Ngày 28-01-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trên chuyến bay trở về từ Panama, Đức Thánh Cha nói ngài chống lại việc bỏ luật độc thân linh mục
Đặng Tự Do
08:45 28/01/2019


Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài phản đối việc bãi bỏ luật độc thân linh mục. Tuy nhiên, ngài có thể cân nhắc để cho phép những người nam đã có vợ được thụ phong linh mục ở những vùng xa xôi.

Nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha nói ngài sẽ không cho phép việc độc thân trở thành một tùy chọn trong Giáo Hội Latinh tương tự như tập quán của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

“Trong nghi thức Đông phương, họ có thể làm điều đó. Họ được lựa chọn giữa cuộc sống độc thân hoặc cuộc sống hôn nhân trước khi được phong phó tế. Nhưng khi đề cập đến điều này trong nghi thức Latinh, một câu nói của thánh Phaolô Đệ Lục vang lên trong tâm trí tôi: 'Tôi thà mất mạng sống mình hơn là thay đổi luật độc thân.'”

Đức Thánh Cha nói rằng cá nhân ngài tin rằng “tình trạng độc thân linh mục là ân sủng cho Giáo Hội” và dù rằng triển vọng phong chức linh mục cho những người đã kết hôn ở những vùng xa xôi thiếu linh mục một ngày nào đó có thể được đưa ra xem xét, ngài không đồng ý với việc bãi bỏ luật độc thân linh mục.

“Quyết định của tôi là: độc thân linh mục không thể là một tùy chọn,” Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi sẽ không làm điều này. Tôi không có cảm giác là tôi có thể đứng trước mặt Chúa với một quyết định như thế”.

Đề cập đến hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng diễn ra vào tháng tới, Đức Giáo Hoàng cho biết ngài cảm nhận được “những kỳ vọng được thổi phồng lên” về cuộc họp. Theo Đức Thánh Cha, mục đích chính của hội nghị thượng đỉnh này là làm cho các giám mục “nhận thức được thảm kịch” lạm dụng tính dục.

“Tôi thường xuyên gặp gỡ những người bị lạm dụng. Tôi nhớ một người - 40 tuổi - là người không thể cầu nguyện nữa. Thật là khủng khiếp, đau khổ này quá là khủng khiếp. Vì vậy, trước tiên, các giám mục cần được biết về điều này.”

Đức Thánh Cha cho biết Hội đồng Hồng Y cố vấn của ngài đã đề nghị triệu tập hội nghị thượng đỉnh sau khi nhận ra rằng một số giám mục không biết cách tự mình giải quyết hoặc đương đầu với cuộc khủng hoảng này.

“Chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải cung cấp một ‘khoá giáo lý’ về vấn đề này cho các Hội Đồng Giám Mục”.

Cuộc họp sẽ giải quyết vấn đề trên một cách rõ ràng, và nêu bật những gì các giám mục cần tuân thủ khi giải quyết cáo buộc lạm dụng tình dục.

Khi được hỏi về những kỳ vọng cho cuộc họp này, đặc biệt là những kỳ vọng của những người Công Giáo đã trở nên thất vọng với quá nhiều các báo cáo lạm dụng và che đậy của một số giám mục, Đức Giáo Hoàng nói rằng mọi người cần nhận ra rằng “vấn đề lạm dụng sẽ còn tiếp tục.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

“Đây là một vấn đề của con người, một vấn đề của con người xảy ra ở khắp mọi nơi,”

Nhưng nếu Giáo Hội nhận thức rõ hơn về thảm kịch lạm dụng tình dục, theo Đức Thánh Cha, Giáo Hội có thể giúp những người khác đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm dụng, đặc biệt là trong các gia đình, nơi “sự xấu hổ dẫn đến việc che đậy mọi thứ.”


Source: Catholic HeraldPope opposes making priestly celibacy optional, but is open to exceptions
 
Từ Panama trở về Đức Thánh Cha ghé vào tạ ơn Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả
Thanh Quảng sdb
15:37 28/01/2019
Từ Panama trở về Đức Thánh Cha ghé vào tạ ơn Đức Mẹ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả

Theo truyền thống sau các chuyến Tông du nước ngoài về, ĐTC đều ghé qua Vương Cung Đức bà Cả tại Roma để tạ ơn Đức Mẹ.
Chiều thứ Hai sau khi hạ cánh xuống sân bay Ciampino của Rome vào khoảng 11:20 sáng ngày 28 tháng 1 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả để cảm tạ Mẹ về những thành quả của chuyến tông du bốn ngày đến đất nước Panama, Trung Mỹ từ ngày 23-27 tháng 1 năm 2019, để tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới XXXIV.
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Ông Alessandro Gisotti, viết trên Twitter của mình: Vừa trở về từ Panama, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thẳng Đền thờ Đức bà Cả để cầu nguyện và cảm tạ Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện trong thinh lặng vài phút trước bàn thờ Đức Maria rất cổ kính mang tước hiệu Đức Mẹ bàu chữa dân thành Roma.
 
Toàn văn cuộc họp báo trên đường từ Panama trở về Rôma của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
22:05 28/01/2019


Trên đường từ Panama City trở về Rôma, ngày 28 tháng 1 năm 2019, Đức Thánh Cha đã dành cho các phóng viên cùng đi một cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề khác nhau: không đổi luật độc thân linh mục, hội nghị thượng đỉnh tại Vatican về lạm dụng tình dục, phá thai, Venezuela và nhiều chủ đề khác. Sau đây là bản dịch căn cứ vào bản tiếng Anh của Hãng tin Zenit:

Ông Gisotti: Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta vẫn còn văng vẳng bên tai tiếng hô của Tuổi trẻ của Đức Giáo Hoàng, Tuổi trẻ của Chúa Giêsu Kitô, như Đức Cha Ulloa nói, niềm vui lớn này, những ngày sống mạnh mẽ này, dù sao, đã cho Đức Thánh Cha rất nhiều năng lực và con nghĩ tất cả chúng con đều đã thấy trên khuôn mặt của Đức Thánh Cha rất nhiều niềm vui, niềm vui của cuộc gặp gỡ này, cũng như niềm vui của những người trẻ tuổi. Và con đã mang đến đây một điều mà con nghĩ rằng nhiều nhà báo mà con biết ở đây – đây không phải là một tài liệu được đưa vào huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, nhưng nó là một tài liệu mà Đức Thánh Cha rất qúy mến. Đây là một bài hát mà một cô gái, cô Marta Avila, từ Honduras đã viết; cô là người mà hôm qua con đã mô tả cho Đức Thánh Cha một hình ảnh, và bài hát này thực tế là một bài hát chống lại việc bắt nạt, đó là có thể là dấu chỉ một cuộc gặp gỡ với phong trào Scholas Occurrentes. Trên thực tế, điều này muốn nói ở đây có các yếu tố đau đớn của những người trẻ, cũng như niềm vui mà chúng ta thấy trong rất nhiều dịp. Con chỉ muốn đề cập với Đức Thánh Cha một hình ảnh khiến con rất có ấn tượng, thưa Đức Thánh Cha, khi Đức Thánh Cha đi ngang qua trên Giáo hoàng xa và chào hỏi, con thấy rất nhiều người trẻ, sau khi chào đón Đức Thánh Cha, có lẽ chỉ trong một khoảnh khắc, đã ôm lấy nhau. Điều này làm con xúc động, sự chia sẻ niềm vui, tức là những người trẻ tuổi ôm nhau sau khi nhìn thấy Đức Thánh Cha dù chỉ trong một khoảnh khắc, và đây có lẽ là một bài học cho người lớn chúng con. Khi những người trẻ hạnh phúc, họ chia sẻ niềm vui; họ không giữ nó cho riêng mình. Đây là điều con muốn chia sẻ với Đức Thánh Cha và với các nhà báo. Vì vậy, Thưa Đức Thánh Cha, trong số rất nhiều điều ngạc nhiên mà mà Đức Thánh Cha đã dành cho chúng con những ngày này, Đức Thánh Cha cũng đã có một cuộc gặp gỡ với những người thuộc UNICEF (qũy thiếu nhi của Liên Hiệp Quốc) tại Tòa Sứ Thần, thực thế, trong những giây phút cuối cùng trước khi từ giã. Con không biết liệu, trước khi nhường diễn đàn cho các nhà báo đặt câu hỏi, Đức Thánh Cha có muốn ngỏ lời chào trước hay không.

Đức Giáo Hoàng: Chào buổi tối và sau đó chúc nghỉ ngơi tốt, bởi vì tôi biết chắc tất cả các bạn đều mệt mỏi, sau chuyến đi rất căng thẳng này. Cám ơn các bạn về công việc của các bạn. Đối với tôi cũng có những điều tôi không tưởng tượng được, thật bất ngờ, như Gisotti đã nói, khi cô gái 16 tuổi đến từ Honduras này, cô gái 16 tuổi đến từ Honduras, một nạn nhân của nạn bắt nạt, hát với giọng hát hay nhất, mà ông đã ghi lại. Sau đó là cuộc họp trước khi rời Tòa Sứ Thần, với những người thuộc UNICEF của Trung Mỹ. . . với một số chứng từ ở đó của hai bé trai và hai người làm việc ở đó. Tôi nghe được những điều làm trái tim tôi xúc động. . . Đó là một chuyến đi mãnh liệt! Xin nhường diễn đàn cho các bạn!

Hỏi: Cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến đi; Đức Thánh Cha đã cho chúng con một món quà đáng yêu. Đức Thánh Cha đã nói chuyện với các tình nguyện viên về sự kiện họ đã sống một sứ mệnh, họ biết trái tim đập như thế nào khi người ta sống một sứ mệnh. Sứ mệnh của Đức Thánh Cha tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Trung Mỹ là gì?

Trả lời: Sứ mệnh của tôi tại một Ngày Giới Trẻ Thế Giới là sứ mệnh của Thánh Phêrô, đó là củng cố đức tin. Và điều này không được thực hiện với các hiệu lệnh và mệnh lệnh lạnh lùng, nhưng bằng cách để bản thân mình xúc động trong trái tim và trả lời với những gì đến với mình. Tôi không ý niệm hóa vì tôi sống như vậy trong chính bản thân mình. Tôi không nghĩ ai đó có thể thực hiện một sứ mệnh với cái đầu mà thôi. Để hoàn thành một sứ mệnh, điều cần thiết là cảm nhận nó, và khi bạn cảm nhận nó, nó đánh mạnh vào bạn: cuộc sống. . . ý nghĩ. . . ở sân bay lúc tôi đang chào Tổng thống thì họ mang đến cho tôi một đứa trẻ da đen dễ thương. Họ nói với tôi rằng cậu bé này đã vượt qua biên giới từ Colombia: người mẹ đã chết và em ở một mình. Em hẳn khoảng năm tuổi. Em xuất phát từ Châu Phi, nhưng họ không biết từ đất nước nào, vì em không nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, nhưng chỉ nói ngôn ngữ bộ lạc của em thôi. Họ nhận nuôi em. Quả là một bi kịch về một cậu bé bị bỏ rơi bởi cuộc đời vì người mẹ đã chết ở đó, cảnh sát giao em cho chính quyền để họ chăm sóc em. Điều này giống như một cái tát và nó làm cho sứ mệnh mặc lấy một màu sắc. Sứ mệnh ảnh hưởng đến tôi. Nó phải thế vì tôi hiện hữu. . . và nó đến với tôi từ bên trong. Tôi nói với những người trẻ rằng những gì họ phải làm ở trong đời, họ phải làm bằng ba thứ ngôn ngữ: đầu, trái tim và bàn tay. Hãy làm những gì bạn cảm nhận, hãy cảm nhận những gì bạn nghĩ, hãy nghĩ về những gì bạn làm.

Tôi không biết cách đánh giá sứ mệnh. Tôi đi cầu nguyện với tất cả những điều này và tôi vẫn ở trước mặt Chúa. Đôi khi tôi ngủ thiếp đi, nhưng tôi giao phó sứ mệnh cho Người. Đây là cách tôi hình dung sứ mệnh của vị Giáo hoàng và cách tôi sống nó.

Có những trường hợp trong đó các khó khăn được trình bầy theo kiểu giáo điều và với tôi, không có chuyện chỉ trả lời bằng lý lẽ nhưng bằng cách khác.

Hỏi: Các hoài mong Đức Thánh Cha đặt vào Panama có được thoả mãn không?

Trả lời: Nhiệt kế để hiểu nó là kiệt sức, và tôi bị cạn kiệt.

Hỏi: Nhiều cô gái ở Trung Mỹ có thai quá sớm. Những kẻ đào ngũ khỏi Giáo Hội nói rằng đó là trách nhiệm của Giáo hội vì nó chống lại việc giáo dục tính dục. Đâu là ý kiến của Đức Thánh Cha về giáo dục tính dục?

Trả lời: Giáo dục tính dục phải được cung cấp ở trường học; tình dục là một hồng ân của Chúa, nó không phải là một con quái vật; Đó là một hồng ân của Thiên Chúa để yêu thương. Việc một số người sau đó sử dụng nó để kiếm tiền hoặc khai thác là một vấn đề khác. Nhưng cần thiết phải cung cấp một nền giáo dục tính dục khách quan, không có chuyện thực dân ý thức hệ. Nếu bạn bắt đầu cung cấp một nền giáo dục tình dục đầy tính thực dân ý thức hệ, bạn sẽ tiêu diệt con người.

Tuy nhiên, tình dục phải được giáo dục như một hồng ân của Thiên Chúa. Giáo dục theo nghĩa làm cho những điều tốt nhất của con người xuất hiện và đồng hành với chúng dọc hành trình. Vấn đề là hệ thống: các giáo viên và sách giáo khoa phải được chọn lọc cho nhiệm vụ này. Tôi đã thấy một số sách khá bẩn thỉu. Có những điều làm người ta trưởng thành và những điều gây hại. Tôi không biết họ có đang làm việc này ở Panama không; Tôi không đi vào chính trị. Nhưng cần thiết phải có giáo dục tình dục. Lý tưởng là bắt đầu ở nhà. Điều này không phải lúc nào cũng có thể có bởi vì có rất nhiều tình huống khác nhau trong các gia đình. Và, do đó, trường học phải cung cấp điều này, bởi vì nếu không sẽ có một khoảng trống, sau đó sẽ được lấp đầy bởi bất kỳ ý thức hệ nào.

Brocal: (*** nhập đề ngắn gọn bằng tiếng Tây Ban Nha). Trong những ngày này, Đức Thánh Cha đã nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ, chắc chắn Đức Thánh Cha cũng đã nói chuyện với những người trẻ ra xa lạ với Giáo hội hoặc những người gặp khó khăn. Theo ý kiến Đức Thánh Cha, đâu là điều các bạn trẻ tìm thấy ở đó? Theo ý kiến Đức Thánh Cha, đâu là các lý do khiến họ ra xa lạ với Giáo hội? Cảm ơn Đức Thánh Cha!

Trả lời: Có rất nhiều lý do! Một số là lý do bản thân, nhưng hầu hết là chung chung! Tôi nghĩ đầu tiên là sự thiếu vắng việc làm chứng của các Kitô hữu - của linh mục, của các Giám mục, tôi không nói đến các vị Giáo hoàng vì như thế sẽ quá nhiều. . . nhưng cả các vị Giáo hoàng nữa! Thiếu việc làm chứng! Nếu Mục tử là một doanh nhân hoặc người tổ chức kế hoạch mục vụ, hoặc nếu Mục tử không gần gũi với người ta - người chăn chiên và đàn chiên – tạm dùng các từ ngữ này. Mục tử phải ở đàng trước đàn chiên để dẫn đường, ở giữa đàn chiên để ngửi mùi người ta, và để hiểu mọi người cảm thấy gì, họ cần gì, họ cảm nhận ra sao và ở đằng sau đàn chiên để bảo vệ phía sau.
Tuy nhiên, nếu Mục tử không sống một cách đam mê, người ta sẽ cảm thấy bị bỏ rơi hoặc theo một nghĩa nào đó, < họ> bị khinh miệt hoặc... Họ cảm thấy mình như những trẻ mồ côi, và nơi nào có trẻ mồ côi, tôi tin rằng. . .

Tôi đã nhấn mạnh với các mục tử, nhưng cả các Kitô hữu nữa, những người Công Giáo giả hình, không phải sao? Những người Công Giáo giả hình, không phải sao? Những người đi lễ Chúa Nhật hàng tuần sau đó không trả tiền thưởng lễ Giáng sinh; họ trả tiền cho bạn dưới gầm bàn, bóc lột người ta, rồi đến vùng biển Caribbean, không chỉ để làm giấy tờ mà. . . để có một kỳ nghỉ, bằng sự bóc lột người ta. “Nhưng, tôi là người Công Giáo mà, tôi đi lễ mỗi Chúa Nhật hàng tuần mà!” Nếu bạn làm điều này, bạn đã phản lại việc làm chứng. Và đối với tôi, đây là điều dường như làm người ta ra xa cách Giáo hội hơn hết- cả hàng giáo dân nữa. Nhưng tôi xin nói: đừng nói bạn là người Công Giáo, nếu bạn không làm chứng. Hãy nói, “tôi là người được giáo dục Công Giáo, nhưng tôi nguội lạnh, tôi trần tục, tôi xin lỗi, không nên coi tôi như mẫu mực, phải nói như thế. Nhưng tôi sợ những người Công Giáo như vậy, đúng không? Ai tin mình hoàn hảo! Nhưng lịch sử tự lặp lại - chính Chúa Giêsu với các tiến sĩ của Lề Luật, phải không? “Lạy Chúa, tôi cảm ơn Chúa, vì tôi không giống người đàn ông kia. . . kẻ tội lỗi tội nghiệp. . .” Đó là thiếu việc làm chứng. Có những khó khăn khác, thuộc bản thân, nhưng đó là chung nhất.

Hỏi: Trong bốn ngày, chúng con đã thấy rất nhiều người trẻ cầu nguyện rất mãnh liệt. Trong số họ, có lẽ, có một số nào đó có ý định sống đời sống tu trì. Nhưng có lẽ một số nào đó đang do dự vì nghĩ rằng đó là một lựa chọn khó khăn vì mình không thể kết hôn. Có thể nào Đức Thánh Cha sẽ cho phép những người đàn ông đã có vợ trở thành linh mục trong Giáo Hội Công Giáo không?

Trả lời: Trong nghi lễ Đông phương của Giáo Hội Công Giáo, họ có thể làm như vậy. Độc thân nhiệm ý được thực hiện trước khi chịu chức phó tế. Trong nghi lễ Latinh, người ta nghĩ đến một cụm từ của Thánh Phaolô VI: “Tôi thà hy sinh mạng sống của mình trước khi thay đổi luật về độc thân”. Đó là lời phát biểu can đảm, trong một thời điểm khó khăn hơn bây giờ. Thời các năm 1968-1970. Bản thân tôi, tôi nghĩ độc thân là một hồng phúc ban cho Giáo hội. Thứ hai, tôi xin nói rằng tôi không đồng ý cho phép độc thân nhiệm ý - không. Nó sẽ chỉ là một khả thể trong các nơi thật xa xôi. Tôi nghĩ đến những hòn đảo ở Thái Bình Dương. . . Khi có nhu cầu mục vụ, Mục tử phải nghĩ đến tín hữu. Có một cuốn sách thú vị của Cha Lobinger (tên cần được kiểm chứng) - đây là điều đang được các nhà thần học thảo luận; Chưa có quyết định nào của tôi. Quyết định của tôi là: độc thân nhiệm ý trước khi chịu chức phó tế: không. Đây là một điều có tính bản thân của tôi; Tôi sẽ không làm điều đó. Và điều này vẫn đã rõ ràng. Nó chỉ là suy nghĩ bản thân của tôi. Có phải tôi khép kín không, có lẽ? Tôi không thấy mình đứng trước mặt Chúa với quyết định này. Cha Lobinger nói rằng Giáo hội thực hiện Bí tích Thánh Thể và Bí tích Thánh Thể thực hiện Giáo hội. Cha Lobinger hỏi: Ai thực hiện bí tích Thánh Thể ở nhiều địa điểm (khác nhau)? Các vị điều động các cộng đồng ấy đều là các phó tế và nữ tu hoặc giáo dân. Và Lobinger nói: một người đàn ông có tuổi đã có vợ có thể được phong chức; đó là luận đề của ngài, nhưng vị này chỉ thực hiện munus santificandi (nhiệm vụ thánh hóa), tức là, cử hành Thánh lễ, ban Bí tích Hòa giải và Xức dầu . Việc tấn phong linh mục ban ba nhiệm vụ: regendi, docendi và santificandi (cai quản, giảng dậy và thánh hóa). Giám mục chỉ ban cho vị này được phép santificandi (thánh hóa). Quyển sách thật thú vị. Và có lẽ nó có thể giúp suy nghĩ về vấn đề này. Tôi tin rằng chủ đề nên được bỏ ngỏ trong vấn đề này: ở những nơi có vấn đề mục vụ vì thiếu linh mục. Tôi không nói rằng điều đó nên được thực hiện, bởi vì tôi chưa suy nghĩ về điều đó, tôi chưa cầu nguyện đủ về điều này. Tuy nhiên, các nhà thần học phải nghiên cứu nó. Cha Lobinger là một linh mục fidei donum (hồng ân đức tin) của Nam Phi. Bây giờ ngài đã già. Tôi đã nói chuyện với một viên chức của Phủ Quốc Vụ Khanh, một Giám mục, người từng phải làm việc tại một quốc gia Cộng sản khi bắt đầu cuộc Cách mạng. Đó là thập niện 1950. Các Giám mục truyền chức cho các nông dân một cách bí mật, các tu sĩ tốt lành. Sau đó, cuộc khủng hoảng qua đi, ba mươi năm sau, sự việc đã được giải quyết. Và ngài nói với tôi cảm xúc của ngài khi trong một buổi đồng tế, ngài thấy những người nông dân này mặc áo lễ để đồng tế. Điều này đã xảy ra trong lịch sử của Giáo hội. Đây là một điều cần nghiên cứu, suy nghĩ và cầu nguyện.

Hỏi: Nhưng cũng có những mục sư Tin lành đã kết hôn trở thành người Công Giáo?

Trả lời: Đúng. Đức Bênnêđictô XVI đã đưa ra hiến chế Anglicanorum Coetibus: các mục sư Anh giáo trở thành người Công Giáo và sống như thể họ các Giáo hội Đông phương. Tôi nhớ trong một buổi yết kiến ngày thứ Tư, tôi đã thấy nhiều vị với vợ con.

Hỏi: Trong Via Crucis (Đàng Thánh Giá), có những lời lẽ rất mạnh về phá thai. Các chủ trương triệt để có tôn trọng phụ nữ không?

Trả lời: Thông điệp của lòng thương xót dành cho mọi người, cho cả những con người đang còn ở trong bụng mẹ. Sau khi đã sai phạm việc này, cũng có lòng thương xót. Nhưng đó là một sự thương xót khó khăn vì vấn đề không phải là tha thứ mà là đồng hành với một người phụ nữ đã ý thức được việc mình phá thai. Đây là những bi kịch khủng khiếp. Có lần tôi nghe một bác sĩ nói về một lý thuyết theo đó một tế bào của phôi thai vừa được thụ thai đi vào tủy người mẹ và ở đó, nó nhận được một trí nhớ thể lý. Đây là một lý thuyết, nhưng muốn nói lên điều một người phụ nữ nghĩ về những gì bà ấy đã làm. . . Tôi nói cho các bạn biết sự thật. Điều cần thiết là phải vào tòa giải tội, và ở đó bạn phải cho bà ấy sự an ủi. Do đó, tôi đã ban quyền giải tội phá thai vì lòng thương xót, vì nhiều lần họ hẳn gặp đứa con. Nhiều lần tôi khuyên họ khi họ có nỗi thống khổ này: “Con của con hiện ở trên thiên đàng. Hãy nói chuyện với cháu. Hãy hát cho cháu nghe những bài ru con mà con không có dịp hát cho cháu nghe. Và tôi tìm thấy có một cách để hòa giải người mẹ với đứa con. Với Chúa đã có sự tha thứ rồi; Chúa luôn tha thứ. Nhưng lòng thương xót, bạn phải khai triển về điều này. Để hiểu rõ về thảm kịch phá thai, một điều phải diễn ra trong tòa giải tội.

Hỏi: Trong những ngày này, Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha cảm thấy rất gần gũi với người Venezuela và hôm Chúa Nhật, Đức Thánh Cha đã yêu cầu “một giải pháp công bằng và hòa bình, liên quan đến quyền con người”. Người Venezuela muốn biết điều này có nghĩa gì. Công nhận ông Juan Guaido, bầu cử mới tự do. . .? Người ta cảm thấy Đức Thánh Cha là một Giáo hoàng Mỹ Latinh và họ muốn cảm nhận sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha.

Trả lời: Tôi ủng hộ tất cả người dân Venezuela. Nếu tôi bắt đầu nói hãy chú ý đến những quốc gia này hoặc đến những quốc gia nọ, thì tôi đã đặt mình vào một vai trò mà tôi không biết. Đó sẽ là một sự láo xược mục vụ về phần tôi và tôi sẽ gây hại. Những lời tôi nói, tôi nghĩ đi và tôi nghĩ lại về nó, là phát biểu sự gần gũi của tôi và những gì tôi cảm nhận. Tôi đau khổ vì tất cả những điều này. Chúng ta đã thành công trong việc đi đến một thỏa thuận (?). - một giải pháp công bằng và hòa bình. Việc đổ máu khiến tôi sợ hãi. Vì vậy, tôi yêu cầu những ai có thể giúp giải quyết vấn đề, hãy nỗ lực lớn. Vấn đề bạo lực làm tôi kinh hãi. Sau mọi cố gắng đã đưa ra ở Colombia, những gì xảy ra trong trường huấn luyện cảnh sát thật đáng sợ. Tôi phải là một Mục tử. Và nếu họ cần giúp đỡ, họ phải đi đến một thỏa thuận và yêu cầu việc đó.

Hỏi: Trong bữa ăn trưa của Đức Thánh Cha với một nhóm người hành hương trẻ tuổi, một cô gái trẻ người Mỹ nói với chúng con rằng cô ấy đã hỏi Đức Thánh Cha về nỗi đau và về sự tức giận của rất nhiều người Công Giáo, đặc biệt của Hoa Kỳ, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng. Nhiều người Công Giáo Mỹ cầu nguyện cho Giáo hội, nhưng nhiều người cảm thấy bị phản bội và tuyệt vọng. Sau những tin tức gần đây về sự lạm dụng và bao che về phía một số Giám mục, họ đã mất niềm tin vào các vị. Đức Thánh Cha kỳ vọng và hy vọng gì vào cuộc họp tháng Hai để Giáo hội có thể bắt đầu lại việc xây dựng lại niềm tin giữa các tín hữu và các Giám mục của họ?

Trả lời: Đây là câu hỏi khéo léo; nó bắt đầu từ Ngày Giới Trẻ Thế Giới và đến đây. Xin chúc mừng. Cảm ơn bạn vì đã hỏi. Ý niệm về điều này được phát sinh trong G9 (hội đồng 9 Hồng Y), vì ở đấy, chúng tôi thấy một số Giám mục không hiểu rõ hoặc không biết phải làm gì hoặc vị này làm một điều tốt và vị kia làm một điều sai nên chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm cung cấp một “bài giáo lý” về vấn đề này cho các Hội đồng Giám mục. Đó là lý do tại sao họ được gọi là các chủ tịch. Một bài giáo lý đầu tiên: ý thức được thảm kịch, một bé trai bị lạm dụng có nghĩa gì, và một bé gái bị lạm dụng có nghĩa gì? Tôi thường xuyên đón tiếp những người bị lạm dụng. Tôi nhớ một người 40 tuổi hết khả năng cầu nguyện. Thật là kinh khủng; sự đau khổ thật là khủng khiếp. Thứ nhất: các ngài phải ý thức được điều này. Thứ hai: các ngài phải biết mình phải làm gì - thủ tục, vì thường thì Giám mục không biết phải làm gì. Một điều đã phát triển rất mạnh và chưa đạt đến mọi góc độ, hãy nói như vậy, và sau đó, chương trình tổng quát phải được đưa ra, nhưng phải tới tay mọi Hội đồng Giám mục. Giám mục phải làm gì, Tổng giám mục, cầm đầu 1 giáo tỉnh, phải làm gì, Chủ tịch Hội đồng Giám mục phải làm gì. Nhưng phải rõ ràng, theo nghĩa phải có, nói theo một số thuật ngữ pháp lý, các qui luật rõ ràng. Đây là <điều> chính. Nhưng trước khi những gì phải được thực hiện, điều tôi muốn nói đầu tiên, là trở nên ý thức. Rồi đến việc cầu nguyện; sẽ có một số chứng từ để giúp kiểm chứng, và sau đó là một số phụng vụ sám hối để cầu xin sự tha thứ cho toàn Giáo hội. Nhưng họ đang làm việc tốt để chuẩn bị việc này. Tôi cho phép mình nói rằng tôi đã nhận thấy một chút kỳ vọng thổi phồng. Điều cần thiết là hạ thấp các kỳ vọng về những điểm mà tôi đang nhắc đến, bởi vì vấn đề lạm dụng sẽ tiếp tục; Nó là một vấn đề của con người, nhưng là con người ở khắp mọi nơi. Hôm trước tôi có đọc một thống kê, có những số thống kê nói rằng 50 phần trăm bị bác bỏ, 20 phần trăm được nghe và phần còn lại bị gia giảm. Nó đã kết thúc như thế này: 5% bị lên án - khủng khiếp. Nó là một vấn đề của con người và chúng ta phải nhận thức được nó. Chúng ta cũng vậy, giải quyết vấn đề trong Giáo hội, phải ý thức được, chúng ta sẽ giúp giải quyết nó trong xã hội, trong các gia đình nơi sự xấu hổ khiến người ta che đậy mọi thứ. Nhưng trước tiên chúng ta phải ý thức về nó, có các qui luật và tiến về phía trước.

Hỏi: Trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới này, Đức Thánh Cha đã nói rằng thật vô lý và vô trách nhiệm khi coi người di cư là người mang tệ nạn xã hội. Tại Ý, các chính sách mới đối với người di cư đã dẫn đến việc đóng cửa CARA [Trung tâm tiếp nhận người tầm trú] ở Castelnuovo di Porto, mà Đức Thánh Cha đã quyết định cử hành Thứ Năm Tuần Thánh năm 2016 với họ. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha có bằng chứng nào để đóng cửa CARA ở Castelnuovo di Porto không?

Trả lời: Tôi không hiểu câu hỏi. Người ta đã quyết định làm một điều gì đó?

Hỏi :. . . việc CARA đóng cửa Castelnuovo di Porto, nơi Đức Thánh Cha đã đến cử hành Thứ Năm Tuần Thánh năm 2016 và bây giờ có nguy cơ phân tán trải nghiệm đó. . .

Trả lời: Tôi có nghe những tin đồn về những gì đang xảy ra ở Ý nhưng tôi ngập đầu trong việc này [Ngày Giới Trẻ Thế Giới] này, vì vậy trên thực tế, tôi không biết điều đó mấy, nhưng tôi tưởng tượng, tôi tưởng tượng. Đúng là vấn đề của người di cư là một vấn đề rất phức tạp, một vấn đề đòi hỏi trí nhớ, để tự hỏi liệu quê hương của mình có được tạo lập từ những người nhập cư hay không. Chúng tôi, người Argentina, đều là người di cư; Hoa Kỳ tất cả là những người di cư. Một Giám mục, một Hồng Y, tôi không nhớ là vị nào đã viết một bài báo rất hay: nó được đặt tựa là “Một vấn đề thiếu trí nhớ”. Các từ ngữ mà tôi sử dụng. . . tiếp nhận, một trái tim rộng mở để tiếp nhận, để nghinh đón, đồng hành, làm người ta phát triển và hòa nhập. Và tôi cũng nói: người cai trị phải dùng sự thận trọng khôn ngoan vì sự thận trọng khôn ngoan là đức hạnh của người cai trị. Tôi nói điều này ở đây trong chuyến bay lần trước. Nó là một phương trình khó khăn. Điển hình Thụy Điển xuất hiện trong tâm trí: vào thập niên 1970, với các chế độ độc tài ở Châu Mỹ Latinh, họ đã tiếp nhận rất nhiều, rất nhiều người di cư, nhưng tất cả đều được hội nhập. Tôi cũng thấy những gì Hội Sant Egidio, chẳng hạn, đã làm. Họ hội nhập ngay lập tức. Nhưng năm ngoái, người Thụy Điển đã nói họ phải ngưng lại một chút vì chúng tôi không thể kết thúc diễn trìmh và đây là sự thận trọng khôn ngoan của người cai trị. Đây là một vấn đề bác ái, yêu thương, liên đới và tôi xác nhận rằng các quốc gia quảng đại nhất trong việc tiếp nhận người di cư là Ý và Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được phần nào – còn các quốc gia khác đã không thành công mấy trong việc này. Nhưng Hy Lạp quảng đại nhất và Ý rất < quảng đại >. Khi tôi đến Lampedusa, đó là buổi đầu. . . Tuy nhiên, đúng là người ta phải suy nghĩ thực tế. Sau đó, có một điều quan trọng khác cần được tính đến: một cách để giải quyết vấn đề di cư là giúp đỡ các quốc gia nơi họ bỏ đi. Người di cư đến vì đói hoặc vì chiến tranh. Đầu tư vào nơi bị đói và Châu Âu có khả năng làm điều đó, và nó là một cách. Giúp phát triển nhưng nói đến Châu Phi, luôn có một trí tưởng tượng tập thể mà chúng ta có trong vô thức: Châu Phi bị bóc lột. Việc này có tính lịch sử và nó gây tác hại. Những người di cư ở Trung Đông tìm thấy những cách khác. Lebanon là một điều kỳ diệu về lòng quảng đại: nó có hơn một triệu người Syria. Jordan cũng vậy, cởi mở; họ làm những gì họ có thể làm. Và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận một số và chúng tôi ở Ý cũng đã nhận một số. Nhưng nó là một vấn đề phức tạp, phải được nói đến mà không có thành kiến. Xét đến mọi điều xuất hiện trong tâm trí.

Ông Gisotti: Cảm ơn Đức Thánh Cha, bây giờ hãy thưởng thức bữa ăn tối và chúc một chuyến đi tốt đẹp. Trong vòng một tuần, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một chuyến đi rất quan trọng, cho nên. . .

Đức Giáo Hoàng: Tôi cảm ơn các bạn rất nhiều vì việc làm của các bạn. Tôi chỉ muốn nói một điều về Panama. Tôi cảm nhậm một tâm tư mới. Tôi biết Châu Mỹ Latinh nhưng. . . không phải Panama và lời này đến với tôi: Panama là một quốc gia cao quý, tôi đã thấy sự cao quý <ở đó>. Tôi muốn nói điều đó. Và tôi muốn nói một điều khác, điều mà tôi cũng đã nói khi trở về từ Colombia. Nói đến kinh nghiệm Cartagena và các thành phố khác: một điều mà chúng ta ở Châu Âu không thể thấy. Niềm tự hào trong trường hợp này của người Panama là gì? Là họ nâng con cái của họ lên và nói đây là chiến thắng của tôi, đây là tương lai của tôi, đây là niềm tự hào của tôi. Điều này trong chiếc mũ mùa đông nhân khẩu học chúng ta đang sống ở châu Âu - ở Ý, đúng không? . . . dưới số không! Nó làm chúng ta suy nghĩ. Đâu là niềm tự hào của tôi? Phải chăng là du lịch, một biệt thự, một con chó con? Hay nâng cao một đứa con? Cảm ơn các bạn! Hãy cầu nguyện cho tôi, tôi cần nó. Cảm ơn các bạn!
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney
Diệp Hải Dung
12:37 28/01/2019
Chiều thứ Hai 28/01/2019 các anh chị em trong Hội Đồng Mục Vụ TGP Sydney đã đến Trung Tâm Tĩnh Huấn Thánh Giuse Bringelly Sydney tham dự Đại Hội Đồng Mục Vụ thường niên nhân dịp đầu năm mới 2019.

Xem Hình

Khai mạc Đại Hội Đồng Mục Vụ. Cha Tuyên úy Trưởng Remy Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng qúy anh chị em thành viên Hội Đồng Mục Vụ và chia sẻ đề tài Xuân Sang. Kế tiếp các anh chị em cung nghinh đón Thánh Thể Chúa Giêsu KiTô . Sau đó Ban Thường Vụ trình chiếu những hình ảnh sinh hoạt của Cộng Đồng trong những tháng qua và anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney báo cáo những sinh họat trong năm vừa qua và những sinh hoạt sắp tới của năm 2019 đặc biệt báo cáo dự án xây dựng Khu an vị tro cốt – Vườn Tưởng Nhớ (Memorial Garden) tại Trung Tâm Bringelly.

Tiếp theo là phần chia sẻ và phát biểu đóng góp ý kiến của các thành viên Hội Đồng Mục Vụ. Mọi thắc mắc và những câu hỏi nêu ra đã được Ban Tuyên Úy và Ban Thường Vụ giải đáp thỏa đáng.

Trước khi kết thúc Đại Hội Đồng Mục Vụ. Ban Thường Vụ có một chút qùa Xuân tặng cho các vị phối ngẫu của Hội Đồng Mục Vụ và sau đó mọi người cùng ở lại tham dự buổi tiệc liên hoan mửng Tất Niên bên nhà ăn Trung Tâm

Diệp Hải Dung
 
Giới trẻ, Giáo lý viên- Huynh Trưởng Xuân Lộc họp mặt Mừng Xuân
Nữ Tu Teresa Ngọc Lễ, O.P.
13:23 28/01/2019
Giới trẻ, Giáo lý viên- Huynh Trưởng Xuân Lộc họp mặt Mừng Xuân quý Đức Cha.

Chiều Chúa Nhật 27/1/2919 vừa qua gần như là ngày hội của Giới trẻ, Giáo lý viên- Huynh Trưởng của Giáo phận Xuân Lộc: Ngày Hội Vui bên quý Đức Cha và bên nhau.

Đó là một ngày hội vui tràn đầy sức trẻ thấy rõ khi con số tham dự sắp chạm mức 4000 người. Không gian Tòa Giám Mục chiều đó rất tuyệt vời vì bị choáng ngợp màu đỏ của gần 3500 chiếc khăn Huynh Trưởng trên vai, hay team áo màu khác nhau của giới trẻ.

Từ khi khởi động cho đến khi kết thúc chương trình các MC, đội múa mẫu, cũng như các vũ khúc rất tuyệt của các đội múa đền từ các giáo xứ…và nhất là của gần 4000 bạn trẻ đã luôn làm nóng chương trình, tạo nên một hiệu ứng rất trẻ, vui, yêu thương và hiệp nhất, tưởng chừng không biết mệt trong suốt gần 5 tiếng đồng hồ khi vừa chơi, vừa hát, vừa múa, vừa học, vừa lắng nghe huấn từ.

Xem Hình

Sau phần thánh hóa chương trình và chào mừng, Cha Giuse Đỗ Đức Trí, Đặc Trách Huấn Giáo – Tuyên Úy Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã tổng kết những hoạt động nổi bật của Ban Huấn Giáo- PT TNTT trong năm qua. Ngoài những khóa Đuốc Hồng hằng năm, điểm nổi bật trong năm là những khóa Sa mạc Trợ Úy, Huynh Trưởng, Đội trưởng đã hoàn tất…sau Quyết định Thực hiện Dự án Huấn Luyện Giáo lý viên Huynh trưởng và Thiếu Nhi của Đức Cha Chánh Giáo phận ban hành. Đồng thời, Cha Đặc trách Giuse cũng đã phác họa những chương trình, hoạt động, khóa huấn luyện trong Năm 2019 của Ban Huấn Giáo và PT TNTT.

“Định hướng Chương trình Mục vụ Giáo phận Năm 2018-1019” là nội dung Đức Cha Phụ Tá Gioan Đỗ Văn Ngân trình bày cho các bạn giới trẻ và giáo lý viên- huynh trưởng. Tại sao cần sống lòng thương xót của Chúa? Tại sao năm nay Giáo phận lại lưu tâm đến những gia đình đau khổ và đến những anh chị em lương dân? Dù chỉ sơ lược, nhưng Đức Cha Phụ Tá khẳng định những trang Kinh Thánh luôn tràn đầy hình ảnh của Lòng Thương Xót của Chúa, cũng như đưa ra một vài khuôn mẫu tiêu biểu của việc sống Lòng Thương Xót của Chúa xưa và nay. Trước khi kết thúc, Ngài cầu chúc các bạn trẻ, giáo lý viên- huynh trưởng có được sự hiệp nhất (vì có chung cùng một Thánh Thần) cùng nhau loan báo Tin Mừng bằng những khả năng riêng của mình, cũng như trả nợ Chúa và trả nợ nhau món nợ lòng thương xót.

Phần đón tiếp Đức Cha Chánh Giáo phận quả thật là một hình ảnh rất đẹp khi vị Cha Chung đi giữa đoàn con đông đúc, tranh thủ nắm lấy hết bàn tay này đến bàn tay khác đang giơ ra về phía Ngài nên đường đi bỗng hẹp lại, thời gian di chuyển đã lâu hơn, dù vòng đi chưa đầy 100m…

Và rồi, hòa cùng với nhiệt huyết người trẻ, Đức Cha Giuse đã cùng hòa theo cử điệu “Tình hiệp nhất” khiến mọi người càng thêm phấn chấn, như muốn vỡ òa tâm trạng, dành yêu thương nhiều hơn, đặc biệt hơn với vị Mục tử thấm mùi “chiên giới trẻ” và “chiên giáo lý viên- huynh trưởng” của mình, khiến họ cảm nhận hơn điều Đức Cha Giuse đã khẳng định, nhắc đi nhắc lại “Các con có biết Cha yêu quý các con biết chừng nào không? Cha, quý Đức Cha yêu quý các con nhiều lắm.”

Trong huấn từ trao ban với người trẻ, Đức Cha Chánh Giuse một lần nữa nhắc lại “hồn sống” của chương trình Mục vụ Giáo phận, với viễn tượng biến Giáo phận thành thánh địa của lòng thương xót. Để viễn tượng này thành hiện thực, Đức Cha Chánh Giuse đặt kỳ vọng nơi người trẻ Giáo phận cũng như đặt vào tay họ một sứ mạng như trước khi kết thúc huấn từ Ngài đã nói. “Cha trao cho các con một sứ mạng: Các con hãy là những sứ giả truyền đạt Lòng thương xót của Chúa đến với mọi người, đặc biệt đến với những người, gia đình đang đau khổ, đến với anh chị em lương dân”. Tại sao cần đến lòng thương xót của Chúa giữa thế giới con người hôm nay, khi mà sự dữ ngập tràn, đang nhấn chìm con người? Bởi con người bất lực. Và chỉ có sức mạnh và lòng thương xót của Chúa mới giải thoát con người ra khỏi đau khổ, tuyệt vọng, …đi tới sự bình an, tìm lại niềm hy vọng trong tình yêu của Chúa. Đề cập đến anh chị em lương dân- chiếm 70% dân số trong địa bàn Giáo phận- một trong hai đối tượng của chương trình Mục vụ Giáo phận, Đức Cha Giuse mời gọi những người trẻ hãy đi tìm, gặp gỡ những anh chị em lương dân, để giúp họ biết về Chúa, giúp họ tìm lại được hy vọng khi tuyệt vọng, vượt qua được đau khổ để có sự bình an trong Chúa.

Và Đức Cha nhắc “Hãy làm điều này với một sự xác tín: chỉ duy mình Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất mới có thể làm cho những ai đau khổ, tuyệt vọng…được an bình và có niềm hy vọng mới…Các con hãy trở nên dụng cụ trung thành của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, sẽ Ngài dùng các con để canh tân bộ mặt trái đất này, cho những ai chưa biết Chúa được biết Chúa và mọi người nhận ra lòng thương xót của Ngài.”

Chương trình được tiếp nối với phần tri ân và mừng Xuân quý Đức Cha. Trong tâm tình, một Trưởng đại diện đã kính dâng lên quý Đức Cha niềm tri ân sâu xa vì đã được các ngài quan tâm, yêu thương và dạy dỗ. Và khi Năm Mới Kỷ Hợi sắp đến, những lời chúc Tết Mừng Xuân quý Đức Cha được sức khỏe dồi dào, và dư tràn n Lộc Chúa để dẫn dắt đoàn con thân yêu. Cũng từ Trưởng đại diện, lời chúc Tết cũng đã được kính dâng lên quý cha Đặc trách Giới trẻ và Huấn Giáo- PT TNTT.

Sau phần chúc Tết, bầu khí rộn ràng xuân hơn, khuôn mặt ai nấy hớn hở như trẻ thơ…vì được Đức Cha Chánh và Đức Cha Phụ Tá lì xì. Những khuôn mặt rạng ngời, phấn khởi, khoe Lời Chúa, khoe bao lì xì…selfie đủ kiểu dáng đẹp.

Sau những tiếng cười của niềm vui đời thường là những phút giây lắng đọng Chầu Thánh Thể. Trước tình yêu Thánh Thể, mỗi người tĩnh lặng để tạ ơn vì hồng ân đã lãnh nhận, cũng như hối lỗi vì những thiếu sót trong sứ mạng trong năm qua. Để rồi những lời cầu dành cho nhau, cho bản thân, cũng như đặt tương lai Năm Mới trong tay Chúa.

Không chỉ trao ban dinh dưỡng tinh thần, trước khi ra về, quý Đức Cha Giáo phận còn khoản đãi dinh dưỡng phần xác với một bữa tối thật ngon, làm trọn vẹn ngày vui đúng nghĩa khi được Đức Cha gọi mời tất cả bạn trẻ về nhà dịp Tết “Gia đình, bao giờ cũng là nơi tuyệt vời nhất để về”.

Quả là một ngày lễ hội thật vui với các bạn giới trẻ, giáo lý viên- huynh trưởng của Giáo phận Xuân Lộc.

Tin: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P

Ảnh: Nt. T. Ngọc Lễ; Trưởng Nguyễn Ánh & TNTT Xuân Lộc
 
Văn Hóa
Xuân Cộng Đoàn
Lê Đình Thông
12:32 28/01/2019
Xuân Cộng Đoàn
mừng vui hoan hỉ (Mt, 5,12)


Xuân Kỷ Hợi : mừng vui, hoan hỉ
Tết năm nay tôn chỉ Phúc âm
Cùng nhau chia một chữ ‘‘Tam’’ :
Tam Đa (三多): lộc thọ phúc lành phát huy.

Đa phước đức : niềm vui cao trọng (Dcr 9,9)
Cả cộng đoàn mừng đón Chúa Xuân
Mưa xuân chan chứa thánh ân
Mạ non đồng lúa đổ tràn sương mai (Zacharie 10,1)

Đa phước lộc : ngàn hoa hoan hỉ
Bông mai vàng tứ quý đào, lan
Thủy tiên bông trắng nhụy vàng
Và bông huệ thắm kính dâng Đức Bà (Dc 2,1-2)

Đa phước thọ : mặn mà tuổi tác
Chiếc thoi đưa tuổi hạc da mồi (G 7,6)
Cuộc đời nước cuốn mây trôi
Chúa ban thêm tuổi dâng lời tạ ân

Ba ngày Tết bức tranh tứ trụ :
Cúc mai vàng tùng trúc xanh tươi
Thanh minh hoa lá vui cười
Bốn mùa tiếp nối đất trời thông công (Tv 8,22)
Đêm trừ tịch lộc non chĩu chít
Chim trên cành ríu rít mừng xuân (Đn 4,21)
Giao thừa thánh lễ tạ ơn
Giao duyên kính chúc tân xuân an lành

Nào cùng chúc mùa xuân Kỷ Hợi :
Suốt một năm đổi mới canh tân
Quý cha chánh xứ nhiều ân
Quý sœurs, phó tế ơn lành chứa chan

Và kính chúc cộng đoàn thánh đức
Bậc cao niên sức lực dẻo dai
Ông bà cô bác phát tài
Thanh niên thiếu nữ miệt mài dấn thân.

Lê Đình Thông


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chiêm Niệm Thiên Nhiên
Tấn Đạt
09:39 28/01/2019
CHIÊM NIỆM THIÊN NHIÊN
Ảnh của Tấn Đạt
Ngồi đây giữa chốn thiên nhiên
Niệm suy Thượng đế siêu nhiên tuyệt vời. .
(bt)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 28/1/2019
VietCatholic Network
00:46 28/01/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình đặc biệt của chúng tôi hôm nay tổng hợp các tin chính trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Panama. Gồm có các tin chính như sau:

1- ĐTC chủ sự Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới Trẻ Thế Giới ở Panama, Chúa Nhật, 27/1/2019.

2- Hơn 400 ngàn tín hữu tham dự buổi Đi Đàng Thánh Giá với ĐTC tại Panama.

3- ĐTC thánh hiến bàn thờ mới nhà thờ chính tòa tổng giáo phận Panama.

4- ĐTC cử hành nghi thức thống hối cho các tù nhân trẻ.

5- ĐTC gặp gỡ Liên Hội Đồng Giám Mục Trung Mỹ.

6- 250 ngàn bạn trẻ đón chào ĐTC Phanxicô tại Panama.

7- ĐTC gặp gỡ chính quyền và các đại diện xã hội Panama.

8- Một triệu cỗ tràng hạt cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama.

9- Giáo hội phụ trách 610 trại phong tại 5 châu lục.

10- ĐHY Venezuela tuyên bố rằng: bất tuân dân sự là cần thiết để thay đổi một chế độ bất nhân.

11- Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh thuộc TGP Hà Nội từ chức.

12- Việt Nam trong số 20 nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa Giáo nặng nề nhất thế giới.

13- Giới thiệu Thánh Ca: Tâm Sự Mùa Xuân.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại Mái Ấm Samaritano nhân lành
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:55 28/01/2019
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đang dần khép lại.

Như chúng tôi đã tường trình, sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sau thánh lễ, lúc 10 giờ 45, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Mái Ấm Samaritano nhân lành” tiếng Tây Ban Nha gọi là Casa Hogar el Buen Samaritano và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Kể từ khi trường hợp HIV đầu tiên xảy ra ở Panama vào năm 1984, cho đến nay đã có khoảng 30,000 trường hợp nhiễm HIV.

Hình thức lây truyền chủ yếu là thông qua quan hệ tình dục, tiếp theo là lây truyền theo đường sinh sản từ mẹ sang con.

Theo giới tính, số lượng nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới. Số lượng người nam nhiễm HIV cao gấp đôi số người nữ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Giáo Hội tại Panama đặc biệt quan tâm đến những con số thống kê theo đó, ở những người trẻ, tỷ số này thậm chí còn thấp hơn cả 1:1. Khi con số những người nữ mắc bệnh tăng dần, số trẻ em sơ sinh bị lây nhiễm HIV theo đường sinh sản cũng tăng dần.

Các nhà đạo đức học tại Panama bày tỏ những quan ngại sâu xa về cuộc cách mạng tình dục nơi nữ giới, và những ảnh hưởng tai hại của phim ảnh khiêu dâm.

Ước tính có khoảng 25,000 đến 30,000 người đang sống chung với HIV và trong đó gần 1,000 là trẻ em và 8,000 là thanh niên từ 15 đến 24 tuổi.

Đến nay, khả năng tử vong của người nhiễm HIV là 75%, khiến nhiều trẻ em mồ côi cha hay mẹ hoặc cả hai. Ước tính số trẻ mồ côi ở Panama hiện nay là 13,000.

Trong bối cảnh đó, Mái Ấm Samaritano nhân lành đã được thành lập từ năm 2005 nhằm cung cấp cho nhiều người cơ hội phục hồi nhanh chóng và tái hòa nhập xã hội. Mái Ấm cung cấp thuốc men cho các bệnh nhân không có sự hỗ trợ của gia đình và không có nguồn lực kinh tế, cũng như một nơi mà họ có thể được chăm sóc toàn diện, nhằm phục hồi thể chất, cảm xúc và tinh thần của họ.

Mái Ấm Samaritano nhân lành cũng giúp nâng cao nhận thức về khả năng lây nhiễm HIV, hướng dẫn các gia đình có người thân mắc bệnh để họ có thể được chấp nhận và tránh lây nhiễm cho những người khác trong gia đình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại đây. Trong diễn từ với những người hiện diện, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ thân mến,

Các Giám đốc, Cộng sự và Nhân viên Mục vụ,

Các bạn thân mến,


Cảm ơn cha Domingo, vì những lời chào của cha thay mặt cho mọi người hiện diện. Tôi vốn mong chờ cuộc gặp gỡ này với các bạn ở đây thuộc Ngôi nhà Samaritanô nhân hậu này, và với những người trẻ khác từ Trung tâm Gioan Phaolô II, Nhà Thánh Giuse của các Nữ tu Bác ái và “Nhà tình yêu” của Dòng anh em của Chúa Giêsu tại Kkottonngae. Ở bên các bạn hôm nay cho tôi lý do để có một hy vọng đổi mới. Cảm ơn các bạn đã cho tôi điều này.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, tôi đã có thể đọc chứng từ của một thành viên trong Ngôi nhà này, một chứng từ đã làm trái tim tôi xúc động. Chứng từ đó viết: “Ở đây, tôi đã tái sinh”. Ngôi nhà này, và tất cả các trung tâm mà các bạn đại diện, là dấu chỉ một cuộc sống mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Thật dễ dàng xác nhận đức tin của một số anh chị em của chúng ta khi chúng ta nhìn thấy nó hành động trong việc xức dầu các vết thương, làm tươi mới lại niềm hy vọng và khuyến khích đức tin.

Cũng không phải những người mà chúng ta có thể gọi là “những người thụ hưởng hàng đầu” trong các nhà của các bạn là những người duy nhất được tái sinh; ở đây, Giáo hội và đức tin cũng được sinh ra và liên tục được tái tạo bằng tình yêu.

Như Cha Domingo đã nói với chúng ta: Chúng ta bắt đầu được tái sinh khi Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đôi mắt để nhìn những người khác, không chỉ như những người chúng ta sống cùng - và điều này cũng đã nói lên rất nhiều rồi - nhưng như những người hàng xóm của chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng một ngày nọ, Chúa Giêsu được người ta hỏi: Người hàng xóm của tôi là ai? (Lc 10,29). Người đã không trả lời bằng các lý thuyết, hoặc đưa ra một bài diễn văn chải chuốt, kiêu kỳ. Thay vào đó, Người kể một câu chuyện - chuyện dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu - một thí dụ cụ thể rút ra từ đời thực mà tất cả các bạn đều biết và trải nghiệm. Người hàng xóm của tôi trước hết là một khuôn mặt mà tôi gặp trên đường đi, một khuôn mặt khiến chúng ta di chuyển và bị lay động. Di chuyển khỏi những cách cố định thực hiện sự việc và những ưu tiên của chúng ta, và bị lay động sâu sắc bởi những gì người đó đang trải nghiệm đến nỗi chúng ta dừng lại và nhường chỗ cho anh ấy hoặc cô ấy trên hành trình của chúng ta. Đó là những gì người Samaritanô nhân hậu nhận ra khi nhìn thấy người đàn ông bị bỏ rơi nửa chết ở bên đường, không chỉ bởi những tên cướp mà còn bởi sự thờ ơ của một linh mục và một thầy lêvi, những người không thể bận tâm đến việc đi tới để giúp đỡ ông ta. Vì sự thờ ơ cũng có thể gây thương tích và giết người. Một số vì một vài đồng tiền khốn khổ, một số khác vì sợ trở nên ô uế.

Bất cứ vì lý do nào của họ, hoặc khinh miệt hay ác cảm xã hội, họ không thấy gì sai lầm khi để người đàn ông đó nằm lại bên lề đường. Người Samaritanô nhân hậu, bất luận trong truyện dụ ngôn hay trong tất cả các ngôi nhà của các bạn, cho chúng ta thấy rằng người hàng xóm của chúng ta trước hết là một con người, một con người có khuôn mặt thật, một khuôn mặt đặc thù, không phải là một điều để tránh né hoặc làm ngơ, bất luận tình huống của anh ta hay cô ta như thế nào. Và khuôn mặt đó biểu lộ nhân tính của chúng ta, rất thường đau khổ và bị làm ngơ.

Như thế, người hàng xóm của chúng ta là một khuôn mặt hết sức gây bất tiện cho cuộc sống của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở chúng ta và chỉ ra các bước tiến cho chúng ta hướng tới những gì thực sự quan trọng, và nó giải phóng chúng ta khỏi tất cả những gì nhàm sáo và hời hợt trong cung cách chúng ta bước theo chân Chúa.

Được hiện diện ở đây là được chạm vào khuôn mặt mẫu thân của Giáo hội, một khuôn mặt có khả năng nói tiên tri và tạo ra một căn nhà, tạo ra một cộng đồng. Khuôn mặt Giáo hội thường không được nhìn thấy; nó đi qua mà không được ai lưu ý.

Tuy nhiên, nó là một dấu chỉ của lòng thương xót cụ thể và tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, một dấu chỉ sống động của tin mừng phục sinh mà ngay cả bây giờ vẫn đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.

Tạo ra một căn nhà là tạo ra một gia đình. Đó là học cách cảm thấy được nối kết với những người khác bằng những ràng buộc lớn hơn là thực dụng và thực tiễn, những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống của chúng ta có tính nhân bản hơn một chút. Tạo ra một căn nhà là để cho lời tiên tri lên xương thịt và làm cho ngày giờ của chúng ta bớt lạnh lẽo, thờ ơ và vô danh hơn.

Đó là tạo ra những mối dây ràng buộc qua các hành vi đơn giản, hàng ngày mà tất cả chúng ta đều có thể làm. Một căn nhà, và căn nhà này tất cả chúng ta đều biết rất rõ, đòi mọi người phải làm việc với nhau. Không ai có thể thờ ơ hoặc xa cách, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng căn nhà. Và điều đó cũng có nghĩa là xin Chúa ban cho chúng ta ơn thánh để học cách kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, để bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi nên tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy lần, bao nhiêu lần nếu cần thiết. Tạo ra những mối dây ràng buộc mạnh mẽ đòi sự tin tưởng và tín thác được nuôi dưỡng hàng ngày bằng kiên nhẫn và tha thứ.

Đó là cách phép lạ diễn ra: chúng ta cảm thấy ở đây chúng ta được tái sinh, ở đây chúng ta được tái sinh vì chúng ta cảm thấy sự mơn trớn của Thiên Chúa, một sự mơn trớn giúp chúng ta mơ ước một thế giới có tính người nhiều hơn, và do đó mơ ước một thế giới có tính Thiên Chúa hơn.

Tôi cảm ơn tất cả các bạn về gương sáng và sự quảng đại của các bạn. Tôi cũng cảm ơn các định chế của các bạn, và các tình nguyện viên và các nhà hảo tâm. Tôi cảm ơn tất cả những người đã làm cho Tình yêu của Thiên Chúa trở nên cụ thể và có thực hơn bao giờ hết bằng cách nhìn vào mắt những người xung quanh ta và thừa nhận rằng chúng ta thẩy đều là hàng xóm. Bây giờ, lúc chúng ta sắp sửa đọc kinh Truyền Tin, tôi phó thác các bạn cho Đức Mẹ của chúng ta. Chúng ta xin Đức Mẹ, trong tư cách một bà mẹ nhân từ, đầy tình yêu dịu dàng và gần gũi, dạy chúng ta mỗi ngày một cố gắng để khám phá ra ai là người hàng xóm của của chúng ta, và giúp chúng ta nhanh chóng ra đi gặp gỡ họ, cho họ một căn nhà, một vòng ôm, nơi việc chăm sóc và tình yêu anh em gặp nhau. Đây là một sứ mệnh liên quan đến mỗi người chúng ta.

Tôi khuyến khích các bạn đặt bên dưới tà áo Đức Mẹ mọi mối quan tâm và nhu cầu của các bạn, mọi nỗi buồn và nỗi đau của các bạn, để, như một người Samaritanô nhân hậu, Đức Mẹ sẽ đến với chúng ta và giúp đỡ chúng ta bằng tình yêu mẫu thân và với nụ cười của ngài, nụ cười của một Bà Mẹ.
 
Panama lưu luyến tạm biệt Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
09:14 28/01/2019
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đã kết thúc, và đây là những hình ảnh sau cùng về Đại Hội này.

Như chúng tôi đã tường trình, sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sau thánh lễ, lúc 10 giờ 45, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Mái Ấm Samaritano nhân lành” tiếng Tây Ban Nha gọi là Casa Hogar el Buen Samaritano và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.

Lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ để cám ơn những người thiện nguyện tại sân thể thao Rommel Fernandez.

Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô và đoàn tùy tùng của ngài đã ra phi trường Tocumen lúc 6 giờ để đáp máy bay về Roma.

Ra đón Đức Thánh Cha tại cửa xe hơi, tổng thống Juan Carlos Varela Rodríguez đã mời Đức Thánh Cha vào trong phòng khánh tiết được dựng dã chiến.

Ban quân nhạc các quân binh chủng Panama đã trỗi quốc thiều Vatican và Panama.

Đức Thánh Cha không đọc diễn từ chia tay tại đây. Tuy nhiên, xin được nhắc lại những lời tri ân của ngài đã được nói lên trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama.

Ngài nói:

Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội chia sẻ những ngày này cùng nhau và trải nghiệm một lần nữa Ngày Giới trẻ Thế giới.

Đặc biệt, tôi xin cám ơn Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodríguez, các vị tổng thống của các quốc gia khác và các nhà hữu trách chính trị và dân sự khác vì sự hiện diện của họ trong buổi lễ này.

Tôi cảm ơn Đức cha Jose Domingo Ulloa Mendieta, Tổng giám mục Panama, vì sự quảng đại và tận tụy của ngài trong việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này trong giáo phận của ngài, cũng như các giám mục khác của Panama và các nước láng giềng, vì tất cả những gì họ đã làm trong cộng đồng của họ để cung cấp chỗ ở và sự hỗ trợ cho đông đảo những người trẻ.

Tôi cũng xin cám ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng ta bằng những lời cầu nguyện, và những người đã giúp đỡ bằng những nỗ lực và những công việc cam go để biến giấc mơ Ngày Giới trẻ Thế giới này thành hiện thực trên đất nước này.

Và với các bạn, những người trẻ tuổi thân mến, một tiếng “cám ơn” thật lớn dành cho các bạn. Niềm tin và niềm vui của các bạn đã khiến Panama, Mỹ Châu và toàn thế giới rung chuyển! Như chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong những ngày này trong bài hát chủ đề Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Như dân lữ hành của Chúa, chúng con được tập trung nơi đây hôm nay từ mọi châu lục và thành phố”. Chúng ta đang trên một cuộc hành trình, hãy tiếp tục tiến bước, tiếp tục sống đức tin và chia sẻ đức tin ấy. Đừng quên rằng các bạn không phải là “thời gian chờ đợi”, các bạn là hiện tại của Thiên Chúa.

Địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo đã được công bố. Tôi yêu cầu các bạn đừng để lòng nhiệt thành của những ngày này trở nên lạnh lẽo. Hãy quay trở lại các giáo xứ và cộng đồng của các bạn, gia đình và bạn bè của các bạn và chia sẻ kinh nghiệm này, để những người khác có thể cộng hưởng với sức mạnh và lòng nhiệt thành của các bạn. Cùng với Đức Maria, hãy tiếp tục nói tiếng xin vâng với giấc mơ mà Chúa đã gieo trong lòng các bạn.

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Sau các nghi thức lúc 6 giờ 15, máy bay đã cất cánh đưa ngài về phi trường quân sự Ciampino.

Đức Thánh Cha đã về đến nơi lúc 11 giờ 50 ngày thứ Hai 28 tháng Giêng.
 
Toàn bộ 14 chặng Đàng Thánh Giá Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:13 28/01/2019
Sáng thứ Sáu 25 tháng Giêng, lúc 10 giờ 30, Đức Thánh Cha đã chủ sự phụng vụ thống hối với các bạn trẻ tù nhân tại Trung Tâm cải huấn trẻ vị thành niên Las Garzas de Pacora.

Sau cuộc gặp gỡ tại đây, lúc 11 giờ 50 Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng về tòa Sứ Thần cách đó 46 cây số.

Hoạt động tiếp theo và cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày là buổi đi đàng thánh giá diễn ra tại Juan Pablo II.

Năm 1997, tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Paris, người Pháp đã ghi thêm buổi đi đàng thánh giá vào chương trình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đây là những đóng góp quan trọng. Nhiều bạn trẻ tìm được ơn hoán cải khi theo chân Chúa Giêsu qua các chặng đàng thánh giá.

Từ đó, chặng đàng thánh giá thường kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ là một trong những biến cố chính tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Trong lời nguyện sau các chặng đàng thánh giá với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Lạy Chúa, là Cha của lòng thương xót, ở Vành đai duyên hải này, cùng với rất nhiều người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, chúng con đã đồng hành cùng Con Cha trên Con đường Thánh giá của Ngài: đó là con đường mà Ngài muốn đi để cho chúng con thấy Chúa yêu thương chúng con biết là ngần nào và Chúa quan tâm đến cuộc sống của chúng con ra sao.

Con đường của Chúa Giêsu dẫn đến Núi Sọ là một con đường khổ đau và cô độc; con đường đó vẫn đang tiếp diễn trong thời đại của chúng con. Chúa bước đi và chịu đựng trong tất cả những khuôn mặt bị tổn thương bởi sự thờ ơ tự mãn và tê dại của xã hội chúng con, một xã hội tiêu thụ và bị tiêu thụ, phớt lờ và thờ ơ, mù quáng trước nỗi đau của anh chị em chúng con.

Lạy Chúa, chúng con, những bằng hữu của Chúa, cũng vậy. Chúng con cũng chiều theo sự vô cảm và bất động. Quá thường là chúng con cuối cùng cũng chạy theo đám đông, và điều này đã làm tê liệt chúng con. Thật khó để nhìn thấy Chúa trong những anh chị em đau khổ của chúng con. Chúng con đã nhìn đi chỗ khác để không nhìn thấy; chúng con đã ẩn mình trong tiếng ồn để không nghe thấy; chúng con đã che miệng để đừng khóc.

Cám dỗ ấy luôn luôn là như thế. Nó dễ dàng hơn và “đáng đồng tiền bát gạo hơn” để trở thành bạn bè trong chiến thắng và vinh quang, trong thành công và vỗ tay ca tụng; thật dễ hơn để xun xoe xung quanh một người được xem là có nhiều người mến mộ và là kẻ chiến thắng.

Thật dễ dàng để rơi vào một nền văn hóa bắt nạt, quấy rầy và đe dọa người khác. Chúa không như thế: trên thập giá, Chúa đã đồng hóa mình với tất cả những người đau khổ, với tất cả những người cảm thấy bị lãng quên.

Chúa không như thế: bởi vì Chúa muốn ôm lấy tất cả những người mà chúng con thường coi là không xứng đáng để ôm vào lòng, để vuốt ve, chúc phúc; hoặc, tệ hơn nữa, thậm chí chúng con không nhận ra rằng họ cần những điều đó.

Chúa không như thế: trên thập tự giá, Chúa đồng hành với con đường thập giá của mọi người trẻ, trong mọi tình huống, để biến nó thành con đường phục sinh.

Lạy Cha, hôm nay con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn: trong tiếng khóc nghẹn ngào của những đứa trẻ không được sinh ra và cơ man những trẻ thơ bị từ khước quyền được sống thời thơ ấu, quyền được có mái ấm gia đình, được giáo dục, được vui chơi, ca hát hay mơ ước.. . Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những phụ nữ bị ngược đãi, bóc lột và bị bỏ rơi, bị tước đi phẩm giá và bị đối xử như chẳng là gì. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong đôi mắt buồn vời vợi của những người trẻ tuổi, những người nhìn thấy hy vọng của họ về tương lai đang bị cướp đi vì thiếu giáo dục và công ăn việc làm xứng đáng. Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong nỗi thống khổ của những gương mặt trẻ, những người bạn của chúng con, những người rơi vào bẫy của những kẻ vô đạo đức - bao gồm cả những người tuyên bố sẽ phục vụ Chúa - những kẻ bóc lột, bọn tội phạm, và những kẻ lạm dụng cuộc sống của họ.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi tất cả những người trẻ và những gia đình đang bị cuốn vào vòng xoáy của cái chết vì ma túy, rượu chè, mại dâm và nạn buôn bán người, những người không chỉ bị tước đoạt tương lai mà ngay cả hiện tại cũng không còn. Như áo xống của Chúa từng bị xâu xé thế nào, nhân phẩm của họ bị chia năm xẻ bảy và ngược đãi.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn nơi những người trẻ tuổi với khuôn mặt thẫn thờ, những người đã mất khả năng mơ ước, sáng tạo và định hình tương lai của họ, và đã chọn để “về hưu”, trong sự trùm chăn hay tự mãn, là một trong những chất gây nghiện nhất trong thời đại của chúng con.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong nỗi đau thầm lặng và đầy giận dữ của những ai, thay vì nhận được tình liên đới của một xã hội phồn vinh, lại gặp phải sự từ chối, nỗi buồn và sự khốn khổ, và bị đối xử như căn nguyên gây ra các tệ nạn xã hội.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong sự cô độc tuyệt vọng của người già bị quên lãng và bỏ rơi. Nó tiếp diễn nơi các dân tộc bản địa mà những người khác đã cướp đi đất đai, cội nguồn và văn hóa của họ, phớt lờ và làm câm nín trí tuệ vĩ đại mà họ có thể mang lại.

Con đường thập giá của Con Cha vẫn tiếp diễn trong lời cầu xin của Mẹ đất chúng con, bị tổn thương sâu sắc bởi sự ô nhiễm của bầu trời, sự cằn cỗi của những cánh đồng, sự ô nhiễm nguồn nước, bị giẫm đạp dưới chân bởi sự coi thường và ngạo mạn của sự tiêu dùng phi lý.

Con đường ấy vẫn tiếp diễn trong một xã hội đã mất khả năng rơi lệ và xúc động trước khổ đau. Vâng, Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha tiếp tục bước đi, tiếp tục vác thập giá và đau khổ trong tất cả những khuôn mặt này, trong khi cái thế giới không được chăm sóc này đang bị cuốn hút vào bi kịch về sự phù phiếm của chính nó.

Lạy Chúa, chúng con phải làm gì đây? Chúng con phải phản ứng thế nào trước Chúa Giêsu khi Ngài đau khổ, lang thang, di cư nơi khuôn mặt của cơ man những bạn hữu của chúng con, hay nơi dung nhan của tất cả những người xa lạ mà chúng con đã học cách làm cho họ ra vô hình?

Và lạy Cha của lòng xót thương, chúng con có an ủi và đồng hành với Chúa, đang bất lực và đau khổ nơi những anh chị em nghèo nhất và bị bỏ rơi nhất không? Chúng con có vác đỡ gánh nặng của thập tự giá, như ông Simon thành Kyrênê, bằng cách là những người hòa giải, xây dựng những nhịp cầu, hay là men của tình huynh đệ không? Liệu chúng con có vẫn tiếp tục đứng dưới chân thập giá như Đức Maria không? Xin cho chúng con biết nhìn vào Đức Maria, người phụ nữ của sức mạnh. Từ Mẹ, xin cho chúng con biết học cách đứng dưới thập giá với cùng quyết tâm và lòng can đảm của Mẹ, không trốn tránh hay ảo tưởng. Mẹ đồng hành với nỗi khổ của con Mẹ, là Con Cha; Mẹ nâng đỡ Ngài bằng ánh mắt và bảo vệ Ngài bằng trái tim. Mẹ chia sẻ nỗi thống khổ của Chúa Giêsu con Mẹ, nhưng không bị nỗi thống khổ ấy áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt lên tiếng Xin Vâng, là người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ tuyệt vời cho niềm hy vọng.

Chúng con cũng muốn trở thành một Giáo Hội hỗ trợ và đồng hành, nghiã là có thể nói: “Này tôi đây!” trong cuộc sống và giữa thập giá của tất cả những Kitô hữu đi bên cạnh chúng con.

Từ Đức Maria, chúng con học cách nói tiếng Xin Vâng trước sự kiên nhẫn và bền đỗ của nhiều người mẹ, người cha, người ông, người bà không bao giờ ngừng ủng hộ và đồng hành cùng con cháu trong gian truân.

Từ Mẹ, chúng con học được cách nói tiếng Xin Vâng trước sự bền bỉ và sáng tạo của những người không chịu khuất phục trước khó khăn và nghịch cảnh, sẵn sàng làm lại từ đầu trong tình huống mọi thứ dường như đã mất, nhằm tạo ra những không gian, nhà cửa và các trung tâm chăm sóc, để có thể là một bàn tay chìa ra cho tất cả những người gặp khó khăn.

Nơi Đức Maria, chúng con học được sức mạnh để có thể nói tiếng Xin Vâng trước những người đã từ chối giữ im lặng trước thứ văn hóa ngược đãi và lạm dụng, chê bai và gây hấn, và trước những người dấn thân để cung cấp cơ hội và tạo ra bầu không khí an toàn và bảo vệ.

Nơi Đức Maria, chúng con học được cách chào đón và tiếp nhận tất cả những người bị bỏ rơi, và buộc phải rời khỏi quê cha đất tổ, cội nguồn, gia đình và công ăn việc làm của họ.

Như Đức Maria, chúng con muốn trở thành một Giáo Hội nuôi dưỡng một nền văn hóa chào đón, bảo vệ, thúc đẩy và hòa nhập; một nền văn hóa không kỳ thị, không đắm chìm trong sự lên án vô nghĩa và vô trách nhiệm những người nhập cư như một mối đe dọa cho xã hội.

Từ Mẹ, chúng con muốn học cách đứng dưới thập giá, không phải với trái tim đóng kín, mà với trái tim có thể đồng hành, dịu dàng và tận tụy, một trái tim thể hiện lòng thương xót và đối xử với người khác bằng sự tôn trọng, nhạy cảm và hiểu biết. Chúng con muốn trở thành một Giáo Hội của ký ức, nơi đánh giá cao và tôn trọng người già và trao lại cho họ vị trí xứng đáng của họ.

Như Đức Maria, chúng con muốn tìm hiểu ý nghĩa của từ “đứng”. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đứng, dưới chân thập giá, dưới chân mọi thập giá. Xin Chúa mở mắt và trái tim của chúng con đêm nay, và giải cứu chúng con khỏi sự tê liệt và bất định, khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Xin hãy dạy chúng con nói: “Này tôi đây”, bên cạnh Con Chúa, bên cạnh Đức Maria và tất cả những môn đệ yêu dấu, những người mong muốn chào đón Nước Chúa trong tâm hồn của họ.


Source: Vatican News WYD Panama: Pope's homily at Way of the Cross – full text