Ngày 30-01-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đừng Lo Thái Quá
Phó Tế GB Nguyễn Văn Định
01:38 30/01/2009
LO LẮNG QÚA LÀ THIẾU LÒNG TIN

Tôi nhai và nuốt Lời Chúa: Đừng lo lắng cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc… (Mt 6, 25)

* Chuyện kể: Anh kia có tật lo lắng thái quá, ngày nọ cưới vợ, anh mừng nhưng lo, không biết vợ có thai được chăng?

Năm sau vợ anh mang thai, anh lại lo hơn, không biết vợ có sinh được không? Lai một phen mất ăn mất ngủ. Rủi thay, vợ anh chuyện bụng lúc mới 8 tháng, đứa bé sinh non, cân nặng 1 ký 9. Anh lo lắng quá, sợ không nuôi được đứa bé. Gặp ai anh cũng hỏi: “Sinh thiếu tháng như thế, liệu có nuôi được không?” Và dù ai cũng trấn an; nhưng anh chẳng an tâm chút nào. Tình cờ anh gặp người bạn cũ, anh đem chuyện ra hỏi. Người bạn tính hay lo, vừa an ủi vừa dẫn chứng: “Có gì đâu mà lo với lắng! Bà nội tôi sinh ra cha tôi cũng sinh non, mới hơn bảy tháng đã sinh rồi!”

Anh chàng lo lắng kia vội hỏi dồn một cách nghiêm trọng: “Thế à ! Rồi có nuôi được đứa nhỏ không?” !!!

* Một phút suy tư: Nhiều người lo lắng quá, làm đời sống chỉ là một chuỗi ngày dài mất niềm vui. Một câu nói thật chí lý đáng chúng ta suy nghĩ: “Lo lắng là tiền lời trả trước khi nó đến hạn.”

Thực chất sự lo lắng chẳng mang lại ích lợi gì. Người ta nghiên cứu: có đến qúa nửa những điều chúng ta lo lắng đã không trở thành sự thật. Chúa Giêsu đã dạy: Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình được một gang không? (Mt 6, 27). Sự lo lắng quá làm lu mờ lòng tin cậy, nó khuyến bạn chăm chú vào những rắc rối mà quên mất lời hứa của Chúa. Sự lo lắng làm suy giảm niềm tin, cướp mất của chúng ta những kinh nghiệm quí báu, mà chỉ có đời sống bằng đức tin mới có thể đem lại sự bình an thật sự. Trong sa mạc, dân It-ra-en đã quên sự săn sóc của Chúa, quá lo lắng về thức ăn, nước uống…nên khổ đủ thứ. ( x. Dân số 11, 12, 13 và 14)

Hãy xem sự cuối cùng của những người quá lo lắng và mất niềm tin, sinh ra lằm bằm và phản loạn, họ phải nằm trong đồng vắng!

* Lời Chúa tôi ghi nhớ: Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em. (x.1 Phêrô 5, 7 và Mt 6, 34)

Phó tế: JB Nguyễn Định * johndvn@yahoo.com
 
Ngôn sứ
Lm Vũđình Tường
13:40 30/01/2009
Trong Cựu Ước ngôn sứ có nhiệm vụ. Một là thông truyền mệnh lệnh của Thiên Chúa đến cho mọi người. Hai là thông ngôn, giải thích ý nghĩa tiềm ẩn sau những mệnh lệnh đó. Lệnh truyền có mục đích kêu gọi con người thống hối trở về đường ngay nẻo chính. Xa lánh gian tà, trở về chính lộ. Ngôn sứ kêu gọi mọi người hãy thống hối, tin vào Giavê Thiên Chúa.

Kêu gọi ác nhân đừng tiếp tục phạm tội, bỏ thói hư, chừa tật xấu, tránh gian tà, tham lam, đừng áp bức cô nhi, quả phụ, kẻ thế cô. Tránh hà khắc với công nhân. Chớ thờ lậy tà thần, tin nhảm, dị đoan. Khi tệ đoan xã hội nảy sinh gieo đau khổ, tang thương cho con người, Giavê Thiên Chúa không nỡ ra án phạt kẻ gian ác, trái lại mượn miệng lưỡi các ngôn sứ cảnh tỉnh mong ác nhân cải tà thành hối nhân.

Ngôn sứ kêu gọi. Hãy thay đổi lối sống. Học sống thánh thiện, thương người nghèo khổ, cho kẻ đói ăn, nhà trọ cho kẻ lỡ độ đường, hãy bố thí, ăn chay và thực hành các việc bác ái. Hãy tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng ban ơn lành, Đấng ban sự sống, Chúa tể muôn loài.

Ngôn sứ không ra án phạt chỉ nói lên ý định của Giavê Thiên Chúa là ban ơn thứ tha cho những ai thống hối, đấm ngực ăn năn, mặc áo nhặm nhận tội đã phạm. Kiêu ngạo, từ chối sám hối chắc chắn bị diệt vong. Lời kêu gọi thống hối bắt ác nhân lộ nguyên hình, không thể tiếp tục nấp sau ngôn từ hoa mỹ, việc lành giả tạo che đậy sự dữ. Có ác nhân thành hối nhân. Có ác nhân nghe xong phẫn uất, chống đối, phản bác, tìm cách giết ngôn sứ. Cuộc chiến nội tâm giữa thiện ác, ánh sáng bóng tối, thần lành thần dữ không thể tránh.

Phương cách

Để hoàn thành nhiệm vụ kêu gọi con người thống hối. Ngôn sứ thường rao giảng lệnh truyền, ý nghĩa tiềm ẩn trong giấc mộng, thị kiến về Giavê Thiên Chúa để tiên đoán về quá khứ, hiện tại và tương lai. Ai thành tâm đến gặp các ngài sẽ biết được sự thật sau sấm ngôn. Nói thẳng, nói thực, trực diện với thực tế xã hội sẽ nhận phản ứng chống đối mãnh liệt, không đạt được mục đích trái lại gây hoạ. Trước sau gì ngôn sứ cũng gặp phải đối kháng. Nhẹ thì bị ngược đãi, cầm tù, roi vọt, nặng thì án tử hình. Bản án chung của các ngôn sứ là thế. Như chúng ta, ngôn sứ sợ đau, tránh khổ nhưng không vì thế mà các ngài sợ nói ngay, nói thẳng. Điều các ngài lo sợ nhất là chết mà chưa hoàn thành nhiệm vụ được trao phó.

Loan báo gián tiếp nhằm thức tỉnh lương tâm kẻ có lòng ngay vì lầm lạc. Cho hối nhân thời gian suy nghĩ, xét mình nhận ra sự thật, trở về đường ngay nẻo chính. Nhờ họ cộng tác thông báo lệnh truyền đến đại chúng. Ngôn sứ mang một nhiệm vụ nữa đó là vừa giúp hối nhân trở về, vừa biến họ thành cộng tác viên. Đến thời điểm nếu ác nhân tiếp tục ngoan cố, ngôn sứ sẽ trực diện với ngôn từ mạnh bạo, quyết liệt hơn.

Có những ngôn sứ được sanh ra để làm nhiệm vụ của ngôn sứ. Có những ngôn sứ do thời đại nhiễu nhương được Giavê Thiên Chúa tuyển chọn, đại diện cộng đoàn làm công việc ngôn sứ. Giavê Thiên Chúa thấy con người phạm tội Ngài không phạt nhưng tuyển chọn một số làm công việc cảnh tỉnh lòng người, thông báo ơn lành Giavê Thiên Chúa trao ban cho những ai thành tâm thống hối ăn năn trở về và ra hình phạt cho những ai cố chấp.

Ngôn sứ chân chính rao giảng dựa vào Giao Ước núi Sinai, Mười Điều Răn. Ngôn sứ giả hình dùng Giao Ước làm bình phong cho việc rao giảng. Cố tình giải thích méo mó Điều Răn hầu đạt mục đích riêng.

Chứng nhân

Kitô hữu may mắn hơn các ngôn sứ thời Cựu Ước. Kitô hữu làm công việc tương tự công việc ngôn sứ nhưng lời rao giảng của họ là Lời Chúa. Ngôn sứ rao giảng lệnh truyền qua sấm ngôn. Kitô hữu rao giảng chính lời Chúa là Lời Hằng Sống. Lời mà chính Chúa Kitô giảng dậy. Ngôn sứ kêu gọi thống hối để tránh tai vạ. Đức Kitô kêu gọi thống hối để đón nhận Nước Chúa và ơn cứu độ Chúa ban.

‘Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’. Mc. 1,15

Đón nhận Tin Mừng là đón chào sự sống vì Đức Kitô có quyền tha tội.

‘Để các ông biết... Con Người có quyền tha tội’. Mc 2,10.

Đức Kitô có quyền trên nhân loại, quyền ân xá, quyền tha tội. Ngài không đến để kết án. Ngài đến ban phát ân sủng đem lại ơn tha tội.

Ngài uy quyền đến độ chính thần ô uế phải tuân lệnh.

Giáo lí Ngài giảng dậy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền gây sửng sốt cho người nghe Mc 1,22.

Đức Kitô không dùng sấm ngôn nhưng dùng dụ ngôn để dậy dân chúng nhiều điều. Dụ ngôn là lối nói so sánh để giúp người nghe hiểu điều muốn diễn đạt. Dụ ngôn thường dùng một khía cạnh hay biến cố xảy ra trong đời sống hàng ngày để giải thích về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa hoặc Tin Mừng. Tương tự như các ngôn sứ Kitô hữu làm chứng nhân cho Đức Kitô sẽ gặp chống đối đến từ người tin lẫn người không tin Chúa. Nguy hiểm nhất là mưu mô của Satan.

Tin Mừng có sức mạnh vô song. Mọi khó khăn, thách đố lớn nhỏ, mưu ma, chước quỉ đều không thắng được sức mạnh của Tin Mừng. Cần một đức tin tựa bàn thạch và niềm hy vọng không lay chuyển Tin Mừng cuối cùng sẽ thắng được tất cả các khó khăn, chướng ngại và đạp tan mưu mô ma quỉ.

Chứng nhân Kitô chân chính là người sống tin thần Đức Kitô Phục Sinh, thể hiện niềm tin qua cách ăn nết ở trong mọi môi trường.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
14:41 30/01/2009
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (71)

711. Ai dựng nên ma quỷ?

Các em đang học giáo lý, được hỏi:

- “Ai dựng nên ma quỷ?”

Không em học giáo lý nào dám trả lời: làm sao mà Chúa dựng nên ma quỷ được?

Bỗng một em phá vỡ bầu không khí thinh lặng bằng câu trả lời sau đây:

- “Thưa, Thiên Chúa đã dựng nên thiên thần, và chính thiên thần đã tự mình muốn trở thành ma quỷ.”

Người có tội cũng vậy: chính họ muốn phạm tội để trở thành người có tội, người phản nghịch lại với Chúa.

712. Ma quỷ tìm đủ cách để đem con người xuống hoả ngục.

Ma quỷ, trước kia là thiên thần ở trên trời, nhưng vì nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nên bị đuổi ra khỏi thiên đàng và bị đày xuống hoả ngục.

