Ngày 25-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một cách rất khác
Lm. Minh Anh
01:15 25/01/2022

MỘT CÁCH RẤT KHÁC
“Tôi đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”.

Một nhà tu đức nói, “Thập giá là cột thu lôi của ân sủng, làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng tình yêu của Ngài cho những người tin! Trên đường Đamas, một Saolô hung hãn đã bị cột thu lôi ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa quật ngã!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ con người hung hãn đó, Phaolô, một người đã bị “ân sủng và tình yêu Thiên Chúa quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài, có thể nói, là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu vào những năm đầu của Hội Thánh. Ân sủng của Đấng Phục Sinh đã biến thất bại của con người này thành những ân phúc có tầm ảnh hưởng đến Kitô giáo ‘một cách rất khác!’.

Với bài đọc thứ nhất, Phaolô cho biết, trước khi Chúa Kitô hiện ra với ông, ông “đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”; tuy nhiên, việc phục vụ này thể hiện theo một cách rất phá hoại! Phaolô đàn áp những người tin Chúa Kitô, được coi là “Đạo mới”; thế rồi, cuộc hiện ra của Ngài trên đường Đamas với câu hỏi, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ ta?”, kèm theo một lời dằn mặt lạnh lùng, “Đưa chân đạp mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” đã khiến Phaolô dừng bước. Kể từ đó, Chúa Kitô đã biến đổi một “Saolô”, có nghĩa là tìm kiếm, đòi hỏi và khát vọng, thành một “Phaolô”, có nghĩa là hèn mọn, nhỏ bé và khiêm hạ. Phaolô đã đứng lên, loạng choạng tiến về phía trước, để rồi, với ân huệ của Thánh Thần, phục vụ Thiên Chúa theo ‘một cách rất khác’. Thay vì bắt bớ những ai tin Chúa Kitô, Phaolô loan báo tin mừng về tình yêu và ân sủng của Ngài.

Với sứ mệnh các tông đồ lãnh nhận qua Phúc Âm hôm nay, được Thánh Ca đáp ca tóm tắt, “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian!”, Phaolô tiếp tục rao giảng Chúa Kitô cho mọi loài tạo vật, vốn “Không một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” như ngài viết trong thư Rôma. Cũng như với bài đọc hôm nay, Phaolô chia sẻ trải nghiệm của mình về cuộc gặp gỡ Chúa Kitô như một kinh nghiệm về ánh sáng, về sự yếu hèn khi phải lệ thuộc vào người khác, về những thất bại cần có; nhờ đó, Phaolô được biến đổi ‘một cách rất khác’ nếu không nói là hoàn toàn mới, bởi ân sủng của Thánh Thần!

“Một luồng ánh sáng chan hoà từ trời chói rạng quanh tôi. Tôi ngã xuống đất”; “Mắt tôi vẫn mở mà không thấy gì”. Một nghịch lý mang nhiều ý nghĩa! Không phải lúc nào mắt mở, cũng có thể nhìn thấy. Lúc Phaolô tưởng mình sáng nhất thì lúc đó, Chúa cho ông thấy sự tăm tối nhất của đời mình. Ngài biến ánh sáng của Phaolô thành đêm tối; Ngài bắt Phaolô phải nhắm mắt để thấy rằng, sự bốc đồng theo kế hoạch riêng của mình là mù tối, và tình yêu trong trái tim Ngài là vô biên. Dưới ánh sáng của tình yêu đó, Phaolô tiến về phía trước, không phải trên một con đường hạn hẹp như trước, nhưng là một đại lộ thênh thang xứng tầm vị tông đồ mai ngày; nói cách khác, Thiên Chúa quật Phaolô từ một con người chễm chệ trên lưng ngựa xuống tận đất; để sau đó, nâng Phaolô lên, đến tầm mức “vị tông đồ của dân ngoại”. Thế nhưng, hình ảnh người ta cầm tay dắt Phaolô là một trong những hình ảnh đẹp nhất của một ‘Saulô’ chập chững trong hành trình của một cuộc đời mới, nơi ‘một con người mới’ trong Chúa Kitô!

Anh Chị em,

Kiêu hãnh và tự phụ, Phaolô là hoạ ảnh mang dáng dấp của cả nhân loại hiện đại trước Corona; đó cũng là hoạ ảnh của mỗi người chúng ta. Như nhân loại, chúng ta tự tin, tự tôn và tự kiêu; một ‘Saolô’ mắt mở nhưng không thấy gì. Dịch bệnh nổ ra, mọi kế hoạch của con người bị quật ngã, một Đamas của nhân loại và của mỗi người, khiến chúng ta trở nên một ‘Phaolô’ khiêm tốn, nghèo hèn và cậy trông. Quan hệ của Phaolô với Thiên Chúa từ Đamas cũng trở nên sâu sắc hơn; từ đó, Phaolô bắt đầu liên hệ với những người khác theo cách Thiên Chúa liên hệ với họ. Cũng thế, với Corona, chúng ta ý thức rằng, càng gần Thiên Chúa, trái tim chúng ta càng rộng mở, và chân trời của chúng ta càng bao la; từ đó, chúng ta liên hệ với những người khác theo cách mang mọi người lại với nhau trong tất cả sự đa dạng của họ ‘một cách rất khác!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết mềm mại uốn mình theo Thần Khí, ngõ hầu con được biến đổi ‘một cách rất khác’, để mỗi ngày, khi càng gần Chúa, con càng hữu ích cho tha nhân hơn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 26/01: Lời Chúa Có Tiềm Năng Sinh Lợi Cho Con Người - Suy Niệm: Lm. Giuse Vũ Hải Đăng, sdd
Giáo Hội Năm Châu
04:51 25/01/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: "Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm". Và Người phán rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: "Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".

Người nói với các ông: "Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm".

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:55 25/01/2022

3. Trước đây tôi nhìn văn chương của thế tục, phục vụ thế tục như thế nào, thì cũng vậy, giờ đây tôi phải đọc các tác phẩm tôn giáo như thế và tìm cách phục vụ Thiên Chúa.

(Thánh John Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:02 25/01/2022
78. CÂY BẠCH QUẢ DÂM HÀNH

Trong thôn có một thư sinh thích nói những lời nho nhã, phàm đối với những lời nói có liên quan đến việc thô tục dâm tà thì anh ta rất là căm giận.

Một ngày nọ, anh ta hỏi một người bạn ở huyện bên cạnh:

- “Nghe nói quý huyện có nhiều cây bạch quả, có phải như thế không?”

Người bạn không trả lời, anh ta hỏi đến ba lần mà người bạn vẫn lặng lẽ không trả lời, người bên cạnh đều bụm miệng cười thầm. Té ra chữ “cây bạch quả” là đồng âm với chữ “dâm hành” (1) (hành vi dâm loạn), bởi vì người bạn cũng là người thích nói lời nho nhã cho nên không muốn trả lời !

(Trì Bắc Ngẫu Đàm)

Suy tư 78:

Thích nói lời nho nhã và ghét cay những lời nói thô tục tà dâm là chuyện nên làm, bởi vì con người ta ai cũng thích nghe những lời nho nhã hơn là những lời nói bậy bạ tục tĩu.

Có những người thích nói lời nho nhã, nhưng trong lòng thì thường suy nghĩ đến những chuyện tục tĩu dâm ô; có những người mở miệng thì tuôn ra những lời của thánh hiền, nhưng trong bụng chứa đầy những mưu mô hại người; lại có những người hễ nghe đến những lời tục tĩu thì bịt tai lắc đầu, nhưng thích đi coi phim con heo.vv...Tại sao vậy, thưa là vì những lời nho nhã của họ không phảng phất hương thơm của Tin Mừng.

Người thích nói và thích nghe những lời nho nhã, thì cũng nên có một chút thông minh để không câu nệ chấp xét lời của người khác, bởi vì “cây chó đẻ” khác với “đồ chó đẻ”, cũng như “cây bạch quả” khác với “dâm hành”... Chỉ có những người thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su mới được như vậy, cho nên dù họ tiếp xúc với hạng người nào trong xã hội, thì tâm của họ vẫn cứ an vui mà không cau có, khi nghe những lời khiếm nhã.

Mà người thấm nhuần tinh thần Tin Mừng thì chỉ có người Ki-tô hữu mà thôi.

(1) [銀杏: cây bạch quả] phát âm là “yinxing”, [淫行: dâm hành] cũng phát âm là “yinxing”, đồng âm khác nghĩa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Không phải ngẫu nhiên
Lm. Minh Anh
23:55 25/01/2022
KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN

“Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”

Trong “Comme Des Cœurs Brûlants”, “Như Những Trái Tim Nóng Bỏng”, Alexia Vidot, 30 tuổi, kể lại lý do trở lại thú vị của cô cách đây 13 năm. “20 tuổi, sinh viên; tôi cần thinh lặng. Hai cô bạn bán cho tôi “phiếu đi nghỉ” tại một tu viện trên núi. Tôi điện thoại, báo cho các soeurs, tôi không đến để cầu nguyện, tôi chưa rửa tội. Họ nói, “Đến đây, chúng tôi chờ cô!” Ngay tối đầu tiên, qua sự quan tâm và lắng nghe nhân ái của một nữ tu, tôi bồi hồi; nhưng động cơ thực sự là khi tôi nhận ra tình yêu Chúa dành cho tôi. Tôi nhận ra Ngài yêu tôi, Alexia, với một tình yêu duy nhất và đặc biệt. Đức Bênêđictô 16 nói, “‘Không phải ngẫu nhiên’ mà chúng ta hiện hữu như một sản phẩm vô nghĩa của một quá trình tiến hoá. Mỗi chúng ta đều được mong đợi, được yêu thương, mỗi chúng ta là cần thiết!” Tôi cảm nhận điều này đến tận xương tuỷ!”

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng thế, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai thánh Timôtê và Titô ngay sau ngày lễ thánh Phaolô; cũng ‘không phải ngẫu nhiên’ mà Timôtê và Titô được chọn làm cộng sự viên của ngài; và càng ‘không phải ngẫu nhiên’ khi người đi gieo lại gieo được giống vào đất tốt như Tin Mừng hôm nay nói đến. Vì lẽ, “Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”

Timôtê và Titô được gọi là sứ đồ của một Sứ Đồ. Quả vậy, trong thời gian đầy ân sủng của Giáo Hội sơ khai, các tông đồ và Phaolô đã xới được những rãnh sâu đầu tiên vào những vùng đất ngoại giáo các ngài đi qua, gieo vào đó những hạt giống đức tin mà những người kế vị sẽ tưới tẩm, vun xới và thu hoạch. Đó là những Kitô hữu có một nền giáo dục tốt. Bài đọc thứ nhất cho biết, Phaolô vô cùng cảm kích bà ngoại và người mẹ của Timôtê, họ đã truyền lại đức tin cho Timôtê một cách tuyệt vời. Phaolô viết, “Cha nhớ lại đức tin trung thành của con, đức tin mà bà ngoại của con là Lois đã có trước, rồi đến mẹ con là Êunikê; và cha tin, con cũng có đức tin đó”. Vì thế, “Con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa”; “Nhưng hãy cộng tác với Tin Mừng!”

Như vậy, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà Phaolô chọn Timôtê để đặt tay truyền chức Giám mục; và dĩ nhiên, cả Titô nữa. Lois và Êunikê hôm nay được nhớ lại bởi tất cả chúng ta, những người đọc thư này, và chúng ta có thể mơ về những gì Phaolô sẽ kể về chúng ta nếu ngài viết thư cho con cháu chúng ta và những ai Chúa trao vào tay chúng ta! Chúng ta phải là những người luôn “kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm”, tường thuật những ân huệ của Ngài cho con cháu, cho các thế hệ mai sau như Thánh Vịnh đáp ca nhắc đến.

Với bài Tin Mừng, dụ ngôn người gieo giống trình bày một loạt các loại hình đất, tiềm năng của từng loại hạt mà người gieo rắc vãi, nơi mà hạt giống rơi xuống gần như tình cờ! Tuy vậy, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà hạt giống gieo vào mảnh đất này mà không rơi vào mảnh đất khác! Chúng ta cần ân sủng Chúa để tránh xa những con đường ơ hờ khi hạt Lời Chúa gặp phải một mảnh đất hời hợt; cần khám phá thế nào là một không gian màu mỡ, cung cấp chiều sâu cho việc gieo trồng; và cần phải tách khỏi của cải vốn có nguy cơ làm tắc nghẽn hay làm đứt lìa khỏi thân nho ban sự sống! Hãy ra sức cộng tác với người gieo, trở nên niềm vui cho người gieo, hầu có thể chung vui với chủ khi ngày mùa về, ngày mà cánh đồng rộ nở một màu lúa chín ửng.

Anh Chị em,

Alexia Vidot còn nhắc lại lời của Đức Bênêđictô 16, “Gốc ngọn của sự kiện chúng ta là tín hữu Kitô không phải là một quyết định đạo đức hay một ý tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một sự kiện, với một Đấng mang lại cho cuộc sống một chân trời mới; và từ đó, là một định hướng quyết định cho cuộc sống”. Đó đích thực là những gì cô đã sống! Cũng thế, Timôtê, Titô có mặt trên trần gian, trở thành Giám mục, không phải chỉ do Phaolô đặt tay hay do bà ngoại hoặc người mẹ, hoặc một ai sắp đặt. Chúng ta cũng thế! “Tất cả do bởi ý định của Thiên Chúa!”; nhờ Ngài, chúng ta sống, hoạt động. Chúng ta không ra khỏi vòng tay bao dung và quyền năng của Thiên Chúa, dẫu Ngài luôn ẩn mình. Vấn đề là chúng ta biết giữ cho mình một tâm hồn lặng đủ để lắng nghe Ngài. Chỉ khi mối tương quan giữa chúng ta với Ngài trở nên thâm sâu, chúng ta mới đủ sức tin tưởng, phó thác và mềm mỏng thực hiện ý định yêu thương ngàn đời của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

Lạy Chúa, ‘không phải ngẫu nhiên’ mà giờ này, con đang ở đây. Cho con luôn sống trong tâm tình biết ơn và sám hối, nhất là trong những ngày cuối của một năm sắp khép lại!” Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các con số thống kê mới về cuộc chiến chống phá thai và tình hình đi nhà thờ thời đại dịch
Vũ Văn An
00:03 25/01/2022

Các con số thống kê công bố trong tuần này vừa đem lại niềm vui vừa đem lại nhiều âu lo.



Vui vì theo John McCormack của National Review (www.nationalreview.com/corner/marist-poll-most-anericans-want-abortion-limits-that-roe-casey-wont-allow//), cuộc thăm dò của Dòng Marist cho hay: Hầu hết người Mỹ muốn có giới hạn phá thai mà các phán quyết Roe & Casey vốn không cho phép.

Thực vậy, một cuộc thăm dò ý kiến mới do Hội Hiệp sĩ Columbus ủy quyền thấy rằng phần lớn người Mỹ muốn có các luật lệ về phá thai vốn không được các tiền lệ phá thai RoeCasey của Tối cao Pháp viện cho phép.

Chế độ Roe cấm bất cứ giới hạn pháp lý nào đối với việc phá thai ít nhất là cho đến khi “khả năng sống còn” – tức lúc một thai nhi có thể sống sót ở bên ngoài tử cung – một điều xảy ra sớm nhất là khi thai nhi được 21 tuần thai kỳ. (Ngay cả sau khi khả năng sống còn, đòi hỏi của Roe về các trường hợp ngoại lệ sau khả năng sống còn đối với sức khỏe "tình cảm" và "tâm lý" nghiêm cấm các giới hạn thực sự đối với việc phá thai muộn).

Cuộc thăm dò mới đã cung cấp cho những người được hỏi sáu lựa chọn khác nhau khi được hỏi điều gì gần nhất đối với quan điểm của họ:



Cuộc thăm dò cho thấy 17 phần trăm người Mỹ muốn phá thai bất cứ lúc nào trong suốt thai kỳ, trong khi 12 phần trăm nói rằng chỉ nên cho phép phá thai trong sáu tháng đầu của thai kỳ.

Hai mươi hai phần trăm người Mỹ nói rằng chỉ nên phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Và 49% người Mỹ nói rằng chỉ nên cho phép phá thai trong những trường hợp hiếm hoi hoặc không bao giờ.

Nói cách khác, cuộc thăm dò Marist cho thấy ít nhất 71% người Mỹ muốn giới hạn phá thai vượt quá những gì Roe / Casey cho phép.

Cuộc thăm dò của Marist vạch trần lý do khiến nhiều cuộc thăm dò khác về Roe v. Wade đã gây hiểu lầm. Hầu hết người Mỹ không biết nếu Roe bị lật ngược thì điều này có nghĩa gì, và hầu hết các cuộc thăm dò thực sự không đi sâu vào chi tiết việc người Mỹ muốn luật của họ ra sao. Đôi khi nhà thăm dò ý kiến làm cho vấn đề trở nên tệ hơn bằng cách cho thông tin sai lệch vào các câu hỏi thăm dò. Thí dụ, một cuộc thăm dò mới của CNN nói với những người được hỏi rằng Roe đã thiết lập quyền phá thai “ít nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ”. Kết quả chênh lệch ủng hộ việc giữ Roe (69% đối với 30%) cho chúng ta biết rất ít về những gì người Mỹ thực sự nghĩ về việc phá thai.

Một kết quả còn nói với ta nhiều hơn trong cuộc thăm dò của CNN là việc phát hiện ra rằng “số người Mỹ nói rằng họ đang sử dụng vấn đề [phá thai] như một thử nghiệm tương đối thấp ở cả những người ủng hộ việc bãi bỏ Roe (25%) lẫn những người không muốn thấy nó bị bãi bỏ (18%)”.

Thăm dò cử tri sau cuộc bầu cử thống đốc Virginia năm 2021 cho thấy 8% cử tri Virginia nói rằng phá thai là “vấn đề quan trọng nhất” và nhóm cử tri này đã bỏ phiếu 58% chống 41% ủng hộ Glenn Youngkin của đảng Cộng hòa. Trong chiến dịch tranh cử, McAuliffe đặt vấn đề phá thai lên hàng đầu và là trọng điểm - và Đảng Dân chủ đã bỏ gần 4 triệu đô la để quảng cáo truyền hình có chủ đề về phá thai chống lại Youngkin.

Giảm đi nhà thờ vì COVID-19

Âu lo vì theo Wendy Wang thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình (https://ifstudies.org/blog/the-decline-in-church-attendance-in-covid-america), cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy dân số Kitô giáo của Hoa Kỳ đã giảm đều đặn trong thập kỷ qua. Ngày nay, 63% người Mỹ tự mô tả mình là Kitô hữu, giảm so với 75% chỉ một thập niên trước. Tỷ lệ người Mỹ tự xác định mình theo các tín ngưỡng không phải Kitô giáo (6%) vẫn ổn định, nhưng tỷ lệ người Mỹ thế tục tăng 10 điểm bách phân so với một thập niên trước.

Trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch COVID-19, người ta có thể nghĩ rằng nhiều người sẽ hướng về tôn giáo hơn, do cái chết, nỗi sợ hãi và sự cô lập mà đại dịch đã tạo ra. Thực vậy, dữ kiện thăm dò ý kiến khi đại dịch mới bùng phát cho thấy người Mỹ có nhiều xác suất nói rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã củng cố niềm tin của họ thay vì làm suy yếu nó. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu đối với cuộc khủng hoảng có thể không kéo dài, và một số người có thể nhụt chí, không muốn trở lại nhà thờ vì đại dịch kéo dài.

Theo các dữ kiện thu thập được vào tháng 4 / tháng 5 năm 2020 bởi Barna Group, một trong ba Kitô hữu thực hành đã bỏ nhà thờ hoàn toàn vì COVID-19. Tháng 6 năm ngoái, AP đã tung ra câu chuyện về nhiều nhà thờ phượng ở Hoa Kỳ đã bị đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch. Điều còn tồi tệ hơn là con số thành viên Giáo Hội ở Hoa Kỳ giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên vào năm 2020, theo các dữ kiện của Gallup từ năm 1940.

Một phân tích mới của Viện Nghiên cứu Gia đình sử dụng cuộc Thăm dò Gia đình Hoa Kỳ cho thấy, việc tham dự các hoạt động tôn giáo đã giảm đáng kể trong hai năm qua. Tỷ lệ những người thường xuyên đi nhà thờ giảm 6 điểm bách phân, từ 34% vào năm 2019 xuống 28% vào năm 2021 (1). Trong khi đó, tỷ lệ những người Mỹ thế tục không bao giờ hoặc hiếm khi tham dự các nghi lễ tôn giáo tăng 7 điểm bách phân.



Việc tham gia các buổi lễ tôn giáo được đo lường theo tiêu chuẩn của cuộc Thăm dò Gia đình Hoa Kỳ: “Ngoài đám cưới và đám tang, bạn có thường xuyên tham dự các buổi lễ tôn giáo không?” Chúng ta không biết liệu những người được hỏi có bao gồm việc tham dự nhà thờ trực tuyến như một phần của việc tham dự lễ nghi tôn giáo của họ hay không.

Trong khi đó, sự suy giảm tham gia tôn giáo thay đổi theo một số yếu tố nhân khẩu học. Những người Mỹ trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn có nhiều xác suất hơn những người ở nhóm tuổi trung niên giảm đi lễ nhà thờ. Mức giảm khoảng 10 điểm bách phân từ năm 2019 đến năm 2021 đối với những người dưới 35 tuổi cũng như những người trên 65 tuổi, nhưng chỉ giảm 4 điểm bách phân đối với nhóm trung niên. Người Mỹ da đen cũng có nhiều xác suất hơn những người khác giảm mạnh trong việc đi lễ ở nhà thờ. Năm 2019, 45% người Mỹ da đen đi lễ tôn giáo thường xuyên. Đến năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống còn 30%, chênh lệch 15 điểm bách phân. Sự suy giảm trong các nhóm chủng tộc / dân tộc khác là từ 5 đến 6 điểm bách phân.



Sự sụt giảm đi lễ nhà thờ cũng rõ ràng hơn ở những người trưởng thành đã kết hôn mà không có con dưới 18 tuổi. Khoảng 30% người lớn đã kết hôn mà không có con tham gia các buổi lễ tôn giáo thường xuyên vào năm 2021, giảm từ mức 40% vào năm 2019. Điều này có lẽ liên quan đến tuổi tác, vì nhóm người lớn tuổi nhất trong 4 nhóm được phân loại theo tình trạng hôn nhân và có con dưới 18 tuổi (tuổi trung bình là 61).

Mặt khác, ý thức hệ dường như không liên quan đến việc giảm số người đi lễ ở nhà thờ. Những người bảo thủ thường có xu hướng tham gia các buổi lễ tôn giáo hơn những người ôn hòa và cấp tiến, nhưng sự sụt giảm số lượng người tham dự là tương tự nhau ở ba nhóm. Tương tự như vậy, không có sự khác biệt đáng kể theo thu nhập được tìm thấy trong việc giảm sút việc tham dự lễ nghi tôn giáo trong hai năm qua.

Khi ngày càng có nhiều vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19, câu hỏi nhức nhối là liệu chúng ta có thấy lượng người đi lễ ở nhà thờ tăng trở lại sau khi đại dịch qua đi hay không. Thật khó để dự đoán, nhưng nghiên cứu trước đây về cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009 ảnh hưởng đến việc tham dự các lễ nghi tôn giáo có thể làm sáng tỏ. Vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến lượng người đi lễ ở nhà thờ cao hơn. Tuy nhiên, dữ kiện cho thấy không có sự gia tăng nào về số người tham gia các hoạt động tôn giáo ở Hoa Kỳ kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không có bất cứ tác động rõ ràng nào đến mức độ tham dự các lễ nghi tôn giáo ở các nước châu Âu.

Có thể một số băng ghế trống được thay thế bằng những người thờ phượng trực tuyến, nhưng hiện không có dữ kiện nào để hỗ trợ điều này. Hơn nữa, việc thiếu tương tác trực tiếp có thể làm suy yếu các mối liên kết xã hội trong các nhà thờ khi đại dịch kéo dài. Như chúng ta đã biết, việc tham dự các buổi lễ tôn giáo không chỉ liên quan đến việc có một mạng lưới hỗ trợ xã hội mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như ít trầm cảm hơn, tỷ lệ tự tử thấp hơn và ít sử dụng ma túy và rượu hơn. Các dịch vụ trực tuyến, với những người bị cô lập ở nhà, không có khả năng mang lại cùng mức lợi ích.

Ngoài ra còn có thiệt hại về tình cảm cho những người thực hành tôn giáo nhưng không còn tham dự các buổi lễ tôn giáo. Theo cuộc thăm dò Barna, những người được hỏi ngừng đi nhà thờ trong thời gian COVID-19 có nhiều xác suất cảm thấy bất an và lo lắng hơn những Kitô hữu thực hành không ngừng tham dự các buổi lễ trực tiếp.

Như Tyler Vanderweele và Brendan Case gần đây đã nhấn mạnh trên tờ Christian Today, “băng ghế trống là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của Mỹ”. Hơn nữa, những người Mỹ tham dự các buổi lễ tôn giáo thường xuyên có nhiều xác suất kết hôn và sinh con hơn. Thoát khỏi đại dịch COVID-19, những người Mỹ theo đạo cũng có nhiều xác suất hơn những người Mỹ không theo tôn giáo trong việc mong muốn kết hôn và có con cái mạnh mẽ hơn. Sự suy giảm trong việc đi lễ không những có tiềm năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng mà còn cả sự ổn định của gia đình và sự gia tăng dân số ở Mỹ.
___________________________

(1). Các thuật ngữ “nhà thờ”, “buổi lễ tôn giáo” và “nhà thờ phượng” được sử dụng thay thế cho nhau.
 
Xem xét kỹ hơn các cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
J.B. Đặng Minh An dịch
02:26 25/01/2022

Trong khi các phương tiện truyền thông đang ráo riết bôi nhọ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Catholic World News có bài nhận định nhan đề “A closer look at Munich charges against former Pope”, nghĩa là “Một xem xét kỹ hơn các cáo buộc chống lại Đức Nguyên Giáo Hoàng.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một cuộc điều tra độc lập về các trường hợp lạm dụng tình dục trong tổng giáo phận Munich đã đưa ra những lời chỉ trích đối với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 với các cáo buộc cho rằng ngài đã sơ suất trong một số trường hợp. Nhưng việc xem xét kỹ hơn bản báo cáo cho thấy bằng chứng về sự sơ suất của Đức Giáo Hoàng danh dự là rất yếu ớt.

Các tiêu đề liên quan đến báo cáo này, được công bố vào tuần trước bởi một công ty luật của Đức, hầu như luôn cố tình nêu bật những thất bại của Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ. Nhưng rất ít phóng viên viết những câu chuyện đó có thời gian để tìm hiểu toàn bộ nội dung của bản báo cáo, bằng tiếng Đức và không có bản dịch sang tiếng Anh, dài tới hơn 1,000 trang – trong đó có tới 72 trang được dành để đề cập đến sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Ratzinger, từ năm 1977 đến năm 1982.

Tất nhiên, từ lâu, Đức Nguyên Giáo Hoàng là mục tiêu nổi bật cho những chỉ trích của các phương tiện truyền thông. Và Đức Tổng Giám Mục đương nhiệm của Munich, Hồng Y Reinhard Marx, được giới truyền thông ưu ái hơn nhiều, và có lẽ do đó ít bị chỉ trích hơn vì những trường hợp được báo cáo là sơ suất của ngài. Đức Hồng Y Friedrich Wetter, người có nhiệm kỳ giữa Đức Bênêđíctô và Hồng Y Marx, gần như hoàn toàn bị phớt lờ trên các phương tiện truyền thông, mặc dù thời gian làm việc của ngài đã bị báo cáo vi phạm nhiều hơn cả hai vị.

Michael Hesemann, một chuyên gia về Giáo hội Đức, đã nghiên cứu chi tiết bản báo cáo - đặc biệt là các báo cáo liên quan đến Đức Ratzinger - và lưu ý rằng trong số bốn trường hợp mà ủy ban điều tra kết luận rằng Đức Giáo Hoàng tương lai đã sơ suất “không hành động”, không ai liên quan đến cáo buộc lạm dụng đã phạm lỗi trong nhiệm kỳ tổng giám mục của Đức Ratzinger, và không ai liên quan đến các cáo buộc lạm dụng trong tương lai. Nói cách khác, trong bốn trường hợp được trích dẫn chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, không có trường hợp nào liên quan đến một nạn nhân cụ thể!

Một cách khách quan, báo cáo này nêu ra đến 65 trường hợp, và chỉ có 4 trường hợp báo cáo này cho rằng ngài có sơ suất..

Thứ nhất: Một linh mục đã bị kết tội lạm dụng rất lâu trước khi Đức Hồng Y Ratzinger đến, sau khi mãn hạn tù, đã được phép trở về Munich để sống trong thời kỳ hưu trí. Vị linh mục này không được giao nhiệm vụ mục vụ nào như báo cáo đề cập.

Thứ hai: Một linh mục khác từng bị kết án đã trở lại làm việc mục vụ ở Munich dưới thời Đức Hồng Y Ratzinger. Ông ta lại bị bắt vì thoát y, và bị tước bỏ nhiệm vụ mục vụ. Ông ta vẫn ở lại Munich, để được chữa trị tâm thần. Sau đó, ông được nhận vào làm giáo viên tôn giáo trong một trường tư thục, mà Đức Tổng Giám Mục không hề hay biết.

Thứ ba: Một giám mục ở một quốc gia khác đã yêu cầu Đức Hồng Y Ratzinger tìm chỗ ở cho cháu trai của mình, là một linh mục sẽ học ở Munich. Đức Hồng Y Ratzinger dù muốn dù không cũng phải tìm một ngôi nhà cho vị linh mục, như một cử chỉ lịch sử dành cho một đồng nghiệp. Không có bằng chứng nào cho thấy vị giám mục thông báo với Đức Hồng Y Ratzinger rằng cháu trai của ngài đã bị kết tội lạm dụng tình dục. Khi vị linh mục được tìm thấy tắm ở một hồ bơi mà không mặc quần áo, đầu tiên vị này bị cấm làm việc mục vụ, sau đó được lệnh rời khỏi tổng giáo phận.

Thứ tư: Một linh mục đã bị buộc tội - và sau đó sẽ bị kết tội - chụp ảnh các cô gái trẻ trong tư thế gợi dục. Đức Hồng Y Ratzinger đã loại ông khỏi công việc giáo xứ và chỉ định ông làm tuyên úy trong một viện dưỡng lão.

Trong 4 trường hợp này, báo cáo kết luận rằng Đức Hồng Y Ratzinger đã có sơ suất - đặc biệt là theo tiêu chuẩn ngày nay. Nhưng những hành động hay không hành động của Đức Hồng Y Ratzinger có thể so sánh với cách hành động của vô số giám mục khác, ở nhiều giáo phận khác, trong những năm ngài phục vụ ở Munich. Sự lãnh đạo của ngài ở Munich xảy ra rất lâu trước khi “Hiến chương Dallas” đưa ra một cách tiếp cận mới đối với các vụ lạm dụng tình dục vào năm 2002, mà cuối cùng đã trở thành một gương mẫu cho các chính sách trên toàn thế giới. Trên thực tế, những năm tháng của Đức Hồng Y Ratzinger ở Munich đã diễn ra ngay cả trước khi Bộ Giáo luật 1983 đặt ra các tiêu chuẩn mới để xử lý các tội phạm giáo sĩ nghiêm trọng nhất, bao gồm cả lạm dụng tình dục.
Source:Catholic World News
 
Giám Mục Ý tố cáo các trào lưu cấp tiến Đức tìm cách làm nhục Đức Ratzinger bất chấp thủ đoạn
J.B. Đặng Minh An dịch
02:29 25/01/2022

Đức Cha Massimo Camisasca, Giám Mục nghỉ hưu của Reggio Emilia cho biết Đức Hồng Y Ratzinger là người đầu tiên nêu bật mức độ nghiêm trọng của các vụ lạm dụng. Vị Giám Mục 75 tuổi, tác giả của 70 cuốn sách bao gồm lịch sử của Hiệp thông và Giải phóng đã bày tỏ sự ngỡ ngàng của ngài trước cáo buộc chống lại Đức Giáo Hoàng Danh dự, và tố cáo các trào lưu cấp tiến Đức, bao gồm cả một số Giám Mục Đức, tìm cách làm nhục Đức Ratzinger bất chấp thủ đoạn. Ngài đưa ra lập trường trên trong cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều của Ý.

Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tại sao Đức Cha lại tin chắc như thế?

“Hãy để tôi đưa ra tiền đề. Tất cả các giám mục Ý chúng tôi, tất nhiên, bao gồm cả tôi, đều tin chắc một cách sâu sắc rằng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, cũng như các hành vi lạm dụng đạo đức và thẩm quyền, là một tội rất nghiêm trọng. Tất cả càng nghiêm trọng hơn nếu được thực hiện bởi một người thánh hiến, một tu sĩ, hay một nhà giáo dục”.

Nhưng nhiều người không muốn nhắc đến chuyện đó.

“Chắc chắn rồi. Nhưng Giáo hội ngày càng nhận thức được sự gia tăng về số lượng những tội ác này trong những năm cuối của triều đại Thánh Gioan Phaolô II. Chính Đức Hồng Y Ratzinger là người đầu tiên nêu bật mức độ nghiêm trọng của nó - trong số các nhà lãnh đạo thế giới, chính trị và văn hóa - và đưa ra các biện pháp”.

Các biện pháp nào, thưa Đức Cha?

“Bằng cách củng cố bộ phận pháp lý của Bộ Giáo lý Đức tin mà ngài lãnh đạo. Sau khi trở thành Giáo hoàng, ngài đã thực hiện những hành động đầy quyết tâm: bức thư rất nghiêm khắc gửi cho Giáo hội Ái Nhĩ Lan, yêu cầu sám hối và hoán cải, cũng như phải liên đới và cởi mở với các nạn nhân. Ngài gia tăng mức độ nặng nề của các hình phạt, cũng như thêm vào các hình phạt mới, và trao cho Bộ Đức tin những quyền điều tra mới và sâu rộng. Trước ngài chưa ai làm được như thế cả”.

Còn Đức Giáo Hoàng Phanxicô thì sao?

“Ngài tiếp tục đường lối này với nhiều sự can thiệp và thể hiện sự gần gũi của mình với các nạn nhân, yêu cầu các Giáo hội địa phương trang bị một ủy ban giáo phận để lắng nghe các nạn nhân và đào tạo các nhà giáo dục. Không có cơ quan thế giới nào làm được những gì Giáo Hội Công Giáo đang làm. Đó là một ý thức mới đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Không chỉ Giáo hội, xã hội dân sự cũng còn một chặng đường dài phía trước. Các vụ lạm dụng xảy ra chủ yếu trong các gia đình, trong thế giới thể thao và các hiệp hội thanh niên. Tại sao lại nổi cơn thịnh nộ chống lại Đức Hồng Y Ratzinger, về những sự kiện xảy ra gần 40 năm trước?”.

Đúng thế, quá bất công đối với ngài. Nhưng tại sao lại có vụ tấn công này, thưa Đức Cha?

“Lý do duy nhất đối với tôi dường như là sự không khoan dung của các thành phần cấp tiến trong Giáo hội và trong xã hội”.

Các thành phần cấp tiến trong Giáo hội là những ai, thưa Đức Cha?

