Ngày 31-01-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:13 31/01/2015
CĂNG THẲNG CỦA THƯƠNG GIA
N2T

Một thương gia vừa bước xuống máy bay, ra khỏi phi trường thì vội vàng lên xe taxi, thở không ra hơi nói với tài xế:
- “Nhanh, nhanh, xin chạy nhanh lên chút xíu.”
Tài xế nghe lời ông ta nên gia tăng tốc độ, mới chạy được mấy phút thì ông khách ngồi xe đột nhiên hỏi tài xế:
- “Bác tài, chúng ta gần đến rồi chứ ?”
Bác tài quay đầu lại hỏi:
- “Tôi không biết, này anh, anh không nói cho tôi biết là anh muốn đi đâu, đến địa chỉ nào !”
(Ngôn ngữ kỳ diệu của tâm hồn)

Suy tư:
Ở đời ai cũng có căng thẳng cả.
Có người căng thẳng đến độ huyết áp lên cao phải đi bệnh viện; có người căng thẳng đến độ mạch máu não bị vỡ thành bán thân bất toại; có người căng thẳng quá thành bệnh u uất; có người căng thẳng quá bỏ đâu quên đó...
Tất cả những căng thẳng này đều do nghề nghiệp là chính: lo lắng cho công việc, làm ăn thất bại, kiện tụng trước pháp luật, gia cảnh sạt nghiệp.v.v...
Đức Chúa Giê-su dạy cho chúng ta một phương pháp để đầu óc khỏi căng thẳng khi làm việc mệt nhọc hoặc khi bị những áp lực nặng nề, phương pháp của Ngài dạy là như thế này: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28)
Khi đầu óc căng thẳng vì công việc thì hãy đến với Đức Chúa Giê-su, đem gánh nặng công việc bỏ vào tay Ngài, để nhờ Ngài mà tâm hồn được bằng an, nghỉ ngơi và được bồi bổ sức thiêng để sau đó tiếp tục công việc của mình.
Chúng ta –những người Ki-tô hữu- đừng như người thương gia kia căng thẳng quá đến độ quên mất mục tiêu đi đến của mình, nhưng hãy đặt căng thẳng của mình vào mục tiêu là Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:15 31/01/2015
Chúa Nhật 4 THƯỜNG NIÊN
N2T

Tin mừng: Mc 1, 21-28
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”


Anh chị em thân mến,
Khi nghe có một linh mục nào đó nổi tiếng giảng hay về giảng tĩnh tâm cho giáo xứ trong những dịp giáng sinh hay phục sinh, thì bảo đảm nhà thờ hôm đó chật ních người, vì các anh chị em thường hâm mộ các linh mục giảng hay, giảng thu hút mọi người, nhưng đến khi được hỏi anh chị em có nhớ những lời cha giảng không, thì hầu như hết 85% người trong anh chị em nói là...không nhớ gì cả.

1. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài.
Họ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm những điều mà những kinh sư và biệt phái không dám làm, đó là Ngài luôn giảng về sự thật trong khi thiên hạ cứ đua nhau nói dối, giảng dối để mị dân, để khoa trương tài học của mình.

Thiên hạ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy không như những người biệt phái và kinh sư vì họ giảng họ nói nhưng họ không làm, hoặc họ dạy những điều mà họ chưa bao giờ thực hành, do đó lời giảng dạy của họ chỉ như cái “phèng la” rổng tuếch, bay mất trong gió và làm chói tai người nghe.

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su cũng phải thôi, bởi vì chính những người đi trước là các biệt phái và những người kinh sư đã không làm như Ngài đã làm: bênh vực cho người nghèo, kẻ bị áp bức, Ngài đứng về phía đám đông dân chúng nghèo khổ và những tâm hồn rộng mở để đón nhận lời giảng dạy từ miệng “Thiên Chúa phán ra”.

2. Thiên hạ sửng sốt vì người Ki-tô hữu không sống như lời Chúa dạy.
Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa từ những con người mang trên mình danh hiệu Ki-tô hữu, nhưng những người này –trong đó có tôi, có anh chị, có em- đã không thực sự rao giảng Lời cho mọi người, bởi vì chúng ta chỉ thích phô trương bên ngoài những luận cứ học thuyết, bởi vì chúng ta không thực sự sống như lời chúng ta nói, lời chúng ta giảng, mà chúng ta chỉ thích phô trương tài hùng biện của mình mà thôi.

Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa nơi những con người được chính Thiên Chúa uỷ thác rao giảng Lời của Ngài cho mọi người, đó là các linh mục và những người đã dâng mình làm tôi Chúa là các tu sĩ nam nữ, nhưng có những lúc những người này đã làm y như những biệt phái và các kinh sư đã làm: họ đã chồng chất thêm gánh nặng lên tâm hồn con người thời nay –vốn đã thờ ơ với Lời Chúa- bằng những lời nói hống hách, bằng những thái độ kiêu ngạo không phù hợp với Tin Mừng mà chính họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài.

3- Vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.
Thiên Chúa là Đấng rất uy quyền, uy quyền trong lời nói, uy quyền trong hành động. Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, uy quyền này không phải Ngài tự xác nhận, nhưng chính những con người đã được nghe lời Ngài giảng, được thấy việc Ngài làm đã to tiếng ca tụng quyền uy của Ngài; uy quyền của Ngài được bộc lộ ra không phải bằng khuôn mặt sát khí, cũng không phải hét la to tiếng, nhưng bằng sự chân thành mà rất mực uy nghiêm trong lời nói và lời giảng dạy của Ngài.

Con người thời nay ai cũng thích uy quyền, ai cũng thích lên mặt “ta đây” với anh chị em của mình: có người càng tỏ ra mình có uy quyền thì càng lòi ra cái bản chất ngu dốt của mình; có người luôn mang một tâm trạng đầy ảo ảnh uy quyền nên lúc nào cũng la lối thoá mạ anh em để ra vẻ ta đây có uy có quyền; có người thích uy quyền đến nổi đi đe dọa người anh em chị em bằng những lời lẽ thiếu đức bác ái...

Ai cũng thích uy quyền để ngồi trên đầu trên cổ anh chị em, Đức Chúa Giê-su là Đấng rất có uy quyền nhưng Ngài không la lối thoá mạ dân chúng để tỏ quyền uy, Ngài cũng không lên mặt “ta đây” với mọi người để mọi người nể phục. Ngài chỉ dùng quyền uy của mình để ban ơn cho người ta, để chữa lành những bệnh tật cho người ta, và để cứu sống người ta. Thứ uy quyền này, được thể hiện ra nơi lời giảng và hành động của Ngài: Ai làm lớn, thì phải phục vụ anh em.

Anh chị em thân mến,
Người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng thích quyền lực; người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng tìm cách để đạt cho được cái uy quyền ấy.
Nhưng Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, nếu anh chị em có uy quyền thì nên phục vụ người khác; nếu anh chị em có uy quyền thì nên đứng về phía người nghèo để bênh vực họ; nếu anh chị em có uy quyền thì hãy dùng uy quyền của anh chị em để phục vụ Thiên Chúa trong mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, và Ngài cũng đã từng làm như thế khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:21 31/01/2015
N2T

15. Khi chúng ta cho là cô độc thì Thiên Chúa vẫn ở bên chúng ta.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

-----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi tuần một “Chuyện Rất Ngắn”
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:29 31/01/2015
MỪNG TUỔI CHÚA
Cha sở ngạc nhiên khi nghe ông trưởng ban hành giáo hỏi là năm nay có mừng tuổi Chúa như cha sở nhiệm kỳ trước đã làm không, ngài hỏi lại:
- “Thế nào là mừng tuổi Chúa ?”
Trả lời:
- “Thưa cha, là mọi năm ba ngày tết mình bỏ hòm dâng cúng tiền ngay giữa cung thánh, đến phần rước lễ, khi giáo dân sắp hàng lên rước lễ thì họ sẽ bỏ tiền vào hòm cúng trước rồi sau đó đi rước lễ, đó gọi là mừng tuổi Chúa...”
Cha sở trong cười nhẹ buồn buồn nói:
- “Sao mà giống như đi nộp lệ phí để được rước lễ vậy, Chúa là Đấng hằng có đời đời, Chúa đâu có chết mà mừng tuổi Chúa, chúng ta sẽ không làm như vậy !”
-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Giáo Hội: Bí Tích của Hi Vọng
+ GM Phêrô Nguyễn Văn Viên
09:36 31/01/2015
Giáo Hội: Bí Tích của Hi Vọng

Giới thiệu

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Nguyên Tổ của nhân loại được dựng nên tốt lành, theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Tuy nhiên, Nguyên Tổ đã bất tuân phục, lạm dụng tự do, và hậu quả là con người đã trở nên tội lỗi. Sách Sáng Thế cũng cho biết rằng sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã ban lời hứa cứu độ là hi vọng cho toàn thể nhân loại (St 3,15). Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa không chỉ phục hồi con người theo hình ảnh Thiên Chúa mà còn cho họ trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).

Hi vọng của toàn thể nhân loại trở nên hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Người là điểm đến cho hi vọng của toàn thể nhân loại, cách cụ thể hơn, hi vọng của Cựu Ước và khởi đầu cho hi vọng mới, hi vọng Tân Ước. Cuộc đời của Đức Giêsu, từ nhập thể cho đến sống lại là minh chứng cho hi vọng mà Thiên Chúa đã hứa trong Sách Sáng Thế cũng như được quảng diễn trong lịch sử Cựu Ước của Dân Do Thái.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, cao điểm của hành trình trần thế, Đức Giêsu cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha rằng “lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17,24-26). Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ với Người, như Người hằng hiệp nhất với Đức Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cũng là hi vọng của Người đối với các môn đệ mình và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Hi vọng của Đức Giêsu tiếp tục được chuyển tải nhờ Giáo Hội, bí tích của Người giữa lòng thế giới. Sứ mệnh của Giáo Hội là làm cho hi vọng của Đức Giêsu được chia sẻ bởi tất cả mọi người để họ được sống hiệp nhất với nhau trên đường lữ hành về với Thiên Chúa, Nguồn và Đích của muôn loài thụ tạo.

Chủ đề ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng’ quá rộng lớn vì liên quan đến ba ngành thần học: Thần Học Giáo Hội (Giáo Hội Học), Thần Học Bí Tích (Bí Tích Học), Thần Học Hi Vọng. Bài viết ngắn này không nhằm mục đích đào sâu hay khai triển cách mạch lạc các khía cạnh khác nhau liên quan đến nhận định ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, cũng không đào sâu hay khai triển tương quan giữa ba nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy (đức hi vọng), và đức mến) trong đời sống Kitô hữu. Bài viết được trình bày theo thứ tự sau: (1) Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng, (2) Hi Vọng trong Cựu Ước, (3) Hi Vọng trong Tân Ước, và (4) Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng.

1/ Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng

Để có một định nghĩa chính xác, ngắn gọn, và súc tích về hi vọng dường như nằm ngoài tầm khái quát của bất cứ người nào. Xem ra chúng ta nhận thức về tình yêu cũng như niềm tin cách dễ dàng hơn là hi vọng bởi vì tình yêu đúng nghĩa luôn ở thì hiện tại và con người có thể cảm nghiệm được. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với niềm tin, có nghĩa rằng niềm tin có thể cảm nhận, có thể phân định dễ dàng hơn nhờ lý trí lành mạnh. Đối với hi vọng thì không nhất thiết phải như vậy, hi vọng luôn kèm theo ‘những gì đó’ mạo hiểm và đòi hỏi nhiều hi sinh, nhiều kiên nhẫn hơn. Tình yêu, niềm tin, và hi vọng đi cùng nhau và định nghĩa nhau, trong đó, hi vọng có thể xem là trung gian giữa tình yêu và niềm tin. Trong một số hoàn cảnh, niềm tin và hi vọng có thể ‘đổi chỗ cho nhau’, chẳng hạn, nói rằng ‘tôi tin tưởng vào Thiên Chúa’ cũng không khác lắm với nói rằng ‘tôi hi vọng vào Thiên Chúa’. Sự khó khăn của việc định nghĩa hi vọng phần vì tính phổ quát của hi vọng trong xã hội loài người, phần vì sự đa dạng về hình thức của hi vọng nơi mỗi người trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, thay vì định nghĩa hi vọng, người ta thường mô tả hi vọng dựa trên kinh nghiệm sống của mình.

Chúng ta biết rằng đã là người ai cũng hi vọng, cho dù đó là hi vọng hão huyền, chẳng hạn, người giàu hi vọng được giàu thêm, người nghèo hi vọng sẽ đến lúc giàu có. Người khỏe mạnh hi vọng sức khỏe của mình được kéo dài, người đau ốm hi vọng được khỏe mạnh trở lại. Kẻ sắp chết hi vọng được nhiều người tưởng nhớ. Không có hi vọng, cuộc sống con người trở nên nhàm chán, vô nghĩa, không lối thoát. Hơn nữa, không có hi vọng, con người có thể suy nghĩ và hành động theo những cách thức tiêu cực nhất, có thể phương hại nghiêm trọng cho bản thân cũng như anh em đồng loại. Hi vọng không còn là một chọn lựa giữa các chọn lựa khác trong cuộc sống con người mà là yếu tố có tính quyết định vận mệnh con người. Hi vọng chi phối con người từ cách suy nghĩ, cách hành xử, cách thiết lập các tương quan, đến cách định vị đời sống mình trong môi trường trần thế.

Hi vọng thuộc bản tính con người. Dù ý thức hay vô thức, từ khi hình thành trong lòng mẹ tới lúc lìa đời, hi vọng luôn hiện diện trong mọi biến cố của mỗi người. Chẳng hạn, bản tính hi vọng nằm sâu trong tiềm thức của đứa trẻ và chi phối các hoạt động đứa trẻ, cho dù đứa trẻ chưa ý thức đủ về mình cũng như những tương quan khác trong môi trường xung quanh. Hi vọng làm trung gian giữa thế giới hiện tại và thế giới mai ngày. Tương lai của con người được bắt đầu ở hiện tại và hi vọng chính là động lực căn bản giúp con người làm được điều đó. Nói cách khác, ai hi vọng, người đó có tương lai và ai mang hi vọng gieo rắc, người đó sẽ thu lượm hoa thơm trái ngọt. Không có hi vọng cũng đồng nghĩa với không có tương lai. Hi vọng cho phép con người được ngẩng đầu lên khi bị ngã gục bởi sức nặng tâm hồn, thể xác, bởi bấp bênh của thế sự. Hi vọng làm cho con người luôn cảm thấy nhu cầu phải đi ra, phải gặp gỡ, phải thiết lập các mối tương quan mới để có thể thay thế hoặc siêu thăng các mối tương quan hiện tại. Ai hi vọng thì không cô đơn, ai hi vọng thì không phải sống cô độc!

Hi vọng không chỉ tồn tại trong đời sống cá nhân mà còn trong đời sống tập thể nữa với nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn, kinh nghiệm về hi vọng của gia đình, của dòng tộc, của cộng đoàn, của quốc gia, của toàn thể nhân loại. Hi vọng hiện diện trong các môi trường tôn giáo, văn hóa, xã hội, chính trị. Hi vọng vừa chi phối, vừa định dạng các hình thức tập thể này. Chẳng hạn, hi vọng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành, phát triển, và hoạt động của một thể chế. Hi vọng đúng đắn, sẽ cho phép thể chế này được hình thành đúng tầm mức, tồn tại lâu dài, và hoạt động hiệu quả nhằm đem lại lợi ích cho những người trong đó, bằng không, thể chế này trở thành rào cản cho sự phát triển con người toàn diện.

Hi vọng vừa là căn bệnh kinh niên của tất cả mọi người, đồng thời cũng là liều thuốc bổ cho chính họ. Hi vọng là căn bệnh kinh niên theo nghĩa rằng không có hi vọng nào lại miễn nhiễm tất cả các hình thức đau khổ và hao tổn về thể chất lẫn tinh thần. Hi vọng càng nhiều, càng lâu thì đau khổ và hao tổn càng lớn, càng kéo dài. Hi vọng là liều thuốc bổ theo nghĩa rằng hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã lao nhọc, đã vật lộn, đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề mà không thể nào giải quyết được. Hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã mất tất cả những gì mình mơ tưởng, mình sở hữu hay muốn sở hữu mà không thể đạt được.

Người ta có thể giam hãm ai đó, chứ không giam hãm được hi vọng của họ. Người ta có thể giết chết người, chứ không thể giết chết hi vọng của người đó. Hi vọng của con người là hi vọng sống. Bao lâu con người còn hi vọng, bấy lâu con người còn sống, hay ngược lại, bao lâu con người còn sống, bấy lâu con người còn hi vọng. Chúng ta có thể nói rằng người đang sống mà không hi vọng thì như người đang chết và người đang chết mà hi vọng thì như người đang sống vậy. Hi vọng là vốn quí nhất của con người trong cuộc sống. Tác giả Sách Giảng Viên nói rằng “những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết” (Gv 9,4). Hi vọng là chỗ dựa an toàn cho những gì bất cập hay vượt tầm kiểm soát của con người. Chẳng hạn, một chiếc thuyền tắt máy giữa phong ba bão táp. Hi vọng của những người trên thuyền là có ai đó cứu hộ hoặc tìm được một hoang đảo nào đó để có thể trú ngụ, để có thể kéo dài cuộc sống mong manh giữa biển khơi dậy sóng. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục cuộc hành trình với nhiều hứa hẹn khác.

Hi vọng luôn được thể hiện như một lộ trình vươn xa, như một dự án dang dở, như một viễn cảnh đa màu trong đời sống mỗi người. Hi vọng là con đường còn lại sau khi các con đường khác đã bế tắc. Quả vậy, con người bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sức khỏe, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, và các yếu tố khác. Tâm hồn con người luôn khao khát và khắc khoải những gì tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn, hòa hợp hơn. Tuy nhiên, thực tế lắm lúc phũ phàng, không chỉ ngăn cản con người đạt được điều mình hi vọng mà còn làm cho những gì mình đang có bị biến dạng, thậm chí vượt khỏi tầm tay của mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, con đường cuối cùng chính là con đường hi vọng, con đường mở ra những khả thể thay đổi tình thế hiện tại.

Hi vọng luôn luôn đi đôi với những thách đố trong cuộc sống. Không có những thách đố thì hi vọng kém phần giá trị. Chính những thách đố làm cho hi vọng được mạnh mẽ hơn và gột rửa hi vọng nên tinh tuyền hơn. Hi vọng luôn ẩn chứa tình yêu, trung tín, hi sinh, tin tưởng, khao khát những gì tốt đẹp ló rạng. Hơn thế nữa, chính hi vọng là nguồn cảm hứng cho những phát minh, sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ của con người qua mọi thời và khắp mọi nơi. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những phát minh sáng tạo đột biến trong lịch sử đều phát xuất từ những con người có hi vọng, hoài bão lớn lao cho gia đình nhân loại.

Chúng ta có thể nói rằng hi vọng với trương độ chỉ vươn tới sự chết và kết thúc tại đó quả thật là ‘hi vọng khốn khổ nhất’, nói đúng hơn, đó là thất vọng lớn nhất mà con người ai cũng muốn trì hoãn hay tránh càng xa càng tốt. Hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết được xem là hi vọng lớn lao nhất của con người. Các hình thức hi vọng khác có thể được xem là dẫn xuất của hi vọng này. Chẳng hạn, hi vọng được khỏi bệnh tật hay được sống lâu là dẫn xuất điển hình của hi vọng trường sinh bất tử hay hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết. Khi con người đặt những câu hỏi, chẳng hạn, ‘vũ trụ từ đâu mà có?’, ‘vũ trụ sẽ ra sao trong tương lai?’, ‘con người từ đâu đến?’, ‘con người đi đâu?’ cũng là khi trong lòng con người trào dâng hi vọng về hừng đông tươi mới của chính mình, của anh em đồng loại, và của thế giới thụ tạo.

Trong cuộc sống, không phải tất cả hi vọng đều giống nhau, mà có trật tự ưu tiên của nó. Những gì càng khó đạt được thì hi vọng càng cao hơn. Những gì thuộc thế giới siêu nhiên thì hi vọng càng mãnh liệt hơn. Điều này đã được Platon mô tả cách tổng quát là con người luôn mơ về thế giới linh tượng, thế giới thực, thế giới hoàn hảo, thế giới không còn chết chóc hay biến đổi thất thường. Như thế, hi vọng vào đời sống vĩnh cửu luôn mãnh liệt hơn hi vọng vào đời sống lâu dài trong thời gian, cho dù thời gian đó kéo dài vô tận, bởi vì, vô tận của thời gian (nếu có) cũng thuộc về môi trường thụ tạo, còn vĩnh cửu thuộc về môi trường của Thiên Chúa, vĩnh cửu siêu việt và bao trùm thời gian.

Hi vọng luôn được hiểu theo nghĩa năng động, hi vọng phát xuất từ quá khứ, chi phối hiện tại, và định hướng tương lai. Hi vọng đích thực luôn là một tiến trình có hướng và không bao giờ dừng lại ở một thời điểm nào đó, bao lâu tại thời điểm đó con người chưa được sự thỏa mãn toàn diện. Nói cách khác, hi vọng luôn hướng tới cánh chung, nơi sự thánh thiện, sự sống, sự thật, tình yêu trọn vẹn, nơi mà tất cả những gì con người khao khát trên trần gian được no thỏa. Rõ ràng nơi đó không thuộc môi trường thụ tạo này. Nơi đó thuộc về Thiên Chúa. Chính thánh Augustinô đã bày tỏ kinh nghiệm hi vọng của bản thân ngài khi nói “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Hi vọng của con người không bao giờ dừng lại với những ai nhỏ hơn Thiên Chúa. Những gì chưa phải là sản phẩm cuối cùng của Thiên Chúa đều chưa đáp ứng được hi vọng thẳm sâu của con người. Hi vọng cho phép con người vươn cao, vươn xa tới môi trường Thiên Chúa. Hi vọng cho phép con người tiếp cận mầu nhiệm sự sống, sự sống hiện tại cũng như sự sống vĩnh hằng. Con người chỉ đạt được hi vọng trọn vẹn khi họ được hưởng kiến Thiên Chúa (beatific vision) và được sống trong Người. Thánh Irênê nói rằng “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sự sống con người hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa." Theo thánh Irênê, khi đó con người hoàn toàn thuộc về Chúa và ở trong Người, bởi vì khi đó, chính họ đã ở trong Nguồn và Đích của hi vọng.

Ngôn ngữ hi vọng vang lên trong hầu hết các sách Kinh Thánh, từ Cựu Ước tới Tân Ước. Chúng ta có thể nói rằng ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ hi vọng và các ngôn ngữ khác được xem là bổ trợ cho ngôn ngữ hi vọng. Nói cách khác, chủ đề quán xuyến của Bộ Kinh Thánh Cựu Ước từ Ngũ Thư, đến các Sách Lịch Sử, các Sách Thi Ca và Minh Triết, các Sách Ngôn Sứ là hi vọng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ hi vọng vang lên từ các ngôn sứ, từ những người cầm quyền đến những người bình dân Do Thái thời Cựu Ước.

2/ Hi Vọng trong Cựu Ước

Tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện qua các giao ước. Giao ước giữa Thiên Chúa với A-đam, với Nô-ê, với Áp-ra-ham, với Mô-sê, và với Đa-vít luôn được diễn tả trong bối cảnh hi vọng, bởi vì chúng luôn mở ra chân trời mới mẻ, tương lai xán lạn, viễn cảnh huy hoàng cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho Dân Do Thái. Nhờ những giao ước này, trong cơn bĩ cực nhất, Dân Do Thái biết hướng lòng về Thiên Chúa, Đấng Trung Tín, luôn thực hiện những gì Người đã hứa. Sự trung tín của Thiên Chúa là hi vọng cho dân Do Thái, giúp họ có thể chịu đựng những thử thách lớn nhất trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Chẳng hạn, trong cảnh bất an, lưu đày, hay bị quân thù hà hiếp, Dân Do Thái không vơi lòng hi vọng vào sự vinh thắng cuối cùng của dân tộc họ.

Hi vọng của Dân Do Thái vào Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể với Tổ Phụ của họ, Áp-ra-ham, ‘cha của những kẻ tin’, đồng thời, cũng là ‘cha của những kẻ hi vọng’. Lịch sử của Dân Do Thái là lịch sử của hi vọng vào quyền năng, lời hứa, và vào sự công minh của Thiên Chúa. Chính vì hi vọng đó, Áp-ra-ham sẵn sàng sát tế đứa con trai duy nhất của mình được sinh ra trong lúc tuổi già. Sự thử thách của Thiên Chúa chạm đến ngưỡng thất vọng nhất của con người, tuy nhiên, Áp-ra-ham đã vượt qua được ngưỡng đó để thực thi ý định Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa đã không để cho điều đó xảy ra, nhát dao đã không bổ xuống thân hình bé nhỏ I-xa-ác, thay vào đó là con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22,13). Sự vâng phục, niềm tin, và hi vọng của Áp-ra-ham trở thành mẫu gương cho toàn thể Dân Do Thái cùng tất cả mọi người trong lịch sử nhân loại.

