Ngày 24-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Được sai đi để nói Lời
Lm. Minh Anh
04:51 24/01/2021
ĐƯỢC SAI ĐI ĐỂ NÓI LỜI
“Hãy chỗi dậy và đi rao giảng”.

Kính thưa Anh Chị em,

Từ năm 2020, với Tự sắc Aperuit Illis, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Chúa nhật III Thường Niên hàng năm là Chúa Nhật Lời Chúa. Như vậy, hôm nay chúng ta tôn vinh Lời Chúa lần thứ hai theo tinh thần của Tự sắc. Thật trùng hợp, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thoáng nhìn cuộc đời của Giôna với sứ mệnh ‘được sai đi để nói Lời’ của Thiên Chúa.

Giôna, một trong những ngôn sứ được yêu mến nhất trong Cựu Ước. Tại sao? Có lẽ vì câu chuyện hấp dẫn về việc ông bị cá voi nuốt chửng; hình ảnh này khơi lên trí tưởng tượng của chúng ta về một câu chuyện kỳ thú phần nào giống với một truyện cổ tích. Nhưng một điều chúng ta có thể dễ dàng quên là, tại sao Giôna bị cá nuốt? Đó là dẫu đã nghe tiếng Chúa gọi cho một sứ mệnh cụ thể trong đời mình, nhưng Giôna đã chạy trốn hết mức có thể theo một hướng khác; Chúa bảo lên Ninivê, ông lại xuống Tarshish; Chúa bảo lên phía đông, ông lại xuống phía tây. Ông đã làm tất cả những gì có thể để thoát khỏi Người; nhưng Thiên Chúa không chịu thua, Người không dừng lại và tiếp tục truy đuổi ông. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thắng và Giôna buộc phải đến Ninivê, ông ‘được sai đi để nói Lời’ của Người cho thành. Điều tuyệt vời nhất là dân Ninivê đã nghe lời ông và thay đổi đời sống!

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Giôna một chỉ lắng nghe Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Có thể câu chuyện của ông sẽ ít giống một truyện cổ tích hơn, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp Giôna và những người khác bớt căng thẳng. Ông sẽ không chịu đựng cơn bão lớn khiến tàu hòng chìm, không chuốc cơn thịnh nộ của các thủy thủ trên tàu và nhất là, trải nghiệm sự tối tăm tanh tưởi trong bụng kình ngư ba đêm ngày. Giôna có thể tránh được tất cả những điều ấy nếu thoạt tiên, ông biết mềm mỏng với Thiên Chúa.

Và như thế, thật thú vị và giàu ý nghĩa khi chúng ta nhìn câu chuyện từ một góc độ khác. Sự thật là Giôna đã phải gánh chịu tất cả những khốn đốn này. Và dẫu chúng ta có thể bị cám dỗ phê phán và không đồng ý với Giôna, nhưng có lẽ chúng ta nên cẩn thận hơn. Tại sao? Bởi Thiên Chúa hoàn toàn có thể đã thực sự cho phép Giôna vùng vằng vì ý muốn thiêng liêng của Người; có thể Thiên Chúa để ông chống lại thánh ý là một phần của sự khôn ngoan nơi Người. Thiên Chúa cho điều đó xảy ra vì lợi ích của chúng ta, Giôna trở thành một tấm gương tuyệt vời và là bài học cho chúng ta từ chính cuộc đời ông. Rằng, Người không ngừng yêu thương chúng ta và không ngừng kêu gọi chúng ta tuân theo ý muốn của Người; vì thế, cuộc đời và hành động của Giôna trở thành lời tiên tri cho chúng ta là, hãy vâng phục, hãy sẵn sàng và vui mừng khi ‘được sai đi để nói Lời’ của Người. Rằng, Thiên Chúa không buông bỏ chúng ta; Người không chỉ đơn giản ném chúng ta xa Người ngay khi chúng ta quay lưng; thay vào đó, việc chúng ta phủ nhận Người chỉ khiến quyết tâm theo đuổi chúng ta nơi Người càng lớn hơn. Rằng, Thiên Chúa nhận lấy sự đổ vỡ của chúng ta, sự thiếu quyết tâm, những thất bại và cả những tệ hại của chúng ta để sử dụng chúng cho vinh quang và kế hoạch hoàn hảo của Người.

Sau hàng tháng trời cắm cúi trên một thiết bị điên rồ được gọi là ‘bóng đèn’, Thomas A. Edison và đội ngũ phụ việc của ông phải mất 24 giờ liên tục cuối cùng chỉ để ghép các bộ phận làm một. Xong việc, họ quá mệt; ông nhờ một cậu bé bưng nó lên cầu thang, cậu vùng vằng cự nự; nhưng cuối cùng cũng vâng lời. Dĩ nhiên, cậu rất sợ hãi và hối hận vì thái độ ban đầu của mình. Và hẳn chúng ta cũng đoán được chuyện gì đã xảy ra, anh bạn trẻ tội nghiệp đã làm rơi chiếc bóng đèn, tác phẩm vô giá, ở đầu cầu thang. Vậy là toàn bộ đội ngũ của Edison đã phải mất thêm hai mươi bốn giờ nữa để làm một bóng đèn khác. Cuối cùng, mọi người đều sẵn sàng mang chiếc bóng đèn lên gác, nhưng Edison từ chối. Ông đưa nó cho chính cậu bé đã đánh rơi chiếc đầu tiên.

Anh Chị em,

Đó cũng là cách cư xử của Thiên Chúa đối với Giôna, với chúng ta; Người tha thứ và xót thương; bởi lẽ, kế hoạch của Người lớn hơn ý riêng của chúng ta; Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Chớ gì chúng ta đừng vùng vằng như Giôna, như cậu bé của Edison buổi đầu; nhưng trở nên nhu mì dễ bảo như các môn đệ đầu tiên. Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã bỏ lưới, bỏ cha, bỏ các người làm thuê, bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa Giêsu khi Ngài vừa gọi họ ngay lời gọi đầu tiên. Họ là những con người ‘được sai đi để nói Lời’ của Thiên Chúa và họ đã đi đến cùng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết tôn vinh Lời Chúa mỗi ngày bằng việc yêu mến đến si mê, thực hành đến thành thục; cho con luôn luôn là khí cụ sắc bén ‘được sai đi để nói Lời’ của Chúa cho những ai chưa sống Lời, và nhất là những ai chưa được nghe Lời”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đẹp Làm Sao Cuộc Ngã Ngựa Giữa Dòng
Lm Giuse Trương đình Hiền
10:20 24/01/2021
Lễ Thánh Phaolô Trở Lại – 25.01.2021 – Kết thúc Tuần Lễ Cầu nguyện cho Hiệp Nhất các Kitô hữu

Nghĩ cũng lạ ! Người đời thì thường chọn những sự kiện vinh quang, những thành công xuất chúng, những biến cố vĩ đại… để “lưu danh thiên cổ”, để người ta nhớ đến mình; chứ ít có ai chọn cái dở dang, thua cuộc, thất bại… để bị xem thường kết án. (Trước khi mãn nhiệm, Toà Bạch Ốc đã cho công bố một loạt những thành tựu to lớn của Tổng Thống Donald Trump…).

Chỉ có Giáo Hội là làm “chuyện cắc cớ” ! Cuộc đời Thánh Phaolô Tông Đồ có bao nhiêu sự kiện vinh quang đáng nhớ: Ngài đã từng được Chúa đưa lên tầng trời thứ ba; Ngài đã từng diễn thuyết trước Nghị viện Hy Lạp; đối diện với Tổng trấn Rôma; đã từng “hải hành” vạn dặm loan báo Tin Mừng; thiết lập các giáo đoàn…; thế nhưng, Giáo Hội lại chỉ chọn sự kiện “bị đánh ngã và làm cho mù trên đường Đamát” để ghi niệm một cách đặc biệt về cuộc đời và sứ vụ của Ngài !

Vâng, ngày lễ hôm nay, 25.01, ngày kết thúc “Tuần Lễ cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô hữu”, Phụng Vụ Giáo Hội cử hành cái tước hiệu và cũng là một “biến cố đặc biệt” mang tầm mức “bước ngoặc quan trọng” nầy: THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI.

Trước hết, sự “Trở lại” mà Phụng Vụ gắn cho Thánh Phaolô trong ngày lễ hôm nay, hoàn toàn không phải là một cố gắng cá nhân, một “tiến trình hoán cải nội tâm” của riêng ngài; mà nhất thiết, đó chính là một “sự can thiệp đặc biệt”, một “tiếng sét ái tình” đến từ Thiên Chúa, được sách Tông Đồ công vụ tượng thuật rõ trong Bài đọc 1 hôm nay: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm. Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát…” (Cv 22,1-21).

Sở dĩ nhấn mạnh yếu tố “sự can thiệp đặc biệt”, hay “tiếng sét ái tình” nơi cuộc “trở lại” của Phaolô, vì quả thật, trước biến cố “ngã ngựa trên đường Đamát, Phao Lô hoàn toàn không phải là một “chàng thanh niên hoang đàng, bỏ nhà cha để đi hoang, ăn chơi trác táng…; sau đó hồi tâm đứng dậy “trở về”; cũng không phải một cô “Maria Mađalêna vùi thân trong cuộc sống xác thịt, dục vọng, nghe lời dạy của Thầy Giêsu, đã bị cắn rứt lương tâm, lần mò tự mình đến phủ phục khóc lóc dưới chân Thầy” !

Không, Phaolô là một thanh niên chuẩn mực, đạo đức, nghiêm túc với lề luật cha ông; nói chung một mẫu người công chính, thánh thiện của Do Thái giáo, như ngài làm chứng qua trích đoạn thư gởi giáo đoàn Philip: “tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.” (Pl 3,5-6).

Nói cách khác, yếu tố trọng tâm làm nên cuộc “trở lại” đầy “kịch tính” của thánh Phaolô chính là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ…”, một cuộc gặp gỡ quyết định, xoay chuyển 180 độ con người và cuộc đời, xác tín và hành động: “Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người…” (Pl 3,7-12).

Và Phaolô đã “giơ tay đầu hàng”, đã hoàn toàn bị chinh phục trước tiếng gọi huyền diệu, trước ý định cao siêu, trước “Con Người vĩ đại” mà bấy lâu nay Phaolô cương quyết loại trừ, đạp đổ, phủ nhận: “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt” (Pl 3,12); một sự “chiếm đoạt toàn diện, sâu xa” đến độ như ngài chia sẻ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi “ (Gl 2,20).

Quả thật từ cuộc “trở lại” hi hữu nầy, Phaolô đã bắt đầu một con đường mới tinh, một hướng tương lai nhằm thẳng phía trước: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13), phía của công cuộc loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu, phía của một tông đồ mang Tin Mừng cho muôn dân, phía của một nhà truyền giáo vĩ đại, một kiến trúc sư của Kitô giáo ngay từ thuở ban đầu: “Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi….” (Ep 3,7-10).

Nói cách khác, tiếng sét ái tình trên đường Đamát đã khiến “trái tim của Phaolô mở ra cho một tình yêu mới, trọn vẹn, sâu sắc, thuỷ chung: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39).

Và chúng ta có thể mượn đoạn cuối của bài thơ “Ngã ngựa giữa dòng” để tóm kết ý nghĩa của sứ điệp và cũng là một nhiệm mầu: PHAOLÔ TRỞ LẠI:

Đúng !

Ngươi phải ngã đau để không còn háo thắng,

Ngươi phải mù loà

để hiểu chân lý ngươi không còn sở hữu độc quyền.

Ngươi phải được dắt đi,

Để thấy mình cũng dại khờ, lầm lạc, khùng điên…!

Và để ngươi,

“Trở lại” gặp gỡ một Con Người,

Mà đã từ lâu ngươi hận thù, bắt bớ !

