Ngày 29-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 4 Mùa Quanh Năm 30/1 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:17 29/01/2022

BÀI ĐỌC 1 Gr 1:4-5,17-19

Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.

Dưới thời vua Giô-si-gia-hu, có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi,

Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân. Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.

Hãy trỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.

Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;

nếu không, trước mặt chúng,

chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.

Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ:

từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ.

Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì –sấm ngôn của Đức Chúa– có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 12:31-13:13

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.

Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.

Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.

Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.

Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.

Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 4:18

Alleluia. Alleluia.

Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 1:1-4,4:14-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành –thành này được xây trên núi–. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Đức Kitô đã bị khai trừ và khinh khi tại chính quê hương của Người, nhưng Người vẫn luôn trung thành với sứ mạng ngôn sứ, vì yêu mến Chúa Cha và loài người. Hiệp với các Kitô hữu trong toàn Giáo hội, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:

1. “Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”. Chúng ta cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng, các Giám mục và Linh mục luôn trung thành với sứ mạng làm ngôn sứ Chúa đã trao, dẫu có gặp chống đối, đe doạ và cấm đoán. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. “Đức Mến là động lực thúc đẩy mọi việc tốt lành”. Chúng ta cầu xin chúa cho những người có chức quyền trong xã hội luôn lấy tình yêu thương mà tôn trọng và bảo vệ công lý, không để mình bị chi phối bởi bất cứ áp lực hay lý do bất chính nào. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

3. Chúa Giêsu không chỉ được sai đến với người Do Thái mà còn với cả các dân ngoại. Chúng ta cầu xin Chúa cho những ai đang bị kỳ thị chủng tộc, tôn giáo và giai cấp, tìm được sự quan tâm nâng đỡ của tất cả mọi người. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

4. Khi thi hành sứ vụ ngôn sứ, chắc chắn chúng ta sẽ bị thế gian từ khước, truy tố, và ngay cả đe dọa đến tính mạng. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ, luôn can đảm sẵn sàng đến với tha nhân để loan báo ơn Cứu độ của Người, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 này.

Chủ tế: Lạy Chúa, Đức Kitô Con Một Chúa đã được ban đến để cứu chuộc nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con Đức Mến nồng nàn, để chúng con đón nhận Lời Chúa, và can đảm đem Tin Mừng Chúa đến cho tất cả mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:19 29/01/2022

7. Chúng ta đọc Kinh Thánh thì nên nhớ lấy những lời trong Kinh Thánh, mỗi câu đều có đủ Lời của Thiên Chúa.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:22 29/01/2022
82. THƯ SINH NHẠO QUỶ

Ở bên ngoài cửa ải phía bắc thành Hàng Châu có một ngôi nhà, thường có quỷ quấy phá, mọi người đều không dám ở đó.

Có một thư sinh họ Trai mua cái nhà ấy. Đến nửa đêm có một thiếu nữ chậm rãi đi đến, trên cổ mang một dây vải đỏ, hướng về thư sinh họ Trai lạy hai lạy, đem một sợi dây cột trên xà nhà, đưa cái cổ vào trong sợi dây thòng lọng, thư sinh họ Trai không một chút sợ hãi.

Cô gái lại cột thêm một sợi dây nữa và kêu thư sinh họ Trai đến, họ Trai đưa cái chân bỏ vào trong sợi dây, cô gái nói:

- “Ngài sai rồi”.

Thư sinh cười nói:

- “Cô sai rồi mới có hôm nay, tôi không sai”.

Cô gái cười lớn và bỏ đi.

Từ đó về sau, quỷ quái ở ngôi nhà này không còn nữa.

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 82:

Trong các sách Tin Mừng, Đức Chúa Giê-su nói rất rõ ràng là có ma quỷ, và Giáo Hội dạy chúng ta biết có ma quỷ, và ma quỷ chính là tên đối nghịch cùng Thiên Chúa, là tên luôn xúi giục con người làm những điều trái với lương tâm, tức là trái với ý muốn của Thiên Chúa.

Ma quỷ này không hiện nguyên hình cho chúng ta thấy, nhưng con người sẽ thấy nó rất rõ ràng trong cuộc sống, đó là:

- Con ma rượu, con ma bài bạc, con ma nghiện ngập.v.v… chúng nó làm cho bản thân mình thân bại danh liệt, làm cho gia đình tan nát và là mối lo sợ của xã hội.

- Con quỷ dâm dục, con quỷ ghen ghét, con quỷ kiêu ngạo, con quỷ nói hành nói xấu.v.v…những con quỷ này làm cho con người thất điên bát đảo vì xác thịt, vì tiền bạc, vì danh vọng mà đấm đá nhau, xâu xé nhau và giết lẫn nhau…

Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, cho nên chúng ta đừng biến mình thành ma quỷ bằng cuộc sống tội lỗi của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:25 29/01/2022
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Lc 4, 21-30

“Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Do Thái mà thôi.”


Bạn thân mến,

Khi bạn có người thân từ ngoại quốc về thì láng giềng hàng xóm có hai thái độ: một là vui vẻ tiếp đón như người làng thuở xưa, hai là thờ ơ lạnh nhạt và có khi khinh bỉ, vì biết rõ lý lịch của người ấy trước đây không ra gì khi còn ở trong làng xóm mình. Đức Chúa Giê-su cũng lâm vào hoàn cảnh như thế khi Ngài trở về quê hương...

Đức Chúa Giê-su không phải là đứa con đi hoang trở về, Ngài cũng không phải là người tội lỗi hối cải ăn năn trở về, nhưng Ngài là một thành viên trong làng xóm về thăm quê nhà sau những năm tháng đi xa, cuộc trở về của Ngài đáng lẽ phải là một niềm vui cho làng xóm mới phải, nhưng vì thành kiến, vì kiêu ngạo và vì mặc cảm mà người trong thôn làng đã từ chối tình cảm chân thành của Ngài dành cho họ, và như thế là họ khước từ luôn cả ơn cứu độ mà Ngài đem đến cho họ.

Chắc chắn những người khước từ Đức Chúa Giê-su không phải vì ghét Ngài hay thù oán với Ngài hoặc gia đình của Ngài, nhưng là vì lòng ghen ghét đã làm cho mắt họ mờ đi không nhận ra được tình cảm thân thương mà Đức Chúa Giê-su đã dành cho họ, và như thế họ trở nên người xa lạ với Đấng đã đến không phải để luận phạt, nhưng là để cứu chữa...

Thái độ vui vẻ đón tiếp là nói lên tính cách của một con người lịch sự và hiểu biết, những người này chính là những con người yêu chuộng và thích kiến tạo hoà bình: hoà bình trong tâm hồn của chính họ, hòa bình trong làng xóm, trong cộng đoàn của họ, bởi vì phúc cho những ai có tâm hồn hoà bình, vì họ là những người được gọi là con của Thiên Chúa.

Thái độ từ chối là bày tỏ một tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo, bởi vì chỉ có những ai có tâm hồn ghen ghét và kiêu ngạo mới đành lòng khước từ một tình cảm chân thành, và một sự thật quá rõ ràng khi mà hết mọi người đều ca tụng và thán phục.

Bạn thân mến,

Tâm hồn của bạn và tôi là đền thờ của Thiên Chúa, và nói được là quyền sở hữu của Ngài, thế nhưng khi Ngài đến thì chúng ta từ chối đón tiếp Ngài, chúng ta cười nhạo Ngài là “Thiên Chúa xa vời thực tế” không giúp ích gì được cho mình khi mà cuộc sống mình cứ lao đao lận đận; bạn và tôi cũng đã nhiều lần khước từ “những Giê-su con bác thợ mộc” nghèo nàn đến xin chúng ta giúp đỡ vì gia đình họ đang gặp khó khăn...

Khi chúng ta thành tâm yêu mến rước Đức Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn của mình, thì chúng ta cũng nên thành tâm giang tay đón nhận mọi anh chị em -bất kể họ là ai, nghèo hay giàu- khi họ cần đến chúng ta, đó chính là tiếp đón Đức Chúa Giê-su vậy.

Gợi ý:

1. Tâm trạng của anh chị em thế nào khi bị người ta từ chối chê bai giữa đám đông?

2. “Tiếp đón tha nhân” là một niềm vui, anh chị em có vui không, khi tiếp đón một người nghèo bệnh hoạn?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khi gã đàn ông chống Kitô giáo đã đâm nát Thánh Thể Chúa ở Paris, và việc gì đã xảy ra?
Thanh Quảng sdb
05:42 29/01/2022
Khi gã đàn ông chống Kitô giáo đã đâm nát Thánh Thể Chúa ở Paris, và việc gì đã xảy ra?

Aletei - Philip Kosloski

Người đàn ông này ghét Giáo Hội Công Giáo và cố gắng xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể bằng mọi cách.

Câu chuyện xảy ra ở Paris, Pháp, vào thế kỷ 13, một người rất ghét Giáo Hội Công Giáo. Anh ta căm thù và tức giận với Giáo hội, anh ta đã đánh cắp Thánh Thể Chúa, rồi lấy dao mà đâm xối xả vào Thánh Thể...

Ngay lập tức một dòng máu chảy ra từ tấm bánh. Điều này khiến anh ta hoảng hốt, anh ta ném Thánh Thể vào lửa, với hy vọng có thể làm tiêu hủy đi! Nhưng Thánh Thể lại bay lên lơ lửng trên ngọn lửa một cách thật huyền lạ…

Trong cơn hung hãn, anh ta chụp lấy Thánh Thể rồi bỏ vào nước sôi. Anh ta nghĩ Thánh Thể sẽ bị phân hủy tan ra, nhưng không Thánh Thể lại trồi lên khỏi mặt nước và biến thành hình một cây thánh giá.

Vô cùng bối rối trước những gì anh chứng kiến, anh đã giao tấm bánh Thánh Thể đó cho một người giáo dân, sau đó người này đã mang tấm bánh Thánh Thể này tới cha xứ. Đầu tiên, Thánh Thể huyền nhiệm này được lưu giữ trong nhà thờ Thánh Jean-en-Grève, nhưng sau đó bị thất lạc trong cuộc Cách mạng Pháp.

Một nhà nguyện đã được xây dựng tại nhà của kẻ đã lấy trộm Mình Thánh Chúa và nơi xảy ra những vụ bạo hành Thánh Thể, ngày nay được gọi là “Nhà nguyện Tu viện Billette” Cloître et église des Billettes.

Phép lạ này giúp nhiều người tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
 
Đóng góp tài chánh cho Tòa Thánh năm 2021 giảm 15%.
Nguyễn long Thao
11:23 29/01/2022
Đóng góp tài chánh cho Tòa Thánh Vatican năm 2021 giảm 15%.

Trả lời cuộc phỏng vấn của Vatican News vào ngày 28 tháng 1 năm 2022, Cha Juan A. Guerrero, S.J., Trưởng Phòng Kinh Tế Toà Thánh nói rằng đóng góp tài chánh cho Tòa Thánh Vatican vẫn đến từ một số quốc gia, nhưng đã giảm sút đáng kể so với năm 2020.

