Ngày 30-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 4B TN : Quỉ có thật, và ngày nay vẫn thật có
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
10:54 30/01/2021
Phải chăng thời đại khoa học tiên tiến, điện tử, vi tính, smart phone, trí tuệ nhân tạo… quỉ không còn nữa, nên không cần “chức trừ quỉ”? (*) Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng không còn tin có quỷ có ma nữa, nếu có tin cũng không dám nói, sợ bị chê là lỗi thời. nhưng qua bài Tin Mừng mô tả Chúa trừ quỉ hôm nay, chúng ta thấy quỉ có thật và ngày nay vẫn thật có !

Năm 1970, Mỹ cho thực hiện bộ phim The Exorcist (Người Trừ quỉ, nhưng được dịch là Quỉ ám để dễ câu khách). Bộ phim phá kỷ lục về vé bán. Báo chí kể lại trong khi xem phim nhiều tiếng la hét nổi lên từ phía khán giả vì sợ. Rồi khi vãn xuất phim, sàn rạp vung vãi rác rưởi, kể cả găng tay, dày dép, ói mửa nữa…, cũng vì sợ (khi chứng kiến điều diễn ra trên màn ảnh). Năm sau, bộ phim qua Việt Nam chiếu độc quyền ở rạp Rex. Bộ phim Quỉ Ám –hay “Người Trừ Quỉ”- xây dựng trên một trường hợp có thực là cậu bé 14 tuổi sống tại vùng núi Raimer bang Maryland năm 1949. Tờ báo Newsweek (Tuần tin tức) lúc đó mô tả trường hợp này như sau: “Tranh ảnh, ghế bàn và chiếc giường của cậu bé đột nhiên di động về đêm làm cậu ta hầu như không thể nào ngủ được. Khi được nhận vào bệnh viện trường Đại học Georgetown bang Virginia, cậu bé bắt đầu lẩm bẩm trong miệng những lời nguyền rủa hung hãn bằng một thứ Cổ ngữ không ai hiểu. Rồi khi đang bị trói tay chân vào chiếc giường ngủ thì trên thân thể cậu lại xuất hiện những vết cào dài rướm máu. Cuối cùng thì cậu bé cũng được cứu, và người cứu cậu ta là một linh mục già đã làm phép trừ tà cho cậu (vì thế bộ phim mới mang tên là “Người Trừ Quỉ”). Hiện nay cậu ta đã là một người gần 70 tuổi sống tại vùng thủ đô Washington. Vị linh mục trừ tà cho cậu thề hứa là không bàn luận gì về việc trừ quỉ ấy. Nhưng vị linh mục nhấn mạnh : việc trừ tà cho cậu đã thực sự biến đổi cuộc sống của vị linh mục thêm tốt đẹp hơn.” Cũng vì vậy mà tuy bãi bỏ chức thứ 3 : chức trừ quỉ nhưng trong Giáo hội vẫn còn nghi thức trừ quỉ, và người đi trừ quỉ phải được Đức Giám Mục đặc cử trong số những linh mục đứng tuổi, đạo hạnh, thánh thiện.

Quỉ là một thế lực đáng gờm, một kẻ mạnh. Mạnh không phải chỉ về sức, về lực, về quyền mà mạnh còn là mạnh về thời gian tức là dai và bền. Và dai bền đó có nghĩa là quỉ vẫn còn sống. Quỷ trường thọ. Quỉ vẫn tiếp tục sống cho tới hôm nay, cho tới năm 2021, và sau năm Canh Tí đến năm Tân Sửu nữa. Quỷ không thua loài người về sự trường thọ đâu. Bởi vậy muốn trừ quỉ là kẻ mạnh, kẻ đáng gờm, thì “người trừ quỉ” phải mạnh hơn, phải cao tay ấn hơn. Người đó là ai, bài Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy : Dân chúng kinh ngạc: Thế nghĩa là gì? Ma quỉ phải nghe lời Ngài. Sao lạ quá vậy ! Đức Giêsu đã trừ quỉ để khai mạc cho Nước Thiên Chúa đến. Và Đức Giêsu tiếp tục ban quyền trừ quỉ cho các Tông đồ và những người kế vị.

Ngày nay và ngay tại Việt Nam chúng ta còn nghe tin đó đây có vài trường hợp quỉ ma còn ám vào người này người nọ và thông thường người đó sống trong vùng núi rừng, khi bóng thánh giá của nhà thờ, của Bí tích, chưa phủ rợp trên những vùng đó. Vương quốc của Thiên Chúa, Nước của Ngài chưa lan đến đó khiến quỉ ma còn dễ dàng dương oai tác quái.

Nhưng quỉ cũng ma không kém, nó không dại gì núp bóng dưới những người mát mát khùng khùng la hét inh ỏi rạch mặt rạch mình để người ta thấy mà kinh, mà rình trừ khử nó. Quỉ khôn ranh hơn nhiều. Nó núp bóng dưới những dạng mỹ miều cao siêu, khiến không ai nghĩ đó là quỉ mà tưởng là Chúa. Một trong những bóng dáng của nó trong thời đại chúng ta hôm nay đó là Tự Do. Họ lý luận :

-Thánh Phaolô đã chẳng từng nói : khi chịu Phép Rửa là chúng ta được tự do (họ quên : Tự do của con cái Chúa) (x. Gl 5,13).

-Rồi, họ lại lý luận : Thiên Chúa là Đấng Tự Do tuyệt đối, Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên con người cũng tự do. Cho nên cứ tự do đi : Tự do luyến ái, tự do khoái lạc, tự do ăn uống và đến cả tự do làm hại, cản trở tự do của người khác.

Tự do đích thực là Thiên Chúa. Nhưng “tự do giả hiệu” là Quỷ ma. Gần đây người ta nhân danh tự do giả hiệu này để chửi bới mạt sát nhau thậm tệ giữa hai phe cuồng Trump và chống cuồng Trump. Tự do giả hiệu là quỉ ma cũng đang chen chân vào các gia đình. Chu kỳ ba năm của Hội thánh Việt Nam đang sống là về gia đình, phù hợp với năm nay, năm 2021, đgh Phanxicô sẽ thiết lập Năm Gia Đình (vào ngày 19-3-2021) nhân 5 năm ngày ban hành tông huấn về tình yêu gia đình “Amoris laetitia”. Tự do giả hiệu là ma quỉ, cũng đang len lỏi vào gia đình lâu năm và cả gia đình trẻ. Tôi chỉ nhắc đến một khía cạnh của tự do giả hiệu này mà nhìn hậu quả của nó, thì mới thấy lòi ra một chút cái đuôi của quỉ là thần gây chia rẽ. “Chia Rẽ” là tên cúng cơm của ma quỷ đó (Diabolus) ! Trong hôn nhân, quỷ muốn chia rẽ, nên xúi họ thế này : “Tại sao tôi lại phải ràng buộc với người mà trước đây tôi hình như yêu còn nay thì hết thương rồi?” “Sao không để tôi tự do yêu người khác mà người khác này cũng thực sự –chứ không phải hình như nữa- yêu tôi?” “Người ta –xã hội– cho tự do li dị, tại sao tôi không được tự do chia lìa?” “Chúa gì, Giáo hội gì mà cản trở tự do yêu thương của tôi vậy?”

Loại ma quỉ mang tên tự do gây ra chia rẽ này ở các gia đình Công Giáo Việt Nam chưa nhiều. Nhưng những gia đình Công Giáo ở nhiều nước Âu Tây đã mở cửa cho yêu quái đó vào nhà. Lúc quỉ đó nhập vào thì thầy có chức 3 : chức trừ quỉ hay linh mục thánh thiện được đức cha sai đến cũng không trừ nổi, mà có khi bị quỉ trừ ngược lại (**). Chúng ta, gia đình Công Giáo Việt Nam hãy cảnh giác đừng cho nó vào, đó là cách trừ tốt nhất thay vì để nó vào rồi mời khử. Xin Chúa cho các gia đình Công Giáo biết cầu nguyện liên lỉ, vì quỷ trường thọ sống dai. Cầu cho gia đình mình và cho các gia đình khác, và nhất là các gia đình trẻ, bằng lời cầu thứ 7 và 6 mà Chúa đã dạy trong Kinh Lạy Cha: xin cứu chúng con khỏi mọi Sự Dữ (= ma quỉ), và đừng để chúng con sa chước cám dỗ của quỷ ma. Amen.

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

________________________________________

(*) Ngày 15.8.1972, Đức Phaolô 6 trong Tông thư tự sắc Ministeria Quoedam đã bãi bỏ các chức nhỏ : tức là 4 chức : Giữ cửa- Đọc sách– Trừ Quỉ – Giúp lễ – là những chức nhỏ thường chịu chung trước khi chịu chức 5 là chức Phụ Phó tế (Chức 6 là Phó tế). Đức Phaolô VI bỏ 4 chức nhỏ, bỏ luôn cả chức 5. Trong 4 chức nhỏ ngài ra lệnh bỏ có một chức liên hệ đến bài Phúc âm hôm nay: chức thứ 3 : chức Trừ Quỉ.

(**) Như trường hợp 7 người con của Thượng tế Sêva trong Cv 19,15. Họ thấy thánh Phaolô và các tông đồ khác trừ quỉ thành công, cũng bắt chước trừ quỉ, liền bị Quỉ dữ đáp lại : “Giêsu thì ta rất biết, Phaolô thì ta cũng biết, còn tụi bay là thứ người nào mà dám trừ ta?” Rồi người bị quỉ ám xông vào vật cổ xuống hành hạ tơi bời cả nhóm 7 người con của Seva đến nỗi họ phải bỏ nhà ra đi không áo che thân, thương tích đầy mình.
 
Đừng Cứng Lòng Trước Tiếng Gọi Hôm Nay
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:56 30/01/2021
Đừng Cứng Lòng Trước Tiếng Gọi Hôm Nay

(Chúa Nhật IV Thường Niên B 2021)

Không biết, có phải đó là “quy luật của muôn đời” hay không; nhưng, hình như khi nào thế giới rơi vào những cơn khủng hoảng, biến loạn… thì người ta thấy xuất hiện các “tiên tri”. Trong thời gian đại dịch Covid nầy, đặc biệt, với biến cố “bầu cử Tổng Thống Mỹ” đầy kịch tính vùa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện đầy dẫy các “sứ điệp tiên tri”, trong số đó phải kể đến những gương mặt tiên tri lừng lẫy như: nhà tiên tri mù Vanga (1911-1996) người xứ Bulgaria, nhà chiêm tinh học và tiên tri người Pháp từ thế kỷ 16 Nostradamus (1503-1566)…; cũng phải kể đến các “tiên tri của thời 4.0” như “Chiêm tinh Vệ Đà” người Mỹ gốc Ấn Vijay Jyotish, hay Đường Ỷ Dương của Đài Loan… chuyên phát tán các “sứ điệp tiên tri” trên các phương tiện truyền thông như Twitter, Facebook…

Đó là chuyện của xã hội con người, của thế giới. Còn trong môi trường đức tin, mạc khải thì sao?

Thật ra, “Tiên Tri”, hay “Ngôn sứ” vốn là “đặc sản” của Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước. Trong lịch sử cứu độ, đặc biệt, trong sinh hoạt đức tin của dân Chúa từ Cựu ước sang Tân ước, có một lớp người, với đặc sủng và ơn gọi riêng, được Chúa tuyển chọn để nói Lời Chúa cho dân, để thông truyền các ý định và mệnh lệnh của Chúa, cũng như tiên báo các chương trình hành động cứu độ của Ngài sẽ diễn ra trong lịch sử. Đó chính là các Ngôn sứ hay còn được gọi là các Tiên Tri.

Và đây là câu chuyện cũng là “chủ đề trọng tâm” của sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 4 Thường niên này.

Trước hết, sách Đệ Nhị Luật trong Bài đọc 1 hôm nay đã định nghĩa khái quát về ngôn sứ như sau: “Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền cho người”.

Kể từ thời lập quốc, trong thời Cựu ước có rất nhiều vị Tiên tri nổi danh như Samuel, Nathan; sau đó đến đại tiên tri Êlia, tiếp tục với đồ đệ là Êlisê… Về sau thêm nhiều vị tiên tri khác đã để lại nhiều bút tích mạc khải như Isaia, Êdêkien, Giêrêmia, Đanien, Amos, Hôsê…

Nhưng trên tất cả mọi tiên tri, truyền thống Cựu ước vẫn gán cho Vị Lãnh đạo dân Ít-ra-en là Môsê là Vị Đại Tiên tri cao cả nhất, cũng là người mà qua rất nhiều chứng từ của Kinh Thánh, đã cho thấy ngài chính là vị tiên tri trọn hảo nhất xét theo ba khía cạnh cốt yếu trong đặc sủng tiên tri:

- Người thường xuyên tiếp cận, đối diện với Thiên Chúa để lãnh thánh ý Ngài.

- Người đã thường xuyên chuyển tải trung thực Lời của Thiên Chúa cho dân Chúa.

- Người đã được Chúa ban quyền năng để thay mặt Chúa làm những việc kỳ diệu cho dân.

Và chính Môsê cũng đã ý thức được tầm mức quan trọng của sứ mệnh Tiên Tri nơi chính mình, nên ông đã “lấy mình” làm mô hình mẫu để tiên báo về một đại Tiên Tri sẽ xuất hiện sau ông mà chúng ta có thể hiểu đó chính là Tiên Tri đến từ Nadaret: Đức Giêsu-Kitô: “Chính Thiên Chúa các ngươi sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta”.

Lời Chúa trong Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay giải trình cho chúng ta sứ điệp xoay quanh 2 nhân vật nầy: Môsê và Giêsu.

Tiên tri Môsê xuất hiện vào thời dân Israel bị làm nô lệ Ai Cập; và vai trò của ngài là công bố và thực thi mệnh lệnh và công cuộc giải thoát của Thiên Chúa. Để thực hiện công cuộc khó khăn vượt bực nầy, Môsê đã thường xuyên đối diện, cầu nguyện, gặp gỡ, đàm luận với Thiên Chúa rồi trực tiếp đến với dân, nói cho dân, dạy dỗ dân bằng lời và bằng những hành động kỳ diệu được Chúa trao ban.

Trong khi đó, tiên tri Giêsu xuất hiện vào “mạt thời của Cựu ước” để thực thi một cuộc giải thoát đích thực, không phải là cuộc nô lệ về chính trị của đế quốc Rôma, mà là nô lệ của tội lỗi và ma quỷ. Và để thực thi sứ mạng trăm phần khó khăn nầy, Tiên tri Giêsu phải vượt mặt không những Môsê và tất cả mọi tiên tri của Cựu ước và mọi tiên tri dưới vùng trời nầy.

Và dân Do Thái đã nhận ra điều nầy như nhận xét của họ trong trích đoạn Tin Mừng Máccô vừa được công bố hôm nay: Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”.

Từ sứ mệnh Ngôn Sứ của Mô-sê và Đức Giêsu, cùng với việc thực thi sứ mệnh đó trong thời đại của các Ngài, chúng ta lại khám phá ra sứ mệnh ngôn sứ của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu trong tời đại hôm nay.

Vâng, nhân loại luôn là một nhân loại cần được Lời Chúa dạy dỗ và quyền năng giải thoát. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay vẫn đầy dẫy những người bị ám bởi thần ô uế: ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm…; vẫn đầy dẫy những người mang đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền và bị vất bên lề xã hội... Chính vì thế, muôn nơi muôn thuở, thế giới luôn cần những “ngôn sứ”, những “tiên tri”, những kẻ dám hy sinh cuộc sống thường tình nhân loại để dấn thân cho một sứ mệnh, để “lo việc Chúa”, đòi hỏi phải từ bỏ và hy sinh, như cách diễn tả cụ thể của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình”.

Và dĩ nhiên, như một Môsê luôn “đặt mình trước thánh ý Chúa để lắng nghe và tuân phục”, cũng như luôn “sát cánh với dân để đồng hành và chia sẻ”; hay như Chúa Giêsu luôn “đắm mình trong nguyện cầu với Cha và mang trái tim chạnh lòng thương đối với dân chúng”, ngươi “ngôn sứ hôm nay” cũng phải luôn trang bị cho mình hai thứ “hành trang căn bản” đó: thấm nhuần Lời Chúa và có trái tim chạnh thương. Cũng cần phải ý thức rằng: đức tin, nếu chỉ là một tuyên xưng và chấp nhận suông một Đức Kitô quyền năng thì chưa đủ, mà phải là một cuộc gặp gỡ, hoán cải và để cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài thực sự giải thoát toàn vẹn con người chúng ta khỏi cuộc sống nô lệ tội lỗi và quyền lực của ác thần.

Ngày nay, cho dẫu đang tiến bộ vượt bực, thế giới lại chìm ngập trong “nỗi buồn và thất vọng” của tai ương dịch bệnh, của chiến tranh và huỷ hoại môi trường, của suy đồi luân lý và chia rẽ hận thù…, nên đang cần những “ngôn sứ” mang lại những sứ điệp của niềm vui và hy vọng, của ánh sáng và chữa lành, của hàn gắn và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ… Làm thế nào để có được những ngôn sứ như thế, những người có sức gieo niềm vui và hy vọng thay vì loan báo sự rầu rĩ chán nãn? Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã chỉ ra rằng: “Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG số 10).

Vâng, “niềm vui của Đức Kitô”, niềm vui của những ai đã từng được Đức Kitô xuất thần hoan hỉ thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những người bé mọn...” (Mt 11,25). Những người ngôn sứ hôm nay phải là những tông đồ của niềm vui, những kẻ, mà theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, luôn để “niềm vui Tin Mừng tràn ngập trong tim” vì đã cảm nghiệm thế nào là “gặp gỡ Đức Kitô” và “chấp nhận đề nghị cứu độ của Người” (EG số 1).

Nếu nhiệm tích Rửa Tội biến mọi người Kitô hữu chúng ta thành ngôn sứ; hay đúng hơn, cho chúng ta tham dự và sứ mệnh ngôn sứ của Đức Kitô, thì quả thật, sứ điệp Lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở, gọi mời khẩn thiết để chúng ta mau mắn đáp trả và lên đường như chính lời Thánh vịnh mà cộng đoàn vừa hát lên: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng”. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Con quỷ có giáo dục
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:42 30/01/2021
CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN NĂM B
CON QUỶ CÓ GIÁO DỤC

Từ sau cuộc tạo thành, ma quỷ luôn là sự bất hạnh của loài người. Nó thực hiện nhiều mưu mô: xúi giục phạm tội, hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt loài người làm nô lệ nó... không chỉ trong tinh thần mà còn bằng cả thể xác.

Vì bất toàn, yếu đuối, thậm chí biết mình bất toàn, yếu đuối, nhiều người vẫn không cậy dựa vào ơn Chúa, vì thế, không chỉ thất bại mà còn thất bại thảm hại trước mưu mô của ma quỷ, điều mà chúng ta vẫn có kinh nghiệm. Ngay trong lần đầu đối diện cám dỗ, tổ tông chúng ta đã thất bại đớn đau...

Còn Chúa Giêsu, ngay lần đầu, Chúa đánh gục ma quỷ. Chúa nêu gương cho ta, để chiến thắng, hãy trung thành vâng phục thánh ý Thiên Chúa, sống đơn sơ, khiêm nhường, cậy trông tuyệt đối, phó thác mãnh liệt vào Thiên Chúa.

Hôm nay thánh Marcô, một lần nữa, cho thấy uy quyền của Chúa Giêsu trên ma quỷ. Sự hiện diện và giảng dạy của Chúa khiến ma quỷ, dưới hình dạng "thần ô uế", phải lộ mặt vì khiếp sợ.

Thánh nhân cho biết: Đang lúc Chúa Giêsu giảng dạy, thì "trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: Hỡi ông Giêsu Nagiarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”.

Ghi nhận của thánh Marcô mà chúng ta cần lưu ý:

- Như nhà thờ của các Kitô hữu, hội đường là nơi thánh thiêng của người Do thái. Nhưng ma quỷ không bỏ qua. Nó xuất hiện trong hội đường.
- Nó cũng không bỏ qua hoàn cảnh xem ra đang rất thánh thiện, bầu khí đang rất sốt sắng: Chúa đang giảng. Nó xuất hiện ngay cả nơi Chúa hiện diện và ban Lời sự sống.

Giảng tại nhà nguyện Santa Marta ngày 12.10.2018, Đức Phanxicô gọi loại cám dỗ mang vẻ thánh thiện ấy là "con quỷ có giáo dục". Nó đội lốt đạo đức cám dỗ trong môi trường đạo đức, cám dỗ người được xem là đạo đức, cám dỗ ngay trong hoàn cảnh diễn ra sự đạo đức.

"Con quỷ có giáo dục" không làm rùng beng, mọi thứ bên ngoài xem ra rất ổn định, không có gì độc hại, không ghê gớm. Nhưng ngày một chút, nó phá hủy bên trong tâm hồn, gieo trong ta tinh thần thế gian, khiến ta nhìn và đánh giá mọi thứ chỉ theo thói tầm thường của thế gian. Dần dà nó làm ta chết đi lương tâm nhạy bén trước mọi lời dạy khôn ngoan và đạo đức của Thiên Chúa, của Hội Thánh. Nó cũng làm ta yên tâm rằng, mình là người đạo đức, là người giữ luật Chúa không cần thay đổi, không cần ăn năn hay hoán cải gì.
Cũng vậy, "con quỷ có giáo dục" đang len lỏi trong hồn ta. Với những việc mà ai ai cũng nhìn nhận là rất thánh thiện: cầu nguyện, dâng thánh lễ, cử hành bí tích..., ta vẫn phải cảnh giác với nó.

Biết bao lần, nghe linh mục giảng, thay vì thống hối, ta lại phê bình, che bai. Nghe ca đoàn hát, thay vì nâng tâm hồn cầu nguyện, ta lại cho là nhàm tai. Thay vì vào nhà thờ dâng thánh lễ sốt sắng, ta lại chỉ thích hiện diện cho xong, thậm chí nghe điện thoại, tán gẫu, bỏ ra ngoài...

"Loài quỷ có giáo dục" vuốt ve, trấn an, khiến ta nghĩ rằng: có gì mà sợ. Ta chai lỳ, mất cảm giác sợ tội, nhưng luôn mặc lấy thứ an bình giả tạo, không còn lo mất lòng Chúa, không còn lo đời sống đạo đức của mình giảm sút...

Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải múc lấy ơn Chúa bằng việc không ngưng cầu nguyện. Ta chiến đấu bằng sức mạnh nơi Chúa qua chay tịnh, hy sinh, hãm mình, rèn giũa tinh thần cương nghị chống mọi cám dỗ, mọi thứ tội.

Hãy luôn khiêm nhường và chân thành nhìn nhận mình có lỗi, thường xuyên tự khám phá lỗi của bản thân mà ăn năn thống hối. Hãy quyết từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:50 30/01/2021
4. Sự trả thù của người giáo hữu chính là tha thứ. (Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:54 30/01/2021
50. GỪNG RA QUẢ TRÊN CÂY

Có người phương nam cả đời chưa thấy củ gừng sống, khi nhìn thấy củ gừng sống thì nói:

- “Củ gừng này ra quả ở trên cây”.

Người ta nói với anh ta:

- “Không phải, củ gừng này lớn lên là từ trong đất ấy mà”.

Người phương nam nói:

- “Chúng ta tìm mười người làm chứng, tôi đem con lừa đang cỡi đây đánh cược với ông”.

Thế là cả hai hể gặp người thì hỏi, khi hỏi đã đủ mười người, thì tất cả đều nói: “Gừng thì lớn lên ở trong đất”.

Người phương nam biến sắc mặt, nhưng vẫn còn nói:

- “Con lừa coi như là của ông, nhưng củ gừng sống vẫn là ra quả ở trên cây !”

(Tuyết Đào tiểu thuyết)

Suy tư 50:

Cãi chày cãi bướng là biết mình sai mà vẫn cứ cãi, cãi cọ hoài rồi thì sinh ra nóng giận, nóng giận thì sinh ra chửi rủa và có khi đánh nhau vỡ đầu nát óc, đó là do kiêu ngạo mà ra.

Kiêu ngạo là biết mình sai nhưng không chấp nhận sai, biết mình làm được nhưng không chịu làm để khi người khác làm thì chê bai phê bình; khiêm nhượng là biết mình làm được thì nói làm được và làm ngay, biết mình không phải thì nói không phải và vui vẻ học hỏi. Kiêu ngạo thì có thái độ “em chả” và bộ mặt thách thức, khiêm nhượng thì có thái độ vui vẻ và thành tâm...

Người kiêu ngạo biết mình thua cược nhưng vẫn cứ cãi là củ gừng ra quả ở trên cây, và đó là nguyên nhân để mọi bất hòa, ghen ghét, chỉ trích, nói xấu và tội ác có cơ hội tồn tại trong cộng đoàn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thứ Hai 1/2: Chúa đến mang ơn cứu độ cho muôn dân - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
23:34 30/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 5, 1-20

“Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi”. Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này”. Và Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm”. Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: “Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo”. Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: “Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con”. Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
National Review: Não trạng phò phá thai cực đoan của Joe Biden
Emily Nguyễn
00:22 30/01/2021

Có vẻ như, trong thời kỳ tranh cử chức tổng thống Hoa Kỳ, ứng cử viên Biden đã tận dụng lá bài “tín hữu Công Giáo ngoan đạo” của mình một cách triệt để. Ngay cả khi đắc cử, ông cũng vẫn tự nhận là mình trung thành với giáo huấn Công Giáo. Nhưng hành động của ông đã nói lên điều trái ngược, như một minh chứng hùng hồn rằng Biden chỉ dùng vỏ bọc Công Giáo làm phương tiện kiếm phiếu và trấn an những giáo hữu nghi ngờ chủ trương của mình, và làm bia đỡ đạn trước những mũi tên chỉ trích tứ phương đang nhắm vào ông.[1] Đặc biệt, kể từ ngày ông ký lệnh gỡ bỏ chính sách Mexico City có từ thời tổng thống tiền nhiệm, Donald Trump, vốn được xem như một gọng kềm ngăn cản viện trợ cho những tổ chức phi chính phủ toàn cầu hiện đang cung cấp những dịch vụ phá thai hoặc vận động hợp pháp hoá nạn phá thai ở những quốc gia nghèo, kém phát triển, tổng thống Joe Biden đang dần lộ diện khỏi vỏ bọc ông đã khoác lên bấy lâu nay, để cho mọi người không những thấy rõ quan điểm phò phá thai của ông ta, mà còn cho thấy quyết tâm của ông biến quan điểm này thành một chính sách với ưu tiên hàng đầu, chỉ 1 tuần sau khi nhậm chức tổng thống.

Bán nguyệt san The National Review hôm thứ Sáu, 29 tháng Giêng, có bài bình luận như sau, về những điều mâu thuẫn và quá khích của vị tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử các tổng thống của Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh: Joe Biden’s Abortion Extremism có thể xem tại đây

Não trạng phò phá thai cực đoan của Joe Biden

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Cuộc vận động cổ võ sự đoàn kết, được cho là do tổng thống Joe Biden chủ trương, giờ đây đã chuyển sang sang việc buộc người đóng thuế ở Mỹ phải trợ cấp cho nạn phá thai, bất kể họ có lo ngại về mặt đạo đức hay không.

Trong lệnh hành pháp được ban hành hôm thứ Năm vừa qua, 28 tháng Giêng,, tổng thống Biden đã hủy bỏ chính sách thường được gọi là Mexico City, trong đó cấm cung cấp tiền viện trợ của Hoa Kỳ cho nước ngoài nhằm mục đích tài trợ cho các nhóm cung cấp dịch vụ hoặc quảng bá nạn phá thai ở các quốc gia khác. Tổng thống Ronald Reagan là người đầu tiên ban hành chính sách này, và nó đã được áp dụng dưới mọi nhiệm kỳ các tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa kế tiếp, và lại bị mọi tổng thống thuộc Đảng Dân chủ sau đó đảo ngược.

Bất kể việc thường xuyên xưng mình là người Công Giáo, Tổng thống Biden không phải là ngoại lệ. Công bố lệnh này, Toà Bạch Ốc khẳng định việc ủng hộ “sức khoẻ về mặt sinh sản, tình dục, và các quyền hiến định của phụ nữ và các bé gái ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu”, đồng thời gỡ bỏ chính sách Mexico City bằng luận điệu vốn được ưa chuộng bởi các nhóm vận động phá thai khi gọi chính sách đó là “ quy tắc bịt miệng toàn cầu. “

Chính quyền Trump đã không chỉ khôi phục chính sách Mexico City, sau nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, mà còn mở rộng quy luật, nhằm bao gồm tất cả các khoản hỗ trợ về y tế cho nước ngoài do các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cung cấp. Hành động này của Tổng thống Trump đã giúp tiết kiệm cho Hoa Kỳ không phải chỉ 600 triệu USD liên quan trực tiếp đến chính sách Mexico, mà cuối cùng lên đến gần 9 tỷ USD.

Theo lệnh hành pháp của Biden, khoản viện trợ liên bang một lần nữa sẽ đổ bừa bãi vào các nhóm viện trợ nước ngoài, như tổ chức phá thai có tên Planned Parenthood International, và các tổ chức khác có cùng mục tiêu chính, là trục lợi từ số người phá thai ngày càng tăng trên toàn cầu - kể cả ở các quốc gia vốn từ chối cho phép nạn phá thai.

Trong khi đó, với cùng một ngòi bút, Biden đã chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ xem xét việc hủy bỏ chính sách thứ hai của chính quyền Trump, vốn ngăn cấm các cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai không được yêu cầu tài trợ liên bang, theo điều 10 của luật Kế hoạch hóa gia đình.

Quy định hiện tại buộc các nhóm phá thai phải tách biệt việc kinh doanh phá thai của họ khỏi bất kỳ dịch vụ nào khác về mặt tài chính, để hội đủ điều kiện nhận tài trợ theo Điều luật số 10. Việc Planned Parenthood từ chối tuân thủ quy định đã gây thiệt hại cho tổ chức này khoảng 60 triệu đô la một năm, bằng nửa tỷ đô tài trợ liên bang. Nếu ứng cử viên cho chức bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ của Biden, là Xavier Becerra, được Thượng viện xác nhận, bất kể việc ông này chưa đủ tiêu chuẩn, thì việc hủy bỏ chính sách này, hầu như chắc chắn sẽ trở thành một trong những mục đầu tiên, trong danh sách các việc cần làm của Becerra.

Mặc dù các nhà hoạt động ủng hộ phá thai đã cổ vũ những động thái này, nhưng người dân bình thường của Mỹ dường như ít hứng thú trong việc buộc người đóng thuế tài trợ cho việc phá thai. Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng phần lớn công chúng phản đối việc sử dụng tiền viện trợ của Hoa Kỳ vào việc tài trợ cho các ca phá thai ở nước ngoài. Hầu hết các thành viên đảng Dân chủ, và thậm chí hầu hết những người ủng hộ phá thai hoặc tự gọi mình là “ ủng hộ lựa chọn” cũng thế. Tương tự như vậy, khối đa số phản đối tài trợ của liên bang cho việc phá thai ở Hoa Kỳ bao gồm khoảng một phần ba đảng viên đảng Dân chủ, và những cử tri ủng hộ phá thai.

Biden tiếp tục nấp dưới vỏ bọc Công Giáo của Biden, và tránh né thảo luận về não trạng phò phá thai cực đoan của mình. Tuy nhiên, dưới chính quyền của Biden, tổ chức Planned Parenthood và những cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai khác, từ nay không còn phải lựa chọn giữa việc cung cấp dịch vụ phá thai, và việc thu lợi nhuận từ chi phí của người đóng thuế. [2]

Như một phản xạ tự nhiên theo quy luật “cùng tắc biến”, dù ở cương vị tổng thống và là người luôn dùng cái khiên chắn “tín hữu Công Giáo ngoan đạo” để biện hộ cho việc hợp pháp hoá hành động giết người, nhất là khi nạn nhân chính là những thai nhi vô tội, không thể tự bênh đỡ cho mình, chính quyền Joe Biden vẫn không thể dập tắt được tiếng nói của những người có lương tâm, dù đó là các chính khách, là hàng giáo phẩm cao cấp trong giáo hội, hay những tín hữu bình thường. Trên các trang thông tin Công Giáo, chúng ta đã nghe những lời phản đối gay gắt của các Đức Hồng Y, và các Giám Mục về chính sách phò tử. Đi xa hơn một bước, cùng với Bộ Y Tế tiểu bang South Dakota, cựu hoa hậu sắc đẹp, cũng là thống đốc Kristi Noem, đã gởi một thông điệp cứng rắn về phò sinh cho chính quyền Joe Biden, là tại tiểu bang do bà lãnh đạo, nạn phá thai đã giảm sút đáng kể, từ 497 vụ vào năm 2017 đã giảm xuống còn 382 vào năm 2018. Thêm vào đó, một bộ luật sẽ được áp dụng nhằm ngăn chận các dịch vụ phá thai được tiến hành sẽ được đệ trình và thông qua bởi quốc hội tiểu bang. Điều này sẽ còn làm nhiều người ngạc nhiên hơn nữa về thái độ “uy vũ bất năng khuất” của thành phần phò sinh tại tiểu bang này! [3]

Chúng ta lại biết, có những cuộc mít tinh biểu tình nổ ra khắp nơi, trong thực tế và trên mạng ảo, nhằm phản đối quyết liệt chính sách phò phá thai của chính quyền mới này, chỉ một ngày sau khi Biden ký lệnh dẹp bỏ chính sách Mexico City. Trang Washington Post cho hay, chưa đến ngày March of Dime, tức ngày biểu dương khí thế truyền thống của phong trào phò sinh, mà đã có 12 ngàn người tụ tập ngoài trời, và trên mạng để bày tỏ quan điểm bảo vệ sự sống của mình. [4]

Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, văn phòng Dân biểu Texas Ron Wright vừa ra một thông cáo báo chí cho biết, ông đã tái đệ trình Đạo luật Phòng chống Phá thai vào sáng thứ Sáu, ngày 29 tháng Giêng. Đạo luật này sẽ dựa trên luật liên bang để truy tố những cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai bằng hóa chất mà không khám sức khoẻ cho thai phụ trước khi thực hiện phá thai. Theo luật định, người của cơ sở cung cấp dịch vụ cũng sẽ phải có mặt trong quá trình phá thai bằng hóa chất, và phải làm hẹn tái khám cho bệnh nhân, căn cứ theo thông báo từ văn phòng dân biểu Wright.

Nguồn:

[1] https://catholicherald.co.uk/ch/biden-wants-to-cloak-his-administration-in-catholicism-dont-let-him/

[2] https://www.nationalreview.com/2021/01/joe-bidens-abortion-extremism/

[3] https://www.argusleader.com/story/news/2019/07/09/number-abortions-south-dakota-continues-decline/1685528001/[4] https://www.washingtonpost.com/religion/2021/01/29/march-for-life-roe-wade-abortion-trump-biden/

https://mediaautoresponder.com/2021/01/29/right-now-pro-life-activists-forming-chain-to-protest-abortion/

[5] https://dailycaller.com/2021/01/29/republicans-pro-life-bills-democrat-congress/


Source:National Review
 
Cha Raymond J. de Souza: Khí phách của Đức Tổng Giám Mục Gomez trong Thông điệp ngày nhậm chức của Joe Biden
Đặng Tự Do
05:52 30/01/2021

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register ngày 28 tháng Giêng, 2021, ngài phân tích về tình hình của Giáo Hội Hoa Kỳ một tuần sau khi ông Joe Biden nhậm chức.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Archbishop Gomez Rock-Solid in His Inauguration Day Message

By Fr. Raymond J. de Souza

Đức Tổng Giám Mục Gomez cứng rắn trong thông điệp Ngày nhậm chức


Lễ nhậm chức của vị tổng thống Công Giáo thứ hai đã làm nổi bật một thách thức của các giám mục Hoa Kỳ, thể hiện rõ qua lời chỉ trích công khai của Hồng Y Blase Cupich về tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục José Gomez, chủ tịch USCCB.

Cuộc tranh cãi này chỉ ra cách các giám mục Hoa Kỳ đang hoạch định để giải quyết một tình huống vô tiền khoáng hậu của một tổng thống Công Giáo, là người đã mâu thuẫn trong nhiều thế hệ với quan điểm lâu đời của Giáo Hội về sự thánh thiêng của cuộc sống, hôn nhân và tự do tôn giáo.

Tuyên bố nhậm chức

Diễn văn nhậm chức của ông Joe Biden liên tục mời gọi “đoàn kết”, nhưng ngày đầu tiên nắm chính quyền của ông đã được đánh dấu bởi một sự chia rẽ sắc nét giữa các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ - hoặc ít nhất là giữa một Hồng Y và một giám mục anh em của ngài.

Với tư cách là chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã chuẩn bị một tuyên bố trong ngày nhậm chức ca ngợi “lòng mộ đạo” và “cam kết lâu dài của vị tổng thống Công Giáo đối với người nghèo là ưu tiên của Phúc âm”, đồng thời chỉ rõ quan điểm của Biden đối với việc phá thai, tự do giới tính và tự do tôn giáo là không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez không có gì khác với những gì các giám mục Hoa Kỳ đã nói trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hồng Y Cupich của Chicago đã phản đối mạnh mẽ cả giọng điệu lẫn thời điểm đưa ra tuyên bố. Không thành công trong việc tập hợp các giám mục anh em đứng về phe mình, ông đã cố gắng yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trì hoãn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục từ sáng đến chiều. Do đó, tuyên bố chỉ được đưa ra sau thông điệp chúc mừng từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới tân tổng thống; một thông điệp giáo hoàng tuyên bố thiện chí chung chung.

Tại sao Đức Tổng Giám Mục Gomez muốn hành động trong ngày nhậm chức? Hầu chắc là do các quan chức mới của Biden đã chỉ ra rằng tân tổng thống sẽ ký hàng chục sắc lệnh hành pháp trong 24 giờ đầu tiên của mình - một số trong số đó liên quan đến chính xác những vấn đề mà Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nêu ra, bao gồm một sắc lệnh xác định lại một cách sâu rộng ý nghĩa của “tính dục” trong luật liên bang.

Uy tín Hồng Y Cupich đang suy giảm và McCarrick đã biến mất

Đức Hồng Y Cupich, đã không thể thuyết phục bất kỳ giám mục anh em nào tham gia với mình một cách công khai, nên đã gửi một số tweet bày tỏ sự không hài lòng trước tuyên bố mà ngài gọi là “thiếu cân nhắc” của Đức Tổng Giám Mục Gomez và đưa ra lời chúc tốt đẹp đến Biden của riêng mình. Đức Hồng Y Cupich tiếp tục bày tỏ quan điểm của ông rằng cần có một nghiên cứu tổng thể của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về “sự thất bại thể chế trong nội bộ”, đã dẫn đến tình trạng là ý kiến của một Hồng Y không được xem trọng và lời phản đối của ông không được ai đoái hoài trong ngày hôm đó.

Phải chăng đây là sự tức giận của một vị Hồng Y nổi tiếng mà ảnh hưởng của ông trong số các giám mục anh em của mình không được như ông muốn?

Đúng vậy, bởi vì Hồng Y Cupich đã được Đức Thánh Cha Phanxicô cử đến Chicago để kế nhiệm Đức Hồng Y Francis George, người lãnh đạo trên thực tế của các giám mục Hoa Kỳ trước khi ngài qua đời vào năm 2015. Nhiệm vụ của Hồng Y Cupich là trình bày rõ ràng, thuyết phục và dẫn dắt hàng giám mục Hoa Kỳ trong các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đó là một đòi hỏi quá cao; Hồng Y Cupich không phải là một bộ óc thần học sắc sảo cũng không phải là một nhà quan sát văn hóa nhạy bén như cố Hồng Y George. Thực tế là không có được cả hai. Tuy nhiên, sự tương phản còn đáng chú ý hơn ở một người kế vị thiếu cả kinh nghiệm mục vụ và lòng quý trọng huynh đệ mà người tiền nhiệm của ngài rất nổi bật.

Sẽ khó có ai có thể thành công trong việc trở thành một nhân vật tầm cỡ như Đức Hồng Y George; nó đặc biệt khó khăn cho Hồng Y Cupich. Bất chấp những dấu hiệu ủng hộ liên tục từ Rôma, ảnh hưởng của ngài trong USCCB không có những tác động mà ngài muốn, bất kể - hoặc có thể chính là vì – ngài là một trong những người can thiệp thường xuyên nhất tại các cuộc họp của USCCB.

Cuộc tranh chấp công khai này cho thấy ảnh hưởng của Hồng Y Cupich đã suy giảm nhiều như thế nào. Đồng thời, nó cũng cho thấy rõ ràng rằng không ai, kể cả Hồng Y Cupich, dám chọn đi theo vết xe đổ của McCarrick. Vị cựu Hồng Y hiện đã bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, Theodore McCarrick, là người phù hợp để đưa ra những bao che cho các chính trị gia Công Giáo khét tiếng cực đoan trong việc cho phép phá thai không giới hạn.

Năm 2004, McCarrick, khi đó đang là tổng giám mục của Washington, đã đứng ra bảo vệ ứng cử viên ủng hộ quyền phá thai của đảng Dân chủ là John Kerry, và vào năm 2009, ông chủ sự việc chôn cất Ted Kennedy, đọc bậy bạ một điếu văn do ông ta sáng tác ra theo các cung cách của Vatican, giả vờ rằng đó là lời chúc phúc từ Đức Bênêđictô XVI đối với sự nghiệp chính trị cấp tiến lâu dài của thượng nghị sĩ quá cố.

Nếu McCarrick không bị thất sủng và không bị loại, chắc chắn ông ta sẽ có một vai trò nổi bật trong lễ nhậm chức, nếu sức khỏe cho phép. Nhưng ông ấy đã ra đi, và không có vị Hồng Y nào ở Hoa Kỳ sẵn sàng theo đuổi sự phô trương công khai của ông về nền chính trị Dân chủ cấp tiến.

Biden và những chiếc kéo Dòng Tên

Joe Biden, người được bầu vào Thượng viện trước khi phán quyết Roe kiện Wade được đưa ra, không cần Hồng Y nào cung cấp vỏ bọc Công Giáo cho ông ta. Hơn nhiều thập kỷ phục vụ, ông là một bậc thầy về chính trị trong việc làm nổi bật đức tin Công Giáo của mình trong khi đồng thời chống lại các giáo huấn của Giáo Hội trong các quan điểm chính trị.

Vào ngày đầu tiên làm tổng thống, đường lối của Biden đã rất rõ ràng. Ông ta sẽ áp dụng một thủ thuật nhào lộn hình chiếc kéo [scissors maneuver] đối với các giám mục Hoa Kỳ - cụ thể là dùng các chiếc kéo Dòng Tên [Jesuit scissors]. [Tác giả dùng cụm từ có tính hình dung là scissors maneuver, một kỹ thuật nhào lộn của các phi công chiến đấu trong thời đệ nhất thế chiến: phối hợp các tư thế nhào lộn, và bất ngờ quay ngược lại theo hình cái quai của chiếc kéo để tránh hỏa lực đối phương, và chờ cho đối phương bắn hết đạn. Ý muốn nói là Biden tìm cách lợi dụng Dòng Tên tại Mỹ để né tránh bị tấn công – chú thích của người dịch].

Vòng nhào lộn thắt lại ở trên cao nơi Đức Thánh Cha Phanxicô, khi Biden tự giới thiệu mình là đồng minh của Đức Thánh Cha, ngay cả khi điều đó rất bất bình thường. Thật vậy, khi trang trí lại Phòng Bầu dục, Biden đã đặt một bức ảnh của mình với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên cái bàn phía sau bàn làm việc. (Ông ta đã thay đổi nhiều bức tranh và tượng bán thân khác, bao gồm thêm cả Franklin và Eleanor Roosevelt, tổng thống và đệ nhất phu nhân khi Biden được sinh ra.)

Bức ảnh của Giáo hoàng không tương hợp chút nào với buổi chiều ngày nhậm chức, khi Biden ký sắc lệnh hành pháp liên quan đến những người chuyển giới, với hình ảnh Đức Thánh Cha nhìn qua vai ông ta. Không có tiếng nói nào nổi bật hơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi chống lại cái mà ngài gọi là “ý thức hệ giới tính”.

Vòng nhào lộn thắt lại từ bên dưới với các tu sĩ Dòng Tên, thân thiện qua nhiều thế hệ với các chính trị gia cấp tiến của Hoa Kỳ, kể cả những người ủng hộ phá thai cực đoan. Trong khi tổng thống rõ ràng đang lợi dụng Đức Thánh Cha, thì đây là trường hợp các tu sĩ Dòng Tên mong muốn được ông Joe Biden lợi dụng.

Vào ngày nhậm chức, Thánh lễ buổi sáng tại nhà thờ chính tòa Thánh Matthêu và lời cầu khẩn trong ngày nhậm chức đều do các tu sĩ Dòng Tên chủ sự, và vào Chúa Nhật sau lễ nhậm chức, Biden đã tham dự Thánh lễ tại giáo xứ Holy Trinity, một giáo xứ Dòng Tên gần Đại học Georgetown.

Đó chính là Đại Học Georgetown khét tiếng đã che đi huy hiệu quan thầy của mình là họa tiết gồm ba chữ viết lồng vào nhau “IHS” biểu tượng cho tên của Chúa Giêsu, trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama trong năm 2012. Không chút nghi ngờ rằng Dòng Tên tại Mỹ sẽ bao che cho cái mác Công Giáo của Biden tùy theo ý thích của ông ta. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi linh mục Dòng Tên James Martin có mặt bên cạnh tổng thống trong một buổi lễ ký kết tại Phòng Bầu dục.

Đá, Tổng Thống, Những Chiếc Kéo

Đức Tổng Giám Mục Gomez phải gánh vác trên vai nhiệm vụ đứng đầu các giám mục Hoa Kỳ khi đối mặt với nỗ lực của Biden sử dụng các chiếc kéo của Dòng Tên. Ngài xem ra hăng hái gánh vác nhiệm vụ này.

Trong nhiều thập kỷ, hai ưu tiên chính sách công lớn nhất của USCCB là chương trình nghị sự vì cuộc sống và các chính sách nhập cư rộng rãi hơn. Trong thập kỷ qua, có lẽ không có giám mục nào trên thế giới gắn bó chặt chẽ với chương trình nhập cư hơn Đức Tổng Giám Mục Gomez – trừ ra một người, Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Tổng Giám Mục Gomez biết rằng ngài sẽ thường xuyên hỗ trợ chính quyền Biden về các vấn đề nhập cư. Đó là một phần lý do tại sao ngài sớm có quan điểm về cuộc sống và quyền tự do tôn giáo, để tránh bị lôi kéo và xuyên tạc.

Khi các giám mục Hoa Kỳ làm việc với chính quyền mới, chính Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ trở thành thông dịch viên đích thực của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoa Kỳ về cuộc sống, tự do và nhập cư. Ngài có thể là tảng đá làm gãy những chiếc kéo.


Source:National Catholic Register
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich: Phước hay họa?
Đặng Tự Do
22:09 30/01/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich vào hôm thứ Bảy 30 tháng Giêng, 10 ngày sau khi Đức Hồng Y công khai chỉ trích tuyên bố chính thức của các giám mục Hoa Kỳ về lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Buổi tiếp kiến riêng diễn ra tại Điện Tông Tòa vào sáng ngày 30 tháng Giêng. Hồng Y Cupich, tổng giám mục Chicago, đã đến Rôma vì một cuộc họp của Bộ Giám mục Vatican. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh không công bố thêm thông tin nào về cuộc họp ngoài việc cho biết cuộc họp giữa hai vị đã diễn ra.

Vào ngày 20 tháng 1, ngày nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, với tư cách là chủ tịch USCCB, Đức Tổng Giám Mục Gomez của Los Angeles đã chuẩn bị một tuyên bố trong ngày nhậm chức ca ngợi “lòng mộ đạo” và “cam kết lâu dài của vị tổng thống Công Giáo đối với người nghèo là ưu tiên của Phúc âm”, đồng thời chỉ rõ quan điểm của Biden đối với việc phá thai, tự do giới tính và tự do tôn giáo là không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gomez không có gì khác với những gì các giám mục Hoa Kỳ đã nói trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, Hồng Y Cupich của Chicago đã gay gắt phản đối mạnh mẽ cả giọng điệu lẫn thời điểm đưa ra tuyên bố. Không thành công trong việc tập hợp các giám mục anh em đứng về phe mình, ông đã cố gắng yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trì hoãn tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục từ sáng đến chiều. Do đó, tuyên bố chỉ được đưa ra sau thông điệp chúc mừng từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới tân tổng thống.

Đức Hồng Y Cupich, đã không thể thuyết phục bất kỳ giám mục anh em nào tham gia với mình một cách công khai, nên đã gửi một số tweet bày tỏ sự không hài lòng trước tuyên bố mà ngài gọi là “thiếu cân nhắc” của Đức Tổng Giám Mục Gomez và đưa ra lời chúc tốt đẹp đến Biden của riêng mình.

Trong một liên khúc 4 Tweets vào hôm thứ Tư, Hồng Y Cupich nói rằng “Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố thiếu cân nhắc vào ngày nhậm chức của Tổng thống Biden. Bên cạnh thực tế là dường như không có tiền lệ để làm như vậy, tuyên bố chỉ trích Tổng thống Biden đã gây ngạc nhiên cho nhiều giám mục, những người đã nhận được nó chỉ vài giờ trước khi nó được phát hành”.

Ông nói thêm: “Tuyên bố được soạn thảo mà không có sự tham gia của Ban Thường Vụ, cũng chẳng có một cuộc tham vấn tập thể là một quy trình bình thường đối với những tuyên bố thay mặt và nhận được sự tán thành của các giám mục Hoa Kỳ”.

“Những thất bại về thể chế nội bộ liên quan phải được giải quyết, và tôi mong muốn được đóng góp vào tất cả các nỗ lực cho mục tiêu đó, để khi được linh hứng từ Phúc âm, chúng ta có thể xây dựng sự hiệp nhất của Giáo hội, và cùng nhau thực hiện công việc chữa lành quốc gia trong thời điểm khủng hoảng này”, Hồng Y Cupich nói.

Trong tuần đầu tiên nắm quyền, Joe Biden đã ban hành 24 sắc lệnh hành pháp - nhiều hơn bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào.

Tổng thống Donald Trump ký bốn, Barack Obama ký năm và George W Bush không ký sắc lệnh hành pháp nào trong bảy ngày đầu tiên.

Đáp lại các sắc lệnh hành pháp này của Biden, các Hồng Y, Giám Mục Hoa Kỳ đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố. Nếu sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Hồng Y Blase Cupich, các Hồng Y, Giám Mục Hoa Kỳ đột nhiên ngưng lại, không phản đối nữa thì sao? Phước hay họa cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ?


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt: Thăm chúc tết các Cha hưu dưỡng.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
10:50 30/01/2021
8g sáng thứ bảy 30/01.2021, đại diện HĐMV, ban Caritas và các đoàn thể trong giáo xứ Tân Việt đã đến thăm và chúc tết các Cha đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa và Bùi Chu.

Trong đời sống gia đình, niềm vui và hạnh phúc khi về già được con cháu chăm sóc ủi an. Riêng các linh mục dâng hiến tuổi thanh xuân của mình vì ơn gọi, các ngài tín thác vào sự quan phòng Thiên Chúa, cố gắng chu toàn trọng trách của người Mục Tử hết lòng vì đàn chiên. Giờ đây, các ngài tuổi cao sức yếu phải vào nhà hưu dưỡng nghỉ ngơi, nơi ít giáo dân lui tới thăm viếng.

Xem Hình

Khi chúng tôi đến thăm, các ngài nói chuyện huyên thuyên vui vẻ không ngừng. Cha rất vui, cám ơn anh chị em còn nhớ và đến thăm chúng tôi, câu nói ẩn chứa một nỗi buổn khôn tả.

Chúng tôi đén thăm một cha không nói được, thấy chúng tôi nước mắt cha đã tràn mi, chúng tôi không cầm được cảm xúc bùi ngùi thương cảm.

Các cha giờ đang chống chọi với nỗi cô đơn, bệnh tật, đau đớn về thân xác lẫn tinh thần trong những ngày cuối đời. Biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và thường xuyên thăm viếng an ủi các ngài mà thôi.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành ban ơn trợ lực gìn giữ các ngài trong đời sống mục tử hồn an xác mạnh.

Một chuyến viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng tràn đầy ý nghĩa trong những ngày chuẩn bị đón năm mới Tân Sửu này.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cha Thánh Gioan Don Bosco : Bạn Thanh Thiếu Niên Nghèo
Đình Quân
17:55 30/01/2021
Lễ kính 31/1 hằng năm

“Các con hãy muốn điều tốt cho nhau như là anh em.

Hãy làm điều tốt cho mọi người, nhưng không làm điều xấu cho ai cả. Hãy nói với các thanh thiếu niên điều này:

Cha sẽ đợi tất cả trên Thiên Đàng.”

( Di ngôn của Cha Thánh Gioan Don Bosco )

Một đêm trong giấc mơ, Gioan Don Bosco thấy mình đứng giữa bọn trẻ đang đánh nhau và chửi thề. Cậu cố gắng hết sức khuyên can chúng, nhưng chúng không nghe. Đột nhiên cậu thấy một người y phục trắng tinh tiến về phía cậu. Người ấy mỉm cười nói với cậu :

-Bằng tình yêu em sẽ biến chúng nên bạn hữu của em. Em sẽ chỉ cho chúng biết đời sống ngoan hiền.

-Nhưng thưa ông, cháu chỉ là một đứa trẻ nghèo nàn và dốt nát !

-Qua sự vâng lời và chăm chỉ học hành em sẽ làm được điều đó !

-Thưa ông, ông là ai?

-Ta là Con Đức Trinh Nữ mà mẹ em đã dạy em phải cầu nguyện với Người hằng ngày. Em hãy xin Mẹ Ta giúp đỡ !

Và ô kìa! Đức Mẹ xuất hiện với vẻ dịu hiền. Mẹ nói với Don Bosco :

-Con hãy nhìn xem !

Don Bosco theo tay Mẹ chỉ thấy một đoàn thú dữ. Đức Mẹ phán tiếp :

-Như Mẹ xử với các giống thú rừng này thế nào, con hãy theo đó mà xử với các trẻ em như vậy.

Tự nhiên bày thú dữ trở nên đàn chiên ngoan hiền, sẵn sàng chờ đợi chủ chiên dẫn ra đồng cỏ xanh tươi. Từ giấc chiêm bao đó cậu hiểu sứ mạng đời mình là phục vụ thanh thiếu niên…

Gioan Don Bosco sinh 16/8/1815 tại miền quê nước Ý, gần thành Turin, con một gia đình nông dân nghèo khó, mồ côi cha từ lúc 2 tuổi. Mẹ cậu phải vất vả nuôi dưỡng các con. Để giúp mẹ, cậu cũng phải vất vả làm việc nên bị thất học nhiều năm. Tuy nhiên với trí thông minh và tâm hồn đạo hạnh, cậu có nhiều phương cách để ngăn cản bạn bè làm điều mất lòng Chúa. Với một số tài khéo sẵn có, cậu lôi kéo sự chú ý của đám trẻ, rồi dần dần hướng dẫn tâm hồn chúng về điều hay lẽ phải.

Ngày kia, Don Bosco được mẹ dẫn đi coi xiệc. Cậu chăm chú ngắm nhìn những người biểu diễn, một ý tưởng đẹp đến với cậu. Khi về nhà cậu chăng sợi giây giữa hai thân cây, rồi tập đi trên sợi giây căng thẳng. Té lên té xuống, em cậu cười khúc khích, nhưng cậu nhất định không nản chí. Sau mỗi lần té nhào, cậu lại đọc 1 kinh Kính Mừng, rồi lại leo lên sợi giây tập tễnh đi tiếp. Thế mà chẳng bao lâu cậu có thể đi trên sợi giây cách dễ dàng.

Tập xong tài nghệ này, cậu lại tập sang tài nghệ khác của người làm xiệc. Cuối cùng, vào một tối Chúa Nhật, cậu mời một số người đến xem trình diễn. Họ ngạc nhiên thích thú, vỗ tay tán thưởng liên hồi. Nhưng ẩn sau cuộc giải trí lành mạnh đó, cậu còn có động lực khác thúc đẩy. Xen kẽ các tiết mục trình diễn tài nghệ, cậu hát những bài Thánh ca kính Đức Mẹ. Mọi người hiện diện đều hợp giọng thánh thót dâng vút trời cao. Thế rồi cậu hô hào mọi người :

-Nào, xin quí vị vui lòng cùng đọc kinh Mân Côi trong khi cháu trình diễn, nếu không cháu sẽ té nhào xuống đất bể đầu mất !

Họ nghe theo lời cậu và bắt đầu cầu nguyện. Cuối cuộc trình diễn, Don Bosco nhắc lại bài giảng của Cha xứ trong Thánh lễ sáng hôm đó. Mọi người ra về trong hân hoan.

Từ nhỏ, Don Bosco đã nuôi mộng trở thành Linh mục. Nhưng tự biết thân mình con nhà nghèo, nếu xin đi học, mẹ cậu sẽ phải vất và tần tiệm rất nhiều. Cậu không muốn mẹ phải hy sinh như thế, nhưng mẹ cậu là người tốt lành hiểu ý con. Bà nói đừng băn khoăn lo lắng về bà, nhưng hãy lo thực hiện điều Chúa muốn nơi cậu :

-Mẹ sinh ra nghèo khó, hiện sống túng nghèo và muốn chết trong nghèo hèn !

Kết quả, Don Bosco được nhập tiểu chủng viện lúc 16 tuổi. Trong đời chủng sinh bất kỳ lúc nào có giờ rảnh, cậu xin phép được tụ họp bọn trẻ mồ côi, rách rưới, rồi dẫn chúng ra đồi cỏ vui chơi và dạy giáo lý cho chúng.

Sau khi lãnh chức Linh Mục, Cha Don Bosco trở về làng dâng lễ mở tay. Cả làng, già trẻ lớn bé hớn hở đến dự lễ và chúc mừng Cha mới. Mẹ Tân Linh Mục mắt trào lệ lăn dài trên gò má. Còn niềm vui sướng nào sánh bằng mẹ thấy con bước lên bàn thánh dâng lên Thiên Chúa của Lễ Tình Yêu.( Người Mẹ nhân đức của Ngài là Margherita đã được ĐTC Benedict 16 phong Á Thánh ngày 23/10/2006).

Ngày 8/12/1841, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, trẻ em đầu tiên tên Bartolomeo Garetti đến với Cha, rồi 3 hôm sau em dẫn thêm 9 em, 3 tháng sau đã có 25 em và 1 năm sau lên tới 80 em.

Thế là chẳng bao lâu sau, Cha Don Bosco đã có nhiều môn sinh gồm toàn những trẻ mồ côi, vất vưởng đầu đường xó chợ, không chốn nương thân. Chúa Nhật và các ngày lễ chúng quay quần bên Cha để dâng lễ, rồi xưng tội. Buổi chiều Cha dạy giáo lý cho chúng, cùng hát những bài Thánh ca. Mỗi ngày càng đông trẻ kéo đến bên Cha, khiến Cha phải lưu tâm tìm kiếm chỗ để dung nạp bọn trẻ. Chính mẹ Ngài cũng đến tiếp tay chăm sóc đoàn chiên nhỏ.

Trong cuộc đời, Cha Don Bosco sống như mọi người, không làm phép lạ, nhưng Chúa đã ban cho Cha một tâm hồn bao la như đại dương và ban ơn lành để hỗ trợ che chở Cha qua những gian nguy khốn khó. Một buổi tối Cha đang đi bách bộ một mình, đột nhiên 4 gã côn đồ bao vây Cha, cử chỉ hung hăng toan ám hại. Bỗng một con chó lạ xuất hiện từ bóng tối nhảy vào tấn công một tên côn đồ, ba tên kia sợ hãi bỏ chạy. Cha phải gọi con chó buông tha cho nạn nhân, rồi con chó lạ cùng Cha sánh bước về nhà. Nhưng đang đi bỗng con chó biến mất vào bóng đêm. Về sau, nhiều lần gặp nguy hiểm, chính con chó lạ này lại đến cứu mạng Cha. Nhưng tuyệt nhiên người ta không rõ nó từ đâu đến…

Ít năm sau, Cha Don Bosco thấy cần phải có một dòng tu để chuyên lo giáo dục cho bọn trẻ đáng thương, không những trong thành phố mình, mà còn cho đám trẻ bất hạnh khắp nơi trên thế giới. Cha bắt đầu lập dòng Salesien với chủ trương giáo dục thanh thiếu nhi bằng lối sống dịu hiền, tận tụy hy sinh. Cha khích lệ các em sống thân mật với Chúa qua lới cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các phép bí tích. Công trình vĩ đại của Cha lan rộng khắp nơi khiến mọi người cảm phục trước vẻ đơn sơ, nhân hậu, vui vẻ của Cha.

Sau những năm dài hy sinh tận tụy cho đoàn con xấu số, Cha Don Bosco ngã bệnh và qua đời ngày 31/1/1888, hưởng thọ 73 tuổi. Ngày Lễ Phục Sinh năm 1934, Đức Thánh Cha Piô XI phong Cha Gioan Don Bosco lên bậc Hiển Thánh.

Nhiều người rất tôn kính và hâm mộ nhân đức cùng tài năng của Cha Thánh Gioan Don Bosco,

nên nhận Ngài làm Quan Thày của nhà giáo, nhà báo, giới trẻ và ảo thuật gia.

Dòng do Thánh Gioan Don Bosco thành lập, gần Turin, nước Ý năm 1859, theo tinh thần của Thánh Phanxicô Salêsiô. Mục đích chính là giáo dục giới trẻ và huấn nghiệp. Dòng cũng tham gia tích cực vào việc truyền giáo và truyền thông xã hội.

Qui luật đời sống dòng được Đức Giáo Hoàng Piô IX phê chuẩn năm 1874. Thánh Don Bosco còn lập một dòng nữ có tên là Con Cái Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Mornese Ý năm 1872.

Hội dòng chọn Thánh Francois de Sales làm bổn mạng và Thánh Don Bosco đặt tên cho các tu sĩ là Salesien- Lễ bổn mạng dòng mừng ngày 24/1 và Lễ Kính là ngày Thánh Don Bosco qua đời 31/1.

Châm ngôn dòng : “Xin cho con các linh hồn, mọi sự khác xin cứ lấy đi” diễn tả lý tưởng sống của Người Salesien.

Hoạt động trực tiếp vào giới trẻ qua các lãnh vực : ( Logo Don Bosco )

-Thành lập các nguyện xá và trung tâm sinh hoạt giới trẻ.

-Thành lập trường học đủ các cấp.

-Các trung tâm huấn nghệ và trường kỹ thuật.

-Các trường nội trú và trường cho các em nghèo khó, hè phố.

-Các trung tâm huấn giáo và mục vụ.

Ngày nay gia đình Salesien đang hoạt động trên 130 quốc gia với gần 20.000 hội viên gồm Tổng Giám Mục, Giám Mục, Linh Mục, Phó tế, Tu sĩ … Cuối đời Ngài đã đào tạo được 3000 Linh Mục và trẻ em đầu tiên tên Micae Rua đã trở thành Linh Mục dòng.

Tại Việt nam, số tu sĩ đang làm việc truyền giáo tại nhiều giáo phận với 11 cộng đoàn và 7 điểm hiện diện.

Trước năm 1975, những trung tâm nổi tiếng của Salesien cũng thường gọi là Foyer Don Bosco (Mái ấm Gia Đình) như Làng Don Bosco hay Trường Dạy nghề và Kỹ thuật Gò Vấp, Trường Nội trú Thủ Đức, Học viện Don Bosco Đà Lạt…

Nhân dịp kỷ niệm 150 thành lập Dòng và 200 năm ngày sinh của Thánh Gioan Don Bosco, Thánh Quan của Cha Thánh đã đến thăm 130 quốc gia và được cung nghinh tại nhiều Giáo Phận Việt Nam trong 2 tuần từ 16/I đến 1/2/2011. Đại diện Gia đình Salesien đã đón mừng Thánh Quan tại phi trường Tân Sơn Nhất.

Suy niệm :

Thánh Gioan Don Bosco,

Cuộc đời nghèo khó không mơ sang giàu,

Nuôi trong tâm niệm từ lâu,

Dâng lên Thiên Chúa lời cầu thiết tha,

Tình yêu lý tưởng bao la,

Xót thương bao trẻ không nhà lang thang,

Đầu đường xó chợ ai màng,

Đem về Mái ấm rộn vang tiếng cười,

Dưỡng nuôi giáo dục nên người,

Mai sau hữu dụng cuộc đời đẹp tươi, (Gia đình Salesien mừng đón Thánh Quan Don Bosco)

Nêu cao gương sáng cho đời,

Tâm niệm ghi khắc bao lời phúc ân,

Dù cho trời đất xoay vần,

Lời Cha khuyên dạy ân cần không quên.

ĐINH QUÂN

(*) Tham khảo theo : Pocket Catholic Dictionary của Lm John A. Hardon, S.J. - Truyện các Thánh của Raymond Thư, CMC -

 
Văn Hóa
CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI
Vũ Văn An
21:38 30/01/2021

CHÚA GIÊSU MỈM CƯỜI


(Nguyên bản: Le Sourire de Jésus
par Pierre Descouvemont
Bản tiếng Việt của Vũ Văn An
)



Giới thiệu

Cha Pièrre Descouvemont là một linh mục thuộc giáo phận Cambrai, Pháp, có bằng tiến sĩ thần học và là tác giả của khá nhiều tác phẩm về linh đạo và hiện theo đuổi một thừa tác vụ giảng dạy (hội nghị, tĩnh huấn) và phụ trách nhiều mục trên các đài phát thanh Kitô giáo. Năm 2015, ngài mở một trang mạng riêng để phổ biến việc giảng dạy của ngài.

Luận án tiến sĩ của ngài viết về Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Têrêxa thành Lisieux và Người Lân cận và Ngài. Từ đó, mà có các trước tác về môi trường, các hình ảnh bé nhỏ, linh đạo của thánh nữ. Cha còn cùng Đức Cha Guy Gaucher, Cha Dòng Cát Minh người Bỉ, Conrad de Meester, và cha dòng Đa Minh người Pháp, Bernard Bro, tổ chức các buổi hội thảo cho các hội nghị về Thánh Têrêxa.

Các tác phẩm của ngài đã được dịch sang nhiều thứ tiếng, nhất là tiếng Anh, tiếng Tây ban nha, tiếng Ý, tiếng Bồ đào nha, tiếng Đại hàn, tiếng Ukraine và tiếng Ba lan.

Trong số các tác phẩm trên, có cuốn Le sourire de Jésus, do nhà Béatitudes xuất bản năm 2001, viết theo viễn kiến của Thánh nữ Têrêxa và người em tinh thần của ngài là Tôi Tớ Chúa, Marcel Nguyễn Tân Văn, vị tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, qua đời trong lao tù Cộng Sản năm 1946 và hiện trên đường được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Chúng tôi cho chuyển ngữ tác phẩm trên sang tiếng Việt một phần vì nền linh đạo vui tươi của hai chị em kết nghĩa nói trên, cả hai có nụ cười mỉm thật hiền hòa, phản ảnh nụ mỉm cười của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Nụ Cười Mỉm của Chúa Giêsu

Các Thánh vịnh thường ca ngợi nụ cười cần có để sống trước tôn nhan Thiên Chúa:

“Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ” (Tv 80:4)

“Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4:7)

Khi người Do Thái nói đến Tôn Nhan Thiên Chúa, đó là một cách nói rằng Thiên Chúa không phải là một trí khôn vô ngã, “Thiên Chúa không có khuôn mặt” của các tôn giáo phiếm thần hay Tân Đại. Đó là cách quả quyết hết sức rõ ràng rằng Thiên Chúa đẹp đẽ, và là Đấng biết ta và yêu thương ta, một Hữu Thể có bản vị mà với Người ta có thể đối thoại.

Nhưng, vì trung thành với giới răn của Thập Điều (Xh 20:4), người Do Thái tự cấm trình bầy Khuôn Mặt của Đấng Trường Cửu: Thiên Chúa không cần có đôi mắt để thấy ta, cũng không cần đôi tai để nghe ta.

Ấy thế mà từ nhiều thế kỷ qua, các Kitô hữu đã vi phạm lề luật Sinai này. Họ “viết” nhiều ảnh tượng, họ dám vẽ, thậm chí khắc, khuôn mặt của Thiên Chúa! Quả thế, họ tin rằng, trong lòng Trinh Nữ Maria, Con Thiên Chúa trong ngôi vị đã mang một thân xác tương tự như thân xác ta, đôi mắt và đôi tay như của chúng ta, nên, như Công đồng Nixêa thứ hai đã tuyên bố năm 787, điều hoàn toàn hợp pháp là tôn kính Khuôn Mặt Chúa Giêu vốn là Khuôn Mặt của chính Thiên Chúa. Khuôn mặt, mà từ sáng ngày Phục Sinh, không bao giời biến đổi nữa.

Các Kitô hữu sống cuộc hành trình của họ dưới ánh sáng Khuôn Mặt đó, dưới cái nhìn rạng sáng của Người. Theo nghĩa đen, quả Chúa Kitô tỏ cùng chúng ta một cái nhìn vô cùng âu yếm. Phục sinh từ cõi chết, từ đó, Người thoát khỏi mọi giới hạn của không gian và thời gian. Khuôn mặt rạng rỡ ủa Người hiện diện ở đó, rất gần với mỗi người chúng ta, gần hơn khuôn mặt của các người lân cận ta nhiều lắm.

Người mỉm cười với ta và nụ mỉm cười này hẳn phải biến đổi đời sống ta như đã biến đổi tâm hồn và khuôn mặt các thánh.

Cha Foucauld vốn nói rằng “cầu nguyện là nghĩ đến Chúa Giêsu bằng cách yêu mến Người”. Há lời cầu nguyện không thường xuyên phát sinh từ trái tim ta nếu ta để trước mắt ta một hình ảnh nhắc ta nhớ Chúa Giêsu đang nhìn ta đó sao? Tình yêu của ta há sẽ không nồng nàn nếu chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu luôn mỉm cười với ta đó sao?

“Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)!
Nguyện Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh (em) và rủ lòng thương anh (em)!
Nguyện Chúa ghé mắt nhìn
và ban bình an cho anh (em)!”
(Ds 6: 24-26)

Đó là bài đọc đầu tiên mà Giáo Hội làm vang động bên tai ta vào ngày 1 tháng Giêng, ngày đầu mỗi năm mới. Đó là công thức chúc lành mà Aaron và con cái ông được Thiên Chúa mời gọi chúc lành cho dân Do Thái.

Đó cũng là lời chúc lành được Thánh Phanxicô Assisi đọc trên dân thành Ombrie, dân mà ngài mốn tái tạo hòa bình. Đối với vị Thánh Nghèo này (Poverello), khuôn mặt và cái nhìn của Thiên Chúa, hiển nhiên, là chính khuôn mặt và cái nhìn của Chúa Giêsu.

Chúng ta sẽ thấy 3 hướng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ theo khi chúng ta nghĩ đến nụ mỉm cười Chúa Giêsu tỏ cùng chúng ta:

-Một nụ mỉm cười hân hoan
-Một nụ mỉm cười biến đổi
-Một nụ mỉm cừời mời gọi nụ mỉm cười của chúng ta.

Chúng ta sẽ theo đuổi cuộc suy gẫm này tại trường của mọi vị thánh trong Lịch sử của chúng ta, nhưng nhất là tại trường của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan.

Lúc còn rất trẻ, Têrêxa đã có quyết tâm luôn sống dưới cái nhìn của Chúa Giêsu. Một chiều kia, lúc ở Trouville, thánh nữ ngắm nhìn thật lâu một thuyền buồm đầy hào quang nhờ những tia lửa cuối cùng của mặt trời đang lặn, bà chợt hiểu ra rằng sự thành công của đời sống sẽ không thể nào thực hiện được bên ngoài “đường cầy vàng” là khuôn mặt của Chúa Giêsu nhìn chúng ta. Thánh nữ viết rằng buổi chiều ấy, “gần chị Pauline, con hạ quyết tâm không bao giờ để linh hồn con xa rời cái nhìn của Chúa Giêsu, để linh hồn con có thể chèo bình an hướng về Quê Trời (1)!”. Sau này, trong đan viện Cát Minh, thánh nữ để vào Sách Nguyện hình ảnh Thánh Nhan để không bao giờ quên cái nhìn của Chúa Giêsu nhìn thánh nữ. Bà viết rằng “may mắn là Người nhìn xuống, bởi nếu Người mở mắt to, người ta sẽ chết vì hạnh phúc!”

Một nụ mỉm cười hân hoan

Giữ chặt đôi mắt bạn vào Người Chăn Chiên
Và đừng để bạn đùa nghịch vui chơi
Lấy cớ để được tự do...
Gai góc biết gây thương tích!

Ôi Chúa Giêsu, Đấng là tất cả của con, khuôn mặt Chúa
Chính là thiên đàng ánh sáng của con
Đã tặng con lúc còn trên đời
Và làm con vui hưởng một tình yêu điên dại!

Chúa Giêsu tự làm Người ba hoa
Bằng cách lấp đầy im lặng
Chỉ bằng cái nhìn của Người

Lạy Chúa Giêsu, một người yêu đương đến thế,
Xin đừng xa rời đôi mắt

Hãy nghĩ Chúa Giêsu đang nhìn bạn
Khi bạn cầm chân bạn trong những chuyện ngu đần!

Chỉ nên duyệt xét dĩ vãng bạn
Bằng đôi mắt Thiên Chúa!

Hướng về khuôn mặt tươi như hoa của bạn
Là Người Yêu Dấu
Đừng phủ bóng tối
Lên trái tim vồn vã của Người!

Con sẽ ra sao nếu không có Ngài
Người Yêu Dấu Giêsu của con?
Vâng! Con sẽ tiêu tan
Nhưng, hạnh phúc thay, Ngài ở đó!

Marie Beaudouin-Croix

Kỳ sau: I. Nụ cười hân hoan
 
VietCatholic TV
Bạo ngược: Một nhà thờ cổ của người Armenia ở Kütahya bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ san bằng.
Giáo Hội Năm Châu
23:37 30/01/2021


Video bắt đầu lúc 7g chiều 31/1 theo giờ VN

Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin viếng thăm Cameroon như một dấu chỉ quan tâm của Đức Thánh Cha đối với châu Phi

Quốc vụ khanh Vatican sẽ viếng thăm nước Cameroon từ 28/2 cho đến ngày 3 tháng 2, trong chuyến viếng thăm, ngài sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ, cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Bamenda để trao giây pallium cho Đức Tổng Giám Mục Fuanya, và thăm Trung tâm gia đình Hy vọng ở Yaoundé.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin sẽ đến Cameroon vào thứ Năm, 28 tháng Giêng, và chuyến thăm của ngài kéo dài đến ngày 3 tháng Hai.

ĐHY được tháp tùng bởi Đức Giám Mục Ivan Santus, một viên chức của Thánh Bộ Quan hệ với các Quốc gia của Quốc Vụ Khanh.

Chuyến thăm viếng nói lên dấu hiệu cho thấy sự quan tâm và chăm sóc của Đức Thánh Cha dành cho đất nước Cameroon và vùng Phi châu rộng lớn.

Chuyến viếng thăm nhằm thể hiện — một lần nữa và trong bối cảnh tình trạng nhân đạo khẩn cấp hiện nay do đại dịch — sự quan tâm của Giáo hội và của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với lục địa Châu Phi, một vùng đất giàu tính nhân văn nhưng ắp đầy những đau khổ to lớn.

Nó cũng được coi là một dấu hiệu cụ thể của “sự cam kết chung, hỗ trợ và đảm bảo cùng làm thăng tiến phẩm giá và điều thiện hảo cho tất cả mọi người, với lòng quan tâm và trắc ẩn, làm việc để hòa giải và hàn gắn, cũng như thúc đẩy sự tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. ”

Đức Thánh Cha kêu gọi những mối quan tâm này trong thông điệp của ngài trong Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 54, được cử hành ngày 1 tháng 1 năm 2021, với tựa đề: “Văn hóa mở ra một con đường dẫn đến hòa bình”.

Gặp gỡ Dân sự và Giáo hội

Các cuộc gặp gỡ với chính quyền đã được lên kế hoạch, kèm theo các cuộc hội tụ tôn giáo khác nhau.

Đức Hồng Y Parolin sẽ cử hành Bí tích Thánh Thể tại Nhà thờ Bamenda, trong đó Ngài sẽ trao giây pallium cho Đức Tổng Giám Mục Andrew Nkea Fuanya.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cũng đến thăm "Trung tâm gia đình Hy vọng" ở Yaoundé.

Trung tâm này được thành lập cách đây 40 năm bởi Linh mục Dòng Tên Yves Lescanne để đón nhận các trẻ em đường phố và các tù nhân vị thành niên.

ĐTC Phanxicô nói: Chúng ta chỉ có thể sinh hoa kết trái, nếu chúng ta hiệp nhất trong Chúa Giêsu.

Kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ “sự hiệp nhất không thể thiếu” như trong bài giảng của Đức Hồng Y Kurt Koch đã nói: ‘sự hiệp nhất’ phát suốt từ Chúa Giêsu.

Vào ngày thứ Hai (25/1), lễ kính Thánh Phaolô trở lại, giờ Kinh chiều đại kết cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu đã được đánh dấu để kết thúc Tuần lễ cầu nguyện này.

Sự kiện này đã diễn ra hàng năm tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, nơi huyệt mộ của vị Tông đồ vĩ đại. Tuy nhiên, năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô, người thường chủ tọa nghi lễ này đã không thể tham dự được, vì cơn đau thần kinh tọa hoàng hành! Nên Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Đức Thánh Cha về sự cổ súy Hiệp nhất Kitô giáo, đã chủ sự buổi cầu nguyện này, cùng với các nhà lãnh đạo của các Giáo hội và cộng đồng các tôn giáo bạn.

Mặc dù vắng mặt về mặt thể lý, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã hiện diện trong tinh thần và qua bài giảng của Đức Hồng Y Koch. Trong phần phát biểu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những lời Chúa Giêsu cầu nguyện được Phúc âm Thánh Gioan ghi lại: “Hãy ở lại trong Thầy”, đây là chủ đề của Tuần cầu nguyện năm nay. Bắt đầu bằng hình ảnh cây nho và cành nho, Đức Thánh Cha nhấn mạnh “chúng ta chỉ có thể phát triển và sinh hoa kết trái nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu.”

- Ba cấp độ của sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha nhấn mạnh “sự hiệp nhất không thể thiếu này” bao gồm ba vòng đồng tâm “giống như những vòng tròn của một thân cây”.

Mức độ hiệp nhất đầu tiên là chúng ta ở trong Chúa Giêsu, “đây là điểm khởi đầu của cuộc hành trình mà mỗi người chúng ta phải hướng tới.” Việc tuân giữ lời Chúa Giêsu bắt đầu từ lời cầu nguyện, điều này cho phép chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Ngài. “Đây là sự hợp nhất đầu tiên,” Đức Thánh Cha nói, “đây là sự công chính của cá nhân chúng ta, hành động của ân sủng mà chúng ta nhận được khi chúng ta liên kết với Chúa Giêsu.”

Sự hiệp nhất giữa các Kitô giáo là chiếc vòng thứ hai. “Tất cả chúng ta đều là những cành nhánh của cùng một cây nho,” Đức Thánh Cha nói, những gì mỗi cành làm đều ảnh hưởng đến toàn bộ cây... Ở đây một lần nữa, lời cầu nguyện là điều cần thiết, dẫn chúng ta đến tình yêu thương lẫn nhau. Điều này không dễ dàng, Đức Thánh Cha thừa nhận, đó là lý do tại sao chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa “loại bỏ những thành kiến của chúng ta về người khác và ràng buộc chúng ta lại trong sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả anh chị em của Ngài”.

Vòng tròn lớn nhất mở rộng ra cho toàn thể nhân loại; và ở đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần.” Chúa Thánh Linh hướng dẫn chúng ta không chỉ yêu những người yêu thương chúng ta, "nhưng yêu tất cả mọi người, ngay cả như Chúa Giêsu đã dạy "Giống như Người Samaritanô nhân hậu, chúng ta được mời gọi trở thành người cận nhân của tất cả mọi người, yêu thương ngay những người thù ghét chúng ta.

- Tính cụ thể của tình yêu

Cùng nhau phục vụ tha nhân có thể giúp chúng ta “nhận chân ra một lần nữa rằng chúng ta là anh chị em với nhau” và dẫn chúng ta “phát triển trong sự hiệp nhất”. Tương tự như vậy, Chúa Thánh Thần có thể truyền cảm hứng cho chúng ta “quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, qua những lựa chọn táo bạo” về cách chúng ta sống cuộc sống của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng của mình bằng nhấn mạnh rằng chính Chúa Thánh Thần, “là kiến trúc sư của cuộc hành trình đại kết,” chính Ngài đã truyền cảm hứng cho buổi cầu nguyện chung tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành này. ĐTC bày tỏ lòng biết ơn đối với “tất cả những ai đã qui tụ lại trong Tuần này, để cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo,” và ĐTC chào mừng các đại diện của các Giáo hội và cộng đồng Giáo hội đã tham gia buổi lễ, dù trực tiếp hay gián tiếp vì cơn đại dịch.

“Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn biết hiệp nhất trong Chúa Kitô,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong lời cầu nguyện kết thúc, “Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta cảm nghiệm được rằng chúng ta là con cái của một Cha, là anh chị em với nhau trong một gia đình nhân loại…

“Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, mối giây hiệp nhất của tình yêu, làm cho chúng ta biết gắn bó với nhau trong sự hiệp nhất.”

Turkey – Một nhà thờ cổ của người Armenia ở Kütahya bị san bằng.

Kütahya - Theo Thông tấn xã Fides ngày 27-1-2021 cho hay thì ngôi nhà thờ kính thánh Torus ở Kütahya rất lâu đời của người Armenia, có từ trước thế kỷ XVII, đã bị hư hại vì chiến tranh, đã bị san bằng sau khi một tư nhân mua lại.

Theo tờ Agos, một tờ báo song ngữ Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ, có trụ sở tại Istanbul, trích dẫn các nguồn địa phương cho hay người Armenia Arshag Alboyaciyan, đã xây dựng ngôi nhà thờ này vào đầu thế kỷ 17, sau khi ngôi nhà thờ nguyên thủy bị hỏa hoạn thiêu rụi. Nhà thờ được xây dựng trên một tảng đá, mà theo truyền thuyết địa phương, phiến đá đó có dấu chân con ngựa của thánh Torus. Theo nghiên cứu về phong tục tập quán địa phương, thì các phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dịch bệnh, họ từng đến ngồi trên tảng đá đó và cầu xin cho được chữa lành bệnh tật! Họ xin các linh mục Armenia đọc Kinh thánh cho họ nghe và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật cho họ...

Trước năm 1915, có khoảng 4.000 người Armenia cư trú tại thành phố Kütahya - Thổ Nhĩ Kỳ. Thành phố Kütahya có tới ba nhà thờ Armenia, nhưng sau thảm kịch diệt chủng người Armenia, và theo đăng ký kiểm tra dân số vào năm 1931 họ chỉ còn vỏn vẹn 65 người. Trong những thập kỷ qua, một số người Armenia ở Kütahya đã rời về thủ đô Istanbul hoặc di cư ra nước ngoài sinh sống. Nhà thờ thánh Torus, trước khi bị phá bình địa, đã được sử dụng trong một thời gian dài để làm rạp chiếu phim hoặc làm hội trường tổ chức tiệc cưới, nhưng luôn được bảo quản như một di sản văn hóa của vùng Kütahya. (GV) (Agenzia Fides, 27/1/2021)

Nguồn: http://www.fides.org/en/news/69484-ASIA_TURKEY_Ancient_Armenian_church_of_Kuetahya_razed_to_the_ground
 
Trung Quốc đã bắt đầu thử sức chính quyền Biden. Chúng ta hãy cầu nguyện cho quê hương Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
23:43 30/01/2021

Video bắt đầu lúc 6g chiều 31/1 theo giờ VN

Tiến sĩ Lawrence A. Franklin, tuỳ viên quân sự về Iran cho Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld. Ông cũng từng là quân nhân tại ngũ trong Quân đội Hoa Kỳ và là một Đại tá trong Lực lượng Không quân.

Hôm 26 tháng Giêng, ông đã viết bài “China Has Already Started to Test the Biden Administration”, nghĩa là “Trung Quốc đã bắt đầu thử sức chính quyền Biden” trên mạng của Viện Gatestone, chuyên về chính sách quốc tế của Hoa Kỳ.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Chưa đầy một tuần, kể từ buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden - người có con trai được cho là đã dính dáng vào các giao dịch kinh doanh với Trung Quốc với trị giá 1.5 tỷ đô la - thế mà Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đang chiếm đóng trái phép tại Hồng Kông vào mùa hè năm ngoái, đã gửi hơn hai chục máy bay chiến đấu, gồm cả máy bay ném bom, vào không phận Đài Loan trong hai ngày liên tiếp.

Trung Quốc cũng ban hành luật mới, nhằm cho phép lực lượng tuần duyên của họ “tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu mà không cần cảnh báo trước”, đối với bất kỳ tàu bè nước ngoài nào đi vào vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc muốn cho là của mình.

Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, chắc chắn sẽ thử lửa thêm dũng khí của Chính quyền mới Biden, trong bối cảnh Trung Quốc đang có “sự ganh đua cường lực” với Hoa Kỳ. Giàn lãnh đạo Trung Quốc sẽ xác định cung cách và tốc độ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dựa trên đánh giá của Bắc Kinh về phản ứng của Biden đối với bất kỳ màn thử lửa nào. Về mặt lịch sử, thời điểm và hoàn cảnh cho các cuộc thử lửa của Trung Quốc đối với các chính quyền trước đây thì không thể đoán trước, nhưng có một vài trường hợp sẽ có nhiều khả năng xảy ra.

Trung Quốc có vẻ như đã chặt bớt bất kỳ động thái nào vốn có, của nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của Biden, nhằm thể hiện một mặt trận Đại Tây Dương thống nhất chống lại Trung Quốc, đặc biệt là về các vấn đề thương mại, đầu tư và kinh tế. Vào cuối tháng 12, họ Tập đã đích thân can thiệp vào các cuộc đàm phán đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Khi tung ra một vài nhượng bộ về việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho hàng hóa của Liên Âu, họ Tập đã thành công ngay lập tức trong việc đưa ra cuộc đàm phán chung cuộc, vốn từng bị sa lầy trong cuộc chạy đua đường dài kéo dài suốt 7 năm. Liên Âu và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận thương mại và đầu tư toàn diện, xuất phát từ lời đề nghị của ông này. Một hành động khả thi khác của Trung Quốc có thể bao gồm nỗ lực thu xếp cho một “Thỏa thuận về Quy tắc Ứng xử” với các quốc gia Đông Nam Á về các hoạt động hàng hải và đánh cá trên Biển Đông - mà không có sự tham gia của Hoa kỳ.

Một sáng kiến khác mà Trung Quốc có thể thực hiện, là củng cố sức mạnh quân sự tại các hòn đảo nhân tạo, hoặc các chuỗi đảo do Trung Quốc tự tuyên bố mình làm chủ, hiện đang có tranh chấp về chủ quyền ở vùng biển phía Nam, và biển Hoa Đông. Trung Quốc có thể đã báo hiệu cho Chính quyền Biden về quyết tâm thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông bằng việc mới đây cho hạ cánh máy bay vận tải Y-20 - là máy bay lớn nhất của Không quân Trung Quốc - trên “Đảo Chữ Thập” ở chuỗi quần đảo Trường Sa vẫn đang còn tranh chấp.

Các cố vấn an ninh quốc gia của Biden có thể nhầm lẫn, nếu họ đang mong chờ Trung Quốc ban phát cho chính quyền mới của Mỹ một thời kỳ trăng mật. Chẳng hạn như, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ bày tỏ sự nhiệt tình của họ, đối với một chính quyền được cho là ít đối đầu của Mỹ, bằng cách nhượng bộ trước những bất đồng song phương, về các vấn đề thương mại, hoặc quốc phòng. Nhóm Biden không nên hiểu sai bất kỳ luận điệu hòa giải nào của Trung Quốc, là dấu hiệu cho thấy một nỗ lực kém hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhằm đẩy các khí tài quân sự của Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương.

Ngay cả khi nhóm Biden đưa ra các khúc nhạc dạo có giai điệu hoà giải đến chóng mặt với Trung Quốc, về cái được cho là “lợi ích chung” - chẳng hạn như sự hâm nóng toàn cầu, mậu dịch tự do hoặc giảm thuế quan - thì họ Tập, người kiên quyết với “Chính sách Một Trung Quốc”, vẫn có thể không đòi hỏi lời nói, mà là hành động, chẳng hạn như lệnh: cấm các hoạt động Tự do Hàng hải, gọi tắt là FONOPS, đối với các tàu Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông, ngừng sự chỉ trích Hoa Kỳ đối với Trung Quốc về việc vi phạm nhân quyền, và lời hứa sẽ giảm bớt các chuyến thăm viếng Đài Loan của VIP Mỹ sau các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa người của Tổng thống Trump và Đài Bắc.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã có rất nhiều cơ hội để đánh giá tính cách của nhiệm kỳ tổng thống Biden. Xét cho cùng, ông Biden không tự nhận mình là một nhà đổi mới chính sách táo bạo trong quan hệ Mỹ-Trung suốt 8 năm làm phó tổng thống cho Obama. Ngoài ra, Trung Quốc có lẽ cũng chẳng có ấn tượng gì với ứng cử viên Antony Blinken của Biden cho chức vụ Ngoại trưởng.

Bill Gertz, tác giả cuốn “Deceiving the Sky: Inside Communist China's Drive for Global Supremacy”, tạm dịch là “Lừa dối trời: Bên trong động lực trở thành cường quốc toàn cầu của Trung Cộng” đã mô tả trường hợp xảy ra hồi tháng 2 năm 2012 của một người đào tị cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Vương Lập Quân, người đã xin tị nạn chính trị trong Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô như sau:

“Cuối cùng, ông Antony Blinken, hiện là cố vấn an ninh quốc gia của Biden, đã thắng thế trước các giới chức khác khi cho rằng nên từ chối lời kêu gọi xin tị nạn của ông Vương.”, người sau đó bị “giao nộp cho Bộ Công an Nhà nước, tức cơ quan cảnh sát về chính trị và tình báo của Trung Quốc”

Có lý do để cho rằng, nhìn từ quan điểm của Trung Quốc, quyết định của Hoa Kỳ khi giao nộp ông Vương để ông phải đối mặt với khả năng bị xử tử, là một hành động hèn nhát về chính trị mà Blinken có thể phải chịu trách nhiệm. Trong lối phân tích của Trung Quốc, Hoa Kỳ hẳn đã sẵn lòng chà đạp hình tượng của chính mình trong tư cách là quốc gia mang tiêu chuẩn thế giới về nhân quyền.

Trung Quốc có lẽ đã đánh giá năng lực lãnh đạo táo bạo của Biden là rất khó xảy ra. Người Trung Quốc chỉ việc đọc lời khai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời Obama là Robert Gates, người đã tuyên bố trong hồi ký của mình rằng, Biden đã sai trong mọi quyết định quan trọng suốt bốn thập niên của ông ở Washington. Giới lãnh đạo Trung Quốc rất có thể đã biết về cáo trạng của Gates, về chuyện Biden phản đối việc xây dựng vũ khí và đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổng thống Reagan, vốn đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Bộ trưởng Gates cũng bày tỏ sự thất vọng của mình, về sự đối nghịch sâu sắc giữa nhân sự của phó tổng thống Biden, với giới lãnh đạo quân sự của Ngũ Giác Đài. Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc cũng biết rằng Biden, hầu như chỉ trơ trọi một mình trong số các phụ tá hàng đầu của Obama, khi đó được cho là đã phản đối cuộc đột kích của Lực lượng Đặc biệt nhắm vào đồn trú của Osama bin Laden ở Pakistan.

Do đó, chính quyền Biden không nên cho rằng, các mục tiêu của Trung Quốc là có thể thương lượng được. Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm trở thành cường quốc hàng đầu trên thế giới bằng cách trục lợi những ý muốn của Hoa Kỳ, và (Trung Quốc) hầu như đã sẵn sàng đánh liều tham chiến để đạt được ý muốn đó.


Source:Gatestone Institute
 
Cựu Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin cảnh báo Biden đang triệt hạ Kitô Giáo khỏi văn hóa Tây Phương
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:24 30/01/2021

Tuần đầu tiên sau khi ông Joe Biden nhậm chức đã được đánh dấu bằng hàng loạt các tuyên bố phản đối của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như cá nhân các Hồng Y và Giám Mục. Điều này chưa từng xảy ra đối với các tổng thống Hoa Kỳ trước đây. Trước diễn biến chưa từng có này, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã có một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Công Giáo Áo Kath.net vào ngày 26 tháng Giêng, để trình bày những ý kiến của ngài sau một tuần đầy những bất ngờ và thất vọng.

Toàn bộ cuộc phỏng vấn bằng tiếng Đức có thể xem tại đây.

Ký giả Martin Bürger có bài tường trình sau. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã cảnh báo rằng chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, “với quyền lực chính trị, truyền thông và sức mạnh kinh tế tập trung trong tay, đang đi đầu trong một chiến dịch tàn bạo tinh vi nhất trong thời gian 100 năm trở lại đây nhằm triệt hạ Kitô Giáo khỏi văn hóa Tây Phương”.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang web tin tức Công Giáo nói tiếng Đức kath.net được phát hành vào hôm 26 tháng Giêng, Đức Hồng Y Müller cho biết có “những người Công Giáo, từ các giáo dân tốt cho đến những cấp cao nhất ở Vatican” đang “hạ thấp sinh mạng của hàng triệu trẻ em giờ đây sẽ trở thành nạn nhân của chiến dịch phá thai được phối hợp toàn cầu dưới cách nói hoa mỹ là ‘quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản’ bằng cách đổ tội do những khiếm khuyết trong tính cách của Tổng thống Trump”.

Đức Hồng Y giải thích rằng một người anh em đã nói với ngài rằng không nên giản lược mọi chuyện vào vấn đề phá thai mà thôi. “Anh ấy nói, rốt cuộc việc lật đổ Trump đã ngăn chặn nguy cơ lớn hơn nhiều rằng kẻ điên khùng này sẽ nhấn nút hạt nhân”, Đức Hồng Y kể lại như thế, trước khi giải thích rằng theo quan điểm của ngài, “đạo đức cá nhân và xã hội phải được ưu tiên hơn chính trị. Ranh giới đã bị vượt qua khi niềm tin và đạo đức bị bán đứng cho những tính toán chính trị. Tôi không thể ủng hộ một chính trị gia ủng hộ việc phá thai vì ông ta xây nhà tế bần, và không thể vì những điều tốt đẹp tương đối, mà phải chấp nhận cái ác tuyệt đối”.

Đức Hồng Y đã giải thích giáo huấn của Giáo hội về phá thai bằng cách tham chiếu đến Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium Et Spes của Công đồng Vatican II, được công bố vào năm 1965, “Vì Chúa, là Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo tồn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy cách xứng hợp với con người. Do đó, sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm” (Gaudium Et Spes, 51).

Như thế, “điều xấu xa tự bản chất” không thể “được phép, chấp thuận và khuyến khích trong đời sống công cộng” bởi những người tự xưng mình là chính trị gia Công Giáo, trong khi đức tin chỉ được xem là một vấn đề riêng tư.

Vị Hồng Y người Đức và nguyên là giám mục Regensburg thừa nhận rằng “Trong hành động thực tế cụ thể, các Kitô hữu trong quốc hội hoặc chính phủ có thể không phải lúc nào cũng thành công trong việc thực thi luật luân lý tự nhiên ở mọi khía cạnh. Nhưng họ không bao giờ được tham gia, dù chủ động hay thụ động, vào cái ác. Ít nhất, họ phải phản đối nó và – trong chừng mực có thể – chống lại nó, ngay cả khi họ bị phân biệt đối xử vì làm như vậy”.

Đức Hồng Y Müller chỉ ra rằng bất kỳ ai “với tư cách là một Kitô hữu có lập trường chống lại khuynh hướng tuyên truyền của truyền thông chính mạch về LGBT, phá thai, hợp pháp hóa sử dụng ma túy, xóa bỏ sự khác biệt giới tính nam nữ, đều bị chỉ trích cay nghiệt là ‘cực hữu’ hoặc thậm chí là ‘Đức quốc xã’, mặc dù chính những người theo chủ nghĩa xã hội với hệ tư tưởng xã hội và sinh học Darwin của họ mới chính là những người mâu thuẫn công khai nhất với hình ảnh con người theo Kitô giáo”.

Trong vài ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, Biden đã đảo ngược một số chính sách xã hội bảo thủ của cựu Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép những người đàn ông “lẫn lộn về giới tính” tham gia vào các môn thể thao của phụ nữ và sử dụng phòng vệ sinh cũng như phòng thay quần áo của phụ nữ.

Trang web chính thức của Tòa Bạch Ốc cũng có một biểu mẫu liên hệ nơi công dân có thể chọn đại từ nhân xưng ưa thích của họ, như là một sự chuẩn thuận đối với ý thức hệ giới tính.

Hôm thứ Sáu, Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đưa ra một tuyên bố chung nhân kỷ niệm 48 năm ngày Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết khét tiếng trong vụ Roe kiện Wade, áp đặt việc phá thai theo yêu cầu đối với tất cả 50 tiểu bang.

Họ nói: “Chúng tôi cam kết sâu sắc là bảo đảm mọi người đều có quyền truy cập vào dịch vụ chăm sóc - trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - bất kể thu nhập, chủng tộc, mã bưu điện, tình trạng bảo hiểm y tế, hoặc tình trạng di trú”.

Tuyên bố nói tiếp: “Chính quyền Biden-Harris cam kết luật hóa phán quyết Roe kiện Wade và bổ nhiệm các thẩm phán tôn trọng các tiền lệ cơ bản như phán quyết Roe. Chúng tôi cũng cam kết bảo đảm rằng chúng tôi sẽ nỗ lực xóa bỏ sự chênh lệch về sức khỏe giữa bà mẹ và trẻ sơ sinh, tăng cường khả năng tiếp cận các biện pháp tránh thai và hỗ trợ các gia đình về kinh tế để tất cả các bậc cha mẹ có thể thăng tiến gia đình mình một cách xứng đáng. Cam kết này mở rộng cho công việc quan trọng của chúng tôi về kết quả sức khỏe trên khắp thế giới”.

Vấn đề phá thai đã được đưa ra ngay trong cuộc họp báo đầu tiên của Tòa Bạch Ốc vào ngày Biden nhậm chức, khi thư ký báo chí Jen Psaki nói, “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có nhiều điều để nói về Chính sách Thành phố Mexico trong những ngày tới. Nhưng tôi sẽ nhân cơ hội này để nhắc nhở tất cả các bạn rằng tổng thống là một người Công Giáo sùng đạo và là người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ông ấy bắt đầu ngày hôm nay với việc tham dự nhà thờ cùng gia đình vào sáng nay. Nhưng tôi không có bất cứ điều gì hơn cho bạn về điều đó”.

[Trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy và gọi họ là những người phản bội nền dân chủ Mỹ.

Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Cordileone, là Giám Mục bản quyền của bà chủ tịch Hạ Viện, nói rằng nước Mỹ “thấm đẫm máu những người vô tội vì phá thai, và nó phải dừng lại”. Ngài nói thêm rằng “Không người Công Giáo nào có lương tâm trong sáng lại có thể ủng hộ phá thai”. Những kẻ tự xưng mình là Công Giáo thường xuyên đi lễ nhà thờ, năng lần chuỗi Mân Côi, mà lại đi hô hào phá thai chỉ là Công Giáo giả mạo, dùng đức tin để lừa người ta bỏ phiếu cho mình. Người Công Giáo thật sự phải biết tuân giữ và yêu mến luật Chúa, cũng như các giáo huấn của Giáo Hội.
]

Ngay trong chiến dịch tranh cử của mình, Biden đã tuyên bố ý định hủy bỏ Chính sách Thành phố Mexico, là chính sách chặn tài trợ của liên bang cho các tổ chức phi chính phủ cung cấp hoặc hỗ trợ phá thai.

Trong khi một số giám mục ở Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục José Gomez, đã thể hiện sự phản đối của các ngài đối với lập trường của Biden về nhiều vấn đề, những người khác đã chỉ trích tuyên bố đó – đáng lưu ý nhất là Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Müller nhấn mạnh rằng “một giám mục được phân biệt với các chính trị gia quyền thế và những người vận động cho một ý thức hệ bởi sự tuân phục của ngài đối với Lời Chúa được mặc khải. Ngài sẽ là một môn đệ lầm đường lạc lối nếu ngài tương đối hóa luật luân lý tự nhiên vì lợi ích chính trị của ngài hoặc vì lợi ích của bên này hoặc bên kia. Vì mọi người đều nhận ra những đòi hỏi của [luật luân lý tự nhiên] trong lương tâm của mình trên cơ sở lý trí của họ”.

“Vào thời các thánh tông đồ, khi những nhà cai trị chính trị và tôn giáo muốn cấm các ngài rao giảng giáo huấn của Chúa Kitô bằng cách đe dọa trừng phạt các ngài, các tông đồ trả lời đã trả lời rằng: ‘Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn là con người’ (Cv 5:29)”, Đức Hồng Y Müller nói và nhấn mạnh rằng “Những người tương đối hóa cam kết rõ ràng đối với sự thánh thiêng của cuộc sống mỗi con người trên cơ sở các sở thích chính trị bằng các thủ đoạn chiến thuật và các hình thái ngụy biện đang công khai chống lại đức tin Công Giáo”.

Đức Hồng Y nói thêm: “Công đồng Vatican II và tất cả các giáo hoàng cho đến Đức Phanxicô đã mô tả việc cố ý giết một đứa trẻ trước và sau khi sinh là sự vi phạm nghiêm trọng nhất các điều răn của Thiên Chúa”.

Trong Didache /ˈdɪdəkeɪ/, nghĩa là Tuyển Tập Các Giáo Huấn Của Mười Hai Tông Đồ, một trong những tác phẩm Kitô Giáo sớm nhất có từ cuối thế kỷ thứ nhất hoặc đầu thế kỷ thứ hai, Giáo hội đã dạy rằng “ngươi không được giết một đứa trẻ bằng cách phá thai cũng như không được giết một đứa trẻ đã chào đời”.


Source:Life Site News
 
750 Kitô hữu bị thảm sát trong vụ săn lùng Hòm Bia Giao Ước ở Ethiopia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:24 30/01/2021


1. Linh mục tại Chicago bị cáo buộc lạm dụng tình dục để moi tiền

Đầu tháng này, linh mục Michael Pfleger, một nhà hoạt động cho người nghèo tại Chicago đã bị cáo buộc lạm dụng tính dục.

Trong tuần qua, thêm một người thứ hai đã tố cáo ngài lạm dụng tình dục ông ta vài thập kỷ trước. Tổng giáo phận Chicago đã xác nhận với truyền thông địa phương. Vị linh mục đã mạnh mẽ phủ nhận cả hai lời buộc tội đến từ hai anh em ruột.

Các luật sư của Cha Pfleger, là James Figliulo và Michael Monico, đã thay mặt ngài đưa ra một tuyên bố.

“Cha Pfleger chưa bao giờ lạm dụng họ hay bất kỳ ai khác. Những cáo buộc này là sai sự thật và chỉ đơn giản là để moi tiền”.

Tờ Chicago Tribune đưa tin rằng hai anh em là con út trong số 5 đứa trẻ lớn lên trong một khu phố nghèo ở phía tây Chicago. Người mẹ đơn thân của họ khẳng định họ đến nhà thờ để tránh các băng đảng và ma túy. Họ tham gia dàn hợp xướng tại Nhà thờ Công Giáo Máu Châu Báu Chúa, được hướng dẫn bởi Cha Pfleger, khi đó còn là một chủng sinh.

Cả hai người tố cáo đều là người da đen, đều ở độ tuổi 60 và đang sống ở Texas.

Các luật sư của Cha Pfleger cho biết một trong những người tố cáo đã gửi cho vị linh mục một bức thư viết tay yêu cầu ngài đưa cho anh ta 20,000 đô la, và viết rằng, “Tôi đang yêu cầu một khoản thanh toán một lần để giúp tôi tiếp tục trong thời điểm khó khăn và bối rối này trong cuộc đời. Tôi không muốn đặt một mức giá, nhưng tôi phải làm như thế”. Các luật sư nói bức thư này ủng hộ ý tưởng rằng những người tố cáo đang muốn moi tiền.

Dù có vẻ rõ ràng đây là một vụ làm tiền khá trắng trợn nhưng tình hình của Cha Pfleger không mấy sáng sủa.

Ngày 9 tháng 5, 2019, Cha Pfleger, chánh xứ Nhà thờ Thánh Sabina của tổng giáo phận Chicago đã mời Farrakhan đến nói chuyện tại giáo xứ của ngài, là một giáo xứ lớn có đông các tín hữu Công Giáo người da đen.

Louis Farrakhan, 88 tuổi, là người sáng lập ra nhóm Quốc gia Hồi giáo có trụ sở tại Chicago và có một lịch sử lâu đời về những lời rao giảng bài Do Thái. Trong buổi nói chuyện tại đây, Farrakhan đã có cơ hội tuôn ra các luận điệu bài Do Thái và gọi người Do Thái là “Satan”.

Đức Hồng Y Blase Cupich của tổng giáo phận Chicago đã bày tỏ sự thất vọng của ngài trước diễn biến này. Ngài cho biết ngài không hề được hỏi ý kiến trước buổi nói chuyện của Farrakhan. Ngài thành thật xin lỗi vì Farrakhan đã được cho cơ hội để phỉ báng người Do Thái là “Satan” ngay trong một nhà thờ Công Giáo.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 10 tháng Năm, 2019, tức là một ngày sau biến cố này, Đức Hồng Y cho biết:

“Luận điệu bài Do Thái – xúi giục phân biệt đối xử dưới mọi hình thức - không có chỗ trong cuộc sống công cộng của người Mỹ, chứ đừng nói đến có chỗ trong một nhà thờ Công Giáo.”

Tờ Chicago Tribune cho biết cho dù Cha Pfleger có lạm dụng tính dục hai người da đen hay không, ngài phải đi khỏi Nhà thờ Thánh Sabina.


Source:Catholic News Agency

2. Hàng trăm người được báo cáo đã chết sau vụ thảm sát tại nhà thờ Chính thống giáo Đông phương ở Ethiopia

Theo một nhóm quan sát nhân quyền Âu châu, ít nhất 750 người đã bị thảm sát sau một vụ tấn công vào một nhà thờ Chính thống giáo Đông Phương ở vùng Tigray của Ethiopia.

Hôm 9 tháng Giêng, Chương trình bên ngoài Âu châu thông báo rằng nhà thờ Đức Mẹ Sion ở Axum, khoảng 128km về phía tây Adigrat, đã bị tấn công, và hàng trăm người trốn bên trong đã bị đưa ra quảng trường phía trước và bị bắn chết.

Theo Church Times UK, cuộc tấn công được thực hiện bởi quân đội chính phủ Ethiopia và lực lượng dân quân Amhara từ miền trung Ethiopia. Ít nhất 1,000 người được ước tính đang trốn trong nhà thờ vào thời điểm vụ tấn công xảy ra.

Người dân địa phương cho biết họ tin rằng nhà thờ là mục tiêu của những kẻ muốn cướp chiếc Hòm Giao ước. Nhà thờ được cho là nơi chứa Hòm Giao ước ban đầu. Đó là một chiếc rương bằng vàng rất thiêng liêng lần đầu tiên được đề cập trong sách Xuất hành.

Chiếc Hòm Giao ước chứa 10 điều răn, các phần của Cựu Ước, cây gậy của Aaron và một bình mana. Church Times đưa tin rằng những kẻ tấn công muốn đánh cắp Hòm Giao ước và đưa nó đến thủ đô Addis Ababa.

Chiếc hòm này được bảo quản bởi một linh mục, là người không bao giờ rời khỏi đền thờ, và không ai được phép nhìn thấy chiếc hòm này, vì vậy liệu nó có thực sự là chiếc Hòm Giao ước được đề cập đến trong Cựu Ước hay không là điều các nhà sử học tranh luận trong nhiều thế kỷ qua.


Source:Catholic News Agency

3. Quỷ sứ đã đến dự thánh lễ cuối tuần này

Edward J. Barr là Giáo sư Đại Học, có bằng Cao học Thần học tại Học viện Thánh Augustinô. Ông cũng là một nhà văn Công Giáo. Văn của ông chuyên về thể loại văn chương châm biếm, chua chát. Ông cho rằng đó có thể là kết quả của những tháng ngày cận kề cái chết khi còn là một Thủy Quân Lục Chiến, và sau đó là một sĩ quan tình báo.

Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một bài văn trào phúng mới nhất của ông.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

The Devil Came to Mass this weekend

By Edward J. Barr

Quỷ sứ đã đến dự thánh lễ cuối tuần này


Một người Công Giáo nọ tiết lộ câu chuyện vừa xảy ra sau đây. Có vẻ như Quỷ sứ đã dành phần lớn năm 2020 trong địa ngục, và nó đã không đích thân đến thăm thế giới của chúng ta. Nó đang phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng của những người không có niềm tin đang lũ lượt gia nhập vào hàng ngũ của nó, vì vậy nó để lại hầu hết các trò nghịch ngợm cho lũ lâu la của mình, là những đứa đang tiếp tục gieo rắc sự dối trá và sợ hãi khắp trái đất. Chúa Nhật vừa qua, Quỷ sứ nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ một trong những tay sai của nó, tên lâu la này thông báo cho nó rằng một trong những mục tiêu chính của chúng muốn gặp nó. Tự tin rằng giờ đây nó đã có trong tay một địa ngục tốt nhất có thể có, Quỷ sứ đồng ý đi gặp người đó.

Quỷ sứ hơi bị sốc khi địa điểm mà nó được báo cho biết là sẽ gặp được người mới gia nhập là một Nhà thờ Công Giáo. “Ồ”, nó nghĩ. “Ta có những người muốn theo ở khắp mọi nơi trong những ngày này, một số thậm chí không biết họ đang làm việc với ta”. Vì thế, nó không ngần ngại đến nhà thờ. Khi đến nơi, nó tiến nhanh vào cửa chính. Có vẻ như thánh lễ sắp bắt đầu, mặc dù nó nhận thấy không có bao nhiêu người bên trong nhà thờ. Nó thận trọng mở cửa ngoài, vừa bước vào tiền đình thì một người đàn ông đã nhanh chóng tiến lại gần. “Chào buổi sáng, bạn mới đến giáo xứ à?” Quỷ sứ co rúm vì đau đớn khi nhìn thấy cây thánh giá quanh cổ của vị linh mục. Nó lấy lại bình tĩnh và dời mắt khỏi cây thánh giá. “Vâng, tôi có một số việc phải làm với một người nào đó và tôi phải gặp họ ở đây”, nó nói. “Tuyệt vời”, vị linh mục thốt lên. “Tôi có thể cho bạn biết giáo xứ của chúng ta đang đương đầu như thế nào trong những thời điểm khó khăn này. Hãy để tôi chỉ cho bạn”. Tuy không chắc về những gì vị linh mục đang nói, Quỷ sứ cũng làm theo và đi thêm vài bước vào nhà thờ.

Đi ngang qua giếng rửa tội, Quỷ sứ nhận thấy cái giếng trống rỗng không có một giọt nước. “Không có nước thánh à!” Nó cười khúc khích vui vẻ. “Ồ không”, vị linh mục nói. “Chúng tôi không muốn lây lan bất kỳ vi trùng nào”. “Tôi đồng ý”, Quỷ sứ nói. “Tôi đồng ý 100 phần trăm”. Quỷ sứ sau đó nhận thấy cứ cách một hàng ghế lại có những biển báo không cho ngồi. Thấy Quỷ sứ đang nhìn chằm chằm, vị linh mục xen vào, nói một cách tự hào. “Đúng vậy, chúng tôi bảo đảm rằng chúng tôi hạn chế số người tham dự các thánh lễ”. Việc chặn những băng ghế có lẽ không cần thiết, vì Quỷ sứ nhận thấy không có bao nhiêu người trong nhà thờ. “Những người cảnh sát ở đâu?” “Cảnh sát nào?” Vị linh mục hỏi lại. “Để quý vị phải tuân thủ những hạn chế này”. “Không, không có cảnh sát nào hết, chúng tôi chỉ làm theo hướng dẫn của chính phủ”. Quỷ sứ mỉm cười. “Tốt, tốt. Chúng ta nên phục tùng Caesar”.

Vị linh mục hướng dẫn Quỷ sứ tiến sâu hơn vào nhà thờ nơi hắn có thể - hay nói đúng hơn là không thể - nhìn thấy khuôn mặt của giáo dân. Nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc trên khuôn mặt của Quỷ, vị linh mục nhận xét. “Tôi biết, sẽ rất khó để tìm thấy người bạn đang tìm kiếm với những chiếc khẩu trang y tế trên mặt họ”. “Ồ, cha che mặt các tín hữu à?” Vị linh mục mỉm cười. “Tất nhiên, chúng tôi tin vào sự an toàn. Hơn nữa, ngày nay mọi người rất sợ hãi” “Tuyệt vời”, Quỷ sứ xoa tay nói. “Họ nên sống trong sợ hãi. Nhưng hãy nói cho tôi biết, tại sao có quá ít người ở đây?” Vị linh mục thở dài. “Chà, vì không có nghĩa vụ phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật”. “Cái gì!” Quỷ sứ kêu lên. “Không có nghĩa vụ à? Tại sao, tôi nhớ, ý tôi là, tôi nghe nói rằng Giáo hội không bao giờ bỏ Thánh lễ, cho dù có chuyện gì xảy ra trên thế giới, chiến tranh, bệnh dịch, bất cứ điều gì” Sự ngạc nhiên của nó nhanh chóng chuyển sang hài lòng. Lũ lâu la của hắn chắc chắn đã làm việc rất tốt khi nó vắng mặt trên trái đất.

“Giám mục nói gì về tất cả những điều này?” Quỷ sứ hỏi. Linh mục mỉm cười. “Hội đồng giám mục của chúng tôi đặt ra các hướng dẫn cho giáo phận của chúng tôi. Đó là một quyết định khó khăn đối với các ngài khi đóng cửa các Thánh lễ vào năm ngoái?” Đôi mắt đỏ ngầu của Quỷ sứ mở to. “Các giám mục đóng cửa các thánh lễ à?” Nó hỏi không giấu được vẻ sung suớng. “Đúng thế,” linh mục nói. “Đóng trong một vài tháng”. “Làm thế nào các vị ban các bí tích cho người dân?” Quỷ sứ hỏi. “Đáng buồn thay, chúng tôi không thể”. Quỷ sứ mỉm cười. Không có bí tích trong nhiều tháng. Giờ thì nó đã biết tại sao đột nhiên có nhiều người gia nhập hàng ngũ của mình. “Hãy để tôi hiểu rõ hơn. Các vị đã đóng cửa các thánh lễ trong vài tháng, không dâng các bí tích, và bây giờ người Công Giáo vẫn không có nghĩa vụ phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật”. Vị linh mục vui vẻ đáp: “ Đúng vậy. Nhưng chúng tôi livestream các Thánh lễ!” Con quỷ lại cười khúc khích. Sau đó nó hỏi thêm: “ Giáo hoàng của quý vị nói gì về điều này?” Vị linh mục mỉm cười. “ Ồ, ngài đồng ý rằng không có gì quan trọng hơn sự an toàn về thể chất của người dân. Ngài cũng đã buồn phiền khi hủy bỏ Thánh lễ Phục sinh có công chúng tham dự tại Vatican vào năm ngoái. Trên thực tế, một vài người đã tham dự. Như thế vẫn còn đẹp chán”. Con quỷ nhảy múa trên lối đi. “Đúng vậy, an toàn thể chất là điều quan trọng nhất”.

Mọi tiếng nói đột nhiên ngừng lại. Thánh lễ sắp bắt đầu. Linh mục chủ tế và những người phục vụ bàn thờ đang di chuyển lên cung thánh. Con quỷ bắt đầu khó chịu vặn vẹo khi người mang cây thánh giá di chuyển về phía nó. Vị linh mục nhận thấy sự kích động của nó và quay sang nói. “Tôi xin lỗi, tôi không cố ý chiếm nhiều thời gian của bạn. Bạn nói bạn đang tìm kiếm ai đó?” Quỷ sứ gật đầu tự mãn. “Đúng vậy, tôi nghĩ rằng tôi có một số việc phải làm, nhưng bây giờ tôi thấy công việc của mình đã hoàn tất”. Nói xong, nó chuồn lẹ, khấp khởi vui mừng.


Source:Roma Locuta Est