“Đó là những người đang gây ra sự trôi dạt đức tin bằng Tiến Trình Công Nghị ở Đức. Họ là những người chưa bao giờ chấp nhận triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, sự khiêm tốn của ngài, sự trong sáng của ngài, thần học của ngài rộng mở sâu sắc và đồng thời bắt nguồn từ truyền thống, sự nhạy bén trong cách đọc hiện tại của ngài, cũng như cuộc chiến của ngài chống lại sự giảm thiểu lý trí, sự suy giảm giá trị của niềm tin trong xã hội, sự tháo thứ luân lý và chân lý. Họ không chấp nhận những điều đó.”

Những cáo buộc họ đưa ra rất nghiêm trọng. Đức Cha có chắc chắn rằng những cáo buộc này không được hỗ trợ bởi sự kiện, và bằng chứng?

“Tôi không hiểu tại sao các Giáo hội Pháp và Đức lại chọn con đường hình thành các ‘Ủy ban điều tra độc lập’, mà trên thực tế không phải là độc lập, bởi vì, ít nhất là một số thành viên của họ, đã bị lèo lái bởi thành kiến chống Công Giáo. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được đo lường thái độ của nhiều thập kỷ trước với những tiêu chuẩn của ngày hôm nay, khi chúng ta có nhận thức trưởng thành hơn về mức độ nghiêm trọng của các sự kiện, và hệ quả là sự nhạy cảm đã phát triển ở mọi cấp độ xã hội. Chẳng hạn, khi tôi còn nhỏ, các thầy cô giáo đưa ra một số hình phạt thể xác nhất định, điều đó không bị coi là ngược đãi và được coi là hoàn toàn bình thường. May mắn thay, điều này không còn xảy ra ngày nay”.

Vai trò của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tất cả những điều này là gì, thưa Đức Cha?

“Hoàn toàn không. Không có âm mưu nào của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm chống lại Đức Bênêđíctô. Đức Thánh Cha Phanxicô có một lòng kính trọng và tình cảm sâu sắc đối với người tiền nhiệm của mình”.

Theo Đức Cha, Đức Hồng Y Ratzinger sẽ được nhớ đến như thế nào?

“Giống như một người cha của Giáo hội. Ngài chắc chắn sẽ được nhớ đến như các Đức Giáo Hoàng Lêô Cả và Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả vì khả năng diễn thuyết sâu sắc và đơn giản của ngài. Những thế kỷ trong tương lai sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của ngài”.

Còn Đức Bergoglio thì sao, thưa Đức Cha?

“Giống như một vị Giáo hoàng đã kêu gọi toàn thể Giáo hội ý thức mình là một thiểu số, nhưng là một thiểu số tích cực, lắng nghe tiếng kêu cứu tuyệt vọng của những người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, và ý thức rằng trong mọi hoàn cảnh chỉ có Chúa Kitô mới có thể cứu được chúng ta”.

Đức Cha có nghĩ rằng một ngày nào đó Giáo hội sẽ cho các linh mục được kết hôn không?

“Không có mối liên hệ nào giữa luật độc thân linh mục và ấu dâm. Thật không may, nhiều kẻ ấu dâm là những người đã kết hôn, đã có gia đình hẳn hoi. Sự tươi sáng của đời sống độc thân đến với chúng ta từ Tin Mừng, từ cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Đó là sự lựa chọn để sống như Ngài. Nó đòi hỏi một sự trưởng thành về tình cảm phải được xác minh trong quá trình phân định. Các bề trên của các chủng viện và các nhà giáo dục là cần thiết, những người đảm nhận nhiệm vụ xác minh này. Chứng sợ tính dục ở thế kỷ 19 đã tạo ra các linh mục chưa trưởng thành và do đó không thể đánh giá sự trưởng thành của các ứng viên”.

Như thế, theo ý Đức Cha loại bỏ luật độc thân linh mục sẽ không giải quyết được gì?

“Cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua đòi hỏi sự khám phá lại chứ không phải sự phủ nhận giá trị của cuộc sống độc thân. Trái tim của con người là một vực thẳm mà không phải lúc nào cũng có thể soi xét được. Sử dụng ngôn ngữ của Tin Mừng, tôi có thể nói rằng sự trinh tiết vì Nước Trời, ngày nay đang bị hủy hoại mạnh mẽ bởi sự khêu gợi đang xâm chiếm xã hội, bởi sự cô đơn và bởi sự mong manh của chính chúng ta. Nhưng sự sa ngã của một số người không thể phủ nhận sự thật và che khuất ánh sáng rằng luật độc thân linh mục không phải là cho dân Kitô, mà cho toàn thể nhân loại”.
Source:Corriere della Sera
 
Phạm thánh trầm trọng tại Paris, kẻ thách thức bóp nát Mình Thánh Chúa khi Rước lễ
Đặng Tự Do
04:58 25/01/2022


Khi trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 17 tháng Giêng, Cha Simon de Violet, linh mục phụ tá tại giáo xứ Chúa Thánh Linh ở quận 12 của Paris, đã phải đối mặt với một người đàn ông đã nhận Mình Thánh Chúa trên tay, trước khi bóp nát thành từng mảnh và ném xuống đất. Một cử chỉ bạo lực và phạm thánh nghiêm trọng đối với Giáo hội, một sự xúc phạm, đòi hỏi một Thánh lễ Sám hối được cử hành vào Thứ Tư tuần này.

Người đàn ông đến và chìa tay ra để rước Mình Thánh Chúa. Nhưng thay vì đưa bánh thánh lên miệng, hắn ta lại nâng nó lên cao ngang mặt và bóp nát thành từng mảnh vụn rồi ném xuống đất.

Cha Simon, vẫn còn bị sốc, nói với tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường rằng: “Đó là thánh lễ chính trong ngày Chúa Nhật, lúc 11 giờ sáng, có thể coi là giai đoạn hai trong lễ rửa tội cho trẻ em, có rất nhiều người trong nhà thờ”. Khi người đàn ông đến gần, vị linh mục không nhận thấy điều gì đáng ngờ. Mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng. “Anh ta cầm lấy bánh thánh, đưa tay lên ngang mặt và bóp nát bánh thánh như người ta có thể làm với một miếng khoai tây chiên!”

Lại gần người ấy, vị linh mục nắm lấy áo khoác của anh ta và hô to. Cha Simon cho biết thêm: “Người đàn ông chỉ đơn giản trả lời 'Dành cho Nadia' trước khi tan vào đám đông. Như thế, hành động đó đã được suy nghĩ, và tính toán trước. Tay của anh ấy hơi sưng, với một số vết thương, như trường hợp của những người sử dụng ma túy hoặc rượu quá mức. Nhưng anh ấy hoàn toàn tỉnh táo “. Vị linh mục nhanh chóng yêu cầu các tín hữu lùi lại để ngài thu gom tất cả các mảnh vụn vào một cái bình “Tôi bảo đảm rằng thân thể của Chúa Giêsu Kitô không bị hư hại nhiều hơn những gì đã xảy ra.”

Một số thông tin từ cộng đoàn giáo xứ Chúa Thánh Linh cho rằng Nadia có thể là tên của một cô gái Công Giáo từng quen biết với hắn ta. Có thể cô ta đã chia tay với hắn, và trò này là nhằm trả thù.

Trên tweeter, Cha Simon viết: “Một sự phạm thánh đã xảy ra vào Chúa Nhật này tại giáo xứ. Sau khi nhận được Mình Thánh Chúa, một người đàn ông đã bóp nát bánh thánh trước mặt tôi và ném nó xuống đất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ta, và cầu xin để ma quỷ sẽ ngừng tấn Công Giáo Hội”.

Vị linh mục giải thích: “Việc phạm thánh đến Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô nghiêm trọng hơn nhiều so với tội phá phách các bức tượng hoặc hành vi trộm cắp một thùng tiền nhà thờ. “Đó là tội lỗi nghiêm trọng nhất về phương diện phụng vụ và bí tích. Thân thể của Chúa Kitô là kho tàng của Giáo hội “. Từ đầu năm đến nay, Paris đã chứng kiến một số cuộc đột nhập, phá hoại, và trộm cắp các ngôi thánh đường. Cha Simon coi những vụ phá phách là “làn sóng tấn công của ma quỷ” như đã từng xảy ra trong suốt lịch sử. Ngài nói: “Quyền lực của sự dữ được tung ra, và đó là một cách để thử thách niềm tin của Giáo hội nơi Thiên Chúa và chúng ta phải nhớ rằng ma quỷ đã bị đánh bại bởi Chúa Kitô. Và người đàn ông đã nghiền nát Mình Thánh Chúa đó là do ma quỷ tác động. “

Cuối thánh lễ, Cha Simon quyết định giải thích cho cộng đoàn điều gì vừa xảy ra. “Tôi quyết định nói chuyện với cộng đoàn cho những người chưa nhìn thấy điều gì xảy ra, nhưng cũng cho những đứa trẻ ngồi ở hàng ghế đầu, những người đã nhìn thấy mọi thứ mà chưa chắc đã hiểu được ý nghĩa xúc phạm của cử chỉ này. Tôi quyết định mang theo bánh thánh trong cuộc rước kết thúc thánh lễ. Chúng tôi đã đi qua dân Chúa với thân xác tan nát của Chúa. Có điều gì đó mang tính tiên tri và bi thảm trong đó”.

Thánh lễ phạt tạ

Sau thánh lễ, linh mục chánh xứ, là Cha Arnaud Duban, cho bánh thánh vào nước để pha loãng, theo đúng các giao thức của Giáo Hội trong những trường hợp như thế. Một thánh lễ phạt tạ đã được tổ chức vào ngày Thứ Tư, 19 tháng Giêng. “Chúng tôi sẽ nhân cơ hội của thảm kịch này để giúp các giáo dân và trẻ em hiện diện có một ý thức đúng đắn về sự thánh thiêng của thân thể Chúa Kitô.”

Sự xúc phạm này không phải là một sự kiện nhỏ. Cha Simon, đồng ý với cha xứ của mình, quyết định nói về điều đó ngay lập tức. “Chúng tôi đã lựa chọn minh bạch vì một số lý do. Cái ác phải được đối mặt trực tiếp. Chúng ta phải nêu đích danh nó,” vị linh mục nói. “Điều này cũng sẽ giúp chúng ta tôn kính và tôn trọng thân thể của Chúa Giêsu Kitô tốt hơn”.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha chính thức tuyên bố Thánh Irênê là Tiến Sĩ Hội Thánh
Đặng Tự Do
04:59 25/01/2022


Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức tuyên bố Thánh Irênê – tiếng Pháp là Irénée, tiếng Anh là Irenaeus - giám mục sống ở thế kỷ thứ 2 tại Lyon, là Tiến Sĩ Hội Thánh, với tước hiệu “Tiến sĩ Unitatis” – “Tiến Sĩ Của Sự Hiệp Nhất”, trong một sắc lệnh ban hành vào ngày 21 tháng Giêng năm 2022. Thánh Irênê là Tiến sĩ thứ 37 của Hội Thánh, và Tiến sĩ thứ năm đến từ Pháp.

“Cầu mong giáo lý của một vị Thầy vĩ đại như vậy sẽ khuyến khích ngày càng nhiều hơn nữa hành trình của tất cả các môn đệ của Chúa trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sắc lệnh của ngài. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vị thánh vốn xuất thân từ phương Đông và từng là giám mục ở phương Tây, là một “cầu nối tâm linh và thần học” giữa các Kitô hữu của phương Đông và phương Tây.

“Tên của ngài, Irênê, thể hiện sự bình an đến từ Chúa và sự hòa giải, khôi phục sự thống nhất”

Giáo hội chính thức tuyên phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho các nhà thần học mà Giáo hội công nhận là có thẩm quyền đặc biệt với tư cách là nhân chứng cho giáo lý, vì sự chắc chắn trong tư tưởng của các ngài, cũng như sự thánh thiện trong cuộc sống và tầm quan trọng trong công việc của các ngài.

Một ngày trước khi công bố sắc lệnh này, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chính thức đề nghị Đức Giáo Hoàng chấp nhận “phán quyết tích cực” của phiên họp toàn thể của các Hồng Y và giám mục, là những vị đã xem xét đề nghị phong cho vị thánh này danh hiệu này.

Hồi tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ sớm tuyên bố Thánh Irênê là Tiến sĩ Giáo hội trong một bài diễn văn trước các nhà thần học Công Giáo và Chính thống trong nhóm Công tác Chính Thống Giáo - Công Giáo Thánh Irênê.

Vào tháng Giêng năm 2018, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, khi đó là Giáo Chủ của Gauls, trong khi đến Rôma, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình phong Thánh Irênê làm Tiến sĩ Hội Thánh.

Sinh ra tại Smyrna, Tiểu Á - nay là Thổ Nhĩ Kỳ - và sống từ năm 177 đến 202, Thánh Irênê được biết đến như một người bảo vệ trung thành cho đức tin.

Lo ngại về sự gia tăng của các giáo phái ngộ đạo trong Giáo Hội sơ khai, ngài đã viết tác phẩm “Adversus haereses”, nghĩa là “Chống lại những kẻ dị giáo”. Đó là một lời bác bỏ niềm tin ngộ đạo trong đó phái này đề cao kiến thức tâm linh của cá nhân, và coi nhẹ đức tin vào các giáo lý Kitô và thẩm quyền của giáo hội.

Trong cuộc họp mùa thu năm 2019, hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý thêm vào một đề nghị của Tổng giáo phận Lyon, Pháp - khu vực nơi Thánh Irenaeus phục vụ - là xin Đức Thánh Cha tuyên bố rằng vị giám mục thế kỷ thứ hai là tiến sĩ Hội Thánh.

Giáo Hội Công Giáo hiện có 37 Tiến sĩ Hội Thánh, năm vị là người Pháp: đó là Thánh Bernard thành Clairvaux, Thánh Hilaire thành Poitiers, Thánh Phanxicô Đệ Salê, Thánh Têrêxa thành Lisieux và ngày nay là Thánh Irénée.

Trước đó, vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ Hội Thánh khác, là Thánh Gregôriô thành Narek, sinh năm 954 và mất năm 1010. Ngài là một nhà thơ và nhà triết học Armenia.
Source:Aleteia
 
Các vị được tuyên Tiến sĩ Hội Thánh bởi 3 vị giáo hoàng gần đây nhất
Đặng Tự Do
05:00 25/01/2022


Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, mỗi vị đã tuyên bố một số các vị thánh là “Tiến sĩ Hội Thánh”, vì những giáo huấn có tầm ảnh hưởng lớn của các ngài.

Trong Giáo Hội Công Giáo, bên cạnh việc gọi một số vị là thánh, khi công nhận các nhân đức phi thường của các ngài, các giáo hoàng qua nhiều thế kỷ đã chọn các vị thánh cụ thể là “Tiến sĩ Hội Thánh”.

Những vị này được coi là những bậc thầy gương mẫu trong các chủ đề thần học hoặc tâm linh khác nhau. Danh hiệu “Tiến sĩ” bắt nguồn từ tiếng Latin docere, có nghĩa là “giảng dạy.”

Kể từ thế kỷ 13, chỉ có 37 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh. Đây là một con số rất nhỏ, vì đây là một tước hiệu hiếm hoi được trao và các giáo hoàng không thường xuyên trao tặng danh hiệu này.

3 vị giáo hoàng cuối cùng đã thêm một số ít các vị thánh vào danh hiệu đặc biệt này.

Thánh Têrêsa thành Lisieux

Năm 1997, Thánh Gioan Phaolô II đã phong Thánh Têrêsa thành Lisieux là Tiến sĩ Hội thánh vì những bài viết có linh đạo sâu sắc của Thánh nữ.

Thánh John thành Ávila

Đức Bênêđíctô XVI đã phong Thánh Gioan thành Avila là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 2012, công nhận sự hiểu biết về Sách Thánh và tinh thần truyền giáo của ngài.

Thánh Hildegard thành Bingen

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng phong Thánh Hildegard thành Bingen là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 2012, nêu bật kiến thức thần học cũng như các nghiên cứu của Thánh nữ về khoa học tự nhiên.

Thánh Grêgôriô thành Narek

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên Thánh Grêgôriô thành Narek, một vị thánh phương Đông được ngài tuyên là “Tiến sĩ Hòa bình” vào năm 2015.

Thánh Irênê thành Lyon

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên Thánh Irênê của Lyon là Tiến sĩ Giáo hội, và coi ngài là “cầu nối” giữa Giáo hội phương Đông và phương Tây.
Source:Aleteia
 
Thông điệp Ngày Truyền thông của Đức Thánh Cha: Lắng nghe là điều cần thiết cho đối thoại
Thanh Quảng sdb
05:23 25/01/2022
Thông điệp Ngày Truyền thông của Đức Thánh Cha: 'Lắng nghe là điều cần thiết cho đối thoại'

Trong Thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh lắng nghe là bước đầu tiên không thể thiếu trong việc đối thoại của con người, và là một chiều kích thiết yếu của tình yêu.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Năm ngoái, sau khi tập trung vào những thực tế và truyền đạt cho người khác, trong Thông điệp nhân Ngày Truyền thông Thế giới năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến chất lượng lắng nghe, điều mà ngài nói “là yếu tố quyết định trong ngữ pháp giao tiếp và là điều kiện để đối thoại chân thành”.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng mọi người đang làm mất đi khả năng lắng nghe lẫn nhau, đồng thời việc lắng nghe đang trải qua những bước phát triển mới, đặc biệt là dưới các hình thức giao tiếp mới. Những thực tế này vẫn cho chúng ta hay “lắng nghe vẫn là điều tối cần trong giao tiếp của con người”.

Lắng nghe bằng trái tim

Tiêu đề của thông điệp năm nay, “Lắng nghe bằng con tim” mời chúng ta ý thức rằng việc lắng nghe không chỉ đơn giản là cảm nhận của thính giác. Lắng nghe chân chính là nền tảng của mối quan hệ chân chính và là nền tảng của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và loài người.

Đức Thánh Cha trích lời của Thánh Phaolô: “đức tin có nhờ biết lắng nghe”. Trên thực tế, thánh nhân xác tín rằng “lắng nghe tương ứng với sư khiêm hạ của Thiên Chúa,” Đấng măc khải chính Ngài bằng Lời nói, và bằng cách lắng nghe những con người mà Ngài tạo dựng...

Đến lượt con người, Ngài luôn kêu gọi họ hãy “cẩn phòng, sẵn sàng lắng nghe”, như Chúa từng kêu gọi họ đến với giao ước tình yêu. Về cơ bản, Đức Thánh Cha nói, “lắng nghe là một chiều kích của tình yêu.”

Điều kiện để giao tiếp tốt

Tuy nhiên, trong các mối quan hệ, sự giao tiếp thực sự là các cuộc đối thoại, trong đó hai bên cùng lắng nghe nhau. Đức Thánh Cha nói điều này chúng ta chứng kiến một cách hiển nhiên ngay trong cuộc sống công cộng, nơi mọi người thường chia sẻ “quá khứ” cho nhau.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh “lắng nghe là thành phần tiên quyết không thể thiếu cho việc đối thoại và giao tế tốt đẹp”.

Lắng nghe trong Giáo hội

Giáo hội luôn nhấn mạnh đến “nhu cầu lắng nghe và lắng nghe lẫn nhau” cũng như “Chúng ta cần dành thời giờ để lắng nghe nhau vì đây là một hành vi bác ái đầu tiên.”

ĐTC đề ra tiến trình Thượng hội đồng đang diễn ra, Ngài cho “rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để lắng nghe nhau.”

So sánh sự hiệp thông trong Giáo hội như một dàn hợp xướng, Đức Thánh Cha nói “sự hiệp nhất không đòi hỏi sự đồng nhất, đơn điệu, nhưng sự đa dạng và đa dạng của các âm thanh và đa âm.”

ĐTC tiếp tục: “Đồng thời, mỗi giọng trong dàn hợp xướng hát trong khi lắng nghe những giọng khác, làm sao cho nó được hòa hợp của một tổng thể…”

Đức Thánh Cha kết luận

“Với ý thức rằng chúng ta tham gia vào một sự hiệp thông hài hòa bao gồm tất cả mọi người, giúp chúng ta khám phá lại một Giáo hội hài hòa, trong đó mỗi người có thể xướng lên bằng chính giọng hát của mình, hòa quyện vào tiếng hát của người khác như một món quà hòa hợp tất cả mọi người mà Chúa Thánh Thần liên kết nên một…”
 
Tiến sĩ Michael Hesemann: Cuộc ám sát nhân cách Đức Bênêđíctô thứ 16 là quá quắt
J.B. Đặng Minh An dịch
09:59 25/01/2022


Tiến sĩ Michael Hesemann vừa dành cho tờ EXAUDI một cuộc phỏng vấn về cuộc tấn công mới nhất vào Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

'Quá đáng!' Đây là cách Tiến sĩ Michael Hesemann, chuyên gia, tác giả và học giả về Giáo hội Đức, mô tả tất cả các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Đức Bênêđíctô sau báo cáo của một công ty luật của Đức tuyên bố rằng ngài đã xử lý sai bốn trường hợp lạm dụng trong thời gian làm Tổng giám mục của Munich và Freising.

Đức Bênêđíctô đã dứt khoát phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Exaudi, Tiến sĩ Hesemann giải thích về báo cáo, này, các tuyên bố và liệu chúng có bất kỳ tính hợp pháp nào hay không. Hơn nữa, nhà sử học thẳng thắn thảo luận về cách Đức Hồng Y Ratzinger, từng lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, và sau đó là Giáo hoàng, đã làm như thế nào để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em của các giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo.

Đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi:

EXAUDI: Thưa Tiến sĩ Hesemann, báo cáo mới có chứa thông tin đáng lo ngại về việc lạm dụng 497 trẻ em trong Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1945 đến năm 2019. Bạn đã xem chưa?

DR. MICHAEL HESEMANN: Tất nhiên là có. Bạn có thể tìm thấy toàn bộ 1893 trang trực tuyến, nhưng tiếc là chỉ bằng tiếng Đức. Nhưng vì tôi là người Đức, nên tôi không có vấn đề gì khi đọc nó.

EXAUDI: Bạn có thấy nơi nào báo cáo này nói về việc Đức Hồng Y Ratzinger bị cáo buộc là đã xử lý sai khi phục vụ với tư cách là Tổng Giám mục của Munich?

DR. MICHAEL HESEMANN: Tôi đã đọc cả hai, 72 trang đề cập đến 5 năm khi Đức Hồng Y Ratzinger làm Tổng giám mục của Munich và Freising, tức là từ 1977 đến 1982, cũng như 88 trang ngài trả lời câu hỏi của các nhà điều tra.

EXAUDI: Điều gì được nói đến? Nó có giá trị pháp lý gì không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Trước hết, có sự khác biệt rất lớn giữa một mặt là bản báo cáo và cuộc họp báo; và mặt khác là tường trình quốc tế về báo cáo này. Điều này rất quan trọng, bởi vì mọi nhà báo đã đưa tin về cuộc họp báo ở Munich, đều thừa nhận rằng họ chưa đọc bản báo cáo. Tất nhiên là không, vì không ai có thể đọc được 1893 trang trong một ngày! Vì vậy, mọi tiêu đề đều dựa trên những gì được nói trong cuộc họp báo, nhưng đây thực sự chỉ là một cách diễn giải thiên vị và ác ý mà không có sự hỗ trợ của các sự kiện như được trình bày trong báo cáo. Vì vậy, hầu hết những gì bạn nghe được trong hai ngày qua chỉ là tin giả, dựa trên thông tin sai lệch có chủ ý của các phương tiện truyền thông.

Như chúng ta đã biết, sự xôn xao của giới truyền thông tập trung vào Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, mặc dù ngài không phải là chủ đề chính của bản báo cáo. Báo cáo đề cập đến các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên từ năm 1945 đến năm 2019, trong 74 năm, chứ không chỉ 5 năm của Đức Tổng Giám Mục Ratzinger. Nó đề cập đến 65 trường hợp, chỉ có 4 trường hợp trong số đó có liên quan ít nhiều đến Đức Hồng Y Ratzinger. Nếu bạn nghiên cứu những trường hợp đó, Đức Hồng Y Ratzinger chỉ là một nhân vật phụ, một người không đóng vai trò quan trọng nào trong những gì đã xảy ra, nhưng tất cả mọi người đều tập trung vào ngài. Tất nhiên, đưa ngài vào ánh đèn sân khấu là một cách dễ dàng để che đậy hành vi sai trái của một số người kế nhiệm ngài, đặc biệt là Hồng Y Marx, người là Tổng giám mục của Munich và Freising từ năm 2008 cho đến nay.

Vì vậy, chúng ta hãy cùng xem xét bốn trường hợp đó và cách Đức Hồng Y Ratzinger giải quyết chúng.

EXAUDI: Vâng, bạn có thể vui lòng giải thích về các trường hợp được không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Nếu bạn nghiên cứu chúng, bạn sẽ rất ngạc nhiên rằng không có nạn nhân nào trong bốn trường hợp đó, ít nhất là không có nạn nhân nào trong nhiệm kỳ Tổng giám mục của Đức Hồng Y Ratzinger. Không có trường hợp nào trong cả bốn trường hợp được nêu, không một linh mục nào bị buộc tội về bất kỳ hoạt động tình dục nào với trẻ vị thành niên hay người lớn, trai hay gái trong suốt 5 năm đó! Đó là một thực tế rất quan trọng vì người ta thường tuyên bố rằng Giáo hội nhắm mắt làm ngơ với các nạn nhân. Trong bản báo cáo không có tên một nạn nhân nào cả, trong thư trả lời của Đức Bênêđíctô cũng chẳng có cái tên nào cả, trừ ra tên của linh mục khét tiếng Peter Hullermann là người hở hang trong trường hợp thứ hai.

Hãy bắt đầu bằng cách nói về trường hợp đầu tiên. Trong trường hợp đó, một linh mục, là người đã bị đưa ra nước ngoài sau một hành vi tà dâm trong quá khứ và bị kết án tù, đã được Đức Hồng Y Ratzinger cho phép trở về giáo phận quê hương của mình để nghỉ hưu. Vì vị linh mục này chỉ muốn nghỉ hưu, nên việc cho phép ông được chết tại quê nhà là một hành động nhân bản của con người. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng Cha Tổng Đại diện – chứ không phải Đức Hồng Y Ratzinger! - gửi cho anh ta một lá thư, chấp nhận việc nghỉ hưu của anh ta, và gọi anh ta là “mục tử” (“Pfarrer”). Các nhà điều tra cho rằng “mục tử” là một danh hiệu kính trọng, do Đức Tổng Giám Mục Ratzinger ban cho ông ta, điều này thật vô nghĩa. “Mục tử” hoàn toàn không phải là một danh hiệu kính trọng, như các danh hiệu “Đức Ông”, “Đức Cha”, v.v. Không nên đổ lỗi cho Đức Hồng Y Ratzinger vì điều này, vì chính Cha Tổng đại diện đã chấp nhận cho ông ấy nghỉ hưu, và chính Cha Tổng đại diện là người đã gọi ông ấy là ‘mục tử’.

Trong trường hợp thứ hai, một linh mục từ giáo phận khác, cụ thể là ở Giáo phận Essen, đã bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ em khi ông ta say rượu, và được giám mục của ông ta gửi đến Tổng giáo phận Munich để điều trị tâm thần. Mặc dù không có tên trong báo cáo, ở đây chúng tôi nói rõ ràng về linh mục khét tiếng này. Peter Hullermann, cái tên mà chúng ta đã nghe thấy rất thường xuyên. Vụ lạm dụng tình dục trẻ em này ở giáo phận Essen, quê hương của ông ấy đã xảy ra trước nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Ratzinger với tư cách là Tổng giám mục Munich, và do đó ngài không phải chịu trách nhiệm. Một khoảng thời gian khác, một giáo phận khác! Hullerman được giám mục của mình gửi đi điều trị tâm thần tại tổng giáo phận Munich. Vào thời điểm đó, người ta thường tin rằng chứng đồi bại tình dục có thể chữa được. Vì Hullerman đã hành động dưới ảnh hưởng của rượu, câu hỏi đặt ra là liệu có ai ở Munich biết rằng ông ta bị bệnh ấu dâm hay họ chỉ coi ông ta là một kẻ nghiện rượu có vấn đề về tâm thần. Trong thời gian điều trị, ông ta được phép cư trú tại một nhà xứ nơi ông ta điều trị và vị linh mục địa phương đã cho ông ta tham gia một số hoạt động. Đức Bênêđíctô bảo đảm rằng ngài không được thông báo về lai lịch của người đàn ông này theo đó ông ta đã lạm dụng tình dục trẻ em trong giáo phận quê hương của mình, và không có bằng chứng nào cho thấy Đức Bênêđíctô biết điều đó!

EXAUDI: Vậy Đức Hồng Y Ratzinger không biết rằng việc thuyên chuyển của Hullerman là vì lạm dụng tình dục trẻ em?

DR. MICHAEL HESEMANN: Không, Đức Bênêđíctô nói rõ ràng là ngài không biết và chúng tôi không có lý do gì để thắc mắc về tuyên bố của ngài. Vị linh mục này, Cha Hullerman, rất nhanh chóng nổi tiếng và không bao giờ thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào trong thời gian phục vụ của mình. Khi bị phát hiện dính líu đến một hành vi hở hang, ông ta đã bị toà án kết án và bị đuổi khỏi giáo xứ, rồi ông ấy tìm việc khác, làm giáo viên trong một trường tư thục. Điều quan trọng là phải làm rõ trường này là một trường kinh tế tư nhân và không liên quan gì đến Giáo hội.

Hành động ‘triển lãm’ của Cha Hullerman, về cơ bản là ông ấy thoát y ở một nơi công cộng [trong một hồ bơi], bên ngoài giáo xứ, nơi người ta không biết ông ấy là một linh mục và không ai trong giáo xứ của ông ta chứng kiến. Ông ấy được phép tiếp tục điều trị tâm thần mà không có bất kỳ hoạt động nào trong giáo xứ địa phương, ít nhất là dưới thời Đức Hồng Y Ratzinger. Vì vậy, ở đây chúng ta không có hành vi ấu dâm, không có trường hợp lạm dụng tình dục, không có nạn nhân trong nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Ratzinger. Tất cả những lời buộc tội chỉ tập trung vào câu hỏi tại sao Đức Hồng Y Ratzinger lại cho phép một người đàn ông mà ngài không hề hay biết về quá khứ, được điều trị tâm thần và ở lại trong một nhà xứ.

EXAUDI: Báo cáo có đưa ra bằng chứng nào cho thấy Đức Hồng Y Ratzinger đã biết lai lịch của Cha Hullerman?

DR. MICHAEL HESEMANN: Hoàn toàn không! Báo cáo không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào như vậy. Trong tuyên bố của Đức Bênêđíctô, ngài phủ nhận việc biết lai lịch của linh mục này, Cha Hullermann, và không có bằng chứng nào cho thấy ngài đã từng biết. Và tôi muốn nói thêm điều này, đây là trường hợp đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông rộng rãi nhất!

EXAUDI: Vụ thứ ba liên quan đến ai?

DR. MICHAEL HESEMANN: Trong trường hợp thứ ba, một giám mục từ một quốc gia khác đã hỏi Đức Hồng Y Ratzinger liệu ngài có cho phép cháu trai của mình, một linh mục, tiếp tục nghiên cứu và làm luận văn ở Munich, điều mà Đức Hồng Y Ratzinger đã cho phép. Điều mà ngài không biết là vị linh mục trẻ đã bị kết án ở quê nhà vì hành vi sai trái tình dục. Trong thời gian học tập, ông ấy từng là tuyên úy tại giáo xứ Đại học và được nhìn thấy đang khỏa thân bơi ở dòng sông Isar ở địa phương. Chà, bản thân tôi đã sống ở Munich ba năm và tôi có thể bảo đảm với bạn rằng đó là một điều khá phổ biến ở đó, mặc dù tất nhiên không phải đối với một linh mục trẻ. Nhưng, một lần nữa, không có nạn nhân! Dù sao, vị linh mục trẻ ngay lập tức bị loại khỏi giáo xứ của mình và cuối cùng bị đuổi về nhà. Một lần nữa, Đức Hồng Y Ratzinger bị đổ lỗi vì đã cho phép người đàn ông trẻ tuổi này học ở Munich, tuyên bố rằng “ngài phải biết” về quá khứ của người ấy. Tôi thấy hợp lý hơn khi cho rằng chú của cha ấy đã không nói với Đức Hồng Y Ratzinger về điều đó…

EXAUDI: Đối với vị linh mục trẻ này, báo cáo gần đây cho thấy Đức Hồng Y Ratzinger có phản ứng gì không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Chắc chắn rồi! Vị linh mục trẻ không làm gì phạm pháp, ngoài việc không giữ tư cách một linh mục. Và ngay lập tức Đức Hồng Y Ratzinger đã phản ứng, loại bỏ anh ta và đuổi anh ta về nhà! Như là một biện pháp phòng ngừa! Nhưng họ vẫn khẳng định rằng Đức Ratzinger hẳn đã biết về quá khứ của cha ấy, điều này thật vô lý và không có bằng chứng gì cả.

EXAUDI: Bản báo cáo có chỉ ra bất kỳ bước nào mà Đức Bênêđíctô đã thực hiện để chống lại nạn lạm dụng trong Tổng giáo phận không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Vâng, vụ cuối cùng trong số bốn vụ án liên quan đến một linh mục đã chụp ảnh các cô gái vị thành niên thay quần áo cho một vở kịch. Khi anh ta bị kết án và Đức Hồng Y Ratzinger biết về điều đó, ngài đã loại bỏ anh ta khỏi giáo xứ và đưa anh ta đến một bệnh viện và nhà của người cao niên.Vì vị linh mục này có khuynh hướng ấu dâm và không nên tiếp xúc với trẻ vị thành niên! Tuy nhiên, các điều tra viên cáo buộc Đức Hồng Y Ratzinger “thiếu quan tâm” đến vụ án. Tuyên bố của họ hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta biết được từ chính vụ việc.

Tuy nhiên, như bạn thấy, lạm dụng tình dục không phải là vấn đề lớn trong suốt 5 năm ngài làm Tổng Giám Mục Munich. Chúng ta không có trường hợp nào mà bất kỳ trẻ vị thành niên hoặc người lớn nào đó bị quấy rối tình dục. Và chúng ta có một Tổng Giám mục Ratzinger, người đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

EXAUDI: Hãy quay lại sau khi Đức Hồng Y Ratzinger rời Munich, một số bước quan trọng nhất của ngài chống lại việc lạm dụng khi lãnh đạo Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican là gì?

DR. MICHAEL HESEMANN: Đúng vậy, báo cáo đã đổ lỗi cho Đức Hồng Y Ratzinger vì đã không báo cáo bốn trường hợp đó cho Rôma. Nhưng trên thực tế, đây không phải là mô hình hoạt động trong những năm 1970. Chỉ khi Đức Hồng Y Ratzinger trở thành Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 1982, ngài mới đưa Huấn thị Crimen sollicitationis năm 1922 vào Bộ giáo luật cải cách năm 1983. Tuy nhiên, phải đến giữa những năm 1990, các giáo phận mới thực sự tuân theo hướng dẫn này, bởi vì Đức Hồng Y Ratzinger nhấn mạnh vào hướng dẫn đó. Trước đây, những trường hợp đó thường được che đậy bởi các giám mục địa phương. Sau Công đồng Vatican II, nguyên tắc là giám mục phải “chữa lành, không trừng phạt”; những người hành động khác với tinh thần này được coi là quá cứng nhắc và không khoan dung. Chỉ khi những trường hợp lạm dụng tạo ra một vụ tai tiếng ở Mỹ, các giám mục Mỹ mới hỏi Đức Hồng Y Ratzinger liệu các ngài có nên kỷ luật nội bộ các linh mục ấu dâm hay nhờ cơ quan thực thi pháp luật tham gia.

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lo sợ một vụ lợi dụng chính trị, chính Đức Hồng Y Ratzinger đã yêu cầu làm rõ và kỷ luật không khoan nhượng. Thật vậy, vào năm 2001, ngài đã thuyết phục Đức Giáo Hoàng ban hành các quy tắc chặt chẽ hơn. Trong chỉ dẫn của mình “Deophitis gravioribus”, ngài yêu cầu các Giám Mục phải có nghĩa vụ báo cáo những trường hợp đó cho cơ quan thực thi pháp luật theo luật quốc gia - ngay lập tức, không phải sau một quy trình thông thường! Một năm sau, Đức Gioan-Phaolô II đã ra lệnh cho 13 giám mục Mỹ đến Rôma để thông báo cho họ về “chính sách không khoan nhượng” mới của Tòa thánh.

EXAUDI: Vào năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã thực hiện những bước to lớn để chống lại nạn ấu dâm trong Giáo hội, phải không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Đúng thế. Ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã thực thi “chính sách không khoan nhượng” này, ngay cả trong một trường hợp nổi bật là trường hợp của Cha Marcial Maciel Delgado. Vào năm 2010, khi biết rằng các chỉ thị của ngài đã bị một số giám mục phớt lờ, ngài đã thi hành những chỉ thị thậm chí còn nghiêm khắc hơn. Ví dụ, thời hạn hồi tố được kéo dài từ 10 lên 20 năm. Những trường hợp nghiêm trọng phải được báo cáo lên chính Đức Giáo Hoàng, là người sẽ loại những kẻ vi phạm khỏi hàng giáo sĩ. Hơn nữa, ngài hướng dẫn các chủng viện chọn các ứng viên cẩn thận hơn và từ chối những người đàn ông có khuynh hướng ấu dâm hoặc đồng tính luyến ái. Mọi sự che đậy đều được Đức Bênêđíctô XVI tuyên bố là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

EXAUDI: Ngay cả khi yêu cầu cựu Tổng Giám mục của Vienna, Stephen Groer, từ chức sau khi ông bị cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em?

DR. MICHAEL HESEMANN: Đúng như vậy. Đức Bênêđíctô đã đóng một vai trò tuyệt vời.

EXAUDI: Trong tư cách Giáo Hoàng, Đức Bênêđíctô cũng đã loại bỏ nhiều linh mục phải không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Đúng thế, để làm gương và chấm dứt “sự đồi bại chức tư tế”, như cách gọi của ngài, ngài đã lên án gần 400 linh mục ấu dâm.

EXAUDI: Những lời nổi tiếng của ngài về 'sự ô uế bên trong Giáo hội' trong cuộc đi đàng thánh giá năm 2005 trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, ngay trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, sẽ không bao giờ bị lãng quên. Một số cách quan trọng nhất mà ngài đã thể hiện và bày tỏ sự ghê tởm đối với sự bẩn thỉu này là gì?

DR. MICHAEL HESEMANN: Trên đường đến Fatima, trong chuyến bay của Giáo hoàng, ngài đã nói rằng “cuộc bức hại nghiêm trọng nhất đối với Giáo hội không đến từ những kẻ thù bên ngoài, mà phát triển từ tội lỗi bên trong Giáo hội”. Và trong lá thư gửi cho một Tập hợp Công Giáo Đức, ngài khuyên các giám mục và các tín hữu, hãy “nhổ hết cỏ dại,” đặc biệt là “ở giữa Giáo hội và giữa các tôi tớ của Giáo hội”. Trong “Năm Linh mục” năm 2010, ngài nói với người viết tiểu sử của mình, Peter Seewald, rằng năm linh mục được mở ra như một “năm thanh tẩy, đổi mới nội tâm, hoán cải và sám hối” đối với chức tư tế. Không có Giáo hoàng nào trước và sau khi ngài hành động và lên tiếng mạnh mẽ để chống lại “sự ô uế trong Giáo hội”, cũng như cơn ôn dịch của nạn ấu dâm và lạm dụng linh mục! Và không chỉ vậy, ngài còn là vị Giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân của những kẻ lạm dụng nhiều lần ở hầu hết các quốc gia mà ngài đến thăm và yêu cầu đền bù thỏa đáng cho những đau khổ đã gây ra cho họ, ngay cả khi điều đó gây ra các vấn đề tài chính nghiêm trọng ở một số giáo phận.

EXAUDI: Bạn có lo lắng rằng trong cuộc phỏng vấn này sẽ có người nói rằng bạn thể hiện phản ứng của mình theo một cách nào đó vì bạn gần gũi với gia đình ngài không?

DR. MICHAEL HESEMANN: Bạn không cần phải là người gần gũi với gia đình ngài (và trong trường hợp của tôi là quen biết với anh trai quá cố của ngài) để đọc báo cáo chính thức một cách cẩn thận, nhận ra sự thiên vị và xem sự khác biệt giữa các sự kiện được báo cáo và đã biết, các tuyên bố của các nhà điều tra và những tuyên bố thậm chí còn lớn hơn và vô lý hơn trong cuộc họp báo ở Munich. Bốn trường hợp này có đủ mạnh để làm tổn hại đến công việc cả đời của Joseph Ratzinger không? Chắc chắn là không!

Một lần nữa: Không có nạn nhân, không có trường hợp lạm dụng tình dục nào trong nhiệm kỳ Tổng Giám mục của Munich và Freising. Không một cái nào cả. Chỉ trong hai trường hợp, câu hỏi đặt ra là ngài đã được thông báo trước như thế nào về quá khứ của hai linh mục đến từ các giáo phận bên ngoài, thậm chí một linh mục ở nước khác. Ngài nói rằng ngài không biết các chi tiết được đề cập và không có bằng chứng cho thấy ngài đã biết. In dubio pro reo – khi còn hồ nghi, chứng lý phải thuộc về bị cáo - là một nguyên tắc phổ biến và không thể nào mà điều đó lại không áp dụng đối với một vị Giáo hoàng.

Không có cuộc tấn công nào mới nhất chống lại Đức Bênêđíctô XVI là có thể biện minh được, bởi vì chúng không dựa trên bất kỳ sự kiện nào, mà chỉ dựa trên sự thiên vị, vu khống và xuyên tạc. Tốt nhất, bốn trường hợp cho thấy rằng Giáo hội đã trở nên nhạy cảm hơn trong việc đối phó với lạm dụng, và đó là một điều tốt. Nhưng đó, như tôi đã nói, là nhờ công việc của Đức Bênêđíctô XVI. Tất cả càng vô lý hơn, lại càng trở nên táo tợn hơn khi đặt người chịu trách nhiệm dọn dẹp vào một góc với những người chịu trách nhiệm về việc che đậy!

Tôi chỉ có thể mời mọi người đọc bản báo cáo gốc “cum grano salis”, “với sự hoài nghi cần thiết”. Bất cứ ai đang tìm kiếm bằng chứng, manh mối hoặc thậm chí là các sự kiện tỏ tường để có thể kết tội Đức Ratzinger nói dối sẽ nhanh chóng thất vọng. Có những giới ở Đức muốn có một Giáo hội khác, một Giáo hội thờ phượng con người [thay vì thờ phượng Chúa], Tin lành hơn, “cởi mở hơn với thế giới”. Đối với họ, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô là một biểu tượng, một biểu tượng cho Giáo hội cũ đặt Chúa ở trung tâm. Đây là lý do tại sao họ cố gắng làm mọi cách để vu khống ngài, làm mất uy tín của ngài và chà đạp mọi điều ngài đã dạy chúng ta với tư cách là nhà thần học, giám mục, Hồng Y, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Giáo hoàng. Hoàn toàn không phải là vì bốn trường hợp đó, mà là vì ngài và những lời dạy của ngài. Vì vậy, đối với họ, ngài là vật tế thần hoàn hảo để họ có thể đánh lạc hướng mọi sự chú ý vào ngài.

EXAUDI: Cảm ơn Tiến sĩ Hesemann.
Source:Exaudi
 
Ca sĩ dân ca người Tiệp qua đời sau khi cố tình bị nhiễm Covid-19
Đặng Tự Do
17:10 25/01/2022


Một ca sĩ hát nhạc dân ca người Tiệp, là người phản đối việc tiêm vắc-xin coronavirus đã chết sau khi cố tình nhiễm vi-rút. Con trai của cô đã cho biết như trên.

Hana Horká, thành viên của ban nhạc dân gian Asonance, đã qua đời hôm Chúa Nhật ở tuổi 57 sau khi cố tình nhiễm virus ở nhà trong khi con trai và chồng nhiễm coronavirus.

Horká muốn tự lây nhiễm bệnh cho mình để có thể “xong chuyện với Covid”, con trai bà, Jan Rek, nói với Prima News hôm thứ Hai.

“Tôi đến đây vì cuộc tranh luận rất quan trọng và tôi muốn cảnh báo mọi người,” Rek nói, và nhấn mạnh thêm rằng cả anh và bố anh đều đã được tiêm phòng.

“Mẹ tôi muốn bị ốm để bà ấy có được thẻ Covid,” Rek nói. “Mẹ tôi công khai nói với tôi rằng mẹ tôi muốn bị nhiễm bệnh để cho xong việc với Covid.”

Rek cho biết mẹ anh đã nhận được thông tin không chính xác về virus “từ mạng xã hội”

Ý tưởng đang lan nhanh hiện nay cho rằng biến thể Omicron là nhẹ nhàng, chỉ ốm vài ngày là xong, nên nhiều người có xu hướng hành động như Hana, nhiễm một lần cho xong. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cảnh báo không nên làm như vậy.

Bác sĩ Robert Murphy, giám đốc điều hành của Viện Y tế Toàn cầu Havey tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago, Illinois cho biết: “Mọi người đang nói về Omicron như thể đó là một cơn cảm lạnh. Đó không phải là một cơn cảm lạnh tồi tệ một chút thôi. Đó là một căn bệnh đe dọa tính mạng.”
Source:CNN
 
Các cựu quan chức phải trả 40 triệu euro cho Tòa Thánh
Đặng Tự Do
17:11 25/01/2022


Hai cựu quan chức Vatican của Viện Giáo Vụ, thường được gọi là ngân hàng Vatican, đã bị kết án bồi thường hàng triệu USD tiền bồi thường thiệt hại do quản lý sai các khoản đầu tư.

Theo một tuyên bố từ ngân hàng Vatican vào ngày 21 tháng Giêng: Hôm 18 tháng Giêng, cựu tổng giám đốc của ngân hàng Vatican, Paolo Cipriani, và phó của ông ta là Massimo Tulli, đã bị Tòa phúc thẩm Vatican kết án phải bồi thường khoảng 40 triệu euro vì các hành vi quản lý tùy tiện và “có hại” đối với các khoản đầu tư được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2013

Cipriani và Tulli đã từ chức người đứng đầu ngân hàng Vatican vào tháng 7 năm 2013, vài tháng sau cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô. Một cuộc điều tra rộng lớn về hoạt động của ngân hàng Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khởi sự vào năm 2010.

Ngân hàng Vatican quản lý tài khoản của các dòng tu và hiệp hội Công Giáo: “Tòa phúc thẩm hoàn toàn công nhận các lập luận của ngân hàng Vatican và yêu cầu Cipriani và Tulli phải bồi thường khoảng 40 triệu euro”.

Xác nhận phán quyết trong phiên sơ thẩm năm 2018, Tòa án yêu cầu hai cựu lãnh đạo ngân hàng bồi thường cho ngân hàng Vatican những thiệt hại đã gây ra gồm 35,740,587 euro là thiệt hại và 4,799,445 euro là thu nhập bị mất.

“Phán quyết liên quan đến việc quản lý tùy tiện mà Paolo Cipriani và Massimo Tulli đã gây ra trong một số khoản đầu tư của ngân hàng Vatican từ năm 2010 đến năm 2013, được cho là có hại vì chúng có nhiều rủi ro và trong một số trường hợp, còn bất hợp pháp và là đối tượng của các thủ tục tố tụng hình sự.”

Đối với ngân hàng Vatican, nhận định này theo sau “một công trình đổi mới và chuyển đổi sâu sắc của ngân hàng Vatican có thể áp dụng những cải cách quan trọng trong lĩnh vực tài chính của Tòa thánh.”
Source:Aleteia
 
Đức Hồng Y người Hà Lan thúc giục các giáo xứ mở cửa trở lại cho những người thờ phượng
Đặng Tự Do
17:11 25/01/2022


Mặc dù thực tế là giao thức COVID-19 hiện tại ở Hà Lan cho phép các nhà thờ tiếp nhận 50 tín hữu, sáu giáo xứ trong Tổng giáo phận Utrecht đã quyết định không tổ chức bất kỳ cử hành nào có giáo dân tham dự. Quyết định này đã dẫn đến phản ứng giận dữ từ các giáo dân và một lá thư của Đức Hồng Y Wim Eijk của Utrecht đã chỉ thị cho các giáo xứ phải mở cửa trở lại.

Trong bức thư được gửi đến tất cả các giáo xứ, Đức Hồng Y Eijk viết rằng tổng giáo phận đã nhận được thư và e-mail “với những phản ứng rất thất vọng hoặc tức giận” từ các giáo dân ở các giáo xứ bị ảnh hưởng. Đức Hồng Y nói tổng giáo phận hiểu điều này, và mô tả việc tham dự các lễ kỷ niệm là “điều cần thiết cho sự cứu rỗi các linh hồn.”

Theo phát ngôn viên Roland Enthoven của Tổng giáo phận Utrecht, tác động lâu dài của những quyết định như vậy cũng đóng một vai trò nào đó.

“Nếu bạn đóng cửa hoàn toàn các nhà thờ trong thời gian quá lâu, thì hãy chờ xem mọi thứ sẽ diễn ra tới mức độ nào sau đó”. Trong bức thư, Đức Hồng Y Eijk bày tỏ mối quan tâm của ngài về sự tiến bộ của đời sống Giáo Hội “bây giờ và trong tương lai.”

Đức Hồng Y cảnh báo các giáo xứ về một “sự phá hoại đời sống Giáo Hội khó có thể phục hồi được” khi các tín hữu không thể đích thân tham dự các buổi cử hành tại các nhà thờ giáo xứ của họ trong một thời gian dài.

Chắc chắn, đại dịch COVID-19 đã được chứng minh là có ảnh hưởng lớn đến đời sống giáo xứ, khiến số người tham dự Thánh lễ giảm sút. Trong lá thư, Đức Hồng Y Eijk cũng cho biết ngài âu lo rằng đại dịch có thể tiếp diễn trong vài năm nữa.

Do đó, ngài đã chỉ thị cho 6 trong số 42 giáo xứ trong giáo phận của ngài tiếp tục các cử hành Phụng Vụ có giáo dân tham dự “càng sớm càng tốt, nhưng bất cứ giá nào các thánh lễ Chúa Nhật, từ ngày Chúa Nhật, 16 tháng Giêng trở đi, phải được cử hành”.

Theo Enthoven, giáo dân từ các giáo xứ bị ảnh hưởng chủ yếu phàn nàn về việc không thể rước lễ, là điều được các giao thức hiện hành cho phép. Các giáo xứ hiện được phép tổ chức các cử hành với tối đa 50 tín hữu hiện diện. Các cử hành phải kết thúc trước 5 giờ chiều như các giám mục đã thông báo vào tháng 12, sau khi chính phủ Hà Lan công bố những hạn chế mới do sự gia tăng của biến thể Omicron.

Một trong những giáo xứ đã chọn đóng cửa hoàn toàn là Giáo xứ Saint-Martin ở Zeist. Cha Johan Rutgers nói với tờ tuần báo Hà Lan Katholiek Nieuwsblad:

“Lần này, chúng tôi với tư cách là một giáo xứ đã tự hỏi mình điều gì là khôn ngoan. Khi làm như vậy, trái tim và khối óc ở hai đầu đối diện của một cái cân. Trái tim nói: Chúng ta phải luôn cởi mở, đó cũng là điều mà các giám mục đã nói với chúng ta. Mặt khác, tất cả mọi thứ đều đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu. Là một giáo xứ, chúng tôi quyết định trách nhiệm của chúng tôi là tập hợp càng ít giáo dân càng tốt. Động lực là bảo vệ. Cho dù đây là một quyết định tốt hay không, chỉ có thể được đánh giá khi nhìn lại. “

Theo Cha Rutgers, quyết định đóng cửa đã được đưa ra với lương tâm tốt. Ngài nhấn mạnh, đó chắc chắn không phải là một quyết định chống lại các giám mục. Vị linh mục cho biết ngài cũng đồng ý với bức thư của vị Hồng Y, đặc biệt là liên quan đến sự cứu rỗi của các tín hữu.

“Dù sao thì chúng tôi cũng đã định mở cửa vào cuối tuần này. Chúng tôi hy vọng sẽ vẫn là một nơi mà mọi người đến với nhau để cử hành và gặp gỡ “.

Một giáo xứ khác chỉ tổ chức các thánh lễ phát trực tiếp trong vài tuần qua là giáo xứ Đức Giáo Hoàng Gioan 23 ở Houten, bao gồm bảy nhà thờ ở các thị trấn và làng gần đó. Khi được hỏi bởi Katholiek Nieuwsblad, cha xứ Fred Hogenelst, không muốn bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, lý do của quyết định được đề cập trên trang web của giáo xứ.

Trong số những điều khác, trang web nói rằng ở giai đoạn này của đại dịch, hội đồng quản trị và nhóm mục vụ không làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người. Giáo xứ tuân thủ việc khóa cửa để “bảo vệ nhân viên, tình nguyện viên và đồng bào trong giáo xứ khỏi bị lây nhiễm.”

Cha André Monninkhof, linh mục quản xứ ở Ommen, đã giữ cho giáo xứ của mình mở cửa và hoàn toàn ủng hộ những lời của vị Hồng Y.

Ngài nói: “Điều quan trọng là phải thận trọng. “Nhưng dù sao chúng tôi cũng có một giao thức cho phép chúng tôi cử hành, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Nơi nào an toàn để làm như vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục đến với nhau như một cộng đồng đức tin “.

Theo Cha Monninkhof, Đức Hồng Y đã rất chí lý khi viết rằng điều này là quan trọng cho sự cứu rỗi của các tín hữu.

“Đối với tôi, việc tuân thủ giao thức là điều hiển nhiên. Nó đã được xem xét tốt; nó đã được suy nghĩ kỹ càng. “

Ngài cũng cho biết các giáo dân rất biết ơn vì họ có thể đến nhà thờ một lần nữa và có thể rước lễ. “Họ đánh giá rất cao rằng điều này có thể xảy ra một lần nữa.”
Source:Crux
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong Kinh Chiều bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.
J.B. Đặng Minh An dịch
17:16 25/01/2022


Lúc 5g30 chiều thứ Ba 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Chủ đề được chọn cho Tuần cầu nguyện năm 2021 được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (x. Ga 15,1-17). Cộng đoàn tu viện Grandchamp Thuỵ Sĩ được giao phó soạn các lời nguyện trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Cộng đoàn này được thành lập vào nửa đầu thế kỷ 20, gồm một số phụ nữ theo truyền thống Tin Lành cải cách của Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp, đã tái khám phá tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời tiếp tục thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin, theo gương Chúa Kitô, lui về nơi thanh vắng để cầu nguyện. Theo trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Cộng đoàn Grandchamp bao gồm 50 nữ tu, những người đã cống hiến “cho công việc hòa giải giữa các Kitô hữu, trong gia đình nhân loại và đối với mọi tạo vật”.

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma

Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại vài nét lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Vào đầu buổi lễ, Đức Hồng Y đã cùng cầu nguyện với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác tại trước mộ Thánh Phaolô Tông Đồ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trước khi chia sẻ một vài suy tư, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Đức Tổng Giám Mục Polykarpos, đại diện của Tòa Thượng phụ Đại kết, tới Đức Cha Ian Ernest, đặc sứ tại Rôma của Đức Tổng Giám Mục Canterbury, và đại diện của những cộng đồng Kitô khác hiện diện. Tôi cũng cảm ơn tất cả anh chị em, những anh chị em thân mến đã đến đây cầu nguyện. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các sinh viên đến từ Học viện Đại kết Bossey, những người đang đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo, các sinh viên Anh giáo từ Cao đẳng Nashotah ở Hoa Kỳ, và các sinh viên Chính Thống Giáo và Chính Thống Đông phương những người được nhận học bổng từ Ủy ban Hợp Tác Văn hóa với các Giáo Hội Chính thống. Chúng ta hãy biến ước muốn sâu xa của Chúa Giêsu là chúng ta có thể nên “một” (Ga 17:21) thành ước muốn của chính mình và nhờ ân sủng của Người, tiến bước trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn!

Trên con đường này, các Đạo Sĩ có thể giúp chúng ta. Chúng ta hãy xem xét cuộc hành trình của họ vào buổi tối hôm nay, có ba bước: bắt đầu từ phía Đông, đi qua Giêrusalem, và cuối cùng là đến Bethlehem.

1. Đầu tiên các Đạo Sĩ lên đường “từ phương Đông” (Mt 2: 1), vì đó là nơi họ nhìn thấy ngôi sao đầu tiên. Họ khởi hành từ phía Đông, từ nơi mặt trời mọc, nhưng họ đang tìm kiếm một thứ ánh sáng lớn hơn. Những nhà thông thái này không bằng lòng với kiến thức và truyền thống của riêng họ; họ mong muốn một cái gì đó hơn thế nữa. Do đó, họ bắt đầu một chuyến đi đầy rủi ro, được thúc đẩy bởi một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ đối với Chúa. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta cũng noi theo ngôi sao của Chúa Giêsu! Cầu mong chúng ta đừng để mình bị phân tâm bởi những ánh sáng lấp lánh của thế giới này, những ngôi sao rực rỡ nhưng đang rơi rụng. Mong sao chúng ta đừng chạy theo những mốt nhất thời, là những ngôi sao băng vụt tắt. Xin cho chúng ta đừng chiều theo cám dỗ muốn được tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, và chỉ quan tâm đến nhóm của chúng ta cũng như sự bảo vệ chính chúng ta. Chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, trên trời, vào ngôi sao của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đi theo Người, Tin Mừng của Người, lời mời gọi hiệp nhất của Người, mà không cần lo lắng về con đường dẫn đến thành tựu trọn vẹn có thể là bao lâu và mệt mỏi thế nào. Chúng ta đừng quên rằng bằng cách nhìn vào ánh sáng, vào Giáo hội - Giáo hội của chúng ta - trên con đường hiệp nhất, tiếp tục là “mysterium lunae” – “mầu nhiệm của mặt trăng”. Chúng ta hãy mong muốn được hành trình cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như các Đạo Sĩ. Theo truyền thống, các Đạo Sĩ được miêu tả với những chiếc áo choàng đầy màu sắc đại diện cho các dân tộc khác nhau. Nơi họ, chúng ta có thể thấy phản ánh sự khác biệt của chính chúng ta, những truyền thống và kinh nghiệm Kitô giáo khác nhau của chúng ta, nhưng cũng là sự hiệp nhất của chúng ta, được phát sinh từ cùng một ước muốn: nhìn lên trời và cùng nhau hành trình trên đất.

Phương Đông cũng khiến chúng ta liên tưởng đến những Kitô hữu sống ở nhiều vùng khác nhau bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực. Chính Hội đồng Giáo hội Trung Đông đã chuẩn bị các tài nguyên cho Tuần Cầu nguyện này. Những anh chị em này của chúng ta phải đương đầu với cơ man những thử thách khó khăn, nhưng qua chứng tá của họ, họ mang đến cho chúng ta hy vọng. Họ nhắc nhở chúng ta rằng ngôi sao của Chúa Kitô chiếu sáng trong bóng tối và không bao giờ lặn. Từ trên cao, Chúa đồng hành và khích lệ những bước đi của chúng ta. Chung quanh Ngài, trên trời có một đoàn tử đạo vĩ đại, cùng nhau tỏa sáng, không phân biệt các hệ phái; các ngài chỉ ra cho chúng ta ở đây dưới thế này con đường của sự hợp nhất thật rõ ràng!

2. Từ phương Đông, các Đạo Sĩ đến Giêrusalem, tâm hồn cháy bỏng khát vọng Thiên Chúa. Họ nói với Hêrôđê: “Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người” (câu 2). Tuy nhiên, từ ước muốn về thiên đàng, họ bị đưa trở lại trái đất với thực tế khắc nghiệt của nó: Tin Mừng cho chúng ta biết “Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua” (câu 3). Nơi thành thánh, các Đạo Sĩ không nhìn thấy phản chiếu ánh sáng của ngôi sao, nhưng đã trải qua sự kháng cự của các thế lực đen tối của thế gian này. Không chỉ riêng Hêrôđê cảm thấy bị đe dọa bởi vương quyền mới và sự khác biệt này, một vương quyền không bị băng hoại bởi quyền lực thế gian: toàn bộ Giêrusalem đang nhốn nháo bởi thông điệp của các Đạo Sĩ.

Trên hành trình hướng tới sự thống nhất, chúng ta cũng có thể bị ách lại vì cùng một lý do đã làm tê liệt những người đó: sự bối rối và sợ hãi. Nỗi sợ hãi về sự mới mẻ làm đảo lộn thói quen thông thường và cảm giác an toàn của chúng ta; nỗi sợ rằng những người khác có thể làm mất ổn định truyền thống và khuôn mẫu lâu đời của tôi. Tuy nhiên, trong sâu thẳm đó là nỗi sợ hãi đang rình rập trong lòng mỗi con người, nỗi sợ hãi mà từ đó Chúa Phục sinh mong muốn giải thoát chúng ta. Trên hành trình hiệp nhất, ước gì chúng ta đừng bao giờ rơi vào tình cảnh không nghe được những lời khích lệ của Người: “Đừng sợ” (Mt 28: 5,10). Chúng ta đừng sợ đặt anh chị em của mình lên cao hơn nỗi sợ hãi của chính mình! Chúa muốn chúng ta tin cậy lẫn nhau và cùng nhau hành trình, bất chấp những thất bại và tội lỗi của chúng ta, bất chấp lỗi lầm của quá khứ cũng như những vết thương lòng của nhau.

Ở đây cũng vậy, trình thuật về các Đạo Sĩ khuyến khích chúng ta. Chính tại Giêrusalem, nơi thất vọng và chống đối, nơi con đường được chỉ ra bởi thiên đàng dường như chạm phải những bức tường do con người dựng lên, họ đã khám phá ra con đường dẫn đến Bethlehem. Họ học được điều đó từ các thượng tế và kinh sư, những người đã nghiền ngẫm Sách Thánh (x. Mt 2, 4). Các Đạo Sĩ đã tìm thấy Chúa Giêsu không chỉ từ ngôi sao, mà đã biến mất trong thời gian chờ đợi; họ cũng cần lời Chúa. Người Kitô hữu chúng ta cũng không thể đến với Chúa nếu không có lời sống động và hữu hiệu của Người (xem Dt 4:12). Lời ấy đã được ban cho toàn thể dân Chúa để được đón nhận và cầu nguyện, để toàn thể dân Chúa cùng nhau suy niệm. Sau đó, chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu qua lời của Người, nhưng chúng ta cũng hãy đến gần anh chị em của mình qua lời của Chúa Giêsu. Ngôi sao của Người sẽ mọc lên một lần nữa trên hành trình của chúng ta, và Ngài sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui.

3. Đó là những gì đã xảy ra với các Đạo Sĩ, khi họ đến điểm đến cuối cùng: Bethlehem. Tại đó, họ vào nhà, quỳ xuống và thờ lạy hài nhi (x. Mt 2,11). Vậy là cuộc hành trình của họ đã kết thúc: bên nhau, ở chung một nhà, trong thờ lạy. Bằng cách này, các Đạo Sĩ đã tiên báo về các môn đệ của Chúa Giêsu, tuy nhiều nhưng chỉ là một, ở phần kết của Tin Mừng, đã sấp mình thờ lạy trước mặt Chúa Phục sinh trên núi Galilê (x. Mt 28:17). Bằng cách này, họ cũng trở thành một dấu chỉ tiên tri cho chúng ta, những người khao khát Chúa, và cho những người bạn đồng hành của chúng ta trên khắp các nẻo đường của thế giới, những người tìm kiếm qua Kinh thánh về các dấu chỉ của Chúa trong lịch sử. Anh chị em cũng vậy, đối với chúng ta, sự hiệp nhất trọn vẹn, trong cùng một nhà, sẽ chỉ đạt được khi thờ phượng Chúa. Anh chị em thân mến, giai đoạn quyết định của hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn đòi hỏi sự cầu nguyện mãnh liệt hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi sự thờ phượng, thờ phượng Thiên Chúa.

Tuy nhiên, các Đạo Sĩ nhắc nhở chúng ta rằng sự thờ phượng đòi hỏi một điều gì đó khác nơi chúng ta: trước tiên, chúng ta phải quỳ gối. Đó là cách: cúi thấp xuống, bỏ qua những lý do riêng của chúng ta để biến chỉ một mình Chúa trở thành trung tâm của mọi sự. Đã bao nhiêu lần lòng kiêu hãnh chứng tỏ là trở ngại thực sự của sự hiệp thông! Các Đạo Sĩ đã can đảm bỏ lại uy tín và danh tiếng để hạ mình trong ngôi nhà hèn mọn ở Bethlehem; và kết quả là họ thấy mình “tràn ngập niềm vui” (Mt 2,10). Hạ mình, bỏ lại những điều nhất định, đơn giản hóa cuộc sống của mình: tối nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có lòng can đảm đó, lòng can đảm biết khiêm nhường, biết đến thờ phượng Chúa trong cùng một nhà, chung một bàn thờ.

Tại Bethlehem, sau khi họ đã quỳ xuống tôn thờ, các Đạo Sĩ mở rương kho báu của họ và dâng lên vàng, nhũ hương và mộc dược (xem câu 11). Những món quà này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ sau khi cùng nhau cầu nguyện, chỉ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trong ánh sáng của Ngài, chúng ta mới thực sự nhận thức được những kho tàng mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Tuy nhiên, chúng là kho báu thuộc về tất cả, và có nghĩa là được chia sẻ. Vì chúng là ân sủng của Thánh Linh, được tiền định cho công ích, cho việc xây dựng và hiệp nhất dân tộc của Ngài. Chúng ta đến để thấy điều này bằng lời cầu nguyện, nhưng cũng bằng sự phục vụ: khi chúng ta trao cho những người khó khăn, chúng ta dâng mình cho Chúa Giêsu, Đấng đồng hóa với những người nghèo khó và bên lề xã hội (x. Mt 25:34-40); và Người biến chúng ta nên một.

Những món quà của các Đạo Sĩ tượng trưng cho những món quà mà Chúa mong muốn nhận được từ chúng ta. Chúng ta phải trao cho Chúa vàng, là thứ quý giá nhất, vì vị trí thứ nhất luôn phải thuộc về Chúa. Ngài là Đấng chúng ta phải dán mắt vào, chứ không phải chính mình; dõi theo thánh ý của Ngài, chứ không phải ý riêng của chúng ta; và làm theo cách của Ngài, chứ không phải cách của riêng chúng ta. Nếu Chúa thực sự được đặt lên hàng đầu, thì những lựa chọn của chúng ta, kể cả những lựa chọn của Giáo hội, không còn có thể dựa trên chính trị của thế giới này nữa, mà dựa trên thánh ý của Chúa. Sau đó là nhũ hương, gợi lại tầm quan trọng của lời cầu nguyện, là hương thơm dâng lên Thiên Chúa như một mùi hương dễ chịu (xem Tv 141: 2). Xin cho chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi cầu nguyện cho nhau và với nhau. Cuối cùng, mộc dược được dùng để tôn vinh thân xác Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi cây thập giá (x. Ga 19:39), nói với chúng ta về sự quan tâm đến xác thịt đau khổ của Chúa, được phản ánh qua các vết thương của người nghèo. Chúng ta hãy phục vụ những người có nhu cầu. Cùng nhau, chúng ta hãy phục vụ Chúa Giêsu đau khổ!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo chỉ dẫn của các Đạo Sĩ cho cuộc hành trình của chính mình, và làm như họ đã làm, trở về nhà “bằng một con đường khác” (Mt 2:12). Giống như Saolô trước cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, chúng ta cần phải thay đổi hướng đi, đảo ngược lộ trình của thói quen và đường lối của chúng ta, để tìm ra con đường mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta: đó là con đường khiêm nhường, huynh đệ và tôn thờ. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để thay đổi hướng đi, để hoán cải, để làm theo thánh ý của Ngài chứ không phải ý muốn của chúng con; để cùng nhau tiến về phía trước, về phía Chúa, Đấng mà Thánh Linh của Chúa muốn biến chúng con nên một. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Điều Hành Mới Của Phong Trào Cursillo Giáo Phận Đà Nẵng – Nhiệm Kỳ 2022-2025
Tôma Trương Văn Ân
10:46 25/01/2022
Lúc 9 giờ sáng ngày 25 / 1 / 2022, tại nhà thờ Giáo xứ Nội Hà – Giáo phận Đà Nẵng. Trong sự cẩn thận và phòng dịch Covid-19, Quý Cha và Anh chị cursillistas ( thành viên của Cursillo) đã hiệp dâng Thánh Lễ mừng kính Thánh Phao-lô, Bổn Mạng của Cursillo Giáo phận Đà Nẵng.

Quý Cha Linh hướng Phaolô Hồ Quang Phúc, Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, Giuse Nguyễn Văn Khang và cộng đoàn đã hiệp nguyện: xin Lòng Thương Xót Thầy Chí Thánh, đón Quý Cha và quý Anh chị Cursillistar đã qua đời vào hưởng Nhan Thánh.

Trong Thánh lễ, Cha Phaolô Hồ Quang Phúc – Linh hướng Chính, đã chúc lành và trao trách nhiệm cho Ban Điều hành mới của Phong trào Cursillo Giáo phận Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2022-2025.

Xem Hình

Ban điều hành gồm 7 thành viên:

+ Chị Maria Phạm Thị Tuyết Anh - Trưởng Ban

+ Chị Lucia Trần Thị Yến Nhung - Thư Ký

+ Anh Simon Trần Rin Anh - Trưởng Trường Lãnh Đạo

+ Anh Anrê Nguyễn Đăng Cường – Trưởng Khối Hậu

+ Anh Giuse Trần Văn Thọ - Trưởng Khối Tiền

+ Anh Phaolô Trần Linh – Trưởng Khối Ba Ngày

+ Chị Maria Hà Thị Nhật Hồng - Thủ Quỹ

Sau Nghi thức bàn giao, Chị tân Trưởng Ban có lời cám ơn Anh Giuse Maria Phạm Cảnh Đáng – nguyên Trưởng ban. Anh đã rất nhiệt tâm và yêu mến đặc sủng của Phong trào, hướng dẫn Cursillistar theo đúng tâm tưởng, mục đích và phương pháp của Phong trào Cursillo tại Giáo phận Đà Nẵng trong 10 năm qua.

Xin Thầy Chí Thánh ban nhiều Ân sủng và hoa quả của Chúa Thánh Thần trên mỗi người, cách riêng Ban Điều hành, để quí Anh chị đem hết tài năng, trí tuệ, phục vụ Phong trào Cursillo. Quí Anh chị làm vinh danh Chúa, mang lại nhiều ơn ích Thiêng liêng cho Giáo Hội và Cộng đoàn, nhằm hướng tới việc Phúc Âm hóa môi trường đang sống và làm việc, theo tôn chỉ và mục đích: “ Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em”.

Tôma Trương Văn Ân
 
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng lễ Thánh Phaolô Tông đồ ngày 25.1.2022
Văn Minh
21:51 25/01/2022
“Mỗi người chúng ta hãy ra đi làm chứng nhân cho Đức kitô bằng ngay chính đời sống của mình”.

Trên đây là lời mời gọi của linh mục (Lm) Đaminh Nguyễn Văn Lương – Dòng Linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu – khi ngài chủ tế dâng Thánh lễ mừng kính Thánh Phaolô Tông đồ trở lại – Bổn mạng của giáo họ Phaolô giáo xứ Vĩnh Hòa – diễn ra lúc 17g30 thứ Ba ngày 25.1.2022.

Xem Hình

Trước Thánh lễ, lúc 17g00, đại diện quý chức trong Ban Chấp hành (BCH) giáo họ Phaolô cùng bà con giáo dân qui tụ về nhà cô Cát, cùng nhau nguyện kinh và cầu nguyện.

Sau giờ nguyện kinh, Lm chủ tế cùng cộng đoàn cung nghinh tượng Thánh Phaolô từ giáo họ tiến vào ngôi thánh đường hiệp dâng thánh lễ.

Trong phần chia sẻ Tin Mừng, khởi đi từ phụng vụ Lời Chúa thứ Ba tuần III Thường niên, Lm Giuse mời gọi cộng đoàn hãy chiêm ngắm và học hỏi nơi Thánh Phaolô để trở nên những chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng xã hội hôm nay. Thánh Phaolô là người Do Thái sống trong một gia đình có quyền chức và rất tài giỏi, lại là người ngoại giáo. Thánh nhân thường săn lùng bách hại những người theo đạo Kitô giáo. Trong một lần, khi đang trên đường đi Đamas đuổi bắt những người Kitô hữu, ngài bị cú ngã ngựa. Chính cú ngã ngựa lịch sử đó, ngài đã trở lại đạo Chúa Kitô, xin nhận Bí tích Rửa tội, và trở nên chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, ngài đã đưa bao linh hồn lầm đường lạc lối trở về với Chúa.

Kết thúc bài giảng, Lm Đaminh mời gọi mỗi người chúng ta hãy ra đi làm chứng nhân cho Đức Kitô bằng ngay chính đời sống của mình.

Thánh lễ nối tiếp với lời nguyện tín hữu và dâng những của lễ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, vị đại diện giáo họ Phaolô lên cảm ơn Lm Giuse chủ tế cùng cộng đoàn dân Chúa đã hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo họ Phaolô. Tiếp lời cảm ơn, Lm Giuse thay mặt chúc mừng giáo họ Phaolô được tràn đầy hông ân của Thiên Chúa, ngày một lớn mạnh trong đức tin và cùng nhau loan báo Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người nơi môi trường sống xung quanh mình.

Thánh lễ khép lại lúc 18g15. Trước khi ra về, Lm Giuse cùng đại diện giáo họ Phaolô chụp chung tấm hình lưu niệm ngay trước thềm Cung thánh.

Được biết hiện nay, giáo họ Phaolô có 130 gia đình Công Giáo với trên 600 nhân khẩu sống rải rác tại phường 14, quân11 xen kẽ trong những người lương dân.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người cha trong đời
Phó tế Phạm Bá Nha
17:15 25/01/2022
Người cha trong đời

Trong đời chúng ta có nhiều người cha. Mỗi người cha có trách nhiệm với con trong một thời gian. Và người con có bổn phận vật chất hay tinh thần với người cha. Trách nhiệm nuôi thể xác hay tinh thần và bổn phận đáp đền, theo chương trình của Chúa an bài sắp đặt.

Mỗi người là khuôn mặt đặc biệt ảnh hưởng sâu rộng nơi người con, không bao giờ phai nhòa. Đó là cha Linh hướng (Linh giám, cha Giải tội) cha đỡ đầu, cha nuôi, cha vợ (chồng), cha kế, cha ruột, gà trống nuôi, anh thay cha. Các vị này có qui định theo giáo luật hay luật dân sự

1. Cha đẻ, mẹ sinh cha dưỡng, công khó nhọc bằng nhau. Trách nhiệm và tuổi cha kéo dài từ khi con sinh ra, đến khi cha mẹ già. Phần báo hiếu đền ơn là con cái. Cha đẻ do khí huyết phối hợp với mẹ tạo thành ra con. Mẹ chín tháng mang nặng nhọc. Người cha chạy ngoài, kiếm ăn cho cả gia đình. Người đời có phần thiên vị kể : ‘‘Cha sinh mẹ dưỡng’’. Thiết nghĩ công trạng cha mẹ ngang nhau. Trân trọng và tri ân. Vừa tình vừa nghĩa. ‘‘Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái ‘’.

Lời thơ của cha đi sát với luật Chúa răn dạy : Thảo kính cha mẹ. Chúa công khai tuyên bố : Ngươi hãy thờ kính cha mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử. Để trả lời người Do Thái theo truyền thống : Thờ kính thiên Chúa, không phải thờ kính cha mẹ. (x. Mt. 15,4)

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo XXIII, luôn để hình ông bà thân sinh, ở đầu giường, để cả đoàn linh hồn chờ đợi và cầu nguyện cho (Chân Phuớc Giáo Hoàng Gioan XXIII. tr. 13). Mẹ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II qua đời lúc ngài vừa xưng tội lần đầu.Cha ngài đóng vai trò gà trống nuôi con. Rồi cha cũng mất lúc Ngài 21 tuổi. Gương đạo đức thánh thiện đã tạo người con Thánh. Thánh Têrêsa Hài Đồng nên trọn là nhờ cha mẹ là Ông bà chân phước Louis Martin và Zélie Guérin. Gia đình có 5 chị em tu dòng.

2. Cha đỡ đầu Rửa Tội, Thêm Sức hay Hôn Phối. Khi rửa tội, Thêm Sức hay Hôn Phối. Gia đình chọn người cha đỡ đầu về phần thiêng liêng, là người Công Giáo (16 tuổi trở lên) có đời sống xứng hợp với đức tin trong cộng đoàn (GL số 974). Cha Sở, cha mẹ và cha (mẹ) đỡ đầu phối hợp, chọn tên Thánh cho con hợp với ý nghĩa Kitô giáo. (GL. số 855). Họ cùng với cha mẹ đẻ, có trách nhiệm mặt đạo hơn mặt đời. Gia đình hai bên qua lại thân thiện như anh em ruột thịt. Người con thiêng liêng khác nào như con ruột. Vui buồn bên nhau. Gia đình được mở rộng, kết nghĩa thân thiện anh em. Nhiệm vụ người đỡ đầu cộng tác với cha mẹ con thiêng liêng sống đời sống Kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn bổn phận gắn liền với Bí Tích lãnh nhận (GL. số 872)

Cha đỡ đầu. Khi nhận bí tích rửa tội, Phép Thêm Sức hay hôn phối, gia đình chọn cho trẻ em một người đỡ đầu cho con, được lãnh nhận ba bí tích quan trọng này.Trong mức độ có thể được, phải liệu cho người sắp chịu có một người đỡ đầu. Nhiệm vụ người đỡ đầu là tham dự vào khai tâm kitô giáo của người lớn sắp rửa tội.

Đối với nhi đồng sắp được rửa tội, người đỡ đầu cùng cha mẹ đem con nhỏ đến chịu rửa tội, rồi cộng tác với cha mẹ giúp em bé sống đời kitô giáo cách xứng đáng và tận tụy chu toàn bổn phận gắn liền với bí tích Rửa Tội. (GL. 872)

Điều kiện làm người đỡ đầu : có khả năng, 16 tuổi, người Công Giáo, không mắc hình phạt. Không phải cha (mẹ) của người được rửa tội. (x. GL 874)

Tên cha (mẹ) đỡ đầu phải ghi trong sổ rửa tội. Riêng VN ở các xứ, cha (mẹ), được kể như thân thiện trong gia đình. Vui buồn có nhau. Người cha và con đỡ đầu là ‘‘họ thiêng liêng’’.

3.Cha Linh Giám trong các hội đoàn, như Legio, được giáo quyền chỉ định hướng dẫn trong phạm vi của hội. (TB. 281; GL số 317/ 1). Hội viên Legio có nhiệm vụ tuân giữ những quy định của ban quản trị và linh giám.

4.Cha Xứ hay các cha trong họ đạo, đại diện Chúa, được đặt cử do giám mục (GL. số 1748) chăm sóc phần đạo cho giáo dân. Gương rất kính phúc, là Tháng Gioan Vianney, cha xứ Ars. Ngài được ơn hiểu biết mọi sự. Một hôm, tại Pháp một bà sau khi chồng chết bất tử, đi khắp nơi cho khuây khỏa, mới ghé xứ Ars, đến với Cha Viannay khóc xướt mướt; nói : Thưa cha, chồng con chết vì ngã ngựa, tại chỗ, không lời trăn trối, và buồn nhất là ông chưa kịp lãnh phép bí tích sau cùng.

Cha Thánh nói ngay : Bà đang buồn vì mất chồng, nhưng bà quên những bó hoa, trong khi còn sống, khi làm ngoài đồng về, chồng bà hái hoa đem về cùng với bà dâng kính Đức Mẹ. Những bó hoa đã đánh động lòng thương xót và Đức Mẹ. Qua lòng sùng kính nhỏ này, Đức Mẹ đã đến cứu ông đúng lúc khi ông chẳng may té ngựa, và còn cầu bầu cho chồng bà bớt phần phạt nơi luyện hình.

Nghe vậy bà vợ vui lên ngạc nhiên và nghĩ bụng Đức Mẹ đã báo cho Cha Xứ biết về những bó hoa chồng bà dâng kính vào buổi chiều tan việc.. (Radio Vatican, 3.5.14)

Điều răn thứ Tư, là một trong 10 điều Chúa truyền dạy : thảo kính cha mẹ. Qui định bổn phận với cha mẹ ruột và cha mẹ tinh thần

- Quan trọng là làm tròn nhiệm vụ để ‘‘con khôn nở mặt mẹ cha’’, nữa là ‘‘con khôn hơn cha là nhà có phúc’’
 
Văn Hóa
Tôi Đã Thấy Tôi
Sơn Ca Linh
21:44 25/01/2022
Tôi Đã Thấy Tôi

(Bài suy niệm cuối năm)

Tôi, một kẻ ăn mày lang thang “nửa đời hoang phế”,
Sống nhờ khí trời để nuôi thân thể mượn từ mẹ cha.
Con cá, cọng rau, những hạt cơm trắng… nhờ lòng vị tha,
Của những giọt mồ hôi, những nỗi xót xa từ bàn tay lao động !

Tôi, một kẻ hành hương, đã đi qua năm dài tháng rộng,
Ấm nhờ ánh nắng mặt trời, mát bằng cơn gió lộng mùa xuân…
Giấc ngủ bình yên nhờ những đôi mắt chong đèn đếm giọt gian truân,
Chào bình minh lại có tiếng se sẻ, họa mi canh tuần báo thức.

Ánh mắt, bờ môi của ai đó để trái tim bồi hồi rạo rực,
Chẳng phải ngân hàng hay chợ trời mà thao thức đổi trao !
Miễn phí luôn, một nụ cười tươi, ánh mắt, những lời chào…
Chút khổ để cảm thông, chút buồn để xuyến xao hy vọng…

Tôi, chỉ một gã khờ, một chú ếch giữa trời cao biển lớn,
Vài ba chữ I tờ, dăm chuyện nhỏ rứt… có nhằm nhò chi.
Kinh nghiệm nhân gian, chất chứa vạn niên, đâu chỉ một xuân thì,
Tiến bộ của hôm nay, đã hằn sâu trên đường đi ngàn muôn thế kỷ !

Và, tôi đã thấy tôi, tóc đã bạc màu, bàn chân chai mòn mỏi mệt,
Thấy đời mình, hạt bụi tầm thường trong cõi sinh diệt ngàn thu.
Và dưới ánh mắt của Đấng Toàn Năng, trong vòng tay của Đấng Nhân Từ,
Một đóa huệ, một chú chim, hay một gã mù…, bên vệ đường hành khất.

Nên, có gì đâu, để bon chen, tranh giành đa đoan tất bật,
Đám mây sớm trên trời, khóm hoa dại dưới đất… có là bao !
Mây mau đổi, hoa sớm tàn, chút bình yên đổi lấy xuyến xao,
Và tôi hãy là tôi, dẫu chỉ là hạt bụi gởi trao bờ nhân thế !

Sơn ca Linh (Những ngày cuối năm Tân Sửu)



 
VietCatholic TV
Phạm thánh nghiêm trọng trước mắt một linh mục. Tin Vui: Giáo Hội có thêm Tiến Sĩ Hội Thánh
VietCatholic Media
04:57 25/01/2022


1. Phạm thánh trầm trọng tại Paris, kẻ thách thức bóp nát Mình Thánh Chúa khi Rước lễ

Khi trao Mình Thánh Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 17 tháng Giêng, Cha Simon de Violet, linh mục phụ tá tại giáo xứ Chúa Thánh Linh ở quận 12 của Paris, đã phải đối mặt với một người đàn ông đã nhận Mình Thánh Chúa trên tay, trước khi bóp nát thành từng mảnh và ném xuống đất. Một cử chỉ bạo lực và phạm thánh nghiêm trọng đối với Giáo hội, một sự xúc phạm, đòi hỏi một Thánh lễ Sám hối được cử hành vào Thứ Tư tuần này.

Người đàn ông đến và chìa tay ra để rước Mình Thánh Chúa. Nhưng thay vì đưa bánh thánh lên miệng, hắn ta lại nâng nó lên cao ngang mặt và bóp nát thành từng mảnh vụn rồi ném xuống đất.

Cha Simon, vẫn còn bị sốc, nói với tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường rằng: “Đó là thánh lễ chính trong ngày Chúa Nhật, lúc 11 giờ sáng, có thể coi là giai đoạn hai trong lễ rửa tội cho trẻ em, có rất nhiều người trong nhà thờ”. Khi người đàn ông đến gần, vị linh mục không nhận thấy điều gì đáng ngờ. Mọi thứ diễn ra rất nhanh chóng. “Anh ta cầm lấy bánh thánh, đưa tay lên ngang mặt và bóp nát bánh thánh như người ta có thể làm với một miếng khoai tây chiên!”

Lại gần người ấy, vị linh mục nắm lấy áo khoác của anh ta và hô to. Cha Simon cho biết thêm: “Người đàn ông chỉ đơn giản trả lời 'Dành cho Nadia' trước khi tan vào đám đông. Như thế, hành động đó đã được suy nghĩ, và tính toán trước. Tay của anh ấy hơi sưng, với một số vết thương, như trường hợp của những người sử dụng ma túy hoặc rượu quá mức. Nhưng anh ấy hoàn toàn tỉnh táo “. Vị linh mục nhanh chóng yêu cầu các tín hữu lùi lại để ngài thu gom tất cả các mảnh vụn vào một cái bình “Tôi bảo đảm rằng thân thể của Chúa Giêsu Kitô không bị hư hại nhiều hơn những gì đã xảy ra.”

Một số thông tin từ cộng đoàn giáo xứ Chúa Thánh Linh cho rằng Nadia có thể là tên của một cô gái Công Giáo từng quen biết với hắn ta. Có thể cô ta đã chia tay với hắn, và trò này là nhằm trả thù.

Trên tweeter, Cha Simon viết: “Một sự phạm thánh đã xảy ra vào Chúa Nhật này tại giáo xứ. Sau khi nhận được Mình Thánh Chúa, một người đàn ông đã bóp nát bánh thánh trước mặt tôi và ném nó xuống đất. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ta, và cầu xin để ma quỷ sẽ ngừng tấn Công Giáo Hội”.

Vị linh mục giải thích: “Việc phạm thánh đến Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô nghiêm trọng hơn nhiều so với tội phá phách các bức tượng hoặc hành vi trộm cắp một thùng tiền nhà thờ. “Đó là tội lỗi nghiêm trọng nhất về phương diện phụng vụ và bí tích. Thân thể của Chúa Kitô là kho tàng của Giáo hội “. Từ đầu năm đến nay, Paris đã chứng kiến một số cuộc đột nhập, phá hoại, và trộm cắp các ngôi thánh đường. Cha Simon coi những vụ phá phách là “làn sóng tấn công của ma quỷ” như đã từng xảy ra trong suốt lịch sử. Ngài nói: “Quyền lực của sự dữ được tung ra, và đó là một cách để thử thách niềm tin của Giáo hội nơi Thiên Chúa và chúng ta phải nhớ rằng ma quỷ đã bị đánh bại bởi Chúa Kitô. Và người đàn ông đã nghiền nát Mình Thánh Chúa đó là do ma quỷ tác động. “

Cuối thánh lễ, Cha Simon quyết định giải thích cho cộng đoàn điều gì vừa xảy ra. “Tôi quyết định nói chuyện với cộng đoàn cho những người chưa nhìn thấy điều gì xảy ra, nhưng cũng cho những đứa trẻ ngồi ở hàng ghế đầu, những người đã nhìn thấy mọi thứ mà chưa chắc đã hiểu được ý nghĩa xúc phạm của cử chỉ này. Tôi quyết định mang theo bánh thánh trong cuộc rước kết thúc thánh lễ. Chúng tôi đã đi qua dân Chúa với thân xác tan nát của Chúa. Có điều gì đó mang tính tiên tri và bi thảm trong đó”.

Thánh lễ phạt tạ

Sau thánh lễ, linh mục chánh xứ, là Cha Arnaud Duban, cho bánh thánh vào nước để pha loãng, theo đúng các giao thức của Giáo Hội trong những trường hợp như thế. Một thánh lễ phạt tạ đã được tổ chức vào ngày Thứ Tư, 19 tháng Giêng. “Chúng tôi sẽ nhân cơ hội của thảm kịch này để giúp các giáo dân và trẻ em hiện diện có một ý thức đúng đắn về sự thánh thiêng của thân thể Chúa Kitô.”

Sự xúc phạm này không phải là một sự kiện nhỏ. Cha Simon, đồng ý với cha xứ của mình, quyết định nói về điều đó ngay lập tức. “Chúng tôi đã lựa chọn minh bạch vì một số lý do. Cái ác phải được đối mặt trực tiếp. Chúng ta phải nêu đích danh nó,” vị linh mục nói. “Điều này cũng sẽ giúp chúng ta tôn kính và tôn trọng thân thể của Chúa Giêsu Kitô tốt hơn”.
Source:Aleteia

2. Đức Thánh Cha chính thức tuyên bố Thánh Irênê là Tiến Sĩ Hội Thánh

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức tuyên bố Thánh Irênê – tiếng Pháp là Irénée, tiếng Anh là Irenaeus - giám mục sống ở thế kỷ thứ 2 tại Lyon, là Tiến Sĩ Hội Thánh, với tước hiệu “Tiến sĩ Unitatis” – “Tiến Sĩ Của Sự Hiệp Nhất”, trong một sắc lệnh ban hành vào ngày 21 tháng Giêng năm 2022. Thánh Irênê là Tiến sĩ thứ 37 của Hội Thánh, và Tiến sĩ thứ năm đến từ Pháp.

“Cầu mong giáo lý của một vị Thầy vĩ đại như vậy sẽ khuyến khích ngày càng nhiều hơn nữa hành trình của tất cả các môn đệ của Chúa trên con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn,” Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong sắc lệnh của ngài. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng vị thánh vốn xuất thân từ phương Đông và từng là giám mục ở phương Tây, là một “cầu nối tâm linh và thần học” giữa các Kitô hữu của phương Đông và phương Tây.

“Tên của ngài, Irênê, thể hiện sự bình an đến từ Chúa và sự hòa giải, khôi phục sự thống nhất”

Giáo hội chính thức tuyên phong danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh cho các nhà thần học mà Giáo hội công nhận là có thẩm quyền đặc biệt với tư cách là nhân chứng cho giáo lý, vì sự chắc chắn trong tư tưởng của các ngài, cũng như sự thánh thiện trong cuộc sống và tầm quan trọng trong công việc của các ngài.

Một ngày trước khi công bố sắc lệnh này, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã chính thức đề nghị Đức Giáo Hoàng chấp nhận “phán quyết tích cực” của phiên họp toàn thể của các Hồng Y và giám mục, là những vị đã xem xét đề nghị phong cho vị thánh này danh hiệu này.

Hồi tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ sớm tuyên bố Thánh Irênê là Tiến sĩ Giáo hội trong một bài diễn văn trước các nhà thần học Công Giáo và Chính thống trong nhóm Công tác Chính Thống Giáo - Công Giáo Thánh Irênê.

Vào tháng Giêng năm 2018, Đức Hồng Y Philippe Barbarin, khi đó là Giáo Chủ của Gauls, trong khi đến Rôma, đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình phong Thánh Irênê làm Tiến sĩ Hội Thánh.

Sinh ra tại Smyrna, Tiểu Á - nay là Thổ Nhĩ Kỳ - và sống từ năm 177 đến 202, Thánh Irênê được biết đến như một người bảo vệ trung thành cho đức tin.

Lo ngại về sự gia tăng của các giáo phái ngộ đạo trong Giáo Hội sơ khai, ngài đã viết tác phẩm “Adversus haereses”, nghĩa là “Chống lại những kẻ dị giáo”. Đó là một lời bác bỏ niềm tin ngộ đạo trong đó phái này đề cao kiến thức tâm linh của cá nhân, và coi nhẹ đức tin vào các giáo lý Kitô và thẩm quyền của giáo hội.

Trong cuộc họp mùa thu năm 2019, hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý thêm vào một đề nghị của Tổng giáo phận Lyon, Pháp - khu vực nơi Thánh Irenaeus phục vụ - là xin Đức Thánh Cha tuyên bố rằng vị giám mục thế kỷ thứ hai là tiến sĩ Hội Thánh.

Giáo Hội Công Giáo hiện có 37 Tiến sĩ Hội Thánh, năm vị là người Pháp: đó là Thánh Bernard thành Clairvaux, Thánh Hilaire thành Poitiers, Thánh Phanxicô Đệ Salê, Thánh Têrêxa thành Lisieux và ngày nay là Thánh Irénée.

Trước đó, vào năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ Hội Thánh khác, là Thánh Gregôriô thành Narek, sinh năm 954 và mất năm 1010. Ngài là một nhà thơ và nhà triết học Armenia


Source:Aleteia

3. Các vị được tuyên Tiến sĩ Hội Thánh bởi 3 vị giáo hoàng gần đây nhất

Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô, mỗi vị đã tuyên bố một số các vị thánh là “Tiến sĩ Hội Thánh”, vì những giáo huấn có tầm ảnh hưởng lớn của các ngài.

Trong Giáo Hội Công Giáo, bên cạnh việc gọi một số vị là thánh, khi công nhận các nhân đức phi thường của các ngài, các giáo hoàng qua nhiều thế kỷ đã chọn các vị thánh cụ thể là “Tiến sĩ Hội Thánh”.

Những vị này được coi là những bậc thầy gương mẫu trong các chủ đề thần học hoặc tâm linh khác nhau. Danh hiệu “Tiến sĩ” bắt nguồn từ tiếng Latin docere, có nghĩa là “giảng dạy.”

Kể từ thế kỷ 13, chỉ có 37 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh. Đây là một con số rất nhỏ, vì đây là một tước hiệu hiếm hoi được trao và các giáo hoàng không thường xuyên trao tặng danh hiệu này.

3 vị giáo hoàng cuối cùng đã thêm một số ít các vị thánh vào danh hiệu đặc biệt này.

Thánh Têrêsa thành Lisieux

Năm 1997, Thánh Gioan Phaolô II đã phong Thánh Têrêsa thành Lisieux là Tiến sĩ Hội thánh vì những bài viết có linh đạo sâu sắc của Thánh nữ.

Thánh John thành Ávila

Đức Bênêđíctô XVI đã phong Thánh Gioan thành Avila là Tiến sĩ Giáo hội vào năm 2012, công nhận sự hiểu biết về Sách Thánh và tinh thần truyền giáo của ngài.

Thánh Hildegard thành Bingen

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cũng phong Thánh Hildegard thành Bingen là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 2012, nêu bật kiến thức thần học cũng như các nghiên cứu của Thánh nữ về khoa học tự nhiên.

Thánh Grêgôriô thành Narek

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên Thánh Grêgôriô thành Narek, một vị thánh phương Đông được ngài tuyên là “Tiến sĩ Hòa bình” vào năm 2015.

Thánh Irênê thành Lyon

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên Thánh Irênê của Lyon là Tiến sĩ Giáo hội, và coi ngài là “cầu nối” giữa Giáo hội phương Đông và phương Tây.
Source:Aleteia
 
Chớ dại: Đùa với cô vít, danh ca ly trần oan uổng. Tòa truyền hai người trả Tòa Thánh 40 triệu euro
VietCatholic Media
17:09 25/01/2022


1. Ca sĩ dân ca người Tiệp qua đời sau khi cố tình bị nhiễm Covid-19

Một ca sĩ hát nhạc dân ca người Tiệp, là người phản đối việc tiêm vắc-xin coronavirus đã chết sau khi cố tình nhiễm vi-rút. Con trai của cô đã cho biết như trên.

Hana Horká, thành viên của ban nhạc dân gian Asonance, đã qua đời hôm Chúa Nhật ở tuổi 57 sau khi cố tình nhiễm virus ở nhà trong khi con trai và chồng nhiễm coronavirus.

Horká muốn tự lây nhiễm bệnh cho mình để có thể “xong chuyện với Covid”, con trai bà, Jan Rek, nói với Prima News hôm thứ Hai.

“Tôi đến đây vì cuộc tranh luận rất quan trọng và tôi muốn cảnh báo mọi người,” Rek nói, và nhấn mạnh thêm rằng cả anh và bố anh đều đã được tiêm phòng.

“Mẹ tôi muốn bị ốm để bà ấy có được thẻ Covid,” Rek nói. “Mẹ tôi công khai nói với tôi rằng mẹ tôi muốn bị nhiễm bệnh để cho xong việc với Covid.”

Rek cho biết mẹ anh đã nhận được thông tin không chính xác về virus “từ mạng xã hội”

Ý tưởng đang lan nhanh hiện nay cho rằng biến thể Omicron là nhẹ nhàng, chỉ ốm vài ngày là xong, nên nhiều người có xu hướng hành động như Hana, nhiễm một lần cho xong. Tuy nhiên, các bác sĩ đã cảnh báo không nên làm như vậy.

Bác sĩ Robert Murphy, giám đốc điều hành của Viện Y tế Toàn cầu Havey tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago, Illinois cho biết: “Mọi người đang nói về Omicron như thể đó là một cơn cảm lạnh. Đó không phải là một cơn cảm lạnh tồi tệ một chút thôi. Đó là một căn bệnh đe dọa tính mạng.”
Source:CNN

2. Ở ngay nơi thiên nhan, con phạm tội nhơ nhớp: Các cựu quan chức phải trả 40 triệu euro cho Tòa Thánh

Hai cựu quan chức Vatican của Viện Giáo Vụ, thường được gọi là ngân hàng Vatican, đã bị kết án bồi thường hàng triệu USD tiền bồi thường thiệt hại do quản lý sai các khoản đầu tư.

Theo một tuyên bố từ ngân hàng Vatican vào ngày 21 tháng Giêng: Hôm 18 tháng Giêng, cựu tổng giám đốc của ngân hàng Vatican, Paolo Cipriani, và phó của ông ta là Massimo Tulli, đã bị Tòa phúc thẩm Vatican kết án phải bồi thường khoảng 40 triệu euro vì các hành vi quản lý tùy tiện và “có hại” đối với các khoản đầu tư được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2013

Cipriani và Tulli đã từ chức người đứng đầu ngân hàng Vatican vào tháng 7 năm 2013, vài tháng sau cuộc bầu cử Đức Thánh Cha Phanxicô. Một cuộc điều tra rộng lớn về hoạt động của ngân hàng Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI khởi sự vào năm 2010.

Ngân hàng Vatican quản lý tài khoản của các dòng tu và hiệp hội Công Giáo: “Tòa phúc thẩm hoàn toàn công nhận các lập luận của ngân hàng Vatican và yêu cầu Cipriani và Tulli phải bồi thường khoảng 40 triệu euro”.

Xác nhận phán quyết trong phiên sơ thẩm năm 2018, Tòa án yêu cầu hai cựu lãnh đạo ngân hàng bồi thường cho ngân hàng Vatican những thiệt hại đã gây ra gồm 35,740,587 euro là thiệt hại và 4,799,445 euro là thu nhập bị mất.

“Phán quyết liên quan đến việc quản lý tùy tiện mà Paolo Cipriani và Massimo Tulli đã gây ra trong một số khoản đầu tư của ngân hàng Vatican từ năm 2010 đến năm 2013, được cho là có hại vì chúng có nhiều rủi ro và trong một số trường hợp, còn bất hợp pháp và là đối tượng của các thủ tục tố tụng hình sự.”

Đối với ngân hàng Vatican, nhận định này theo sau “một công trình đổi mới và chuyển đổi sâu sắc của ngân hàng Vatican có thể áp dụng những cải cách quan trọng trong lĩnh vực tài chính của Tòa thánh.”
Source:Aleteia

3. Đức Hồng Y người Hà Lan thúc giục các giáo xứ mở cửa trở lại cho những người thờ phượng

Mặc dù thực tế là giao thức COVID-19 hiện tại ở Hà Lan cho phép các nhà thờ tiếp nhận 50 tín hữu, sáu giáo xứ trong Tổng giáo phận Utrecht đã quyết định không tổ chức bất kỳ cử hành nào có giáo dân tham dự. Quyết định này đã dẫn đến phản ứng giận dữ từ các giáo dân và một lá thư của Đức Hồng Y Wim Eijk của Utrecht đã chỉ thị cho các giáo xứ phải mở cửa trở lại.

Trong bức thư được gửi đến tất cả các giáo xứ, Đức Hồng Y Eijk viết rằng tổng giáo phận đã nhận được thư và e-mail “với những phản ứng rất thất vọng hoặc tức giận” từ các giáo dân ở các giáo xứ bị ảnh hưởng. Đức Hồng Y nói tổng giáo phận hiểu điều này, và mô tả việc tham dự các lễ kỷ niệm là “điều cần thiết cho sự cứu rỗi các linh hồn.”

Theo phát ngôn viên Roland Enthoven của Tổng giáo phận Utrecht, tác động lâu dài của những quyết định như vậy cũng đóng một vai trò nào đó.

“Nếu bạn đóng cửa hoàn toàn các nhà thờ trong thời gian quá lâu, thì hãy chờ xem mọi thứ sẽ diễn ra tới mức độ nào sau đó”. Trong bức thư, Đức Hồng Y Eijk bày tỏ mối quan tâm của ngài về sự tiến bộ của đời sống Giáo Hội “bây giờ và trong tương lai.”

Đức Hồng Y cảnh báo các giáo xứ về một “sự phá hoại đời sống Giáo Hội khó có thể phục hồi được” khi các tín hữu không thể đích thân tham dự các buổi cử hành tại các nhà thờ giáo xứ của họ trong một thời gian dài.

Chắc chắn, đại dịch COVID-19 đã được chứng minh là có ảnh hưởng lớn đến đời sống giáo xứ, khiến số người tham dự Thánh lễ giảm sút. Trong lá thư, Đức Hồng Y Eijk cũng cho biết ngài âu lo rằng đại dịch có thể tiếp diễn trong vài năm nữa.

Do đó, ngài đã chỉ thị cho 6 trong số 42 giáo xứ trong giáo phận của ngài tiếp tục các cử hành Phụng Vụ có giáo dân tham dự “càng sớm càng tốt, nhưng bất cứ giá nào các thánh lễ Chúa Nhật, từ ngày Chúa Nhật, 16 tháng Giêng trở đi, phải được cử hành”.

Theo Enthoven, giáo dân từ các giáo xứ bị ảnh hưởng chủ yếu phàn nàn về việc không thể rước lễ, là điều được các giao thức hiện hành cho phép. Các giáo xứ hiện được phép tổ chức các cử hành với tối đa 50 tín hữu hiện diện. Các cử hành phải kết thúc trước 5 giờ chiều như các giám mục đã thông báo vào tháng 12, sau khi chính phủ Hà Lan công bố những hạn chế mới do sự gia tăng của biến thể Omicron.

Một trong những giáo xứ đã chọn đóng cửa hoàn toàn là Giáo xứ Saint-Martin ở Zeist. Cha Johan Rutgers nói với tờ tuần báo Hà Lan Katholiek Nieuwsblad:

“Lần này, chúng tôi với tư cách là một giáo xứ đã tự hỏi mình điều gì là khôn ngoan. Khi làm như vậy, trái tim và khối óc ở hai đầu đối diện của một cái cân. Trái tim nói: Chúng ta phải luôn cởi mở, đó cũng là điều mà các giám mục đã nói với chúng ta. Mặt khác, tất cả mọi thứ đều đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu. Là một giáo xứ, chúng tôi quyết định trách nhiệm của chúng tôi là tập hợp càng ít giáo dân càng tốt. Động lực là bảo vệ. Cho dù đây là một quyết định tốt hay không, chỉ có thể được đánh giá khi nhìn lại. “

Theo Cha Rutgers, quyết định đóng cửa đã được đưa ra với lương tâm tốt. Ngài nhấn mạnh, đó chắc chắn không phải là một quyết định chống lại các giám mục. Vị linh mục cho biết ngài cũng đồng ý với bức thư của vị Hồng Y, đặc biệt là liên quan đến sự cứu rỗi của các tín hữu.

“Dù sao thì chúng tôi cũng đã định mở cửa vào cuối tuần này. Chúng tôi hy vọng sẽ vẫn là một nơi mà mọi người đến với nhau để cử hành và gặp gỡ “.

Một giáo xứ khác chỉ tổ chức các thánh lễ phát trực tiếp trong vài tuần qua là giáo xứ Đức Giáo Hoàng Gioan 23 ở Houten, bao gồm bảy nhà thờ ở các thị trấn và làng gần đó. Khi được hỏi bởi Katholiek Nieuwsblad, cha xứ Fred Hogenelst, không muốn bình luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, lý do của quyết định được đề cập trên trang web của giáo xứ.

Trong số những điều khác, trang web nói rằng ở giai đoạn này của đại dịch, hội đồng quản trị và nhóm mục vụ không làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm cho mọi người. Giáo xứ tuân thủ việc khóa cửa để “bảo vệ nhân viên, tình nguyện viên và đồng bào trong giáo xứ khỏi bị lây nhiễm.”

Cha André Monninkhof, linh mục quản xứ ở Ommen, đã giữ cho giáo xứ của mình mở cửa và hoàn toàn ủng hộ những lời của vị Hồng Y.

Ngài nói: “Điều quan trọng là phải thận trọng. “Nhưng dù sao chúng tôi cũng có một giao thức cho phép chúng tôi cử hành, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Nơi nào an toàn để làm như vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tiếp tục đến với nhau như một cộng đồng đức tin “.

Theo Cha Monninkhof, Đức Hồng Y đã rất chí lý khi viết rằng điều này là quan trọng cho sự cứu rỗi của các tín hữu.

“Đối với tôi, việc tuân thủ giao thức là điều hiển nhiên. Nó đã được xem xét tốt; nó đã được suy nghĩ kỹ càng. “

Ngài cũng cho biết các giáo dân rất biết ơn vì họ có thể đến nhà thờ một lần nữa và có thể rước lễ. “Họ đánh giá rất cao rằng điều này có thể xảy ra một lần nữa.”
Source:Crux