Và trang sử mới đã bắt đầu từ đó,

“Đầu hàng Đa-mát” hay “cuộc ngã ngựa giữa dòng”,

Cuộc gặp gỡ nào đã trở thành một dấu ấn vô song,

Chiến sĩ lừng danh, Phaolô, Vị “Tông Đồ Dân Ngoại” !

Và phải chăng, cuộc “đầu hàng trên đường Đamát đó vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay !

– Bởi chưng trong chúng ta vẫn còn đầy những “Saolô”” mù quáng, kiêu căng, tự hào về một quá khứ đạo đức, chỉn chu lề luật. Chúng ta cần gặp Đức Kitô để “trở lại thường xuyên với Ngài”.

– Bởi chưng, trong chúng ta vẫn còn đầy những Saolô, nhiệt thành quá mức, hăng hái quá độ theo cái tôi của mình để thường xuyên “bách hại”, kết án, làm khổ anh chị em. Chúng ta cần gặp gỡ Đức Kitô để trở nên khiêm nhường, hiền hậu và luôn khoan dung, tha thứ, đón nhận anh chị em mình.

– Bởi chưng cộng đoàn chúng ta vẫn còn đầy những “Saolô” nhân danh ý kiến cá nhân, não trạng đạo đức Pharisiêu, nhân danh kiến thức giáo lý uyên bác, đúng đắn… để lên án anh chị em, để phá đổ tình hiệp nhất trong Giáo Hội, để làm theo ý riêng hơn là tuân phục ý Chúa…

Trong lịch sử của Hội Thánh đã có bao nhiêu “Saolô” như thế, nên đã xảy ra bao cuộc phân ly đau đớn, mà suốt tuần lễ vừa qua cả Giáo Hội nỗ lực nguyện cầu cho công cuộc hiệp nhất Kitô hữu.

Chúng ta đừng quên, Giáo Hội chọn chính ngày hôm nay, 25/01, lễ Thánh Phaolô trở lại, để kết thúc Tuần Cầu nguyện hiệp nhất. Chắc chắn Hội Thánh, nơi “cuộc đầu hàng của Saolô trên đường Đamát”, đã mang theo một “hệ luỵ hiệp nhất” tối ưu: “Từ đây, sẽ không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, dân ngoại hay dân có đạo…mà tất cả đều “nên một trong Đức Kitô”. Quả thật, cuộc trở lại của Phaolô đã biến Kitô giáo trở thành “ngôi nhà chung của thế giới”, biến Tin Mừng vượt qua mọi biên giới quốc gia, dân tộc, nền văn hoá…để trở thành ngôn ngữ chung của tình yêu và chân lý. Đẹp làm sao “cuộc ngã ngựa giữa dòng” !

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và cho cả Giáo Hội sống đậm đà mầu nhiệm “Trở lại” của Thánh Phaolô, sẵn sàng “đầu hàng trước ý định và tiếng gọi nhiệm mầu của Thiên Chúa” để đem về chiến thắng cho Đức Kitô và Vương quốc của Ngài.

Đặc biệt, chúng cầu nguyện cho những người chọn Thánh Phaolô trở lại làm Bổn mạng (trong số đó có …………………………) luôn biết quy hướng cuộc sống mình theo con đường hoán cải và Tông đồ của Thánh Phaolô, để trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng, thực thi sứ mệnh mà chính Chúa Giêsu đã trao phó từ 2000 năm trước: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật…”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:02 24/01/2021

30. Nếu con người tận tâm với mình, thành thực thống hối, bất luận là lúc nào, hoặc là được tha tội, hoặc là cầu ơn, đều có thể đến trước tòa Thiên Chúa.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:07 24/01/2021
45. KHÔNG VUI VẺ NÀO SÁNH BẰNG

Tính cách của hiếu liêm (1) Trần Tông rất hào phóng thoải mái.

Ông ta mua một tòa biệt thự tọa lạc cách núi hai dặm, ngoại thành phía bắc của huyện, trước và sau nhà có rất nhiều mồ mả.

Có một người bạn nói với Trần Tông:

- “Trong mắt của ông ngày ngày đều nhìn thấy những quỷ hồn của các mồ mả này, nhứt định là không vui vẻ gì”.

Trần Tông cười nói:

- “Không phải, khi mắt nhìn thấy lớp lớp quỷ hồn này, thì khiến cho người ta cảm nhận được mình tồn tại nơi dương thế và cảm thấy vui vẻ không gì sánh được”.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 45:

Con người ta thời nay ai cũng thích lên thành phố mua nhà mua cửa để ở và làm việc, không ai muốn ở nơi chỗ khỉ ho cò gáy, xa chợ xa đường và xa trường học, càng không ai thích làm nhà gần nghĩa địa mồ mả, cũng không ai thích ngày ngày nhìn thấy mả mồ, vì như thế thì ghê rợn và chẳng có gì là vui vẻ...

Không ai thích làm nhà bên nghĩa địa vì đó là chỗ chết chóc ám khí cô hồn, nhưng con người ta -nhất là những người Ki-tô hữu- đều phải luôn suy niệm đến sự chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.

Suy niệm đến sự chết để chúng ta thấy cuộc đời này chỉ là đời tạm và sẽ có ngày chúng ta bỏ nó mà trở về với bụi đất như bao người khác; suy niệm đến sự phán xét để chúng ta thấy được sự công thẳng của Thiên Chúa mà sống bác ái huynh đệ với mọi người, quãng đại với tha nhân, giúp đỡ người nghèo khó; suy niệm đến thiên đàng để chúng ta tăng thêm lòng yêu mến Thiên Chúa, ra sức làm việc lành, chịu các bí tích cách trọn, để được lên thiên đàng với Thiên Chúa sau khi từ giả cõi đời này; suy niệm đến hỏa ngục là nơi Thiên Chúa đã dành cho ma quỷ và những người tội lỗi không muốn hối cải, để chúng ta thấy được những đau khổ đời đời của những người mất linh hồn, mà sửa đổi chính bản thân mình để ngày sau khỏi vào nơi đó...

Người bình thường thì ghê rợn sợ hãi nơi có mồ có mả, nhưng những người có đức tin thì lấy mồ mả và sự chết làm đề tài suy niệm để sửa đổi mình và cảm hóa người khác, đó là một hạnh phúc mà mấy ai tìm được !

Các thánh của Thiên Chúa đều làm như vậy nên các ngài luôn vui vẻ sống...

(1) Hiếu liêm là cách gọi của người thời Minh Thanh dành cho người đậu cử nhân.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Có thể thay đổi thế giới
Lm. Minh Anh
23:24 24/01/2021
CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI
“Người này là lợi khí Ta đã chọn”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong lịch sử lâu dài của Hội Thánh, không cuộc trở lại nào có kết quả lớn hơn cuộc trở lại của Thánh Phaolô. Trước khi trở lại, Phaolô không có thiện cảm với Hội Thánh; ông ra sức bắt bớ Hội Thánh; rất có thể, ông đã ném đá vào đầu phó tế Têphanô đến chết. Nhưng Phaolô đã thay đổi; đúng hơn, Chúa đã thay đổi Phaolô vào một ngày cụ thể. Cũng vào ngày đó, Kitô giáo thay đổi; khi đường lối của Kitô giáo thay đổi, thế giới cũng thay đổi. Thật khó để nhấn mạnh quá mức ảnh hưởng của ngày lễ hôm nay, lễ kính một con người, một vị thánh đã ‘có thể thay đổi thế giới’.

Để hiểu tầm quan trọng của một sự kiện lớn nhỏ, hãy xét xem mọi thứ sẽ như thế nào nếu sự kiện đó đã không bao giờ xảy ra. Đây là tiền đề đằng sau bộ phim “It’s a Wonderful Life”, “Đó Là Một Cuộc Sống Tuyệt Vời” của đạo diễn Frank Capra; Capra so sánh cuộc sống thực tế với một kịch bản giả định “nếu như thế, điều gì sẽ xảy ra?”. Điều gì sẽ xảy ra nếu Phaolô vẫn là một biệt phái nhiệt thành? Nếu Phaolô chưa bao giờ trở lại? Chưa bao giờ viết một lá thư? Chưa bao giờ xuống tàu cho một hành trình truyền giáo? Điều đó có thể giả định một cách thuyết phục rằng, bản thân thế giới, không chỉ riêng Giáo Hội, có lẽ sẽ trông rất khác nếu không nói là ‘khá xa lạ’ so với ngày nay. Có lẽ, Kitô giáo sẽ vẫn giới hạn ở Palestine trong nhiều thế kỷ nữa, trước khi lan ra Âu Châu rộng lớn; có thể, Kitô giáo đã rẽ phải thay vì rẽ trái, và tất cả Trung Hoa, Ấn Độ sẽ theo văn hoá Công Giáo như Âu Châu ngày nay. Không thể nói được! Nhưng những tác động quy mô toàn cầu do việc Phaolô cải đạo cho thấy ý nghĩa của việc trở lại nơi một con người vốn đã ‘có thể thay đổi thế giới’! Tại sao? Bởi lẽ, Phaolô là một con người quá say mê Đức Kitô, “đã là lợi khí” được chính Ngài chọn.

Các chi tiết về cuộc trở lại của Phaolô được nhiều người biết đến, dẫu Công Vụ Tông Đồ không nói rõ, nhưng các nghệ sĩ thích lấy lại hình ảnh Phaolô bị ném khỏi yên ngựa trên đường đến Đamas. Đang khi còn sững sờ trên nền đất, Phaolô nghe tiếng Chúa Giêsu, “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”, chứ không nghe, ‘Sao ngươi bắt bớ những người theo Ta?’. Rõ ràng, Chúa Giêsu và Hội Thánh là một; bắt bớ Hội Thánh là bắt bớ Chúa Kitô; Ngài là đầu và Hội Thánh là thân mình. Phaolô không trở lại để yêu mến Chúa Giêsu và nói rằng Hội Thánh chỉ là một công trình tình cờ của con người đã ngăn cản ông khỏi Chúa. Tất nhiên là không! Phaolô tin điều đúng đắn mà các Kitô hữu đã tin trong nhiều thế kỷ, và vẫn tin cho đến ngày nay. Yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Hội Thánh và ngược lại; không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại coi thường thực tế lịch sử về cách thức Người thông chia sự sống thần linh cho chúng ta. Hội Thánh không chỉ là phương tiện chuyên chở mặc khải của Thiên Chúa, nhưng Hội Thánh thực sự là một phần trong sự mặc khải của Người; và nhất là với Chúa Giêsu, Hội Thánh vẫn ‘có thể thay đổi thế giới’.

Một Kitô hữu không biết mình đi đâu, với ai, làm gì… khác nào cô bé Alice trong câu chuyện cổ tích “Alice Ở Xứ Thần Tiên”. Trong cuộc trò chuyện giữa cô bé và con mèo Cheshire, Alice hỏi, “Bạn vui lòng cho tôi biết, tôi nên đi con đường nào từ đây?”; “Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào nơi bạn muốn đến”, con mèo nói. Alice bảo, “Tôi không quan tâm lắm”; “Vậy thì bạn hãy đi theo con đường nào không quan trọng!”, con mèo trả lời.

Anh Chị em,

Hoàn toàn khác với câu chuyện của Alice lẻ loi trong xứ sở diệu kỳ, câu chuyện hoán cải của Phaolô tiết lộ rằng, Kitô hữu là người dò dẫm tìm đường dẫn đến Thiên Chúa; đến với Chúa, chúng ta không đi một mình nhưng đi với tư cách thành viên của Hội Thánh vì chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô ngay khi được rửa tội. Cũng thế, khi đến với chúng ta, Chúa Giêsu không đến một mình; Ngài đến với Mẹ Maria, các thiên thần, các thánh của Ngài; Ngài đến với các giám mục, linh mục, các bí tích, giáo lý, kinh nguyện và lời ca tiếng hát. Chúa Giêsu đến với Hội Thánh vì Ngài và Hội Thánh là một; cũng bằng cách đó, Phaolô đã đến với Thiên Chúa. Cũng bằng cách đó, ngày nay, chúng ta đến với Chúa Cha; và như Phaolô, con người say mê Chúa Giêsu, thì với Chúa Giêsu, chính chúng ta cũng ‘có thể thay đổi thế giới’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hôm nay, kết thúc tuần cầu nguyện cho các Giáo Hội Kitô hiệp nhất, xin cho con có một tâm hồn hoán cải như Phaolô để có thể hiệp nhất với Chúa, với anh em, với linh hồn con; cho con đáp lại Chúa cách trọn vẹn, sâu sắc hơn; nhờ đó, với Chúa Giêsu và Hiền Thê của Ngài, con cũng có thể hoán cải, hiệp nhất và cũng ‘có thể thay đổi thế giới’. Tại sao không?”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 tháng Giêng, 2021
J.B. Đặng Minh An dịch
12:37 24/01/2021
Chúa Nhật 24 tháng Giêng, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ Ba mùa Quanh Năm với chủ đề “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Tin Mừng theo Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta biết hoàn cảnh Chúa kêu gọi các tông đồ đầu tiên như sau:

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh truyền tin từ thư viện của dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (x. Mc 1,14-20) cho chúng ta thấy, sự “trao gậy chỉ huy” từ Gioan Tẩy Giả sang Chúa Giêsu, có thể nói như thế. Gioan là tiền hô của Ngài; thánh nhân đã chuẩn bị địa hình cho Ngài và dọn đường cho Ngài: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ mệnh của mình và loan báo ơn cứu độ hiện diện ngay bây giờ; Ngài là ơn cứu rỗi. Lời rao giảng của Ngài được tóm tắt trong những lời này: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (câu 15). Thật đơn giản. Chúa Giêsu đã thẳng thắn không quanh co. Thông điệp của Ngài mời gọi chúng ta suy ngẫm về hai chủ đề thiết yếu: đó là thời gian và sự hoán cải.

Trong bản văn này của Thánh sử Máccô, thời gian được hiểu là thời gian của lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện; do đó, thời giờ “đã mãn” là thời điểm mà hành động cứu độ này đạt đến đỉnh cao, được hiện thực hóa đầy đủ: đó là thời điểm lịch sử mà Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian và Vương quốc của Ngài trở nên “gần gũi” hơn bao giờ hết. Thời gian cứu rỗi đã mãn vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, sự cứu rỗi không phải là tự động; ơn cứu rỗi là một món quà của tình yêu và được ban cho tự do của con người. Luôn luôn, khi chúng ta nói đến tình yêu, chúng ta nói đến tự do: một tình yêu không có tự do thì không phải là tình yêu; nó có thể là quan tâm, nó có thể là sợ hãi, nhiều thứ, nhưng tình yêu luôn luôn tự do, và vì là tự do, tình yêu đòi hỏi một phản ứng được đáp trả một cách tự do: ơn cứu rỗi kêu gọi chúng ta hoán cải. Vì vậy, ơn cứu rỗi có nghĩa là thay đổi não trạng - là hoán cải, thay đổi tâm lý - và thay đổi cuộc sống: không còn theo gương của thế gian nhưng theo gương của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu; theo Chúa Giêsu, làm như Chúa Giêsu đã làm, và đã dạy bảo chúng ta. Đó là một sự thay đổi quyết liệt quan điểm và thái độ. Trên thực tế, tội lỗi – đặc biệt là tinh thần thế gian, giống như không khí, nó thấm vào mọi thứ - đã tạo ra một não trạng có xu hướng khẳng định bản thân chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Điều này thật đáng kinh ngạc. Căn tính của bạn là gì? Và chúng ta thường nghe rằng căn tính của một người được thể hiện dưới dạng “đối lập”. Thật khó để diễn tả bản sắc của một người theo tinh thần thế gian bằng những hạn từ tích cực và phù hợp với ơn cứu rỗi: vì đó là sự chống lại chính mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Và vì mục đích này, não trạng tội lỗi, não trạng thế gian không ngần ngại sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Đúng thế, lừa dối và bạo lực. Chúng ta thấy những gì xảy ra với sự gian dối và bạo lực: đó là lòng tham, ham muốn quyền lực chứ không muốn phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người. Đây là tâm lý gian dối mà chắc chắn có nguồn gốc từ cha đẻ của sự dối trá, kẻ gian ngoan quỷ quyệt nhất, là ma quỷ. Nó là cha đẻ của sự dối trá, như Chúa Giêsu đã định nghĩa về ma quỷ.

Tất cả điều này bị bác bỏ bởi sứ điệp của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta nhìn nhận mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ cân bằng đối với của cải trên đất; chào đón và khiêm tốn đối với người khác; cũng như nhận biết và hoàn thiện bản thân trong cuộc gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi người trong chúng ta, thời gian mà chúng ta có thể nhận được ơn cứu chuộc là ngắn ngủi: đó là thời gian tồn tại của chúng ta trên thế giới này. Nó rất là ngắn. Với nhiều người, có vẻ như thời gian ấy còn kéo dài lâu lắm. Tôi nhớ rằng tôi đã đi ban các Bí tích, Xức Dầu Bệnh Nhân cho một cụ già rất tốt, rất tốt, và trong giây phút đó, trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân, cụ ấy đã nói với tôi cụm từ này: “Cuộc sống của tôi đã vụt qua”. Đây là cách chúng tôi, những người cao niên, cảm nhận rằng cuộc sống đã qua đi. Nó qua đi như bóng câu qua cửa sổ. Và cuộc sống là món quà tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, nhưng cũng là lúc chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vì lý do này, mỗi giây phút, mỗi giây phút hiện hữu của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, và nhờ đó tiến vào cuộc sống vĩnh cửu.

Lịch sử cuộc đời của chúng ta có hai nhịp điệu: một, có thể đo lường được, bằng giờ, ngày, năm; cái còn lại, bao gồm các giai đoạn phát triển của chúng ta: sinh ra, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, già, chết. Mỗi giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng của nó, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt để gặp gỡ Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của những giai đoạn này: mỗi giai đoạn đều chứa đựng một lời kêu gọi cụ thể của Chúa, mà chúng ta có thể đưa ra một phản ứng tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã trả lời như thế nào: họ là những người trưởng thành; Họ có công việc đánh cá, họ có cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “họ liền bỏ lưới mà theo Người” (Mc 1,18).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chú ý lắng nghe và đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không chào đón Người. Thánh Augustinô nói “Tôi sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Sợ cái gì? Thưa: Sợ không nhận ra Ngài, không nhìn thấy Ngài, không chào đón Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút là thời gian cứu độ, trong đó Chúa đi qua và kêu gọi chúng ta bước theo Người, mỗi giây trong cuộc đời chúng ta. Và cầu mong Mẹ giúp chúng ta chuyển đổi từ não trạng thế gian, từ những niềm say mê thế gian mà thực chất chỉ là những pháo hoa, sang tình yêu và sự phục vụ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, Chúa nhật này dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những ân sủng tuyệt vời của thời đại chúng ta là việc tái khám phá Sách Thánh trong đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận Kinh Thánh như ngày nay: bằng mọi ngôn ngữ và bây giờ ngay cả ở dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô, mà gần đây tôi đã nhắc đến vào dịp kỷ niệm 1,600 năm ngày mất của ngài, nói rằng những người bỏ qua Kinh thánh thì bỏ qua Chúa Kitô; những người phớt lờ Kinh thánh thì phớt lờ Chúa Kitô (xem trong Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, chết và sống lại, là Đấng khai mở tâm trí chúng ta để hiểu Sách Thánh (x. Lc 24:45). Điều này đặc biệt xảy ra trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc theo nhóm, đặc biệt là với Tin Mừng và với Thánh Vịnh. Tôi cám ơn và khích lệ các giáo xứ vì họ đã kiên định trong dấn thân giáo dục việc lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thiếu niềm vui gieo Tin Mừng. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa: cầu mong cho chúng ta có thói quen, xin cho chúng ta có thói quen luôn mang theo một cuốn Kinh Thánh nhỏ trong túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng sẽ luôn ở với chúng ta.

Ngày 20 tháng Giêng vừa qua, cách quảng trường Thánh Phêrô vài mét, một người đàn ông Nigeria 46 tuổi vô gia cư tên là Edwin đã được tìm thấy chết vì giá lạnh. Câu chuyện của anh ấy được thêm vào với rất nhiều câu chuyện của những người vô gia cư khác gần đây đã chết ở Rôma trong cùng một hoàn cảnh bi thảm như thế. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Edwin. Chúng ta hãy để lòng mình xúc động trước những gì đã Thánh Grêgôriô Cả đã nói trước cái chết của một người hành khất vì lạnh rằng ngày hôm đó sẽ không cử hành thánh lễ vì nó giống như Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy nghĩ về Edwin. Chúng ta hãy nghĩ về những gì người đàn ông 46 tuổi này cảm thấy, trong sự lạnh lùng, bị mọi người, kể cả chúng ta, phớt lờ, bỏ rơi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy.

Chiều mai, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, chúng ta sẽ cử hành Kinh chiều Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, khi kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, cùng với đại diện của các Giáo hội và cộng đồng giáo hội khác. Tôi mời anh chị em tham gia trong tinh thần với lời cầu nguyện của chúng tôi.

Ngày hôm nay cũng là ngày kính nhờ Thánh Phanxicô Đệ Salê, đấng bảo trợ của các nhà báo. Hôm qua, Thông điệp cho Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội, có tựa đề “Hãy đến và xem,” đã được phổ biến. Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ. Tôi khuyến khích tất cả các nhà báo và các nhà truyền thông “đi và xem”, ngay cả những nơi không ai muốn đến, và làm chứng cho sự thật.

Tôi chào tất cả anh chị em được liên kết qua các phương tiện truyền thông. Một lời nhắc nhở và lời cầu nguyện cho những gia đình đang gặp khó khăn hơn trong giai đoạn này. Hãy can đảm, chúng ta hãy tiến lên! Chúng ta hãy cầu nguyện cho những gia đình này, và trong chừng mực có thể, chúng ta hãy là hàng xóm của họ. Và tôi cầu chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ cho tất cả mọi người. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng, chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Truyền thông liên hạt TGP Sài gòn mừng bổn mạng
Martinô Lê Hoàng Vũ
10:41 24/01/2021
Truyền thông Liên hạt TGP Sài gòn: mừng bổn mạng

Sáng thứ bảy 23.1.2021 tại Giáo xứ Hoàng Mai giáo hạt Xóm Mới, anh chị em MVTT của các giáo hạt Phú Nhuận,Gò Vấp và Xóm Mới thuộc TGP. Sài gòn đã hân hoan mừng kính Thánh Phanxicô Sales bổn mạng.Chương trình gặp gỡ được bắt đầu vào khoảng 9g sáng qua việc báo cáo hoạt động truyền thông của 3 giáo hạt trong năm vừa qua,cùng với những định hướng trong năm mới 2021,những công việc cụ thể trong lãnh vực loan báo Tin Mừng bằng các phương tiện truyền thông ngày nay.Trong giao lưu, ngoài các em MVTT của 3 giáo hạt còn có anh chị em MVTT của tổng giáo phận, Linh mục trưởng ban Truyền Thông của Tổng Giáo phận, quý linh mục đồng hành, và linh mục Vinh sơn Vinh sơn Nguyễn Minh Huấn đồng hành MVTT hạt Xóm Mới và cũng là chánh xứ Hoàng Mai.

Xem Hình

Sau đó, lúc 10 g cũng tại căn phòng lầu 1 của nhà xứ Hoàng Mai, thánh lễ tạ ơn mừng kính Thánh Phanxicô Sales do linh mục Vinh Sơn Nguyễn Minh Huấn chánh xứ Hoàng Mai chủ tế, cùng với quý linh mục chánh xứ trong giáo hạt Xóm Mới, Gò Vấp, Linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền Trưởng ban Truyền Thông TGP Sài Gòn và đông đủ anh chị em MVTT tham dự thánh lễ.

Chia sẻ trong bài Tin Mừng, Linh mục Trưởng ban Truyền thông đã khai triền dựa theo Lời Chúa nói: “Hãy đến mà xem”. Đó cũng là chủ đề sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày truyền thông thế giới năm 2021. Linh mục trưởng ban nhắc nhở mỗi anh chị em Truyền thông là những tông đồ của Chúa trên mạng xã hội. Ngày ngày chúng ta nghe đọc và suy niệm Lời Chúa,ngẵm suy những gì Chúa đã dạy chúng ta để biết làm truyền thông theo ý Chúa, chứ không phải theo ý mình.Chúng ta cũng đọc những câu truyện,những biến cố xảy ra trong đời theo sự hướng dẫn của Lời Chúa.Mỗi người chúng ta phải có những tác phẩm của truyền thông bằng video, hình ảnh, bài viết để giới thiệu Chúa cho người chung quanh quanh.Chúng ta đến và xem những điều Chúa làm thật tốt đẹp trong cuộc sống,những điều tốt đẹp chung quanh chúng ta,và quan trọng nhất vẫn là đến ở lại với Chúa, giới thiệu Chúa cho người khác. Chúng ta phác họa vẻ đẹp tuyệt hảo của Thiên Chúa, Ngài là Đấng nhân hậu yêu thương tất cả mọi người.

Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng Vụ Thánh Thể.Trước khi kết thúc thánh lễ là những lời tri ân của vị đại diện các anh chị em MVTT giáo hạt tổ chức bổn mạng.

Xin Chúa luôn nâng đỡ và chỉ dạy anh chị em truyền thông để trong công việc anh chị em luôn làm sáng danh Chúa, đưa tin mừng yêu thương của Chúa đến cho mọi người chung quanh.

Martinô Lê Hoàng Vũ
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Chia Sẻ Cảm Nghiệm Về Sự Hiển Linh Của Đức Mẹ Tại Trà Kiệu.
Giuse Maria Duy Trà Phạm Cảnh Đáng
10:17 24/01/2021
Bài Chia Sẻ Cảm Nghiệm Về Sự Hiển Linh Của Đức Mẹ Tại Trà Kiệu.

(Bài thuyết trình trong buổi hội thảo chuyên đề về Đức Mẹ Trà Kiệu, với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, do Giáo phận Đà Nẵng tổ chức, tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu, ngày 23-11-2020)

-Chúng con xin kính chào quý Đức Cha, quý Cha TĐD, quý Cha Giám đốc, quý cha và quý thầy.

-Chúng con xin kính chào quý Mẹ Bề trên, quý nữ tu,

-Xin kính chào quý Đại diện các giáo xứ và quý khách mời

Kính thưa quý Đức Cha, qúy cha và quý vị.

-Chúng con thật may mắn, được sinh ra và lớn lên trên mãnh đất Trà Kiệu linh thiêng này, với một cảnh quan thôn dã thanh bình và xinh đẹp: có núi đồi, có sông suối. Trà Kiệu, trước đây là kinh đô huy hoàng, một thời vàng son của Chiêm Quốc.

“Điện các huy hoàng, trong ánh nắng.

Đền đài tuyệt mỹ, dưới trời xanh”.

-Chúng con cũng rất vui mừng và sung sường là được thừa hưởng một di sản đức tin vô cùng quí báu, đó là Thiên Chúa qua tay từ mẫu của Mẹ Maria, đã cứu giúp tổ tiên chúng con khỏi bị Văn Thân hủy diệt. Nhờ đó mà các thế hệ con cháu chúng con mới có cơ hội được tiếp nối mạch sống đức tin của cha ông ngày trước.

-Đặc biệt là chúng con đang được sống trong hồng ân Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu lần đầu tiên, mà chúng con hằng mong ước. Hôm nay, chúng con lại được tham dự cuộc Hội thảo chuyên sâu về Đức Mẹ Trà Kiệu, sau 135 năm Đức Mẹ đã hiển linh tại đây, để đón nghe những bài chía sẻ chuyên sâu, uyên bác về Đức Mẹ Trà Kiệu, với chuyên đề “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.

-Chúng con cũng rất hân hoan, là được BTC Hội thảo cho phép chúng con, với tư cách là người con của Trà Kiệu, được chia sẻ một vài cảm nghiệm về người Mẹ rất kính yêu của chúng con, Đức Mẹ Trà Kiệu, trước khi cuộc hội thảo chính thức đi vào phần nội dung chính.

Kính thưa quý Đúc Cha, quý cha và quý vị.

Trước hết

I. TỔ TIÊN CHÚNG CON NGÀY ẤY, QUA SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CHA QUẢN XỨ BRUYÈRE (Cố Nhơn), ĐÃ HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC VÀO SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ Đức Mẹ MARIA

Như chúng ta đã biết, xế trưa ngày 01 tháng 9 năm 1885 quân Văn Thân ồ ạt kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu.

Chiều ngày 02 và 03 tháng 9 năm 1885, giáo dân Trà Kiệu hầu như tuyệt vọng và buông xuôi, vì họ biết chắc rằng Trà Kiệu không thể nào chống cự lại lực lượng hùng hậu, đông đúc với vũ khí đầy đủ của quân lính Văn Thân. Nên họ xin Cha quản xứ ban các phép sau hết rồi chờ chết. Chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, Cố Nhơn đã chạy đến cùng Mẹ Maria, Người Mẹ đã nhiều lần cứu giúp Cha, để cầu xin Mẹ thương cứu giúp giáo dân, giáo xứ. Cha đã thiết lập một bàn thờ Mẹ ngay tại nhà xứ, để cho mọi người đến cầu khẩn cùng Mẹ. Họ chỉ còn biết cậy trông và phó thác vào Chúa và Mẹ. Trong khi những người trai trẻ đi giao chiến thì những người già trẻ em, ở nhà đọc kinh lần chuổi, để tha thiết cầu xin Chúa và Mẹ giúp đỡ.

Mỗi khi ra trận, họ đều đến trước bàn thờ Mẹ để cầu xin ơn trợ giúp và phó thác mọi sự cho Chúa và Mẹ; và khi cuộc giao chiến kết thúc họ đều quay về quì gối tạ ơn Mẹ, với vũ khí đôi khi còn dính đầy máu me.

Và rồi cứ mỗi lần bắt đầu xuất quân giao chiến với quân Văn Thân, giáo dân Trà Kiệu lại đồng thanh kêu cầu danh Ba Đấng đến cứu giúp họ :

“Hè hè. Giêsu Maria Giuse. Thương chúng con. Che chở chúng con.”

Ngay cả lúc tuyệt vọng, vì thấy không thể nào tự vệ được nữa, họ không chạy trốn, không chối bỏ đức tin, mà tập trung về nhà thờ để được chết bên Chúa, chết vì Chúa, hay nói khác đi là được phúc tử vì đạo.

Tất cả những điều đó, đã nói lên niềm tin mãnh liệt của tổ tiên chúng con trong cơn giáo nạn. Họ đã hoàn toàn cậy trông vào Chúa và Mẹ Maria.

Điều thứ hai là

II. SỰ HIỂN LINH CỦA Đức Mẹ TẠI TRÀ KIỆU LÀ MỘT GIA SẢN ĐỨC TIN CỦA CON CÁI MẸ TRÀ KIỆU.

Chính vì lòng tin mãnh liệt vào sự quan phòng của Thiên Chúa và Mẹ Maria của Giáo xứ Trà Kiệu, và sự cầu xin thiết tha trong cơn giáo nạn, mà Chúa đã chạnh lòng thương, đã cho Mẹ và các Thiên Thần đến cứu giúp ông bà tổ tiên chúng con khỏi bị tàn sát, hủy diệt.

Sự hiển linh của Mẹ không phải là truyền thuyết, hay chỉ là truyền khẩu, mà là chính sử, là tín sử, được ghi chép một cách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ, trung thực và trách nhiệm. Điều này không ai có thể chối cãi được. Và cũng nhờ đó mà chúng ta biết được đầy đủ về sự hiển linh của Mẹ.

1/ Trước hết là chúng ta biết rõ và chính xác về nơi chốn và thời gian Đức Mẹ đã hiện ra.

Chính Đức Mẹ đã hiện ra trên nóc ngôi nhà thờ này, nơi chúng ta đang hiện diện đây, vào các ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1885. Đây là địa điểm Mẹ đã hiện ra. Địa điểm thì không thay đổi nhưng nhà thờ thì đã thay đổi. Ngôi nhà thờ khi Đức Mẹ hiện ra là do Cố Lợi (Galibert) xây dựng năm 1870. (Rộng 17m, kể cả 2 bên hông, và dài 38m). Sau biến cố Văn Thân được 4 năm, thì Cố Nhơn trùng tu lại cho kiên cố và trang hoàng cung thánh rực rỡ hơn, đẹp đẻ hơn. Cố Nhơn cho xây thêm gian tiền đường phía trước (6m) và 2 cây tháp 2 bên. Đến năm 1971 Cha Phê rô Lê Như Hảo triệt hạ ngôi nhà thờ củ và xây dựng ngôi nhà thờ 2 tầng như hiện nay. Tuy nhiên 2 cây tháp 2 bên thời cố Nhơn vẫn còn giữ nguyên, như chúng ta thấy đó.

2/ Thứ hai là các chứng từ lịch sử đã cho chúng ta biết chắc rằng Đức Mẹ đã hiện ra tại Trà kiệu.

-Trước hết là lời chứng của quân Văn Thân

Quân Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn đã trông thấy Mẹ một cách tỏ tường, và từ đồi Kim Sơn họ đã kêu lên “MỘT BÀ ĐẸP, MẶC ĐỒ TRẮNG, ĐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ”.

-Thứ hai là chính Cố Nhơn (Cố Bruyère), Cha quản xứ Trà Kiệu

Cố Nhơn, là một nhân chứng trong cuộc, là cha quản xứ Trà Kiệu, là linh hồn của cuộc chiến tự vệ, tuy khiêm tốn nhưng Cha đã quả quyết về việc Đức Mẹ hiện ra. Với năng quyền và trách nhiệm đòi buộc, Cha đã trung thực viết thư trình báo cho Tòa Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn rằng:

“Đối với con, thú thật là con không được thấy phép lạ, nhưng điều làm con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi, là nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó chừng vài chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ” (11) Compte rendu, Octobre 1886. Thư Cố Nhơn (Bruyère) đệ trình về Tòa Giám mục Qui Nhơn.

-Thứ ba là CỐ GEFFROY.

Cố Geffroy đã đến Trà Kiệu ngay sau khi cuộc giao chiến kết thúc để điều nghiên một cách tường tận, tỉ mỉ và chính xác, Cố đã viết rằng:

“Có Phải Đức Trinh Nữ đã hiện ra hay không? Tôi không dám loan báo một sự hệ trọng như thế. Nhưng điều chắc chắn là quân Văn Thân, trong hai ngày này (10 & 11), họ không ngừng lặp đi lặp lại rằng: họ đã thấy một người đàn bà đứng trên nóc nhà thờ. Lúc thì họ kính trọng bà và gọi là MỘT BÀ ĐẸP, MẶC ĐỒ TRẮNG, lúc thì họ nguyền rủa, tức giận vì không sao bắn trúng bà.”

Và Cha xác quyết rất nhiều lần trong bản tường trình của Cha gởi cho Hội Thừa Sai Paris.:

“Phần con, con xác tín rằng: quân Văn Thân trong suốt hai ngày liền,(10 và 11) họ không ngừng lặp đi lặp lại rằng: Họ thấy một người đàn bà đứng trên nóc nhà thờ” (Une page de la persécution en Cochinchine)

Chúng ta biết rằng, Nhà thờ chỉ cách đồi Kim Sơn chừng 80 mét. Ngày đó cảnh quan thôn dã thật thanh bình, không khí trong lành không có tạp chất, không có tiếng ồn tiếng động như thời kỳ công nghiệp hiện đại ngày nay, nên âm thanh được truyền đi rất xa. Những lời kêu réo của Văn Thân trên đồi Kim Sơn thì giáo dân và Cha xứ đều nghe rất rõ; Ngược lại, giáo dân than khóc, kêu van thì họ cũng nghe rõ mồn một.

Còn tầm nhìn từ đồi Kim Sơn xuống nhà thờ thì quá gần, quang cảnh lúc đó còn thoáng đãng, không có gì che chắn, nên quân Văn Thân đã trông thấy Mẹ đứng trên nóc nhà thờ quá rõ ràng. Chính Cố Nhơn phải cạo râu và cải trang, thế mà Văn Thân trên đồi Kim Sơn vẫn nhìn thấy và phát hiện ra ngài.

-Thứ tư là một cựu võ quan xạ thủ đại bác thiện nghệ

Trong các khẩu đại pháo có một khẩu đường kính rất lớn, và đặt rất gần, khoảng 50,60 mét, đã bắn hàng trăm quả đại bác vào nhà thờ, nhưng chỉ bắn trúng nhà thờ có một quả, và trúng vào cái hoa thị nhỏ ở phía sau bàn thờ, còn tất cả đi quá cao. Nhưng đó không phải là vì nhắm không chính xác, xạ thủ là một cựu võ quan thiện nghệ, rất quen xử dụng đại bác. Ông ta đã thú nhận sau đó rằng :

“Muốn nhắm bắn một bà đẹp mặc đồ trắng đứng trên nóc nhà thờ, mà tất cả đều đi quá cao, trừ có một quả.”

Cha Geffroy còn viết tiếp :

“Tại đây không phải chỉ có một dấu lạ như thế, mà người ta cũng đã nghe đến nhiều dấu lạ tương tự. Tôi muốn nói đến “Đạo quân trẻ em”, một đạo quân mặc áo trắng hay đỏ, tiến đến như một đạo quân hùng dũng, chống lại với Văn Thân. Đã hơn một lần quân Văn Thân kêu lên rằng: Họ không chỉ đánh với người Công Giáo mà còn đánh với hàng ngàn trẻ em đến tiếp ứng khi giáo dân xuất trận. Các em này đến từ trời cao và xuống dọc theo lũy tre khi người Công Giáo xuất hiện”.

-Thứ năm là những chứng từ của lương dân.

Khi cuộc giao tranh lùi sâu vào dĩ vãng, cuộc sống giao lưu giữa giáo xứ và lương dân chung quanh đã trở lại những ngày thân thiết ban đầu, vì cùng là anh em ruột thịt, cùng chung 13 vị Thủy Tổ thời đi khai hoang lập ấp, thì lúc đó các vị cao niên ở các làng chung quanh, mới kể lại rằng:

- Theo các cụ thân sinh thì:

“Lẽ ra quân ta đã tràn vào tận diệt hết làng Trà Kiệu một cách dễ dàng, đạp lên cũng chết hết. Nhưng hình như Cố đạo dùng pháp thuật “Rấm đậu thành binh” khiến xuất hiện vô số âm binh đánh lại quân ta”. Các cụ thân sinh còn cho biết: “các âm binh đó đều là con nít, cầm thanh bạc bay phất phới đánh vào đầu nghĩa quân, khiến bị thương không ít, rồi hàng ngũ hỗn loạn, sợ hãi, xô đẩy, đạp lên nhau chạy thoát”.

m binh đó là ai? Chắc chúng ta đã biết; Đó chính là các đạo binh Thiên Thần mà Chúa và Mẹ cho xuất hiện để cứu nguy giáo xứ, chứ cha cố nào có thuật rấm đậu thành binh như các thầy phù thủy.

- Người khác lại kể rằng: bậc tiền bối của mình, là người trực tiếp tham chiến trong đoàn quân Văn Thân vì bị ép buộc, đã kể lại rằng : Không biết bên Công Giáo có câu thần chú gì mà nghe như “tre tre”. Mỗi khi họ lâm trận họ hô vang, làm người nghe lạnh xương sống, sợ hãi và chỉ muốn chạy thôi. Ngược lại thì người bên giáo khi hô như vậy, họ lại phấn kích, hùng dũng xông thẳng vào Văn Thân mà không sợ hãi chút nào, làm quân Văn Thân hoảng sợ bỏ chạy, mặc dù chỉ huy của họ gào thét, ngăn chận họ lại.

Đây chính là lời kêu cầu Ba Đấng hỗ trợ, mỗi khi giáo dân Trà Kiệu bắt đầu giao chiến : “Giêsu Maria Giuse, hè hè, xin thương chúng con, che chở chúng con”, mà họ không hiểu, chỉ nghe âm như “tre tre” thôi.

- Có người lại cho biết rằng : sau 2 ngày bắn đại pháo ồ ạt dữ dội xuống nhà thờ nhà xứ, nhưng không hư hại gì cả và có bóng dáng một người đứng trên nóc nhà thờ, thì hầu hết quân Văn Thân lần lượt đào ngũ, vì họ nghĩ là Trà Kiệu có tiên thánh phù trợ, không thể đánh được.

- Và Tú Quỳ cũng đã làm 1 bài vè đánh đạo, nói lên sự thất bại của Văn Thân.

-Thứ sáu là MỘT SỰ THẬT HIỂN NHIÊN

Ngoài các chứng từ lịch sử, chứng từ lương dân, chúng ta còn có một sự thật hiển nhiên, mà không ai chối cãi được. Không có một thiên tài quân sự nào có thể bảo rằng :Trà Kiệu tự sức mình đã chiến thắng được quân Văn Thân đông đảo, vũ khí đầy đủ, chỉ huy tài giỏi, với quyết tâm dốc toàn lực để tận diệt, dù phải kéo dài gần tháng trời. Có thể nói: thất bại của Văn Thân, hay nói ngược lại, chiến thắng của Trà Kiệu, đó là một phép lạ tỏ tường, không nói khác được..

Bây giờ chúng ta hãy so sánh tương quan lực lượng của 2 bên, để nhận ra một sự thật hiển nhiên: là nếu không có sự quan phòng chở che của Thiên Chúa qua sự hiển linh của Mẹ Maria, giáo hữu Trà Kiệu, làm sao thoát khỏi sự hủy diệt của Văn Thân.

VỀ QUÂN SỐ.

- Bên Văn Thân: có khoảng 8 đến 10 ngàn chiến binh, trong đó có nhiều quân lính chuyên nghiệp và do những cựu quan chức thiện nghệ chỉ huy như Đô đốc Chưởng Thủy Tý. Tướng Ông Ích Thiện (Con tướng Ông Ích Khiêm), Soái Quách Đồng (Đại Lộc) và nhiều tướng khác.

- Bên Giáo xứ Trà Kiệu lúc đó chỉ có 370 nam nhơn có thể cầm vũ khí để tham chiến (tuổi từ 16 đến 60) và được chia ra làm 7 đội. Bên cạnh đó Trà Kiệu có độ 500 đến 600 phụ nữ, được xếp vào đội dự bị (đội 8). Tất cả là nông dân, không ai biết chiến đấu, chỉ trừ ông Đội Phổ, đã có một thời gian phục vụ binh nghiệp tại triều đình nhà Nguyễn với cấp bậc Đội trưởng, nên người ta quen gọi ông là Đội Phổ.

VỀ KHÍ TÀI:

- Văn Thân có Thần công, đại bác, Voi trận, Súng hỏa mai. Lại thêm giáo mác, thuốc nổ.

- Trà Kiệu chỉ có: 4 khẩu súng nạp hậu và mỗi cây chỉ có 10 viên đạn, với 5 khẩu súng bắn đá do Cố Thiên nhường lại, và một khẩu súng hỏa mai. Thêm vào đó giáo dân đã tự rèn một số giáo mác để tự vệ.

VỀ CHIẾN TRẬN :

- Bên Văn Thân mở 18 cuộc tấn công với nhiều thế trận, chiến thuật khác nhau, như Hỏa công, Đại pháo, Lăn khiên, Voi chiến, Chà chươm, tấn công kết hợp hỏa lực (đại pháo)… do nhiều tướng tài chỉ huy, nhưng đều thất bại.

- Còn Trà Kiệu liều mạng mở 2 cuộc tấn công để tìm sự sống và đều chiến thắng.

VỀ TỔN THẤT.

- Sau 21 ngày đêm giao chiến, tổn thất của quân Văn Thân thì không thể nào biết chính xác được, nhưng có thể nói mà không sợ lầm là số tử thương phải trên 300 người, trong đó có Đô Đốc Chưởng Thủy Tý, hai tướng soái trong đó có soái Quách Đồng, thuộc Quách tộc Đại Lộc. Văn Thân mất 14 khẩu đại bác lớn nhỏ, vài chục súng hỏa mai, súng hiệp và một kho đạn dược, một kho gạo

- Trà Kiệu thiệt mất 15 người trực tiếp tham chiến, và 25 người do tạc đạn bên ngoài cuộc giao chiến.

Và một điều mà chúng con thường hay tự hỏi :

Đức Mẹ HIỆN RA TẠI TRÀ KIỆU ĐỂ LÀM GÌ?

Cứ mỗi lần Mẹ hiện ra, Mẹ đều mang đến cho con cái nhân loại một Sứ Điệp nào đó. Như ở Fatima, Mẹ đã trao cho nhân loại 3 mệnh lệnh Fatima. Còn ở Trà Kiệu, Mẹ hiện ra để làm gì?

Trước hết tổ tiên chúng con ngày ấy đã xác tín rằng : Mẹ hiện ra là

-ĐỂ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU.

Trong 2 ngày đầu, ngày 2 và 3 tháng 9 năm 1885 giáo dân Trà Kiệu hoàn toàn tuyệt vọng và buông xuôi. Họ quá khiếp hải và cầu xin cha quản xứ trao ban những bí tích cuối cùng, để họ tập trung lại trong nhà thờ chờ Văn Thân đến tàn sát. Họ chỉ muốn chết tại nhà thờ, chết có Chúa, chết vì Chúa chứ không muốn chết ở nơi nào khác. Dù hãi hùng tuyệt vọng nhưng họ vẫn tin tưởng và phó thác cho Chúa và Mẹ Maria, không chối bỏ đức tin, không chạy trốn, nên đã chạm đến lòng thương xót của Chúa, và Chúa đã cho Mẹ đến để PHÙ HỘ cho họ. cứu giúp họ khỏi bị tàn sát dã man,

Vì thế, sau biến cố, giáo dânTrà Kiệu mới xây cất Đền Mẹ Bửu Châu để dâng kính cách riêng cho Mẹ với tước hiệu “Beatrix Maria auxilium christianorum”(Đức Bà phù hộ các giáo hữu), để cám tạ tri ân, để nhắc nhở con cháu muôn đời không quên ơn Mẹ. Và đúng như vậy, biết bao phen Mẹ đã cứu giúp con cái Trà Kiệu của Mẹ. Từ Văn Thân 1885 rồi trải qua biết bao biến cố vật đổi sao dời, như năm tản cư 1947, năm Mậu Thân 1968, năm Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu 1971, năm Giải phóng 1975…biết bao nguy khó đỗ xuống trên con cái Trà Kiệu của Mẹ, tưởng chừng không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, nhưng Mẹ vẫn chở che, vẫn gìn giữ tai qua nạn khỏi, Mẹ luôn phù hộ các giáo hữu, cho giáo xứ Trà Kiệu được trường tồn.

Thứ đến là chúng con nghĩ Mẹ hiện ra

-ĐỂ CẢM THƯƠNG ANH CHỊ EM LƯƠNG DÂN.

Một số nơi khi Mẹ hiện ra, Mẹ cho con cái Mẹ được nhìn thấy, và được nghe lời Mẹ trao truyền. Nhưng ở Trà Kiệu thì khi hiện ra, Mẹ chỉ cho anh em lương dân được nhìn thấy, Mẹ quay về phía lương dân, mặc dù Mẹ cũng không nói gì với họ. Dù họ bắn đại pháo ồ ạt, tấn Công Giáo dân dữ dội, nhưng Mẹ không quở trách, không tức giận, nét mặt vẫn hiền từ, độ lượng, nhân ái, như có ý muốn nói với anh em lương dân rằng: đừng giết hại những người anh em vô tội. Tất cả là anh em, là con một Cha trên trời. Chính anh em lương dân đã được thấy Mẹ đứng trên nóc nhà thờ, và họ gọi với sự kính trọng : “Một Bà Đẹp, Mặc Đồ Trắng”.

Và Mẹ đến còn

-ĐỂ BÊNH VỰC CHO SỰ THẬT VÀ CÔNG LÝ.

Sự hiển linh của Mẹ tại Trà Kiệu còn muốn minh định với chúng ta, với mọi người rằng: Nếu chúng ta tin tưởng phó thác và kêu cầu thì Mẹ sẽ giúp cho chúng ta chiến thắng sự dữ, chiến thắng dối trá, cho dù chúng ta yếu đuối, thiếu thốn mọi bề. Cuối cùng thì Sự thật và Công lý sẽ được thực thi, sẽ được sáng tỏ. để xóa tan bất công…

Kính thưa quý Đức Cha, quý Cha và quý vị.

Vì nhận biết hồng ân Chúa qua tay Mẹ rất đổi lớn lao, nên cha ông chúng con ngày trước, khi biến cố qua đi, đã thực hiện nhiều công trình để muôn đời ghi nhớ ơn Chúa và Mẹ.

-Trước hết là

-TRÙNG TU NGÔI THÁNH ĐƯỜNG NƠI MẸ ĐÃ HIỆN RA CHO THẬT XỨNG ĐÁNG.

Để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự phù trì đặc biệt của Thiên Chúa qua bàn tay nhân lành của Mẹ Maria, cũng như để cho con cháu muôn đời về sau nhớ mãi Hồng n cao cả này, Cố Nhơn và giáo dân Trà Kiệu đã chuẩn bị trong 4 năm để trùng tu lại ngôi Thánh Đường, nơi mà Mẹ đã hiện ra, một cách trang trọng bề thế hơn, xứng hợp với hồng ân cao cả là Mẹ đã đến viếng thăm. Công trình bắt đầu thi công từ năm 1889 cho đến năm 1892 mới hoàn thành

Ngôi nhà thờ được trùng tu, trang trí Cung Thánh và xây thêm tiền đường với 2 tháp chuông 2 bên. Nhà thờ được dâng kính cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ Maria.

-Thứ hai

-XÂY THÁNH ĐƯỜNG ĐƯỜNG KÍNH CÁCH RIÊNG CHO Đức Mẹ

Sau khi trùng tu ngôi thánh đường nơi Mẹ đã hiện ra cho bề thế tráng lệ hơn, Cố Nhơn và Giáo xứ Trà Kiệu lại ước mong xây dựng một ngôi nhà thờ khác để dâng kính cách riêng cho Đức Mẹ với tước hiệu: “Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Nhưng vì quá nghèo nên mãi đến năm 1898 (tức 13 năm sau), thì ước vọng đó mới thành hiện thực. Ngôi nhà thờ dâng kính Đức Mẹ, được làm bằng gỗ, bé nhỏ và đơn sơ, và xây dựng ngay trên đồi Bửu Châu, mà trước đây chúng con gọi là nhà thờ núi,

Thứ ba là

- TRAO TRUYỀN NIỀM TIN VÀ LÒNG BIẾT ƠN CHO CON CHÁU QUA TRUYỀN KHẨU.

Tổ tiên chúng con ngày trước không có đầy đủ tri thức và phương tiện như ngày nay, nên các vị đã dùng phương thế cổ truyền là “truyền khẩu” để trao truyền lại cho con cháu chúng con, cái gia sản đức tin và hồng phúc, mà Chúa và Mẹ đã ban cho Trà Kiệu ngày ấy, bằng phương cách, “Kể chuyện”. Những lúc đông người, những khi có điều kiện là cha ông chúng con “kể chuyện xưa”, “kể chuyện Đức Mẹ hiện ra” “Kể chuyện đánh với Văn Thân”…và cứ thế, cha truyền cho con, con truyền cho cháu… để muôn đời không quên hồng phúc lớn lao này. Vì thời gian có hạn, chúng con không thể trình bày đầy đủ về biến cố 1885, xin quí vị có thể tìm đọc thêm trong tập sách Linh địa Trà Kiệu và tập Đi tìm Đức Mẹ Trà Kiệu.

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, và trong giờ phút đặc biệt này, chúng con xin dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria, các Thiên Thần lời cám tạ tri ân. Chúng con cũng không quên đâng lên các bậc tổ tiên Trà Kiệu những tâm tình biết ơn. Chúng con nguyện sống theo tinh thần cậy trông và tín thác vào Chúa và Mẹ của các ngài. Chúng con cũng xin cám ơn BTC đã góp công góp sức “Cao rao danh Mẹ Trà Kiệu” qua cuộc Hội thảo đặc biệt này.

Cuối cùng, chúng con xin cám ơn quý Đức Cha, quý Cha và tất cả quý vị đã lắng nghe những tâm tình chia sẻ của chúng con.

Chúng con trân trọng kính chào.

Giuse Maria Duy Trà Phạm Cảnh Đáng,

Người con của Trà Kiệu
 
VietCatholic TV
Lên ngôi chưa đầy 48 giờ, Biden đã xung đột gay gắt với Hội Đồng Giám Mục Mỹ
Giáo Hội Năm Châu
07:15 24/01/2021


1. Toàn văn lời phản bác của Hội Đồng Giám Mục Mỹ bác bỏ tuyên bố của ông Joe Biden và bà Kamala Harris

Năm ngoái để kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, Tổng thống Trump đã tham gia vào cuộc tuần hành phò sinh. Ông là tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên đích thân phát biểu trong cuộc tuần hành này.

Ông Joe Biden tự xưng mình là người Công Giáo. Nhưng trớ trêu thay vào ngày kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, 22 tháng Giêng, ông và bà Kamala Harris đã ca ngợi phán quyết này, gọi đó là một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ, đồng thời sẽ luật hóa phán quyết này để mọi tiểu bang đều phải cho phép phụ nữ được tự do phá thai.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra tuyên bố sau.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Trong một tuyên bố hôm nay, Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris đã đánh dấu ngày kỷ niệm phán quyết Roe kiện Wade, là điều đã lật ngược tất cả các hạn chế về phá thai trên toàn quốc, bằng cách gọi quyết định này là một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ. Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đáp lại như sau:

“Thật là đáng lo ngại và bi thảm trước bất kỳ Tổng thống nào ca ngợi và cam kết luật hóa một phán quyết của Tòa án Tối cao phủ nhận quyền dân sự và là nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi chưa chào đời, đó là quyền được sống, dưới sự ngụy trang của một dịch vụ y tế. Tôi muốn nhân cơ hội này để nhắc nhở tất cả những người Công Giáo rằng Sách Giáo lý tuyên bố rằng: ‘Ngay từ thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đã khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý. Giáo huấn đó không thay đổi. Giáo huấn đó vẫn luôn luôn không thể thay đổi’. Các quan chức nhà nước không chỉ chịu trách nhiệm về niềm tin của chính cá nhân họ mà còn về những ảnh hưởng của các hành động công cộng của họ. Việc nâng phán quyết phá thai Roe lên vị thế của một quyền được bảo vệ và việc loại bỏ các hạn chế của nhà nước về phá thai đã mở đường cho cái chết kinh hoàng của hơn 62 triệu trẻ em vô tội và vô số phụ nữ phải trải qua nỗi đau mất mát, bị bỏ rơi và bạo lực”.

“Chúng tôi đặc biệt thúc giục tổng thống bác bỏ việc phá thai và cổ vũ việc trợ giúp phò sinh cho các phụ nữ và các cộng đồng đang cần được giúp đỡ.”

+ Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann

Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh



Source:USCCB

2. Phản ứng của hàng giáo phẩm Công Giáo Hoa Kỳ trước tuyên bố ngày 22 tháng Giêng của ông Joe Biden và bà Kamala Harris

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 22 tháng Giêng, 2021, lời tuyên bố của Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc phá thai hợp pháp vào ngày kỷ niệm Roe kiện Wade đã thu hút phản ứng nhanh chóng từ Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Vị chủ tịch phò sinh của Hội Đồng Giám Mục cho biết không có tổng thống nào của Hoa Kỳ lại nên a dua với việc bác bỏ quyền sống của những đứa trẻ chưa sinh.

Hôm 22 tháng Giêng, vị đứng đầu Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về các hoạt động phò sinh, Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann của giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas cho biết, “Chúng tôi đặc biệt thúc giục tổng thống bác bỏ việc phá thai và cổ vũ việc trợ giúp phò sinh cho các phụ nữ và các cộng đồng đang cần được giúp đỡ”.

Ngài nói: “Thật là đáng lo ngại và bi thảm trước bất kỳ Tổng thống nào ca ngợi và cam kết luật hóa một phán quyết của Tòa án Tối cao phủ nhận quyền dân sự và là nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi chưa chào đời, đó là quyền được sống, dưới sự ngụy trang của một dịch vụ y tế”.

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã phản hồi tuyên bố của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vào ngày kỷ niệm Roe kiện Wade, tức phán quyết năm 1973 của Tòa án tối cao quy định luật cho phép phá thai trên toàn quốc.

Tổng thống và phó tổng thống nhấn mạnh cam kết của họ về phá thai hợp pháp, nói rằng “Chính phủ Biden-Harris cam kết luật lệ hóa án lệnh Roe kiện Wade và bổ nhiệm các thẩm phán nhằm tôn trọng các tiền lệ căn bản giống như Roe”.

Mặc dù Roe kiện Wade là một phán quyết quan yếu về quyền phá thai, nhưng tuyên bố của ông Joe Biden và bà Kamala Harris không đích danh nói đến việc phá thai, thích dùng các từ ngữ hoa mỹ như “sức khỏe sinh sản” và “chăm sóc sức khỏe”.

Họ nói: “Trong bốn năm qua, sức khỏe sinh sản, bao gồm cả quyền được lựa chọn, đã bị tấn công không ngừng và nghiêm trọng. Khi chính phủ Biden-Harris bắt đầu vào thời điểm quan yếu này, nay là lúc chúng ta phải nỗ lực hết mình để bảo đảm rằng mọi cá nhân đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ cần”.

Hội đồng giám mục Hoa Kỳ cho biết lời tuyên bố đó đã định chất sai quyết định của Roe kiện Wade như là “một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ”. Trong khi tuyên bố của Biden-Harris không đề cập đến tôn giáo, các giám mục cho biết người Công Giáo không thể ủng hộ việc phá thai.

Biden đã nhiều lần nhấn mạnh đến đạo Công Giáo của mình, tham dự Thánh lễ vào buổi sáng ngày nhậm chức và trích dẫn Thánh Augustinô thành Hippo trong bài diễn văn nhậm chức. Ông đã đặt một bức ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Phòng Bầu dục.

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức của Biden, Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã trích dẫn Đạo Công Giáo của Biden khi được hỏi về vấn đề phá thai.

Tại một cuộc họp báo ngày 20 tháng 1, Owen Jensen của EWTN News hỏi Psaki rằng Biden dự định làm gì liên quan đến Tu chính án Hyde và Chính sách Mexico City, những điều bị Biden phản đối vì chúng hạn chế tài trợ cho việc phá thai.

Psaki trả lời, “Chà, tôi nghĩ chúng ta sẽ có nhiều điều để nói về Chính sách Mexico City trong những ngày tới”.

Cô nói với các phóng viên, “Nhưng tôi chỉ nhân cơ hội này nhắc nhở tất cả các bạn rằng ông ấy (Biden) là một người Công Giáo sùng đạo và là người thường xuyên đi lễ nhà thờ. Ông ấy bắt đầu một ngày của mình với việc đi nhà thờ của mình vào sáng nay”.

Tuy nhiên, trong tuyên bố của hội đồng giám mục, Đức Tổng Giám Mục Naumann nhấn mạnh giáo huấn của Giáo hội về phá thai.

Ngài nói, “Tôi nhân cơ hội này nhắc nhở tất cả những người Công Giáo rằng Sách Giáo lý quả quyết,‘Từ thế kỷ thứ nhất, Giáo hội đã khẳng định sự xấu xa luân lý của mọi vụ phá thai. Giáo huấn này không hề thay đổi và tiếp tục không thể thay đổi được’”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các chính trị gia trong việc bác bỏ quyền phá thai.

Đức Tổng Giám Mục Naumann nói, “Các viên chức công cộng không những chịu trách nhiệm đối với niềm tin bản thân của họ, mà còn cả các hậu quả của các hành động công cộng của họ. Việc Roe nâng việc phá thai lên vị thế một quyền được bảo vệ và việc nó loại bỏ các hạn chế của tiểu bang đã mở đường cho cái chết bạo lực của hơn 62 triệu trẻ em vô tội chưa sinh và vô số phụ nữ phải trải qua nỗi đau mất mát, bị bỏ rơi và bạo lực”.

Chủ tịch Đại học Phanxicô Steubenville, là Cha Dave Pivonka, cũng phản ứng với lời tuyên bố Biden-Harris, khi nói rằng “tuyên bố hung hãn phò phá thai… của họ đang gây đau buồn cho người Công Giáo trên toàn thế giới. Các chính sách mà họ đã hứa đưa ra có hại cho phẩm giá của con người và trái với giáo lý của Giáo hội”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường bác bỏ việc phá thai như một phần của nền “văn hóa vứt bỏ”, nhưng một số người ủng hộ quyền phá thai và các chính trị gia Hoa Kỳ, và những người ủng hộ họ, đã cố gắng cho rằng Đức Giáo Hoàng có một cách tiếp cận không đối đầu, khác với hầu hết các giám mục Hoa Kỳ.

Vào ngày lễ nhậm chức của Biden, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, với vai trò là chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, cho biết ngài cầu nguyện cho Biden. Ngài lưu ý các lĩnh vực thỏa thuận và bất đồng giữa các giám mục và Biden.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói trong một bản tuyên bố: “Các giám mục Công Giáo không phải là người tham gia đảng phái trong nền chính trị của quốc gia chúng ta. Chúng tôi là các mục tử chịu trách nhiệm đối với linh hồn của hàng triệu người Mỹ và chúng tôi là những người vận động cho nhu cầu của mọi người hàng xóm của chúng tôi”.

Ngài nói: “Đối với các giám mục của quốc gia, sự bất công liên tục của việc phá thai vẫn là‘ưu tiên trổi vượt'’’, và ngài nói thêm rằng “trổi vượt này không có nghĩa là ‘chỉ’, và có rất nhiều thách thức và mối đe dọa đối với phẩm giá con người mà đất nước phải đối diện ngày nay”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez cho hay: Các giám mục Hoa Kỳ sẽ tham gia với Biden nhằm khởi đầu “một cuộc đối thoại để giải quyết các nhân tố văn hóa và kinh tế phức tạp đang thúc đẩy việc phá thai và làm nản lòng các gia đình”.
 
Sau tuyên bố Biden-Harris, côn đồ phò phá thai náo loạn VCTĐ Columbus lúc hai Giám Mục đang dâng lễ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:14 24/01/2021


1. Những người biểu tình phò phá thai đã làm gián đoạn Thánh lễ phò sinh do Đức Cha Robert Brennan cử hành

Thứ Sáu 22 tháng Giêng đã đánh dấu xung đột đầu tiên chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi ông Joe Biden nhậm chức.

Lúc 8g sáng, theo giờ Washington D.C., ông Joe Biden tự xưng mình là người Công Giáo, nhưng trớ trêu thay vào ngày kỷ niệm 48 năm phán quyết Roe kiện Wade, 22 tháng Giêng, ông và bà Kamala Harris đã ca ngợi phán quyết này, gọi đó là một sự tiến bộ về quyền và sức khỏe của phụ nữ, đồng thời thề sẽ luật hóa phán quyết này để mọi tiểu bang đều phải cho phép phụ nữ được tự do phá thai.

Lúc 9g30, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ phản ứng lại. Đức Tổng Giám Mục Joseph F. Naumann của giáo phận Kansas City ở tiểu bang Kansas, đồng thời là Chủ tịch Ủy Ban Các Hoạt Động Phò Sinh của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đưa ra một tiến bước nói: “Thật là đáng lo ngại và bi thảm trước bất kỳ Tổng thống nào ca ngợi và cam kết luật hóa một phán quyết của Tòa án Tối cao phủ nhận quyền dân sự và là nhân quyền cơ bản nhất của các thai nhi chưa chào đời, đó là quyền được sống, dưới sự ngụy trang của một dịch vụ y tế.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đặc biệt thúc giục tổng thống bác bỏ việc phá thai và cổ vũ việc trợ giúp phò sinh cho các phụ nữ và các cộng đồng đang cần được giúp đỡ.”

Một tiếng đồng hồ sau đó, nhiều người biểu tình ủng hộ việc phá thai đã làm gián đoạn Thánh lễ Tôn trọng Sự sống tại Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse ở trung tâm thành phố Columbus trong khi Đức Cha Robert Brennan đang chủ trì một sự kiện đánh dấu 48 năm phán quyết Roe chống Wade. Đó là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Ít nhất hai người biểu tình mặc áo ghi lê có dòng chữ “hộ tống phòng khám”, ở mặt sau. Các phong trào phò sinh thường tổ chức các buổi đọc kinh Mân Côi tại các trung tâm phá thai ở Mỹ. Đáp lại những nơi này thường mướn những tên to con, mặt mày bặm trợn mặc áo có dòng chữ “hộ tống phòng khám” để hộ tống các phụ nữ muốn phá thai vào bên trong.

Cảnh sát và các nhân viên trong nhà thờ hộ tống những người biểu tình ra bên ngoài. Theo tờ The Columbus Dispatch, một số người biểu tình đã có những cử chỉ và lời nói tục tĩu với các nhân viên an ninh

Trong thánh lễ không chỉ có Đức Cha Robert Brennan là Giám Mục giáo phận Columbus, mà còn có Đức Cha Edward Malesic, Giám Mục Giáo phận Cleveland đã có mặt với tư cách là Giám Mục đồng tế trong thánh lễ.

Đức Cha Brennan cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, biết như sau:

“Hôm nay trong lúc chúng tôi cử hành thánh lễ Tôn Trọng Cuộc sống tại Nhà thờ Thánh Giuse, một nhóm người biểu tình đã xâm nhập vào không gian thánh thiêng này trong một nỗ lực để phá vỡ việc thờ phượng của chúng tôi. Tôi vô cùng cảm ơn Sở Cảnh sát Columbus, được hỗ trợ bởi các nhân viên giáo phận, vì đã phản ứng nhanh chóng mà không gây thương tích cho bất kỳ ai có mặt”.

“Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm ơn to lớn đến tất cả những người tham dự Thánh lễ, những người mà phản ứng tôn trọng và cầu nguyện phản ánh niềm vui, hy vọng và lòng thương xót đã đánh dấu chứng tá phò sinh của chúng tôi”, ngài nói thêm. “Tôi cũng gửi lời xin lỗi đến những gia đình có mặt mà con cái họ bị ảnh hưởng bởi sự việc này”.

“Vào ngày này, để tưởng nhớ đến quyết định của Tòa án tối cao Roe chống Wade, tôi yêu cầu tất cả tiếp tục cầu nguyện cho những thai nhi đã chết, cho tất cả những người đã trải qua nỗi đau khi phá thai, và cho những người không thể hiểu được sự thánh thiêng và lời mời gọi kiên định đấu tranh cho chính nghĩa này”, các giám mục nói.

Sau thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Columbus, Đức Cha Brennan đã phát biểu tại sự kiện Tưởng nhớ Roe bên ngoài Quốc Hội tiểu bang Ohio.


Source:Catholic News Agency

2. Chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố ở Baghdad

Theo dự trù, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Iraq từ 5 đến 8 tháng Ba, chấm dứt 15 tháng gián đoạn các chuyến tông du bên ngoài Italia của ngài. Tuy nhiên, hy vọng cho chuyến tông du Iraq của Đức Thánh Cha trở nên bấp bênh hơn bao giờ sau vụ tấn công khủng bố kép ở Baghdad vào sáng thứ Năm 21 tháng Giêng làm rung chuyển thủ đô Baghdad.

Các quan chức Iraq cho biết, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 110 người bị thương trong một vụ đánh bom tự sát kép xé nát một khu vực sầm uất ở trung tâm Baghdad vào sáng thứ Năm.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Yahya Rasool cho biết một trong hai thủ phạm đã dụ đám đông đến gần mình trong một khu chợ ở trung tâm Quảng trường Tayaran bằng cách giả bệnh té xuống đất và kêu la cầu cứu. Khi đám đông những người tốt bụng đến gần, y kích hoạt chất nổ quấn quanh người.

Rasool cho biết, kẻ đánh bom thứ hai đã tấn công khi mọi người xúm lại giúp đỡ các nạn nhân của cuộc tấn công đầu tiên.

Đây là vụ nổ bom tự sát đầu tiên ở Baghdad kể từ tháng Giêng năm 2018, khi 35 người thiệt mạng và 90 người bị thương tại cùng một quảng trường vừa bị tấn công.

Các video từ cuộc tấn công hôm thứ Năm cho thấy cảnh hỗn loạn, với những người chạy tìm chỗ ẩn nấp và các thi thể nằm rải rác trên vỉa hè và đường.

Bộ Y tế cho biết các bệnh viện của thủ đô đã được huy động để điều trị những người bị thương. Trong khi các quan chức cho rằng số người chết có thể sẽ tăng lên vì nhiều người bị thương trong vụ tấn công đang trong tình trạng nguy kịch.

Không ai ngay lập tức nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng Sajad Jiyad, một nhà phân tích Iraq và là thành viên của tổ chức tư vấn The Century Foundation cho biết: “Kiểu tấn công này mang dấu ấn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, là những kẻ đã nhắm vào các khu vực dân cư đông đúc ở Baghdad bằng các cuộc tấn công liều chết như thế nhiều lần trong quá khứ.”

Jiyad nói: “Điều này cho thấy một sự thất bại về an ninh của chính phủ, những người đã được cảnh báo rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS vẫn đang hoạt động và trong những ngày gần đây, nó đã nhắm vào cơ sở hạ tầng và các khu vực nông thôn với các cuộc tấn công tương tự”.

Ông nói: “Đối với người Iraq, đây là một diễn biến đáng lo ngại, làm mất niềm tin vào lực lượng an ninh và làm tăng thêm mức độ căng thẳng với các vấn đề địa chính trị, kinh tế và đại dịch.

Iraq tuyên bố ISIL bị đánh bại vào cuối năm 2017 sau một chiến dịch kéo dài 3 năm khốc liệt. Nhưng các cuộc tấn công của ISIL trên khắp đất nước đã gia tăng trở lại trong năm qua, đặc biệt là ở miền bắc Iraq nơi các thành phần nằm vùng vẫn đang hoạt động.


Source:Reuters

3. Điện chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô với tổng thống Iraq về vụ đánh bom Baghdad

Trước các tin tức bi đát về cuộc tấn công khủng bố sáng 21 tháng Giêng khiến ít nhất 32 người thiệt mạng và 110 người bị thương, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới Tổng thống Cộng hòa Iraq, Ngài Barham Salih, bức điện sau:

Thưa Ngài Barham Salih

Tổng thống Cộng hòa Iraq

Baghdad

Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau buồn khi biết về vụ đánh bom tại Quảng trường Tayaran ở Baghdad sáng nay. Ngài lên án hành động tàn bạo vô nghĩa này, và cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời và gia đình của họ, những người bị thương và những nhân viên cấp cứu có mặt. Tin tưởng rằng tất cả sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua bạo lực với tình huynh đệ, đoàn kết và hòa bình, Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Đấng Tối Cao chúc lành cho quốc gia và dân tộc của ngài.

+Đức Hồng Y Pietro Parolin

Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh



Source:Holy See Press Office

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 tháng Giêng, 2021

Chúa Nhật 24 tháng Giêng, Giáo Hội cử hành Chúa Nhật thứ Ba mùa Quanh Năm với chủ đề “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Tin Mừng theo Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta biết hoàn cảnh Chúa kêu gọi các tông đồ đầu tiên như sau:

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh truyền tin từ thư viện của dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật này (x. Mc 1,14-20) cho chúng ta thấy, sự “trao gậy chỉ huy” từ Gioan Tẩy Giả sang Chúa Giêsu, có thể nói như thế. Gioan là tiền hô của Ngài; thánh nhân đã chuẩn bị địa hình cho Ngài và dọn đường cho Ngài: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ mệnh của mình và loan báo ơn cứu độ hiện diện ngay bây giờ; Ngài là ơn cứu rỗi. Lời rao giảng của Ngài được tóm tắt trong những lời này: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (câu 15). Thật đơn giản. Chúa Giêsu đã thẳng thắn không quanh co. Thông điệp của Ngài mời gọi chúng ta suy ngẫm về hai chủ đề thiết yếu: đó là thời gian và sự hoán cải.

Trong bản văn này của Thánh sử Máccô, thời gian được hiểu là thời gian của lịch sử cứu độ do Thiên Chúa thực hiện; do đó, thời giờ “đã mãn” là thời điểm mà hành động cứu độ này đạt đến đỉnh cao, được hiện thực hóa đầy đủ: đó là thời điểm lịch sử mà Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian và Vương quốc của Ngài trở nên “gần gũi” hơn bao giờ hết. Thời gian cứu rỗi đã mãn vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, sự cứu rỗi không phải là tự động; ơn cứu rỗi là một món quà của tình yêu và được ban cho tự do của con người. Luôn luôn, khi chúng ta nói đến tình yêu, chúng ta nói đến tự do: một tình yêu không có tự do thì không phải là tình yêu; nó có thể là quan tâm, nó có thể là sợ hãi, nhiều thứ, nhưng tình yêu luôn luôn tự do, và vì là tự do, tình yêu đòi hỏi một phản ứng được đáp trả một cách tự do: ơn cứu rỗi kêu gọi chúng ta hoán cải. Vì vậy, ơn cứu rỗi có nghĩa là thay đổi não trạng - là hoán cải, thay đổi tâm lý - và thay đổi cuộc sống: không còn theo gương của thế gian nhưng theo gương của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu; theo Chúa Giêsu, làm như Chúa Giêsu đã làm, và đã dạy bảo chúng ta. Đó là một sự thay đổi quyết liệt quan điểm và thái độ. Trên thực tế, tội lỗi – đặc biệt là tinh thần thế gian, giống như không khí, nó thấm vào mọi thứ - đã tạo ra một não trạng có xu hướng khẳng định bản thân chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Điều này thật đáng kinh ngạc. Căn tính của bạn là gì? Và chúng ta thường nghe rằng căn tính của một người được thể hiện dưới dạng “đối lập”. Thật khó để diễn tả bản sắc của một người theo tinh thần thế gian bằng những hạn từ tích cực và phù hợp với ơn cứu rỗi: vì đó là sự chống lại chính mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Và vì mục đích này, não trạng tội lỗi, não trạng thế gian không ngần ngại sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Đúng thế, lừa dối và bạo lực. Chúng ta thấy những gì xảy ra với sự gian dối và bạo lực: đó là lòng tham, ham muốn quyền lực chứ không muốn phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người. Đây là tâm lý gian dối mà chắc chắn có nguồn gốc từ cha đẻ của sự dối trá, kẻ gian ngoan quỷ quyệt nhất, là ma quỷ. Nó là cha đẻ của sự dối trá, như Chúa Giêsu đã định nghĩa về ma quỷ.

Tất cả điều này bị bác bỏ bởi sứ điệp của Chúa Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta nhìn nhận mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ cân bằng đối với của cải trên đất; chào đón và khiêm tốn đối với người khác; cũng như nhận biết và hoàn thiện bản thân trong cuộc gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi người trong chúng ta, thời gian mà chúng ta có thể nhận được ơn cứu chuộc là ngắn ngủi: đó là thời gian tồn tại của chúng ta trên thế giới này. Nó rất là ngắn. Với nhiều người, có vẻ như thời gian ấy còn kéo dài lâu lắm. Tôi nhớ rằng tôi đã đi ban các Bí tích, Xức Dầu Bệnh Nhân cho một cụ già rất tốt, rất tốt, và trong giây phút đó, trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân, cụ ấy đã nói với tôi cụm từ này: “Cuộc sống của tôi đã vụt qua”. Đây là cách chúng tôi, những người cao niên, cảm nhận rằng cuộc sống đã qua đi. Nó qua đi như bóng câu qua cửa sổ. Và cuộc sống là món quà tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, nhưng cũng là lúc chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vì lý do này, mỗi giây phút, mỗi giây phút hiện hữu của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, và nhờ đó tiến vào cuộc sống vĩnh cửu.

Lịch sử cuộc đời của chúng ta có hai nhịp điệu: một, có thể đo lường được, bằng giờ, ngày, năm; cái còn lại, bao gồm các giai đoạn phát triển của chúng ta: sinh ra, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, già, chết. Mỗi giai đoạn, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng của nó, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt để gặp gỡ Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của những giai đoạn này: mỗi giai đoạn đều chứa đựng một lời kêu gọi cụ thể của Chúa, mà chúng ta có thể đưa ra một phản ứng tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã trả lời như thế nào: họ là những người trưởng thành; Họ có công việc đánh cá, họ có cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “họ liền bỏ lưới mà theo Người” (Mc 1,18).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chú ý lắng nghe và đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không chào đón Người. Thánh Augustinô nói “Tôi sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Sợ cái gì? Thưa: Sợ không nhận ra Ngài, không nhìn thấy Ngài, không chào đón Ngài.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút là thời gian cứu độ, trong đó Chúa đi qua và kêu gọi chúng ta bước theo Người, mỗi giây trong cuộc đời chúng ta. Và cầu mong Mẹ giúp chúng ta chuyển đổi từ não trạng thế gian, từ những niềm say mê thế gian mà thực chất chỉ là những pháo hoa, sang tình yêu và sự phục vụ.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến, Chúa nhật này dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những ân sủng tuyệt vời của thời đại chúng ta là việc tái khám phá Sách Thánh trong đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận Kinh Thánh như ngày nay: bằng mọi ngôn ngữ và bây giờ ngay cả ở dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô, mà gần đây tôi đã nhắc đến vào dịp kỷ niệm 1,600 năm ngày mất của ngài, nói rằng những người bỏ qua Kinh thánh thì bỏ qua Chúa Kitô; những người phớt lờ Kinh thánh thì phớt lờ Chúa Kitô (xem trong Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, chết và sống lại, là Đấng khai mở tâm trí chúng ta để hiểu Sách Thánh (x. Lc 24:45). Điều này đặc biệt xảy ra trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc theo nhóm, đặc biệt là với Tin Mừng và với Thánh Vịnh. Tôi cám ơn và khích lệ các giáo xứ vì họ đã kiên định trong dấn thân giáo dục việc lắng nghe và làm theo Lời Chúa. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thiếu niềm vui gieo Tin Mừng. Và tôi xin nhắc lại một lần nữa: cầu mong cho chúng ta có thói quen, xin cho chúng ta có thói quen luôn mang theo một cuốn Kinh Thánh nhỏ trong túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng sẽ luôn ở với chúng ta.

Ngày 20 tháng Giêng vừa qua, cách quảng trường Thánh Phêrô vài mét, một người đàn ông Nigeria 46 tuổi vô gia cư tên là Edwin đã được tìm thấy chết vì giá lạnh. Câu chuyện của anh ấy được thêm vào với rất nhiều câu chuyện của những người vô gia cư khác gần đây đã chết ở Rôma trong cùng một hoàn cảnh bi thảm như thế. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Edwin. Chúng ta hãy để lòng mình xúc động trước những gì đã Thánh Grêgôriô Cả đã nói trước cái chết của một người hành khất vì lạnh rằng ngày hôm đó sẽ không cử hành thánh lễ vì nó giống như Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy nghĩ về Edwin. Chúng ta hãy nghĩ về những gì người đàn ông 46 tuổi này cảm thấy, trong sự lạnh lùng, bị mọi người, kể cả chúng ta, phớt lờ, bỏ rơi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy.

Chiều mai, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, chúng ta sẽ cử hành Kinh chiều Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, khi kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, cùng với đại diện của các Giáo hội và cộng đồng giáo hội khác. Tôi mời anh chị em tham gia trong tinh thần với lời cầu nguyện của chúng tôi.

Ngày hôm nay cũng là ngày kính nhờ Thánh Phanxicô Đệ Salê, đấng bảo trợ của các nhà báo. Hôm qua, Thông điệp cho Ngày Thế giới về Truyền thông Xã hội, có tựa đề “Hãy đến và xem,” đã được phổ biến. Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người trong thực tại của họ. Tôi khuyến khích tất cả các nhà báo và các nhà truyền thông “đi và xem”, ngay cả những nơi không ai muốn đến, và làm chứng cho sự thật.

Tôi chào tất cả anh chị em được liên kết qua các phương tiện truyền thông. Một lời nhắc nhở và lời cầu nguyện cho những gia đình đang gặp khó khăn hơn trong giai đoạn này. Hãy can đảm, chúng ta hãy tiến lên! Chúng ta hãy cầu nguyện cho những gia đình này, và trong chừng mực có thể, chúng ta hãy là hàng xóm của họ. Và tôi cầu chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ cho tất cả mọi người. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng, chào tạm biệt.


Source:Holy See Press Office