Sau Áp-ra-ham, một con người khác cũng được Thiên Chúa kêu gọi và gieo hi vọng cách đặc biệt để ông dẫn dắt Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đó là Mô-sê. Thiên Chúa kêu gọi Mô-sê, cho ông biết Người là Đấng Hiện Hữu, Đấng là Thiên Chúa của tổ phụ Dân Do Thái ‘Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp’, Đấng mà Dân Do Thái kêu cầu từ đời nọ đến đời kia (Xh 3,13-15). Kinh nghiệm Xuất Hành từ Ai Cập trở về Đất Hứa là kinh nghiệm hi vọng sâu đậm đối với Dân Do Thái. Dưới sự dẫn dắt của Mô-sê, Dân Do Thái đã trải qua 40 năm trong sa mạc với nhiều thử thách trong tương quan với Thiên Chúa, trong chính nội bộ dân này, và trong tương quan với các dân khác ở Palestine. Cuối cùng thì hi vọng Đất Hứa đã được Thiên Chúa thực hiện, trong khi giấc mơ Ai Cập ‘ăn cá mà không phải trả tiền’ hay xứ sở có đầy ‘dưa gang, dưa bở, hẹ, hành, tỏi’ trôi vào dĩ vãng (Ds 11,4-6).

Chính Gia-vê là Đấng đã luôn tiếp sức và cho phép các chiến binh Do Thái trở thành những ‘tay võ nghệ cao cường’ để có thể đương đầu với các chiến binh của các dân tộc khác khi họ từ Ai Cập về Palestine. Chiến thắng của Dân Do Thái, từ chiến thắng Biển Đỏ chống lại quân của Pha-ra-ô đến các chiến thắng khác trong vùng Palestine là nhờ vào ‘cánh tay của Đấng mà họ luôn đặt hi vọng’. Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của Dân Do Thái, vị Thiên Chúa mà họ luôn hi vọng, trước hết là vị Thiên Chúa cứu họ khỏi tay địch thù, đồng thời, cũng là vị Thiên Chúa cho họ Man-na để họ có thể sống sót trong sa mạc hoang vu hiu quạnh, không sự sống (Xh 16,1-35). Não trạng này còn kéo dài tới thời Tân Ước, chẳng hạn, khi Đức Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé cho hơn năm ngàn người ăn, thì dân chúng muốn tôn Người làm Vua của họ (Ga 6,1-15). Hi vọng được cứu độ, được hồi hương, được tái tạo, được cuộc sống sung túc luôn nẵm trong tâm khảm của những người Do Thái qua muôn thế hệ.

Dân Do Thái hi vọng thoát khỏi tay địch thù là một trong những chủ đề quan trọng của các sách Cựu Ước. ‘Cứu độ’ đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước mang tính gia đình, bộ tộc, dân tộc, vương quốc hơn là cá nhân (Tv 130,7). Não trạng này còn vang vọng tới thời Tân Ước. Chẳng hạn, liên quan đến quyết định bắt và giết Đức Giêsu, các thượng tế và Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và Cai-pha đã nói rằng “các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50). Chúng ta dễ dàng nhận ra tính tập thể trong hi vọng của Dân Do Thái trổi vượt so với các dân tộc khác sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 AD và kéo dài mãi tới hôm nay.

Hi vọng của Dân Do Thái trong Cựu Ước mang nhiều sắc thái khác nhau tùy theo từng thời kỳ lịch sử: Trước thời Lưu Đày, trong thời Lưu Đày, biến cố Xuất Hành, về lại Đất Hứa, thiết lập vương quốc cùng những chuyển biến không ngừng thời sau đó. Ngay trong mỗi cuốn sách, chúng ta nhận thấy chủ đề hi vọng rất đa dạng, chẳng hạn, Is 1-39 so với Is 40-66. Từ thời Cựu Ước tới thời Tân Ước, hi vọng của Dân Do Thái cũng không nhất quán. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về hi vọng của các ngôn sứ so với hi vọng của những tầng lớp khác trong xã hội Do Thái trong những thế kỷ cuối thời Cựu Ước và những thập niên đầu của Tân Ước như: Nhóm Xa-đốc, nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Ét-xê-nô, nhóm Sa-ma-ri, nhóm Hê-rô-đê. Não trạng khác biệt giữa nhóm Xa-đốc và nhóm Pha-ri-sêu liên quan đến sự sống lại là ví dụ điển hình (Lc 20,27-40; Mt 22,23-33; Mc 12,18-27).

Hi vọng của truyền thống ngôn sứ Cựu Ước luôn mở ra chân trời mới, không chỉ dừng lại ở chiều kích chính trị, xã hội, sự hưng thịnh quốc gia, điều kiện vật chất hằng ngày, cơ sở thờ tự, hay sự trổi vượt các dân tộc xung quanh về mọi mặt (Gr 29,11). Sự cứu độ của Dân Do Thái không chỉ dừng lại ở việc ‘quân thù bị đánh bại’ mà còn hướng tới sự toàn thiện và công chính của Thiên Chúa được thể hiện trong mọi chiều kích của cuộc sống (Is 51,15). Nói cách khác, hi vọng của truyền thống ngôn sứ hướng tới thời cánh chung (dĩ nhiên, không thể hiểu theo nghĩa của Tân Ước), thời mà quyền năng của Thiên Chúa ngự trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày. Chúng ta có thể tìm được nhiều trích đoạn điển hình theo nghĩa này ở sách I-sai-a và Giê-rê-mi-a (Is 4,2-3; Gr 3,23).

Trong một số hoàn cảnh, đối với Dân Do Thái, tình thương, sự cứu độ, và sự công chính của Thiên Chúa chưa được tỏ bày là vì tội lỗi của chính họ (St 4,1-16; St 18,16-33; Is 1,10-20). Sự chậm trễ của Thiên Chúa trong việc làm cho hi vọng của họ trở nên hiện thực có nguyên do từ sự bất trung, bất tín của chính họ, đặc biệt, sự xao lãng bổn phận của họ trong việc thờ phượng hay quay lưng với Thiên Chúa để hướng về phía tà thần, hay xem thường giới răn Thiên Chúa khi đối xử với người khác. Do đó, việc thường xuyên thanh tẩy và chọn đời sống thánh thiện trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể hay toàn bộ dân tộc Do Thái là điều tiên quyết để hi vọng được thực hiện theo đúng lộ trình (Xh 20,1-21; Tv 50).

Khi tìm hiểu và suy tư về chủ đề hi vọng trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng các Thánh Vịnh là nơi mà chủ đề hi vọng được tìm thấy nhiều nhất. Những lời cầu nguyện tha thiết của Dân Do Thái, cá nhân cũng như tập thể, biểu lộ lòng khát khao của họ đối với Thiên Chúa. Đối với các tác giả Thánh Vịnh, Thiên Chúa là nền tảng, là núi đá, là Đấng bênh vực kẻ bị áp bức. Người là chỗ dựa cuối cùng trong cơn tuyệt vọng, quẫn bách và là tương lai của những kẻ khốn cùng (Tv 22,1-51). Họ xác tín rằng ơn cứu độ và sự công chính của Thiên Chúa sẽ được thực hiện. Sự mong muốn được giải thoát khỏi tội và bước đi trên đường thánh thiện chỉ có thể được thực hiện khi họ có Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa bênh đỡ họ sẽ chống lại mọi địch thù, địch thù bên trong là tội lỗi của họ và địch thù bên ngoài là những kẻ áp bức họ cách vô cớ (Tv 33,22; Tv 39,8; Tv 42,12; Tv 70,3-5; Tv 113,4-6; Tv 119,114; Tv 130,5; Tv 130,7; Tv 147,10-11).

Khi đề cập đến sự sống lại và sự sống vĩnh cửu, chúng ta nhận thấy rằng đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước, điều quan trọng hơn là cuộc sống hiện tại. Sự thưởng phạt chủ yếu xảy ra cách nhãn tiền trên bình diện cá nhân cũng như tập thể hay quốc gia, và có thể xảy ra cho các thế hệ con cháu kế tiếp (Cn 10,27-28). Não trạng này còn tồn tại đến thời Tân Ước (Ga 9,1-41). Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy đây đó những ý niệm về sự sống sau khi chết hay sự sống lại của những người đã qua đời trong văn chương khôn ngoan và ngôn sứ. Một số cá nhân được xem là được đem đi sau cuộc sống trần thế, chẳng hạn, Kha-nốc (St 5,21-24), Ê-li-a (2 V 10,1-17). Sa-mu-en là trường hợp khá điển hình về sự tỏ bày của người chết đối với người sống (1 Sm 28,3-25). Nhìn chung, niềm hi vọng vào sự sống lại được diễn tả cách tiệm tiến theo dòng lịch sử, những sách cuối cùng của bộ Cựu Ước diễn tả cách tỏ tường hơn (1 Mcb 2,61; 2 Mcb 2,18; 2 Mcb 7,11; 2 Mcb 7,13-14; 2 Mcb 12,43-45). Hi vọng vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đạt tới đỉnh điểm trong biến cố Đức Kitô (the Christ Event) của Tân Ước.

3/ Hi Vọng trong Tân Ước

Sứ mệnh của Đức Giêsu trên trần gian có thể được gọi là sứ mệnh hi vọng, sứ mệnh được Sách Sáng Thế trình bày sau khi Nguyên Tổ phạm tội cũng như các sách khác của bộ Kinh Thánh Cựu Ước đào sâu và diễn tả (St 3,15; Is 7,14; Is 61,1-2). Như đã được đề cập ở trên, hi vọng là chủ đề quán xuyến lịch sử Dân Do Thái. Chủ đề này được khơi dậy bởi các tiên tri, tư tế, và các nhà lãnh đạo Dân Do Thái qua các thế hệ. Hi vọng của Dân Do Thái Cựu Ước liên quan đến việc giải phóng ‘khỏi tay địch thù’ chủ yếu theo nghĩa chính trị, xã hội, và là hình bóng cho sự giải phóng đích thực, đó là sự giải phóng khỏi tội lỗi và sự chết về mặt tâm linh. Trong nhãn quan Kinh Thánh Tân Ước, sự chết về mặt thể lý theo lẽ tự nhiên không nghiêm trọng bằng sự chết về mặt luân lý, đặc biệt sự chết vĩnh cửu, sự chết mà con người không còn mảy may chút hi vọng về sự biến đổi nào khác cho tình trạng khốn cùng của mình (Mt 25,31-46; Lc 16,19-31).

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu không chỉ là Đấng đem hi vọng cho nhân loại, mà còn là Người Tôi Tớ Đau Khổ cho hi vọng. Hơn thế nữa chính Người là Hi Vọng cho toàn thể mọi người (1 Tm 1,1). Như vậy, theo mặc khải Tân Ước, hi vọng mà toàn thể nhân loại hướng tới không phải là một ý tưởng cao siêu nào đó, một lý thuyết nào đó hay là một cái gì đó, mà chính là Đức Giêsu. Hi Vọng mà nhân loại mong đợi là một Đấng, một Nhân Vị, một Con Người, Ngôi Hai Thiên Chúa từ môi trường Thiên Chúa đến với môi trường nhân loại. Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Thánh Phêrô cũng có kinh nghiệm này khi khuyên dạy các tín hữu rằng “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em” (1 Pr 3,15).

Để duy trì và củng cố hi vọng của Dân Do Thái, bằng nhiều hình thức và đường lối khác nhau, Thiên Chúa đã thông truyền ý định của Người qua các tiên tri và các bậc lãnh đạo Do Thái (Dt 1,1-4). Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã thông truyền với Dân Do Thái và toàn thể nhân loại bằng chính Con của Người. Với sứ mệnh của mình, Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết chính Người là Đường, Đường Hi Vọng đúng nghĩa và đầy đủ nhất. Từ cổ chí kim, từ Đức Phật (của Phật Giáo) tới Mohamed (của Hồi Giáo), từ Lão Tử (của Lão Giáo) tới Khổng Tử (của Khổng Giáo), không ai cho mình là Đường, họa chăng, họ là ngón tay chỉ Đường (Đức Phật), hoặc không biết Đường (Lão Tử và Khổng Tử), hay tiên tri của Đường (Mohamed) mà thôi. Cuộc sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ ra rằng Người là Đường Hi Vọng cho toàn thể nhân loại, Đường nối kết tất cả những hoài bão, khao khát, và đợi chờ của toàn thể nhân loại.

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không loại trừ bất cứ hi vọng chân thành nào của con người trong dòng lịch sử cho dù họ là ai, thuộc chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa nào. Hi vọng Đức Giêsu mang đến là hi vọng cho phép gắn kết các hình thức hi vọng chân thành trong dòng lịch sử nhân loại. Mặt khác, hi vọng Đức Giêsu mang đến cũng có tác dụng thanh luyện và dẫn đưa những hình thức hi vọng khác về hướng sung mãn nhất. Như thế, hi vọng đúng nghĩa bất kỳ dưới hình thức nào cũng tìm được chỗ đứng của mình trong hi vọng Đức Giêsu mang đến, bởi vì, xét cho cùng, những gì tốt lành, những gì thánh thiện, những gì cho phép con người sống xứng đáng hơn với nhân phẩm của mình đều phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, không có hình thức hi vọng đúng nghĩa nào lại vắng bóng Thiên Chúa.

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không chỉ dừng lại ở chỗ thần hóa hi vọng của con người trong tương quan với Thiên Chúa mà còn các tương quan khác nữa. Chẳng hạn, hi vọng vào sự biến đổi của tất cả các thụ tạo được đặt trong bối cảnh chung với hi vọng vào sự sống lại và giải thoát của con người. Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu thêm điều này khi nói rằng “cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23). Như vậy, chúng ta không chỉ hi vọng cho sự biến đổi bản thân mình cũng như toàn thể nhân loại, mà còn hi vọng cho sự biến đổi của những gì thuộc về Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo hướng về sự biến đổi chung cuộc của trời mới đất mới (Kh 21,1).

Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng hi vọng của con người đúng nghĩa phải là hi vọng đặt nền tảng trên tình yêu. Bao lâu hi vọng chưa đặt trên nền tảng tình yêu, bấy lâu hi vọng đó còn mù quáng, còn giả tạo, và nhiễm tính hão huyền. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là ‘tình yêu nào đây?’. Trên trần gian này ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu, tôn giáo nào cũng nói về tình yêu, vậy, đâu là tiêu chuẩn? Chính Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời, đó là tình yêu hi sinh, tình yêu quên mình, tình yêu phục vụ theo cách của Đức Giêsu, cách mà Người gọi đó là ‘điều răn mới’: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người còn giải thích thêm rằng “đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Như thế, tình yêu mà Đức Giêsu nói tới là tình yêu ngang qua thập giá, tình yêu thể hiện nơi thung lũng của sự chết, nơi sa mạc khô cằn của đau khổ, nơi hi vọng con người lịm tắt, nơi mà đối với con người mọi sự trở nên vô nghĩa.

Với Đức Giêsu, thập giá, dấu chỉ sự thất vọng tột cùng của con người lại trở thành hi vọng tột cùng của họ. Suy tư về thập giá, chúng ta càng hiểu rõ hơn lời Thiên Chúa nói trong sách tiên tri I-sai-a rằng tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của nhân loại và đường lối của Người siêu vượt đường lối của nhân loại (Is 55,8-9). Khi đề cập đến thập giá Đức Giêsu, thánh Phaolô đã nói rằng người Do Thái tìm điềm thiêng dấu lạ, người Hi Lạp tìm sự khôn ngoan, còn thánh nhân và các môn đệ của Đức Giêsu lại rao giảng thập giá, đối với người Do Thái là ô nhục, đối với dân ngoại là điên rồ, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,22-25). Với thập giá, Đức Giêsu biến thất vọng thành hi vọng, biến chết thành sống, biến hận thù thành yêu thương, biến sự dữ thành sự lành, biến ghen ghét thành tha thứ, biến đau thương thành hạnh phúc. Như thế, hi vọng mà Đức Giêsu tỏ bày là hi vọng ngang qua thập giá, ngang qua hận thù, ngang qua nỗi đau khổ nhất mà con người có thể cảm nghiệm trong cõi nhân sinh. Chính Người đã mang lấy thập giá, chịu đóng đinh vào thập giá và biến thập giá thành Thánh Giá. Như thế, hi vọng của con người đúng nghĩa khi hi vọng đó được kết hợp với thập giá Đức Giêsu để được Người nâng đỡ, thanh luyện, và biến đổi.

Với biến cố thập giá, Đức Giêsu không chỉ thấy hay chạm đến ngưỡng sự chết, mà chính Người đã chết. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chỉ ra rằng nơi sự đau khổ tột cùng của con người cũng chính là nơi tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ cách mãnh liệt nhất. Tận cùng của thập giá, tận cùng đau khổ, tận cùng của thất vọng, cũng chính là tận cùng của liên đới, tận cùng của tình yêu, tận cùng của hi vọng, tắt một lời, tận cùng sự thông hiệp giữa Thiên Chúa và thụ tạo mình. Qua biến cố thập giá, Thiên Chúa minh chứng điều đã được sứ thần Gáp-ri-en nói cùng Đức Ma-ri-a trong biến cố truyền tin “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) hay nói cách khác, đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Như thế, khi con người cậy dựa vào Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rằng “thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hi vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14). Đối với thánh Phao-lô, Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa mà những ai hi vọng, những ai phải vất vả, phải chiến đấu vì Người là Thiên Chúa hằng sống (1 Tm 4,10). Chính vì hi vọng này mà thánh nhân đã thốt lên “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Hình hài của hi vọng theo Tân Ước chính là sự sống lại của Đức Giêsu, khuôn mẫu cho hi vọng vào sự sống lại của muôn người. Đây chính là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Hi vọng Đức Giêsu tỏ bày cho toàn thể nhân loại là hi vọng rằng tiếng nói cuối cùng của lịch sử mỗi người, tiếng nói cuối cùng của lịch sử nhân loại, tiếng nói cuối cùng của thế giới thụ tạo này không phải là tiếng nói của đau khổ, của chết chóc, của sự dữ lên ngôi, nhưng là tiếng nói của Đấng Hi Vọng, của Thần Khí Hiệp Thông, của Chúa Cha Nhân Từ. Tiếng nói đó được thánh Phaolô diễn tả cách rõ hơn, đó là tiếng nói của công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Dĩ nhiên, công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần vượt qua những gì mà chúng ta có thể cảm nghiệm (Mt 5,12). Đó là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô nói rằng “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Đó cũng là lý do giải thích tại sao thánh nhân lại nói rằng “nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,19).

Về mặt thực hành trên Đường Hi Vọng, Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng con người phải từ bỏ những gì cản trở hành trình của mình. Họ không thể đồng thời, một mặt, hi vọng vào điều tốt đẹp nhất, mặt khác, lại tự mình dựng rào cản điều tốt đẹp nhất đó xảy đến (Mt 5,29-30; Mt 10,28). Chính điều mình hi vọng là động lực dẫn tới những thay đổi và mở ra những khả thể mới trong việc hoán cải. Người hi vọng chân thành đồng thời cũng là người thực hành đời sống chân thành. Sẽ là bất cập nếu không có sự hòa hợp giữa hi vọng và thực hành. Chẳng hạn, người ta không thể hi vọng vào điều tốt trong khi lại làm điều xấu. Người ta không thể một mặt hi vọng vào sự thánh thiện, mặt khác luôn đắm chìm trong thế giới của sự dữ, thế giới mà trong đó những gì xảy ra đều ngược với ý định của Thiên Chúa, ý định đem tất cả vạn vật tới viên mãn. Do đó, sự đòi hỏi của Tin Mừng Hi Vọng thật lớn lao, đến nỗi tự sức mình (là những con người tội lỗi), chúng ta không thể nào đạt tới thực tại mà chúng ta hi vọng. Tuy nhiên, Thần Khí của Đấng Hi Vọng hoạt động trong môi trường nhân loại, đặc biệt trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời (Tt 3,6-7).

4/ Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng

a/ Căn Tính Bí Tích Hi Vọng của Giáo Hội

Như đã được đề cập ở trên, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong nhân loại trong bối cảnh hi vọng, hi vọng được nảy sinh từ thuở ban đầu của tạo dựng, của lịch sử nhân loại, tiếp tục trong Cựu Ước, cụ thể hóa trong Tân Ước, và diễn tiến trong Giáo Hội cho đến tận thế. Ơn cứu độ được Đức Giêsu Kitô thực hiện ‘một lần cho tất cả’ không theo nghĩa chặt của sự đóng khung về không gian, thời gian, nhưng theo nghĩa một công trình đã, đang, và sẽ hoàn thành. ‘Hình hài’ của ơn cứu độ đã được định dạng trong Biến Cố Đức Kitô, đặc biệt, khi Người sống lại. Sự định dạng này vừa có tính qui tụ vừa có tính lan tỏa. Qui tụ theo nghĩa rằng ơn cứu độ đã tới thời viên mãn trong biến cố này. Lan tỏa theo nghĩa rằng ‘thời viên mãn’ của ơn cứu độ hướng về cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Người (Ep 1,10).

Để trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về căn tính của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng không có một định nghĩa nào diễn tả đầy đủ thực tại có tên gọi là ‘Giáo Hội’ bởi vì thực tại này vừa là công trình của Thiên Chúa, vừa là công trình của con người; vừa thánh thiện bởi bản tính, vừa ôm ấp những người tội lỗi; vừa hiện diện trong thời gian, vừa siêu vượt thời gian. Kinh Thánh, truyền thống, và giáo huấn của Giáo Hội cho phép chúng ta hiểu Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thể chế, hiệp thông, hòa hợp, tôi tớ. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu Giáo Hội qua những hình ảnh như cây nho, nắm bột trong men, ruộng lúa và nhiều hình ảnh khác nữa. Trong Kinh Thánh Tân Ước có khoảng 100 hình ảnh khác nhau về Giáo Hội.

Công Đồng Vatican II là Công Đồng đào sâu nhất về căn tính của Giáo Hội so với 20 công đồng chung trước đó, kể từ Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội, Công Đồng Nicea (325 AD). Thay vì diễn tả Giáo Hội theo các mô hình trước đó, đặc biệt mô hình Giáo Hội là xã hội hoàn hảo (Societas Perfecta - Perfect Society) gắn liền với Công Đồng Tren-ti-nô (1545-1563) như là phản ứng cần thiết đối với anh em Tin Lành cũng như một số chủ nghĩa nảy sinh sau đó, chẳng hạn, chủ nghĩa lý trí, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thế tục, Công Đồng Vatican II đã diễn tả Giáo Hội là mầu nhiệm, là bí tích. Công Đồng Vatican II minh định tính bí tích của Giáo Hội ngay trong số đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium rằng “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1).

Công Đồng cũng khẳng định rằng “Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người” (LG 9). Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội là Bí Tích hoàn vũ của ơn cứu độ (LG 48). Khi diễn tả Giáo Hội như vậy, Công Đồng Vatican II muốn nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập và ủy thác tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình trên trần gian với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội hiện diện vì Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không hiện diện cho chính mình. Nói theo ngôn ngữ Giáo Hội học, Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô trên trần gian và chính là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người.

Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu Kitô là Hi Vọng của chúng ta (1 Tm 1,1), do đó, Giáo Hội chính là Bí Tích của Hi Vọng. Như đã được trình bày ở trên, hi vọng của Giáo Hội không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một con người cụ thể, Đức Giêsu Kitô, Người là Hi vọng của toàn thể nhân loại cũng như thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Người cũng là Thầy dạy con người về Nguồn Hi Vọng đích thực là chính Thiên Chúa, Đấng hiện thực hóa hi vọng của những người thành tâm tìm kiếm Người. Chính Đức Giêsu Kitô, nhân danh toàn thể nhân loại nói lên hi vọng chân thành của tất cả mọi người. Đồng thời, cũng chính Người thiết lập Giáo Hội và ủy thác cho các môn đệ của Người tiếp tục loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho toàn thể thế giới thụ tạo (Mc 16,15).

Ngoại trừ là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không có lý do hiện hữu, thông truyền, và phát triển giữa lòng nhân thế. Hi vọng trở thành máu thịt của Giáo Hội và nhờ đó, Giáo Hội được gọi là thực tại tiếp tục sự hiện diện lịch sử của Đức Giêsu Kitô trên trần gian. Do đó, người ta không thể tiếp cận Giáo Hội mà không ý thức được căn tính hi vọng của chính Giáo Hội. Về căn bản, Giáo Hội được hiểu là cộng đoàn của những người hi vọng, cộng đoàn có từ đời đời trong ý định Thiên Chúa, cộng đoàn được tiên báo trong Cựu Ước, cộng đoàn xuất hiện với Biến Cố Đức Kitô, cộng đoàn được Chúa Thánh Thần thánh hóa và tiếp tục đồng hành cùng thế giới hướng về sự sung mãn của toàn thể thế giới thụ tạo trong thời cánh chung (eschaton)

Là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, Giáo Hội chính là công cụ, là dấu chỉ hi vọng cho toàn thể nhân loại. Giáo Hội cho nhân loại thấy rằng hi vọng thuộc căn tính của mình và hi vọng của Giáo Hội chính là Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Những gì Giáo Hội hi vọng cũng là những gì Giáo Hội đã, đang, và sẽ cảm nghiệm bởi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Như thế, hi vọng của Giáo Hội là hi vọng ‘rồi mà chưa’ (already and not yet), hi vọng vừa được định dạng, vừa hướng về sự hoàn thành mỹ mãn trong Nước Thiên Chúa.

Hi vọng trở thành nguyên lý cho sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Đồng thời, hi vọng trở thành sức sống cho Giáo Hội lữ hành với những khó khăn, bất trắc phát xuất từ Giáo Hội xét như là một xã hội giữa lòng thế giới cũng như phát xuất từ các thực tại khác đang cùng đồng hành với Giáo Hội. Giữa cảnh trắng đen, sáng tối, và thánh thiêng trần tục lẫn lộn, khó phân biệt, Giáo Hội dõi bước theo sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo Hội lệ thuộc vào Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình, bằng không, Giáo Hội là thực tại qui tụ những người cao ngạo, tiếp tục xây tháp Ba-ben của thời đại mới.