Bị đuổi ra khỏi thiên đàng, ma quỷ rất căm thù Thiên Chúa và trút tất cả cơn giận của chúng trên đầu loài người chúng ta.

Sách Thánh cho chúng ta biết ma quỷ đã có mặt ngay trong vườn Địa Đàng. Chúng đã thành công trong việc cám dỗ Tổ Tiên loài người chúng ta phạm tội, làm cho hai ông bà tổ tiên loài người bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng.

Cũng trong Sách Thánh, chúng ta biết được ma quỷ đã cám dỗ chính Chúa Giêsu, tìm cách cất Lời Chúa ra khỏi chúng ta, gieo sự xấu trong lòng chúng ta, xúi giục chúng ta sống gian dối, cám dỗ chúng ta phạm đủ mọi thứ tội, ám hại thân xác và linh hồn chúng ta, quyết đè bẹp chúng ta bằng cách rủ thêm nhiều quỷ khác đến tấn công chúng ta.

Thánh Phêrô căn dặn chúng ta hãy hết sức đề phòng và chống lại với ma quỷ vì ma quỷ như con sư tử đói mồi, đi rình quanh chúng ta và tìm đủ cách để cắn xé linh hồn chúng ta.

713. Hình thù của ma quỷ?

Ma quỷ, tuy là loài thiêng liêng, không có hình dạng bên ngoài, nhưng đôi khi chúng cũng hiện ra với những hình thù bên ngoài.

Thường ma quỷ hiện ra với hình thù xấu xa, gớm ghiếc: thân hình đen đủi, bầy nhầy nhớp nhúa, hôi thối; mặt sần sì, đen đủi, màu nâu, nhem nhuốc; mũi thì quặp vào hay nhọn ra; miệng thì mở ra và chẻ sâu vào hai bên hàm; tay chân quặp lại như những con chim kền kền; cánh tay và đùi tay khẳng khiu, đầy lông lá; chân như chân lừa hay chân dê, có khi cong như sừng, có khi chẻ ra, có khi thẳng đứng; thân hình rất dị dạng, có khi to lớn quá, có khi lại bé thấp quá….

Nhưng đôi khi ma quỷ cũng hiện ra những hình thù đẹp đẽ để cám dỗ và quyến rũ người ta phạm tội.

714. Ma quỷ khoét mắt đức tin của chúng ta.

Bị cạo trọc đầu, ông Samson mất sức, không còn khoẻ mạnh được nữa, nên bị quân Philitin bắt trói, khoét mắt, xiềng lại, bỏ tù và bắt xay cối xay (x. Thp 16,19-21)

Ma quỷ cũng vậy, cám dỗ chúng ta theo chúng, rồi chúng khoét mắt đức tin của chúng ta. Và khi chúng ta không còn ánh sáng đức tin chiếu soi nữa, ma quỷ dẫn chúng ta dễ dàng đi trên con đường tội lỗi để sa xuống hoả ngục với chúng.

715. Gương tha thứ của một linh mục hạt trưởng công giáo

Lúc 13 giờ ngày Mồng Một Tết Kỷ Sửu (tức ngày thứ hai, 26.01.2009), linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang bị một tên lạ mặt hành hung dã man. Linh mục phải đi bệnh viện ngay để chữa trị.

Sau khi về lại giáo xứ trong ngày, linh mục thông báo cho giáo dân như sau:

Lúc 13 giờ ngày Mồng Một Tết Kỷ Sửu (ngày 26 tháng 01 năm 2009), một người lạ mặt đi xe máy, loại CD, vào khu vực Nhà Thờ Diên Sanh, đập phá các cửa kính của Nhà Giữ Trẻ, và xông vào linh mục Nguyễn Vinh Gioang, Hạt trưởng Hạt Quảng Trị, đánh linh mục sập mũi và bể môi.

Linh mục Gioang bị văng vào tường, máu từ trong miệng phun ra, nhưng người lạ mặt nầy vẫn tiếp tục đánh vào người của linh mục một cách không nương tay.

Linh mục Gioang đau quá, liền ôm người lạ mặt để khỏi bị đánh thêm nữa, và la lên nhiều lần: “Cứu với! Cứu với!”

Mười lăm phút sau, có người nghe được tiếng kêu cứu của linh mục Gioang, đến cứu linh mục Gioang và khống chế người lạ mặt (vì ngày Mồng Một Tết, không ai nghĩ đến chuyện có người đến hành hung linh mục nơi khu vực Nhà Thờ như thế.)

Linh mục Gioang phải đi bệnh viện Hải Lăng để được khâu nhiều mũi ở phía sau môi trên.

Hiện giờ, linh mục Gioang đang bị chập môi và sập mũi, mỗi ngày chỉ ăn được một chút cháo và uống một chút sữa. Thở vào và thở ra rất khó.

Linh mục Gioang không hiểu được vì sao người lạ mặt nầy, trong ngày Mồng Một Tết, Ngày Thanh Bình, Ngày Vui Tươi Đầm Ấm, Ngày Chúc Nhau Bình An Hạnh Phúc Năm Mới, lại đến hành hung linh mục một cách dã man như vậy?

Trước khi đi bệnh viện, linh mục Gioang nói với người hành hung là linh mục tha, chỉ nhắc nhủ người nầy từ nay về sau, đừng có thái độ hung tợn và dã man như thế đối với người khác.

Quý giáo dân trong Địa sở Diên Sanh hãy cầu nguyện nhiều cho linh mục quản xứ của anh chị em, nay đã 75 tuổi.

716. “Bố sẽ không bao giờ bỏ con đâu.”

Một trận động đất đã xảy ra tại một trường học ở Mỹ.

Khung cảnh hoang tàn của ngôi trường sau khi động đất làm những cha mẹ học sinh bật khóc vì tuyệt vọng.

Trong khi đội cứu hộ cố gắng cứu một vài em từ những lớp học ít bị đổ nát, một người đàn ông cứ xông vào những nơi nguy hiểm vì những bức tường có thể sập xuống bất cứ lúc nào và luôn miệng hỏi mọi người:

- “Có thấy Paul, con trai của tôi, đâu không?”

Mọi người đều nghĩ rằng ông phát cuồng vì mất con và làm cản trở công việc của những người cứu hộ. Họ khuyên ông nên tránh ra xa, nhưng ông nói:

- “Tôi luôn nói với Paul rằng dù thế nào đi nữa, bố cũng sẽ không bao giờ bỏ rơi con.”

Khi đội cứu hộ bắt đầu dừng tay và đinh ninh rằng họ đã kéo hết được những người sống sót ra khỏi đống gạch vụn, thì người đàn ông nọ vẫn kiên nhẫn tìm kiếm.

Bỗng nhiên, ông nghe thấy một tiếng gọi xa xăm từ dưới lòng đất:

- “Bố ơi, chúng con đây nè.”

Ông điên cuồng đào bới.

Mọi người xung quanh xúm vào giúp ông.

Như một phép lạ, dưới đống gạch đổ nát, là một khoảng trống, trong đó, khoảng hơn một chục đứa trẻ ngước mắt lên hy vọng.

Người cha lần lượt kéo từng đứa trẻ lên, và Paul, con ông, là người lên sau cùng.

Khi đã ở trong vòng tay cha, cậu bé nói trong nước mắt:

- “Con biết bố không bao giờ bỏ con mà! Các bạn không tin con và sợ lắm, nên con chờ bố đến và để các bạn ra trước vì bố sẽ không bao giờ bỏ con đâu!” (7 Thói Quen Của bạn Trẻ Thành Đạt)

717. Phát hiện nhân tài

Carnegie rất giỏi về việc phát hiện nhân tài. Ông còn có sở trường kích phát tiềm năng làm việc của người khác, khiến họ tình nguyện phát huy hết sở trường của mình để phục vụ cho ông. Vì thế, ông không cần có nhiều hiểu biết về sắt thép: ở xung quanh, đã có nhiều người có kỹ thuật giỏi và có sở trường tốt làm việc cho ông. Trong đó, có cả một nhà luyện thép nổi tiếng.

Carnegie hiểu rất rõ tác dụng của nhân tài đối với bản thân. Mỗi lần nói đến việc dùng người, ông đều luôn nói:

- “Giá trị của một đôla vẫn là một đôla, nhưng giá trị của một người thì vô hạn. Ở một mặt nào đó, tôi là người ngoài nghề, nhưng không có nghĩa tôi không có giá trị ở mặt đó. Tôi có thể lấy giá trị của người khác để bổ sung cho mình. Chỉ cần giỏi về việc tận dụng ưu điểm của người khác, thì bản thân mình đã có thể trở thành người có nhiều sở trường rồi.”

Khi Carnegie qua đời, những người tôn kính ông đã lập một bia mộ, trên đó viết:

- “Đây là nơi an nghỉ của một người biết cách tận dụng năng lực mạnh hơn bản thân để làm việc cho mình.” (11 Giải Pháp Giải Trừ Nguy Cơ Khủng Hoảng Tinh Thần)

718. Số mệnh là sự cộng hưởng chính bản thân bạn

Số mệnh không có sự bất ngờ. Nó chính là sự phản xạ của bạn!

Phiền muộn và vui tươi, thành công và thất bại luôn gắn liền với nhau.

Một cậu bé đi cùng bố, dạo chơi trong núi, không cẩn thận, nên bị ngã và kêu lên đau đớn. Nhưng điều cậu bé ngạc nhiên là cậu nghe thấy tiếng kêu của mình vọng lại từ vách núi. Cậu ta rất hiếu kỳ, liền hỏi: “Ngươi là ai?” Kết quả, cậu nhận được câu trả lời là: “Ngươi là ai?”

Cậu nổi giận, hét lớn: “Quỷ nhỏ to gan!” Lần nầy, cậu cũng nghe câu trả lời là: “Quỷ nhỏ to gan!”

Cậu băn khoăn hỏi cha: “Việc nầy rốt cuộc là như thế nào?”

Người cha cười, nói với con trai: “Con chú ý nghe đây.” Người cha hét lớn: “Ta khâm phục ngươi.” Kết quả cũng vọng lại câu: “Ta khâm phục ngươi.” Người cha hét lên một lần nữa: “Ngươi là quán quân.” Lần nầy cũng vọng lại câu: “Ngươi là quán quân.”

Cậu bé cảm thấy kỳ lạ vô cùng nhưng không thể lý giải được. Lúc nầy, người cha mới giải thích:

- “… Nếu con có tình yêu thương nhiều hơn đối với thế giới nầy, thì con phải tạo nên tình yêu trong lòng con nhiều hơn. Nếu con muốn xung quanh tốt đẹp thì trước hết, bản thân con phải tốt đẹp hơn. Mối quan hệ như vậy có thể áp dụng trong mọi việc. Số mệnh sẽ hưởng ứng mỗi sự việc đã làm.”

Số mệnh không có sự bất ngờ. Nó chính là sự cộng hưởng của bạn.

Phương hướng của cây cối do gió quyết định. Phương hướng của con người do bản thân mình quyết định.

Có lẽ không có ai là kẻ thù của chúng ta. Kẻ thù chân chính của chúng ta, là sự lười biếng, không có phương hướng, không biết phấn đấu vươn lên, không có lòng kiên trì đến cùng.” (8 Cá Tính Của Người Thành Đạt)

719. Học được nhiều từ những người phản đối, chỉ trích, cản đường.

Elbert Hubbard nói:

- “Mỗi ngày, mỗi người đều có 5 phút để trở thành một kẻ đại ngốc. Trí tuệ là ở chỗ một người có thể làm thế nào đó để vượt qua được sự hạn chế trong 5 phút nầy.”

Kẻ ngốc, khi bị người khác phê bình một chút, thì lập tức nổi nóng, còn người thông minh thì biết rút ra rất nhiều kinh nghiệm từ những lờì trách mắng, phản đối, thậm chí từ những người gây trở ngại cho họ.

Walt Whitman, một nhà thơ nổi tiếng của người Mỹ, nói rằng:

- “Lẽ nào tất cả những gì của bạn, những gì bạn đạt được đều đến từ phía những người hâm mộ, đối xử tốt và luôn đứng về phía bạn? Từ phía những người phản đối, chỉ trích bạn, cản đường bạn, cái bạn học được, không phải càng nhiều hơn sao?” (Cuộc Sống Tươi Đẹp Để Luôn Tràn Đầy Sức Sống)

720. Biến những điều bất lợi thành có lợi

Ở bang Florida, có một người nông dân, sau khi mua một nông trại, cảm thấy vô cùng thất vọng về nó. Bởi vì mảnh đất nầy cằn cổi đến đổi không thể trồng cây ăn quả, cũng không thể chăn nuôi được. Ở đây, chỉ có những cây bạch dương và những con rắn chuông có thể sinh sống nổi.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, trong đầu ông nảy ra một ý tưởng. Ông sẽ biến những gì ông ta có, thành tiền bằng cách lợi dụng những con rắn chuông.

Ý tưởng của ông làm cho ai cũng phải cảm thấy ngạc nhiên bởi vì ông bắt đầu làm thịt rắn chuông đóng hộp.

Thực tế chứng minh rằng ông đã thành công.

Không lâu sau, công việc làm ăn của ông càng ngày càng có quy mô và phát đạt. Ông lấy nọc độc của những con rắn chuông, bán cho những xí nghiệp dược phẩm lớn làm huyết thanh phòng nọc rắn. Da của rắn chuông được bán với giá rất cao để làm giày và túi xách cho phụ nữ. Thịt rắn đóng hộp được bán khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 2000 du khách đến thăm quan nông trại nuôi rắn của ông.

Ngôi làng mà ông ta sống, bây giờ đã được đổi tên là “Làng Nuôi Rắn Chuông” của bang Florida.

Người nông dân chịu khó suy nghĩ ấy, dựa vào trí tuệ của mình, đã biến những điều bất lợi thành có lợi. (Biết Người - Biết Mình)
 
Trong dòng điện khí
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
17:22 30/01/2009

Trong dòng điện khí



Khắp nơi đều có dòng dây điện chạy xuyên suốt thành thị thôn quê, vùng đồng bằng, chốn rừng núi. Dòng điện luân chuyển chạy trong nhà, ngoài đường, nhưng không ai thấy được điện, mà chỉ thấy dây điện và hiệu quả của dòng điện: ánh sáng cùng hơi nóng phát tỏa ra do điện.

Dòng điện có sức mạnh cực mạnh, cùng gây ra ánh sáng thu hút hào hứng khi luân chuyển. Nhưng không ai có thể định nghĩa điện ra làm sao cho dễ hiểu được, ngoài diễn tả định nghĩa điện theo theo vật lý học trừu tượng. Dòng điện vô hình.

Ai chúng ta cũng đều biết rằng dòng điện giúp cuộc sống phát triển rất nhiều. Khi dòng điện bị ngưng cắt, hầu như mọi sự trong cuộc sống ngày nay bị tê liệt đình trệ từ trong nhà đến ngoài đường phố. Vì hầu như mọi sinh hoạt bây giờ từ thành thị đến nông thôn xa xôi hẻo lánh đều nối liền với dòng điện: nấu ăn ở nhà bếp, nhà máy xưởng thợ, cần trục cẩu kích hàng, chế biến thực phẩm, ánh sáng đèn điện, bơm nước lên cao, xe lửa tốc hành chạy bằng dòng điện, xe hơi cũng đang trong thời kỳ thí nghiệm chạy bằng điện, máy vi tính…

„Thế nghĩa gì? Nơi đây hôm nay một giáo lý mới mẻ, người dạy có đầy sức mạnh uy quyền“ ( Mc 1, 25)

Những lời này người dân xưa kia đã nói về Chúa Giêsu, sau khi đã chính tai họ nghe Chúa Giêsu nói chuyện giảng dạy như một người có uy quyền cùng thu hút người nghe, đã chứng kiến tận mắt việc làm của một Chúa Giêsu có đầy quyền năng chữa bệnh cho con người cùng sai khiến trừ được cả ma qủi. Người ta như bị dòng điện Giêsu thu hút hấp dẫn gây kinh ngạc!

Hiệu qủa của lời nói cùng việc làm Chúa Giêsu nói lên có Đức Chúa Thánh Thần là mô-tơ động lực phát truyền đi luồng dòng điện sức mạnh.

Lời giảng dạy của Chúa Giêsu không chỉ thu hút người nghe, mà còn có luồng sức thuyết phục họ. Việc làm chữa bệnh trừ ma qủi thần dữ của Chúa Giêsu không chỉ gây ra ngạc nhiên lạ lùng nơi người xem, mà còn có sức thay đổi gây niềm tin tưởng nơi họ.

Lẽ dĩ nhiên họ bàn tán suy đoán ý kiến khác nhau. Nhưng sau cùng họ đi đến kết luận: Ông Giêsu có đầy sức mạnh quyền uy làm được những việc lớn lao cả thể ngoài tầm mức khả năng của một con người thông thường. Ông ta không chỉ có Charisma, mà chính Ông ta là Charisma sức mạnh quyền uy thu hút lạ thường!

Ngày nay khi người nào đó có khả năng ăn nói thu hút, khả năng âm nhạc hội họa, khả năng viết lách suy tư trong sáng, khả năng suy nghĩ sáng chế sự gì mới lạ, khả năng làm việc lợi ích to lớn, khả năng cung cách sống niềm nở gây thiện cảm…có sức gây chú ý thuyết phục làm say mê lòng người khác, chúng ta ca tụng cho là họ có Charisma đặc biệt. Như Thánh Tôma Aquinô, Mẹ Á Thánh Teresa, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, cố Sư Huynh Roger Schutz của Cộng đoàn Đại kết Taizé, đức Gíao Hoàng đương kim Benedictô 16., nhà Thiên văn Galileo, nhạc sĩ đại tài Bach, Beethoven, Händel, Mozart, Strauß, kiến trúc sư Effel…

Đời sống cùng việc làm của họ phát tỏa ra sức thu hút giống như dòng điện lưu chuyển phát tỏa sức mạnh nối liền làm bóng đèn điện cháy sáng, bếp bật tỏa sức nóng, Mô-tơ bật chạy… Từ hằng tuần lễ trước khi tân Tổng Thống Hoa Kỳ Obama tuyên thệ nhậm chức hôm 20.01.2009 vừa qua, trên hệ thống truyền thông hằng nói đến hiện tượng Obama gây phấn khởi hào hứng nơi người dân Hoa Kỳ giống như cả xã hội đó đang trong „dòng điện khí hóa Obama“!

Charisma theo nguyên ngữ tiếng Hylạp có nghĩa là „ khả năng ơn phúc lạ thường“. Người nào đó được ban trao tặng cho Charisma, với khả năng này thuyết phục gây chu ý làm say mê thút người khác từ nhìn xem, tai nghe tận thấu vào trái tim tâm hồn.

Khả năng này - Charisma – không là điều tự mình con người có thể uốn nắn tạo thành ra được, nhưng đó là thiên nhiên phú bẩm, là ân phúc do từ Thiên Chúa ban cho từ khi thành hình là người trong cung lòng mẹ cha.

Đó là sức mạnh quyền uy của tình yêu Thiên Chúa, như dòng điện khí hóa trái tim tâm hồn con người. Và qua đó tình yêu của Ngài được tỏ hiện ra.

Thiên Chúa là Đấng đặt cùng biến đổi con người chúng ta trong dòng điện Đức Chúa Thành Thần, Ngài là sức mạnh thúc đẩy con người có sức sống năng động vươn lên trên đường đời sống.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hai viên chức Tòa thánh sẽ tham dự lễ tấn phong Thượng phụ Chính thống giáo tại Moscow
Phụng Nghi
15:46 30/01/2009
MOSCOW (RIA Novosti) - Một giới chức thuộc Tòa thượng phụ tại Moscow (Liên bang Nga) hôm qua cho biết tin hai viên chức cao cấp của Tòa thánh Vatican phụ trách công tác cổ võ sự hiệp nhất các giáo hội Thiên Chúa giáo sẽ tham dự nghi lễ nhậm chức của vị tân lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga được cử hành vào ngày 1 tháng 2 sắp tới.

Đức Hồng y Walter Kasper, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo của Tòa thánh, và giám mục Brian Farrell, tổng thư ký của Hội đồng, sẽ tham dự nghi lễ tấn phong thượng phụ Metropolitan Kirill.
Thượng phụ Kirill và Tổng thống Nga Putin


Có nguồn tin cho biết Đức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh của Tòa thánh, cũng có thể tham dự nghi lễ này, tuy nhiên cuộc viếng thăm của ngài chưa được chính thức xác nhận.

Vị đại diện của Tòa thánh tại Liên bang Nga là Đức tổng giám mục Antonio Menini cũng như vị lãnh đạo giáo hội Công giáo tại tổng giáo phận Moscow là Paolo Pezzi cũng sẽ hiện diện trong buổi lễ tấn phong được tổ chức tại thánh đường nguy nga Đức Kitô Cứu thế ở trung tâm thành phố Moscow; nghi lễ này cũng sẽ có sự hiện diện của các viên chức cao cấp trong chính quyền Nga và ngoại quốc cũng như các nhân vật khác.

Metropolitan Kirill, 62 tuổi, vị lãnh đạo lâm thời của Giáo hội Chính thống giáo lớn nhất thế giới, hôm thứ Ba tuần qua đã nhận được 508 trong tổng số 677 phiếu hợp lệ để trở thành Thượng phụ giáo chủ. Ngài sẽ thay thế Thượng phụ Alexy II mới qua đời hồi tháng 12 năm rồi ở tuổi 79 sau khi đã lãnh đạo cuộc hồi sinh của giáo hội thời hậu Sôviết suốt 18 năm.

Hôm thứ Tư tuần này, Đức giáo hoàng Bênêđictô đã hoan nghênh việc tuyển chọn vị tân lãnh đạo giáo hội Nga.

Trong thông điệp chúc mừng, Đức giáo hoàng Bênêđictô nói: “Nguyện xin Đấng Tối cao cũng chúc phước lành cho ngài trong các nỗ lực tìm kiếm sự hiệp thông đầy đủ, đó là mục tiêu của sự cộng tác và đối thoại giữa Công giáo và Chính thống giáo.”

Trong một bản tuyên bố chính thức, Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Hiệp nhất Kitô giáo nói rằng Giáo hội Công giáo Roma chúc mừng tân Thượng phụ Metropolitan Kirill và hy vọng sẽ có những mối liên hệ tốt đẹp hơn giữa hai giáo hội mặc dầu vẫn “còn những khó khăn”.

“Chúng tôi vui mừng thấy rằng đức tân Thượng phụ là người chúng tôi đã có mối giây liên lạc huynh đệ trong nhiều năm.”

Kirill đã hướng dẫn cuộc đồi thoại với Tòa thánh Vatican trong cương vị là trưởng ban liên lạc ngoại vụ của Giáo hội Chính thống Nga, chức vụ mà ngài giữ trong nhiều năm. Là một diễn giả nói năng lưu loát, ngài được coi là khuôn mặt cấp tiến trong giáo hội Chính thống Nga có thành phần đa số là những người theo truyền thống bảo thủ.

Hai giáo hội đã phân ly suốt gần 1000 năm và các mối liên hệ giữa Giáo hội Chính thống và Tòa thánh Vatican đã căng thẳng kể từ ngày Liên bang Sô viết tan rã hồi năm 1991, phần lớn là do những cáo buộc cho rằng Giáo hội Công giáo đã xúc tiến mạnh mẽ các hoạt động trong việc chiêu dụ tín đồ trở lại đạo Công giáo. Tòa thánh Vatican đã bác bỏ điều đó.

Cuộc tranh cãi gữa hai bên đã làm cho đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II (mất năm 2005) không thể tới thăm viếng Moscow và gặp gỡ Thượng phụ Alexy II.
 
Thật cấp thiết đối thoại với Chính Thống Giáo Nga
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:54 30/01/2009
Vatican (AsiaNews) - Hôm 29/01/2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã tiếp kiến các giám mục Nga nhân chuyến hành hương "ad limina" 5 năm một lần của họ. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã ban huấn từ trong đó cho hay sự hiện diện của người Công Giáo ở Nga "phải là một sự nhắc nhở và niềm khích lệ cho đối thoại, bao gồm cả trên bình diện cá nhân", và ngay cả khi "nó không phải luôn luôn có thể nhấn mạnh đến các vấn đề cơ bản, tuy nhiên các tiếp xúc này cũng góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, nhờ đó có thể cùng nhau làm việc trong các lĩnh vực quan tâm chung để giáo dục cho các thế hệ mới". Mặt khác, "thật là thiết yếu để ghi nhớ sự cần thiết canh tân nỗ lực trong đối thoại với anh chị em Chính Thống của chúng ta; chúng ta biết rằng cuộc đối thoại này, mặc dù đã có những tiến triển, nhưng vẫn còn phải đối mặt với một số khó khăn".

Việc tiếp kiến cũng mang đến cho Đức Thánh Cha có cơ hội nhắc lại lời chúc tốt đẹp đến Đức Tân Thượng Phụ Kirill và lặp lại niềm vui của ngài qua cuộc bầu chọn. Ngài cho biết thêm: "Trong những ngày này, cha cảm thấy sự gần gũi tinh thần với anh chị em Giáo Hội Chính Thống Nga, những người vui mừng hoan hỉ qua việc bầu chọn Tổng Giám Mục Kirill trở thành Tân Thượng Phụ của Mạc Tư Khoa và toàn Nga: Cha gởi tới ngài lời chúc mừng chân thành nhất của cha vì sứ vụ giáo hội tế nhị đã được trao phó cho ngài. Cha cầu xin củng cố tất cả chúng ta trong việc dấn thân cùng nhau đi trên con đường hòa giải và yêu thương huynh đệ". "Thật là quan trọng để các Kitô hữu cùng nhau đối mặt với các thách đố nghiêm trọng về văn hóa và đạo đức của thời đại ngày nay, liên quan đến phẩm giá con người và các quyền bất khả nhượng của họ, việc bảo vệ sự sống ở mọi thời kỳ, việc bảo vệ gia đình, và các vấn đề kinh tế và xã hội cấp bách khác".

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bày tỏ lời chúc mừng tốt đẹp đến Đức Thượng Phụ Kirill như là một phần của suy tư đặt trọng tâm vào "bối cảnh giáo hội cụ thể", trong đó các giám mục Công Giáo làm việc ở Nga, nơi là "một quốc gia mà đại đa số người dân được đánh dấu bằng truyền thống Chính Thống Giáo lâu đời với di sản tôn giáo và văn hóa phong phú".

Mặt khác, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những gì các giám mục nói "về các cộng đoàn của chư huynh, đang trải qua quá trình trưởng thành và cùng nhau khám phá 'bộ mặt' của mình như là một Giáo Hội Công Giáo địa phương. Những nỗ lực của chư huynh về hội nhập văn hóa của các khuynh hướng đức tin trong phương diện này cũng thế ". Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thúc giục các giám mục ngoài việc chăm sóc và tận hiến đặc biệt cho các linh mục, tu sĩ, phải chuẩn bị cho giáo dân "trưởng thành và có trách nhiệm, là chất men của Tin Mừng trong gia đình và trong xã hội dân sự". Ngài cho hay thêm: "Thật không may, ở Nga, cũng giống như các phần khác trên thế giới, cuộc khủng hoảng gia đình và hậu quả suy sụp về nhân khẩu học, cùng với các vấn đề khác đang tấn công vào xã hội hiện đại. Như chúng ta được biết, những vấn đề này cũng là ưu tư đối với giới chức trách nhà nước, vì thế đã đến lúc phải cùng làm việc với họ đế tất cả đều tốt đẹp".

Đức Thánh Cha đi đến kết luận: "Trong bối cảnh đó, thật là thích hợp để chư huynh hướng sự chú ý của mình nhất là đối với giới trẻ, đối với cộng đoàn Công Giáo Nga, người tín hữu mang ký ức về các chứng nhân và các vị tử vì đạo, và sử dụng các công cụ và ngôn ngữ thích hợp, được kêu gọi truyền di sản toàn vẹn về tính thiêng liêng và thành tín đối với Chúa Kitô, và các giá trị nhân bản và thánh thiêng vốn là những cơ sở có hiệu quả trong việc thăng tiến con người và Tin Mừng".
 
Hai mươi bốn giờ cầu nguyện không ngừng cho hòa bình nơi Thánh Địa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
16:54 30/01/2009
Giêrusalem (AsiaNews) – Vào ngày 31/01/2009, hơn 400 thành phố trên khắp thế giới sẽ cử hành Thánh Lễ, thờ phượng, và cầu nguyện theo lịch trình cho "Ngày quốc tế chuyển cầu cho hòa bình".

Sáng kiến này liên quan đến các cá nhân, các nhóm, các dòng tu, và các hiệp hội ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Phi Châu, và Úc. Hằng giờ, các nghi lễ sẽ trải qua từ tín hữu ở thành phố này sang thành phố khác, ở những nơi như Rôma, New York, và Krakow. Những thị trấn nhỏ cũng sẽ được tham gia, như những giáo phận ở Pêru và Mozambique.

Sáng kiến cũng sẽ được tiến hành tại giáo xứ Thánh Gia ở Gaza, nơi một Thánh Lễ được dự tính diễn ra vào lúc 1 giờ chiều, giờ địa phương. Vào lúc 5 giờ 30 sáng giờ địa phương, Vương cung Thánh Đường Thánh Mộ ở Jerusalem sẽ khởi đầu 24 giờ cầu nguyện tại bàn thờ Đồi Canvê.

Các nhà tổ chức cũng nêu bật sự tham gia của Đức Hồng y Raffaele Farina, Tổng Trưởng Thư Viện Tông Đồ Vatican, sẽ cử hành Thánh Lể vào sáng ngày 31 với cộng đoàn Salêdiêng Don Boscô của Văn phòng in ấn Vatican.

Ngày Quốc tế chuyển cầu cho hòa bình được bốn hiệp hội cổ võ: "Adunanza eucaristica," "Adorazione perpetua," tông đồ "Giới trẻ vì Sự sống" và hiệp hội quốc gia "Papa boys".

Các dòng tu tham gia vào sáng kiến bao gồm Dòng Thừa Sai Consolata, Dòng Thừa Sai Máu Châu Báu Chúa, và nhiều giáo xứ của Dòng Don Bosco, những người sẽ cử hành Lễ vị Thánh sáng lập vào ngày 31/01, Thánh Gioan Boscô.

Để giúp sáng kiến tiếp cận với càng nhiều người càng tốt khắp các nơi trên thế giới, những nhà tổ chức cũng đã tạo ra một trang Facebook với tựa đề "Chúng ta muốn hòa bình nơi Thánh Địa".
 
Tòa thánh Vatican: Galileo xứng đáng được Giáo hội vinh danh và tri ân
Phụng Nghi
17:21 30/01/2009
VATICAN CITY (CNS) – Tòa thánh Vatican nói rằng Galileo Galilei, người đã bị Thánh bộ Giáo hội Công giáo kết án, là một thiên tài và là người trung thành với đức tin, xứng đáng được giáo hội khen ngợi và biết ơn.

Một bản tuyên bố được Tòa thánh Vatican phổ biến hôm 29 tháng 1 nói: “Nhà thiên văn học thế kỷ 17 này là “một tín hữu, trong bối cảnh của thời đại mình, đã cố gắng hòa giải những kết quả trong nghiên cứu khoa học của ông với giáo lý của đức tin Kitô giáo.”

“Vì điều đó, Galileo xứng đáng được tất cả chúng ta khen ngợi và biết ơn.”

Bản công bố nói: Galielo là nhà khoa học đầu tiên dùng một kính viễn vọng để nghiên cứu vũ trụ, mở ra một biên cương hoàn toàn mới cho những cuộc khám phá, và buộc nhân loại phải “đọc lại cuốn sách thiên nhiên dưới ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.”

“Vì thế, giáo hội ao ước được vinh danh nhân vật Galileo -- một thiên tài sáng tạo và người con của giáo hội.”

Bản tuyên bố được phổ biến trong một cuộc họp báo tại Vatican, phác họa chi tiết một số sáng kiến do các văn phòng Tòa thánh yểm trợ và được tổ chức trong Năm Quốc tế Thiên văn học.

Những buổi lễ quốc tế này nhằm đánh dấu kỷ niệm 400 năm thời gian Galileo dùng một kính viễn vọng khảo sát trời đêm và tìm ra được những phát kiến đầu tiên.

Năm 1633, nhà khoa học người Ý này đã bị kết án là tình nghi lạc giáo khi vẫn cố duy trì quan niệm cho rằng trái đất quay chung quanh mặt trời. Ông đã được một ủy ban đặc biệt của Tòa thánh, do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập, “hồi phục” danh dự năm 1992.

Bây giờ thì những chấn động của vụ tai tiếng đã chìm xuống, giáo hội cuối cùng có thể nhìn vào nhân vật Galileo dưới một ánh sáng mới và công nhận ông là con người trung thành với đức tin, với niềm tin rằng khoa học và tôn giáo không có gì phải xung đột nhau.
Chân dung Galileo do Giusto Sustermans họa


Tổng giám mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, nói rằng vụ việc Galileo “phải luôn luôn mang chúng ta – những nhà thần học và giáo hội – trở lại việc tự xét về quá khứ không chút e dè.”

Nhưng ngài cũng cảnh giác chống đối việc chỉ xét lại quá khứ mà không tạo dựng con đường mới tiến lên, mở ra cho một cuộc đối thoại hữu ích hỗ tương giữa khoa học và đức tin.

Các cơ sở của Tòa thánh Vatican như Đài thiên văn, Hội đồng Văn hóa và Học viện Giáo hoàng về Khoa học sẽ là những thành phần trong 18 tổ chức tham dự vào một nghị hội quốc tế từ ngày 26 đến 30 thàng 3 để xét lại vụ án Galileo.

Viện Stensen, một trung tâm văn hóa do Dòng Tên điều hành tại Florence (Ý) sẽ đứng ra tổ chức nghị hội này.

Linh mục Viện trưởng Ennio Brovedani, Dòng Tên, nói rằng đây là lần đầu tiên sau 400 năm, tất cả những thành phần chính yếu liên quan đến vụ Galileo sẽ hiện diện tại nghị hội, nhằm mục tiêu giúp làm nhẹ đi những căng thẳng và những hiểu lầm vẫn còn gây u ám mối liên hệ giữa giáo hội và khoa học.

Tòa thánh Vatican cũng sẽ đánh dấu ngày kỷ niệm Galileo với một ấn bản mới về vụ xử án kết tội Galileo; ấn bản này do Văn Khố Mật của Vatican phát hành.

Ngoài ra Tòa thánh cũng sẽ xuất bản một cuốn sách về lịch sử của ủy ban đặc nhiệm do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô thiết lập để xét lại vụ Galileo. Ủy ban đã chính thức công nhận là giáo hội sai lầm khi kết án nhà thiên văn này.
 
Từ duy truyền thống tới Truyền Thống
Vũ Văn An
04:34 30/01/2009
Từ duy truyền thống tới Truyền Thống

Việc thu hồi vạ tuyệt thông đối với bốn vị giám mục của Hội Thánh Piô X, được tấn phong mà không có phép của Tòa Thánh, đã gây xôn xao trong dư luận Do Thái. Lý do vì trong bốn vị giám mục ấy, có Đức Cha Richard Williamson là người mới đây đã lên đài truyền hình Thụy Điển, tuyên bố nhiều điều bị người Do Thái cho là chống lại họ. Vị giám mục này cho rằng không hề có việc dùng hơi ngạt sát hại người Do Thái trong các trại tập trung và con số nạn nhân Do Thái trong Thế chiến II chỉ là 300,000 người chứ không phải 6 triệu.

Phản ứng dữ dội

Dù Tòa Thánh đã xác nhận ý nghĩa của việc rút lại vạ tuyệt thông chỉ là để phục vụ chính nghĩa hợp nhất của Giáo Hôi, do lòng nhân từ đầy tình cha con giữa Đức Thánh Cha và bốn vị giám mục, chứ không có mục tiêu nào khác. Nhưng phía Do Thái đã có những phản ứng cực đoan. Từ cuối tuần qua, ngay sau lệnh rút lại vạ tuyệt thông được ban ra, đã có nhiều phúc trình cho thấy Giáo Sĩ Đoàn (Rabbinate) của Do Thái sẽ vô thời hạn cắt đứt mọi liên lạc với Vatican, từng được thiết lập năm 2000 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua thăm Israel, và sẽ hủy bỏ cuộc gặp gỡ với Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo của Tòa Thánh dự trù vào tháng Ba tới.

Khiến phát ngôn viên Tòa Thánh là Cha Lombardi chỉ còn biết hy vọng rằng các khó khăn do Giáo Sĩ Đoàn Do Thái đặt ra sẽ là đối tượng cho những suy tư sâu sắc tiếp theo sau đó, và các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Do Thái sẽ tiếp diễn một cách có hiệu quả và thanh thản.

Chỉ là quan điểm cá nhân

Chính Đức Cha Bernard Fellay, tổng quyền Hội Thánh Piô X, bề trên của Đức Cha Williamson, cũng đã lên tiếng cho rằng vị giám mục này chỉ nói lên quan điểm riêng của ngài, một quan điểm không thể nào dựa vào thẩm quyền giáo hội được. Đức cha Fellay nói rõ rằng: “Hiển nhiên, một giám mục Công Giáo không thể nào lên tiếng nhân danh thẩm quyền giáo hội nếu đó không phải là vấn đề thuộc đức tin và luân lý. Huynh Đoàn chúng tôi không cho là mình có thẩm quyền về các vấn đề khác thế… Chúng tôi đau buồn nhìn nhận quy mô tác hại đến sứ mệnh của chúng tôi do việc xâm phạm đến thiên mệnh kia gây ra. Các lời tuyên bố của Đức Cha Williamson không hề phản ảnh chút nào chủ trương của hội chúng tôi”.

Theo Hãng Tin Zenit, Đức cha Fellay đã ra lệnh cho Đức cha Williamson không được lên tiếng về các vấn đề ấy nữa. Ngài cũng khẩn khoản xin Đức Giáo Hoàng và mọi người thiện chí tha thứ “cho các hậu quả đáng buồn của hành vi không thể nào chấp nhận được này”.

Diệt chủng là việc có thật

Ngày 28 tháng 1, Đức Bênêđíctô XVI đích thân lên tiếng bày tỏ tình liên đới với người Do Thái và cực lực kết án việc sử dụng trại tập trung trong Thế Chiến II.

Trong buổi triều yết hàng tuần, Đức Thánh Cha nhìn nhận tính kinh hoàng của Nạn Diệt Chủng (Holocaust), nhất là các trại tử thần như Auschwitz, những trại tử thần mà theo ngài đã thi hành việc thảm sát dã man hàng triệu người Do Thái, các nạn nhân vô tội của lòng thù hận mù quáng có tính chủng tộc và tôn giáo.

Đức Giáo Hoàng tỏ bày “niềm hy vọng rằng ký ức về Nạn Diệt Chủng sẽ thức đầy nhân loại suy tư về sức mạnh không tài nào đoán biết được của sự ác khi nó thống trị trái tim con người”. Ngài cho hay Nạn Diệt Chủng này “phải là lời cảnh cáo đối với mọi người để “họ đừng quên, đừng triệt tiêu hay dừng giảm thiểu, vì dù bạo lực chống lại một con người đi nữa cũng là bạo lực chống lại mọi người”. Theo Đức Bênêđíctô XVI, “không ai là một hòn đảo” như lời Thi sĩ Anh, John Donne, đã nói trong thế kỷ 17. “Ước chi Nạn Diệt Chủng đặc biệt dạy ta, cả các thế hệ già lẫn các thế hệ trẻ, rằng chỉ có con đường lắng nghe và đối thoại, yêu thương và tha thứ, mới dẫn các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo của thế giới tới cuộc gặp gỡ hằng mong đợi đầy tình huynh đệ và bình an trên thế giới mà thôi. Ước mong sao bạo lực đừng bao giờ lăng mạ phẩm giá con người nữa!”

Phản hồi tích cực

Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý gần đây, sau khi nghe lời tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI, Oded Wiener, tổng giám đốc của Giáo Sĩ Đoàn Do Thái, khẳng nhận tầm quan trọng trong các mối liên hệ với Vatican. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng nó là nền tảng đối với cả chúng tôi lẫn Vatican. Về các nhận định của Đức Thánh Cha, Wiener nhấn mạnh rằng: “Trước nhất, tôi tin rằng lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng vào buổi sáng nay là điều cực kỳ quan trọng, đối với chúng tôi và toàn thế giới. Không có chỗ nào cho những người như Williamson để họ bác khước sự hiện hữu của Nạn Diệt Chủng. Tôi nghĩ lời của ngài (ĐGH) là một bước tiến lớn”.

Đại sứ Do Thái cạnh Tòa Thánh, là Mordechay Lewy, cho hay ông rất sung sướng về lời tuyên bố như thế từ cấp cao nhất của Tòa Thánh, lời tuyên bố có tác dụng “soi sáng và giúp vượt qua các hiểu lầm vừa qua” và ông chào đón ý định của Đức Giáo Hoàng qua thăm Do Thái vào tháng Năm này.

Hợp nhất là bổn phận minh nhiên của một mục tử

Nhân dịp này, Đức Bênêđíctô XVI cũng đích thân giải thích quyết định của ngài trong việc rút lại vạ tuyệt thông đối với 4 vị giám mục của nhóm duy truyền thống từng được tấn phong mà không có phép của Đức Giáo Hoàng.

Đức Bênêđíctô XVI minh xác: việc rút lại vạ tuyệt thông này chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là việc hợp nhất của Giáo Hội. Ngài cho hay: “Trong bài giảng nhân dịp long trọng khởi đầu triều giáo hoàng của tôi, tôi từng nói rằng ‘ơn gọi hợp nhất’ là ‘bổn phận minh nhiên của người mục tử’”. Ngài nhắc lại việc ngài đã suy tư ra sao trong bài giảng đầu tiên trong ngôi vị giáo hoàng ấy về câu truyện mẻ cá lạ lùng trước kia, và người Kitô hữu ngày nay buộc phải thưa cùng Chúa: “Than ôi, lạy Chúa qúy yêu, chúng con đau đớn nhìn nhận rằng lưới ấy nay đã rách nát cả rồi”. Tuy nhiên, ngài cho hay, trong bài giảng ấy, ngài cũng thân thưa với Thầy chí ái rằng: “Chúng con chẳng có chi phải buồn! Chúng con hân hoan vì lời Chúa hứa, lời hứa đừng nản lòng, và chúng con sẽ làm những gì chúng con làm được để theo đuổi con đường dẫn tới hợp nhất như lời Chúa hứa…Xin đừng để chúng con xé rách lưới của Chúa, xin giúp chúng con trở thành tôi tớ của hợp nhất”.

Chính “để chu toàn mục vụ đối với sự hợp nhất, một mục vụ đã xác định ra đường lối đặc thù cho thừa tác vụ Kế Thừa Thánh Phêrô của tôi” mà Đức Thánh Cha đã quyết định cho rút lại vạ tuyệt thông.

Ngài minh xác thêm “Tôi thực hiện hành vi nhân từ trong tình cha con này vì các vị giáo phẩm ấy liên tiếp tỏ bày nỗi đau khổ gay gắt lớn lao của trạng huống họ đã gặp phải”. Đức Thánh Cha nói rằng ngài chờ mong các vị giáo phẩm này cũng sẽ thực hiện những bước tương tự để hoàn tất diễn trình sau cùng trong cố gắng hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội, để chứng tỏ lòng trung thành chân thực và lòng chân nhận huấn quyền và thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và của Công Đồng Vatican II.

Giáo huấn về Truyền Thống

Nhân dịp này, khi nói tới hai thư mục vụ của Thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đề cập tới tầm quan trọng của Truyền Thống và thừa tác vụ luôn luôn khai triển của Giáo Hội. Đó chính là hai thư gửi cho Timôtê và Titô, hai thư có vị thứ khá độc đáo trong Tân Ước. Gọi là thư mục vụ, vì chúng được gửi cho các cá nhân hơn là cho các cộng đoàn. Hai vị này vốn là các cộng tác viên của Thánh Phaolô và đều là hai giám mục tiên khởi của Giáo Hội.

Lúc ấy, trong Giáo Hội đã nổi lên nhiều sai lạc, những sai lạc được Đức Thánh Cha cho là tiền thân của Ngộ Đạo Thuyết, tác giả các thư này vì thế nhắc tới ơn gọi hai mặt. Ngài mời gọi Kitô hữu quay trở lại với việc “đọc Sách Thánh một các thiêng liêng”. Về phương diện này, Đức Thánh Cha giải thích: “Đọc Thánh Kinh một cách đúng đắn là để mình đối thoại với Chúa Thánh Thần, là từ nó, nhận được ánh sáng ‘để dạy dỗ, luận bác, sửa chữa và để huấn luyện đường chính trực’”.

Còn về lời mời thứ hai, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng: tác giả các thư trên nhắc tới “việc chuyển giao đức tin tông truyền, một việc chuyển giao cần phải được bảo vệ nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ở trong ta. Phải coi thực thể vốn được mệnh danh là kho tàng (deposit) này như tổng hợp Truyền Thống Tông Đồ và là tiêu chuẩn cho lòng trung thành đối với việc công bố Phúc Âm”.

Như thế, các thư của Thánh Phaolô trình bày Truyền Thống như là chìa khóa để hiểu Thánh Kinh: “Việc công bố theo tông truyền, tức Truyền Thống, rất cần thiết để dẫn nhập ta vào việc hiểu Sách Thánh và nghe được giọng nói của chính Chúa Kitô ở trong đó”.

Cấu trúc thừa tác của Giáo Hội

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI còn nói tới “thành tố đặc trưng” khác của các thư gửi Timôtê và Titô là “suy tư về cấu trúc thừa tác của Giáo Hội”. Trong các thư ấy, Thánh Phaolô cho hay cấu trúc trên luôn khai triển. Trong Giáo Hội của thời thế giới ngoại giáo ấy, khuôn mặt vị tông đồ là khuôn mặt nổi bật, nên Thánh Phaolô đề cập tới các giám mục và phó tế. Nhưng trong thế giới Do Thái và Kitô Giáo, các trưởng giáo sĩ (presbyters) mới là khuôn mặt đáng kể.

Đức Giáo Hoàng giải thích như sau: “Ở cuối các thư mục vụ, hai cấu trúc ấy đã hợp nhất với nhau: và giờ đây ta thấy xuất hiện vị…giám mục… Và cùng với vị giám mục, ta thấy các trưởng giáo sĩ và các phó tế. Tuy nhiên khuôn mặt tông đồ vẫn còn tính cách quyết định, nhưng như tôi đã nói, ba lá thư này đã không được gửi cho các cộng đoàn mà là cho những con người cá thể: Timôtê và Titô, những vị một mặt xuất hiện như là giám mục, và mặt khác, bắt đầu thế chân cho Tông Đồ. Thế là bắt đầu một thực tại sau này được gọi là kế tục tông đồ (apostolic succession)”

Theo Đức Thánh Cha, lời Thánh Phaolô khuyên Timôtê “đừng sao lãng ơn phúc hiện con đang có, ơn phúc đã ban cho con qua lời tiên tri với việc đặt tay của trưởng giáo sỹ đoàn” chính là dáng dấp “của đặc điểm bí tích nơi thừa tác vụ này”. Ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện để các Kitô hữu “mỗi ngày một được đặc điểm hóa hơn nữa về phương diện này, trong tương quan với xã hội ta đang sống, với tư cách là thành viên của ‘gia đình Thiên Chúa’. Ta cũng hãy cầu nguyện cho các mục tử của Giáo Hội để các ngài càng ngày càng có nhiều cảm nghĩ cha con, vừa dịu dàng vừa mạnh dạn cùng một lúc, trong việc đào tạo nhà Chúa, cộng đoàn, và Giáo Hội”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình Sao Mai - Ban Thánh Nhạc Giáo Phận Xuân Lộc họp mặt đầu năm
Giuse Lâm Hoàng Ân
14:59 30/01/2009
XUÂN LỘC - Hằng năm, cứ vào Mùng 5 Tết, anh em gia đình Sao Mai lại quy tụ về Giáo Xứ Bùi Đức để họp mặt, sau một năm hoạt động cùng với nền Thánh Nhạc Việt Nam nói chung và Thánh Nhạc Giáo Phận Xuân Lộc nói riêng.

Gia đình Sao Mai gồm các thành viên là học trò (con học trò) của Linh mục Nhạc Sư Vinh Sơn Phạm Liên Hùng - Trưởng ban Thánh nhạc Giáo phận Xuân lộc. Trong gia đình Sao Mai có các các nhóm chuyên môn riêng biệt: Nhóm sáng tác (gồm các Nhạc sĩ củ Giáo Phận), nhóm giảng viên (gồm các Thầy, Cô đang phụ trách giảng dạy Nhạc lý trong các Giáo xứ ở mọi miền Đất nước, một số đang là giảng viên của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), nhóm Ca trưởng, nhóm Nhạc công,... Gia đình Sao Mai thường xuyên tổ chức các Khóa Pio (năm 2008-2009: Khóa Pio XVII ), đào tạo Thánh Nhạc mỗi năm với các lớp: Xướng âm, Hòa âm, Ca trưởng, Thanh nhạc, Đàn,... Chứng chỉ tốt nghiệp của Trường Suối Nhạc.

Hiện diện trong buổi họp mặt có các Nhạc sĩ, Ca trưởng, Nhạc công,...trong và ngoài Giáo phận như: Nhạc sĩ Nguyên Nhung, Nhạc sĩ Nguyên Dũng, Nhạc sĩ Hồng Việt, Nhạc sĩ Thứ 7,... Những tiếng cười nói, những cái tay mặt mừng, những bài hát,..cứ rộn rã vang lên trong niềm hân hoan, niềm vui sướng ngày anh em đoàn tụ.

Riêng nhóm Sáng tác Sao Mai năm qua đã gặt hái được nhiều thành công với việc ra CD Sao Mai 6 với Tựa đề: "Lời cầu cho Giáo Lý Viên" đang được đón nhận rộng rãi trong và ngoài nước.

Mục đích buổi họp mặt là để anh chị em cùng gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn mà nền Thánh Nhạc Giáo Phận đang gặp phải trong năm qua. Từ đó cải thiện và phát triển hơn nữa nền Thánh Nhạc hiện thời.

Buổi họp kết thúc bằng bữa cơm trưa chan chứa tình hiệp thông huynh đệ. Cha Vinh sơn ban phép lành, làm nghi thức sai đi và gửi tặng các thành viên những kỷ vật vô cùng ý nghĩa (những sách hợp xướng, Thánh ca, đĩa nhạc,...).

"Hôm nay ngày đầu năm chúng con đến thăm nhà Cha yêu,... " bài hát cuối giờ vang lên làm mỗi người trong chúng tôi vô cùng xúc động. Chia tay, mỗi người một phương, ra đi tung gieo lời Chúa bằng lời ca tiếng hát để mãi mãi phục vụ Giáo Hội, phụng sự Thiên Chúa ngày một tốt hơn.
 
Giáo xứ An Hải- Hải Phòng, ăn Tết với những người nghèo
Thu Thủy
15:09 30/01/2009
HẢI PHÒNG - Năm 2008 vừa qua, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện quản nhiệm Giáo xứ An Hải đã có sáng kiến vận động mọi người trong Giáo xứ nuôi heo đất để giúp đỡ cho người nghèo nhân dịp đón Tết Nguyên Đán đến. Trước những ngày giáp Tết, mọi người đã mang heo đất đến giáo xứ để gây quỹ cho chương trình ăn Tết với người nghèo.

Năm nay Cha quản nhiệm và Ban Hành Giáo đã mời tất cả 160 người thuộc 13 phường trong Quận Ngô Quyền - Thành Phố Hải Phòng họ là những người nghèo, bệnh tật, cô đơn không người chăm sóc đã đến tham dự bữa tiệc Tất Niên và nhận quà Tết.

Trước bữa tiệc Cha Quản nhiệm đã gặp gỡ hỏi thăm ân cần từng vị khách được mời, Cha cùng với mọi người cầu nguyện và chia sẻ tâm tình với những vị khách được mời trong bầu khí của Gia đình giáo xứ. Trong bài chia sẻ, Cha Kiện đã nói lên tâm tình hiếu khách của Giáo xứ với mọi người Ngài đã nhận những người khách mời đến ăn Tất niên là những vị khách quý, là Cụ, Ong, Bà, Cha mẹ Anh chị em của Ngài, Ngài mời gọi mọi người cùng cảm tạ Chúa, Ong Trời ban muôn vàn ân huệ trong suốt một năm qua, và xin Ong Trời Thượng Đế chúc phúc lành cho mọi người trong năm mới. Ngài cũng gửi lời chúc Tết tới gia đình của những người tham dự hôm đó.

Hơn một trăm người tham dự đó, hầu hết là anh chị em không Công Giáo, nhưng qua cử chỉ ân cần và lời mời của Cha Quản nhiệm cũng như ban hành giáo, họ đã đến với Giáo xứ trong niềm vui phấn khởi. Cuộc gặp gỡ và chia sẻ hôm nay càng làm cho anh chị em trong giáo xứ An Hải ý thức trách nhiệm tinh thần phục vụ tha nhân, nhất là phục vụ người nghèo khổ, kém may mắn. Cuộc gặp gỡ và chia sẻ đầy ý nghĩa của anh chị em Giáo xứ An Hải đã diễn tả tình Chúa tình người và sự cảm thông vô bờ bến. Một bầu khí thật vui tươi, ấm áp và tình người của những ngày cuối đông lạnh giá.

Sau buổi cầu nguyện là bữa tiệc vui vẻ, Cha quản nhiệm đã cùng đồng bàn, cụng ly với mọi người tham gia bữa tiệc đó. Ban hành giáo và các hội đoàn đã tiếp đón và phục vụ những anh chị em đến tham dự hôm đó như những vị khách quý, như Chúa Giêsu vậy.

Sau bữa ăn, Cha Quản nhiệm đã phát quà cho tất cả anh chị em có hoàn cảnh đặc biệt. được biết số quà được lấy từ tiền nuôi heo đất của Giáo xứ. Trước khi ra về mọi người nhận phần quà và ra về trong sự hân hoan và vui vẻ.

Tết Kỷ Sửu này Cha quản nhiệm tiếp tục chương trình nuôi heo đất giúp cho người nghèo, số lượng heo đất nhiều hơn năm ngoái. Cầu xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Cha quản nhiệm và cộng đoàn Giáo xứ An Hải luôn biết sống theo tinh thần của Chúa đó là luôn yêu thương những anh chị em nghèo khó và đau khổ.
 
LM Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang ở Diên Sanh, Quảng Trị, bị hành hung dã man
VietCatholic
14:50 30/01/2009
QUẢNG TRỊ - Lúc 13 giờ ngày Mồng Một Tết Kỷ Sửu (tức ngày thứ hai, 26.01.2009), linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, 75 tuổi, là Hạt trưởng Hạt Quảng Trị, (và là một cộng tác viên thường xuyên của VietCatholic) bị một tên lạ mặt hành hung dã man. Cha Gioang phải đi bệnh viện ngay để chữa trị, thế nhưng mãi hôm nay Cha Gioang mới cho chúng tôi biết tin này.

Sau khi đi bệnh viện chữa trị vết thương về nhà xứ lại, Ngài đã thông báo cho giáo dân như sau:

Lúc 13 giờ ngày Mồng Một Tết Kỷ Sửu (ngày 26 tháng 01 năm 2009), một người lạ mặt đi xe máy, loại CD, vào khu vực Nhà Thờ Diên Sanh, đập phá các cửa kính của Nhà Giữ Trẻ, và xông vào linh mục Nguyễn Vinh Gioang, đánh linh mục sập mũi và bể môi.

Linh mục Gioang bị văng vào tường, máu từ trong miệng phun ra, nhưng người lạ mặt nầy vẫn tiếp tục đánh vào người của linh mục một cách không nương tay.

Linh mục Gioang đau quá, liền ôm người lạ mặt để khỏi bị đánh thêm nữa, và la lên nhiều lần: “Cứu với! Cứu với!”

Mười lăm phút sau, có người nghe được tiếng kêu cứu của linh mục Gioang, đến cứu linh mục Gioang và khống chế người lạ mặt (vì ngày Mồng Một Tết, không ai nghĩ đến chuyện có người đến hành hung linh mục nơi khu vực Nhà Thờ như thế.)

Linh mục Gioang phải đi bệnh viện Hải Lăng để được khâu nhiều mũi ở phía sau môi trên.

Hiện giờ, linh mục Gioang đang bị chập môi và sập mũi, mỗi ngày chỉ ăn được một chút cháo và uống một chút sữa. Thở vào và thở ra rất khó.

Linh mục Gioang không hiểu được vì sao người lạ mặt nầy, trong ngày Mồng Một Tết, Ngày Thanh Bình, Ngày Vui Tươi Đầm Ấm, Ngày Chúc Nhau Bình An Hạnh Phúc Năm Mới, lại đến hành hung linh mục một cách dã man như vậy?

Trước khi đi bệnh viện, linh mục Gioang nói với người hành hung là linh mục tha, chỉ nhắc nhủ người nầy từ nay về sau, đừng có thái độ hung tợn và dã man như thế đối với người khác.

Xin qúi độc giả cầu nguyện nhiều cho linh mục Gioang được chóng bình phục.
 
Thánh lễ đầu năm tại khu điều trị phong Vân Môn
Hương Giang
15:31 30/01/2009
THÁI BÌNH - Hàng năm, cứ vào ngày 4 tết Đức Cha Phanxico Xavie Nguyễn Văn Sang lại trở về Vân Môn (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) – nơi có các bệnh nhân phong đang sống và điều trị để thăm hỏi, tặng quà cũng như chủ tế thánh lễ cầu nguyện cho các bệnh nhân. Năm nay cũng vậy, mặc dù thời tiết mưa rét nhưng Ngài vẫn tận tình đến với các bệnh nhân. Vì Ngài coi các bệnh nhân như chính Đức Kitô đang hiện diện cách hữu hình trong cuộc sống.

Sự ra đời và phát triển của khu điều trị phong Vân Môn

Vân Môn là khu điều trị cho các bệnh nhân phong ra đời đầu tiên tại miền Bắc vào năm 1898 do một Cha người Pháp khởi xướng. Lúc đầu, khu điều trị có quy mô nhỏ nên chỉ dành cho các bệnh nhân phong tại Thái Bình. Sau đó, khu điều trị được mở rộng dần và đến nay diện tích của khu điều trị là 65 ha và nó trở thành nơi cư trú của các bệnh nhân ở khắp các tỉnh miền Bắc, thậm chí có cả các bệnh nhân thuộc các dân tộc thiểu số cũng được quy tụ về mái ấm Vân Môn. Hiện tại tổng số bệnh nhân tại khu điều trị phong Vân Môn lên tới 497 bệnh nhân nội trú và gần 300 bệnh nhân ngoại trú. Khu điều trị đã xây dựng được bệnh viện da liễu khang trang có nhiều bác sĩ tài ba, tâm huyết. Các bác sĩ tại bệnh viện da liễu Vân Môn không chỉ có nhiệm vụ khám chữa bệnh mà kiêm luôn cả nhiệm vụ quản lý, điều hành việc sản xuất trong khu điều trị. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người bệnh, khu điều trị đã có 2 nhà thờ và một ngôi chùa. Các bệnh nhân tại khu điều trị Vân Môn rất phấn khởi vì họ đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần. Bác sĩ Mùi cho biết: “Mấy năm gần đây được sự quan tâm của ban giám đốc, của các hội từ thiện đặc biệt là các Linh mục, Tu sĩ... đời sống của các bệnh nhân trong khu điều trị sung túc hơn nhiều. Vừa qua khu điều trị đã xây dựng xong dãy nhà hai tầng tiện nghi, thoáng mát cho các bệnh nhân và trong thời gian tới khu điều trị sẽ xây dựng thêm một phòng khám và một khu ở cho cán bộ công nhân viên chức”.

Các bệnh nhân phấn khởi đón xuân

Được sự quan tâm về vật chất cũng như tinh thần của ban giám đốc khu điều trị, của các nhà từ thiện, đặc biệt là sự ưu ái của Đức Cha giáo phận, các bệnh nhân phong tại khu điều trị Vân Môn đã đón tết trong niềm vui khỏe, hạnh phúc. Bác Hòa quê ở Khoái Châu (Hưng Yên), sống tại khu điều trị từ năm 1955 chia sẻ: “ngày mới đến đời sống của chúng tôi rất khó khăn, phải ở trong những dãy nhà dột nát, phải lao động nhiều nên bệnh ngày càng nặng. Nhưng từ khi được sự quan tâm của giám đốc Bùi Huy Thiện cùng các bác sĩ trong ban lãnh đạo và các nhà từ thiện khắp nơi chúng tôi đã có cuộc sống no đủ hơn, được sống trong dãy nhà mái bằng sạch sẽ, phòng nào cũng có tivi, nhiều phòng đã có cả bếp ga để tiện việc đun nấu...Nhờ đời sống vật chất đầy đủ nên bệnh tật của chúng tôi giảm dần và tinh thần rất thoải mái. Năm nay, chúng tôi được ăn tết rất to và đoàng hoàng. Đồ ăn chẳng thiếu thứ gì từ thịt, cá, gạo nếp...” Hay như lời chia sẻ của bà Tẹo, 70 tuổi, quê ở Ninh Bình: “Mấy năm nay vì không phải lao động nhiều nên vi khuẩn phong không có cơ hội tấn công, ăn mòn cơ thể nữa. Vì thế, tuy phải đeo chân giả nhưng trong người thấy rất khỏe mạnh. Nhớ lại những năm đầu đến đây vất vả, khổ sở lắm. Thời đó, chân tay thì đau nhưng vẫn phải đi mò cua bắt ốc, hái rau dại quanh nhà ăn cho đỡ đói. Vì ngày đó mỗi tháng chỉ được có 400 đồng và 18 cân gạo”

Các ân nhân đồng lòng chia sẻ

Các bệnh nhân trong khu điều trị phong Vân Môn hết lòng cám ơn Đức Cha, các Cha, các nam nữ tu sĩ cũng các vị ân nhân đã nhiệt thành giúp đỡ họ về vật chất lẫn tinh thần trong suốt những năm qua. Đặc biệt trong thánh lễ đầu xuân này Đức Cha, các cha, các tu sĩ cùng các vị ân nhân lại tiếp tục giúp các bệnh nhân về vật chất lên tới gần 49 triệu đồng và 116 kg đường.

Và chính trong bài giảng hôm nay Đức Cha cũng đã nhấn mạnh tới tinh thần bác ái và kêu gọi mỗi người cần cảm thông, chia sẻ với những người khó khăn, đau khổ về thể xác cũng như tâm hồn vì Chúa đã nói: “những ai bị tù đầy giam hãm, bị đói nghèo, bệnh tật thì đó là chính Ta và khi các ngươi thăm viếng những người đó là thăm viếng Ta rồi”. Vì thế, Ngài coi thánh lễ đầu xuân tại khu điều trị phong Vân Môn chính là ngày chầu lượt, ngày chầu mình Thánh Chúa. Những anh em đang bị bệnh tật, đau khổ là dấu chỉ sự hiện diện cụ thể của mình máu Chúa Ki tô giữa loài người.

Lạy Chúa! Ước mơ tha thiết của con người là được sống khỏe mạnh và hạnh phúc nhưng trong thực tế bệnh tật vẫn làm cho con người đau khổ và bất hạnh. Xin Chúa cho các anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhân phong được nhiều người xót thương, nâng đỡ ủi an!
 
Tin Đáng Chú Ý
Dân Biểu Liên Bang Joseph Cao dẫn đầu diễn hành Tết vào Thứ Bảy 31.1.2009
Người Việt
15:57 30/01/2009
LITTLE SAIGON, California (NV).- Luật Sư Joseph Cao, dân biểu gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Hoa Kỳ, sẽ là người dẫn đầu (Grand Marshal) diễn hành Tết Kỷ Sửu 2009 trên đại lộ Bolsa, giữa Magnolia và Bushard, vào lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 31 Tháng Giêng, tới đây, thông tin của ban tổ chức cho biết như vậy.

Dân Biểu Joseph Cao, vừa thắng cử hồi năm ngoái, hiện đại diện Ðịa Hạt 2 của tiểu bang Louisiana.

Cùng diễn hành với vị dân biểu liên bang gốc Việt là “chú chuột Mickey Mouse” của Disneyland và phái đoàn cựu quân nhân mãnh hổ Thủy Quân Lục Chiến Nam Hàn.

Toán hầu kỳ dẫn đầu đoàn diễn hành là Cảnh Sát Westminster, theo sau là toán quốc quân kỳ Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California và toán hậu duệ trong quân phục VNCH mang 60 quân kỳ của bốn quân đoàn và quân binh chủng quân lực VNCH.

Sau đó là các xe hoa của các vị dân cử, cơ quan và doanh nghiệp trong vùng.

Trước đó, mở đầu cuộc diễn hành là lễ chào quốc kỳ được khởi sự lúc 9 giờ 30 sáng do toán Young Marines VNCH (Hậu Duệ Thủy Quân Lục Chiến VNCH) đảm trách.

MC năm nay sẽ là Minh Phượng, Ðỗ Tấn Khoa, Orchid Lâm Quỳnh và cựu Nghị Viên Westminster Kermit Marsh.

Ban tổ chức cho biết có khoảng 95 đơn vị tham gia diễn hành gồm nhiều tổ chức đa dạng mang nhiều sắc thái văn hóa và kinh doanh.

Năm nay, diễn hành Tết Nguyên Ðán được thành phố Westminster vinh dự đứng ra đảm trách tổ chức với sự phối hợp của một số thành viên người Việt trong cộng đồng.

Lộ trình diễn hành vẫn không thay đổi, khởi hành từ ngã tư Magnolia-Bolsa hướng về phía Ðông trên đại lộ Bolsa, rẽ phải đường Bushard, xong rẽ trái đường Bishop và giải tán tại trường Mc Garvin.

Các xe hoa diễn hành sẽ phải được kiểm soát từ 3 giờ chiều hôm nay, Thứ Sáu, 30 Tháng Giêng, tại nhà thờ Korean First Presbyterian Church, góc Bolsa-Newland.

Vào lúc 6 giờ chiều Thứ Năm vừa qua, ban tổ chức diễn hành đã có một phiên họp để tiếp xúc với các đơn vị tham dự diễn hành cùng các cơ quan truyền thông.

Trong buổi họp này, ban tổ chức đã phân phối giấy phép đậu xe, thẻ ghi danh, số thứ tự diễn hành và những hướng dẫn về thủ tục cho việc diễn hành được thực hiện tốt đẹp.

Ban tổ chức cũng kêu gọi tất cả đồng hương đến xem diễn hành vì “sự kiện này là một ngày hội của cộng đồng với nhiều xe hoa, ban nhạc diễn hành, các dân cử và hội đoàn địa phương và hàng ngàn người tham dự.”

Mọi chi tiết về diễn hành vui lòng liên lạc với phối trí viên Nguyễn Phương Hùng điện thoại số: (714) 469-0462 hoặc Khanh Nguyễn (714) 883-5383.

Trước khi cuộc diễn hành xảy ra, nhân dịp Dân Biểu Liên Bang Joseph Cao có mặt tại Little Saigon, Dân Biểu Liên Bang Ed Royce, Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn và ông bà Triệu Phát (tổng giám đốc công ty Bridgecreek) sẽ tổ chức một buổi tiệc gây quỹ cho vị dân biểu thuộc tiểu bang Louisiana vào lúc 7 giờ 45 phút sáng tại nhà hàng Long Phụng Lầu, Westminster.

Những người muốn tham dự hoặc ủng hộ Dân Biểu Joseph Cao có thể liên lạc cô Lyna tại số 714-842-8018 ext. 20 hoặc email lyna@bridgecreek.com để giữ chỗ và lấy thẻ đậu xe đặc biệt tại Phước Lộc Thọ vì hôm đó có diễn hành Tết rất khó kiếm chỗ đậu xe.

Có thể ủng hộ $100 (individual), $250 (benefactor), $1,000 (host, hai người) và ghi chi phiếu cho “Joseph Cao for Congress, FEC # C 00455808.”

Ngoài ra, những ai muốn ủng hộ tiền có thể ghi chi phiếu như trên và gởi về PO Box 56156, New Orleans, LA 70156.

Nhân dịp này, Dân Biểu Trần Thái Văn kêu gọi mọi người đến ủng hộ Dân Biểu Joseph Cao vì đây là “lần đầu tiên người Việt chúng ta có tiếng nói chính thức tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cần bảo vệ tiếng nói này bằng mọi cách. Dân Biểu Joseph Cao không thể làm một mình, ông cần sự giúp đỡ về tinh thần cũng như về tài lực để tiếng nói của chúng ta đứng vững tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong những năm tới.”

Thư mời dự tiệc gây quỹ cho Dân Biểu Joseph Cao cho biết ủy ban tổ chức buổi tiệc gây quỹ còn bao gồm bà Michelle Steel (ủy viên Hội Ðồng Thuế California) và phu quân, Thị Trưởng Westminster Margie Rice, Phó Thị Trưởng Wesminster Tạ Ðức Trí, ba nghị viên Westminster Frank Fry, Andy Quách và Diệp Miên Trường, Nghị Viên Garden Grove Dina Nguyễn, Phó Chủ Tịch Học Khu Garden Grove Nguyễn Quốc Lân, cựu Thị Trưởng Westminster Kathy Buchoz, Ủy Viên Giải Trí và Công Viên Santa Ana Khanh Nguyễn, Phó Chủ Tịch Công Ty Bridgecreek John Quốc Dương, ông Lê Văn Chiêu (Lee's Sandwiches) và ông Dũng Trần.

Sau đó, hai dân biểu liên bang Ed Royce và Joseph Cao sẽ có một cuộc họp báo vào lúc 9 giờ sáng tại nhà hàng Grand Garden, góc Magnolia và Bolsa, trước khi tham gia diễn hành Tết Kỷ Sửu.

Theo bà Kim Young, phụ tá của Dân Biểu Ed Royce, Dân Biểu Joseph Cao đến Little Saigon lần này là qua lời mời của Dân Biểu Ed Royce. Dân Biểu Ed Royce sẽ chính thức giới thiệu Dân Biểu Joseph Cao với cộng đồng Việt Nam tại cả ba sự kiện trong ngày Thứ Bảy này. (Ð.D.)

(Nguồn: Người Việt, Thursday, January 29, 2009)
 
Niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt: Đại tá Lương Xuân Việt được bổ nhiệm Lữ Đoàn Trưởng Sư đoàn Dù 101, Hoa Kỳ
Saigòn Echo
17:49 30/01/2009
NIỀM HÃNH DIỆN CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT: Đại Tá Lương Xuân Việt

Đại Tá Lương Xuân Việt vừa được bổ nhiệm tân Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn Ba, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù, quân lực Hoa Kỳ. Lễ nhậm chức sẽ được long trọng cử hành vào ngày 5-2-2009 sắp tới tại Fort Campbell, tiểu bang Kentucky. Được biết khi đặt chân lên đất tỵ nạn Hoa Kỳ năm 1975, Đại Tá Lương Xuân Việt mới chỉ là cậu bé 9 tuổi. Cuộc đời binh nghiệp nở hoa với chiếc lon Đại Tá được gắn trên vai vào ngày 10-1-2009. Đại Tá Lương Xuân Việt là cháu của Mũ Ðỏ Bùi Đức Lạc, thuộc binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực VNCH. Cộng Đồng VN không ai xa lạ gì với tên tuổi của Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc, người đã vào Hạ Lào trong ngày đầu của cuộc chiến và ra khỏi Hạ Lào vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến này. Ông cũng là tác giả thiên hồi ký chiến tranh "Cơn Uất Hạ Lào" đã được xuất bản vào năm 2007.

Sau lễ nhậm chức của Đại Tá Lương Xuân Việt, toàn thể Lữ Đoàn của ông sẽ đi Trung Đông để tham gia cuộc chiến. Dưới đây là một bài viết về Đại Tá Lương Xuân Việt lúc ông còn là Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nhảy Dù tham gia bảo vệ an ninh trong trận lụt Katrina.

Trung Tá Chỉ Huy Biệt Kích Nhảy Dù Quân Đội Hoa Kỳ, Người Mỹ Gốc Việt



AC-ARIZONA COWBOY: Trước hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng, cuộc chiến bảo vệ Trường Sa và dành lại những vùng đất đã bị Tàu chiếm đóng sẽ diễn ra trong thời gian không xa. Tất cả những người con của Mẹ Việt Nam không thể thờ ơ trước viễn cảnh này. Ai sẽ là người thổi lên hồi kèn quy tụ Người Tài của Nước Việt lang bạt khắp 4 phương trời trở về phục quốc cứu dân?

Bài viết độc nhất vô nhị này tổng hợp những thông tin trên báo Người Việt và hình ảnh trên website của Sư đoàn 82 Biệt Kích Dù thuộc quân đội Hoa Kỳ. Qua bài viết và hình ảnh dưới đây xin được giới thiệu Trung Tá Lương Xuân Việt chỉ huy Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 505/Sư đoàn 82 Biệt Kích Dù.

Phải có uy lực nên một người da vàng mà chỉ huy hơn 1000 lính tác chiến Mỹ súng đạn đầy người, xông pha giữa chiến trường giao tranh tại các điểm dầu sôi lửa bỏng nhất của Iraq - Afghanistan - Serbia.

Trung Tá Lương Xuân Việt, Chỉ huy Tiểu đoàn 2/Trung đoàn 505/Sư đoàn 82 Biệt Kích Dù Hoa Kỳ, là người Mỹ gốc Việt đã được báo LA Times của Mỹ ca ngợi hết lời về nỗ lực cứu những người bị nạn trong đó có người gốc Việt trong những ngày qua.

Trung Tá Lương Xuân Việt, Tiểu đoàn trưởng của một Tiểu đoàn dù Hoa Kỳ thuộc Sư đoàn thiện chiến 82 hàng đầu đã cho cộng tác viên BBC là Đinh Quang Anh Thái ở Hoa kỳ biết thêm về những gì đã xảy ra:

Trung Tá Lương Xuân Việt cho biết một ngày sau khi đơn vị của ông được điều động tới thì những người xấu làm việc cướp phá hôi của đã bỏ chạy hết.

Ông cho biết đơn vị của ông dùng thuyền cao su để đi cứu người và trong vòng mấy ngày đơn vị ông đã cứu được chừng 500 người từ những khu nhà ngập nước ô nhiễm nặng.

Ông Việt cũng cho biết đã chứng kiến nhiều cảnh rất bi đát, tuy nhiên họ đã di chuyển những người già cả, tàn tật và trẻ em đi trước.

Có một số gia đình người Việt đã được đơn vị của Trung Tá Lương Xuân Việt cứu giúp.

Ông cũng kể về trường hợp một gia đình người Việt nhất định không chịu rời bỏ nhà cửa mặc dù đã được phi công Mỹ thuyết phục suốt một ngày trời, nhưng cuối cùng họ cũng đã bằng lòng rời đi sau khi nói chuyện với ông, cũng là một người gốc Việt.

Điều đặc biệt đó là đây cũng là một gia đình cựu chiến binh Việt Nam, và nó gợi dậy tình đồng hương, tình đồng đội ở những người Việt hiện đang sinh sống trên đất Mỹ.

(Source: BBC)

Sau cơn bão Katrina, những băng đảng da đen chiếm lĩnh thành phố trang bị vũ khí cướp từ các tiệm bán vũ khí trong vùng. Họ gây án mạng, thanh toán băng đảng, cướp phá, hôi của và hãm hiếp phụ nữ. Cảnh sát bất lực vì hoả lực kém. Chỉ khi lính Biệt Kích Dù xuất hiện càn quét thành phố mới được an ninh.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Một Chiều Tuyết Rơi
Sr. Theresa Thanh Thảo
06:13 30/01/2009

MỘT CHIỀU TUYẾT RƠI



Ảnh của Sr Theresa Thanh Thảo CMRM, Nebraska

Ngoài trời tuyết rơi,

Tôi ước mình là, bông tuyết ngoài trời

Để được bay mãi lên thiên đường

Một thiên đường tuyết rơi….

(Sr Theresa Thanh Thảo)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền