PHÚC ÂM: Mc 3, 31-35
“Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài, sai người vào mời Chúa ra. Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”. Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?” Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
Đó là lời Chúa.
Nay Chúa gọi ngay trên hè phố,
Giữa dòng đời xe cộ ngược xuôi,
Trời trưa hè, nắng nung lửa đỏ.
Xưa ngư phủ Biển Hồ cực nhọc buông thả lưới,
Nguyên đêm dài vất vả, lưng trần đẫm mồ hôi.
Bình minh buông rơi, lưới đời nhấc lên, ơi rác!
Thất vọng ngập hồn! Sao muốn bỏ cuộc buông xuôi!
Nay, con cực nhọc ngược xuôi,
Lề hè phố đôi chân mốc đen bước vội.
Chuyện một thời con đi buôn "muối".
Hàng trắng, thuốc lắc, thuốc E!
Một tay con gói...
Chúa đứng gọi con bên đường biên giới...
Con trắng tay... Con bỏ nghề.
Nay! Con gầy xác ve,
Cũng vẫn đi buôn, nhưng giờ đồng nát, ve chai, ni-lông, giấy vụn,
Cực nhọc! Từng hạt mồ hôi, ướt đẫm trán!
Nhưng niềm vui thanh thản.
Và hồn ơi nhẹ nhàng,
tựa gió chiều thổi mát vành tai
mưa trời tưới mát làn da khô cằn cỗi.
Chúa nói khẽ, "Kìa con! Nhìn bên tay phải…"
Ông lão người dân tộc hốt hoảng xiêu vẹo bước chân, băng ngang qua mặt đường.
Xe đạp vẫn phóng tới, xe máy ồn ào nóng nảy rú ga, xe hơi bấm còi khó chịu! Tin! Tin!
Con lẹ chân chạy tới dẫn Chúa vượt qua lòng đường nhựa.
Xưa, ngư phủ Biển Hồ chài cá kiếm sống,
Nay, con lang thang phố phường,
Kiếm tìm những tờ giấy thiên hạ gọi tiền,
Cũng vẫn những tờ giấy, cùng kích thước, cùng sắc mầu, cùng mệnh giá,
nhưng giờ không còn ướp đẫm mùi hương!
Giờ con giản dị bà ba...
Mặt phụ nữ hai mươi không son phấn, đẫm mồ hôi.
Mặt trời nhiệt đới đốt cháy tóc, nhuộm đen làn da.
Hồn thanh thản nhẹ nhàng.
Bình dị! Hạnh phúc! Rộn ràng đan nối những bước chân bán hàng rong.
Chúa gọi, con nhận ra bé ngồi nhặt cát bỏ vô miệng.
Chúa nói mẹ em mắc bệnh Sida,
chết, xác sình thối, dân làng vùi nông vệ đường!
Giờ bé bơ vơ!
Con bước tới, tay cầm ổ bánh mì, "Bé ơi! Chúa tặng em"...
Xưa, ngư phủ ngồi đan lưới,
Nay, con thanh niên một thời...
Bà cụ lên chùa, ngày trăng tròn,
Con, lái xe Honda, rú ga phóng tới,
Con, tay giật đứt dây chuyền vàng hai mươi!
Chúa gọi... Con ngồi tù một năm...
Con, tay đã nhúng chàm, mười đầu ngón tay xám đen,
nhưng tuổi hai mươi, đường dài thênh thang chờ đợi.
Con bước ra cửa tù, con đi những bước chân mới...
Con nay ngồi đan cói...
Bạn bè cũ gọi,
Con tắt điện thoại, không trả lời.
Chúa lại gọi,
Con ngẩng lên nhìn,
Bà lão còm cõi.
đứng đó yên lặng, chờ đợi từ bao giờ;
bà lão ngần ngại chìa bàn tay, những sợi gân xanh, làn da khô khốc...
Con móc hết tiền trong túi, cúi đầu,
"Cụ ơi! Cháu biếu cụ!"
Xưa, ngư phủ bơ vơ sóng biển,
Nay, con lạc loài giữa sóng người.
Dòng đời sông nước mênh mông,
Con không bến đỗ, thuyền con bập bềnh.
Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người sâu? cạn? con dò không ra.
Chúa gọi, “Bước theo ta…”
Bước con nối bước Chúa, con nhận ra
thương binh cụt chân ngồi bán trà đá
bên cột điện
trên vỉa hè,
vẻ nghèo nàn.
Con ngần ngại...
Trời trưa hè nắng,
Cầm ly trà đá,
Uống cạn một hơi!
Tay sờ túi,
Túi quần rỗng tênh với một lổ hổng không biết từ bao giờ.
Nhìn con mặt đỏ bừng bừng, điệu bộ lúng túng,
người thương binh nói,
— Thôi, tặng chú em.
Con mở miệng lí nhí nói không ra lời.
Tự nhiên muốn khóc, ai nghèo hơn ai?
Xưa, Chúa gọi bên bờ biển Hồ,
Nay, Chúa gọi ngay nơi hè phố.
Dòng đời xe cộ ngược xuôi,
Chúa đứng ngã ba đường,
tiếp tục mời gọi những mảnh đời,
dù có là vỡ vụn, nhưng với Chúa bước tới,
những bước tinh khôi, mới...
□ Nguyễn Trung Tây
PHÚC ÂM: Mc 4, 1-20
“Người gieo hạt đi gieo hạt giống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”. Và Người phán rằng: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông: “Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.
Người nói với các ông: “Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ. Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ, bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm”.
Đó là lời Chúa.
Cố bác sĩ người Pháp Jerome Lejeune, người tìm ra nhiễm sắc thể di truyền gốc của hội chứng Down và sau đó đã dành cả sự nghiệp của mình để vận động chống việc phá thai chỉ vì thai nhi bị chẩn đoán có bệnh Down trước khi chào đời, hiện đang được giáo hội tiến hành những bước quan trọng đầu tiên trong việc tuyên thánh cho vị lương y tài ba và thánh thiện.
Hôm thứ Năm, ngày 21 tháng Giêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn phúc trình về “các nhân đức anh hùng” của cố bác sĩ Jerome Lejeune, người đã tại thế từ năm 1926 đến 1994, và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt quý trọng vì lập trường chống phá thai của ông.
Việc được Đức Giáo Hoàng công nhận các đức tính của một người, đồng nghĩa với việc bác sĩ Jerome Lejeune được Giáo Hội Công Giáo tuyên phong lên bậc “đáng kính”. Hiện tại, Vatican phải chờ xác nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của bậc “đáng kính” này để ông được phong chân phước, và cần thấy một phép lạ thứ hai để ông được tuyên bố là một vị thánh.
Theo tiểu sử chính thức, vào năm 1958 cố bác sĩ Lejeune đã khám phá ra sự tồn tại của một nhiễm sắc thể phụ trên cặp thứ 21, trong quá trình nghiên cứu nhiễm sắc thể của một đứa trẻ. Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa khuyết tật trí tuệ và dị tật nhiễm sắc thể; một tình trạng hiện nay được gọi là trisomy 21.
Tổ chức Jerome Lejeune đã ghi chép như sau trong lịch sử hình thành của họ: “Mặc dù kết quả nghiên cứu của bác sĩ Lejeune lẽ ra phải giúp y học đạt tới một phương pháp chữa trị, nhưng lại thường được sử dụng để nhận diện những trẻ nào mang những căn bệnh này càng sớm càng tốt, thường là với mục đích phá thai”.
Nhóm này cũng cho biết: “Ngay sau khi luật phá thai được soạn thảo ở các nước phương Tây, bác sĩ Lejeune đã bắt đầu vận động để bảo vệ những thai nhi bị hội chứng Down: ông đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo và phỏng vấn trên toàn cầu để bảo vệ sự sống”.
Vào năm 1974, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã tiến cử bác sĩ Lejeune vào làm hội viên của Viện nghiên cứu Khoa học Vatican, và sau đó phong ông làm chủ tịch đầu tiên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống, phụ trách ủy ban cố vấn đạo đức sinh học chính của Tòa thánh.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng đến thăm mộ của Lejeune trong Ngày Giới trẻ Thế giới tại Paris vào năm 1997.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người bày tỏ sự phản đối kiên quyết của giáo hội đối với việc phá thai. Đó cũng là một dấu ấn trong suốt một phần tư thế kỷ của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã mạnh mẽ tố cáo điều mà ngài gọi là “văn hóa loại bỏ” những người mà thế giới ngày nay xem là một gánh nặng vì yếu đuối, tàn tật hoặc bệnh tật. Ngài đã so sánh việc phá thai giống như việc thuê một “sát thủ” để giải quyết một vấn đề.
Source:AFP
Cư dân của một ngôi làng Ấn Độ đã đốt pháo và cầu nguyện tại một ngôi đền Ấn Giáo khi họ chứng kiến Kamala Harris, người có gốc gác nhiều đời ở đó, tuyên thệ nhậm chức và trở thành phó tổng thống Mỹ.
Các nhóm phụ nữ mặc saris sáng màu và nam giới mặc quần dhoti trắng theo dõi trực tiếp lễ nhậm chức khi các phóng viên truyền hình về lễ kỷ niệm của dân làng cho hàng triệu người Ấn Độ trên toàn quốc.
Dân làng đã hô vang “Kamala Harris muôn năm” trong khi cầm trên tay những bức chân dung của bà và họ đốt pháo vào khoảnh khắc bà tuyên thệ.
Trước đó, các ngôi làng đã trang hoàng ngôi đền của họ bằng hoa, dâng những lời cầu nguyện đặc biệt cho sự thành công của Harris. Ông ngoại của bà sinh ra ở làng Thulasendrapuram, cách thành phố biển Chennai khoảng 350 km
“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi một người Ấn Độ được bầu làm phó tổng thống Hoa Kỳ”, người dân nói.
Tại buổi lễ cầu nguyện ở Thulasendrapuram, bức tượng của vị thần Ấn Độ giáo Ayyanar, một dạng của Thần Shiva, được rửa bằng sữa và trang trí bằng hoa bởi một chức sắc Ấn Giáo. Sau đó, ngôi làng vang dội với tiếng pháo khi mọi người giơ cao áp phích của cô Harris và vỗ tay.
Ngôi đền Thulasendrapuram đã trở nên rất nổi tiếng sau khi liên danh Joe Biden và Kamala Harris thắng cử. Các chức sắc Ấn Giáo tại ngôi đền này cho rằng liên danh này thành công là nhờ các lời cầu nguyện của họ dâng lên cho thần Ayyanar.
Tượng thần Ayyanar thường được tạc ngồi trên mình ngựa hay trên lưng một con voi chỉ được thờ tại miền Nam Ấn và trong các miền của người Tamil ở Sri Lanka. Theo các nghiên cứu khác nhau, thần Ayyanar trước đây cũng được thờ ở các quốc gia Đông Nam Á nhưng đã mai một đi. Sau thắng lợi của bà Kamala Harris, tượng thần Ayyanar đang được bán rất chạy tại Ấn Độ. Thần Ayyanar giờ đây được coi là thần may mắn, phát tài.
Source:SBS Australia
Lúc 5g30 chiều thứ Hai 25 tháng Giêng, Đức Hồng Y Kurt Koch, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô, đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.
Chủ đề được chọn cho Tuần cầu nguyện năm 2021 được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy: anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15,1-17). Cộng đoàn tu viện Grandchamp Thuỵ Sĩ được giao phó soạn các lời nguyện trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Cộng đoàn này được thành lập vào nửa đầu thế kỷ 20, gồm một số phụ nữ theo truyền thống Tin Lành cải cách của Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp, đã tái khám phá tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời tiếp tục thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin, theo gương Chúa Kitô, lui về nơi thanh vắng để cầu nguyện. Theo trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Cộng đoàn Grandchamp bao gồm 50 nữ tu, những người đã cống hiến “cho công việc hòa giải giữa các Kitô hữu, trong gia đình nhân loại và đối với mọi tạo vật”.
Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma.
Đức Hồng Y Kurt Koch đã đọc bài giảng soạn sẵn của Đức Thánh Cha như sau:
Vòng tròn đầu tiên, vòng trong cùng, là trong Chúa Giêsu. Đây là điểm khởi đầu của hành trình mỗi người chúng ta hướng tới sự hiệp nhất. Trong thế giới quay cuồng và phức tạp ngày nay, chúng ta rất dễ đánh mất la bàn, khi bị lôi kéo từ mọi phía. Nhiều người cảm thấy nội tâm rời rạc, không tìm được điểm cố định, chỗ đứng vững vàng giữa những thay đổi của cuộc sống. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng bí mật của sự ổn định là ở lại trong Ngài. Trong bài đọc tối nay, Ngài nói điều này đến bảy lần (xem các câu 4-7,9-10). Vì Người biết rằng “không có Người, chúng ta không thể làm gì được” (xem câu 5). Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta cách ở lại trong Ngài. Ngài đã để lại cho chúng ta tấm gương của chính Ngài: mỗi ngày, Ngài lui vào thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cần lời cầu nguyện, cũng như cần nước, để sống. Cầu nguyện riêng, dành thời gian với Chúa Giêsu, và thờ phượng, đây là những điều cần thiết nếu chúng ta muốn ở lại trong Ngài. Bằng cách này, chúng ta có thể đặt những lo lắng, hy vọng và sợ hãi, niềm vui và nỗi buồn của mình trong lòng Chúa. Trên hết, khi tập trung vào Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Ngài. Và bằng cách này, nhận được sức sống mới, giống như những cành cây hút nhựa sống từ thân cây. Đây là sự hiệp nhất đầu tiên, sự thống nhất của cá nhân chúng ta, là công việc của ân sủng mà chúng ta nhận được khi ở lại trong Chúa Giêsu.
Vòng tròn thứ hai là sự hiệp nhất với các Kitô hữu. Chúng ta là những nhánh của cùng một cây nho, chúng ta là “các bình thông nhau”, theo nghĩa là điều thiện hay điều ác mà mỗi chúng ta làm đều ảnh hưởng đến tất cả những người khác. Vì vậy, trong đời sống thiêng liêng, cũng có một loại “quy luật động lực”: đó là khi chúng ta ở lại trong Chúa, chúng ta gần gũi người khác, và khi chúng ta gần gũi người khác, chúng ta ở lại trong Chúa. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa trong thần khí và chân lý, thì chúng ta sẽ nhận ra nhu cầu yêu thương người khác, mặt khác, “nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta” (1 Ga 4:12). Cầu nguyện không ngừng dẫn đến tình yêu; nếu không, đó chỉ là nghi lễ sáo rỗng. Chúng ta không thể gặp được Chúa Giêsu ngoài Nhiệm thể Người, gồm nhiều chi thể, là cơ man những người đã chịu phép rửa. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là chân chính, chúng ta sẽ phát triển tình yêu thương đối với tất cả những ai theo Chúa Giêsu, bất kể họ thuộc về khối hiệp thông Kitô nào, ngay cả khi họ có thể không phải là “người của chúng ta”, họ vẫn là người của Ngài.
Dẫu sao, chúng ta đều biết rằng yêu thương anh chị em của mình không phải là điều dễ dàng, vì những khuyết điểm và điểm yếu của họ ngay lập tức trở nên rõ ràng, và những tổn thương trong quá khứ hiện lên trong tâm trí chúng ta. Ở đây Chúa Cha đến trợ giúp chúng ta, vì với tư cách là một nông dân lão luyện (x. Ga 15: 1), Người biết chính xác phải làm gì: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15: 2). Chúa Cha chặt đi và cắt tỉa. Tại sao? Bởi vì để yêu thương, chúng ta cần phải tước bỏ tất cả những gì khiến chúng ta lầm đường lạc lối và khiến chúng ta cuộn tròn vào chính mình, và do đó không sinh hoa kết quả. Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha loại bỏ những thành kiến của chúng ta về người khác, và những ràng buộc trần tục cản trở sự hiệp nhất trọn vẹn với tất cả con cái của Ngài. Nhờ đó, khi được thanh tẩy trong tình yêu, chúng ta sẽ có thể bớt bận tâm đến những chướng ngại của thế gian cũng như những viên đá vấp ngã của quá khứ, mà ngày nay đang làm chúng ta xao lãng khỏi Tin Mừng.
Vòng hiệp nhất thứ ba, lớn nhất, là toàn thể nhân loại. Ở đây, chúng ta có thể suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần. Trong cây nho là Chúa Kitô, Thánh Linh là nhựa sống lan tỏa đến muôn cành. Thánh Thần có thể thổi tới bất cứ nơi đâu Ngài muốn, và đặc biệt ở mọi nơi Ngài muốn khôi phục sự hiệp nhất. Ngài thúc giục chúng ta yêu không chỉ những người yêu thương chúng ta và suy nghĩ như chúng ta, nhưng phải yêu tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Ngài khiến chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và những điều sai trái mà chúng ta đã phải chịu đựng. Ngài linh hứng cho chúng ta năng động và sáng tạo trong tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng những người lân cận với chúng ta không chỉ giới hạn trong số những người chia sẻ những giá trị và ý tưởng của chúng ta, và chúng ta được kêu gọi trở thành người lân cận của tất cả mọi người, trở thành những người Samaritanô nhân hậu cho một nhân loại yếu ớt, nghèo khó và trong thời đại của chúng ta, đang phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Đó là một nhân loại nằm bên lề đường của thế giới chúng ta, mà Thiên Chúa muốn vực dậy bằng lòng thương cảm. Cầu xin Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch ân sủng, giúp chúng ta sống vô vị lợi, yêu thương đáp lại những người không yêu thương chúng ta, vì chính nhờ tình yêu trong sáng và vô vị lợi, Tin Mừng mới sinh hoa kết quả. Cây được biết đến nhờ trái của nó: bởi tình yêu thương nhưng không của chúng ta, chúng ta sẽ biết được chúng ta có phải là cây nho của Chúa Giêsu hay không.
Vì thế, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta tính cụ thể của tình yêu đối với tất cả những anh chị em mà chúng ta chia sẻ cùng một nhân tính, là nhân tính mà Chúa Kitô đã kết hợp không thể tách rời với chính Người khi Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy Người nơi những người nghèo và những người thiếu thốn nhất ( x. Mt 25:31-45). Khi cùng nhau phục vụ họ, một lần nữa chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta là anh chị em với nhau và sẽ phát triển trong sự hiệp nhất. Thánh Linh, Đấng đổi mới bộ mặt của trái đất, cũng truyền cảm hứng cho chúng ta quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta, đưa ra những lựa chọn táo bạo về cách chúng ta sống và tiêu dùng, vì điều trái ngược với việc sinh hoa kết quả là sự bóc lột, và thật đáng xấu hổ khi chúng ta lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều người khác bị tước đoạt.
Cũng chính Thánh Linh đó, là kiến trúc sư của cuộc hành trình đại kết, đã dẫn dắt chúng ta đến buổi tối hôm nay để cầu nguyện cùng nhau. Khi chúng ta cảm nghiệm được sự hiệp nhất đến từ việc hợp cùng một giọng kêu cầu cùng Chúa, tôi muốn cảm ơn tất cả những ai trong tuần này đã cầu nguyện và tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các tín hữu Kitô. Tôi gửi lời chào huynh đệ tới các đại diện của các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đang tụ họp ở đây, tới các sinh viên Chính thống giáo và Chính thống Đông phương đang theo học tại Rôma dưới sự bảo trợ của Hội đồng Cổ vũ Hiệp nhất Kitô Giáo, và các giáo sư và sinh viên của Viện Đại kết tại Bossey, là những người thường đến Rôma trong những năm trước, nhưng không thể đến Rôma vì đại dịch và đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta luôn hiệp nhất trong Chúa Kitô. Xin Chúa Thánh Thần đổ tràn vào tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy mình là con cái của Chúa Cha, là anh chị em với nhau, là anh chị em trong một gia đình nhân loại chúng ta. Xin Chúa Ba Ngôi, là tình yêu hiệp thông, làm cho chúng ta lớn lên trong sự hiệp nhất.
Source:Holy See Press Office
Thấy trước những hoàn cảnh khó khăn của chính nghĩa phò sinh dưới thời ông Joe Biden, các Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống con người, bắt đầu từ ngày 21 tháng Giêng, một ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức. Nét mới trong năm nay là các giáo phận trên toàn quốc đang phát hình trực tiếp các sự kiện cầu nguyện mỗi ngày để bảo vệ sự sống của con người.
Trong Giáo Hội Công Giáo, một ‘novena’ hay ‘tuần cửu nhật’ bao gồm những lời cầu nguyện trong chín ngày liên tiếp. Tuần cửu nhật phò sinh này là cơ hội để suy tư và phạt tạ khi chúng ta kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao đã đưa việc phá thai trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Ý định bao trùm của tuần cửu nhật là chấm dứt việc phá thai. Mỗi ý định hàng ngày nêu bật một chủ đề liên quan và đi kèm với những suy tư, thông tin giáo dục và các hành động hàng ngày được đề xuất. Tuần cửu nhật đã bao gồm Ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ hợp pháp các trẻ em chưa sinh hàng năm vào ngày 22 tháng Giêng.
Những người tham gia có thể nhận tuần cửu nhật bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha qua email, hoặc truy cập trực tuyến. Những người tham gia có thể chia sẻ các chứng tá ủng hộ sự sống của họ và mời các mạng xã hội của họ cầu nguyện trên phương tiện truyền thông xã hội với hashtag # 9DaysforLife.
Được tài trợ bởi Ủy ban về các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Tuần Cửu Nhật cho Cuộc sống bắt đầu vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm quyết định Roe chống Wade.
Source:USCCB
Hôm thứ Sáu 22 tháng Giêng, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám Mục Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo cho rằng một dự luật được đề xuất ở Đan Mạch yêu cầu dịch tất cả các bài giảng sang tiếng Đan Mạch là một mối đe dọa đối với tự do tôn giáo.
Trong một tuyên bố ngày 22 tháng Giêng, ngài nói:
“Trên thực tế, tác động của dự luật sẽ là gây trở ngại không đáng có đối với quyền cơ bản về tự do tôn giáo.”
Trước đó, một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Đan Mạch cho biết dự thảo luật yêu cầu tất cả các bài giảng phải được dịch sang tiếng Đan Mạch sẽ gây ác cảm và làm tổn hại đến tự do tôn giáo. Luật này được nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ủng hộ và tích cực vận động như một cách thế để bài trừ các trào lưu khủng bố.
“Luật này chủ yếu nhắm vào người Hồi giáo - những người ủng hộ dự luật nói rằng họ muốn ngăn chặn các xã hội song song và những thứ được rao giảng mà không ai khác hiểu được những điều đó, và có thể được sử dụng để cực đoan hóa và kêu gọi khủng bố,” Sơ Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký và nữ phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu, nói.
Tất cả các cộng đoàn giáo hội hay phi giáo hội, các cộng đoàn Do Thái, mọi thứ chúng ta có ở Đan Mạch - 40 cộng đồng tôn giáo khác nhau - sẽ bị nghi ngờ chung bởi luật này. Có điều gì đó đang xảy ra ở đây và đang phá hoại nền dân chủ,” sơ nói với đài phát thanh Dom có trụ sở tại Köln.
Luật này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng Hai tại quốc hội Đan Mạch.
Sơ Kaschner cho biết luật sẽ yêu cầu các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, phải dịch và công bố mọi bài giảng bằng tiếng Đan Mạch. Nói thí dụ, một linh mục Việt Nam giảng cho các giáo dân Việt thì cố nhiên ngài nói bằng tiếng Việt, nhưng nói xong, ngài phải dịch ra tiếng Đan Mạch và công bố bản dịch ấy.
Điều đó đặt ra “những thách thức lớn về tài chính và nhân lực”, Sơ Kaschner cảnh báo và nói thêm rằng những người soạn thảo luật này dường như không biết rằng các bài giảng hình thành “chỉ một phần rất nhỏ” trong các hoạt động tôn giáo.
Sơ Kaschner nói: “Nếu bạn thực sự muốn giải quyết các vấn đề về ngôn từ và thái độ thù địch đối với nhà nước dân chủ, thì tốt hơn hết là bạn nên thể hiện sự đánh giá cao đối với các cộng đồng tín ngưỡng đã cam kết hòa nhập.
Sơ nói: “Luật này chỉ là luật mới nhất trong một loạt các biện pháp kiểm soát lâu dài của nhà nước. “Nó sẽ không có hậu quả gì đối với các cộng đồng tôn giáo Hồi giáo cực đoan, vì họ thậm chí không được công nhận ở đây, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ hơn, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo.”
Đất nước này là nơi sinh sống của 270,000 tín đồ Hồi giáo, với hơn 100 đền thờ Hồi giáo, theo số liệu của chính phủ Đan Mạch.
Người Công Giáo chiếm 1.3% trong tổng số 5,8 triệu dân của Đan Mạch, một quốc gia theo Tin Lành Luther. Các thánh lễ ở Thủ đô Copenhagen, và các khu vực xung quanh thủ đô, được cử hành bằng tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Ukraina, tiếng Croatia, tiếng Chanđê, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Việt và tiếng Đan Mạch.
Source:Catholic News Agency
Theo Brendan Hodge của The Pillar, sau khi nạn phá thai trở thành điểm nóng giữa các giám mục Hoa Kỳ và cam kết của Joe Biden sẽ mở rộng quyền phá thai trên toàn nước Mỹ, một số người Công Giáo đang tranh luận về những cách tốt nhất để giảm thiểu phá thai ở Hoa Kỳ và quốc tế (xem https://www.pillarcatholic.com/p/why-ending-abortion-is-about-more).
Một châm ngôn chính trị thường được chấp nhận cho rằng nghèo đói là lý do khiến nhiều phụ nữ chọn phá thai. Nhưng xem xét dữ kiện cho thấy mối tương quan giữa nghèo đói và phá thai rất phức tạp và hiểu được các động lực của nó có thể giúp người Công Giáo góp phần giải quyết sự bế tắc của nước Mỹ về chính trị phá thai.
Không có gì ngạc nhiên khi người ta thấy có mối liên hệ trực tiếp giữa phá thai và nghèo đói. Các nghiên cứu đã liên tục phát hiện điều này: phần lớn các ca phá thai được thực hiện nơi các phụ nữ nghèo. Một nghiên cứu từ năm 2016, khảo sát nhân khẩu học về các phụ nữ từng phá thai vào năm 2014, cho thấy 49% ở dưới mức nghèo liên bang và 26% có thu nhập thấp. Một nghiên cứu khác, dựa trên một cuộc thăm dò qua việc hỏi phụ nữ lý do tại sao họ tìm cách phá thai, cho thấy 73% liệt kê "Hiện không thể đài thọ việc có con" như là lý do.
Dữ liệu như vậy thường được sử dụng để cho rằng phụ nữ chủ yếu phá thai vì hoàn cảnh kinh tế không thể nuôi con. Nếu đúng như vậy, thì việc đơn giản là chấm dứt nạn phá thai bằng cách thuyết phục các chính trị gia cho mọi người nhiều tiền hơn.
Theo quan điểm của giáo huấn xã hội Công Giáo, làm việc để giải quyết nghèo đói tự nó là một mệnh lệnh của công lý. Nhưng vấn đề phá thai, xét một cách chuyên biệt, có mối liên hệ hết sức phức tạp với thu nhập.
Một bài báo năm 2016 trên Tạp chí Y học New England đã nghiên cứu các trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong cả năm 2008 lẫn năm 2011.
Như biểu đồ dưới đây cho thấy, tỷ lệ mang thai (con số mang thai trên 1,000 phụ nữ trong độ tuổi 15-44) ở phụ nữ sống trong cảnh nghèo (dưới mức nghèo liên bang) cao hơn nhiều so với phụ nữ có thu nhập thấp (100% đến 199% chuẩn nghèo liên bang), trong khi phụ nữ có thu nhập từ trung bình trở lên (hơn 200% chuẩn nghèo) có tỷ lệ mang thai thấp hơn cả.
Phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói có tỷ lệ mang thai nói chung cao gấp 2.7 lần tỷ lệ phụ nữ có thu nhập từ trung bình trở lên. Số phụ nữ nghèo có thai ngoài dự kiến cao gấp hai lần (60%) so với phụ nữ trung bình trở lên (30%).
Nghiên cứu đã chia số lượng các trường hợp mang thai ngoài ý muốn kết thúc bằng phá thai so với những trường hợp kết thúc bằng cách sinh.
Kết quả có thể gây ngạc nhiên: 38% phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói đã phá thai. Những người có thu nhập thấp đã phá thai 44%. Những phụ nữ có thu nhập trung bình trở lên thường chọn phá thai nhất: đối với nhóm này, 48% trường hợp mang thai ngoài ý muốn đã kết thúc bằng phá thai.
Xét về tổng số, nhiều vụ phá thai do các phụ nữ nghèo thực hiện hơn các phụ nữ có thu nhập cao hơn, vì phụ nữ sống trong nghèo đói mang thai ngoài ý muốn nhiều hơn so với phụ nữ thuộc nhóm có thu nhập khác.
Nhưng một đứa trẻ nhất định, được thụ thai bất ngờ, ít có khả năng bị phá thai hơn nếu mẹ em sống trong cảnh nghèo hơn là nếu mẹ em giàu có hơn.
Mặc dù các chính trị gia có thể cho rằng phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói là nạn nhân của hoàn cảnh của họ và không thể sinh ra những đứa con mà họ đã thụ thai, nhưng những con số lại cho ta một câu chuyện khác hẳn về khá nhiều phụ nữ đó. Các phụ nữ sống trong cảnh nghèo khó, bất chấp mọi khó khăn họ phải đối đầu, thường chọn mang những đứa trẻ mang thai ngoài ý muốn vào thế giới này thường xuyên hơn nhiều so với những phụ nữ giàu có hơn.
Phản ứng thế tục phổ biến nhất đối với các dữ kiện về nghèo đói và phá thai là vận động cho quyền ngừa thai rộng rãi và rẻ tiền. Nhưng đối với người Công Giáo, có lẽ có một phản ứng thuyết phục hơn, và đáng tin hơn.
Phụ nữ nghèo và có thu nhập thấp hơn rõ ràng cần và đáng được các cơ chế hỗ trợ kinh tế và xã hội tốt hơn và đáng tin cậy hơn: cho chính họ, cho những đứa con họ đã mang vào thế giới trong những hoàn cảnh khó khăn và cho những đứa con hiện có nguy cơ bị phá thai nhưng có thể được cứu nhờ sự hỗ trợ đầy đủ. Theo quan điểm Công Giáo, nên xem xét một loạt các đề xuất chính sách nhằm cung cấp sự hỗ trợ đó, và mỗi đề xuất sẽ có tác dụng làm giảm số ca phá thai.
Nhưng vì những phụ nữ tương đối khá giả thực sự có xu hướng tìm cách phá thai khi mang thai ngoài ý muốn hơn những phụ nữ sống trong cảnh nghèo đói, nên việc giải quyết vấn đề phá thai rõ ràng không chỉ là vấn đề kinh tế.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra những cái nhìn thông sáng rất có liên quan đến hiện tượng này. Ngài thường nói về nền “văn hóa vứt bỏ” và nhận xét trong Tông huấn Evangelii gaudium rằng “Chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và hoàn cầu hóa của chúng ta ủng hộ một lối sống làm suy yếu sự phát triển và ổn định của các mối liên hệ bản thân và làm biến dạng các mối liên hệ gia đình”.
Có lẽ Đức Thánh Cha đang hướng chú ý, ít nhất là một phần, vào vụ tai tiếng mà những người giàu có hơn trong thế giới hiện đại thường ít chào đón sự sống bất ngờ hơn những người sống trong cảnh nghèo đói.
Như đã nói ở trên, không những các phụ nữ có thu nhập cao hơn thường phá những bào thai ngoài ý muốn hơn phụ nữ nghèo hoặc có thu nhập thấp, mà xu hướng này còn đang tăng lên theo thời gian.
Nghiên cứu của Tạp chí Y học New England so sánh số liệu thống kê về các trường hợp mang thai ngoài ý muốn trong năm 2008 và 2011 cho thấy tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn kết cục ở chỗ phá thai đối với các phụ nữ có thu nhập trung bình trở lên đã tăng từ 42% năm 2008 lên 48% năm 2011, trong khi nơi các phụ nữ nghèo nhất, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn kết cục ở chỗ phá thai giảm từ 41% năm 2008 xuống 38% năm 2011.
Cùng một hiện tượng trên cũng được nhìn thấy trên trường quốc tế, một điều chắc chắn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Giáo hội hoàn cầu đã quan sát phần nào.
Một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cho thấy ngay cả khi tình trạng nghèo đói đã giảm trên phạm vi hoàn cầu, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và kết cục bằng phá thai vẫn tăng lên. Nghiên cứu này cho thấy từ năm 1990 đến năm 1994 và từ năm 2015 đến năm 2019, bách phân mang thai ngoài ý muốn kết cục bằng phá thai đã tăng lên đáng kể ở mọi khu vực đang phát triển trên thế giới.
Đối đầu với những xu hướng trên ở cả những nơi đang phát triển và giàu có trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo được trao cho thách thức phải cung cấp một chứng tá nhất quán cho kế hoạch của Chúa Kitô dành cho sự sống con người.
Dù Giáo hội vốn khuyến khích cả các chính phủ dân sự lẫn chính người Công Giáo cung cấp các nguồn lực cần thiết cho các bà mẹ và trẻ em đang gặp khó khăn, tuy nhiên, giáo huấn Công Giáo nhìn nhận rằng chỉ nguyên các nguồn lực vật chất mà thôi sẽ không xóa bỏ hoàn toàn nạn phá thai; các dữ kiện trình bày ở đây dường như hỗ trợ điều đó.
Trong một nghiên cứu so sánh kéo dài hai năm về các phụ nữ tìm kiếm lý do phá thai, câu trả lời được báo cáo nhiều nhất trong cả hai năm 2004 và 1987 là “Có con sẽ thay đổi đáng kể cuộc đời tôi”.
Thách thức của một cuộc sống thay đổi đáng kể là điều, hiển nhiên, không chỉ giới hạn vào kinh tế học. Đối với Giáo hội, xem ra, nhiệm vụ là kêu gọi và cung cấp các biện pháp hỗ trợ và giúp đỡ cho tất cả những cách thức đáng kể trong đó, một trẻ sơ sinh quả thực thay đổi cuộc sống của cha mẹ em, ở bất cứ mức thu nhập nào, và bất kể hoàn cảnh nào.
7g40, Nghi thức viếng mộ quý Đức Cha, dâng hương, tưởng nhớ, tri ân và cầu nguyện cho các ngài là phần đầu tiên của chương trình ngày họp mặt. Chương trình được tiếp theo với phần sinh hoạt khởi động tạo bầu khí và tình thân giữa mọi người trong ngày đặc biệt này.
Xem Hình
8g15, trong niềm vui và hạnh phúc, các tu sĩ hiện diện đã chào đón Đức Cha Chánh Giuse đến thăm và trao ban huấn từ. Có lẽ, tâm tình của mọi người hôm nay dành cho Đức Cha Giuse cũng rất đặc biệt, vì những sự kiện đang, sắp diễn ra với Giáo phận.
“Cám ơn tu sĩ Giáo phận” là nội dung đầu tiên trong những lời chia sẻ, huấn từ với cộng đoàn của Đức Cha Giáo Phận. Cám ơn, vì mọi tu sĩ nam nữ của các hội dòng, tu hội, tu đoàn đã trở về, tụ họp “để gặp gỡ nhau trong ngôi nhà chung, ngôi nhà tổ của Giáo Phận.” Cám ơn, vì tu sĩ Xuân Lộc đã góp phần xây dựng nên truyền thống, nếp sống Xuân Lộc theo chiều dài lịch sử của Giáo phận hơn 50 năm qua. Cám ơn, vì sự hiện diện của tu sĩ giáo phận đã đem đến sự khích lệ cho đoàn dân Chúa, đem đến cho Giáo phận “hương vị” của Thiên Chúa, làm toát lên sự thánh thiện của Thiên Chúa nhờ qua những hoạt động và nhất là cách sống của tu sĩ Giáo phận.
Tiếp nối chương trình ngày Truyền Thống, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Tân Giám Mục Chánh Tòa trong tương lai của Giáo phận đã đến và chia sẻ với gia đình tu sĩ về những điểm chính trong chương trình Mục vụ 2021 của Giáo phận, khi hiệp thông vào chương trình mục vụ của Giáo Hội toàn cầu, và ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, trong phần chia sẻ này, Đức Cha Gioan đã mong muốn các hội dòng, cộng đoàn và mỗi người tu sĩ hãy sống chương trình mục vụ với ba mảng cốt lõi: tiếp tục sống và thực thi lòng thương xót như chương trình Mục vụ của Giáo phận đã đề ra; tìm kiếm và để Lời của Thiên Chúa trở thành nền tảng, cốt lõi và nguồn mạch của đời tu trì như Thông tư “Chúa Nhật Lời Chúa” khơi gợi; sống Năm Thánh Giuse qua việc sống bắt chước những nhân đức của Thánh Cả và đón lấy những ơn toàn xá trong Năm Thánh như Tông Thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi.
Sau ít phút giải lao, cộng đoàn tham dự đã được nghe chia sẻ đề tài “Thông điệp Fratelli tutti và đời tu trong bối cảnh Việt Nam hôm nay” do Cha Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R, trình bày. Trong thời gian ngắn, Cha Giuse đã lược sơ toàn bộ Thông điệp này của Đức Thánh Cha Phanxicô, kết hợp cùng với Thư của Bộ Dòng Tu nhân Ngày Đời sống Thánh hiến 2021, để đưa ra những gợi ý suy tư sống đời tu trong bối cảnh Việt Nam hôm nay.
10g30, Thánh Lễ do Đức Cha Chánh Giáo Phận chủ tế cùng với Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Đức Cha Cố Đa Minh Nguyễn Chu Trinh và quý cha các dòng tu, tu hội. Như ý lễ Đức Cha mời gọi, Thánh Lễ được dâng để tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Chúa ban trong năm qua, dâng Năm Mới lên Thiên Chúa và xin Người giúp để mọi công việc sẽ thực hiện được tốt đẹp hầu làm cho Giáo phận, các hội dòng, cộng đoàn tu trì thành thánh địa của lòng thương xót; cũng như cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho thế giới, cho đất nước Việt Nam và cho mọi người.
Giảng trong Thánh Lễ, với suy niệm chủ yếu từ Tin Mừng Marco 1, 14-20, Đức Cha đã liên hệ giữa lời kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu với ơn gọi của mỗi người tu sĩ. Đức Cha nói rằng, “ngay sau khi trình thuật về lời rao giảng của Chúa Giêsu ‘Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ thì ngay lập tức, Thánh Marco nói ngay đến việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên, như thể là Marco muốn nói rằng ‘ngay khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu cảm thấy sứ vụ của Ngài quá lớn, nên Chúa Giêsu cần phải tuyển chọn, kêu gọi các môn đệ cùng cộng tác với Ngài.” Từ đây, Đức Cha liên hệ đến ơn gọi của người tu sĩ “Chúa cũng mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa, để ra đi mời gọi người khác sám hối, đón nhận và tin vào Tin Mừng.” Nhưng để lời mời gọi, lời nói về Chúa có sức thu hút, lôi cuốn người khác, trước tiên, người tu sĩ buộc phải hoán cải. “Cần phải khám phá Chúa Giêsu là sự sống, là hạnh phúc cuộc đời, thì khi đó, chúng ta sẽ thấy bản thân cần phải thay đổi.” Đức Cha tiếp, “Cuộc đời người tu sĩ phải gắn với Chúa Giêsu, thì khi đó, những lời nói về Chúa cho người khác mới giúp cho họ có sự chuyển động từ bên trong nội tâm: đi từ chỗ biết, đến tin và gắn bó với Chúa.” Kết thúc bài giảng, Đức Cha nhấn mạnh đến điều quan trọng nhất mà người tu sĩ cần kiếm tìm “Hãy tìm Chúa, còn những chuyện khác không quan trọng. Tìm Chúa, đừng tìm ơn của Chúa, vì Chúa biết chúng ta cần gì.”
Trước khi nhận phép lành cuối lễ từ quý Đức Cha, Cha Đa Minh Đinh Viết Tiên, Đặc Trách Liên Tu Sĩ đã thay mặt tu sĩ Giáo phận dâng lên quý Đức Cha lời tri ân vì biết bao công trình Giáo phận có được nhờ sự khôn ngoan, hy sinh, công khó của quý Ngài. Đồng thời, Cha Đặc trách cũng kính dâng lên quý Đức Cha lời chúc Xuân Năm Mới Tân Sửu.
Đáp từ lại gia đình tu sĩ Giáo phận, Đức Cha Chánh Giuse, Đức Cha Gioan, Đức Cha Cố Đa Minh cũng đã lần lượt gửi đến các tu sĩ Giáo phận những lời chúc Tết và chia sẻ thật dí dỏm, khiến mọi người cảm nhận được tình yêu thương của sự thuộc về trong một gia đình Giáo phận, mà nơi đó, có những người cha luôn yêu thương con cái mình.
Sau Thánh Lễ, cả nhà tu sĩ được quý Đức Cha thiết đãi bữa trưa thật thịnh soạn do Cha Quản lý, quý soeur và quý thầy tại Tòa Giám Mục phục vụ.
Cũng trong ngày truyền thống này, Cha Đặc Trách Liên Tu sĩ đã giới thiệu với Gia đinh tu sĩ Giáo phận Tân Chủ Tịch Liên Dòng Nữ: Sr. Maria Madalena – Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm- vừa được bầu trong chức vụ đặc biệt này trong cuộc họp cuối năm 2020 vừa qua. Tiếp sau lời giới thiệu và ra mắt, Soeur Tân Chủ Tịch cũng đã giới thiệu ban điều hành mới của Liên Dòng Nữ trong nhiệm khóa ba năm này (2021-2015).
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng và Lê Văn Sơn |
Xem hình
Mở đầu, ông Nguyễn Ánh, đại diện cho Công đoàn Thánh Gioan Hoan thuộc Nhà thờ Thánh Giuse, nơi vinh dự được cộng đồng đến dâng lễ tạ ơn, đã lên chào mừng đến quý cha, quý tu sỹ nam nữ các ban ngành, đoàn thể trong cộng đồng đã đến với cộng đoàn để dâng lễ tạ ơn. Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Trúc hướng dẫn mọi người một vài quy định trong nhà thờ mùa dịch.
Thánh lễ do Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng SDB chủ tế cùng với 19 cha Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne. Ban mục vụ Cộng đồng gồm có quý ông: Trần Ngọc Cẩn, Nguyễn Ngọc Trúc, Nguyễn Hiền cùng với đại diên các ban mục vụ các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne, các đoàn thể, ban ngành trong cộng đồng và giáo dân trong cộng đoàn hiện diên để hiệp dâng thánh lễ. Ca đoàn Cung Chiều thuộc Cộng đoàn Thánh Gioan Hoan Collingwood phụ trách thánh ca.
Trước thánh lễ, Cha Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ tế đã chào mừng quý cha và cộng đồng, Cha cũng nói tới ý nghĩa của lễ tạ ơn, là dịp gặp gỡ, để chúng ta nhớ và cầu nguyện cho quý cha Việt Nam đã qua đời như: Cha Thụ, Cha Huỳnh San, Cha Tiến Hải, và thêm lời cầu nguyện cho cha Lê Văn Hưởng đang đau bệnh. Và cũng để mừng ngày Quốc Khánh Úc, nơi mà chúng ta đang sống, như biểu tỏ một lời tri ân.
Linh mục chủ tế cũng cảm tạ Chúa và dâng tất cả mọi người hiện diên, những ân nhân, những người đang làm việc cho cộng đồng, tiền nhiệm cũng như ban mục vụ hiện tại. Cha cũng dâng lên Chúa tất cả mọi người trong cộng đồng, những người khỏe mạnh, cũng như những người đau ốm bệnh tật. Những gia đình hạnh phúc cũng như những gia đình đang gặp khó khăn, xin Thiên Chúa đoái thương và hàn gắn họ trong tình thương của Chúa.
Trong bài chia sẻ tin mừng, Linh mục Vũ Kim Quyền Giám tỉnh Dòng Tên, đã kể lại cuộc đời truyền giáo, Cha đã đến nhiều nơi và hiểu được nhiều dân tộc, nơi nào giáo dân cũng tỏ lòng biết ơn qua sự đóng góp rất nhiều cho cơ sở tôn giáo, và sự tạ ơn là cần thiết của con người đối với nhau, con người đối với cộng đồng, quốc gia và nhất là chúng ta được tạ ơn Thiên Chúa.
Cuối lễ, ông Trần Ngọc Cẩn trưởng ban mục vụ cộng đồng đã lên cám ơn quý cha, quý tu sỹ nam, nữ, các ban mục vụ các cộng đoàn, các ban ngành đoàn thể đã về cùng hiệp dâng thánh lễ tạ ơn của cộng đồng. Trong dịp này, ông cũng báo cáo những công việc mà cộng đồng đã làm, như gây quỹ giúp đỡ nạn nhân cháy rừng, những việc làm của các cộng đoàn trong mùa dịch để nối kết nhau lại qua những thánh lễ online. Và gần đây nhất là cộng đồng đã kêu gọi mọi người giúp đỡ nạn nhân bị lũ lụt tại quê nhà, mặc dù các nhà thờ không mở cửa, các cộng đoàn đã tạo mọi sự dễ dàng để cho giáo dân đóng góp qua ngân hàng, bán hàng vv. Đã thu được một số tiền đáng kể để gửi về giúp đỡ đồng bào qua các cơ quan từ thiện thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Bà Phương Thảo, đại diện Liên Ca đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng lên cảm ơn cha Trần Văn Thanh cựu linh hướng của liên ca đoàn, chào mừng cha tân linh hướng Trung SJ, chúc cha cựu linh hướng khỏe mạnh và tiếp tục sứ vụ mới mà giáo hội trao phó. Chúc cha tân linh hướng khỏe và làm linh hướng cho liên ca đoàn được lâu bền.
Để kỷ niệm ngày lễ tạ ơn, Cộng đồng cũng mời mọi người tham dự chụp hình kỷ niệm lễ tạ ơn cuối Năm Canh Tý và đón chào Năm Tân Sửu đang tới. Sau đó, mỗi người được nhận một phần ăn thay cho bữa tiệc cuối năm. Trước mùa dịch, cộng đồng thường tổ chức những bữa tiệc vui vẻ với phần văn nghệ, nhưng năm nay không thể mong mọi người thông cảm. Trời Melbourne có những cơn mưa nhẹ, vào lúc mọi người ra về, những hạt mưa đã xua tan đi cái nóng của những ngày nắng nóng trước, với niềm hy vọng năm mới sẽ tốt lành hơn như lời cha chủ tế chúc mọi người lúc cuối thánh lễ tạ ơn.
Edward J. Barr là Giáo sư Đại Học, có bằng Cao học Thần học tại Học viện Thánh Augustinô. Ông cũng là một nhà văn Công Giáo. Văn của ông chuyên về thể loại văn chương châm biếm, chua chát. Ông cho rằng đó có thể là kết quả của những tháng ngày cận kề cái chết khi còn là một Thủy Quân Lục Chiến, và sau đó là một sĩ quan tình báo.
Xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một bài văn trào phúng mới nhất của ông.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
By Edward J. Barr
Quỷ sứ đã đến dự thánh lễ cuối tuần này
Một người Công Giáo nọ tiết lộ câu chuyện vừa xảy ra sau đây. Có vẻ như Quỷ sứ đã dành phần lớn năm 2020 trong địa ngục, và nó đã không đích thân đến thăm thế giới của chúng ta. Nó đang phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng của những người không có niềm tin đang lũ lượt gia nhập vào hàng ngũ của nó, vì vậy nó để lại hầu hết các trò nghịch ngợm cho lũ lâu la của mình, là những đứa đang tiếp tục gieo rắc sự dối trá và sợ hãi khắp trái đất. Chúa Nhật vừa qua, Quỷ sứ nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ một trong những tay sai của nó, tên lâu la này thông báo cho nó rằng một trong những mục tiêu chính của chúng muốn gặp nó. Tự tin rằng giờ đây nó đã có trong tay một địa ngục tốt nhất có thể có, Quỷ sứ đồng ý đi gặp người đó.
Quỷ sứ hơi bị sốc khi địa điểm mà nó được báo cho biết là sẽ gặp được người mới gia nhập là một Nhà thờ Công Giáo. “Ồ”, nó nghĩ. “Ta có những người muốn theo ở khắp mọi nơi trong những ngày này, một số thậm chí không biết họ đang làm việc với ta”. Vì thế, nó không ngần ngại đến nhà thờ. Khi đến nơi, nó tiến nhanh vào cửa chính. Có vẻ như thánh lễ sắp bắt đầu, mặc dù nó nhận thấy không có bao nhiêu người bên trong nhà thờ. Nó thận trọng mở cửa ngoài, vừa bước vào tiền đình thì một người đàn ông đã nhanh chóng tiến lại gần. “Chào buổi sáng, bạn mới đến giáo xứ à?” Quỷ sứ co rúm vì đau đớn khi nhìn thấy cây thánh giá quanh cổ của vị linh mục. Nó lấy lại bình tĩnh và dời mắt khỏi cây thánh giá. “Vâng, tôi có một số việc phải làm với một người nào đó và tôi phải gặp họ ở đây”, nó nói. “Tuyệt vời”, vị linh mục thốt lên. “Tôi có thể cho bạn biết giáo xứ của chúng ta đang đương đầu như thế nào trong những thời điểm khó khăn này. Hãy để tôi chỉ cho bạn”. Tuy không chắc về những gì vị linh mục đang nói, Quỷ sứ cũng làm theo và đi thêm vài bước vào nhà thờ.
Đi ngang qua giếng rửa tội, Quỷ sứ nhận thấy cái giếng trống rỗng không có một giọt nước. “Không có nước thánh à!” Nó cười khúc khích vui vẻ. “Ồ không”, vị linh mục nói. “Chúng tôi không muốn lây lan bất kỳ vi trùng nào”. “Tôi đồng ý”, Quỷ sứ nói. “Tôi đồng ý 100 phần trăm”. Quỷ sứ sau đó nhận thấy cứ cách một hàng ghế lại có những biển báo không cho ngồi. Thấy Quỷ sứ đang nhìn chằm chằm, vị linh mục xen vào, nói một cách tự hào. “Đúng vậy, chúng tôi bảo đảm rằng chúng tôi hạn chế số người tham dự các thánh lễ”. Việc chặn những băng ghế có lẽ không cần thiết, vì Quỷ sứ nhận thấy không có bao nhiêu người trong nhà thờ. “Những người cảnh sát ở đâu?” “Cảnh sát nào?” Vị linh mục hỏi lại. “Để quý vị phải tuân thủ những hạn chế này”. “Không, không có cảnh sát nào hết, chúng tôi chỉ làm theo hướng dẫn của chính phủ”. Quỷ sứ mỉm cười. “Tốt, tốt. Chúng ta nên phục tùng Caesar”.
Vị linh mục hướng dẫn Quỷ sứ tiến sâu hơn vào nhà thờ nơi hắn có thể - hay nói đúng hơn là không thể - nhìn thấy khuôn mặt của giáo dân. Nhìn thấy vẻ mặt kinh ngạc trên khuôn mặt của Quỷ, vị linh mục nhận xét. “Tôi biết, sẽ rất khó để tìm thấy người bạn đang tìm kiếm với những chiếc khẩu trang y tế trên mặt họ”. “Ồ, cha che mặt các tín hữu à?” Vị linh mục mỉm cười. “Tất nhiên, chúng tôi tin vào sự an toàn. Hơn nữa, ngày nay mọi người rất sợ hãi” “Tuyệt vời”, Quỷ sứ xoa tay nói. “Họ nên sống trong sợ hãi. Nhưng hãy nói cho tôi biết, tại sao có quá ít người ở đây?” Vị linh mục thở dài. “Chà, vì không có nghĩa vụ phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật”. “Cái gì!” Quỷ sứ kêu lên. “Không có nghĩa vụ à? Tại sao, tôi nhớ, ý tôi là, tôi nghe nói rằng Giáo hội không bao giờ bỏ Thánh lễ, cho dù có chuyện gì xảy ra trên thế giới, chiến tranh, bệnh dịch, bất cứ điều gì” Sự ngạc nhiên của nó nhanh chóng chuyển sang hài lòng. Lũ lâu la của hắn chắc chắn đã làm việc rất tốt khi nó vắng mặt trên trái đất.
“Giám mục nói gì về tất cả những điều này?” Quỷ sứ hỏi. Linh mục mỉm cười. “Hội đồng giám mục của chúng tôi đặt ra các hướng dẫn cho giáo phận của chúng tôi. Đó là một quyết định khó khăn đối với các ngài khi đóng cửa các Thánh lễ vào năm ngoái?” Đôi mắt đỏ ngầu của Quỷ sứ mở to. “Các giám mục đóng cửa các thánh lễ à?” Nó hỏi không giấu được vẻ sung suớng. “Đúng thế,” linh mục nói. “Đóng trong một vài tháng”. “Làm thế nào các vị ban các bí tích cho người dân?” Quỷ sứ hỏi. “Đáng buồn thay, chúng tôi không thể”. Quỷ sứ mỉm cười. Không có bí tích trong nhiều tháng. Giờ thì nó đã biết tại sao đột nhiên có nhiều người gia nhập hàng ngũ của mình. “Hãy để tôi hiểu rõ hơn. Các vị đã đóng cửa các thánh lễ trong vài tháng, không dâng các bí tích, và bây giờ người Công Giáo vẫn không có nghĩa vụ phải tham dự Thánh lễ Chúa nhật”. Vị linh mục vui vẻ đáp: “ Đúng vậy. Nhưng chúng tôi livestream các Thánh lễ!” Con quỷ lại cười khúc khích. Sau đó nó hỏi thêm: “ Giáo hoàng của quý vị nói gì về điều này?” Vị linh mục mỉm cười. “ Ồ, ngài đồng ý rằng không có gì quan trọng hơn sự an toàn về thể chất của người dân. Ngài cũng đã buồn phiền khi hủy bỏ Thánh lễ Phục sinh có công chúng tham dự tại Vatican vào năm ngoái. Trên thực tế, một vài người đã tham dự. Như thế vẫn còn đẹp chán”. Con quỷ nhảy múa trên lối đi. “Đúng vậy, an toàn thể chất là điều quan trọng nhất”.
Mọi tiếng nói đột nhiên ngừng lại. Thánh lễ sắp bắt đầu. Linh mục chủ tế và những người phục vụ bàn thờ đang di chuyển lên cung thánh. Con quỷ bắt đầu khó chịu vặn vẹo khi người mang cây thánh giá di chuyển về phía nó. Vị linh mục nhận thấy sự kích động của nó và quay sang nói. “Tôi xin lỗi, tôi không cố ý chiếm nhiều thời gian của bạn. Bạn nói bạn đang tìm kiếm ai đó?” Quỷ sứ gật đầu tự mãn. “Đúng vậy, tôi nghĩ rằng tôi có một số việc phải làm, nhưng bây giờ tôi thấy công việc của mình đã hoàn tất”. Nói xong, nó chuồn lẹ, khấp khởi vui mừng.
Source:Roma Locuta Est
1. Án tuyên thánh cho vị lương y khám phá ra hội chứng down và tranh đấu chống phá thai
Cố bác sĩ người Pháp Jerome Lejeune, người tìm ra nhiễm sắc thể di truyền gốc của hội chứng Down và sau đó đã dành cả sự nghiệp của mình để vận động chống việc phá thai chỉ vì thai nhi bị chẩn đoán có bệnh Down trước khi chào đời, hiện đang được giáo hội tiến hành những bước quan trọng đầu tiên trong việc tuyên thánh cho vị lương y tài ba và thánh thiện.
Hôm thứ Năm, ngày 21 tháng Giêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn phúc trình về “các nhân đức anh hùng” của cố bác sĩ Jerome Lejeune, người đã tại thế từ năm 1926 đến 1994, và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt quý trọng vì lập trường chống phá thai của ông.
Việc được Đức Giáo Hoàng công nhận các đức tính của một người, đồng nghĩa với việc bác sĩ Jerome Lejeune được Giáo Hội Công Giáo tuyên phong lên bậc “đáng kính”. Hiện tại, Vatican phải chờ xác nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của bậc “đáng kính” này để ông được phong chân phước, và cần thấy một phép lạ thứ hai để ông được tuyên bố là một vị thánh.
Theo tiểu sử chính thức, vào năm 1958 cố bác sĩ Lejeune đã khám phá ra sự tồn tại của một nhiễm sắc thể phụ trên cặp thứ 21, trong quá trình nghiên cứu nhiễm sắc thể của một đứa trẻ. Đây là lần đầu tiên, các nhà khoa học tìm thấy mối liên hệ giữa khuyết tật trí tuệ và dị tật nhiễm sắc thể; một tình trạng hiện nay được gọi là trisomy 21.
Tổ chức Jerome Lejeune đã ghi chép như sau trong lịch sử hình thành của họ: “Mặc dù kết quả nghiên cứu của bác sĩ Lejeune lẽ ra phải giúp y học đạt tới một phương pháp chữa trị, nhưng lại thường được sử dụng để nhận diện những trẻ nào mang những căn bệnh này càng sớm càng tốt, thường là với mục đích phá thai”.
Nhóm này cũng cho biết: “Ngay sau khi luật phá thai được soạn thảo ở các nước phương Tây, bác sĩ Lejeune đã bắt đầu vận động để bảo vệ những thai nhi bị hội chứng Down: ông đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo và phỏng vấn trên toàn cầu để bảo vệ sự sống”.
Vào năm 1974, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã tiến cử bác sĩ Lejeune vào làm hội viên của Viện nghiên cứu Khoa học Vatican, và sau đó phong ông làm chủ tịch đầu tiên của Học viện Giáo hoàng về Sự sống, phụ trách ủy ban cố vấn đạo đức sinh học chính của Tòa thánh.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng đến thăm mộ của Lejeune trong Ngày Giới trẻ Thế giới tại Paris vào năm 1997.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II là người bày tỏ sự phản đối kiên quyết của giáo hội đối với việc phá thai. Đó cũng là một dấu ấn trong suốt một phần tư thế kỷ của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã mạnh mẽ tố cáo điều mà ngài gọi là “văn hóa loại bỏ” những người mà thế giới ngày nay xem là một gánh nặng vì yếu đuối, tàn tật hoặc bệnh tật. Ngài đã so sánh việc phá thai giống như việc thuê một “sát thủ” để giải quyết một vấn đề.
Source:AFP
2. Tượng thần Ayyanar bán đắt như tôm tươi ở Ấn Độ sau khi Kamala Harris trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ
Cư dân của một ngôi làng Ấn Độ đã đốt pháo và cầu nguyện tại một ngôi đền Ấn Giáo khi họ chứng kiến Kamala Harris, người có gốc gác nhiều đời ở đó, tuyên thệ nhậm chức và trở thành phó tổng thống Mỹ.
Các nhóm phụ nữ mặc saris sáng màu và nam giới mặc quần dhoti trắng theo dõi trực tiếp lễ nhậm chức khi các phóng viên truyền hình về lễ kỷ niệm của dân làng cho hàng triệu người Ấn Độ trên toàn quốc.
Dân làng đã hô vang “Kamala Harris muôn năm” trong khi cầm trên tay những bức chân dung của bà và họ đốt pháo vào khoảnh khắc bà tuyên thệ.
Trước đó, các ngôi làng đã trang hoàng ngôi đền của họ bằng hoa, dâng những lời cầu nguyện đặc biệt cho sự thành công của Harris. Ông ngoại của bà sinh ra ở làng Thulasendrapuram, cách thành phố biển Chennai khoảng 350 km
“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi một người Ấn Độ được bầu làm phó tổng thống Hoa Kỳ”, người dân nói.
Tại buổi lễ cầu nguyện ở Thulasendrapuram, bức tượng của vị thần Ấn Độ giáo Ayyanar, một dạng của Thần Shiva, được rửa bằng sữa và trang trí bằng hoa bởi một chức sắc Ấn Giáo. Sau đó, ngôi làng vang dội với tiếng pháo khi mọi người giơ cao áp phích của cô Harris và vỗ tay.
Ngôi đền Thulasendrapuram đã trở nên rất nổi tiếng sau khi liên danh Joe Biden và Kamala Harris thắng cử. Các chức sắc Ấn Giáo tại ngôi đền này cho rằng liên danh này thành công là nhờ các lời cầu nguyện của họ dâng lên cho thần Ayyanar.
Tượng thần Ayyanar thường được tạc ngồi trên mình ngựa hay trên lưng một con voi chỉ được thờ tại miền Nam Ấn và trong các miền của người Tamil ở Sri Lanka. Theo các nghiên cứu khác nhau, thần Ayyanar trước đây cũng được thờ ở các quốc gia Đông Nam Á nhưng đã mai một đi. Sau thắng lợi của bà Kamala Harris, tượng thần Ayyanar đang được bán rất chạy tại Ấn Độ. Thần Ayyanar giờ đây được coi là thần may mắn, phát tài.
Source:SBS Australia
3. Quan điểm phò phá thai cực đoan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi
Bà Nancy Pelosi sinh ngày 26 tháng Ba, 1940, nghĩa là còn mấy tháng nữa bà tròn 81 tuổi. Tuyệt đại đa số những người Công Giáo sẽ nghĩ rằng ở tuổi gần đất xa trời ấy bà phải tỏ ra lo lắng về phần rỗi linh hồn của mình và ngừng ủng hộ phá thai. Hy vọng của đại đa số những người Công Giáo chúng ta đối với bà Pelosi rất mong manh. Bà ấy có một tập hợp các lý thuyết để chống lại lập trường phò sinh của Giáo Hội.
Nhóm “Catholics for Choice” nghĩa là nhóm “Công Giáo phò phá thai” là một tổ chức nhỏ, nhưng được tài trợ rất mạnh với mục đích chính là nhằm đưa ra các “lý lẽ thần học” cho các chính trị gia tự xưng là Công Giáo nhưng ủng hộ việc phá thai. Ngày 24 tháng 8, 2008, nhóm này đã đưa Pelosi ra gặp gỡ giới truyền thông trong sự kiện “Meet the Press” của năm đó để trình các “lý luận thần học” biện minh cho chủ trương phò phá thai. Bà ta bác bỏ các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến phá thai và kêu gọi Giáo Hội “hoán cải, thay vì cứ tiếp tục bị ám ảnh bởi vấn đề phá thai.” Một ngày sau đó, Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl của Washington, D.C chính thức quở trách Pelosi về những tuyên bố do bà ta đưa ra.
Tháng Hai năm sau đó, 2009, bà ta xin gặp Tổng Giám Mục của mình là Đức Cha George Hugh Niederauer, Tổng Giám Mục San Francisco, là người cũng đã mạnh mẽ quở trách bà hồi tháng 8, 2008. Sau một cuộc tranh cãi nẩy lửa bà ta tuyên bố với ngài rằng lập trường chống phá thai của Đức Tổng Giám Mục là giáo điều, vụ luật. Trong khi lập trường phò phá thai của bà ấy là nhân văn, tiến bộ. Bà sẽ dành cuộc đời mình để chiến đấu cho quyền phá thai của phụ nữ và sẽ hiên ngang đứng trước mặt Chúa ở tòa phán xét!
Bực mình với Đức Tổng Giám Mục Niederauer, bà Pelosi sang tận Vatican để tranh luận với thần học gia nổi tiếng nhất trong thế giới Công Giáo là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tiếp bà trong 15 phút sau buổi tiếp kiến chung thứ Tư 18/2/2009.
Thấy trước khả năng có thể bị lợi dụng, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cấm không được chụp hình, không được mang theo các ký giả và nhiếp ảnh gia.
Theo Sandro Magister, ký giả người Ý chuyên về Vatican, sau 15 phút gặp gỡ bà Pelosi, chủ yếu dành để quở trách bà ta, Đức Bênêđíctô thứ 16 bước ra mặt rất buồn. Ngài truyền cho Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố tức khắc một bản tuyên bố có nội dung như sau:
“Sau buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ ngắn gọn với Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, cùng với đoàn tùy tùng của bà.
Đức Thánh Cha đã nhân cơ hội để nói về các yêu cầu của luật luân lý tự nhiên và giáo huấn nhất quán của Giáo hội về phẩm giá của cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, là điều khích lệ mọi người Công Giáo, và đặc biệt là các nhà lập pháp, các luật gia và những người có trách nhiệm vì lợi ích chung của xã hội, phải hợp tác với tất cả những người nam nữ thiện chí trong việc tạo ra một hệ thống pháp luật công bằng có khả năng bảo vệ cuộc sống con người ở tất cả các giai đoạn phát triển của nó”.
Sau cuộc gặp gỡ với Đức Bênêđíctô thứ 16, bà Pelosi vẫn giữ một thái độ bác bỏ công lý cho các thai nhi, ủng hộ các chính sách phá thai cực đoan bao gồm phá thai muộn từ tiền nộp thuế của người dân, cả ở Hoa Kỳ cũng như ở hải ngoại, cũng như buộc các dòng tu Công Giáo như dòng Tiểu Muội Của Người Nghèo phải cung cấp thuốc phá thai trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của các nữ tu.
Pelosi sống ở vùng Pacific Heights của San Francisco. Báo cáo công bố tài chính năm 2016 của bà liệt kê trong số tài sản của bà có một ngôi nhà và vườn nho ở St. Helena, California, hai tòa nhà thương mại ở San Francisco và một dãy phố ở Loomis, California.
Trung tâm Responsive Politics ước tính vào năm 2014, giá trị tài sản của Pelosi là 101,273,023 Mỹ Kim, đứng thứ 8 trong số 25 thành viên giàu có nhất của Quốc hội.
Bà ta rất giàu, ở tuổi 80, bà ấy không cần làm gì cả, ngồi hưởng phước ăn không hết của, Nhưng bà vẫn muốn làm việc vì muốn cổ võ cho phá thai không phải ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Chúng ta nên cầu nguyện cho bà ấy nhưng với thái độ cố chấp và kiêu căng của bà, hy vọng bà ấy hoán cải là rất mong manh.
Source:Catholic News Agency
4. Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi mắng các cử tri phò sinh là những người phản bội nền dân chủ Mỹ
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cáo buộc những người phò sinh là đã đặt thái độ chống phá thai của họ lên trên các nguyên tắc của nền dân chủ. Bà Pelosi nói như trên trong lần xuất hiện mới nhất trên podcast của cựu Thượng nghị sĩ Hillary Clinton.
“Tôi nghĩ rằng Donald Trump đã có thể trở thành tổng thống là vì vấn đề quyền lựa chọn của phụ nữ”, Pelosi nói trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng. Bà ta mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy.
Bà ta giải thích như sau: “Khi bạn lấy lòng tham của những người muốn cắt giảm thuế của họ, đó có thể là một con số nhỏ các cử tri, nhưng dù sao cũng là một con số, rồi sau đó bạn đặt vấn đề phá thai vào đó thì nó trở thành vấn đề. Nhiều người trong số này là những người rất tốt, chỉ có quan điểm của họ là có vấn đề. Họ đã sẵn sàng bán đứng toàn bộ nền dân chủ xuống sông chỉ vì một vấn đề đó”.
Pelosi nói rằng sự ủng hộ của các cử tri có niềm tin tôn giáo đối với Tổng thống Trump là một vấn đề “khiến tôi rất đau buồn trong tư cách là một người Công Giáo”.
Khi Clinton ra tranh cử chống lại Tổng thống Trump vào năm 2016, cương lĩnh của Đảng Dân chủ đã gây ra những quan ngại đặc biệt vì lập trường cực đoan ủng hộ việc phá thai. Cương lĩnh của đảng Dân Chủ vào năm đó, lần đầu tiên bao gồm lời kêu gọi hủy bỏ Tu chính án Hyde ngăn chặn việc sử dụng tiền thuế để thanh toán cho các ca phá thai theo ý muốn. Tu chính án này đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong suốt gần 50 năm tồn tại.
Cương lĩnh của đảng Dân Chủ vào năm 2016 nói thêm rằng “mọi phụ nữ nên có quyền truy cập” vào “phá thai an toàn và hợp pháp”.
Trên podcast ngày 18 tháng Giêng, Pelosi nói rằng khi Tổng thống Trump vào năm 2016 đưa ra một danh sách các thẩm phán mà ông sẽ bổ nhiệm nếu được làm tổng thống, nó giống như một “tiếng còi gọi chó [dog whistle] đối với những người theo đạo Tin lành, với những người Công Giáo và tất cả những người còn lại: phụ nữ không có quyền lựa chọn”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng trong khi các vấn đề như nghèo đói và án tử hình không thể bị bỏ qua, việc chấm dứt phá thai vẫn là “ưu tiên tối thượng” đối với các giám mục “bởi vì việc phá thai diễn ra trong cung thánh của gia đình, và vì số sinh mạng bị tiêu diệt”.
Bà Clinton đáp lại rằng một trong những “điều trớ trêu khủng khiếp” của quan điểm ủng hộ sự sống là tỷ lệ phá thai ngày càng giảm dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ. Bà cựu thượng nghị sĩ nói rằng “với các biện pháp tránh thai và giáo dục thích hợp và một cuộc trò chuyện không hạ nhục, các con số có thể tiếp tục giảm”.
“Vì vậy, những gì thực sự vô cùng buồn là cách những người, theo ý kiến và kinh nghiệm của tôi, vốn không xem vấn đề này là ưu tiên, đã sử dụng những câu hỏi, những mối quan tâm, và cả sự hiểu biết về đức tin chính đáng, để nắm được và sử dụng quyền hành,” bà Clinton nói.
Diễn nôm cho dễ hiểu là bà Hilary Clinton chê những người phò sinh đã không bầu cho bà ta là những người ngu xuẩn bị Tổng thống Trump lợi dụng.
Pelosi nói rằng những người phản đối phá thai nên hài lòng “với các biện pháp tránh thai” và nói rằng những người phản đối phá thai là những kẻ đạo đức giả vì bản thân họ không có gia đình đông con.
“Tất nhiên, nhiều người trong số này không có 13 đứa con,” Pelosi nói. “Và trong tư cách là người đã có 5 đứa con trong 6 năm chính xác đến từng ngày, tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình, khi bạn có 5 đứa con trong vòng 6 năm, bạn có thể đến và nói chuyện với tôi trong tư cách là một người Công Giáo”.
Trong khi Clinton nói đúng rằng tỷ lệ phá thai đã giảm trong những năm 90, bà không đề cập đến việc ở Hoa Kỳ, tỷ lệ phá thai đạt đến đỉnh cao vào đầu những năm 80 và đã giảm thường xuyên kể từ đó, bất kể đảng chính trị nào đã nắm giữ chức vụ tổng thống.
Năm 2011, tỷ lệ phá thai ở Hoa Kỳ thấp hơn so với năm 1973, năm xảy ra vụ Roe kiện Wade dẫn đến việc hợp pháp hóa phá thai tại Hoa Kỳ.
Và mặc dù cả Clinton và Pelosi đều ghi nhận việc sử dụng các biện pháp tránh thai đã làm giảm tỷ lệ phá thai, Viện Guttmacher nhận thấy rằng tỷ lệ phá thai ở Hoa Kỳ bắt đầu giảm mạnh hơn bắt đầu từ năm 2008, nghĩa là rất lâu trước khi đòi buộc mua bảo hiểm tránh thai của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng được Obama ban hành.
Source:Catholic News Agency
5. Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Cordileone đối với lời mạt sát những cử tri phò sinh của Nancy Pelosi
Trong chương trình “Bạn và tôi đều ủng hộ Hillary Clinton” ngày 18 tháng Giêng, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, đã mạt sát 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump là một “tai họa cho nước Mỹ” và quyết liệt đổ lỗi cho những cử tri phò sinh đã gây ra cái tai họa ấy và gọi họ là những người phản bội nền dân chủ Mỹ.
Đáp lại những nhận xét này của bà Pelosi, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco đã đưa ra tuyên bố sau.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone
Ngày 21 tháng Giêng năm 2021
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chỉ trích những cử tri phò sinh đã chọn dồn phiếu cho Donald Trump về vấn đề phá thai, và nói rằng lá phiếu của họ khiến bà ấy “rất đau lòng trong tư cách là một người Công Giáo” và cáo buộc họ “sẵn sàng bán đứng toàn bộ nền dân chủ xuống sông chỉ vì một vấn đề đó.”
Đức Cha Salvatore J. Cordileone, Tổng Giám mục San Francisco, đã đưa ra tuyên bố sau để đáp lại:
Tôi muốn bắt đầu với điều hiển nhiên: Nancy Pelosi không thể phát biểu thay mặt cho Giáo Hội Công Giáo. Bà ấy nói với tư cách là một nhà lãnh đạo quan trọng ở cấp cao của chính phủ và với tư cách là một cá nhân công dân. Và về vấn đề phẩm giá bình đẳng của cuộc sống con người khi còn trong bụng mẹ, bà ấy cũng đã đưa ra một điều mâu thuẫn trực tiếp với một quyền cơ bản của con người mà giáo huấn Công Giáo đã luôn ủng hộ trong 2,000 năm qua.
Các tín hữu Kitô luôn hiểu rằng điều răn “Ngươi không được giết người” phải được áp dụng cho mọi sự sống, kể cả sự sống còn trong bụng mẹ. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, Thư của Thánh Ba-na-ba viết rằng: “Ngươi không được giết đứa trẻ bằng cách phá thai; Ngươi cũng không được giết nó sau khi nó đã được sinh ra”(# 19). Một nghìn, tám trăm sáu mươi lăm năm sau, Công Đồng Vatican II khẳng định: “Sự sống phải được bảo vệ hết sức cẩn thận ngay từ khi được thụ thai: phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm” (Gaudium et spes – Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, số 51).
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục giáo huấn liên tục này. Phát biểu với các tham dự viên hội nghị, “Nói Có Với Cuộc Sống! Chăm Sóc Món Quà Quý Giá Của Cuộc Sống Trong Sự Mỏng Manh Của Nó” vào ngày 25 tháng 5 năm 2019, ngài đã lên án việc phá thai bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể: “Có được phép giết một mạng người để giải quyết một vấn đề không?... Không bao giờ được phép. Không bao giờ, không bao giờ được phép giết một mạng người… để giải quyết một vấn đề. Phá thai không bao giờ là câu trả lời mà phụ nữ và gia đình tìm kiếm”. Và mới hôm qua (20 tháng Giêng 2021), Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã nhắc lại tuyên bố của các Giám mục Hoa Kỳ rằng chống phá thai là “ưu tiên tối thượng của người Công Giáo”. Khi làm như vậy, ngài đã hành động đúng đắn và có tính tập thể trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, và tôi biết ơn ngài vì đã làm như vậy.
Tối thượng tất nhiên không có nghĩa là “duy nhất”. Chắc chắn có nhiều tệ nạn chúng ta phải đương đầu và nhiều thiện ích chúng ta phải theo đuổi. Trong bài phát biểu nhậm chức hôm qua, Tổng thống Biden đã đưa ra lời kêu gọi cảm động về sự đoàn kết và hàn gắn. Ông ấy đề nghị cái mà tôi gọi là “Kinh cầu thương xót” - đưa ra trước mắt quốc gia nỗi đau khổ của người dân trong nhiều vấn đề. Theo kinh nghiệm của tôi, những người ủng hộ cho những đứa trẻ chưa chào đời cũng làm việc siêng năng để phục vụ cho nhiều chính nghĩa như thế. Bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã chọn tuần này để phủ nhận động cơ của hàng triệu người Công Giáo và những người khác vì đã chọn vấn đề chống phá thai là ưu tiên của họ và cáo buộc họ “bán đứng nền dân chủ”. Đây không phải là ngôn ngữ của thống nhất và hàn gắn. Bà ấy mắc nợ những cử tri này một lời xin lỗi.
Bản thân tôi không thể giả định rằng tôi biết những gì trong tâm trí của các cử tri Công Giáo khi họ bỏ phiếu cho ứng cử viên Tổng thống mà họ lựa chọn, bất kể ứng cử viên ưa thích của họ là ai. Có nhiều vấn đề liên quan đến các hậu quả luân lý rất nghiêm trọng mà người Công Giáo phải cân nhắc trong lương tâm ngay lành của mình khi bỏ phiếu. Nhưng có một điều rõ ràng là: Không một người Công Giáo nào có lương tâm ngay chính lại có thể ủng hộ việc phá thai. “Quyền được lựa chọn” là một hỏa mù nhằm duy trì cả một ngành công nghiệp thu lợi nhuận từ một trong những tệ nạn kinh khủng nhất có thể tưởng tượng được. Mảnh đất của chúng ta thấm đẫm máu của những người vô tội, và nó phải dừng lại.
Đó là lý do tại sao, với tư cách là những người Công Giáo, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng thay mặt những người không có tiếng nói để nói cho họ, cũng như tiếp cận, an ủi và hỗ trợ những người đang phải chịu đựng những vết sẹo sau khi phá thai. Chúng tôi sẽ làm như vậy, cho đến khi vùng đất của chúng ta cuối cùng thoát khỏi cái tội ác đáng khinh bỉ này.
+Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone
Source:San Francisco Archdiocese
1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ khích lệ các tín hữu tham gia Tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống
Thấy trước những hoàn cảnh khó khăn của chính nghĩa phò sinh dưới thời ông Joe Biden, các Giám Mục Hoa Kỳ đã phát động một tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống con người, bắt đầu từ ngày 21 tháng Giêng, một ngày sau khi ông Joe Biden nhậm chức. Nét mới trong năm nay là các giáo phận trên toàn quốc đang phát hình trực tiếp các sự kiện cầu nguyện mỗi ngày để bảo vệ sự sống của con người.
Trong Giáo Hội Công Giáo, một ‘novena’ hay ‘tuần cửu nhật’ bao gồm những lời cầu nguyện trong chín ngày liên tiếp. Tuần cửu nhật phò sinh này là cơ hội để suy tư và phạt tạ khi chúng ta kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade của Tòa án Tối cao đã đưa việc phá thai trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ.
Ý định bao trùm của tuần cửu nhật là chấm dứt việc phá thai. Mỗi ý định hàng ngày nêu bật một chủ đề liên quan và đi kèm với những suy tư, thông tin giáo dục và các hành động hàng ngày được đề xuất. Tuần cửu nhật đã bao gồm Ngày cầu nguyện cho sự bảo vệ hợp pháp các trẻ em chưa sinh hàng năm vào ngày 22 tháng Giêng.
Những người tham gia có thể nhận tuần cửu nhật bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha qua email, hoặc truy cập trực tuyến. Những người tham gia có thể chia sẻ các chứng tá ủng hộ sự sống của họ và mời các mạng xã hội của họ cầu nguyện trên phương tiện truyền thông xã hội với hashtag # 9DaysforLife.
Được tài trợ bởi Ủy ban về các hoạt động vì sự sống của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, Tuần Cửu Nhật cho Cuộc sống bắt đầu vào năm 2013 nhân kỷ niệm 40 năm quyết định Roe chống Wade.
Source:USCCB
2. Cách mệnh thành công, triệt hạ được Trump, truyền thông lề phải quay sang triệt hạ lẫn nhau
Trước ngày bầu cử Hoa Kỳ, các phương tiện truyền thông và các mạng xã hội gần như đoàn kết với nhau thành một khối trong một mặt trận chung để quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Tổng thống Donald Trump.
Sau khi cách mệnh đã thành công, truyền thông lề phải đang quay sang triệt hạ lẫn nhau.
Ngay đêm trước ngày Joe Biden nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, Fox News đã thông báo sa thải 20 nhân viên trong bộ phận hoạt động kỹ thuật số của mình, nổi bật nhất là biên tập viên chính trị Chris Stirewalt, người đã ngớ người ra khi nhận giấy cho thôi việc.
“Khi chúng tôi kết thúc chu kỳ bầu cử năm 2020, FOX News Digital đã thiết kế lại cơ cấu báo cáo và kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên mới này”, Fox News giải thích trong một tuyên bố. “Chúng tôi tin tưởng những thay đổi này sẽ bảo đảm cho nền tảng của chúng tôi tiếp tục cung cấp các báo cáo đột phá và phân tích sâu sắc xung quanh các vấn đề lớn, cả trong và ngoài nước”.
Ám ảnh bởi các dự đoán ông Joe Biden sẽ vượt xa Tổng thống Trump, Chris Stirewalt, một thành viên trong ban tường thuật bầu cử của Fox News vào tháng 11 năm ngoái, đã trở thành tâm điểm cho sự giận dữ của giới bảo thủ khi lèo lái Fox News vào một hướng đi sai lầm. Anh ta đã tuyên bố Biden đã thắng Arizona từ lâu trước bất kỳ đối thủ nào của Fox News. Biden cuối cùng đã thắng Arizona, mặc dù vẫn còn những cáo buộc cho rằng kết quả này là do gian lận.
Từ một tiếng nói tương đối trung lập, Chris Stirewalt quay 180 độ sang một đường lối khác. Trong suốt tháng 12 và những tuần đầu của tháng Giêng, chương trình mỗi buổi chiều và buổi tối của Fox News đã thua cả CNN và MSNBC.
Những người từ trước đến nay ủng hộ đảng Dân Chủ vẫn chuộng CNN và MSNBC hơn xa Fox News. Những người ủng hộ Đảng Cộng Hòa gần như là các khán giả duy nhất của Fox News. Giờ đây trừ ra chương trình của nhà bình luận bảo thủ Tucker Carlson là người ít bị ảnh hưởng nhất, các chương trình khác của Fox News đều sa sút. Vì thế, họ không còn cách nào khác hơn là sa thải hàng loạt.
Thật là tiếc cho biên tập viên chính trị Chris Stirewalt. Anh ta là biên tập viên chính trị nhưng chẳng hiểu chính trị là gì đến mức ngớ người ra khi nhận được giấy cho thôi việc.
Source:Life Site News
3. Tội thù hận đức tin: phá hoại nhà thờ chính tòa Ohio còn bắn chết cảnh sát
Đức Cha Daniel Edward Thomas, Giám mục Toledo, Cincinnati đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trong một tuyên bố liên quan đến cái chết của hai người trong vụ phá hoại nhà thờ chính tòa Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi của giáo phận.
Vào khoảng 2:30 sáng 18 tháng Giêng, các nhân viên cứu hỏa đã hối hả chạy đến nhà thờ chính tòa vì có người báo cáo về vụ hỏa hoạn đang xảy ra tại công trình kiến trúc 90 năm tuổi ở khu Old West End là khu vực lịch sử của thành phố.
Khi đến nơi các nhân viên cứu hỏa các ngọn lửa đã tàn, nhưng trong khi kiểm tra nhà thờ, họ phát hiện ra những hình vẽ bậy bạ trên tường và vết cháy xém trên cửa chính bằng gỗ.
Căn cứ vào camera an ninh của nhà thờ, cảnh sát xác định nghi phạm là Christopher Harris, 27 tuổi. Harris bị buộc tội phá hoại, và đốt phá nơi thờ tự. Vào khoảng 4 giờ chiều, các thành viên của Đội đặc nhiệm chống băng đảng của sở cảnh sát Toledo nhận ra người thanh niên này bên ngoài một ngôi nhà, nằm cách nhà thờ chưa đầy nửa dặm, và tìm cách tiếp cận anh ta sau khi họ thấy anh ta mang theo súng.
Người đàn ông vào nhà và cảnh sát bắt đầu thương lượng với anh ta khi các viên chức cảnh sát khác khoanh vùng khu vực gần đó. Sau khoảng hai giờ, người đàn ông đã ra khỏi nhà và bắt đầu nổ súng. Một phát bắn trúng cảnh sát viên Brandon Stalker.
Cảnh sát trưởng George Kral cho biết trong một cuộc họp báo là Stalker được đưa ngay vào Trung tâm Y tế St. Vincent do giáo phận điều hành nhưng đã không qua khỏi.
Giao tranh giữa cảnh sát và hung thủ kéo dài suốt 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, hung thủ Harris đã bị cảnh sát bắn chết.
Trong tuyên bố từ giáo phận Toledo, Đức Cha Daniel Thomas bày tỏ lòng thương tiếc trước cái chết của cảnh sát viên Stalker, và nói rằng giáo phận hiệp nhất trong lời cầu nguyện với gia đình và bạn bè của anh Stalker, và Sở cảnh sát Toledo.
Đức Cha Thomas nói: “Cùng với tất cả những người thiện chí, tôi vô cùng biết ơn sự quảng đại quên mình của những người nam nữ mặc đồng phục, những người hàng ngày liều mình để bảo vệ và phục vụ tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể cam kết tăng cường cầu nguyện và hành động để chấm dứt bạo lực và tất cả các nguyên nhân dẫn đến điều đó.”
“Chúng tôi rất biết ơn sự cảnh giác của những người hàng xóm và phản ứng nhanh chóng của những người phản ứng đầu tiên.” Đức Cha Daniel Thomas nói thêm.
Source:National Catholic Register
4. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Liên minh Châu Âu phản đối dự luật buộc các bài giảng phải được dịch ra tiếng Đan Mạch
Hôm thứ Sáu 22 tháng Giêng, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, Tổng Giám Mục Luxembourg, hay còn gọi là Lục Xâm Bảo cho rằng một dự luật được đề xuất ở Đan Mạch yêu cầu dịch tất cả các bài giảng sang tiếng Đan Mạch là một mối đe dọa đối với tự do tôn giáo.
Trong một tuyên bố ngày 22 tháng Giêng, ngài nói:
“Trên thực tế, tác động của dự luật sẽ là gây trở ngại không đáng có đối với quyền cơ bản về tự do tôn giáo.”
Trước đó, một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo Đan Mạch cho biết dự thảo luật yêu cầu tất cả các bài giảng phải được dịch sang tiếng Đan Mạch sẽ gây ác cảm và làm tổn hại đến tự do tôn giáo. Luật này được nữ thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ủng hộ và tích cực vận động như một cách thế để bài trừ các trào lưu khủng bố.
“Luật này chủ yếu nhắm vào người Hồi giáo - những người ủng hộ dự luật nói rằng họ muốn ngăn chặn các xã hội song song và những thứ được rao giảng mà không ai khác hiểu được những điều đó, và có thể được sử dụng để cực đoan hóa và kêu gọi khủng bố,” Sơ Anna Mirijam Kaschner, tổng thư ký và nữ phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Bắc Âu, nói.
Tất cả các cộng đoàn giáo hội hay phi giáo hội, các cộng đoàn Do Thái, mọi thứ chúng ta có ở Đan Mạch - 40 cộng đồng tôn giáo khác nhau - sẽ bị nghi ngờ chung bởi luật này. Có điều gì đó đang xảy ra ở đây và đang phá hoại nền dân chủ,” sơ nói với đài phát thanh Dom có trụ sở tại Köln.
Luật này dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng Hai tại quốc hội Đan Mạch.
Sơ Kaschner cho biết luật sẽ yêu cầu các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo, phải dịch và công bố mọi bài giảng bằng tiếng Đan Mạch. Nói thí dụ, một linh mục Việt Nam giảng cho các giáo dân Việt thì cố nhiên ngài nói bằng tiếng Việt, nhưng nói xong, ngài phải dịch ra tiếng Đan Mạch và công bố bản dịch ấy.
Điều đó đặt ra “những thách thức lớn về tài chính và nhân lực”, Sơ Kaschner cảnh báo và nói thêm rằng những người soạn thảo luật này dường như không biết rằng các bài giảng hình thành “chỉ một phần rất nhỏ” trong các hoạt động tôn giáo.
Sơ Kaschner nói: “Nếu bạn thực sự muốn giải quyết các vấn đề về ngôn từ và thái độ thù địch đối với nhà nước dân chủ, thì tốt hơn hết là bạn nên thể hiện sự đánh giá cao đối với các cộng đồng tín ngưỡng đã cam kết hòa nhập.
Sơ nói: “Luật này chỉ là luật mới nhất trong một loạt các biện pháp kiểm soát lâu dài của nhà nước. “Nó sẽ không có hậu quả gì đối với các cộng đồng tôn giáo Hồi giáo cực đoan, vì họ thậm chí không được công nhận ở đây, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng nhỏ hơn, bao gồm cả Giáo Hội Công Giáo.”
Đất nước này là nơi sinh sống của 270,000 tín đồ Hồi giáo, với hơn 100 đền thờ Hồi giáo, theo số liệu của chính phủ Đan Mạch.
Người Công Giáo chiếm 1.3% trong tổng số 5,8 triệu dân của Đan Mạch, một quốc gia theo Tin Lành Luther. Các thánh lễ ở Thủ đô Copenhagen, và các khu vực xung quanh thủ đô, được cử hành bằng tiếng Ba Lan, tiếng Anh, tiếng Ukraina, tiếng Croatia, tiếng Chanđê, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Việt và tiếng Đan Mạch.
Source:Catholic News Agency