sáng trong lễ này. Vì thế lễ này còn có tên là lễ Nến. Theo như phúc âm thánh Luca viết thuật lại, hai vị ngôn sứ lão thành Simeon và Hanna, đã gặp gỡ hài nhi Giêsu lúc cha mẹ đem con họ vào đền thờ dâng con cùng của lễ, đã nói ca tụng Hài nhi Giêsu là ánh sáng muôn dân :

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,xin để tôi tớ này được an bình ra đi.Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.“ ( Lc 2,29-32)

Từ năm 1997 ngày lễ Đức Mẹ dâng con vào đền thờ hay còn gọi là lễ Nến dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaol II. còn được gọi là ngày Thánh hiến sự sống.

Bí tích rửa tội cha mẹ xin cho con em mình lãnh nhận không phải là nghi lễ dâng con như sách luật Mose ấn định, nhưng là nghi lễ gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô ở trần gian. Và qua đó mầm hạt giống đức tin vào Thiên Chúa ghi dấu trong tâm hồn em bé.

Trong bí tích rửa tội em bé không chỉ nhận lãnh làn nước bí tích rửa tội và được xức dầu thánh hiến, nhưng cây nến rửa tội của em còn được thắp sáng từ ngọn lửa cây nến Chúa Giêsu Phục sinh cho đời sống đức tin của em trong mọi giai đoạn đường đời.

Đời sống em được chúc lành thánh hiến cho Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống từ lúc khởi đầu cho tới tận cùng, và cha mẹ em cũng được cùng chúc lành trong ngày vui mừng thánh đức.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Trong cơn bệnh dịch
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:48 31/01/2020
Xưa nay trong dòng lịch sử nhân loại luôn có những làn sóng bệnh dịch dưới nhiều khía cạnh hình thái đe dọa sức khoẻ đời sống con người.

Bệnh dịch lan tỏa truyền nhiễm đe dọa làm suy yếu sức khoẻ thể xác, suy nhược tinh thần và gây ra chết chóc cho con người. Đó là thảm cảnh ảm đạm đen tối tàn phá đời sống con người cùng công trình thiên nhiên.

Mỗi khi có làn sóng bệnh dịch nổi lên đe dọa, con người với khả năng trí tuệ cùng phương tiện phát triển khoa học luôn nghiên cứu tìm tòi phát minh chế biến phương thuốc chữa trị ngăn ngừa tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn gây ra bệnh dịch. Đây là công việc rất cần thiết cần phải có mang tính chất cứu độ cho con người, cứu nguy cho công trình thiên nhiên vũ trụ.

Song song với phương pháp chữa trị y tế, con người còn hướng tâm hồn mình lên Đấng Tối Cao là cha nguồn sự sống, nguồn sức khoẻ chữa lành cho con người.

Hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, con người cầu khẩn nài xin ơn trợ giúp chữa lành cho thể xác và tinh thần. Một nếp sống đức tin sâu thẳm, như lời cầu nguyện trong Thánh Vịnh diễn tả:

„Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt đối,hãy thưa với CHÚA rằng:"Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn,là đồn luỹ chở che, con tin tưởng vào Ngài."
3 Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.
4 Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân:
lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ.
5 Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày,6 cả dịch khí hoành hành trong đêm tối,
cả ôn thần sát hại lúc ban trưa.“ ( Tv 91,1-6)

Và trong dòng lịch sử Hội Thánh Công Giáo cũng đã có những vị sống đời thánh thiện dấn thân hy sinh đi cứu giúp những người trong cơn bệnh dịch phần vật chất thể xác cũng như mang sự an ủi cho họ về phần tinh thần.

Một trong những vị thánh quan thầy bảo trợ cho người bị bệnh dịch là Thánh Rochus trong Giáo Hội Công Giáo vào thời Trung cổ.

Thánh Rochus sinh ra vào năm 1295 ở Montpellier nước Pháp. Ông là một giáo dân tham gia là hội viên dòng ba Phanxico. Theo tương truyền thuật lại, khi Rochus mở mắt chào đời, cha mẹ đã nhìn thất dấu thập gía Chúa Giêsu in trên ngực con mình, và họ cho rằng đó là một dấu chỉ lớn nói lên ân sủng của Chúa ban cho con mình.

Theo lời cha dặn bảo trước khi ông qua đời: Con không được làm tôi của cải vật chất, đừng để nó làm con tối mờ con mắt, nhưng hãy chia sẻ với những người nghèo khổ! Rochus đem tặng hết gia tài của cải của mình, và chỉ giữ lại một bộ quần áo, một chiếc gậy và một túi xách đeo lưng. Với hành trang như vậy Rochus đi hành hương khắp nơi sang tới Roma.

Trên đường hành hương tới Roma, nạn bệnh dịch nổi lên hoành hành bên Ý, bên Âu châu, Rochus tới thăm viếng những người bị bệnh dịch, săn sóc an ủi họ như ông có thể làm được cho họ. Ở Roma lúc đó bệnh dịch cũng xâm chiếm lan tràn tới, Rochus cũng dấn thân ra tay giúp đỡ, và sau cùng chính ông cũng bị mắc bệnh dịch.

Biết mình bị bệnh dịch Ông lui vào sống xa cách ở một túp lều chờ ngày qua đời, nhưng Thiên Thần Chúa hiện đến săn sóc cứu giúp chữa ông. Vào một ngày một con chó của người đi săn ngậm khúc bánh mì mang đến cho bệnh nhân Rochus, và sau cùng con chó không theo chủ trở về nhà, nhưng luôn theo ở bên cạnh Rochus cho tới khi Rochus lành bệnh trở lại.

Khi lành bệnh trở lại, Rochus và con chó trở lại Piacentia săn sóc chăm sóc chữa những người bị bệnh dịch.

Bên Âu Châu, thánh Rochus được yêu mến tôn kính là vị thánh quan thầy của những người bị bệnh dịch.

Vị thánh hành hương Rochus được vẽ khắc trình bày với chiếc gậy hành hương trên tay cùng bình nước, và con chó miệng ngậm khúc bánh đứng dưới chân thánh nhân.
Thời đại ngày nay luôn hằng có những vị sống đạo đức thánh thiện dấn thân quên mình cho những người bị bệnh dịch như cha Thánh Damien de Veuster ( 03.01.1840 - 15.04.1889), một linh mục đã tình nguyện sang Hawai sống làm việc mục vụ giúp đỡ giữa những người bị bệnh phong cùi cho tới khi bị mắc bệnh và mang bệnh dịch này cho tới lúc qua đời.

Ngày 04.06.1995 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. đã phong cha Damien lên hàng Chân phước. Và ngày 11.10.2009 Đức Giáo Hoàng Benedictô 16. đã tôn phong Chân phước Damien lên hàng Hiển Thánh.

Thánh Damien là thánh quan thầy bảo trợ của những người mắc bệnh dịch phong cùi.

Ngay trong lòng Giáo hội Việt Nam có đức cha Jean Cassigne là vị Giám mục của người bị bệnh dịch phong cùi ở vùng Di Linh.

Đức cha Jean Cassaigne sinh ngày 30.01.1895 tại Toi Urgons-Grenade nước Pháp; thụ phong Linh mục ngày 19.12.1925 thuộc Hội thừa sai Paris; ngày 06.04.1926 Ngài xung phong lên đường sang Đông Dương truyền giáo, sau một tháng lênh đênh trên biển cả Ngài mới cặp bến cảng Sài Gòn, sau đó về Cái Mơn với cha Delignon để học tiếng Việt. Chỉ 5 tháng sau khi đến Việt Nam Ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Di Linh,

Buổi đầu về nhận xứ Ngài bận bịu với biết bao công việc, một mặt lo truyền đạo, dạy đạo, mặt khác là nâng cao đời sống, dân trí cho bà con, ban ngày Ngài qui tụ trẻ em để dạy chữ, chiều đến phải lo cho các lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối lại dạy học cho người lớn.

Đâu chỉ có thế, lúc ấy Ngài còn có biệt danh”Oâng lớn làm thuốc”, bất cứ ai đau ốm đều tìm đến Ngài để được chữa trị hoặc được phát thuốc, mọi người qúi mến Ngài, xem Ngài như vị cha chung. Sự tận tâm tận lực của Ngài đối với những người nghèo, người phong cùi cùng với sự tác động của Thánh thần chiều ngày 7.12.1927 một người phong cùi trong cơn nguy tử đã xin Cha Cassaigne rửa tội. Ngài sung sướng thốt lên:” Đây là niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau ngày mình được chịu chức và dâng lễ mở tay”.

Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng Cha Cassaigne vẫn dành nhiều thời gian để tìm đến với những người phong cuì bị gia đình, dòng họ ruồng rẫy, xua đuổi vào chốn rừng sâu mặc cho bệnh tật, đói lạnh, có khi họ còn làm mồi cho thú rừng. Sau những lần băng rừng lội suối đem lương thực, thuốc men đến cho họ, Ngài càng cảm thương trước những số phận hẩm hỉu ấy. Một lần cuối mùa thu năm 1928,, khi đang một mình băng qua đường rừng vắng đến thăm một buôn làng ở xa, thì một đoàn 10 người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm la liệt trên đường kêu gào thảm thiết, họ sụp lạy dưới chân Ngài và xin Ngài cứu giúp họ.

Ngài không cầm được nước mắt, hình ảnh những người xấu số cứ ám ảnh tâm trí, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì Ngài luôn nghĩ đến những thân phận bị ruồng bỏ, bị loại trừ. Tình yêu thương đã thôi thúc Ngài lập làng cùi, những chòi nhà sàn đơn sơ được dựng lên ở khu đất trống dưới chân đồi gần mé ruộng cách nhà xứ KaLa gần 1km. Có nhà rồi,Ngài lại băng rừng, kiếm tìm và đưa họ về chung sống, để chăm sóc và chữa trị bệnh tật trước sự “ghê tởm” của không ít người.

Thật may mắn ngày 11.04.1929 làng cùi chính thức được công nhận và được trợ cấp của chính quyền, lúc ấy đã qui tụ được 21 người, họ yên tâm vui sống bên cạnh người cha hiền, không còn sợ sự nghi kỵ, xa lánh của người thân, họ hàng… Một thánh lễ đầu tiên được cử hành trong một nhà nguyện nhỏ ngay tại làng cùi ngày 15.03.1936 thật đầm ấm và dạt dào yêu thương. để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong những người phong cùi.

Thời điểm này các nữ tu dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn được mời đến để cùng cha Cassaigne chăm sóc người phong cùi.Các nữ tu kể lại rằng cha Cassaigne sống rất đơn sơ, nghèo khó, hễ ai biếu tặng gì Ngài đều chia sẻ, phân phát cho người phong cùi không giữa riêng cho mình bất cứ gì, từ thức ăn, thức uống, quần áo, thuốc men… nhiều năm Ngài sống trong nghèo khó, bệnh tật; có những lần bệnh sốt rét hành hạ, Ngài nằm li bì cả tuần lễ không ăn uống gì, không hề phàn nan hay kêu trách… sức khỏe Ngài suy sụp mau lẹ, nhưng khi khỏe lại Ngài lại tìm đến ngay với những người phong cùi,người nghèo ở khắp các buôn làng.

Ngày lễ kính thánh Gioan Baotixita 24.06.1941 một sự kiện trọng đại đã đến với vị Cha hiền của người dân tộc và những người phong cùi,khi Ngài được tấn phong Giám mục và là Giám quản Tông tòa Giáo phận sài Gòn. Nhưng sau 14 năm,khi bước vào tuổi 60 (cuối năm 1955) Ngài xin từ chức để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để phục vụ làng cùi.

Đức Cha Jean Cassaigne qua đời ngày 31.10.1973 giữa những người bị bệnh dịch phong cùi ở làng trại cùi Di Linh, do chính nag`i xây dựng nên từ năm 1927.

Xin Thánh Rochus, Thánh Damien và đức Cha Jean Cassaigne, những vị tông đồ của người bị bệnh dịch cầu thay nguyện giúp thế giới chúng con thoát khỏi cơn đang bị bệnh dịch hoành hành đe dọa.

Xin các Đấng Thánh quan thầy cầu bầu cùng Thiên Chúa, nguồn sự sống và bình an chữa lành bệnh nạn thể xác và tâm hồn mọi người chúng con trong lúc lo âu sự hãi, vì bị bệnh dịch đe dọa.

Lm. Daminh nguyễn Ngọc Long.