Ngày 24-01-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại: Cú ngã ngựa lịch sử
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:35 24/01/2012
Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông đồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống bôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo?... Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 8, 35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy lạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi "tại sao?" đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là "Phaolô" đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận "tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi"

- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: "Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi".

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, TGP Sàigòn, tháng 01. 2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô. Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì "Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô. Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ, là bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài, không có sự sông chính của riêng tôi, sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô... ( Pl 3, 7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: "vì anh em, phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp; không còn nô lệ hay tự do; không còn nam hay nữ; vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu" (Gal 3, 27-28). Vì Đức Kitô là "tất cả mọi sự và trong mọi người" ( Cl 3, 11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cr 9, 3-18; 2Cr 11, 8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những "... lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi"; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi "phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng" (2Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ có khi không khỏi nao núng:" anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, là kẻ bị tù vì Ngài". Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai... (2 Tim 1, 8-12). Vì đức Kitô "tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi, nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích" (2Tim 2, 9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình "Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2Cor 12, 9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy "chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn; lâm bĩ nhưng không mạt lộ; bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt" (2Cor 4, 8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài " tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi"(Gal 2, 20).

3. Những cú "ngã ngựa" trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô. Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo.... Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19. 32. 33. 38. 39)

Nhìn vào biến cố "ngã ngựa" của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú "ngã ngựa". Có những cú "ngã ngựa" trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú "ngã ngựa" trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú "ngã ngựa" trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe...

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn "ngã ngựa" chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn "ngã ngựa" như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. "Tội hồng phúc" là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú "ngã ngựa" của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu "ngã ngựa" là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
 
Nhân chứng
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:44 24/01/2012
Chúa nhật 4 QN.B (Đnl 18, 15-20; 1Cor 7, 32-35; Mc 1, 21-28)

Thiên Chúa đã chọn Môisen để dẫn dắt Dân Chúa ra khỏi nước Ai-cập. Chúa đã trao phó cho Môisen quyền giảng dạy và quản trị. Chúa phán: Ta sẽ đặt vào miệng ngươi những lời của Ta, ngươi sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta đã truyền cho ngươi. Môisen được diện kiến Thiên Chúa trong bụi gai cháy mà không bị tàn lụi. Chúa ban cho ông chiếc gậy chăn chiên để làm các sự lạ, biến rẽ biển đỏ và đập đá tuôn trào dòng nước cho dân. Chúa đã trao cho Môisen quyền hướng dẫn, giảng dậy và thánh hóa. Với sự hiểu biết và sức lực có hạn, Môisen hoàn toàn cậy nhờ vào ơn Chúa giúp. Ông đã thỉnh cầu Thiên Chúa và tuân hành theo ý muốn của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Suốt 40 năm Dân Do-thái lưu lạc trong hoang địa, Môisen đã đồng hành với Dân qua mọi thách thức khó khăn và nguy hiểm.

Ra khỏi nước Ai-cập, sau bốn mươi ngày trên núi nguyện cầu, Chúa đã ban cho Môisen Mười Giới Răn là nồng cốt của đạo. Môisen đã thay mặt Chúa để hướng dẫn Dân sống theo luật pháp của Chúa: Anh em phải biết rằng Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người (Dnl 7,9). Ông đã truyền dậy về đức tin và luân lý. Tôn thờ Thiên Chúa, kính yêu thảo kính cha mẹ, sống chân thành không dối gian và tôn trọng thân xác. Thật vậy, Thiên Chúa đã dùng con người mọi thời để tiếp tục sứ mệnh rao truyền giới răn của Chúa. Suốt dọc lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi nhiều các tiên tri, vua chúa và các thừa tác viên cộng tác trong việc dẫn dắt dân chúng đi trong đường lối Chúa.

Ngày xưa, Thiên Chúa truyền dạy chúng ta qua các tổ phụ, cha ông và các đại diện, nay Thiên Chúa sai chính Con Một đến để mạc khải cho chúng ta về chân lý Nước Trời: Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1,1-2). Khi nghe Chúa Giêsu rao giảng, người ta đã kinh ngạc về giáo lý của Người vì Người dạy như Đấng có uy quyền. Qua Ngôi Lời, Thiên Chúa đã tác tạo mọi loài. Lời của Chúa có thể sáng tạo và biến đổi từ thể xác đến tâm hồn. Lời Chúa là lời quyền năng linh thiêng. Tất cả Lời Chúa đều là lời hằng sống, ban sinh lực và giáng phúc. Khi đi rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã thực hiện những phép lạ kèm theo. Các phép lạ là dấu chỉ để mọi người nhận biết Chúa là Đấng Thiên Sai.

Khi sai các tông đồ ra rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban quyền chữa lành cho các ngài. Với danh Chúa Kitô sống lại từ cõi chết, các tông đồ đã nhiệt tình đem tin mừng đến muôn dân qua sự giảng dậy và làm các phép lạ. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại nhiều phép lạ mà các tông đồ đã thực hiện, nhất là thánh Phêrô: Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành (Tđcv 5,15-16). Thánh Phaolô cũng được ơn chữa lành: Có ông thân sinh ông Púpliô đang liệt giường vì bị sốt và kiết lỵ. Ông Phaolô vào thăm, cầu nguyện, đặt tay trên ông và chữa khỏi (Tđcv 28,8). Thánh Philipphê thực hiện các dấu lạ: Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philipphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm (Tđcv 8,6).

Trong thơ gởi cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô khuyên răn mọi người hãy sống đẹp lòng Chúa qua những ơn gọi riêng. Vì lợi ích của anh chị em, chớ không phải gài bẫy anh em. Mọi ơn lành Chúa ban đều phải sinh hoa trái trong đời sống đạo. Dọc lịch sử Giáo Hội, bàn tay quan phòng của Chúa luôn hiện diện với con cái loài người. Chúng ta nhìn qua một chút những hồng ân từ trời ban xuống cho nhân loại qua các chứng nhân.

Khi còn lữ hành tại thế, có một số vị sống thánh thiện đã được Chúa ban những ơn sủng đặc biệt để làm nhân chứng cho Chúa, như được ơn ghi dấu thánh: Thánh Gemma Galgani (1878-1903) và cha thánh Piô Năm Dấu (1887-1968).

Ơn nói tiên tri: Thánh Martin de Porres (1579-1639), Thánh Mary Magdalene de Pazzi (1566-1607), Thánh Francis of Paola (1416-1507), Thánh Francis of Rome (1384-1440), Á thánh Margaret of Castello (1287-1320), Thánh Anthony of Padua (1195-1231), Thánh Bernard of Clairvaux (1090-1153), Thánh St. Anthony Mary Claret (1807-1870), Thánh Colette (1381-1447), Thánh John Bosco (1815-1888).

Ơn chữa bệnh: Cha thánh Piô Năm Dấu 1887-1968). Ơn hiện diện hai nơi cùng lúc: Cha thánh Pio of Pietrelcina (1887-1968). Ơn nghe tiếng nói từ trời cao: Thánh Clelia Barbieri (1847-1870).

Ơn xuất thần và bay bổng: Thánh Joseph of Cupertino (1603-1663), Thánh Gerard Majella (1726-1755), Thánh Paul of the Cross (1694-1775), Thánh Gemma Galgani (1878-1903). Ơn cầu cho kẻ chết sống lại: Thánh Vincent Ferrer (1350-1419). Ơn ăn chay trường: Á thánh Alexandrina da Costa (1904-1955). Ơn nhắn gởi thơ từ: Thánh Anthony of Padua (1195-1231).

Ơn hiểu biết được những kiến thức huyền bí: Thánh Gerard Majella (1726-1755). Thánh Catherine of Siena (1347-1380), Thánh John Vianney (1786-1859). Ơn đánh đòn và đội mão gai: Thánh Rita of Cascia (1381-1457) và Marie Rose Ferron (1902-1936). Ơn nói tiếng lạ: Thánh Paul of the Cross (1694-1775), thánh Francis of Assisi (1181-1226) và thánh Anthony of Padua (1195-1231).

Ơn thân xác được giữ nguyên vẹn sau khi chết: Thánh Charbel Makhlouf (1828- 1898). Ơn hiểu các ngôn ngữ cổ thời: Therese Neumann of Germany (1898-1962). Ơn thực hiện các phép lạ trong thiên nhiên trên các thú vật: Thánh John Bosco (1815-1888, Thánh Francis of Assisi (1181-1226) và nhiều các dấu lạ khác.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ngài. Chúa Giêsu thực hiện tất cả mọi thứ phép lạ qua chính lời nói, ý muốn và quyền năng của Ngài. Chúa có mọi uy quyền sáng tạo, tái tạo và biến đổi trong lời nói và việc làm. Chúa cũng đã ban cho một số vị được những ơn lạ là để giúp củng cố lòng tin của các tín hữu mọi nơi và mọi thời. Các ngài là những vị sống đời chiêm niệm và thần bí kết hợp mật thiết với Chúa và làm sự lạ để sáng danh Chúa.

Các vị thánh không làm phép lạ để khoe khoang, quảng cáo hay đề cao chính mình nhưng các ngài sống trong khiêm nhượng và phó thác. Hữu xạ tự nhiên hương. Thực hiện tất cả các sự lạ là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng. Hầu hết các vị thánh này có một đời sống khổ hạnh, hy sinh hãm mình và sống chìm ngập trong ân sủng của Chúa. Ngay từ sinh thời, các Ngài đã là mẫu mực gương sáng cho mọi người. Sau khi mãn phần, Giáo Hội đã tôn phong nhân đức của các Ngài để mọi người tôn vinh danh Chúa và cầu khẩn. Sự chân thật và thánh thiện đi vào cuộc sống đời đời.

Chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô là đầu và cùng đích. Chúa luôn đồng hành với Giáo Hội qua mọi biến cố thăng trầm. Như Dân xưa đi trong sa mạc, họ đã chịu trăm nghìn thử thách và khổ đau để được thanh luyện. Họ đã trở thành Dân Riêng được Chúa yêu thương và đã chiếm hữu được miền Đất Hứa. Trong cuộc lữ hành trần thế, chúng ta cũng đang đối diện với muôn vàn chông gai thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Chúng ta hãy trung thành và kiên trì phấn đấu tới giây phút cuối. Triều thiên vinh thắng đang chờ mỗi người chúng ta nơi cuối cuộc hành trình. Lạy Chúa, xin thêm đức tin để chúng con ra đi làm nhân chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.
 
Tỉnh để buông...
Trầm Ly
12:04 24/01/2012
TỈNH ĐỂ BUÔNG...

Lần nọ, tôi có cơ hội hiện diện trước giường bệnh của một ông cụ đang hấp hối. Trước khi cụ nhắm mắt, cụ lấy hết sức mình với tay để chụp lấy tay tôi, nhưng chưa kịp chạm vào tay tôi thì cụ đã buông xuống và tắt thở.

Vâng! Con người nào từ khi được sinh ra trên cõi trần này cũng đều có khuynh hướng bám víu và giữ lại. Trẻ thơ vừa lọt lòng mẹ, thì xuất hiện những tiếng gào thét cùng với hai bàn tay đều nắm chặt như ai đó lấy đi cái gì đó của bé vậy! Ông cụ ở trên cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Có thể suốt quãng đời làm người trên trần gian này, chúng ta đã vất vả tìm kiếm và chất đầy vào hành trang cuộc đời chúng ta vô số những thứ linh tinh, và có thể thậm chí xem ra rất trẻ con khi chúng ta có dịp rà soát lại kho chứa của mình. Khi nhìn lại kho dự trữ ấy, chúng ta sẽ không khỏi bàng hoàng vì nhà kho của mình to lớn bằng cả một quốc gia! Vậy mà... bao lâu nay chúng ta khệnh khạng mang vác. Vất vả. Nặng nề. Đuối sức. Hụt hơi. Nếu có nghiệm ra được, thì cũng không có can đảm buông xuống và rời bỏ, "bỏ thì thương, vương thì tội." Vẫn có những giáo sư nổi danh trong nhà có cả một thư viện, đồ đạc trong phòng như là một đống ve chai hỗn độn và lỉnh kỉnh. Có những quyển tập quyển sách đã từ lâu lắm rồi vẫn còn đó, chưa từng đọc lại một lần, nhưng không thể bỏ cuốn nào đi được, vì hình như, bỏ một cuốn sách quyển vở hay một thứ gì đó như là bị một vết thương đau nảy sinh trong tâm hồn. Vì những gì đã từng đi theo chúng ta trở nên thắm thiết và gần gụi lắm, vì từng món đồ nhỏ ấy như gợi lại bao kỷ niệm quá khứ.

Thêm vào đó, con người đang sống trong thế giới của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật vượt bậc, càng làm cho con người thời đại chất vào hành trang mình thêm khối lượng khổng lồ. Những thông tin ồ ạt trên truyền hình, qua Internet, qua báo chí, quảng cáo..., là những tích trữ của những gánh nặng vô hình trên bộ não và con tim thật nhỏ bé và mong manh của con người.

Khi người ta bẫy khỉ, rất dễ dàng vì chỉ cần có trái dừa mà thôi. Đục một lỗ nhỏ nơi trái dừa, làm sao chỉ vừa đủ cho bàn tay khỉ đưa vào. Khi thấy mùi thơm của trái dừa toát ra ngoài, khỉ bèn đưa tay vào, nắm lấy thức ăn, thế nhưng khỉ sẽ không làm sao rút tay ra được. Khỉ càng sợ hãi, càng cuống quýt, thì bàn tay khỉ càng nắm chặt. Người ta chỉ còn việc đến để bắt.

Chẳng ai giữ chú khỉ trong cái bẫy ấy cả. Chỉ có lòng tham của chính chú khỉ mới nắm giữ chú lại mà thôi. Chú muốn thoát thân, chú chỉ cần buông bỏ tay ra. Chú muốn thoát thân, chú chỉ cần can đảm để lại tất cả những thức ăn bên trong trái dừa. Nhưng thật đáng thương thay, chú lại xem thức ăn trong trái dừa quan trọng hơn xác thân của chú.

Ai ai cũng cho rằng, khi từ bỏ thì sẽ đớn đau. Nhưng thật ra, khi đã có kinh nghiệm của sự buông bỏ, thì chúng ta sẽ thấy được hạnh phúc thực sự trong thẳm sâu tâm hồn.

Các môn đệ Chúa Giêsu đang vất vả lo toan cuộc sống mưu sinh. Vậy mà, khi Chúa gọi, các ông bỏ lại tất cả và bước theo Ngài! Các ông không những bỏ sự nghiệp, bỏ công việc sinh nhai, nhưng hơn thế, các ông còn rời khỏi gia đình thân thương ruột thịt. ... "Lập tức các ông bỏ lưới theo Người... Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người." (Mc 1,19-20)

Các môn đệ theo Chúa, không phải vô trách nhiệm, hay ích kỷ khi bỏ lại tất cả. Nghĩa "buông bỏ", "xóa mình", hay "hy sinh" theo thần học Kitô giáo, không phải là rũ bỏ tất cả, khinh thường tất cả những hạn thể để lên đường đi tìm hạnh phúc thiên giới cho bản thân. Theo thần học thánh Phaolô, buông bỏ có nghĩa là chết đi cho chính mình, là kenosis, là xóa mình như Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt quãng đời rao giảng của Ngài, và đỉnh cao của sự buông bỏ của Ngài là cái chết nhục nhã và cô quạnh trên Thánh Giá của đồi Calvê. Sự buông bỏ của Chúa Giêsu là sự buông bỏ mang tính cứu độ. Ngài hy sinh hạn thể trong mầu nhiệm làm người để đưa tất cả vào trong vô hạn thể, là cung lòng của Chúa Cha Tình Thương. Các môn đệ rời bỏ gia đình, không phải vô trách nhiệm với bổn phận làm cha, làm con, làm anh em..., nhưng thực sự, các ông đã sống trọn vẹn cho tha nhân hơn nữa trong cái nhìn của đức tin Kitô giáo. Khi các ông chọn đi theo Chúa, có nghĩa là các ông xem Chúa là mục đích tối hậu của đời mình. Khi đã múc lấy được nguồn mạch ân sủng và Thần Khí, các ông đã trở thành công cụ máng chuyển để mang những ơn ích đó cho nhân loại, trong đó có gia đình và bạn hữu thân quen của mình, "...Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người như lưới cá." (Mc 1,17) Từ sự nghiệp chài lưới bắt cá, các ông theo Chúa được thăng hoa và thêm sức mạnh để trở thành ngư phủ thâu lượm con người về với Chúa, cội nguồn an lạc và yêu thương.

Trong hoàn cảnh giáo hội Công giáo ngày nay, việc buông bỏ cần thiết hơn lúc nào hết. Hơn bao giờ hết, con người thời đại luôn luôn bị bao vây bởi biết bao những thứ làm cho con người thời đại thêm đau khổ, nặng nề, nhọc nhằn. Khi xưa, con người biết thời gian qua sự quan sát trời trăng mây gió, nhưng ngày nay từ khi đồng hồ tiện lợi ra đời, con người không còn được thảnh thơi nữa. Mọi người tất bật, vội vã, không kịp ăn, không kịp uống... Có lẽ không lạ gì khi ngày nay nhiều người than vãn vì bận quá, vì không có thời giờ, vì thế này vì thế khác... Thật thế, hình như từ khi có sự ra đời và phát triển của Internet, của điện thoại di động, của những bộ máy truyền hình, của những quả táo khuyết... đáng lẽ ra đời sống cống người trọn vẹn hơn, hạnh phúc hơn, thế mà nhìn lại thấy rằng con người hôm nay càng khó gần nhau, càng khó có thời gian cho nhau, và càng khó chạm đến tâm hồn của nhau hơn. Hơn thế, cho dù con người có ngồi bên nhau, nhưng các ông chủ vô hồn của khoa học kỹ thuật ấy đã chứng tỏ quyền lực và sự hấp dẫn của mình: con người thời đại giờ đây vừa trò chuyện vừa bấm điện thoại, vừa bên nhau vừa bận bịu với Ipad... Họ sống trong thế giới ảo nhiều hơn là thế giới thật của thiên nhiên, của những sức sống vi diệu và tràn ngập sinh hồn như cỏ cây, ong bướm, hoa lá, giọt sương,... Hậu quả dẫn đến sẽ là, con người thời đại sẽ càng ngày mất đi chất nhạy bén với thế giới thiên nhiên và con người. Sự nhẫn tâm, dửng dưng, và ác độc sẽ từ đó mà xuất hiện mỗi lúc nhiều hơn.

Ngày nay, con người biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì ngay nơi chính bản thân còn không hiểu nổi thì làm sao có thể điều phục được đối tượng khác. Và càng giam mình vào những điều kiện tiện nghi ta càng trở nên biếng nhác, yếu đuối. Đến nỗi cần đi ngủ sớm hay đi bộ ngoài thiên nhiên cho tinh thần được dễ chịu hơn cũng trở thành một điều không thể thực hiện được, khó hơn cả việc làm ra tiền hay làm đẹp lòng kẻ khác.

Vẫn biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng chúng ta lại không đủ can đảm để tắt bớt ti vi, điện thoại, máy vi tính hay tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Rồi một hôm nào đó, trong một điều kiện bắt buộc, ta lái xe ra khỏi thành phố ồn náo và đầy bụi bặm để về với miền thôn quê yên ả, sống chung với côn trùng, ong dế thì ta mới chợt thấy mình như được sống lại. Thời gian qua ta đã sống như một kẻ mộng du, cứ nhào tới phía trước để nắm bắt cái này cái nọ chứ không ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cảm giác bỏ lại sau lưng những thứ nhọc nhằn phiền toái thật vô cùng dễ chịu, ta thấy mình thật tự do.

Giã từ thế giới hiện đại đúng lúc không những giải cứu ta ra khỏi cơn khủng hoảng bế tắc, mà nó còn trả tâm hồn ta trở về với con người chân chất hồn nhiên năm xưa, chuyển tâm thức ta sang những cung bậc cao hơn, đưa cuộc đời ta sang một khúc quanh khác sáng đẹp hơn. Nếu ta là kẻ trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, ta sẽ có khuynh hướng dành nhiều thời gian và năng lực để bồi dưỡng những giá trị bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, chứ không còn hăng hái như những người trẻ luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên nông nổi để giành lấy những thứ hấp dẫn lực bên ngoài. Vì khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, ta sẽ không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ đáng tội nghiệp của mình.

Hãy thức tỉnh lúc này! Không muộn đâu. Khi tỉnh thức, thì những thứ tiện nghi kia bỗng trở nên thừa thãi đến vô nghĩa và ta dễ dàng vất nó sang một bên. Ngay cả sự ngưỡng mộ, kính trọng, ngợi khen, vỗ tay, chúng ta cũng không cần nữa, sẽ thấy chúng thật nực cười. Lúc ấy ta đã khẳng khái tuyên bố những thứ ấy chỉ là những phương tiện tạm bợ thôi, một cõi lòng bình yên và tình thương chân thật mới là thứ quý giá và đáng gìn giữ nhất trên đời. Kinh nghiệm ấy đã giúp ta đã ý thức được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào cõi sâu thẳm lòng ta. Nếu ta không tin vào lòng mình, hãy cứ lang thang đi tìm những điều kiện bên ngoài, ta sẽ mãi là kẻ trắng tay và không bao giờ thấy được phúc lạc bình an.

Những nhà tâm linh chuyên chính, họ chấp nhận buông xả mọi tiện nghi đáng được thừa hưởng của con người để đổi lấy một tâm hồn trong suốt và tràn đầy hạnh phúc. Trạng thái hạnh phúc ấy khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng cần chút đỉnh tiện nghi bên ngoài, nhưng tất cả thời gian và năng lực của họ là dành để mài giũa cái hiểu biết sâu sắc bên trong. Một người có hiểu biết lớn là một người có tình thương lớn, còn gì tuyệt hảo cho bằng khi ta sống giữa cõi đời tương đối này mà có thể yêu thương mọi vạn thể vũ trụ.

Con người từ xa xưa đã từng có đời sống tâm linh, có nghĩa là hướng đến thần thánh, khi họ bắt đầu đối diện với những thiên tai, nghèo khổ, bệnh tật, sự sống và cái chết. Vì con người bất lực trước những vấn đề không thể nào giải thích được, khi mà khoa học chưa ra đời và phát triển để giải đáp ý nghĩa, mục đích của vũ trụ vạn thể như sự hiện hữu, ý nghĩa sống/chết, cái lý của sự vận hành đất trời, nên con người cho rằng, chắc chắn phải có những tha lực nào đó ngoài cõi nhân sinh điều khiển và chi phối, chẳng hạn như đó là Thượng Đế, thần thánh, ma quỷ… của văn hóa truyền thống Đông cũng như Tây phương. Dần dần, bắt đầu xuất hiện những triết gia, tư tưởng gia rất lỗi lạc từ Đông sang Tây, cố gắng đưa ra những lý giải cho những vấn đề nảy sinh trong cõi nhân sinh vạn thể bằng cách phân tách, lý luận, tổng hợp, cảm nghiệm... mà hình như cuối cùng vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn chớ không thể kiểm chứng và thuyết phục đại đồng được. Các trường phái mỗi lúc được ra đời với nhiều quan niệm đơn giản đến phức tạp. Cũng có những trường phái đối lập hoàn toàn, cũng có những trường phái bổ xung lẫn nhau, hoặc có những trường phái phát triển nhờ được gợi ý hay dựa trên nền của trường phái khác. [1]

Sau đó, khoa học không chấp nhận những lối giải thích không hợp lý và không thuyết phục, nên họ tách rời khoa học khỏi tôn giáo, khỏi triết học mà tự tìm cho mình một con đường mới để đưa ra những lý giải cụ thể cho những hiện tượng nhân sinh vũ trụ. [2] Tuy rằng khoa học càng ngày càng phát triển sau hậu bán thế kỷ XX, nhưng hình như để tìm câu trả lời làm thỏa mãn sự khát khao kiếm tìm lẽ sống-chết cho con người vẫn còn xa lắm. Mục đích của khoa học là giúp con người thấu hiểu nhân sinh và vũ trụ hơn. Những nghiên cứu và phát minh không ngoài mục đích đem lại hạnh phúc cho con người như làm cho đời sống tiện nghi, xã hội thêm sung túc hơn, nhưng chẳng may mặt bên kia của những thành quả khoa học ấy lại khuyến khích và làm tăng thêm lòng dục của con người là tham-sân-si. Từ đó, lẽ ra con người thêm hạnh phúc nhưng ngược lại, mỗi lúc con người vẫn không ngừng điên đảo khổ đau. Khoa học gia rất nổi tiếng người Anh, là Arthur Eddington, người đã khám phá phương cách chứng minh thuyết vật lý của Einstein, đã cho biết: “Khoa học không có khả năng dẫn dắt con người đến chân lý, mà khoa học chỉ có thể dẫn con người đến cái bóng của những ký hiệu”.

Đến đây, sẽ có một câu hỏi hiện ra cho chúng ta: "Liệu rằng con người ngày hôm nay sẽ đi về đâu vào ngày mai? hay vẫn chấp nhận vui vẻ để trú ngụ trong thế giới tiện nghi mà lòng vẫn không sao thoát khỏi tiếng mời gọi thầm lặng nhưng da diết cho lời giải đáp cốt lõi của cõi nhân sinh vạn thể?"

Dẫu sao, từ khi khoa học kỹ thuật phát triển, nhất là vào thời đại hôm nay, con người đã thoả mãn phần nào cho thắc mắc cốt lõi trên cho dù không trọn vẹn. Con người đã thấy quá rõ những hậu quả theo sau sự phá hoại môi sinh, những quy luật vũ trụ trời đất trăng sao... Những căn nguyên bệnh tật và những phương thuốc chữa trị ngày càng chứng tỏ cho nhân loại thấy rõ bàn tay con người tuyệt vời như thế nào. Vì thế, cũng là "bình thường thôi" khi con người có nguy cơ đi từ tự hào cho đến tự phụ với tất cả thành quả khoa học đang có. Vâng! thế giới hôm nay là thế giới của "quả táo khuyết" như đang có vẻ khỏa lấp mọi hụt hẫng trong sâu thẳm lòng người. Thế nhưng quả táo ấy không thể nào trọn vẹn vì chính Steve Jobs cũng không thoát khỏi chân lý là sinh ký tử qui!

Cho dù khoa học có tiến bộ đến mức nào, nhưng sao con người vẫn thời đại hôm nay có cảm giác bất ổn hơn bao giờ hết! Giáo sư đại học y khoa Harvard và cũng là vị sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston, là Herbert Benson, cho biết rằng, khoảng 80% số lượng bệnh nhân đến khám ở các phòng mạch đều có liên quan đến Stress. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì nhân công càng bị đào thải nhiều hơn vì hệ thống máy móc hiện đại đã thay thế vào và còn được chứng minh chính xác và hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, giá cả thực phẩm và đồ dùng gia dụng cứ tăng mãi mà thu nhập vẫn dậm chân tại chỗ. Con người thời đại mãi vật lộn để sinh tồn không ngơi nghỉ. Họ không còn thời

gian để chiêm ngắm huyền nhiệm của thiên nhiên vũ trụ. Họ không thể thưởng thức được trọn vẹn thức ăn mà họ đang nuốt vào. Tâm trí họ chìm ngập trong muôn vàn ý tưởng hỗn loạn và tính toán nhiều việc cho cơm áo gạo tiền ngày mai. Xã hội tân tiến này làm cho họ thấy việc gì cũng cần làm và đến một lúc nào đó cả con người họ như là một rôbô đang bị chạm mạch và không còn tự điều khiển theo như ý mình muốn nữa. Tự do biến mất: Càm nhàm, cãi vã, nóng nảy, điên loạn, đánh đấm, giết hại...

Vâng! Các ngôi thánh đường, các tu viện vẫn được bảo vệ và củng cố. Điều đó rất tốt, thế nhưng khi các vị mục tử chỉ trọng tâm và lo lắng những nơi thờ phượng hay chốn để tu tập trong vai trò của những ông giám đốc hay quản lý của cải trần gian thì sẽ không còn thu hút con người thời đại nữa. Nhà Phật có câu khá hay: "Sùng Phật sát Phật." Thờ Phật thì phải biết vượt qua những bức tượng gỗ hay bằng vàng bằng đồng thì mới có thể siêu thoát được. Phật tử nhìn ngón tay Phật để hướng đến mặt trăng, chứ ngón tay không phải là mục đích hướng đến. Nếu không tỉnh thức, thì những chức sắc trong các giáo hội, hay những mục tử của đàn chiên Chúa vẫn đang bám chặt vào cơ sở vật chất như thánh đường, và tu viện... Nhầm lẫn phương tiện và mục đích. Họ xây dựng và củng cố cơ sở vật chất hơn là xây dựng những con chiên thánh thiện, hơn là cứu độ các linh hồn. Có thể các mục tử sống khó nghèo qua vật chất, nhưng lại không khó nghèo qua cung cách ứng xử. Thế giới của quả táo khuyết cũng đang làm cho mục tử mất sự bén nhạy trước nỗi đau của đoàn chiên. Sống chết mặc bay. Biết bao đàn chiên thấy khó gần các mục tử quá, không còn thấy mục tử còn chất trong suốt và chân tình nữa, mà thay vào đó là thái độ quan liêu và phân biệt giai cấp, giàu nghèo... Chính vì con người mục tử không còn toát ra được chất nhập thể và thánh thiện nên càng ngày giới trẻ vốn rất trí thức ngày nay sẽ không muốn tiếp cận.