Trong Cựu Ước, nhân loại với hi vọng xây tháp Ba-ben để tiếp cận môi trường Thiên Chúa theo ý riêng mình, để thể hiện chính mình, để danh mình được cả sáng. Hậu quả là thất vọng ê chề, tháp hoàn toàn bị sụp đổ vì Thiên Chúa ‘xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất’, khiến họ không thể đồng sức đồng lòng để xây tháp đó (St 11,1-9). Tại Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chính Chúa Thánh Thần xây Tháp Hi Vọng đó chính là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần xây tháp này là thành trì của Thiên Chúa ở trần gian dựa trên những viên đá sống động, những viên đá khiêm tốn, những viên đá hi vọng, những viên đá tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Tháp Hi Vọng này tiếp tục được xây và ngày càng vươn lên giữa lòng thế giới.

Khi nói rằng Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng, đồng thời, chúng ta cũng nói rằng Giáo Hội không kết thúc ở chính mình. Giáo Hội không nhằm vào chính mình, mục đích của Giáo Hội không phải là mục đích tự thân. Trái lại, Giáo Hội ý thức rằng mình là công cụ, là ngọn đèn cho phép con người nhận ra đâu là hi vọng đích thực. Vì là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, vì là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, sự hiện diện của Giáo Hội cũng chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiện diện của Giáo Hội luôn hướng tới sự hiện diện sung mãn của Nước Thiên Chúa trong thời cánh chung.

Đặc tính hi vọng của Giáo Hội luôn được diễn tả trong các bí tích cụ thể nhằm nuôi dưỡng đời sống của các thành phần Giáo Hội: Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối. Mỗi bí tích diễn tả đặc tính hi vọng của cộng đoàn Giáo Hội cũng như hi vọng của mỗi cá nhân khi lãnh nhận các bí tích này. Nói cách khác, tính bí tích của Giáo Hội (sacramentality of the Church) luôn in đậm dấu ấn của hi vọng, dấu ấn của một khởi đầu mới cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hi vọng và bí tích gần nhau đến nỗi, cử hành các bí tích cũng là cử hành hi vọng. Bao lâu con người còn hi vọng cũng như sống đúng với hi vọng đó, bấy lâu hiệu quả của bí tích còn hiện diện và hoạt động trong đời sống họ.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu hi vọng rằng nhờ bí tích này, họ sẽ được tái sinh trong sự sống mới của Chúa Ba Ngôi và được trở nên thành phần sống động trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô. Khi chịu Bí Tích Thêm Sức, người tín hữu hi vọng rằng họ được hưởng tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để cùng với các thành phần khác trong Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng thế giới. Khi chịu Bí Tích Thánh Thể, người tín hữu hi vọng rằng họ trở nên một với Đức Giêsu Kitô và ý thức hơn về sự cần thiết của sự hiệp nhất trong Giáo Hội như muôn hạt lúa miến làm nên tấm bánh và muôn trái nho làm nên li rượu tiến dâng trên bàn thờ. Khi chịu Bí Tích Hòa Giải, người tín hữu hi vọng rằng họ được giao hòa với Thiên Chúa nhờ sự tha thứ của Người qua trung gian thừa tác viên Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Xức Dầu Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ có thêm sức mạnh để có thể vượt qua những đau khổ, thất vọng nhất của cuộc đời trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Truyền Chức Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong Giáo Hội, để trao ban tình thương của Người cho đồng loại. Khi chịu Bí Tích Hôn Phối, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ mãi mãi thủy chung và thương yêu nhau dựa trên khuôn mẫu ‘giới răn yêu thương mới’ của Đức Giêsu Kitô (Ga 13,34; Ga 15,12-3).

Người ta sẽ đặt câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội được gọi là Bí Tích của Hi Vọng trong khi không ít con cái Giáo Hội lại bất xứng?’ Phải chăng con cái Giáo Hội phản ánh bản chất của Giáo Hội? Thực ra, sự thánh thiện của Giáo Hội không phải là sự qui tụ của những người thánh thiện đã được rửa tội. Giáo Hội thánh thiện bởi từ đời đời, Thiên Chúa Cha đã tiền định cho sự hiện diện của Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện bởi vì Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập. Giáo Hội thánh thiện bởi Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Giáo Hội thánh thiện bởi vì các bí tích của Giáo Hội là các bí tích thánh. Giáo Hội thánh thiện bởi vì mục đích của Giáo Hội là Vương Quốc Thiên Chúa, là Vương Quốc Thánh. Nói cách ngắn gọn hơn, các yếu tố làm cho Giáo Hội hiện hữu và hoạt động, cũng như phương tiện và mục đích của Giáo Hội là thánh.

Sự thánh thiện của Giáo Hội không lệ thuộc trực tiếp vào sự thánh thiện của con cái Giáo Hội. Sự thánh thiện của con cái Giáo Hội là sự thánh thiện tham dự, còn sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện bởi bản tính. Như thế, tội lỗi và bất xứng của con cái Giáo Hội không làm vong bản hay triệt tiêu bản tính thánh thiện của Giáo Hội. Con cái Giáo Hội, hay bất cứ ai khác đều phải không ngừng sám hối để ngày càng thánh thiện hơn. Như đã được đề cập ở trên, từ nguyên thủy, con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27), con người thánh thiện. Tuy nhiên, con người trở nên tội lỗi vì Tội Nguyên Tổ, tội của các hình thức tập thể, và tội cá nhân mỗi người.

Cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng mình tội lỗi, đồng thời, cũng ý thức rằng tự bản thân, mình không thể làm cho mình trở nên thánh thiện, rằng mình cần sự yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện và là Nguồn mọi sự thánh thiện. Thánh Gioan Tông Đồ khẳng định “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Lời khẳng định của thánh Gioan không chỉ nhằm đến con cái Giáo Hội theo nghĩa chặt (những người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội) mà thôi mà còn cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Bằng ngôn ngữ hi vọng, chúng ta có thể nói rằng người tội lỗi, người khiếm khuyết đồng thời cũng là người hi vọng. Người cho rằng mình không có tội, không tham gia vào môi trường tội lỗi, hay không có kinh nghiệm về môi trường này cũng là người không bao giờ hi vọng, hay nói đúng hơn, chẳng phải là người nữa!

Trên bình diện lịch sử, sự thánh thiện của Giáo Hội còn là sự thánh thiện nảy nở cho đến khi đạt tới sự sung mãn trong thời cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Đức Kitô. Câu cuối cùng trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mathêu là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Đây là lời hứa của Đức Giêsu Kitô và là hi vọng của các tông đồ Đức Giêsu Kitô qua các thế hệ. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Đức Giêsu Kitô có thể ở với các môn đệ của mình cho đến tận thế. Câu trả lời đó là Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động trong và qua Giáo Hội mà chính Người thiết lập. Người vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội vì Giáo Hội là Bí Tích của Người, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để trở nên của ăn thiêng nuôi sống các chi thể của người, là các tín hữu. Khi lĩnh nhận Của Ăn Hi Vọng này, người tín hữu nhận lấy Đức Giêsu Kitô, nhận lấy Giáo Hội mà mình là thành phần.

Giáo Hội được ủy thác làm cho hi vọng mà mình lãnh nhận chiếu soi mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt, chiếu soi những người chán chường thất vọng, những người không tìm được ý nghĩa cho cuộc sống mình hoặc những người đang hi vọng vào những gì phù phiếm, chóng qua, trần tục. Khi thi hành sứ mệnh của mình, Giáo Hội cho tất cả mọi người biết rằng Giáo Hội chính là ngón tay chỉ về Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống của tất cả những ai đang thành tâm tìm kiếm Người với hi vọng chân thành. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả: “Hội Thánh [Giáo Hội] là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,23). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội Giáo Hội thâm tín rằng “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).

b/ Sứ Mệnh Hi Vọng của Giáo Hội

Hi vọng vừa là món quà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, vừa là tác vụ mà Giáo Hội cần thực thi trong sứ mệnh của mình trên đường lữ hành cùng toàn thể nhân loại. Món quà hi vọng của Giáo Hội vừa có hình dạng nhờ Biến Cố Đức Kitô (the Christ Event), vừa đang lớn lên theo dòng lịch sử (Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,20-21). Do đó, Giáo Hội cũng như tất cả những ai tham dự vào đời sống Giáo Hội vừa trân quí món quà này, vừa khao khát đợi chờ đến khi món quà này đạt tới tầm mức sung mãn trong đời sống vĩnh cửu mai sau.

Theo Công Đồng Vatican II, “số phận mai sau của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hi vọng” (GS 31). Ý thức rằng Giáo Hội cùng song hành với thế giới và cho thế giới, trong ngôn ngữ hi vọng, câu đầu tiên của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hi Vọng) nhấn mạnh rằng “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1). Giáo Hội là cộng đoàn những người được tháp nhập vào Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô nhờ Bí Tích Rửa Tội, đồng thời, Giáo Hội cũng là cộng đoàn đồng hành cùng toàn thể nhân loại. Do đó, Giáo Hội không thể lãng quên chiều kích nhân loại của mình, cũng như sự liên đới với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Cũng theo Công Đồng Vatican II, “hi vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy” (GS 21). Giáo Hội sẽ không làm trọn bổn phận của mình là Bí Tích của Hi Vọng, khi Giáo Hội không quan tâm đến những khổ đau của biết bao người vì bất công, vì phân biệt đối xử, vì phẩm giá bị chà đạp, và muôn hình thức bất hòa hợp khác. Sứ mệnh hi vọng của Giáo Hội không chỉ là sứ mệnh phần hồn mà còn sứ mệnh phần xác nữa, bởi vì, Đức Giêsu Kitô (mà Giáo Hội là Bí Tích của Người) luôn quan tâm đến mọi chiều kích của đời sống con người. Do đó, khi Giáo Hội loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho tất cả mọi người, đồng thời, Giáo Hội cùng chung tay xoa dịu những thương đau của con người trong xã hội.

Là Bí Tích của Hi Vọng, tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói ngôn sứ về hi vọng, đồng thời, Giáo Hội thi hành vai trò nhân chứng hi vọng trong môi trường nhân loại. Giáo Hội diễn tả sự thật rằng Đức Giêsu Kitô là tâm điểm hội tụ hi vọng của lịch sử nhân loại. Người tiếp tục là tâm điểm hội tụ của những gì thiện hảo mà nhân loại hằng mong ước. Cũng chính Người là điểm hẹn của lịch sử, khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Người. Giáo Hội luôn dõi theo Đức Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay, và mãi mãi là khởi đầu, là trung tâm, và là đích đến của toàn thể mọi người.

Để diễn tả căn tính, đời sống, và sứ mệnh hi vọng của mình, Giáo Hội ý thức rằng mình phải đi ra, phải hi sinh, phải bầm dập giữa lòng thế giới. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng Evangelii Gaudium (2013) rằng “tôi lặp lại điều tôi thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires [Argentina]: Tôi muốn một Giáo Hội bầm dập, đau thương, và dơ bẩn bởi lăn lộn ngoài đường phố, hơn là Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn Giáo Hội chú ý đến vai trò trung tâm của mình và kết thúc bởi bị mắc kẹt trong mạng lưới những nỗi ám ảnh và thủ tục.” Thế là rõ, vừa loan báo Tin Mừng Hi Vọng, vừa không ngừng ý thức những bất cập của mình là hai thì không thể thiếu được trong sứ mệnh Giáo Hội. Như đã được đề cập ở trên, là thực tại lữ hành trong dòng lịch sử, các thành phần của Giáo Hội bao gồm những người tội lỗi. Những chướng ngại và rào cản hi vọng đích thực phát xuất từ con cái Giáo Hội vẫn còn đó và đồng hành cùng Giáo Hội cho đến tận thế. Do vậy, sứ mệnh loan báo Tin Mừng Hi Vọng của Giáo Hội đồng hành cùng sứ mệnh thanh tẩy, đổi mới, và tái cấu trúc chính Giáo Hội theo chương trình của Thiên Chúa.

Như đã được đề cập ở trên, giữa lòng thế giới, Giáo Hội luôn thâm tín rằng sẽ không có hi vọng đích thực nếu hi vọng đó không có chỗ đứng trong Tin Mừng Hi Vọng mà Giáo Hội lãnh nhận và có sứ mệnh loan truyền. Tin Mừng này không xa lạ với bất cứ môi trường nhân loại lành mạnh nào. Hơn nữa, Tin Mừng này không chỉ có khả năng thâm nhập tất cả các môi trường trong xã hội loài người, mà còn có khả năng tích hợp các hình thức hi vọng lành mạnh trong các môi trường đó. Hơn nữa, Tin Mừng này có khả năng biến cải và thanh tẩy các hình thức hi vọng trong các môi trường đó. Giáo Hội ý thức rằng bao lâu Tin Mừng Hi Vọng chưa thành lẽ sống của Giáo Hội cũng như lẽ sống của tất cả mọi người, bấy lâu sứ mệnh của Giáo Hội vẫn còn tiếp diễn.

Một trong những khủng hoảng của nhân loại hôm nay là khủng hoảng hi vọng (the crisis of hope) khi mà con người không biết đặt hi vọng vào đâu cho đúng giữa thị trường muôn màu sắc hi vọng và ai cũng có có thể chọn cho mình hình thức hi vọng theo sở thích. Xem ra khủng hoảng hi vọng là nguyên cớ cho những đau thương trong xã hội loài người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Càng ngày nhân loại càng ý thức hơn rằng thực thể có tên gọi ‘con người’ xem ra phức tạp hơn là những gì mà con người có thể mô tả hoặc cân đong đo đếm. Hi vọng của con người luôn dồi dào và thâm sâu hơn là những gì mà thế giới thụ tạo hứa hẹn và có thể cung cấp hay ban tặng.

Việc Giáo Hội đóng góp phần mình để biến đổi xã hội dựa trên các giá trị của Tin Mừng Hi Vọng luôn cần thiết. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện đại nảy sinh từ sự thất vọng hay hi vọng hão huyền đang có xu hướng gia tăng, phát xuất từ chủ nghĩa tôn giáo quá khích, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa tiêu thụ, cùng nhiều hình thức chủ nghĩa khác. Thêm vào đó, thực tế cũng cho thấy rằng không ít người lại đặt trọn hi vọng vào khoa học, vào kỹ thuật, vào máy móc. Để góp phần cải thiện tình trạng xã hội, Giáo Hội cần phải dấn thân hơn trong việc loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho các giai tầng xã hội, nhằm giải phóng con người khỏi hình thức nô lệ mới, ‘nô lệ hi vọng’.

Giáo Hội có sứ mệnh giải phóng tất cả nạn nhân của nô lệ hi vọng, bằng không, chính họ là những nhân tố gây xáo trộn và bất trắc trong xã hội loài người. Tuy nhiên, như đã được đề cập ở trên, trong nhãn quan Tin Mừng Hi Vọng, sự giải phóng đích thực phải là sự giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi và những dẫn xuất của tội lỗi. Những hình thức giải phóng khác, nếu có, phải nằm trong lộ trình của sự giải phóng này, bằng không, những hình thức giải phóng khác trở nên vô nghĩa. Sự giải phóng đích thực mà Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng thực hiện cho toàn thể nhân loại là sự giải phóng hướng tới Nguồn và Đích của hi vọng khi mà thiện, ác, tốt, xấu được phân biệt rạch ròi, lúa và cỏ lùng không còn lẫn lộn.

Giữa muôn vàn hình thức hi vọng giữa lòng thế giới, sứ mệnh của Giáo Hội không phải là cổ vũ tất cả các hình thức hi vọng, nhưng là cổ vũ những hình thức hi vọng nào ẩn chứa ánh sáng hi vọng cao cả mà Giáo Hội được ủy thác tiếp nhận, sống, và loan báo. Nghĩa là những hình thức hi vọng nào sau khi được gột rửa bởi Hi Vọng mà Giáo Hội là Bí Tích sẽ giúp con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình ở đời này và dẫn họ tới Nguồn cũng là Đích của hi vọng vĩnh cửu. Để thực hiện được sứ mệnh này, Giáo Hội cần phải phân định đâu là những dấu chỉ cho phép Giáo Hội tích hợp những hình thức hi vọng giúp con người sống những giá trị của Nước Thiên Chúa ngay trên cõi đời này và hướng họ về Quê Trời Vĩnh Cửu.

Giáo Hội luôn trở về Nguồn để kín múc sức sống hi vọng cho chính mình, đồng thời, Giáo Hội cũng luôn dõi theo những biến chuyển trong đời sống xã hội, nơi Giáo Hội hiện diện và hoạt động, để giới thiệu và trao ban hi vọng đích thực cho tất cả mọi người. Là thực tại lữ hành, Giáo Hội không ngừng đọc những dấu chỉ của Chúa trong môi trường nhân loại và hành động theo những dấu chỉ đó. Giữa lòng thế giới, Giáo Hội ý thức mình là men hi vọng, là muối hi vọng, và là ánh sáng hi vọng cho muôn người. Là Bí Tích của Hi Vọng giữa lòng thế giới đầy phong ba bão táp và bóng đêm của sự dữ, Giáo Hội có sứ mệnh trao ban cho toàn thể nhân loại chân trời hi vọng, nơi đó ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô không ngừng chiếu tỏa.

Kết luận

Hi vọng là thực tại chung của tất cả mọi người trong thế giới đa dạng về văn hóa, tôn giáo, màu da, thể chế, ngôn ngữ. Chính hi vọng làm cho con người phân biệt với vạn vật trong thế giới thụ tạo, đồng thời, là yếu tố quyết định tương lai và vận mệnh của mỗi người. Hi vọng luôn ở trạng thái động, trạng thái vươn lên, vươn xa hơn những gì đóng khung theo khuôn mẫu nào đó. Hi vọng bền lâu và có khả năng tương thích với tất cả các môi trường sống của con người, đồng thời, cho phép con người vượt qua tất cả các biên giới của thế giới thụ tạo và cho phép con người gặp gỡ Thiên Chúa đang khi họ hành trình trong môi trường thụ tạo.

Sự xem xét, lượng định, và đánh giá trên đây cho chúng ta thấy rằng hi vọng thuộc bản chất mặc khải Kitô Giáo. Hi vọng là ngôn ngữ của các Sách Kinh Thánh, từ cuốn Sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, Sách Sáng Thế, đến cuốn cuối cùng, Sách Khải Huyền. Hi vọng của Dân Do Thái, Dân Riêng của Thiên Chúa trong Cựu Ước quan tâm nhiều đến chiều kích xã hội hơn là chiều kích tâm linh. Hi vọng này được xem là hình bóng của Dân Thiên Chúa trong Tân Ước, Dân được Đức Giêsu Kitô thiết lập, nuôi dưỡng, và hướng dẫn. Biến Cố Đức Kitô khơi mào niềm hi vọng chân thực và sâu xa nhất của con người, niềm hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Đức Giêsu Kitô cho tất cả mọi người biết rằng Thiên Chúa là Nguồn và là Đích của hi vọng nhân loại và Người không chỉ là Đấng mang hi vọng tới cho nhân loại mà chính Người là Hi Vọng.

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Người trên trần gian. Căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội được thêu dệt bằng những sợi chỉ hi vọng kết tinh từ việc Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho nhân loại trong dòng lịch sử, đặc biệt, trong Cựu Ước của Dân Do Thái và trong Tân Ước, với Biến Cố Đức Kitô. Theo ngôn ngữ Giáo Hội học, chính Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô và các thành phần của Giáo Hội là chi thể sống động trong Thân Thể đó. Giáo Hội chính là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, do đó, Giáo Hội cũng là Bí Tích của Hi Vọng. Giáo Hội hiện diện trên trần gian là dấu chỉ và khí cụ của Đấng Hi Vọng. Giáo Hội cho toàn thể nhân loại biết rằng chính Giáo Hội đang là ‘ngón tay chỉ đường’ cho tất cả mọi người biết đâu là hi vọng đích thực.

Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người đáp ứng những hoài bão và mong đợi sâu xa nhất của nhân loại. Đức Giêsu lịch sử không còn hiện diện trên trần gian này nữa. Tuy nhiên, Người vẫn hiện diện trong lịch sử nhân loại bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt, trong lịch sử của Giáo Hội mà Người thiết lập. Như vậy, tính lịch sử của Biến Cố Đức Kitô vẫn còn tiếp diễn nhằm làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại biết rằng “chỉ có một thân thể, một Thần Khí,… một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không ngừng loan báo và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng và cho Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng nhân thế, ngõ hầu tất cả mọi người trong gia đình nhân loại nhận ra đâu là hi vọng định hướng cuộc sống của họ trên cõi đời này, đồng thời, giúp họ vững tiến về Nguồn và Đích của hi vọng là Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu và hằng sống.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha đề cao nông nghiệp
Lm. Trần Đức Anh OP
09:38 31/01/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi đề cao vai trò của giới nông dân, bài trừ nạn nghèo đói và bảo tồn môi sinh.

Trong buổi tiếp kiến sáng 31-1-2015, dành cho 200 đại diện của Liên đoàn toàn quốc nông dân Italia, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên đoàn, ĐTC khẳng định rằng: ”Không có nhân loại nếu không có sự canh tác đất đai; không có đời sống tốt đẹp nếu không có lương thực mà đất đai sản xuất cho con người thuộc mọi đại lục. Vì thế ngành nông nghiệp có một vai trò chủ yếu. Hoạt động của những người canh tác, quảng đại dành thời giờ và năng lực cho công tác này, thực là một ơn gọi đích thực. Ơn gọi này đáng được nhìn nhận và đánh giá một cách thích hợp, cả trong những chọn lựa cụ thể về chính trị và kinh tế”.

Trong ý hướng đó, ĐTC kêu gọi loại bỏ những chướng ngại đe dọa ngành nông nghiệp, khiến cho các thế hệ trẻ không còn cảm thấy được thu hút dấn thân trong canh nông nữa.

Cũng trong chiều hướng này, ĐTC mời gọi chú ý đến tình trạng nghèo đói vẫn còn đè nặng trên rất nhiều người trong nhân loại. Ngài nói: ”Sự tuyệt đối hóa các qui luật thị trường, nền văn hóa gạt bỏ và phung phí lương thực đã lên tới mức độ không thể chấp nhận được, cùng với những yếu tố khác, đang gây đau khổ và lầm than cho bao nhiêu gia đình. Vì thế cần xét lại tường tận hệ thống sản xuất và phân phối lương thực”.

ĐTC cũng nhận xét rằng con người không những được kêu gọi canh tác đất đai nhưng còn bảo tồn đất nữa. Hai điều này có liên hệ mật thiết với nhau. Mỗi nông dân điều biết rõ thật là khó canh tác trong một thời đại có những biến đổi mau lẹ về khí hậu và những biến cố khí hậu thái cực ngày càng lan tràn. Làm sao tiếp tục sản xuất lương thực tốt cho cuộc sống của mọi người, khi mà sự ổn định khí hậu bị lâm nguy, khi mà không khí, nước và đất đai không còn tinh khiết vì bị ô nhiễm?

Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ một nền nông nghiệp ít ảnh hưởng tiêu cực tới môi sinh: làm sao để việc canh tác của chúng ta đồng thời cũng là một công trình bảo tồn đất đai? Chỉ như thế các thế hệ tương lai mới có thể tiếp tục ở trên trái đất và canh tác đất đai”. (SD 31-1-2015)
 
Tòa Thánh thay đổi truyền thống thả chim bồ câu hòa bình
Nguyễn Việt Nam
16:29 31/01/2015
Tòa Thánh đã phải thay đổi một cử chỉ truyền thống là thả chim bồ câu sau những khiếu nại của các nhóm bảo vệ động vật ở Ý.

Trong nhiều năm, vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng cùng với hai trẻ em thuộc Công Giáo Tiến Hành Italia sẽ thả một cặp bồ câu trắng trong trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Nhưng năm ngoái, cử chỉ hòa bình này đã ngay lập tức được đáp lại bằng bạo lực: hai chú chim bồ câu đã bị hai con chim lớn tấn công khiến anh chị em tín hữu tại quảng trường Thánh Phêrô phải hồi hộp lo lắng.

Cuối cùng, hai chú chim bồ câu cũng thoát nạn. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ động vật phàn nàn rằng việc thả chim bồ câu nhỏ ở trung tâm của Rôma có thể là dành cho chúng một bản án tử hình. Vì thế, năm nay, bong bóng đã được thả để thay thế.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có lần đã thả một cặp bồ câu trong dịp này nhưng những con chim bồ câu lại quay lại cửa sổ phòng làm việc của ngài, không chịu bay đi.
 
Phim mới ca ngợi những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Giáo Hoàng Piô XII
Nguyễn Việt Nam
17:01 31/01/2015
Một bộ phim mới có tưạ đề “Shades of Truth”, nêu bật những nỗ lực cứu giúp người Do Thái của Đức Piô XII trong suốt thời gian xảy chiến dịch diệt chủng của người Do Thái của Đức Quốc Xã sẽ được chính thức ra mắt vào ngày 1 tháng Tư năm nay.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bộ phim sẽ được giới thiệu trước tại Vatican vào ngày 02 tháng 3, và sau đó chiếu tại liên hoan phim Cannes trước khi công chiếu rộng rãi.

Vị tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dẫn dắt Giáo Hội trong một thời kỳ rất khó khăn từ 2 tháng Ba năm 1939 đến khi ngài qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1958; tức là 19 năm 7 tháng và 7 ngày.

Sau thế chiến thứ Hai, ngài dành được rất nhiều cảm tình và lòng biết ơn của người Do Thái.

Moshe Sharett, Ngoại trưởng đầu tiên của Do Thái và sau đó là phó Thủ tướng Do Thái, đã từng cho biết như sau:

“Tôi nói với Đức Piô XII rằng nghĩa vụ đầu tiên của tôi là cám ơn ngài và qua ngài cám ơn Giáo Hội Công Giáo, nhân danh những người Do Thái, vì những gì các vị đã làm trong nhiều quốc gia để cứu thoát người Do Thái. Chúng tôi chân thành ghi ân Giáo Hội Công Giáo.”

Golda Meir, Thủ tướng Do Thái đã khóc thương Đức Piô XII như sau:

“Chúng ta chia sẻ nỗi đau chung của nhân loại trước sự qua đi của Đức Piô XII. Khi cuộc tử đạo đáng sợ xảy đến cho dân tộc chúng ta trong thập niên kinh hoàng của chủ nghĩa Quốc Xã Đức, tiếng nói của Đức Giáo Hoàng đã cất lên cho các nạn nhân. Đời sống trong thời đại chúng ta đã được phong phú hóa bởi một tiếng nói xuất phát từ những sự thật luân lý cao cả vượt lên trên những chao đảo của cuộc xung đột hàng ngày. Chúng ta than khóc một vĩ nhân phụng sự hòa bình.”

Dưới ảnh hưởng của những xuyên tạc lịch sử thêu dệt bởi cộng sản, các phe nhóm cực hữu và cả một số thành phần Công Giáo bất mãn với Giáo Hội như John Cornwell, một cựu chủng sinh, là người đã rất xông xáo trong chiến dịch phỉ báng Đức Piô XII với những cuốn sách như Hitler's Pope, nhiều người lầm tưởng là Đức Piô XII đã làm rất ít hay chẳng làm gì cả để cứu người Do Thái.

Cuốn phim do đạo diễn Liana Marabini thực hiện giở lại hơn 100,000 tài liệu và phỏng vấn hàng loạt những người có liên quan để tìm ra sự thật và tuyên dương lòng bác ái anh hùng của Đức Piô XII.

Trong phim, một nhà ngoại giao Do Thái, ông Pinchas Lapicide, người đã từng viết cuốn Three Popes and the Jews khẳng định Đức Piô XII là "người đóng vai trò quyết định trong việc cứu thoát tối thiểu 700,000 người Do Thái, nhưng có lẽ phải đến 860,000 người khỏi cái chết cầm chắc trong tay dưới nanh vuốt của Quốc Xã Đức".

Một người khác là nhà viết sử người Hung Gia Lợi, ông Jeno Levai, trưng ra những sử liệu lấy từ văn khố Tòa Thánh và các quốc gia để chứng minh rằng Đức Sứ Thần Tòa Thánh tại Hung và các Đức Giám Mục "đã can thiệp đi can thiệp lại theo những chỉ thị của Đức Piô XII" và nhờ những nỗ lực này "trong mùa thu và mùa đông 1944, không có một nhà thờ Công Giáo nào tại Budapest lại không mở rộng vòng tay chứa chấp những người Do Thái đang trốn chạy".
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia buồn với Mễ Tây Cơ về vụ nổ ở nhà thương phụ sản ở Mexico City
Nguyễn Việt Nam
17:18 31/01/2015
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của ngài đối với các nạn nhân của một vụ nổ tại một bệnh viện phụ sản ở thành phố Mexico giết chết hai trẻ sơ sinh và một y tá. Hơn 70 người khác bị thương, hầu hết đều là trẻ sơ sinh.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gởi điện tín chia buồn với Đức Hồng Y Norberto Rivera Carrera, Tổng Giám Mục của thủ đô Mexico.

Trước đó, Đức Thánh Cha đã gửi một tweet trên tài khoản twitter xin anh chị em tín hữu cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ và xin Chúa ban cho họ sức mạnh và bình an.

Một cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra vụ nổ hôm thứ Năm 29 tháng Giêng cho thấy đã có sự rò rỉ trong đường ống của một chiếc xe tải cung cấp khí đốt cho nhà bếp của bệnh viện, biến chiếc xe này thành một quả bom khổng lồ, gây ra một vụ nổ chấn động hàng nhiều dặm xung quanh.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hai Giám Mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới thứ 14
Đồng Nhân
10:21 31/01/2015
VATICAN. Hôm 31-1-2015, Văn phòng Thượng HĐGM đã công bố danh sách các nghị phụ đại biểu sẽ tham dự Thượng HĐGM thế giới về gia đình vào tháng 10 năm nay. Các vị do các HĐGM liên hệ bầu lên và được ĐTC
phê chuẩn. Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 14 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 4 đến 25-10-2015 về chủ đề “Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Hai đại biểu được HĐGM Việt Nam bầu lên là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM Sàigòn, Chủ Tịch HĐGM Việt Nam, và Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, GM Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Đại biểu dự khuyết là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, GM giáo phận Mỹ Tho.

Hai vị Đại biều Việt Nam tham dự Thượng Hội Đồng lần này lã những vị thông thạo nhiều ngôn ngữ và đã được đào tại tại Âu châu nhiều năm, cả hai nói thông thạo tiếng Ý, Pháp, Anh, am hiểu La tinh, riêng Đức Cha Đạo còn thông thạo cả tiếng Tây ban nha nữa. Cả hai vị là những người đã chuyên nghiên cứu và quen thuộc nền thần học và triết học Công Giáo. Đức Cha Đạo từng nhiều năm là giáo sự tại Roma và là giám đốc Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo. Người Việt Nam sẽ rất hãnh diện có sự tham dự của các vị vào Thượng hội đồng Giám mục thế giới bàn về Gia đình.

Theo qui luật hiện hành (điều 6,1,3), các HĐGM có dưới 25 thành viên thì được bầu 1 đại biểu, từ 26 đến 50 thành viên được bầu 2 đại biểu, từ 51 đến 100 thì được 3 đại biểu, từ 100 trở lên thì được 4 đại biểu. HĐGM Hoa Kỳ và Pháp, mỗi nước có 4 đại biểu, và có 2 thành viên dự khuyết. Ngoài ra, có các nghị phụ do ĐTC bổ nhiệm. Con số các vị chiếm tối đa 15% tổng số các nghị phụ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Quan điểm của một người vô thần: Tại sao Hồi Giáo lại bạo động hơn Kitô Giáo
Vũ Van An
00:02 31/01/2015
Nhiều người đã viết về Hồi Giáo, kể từ ngày có Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng ít có ai so sánh tôn giáo này với các tôn giáo khác. Robert Traciski, một bỉnh bút của tờ The Federalist, và là chủ bút của Traciski Letter, có khác. Ông là một người vô thần, không tin có Thiên Chúa, nhưng nhân biến cố Charlie Bebdo ở Paris, ông có so sánh sau đây giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo về phương diện bạo lực.

Vụ thảm sát ở tòa soạn tờ Charlie Hebdo một lần nữa khiến các chính trị gia và giới truyền thông điên đầu quanh câu hỏi có chăng một điều gì đó khá đặc biệt nơi tôn giáo đặc thù là Hồi Giáo này khiến cho các tín đồ của họ quay cuồng tìm giết người khác.

Giữa những giới lịch thiệp, khó chấp nhận việc có thể có thứ khả hữu trên. Những người này vốn cho, như tờ New York Times, rằng “Hồi Giáo, tự thân nó, không bạo động hơn các tôn giáo khác”. Điều này có điểm dễ hiểu, bởi chủ đích bài báo là muốn chứng tỏ rằng người Hồi Giáo tại Trung Đông đang sầu khổ về di sản bạo động trong tôn giáo của họ.

Đã đành, mọi tôn giáo chính đều có những thời kỳ bạo động, hay những thời kỳ trong đó, tôn giáo sống chung với bạo lực. Cả những người Phật Giáo chủ hòa cũng thế thôi. Ai cũng thấy, hiện nay, người Phật Giáo đang “lên men” cho những vụ tàn sát chống người Hồi Giáo thiểu số tại Miến Điện (và tại Sri Lanka).

Nhưng trong bối cảnh ngày nay, quả là phi lý khi đặt Hồi Giáo và Kitô Giáo ngang hàng với nhau. Nói tới Toà Trừng Giới (Inquisition) Tây Ban Nha chỉ là xác nhận điều vừa nói, chứ không bác bỏ nó: vì nếu bạn phải trở về với 300 năm trước mới tìm ra các tàn bạo, thì chính là vì ngày nay các tàn bạo ấy khó kiếm ra. Trái lại, các tội ác quần chúng vi phạm nhân danh Hồi Giáo thì rất mới và công khai được tự hào.

Là một người vô thần, tôi không hề có thần thánh trong cuộc đấu tranh này, có thể nói như thế. Tôi không cho rằng các dị biệt giữa các tôn giáo khiến tôn giáo này giá trị hơn tôn giáo kia. Nhưng như vụ tấn công Charlie Hebdo cho thấy, quả có sự dị biệt thực tế rất lớn giữa các tôn giáo này. Thực thế, luận điểm tốt nhất chống lại việc đặt Hồi Giáo và Kitô Giáo ngang hàng nhau là: không ai hành động, dù xa xôi nhất, như thể điều này đúng. Ta được tự do phê phán và xúc phạm các Kitô hữu không cần đắn đo suy nghĩ, xin cám ơn các bạn, đã tỏ ra “cool” (bình thản) như thế, nhưng nói ngược lại người Hồi Giáo thì phải có can đảm mới được. Phải can đảm hơn nhiều người duy tục tại Tây Phương có thể nghĩ tưởng.

Thành thử, người ta thấy cần đặt câu hỏi: điểm khác nhau là đâu? Nguyên nhân gốc gác của nó là gì?

Theo tôi thấy, mối nguy hiểm chính do bất cứ tôn giáo nào gây ra cho những người bất đồng và không tin hệ ở việc bác bỏ lý lẽ; sự bác bỏ này cắt đứt khả thể thảo luận và tranh luận, chỉ còn chừa chỗ cho cưỡng bức như một giải pháp thay thế mà thôi. Tôi đồng ý với Voltaire ở điểm này: “Nếu ta tin những điều phi lý, ta sẽ phạm những điều tàn bạo”. Nhưng mọi tôn giáo đều khác nhau và có những giáo thuyết khác nhau từng lên khuôn cho lịch sử của mình, và như ta sẽ thấy, điều này bao gồm nhiều quan điểm khác nhau về những vấn đề nòng cốt như là vai trò của lý lẽ và sự thuyết phục.

Tôi muốn mở đầu bằng việc thú thực rằng tôi không phải là một chuyên viên về thần học, nhất là thần học Hồi Giáo. Ấy thế nhưng, hiện có một số dị biệt lớn lao, có tài liệu đàng hoàng, giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo, tìm thấy ngay trong các truyền thống do lịch sử của họ tạo nên và trong chính nội dung giáo thuyết thực sự của họ.

Đời sống Đức Kitô và đời sống Mohammed

Mohammed là một người chinh phục đã chiếm được quyền hành chính trị thế tục và sử dụng quyền hành này để bách hại những kẻ chống đối và để áp đặt tôn giáo của mình. Ông cũng thụ hưởng trọn vẹn bổng lộc trần thế của các bạo chúa, trong đó có việc có nhiều vợ. Trái lại, Đức Giêsu, trong căn bản, là một vị chủ hòa mà trọn mục tiêu ở đời là để mình bị tra tấn cho đến chết.

Người còn minh nhiên ngăn cấm đồ đệ không được dùng vũ lực để bảo vệ Người. Đây là chương 18 Tin Mừng Gioan: “Lúc ấy Simôn Phêrô tuốt kiếm, đâm vào viên đầy tớ của thượng tế, và cắt đứt một tai của anh ta… Đức Giêsu bèn nói với Phêrô: ‘xỏ gươm của người vào vỏ: chén đắng mà Cha Ta trao cho Ta, há Ta lại không uống hay sao?”

Điều trên không hàm ý cho rằng mọi Kitô hữu phải là người chủ hòa. Nhưng chắc một điều: nó lên cung giọng cho tôn giáo của họ. Cuộc đời của vị sáng lập một tôn giáo vốn được nêu cao cho các tín hữu làm mẫu mực giúp họ sống cuộc sống riêng của họ. Cuộc đời của Mohammed nói với người Hồi Giáo rằng họ nên mong chờ được thống trị, trong khi cuộc đời Chúa Giêsu dạy các Kitô hữu rằng họ nên mong được hy sinh và phục vụ. Điều này dẫn ta tới một khác biệt sâu xa hơn về giáo thuyết.

“Điều các con làm cho người bé nhỏ nhất trong những người này là các con làm cho Thầy”

Trong Mátthêu, chương 25, Đức Kitô cho các tín đồ hay điều gì sẽ xẩy ra vào ngày phán xét sau cùng, lúc Người phân rẽ kẻ chính trực khỏi người xấu xa.

Lúc ấy Vua nói với những người ở bên tay phải “hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, để hưởng vương quốc đã chuẩn bị sẵn cho các con từ lúc tạo nền thế giới: vì khi Ta là người đói ăn, các con đã cho ta thịt; khi Ta khát, các con đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các con đã đón tiếp Ta; Ta trần truồng, các con đã cho ta mặc; Ta ốm đau, các con đã thăm viếng Ta; Ta ngồi tù, các con đã đến với Ta”.

Lúc ấy những người chính trực thưa lại rằng “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho Chúa ăn đâu? Hay khát mà cho Chúa uống? Có bao giờ chúng con thấy Chúa là khách lạ mà đón tiếp Chúa hay trần truồng mà cho Chúa mặc đâu? Hay có bao giờ chúng con thấy Chúa ốm đau, ngồi tù mà tới viếng thăm Chúa đâu?”

Và Vua trả lời mà nói với họ: “Quả thực, Ta nói với các con, bao lâu các con làm điều ấy cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em Ta đây, là các con làm cho Ta”.

Cũng thế, có một đoạn trong Bữa Tối Sau Hết, lúc các tông đồ đang cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Kitô đã can thiệp và cho họ hay kẻ lớn nhất là kẻ phục vụ người khác nhiều nhất.

Và Người nói với họ: “Các vua chúa của Dân Ngoại thi hành quyền chúa thượng trên họ; và những người thi hành quyền bính trên họ được gọi là những ân nhân của họ. Nhưng các con không nên như thế: mà kẻ lớn nhất trong các con hãy là người chót hết; kẻ là chỉ huy hãy là người phục vụ”.

Đó là ý tưởng rất sâu sắc chống lại xu hướng của phần lớn lịch sử con người. Tôi vốn là người hâm mộ thế giới Cổ Điển, nhưng những người ngoại đạo vẫn còn coi là bình thường, đúng đắn và tự nhiên khi kẻ mạnh về thể lý ra lệnh cho mọi người khác. Thucydides từng nổi tiếng khi tóm lược thứ triết lý này trong Đối Thoại Melian (Melian Dialogue): “Kẻ mạnh muốn làm gì thì làm còn kẻ yếu chịu đựng điều phải chịu đựng”. Thucydides rõ ràng chỉ trích quan điểm này, nhưng thế giới Cổ Điển không có được một giải pháp thay thế rõ rệt. Như chỗ tôi được biết, Đức Kitô là người đầu tiên nhấn mạnh rằng ngay người thấp hèn nhất, kém ý nghĩa nhất cũng có giá trị và ta sẽ bị phán xử tùy theo cách ta cư xử với họ.

Ý tưởng khác biệt ở đây không hẳn là tin vào sự tự hy sinh, Hồi Giáo, với việc nó nhấn mạnh tới vinh quang được chết trong chiến đấu, cũng có ý tưởng này cách hết sức dồi dào. Nó cũng không hẳn là ý tưởng về việc phục vụ người khác, các chế độ Cộng Sản cũng được xây dựng trên ý tưởng cho rằng cá nhân hiện hữu chỉ để phục vụ tập thể. Thực ra, nó là ý tưởng cho rằng mỗi cá nhân đều có một giá trị tối cao và thánh thiêng. Ngay Ayn Rand cũng phải thừa nhận rằng ý tưởng phát xuất từ Kitô Giáo này gây ấn tượng nơi bà hơn cả.

Hồi Giáo không hề có ý tưởng nào tương ứng. Tin tức thường xuyên kể cho ta nghe câu truyện của một imam (giáo sĩ?) tại một nơi nào đó tuyên bố rằng việc một người đàn ông đánh vợ hoàn toàn nhất quán với Hồi Giáo, và việc nổi dậy của Nhà Nước Hồi Giáo Trị tại Syria cung cấp cho ta thật nhiều điển hình của việc Hồi Giáo ủng hộ chế độ nô lệ, trong đó có cả việc bắt giam và cưỡng hiếp có hệ thống các nô lệ tình dục. Đây là một tôn giáo vẫn còn quanh quẩn nhiều trong kiểu thức “quyền của kẻ chiến thắng”, trong đó, kẻ mạnh muốn làm gì thì làm còn kẻ yếu phải chịu những gì họ phải chịu.

Một lần nữa, điều trên khiến ta phải lui trở lại thuở ban đầu. Hãy đọc câu truyện của nhà viết tiểu sử đầu tiên về Mohammed, nói về Asma bint Marwan, một thi sĩ Ả Rập ở Medinah, người từng lên tiếng phải đối cuộc nổi dậy của Mohammed. Theo truyền thuyết, ông ta hỏi các tín đồ, “ai sẽ loại con gái của Marwan khỏi ta?” (một dịch bản của Henry II sau này: “ai sẽ loại tên linh mục hay quấy rầy này khỏi ta?”). Một trong các tín đồ này tình nguyện lẻn vào nhà nàng và sát hại nàng lúc nàng đang ngủ. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới tính chân thực của câu truyện, nhưng nguyên sự kiện nó được nhiều người tin và tường thuật lại đủ chứng tỏ gương xấu do Mohammed tạo nên.

Chắc một điều, thái độ tàn bạo này một phần do tính lạc hậu của một số xã hội bán phong kiến mà đa số theo Hồi Giáo, trong đó, các chia rẽ bộ tộc và đẳng cấp hết sức thịnh hành. Nhưng một lần nữa, Hồi Giáo đã không làm gì nhiều để thăng tiến các xã hội này, dù họ có cả hơn một nghìn năm để làm việc đó.

Lịch sử sơ khai của Kitô Giáo và Hồi Giáo

Các Kitô hữu khởi đầu như một thiểu số bị bách hại trong một xã hội ngoại giáo đến nỗi họ cảm thấy được an ủi khi thấy mình vô quyền. Những người thấy mình lạc điệu với thế giới tội lỗi coi việc này ít nhiều là trạng thái thông thường của thế sự.

Trái lại, lịch sử sơ khai của Hồi Giáo chỉ là chiến thắng và thống trị nhiều hơn, khi quân xâm lăng Hồi Giáo tiến vào Ba Tư và khắp Bắc Phi. Đó là lý do tại sao người Hồi Giáo có khuynh hướng coi tình thế hiện đại, trong đó các tín ngưỡng và hệ thống chính trị khác giầu có hơn họ và vận dụng một sức mạnh quân sự lớn hơn họ, như một thứ sai lệch không thể dung tha được. Lịch sử này liên hệ tới một vấn đề chuyên biệt về giáo thuyết.

Nước Thiên Chúa và nước con người

Khi bạn là thiểu số bị bách hại, tự nhiên bạn sẽ nói rằng phần thưởng tối hậu và công lý toàn diện phải được tìm thấy trong một thế giới khác, vì biết rằng bạn sẽ không có được những thứ ấy nơi cái đế quốc sa đoạ là Đế Quốc Rôma này. Trong Kitô Giáo, điều này khiến tạo ra sự phân biệt giữa Nước Thiên Chúa và nước con người. Khi Philatô hỏi Người có phải là vua không, Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc thế gian này: nếu nước tôi thuộc thế gian này, thì các bề tôi của tôi sẽ chiến đấu để tôi khỏi bị nộp cho người Do Thái: nhưng nước tôi không thuộc thế gian này”.

Ý tưởng trên đã được khai triển rộng dài trong nền thần học Kitô Giáo và được phần lớn những người bảo thủ về tôn giáo ngày nay lấy làm lời giải thích chính cho sự thất bại của chủ nghĩa Cộng Sản và các ý đồ không tưởng khác: chúng là những ý đồ ngạo mạn, sai lạc muốn tạo một thiên đàng trên trái đất. Hoặc nếu bạn là người thích dùng những từ ngữ dài và tối tăm không cần thiết, bạn có thể nói đây là các ý đồ nhằm “nội tại hóa cánh chung” (immanentize the eschaton).

Ý tưởng ở đây là: vì con người không có khả năng đạt tới trật tự thánh thiêng tối hậu cho sự vật trần gian, nên các cố gắng trong lãnh vực này chỉ là rồ dại.

Nhưng khi đấng tiên tri của bạn là một nhà độc tài, bạn sẽ bị cám dỗ hơn để nghĩ rằng mình chỉ cần truyền lệnh là sẽ có một xã hội hoàn hảo. Bởi thế, người Hồi Giáo mới bị ám ảnh bởi việc tạo ra một Nhà Nước Hồi Giáo Trị tinh ròng, thường là với một phân bộ đặc biệt gồm những người nhiệt thành tự gọi mình như một thứ Bộ Cổ Vũ Nhân Đức và Phòng Ngừa Thói Hư, mà công việc chính là áp đặt một danh sách dài các ngăn cấm tôn giáo chen vào đời tư người ta. Nhà Nước Hồi Giáo Trị chính là nước Thiên Chúa được đem xuống trần gian, một phương thức hoàn toàn bị thần học Kitô Giáo bác bỏ.

Các vai trò khác nhau của “falsafa”

Có một di sản quan trọng khác trong lịch sử sơ khai của Kitô Giáo giữa lòng dân ngoại. Trong trường hợp này, không phải là phản ứng chống lại qui luật ngoại giáo, nhưng là tiếp nhận một phần ảnh hưởng Cổ Điển.

Kitô Giáo đã bén rễ nơi nhiều người Hy Lạp và La Mã từng tắm gội trong truyền thống triết học Cổ Điển, và việc này để lại nhiều dấu ấn. Vị giáo hoàng nay đã về hưu, Bênêđíctô XVI, người mà ngay lúc này đây tôi rất nhớ, đã dùng điều này làm điểm chính trong bài diễn văn quan trọng đọc năm 2006 tại Đại Học Regensburg, trong đó, ngài nói tới mối liên hệ giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo. Ngài lập luận rằng “di sản Hy Lạp đã được gạn lọc một cách có phê phán đã tạo nên một phần yếu tính của đức tin Kitô Giáo” và ngài bênh vực việc “Hy Lạp hóa” Kitô Giáo về văn hóa (hellenization). Trong Kitô Giáo sơ khai, người ta đã tranh cãi nhiều về vấn đề này: Tertullian từng đặt câu hỏi: “Athens ăn nhập gì với Giêrusalem?”, và thoạt đầu, phe chống Cổ Điển đã thắng. Nhưng các tranh cãi buổi sơ khai này đã giúp Kitô Giáo dễ dàng tái hội nhập các ý niệm Cổ Điển vào cuối thời Trung Cổ và thời Phục Hưng.

Hồi Giáo đi theo một tiến độ ngược chiều. Nó cũng gặp nền khoa học và triết học Cổ Điển, mà tiếng Ả Rập gọi là “falsafa”, thời nó đi chinh phục các nước ở Địa Trung Hải, và thế giới Hồi Giáo cũng đã sản xuất ra các nhà khoa học và triết học vĩ đại từng chịu ảnh hưởng các ý tưởng của người Hy Lạp, trong đó có ibn Sina (Avicenna) tại Ba Tư và ibn Rushd (Averroes) tại Tây Ban Nha Hồi Giáo. Nhưng tới thời Trung Cổ, đúng lúc Tây Phương đang tái khám phá ra triết học Cổ Điển, thì thế giới Hồi Giáo đi khai trừ nó. Người ta thường gán lỗi này cho nhà thần học al-Ghazali, người từng tố cáo “sự thiếu mạch lạc của các triết gia”, khiến các nhà thần học Hồi Giáo bác bỏ ảnh hưởng Cổ Điển, coi nó như không đi đối với đức tin. Hậu quả là: Hồi Giáo dành rất ít chỗ cho việc thảo luận và tranh luận triết học về ý nghĩa của tôn giáo.

Một lần nữa, lịch sử trên cũng liên hệ với một vấn đề sâu xa hơn về giáo thuyết.

Thiên Chúa có hữu lý không?

Đây là vấn đề được Đức Bênêđíctô tập chú trong bài diễn văn Regensburg của ngài. Ngài đã trích dẫn một cách tán thành cuộc đối thoại trong đó một trong các hoàng đế Byzantine tranh luận với một người Hồi Giáo và lập luận rằng trong thần học Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng hữu lý: Người hành động phù hợp với lý lẽ và ta có thể dùng lý lẽ mà hiểu được Người. Ngài trích dẫn một đoạn Thánh Kinh nói Thiên Chúa là “Logos”, mà trong tiếng Hy Lạp, vừa có nghĩa là “lời” vừa có nghĩa là “lý lẽ”, như trong câu nói “thế giới phát sinh từ lý lẽ” để chỉ thần trí sinh lực hóa công trình sáng thế của Thiên Chúa.

Hồi Giáo bác bỏ quan điểm này. Al-Ghazali bác bỏ luôn cả định luật nhân quả. Thiên Chúa của người Hồi Giáo không thiết lập ra các định luật trong thiên nhiên rồi để chúng tự hoạt động. Người đích thân can thiệp vào việc tạo nguyên nhân cho mọi biến cố tự nhiên bằng một hành vi ý chí trực tiếp. Do đó, al-Ghazali nhấn mạnh rằng khi một cục bông gòn được liệng vào lửa, lửa không đốt cháy cục bông gòn này. Thay vào đó, “khi lửa và bông gòn tiếp xúc với nhau, bông gòn bị Thiên Chúa đốt cháy, chứ không phải lửa”.

Nếu bạn cho rằng điều trên chỉ là lịch sử rất xưa, thời Trung Cổ, thì xin bạn hãy xét việc này: tại Pakistan, trong thập niên 1980, có một cuộc tranh cãi, trong đó, người duy Hồi Giáo nhấn mạnh rằng các sách giáo khoa về hóa học phải nói rằng khi phối hợp hydrogen và oxygen, thì lúc ấy do ý muốn của Allah, nước đã được tạo ra, hoàn toàn mượn công thức của al-Ghazali. Việc bác bỏ các định luật khoa học và lý lẽ trần tục đã được hệ thống hóa trong Hồi Giáo từ rất lâu, và những người dám bước ra ngoài thứ chính thống này tiếp tục bị trừng trị, như đã thấy trong việc Pakistan bác bỏ một trong những nhà vật lý học lỗi lạc nhất của họ.

Tất cả các điều trên có nhiều hệ luận đối với việc đương đầu với bất đồng và liệu bạn có nghĩ tôn giáo là chủ đề có thể được tranh luận hay không. Vị hoàng đế Byzantine, được Đức Bênêđíctô trích dẫn, lập luận rằng “bất cứ ai muốn dẫn người ta tới đức tin cần phải có khả năng nói hay và lý luận thích đáng, không dùng tới bạo lực và đe dọa”. Đức Bênêđíctô thêm vào câu này mấy lời sau: “câu tuyên bố dứt khoát trong luận điểm chống việc dùng bạo lực buộc người ta trở lại là: hành động không phù hợp với lý lẽ là chống lại bản tính Thiên Chúa”. Ngược lại, nếu lý lẽ tự nó lạc giáo, thì tại sao người ta lại phải chấp nhận các luận điểm và tranh luận triết học của bạn?

Luật đời và luật Sharia

Các khác biệt giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo không phải chỉ là về các luật tự nhiên. Còn có những khác biệt về luật lệ dành cho con người nữa.

Kitô Giáo có luật tôn giáo riêng, do Môsê đặt để trong Cựu Ước, dù phần lớn đã được Đức Kitô duyệt lại. Nhưng Kitô Giáo cũng có một truyền thống lâu dài sống chung với nhiều hệ thống luật đời. Việc này phát sinh từ bối cảnh La Mã, trong đó, hệ thống luật La Mã đã có từ lâu, mà Kitô Giáo không hề có ý định bãi bỏ. Theo tôi, điều này cho thấy ý nghĩa lời Đức Kitô dạy “hãy trả cho Xêda những gì của Xêda”. Bởi thế, ý tưởng coi tôn giáo là nguồn duy nhất của luật lệ không thành nề nếp trong Kitô Giáo. Hay nói chính xác hơn, tôn giáo được coi là nguồn các nguyên tắc luân lý tổng quát, nhưng người ta được thong thả tranh luận về ý nghĩa của các nguyên tắc này và diễn dịch chúng thành những luật lệ chuyên biệt.

Ngược lại, Hồi Giáo không dành chỗ cho bất cứ luật lệ nào nếu không phải là luật lệ giả thiết đã được mạc khải cho Mohammed, và đó là nguồn của không biết bao nhiêu rắc rối. Luận điểm minh nhiên của các nhà duy Hồi Giáo nhằm chống lại các chính phủ dân cử là lời than phiền cho rằng luật lệ do người ta bỏ phiếu là luật lệ do con người tạo ra, trong khi Thiên Chúa mới là đấng duy nhất có thể làm ra luật lệ. Tương tự như thế, một trong các vấn đề tranh cãi chính trong các chính phủ mới được thành lập tại khắp Trung Đông, từ Afghanistan và Iraq, cho tới Ai Cập, Tunisia và Libya, là câu hỏi liệu có nên xác định Hồi Giáo là nguồn độc nhất của luật pháp hay không. Rồi có Saudi Arabia, nơi Kinh Koran được dùng làm hiến pháp.

Nhưng điều thực đáng ta lưu ý là tính cụ thể của luật pháp Hồi Giáo. Như thường được giải thích, Sharia không phải là một bộ nguyên tắc tổng quát dành chỗ cho phán đoán cá nhân khi áp dụng chúng. Nó là một bộ các đòi hỏi và cấm đoán cực kỳ chi tiết và chuyên biệt. Đó là lý do tại sao ta thấy các giáo sĩ Hồi Giáo được yêu cầu ban hành các “fatwas” (hình phạt) trên mọi điều vụn vặt dưới bầu trời này, từ túc cầu tới những cô gái nghịch ngợm giống con trai (tomboys), Mickey Mouse; những “fatwas” này đôi khi dẫn tới những hậu quả hết sức dị thường.

Như nhà Hồi Giáo Học người Anh, Anjem Choudary, giải thích, “Hồi Giáo không nhằm hòa bình mà đúng hơn sự tùng phục các giới điều của một mình Allah mà thôi. Cho nên, người Hồi Giáo không tin các ý niệm tự do phát biểu, vì ngôn từ và hành động của họ được ấn định bởi mạc khải thần linh chứ không dựa vào ước muốn con người ta”. Hãy lưu ý tới việc nó tuyệt đối ra sao: mọi sự đều được mạc khải ấn định, rất ít chỗ được dành cho chọn lựa cá nhân. Thành thử không ngạc nhiên gì khi nó được sử dụng như một loại giấy phép để cưỡng bức vô giới hạn.

Bản chất cụ thể của luật Hồi Giáo và việc nó hạ giá phán đoán cá nhân phản ảnh một khía cạnh sâu xa hơn về sự dị biệt giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo.

Chiến đấu với đức tin có phải là việc bình thường không?

Kitô Giáo có truyền thống một tôn giáo hướng nội, một tôn giáo chuyên thăm dò những lớp lang sâu thẳm của linh hồn, và chiến đấu với đức tin của mình. Trong Thánh Kinh và trong hiểu biết bình dân (lore) của Kitô Giáo, có một truyền thống lâu đời công khai nói tới những cuộc chiến đấu chống hoài nghi, theo nghĩa đức tin là một điều khó duy trì, đến nỗi những vụ bỏ đạo (lapses) hay hoài nghi hoặc khủng hoảng đức tin là điều dễ hiểu và dung thức được. Ông Gióp bị ngược đãi từng tranh luận với Thiên Chúa. Ngay Đức Giêsu cũng chiến đấu chống cơn cám dỗ và hoài nghi trong Vườn Diệtsimani khi Người đối diện với viễn tượng bị đóng đinh. Đó chính là lý do một mảnh “hate mail” (thư xách nhiễu) của Kitô giáo mà tôi nhận được chẳng hề có tính xách nhiễu chút nào. Họ chỉ bảo tôi rằng họ cầu nguyện cho tôi để một ngày kia tôi nhìn thấy ánh sáng.

Ngược lại, người Hồi Giáo phần đông chấp nhận lối giải thích đặc biệt theo nghĩa đen về điều người Kitô Giáo có lẽ gọi là “cứu rỗi nhờ việc làm”. Trong lối giải thích thô sơ nhất, đó là “chết vì thánh chiến và được hưởng 72 trinh nữ trên thiên đàng”. Tìm cách lên thiên đàng không hẳn liên quan tới việc sắp xếp lại linh hồn hay cố gắng nội quan được ý nghĩa lớn lao hơn của đời sống mình, mà đúng hơn là hoàn tất một bản liệt kê các hoạt động bề ngoài, là vâng theo một danh sách dài các đòi hỏi và cấm kị hoàn toàn có tính cưỡng bức.

Lịch sử tôn giáo tại Hoa Kỳ

Điểm dị biệt lớn cuối cùng giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo không phải là một điều gì sai lầm với Hồi Giáo, mà đúng hơn một điều gì chỉ diễn ra tại Tây Phương ảnh hưởng tới Kitô Giáo, đó là lịch sử tôn giáo tại Hoa Kỳ. Từ đầu, ta đã có rất nhiều giáo phái khác nhau. Nhiều giáo phái trong số này tới đây tìm tự do, thoát khỏi cảnh bách hại tại quê nhà. Thành thử từ buổi sơ khai, ít nhất từ thời Roger Williams (1603-1683), các nhà lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ đã bắt tay vào việc khai triển chính sách tự do tôn giáo. Dù các ý niệm của Phong Trào Ánh Sáng gây nhiều ảnh hưởng rộng rãi tại Hoa Kỳ, các đòi hỏi tự do tôn giáo không chủ yếu phát xuất từ những phần tử phản giáo sĩ muốn loại bỏ tôn giáo. Trái lại, tự do tôn giáo thực sự đã được giảng dạy từ bục nhà thờ, đây là lý do tại sao nó đã tự nhiên được ghi vào các văn kiện lập quốc.

Dĩ nhiên, trên đây chỉ là một khía cạnh của Kitô Giáo tại Tây Phương, nhưng nó đã có một ảnh hưởng hoàn cầu đối với tôn giáo và cách nó tiếp cận với tự do.

Tôi đã đưa ra những nét chấm phá, và có những người chắc chắn sẽ trở lại với tôi bằng cách trích dẫn nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo có những quan điểm tốt hơn, cũng như chắc chắn bạn sẽ gặp những Kitô hữu với những quan điểm tồi hơn nhiều.

Và dĩ nhiên, nhiều người ra tay sát hại người khác nhân danh Hồi Giáo không biết gì tới lịch sử này. Một trong các câu truyện ưa thích của tôi là câu truyện nói về các thánh chiến quân người Anh, những người đã lên đường gia nhập ISIS ở Syria sau khi mua một bản cuốn Islam for Dummies (Hồi Giáo Cho Những Anh Đần). Những chàng thanh niên này không theo dõi các cuộc tranh luận về giáo thuyết. Điều họ thâu nhận là chiều hướng tổng quát của ý nghĩa tôn giáo và phương cách thực hành nó.

Nếu bạn tổng hợp tất cả các yếu tố trên, bạn sẽ thấy bạn nhận được một hỗn chất dễ nổ bùng như thế nào từ Hồi Giáo: niềm chờ mong tôn giáo chỉ thị mọi việc, tôn giáo phải hoàn toàn thống trị ngay ở đời này, cộng với quan niệm coi tôn giáo không ủng hộ lý lẽ, không dành một tấc cho hoài nghi, tra vấn, hoặc tranh luận.

Các ý tưởng tôn giáo có thể, và thường ra, vẫn được tái phối hợp và tái giải thích một cách ít nhiều rộng lượng. Luôn luôn có sự căng thẳng giữa đức tin và lý lẽ; ý niệm phục vụ người khác có thể được sử dụng để đòi phải phục vụ nhà nước; ý niệm tội lệ và bất toàn của con người có thể được giải thích như có nghĩa: không thể áp đặt xã hội tôn giáo hoàn hảo lên trái đất, hay không thể tin tưởng trao tự do cho những con người nhân bản, nên nhà nước phải hạn chế các xung động xấu xa của ta. Chắc chắn, các nhận định mới đây của Đức GH Phanxicô về cuộc tấn công vào tờ Charlie Hebdo khiến ta thắc mắc không hiểu ngài dấn thân đến đâu với nguyên tắc tự do ngôn luận.

Nhưng điều ấy nên khiến ta càng nên lượng giá hơn nữa phương cách nhờ đó, sau nhiều thế kỷ của một lịch sử đầy tranh chấp và thường đổ máu, đức tin thịnh hành trong nền văn hóa của ta sẽ trở thành một hình thức nhân hậu và tự do hơn.

Ta hy vọng Hồi Giáo cũng sẽ như thế. Nhưng căn cứ vào lịch sử và các giáo thuyết của họ, họ vẫn còn một đường dài để đi, và tôi sợ rằng họ vẫn còn một số thế kỷ tranh chấp và đẫm máu nữa ở phía trước.
 
Giáo Hội: Bí Tích của Hi Vọng
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
09:00 31/01/2015
Giáo Hội: Bí Tích của Hi Vọng

Giới thiệu

Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng Nguyên Tổ của nhân loại được dựng nên tốt lành, theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27). Tuy nhiên, Nguyên Tổ đã bất tuân phục, lạm dụng tự do, và hậu quả là con người đã trở nên tội lỗi. Sách Sáng Thế cũng cho biết rằng sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã ban lời hứa cứu độ là hi vọng cho toàn thể nhân loại (St 3,15). Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa không chỉ phục hồi con người theo hình ảnh Thiên Chúa mà còn cho họ trở nên con cái Thiên Chúa (Ga 1,12).

Hi vọng của toàn thể nhân loại trở nên hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Người là điểm đến cho hi vọng của toàn thể nhân loại, cách cụ thể hơn, hi vọng của Cựu Ước và khởi đầu cho hi vọng mới, hi vọng Tân Ước. Cuộc đời của Đức Giêsu, từ nhập thể cho đến sống lại là minh chứng cho hi vọng mà Thiên Chúa đã hứa trong Sách Sáng Thế cũng như được quảng diễn trong lịch sử Cựu Ước của Dân Do Thái.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, cao điểm của hành trình trần thế, Đức Giêsu cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha rằng “lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa" (Ga 17,24-26). Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ với Người, như Người hằng hiệp nhất với Đức Chúa Cha. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu cũng là hi vọng của Người đối với các môn đệ mình và tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Hi vọng của Đức Giêsu tiếp tục được chuyển tải nhờ Giáo Hội, bí tích của Người giữa lòng thế giới. Sứ mệnh của Giáo Hội là làm cho hi vọng của Đức Giêsu được chia sẻ bởi tất cả mọi người để họ được sống hiệp nhất với nhau trên đường lữ hành về với Thiên Chúa, Nguồn và Đích của muôn loài thụ tạo.

Chủ đề ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng’ quá rộng lớn vì liên quan đến ba ngành thần học: Thần Học Giáo Hội (Giáo Hội Học), Thần Học Bí Tích (Bí Tích Học), Thần Học Hi Vọng. Bài viết ngắn này không nhằm mục đích đào sâu hay khai triển cách mạch lạc các khía cạnh khác nhau liên quan đến nhận định ‘Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, cũng không đào sâu hay khai triển tương quan giữa ba nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy (đức hi vọng), và đức mến) trong đời sống Kitô hữu. Bài viết được trình bày theo thứ tự sau: (1) Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng, (2) Hi Vọng trong Cựu Ước, (3) Hi Vọng trong Tân Ước, và (4) Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng.

1/ Đặc Điểm và Tính Phổ Quát của Hi Vọng

Để có một định nghĩa chính xác, ngắn gọn, và súc tích về hi vọng dường như nằm ngoài tầm khái quát của bất cứ người nào. Xem ra chúng ta nhận thức về tình yêu cũng như niềm tin cách dễ dàng hơn là hi vọng bởi vì tình yêu đúng nghĩa luôn ở thì hiện tại và con người có thể cảm nghiệm được. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với niềm tin, có nghĩa rằng niềm tin có thể cảm nhận, có thể phân định dễ dàng hơn nhờ lý trí lành mạnh. Đối với hi vọng thì không nhất thiết phải như vậy, hi vọng luôn kèm theo ‘những gì đó’ mạo hiểm và đòi hỏi nhiều hi sinh, nhiều kiên nhẫn hơn. Tình yêu, niềm tin, và hi vọng đi cùng nhau và định nghĩa nhau, trong đó, hi vọng có thể xem là trung gian giữa tình yêu và niềm tin. Trong một số hoàn cảnh, niềm tin và hi vọng có thể ‘đổi chỗ cho nhau’, chẳng hạn, nói rằng ‘tôi tin tưởng vào Thiên Chúa’ cũng không khác lắm với nói rằng ‘tôi hi vọng vào Thiên Chúa’. Sự khó khăn của việc định nghĩa hi vọng phần vì tính phổ quát của hi vọng trong xã hội loài người, phần vì sự đa dạng về hình thức của hi vọng nơi mỗi người trong những hoàn cảnh cụ thể. Do đó, thay vì định nghĩa hi vọng, người ta thường mô tả hi vọng dựa trên kinh nghiệm sống của mình.

Chúng ta biết rằng đã là người ai cũng hi vọng, cho dù đó là hi vọng hão huyền, chẳng hạn, người giàu hi vọng được giàu thêm, người nghèo hi vọng sẽ đến lúc giàu có. Người khỏe mạnh hi vọng sức khỏe của mình được kéo dài, người đau ốm hi vọng được khỏe mạnh trở lại. Kẻ sắp chết hi vọng được nhiều người tưởng nhớ. Không có hi vọng, cuộc sống con người trở nên nhàm chán, vô nghĩa, không lối thoát. Hơn nữa, không có hi vọng, con người có thể suy nghĩ và hành động theo những cách thức tiêu cực nhất, có thể phương hại nghiêm trọng cho bản thân cũng như anh em đồng loại. Hi vọng không còn là một chọn lựa giữa các chọn lựa khác trong cuộc sống con người mà là yếu tố có tính quyết định vận mệnh con người. Hi vọng chi phối con người từ cách suy nghĩ, cách hành xử, cách thiết lập các tương quan, đến cách định vị đời sống mình trong môi trường trần thế.

Hi vọng thuộc bản tính con người. Dù ý thức hay vô thức, từ khi hình thành trong lòng mẹ tới lúc lìa đời, hi vọng luôn hiện diện trong mọi biến cố của mỗi người. Chẳng hạn, bản tính hi vọng nằm sâu trong tiềm thức của đứa trẻ và chi phối các hoạt động đứa trẻ, cho dù đứa trẻ chưa ý thức đủ về mình cũng như những tương quan khác trong môi trường xung quanh. Hi vọng làm trung gian giữa thế giới hiện tại và thế giới mai ngày. Tương lai của con người được bắt đầu ở hiện tại và hi vọng chính là động lực căn bản giúp con người làm được điều đó. Nói cách khác, ai hi vọng, người đó có tương lai và ai mang hi vọng gieo rắc, người đó sẽ thu lượm hoa thơm trái ngọt. Không có hi vọng cũng đồng nghĩa với không có tương lai. Hi vọng cho phép con người được ngẩng đầu lên khi bị ngã gục bởi sức nặng tâm hồn, thể xác, bởi bấp bênh của thế sự. Hi vọng làm cho con người luôn cảm thấy nhu cầu phải đi ra, phải gặp gỡ, phải thiết lập các mối tương quan mới để có thể thay thế hoặc siêu thăng các mối tương quan hiện tại. Ai hi vọng thì không cô đơn, ai hi vọng thì không phải sống cô độc!

Hi vọng không chỉ tồn tại trong đời sống cá nhân mà còn trong đời sống tập thể nữa với nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn, kinh nghiệm về hi vọng của gia đình, của dòng tộc, của cộng đoàn, của quốc gia, của toàn thể nhân loại. Hi vọng hiện diện trong các môi trường tôn giáo, văn hóa, xã hội, chính trị. Hi vọng vừa chi phối, vừa định dạng các hình thức tập thể này. Chẳng hạn, hi vọng đóng vai trò quyết định trong việc hình thành, phát triển, và hoạt động của một thể chế. Hi vọng đúng đắn, sẽ cho phép thể chế này được hình thành đúng tầm mức, tồn tại lâu dài, và hoạt động hiệu quả nhằm đem lại lợi ích cho những người trong đó, bằng không, thể chế này trở thành rào cản cho sự phát triển con người toàn diện.

Hi vọng vừa là căn bệnh kinh niên của tất cả mọi người, đồng thời cũng là liều thuốc bổ cho chính họ. Hi vọng là căn bệnh kinh niên theo nghĩa rằng không có hi vọng nào lại miễn nhiễm tất cả các hình thức đau khổ và hao tổn về thể chất lẫn tinh thần. Hi vọng càng nhiều, càng lâu thì đau khổ và hao tổn càng lớn, càng kéo dài. Hi vọng là liều thuốc bổ theo nghĩa rằng hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã lao nhọc, đã vật lộn, đã cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề mà không thể nào giải quyết được. Hi vọng là điều còn lại sau khi con người đã mất tất cả những gì mình mơ tưởng, mình sở hữu hay muốn sở hữu mà không thể đạt được.

Người ta có thể giam hãm ai đó, chứ không giam hãm được hi vọng của họ. Người ta có thể giết chết người, chứ không thể giết chết hi vọng của người đó. Hi vọng của con người là hi vọng sống. Bao lâu con người còn hi vọng, bấy lâu con người còn sống, hay ngược lại, bao lâu con người còn sống, bấy lâu con người còn hi vọng. Chúng ta có thể nói rằng người đang sống mà không hi vọng thì như người đang chết và người đang chết mà hi vọng thì như người đang sống vậy. Hi vọng là vốn quí nhất của con người trong cuộc sống. Tác giả Sách Giảng Viên nói rằng “những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết” (Gv 9,4). Hi vọng là chỗ dựa an toàn cho những gì bất cập hay vượt tầm kiểm soát của con người. Chẳng hạn, một chiếc thuyền tắt máy giữa phong ba bão táp. Hi vọng của những người trên thuyền là có ai đó cứu hộ hoặc tìm được một hoang đảo nào đó để có thể trú ngụ, để có thể kéo dài cuộc sống mong manh giữa biển khơi dậy sóng. Nhờ đó, họ có thể tiếp tục cuộc hành trình với nhiều hứa hẹn khác.

Hi vọng luôn được thể hiện như một lộ trình vươn xa, như một dự án dang dở, như một viễn cảnh đa màu trong đời sống mỗi người. Hi vọng là con đường còn lại sau khi các con đường khác đã bế tắc. Quả vậy, con người bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sức khỏe, môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, môi trường xã hội, và các yếu tố khác. Tâm hồn con người luôn khao khát và khắc khoải những gì tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, bình an hơn, hòa hợp hơn. Tuy nhiên, thực tế lắm lúc phũ phàng, không chỉ ngăn cản con người đạt được điều mình hi vọng mà còn làm cho những gì mình đang có bị biến dạng, thậm chí vượt khỏi tầm tay của mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, con đường cuối cùng chính là con đường hi vọng, con đường mở ra những khả thể thay đổi tình thế hiện tại.

Hi vọng luôn luôn đi đôi với những thách đố trong cuộc sống. Không có những thách đố thì hi vọng kém phần giá trị. Chính những thách đố làm cho hi vọng được mạnh mẽ hơn và gột rửa hi vọng nên tinh tuyền hơn. Hi vọng luôn ẩn chứa tình yêu, trung tín, hi sinh, tin tưởng, khao khát những gì tốt đẹp ló rạng. Hơn thế nữa, chính hi vọng là nguồn cảm hứng cho những phát minh, sáng tạo, đổi mới không ngừng nghỉ của con người qua mọi thời và khắp mọi nơi. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta thấy rằng những phát minh sáng tạo đột biến trong lịch sử đều phát xuất từ những con người có hi vọng, hoài bão lớn lao cho gia đình nhân loại.

Chúng ta có thể nói rằng hi vọng với trương độ chỉ vươn tới sự chết và kết thúc tại đó quả thật là ‘hi vọng khốn khổ nhất’, nói đúng hơn, đó là thất vọng lớn nhất mà con người ai cũng muốn trì hoãn hay tránh càng xa càng tốt. Hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết được xem là hi vọng lớn lao nhất của con người. Các hình thức hi vọng khác có thể được xem là dẫn xuất của hi vọng này. Chẳng hạn, hi vọng được khỏi bệnh tật hay được sống lâu là dẫn xuất điển hình của hi vọng trường sinh bất tử hay hi vọng vượt qua vực thẳm sự chết. Khi con người đặt những câu hỏi, chẳng hạn, ‘vũ trụ từ đâu mà có?’, ‘vũ trụ sẽ ra sao trong tương lai?’, ‘con người từ đâu đến?’, ‘con người đi đâu?’ cũng là khi trong lòng con người trào dâng hi vọng về hừng đông tươi mới của chính mình, của anh em đồng loại, và của thế giới thụ tạo.

Trong cuộc sống, không phải tất cả hi vọng đều giống nhau, mà có trật tự ưu tiên của nó. Những gì càng khó đạt được thì hi vọng càng cao hơn. Những gì thuộc thế giới siêu nhiên thì hi vọng càng mãnh liệt hơn. Điều này đã được Platon mô tả cách tổng quát là con người luôn mơ về thế giới linh tượng, thế giới thực, thế giới hoàn hảo, thế giới không còn chết chóc hay biến đổi thất thường. Như thế, hi vọng vào đời sống vĩnh cửu luôn mãnh liệt hơn hi vọng vào đời sống lâu dài trong thời gian, cho dù thời gian đó kéo dài vô tận, bởi vì, vô tận của thời gian (nếu có) cũng thuộc về môi trường thụ tạo, còn vĩnh cửu thuộc về môi trường của Thiên Chúa, vĩnh cửu siêu việt và bao trùm thời gian.

Hi vọng luôn được hiểu theo nghĩa năng động, hi vọng phát xuất từ quá khứ, chi phối hiện tại, và định hướng tương lai. Hi vọng đích thực luôn là một tiến trình có hướng và không bao giờ dừng lại ở một thời điểm nào đó, bao lâu tại thời điểm đó con người chưa được sự thỏa mãn toàn diện. Nói cách khác, hi vọng luôn hướng tới cánh chung, nơi sự thánh thiện, sự sống, sự thật, tình yêu trọn vẹn, nơi mà tất cả những gì con người khao khát trên trần gian được no thỏa. Rõ ràng nơi đó không thuộc môi trường thụ tạo này. Nơi đó thuộc về Thiên Chúa. Chính thánh Augustinô đã bày tỏ kinh nghiệm hi vọng của bản thân ngài khi nói “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con luôn xao xuyến cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.”

Hi vọng của con người không bao giờ dừng lại với những ai nhỏ hơn Thiên Chúa. Những gì chưa phải là sản phẩm cuối cùng của Thiên Chúa đều chưa đáp ứng được hi vọng thẳm sâu của con người. Hi vọng cho phép con người vươn cao, vươn xa tới môi trường Thiên Chúa. Hi vọng cho phép con người tiếp cận mầu nhiệm sự sống, sự sống hiện tại cũng như sự sống vĩnh hằng. Con người chỉ đạt được hi vọng trọn vẹn khi họ được hưởng kiến Thiên Chúa (beatific vision) và được sống trong Người. Thánh Irênê nói rằng “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sự sống con người hệ tại ở việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa." Theo thánh Irênê, khi đó con người hoàn toàn thuộc về Chúa và ở trong Người, bởi vì khi đó, chính họ đã ở trong Nguồn và Đích của hi vọng.

Ngôn ngữ hi vọng vang lên trong hầu hết các sách Kinh Thánh, từ Cựu Ước tới Tân Ước. Chúng ta có thể nói rằng ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ hi vọng và các ngôn ngữ khác được xem là bổ trợ cho ngôn ngữ hi vọng. Nói cách khác, chủ đề quán xuyến của Bộ Kinh Thánh Cựu Ước từ Ngũ Thư, đến các Sách Lịch Sử, các Sách Thi Ca và Minh Triết, các Sách Ngôn Sứ là hi vọng. Chúng ta dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ hi vọng vang lên từ các ngôn sứ, từ những người cầm quyền đến những người bình dân Do Thái thời Cựu Ước.

2/ Hi Vọng trong Cựu Ước

Tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện qua các giao ước. Giao ước giữa Thiên Chúa với A-đam, với Nô-ê, với Áp-ra-ham, với Mô-sê, và với Đa-vít luôn được diễn tả trong bối cảnh hi vọng, bởi vì chúng luôn mở ra chân trời mới mẻ, tương lai xán lạn, viễn cảnh huy hoàng cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho Dân Do Thái. Nhờ những giao ước này, trong cơn bĩ cực nhất, Dân Do Thái biết hướng lòng về Thiên Chúa, Đấng Trung Tín, luôn thực hiện những gì Người đã hứa. Sự trung tín của Thiên Chúa là hi vọng cho dân Do Thái, giúp họ có thể chịu đựng những thử thách lớn nhất trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Chẳng hạn, trong cảnh bất an, lưu đày, hay bị quân thù hà hiếp, Dân Do Thái không vơi lòng hi vọng vào sự vinh thắng cuối cùng của dân tộc họ.

Hi vọng của Dân Do Thái vào Thiên Chúa được thể hiện cách cụ thể với Tổ Phụ của họ, Áp-ra-ham, ‘cha của những kẻ tin’, đồng thời, cũng là ‘cha của những kẻ hi vọng’. Lịch sử của Dân Do Thái là lịch sử của hi vọng vào quyền năng, lời hứa, và vào sự công minh của Thiên Chúa. Chính vì hi vọng đó, Áp-ra-ham sẵn sàng sát tế đứa con trai duy nhất của mình được sinh ra trong lúc tuổi già. Sự thử thách của Thiên Chúa chạm đến ngưỡng thất vọng nhất của con người, tuy nhiên, Áp-ra-ham đã vượt qua được ngưỡng đó để thực thi ý định Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Thiên Chúa đã không để cho điều đó xảy ra, nhát dao đã không bổ xuống thân hình bé nhỏ I-xa-ác, thay vào đó là con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây (St 22,13). Sự vâng phục, niềm tin, và hi vọng của Áp-ra-ham trở thành mẫu gương cho toàn thể Dân Do Thái cùng tất cả mọi người trong lịch sử nhân loại.

Sau Áp-ra-ham, một con người khác cũng được Thiên Chúa kêu gọi và gieo hi vọng cách đặc biệt để ông dẫn dắt Dân Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đó là Mô-sê. Thiên Chúa kêu gọi Mô-sê, cho ông biết Người là Đấng Hiện Hữu, Đấng là Thiên Chúa của tổ phụ Dân Do Thái ‘Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp’, Đấng mà Dân Do Thái kêu cầu từ đời nọ đến đời kia (Xh 3,13-15). Kinh nghiệm Xuất Hành từ Ai Cập trở về Đất Hứa là kinh nghiệm hi vọng sâu đậm đối với Dân Do Thái. Dưới sự dẫn dắt của Mô-sê, Dân Do Thái đã trải qua 40 năm trong sa mạc với nhiều thử thách trong tương quan với Thiên Chúa, trong chính nội bộ dân này, và trong tương quan với các dân khác ở Palestine. Cuối cùng thì hi vọng Đất Hứa đã được Thiên Chúa thực hiện, trong khi giấc mơ Ai Cập ‘ăn cá mà không phải trả tiền’ hay xứ sở có đầy ‘dưa gang, dưa bở, hẹ, hành, tỏi’ trôi vào dĩ vãng (Ds 11,4-6).

Chính Gia-vê là Đấng đã luôn tiếp sức và cho phép các chiến binh Do Thái trở thành những ‘tay võ nghệ cao cường’ để có thể đương đầu với các chiến binh của các dân tộc khác khi họ từ Ai Cập về Palestine. Chiến thắng của Dân Do Thái, từ chiến thắng Biển Đỏ chống lại quân của Pha-ra-ô đến các chiến thắng khác trong vùng Palestine là nhờ vào ‘cánh tay của Đấng mà họ luôn đặt hi vọng’. Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ của Dân Do Thái, vị Thiên Chúa mà họ luôn hi vọng, trước hết là vị Thiên Chúa cứu họ khỏi tay địch thù, đồng thời, cũng là vị Thiên Chúa cho họ Man-na để họ có thể sống sót trong sa mạc hoang vu hiu quạnh, không sự sống (Xh 16,1-35). Não trạng này còn kéo dài tới thời Tân Ước, chẳng hạn, khi Đức Giêsu làm cho bánh hóa ra nhiều từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé cho hơn năm ngàn người ăn, thì dân chúng muốn tôn Người làm Vua của họ (Ga 6,1-15). Hi vọng được cứu độ, được hồi hương, được tái tạo, được cuộc sống sung túc luôn nẵm trong tâm khảm của những người Do Thái qua muôn thế hệ.

Dân Do Thái hi vọng thoát khỏi tay địch thù là một trong những chủ đề quan trọng của các sách Cựu Ước. ‘Cứu độ’ đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước mang tính gia đình, bộ tộc, dân tộc, vương quốc hơn là cá nhân (Tv 130,7). Não trạng này còn vang vọng tới thời Tân Ước. Chẳng hạn, liên quan đến quyết định bắt và giết Đức Giêsu, các thượng tế và Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và Cai-pha đã nói rằng “các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50). Chúng ta dễ dàng nhận ra tính tập thể trong hi vọng của Dân Do Thái trổi vượt so với các dân tộc khác sau khi Giê-ru-sa-lem bị phá hủy năm 70 AD và kéo dài mãi tới hôm nay.

Hi vọng của Dân Do Thái trong Cựu Ước mang nhiều sắc thái khác nhau tùy theo từng thời kỳ lịch sử: Trước thời Lưu Đày, trong thời Lưu Đày, biến cố Xuất Hành, về lại Đất Hứa, thiết lập vương quốc cùng những chuyển biến không ngừng thời sau đó. Ngay trong mỗi cuốn sách, chúng ta nhận thấy chủ đề hi vọng rất đa dạng, chẳng hạn, Is 1-39 so với Is 40-66. Từ thời Cựu Ước tới thời Tân Ước, hi vọng của Dân Do Thái cũng không nhất quán. Chúng ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về hi vọng của các ngôn sứ so với hi vọng của những tầng lớp khác trong xã hội Do Thái trong những thế kỷ cuối thời Cựu Ước và những thập niên đầu của Tân Ước như: Nhóm Xa-đốc, nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Ét-xê-nô, nhóm Sa-ma-ri, nhóm Hê-rô-đê. Não trạng khác biệt giữa nhóm Xa-đốc và nhóm Pha-ri-sêu liên quan đến sự sống lại là ví dụ điển hình (Lc 20,27-40; Mt 22,23-33; Mc 12,18-27).

Hi vọng của truyền thống ngôn sứ Cựu Ước luôn mở ra chân trời mới, không chỉ dừng lại ở chiều kích chính trị, xã hội, sự hưng thịnh quốc gia, điều kiện vật chất hằng ngày, cơ sở thờ tự, hay sự trổi vượt các dân tộc xung quanh về mọi mặt (Gr 29,11). Sự cứu độ của Dân Do Thái không chỉ dừng lại ở việc ‘quân thù bị đánh bại’ mà còn hướng tới sự toàn thiện và công chính của Thiên Chúa được thể hiện trong mọi chiều kích của cuộc sống (Is 51,15). Nói cách khác, hi vọng của truyền thống ngôn sứ hướng tới thời cánh chung (dĩ nhiên, không thể hiểu theo nghĩa của Tân Ước), thời mà quyền năng của Thiên Chúa ngự trị và ơn cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày. Chúng ta có thể tìm được nhiều trích đoạn điển hình theo nghĩa này ở sách I-sai-a và Giê-rê-mi-a (Is 4,2-3; Gr 3,23).

Trong một số hoàn cảnh, đối với Dân Do Thái, tình thương, sự cứu độ, và sự công chính của Thiên Chúa chưa được tỏ bày là vì tội lỗi của chính họ (St 4,1-16; St 18,16-33; Is 1,10-20). Sự chậm trễ của Thiên Chúa trong việc làm cho hi vọng của họ trở nên hiện thực có nguyên do từ sự bất trung, bất tín của chính họ, đặc biệt, sự xao lãng bổn phận của họ trong việc thờ phượng hay quay lưng với Thiên Chúa để hướng về phía tà thần, hay xem thường giới răn Thiên Chúa khi đối xử với người khác. Do đó, việc thường xuyên thanh tẩy và chọn đời sống thánh thiện trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể hay toàn bộ dân tộc Do Thái là điều tiên quyết để hi vọng được thực hiện theo đúng lộ trình (Xh 20,1-21; Tv 50).

Khi tìm hiểu và suy tư về chủ đề hi vọng trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng các Thánh Vịnh là nơi mà chủ đề hi vọng được tìm thấy nhiều nhất. Những lời cầu nguyện tha thiết của Dân Do Thái, cá nhân cũng như tập thể, biểu lộ lòng khát khao của họ đối với Thiên Chúa. Đối với các tác giả Thánh Vịnh, Thiên Chúa là nền tảng, là núi đá, là Đấng bênh vực kẻ bị áp bức. Người là chỗ dựa cuối cùng trong cơn tuyệt vọng, quẫn bách và là tương lai của những kẻ khốn cùng (Tv 22,1-51). Họ xác tín rằng ơn cứu độ và sự công chính của Thiên Chúa sẽ được thực hiện. Sự mong muốn được giải thoát khỏi tội và bước đi trên đường thánh thiện chỉ có thể được thực hiện khi họ có Thiên Chúa ở cùng. Được Thiên Chúa bênh đỡ họ sẽ chống lại mọi địch thù, địch thù bên trong là tội lỗi của họ và địch thù bên ngoài là những kẻ áp bức họ cách vô cớ (Tv 33,22; Tv 39,8; Tv 42,12; Tv 70,3-5; Tv 113,4-6; Tv 119,114; Tv 130,5; Tv 130,7; Tv 147,10-11).

Khi đề cập đến sự sống lại và sự sống vĩnh cửu, chúng ta nhận thấy rằng đối với Dân Do Thái thời Cựu Ước, điều quan trọng hơn là cuộc sống hiện tại. Sự thưởng phạt chủ yếu xảy ra cách nhãn tiền trên bình diện cá nhân cũng như tập thể hay quốc gia, và có thể xảy ra cho các thế hệ con cháu kế tiếp (Cn 10,27-28). Não trạng này còn tồn tại đến thời Tân Ước (Ga 9,1-41). Tuy nhiên, chúng ta tìm thấy đây đó những ý niệm về sự sống sau khi chết hay sự sống lại của những người đã qua đời trong văn chương khôn ngoan và ngôn sứ. Một số cá nhân được xem là được đem đi sau cuộc sống trần thế, chẳng hạn, Kha-nốc (St 5,21-24), Ê-li-a (2 V 10,1-17). Sa-mu-en là trường hợp khá điển hình về sự tỏ bày của người chết đối với người sống (1 Sm 28,3-25). Nhìn chung, niềm hi vọng vào sự sống lại được diễn tả cách tiệm tiến theo dòng lịch sử, những sách cuối cùng của bộ Cựu Ước diễn tả cách tỏ tường hơn (1 Mcb 2,61; 2 Mcb 2,18; 2 Mcb 7,11; 2 Mcb 7,13-14; 2 Mcb 12,43-45). Hi vọng vào sự sống lại và sự sống vĩnh cửu đạt tới đỉnh điểm trong biến cố Đức Kitô (the Christ Event) của Tân Ước.

3/ Hi Vọng trong Tân Ước

Sứ mệnh của Đức Giêsu trên trần gian có thể được gọi là sứ mệnh hi vọng, sứ mệnh được Sách Sáng Thế trình bày sau khi Nguyên Tổ phạm tội cũng như các sách khác của bộ Kinh Thánh Cựu Ước đào sâu và diễn tả (St 3,15; Is 7,14; Is 61,1-2). Như đã được đề cập ở trên, hi vọng là chủ đề quán xuyến lịch sử Dân Do Thái. Chủ đề này được khơi dậy bởi các tiên tri, tư tế, và các nhà lãnh đạo Dân Do Thái qua các thế hệ. Hi vọng của Dân Do Thái Cựu Ước liên quan đến việc giải phóng ‘khỏi tay địch thù’ chủ yếu theo nghĩa chính trị, xã hội, và là hình bóng cho sự giải phóng đích thực, đó là sự giải phóng khỏi tội lỗi và sự chết về mặt tâm linh. Trong nhãn quan Kinh Thánh Tân Ước, sự chết về mặt thể lý theo lẽ tự nhiên không nghiêm trọng bằng sự chết về mặt luân lý, đặc biệt sự chết vĩnh cửu, sự chết mà con người không còn mảy may chút hi vọng về sự biến đổi nào khác cho tình trạng khốn cùng của mình (Mt 25,31-46; Lc 16,19-31).

Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu không chỉ là Đấng đem hi vọng cho nhân loại, mà còn là Người Tôi Tớ Đau Khổ cho hi vọng. Hơn thế nữa chính Người là Hi Vọng cho toàn thể mọi người (1 Tm 1,1). Như vậy, theo mặc khải Tân Ước, hi vọng mà toàn thể nhân loại hướng tới không phải là một ý tưởng cao siêu nào đó, một lý thuyết nào đó hay là một cái gì đó, mà chính là Đức Giêsu. Hi Vọng mà nhân loại mong đợi là một Đấng, một Nhân Vị, một Con Người, Ngôi Hai Thiên Chúa từ môi trường Thiên Chúa đến với môi trường nhân loại. Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Thánh Phêrô cũng có kinh nghiệm này khi khuyên dạy các tín hữu rằng “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em” (1 Pr 3,15).

Để duy trì và củng cố hi vọng của Dân Do Thái, bằng nhiều hình thức và đường lối khác nhau, Thiên Chúa đã thông truyền ý định của Người qua các tiên tri và các bậc lãnh đạo Do Thái (Dt 1,1-4). Khi thời gian tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã thông truyền với Dân Do Thái và toàn thể nhân loại bằng chính Con của Người. Với sứ mệnh của mình, Đức Giêsu chỉ cho nhân loại biết chính Người là Đường, Đường Hi Vọng đúng nghĩa và đầy đủ nhất. Từ cổ chí kim, từ Đức Phật (của Phật Giáo) tới Mohamed (của Hồi Giáo), từ Lão Tử (của Lão Giáo) tới Khổng Tử (của Khổng Giáo), không ai cho mình là Đường, họa chăng, họ là ngón tay chỉ Đường (Đức Phật), hoặc không biết Đường (Lão Tử và Khổng Tử), hay tiên tri của Đường (Mohamed) mà thôi. Cuộc sống, sự chết, và sự phục sinh của Đức Giêsu chỉ ra rằng Người là Đường Hi Vọng cho toàn thể nhân loại, Đường nối kết tất cả những hoài bão, khao khát, và đợi chờ của toàn thể nhân loại.

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không loại trừ bất cứ hi vọng chân thành nào của con người trong dòng lịch sử cho dù họ là ai, thuộc chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa nào. Hi vọng Đức Giêsu mang đến là hi vọng cho phép gắn kết các hình thức hi vọng chân thành trong dòng lịch sử nhân loại. Mặt khác, hi vọng Đức Giêsu mang đến cũng có tác dụng thanh luyện và dẫn đưa những hình thức hi vọng khác về hướng sung mãn nhất. Như thế, hi vọng đúng nghĩa bất kỳ dưới hình thức nào cũng tìm được chỗ đứng của mình trong hi vọng Đức Giêsu mang đến, bởi vì, xét cho cùng, những gì tốt lành, những gì thánh thiện, những gì cho phép con người sống xứng đáng hơn với nhân phẩm của mình đều phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, không có hình thức hi vọng đúng nghĩa nào lại vắng bóng Thiên Chúa.

Hi vọng Đức Giêsu mang đến không chỉ dừng lại ở chỗ thần hóa hi vọng của con người trong tương quan với Thiên Chúa mà còn các tương quan khác nữa. Chẳng hạn, hi vọng vào sự biến đổi của tất cả các thụ tạo được đặt trong bối cảnh chung với hi vọng vào sự sống lại và giải thoát của con người. Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu thêm điều này khi nói rằng “cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,22-23). Như vậy, chúng ta không chỉ hi vọng cho sự biến đổi bản thân mình cũng như toàn thể nhân loại, mà còn hi vọng cho sự biến đổi của những gì thuộc về Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo hướng về sự biến đổi chung cuộc của trời mới đất mới (Kh 21,1).

Đức Giêsu cho chúng ta thấy rằng hi vọng của con người đúng nghĩa phải là hi vọng đặt nền tảng trên tình yêu. Bao lâu hi vọng chưa đặt trên nền tảng tình yêu, bấy lâu hi vọng đó còn mù quáng, còn giả tạo, và nhiễm tính hão huyền. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là ‘tình yêu nào đây?’. Trên trần gian này ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu, tôn giáo nào cũng nói về tình yêu, vậy, đâu là tiêu chuẩn? Chính Đức Giêsu đã đưa ra câu trả lời, đó là tình yêu hi sinh, tình yêu quên mình, tình yêu phục vụ theo cách của Đức Giêsu, cách mà Người gọi đó là ‘điều răn mới’: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Người còn giải thích thêm rằng “đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Như thế, tình yêu mà Đức Giêsu nói tới là tình yêu ngang qua thập giá, tình yêu thể hiện nơi thung lũng của sự chết, nơi sa mạc khô cằn của đau khổ, nơi hi vọng con người lịm tắt, nơi mà đối với con người mọi sự trở nên vô nghĩa.

Với Đức Giêsu, thập giá, dấu chỉ sự thất vọng tột cùng của con người lại trở thành hi vọng tột cùng của họ. Suy tư về thập giá, chúng ta càng hiểu rõ hơn lời Thiên Chúa nói trong sách tiên tri I-sai-a rằng tư tưởng của Người không phải là tư tưởng của nhân loại và đường lối của Người siêu vượt đường lối của nhân loại (Is 55,8-9). Khi đề cập đến thập giá Đức Giêsu, thánh Phaolô đã nói rằng người Do Thái tìm điềm thiêng dấu lạ, người Hi Lạp tìm sự khôn ngoan, còn thánh nhân và các môn đệ của Đức Giêsu lại rao giảng thập giá, đối với người Do Thái là ô nhục, đối với dân ngoại là điên rồ, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,22-25). Với thập giá, Đức Giêsu biến thất vọng thành hi vọng, biến chết thành sống, biến hận thù thành yêu thương, biến sự dữ thành sự lành, biến ghen ghét thành tha thứ, biến đau thương thành hạnh phúc. Như thế, hi vọng mà Đức Giêsu tỏ bày là hi vọng ngang qua thập giá, ngang qua hận thù, ngang qua nỗi đau khổ nhất mà con người có thể cảm nghiệm trong cõi nhân sinh. Chính Người đã mang lấy thập giá, chịu đóng đinh vào thập giá và biến thập giá thành Thánh Giá. Như thế, hi vọng của con người đúng nghĩa khi hi vọng đó được kết hợp với thập giá Đức Giêsu để được Người nâng đỡ, thanh luyện, và biến đổi.

Với biến cố thập giá, Đức Giêsu không chỉ thấy hay chạm đến ngưỡng sự chết, mà chính Người đã chết. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chỉ ra rằng nơi sự đau khổ tột cùng của con người cũng chính là nơi tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ cách mãnh liệt nhất. Tận cùng của thập giá, tận cùng đau khổ, tận cùng của thất vọng, cũng chính là tận cùng của liên đới, tận cùng của tình yêu, tận cùng của hi vọng, tắt một lời, tận cùng sự thông hiệp giữa Thiên Chúa và thụ tạo mình. Qua biến cố thập giá, Thiên Chúa minh chứng điều đã được sứ thần Gáp-ri-en nói cùng Đức Ma-ri-a trong biến cố truyền tin “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) hay nói cách khác, đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Như thế, khi con người cậy dựa vào Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca rằng “thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hi vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu” (1 Tx 4,13-14). Đối với thánh Phao-lô, Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa mà những ai hi vọng, những ai phải vất vả, phải chiến đấu vì Người là Thiên Chúa hằng sống (1 Tm 4,10). Chính vì hi vọng này mà thánh nhân đã thốt lên “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).

Hình hài của hi vọng theo Tân Ước chính là sự sống lại của Đức Giêsu, khuôn mẫu cho hi vọng vào sự sống lại của muôn người. Đây chính là Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Hi vọng Đức Giêsu tỏ bày cho toàn thể nhân loại là hi vọng rằng tiếng nói cuối cùng của lịch sử mỗi người, tiếng nói cuối cùng của lịch sử nhân loại, tiếng nói cuối cùng của thế giới thụ tạo này không phải là tiếng nói của đau khổ, của chết chóc, của sự dữ lên ngôi, nhưng là tiếng nói của Đấng Hi Vọng, của Thần Khí Hiệp Thông, của Chúa Cha Nhân Từ. Tiếng nói đó được thánh Phaolô diễn tả cách rõ hơn, đó là tiếng nói của công chính, bình an, và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17). Dĩ nhiên, công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần vượt qua những gì mà chúng ta có thể cảm nghiệm (Mt 5,12). Đó là lý do giải thích tại sao thánh Phaolô nói rằng “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9). Đó cũng là lý do giải thích tại sao thánh nhân lại nói rằng “nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,19).

Về mặt thực hành trên Đường Hi Vọng, Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng con người phải từ bỏ những gì cản trở hành trình của mình. Họ không thể đồng thời, một mặt, hi vọng vào điều tốt đẹp nhất, mặt khác, lại tự mình dựng rào cản điều tốt đẹp nhất đó xảy đến (Mt 5,29-30; Mt 10,28). Chính điều mình hi vọng là động lực dẫn tới những thay đổi và mở ra những khả thể mới trong việc hoán cải. Người hi vọng chân thành đồng thời cũng là người thực hành đời sống chân thành. Sẽ là bất cập nếu không có sự hòa hợp giữa hi vọng và thực hành. Chẳng hạn, người ta không thể hi vọng vào điều tốt trong khi lại làm điều xấu. Người ta không thể một mặt hi vọng vào sự thánh thiện, mặt khác luôn đắm chìm trong thế giới của sự dữ, thế giới mà trong đó những gì xảy ra đều ngược với ý định của Thiên Chúa, ý định đem tất cả vạn vật tới viên mãn. Do đó, sự đòi hỏi của Tin Mừng Hi Vọng thật lớn lao, đến nỗi tự sức mình (là những con người tội lỗi), chúng ta không thể nào đạt tới thực tại mà chúng ta hi vọng. Tuy nhiên, Thần Khí của Đấng Hi Vọng hoạt động trong môi trường nhân loại, đặc biệt trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, luôn đồng hành cùng chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời (Tt 3,6-7).

4/ Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng

a/ Căn Tính Bí Tích Hi Vọng của Giáo Hội

Như đã được đề cập ở trên, ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong nhân loại trong bối cảnh hi vọng, hi vọng được nảy sinh từ thuở ban đầu của tạo dựng, của lịch sử nhân loại, tiếp tục trong Cựu Ước, cụ thể hóa trong Tân Ước, và diễn tiến trong Giáo Hội cho đến tận thế. Ơn cứu độ được Đức Giêsu Kitô thực hiện ‘một lần cho tất cả’ không theo nghĩa chặt của sự đóng khung về không gian, thời gian, nhưng theo nghĩa một công trình đã, đang, và sẽ hoàn thành. ‘Hình hài’ của ơn cứu độ đã được định dạng trong Biến Cố Đức Kitô, đặc biệt, khi Người sống lại. Sự định dạng này vừa có tính qui tụ vừa có tính lan tỏa. Qui tụ theo nghĩa rằng ơn cứu độ đã tới thời viên mãn trong biến cố này. Lan tỏa theo nghĩa rằng ‘thời viên mãn’ của ơn cứu độ hướng về cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Người (Ep 1,10).

Để trả lời cho câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng?’, chúng ta cần tìm hiểu đôi chút về căn tính của Giáo Hội. Chúng ta biết rằng không có một định nghĩa nào diễn tả đầy đủ thực tại có tên gọi là ‘Giáo Hội’ bởi vì thực tại này vừa là công trình của Thiên Chúa, vừa là công trình của con người; vừa thánh thiện bởi bản tính, vừa ôm ấp những người tội lỗi; vừa hiện diện trong thời gian, vừa siêu vượt thời gian. Kinh Thánh, truyền thống, và giáo huấn của Giáo Hội cho phép chúng ta hiểu Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thể chế, hiệp thông, hòa hợp, tôi tớ. Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu Giáo Hội qua những hình ảnh như cây nho, nắm bột trong men, ruộng lúa và nhiều hình ảnh khác nữa. Trong Kinh Thánh Tân Ước có khoảng 100 hình ảnh khác nhau về Giáo Hội.

Công Đồng Vatican II là Công Đồng đào sâu nhất về căn tính của Giáo Hội so với 20 công đồng chung trước đó, kể từ Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội, Công Đồng Nicea (325 AD). Thay vì diễn tả Giáo Hội theo các mô hình trước đó, đặc biệt mô hình Giáo Hội là xã hội hoàn hảo (Societas Perfecta - Perfect Society) gắn liền với Công Đồng Tren-ti-nô (1545-1563) như là phản ứng cần thiết đối với anh em Tin Lành cũng như một số chủ nghĩa nảy sinh sau đó, chẳng hạn, chủ nghĩa lý trí, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thế tục, Công Đồng Vatican II đã diễn tả Giáo Hội là mầu nhiệm, là bí tích. Công Đồng Vatican II minh định tính bí tích của Giáo Hội ngay trong số đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium rằng “Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1).

Công Đồng cũng khẳng định rằng “Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người” (LG 9). Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng nhấn mạnh rằng Giáo Hội là Bí Tích hoàn vũ của ơn cứu độ (LG 48). Khi diễn tả Giáo Hội như vậy, Công Đồng Vatican II muốn nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội. Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập và ủy thác tiếp tục sứ mệnh lịch sử của mình trên trần gian với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội hiện diện vì Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội không hiện diện cho chính mình. Nói theo ngôn ngữ Giáo Hội học, Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô trên trần gian và chính là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người.

Giáo Hội là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu Kitô là Hi Vọng của chúng ta (1 Tm 1,1), do đó, Giáo Hội chính là Bí Tích của Hi Vọng. Như đã được trình bày ở trên, hi vọng của Giáo Hội không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một con người cụ thể, Đức Giêsu Kitô, Người là Hi vọng của toàn thể nhân loại cũng như thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Người cũng là Thầy dạy con người về Nguồn Hi Vọng đích thực là chính Thiên Chúa, Đấng hiện thực hóa hi vọng của những người thành tâm tìm kiếm Người. Chính Đức Giêsu Kitô, nhân danh toàn thể nhân loại nói lên hi vọng chân thành của tất cả mọi người. Đồng thời, cũng chính Người thiết lập Giáo Hội và ủy thác cho các môn đệ của Người tiếp tục loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho toàn thể thế giới thụ tạo (Mc 16,15).

Ngoại trừ là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không có lý do hiện hữu, thông truyền, và phát triển giữa lòng nhân thế. Hi vọng trở thành máu thịt của Giáo Hội và nhờ đó, Giáo Hội được gọi là thực tại tiếp tục sự hiện diện lịch sử của Đức Giêsu Kitô trên trần gian. Do đó, người ta không thể tiếp cận Giáo Hội mà không ý thức được căn tính hi vọng của chính Giáo Hội. Về căn bản, Giáo Hội được hiểu là cộng đoàn của những người hi vọng, cộng đoàn có từ đời đời trong ý định Thiên Chúa, cộng đoàn được tiên báo trong Cựu Ước, cộng đoàn xuất hiện với Biến Cố Đức Kitô, cộng đoàn được Chúa Thánh Thần thánh hóa và tiếp tục đồng hành cùng thế giới hướng về sự sung mãn của toàn thể thế giới thụ tạo trong thời cánh chung (eschaton)

Là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, Giáo Hội chính là công cụ, là dấu chỉ hi vọng cho toàn thể nhân loại. Giáo Hội cho nhân loại thấy rằng hi vọng thuộc căn tính của mình và hi vọng của Giáo Hội chính là Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người. Những gì Giáo Hội hi vọng cũng là những gì Giáo Hội đã, đang, và sẽ cảm nghiệm bởi vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Như thế, hi vọng của Giáo Hội là hi vọng ‘rồi mà chưa’ (already and not yet), hi vọng vừa được định dạng, vừa hướng về sự hoàn thành mỹ mãn trong Nước Thiên Chúa.

Hi vọng trở thành nguyên lý cho sự hiện hữu và hoạt động của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Đồng thời, hi vọng trở thành sức sống cho Giáo Hội lữ hành với những khó khăn, bất trắc phát xuất từ Giáo Hội xét như là một xã hội giữa lòng thế giới cũng như phát xuất từ các thực tại khác đang cùng đồng hành với Giáo Hội. Giữa cảnh trắng đen, sáng tối, và thánh thiêng trần tục lẫn lộn, khó phân biệt, Giáo Hội dõi bước theo sự hướng dẫn của Thần Khí Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo Hội lệ thuộc vào Chúa Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh của đời sống mình, bằng không, Giáo Hội là thực tại qui tụ những người cao ngạo, tiếp tục xây tháp Ba-ben của thời đại mới.

Trong Cựu Ước, nhân loại với hi vọng xây tháp Ba-ben để tiếp cận môi trường Thiên Chúa theo ý riêng mình, để thể hiện chính mình, để danh mình được cả sáng. Hậu quả là thất vọng ê chề, tháp hoàn toàn bị sụp đổ vì Thiên Chúa ‘xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất’, khiến họ không thể đồng sức đồng lòng để xây tháp đó (St 11,1-9). Tại Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chính Chúa Thánh Thần xây Tháp Hi Vọng đó chính là Giáo Hội. Chúa Thánh Thần xây tháp này là thành trì của Thiên Chúa ở trần gian dựa trên những viên đá sống động, những viên đá khiêm tốn, những viên đá hi vọng, những viên đá tín thác vào quyền năng của Thiên Chúa. Tháp Hi Vọng này tiếp tục được xây và ngày càng vươn lên giữa lòng thế giới.

Khi nói rằng Giáo Hội là Bí Tích của Hi Vọng, đồng thời, chúng ta cũng nói rằng Giáo Hội không kết thúc ở chính mình. Giáo Hội không nhằm vào chính mình, mục đích của Giáo Hội không phải là mục đích tự thân. Trái lại, Giáo Hội ý thức rằng mình là công cụ, là ngọn đèn cho phép con người nhận ra đâu là hi vọng đích thực. Vì là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, vì là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, sự hiện diện của Giáo Hội cũng chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiện diện của Giáo Hội luôn hướng tới sự hiện diện sung mãn của Nước Thiên Chúa trong thời cánh chung.

Đặc tính hi vọng của Giáo Hội luôn được diễn tả trong các bí tích cụ thể nhằm nuôi dưỡng đời sống của các thành phần Giáo Hội: Rửa Tội, Thêm Sức, Mình Thánh Chúa, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh, và Hôn Phối. Mỗi bí tích diễn tả đặc tính hi vọng của cộng đoàn Giáo Hội cũng như hi vọng của mỗi cá nhân khi lãnh nhận các bí tích này. Nói cách khác, tính bí tích của Giáo Hội (sacramentality of the Church) luôn in đậm dấu ấn của hi vọng, dấu ấn của một khởi đầu mới cho một tương lai tốt đẹp hơn. Hi vọng và bí tích gần nhau đến nỗi, cử hành các bí tích cũng là cử hành hi vọng. Bao lâu con người còn hi vọng cũng như sống đúng với hi vọng đó, bấy lâu hiệu quả của bí tích còn hiện diện và hoạt động trong đời sống họ.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, người tín hữu hi vọng rằng nhờ bí tích này, họ sẽ được tái sinh trong sự sống mới của Chúa Ba Ngôi và được trở nên thành phần sống động trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô. Khi chịu Bí Tích Thêm Sức, người tín hữu hi vọng rằng họ được hưởng tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để cùng với các thành phần khác trong Giáo Hội làm chứng cho Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng thế giới. Khi chịu Bí Tích Thánh Thể, người tín hữu hi vọng rằng họ trở nên một với Đức Giêsu Kitô và ý thức hơn về sự cần thiết của sự hiệp nhất trong Giáo Hội như muôn hạt lúa miến làm nên tấm bánh và muôn trái nho làm nên li rượu tiến dâng trên bàn thờ. Khi chịu Bí Tích Hòa Giải, người tín hữu hi vọng rằng họ được giao hòa với Thiên Chúa nhờ sự tha thứ của Người qua trung gian thừa tác viên Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Xức Dầu Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ có thêm sức mạnh để có thể vượt qua những đau khổ, thất vọng nhất của cuộc đời trong tình hiệp thông với Giáo Hội. Khi chịu Bí Tích Truyền Chức Thánh, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong Giáo Hội, để trao ban tình thương của Người cho đồng loại. Khi chịu Bí Tích Hôn Phối, người tín hữu hi vọng rằng họ sẽ mãi mãi thủy chung và thương yêu nhau dựa trên khuôn mẫu ‘giới răn yêu thương mới’ của Đức Giêsu Kitô (Ga 13,34; Ga 15,12-3).

Người ta sẽ đặt câu hỏi ‘tại sao Giáo Hội được gọi là Bí Tích của Hi Vọng trong khi không ít con cái Giáo Hội lại bất xứng?’ Phải chăng con cái Giáo Hội phản ánh bản chất của Giáo Hội? Thực ra, sự thánh thiện của Giáo Hội không phải là sự qui tụ của những người thánh thiện đã được rửa tội. Giáo Hội thánh thiện bởi từ đời đời, Thiên Chúa Cha đã tiền định cho sự hiện diện của Giáo Hội. Giáo Hội thánh thiện bởi vì Giáo Hội được Đức Giêsu Kitô thiết lập. Giáo Hội thánh thiện bởi Giáo Hội được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Giáo Hội thánh thiện bởi vì các bí tích của Giáo Hội là các bí tích thánh. Giáo Hội thánh thiện bởi vì mục đích của Giáo Hội là Vương Quốc Thiên Chúa, là Vương Quốc Thánh. Nói cách ngắn gọn hơn, các yếu tố làm cho Giáo Hội hiện hữu và hoạt động, cũng như phương tiện và mục đích của Giáo Hội là thánh.

Sự thánh thiện của Giáo Hội không lệ thuộc trực tiếp vào sự thánh thiện của con cái Giáo Hội. Sự thánh thiện của con cái Giáo Hội là sự thánh thiện tham dự, còn sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện bởi bản tính. Như thế, tội lỗi và bất xứng của con cái Giáo Hội không làm vong bản hay triệt tiêu bản tính thánh thiện của Giáo Hội. Con cái Giáo Hội, hay bất cứ ai khác đều phải không ngừng sám hối để ngày càng thánh thiện hơn. Như đã được đề cập ở trên, từ nguyên thủy, con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27), con người thánh thiện. Tuy nhiên, con người trở nên tội lỗi vì Tội Nguyên Tổ, tội của các hình thức tập thể, và tội cá nhân mỗi người.

Cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng mình tội lỗi, đồng thời, cũng ý thức rằng tự bản thân, mình không thể làm cho mình trở nên thánh thiện, rằng mình cần sự yêu thương, tha thứ của Thiên Chúa. Sự thánh thiện của Giáo Hội là sự thánh thiện của những ai ý thức rằng chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện và là Nguồn mọi sự thánh thiện. Thánh Gioan Tông Đồ khẳng định “nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1,8). Lời khẳng định của thánh Gioan không chỉ nhằm đến con cái Giáo Hội theo nghĩa chặt (những người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội) mà thôi mà còn cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Bằng ngôn ngữ hi vọng, chúng ta có thể nói rằng người tội lỗi, người khiếm khuyết đồng thời cũng là người hi vọng. Người cho rằng mình không có tội, không tham gia vào môi trường tội lỗi, hay không có kinh nghiệm về môi trường này cũng là người không bao giờ hi vọng, hay nói đúng hơn, chẳng phải là người nữa!

Trên bình diện lịch sử, sự thánh thiện của Giáo Hội còn là sự thánh thiện nảy nở cho đến khi đạt tới sự sung mãn trong thời cánh chung, khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Đức Kitô. Câu cuối cùng trong Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mathêu là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Đây là lời hứa của Đức Giêsu Kitô và là hi vọng của các tông đồ Đức Giêsu Kitô qua các thế hệ. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Đức Giêsu Kitô có thể ở với các môn đệ của mình cho đến tận thế. Câu trả lời đó là Đức Giêsu Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động trong và qua Giáo Hội mà chính Người thiết lập. Người vẫn tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội vì Giáo Hội là Bí Tích của Người, là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người. Đặc biệt, Người hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để trở nên của ăn thiêng nuôi sống các chi thể của người, là các tín hữu. Khi lĩnh nhận Của Ăn Hi Vọng này, người tín hữu nhận lấy Đức Giêsu Kitô, nhận lấy Giáo Hội mà mình là thành phần.

Giáo Hội được ủy thác làm cho hi vọng mà mình lãnh nhận chiếu soi mọi người trong gia đình nhân loại, đặc biệt, chiếu soi những người chán chường thất vọng, những người không tìm được ý nghĩa cho cuộc sống mình hoặc những người đang hi vọng vào những gì phù phiếm, chóng qua, trần tục. Khi thi hành sứ mệnh của mình, Giáo Hội cho tất cả mọi người biết rằng Giáo Hội chính là ngón tay chỉ về Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống của tất cả những ai đang thành tâm tìm kiếm Người với hi vọng chân thành. Điều này đã được thánh Phaolô diễn tả: “Hội Thánh [Giáo Hội] là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,23). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội Giáo Hội thâm tín rằng “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).

b/ Sứ Mệnh Hi Vọng của Giáo Hội

Hi vọng vừa là món quà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, vừa là tác vụ mà Giáo Hội cần thực thi trong sứ mệnh của mình trên đường lữ hành cùng toàn thể nhân loại. Món quà hi vọng của Giáo Hội vừa có hình dạng nhờ Biến Cố Đức Kitô (the Christ Event), vừa đang lớn lên theo dòng lịch sử (Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,20-21). Do đó, Giáo Hội cũng như tất cả những ai tham dự vào đời sống Giáo Hội vừa trân quí món quà này, vừa khao khát đợi chờ đến khi món quà này đạt tới tầm mức sung mãn trong đời sống vĩnh cửu mai sau.

Theo Công Đồng Vatican II, “số phận mai sau của nhân loại nằm trong tay những người có khả năng trao cho hậu thế những lý do để sống và để hi vọng” (GS 31). Ý thức rằng Giáo Hội cùng song hành với thế giới và cho thế giới, trong ngôn ngữ hi vọng, câu đầu tiên của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hi Vọng) nhấn mạnh rằng “vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hi vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1). Giáo Hội là cộng đoàn những người được tháp nhập vào Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô nhờ Bí Tích Rửa Tội, đồng thời, Giáo Hội cũng là cộng đoàn đồng hành cùng toàn thể nhân loại. Do đó, Giáo Hội không thể lãng quên chiều kích nhân loại của mình, cũng như sự liên đới với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.

Cũng theo Công Đồng Vatican II, “hi vọng vào đời sống mai sau không làm giảm tầm quan trọng những bổn phận ở trần gian này mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp hoàn tất những bổn phận ấy” (GS 21). Giáo Hội sẽ không làm trọn bổn phận của mình là Bí Tích của Hi Vọng, khi Giáo Hội không quan tâm đến những khổ đau của biết bao người vì bất công, vì phân biệt đối xử, vì phẩm giá bị chà đạp, và muôn hình thức bất hòa hợp khác. Sứ mệnh hi vọng của Giáo Hội không chỉ là sứ mệnh phần hồn mà còn sứ mệnh phần xác nữa, bởi vì, Đức Giêsu Kitô (mà Giáo Hội là Bí Tích của Người) luôn quan tâm đến mọi chiều kích của đời sống con người. Do đó, khi Giáo Hội loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho tất cả mọi người, đồng thời, Giáo Hội cùng chung tay xoa dịu những thương đau của con người trong xã hội.

Là Bí Tích của Hi Vọng, tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói ngôn sứ về hi vọng, đồng thời, Giáo Hội thi hành vai trò nhân chứng hi vọng trong môi trường nhân loại. Giáo Hội diễn tả sự thật rằng Đức Giêsu Kitô là tâm điểm hội tụ hi vọng của lịch sử nhân loại. Người tiếp tục là tâm điểm hội tụ của những gì thiện hảo mà nhân loại hằng mong ước. Cũng chính Người là điểm hẹn của lịch sử, khi Thiên Chúa qui tụ muôn vật muôn loài trong Người. Giáo Hội luôn dõi theo Đức Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay, và mãi mãi là khởi đầu, là trung tâm, và là đích đến của toàn thể mọi người.

Để diễn tả căn tính, đời sống, và sứ mệnh hi vọng của mình, Giáo Hội ý thức rằng mình phải đi ra, phải hi sinh, phải bầm dập giữa lòng thế giới. Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng Evangelii Gaudium (2013) rằng “tôi lặp lại điều tôi thường nói với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires [Argentina]: Tôi muốn một Giáo Hội bầm dập, đau thương, và dơ bẩn bởi lăn lộn ngoài đường phố, hơn là Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn Giáo Hội chú ý đến vai trò trung tâm của mình và kết thúc bởi bị mắc kẹt trong mạng lưới những nỗi ám ảnh và thủ tục.” Thế là rõ, vừa loan báo Tin Mừng Hi Vọng, vừa không ngừng ý thức những bất cập của mình là hai thì không thể thiếu được trong sứ mệnh Giáo Hội. Như đã được đề cập ở trên, là thực tại lữ hành trong dòng lịch sử, các thành phần của Giáo Hội bao gồm những người tội lỗi. Những chướng ngại và rào cản hi vọng đích thực phát xuất từ con cái Giáo Hội vẫn còn đó và đồng hành cùng Giáo Hội cho đến tận thế. Do vậy, sứ mệnh loan báo Tin Mừng Hi Vọng của Giáo Hội đồng hành cùng sứ mệnh thanh tẩy, đổi mới, và tái cấu trúc chính Giáo Hội theo chương trình của Thiên Chúa.

Như đã được đề cập ở trên, giữa lòng thế giới, Giáo Hội luôn thâm tín rằng sẽ không có hi vọng đích thực nếu hi vọng đó không có chỗ đứng trong Tin Mừng Hi Vọng mà Giáo Hội lãnh nhận và có sứ mệnh loan truyền. Tin Mừng này không xa lạ với bất cứ môi trường nhân loại lành mạnh nào. Hơn nữa, Tin Mừng này không chỉ có khả năng thâm nhập tất cả các môi trường trong xã hội loài người, mà còn có khả năng tích hợp các hình thức hi vọng lành mạnh trong các môi trường đó. Hơn nữa, Tin Mừng này có khả năng biến cải và thanh tẩy các hình thức hi vọng trong các môi trường đó. Giáo Hội ý thức rằng bao lâu Tin Mừng Hi Vọng chưa thành lẽ sống của Giáo Hội cũng như lẽ sống của tất cả mọi người, bấy lâu sứ mệnh của Giáo Hội vẫn còn tiếp diễn.

Một trong những khủng hoảng của nhân loại hôm nay là khủng hoảng hi vọng (the crisis of hope) khi mà con người không biết đặt hi vọng vào đâu cho đúng giữa thị trường muôn màu sắc hi vọng và ai cũng có có thể chọn cho mình hình thức hi vọng theo sở thích. Xem ra khủng hoảng hi vọng là nguyên cớ cho những đau thương trong xã hội loài người, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Càng ngày nhân loại càng ý thức hơn rằng thực thể có tên gọi ‘con người’ xem ra phức tạp hơn là những gì mà con người có thể mô tả hoặc cân đong đo đếm. Hi vọng của con người luôn dồi dào và thâm sâu hơn là những gì mà thế giới thụ tạo hứa hẹn và có thể cung cấp hay ban tặng.

Việc Giáo Hội đóng góp phần mình để biến đổi xã hội dựa trên các giá trị của Tin Mừng Hi Vọng luôn cần thiết. Những hiện tượng tiêu cực trong xã hội hiện đại nảy sinh từ sự thất vọng hay hi vọng hão huyền đang có xu hướng gia tăng, phát xuất từ chủ nghĩa tôn giáo quá khích, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa tiêu thụ, cùng nhiều hình thức chủ nghĩa khác. Thêm vào đó, thực tế cũng cho thấy rằng không ít người lại đặt trọn hi vọng vào khoa học, vào kỹ thuật, vào máy móc. Để góp phần cải thiện tình trạng xã hội, Giáo Hội cần phải dấn thân hơn trong việc loan báo Tin Mừng Hi Vọng cho các giai tầng xã hội, nhằm giải phóng con người khỏi hình thức nô lệ mới, ‘nô lệ hi vọng’.

Giáo Hội có sứ mệnh giải phóng tất cả nạn nhân của nô lệ hi vọng, bằng không, chính họ là những nhân tố gây xáo trộn và bất trắc trong xã hội loài người. Tuy nhiên, như đã được đề cập ở trên, trong nhãn quan Tin Mừng Hi Vọng, sự giải phóng đích thực phải là sự giải phóng con người khỏi xiềng xích tội lỗi và những dẫn xuất của tội lỗi. Những hình thức giải phóng khác, nếu có, phải nằm trong lộ trình của sự giải phóng này, bằng không, những hình thức giải phóng khác trở nên vô nghĩa. Sự giải phóng đích thực mà Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng thực hiện cho toàn thể nhân loại là sự giải phóng hướng tới Nguồn và Đích của hi vọng khi mà thiện, ác, tốt, xấu được phân biệt rạch ròi, lúa và cỏ lùng không còn lẫn lộn.

Giữa muôn vàn hình thức hi vọng giữa lòng thế giới, sứ mệnh của Giáo Hội không phải là cổ vũ tất cả các hình thức hi vọng, nhưng là cổ vũ những hình thức hi vọng nào ẩn chứa ánh sáng hi vọng cao cả mà Giáo Hội được ủy thác tiếp nhận, sống, và loan báo. Nghĩa là những hình thức hi vọng nào sau khi được gột rửa bởi Hi Vọng mà Giáo Hội là Bí Tích sẽ giúp con người sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình ở đời này và dẫn họ tới Nguồn cũng là Đích của hi vọng vĩnh cửu. Để thực hiện được sứ mệnh này, Giáo Hội cần phải phân định đâu là những dấu chỉ cho phép Giáo Hội tích hợp những hình thức hi vọng giúp con người sống những giá trị của Nước Thiên Chúa ngay trên cõi đời này và hướng họ về Quê Trời Vĩnh Cửu.

Giáo Hội luôn trở về Nguồn để kín múc sức sống hi vọng cho chính mình, đồng thời, Giáo Hội cũng luôn dõi theo những biến chuyển trong đời sống xã hội, nơi Giáo Hội hiện diện và hoạt động, để giới thiệu và trao ban hi vọng đích thực cho tất cả mọi người. Là thực tại lữ hành, Giáo Hội không ngừng đọc những dấu chỉ của Chúa trong môi trường nhân loại và hành động theo những dấu chỉ đó. Giữa lòng thế giới, Giáo Hội ý thức mình là men hi vọng, là muối hi vọng, và là ánh sáng hi vọng cho muôn người. Là Bí Tích của Hi Vọng giữa lòng thế giới đầy phong ba bão táp và bóng đêm của sự dữ, Giáo Hội có sứ mệnh trao ban cho toàn thể nhân loại chân trời hi vọng, nơi đó ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu Kitô không ngừng chiếu tỏa.

Kết luận

Hi vọng là thực tại chung của tất cả mọi người trong thế giới đa dạng về văn hóa, tôn giáo, màu da, thể chế, ngôn ngữ. Chính hi vọng làm cho con người phân biệt với vạn vật trong thế giới thụ tạo, đồng thời, là yếu tố quyết định tương lai và vận mệnh của mỗi người. Hi vọng luôn ở trạng thái động, trạng thái vươn lên, vươn xa hơn những gì đóng khung theo khuôn mẫu nào đó. Hi vọng bền lâu và có khả năng tương thích với tất cả các môi trường sống của con người, đồng thời, cho phép con người vượt qua tất cả các biên giới của thế giới thụ tạo và cho phép con người gặp gỡ Thiên Chúa đang khi họ hành trình trong môi trường thụ tạo.

Sự xem xét, lượng định, và đánh giá trên đây cho chúng ta thấy rằng hi vọng thuộc bản chất mặc khải Kitô Giáo. Hi vọng là ngôn ngữ của các Sách Kinh Thánh, từ cuốn Sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, Sách Sáng Thế, đến cuốn cuối cùng, Sách Khải Huyền. Hi vọng của Dân Do Thái, Dân Riêng của Thiên Chúa trong Cựu Ước quan tâm nhiều đến chiều kích xã hội hơn là chiều kích tâm linh. Hi vọng này được xem là hình bóng của Dân Thiên Chúa trong Tân Ước, Dân được Đức Giêsu Kitô thiết lập, nuôi dưỡng, và hướng dẫn. Biến Cố Đức Kitô khơi mào niềm hi vọng chân thực và sâu xa nhất của con người, niềm hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Đức Giêsu Kitô cho tất cả mọi người biết rằng Thiên Chúa là Nguồn và là Đích của hi vọng nhân loại và Người không chỉ là Đấng mang hi vọng tới cho nhân loại mà chính Người là Hi Vọng.

