Ngày 29-01-2012
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC nói: ''Đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương''
LM. Trần Đức Anh OP
10:14 29/01/2012
Đức Thánh Cha chủ sự kinh Truyền Tin: 29-1-2012

VATICAN - 15.000 tín hữu đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Biển Đức 16 tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa chúa nhật 29-1-2012.

Trong số các tín hữu hiện diện, đặc biệt có hàng ngàn thiếu nhi thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành của giáo phận Roma, tham dự một đoàn tuần hành hòa bình qua các đường phố ở Roma đến Vatican.

Đúng 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài ở dinh Tông Tòa giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ngài diễn giải về ý nghĩa bài Phúc âm chúa nhật hôm qua về giai thoại Chúa Giêsu giảng trong Hội đường ở thành Cafarnaum và giải thoát một người bị quỉ ám. ĐTC nói:

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Mc 1,21-28) trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu, vào một ngày thứ bẩy, giảng trong Hội đường ở Cafarnaum, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Galilea, nơi Phêrô và anh là Andrea cư ngụ. Sau bài giảng dạy gây cảm phục nơi dân chúng, Chúa Giêsu đã giải thoát một người bị quỉ ô uế ám” (c.23), quỉ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Đức Messia. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của Chúa lan rộng khắp vùng, nơi Ngài đi tới để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân đủ loại bằng lời nói và hành động. Thánh Gioan Kim Khẩu nhận xét: Chúa ”chuyển biến lời nói của Ngài để mưu ích cho người nghe, đi từ những kỳ công đến lời nói và từ giáo huấn về đạo lý của Ngài đến các phép lạ” (Hom. in Matthaeum 25,1: PG 57,328).

Lời Chúa Giêsu nói với con người mở ngay ra con đường dẫn đến ý muốn của Chúa Cha và chân lý về bản thân Ngài. Trái lại, nơi những luật sĩ thì không xảy ra như thế, họ phải cố gắng giải thích những lời Kinh Thánh với vô số những suy tư. Ngoài ra, cùng với hiệu năng của lời nói, Chúa Giêsu liên kết hiệu năng của những dấu hiệu giải thoát khỏi sự ác. Thánh Atanasio nhận xét rằng ”truyền khiến cho ma quỉ và trục xuất chúng không phải là công trình của con người, nhưng là của Thiên Chúa”; thực vậy, Chúa ”đẩy xa khỏi con người tất cả những bệnh tật đủ loại. Có ai thấy quyền năng của Ngài .. mà còn nghi ngờ không biết Ngài có phải là Chúa Con, là Đấng Khôn Ngoan, là Quyền năng của Thiên Chúa?” (Oratio de Incarnatione Verbi 18.19: PG 25,128 BC,129 B). Uy quyền của Chúa không phải là một sức mạnh thiên nhiên. Đó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa Đấng dựng nên vũ trụ, và khi nhập thể trong Con Duy Nhất của ngài, Ngài xuống trong nhân tính của chúng ta, chữa lành thế giới bị băng hoại vì tội lỗi. Romano Guardini đã viết: ”Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự diễn đạt quyền năng trong sự khiêm tốn.. là quyền bính tối thượng hạ mình xuống dưới hình thức một người tôi tớ” (Il Potere, Brescia 1999, 141.142)

ĐTC cũng nhận xét rằng:

”Nhiều khi đối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công. Trái lại, đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương; có nghĩa là đi vào trong luận lý của Chúa Giêsu, Đấng đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ (Xc Ga 13,5), tìm kiếm thiện ích đích thực của con người, chữa lành các vết thương, có khả năng yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, vì Ngài là Tình Thương. Trong một lá thư, thánh nữ Catarina thành Siena viết: ”Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta cần thấy và biết rằng Thiên Chúa là Tình Thương tột đỉnh và đời đời, và không thể muốn điều gì khác hơn ngoài thiện ích của chúng ta” (Ep. 13 in: Le Lettere, vol.3, Bologna 1999, 206).

Các bạn thân mến, thứ năm tới đây, 2-2, chúng ta sẽ cử hành lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, Ngày Thế giới về đời sống thánh hiến. Chúng ta hãy tín thác cầu xin Mẹ Maria rất thánh, xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta luôn kín múc nơi lòng từ bi Chúa, Đấng giải thoát và chữa lành nhân tính của chúng ta, làm cho nó được tràn đầy mọi ân phúc và những điều an lành, nhờ quyền năng của tình yêu Chúa”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở rằng: Anh chị em thân mến, hôm nay tại Vienne, có lễ tôn phong chân phước Hildegard Burjan, giáo dân và là bà mẹ gia đình, sống vào thế kỷ 19 và 20, sáng lập Dòng các nữ tu Bác Ái xã hội. Chúng ta hãy ca ngợi Chúa vì chứng tá đẹp đẽ này về Tin Mừng!

Chúa nhật này cũng là Ngày Thế giới các bệnh nhân phong cùi. Tôi chào thăm Hiệp Hội Italia các bạn hữu của Raoul Follereau, và gửi lời khích lệ tới tất cả những người bị bệnh phong, cũng như những người đang giúp đỡ họ, và đặc biệt là những người đang dấn thân bài trừ nạn nghèo đói và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, vốn là những nguyên nhân thực sự làm cho người ta có thể bị lây bệnh này”.

Ngoài ra, tôi cũng nhắc nhớ Ngày Quốc Tế cầu ngyện cho hòa bình tại Thánh Địa. Trong niềm hiệp thông sâu xa với Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Jerusalem và Dòng Phanxicô tại Thánh Địa, tôi khẩn cầu hồng ân hòa bình cho miền Đất đã được Thiên Chúa chúc phúc.

Tiếp đến, ĐTC đã lần lượt chào thăm các tín hữu hành hương bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan và đặc biệt khi chào các tín hữu nói tiếng Ý, ngài nhắc đến đông đảo các thiếu niên thuộc Phong trào Công giáo tiến hành Roma, cùng với các thầy cô và phụ huynh. ĐTC nói:

”Các con thân mến, năm nay các con cũng tổ chức ”đoàn lữ hành hòa bình”. Cha cám ơn và khích lệ các con hãy mang bình an của Chúa Giêsu đi khắp mọi nơi. Bây giờ ở bên cạnh cha đây có hai đại diện của các con. Chúng ta hãy nghe sứ điệp do bé Noemi đọc.

Bé gái Noemi, sau khi cám ơn ĐTC, cho biết là các thiếu niên Công giáo tiến hành ở Roma đã đóng góp tiền tiết kiệm để tài trợ việc xây cất một trung tâm thay vì nhà tù dành cho các thiếu nữ vị thành niên ở Bolivia, gần thủ đô La Paz. ”Chúng con hy vọng với sự giúp đỡ của chúng con, các thiếu nữ Bolovia có thể được khích lệ phục hồi phẩm giá và sự tín nhiệm của người khác. Chúng con cũng xin ĐTC cầu nguyện cho chúng con, cùng với cha mẹ và các thầy cô và các linh mục của chúng con để các vị huấn luyện chúng con thành những chứng nhân và là công trình Hòa Bình”.

Trước đó, khi chào các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC cho biết ngài đặc biệt hiệp ý với tất cả các tín hữu tham dự lễ tôn phong chân phước vào ban chiều cùng ngày tại Nhà thờ chính tòa thánh Stephano ở thành phố Vienne trong lễ phong chân phước cho bà Hildegard Burjan. Bà đã nói: “Tôi biết chắc chắn rằng chỉ có một niềm hạnh phúc chân thực, đó là tình yêu Thiên Chúa! Tất cả những điều khác có thể làm vui mừng, nhưng nó chỉ có giá trị nếu xuất phát từ tình yêu Chúa, và đặt nền tảng trên tình yêu ấy”. Hildegard Burjan đã sống bằng tình yêu ấy. Và trong tư cách là sáng lập dòng các nữ tu Bác ái xã hội, bà đã tập hợp các phụ nữ muốn là nguồn mạch tình yêu ấy, để trợ giúp và an ủi những người lầm than. Noi gương chân phước Hildegard Burjan, chúng ta cũng hãy cố gắng trở thành sứ giả tình thương trợ giúp của Chúa”.

Nghi thức phong chân phước cho bà Hildegard Burjan chiều hôm qua, do ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ phong thánh, đại diện ĐTC chủ sự. ĐHY Schoenborn, TGM giáo phận Vienne sở tại đã giảng trong thánh lễ trước sự hiện diện của các GM Áo và Đức, đông đảo các giới chức chính quyền và tín hữu.

ĐHY Schoenborn nhận xét rằng: ”Tuy có nguồn gốc thượng lưu nhưng chân phước Burjan nhìn thấy rất rõ tình trạng lầm than thực sự của dân chúng. Các nhà chính trị ngày nay cũng có thể nói theo thái độ ấy. Vị tôi tớ Chúa Burjan không quan tâm trước tiên tới chính trị đảng phái, nhưng để ý tới những mong ước xã hội và dấn thân chống lại tình trạng lầm than của con người thời đại”.

ĐHY Schoenborn cũng đề cao tầm quan trọng của lễ phong chân phước cho nữ tôi tớ Chúa Burjan và nói rằng ”Con người ngày nay không cần các lý thuyết, nhưng cần các mẫu gương. Qua sự dấn thân xã hội, chân phước Burjan trình bày trước mắt mọi người thế nào là cuộc sống Kitô ngày nay. Và sự kiện các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo hội đang tăng trưởng, đó là một dấu hiệu quan trọng đối với tương lai của Giáo Hội”.
 
Israel-Vatican: Tiến bộ đáng kể trong đàm phán
Nguyễn Trọng Đa
10:24 29/01/2012
Israel-Vatican: Tiến bộ đáng kể trong đàm phán

Hướng tới kết luận của hiệp định kinh tế và tài chính

ROMA – Các tiến bộ "đáng kể" đã được thực hiện trong cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế và tài chính giữa Israel và Tòa Thánh, theo Sứ thần Toà thánh tại Israel, Đức Tổng Giám Mục Antonio Franco, người tham gia cuộc đàm phán.

Ủy ban song phương thường trực làm việc giữa Nhà nước Israel và Tòa Thánh đã họp ngày 26-1-2012, trong phiên họp toàn thể tại Bộ Ngoại giao Israel, để tiếp tục đàm phán về Điều 10 (§ 2) của Hiệp định cơ bản năm 1993 về vấn đề kinh tế và tài chính, một tuyên bố chung được công bố vào cuối cuộc đàm phán cho biết.

Đức Tổng Giám mục Franco đã phát biểu với Đài phát thanh Vatican rằng "các tiến bộ rất đáng kể" đã được xác nhận, và "hy vọng rằng trong thời gian hợp lý có thể", người ta có thể "đi đến kết luận cho hiệp định này, vốn bàn đến các mặt thực tế của đời sống và hoạt động của Toà thánh tại Israel: thuế, thánh địa ...", và "chỉ có vài vấn đề mà thôi”, nhưng “trong tinh thần tìm câu giải đáp cho vấn đề cụ thể".

Cuộc đàm phán được chủ trì bởi Thứ trưởng Ngoại giao Israel, ngài Danny Ayalon, và thứ trưởng ngoại giao Toà thánh (phó Tổng Thư ký Bộ phận đặc trách Quan hệ với các quốc gia), Đức Tổng Giám Mục Ettore Balestrero.

Tuyên bố cho biết các cuộc đàm phán "được tiến hành trong bầu không khí cởi mở, chân tình và xây dựng", và "các tiến bộ đáng kể đã được thực hiện về các vấn đề quan trọng".

Cả hai bên đã mở đường cho các bước tiếp theo cho "phần kết luận" của Hiệp định. Cuộc đàm phán lần tới sẽ được tổ chức ngày 11-6-2012 tại Vatican. (ZENIT.org 27-1-2012)

Nguyễn Trọng Đa
 
Top Stories
Fourth International Day of Prayer for Peace in Holy Land
Herald Malaysia
09:40 29/01/2012
VATICAN CITY (Herald Malaysia): More than 2500 cities around the world will participate on Sunday in the fourth International Day of Prayer for Peace in the Holy Land, an initiative launched by youth groups and Eucharistic adoration groups, involving over time the Latin Patriarchate of Jerusalem and Custody of the Holy Land.

The Day is promoted by various realities of young people: the National Association Papaboys (www.papaboys.it); the Apostolate "Youth For Life" (www.youthfl.org); the chapels of perpetual adoration throughout Italy and around the world; Eucharistic Gathering groups (www.adorazione.org), the Association for the promotion of extraordinary prayer for all the churches for reconciliation, unity and peace, beginning with Jerusalem.

Many of their representatives will be present tomorrow at the Angelus with the Pope in St Peter's Square. Others will commemorate the theme of the day during mass and take part in Eucharistic adoration.

Cardinal. Peter Turkson, President of the Vatican Council for Justice and Peace, has sent a message to mark the event to the young people who will pray for Christian unity and peace in the Holy Land. In it he stresses that "young people are and can be a resource for peace .... The period of your youth is the season of life where you look with enthusiasm to the great values that today, unfortunately, seem to be very weak: truth, freedom, justice, love, brotherhood ... I thank you for showing the world the active, beautiful and young face of the Church of Christ. "

Marking the Day, tomorrow morning beginning at 6am in Jerusalem, Mass will be celebrated at the altar of Calvary, in the basilica of the Holy Sepulchre.

Fr. Pierbattista Pizzaballa, Custos of the Holy Land, sent a greeting to the young people: "... I welcome the fourth International Day of Prayer for peace in the Holy Land. An event that enriches this month of shared reflection on the Gift we have just received, and invites us to overcome every division, to give thanks to God who gives us victory through our Lord Jesus Christ (the theme for the Week of Prayer for Christian Unity ). "

(Source: http://www.heraldmalaysia.com/news/Fourth-International-Day-of-Prayer-for-Peace-in-Holy-Land-10756-28-1.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ba ngày Tết tại giáo xứ Du Sinh Đà Lạt
Dân Du Sinh
10:17 29/01/2012
Nhà thơ nghèo Tú Xương mà còn dám viết :

Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết
Kiết cú như ai cũng rượu chè


Xem hình ảnh

Huống hồ là nhà Đạo trong thời kỳ hội nhập văn hoá này mà không tôn trọng “Ba Ngày Tết” của dân tộc. Hơn nữa giáo xứ Du Sinh được cha Thiên Phong Bửu Dưỡng thành lập năm 1955 với ngôi nhà thờ đầu tiên mang dáng dấp Á Đông, lại càng phải trân trọng “Ba Ngày Tết” dân tộc biết là chừng nào.

Bởi thế năm Rồng đến, và bởi Nhà thờ Du Sinh có 4 con rồng : hai con nhỏ có từ xưa nay ngự trên nóc cổng chính, hai rồng to mới đắp sau này, uốn khúc theo bậc cấp tiến lên nhà thờ, nên nhà thờ có nhiều rồng này phải chào đón đặc biệt hơn.

Giao thừa và Mồng Một Tết

Từ sáng sớm 26 Tết, các em thiếu nhi đã góp công rửa sạch những cành lá dong để gói hơn 350 chiếc bánh chưng xanh, còn các hiền mẫu chuẩn bị sẵn nếp, thịt, đậu xanh đầy đủ. Rồi sáng 27 Tết, mỗi người một tay chung sức gói bánh. Gói bằng khuôn 15cm x 15cm tuy lâu hơn gói tay không, nhưng bánh vuông vức đẹp đẽ hơn nhiều ! Chiều 27 Tết là thượng bếp. 6 cái nồi to xếp hàng trên lửa đỏ để chuyển lá, nếp, thịt đậu thành những chiếc bánh chưng xanh nóng hổi. Các gia trưởng phụ trách canh chừng qua đêm để sáng 28 Tết vớt bánh khỏi nồi sau 14 giờ trầm mình trong nước trăm độ nóng. Bánh vớt ra được rửa sạch, ép khô cho ráo nước. Sáng 29 Tết sau lễ thiếu nhi Chúa Nhật, các em lại được phân công chuyền bánh tới Nhà thờ để dán nhãn và trưng bày. Tối 29 là Giao Thừa rồi !