Tạm kết

Vâng! Thế giới ngày nay đang làm cho mỗi người phải mang vác cả một nhà kho dự trữ càng khổng lồ càng tốt, và không ai chịu liều mình buông bỏ nhà kho ấy. Thế giới này như đang nói với con người hôm nay: "Nguy đấy, bạn đừng dại dột mà làm thế!", hay "bạn phải chất nhiều thứ hơn nữa vào kho của bạn, không thì bạn sẽ chết đấy, sẽ bị quăng ra khỏi thế giới này đấy!" Và, bây giờ, ngay cả trẻ thơ cũng phải bước vào vòng xoay chóng mặt của nền "văn minh" này: học sáng học tối, học chữ, học nhạc, học vẽ, học bơi, học Ipad... Có lẽ "văn võ song toàn" ngày nay khác ngày xưa nhiều lắm!

Con người ngày hôm nay tưởng rằng những phương tiện ấy sẽ đưa đến mục đích mong muốn là hạnh phúc và an bình. Nhưng nhìn lại, xã hội ngày nay lại rơi vào đau khổ nhiều hơn. Hiện trạng trong gia đình mỗi ngày thêm thê thảm khi đọc những trang báo về sự ly dị và bạo lực. Tình thầy trò thì chỉ còn trên trang giấy cũ rách nát, thay vào đó là thái độ bội thầy phản bạn.

Lạy Chúa Giêsu, con đang gánh vác quá nặng nề, xin cho con can đảm dám buông bỏ tất cả những gì cản bước chân con khi theo Chúa, dù những điều đó thuộc tâm linh đi nữa, nhưng khi con đã có tâm thức bám víu và củng cố trên trần gian này, cũng làm cản bước con đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hãy chỉ bảo cho con khi con thấy mình đang mệt mỏi và chán chường là con đang mang vác quá nhiều đồ dự trữ vô ích làm xiêu vẹo, thậm chí làm lệch bước chân con đến với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết lắng nghe khi con mải mê quay cuồng đang tìm kiếm và chất thêm những món đồ vô bổ trong con, để nhận rõ đâu là hạnh phúc đích thực đời con.

Lạy Chúa, con sẽ rất sung sướng khi được thấy Chúa, nguồn mạch an lạc và ân sủng. Và cho đến khi con ngoái nhìn lại, thì ôi chao! con chỉ còn thấy hai bàn chân trần và đôi bàn tay trắng của con. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 24/01/2012
GẶP CƯỚP
N2T

Có một văn nhân rất nghèo, nhưng trước mặt người ta thì làm ra dáng mình là người có tiền, do đó mà kẻ trộm ban đêm đột nhập vào nhà của anh ta, kết quả, trong nhà trống trơn, cái gì cũa không có, tên trộm rất tức giận nên luôn miệng chửi chủ nhà và bỏ đi.
Người văn nhân nghèo ấy vội vàng lấy mấy đồng xu ra, chạy theo tên trộm và đưa cho nó, lại còn dặn dò tên trộm:
- “Làm lão huynh trở về tay không thực là có lỗi, nhưng, tiên vàn xin lão huynh khi đứng trước mặt mọi người, thì đừng nói là nhà tôi nghèo như thế này nhé !”

Suy tư:
Có những người nghèo nhưng “giấy rách phải giữ lấy lề”, do đó mà họ không vì túng bần mà đi cướp giựt; có những người gia cảnh tuy nghèo nhưng lúc nào áo quần cũng tươm tất, đó là vì họ coi trọng nhân cách của mình và tôn trọng người khác; lại có những người tuy nghèo nhưng không hề vì nghèo mà làm mất phẩm giá của mình, đó là những cái nghèo đáng kính đáng trọng.
Nghèo không phải là một cái tội, nhưng là một hồng phúc nếu chúng ta luôn giữ cái tâm trong sáng và tin tưởng vào lời dạy của Đức Chúa Giê-su: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. (Lc 6, 20a)
Người Ki-tô hữu là những người được thấm nhuần lời dạy của Đức Chúa Giê-su, cho nên dù sống trong cảnh nghèo khó, hay dù có gặp ma quỷ đến cám dỗ đi cướp của người khác, thì họ vẫn cứ luôn phó thác cho Chúa và chu toàn công việc hằng ngày của mình, đó chính là bí quyết để có cuộc sống bình an và hạnh phúc vậy.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 24/01/2012
N2T

12. Trên thế gian nếu không có người tự do phóng túng, thì cũng không có người sa xuống địa ngục.

(Thánh Bernad)
 
Nhật ký 3 ngày Tết ở xứ truyền giáo Taiwan (tiếp theo)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 24/01/2012
Mồng 2 Tết

Hôm nay mồng hai tết, mình thức dậy từ 4.30 giờ sáng theo thói quen hằng ngày, tập khí công, đi vài bài quyền Thiếu Lâm cho nó khỏe và cho bớt cái lạnh mùa đông buổi sáng, sau đó là công việc như mọi ngày: đọc sách, suy niệm bài giảng và viết sách.

7 giờ sáng thánh lễ bắt đầu, ở Giáo Hội Taiwan không có truyền thống “mồng một tết chúc tuổi Chúa, mồng 2 tết chúc tuổi (lễ cầu cho tổ tiên) ông bà, mồng 3 tết thánh hóa công ăn việc làm””như ở Giáo Hội Việt Nam của mình, nhưng ngày mồng 2 tết của họ thì vẫn làm lễ như ngày thường, ít người đến tham dự, mình đang đoán mò chắc khoảng vài giáo dân đến tham dự là cùng, bởi vì ngày lễ thường thì ít lắm cũng có hai mươi giáo dân đến tham dự, nhưng hôm nay chắc không quá vài người, nhưng mình đã lầm, hôm nay có mười bảy giáo dân đến dự lễ ngày thường, vậy cũng là khá lắm rồi. Lễ ngày thường mình chỉ chia sẻ Lời Chúa khoảng năm phút, nhưng hôm nay mình chia sẻ hơn mười phút để giáo dân biết truyền thống ngày mồng 2 Tết của Giáo Hội Việt Nam là cầu nguyện cho tổ tiên ông bà, bởi vì giáo dân Taiwan không có thói quen ấy, nhưng mình cố gắng giải thích cho họ hiểu tại sao phải cầu cho ông bà tổ tiên trong ngày mồng 2 Tết, như là một bước mở đầu cho họ có ấn tượng để Tết năm sau mình sẽ mời giáo dân đi vào trọng tâm của ba ngày Tết với ý nghĩa của nó, chứ không phải chỉ là ăn chơi mà thôi.

Mồng 2 tết đối với người Trung Quốc nói chung và người Taiwan nói riêng, là ngày con gái đi lấy chồng “về nhà mẹ回娘家”, hôm nay tất cả các đường freeway chắc chắn là phải kẹt xe, bởi vì mọi con gái đi lấy chồng trở về nhà cha mẹ ruột của mình để chúc tuổi gia đình, ai cũng đi xe hơi cho nên phải kẹt xe. Đây cũng là một phong tục hay của người Trung Quốc và Taiwan, dù là đời sống văn minh tiên tiến thì họ vẫn không bỏ được phong tục tập quán tốt lành ấy của họ, trong thánh lễ mình cũng xin mọi người cầu nguyện cho các nàng dâu trong giáo xứ khi trở về nhà cha mẹ ruột của mình trong ngày tết, đi đường được bằng an và đem niềm vui cho cha mẹ và anh chị em của mình.

Lễ xong thì giáo dân về nhà, chuẩn bị cho ngày mồng 2 tết, xem ra các cụ già tất bật hơn những người trẻ tuổi, dù đã làm ông bà cố bà ngoại rồi, nhưng lễ xong thì vội vàng đi về vì hôm nay con gái trở về nhà cha mẹ, thế là các cụ chỉ kịp chào mình và nói: “Chào cha, con về lo nhà cửa vì chốc nữa con gái và con rể về”. Thế là nhà thờ lại vắng tanh, mình lên lầu viết bài, đọc sách, nhưng lòng trí thì vẫn cứ nghĩ về cái tết ở nhà anh chị em mình ở Sài gòn.

Tối hôm qua, một linh mục đang học tiếng Hoa ở trường đại học Phụ Nhân mời mình mồng 2 tết qua dâng lễ cho các công nhân và cô dâu Việt Nam, mình nhận lời, thế là hôm nay có dịp để đi ra khỏi nhà, mặc dù kế hoạch hôm này của mình là đi chúc tết một bà lão ở họ đạo lẻ, vì bà là người giúp để chuẩn bị bàn thờ cho việc dâng thánh lễ, con cái bà đều là những người rất gắn bó với nhà thờ, cho nên mình quyết định đến thăm bà trong dịp tết này, nhưng cũng đành phải xin lỗi bà và hẹn dịp khác.

Đúng 9.30 giờ mình lái xe đến trường đại học Phụ Nhân, các công nhân và cô dâu Việt Nam đang lác đác đi đến nhà nguyện của dòng Tên, một vài thầy dòng Tên tiếp đón các công nhân và cô dâu, một thầy tập hát lễ, tất cả đều hớn hở vui tươi vì có dịp để gặp mặt và chia sẻ với nhau lâu giờ hơn, Tết mà. Trong lúc chờ đợi đến giờ làm lễ thì cha phụ trách mời mình lên phòng ngài uống trà, thật là một dịp hiếm có để anh em gặp nhau lâu như hôm này. Hôm nay mình chủ tế, và thầy phó tể sẽ chia sẻ Phúc Âm với đề tài đạo hiếu, thầy chia sẻ người Việt mình rất coi trọng đạo hiếu, và thầy chia sẻ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Trong thánh lễ có hai sơ dòng Mến Thánh Giá Hà Nội đang du học ở trường đại học đến dự, và có bảy sơ dòng Tiểu Muội thánh Tê-rê-xa gần bên cũng đến tham dự, làm cho bầu khí ngày lễ thật vui tươi và ấm cúng.

Thánh lễ xong thì mình thay mặt các cha, các thầy phát “hồng bao”, thực ra trong “hồng bao” đó không có tiền bạc gì cả, mà là một câu Lời Chúa được trang trí rất đẹp, đó là “tục lệ” tốt đẹp của người Công Giáo Việt Nam chúng ta, phát “hồng bao” xog thì chụp hình kỷ niệm. Sau thánh lễ thì có tiệc liên hoan nho nhỏ mừng xuân của các cô dâu và công nhân đãi ở hành lang của viện thần học, rất vui vẻ và ấm cúng. Mình lần đầu tiên được tham dự liên hoan nho nhỏ như thế này của họ, mình nhận ra một điều là người Công Giáo xa nhà, bất kỳ ở đâu, làm gì thì làm họ vẫn luôn gắn bó với đức tin của mình, họ phải tìm cho ra nhà thờ để đi lễ ngày chúa nhật, họ rủ nhau cùng đi lễ để họp mặt và làm quen với nhau, và đương nhiên cũng có một vài người không mấy mặn nồng với việc đi nhà thờ...

Ở Taiwan, gần đây hội đồng giám mục Taiwan có chú trọng đến vấn đề di dân, nhất là các cô dâu và anh chị em công nhân đến Taiwan làm việc, cho nên có những địa phận mà đức giám mục địa phương ủy quyền cho một vài linh mục Việt Nam vừa lo giáo xứ, vừa lo mục vụ cho những anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, chẳng hạn như ở giáo phận Taichung, việc mục vụ cho anh chị em công nhân và cô dâu được chia làm hai vùng rõ rệt, vùng Chương Hóa (彰化) thì do cha Vũ Đình Cường phụ trách, cùng Đài Trung (台中) thì do cha Nguyễn Văn Dụ phụ trách; ở giáo phận Tân Trúc (新竹) thì do cha Lương Văn Đức dòng Đức Chúa Thánh Thần phụ trách; vùng Đào Nguyên (桃園) thì do cha Trương Văn Phúc và Nguyễn Hùng Cường phụ trách; vùng Đài Bắc (台北) thì do cha Nguyễn Ngọc Điệp phụ trách, và có một vài linh mục và các tu sĩ của các dòng tu tự nguyện phục vụ anh chị em công nhân trong vấn đề mục vụ. Các vùng này mỗi chúa nhật đều có các thánh lễ tiếng Việt cho các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam...

Sau khi các công nhân giải tán về nhà, thì mình cùng với cha phụ trách và các thầy dòng Tên và dòng Đa Minh cùng với một vài công nhân và cô dâu Việt Nam đi đến nhà một cô dâu để chúc tết, và để cho biết nhà, gia đình cô dâu này rất sốt sắng việc Chúa, chồng đạo theo nhưng rất nhiệt thành, con cái đều được rửa tội và đã rước lễ lần đầu.

Mồng 2 tết năm nay mình “được” đi chơi tết với các cha, các thầy, các sơ và các anh chị em công nhân và cô dâu Việt Nam, nên cũng...đỡ buồn, về đến nhà cũng là gần 8 giờ tối, viết bài, đọc sách và đọc kinh xong thì cũng 10 giờ đêm.

Một ngày mồng 2 tết rất có ý nghĩa đối với mình. Tạ ơn Chúa, Chúa luôn biết rõ và bù đắp cho những nhu cầu chính đáng của con người...

(còn tiếp)
 
Mồng 3 Tết - Giá trị của lao động
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
23:36 24/01/2012
MỒNG 3 TẾT - GÍA TRỊ CỦA LAO ĐỘNG

Giáo Hội dành riêng ngày Mồng Ba Tết để thánh hóa công ăn việc làm, giúp cho người Kitô hữu hiểu rõ giá trị của lao động: trí óc và bàn tay.

Trong những ngày đầu xuân, chúng ta vẫn thường chúc nhau: "Năm mới làm ăn thịnh vượng, phát đạt. Con cháu siêng năng, ngoan ngoãn...". Điều đó cho thấy người Việt Nam chúng ta rất coi trọng lao động .

Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó, Giáo Hội cho chúng ta thấy được giá trị siêu nhiên của lao động. Mọi lao công cho dù có thu được kết quả vật chất hay không, cũng đều có một giá trị vĩnh cửu trước mặt Thiên Chúa.

Đồng thời, nhân dịp đầu năm này, Giáo Hội còn muốn nhắc nhở con cái mình: Lao động không còn là một hình phạt khổ ải, nhưng là một vinh dự vì nhờ lao động, con người được cộng tác với Thiên Chúa, Đấng vẫn luôn luôn làm việc trong công trình sáng tạo của mình.

1. Thiên Chúa luôn làm việc:

Thật vậy, ngay từ đầu, Kinh Thánh đã cho thấy Thiên Chúa luôn làm việc. Ngài đã hành động để tạo dựng nên vũ trụ, muôn loài, muôn vật và cả con người, như lời kể của sách Khởi nguyên chúng ta vừa nghe: "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nhào nặn thành con người...Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất đai mọc lên mọi thứ cây trồng đẹp mắt, ăn ngon miệng". Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để con người được thông phần vào sự sống của Ngài.