Nhận xét về khoản quyên góp Peter’s Pence, Đồng Xu Thánh Phêrô, Cha Juan A. Guerrero nói: “ Một cách đại khái, tôi có thể nói tiền đóng góp trong năm 2021 bị giảm so với năm trước, ít nhất là 15%.”

Cha giải thích thêm : “Nếu vào năm 2020, tổng số tiền quyên góp qua chương trình Đồng Xu Thánh Phêrô là 44 triệu euro [khoảng 49 triệu đô la] thì vào năm 2021, tôi nghĩ số tiền đó sẽ không vượt qua 37 triệu euro [khoảng 41 triệu đô la]”.

Cha Guerrero còn nói thêm: “Trong những năm đại dịch việc quyên góp trở nên bấp bênh hơn"

Tổng thâm hụt ngân sách của Tòa Thánh dự kiến cho năm 2022 là 33 triệu euro (khoảng 37 triệu đô la), so với 42 triệu euro (47 triệu đô la) thiếu hụt trong ngân sách năm 2021.

Cha Guerrero cho rằng cắt giảm chi phí sẽ không đảm bảo ổn định tài chính.Vatican cần phải tìm kiếm nguồn quyên góp khác.

Được biết Peter’s Pence là tiền quyên góp hàng năm tại các nhà thờ Công Giáo trên khắp thế giới vào Chúa Nhật gần với Lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô để tài trợ cho các công việc từ thiện của Giáo Hoàng và các ưu tiên khác, bao gồm cả Giáo triều La Mã. Phần đóng góp nhiều nhất trong quỹ Peter’s Pence vẫn là từ Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ

Nguyễn Long Thao


 
Báo cáo cho biết cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu đang gia tăng trên toàn thế giới
Đặng Tự Do
17:18 29/01/2022


Các cuộc đàn áp nhắm vào các Kitô hữu trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước Á Châu và Phi Châu, đã gia tăng trong năm qua.

Một báo cáo do Open Doors International công bố cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử.

Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2022, được công bố vào hôm thứ Tư, 19 tháng Giêng, cho thấy hơn 360 triệu người đã phải chịu đựng sự ngược đãi và phân biệt đối xử ở quốc gia của họ trong năm ngoái.

Nhìn chung, 5,898 Kitô hữu đã bị giết, 5,110 nhà thờ bị tấn công hoặc đóng cửa, 6,175 Kitô hữu bị bắt mà không cần xét xử, và 3,829 người bị bắt cóc.

Afghanistan được xếp hạng đầu tiên là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô, đặc biệt là sau khi Taliban tiếp quản quốc gia này vào tháng 8 năm 2021.

Tuy nhiên, báo cáo nói rằng tình hình tự do tôn giáo dưới thời Kim Jong-Un hay Kim Chính Ân tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, khiến nước này đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia cần quan tâm.

Bốn trong số năm quốc gia đầu tiên có mức độ bạo lực chống Kitô giáo cao nhất là các Quốc gia Hồi giáo, nơi bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang phát triển.

Ngoài Afghanistan, danh sách bao gồm Somalia, Libia và Yemen. Tiếp theo là Eritrea, Nigeria, Pakistan, Iran, Ấn Độ, Saudi Arabia, Myanmar, Sudan, Iraq và Syria.

Báo cáo lưu ý rằng Pakistan đứng thứ hai về phương diện bạo lực chống Kitô giáo. Các cuộc tấn công chống lại các Kitô Hữu cũng đang gia tăng đáng kể ở nước láng giềng Ấn Độ.

Theo báo cáo, đại dịch coronavirus cũng đã hợp pháp hóa việc tăng cường giám sát và hạn chế của các chính phủ độc tài.

Báo cáo nhận xét rằng trong khi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tiếp tục tạo ra nhiều cuộc đàn áp nhất, các hạn chế COVID-19 “đã trở thành một cách dễ dàng để thắt chặt kiểm soát và giám sát đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và các nghi lễ thờ phượng” ở Trung Quốc và các quốc gia khác.

Báo cáo cũng lưu ý rằng nhiều người trong số ước tính 84 triệu người di tản trong nước và trong số 26 triệu người tị nạn được ghi nhận vào năm 2021, là các tín hữu Kitô.

Ở các nước như Miến Điện, cuộc đàn áp quân sự ở Bang Chin nơi đa số dân theo Kitô Giáo và các bang Kachin, Kayah, Shan đã khiến 200,000 Kitô Hữu phải di tản và buộc khoảng 20,000 người phải chạy trốn khỏi đất nước.

David Curry, chủ tịch của Open Doors Hoa Kỳ cho biết: “Những phát hiện năm nay cho thấy những thay đổi địa chấn trong bối cảnh đàn áp”.

Báo cáo năm 2022 theo dõi tình trạng bách hại trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2021 và được tổng hợp từ các báo cáo cấp cơ sở của Open Doors tại hơn 60 quốc gia.
Source:Licas News
 
Khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ... trong bệnh viện
Đặng Tự Do
17:19 29/01/2022


Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường thuật sau về việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức khá đặc biệt của một thiếu niên.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thiếu niên này đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách rất khác thường!

Đôi khi chúng ta không thể đến nhà thờ, thì Giáo hội lại đến với chúng ta, nhất là những lúc bệnh tật.

Một trường hợp gần đây đã lan truyền mạnh mẽ - đó là cậu bé Paulo Eliadi Viana, 14 tuổi, sống ở miền nam Brazil, và đã nhận bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách khác thường.

Paulo, thuộc một gia đình theo đạo Công Giáo, đã chuẩn bị mọi thứ cho bí tích Thêm sức tại giáo xứ gần nơi anh sống, Marilândia do Sul, thuộc bang Paraná, miền nam Brazil.

Tuy nhiên, gần hết thời gian chuẩn bị, chàng trai bắt đầu cảm thấy đau đầu dữ dội. Đúng vào đêm trước ngày dự kiến nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại giáo xứ của mình, anh ta phải nhập viện.

Chẩn đoán được đưa ra ngay sau đó: Paul bị u não.

Đối với chàng trai trẻ, tác động của tin tức này đi kèm với sự thất vọng khi không thể tham gia nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại nhà thờ của mình.

Maria, mẹ của Paul nói với báo chí địa phương:

Chúng tôi là những người Công Giáo sùng đạo, và ngay cả với nỗi đau của mình, cháu đã tham gia vào tất cả việc chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức. Đó là điều mà cháu rất muốn. Trong cuộc trò chuyện với một nữ tu ở bệnh viện, tôi nói với sơ ấy rằng con trai tôi đã không thể nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Nữ tu cảm động, nói chuyện với Đức Cha, và ngài đã đồng ý đến bệnh viện, và lễ Thêm sức đã diễn ra.

Thêm sức tại bệnh viện

Đức Cha Carlos José de Oliveira, giám mục bản quyền, đã đến bệnh viện để ban bí tích cho chàng trai trẻ. Buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của người nhà và nữ tu của dòng tu điều hành bệnh viện.

Trong nhà nguyện, một “góc nhỏ của Chúa Thánh Thần” được dựng lên, nơi chàng trai trẻ chụp ảnh. Đó là một khoảnh khắc rất cảm động của lòng biết ơn. Mẹ anh nói với báo chí:

Cháu rất xúc động. Con trai tôi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, và Đức Giám Mục đã cầu nguyện cho cháu được khỏi bệnh. Các nữ tu của bệnh viện đã chuẩn bị mọi thứ hết sức chu đáo. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc, và tôi cảm ơn toàn thể nhân viên bệnh viện và Đức Giám Mục vì sự dịu dàng của các vị với con trai tôi… Con tôi rất hạnh phúc vì đã được xác nhận, và chúng tôi xin mọi người cầu nguyện thêm cho cháu.

Vì khối u, chàng trai trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động và lời nói. Cháu đã trải qua một cuộc phẫu thuật có nguy cơ cao vào tháng 12, và mọi sự tiến triển tốt đẹp nhờ lời cầu nguyện của mọi người.
Source:Aleteia
 
Người nữ tu cáo buộc Giám Mục Ấn Độ nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phần dân Chúa
Đặng Tự Do
17:19 29/01/2022


Sự ủng hộ và thông cảm dành cho một nữ tu Công Giáo tiếp tục đổ dồn trong suốt một tuần sau khi một tòa án ở Kerala, Ấn Độ bác bỏ vụ kiện của sơ ấy chống lại một giám mục.

Vào ngày 14 tháng Giêng, một thẩm phán ở Kerala đã ra phán quyết Giám mục Franco Mulakkal của Jalandhar vô tội đối với các cáo buộc rằng ngài đã cưỡng hiếp một nữ tu, nói rằng bên công tố đã không chứng minh được các cáo buộc chống lại ngài.

Vào năm 2018, người nữ tu này, một cựu bề trên Tổng quyền của Hội Thừa sai Chúa Giêsu, đã cáo buộc Giám mục Mulakkal đã hãm hiếp sơ 13 lần từ năm 2014 đến năm 2016.

Phán quyết của tòa án cho biết:

“Khi không thể tách sự thật khỏi sự giả dối, khi ngũ cốc và vải vụn trộn lẫn chặt chẽ với nhau, thì cách duy nhất hiện có là loại bỏ hoàn toàn các bằng chứng”

“Trong những trường hợp đã nêu, tòa này không thể dựa vào lời khai đơn độc của một nạn nhân bị hiếp dâm để buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về những tội danh đã gán cho anh ta”.

Sau khi phán quyết được tuyên, Giám mục Mulakkal bước ra khỏi tòa án và nói “Ca ngợi Chúa.”

Những người ủng hộ ông ca ngợi phán quyết như một chiến thắng cho Giáo hội. Theo báo cáo, vị giám mục đã dâng thánh lễ trong một trung tâm tĩnh tâm có sức lôi cuốn và thăm hỏi những người đã ủng hộ ngài.

Tuy nhiên, bản án đã khiến những người phụ nữ bàng hoàng và không tin.

Astrid Lobo Gajiwala, một nhà thần học về phụ nữ sống ở Mumbai, nói rằng bản án là “một sự ngăn cản rất lớn đối với những nạn nhân bị hãm hiếp muốn tìm kiếm công lý.”

Gajiwala nói: “Thật là dũng khí to lớn đối với một nữ tu Công Giáo khi công khai việc bị một giám mục cưỡng hiếp”.

Vào tháng 12 năm 2021, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng ai đó bị buộc tội hiếp dâm có thể bị kết án chỉ dựa trên lời khai của nạn nhân nếu nạn nhân ấy được coi là đáng tin cậy và có đầu óc sáng suốt. Chính vì thế, sẽ còn nhiều rắc rối nếu bên công tố tiếp tục theo đuổi lên tòa cao hơn.
Source:Licas News
 
Cả Bộ Giáo Lý Đức Tin lẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đều có văn kiện chưa công bố về người Công Giáo thay đổi phái tính
Vũ Văn An
18:50 29/01/2022

Vấn đề thay đổi phái tính nơi người Công Giáo ngày càng được nhiều người lưu ý về phương diện mục vụ. Tờ The Pillar gần đây tiết lộ: (https://www.pillarcatholic.com/p/vatican-and-usccb-leave-transgender; (https://www.pillarcatholic.com/p/draft-usccb-lgbt-doc-calls-for-clarity): cả Bộ Giáo Lý Đức Tin lẫn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đều có những dự thảo về vấn đề này từ lâu, nhưng chưa được công bố. Lý do trì hoãn, theo tờ này, không được rõ ràng: phía Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì nói rằng, do Bộ Giáo Lý Đức Tin yêu cầu Hội Đồng hoãn công bố; phía Bộ Giáo Lý Đức Tin thì cho hay: chờ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố trước. Kết quả là một số giáo phận Hoa Kỳ đã công bố hướng dẫn riêng của họ nhưng gặp phản ứng không thuận lợi và phần đông tín hữu muốn thấy hai văn kiện trên được công bố càng sớm càng hay.



Theo The Pillar, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã có ít nhất từ năm 2018, nói đến thừa tác vụ bí tích và mục vụ cho những người đổi phái tính. Dự thảo này gợi ý rằng “tính dục của một người là một thực tại phức tạp, bản sắc của nó bao gồm nhiều yếu tố thể lý, tâm lý và xã hội”.

Theo dự thảo, “một số người, bắt đầu từ một viễn kiến sai lầm về con người, muốn tách biệt và thậm chí tương phản các yếu tố khác nhau vốn tạo nên giới tính của một con người. Họ tạo nên một lưỡng phân giữa các khía cạnh thể xác và tâm dục (psycho-sexual) của con người”.

Về hôn nhân, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích rằng “khó cho các mục tử có thể cho phép một ai đó kết hôn khi, theo phán đoán của những người thận trọng và khôn ngoan, việc đổi giống (transsexualism) của một người đủ hiển nhiên do các hành động bên ngoài. Vì việc đổi giống có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, điều cần là phải đánh giá cẩn thận từng hoàn cảnh một, để đừng bác bỏ một cách bất công quyền tự nhiên được kết hôn”.

Dự thảo viết thêm: “một người làm phẫu thuật để tái sắp xếp giới tính không thể kết hôn thành sự; điều này đúng trong cả hai trường hợp mưu toan tái sắp xếp từ nữ sang nam và từ nam sang nữ, vì thủ tục phẫu thuật không thay đổi bản sắc giới tính của một con người”.

Thần học Công Giáo xác định rằng hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông và một người đàn bà. Giáo luật đòi hỏi một người phải có khả năng giao hợp tính dục mới được kết hôn, một điều xem ra thường là bất khả cho dù ai đó thực hiện cuộc phẫu thuật “đổi giới tính” để sau đó muốn kết hôn với một người thuộc giới tính đối nghịch.

Về bí tích truyền chức thánh, một người “có các nét thể lý của người nam nhưng về phương diện tâm lý cảm thấy mình là một người nữ” sẽ không thích đáng để trở thành linh mục, và một người đàn bà tự nhận mình như người nam “không thể tiếp nhận thành sự các chức thánh”.

Bộ Giáo Lý Đức Tin thúc giục các Giám Mục biện phân “từng trường hợp một” xem liệu một người tự nhận mình đổi phái tính có thể làm người đỡ đầu phép rửa hay phép thêm sức, thừa tác viên Thánh Thể, hoặc giáo lý viên hay không.

Dự thảo giải thích, “Ngoài việc hoàn toàn tuân theo giáo huấn của Giáo Hội và có danh thơm tiếng tốt, thi hành các vai trò này đòi phải có sự chín chắn, quân bình và đào tạo thích đáng, cũng như loại bỏ bất cứ hình thức tai tiếng nào đối với tín hữu”.

Về phép rửa, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin giải thích thêm rằng “một người trưởng thành từng qua một cuộc điều trị tâm lý hay kích thích tố hay một phẫu thuật y khoa nhằm tái sắp xếp giới tính, có thể lãnh nhận phép rửa, sau một chuẩn bị thích đáng”.

Dự thảo không đưa ra giới hạn nào thêm cho khả thể lãnh nhận phép rửa.

Tương tự như thế, dự thảo đề cập tới Phép Thánh Thể bằng cách giải thích rằng “những người trưởng thành từng qua một cuộc phẫu thuật để mưu toan tái sắp xếp giới tính có thể được lãnh nhận Thánh Thể, dưới cùng các điều kiện như mọi tín hữu khác nếu không có nguy cơ gây tai tiếng”.

Về phương diện này, câu nhận định của linh mục Martin, Dòng Tên, đối với hướng dẫn của giáo phận Marquette về cùng vấn đề này rằng đổi giống không phải là một cái tội, xem ra dư thừa.

Trong khi ấy, theo The Pillar, dự thảo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng đã có ít nhất từ năm 2018, thúc giục cho có nhiều liên hệ ý nghĩa hơn với những người tự nhận là LGBT, và kêu gọi việc biện phân cẩn thận các tình huống mục vụ và bí tích phức tạp trong khi đề cao các giáo huấn tín lý của Giáo Hội Công Giáo.

Tựa đề của dự thảo là “In the Image of God” nhằm “cung cấp một nguồn tài liệu để xem xét và giúp việc khai triển các qui định và thực hành tại các giáo phận”.

Phần dẫn nhập của dự thảo viết như sau: “Giáo Hội là một bà mẹ luôn tìm sự triển nở trọn vẹn của con cái mình. Giáo Hội muốn giúp đỡ họ lèo lái các tình huống khó khăn với ơn trợ giúp không thể thiếu của Chúa Thánh Thần. Do đó, Giáo Hội được mời gọi biểu lộ sự mẫn cảm và gần gũi với những người mong muốn một mối liên hệ sâu sắc hơn với Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta. Đồng hành với người ta cách đó luôn giả thiết sự nối kết bất tách biệt với lòng thương xót, công lý, và sự thật, ơn gọi nên thánh phổ quát, và lòng trung thành của Giáo Hội với Chúa của mình”.

Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, dự thảo viết rằng Giáo Hội phải “lớn lên trong ‘nghệ thuật đồng hành’”; dự thảo cho rằng giúp “người ta khi họ vật lộn với các thử thách đa dạng của cuộc sống đòi phải kiên nhẫn và tương cảm (empathy), một điều học được qua kinh nghiệm”.

“Giáo huấn của Giáo Hội về con người nhân bản tiết lộ sự thật về mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa thương xót và toàn năng, cũng như vai trò sâu xa Người vốn có trong đầu dành cho mỗi người chúng ta trong kế hoạch tuyệt diệu của Người. Sứ điệp của Giáo Hội về vẻ đẹp của bản sắc ta trong Chúa Kitô, như những con trai con gái yêu quí, ảnh hưởng tới cách chúng ta tôn trọng thân xác mình, thừa nhận các bản sắc giới tính mình như nam và nữ và sống thực nhân đức khiết tịnh theo bậc sống của mình”.

Dự thảo bàn tới cac vấn đề liên quan tới phép rửa, phép thêm sức, Phép Thánh Thể, và cả việc ghi danh và nhân dụng tại các trường Công Giáo và các chương trình giáo xứ. Mặc dù dự thảo ghi nhận một số tình huống với những giải đáp chắc chắn và rõ ràng, nó cũng nhấn mạnh rằng một số tình huống đòi phải có sự biện phân của các mục tử dưới ánh sáng các hoàn cảnh đặc thù, trong đó, chẳng hạn, có phép rửa của các trẻ em của các cặp đồng tính, hay thừa tác vụ bí tích cho những người tự nhận là đổi phái tính trong toà giải tội.

Dự thảo cũng nhấn mạnh rằng người Công Giáo “có quyền” được hưởng một nền giáo lý rõ ràng và không mơ hồ, trong khi cho rằng sứ mệnh tin mừng của Giáo Hội đòi các mối liên hệ có ý nghĩa và đầy tôn trọng.

Dự thảo giải thích, “Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của một người với Giáo Hội, thường diễn ra ở giáo xứ, vấn đề họ bị lôi cuốn tính dục ít khi diễn ra. Nói chung, nó không phải là một vấn đề phát sinh hay được hỏi trong buổi gặp gỡ, nó cũng không phải là cái khung định nghĩa qua đó Giáo Hội nhìn một con người”.

“Khi một thành viên của giáo xứ hay thành viên của một gia đình đặc thù tiết lộ sự lôi cuốn đồng tính, điều này có thể gây khó khăn cho người khác trong giáo xứ hay trong gia đình. Người ấy, vì được tạo dựng giốn hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi hiệp thông với Người, nên phải được tôn trọng và đối xử một cách yêu thương và ân cần. Bất cứ sự kỳ thị bất công nào, và nhất là bất cứ hình thức gây hấn hay bạo lực nào, cũng đều nên tuyệt đối tránh né. Các thành viên giáo xứ và gia đình nên được các thừa tác viên của Giáo Hội giúp đỡ để hiểu và tuân theo thánh ý Thiên Chúa trong đời họ”.

Người ta hy vọng rằng, với sự thay đổi nhân sự cao cấp tại Bộ Giáo Lý Đức Tin gần đây, dự thảo của Bộ Giáo Lý Đức Tin sớm được công bố để mở đường cho việc công bố dự thảo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một dự thảo đã thai nghén từ năm 2016 và được đệ trình Vatican lần đầu vào năm 2017 và lần hai vào năm 2018, rất được các Giám Mục Hoa Kỳ trông đợi được thông qua.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CHÚC MỪNG NĂM MỚI NHÂM DẦN
Giáo Hội Năm Châu
15:31 29/01/2022
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh tín hiệu mùa Xuân Nhâm Dần
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
10:25 29/01/2022
Vào dịp lễ mừng như dịp cưới hỏi, sinh nhật, kỷ niệm hôn phối, lễ Chúa Gíang sinh, dịp đầu năm mới…chúng ta thường viết thiệp chúc mừng nhau.

Đây là cung cách sống vừa có văn hóa cao đẹp, vừa sống động tình nghĩa con người nhớ đến nhau, và cũng nói lên lòng biết ơn nhau nữa.

Lẽ tất nhiên ngày nay, thời đại điện tử kỹ thuật thông số, thay vì viết thiệp gửi qua đường bưu điện tem thư, càng ngày người ta viết thiệp nhiều hơn gửi qua đường Internet vừa nhanh lẹ, vừa tiết kiệm được nhiều thời giờ cùng tiền bạc…

Mùa Xuân năm mới âm lịch Nhâm Dần đang về với đất trời và lòng người, vào ngày 01.02.2022 dương lịch. Tấm thiệp chúng ta viết cho nhau những lời chúc Năm Mới tốt đẹp thắm thiết tình tự con người, trong đó có gói ghém chút ít suy nghĩ về Năm Mới nữa.

Chúng ta có suy nghĩ gì về hình ảnh tín hiệu năm mới âm lịch Nhâm Dần?

Viết cánh thiệp chúc mừng Năm Mới Nhâm Dần, chúng ta cũng muốn thu lượm những gì năm mới nói với chúng ta. Năm tháng ngày giờ đâu có để lại lời hay viết chữ nghĩa nào gửi đi cho con người. Nhưng nó lại nhắn gửi đi nhiều hình ảnh tín hiệu.

Hình ảnh tín hiệu thứ nhất là tên của năm mới. Năm mới Dương lịch có tên theo con số, như năm nay mang niên đại 2022. Đang khi năm mới Âm lịch, cách tính thời gian theo Mặt Trăng con nước, có tên theo truyền thuyết tập tục văn hóa khác, mỗi năm có một con thú vật đứng chủ trì cho năm đó.

Năm mới âm lịch có con Dần, là con Hổ, hay còn gọi là Cọp - đứng tên cho cả năm. Và con Hổ có thêm tên đệm chữ Nhâm đứng đàng trước thành năm Nhâm Dần.

Hình ảnh tín hiệu thứ hai là lối sống của con Dần. Hổ là loài thú vật dữ ăn thịt tươi sống như Nai, hưu, nai, chuột, chó sói con, heo rừng... Chúng sống trong vùng núi cao, rừng rậm và được gọi là chúa của vùng đồi núi. Loài thú dữ này chạy rất nhanh, răng nhọn nanh vuốt sắc bén, đôi mắt sáng nhìn trời tối ban đêm rất tinh, tai thính, mũi ngửi mùi rất bén nhậy. Chúng chạy nhảy chuyền lượn lẹ làng nhẹ nhàng thoăn thoắt từ chỏm núi đá này sang chỏm núi đá bên kia. Chú Hổ được kể xếp vào loài mèo rừng.

Tuy được xếp vào loại giống mèo, nhưng chú Hổ có thân hình to lớn, nó có thể chạy nhảy phóng bay xa từ 2 mét tới 8 mét khi săn đuổi con mồi. Con Hổ mái có trọng lượng nặng tới gần 200 kílô; con Hổ trống có sức cân nặng đến hơn 300 kílô.

Loài Hổ sống tụ tập bên vùng rừng rậm ở các nước Indonesia, Ấn Độ, Trung quốc, Tây bá lợi Á. Mầu lông da của Hổ có nhiều vân rằn ri đẹp lắm. Ngày nay người ta chế biến kiểu mầu quần áo rằn ri đốm khoang đen trắng hay vàng giống như kiểu lông con Hổ, rất hấp dẫn khách hàng.

Hình ảnh tín hiệu thứ ba là biểu tượng giống tính của con Dần. Loài Hổ là loài thú vật biểu tượng của sức mạnh, yếu tố giống đực. Nhưng loài Hổ có da lông mầu trắng lại là biệu tượng loài thú vật giống cái.

Theo truyền thuyết của văn hóa xưa nay trong cách tính phân chia âm lịch bên phương trời văn hóa Á Đông, con Hổ đứng hàng thứ ba trong vòng 12 con thú vật của niên đại âm lịch.

Hình ảnh tín hiệu thứ tư là nhiệm vụ của năm Dần. Hình ảnh con Hổ được sơn hay vẽ dán ở trên cửa nhà với ý nghĩa mong muốn để canh giữ cửa nhà chống lại thần dữ, sự xấu.

Hình ảnh tín hiệu thứ năm là đặc tính của Hổ trong đời sống. Con Hổ có lối sống hung bạo. Nhưng lại có đặc tính can đảm và rất thương con của nó. Đặc tính này cần thiết cho con người trong đời sống. Ai cũng đã đang và sẽ còn trải qua những khúc đường đời sống phức tạp khó khăn. Những khi gặp vướng vào hòan cảnh như thế, lòng can đảm kiên trì cùng lòng thương người rất cần thiết giúp giữ vững ý chí vượt qua khó khăn. Có thế mới đạt tới đích điểm mong muốn.

Lòng can đảm không phải là tính cứng nhắc hay nhu nhược mềm yếu. Trái lại là lối sống âm thâm chịu đựng, biết tự trọng, không để cho con đường đời sống của mình bị ngoại cảnh chi phối làm lung lạc, một khi đã xác tín là tốt, là đúng cho đời mình rồi. Chả thế mà dân gian có ca dao ngạn ngữ làm phương châm cho đời sống:

„Dù ai nói ngả nói nghiêng,

Thì ta cứ vững như kiềng ba chân.“

Từ hai năm nay - và cũng chưa hay không biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi – nhân lọai sống trong khủng hoảng vì bị vi trùng đại dịch Covid 19 truyền nhiễm lây lan đe dọa sức khoẻ đời sống con người. Mọi sinh hoạt bị ngưng đình trệ, bị giới hạn, sống trong lo sợ xa cách nhau, đề phòng cho khỏi bị lây nhiễm.

Về lâu dài đời sống tinh thần vì thế trở nên nặng nề uể oải. Trong hoàn cảnh này, sức mạnh củng cố cho tinh thần đứng vững rất cần thiết. Lòng can đảm giúp tâm trí tìm nhận ra lối cách sống cẩn trọng sáng suốt, cùng lòng thương yêu nhau, hầu có được bình an để vượt qua cơn khủng hoảng nặng nề đe dọa đời sống.

Trong đời sống đức tin Chúa Giêsu đã từng nhắn nhủ: “ Thầy nói với anh em, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” ( Phúc âm Thánh Gioan 16, 33).

Một đời sống can đảm cũng nói lên lòng trung thành với lý tưởng, với người mình dấn thân gắn bó yêu mến. Nhiều vợ chồng từ khi còn trẻ mới lập mái ấm gia đình với nhau, họ cùng can đảm chia sẻ với nhau bước đường chật vật thiếu thốn, có khi cả bệnh tật nữa, nhất là trong thời gian có con còn nhỏ thơ bé. Chính lòng cảm đảm chấp nhận khó khăn của người vợ hay của người chồng chịu đựng phấn đấu trải qua gian nan, đã giúp gia đình họ đứng vững trung thành với nhau. Và từ căn bản đó họ có niềm vui hạnh phúc.

Thánh Phaolo ngày xưa vượt biển đi truyền giáo gặp giông bão. Ông và đoàn tùy tùng bối rối lo sợ, nhưng khi cập bến cảng bình an gặp các tín hữu Chúa Giêsu ra đón tiếp, Ông vui mừng tạ ơn Thiên Chúa và lấy lại can đảm. ( Công vụ Tông đồ 28, 11-16).

Con đường đời sống trong năm mới Nhâm Dần đang mở ra phía trước, và có không ít những gian nan phức tạp về mọi mặt đức tin đạo giáo cũng như đời sống thường nhật sẽ xảy đến. Nhưng lòng can đảm là nhịp cầu cần thiết giúp duy trì lòng trung thành và ý chí vươn lên.

Chúc mừng mùa Xuân năm mới Nhâm Dần!

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Thằng bé mì gõ...
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:54 29/01/2022


THẰNG BÉ MÌ GÕ VÀ...

I.

Rời mái trường phổ thông ở vùng quê thanh bình, hiền hậu và tự tại khi chưa tới đôi mươi, nó một mình lang thang giữa lòng cái thành phố lớn nhất miền Nam đầy lạ lẫm, xô bồ, đông đảo, ồn ả và khói bụi...

Chưa kịp quen với loại không khí hoàn toàn trái ngược mà mình đã hấp thụ sâu đến nỗi như dòng máu luồng lách trong trái tim, trong buồng phổi ở quê nhà, đã phải chấp nhận chịu cuốn vào vòng xoáy của nếp sông hối hả, tất bật, vô hồn, thậm chí vô cảm... với đầy đủ cách hành xử của vô số con người: yêu có - ghét có; vui có - giận có; nâng đỡ có - chà đạp có; bênh vực có - hiếp đáp có; hiền hậu có - chua ngoa có; thật thà có - gian xảo có; đón nhận có - ruồng rẫy có; dịu dàng có - chửi bới có...

Hơn mười năm lặn lội, điều mà cái thuở hồn nhiên ở quê nhà, chưa bao giờ nghĩ tới, chưa từng tưởng tượng nổi, nó lại có thể trải nghiệm và vượt qua.

Hơn mười năm, cái thành phố mà một thuở, đối với nó, lớn như cả thế giới đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến nó ngồi thu mình dưới tán cây cổ thụ hay nép vào một góc bờ tường cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng nấc, để nuốt ngược nước mắt vào tim...

Hơn mười năm, cái thành phố mênh mông chất chứa bên trong không thiếu cái hiền hòa lẫn cái dữ dằn ấy đã chiếm trọn tuổi trẻ của nó. Bù lại, nó trải nghiệm hơn, trưởng thành hơn, cứng cáp hơn, vững vành hơn...

Và để có thể tiết kiệm tối đa cho việc trang trải thường ngày, những thằng sinh viên nghèo như chúng nó, mỗi đêm về có được một tô mì gõ không thịt tăng thêm mì và nước lèo đã là đại tiệc...

Trong phận nghèo, tủi cho thân mình, nó cũng từng khóc cho quá nhiều những phận người mà nó cho rằng còn kém may mắn hơn nó. Trong những phận người lam lũ, khốn cùng ấy, không ít lần nó ngậm ngùi xót xa cho những em bé trên đường phố. Đó là những con người chưa ý thức được nụ cười đã biết thế nào là nước măt, là đau khổ, là bất hạnh, là đói nghèo, là tủi phận...

Nó nhớ như in hình ảnh của một thằng bé, như sự ám ảnh khó phai trong lòng, dù đã đi qua ngót nhiều chục năm ròng...

Đó là cái đêm, trời bắt đầu khuya, lạnh buốt sau cơn mưa còn chưa kịp ráo...

II.

Tắc… tắc… tắc… cụp! Đêm đã khuya lắm, những âm thanh nghe khô khốc ấy còn vang. Một thằng bé dáng nhỏ nhắn, đi mải miết vào lòng con hẻm nhỏ cùng những tiếng gõ. Thằng bé bước nhanh, nhưng gật gà gật gù, chắc buồn ngủ.

- Ê! hủ tíu mì…

- Hủ tíu mì... Bộ điếc hả?

Sực tỉnh vì tiếng gọi giật giọng từ ban-công một căn lầu, chú bé quay bước tiến tới, hỏi:

- Thưa chú, mấy tô?

- Ba!

- Dạ! Thằng bé đáp nhanh và chạy vụt đi.

Một lát sau. Thằng bé khệ nệ bưng cái mâm xếp đầy những tô hủ tíu đến trước căn lầu khi nảy. Anh thanh niên gắt gỏng:

- Tưởng mày ngủ luôn ngoài đó rồi.

Thằng bé lại cố nở nụ cười để làm dịu lòng những người khách khó tính rồi tất tả bưng tiếp những tô mì còn lại đi về cuối hẻm.

Vô ý thế nào mà… oạch, thằng bé trợt chân vào vũng nước té sóng soài trên mặt sàn si măng. Những sợi hủ tíu trộn lẫn cát bụi, xà lách, giá, thịt nằm vương vãi, tô, đũa lăn lóc khắp nơi.

Tiếng cười trong đêm vắng của mấy thanh niên kia lại ré lên, đeo lấy thằng bé tội nghiệp.

Chắc hẳn thằng bé tủi buồn.

Và chắc chắn, bất cứ ai đủ suy nghĩ, đủ lương tri sẽ xót. Xót lắm...

III.

Thằng bé nghèo. Giống nó. Giống bao nhiêu kẻ bạc phận nơi cái thành phố hoa cũng có mà lệ càng không thiếu...

Nhưng nó và những phận nghèo kia vẫn còn hơn, vì dù sao cũng đã từng hiện diện trong cái cõi mà phải có hai chữ CON và NGƯỜI ghép lại mới thành, ít cũng vài chục năm...

Còn thằng bé?

Bằng ấy tuổi đời phải cõng trên vai cái kiếp lầm than...

Cho tới bây giờ, giọt nước mắt nó rơi, dẫu có khóc cho thằng bé ngày xưa, cho nhiều cảnh đời bé bỏng tương tự đang diễn ra hôm nay. Nhưng không chỉ có thế...

Đúng hơn, giờ này nó khóc để xót cho những người giàu tiền của lại nghèo yêu thương!

Nó khóc cho những phận người hơn người khác về tiền bạc nhưng không hơn bất kỳ ai lẽ sống ở đời, không hơn bất kỳ ai về nhân cách, về giá trị làm người, về thái độ căn bản ở đời, thái độ căn bản trong lối hành xử...

Nó xót. Bởi vì sao lại vẫn tồn tại trong cõi tạm này cái thói nhẫn tâm!

Nó xót. Bởi sao lại có những kiểu cười cất tiếng cười không đúng lúc, đến mức quá quắc như thế. Một tràn cười chẳng những không vui cho những ai phải nghe, ngược lại còn khắc trong lòng một sự đánh giá chẳng hay ho gì: khả ố. Ai đó hay chăng: NỤ CƯỜI KHẢ Ố LÀ NỤ CƯỜI ĐÁNH MẤT GIÁ TRỊ CON NGƯỜI!…

Nó xót. Bởi làm sao mà cõi đời cứ tồn tại thậm chí cả những con giòi đục khoét đến tận xương tủy của đồng bào mình.

Nó xót. Nhất là trong những tháng bệnh tật hoành hành dữ dội của thời khắc 2020 và 2021 vừa qua, lại tồn tại những kẻ dám ăn trên cả mạng sống của đồng loại mình. Ăn ngay cả khi chứng kiến đồng loại chết chất thành đống.

CHỈ CÓ NHỮNG CON GIÒI MỚI NỠ NUỐT TRÔI ĐẾN TẬN CÙNG SỰ KHỦNG KHIẾP ẤY...

Hình ảnh thằng bé với mấy tô mì gõ đáng thương năm xưa đã khiến nó xót đến tận giờ này...

...Thì hình ảnh của những con giòi ăn xác đồng loại hôm nay càng làm cho nó xót. Xót lắm...

Chưa hình dung nổi, xót đến tận bao giờ...
 
VietCatholic TV
Trộm kim cương 20 triệu đô, xài hết rồi đi tu để giải nghiệp. 5 vật dụng Chúa dùng tại Nagiarét
VietCatholic Media
05:04 29/01/2022


1. Trộm kim cương 20 triệu đô, xài hết rồi đi tu để giải nghiệp

Trong tuần này, Thủ tướng Prayut Chan-O-cha đã có chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Thái Lan tới Ả Rập Xê-út trong hơn 30 năm sau nhiều thập kỷ căng thẳng ngoại giao do một vụ trộm kim cương từ một cung điện của Ả Rập Xê Út.

Người lao công Thái Lan Kriangkrai Techamong đã đánh cắp số kim cương trị giá 20 triệu đô la Mỹ vào năm 1989 từ nhà của một hoàng tử Ả Rập Xê Út, gây ra mối thù giữa hai quốc gia được mệnh danh là “Mối thù kim cương xanh”, đến nay vẫn chưa kết thúc.

Cảnh sát Thái Lan sau đó đã trả lại một số đồ trang sức nhưng các quan chức Ả Rập Xê Út khẳng định hầu hết đều là hàng giả, trong khi tung tích của viên ngọc quý nhất – là viên kim cương xanh 50 carat quý hiếm - vẫn chưa được biết.

Chính phủ Thái Lan cho biết Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman đã gởi lời mời tới Thủ tướng Prayut cho chuyến thăm hai ngày bắt đầu từ hôm thứ Ba 25 tháng Giêng.

Tuyên bố cho biết: “Chuyến thăm này là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ trong hơn 30 năm”.

Ông Prayut đã gặp thái tử Ả Rập Xê-út để “củng cố và thúc đẩy quan hệ song phương”.

“Chuyến thăm diễn ra sau các cuộc tham vấn dẫn đến sự hội tụ quan điểm về nhiều vấn đề cùng quan tâm,” chính phủ Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của hãng thông tấn vương quốc.

Ả Rập Xê-út từ lâu đã cáo buộc các quan chức cảnh sát Thái Lan tham gia vào cuộc điều tra vụ trộm, với cáo buộc rằng những viên đá quý bị đánh cắp đã bị chính các sĩ quan cấp cao chộp được.

Riyadh đã cử một doanh nhân đến điều tra vào năm 1990 nhưng anh ta biến mất ở Bangkok vài ngày sau khi ba nhà ngoại giao Ả Rập Xê Út bị bắn chết trong thành phố.

Năm 2014, do thiếu bằng chứng, một vụ án đã được hủy bỏ đối với 5 người đàn ông, trong đó có một cảnh sát cao cấp của Thái Lan, bị buộc tội liên quan đến vụ sát hại doanh nhân Ả Rập Xê Út.

Saudi Arabia đã không cử đại sứ đến Thái Lan trong nhiều thập kỷ và hạn chế việc đi lại giữa hai nước.

Từ lâu, Thái Lan đã tìm cách hàn gắn các mối quan hệ trong nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch của mình và mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động Thái Lan ở nước ngoài.

Kriangkrai đã phải ngồi tù 5 năm vì tội trộm ngọc. Tuy nhiên, anh ta đã bán hầu hết số kim cương trước khi bị bắt. Sau đó, anh ấy đã trở thành một nhà sư vào năm 2016.

Anh ấy nói rằng anh ấy đã chuyển sang đời sống tu trì trong một nỗ lực để thoát khỏi quả báo và ác nghiệp sau này.
Source:Licas News

2. 32 người chết trong cuộc tấn công vào quận Bor của Nigeria

Các quan chức địa phương cho biết 32 người đã thiệt mạng, 17 người bị thương và một số ngôi nhà bị thiêu rụi trong một cuộc tấn công do những người có vũ trang thực hiện ở quận Bor của bang Jonglei vào hôm Chúa Nhật.

Yuot Alier, ủy viên quận Bor, nói với Radio Tamazuj rằng vụ việc xảy ra khi một nhóm thanh niên được trang bị vũ khí tấn công và tràn vào khu vực Baidit vào tối Chúa Nhật.

Ủy viên Alier nói: “32 người, gồm 2 trai, 1 gái, 2 nữ và số còn lại là nam. Có 3 trẻ em bị chết đuối. Vụ việc xảy ra lúc 5 giờ chiều ngày Chúa Nhật. Chúng tôi đưa 17 người bị thương đến bệnh viện Bor. Năm ngôi nhà bị thiêu rụi và ước tính có khoảng 2,600 gia súc bị lùa đi”.

Ông cho biết các thanh niên địa phương đang truy đuổi những kẻ tấn công.

“Thanh niên địa phương của chúng tôi đang theo dõi những kẻ tấn công. Trên thực tế, những kẻ tấn công là thanh niên Hồi Giáo Murle từ Pibor, và các nhà chức trách ở đó phải chịu trách nhiệm vì một số lượng lớn như vậy không thể được gọi là tội phạm, chúng phải được cho là phiến quân.”

Ủy viên cảnh sát bang, Joseph Mayen Akoon, cho biết tình trạng bình thường đã trở lại khu vực.

“32 người dân địa phương đã thiệt mạng và trong số những kẻ tấn công có 6 người thiệt mạng” Tướng Mayen nói. “Mọi người đã không bỏ trốn khỏi khu vực, họ vẫn ở đó, chỉ có điều là có sự hoảng loạn.”

Về phần mình, John Abulla, phó quản trị viên của Khu hành chính Greater Pibor, đã lên án vụ tấn công và nói rằng họ sẽ điều tra vụ việc.

“Với tư cách là chính phủ, chúng tôi lên án vụ tấn công là đáng tiếc và tôi gửi lời chia buồn tới các gia đình có người đã qua đời,” Abulla nói. “Thực ra, những kẻ tấn công là tội phạm. Chúng tôi không biết họ. Nhưng ngày mai, chúng tôi sẽ cử một số người đến Gumuruk để theo dõi tình hình ở đó vì không có mạng điện thoại”.
Source:radiotamazuj.org

3. 5 Vật dụng mà Chúa Giêsu có thể có trong nhà: Bạn có chúng không?

Sau nhiều cuộc khai quật, một số nhà khảo cổ tin rằng họ đã tìm thấy ngôi nhà nơi Chúa Giêsu lớn lên ở Nazareth. Trong khi chưa có thể chắc chắn 100% đó có phải là ngôi nhà khi xưa của Chúa Giêsu không, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, suy đoán rằng trong nhà của Thánh Gia ắt là phải có 5 thứ sau đây.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Những sản phẩm gia dụng có tuổi đời hàng thế kỷ này đã đứng vững trước thử thách của thời gian.

Các nhà sử học và khảo cổ học có thể cung cấp cho chúng ta nhiều hiểu biết về những ngôi nhà nhỏ bằng đá có mái bằng vào thời Chúa Giêsu. Trên thực tế, sau nhiều cuộc khai quật, một số nhà khảo cổ tin rằng họ đã tìm thấy ngôi nhà nơi Chúa Giêsu lớn lên ở Nazareth.

Tuy nhiên, cho rằng Đức Maria và Thánh Giuse có thể có những phương tiện khiêm tốn, chúng ta cũng có thể đưa ra một số phỏng đoán có suy luận về những gì bên trong ngôi nhà của Thánh Gia.

Trong khi những tài sản quý giá có thể không có trong ngôi nhà của Thánh Gia, hẳn sẽ có một số mặt hàng chủ lực mà ngay cả những gia đình nghèo nhất cũng có thể sở hữu vào thời điểm đó. Và một vài trong số này thậm chí có thể có một vị trí trong nhà của bạn…

Rương gỗ

Trong khi chúng ta tận hưởng sự xa hoa của kho lưu trữ rộng rãi, thì vào thời Chúa Giêsu, quần áo và đồ dự trữ được cất giữ trong những chiếc rương gỗ, cũng sẽ được dùng như một chiếc bàn. Ngày nay, những chiếc rương cổ thường được tìm thấy trên gác xép của những ngôi nhà và dùng để đựng những bức ảnh cũ và đồ trang sức.

Một bếp lửa

Ngày nay, bếp lửa đã trở thành một tiện nghi phổ biến tại sân sau cho các buổi BBQ. Tuy nhiên, hơn 2,000 năm trước, bếp lửa phía sau ngôi nhà đã được sử dụng để nấu tất cả các bữa ăn của gia đình.

Thảm dệt

Đối với những công dân nghèo, một tấm thảm dệt được sử dụng như chiếc chiếu để ngủ, với một chiếc áo choàng được sử dụng để che phủ lên. Ngày nay, thảm và thảm dệt tay thường được xem như một sự bổ sung đầy phong cách cho nội thất hiện đại.

Đèn dầu

Thuở xưa không có điện, con người thời Chúa Giêsu sống dựa vào đèn dầu. Mặc dù ngày nay tất cả chúng ta đều có thể bật công tắc, nhưng một số người vẫn thích ý tưởng có một chiếc đèn với hình dạng truyền thống để chiếu sáng đường đi - đặc biệt là trong vườn.

Các loại bình và keo lọ

Trong một thế giới không tồn tại nhựa, Thánh gia đã sử dụng bình đất nung để đựng chất lỏng, và những chiếc keo lọ sẽ được sử dụng cho một số vật dụng cần thiết trong nhà bếp. Với việc đồ nhựa ngày nay trở thành một thứ không thể bỏ qua vì lý do môi trường và sức khỏe, nhiều gia đình đang quay trở lại với những cách lưu trữ hàng hóa truyền thống hơn - bình và chậu đất sét tạo thêm nét mộc mạc cho ngôi nhà.


Source:Aleteia
 
Thánh Thần hiện xuống trong bệnh viện. Diễn biến gay go vụ nữ tu kiện Giám Mục. Nhiều người tin vị nữ tu
VietCatholic Media
17:16 29/01/2022


1. Báo cáo cho biết cuộc đàn áp chống lại các Kitô hữu đang gia tăng trên toàn thế giới

Các cuộc đàn áp nhắm vào các Kitô hữu trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước Á Châu và Phi Châu, đã gia tăng trong năm qua.

Một báo cáo do Open Doors International công bố cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử.

Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2022, được công bố vào hôm thứ Tư, 19 tháng Giêng, cho thấy hơn 360 triệu người đã phải chịu đựng sự ngược đãi và phân biệt đối xử ở quốc gia của họ trong năm ngoái.

Nhìn chung, 5,898 Kitô hữu đã bị giết, 5,110 nhà thờ bị tấn công hoặc đóng cửa, 6,175 Kitô hữu bị bắt mà không cần xét xử, và 3,829 người bị bắt cóc.

Afghanistan được xếp hạng đầu tiên là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các tín hữu Kitô, đặc biệt là sau khi Taliban tiếp quản quốc gia này vào tháng 8 năm 2021.

Tuy nhiên, báo cáo nói rằng tình hình tự do tôn giáo dưới thời Kim Jong-Un hay Kim Chính Ân tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, khiến nước này đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia cần quan tâm.

Bốn trong số năm quốc gia đầu tiên có mức độ bạo lực chống Kitô giáo cao nhất là các Quốc gia Hồi giáo, nơi bất ổn chính trị và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang phát triển.

Ngoài Afghanistan, danh sách bao gồm Somalia, Libia và Yemen. Tiếp theo là Eritrea, Nigeria, Pakistan, Iran, Ấn Độ, Saudi Arabia, Myanmar, Sudan, Iraq và Syria.

Báo cáo lưu ý rằng Pakistan đứng thứ hai về phương diện bạo lực chống Kitô giáo. Các cuộc tấn công chống lại các Kitô Hữu cũng đang gia tăng đáng kể ở nước láng giềng Ấn Độ.

Theo báo cáo, đại dịch coronavirus cũng đã hợp pháp hóa việc tăng cường giám sát và hạn chế của các chính phủ độc tài.

Báo cáo nhận xét rằng trong khi chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo tiếp tục tạo ra nhiều cuộc đàn áp nhất, các hạn chế COVID-19 “đã trở thành một cách dễ dàng để thắt chặt kiểm soát và giám sát đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và các nghi lễ thờ phượng” ở Trung Quốc và các quốc gia khác.

Báo cáo cũng lưu ý rằng nhiều người trong số ước tính 84 triệu người di tản trong nước và trong số 26 triệu người tị nạn được ghi nhận vào năm 2021, là các tín hữu Kitô.

Ở các nước như Miến Điện, cuộc đàn áp quân sự ở Bang Chin nơi đa số dân theo Kitô Giáo và các bang Kachin, Kayah, Shan đã khiến 200,000 Kitô Hữu phải di tản và buộc khoảng 20,000 người phải chạy trốn khỏi đất nước.

David Curry, chủ tịch của Open Doors Hoa Kỳ cho biết: “Những phát hiện năm nay cho thấy những thay đổi địa chấn trong bối cảnh đàn áp”.

Báo cáo năm 2022 theo dõi tình trạng bách hại trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 20 tháng 9 năm 2021 và được tổng hợp từ các báo cáo cấp cơ sở của Open Doors tại hơn 60 quốc gia.
Source:Licas News

2. Khi Chúa Thánh Thần hiện xuống... trong bệnh viện

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường thuật sau về việc lãnh nhận bí tích Thêm Sức khá đặc biệt của một thiếu niên.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thiếu niên này đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách rất khác thường!

Đôi khi chúng ta không thể đến nhà thờ, thì Giáo hội lại đến với chúng ta, nhất là những lúc bệnh tật.

Một trường hợp gần đây đã lan truyền mạnh mẽ - đó là cậu bé Paulo Eliadi Viana, 14 tuổi, sống ở miền nam Brazil, và đã nhận bí tích Thêm sức từ vị giám mục của mình theo một cách khác thường.

Paulo, thuộc một gia đình theo đạo Công Giáo, đã chuẩn bị mọi thứ cho bí tích Thêm sức tại giáo xứ gần nơi anh sống, Marilândia do Sul, thuộc bang Paraná, miền nam Brazil.

Tuy nhiên, gần hết thời gian chuẩn bị, chàng trai bắt đầu cảm thấy đau đầu dữ dội. Đúng vào đêm trước ngày dự kiến nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại giáo xứ của mình, anh ta phải nhập viện.

Chẩn đoán được đưa ra ngay sau đó: Paul bị u não.

Đối với chàng trai trẻ, tác động của tin tức này đi kèm với sự thất vọng khi không thể tham gia nhận lãnh Bí tích Thêm sức tại nhà thờ của mình.

Maria, mẹ của Paul nói với báo chí địa phương:

Chúng tôi là những người Công Giáo sùng đạo, và ngay cả với nỗi đau của mình, cháu đã tham gia vào tất cả việc chuẩn bị cho Bí tích Thêm sức. Đó là điều mà cháu rất muốn. Trong cuộc trò chuyện với một nữ tu ở bệnh viện, tôi nói với sơ ấy rằng con trai tôi đã không thể nhận lãnh Bí tích Thêm Sức. Nữ tu cảm động, nói chuyện với Đức Cha, và ngài đã đồng ý đến bệnh viện, và lễ Thêm sức đã diễn ra.

Thêm sức tại bệnh viện

Đức Cha Carlos José de Oliveira, giám mục bản quyền, đã đến bệnh viện để ban bí tích cho chàng trai trẻ. Buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của người nhà và nữ tu của dòng tu điều hành bệnh viện.

Trong nhà nguyện, một “góc nhỏ của Chúa Thánh Thần” được dựng lên, nơi chàng trai trẻ chụp ảnh. Đó là một khoảnh khắc rất cảm động của lòng biết ơn. Mẹ anh nói với báo chí:

Cháu rất xúc động. Con trai tôi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, và Đức Giám Mục đã cầu nguyện cho cháu được khỏi bệnh. Các nữ tu của bệnh viện đã chuẩn bị mọi thứ hết sức chu đáo. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc, và tôi cảm ơn toàn thể nhân viên bệnh viện và Đức Giám Mục vì sự dịu dàng của các vị với con trai tôi… Con tôi rất hạnh phúc vì đã được xác nhận, và chúng tôi xin mọi người cầu nguyện thêm cho cháu.

Vì khối u, chàng trai trẻ gặp khó khăn trong việc phối hợp vận động và lời nói. Cháu đã trải qua một cuộc phẫu thuật có nguy cơ cao vào tháng 12, và mọi sự tiến triển tốt đẹp nhờ lời cầu nguyện của mọi người.
Source:Aleteia

3. Người nữ tu cáo buộc Giám Mục Ấn Độ nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phần dân Chúa

Sự ủng hộ và thông cảm dành cho một nữ tu Công Giáo tiếp tục đổ dồn trong suốt một tuần sau khi một tòa án ở Kerala, Ấn Độ bác bỏ vụ kiện của sơ ấy chống lại một giám mục.

Vào ngày 14 tháng Giêng, một thẩm phán ở Kerala đã ra phán quyết Giám mục Franco Mulakkal của Jalandhar vô tội đối với các cáo buộc rằng ngài đã cưỡng hiếp một nữ tu, nói rằng bên công tố đã không chứng minh được các cáo buộc chống lại ngài.

Vào năm 2018, người nữ tu này, một cựu bề trên Tổng quyền của Hội Thừa sai Chúa Giêsu, đã cáo buộc Giám mục Mulakkal đã hãm hiếp sơ 13 lần từ năm 2014 đến năm 2016.

Phán quyết của tòa án cho biết:

“Khi không thể tách sự thật khỏi sự giả dối, khi ngũ cốc và vải vụn trộn lẫn chặt chẽ với nhau, thì cách duy nhất hiện có là loại bỏ hoàn toàn các bằng chứng”

“Trong những trường hợp đã nêu, tòa này không thể dựa vào lời khai đơn độc của một nạn nhân bị hiếp dâm để buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm về những tội danh đã gán cho anh ta”.

Sau khi phán quyết được tuyên, Giám mục Mulakkal bước ra khỏi tòa án và nói “Ca ngợi Chúa.”

Những người ủng hộ ông ca ngợi phán quyết như một chiến thắng cho Giáo hội. Theo báo cáo, vị giám mục đã dâng thánh lễ trong một trung tâm tĩnh tâm có sức lôi cuốn và thăm hỏi những người đã ủng hộ ngài.

Tuy nhiên, bản án đã khiến những người phụ nữ bàng hoàng và không tin.

Astrid Lobo Gajiwala, một nhà thần học về phụ nữ sống ở Mumbai, nói rằng bản án là “một sự ngăn cản rất lớn đối với những nạn nhân bị hãm hiếp muốn tìm kiếm công lý.”

Gajiwala nói: “Thật là dũng khí to lớn đối với một nữ tu Công Giáo khi công khai việc bị một giám mục cưỡng hiếp”.

Vào tháng 12 năm 2021, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng ai đó bị buộc tội hiếp dâm có thể bị kết án chỉ dựa trên lời khai của nạn nhân nếu nạn nhân ấy được coi là đáng tin cậy và có đầu óc sáng suốt. Chính vì thế, sẽ còn nhiều rắc rối nếu bên công tố tiếp tục theo đuổi lên tòa cao hơn.
Source:Licas News
 
Đạo Đức Sinh Học
AN-PHONG VÀ THẾ GIỚI CỦA NGÀI
Linh mục Tiến sĩ Đôminicô Trần Quốc Bảo, C.Ss.R
01:02 29/01/2022


ĐI TRONG ÁNH SÁNG

THẦN HỌC LUÂN LÝ
CỦA THÁNH AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA





Nguyên tác Pháp ngữ
“La morale selon saint Alphonse de Ligouri”

Tác giả
LM. THÉODULE REY-MERMET, C.Ss.R.




Dịch thuật
LM. DOMINIC TRẦN QUỐC BẢO, C.Ss.R.





Kính dâng Mẹ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
Trìu mến nhớ Song Thân
Kỷ niệm 25 năm Khấn Dòng




NHÀ SÁCH Đức Mẹ HẰNG CỨU GIÚP (SÀI-GÒN)
2009


MỤC LỤC



Lời đầu, trang 7

Dẫn nhập: An-phong và Thế giới của ngài, trang 11

Chương 1: Khoa Thần học Luân lý và những Thần học gia Luân lý
trước và sau Công đồng Triđentinô, trang 31

Chương 2 : Những vị thầy của An-Phong, trang 53

Chương 3 : Bốn Mươi Năm thành hình, trang 85

Chương 4 : Những Nguồn Thư liệu và Phương pháp, trang 107

Chương 5 : Giáo Thuyết Luân lý của An-Phong, trang 125

Chương 6 : Lội Ngược Dòng, trang 159

Chương 7 : Ảnh Hưởng và Những Cuộc Tranh biện, trang 205

Chương 8 : Thông Điệp của An-Phong Ngày nay, trang 239















Lời Đầu

Anphong Maria đệ Ligôria là một vị thánh đã để lại những dấu ấn đậm nét trong nền thần học luân lý Công Giáo từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay. Vị thánh của ‘Kỷ nguyên Ánh sáng’ này sinh quán tại Vương quốc Nêapôli (Ý) (1969-1787). Ngài được tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh năm 1871 và Quan Thày Các Nhà Luân Lý và Các Cha Giải Tội năm 1950.
“Ai sống trọn vẹn sứ mạng đời mình thì luôn là sứ giả chân chính cho thế giới con người” (Antoine de Saint-Éxupéry). Đã sống và qua đi từ hơn ba thế kỷ, thông điệp cuộc đời và giáo huấn luân lý của thánh Anphong vẫn còn nhiều âm vang ý nghĩa cho thời đại hôm nay. Thông điệp ấy cần được luôn khám phá lại bởi mọi Kitô Hữu, nhất là những ai quan tâm đến lịch sử thần học luân lý.
Tác phẩm mà chúng tôi đã chuyển ngữ và gửi đến đọc giả sau đây nhằm mục đích giúp ghi lại những âm vang ý nghĩa của thông điệp ấy. Đọc tác phẩm này, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sự tuyệt vời trong suy tư luân lý và hành xử mục vụ của thánh Anphong. Đó là khi tình yêu bao dung vượt xa trên thái độ vụ luật, giá trị bất biến của lương tâm con người luôn đứng vững trước những bạo lực về tinh thần, và sự tự do của con cái Thiên Chúa luôn cao cả hơn mọi cường quyền trần thế.
Những điều trên đã chỉ được thể hiện ở mức trọn hảo với thánh đức, sự khôn ngoan và lòng dũng cảm của một vị Tiến sĩ Hội Thánh, Quan Thày của Các Nhà Luân lý và Các Cha Giải Tội như thánh Anphong. Cũng bởi thế, Ngài đã khéo léo vạch ra con đường quân bình giữa chủ nghĩa hà khắc nghiệt ngã và khuynh hướng phóng túng bất cập, hầu chinh phục nhiều linh hồn về với Ơn Cứu Độ Chứa Chan nơi Chúa Kitô.
Tác giả của tác phẩm này, linh mục Théodule Rey-Mermet, Dòng Chúa Cứu Thế tại Thụy Sĩ, là một cây viết lịch sử tôn giáo thời danh tại Âu Châu. Ngài đã đạt được uy tín lớn qua công trình nghiên cứu trước đây với tác phẩm Vị Thánh của Kỷ Nguyên Ánh Sáng (Le saint du Siècle de Lumière) (1987). Tác phẩm công phu ấy đã được Hàn Lâm Viện Pháp vinh danh, và được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Thế rồi, sau ấn bản tác phẩm đồ sộ ấy, tác giả đã nghĩ đến một ấn bản giản lược và phổ cập đại chúng hơn. Đó là tác phẩm này, với tựa đề nguyên bản La morale selon saint Alphonse de Ligouri) (1987).
Dịch thuật một tác phẩm không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ cách từ chương. Tiên vàn, đó là lột tả cách linh động mọi ý nghĩa hàm ẩn trong khi vẫn trung thực với tư tưởng của chính tác giả. Việc dịch thuật một tác phẩm mang tính chuyên khoa như La morale selon saint Alphonse de Ligouri này còn đòi hỏi sự am tường về ngành thần học luân lý. Đó là dụng cụ thiết yếu để nắm bắt chính xác ý nghĩa của các thuật ngữ chuyên môn được sử dụng và và trình bày cách mạch lạc tư tưởng của tác giả. Đó cũng là ánh sáng cần thiết để có thể nhìn xuyên suốt chữ nghĩa và trưng ra sứ điệp phong phú tác giả muốn truyền đạt, ngay từ tựa đề đến nội dung chi tiết của tác phẩm. Điều này cắt nghĩa lý do vì sao từ tựa đề nguyên thủy Pháp ngữ La Morale selon saint Alphonse de Ligouri, bạn đọc có thể tìm thấy bản dịch Anh ngữ Moral Choices: The Moral Theology of Saint Alphonsus Ligouri (dịch giả Paul Laverdure) (1998), và bản Việt ngữ này dưới tựa đề Đi Trong Ánh Sáng - Thần Học Luân Lý cùa Thánh Anphong.
Ước mong khiêm tốn của chúng tôi trong việc chuyển ngữ và giới thiệu tác phẩm này là tạo một cơ hội nữa cho Kitô Hữu Việt Nam hiểu biết thêm về vị thánh mà họ vẫn ngọt ngào cầu xin: “Lạy Thánh Anphongsô quan thầy bầu chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi túng ngặt biết chạy đến cùng Đức Bà Maria”. Riêng đối với những ai muốn nghiên cứu về tư tưởng của vị Tiến Sĩ Hội Thánh, Quan Thày Các Cha Giải Tội và Các Nhà Luân Lý, nếu tìm được trong tác phẩm này điều gì tâm đắc và lợi ích, thì chắc chắn đó cũng là niềm vui của tác giả.

Lm. Dominic Trần Quốc Bảo, DCCT


DẪN NHẬP

AN-PHONG VÀ THẾ GIỚI CỦA NGÀI

An-phong Maria đệ Ligôria chào đời vào sáng ngày 7 tháng 9 năm 1696, tại Marianella, ngoại ô thành phố Nêapôli. Dưới cái nhìn của các nhà chiêm tinh thì ngài mang mệnh sao Libra (Bảo bình – nghĩa là ‘cầm cân’). Sự trùng hợp này có thể sẽ khiến các sử gia mỉm cười. Thơ nhi ấy sau này sẽ trở nên một người mẫn cảm, tài giỏi, và chuyên cần trong nghề nghiệp. Khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, An-phong đã hoàn tất học trình tiến sĩ lưỡng luật (Dân luật và Giáo luật). Với tháng năm trong ngành luật pháp, ngài dần dà trở thành luật sư, thẩm phán, rồi chánh án. Sau này, ngài sẽ là một nhà thần học luân lý ‘quân bình’, vì ngài chủ trương dung hòa giữa tự do và lề luật, giữa lề luật Thiên Chúa và quyền tự do của con người, giữa uy quyền và lý trí, giữa áp lực và lương tâm, giữa ơn sủng và ý chí. Cả đời ngài là một chuỗi dài hành xử cách quân bình, bởi chính ngài là thần học gia chủ xướng nền luân lý xác-xuất-quân-bình. Trong suốt lịch sử Giáo hội, duy nhất chỉ có giáo thuyết xác-xuất-quân-bình của An-phong được Toà thánh trịnh trọng tuyên bố như con đường luân lý an toàn giữa mọi đe dọa của chủ nghĩa phóng khoáng cấp tiến, hay chủ nghĩa bảo thủ hà khắc.

TIẾN SĨ GIÁO HỘI

Tại phòng mặc áo nhà thờ Đức Mẹ Quan Thầy Kẻ Đồng Trinh ở Nêapôli (Ý), cuốn sổ bộ rửa tội của An-phong Maria đệ Ligôria được lưu giữ hầu mọi người có thể đến đọc với sự kính cẩn. Ở lề trang số 127, thuộc năm 1696, có nhiều ghi chú bổ sung đặc biệt. Với những giòng mực phản ảnh những năm tháng cách biệt, các điểm bổ sung ấy cho ta biết thêm về An-phong như sau: “Phong chân phước tháng 9 năm 1816”, “Phong hiển thánh ngày 26 tháng 5 năm 1839”, “Tuyên phong Tiến sĩ Hội thánh ngày 23 tháng 3 năm 1871”.
Vì sao Tiến sĩ Hội thánh? Trong phán quyết ngày 23 tháng 3 năm 1871, Đức Thánh Cha Piô IX ca ngợi công trạng thánh An-phong như một nhà thần học tín lý và tu đức khổ chế; đồng thời ngài cũng khẳng định về vai trò giảng dạy luân lý của thánh nhân như sau:

“Ngài đã phá tan bóng tối sai lạc mà những kẻ vô thần cũng như bè rối hà khắc Jansen gieo rắc khắp nơi. Với những công trình nghiên cứu, đặc biệt là các tác phẩm thần học luân lý thông thái, ngài đã dọi chiếu ánh sáng trên những vấn nạn mù mờ; và đã giải tỏa biết bao băn khoăn, nghi ngại. Giữa rừng ý kiến nhan nhản của những nhà thần học quá phóng túng hay quá khắt khe, ngài đã vạch ra được con đường cho các mục tử linh hồn an toàn bước theo”.

Phán quyết trên được công bố ngày 7-7-1871 qua sắc chỉ Qui Ecclesiae. Trong văn kiện đó, Đức Thánh Cha Piô IX nhấn mạnh về cuộc chiến đấu vinh hiển của vị tân Tiến sĩ Hội thánh cho một nền luân lý từ ái như sau:

“Giữa lúc lạc thuyết Jansen hấp dẫn nhiều kẻ tìm kiếm các học thuyết mới, và dụ dỗ nhiều người vào con đường hư mất với những tư tưởng sai lầm, Thiên Chúa đã đặt để An-phong đệ Ligôria để ngài nhiệt thành loại trừ khỏi cánh đồng của Chúa những mầm mống độc hại của quyền lực hỏa ngục, nhờ các tác phẩm uyên thâm và công phu của ngài”.

Đấng thánh mà Đức Thánh Cha gọi là ‘Tiến sĩ nhiệt thành’ là vị tiến sĩ của đời cầu nguyện và của lòng kính mến Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng, ngài là vị Tiến sĩ Hội thánh đầu tiên trong lãnh vực thần học luân lý. Ngày 26-4-1950, tức là 79 năm sau, Đức Thánh Cha Piô XII tái xác nhận điều ấy khi tuyên dương thánh An-phong là ‘Quan Thày thiêng liêng của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội’. Ngài nói rằng, tước hiệu này chính đáng vì (thánh An-phong có):

“một giáo thuyết luân lý và mục vụ phi thường, được kính nể nhất (trong Giáo hội) hoàn vũ từ trước tới nay, và đã luôn luôn được các vị Giáo hoàng quy chiếu như sự hướng dẫn chắc chắn nhất cho các vị thừa tác bí tích giải tội (nay gọi là Bí tích hoà giải) và các vị linh hướng”.

Có sự mâu thuẫn lịch sử đáng ghi nhận ở đây. Vào thập niên 1950, đang khi việc giảng dạy khoa thần học luân lý băn khoăn lùng kiếm những nguồn thư liệu và hướng đi mới, thì việc thực hành bí tích giải tội lại đi vào khúc ngoặt quyết định. Vậy, phải chăng việc tuyên phong An-phong lên bậc ‘Quan Thày của các nhà thần học luân lý và các cha giải tội’ là màn chính khi một nhân vật lớn bước lên công đàn Giáo hội, trước khi người rút lui vĩnh viễn vào bóng tối hậu trường?
Cho dù có như thế chăng nữa –và chỉ có tương lai mới trả lời đúng đắn– câu chuyện cuộc đời An-phong đệ Ligôria vẫn thật tuyệt vời. Và, chúng ta đừng vội phủ nhận rằng câu chuyện đó còn có thể giãi chiếu ánh sáng trên nhiều vấn đề của thời đại hôm nay.
Thường thường, các sử gia nghiên cứu về nhà thần học luân lý An-phong phải đối diện với hai việc. Việc thứ nhất là đặt An-phong vào bối cảnh xã hội, tôn giáo và mục vụ mà ngài từng sống, bối cảnh đã chi phối suy tư và hành động của ngài. Việc thứ hai, chỉ có các người chuyên khảo cứu về An-phong mới hiểu rằng: phải theo sát bước phát triển luôn cải tiến của bốn mươi năm suy tư thần học và hoạt động mục vụ An-phong đã đi qua.
Vậy, trước nhất ta hãy xem An-phong đệ Ligôri là ai? Bối cảnh lịch sử ngài đã sống là gì?

AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA LÀ AI?

Cuộc đời của An-phong Maria Ligôria (1696-1787) trải dài gần một thế kỷ, giống như Voltaire, người chỉ hơn ngài hai tuổi. Thế kỷ ấy được gọi là Kỷ Nguyên Ánh Sáng. Trong kỷ nguyên ấy, Diderot (1713-1784) đã tiên báo về sự thống trị toàn lãnh của khoa học qua lời tuyên bố sau: “Các ngươi có thấy trái trứng gà này chăng? Với nó, chúng ta sẽ lật ngược các trường phái thần học và các đền thờ trên thế gian”.
Vào thế kỷ 17, Nêapôli là kinh đô của vương quốc cũng mang tên Nêapôli. Kinh đô Nêapôli lớn thứ ba tại Âu châu, sau Luân đôn và Balê. Kinh đô ấy thuộc về nước Ý đại lợi. Trong khi Ý đại lợi có một biên giới điạ lý rõ ràng, không phải tranh cãi, thì đời sống chính trị của quốc gia này rất bất ổn. Vào thời An-phong, Ý đại lợi vẫn còn bị chia thành mười vương quốc khác nhau. Hai vương quốc lớn nhất và cận kề nhau nhưng lại ít thuận thảo, là vương quốc Đức Giáo Hoàng (Vatican) và vương quốc Nêapôli. Do đó, An-phong và suy tư thần học luân lý của ngài luôn phải cố gắng sinh tồn trong tình trạng xung đột triền miên.
Khi An-phong chào đời (27-9-1696) tại Nêapôli, ngài thuộc quyền hộ chế Tây Ban Nha; bởi vì, vào thời điểm đó, vương quốc Nêapôli thuộc quyền đô hộ của Tây Ban Nha. Năm 1707, quyền đô hộ ấy lại chuyển sang tay vua nước Áo. Năm 1735, hoàng đế Áo là Charles VI nhường Nêapôli lại cho con là Charles de Bourbon. Ông này sẽ là vua của Nêapôli cho đến khi những biến cố chính trị sinh động đẩy đưa ông lên ngôi hoàng đế Charles III của Tây Ban Nha; và lúc ấy, vương quốc Nêapôlia mới thoát khỏi mọi đô hộ ngoại bang.
Tại kinh đô Nêapôli, dòng họ Ligôria thay nhau nắm chức ‘Hiệp Sĩ’ liên tiếp nhiều thế kỷ. Các hiệp sĩ có nhiệm vụ quản trị việc hành chánh của các kinh đô trong vương quốc. Kinh đô Nêapôli hồi đó chia ra làm sáu quận, gọi là sáu ‘tiểu ngai’. Các hiệp sĩ hình thành giới ‘quý tộc tiểu ngai’. Mỗi tiểu ngai uy thế đến nỗi các hiệp sĩ phải thuộc dòng giống quý tộc và trả nhiều sở phí mới được giữ ghế quản trị.
Từ hồi 14 tuổi, lúc được phép quy định, An-phong đã nhận ghế cố vấn của tiểu ngai Portanova. Ngài giữ vai quản trị và công phán. Thư liệu ghi nhận rằng, từ năm 27 tuổi trở đi, An-phong bắt đầu tham gia các buổi hội họp tiểu ngai. Vị quan chức trẻ tuổi này rất chuyên cần trong việc chung và không bao giờ vắng mặt trong các buổi hội năm từ 1710 đến 1723. Nhà thần học luân lý tương lai ấy đã sớm quan tâm đến mọi vấn đề hành chánh xã tắc: thuế má, lương thực cho dân chúng, vật giá mậu dịch, hàng hóa xuất nhập cảng, nhà đất tư hữu, cơ sở công hữu, thống kê, kiều lộ, cảnh binh, công lý và phong hoá. Chàng ấn định phúc lợi cho các giáo xứ trong tiểu ngai Portanove. Chàng chăm lo việc tổ chức và tài trợ các nghi lễ dân sự và tôn giáo. Nghĩa là, mọi phức tạp của đời sống dân chúng đổ dồn trên vai vị hiệp sĩ công phán trẻ An-phong. Nó đòi hỏi nơi ngài một khả năng ngoại thường cùng một ý thức trách nhiệm rất cao. Ngài đã có cơ hội học hỏi nhiều trong việc quản trị; và đã thu thập biết bao cảm nghiệm phong phú về sự khốn cùng của người nghèo túng, sự bất nhẫn của kẻ giàu có, và sự chèn ép giữa các giai cấp xã hội. Chẳng bao lâu, cùng với vị thế quý tộc sẵn có, khả năng đặc biệt của ngài đã đẩy đưa ngài lên chức vụ trọng vọng nhất giữa các quan chức hiệp sĩ trong sáu tiểu ngai của kinh đô Nêapôli.
Hồi đó, ông Giuseppe Ligôria, cha của An-phong, là một sĩ quan tư lệnh rất uy thế trong đội hải quân vương quốc Nêapôli. Trên tấm huy hiệu gia phả họ Ligôria, ông được biểu tượng bằng hình con sư tử dũng mãnh, vì ông thường làm kinh khiếp quân Thổ, quân hải tặc và các chiến thuyền địch. Ông lãnh nhận nhiều đặc nhiệm, và đã từng chỉ huy những trận đánh úp. Được nể trọng trong binh giới Nêapôli, ông trở thành đề đốc chỉ huy trọn vẹn đoàn hải quân hoàng gia. Năm 1709, Giuseppe đã vận dụng toàn bộ hỏa lực hải đoàn để giải vây cảng Santo Stefano và căn cứ Toscani thuộc Nêapoli. Ông quả là con người sắt đá, ấp ủ nhiều tham vọng. Nhưng, tham vọng của ông dành cho người con trai cả còn lớn hơn cho chính mình.
An-phong là con đầu lòng trong số 4 trai và 4 gái trong gia đình Ligôria. Dĩ nhiên, chàng có mọi quyền lợi của anh cả. Sau khi hoàn tất học trình trung học với các giáo sư riêng về các bộ môn và với các bậc thầy trong ngành âm nhạc cũng như hội họa, An-phong được bố quyết định cho học ngành luật sư. Thu nhập tài chánh của luật sư gia tăng đều với sự tranh cãi thường xuyên của bàn dân. Luật pháp lại là cái thang dẫn đến đỉnh danh vọng. Ngành luật đi đôi với hai mối lợi: tiền bạc và quyền lực. Hơn nữa, hoan lộ đã sẵn mở cho An-phong qua gia thế của chàng. Bên cạnh quyền lực của thân phụ, thân mẫu của An-phong cũng thuộc hàng trâm anh thế phiệt. Bà Anna Cavalieri là công nương thứ năm của ông chánh án vương quốc Nêapôli, Federico Cavalieri. Ông chánh án Cavalieri cũng đồng thời là Trưởng Bộ Nội Các Hoàng gia, bao gồm cả Phòng Kế Toán và Bộ Tài Chánh.
Nhưng ngược với chồng mình, bà Anna chẳng ao ước gì hơn là làm sao cho các con mình lớn lên trong sự công chính và biết kính sợ Thiên Chúa. Sau khi rời trường các dì phước Dòng Cappucina Cải Cách (Dòng nữ Cappicina Nhặt nhiệm), bà đã lập gia đình và sinh con. Cả đời bà là chuỗi ngày dài sống tĩnh nguyện, khổ hạnh, và chăm sóc người nghèo, theo thời biểu quen thuộc của đan viện. Bà cũng là người mẹ ý thức, cần mẫn và hay lo âu trong trách nhiệm giáo dục con cái. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về đặc điểm này của Anna, đặc điểm đã ghi đậm dấu ấn trên nhà thần học luân lý An-phong tương lai.


Còn tiếp…

Người dịch: LM. DOMINIC TRẦN QUỐC BẢO, C.Ss.R.