Bàn thờ tổ tiên được thiết lập trên cung thánh, kính nhớ tổ tiên nói chung và các thánh tử đạo Việt Nam như là tổ tiên trong đức tin của con dân Việt. Bánh chưng hình vuông tượng trưng Đất. Tổ tiên là những người bởi đất mà ra và đã trở về với những vuông đất, nên các bánh chưng vuông được dâng lên bàn thờ tổ tiên để rồi cuối lễ bánh chưng vuông sẽ theo về các gia đình như là “lộc của tổ tiên.” Mỗi gia đình được phát tận nhà một “phiếu Lộc” trước, khi đi lễ Giao Thừa đem phiếu theo để nhận “Lộc.”

Đất vuông có bánh chưng vuông, còn Trời tròn đã có bánh tròn dâng lên Chúa để trở thành Bánh bởi Trời, tức Mình Máu Chúa. Trong lễ Đêm Giao Thừa và trong lễ Sáng Tân Niên ai lên rước lễ cũng đều được lãnh nhận Mình Máu Chúa, tức rước lễ dưới hai hình dưới hình thức chấm. Các sœurs và các thầy được “trưng dụng” tối đa để hoàn thành công việc thừa tác viên Thánh Thể “từng lần” này.

Lễ Tân Niên sáng Mồng Một Tết, mọi người chúc Tết, chúc tuổi nhau, và trước khi ra về “hái” một ngọn “lộc Lời Chúa” để xem Chúa muốn ta làm gì trong năm Nhâm Thìn này.

Mồng Hai Tết

Ngày Mồng Hai Tết được lịch ghi là “kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.” Tổ tiên thì dứt khoát phải là những người đã chết. Còn “ông bà cha mẹ” thì có thể đã chết nhưng vẫn còn sống cũng rất nhiều. Ngày Mồng Hai là ngày của chữ “Hiếu” nên bổn phận con cháu đối với ông bà cha mẹ qua đời hay còn sống được đặt lên hàng đầu. Đối với người thân đã qua đời, thời có dâng lễ cầu nguyện và viếng nơi các vị an nghỉ. Một danh sách thật dài những người thân đã an giấc được xướng lên trong phần cầu cho người chết của thánh lễ. Tên thánh và cả tên gọi nữa đã được những người còn sống “xin lễ” trước đó. Khi “xin lễ” là “nhớ” tới các vị cách đặc biệt. Mà cho dẫu không “xin lễ” thì câu linh mục đọc trong thánh lễ “đặc biệt các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con” cũng bao gồm tất cả.

Phần “ông bà cha mẹ” còn sống, giáo xứ chọn hình thức “Chúc Thọ” đến các vị, một hình thức mà nhiều giáo xứ đã từng làm. Chúc thọ thời có lời chúc và quà chúc. Quà chúc có thể mua ngoài chợ nhưng làm sao bằng chiếc bánh chưng in chữ thọ. Bởi chiếc bánh chưng gợi lên ngày Tết, và chiếc bánh chưng gói trong đó công lao như là lòng tri ân của nhiều người, từ em bé đến thanh niên, người công sức kẻ tiền bạc, người tấm lòng kẻ bàn tay… Vậy là đơn giản, nhưng ý nghĩa. Quà chúc thọ là chiếc bánh chưng xanh kèm theo phong bao đỏ có tờ polimer xanh 100. Và để “lọt” vào danh sách được giáo xứ chúc thọ phải là người đã “ăn” được 70 cái Tết trở lên : nhân sinh thất thập cổ lai hy. Vậy mà cũng gần 50 cụ. Những cụ nào không đi dự lễ được, thì cha xứ và Hội đồng Mục Vụ mang tới tận nhà ngay sáng mồng hai Tết. Hy vọng sang năm danh sách dài hơn, vì những người năm nay 69 tuổi đang viết đơn gia nhập hội “Thất Thập Cổ Lai Hy” này.

Mồng Ba Tết

Mồng Ba Tết lịch phụng vụ ghi “thánh hoá công việc làm ăn.” Muốn thánh hoá phải dâng lên Chúa thì Ngài mới thánh hoá và chúc phúc cho. Nhiều nơi dâng lên Chúa thành quả lao động là cá tươi (xứ làng chài), là hoa trái (xứ nông nghiệp), là bánh kẹo (xứ hàng chợ)… chẳng lẽ Du Sinh có nhiều người bó chổi lau lại dâng thành quả là một chục chổi quét ! Thôi thì tiện nhất là quy ra tiền.

Bởi thế trong thánh lễ Mồng Ba Tết, sau bài giảng, bước vào phần dâng của lễ, mỗi người xếp hàng lên, tự tay mình đặt “thành quả lao động qui ra tiền” vào thùng đựng bạc. Có sẵn bì thư và bút viết để ai cần thì ghi chép (vd muốn chuyển số tiền này cho ai…). Cuối lễ kiểm kê thì được gần 20 triệu.

Hôm sau, Mồng 4 Tết, ngày 26-1-12, số tiền trên được chuyển ngay đến các địa chỉ sau: “chén cơm cho người neo đơn” 10 triệu ; “quỹ khuyến học” và “sửa nhà cho người nghèo khổ” mỗi địa chỉ 4 triệu. Như vậy là 18 triệu. Các chương trình này là của giáo phận Đalat, đã hoạt động từ nhiều năm nay. Số còn lại giúp 3 gia đình nghèo trong giáo xứ Du Sinh.

Vậy là cám ơn Chúa, Ba Ngày Tết tại Du Sinh đã diễn ra “đậm đà bản sắc dân tộc” và có tương giao tốt với Chúa và với “người của Chúa.” Xin ghi lại đây để ghi nhớ ơn Ngài.
 
Giáo xứ Châu Nhai – Tuần Đại Phúc
Tạ Văn Tịnh OP
12:14 29/01/2012
Giáo xứ Châu Nhai – Tuần Đại Phúc

Tạ Văn Tịnh OP.

Châu Nhai vốn là Giáo xứ có truyền thống đạo đức, đoàn kết và nhiệt thành trong các sinh hoạt phụng vụ cũng như bác ái tông đồ, được nhiền quý cha, quý thầy về thăm và mục vụ tại đây. Khi mùa xuân còn đang tràn ngập trên mọi người thì Giáo xứ lại được đón tiếp quý cha, quý thầy Dòng Chúa Cứu Thế về cử hành Tuần đại phúc. Mục đích chính yếu là cổ động lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, qua đó xin Mẹ ban ơn xuống trên từng gia đình cũng như từng người trong xứ đạo.

Những ngày chuẩn bị cho tuần đại phúc, Giáo xứ Châu Nhai trở nên như một lễ hội. Bà con giáo hữu háo hức phân thành các nhóm, bàn họp và làm kiệu. Tuần đại phúc kéo dài 15 ngày, khởi đầu là cuộc rước kiệu linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Dù trời mưa và rét đậm, nhưng cuộc rước kiệu vẫn diễn ra. Các giáo hữu kiên cường trước sự khắc nghiệt của thời tiết miền Bác, cái rét như cắt da cắt thịt không ngăn cản được bước chân họ. Mỗi người tay cằm nến và rước Đức Mẹ đi trên một quãng đường dài. Cuộc rước đã thu hút hàng ngàn người từ các cụ già cho tới các em nhỏ trong xứ đạo. Sau khi rước kiệu Đức Mẹ là thánh lễ. Cha xứ Đa Minh Trần Văn Thức cùng với cha bề trên, quý cha Dòng Chúa Cứu Thế dâng thánh lễ đồng tế. Có thể nói chưa bao giờ ngôi Thánh đường Giáo xứ Châu Nhai lại trở nên chật chội như hôm nay bởi lượng người quy tụ về để tham dự thánh lễ quá đông. Bài giảng của cha phụ tế dễ hiểu và dễ đi vào lòng người.

Sau thánh lễ các giáo hữu lại rước linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về nhà mình. Kể từ hôm nay, Đức Mẹ sẽ hiện diện ở từng gia đình trong xứ đạo, mỗi nhà một ngày. Bà con, theo từng nhóm, quy tụ về một gia đình để đọc kinh tôn kính Mẹ. Sau đó lại rước tới nhà người khác.

Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cũng là quan thầy đệ nhị của giáo xứ Châu Nhai. Từ đời cha ông, các con chiên giáo hữu có lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt. Qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã tuôn đổ muôn vàn ơn phúc cho Giáo xứ cũng như cho từng người không phân biệt lương giáo. Mỗi khi cuộc đời lâm nguy là họ chạy đến với Mẹ để xin ơn trợ giúp và Mẹ đã nhận lời.

Tuần đại phúc còn là cơ hội để Giáo xứ tỏ lòng biết ơn Mẹ. Quý cha Dòng Chúa Cứu Thế đã mang đến cho giáo xứ cơ hôi này. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả là việc thờ phượng Thiên Chúa. Đời sống đạo đức không đơn thuần hay giản lược vào lòng sùng kính Đức Mẹ cách sốt sáng. Các tín hữu Kitô phải tôn thờ Thiên Chúa “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (xc. Mt 22,37). Việc tôn kính Đức Mẹ là một hành động đạo đức cần thiết, nhưng qua đó người Kitô hữu nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa là Đấng duy nhất cứu độ con người.

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, phận đổi thay trong ý Chúa không thay”, dù có những lúc Giáo xứ Châu Nhai phải đối diện với những khó khăn thử thách và cả những cấm cách của thời xưa, nhưng các tín hữu nơi đây vẫn luôn một lòng trung tín với niềm tin vào Thiên Chúa, sùng kính Đức Mẹ và nhiệt thành sống đạo. Hy vọng Tuần đại phúc này sẽ mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho từng người và từng gia đình trong xứ đạo. Nguyện xin Mẹ cầu bầu cho chúng con.
 
Những điều chúc mừng thấm đẫm nền văn hóa cổ truyền
+GM FX Nguyễn Văn Sang
12:14 29/01/2012
Bài giảng của ĐC Nguyễn Văn Sang ngày mùng 6 Tết tại Thái Hà

Kính thưa Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà - Hà Nội.
Kính thưa Cha chánh xứ Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Thái Hà - Hà Nội.
Thưa các Cha đống tế, các tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo hữu thân mến.

Hôm nay, tôi có hân hạnh được đến nhà thờ Đức Mẹ vào ngày thứ 7 đầu năm âm lịch, để cùng mọi người dâng lễ cảm tạ Chúa và Đức Mẹ nhân dịp đầu năm Nhâm Thìn.

Trong dịp đầu năm âm lịch, chúng ta thường có thói quen chúc tụng lẫn nhau những điều tốt lành đẹp đẽ, theo truyền thống cổ truyền của dân tộc, những điều chúc mừng thường thấm đẫm nền văn hóa cổ truyền tượng trưng cho mỗi ngày một sống tốt đẹp thánh thiện hơn:

Ví dụ: Cuộc sống: bình an, hạnh phúc.
Buôn bán: nhất bản vạn lợi.

Theo một công thức cổ truyền: Tam Đa, Ngũ Phúc.

Tam Đa: là ba cái nhiều: con cháu nhiều, giàu sang nhiều, quý trọng nhiều.

Anh chị em có muốn được tam đa chăng, nhưng không dám chúc nhiều con cái vì sợ: anh chị em phải bị phê bình, xử phạt về tội sinh đẻ vượt kế hoạch.

Còn về giàu sang: sợ làm người Việt Nam xấu xí; ăn thì toàn ăn phở thịt bò Kobe 800 ngàn, ở thì toàn khách sạn mạ vàng, chơi thì xe hàng trăm tỷ, như có câu ca dao:

“Xe sang dế xịn bồ xinh
Mục tiêu phấn đấu chương trình thanh xuân”.


Quý thì ai ai cũng mến phục, nhưng chỉ sợ không biết lý do gì lại bị triệu tập ra tòa án hoặc bị nằm trong những trung tâm phục hồi nhân phẩm như: Linh mục, giáo dân ở xứ này.

Ngũ Phúc: phúc, lộc, thọ, khang, ninh: chắc trong chúng ta không ai muốn mình bị người đời chửi là vô phúc làm mất trận tự an ninh, là người được hưởng lộc do ăn ở làm việc ngay chính chứ không do buôn gian bán lận: như nhiều kẻ bán đất chia chác cho nhau được phơi bày trên các báo chí.

Còn sống lâu muôn tuổi ai chả muốn, mạnh khỏe bình an ai chẳng thèm, nhưng đừng vì những phúc đó mà bán nước cầu vinh.

Nhưng hôm nay, tôi muốn chúc cho mọi người nhờ ơn Đức Mẹ Hằng Cứu giúp được Tam Đa, Ngũ Phúc theo tinh thần của Đạo Công giáo, nâng cao hoàn thiện của Lời Chúa để đóng góp vào việc đổi mới con người tới mức hoàn hảo như Chúa Kitô hằng mong muốn.

A. Nhiều con nhiều cháu.

Đó là lời chúc, chúng ta mong muốn cầu chúc cho mỗi người và mọi người trong lãnh vực tinh thần, nhất là trong lãnh vực đức tin. Ra Khơi Truyền Giáo, đem được nhiều linh hồn về với Chúa.

Trong năm Nhâm Thìn này, ước chi những người Công Giáo sẽ sinh được nhiều con cháu thiêng liêng trong đức tin, những người còn sống đức tin mạnh mẽ làm chứng tá, làm con cái Chúa và Giáo Hội. Ước mong các bậc cha mẹ, không chỉ có những người con thành đạt về mặt vật chất thể xác, mà còn có những đứa con ngoan ngoãn, hiếu thảo, đạo đức, biết đem lại hạnh phúc cho gia đình, cho chính mình, và cho xã hội.

B. Nhiều phú quý.

Chúng ta hãy làm giàu một cách hợp pháp, chúng ta hãy đi tìm các vật châu báu, quý giá, hợp pháp. Song ước mong chúng ta hãy làm giàu tinh thần đạo đức. Chúng ta hãy làm như sách Tim Mừng đã dạy chúng ta trong dụ ngôn người giầu có tham lam được Thiên Chúa cảnh báo: “Hỡi kẻ dại dột, chính đêm nay linh hồn anh sẽ bị đòi lại, thì những của cải anh sắm kia sẽ về tay ai. Những ai thu tích của cải cho mình, mà không lo trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa, thì cũng như vậy...” (Lc 12,20), hoặc Lời Chúa dạy: “Hãy sắm lấy túi không hư nát, hãy sắm lấy kho tàng không bao giờ thiếu hụt ở trên trời, nơi mà trộm cắp không tới được, mối mọt không đục khoét được (Lc 12,34).

2. Năm Phúc:

Phúc: nói chung hạnh phúc. Đó là ước mong đích điểm của mọi người không phân biệt ai. Song hạnh phúc ở đời này chỉ đạt được tương đối.

Chúng ta, những người công giáo phải đưa lên tầm cao hơn nữa, mà sách Phúc âm đã dạy theo Chúa Kitô . đó là Tám Mối Phúc Thật. 8 bộ tên lửa đưa những khách đi lên tới hạnh phúc muôn đời.

Chúng ta hãy cầu nguyên cho nhau Tám Mối Phúc Thật trong buổi đầu xuân.

Lộc: lợi lãi. Dịp đầu xuân chúng ta có thói quen đi hái lộc cây. Những nhánh lộc cây tượng trưng cho sự sống dồi dào tương lai. Chúng ta hãy cầu chúc cho nhau nhiều lợi lộc đạo đức tinh thần, như Phúc Âm, nhiều lần khuyên dạy, ví dụ:

Truyện người thanh niên giàu có, Chúa khuyên bán tất cả gia tài, giúp người nghèo khó sẽ được châu báu trên trời, Phúc Lộc nào bằng. Rồi dụ ngôn Viên Ngọc Quý, kho tàng vùi trong ruộng, khiến cho người tìm vui mừng bán cả gia nghiệp để chiếm hữu. Phúc Lộc nào hơn kho báu, Ngọc Quý Trên Nước Trời.