Hơn nữa, Thiên Chúa không chỉ làm việc trong công trình sáng tạo vào buổi khai thiên lập địa, Ngài vẫn còn tiếp tục quan phòng, gìn giữ những gì Ngài đã sáng tạo. Sau này khi chiêm ngắm vẻ đẹp của muôn vật và đời sống của chúng, tác giả Thánh vịnh cũng đã nhận ra bàn tay của Chúa vẫn tiếp tục tác động trong vũ trụ, nên đã thốt lên: "Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng". Và ngay cả khi vạn vật đã yên giấc trong giấc ngủ đêm, bàn tay của Thiên Chúa vẫn tiếp tục gìn giữ chúng như lời tác giả Thánh vịnh: "Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn".

Không chỉ làm việc một lần khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để gìn giữ và giúp cho vũ trụ này đi tới chỗ hoàn hảo. Tác giả Thánh vịnh đã xác tín điều đó khi thốt lên: "Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất".

Noi gương Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng đã nhiệt thành với đời sống tông đồ để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta như lời Ngài tuyên bố với người Do Thái: "Cha Tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng phải làm việc" ( Ga 5, 17 ). Đức Giêsu đã dành hết thời giờ để lo cho dân chúng đến nỗi không có giờ mà ăn uống nữa, vì thế đã có lần bà con của Ngài đã muốn ra đi để bắt Ngài về vì cho rằng Ngài đã mất trí (x. Mc 3, 20-21). Đặc biệt 30 năm ẩn dật tại làng quê nhỏ bé Nazareth, là thời gian Đức Giêsu sinh sống và làm việc như một con người bình thường. Nhờ đó, Ngài đã làm cho các lao công của chúng ta có một giá trị vĩnh cửu.

2. Ý nghĩa của lao động theo tinh thần Kitô giáo:

Trở lại trình thuật sáng tạo trong sách Khởi nguyên, tác giả còn kể tiếp: "Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để con người canh tác và coi sóc đất đai" (St 2, 15). Khi đặt con người vào vườn Êđen, Thiên Chúa muốn con người thay mặt Chúa mà quản lý cả vũ trụ này và làm cho nó ngày càng phát triển. Điều này đã được chính Đức Giêsu xác nhận lại một lần nữa trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe: "Nước Trời giống như chuyện một người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ riêng của mình đến mà giao phó của cải mình cho họ". Nghĩa là, Thiên Chúa đã tin tưởng yêu thương giao cả vũ trụ này cho con người chúng ta quản lý. Mà nếu là quản lý, mỗi người chúng ta có bổn phận phải làm việc để sinh lời những gì mà Thiên Chúa đã giao cho mình, vì việc tính sổ của ông chủ là chắc chắn: "Sau một thời gian lâu dài, ông chủ của các đầy tớ ấy đến và thanh toán sổ sách với họ". Thánh Phaolô đã ý thức điều này nên đã cố gắng làm việc trong suốt đời sống tông đồ của mình, Ngài nói với các tín hữu Êphêsô: "Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp".

Vì thế, Đức Giêsu cũng đã công khai kết án những kẻ lười biếng không chịu làm việc, Ngài nói với người lãnh một nén mà đem chôn giấu không sinh lời: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác!..Đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi cho chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu hồi của thuộc về tôi cũng như với số lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy lại nén bạc khỏi tay no". Và cha ông chúng ta cũng có đồng một tư tưởng khi khuyên con cháu: "Khó nghèo cấy mướn gặt thuê. Lấy công đổi của chớ hề luỵ ai". Như vậy, lao động không những giúp chúng ta có của nuôi thân, mà còn giúp làm tăng giá trị nhân phẩm của từng người chúng ta. Nhờ lao động chúng ta phát triển tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái, tính kỷ luật và nhanh nhẹn, như lời một danh nhân đã nói: "Lao động làm ta khuây khoả đượcnỗi buồn, tiết kiệm được thời gian, chữa khỏi được bệnh lười biếng" (G. Bossuet).

Cuối cùng, nhờ lao động, chúng ta có cơ hội và phương tiện để thực thi đức bác ái với anh chị em mình như lời thánh Phaolô: "Bằng mọi cách, tôi đã tỏ cho anh em thấy rằng: phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế".

Như vậy, lao động dù tay chân hay trí óc đều có một ý nghĩa sâu xa. Nhờ lao động, chúng ta được cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới này. Vì thế, chúng ta không được phép nghĩ rằng mình làm việc lao động thuần túy để kiếm ăn hay vì kế sinh nhai. Chính vì thế, các bậc làm cha mẹ cần tạo điều kiện và tập để con cái chúng ta biết siêng năng lao động, và quý chuộng những thành quả của lao động ngay từ tấm bé bằng cách góp phần vào những công việc trong gia đình.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, cùng nhau góp phần vào sự nghiệp hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cầu nguyện cho sự hiệp nhất khởi sự từ Mộ Thánh Chúa
Bùi Hữu Thư
08:52 24/01/2012
Hoạt động khởi xuất cho Tuần Lễ Đại Kết
ROME, thứ hai 23 tháng 1, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Tuần Lễ Hiệp Nhất Kitô hữu đã được khởi sự ngày 21 tháng 1 tại Giêrusalem bởi các kinh tối tại Mộ Thánh Chúa (Saint-Sépulcre), theo phúc trình của Amélie de La Hougue trên gia trang của giáo hạt La Tinh tại Giêrusalem): Kinh nguyện cho sự hiệp nhất khởi sự từ sự tận hiến của Chúa Kitô trên thập giá và việc chiến thắng sự chết của Người.

Nhưng làm sao có thể mừng tuần lễ hiệp nhất này tại Giêrusalem? “Trong một tuần lễ, mỗi chiều khi trời tối, các tín hữu được mời gọi để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Họ cùng nhau tụ tập quanh một chủ đề chung: ‘Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, tất cả chúng ta sẽ được biến đổi bởi chiến thắng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. (xem 1 Co 15,51-58)’”

Việc cử hành đại kết đầu tiên đã tụ tập các Kitô hữu ở Giêrusalem ngày Chúa Nật 22 tháng 1, tại nhà thờ chánh tòa Anh Giáo Saint-Georges.

Như thế, việc khởi xướng đã được thực hiện bởi người Anh giáo. Nhà thờ chánh tòa của họ, là nhà thờ Thánh George Tử Đạo chật ních những người: “Các tu sĩ nam nữ, các Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái đã đến cùng nhau cầu nguyện. Đức Giám Mục sở tại, Đức Suheil Dawani, đã đón chào từng người, chính ngài năm năm về trước vào dịp ngài được bổ nhiệm đã giảng về tầm quan trọng của một “sứ mệnh hòa giải.”

Theo nguồn tin của gia trang của giáo phận La Tinh tại Giêrusalem “Kinh nguyện được sống động quanh chủ đề “Được biến đổi bởi Chúa Kitô Phục Vụ”, được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm Thánh Mác cô (10,45) : “Con Người đã đến để phục vụ.” Sau bài giảng của Đức Giám Mục, cử tọa hiện diện đã cùng đọc kinh sau đây cho sự hiệp nhất của Giáo Hội:
“ Lạy Cha toàn năng, Con yêu quý của Cha trước cuộc tử nạn đã cầu nguyện để cho các môn đệ của Người nên một, như Cha và Người Con cũng nên một: xin cho Giáo Hội của Cha, đã được hiệp nhất trong tình yêu và sự vâng phục Thánh Ý Cha, cũng được hiệp nhất trong cùng một xác hồn, để cho thế giới tin vào Người Cha đã sai đến, là Con Cha, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng con: Người hằng sống và hằng trị với Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất, ngày nay và mãi mãi muôn đời, Amen.."

Cũng nguồn tin này cho hay: "Nghi thức đã được kế tiếp bởi một buổi thảo luận thân mật trong khu vực tu viện (Clôitre) tráng lệ xây cất theo kiến trúc néo-gothique của nhà thờ chánh tòa, cho phép kéo dài sự hiệp nhất trong cầu nguyện bằng những trao đổi thân hữu."
 
Ngày quốc tế di cư và tị nạn
Tiến Khải Linh
13:41 24/01/2012
Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò về Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98

Chúa Nhật 15-1-2012 là Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhắc tới ngày này và nêu bật phẩm giá của người di cư. Ngài nói: ”Có hàng triệu anh chị em bị liên lụy trong hiện tượng di cư, nhưng họ không phải là các con số! Họ là các người nam nữ, trẻ em, giới trẻ và người già đang tìm kiếm một nơi để sống trong an bình. Trong sứ điệp cho ngày này, tôi đã lôi kéo sự chú ý trên đề tài ”Di cư và truyền giáo mới”, bằng cách nhấn mạnh rằng các người di cư không chỉ là những người nhận, mà cũng là những tác nhân của việc loan báo Tin Mừng nữa”.

Italia là một trong các nước Âu châu đón tiếp nhiều người di cư tị nạn. Ngày 14-1-2012, Đức Cha Francesco Beschi Giám Mục Bergamo, bắc Italia, đã ủng hộ sáng kiến của tổ chức Công Giáo Tiến Hành Italia ủng hộ hai dự luật thừa nhận quyền công dân cho những ai sinh ra tại Italia và quyền bỏ phiếu cho các công dân di cư, đã sống và cư trú tại Italia từ ít nhất 5 năm.

Đây là đề tài đã được đề cập đến từ nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Theo Đức Cha việc cấp quốc tịch có hai chiều kích quan trọng: một đàng việc có quốc tịch không chỉ có nghĩa là có được một loạt các quyền lợi, mà cũng có nghĩa là ý thức về một loạt các bổn phận đi kèm nữa. Liên quan tới các trẻ em con cái của người di cư tị nạn sinh ra và lớn lên tại Italia, Đức Cha Beschi cho rằng chúng có nguy cơ là những người không có quê hương trên bình diện pháp luật cũng như trên bình diện văn hóa, vì không còn sự tùy thuộc. Và điều này không tốt cho chúng, mà cũng không tốt cho dân nước Italia và sự phát triển của Italia

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò về Ngày quốc tế người di cư và tị nạn lần thứ 98. Đức Cha là một trong 22 tân Hồng Y mới được chỉ định ngày mùng 6-1-2012.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Vegliò, hiện nay trên toàn thế giới có bao nhiêu người di cư tị nạn tất cả?

Đáp: Ngày quốc tế về người di cư và tị nạn nhắc cho chúng ta biết rằng theo các thống kê, trên thế giới hiện có hơn 200 triệu người di cư, 15 triệu người tị nạn, 27 triệu người di tản và hơn 3 triệu sinh viên theo học tại các đại học đó đây trên thế giới. Cuộc sống của họ đòi buộc phải được chú ý nhiều hơn từ phía Giáo Hội cũng như từ phía xã hội, để họ có thể tìm ra giải pháp đúng đắn, hầu sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá kitô. Một cách đặc biệt những người tị nạn và đang xin tị nạn là những người trốn chạy chiến tranh và bạo lực, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, là những người rất dễ bị thương tích. Cuộc sống của họ thường tùy thuộc nơi sự che chở và trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Cách đây ít tuần chúng ta đã kỷ niệm 60 năm thành lập ”Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc” và Hiệp định Genève năm 1951 về người tị nạn. Đây là một thời điểm quan trọng vì ghi dấu lúc cộng đồng thế giới muốn tạo ra một khung luật quốc tế liên quan tới người tị nạn để hướng dẫn công việc của Cao ủy tị nạn. Trong hội nghị triệu tập tại Genève ngày 8-12-2011, phái đoàn các nước đã bẩy tỏ ngưỡng mộ đối với công tác của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc trong bao thập niên qua.

Phái đoàn Tòa Thánh đã khích lệ canh tân nỗ lực để loại trừ các lý do mới nghiêm trọng, đe dọa sự sống còn của một dân tộc, bằng cách tạo ra các cuộc cưỡng bách di tản, chẳng hạn như các tai ương thiên nhiên, các biến cố khuấy động trật tự công cộng hay các đường lối chính trị sai lầm. Vì thế các nước cần phải duyệt xét mọi đơn xin tị nạn. Thật ra, tình liên đới quốc tế phải hành động, không chỉ với các đóng góp kinh tế, là các đóng góp nền tảng, hay các mô thức cổ điển, mà với cả sự hiểu biết mới liên quan tới hiện tượng tản cư nữa. Điều này bao gồm các quyền lớn hơn đối với người tị nạn, như quyền di chuyển, quyền làm việc, quyền sống nhu cầu tôn giáo, bằng cách chú ý tới việc giải thích rộng rãi hơn về nhân quyền, cùng với sự cộng tác cụ thể cho phép việc bảo vệ các mục tiêu của Hiệp định được hữu hiệu hơn, phù hợp với các biến cố và các thỏa hiệp quốc tế.

Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Mục vụ cho người di cư và lưu động, hiện nay Hội Đồng đang lo lắng cho các tình trạng nào?

Đáp: Hội Đồng đang âu lo theo dõi các tình trạng của người tị nạn khắp nơi trên thế giới, trong đó có cuộc xung đột bùng nổ tại Sudan khiến cho 80.000 người phải tản cư. Tôi cũng nhấn mạnh đến các bạo lực diễn ra từ bao nhiêu năm nay tại Somalia, là nơi trong năm nay có các tình trạng khí hậu gây ra nạn đói kém và các nạn dịch trầm trọng. Hậu qủa là 500.000 người Somali phải tị nạn trong các trại ở Dadaab bên Kenya và 100.000 người khác nữa được tiếp đón hồi năm ngoái bên Etiopia. Bên Colombia cuộc nội chiến kéo dài hơn 40 năm qua đã khiến cho 5 triệu người phải di tản trong nước và phải gánh chịu biết bao nhiêu khổ đau. Và cho tới nay xem ra chưa tìm ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề. Thế rồi cũng không thể quên các bạo lực gây đổ máu từ nhiều năm nay tại Cộng hòa dân chủ Congo, khiến cho hàng trăm ngàn người phải di cư trong nội địa và sang các nước khác. Hàng triệu người đã bị chết, và các điều kkện kinh tế trong nước đã trở thành tồi tệ hơn.

Hỏi: Làm thế nào để thực hiện trong cụ thể lời cầu chúc mà Đức Thánh Cha đã đưa ra cho ngày này để biến hiện tượng di cư trở thành một cơ may rao truyền Tin Mừng, thưa Đức Cha?

Đáp: Hiện tương di cư khiến cho các dân tộc trà trộn với nhau và tạo ra sự giao thoa giữa các chủng tộc và các nền văn hóa, và tự nó đã là một cơ may truyền bá Tin Mừng rồi. Điều chúng ta phải tự hỏi đó là các kitô hữu chúng ta có khả năng tiếp nhận cơ may này và thực sự rao giảng Tin Mừng hay không. Chính Đức Thánh Cha đã nói trong sứ điệp gửi ngày này rằng ”Chúng ta phải thức tỉnh nơi mỗi người lòng hăng say và can đảm đã thôi thúc các cộng đoàn kitô tiên khởi trở thành các cộng đoàn loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng một cách gan dạ. Sứ điệp của Đức Thánh Cha cũng cống hiến cho chúng ta các gợi ý cụ thể giúp loan báo Tin Nừng cho môi trường di cư tị nạn. Chẳng hạn ngài mời gọi Giáo Hội ”giúp các anh chị em di cư kitô duy trì vững mạnh đức tin của họ, cả khi không có sự trợ giúp văn hóa như hiện hữu trong các quốc gia gốc của họ”. Được đào tạo và nâng đỡ bởi cộng đoàn kitô, chính các anh chị em di cư tị nạn ”có thể trở thành những người loan báo Lời Chúa và là chứng nhân của Chúa Giêsu phục sinh” nơi họ di cư tới, trong các quốc gia nơi các tín hữu kitô chỉ là một thiểu số, cũng như trong các quốc gia có truyền thống kitô kỳ cựu, nơi đức tin có lẽ đã trở thành một sự kiện văn hóa. Liên quan tới điều này Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của các tác nhân mục vụ như các linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ hoạt động giữa các người di cư tị nạn. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI còn khích lệ các cộng đoàn kitô tại các quốc gia gốc của người di cư tị nạn, cũng như tại các quốc gia chuyển tiếp và các quốc gia tiếp nhận họ, cộng tác với nhau trong việc tiếp đón người di cư, làm sao để họ gặp gỡ Chúa Kitô. Và Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi kitô hữu dưỡng nuôi mình bằng Lời Chúa và sống Lời Chúa trước khi loan báo, như thế để họ trở thành các người loan báo Tin Mừng hữu hiệu hơn.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Vegliò, Đức Tổng Giảm Mục đã đón nhận tin Đức Thánh Cha chỉ định Đức Tổng Giám Mục làm Hồng Y, trong Công nghị Hồng Y tới đây như thế nào?

Đáp: Tôi đã tiếp nhận tin vui này với tâm tình biết ơn, trước hết là biết ơn Chúa là Đấng đã gọi tôi là mục tử của Giáo Hôi Người, Đấng nâng đỡ tôi và ngày nay đòi hỏi nơi tôi một dấn thân lớn hơn và một trách nhiệm lớn hơn trong việc phục vụ dân Người và một cách đặc biệt phục vụ những người mà Chúa cho là quan trọng nhất đối với Ngài, nhưng dưới mắt của loài người thì họ là những người rốt hết và trong trường hợp của tôi, như là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ di cư và lưu động, những người rốt hết ấy có gương mặt của người di cư, của người tị nạn, của người du mục, của người không có chỗ ở xác định, của các trẻ em bụi đời sống lang trang trên hè phố, của tất cả những người sống hiện tượng di cư, lưu động. Như thế tôi cảm thấy một tâm tình biết ơn sâu xa đối với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, về sự tín nhiệm của người và việc người kêu mời tôi trở thành cộng sự viên chặt chẽ hơn của người. Thế rồi tôi còn đọc thấy trong cử chỉ này của Đức Thánh Cha một dấu chỉ thừa nhận sứ mệnh của Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động, và tôi trông thấy sự ân cần của Đức Thánh Cha đối với các người nam nữ liên quan tới hiện tượng di động này của con người, là hiện tượng có ảnh hưởng nhiều trên cuộc sống của thế giới tân tiến ngày nay cũng như trên cuộc sống của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Cha Vegliò, Đức Cha sẽ tiếp tục công tác mục vụ và nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động với tinh thần nào, sau khi trở thành thành viên của Hồng Y đoàn?

Đáp: Vào làm thành viên của Hồng Y đoàn là một dấn thân trong Giáo Hội. Chúa Giêsu Kitô là nền tảng không thể thay thế được của kiểu phục vụ mới trong Giáo hội. Đàng khác, tôi sẽ cảm thấy mình được trợ giúp và nâng đỡ bởi một Đoàn thể các anh em Hồng Y, mà chắc chắn là họ sẽ giúp tôi chu toàn tốt hơn sứ mệnh của Hội Đồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động, trong việc thăng tiến việc lo lắng của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội cho các anh chị em di cư và lưu động. (RG 15-1-2012)
 
Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội 2012
Lm rần Đức Anh OP
13:42 24/01/2012
VATICAN -TC Biển Đức 16 đề cao vai trò của sự thinh lặng như thành phần của tiến trình truyền thông, nhất là trong thời buổi tràn nhập thông tin như ngày nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp công bố hôm 24-1-2012, lễ kính thánh Phanxicô đệ Salê, nhân Ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 46 sẽ được cử hành vào chúa nhật 20-5 tới đây, với chủ đề ”Thinh lặng và lời nói: con đường truyền giảng Tin Mừng”. Sứ điệp được Đức TGM Claudio Marie Celli, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, cùng với các vị phụ tá, giới triệu trong cuộc họp báo lúc 11 giờ rưỡi sáng 24-1, tại Phòng Báo chí Tòa Thánh.

ĐTC khẳng định rằng ”thinh lặng và lời nói là hai yếu tố của truyền thông, phải được quân bình, nối tiếp và hội nhập với nhau để có thể có một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa con người với nhau. Khi lời nói và thinh lặng loại trừ nhau, thì truyền thông bị suy thoái, hoặc nó tạo nên một sự choáng váng, hoặc trái lại, nó tạo nên một bầu không khí lạnh lùng”.

Theo ĐTC, ”Thinh lặng là thành phần của truyền thông và nếu không có nó thì sẽ không có những lời nói với nội dung xúc tích.. Nơi nào các sứ điệp và thông tin dồi dào, thì thinh lặng càng trở nên thiết yếu để phân định điều gì là quan trọng và điều gì là vô ích hoặc phụ thuộc. Sự suy tư sâu xa giúp chúng ta khám phá quan hệ giữa các biến cố, thoạt nhìn chúng có vẻ không liên hệ với nhau; nó cũng giúp thẩm định, phân tích các sứ điệp.. Vì thế cần kiến tạo một môi trường thích hợp, giống như một hệ thống môi sinh biết giữ quân bình giữa thinh lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh”.

Cũng trong Sứ điệp, ĐTC nhận xét rằng thinh lặng là điều quí giá để dễ dàng có sự phân định cần thiết giữa bao nhiêu điều kích thích và bao nhiêu câu trả lời mà chúng ta nhận được, để nhận ra và tập trung vào những câu hỏi thực sự quan trọng.

Ngài viết: ”Con người không thể chỉ hài lòng với một sự trao đổi trong tinh thần bao dung về những ý kiến ngờ vực và về kinh nghiệm cuộc sống: tất cả chúng ta hãy trở thành những người tìm kiếm chân lý và chia sẻ ước muốn sâu xa này, nhất là trong thời này, ”khi con người trao đổi thông tin với nhau, họ cũng đang trao đổi chính bản thân, vũ trụ quan, những hy vọng và lý tưởng của họ cho nhau”.

Trong chiều hướng đó, ĐTC cũng đề cao các mạng Internet, các thảo chương và mạng xã hội có thể giúp con người ngày nay sống những lúc suy tư và tự hỏi đích thực, cũng như tìm được những khoảng thinh lặng, cơ hội cầu nguyện, suy niệm hoặc chia sẻ Lời Chúa... Nếu Thiên Chúa nói với con người cả trong lúc thinh lặng, thì con người cũng có thể khám phá trong thinh lặng khả năng nói với Thiên Chúa và về Thiên Chúa”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Lời nói và thinh lặng. Tự giáo dục về truyền thông có nghĩa là học cách lắng nghe, chiêm niệm, ngoài lời nói, và điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên rao giảng Tin Mừng: thinh lặng và lời nói, cả hai đều là những yếu tố thiết yếu và bổ túc cho nhau trong hoạt động truyền thông của Giáo Hội, để loan báo Chúa Kitô một cách mới mẻ trong thế giới ngày nay” (SD 24-1-2012)
 
Mặc dù thời tiết xấu, 400 ngàn người tuần hành cho Sự Sống tại DC
Trần Mạnh Trác
18:01 24/01/2012
Vào thứ hai ngày 23 tháng 1 2012, cuộc tuần hành cho sự sống tại thủ đô Hoa Kỳ đã diễn ra chậm một ngày sau kỷ niệm thứ 39 Roe V. Wade.

Hằng năm, cuộc tuần hành đã được cố ý tổ chức vào một ngày thường, bởi vì trong dịp cuối tuần các quan chức chính phủ thường vắng mặt khỏi thủ đô.

Mặc dù trời mưa và có sương mù, con số ước lượng cho đám đông đã lên đến 400 ngàn người, một con số vượt trội hơn năm ngóai rất nhiều (ước lượng 300 ngàn).

Những người trẻ, đa phần là giới sinh viên Đại Học, chiếm đa số, họ đến từ khắp mọi nơi trên đất Mỹ.

Họ đến đây với một ý chí quyết tâm thay đổi nhận thức và thái độ của xã hội.

Anh Matt Menendez, 20 tuổi, là chủ tịch nhóm Quyền Sống tại trường ĐH Harvard giải thích rằng mặc dù phần lớn dân Mỹ đã có khuynh hướng phò sự sống, nhưng những sinh viên tại Đại học Harvard mà "giám nói chuyện" bảo vệ sự sống chỉ là một thiểu số.

"Chúng tôi phải chiến đấu trong một trận chiến khó khăn," anh nói, nhưng cũng là "rất, rất đáng làm."

Lý do, anh cho biết, nhóm của anh thường xuyên nhận được những lời cáo lỗi qua điện thọai và email "từ những người nói rằng họ sợ tên của họ bị ghi vào hồ sơ (prolife)".

Anh mô tả công việc của nhóm là "chiến đấu một trận chiến trí tuệ" với hy vọng sẽ "giải phóng" một chủ đề được coi là "cấm kỵ" và "thường bị bỏ qua" tại Đại học Harvard.

Cô Luciana Milano, một thành viên của nhóm Harvard lần đầu tiên tham gia cuộc tuần hành, giải thích rằng sự tham dự vào nhóm Quyền Sống đã củng cố quan điểm phò sự sống của cô bởi vì cô nhận được những hổ trợ khi buộc phải bảo vệ niềm tin của mình trước những người không đồng ý với cô.

Mô tả cuộc tuần hành là "tuyệt vời", cô Milano cho biết cô rất có ấn tượng và bị "chóang" vì số lượng người như thế.

"Ngay giây phút khi tôi thấy nhiều người như thế, tôi gần như muốn khóc," cô nói.

Anh John Hughes, một sinh viên 18 tuổi tại trường Seton Hall Preparatory School in New Jersey, nói anh tham gia tuần hành vì "không phò sự sống là ngu dốt."

"Khoa học đã chứng minh rằng cuộc sống bắt đầu từ trong bụng mẹ", anh lập luận rằng những người ủng hộ phá thai là "thiếu trách nhiệm" khi nhắm mắt làm ngơ các dữ kiện của khoa học về sự phát triển của thai nhi.

Hughes nói rằng anh đặt hy vọng "một trăm phần trăm" về tương lai của phong trào phò sự sống, trong các nỗ lực lập pháp và cắt đứt ngân khỏan cho Planned Parenthood (cơ sở phá thai).

"Đây là một phong trào của thanh niên chúng tôi" anh nói.

Cô Kari Boyd, sinh viên Đại học Michigan, tin rằng nạn phá thai đã làm tổn thương người phụ nữ.

Cô giải thích rằng tổ chức Planned Parenthood và các tổ chức phá thai khác "không nói cho phụ nữ sự thật" khi họ nói rằng một em bé chưa ra đời là một "khối tế bào" và giấu nhẹm đi các sự kiện khoa học chứng minh một bào thai là "một con người khác."

Quyền của người phụ nữ không phải là "quyền được giết một đứa trẻ vô tội chưa sinh", cô Boyd nói. "Phụ nữ không có quyền giết người."

Thứ bảy trứơc đó, ở khắp nơi trên nước Mỹ người ta cũng đã tổ chức các cuộc tuần hành.

Nhiều cuộc tuần hành đã có số tham dự gia tăng.

Tại San Francisco, hơn 40.000 người đã tham gia cuộc "Đi Bộ" cho chủ đề "Phụ nữ xứng đáng được hưởng những điều tốt hơn là phá thai!". Số tham dự tương đương với năm ngóai.

Dân chúng đã tụ tập tại Civic Center Plaza phía trước City Hall để dự một cuộc "Hội chợ Thông tin," với âm nhạc, và các hoạt động cho trẻ em. Sau đó cuộc Tuấn hành bắt đầu vào buổi chiều, di chuyển từ Market Street tới Justin Herman Plaza tại khỏang Embarcadero, người đi chật kín cà chiếu dài và rộng của đường phố.

Cũng vậy tại Dallas, nơi vụ kiện Roe V. Wade khởi đầu, khỏang 10 ngàn người đã tham gia cuộc diễn hành hằng năm mặc dù thời tiết trở lạnh và có gió.

Tuy các tín đồ của nhà thờ Tin lành First Baptist Church không cùng đi diễn hành như năm ngóai, nhưng họ đã dồn nỗ lực để tổ chức một cuộc hội chợ "Phò Sự Sống" ngay sau buổi diễn hành, các mục sư Tin lành cũng là diễn giả của cuộc mít tinh trước tòa án liên bang Earle Cabell Federal Courthouse.

Cũng trong danh sách diễn giả, có bà Norma L. McCorvey, là nhân vật Roe trong "Roe V. Wade". Bà McCorvey đã từ bỏ lối sống đồng tính và đã trở thành một tín đồ Công Giáo từ năm 1994. Ngày nay bà hoạt động cho phong trào Phò Sự Sống để tìm cách lật đổ phán quyết mà bà đã gây ra.

Cách riêng, các cộng đồng người Việt trong vùng Dallas-Fort Worth đã tham gia với một số lượng đáng kể, một số rất đông đến từ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do các cha DCCT cai quản. Các em Thiếu Nhi Thánh Thể, đi chung với các chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, đã nổi bật trên đám diễn hành nhờ vào những bộ đồng phục và khăn quàng màu sắc.

Những hình ảnh về cuộc diễn hành Dallas được kèm sau đây:
Diễn Hành Phò Sự Sống tại Dallas năm 2012
 
Sứ Điệp Của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 46
Phaolô Phạm Xuân Khôi
20:28 24/01/2012
Im lặng và Lời: Con Đường Truyền Giáo

[Chủ Nhật ngày 20 Tháng 5, 2012]

Anh chị em thân mến,

Gần đến Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2012, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy tư liên quan đến một khía cạnh của tiến trình giao tiếp giữa con người, mặc dù tầm quan trọng của nó thường bị coi thường và, ở thời điểm này, nó có vẻ cần phải được đặc biệt nhắc lại. Suy tư này liên quan đến sự quan hệ giữa im lặng và lời nói: hai khía cạnh của truyền thông cần phải được giữ cân bằng, luân phiên nhau và hợp nhất với nhau nếu muốn đạt được một cuộc đối thoại đích thực và sự gần gũi sâu xa giữa người với người. Khi lời nói và sự im lặng trở thành loại trừ lẫn nhau, sự truyền thông bị phá vỡ, hoặc vì nó dưa đến sự mập mờ hoặc, trái lại, vì nó tạo ra một bầu không khí tẻ lạnh; tuy nhiên, khi chúng bổ túc cho nhau, sự truyền thông đạt được giá trị và ý nghĩa.

Im lặng là một yếu tố không thể thiếu được của việc truyền thông; nếu nó vắng mặt, thì không thể có những lời phong phú về nội dung. Trong im lặng, chúng ta có thể lắng nghe một cách tốt hơn và hiểu chính mình hơn; những tư tưởng được nảy sinh và có chiều sâu; chúng ta hiểu rõ ràng hơn những gì chúng ta muốn nói và những gì chúng ta mong đợi từ những người khác; và chúng ta chọn làm thế nào để diễn đạt chính mình. Bằng cách giữ im lặng, chúng ta cho phép người khác nói, để diễn tả họ; và chúng ta tránh bị cột chặt vào chỉ những lời nói và ý tưởng của mình mà không để cho chúng được thử nghiệm cách đầy đủ. Bằng cách này, không gian được tạo ra để lắng nghe lẫn nhau, và những mối quan hệ sâu sắc hơn của con người có thể xảy ra. Thí dụ, chúng ta nhận xét rằng thường là trong im lặng mà sự truyền thông xác thực nhất xảy ra giữa những người đang yêu nhau: cử chỉ, nét mặt và điệu bộ là những dấu hiệu mà họ dùng để thổ lộ tâm tình với nhau. Niềm vui, sự lo âu, và tất cả đau khổ có thể được truyền đạt trong im lặng - thực ra, nó cung cấp cho họ một cách diễn tả đặc biệt mạnh mẽ. Như thế, im lặng làm nảy sinh sự truyền thông tích cực hơn, đòi hỏi sự nhạy cảm và một khả năng lắng nghe thường làm cho mức độ và bản chất thật sự của các mối quan hệ liên quan được lộ ra. Khi có nhiều sứ điệp và tin tức, sự im lặng trở nên cần thiết nếu chúng ta muốn phân biệt những gì quan trọng với những gì không đáng kể hoặc thứ yếu. Sự suy nghĩ sâu sắc hơn giúp chúng ta khám phá ra những mối dây liên kết giữa các biến cố mà thoạt nhìn có vẻ như không liên hệ gì với nhau, để đánh giá, phân tích các sứ điệp; điều này làm cho chúng ta có thể chia sẻ những ý kiến chin chắn và thích đáng, tạo ra một một nhóm chia sẻ kiến thức đích thực. Để cho điều này xảy ra, chúng ta cần phải phát huy một môi trường thích hợp, một loại ‘hệ thống môi sinh’ là hệ thống duy trì một trạng thái cân bằng thích đáng giữa sự im lặng, lời nói, hình ảnh và âm thanh.

Tiến trình truyền thông ngày nay phần lớn được thúc đẩy bởi những thắc mắc cần tìm những câu trả lời. Các bộ máy tìm kiếm (search engines) và các mạng lưới xã hội (social networks) đã trở thành khởi điểm của việc truyền thông đối với nhiều người đang tìm kiếm lời khuyên, ý tưởng, thông tin và những câu trả lời. Trong thời đại chúng ta, internet đang trở thành một diễn đàn cho các câu hỏi và các câu trả lời - thực sự, con người ngày nay thường bị tấn công dồn dập với những câu trả lời cho thắc mắc mà họ chưa bao giờ hỏi và nhu cầu mà họ chưa biết đến. Nếu chúng ta nhận ra và tập trung vào các câu hỏi thực sự quan trọng, thì im lặng là một tiên nghi quý giá, cho phép chúng ta thực hành nhận thức sâu sắc thích hợp khi đương đầu với số lượng chồng chất những kích thích và dữ kiện mà chúng ta nhận được. Tuy nhiên, trong sự phức tạp và đa dạng của thế giới truyền thông, nhiều người thấy chính mình đang phải đương đầu với những câu hỏi chủ yếu về đời sống của con người: Tôi là ai? Tôi có thể biết những gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng những gì? Điều quan trọng là phải củng cố những người đặt ra những câu hỏi này, và có thể mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc, bằng lời nói và sự trao đổi, mà còn qua lời mời gọi suy nghĩ trong im lặng, là điều thường hùng hồn hơn một câu trả lời vội, vã và cho phép những người tìm kiếm đi sâu vào những hố thẳm của cuộc đời họ cùng mở lòng ra cho con đường dẫn đến sự hiểu biết mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong trái tim của con người.

Cuối cùng, lưu lượng liên tục của những câu hỏi chứng tỏ sự thao thức của con người, không ngừng tìm kiếm chân lý, dù quan trọng nhiều hay ít, có thể cung cấp ý nghĩa và hy vọng cho cuộc đời của họ. Những người nam nữ không yên tâm hài lòng với một sự trao đổi phiến diện và mù quáng về những ý kiến và kinh nghiệm hoài nghi của cuộc đời - tất cả chúng ta đang tìm kiếm chân lý và ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta chia sẻ sự khao khát sâu thẳm này: "Khi mọi người trao đổi tin tức, thì họ đã chia sẻ chính mình họ, thế giới quan của họ, hy vọng của họ, và những lý tưởng của họ "(Thông điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông năm 2011).

Cần chú ý đến những loại trang web, những ứng dụng và mạng lưới xã hội khác nhau có thể giúp con người ngày nay tìm thời giờ để suy nghĩ và đặt những câu hỏi đích thực, cũng như tạo ra không gian cho sự im lặng và các dịp để cầu nguyện, suy niệm hay chia sẻ Lời Chúa. Bằng những câu ngắn gọn, thường không dài hơn một câu Thánh Kinh, những tư tưởng sâu sắc có thể được truyền đạt, miễn là những người tham gia trong cuộc đàm thoại không bỏ bê việc vun trồng đời sống nội tâm của họ. Hầu như không gì ngạc nhiên khi thấy các truyền thống tôn giáo khác nhau coi việc sống cô tích và im lặng như những trạng thái đặc quyền giúp con người tái khám phá ra chính mình và Chân Lý, là điều mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi sự. Thiên Chúa của mạc khải trong Thánh Kinh cũng không nói bằng lời: "Như Thánh Giá của Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói bằng sự im lặng của Ngài. Sự im lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách của Chúa Cha toàn năng, là một một giai đoạn quyết định trong cuộc hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể .... sự im lặng của Thiên Chúa kéo dài những lời trước đó của Ngài. Trong những giây phút tối tăm, Ngài nói qua mầu nhiệm của sự im lặng của Ngài" (Verbum Domini, 21). Sư hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa, đã sống đến độ ban món quà tối cao, nói trong sự im lặng của Thánh Giá. Sau cái chết của Đức Kitô có một sự im lặng tuyệt vời trên thế gian, và vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, khi "Đức Vua ngủ và Thiên Chúa ngủ trong xác phàm cùng làm cho những người đang ngủ từ những thởi đại được sống lại" (x. Kinh Nhật Tụng, Thứ Bảy Tuần Thánh), tiếng nói của Thiên Chúa vang lên, đầy tình yêu dành cho nhân loại.

Nếu Thiên Chúa nói với chúng ta ngay cả trong sự im lặng, đến lượt chúng ta cũng phải khám phá ra trong im lặng khả năng thưa cùng Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa. "Chúng ta cần sự im lặng ấy, là điều trở thành chiêm niệm, dẫn chúng ta vào sự im lặng của Thiên Chúa và đưa chúng ta đến điểm mà Ngôi Lời, Lời Cứu Đô, sinh ra" (Huấn từ, Thánh Lễ cử hành với các thành viên Ủy ban Thần Học Quốc Tế, ngày 6 tháng 10 năm 2006). Khi nói về sự cao cả của Thiên Chúa, ngôn ngữ của chúng ta sẽ luôn được chứng tỏ là không đầy đủ và phải dành không gian cho việc chiêm niệm trong im lặng. Từ việc chiêm niệm như thế nảy sinh ra, với tất cả sức mạnh nội tâm của nó, ý thức cấp bách về truyền giáo, là nghĩa vụ bắt buộc chúng ta "phải truyền thông những điều mà chúng ta đã thấy và nghe" để tất cả mọi người có thể được hiệp thông với Thiên Chúa (1 Ga 1:3). Việc chiêm niệm trong im lặng chôn vùi chúng ta vào nguồn mạch Tình Yêu ấy, là Đấng hướng chúng ta về phía những người lân cận của mình để chúng ta có thể cảm thông nỗi đau khổ của họ và cung cấp cho họ ánh sáng của Đức Kitô, sứ điệp của Người về sự sống cùng hồng ân cứu độ của sự viên mãn của Tình Yêu Người.

Như thế, trong im lặng chiêm niệm, Ngôi Lời vĩnh cửu, nhờ Người mà thế gian đã được tạo thành, trở nên hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta cũng nhận thức được kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa đang hoàn thành trong suốt lịch sử chúng ta bằng lời nói và việc làm. Như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở chúng ta, mặc khải của Thiên Chúa được thể hiện bởi "những việc làm và lời nói có một sự thống nhất nội tại: những việc làm được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu hiện và xác nhận giáo huấn và những thực tại được biểu thị bằng những lời, trong khi những lời công bố những việc làm và làm sáng tỏ mầu nhiện chứa đựng trong chúng" (Dei Verbum, 2). Kế hoạch cứu độ này đạt đến tột đỉnh trong con người Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng là Trung Gian và sự viên mãn của tất cả mạc khải. Người đã cho chúng ta biết dung nhan thật của Thiên Chúa Cha và bằng Thánh Giá và sự Phục Sinh của Người, Người đã đưa chúng ta ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết đến sự tự do của con cái Thiên Chúa. Câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của cuộc đời con người tìm thấy trong mầu nhiệm của Đức Kitô một câu trả lời có khả năng mang lại bình an cho tâm hồn thao thức của con người. Sứ vụ của Hội Thánh nảy sinh từ mầu nhiệm này; và chính mầu nhiệm này thúc đẩy các Kitô hữu trở thành sứ giả của hy vọng và ơn cứu độ, những nhân chứng của Tình Yêu ấy là điều làm tang tiến phẩm giá con người cùng xây dựng công lý và hòa bình.

Lời nói và sự im lặng: học truyền thông là học cách lắng nghe và chiêm niệm cũng như học nói. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người tham gia vào nhiệm vụ truyền giáo: cả im lặng lẫn lời nói là những yếu tố cần thiết, không thể tách rời công việc truyền thông của Hội Thánh vì canh tân việc rao giảng Đức Kitô trong thế giới ngày nay.

Cùng Đức Mẹ Maria, là Đấng im lặng "lắng nghe Lời Chúa và làm cho Lời ấy thăng hoa" (Cầu nguyện riêng tại Nhà Thánh, Loreto, ngày 1 tháng 9 năm 2007), con xin phó thác tất cả việc rao giảng Tin Mừng mà Hội Thánh cam kết thi hành qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Làm tại Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2012, Lễ Thánh Phanxicô đệ Salê.

+ ĐTC Bênêđictô XVI
 
Top Stories
Indonésie; Lors du Nouvel an lunaire, un évêque invite les catholiques d’origine chinoise à s’engager plus concrètement dans l’Eglise
Eglises d'Asie
09:49 24/01/2012
Le 23 janvier, à l’occasion d’une messe célébrée à l’occasion du Nouvel An lunaire, l’évêque du diocèse catholique de Pangkal-Pinang n’a pas hésité à appeler les catholiques d’origine chinoise à aller au-delà du don financier et à donner de leur temps à l’Eglise...

Dans un pays où la place de la minorité d’origine chinoise dans la nation est un sujet sensible, Mgr Hilarius Moa Nurak, évêque de Pangkal-Pinang, n’a pas craint de briser un tabou, celui qui associe Sino-Indonésiens à la prospérité matérielle. Dans l’église Saint-Pierre à Lubuk Baja, sur l’île de Batam, l’évêque présidait une messe dont l’assistance forte de 1 500 fidèles, était principalement composée d’Indonésiens d’origine chinoise. « De nombreux Sino-Indonésiens catholiques sont actifs dans les affaires et le commerce, et leur état d’esprit pourrait se caractériser par l’adage ‘Time is money’. De fait, ils sont réellement très souvent très occupés et cela les empêche de prendre une part active à la vie de l’Eglise, notamment au sein des communautés ecclésiales de base auxquelles ils sont en théorie rattachées », a expliqué l’évêque. « Certains d’entre eux considèrent que prendre part à la vie de l’Eglise consiste à faire des dons en argent », a-t-il ajouté, insistant sur le fait que s’il était vrai que l’Eglise avait besoin d’argent, cela ne pouvait signifier que l’argent pouvait se substituer à une participation personnelle concrète.

En affirmant cela, l’évêque de Pangkal-Pinang a souligné à la fois la singularité de la place des Sino-Indonésiens dans la société indonésienne et la relative normalisation de leur situation. En effet, si l’entrée dans l’année du dragon a été célébrée avec une réelle visibilité dans bien des villes du pays et si la culture chinoise, poids de l’économie de la Chine populaire aidant, fait l’objet d’un vrai engouement, la question de la prospérité matérielle de la minorité d’origine chinoise reste un sujet délicat en Indonésie.

Ce 23 janvier 2012 marquait le douzième Nouvel An lunaire, ou Imlek ainsi que ces festivités sont désignées en Indonésie, que les Sino-Indonésiens pouvaient fêter publiquement. Soupçonnés de soutenir l’idéologie communiste de la Chine populaire, la minorité chinoise avait longtemps dû faire profil bas après le coup d’Etat de 1965 et la prise du pouvoir par Suharto. Toutes les manifestations publiques de la culture chinoise avaient été interdites et ce n’est qu’en 2000, deux ans après la démission de Suharto, que le Nouvel An lunaire avait à nouveau pu être fêté. En 2003, Imlek avait rejoint les fêtes comme Noël ou l’Idul-Fitri considérées comme pouvant être chômées dans tout le pays (1). Toutefois, présente dans le commerce ou les affaires, la communauté sino-indonésienne, qui représente aujourd’hui environ six millions de personnes (sur une population de 225 millions d’Indonésiens), continue de susciter des jalousies et, dans l’esprit des Sino-Indonésiens, le souvenir des violences, parfois meurtrières, de 1998 reste vif (2).

Dans l’Eglise catholique d’Indonésie (le pays compte 4 % de catholiques et 6 % de protestants), le diocèse de Pangkal-Pinang couvre l’archipel des Riau, sur la côte nord-est de la grande île de Sumatra. L’île de Batam, située à quelques encablures de Singapour, est l’objet d’un développement industriel et touristique considérable depuis une trentaine d’années. Sa population a considérablement augmenté, les migrants y affluant de toutes les régions de l’archipel indonésien. D’un point de vue ecclésial, la communauté catholique locale s’est d’abord développée, vers le milieu du XIXe siècle, autour d’un groupe d’émigrés chinois avant de présenter aujourd’hui un visage très différent. Selon les statistiques diocésaines, sur les 45 000 catholiques du diocèse de Pangkal-Pinang, on compte 18 000 Sino-Indonésiens, les 27 000 autres étant d’origines diverses, à tel point que la communauté locale se désigne elle-même comme « l’Eglise des migrants ». Sur les trente prêtres en activité, seuls trois sont originaire de la région et l’évêque lui-même vient d’une province de l’Est indonésien.

De l’avis d’un certain nombre d’observateurs locaux, si Mgr Moa Murak a pris la liberté d’interpeller les Sino-Indonésiens sur leur aisance matérielle, une caractéristique qui leur est attribuée par le reste de la population, c’est bien que cette particularité ne fait plus obstacle, du moins dans le diocèse de Pangkal-Pinang, et que les Sino-Indonésiens sont pleinement acceptés comme membres de la communauté catholique locale.

Dans un autre registre et dans une autre région du pays, les messes qui ont été célébrées à l’occasion d’Imlek ont été l’occasion de rappeler les enjeux et les limites d’une certaine inculturation en matière liturgique. Ces dernières années en effet, à mesure que les Sino-Indonésiens célébraient plus ouvertement le Nouvel An lunaire, des éléments culturels chinois ont pris leur place dans la liturgie : églises parées de ten lung (lanternes chinoises de couleur rouge) et des trois hio (traditionnels bâtons d’encens d’un mètre de haut) ; sur l’autel lui-même pouvaient être placés des cierges rouges, des mandariniers étant posés à quelque distance avec des ang pao, les enveloppes rouges contenant de l’argent, accrochées à leurs branches (3).

Selon le P. Antonius Adrian Adiredjo, dominicain en paroisse à Surabaya, dans la province de Java-Est, s’il est bon que les traditions soient perpétuées et mises en avant, les fidèles doivent cependant veiller à ce que le Nouvel An lunaire soit célébré de manière catholique. « En tant que catholiques, vous pouvez recourir aux symboles que sont les ang pao ou les ornements rouges, mais veillez à ce que ces symboles ne s’immiscent pas dans la célébration de l’Eucharistie car c’est le Christ qui doit y avoir la première place », a expliqué le prêtre durant la messe célébrée ce 23 janvier en l’église du Rédempteur. L’Eucharistie est la forme de prière la plus élevée pour un catholique, a-t-il rappelé, ajoutant qu’« une célébration culturelle pouvait tout à fait prendre place, mais après la célébration eucharistique ».

(1) Voir dépêche EDA du 1er mars 2002 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/le-nouvel-an-chinois-sera-desormais-un-jour-chome
(2) Voir dépêche EDA du 16 juin 1998 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/la-police-de-jakarta-engage-des-poursuites-contre
(3) Voir par exemple dépêche EDA du 16 février 2003 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/un-effort-dinculturation-contribue-a-aider-les ou du 1er mars 2003 : http://eglasie.mepasie.org/asie-du-sud-est/indonesie/lors-des-messes-celebrees-a-loccasion-du-nouvel-an.

(Source: Eglises d'Asie, 24 janvier 2012)
 
Vietnam: Human Rights Watch dénonce les violations des droits de l’homme et de la liberté religieuse par l’Etat vietnamien en 2011
Eglises d'Asie
11:58 24/01/2012
La publication du rapport annuel de Human Rights Watch (HRW) sur l’état des droits de l’homme dans le monde a coïncidé, cette année, avec le premier jour de l’année lunaire, le 23 janvier 2012. Une partie importante du document est consacrée au Vietnam où, selon l’association américaine, la pression des autorités sur les dissidents et les militants des droits de l’homme s’est encore fait plus pesante au cours de l’année 2011...

...Les libertés d’expression et d’association ont été encore restreintes, les blogueurs et militants pour la protection des droits, de la liberté, de la démocratie et contre la corruption ont été victimes de nombreuses exactions. Ils ont été menacés, arrêtés, maltraités ou jetés en prison.

Selon le rapport de HRW, au cours de l’année 2011, les autorités ont inculpé au moins 33 militants pacifiques et les ont condamnés à des peines qui, au total, représentent 185 années de prison, auxquelles il faut ajouter 75 années de résidence surveillée. Parmi ceux qui ont été condamnés pour leurs activités pacifiques, on peut citer le juriste Cu Huy Ha Vu, personnalité très connue dans son pays, Phung Lam, Vi Duc Hoi, Nguyên Ba Dang, Pham Minh Hoang, Lu Van Bay et Ho Thi Bich Khuong, autant de personnages reconnus pour leur action en faveur de la démocratie et dont les écrits ont été mis en ligne sur des blog défendant les droits de l’homme. Durant la même année, les autorités ont encore procédé à l’arrestation de 27 autres militants pacifiques qui n’ont pas encore été jugés.

Le document accorde également une place importante à l’exercice du culte et l’expression des croyances religieuses au Vietnam. Il dénonce le fait que des ministres des organisations religieuses indépendantes subissent encore menaces et persécutions, bon nombre d’entre eux étant arrêtés. Les groupes non reconnus par l’Etat du caodaïsme, du bouddhisme Hoa Hao, des Eglises domestiques évangéliques, de l’Eglise mennonite, du bouddhisme vietnamien unifié sont considérés comme illégaux. La Sécurité publique fait obstacle à leurs assemblées, arrête ceux qui participent à leurs activités et place leurs dirigeants en résidence surveillée. Au sein même d’organisations religieuses enregistrées et reconnues, des églises comme celles des rédemptoristes à Hanoi ou Saigon sont l’objet d’exactions. A Thai Ha, un groupe de voyous a été envoyé aux portes de l’église pour provoquer les catholiques.

Au mois d’avril dernier, huit militants religieux ‘montagnards’, ont été condamnés à des peines allant de huit à douze ans de prison, pour avoir « saboté l’unité nationale ». Au mois de juillet, malgré les protestations de l’opinion internationale, un prêtre catholique, le P. Nguyên Van Ly, encore gravement malade, a été contraint de retourner en prison après seize mois de résidence surveillée. Au mois de novembre, deux adeptes du Falungong ont été condamnés à des peines de deux et trois ans de prison pour avoir diffusé des nouvelles de leur mouvement en direction de la Chine. Au mois de décembre, dans la province d’An Giang, deux fidèles du bouddhisme Hoa Hao ont été condamnés à trois et cinq ans de prison en raison de leur activité religieuse. Le même mois, le pasteur protestant Nguyên Trung Tôn a écopé de deux ans de prison pour avoir dénoncé par écrit la répression religieuse exercée par les autorités.

Au cours de l’année 2011, la Sécurité publique a arrêté au moins 19 militants catholiques et deux fidèles protestants. En conclusion de cette énumération de violations de la liberté religieuse au Vietnam, Human Rights Watch demande que soit réexaminée la possibilité d’inscrire à nouveau le nom du Vietnam dans la liste américaine des pays préoccupants en matière de liberté religieuse.

On peut également trouver dans ce rapport l’analyse critique des textes législatifs sur lesquels s’appuient les tribunaux populaires pour leurs condamnations. Ils sont pour la plupart très vagues et ne servent qu’à pénaliser des actions dissidentes non violentes. La plupart des opposants sont condamnés pour « activités visant à renverser le pouvoir populaire », « sabotage de la politique d’unité nationale », « propagande contre l’Etat » ou encore « abus des libertés démocratiques » portant atteinte aux intérêts de l’Etat (articles 79, 87, 88 et 258 du Code pénal). Le rapport ajoute que le gouvernement vietnamien refuse de reconnaître qu’il emprisonne des citoyens simplement parce que leur point de vue politique est différent du sien, les articles du Code pénal cités précédemment ne servant qu’à camoufler ses véritables motivations. Le présentateur du texte de HRW, M. Robertson, a déclaré que le gouvernement vietnamien devrait abandonner ses références au Code pénal pour se conformer aux dispositions de la déclaration universelle des droits de l’homme.

L’organisation américaine passe également en revue les divers moyens utilisés par l’Etat vietnamien pour sanctionner les dissidents sans jugement préalable. L’ordonnance 44 de l’année 2002 et l’arrêté 76 de l’année 2003 l’autorisent à confier les personnes susceptibles de troubler l’ordre public ou la sécurité nationale à des institutions psychiatriques, à les placer en résidence surveillée dans leur propre maison ou dans des « camps de rééducation » de l’Etat. Dans ces centres, qui sont normalement destinés à la désintoxication des drogués, sont détenus aujourd’hui environ 40 000 pensionnaires, généralement astreints au travail forcé. Tout récemment, une dissidente, Mme Bui Thi Kinh Dang, a été placé dans un camp de ce type pour 24 mois par le Comité populaire de la ville de Hanoi (1).

(1) On peut retrouver le texte en anglais et en vietnamien du rapport 2012 de Human Rights Watch, sur le site de l’association : http://www.hrw.org/news/2012/01/23/vietnam-systematic-crackdown-human-rights

(Source: Eglises d'Asie, 24 janvier 2012)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GM Nguyễn Văn Long dâng lễ đầu năm cầu cho Tổ Tiên Ông Bà ngày Mùng Hai Tết tại Melbourne
Trần Văn Minh
09:42 24/01/2012
Chiều Mùng Hai Tết Nhâm Thìn. Vào lúc 7 giờ tối ngày 24 Tháng 1 Năm 2012. Tại Nhà thờ Our Lady vùng Maidtone, rất đông giáo dân trong khu vực vui mừng chào đón Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Melbourne đến dâng Thánh lễ đầu năm, cầu cho tổ tiên ông bà cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam khu vực Miền Tây Melbourne.

Xem hình ảnh

Cùng đồng tế với Đức cha Long là Linh mục Philip Lê Văn Sơn phụ trách cộng đoàn Miền Tây cuả Tổng giáo Phận Melbourne

Ca đoàn Nữ Vương cuả cộng đoàn phụ trách phần Thánh ca phụng vụ Thánh lễ. Với lời ca tiếng hát mang đậm ý nghiã cuả ngày lễ kính nhớ tổ tiên.

Trên khu vực gian cung Thánh. Giáo dân đã rước di ảnh ông bà, cha mẹ và những người thân yêu trong gia đình đã được Chuá gọi về để cùng được làm phép và nhận lời cầu nguyện trong Thánh lễ đầu năm. Kính nhớ tổ tiên ông bà.

Được biết, theo truyền thống Công giáo. Hằng năm, giáo hội dành riêng một ngày tốt đẹp nhất trong năm là ngày Mùng Hai tết, để mọi người nhớ đến tổ tiên ông bà. Tại quê hương mẹ Việt Nam, ngày này, tại các xứ đạo, mọi người được mời gọi cùng ra thăm viếng nghiã trang, và với cả lòng thành kính, mọi người mang hoa ra cắm nơi mộ phần người thân yêu để cùng cha chánh xứ dâng lễ cầu cho tổ tiên.

Riêng ở Nhà thờ Our Lady hôm nay, hằng trăm bức di ảnh đã được xếp thứ tự và ngay ngắn, đầy khắp, chứng tỏ lòng hiếu thảo cuả mọi người đối với thân nhân, thật xứng hợp với giới răn cuả Chuá đối với tổ tiên, ông bà.

Trong phần chia sẽ, Đức Cha Long cũng thấy thật ấm cúng khi dâng Thánh lễ hôm nay, trong không khí cuả ngày đầu muà Xuân, nhưng chúng ta đã cùng với giáo hội Mẹ tại quê nhà dâng Thánh Lễ để tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà. Ngài cũng dâng lời cầu nguyện cho quê hương và nhất là những nơi cần đến lời cầu nguyện hiệp thông cuả mọi người mà ngài không quên nhắc đến như Giáo xứ Thái Hà và các nơi khác đang còn bị áp bức, bất công.

Sau Thánh lễ, ông Lê Văn Thanh đại diện cộng đoàn đã lên cám ơn Đức cha, nhờ sự quan tâm đến cộng đoàn, mà dù hôm nay trong một chiều nóng bức, ngôi Thánh đường thân yêu đã đông đủ mọi thành phần về tham dự Thánh lễ. Ông cũng dí dỏm ví von năm nay là năm Rồng mà cộng đoàn được đón tiếp Đức cha Long về dâng lễ đầu năm, chắc hẳn là năm nay cộng đoàn sẽ gặt hái nhiều điều tốt lành hơn nưã.

Kết thúc Thánh lễ. Đức cha đã ưu ái phát quà tết cho các em thiếu nhi trong cộng đoàn đã về dự Thánh lễ ngày Mùng Hai tết để Kính nhớ tổ tiên ông bà trong niềm hân hoan cuả các cháu thiếu nhi.
 
Tân Lộc: Ấm đọng mãi Mùa Xuân
Antôn Hoàng Cảnh Hồng
10:04 24/01/2012
Vinh - Cứ mỗi độ xuân về trên quê hương đất mẹ Việt Nam thân yêu nhất là vào những ngày 20 tháng chạp trở đi thì mỗi người đều rục rịch chuẩn bị cho cái tết cổ truyền, người người hối hả ngược xuôi để sắm sanh những thứ liên quan đến tết.

Xem hình ảnh

Quê hương Tân Lộc Cửa Lò cũng không nằm ngoài quỵ đạo xoay vần đó, tuy năm nay kinh tế làm ăn có phần khó khăn hơn năm trước, nhất là mùa biển từ mấy tháng gần tết hầu như con cá, mực, cua ghẽ chạy trốn con người thì phải, nhiều gia đình làm nghề biển hầu như thua lỗ, người làm nghề buôn bán thì cũng phụ thuộc vào dân, nếu dân no, được mùa thì các đại lý buôn bán cũng được ăn theo. Một số gia đình có anh chị em lao động nước ngoài thì còn tạm được, nhưng nhìn chung trong giáo xứ thì 70% số dân là nghèo đói và thất nghiệp.

Những năm gần đây nỗi lên vấn đề đi lao động ra các nước như Anh, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc v.v. một số gia đình có thì tự đầu tư cho con em mình, số còn lại thì người ta hùn vốn lại với nhau, tức là nhà có 5 triệu thì góp 5 triệu, nhà có 10 triệu thì góp 10 triệu, góp lại cho một người đủ vốn để đi. Mỗi suất đi như vậy khoảng độ từ 15 nghìn đến 30 nghìn USD tuỳ vào đi nước nào và đi theo con đường nào, có thể là đi theo diện du lịch, hoặc du học v.v…và khi đã lọt qua được bên kia an toàn thì người lao động làm thuê bất cứ công việc gì để có tiền gửi về trả nợ, và nếu có lỡ cách nào đó người lao động làm không được hoặc có những trường hợp bị đuổi về thì hầu như là mất hết và như vậy nó làm ảnh hưởng đến tất cả những người hùn vốn phải mất trắng.

Đã nghèo lại khổ thêm, ngày xưa quê hương tôi đa số là làm nghề chài lưới, biển lúc đó rất ưu tiên cá, mực nhiều vô kể, cứ ra khỏi lạch là nhìn thấy hàng đàn cá cuồn cuộn như những đống rơm hoặc ngọn đồi nhỏ xoay lại với nhau, cứ thả câu là cá mắc vào, người dân biển không lo phải thiếu đói.

Nhưng những năm trở lại đây không biết thế nào mà vùng biển Nghệ An cũng như các vùng biển lân cận không còn thấy cá, mực như trước nữa và vì không còn cá ngoài biển người dân phải bỏ nghề của mình để xoay xở bao nhiêu nghề khác kiếm sống, từ thượng vàng hạ cám mong kiếm cho được miếng cơm, và như đã nói ở trên người dân nghèo nếu còn chút vốn và ai đó cho hùn vào để đầu tư cho người đi lao động nước ngoài thì mừng lắm và đinh ninh họ sẻ sớm làm được tiền gửi về để chia phần trăm.

Tôi đi thăm mấy gia đình có hùn vốn cho người đi đã quệt nước mắt nói trong tiếng nấc “ Nó không làm được gì anh ơi” hoặc “ nó bị bắt rồi anh ơi, thế là hết”. Thật là buồn với những ngày giáp tết ở quê tôi, nhiều khi mình cũng đặt vài câu hỏi mà không có câu trả lời. Tại sao vậy, mình đi làm thuê, đi làm ô sin mà cũng phải bỏ ra khoản tiền lớn mới đi được? Khi nào thì đất nước mình như các nước ngoài có lương công nhân cao để người dân khỏi phải đi làm thuê???

Nhiều đôi vợ chồng mới cưới phải dứt áo ra đi, nhiều đứa con thơ mới sinh được hai ba tháng phải xa mẹ, nhiều người mẹ phải để lại đoàn con 4 đến 5 đứa ở nhà cho bố hoặc ông bà để ra đi mà không biết nó sẻ được sống và giáo dục thế nào? v.v.và v.v.

Thể rồi tất cả đều phải chấp nhận với thực tế hiện tại mà không ai ca thán và đặt ra cho mình câu hỏi nào, hầu như người ta chấp nhận nó như là chuyện bình thường của xã hội Việt Nam bây giờ.

Bên cạnh những hình ảnh đời thường pha chút buồn của quê hương trong những ngày giáp tết, cả xứ đạo được đón tết trong tâm tình con Chúa, Cha xứ và Ban tổ chức đã có nhiều hình thức đón tết trong một tinh thần no đủ về tinh thần để nhờ đó mà bù đắp cho những đói thiếu về vật chất chăng.

Trước tết đoàn Caritas của giáo xứ đã đi phát nhiều phần quà cho các gia đình khó khăn, đơn côi và bất hạnh. Đêm 30 tết, thánh lễ giao thừa thật đông đủ và linh thiêng, hầu hết 90% gia đình đi tham dự thánh lễ, mỗi gia đình đại diện một người lên bắt lộc thánh Lời Chúa đầu năm, hơn 1.200 tờ lộc thánh Lời Chúa được các gia đình lần lượt lên bắt về.

Sáng mùng một tết cha quản xứ Martinô Nguyễn Xuân Hoàng dâng thánh lễ đầu năm mừng tuổi mới cho con cái mình, ngài đã có những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Dạo quanh và đi chúc tết một vòng được nhiều gia đình khoe là mình đã tìm được ý nghĩa Lời Chúa của lộc thánh muốn nói với mình năm nay, nhiều người ngạc nhiên thấy Lời Chúa quá ứng nghiệm với gia đình và bản thân mình. Hầu như ai cũng cảm nghiệm được hồng ân của những thánh lễ trong những ngày đầu xuân đã bù đắp cho mình thật no đủ niềm vui.

Đặc biệt là thánh lễ kính ông bà tổ tiên báo hiếu sáng hôm nay ngày mùng hai tết. 205 cụ ông cụ bà trên 70 tuổi được rước từ dưới cửa chính cuối nhà thờ đi lên. Đầu thánh lễ cha xứ đã nói lên ý nghĩa của thánh lễ, công ơn cao dày của Ông Bà, cha mẹ đối với con cái, ngài mời hết mọi người cùng đứng lên để chúc tuổi và tặng quà các cụ, sau thánh lễ đại diện Hội đồng Mục vụ thay mặt cho toàn thể con cái cháu chắt chúc thọ và mừng tuổi các cụ, cha xứ và quý cụ cùng Hội đồng Mục vụ cùng liên hoan nhẹ trước lúc chia tay.

Ngoài sân nhà thờ bốn giáo họ, sinh viên và giới trẻ tổ chức nhiều trò chơi vui xuân thật nhộn nhịp, sẻ kéo dài ra đến ngày mùng bốn tết. Những làn mua phùn nhỏ li ti phất phơ ve vuốt trên khuôn mặt, những làn gió se lạnh tranh chen qua những làn áo đi vào thoa lên làn da ấm. Cái tết sẻ qua đi, nghèo đói và bao nhiêu thứ bất hạnh cũng sẻ cuốn trôi theo dòng thời gian đi về dĩ vãng, nhưng tinh thần của mùa xuân trong Chúa sẻ ấm đọng mãi trong mỗi chúng ta.
 
Giáo xứ Việt nam Paris: Giao thừa liên đới niềm tin
Trần Văn Cảnh
22:19 24/01/2012
Đón Giao Thừa Liên Đới Niềm Tin

Paris, tối 22.01.2012, trước thềm Năm Mới, Giáo Xứ Việt Nam Paris đón Giao Thừa Nhâm Thìn 2012, trong chiều hướng Liên Đới Niềm Tin, qua bốn việc chính: dọn Tết, lễ Tết, chúc Tết và ăn Tết.

Dọn TẾT

Tết sẽ đến đêm nay là Tết Nguyên Đán, tết chào mừng buổi sáng sớm ngày đầu năm, kết thúc một năm cũ. Trong tinh thần ấy, khi đồng hồ chỉ đúng 20 giờ, ông Thomas Võ Tri Văn, Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh Ca, đã từ từ tiến ra kệ sách bên bàn thờ và đề nghị cộng đoàn cùng ông « Dọn mình đón Tết » bằng cách xét minh về những việc đã làm trong năm qua, dựa theo bài ca Đức Mến của thánh Phaolô: Giả như tôi có nói được các thứ tiếng,.. Giả như tôi được ơn nói tiên tri,..Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,.. mà không có đức mến,..thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Ðức mến không bao giờ mất được. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (I Cor., 13, 1-8)

Chen vào giữa những gợi ý xét mình, để xin Chúa thứ tha những lầm lỗi trong năm cũ, để tri ân Ngài và để dốc lòng theo Đức Mến, cả cộng đoàn đã cùng nhau bày tỏ tâm tình với Chúa qua bài ca Tâm Tình I của Thành Tâm: « Xin cho con quên đi bao gian truân ngày buồn đưa tới. Xin cho con luôn luôn bao dung yêu thương người gian dối. Vì Chúa đã chết cho tội con rồi, vì Chúa đã thứ tha tội con, tình Chúa ủ ấp tâm hồn con hoài, cho dù thời gian trôi theo năm tháng. Ngài ơi, xin nghe đây câu tri ân Ngài. Tình thương bao la thay như trời biển khơi. Ngài ơi, tin con đi, con yêu mến Ngài. Tình con tuy phôi pha, nhưng chân thành thiết tha.

Lễ TẾT

Nhưng TẾT cũng là tết của tri ân. Tri ân Trời. Tri ân tổ tiên, ông bà cha mẹ, anh em trong gia đình. Đó là lý do mà, trong tinh thần hội nhập văn hóa, người công giáo việt nam luôn luôn khai Lễ Tết bằng việc cử hành thánh lễ, để trước là cảm tạ tri ân Chúa đã nuôi sống mình, đã giữ gìn mình và tri ân tổ tiên, ông bà cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình. Đặc biệt trong năm Mục Vụ Liên Đới Niềm Tin 2012, thánh lễ đón Giao Thừa lại càng có ý nghĩa hơn. Vì Thánh Lễ là trung tâm gặp gỡ giữa giáo hữu với Chúa Trời và giữa các giáo hữu với nhau.

Chia sẻ Lời Chúa, Đức Ông Giám Đốc đã đặc biệt nhắc đến ý nghĩa của Thánh lễ trong Liên Đới Niềm Tin, vì Thánh thánh lễ giúp chúng ta 1- ý thức đến những tương quan trong đời sống, 2- hiệp nhất với Chúa và với nhau, 3- khám phá ra tình yêu Chúa đối với ta, 4-thúc đẩy ta chia sẻ tình yêu đã lãnh nhận với mọi người, 5- mời gọi chúng ta sống như môn đệ Chúa, 6- sàng sẩy và biến đổi ta, trong cộng đoàn giáo xứ, và trong đời sống bác ái

Rồi, dựa vào ba bài Sách Thánh, Đức Ông vạch ra ba điều chúc mà Chúa gửi cho ta trong thánh lễ Giao Thừa Hôm nay: Phúc với tám mối phúc thật, Lộc với lộc Lời Chúa và Thọ được đầy tràn ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, được sống vĩnh cửu trên trời. (Ds 6, 22-27, 1Tx 5,16-26.28, Mat, 5,1-12)

Chúc TẾT, Quà TẾT và Lộc TẾT

Ngoài ra Tết còn là ngày mà con cháu tụ họp để chúc tết ông bà và các bậc huynh trưởng. Đó là lý do mà sau Thánh lễ, Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh, Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ, đã cùng Ông Nguyễn Văn Thơm, Ủy Viên xây dựng và chị Đào Kim Phượng, Ủy Viên Giáo lý, đại diện Cộng Đoàn Giáo xứ "chúc thọ" Đức Ông Giám Đốc và toàn Ban Giám Đốc. Nguyện xin Chúa cho Đức Ông và các cha, các thầy, các sơ được dồi dào sức khoẻ, được đầy tràn ơn Chúa để hướng dẫn cộng đoàn thực hiện tốt đẹp chương trình Liên Đới Niềm Tin

Rồi hướng về cộng đoàn, ông chúc thọ các bậc cao niên và toàn thể cộng đoàn. Nguyện xin Chúa cho các bậc cao niên và toàn thể cộng đoàn biết: Dâng Chúa trăm ngàn yêu thương, bác ái với mọi người không trừ ai, đem tình yêu Chúa chia sẻ cho mọi người, nên men nóng cho đời.

Sau lời chúc thọ, chúc tuổi và chúc Tết, Bác sĩ chủ tịch đã mời ông Ủy viên xây dựng và chị Ủy viên giáo lý tặng quà cho Giới Trẻ và cho Thiếu Nhi.

Và để kết phần lễ TẾT, Ban Giám Đốc đã chia nhau phát LỘC TẾT, là LỜI CHÚA, cho từng giáo dân hiện diện. Trong một bao thơ đỏ, Lộc tôi nhận được là lời thơ thánh Phaolô gửi cho tín hữu Ephêsô rằng: « sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðức Kitô vì Người là Ðầu » (Ep, 4,15).

Ăn TẾT,

Để kết thúc lễ Giao Thừa, Đức Ông mời Cộng đoàn ra phòng khánh tiết cùng nhau chia sẻ miếng bánh, ly nước. Trên một chiếc bàn dài bày bánh chưng, bánh tét, quýt, mứt, nước, …cộng đoàn đã vui vẻ gặp gỡ nhau.

Người thì trao đổi nhau, nhắc lại những câu đối họ đã nghe trong những năm trước:

Vạn vật đón Xuân hữu hạn

Giáo dân mừng Chúa trường sinh

Năm Hồng Ân cảm tạ Chúa

Tết Ðinh Hợi nhớ ơn người


Người thì đọc ra câu đối mới, đón Giao Thừa NHÂM THÌN 2012, năm mà Giáo Xứ hướng cả mục vụ của mính vào LIÊN ĐỚI NIỀM TIN:

Liên Đới Niềm Tin, vui Tết Nhâm Thìn,

Giữ Gìn Văn hóa, sống Tình Dân Tộc


Người thì nhắc lại những nhiệm vụ mà Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc đến để mỗi người công giáo hội nhập đức tin vào văn hóa trong lòng dân tộc. Nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc…. Rồi từ đó, chúng ta vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá và xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này. (điều 10 và 11).

Paris, tối Giao Thừa Nhâm Thìn, 22.01.2012

Trần Văn Cảnh
 
Văn Hóa
Lời nguyện đầu năm
Nguyễn Thanh Trúc
23:37 24/01/2012
Ngày đầu năm con dâng lời chúc tụng
Chúa chính là mùa xuân mãi muôn niên
Ngày đầu năm những giây phút thiêng liêng
Mong khắp nơi sẽ không còn chinh chiến

Nguyện xin có hòa bình trên mặt đất
Người với người không thù hận giết nhau
Người với người không nỡ làm nhau đau
Biết sống với tâm thành và yêu dấu

Người biết tìm về nguồn chân thiện mỹ
Sống thứ tha và xin được thứ tha
Sống tình yêu nhìn nhận Chúa là Cha
Sống cởi mở và vâng theo Thiên ý

Chúa ơi Chúa con dâng Ngài cuộc sống
Thân quyến con và bằng hữu thân quen
Xin xua đi oán hờn và ghét ghen
Mong Lời Chúa với con như hình bóng

Lời Chúa dạy đường tình yêu huyền nhiệm
Sống yêu người sống nghĩ đến tha nhân
Sống cuộc đời với tâm ý ân cần
Không tranh chấp không đua đòi tìm kiếm

Tìm kiếm chi những hư danh mục nát
Tìm kiếm chi tiền của chốn trần gian
Tìm kiếm chi chữ tình quá gian nan
Để rồi đắng, linh hồn thêm chua chát

Chúa mãi mãi là mùa xuân vĩnh cửu
Xin cho con biết tìm kiếm danh Cha
Biết nhận ra những gì cõi thiên thu
Không mục nát không hư hao tàn phá

Ngày xuân đến tim con được nhắc nhở
Mùa xuân trên trời con hằng ước hằng mong
Mùa xuân bất diệt con đêm ngày trông ngóng
Chúa chính là mùa xuân con hằng mơ

Ngày đầu năm con chân thành khai bút
Cảm tạ Chúa đã thương ban mùa xuân
Dâng cho Ngài đời con trong mọi lúc
Bước theo Ngài không nao núng bâng khuâng

Sống phó thác hoàn toàn nơi tay Chúa
Vì con đây hơn chim chóc ngàn hoa
Chúa nâng niu đời con không tàn úa
Ngày theo ngày sống tình Chúa chan hòa.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ánh Sáng Từ Trời
Nguyễn Hùng
22:12 24/01/2012
ÁNH SÁNG TỪ TRỜI
Ảnh của Nguyễn Hùng
Tôi đã ca hát với bao nhiêu cung bậc cảm xúc,
Nhưng tất cả lời ca của tôi đều là lời tuyên bố,
‘Người đã đến, đang đến và hằng sẽ đến.’

Many a song have I sung in many a mood of mind,
but all their notes have always proclaimed,
`He comes, comes, ever comes.'
(R. Tagore)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền