Ngày 24-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lề luật mới là Tin Mừng
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:34 24/01/2018
Chúa Nhật 4 B

1. Những bộ luật của Torah

Bài đọc I trích trong sách Đệ nhị luật. Đnl là cuốn cuối trong bộ Ngũ Thư. Năm cuốn sách đầu của bộ Kinh Thánh gọi là Ngũ Thư.

Do thái giáo coi Ngũ Thư là Torah (Luật) vì trong đó gồm tất cả mọi lề luật và định chế chi phối toàn bộ sinh hoạt tôn giáo, phụng tự, đạo đức, xã hội của dân tộc Israel. Nét nổi bật là Luật do chính Chúa truyền qua trung gian Môisen và mọi điều khoản của Luật xuất phát từ những nhận thức tôn giáo của dân. Có thể nói đây là sưu tập và tổng hợp những luật dân sự, hình sự, tôn giáo, tế tự và xã hội được trình bày như hiến chương của Giao ước. Do đó, việc công bố Luật gắn liền với trình thuật các biến cố trong hoang địa, nơi ký kết Giao ước. Luật là cho con người, vì thế cần phải được thích nghi với những điều kiện thay đổi của môi trường và thời đại. Do đó, ta gặp thấy trong bộ luật những yếu tố cổ xưa đan kết với những điều khoản mới phát sinh về sau. Đàng khác, ta còn gặp thấy trong bộ luật những điểm tương tự với luật Lưỡng Hà. Điều ấy là tất nhiên, vì Do Thái sống chung đụng với chư dân; lại nữa một số pháp quy, tục lệ của miền ấy dần biến thành sản nghiệp chung của cả Cận Đông cổ thời. Torah gồm những bộ luật sau đây:

a. Thập điều: Mười Lời được ghi khắc trên bảng đá, làm thành Lề luật căn bản về luân lý và tôn giáo, được coi như điều khoản của Giao ước Sinai. Thập điều được trình bày hai lần (Xh 20,2-17 và Đnl 5,6-18). Chắc chắn hai bản văn đều xuất phát từ một nguồn nguyên thủy mà truyền thống gán cho Môisen.

b. Bộ luật giao ước (truyền thống E): Xh 20,24–23,9. Bộ luật này nằm xen kẻ giữa Thập điều và phần kết của trình thuật giao ước tại Sinai. Luật giao ước đáp ứng hoàn cảnh một xã hội sau thời Môisen, chuyên về canh nông trồng trọt; cho nên quan tâm đến súc vật cày bừa, công việc đồng áng, nghề trồng nho, nhà cửa (giả thiết dân đã định cư). Bộ luật thấm nhuần tinh thần tin vào Giavê, phản ứng lại nền văn minh Canaan.

c. Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 12,1–26,15) làm thành phần chính yếu của sách Đệ Nhị Luật. Bộ luật này lấy lại một phần bộ luật giao ước, nhưng thích nghi với cuộc sống kinh tế và xã hội đã đổi thay. Nét nổi bật trong Luật Đnl là quan tâm bảo vệ người yếu, tuyên xưng uy quyền Thiên Chúa trên đất và trên dân của Người, cổ vũ việc tuân giữ các điều khoản của lề luật.

d. Luật Lêvi. Sách Lêvi được hình thành dứt khoát sau lưu đày, gồm những luật về phụng tự, như của dâng tiến và việc tế lễ (1-7), cấp bậc Tư tế (8), các đại lễ (23), nơi thánh và các vật dụng thánh (25); luật về thức ăn (11), sự trong sạch (13-15), lễ xá tội (Yôm-Kippour) (16); luật về sự Thánh thiện (17-16).

Ngũ Thư vừa là một lịch sử và là luật pháp. Nếu các Thánh Vịnh ca tụng Thiên Chúa và kêu xin Người cứu giúp; các sách Khôn Ngoan nhằm giáo dục cá nhân về tôn giáo và luân lý; các Ngôn Sứ mạnh mẽ tuyên rao lòng thành tín của Chúa và hăng hái vạch trần tội lỗi của Israel … thì Ngũ Thư giới thiệu cho ta một dân tộc, cách thế Thiên Chúa thiết lập dân ấy, bảo vệ và dẫn đưa dân về một định mệnh kỳ diệu. Ý nghĩa của bộ sách này hệ tại mối liên lạc Thiên Chúa nối kết với dân của Người và qua đó với toàn thể nhân loại. Lịch sử mối tương quan ấy được tóm kết trong bốn điểm chính là Lời hứa - Tuyển chọn làm dân riêng - Giao ước - Lề luật. Đây là bốn chủ đề quan trọng được triển khai trong Ngũ Thư và suốt dọc dài Cựu ước. Chính Đức Kitô mới ban cho lịch sử cứu độ ý nghĩa trọn vẹn của nó, như Phaolô trình bày trong Gl 3,15-29. Ngài đến thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa, ký kết Giao ước mới với đoàn dân mới là miêu duệ của Abraham trong đức tin. Ngài ban lề luật mới là Tin Mừng và Thần Khí để dẫn đưa mọi kẻ tin về với Thiên Chúa.

Sách Đệ Nhị Luật là một lược tóm lịch sử tôn giáo của Israel khởi từ Sinai, trong đó điều then chốt là phải trung thành phụng sự Giavê, Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Nội dung của sách sưu tập lại luật Môisen, đồng thời kể lại một số biến cố xảy ra tại Môáp. Trình thuật mang hình thức ba bài diễn từ của Môisen phát biểu vào cuối đời, với dụng ý quả quyết: tư tưởng chủ yếu trong sách là của Môisen. Đệ Nhị Luật được coi như sách kỷ yếu: nhắc lại để nhớ, nhớ để rút bài học. Bài học chủ yếu của tác giả là: nhắc cho Israel quá khứ lịch sử của nó là một chuỗi hồng ân liên tục Chúa ban cho họ cách nhưng không. Nay ở ranh giới Hứa Địa, họ đừng quên mọi thành công xưa đều nhờ Giavê. Từ nhận thức đó, họ chuẩn bị vào Đất Hứa trước hết bằng lòng tin tuyệt đối vào Giavê.

Dân Do thái sắp đi vào đất Canaan, miền đất này nơi nào cũng có tà giáo. Các tôn giáo sơ khai của các dân tộc xung quanh luôn hấp dẫn. Đặc biệt là các thầy bói, bà đồng. Dân chúng mê tín luôn tìm đến với họ để được giao cảm với thần minh, để biết ý trời và hậu vận. Người có óc khoa học ngày nay coi đó là bịp bợm, người có đức tin chân chính nghĩ đó là những việc do ma quỉ bày đặt ra. Bởi đó, tác giả sách Đnl cảnh giác dân chúng, không được tin vào bói quẻ phù chú, lên đồng lên bóng, chiêm tinh chiêu hồn, phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Bù lại, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện giữa dân Người một tiên tri như Môisen. Bài sách Đnl còn nói về Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến, Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Đó chính là Chúa Giêsu sẽ khiến người ta kinh ngạc về cách giảng dạy và đầy quyền năng như câu chuyện kể của Phúc âm Chúa Nhật hôm nay.

2. Lề Luật Mới là Tin Mừng

Chúa Giêsu vào hội đường ngày Sabat. Vì là thành phần của dân giao ước nên mọi người trong hội đường đều có quyền đọc và bình giảng một đoạn sách Thánh nào đó. Chúa Giêsu đọc sách và giảng dạy dân chúng. Thánh Maccô không cho biết Chúa đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung giảng dạy hôm ấy. Maccô chỉ kể “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Thiên hạ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi, phong thái giảng dạy như một Đấng có uy quyền khác với các kinh sư luật sĩ. Thiên hạ còn kinh ngạc về giáo lý của Người. Giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý Cựu ước. Họ sửng sốt kinh ngạc là phải, bởi lẽ Chúa Giêsu không giải thích truyền thống của cha ông nhưng là giáo huấn của Chúa Cha. Người không công bố lề luật nhưng công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người xuất hiện như Đấng mang lấy thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao và là Đấng ban lề luật mới là Tin Mừng và là Thần Khí.

3. Uy quyền trong hành động và trên tà thần

Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, Người còn thiết lập Nước Thiên Chúa bằng hành động thực hiện nội dung lời rao giảng. Trong hội đường hôm ấy có một người bị thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu, satan run sợ. Đối diện với Đấng quyền năng, satan sợ hải: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng?”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Người dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân. Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền trong lời nói và nhiều hiệu năng trong hành động. Người đã giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của bản năng và của sự ác để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng trong sạch vẹn tuyền đã đẩy lui và tiêu diệt sức mạnh satan.

Ma quỉ là một quyền lực cụ thể đang hoành hành trên thế giới. Người ta có thể gọi tên quyền lực này là Belzebuth, Lucifer, Belial, là con rắn xưa, là tên dối trá, tên cám dỗ… Tất cả đều chỉ thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch Thiên Chúa và đưa con người vào nô lệ.
Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao hình thái nô lệ, biết bao xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người. Điều kinh khủng là người ta không nhận ra mình đang bị nô lệ. Nô lệ cho quyền lực như Hitler, Pônpôt... Nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc rượu chè. Nô lệ cho mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, mọi thứ cuồng tín tôn giáo. Nô lệ là thứ tự do giả hiệu mà ma quỷ luôn quảng cáo và muốn mời mọc con người. Ma quỷ thường được vẽ như con vật xấu xí đáng sợ, nếu thế thì con người dễ nhận ra nó và nó khó cám dỗ được. Nhưng thực tế, ma quỉ mang dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn, sang trọng. Nó tấn công bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ yếu điểm từng cá nhân từng tập thể để tấn công và mong hạ gục. Người ta tin vào những ngôi sao số mệnh, cầu cơ, bói toán, lá số tử vi. Tin vào những cái vô tri dẫn đến mê tín dị đoan sẽ làm nô lệ cho ma quỷ. Ngày nay nhiều người không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, đó là thành công lớn của ma quỉ.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.

Mỗi ngày, chúng ta vẫn thành tâm nguyện xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen.




 
Lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:40 24/01/2018
Cú ngã ngựa lịch sử

Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.
Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là "Phaolô" đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi"

- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa Nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô... ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" ( Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:" anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12). Vì đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài " tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"(Gal 2, 20).

3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo.... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)

Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.


 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:55 24/01/2018
39. ĂN MẤT ÔNG KHÁCH
Thần tiên Tôn Chân Nhân sai con cọp là tùy tùng của mình đi mời khách đến dự yến tiệc. Con cọp vâng lệnh mà đi mời, khách được mời liền lên đường đi dự tiệc, nhưng đến nửa đường, ông cọp đói bụng chịu không nổi bèn ăn mất mấy người khách.
Tôn Chân Nhân nộ khí xung thiên, chửi mắng nó:
- “Súc sinh ! Mày vốn là loài không có tính người, chỉ biết ăn người !”
(Hoa Diên Thú Lạc Đàm Tiếu Tửu Lệnh)

Suy tư 39:
Cọp là loài ăn thịt sống, là loài háu đói và là thú vật, ai cũng biết điều ấy, nhưng vì thích nó biết làm xiếc, thích nó biết nghe tiếng người, thích nó biết làm trò.v.v.v... nên dung dưỡng và nâng niu nó, để rồi một hôm bất ngờ nó quay lại ăn thịt chủ nó.
Con cọp là con cọp, không thể trở thành con người và dĩ nhiên nó không thể có tính người.
Con cọp nguy hiểm nhất của người Ki-tô hữu chính là những thói quen xấu, những thói quen xấu này không những nó sẽ “ăn” mất linh hồn chúng ta, mà còn “ăn” luôn cả linh hồn của những người khác khi họ nhìn thấy và học đòi theo các thói xấu của chúng ta.
Chức quyền càng to thì “con cọp thói xấu” càng lớn và nguy hiểm càng nhiều, do đó mà người ta thường nói rằng càng cao danh vọng càng nhiều gian nan, cái gian nan này không những ở đời này mà còn là đời sau nữa, thật đáng sợ.
Con cọp là loài chỉ biết ăn thịt người chứ không biết yêu người ! Cũng vậy, thói xấu chỉ làm cho chúng ta đi dần đến vực thẳm của sự chết, chứ không làm cho chúng ta được sự sống đời đời...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:57 24/01/2018

30. Luôn thực hành việc cầu nguyện, thì trong khi cầu nguyện con sẽ được giúp đỡ để hoàn thành bổn phận mà con nhu cầu.

(Thánh Marcellinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chống lại nạn thực dân kinh tế, ý thức hệ và gian tham hối lộ
Linh Tiến Khải
09:45 24/01/2018
Như quý vị đã biết ĐTC mới công du hai nước Chile và Perù về chiều thứ hai vừa qua, vì thế trong buổi tiếp kiên chung hơn 15.000 tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 24-1 ngài đã chia sẻ với mọi người những gì đã sống khi viếng thăm hai quốc gia này.

Trước hết ĐTC cho biết có một nhóm trẻ em bị bệnh ở trong đại thính đường Phaolô VI. Các em trông thấy chúng ta ở quảng trường và chúng ta trông thấy các em. ĐTC cùng mọi người chào các em, và ngài nói như thế tốt hơn để tránh cho các em khỏi bị lạnh. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay chào hai dân tộc Chile và Perù mà ngài vừa viếng thăm về. Hai dân tộc này rất giỏi, rất giỏi!

ĐTC đã cám ơn Chúa và chính quyền đạo đời hai nước, cũng như mọi cộng sự viên và thiện nguyên viên vì đã cho ngài dịp gặp gỡ dân Thiên Chúa tại đây, đã được tiếp đón nồng hậu và chuyến viếng thăm đã diễn ra tốt đẹp. Ngài nói anh chị em hãy nghĩ coi tại cả hai nước đã có hơn 20.000 thiện nguyện viên: hơn 20.000 tại Chilê và 20.000 tại Perù. Đa số họ là người trẻ rât giỏi.

Ngài cho biết trước khi ngài đến Chile đã có nhiều vụ biểu tình phản đối, vì nhiều lý do khác nhau, như mọi người có thể đọc trên báo chí. Nhưng sự kiện này lại khiến cho chuyến viếng thăm thời sự hơn nữa, vì khẩu hiệu của chuyến công du là “Ta ban cho các con sự bình an”, là lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, được lập lại trong mỗi Thánh Lễ: ơn bình an mà chỉ có Chúa Giêsu chết và sống lại mới có thể ban cho ai tín thác nơi Ngài. Không phải chỉ mỗi ngưòi trong chúng ta cần đến hoà bình nhưng cả toàn giới nữa, ngày nay trong thế chiến thứ ba từng mảnh nhỏ này… Tôi xin anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình!

Đề cập tới cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị xã hội dân sự của Chile ĐTC nói:

Trong cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị và dân sự của quốc gia này tôi đã khích lệ con đường dân chủ Chile như không gian của cuộc gặp gỡ liên đới, có khả năng bao gồm các khác biệt. Cho mục đích này tôi đã chỉ ra phương pháp của con đường lắng nghe: đặc biệt lắng nghe dân nghèo, giới trẻ và người già, người di cư, và cả lắng nghe trái đất nữa.

Trong buổi cử hành Thánh Thể đầu tiên cầu nguyện cho hoà bình và công lý đã vang lên các Mối Phúc Thật, đặc biệt là “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Đây là một Mối Phúc cần làm chứng với kiểu sống gần gũi, chia sẻ, và như thế củng cố cơ cấu cộng đoàn giáo hội và toàn xã hội nhờ ơn thánh của Chúa Kitô.

** Trong kiểu gần gũi này quan trọng là các cử chỉ của lời nói, và một cử chỉ quan trọng mà tôi đã có thể hoàn thành là viếng thăm nhà tù phụ nữ tại Santiago: gương mặt của các phụ nữ ấy, nhiều người trong các bà mẹ trẻ đó bế con thơ trên tay, nhưng diễn tả biết bao hy vọng. Tôi đã khích lệ họ đòi hỏi từ chính mình và các tổ chức một lộ trình chuẩn bị cho việc hội nhập xã hội một cách nghiêm chỉnh, như chân trời trao ban ý nghĩa cho nỗi vất vả thường ngày.

Chúng ta không thể nghĩ tới một nhà tù, bất cứ nhà tù nào, mà không có chiều kích của việc hội nhập này, vì nếu không có niềm hy vọng của sự hội nhập xã hội, thì nhà tù là một tra tấn bất tận. Trái lại, khi hoạt động cho việc hội nhập, thì cả những người bị tù chung thân cũng có thể được hội nhập với xã hội qua công việc làm từ trong nhà tù, bước vào trong cuộc đối thoại. Nhà tù phải luôn luôn có chiều kích này của việc hội nhập. Luôn luôn.

Với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, và với các Giám Mục Chile tôi đã sống hai cuộc gặp gỡ sâu đậm, được phong phú hơn vì việc chia sẻ nỗi khổ đau của vài vết thương gây đớn đau cho Giáo Hội nước này. Tôi đã đặc biệt củng cố các anh em mình trong việc khước từ mọi giàn xếp với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, đồng thời tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng canh tân các thừa tác viên của Ngài qua thử thách thanh tẩy đớn đau này.

Hai Thánh Lễ khác tại Chile đã được cử hành, một tại miền nam và một tại miền bắc. Thánh lễ cử hành tại miền nam trong vùng Araucania, là nơi các thổ dân Mapuche sinh sống, đã biến các thảm cảnh và mệt nhọc của dân tộc này thành niềm vui, bằng cách gióng lên lời kêu gọi cho hoà bình, hoà hợp giữa các khác biệt, và cho việc khước từ mọi bạo lực. Thánh lễ cử hành tại miền bắc ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, đã là một thánh ca gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả ra một cách đặc biệt trong lòng đạo đức bình dân.