Thọ: hình ảnh thọ trong các tranh vẽ các ông lão râu tóc bạc phơ, tượng trưng cho cuộc sống lâu muôn tuổi. “Thọ tựa Nam sơn” (sống lâu như núi Miềm Nam), chúng ta cầu chúc cho nhau sống muôn đời trên cõi hằng sống. Đó là mục đích tối cao mà người Kitô hằng mong vươn tới: Được sống dồi dào trên nước Chúa. Nếu như vậy phải yêu mến Chúa và giữ lề luật Chúa để được sống mãi và được sống dồi dào sung mãn như Chúa hứa ban.

Khang: Mạnh khỏe. Sức khỏe là vàng, không ai trong chúng ta muốn có bệnh tật. Nhất là tuổi già được lão giả an chi, sức khỏe tốt, mới mong được sống lâu vui hưởng tuổi già. Mắt tinh, tai thính, chân tay mềm mại.

Đời sống tinh thần đạo đức, chúng ta cũng cầu chúc cho nhau khỏe mạnh, một tâm hồn khỏe trong một thân xác mạnh. Một tâm hồn trong sáng không vương tì ố của tội lỗi, một tâm hồn cường tráng ở vào bất cứ độ tuổi nào, để có sức chiến đấu với ba thù: ma quỷ, thế gian, xác thịt trên con đường lữ hành trần thế, mà vững mạnh bước tới vinh quang Nước Chúa, như lời Thánh Phaolô:

“Như một lực sĩ, tôi chạy không phải không mục đích.
Đấm bốc vu vơ vào không khí.
Nhưng là để đạt tới phần thưởng cuối cùng...”


Ninh: cùng là sự bình an Hòa Bình, một ân ban lớn lao cho con người. Sống ở trên đời, sống trong bình an là cuộc sống quý giá nhất, không chiến tranh, không oán thù, không ghen tương tỵ nạnh, bon chen, hỗn loạn. Song An Hòa Bình Thuận trong tâm hồn mới là điều đáng quý.

An bình, hòa thuận với chính Thiên Chúa bằng cuộc sống cha con, bằng hữu loại trừ tội lỗi, vì chính tội lỗi phá hoại liên hệ An Bình giữa Thiên Chúa và con người. An Bình hòa thuận trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, con cái yêu thương, quý trọng, trung thành, hiếu thảo, huynh đệ, là tế bào cho thân thể xã hội lành mạnh. Là Giáo Hội tại gia, Giáo Hội thu nhỏ sống mầu nhiệm ơn cứu độ, làm chứng cho Tin mừng Chúa Kitô trong trần thế và ra khơi đem Tin Mừng cho anh em đồng bào ngoài xã hội, nhất là các gia đình khác.

Cầu chúc cho mọi người, như phúc thư 7 dạy rằng: “phúc cho ai kiến tạo hòa bình vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Trong năm nay Hội thánh cử hành năm Đức Tin, kỷ niệm những biến cố trọng đại như Công đồng chung Vaticanô II.

Chúng ta đang sống trong xã hội vô thần, chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, nên cần phải có Đức Tin mạnh mẽ cho mình và đem Đức Tin cho anh em. Tôi xin kể một câu truyện để minh họa.

“Một ông chủ nhà hàng người Nhật được mời đến thăm quan Thiên đàng của người Kitô hữu, người ta dọn ra một chiếc bàn ăn trên đó có đặt một cái đĩa đựng một cái tai kếch xù và có lời giải thích đây không phải là một món Lẩu ngày Tết mà là một cái tai đã nghe rao giảng nhiều về Tin Mừng nhưng không sống Tin Mừng một cách hữu hiệu, nên chỉ có một cái tai được lên Thiên đàng. Tiếp theo một đĩa khác được dọn lên trên một cái lưỡi khổng lồ và có lời giải thích: đây là một cái lưỡi của những ai đã rao giảng Tin Mừng cho người khác nhưng không sống Tin Mừng một cách hữu hiệu nên chỉ có cái lưỡi được lên Thiên đàng. Chỉ có cái tai và cái lưỡi lên Thiên đàng hay sao? Còn các bộ phận khác và con người xa lạc đâu mất thì sinh ích lợi gì cho người có Đức tin và giới thiệu làm sao cho anh em được sống hữu hiệu như chính lời Đức Thánh Cha Benedictô 16 đã dạy, nếu Đức tin không lấy lại được sự sống của nó, thì tất cả các hình thức khác không còn hữu hiệu.

Bà Chiara Lu Bích một phụ nữ người Ý sáng lập phong trào Focolary đã nói “dù xã hội đốt hết sách Tin Mừng, nếu còn những người Công Giáo thì chính họ sẽ sống và viết lại sách Tin mừng đầy đủ”.

Chúng ta nghĩ sao, hỡi những người Kitô hữu, có viết nổi những trang Phúc âm bằng chính cuộc sống tốt đẹp của mình chăng? Ví dụ các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, các giáo dân Thái Hà đã viết và sống câu Phúc âm sau đây: “Phúc cho các con khi bị người ta ghen ghét bách hại và bởi ghét Thầy họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta đã từng bắt bớ các Tiên tri trước các con như vậy” (Mt 5,11-12).

Nếu ông Phêrô Đoàn Văn Vươn tại Huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng có mặt ở đây thì chúng ta cũng nói với ông ấy rằng, “Ông đã viết bằng cuộc sống câu Phúc âm sau đây: “Chúa Giêsu bảo các ông rằng: Thầy bảo thật các con, các con đã theo Thầy,thì trong ngày tái sinh, khi các con ngự trên Tòa vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai tòa mà xét xử mười hai cho tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ nhận được gấp trăm và được sống đời đời” (Mt 19,18).

Vậy mỗi người chúng ta có dám viết Phúc Âm bằng chính việc sống cái thực tế tốt lành, thánh thiện, làm chứng tá của mỗi người chúng ta không? Chúng ta dành câu trả lời cho tất cả mọi người.

Chúng ta thấy rõ những lời chúc mừng quý báu trong những công thức cổ truyền nói trên. Vậy chúng ta trong Thánh Lễ đầu xuân này, xin dâng lên Đức Mẹ, để Ngài cầu bầu cùng Chúa xuống muôn ơn phúc trên chúng ta: bắt đầu từ Cha Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà - Hà Nội, các Cha, các tu sĩ trong cộng đoàn tu viện này, nếu có mất đất thì được thêm trời. (Ví dụ: xây thêm được những ngôi nhà chọc trời hàng trăm tầng để thỏa mãn nhu cầu mục vụ, hoặc những ơn phúc còn cao gấp mấy). cũng xin xuống cho anh chị em giáo hữu xứ này, cũng như tất cả các xứ họ khác và cũng nhân dịp này xin Đức Mẹ xuống muôn ơn lành chứ không chỉ Tam Đa - Ngũ Phúc cho anh chị em thiện chí ngoài tôn giáo, kể cả những ai vẫn coi là thù địch, nhưng chúng ta vẫn gọi mọi người là anh em cùng một Cha chung trên trời. Và xin mọi người cầu nguyện cho tôi đã bước vào tuổi thọ 82, tuy đã điếc cả hai tai được sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa gọi để được vào hưởng Tam Đa- Ngũ Phúc trên Nước Trời. Amen.
 
Thánh lễ giao thừa đón mừng năm mới tại cộng đoàn Công Giáo Phoenix và Arizona
Hợp Ly
19:12 29/01/2012
THÁNH LỄ GIAO THỪA ĐÓN MỪNG NĂM MỚI NHÂM THÌN CỦA CỘNG ĐOÀN GIÁO DÂN CÔNG GIÁO TỴ NẠN TẠI PHOENIX VÀ VÙNG PHỤ CẬN, ARIZONA.

Trước thềm năm mới, lúc 4 giờ chiều ngày cuối năm Tân Mão, linh mục Giuse Bùi Lam Sơn đã cùng 350 là đồng hương Việt Nam và 150 quan khách Mỹ và Mễ dâng thánh lễ cảm tạ những hồng ân Thiên Chúa đã ban, cũng như cùng nhau sám hối về những lỗi lầm cho trong năm cũ, để cùng nhau nâng tâm hồn đón mừng năm mới Nhâm Thìn.

Mở đầu thánh lễ, linh mục Chủ Tế cùng với bốn vị bô lão niệm hương trước bàn thờ Tổ Quốc, tưởng nhớ đến:

Xem hình

- Các linh hồn Tổ Tiên, Ông Bà Cha Mẹ và người thân đã qua đời,

- Các Anh Hùng Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam tự do,

- Hàng triệu nạn nhân, trong đó có giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã bị sát hại trong các lao tù, trong biến cố cải cách ruộng đất ở miền Bắc, trong biến cố tết Mậu Thân ở miền Nam, trong các trại cải tạo,

- Hàng trăm ngàn đồng bào vong mạng trong rừng sâu, dưới lòng biển cả trên đường đi tìm tự do.

Tiếp theo là nghi thức thắp nến cầu nguyện cho quê hương Việt Nam, hằng trăm ánh nến được nâng cao quyện với lời ca Kinh Hòa Bình, mọi người cùng cầu nguyện:

- Cho quê hương Việt Nam được thoát vòng nô lệ Bắc thuộc bởi bọn việt cộng âm mưu bán Nước cho Tàu cộng.

- Cho hơn 80 triệu đồng bào sớm được thở bầu không khí tự do, được hưởng những quyền căn bản của con người, để dân tộc Việt Nam sớm thoát cảnh đọa đầy do đảng việt cộng gây nên.

- Đặc biệt cho các tu sĩ, linh mục dòng Chúa Cứu Thế, giáo dân giáo xứ Thái Hà thoát khỏi sự đàn áp, bạo hành, khủng bố tinh thần và thể xác bởi tà quyền cộng sản.

- Xin Chúa an ủi, nâng đỡ hàng trăm người vì can đảm đấu tranh cho tự do và làm chứng cho sự thật, đặc biệt Linh Mục Nguyễn Văn Lý bệnh hoạn và 17 thanh niên Công giáo mới bị bắt cóc, đang đón xuân trong lao tù khắc nghiệt của việt cộng.

Cầu nguyện cho quê hương Việt Nam nhưng tất cả cũng không quên cầu xin Chúa tuôn đỏ muôn vàn Hồng Ân xuống cho mọi người hiện diện trong thánh lễ cũng như quê hương thứ hai Hoa Kỳ. Đất nước đã mở rông vòng tay đón nhận hằng triệu đồng bào Việt Nam tỵ nạn.

Trong bài giảng, cha Sơn dẫn đưa cộng đoàn đi tìm Nước Trời theo tinh thần khó nghèo và yêu thương của Chúa Giêsu:

- Phúc thay, ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ

- Phúc thay, ai thương xót người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương

Sau khi ban Phép Lành đầu năm, kết thúc Thánh Lễ, cha Sơn cùng với cộng đoàn chúc thọ quý cụ cao niên. Mọi người chen chúc nhau tiến lên lãnh nhận món quà đầu năm "bao thư Lời Chúa" trong tiếng nhạc, lời ca rộn ràng đón mừng xuân mới.

Sau thánh lễ cộng đoàn hân hoan tay bắt mặt mừng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Với sự giúp vui của nhóm hóa trang nhảy múa đẹp mắt của cộng đoàn Mễ thay cho múa lân, dẫn đưa mọi người xuống hội trường tham dự

Hội Chợ Mừng Xuân

Hội trường trở nên ấm cúng khi năm trăm người kẻ ngồi, người đứng, bên trong, bên ngoài. Buổi văn nghệ vui xuân được khai mạc với nghi thức chào cờ, hát quốc ca Việt - Mỹ và mặc niệm tưởng nhớ những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì Tự Do.

Trong không khí của Xuân mới, già trẻ hân hoan hạnh phúc, các em chen chúc nhau lên lãnh nhận quà lì xì của Cha.

Cha chính xứ Michael Diskin đã vui vẻ quàng khăn Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên cổ, chào mừng và chúc tết mọi người. Với sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đoàn Mỹ, Mễ trong giáo xứ, nhiều tiết mục ca múa Việt, Mỹ, Mễ xen lẫn, làm cho chương trình văn nghệ thật phong phú. Hội chợ tết với những trò chơi vui xuân không khác chi ở quê nhà năm xưa với tất cả hương vị đặc biệt của ngày Tết.

Trong khi cộng đoàn dùng bữa liên hoan mừng xuân, chương trình xổ số, bán đấu giá phẩm vật để gây quỹ giúp Giáo Xứ. Tưởng cũng nên nhắc lại, Saint Louis The King là một trong những giáo xứ truyền giáo, đón nhận phục vụ cho nhiều sắc dân Mỹ, Mễ, Việt, Phi Luật Tân v.v... Giáo dân Việt Nam mỗi năm tết đến, xuân về thường tổ chức văn nghệ mừng xuân, trước là vui xuân, gìn giữ những phong tục, tạp quán, những nét cổ truyền của ngày tết Việt ở xứ lạ quê người, sau gây quỹ cho giáo xứ.

Cám ơn mọi người đã góp công sức, tiền bạc cho việc tổ chức tết năm nay.

Nhân dịp đầu năm chúng tôi kính chúc quý đồng hương, quý thân hữu một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự cát tường, sự nghiệp thăng tiến và luôn luôn được điều may mắn nhất trong năm nay.

Lý Văn Hợp, tường trình từ Phoenix

Photo by NgheThuat Studio (480) 388-5824
 
Công chức Công Giáo Nghệ An vui Tết với người nghèo
Công Chức GP Vinh
19:08 29/01/2012
NGHỆ AN 29/01/2012 - Trong tâm tình Phục vụ để Yêu thương và cũng là những món quà Tết mang hơi ấm mùa xuân, hơi ấm của năm Đức tin đến với người nghèo. Anh chị em Công chức công giáo huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành đã phối hợp với hội Bác ái Phanxicô, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc từ thiện cho người nghèo tại khu vực xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuộc giáo xứ Phúc Lộc, hạt Đồng Tháp, Giáo phân Vinh.

Xem hình ảnh

Từ sáng sớm anh chị em đã tập trung khá đông đủ tại nhà xứ Yên Lý và xuất phát lúc 7h 30 . Đòan tới giáo xứ Phúc Lộc lúc 8h 15p.

Đòan gồm có 04 Bác Sĩ, 7 Y tá, 01 Dược Sĩ, 8 Giáo Viên, 02 hai Doanh nhân Công giáo và Cha Phêrrô Trần Đình Lai, Linh mục quản xứ Yên Lý làm trưởng đòan.

Khi đòan tới giáo xứ Phúc Lộc, các bệnh nhân đã tập trung khá đông và được Linh mục quản xứ Antôn Trần Thanh Đương cùng HĐMV giáo xứ đã sắp xếp công việc khá chu đáo, bố trí khám chữa bệnh ở 3 địa điểm gần nhà xứ Phúc Lộc.

Buổi sáng. Liên tục trong 05 h các nhóm đã tận tình khám bệnh và phát thuốc cho hơn 300 bệnh nhân.
Đòan nghĩ ăn trưa vào lúc 13h 20.
Buổi chiều. 14h đòan tiếp tục làm việc cho tới 16h.

Tổng cộng có hơn 400 Bệnh nhân Lương và giáo, chủ yếu là trẻ em và người già nghèo, neo đơn vất vã đã được khám và cấp phát thuốc từ thiện.

Vào lúc 16h 15. Linh mục Trần Đình Lai đã chủ sự Thánh lễ bế mạc với sự đồng tế của Cha Antôn Trần Thanh Đương và đông đảo giáo dân giáo xứ Phúc Lộc tham dự.

Chia sẽ trong Thánh lễ, Cha Lai đã tâm sự: “….Chúng con không mang tới đây những tiện nghi và những thứ thuốc Tây cao cấp nhưng chúng con chỉ có tâm tình với những thuốc thang chuyên dụng được trích ra từ Tủ thuốc Bác ái Phanxicô, nhằm góp phần phòng ngừa và làm thuyên giảm bệnh tật cho bà con, nhất là trẻ em và những người gia neo đơn.

Việc khám, cấp phát thuốc hôm nay, thuần túy là những nghĩa cử của tình yêu thương, chia sẽ và nói cách chính xác là chúng con tập sống tinh thần Phục vụ như Đức Kitô đã hi sinh phục vụ.

Chúng con cảm ơn Cha quản xứ, HĐMV giáo xứ và tất cả mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân …cảm ơn mọi người đã cho chúng con được phục vụ và qua mọi người chúng con thấy rõ hơn chân dung của Đức Kitô hôm nay để chúng con cố gắng dấn thân, giám hi sinh nhiều hơn nữa cho cuộc sống, cho con người và xã hội ngày thêm vui khỏe, tốt đẹp hơn
… ”.

Sau Thánh lễ đòan đã về Giáo xứ Vĩnh Hòa, gần đó, sơ kết công việc và dùng cơm tối tại nhà Ông Quyền, ban Hành Giáo xứ Vĩnh Hòa và chia tay nhau tại xứ Vĩnh Hòa lúc 21h

Được biệt đây là lần thứ 3, Công chức Công giáo Nghệ An đã phối hợp với Hội Bác Ái Phanxico và Caritas Giáo Phận Vinh, tổ chức Thành công việc khám bệnh và cấp phát thuốc từ thiện cho ngươì nghèo.

Lần thứ nhất trong dịp cứu trợ lũ lụt tại giáo xứ Thượng Bình, Hà Tĩnh mùa lũ tháng 10 năm 2010.

Lần thứ hai tại giáo xứ Quan Lãng, thuộc huyện Anh Sơn, Nghệ An, ngày 30/04/2011. Và lần này tại xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thuộc giáo xứ Phúc Lộc, hạt Đồng Tháp, Giáo phân Vinh.

Việc khám chữa bệnh và cấp phát thuốc từ thiện cho người nghèo, do Hội Bác Ái Phanxicô và Caritas Giáo Phận Vinh đã triển khai từ hơn 10 năm ở Giáo Phận Vinh. Nay Mô hình đang thực sự hoạt động một cách có hiệu quả nhờ sự kết hợp với nhiều hội đòan đặc biệt là anh chị em Công chức Công giáo, Giáo Phận Vinh vì đây là đội ngũ tri thức trẻ, có chuyên môn cao, có tâm huyết với công việc và nghề nghiệp.

Hi vọng trong tương lai, anh chị em Công chức Công giáo, Giáo Phận Vinh sẽ có thêm điều kiện để góp phần cùng nhiều người thiện chí , nhiều tổ chức lành mạnh của xã hội, phục vụ tốt hơn, nhất là có thêm phương tiện và cơ hội để phục vụ các trẻ em nghèo, người già neo đơn, bệnh tật ở những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn của 3 tỉnh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Kết thúc một ngày làm việc cật lực, vất vã vì có nhiều anh chị em Công chức đến từ Miền tây Nghệ An xã xôi bằng phiên tiện xe máy, trời mưa lầy lội. Dẫu vậy nhưng ai cũng vui và quên hết mệt nhọc vì đã thực sự phục vụ một cách nhưng không.
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân mẫu LM Đaminh Đinh Quang Vinh SDB vừa tạ thế tại Việt Nam
LM Đaminh Đinh Quang Vinh SDB
09:46 29/01/2012
CÁO PHÓ

“Ta là sự sống lại và là sự sống”
Trong niềm tín thác vào sự Phục Sinh của Đức Kitô,
Gia đình chúng con xin chân thành kính báo. Mẹ con:

BÀ CỐ MARIA NGUYỄN THỊ LIỄU
Sinh ngày: 10 tháng 01 năm 1928
Tại: Liễu Đề - Bùi Chu – Nam Định
Đã được Chúa gọi về lúc 18.30 ngày 26 tháng 01 năm 2012
(nhằm ngày mồng 4 tết Năm Nhâm Thìn).
Hưởng thọ 84 tuổi.

Nghi thức Tẩm Liệm: 16.00 ngày 27 tháng 01 năm 2012.
Thánh lễ an táng: 8.30, thứ hai ngày 30 tháng 01 năm 2012
Tại Thánh Đường Giáo xứ Tân Mỹ. Sau đó sẽ an táng tại nghĩa trang Giáo Xứ Tân Mỹ.

Xin hiệp thông với gia đình chúng con và cầu nguyện cho linh hồn Maria, mẹ của chúng con mau được hưởng tôn nhan Chúa.

Kính Báo
Soeur Teresina Đinh Thị Tươi FMA
Linh Mục Đaminh Đinh Quang Vinh SDB
Các con cùng các cháu
 
Văn Hóa
Lạc mất Chúa trong sinh hoạt Tông đồ
Giuse Thẩm Nguyễn
15:01 29/01/2012
Lạc Mất Chúa Trong Sinh Hoạt Tông Đồ.

"Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm" (Luca 2:45)

Phúc Âm Thánh Luca kể lại việc Thánh Giuse và Mẹ Maria bị lạc mất Chúa Giêsu khi hai ông bà đưa Chúa lên Giê-su-sa-lem để mừng Lễ Vượt Qua. Ông bà không bị lạc mất Chúa nơi phố chợ đông người hay chốn phồn hoa đô thị, nhưng ông bà lại bị lạc mất Chúa ngay trong đền thờ, nơi thánh thiêng. Sau ba ngày tìm kiếm khắp nơi qua họ hàng thân thuộc, hai ông bà trở lại Giê-su-sa-lem và đã tìm thấy Người. Trong chuỗi Mân Côi, khi nguyện ngắm Thứ Năm mùa Vui, tôi vẫn hằng xin " cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn".

Là con người yếu đuối, tôi cũng đã từng nhiều lần lạc mất Chúa, nhưng nhờ lòng yêu thương của Chúa qua bí tích hòa giải, tôi lại tìm gặp Ngài.

Trong những giây phút thinh lặng hồi tâm một mình, tôi thấy nguyên nhân chính làm tôi xa cách Chúa, làm tôi lạc mất Chúa chính là vì tôi đã huyênh hoang tự đắc về "cái tôi"(The Self) của mình.

Blaise Pacal đã nói rằng" cái tôi đáng ghét" ( Le moi est haissable). Quả thế, cái tôi toàn những kiêu căng ẩn nấp dưới cái vỏ khiêm nhường và hận thù, ghen ghét ẩn nấp dưới cái vỏ ngoại giao thân thiện.

Ai cũng biết thần Lucifer bị Chúa phạt vì tội kiêu ngạo. Ông bà tổ tiên Adong và Eva cũng do muốn biết hết mọi sự mà ăn trái cấm và chúng ta mang tội tổ tông vì hậu quả của tội kiêu ngạo ấy.

Sự kiêu căng của con người thường được " cái tôi" dấu diếm một cách rất tinh vi quỷ quyệt . Không ai vỗ ngực tự xưng mình là kẻ kiêu căng, nhưng qua hành động, qua lời nói, qua cung cách thì mọi người hiểu được là tôi đã rất cao ngạo. Vì cao ngạo nên tôi không chấp nhận lối làm việc của người khác, tôi không đánh gía cao và khen ngợi người khác. Tôi nhanh chóng phê bình nhưng lại hà tiện lời khen. Nếu được hỏi là tôi ủng hộ ai, thì tôi sẽ nói tôi ủng hộ ông này bà kia. Nhưng nhìn thật vào lòng mình thì tôi thấy tôi chỉ ủng hộ tôi, chỉ có tôi mới xứng đáng mà thôi. Bởi tôi là cái rốn của vũ trụ, nên tất cả mọi việc phải bắt đầu từ tôi và do tôi chỉ đạo. Tôi thích được phát biểu, thích lăng xăng chỗ đông người, nhất là trong các buổi lễ lớn, thích là nhân vật quan trọng . Tôi kêu gọi mọi nguời hiệp nhất, nhưng là hiệp nhất sau lưng tôi. Tôi cỗ võ làm việc thiện nhưng việc ấy phải được chủ xướng bởi tôi. Tôi cười lạt lui một bước để rồi sẽ tiến hai bước...

Vì kiêu căng nấp dưới cái vỏ khiêm nhường, tôi đã trở nên rào cản cho những chương trình tốt đẹp của hội đoàn, phong trào nơi tôi tham gia. Lòng ghen ghét, thù hận, bè phái, một sở trường của Satan, được bọc trong cái vỏ lịch thiệp gỉa tạo. Những người Pharisieu thời Chúa Giêsu cũng rất gỉa tạo. Họ gỉa vờ đạo đức bằng cách cầu nguyện lâu giờ chốn hội đường, bằng nới rộng tua áo, bằng thẻ kinh đeo lủng lẳng. Họ gỉa vờ thành thật bằng cách hỏi Chúa những câu hỏi để gài bẫy Ngài. Chúa lên án những kẻ giả hình " Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái gỉa hình: vì các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ nhơ nhớp" (Mt 23, 27). Bởi chỉ là bề ngoài nên tôi làm việc thiện để được tiếng khen với những mưu đồ cá nhân khác.

Khi phải phê bình xây dựng để cho mọi người có cơ hội hiểu nhau hơn, hiệp nhất hơn, chung sức chung lòng hơn thì tôi không dám nói, không dám phê bình anh chị em với thái độ thẳng thắn, tôn trọng yêu thương giữa ban ngày nhưng lại dùng chiến thuật rỉ tai, nói hành nói xấu. Lời nói không minh bạch gieo rắc nỗi nghi ngờ trong khi Chúa dạy tôi " Có thì nói có, không thì nói không" (Mt 5,37)

Chính cái ỡm ờ, thật gỉa này đã gây bao hiểu lầm, bao đổ vỡ, làm cho nhiều người ngao ngán bỏ cuộc, không tích cực tham gia các hội đoàn nữa. Cũng vẫn là cái tôi, nó làm tan nát cộng đoàn, nó chia rẽ những người có lòng với hội đoàn, với phong trào, nó giết chết sự nhiệt thành và làm băng giá tình người nơi tín hữu. Cái tôi nó ẩn mình nhưng lại điều khiển tất cả, nó như con ma xó góc nhà làm rối tung mọi thứ . Tôi đã từng nghe có người than rằng thà cứ ở nhà còn hơn vào đoàn thể này, phong trào nọ mà chia bè chia cánh thì lại sinh tội ra. Quả đúng thế, nếu không có tình thương của Chúa, không có sự chân thành, khiêm nhường thật trong lòng thì chỉ có sinh tội ra mà thôi và tôi sẽ lạc mất Chúa ngay trong một môi trường tưởng chừng rất tốt đẹp này.

Tại sao một người mới học qua một khóa tĩnh tâm, mới gia nhập vào một hội đoàn thì sốt sắng, hăng say là thế. Vậy mà chỉ một thời gian sinh hoạt thì tôi như bị "mất lửa", sự sốt sắng trở nên nguội lạnh, lòng hăng say biến ra chán nản. Có thể bởi "cái tôi" trong môi trường hội đoàn không được chiều chuộng đủ, hoăc trong hội đoàn đã có quá nhiều "cái tôi" khác, nên tôi ngãng ra, không còn năng động trong sinh hoạt nữa .

Để cho một hội đoàn, phong trào sinh hoạt có hiệu quả, mọi người cần phải hiệp nhất. Các thành viên phải tôn trọng và vâng phục người đứng đầu hội đoàn. Vâng phục vì yêu Chúa Giêsu và vâng phục để có sự hiệp nhất trong phục vụ trong công tác chứ không vì lý do nào khác. Mặt khác, người đứng đầu hội đoàn cũng phải có tinh thần phục vụ gương mẫu, " Người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em" (Mt 23,11).

Ngay cả một tu sĩ có khả năng mà không vâng phục giáo quyền thì cũng dễ đưa đến thoái hóa. Cũng vậy, các thành viên trong hội đoàn không vâng phục người đứng đầu vì sự hiệp nhất trong phục vụ sẽ dẫn đến việc chia bè phái và tan rã.

Mới đây chúng ta mừng lễ Thánh Phaolô tông đồ, một tông đồ rất nhiệt thành của Chúa. Thánh nhân đã từng bị lạc mất Chúa trước biến cố ngã ngựa. Khi đã tìm thấy Chúa rồi, Thánh Nhân mạnh mẽ xác quyết" Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm8:38-39)

Những lời đầy nhiệt thành của Thánh Phaolô cũng đốt cháy lòng ao ước theo Chúa của tôi. Vâng, chẳng có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa ngoài những gian truân vất vả cuộc đời.

Sống trong xã hội hiện nay, nhất là tại Hoa Kỳ, tôi không phải đối nghịch với nhiều thử thách như thời Thánh Phaolô, không phải hy sinh mạng sống vì niềm tin như các tín hữu ở các quốc gia khác trên thế giới, nhưng cái ngăn cản tôi, cái làm tôi lạc mất Chúa vẫn là chính tôi.

Không ai cấm tôi đi nhà thờ. Có chăng là tôi không muốn đi, tôi lười biếng, tôi bận rộn với những công việc khác, thú vui khác?

Không ai cấm tôi làm việc thiện, làm công tác công ích xã hội. Có chăng là do lòng tôi hẹp, do tôi không muốn chia sẻ với anh chị em.

Không ai cấm cản tôi nói về Chúa, nhưng tự tôi, tôi ngại ngùng mở miệng vì tôi không có lòng yêu thương và không thực thi điều Chúa dạy.

Làm sao tôi nói về Chúa nếu tôi không có Chúa trong tâm hồn tôi ? Làm sao tôi có cái nhìn bao dung của Chúa nếu tôi đã không gặp ánh mắt yêu thương trìu mến của Ngài?

Không ai cấm tôi tìm hiểu đạo Chúa. Tôi được tự do chọn lựa vào những trang mạng Công Giáo để học hỏi, tìm hiểu về Chúa, hay mất hằng giờ để lang thang với những trang mạng cổ vũ thú vui trần tục .

Tôi tự do tham gia sinh hoạt các hội đoàn nhưng xin mang đến các hội đoàn lòng nhiệt thành với lòng yêu mến Chúa thiết tha. Xin để " cái tôi " ở nhà vì nó luôn là kẻ thù số một đánh phá hội đoàn với sự hỗ trợ của ma quỷ. Nó có thể làm cho tôi và bao anh chị em khác lạc mất Chúa trong chính môi trường mà chúng ta đang hăng say hoạt động tông đồ.

Lạy Chúa, Chúa đã từ bỏ chính mình để ý Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa. Xin cho con biết từ bỏ được " cái tôi" của mình để cho sự hiệp nhất được thực hiện nơi hội đoàn, phong trào nơi con đang sinh hoạt và ý Chúa được thể hiện trong mọi công tác tông đồ của chúng con.

Xin Chúa đừng để con hay bất cứ ai trong anh chị em con bị lạc mất Chúa trong sinh hoạt tông đồ, ngay trong chính đền thờ của Chúa

Giuse Thẩm Nguyễn

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đời Tận Hiến
Joseph Nguyễn Tro Bụi
22:11 29/01/2012
ĐỜI TẬN HIẾN
Ảnh của Joseph Nguyễn Tro Bụi
Bài ca tận hiến kính dâng Người
Lời ca rộn rã khúc xuân tươi
Say sưa, cảm mến: đời dâng hiến!
Đáp trả tình Người tác xuân tươi.
(Joseph Nguyễn Tro Bụi)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền