Ngày 27-01-2019
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Đêm Canh Thức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
J.B. Đặng Minh An dịch
00:36 27/01/2019
Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Bẩy, 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 để thánh hiến bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Santa Maria la Antigua và cũng là Nhà thờ Chính tòa của tổng giáo phận Panama cùng với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các đại diện giáo dân.

Lúc 12 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các đại diện giới trẻ tại Đại chủng viện thánh Giuse.

Hoạt động sau cùng trong ngày, cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày thứ Bẩy 26 tháng Giêng diễn ra vào lúc 6 giờ 30 chiều là Đêm Canh Thức của Đức Thánh Cha cùng với các bạn trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn trẻ thân mến, chào buổi chiều!

Chúng ta vừa xem màn trình diễn tuyệt đẹp về Cây Sự Sống. Nó cho chúng ta thấy cuộc sống mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một câu chuyện tình như thế nào, một lịch sử cuộc đời muốn hòa quyện với chúng ta và đâm rễ sâu trong mảnh đất là chính cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống đó không phải là ơn cứu độ được đưa lên “trên đám mây” và chờ đợi để được tải xuống, cũng chẳng phải là một ứng dụng mới để được phát hiện, hoặc một kỹ thuật tự cải thiện tinh thần. Nó cũng không hẳn là một hướng dẫn tự học trên mạng để tìm những tin tức mới nhất. Ơn cứu rỗi Chúa ban cho chúng ta là một lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình yêu đan xen với những câu chuyện cá nhân của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta để chúng ta có thể sinh hoa trái tối đa ngay bây giờ, ở mọi nơi và với mọi người xung quanh. Chúa đến đó để gieo và được gieo. Ngài là người đầu tiên nói tiếng “vâng” với cuộc sống và lịch sử của chúng ta, và Ngài muốn chúng ta nói “vâng” cùng với Ngài.

Đó là cách Ngài khiến Đức Maria kinh ngạc, và yêu cầu Mẹ trở thành một phần của câu chuyện tình yêu này. Rõ ràng, người phụ nữ trẻ của thành Nagiarét không phải là một phần của “các mạng xã hội” thời bấy giờ. Mẹ không phải là “người có tầm ảnh hưởng”, nhưng dù chẳng muốn cũng chẳng cố gắng gì, Mẹ đã trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.

Đức Maria được Thiên Chúa chọn là “người có tầm ảnh hưởng”. Chỉ với một vài từ, Mẹ đã có thể thốt lên tiếng “xin vâng” và phó thác nơi tình yêu và lời hứa của Chúa, là Đấng duy nhất có khả năng làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ.

Chúng ta luôn bị đánh động bởi sức mạnh từ lời “xin vâng” của người phụ nữ trẻ đó, và từ những lời “xin vâng như thế!” mà Mẹ đã thưa cùng Sứ thần. Đây không chỉ đơn thuần là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu hay một tiếng “xin vâng” yếu ớt như thể nói “Được, hãy thử xem, cứ để xem coi điều gì sẽ xảy ra”. Đó là một cái gì đó khác, một cái gì đó khác xa như thế. Đó là sự đồng ý của một người chuẩn bị sẵn sàng dấn thân và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài sự xác tín rằng Mẹ là người được uỷ thác lời hứa. Sứ mạng của Mẹ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không có lý do gì để nói không trước những thách thức đặt ra trước mắt. Tất nhiên mọi thứ sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như khi sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì mọi thứ chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn. Tiếng “xin vâng” và lòng mong muốn phục vụ mạnh mẽ hơn bất kỳ những hồ nghi và khó khăn nào.

Chiều nay, chúng ta cũng đã nghe tiếng “xin vâng” của Đức Maria vang vọng và lan tỏa như thế nào trong mọi thế hệ. Nhiều người trẻ, như Đức Maria, dám chấp nhận rủi ro và đặt cược tương lai mình vào một lời hứa. Cảm ơn hai bạn, Erika và Rogelio, vì chứng tá của các bạn dành cho chúng ta. Các bạn đã chia sẻ nỗi sợ hãi và khó khăn của mình và những rủi ro các bạn gặp phải khi sinh cô con gái Inés. Tại một thời điểm, các bạn nói, “Chúng tôi, những bậc cha mẹ, vì nhiều lý do, thấy khó chấp nhận rằng con của chúng tôi sẽ được sinh ra với một căn bệnh hoặc khuyết tật”. Điều đó là chuyện thường tình và có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều tuyệt vời là những gì các bạn nói sau đó “Khi con gái của chúng tôi được sinh ra, chúng tôi quyết định yêu cháu bằng tất cả trái tim của chúng tôi”. Trước khi cháu bé chào đời, khi phải đối mặt với tất cả các vấn nạn và những nan đề nảy sinh, các bạn đã đưa ra quyết định và nói, như Đức Maria, “xin vâng như vậy”, và các bạn quyết định yêu mến cháu. Khi đối mặt với cuộc sống của cô con gái yếu đuối, bất lực và thiếu thốn của các bạn, câu trả lời của các bạn là tiếng “xin vâng”, và vì thế chúng ta có Inés. Các bạn tin rằng thế giới không chỉ dành cho kẻ mạnh!

Nói tiếng “xin vâng” với Chúa có nghĩa là chuẩn bị đón nhận cuộc sống khi nó xảy đến, với tất cả sự mong manh, đơn giản và thường là không thiếu những mâu thuẫn và phiền toái của nó, và làm như vậy với cùng một tình yêu mà Erika và Rogelio đã nói. Nó có nghĩa là đón nhận đất nước của chúng ta, gia đình và các bạn bè của chúng ta như họ là, với tất cả các nhược điểm và sai sót của họ. Đón nhận cuộc sống cũng được thấy trong việc chấp nhận những thứ không hoàn hảo, chưa tinh khiết hay chưa được “chắt lọc”, nhưng không kém phần đáng để được yêu. Là một người khuyết tật hoặc yếu đuối thì không đáng được yêu thương hay sao? Chỉ vì là một người nước ngoài, hay chẳng may phạm lỗi, đau ốm hay ngồi tù thì không đáng được yêu thương à? Chúng ta biết rõ những gì Chúa Giêsu đã làm: Ngài ôm lấy những người phong hủi, những người mù, bại liệt, những người Pharisêu và những người tội lỗi. Ngài đón nhận người trộm lành trên thập giá và thậm chí còn đón nhận và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài.

Tại sao Ngài làm điều này? Thưa bởi vì chỉ những gì được yêu thương mới có thể được cứu. Chỉ những gì được đón nhận mới có thể được chuyển hóa. Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả các vấn nạn, các yếu đuối và sai sót của chúng ta. Hơn thế nữa, chính qua những vấn nạn, những yếu đuối và sai sót của chúng ta mà Ngài muốn viết lên câu chuyện tình này. Ngài ôm lấy đứa con hoang đàng, Ngài ôm lấy Phêrô sau những lời chối Chúa và Ngài luôn ôm lấy chúng ta mỗi khi chúng ta sa ngã: Ngài giúp nâng chúng ta dậy và giúp chúng ta đứng thẳng trên đôi chân mình. Vì cái sa ngã tồi tệ nhất, cái sa ngã có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta, chính là ngã rồi nằm yên đó và không để cho chính bản thân mình được giúp đỡ.

Đôi khi thật khó có thể hiểu được tình yêu của Chúa! Nhưng thật là một ân sủng khi biết rằng chúng ta có một người Cha ôm lấy chúng ta bất chấp tất cả những điều bất toàn của chúng ta!

Vì vậy, bước đầu tiên là đừng ngại đón nhận cuộc sống như nó xảy đến, hãy chấp nhận cuộc sống!

Cảm ơn, Alfredo, vì chứng tá của bạn và sự can đảm của bạn khi chia sẻ chứng tá ấy với tất cả chúng ta. Tôi rất xúc động khi nghe bạn nói với chúng ta rằng “Tôi bắt đầu làm việc trong một dự án xây dựng, nhưng một khi nó được hoàn thành, tôi mất công ăn việc làm và mọi thứ thay đổi nhanh chóng: không được giáo dục, không thể mua sắm và không có nghề ngỗng gì”. Hãy để tôi tóm tắt điều này trong bốn chữ “không” khiến cuộc sống của chúng ta đâm ra bị bứng tận gốc và khô cằn: không việc làm, không được giáo dục, không có cộng đồng, không có gia đình.

Chúng ta không thể thăng tiến trừ khi chúng ta có những căn cội mạnh mẽ để hỗ trợ chúng ta và giữ cho chúng ta vững chắc. Thật dễ dàng bị cuốn trôi đi, khi không có gì ghì chặt chúng ta lại. Có một câu hỏi mà người già chúng tôi phải tự hỏi chính mình, và đó cũng là một câu hỏi mà các bạn cần hỏi chúng tôi và chúng tôi phải trả lời cho các bạn: Đâu là những căn cội chúng tôi đang cung cấp cho các bạn, đâu là những nền tảng giúp các bạn phát triển như những con người? Thật dễ dàng để chỉ trích và phàn nàn về những người trẻ tuổi nếu chúng ta đang tước mất khỏi họ những công ăn việc làm, giáo dục và cộng đồng là những cơ hội mà họ cần để bén rễ và mơ ước về một tương lai. Không được giáo dục, thật khó để mơ về một tương lai; không có công ăn việc làm, tương lai thật mịt mờ; không có gia đình và cộng đồng, tương lai nằm mơ cũng không thấy nổi. Bởi vì mơ ước về một tương lai có nghĩa là học cách trả lời không chỉ câu hỏi tôi đang sống vì điều gì mà còn là tôi đang sống vì ai, và ai làm cho cuộc đời tôi đáng sống.

Như Alfredo đã nói với chúng ta, khi chúng ta thấy mình đang mất hết và không có công ăn việc làm, không được giáo dục, không có cộng đồng và không có gia đình, và cuối cùng chúng ta cảm thấy trống rỗng và chung cuộc chúng ta lấp đầy sự trống rỗng đó bằng bất cứ điều gì chúng ta có thể. Bởi vì chúng ta không còn biết là đang sống cho ai, chiến đấu và yêu thương vì ai đây.

Tôi nhớ có lần nói chuyện với một số các bạn trẻ, và một trong số các bạn ấy hỏi tôi rằng: Thưa Cha, tại sao nhiều người trẻ ngày nay không quan tâm đến việc liệu Chúa có hiện hữu hay không, hay cảm thấy khó tin vào Người, và họ dường như buồn chán và vô mục đích trong cuộc sống? Tôi hỏi ngược lại là các bạn ấy nghĩ như thế nào. Tôi nhớ một câu trả lời đặc biệt khiến tôi cảm động và nó liên quan đến trải nghiệm mà Alfredo đã chia sẻ - “vì nhiều người trong số họ cảm thấy rằng, dần dần, họ đã ngừng tồn tại cho người khác; họ thường cảm thấy mình đâm ra vô hình”. Đây là thứ văn hóa vất bỏ và thiếu quan tâm đến người khác. Không phải tất cả mọi người, nhưng nhiều người cảm thấy rằng họ có rất ít hoặc chẳng có gì để đóng góp vì không có ai xung quanh yêu cầu họ tham gia. Làm sao họ có thể nghĩ rằng Chúa hiện hữu, nếu những người khác từ lâu đã ngưng nghĩ rằng họ tồn tại?

Chúng ta biết rõ rằng để cảm thấy được nhìn nhận hoặc yêu thích thì chưa đủ để thấy mình được liên kết suốt ngày dài. Cái cảm giác thấy mình được trân trọng và được yêu cầu dự phần thì lớn hơn rất nhiều so với đơn giản là thấy mình đang “trực tuyến”. Điều đó có nghĩa là tìm kiếm những không gian nơi, bằng đôi tay, trái tim và trí óc mình, các bạn có thể cảm thấy là một phần của một cộng đồng rộng lớn hơn đang cần đến các bạn và chính các bạn cũng cần đến họ.

Các thánh hiểu điều này rất rõ. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn như, Thánh Gioan Bosco. Ngài đã không đi tìm những người trẻ tuổi ở những vùng xa xôi mà học cách nhìn với đôi mắt Chúa mọi thứ đang diễn ra ngay trong thành phố của mình. Vì vậy, ngài đã rúng động bởi hàng trăm trẻ em và thanh niên bơ vơ, không được học hành, không có công ăn việc làm và không được sự giúp đỡ của cộng đồng. Có nhiều người khác đang sống trong cùng một thành phố đó, và nhiều người chỉ trích những người trẻ này, nhưng họ không thể nhìn thấy những người trẻ ấy bằng đôi mắt của Chúa. Cha Bosco đã thấy được như vậy và tìm ra năng lực để thực hiện bước đầu tiên: đó là đón nhận cuộc sống như chính nó đã thể hiện. Từ đó, ngài không ngại thực hiện bước thứ hai là tạo ra một cộng đồng, một gia đình với những người trẻ này, là nơi thông qua công ăn việc làm và học tập mà họ có thể cảm thấy được yêu thương. Ngài tạo ra cho họ những căn cội mà từ đó họ có thể vươn tới thiên đàng.

Tôi nghĩ về nhiều nơi ở Mỹ Châu Latinh của chúng ta là những nơi đang quảng bá những gì được gọi là “familia grande hogar de Cristo” (nghĩa là đại gia đình Kitô). Với cùng một tinh thần như Quỹ Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà Alfredo đã nói đến và nhiều trung tâm khác nữa. Họ tìm cách chấp nhận cuộc sống như nó xảy đến, trong tổng thể và sự phức tạp của nó, bởi vì họ biết rằng “đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi, và không ngớt đâm chồi nảy lộc” (Gióp 14: 7).

Luôn luôn có thể “đâm chồi nảy lộc” khi có một cộng đồng, một ngôi nhà ấm áp cho phép chúng ta bén rễ, mang lại sự tự tin mà chúng ta cần và chuẩn bị cho trái tim của chúng ta khám phá một chân trời mới: đó là chân trời của một đứa con trai, con gái yêu dấu được tìm kiếm, được tìm thấy và được giao phó một nhiệm vụ. Qua những gương mặt thật này, Chúa mạc khải chính Ngài. Nói “xin vâng” với câu chuyện tình yêu này là nói “xin vâng” để trở thành một phương tiện nhằm xây dựng trong những khu phố của chúng ta những cộng đồng giáo hội có khả năng tiến bước trên đường phố các thành thị của chúng ta, đón nhận và dệt lên những mối quan hệ mới. Trở thành “một người có ảnh hưởng” trong thế kỷ hai mươi mốt này là trở thành những người bảo vệ những gốc rễ, những người bảo vệ tất cả những gì giữ cho cuộc sống của chúng ta không tan biến và bốc hơi vào hư vô. Hãy là những người bảo vệ mọi thứ có thể khiến chúng ta cảm thấy là một phần của nhau, khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta thuộc về nhau.

Đó là những gì Nirmeen đã trải nghiệm tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow. Cô tìm thấy một cộng đồng sống động, vui vẻ chào đón cô, cho cô cảm giác thân thuộc và cho phép cô sống niềm vui đến từ việc được tìm thấy bởi Chúa Giêsu.

Một vị thánh đã từng hỏi: “Có phải sự tiến bộ của xã hội chỉ bao gồm việc sở hữu những chiếc xe hơi mới nhất hoặc mua sắm được những thiết bị mới nhất trên thị trường? Đó có phải là chiều kích vĩ đại của chúng ta như những con người? Có phải đó là tất cả những gì đáng để sống? “(x. Thánh Alberto Hurtado, Suy niệm Tuần Thánh dành cho Giới trẻ, 1946). Vì thế, hãy để tôi hỏi các bạn câu này: Đó có phải là ý tưởng của các bạn về sự cao cả không? Chẳng lẽ các bạn đã không được tạo ra vì những điều gì đó cao trọng hơn sao? Đức Trinh Nữ Maria đã hiểu điều này và nói: “xin vâng như thế!” Erika và Rogelio đã hiểu điều này và nói “xin vâng như vậy!” Alfredo đã hiểu điều này và nói “xin vâng như vậy!”

Hỡi các bạn trẻ, tôi hỏi các bạn: Các bạn có sẵn sàng để nói “xin vâng” không? Tin Mừng dạy chúng ta rằng thế giới sẽ không tốt hơn bởi vì có ít hơn những người bệnh, những người yếu đuối, mỏng giòn hay có ít hơn những người già phải quan tâm, và ít hơn những người tội lỗi. Thay vào đó, thế giới sẽ tốt hơn khi có nhiều người, như các bạn đây, sẵn sàng và không thiếu nhiệt thành trong việc kiến tạo tương lai và tin vào quyền năng biến đổi của Thiên Chúa. Các bạn có sẵn sàng để trở thành “một người có ảnh hưởng” như Đức Maria, là người dám nói “xin vâng như thế” không? Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta nhân bản hơn và viên mãn hơn; mọi thứ khác chỉ là những thứ dược phẩm giả hiệu gây dễ chịu nhưng vô dụng.

Trong một vài khoảnh khắc nữa đây, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu sống động trong giờ chầu Thánh Thể. Các bạn có thể chắc chắn rằng Người có rất nhiều điều muốn nói với các bạn, về những tình huống khác nhau trong cuộc sống, gia đình và đất nước của các bạn.

Đối diện với Người, các bạn đừng sợ mở lòng mình ra và xin Người làm mới lại ngọn lửa tình yêu của Người để các bạn có thể đón nhận cuộc sống với tất cả sự yếu đuối và khiếm khuyết của nó, nhưng cả với sự vĩ đại và vẻ đẹp của nó. Cầu xin Người giúp các bạn tái khám phá vẻ đẹp là được sống.

Đừng ngại nói với Người rằng các bạn cũng muốn trở thành một phần trong câu chuyện tình yêu của Người trong thế giới này, rằng các bạn đã sẵn sàng cho một điều gì đó lớn lao hơn!

Hỡi các bạn: khi các bạn gặp Chúa Giêsu mặt đối mặt, tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho tôi, để tôi cũng không sợ đón nhận cuộc sống, để tôi biết chăm lo cho những căn cội nó, và để tôi có thể nói, như Đức Maria, “Xin vâng như lời Sứ thần truyền!”


Source: Libreria Editrice Vatican WYD: Holy Father’s Speech at Saturday’s Prayer Vigil (Full Text)
 
Phi Luật Tân : Bom nổ trong nhà thờ lúc có thánh lễ sáng Chúa Nhật làm 20 người chết 81 bị thương
Nguyễn Long Thao
10:39 27/01/2019
Phi Luật Tân. - Vào lúc 8:45 sáng, giờ điạ phương, ngày 27 tháng 1 năm 2019, hai quả bom đã phát nổ tại một nhà thờ Công Giáo miền Nam Phi Luật Tân lúc đang có thánh lễ sáng Chúa Nhật làm 20 người chết và 81 người bị thương.

Bom nổ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Núi Carmel tại đảo Jolo. Hai quả bom đã nổ cách nhau một khoảng thời gian. Trái thứ nhất nổ lúc 8 giờ 45 sáng bên trong nhà thờ. Trái thứ hai được gài bên ngoài nhà thờ và phát nổ lúc cảnh sát và lực lượng chính phủ tiến vào cứu trợ.

Hiện nay chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ khủng bố, nhưng từ lâu người ta biết Jolo là một căn cứ quan trọng của nhóm khủng bố Hồi Giáo Abu Sayyaf

Cuộc tấn công đã diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mindanao bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý dành quyền tự trị cho khu vực Bangsamoro, miền nam Phi Luật Tân mà đa số dân chúng ở đây theo Hồi Giáo.

Trong khi da số dân chúng ở Mindanao bổ phiếu chấp thuận cho khu tự trị, thì dân chúng đảo Jolo nơi có nhà thờ bị đánh bom bỏ phiếu chống lại việc tự trị.

Hầu hết các nạn nhân là thường dân đã được đưa bằng đường hàng không tới các bệnh viện ở thành phố Zamboanga

Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân, Delfin Lorenzana, gọi cuộc tấn công này là một hành động liều lĩnh, kêu gọi dân chúng hợp tác với chính quyền để đưa ra công lý những thủ phạm đứng sau cuộc khủng bố.

Tưởng cũng nên nói thêm, cuộc trưng cầu dân ý là kết quả thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Phi Luật Tân và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro.

Chính quyền hy vọng rằng kết quả trưng cầu dân ý sẽ là giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hang chục năm giữa phe chính phủ và phe Hồi Giáo Ly Khai, đã làm cho 120,000 người thiệt mạng.

Nguyễn Long Thao
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019
J.B. Đặng Minh An dịch
11:57 27/01/2019
“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’” (Lc 4: 20-21).

Với những lời này, Tin Mừng trình bày sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sứ vụ ấy bắt đầu trong hội đường nơi đã chứng kiến Ngài lớn lên. Ngài ở giữa những người hàng xóm và những người Ngài quen biết, và có lẽ cả một số giáo lý viên thời thơ ấu của Ngài, là những người đã dạy Lề Luật cho Ngài. Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của vị Thầy: đứa trẻ được giáo dục và lớn lên trong cộng đồng đó, giờ đây đứng lên và dùng diễn đàn này để công bố và đưa vào hành động giấc mơ của Thiên Chúa. Một từ trước đây chỉ được tuyên bố như một lời hứa trong tương lai, nhưng giờ đây, chỉ trên môi miệng của Chúa Giêsu đã có thể được đề cập đến ở thì hiện tại, vì nó đã trở thành một hiện thực: “Hôm nay đã ứng nghiệm”

Chúa Giêsu mạc khải hiện tại của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta và kêu gọi chúng ta dự phần vào hiện tại của Ngài là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4: 18-19). Đây là cái bây giờ của Thiên Chúa. Nó trở nên hiện tại với Chúa Giêsu: nó có khuôn mặt, nó là xác thịt. Đó là một tình yêu thương xót không chờ đợi cho đến khi có những tình huống lý tưởng hay hoàn hảo để thể hiện ra, và cũng chẳng cần phải thanh minh về sự xuất hiện của mình. Đó là thời của Chúa để tạo ra mọi tình huống và nơi chốn vừa đúng đắn vừa xứng hợp. Trong Chúa Giêsu, tương lai đã được hứa bắt đầu và trở thành cuộc sống.

Khi nào? Chính bây giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đang lắng nghe đều cảm thấy được mời hay được kêu gọi. Không phải tất cả cư dân thành Nagiarét đều sẵn sàng tin vào một người mà họ quen biết và đã chứng kiến sự trưởng thành của người ấy, và là người hiện đang mời họ thực hiện một giấc mơ được chờ đợi từ lâu. Không chỉ như thế, mà “họ còn nói ‘Đây không phải là con trai ông Giuse đó sao?’” (Lc 4:22).

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể cụ thể và phổ biến, gần gũi và thực tế như vậy; và còn ít dám tin rằng Ngài có thể trở nên hiện diện và tác động thông qua ai đó như một hàng xóm, một người các bạn, hay một người thân của chúng ta như thế. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể mời chúng ta làm việc và xắn tay cộng tác với Ngài trong Nước Người một cách đơn giản và thẳng thừng như thế. Thật khó chấp nhận rằng “tình yêu của Thiên Chúa có thể trở nên cụ thể và gần như có thể trải nghiệm được trong lịch sử với tất cả những thăng trầm đau đớn và vinh quang của nó” (Đức Bênêđíctô XVI, Buổi tiếp kiến chung ngày 28 tháng 9 năm 2005).

Quá thường là chúng ta hành xử như những người lối xóm của Chúa Giêsu ở Nagiarét: chúng ta thích một Thiên Chúa xa xôi: tốt đẹp, nhân lành, quảng đại nhưng xa cách, một Thiên Chúa không gây bất tiện cho chúng ta. Bởi vì một Thiên Chúa gần gũi và hàng ngày, một người bạn và một người anh em, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những chuyện xung quanh mình, đến công việc hàng ngày và trên hết là tình huynh đệ. Thiên Chúa đã chọn không mạc khải mình dưới hình dạng một thiên thần hay theo một cách ngoạn mục nào đó, nhưng ban cho chúng ta một khuôn mặt thân thiện và huynh đệ, cụ thể và quen thuộc. Thiên Chúa là thực vì tình yêu là thực; Thiên Chúa là cụ thể vì tình yêu là cụ thể. Thật vậy, “biểu hiện cụ thể này của tình yêu là một trong những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của các Kitô hữu” (Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng ngày 1 tháng Ba năm 2006).

Chúng ta cũng có thể gặp cùng những nguy cơ như những người hàng xóm của Chúa tại Nagiarét, khi trong cộng đồng của chúng ta, Tin Mừng tìm cách để được sống một cách cụ thể. Chúng ta bắt đầu nói: Nhưng những người trẻ này, há họ chẳng phải là con của bà Maria, và ông Giuse đó sao, họ chẳng phải là anh chị em cách này cách khác với nhau sao? Đây không phải là những người trẻ chúng ta đã chứng kiến chúng lớn lên đó sao? Còn người đứng đằng kia, chẳng lẽ anh ta không phải là đứa luôn phá bể cửa sổ nhà người ta bằng quả bóng của mình sao? Những gì nảy sinh như một lời tiên tri và một lời công bố về Nước Thiên Chúa lập tức bị thuần hóa và làm cho nghèo nàn. Nỗ lực thuần hóa lời Chúa xảy ra hàng ngày.

Những người trẻ thân mến, các bạn cũng có thể trải nghiệm điều này bất cứ khi nào các bạn nghĩ rằng sứ mệnh, ơn gọi của các bạn, thậm chí là chính cuộc sống của các bạn, là một lời hứa xa vời trong tương lai, chẳng liên quan gì đến hiện tại. Như thể tuổi trẻ là một loại phòng chờ đợi, nơi chúng ta ngồi xung quanh cho đến khi chúng ta được gọi. Và trong “thời gian chờ đợi”, chúng ta, người lớn hoặc chính các bạn phát minh ra một tương lai được niêm phong một cách thật hợp vệ sinh, không có những hậu quả, nơi mọi thứ đều an toàn, bảo đảm và được “bảo hiểm chắc chắn”. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc “giả đò”. Vì vậy, chúng tôi “làm yên lòng” các bạn, chúng tôi làm cho các bạn tê dại trong im lặng, không hỏi han hay chất vấn; và trong đó, trong “thời gian chờ đợi” đó, giấc mơ của các bạn mất dần sức sống, chúng bắt đầu xì hơi và tẻ nhạt, nhỏ nhặt và buồn tẻ (x. Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 25 tháng 3 năm 2018). Chỉ vì chúng tôi nghĩ, hoặc các bạn nghĩ rằng giờ của các bạn chưa đến, rằng các bạn còn quá trẻ để tham gia vào việc mơ tưởng hay hoạt động cho tương lai.

Một trong những thành quả của Thượng hội đồng vừa qua là sự phong phú đến từ việc có thể gặp gỡ và trên hết là lắng nghe nhau. Đó là sự phong phú của việc đối thoại giữa các thế hệ, sự phong phú từ trao đổi và giá trị của việc nhận ra rằng chúng ta cần đến nhau, rằng chúng ta phải nỗ lực tạo ra các kênh và không gian khuyến khích mơ ước và làm việc cho ngày mai, bắt đầu ngay từ hôm nay. Và điều này, không phải trong sự cô lập, mà là bên cạnh nhau, tạo ra một không gian chung. Một không gian không chỉ đơn giản tự nhiên mà có, hay trúng xổ số mà được, nhưng là một không gian mà cả các bạn cũng phải chiến đấu cho nó.

Các bạn trẻ thân mến, các bạn không phải là tương lai mà là hiện tại của Thiên Chúa. Ngài mời mọc và kêu gọi các bạn từ trong các cộng đồng và phố phường của các bạn hãy đi ra ngoài và tìm kiếm những bậc ông bà, những bậc trưởng thượng; đứng lên và cùng với họ nói ra và hiện thực hóa giấc mơ mà Chúa đã mơ ước cho các bạn.

Không phải ngày mai mà bây giờ vì kho tàng của các bạn ở đâu, thì lòng trí các bạn ở đó (x. Mt 6:21). Bất cứ điều gì các bạn yêu thích, nó sẽ lấn át không chỉ lòng trí các bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó sẽ là điều khiến các bạn thức giấc vào lúc ban mai, là điều khiến các bạn tiếp tục tiến bước cả trong những lúc mệt mỏi, là điều sẽ mở lòng các bạn ra và lấp đầy với những ngạc nhiên, niềm vui và lòng biết ơn. Hãy nhận ra rằng các bạn có một sứ vụ và yêu mến sứ vụ ấy; điều đó sẽ quyết định tất cả mọi thứ (x. cha Pedro Arrupe, S.J., Nada es más práctico – Không có gì thực tiễn hơn). Chúng ta có thể sở hữu mọi thứ, nhưng nếu chúng ta thiếu niềm đam mê của tình yêu, chúng ta sẽ không có gì. Chúng ta hãy để cho Chúa làm cho chúng ta biết yêu!

Đối với Chúa Giêsu, không có “thời gian chờ đợi”, nhưng chỉ có một tình yêu thương xót muốn xâm nhập và chiến thắng trái tim của chúng ta. Ngài muốn trở thành báu vật của chúng ta, bởi vì Ngài không phải là một “thời gian chờ đợi”, một khoảng khắc trong cuộc sống hay một mốt nhất thời; Người là tình yêu quảng đại mời gọi chúng ta tín thác.

Người cụ thể, gần gũi, và là tình yêu thực sự. Người là niềm vui lễ hội, phát sinh từ việc lựa chọn và tham gia vào dự phóng diệu kỳ của đức cậy và đức ái, của tình liên đới và tình huynh đệ, bất chấp ánh mắt bị tê liệt hay gây ra tê liệt vì sợ hãi và loại trừ, suy đoán và thao túng.

Anh chị em thân mến, Chúa và sứ mệnh của Người không phải là một “thời gian chờ đợi” trong cuộc sống của chúng ta, không phải một điều gì đó tạm thời; nhưng là cuộc sống của chúng ta!

Cách riêng trong những ngày này, tiếng xin vâng của Đức Maria đã và đang thì thầm như một loại nhạc nền. Mẹ không chỉ tin nơi Chúa và vào những lời hứa của Người như một điều gì đó có thể, nhưng Mẹ còn tin chính Chúa và dám nói tiếng vâng để tham gia vào hiện tại này của Thiên Chúa. Mẹ cảm thấy mình có một sứ vụ; Mẹ đã yêu và điều đó quyết định tất cả.

Như trong hội đường Nagiarét, Chúa lại đứng lên giữa chúng ta là các bạn bè và người quen của Người; Người cầm cuốn sách và nói với chúng ta rằng ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh em vừa nghe.’ (Lc 4:21).

Các bạn có muốn sống thể hiện tình yêu của mình một cách cụ thể không? Cầu xin cho tiếng “xin vâng” của các bạn tiếp tục trở thành cửa ngõ cho Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một Lễ Ngũ Tuần mới cho thế giới và cho Giáo Hội.


Source: Vatican News Pope WYD Panama: Homily at concluding Mass - full text
 
Lời tri ân của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019
J.B. Đặng Minh An dịch
12:20 27/01/2019


Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố rằng thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha được chọn là nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2022.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã phát biểu như sau:


Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội chia sẻ những ngày này cùng nhau và trải nghiệm một lần nữa Ngày Giới trẻ Thế giới.

Đặc biệt, tôi xin cám ơn Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodríguez, các vị tổng thống của các quốc gia khác và các nhà hữu trách chính trị và dân sự khác vì sự hiện diện của họ trong buổi lễ này.

Tôi cảm ơn Đức cha Jose Domingo Ulloa Mendieta, Tổng giám mục Panama, vì sự quảng đại và tận tụy của ngài trong việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này trong giáo phận của ngài, cũng như các giám mục khác của Panama và các nước láng giềng, vì tất cả những gì họ đã làm trong cộng đồng của họ để cung cấp chỗ ở và sự hỗ trợ cho đông đảo những người trẻ.

Tôi cũng xin cám ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng ta bằng những lời cầu nguyện, và những người đã giúp đỡ bằng những nỗ lực và những công việc cam go để biến giấc mơ Ngày Giới trẻ Thế giới này thành hiện thực trên đất nước này.

Và với các bạn, những người trẻ tuổi thân mến, một tiếng “cám ơn” thật lớn dành cho các bạn. Niềm tin và niềm vui của các bạn đã khiến Panama, Mỹ Châu và toàn thế giới rung chuyển! Như chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong những ngày này trong bài hát chủ đề Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Như dân lữ hành của Chúa, chúng con được tập trung nơi đây hôm nay từ mọi châu lục và thành phố”. Chúng ta đang trên một cuộc hành trình, hãy tiếp tục tiến bước, tiếp tục sống đức tin và chia sẻ đức tin ấy. Đừng quên rằng các bạn không phải là “thời gian chờ đợi”, các bạn là hiện tại của Thiên Chúa.

Địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo đã được công bố. Tôi yêu cầu các bạn đừng để lòng nhiệt thành của những ngày này trở nên lạnh lẽo. Hãy quay trở lại các giáo xứ và cộng đồng của các bạn, gia đình và bạn bè của các bạn và chia sẻ kinh nghiệm này, để những người khác có thể cộng hưởng với sức mạnh và lòng nhiệt thành của các bạn. Cùng với Đức Maria, hãy tiếp tục nói tiếng xin vâng với giấc mơ mà Chúa đã gieo trong lòng các bạn.

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.


Source: Vatican News Pope WYD Panama: Homily at concluding Mass - full text
 
Bài giảng lúc đọc kinh Truyền Tin của Đức Phanxicô tại Casa Hogar El Buen Samaritano ở Panama
Vũ Văn An
17:17 27/01/2019

‘Đó là cách phép lạ diễn ra: chúng ta cảm thấy ở đây chúng ta được tái sinh, ở đây chúng ta được tái sinh vì chúng ta cảm thấy sự mơn trớn của Thiên Chúa, một sự mơn trớn giúp chúng ta mơ ước một thế giới có tính người nhiều hơn, và do đó mơ ưo871c một thế giới có tính Thiên Chúa hơn’

Sau đây là bản văn do Tòa Thánh cung cấp về bài giảng lúc đọc Kinh Truyền Tin của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong ngày sau cùng của chuyến tông du Panama để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Các bạn trẻ thân mến,
Các Giám đốc, Cộng sự và Nhân viên Mục vụ,
Các bạn thân mến,

Cảm ơn cha Domingo, vì những lời chào của cha thay mặt cho mọi người hiện diện. Tôi vốn mong chờ cuộc gặp gỡ này với các bạn ở đây thuộc Ngôi nhà Samaritanô nhân hậu này, và với những người trẻ khác từ Trung tâm Gioan Phaolô II, Nhà Thánh Giuse của các Nữ tu Bác ái và “Nhà tình yêu” của Dòng anh em của Chúa Giêsu tại Kkottonngae. Ở bên các bạn hôm nay cho tôi lý do để có một hy vọng đổi mới. Cảm ơn các bạn đã cho tôi điều này.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này, tôi đã có thể đọc chứng từ của một thành viên trong Ngôi nhà này, một chứng từ đã làm trái tim tôi xúc động. Chứng từ đó viết: “Ở đây, tôi đã tái sinh”. Ngôi nhà này, và tất cả các trung tâm mà các bạn đại diện, là dấu chỉ một cuộc sống mới mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Thật dễ dàng xác nhận đức tin của một số anh chị em của chúng ta khi chúng ta nhìn thấy nó hành động trong việc xức dầu các vết thương, làm tươi mới lại niềm hy vọng và khuyến khích đức tin.

Cũng không phải những người mà chúng ta có thể gọi là “những người thụ hưởng hàng đầu” trong các nhà của các bạn là những người duy nhất được tái sinh; ở đây, Giáo hội và đức tin cũng được sinh ra và liên tục được tái tạo bằng tình yêu.

Như Cha Domingo đã nói với chúng ta: Chúng ta bắt đầu được tái sinh khi Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đôi mắt để nhìn những người khác, không chỉ như những người chúng ta sống cùng - và điều này cũng đã nói lên rất nhiều rồi - nhưng như những người hàng xóm của chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng một ngày nọ, Chúa Giêsu được người ta hỏi: Người hàng xóm của tôi là ai? (Lc 10,29). Người đã không trả lời bằng các lý thuyết, hoặc đưa ra một bài diễn văn chải chuốt, kiêu kỳ. Thay vào đó, Người kể một câu chuyện - chuyện dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu - một thí dụ cụ thể rút ra từ đời thực mà tất cả các bạn đều biết và trải nghiệm. Người hàng xóm của tôi trước hết là một khuôn mặt mà tôi gặp trên đường đi, một khuôn mặt khiến chúng ta di chuyển và bị lay động. Di chuyển khỏi những cách cố định thực hiện sự việc và những ưu tiên của chúng ta, và bị lay động sâu sắc bởi những gì người đó đang trải nghiệm đến nỗi chúng ta dừng lại và nhường chỗ cho anh ấy hoặc cô ấy trên hành trình của chúng ta. Đó là những gì người Samaritanô nhân hậu nhận ra khi nhìn thấy người đàn ông bị bỏ rơi nửa chết ở bên đường, không chỉ bởi những tên cướp mà còn bởi sự thờ ơ của một linh mục và một thầy lêvi, những người không thể bận tâm đến việc đi tới để giúp đỡ ông ta. Vì sự thờ ơ cũng có thể gây thương tích và giết người. Một số vì một vài đồng tiền khốn khổ, một số khác vì sợ trở nên ô uế.

Bất cứ vì lý do nào của họ, hoặc khinh miệt hay ác cảm xã hội, họ không thấy gì sai lầm khi để người đàn ông đó nằm lại bên lề đường. Người Samaritanô nhân hậu, bất luận trong truyện dụ ngôn hay trong tất cả các ngôi nhà của các bạn, cho chúng ta thấy rằng người hàng xóm của chúng ta trước hết là một con người, một con người có khuôn mặt thật, một khuôn mặt đặc thù, không phải là một điều để tránh né hoặc làm ngơ, bất luận tình huống của anh ta hay cô ta như thế nào. Và khuôn mặt đó biểu lộ nhân tính của chúng ta, rất thường đau khổ và bị làm ngơ.

Như thế, người hàng xóm của chúng ta là một khuôn mặt hết sức gây bất tiện cho cuộc sống của chúng ta, bởi vì nó nhắc nhở chúng ta và chỉ ra các bước tiến cho chúng ta hướng tới những gì thực sự quan trọng, và nó giải phóng chúng ta khỏi tất cả những gì nhàm sáo và hời hợt trong cung cách chúng ta bước theo chân Chúa.

Được hiện diện ở đây là được chạm vào khuôn mặt mẫu thân của Giáo hội, một khuôn mặt có khả năng nói tiên tri và tạo ra một căn nhà, tạo ra một cộng đồng. Khuôn mặt Giáo hội thường không được nhìn thấy; nó đi qua mà không được ai lưu ý.

Tuy nhiên, nó là một dấu chỉ của lòng thương xót cụ thể và tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, một dấu chỉ sống động của tin mừng phục sinh mà ngay cả bây giờ vẫn đang hoạt động trong cuộc sống của chúng ta.

Tạo ra một căn nhà là tạo ra một gia đình. Đó là học cách cảm thấy được nối kết với những người khác bằng những ràng buộc lớn hơn là thực dụng và thực tiễn, những ràng buộc khiến chúng ta cảm thấy cuộc sống của chúng ta có tính nhân bản hơn một chút. Tạo ra một căn nhà là để cho lời tiên tri lên xương thịt và làm cho ngày giờ của chúng ta bớt lạnh lẽo, thờ ơ và vô danh hơn.

Đó là tạo ra những mối dây ràng buộc qua các hành vi đơn giản, hàng ngày mà tất cả chúng ta đều có thể làm. Một căn nhà, và căn nhà này tất cả chúng ta đều biết rất rõ, đòi mọi người phải làm việc với nhau. Không ai có thể thờ ơ hoặc xa cách, vì mỗi người là một viên đá cần thiết để xây dựng căn nhà. Và điều đó cũng có nghĩa là xin Chúa ban cho chúng ta ơn thánh để học cách kiên nhẫn, tha thứ cho nhau, để bắt đầu lại mỗi ngày. Tôi nên tha thứ và bắt đầu lại bao nhiêu lần? Bảy mươi lần bảy lần, bao nhiêu lần nếu cần thiết. Tạo ra những mối dây ràng buộc mạnh mẽ đòi sự tin tưởng và tín thác được nuôi dưỡng hàng ngày bằng kiên nhẫn và tha thứ.

Đó là cách phép lạ diễn ra: chúng ta cảm thấy ở đây chúng ta được tái sinh, ở đây chúng ta được tái sinh vì chúng ta cảm thấy sự mơn trớn của Thiên Chúa, một sự mơn trớn giúp chúng ta mơ ước một thế giới có tính người nhiều hơn, và do đó mơ ước một thế giới có tính Thiên Chúa hơn.

Tôi cảm ơn tất cả các bạn về gương sáng và sự quảng đại của các bạn. Tôi cũng cảm ơn các định chế của các bạn, và các tình nguyện viên và các nhà hảo tâm. Tôi cảm ơn tất cả những người đã làm cho Tình yêu của Thiên Chúa trở nên cụ thể và có thực hơn bao giờ hết bằng cách nhìn vào mắt những người xung quanh ta và thừa nhận rằng chúng ta thẩy đều là hàng xóm. Bây giờ, lúc chúng ta sắp sửa đọc kinh Truyền Tin, tôi phó thác các bạn cho Đức Mẹ của chúng ta. Chúng ta xin Đức Mẹ, trong tư cách một bà mẹ nhân từ, đầy tình yêu dịu dàng và gần gũi, dạy chúng ta mỗi ngày một cố gắng để khám phá ra ai là người hàng xóm của của chúng ta, và giúp chúng ta nhanh chóng ra đi gặp gỡ họ, cho họ một căn nhà, một vòng ôm, nơi việc chăm sóc và tình yêu anh em gặp nhau. Đây là một sứ mệnh liên quan đến mỗi người chúng ta.

Tôi khuyến khích các bạn đặt bên dưới tà áo Đức Mẹ mọi mối quan tâm và nhu cầu của các bạn, mọi nỗi buồn và nỗi đau của các bạn, để, như một người Samaritanô nhân hậu, Đức Mẹ sẽ đến với chúng ta và giúp đỡ chúng ta bằng tình yêu mẫu thân và với nụ cười của ngài, nụ cười của một Bà Mẹ.
Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần...
 
Các Tổng Thống Trung Mỹ kéo nhau tham dự Thánh Lễ Bế Mạc WYD tại Panama
Vũ Văn An
18:36 27/01/2019


Theo tin của hãng Associated Press, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ cuối cùng hôm Chúa Nhật trước khoảng 700,000 người và các tổng thống của Trung Mỹ để bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại một khuôn viên ở Panama City, ngợp cờ khắp Mỹ Châu.

Vatican cho hay các tổng thống Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Panama và Portugal đã tham dự Thánh Lễ này, cũng như hàng trăm ngàn khách hành hương từng cắm trại ở khuôn viên này sau buổi canh thức cầu nguyện đêm hôm trước.

Người hành hương Sawadogo Kiswensidad, từ Burkina Faso tới, cho hay "chuyến đi của chúng tôi rất dài nhưng thật đáng giá vì chúng tôi tới đây, tới Panama City, vì đức tin, đức tin Kitô giáo của chúng tôi”.

Sau Thánh Lễ, Đức Phanxicô đã tới một nhà do giáo hội quản trị dành cho những người mắc HIV, một cuộc viếng thăm chắc chắn chuyển tải một sứ điệp mạnh mẽ tại Panama, nơi AIDS bị coi là một vết nhơ.

Cha Domingo Escobar, giám đốc Casa Hogar El Buen Samaritano nói “Nhiều người chúng tôi giúp đỡ ở đây bị gia đình, người ngoài phố từ bỏ. Nhưng ở đây, họ nhận được sự giúp đỡ của Kitô hữu, như giáo hội mong muốn”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng gặp các thiện nguyện viên trước khi lên đường về Rôma.

Vào hôm thứ Bẩy, Đức Phanxicô ăn trưa với một số người hành hương trong một cuộc gặp gỡ được Vatican mô tả là thân quen và lễ hội. Các người trẻ nói họ ngạc nhiên trước thái độ xuềnh xoàng của Đức Phanxicô và sự lưu ý của ngài tới các câu hỏi của họ.

Brenda Noriega, một thừa tác viên tuổi trẻ gốc Mễ Tây Cơ, hiện sống ở San Bernardino, California, nói cô thưa với Đức Giáo Hoàng rằng tai tiếng lạm dụng tình dục ở Hoa Kỳ là một “cuộc khủng hoảng mà ngay bây giờ chúng ta không thể tránh việc nói tới nó”. Cô cho hay Đức Phanxicô gọi việc lạm dụng là “một tội ác gớm ghiếc” và bảo đảm với cô là Giáo Hội cam kết hỗ trợ các nạn nhân.

Cô nói rằng Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến việc cần phải cầu nguyện; ngài lưu ý việc ngài đã khuyên các giám mục Hoa Kỳ dự cuộc tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của vị giảng thuyết riêng của ngài đầu tháng này trước cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Hai về việc ngăn ngừa lạm dụng tại Vatican.

Noriega nói với các ký giả sau bữa ăn trưa: “với tôi trong tư cách thừa tác viên tuổi trẻ, điều này rất có ý nghĩa. Là các thừa tác viên tuổi trẻ, chúng tôi vốn hiện diện với những người giận giữ, nhưng đôi khi quên cả việc cầu nguyện. Chúng tôi phản ứng quá dễ dãi và quá nhanh. Nên tôi nghĩ điều Đức Thánh Cha muốn nói với chúng tôi và giáo hội là: trước hết phải cầu nguyện, xây dựng cộng đồng và đừng quên việc đồng hành”.

Đây là lần đầu tiên tai tiếng lạm dụng đã công khai được nêu lên trong chuyến viếng thăm 4 ngày của Đức Phanxicô tại Panama. Cuộc khủng hoảng này không công khai diễn ra ở Trung Mỹ cùng một cách như ở Hoa Kỳ, nơi hàng giáo phẩm Công Giáo đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng niềm tin vì các thất bại hàng nhiều thập niên trong việc bảo vệ người trẻ khỏi các vụ linh mục hãm hiếp và mò mẫm trẻ em.

Trong bữa ăn trưa tổ chức tại đại chủng viện chính của Panama City, các thực khách đã đặt nhiều câu hỏi với Đức Phanxicô.

Người hành hương Palestin là Dana Salah nói rằng cô hỏi Đức Giáo Hoàng về số phận các Kitô hữu tại quê hương của Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng hứa với cô “Palestine sẽ luôn mãi là quê hương của Chúa Giêsu”.

Emilda Santo Montezuma, một người bản địa Panama, nói rằng cô nói với Đức Phanxicô về môi trường và quyền của người bản địa – hai vấn đề đặc biệt thân thiết với Đức Phanxicô, sẽ là tập chú trong cuộc họp của các giám mục vùng Amazon tại Vatican vào cuối năm nay. Cô nói, sự hỗ trợ của Đức Phanxicô sẽ làm cho người bản địa thêm can đảm để đấu tranh cho quyền lợi của họ.

Cô nói với các nhà báo: “Nó làm tôi tràn trề sức mạnh và nói với người trẻ rằng chúng ta có thể làm nhiều, và hơn những điều chúng ta đã làm”.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với các tình nguyện viên tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
J.B. Đặng Minh An dịch
20:15 27/01/2019
20,000 tình nguyện viên người Panama tại địa phương và hơn 2,200 tình nguyện viên quốc tế đã dành nhiều tuần lễ để giúp đỡ hàng trăm ngàn các bạn trẻ hành hương trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama.

Để bày tỏ lòng biết ơn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cuộc gặp gỡ đặc biệt các tình nguyện viên tại sân vận động Rommel Fernandez.

Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn trẻ tình nguyện viên thân mến,

Trước khi chúng ta kết thúc việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới, tôi muốn gặp gỡ tất cả các bạn và cám ơn mỗi một người trong các bạn vì việc phục vụ mà các bạn đã thực hiện trong những ngày này và trong những tháng trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Cảm ơn Bartosz, Stella Maris del Carmen và Maria Margarida đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của các bạn. Thật là quan trọng dường nào để lắng nghe họ và đánh giá cao tình bạn nảy sinh khi chúng ta đến với nhau để phục vụ người khác. Chúng ta trải nghiệm rằng đức tin chúng ta giờ đây có một hương vị và sức mạnh hoàn toàn mới như thế nào: nó trở nên sống động, năng động và thực tế hơn. Chúng ta trải nghiệm một loại niềm vui đặc thù từ việc có cơ hội làm việc bên cạnh những người khác để đạt được một ước mơ chung. Tôi biết rằng tất cả các bạn đã trải nghiệm điều này.

Giờ đây các bạn có thể cảm nhận rằng con tim chúng ta đập nhanh hơn khi chúng ta có một sứ vụ, không phải vì ai đó nói với các bạn điều này, mà bởi vì chính các bạn đã trải nghiệm điều đó nơi bản thân mình. Các bạn đã trải nghiệm trong cuộc sống của riêng mình rằng “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13).

Các bạn cũng đã phải trải qua một số khoảnh khắc khó khăn đòi hỏi phải hy sinh thêm nữa. Như bạn Bartosz đã nói với chúng ta, chúng ta cũng trải nghiệm những yếu điểm của chính mình. Điều tốt là các bạn đã không để cho những nhược điểm ấy cản trở sứ vụ của các bạn, hoặc làm cho các bạn phân tâm. Các bạn đã trải qua các kinh nghiệm ấy khi phục vụ người khác, khi cố gắng hiểu và giúp đỡ những tình nguyện viên và khách hành hương khác, nhưng các bạn đã quyết tâm không để điều này ngăn cản các bạn hoặc làm tê liệt các bạn, các bạn đã đi tiếp trên con đường của mình. Đó là vẻ đẹp của việc biết rằng chúng ta được sai đi, đó là niềm vui khi biết rằng, bất chấp mọi khó khăn, chúng ta có một sứ vụ để thực hiện. Đừng để cho những giới hạn của chúng ta, những nhược điểm và thậm chí là tội lỗi của chúng ta cản trở chúng ta và ngăn cản chúng ta sống sứ mệnh, bởi vì Chúa mời gọi chúng ta làm những gì chúng ta có thể và yêu cầu cả những gì chúng ta không thể, với nhận thức rằng tình yêu của Người đang chiếm lấy chúng ta và biến đổi chúng ta dần dần (xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ hân hoan, 49-50). Hãy đặt việc phục vụ lên hàng đầu, và các bạn sẽ thấy mọi thứ khác sẽ theo sau.

Cám ơn tất cả các bạn, bởi vì trong những ngày này, các bạn đã chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhất, tuy bình thường và dường như không đáng kể, như trao tặng ai đó một ly nước. Tuy nhiên, các bạn cũng đã quan tâm đến những điều lớn hơn đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận. Các bạn đã chuẩn bị mọi chi tiết với niềm vui, sự sáng tạo và dấn thân, và với nhiều lời cầu nguyện. Vì khi chúng ta cầu nguyện về mọi chuyện, chúng ta cảm thấy chúng sâu sắc hơn. Cầu nguyện mang lại sức mạnh và sức sống cho mọi việc chúng ta làm. Khi cầu nguyện, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là một phần của một gia đình lớn hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy hoặc tưởng tượng. Khi cầu nguyện, chúng ta mở ra tất cả những gì chúng ta làm cho Giáo hội trước mặt các thánh là những vị chỉ đường cho chúng ta, hỗ trợ và đồng hành với chúng ta từ thiên đàng, nhưng trên hết, chúng ta mở ra tất cả trước mặt Chúa.

Các bạn đã dành thời gian, năng lượng và tài nguyên của mình để mơ ước và xếp đặt mọi thứ cho cuộc gặp gỡ này. Các bạn có thể dễ dàng chọn làm những việc khác, nhưng các bạn muốn được tham gia, muốn được cống hiến hết sức mình để làm chất xúc tác cho phép lạ hóa bánh và cả hy vọng ra nhiều. Ở đây, một lần nữa, các bạn đã chỉ ra rằng có thể đặt lợi ích của mình sang một bên để giúp đỡ người khác. Như bạn Stella Maris đã làm, khi bạn dành dụm để có thể tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, nhưng quyết định không đi, để bạn có thể ở nhà chăm sóc cho ba người ông bà của mình. Bạn đã từ bỏ điều mà bạn muốn làm và đã mơ ước từ lâu, để giúp đỡ và đồng hành cùng gia đình, để tôn vinh cội nguồn của bạn. Nhưng Chúa đã lặng lẽ chuẩn bị một món quà cho bạn; Ngài đã mang Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đến đất nước Panama của bạn. Giống như Stella Maris, nhiều bạn cũng đã hy sinh. Bạn phải hoãn lại ước mơ của mình để chăm sóc đất đai, cội nguồn của bạn. Chúa luôn ban phước cho điều đó, và Ngài không bao giờ chịu thua về phương diện hào phóng. Mỗi khi chúng ta từ bỏ một thứ gì đó mà chúng ta thích vì lợi ích của người khác và đặc biệt là những người cần nhất, hay vì những căn cội của chúng ta như trong trường hợp những ông bà và người già, Chúa đền bù cho chúng ta gấp trăm lần. Vì khi nói đến sự hào phóng, không ai có thể đánh bại Người; Khi yêu, không ai có thể vượt qua Người. Các bạn ơi, hãy cho đi và các bạn sẽ được trao, và các bạn sẽ trải nghiệm cách Thiên Chúa “đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6:38).

Các bạn đã có một kinh nghiệm sống động và thực tế hơn về đức tin; các bạn đã trải nghiệm sức mạnh phát sinh từ lời cầu nguyện và một loại niềm vui mới và khác biệt, đó là thành quả của việc hoạt động bên cạnh ngay cả với những người các bạn chưa hề quen biết. Bây giờ là thời điểm các bạn được sai đi: hãy tiến ra và kể lại, hãy tiến ra và làm chứng, hãy tiến ra và truyền bá về tất cả mọi thứ các bạn đã thấy và đã nghe. Các bạn thân mến, hãy cho mọi người biết về những gì đã xảy ra trong những ngày này. Không phải bằng nhiều lời mà đúng hơn, như các bạn đã làm ở đây, đó là bằng những cử chỉ đơn sơ và bình thường, những cử chỉ biến đổi và làm mới mỗi giờ trong ngày.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước lành của Ngài cho chúng ta. Nguyện xin Chúa ban phép lành cho gia đình và cộng đồng của các bạn, và tất cả những người các bạn sẽ gặp và tiếp xúc trong những ngày tới. Chúng ta cũng hãy đặt mình dưới lớp áo của Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ luôn đồng hành cùng các bạn. Và, như tôi đã nói với các bạn ở Krakow, tôi không biết liệu tôi sẽ ở đó trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo hay không, nhưng Phêrô chắc chắn sẽ ở đó để củng cố các bạn trong đức tin. Hãy tiếp tục, với lòng can đảm và sức mạnh, và xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cám ơn các bạn.


Source: Vatican News Pope's speech to WYD volunteers: Full text
 
Tin ghi nhanh của A.P. về ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Panama
Vũ Văn An
21:31 27/01/2019

Sau đây là bản tin ghi nhanh về ngày cuối cùng, 27 tháng 1, của Đức Phanxicô tại Panama theo giờ địa phương:

1:30 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang kết thúc chuyến đi đầu tiên đến Trung Mỹ với Thánh lễ Ngày Giới trẻ Thế giới cuối cùng và chuyến viếng thăm một ngôi nhà do giáo hội điều hành cho những người mắc bệnh AIDS.

Hôm Chúa Nhật, Đức Phanxicô gặp các cư dân nhiễm HIV ở Casa Hogar El Buen Samaritano, một việc có khả năng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ ở Panama, nơi người mắc vi khuẩn này mang theo một vết nhơ.

Ngài sẽ trở về nhà sau khi cử hành thánh lễ buổi sáng cho hàng trăm ngàn người hành hương tại khu vực Metropark của Thành phố Panama. Nó được lên kế hoạch sớm để những người hành hương có thể thoát khỏi cái nóng thiêu đốt và bắt đầu trở về nhà sau một lễ hội tôn giáo kéo dài một tuần.

8:15 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cử hành Thánh lễ sáng sớm cho hàng trăm ngàn thanh niên cắm trại trên một cánh đồng của Thành phố Panama để được tham dự cao điểm của Ngày Giới trẻ Thế giới.

Vatican dẫn lời các nhà tổ chức cho biết khoảng 700,000 người đã có mặt trong Thánh lễ Chúa Nhật, bao gồm các tổng thống Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Panama và Bồ Đào Nha.

Hầu hết những người hành hương đã tham dự một buổi tối thứ bảy canh thức và cắm trại dưới trời đầy sao tại cánh đồng, được đổi tên thành cánh đồng Gioan Phaolô II theo tên vị Giáo hoàng Ba Lan, người đã đến thăm Panama năm 1983.

Người hành hương Sawadogo Kiswensidad đến Panama từ Burkina Faso và có mặt để gặp Đức Phanxicô. Kiswensidad nói: "Chuyến đi của chúng tôi (từ Burkina) rất dài nhưng nó đáng giá vì chúng tôi đến đây ở Thành phố Panama vì đức tin, đức tin Kitô giáo của chúng tôi."

Thánh lễ đánh dấu việc chính thức kết thúc Ngày Giới trẻ Thế giới, lễ hội tôn giáo ba năm một lần mà Đức Gioan Phaolô II đã phát động trong triều đại giáo hoàng kéo dài 1 phần tư thế kỷ của ngài.

Sau thánh lễ, Đức Phanxicô đi thăm các bệnh nhân AIDS trước khi trở về Rôma.

9:10 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục những người Công Giáo trẻ tuổi nắm lấy ngày này và đừng đợi đến một tương lai xa xôi mới biến giấc mơ của họ thành hiện thực.

Đức Phanxicô đưa ra một thông điệp về hy vọng và cơ hội vào Chúa Nhật khi ngài chính thức bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới tại Panama trước đám đông mà Vatican ước tính khoảng 700,000 người, kể cả các tổng thống từ khắp Trung Mỹ.

Vị Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử đã tìm cách khuyến khích những người Công Giáo trẻ tuổi trở thành các nhân vật chủ đạo trong giáo hội; ngài từng nổi tiếng vì đã nói với những người hành hương Argentina tại Ngày Giới trẻ Thế giới đầu tiên của ngài, vào năm 2013 tại Rio de Janeiro, rằng hãy "gây rối" và làm rung chuyển các phòng áo lễ của họ.

Ngài tiếp tục sứ điệp ấy hôm Chúa Nhật bằng cách nói với những người trẻ ở Panama đừng giữ im lặng và chờ được gọi mới hành động.

Ngài nói: "Các con, những người thân yêu, các con không phải là tương lai mà là hiện tại của Thiên Chúa."

9:50 giờ sáng

Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp của Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, người đứng đầu văn phòng giáo dân của Vatican, đã tuyên bố địa điểm vào cuối lễ hội giới trẻ hôm Chúa Nhật. Hàng chục thanh niên quấn cờ Bồ Đào Nha nhảy lên vui sướng ngay trên bàn thờ sau khi thông báo.
Thông thường địa điểm của Ngày Giới trẻ Thế giới kế tiếp là một bí mật được giữ kín. Nhưng Lisbon đã rò rỉ hồi tháng trước trên các phương tiện truyền thông Công Giáo, và tổng thống Bồ Đào Nha đã có mặt ở Panama để được nghe thông báo chính thức.

Các Ngày Giới trẻ Thế giới thường thu hút hàng trăm ngàn thanh niên từ khắp nơi trên thế giới, du hành trong các nhóm giáo xứ hoặc đi một mình. Thánh Gioan Phaolô II đã phát động các lễ hội ba năm một lần như một cách để tiếp thêm sinh lực cho thế hệ Công Giáo tiếp theo trong đức tin của họ.

Dù Đức Hồng Y Farrell không công bố ngày giờ, nhưng cuộc tụ tập này được dự kiến vào năm 2022.

11:50 giờ sáng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vinh danh 21 người thiệt mạng sau vụ đánh bom xe của một học viện cảnh sát Colombia vào ngày 17 tháng 1.

Đức Phanxicô đã đọc to tên của các học viên thuộc học viện cảnh sát vào hôm Chúa Nhật, cuối chuyến thăm Panama khi đi thăm một ngôi nhà dành cho những người bị nhiễm HIV. Sau khi ngài đọc từng tên, cư dân của ngôi nhà đã hô "hiện diện" như một dấu hiệu liên đới.

Đức Phanxicô cầu nguyện cho các học viên được yên nghỉ và cho Colombia nói chung tìm được sự bình an. Ngài tố cáo rằng các học viên đã bị "ám sát" bởi "những kẻ khủng bố".

Quân đội Giải phóng Quốc gia đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xe, nói rằng cuộc tấn công vào một cơ sở quân sự là một phản ứng chính đáng đối với việc các lực lượng vũ trang ném bom một trại du kích trong cuộc ngừng bắn đơn phương gần đây.

Đức Phanxicô đã đến thăm Colombia vào năm 2017 trong một nỗ lực nhằm khuyến khích chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất của Châu Mỹ Latinh.

2:00 giờ chiều

Đối với các viên chức Vatican, đây không hẳn chỉ có làm việc mà không được vui chơi trong chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Panama.

Điều phối viên truyền thông của Vatican, Andrea Tornielli, viết rằng Đức Hồng Y Pietro Parolin đã thực hiện một chuyến đi nhanh đến kênh đào liên đại dương vào hôm thứ Bảy.

Nhận lời mời của chính quyền kênh đào, ngài ngồi tại một trạm điều khiển và mở một trong những ổ khóa bằng một cú click con chuột để mở đường cho một tàu du lịch đi vào Thái Bình Dương.

Tornielli tường thuật rằng Đức Hồng Y Parolin mỉm cười và nói đùa: "Hãy hy vọng không có thiệt hại nào được thực hiện!"

Ngài là quốc vụ khanh của Vatican.

Kênh đào Panama là điểm thu hút khách du lịch số 1 của quốc gia Trung Mỹ và đóng góp chính vào nền kinh tế của đất nước.

Nó được khánh thành năm 1914 và trải qua một đợt mở rộng trị giá 5.25 tỷ đô la khởi đầu năm 2016 để các tàu chở hàng lớn hơn có thể qua lại.

5:15 giờ chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thúc giục các tình nguyện viên trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 ra đi và làm chứng cho kinh nghiệm của họ.

Đức Giáo Hoàng nói rằng họ nên cho người khác biết "bằng những cử chỉ đơn giản và bình thường, những cử chỉ biến đổi và làm mới mỗi giờ khắc trong ngày".

Ngài cũng đã cảm ơn từng người vì "việc phục vụ họ đã thực hiện trong những ngày này và trong những tháng trước đây", trước các biến cố này. Ngài nói thêm, "Bây giờ các bạn biết trái tim chúng ta đập nhanh hơn ra sao khi chúng ta có một sứ mệnh”.

Các nhận xét của Đức Phanxicô được đưa ra tại sân vận động Rommel Fernandez của thành phố Panama hôm Chúa Nhật trong biến cố công cộng cuối cùng trước khi bay về Rome.

Ngài được nghinh đón tại sân vận động bằng những tiếng hô "Đây là tuổi trẻ của Đức Giáo Hoàng!"

Đức Phanxicô cũng đã nghe các chứng từ của một số tình nguyện viên trẻ, và các nghệ sĩ trẻ đã trình diễn các bài hát và điệu nhảy trên sân khấu.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Thường Vụ Giáo Xứ - Giáo Phận Đà Nẵng Gặp Mặt dịp Tất Niên Mậu Tuất và Mừng Tân Niên Kỷ Hợi 2019
Tôma Trương Văn Ân
11:00 27/01/2019
Ban Thường Vụ Giáo Xứ - Giáo Phận Đà Nẵng Gặp Mặt dịp Tất Niên Mậu Tuất và Mừng Tân Niên Kỷ Hợi 2019

Theo thông lệ của Giáo phận Đà Nẵng, nhân dịp tất niên Mậu Tuất và mừng tân niên Kỷ Hợi 2019, lúc 9 giờ sáng, ngày 26 / 1 / 2019, hơn 250 Thành viên Ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ, của 50 Giáo xứ và 8 Giáo Họ biệt lập của Giáo phận Đà Nẵng đã gặp gỡ, học hỏi quy chế Hội đồng mục vụ và lắng nghe huấn từ của Đức Giám Mục Giáo phận, cùng chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và mừng năm mới tai hội trường Tòa giám mục Đà Nẵng.

Xem Hình

Cha PX Nguyễn Văn Thịnh, Đặc trách mục vụ Giáo dân đã giúp cho các Thành viên tham dự hiểu rõ hơn một số điều chính yếu quan trọng của Qui chế Hội đồng mục vụ ( HĐMV). Trong bài hướng dẫn của Cha Đặc trách và cả Huấn từ của Đức Giám Mục ngay sau đó, Các Ngài đã nêu các Đức tính cần có và đủ của Thành viên HĐMV như: tâm tình phục vụ và một đời sống nhân bản, gia đình mẫu mực, nhiệt tình cộng tác xây dựng, phát triển, điều hành và quản trị Giáo xứ, góp phần nâng cao đời sống xã hội và đạo đức của các thành viên trong Giáo xứ; cộng tác với Linh mục quản xứ và hàng Giáo Sỹ trong sự hiệp thông, sống Đức Tin và Loan báo Tin Mừng; có đời sống Tín lý và Đạo đức trong công việc mục vụ - phục vụ Cộng đoàn tại các Giáo xứ và thực hiện sự điều phối của Giáo phận.

Đức Cha Giuse - Giám mục Giáo phận nhấn mạnh về sự kết nối của Thành viên HĐMV với Cha Quản xứ, làm cầu nối cảm thông, tiếp cận và đối thoại giữa Cha Quản xứ và Giáo dân cách hữu hiệu. Đặc biệt, có những nơi chốn và môi trường Giáo sỹ không thể tiếp cận được, nhưng Người Giáo dân có thể tiếp cận, sẽ thay thế Giáo sỹ trong đời sống Đức tin, trở thành chứng nhân Thiên Chúa tình yêu giàu lòng thương xót và loan báo Tin Mừng.

Đức Cha cầu xin Chúa ban cho mỗi thành viên có Tâm an, hạnh phúc, có sức khỏe và công việc, cần sự nhẫn nại, khiêm nhường, hướng tới sự hoàn thiện, bước đi trong niềm vui, qui về tình yêu và n sủng của Thiên Chúa, hy vọng, sống Đức tin, hiệp nhất và loan báo Tin Mừng.

Mọi thành viên tham dự như vỡ òa niềm vui, khi Đức Cha thông báo 2 niềm vui:

1. công trình xây dựng Nhà Hưu dưỡng các Linh mục, để cộng đoàn Giáo phận phụng dưỡng, tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo các Linh mục tại Trung tâm mục vụ, được Chính Quyền đồng thuận cấp Giấy phép xây dựng.

2. Giáo Họ biệt lập Hòa Minh, nhận Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII làm Bổn mạng, vừa được Đức Cha ký quyết định nâng lên thành Giáo xứ Hòa Minh trong dịp Lễ Thánh Phao-lô trở lại, ngày 25 / 1 / 2019.

Trong dịp này, Ông Trưởng Ban Thường vụ HĐMV Giáo xứ Chính Tòa đã Đại diện tất cả các HĐMV và cộng đoàn dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ơn lành trong năm đã qua, cám ơn Đức Cha và quý cha đã đồng hành hướng dẫn dân Chúa sống theo tinh thần mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: năm 2018 “ Đồng hành với gia đình trẻ” và trong năm mới 2019: “ Đồng hành với gia đình khó khăn” bao gồm các gia đình di dân, gia đình khác Tôn giáo Tín ngưỡng, và các gia đình ly thân, ly dị tái hôn. Ông đã Đại diện thành viên HĐMV hứa cộng tác tích cực với Đức Giám Mục và hàng Giáo sỹ, hăng say phục vụ trong tinh thần hiệp nhất và yêu mến Giáo Hội. Những lời cầu chúc Xuân thắm đượm niềm tin, hy vọng và nghĩa tình, mà Ông đã dâng lên Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Cha Đại diên Giám mục và Quý Cha. Và những lời cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình các thành viên Hội đồng mục vụ.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi đoàn con trong toàn Giáo phận dâng lên Vị Cha chung những sản vật vùng miền của mình để tỏ lòng hiếu thảo và mến yêu: Những chú gà, vài con cá, nải chuối, mật ong rừng, hoa quả, sản vật từ trên rừng xuống tới biển…. đi vào tình yêu, niềm vui và sự hiệp nhất của tất cả Cộng đoàn Giáo phận.

Mỗi thành viên tham dự còn được nhận quà Đức Cha “Lì xì” và tập sách “ 5 Phút Kết Nối Với Chúa”của Đức Cha RUPERTO C. SANTOS, Tiến sỹ Thần học. như trong lời giới thiệu của Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám Mục Phụ Tá TGP Sài Gòn“ là những lời kinh thắm đẩm tình Chúa, chan chứa tình người, đã vang lên trong mọi cảnh huống của cuộc đời, đổi mới biết bao tâm hồn băng giá nguội lạnh “

Sau phần gặp gỡ chia sẻ, các Thành viên đã Chầu Thánh Thể, tạ ơn Chúa vì mọi ơn lành Chúa ban trong năm qua. Dâng lên Thiên Chúa những nỗ lực xây dựng Giáo Hội và mọi sự trong năm mới, dâng cả những yếu đuối bất toàn.

Những tấm hình lưu niệm và buổi cơm thân mật của Đức Cha, Quý Cha đồng hành và Quý Chức trong niềm vui hoan hỷ của những ngày giáp Tết.

Xin Thiên Chúa kết nối hiệp nhất chúng con trong tình yêu của Chúa.

Tôma Trương Văn Ân
 
ĐTC nhận đơn từ chức của Giám Mục Phụ Tá TGP Hà Nội: Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh
Minh Thu
15:49 27/01/2019
Ngày 26-1-2019, Phòng Báo Chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Lorensô Chu Văn Minh, GM Phụ tá Tổng giáo phận Hà Nội.

GM Chu Văn Minh thăm HT Thích Thanh Nhiễu ngày 23-5-2018
Đức Cha Chu Văn Minh năm nay 76 tuổi, sinh ngày 27-12 năm 1943 tại Nam Tổng giáo phận Hà Nội. Vì hoàn cảnh, trong thời gian dài, ngài không được tiếp tục theo đuổi con đường ơn gọi đã bắt đầu từ tiểu chủng viện. Trong 20 năm trời ngài làm nghề hớt tóc để sinh sống. Năm 1992, thầy Minh được trở lại chủng viện và được ĐHY Phaolô Phạm đình Tụng truyền chức Linh mục ngày 10-6-1994 khi đã 51 tuổi.

Cha Chu Văn Minh du học Roma trong 5 năm và đậu tiến sĩ Thần Học năm 2000 tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana với luận án tựa đề ”Đối thoại giữa người Công Giáo và Phật Giáo: dưới ánh sáng giáo huấn của Hội Thánh về đối thoại liên tôn”.

Trở về nước, Cha Chu Văn Minh làm giáo sư, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Đại Chủng viện Hà Nội từ năm 2005 và 3 năm sau, cha Minh được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Hà Nội ngày 15-10-2008.
 
VietCatholic TV
Đêm Canh Thức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:36 27/01/2019
Như chúng tôi đã tường trình, sáng thứ Bẩy, 26 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 để thánh hiến bàn thờ Vương Cung Thánh Đường Santa Maria la Antigua và cũng là Nhà thờ Chính tòa của tổng giáo phận Panama cùng với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các đại diện giáo dân.

Lúc 12 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa với các đại diện giới trẻ tại Đại chủng viện thánh Giuse.

Hoạt động sau cùng trong ngày, cũng là hoạt động nổi bật nhất trong ngày thứ Bẩy 26 tháng Giêng diễn ra vào lúc 6 giờ 30 chiều là Đêm Canh Thức của Đức Thánh Cha cùng với các bạn trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Các bạn trẻ thân mến, chào buổi chiều!

Chúng ta vừa xem màn trình diễn tuyệt đẹp về Cây Sự Sống. Nó cho chúng ta thấy cuộc sống mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là một câu chuyện tình như thế nào, một lịch sử cuộc đời muốn hòa quyện với chúng ta và đâm rễ sâu trong mảnh đất là chính cuộc sống của chúng ta. Cuộc sống đó không phải là ơn cứu độ được đưa lên “trên đám mây” và chờ đợi để được tải xuống, cũng chẳng phải là một ứng dụng mới để được phát hiện, hoặc một kỹ thuật tự cải thiện tinh thần. Nó cũng không hẳn là một hướng dẫn tự học trên mạng để tìm những tin tức mới nhất. Ơn cứu rỗi Chúa ban cho chúng ta là một lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình yêu đan xen với những câu chuyện cá nhân của chúng ta; nó sống động và muốn được sinh ra giữa chúng ta để chúng ta có thể sinh hoa trái tối đa ngay bây giờ, ở mọi nơi và với mọi người xung quanh. Chúa đến đó để gieo và được gieo. Ngài là người đầu tiên nói tiếng “vâng” với cuộc sống và lịch sử của chúng ta, và Ngài muốn chúng ta nói “vâng” cùng với Ngài.

Đó là cách Ngài khiến Đức Maria kinh ngạc, và yêu cầu Mẹ trở thành một phần của câu chuyện tình yêu này. Rõ ràng, người phụ nữ trẻ của thành Nagiarét không phải là một phần của “các mạng xã hội” thời bấy giờ. Mẹ không phải là “người có tầm ảnh hưởng”, nhưng dù chẳng muốn cũng chẳng cố gắng gì, Mẹ đã trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.

Đức Maria được Thiên Chúa chọn là “người có tầm ảnh hưởng”. Chỉ với một vài từ, Mẹ đã có thể thốt lên tiếng “xin vâng” và phó thác nơi tình yêu và lời hứa của Chúa, là Đấng duy nhất có khả năng làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ.

Chúng ta luôn bị đánh động bởi sức mạnh từ lời “xin vâng” của người phụ nữ trẻ đó, và từ những lời “xin vâng như thế!” mà Mẹ đã thưa cùng Sứ thần. Đây không chỉ đơn thuần là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu hay một tiếng “xin vâng” yếu ớt như thể nói “Được, hãy thử xem, cứ để xem coi điều gì sẽ xảy ra”. Đó là một cái gì đó khác, một cái gì đó khác xa như thế. Đó là sự đồng ý của một người chuẩn bị sẵn sàng dấn thân và chấp nhận rủi ro, sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, mà không có bảo đảm an ninh nào khác hơn ngoài sự xác tín rằng Mẹ là người được uỷ thác lời hứa. Sứ mạng của Mẹ chắc chắn sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không có lý do gì để nói không trước những thách thức đặt ra trước mắt. Tất nhiên mọi thứ sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như khi sự hèn nhát làm chúng ta tê liệt vì mọi thứ chưa rõ ràng hoặc chưa chắc chắn. Tiếng “xin vâng” và lòng mong muốn phục vụ mạnh mẽ hơn bất kỳ những hồ nghi và khó khăn nào.

Chiều nay, chúng ta cũng đã nghe tiếng “xin vâng” của Đức Maria vang vọng và lan tỏa như thế nào trong mọi thế hệ. Nhiều người trẻ, như Đức Maria, dám chấp nhận rủi ro và đặt cược tương lai mình vào một lời hứa. Cảm ơn hai bạn, Erika và Rogelio, vì chứng tá của các bạn dành cho chúng ta. Các bạn đã chia sẻ nỗi sợ hãi và khó khăn của mình và những rủi ro các bạn gặp phải khi sinh cô con gái Inés. Tại một thời điểm, các bạn nói, “Chúng tôi, những bậc cha mẹ, vì nhiều lý do, thấy khó chấp nhận rằng con của chúng tôi sẽ được sinh ra với một căn bệnh hoặc khuyết tật”. Điều đó là chuyện thường tình và có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều tuyệt vời là những gì các bạn nói sau đó “Khi con gái của chúng tôi được sinh ra, chúng tôi quyết định yêu cháu bằng tất cả trái tim của chúng tôi”. Trước khi cháu bé chào đời, khi phải đối mặt với tất cả các vấn nạn và những nan đề nảy sinh, các bạn đã đưa ra quyết định và nói, như Đức Maria, “xin vâng như vậy”, và các bạn quyết định yêu mến cháu. Khi đối mặt với cuộc sống của cô con gái yếu đuối, bất lực và thiếu thốn của các bạn, câu trả lời của các bạn là tiếng “xin vâng”, và vì thế chúng ta có Inés. Các bạn tin rằng thế giới không chỉ dành cho kẻ mạnh!

Nói tiếng “xin vâng” với Chúa có nghĩa là chuẩn bị đón nhận cuộc sống khi nó xảy đến, với tất cả sự mong manh, đơn giản và thường là không thiếu những mâu thuẫn và phiền toái của nó, và làm như vậy với cùng một tình yêu mà Erika và Rogelio đã nói. Nó có nghĩa là đón nhận đất nước của chúng ta, gia đình và các bạn bè của chúng ta như họ là, với tất cả các nhược điểm và sai sót của họ. Đón nhận cuộc sống cũng được thấy trong việc chấp nhận những thứ không hoàn hảo, chưa tinh khiết hay chưa được “chắt lọc”, nhưng không kém phần đáng để được yêu. Là một người khuyết tật hoặc yếu đuối thì không đáng được yêu thương hay sao? Chỉ vì là một người nước ngoài, hay chẳng may phạm lỗi, đau ốm hay ngồi tù thì không đáng được yêu thương à? Chúng ta biết rõ những gì Chúa Giêsu đã làm: Ngài ôm lấy những người phong hủi, những người mù, bại liệt, những người Pharisêu và những người tội lỗi. Ngài đón nhận người trộm lành trên thập giá và thậm chí còn đón nhận và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Ngài.

Tại sao Ngài làm điều này? Thưa bởi vì chỉ những gì được yêu thương mới có thể được cứu. Chỉ những gì được đón nhận mới có thể được chuyển hóa. Tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tất cả các vấn nạn, các yếu đuối và sai sót của chúng ta. Hơn thế nữa, chính qua những vấn nạn, những yếu đuối và sai sót của chúng ta mà Ngài muốn viết lên câu chuyện tình này. Ngài ôm lấy đứa con hoang đàng, Ngài ôm lấy Phêrô sau những lời chối Chúa và Ngài luôn ôm lấy chúng ta mỗi khi chúng ta sa ngã: Ngài giúp nâng chúng ta dậy và giúp chúng ta đứng thẳng trên đôi chân mình. Vì cái sa ngã tồi tệ nhất, cái sa ngã có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta, chính là ngã rồi nằm yên đó và không để cho chính bản thân mình được giúp đỡ.

Đôi khi thật khó có thể hiểu được tình yêu của Chúa! Nhưng thật là một ân sủng khi biết rằng chúng ta có một người Cha ôm lấy chúng ta bất chấp tất cả những điều bất toàn của chúng ta!

Vì vậy, bước đầu tiên là đừng ngại đón nhận cuộc sống như nó xảy đến, hãy chấp nhận cuộc sống!

Cảm ơn, Alfredo, vì chứng tá của bạn và sự can đảm của bạn khi chia sẻ chứng tá ấy với tất cả chúng ta. Tôi rất xúc động khi nghe bạn nói với chúng ta rằng “Tôi bắt đầu làm việc trong một dự án xây dựng, nhưng một khi nó được hoàn thành, tôi mất công ăn việc làm và mọi thứ thay đổi nhanh chóng: không được giáo dục, không thể mua sắm và không có nghề ngỗng gì”. Hãy để tôi tóm tắt điều này trong bốn chữ “không” khiến cuộc sống của chúng ta đâm ra bị bứng tận gốc và khô cằn: không việc làm, không được giáo dục, không có cộng đồng, không có gia đình.

Chúng ta không thể thăng tiến trừ khi chúng ta có những căn cội mạnh mẽ để hỗ trợ chúng ta và giữ cho chúng ta vững chắc. Thật dễ dàng bị cuốn trôi đi, khi không có gì ghì chặt chúng ta lại. Có một câu hỏi mà người già chúng tôi phải tự hỏi chính mình, và đó cũng là một câu hỏi mà các bạn cần hỏi chúng tôi và chúng tôi phải trả lời cho các bạn: Đâu là những căn cội chúng tôi đang cung cấp cho các bạn, đâu là những nền tảng giúp các bạn phát triển như những con người? Thật dễ dàng để chỉ trích và phàn nàn về những người trẻ tuổi nếu chúng ta đang tước mất khỏi họ những công ăn việc làm, giáo dục và cộng đồng là những cơ hội mà họ cần để bén rễ và mơ ước về một tương lai. Không được giáo dục, thật khó để mơ về một tương lai; không có công ăn việc làm, tương lai thật mịt mờ; không có gia đình và cộng đồng, tương lai nằm mơ cũng không thấy nổi. Bởi vì mơ ước về một tương lai có nghĩa là học cách trả lời không chỉ câu hỏi tôi đang sống vì điều gì mà còn là tôi đang sống vì ai, và ai làm cho cuộc đời tôi đáng sống.

Như Alfredo đã nói với chúng ta, khi chúng ta thấy mình đang mất hết và không có công ăn việc làm, không được giáo dục, không có cộng đồng và không có gia đình, và cuối cùng chúng ta cảm thấy trống rỗng và chung cuộc chúng ta lấp đầy sự trống rỗng đó bằng bất cứ điều gì chúng ta có thể. Bởi vì chúng ta không còn biết là đang sống cho ai, chiến đấu và yêu thương vì ai đây.

Tôi nhớ có lần nói chuyện với một số các bạn trẻ, và một trong số các bạn ấy hỏi tôi rằng: Thưa Cha, tại sao nhiều người trẻ ngày nay không quan tâm đến việc liệu Chúa có hiện hữu hay không, hay cảm thấy khó tin vào Người, và họ dường như buồn chán và vô mục đích trong cuộc sống? Tôi hỏi ngược lại là các bạn ấy nghĩ như thế nào. Tôi nhớ một câu trả lời đặc biệt khiến tôi cảm động và nó liên quan đến trải nghiệm mà Alfredo đã chia sẻ - “vì nhiều người trong số họ cảm thấy rằng, dần dần, họ đã ngừng tồn tại cho người khác; họ thường cảm thấy mình đâm ra vô hình”. Đây là thứ văn hóa vất bỏ và thiếu quan tâm đến người khác. Không phải tất cả mọi người, nhưng nhiều người cảm thấy rằng họ có rất ít hoặc chẳng có gì để đóng góp vì không có ai xung quanh yêu cầu họ tham gia. Làm sao họ có thể nghĩ rằng Chúa hiện hữu, nếu những người khác từ lâu đã ngưng nghĩ rằng họ tồn tại?

Chúng ta biết rõ rằng để cảm thấy được nhìn nhận hoặc yêu thích thì chưa đủ để thấy mình được liên kết suốt ngày dài. Cái cảm giác thấy mình được trân trọng và được yêu cầu dự phần thì lớn hơn rất nhiều so với đơn giản là thấy mình đang “trực tuyến”. Điều đó có nghĩa là tìm kiếm những không gian nơi, bằng đôi tay, trái tim và trí óc mình, các bạn có thể cảm thấy là một phần của một cộng đồng rộng lớn hơn đang cần đến các bạn và chính các bạn cũng cần đến họ.

Các thánh hiểu điều này rất rõ. Tôi nghĩ đến, chẳng hạn như, Thánh Gioan Bosco. Ngài đã không đi tìm những người trẻ tuổi ở những vùng xa xôi mà học cách nhìn với đôi mắt Chúa mọi thứ đang diễn ra ngay trong thành phố của mình. Vì vậy, ngài đã rúng động bởi hàng trăm trẻ em và thanh niên bơ vơ, không được học hành, không có công ăn việc làm và không được sự giúp đỡ của cộng đồng. Có nhiều người khác đang sống trong cùng một thành phố đó, và nhiều người chỉ trích những người trẻ này, nhưng họ không thể nhìn thấy những người trẻ ấy bằng đôi mắt của Chúa. Cha Bosco đã thấy được như vậy và tìm ra năng lực để thực hiện bước đầu tiên: đó là đón nhận cuộc sống như chính nó đã thể hiện. Từ đó, ngài không ngại thực hiện bước thứ hai là tạo ra một cộng đồng, một gia đình với những người trẻ này, là nơi thông qua công ăn việc làm và học tập mà họ có thể cảm thấy được yêu thương. Ngài tạo ra cho họ những căn cội mà từ đó họ có thể vươn tới thiên đàng.

Tôi nghĩ về nhiều nơi ở Mỹ Châu Latinh của chúng ta là những nơi đang quảng bá những gì được gọi là “familia grande hogar de Cristo” (nghĩa là đại gia đình Kitô). Với cùng một tinh thần như Quỹ Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà Alfredo đã nói đến và nhiều trung tâm khác nữa. Họ tìm cách chấp nhận cuộc sống như nó xảy đến, trong tổng thể và sự phức tạp của nó, bởi vì họ biết rằng “đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi, và không ngớt đâm chồi nảy lộc” (Gióp 14: 7).

Luôn luôn có thể “đâm chồi nảy lộc” khi có một cộng đồng, một ngôi nhà ấm áp cho phép chúng ta bén rễ, mang lại sự tự tin mà chúng ta cần và chuẩn bị cho trái tim của chúng ta khám phá một chân trời mới: đó là chân trời của một đứa con trai, con gái yêu dấu được tìm kiếm, được tìm thấy và được giao phó một nhiệm vụ. Qua những gương mặt thật này, Chúa mạc khải chính Ngài. Nói “xin vâng” với câu chuyện tình yêu này là nói “xin vâng” để trở thành một phương tiện nhằm xây dựng trong những khu phố của chúng ta những cộng đồng giáo hội có khả năng tiến bước trên đường phố các thành thị của chúng ta, đón nhận và dệt lên những mối quan hệ mới. Trở thành “một người có ảnh hưởng” trong thế kỷ hai mươi mốt này là trở thành những người bảo vệ những gốc rễ, những người bảo vệ tất cả những gì giữ cho cuộc sống của chúng ta không tan biến và bốc hơi vào hư vô. Hãy là những người bảo vệ mọi thứ có thể khiến chúng ta cảm thấy là một phần của nhau, khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta thuộc về nhau.

Đó là những gì Nirmeen đã trải nghiệm tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Krakow. Cô tìm thấy một cộng đồng sống động, vui vẻ chào đón cô, cho cô cảm giác thân thuộc và cho phép cô sống niềm vui đến từ việc được tìm thấy bởi Chúa Giêsu.

Một vị thánh đã từng hỏi: “Có phải sự tiến bộ của xã hội chỉ bao gồm việc sở hữu những chiếc xe hơi mới nhất hoặc mua sắm được những thiết bị mới nhất trên thị trường? Đó có phải là chiều kích vĩ đại của chúng ta như những con người? Có phải đó là tất cả những gì đáng để sống? “(x. Thánh Alberto Hurtado, Suy niệm Tuần Thánh dành cho Giới trẻ, 1946). Vì thế, hãy để tôi hỏi các bạn câu này: Đó có phải là ý tưởng của các bạn về sự cao cả không? Chẳng lẽ các bạn đã không được tạo ra vì những điều gì đó cao trọng hơn sao? Đức Trinh Nữ Maria đã hiểu điều này và nói: “xin vâng như thế!” Erika và Rogelio đã hiểu điều này và nói “xin vâng như vậy!” Alfredo đã hiểu điều này và nói “xin vâng như vậy!”

Hỡi các bạn trẻ, tôi hỏi các bạn: Các bạn có sẵn sàng để nói “xin vâng” không? Tin Mừng dạy chúng ta rằng thế giới sẽ không tốt hơn bởi vì có ít hơn những người bệnh, những người yếu đuối, mỏng giòn hay có ít hơn những người già phải quan tâm, và ít hơn những người tội lỗi. Thay vào đó, thế giới sẽ tốt hơn khi có nhiều người, như các bạn đây, sẵn sàng và không thiếu nhiệt thành trong việc kiến tạo tương lai và tin vào quyền năng biến đổi của Thiên Chúa. Các bạn có sẵn sàng để trở thành “một người có ảnh hưởng” như Đức Maria, là người dám nói “xin vâng như thế” không? Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta nhân bản hơn và viên mãn hơn; mọi thứ khác chỉ là những thứ dược phẩm giả hiệu gây dễ chịu nhưng vô dụng.

Trong một vài khoảnh khắc nữa đây, chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa Giêsu sống động trong giờ chầu Thánh Thể. Các bạn có thể chắc chắn rằng Người có rất nhiều điều muốn nói với các bạn, về những tình huống khác nhau trong cuộc sống, gia đình và đất nước của các bạn.

Đối diện với Người, các bạn đừng sợ mở lòng mình ra và xin Người làm mới lại ngọn lửa tình yêu của Người để các bạn có thể đón nhận cuộc sống với tất cả sự yếu đuối và khiếm khuyết của nó, nhưng cả với sự vĩ đại và vẻ đẹp của nó. Cầu xin Người giúp các bạn tái khám phá vẻ đẹp là được sống.

Đừng ngại nói với Người rằng các bạn cũng muốn trở thành một phần trong câu chuyện tình yêu của Người trong thế giới này, rằng các bạn đã sẵn sàng cho một điều gì đó lớn lao hơn!

Hỡi các bạn: khi các bạn gặp Chúa Giêsu mặt đối mặt, tôi cũng xin các bạn cầu nguyện cho tôi, để tôi cũng không sợ đón nhận cuộc sống, để tôi biết chăm lo cho những căn cội nó, và để tôi có thể nói, như Đức Maria, “Xin vâng như lời Sứ thần truyền!”


Source: Libreria Editrice Vatican WYD: Holy Father’s Speech at Saturday’s Prayer Vigil (Full Text)
 
Thánh Lễ Bế Mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama 2019
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:01 27/01/2019
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đang dần khép lại.

Như chúng tôi đã tường trình, lúc 6 giờ chiều thứ Bẩy 26 tháng Giêng đã diễn ra Đêm Canh Thức của Đức Thánh Cha cùng với các bạn trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ cũng tại địa điểm này.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’” (Lc 4: 20-21).

Với những lời này, Tin Mừng trình bày sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Sứ vụ ấy bắt đầu trong hội đường nơi đã chứng kiến Ngài lớn lên. Ngài ở giữa những người hàng xóm và những người Ngài quen biết, và có lẽ cả một số giáo lý viên thời thơ ấu của Ngài, là những người đã dạy Lề Luật cho Ngài. Đó là một khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của vị Thầy: đứa trẻ được giáo dục và lớn lên trong cộng đồng đó, giờ đây đứng lên và dùng diễn đàn này để công bố và đưa vào hành động giấc mơ của Thiên Chúa. Một từ trước đây chỉ được tuyên bố như một lời hứa trong tương lai, nhưng giờ đây, chỉ trên môi miệng của Chúa Giêsu đã có thể được đề cập đến ở thì hiện tại, vì nó đã trở thành một hiện thực: “Hôm nay đã ứng nghiệm”

Chúa Giêsu mạc khải hiện tại của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta và kêu gọi chúng ta dự phần vào hiện tại của Ngài là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4: 18-19). Đây là cái bây giờ của Thiên Chúa. Nó trở nên hiện tại với Chúa Giêsu: nó có khuôn mặt, nó là xác thịt. Đó là một tình yêu thương xót không chờ đợi cho đến khi có những tình huống lý tưởng hay hoàn hảo để thể hiện ra, và cũng chẳng cần phải thanh minh về sự xuất hiện của mình. Đó là thời của Chúa để tạo ra mọi tình huống và nơi chốn vừa đúng đắn vừa xứng hợp. Trong Chúa Giêsu, tương lai đã được hứa bắt đầu và trở thành cuộc sống.

Khi nào? Chính bây giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đang lắng nghe đều cảm thấy được mời hay được kêu gọi. Không phải tất cả cư dân thành Nagiarét đều sẵn sàng tin vào một người mà họ quen biết và đã chứng kiến sự trưởng thành của người ấy, và là người hiện đang mời họ thực hiện một giấc mơ được chờ đợi từ lâu. Không chỉ như thế, mà “họ còn nói ‘Đây không phải là con trai ông Giuse đó sao?’” (Lc 4:22).

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể cụ thể và phổ biến, gần gũi và thực tế như vậy; và còn ít dám tin rằng Ngài có thể trở nên hiện diện và tác động thông qua ai đó như một hàng xóm, một người các bạn, hay một người thân của chúng ta như thế. Chúng ta không phải lúc nào cũng tin rằng Chúa có thể mời chúng ta làm việc và xắn tay cộng tác với Ngài trong Nước Người một cách đơn giản và thẳng thừng như thế. Thật khó chấp nhận rằng “tình yêu của Thiên Chúa có thể trở nên cụ thể và gần như có thể trải nghiệm được trong lịch sử với tất cả những thăng trầm đau đớn và vinh quang của nó” (Đức Bênêđíctô XVI, Buổi tiếp kiến chung ngày 28 tháng 9 năm 2005).

Quá thường là chúng ta hành xử như những người lối xóm của Chúa Giêsu ở Nagiarét: chúng ta thích một Thiên Chúa xa xôi: tốt đẹp, nhân lành, quảng đại nhưng xa cách, một Thiên Chúa không gây bất tiện cho chúng ta. Bởi vì một Thiên Chúa gần gũi và hàng ngày, một người bạn và một người anh em, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến những chuyện xung quanh mình, đến công việc hàng ngày và trên hết là tình huynh đệ. Thiên Chúa đã chọn không mạc khải mình dưới hình dạng một thiên thần hay theo một cách ngoạn mục nào đó, nhưng ban cho chúng ta một khuôn mặt thân thiện và huynh đệ, cụ thể và quen thuộc. Thiên Chúa là thực vì tình yêu là thực; Thiên Chúa là cụ thể vì tình yêu là cụ thể. Thật vậy, “biểu hiện cụ thể này của tình yêu là một trong những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống của các Kitô hữu” (Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng ngày 1 tháng Ba năm 2006).

Chúng ta cũng có thể gặp cùng những nguy cơ như những người hàng xóm của Chúa tại Nagiarét, khi trong cộng đồng của chúng ta, Tin Mừng tìm cách để được sống một cách cụ thể. Chúng ta bắt đầu nói: Nhưng những người trẻ này, há họ chẳng phải là con của bà Maria, và ông Giuse đó sao, họ chẳng phải là anh chị em cách này cách khác với nhau sao? Đây không phải là những người trẻ chúng ta đã chứng kiến chúng lớn lên đó sao? Còn người đứng đằng kia, chẳng lẽ anh ta không phải là đứa luôn phá bể cửa sổ nhà người ta bằng quả bóng của mình sao? Những gì nảy sinh như một lời tiên tri và một lời công bố về Nước Thiên Chúa lập tức bị thuần hóa và làm cho nghèo nàn. Nỗ lực thuần hóa lời Chúa xảy ra hàng ngày.

Những người trẻ thân mến, các bạn cũng có thể trải nghiệm điều này bất cứ khi nào các bạn nghĩ rằng sứ mệnh, ơn gọi của các bạn, thậm chí là chính cuộc sống của các bạn, là một lời hứa xa vời trong tương lai, chẳng liên quan gì đến hiện tại. Như thể tuổi trẻ là một loại phòng chờ đợi, nơi chúng ta ngồi xung quanh cho đến khi chúng ta được gọi. Và trong “thời gian chờ đợi”, chúng ta, người lớn hoặc chính các bạn phát minh ra một tương lai được niêm phong một cách thật hợp vệ sinh, không có những hậu quả, nơi mọi thứ đều an toàn, bảo đảm và được “bảo hiểm chắc chắn”. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc “giả đò”. Vì vậy, chúng tôi “làm yên lòng” các bạn, chúng tôi làm cho các bạn tê dại trong im lặng, không hỏi han hay chất vấn; và trong đó, trong “thời gian chờ đợi” đó, giấc mơ của các bạn mất dần sức sống, chúng bắt đầu xì hơi và tẻ nhạt, nhỏ nhặt và buồn tẻ (x. Bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, 25 tháng 3 năm 2018). Chỉ vì chúng tôi nghĩ, hoặc các bạn nghĩ rằng giờ của các bạn chưa đến, rằng các bạn còn quá trẻ để tham gia vào việc mơ tưởng hay hoạt động cho tương lai.

Một trong những thành quả của Thượng hội đồng vừa qua là sự phong phú đến từ việc có thể gặp gỡ và trên hết là lắng nghe nhau. Đó là sự phong phú của việc đối thoại giữa các thế hệ, sự phong phú từ trao đổi và giá trị của việc nhận ra rằng chúng ta cần đến nhau, rằng chúng ta phải nỗ lực tạo ra các kênh và không gian khuyến khích mơ ước và làm việc cho ngày mai, bắt đầu ngay từ hôm nay. Và điều này, không phải trong sự cô lập, mà là bên cạnh nhau, tạo ra một không gian chung. Một không gian không chỉ đơn giản tự nhiên mà có, hay trúng xổ số mà được, nhưng là một không gian mà cả các bạn cũng phải chiến đấu cho nó.

Các bạn trẻ thân mến, các bạn không phải là tương lai mà là hiện tại của Thiên Chúa. Ngài mời mọc và kêu gọi các bạn từ trong các cộng đồng và phố phường của các bạn hãy đi ra ngoài và tìm kiếm những bậc ông bà, những bậc trưởng thượng; đứng lên và cùng với họ nói ra và hiện thực hóa giấc mơ mà Chúa đã mơ ước cho các bạn.

Không phải ngày mai mà bây giờ vì kho tàng của các bạn ở đâu, thì lòng trí các bạn ở đó (x. Mt 6:21). Bất cứ điều gì các bạn yêu thích, nó sẽ lấn át không chỉ lòng trí các bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó sẽ là điều khiến các bạn thức giấc vào lúc ban mai, là điều khiến các bạn tiếp tục tiến bước cả trong những lúc mệt mỏi, là điều sẽ mở lòng các bạn ra và lấp đầy với những ngạc nhiên, niềm vui và lòng biết ơn. Hãy nhận ra rằng các bạn có một sứ vụ và yêu mến sứ vụ ấy; điều đó sẽ quyết định tất cả mọi thứ (x. cha Pedro Arrupe, S.J., Nada es más práctico – Không có gì thực tiễn hơn). Chúng ta có thể sở hữu mọi thứ, nhưng nếu chúng ta thiếu niềm đam mê của tình yêu, chúng ta sẽ không có gì. Chúng ta hãy để cho Chúa làm cho chúng ta biết yêu!

Đối với Chúa Giêsu, không có “thời gian chờ đợi”, nhưng chỉ có một tình yêu thương xót muốn xâm nhập và chiến thắng trái tim của chúng ta. Ngài muốn trở thành báu vật của chúng ta, bởi vì Ngài không phải là một “thời gian chờ đợi”, một khoảng khắc trong cuộc sống hay một mốt nhất thời; Người là tình yêu quảng đại mời gọi chúng ta tín thác.

Người cụ thể, gần gũi, và là tình yêu thực sự. Người là niềm vui lễ hội, phát sinh từ việc lựa chọn và tham gia vào dự phóng diệu kỳ của đức cậy và đức ái, của tình liên đới và tình huynh đệ, bất chấp ánh mắt bị tê liệt hay gây ra tê liệt vì sợ hãi và loại trừ, suy đoán và thao túng.

Anh chị em thân mến, Chúa và sứ mệnh của Người không phải là một “thời gian chờ đợi” trong cuộc sống của chúng ta, không phải một điều gì đó tạm thời; nhưng là cuộc sống của chúng ta!

Cách riêng trong những ngày này, tiếng xin vâng của Đức Maria đã và đang thì thầm như một loại nhạc nền. Mẹ không chỉ tin nơi Chúa và vào những lời hứa của Người như một điều gì đó có thể, nhưng Mẹ còn tin chính Chúa và dám nói tiếng vâng để tham gia vào hiện tại này của Thiên Chúa. Mẹ cảm thấy mình có một sứ vụ; Mẹ đã yêu và điều đó quyết định tất cả.

Như trong hội đường Nagiarét, Chúa lại đứng lên giữa chúng ta là các bạn bè và người quen của Người; Người cầm cuốn sách và nói với chúng ta rằng ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh anh em vừa nghe.’ (Lc 4:21).

Các bạn có muốn sống thể hiện tình yêu của mình một cách cụ thể không? Cầu xin cho tiếng “xin vâng” của các bạn tiếp tục trở thành cửa ngõ cho Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một Lễ Ngũ Tuần mới cho thế giới và cho Giáo Hội.

Lời tri ân cuối lễ của Đức Thánh Cha

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã công bố rằng thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha được chọn là nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2022.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã phát biểu như sau:

Kết thúc buổi cử hành này, tôi cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta cơ hội chia sẻ những ngày này cùng nhau và trải nghiệm một lần nữa Ngày Giới trẻ Thế giới.

Đặc biệt, tôi xin cám ơn Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodríguez, các vị tổng thống của các quốc gia khác và các nhà hữu trách chính trị và dân sự khác vì sự hiện diện của họ trong buổi lễ này.

Tôi cảm ơn Đức cha Jose Domingo Ulloa Mendieta, Tổng giám mục Panama, vì sự quảng đại và tận tụy của ngài trong việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới này trong giáo phận của ngài, cũng như các giám mục khác của Panama và các nước láng giềng, vì tất cả những gì họ đã làm trong cộng đồng của họ để cung cấp chỗ ở và sự hỗ trợ cho đông đảo những người trẻ.

Tôi cũng xin cám ơn tất cả những người đã ủng hộ chúng ta bằng những lời cầu nguyện, và những người đã giúp đỡ bằng những nỗ lực và những công việc cam go để biến giấc mơ Ngày Giới trẻ Thế giới này thành hiện thực trên đất nước này.

Và với các bạn, những người trẻ tuổi thân mến, một tiếng “cám ơn” thật lớn dành cho các bạn. Niềm tin và niềm vui của các bạn đã khiến Panama, Mỹ Châu và toàn thế giới rung chuyển! Như chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong những ngày này trong bài hát chủ đề Ngày Giới trẻ Thế giới này: “Như dân lữ hành của Chúa, chúng con được tập trung nơi đây hôm nay từ mọi châu lục và thành phố”. Chúng ta đang trên một cuộc hành trình, hãy tiếp tục tiến bước, tiếp tục sống đức tin và chia sẻ đức tin ấy. Đừng quên rằng các bạn không phải là “thời gian chờ đợi”, các bạn là hiện tại của Thiên Chúa.

Địa điểm tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo đã được công bố. Tôi yêu cầu các bạn đừng để lòng nhiệt thành của những ngày này trở nên lạnh lẽo. Hãy quay trở lại các giáo xứ và cộng đồng của các bạn, gia đình và bạn bè của các bạn và chia sẻ kinh nghiệm này, để những người khác có thể cộng hưởng với sức mạnh và lòng nhiệt thành của các bạn. Cùng với Đức Maria, hãy tiếp tục nói tiếng xin vâng với giấc mơ mà Chúa đã gieo trong lòng các bạn.

Và, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

 
WYD - Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các tình nguyện viên tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:56 27/01/2019
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, với chủ đề “Vâng, tôi đây nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38), diễn ra từ 22 đến 27 tháng Giêng tại thành phố Panama, đang dần khép lại.

Như chúng tôi đã tường trình, sáng Chúa Nhật 27 tháng Giêng, lúc 8 giờ, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc tế giới trẻ tại khu vực Juan Pablo II, nghĩa là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sau thánh lễ, lúc 10 giờ 45, Đức Thánh Cha đã viếng thăm “Mái Ấm Samaritano nhân lành” tiếng Tây Ban Nha gọi là Casa Hogar el Buen Samaritano và chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại đây.

Lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ để cám ơn những người thiện nguyện tại sân thể thao Rommel Fernandez.

Hơn 20,000 tình nguyện viên tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Panama đã được chia thành 95 nhóm đảm nhận các chức năng khác nhau như chỉ dẫn thông tin cho các bạn trẻ trong các trung tâm mua sắm, kiểm soát trật tự, nghi lễ, dọn dẹp, phụ trách âm thanh và ánh sáng, phục vụ tại Trung Tâm Báo Chí, và tiếp tân dành cho các nhà ngoại giao.

Trong diễn từ với các tham dự viên, Đức Thánh Cha nói:

Các bạn trẻ tình nguyện viên thân mến,

Trước khi chúng ta kết thúc việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới, tôi muốn gặp gỡ tất cả các bạn và cám ơn mỗi một người người trong các bạn vì việc phục vụ mà các bạn đã thực hiện trong những ngày này và trong những tháng trước Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Cảm ơn Bartosz, Stella Maris del Carmen và Maria Margarida đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của các bạn. Thật là quan trọng dường nào để lắng nghe họ và đánh giá cao tình bạn nảy sinh khi chúng ta đến với nhau để phục vụ người khác. Chúng ta trải nghiệm rằng đức tin chúng ta giờ đây có một hương vị và sức mạnh hoàn toàn mới như thế nào: nó trở nên sống động, năng động và thực tế hơn. Chúng ta trải nghiệm một loại niềm vui đặc thù từ việc có cơ hội làm việc bên cạnh những người khác để đạt được một ước mơ chung. Tôi biết rằng tất cả các bạn đã trải nghiệm điều này.

Giờ đây các bạn có thể cảm nhận rằng con tim chúng ta đập nhanh hơn khi chúng ta có một sứ vụ, không phải vì ai đó nói với các bạn điều này, mà bởi vì chính các bạn đã trải nghiệm điều đó nơi bản thân mình. Các bạn đã trải nghiệm trong cuộc sống của riêng mình rằng “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13).

Các bạn cũng đã phải trải qua một số khoảnh khắc khó khăn đòi hỏi phải hy sinh thêm nữa. Như bạn Bartosz đã nói với chúng ta, chúng ta cũng trải nghiệm những yếu điểm của chính mình. Điều tốt là các bạn đã không để cho những nhược điểm ấy cản trở sứ vụ của các bạn, hoặc làm cho các bạn phân tâm. Các bạn đã trải qua các kinh nghiệm ấy khi phục vụ người khác, khi cố gắng hiểu và giúp đỡ những tình nguyện viên và khách hành hương khác, nhưng các bạn đã quyết tâm không để điều này ngăn cản các bạn hoặc làm tê liệt các bạn, các bạn đã đi tiếp trên con đường của mình. Đó là vẻ đẹp của việc biết rằng chúng ta được sai đi, đó là niềm vui khi biết rằng, bất chấp mọi khó khăn, chúng ta có một sứ vụ để thực hiện. Đừng để cho những giới hạn của chúng ta, những nhược điểm và thậm chí là tội lỗi của chúng ta cản trở chúng ta và ngăn cản chúng ta sống sứ mệnh, bởi vì Chúa mời gọi chúng ta làm những gì chúng ta có thể và yêu cầu cả những gì chúng ta không thể, với nhận thức rằng tình yêu của Người đang chiếm lấy chúng ta và biến đổi chúng ta dần dần (xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate – Mừng rỡ hân hoan, 49-50). Hãy đặt việc phục vụ lên hàng đầu, và các bạn sẽ thấy mọi thứ khác sẽ theo sau.

Cám ơn tất cả các bạn, bởi vì trong những ngày này, các bạn đã chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhất, tuy bình thường và dường như không đáng kể, như trao tặng ai đó một ly nước. Tuy nhiên, các bạn cũng đã quan tâm đến những điều lớn hơn đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận. Các bạn đã chuẩn bị mọi chi tiết với niềm vui, sự sáng tạo và dấn thân, và với nhiều lời cầu nguyện. Vì khi chúng ta cầu nguyện về mọi chuyện, chúng ta cảm thấy chúng sâu sắc hơn. Cầu nguyện mang lại sức mạnh và sức sống cho mọi việc chúng ta làm. Khi cầu nguyện, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta là một phần của một gia đình lớn hơn những gì chúng ta có thể nhìn thấy hoặc tưởng tượng. Khi cầu nguyện, chúng ta mở ra tất cả những gì chúng ta làm cho Giáo hội trước mặt các thánh là những vị chỉ đường cho chúng ta, hỗ trợ và đồng hành với chúng ta từ thiên đàng, nhưng trên hết, chúng ta mở ra tất cả trước mặt Chúa.

Các bạn đã dành thời gian, năng lượng và tài nguyên của mình để mơ ước và xếp đặt mọi thứ cho cuộc gặp gỡ này. Các bạn có thể dễ dàng chọn làm những việc khác, nhưng các bạn muốn được tham gia, muốn được cống hiến hết sức mình để làm chất xúc tác cho phép lạ hóa bánh và cả hy vọng ra nhiều. Ở đây, một lần nữa, các bạn đã chỉ ra rằng có thể đặt lợi ích của mình sang một bên để giúp đỡ người khác. Như bạn Stella Maris đã làm, khi bạn dành dụm để có thể tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Krakow, nhưng quyết định không đi, để bạn có thể ở nhà chăm sóc cho ba người ông bà của mình. Bạn đã từ bỏ điều mà bạn muốn làm và đã mơ ước từ lâu, để giúp đỡ và đồng hành cùng gia đình, để tôn vinh cội nguồn của bạn. Nhưng Chúa đã lặng lẽ chuẩn bị một món quà cho bạn; Ngài đã mang Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đến đất nước Panama của bạn. Giống như Stella Maris, nhiều bạn cũng đã hy sinh. Bạn phải hoãn lại ước mơ của mình để chăm sóc đất đai, cội nguồn của bạn. Chúa luôn ban phước cho điều đó, và Ngài không bao giờ chịu thua về phương diện hào phóng. Mỗi khi chúng ta từ bỏ một thứ gì đó mà chúng ta thích vì lợi ích của người khác và đặc biệt là những người cần nhất, hay vì những căn cội của chúng ta như trong trường hợp những ông bà và người già, Chúa đền bù cho chúng ta gấp trăm lần. Vì khi nói đến sự hào phóng, không ai có thể đánh bại Người; Khi yêu, không ai có thể vượt qua Người. Các bạn ơi, hãy cho đi và các bạn sẽ được trao, và các bạn sẽ trải nghiệm cách Thiên Chúa “đong cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em.” (Lc 6:38).

Các bạn đã có một kinh nghiệm sống động và thực tế hơn về đức tin; các bạn đã trải nghiệm sức mạnh phát sinh từ lời cầu nguyện và một loại niềm vui mới và khác biệt, đó là thành quả của việc hoạt động bên cạnh ngay cả với những người các bạn chưa hề quen biết. Bây giờ là thời điểm các bạn được sai đi: hãy tiến ra và kể lại, hãy tiến ra và làm chứng, hãy tiến ra và truyền bá về tất cả mọi thứ các bạn đã thấy và đã nghe. Các bạn thân mến, hãy cho mọi người biết về những gì đã xảy ra trong những ngày này. Không phải bằng nhiều lời mà đúng hơn, như các bạn đã làm ở đây, đó là bằng những cử chỉ đơn sơ và bình thường, những cử chỉ biến đổi và làm mới mỗi giờ trong ngày.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước lành của Ngài cho chúng ta. Nguyện xin Chúa ban phép lành cho gia đình và cộng đồng của các bạn, và tất cả những người các bạn sẽ gặp và tiếp xúc trong những ngày tới. Chúng ta cũng hãy đặt mình dưới lớp áo của Đức Mẹ. Xin Đức Mẹ luôn đồng hành cùng các bạn. Và, như tôi đã nói với bạn ở Krakow, tôi không biết liệu tôi sẽ ở đó trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo hay không, nhưng Phêrô chắc chắn sẽ ở đó để củng cố các bạn trong đức tin. Hãy tiếp tục, với lòng can đảm và sức mạnh, và xin vui lòng, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cám ơn các bạn.