Các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và Đại học Công Giáo của Chile đã trả lời cho thách đố định đoạt cống hiến một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của các thế hệ mới. Tôi đã để lại cho các bạn trẻ lời nói diễn tả chương trình của thánh Alberto Hurtado: “Ở vào chỗ của tôi Chúa Kitô sẽ làm gì?”. Và với đại học tôi đã đề nghị một mô thức đào tạo toàn vẹn, diễn tả căn tính Công Giáo, có khả năng tham dự vào việc xây dựng một xã hội hiệp nhất và đa dạng, nơi các xung đột không bị che đậy nhưng được quản trị trong đối thoại.

Luôn luôn có các xung đột: cả trong gia đình nữa cũng luôn luôn có các xung đột. Nhưng đối xử xấu với các xung đột thì còn tệ hại hơn. Không dấu diếm các xung đột dưới giường: các xung đột được đem ra ánh sáng thì phải nói chuyện, lý luận và giải quyết với việc đối thoại. Anh chị em hãy nghĩ tới các cuộc xung đột nho nhỏ chắc chắn xảy ra trong gia đình anh chị em: không được che dấu chúng, nhưng hãy thảo luận. Hãy tìm lúc thuận tiện để thảo luận. Như thế xung đột được giải quyết bằng sự đối thoại.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC kể lại các kinh nghiệm đã sống bên Perù. Ngài nói: tại Perù khẩu hiệu chuyến viếng thăm đã là: “Hiệp nhất cho hy vọng”. Hiệp nhất không phải cho một sự đồng nhất khô cằn, mọi người đều như nhau: đây không phải là hiệp nhất; nhưng hiệp nhất trong tất cả sự phong phú của các khác biệt, mà các dân tộc đã thừa hưởng được từ lịch sử và nền văn hoá. Cuộc gặp gỡ với các dân tộc vùng Araucania bên Perù đã chứng tỏ điều này một cách biểu tượng, và đã khai mào cho lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Toàn Amazzonia được triệu tập vào tháng 10 năm 2019. Cũng làm chứng cho điều này là các cuộc gặp gỡ với các dân tộc tại Puerto Maldonado và với các trẻ em của nhà tiếp đón “Hoàng tử nhỏ”. Chúng tôi đã cùng nhau nói không với sự thực dân kinh tế và thực dân ý thức hệ.

Nói chuyện với các giới chức chính trị và dân sự Perù tôi đã đánh giá cao gia tài môi sinh, văn hoá và tinh thần của đất nước này, và tôi đã nêu bật hai thực tại đe dọa nó nhất: đó là sự đồi tệ môi sinh xã hội và nạn gian tham hối lộ. Tôi không biết anh chị em có nghe nói về gian tham hối lộ ở đây chưa… tôi không biết… Không phải chỉ có ở các phần đất ấy, mà ở đây cũng có… Nó nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó trộn lẫn và làm hư hỏng con tim. Gian tham hối lộ làm hư hỏng trái tim. Vì thế xin làm ơn, đừng gian tham hối lộ.

Tôi đã nhấn mạnh rằng không có ai được miễn trừ khỏi trách nhiệm của mình trước hai vết thương này, và việc dấn thân chống lại chúng liên quan tới tất cả mọi người. Tiếp đến ĐTC cho biết Thánh Lễ đầu tiên cử hành tại Perù là trên bờ biển gần thành phố Trujillo, nơi trận bão “Ninho duyên hải” năm ngoái đã gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng. ĐTC nói:

** Vì thế tôi đã khích lệ họ phản ứng chống lại trận bão đó, nhưng cũng phản ứng chống lại các trận bão khác như cuộc sống xấu xa, việc thiếu giáo dục, thiếu công ăn việc làm và nhà ở chắc chắn. Tại Trujillo tôi cũng đã gặp gỡ các linh mục và người sống đời thánh hiến ở mạn bắc Perù, và chia sẻ với họ niềm vui của ơn gọi và sứ mệnh, cũng như trách nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Tôi đã khích lệ các vị giầu ký ức và trung thành với các cội rễ của mình. Và trong các cội rễ đó có lòng đạo đức bình dân đối với Đức Trinh Nữ Maria. Cũng tại Trujillo đã có cuộc cử hành kính Đức Mẹ, trong đó tôi đã đội triều thiên cho Đức Trinh Nữ Porta và tuyên bố Mẹ là “Mẹ của lòng Thương xót và niềm Hy vọng”.

Ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm là Chúa Nhật vừa qua đã diễn ra tại Lima với một dấu nhấn tinh thần và giáo hội mạnh mẽ. Tại đền thánh nổi tiếng nhất của Perù trong đó có ảnh Thánh Giá gọi là “Chúa làm phép lạ”, tôi đã gặp gỡ khoảng 500 nữ tu dòng kín của đời chiêm niệm: một lá phổi đích thực của đức tin và lời cầu nguyện cho Giáo Hội và toàn xã hội. Trong nhà thờ chính toà tôi đã chu toàn một cử chỉ cầu nguyện xin sự bầu cử của các Thánh nước Perù, sau đó là cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, và tôi đã đề nghị với các vị gương mặt của thánh Toribio di Mogrovejo. Cả với các người trẻ Perù tôi cũng đã chỉ cho thấy các Thánh như những người nam nữ đã không mất thời giờ để trang điểm hình ảnh của mình, nhưng đã theo Chúa Kitô là Đấng đã nhìn họ với niềm hy vọng. Như luôn luôn là thế, lời của Chúa Giêsu trao ban ý nghĩa tràn đầy cho tất cả, và như vậy cả bài Phúc Âm của buổi cử hành Thánh Thể cuối cùng đã tóm tắt sứ điệp Thiên Chúa gửi cho dân Ngài tại Chile và Perù: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Như vậy xem ra Chúa đã nói – anh em sẽ nhận được sự bình an mà Thầy ban cho anh em và anh em sẽ hiệp nhất trong niềm hy vọng của Thầy. Đây đã ít nhiều là tóm tắt chuyến công du này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia anh em là Chile và Perù để Chúa chúc lành cho hai nước.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp và nói: trong khi chúng ta kết thúc tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu Kitô tôi xin mời anh chị em hãy là những người đi tiên phong của hoà bình và sự hiệp nhất trong các nơi anh chị em sinh sống. Với tín hữu đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh quốc, Bosni Erzegonive và Hoa Kỳ, ĐTC đặc biệt chào các sinh viên Học viện đại kết Bossey, cũng như các linh mục của học viện đào tạo thần học thường huấn của trường bắc Mỹ Roma. Ngài xin Chúa Kitô đổ tràn đầy bình an và ơn thánh trên họ và gia đình họ.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp mọi người trao đổi tình yêu mà Chúa ban cho mỗi ngày với các anh em khác.

Với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu đến từ vùng Brangança, Paulista và Maringá, ngài cầu chúc họ mạnh mẽ trong niềm tin nơi Chúa Kitô, và rộng mở trái tim cho các anh chị em túng thiếu cần được trợ giúp.

ĐTC đặc biệt cám ơn các tín hữu Ba Lan đã đồng hành với ngài trong chuyến viếng thăm Chile và Perù trong lời cầu nguyện. Chuyến viếng thăm đã là dịp sống kinh nghiệm sự hiệp nhất, việc trân quý và thăng tiến các giá trị tinh thần đâm rễ sâu trong Tin Mừng và truyền thống của các dân tộc hai nước này.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Toàn văn sứ điệp ngày Truyền thông Thế giới năm 2018
J.B. Đặng Minh An dịch
09:53 24/01/2018
Trong sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng kêu gọi một nền “báo chí vì hoà bình” để đối phó với mối đe dọa của tin giả, đang “phát triển mạnh vì thiếu vắng sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp Ngày Truyền Thông Thế giới vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo. Chủ đề của sứ điệp năm nay là:

“‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’ (Ga 8:32). Tin giả và nền báo chí vì hoà bình”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha chỉ ra bản chất sai trái của tin giả, làm thế nào để nhận ra tin giả, khả năng giải độc của sự thật, và một nền báo chí vì hoà bình đặt con người ở vị trí trọng tâm như thế nào.

Trong số các ngày kỷ niệm trên bình diện thế giới trong một năm, Ngày Truyền Thông Thế giới là lễ kỷ niệm duy nhất đã được chính Công đồng Vatican II đề xướng trong Sắc Lệnh về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội (Inter Mirifica) được Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục công bố ngày 4 tháng 12, 1963.

Ngày Truyền Thông Thế giới được tổ chức hàng năm vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống, năm nay rơi vào ngày 13 tháng 5. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha thường được công bố trước, vào ngày 24 tháng Giêng, lễ thánh Phanxicô Đệ Salê, bổn mạng các nhà báo, để các hội đồng giám mục, các ủy ban có liên quan ở các giáo phận và các cơ quan truyền thông có đủ thời gian để chuẩn bị các tài liệu in ấn, nghe nhìn và các tài liệu khác cho lễ kỷ niệm này ở các quốc gia và các địa phương.

Ngày Truyền Thông Thế giới lần đầu tiên được cử hành trong toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày 7 tháng 5 năm 1967, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, là vị Giáo Hoàng đã muốn thu hút sự chú ý của toàn thể Giáo Hội đến truyền thông và sức mạnh to lớn mà nó có thể đem lại cho những thay đổi sâu xa về xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày Truyền Thông Thế giới năm nay là lần thứ 52.

Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của sứ điệp này:


Source: Libreria Editrice Vaticana MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR WORLD COMMUNICATIONS DAY

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày Truyền Thông Thế giới 2018
“Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).
Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình


Anh chị em thân mến,

Truyền thông là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là một cách thiết yếu để trải nghiệm tình bằng hữu. Được tạo ra giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện, mỹ. Chúng ta có thể mô tả kinh nghiệm của chính mình và thế giới xung quanh chúng ta, và do đó, tạo ra ký ức lịch sử và sự hiểu biết về các sự kiện. Nhưng, khi chúng ta chiều theo thói kiêu ngạo và tính ích kỷ của mình, chúng ta cũng có thể bóp méo cách thế chúng ta sử dụng khả năng giao tiếp của chúng ta. Điều này có thể được nhìn thấy ngay từ những thời kỳ sơ khai, trong các câu chuyện Kinh thánh như câu chuyện Cain và Abel và chuyện tháp Babel (xem Sáng thế ký 4: 4-16, 11: 1-9). Khả năng bóp méo sự thật là triệu chứng nói lên tình trạng của chúng ta, trong cả hai chiều kích cá nhân và cộng đồng. Trái lại, khi chúng ta trung tín với kế hoạch của Thiên Chúa, truyền thông trở thành một biểu hiện cho thấy rõ sự tìm kiếm chân lý có trách nhiệm và ý chí theo đuổi điều thiện của chúng ta.

Ngày nay, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng các kỹ thuật truyền thông và các hệ thống kỹ thuật số, chúng ta đang chứng kiến sự lan rộng của cái được gọi là “tin giả”. Điều này đòi hỏi một sự suy tư, và đó là lý do tại sao trong Sứ điệp Truyền thông Thế giới này, tôi đã quyết định trở lại vấn đề về chân lý, là điều đã được đề cập đến bởi các vị tiền nhiệm của tôi bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, trong sứ điệp năm 1972 của ngài, với chủ đề là: “Truyền thông Xã hội phục vụ Chân Lý”. Bằng cách này, tôi muốn đóng góp vào dấn thân chung của chúng ta nhằm ngăn chặn sự lan rộng của tin giả và tái khám phá phẩm giá của báo chí và trách nhiệm cá nhân của các nhà báo trong việc truyền đạt sự thật.

1. Tính “thất thiệt” của tin giả là gì?

Thuật ngữ “tin giả” đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế.

Hiệu quả của tin giả phụ thuộc trước hết là vào khả năng bắt chước các tin tức thực sự, đến mức xem ra có vẻ hợp lý. Thứ nữa, cái thông tin này tuy giả nhưng trở nên đáng tin nếu nó “nắm bắt” được sự chú ý của người dân bằng cách đánh trúng các thành kiến và những định kiến xã hội, và khai thác được những cảm xúc bộc phát như lo lắng, căm hờn, tức giận và thất vọng. Khả năng truyền bá những tin giả này thường dựa vào việc lèo lái các mạng xã hội và các phương thức hoạt động của chúng. Những câu chuyện thất thiệt có thể lan truyền nhanh đến nỗi ngay cả những lời phủ nhận có thẩm quyền đi nữa cũng không thể hạn chế được những thiệt hại.

Khó khăn trong việc vạch trần và loại bỏ tin giả cũng do thực tế là nhiều người thường chỉ tương tác trong các môi trường kỹ thuật số với những người hợp ý với mình, trong các môi trường như thế, thường không có chỗ cho các quan điểm và ý kiến khác nhau. Thông tin sai lạc, do vậy, phát triển mạnh khi không có sự đối kháng lành mạnh với các nguồn thông tin khác có khả năng thách thức một cách hiệu quả các định kiến và tạo ra các cuộc đối thoại xây dựng; thay vào đó, nó có nguy cơ làm cho người ta trở thành những kẻ vô tình đồng lõa trong việc truyền bá những ý tưởng sai lệch và vô căn cứ. Bi kịch của thông tin sai lạc là nó làm mất uy tín của người khác, trình bày những người ấy như kẻ thù, tới mức mô tả họ như ma quỷ và nung nấu lòng căm thù họ. Tin giả là một dấu chỉ cho những thái độ thiếu khoan dung và quá nhạy cảm, và chỉ dẫn đến việc truyền bá sự kiêu căng và lòng thù hận. Đó là kết quả cuối cùng của sự thất thiệt.

2. Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra tin giả mạo?

Không ai trong chúng ta có thể cảm thấy được miễn trừ khỏi trách nhiệm chống lại những sự giả trá này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, vì những thông tin sai lệch thường dựa trên những luận điệu cố ý gây hiểu nhầm một cách quanh co và xảo quyệt, và đôi khi còn sử dụng cả các cơ chế tâm lý tinh vi. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để hình thành các chương trình giáo dục nhằm giúp người dân lý giải và đánh giá thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông và dạy họ tham gia tích cực vào việc vạch trần sự giả dối thay vì vô tình góp phần làm lan rộng những thông tin sai lệch. Cũng đáng khen ngợi đó là những sáng kiến về cơ chế và luật pháp nhằm phát triển các quy định giúp kiềm chế hiện tượng này, đó là chưa kể các công trình đang được thực hiện bởi các công ty công nghệ và truyền thông trong việc đưa ra các tiêu chí mới nhằm xác minh các đặc điểm nhận dạng cá nhân ẩn nấp sau hàng triệu hồ sơ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, việc ngăn ngừa và xác định cách thức hoạt động của thông tin sai lệch cũng đòi hỏi một quá trình phân định sâu sắc và thận trọng. Chúng ta cần phải vạch trần cái gọi là “những chiến thuật của con rắn” được sử dụng bởi những kẻ cải trang để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ tại nơi nào. Đây là chiến lược được sử dụng bởi “con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký, đó là đứa đã tung ra những tin giả trước nhất (Sáng thế ký 3: 1-15), khởi đầu lịch sử bi thảm của tội lỗi con người, bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn đầu tiên (xem Sáng thế ký 4) và dẫn đến cơ man những sự ác khác chống lại Thiên Chúa, người lân cận, xã hội và thiên nhiên. Chiến lược của “Cha đẻ những lời dối trá” ranh mãnh này (Ga 8:44) là bắt chước chính xác cái hình thức dụ dỗ tinh quái và nguy hiểm đó để lẻn vào con tim con người với những lý lẽ vừa giả dối vừa quyến rũ.

Trong trình thuật về tội lỗi đầu tiên, tên cám dỗ tiếp cận người phụ nữ bằng cách giả vờ là bạn của cô, chỉ quan tâm đến phúc lợi của cô, và bắt đầu bằng cách nói điều gì đó chỉ có một phần là thật: “Thiên Chúa thực sự nói rằng ông bà không được ăn trái của bất kỳ cây nào trong vườn này sao?”(Sáng thế ký 3: 1). Trên thực tế, Thiên Chúa không bao giờ nói ông Adong không được ăn trái của bất kỳ cây nào, nhưng chỉ là trái từ một cái cây: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn” (Sáng thế ký 2:17). Người đàn bà sửa sai con rắn, nhưng lại để cho mình bị thua trước sự khiêu khích của nó: “Trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’” (Sáng thế ký 3: 2). Câu trả lời của cô bao hàm những ý tưởng vụ luật và tiêu cực; sau khi lắng nghe đứa lừa dối và để bản thân mình chịu thua trước phiên bản của nó về các sự kiện, người phụ nữ bị lừa. Vì vậy, cô chú ý đến lời trấn an của nó: “Ông bà sẽ không chết đâu!” (Sáng thế ký 3: 4).

“Sự hủy diệt” của tên cám dỗ khoác lên chút sắc màu của sự thật: “Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” (Sáng thế ký 3: 5). Mệnh lệnh hiền phụ của Thiên Chúa là vì lợi ích của họ, đã bị làm mất uy tín bởi sự cám dỗ hấp dẫn của kẻ thù: “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (Sáng 3: 6). Câu truyện Kinh thánh này mang lại một yếu tố thiết yếu cho suy luận của chúng ta: chẳng hề có những thông tin sai lạc mà lại vô hại; trái lại, tin vào sự giả dối có thể có những hậu quả thảm khốc. Ngay cả một sự méo mó chút đỉnh sự thật cũng có thể có những hệ quả nguy hiểm.

Điều nguy hiểm là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường lan truyền nhanh chóng đến nỗi khó có thể dừng lại, không phải vì cảm thức muốn được chia sẻ, là điều truyền cảm hứng cho các phương tiện truyền thông xã hội, mà bởi vì nó hấp dẫn lòng tham không đáy rất dễ bùng lên trong lòng người. Những mục tiêu kinh tế và lèo lái gây ra tin giả bắt nguồn từ lòng khao khát quyền lực, ham muốn sở hữu và lạc thú, mà chung cuộc biến chúng ta trở thành nạn nhân của một cái gì đó bi thảm hơn nữa: đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do vì sao giáo dục chân lý có nghĩa là dạy cho mọi người biết cách phân định, đánh giá và hiểu rõ những ham muốn và khuynh hướng sâu xa nhất của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất đi nhận thức về điều thiện để rồi chiều theo mọi cám dỗ.

3. “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32)

Sự ô nhiễm liên tục bởi ngôn ngữ lừa dối có thể làm đen tối cuộc sống nội tâm của chúng ta. Quan sát của Dostoevsky thật là chí lý: “Những người nói dối chính mình và lắng nghe những lời nói dối của chính họ đến một lúc nào đó sẽ hết còn phân biệt nổi đâu là sự thật trong họ, hoặc xung quanh họ, và như vậy họ mất tất cả lòng tự trọng và sự tôn trọng đối với người khác. Và khi không còn được ai tôn trọng, họ không còn biết yêu, và khi không có tình yêu, để lấp đầy chính mình và quên đi, họ lao vào những đam mê và những lạc thú tầm thường và chìm sâu trong thú tính giữa những thấp hèn của họ, tất cả đều do liên tục dối trá với người và với mình mà ra” (Anh em nhà Karamazov, II, 2).

Vậy làm thế nào để chúng ta tự bảo vệ mình? Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho vi khuẩn giả dối là sự thanh lọc trong chân lý. Trong Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại nhận thức [chú thích của người dịch conceptual reality để phân biệt với physical reality – thực tại thể lý] liên quan đến cách thức chúng ta đánh giá sự vật, xác định xem chúng là đúng hay sai. Sự thật không chỉ mang ra ánh sáng những thứ được che giấu, “vạch ra thực tại”, như thuật ngữ Hy Lạp xưa là aletheia (từ chữ “a-lethès”, “không ẩn dấu”) mà còn có thể làm chúng ta tin. Sự thật liên quan đến toàn bộ cuộc đời của chúng ta. Trong Kinh Thánh, nó có nghĩa là sự ủng hộ, sự vững chắc và tin cậy, như được ám chỉ bởi từ gốc ‘aman’, là nguồn gốc của thành ngữ phụng vụ Amen của chúng ta. Sự thật là cái gì bạn có thể dựa vào, để không bị rơi. Theo ý nghĩa tương quan này, Đấng duy nhất thực sự đáng tin cậy và tín thác – Đấng mà chúng ta có thể tin tưởng chính là Thiên Chúa hằng sống. Vì thế, Chúa Giêsu mới nói: “Ta là sự thật” (Ga 14: 6). Chúng ta khám phá và tái khám phá sự thật khi chúng ta trải nghiệm điều này trong lòng mình với niềm trung thành và tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ điều này thôi mới có thể giải phóng chúng ta: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8:32).

Tự do khỏi sự giả trá và tìm kiếm mối quan hệ là hai thành phần không thể thiếu nếu những lời nói và cử chỉ của chúng ta là đúng, chân thực và đáng tin cậy. Để phân biệt sự thật, chúng ta cần phải phân định mọi thứ khuyến khích sự hiệp thông và cổ vũ điều thiện với bất cứ điều gì có xu hướng cô lập, chia rẽ và chống đối. Sự thật, do đó, không thực sự được nắm bắt dù cho nó không bị áp đặt bởi một cá nhân nào. Sự thật cần phải xuất phát từ các mối quan hệ tự do giữa con người với nhau, từ việc lắng nghe lẫn nhau. Chúng ta cũng không bao giờ có thể ngừng tìm kiếm sự thật, bởi vì sự giả dối luôn luôn có thể len vào, ngay cả khi chúng ta nói ra những điều đúng. Một lý luận cho dù không ai bắt bẻ vào đâu được, và hoàn toàn dựa trên những sự kiện không thể phủ nhận, nhưng nếu nó được dùng để làm tổn thương người khác và làm mất uy tín của người đó trước mắt người khác, thì bất kể nó có vẻ đúng đến đâu đi nữa, nó cũng không phải là đúng. Chúng ta có thể nhận ra tính chân thực của những lời phát biểu qua hoa trái của chúng: liệu chúng có gây tranh cãi, chia rẽ, làm nhụt chí; hay chúng thúc đẩy sự suy tư trưởng thành và được thông tin đầy đủ, dẫn đến sự đối thoại xây dựng và những thành quả tích cực.

4. Hòa bình là những tin chân thực

Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho sự giả dối không phải là những chiến lược, nhưng là con người: những người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, những người nỗ lực tham gia vào cuộc đối thoại chân thành để sự thật có thể nổi lên; và những người bị thu hút bởi sự thiện và chịu trách nhiệm về cách họ sử dụng ngôn ngữ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho sự lan rộng của tin giả, thì một trách nhiệm nặng nề đặt trên vai những người mà công việc của họ là cung cấp thông tin, cụ thể là các nhà báo, những người bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, trong mọi khía cạnh, không chỉ là một nghề kiếm ăn; đó là một sứ mệnh. Giữa những cạnh tranh ác liệt và chạy đua ráo riết, họ phải nhớ rằng trái tim của thông tin không phải là tốc độ tường trình hay tác động của nó đối với độc giả, mà là những con người. Thông báo cho người khác có nghĩa là đào tạo người khác; nó có nghĩa là động chạm đến cuộc sống của người dân. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chính xác của các nguồn tin và bảo vệ việc truyền thông là những phương tiện thực sự để quảng bá sự thiện, tạo ra lòng tin và mở đường cho sự hiệp thông và hoà bình.

Như thế, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người cổ vũ một nền báo chí vì hòa bình. Khi nói như thế, tôi không có ý muốn nói đến loại hình báo chí đầy mật ngọt và từ chối thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề nghiêm trọng; hay loại hình báo chí chỉ đầy cảm tính. Ngược lại, tôi muốn nói đến một nền báo chí trung thực trong đó chống lại những giả dối, những thứ khẩu hiệu nghe thật kêu, và các tiêu đề giật gân. Một nền báo chí do dân tạo ra và vì dân, một nền báo chí phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếng nói- và họ là đa số trong thế giới của chúng ta. Một nền báo chí ít tập trung vào các tin tức giật gân và tập chú nhiều hơn vào việc tìm ra các nguyên nhân cơ bản của các cuộc xung đột, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và góp phần giải quyết bằng cách thiết lập các quy trình đạo đức. Một nền báo chí dấn thân vào việc chỉ ra những lựa chọn khác hơn là sự leo thang các trận chiến la hét và bạo lực bằng lời nói.

Để đạt được mục đích này, lấy cảm hứng từ một lời cầu của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể hướng về Đấng Chân Lý với lời nguyện cá nhân sau:

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên những khí cụ bình an của Chúa.
Giúp chúng con nhận ra sự ác len lỏi trong thứ truyền thông không kiến tạo sự hiệp thông.
Giúp chúng con biết loại bỏ nọc độc khỏi những phán đoán của chúng con.
Giúp chúng con nói về tha nhân như anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung tín và đáng tin cậy, xin làm cho lời nói của chúng con thành những hạt giống sự thiện cho thế giới.
nơi có tiếng la hét, xin làm cho chúng con biết lắng nghe;
nơi có hoang mang, xin cho chúng con gợi hứng cho hài hòa;
nơi có mơ hồ, xin cho chúng con biết mang lại sự minh bạch;
nơi có sự loại trừ, hãy để chúng con mang đến tình đoàn kết;
nơi có chủ nghĩa kích động, xin cho chúng con biết dùng sự tỉnh táo;
nơi hời hợt, xin cho chúng con nêu lên những câu hỏi thực sự;
nơi có thành kiến, xin cho chúng con đánh thức niềm tin;
nơi có hận thù, xin cho chúng con mang lại niềm tôn trọng;
nơi có sự giả dối, xin cho chúng con mang đến sự thật.

Amen.

Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2018
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
 
Thánh lễ đền tạ vì việc phạm thánh một nhà thờ ở Tây ban nha
Hồng Thủy
20:14 24/01/2018
Đức cha Casimiro López Llorente, Giám mục Giáo phận Segorbe-Castellón, đã gửi một thông báo về vụ xúc phạm Thánh Thể trầm trọng xảy ra taị một giáo xứ ở Caudiel, thuộc thành phố Castellón, Tây ban nha, vào sáng sớm ngày 22 tháng 1 vừa qua.

Thông cáo cho biết: “Trong vụ cướp xảy ra vào đêm Chúa Nhật, sáng sớm thứ hai vừa qua, Nhà Tạm đã bị phá mở và các Mình Thánh Chúa bị vất vung vãi trên nền đất.”

Đức cha López nói: “Sự việc xảy ra cho phép chúng ta suy tư về ý nghĩa của việc Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta trong Mình Thánh. Nếu Thiên Chúa, mặc cho những hiểm nguy, vẫn giữ ý định ở lại với chúng ta hôm nay, đó là dấu chỉ rõ ràng rằng điều tốt lành đến từ sự hiện diện của Ngài hoàn toàn lớn hơn sự ác có thể xuất phát từ đó.”

Vì điều này, Đức cha khuyến khích các tín hữu Công Giáo tận dụng sự việc này để canh tân đức tin và lòng sùng kính Thánh Thể. Đức cha nói: “"Đằng sau sự kiện này là một lời kêu gọi mỗi người chúng ta hoán cải. Hãy biến sự đau lòng này thành một cơ hội để đền tạ. Cầu xin hành động xúc phạm này là một cơ hội để đánh thức và bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô, hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể.”

Đức cha López đã mời gọi dâng Thánh lễ đền tạ tại chính nhà ở Caudiel vào ngày Chúa Nhật 28/01 tới đây. Ngài mời gọi tất cả các tín hữu trong Giáo phận, các linh mục, tu sĩ và giáo dân, để đồng hành với các giáo dân giáo xứ này trong giây phút đau thương trong lịch sử của mình.

Năm ngoái cũng đã xảy ra hai vụ phạm thánh. Đức cha Lopez nói: “Sự phạm thánh này chống lại kho tàng lớn nhấy của người Công Giáo chúng ta: Thánh Thể, sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta. Đức cha kêu mời các linh mục của giáo phận thực hiện các cử chỉ đền tạ và đền bù bằng việc cử hành Thánh lễ hoặc chầu Thánh Thể. (ACI 23/01/2018)
 
Đức Phanxicô nhìn lại chuyến tông du Chile và Peru
Vũ Văn An
21:11 24/01/2018
‘Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai Quốc Gia Chị Em này, Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ’

Theo tin Zenit, ngày thứ Tư, 24 tháng 1, tại buổi triều yết chung tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành phần lớn thì giờ nói về chuyến tông du Chile và Peru mà ngài mới kết thúc trước đó mấy ngày.

Sau đây là lời ngài:

Tôi trở về hai ngày trước đây từ chuyến tông du Chile và Peru. Hãy vỗ tay hoan hô Chile và Peru! Hai dân tộc tốt, thật tốt lành… Tôi cám ơn Chúa vì mọi sự diễn tiến tốt đẹp: tôi đã có thể gặp gỡ dân Chúa đang lữ hành trên các lãnh thổ ấy – và cả những người không lữ hành nữa, những người hơi đứng yên một chỗ… nhưng đều là những người tốt lành – và khuyến khích việc phát triển xã hội của các nước ấy. Tôi nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với các nhà cầm quyền dân sự và các giám mục, những người đã nghinh đón tôi một cách đầy chăm sóc và đại lượng; cũng như các người cộng tác và thiện nguyện viên. Anh chị em hãy nghĩ tại mỗi nước này đều có hơn 20 ngàn thiện nguyện viên: 20 ngàn và hơn thế tại Chile, 20 ngàn tại Peru. Quả là những người tốt lành, mà phần lớn lại là giới trẻ.

Trước khi tôi tới Chile, đã có một số cuộc biểu tình phản đối, vì những lý do khác nhau, như anh chị em đọc thấy trên báo chí. Và điều này làm cho khẩu hiệu của chuyến viếng thăm của tôi càng có liên quan và sống động hơn: “Mi paz os doy – Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Đây là lời lẽ của Chúa Giêsu ngỏ cùng các môn đệ, những lời lẽ được chúng ta nhắc lại trong mọi Thánh Lễ: ơn bình an, mà chỉ có Chúa Giêsu chết và sống lại mới có thể ban cho những người tự phó thác nơi Người. Không phải chỉ một số người trong chúng ta cần bình an: cả thế giới, trong thế chiến thứ ba đánh từng mảng ngày nay nữa… Xin anh chị em vui lòng, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình!

Trong cuộc gặp gỡ các nhà cầm quyền chính trị và dân sự của nước này, tôi đã khuyến khích con đường dân chủ của Chile, như là nơi gặp gỡ của tình liên đới và có khả năng chấp nhận tính đa dạng; vì mục đích này, tôi đã chỉ ra phương pháp lắng nghe: mà đặc biệt là lắng nghe người nghèo, người trẻ và người cao niên, di dân, và lắng nghe cả trái đất nữa.



Trong Thánh Lễ đầu tiên, cử hành cho hòa bình và công lý, các mối phúc đã được nói vang lên, nhất là “phúc cho những người kiến tạo hòa bình vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5: 9). Một Mối Phúc làm chứng bằng lối sống gần gũi, thân mật; với ơn Chúa Kitô, chia sẻ và do đó củng cố kết cấu của cộng đồng Giáo Hội và của xã hội như một toàn thể.

Trong lối sống gần gũi này, các cử chỉ đáng kể hơn lời nói, và cử chỉ quan trọng tôi có thể làm là viếng nhà tù phụ nữ ở Santiago: gương mặt các phụ nữ này, nhiều người là các bà mẹ trẻ, với những đứa con của họ trong vòng tay, đã nói lên rất nhiều hy vọng, bất chấp mọi điều khác. Tôi khuyến khích họ đòi cho được, từ chính họ và từ các định chế, một hành trình chuẩn bị nghiêm túc để tái hội nhập, như một chân trời đem ý nghĩa lại cho các đau khổ hàng ngày của họ. Ta không thể nghĩ tới một nhà tù, bất cứ nhà tù nào, mà lại không có chiều kích tái hội nhập này vì nếu không có niềm hy vọng tái hội nhập xã hội này, nhà tù là một cuộc tra tấn bất tận. Thay vào đó, nếu anh chị em cố gắng tái hội nhập, ngay cả những người thọ án chung thân cũng có thể tái hội nhập, bất chấp việc làm của nhà tù hay của xã hội, cuộc đối thoại cũng sẽ mở ra. Nhưng nhà tù phải luôn luôn có chiều kích tái hội nhập này, luôn luôn.

Với các linh mục và người tận hiến cũng như với các giám mục Chile, tôi trải nghiệm hai cuộc gặp gỡ rất thâm hậu, càng có hiệu quả hơn nhờ cùng chia sẻ việc chịu một số vết thương gây ra cho Giáo Hội tại nước này. Nhất là, tôi đã củng cố các anh em tôi trong việc từ khước bất cứ thỏa hiệp nào đối với việc lạm dụng tình dục vị thành niên, và đồng thời, trong việc tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng thanh tẩy và đổi mới các thừa tác viên của Người bằng cuộc thử thách gian nan này.

Hai Thánh Lễ khác tại Chile đã được cử hành, một ở miền nam và một ở miền bắc. Thánh lễ ở miền nam, ở Araucanía, lãnh thổ nơi người Bản Địa Mapuche sinh sống, đã biến bi kịch và gian khổ của dân tộc này thành niềm vui; [tại đây tôi] đã phát động lời kêu gọi hòa bình, một thứ hòa bình vốn là hòa hợp trong tính đa dạng, và kêu gọi từ bỏ mọi thứ bạo lực. Thánh lễ ở miền Bắc, ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, là một bài thánh ca ca tụng cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả một cách đặc biệt bằng lòng đạo bình dân.

Các cuộc gặp gỡ giới trẻ và Đại Học Công Giáo Chile đã đáp ứng thách đố chủ chốt phải đem lại một ý nghĩa lớn lao cho đời sống các thế hệ mới. Tôi đã để lại cho giới trẻ các lời lẽ có tính lên chương trình của Thánh Albert Hurtado: “Chúa Kitô sẽ làm gì ở vị trí tôi?” Và ở Đại Học, tôi đề nghị mô thức đào tạo toàn diện, phiên dịch căn tính Công Giáo thành khả năng tham dự vào việc xây dựng các xã hội hợp nhất và đa dạng, nơi tranh chấp không bị che dấu nhưng được giải quyết bằng đối thoại. Luôn luôn có tranh chấp: cả trong nhà; luôn luôn. Nhưng xử lý tranh chấp một cách tồi sẽ tồi tệ hơn nhiều. Không được dấu diếm các tranh chấp, phải mang chúng ra ánh sáng, chúng phải được đối mặt và giải quyết bằng đối thoại. Anh chị em hãy nghĩ tới những tranh chấp nho nhỏ mà chắc chắn anh chị em sẽ gặp trong gia đình: không được dấu diếm chúng, nhưng chúng phải được đối mặt. Anh chị em hãy tìm thời gian [thích đáng], rồi nói ra: tranh chấp được giải quyết cách này, bằng đối thoại.

Ở Peru, khẩu hiệu chuyến tông du là “Unidos por la esperanza – Hợp nhất nhờ hy vọng”. Hợp nhất không phải trong độc dạng khô cằn, mọi người y như nhau, đó không phải là kết hợp; nhưng chính trong sự phong phú của các dị biệt, chúng ta nhận được di sản từ lịch sử và văn hóa. Cuộc gặp gỡ các dân tộc vùng Amazon của Peru là biểu tượng của việc này; nó cũng đã làm phát sinh cuộc hành trình của Thượng Hội Đồng Toàn-Amazon sẽ được triệu tâp vào tháng Mười năm 2019, và nó cũng đã được làm chứng bởi các khoảnh khắc sống với người dân Puerto Maldonado và các trẻ em ở “Nhà Tiểu Hoàng Tử”. Cùng nhau, chúng tôi đã nói “không” với chính sách thực dân kinh tế và thực dân ý thức hệ.

Nói với các nhà cầm quyền chính trị và dân sự Peru, tôi đã đánh giá cao di sản môi trường, văn hóa và tâm linh của nước này, và tôi đã tập chú vào hai vấn đề đang đe dọa nó một cách trầm trọng hơn cả: xuống cấp sinh thái và xã hội, và tham nhũng. Tôi không biết anh chị em có nghe nói đến tham nhũng ở đây không… Tôi không biết… Nó không những chỉ tìm thấy ở những nơi đó mà thôi: cả ở đây nữa, và nó còn nguy hiểm hơn là bệnh cúm! Nó làm xáo rộn mọi sự và hủy diệt các trái tim. Tôi van xin đó, đừng tham nhũng. Và tôi đã nhận xét rằng không ai bị miễn trách nhiệm khi giáp mặt với hai đại họa này, và việc dấn thân chống lại chúng phải là quan tâm của mọi người.

Tôi đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Peru bên cạnh đại dương, tại thành phố Trujillo, nơi năm ngoái trận bão có tên “Niño costiero” đã làm dân chúng thiệt hại nặng. Do đó, tôi đã khuyến khích họ phản ứng điều đó, nhưng cũng phản ứng cả những cơn bão tố khác như hình tội, thiếu giáo dục, việc làm và nhà ở yên ổn. Tại Trujillo, tôi cũng đã gặp các linh mục và người tận hiến của miền bắc Peru, chia sẻ với họ niềm vui ơn gọi và sứ mệnh, cũng như trách nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội. Tôi thúc giục họ phong phú trong ký ức và trung thành với gốc rễ của họ. Và trong số các gốc rễ này, có lòng tôn sùng bình dân đối với Đức Trinh Nữ Maria. Cũng tại Trujillo, một cuộc cử hành kính Đức Mẹ đã được tổ chức, trong đó, tôi đội triều thiên cho Đức Mẹ Cổng Thành, tuyên bố ngài là “Mẹ Thương Xót và Hy Vọng”.

Ngày cuối cùng của chuyến đi, tức Chúa Nhật vừa rồi, diễn ra tại Lima, với sắc thái thiêng liêng và Giáo Hội mạnh mẽ. Tại Đền Thánh Peru rất nổi tiếng, nơi bức tranh đóng đinh tựa là “Señor de los Milagros” được tôn kính, tôi gặp chừng 500 nữ tu nội cấm, sống đời chiêm niệm: quả là “lá phổi” đích thực của đức tin và cầu nguyện dành cho Giáo Hội và xã hội như một toàn thể. Tại nhà thờ chính tòa, tôi đã thực hiện hành vi cầu nguyện đặc biệt nhờ sự cầu bầu của các thánh người Peru; tiếp theo là cuộc gặp gỡ các giám mục của xứ sở, với các ngài, tôi có đề xuất gương mặt gương mẫu của Thánh Turibius thành Mogrovejo. Tôi cũng chỉ ra rằng các thánh nam nữ người Peru không để mất thì giờ cho việc “sửa sang” hình ảnh của họ, mà thay vào đó, là bước chân theo Chúa Kitô. Đấng nhìn họ một cách đầy hy vọng. Như mọi lúc, lời của Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho mọi sự, và Tin Mừng Thánh Lễ cuối cùng cũng thế đã tóm tắt sứ điệp của Thiên Chúa gửi cho dân của Người ở Chile và Peru: “hãy ăn năn và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Chúa dường như muốn nói, như thế, các con sẽ nhận được sự bình an mà Thầy ban cho các con và các con sẽ hợp nhất nhờ lòng hy vọng của Thầy. Đó hơn kém là bản tóm lựợc chuyến đi của tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia chị em này, là Chile và Peru, xin Chúa chúc phúc cho họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Caritas Bắc Ninh thăm những người kém may mắn tại giáo xứ Yên Thủy
Caritas Bắc Ninh
11:36 24/01/2018
Lúc 5h00 sáng Thứ Hai, ngày 15/01/2018 vừa qua, Cha Giám đốc Caritas Giáo phận-Phanxico X. Bùi Quang Thuận cùng với nhân viên văn phòng đã lên đường, vượt hàng trăm cây số để đến thăm những anh chị em có hoàn cảnh kém may mắn tại Giáo xứ Yên Thủy do Cha Giu-se Mai Viết Dương coi sóc. Mặc dù thời tiết giá lạnh kèm theo mưa phùn nhỏ nhưng Quý vị trong Ban Hành giáo và Quý Dì thuộc Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất đang cư trú trên địa bàn giáo xứ Yên Thủy đã sẵn sàng đồng hành cùng với Caritas Giáo phận đến từng gia đình để thăm hỏi và động viên cách đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh kém may mắn trong Giáo xứ.

Xem Hình

Người dân thuộc Giáo xứ Yên Thủy làm ăn sinh sống chủ yếu dựa vào việc trồng cây chè. Hầu hết những gia đình cư trú trên địa bàn Giáo xứ là những anh chị em di cư từ Phú Xuyên(Giáo xứ Hoàng Nguyên và Bái Xuyên- Tổng Giáo phận Hà Nội) lên miền núi để làm ăn sinh sống từ những năm của thập niên 70, 80.Những người dân nơi đây bao gồm cả những anh chị em Công Giáo và không Công Giáo cùng chung sống trong địa bàn(thuộc 4 xã của huyện Phú Lương- Thái Nguyên). Sự hiện diện lâu năm của Quý Dì Dòng Đức Mẹ Hiệp Nhất đã khiến cho Quý Dì có chung nhịp sống với người dân nơi đây. Trong sự cảm thông Quý Dì đã đi tìm đến với những anh chị em có hoàn cảnh kém may mắn nơi Giáo xứ trong đó có những anh chị em dân tộc thiểu số cuộc sống còn rất khó khăn.

Caritas Bắc Ninh nhận được những thông tin về những anh chị em có hoàn cảnh kém may mắn, những anh chị em nghèo khổ nơi đây. Ngày 15/01/2018 vừa qua, Caritas Giáo phận với sự đồng hành của Quý vị trong Ban Hành giáo và Quý Dì đã đến thăm hỏi và động viên 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có những anh chị em là người dân tộc thiểu số đang cư trú nơi vùng sâu của địa bàn Giáo xứ. Chúng tôi nhận thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người chúng tôi đến gặp gỡ, có những người còn đang ở trong bệnh viện nên chúng tôi không thể gặp gỡ hết từng người mặc dù có đến thăm hỏi tại gia đình của họ.

Sau khi viếng thăm 20 gia đình người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Lúc 16h30 buổi chiều cùng ngày Caritas Giáo phận lại tiếp tục lên đường để đến với Giáo họ Vân Tập thuộc Giáo xứ Vĩnh Yên do cha Phanxico X. Nguyễn Văn Huân coi sóc, để cùng hiệp dâng Thánh Lễ tại Nghĩa Trang cổ cầu nguyện cho những người quá cố đang an nghỉ tại đây. Đồng thời nguyện xin Thiên Chúa ban ơn để việc tân tạo lại Nghĩa Trang với những dự định mới mau chóng được hoàn thiện, qua đó chúng ta là những người còn sống thể hiện được lòng tôn kính những người đã ra đi trước.

Kết thúc thánh lễ tại Nghĩa Trang Giáo họ Vân Tập lúc 20h45. Đoàn Caritas Giáo phận chia tay Cha xứ và bà con giáo dân lên đường trở về Giáo phận để tiếp tục cuộc hành trình cho ngày hôm sau.
 
Văn Hóa
Cảm tưởng sau chuyến tông du Nam Mỹ của ĐTC: Amazon không còn là huyền thoại
Đinh Văn Tiến Hùng
10:51 24/01/2018
*”Ngợi khen Chúa, Lạy Chúa ! Vì những kỳ công của Ngài nơi các dân tộc Amazon của Ngài và mọi sự đa dạng sinh học mà các vùng đất này bao bọc…”
( Trích lời ĐGH Phanxicô nói với dân chúng khi đến vùng Amazzonia, Maldonacho- Peru )


-Đất Nam Mỹ bừng lên sức sống,
Triệu con tim phấn khởi dâng đầy,
Rừng người tràn ngập đổ về đây,
Cùng mừng đón Vị Giáo Hoàng nhân hậu.

-A-mazon ! A-mazon !
Hai tiếng tên vùng đất xa xôi bỗng trổi dậy trong tôi,
Với những tháng năm tuổi thơ cắp sách đến trường, khi học bài sử- địa.
Nơi có núi rừng hoang vu, con sông huyền bí, muông thú kỳ lạ thời tiền sử còn sót lại.
Có giống người ăn lông ở lỗ, ăn thịt đồng loại, biệt lập với thế giới bên ngoài.
Thật mơ hồ, hoàng dại, nhưng vẫn tin là có ! ! !

-Nhưng huyền thoại trong tôi đã hoàn toàn sụp đổ.
Bởi Vị Giáo Hoàng Thế Kỷ muôn người mến mộ.
Sau gần 5 năm lèo lái con Tàu Giáo Hội với 22 chuyến tông du,
Giáo Hoàng Phanxicô đã thăm 2 quốc gia Nam Mỹ : Chí-lợi, Peru.
Tới Peru, Amazon vùng thổ dân đầu tiên Ngài đã chọn.
Nơi người ta mệnh danh ‘ Đất mồ côi, vô chủ ‘ tha hồ thao túng.
Nơi con người làm giàu khai thác tài nguyên trên xương máu đồng loại.
Nạn nô lệ lao động, nô lệ tình dục, nô lệ cả tuổi thơ,
Nhân phẩm bị chà đạp, văn hóa suy đồi, giáo dục bị thờ ơ…

-Trước rừng người chào đón nồng nhiệt trong tiếng trống bập bùng, áo quần sặc sỡ, điệu múa hát hoang sơ núi rừng, tiếng cười hồn nhiên trong sáng.
Nhưng Vị Giáo Hoàng nhân hậu nhìn họ với tấm lòng xót thương những con người đang bị lạm dụng và gạt bỏ khỏi xã hội đang tự hào tiến bộ ngày nay.
Ngài như người Cha Từ Ái cần phải bênh vực họ, bảo vệ quyền sống công bằng, không bị lợi dụng khai thác làm giàu, không bị kỳ thị, văn hóa truyền thống tổ tiên được tôn trọng gìn giữ và vui sống với thiên nhiên tạo hóa ban tặng…
Chính điều đó, Giáo Hoàng Phanxicô sẽ triệu tập Thượng Hội Đồng Amazon năm 2019 để nhắc lại Thông Điệp ‘Laudato Si’ phải bảo vệ môi trường, chăm sóc ngôi nhà chung nhân loại, đem lại hạnh phúc cho con người.
Ngài kêu gọi Giáo Hội đừng đứng ngoài lề các tệ nạn đang diễn ra :
“ Mỗi nền văn hóa, mỗi vùng đất tiếp nhận Tin Mừng một cách khác biệt làm Giáo Hội thêm phong phú trước những diện mạo mới của Chúa Kitô. “
Đó cũng là vấn nạn của vùng Amazon cần phải thay đổi.

-Amazon! Ký ức tuổi thơ,
Bài học ngày ấy bây giờ còn đây,
Trải bao năm tháng ngày nay,
Rừng hoang vẫn đó còn đầy tài nguyên,
Thổ dân vẫn sống hòa hiền,
Phải được tôn trọng, được quyền ấm no,
Thiên nhiên Thượng Đế ban cho,
Đất trời chung hưởng tự do an bình !

Đinh văn Tiến Hùng








 
Thăm thủ đô Montevideo của quốc gia Uruguay, Nam Mỹ
LM Trần Công Nghị
16:34 24/01/2018
Từ đảo South Gerogia, chúng tôi đi về hướng Tây Bắc trực chỉ thủ Montevideo là thủ đô và là thành phố lớn nhất của nước Uruguay. Nguyên ngữ từ “Montevideo” có nghĩa Nhìn ngọn đồi nằm trên Vịnh. Theo cuộc điều tra dân số hiện nay, thành phố này có dân số trên 1.3 triệu người (khoảng một phần ba dân số cả nước) trong diện tích 201 km2. Thành phố nằm ở cực nam của châu Mỹ, và nằm ở bờ biển phía nam của Uruguay, nằm trên bờ phía đông bắc của sông Río de la Plata.



Hình ảnh thành phố Montevideo

Cảng Montevideo, ở phía bắc của Ciudad Vieja, là một trong những cảng chính của Nam Mỹ và đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của thành phố. Cảng đã phát triển nhanh chóng và liên tục với tỷ lệ hàng năm là 14% do tăng thương mại nước ngoài. Thành phố đã nhận được một khoản vay $ 20 triệu Mỹ từ Liên Mỹ Ngân hàng Phát triển để hiện đại hóa các cảng, tăng kích thước và hiệu quả của nó, và cho phép chi phí hàng hải và vận tải đường sông thấp hơn.

Montevideo nằm ở bờ phía bắc của Río de la Plata, cánh tay của Đại Tây Dương tách biệt bờ biển Nam của Uruguay từ bờ biển phía bắc của Argentina; Buenos Aires nằm cách phía tây Argentina khoảng 230 km (140 dặm). Sông Santa Lucia tạo thành một ranh giới tự nhiên giữa Montevideo và San Jose về phía tây của nó. Đường bờ biển của biên giới phía Nam xen kẽ với những đốm đá và những bãi biển đầy cát. Vịnh Montevideo tạo thành một bến cảng tự nhiên, lớn nhất và lớn nhất trong khu vực, một thành phần chính của nền kinh tế Uruguay và thương mại nước ngoài. Các dòng sông khác nhau băng qua thành phố và đổ vào Vịnh Montevideo.

Khi tầu cập bến cảng Montevideo vào sáng sớm, sau khi ăn sáng, chúng tôi theo đòan du lịch của Seabourn Quest thăm tổng quan một vòng thành phố tuyệt vời này: thăm các di tích, công viên và vườn của Montevideo. Điểm nổi bật của Montevideo là Thành phố Cổ, với Nhà hát Solis nổi tiếng và Quảng trường Độc lập với tượng đài và lăng mộ dành cho anh hùng dân tộc, Jose Gervasio Artigas. Đối diện quảng trường là Tòa nhà Chính phủ và đại lộ thương mại chính là “18 de Julio” bao gồm các cửa hàng, quán cà phê và các tòa nhà văn phòng gần đó.

Là thủ phủ của Uruguay, Montevideo là trung tâm kinh tế và chính trị của đất nước. Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất và giàu có nhất ở Uruguay đều có trụ sở tại thành phố. Kể từ những năm 1990 thành phố đã trải qua sự phát triển kinh tế nhanh chóng và hiện đại hóa, trong đó có hai trụ sở quan trọng nhất Uruguay là tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới Montevideo (1998), và Tháp Viễn thông (2000), trụ sở của công ty viễn thông ANTEL do chính phủ Uruguay sở hữu.

Torre de las Telecomunicaciones (Tháp Viễn thông) hoặc Tháp Antel (Tháp Antel) là trụ sở chính 37 tầng của công ty viễn thông do chính phủ Uruguay, ANTEL, là tòa nhà cao nhất trong nước đặt trụ sở chính 37 tầng. Nó được thiết kế bởi kiến trúc sư Carlos Ott. Nó nằm bên cạnh Vịnh Montevideo.

Thăm Dinh thự Palacio Legislative ở Aguada ở phía bắc trung tâm thành phố, hiện là Quốc hội Uruguay. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1904 và được Chính phủ của Tổng thống José Batlle y Ordóñez tài trợ. Nó được thiết kế bởi kiến trúc sư Ý Vittorio Meano và Gaetano Moretti, người đã lên kế hoạch xây dựng nội thất của tòa nhà.

Trung tâm Thương mại Thế giới Montevideo chính thức khai trương vào năm 1998. Khu phức hợp bao gồm ba tháp, hai tòa nhà ba tầng gọi là Trung tâm Thương mại Thế giới. Trung tâm Thương mại Thế giới được khánh thành năm 1998.

Quảng trường Towers là một khu vực có thiết kế thẩm mỹ đáng chú ý nhằm làm nền tảng cho sự phát triển của hoạt động kinh doanh, triển lãm nghệ thuật, khiêu vũ và biểu diễn âm nhạc và xã hội. Nhà điêu khắc Pablo Atchugarry có các tác phẩm nghệ thuật khác nhau, đáng chú ý là một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Uruguay.

Thăm phố cổ Ciudad Vieja (Thành phố Cổ)

Ciudad Vieja là phần đầu tiên của thành phố được phát triển ở phía tây nam Montevideo. Nó bao gồm nhiều tòa nhà thuộc địa và di sản quốc gia, nhưng cũng có nhiều ngân hàng, văn phòng hành chánh, viện bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, các viện văn hoá, nhà hàng và câu lạc bộ đêm, làm cho nó sống động với cuộc sống. Bờ biển phía bắc là cảng chính của Uruguay, một trong số ít các cảng sâu của Nam Mỹ.

Quảng trường quan trọng nhất của Montevideo là Plaza Independencia, nằm giữa Ciudad Vieja và trung tâm thành phố Montevideo. Nó bắt đầu với Cổng Citadel ở một đầu và kết thúc tại đại lộ 18 de Julio. Đây là phần còn lại của thành phố. Một số tòa nhà đáng chú ý nằm tại đây.

Nhà hát Solís là nhà hát lâu đời nhất của Uruguay. Nó được xây dựng năm 1856 và hiện đang thuộc sở hữu của Chính phủ Montevideo. Vào năm 1998, chính phủ Montevideo đã bắt đầu xây dựng lại nhà hát, trong đó có hai cột thiết kế do Philippe Starck thiết kế. Việc xây dựng lại đã hoàn thành vào năm 2004, và nhà hát đã được mở cửa trở lại vào tháng Tám năm đó. Quảng trường cũng là nơi đặt văn phòng của Tổng thống Uruguay (cả Cung điện Estévez và Tháp điều hành). Lăng mộ Artigas nằm ở trung tâm quảng trường. Các bức tượng bao gồm bức tượng của José Gervasio Artigas, anh hùng của phong trào độc lập Uruguay; một người canh giữ danh dự đang canh chừng tại lăng mộ.

Dinh thự Palacio Salvo, ở giao lộ của 18 de Julio Avenue và Plaza Independencia, được thiết kế bởi kiến trúc sư Mario Palanti và hoàn thành vào năm 1925. Palanti, một người nhập cư Ý sống tại Buenos Aires, sử dụng một thiết kế tương tự cho Palacio Barolo của ông tại Buenos Aires, Argentina. Palacio Salvo cao 100 mét (330 ft), bao gồm ăng-ten của nó. Gerardo Matos Rodríguez đã viết bài tango "La Cumparsita" (năm 1917.) Palacio Salvo ban đầu được dự định sử dụng như là một văn phòng và nhà ở tư nhân.

Còn được gọi là Ciudad Vieja là Plaza de la Constitución (hoặc Plaza Matriz). Trong thập kỷ đầu của Uruguayan, đây là trung tâm chính của cuộc sống thành phố. Trên quảng trường là những Cabildo-chỗ của chính quyền thuộc địa và Montevideo.

Các thư viện công cộng đầu tiên tại Montevideo được thành lập bởi các quyên góp ban đầu của thư viện riêng của Cha José Manuel Pérez Castellano, người đã qua đời năm 1815. Giám đốc là Cha Damaso Antonio Larrañaga, người đã đóng góp đáng kể. Ngoài ra cùng với sự đóng góp từ José Raimundo Guerra, cũng có những người khác từ Tu viện San Francisco ở Salta. Năm 1816, thư viện được thiết kế bởi Luis Crespi theo phong cách Neoclassical và có diện tích 4.000 mét vuông. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1926 và cuối cùng được khánh thành vào năm 1964. Bộ sưu tập hiện tại của nó lên tới khoảng 900.000 đầu sách.

Bảo Tàng Montevideo Cabildo là địa điểm của chính phủ trong thời kỳ thuộc địa của vùng đệm của Río de la Plata. Nó nằm ở phía trước Quảng trường Constitution, ở Ciudad Vieja. Được xây dựng giữa năm 1804 và 1869 theo phong cách tân cổ điển, với một loạt các cột Doric và Ionic, nó trở thành một di sản quốc gia vào năm 1975. Năm 1958, Bảo tàng Lịch sử thành phố và Lưu trữ đã được khánh thành ở đây. Nó có ba triển lãm bảo tàng thành phố vĩnh viễn, cũng như triển lãm nghệ thuật tạm thời, các sự kiện văn hoá, hội thảo, hội nghị chuyên đề và các diễn đàn.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Montevideo nằm trong khu di tích lịch sử của General Fructuoso Rivera. Nó trưng bày hiện vật có liên quan đến lịch sử của Uruguay. Trong một quá trình Bắt đầu vào năm 1998, Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên (1837) và Bảo tàng Quốc gia Nhân học (1981), sáp nhập vào năm 2001, trở thành Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên và Nhân học.

Sau đó đi đến khu chợ Mercado Agricola, một khu chợ tân trang có chức năng như một thị trường của nông dân. Nơi đây cung cấp một cái nhìn hoa quả, đồ ăn và ẩm thực của Uruguay.

Đi tới công viên Batlle y Ordoñez, thăm đài kỷ niệm Monumento La Carreta, thăm cột Obelisk, và sân vận động bóng đá nổi tiếng Centenario, và dừng lại tại Plaza Virgilio để xem đài kỷ niệm dành cho những chiến binh Fallen của Hải quân.

Một trong các di tích văn hóa là nghĩa trang. Có năm nghĩa trang lớn ở Montevideo. Nghĩa trang lớn nhất là Cementerio del Norte, nằm ở phía bắc của thành phố. Nghĩa trang trung tâm (tiếng Tây Ban Nha: Cementerio central), nằm ở Barrio Sur ở khu vực phía Nam của thành phố, là một trong những nghĩa trang chính của Uruguay.

Montevideo có một di sản kiến trúc rất phong phú và một số lượng ấn tượng của nhà văn, nghệ sĩ và nhạc sĩ. Tango Uruguay là một điệu nhảy độc đáo có nguồn gốc từ các khu phố của Montevideo vào cuối những năm 1800. Tango, candombe và murga là ba loại nhạc chính trong thành phố này. Tại khu vực Rio de Plata, các hình thức phổ biến nhất của âm nhạc là tango, milonga và vali criollo. Nhiều ca khúc đáng chú ý có nguồn gốc ở Montevideo bao gồm "El Tango tối cao," La Cumparsita, "La Milonga", "The puñalada" và "Desde el Alma".

Sau cùng đi vòng theo các bãi biển, tận hưởng cảnh quan tuyệt vời của thành phố, đến đài kỉ niệm và hải đăng Punta Brava, rồi quay lại tàu dọc theo bờ biển.

Ngân hàng có truyền thống là một trong những ngành hàng xuất khẩu dịch vụ mạnh nhất ở Uruguay, đất nước này đã từng gọi đó là "Thụy Sĩ của Mỹ". Chủ yếu là lĩnh vực ngân hàng và sự ổn định, mặc dù sự ổn định đã bị đe dọa trong thế kỷ 21 bởi nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng lớn nhất ở Uruguay là Banco Republica (BROU), có trụ sở tại Montevideo. Ngoài ra còn có vô số các nhà môi giới và dịch vụ tài chính văn phòng, trong đó có Ficus Capital, Galfin Socieda.

Montevideo là trụ sở hành chính của Mercosur và ALADI, khối thương mại hàng đầu của nước Mỹ Latinh, vị thế này được so sánh với vai trò của Brussels ở châu Âu.

Nói qua tình hình về Công Giáo ở Montevideo:

Giáo hội và Nhà nước được chính thức tách ra từ năm 1916 tại Uruguay. Hầu hết người ở Montevideo là Công Giáo và đã là như vậy kể từ khi thành lập thành phố. Tổng giáo phận Công Giáo Rôma Montevideo được thành lập Phụ Tỉnh Tông Đồ Montevideo vào năm 1830. Được trở thành Giáo phận Montevideo vào ngày 13 tháng 7 năm 1878. ĐGH Leo XIII đã nâng lên hàng Tổng giáo phận Metropolitan vào ngày 14 tháng 4 năm 1897. Montevideo là tổng giáo phận duy nhất ở Uruguay. Tổng Giám mục cũng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo ở Uruguay. Nhà thờ Tổng giáo phận và đó cũng là tòa Tổng giám mục là Catedral de la Inmaculada Concepción y San Felipe y Santiago. Tổng giám mục Montevideo hiện nay là ĐTGM Daniel Fernando Sturla Berhouet, SDB, kể từ khi được bổ nhiệm vào ngày 11 tháng 2 năm 2014.

Nhà thờ chính tòa là nhà thờ Công Giáo chính của Montevideo. Nó nằm ở thành phố cổ Ciudad Vieja, ngay qua quảng trường Constitution Square từ Cabildo. Năm 1740 một nhà thờ gạch được xây dựng trên địa điểm này. Năm 1790, nền móng mới được xây dựng cho cấu trúc nhà thờ có tính cách tân cổ điển hiện nay. Nhà thờ được thánh hiến vào năm 1804. Kỷ niệm 200 năm thành lập đã được tổ chức vào năm 2004.

Nhà thờ Nuestra Señora del Sagrado Corazón, còn gọi là Iglesia Punta Carretas ("Nhà thờ Punta Carretas"), được xây dựng từ năm 1917 đến năm 1927 theo phong cách Romanesque Revival. Nhà thờ ban đầu là một phần của Dòng Capuchin Minor, nhưng hiện là một giáo xứ. Vị trí của nó là ở góc của Solano García và José Ellauri.

Các tôn giáo khác ở Montevideo gồm có Tin Lành, Umbanda, và Do Thái giáo, nhưng tín hữu không đáng kể.

Vài nét về lịch sử thủ đô Montevideo

Hiện nay theo báo cáo của cơ quan Mercer năm 2017 về chất lượng cuộc sống, xếp hạng Montevideo là thành phố hàng đầu ở châu Mỹ Latinh, xếp hạng thành tích này đã liên tục từ năm 2005. Vào năm 2010, Montevideo là nền kinh tế thành phố lớn thứ 19 trên lục địa và có thu nhập cao thứ 9 trong số các thành phố lớn. Năm 2017, tổng số GDP là $44 tỉ Mỹ kim, với số bình quân đầu người là $ 25.900.

Trong năm 2016, thành phố được xếp lọai đứng thứ 8 trong các thành phố ở Mỹ Latinh và thứ 78 trên thế giới. Thành Montevideo được mô tả như là một thành phố "rực rỡ, năng động, cuộc sống giàu có văn hóa", và "là trung tâm công nghệ phát triển mạnh và tiện ích cho doanh nhân ". Đây là trung tâm thương mại và giáo dục đại học ở Uruguay, thành phố cũng là trung tâm tài chính và văn hoá của một khu đô thị lớn hơn với dân số khoảng 2 triệu người.

Thành phố được thành lập vào năm 1724 bởi một người lính Tây Ban Nha, tên là Bruno Mauricio de Zabala, được coi là một động thái chiến lược giữa các tranh chấp Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha. Thành phố cũng nằm dưới sự cai trị của người Anh thời gian ngắn gọn trong năm 1807.

Montevideo qua các thời đại:

  • Đế chế Tây Ban Nha 1724-1807
  • Đế chế Anh 1807
  • Đế quốc Tây Ban Nha 1807-1814
  • Río de la Plata 1814-1815
  • Liên bang Liên bang 1815-1817
  • Vương quốc Anh của PBA 1817-1822
  • Đế chế Brasil 1822-1828
  • Uruguay 1828-hiện tại


Giữa 1680 và 1683, Bồ Đào Nha đã thành lập thành phố Colonia do Sacramento bên kia vịnh Buenos Aires. Thành phố này đã không gặp phải sự phản kháng từ Tây Ban Nha cho đến năm 1723, khi họ bắt đầu đặt pháo đài trên cao nhìn xuống Vịnh Montevideo. Ngày 22 tháng 11 năm 1723, Thống lĩnh Manuel de Freitas từ Fonseca của Bồ Đào Nha đã xây dựng pháo đài Montevieu.

Cuộc viễn chinh Tây Ban Nha đã được gửi từ Buenos Aires, được tổ chức bởi thống đốc Tây Ban Nha của thành phố là Bruno Mauricio de Zabala. Vào ngày 22 tháng 1 1724, Tây Ban Nha buộc Bồ Đào Nha phải từ bỏ vị trí này và bắt đầu di dân Tây ban nha tới thành phố, ban đầu với sáu gia đình di chuyển từ Buenos Aires và ngay sau đó có các gia đình đến từ quần đảo Canary, mà người dân địa phương sau này gọi họ là "Guanches", " guanchos "hay" canarios ".

Năm 1776, Tây Ban Nha xây dựng Montevideo là căn cứ hải quân miền Nam Đại Tây Dương, với chủ quyền trên bờ biển Argentina, Fernando Po và Falklands.

Cho đến cuối thế kỷ 18, Montevideo vẫn là một khu vực phòng thủ pháo đài, ngày nay được gọi là Ciudad Vieja.

Vào ngày 3 tháng 2 năm 1807, quân đội Anh dưới sự chỉ huy của tướng Samuel Auchmuty và Đô đốc Charles Stirling chiếm đóng thành phố trong trận Montevideo (1807), nhưng thành lại được quân Tây Ban Nha chiếm lại trong cùng ngày 2 tháng 9 cùng năm.

Thành phố Montevideo đã bị bao vây tám năm giữa năm 1843 và 1851, trong thời gian đó nó được cung cấp thực phẩm lương thực bằng đường biển với sự hỗ trợ của Anh và Pháp. Cuộc giao tranh tiếp tục vào năm 1855, Khi Blancos lên nắm quyền cho đến năm 1865. Sau đó, Đảng Colorado lấy lại sức mạnh, giữ quyền cho đến giữa thế kỷ 20.

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người châu Âu (người Tây Ban Nha và người Ý gốc Âu, và cả người Trung Âu) cũng di cư đến thành phố. Năm 1908, 30% dân số của thành phố tức quãng chừng 300.000 người là người nước ngoài sinh ra. Trong thập kỷ đó thành phố mở rộng nhanh chóng: các khu phố mới đã được tạo ra và nhiều khu định cư riêng biệt đã được sáp nhập vào thành phố.

Thành phố có độ cao trung bình 43 m (141 ft). Điểm cao nhất là đỉnh Cerro de Montevideo và đỉnh Cerro de la Victoria. Trên đó có pháo đài Fortaleza del Cerro ở độ cao 134 mét (440 ft).

Montevideo có khí hậu ôn đới ẩm ướt nhẹ. Thành phố có mùa đông mát mẻ (tháng 6 đến tháng 9), mùa hè nóng bức (tháng 12 đến tháng 3) và mùa xuân bất thường (tháng 10 và tháng 11), có rất nhiều cơn dông nhưng không có lốc xoáy nhiệt đới. Lượng mưa thường xuyên và đều đặn trong suốt cả năm, đạt khoảng 950 milimet (37 inch).

Vào năm 1860, Montevideo có 57,913 người, trong đó có một số người gốc Châu Phi, những người đã được mang về làm nô lệ và nhưng được tự do vào khoảng giữa thế kỷ. Đến năm 1880, dân số đã tăng gấp bốn lần, chủ yếu là do nhập cư châu Âu. Năm 1908, dân số của nó đã tăng lên đến 309.331 cư dân.

Trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là người Tây Ban Nha và Ý, tiếp theo là Pháp, Đức hoặc Hà Lan, người Anh, Ireland, Ba Lan, Hy Lạp, Hungari, Nga, Croats, Lebanon, Armenians và Người Do Thái. Làn sóng di dân cuối cùng xảy ra giữa năm 1945 và năm 1955.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Suy Tư
Tấn Đạt
09:41 24/01/2018
SUY TƯ
Ảnh của Tấn Đạt
Dặn lòng, chẳng nghĩ vẩn vơ
Để tâm tĩnh lặng cho đời thảnh thơi.
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 24/1/2018: Thánh lễ với 1.3 triệu tín hữu Peru
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:10 24/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Sáng Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha đã chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.

Sau đó, lúc 10h30, Đức Thánh Cha kính viếng hài cốt các thánh người Peru tại nhà thờ chính tòa Lima, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Chí Lợi tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12h với các tín hữu.

Lúc 4h15 chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại căn cứ không quân Las Palmas. Đây là thánh lễ cuối cùng Đức Thánh Cha cử hành trong chuyến tông du này.

Người ta ước lượng có khoảng 1 triệu 300 ngàn tín hữu tham dự Thánh Lễ này, dưới sức nắng như thiêu như đốt đến nỗi lính cứu hỏa phải xịt nuớc vào đám đông.

Trong bài giảng lễ, trích bài đọc Tin Mừng nói về Tiên Tri Giôna, ngài cảnh cáo rằng đôi khi chúng ta khổ vì đức tin của vị tiên tri này, ngài gọi nó là “hội chứng Giôna”.

Đức Thánh Cha nói:

Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-ve, thành lớn đó, và rao truyền cho họ sứ điệp mà ta nói cho ngươi” (Gn 3: 2). Với những lời này, Chúa đã nói với Giôna và ra lệnh cho ông đến thành phố vĩ đại đó, nơi sẽ bị hủy diêt vì nhiều tệ nạn của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu lên đường về hướng Galilê để rao giảng Tin Mừng (xem Mc 1:14). Cả hai bài đọc đều cho thấy một vị Thiên Chúa hướng cái nhìn của Người về các thành phố trong quá khứ và hiện tại. Chúa muốn khởi đầu một cuộc hành trình: đến Ninive, đến Galilê, đến Lima, đến Trujillo và Puerto Maldonado ... Chúa đến đây. Người đang đi vào lịch sử cá nhân, cụ thể của chúng ta. Chúng ta đã cử hành việc này cách đây không lâu: Người là Emmanuel, là Thiên Chúa muốn ở với chúng ta mãi mãi. Vâng, ở đây, ở Lima, hoặc bất cứ nơi nào anh chị em đang sống, trong cảnh thường lệ của cuộc sống và việc làm hàng ngày, trong việc giáo dục lòng hy vọng mà anh chị em muốn trao ban cho con cái anh chị em, giữa nhiều hoài vọng và lo lắng của mình; trong cảnh riêng tư của gia đình và trong tiếng ồn ào điếc tai của các đường phố. Chính ở đó, dọc theo những con đường bụi bặm của lịch sử, Chúa đến để gặp mỗi người trong anh chị em.

Đôi khi điều xảy ra cho Giôna cũng có thể xảy ra với chúng ta. Các thành phố của chúng ta, với những tình huống đau đớn và bất công hàng ngày, có thể khiến chúng ta bị cám dỗ chạy trốn, ẩn nấp, trốn chạy. Giô-na, và chúng ta có nhiều lý lẽ viện ra để làm như vậy. Nhìn vào thành phố, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nói rằng có “những công dân tìm được phương tiện thỏa đáng để phát triển cuộc sống cá nhân và gia đình của họ - điều đó làm chúng ta hài lòng - nhưng vấn đề là nhiều “người không phải là công dân”, chỉ “nửa công dân” hay “tàn dư đô thị” [1]. Ta tìm thấy họ dọc theo lề đường của chúng ta, sống ở rìa các thành phố của chúng ta, và thiếu các điều kiện cần thiết cho một cuộc sống có nhân phẩm. Thật đau buồn khi hiểu ra rằng trong số những “tàn dư đô thị” này, chúng ta rất thường thấy các khuôn mặt của trẻ em và thiếu niên. Chúng ta đang nhìn gương mặt của tương lai.

Nhìn thấy những điều trên trong các thành phố và các vùng lân cận của chúng ta, nơi nên là những chỗ để gặp gỡ, để liên đới và hân hoan - kết cục, chúng ta lại phải gặp điều chúng ta có thể gọi là hội chứng Giôna: chúng ta nản lòng và muốn chạy trốn (xem Gn 1: 3). Chúng ta trở nên thờ ơ, và do đó, dấu tên và điếc tai với người khác, lạnh lùng và cứng lòng. Khi điều này xảy ra, chúng ta làm tổn thương linh hồn của dân tộc ta. Như Đức Bênêđíctô XVI đã chỉ ra, “thước đo thực sự của lòng nhân ái, về cơ bản, được xác định qua mối liên hệ giữa đau khổ và người đau khổ ... Xã hội nào không thể chấp nhận các thành viên đau khổ của mình và không có khả năng giúp chia sẻ nỗi đau khổ của họ và chịu đựng sự đau khổ này từ bên trong nhờ ‘lòng cảm thương’ là một xã hội tàn nhẫn và vô nhân đạo”. [2]

Sau khi họ bắt giam Gioan, Chúa Giêsu đi Galilê để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Không giống như Giôna, Chúa Giêsu đã phản ứng trước các tin tức gây buồn phiền và bất công về việc bắt giam Gioan bằng cách đi vào thành phố; Người bước vào Galilê và từ các thị trấn nhỏ của nó, Người bắt đầu gieo những hạt giống của niềm hy vọng lớn lao: là Nước Trời đang đến gần, là Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Chính Tin Mừng cho chúng ta thấy niềm vui và ảnh hưởng lan toả của nó: nó bắt đầu với Simong và Anrê, sau đó là Giacôbê và Gioan (xem Mc 1: 14-20). Sau đó nó đi qua Thánh Rosa thành Lima, ThánhTuribius, Thánh Martin de Porres, Thánh Juan Macías, Thánh Francisco Solano, xuống đến chúng ta, được công bố bởi đoàn chứng nhân đã tin vào Người. Nó đã đến với chúng ta để hành động một lần nữa như một thứ thuốc giải độc kịp thời cho việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ. Đứng trước Tình Yêu đó, người ta không thể thờ ơ được.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người cảm nghiệm ngay lúc này hương vị của vĩnh cửu: tình yêu của Thiên Chúa và người lân cận. Người làm điều này cách duy nhất Người có thể làm, là cách của Thiên Chúa, bằng cách đánh thức lòng âu yếm và tình yêu thương xót, bằng cách đánh thức lòng cảm thương và mở mắt để họ nhìn thực tại như Thiên Chúa nhìn. Người mời gọi họ tạo ra những dây liên kết mới, những giao ước mới phong phú trong cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đi xuyên qua thành phố cùng các môn đồ và bắt đầu thấy, nghe, để ý những người đã đầu hàng trước sự thờ ơ, bị đè bẹp bởi tội tham nhũng trầm trọng. Người bắt đầu đưa ra ánh sáng nhiều tình huống vốn giết chết hy vọng của dân tộc Người và để đánh thức một niềm hy vọng mới. Người kêu gọi các môn đệ của Người và mời họ cùng đi với Người. Người kêu gọi họ đi xuyên qua thành phố, nhưng với một nhịp độ khác; Người dạy họ để ý những gì họ đã từng bỏ qua trước đây, và Người chỉ ra những nhu cầu mới và cấp thiết. Hãy ăn năn, Người nói với họ. Nước Trời nghĩa là tìm nơi Chúa Giêsu một Thiên Chúa chịu can dự vào cuộc sống của dân Người. Người can dự và làm người khác can dự để họ không sợ biến lịch sử của chúng ta thành một lịch sử cứu độ (xem Mc 1:15, 21).

Chúa Giêsu tiếp tục bước trên đường phố của chúng ta. Như Người đã làm hôm qua, hôm nay, Người gõ cửa và trái tim chúng ta, để khơi lên ngọn lửa hy vọng và hoài vọng rằng tan vỡ có thể được vượt qua bằng tình huynh đệ, bất công bị đánh bại bởi tình liên đới, bạo lực bị im tiếng bởi các vũ khí hòa bình. Chúa Giêsu tiếp tục kêu gọi chúng ta; Người muốn xức dầu cho chúng ta bằng Thần Khí để cả chúng ta nữa cũng có thể ra đi xức dầu cho những người khác bằng dầu có khả năng chữa lành các niềm hy vọng đã bị thương tổn và đổi mới cách nhìn sự vật của chúng ta.

Chúa Giêsu tiếp tục bước và đánh thức hy vọng, một niềm hy vọng giải thoát chúng ta khỏi những hiệp hội trống rỗng và những phân tích vô ngã. Người khuyến khích chúng ta, như men bột, bước vào nơi chúng ta đang hiện diện, nơi chúng ta đang sống, vào mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nước Trời đang ở giữa anh chị em, Người nói với chúng ta như thế. Nó ở đó, bất cứ khi nào chúng ta không sợ tạo không gian cho người mù nhìn thấy, cho người bị liệt bước đi, cho người phong cùi được lành sạch và người điếc được nghe (xem Lc 7:22) để tất cả những người mà chúng ta đã bỏ cuộc coi như mất có thể được hưởng sự phục sinh. Thiên Chúa sẽ không bao giờ mệt mỏi ra ngoài để gặp các con cái của Người. Làm thế nào chúng ta đốt lên ngọn lửa hy vọng nếu thiếu các tiên tri? Làm sao chúng ta đối mặt được với tương lai nếu thiếu sự hợp nhất? Làm thế nào Chúa Giêsu đến được tất cả các ngóc ngách này nếu thiếu các nhân chứng táo bạo và can đảm?

Hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người trong anh chị em cùng đi với Người trong thành phố, trong thành phố của anh chị em. Người mời gọi anh chị em trở thành môn đệ truyền giáo của Người để anh chị em có thể trở nên một phần của lời thì thầm tuyệt vời muốn tiếp tục vang vọng trong những ngóc ngách khác nhau của cuộc sống chúng ta: Hãy vui mừng, Chúa ở với anh chị em!

Sau thánh lễ, lúc 6h30 đã có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Jorge Chavez của Lima.
 
Giáo Hội Năm Châu 25/1/2018: Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay từ Lima về Rôma
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:42 24/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong những ngày gần đây, đã có những tấn công tới tấp vào cá nhân Đức Thánh Cha Phanxicô, không chỉ riêng tại Chí Lợi mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Chương trình Giáo Hội Năm Châu, do đó, muốn qua video này trình bày những lời trần tình của vị cha chung của chúng ta trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma hôm Chúa Nhật 21 tháng Giêng.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau lời giới thiệu của ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi phỏng vấn trong gần một giờ.

“Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm tổn thương các nạn nhân bị lạm dụng bằng những lời của tôi trong trường hợp của Đức Cha Barros”. Đức Thánh Cha nói khi trả lời các câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma, và thừa nhận rằng ngài đã dùng sai từ ngữ khi trình bày về trường hợp của Đức Cha Juan Barros, giám mục giáo phận Osorno của Chí Lợi. Đức Cha Barros bị các nhóm tín hữu trong giáo phận của ngài chống đối với cáo buộc cho rằng ngài biết rõ những lạm dụng tình dục của “cha bố” là linh mục Fernando Karadima; và họ cho rằng vị Giám Mục đã bao che cho những tội ác này.

Vào ngày thứ Năm tuần trước (21/1) ở Iquique, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“El día que me traigan una prueba contra el obispo Barros, ahí voy a ver. No hay una sola prueba contra el obispo Barros, todo es calumnia” (Ngày họ mang đến cho tôi một chứng minh chống lại Đức Cha Barros, tôi sẽ xem xét, chẳng có một thứ chứng minh nào chống lại Đức Cha Barros, toàn là những lời vu khống.)

Những lời này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nạn nhân bị lạm dụng ở Chí Lợi và Đức Hồng Y Sean O 'Malley đã ra một tuyên bố về vấn đề này.

Đức Giáo Hoàng cũng đã nói về đám cưới giờ đây đã trở thành thời danh trên chuyến bay từ Santiago đến Iquique. Đức Phanxicô biện minh cho sự lựa chọn của ngài bằng cách giải thích rằng đôi hôn phối này đã được chuẩn bị tốt, đã theo các khóa học trước hôn nhân và đã lãnh nhận bí tích hòa giải.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi chuyến đi Chí Lợi và Peru là một cuộc hành trình “tiệt trùng”, giống như sữa, bởi vì chúng ta đã trải qua những nhiệt độ khác nhau từ nóng đến lạnh.

Câu hỏi 1: Vào ngày đầu tiên ở Chí Lợi, Đức Thánh Cha đã gửi một thông điệp mạnh mẽ chống lạm dụng trẻ em. Nhưng rồi khi tuyên bố về trường hợp Đức Cha Barros, ngài lại nói về “vu khống”. Tại sao ngài không tin các nạn nhân mà lại tin Đức Cha Barros?

Tại Chí Lợi, tôi đã nói hai lần về những hành vi lạm dụng: trước chính phủ và trong nhà thờ chính tòa với các linh mục. Tôi tiếp tục chính sách không một chút khoan dung (zero-tolerance) đã được khởi đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Và trong 5 năm tôi đã không ký bất kỳ một yêu cầu xin khoan hồng nào. Nếu phạm lỗi lần thứ hai, cách duy nhất là người phạm lỗi phải thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng và xin khoan hồng. Trong 5 năm, tôi đã nhận được khoảng 25 thỉnh cầu xin được khoan hồng. Tôi chưa ký một trường hợp nào. Về trường hợp của Đức Cha Barros: Tôi đã nghiên cứu, và điều tra kỹ. Thực sự không có bằng chứng nào là ngài có lỗi. Tôi yêu cầu trưng ra bằng chứng thì tôi mới thay đổi quan điểm của mình. Tại Iquique, khi họ hỏi tôi về Đức Cha Barros, tôi nói: “ngày nào có một chứng minh, tôi sẽ nói”. Tôi đã sai khi sử dụng từ prueba “chứng minh”, ý tôi muốn nói là evidencia “bằng chứng”: Tôi biết rằng nhiều người bị lạm dụng không thể có những chứng minh cụ thể. Họ không có, hoặc không thể có, hay nếu có đi chăng nữa họ cảm thấy xấu hổ: bi kịch của những nạn nhân của sự lạm dụng thật là khủng khiếp. Tôi đã gặp một người đàn bà đã bị lạm dụng 40 năm trước, đã kết hôn và có ba đứa con, bà ấy không thể rước lễ được vì bà ấy thấy nơi tay của linh mục, bàn tay của kẻ đã lạm dụng bà. Từ “chứng minh” không phải là từ tốt nhất, tôi muốn nói “bằng chứng”. Trong trường hợp của Đức Cha Barros, tôi đã nghiên cứu và kiểm tra đi kiểm tra lại, mà không có bằng chứng nào để lên án ngài. Và nếu tôi lên án ngài mà không có bằng chứng hoặc sự xác tín về mặt luân lý, tôi sẽ phạm tội xét đoán sai.

Câu hỏi 2: Một trong những lá thư Đức Thánh Cha gởi đến các Giám mục Chí Lợi đã được công khai. Trong bức thư đó, ngài đã đề cập đến việc có thể cho Đức Cha Barros ngưng việc trong một năm...

Tôi phải giải thích lá thư này cho các bạn đó là vì sự thận trọng nên mới nói về một thời gian kéo dài 10 đến 12 tháng. Khi vụ tai tiếng Karadima nổ ra, chúng tôi bắt đầu xét xem có bao nhiêu linh mục cha Karadima đã từng dạy, đã bị lạm dụng hoặc chính họ thực hiện các lạm dụng. Có ba giám mục ở Chí Lợi từng được cha Karadima gửi đến chủng viện. Một số vị trong Hội Đồng Giám Mục đã gợi ý rằng họ nên từ chức, lấy một năm sabbatical để Giáo Hội vượt qua cơn bão này: các Giám Mục này là những người tốt, các giám mục tốt, như Đức Cha Barros, người có hai mươi năm làm giám mục và lúc đó sắp hoàn thành nhiệm vụ của mình trong vai trò Giám Mục quân đội. Có ý kiến yêu cầu ngài từ chức. Ngài đến Rôma gặp tôi và tôi nói không, bởi vì điều đó có nghĩa là thừa nhận một tội lỗi được giả định như thế. Tôi đã bác đơn từ chức của ngài. Sau đó, khi được bổ nhiệm làm giám mục Osorno, phong trào phản kháng này nảy sinh: Tôi đã nhận được đơn từ chức lần thứ hai của ngài. Và tôi đã nói: không, Đức Cha cứ tiếp tục! Đức Cha Barros vẫn tiếp tục bị điều tra, nhưng không ai tìm được bằng chứng nào cả. Tôi không thể lên án ngài, tôi không có bằng chứng, và tôi tin rằng ngài vô tội.

Câu hỏi 3: Còn phản ứng của nạn nhân đối với các tuyên bố của Đức Thánh Cha thì ngài nghĩ thế nào?

Tôi phải xin lỗi trước những cảm nhận của những người bị lạm dụng. Từ “chứng minh” đã làm tổn thương rất nhiều người trong số họ. Họ nói: ‘Tôi đi tìm một giấy chứng nhận hay sao?” Tôi xin lỗi họ nếu tôi làm tổn thương họ mà không nhận ra điều đó, tôi không có ý đó. Và điều này gây cho tôi rất nhiều đau đớn, bởi vì tôi đã gặp họ: ở Chí Lợi có hai cuộc họp được công chúng biết đến, những cuộc họp khác đã không được tiết lộ. Trong mỗi chuyến đi, tôi luôn có cơ hội để gặp gỡ các nạn nhân, cuộc họp ở Philadelphia đã được công bố, nhưng các trường hợp khác không được đề cập đến. Khi nghe rằng Đức Giáo Hoàng bảo họ: “Hãy trình cho tôi một lá thư với bằng chứng, là một cái tát” vào mặt các nạn nhân, tôi nhận ra rằng cách dùng chữ của tôi đã không được tốt, và tôi hiểu, như Peter viết trong một lá thư của anh ta rằng lửa đã nổi lên. Đó là những gì tôi có thể nói rất thành thật.

Câu hỏi 4: Các lời khai của những nạn nhân bị lạm dụng không phải là bằng chứng đối với ngài sao, thưa Đức Thánh Cha?

Lời khai của các nạn nhân luôn là bằng chứng. Trong trường hợp của Đức Cha Barros không có bằng chứng ngài đã từng lạm dụng...

Câu hỏi 5: Người ta không cáo buộc ngài lạm dụng, nhưng đã che giấu các hành vi lạm dụng.

Không có bằng chứng nào về điều này cả.... Tôi mở rộng con tim ra để đón nhận những bằng chứng ấy.

Câu hỏi 6: Đức Thánh Cha đã phản ứng như thế nào đối với lời tuyên bố của Đức Hồng Y O 'Malley về cách dùng từ “vu khống” của ngài trong trường hợp Đức Cha Barros, là từ đã gây ra nhiều đau đớn cho các nạn nhân?

Đức Hồng Y nói rằng Đức Giáo Hoàng đã luôn luôn áp dụng chính sách “không khoan dung”. Rồi thì có chuyện lựa chọn không tốt từ ngữ, tôi đã nói về vu khống, để nói về một ai đó cứ quyết liệt khăng khăng một điều mà không có bằng chứng gì cả. Nếu tôi nói rằng: bạn đã ăn cắp, mà bạn không có đánh cắp, thì tôi đang lăng mạ, bởi vì tôi không có bằng chứng. Đó là một thành ngữ chẳng may. Nhưng tôi chưa hề nghe nói có bất cứ ai là nạn nhân của Đức Cha Barros. Họ không bước ra, chẳng hề ra mặt, họ đã không đưa ra được bằng chứng nào trước tòa. Tất cả chỉ là những lời gió thoảng mây bay vậy thôi. Đúng là Đức Cha Barros nằm trong nhóm thanh thiếu niên của cha Karadima. Nhưng chúng ta hãy rõ ràng: nếu bạn quyết liệt cáo buộc ai đó mà không có bằng chứng gì cả, thì đó là vu khống. Tuy nhiên, nếu một ai đến và đưa ra bằng chứng, tôi sẽ là người đầu tiên lắng nghe họ. Tuyên bố của Đức Hồng Y O'Malley là rất đúng, và tôi đã cảm ơn ngài. Ngài đã nói về nỗi đau của các nạn nhân nói chung.

Câu hỏi 7: Ủy ban Bảo vệ Trẻ em của Tòa thánh đã hết hạn. Có phải điều này có nghĩa là nó không còn là một ưu tiên nữa?

Ủy ban đã được bổ nhiệm trong ba năm. Một khi nó hết hạn, một ủy ban mới sẽ được nghiên cứu. Đã có quyết định gia hạn các thành viên và bổ nhiệm các thành viên mới. Danh sách chung cuộc đã được trình lên tôi trước khi bắt đầu chuyến tông du này, và giờ đây nó sẽ theo thủ tục bình thường của Giáo Triều. Chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ các thành viên mới. Có một vài nhận xét cần làm rõ. Nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không làm điều đó... đây là những khoảng thời gian bình thường cần phải có.

Câu hỏi 8: Đức Thánh Cha sẽ nói như thế nào với những người cho rằng chuyến viếng thăm của ngài đến Chí Lợi là một thất bại, đối với vài người, và thực tế là Giáo Hội còn chia rẽ hơn so với trước đó?

Đây là lần đầu tiên tôi nghe điều này. Tôi rất vui về chuyến đi đến Chí Lợi, tôi không mong đợi nhưng có nhiều người trên đường phố, và những người này đã không đến vì được trả tiền!

Câu hỏi 9: Tại Peru, tầng lớp chính trị đã lừa dối dân chúng với những hành vi tham nhũng và với những thứ ân xá do thương lượng với nhau [ý người ký giả này muốn đề cập đến việc đương kim tổng thống đã ân xá cho cựu tổng thống Alberto Fujimori]. Đức Thánh Cha nghĩ sao về điều này?

Tôi biết có tham nhũng ở một số nước châu Âu. Và ở Mỹ Latinh cũng có nhiều trường hợp. Có nhiều người nói về vụ án Odebrecht [đó là một công ty của Brazil ở trung tâm bão của những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Tổng thống Peru Paolo Kuczynsky], nhưng đây chỉ là một ví dụ điển hình trong danh sách dài. Nguồn gốc của tham nhũng là căn nguyên tội lỗi dẫn chúng ta ra như vậy. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ có thông điệp là: tội lỗi thì được, nhưng băng hoại thì không. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, khi chúng ta phạm tội lỗi mà không nhận ra điều ác và không xin được tha thứ thì đó là băng hoại. Tội lỗi không làm tôi sợ hãi, nhưng băng hoại thì tôi lo lắm, bởi vì nó làm hư hỏng linh hồn và thân xác. Người băng hoại quá tự tin khi cho rằng họ không thể quay trở lại... đó là sự hủy diệt của con người. Các chính trị gia thu tóm quá nhiều quyền lực, và cả các doanh nhân chỉ trả một nửa số tiền mà họ nợ công nhân cũng là tham nhũng. Một bà chủ nhà nghĩ rằng bà ta có thể lợi dụng người giúp việc của mình hoặc đối xử tệ hại với người ấy cũng là chuyện tham tàn. Tôi đã có lần nói chuyện với một chuyên gia trẻ 30 tuổi đã đối xử với những người giúp việc trong nhà của mình một cách tệ hại, tôi đã bảo anh ta đó là một tội lỗi. Và anh ta cãi lại: đừng so sánh những người này với tôi, những người này đáng như thế mà. Đây là những gì những người khai thác tình dục người khác, và những người khai thác sức lao động nô lệ nghĩ như vậy: họ là những kẻ băng hoại.

Câu hỏi 10: Có những băng hoại trong Giáo hội, chúng ta hãy suy nghĩ về trường hợp Sodalizio [đó là phong trào giáo dân do ông Luis Figari thành lập ở Peru đang bị cáo buộc tội lạm dụng tính dục].

Vâng, có những băng hoại trong Giáo Hội. Đã có những trường hợp trong lịch sử của Giáo Hội. Người sáng lập ra Sodalizio đã bị báo cáo là không chỉ lạm dụng tình dục mà còn lèo lái cả lương tâm người ta. Toà Thánh đã tiến hành phiên tòa đó, một bản án đã được đưa ra, bây giờ ông ta sống một mình, với sự trợ giúp của một người giúp việc. Ông ta tuyên bố mình vô tội và kháng cáo lên Tòa Ân Giải Tối Cao, là tòa án tư pháp cao nhất của Tòa Thánh. Nhưng đây là cơ hội cho các nạn nhân khác khiếu nại cả trong các vụ kiện dân sự và giáo hội. Nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn đã nổi lên, tư pháp dân sự đã can thiệp và tôi nghĩ là một hướng đi đúng trong những trường hợp lạm dụng như thế này; và tôi tin rằng tình hình đã trở nên bất lợi cho người sáng lập. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất, có những chuyện khác không được rõ ràng như thế, là những chuyện có bản chất liên quan đến kinh tế. Sodalizio hiện nay đang bị điều tra. Một trường hợp tương tự là trường hợp liên quan đến phong trào Đạo Binh [Chúa Kitô], đã được giải quyết: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quyết liệt không dung thứ cho những điều này và tôi đã học được nhiều từ ngài.

Câu hỏi 11: Sau cuộc hôn nhân giữa người nữ tiếp viên và anh chàng quản lý trên máy bay, Đức Thánh Cha sẽ nói gì với các linh mục giáo xứ trước những cặp vợ chồng muốn kết hôn trên máy bay hay trên tàu thủy?

“Đức Thánh Cha có nghĩ đến đám cưới trên du thuyền hay không?” Một người trong số các bạn nói với tôi rằng tôi rất điên khi làm những việc này. Nó đơn giản thôi. Chàng ta [Carlos Ciuffardi] đã tham gia chuyến bay vào ngày hôm trước. Còn nàng ta [Paula Podest] thì không. Chàng ta đã nói chuyện với tôi. Tôi nhận thấy rằng anh ta đang thử tôi đó mà... đó là một cuộc trò chuyện tốt. Ngày hôm sau cả hai đều có mặt ở đó và khi chúng tôi chụp hình chung, họ nói với tôi rằng họ đã kết hôn dân sự cách nay 8 năm và định là cử hành phép hôn phối tại giáo xứ, nhưng nhà thờ sụp đổ vì động đất một ngày trước đám cưới. Và như vậy chưa có hôn phối đạo. Họ nói: chúng ta sẽ làm phép hôn phối vào ngày mai, hay ngày mốt. Sau đó, cuộc sống dần qua: một đứa con gái, rồi đến một đứa khác. Tôi hỏi họ những câu hỏi và họ nói với tôi rằng họ đã học các khóa học giáo lý hôn nhân. Tôi đánh giá là họ đã được chuẩn bị. Các bí tích là dành cho dân chúng, và nếu mọi điều kiện đều rõ ràng thì tại sao không thể làm những gì có thể được thực hiện ngày hôm nay? Chờ đợi vào ngày mai có lẽ sẽ có nghĩa là chờ thêm 10 năm nữa. Cả hai đều đã dọn mình trước mặt Chúa với bí tích sám hối. Họ nói với tôi rằng họ đã dự trù một số ý định của họ: “Chúng ta hãy đi gặp Đức Giáo Hoàng để xin ngài làm phép cưới cho chúng ta. Tôi không biết điều đó có đúng thế không. Hãy nói với các linh mục giáo xứ rằng Đức Giáo Hoàng đã hỏi họ rất kỹ, đó là một tình huống bình thường thôi mà.

Câu hỏi 12: Ở Amazon, Đức Thánh Cha đã nói về “sự suy đồi” của một số chính sách thúc đẩy việc bảo tồn thiên nhiên mà không tính đến con người. Ngài có nghĩ rằng có một loại chủ nghĩa môi sinh cuối cùng lại đâm ra chống lại nhân loại?

Vâng, tôi nghĩ thế. Trường hợp cụ thể tôi đang đề cập đến là những lo ngại về khu vực Amazon: để bảo vệ rừng, một số bộ lạc đã bị di dời. Cuối cùng là chính khu rừng đã bị khai thác. Có những số liệu thống kê. Một số bộ lạc đã bị loại ra khỏi sự tiến bộ thực sự.

Câu hỏi 13: Một trong những mục tiêu của Giáo hội là chống lại đói nghèo: Chí Lợi đã hạ thấp tỷ lệ đói nghèo từ 40 chỉ còn 11 phần trăm, và đó là kết quả của một chính sách tự do. Có điều gì là tốt trong chủ nghĩa tự do?

Chúng ta cần xem xét cẩn thận các trường hợp kiên quan đến chính sách tự do. Một số quốc gia ở Mỹ Latinh đã thực hiện các chính sách tự do và đã dẫn tới sự nghèo đói cùng cực. Tôi không biết phải trả lời ra sao, nhưng nói chung một chính sách tự do mà không liên quan đến tất cả mọi người, là một chính sách chọn lọc và dẫn đến những thoái hóa. Tôi không biết trường hợp của Chí Lợi, nhưng ở các nước khác nó dẫn đưa các quốc gia đi xuống.

Câu hỏi 14: Một tin liên quan đến Đức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga đã nổ ra: ngài bị cáo buộc là lấy tiền từ Đại học Công Giáo Honduras. Đức Thánh Cha nghĩ sao?

Đức Hồng Y Maradiaga đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này trên truyền hình và tôi lặp lại những gì ngài nói.

Câu hỏi 15: Ấn tượng của ngài về chuyến đi này là gì thưa Đức Thánh Cha?

Đó là ấn tượng về một dân tộc trung tín, những người đã trải qua và vẫn còn đang trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn có một đức tin gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Một dân tộc đã thể hiện được niềm vui và niềm tin của mình. Họ là một dân tộc “insantata”, là một dân tộc Mỹ Latinh có nhiều vị thánh hơn cả. Từ Peru, tôi mang theo tôi một ấn tượng về niềm vui, niềm tin, hy vọng, và trên hết là tôi đã thấy nhiều trẻ em! Tôi thấy những hình ảnh đã từng thấy ở Phi Luật Tân và Colombia khi các bà mẹ và các ông bố giơ cao con mình lên... Điều này nói về tương lai, nói về hy vọng. Đó là bảo chứng cho sự thịnh vượng này.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 25/1/2018
VietCatholic Network
20:12 24/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư 24 tháng 1.

2- Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma.

3- Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại Lima, Peru trước khi đáp máy bay trở về Roma.

4- Nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới.

5- Ơn gọi gia tăng tại giáo phận Lincoln, tiểu bang Nebraska, Hoa Kỳ.

6- Việt Nam đứng hạng 18 trong 50 quốc gia có thành tích bách hại Kitô giáo tồi tệ nhất thế giới.

7- Trưởng Hướng Đạo lão thành Ông Mai Ngọc Liệu tạ thế tại Newport Beach, California.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, thứ Tư 24 tháng 1.

Tin Vatican, Đức Thánh Cha mới tông du hai nước Chile và Peru về chiều thứ Hai vừa qua, vì thế trong buổi tiếp kiên chung hơn 15 ngàn tín hữu và du khách hành hương sáng thứ tư 24 tháng 1, ngài đã chia sẻ với mọi người những gì đã sống khi viếng thăm hai quốc gia này. Ngài cũng mời mọi người vỗ tay chào hai dân tộc Chile và Peru mà ngài vừa viếng thăm về. Ngài khen: “Hai dân tộc này rất giỏi, rất giỏi”. Đức Thánh Cha đã cám ơn Chúa, cũng như chính quyền đạo và đời hai quốc gia, cũng như mọi cộng sự viên và thiện nguyên viên, vì đã cho ngài có dịp gặp gỡ dân Thiên Chúa tại đây, đã được tiếp đón nồng hậu, và chuyến viếng thăm đã diễn ra thật tốt đẹp.

Trong cuộc gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị và dân sự của quốc gia Chilê tôi đã khích lệ con đường dân chủ Chile như không gian của cuộc gặp gỡ liên đới, có khả năng bao gồm các khác biệt. Cho mục đích này tôi đã chỉ ra phương pháp của con đường lắng nghe: đặc biệt lắng nghe dân nghèo, giới trẻ và người già, người di cư, và cả lắng nghe trái đất nữa.

Với các linh mục, các người sống đời thánh hiến, và với các Giám Mục Chile tôi đã sống hai cuộc gặp gỡ sâu đậm, được phong phú hơn vì việc chia sẻ nỗi khổ đau của vài vết thương gây đớn đau cho Giáo Hội nước này. Tôi đã đặc biệt củng cố các anh em mình trong việc khước từ mọi giàn xếp với các lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, đồng thời tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng canh tân các thừa tác viên của Ngài qua thử thách thanh tẩy đớn đau này.

Thánh lễ cử hành tại miền nam trong vùng Araucania, là nơi các thổ dân Mapuche sinh sống, đã biến các thảm cảnh và mệt nhọc của dân tộc này thành niềm vui, bằng cách gióng lên lời kêu gọi cho hoà bình, hoà hợp giữa các khác biệt, và cho việc khước từ mọi bạo lực. Thánh lễ cử hành tại miền bắc ở Iquique, giữa đại dương và sa mạc, đã là một thánh ca gặp gỡ giữa các dân tộc, được diễn tả ra một cách đặc biệt trong lòng đạo đức bình dân.

Các cuộc gặp gỡ với giới trẻ và Đại học Công Giáo của Chile đã trả lời cho thách đố định đoạt cống hiến một ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống của các thế hệ mới.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: tại Perù khẩu hiệu chuyến viếng thăm đã là: “Hiệp nhất cho hy vọng”. Hiệp nhất không phải cho một sự đồng nhất khô cằn, nhưng hiệp nhất trong tất cả sự phong phú của các khác biệt, mà các dân tộc đã thừa hưởng được từ lịch sử và nền văn hoá. Cuộc gặp gỡ với các dân tộc vùng Araucania bên Perù đã chứng tỏ điều này một cách biểu tượng, và đã khai mào cho lộ trình của Thượng Hội Đồng Giám Mục Toàn Amazzonia được triệu tập vào tháng 10 năm 2019.

Nói chuyện với các giới chức chính trị và dân sự Perù tôi đã đánh giá cao gia tài môi sinh, văn hoá và tinh thần của đất nước này, và tôi đã nêu bật hai thực tại đe dọa nó nhất: đó là sự đồi tệ môi sinh xã hội và nạn gian tham hối lộ. Gian tham hối lộ làm hư hỏng trái tim. Vì thế xin làm ơn, đừng gian tham hối lộ.

Tại đền thánh nổi tiếng nhất của Perù trong đó có ảnh Thánh Giá gọi là “Chúa làm phép lạ”, tôi đã gặp gỡ khoảng 500 nữ tu dòng kín của đời chiêm niệm: một lá phổi đích thực của đức tin và lời cầu nguyện cho Giáo Hội và toàn xã hội. Đây đã ít nhiều là tóm tắt chuyến công du này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hai quốc gia anh em là Chile và Perù để Chúa chúc lành cho hai nước.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước khắp nơi trên thế giới. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người

2- Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn báo chí trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma.



Trên chuyến bay từ Lima, thủ đô của Peru, trở về Rôma hôm Chúa Nhật ngày 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn. Ngài đã trả lời khoảng 15 câu hỏi phỏng vấn trong gần một giờ. Sau đây, chúng tôi xin tóm lược một vài vấn đề chính đã được Đức Thánh Cha đề cập đến trong cuộc phỏng vấn này: …

Trả lời câu hỏi về trường hợp của Đức Cha Juan Barros, giám mục giáo phận Osorno của Chí Lợi, Đức Thánh Cha nói: “Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm tổn thương các nạn nhân bị lạm dụng bằng những lời của tôi trong trường hợp của Đức Cha Barros”. Đức Thánh Cha thừa nhận rằng ngài đã dùng sai từ ngữ khi trình bày về trường hợp của Đức Cha Juan Barros. Đức Cha Barros bị các nhóm tín hữu trong giáo phận của ngài chống đối với cáo buộc cho rằng ngài biết rõ những lạm dụng tình dục của “cha bố” là linh mục Fernando Karadima, nhưng đã bao che cho những tội ác này của vị linh mục này. …

Tưởng cũng cần nhắc lại, vào ngày thứ Năm tuần trước (18-1-2018) ở Iquique, Chile, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên địa phương về những cáo buộc liên quan đến Đức Cha Juan Barros, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nào họ mang đến cho tôi một chứng cớ chống lại Đức Cha Barros, tôi sẽ xem xét; chẳng có một thứ ‘chứng cớ’ nào chống lại Đức Cha Barros, toàn là những lời vu cáo.” Những lời này, đặc biệt là từ “chứng cớ” đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nạn nhân của nạn lạm dụng ở Chí Lợi. Đức Hồng Y Sean O 'Malley, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên, đã ra một tuyên bố về vấn đề này, trong đó ngài cho rằng các câu tuyên bố của Đức Thánh Cha là một nguồn gây ra sự đau đớn lớn lao cho các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục hay các kẻ vi phạm khác. Tuy nhiên, ĐHY cho biết Đức Thánh Cha nhìn nhận đầy đủ các thất bại của Giáo Hội trong việc hàng giáo sĩ đã lạm dụng các trẻ em và tác động tàn hại do các tội ác này gây ra cho các người sống sót và người thân của họ. Và ĐHY nhấn mạnh rằng: “tôi đã mục kích nỗi đau đớn của (Đức Giáo Hoàng) khi biết chiều sâu và chiều rộng của các vết thương tạo nơi những người bị lạm dụng và diễn trình phục hồi có khi cần cả một đời người. Các câu tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rằng không có chỗ nào trong đời sống Giáo Hội cho những người lạm dụng trẻ em và chúng ta phải duy trì chính sách tuyệt đối không khoan dung cho các tội ác này đều chân thực và là các cam kết của ngài.”

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Giáo Hoàng cũng đã nói về đám cưới giờ đây đã trở thành thời danh xảy ra trên chuyến bay từ Santiago đến Iquique. Theo tin tức đã được phổ biến rộng rãi trong vài ngày qua, trên chuyến bay trong ngay đầu tiên của chuyến tông du từ Rôma đến ChiLê, Đức Thánh Cha đã bất ngờ làm phép hôn phối cho một đôi nam nữ tiếp viên hàng không theo lời yêu cầu của họ. Đôi nam nữ cho biết họ đã kết hôn dân sự và dự định làm phép cưới trong nhà thờ nhưng trận động đất năm 2010 đã hủy hoại nhà thờ giáo xứ của họ ở Santiago de Chile. Nhiều giới chức trong giới Công Giáo đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Đức Thánh Cha, cho rằng, Ngài làm phép hôn phối cho đôi nam nữ nói trên khi họ chưa được chuẩn bị đầy đủ theo giáo luật. Đức Thánh Cha Phanxicô đã biện minh cho sự lựa chọn của ngài bằng cách giải thích rằng, đôi hôn phối này đã được chuẩn bị tốt, đã theo các khóa học trước hôn nhân và đã lãnh nhận bí tích hòa giải. …

Khi được hỏi Ngài đã có ấn tượng gì về chuyến công du Nam Mỹ vừa qua, Đức Thánh Cha trả lời: “Đó là ấn tượng về một dân tộc trung tín, những người đã trải qua và vẫn còn đang trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn có một đức tin gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Một dân tộc đã thể hiện được niềm vui và niềm tin của mình. Họ là một dân tộc “insantata”, là một dân tộc Mỹ Latinh có nhiều vị thánh hơn cả. Từ Peru, tôi mang theo tôi một ấn tượng về niềm vui, niềm tin, hy vọng, và trên hết là tôi đã thấy nhiều trẻ em! Tôi thấy những hình ảnh đã từng thấy ở Phi Luật Tân và Colombia khi các bà mẹ và các ông bố giơ cao con mình lên... Điều này nói về tương lai, nói về hy vọng. Đó là bảo chứng cho sự thịnh vượng...”

3- Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại Lima trước khi đáp may bay trở về Roma.

Chiếc máy bay Boeing 767 của hãng hàng không Latam đã cất cánh lúc 7 giờ 10 phút, giờ địa phương tối Chúa Nhật ngày 21 tháng 1 năm 2018, đưa Đức Thánh Cha trở lại Rôma sau chuyến tông du Nam Mỹ kéo dài một tuần lễ từ ngày 15 đến ngày 21 tháng 1 năm 2018, gồm 3 ngày đầu tiên ở Chi lê và 3 ngày kế tiếp tại Peru. 3 phi cơ Mirage 2000 của không quân Peru đã bay tháp tùng để tiễn biệt Đức Thánh Cha cho đến khi ngài rời khỏi không phận nước này. Vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, trước khi Đức Thánh Cha khi lên máy may từ giã Peru, Ngài đã chủ sự thánh lễ trước 1 triệu 300 ngàn tín hữu tại thủ đô Lima, Peru. Đồng tế với Ngài có hơn 60 Giám mục cùng với hàng trăm Linh mục. Trong số các tín hữu dự lễ có Ông Kuszinski Tổng thống Peru, và 7 vị đại diện của các Giáo Hội và cộng đoàn Kitô không Công Giáo. Đây là thánh lễ đông người tham dự nhất trong chuyến viếng thăm 6 ngày của Đức Thánh Cha tại 2 quốc gia: Chile và Peru. …

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn các bài đọc của Chúa Nhật thứ 3 thường niên, đặc biệt là sách Giona nói về sự tích ngôn sứ, khi được Chúa bảo tới thành Nivive rao giảng thống hối cho dân thành, thì ông bỏ trốn vì dân thành này nổi tiếng là gian ác, sa đọa. ĐTC nói: ”Nhiều khi (điều này) cũng xảy ra với chúng ta như xảy ra cho Giona. Các thành thị của của chúng ta, với những tình cảnh đau thương và bất công hằng ngày tái diễn, có thể khiến chúng ta bị cám dỗ chạy trốn, ẩn núp và rút lui… Khi nhìn thành thị và những khu phố của chúng ta, những nơi lẽ ra phải là môi trường gặp gỡ và liên đới, vui mừng, nhưng chúng lại tạo nên điều mà chúng ta có thể gọi là ”hiệu chứng Giona”: một nơi khiến người ta phải trốn chạy và không còn tín thác” (Xc St 1,3)

ĐTC nhận xét rằng, trong Tin Mừng, khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, thì Chúa Giêsu đến miền Galilea để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Khác với Giona, Chúa Giêsu, khi đứng trước một biến cố đau thương và bất công như vụ bắt Gioan Tẩy giả, Chúa Giêsu vào thành, vào miền Galilea và bắt đầu từ nhóm dân nhỏ ấy, gieo vãi điều sẽ là khởi đầu của một niềm hy vọng lớn hơn, đó là ”Nước Thiên Chúa đã gần, Thiên Chúa ở giữa anh chị em”…

Từ những điều trên đây, ĐTC nói: ”Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài sống trong hiện tại một điều có hương vị vĩnh cửu: đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân… Và Ngài kết luận rằng ”ngày hôm nay, Chúa cũng đang kêu gọi anh chị em đi với Ngài, trong thành thị của anh chị em. Chúa gọi anh chị em hãy trở thành môn đệ thừa sai của Ngài, và qua đó tham gia vào tiếng thì thầm lớn mà Ngài muốn nó tiếp tục âm vang trong mọi góc của đời sống chúng ta, đó là: “Anh chị em hãy vui lên, Chúa đang ở cùng anh chị em!”

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cám ơn Đức Hồng Y, các anh em Giám mục, Tổng thống Kuszinski và chính quyền Peru, cũng như hàng ngàn người thiện nguyện đã làm việc âm thầm và hy sinh để cuộc viếng thăm của ngài có thể tiến hành được. Đức Thánh Cha nói thêm: Peru là miền đất hy vọng vì các truyền thống phong phú và các phong tục của dân tộc này. Đây là miền đất hy vọng cho người trẻ, không những là tương lai nhưng còn là hiện tại của Peru. Hãy bảo tồn niềm hy vọng. Không có cách nào tốt hơn để giữ gìn hy vọng cho bằng tiếp tục đoàn kết hiệp nhất với nhau, để tất cả những lý do nâng đỡ niềm hy vọng được tăng trưởng thêm mỗi ngày”. Kết thúc thánh lễ vào lúc gần 6 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã ra phi trường quốc tế Lima trở về Roma. Tại đây Tổng thống cùng với phu nhân và các quan chức đạo đời đã có mặt để tiễn biệt Đức Thánh Cha, trước sự hiện diện của đội quân danh dự. Chiếc Boeing 767 chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường Ciampino, Roma, vào lúc 2 giờ15 chiều ngày thứ Hai, ngày 22 tháng 1 năm 2018.

4- Nhà thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới.

Tin Ấn Độ - Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, Đức Hồng Y George Alencherry, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar, đã trao tặng danh hiệu “Trung tâm Hành hương Tổng Giám mục trưởng” cho nhà thờ cổ nhất Ấn Độ và được coi là đền thờ kính Đức Mẹ đầu tiên trên thế giới. Nhà thờ Đức Maria ở thành phố Kuravilangadu, được xây năm 105, nhưng được trùng tu nhiều lần. Nhà thờ hiện tại được hoàn tất vào năm 1960. Tượng Đức Mẹ được kính ở bàn thờ bên cạnh. Những người sùng kính gọi là tượng “bà”. …

Đây là lần đầu tiên Giáo hội Syro-Malabar trao danh hiệu như thế này cho một nhà thờ giáo xứ. Theo sắc lệnh được Đức Hồng Y tuyên bố ngày 14/11, với danh hiệu mới này, nhà thờ có các quyền và nghĩa vụ theo luật của một trung tâm hành hương. Công đồng Giáo hội Syro-Malabar diễn ra từ ngày 8-13 tháng 1 và đã quyết định tặng tước hiệu đặc biệt cho các nhà thờ và các trung tâm hành hương có ý nghĩa lịch sử quan trọng thu hút nhiều khách hành hương.

Tài liệu của nhà thờ này ghi nhận lần hiện ra đầu tiên của Đức Mẹ là ở Kuravilangad. Đức Mẹ hiện ta với một số trẻ em đang chăn súc vật trong bụi rậm. Đức Mẹ yêu cầu xây một nhà thờ ở nơi sẽ có một suối nước xuất hiện như phép lạ và chảy không ngừng; dòng suối này vẫn còn đến ngày nay. Các trẻ em đã kể lại các sự kiện cho người lớn và một nhà thờ được xây ở đó.

Theo niềm tin truyền thống, pha trộn giữa các sự kiện lịch sử và huyền thoại, nhà thờ Kuravilangad là quê hương của các con cháu người Ấn độ được thánh Tôma tông đồ giảng đạo ở Palayur, gần Trichurch.

5- Ơn gọi gia tăng tại giáo phận Lincoln tiểu bang Nebraska, Hoa kỳ.

Tin Hoa Kỳ - Tại hội nghị Tình bạn Sinh viên Công Giáo (gọi tắt là FOCUS) lần thứ 18 được tổ chức tại Chicago hôm đầu tháng 1, Đức cha James Conley, Giám mục Giáo phận Lincoln từ năm 2012, đã cho biết nguyên nhân của sự gia tăng ơn gọi trong Giáo phận.

Từ những năm gần đây, Giáo phận Lincoln, thuộc tiểu bang Nebraska, Hoa kỳ, là một Giáo phận nhỏ nhưng trở nên nổi tiếng với việc gia tăng ơn gọi. Giáo phận Lincoln là một Giáo phận nhỏ với hơn 90 ngàn tín hữu, nhưng hiện giờ có 39 chủng sinh, 146 Linh mục đang làm việc với độ tuổi trung bình là 41. Trong vòng hai năm qua, Giáo phận Lincoln có 17 tân linh mục, vượt xa các Tổng giáo phận lớn hơn như Los Angeles, California. Giáo phận Lincoln cũng nổi tiếng là pháo đài của sự chính thống và phụng vụ theo nghi lễ Latinh. …

Theo Đức cha Conley, có nhiều lý do giải thích về sự bùng nổ ơn gọi tại Giáo phận và rõ ràng đó là do nhiều ơn phúc. Nhưng ngài muốn đề cập đến một lý do đóng góp trực tiếp đến sự gia tăng ơn gọi, đó là sự lãnh đạo của các Giám mục. Đức cha đặc biệt nhắc đến hai vị tiền nhiệm của ngài, Đức cha Fabian Bruskewitz và Đức cha Glennon Flavin. Trong những năm hoang mang sau công đồng Vatican II, hai Đức cha này luôn rất rõ ràng trong giáo huấn và rất trung thành với Huấn quyền và gia sản của Giáo hội. Các ngài đã lèo lái Giáo phận trên con đường chắc chắn và do đó đã không có sự sai lầm về phụng vụ.

Đức cha cũng đề cập đến vai trò của các nữ tu, hiện là hiệu trưởng các trường và dạy học. Trong Giáo phận có 37 nữ tu mặc tu phục dạy tại các trường và 48 Linh mục tham gia vào việc điều hành và dạy tại các trường của Giáo phận. Ngài nói giáo dục Công Giáo có một vai trò quan trọng về sự thành công của Giáo phận trong lãnh vực Ơn gọi.

6- Việt Nam đứng hạng 18 trong 50 quốc gia có thành tích bách hại Kitô giáo tồi tệ nhất thế giới.

Có đến 215 triệu người Kitô hữu đang sống dưới các chế độ bách hại tôn giáo trên thế giới, đó là kết luận cuả “2018 World Watch List” (Bản Danh Sách đáng quan tâm năm 2018) của cơ quan “Open Doors USA”. “Open Doors” tạm dịch là “Những cánh cửa rộng mở”, là một cơ quan từ thiện liên tôn được thành lập 60 năm trước ở Hà Lan, chuyên lo việc giúp đỡ các kitô hữu bị bách hại trên toàn thế giới. “Open Doors USA” là chi nhánh cuả “Open Doors” ở Hoa Kỳ. …

Trong Bảng danh sách liệt kê 50 quốc gia tồi tệ nhất do bạo lực và khủng bố chống lại Kitô hữu, Việt Nam đứng hạng khá cao, thứ 18, trong khi đó Trung Hoa thì chỉ đứng hạng 43 mà thôi. Bản báo cáo cho thấy rằng cứ 12 người kitô hữu trên thế giới thì có 1 người đang là nạn nhân của bạo lực đàn áp. Theo “Open Doors USA” thì hai lý do chính là sự lây lan của Hồi giáo cực đoan và sự gia tăng cuả chủ nghĩa tôn giáo dân tộc. Tại Mexico và Colombia thì lý do là tổ chức tội phạm, còn ở Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Trung Hoa thì lý do là chủ nghiã Cộng Sản.

Bắc Triều Tiên Cộng Sản đứng đầu danh sách cuả các quốc gia tội phạm tồi tệ nhất, và tiếp tục đứng đầu như vậy trong 16 năm qua. Chưa có một người Kitô hữu nào có thể công khai hành đạo tại đây mà không bị cưỡng bức đi lao động trong một trại cải tạo, hoặc, trong một số trường hợp, đã bị xử tử. Cho dù như thế, trong hai thập kỷ qua, Thiên Chuá Giáo vẫn tăng trưởng một cách ngấm ngầm và lớn lao tại Bắc Triều Tiên. Bản báo cáo ước tính có thể có đến 300.000 Kitô hữu đang sống “chui” ở Bắc Triều Tiên ngày nay.

Afghanistan, với 99 phần trăm dân số là người Hồi giáo đứng thứ hai trong danh sách. Họ cấm cải đạo qua Kitô giáo, những ai bỏ đạo qua một tôn giáo khác bị kết tội là ‘giáo gian’ đáng chết (apostasy) và thường bị chính gia đình cuả họ xử tử để làm gương và để bảo vệ tiếng thơm cho gia đình. Những bạo lực thê thảm nhất cũng đã xảy ra cho người Kitô hữu là ở Pakistan. Các chiến binh hồi giáo ở đây đặc biệt nhắm mục tiêu vào Kitô hữu. Nạn Hồi Giáo cực đoan cũng có vẻ đang gia tăng ở Somalia, nơi mà Kitô hữu, nếu bị phát hiện, sẽ bị hành quyết ở giữa chợ. Dấu hiệu gia tăng cũng xảy ra ở các nước Ai Cập, Ấn Độ, Libya và Kazakhstan.

7- Trưởng Hướng Đạo lão thành Mai Ngọc Liệu tạ thế tại Nam Cali.

Trưởng Hướng Đạo Mai Liệu đã tạ thế ngày 16 tháng 1 năm 2018 tại Newport Beach, California Hưởng đại thọ 100 tuổi.

Lễ phát tang và thăm viếng sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang, ở Santa Ana, trong 2 ngày Thứ Năm và thứ Sáu, ngày 1 và 2 tháng 2, 2018 từ 1:00 trưa đến 7:00 chiều. Thánh Lễ An Táng sẽ được cử hành vào lúc 10:00 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018 cũng tại Nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Sau đó là hỏa táng.

Trưởng Mai Ngọc Liệu, anh chị em Hướng Đạo thường gọi một cách âu yếm là Trưởng Mai Liệu, sinh năm 1918 tại Nam Định, Bắc Phần. Trưởng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo từ năm 1936, liên tục cho đến ngày lìa rừng, 16 tháng 1 năm 2018.

Trưởng Mai Liệu là một trong những Hướng đạo sinh tiền phong thuộc Phong trào Hướng Đạo Công Giáo Việt Nam và có công rất lớn trong việc phát huy tinh thần Hướng đạo không những trong giới Công Giáo mà còn ngòai xã hội. Trưởng Mai Liệu bắt đầu làm việc ở miền bắc trước 1954, song song với những sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo. Ông là sáng lập viên và là chủ nhiệm của tờ báo Công Giáo Cứu Quốc. Ông từng giữ các chức vụ Tổng Thanh Tra Hành Chính Bắc Việt, kiêm Tỉnh Trưởng Kiến An dưới thời Thủ Hiến Bắc Việt Lê Quang Luật. Trưởng Liệu cũng là người Quốc Gia rời miền Bắc cuối cùng sau khi Việt Cộng tiếp thu cơ sở ở Kiến An năm 1955.

Di cư vào Nam năm 1954-1955, trưởng Mai Liệu đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trong chính quyền cả hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Trưởng cũng tiếp tục sinh hoạt tích cực trong Phong trào Hướng Đạo Việt Nam, từng là Trại Trưởng Trại Trường Quốc Gia Hướng Đạo Việt Nam, Tùng Nguyên Đà Lạt trong các năm 1967, 1972-1975, và là Dịch giả của nhiều sách và tài liệu Hướng Đạo như cuốn Nghề Trưởng, Hướng Đạo Cho Trẻ Em, Đường Thành Công...

Di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, Trưởng Mai Liệu được mời làm Giáo sư thỉnh giảng của Viện Nghiên Cứu Ngữ Học (Việt) tại Đại Học Harvard, và CSU of Fresno, USA.

Năm1983, Trưởng cùng các Trưởng HĐVN thành lập Hội Đồng Trung Ương HĐVN tại hải ngoại và giữ vai trò Trưởng Cố Vấn HĐTƯ-HĐVN từ 1983-2018. Trưởng là Sáng Lập Viên Phong Trào Hướng Đạo Trưởng Niên HĐVN tại hải ngoại (từ giữa thập niên 90). Ngoài ra, Trưởng còn là Tiên Chỉ Làng Bách Hợp Hướng Đạo Trưởng Niên Bắc Cali (1996-2014).

Trăm tuổi già rồi cũng về với tổ tiên, lúc sinh thời Trưởng Mai Liệu đã đóng góp rất nhiều cho phong trào HĐVN suốt một phần lớn của chiều dài cuộc đời mình, tới những 82 năm; ngoài ra Trưởng còn có những công trình nghiên cứu về Ngữ Học (Việt) rất có giá trị đóng góp cho ngành giáo dục và sinh hoạt cộng đồng Việt Nam.