Đức Giêsu Kitô đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Người trên trần gian. Căn tính, đời sống, và sứ mệnh của Giáo Hội được thêu dệt bằng những sợi chỉ hi vọng kết tinh từ việc Thiên Chúa tự bày tỏ mình cho nhân loại trong dòng lịch sử, đặc biệt, trong Cựu Ước của Dân Do Thái và trong Tân Ước, với Biến Cố Đức Kitô. Theo ngôn ngữ Giáo Hội học, chính Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô và các thành phần của Giáo Hội là chi thể sống động trong Thân Thể đó. Giáo Hội chính là Bí Tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng, do đó, Giáo Hội cũng là Bí Tích của Hi Vọng. Giáo Hội hiện diện trên trần gian là dấu chỉ và khí cụ của Đấng Hi Vọng. Giáo Hội cho toàn thể nhân loại biết rằng chính Giáo Hội đang là ‘ngón tay chỉ đường’ cho tất cả mọi người biết đâu là hi vọng đích thực.

Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Hi Vọng của Người đáp ứng những hoài bão và mong đợi sâu xa nhất của nhân loại. Đức Giêsu lịch sử không còn hiện diện trên trần gian này nữa. Tuy nhiên, Người vẫn hiện diện trong lịch sử nhân loại bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt, trong lịch sử của Giáo Hội mà Người thiết lập. Như vậy, tính lịch sử của Biến Cố Đức Kitô vẫn còn tiếp diễn nhằm làm cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại biết rằng “chỉ có một thân thể, một Thần Khí,… một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,4-6). Là Bí Tích của Hi Vọng, Giáo Hội không ngừng loan báo và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô, Đấng Hi Vọng và cho Tin Mừng Hi Vọng của Người giữa lòng nhân thế, ngõ hầu tất cả mọi người trong gia đình nhân loại nhận ra đâu là hi vọng định hướng cuộc sống của họ trên cõi đời này, đồng thời, giúp họ vững tiến về Nguồn và Đích của hi vọng là Thiên Chúa Ba Ngôi hằng hữu và hằng sống.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Viên
 
Văn Hóa
Tìm một con đường
Jos. Đồng Lạc
09:09 31/01/2015
Tìm một con đường

Để mở đầu cho bài viết này, mình xin kể cho bạn đọc một câu chuyện về huyền thoại bóng đá Pélé.

Ngày 01-10-1997, trên một sân vận động tại New York, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh thế giới Pélé đã ghi bàn thắng thứ 1.278. Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi Pélé cởi áo gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy, trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không?” Pélé chỉ vào cây thánh giá đang treo trước ngực và trả lời: “Có chứ, thần tượng của tôi là chính Đức Giê-su Ki-tô”.

Vâng, hàng triệu khán giả chọn Pélé là thần tượng trong khi Pélé lại chọn Đức Giê-su Ki-tô là thần tượng. Đó là hai con đường, hai lối bước trong cuộc sống.

Thưa các bạn, chắc hẳn, câu chuyện trên đây gợi ra cho chúng ta một điều rất hiển nhiên và dính dấp tới cuộc sống hiện sinh của chúng ta rằng: sống là chọn lựa, là hy vọng, là ước mơ, là hành trình vươn tới bến bờ hạnh phúc. Tuy nhiên, trên lộ trình ấy, lắm lúc chúng ta lại gặp những bế tắc, những cạm bẩy, khiến ta không thể nào đạt được nguyện ước của mình: đó là khi chúng ta tôn những thứ hư vô ở đời này lên bậc “thần minh”, coi khoa học, tiền bạc, quyền bính, danh vọng và những thú vui xác thịt như mẹo mực của cuộc sống, rốt cuộc, tương lai chỉ là mờ mịt, dẫn ta tới ngõ cụt của cuộc sống.

Vậy, làm sao để chúng ta sống có hy vọng? Con đường nào dẫn chúng ta đi tới bến bờ hạnh phúc? Đây, những lời chỉ dạy đầy khôn ngoan từ thánh vịnh I của vua Đa-vít sẽ là một giải đáp thoả đáng cho khát vọng sâu xa của chúng ta:

“ Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,

chẳng bước vào đường quân tội lỗi,

không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,

2 nhưng vui thú với lề luật Chúa,

nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.

3 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,

cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,

cành lá chẳng khi nào tàn tạ.

Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

4 Ác nhân đâu được vậy:

chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.

5 Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,

quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!

6 Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính,

còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” .

Thánh vịnh trên đây mở ra trước mắt chúng ta hai con đường: đường của ác nhân và đường của người công chính.

I. Giải thích thánh vịnh

Đường người công chính thì dẫn tới hạnh phúc, được hưởng những lời chúc lành và để được sống dồi dào. “Người công chính” được đề cập đến ở đây là người không nghe theo lời bọn ác nhân, không bước vào đường quân tội lỗi và không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng. Ba động từ “nghe”, “bước” và “nhập bọn” tượng trưng cho ba hình thức cám dỗ cách tiệm tiến, càng ngày càng mạnh hơn, đó cũng là con đường dẫn đến tội lỗi”[1]. Người công chính thì nhất quyết không hành động như vậy nhưng một mực kiên vững và bước đi trong đường lối tinh toàn. Họ “không nghe” theo lời bọn ác nhân nghĩa là không thoả hiệp với những điều sai trái; “không bước vào” đường quân tội lỗi nghĩa là không chấp nhận một cuộc sống bê tha và “không nhập bọn” với phường ngạo mạn nghĩa là không đồng loã với chúng để chống lại Thiên Chúa và tha nhân. Nói cách khác, người công chính là người biết nghe, bước và tiến theo Chúa trong đời lối chính trực. Đó là những thái độ sống cần thiết và cần phải được duy trì trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, những việc làm trên vẫn chưa đủ nhưng còn phải tiến xa hơn nữa đó là “vui thú với lề luật Chúa” (c.2a) và “nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (c. 2b). Tâm hồn người công chính thì luôn thầm thì với Chúa, tựa hồ như dòng suối róc rách chảy mãi đêm ngày, như hạt giống nảy mầm trong thinh lặng, thoáng nhìn bề ngoài chẳng mấy ai để ý tới nhưng nó có sức mạnh tiềm tàng và phát sinh nhiều bông hạt thiêng liêng.

Một cây trồng bên dòng nước, cành lá của nó sẽ sum suê, bông hạt sẽ đề huề. Người công chính cũng vậy, nếu họ biết nép mình bên lòng Chúa, nếu biết chạy đến “uống nơi nguồn mạch đầu tiên, nguyên thủy, nơi Đức Giêsu Kitô, từ cạnh sườn được khai mở của Người, tình yêu của Thiên Chúa luôn tuôn trào (x. Ga 19,34), họ cũng có thể trở thành nguồn mạch, từ đó tuôn trào nước hằng sống (x. Ga 7,37-38)”[2]. Và bí quyết để “cây đức tin” của người công chính luôn được bén rễ sâu trong Chúa, tức là hằng tuân giữ lề luật của Người.

Hoàn toàn trái ngược với người công chính là bọn ác nhân. Họ là ai? Thưa, là những người, do hành động của họ, làm cho chính họ xa cách sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống [The wicked: those who by their actions distance themselves from God's life-giving presence][3]; họ là những người không được hưởng lời chúc phúc như người công chính. Vì họ “gieo gió” nên họ sẽ gặp bão tố và cuồng phong. Trong khi người công chính “cắm rễ sâu” vào lòng đất thì ác nhân lại sống không có điểm tựa, không biết “bỏ neo” cuộc đời vào đâu; họ tựa như “vỏ trấu” bị gió cuốn đi. Vào ngày xử án, bọn ác nhân không thể nào đứng vững được và không được hợp đoàn với chính nhân! Tóm lại, người công chính, vì luôn sống theo ý Chúa, cuộc đời của họ sẽ hạnh phúc. Trái lại, với người gian ác, sống vô luân, tương lai của họ chỉ như áng mây đen, rơi vào khổ đau và bất hạnh.

Thánh vịnh trên đây mở ra trước mắt chúng ta hai con đường, hai lối sống cùng với những mối phúc và mối hoạ cho mỗi lựa chọn. Những lời dạy khôn ngoan này còn mãi liên hệ tới mỗi một người chúng ta khi phải đứng trước những thách thức của cuộc đời. Làm sao để chọn được một hướng đi đúng đắn cho cuộc sống là điều chúng ta hằng lưu tâm.

II. Những nẻo đường của “ác nhân” trong thế giới hôm nay

Các bạn thân mến, là những sinh viên công giáo sống trong thời đại này, chúng ta không thể hờ hững trước những thách thức, những con đường lầm lạc mà con người ngày nay đang phải “sa lầy”, cách riêng tại xã hội Việt nam, đó là những chủ nghĩa, những não trạng và lối sống vô luân. Nói cách khác, đó là nẻo đường của “ác nhân”, mà chúng ta phải xa lánh.

1. Chủ nghĩa duy lý: Chủ nghĩa duy lý là một hiện tượng phổ biến trong thế giới hôm nay. Nhân danh một quan niệm giản lược hoá của khoa học, “chủ nghĩa này khép chặt lý trí con người lại, không nhường chỗ cho sự gặp gỡ Mạc khải và không công nhận tính siêu việt của Thiên Chúa”[4]. Nó làm cho lý trí con người ra cục mịch, khiến họ không tìm gặp được suối nguồn hạnh phúc đích thực là Thiên Chúa. Họ cho rằng, tin có Thiên Chúa là nghịch với khoa học và sẵn sàng đánh bật Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Khi Nga-sô thành công trong việc phóng vệ tinh Spountnik thứ nhất lên không gian, họ gọi đó là “ngày thứ tám của công cuộc sáng tạo” và thốt ra những lời rất ngạo mạn: “Nếu có Thượng Đế thì các bác học Nga-sô đã giết chết rồi. Kể từ bây giờ nhất định không còn Thượng Đế nữa. Kể từ bây giờ rõ ràng đạo là thuốc phiện”[5]! Chính chủ nghĩa này gây ảnh hưởng rất lớn đến con người thời đại này, đến các bạn giới trẻ, khiến họ mất dần cảm thức về đạo, về Thiên Chúa, là cứu cánh của cuộc đời. Còn các bạn, các bạn hãy tự vấn xem, Thiên Chúa có tồn tại không? Liệu Ngài có can hệ gì đến đời sống của các bạn: nơi ký túc xá, nơi trường học hay công sở không?

2. Chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh (practical and existential atheism): Chủ nghĩa này ăn khớp với một nhãn giới trần tục hoá về đời sống và về vận mệnh của con người. Một con người “chỉ có biết quan tâm đến chính mình, một con người chẳng những biến mình thành tiêu điểm hâm mộ mà còn dám tự xưng mình là nguyên lý và là căn cơ của mọi thực tại”[6]. Họ phủ nhận Thiên Chúa bởi vì nhìn nhận có Thiên Chúa là một trở ngại cho tự do của con người; nhìn nhận có Thiên Chúa tất nhiên phải chấp nhận những tôn chỉ luân thường của tôn giáo. Thái độ này thật ra là sợ Thiên Chúa hơn là phủ nhận có Thiên Chúa. Bởi thế, khi nói đến Thiên Chúa, có bạn sinh viên tặc lưỡi: “ôi dời, Chúa với chả không Chúa, hãy để cho Ngài ngủ yên”, hay có bạn lại dí dỏm hơn mà rằng:

“Lạy Chúa ngài ở trên cao

Con ở dưới đất ta nào can chi

Con đi đứng, con làm gì

Xin chớ can thiệp làm chi cho phiền”!

3. Quan niệm lệch lạc về tình yêu: Ngày nay, thuật ngữ về tình yêu đã bị lạm dụng rất nhiều, có khi đã bị giản lược thành một thương hiệu, một “mặt hàng tiêu thụ” mà ta gọi là thương mại hoá tình yêu. Trong ba từ Hy Lạp nói về tình yêu là eros (nhục dục), philia (tình bằng hữu) và agape (tình bác ái) thì dường như con người ngày nay chỉ nghiêng chiều về eros, “xem nó chủ yếu như một trạng thái say đắm, một tình trạng lý trí bị đè bẹp bởi một thứ “điên dại thần bí” lôi kéo con người khỏi cuộc sống hạn hẹp phàm nhân của mình”[7]. Thậm chí ta còn thấy thái độ này trong các giáo phái tôn thờ khả năng sinh sản, chẳng hạn như tục mại dâm “linh thiêng” nở rộ trong đền thờ. Eros vì thế, được thờ như một quyền năng thiêng liêng, đồng hàng với Thiên Chúa. Họ đánh mất tình bác ái, điều được chú trọng trong giáo lý Ki-tô giáo - tình yêu tự hiến. Có thể nói, xu hướng này đã làm băng hoại đạo đức của một phần đông giới trẻ và thay vì họ là “tương lai của giáo hội và xã hội” thì có nguy cơ sẽ là những áng mây u ám cho tương lại của nhân loại. Và khi tìm hiểu nguyên do của khuynh hướng nói trên thì nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận là do sự kinh nghiệm lệch lạc về tự do, coi tự do như sự đồng tình mù quáng với những mãnh lực của bản năng và với ý muốn thống trị của mỗi người. Bởi vậy, ta thấy trong xã hội nhan nhãn những tệ nạn như mại dâm, hiếp dâm, ngoại tình và đồng tính luyến ái. Cái trinh tiết của người phụ nữ vốn được xem là cái đáng giá ngàn vàng thì trở thành món hàng để đổi chác, chung chạ. Việc “góp gạo thổi cơm chung” trở thành như một “mốt tình yêu” thời thượng hay còn gọi là thức thời. Đó đây xuất hiện những nhà chứa, ổ chứa mại dâm để làm thoả mãn thú tính cho khách làng chơi…

Tất cả là dấu hiệu cho một nền đạo đức bị băng hoại đến tận gốc rễ. Còn các bạn, là những sinh viên công giáo, các bạn xem tình yêu là gì? Tự do mà Thiên Chúa ban tặng là để làm gì?

4. Một xã hội tiêu dùng (consumer society): Yếu tố này làm mê hoặc những người trẻ một cách dữ dội, biến họ thành những nạn nhân và tù nhân của một lối sống vốn giải thích cuộc sống hiện hữu của con người mang tính chất duy cá nhân, duy vật và khoái lạc. Quan niệm “sống thoải mái” được xem như lý tưởng độc nhất của cuộc đời, một lối “sống thoải mái” phải đạt được với bất cứ điều kiện nào và với bất cứ giá nào. Người ta đề cao những gì “mình có” hơn là những gì “mình là”. Đồng tiền như trở thành phép thử. Muốn biết một người như thế nào thì hãy “nhúng người ấy vào dung dịch đồng tiền”. Trong xã hội đó, nhiều người Công giáo cũng bị cuốn vào ma lực của đồng tiền nên đã đánh mất đức tin, xa rời Giáo hội. Một lối sống như thế thì chỉ đi vào ngõ cụt vì như thánh Phaolo Tông Đồ đã nói: “Chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng” (Pl 3, 14). Trước thách đố này, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa dạy: "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).

5. Gian ác và giả dối lên ngôi: Một thách thức lớn cho giới trẻ hôm nay mà chúng ta không thể không nhắc tới đó là sự lên ngôi của sự gian ác và giả dối. Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Những câu thơ sau đây như trở nên lời cửa miệng khi phản ánh thực trạng nhiễu nhương của xã hội:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi

Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi

Lương tâm bán rẻ hơn lương tháng

Chân lý chân giò cũng thế thôi”.

Ngoài ra, chúng ta còn thấy những thống kê gây sững sốt về tình trạng nói dối trong xã hội này. Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng – ĐHQG T.p HCM – sáng 24/9/2013, tại Hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do sở GD – ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức ở T.p Đà Lạt, đã cho biết: “Theo khảo sát xã hội học mới đây, thì tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%”[8]. Còn trong giới sinh viên công giáo thì bao nhiêu phần trăm nhĩ? Các bạn thử nghĩ xem.

6. Bệnh vô cảm và bạc nhược cầu an: Thế giới nói chung và xã hội Việt nam nói riêng mỗi ngày đang xảy ra những chuyện đau lòng như: lừa đảo, công an đánh chết người, bác sĩ đối xử tàn nhẫn với bệnh nhân, lạm dụng tình dục trẻ em v.v … Con người dường như vô cảm trước những thảm cảnh đó, não trạng “sống chết mặc bay” như trở thành căn bệnh “ung thư tâm hồn” và vô phương cứu chữa. Những câu truyền tụng đẹp đẽ trong dân gian như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” hay “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… dường như chỉ nằm trong giáo trình, trên bục giảng, hay trên cái đầu của con người chứ chưa thực sự đi vào con tim, vào phong hoá của dân tộc…!

7. Bệnh thành tích: Căn bệnh cuối cùng cần nhắc đến là bệnh thành tích. Người người đua nhau chạy điểm chạy chức, “mua tước, mua quan”. Có người đã đề cập đến hiện trạng này bằng một câu nói dí dỏm: “ngày xưa, khi đang đánh Mỹ thì ra ngõ gặp anh hùng, ngày nay, sắp đến giai đoạn ra ngõ đụng phải tiến sĩ”. Có lẽ, ít có ở đâu trên thế giới lại có số lượng “tiến sĩ” đông như ở Việt Nam. Theo một bài báo trên trang Vietnamnet, đăng ngày 06/03/2014, Việt Nam có 24.000 tiến sĩ. Phần đông trong số họ không có công trình nghiên cứu, chỉ là hữu danh vô thực, “ngồi chơi xơi nước”. Thật đáng hổ thẹn!

Bệnh vô cảm rõ ràng là một “môi trường độc hại” mà các bạn sinh viên công giáo phải “hít thở” và nếu không thận trọng, họ có thể bị trúng độc và trở nên bệnh hoạn.

Vậy, chẳng lẽ chúng ta mãi rơi vào bế tắc, chẳng lẽ chúng ta phải xu thời và đi vào ngõ cụt của cuộc sống. Không! Chúng ta có nẻo đường công chính đó là Đức Ki-tô.

Như vậy, tất cả chọn lựa trên đây: chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh, quan niệm lệch lạc về tình yêu, một xã hội tiêu dùng (consumer society, gian ác và giả dối lên ngôi, bệnh vô cảm và bạc nhược cầu an và bệnh thành tích là những nẻo đường sai làm mà con…. chỉ có… Autinh

III. Đức Ki-tô, sự lựa chọn đúng đắn của người công chính

Giữa muôn sự chọn lựa trong cuộc sống; giữa bao tiếng mời mọc, quyến rũ của ma quỷ, thế gian và xác thịt, bạn hãy chọn cho mình một con đường đúng đắn đó là con đường Giêsu. Chính Đức Giêsu đã nói: “Chính Thầy là Đường, là Chân Lý và là Sự Sống” (Ga 14, 6). Đường, Chân Lý và Sự Sống là ba ý niệm căn bản nhất mà người Do Thái qua bao thế hệ dày công tìm kiếm. Với Đức Giêsu, ba ý niệm này được biểu hiện cách trọn vẹn nhất, bởi vì Đức Giêsu không những chỉ cho người khác đường về với Thiên Chúa, mà Ngài là Đường; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về chân lý, mà còn là chân lý; Đức Giêsu không những chỉ cho người khác về Sự Sống, mà Ngài còn là Sự Sống. Ở đây, chúng ta cần quan tâm đến ý niệm “Đường”. Chỉ có Chúa Giêsu là con đường đích thực cho chúng ta bước theo để đạt được hạnh phúc tối hậu. Các nhà sáng lập và lãnh đạo tôn giáo từ cổ chí kim chưa ai nhận mình là đường, Đức Phật, người sáng lập Phật Giáo, nhận mình là kẻ chỉ đường, là ngón tay chỉ về mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng. Bởi thế, các tín đồ Phật giáo, những “kẻ đạt đạo có thể quên đi Đức phật (phùng Phật sát Phật!)”[9]. Những người lãnh đạo Do Thái từ Abraham, Môsê, Đavid, đến các tiên tri, hay những triết gia, thần học gia lỗi lạc như Socrate, Toma Aquino… không ai tự xưng mình là đường. Nhưng Đức Giêsu thì lại khác, điều quan trọng là chính Ngài, chính con người của Ngài. Chính Ngài là đường, đến nỗi không một con đường nào khác lại có thể biệt lập với Ngài hay không liên hệ với Ngài: “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga14,6). Và con đường mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta là gì? Thưa, là tám mối phúc thật. Khi chúng ta sống những điều đó, là chúng ta đang đi trong đường của Ngài, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ bước tới Vương Quốc của Ngài để vui hưởng niềm vui bất diệt.

Trong cuộc sống, nhiều người nói rằng, tôi sẽ chỉ đường cho anh hoặc tôi là người đầu tiên tìm ra đường này, hoặc tôi là người khai phá đường này, vv… không ai nói rằng, tôi là đường. Chính trong cuộc sống sinh viên của các bạn, giữa muôn vàn thách đố, lắm lúc các bạn như đứng giữa ngã ba cuộc đời, không biết đường biết hướng về đâu. Hẳn trong những lúc đó, các bạn cũng đã hỏi Chúa như câu hỏi của thánh Tô-ma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Đã có câu trả lời hết sức cụ thể bởi Đức Giêsu, khi Người nói rằng Người chính là Đường. Đây thật là mạc khải vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Thưa các bạn, là những người công giáo, chúng ta mang trên mình danh xưng Ki-tô hữu, nghĩa là người bạn của Chúa Giêsu hay người có Chúa Giêsu trong mình, chúng ta phải sống thân mật với Ngài trong kinh nguyện, trong bí tích và trong mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày. Đức tin mà chúng ta lãnh nhận từ ngày chịu phép Rửa Tội không phải là một công thức, một lý thuyết hay những lô kiến thức chúng ta thâu lượm được nhưng là một cuộc sống thân tình với Đức Ki-tô.

Vậy, chúng ta hãy “bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su” (Cl 2, 7). Một cây mà không có gốc rễ thì nó sẽ bị gió cuốn đi và tàn lụi. Đâu là gốc rễ của chúng ta trong cuộc đời? Chắc chắn đó là cha mẹ, gia đình và nền văn hoá của đất nước chúng ta, họp thành một khía cánh rất quan trọng trong căn tính của chúng ta. Kinh Thánh còn tỏ cho thấy một khía cạnh khác nữa. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a viết: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17, 7-8). Do đó, đối với ngôn sứ Giê-rê-mi-a, làm cho rễ lan rộng có nghĩa là đặt niềm tín thác của mình nơi Thiên Chúa, trong đức tin. Nơi Thiên Chúa, chúng ta kín múc sức sống của chúng ta. Không có Ngài chúng ta không thể sống thực sự: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời và sự sống này ở nơi Con Của Ngài” (X. 1Ga 5, 11).

Kết:

Các bạn thân mến, hãy xây dựng nhà các bạn trên đá tảng là Đức Ki-tô, và chọn Ngài là “Thần tượng” duy nhất của cuộc đời. Mỗi ngày các bạn hãy cố gắng sống theo Lời Chúa Ki-tô. Hãy lắng nghe Ngài như người bạn tâm giao mà các bạn có thể chia sẻ con đường cuộc sống. Có Ngài bên cạnh, các bạn sẽ đủ sức đương đầu với những khó khăn trong niềm hy vọng, những vấn đề cũng như những thất vọng và thất bại trong cuộc sống. Có biết bao mánh lới mà ma quỷ, thế gian và xác thịt đang bày ra trước mắt các bạn, nhưng các bạn hãy nhớ rằng đó là những lừa đảo, là đường của ác nhân, chúng không mang lại sự thanh thản và niềm vui cho các bạn. “Chỉ có Lời Chúa mới chỉ cho chúng ta con đường đích thực; chỉ có đức tin được thông truyền cho chúng ta mới là ánh sáng soi chiếu con đường của chúng ta”[10]. Chớ gì Đức Ki-tô luôn là nguồn vui của bạn.

Cánh đồng truyền giáo đang mở ra mênh mông bát ngát trước mắt chúng ta. Hơn lúc nào hết, Giáo hội đang cần những “tông đồ môi trường” cống hiến thời gian và sức lực để phục vụ Tin mừng, cần có những người trẻ biết để cho tình yêu của Thiên Chúa đốt nóng tâm hồn họ và họ sẽ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Người. Nào các bạn, hãy sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa trong tha nhân, vì chỉ có như thế chúng ta mới có niềm vui, niềm hạnh phúc. Chúa và Giáo hội đang chờ chúng ta.

Jos. Đồng Lạc

[1] L.m Giuse Vũ Phan Long, Thánh Vịnh, tài liệu lưu hành nội bộ (Đại chủng viện Vinh Thanh, 2014), tr. 142.

[2] Bê-nê-đic-tô, Thông Điệp Deus Caritas Est, s. 7.

[3] The New American Bible, (New York: Catholic Book Publishing Co., 1970), tr. 604.

[4] John Paul II, Pastores Dabovobis, s. 27.

[5] Vũ Minh Nghiễm, Sống Sống, (Sài Gòn: La San Ấn Quán, 1971), Tr. 108.

[6] John Paul II, Pastores Dabovobis, s. 16.

[7] Bê-nê-đic-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est, s. 4.

[8] Xem Hoàng Đức Oanh - Giám mục Giáo phận Kontum, Thư gửi ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về vụ Mỹ Yên, bài viết được đăng trên Giaophanvinh.net, 3/10/2013.

[9] Joshep Ratzinger, Đức Tin Ki-tô Giáo Hôm Qua và Hôm Nay, (HCM: Nxb.Tôn Giáo, 2009), Tr. 26.

[10] Benedicto XVI, Sứ điệp gửi các bạn trẻ thế giới nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới trẻ lần thứ 26 (Vatican: 2010), s. 2.