Ngày 30-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Người Kitô Hữu Là Muối Đất Và Là Sự Sáng Thế Gian
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:33 30/01/2017
Người Kitô Hữu Là Muối Đất Và Là Sự Sáng Thế Gian

Suy niệm Chúa Nhật V thường niên - Năm A

(Mt 5,13 - 16)

Sau khi công bố Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu phán tiếp những lời hằng sống, mở ra cho chúng ta chân trời hạnh phúc dẫn đến sự sống đời đời. Như thế, cách nào đó, Người mời gọi chúng chọn lựa cách sống, nói “vâng” sống theo Người.

Quả thật, những lời Chúa Giêsu chứa đựng căn tính Kitô giáo của chúng ta : “Các con là muối đất... Các con là sự sáng thế gian” (x. Mt 5, 13-14). Điều đáng nói ở đây là Chúa Giêsu không chỉ nói các môn đệ đơn giản là “ muối” và là “ánh sáng” nhưng là “muối” “ đất” và là “sự sáng” “thế gian”.

Tại sao lại là muối đất ?

Muối theo nền văn hóa Trung Đông gợi lên nhiều giá trị như giao ước, tình liên đới, sự sống và sự khôn ngoan. Trong Cựu ước, muối tượng trưng cho sự trung thành của Thiên Chúa. Bởi Thiên Chúa đã ký kết với dân người một khế ước bằng muối : “Ðó là giao ước muối muôn đời tồn tại trước nhan Ðức Chúa, cho ngươi và dòng dõi ngươi” (Ds 18,19). Trong Tân ước, Chúa Giêsu nói : “ Các con là muối đất ” (Mt 5, 13).

Muối là một trong những vị cần thiết nhất cho con người. Muối còn có nhiều công dụng như dùng để tra vào đồ ăn để món ăn thêm hương vị mặn mà, ướp đồ ăn tránh khỏi hư.

Qua các hình ảnh giầu ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn thông truyền cho các môn đệ mình và cả chúng ta ngày hôm nay nữa ý nghĩa sứ mệnh và chứng tá của Tin Mừng. Thêm hương vị, là thêm sức sống ơn thánh. Ướp đồ ăn cho khỏi hư, nghĩa là bảo vệ chân lý hằng sống.

Sao lại là sự sáng thế gian ?

Khi Chúa Giêsu nói : “Các con là sự sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119.105). Cũng trong phụng vụ hôm nay ngôn sứ Isaia nói: “Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông” (Is 58,10).

Sự khôn ngoan tóm gọn nơi mình các hiệu quả ích lợi của muối và ánh sáng : thật thế, các môn đệ Chúa được mời gọi trao ban hương vị mới cho thế giới và giữ gìn nó khỏi hư thối, với sự khôn ngoan của Thiên Chúa tỏa sáng rạng ngời trên gương mặt Chúa Con, vì “Ngài là ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9).

Là muối đất và là sự sáng thế gian

“Các con là sự sáng thế gian”, những lời này chứa đựng sứ mạng được sai đi. Hành động và con người của các kitô hữu liên kết chặt chẽ với nhau, chứng tỏ rằng nhiệm vụ của “muối” và “ánh sáng”cho trần gian là của riêng chúng ta và không ai làm thay chúng ta. Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm và những gì chúng ta là Kitô hữu.

Trở lại với hình ảnh của muối. Hỏi rằng, có thức ăn nào của con người mà không có sự hiện diện của Chúa Kitô trong các bí tích, Lời Người và hành động yêu thương nhân hậu của Chúa Thánh Thần ? Nên chúng ta phải duy trì nhận thức về sự hiện diện của Chúa Cứu Thế ở giữa loài người, nhất là trong Bí Tích Thánh Thể, tưởng niệm cái chết và sự phục sinh vinh quang, loan báo quyền năng cứu độ tiềm ẩn trong Tin Mừng của Chúa. Hiệp nhất với Người, các kitô hữu có thể chiếu sáng giữa các bóng tối của sự thờ ơ và ích kỷ ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan thật trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và hành động của con người.

Muối là hương vị giữ thức ăn. Người kitô hữu được kêu gọi cải thiện cái “hương vị” lịch sử loài người. Đó là thực hành trong cuộc sống ba nhân đức đối thần đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Điều đến từ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên người hơn, hơn bao giờ hết là hình ảnh Chúa và giống Thiên Chúa. Nhờ đức tin, đức cậy và đức mến, chúng ta được mời gọi chiếu sáng và thể hiện lòng nhân giữa một thế giới sống trong đêm đen của thử thách, của tuyệt vọng và thờ ơ . Bài đọc I nhắc nhở chúng ta rằng : “Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày” (x. Is 58,7-10).

Do đó, mối liên kết giữa “muối” và “ánh sáng” được thể hiện. Lời Chúa Giêsu gửi đến mỗi chúng ta là hãy tỏa sáng “ánh sáng” trước mặt mọi người, nghĩa là toàn bộ đời sống ta phải phản ánh ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, chúng ta đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội : “Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” ( x. 2 Cor 1, 22). Ngọn lửa này tỏa sáng qua việc loan báo Tin Mừng với lòng từ tâm, Tin Mừng cứu độ cho hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô đã chết và sống lại.

Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắc lại rằng “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới”. (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/ 2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi của Nghị định “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).

Việc phục vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện trong “Đức ái”, không dựa vào những lời quyến rũ khôn ngoan của loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và “quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Bài đọc II).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con làm thế nào để tuyên xưng đức tin của chúng con, xin biến chúng con trở nên những người của Tám Mối Phúc Thật là muối đất và ánh sáng thế gian.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Pháp vinh danh cha Jacques Hamel bị Hồi Giáo ISIS sát hại
Nguyễn Long Thao
00:02 30/01/2017
Paris, Pháp.- Vị Linh Mục người Pháp, cha Jacques Hamel bị quân khủng bố Hồi Giáo giết năm ngoái, đã được quận hạt Ermont ở bắc Paris vinh danh bằng cách lấy tên của ngài đặt cho một công viên của thành phố.

Buổi lễ đặt tên công viên đã diễn ra vào ngày 22 tháng Giêng năm 2017. Tham dự buổi lễ có các đại biểu cộng đồng tôn giáo bạn và gia đình của Linh Mục Jacques Hamel.

Ông Thị Trưởng quân hạt Ermont là Hugues Portelli nói với tờ Parisien rằng, công viên này trước đây không có tên và nay được đặt tên Jacques Hamel nhằm vinh danh một người đã bị bọn khủng bố Hồi Giáo sát hại. Công viên này nằm ngay trước Trung Tâm của giáo xứ Gioan Phaolô II là nơi thường diễn ra các buổi hội họp đại kết tôn giáo.

Ông Thị Trưởng cũng cho biết thêm quyết định lấy tên vị Linh Mục Hamel để đặt tên cho công viên đã được đem ra thảo luận và lấy ý kiến đại biểu thành phố và kết quả bỏ phiếu là mọi người hoàn toàn đồng ý.

Tưởng cũng nên nhắc lại Cha Hamel 85 tuổi bị giết ngày 26 tháng Bảy năm 2016 trong lúc Ngài đang cử hành Thánh Lễ. Hai tên khủng bố cầm giao xông vào nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray vùng Normandy bắt cha và 4 con tin khác. Cha Hamel đã bị chúng cắt cổ.

Quân khủng bố Hồi Giáo ISIS đã nhận trách nhiệm và hai tên khủng bố đã bị cảnh sát Pháp bắn chết.

Sau vụ cha Hamel bị giết, Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Hamel tại Vatican, đã nghiêm khắc lên án bạo lực và Ngài nói cha Hamel là mẫu gương can đảm, bỏ mình để phục vụ người khác, tạo tình huynh đệ giữa mọi người và trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của giáo phận Rouen, là nơi cha Hamel phục vụ, ĐGH đã đề nghi lập án phong chân phước cho cha Jacques Hamel.
 
Cha Thánh Gioan Bosco, Người Cha và Thày của Giới Trẻ & Năm Gia Đình
Thanh Quảng sdb
00:34 30/01/2017
LỄ KÍNH CHA THÁNH GIOAN BOSCO, NGƯỜI CHA VÀ THÀY CỦA GIỚI TRẺ
Thanh Quảng sdb.

ẢNH HỬNG CỦA NGƯỜI MẸ

Don Bosco mồ côi cha từ lúc hai tuổi, lại sinh trong một gia đình phức tạp, cha Gioan Bosco có hai đời vợ. Người vợ trước để lại một người con, là Anthony sau này đã gây nên bao nhiêu khó khăn cho Gioan Bosco và khổ đau cho Mẹ Margarita, mẹ của Bosco và Giuse. Tuy gia đình nghèo và đầy bất hạnh, nhưng Bosco lại may mắn có được một người mẹ thật thánh thiện, khôn ngoan và cương nghị. Bà có một lòng đạo đức sâu xa và tôn sùng kính yêu Mẹ Maria đặc biệt.

Trước khi Giona Bosco vào chủng viện, mẹ đã căn dặn con: “Gioan bé nhỏ của mẹ, khi con ra chào đời mẹ đã dâng con cho Mẹ Maria, khi con cắp sách tới trường mẹ đã căn dặn con phải có lòng sùng kính Đức Maria. Giờ mẹ mong con hãy tận hiến trọn vẹn cho Mẹ Maria. Con hãy làm bạn với ai có lòng sùng mộ mẹ Maria và nếu ngày kia con được làm linh mục của Chúa con hãy không ngừng truyền bá lòng kính tôn với người Mẹ tốt lành này”.

Thật vậy trong suốt những năm tại ghế chủng viện, Bosco đã làm bạn với những người có lòng tôn sùng Mẹ Maria các đặc biệt, như Luis Comolo; người mà trong một kỳ hè tại làng quê Becchi. Cả hai cùng tấm tắt khen nho năm ấy trúng mùa và ngọt lịm. Nhưng Bosco đã tiên báo là năm sau, một trong hai người sẽ không còn được nếm nho tại vùng đất này nữa và giao hẹn một trong hai ai chết trước sẽ về báo cho người kia biết mình đang ở đâu? Sau mùa hè đó, trở lại đại chủng viện không được bao lâu thì Luis Comolo bị bệnh và chết. Sau ngày an táng, đêm đó khi mọi người đang triền miên trong giấc ngủ, thì có tiếng rung động cả phòng ngủ và có tiếng gọi “Bosco, Bosco… Tôi đã được cứu rỗi!”. Đúng là tiếng của thầy Luis Comolo hiện về báo cho Bosco hay thầy đang ở đâu, theo đúng lời hai người đã gieo kèo với nhau.

Cũng mẹ Margarita trong ngày chịu chức của Gioan Bosco đã nói một câu chí lý cho người con tân linh mục: “… Bắt đầu dâng thánh lễ là bắt đầu đau khổ!”. Và khi qua đời bà đã trăn trối cho Bosco: “Mẹ sắp ra đi không còn giúp con lo toan việc Khánh lễ viện nữa, nhưng Đức Maria sẽ giúp con… con hãy tìm vinh danh Chúa… Khi mẹ về cùng Chúa và Mẹ Maria, mẹ sẽ không ngừng cầu nguyện cho công cuộc của con…”

Những tâm tình và sự nhủ bảo giáo huấn của bà mẹ, dù thất học như mẹ của cha thánh Bosco, nhưng đã ghi đậm và ảnh hửng sâu xa tới ơn đoàn sủng, tới công cuộc giáo dục và sự nghiệp của Don Bosco trong cuộc sống của Ngài và trải dài trong mọi công cuộc mà hội dòng do cha thánh sáng lập đang thể hiện ngày nay và mãi sau này.

MẸ MARIA VÀ CÔNG CUỘC CỦA CHA THÁNH BOSCO

Cuộc đời của Gioan Bosco từng bước, từng chặng luôn có sự hiện diện trìu mến và hướng dẫn của Mẹ Maria:

Ngay từ tấm bé lúc chín tuổi với giấc mơ đầu bé Bosco thấy mình đứng trước một bầy trẻ đang đánh đấm, chửi rủa nhau… Bé đã nhẩy vào can ngăn. Muốn thế, bé đã phải dùng tới những cú đấm cú đá để ngăn chặn… thì một người lạ xuất hiện đã khuyến cáo bé:
- Con phải dùng tình thương, dịu hiền để chinh phục các bạn con!
Bé ngỡ ngàng, thắc mắc vặn hỏi:
- Làm thế nào vì con bất tài…
Người lạ mặt đã khích lệ và hứa sẽ cho một bài giáo khôn ngoan hướng đạo và chỉ giáo cho Bosco. Bà giáo đó chính là Mẹ Maria. Người mẹ dịu hiền chở che Bosco và vén mở cho Bosco nhìn thấy viễn tượng lũ trẻ tinh nghịch kia biến mất thay vào bằng bấy sói, gấu, chó, mèo… dần biến thái thành những em bé ngoan ngùy, dễ thương, đức độ… và Mẹ kết luận đó là công việc của con.

Giấc mơ đầu này đã dần dần hình thành: Bosco từ một em bé nghèo, mồ côi đã biết vươn lên, vượt thắng bao nhiêu khổ đau tủi nhục để qua tiểu học, trung học và bước vào được chủng viện. Sau khi chịu chức linh mục cha được Mẹ hướng dẫn từng bước, từng bước để hình thành khánh lễ viện, các trung tâm trẻ lo cho các em bụi đời, cò vơ cò vất trên các vỉa hè, đường phố, sân ga lao tù…

Trong cuộc đời cha thánh Bosco đã thể hiện nhiều phép lạ, nên người ta đã gán cho danh hiệu là “người làm phép lạ của thế kỷ”. Nhưng cha Bosco luôn phủ nhận mình không làm gì cả, hoàn toàn do Mẹ Maria phù hộ các giáo hữu đã thể hiện. Chúng ta chỉ nêu một vài sự kiện:

Năm 1848, ngày lễ sinh nhật của Đức Mẹ, người coi phòng áo đã quên mang chén bánh lễ ra cho Don Bosco truyền phép. Tới lúc rước lễ, Don Bosco thấy có tới 400 em tham dự lễ mà bánh thánh còn quá ít, cha đã không bẻ nhỏ bánh thánh. Ngược lại bình thản tiến ra cho rước lễ và đã cho tất cả các em rước lễ. Sau này người ta hỏi, ngài đã cám thấy thế nào trong lúc đó. Cha Bosco bình thản trả lời: “Cha cảm động, nhưng cha lấy lại bình tĩnh; vì cha nghĩ rằng truyền phép Thánh Thể là một phép lạ còn lớn hơn việc hóa bánh thánh ra nhiều. Vả lại có Mẹ Maria giúp đỡ cha”.

Một lần khác, mẹ Margarita quên luộc nhiều hạt giẻ trong buổi tối mà cha Bosco đã hứa với các thanh thiếu niên của cha sẽ được ăn. Làm sao bây giờ? Cha đã bình thản bốc phân phát cho bốn năm trăm em ăn hả hê… Đức mẹ đã hành động qua cha.

Don Bosco vẫn thường khuyên nhủ mọi người mà cha gặp gỡ: “Hãy chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ sẽ an ủi, Mẹ sẽ chữa lành các con…” Lời khuyên ấy nhắc nhở chúng ta tới sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ trước Con của Mẹ tại tiệc cưới Cana, khi giờ của Thầy Giêsu chưa tới, nhưng vì Mẹ ngài đã thể hiện phép lạ đầu đời là biến nước thành rượu cho niềm vui của đời đôi bạn được trọn vẹn trong ngày cưới.

Thật vậy, trong đời của cha Bosco, Mẹ nhân lành đã thể hiện rất nhiều phép lạ qua bàn tay cha thánh, hầu cha có đủ tiền bạc nuôi sống cả ngàn thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, giúp cha có phương tiện mua đất, dựng nhà làm nơi cư trú cho lũ con mồ côi, bụi đời bị xã hội đẩy lui ra ngoài lề xã hội… Qua các phép lạ chữa lành, các nhà quí tộc đã tự động dâng hiến tài của công sức cho Don Bosco xây dựng Đền thờ Mẹ phù hộ tại Torino, Tượng Thánh Tâm Chúa vĩ đại trên đồi Tibi Dabo tại Barcelona, các cơ sở dòng và cuối cùng vân lệnh Đức Thánh Cha Leo XIII đi quyên góp để xây Đền thờ Thánh Tâm Chúa tại Roma trong tuổi già.

Trong cuộc sống của cha Bosco, những điều phi thường đã trở thành bình thường nhờ bàn tay can thiệp của Mẹ Maria. Don Bosco thường xin con cái của mình cầu nguyện mỗi khi Ngài phải lo toan và đối đầu với những công cuộc… Cha thường nói với Mẹ Maria “Nào chúng ta cùng làm việc!” và Mẹ Maria đã làm việc của một hiền mẫu lo toan cho người con, người học trò và người môn sinh tín thác của Mẹ. Chúng ta hãy đọc lại một biến cố của đời cha thánh.

Năm 1880, Don Bosco đang thăm viếng một nhà thuộc tu hội của ngài ở nam nước Pháp. Trong dịp này cha giám đốc nhà đã cho tập luyện một trường kịch và mời các ân nhân, các cộng sự viên tới tham dự. Nhưng rủi ro thay, cậu học sinh thủ vai chính trong vở kịch đêm đó bị bệnh và mất tiếng không thể nói được. Cha giám đốc đã chạy tới cha thánh Bosco cho ngài hay phải làm gì? Don Bosco suy nghĩ một chút rồi bảo dẫn em học sinh đó tới cho cha. Cậu diễn viên tới và cha ban phép lành và nói cùng em: “Cha cho con mượn tiếng nói của cha”. Lập tức cậu bé nói được, nhưng Don Bosco thì trở nên á khẩu cho tới khi vở kịch được trình diễn xong thì tiếng nói của ai lại được hoàn lại cho người ấy. Cha Bosco nói được, còn cậu diễn viên trẻ tuổi kia thì bị mất tiếng nói!

Ý LỰC SỐNG CỦA TU HỘI NĂM 2017
Cha Bề trên Tổng quyền của Tu hội Salesian Angel Artime mời gọi tất cả mọi thành viên trong đại gia đình Saleisan hãy sống ý lực của năn 2017 là: «Chúng ta là gia đình! Mỗi người phải là trường của cuộc sống và của tình yêu». Chúng ta mỗi người đều có kinh nghiệm được sinh ra trong một gia đình, với những điều tốt đẹp và hạn chế của gia đình cụ thể. Chúng ta được sinh ra trong nôi ấm yêu thương của gia đình nơi đó chúng ta tìm thấy một trường học về cuộc sống và yêu thương.

Trong năm 2017 Đức Thánh Cha Phanxicô cũng công bố là năm gia đình trẻ và Ngài mời gọi các nghị phụ của Hội đồng Giám mục ngoại thường và các chuyên viên học hỏi và giúp các bạn trẻ thăng tiến hoàn hảo về gia đình. Chúng ta lớn lên tận hưởng sự ấm áp của gia đình, chúng ta học được tình nghĩa gia đình «cảm giác thuộc về một gia đình» trong đó chúng ta học tâm tình biết ơn, xin lỗi và xin phép...

Đối với thành viên Salêdiêng, chúng ta được quy tụ lại trong gia đình Salêdiêng Don Bosco, là một gia đình mà trong đó, với nét đa dạng của 31 Hội dòng (Tu hội, các Hội Dòng Tận Hiến, Các Tổ chức Tông đồ Giáo Dân… vv), Hiến luật trình bày tinh thần gia đình và bàu khí gia đình như là yếu tố làm nên con người chúng ta, bản sắc của chúng ta, làm rõ nét những hoạt động mục vụ của chúng ta trong gia đình và với gia đình. Dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô chúng ta cam kết mạnh mẽ lãnh trách nhiệm giáo dục thanh thiếu niên vào đời dựng xây gia đình cho chính họ.

TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA của ĐTC Phanxicô là đèn soi cho những dấn thân của chúng ta. Tông Huấn này là một nguồn cung cấp cho con người chúng ta cả một kho tàng thiêng liêng và đường hướng mục vụ đích thực mà chúng ta có thể theo đuổi.

Các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên những suy tư và những giáo huấn của Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Benedictô XVI, của hai công nghị năm 2014 và 2015, nói lên những suy tư của Giáo Hội trong nhiều năm qua... Đức Thánh Cha nói: "Chúng ta cần phải khiêm tốn và nhìn nhận chúng ta đã đề xuất một lý tưởng thần học quá trừu tượng, thuần nhân loại cho đời sống hôn nhân, xa rời những tình huống cụ thể và khả năng thực tế của các gia đình thực sự. Lý tưởng hóa quá mức này, cũng như không chuyển tải được đầy đủ niềm tin ân sủng của Thiên Chúa, đã chẳng àm cho đời sống hôn nhân thăng tiến mà nhiều khi còn làm trì trệ...».


Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Tình yêu) của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố 8/4/2016. Tông huấn là tài liệu suy tư về đời sống gia đình và khích lệ vun góp hạnh phúc gia đình; nhưng Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh Giáo Hội cần tránh việc chỉ phán xét con người và áp đặt luật lệ cho họ mà không nhìn đến những nỗ lực phấn đấu của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định lại các giáo huấn của Giáo Hội về đời sống gia đình và hôn nhân, nhưng đồng thời nhấn mạnh vai trò của lương tâm cá nhân và sự phân định mục vụ. Ngài mời gọi Giáo Hội lưu tâm đến hoàn cảnh sống của con người để giúp họ có những quyết định đúng đắn. Mục tiêu nhằm giúp đỡ các gia đình –thực tế là giúp cho mọi người– cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và biết rằng họ được Giáo Hội ân cần săn sóc. Tất cả những điều này đòi hỏi một “phương pháp mục vụ mới” (199).

Sau đây là mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia:
1. Giáo Hội cần hiểu các gia đình và các cá nhân trong tất cả cái bối cảnh phức tạp của nó.
2. Vai trò của lương tâm là tối quan trọng trong những quyết định về luân lý.
3. Người Công Giáo ly dị và tái hôn cần phải được hội nhập vào Giáo Hội đầy đủ hơn.
4. Mọi thành viên trong gia đình cần được khuyến khích sống đời sống Kitô hữu.
5. Chúng ta không nên nói về những người “sống trong tội” nữa.
6. Điều áp dụng được ở nơi này, có thể không áp dụng được ở nơi khác.
7. Mặc dù giáo huấn truyền thống về hôn nhân đã rõ, nhưng Giáo Hội không nên chất gánh nặng cho con người với những kỳ vọng không thực tế.
8. Trẻ em phải được giáo dục về giới tính và tính dục.
9. Những người đồng tính cần được tôn trọng.
10. Mọi người đều được đón nhận...

Trong hạn chế của bài này chúng tôi xin quảng diễn tâm tình của cha Tổng quyền về chương 4 của Tông Huấn. Chương này đề cập tới tình yêu trong hôn nhân (AL các số 89 -164), Đức Thánh Cha đưa ra một tầm nhìn thần học của tình yêu trong hôn nhân và gia đình rút ra từ bài ca đức ái trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu thành Côrintô, làm nổi bật một số thái độ cần thiết: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.» (1 Cr 13,4-7) Kiên nhẫn là một đặc tính của Giao Ước của Thiên Chúa. Cha cho thấy sự kiên nhẫn thông qua lòng Từ Bi. Tình yêu thì kín đáo, tích cực, hiểu biết để chăm sóc bảo vệ và giúp những người yếu đuối theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu qua dụ ngôn “người con hoang đàng” (Mt 9,2); "Niềm tin vào bạn hữu!" (Mt 15, 28); "Hãy đứng dậy!" (Mc 5,41); "Hãy đi bình an" (Lc 7,50); "Đừng sợ" (Mt 14,27). Trong cuộc sống gia đình chúng ta cũng có thể học hỏi từ những lời và đặc biệt từ thái độ yêu thương của Chúa Giêsu. Để yêu thương tha nhân trước tiên chúng ta phải yêu mình nhưng không phải với một tình yêu vị kỷ mà vươn tới tha nhân như Chúa Giêsu đã làm: "Xin Cha tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm "(Lc 23, 34). Tình yêu được thúc đẩy bởi niềm tin, cho đi hơn là chiếm hữu... Tình yêu vợ chồng giúp phát triển toàn diện con người, nội tâm thiêng liêng lẫn cảm xúc thể lý....
Tắt một lời Đức Ái phát sinh từ mỗi người chúng ta trong chính cái nôi gia đình tư riêng để từ đó nó được lan tỏa ra cho bạn bè, hội đoàn Giáo Hội và xã hội.
 
Năm nay sẽ có một tước hiệu mới dành cho Đức Mẹ Maria?
Chân Phương
10:34 30/01/2017
Năm nay sẽ có một tước hiệu mới dành cho Đức Mẹ Maria?

Hồi đầu tháng này, Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế (International Marian Association) đã đệ trình một bản thỉnh cầu lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin ngài công nhận rộng rãi tước hiệu Mẹ Maria là "Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu Cứu Thế".

Tài liệu thỉnh cầu dày 10 trang đã được gửi đi bởi Ủy ban Thần Học của Hiệp hội này, gồm một nhóm hơn 100 nhà thần học, giám mục, linh mục, tu sĩ và lãnh đạo giáo dân đến từ hơn 20 quốc gia với trọng tâm nói về "chân lý và tình yêu tròn đầy của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu". Động thái này diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.


Tiến sĩ Robert Fastiggi - Giáo sư Thánh Mẫu Học tại Chủng viện Thánh Tâm (Sacred Heart Seminary) ở Detroit nói rằng: Nếu thỉnh cầu này được chấp thuận, nó sẽ có tầm quan trọng trong việc giúp các tín hữu đón nhận thêm những điều sáng tỏ về vai trò duy nhất của Đức Mẹ Maria khi cộng tác với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc.

"Tôi nghĩ rằng nhiều người đã cảm nhận được sự dữ đang lan tràn khắp thế giới và đã nhận ra tầm quan trọng khi nhìn nhận vai trò nổi bật của Đức Maria như là một người Mẹ thiêng liêng", Tiến sĩ Fastiggi nói.

Khi đề cập đến Hiến chế Lumen Gentium (ánh sáng Muôn dân) của Công đồng Vatican II, ông nói thêm: "Một tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về sự đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết thêm sâu sắc về vai trò của Đức Maria như là Eva Mới, đã cộng tác với Con của Mẹ, như là Adam mới, trong việc mang các linh hồn trở về sự sống siêu nhiên".


Tước hiệu này có thể đã được truy nguyên về thế kỷ thứ 10, khi một số kinh cầu Đức Mẹ có đề cập đến Mẹ Maria như là đấng cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ý tưởng này được phát triển từ việc xem Đức Maria là "Eva Mới", một tước hiệu dành cho Đức Mẹ đã được sử dụng từ thế kỷ thứ 2. Sau đó, đến thế kỷ 15, tiền tố "đồng công" đã được bổ sung thêm để làm rõ rằng Đức Maria không phải là Đấng Cứu Chuộc, mà là người duy nhất cộng tác trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.


"Tước hiệu đồng công cứu chuộc không bao giờ dám đặt Đức Maria ngang bằng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của Thiên Chúa, làm như vậy sẽ tạo nên điều dị giáo và báng bổ", Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế cũng thông cáo minh định.

"Tước hiệu đồng công cứu chuộc sẽ là vô nghĩa nếu không có Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, và tự nó không quy chiếu về Thập giá Chúa Giêsu Kitô. Tước hiệu Đức Maria đồng công cứu chuộc chỉ tuyên bố với thế giới rằng sự đau khổ chỉ gọi là cứu chuộc khi kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô".

Sau khi tiền tố "đồng công" được thêm vào, tước hiệu này tiếp tục được loan truyền, làm cho thế kỷ 17 được coi là "thời hoàng kim" về tước hiệu "đồng công cứu chuộc" của Đức Maria. Tuy nhiên, tước hiệu vẫn không được Huấn Quyền công nhận, cho đến năm 1908, khi Bộ Phụng Tự sử dụng nó trong một sắc lệnh nâng cấp bậc Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.

Kể từ đó, Huấn Quyền đã nhiều lần đề cập đến thuật ngữ này, nhưng Công đồng Vatican II chung cuộc vẫn quyết định không công nhận chính thức tước hiệu này trong hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân).

Công đồng này nhìn nhận tầm quan trọng trong việc triển khai và làm rõ thêm nhiều hơn về một số điểm giáo lý Đức Mẹ. Một tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về vấn đề Đức Mẹ đồng công cứu chuộc sẽ làm sáng tỏ hơn về sự cộng tác độc đáo của Đức Maria với Chúa Kitô trong công trình cứu độ và sự trung gian của ân sủng. Nó cũng sẽ mở đường cho nhiều ân sủng trong đời sống của Giáo Hội".

Đức Giáo Hoàng thường ban ra các công nhận chính thức để giúp tăng cường sự hiểu biết thần học cho các tín hữu, chẳng hạn như Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố công nhận Đức Maria là "Mẹ Giáo Hội" vào năm 1964.

"Các thỉnh cầu tước hiệu khác nhau về Đức Maria như "Mẹ Thiên Chúa" và "Mẹ phù hộ các giáo hữu"... đã làm củng cố vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ", tiến sĩ Fastiggi nhấn mạnh.

Tiến sĩ Fastiggi còn cho biết, thật không may là nhiều người Công Giáo không ý thức được rằng việc công nhận danh hiệu "đồng công cứu chuộc" đã từng nhận được nhiều sự công nhận chính thức từ các giáo huấn.

"Một số người thậm chí còn nghĩ rằng chúng ta không được phép gọi Đức Maria là 'đồng công cứu chuộc' mặc dù đã có hai vị giáo hoàng, cụ thể là Đức Piô XI (3 lần) và Thánh Gioan Phaolô II (ít nhất là 6 lần) công khai gọi Đức Maria là "đồng công cứu chuộc", ông nói.

Đối với những lo ngại tước hiệu này có thể gây thêm xáo động từ phía người Tin Lành và những người không đồng ý với giáo huấn Công Giáo về Đức Maria, Tiến sĩ Fastiggi tin rằng sự công nhận chính thức của tước hiệu thực sự sẽ giúp làm rõ thêm nhiều điều.

"Một tuyên bố chính thức của Đức Giáo Hoàng sẽ phục vụ thêm sự hiệp nhất bởi vì nó sẽ giúp các Kitô hữu khác biết rằng Giáo Hội Công Giáo phân biệt rõ ràng giữa công trình cứu độ của Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và là Đấng Trung Gian (1 Tim 2: 5-6) còn Đức Mẹ chỉ là người cộng tác thứ cấp, phụ thuộc Chúa Kitô nhưng lại hoàn toàn độc đáo trong công trình cứu chuộc và sự trung gian của ân sủng", ông nói.

Trong một thông cáo báo chí về thỉnh cầu này, Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế cho biết: "Chúng tôi tin rằng sự công nhận rộng rãi về vai trò thực sự và liên tục của Đức Maria với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ sẽ là sự nhìn nhận công bằng về vai trò của nhân loại trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; nuôi dưỡng thêm lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa và dẫn đến sự xuất hiện các ân sủng mang tính lịch sử thông qua những thực hành mạnh mẽ liên quan đến vai trò cầu bầu của Đức Mẹ dành cho Giáo Hội và cho tất cả nhân loại hôm nay".



Nếu bản thỉnh cầu này có thể dẫn đến một tín điều mới về Đức Mẹ, Tiến sĩ Fastiggi cho biết Hiệp hội vẫn sẽ lấy làm hạnh phúc dù cho Đức Giáo Hoàng công nhận tước hiệu này dưới bất kỳ hình thức nào.

"Các thành viên của Hiệp hội ý thức rằng hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn Đức Thánh Cha trong thỉnh cầu trên. Về vấn đề này, việc cầu nguyện và tin tưởng là rất cần thiết", ông nói.

"Chúng tôi tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha và những lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa sẽ thực hiện". (CNA)

Chân Phương
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 29/1/2017
VietCatholic Network
10:42 30/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Kính thưa quý vị và anh chị em, trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, tất cả các anh chị em chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, quý Tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới an khang thịnh vượng, tấn đức, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

- ĐTC diễn giải “Sống tinh thần 8 mối phúc thật”.

- Radio Vatican cắt giảm các chương trình phát thanh.

- Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ.

- Hội đồng Giám mục Italia bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn.

- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ.

- Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là gần 7 triệu thai nhi!

- Cố vấn Tổng Thống Hoa Kỳ nói: Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa.

- Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”

- Trung Quốc: Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước ‘giáng chức’ thành linh mục.

- Phái đoàn Đức TGM Joseph Kurtz thăm Học viện Công Giáo Việt Nam.

- Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh ở Orange cho Cha Trương Bửu Diệp không có phép của TGM Orange.

Sau đây xin mời qúi vị nghe phần tin chi tiết của chúng tôi như sau:

- ĐTC diễn giải “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ”

TIN VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hơn 45 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 29-1-2017, ĐTC giải thích và mời gọi mọi người sống tinh thần các Mối Phúc Thật.

Trong số các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 3 ngàn thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành ở Roma, họp thành đoàn ”lữ hành hòa bình” cùng với cha mẹ và các thầy cô của các em. Có hai em, một nam một nữ, đại diện các em, được lên đứng cạnh ĐTC tại cửa sổ của ở dinh Tông Tòa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng về 8 mối Phúc Thật.

Ngài nói: “Phụng vụ Chúa Nhật này cho chúng ta suy niệm về các Mối Phúc, mở ra bài giảng trên núi, là Đại Hiến Chương của Tân Ước. Chúa Giêsu biểu lộ thánh ý Thiên Chúa muốn dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc. Sứ điệp này đã hiện diện trong các bài giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi người nghèo và người bị áp bức, và Ngài giải thoát họ khỏi những kẻ ngược đãi.

ĐTC nói về mối phúc thứ I như sau: “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ”. Người nghèo khó trong tinh thần là người đã đón nhận những tâm tình và thái độ của những người nghèo, họ không nổi loạn trong thân phận của họ, nhưng biết khiêm tốn, ngoan ngoãn, sẵn sàng đối với ơn của Chúa. Hạnh phúc của người có tinh thần thanh bần có hai chiều kích: trước tiên là đối với của cải, tiếp đến là đối với Thiên Chúa. Họ có thái độ điều độ đối với của cải vật chất: không nhất thiết phải từ bỏ chúng, nhưng có khả năng niếm hưởng điều thiết yếu, chia sẻ, có khả năng canh tân mỗi ngày thái độ kinh ngạc vì sự tốt lành của sự vật, không trở nên nặng nề trong sự ham hố tiêu thụ đen tối. Đối với Thiên Chúa, họ chúc tụng và biết ơn vì thế giới là một phúc lành và nơi nguồn gốc của thế giới này có tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Nhưng họ cũng cởi mở đối với Chúa, ngoan ngoãn đón nhận chủ quyền của Chúa, Đấng đã muốn thế giới cho tất cả mọi ngươi trong thân thận nhỏ bé và giới hạn của họ

Người có tinh thần thanh bần là Kitô hữu không tín thác nơi bản thân, nơi những của cải giàu sang vật chất, không ngoan cố theo ý kiến riêng của mình, nhưng tôn trọng lắng nghe và vui lòng đón nhận quyết định của người khác. Nếu trong các cộng đoàn của chúng ta có nhiều người có tinh thần thanh bần, thì sẽ bớt có chia rẽ, đối nghịch và tranh luận! Sự khiêm tốn, cũng như đức bác ái, là một nhân đức thiết yếu để sống chung trong các cộng đoàn Kitô. Những người nghèo, theo nghĩa này của Tin Mừng, xuất hiện như những người giữ cho mục tiêu Nước Trời được luôn sinh động, họ cho thấy Nước Trời đã có mầm mống trong cộng đoàn huynh đệ, dành ưu tiên cho sự chia sẻ những gì mình sở hữu”.

- Nhân viên Radio Vatican choáng váng trước những cắt giảm chương trình

Theo tờ La Croix, các nhân viên Tòa Thánh làm việc tại Radio Vatican đã bị choáng váng trước những thay đổi đột ngột trong lịch phát sóng. Từ ngày 1 tháng Giêng năm 2017, Radio Vatican đã ngừng không còn tồn tại như một cơ quan độc lập của Tòa Thánh; nhưng đã được gom vào Vụ Truyền thông Vatican. Ngân sách cho chương trình phát thanh đã bị cắt giảm mạnh, với rất nhiều chương trình bị loại bỏ và các chương trình khác đang phải đối mặt với ngân sách eo hẹp. Trước đây, Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng trên làn sóng ngắn, đến tận những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, để làm được như thế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm. Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh muốn khai thác triệt để các tiềm năng của Internet trong một cố gắng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về thông tin và truyền giáo bằng một ngân sách thấp nhất có thể được.

- Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ

ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27-1-2017 dành cho 31 GM và thần học gia thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã bầy tỏ sự liên đới với những đau khổ của các tín hữu Chính Thống Đông phương và đề cao vai trò của các vị tử đạo thuộc các Giáo Hội này.

Khác với các Giáo Hội Chính Thống khác ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ 11, các Giáo Hội Chính Thống Đông phương chỉ chấp nhận 3 Công đồng chung đầu tiên và ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ thứ 5, sau khi từ chối chấp nhận Công đồng chung thứ 4 ở Calcedonia năm 451. Thuộc khối Giáo Hội này hiện nay có Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập, Chính Thống Ethiopie và Eritrea, Arméni Tông Truyền, Giáo Hội Chính Thống Siriac và Chính Thống Siro Malankara bên Ấn độ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận nhiều tín hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương phải chịu nạn bạo lực và những hành vi kinh khủng có những kẻ cực đoan cuồng tín gây ra. Những tình trạng đau khổ bi thảm ấy càng dễ trở nên sâu đậm hơn trong những bối cảnh nghèo đói, bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cũng do tình trạng bất an do những quyền lợi phe phái nhiều khi từ bên ngoài gây ra.

- Hội Đồng Giám mục Italia bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn

Đáp lại một tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ không phản đối việc sử dụng tra tấn, thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói rằng tra tấn luôn luôn là vô đạo đức. Đức Cha Nunzio Galantino nói: “Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố có thể được khắc phục bằng một hình thức khủng bố khác thể hiện qua các hành vi tra tấn. Chắc chắn là vấn đề không thể được giải quyết bằng cách tra tấn”.

- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức

Ngày 23 tháng Giêng - ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và trong tuần đầu tiên của công việc tại Tòa Bạch Ốc – ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại chính sách Mexico City. Hành động này đã được các Giám Mục Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, và đồng thời là Chủ Tịch Ủy Ban các hoạt động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi hoan nghênh hành động ngày hôm nay của Tổng thống Trump nhằm khôi phục lại chính sách Mexico City, trong đó chặn đứng việc lấy tiền đóng thuế của dân trao cho các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài nhằm thúc đẩy hoặc thực hiện các ca nạo phá thai ở hải ngoại, là những hành động thường xuyên vi phạm luật pháp của nước sở tại”

Nhưng hai ngày sau đó, ông Trump đã ký hai sắc lệnh về xuất nhập cảnh. Sắc lệnh thứ nhất liên quan đến một bức tường được xây dựng dọc theo biên giới với Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ để hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp.

Tiếp đến ngày 25 tháng Giêng, ông Trump đã ký một sắc lệnh tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất đối với những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là những người phạm tội.” Các sắc lệnh khác đã tạo nên các vụ biểu tình phản đối ở nhiều nơi.

- Thật khủng khiếp: Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là gần 7 triệu thai nhi

Tổ chức có tên là Planned Parenthood Federation of America (Hiệp Hội Kế Hoạch Gia Đình Hoa Kỳ) đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 1916 khi mở mở phòng phá thai đầu tiên ở Brooklyn. Đến năm 1978, nó đã trở thành tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ và nay đã lấy đi mạng sống của 6,803,782 trẻ em.

Mỗi năm, tổ chức Planned Parenthood nhận được hằng triệu dollars tiền thuế qua Title X, Kế Hoạch Hóa Gia Đình. Báo cáo mới nhất cho biết là 43 phần trăm ngân sách của Planned Parenthood lấy từ các chương trình bảo hiểm của chính phủ và tiền bồi hoàn của các tiểu bang đã lên tới tổng số là 553.7 tỉ dollars trong năm 2014.

- Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa

Bà Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump đã phát biểu tại cuộc Tuần Hành Cho Sự Sống vào hôm thứ Sáu rằng “Sự sống là một ân huệ Thiên Chúa ban, chứ không phải là một đặc ân hay là một một sự chọn lựa. Không phải ngẫu nhiên mà bản Tuyên Ngôn Độc Lập lại xác định quyền đầu tiên của con người là quyền được sống. Nó không phải là một đặc ân, chẳng phải là một sự chọn lựa. Quyền được sống là quyền do Thiên Chúa ban cho từng mỗi con người và thật là tuyệt vời.”

Bà Conway nói tiếp rằng: “Vâng, tôi là người phò sự sống. Thật là một vinh hạnh được cùng đứng với phó Tổng Thống Hoa Kỳ và các vị lãnh đạo tinh thần, các gia đình và các sinh viên học sinh từ nhiều miền của đất nước bảo vệ những trẻ em chưa sinh. Lòng can đảm, tính kiên định, quyết tâm và niềm tin của các bạn đã gây ấn tượng sâu sắc và khuyến khích chúng tôi. Đây là một ngày mới, một khởi đầu cho sự sống. “Tại sao chúng ta có mặt ở đây và nó mang ý nghĩa gì? Chúng ta đứng với nhau ở đây để bảo vệ và trân quý món quà quý giá nhất trong thế giới này – món quà sự sống- và cũng để chống lại việc bỏ rơi và không thể bảo vệ thay cho các em còn trong bụng mẹ.”

“Mỗi ngày là một ngày chiến đấu cho sự sống. Nhưng hôm nay là ngày lễ hội của cuộc sống, là thời gian để cất cao tiếng nói và nâng cao tinh thần… Những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nên biết rằng họ không cô đơn, không bị lên án. Họ cũng được bảo vệ, được chăm lo và được mừng vui.

- Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng đã phát biểu tại cuộc tuần hành chống phá thai “March for Life” tại Washington, DC. Ông nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”. Trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo những người biểu tình, ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta khôi phục một nền văn hóa của cuộc sống ở Mỹ,”

Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe chống Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, cũng đều có cuộc tuần hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau ngày 22 tháng Giêng, là ngày kỷ niệm phán quyết này.

Trong cuộc diễn hành năm nay, lần đầu tiên một Phó Tổng Thống đến tham dự với người biểu tình. Phó tổng thống Mike Pence, là anh hùng lâu năm của phong trào chống phá thai. Trong tư cách là thống đốc của bang Indiana, ông Pence đã ký một số luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất tại Hoa Kỳ.

- Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước Trung Quốc ‘giáng chức’ thành linh mục

Gần đây, nguồn tin từ hãng AsiaNews cho hay Đức Giám Mục phụ tá Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daqin) của Thượng Hải đã tái gia nhập cái gọi là ‘Hiệp hội Công Giáo Yêu nước’, tổ chức mà ngài đã từng tố giác ngay tại lễ tấn phong giám mục của ngài vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, nhưng hồi tháng 6 năm ngoái, ngài lại bày tỏ sự "hối hận" [về việc này] trong một bài viết trên blog.

Theo một bản sao về chương trình họp của Hiệp hội Yêu nước và Ban tôn giáo Thượng Hải vào hôm 20 tháng 1 vừa qua thì Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã được bầu làm "thành viên bổ sung" và giữ chức ủy viên thường trực nhiệm kỳ thứ VIII của Hiệp hội Yêu nước thành phố Thượng Hải. Hội đồng Giám mục Trung Quốc’ (tự xưng) đã thu hồi chức giám mục của Đức Cha Mã Đạt Khâm hồi tháng 12 năm 2012. Ngài đã bị giám sát và phải sống ẩn dật ở Chủng viện Xà Sơn (Sheshan) từ sau lễ tấn phong đó.

- Phái đoàn Đức TGM Joseph Kurtz thăm học viện Công Giáo Việt Nam

Đức Cha Viện Trưởng Giuse Đinh đức Đạo đã trình bày những nét chính yếu về HVCGVN: Tiến trình hình thành, ban giảng huấn, chương trình, điều kiện ghi danh, thành phần sinh viên năm học 2016-2017. Ngoài ra, Đức Cha Giuse cũng nêu lên những khó khăn mà HVCGVN đang phải đối diện trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là vấn đề tài chánh và cơ sở vật chất. Hiện nay HVCGVN chưa có cơ sở riêng nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã cho phép HVCGVN sử dụng tạm tầng 5 của toà nhà Văn Phòng HĐGMVN nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Đức Cha Viện Trưởng cũng kêu gọi sự hỗ trợ trong chương trình giảng dạy Anh Ngữ cho sinh viên và xây dựng thư viện cho Học Viện.

Đức Tổng Giám mục Kurtz và các thành viên của đoàn đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến mục đích của HVCGVN, ứng viên của Học Viện, cách thức để hỗ trợ cho chương trình Anh Ngữ, cũng như hỗ trợ xây dựng thư viện... Đức Tổng Kurtz và Đức Ông Giuse hứa sẽ trình bày những nhu cầu của HVCGVN trước Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như trước Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam.

- Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp không có phép của TGM Orange

LM Trần Văn Kiểm, giám đốc Trung tâm Công Giáo Việt Nam của giáo phận Orange đã ra thông báo hôm 28/1/2017, trong đó có đọan như sau: “Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp nằm trong Địa Phận Orange đã được cắt băng khánh thành và làm phép vào Thứ Bẩy ngày 7 tháng 1 năm 2017 nhưng chính Đức Giám Mục của địa phận lại hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Ngài đã không cho phép và cũng đã không nhận được giấy xin phép. Như thế Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp đã không có phép của Đức Giám Mục để có thể hiện diện trong Địa Phận Orange. Khi không có phép thì không thể đưa vào hoạt động.

Một điều nữa chúng ta cũng cần nên biết đó là tất cả những văn phòng hay cơ sở có tên Cha Trương Bửu Diệp Foundation trong Địa Phận Orange này, không thuộc về Trung Tâm Công Giáo và cũng không thuộc về Tòa Giám Mục Orange.
 
Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako thăm vùng đất Iraq vừa mới được giải phóng
Nguyễn Long Thao
11:48 30/01/2017
Ngày 27 tháng Giêng năm 2017, Đức Thượng Phụ Raphael Louis Sako của Công Giáo Chaldean đã viếng thăm vùng đất Iráq mới được quân đội của chính phủ giải phóng khỏi sự cai trị của nhà nước Hồi Giáo ISIS. Ngài đã thảo luận với các viên chức đang bắt đầu công việc tái thiết vùng này.

Tòa Thượng Phụ và các giáo phận Công Giáo khác ở Iraq đã đóng góp hơn 400,000 dollars cho công cuộc tái thiết nhà ở và thánh đường đã bị lực lượng ISIS phá huỳ trong vùng Nineveh. Đức Thượng Phụ đã thăm Batnayalà thành phó được coi là bị tàn phá nhiều nhất.

Cũng theo nguồn tin của Catholic World News thì tại Nigeria quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay đã phá huỷ tất cả 900 nhà thờ của đất nước này.
 
Khủng bố IS làm tín hữu đạo Hồi mất đức tin Hồi Giáo
Đặng Tự Do
17:18 30/01/2017
Tại các khu vực vừa được tái chiếm tại Mosul, người ta thấy rõ những giải thích cực đoan về Hồi Giáo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và những áp đặt của chúng trên người dân đã có một phản ứng ngược lại. Đó là nhận định của thông tấn xã AFP trong bản tin ngày 30 tháng Giêng 2017. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: Jihadist rule in Mosul sparked backlash against religion.

Sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được thành phố này hồi tháng Sáu năm 2014, chúng đã bắt buộc người ta phải ra khỏi nhà đến đền thờ cầu kinh một ngày 5 lần, cấm hút thuốc, bắt buộc phải để râu đối với nam giới, phụ nữ phải đeo mạng che mặt, phải đập nát tất cả các đồ trang sức, ảnh tượng mà chúng cho là ngẫu tượng, những người đồng tính bị xử tử công khai và những kẻ trộm hay bị cáo buộc là trộm cắp bị chặt mất bàn tay trong những phiên tòa hời hợt và chóng vánh. Những phụ nữ nào không đeo găng tay để người ta thấy được đôi tay của mình thì bị lôi lên đền thờ, tại đây chúng dùng kìm kẹp cánh tay của họ.

Những nỗ lực giải thích đạo Hồi một cách cực đoan như thế - một lối giải thích hầu hết người Hồi giáo đều phủ nhận – đã làm cho một số người, thay vì ngoan đạo hơn như ý muốn của quân khủng bố Hồi Giáo IS, đã có những tác dụng ngược lại.

Imam Mohammed Ghanem
Imam Mohammed Ghanem bị cấm không được giảng thuyết trong những ngày thứ Sáu, khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS chiếm giữ đền thờ của ông, vì ông đã can đảm từ chối cam kết trung thành với chúng trước mặt mọi người. Ông nhận xét cay đắng rằng nhiều tín hữu đạo Hồi mất đức tin Hồi Giáo vì đường lối cực đoan của bọn IS.

Thật vậy, trước những âm thanh chát chúa từ các loa phóng thanh kêu gọi người ta đến đền thờ cầu nguyện trong một khu vực vừa được tái chiếm tại Mosul, người bán thịt tên là Omar này vẫn tiếp tục làm việc tỉnh bơ.

“Mosul là một thành phố Hồi giáo và hầu hết những người trẻ tuổi đều có thói quen cầu nguyện,” nhưng IS đã “bắt buộc chúng tôi.. . chúng tôi đã phải đi đến các đền thờ Hồi giáo ngược lại ý chí của mình, nên từ nay tôi không đi nữa” ông nói.

Trước khi miền đông Mosul được tái chiếm từ tay quân khủng bố Hồi Giáo IS, các cửa hàng đã phải đóng cửa năm lần một ngày để cầu nguyện.

“Một ngày nọ, cậu bé người làm của tôi đã bị quất 35 roi bởi vì nó không đi cầu nguyện”, Omar nói.

“Bây giờ, chúng tôi không còn nghĩa vụ phải đóng cửa hàng của chúng tôi.. . Chúng tôi cầu nguyện hay không là quyền quyết định của chúng tôi.”

Imam Mohammed Ghanem cho biết:

“Bây giờ một số người ghét thời gian cầu nguyện vì bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bắt buộc họ cầu nguyện”.

“Quá nhiều áp lực”

“Họ từ chối cả những quy định đúng đắn của Hồi Giáo vì họ gắn liền chúng với bọn khủng bố Hồi Giáo IS, ngay cả với những điều là bình thường trong thế giới Hồi giáo”.

“Đặt quá nhiều áp lực lên một cái gì đó, nó sẽ phát nổ và đây là những gì đang xảy ra với mọi người. Họ đang muốn sống theo cách họ muốn,”.

Theo Ghanem, một phần của công việc của ông trước khi IS chiếm Mosul là giáo dục người dân về những thực hành đúng đắn của Hồi giáo và điều chỉnh hành vi của họ khi cần thiết.

“Bây giờ, chúng tôi rất ngại nói với họ vì họ đâm ra từ chối mọi thẩm quyền tôn giáo. Nếu chúng tôi nói với họ rằng họ đang làm điều gì đó sai, họ quật lại chúng tôi và bảo chúng tôi là do bọn IS phái đến,” ông nói.

Trong một khu vực khác ở miền Đông Mosul, nơi mưa tích tụ trong những ổ gà, ổ voi do cuộc chiến để lại, Imam Adel Fares cho biết ông cũng đã thay đổi cách tương tác với các tín hữu.

“Bây giờ chúng tôi sợ không dám góp ý kiến với các tín hữu. Họ cảm thấy không thoải mái với sắc phục tôn giáo tôi đang mặc”, Adel nói.

Nhà lãnh đạo Hồi giáo này cho biết ông hiểu được những cư dân “khước từ Hồi giáo” này, nhưng nghĩ rằng tình hình sẽ “dần dần” trở lại bình thường.

Adel bày tỏ hy vọng: “Số lượng người đang dần tăng và tất cả họ sẽ trở lại sau khi những dấu ấn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS biến mất”.

Bên ngoài thành Mosul, nơi hàng ngàn phụ nữ và trẻ con lang thang tìm kiếm thi hài của chồng, cha và anh chị em họ, nơi các cuộc đào bới những ngôi mộ tập thể đang phơi bày trước mặt họ các tội ác kinh hoàng của bọn IS, những tiếng than van, kêu khóc … và cả những tiếng nguyền rủa chửi bới cho thấy có lẽ còn lâu lắm những tín hữu Hồi Giáo này mới tìm lại được niềm tin Hồi Giáo trước đây của họ.
 
Vatican và tổ chức Huynh Đoàn Piô X đã gần đạt được thỏa hiệp
Nguyễn Long Thao
19:08 30/01/2017
Tòa Thánh Vatican và tổ chức Huynh ĐoànThánh Piô X gọi tắt là SSPX đã gần đạt được thỏa hiệp để hợp thức hóa tổ chức này.

Đức Tổng Giám mục Guido Pozzo, thư ký ủy ban Hội Thánh Chúa (Ecclesia Dei),từng tiến hành đối thoại với nhóm bảo thủ đã xác nhận rằng thoả hiệp lập một giám hạt tòng nhân cho tổ chức Huynh Đoàn Thánh Piô X đã gần đạt được

Đức Giám Muc Bernard Fellay, Bề Trên Tổng Quyền của tổ chức Thánh Piô X đã cho khán giả truyền hình biết giữa tổ chức của Ngài với Tòa thánh Vatican đã gần đặt được thoả hiệp. Ngài nói thêm Tổ Chức Thánh Piô X sẽ không chờ đợi đến khi có một thoả hiệp hoàn toàn thoả đáng, mà sẽ chấp nhận thoả hiệp quy định quy chế giáo luật dành cho nhóm này

Đức Giám Mục Bernard Fellay nói ĐGH Phanxicô rất quan tâm đến việc hoà giải với nhóm Thánh Piô X. Ngài thường xuyên gọi và sẵn sàng trợ giúp những ai bị coi là ở bên lề Giáo Hội.

Nhà lãnh đạo của nhóm bảo thủ cũng nhắc lại nội dung cuộc phỏng vấn của ĐGH Phanxicô mà theo đó Ngài đã ban năng quyền cho các linh mục nhóm bảo thủ được ban bí tích hòa giải trong Năm Thánh. Quyền này sẽ mãi mãi tiếp tục có hiệu lực.

Tưởng cũng nên giải thích thêm Giám Hạt Tòng Nhân hay Thể Nhân là một Giám Hạt hay Địa Phận không bị ràng buộc bởi vị trí địa lý nhất định, nói cách khác, đó là một giáo phận không có lãnh thổ rõ rệt, các tín hữu là thành viên của Giám hạt Tòng nhân, dù ở bất cứ đâu vẫn tiếp tục thuộc về Giám Hạt Tòng Nhân.

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họ Đạo Kohtiêu - Cam Bốt - Đón Giáo Thừa Bính Thân-Đinh Dậu
Lm Lý Phan Sinh
01:55 30/01/2017
HỌ ĐẠO KOHTIÊU, CAMBODIA

ĐÓN GIAO THỪA BÍNH THÂN-ĐINH DẬU

Kohtiêu - một xứ đạo nhỏ cách biên giới Việt-Cambốt chừng 10 km, có chiếc phà nhỏ qua Chợ Long Bình, thuộc tỉnh An Giang - được thành lập vào khoảng năm 1998. Dân chúng giữa hai biên giới Miên-Việt qua cửa khẩu Long Bình dễ dàng, đôi lúc không cần hộ chiếu nếu ‘quen mặt’ với nhân viên biên phòng của hai cửa khẩu. Việt Kiều hay Người Ngoại Quốc không được phép qua cửa khẩu địa phương mà phải qua cửa khẩu quốc tế là Siem Reap và Phnom Penh. Tuy nhiên, nếu quen với dân địa phương sống xuyên suốt giữa biên giới thì qua những chuyến đò nhỏ, với chiếc xe Honda họ có thể đưa bạn qua Việt Nam bằng những con đò nhỏ và chạy qua ruộng lúa hay vườn cây cách dễ dàng. Nhưng cũng rất nguy hiểm là nếu chẳng may bị ‘thộp’ thì phải chịu tiền mãi lộ….

Trở về Họ Đạo Kohtiêu. Kohtiêu là một họ đạo nhỏ trong 6 họ đạo của Hạt Basac, với khoảng 50 gia đình Việt Nam Công Giáo, khoảng 180 giáo dân. Trong 6 Họ Đạo của Hạt Basac, các bạn có biết là theo Giáo Luật được thành lập từ nhiều năm nay, nhưng có một điều rất lạ là 3 trong số 6 họ đạo không có giấy ‘thổ cư được nhìn nhận là Nơi Phụng Tự-Nhà Thờ từ phía Chính Quyền của Cambốt… Nói là họ đạo theo nghĩa Giáo Luật là được thành lập do Giáo Phận và được Đức Cha đến làm phép và thánh hiến. Nếu những ai đã đến họ đạo Kohtiêu rồi thì sẽ biết, nếu đi bộ từ nhà thờ 2 vòng dọc theo hướng bờ sông…thì không đầy 10 phút cho một vòng xuống bờ sông rồi lên lại là hết họ đạo. Nghĩa là chì có vài chục nóc gia san sát nhau chia làm 3 dãy… giữa hai dãy nhà là đường đi lên nhà thờ hoặc đi xuống bờ sông… Dưới bờ sông có một vài gia đình vô gia cư-vô hộ khẩu phải sống trên những chiếc thuyền vừa là nhà vừa là bè… và từ phía sau nhà thờ đi tiếp ngõ hẽm ra đường chính đi về Nam Vang khoảng 60 cây số và đi ngược lại khoảng 10 cây số để qua phà Long Bình (An Giang) về Việt Nam. Trên quãng đường dài gần 70 cây số, các bạn phải qua ít là 77 cây cầu sắt cũ kỹ từ đời Pháp… đường đang được sữa chữa cho nên phải mất gần 3 tiếng đồng hồ… mới đến Thủ Đô Nam Vang. Nếu chẳng may có một chiếc xe vận tải nào nằm vạ trên cầu sắt…con được độc nhất đó bị nghẽn xe không biết đến chừng nào… Vì gần như tất cả các cây cầu chỉ qua được có một chiều xe hơi hay xe vận tải mà thôi.

Người Việt trong xóm đạo Kohtiêu sống bằng nghề làm cá, bán cá hay tạp hóa nhỏ để sinh sống qua ngày. Mỗi ngày họ nhận cá từ những người Viêt Nam khác có điều kiện qua lại cửa khẩu Long Bình (Việt Nam) đem qua biên giới bán hoặc giao lại. Họ nhận cá và đánh vãy, làm sạch cá một ngày khoảng 10 tiếng khoảng $2.50 USD cho một ngày công. Cha mẹ và con cái đều làm giá nhân công bằng nhau cho một đầu người. Hoặc làm xong phơi nắng làm khô rồi giao cho những người buôn hay bán lẻ tại các chợ xã, huyện hay thành phố của người Miên hay Chàm…

Nhiều cha mẹ Việt Nam không có hộ khẩu Cambốt thì con cái không được đi học, không có được hưởng quy chế thường trú nhân cho nên cuộc sống của họ trên đất Cambốt rất bấp bênh… chúng tôi sẽ trở lại với những câu chuyện thương tâm của đồng bào Việt Nam đang sống bấp bênh trên đất Cambốt trong những bài tường thuật sau.

Hôm nay chuẩn bị đón Giao Thừa, người Việt Nam cũng hướng về Quê Mẹ với những phong tục mà họ có thể thực hiện được trong sự thiếu thốn của mình. Cũng tìm vài chậu vạn thọ, mai giả…để trước nhà sàn của họ, cũng gói bánh tét… dưa giá, thịt kho…Họ sống chung đụng nhau trong những ngôi nhà sàn chật hẹp, tệ hơn những dãy nhà ở những trại tỵ nạn ở Mã Lai, Nam Dương…họ không được phép cất nhà có tường… nhưng họ cố sống với những gì có thể sống được. Con cái không được đến trường.

Họ đạo tự mở những lớp dạy tiếng Việt tới lớp 2. Đôi lúc các em nghèo phải lội qua sông để học tiếp tiếng Việt lớp 3,4… bên Việt Nam. Hoặc cỡi đồ bỏ vô bọc nylon để trên chiếc thau nhôm hay thau nylon (thau nhựa) rồi lội qua một con sông nhỏ qua đất Cambốt mặc lại bộ đồ rồi đến khu nhà thờ của họ đạo để học Giáo Lý, Dự Lễ hay Sinh Hoạt… xong rồi lội qua sông về nhà bên đất Việt Nam… Nếu đi đò ngang qua sông, phải có $10.000 VN Đồng và phải đi bộ một quãng đường đồng khá xa. Vã lại, các em lại không có tiền… cha mẹ bơi chãi nuôi đàn con thơ… mỗi ngày chỉ được khoảng $2.50 USD. Không chọn lựa nào khác ngoài giải pháp ‘Lội Qua Sông’. Chúng tôi nghĩ đến mùa nước lũ… các em có thể bị nước cuốn trôi hay phải đi bộ ngược về nhà… vì nước cuốn chảy mạnh…

Chiều 30 Tết, chúng tôi đi thăm vài gia đình không Công Giáo trong xóm đạo nghèo… một cụ già đồng hương Phật Giáo hay Đạo Thờ Ông Bà ngõ ý xin một vài bao cát, gạch hay ximăng… để đổ trước cầu thang gỗ của nhà bà… chiều 30 Tết, còn khoảng vài tiếng đồng hồ nữa là đến lễ Giao Thừa 6.00pm giờ Viêt Nam-Cambốt… chúng tôi quyết định thực hiện ‘Lễ Dâng Ban Chiều Ba Mươi Tết’.

Con đường nhỏ đó từ nhà thờ xuống bờ sông khoảng 200 mét nằm giữa những căn nhà sàn lợp bằng tôn cũ kỹ, ẩm thấp, hằng năm mùa nước lũ ngập cao… xung quanh là cống rảnh, rác rưới, nơi sinh sôi nẩy nở của muỗi và chuột… gây nhiều ô nhiễm. Nhưng họ không có chọn lựa nào khác là sống đùm bộc lẫn nhau giữa những nhóm Việt Nam…

Được sự động viên… và chỉ đạo của Ông Bảy Trưởng Ban Hành Giáo và sự nhiệt thành của vài thanh niên trong họ đạo đã xúc cát từ bờ sông đắp cao và bằng phẳng hơn và dự trù sẽ mua vài xe gạch, đá… đổ trên con đường nầy, để cho những cụ già và trẻ em có thể đỡ nguy hiểm khi leo lên xuống cầu thang gỗ từ trên nhà sàn xuống sân an toàn và sạch sẽ. Nhưng vì là ngày cuối năm chúng tôi mua những xe đá nhỏ không kịp, nhưng trong những ngày kế tiếp thì con đường dẫn đến nhà thờ sẽ là niềm vui cho những người nghèo trong niềm hy vọng của Mùa Xuân Đinh Dậu. Ban Hành Giáo sẽ cố gắng hoàn tất con đường nầy sau những ngày Xuân.

Trước sân nhỏ của khuôn viên nhà thờ trước giờ mừng lễ Giao Thừa đêm nay (6.00pm giờ Cambốt-ViệtNam), chúng tôi thấy có hai Nữ Tu thuộc Hội Dòng MTG Chợ Quán, cùng với Ông Trưởng Ban Hành Giáo đang chia sẻ niềm vui Xuân bằng những phần quà của Cha Sở gởi tặng những đồng bào Việt Nam neo đơn trong xóm đạo vui Xuân.

Thánh lễ Giao Thừa đầu tiên trong lịch sử họ đạo Kohtiêu từ năm thành lập 1998. Số giáo dân khoảng 180 người gồm già trẻ lớn bé - Ca đoàn mới được 2 Dì, thuộc HD. MTG Chợ Quán thành lập được 2 tháng… tập luyện ngày đêm… với những bài Thánh Ca Xuân đã làm cho Đêm Đón Giao Thừa Bính Thân-Đinh Dậu thêm phần sốt sắng và linh động… Đặc biệt nhất là Ca Đoàn nầy… một số các em lại không biết đọc và viết tiếng Việt, mà chỉ hát ‘Thuộc Lòng’ mà vẫn hay. Đó là điểm son là cành hoa Mai của Mùa Xuân Đinh Dậu mà hai Dì Chợ Quán đã cố gắng và các em đã hy sinh tập luyện để dâng lên Chúa Xuân qua tiếng hát của các em. Mỗi ngày các em đều đến nhà thờ tập hát… niềm vui của các em mỗi ngày là đến Nhà Thờ để vui chơi và quét dọn sân nhà thờ nhỏ bé và quanh quẩn bên hai Dì đang hy sinh phục vụ và chính các em là niềm an ủi cho hai Dì mỗi ngày khi sống xa gia đình. Sân nhà thờ và khuôn viên trước nhà thờ là nơi các em sinh hoạt và vui đùa duy nhất của họ đạo Kohtiêu nầy sau căn nhà sàn của cha mẹ hay gia đình các em.

Đêm nay, từ trên cung thánh nhìn xuống, cũng những gương mặt thân thương nầy… ông bà, cha mẹ đến dự lễ…cũng như mọi ngày… với những trang phục cũng giống như những ngày thường… chứ không phải như những ngày Tết đón Xuân ở Quê Hương hay ở những nơi khác… của người Dân Việt. Nhưng với các em, năm nay các em có nhiều “Áo Quần Cũ Của Người mà Mới Đối Với Các Em…” Một Trường Tiểu Học Công Giáo ở Tây Úc, năm nay đổi đồng phục mới… đồng phục cũ đã được đóng thành từng kiện hàng gởi sang giúp đỡ cho những em Việt Nam-Cambốt Nghèo, cho nên đường xá, phố chợ quê Chrey Thom và Kohtiêu màu vàng tượng trưng của tiểu bang Tây Úc xuất hiện như Mùa Hoa Mai Nở Rộn không phải trên đường quê hương mà trên vùng đất Miên năm nay… Những người cha, người mẹ, ông bà lớn tuổi cũng cảm thây vui vì những ai với tuổi già mắt kém cũng nhận được những kính lão do những người có lòng hảo tâm gởi tặng. Hơn 1.500 kính - cận thị và viễn thị và cả kính mát nữa - đã được trao tặng cho Việt Nam và Cambốt trong 2 năm qua. Nhìn thấy những cụ già mang kính đi dâng lễ với gương mặt vui tươi đã mang thêm một niềm vui cho cho những ai đã dâng tặng kính trong những năm qua...

Trong Nhà Thờ Bình Di (Chrey Thom) và Koktiêu nhiều hoa Mai trong những ngày này do những chiếc áo đồng phục mà các em đã và đang mặc thay cho những cành Hoa Mai Thật đang nở tươi trên khắp nẻo đường của quê Mẹ Việt Nam và những nơi khác trên thế giới có những điều kiện may mắn hơn những đồng bào Việt Nam trên đất Miên. Rồi trong những ngày nầy, nhiều Hoa Mai Vàng sẽ tung tăng trên những xóm làng của các họ đạo thuộc Hạt Basac: ngoài họ đạo chính là Chrey Thom (Bình Di) và KohTiêu, rồi tiếp đến là các họ đạo Sampan (Tam Bang), Saang, Tual Krosang và Bung Chouk khi cha sở đi dâng thánh lễ các họ đạo luân phiên, ngài sẽ đem quà đến phân phát cho các em nghèo.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí êm đềm không có quà Xuân nào khác dâng lên Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu bằng mấy nén hương thơm, một mâm lễ quả: chuối, xoài, lêkima và táo…. Và lòng thành của đoàn con cái của Kohtiêu… với của lễ dâng cúng từ sự chiu chắc của cần lao $5.00 USD lễ dâng Giao Thừa hay của một thánh lễ Chúa Nhật của cả một họ đạo…. chỉ có bằng ấy? Họ đạo khá nhất là $10.00 USD tiền dâng cúng của một ngày Chúa Nhật. Các bạn nghĩ gì khi chúng ta đón Xuân nơi Cộng Đoàn Họ Đạo của chúng ta khi đọc đến đây?

Sau Thánh Lễ Giao Thừa, mọi người âm thầm rời ngôi thánh đường nhỏ bé…. về lại với căn nhà sàn lụp xụp của mình… Các em bé ở lại vui chơi nhảy múa với chiếc máy amplifier loại xách tay hay chơi nhạc trong khuôn viên nhà thờ… với hai Dì… màn đêm từ từ khép lại…

Đúng Giao Thừa… một vài phông pháo nổ lưa thưa… trong xóm đạo không đầy 10 phút của một vài gia đình có điều kiện… như gợi nhớ lại Tống Cựu Bính Thân - Nghinh Tân Đinh Dậu chẳng bù lại nhiều nơi khác trên Quê Cha Đất Mẹ và Nhiều Nơi Trên Thế Giới… người Việt Nam Nơi Quê Hương và Hải Ngoại đang tưng bừng chào đón Xuân Mới với những tràng pháo bông kéo dài… và những bữa tiệc Tất Niên Bính Thân tận Tân Niên của Ngày Mùng Một Tết Đinh Dậu.

Cảm tạ Thiên Chúa là Chúa Xuân Vĩnh Cửu đã ban niềm vui cho những gia đình trong họ đạo Kohtiêu trong Mùa Xuân năm nay. Cùng với Hai Dì Chợ Quán, Ban Hành Giáo và toàn thể giáo dân chúng tôi dâng lên Thiên Chúa Khúc Ca Tạ Ơn trong đêm Giao Thừa Bính Thân-Đinh Dậu lần đầu tiên trong lịch sử họ đạo tính từ năm thành lập đến nay.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nhận định của một chuyên viên tác phong di truyền học về Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương
Vũ Văn An
23:49 30/01/2017
Những vị hết lòng bênh vực Đức Phanxicô trong cuộc tranh luận về Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương hiện nay dường như muốn nhấn mạnh rằng diễn trình ra quyết định của ngài đã kết thúc. Nó khởi đầu bằng cách đặt ra những câu hỏi khó khăn (mục vụ gia đình hiện đại), tiếp theo là suy tính dựa vào việc tham khảo rộng rãi càng nhiều tâm trí càng hay (hai thượng hội đồng) và cuối cùng tin tưởng đưa ra quyết định (Niềm Vui Yêu Thương).

Nổi bật trong diễn trình trên là ý niệm đối thoại cởi mở dựa vào tính thượng hội đồng (synodality) đã có từ ngàn xưa trong lịch sử Giáo Hội. Nhưng nếu đã gọi là đối thoại cởi mở, thì cuộc đối thoại này khó lòng có thể bị giới hạn vào thời gian nhất là khi những vị như linh mục Sparado hay ký giả Loughlin cho rằng Đức Phanxicô không dùng GPS để tìm đường mà là theo lối cũ “mò mẫm” từng bước để tìm đường và đã gọi là một diễn trình có thực chất thì khó có thể có kết thúc.

Thành thử, sau Niềm Vui Yêu Thương, nhiều người vẫn tiếp tục cuộc đối thoại chứ không theo lề lối cũ là Rôma đã nói, thì không ai còn nói gì được nữa, một lề lối mà các vị bênh vực Đức Phanxicô triệt để đả kích.

Trong tinh thần ấy, Hilary Towers, ngày 29 tháng Giêng, đã đặt câu hỏi: Tại sao những người Công Giáo không thoải mái với Niềm Vui Yêu Thương không phải là những người bất thuận (dissenter)? Tác giả bài viết có học vị tiến sĩ và là một nhà tâm lý học về phát triển, có gia đình và 5 đứa con. Bà thực hiện cuộc tìm tòi để viết luận án tiến sĩ của mình tại Trung Tâm Nghiên Cứu Gia Đình của Đại Học George Washington ở Washington D.C., nơi bà chú trọng tới việc phân tích tác phong di truyền trong các nhân tố thích ứng cá nhân và các liên hệ hôn nhân và làm cha mẹ.

Trích dẫn Giêrêmia 31:31-32, tác giả này cho hay ẩn dụ hôn nhân đã được sử dụng khắp trong bộ Thánh Kinh để mô tả tấm tình của Thiên Chúa đối với con người, và tấm tình của Đức Kitô đối với Giáo Hội: luôn trung trinh với người yêu dù người yêu bất tín.

Vì là một chuyên gia về tác phong di truyền, Towers cho rằng ẩn dụ trên là một dụng cụ bẩm sinh (built-in) để cha mẹ truyền giảng Tin Mừng cho con cái, bất luận cuộc hôn nhân của họ có bất toàn bao nhiêu đi chăng nữa. Và bà tự hỏi chuyện gì sẽ xẩy ra nếu càng ngày càng ít các cha mẹ làm gương về Tin Mừng Gia Đình này cho con cái?

Và bà tự trả lời: điều chắc là thế hệ kế tiếp sẽ hoài nghi về vị Thiên Chúa trung trinh. Hôn nhân trở thành phương tiện để thỏa mãn tính dục và xúc cảm. Làm tình bị tách biệt khỏi sinh sản. Đàn ông dùng đàn bà. Đàn bà dùng đàn ông. Đàn bà vứt bỏ con chưa sinh và con sơ sinh. Phần lớn người ta sẽ hồ đồ về phái tính và sau đó là vai trò giới tính.

Giáo Hội dường như cũng đang chới với việc liệu có còn là một chủ trương đầy yêu thương hay không khi đòi mọi cặp vợ chồng, chứ không phải chỉ là đa số các cặp vô chồng, phải trung thành với nhau suốt đời. Không phải chỉ trong những lúc an vui, mà còn cả trong các cơn giông bão. Và có lẽ quan trọng hơn cả là sau các cơn giông bão.

Khi một hay cả hai người phối ngẫu chuyển tới sống với người bạn đời hay cuộc hôn nhân mới, điều còn lại là cuộc hôn nhân thứ nhất tuy vẫn hiện hữu ở thời vĩnh cửu nhưng đã bị tuyên phán là chết bởi chính các chứng tá của lời thề kết hôn, những người được ủy thác việc bảo vệ nó ở trần gian này.

Các người trưởng thành trong nền văn hóa hiện nay của ta thường xuyên nói tới nỗi đau đớn của ly dị; nỗi đau khổ của con cái những người ly dị thì ít khi là tập chú minh nhiên trong các quan ngại của chúng ta. Các biên bản Thượng Hội Đồng Giám Mục và Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương cũng thế thôi.

Và liều thuốc giả hiệu xuất hiện rất nhanh với viễn ảnh một khởi đầu mới: bằng cả tâm trí, thể lực, xúc cảm và tài chánh, việc bước ra khỏi cơn thống khổ của cuộc đấu tranh hay phản bội hôn nhân dường như sẽ đem lại cho chúng ta hy vọng, do đó, ta nên tự hướng về những mơ tưởng của một tình yêu mới, không còn đau khổ, trái lại đầy thơ mộng tươi mát. Điều này xem ra giúp người thân yêu của ta cảm thấy như tìm lại được hạnh phúc, vậy, nên khuyến khích họ bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầu.

Trong ngữ cảnh ấy, cuộc hôn nhân suốt đời xem ra như một gánh nặng, chứ không phải một hồng phúc, chỉ được một số ít những người háo hức mới đạt tới. Không còn nữa câu hỏi mục vụ: làm thế nào ta có thể phục hồi và giúp hòa giải một liên hệ hôn nhân đã đổ vỡ? Thay vào đó, là câu hỏi: làm thế nào để tình thế của cặp này miễn chước họ khỏi phải tuân theo sự khôn ngoan của Giáo Hội trong vấn đề này, một sự khôn ngoan chỉ nhằm phục vụ hạnh phúc và phúc lợi của họ ở đời này và ở đời sau?

Trước tình thế trên, Towers cho rằng vì ưu thế của các “tình huống bất hợp lệ” trong thế giới ngày nay, điều dễ hiểu và khôn ngoan cho các Kitô hữu là tái khảo sát các giáo huấn xưa dưới ánh sáng các yếu tố mới của nhân khẩu học (demographics).

Một trong các chỉ trích đối với những người quan tâm tới hậu quả của Niềm Vui Yêu Thương là những người này không hiểu những vấn đề thực chất của những con người có thực.

Vì Giáo Hội vốn có một lịch sử lâu dài luôn quan tâm tới người nghèo, người không ai bênh vực và những người sống bên lề, nên, có lẽ ta nên tự vấn: việc Giáo Hội chờ mong người ta trung thành về tính dục trong hôn nhân có còn là điều tốt đẹp nữa hay không? Nó có còn hữu lý và đạt được trong mọi tình huống hay không?

Một số nhà bình luận đã liệt kê nhiều điển hình trong đó câu trả lời dường như là “không”, như trường hợp không thể có án tuyên bố vô hiệu (annulment), hay cuộc hôn nhân không thể cứu vãn được, hoặc cặp kết hợp mới có con, hoặc ý niệm “ngoại tình” đơn giản không còn thích đáng đối với thực tại của tình thế.

Towers ngầm cho thấy phần lớn các điển hình trên là do những người ly dị tái hôn chủ quan đưa ra. Nhưng quan điểm của bà không hạn hẹp như thế. Vấn đề đối với Giáo Hội là thế này: làm thế nào ta có thể đem thương xót và yêu thương thực sự đến mọi con người liên hệ tới các điển hình trên, cả người lớn lẫn trẻ em, cả những người làm hại gia đình họ lẫn các nạn nhân bị bỏ rơi, và tất cả những ai kẹt ở giữa?

Bà cho rằng những người ly dị ngày nay, nhất là những ai bị bỏ rơi một cách bất công, có một sứ mệnh độc đáo và sinh tử, mà Giáo Hội cần phải hỗ trợ vô điều kiện. Thiên Chúa đang mời gọi nhiều cặp vợ chồng ly dị tiếp tục duy trì lời hứa lúc kết hôn của họ; để chứng minh cho con cái họ và cho cả thế giới thấy dân của Người không phải chỉ là căn tính tính dục; và tình yêu chỉ khả hữu khi ta chọn sống trong sạch, bao lâu tình yêu còn đòi hỏi.

Điều trên có thể là một hành vi anh hùng mà cũng có thể không, nhưng, ngoài Đức HY Kasper ra, ta tin là “người Kitô hữu trung bình” có thể thực hiện được. Để được hạnh phúc đích thực và đem hạnh phúc đến cho những người ta yêu thương, ta phải trước hết kiểm soát được trọn vẹn tính dục của ta, bất luận là người kết hôn, người ly dị, người độc thân, linh mục, tu sĩ, hay người đồng tính.

Ngoài câu hỏi liệu việc tuân giữ các giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và tính dục có còn là việc khả hữu nữa hay không, ta cũng nên đặt câu hỏi: ai là người được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các giáo huấn này.

Towers không trả lời câu hỏi trên, nhưng bà cho rằng “trong khi có những bà mẹ lăng nhăng vụng trộm ái tính và áp đặt cuộc ly dị lên gia đình mà bà đã góp tay dựng nên, thì cũng có những bà mẹ làm mọi cách có thể để cứu vãn cuộc hôn nhân với người chồng bất trung của mình. Liệu Giáo Hội có thương xót các người phối ngẫu, các đứa con và các cộng đồng của họ hay không nếu xử sự với các người đàn bà trong hai tình huống này như nhau?

Theo bà, “phần lớn những người Công Giáo không thoải mái với Niềm Vui Yêu Thương rất buồn và bất an trước ý nghĩ cho rằng mình chống đối hàng giáo phẩm của Giáo Hội về bất cứ vấn đề nào, huống hồ là vấn đề gây nhiều hậu quả đến thế. Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Đức Thánh Cha của họ, là Đại Diện của Chúa Kitô, nên phần lớn hết sức kinh dị khi bị coi là ‘những kẻ bất thuận’.

“Nhiều người đơn thuần đang trực tiếp hay gián tiếp trải nghiệm các hậu quả tai hại của chính ý niệm bất hợp lệ được nhắc đến trong suốt văn kiện.

“Những người trên có nhiều điều lo âu. Họ không tìm cách áp đặt các luật lệ và qui định thần học. Họ chỉ muốn cho con cái họ cảm nghiệm được điều chính họ không được hay không thể cảm nghiệm được: biết và chạy theo trọn vẹn vẻ đẹp của lời Giáo Hội mời gọi đạt tới sự toàn vẹn tính dục và tình chung thủy vợ chồng”.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Mận
Diệp Hải Dung Australia
20:58 30/01/2017
HOA MẬN
Ảnh của Diệp Hải Dung
Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến, xuân đi, hoa mận nở
Gái xuân giũ lụa trên sông Vân..
(Trích thơ của Nguyễn Bính)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay 29/1/2017
VietCatholic Network
10:43 30/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Kính thưa quý vị và anh chị em, trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, tất cả các anh chị em chương trình Video Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới ngày nay xin kính chúc đến quý Hồng Y, quý Đức Cha, quý Linh mục, quý Tu sĩ và quý khán thính giả một năm mới an khang thịnh vượng, tấn đức, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính sau đây:

- ĐTC diễn giải “Sống tinh thần 8 mối phúc thật”.
- Radio Vatican cắt giảm các chương trình phát thanh.
- Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ.
- Hội đồng Giám mục Italia bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn.
- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trước cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ.
- Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là gần 7 triệu thai nhi!
- Cố vấn Tổng Thống Hoa Kỳ nói: Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa.
- Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”
- Trung Quốc: Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước ‘giáng chức’ thành linh mục.
- Phái đoàn Đức TGM Joseph Kurtz thăm Học viện Công Giáo Việt Nam.
- Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh ở Orange cho Cha Trương Bửu Diệp không có phép của TGM Orange.

Sau đây xin mời qúi vị nghe phần tin chi tiết của chúng tôi như sau:

- ĐTC diễn giải “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ”

TIN VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hơn 45 ngàn tín hữu trưa Chúa Nhật 29-1-2017, ĐTC giải thích và mời gọi mọi người sống tinh thần các Mối Phúc Thật.

Trong số các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 3 ngàn thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành ở Roma, họp thành đoàn ”lữ hành hòa bình” cùng với cha mẹ và các thầy cô của các em. Có hai em, một nam một nữ, đại diện các em, được lên đứng cạnh ĐTC tại cửa sổ của ở dinh Tông Tòa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng về 8 mối Phúc Thật.

Ngài nói: “Phụng vụ Chúa Nhật này cho chúng ta suy niệm về các Mối Phúc, mở ra bài giảng trên núi, là Đại Hiến Chương của Tân Ước. Chúa Giêsu biểu lộ thánh ý Thiên Chúa muốn dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc. Sứ điệp này đã hiện diện trong các bài giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi người nghèo và người bị áp bức, và Ngài giải thoát họ khỏi những kẻ ngược đãi.

ĐTC nói về mối phúc thứ I như sau: “Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ”. Người nghèo khó trong tinh thần là người đã đón nhận những tâm tình và thái độ của những người nghèo, họ không nổi loạn trong thân phận của họ, nhưng biết khiêm tốn, ngoan ngoãn, sẵn sàng đối với ơn của Chúa. Hạnh phúc của người có tinh thần thanh bần có hai chiều kích: trước tiên là đối với của cải, tiếp đến là đối với Thiên Chúa. Họ có thái độ điều độ đối với của cải vật chất: không nhất thiết phải từ bỏ chúng, nhưng có khả năng niếm hưởng điều thiết yếu, chia sẻ, có khả năng canh tân mỗi ngày thái độ kinh ngạc vì sự tốt lành của sự vật, không trở nên nặng nề trong sự ham hố tiêu thụ đen tối. Đối với Thiên Chúa, họ chúc tụng và biết ơn vì thế giới là một phúc lành và nơi nguồn gốc của thế giới này có tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Nhưng họ cũng cởi mở đối với Chúa, ngoan ngoãn đón nhận chủ quyền của Chúa, Đấng đã muốn thế giới cho tất cả mọi ngươi trong thân thận nhỏ bé và giới hạn của họ

Người có tinh thần thanh bần là Kitô hữu không tín thác nơi bản thân, nơi những của cải giàu sang vật chất, không ngoan cố theo ý kiến riêng của mình, nhưng tôn trọng lắng nghe và vui lòng đón nhận quyết định của người khác. Nếu trong các cộng đoàn của chúng ta có nhiều người có tinh thần thanh bần, thì sẽ bớt có chia rẽ, đối nghịch và tranh luận! Sự khiêm tốn, cũng như đức bác ái, là một nhân đức thiết yếu để sống chung trong các cộng đoàn Kitô. Những người nghèo, theo nghĩa này của Tin Mừng, xuất hiện như những người giữ cho mục tiêu Nước Trời được luôn sinh động, họ cho thấy Nước Trời đã có mầm mống trong cộng đoàn huynh đệ, dành ưu tiên cho sự chia sẻ những gì mình sở hữu”.

- Nhân viên Radio Vatican choáng váng trước những cắt giảm chương trình

Theo tờ La Croix, các nhân viên Tòa Thánh làm việc tại Radio Vatican đã bị choáng váng trước những thay đổi đột ngột trong lịch phát sóng. Từ ngày 1 tháng Giêng năm 2017, Radio Vatican đã ngừng không còn tồn tại như một cơ quan độc lập của Tòa Thánh; nhưng đã được gom vào Vụ Truyền thông Vatican. Ngân sách cho chương trình phát thanh đã bị cắt giảm mạnh, với rất nhiều chương trình bị loại bỏ và các chương trình khác đang phải đối mặt với ngân sách eo hẹp. Trước đây, Radio Vatican phát thanh bằng 40 thứ tiếng trên làn sóng ngắn, đến tận những nơi bị cấm triệt để như ở Siberia trong những năm dưới chế độ tàn bạo của Stalin, hay như ngày hôm nay đây ở Bắc Triều Tiên hay Ả Rập Saudi.

Tuy nhiên, để làm được như thế, Tòa Thánh phải chi tiêu rất nhiều cho Radio Vatican. Không có quảng cáo, không một doanh thu đáng kể nào, và vì phát trên nhiều ngôn ngữ khác nhau, ít nhất Tòa Thánh phải trả lương cho hơn 200 người trong đó có 35 nhà báo làm việc toàn thời. Tổng chi ngân sách cho Radio Vatican dao động từ hai mươi đến ba mươi triệu euro mỗi năm. Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh muốn khai thác triệt để các tiềm năng của Internet trong một cố gắng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về thông tin và truyền giáo bằng một ngân sách thấp nhất có thể được.

- Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ

ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27-1-2017 dành cho 31 GM và thần học gia thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương đã bầy tỏ sự liên đới với những đau khổ của các tín hữu Chính Thống Đông phương và đề cao vai trò của các vị tử đạo thuộc các Giáo Hội này.

Khác với các Giáo Hội Chính Thống khác ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ 11, các Giáo Hội Chính Thống Đông phương chỉ chấp nhận 3 Công đồng chung đầu tiên và ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ thứ 5, sau khi từ chối chấp nhận Công đồng chung thứ 4 ở Calcedonia năm 451. Thuộc khối Giáo Hội này hiện nay có Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập, Chính Thống Ethiopie và Eritrea, Arméni Tông Truyền, Giáo Hội Chính Thống Siriac và Chính Thống Siro Malankara bên Ấn độ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận nhiều tín hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương phải chịu nạn bạo lực và những hành vi kinh khủng có những kẻ cực đoan cuồng tín gây ra. Những tình trạng đau khổ bi thảm ấy càng dễ trở nên sâu đậm hơn trong những bối cảnh nghèo đói, bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cũng do tình trạng bất an do những quyền lợi phe phái nhiều khi từ bên ngoài gây ra.

- Hội Đồng Giám mục Italia bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề tra tấn

Đáp lại một tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng ông sẽ không phản đối việc sử dụng tra tấn, thư ký của Hội Đồng Giám Mục Ý nói rằng tra tấn luôn luôn là vô đạo đức. Đức Cha Nunzio Galantino nói: “Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa khủng bố có thể được khắc phục bằng một hình thức khủng bố khác thể hiện qua các hành vi tra tấn. Chắc chắn là vấn đề không thể được giải quyết bằng cách tra tấn”.

- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và cơn lốc các sắc lệnh của tổng thống Mỹ trong tuần lễ đầu tiên sau khi nhậm chức

Ngày 23 tháng Giêng - ba ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và trong tuần đầu tiên của công việc tại Tòa Bạch Ốc – ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại chính sách Mexico City. Hành động này đã được các Giám Mục Mỹ hoan nghênh nhiệt liệt. Đức Hồng Y Timothy Dolan Tổng Giám Mục New York, và đồng thời là Chủ Tịch Ủy Ban các hoạt động Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi hoan nghênh hành động ngày hôm nay của Tổng thống Trump nhằm khôi phục lại chính sách Mexico City, trong đó chặn đứng việc lấy tiền đóng thuế của dân trao cho các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài nhằm thúc đẩy hoặc thực hiện các ca nạo phá thai ở hải ngoại, là những hành động thường xuyên vi phạm luật pháp của nước sở tại”

Nhưng hai ngày sau đó, ông Trump đã ký hai sắc lệnh về xuất nhập cảnh. Sắc lệnh thứ nhất liên quan đến một bức tường được xây dựng dọc theo biên giới với Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ để hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp.

Tiếp đến ngày 25 tháng Giêng, ông Trump đã ký một sắc lệnh tăng cường các hành động cưỡng chế và trục xuất đối với những người nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt là những người phạm tội.” Các sắc lệnh khác đã tạo nên các vụ biểu tình phản đối ở nhiều nơi.

- Thật khủng khiếp: Tổ chức phá thai Planned Parenthood kỷ niệm 100 năm thành lập với số thai nhi bị giết là gần 7 triệu thai nhi

Tổ chức có tên là Planned Parenthood Federation of America (Hiệp Hội Kế Hoạch Gia Đình Hoa Kỳ) đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào năm 1916 khi mở mở phòng phá thai đầu tiên ở Brooklyn. Đến năm 1978, nó đã trở thành tổ chức phá thai lớn nhất Hoa Kỳ và nay đã lấy đi mạng sống của 6,803,782 trẻ em.

Mỗi năm, tổ chức Planned Parenthood nhận được hằng triệu dollars tiền thuế qua Title X, Kế Hoạch Hóa Gia Đình. Báo cáo mới nhất cho biết là 43 phần trăm ngân sách của Planned Parenthood lấy từ các chương trình bảo hiểm của chính phủ và tiền bồi hoàn của các tiểu bang đã lên tới tổng số là 553.7 tỉ dollars trong năm 2014.

- Quyền được sống là ân huệ Chúa ban, không phải là một đặc ân, cũng không phải là một sự chọn lựa

Bà Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump đã phát biểu tại cuộc Tuần Hành Cho Sự Sống vào hôm thứ Sáu rằng “Sự sống là một ân huệ Thiên Chúa ban, chứ không phải là một đặc ân hay là một một sự chọn lựa. Không phải ngẫu nhiên mà bản Tuyên Ngôn Độc Lập lại xác định quyền đầu tiên của con người là quyền được sống. Nó không phải là một đặc ân, chẳng phải là một sự chọn lựa. Quyền được sống là quyền do Thiên Chúa ban cho từng mỗi con người và thật là tuyệt vời.”

Bà Conway nói tiếp rằng: “Vâng, tôi là người phò sự sống. Thật là một vinh hạnh được cùng đứng với phó Tổng Thống Hoa Kỳ và các vị lãnh đạo tinh thần, các gia đình và các sinh viên học sinh từ nhiều miền của đất nước bảo vệ những trẻ em chưa sinh. Lòng can đảm, tính kiên định, quyết tâm và niềm tin của các bạn đã gây ấn tượng sâu sắc và khuyến khích chúng tôi. Đây là một ngày mới, một khởi đầu cho sự sống. “Tại sao chúng ta có mặt ở đây và nó mang ý nghĩa gì? Chúng ta đứng với nhau ở đây để bảo vệ và trân quý món quà quý giá nhất trong thế giới này – món quà sự sống- và cũng để chống lại việc bỏ rơi và không thể bảo vệ thay cho các em còn trong bụng mẹ.”

“Mỗi ngày là một ngày chiến đấu cho sự sống. Nhưng hôm nay là ngày lễ hội của cuộc sống, là thời gian để cất cao tiếng nói và nâng cao tinh thần… Những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn nên biết rằng họ không cô đơn, không bị lên án. Họ cũng được bảo vệ, được chăm lo và được mừng vui.

- Phó tổng thống Hoa Kỳ nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence cũng đã phát biểu tại cuộc tuần hành chống phá thai “March for Life” tại Washington, DC. Ông nói: “Sự sống lại chiến thắng một lần nữa tại Hoa Kỳ”. Trong tiếng vỗ tay hoan hô của đông đảo những người biểu tình, ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta khôi phục một nền văn hóa của cuộc sống ở Mỹ,”

Kể từ năm 1974, để phản đối phán quyết Roe chống Wade của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa phá thai, năm nào tại Thủ Đô Washington D.C, cũng đều có cuộc tuần hành phò sự sống, vào khoảng trước hoặc sau ngày 22 tháng Giêng, là ngày kỷ niệm phán quyết này.

Trong cuộc diễn hành năm nay, lần đầu tiên một Phó Tổng Thống đến tham dự với người biểu tình. Phó tổng thống Mike Pence, là anh hùng lâu năm của phong trào chống phá thai. Trong tư cách là thống đốc của bang Indiana, ông Pence đã ký một số luật chống phá thai nghiêm ngặt nhất tại Hoa Kỳ.

- Đức Giám Mục Tađêô Mã Đạt Khâm bị Hội yêu nước Trung Quốc ‘giáng chức’ thành linh mục

Gần đây, nguồn tin từ hãng AsiaNews cho hay Đức Giám Mục phụ tá Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daqin) của Thượng Hải đã tái gia nhập cái gọi là ‘Hiệp hội Công Giáo Yêu nước’, tổ chức mà ngài đã từng tố giác ngay tại lễ tấn phong giám mục của ngài vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, nhưng hồi tháng 6 năm ngoái, ngài lại bày tỏ sự "hối hận" [về việc này] trong một bài viết trên blog.

Theo một bản sao về chương trình họp của Hiệp hội Yêu nước và Ban tôn giáo Thượng Hải vào hôm 20 tháng 1 vừa qua thì Đức Giám Mục Mã Đạt Khâm đã được bầu làm "thành viên bổ sung" và giữ chức ủy viên thường trực nhiệm kỳ thứ VIII của Hiệp hội Yêu nước thành phố Thượng Hải. Hội đồng Giám mục Trung Quốc’ (tự xưng) đã thu hồi chức giám mục của Đức Cha Mã Đạt Khâm hồi tháng 12 năm 2012. Ngài đã bị giám sát và phải sống ẩn dật ở Chủng viện Xà Sơn (Sheshan) từ sau lễ tấn phong đó.

- Phái đoàn Đức TGM Joseph Kurtz thăm học viện Công Giáo Việt Nam

Đức Cha Viện Trưởng Giuse Đinh đức Đạo đã trình bày những nét chính yếu về HVCGVN: Tiến trình hình thành, ban giảng huấn, chương trình, điều kiện ghi danh, thành phần sinh viên năm học 2016-2017. Ngoài ra, Đức Cha Giuse cũng nêu lên những khó khăn mà HVCGVN đang phải đối diện trong giai đoạn khởi đầu, đặc biệt là vấn đề tài chánh và cơ sở vật chất. Hiện nay HVCGVN chưa có cơ sở riêng nên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) đã cho phép HVCGVN sử dụng tạm tầng 5 của toà nhà Văn Phòng HĐGMVN nhằm phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Đức Cha Viện Trưởng cũng kêu gọi sự hỗ trợ trong chương trình giảng dạy Anh Ngữ cho sinh viên và xây dựng thư viện cho Học Viện.

Đức Tổng Giám mục Kurtz và các thành viên của đoàn đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến mục đích của HVCGVN, ứng viên của Học Viện, cách thức để hỗ trợ cho chương trình Anh Ngữ, cũng như hỗ trợ xây dựng thư viện... Đức Tổng Kurtz và Đức Ông Giuse hứa sẽ trình bày những nhu cầu của HVCGVN trước Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng như trước Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam.

- Văn phòng Cáo Thỉnh Viên phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp không có phép của TGM Orange

LM Trần Văn Kiểm, giám đốc Trung tâm Công Giáo Việt Nam của giáo phận Orange đã ra thông báo hôm 28/1/2017, trong đó có đọan như sau: “Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp nằm trong Địa Phận Orange đã được cắt băng khánh thành và làm phép vào Thứ Bẩy ngày 7 tháng 1 năm 2017 nhưng chính Đức Giám Mục của địa phận lại hoàn toàn không biết gì về chuyện này. Ngài đã không cho phép và cũng đã không nhận được giấy xin phép. Như thế Văn Phòng Cáo Thỉnh Viên xin phong thánh cho Cha Trương Bửu Diệp đã không có phép của Đức Giám Mục để có thể hiện diện trong Địa Phận Orange. Khi không có phép thì không thể đưa vào hoạt động.

Một điều nữa chúng ta cũng cần nên biết đó là tất cả những văn phòng hay cơ sở có tên Cha Trương Bửu Diệp Foundation trong Địa Phận Orange này, không thuộc về Trung Tâm Công Giáo và cũng không thuộc về Tòa Giám Mục Orange.