Ngày 24-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một năm mới tốt đẹp
Giuse Đinh Lập Liễm
04:40 24/01/2011
MỒNG MỘT TẾT TÂN MÃO

+++

I. NĂM MỚI VỚI LỜI CHÚA

Bài đọc 1: St 1,14-18

Thiên Chúa là Alpha và Oméga, nghĩa là Khởi Nguyên và Cùng Tận của vũ trụ muôn loài. Ngài sáng tạo thời gian và không gian, chính Ngài ấn định năm tháng ngày giờ và đặt ra các chu kỳ đại lễ.

Một năm mới bắt đầu là một khoảng thời gian nữa được ban cho chúng ta. Có thời gian là một ơn rất quí. Chúng ta có thời giờ để làm ăn sinh sống, nhưng cũng có thời giờ để chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu.

Bài đọc 2: Pl 4,4-8

Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà thánh Phaolô lại thêm chữ niềm vui của Chúa, vì niềm vui của Chúa thì khác với niềm vui của người ta. Niềm vui của người ta thì tùy ở nhiều yếu tố vật chất bên ngoài; còn niềm vui của Chúa thì nhẹ nhàng thanh thoát và tùy thuộc những điều kiện bên trong nhiều hơn như: tính hiền hòa, lòng quảng đại và tinh thần cầu nguyện. Có được những điều kiện đó là chúng ta có thể vui luôn trong Chúa.

Bài Tin mừng: Mt 6,25-34

Bài Tin mừng mời gọi chúng ta an tâm bước vào năm mới với niềm tin tưởng phó thác cho Chúa. Chúng ta phải biết cái gì đáng lo, đó là sống công chính, lo xây dựng Nước Trời. Xây dựng Nước Trời, có nghĩa là thực thi công bình bác ái, kiến tạo hòa bình và tạo dựng hạnh phúc cho mọi người. Có được Nước Trời như thế, thì còn gì phải lo lắng cho vấn đề cơm ăn áo mặc nữa: tất cả những cái mà chúng ta cho là thiết yếu nhất, chẳng qua chỉ là những cái được “thêm cho” mà thôi.

II. XUÂN ĐẾN XUÂN ĐI, XUÂN BẤT TẬN

Người ta thường nói:

Xuân khứ xuân lai, xuân bất tận,

Nhân hòa nhân thỉnh, nhân trường sinh.

Xuân đến xuân lại đi và sang năm xuân sẽ tới vì quả đất tròn quay mãi không ngừng. Dù có ai yêu hay ghét xuân thì xuân vẫn đến, không phụ thuộc ai dù già trẻ, lớn bé, giầu nghèo, trí thức hay dốt nát, xuân đến một cách nhẹ nhàng, đều đặn.

Chúng ta hãy trở lại với sách Sáng thế. Sách cho biết Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật và Ngài đã tách ánh sáng ra khỏi bóng tối để làm ra ngày và đêm phân biệt. Ngày và đêm thay đổi nhau để làm nên năm tháng. Ngày đêm thay đổi nhau 365 lần làm nên một năm (x. St 1,14-18)

Sau 365 ngày lại có một năm khác mà ta gọi là “Năm Mới” mà năm nay là năm Tân Mão. Ai trong chúng ta cũng gọi năm nay là năm mới, nhưng có thật là mới không vì có người cho rằng chả có gì là mới cả, năm nào cũng vậy thôi và năm nay có thể cũ hơn năm ngoái.

Trước đây, thi sĩ Trần Tế Xương có cái nhìn khác không giống như mọi người, khi ông nói:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ai trong đời

Vua quan sĩ thứ người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người.

Thực ra, nếu xét theo xuân cảnh vật thì càng ngày càng cũ đi như 70 tuổi thì phải cũ đi hơn là 20 tuổi. Nhưng nếu xét theo xuân trong tâm hồn, tức là xuân của ơn thánh thì có thể gọi là năm mới.

Francis Bacon đã có cái nhìn sâu sắc về vấn đề này khi ông nói: “Con người thời nay đã già cỗi, cần phải trở lại “thời thanh xuân” của con người nguyên thủy”.

Đúng vậy, con người trẻ trung ngày xưa đã bị vật dục làm hư hỏng đã trở nên già khọm. Phải làm sao canh tân con người già cả của chúng ta để trở nên người trẻ trung tươi mát vì nó phải trở nên trẻ thơ mới được vào Nước Trời (x. Mt 19,13-15).

III. NGƯỜI TA CHÚC NHAU NHỮNG GÌ ?

Chúng ta cứ coi năm Tân Mão này là Năm Mới đi và cùng mọi người chúc nhau. Vậy người ta thường chúc nhau những gì ? Người ta thường chúc nhau một: Năm Mới Tốt Đẹp, Bonne année hay Happy new year. Câu chúc cổ điển nhất của xã hội chúng ta vừa súc tích vừa vắn gọn nhất bằng 3 chữ là: PHÚC, LỘC, THỌ.

Cũng có người chúc nhau nhiều hơn bằng 5 chữ: PHÚ, QUÍ, THỌ, KHANG, NINH. Nhưng có lẽ chữ Phúc luôn đứng hàng đầu vì nếu được tất cả mà thiếu Hạnh phúc thì cuộc đời trở nên vô nghĩa. Chúng ta hãy xem thi sĩ Trần tế Xương nói chuyện với chúng ta về lời chúc Năm Mới như thế nào:

1. Chúc cho sống lâu

Có người cho rằng năm mới tốt đẹp là ở tại chỗ sống thật lâu thật bền cho đến lúc đầu phủ tuyết, da đồi mồi. Thi sĩ nói:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Nhưng sống lâu có hạnh phúc không ? Tại sao người ta thường nói: ”đa thọ, đa nhục” hoặc thành ngữ có câu: ”Trẻ khôn qua, già lú lại”. Đã “lú lại” sẽ bị con trẻ chê bai ! Đã “lú lại” tất không thể trốn đâu được cái nhục. Không thiếu gì các ông già bà cả bị bỏ rơi, đang sống tủi sống nhục trong tuổi già. Ít có người già nào nói: mình được hạnh phúc trong tuổi già.

Ngắm nhìn ngày tháng dần trôi, người già mới thấm thía câu ca dao:

Còn duyên như tượng tô vàng

Hết duyên như tổ ong tàn ngày mưa.

Còn duyên kẻ đón người đưa

Hết duyên đi sớm về trưa… một mình.

Trước cảnh tượng phũ phàng ấy, người ta tự nhiên cảm thấy ù tai chóng mặt. Để cứu vãn tình thế, tranh thủ thời gian, họ đâm ra ăn chơi phóng đãng:

Ai ơi, chơi lấy kẻo già,

Măng mọc có lứa, người ta có thì.

Chơi xuân kẻo hết xuân đi

Cái già xống xộc nó thì theo sau.

2. Chúc cho giầu có

Có người cho rằng: năm mới tốt đẹp là ở chỗ làm ăn phát tài phát lộc, tiền chảy vào túi như nước như non. Người ta chúc nhau: ”Nhất bản vạn lợi” hay “Một vốn bốn lời”:

Nó lại chúc nhau cái sự giầu

Trăm ngàn vạn mớ để vào đâu ?

Người ta chúc nhau giầu có, nhưng thử hỏi giầu có đến đâu là đã thỏa mãn ? Chắc chẳng bao giờ ngươi ta thỏa mãn với cái lòng tham vô đáy, nên chẳng bao giờ người ta đạt được sự giầu có như lòng mong ước ?. Người ta vẫn khát khao sự giầu có mà không được.

Nhiều người đã tôn vinh tiền của lên hàng thần thánh: thần MAMMON (thần Tiền Của). Vị thần này rất quyền năng, trở thành ông chủ khắc nghiệt tuyệt đối chi phối con người họ, bắt họ làm nô lệ cho mình, và có ai thấy mình được hạnh phúc khi phải sống kiếp nô lệ không ?

Ngày 06/06/1976 ông Paul Getty, một người giầu có, đã qua đời. thọ 83 tuổi. Ông để lại khoảng 4 tỉ Mỹ kim. Sau 5 lần ly dị, trong một cuộc phỏng vấn, ông đã tuyên bố: ”Tôi đã mong dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi sợ mình không thành công. Tôi sợ không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân ấy”.

Một lần khác, ông đã phải thú nhận với một phóng viên là ông đã không đạt được hạnh phúc gia đình.

Một lần khác nữa, ông Paul Getty xác nhận: tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Hơn nữa, ông còn tin rằng tiền bạc có bà con với nỗi bất hạnh.

3. Chúc cho vinh sang

Có người cho rằng một năm tốt đẹp là được mọi người ca tụng, tiếng tăm được vang khắp bốn bể, được thiên hạ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa:

Nó lại chúc nhau cái sự sang

Đứa thì buôn tước, đứa buôn quan.

Danh tiếng vang lừng bốn bể có làm cho người ta được hạnh phúc không ? Đây là một chứng từ mà người ta đã biết: ông Anatole France là một người giầu có, được mọi người hoan nghênh, được nếm đủ các thứ khoái lạc trên đời, đã phải thú nhận rằng: “Nếu anh có thể đọc được trong tâm hồn tôi, anh sẽ rùng mình. Trong trời đất không có vật nào vô phúc bằng tôi: người ta tưởng tôi sống hạnh phúc. Thật ra, không bao giờ được sung sướng cả, dầu trong một giờ, dẫu trong một ngày”.

Còn một chứng từ khác của một người còn sang hơn quan nữa, tiếng tăm lừng lẫy khắp muôn phương, được thiên hạ học từ lời ăn tiếng nói, được theo dõi, từ chân tơ kẽ tóc như cô đào minh tinh màn bạc Brigitte Bardot mà cũng không thấy được hạnh phúc.

- ?

- Mộng tôi bây giờ không phải là thủ vai tài tử quan trọng. Mộng tôi bây giờ là làm thế nào có đủ can đảm rút lui khỏi màn bạc.

- Thế thì tất cả những công danh của cô xưa rầy là mây, là khói hay sao ?

- Phải ! Brigitte Bardot đáp lại những câu hỏi bồi hồi của một ký giả báo Văn Đàn. Phải ! Tất cả là mây khói, là hư vô.

IV. CHÚNG TA NÊN CHÚC NHAU NHỮNG GÌ ?

Nếu chúc cho ông bà anh chị em được sống lâu, giầu có, được vinh sang… thì thấy không ổn vì tất cả những cái đó chưa làm nên hạnh phúc vì nó vẫn là mây khói. Xin được lấy lại câu chúc của thi sĩ Trần Tế Xương một lần nữa:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ai trong đời

Vua quan sĩ thứ người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người.

Câu chúc của thi sĩ “Sao được cho ra cái giống người” xem ra có vẻ hài hước và mang tính cách châm biếm. Nhưng cái nhìn của ông về con người cũng giống như cái nhìn của nhà hiền triết Diogène ngày xưa. Đang giữa trưa ông cầm đèn ra giữa thành phố Athènes để đi tìm cài gì đó. Người ta hỏi tìm gì. Ông trả lời: đi tìm người! Thiếu gì người ở giữa thành phố mà phải đi tìm ? Nhưng ông cho rằng những đám người này chưa phải là người đúng nghĩa, ông đi tìm một con người chính danh, con người xứng đáng “linh ư vạn vật” kia !

Năm mới chúng ta chúc nhau hãy trở nên con người đúng nghĩa, phải “linh ư vạn vật “ mới được.

Đối với người Việt nam Công giáo chúng ta, thời gian được ban cho chúng ta trong Năm mới này là để chúng ta “làm người” và “làm con Chúa”. Chúng ta không tự nhiên là người hay là con Chúa được, có là hay không còn tùy thuộc ở chỗ chúng ta có “làm” và có “làm” được hay không. Hạt giống không tự nhiên có thể nở thành cây và sinh hoa kết quả: nó cần phải được gieo cấy trong ruộng trong vườn, và cần phải có thời gian để phát triển. Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta là những cái “nhân” được gieo cấy trong ruộng đồng là thế gian này và thời gian được ban cho chúng ta làm nên đời mình bằng cách cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa: ân sủng này cũng ví như ánh sáng và sương mưa cần thiết cho sự sinh trưởng của cây.

Chúng ta sẽ trở nên người con có Thiên Chúa là Cha, để chúng ta có thể thưa với Chúa là “Abba, Cha ơi” (Mc 14,36), và chúng ta có mọi người là anh chị em, và đây là một vinh dự lớn lao đối với con người hèn mọn chúng ta, như người ta nói:

Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Cha chúng ta điều khiển muôn loài muôn vật, Ngài nuôi chim trời cá biển, săn sóc từng cây cỏ nơi đồng nội. Ngài lại càng săn sóc chúng ta hơn nhiều vì chúng ta là con của Ngài. Vì thế, chúng ta đừng quá bồn chồn lo lắng về đời sống vật chất cho có cơm ăn áo mặc, hãy tin vào Chúa quan phòng.

Có một điều khác biệt nơi người tin và người không tin là người tin thì một đàng ra sức xây dựng và phát triển những giá trị trần gian (trong đó có sự tích lũy tiền của), một đàng vẫn hướng mắt, hướng lòng, hướng lời cầu về với Thiên Chúa là Cha, là Nguồn Mạch mọi sự giầu có và hạnh phúc.

Nhân dịp Năm Mới, xin chúc ông bà anh chị em một năm mới tốt đẹp và một năm mới tốt đẹp như lời Chúa dạy: ”Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và ăn ở công chính như Người đòi hỏi; còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”(Mt (Mt 6,23). Còn ăn ở công chính đây là sống Tám mối Phúc thật như Chúa đã dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,3-12).
 
Kính nhớ ông bà tổ tiên
Giuse Đinh Lập Liễm
04:42 24/01/2011
MÙNG HAI TẾT TÂN MÃO

+++

I. Ý NGHĨA BA NGÀY TẾT

Theo tục lệ Việt nam, ngày Tết là ngày con cháu dù ở nơi xa cũng xum họp cùng gia đình để chúc tuổi mới ông bà cha mẹ. Đồng thời nói lên lòng yêu mến, biết ơn của con cháu đối với các bậc tiền bối.

Giáo hội Việt nam cùng đồng hành với dân tộc cũng muốn đề cao ba ngày Tết để giúp giáo dân thánh hóa ngày Tết với ý chỉ:

* Mùng một: cầu bình an cho năm mới.

* Mùng hai: kính nhớ ông bà tổ tiên.

* Mùng ba: thánh hoá công việc làm ăn.

Hôm nay mùng hai Tết, Giáo hội muốn cho giáo dân tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên bằng cách dâng thánh lễ đặc biệt để cầu cho các ngài còn sống hay đã qua đời, tuy đã khuất nhưng còn luôn ở bên cạnh chúng ta.

II. ĐẠO HIẾU CỦA TA

1. Luật của Chúa

Hằng tuần chúng ta vẫn đọc kinh Mười điều răn Đức Chúa Trời, khi đọc đến giới răn thứ bốn, ta nhớ ngay đến nghĩa vụ phải thảo kính cha mẹ. Thảo kính cha mẹ là gì ? Thưa là phải yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và khi đã qua đời. Ta phải hiếu thảo ngay cả khi cha mẹ đã qua đời, vì tuy các ngài đã khuất nhưng vẫn còn ở bên chúng ta.

2. Chữ hiếu của người Á đông

a) Người Á đông đề cao chữ hiếu, coi như cội rễ của mọi đức. Người con bất hiếu là người con bỏ đi, và tội nặng nhất là tội “bất hiếu”.

b) Người Phật giáo cũng có một lễ riêng vào ngày rằm tháng bảy, ngày xá tội vong nhân mà ta gọi là lễ Vu lan. Ngày này, người ta có những nghi lễ đặc biết để nhớ đến ông bà tổ tiên.

c) Người ta còn có lệ “cúng cô hồn”, tặng cho các cô hồn thức ăn cho khỏi đói, một nghĩa cử cao qúi đối với những hồn cô đơn không ai nhớ tới. Bên Công giáo chúng ta gọi là cứu giúp các linh hồn mồ côi trong luyện ngục.

3. Sự tử như sự sinh

Những người thờ cúng tổ tiên có vẻ sống gần gũi với ông bà cha mẹ đã khuất. Người ta coi “sự tử như sự sinh” (phụng dưỡng người chết cũng như người sống). Do đó, người ta khấn vái, nói chuyện với cha mẹ đã chết giống như nói chuyện với người còn sống. Họ dâng cho cha mẹ hoa quả, nén hương, thậm chí cả mâm cơm để tỏ tấm lòng thành với các ngài.

Truyện: Đôi đũa thứ năm.

Bác Năm Hớn có một vợ và hai con. Chẳng may vợ mất sớm. Một hôm bác mời cha Piô Ngô phúc Hậu đến dùng cơm với bác. Trong mâm chỉ có bốn người mà sao lại thắp những 5 đôi đũa bát. Cha Hậu ngạc nhiên hỏi: ”Bát đũa này dành cho ai” ? Bác trả lời: ”Dành cho vợ bác”. Tuy vợ bác đã khuất nhưng bác vẫn mời vợ về cùng dùng cơm.

III. Ý NGHĨA NGÀY MÙNG HAI TẾT

Giáo hội Việt nam luôn đồng hành với dân tộc, không những phải giữ lấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn nâng cao lên, cho nó một ý nghĩa cao qúi. Vì thế, Giáo hội Việt nam muốn dùng ngày mùng hai Tết để chúng ta kính nhớ ông bà tổ tiên, vì

Người ta có cố có ông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.

(ca dao)

Không có ông bà tổ tiên thì không có ta, tất cả những cái ta có là do ông bà cha mẹ để lại. Không ai đuợc quên công ơn lớn lao đó:

Ai mà phụ nghĩa quên công,

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

(ca dao)

Truyện: Con kiện mẹ.

Tại bang New Jersey bên Hoa kỳ, một bà mẹ 78 tuổi bị đứa con trai kiện vì bà không trả tiền công cho chàng đã sửa chiếc xe vận tải của bà.

Bà đã đệ đơn tố ngược lại con mình, với đề nghị là chàng phải bị đánh đòn vì lúc chàng còn nhỏ, bà đã không áp dụng câu: ”Thương con cho roi cho vọt”.

Trả lời đơn người con trai kiện mình, bà đã viết: ”Nguyên cáo mắc nợ bị cáo 40 năm phục dịch của một người mẹ, một người giữ em, một người giúp việc nhà, một nhà tâm lý để cố vấn khuyên bảo... Tất cả những dịch vụ trên nguyên cáo đã không trả tiền công cho bị cáo”.

Bà mẹ viết tiếp: ”Như một người mẹ, nếu luật pháp cho phép, tôi sẽ công khai đánh con tôi, những roi vọt cần thiết cho nó mà tôi đã không dành cho nó lúc nó còn bé. Nếu pháp luật không cho phép mẹ đánh con, thì xin tòa hãy cử một nhân viên ngành tư pháp đánh đòn để sửa trị con tôi”.

(R.D. Warhreit, Ánh sáng hy vọng, tr 226)

Ngược lại câu truyện cười ra nước mắt trên đây, một PHONG TRÀO vô danh đã gợi ý các thành viên mình suy nghĩ về câu châm ngôn: ”Những cụ già là một hồng ân”, với những tư tưởng như sau:

Phúc cho anh chị khi hiểu rằng tay tôi đã khởi sự run rẩy và chân tôi bắt đầu yếu dần.

Phúc cho anh chị khi nhớ rằng tai tôi không còn nghe rõ như xưa và dù muốn hay không những người lớn tuổi cũng phải chấp nhận câu: ”Trẻ khôn ra, già lú lại”.

Phúc cho anh chị nếu biết rằng mắt tôi không còn sáng được như xưa.

Phúc cho anh chị nếu không giận dữ vì tôi đánh rơi một cái tách đắt tiền, khi tôi năm lần bảy lượt thuật lại cùng một câu truyện.

Phúc cho anh chị nếu anh chị biết trao cho tôi những nụ cười thông cảm, nếu anh chị hỏi tôi về quãng đời quá khứ, những kinh nghiệm của tuổi thanh xuân, nếu anh chị hiểu được những dòng nước mắt cô đơn của tôi, nếu anh chị dành cho tôi chút tình yêu thương kính trọng.

Phúc cho anh chị nếu ở lại với tôi thêm giây lát dù trời sắp tối.

Phúc cho anh chị nếu nắm lấy tay tôi khi tôi phải giã từ cõi đời để một mình đi vào bóng đêm, bóng đêm của sự chết.

Phải, phúc cho anh chị, vì khi lên thiên đàng, tôi sẽ thắp cho anh chị những vì sao.

KẾT LUẬN

Chúng ta có hiểu câu thành ngữ tha thiết và trách móc này không:

Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Để dễ dàng lấp đầy hố sâu chia cách hai thế hệ, giới trẻ chúng ta phải ghi nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ mà giữ trọn chữ hiếu. Đấy là bài học hữu hiệu để giữ được mãi trong xã hội chúng ta nét đặc thù mà xã hội Âu Mỹ đã đánh mất từ lâu.

Hôm nay chúng ta hãy làm hai việc khẩn thiết trong ngày kính nhớ ông bà tổ tiên

1. Sốt sắng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các ngài vì Thánh lễ là một phương thế hiệu nghiệm nhất chúng ta có thể kéo ơn Chúa xuống cho ông bà cha mẹ chúng ta khi các ngài còn sống cũng như đã qua đời.

2. Khơi lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với các ngài bằng những việc làm cụ thể nhất là trong những ngày Tết này. Hãy ghi nhớ lại điều răn Chúa đã dạy chúng ta trong kinh Mười điều răn: ”Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.

Ơn ai một chút chớ quên,

Phiền ai một chút để bên cạnh lòng.

(Ca dao)
 
Mùng ba ra mắt
Giuse Đinh Lập Liễm
04:44 24/01/2011
MÙNG BA TẾT TÂN MÃO

+++

I. CÔNG VIỆC BA NGÀY TẾT

Người Việt nam chúng ta rất qúi trọng ba ngày Tết. Ba ngày này được coi như là linh thiêng. Mỗi ngày được phân chia cho một công việc. Công việc ba ngày Tết là:

Mùng một tết cha,

Mùng hai tết mẹ,

Mùng ba tết thầy.

Tại sao lại chia ra như vậy ? Vì muốn cho ba ngày tết có đầy đủ ý nghĩa:

Nhà cha là nhà bên nội, ngày mùng một linh thiêng nhất nên ai cũng về từ đường bên nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng.

Cũng vậy, ngày mùng hai, lại kéo cả nhà về bên ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết nhất.

Ai cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn việc dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy dạy học của mình; do đó, ngày mùng Ba thì học trò đồng môn rủ nhau đi viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng thành. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp trong bầu khí vui tươi, bổ ích.

Do mọi việc xã giao, chúc tụng được tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng bốn trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính, qúi trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa để không trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách. Do đó có qui ước truyền thống “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, nên bạn bè muốn đến vui chơi trong ba ngày Tết đều nhất thiết phải hẹn trước.

(Nguyễn hữu Thiệp, Dân ta ăn Tết, 1995, tr 135-136)

II. MÙNG BA RA MẮT

Do “Mùng Ba tết Thầy” nên ngày này cũng là ngày ra mắt Tổ sư, Tiên sư nghề nghiệp mình.

Sáng sớm ngày ấy, ai làm nghề gì thì đem đồ nghề ra khởi động nghề ấy. Khởi động lấy lệ, mang tính hình thức. Đại khái, nhà nông thì mang lưỡi hái ra quơ cắt một ôm cỏ đem về cho trâu ăn (nhưng chưa làm động thổ). Người buôn bán thì mở cửa hàng bán tượng trưng vài món lấy ngày. Thợ thầy cũng đem kéo, búa ra cắt đập ít cái để “gọi là”. Nói chung, mọi công việc đều có tính cách tượng trưng, gọi là ra mắt Tổ nghề, mong Tổ sư và Tiên sư hộ độ suốt năm làm ăn phấn phát. Tất nhiên, trong những ngày này, bàn thờ các ông Thần tài, Thổ địa và Tổ nghề đều rất tươm tất, hương đăng không tắt, hoa trái lúc nào cũng đầy ắp.

Sau lễ ra mắt, người ta lại tiếp tục ăn Tết. Nhà giầu ăn tết đến hết ngày mùng 7 hoặc hơn. Người lao động nghèo tranh thủ khai trương sớm (Sđd, tr 137-138).

III. THÁNH HÓA CÔNG VIỆC LÀM ĂN

Hội thánh Công giáo Việt nam luôn đồng hành cùng dân tộc cố gắng làm phát huy những gì tốt đẹp phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu “Mùng Ba ra mắt”, các người thợ trình diện với Tổ sư ngành nghề của mình về công việc làm ăn trong năm, Hội thánh Việt nam cũng muốn dành ngày mùng ba Tết để thánh hoá công việc làm ăn. Chúng ta hãy trình lên Chúa công việc làm ăn trong năm, để xin Chúa chúc lành và ban ơn phù giúp để mọi công việc của chúng ta phù hợp với thánh ý Chúa.

Đọc chương đầu của sách Sáng thế, ta thấy Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người “giống hình ảnh Ngài” (St 1,26). Các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ trên vạn vật:”Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1,26).

Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại: ”cộng tác vào việc sáng tạo” của Thiên Chúa. Giữa ý niệm lao động và giáo thuyết về sáng tạo có một tương liên mật thiết.

E. Krebs đã không ngần ngại tuyên bố:

”Khái niệm căn bản về giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú ban cho loài người nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo, Ngài là Đấng tự do và khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo của Ngài có từ đời đời”(Die wertprobleme, tr 43; theo J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 350).

Mọi sự trên thế gian này là của Chúa, nhưng Ngài muốn cho con người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày của Thiên Chúa trên vạn vật cũng là một cuộc sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào với nguyên nhân đệ nhất. Chính vì thế Haessle viết:

“Nguời thợ là hình ảnh đặc biệt của Thiên Chúa... sản xuất và sản xuất trong niềm vui là con người đã đem năng lực của mình ra hành dộng để thực hiện một đời sống trọn vẹn hơn và làm cho mình nên giống Thiên Chúa dầu họ có ý thức hay không. Đời sống “làm việc” tức là hành động và phản ảnh sức hoạt động tuyệt đối... Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất tuyệt đối... người thợ là nguyên nhân kết thành xét như chính họ làm cho những sự vật trở thành chính nó và hoàn hảo hơn. Con người đã truyền sức lực, tư tưởng, nhân vị mình cho chúng. Nguyên nhân tương đối là phản ảnh trung thực của nguyên nhân tuyệt đối”.

(J. Haessle, Le Travail, Paris, 1933, tr 63-64)

Công đồng Vatican 2 cũng xác quyết sự làm việc là góp phần sáng tạo và hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử:

“Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (Gaudium et Spes, bản dịch của GHHV Piô X, Đà lạt).

Nếu lao động là được cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, thì đây là vinh dự lớn lao của con người, vì “nhân linh ư vạn vật”. Theo ý nghĩa đó, ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm: ”LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG”.

KẾT LUẬN

Trong ngày mùng Ba Tết hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta được biết thánh hoá công việc làm ăn của chúng ta, đặc biệt trong thánh lễ này.

Trước hết, như bài Tin mừng thánh lễ hôm nay, ta hãy cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những nén bạc cơ bản làm vốn: sự sống, sức khỏe, trí khôn, thiên hướng, những kinh nghiệm của cộng đồng, tri thức của người đi trước, những nhu cầu phát triển của thời đại...

Sau đó, xin Chúa ban ơn nâng đỡ tinh thần và nghị lực để chu toàn mọi trách nhiệm liên quan đến công việc.

Đồng thời cũng xin luôn ý thức công việc làm ăn của bản thân và của mọi người là thước đo về công bằng và phát triển của xã hội. Ai cũng có quyền được làm việc và quyền được chuẩn bị chu đáo để có việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng.

Như vậy, khi nguyện ước công ăn việc làm của mình được Thiên Chúa thánh hoá, người Kitô hữu đang khao khát diễn tả, qua thực tiễn lao động của bản thân, hình ảnh một Thiên Chúa hoạt-động-không-ngừng và đã trao cho loài người quyền được làm giầu đẹp thêm cho cuộc sống.
 
Bản Hiến chương Nước Trời
Giuse Đinh Lập Liễm
04:46 24/01/2011
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN A

+++

A. DẪN NHẬP

Bất cứ một quốc gia nào cũng phải có hiến pháp do quốc hội qui định mọi sinh họat trong nước. Là công dân của một nước, mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật của quốc gia đó. Đức Giêsu đã đi rao giảng Nước Trời và khi rao giảng trên núi, Ngài đã tuyên bố bản “Hiến chương Nước Trời” cho tất cả những ai muốn làm công dân nước đó. Bản hiến chương này là một bản luật kỳ lạ chẳng giống chi với luật lệ của bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Bản luật này không do nguồn gốc nhân lọai nhưng do bởi trời, không nhằm mục đích vật chất mà nhằm nâng cao con người lên những giá trị vĩnh hằng.

Theo bản Hiến chương đó, những ai muốn được hạnh phúc thì phải tuân theo bản “Tám mối phúc thật”. Đối với những người không có đức tin thì bản hiến chương này thật là nghịch lý! Làm sao khó nghèo, buồn sầu, bị bách hại… lại là hạnh phúc ? Đối với người đời, hạnh phúc nằm trong tiền của, thú vui, danh vọng, quyền bính… Ai mà lại không đuổi theo những thứ đó ? Nhưng thực ra, những thứ đó mới đưa con người đến những hạnh phúc pha tạp, bất tòan và ngắn hạn, còn một thứ hạnh phúc tuyệt đối vĩnh cửu nữa mà chỉ những ai sống theo bản Hiến chương đó thì mới đạt tới.

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”(Mt 5,2). Khó nghèo đây không phải là khó nghèo vật chất mà là khó nghèo trong tinh thần, nghĩa là gỡ lòng ra cho khỏi dính bén quá nhiều vào của cải đến nỗi ngày đêm chỉ mải mê nghĩ đến nó mà bỏ quên những cái khác, kể cả lương tâm, công bình, bác ái và sự sống đời sau. Chỉ những ai có lòng khiêm nhường mới có thể có được tinh thần nghèo khó ấy và mới đáng được hưởng hạnh phúc Chúa hứa ban ở trên trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Xp 2,3; 3,12-13

Đế quốc Assyria đặt ách đô hộ trên dân Do thái. Họ bị đè nén, áp bức, mất tất cả không còn gì.. Họ trở nên bé nhỏ và yếu thế, không còn hy vọng có một tương lai sáng sủa nào nữa. Nhưng tiên tri Xôphônia lại cho đó là cơ hội tốt cho người Do thái còn lại để họ biết đặt niềm tin vào Thiên Chúa và trở thành dân của Ngài. Vì thế, tiên tri an ủi và khuyến khích họ hãy sống công chính và khiêm nhu để chờ đợi Chúa đến giải thóat họ.

+ Bài đọc 2: 1Cr 1,26-31

Thánh Phaolô cảnh cáo giáo đòan Côrintô về tính tự kiêu tự mãn của họ. Nhiều người tự phụ vì đã thành công do sự khôn ngoan và khéo léo của mình. Họ đã chia ra thành bốn nhóm chống lại nhau như bài đọc 2 tuần trước đã đọc, chỉ vì họ kiêu căng cho mình là khôn ngoan hơn những người khác. Nhưng thánh Phaolô cho họ biết sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt trên tất cả, sự khôn ngoan của lòai người chẳng đi đến đâu: những gì thế gian cho là điên dại, yếu kém, hèn mạt thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan.

+ Bài Tin mừng: Mt 3,1-12a

Đức Giêsu mở đầu sứ mạng truyền giáo bằng câu: ”Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,12). Ngài muốn rao giảng về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, nơi mà mọi người có thể tìm được hạnh phúc chân thật. Chính vì thế, Đức Giêsu mới rao giảng về Tám mối phúc thật hay Hiến chương Nước Trời. Tám mối phúc thật này dành cho những ai biết khôn ngoan tìm kiếm. Khi nói đến phúc thật thì phải hiểu là hạnh phúc con người được hưởng trên thiên đàng, sau khi đã kết thúc cuộc hành trình trên trần gian. Các mối phúc thật theo Tin mừng do Đức Kitô công bố xác định thái độ con người phải có để mở rộng lòng ra đối với Chúa và sống trong tình thân mật đối với Ngài.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tìm hạnh phúc đích thực

I. ĐỨC GIÊSU RAO GIẢNG TÁM MỐI PHÚC THẬT

1. Cơ hội rao giảng

Phụng vụ hôm nay đọc lại cho chúng ta bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu mà ta quen gọi là Bài giảng trên núi hay Hiến chương Nước Trời, hay Tám mối phúc thật.

Thọat xem, chúng ta coi bài giảng trên núi như một bài giảng duy nhất trong một cơ hội duy nhất. Nhưng thật ra, đây là một bài tóm tắt của Ngài đã từng giảng mà thánh Matthêu đã sắp xếp lại thành một bài giảng duy nhất. Có người gợi ý rằng, sau khi Đức Giêsu lựa chọn 12 Tông đồ, Ngài đưa họ ra một nơi yên tĩnh độ một tuần hay lâu hơn để dạy dỗ họ trong suốt thời gian đó. Bài giảng trên núi là tóm lược sự dạy dỗ đó.

2. Các thính giả tham dự

“Khi Đức Giêsu thấy đòan lũ đông đảo”. Đòan lũ đông đảo gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng kéo đến từ Galilêa bên kia sông Giorđan, từ miền thập tỉnh, miền Giuđêa và Giêrusalem. Trong đám đông này có những người Do thái thuộc tất cả mọi học thuyết khác nhau, lại có cả dân ngọai đến từ Tyr và Siđon, đủ mọi thành phần. Đòan lũ đông đảo ở đây là hình ảnh dân mới của Đức Giêsu tuyển chọn tức là Giáo hội vậy.

3. Đức Giêsu đưa họ lên núi

“Đức Giêsu đưa họ lên núi, ngồi xuống và phán dạy các tông đồ”. “Ngồi” là tư thế giảng dạy của các bậc thầy thời ấy. Khi một rabbi ban huấn thị thì thường đứng, hoặc đi qua đi lại, nhưng khi thực sự dạy dỗ thì ngồi xuống. Việc Đức Giêsu ngồi xuống dạy dỗ các môn đệ chính là dấu hiệu cho thấy điều dạy này là trọng yếu và chính thức.

Danh từ “Núi” còn ám chỉ một điều quan trọng. Ngày xưa trong đạo cũ, ông Maisen đã lên núi Sinai để lãnh nhận 10 điều răn và các lề luật của đạo cũ, một Hiến chương Nước Trời. Lề luật mới thay thế lề luật cũ. Giao ước mới kiện tòan Giao ước cũ.

4. Nội dung bài giảng

Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu tuyên bố Hiến chương Nước Trời trong đó có hạnh phúc thật và thứ hạnh phúc này chỉ dành cho những ai

- có tâm hồn nghèo khó.

- có tinh thần hiếu hòa.

- lo phiền sầu khổ.

- khát vọng đời sống công chính.

- biết xót thương người.

- có lòng trong sạch.

- biết xây dựng hòa bình.

- bị ngược đãi vì sống công chính.

Tám mối phúc thật này xem ra có vẻ nghịch lý và ảo tưởng đối với người đời, nhưng chỉ những ai biết khôn ngoan và có tâm hồn khiêm nhu mới hiểu được và mới có thể đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

II. MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐI TÌM HẠNH PHÚC

1. Hạnh phúc, khát vọng của con người

Khát vọng sâu xa và thầm kín nhất của con người là hạnh phúc. Người ta sinh ra để được hạnh phúc, và cuộc đời của mỗi người trên trần gian này cũng là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc không ngừng. Quan niệm về hạnh phúc của mỗi người một khác, nhưng hạnh phúc vẫn là một mối bận tâm lớn của con người.

Vì thế, có thể nói người ta sinh ra, lớn lên và ngay cả chết nữa cũng là để được hạnh phúc. Nhưng thử hỏi: mấy ai đã được hòan tòan hạnh phúc trên cõi đời này ? Vậy hạnh phúc phải chăng là một điều viển vông hay một giấc mơ không bao giờ đạt tới ? Như thế bàn về hạnh phúc có phải là một điều không tưởng và một cách thế ru ngủ lòng mình hay không ?

Nếu hỏi hạnh phúc là gì, và làm thế nào để có được hạnh phúc ? Có lẽ không mấy ai có thể cắt nghĩa cho rõ ràng được ! Vì hạnh phúc không là điều đơn giản có thể thu tóm trong một định nghĩa hay một công thức, hay một bài viết. Hạnh phúc cũng không giống như chiếc áo, chiếc xe, hay cái nhà mà ta có thể vẽ ra thành hình hài có mầu sắc, hay có thể mua sắm làm ra được.

Có thể nói được là, ngòai những vị sáng lập tôn giáo, những nhà hiền triết chính danh đều giúp con người đi tìm hạnh phúc, vì tìm hạnh phúc là thuộc bản năng của con người, như mọi sinh vật đi tìm thức ăn… Blaise Pascal tiên sinh cũng nhấn mạnh:

“Tất cả mọi người đều đi tìm hạnh phúc, không trừ ai… Tất cả đều hướng về mục đích ấy, mặc dù phương pháp họ dùng có khác nhau. Vì phương pháp khác nhau mà người này thì đi chinh chiến, người kia thì không, nhưng ý định vẫn như nhau cả, đôi bên với những lối nhìn khác nhau. Ý chí không bao giờ hành động mà không hướng về chủ đích ấy. Đó là nguyên nhân hành động của con người, của cả người tự đi thắt cổ nữa” (Blaise Pascal, Pensées, t.II, tr 143).

2. Phân lọai hạnh phúc

Chúng ta có thể chia hạnh phúc thành hai lọai:

a) Hạnh phúc khả giác: đó là tất cả những gì chúng ta có thể nếm thử, sờ mó, nhìn xem, rung động hay khóai cảm, ví dụ ăn bữa cơm ngon, ta thấy khóai cái lỗ miệng, nghe bản nhạc hay ta thấy thích thú… Phần đông khi nói đến hạnh phúc thì người ta đều hình dung và quan niệm dưới góc cạnh ấy.

b) Hạnh phúc tinh thần hay luân lý: Hạnh phúc này vượt trên vật chất và không lệ thuộc vào vật chất, những ai làm việc thiện hay có khả năng thắng vượt những khó khăn và chịu đựng hòan cảnh thì cảm thấy thỏai mái, tâm hồn thảnh thơi. Quả vậy, kinh nghiệm cho hay, mỗi khi làm một việc thiện, thường tự nhiên ta cảm thấy vui vui. Đó là hạnh phúc của hiền nhân quân tử, có thể chấp nhận cái nghèo mà vẫn lấy làm vui.

3. Người ta tìm hạnh phúc ở đâu ?

Người ta đi tìm hạnh phúc nơi tiền của, thú vui, danh vọng, quyền bính … nhưng những cái đó không đương nhiên mang lại cho con người hạnh phúc. Chúng ta có thể đưa ra một trường hợp cụ thể để làm chứng: Ai lại không biết ông Tonner, một nhân vật nổi tiếng của Mỹ hiện nay, nhà tỉ phú sáng lập hệ thống truyền hình CNN. Trong một phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí The New York, nhà tỉ phú này cho biết rằng mình thất vọng đến nỗi đã có lúc nghĩ tới việc tự tử.

Con người đã từng được xem là một trong những người quyền thế nhất nước Mỹ, nhất là sau khi ông đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, giờ đây tự nhận mình là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đủ mọi mặt, từ công việc kinh doanh, đời sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống gia đình là điều thê thảm nhất đối với ông. Ông và nữ tài tử Folda đã ly dị nhau sau tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay nhau là vì Folda đã trở thành một tín hữu Kitô. Tonner đã có lần nói rằng Kitô giáo là tôn giáo dành cho những người thua cuộc và gọi Đức Giáo hòang Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả những gì mình đang có trong tay, ông có lý khi gọi các tín hữu Kitô là những người thua cuộc. Nhưng cái nghịch lý nhất của Kitô giáo mà con người giầu có và quyền thế này không thể hiểu được chính là thua để thắng, mất để được, chết để sống. Lẽ ra, trong nỗi thất vọng ê chề khiến ông chỉ còn nghĩ tới một lối thóat duy nhất là tự tử, Tonner phải hiểu được lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: ”Chiếm được cả thế gian mà đánh mất chính bản thân, nào được ích gì”?

III. ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC THẬT ?

1. Tinh thần khó nghèo và hạnh phúc

Người ta ai cũng đi tìm sự giầu có vì “Có tiền mua tiên cũng được” mà Đức Giêsu lại nói: ”Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”, phải chăng là một sự nghịch lý ? Đúng vậy, với những người không có niềm tin thì đó là một điều hết sức nghịch lý. Nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, bị bách hại… không thể mang lại hạnh phúc mà chỉ mang đến sự bất hạnh thiệt thòi, khinh bỉ mà thôi.

Như vậy phải chăng Đức Giêsu ngăn cản nền văn minh tiến bộ của nhân lọai đang vươn tới hùng cường, thịnh vượng sao ? Phải chăng Ngài ủng hộ cho hành động bóc lột và đàn áp sao ? Không phải thế, Đức Giêsu không bảo cứ nghèo là hạnh phúc, nhưng Ngài muốn nói đến tinh thần khó nghèo (Mt 5,3). Người có tinh thần khó nghèo theo Tin mừng là người siêu thóat không để lòng dính bén của cải trần gian như tiền tài, thú vui, danh vọng…Nhất là biết ý thức về tình trạng bần cùng của mình trong mọi lãnh vực, thế nên họ tuyệt đối cần đến Chúa. Chỉ có đức khó nghèo này mới là giầu có phong phú, vì nó mở rộng tâm hồn đón nhận các ân huệ Thiên Chúa và các ích lợi do tình yêu Ngài.

Hay nói một cách rõ ràng hơn: Nghèo khó theo Tin mừng là nhìn một cách sáng suốt là tình trạng bất lực nhỏ bé của chúng ta, là thành thật nhận rằng tự sức mình, chúng ta không có gì, chúng ta chẳng là gì, chúng ta chẳng làm được gì. Tất cả những cái chúng ta có được đều là của Chúa ban như lời thánh Phaolô: ”Tất cả là hồng ân”. Nghèo là nhận rằng mình tùy thuộc, mình không thể tự mình tổ chức được đời mình mà không cần đến Chúa.

Sự nghèo khó này đưa chúng ta đến cùng Chúa và mở lòng Chúa cho chúng ta. Ai biết mình khốn cùng nghèo khó thì chạy đến cùng Chúa; kẻ ấy đặt hết tin tưởng nơi Người. Ngòai ra, sự khó nghèo lại mở được lòng Chúa ra cho chúng ta, vì Người là Tình thương, Người không thể giả điếc làm ngơ trước những lời chúng ta kêu cầu.

Sự nghèo khó còn làm cho chúng ta nhạy cảm với những sự khốn cùng của những người khác, tìm cách làm cho người khác được hạnh phúc. Chân phước Têrêsa Calcutta, một người sống nghèo khó đã giúp đỡ những người nghèo khó đã viết: ”Hạnh phúc có nghĩa là yêu như Chúa đã yêu, giúp đỡ như Người đã giúp đỡ, hy sinh như Người đã hy sinh, phục vụ như Người đã phục vụ…” Đó là chương trình Tám mối phúc thật.

Như vậy, người có tinh thần nghèo khó là người chỉ biết chọn lựa Thiên Chúa, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài, đó chính là người có phúc nhất. Thánh vịnh đã xác định điều đó khi nói: ”Phúc thay người đặt niềm tin tưởng vào Chúa”. Vì sao ? Vì khi đặt tin tưởng như thế thì

“Họ như cây trồng bên suối nước,

Trổ sinh hoa trái đúng mùa

Lá cây không bao giờ tàn úa

Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt”.

Ngược lại, người chỉ biết tin tưởng vào nơi tạo vật mà bỏ quên Thiên Chúa, nhất là còn chống đối Thiên Chúa thì họ sẽ không được hạnh phúc. Hạnh phúc thế nào được khi tâm hồn còn bồn chồn lo lắng, khắc khỏai lo âu ? Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi ngài viết trong cuốn Tự thuật: ”Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn còn vẫn còn khắc khỏai lo âu cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Truyện: Nữ minh tinh Demi Moore.

Mới đây, làng điện ảnh Hollywood thường đề cập đến nữ minh tinh Demi Moore, người rất được khán giả Hoa kỳ ái mộ, và cũng là vợ của Bruce Willis, một tài tử danh tiếng khác.

Nổi tiếng và giầu có, nhưng Demi lại đang sống trong tình trạng mặc cảm, lo sợ, hối hận dầy vò. Số là trước khi bước chân vào nghề điện ảnh, Demi đã làm một nghề tồi bại: cho chụp hình playboy thân xác của mình.

Mặc dầu đã tốn khá nhiều tiền mua lại các phim gốc, hầu xóa bỏ dấu tích của một thời thiếu đoan trang, Demi vẫn mang trong mình nỗi bất an lo sợ. Vì hiện nay đang có dấu hiệu xuất hiện các hình ảnh xấu xa của cô trên Internet.

Demi lo cho danh dự của mình một phần, nhưng nguy hiểm hơn, cô đang sợ một ngày kia, ba đứa con gái bé bỏng của cô là Rumer, Scout và Talluah sẽ nhìn thấy các hình ảnh “không nết na” của mẹ chúng trên Internet, hoặc bị bạn bè bắt gặp và đem ra trêu chọc. Demi không muốn chứng kiến cảnh các con ngây thơ vô tội phải xấu hổ đau khổ vì mình. Cô tâm sự: ”Giấc mơ lớn lao nhất của tôi là tìm mọi cách thu hồi những tấm ảnh playboy đó và ném nó vào đống lửa cho cháy tiêu tan”. Demi cũng cho hay cô không kiêu hãnh chút nào khi có người khen cô đẹp vẹn tòan, bởi vì cô đã phạm một lỗi lầm rất lớn là để cho người ta chụp hình khỏa thân hầu sớm nổi danh và giầu có.

2. Hạnh phúc đích thực chỉ ở trong Chúa

Khi con người đầu tiên đánh mất tình yêu tòan vẹn của Thiên Chúa, và tội lỗi đã nảy mầm trong nhân lọai, thì hạnh phúc thật và viên mãn đã rời xa con người. Thiên Chúa đã nói: ”Các ngươi sẽ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có của ăn”(St 3,19) và đương nhiên đã xa rời nguồn yêu thương là Thiên Chúa, thì chúng ta phải chấp nhận thiếu thốn, nhất là thiếu thốn hạnh phúc, và chúng ta chỉ còn một con đường tìm cách trở về sống hòa mình với nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực nơi Người, chúng ta mới thực sự được thỏa mãn (x. Tv 16,2).

Truyện: Thần đồng Pic de la Mirandole.

Hồi thế kỷ 14 (thế kỷ của Michel Ange và Raphael) ở nước Italia, có một thần đồng tên là Pic de la Mirandole. Không giỏi thuật điêu khắc như Michel Ange, không biết họa pháp như Raphael, nhưng dám can đảm giải đáp tất cả mọi thắc mắc trong thiên hạ, biện luận với mọi triết gia, bác học trên thế giới.

Cũng vào thời kỳ ấy, tại thành Florence, có một văn thi sĩ tiếng tăm như sấm động và sống xa hoa vương giả, trong một lâu đài tráng lệ nguy nga.

Một hôm – Poliziano – tên nhà thi sĩ – phái người đến chúc mừng và phỏng vấn Pic de la Mirandole. Ông liền được họ Pic phúc đáp trong một miếng giấy không to hơn lòng bàn tay

“Tìm hạnh phúc nơi tạo vật là một điên khùng. Hạnh phúc thật chỉ có thể gặp thấy trong Thiên Chúa” (Vũ minh Ngiễm, Dừng, tr 125).

3. Thực hành “Tám mối phúc thật”

Hạnh phúc là một khát vọng tự nhiên và chính đáng của con người. Tuy nhiên, mỗi người quan niệm và đi tìm nó một khác. Giữa hạnh phúc khả giác và tinh thần, đối tượng và mức độ đã khác nhau. Đi xa hơn, hạnh phúc và tinh thần của Tám mối phúc thật lại còn khác nhau hơn nữa, trong cả nội dung lẫn hình thức.

Hạnh phúc phần đông của lòai người theo đuổi là hạnh phúc khả giác. Hạnh phúc này không phải là hòan tòan xấu và bị cấm đóan, vì đó là những niềm vui tự nhiên thông thường của con người. Chính Chúa Cứu thế cũng đã chia sẻ hạnh phúc này với người trần khi đi dự tiệc cưới Cana, và trả lại sự sống cho người góa phụ thành Naim.

Nhưng cũng lại chính Ngài đã mở cho ta con đường đi vào hạnh phúc trường cửu, phổ quát. Đó là con đường “Tám mối phúc thật”, dành cho mọi người thành tâm thiện chí không hạn định, với điều kiện duy nhất là chấp nhận lời mời sống theo “Hiến chương Nước Trời” đã được ban hành sau bài giảng trên núi.

Chúng ta cũng nên nhớ rằng hạnh phúc trần gian chỉ là hình ảnh của hạnh phúc thiên đàng. Bức ảnh chỉ cho thấy một phần nào sự thật, nó không thể LÀ sự thật. Tất cả mọi hạnh phúc lý tưởng mà con người quan niệm hoặc kinh nghiệm được ở trần gian chỉ là những hình ảnh, những dấu chỉ của hạnh phúc thật, nó chỉ được vén mở khi ta được may mắn nghe lời mời gọi của Chúa: ”Các con hãy vào trong hoan lạc của Chúa con”(x.Mt 25,21-23)

Truyện: Erman Coen.

Erman Coen được mệnh danh là Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán cứ đè nặng trên vai ngài… Ngày kia, ngài đã từ bỏ tất cả và xin vào tu viện…

Trong buổi giảng Mùa Vọng tại nhà thờ Đức Bà Cả ở Paris, ngài nói: ”

“Tôi đã đi khắp mặt đất, tôi đã yêu thế gian, tôi đã biết thế giới, và tôi đã học được một điều: không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã vào tìm nó nơi không có. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng nó có, ở những nụ cười, ở nơi vàng bạc, ở nơi sắc đẹp…

Ôi, lạy Chúa, điều con mơ ước mọi giờ, mọi ngày con đã tìm ở đâu ? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.

Tóm lại, theo quan niệm Thiên Chúa giáo, hạnh phúc của con người chính là Thiên Chúa, nguyên lý và cứu cánh của vạn sự. Hạnh phúc viên mãn của con người hệ tại ở sự sống kết hiệp, trong sự tham dự, chia sẻ viên mãn, sự sống và tình yêu Thiên Chúa.
 
Cú ngã ngựa lịch sử: Lễ thánh Phaolô trở lại
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:58 24/01/2011
Đọc lại cuộc đời Thánh Phaolô, ta nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, ta sẽ bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức,thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và rong ruổi mọi đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại qua cú ngã ngựa trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ đã sống và đã chết cho Đức Kitô.

Cuộc sống buôn ba vì Nước Trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ, đói khát,trần truồng, nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã viết rằng: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Cuộc đời Thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần thì được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hylạp; chẳng hạn khi Ngài lênh đênh trên biển đi tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa. Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ? Thưa vì đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai hình ảnh ấy dường như hội tụ lại trong chân dung thánh Phaolô ngã ngựa mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

1. Cú ngã ngựa chia đôi cuộc đời.

- Về danh xưng, nửa đời trước là Saolô với một câu hỏi “tại sao?” đang cưỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả lô linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

- Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị Tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”

- Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các Thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những người Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người Biệt phái cũ của ông.

- Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ khi gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

- Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời Thánh Phaolô. Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ của con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa. (x Bài giảng Chúa nhật, tổng GP sài gòn, tháng 01.2008).

2. Cú ngã ngựa, một dấu ấn không phai.

Biến cố ngã ngựa đã ghi dấu đậm nét trong cuộc đời Phaolô. Sách Công vụ Tông đồ kể lại: thình lình ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông.Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó. Từ đó trở đi,Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi,chỉ có Chúa Kitô là đáng kể. Khi đã biết Chúa Kitô thì “Những điều kể được như lợi lộc cho tôi đó,tôi đã coi là thua lỗ bất lợi vì Đức Kitô.Mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ,là bất lợi cả,vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa tôi.Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô,và được thuộc về Ngài,không có sự sông chính của riêng tôi,sự công chính nại vào Lề luật, song là sự công chính nhờ vào lòng tin của Đức Kitô …( Pl 3,7-9).Từ đó trở đi,Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất,sự bình đẳng,tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người: ”vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp;không còn nô lệ hay tự do;không còn nam hay nữ;vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Biết mình đã tin vào ai,Phaolô đã sung sướng sống nghèo,lấy việc lao động mà đổi miếng ăn,không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18; 2 Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô.Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những ”… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết,năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi”; Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải thức đêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” ( 2 Cor 11, 23-27).Phaolô ra vào tù nhiều lần. Có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê,người môn đệ có khi không khỏi nao núng:” anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn vì tôi biết tôi đã tin vào ai …(2 Tim 1,8-12).Vì đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” ( 2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin ấy ”chúng tôi bị dồn ép mọi mặt nhưng không bị nghẽn;lâm bĩ nhưng không mạt lộ;bị bắt bớ nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2Cor 4,8-9) Phaolô nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức ”Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14)..Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài ” tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).

3. Những cú “ngã ngựa” trong đời tín hữu.

Biến cố ngã ngựa đã chia đôi cuộc đời Thánh Phaolô.Từ một kẻ thù, Chúa đã biến ngài thành một người bạn, một người tình. Từ một người đi lùng bắt những Kitô hữu, Chúa đã biến ngài trở thành người rao giảng về Người và sẵn sàng chết vì Người.

Phaolô đã viết những lời thật cảm động: "Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo….Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta" (x. 2 Tm 4,6-8; Rm 8,18-19.32.33.38.39)

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của Thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp thấy rất nhiều những cú “ngã ngựa”. Có những cú “ngã ngựa” trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú “ngã ngựa” trong đời sống chiến đấu nội tâm; và có những cú “ngã ngựa” trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được. Hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh. Ăn trái cấm là một thất bại của Ađam - Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. “Tội hồng phúc” là thế. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.

Và cú “ngã ngựa” của Thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt cuộc đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại.

Như vậy người ngã ngựa không chỉ nhìn vào mình để cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sánh niềm tin. Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy. Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
 
Thánh Phaolô và biến cố Damas
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
11:00 24/01/2011
Nói đến ơn trở lại của thánh Phaolô, không thể không nhắc đến biến cố Đamas. Vì đây là biến cố khởi đầu và định hướng cho ơn gọi Tông đồ của Ngài. Với thời gian, thánh nhân đã khám phá ra nhiều ý nghĩa của biến cố này.

- Trước hết, đây là biến cố giúp ngài nhận ra con người thật của mình. Trước đây ngài là một con người đầy kiêu căng tự phụ. Là một Rabbi Dothái, ngài tưởng mình là người độc quyền nắm giữ chân lý, và là người bảo vệ Thánh luật của Thiên Chúa Giavê. Nhưng qua biến cố Đamas, ngài mới nhận ra con người thật của mình đầy những giới hạn, bất toàn và lầm lỗi. Chỉ khi nằm dưới chân ngựa, ngài mới thấy rõ sự thật cay đắng và phũ phàng ấy. Sau này chính ngài đã thú nhận: “Nếu có tự hào, thì tôi tự hào về những yếu đuối của tôi” (2Cor 11,30).

- Thứ đến, đây cũng là biến cố giúp thánh Phaolô nhận ra dung mạo thật của Đức Kitô. Xưa kia, đối với ngài, Đức Kitô là một kẻ nổi loạn, một kẻ làm cách mạng không hơn không kém, hơn thế nữa còn là một kẻ phạm thượng, chống lại Giavê Thiên Chúa. Nhưng qua biến cố Đamas, Ngài đã nhận ra Đức Kitô chính là Đấng Cứu Thế đầy quyền năng và giàu lòng yêu thương bao dung. Đức Kitô là Đấng Thiên Sai đầy quyền năng trong lời nói và trong hành động, biểu lộ qua luồng sáng chói chang có khả năng quật ngã vó ngựa dũng mãnh của ngài. Đức Kitô là Đấng Cứu Thế giàu lòng yêu thương và bao dung, cụ thể là đối với ngài, một con người ngạo mạn và ngông cuồng. Lẽ ra ngài đã bị Đức Kitô ấy giáng phạt, nhưng lại được độ lượng thứ tha, và hơn thế còn được ưu ái chọn gọi làm Tông đồ cho dân ngoại. Cảm nghiệm về tình yêu khoan thứ của một vị Thiên Chúa từ nhân nơi Đức Kitô được ngài lặp đi lặp lại nhiều lần sau này trong các thư của mình.

- Sau nữa, biến cố Đamas còn là biến cố giúp thánh nhân định hướng và biến đổi toàn bộ cuộc đời của mình. Có thể nói đây là biến cố nền tảng, chi phối toàn bộ ơn gọi và cuộc đời của ngài. Ngài vẫn thường nhắc đi nhắc lại biến cố này trong sách Công Vụ Tông Đồ và đặc biệt là trong các thư của ngài. Đây cũng là biến cố giúp hoán đổi trọn vẹn con người của ngài. Từ một con người ngang ngược bách hại đạo trở thành một đồ đệ nhiệt tâm làm chứng cho đạo. Từ một Rabbi sôi sục lòng căm hận đối với Đức Kitô, trở thành một Tông đồ hăng say rao giảng về Đức Kitô. Từ một kẻ ghét cay ghét đắng Giáo hội Chúa Kitô trở thành một kẻ hết lòng yêu mến Giáo hội. Yêu mến đến độ sẵng sàng chết cho Giáo hội ấy.

Tâm tình và thái độ đáp trả của ngài đối với tình yêu của Đức Kitô là gì ? Thưa đó là tâm tình tạ ơn liên lỉ về hồng ân tuyển chọn nhưng không mà ngài đã được lãnh nhận. Đồng thời ngài đã đáp trả hết mình cho tiếng gọi tình yêu của Đức Kitô dành cho mình. Đáp trả bằng việc gắn bó mật thiết với Đức Kitô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là chết cho Đức Kitô” (Pl 1,21); “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Ngài còn khẳng định mạnh mẽ hơn: “Không có gì tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô” (Rm 8, 39). Đáp trả bằng việc tận hiến hoàn toàn cho Tin mừng Đức Kitô: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cor 9,16b); “Những đau khổ Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang vào thân cho đủ mức, vì lợi ích thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 2, 24).

Xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh Phaolô giúp mỗi người chúng ta cũng nhận ra được con người thật của mình, và nhận ra dung mạo thật của Đức Kitô ngày một rõ nét hơn qua các biến cố vui buồn xảy đến với chúng ta trong đời sống thường nhật. Để nhờ đó chúng ta có thể thay đổi con người của mình mỗi ngày một nên giống Chúa hơn.

Để khép lại một vài chia sẻ trên đây, xin được gởi đến cộng đoàn bài thơ của Nam Giao nói về biến cố trở lại của thánh Phaolô:

Phao-lô tên thật Sao-lê,
Vì luôn tâm huyết say mê Luật Trời.
Tưởng làm như vậy tuyệt vời,
Giữ quần với áo cho người rảnh tay.

Cùng nhau ném đá tưởng hay,
Tê-pha-nô được cùng Thầy trung kiên.
Sao-lê xin lệnh truy lùng,
Đến thành Đa-mát với cùng toán quân.

Dọc đường Thiên Chúa giáng ân,
Sao-lê ngươi dám nhẫn tâm xích xiềng.
Mắt lòa tâm thức đê mê,
Khấu đầu run rẩy tỉ tê thốt lời,

Thưa Ngài, từ chốn sáng ngời
Cho con biết được thực Ngài là ai?
Giê-su ngươi đang đọa đày,
Hiểu đi: môn đệ tách Thầy vô phương

Môn đồ gặp cảnh đau thương,
Có Ta đồng cảnh kiên cường vững tin.
Ngươi nhằm gai nhọn lủng tim,
Khốn thân con đó lùng tìm Giê-su.

Sao lê vâng dạ đền bù,
Vào thành sẳn có người thu nhập đoàn.
Thế là ứng nghiệm kinh hoàng,
Sứ đồ tên mới dặm trường Phao-lô.

Suốt đời sống với Ki-tô,
Đồng hình đồng dạng luôn luôn thấm tình.
Tâm đầy hơi khí Thánh Linh,
Lương dân vui sướng tái sinh con Trời.

Cho tôi cảm nghiệm như Ngài
Trở nên nhân chứng được sai tận tình.
Cha ơi, cho được Thánh Linh,
Giê-su con quyết trung trinh loan truyền.
 
Lễ thánh Phaolô trở lại: Biến cố và thánh ý
PM. Cao Huy Hoàng
11:08 24/01/2011
Suy niệm lễ Thánh Phaolo Trở lại

Từ biến cố trên đường đi Damas

Ca đoàn đang ôn hát cho Lễ Thánh Phao lô tông đồ trở lại 25-01:

“Thánh Ý Chúa, thật nhiệm mầu thay. Thánh Ý Chúa thật nhiệm mầu thay, Một ngày nào Sao lê hung hổ như sói, mà bây giờ, Phaolo, ngoan ngoãn như chiên. Xin thương những con người thế kỷ hôm nay, đang mong chờ một luồng sáng mới. Luồng sáng ấy chiếu trên những người từng bắt bớ Ngài. từng bỏ tù Ngài, Chúa ơi. Những con người chưa tin nơi Ngài, từng xóa tên Ngài, Ngài ơi hãy chiếu luồng sáng mới, luồng sáng của Tình Yêu nồng cháy”, lòng tôi rộn lên những suy tư:

Ngày 25-01, Lễ Thánh Phao lô tông đồ trở lại hay đúng hơn là lễ kỷ niệm việc Chúa kêu gọi Ông Sao lê trở lại làm tông đồ cho Chúa.

Saolê là một phần tử hăng say trong nhóm biệt phái, đã từng tham dự cuộc ném đá Stephano, và đang trên đường bách hại những người tin Chúa Ki tô. Có thể nghĩ rằng Sao lê đáng bị các tín hữu Chúa Ki tô lên án hơn là được Chúa kêu gọi trở lại, vì Sao lê tiếp tay vào việc tiếp tục đóng đinh Chúa Ki tô, cản trở việc mở rộng Tin Mừng, hành hình những tín hữu tiên khởi….

Thế mà biến cố trở lại của con người ấy, Sao lê, lại được Giáo Hội trân trọng nâng lên bậc lễ kính. Thiết tưởng Giáo Hội muốn đề cao một ơn gọi đặc biệt, và tôn vinh quyền năng vô biên của Chúa: “Chúa có thể làm cho loài sỏi đá, trở thành con cái thánh Abraham”, “Với Thiên Chúa, không gì không có thể” (Lc 1, 37). Và quả thật, Ngài đã biến Sao lê đầy lòng nhiệt thành hăng say cho ngụy tưởng, thành một Phao lô trọn nghĩa tín trung cho Chân Lý.

Nhưng thiết nghĩ, việc mời gọi Sao lê trở lại để Chúa dùng Thánh Phao lô cho chương trình Loan Báo Tin Mừng của Ngài, không chỉ hoàn toàn là việc của Thiên Chúa, mà còn có sự đóng góp của chính con người Phao lô: Đó là cuộc sống công chính của Ngài. Khi chưa nhận được ánh sáng thần linh chiếu soi, Ngài vẫn một mực trung thành với Giáo Lý Truyền Thống của Đạo Do Thái. Biến cố trên đường đi Damas là cuộc trùng phùng của Trời và Đất: phút tương phùng của lòng nhân ái, tín trung; giờ giao duyên của nền hòa bình công lý. Lòng thành lớn lên từ đất thấp, công bình của trời cao ngó xuống tận dương gian ( Tv 84, 11-12)

Vì người có đời sống công chính, có lòng khát khao chân lý là người mà thánh kinh gọi là “được nghĩa cùng Chúa”, luôn được Chúa sắp xếp vào chương trình của Chúa; như các tiên tri, như Abraham-nhận lệnh bỏ xứ lên đường (stk 12,1), như Giuse -bị bán sang Ai cập (stk 39,1-6), như Maria-nhận cưu mang Đấng Cứu Thế (Lc 1,38)…và cả mỗi người chúng ta nữa.

Thật là một vinh dự được cộng tác vào công cuộc cứu thế của Chúa, để cứu chính mình và cứu nhân loại. Mỗi biến cố trên đời đều ẩn chứa một Thánh Ý Thiên Chúa mà điều quan trọng là khám phá cho được Thánh Ý siêu phàm ấy. Sao lê, với lòng chân thành tự bản chất, bị một luồng sáng bao phủ, và nghe tiếng lạ:” Sao lê, sao ngươi bách hại ta?” liền hỏi “Người là ai?” Có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt” và Sao lê đã quy thuận ngay, đã nhập cuộc tìm kiếm Thánh Ý Thiên Chúa ngay: “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?”

Đến biến cố của mỗi đời người

Hồi còn học Giáo lý về Thánh Ý Thiên Chúa, có câu thuộc lòng rằng: “Ta có thể biết được Thánh Ý của Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thực hành lời Chúa, qua tiếng lương tâm và qua các biến cố”. Nhưng thực là khó hiểu và khó áp dụng trong đời sống thiêng liêng, nhất là việc biết được Thánh Ý Thiên Chúa “qua các biến cố”.

Rồi thời gian qua đi, lớn lên vào cuộc đời, trải qua bao biến cố thăng trầm trong đời, và có thời gian để gẫm suy lại, dần dần tôi mới hiểu ra được thánh ý Thiên Chúa: Được sinh ra trong một gia đình nầy, Cha Mẹ nầy, không phải Cha Mẹ khác; được giáo dục và cho đi học, đến nơi, hoặc không đến nơi đến chốn; hoàn cảnh gia đình sung túc hay khó khăn nghèo khổ; lập gia đình với người nầy mà không phải người kia; những chuyện vui buồn xảy đến trong đời…tất tất đều mang một thánh ý của Thiên Chúa. Chỉ tiếc là ít khi chúng ta nhận ra ngay Thánh Ý của Ngài để mà đón nhận và chấp nhận. Vì thế, ít lần nói được câu “lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Sau này tôi mới hiểu ra rằng, người có đức tin trưởng thành là người luôn sẵn sàng đón nhận các biến cố và nhận ra Thánh Ý Chúa cách sớm nhất. Và đức tin trưởng thành là sự tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa thượng trí và toàn ái. Thêm vào đó là có một nhân đức tự nhiên hổ trợ: tính điềm tĩnh. Người nóng nảy hồ đồ khó nhận ra thánh ý hơn người điềm tĩnh trầm lắng. Việc nhận ra Thánh Ý càng không phải là một khả năng tự nhiên hay biệt tài Chúa ban, mà là kết quả của việc kết hợp chân thành giữa đương sự với Thiên Chúa, với chân lý, với khát khao những gì thuộc về Thiên Chúa. Con cái càng yêu Cha Mẹ bao nhiêu, càng hiểu được ý muốn của Cha Mẹ và luôn muốn thực hiện điều làm Cha Mẹ vui lòng. Sự khiêm tốn phục thiện cũng là một yêu cầu không thể thiếu. Thiết tưởng Thánh Phao lô hội đủ các điều kiện để nhận ra được Thánh Ý Chúa ngay sau biến cố được kêu gọi làm Tông Đồ cho Chúa.

Nhiều người trong chúng ta cũng đã đạt đến sự trưởng thành về Đức Tin về Đức mến để hiểu được ý Thiên Chúa qua các biến cố trong đời. Họ chấp nhận mọi biến cố cách vui vẻ: nghèo hay giàu, khỏe mạnh hay bệnh tật, được sủng ái, khen tặng, tán dương hay bị thất sủng, bị phê phán, bị dèm pha chê cười…tất cả với họ đều không quan trọng bằng việc họ đã tín thác vào sự quan phòng và lòng yêu thương của Chúa. Nhất là những người làm việc tông đồ cho Chúa, việc “nhận ra Thánh ý Thiên Chúa” trở thành một đòi hỏi khẩn thiết và luôn luôn có tầm quan trọng, để việc tông đồ đạt hiệu quả như ý Chúa muốn.

Và đến biến cố của vũ trụ, của xã hội

Những cơn sóng thần biết nói, những cơn động đất, những ngọn núi lửa làm tiên tri…những biến động, thay đổi của các ngôi sao, của các hành tinh, và nhất là của trái đất đang thay Lời của Đấng Tạo Hóa, và gửi đến cho trần gian bao nhiêu thông điệp đầy tình yêu thương của Thiên Chúa.

Cả những biến cố đậm nét chính trị trong xã hội Việt Nam và thế giới, cũng không ngoài ý Chúa. Có người nói, sao ta không tạ ơn Chúa, vì Ngài đã gửi đến cho Giáo Hội Việt Nam một chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Chúa đã thương GH Việt Nam đấy chứ? Lẽ nào Chúa ghét? Có lý thuyết quá không? Có lý tưởng quá không? Thế thì làm sao nhận ra cho được đây là một quà tặng của tình thương, khi càng chung sống càng đọc rõ nơi chủ nghĩa Cộng Sản những điều ngược lại với Giáo Lý của Thiên Chúa, ngược lại với sự thật, ngược lại với chân lý, với tình thương?

Người Công Giáo Việt Nam được đặt trước một thách đố quá lớn thuộc phạm vi đức tin, đức cậy và đức mến khi phải chứng kiến liên tiếp những biến cố xúc phạm đến Danh Thánh Chúa và uy tín của Giáo hội. Mở cửa ra để tiếp nhận những người chống lại Thiên Chúa với tham vọng Loan Báo Tin Mừng hay là phải đóng cửa lại mà nhủ bảo lẫn nhau rằng chúng ta chưa có sức mạnh loan báo tin mừng vì chúng ta chưa hiệp nhất nên một ý chí, một thân thể, một phép rửa, trong một Thiên Chúa là Cha. Thế thì, thánh ý Chúa là phải kiến tạo một hiệp nhất kiên cố vững bền từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên trong Giáo Hội Chúa. Satan biết điều đó, nên nó luôn tìm cách chia rẻ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, chia rẻ đến độ tương tàn càng tốt, càng có lợi cho chúng.

Làm sao có thể hát lời ca tụng nầy “Thánh Ý Chúa thật nhiệm mầu thay”, nếu chúng ta không nhận ra và làm cho Thánh Ý Chúa được thực hiện?

Phải chấm dứt ngay những gương xấu của mọi thành phần dân Chúa gây nên sự bất nhất trong Giáo Hội, làm phân tán nội lực Giáo Hội, và cách nào đó, bắt Thiên Chúa phải suy phục quyền bính thế gian như lâu nay đã làm. Thiết tưởng, đó cũng là thông điệp của Thánh ý Thiên Chúa trong ngày 25-1, lễ Kính Thánh Phaolô Trở lại và ngày kết thúc tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất.

Lạy Chúa, xin cho chúng con dứt khoát không đặt niềm tin vào nơi nào ngoài Thiên Chúa, nhờ đó, luôn tín thác vào Chúa là Thiên Chúa toàn năng, là Cha toàn ái, và để chúng con biết nhận ra Thánh Ý Chúa trong mọi biến cố và hiểu được Tình yêu và hồng ân Chúa cho mỗi người, mỗi gia đình chúng con.

Lạy Chúa hôm nay, lễ Thánh Phaolo tông đồ trở lại, xin luồng sáng ngày xưa chiếu dọi trên Sao lê, hôm nay cũng chiếu dọi trên trên tất cả những con người chân thành khao khát chân lý mà chưa nhận ra Thiên Chúa đáng tôn thờ. Xin sức mạnh quyền năng Chúa biến đổi những con người ấy thành những tiếng loa cứu chuộc, thành bàn tay của Chúa nối dài, thành những nhà truyền giáo hăng say như thánh Phaolô, trên quê hương Việt Nam của chúng con. A men
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:37 24/01/2011
MUA NỒI

N2T


Người bán nồi thiết, cầm cái nồi thiết đưa lên trời gõ kêu “xèng xèng”, để quảng cáo cho người ta biết là nồi thiết của ông ta rất chắc chắn. Người đến mua nồi thiết cũng cầm nồi thiết thử thả rơi xuống đất, lại làm va chạm đến nỗi thủng nồi thiết.

Người bán nồi thiết vội vàng nhặt lấy nồi thủng và nói:

- “Giống như cái nồi thiết này, thì tôi sẽ không bán cho ông”.

Suy tư:

Người ta nói quảng cáo nói láo ăn tiền, cái nồi thiết bị thủng thì dứt khoát không thể bán cho ai được cả, chỉ có cách là đem về tái chế.

Đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu cũng thế, ma quỷ thường đem những thứ giả dối ra để cám dỗ con người ta: nào là rượu này ngon lắm không uống thì uổng cả đời; nào là đời người chỉ có một lần phải hưởng thụ kẻo sau này hối hận; nào là tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại, phải chơi cho xả láng; nào là chức vụ chỉ có bốn năm ngắn ngủi phải lo bày tỏ quyền hành của mình.v.v...thế là con người ta đắm mình trong sự giả dối triền miên bởi hưởng thụ vật chất và những thứ hay mất do ma quỷ đem lại.

Có những lúc quảng cáo là công cụ và là tay sai đắc lực của ma quỷ, ít người biết rõ điều đó. Hãy cẩn thận...

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:40 24/01/2011
N2T


14. Dù lương tâm tôi có thể gánh vác tất cả những tội nó có thể phạm, thì tôi vẫn cứ phải thống hối, tìm đến nép vào lòng Chúa chúng ta, tôi biết Ngài nhân từ biết bao đối với tất cả những lãng tử quay đầu trở về.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Tin Lành Luther Đức
LM Trần Đức Anh OP
09:28 24/01/2011
VATICAN - Mặc dù có những khó khăn, ĐTC Biển Đức 16 tiếp tục tỏ ra hy vọng và kêu gọi đẩy mạnh việc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến 20 thành viên phái đoàn 8 Giáo Hội Tin Lành Luther hiệp nhất tại Đức (VELKD) đến viếng thăm tại Italia từ ngày 22 đến 26-1-2011, dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch là GM Friedlich thuộc Giáo Hội Luther bang Bavière.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Đối với nhiều người ngày nay, mục đích chung là sự hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của các tín hữu Kitô dường như xa vời thêm. Các đối tác trong cuộc đối thoại đại kết có những quan niệm rất khác nhau về sự hiệp nhất Giáo Hội. Tôi chia sẻ mối lo âu của nhiều tín hữu Kitô e ngại rằng những thành quả của hoạt động đại kết, đặc biệt là quan niệm về Giáo Hội và thừa tác vụ, không được những người đối tác đại kết đón nhận đầy đủ. Dầu vậy chúng ta hướng nhìn về tương lai với đầy niềm hy vọng. Cả khi những căng thẳng giữa các tín hữu Kitô là một chướng ngại, cản trở sự biểu lộ trọn vẹn đặc tính Công Giáo trong đời sống thực tế của Giáo Hội.., chúng ta vẫn tin rằng rằng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, công cuộc đối thoại đại kết là một dụng cụ quan trọng trong đời sống Giáo Hội để vượt thắng chướng ngại nói trên”.

ĐTC nhắc đến cuộc đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành Luther tại Đức từ năm 2009 về đề tài ”Thiên Chúa và Phẩm Giá con người”. Đề tài này có liên hệ tới những vấn đề trong thời gian gần đây về việc bảo vệ và phẩm giá con người cũng như những vấn đề cấp thiết về gia đình, hôn nhân và tính dục. Ngài nói ”Thật là điều đáng tiếc vì có những dị biệt mới về tôn giáo liên quan tới những vấn đề quan trọng như vậy”.

Sau cùng, ĐTC đề cập đến việc kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther, mừng vào năm 2017 tới đây. Ngài mời gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther cử hành biến cố này, không phải dưới hình thức đắc thắng, nhưng như một sự tuyên xưng niềm tin của chúng ta nơi Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là cơ hội cầu nguyện chung và xin ơn tha thứ của Chúa Giêsu Kitô về những bất công và chia rẽ gây ra cho nhau (SD 24-1-2011)
 
ĐTC phân tích những điểm tích cực và nguy hiểm trong thông tin kỹ thuật số, đặc biệt mạng xã hội
LM Trần Đức Anh OP
09:31 24/01/2011
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Truyền Thông xã hội lần thứ 45

VATICAN - Hôm 24-1-2011, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng các ký giả Công Giáo, Sứ điệp của ĐTC Biển Đức 16 nhân ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 45 đã được công bố với chủ đề: ”Sự thật, việc loan báo và đời sống chân chính trong thời đại kỹ thuật số (digital)”.

Ngày Thế giới truyền thông xã hội sẽ được cử hành vào chúa nhật 5-6-2011.

Trong sứ điệp, ĐTC phân tích những điểm tích cực và những rủi ro, nguy hiểm cũng như những thái độ cần tránh trong thời đại thông tin kỹ thuật số, đặc biệt là đối với những người sử dụng mạng xã hội (Social Network). Sự truyền thông qua các phương tiện tối tân này đang có xu hướng không phải chỉ là sự trao đổi dữ kiện, nhưng ngày càng trở thành một sự chia sẻ. Trong sự thông tin ấy, có một số giới hạn, đó là tính chất không khách quan giữa sự giao tác, xu hướng chỉ thông truyền một số khía cạnh trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ rơi vào một loại kiến tạo hình ảnh bản thân có thể đưa tới sự tự mãn nguyện”.

Trong bối cảnh đó, ”người trẻ ngày nay sống sự thay đổi truyền thông với tất cả những lo âu, những mâu thuẫn và sự sáng tạo vốn là một đặc điểm của những người hăng hái và tò mò cởi mở đối với những kinh nghiệm mới trong cuộc sống”.

Sứ điệp của ĐTC có đoạn viết: ”Sự hiện diện trong các môi trường tiềm thể của các mạng xã hội có thể là một dấu chỉ sự tìm kiếm thành thực những cuộc gặp gỡ giữa bản thân với tha nhân, nếu ta quan tâm tránh những nguy hiểm, những người trốn chạy trong một thứ thế giới song song, hoặc nghiện ngập thế giới tiềm thể”.

ĐTC ghi nhận rằng kỹ thuật mới làm cho con người gặp nhau vượt lên trên những ranh giới của không gian và văn hóa, khơi mào một thế giới hoàn toàn mới mẻ của những tình bạn tiềm thể.. Nhưng cơ may lớn này cũng bao gồm một sự ý thức về những rủi ro có thể xảy ra. Ai là tha nhân của tôi trong thế giới mới như thế? Phải chăng có nguy cơ bớt hiện diện với những người chúng ta gặp gỡ trong đời sống hằng ngày của ta? Phải chăng có nguy cơ lãng trí hơn, vì sự chú ý của chúng ta bị phân tán và bị thu hút vào một thế giới ”khác” với thế giới chúng ta đang sống?”

ĐTC nhắc nhở rằng ”Cả trong thời đại kỹ thuật số, mỗi người được đặt trước sự cần thiết phải là một chân thành và suy tư.. có một cách thức hiện diện theo tinh thần Kitô cả trong thế giới kỹ thuật số: lối sống ấy được cụ thể hóa trong sự thông truyền lương thiện và cởi mở, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng tha nhân. Thông truyền Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông mới có nghĩa là không những đưa các nội dung tôn giáo rõ ràng vào trong các diễn đàn của các phương tiện khác nhau, nhưng còn có nghĩa là làm chứng tá phù hợp với cuộc sống, với căn tính của mình trên mạng, và trong cách thức thông truyền, chọn lựa, những sở thích ưu tiên, những phán đoán hoàn toàn phù hợp với Tin Mừng, cả khi người ta không nói về Tin Mừng một cách minh nhiên”.

Trong việc làm chứng tá Tin Mừng trên Internet, ĐTC nhắc nhở: ”Trước tiên chúng ta phải ý thức rằng chân lý mà chúng ta tìm cách chia sẻ không kín múc giá trị từ sự ”nổi tiếng” hoặc từ số lượng sự chú ý nó thu hút được. Chúng ta phải phổ biến chân lý trọn vẹn, toàn diện, thay vì làm cho nói được người ta chấp nhận bằng cách “bọc đường” cho nó. Chân lý phải trở thành lương thực hằng ngày chứ không phải chỉ là một sự thu hút nhất thời. Chân lý Tin Mừng không phải là điều có thể trở thành đồ vật tiêu thụ, hoặc một sự vui hưởng hời hợt, nhưng là một hồng ân đòi phải có sự tự nguyện đáp trả.” (SD 24-1-2011)
 
Đức Thánh Cha nói: các cảnh sát viên cần có những giá trị mạnh mẽ hơn trong thời kỳ khó khăn
Bùi Hữu Thư
16:17 24/01/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI kêu gọi mọi người tăng cường cam kết của họ cho lợi ích chung trong thời kỳ khó khăn và không bị dám dỗ vì sợ hãi là các giới chức công quyền không đủ khả năng để bảo vệ cho xã hội.

Trong buổi tiếp xúc với cảnh sát Ý phụ trách việc an ninh cho ngài mỗi khi ngài ra khỏi Vatican, Đức Thánh Cha nói sự thiếu vững bền về xã hội và kinh tế kiến cho người dân cảm thấy bất an, nhưng cũng đưa đến “một cảm nhận suy yếu phần nào về các nguyên lý đạo đức là căn bản của luật pháp và cách cư xử của mỗi cá nhân về phương diện luân lý.”

Đức Thánh Cha nói ngày 21 tháng 1: Thế giới ngày nay, mặc dù còn có những hy vọng và tiềm năng mới, vẫn có cảm nhận về một ý tưởng là “sự đồng ý về luân lý đã thất bại, và điều này, như một hậu quả, khiến cho các nền tảng cấu trúc của sự sống chung không còn có thể hoạt động trọn vẹn được nữa.”

Đức Thánh Cha nói với các cảnh sát viên và gia đình của họ: "Vì vậy, nhiều người phải đối diện với cám dỗ cho rằng các lực lượng an ninh có trách nhiệm bảo vệ cho xã hội dân sự có nguy cơ sẽ thất bại.”

Ngài nói các Kitô hữu có một bổn phận đặc biệt là tránh xa chước cám dỗ này và “tìm kiếm những giải pháp cải tiến để tuyên xưng đức tin và làm việc lành, và tiếp tục can đảm đến gần những người khác trong những nỗi vui và nỗi khổ của họ, trong những lúc hạnh phúc hay tối tăm.”

Ngài nói: Điều quan trọng là phải nhớ rằng các cá nhân và những “linh cảm và kinh nghiệm” không phải là nguồn gốc của sự thật về những gì là phải hay trái.
 
Phỏng vấn ĐHY Angelo Amato về Lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II
Linh Tiến Khải
18:29 24/01/2011
Phỏng vấn Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về lễ phong Chân phước cho Đửc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Ngày 14-1-2011 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cho phép công bố sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Sắc lệnh nhìn nhận phép lạ cuộc khỏi bệnh Parkinson một cách lạ lùng của nữ tu Marie Simon Pierre Normand, người Pháp, xảy ra 2 tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Trong Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16-1-2011 Đức Thánh Cha cũng báo cho tín hữu biết ngày mùng 1-5 tới đây, lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, ngài sẽ chủ sự lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II.

Nữ tu Simon Pierre Normand, thuộc Dòng Tiểu Muội Bảo Sanh Công Giáo, được các bác sĩ điều trị chẩn bệnh và xác nhận bị bệnh Parkinson năm 2001. Chị được chữa trị theo y khoa, nhưng chỉ giảm đau mà không lành. Khi nghe tin Đức Gioan Phaolô II người cũng bị bệnh Parkinson qua đời, nữ tu Simon Pierre cùng các chị em trong dòng bắt đầu cầu khấn xin Đức Cố Giáo Hoàng chữa trị cho chị. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 2005, mệt mỏi vì bị những đau đớn đè nặng, chị Simon Pierre xin Bề trên cho phép rời bỏ công việc, nhưng Bề trên khuyên chị tiếp tục tín thác nơi lời chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II. Chị Simon Pierre lui về phòng và ngủ một đêm yên hàn. Khi tỉnh đậy, chị cảm thấy được khỏi bệnh. Những đau đớn biến mất và các khớp xương không còn bị cứng nữa. Đó là ngày mùng 3 tháng 6 năm 2005, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chị Simon Pierre đi gặp bác sĩ trị liệu, và ông xác nhận chị được lành bệnh.

Hồ sơ khỏi bệnh của nữ tu Marie Simon Pierre Normand đã được điều tra đúng thủ tục, cùng với các giấy chứng nhận giám định y khoa, pháp luật, đã được Hội đồng y khoa của Bộ Phong Thánh cứu xét ngày 21-10-2010. Các chuyên gia đã đồng thừa nhận rằng cuộc khỏi bệnh của nữ tu Marie Simon Pierre không giải thích được về mặt khoa học. Các cố vấn thần học, sau khi xem xét các kết luận y khoa, đã thẩm định việc khỏi bệnh về phương diện thần học ngày 14-12-2010, và đồng thanh nhìn nhận sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II là hữu hiệu đưa tới việc khỏi bệnh lạ lùng nói trên.

Trong khi chờ đợi ngày trọng đại này, giới báo chí ước lượng sẽ có 2 triệu tín hữu từ khắp nơi trên toàn thế giới tuốn về Roma tham dự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II. Các chuẩn bị dời thi hài Đức Gioan Phaolô II từ hầm Đền Thờ Thánh Phêrô lên trên cũng đang được chuẩn bị. Hiện nay quan tài của Đức Gioan Phaolô II được chôn cất trong huyệt mộ đã chôn cất Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII trong 37 năm trời. Thi hài Đức Gioan XXIII đã được dời lên Đền Thờ và đặt trong lồng kính cho tín hữu kính viếng sau lễ phong chân phước cho người ngày mùng 3 tháng 9 năm 2000.

Quan tài của Đức Gioan Phaolô II sẽ được di chuyển lên nhà nguyện thánh Sebastiano, giữa nhà nguyện Pietà và nhà nguyện Thánh Thể. Cha Federico Lombardi, Phát ngôn viên Tòa Thánh, cho biết quan tài Đức Gioan Phaolô II sẽ không được mở ra và không cải táng, nhưng sẽ được để trong một hộc bên ngoài có gắn tấm bia bằng đá cẩm thạch khắc hàng chữ ”Chân phước Gioan Phaolô II”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về lễ phong Chân phước cho Đửc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Tổng Trưởng, ngày mùng 1-5 tới đây Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong Chân Phước. Lý do nào đã khiến cho tiến trình điều tra phong thánh tiến hành mau lẹ như vậy?

Đáp: Thực ra, tiến trình điều tra phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II đã tiến hành nhanh chóng kỷ lục, có thể so sánh với tiến trình phong Chân Phước cho Mẹ Terexa Calcutta. Lý do gắn liền với hai sự chú ý đặc biệt. Thứ nhất là sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chuẩn chước cho khỏi phải theo luật định của tiến trình xin phong chân phước. Vì theo luật định, thì phải đợi 5 năm sau khi qua đời mới được phép bắt đầu tiến trình mở án xin phong chân phước. Chính vì có sự chuẩn chước này nên năm 2007 đã có thể kết thúc giai đoạn cấp giáo phận của án phong. Chú ý đặc biệt thứ hai là Bộ Phong Thánh đã dành cho án phong này một con đường ưu tiên, không phải nằm trong danh sách chờ đợi. Chính vì thế lộ trình án phong chân phước đã đi nhanh hơn.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, tại sao Bộ Phong Thánh lại tạo dễ dãi không bắt phải chờ đợi như bao nhiêu án phong khác?

Đáp: Bộ Phong Thánh đã làm như vậy vì chú ý tới sự kiện án phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II được chia sẻ và từ khắp nơi trên thế giới có các thúc giục liên lỉ: từ các Hội Đồng Giám Mục, từ các Giám Mục, từ các tín hữu. Đó là chưa kể tới rất nhiều ơn, mà các tín hữu nhận được do lời bầu cử của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tiếp tục được gửi tới Bộ Phong Thánh. Ngoài hai sự kiện nói trên ra, tất cả mọi thủ tục của án phong chân phước đã được tiến hành một cách sít sao theo Giáo Luật, và còn sít sao hơn nữa, chứ không được giảm bớt bất cứ sự gì.

Hỏi: Sít sao hơn theo nghĩa nào thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Gương mặt vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II đã được cứu xét rất nghiêm khắc, để thắng vượt các khó khăn có thể có, cũng như để lượng định tốt phép lạ được gán cho sự bầu cử của người. Chúng tôi đã cứu xét phép lạ bằng cách quy chiếu các nhận xét của các bác sĩ Pháp cũng như các bác sĩ Italia để thắng vượt mọi nghi ngờ và có được sự chắc chắn luân lý của sự kiện.

Hỏi: Trong số các khó khăn liên quan tới việc thực hành các nhân đức cũng đã có chuyện của linh mục Marcial Maciel, người sáng lập dòng Đạo Binh Chúa Kitô, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Bộ giáo Lý Đức Tin đã nhấn mạnh rằng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không dính dáng gì tới khía cạnh đen tối của gương mặt nhân vật liên hệ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, phép lạ có gặp các khó khăn đặc biệt nào không?

Đáp: Mặc dù có lẽ đã có một sự tò mò qúa đáng nào đó từ giới truyền thông xã hội, phép lạ đã được cứu xét một cách rất cẩn thận từ phía các bác sĩ Pháp cũng như các bác sĩ tại Roma.

Hỏi: Sự dễ dãi thứ hai mà Bộ Phong Thánh dành cho Đức Gioan Phaolô II có được dành cho các án phong chân phước khác hay không, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi có thể nói rằng cả khi trong các mức độ khác nhau và theo từng trường hợp, Bộ Phong Thánh tìm cách dành ưu tiên cho các vụ xin phong chân phước đến từ các quốc gia đã từng phải sống dưới chế độ cộng sản, các quốc gia Phi châu, Á châu và châu Mỹ Latinh. Không phải vô tình mà phân nửa các người tham dự các khóa huấn luyện các thỉnh nguyện viên án phong chân phước đến từ các vùng địa lý này.

Hỏi: Liên quan tới án phong chân phước cho các vị Giáo Hoàng Khác thì tình hình hiện nay ra sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Tôi có thể nói rằng Bộ Phong Thánh tiếp tục nhận được nhiều lời thỉnh cầu từ nhiều phía khác nhau liên quan tới án phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Pio XII, đến độ trong các ngày này tôi đang xem xét án phong này. Liên quan tới vị Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô I còn cần phải hoàn thành hồ sơ xin phong chân phước. Đối với các vị Giáo Hoàng khác thì phải theo lộ trình liên quan tới việc thừa nhận các nhân đức anh hùng và phép lạ.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, việc lựa chọn công bố sắc lệnh về phép lạ được gán cho Đức Gioan Phaolô II cùng với các sắc lệnh liên quan tới các án phong khác có ý nghĩa đặc biệt nào không?

Đáp: Không. Nó là việc bình thường của Bộ Phong Thánh thôi. Nếu có, thì có sự kiện Đức Thánh Cha đã tiếp kiến tôi ngay sau khóa họp bình thường của các Hồng Y và các Giám Mục của Bộ chấp nhận phép lạ, và tiếp tôi trước đối với tiết nhịp bình thường của các buổi tiếp kiến. Và điều này cũng là một dấu chỉ khác nữa nói lên sự chú ý của Đức Thánh Cha đối với án phong của Đức Gioan Phaolô II. Dĩ nhiên là cùng với trường hợp của Đức Gioan Phaolô II chúng tôi cũng lôi kéo sự chú ý của Đức Thánh Cha liên quan tới vài gương mặt khác nữa như: nữ tu Antonia Maria Verna, sáng lập viên dòng các nữ tu Bác Ái Ivrea và Giuseppe Toniolo, giáo sư đại học và là mẫu gương vô cùng thời sự của khuynh hướng công giáo xã hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Tổng Trưởng, sự kiện Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ đích thân chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II tại quảng trường Thánh Phêrô vào đúng ngày mùng 1 tháng 5 có ý nghĩa gì không?

Đáp: Ngày phong chân phước đã không do Bộ Phong Thánh quyết định, và đã được công bố trong sắc lệnh một cách đặc biệt. Việc chọn ngày mùng 1 tháng 5 thì cũng dễ hiểu thôi. Vì năm nay, trong ngày đó Giáo Hội mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, là lễ đã do chính Đức Gioan Phaolô II thành lập. Tôi tưởng tượng ra rằng dân nước Ba Lan sẽ đặc biệt sung sướng về sự lựa chọn này: vì thánh nữ Faustina Kowalska vị tông đồ lớn của Lòng Thương Xót Chúa là người đồng hương của họ, cũng như vì đó là quốc lễ của Ba Lan. Thế rồi sự kiện chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự lễ phong chân phước cho vị tiền nhiệm của người cho thấy sự kính trọng và qúy mến sâu xa của hai vị đối với nhau.

(Avvenire 15-1-2011)
 
Sống đạo lối Mỹ: đóng góp trên mạng ảo
Trần Mạnh Trác
22:21 24/01/2011
Hãy tưởng tượng một cảnh ngộ 'tiếu lâm' như sau:

"Các 'ông từ' sau khi quyên tiền một vòng xong, mang giỏ tiền xuống cuối nhà thờ kiểm điểm. Trong 10 giỏ tiền, sau khi luân lưu qua một ngàn giáo dân dự lễ hôm đó, người ta thấy 8 giỏ hòan tòan trống rỗng, chỉ có 2 giỏ đựng một vài tờ giấy lẻ...

Thông thường một trường hợp thất thu như thế mà xẩy ra thì các hội đồng của giáo xứ sẽ bị báo động, nhưng ở đây, hầu như các 'ông từ' tỏ vẻ hân hoan trước những giỏ trống, thậm có người còn đưa tay ra 'high five' với nhau."

Trong một số giáo xứ Mỹ, giỏ tiền vơi là thước đo cho sự thành công của một chương trình quyên tiền trên mạng. Giáo dân đóng góp bằng cách chuyển ngân vào chương mục của giáo xứ, cùng một phương cách giống như trả tiền điện nước gọi là "e-pay".

Một chương trình đóng góp như thế thường gặp nhiều trở ngại khi bắt đầu.

"Đối với những bà con chỉ biết dùng phong bì để thanh toán hóa đơn, thì đây là một ý kiến phiền tóai," theo cô Laurie Lewis, một giáo dân của nhà thờ St John the Baptist tại Cincinnati, cô cho biết cô đã tăng một phần ba khoản đóng góp vào chương trình trực tuyến, nhưng cũng cho biết trường hợp của cô ta là một ngoại lệ, phần đông các giáo dân khác vẫn chưa ủng hộ chương trình này.

Tâm lý cũng là một trở ngại quan trọng. Bà Brie Hall, một quản trị viên thông tin liên lạc của Tổng Giáo phận Công giáo Washington DC, cho biết bà "cảm thấy lúng túng" khi bà phải lờ đi mà không ném vào trong giỏ một phong bì như trước. "Bạn cần phải vượt qua cái tâm lý đó.. . vì bạn biết bạn đã dâng cúng rồi"

Một số các nhà lãnh đạo giáo hội cũng phản đối việc 'điện tử hóa' bởi vì họ không muốn nợ nần chồng chất thêm vào thẻ tín dụng quá tải của giáo dân. Một số vị khác thì nói điều đó gây trở ngại cho ý nghĩa của nghi lễ vì việc dâng cúng hữu hình phản ảnh động tác hy sinh.

"Mối quan tâm của chúng tôi là việc 'điện tử hóa' làm giảm ý nghĩa của hành vi dâng cúng xuống cùng tầng lớp với một hành vi trả tiền hóa đơn", theo lời ông Bill Townes, phó chủ tịch của ủy ban tài chính của Southern Baptist Convention.

Southern Baptist Convention là một cộng đồng Tin Lành lớn, vẫn không thiết lập một chức vụ chính thức về 'điện tử hóa dâng cúng'. Ông Townes còn cho biết họ không theo dõi có sự thực hiện 'điện tử hóa' hay không trong số 45.000 nhà thờ thành viên của họ.

Nhưng theo ông Vijay Jeste, giám đốc một hãng điện tử ở Huntington Indiana, chuyên sản xuất các chương trình 'đóng góp trên mạng' cho các nhà thờ, thì tuy các chức sắc của một nhà thờ là những khách hàng miễn cưỡng nhất vì họ không thể tưởng tượng tại sao phải trả lệ phí cho các đóng góp bằng điện tử của giáo dân, nhưng rất mau chóng họ đều hiểu rằng đây là "con đường tương lai phải đi"

"Đây không phải là một lựa chọn mà họ có thể trì hoãn quá lâu," ông nói.

Ông Nicolakis, giám đốc thông tin của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp ở Mỹ cho biết họ đã học được giá trị của sự đóng góp trực tuyến khi họ thực hiện một cuộc quyên góp cho nạn nhân Haiti năm ngoái.

Họ thấy rằng gần 4 phần trăm những người truy cập trực tuyến trên website của giáo hội là những người không thuộc một tôn giáo nào, thậm chí 28 phần trăm trong số họ không là giáo dân Chính Thống Hy Lạp.

"Nói một cách kỹ thuật thì chúng tôi đã tiếp cận được với những người mà chúng tôi không bao giờ mong gặp," Nicolakis nói.

Tổng Giáo Phận Chính Thống Hy Lạp ngày nay cho phép đóng góp qua Facebook và qua 'texting' trên điện thoại di động.

"Nếu chúng tôi không cung cấp một phương cách dễ dàng để cho, thì họ sẽ cho các nơi khác," Nicolakis nói.

Tại tổng giáo phận Cincinnati, nơi đầu tiên có một hệ thống 'dâng cúng điện tử' cho tòan giáo phận, ông Michael Vanderburgh, giám đốc quản lý của tổng giáo phận, cho biết điện tử là một phương tiện đáp ứng hữu hiệu cho các giáo dân trẻ tuổi.

"Thực tế phổ biến là giới trẻ đôi mươi thường không mang theo một cuốn sổ check," ông Vanderburgh nói. "Vì vậy, nếu bạn không cung cấp một phương tiện trực tuyến cho họ, thì bạn sẽ chỉ nhận được những đồng tiền lẻ trong túi của họ."

Tại đền 'the Shrine of the Most Blessed Sacrament' tại Washington, khoảng một nửa trong số 1.600 giáo dân đã thường xuyên đóng góp bằng điện tử, 4 năm trước đây số đóng góp bằng điện tử chì có 20 phần trăm.

"Đối với một số người, họ sẽ không bao giờ thay đổi", Đức ông John Enzler chánh xứ cho biết. "Còn với một số người khác thì đây là cách tuyệt vời để dâng cúng."

Trong khi phương pháp điện tử có vẻ phổ biến tại nhà thờ của Đức Ông Enzler, thì trong tổng giáo phận Washington vẫn chỉ có một phần tư trong số 140 nhà thờ theo chương trình này.

Nhưng Đức Ông Enzler cho biết những cơn bão tuyết lớn quanh khu vực Washington vừa rồi đã chuyển đổi một số cha xứ cứng lòng. Với nhiều người bị kẹt ở nhà không đi dự lễ được, ngài ước tính tổng giáo phận bị thất thu khoảng 1.4 triệu - tức là khoảng $10.000 một nhà thờ.

Trung bình mỗi năm một giáo dân không đi lễ 10 lần tại giáo xứ của họ, theo ước tính của ông W. Brian Walsh, chủ tịch hãng thanh toán điện tử Faith Direct ở Alexandria Virginia.

Các thẻ Debit và thẻ tín dụng thì phù hợp hơn cho những việc chi trả, cũng theo ước tính của công ty thanh toán điện tử này, thì sự dâng cúng gia tăng 10 phần trăm đến 30 phần trăm nếu dùng phương tiện điện tử.

Từ năm 2003, ông Walsh đã thiết lập hợp đồng với gần 300 nhà thờ Công giáo trong 45 giáo phận trên toàn quốc.

Đối với một giáo xứ trung bình có 1.500 gia đình, hãng Faith Direct đòi lệ phí hàng năm vào khoảng $7.800. Nhiều công ty khác tính tỷ lệ phần trăm của tổng số thu, thường là 4%.
 
Top Stories
Christians must be present in social networks, but witnessing the Gospel, says Pope
Asia-News
09:13 24/01/2011
In his message for World Day for Social Communications, Benedict VI highlights the cultural transformation brought about by on line communication. It too must seek the good of the person. The truth must be presented in its entirety, rather than trying to make it acceptable, by "watering it down".

Vatican City (AsiaNews) - Participating "confidently and with an informed and responsible creativity” in new social networks that "are not only changing the way we communicate, but communication itself, so we can say that we are facing a wide cultural transformation”. This is Benedict XVI’s invitation to Christians, to join the network " not simply to satisfy the desire to be present, but because this network is an integral part of human life," to be present with their own "digital profile" and "to witness consistently, in one’s own digital profile and in the way one communicates choices, preferences and judgements that are fully consistent with the Gospel, even when it is not spoken of specifically”.

In fact, the Pope's message for the 45th World Communications Day - which this year celebrates Sunday, June 5 - made public today is titled "Truth, Proclamation and Authenticity of Life in the Digital Age".

The new technologies, notes Benedict XVI, have introduced "a new way of learning and thinking, with unprecedented opportunities for establishing relationships and building fellowship”, but keeping in mind that "virtual contact cannot and must not take the place of direct human contact with people at every level of our lives".

Despite this, “New horizons are now open that were until recently unimaginable; they stir our wonder at the possibilities offered by these new media and, at the same time, urgently demand a serious reflection on the significance of communication in the digital age. This is particularly evident when we are confronted with the extraordinary potential of the internet and the complexity of its uses. As with every other fruit of human ingenuity, the new communications technologies must be placed at the service of the integral good of the individual and of the whole of humanity. If used wisely, they can contribute to the satisfaction of the desire for meaning, truth and unity which remain the most profound aspirations of each human being”.

In the digital world, the distinction between those who produce and those who "consume" information is becoming increasingly blurred and " communication appears not only as an exchange of data, but also as a form of sharing. This dynamic has contributed to a new appreciation of communication itself, which is seen first of all as dialogue, exchange, solidarity and the creation of positive relations. On the other hand, this is contrasted with the limits typical of digital communication: the one-sidedness of the interaction, the tendency to communicate only some parts of one’s interior world, the risk of constructing a false image of oneself, which can become a form of self-indulgence".

This is particularly great risk social networks used by young people, involvement in which " helps to establish new forms of interpersonal relations, influences self-awareness and therefore inevitably poses questions not only of how to act properly, but also about the authenticity of one’s own being. Entering cyberspace can be a sign of an authentic search for personal encounters with others, provided that attention is paid to avoiding dangers such as enclosing oneself in a sort of parallel existence, or excessive exposure to the virtual world. In the search for sharing, for “friends”, there is the challenge to be authentic and faithful, and not give in to the illusion of constructing an artificial public profile for oneself ".

"In the digital age too, everyone is confronted by the need for authenticity and reflection. Besides, the dynamic inherent in the social networks demonstrates that a person is always involved in what he or she communicates. When people exchange information, they are already sharing themselves, their view of the world, their hopes, their ideals. It follows that there exists a Christian way of being present in the digital world: this takes the form of a communication which is honest and open, responsible and respectful of others. To proclaim the Gospel through the new media means not only to insert expressly religious content into different media platforms, but also to witness consistently, in one’s own digital profile and in the way one communicates choices, preferences and judgements that are fully consistent with the Gospel, even when it is not spoken of specifically. Furthermore, it is also true in the digital world that a message cannot be proclaimed without a consistent witness on the part of the one who proclaims it. In these new circumstances and with these new forms of expression, Christian are once again called to offer a response to anyone who asks for a reason for the hope that is within them (cf. 1 Pet 3:15)”.

"The task of witnessing to the Gospel in the digital era calls for everyone to be particularly attentive to the aspects of that message which can challenge some of the ways of thinking typical of the web. First of all, we must be aware that the truth which we long to share does not derive its worth from its “popularity” or from the amount of attention it receives. We must make it known in its integrity, instead of seeking to make it acceptable or diluting it. It must become daily nourishment and not a fleeting attraction. The truth of the Gospel is not something to be consumed or used superficially; rather it is a gift that calls for a free response. Even when it is proclaimed in the virtual space of the web, the Gospel demands to be incarnated in the real world and linked to the real faces of our brothers and sisters, those with whom we share our daily lives. Direct human relations always remain fundamental for the transmission of the faith".

"The web – concludes the Pope - is contributing to the development of new and more complex intellectual and spiritual horizons, new forms of shared awareness. In this field too we are called to proclaim our faith that Christ is God, the Saviour of humanity and of history, the one in whom all things find their fulfilment (cf. Eph 1:10). The proclamation of the Gospel requires a communication which is at once respectful and sensitive, which stimulates the heart and moves the conscience; one which reflects the example of the risen Jesus when he joined the disciples on the way to Emmaus (cf. Lk 24:13-35). By his approach to them, his dialogue with them, his way of gently drawing forth what was in their heart, they were led gradually to an understanding of the mystery."

(Source:http://www.asianews.it/news-en/Christians-must-be-present-in-social-networks,-but-witnessing-the-Gospel,-says-Pope-20581.html)
 
Birmanie: L’Eglise s’interroge sur les difficultés qu’elle rencontre dans la formation de ses séminaristes
Eglises d'Asie
11:39 24/01/2011
Eglises d'Asie, 24 janvier 2011 - A l’occasion de la célébration des 25 ans de la fondation du séminaire catholique Saint-Thomas à Mandalay, au centre de la Birmanie (Myanmar), son recteur, le P. Dominic Jyo Du, a exprimé publiquement ses inquiétudes concernant la formation des futurs prêtres. Selon le responsable de l’établissement, le principal défi auquel est confronté le séminaire n’est pas le financement (quoique qu’il ne doive sa survie qu’à la générosité des donateurs, sur place ou à l’étranger (1)), mais plutôt la faible réceptivité des étudiants à l’enseignement qui leur est proposé, ainsi que leur manque de maturité et du sens des responsabilités. « Nous ne pouvons attendre de nos jeunes séminaristes qu’ils deviennent tous prêtres, mais nous voulons au moins qu’ils deviennent de bons chrétiens », a-t-il confié notamment à l’agence Ucanews (2).

Mgr Paul Zinghtung Grawng, archevêque de Mandalay et président de la Conférence épiscopale catholique de Birmanie concélébrait la messe d’action de grâces pour le jubilé d’argent du séminaire Saint-Thomas avec le P. George Khin Mg Htwe. Ce dernier a tenu à rappeler lors de l’homélie qu’il a adressée aux quelque 400 séminaristes, religieuses et laïcs assistant à la célébration qu’« offrir un bon exemple était plus important que de faire [de bons ] prêches aux fidèles ».

U Joseph Ahkee, un laïc qui enseigne le latin dans l’établissement depuis sa création, partage l’avis du recteur. Il y a vingt ans, constate-t-il, les séminaristes avaient une maturité et un enthousiasme pour l’instruction que n’ont plus les étudiants des dernières promotions. Aujourd’hui, ils manquent souvent de certaines qualités morales, du sens de l’engagement, de maturité en général et même d’aptitudes à l’étude, poursuit-il, ajoutant que la formation spirituelle est à la base de tout; si les séminaristes se développent spirituellement, leur formation morale et intellectuelle en fait autant.

Un constat sévère mais qui n’est pas nouveau. Déjà en 2003, les responsables de tous les séminaires du pays avaient été convoqués à Rangoun, à l’initiative de la Conférence épiscopale de Birmanie, afin de réfléchir aux problèmes de la formation à la prêtrise dans leurs établissements, formation jugée « inadaptée », aussi bien sur le plan académique, que personnel ou spirituel. Déjà étaient pointées les mêmes difficultés: le « manque de responsabilisation » des étudiants en vue de leur future activité de prêtre, le manque de relation entre « ce qui était prêché et ce qui était pratiqué », le peu de temps consacré à la prière et à l’apprentissage de la vie communautaire, ainsi que la mauvaise assimilation des bases académiques, les étudiants étant habitués à apprendre par coeur sans assimiler ni parfois comprendre les concepts enseignés.
Conscients que l’accès à la prêtrise est encore considéré dans de nombreuses familles du pays comme un moyen de promotion sociale, les formateurs avaient alors souligné la nécessité de permettre un véritable discernement sur le sens profond de la vie sacerdotale (3).

Depuis sa création il y a 25 ans, le séminaire Saint-Thomas a formé 655 séminaristes dont 91 sont devenus prêtres et quatre devenus diacres. Cette année, l’établissement accueille 57 jeunes qui suivent parallèlement un programme universitaire par correspondance (4).

Le P. Tin Htun, prédécesseur de l’actuel recteur du séminaire, rapporte que le fait qu’un nombre important d’ex-séminaristes n’ait pas accédé à la prêtrise, a nécessité une réflexion en Eglise et l’élaboration d’un programme d’accompagnement: « Pour ces anciens séminaristes qui ne deviendront pas prêtres, il y a l’espoir qu’ils puissent servir l’Eglise à leur manière ». Dans l’archidiocèse de Mandalay, comme dans d’autres diocèses de Birmanie, des sessions et des rencontres pour ex-séminaristes ont ainsi été créées, ainsi que des associations « d’anciens du séminaire ».

En 2007 a été fondée, à l’incitation de leur archevêque, Mgr Zinghtung Grawng, très au fait de la situation de la formation au sacerdoce en tant que responsable du séminaire national de Birmanie, l’association des « anciens séminaristes de Mandalay ». Avec aujourd’hui plus d’une centaine de membres à son actif, le groupe fournit un contingent important de « volontaires » en services d’Eglise divers, qu’il s’agisse d’opérations humanitaires lors de catastrophes naturelles ou d’aide dans les paroisses (préparations liturgiques, formation des fidèles...). Membre de l’association, James Bo Khin, 34 ans, explique ainsi à Ucanews: « Je n’ai [finalement] pas été choisi par Dieu pour devenir prêtre, mais le diocèse s’est occupé de moi au séminaire pendant 10 ans. C’est pourquoi je veux me mettre au service de l’Eglise en tant qu’ex-séminariste » (5).

Selon les statistiques des Eglises locales, les chrétiens de Birmanie représentent aujourd’hui un peu plus de 4 % (dont un quart de catholiques) d’une population bouddhiste à 89 %. Les catholiques se répartissent au sein de 13 diocèses et de trois archidiocèses.

(1) Sur les difficultés de financement des petits séminaires de Saint -Thomas et de Saint-Aloyius dans le diocèse de Mandalay, voir EDA 519
(2) Ucanews, 24 janvier 2011
(3) Voir EDA 534
(4) Il y a actuellement en Birmanie une vingtaine de petits séminaires (établissement supérieur ou pré-universitaire), parmi lesquels on compte des « séminaires intermédiaires » (comme celui de St Thomas qui a le statut de pre-major ou intermediate.) L’âge minimum requis est de 18 ans, ainsi qu’un niveau d’études équivalent à la fin du secondaire (le petit séminaire permettant souvent à l’étudiant de rattraper les bases mal acquises dans le système scolaire d’Etat). Le grand séminaire est quant à lui partagé en trois établissements: à Pyn Oo Lwin pour les années de philosophie, à Rangoun pour la théologie et enfin à Taunggyi pour la dernière année dite de « spiritualité ».
(5) Ucanews 19 mars 2007

(Source: Eglises d'Asie, 24 janvier 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ghi danh tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011
Youth 117 – World Youth Day
11:06 24/01/2011
Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2011

The Pope has invited YOU to join him to celebrate our faith, "Planted and built up in Jesus Christ, firm in the faith" Col 2:7

Youth 117 offers 3 options with cultural and religious events, including a retreat in Taize, visit to Rome, Paris, Lourdes or Fatima
- 22 days in Europe, visiting Italy, France and WYD
- 15 days in Europe, visiting France, and WYD
- 8 days with a visit to Fatima and WYD

Nhóm Trẻ 117 đã có măt tại Đại Hội Giới Trẻ Roma, Toronto, và Cologne; và nay sẽ có mặt tại Madrid cùng với 2,000,00,000 người trẻ từ khắp năm châu và Đức Giáo Hoàng Benedict XVI Nhóm Trẻ 117 được hướng dẫn bởi các linh mục, tu sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng với các thiện nguyện viện xa gần tại Hoa Kỳ và Canada. Thêm vào đó, các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể sẽ đồng hành và nhắc nhở người trẻ 117 sống gần gũi với người anh Giêsu.

Nhóm Trẻ 117, theo tinh thần của các tiền bối tử đạo và ĐHY Nguyễn Văn Thuận, thân mời người trẻ Việt Nam hành hương đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 24 ở Madrid, Tây Ban Nha. Ch úng ta sẽ là những lữ hành, viếng những di tích lịch sử mà giòng máu Tử Đạo đã đổ xuống, phục vụ anh chị em nghèo, và liên kết với người trẻ Việt Nam.

Cùng đồng hành với các bạn trẻ là các linh mục và tu sĩ đang phục vụ t ại các giáo phận tại Hoa Kỳ như Đồng Minh Quang, Nguyễn Thanh Châu, Vũ Hải Đăng, Nguyễn Hoài Chương, Trần Công Danh…

Ghi danh - Registration

World Youth Day Madrid 2011
Now we are looking forward to the next World Youth Day, to be held in Madrid in August 2011 with the theme: "Planted and built up in Jesus Christ, firm in the faith" (cf. Col 2:7). I encourage you to take part in this event. I would like all young people to share this experience, which can prove decisive for their lives. It is an experience of the Lord Jesus, risen and alive, and of his love for each of us (from Pope Benedict XVI).

Youth 117 cordially invites you to join us on a culturally and spiritually enriching journey where we:

•Make a pilgrimage to Rome …….of thousands of young Catholics from all over the world, and of Pope Benedict XVI at the 24rd World Youth Day, August 12 – 22, 2011.
•Now, at a time when Europe greatly needs to rediscover its Christian roots, our meeting will take place in Madrid. We will embark on a mission to spread Christ’s love to the orphaned, abandoned, and those who suffer from AIDS, exploitations, etc…
•Explore the rare opportunities to appreciate the beauty of arts, of cultures, as well as establish new friendships with various Catholic communities
•Celebrate our faith with hundreds of thousands of youths around the world, guided by the Holy Spirit and Christ’s love.

Ghi danh - Registration
 
Chuyến thăm viếng giáo xứ người dân tộc S'tiêng vùng xa: Minh Hưng và Tân Khai
Maria Vũ Loan
11:16 24/01/2011
Một ngày đẹp trời trước Tết, chúng tôi lên xe đi về hướng giáo phận Phú Cường, xe của chúng tôi không chở hoa phượng của mùa hè mà chở quà của mùa xuân.

Thăm một nhà thờ rồi chia quà tết cho người nghèo trên địa bàn của giáo xứ đó là chuyện bình thường, nhưng trong chuyến đi này tôi có nhiều thời gian tìm hiểu được nếp sống của người dân tộc sống ở vùng này và sức sống của một giáo xứ vùng xa.

Xem hình ảnh

Một chút Tết đến vùng sâu

Nơi chúng tôi đến là giáo xứ Minh Hưng, cộng đoàn này có hai giáo điểm vùng sâu là Tân Hiệp và Tân Quan. Trong Tân Quan có Sóc Lớn, Sóc Ruộng 1, Sóc Ruộng 2, vào sâu hơn có ấp Tranh 1, ấp Tranh 2. Gọi là Sóc Ruộng vì có nhiều ruộng, gọi là ấp Tranh vì trước đây có rất nhiều cỏ tranh.

Đầu tiên, chúng tôi vào Sóc Ruộng. Đó là một khu dân cư thưa thớt, lọt thỏm trong rừng cao su, có người dân tộc S’tiêng sinh sống cùng với một số người Kinh, thuộc giáo điểm Tân Quan. Lần trước, chúng tôi đến Sóc Lớn và viết về người dân với cây cao su, còn lần này chúng tôi dạt sang Sóc Ruộng. Cũng vẫn vài chục căn nhà bằng cọc tre, nối nhau bởi dây kẽm, mái tranh và có chỗ chắp vá bằng miếng bạt, mà trong những căn nhà tuềnh toàng giông giống nhau ấy vẫn là những gia cảnh khác nhau: nghèo, không chung thủy trong hôn nhân, sống đơn thân không tài sản, con cái…

Vừa len lỏi vào sóc tôi vừa hỏi cha xứ đi cùng: “Cha ơi, vì sao họ cứ khổ như vậy?”. Cha trả lời: “Muốn cho họ khá lên thì phải thay đổi não trạng. Họ có quan niệm thế này: hôm nay mình tìm được cái gì thì ăn cho hết, nếu ăn không hết thì chia cho những người chung quanh, rồi mai đi kiếm của ăn khác. Nếu ngày mai không có thì người khác sẽ cho…, tức là họ tự lo cho nhau”. Từ câu nói của cha, tôi bỗng nghĩ: như thế có phải họ sống tinh thần Phúc Âm triệt để không? “Các con đừng lo cho ngày mai…”. Cách chia sẻ của họ có giống như đời sống các cộng đoàn thời thánh Phao-lô không? Ai sẽ thay đổi được não trạng của họ?

Tôi nghĩ, nếu họ là giáo dân thì chỉ có linh mục mới thay đổi được. Cha cho biết vùng này cha ông của người dân tộc đã sinh sống từ trước năm 1975, nên muốn thay đổi gì thì phải khéo léo; thí dụ, chọn một hai thanh niên nhanh nhẹn, không ngoan, cho học hành tử tế rồi, chính những người này đem những hiều biết về sống trong gia đình và làm lan truyền cách sống mới trong gia tộc, họ hàng…

Quà Tết của chúng tôi có màu đỏ như chọi hẳn với gam màu ở vùng này, nhưng thôi, Tết mà! Chúng tôi chỉ đi được một số gia đình, còn các gia đình khác phải tập trung nhận ở nhà rông, họ cứ đến lác đác vì ở xa.

Tập trung trước nhà rông, chúng tôi thấy vui. Ở vùng Bình Long, thuộc tỉnh Bình Phước này, sóc nào của người dân tộc cũng có một căn nhà rông để họp mặt trong dịp lễ lạc của họ. Tết của người dân tộc Stiêng này là vào tháng ba âm lịch, dịp này họ nhảy múa trong tiếng cồng chiêng, uống rượu cần, ăn thịt trâu; cha xứ thường đến vào phút khai mạc rồi rút lui để họ vui say. Ngoài ra họ còn có lễ hội đâm trâu hằng năm; trong lễ hội này, người ta không cho trâu húc nhau nhưng chọn một con không còn làm việc được nữa để làm “tiệc chung”. Sau khi nhảy múa quanh con trâu, họ giết rồi mỗi người xẻo một miếng, hơ vào đống lửa cho chín rồi ăn ngon lành, lại uống rượu cần. Đây là nét văn hóa của người dân tộc.

Ở vùng này, cách Sài Gòn 100 km, chế độ mẫu hệ vẫn còn ảnh hưởng nhưng không nặng nề như xưa, chàng trai đến ở rể nhà gái nhưng thời gian ít hơn, vẫn phải nộp trâu làm sính lễ, ít là một con. Còn ma chay thì cũng giống như ở các vùng sâu khác, linh mục đến nhà dâng lễ rồi đưa đi an táng luôn, chỉ có khác là người dân tộc gọi nghĩa trang là “phồn ma” mà thôi!

Những đứa trẻ con người Kinh trông còn tươm tất nhưng những cháu người dân tộc sao mà nhếch nhác, quần áo cũ xì, tay chân cáu đen…chúng không được chăm sóc hay nhắc nhở tắm rửa dù ở đây sử dụng giếng đào. Không thấy nhà vệ sinh cạnh những căn nhà èo ọp ấy, tôi hỏi - cha nói, chúng thích dùng nhà vệ sinh “ngoài trời” cho mát! Tôi tự hỏi, có bao nhiêu đứa trẻ như thế trong ba cái sóc, hai cái ấp của một giáo điểm như thế. Tôi nhờ người dùng xe gắn máy chở sang ấp Sạc-lây phía bên kia đường thì thấy một trường tiểu học, cũng đơn sơ thôi, có cái sân rất rộng như hứa hẹn với tôi điều gì, tôi vui hẳn lên dù đây là lần thứ ba đến vùng này.

Một giáo xứ vùng xa nhưng không buồn tẻ

Giáo xứ Minh Hưng thuộc giáo hạt Bình Long, giáo phận Phú Cường; về hành chính thuộc tỉnh Bình Phước nằm trên quốc lộ 13, cách Sài Gòn 100 km.

Ngày trước giáo xứ có 3 giáo họ: Tân Hiệp, Tân Quan và Tân Khai, mới đây Tân Khai được tách ra thành một giáo xứ mới. Trước năm 1975, cả ba vùng Minh Hưng, Tân Hiệp và Tân Quan đều là khu rừng hoang vu. Ở Tân Hiệp có những sóc người dân tộc Tà-mun, còn Tân Quan có những sóc người dân tộc S’Tiêng.

Khi dân Sài Gòn đi vùng kinh tế mới thì Minh Hưng là nơi di dân của bà con quận 4 và quận 8; còn Tân Hiệp là bà con nghèo ven quận 1 được đưa đến lập nghiệp. Lúc ban đầu dân cư thưa thớt, sau nhờ “đất lành chim đậu”, bà con miền Tây và miền Bắc đến lập nghiệp nên đông hơn một chút. Thế nhưng, bà con người Công giáo ở vùng này vào thời điểm đó vẫn chưa có nơi thờ tự, mọi sinh hoạt tôn giáo phải đến giáo xứ Tân Châu cách Minh Hưng 12 km hoặc đến giáo xứ Bình Long cách Minh Hưng 20 km. Thế nên, nhiều người mang trong lòng sự khao khát về đời sống tâm linh, nung nấu ước mơ có một ngôi nhà thờ để hàng tuần tham dự thánh lễ. Trước nỗi khát kháo chính đáng đó, cộng đoàn đã làm đơn thỉnh nguyện Tòa Giám Mục và xin phép chính quyền Sông Bé dựng một nhà nguyện.

Năm 1996, được chính quyền ở Sông Bé, tỉnh Bình Phước cho phép thiết lập tại Minh Hưng một giáo điểm truyền giáo với ngôi nhà nguyện, để hàng tuần linh mục nơi khác đến cử hành thánh lễ. Ngôi nhà nguyện đơn sơ được xây dựng trong 75 ngày, đã làm thỏa ước mơ bà con giáo dân trong vùng. Đến nay Toà Giám Mục nâng giáo điểm truyền giáo Minh Hưng lên thành giáo xứ và kỷ niệm 15 năm thành lập, với sự nâng đỡ của quý ân nhân xa gần. Hiện nay, nhà thờ đang được trùng tu khang trang hơn, bên cạnh sự phát triển của hai khu công nghiệp, với 4000 công nhân, trong số đó có khoảng 300 đến 400 anh chị em công nhân là người Công giáo đến dự thánh lễ với cộng đoàn.

Năm 2006, giáo họ Tân Quan được chính quyền tỉnh Bình Phước cho thiết lập thêm một giáo họ mới. Đó là giáo họ Tân Hiệp cách xa Minh Hưng 23 km, đến nay hàng tuần được dâng lễ nhưng vẫn phải nhờ nhà giữ trẻ của một nhà dòng để làm nơi dâng thánh lễ.

Từ tháng 8 năm 2010 đến nay giáo họ Tân Quan, chỉ được phép chính quyền dâng một thánh lễ vào dịp lễ Giáng Sinh; bà con giáo dân ở đây vẫn mong ước chính quyền rộng rãi hơn, để ba ngày Tết sắp đến có thể tham dự thánh lễ tại đây không phải đi xa vì phương tiện đi lại của dân nghèo và bà con dân tộc rất giới hạn.

Những lời tâm sự của cha Đa Minh Nguyễn Văn Chí, thấy mà thương: “Hằng năm, Nhà Nước cho khoảng 5 nhà tình thương, mỗi căn mười triệu đồng Việt Nam, mỗi lần như thế cha “bù vào” một căn là mấy triệu đồng. Các đoàn thể như giới trẻ, giới Gia trưởng, các bà Hiền Mẫu, Thiếu Nhi Thánh Thể, ca đoàn thì sinh hoạt bình thường nhưng chưa bao giờ được đi tham quan đâu cả. Ngày Tết cũng chỉ có thánh lễ giao thừa với một cây mai có lộc Chúa mà thôi. Đặc biệt, ở gần giáo xứ có một Trung tâm xã hội Tân Hiệp, nuôi người già, người tàn tật, neo đơn và cả những thanh niên mất sức, cai nghiện; khi có đoàn từ thiện nào đến thăm, cha cũng đi cùng họ để vào đây giải tội cho những ai có đạo Công giáo.

Buổi trưa, gia đình một ông trùm lại đãi chúng tôi món cầy tơ, tôi thì “hớn hở” nhưng các bạn đi cùng thì “nén lòng đau khổ”. Nhưng xế chiều về, cha cho một thùng ổi “Đài Loan” rất ngon, đây là loại ổi mà người dân ở ấp Tranh 1 và ấp Tranh 2 trồng, cung cấp cho siêu thị bán tại Sài Gòn. Khi chia tay cha, tôi cố nói thêm: “Khi có dư thời gian, quí cha thường viết sách, làm đĩa nhạc CD, làm việc xã hội…nhưng đa số quí cha thích xây nhà thờ mới, có đúng không ạ? Cha cười: “Khi bận rộn thì sẽ bớt bị những thứ linh tinh nó cám dỗ!” Chúng tôi cùng cười: “Oh! Sự bận rộn còn chiến thắng được ma quỉ ư? Hoan hô sự bận rộn!

Con đường từ Bình Phước về Sài Gòn rộng thoáng làm chúng tôi không thấy mệt nên nói chuyện vui vẻ. Tỉnh Bình Dương đang phát triền nên có nhiều dự án về nhà ở đang được xây dựng ở nhiều khu vực hai bên đường. Một thành phố thứ hai đang được hình thành, rồi đây giáo phận Phú Cường sẽ có thêm những sinh hoạt mục vụ phù hợp với một thành phố mới.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
GM Nguyễn Thái Hợp thăm Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng
Quốc Ngọc
11:28 24/01/2011
CẦN THƠ - Ngày 23/01/2011, Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình, HĐGMVN – đã bất ngờ đến thăm Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, tọa lạc tại số 190 Tôn Đức Thắng, khối 2, phường 8, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (trực thuộc Giáo phận Cần Thơ).

Các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng
Xem hình ảnh

Chuyến viếng thăm này của Đức cha chủ tịch UBCLHB mang ý nghĩa quan trọng đối với hồ sơ khiếu kiện vụ việc nhà và đất của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux, tiếp theo sau văn thư số 02/ST-UBCL-HB ngày 23/12/2010 của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình gửi Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng.

Động thái này cho thấy sự kiên quyết trong lập trường và thiện chí giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản của giáo hội một cách nghiêm túc đã được trình bày rõ trong văn thư nói trên của ĐC Hợp đặc trách ủy ban Công lý Hòa Bình thuộc HĐGMVN. Với diễn tiến trên, hy vọng là Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình cũng như Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng sẽ tiếp tục đi đến cùng trên tinh thần đối thoại thẳng thắn với Nhà Nước VN. GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã từng tuyên bố muốn: “Đào sâu nghiên cứu và phổ biến Giáo huấn về xã hội của Giáo hội, qua đó góp phần để giáo huấn này được thực thi trong các lãnh vực công lý, hòa bình và quyền con người”.

Đức cha Nguyễn Thái Hợp đã mục kích toàn bộ khu vực đang bị chiếm dụng, từ các dãy nhà, phòng ốc bỏ hoang, đổ nát cho đến khuôn viên từ trong ra ngoài… trong ánh mắt ngập tràn hy vọng của các nữ tu, các em bé cô nhi và những người già neo đơn đang được nhà dòng cưu mang. Bề trên tu viện Maria Emmanuel Nguyễn Thị Phiến cho biết hiện dòng có tất cả 20 nữ tu, 32 em mồ côi nội trú và 5 người già neo đơn không nơi nương tựa.

Sự hiện diện của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp tại Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng còn mang ý nghĩa khích lệ và ủy lạo tinh thần lớn lao của một vị mục tử đối với các nữ tu đang khiếu kiện vấn đề nhà và đất của dòng tại số 190 Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng.

Các em bé cô nhi do Dòng Chúa Quan Phòng chăm sóc
Vài nét về Dòng Chúa Quan Phòng Portieux:

Dòng Chúa Quan Phòng Portieux được Á thánh Gioan Martinô Moy, linh mục người Pháp, thành lập ngày 14/01/1762. Theo yêu cầu của Bề Trên Địa phận Nam Vang cha Cordier ngày 12/01/1876, sáu nữ tu Chúa Quan Phòng Portieux từ Pháp đã đến thành lập trụ sở tại Cù Lao Giêng, An Giang, Việt Nam. Các chị lập viện mồ côi, nhà hưu dưỡng, trường học và hoạt động bác ái xã hội.

Năm 1955, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình về nhận Giáo phận Cần Thơ, vừa được tách khỏi giáo phận Nam Vang. Năm 1957, Đức Cha đề nghị với Bề Trên Tổng Quyền lúc đó là Nữ tu Honorine Lullier dời Nhà Chánh Dòng về Cần Thơ.

Tổng Hội Dòng năm 1974 đã đem lại một thay đổi lớn trong cơ cấu, từ đây Dòng Chúa Quan Phòng Portiuex chia làm 3 Tỉnh Dòng: Pháp-Bỉ, Campuchia, Việt Nam.

Ngày 31.01.1975, nữ tu Thérèse Monique Nguyễn Thị Hảo được bổ nhiệm làm Bề Trên Giám Tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế đương nhiệm Đức gốc Việt Philipp Roesler đã có thời thơ ấu sống trong cô nhi viện của Dòng Chúa Quan Phòng Portieux Sóc Trăng.
 
Văn Hóa
Lời nguyện Mùa Xuân
Jos. Tú Nạc, NMS
11:40 24/01/2011
Hãy cho ta vui cùng những muôn hoa;
Và để ta đừng nghĩ suy diệu vợi
Vì chỉ là vu vơ không bến đợi
Hãy giữ ta mộc mạc giữa trời xuân.
Hãy cho ta vui cùng muôn cây trái,
Khác ban ngày, giống thần thánh về đêm;
Và cho ta niềm vui cùng ong bướm,
Nắng ấm chan hòa, cây lá xum xuê.
Ta hạnh phúc trong cánh chim chao lượn,
Chợt trên cao lời ong bướm xôn xao,
Ánh sao băng lóe lên tình âu yếm,
Và âm thầm cây trong gió vươn cao.
Đây tình yêu, không nào khác tình yêu,
Và vốn được dành riêng cho Thiên Chúa
Để thánh hóa nhưng gì Người đã định,
mà duy nhất ta dâng hiến dấu yêu.
 
Năm Mão kháo truyện Mèo truyền kỳ thế giới
Tri Chi
11:43 24/01/2011
NĂM MÃO KHÁO CHUYỆN MÈO

Theo Hán tự, chữ Mão cũng được ta phát âm là Mẹo, tên của chi thứ tư trong 12 địa chi. Theo âm lịch nước ta Mão có con mèo làm biểu tượng, khác với các nước khác dùng con thỏ làm vật chủ của năm Mão. Nhân ngày đầu năm Mão, chúng tôi có cũng cố công tìm hiểu về con vật cầm tinh trong năm này, như “lấy câu chuyện làm quà” Tết, để quý vị biết thêm về con mèo, theo khoa học, trong ngày đầu Xuân mới.

Nguồn gốc loài mèo

Các nhà khoa học đã tin rằng, giống mèo có nguồn gốc từ một loài động vật nhỏ mà các nhà động vật học gọi là Miacis, đã có từ năm mươi triệu năm trước. Con vật thuộc giống mèo đầu tiên đã xuất hiện trên trái đất cách nay cũng đến bốn mươi triệu năm. Không ai biết chính xác mèo đã được thuần hoá trước tiên tại nơi nào và vào thời điểm nào. Nhưng nhiều tác giả tin rằng mèo nhà là dòng dõi từ một giống mèo hoang Phi châu, do nguười Ai-cập thuần hoá vào khoảng năm 3500 trước Dương lịch. Những con mèo hoang được thuần hoá này đã giúp người giệt các loại chuột và rắn, nên đã ngăn chận được nạn dịch hạch tại các nông trại Ai-cập và bảo vệ được các kho ngũ cốc. Mèo đã trở thành con vật được trọng dụng và người Ai-cập đã vinh danh mèo trong các tranh vẽ và các tác phẩm điêu khắc.

Người Hy lạp và các thương buôn đã đem mèo đến châu Âu và miền Trung Đông vào khoảng năm 1000 trước Tây lịch. Những người cổ Hy lạp và La-mã đã nuôi mèo để giệt loài gặm nhấm. Tại Rôma, mèo đã là biểu tượng của tự do và được coi là thần bảo hộ cho các bà nội trợ.

Từ Trung Đông, mèo được lan đến châu Á, lúc đó mèo được nuôi nhiều để giệt chuột tấn công phá hoại các kén tằm dùng lấy tơ dệt lụa. Người Đông phương hâm mộ vẻ đẹp và sự huyền bí của mèo. Con vật này trở thành chủ đề hấp dẫn các nghệ sĩ và văn sĩ tại Trung Hoa và Nhật Bản.

Thế kỷ thứ 17, châu Âu đi chiếm thuộc địa, các thương buôn đem mèo đến Tân thế giới khoảng những năm 1600 đến 1700. Những năm 1800 dân Mỹ làm một cuộc tây tiến khi mở rộng bờ cõi đến miền Viễn tây, họ cũng mang mèo theo. Như vây hầu hết mèo tại Mỹ và Canada ngày nay đều thuộc dòng dõi của những con mèo từ châu Âu mang đến.

Tại Anh quốc, con mèo đầu tiên đến Luân-đôn vào năm 1871, chỉ 16 năm sau, 1887, Câu lạc bộ Vương quốc Anh về mèo đã được thành lập. Thú vui nuôi mèo được tiến mạnh. Ngày nay việc nuôi mèo thành phổ thông, nên kỹ nghệ cung cấp dịch vụ và phẩm vật cho mèo cũng như cho chủ nhân của chúng đã lên đến hàng tỷ mỹ kim.

Mèo thần mèo quỷ

Khoàng năm 1500 trước Công nguyên, người Ai-cập đã bắt đầu coi mèo là con vật huyền bí. Họ đã thờ thần tình ái Bastet bằng một pho tượng đồng người phụ nữ có đầu là đầu mèo. Nếu ai giết một con mèo, người ấy sẽ bị tử hình. Khi con mèo họ nuôi bị chết, người Ai-cập xưa cạo đôi lông mày như một dấu hiệu để tang cho mèo. Họ đem ướp xác con mèo đó và chôn cất tử tế. Các nhà khoa học đã tìm được tại Ai-cập một nghĩa địa cổ chôn đến hơn ba trăm ngàn con mèo, đã được ướp xác cẩn thận

Trái lại với người Ai-cập cổ, người Âu châu thời Trung cổ lại coi con mèo là hình ảnh của ma quỷ. Những người mê tín cho rằng mèo, nhất là mèo đen, là một loại phù thuỷ có pháp thuật và chính là quỷ dữ. Vì những lý do đó mà người ta đã giết đến hàng trăm ngàn con mèo.

Vì sự mê tín mù quáng đó số mèo tại Âu châu đã hầu như tuyệt chủng, mất cân bằng hệ sinh thái. Lũ chuột không còn bị săn bắt nên sinh sôi nẩy nở tràn lan, không gì ngăn cản nổi. Ngoài mùa màng bị phá hại, chuột còn mang dịch bệnh đến sát hại con người, đã có đến một phần tư dân số Âu châu bị tử vong vì dịch hạch, giữa những năm 1300.

Hai, ba trăm năm sau, vào thế kỷ thứ 17, người Âu châu mới bắt đầu nhận thức lại tầm quan trọng của mèo. Có mèo nạn chuột bọ, chồn sóc mới bị chế ngự, lương thực, dịch tễ mới đỡ là mối lo của cư dân. Mèo lại được người ta đón tiếp hoan hô, việc nuôi mèo được cổ võ khuyến khích.

Hình thể cấu tạo con mèo

Nhiều người hằng ngày tiềp xúc với con mèo, nhưng có mấy ai đã biết rõ về con mèo thế nào. Theo các nhà khoa học thì một con mèo trưởng thành cao khoảng từ 20 đến 25 centimet (từ bàn chân trước đến vai). Đa số mèo cân nặng từ 2,7 kg đến 7 kg. Tuy nhiên có con nặng tới 9 kg, cũng có con chỉ đạt được hơn 2 kg.

Xương mèo: Mèo có bộ xương và lục phủ ngũ tạng giống như ở các động vật ăn thịt khác. Bộ xương mèo có 250 cái xương lớn nhỏ, số xương chính xác mỗi con còn tuỳ theo đuôi nó dài hay ngắn. Xương là khung sườn và là vật che chờ cho các cơ quan nội tạng của mèo. Các bắp thịt của mèo phần lớn là dài, mỏng và dễ đàn hồi, khiến mèo có thể hoạt động dễ dàng và nhanh chóng. Người ta tính tốc độ mèo ở khoàng cách ngắn có thể tới 30 dặm một giờ.

Sự sắp đặt của bộ xương và các khớp xương ở mèo khiến nó có thể xoay tứ phía: Khác với những con thú khác, mèo bước đi cùng lúc cả chân trước và chân sau ở mỗi bên, đó là lý do tại sao mèo có thể chạy nhanh như lướt. Khớp nối xương hông mèo khiến mèo dễ dàng nhảy vọt. Các khớp nối đặc biệt khác làm cho mèo có thể quay đầu đến phần lớn các nơi trên thân mình nó.

Chân mèo: Mèo có 4 chân, mới trông chúng ta tưởng chân mèo có 4 ngón, nhưng thật ra hai chân trước mỗi bàn chân có 5 ngón, như ngón tay dể giữ mồi. Ngón như ngón cái ẩn vào trong da, chỉ được giương ra khi bắt con mồi. Mỗi chân sau có 4 ngón, có con có thêm ngón đặc biệt ở cao hơn phía sau, ta gọi là móng huyền đề.. Mỗi ngón chân mèo có một cái móng cong như lưỡi câu, gọi là cái vuốt. Móng vuốt này khi không dùng đến thì mèo giấu vào trong lớp da. Khi mèo muốn giương vuốt ra, một bắp thịt đặc biệt nhanh chóng co lại đễ đẩy cái vuốt ra. Mèo dùng móng vuốt này để leo cây, để bắt con mồi và để tự vệ.

Dưới bàn chân mèo có những cái đệm bằng da dầy, nhờ những cái đệm này, mèo đi nhanh và không gây tiếng động.

Đuôi mèo: Đuôi mèo là do xương sống nối dài, mèo có đuôi dài để giữ thăng bằng. Khả năng thăng bằng của mèo rất giỏi, nó có thể đi trên đỉnh hàng rào hay mép tường hẹp. Khi mèo té, đuôi mèo sẽ uốn lái thế nào cho 4 chân mèo bao giờ cũng đáp xuống đất trước, vì thế mèo luôn được an toàn, mặc dẩu bị té từ nơi cao

Đầu mèo: Đầu mèo nhỏ, có bộ hàm ngắn, nhưng rất khoẻ, lúc dưới 6 tháng tuổi mèo có 26 cái răng sữa nhọn. Khi được sáu tháng, răng tạm đó được thay thế bằng răng khôn. Mèo trưởng thành cò 30 cái răng để cắn, giữ mồi, đề cắt để xé mồi thành miếng nhỏ. Mèo không có răng hàm để nghiền đồ ăn, nhưng dạ dầy và ruột mèo có thể tiêu hoá đồ ăn chưa được nghiền nát. Lưỡi mèo rất nháp, vì có những gai móc, khiến mèo có thể gặm sạch thịt dính sát xương và giúp mèo dùng lưỡi chải lông cho mượt.

Mũi mèo: Mèo có cái mũi nhỏ hình chữ V Đầu mũi được phủ bằng một lớp da đặc biệt. Da mũi mèo có những mầu khác nhau, da đó luôn ẩm ướt và lạnh. Khi mèo bệnh da mũi nóng và khô.

Mèo có khứu giác rất nhạy bén. Những con mèo con chưa mở mắt vẫn nhận ra được ổ khi lỡ nhoai đi xa, bằng cách đánh hơi biết hướng ổ mà bò về. Để hỗ trợ cho khứu giác, mèo còn có cơ quan đánh hơi ở miệng, giúp mèo phân biệt được mùi gì một cách chính xác.

Mắt mèo: Phần có mầu ở mắt mèo là tròng mất, thường là mầu xanh hoặc vàng, cam, đồng, xanh lá. Mèo có hai tròng mắt mầu khác nhau gọi là mèo có mắt lẻ, có thể là một mắt mầu xanh, một mắt mầu lơ.

Phía sau mỗi con ngươi mèo có một cơ phận đặc biệt như kính soi gọi là bộ phận chỉnh quang, dùng để điều khiển con ngươi cho ánh sáng vào mắt, như ta điểu khiển cho ánh sáng vào máy chụp hình. Bộ phận này điều chỉnh để mắt mèo có thể trông rõ vật trong ánh sáng lờ mờ, hoặc nếu sáng chói, con ngưoi cũng khép chỉnh cho sáng vừa đủ. Bộ phận chỉnh quang cũng làm tăng thêm tầm nhìn của mắt mèo. Trong mắt mèo còn có mí mắt thứ ba ở khoé mắt, khi chớp mí mắt thứ ba chạy trùm hết cà mắt, rồi kéo nhanh về lại khoé mắt, mí mắt thứ ba dùng đề bảo vệ mắt cũng như làm trơn cho tròng mắt.

Tầm nhìn của mèo không được tinh tường như ở mắt người. Nhìn vào mầu sắc, nhưng mèo chì thấy mầu râm và mầu xám. Tuy nhiên mèo có thể chỉnh mắt sáng để giúp nó săn bắt mồi. Nó nhìn được cả trong ánh sáng lờ mờ, nhưng không thấy gì khi hoàn toàn là bóng tối.

Tai mèo: Hai tai mèo ở sát hai bên đỉnh đầu. Mỗi tai đều có thể cử động độc lập. Mèo có thể chỉnh tai cho hướng về phía tiếng động để tiếp nhận nhiều âm thanh hơn. Mỗi tai có thể cùng lúc quay theo hướng khác nhau để mèo phân biệt được âm thanh phía nào gần hơn mà thích ứng.

Tai mèo rất thính, có thể nghe được hầu hết những âm thanh ta nghe được. Ít có con mèo nào lại điếc. Nếu có điếc chăng là thường ở loại mèo trắng, đặc biệt là mèo có mắt lẻ

Râu mèo: Râu mèo là những sợi lông cứng và dài, mọc ở hai bên mép mèo và ở trên mắt mèo, nơi ta gọi là lông mày. Đây là một loại lông có nhiệm vụ đặc biệt như xúc giác ở tay ta. Khi những sợi râu mèo đụng phải vật gì, nó liền báo về óc cho mèo biết. Lông dài trên mắt mèo là để bảo vệ mắt mèo, trong đêm tối khi lông chạm vào đâu mèo liền biết để tránh ngay sang hướng khác.

Đời sống con mèo

Một con mèo mạnh khoẻ bình thường có đời sống từ 12 đến 15 năm. Có những con mèo sống được 18 hay 19 năm. Đặc biệt có con sống lâu nhất đến 30 năm.

Truyền đời: Khi con mèo cái được từ 5 đến 9 tháng tuổi, mèo đực ở tuổi từ 7 đến 9 tháng, chúng có thể giao phối để truyền giống. Mèo đực có thể gieo mầm sống vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng mèo cái thường chỉ hứng thú tìm bạn tình trong mùa xuân hay mùa thu. Đây là mùa mèo gặp gỡ tình tứ. Những ngày xốn xang của cô mèo kéo dài từ 6 đến 10 ngày. Nếu không có cơ hội mang thai, cô mèo phải đợi sau ba tuần lể mới có thể tìm vui trở lại. Cô mèo nào trong mùa tình tứ gặp được “tình quân”, cô trở nên trầm tĩnh vì sắp thành mèo mẹ.

Mèo cái mang thai chín tuần lễ. Khi cảm thấy sắp đến ngày đặp bầu, mèo cái tìm nơi nào vắng vẻ, an toàn để xây tổ ấm cho bầy con nhỏ. Thông tường mỗi lứa mèo đẻ từ 3 đến 5 mèo con. Tuy nhiên có trường hợp một con mèo đẻ một lứa tới 14 mèo con. Trong khi mèo đẻ, mèo mẹ tự mình lo cho mèo con chu tất mọi việc mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào.

Mèo con: Phần lớn mèo con mới đẻ chỉ nặng khoảng 99 gam (chừng 3 ounces rưỡi), mèo mẹ liếm lông từng con cho khô ráo, rồi kích thích cho mèo con thở, cũng như cho mèo con cử động. Như loài động vật có vú khác, mèo mẹ cũng nuôi con bằng sữa của mình. Mèo con mới sinh không nghe, không thấy được gì, vì mắt và cả tai chưa mở, nên hoàn toàn lệ thuộc vào mèo mẹ: cho bú liếm dọn cho mèo con sạch sẽ, và đùm bọc cho mèo con. Trong khi mèo đực không hề biết gì đến đàn con nhỏ.

Mèo con cứ thế lớn dần, mỗi ngày đều tăng cân. Sau khi sinh khoảng từ 7 đến 10 ngày mèo con mở mắt. Theo kinh nghiệm của người Việt Nam xưa thì ngày mở mắt của mèo (hoặc chó) còn tuỳ theo số con cùng lứa, đem cộng thêm 10 ngày, như lứa mèo có ba con thì 13 ngày sau khi đẻ, mèo con mở mắt. Sau đó ít ngày tai chúng được mở ra để nghe, và răng chúng bắt đầu mọc cái đầu tiên. Sau ba tuần lễ, mèo con bắt đầu biết đi, chúng nhoai đi làm quen với quang cảnh chung quanh ổ. Mèo mẹ luôn trông chừng chúng và tha chúng về khi chúng đi xa ổ.

Khi được 5 tuần tuổi, mèo con đã mọc gần đủ răng sữa. Chúng bắt đầu tập ăn thức ăn cứng và táp nước. Đó cũng là lúc mèo mẹ cai sữa cho chúng, và chấm dứt không cho bú sau khi chúng được 7 tuần.

Day mèo con: Đối với chủ nuôi, muốn tập cho mèo quen với người thì khi mèo được chừng 4 tuần tuổi, ta nên dùng tay đề tiếp xúc với mèo con, vuốt ve nâng niu trên tay v.v…Những con mèo được cưng chiểu sớm sẽ dễ dạy để trở thành con vật ngoan, không sợ hãi người lạ. Nếu muốn mèo con sau này không sợ chó, cũng cho nó tiềp cận với chó trong tuần tuổi này.

Khi mèo được 6 tuần tuổi, óc và thần kinh của nó đã phát triển đầy đủ, lúc ấy có thể tách khỏi mèo mẹ. Tuy nhiên nếu được, nên để mèo sống chung với mẹ và mèo cùng lứa cho đến khi được 9,10 tuần tuổi thì tốt hơn.

Mèo phát triển về sự khôn khéo được nhiều khi sống chung, chúng học được những kỹ năng ở những con mèo khác. Hơn nữa chúng tiến triển nhanh vài năng khiếu, nhát là về cách săn bắt mồi bằng cách quan sát và bắt chước mẹ nó. Khi được một năm tuổi, mèo thật sự trưởng thành.

Cách mèo giao tiếp

Mèo giao tiếp với đồng loại, với các con vật khác hay là với người bằng nhiều cách khác nhau. Mèo dùng tiếng kêu, bằng biều hiện của thân thể và bằng mùi đặc biệt của nó làm phương tiện để giao tiếp.

Bằng tiếng kêu: Người ta đã thử nghiệm và thấy rằng mèo có thể phát ra hơn 60 âm thanh khác nhau, từ tiếng gừ gừ nhẹ nhàng tới tiếng ngao ngao to lớn… hay có lúc ta nghe mèo gào như khan tiếng… Những tiếng này phát xuất từ thanh quản ở cổ họng mèo, phát lên khoang mồm. Tiếng mèo được phối hợp giữa âm thanh và độ rung khi âm thanh thoát qua cửa thanh quản, tuỳ theo nhu cầu mà mèo điều chỉnh.

Tiếng kêu của mèo biểu hiện nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo trường hợp: tiếng “meo” có khi là lời chào hỏi, có khi là lời kêu cứu, hoặc kêu khi đói hay lúc cô đơn… Tiếng mèo “gừ gừ” thường tỏ vẻ bằng lòng hay khi bị bệnh mà phải rên lên…Khi mèo gào hay rít lên là tỏ vẻ sợ hãi hoặc giận dữ…

Bằng cử chỉ: Mèo cũng biểu lộ cách giao tiếp như dùng đuôi, dùng đầu, dùng nét mặt…Một con mèo đang thoải mái thường nằm áp ngực xuống và lim dim đôi mắt. Muốn rủ bạn chơi hay tỏ vẻ âu yếm, có con mèo lăn tròn một vòng rồi đưa chân quào quào vào không khí… Để tỏ vẻ sợ hãi hay khi phải tự vệ mèo thường giương vuốt, nhìn chằm chằm, vành tai vảnh lại đàng sau.

Một con mèo thân thiện với người thường làm quen bằng cách vươn cao đuôi, dúi đầu cọ vào chân người, có khi còn liếm tay họ. Một con mèo ngoan ngoãn thường cúi đầu xuống, tai cúp lại và tránh không nhìn thẳng vào người chủ. Trái lại khi con mèo giận dữ, nó quất đuôi qua lại, cong lưng lên, lông xù ra, có thể còn nhăn răng, trợn mắt…

Bằng mùi hương: Mèo cũng tỏ dấu giao cảm bầng mùi hương của nó. Mèo có tuyến mùi hương đặc biệt của nó nằm ở trên trán, ở quanh miệng và ở khấu đuôi.

Mèo tiết ra mùi hương này để đánh dấu người mà nó thích, cũng như các con vật khác mà nó ưa có thẻ chơi đùa, Khi nó chọn đối tượng nào, nó xịt mùi hương của nó vào đối tượng ấy. Mỗi khi nó ngửi được mùi của nó, nó biết đó là đói tượng thân. Chỉ có mèo và một số rất ít con vật khác có thể cảm nhận được mùi hương ấy.

Mèo đực còn dùng nước đái của nó để làm ranh giới lãnh địa của nó, Khi các mèo đục khác thấy mùi bất khả xâm phạm ấy thì nên tránh để khỏi xảy ra tranh chấp.

Người tuổi mèo

Theo các nhà khoa học thì mèo đã sống chung với con người từ 35 thế kỷ trước Công nguyên. Nói cách khác. người ta đã nuôi mèo từ rất xa xưa, cách nay đến 5.500 năm. Vì dáng điệu con mèo dịu dàng, nhanh nhẹn khôn khéo, coi như nhàn hạ và hiền hậu, nên tổ tiên ta đã chọn con mèo làm biểu tượng cho chi Mão trong 12 địa chi, đề tính thời gian theo âm lịch. Giờ Mão từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ con mèo no nê ngơi nghỉ sau khi săn mồi, giờ rạng đông và bình minh của một ngày mới. Ngày Mão thường là những ngày có nhiều điều nên làm mà ít điều cấm kỵ. Tháng Mão là tháng giữa mùa Xuân, thời tiết mát mẻ cây cối đâm chồi nẩy lộc xanh mầu xanh non lá mới, cũng là tháng mà mèo cái xốn xang muốn được truyền giống. Năm Mão là năm thứ bốn theo cách tính âm lịch, qua chu kỳ 12 năm lại tới năm Mão, năm có vũ điều phong thuận, khiến nhà nông được mùa, không phải cái cảnh “năm Thìn năm Tỵ, chị chẳng nhìn em”.

Chi Mão có con mèo cầm tinh, nên để đoán thời vận cho người tuổi mão, người ta tìm ra những tính nết của con mèo, rồi bàn rộng ra áp dụng cho cái gọi là vận mệnh của người sinh năm mão. Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất. Ảnh hưởng của thiên nhiên vũ trụ dường như cũng theo chu kỳ mà lặp lại, khiến cho người sinh ra trong năm Mão tuy không thuộc loại nghiêng nước nghiêng thành, nhưng lại toát ra một khí chất đặc biệt, rất dịu dàng, không thích gây gỗ, luôn mong muốn mọi người đều là bạn, nên cũng được nhiều người thương mến. Tuy nhiên, người tuổi mão cũng rất hiếu động, quyết không ngồi yên khi họ bị chèn ép, mà ngay lập tức họ có phản ứng thích hợp. Đó là một số những nhận xét của những nhà tướng số khi đoán vận mệnh cho người tuổi mão, tin hay không tin là tuỳ theo nhận thức của từng người.

(Tài liệu dựa theo Tự diển World Book)
 
Năm Mão kháo truyện Mèo theo Thánh Kinh
Hoàng Đức Trinh
11:45 24/01/2011
NĂM MÃO KHÁO CHUYỆN MÈO THEO KINH THÁNH

Mão là năm thứ tư trong chu kỳ tính âm lịch theo mười hai địa chi. Việt Nam ta các cụ xưa đã đặt con Mèo làm con vật biểu tượng. Ở các nước khác họ lại cho con thỏ là vật cầm tinh năm mão, có lẽ Việt Nam là nước nông nghiệp, đại đa số dân chúng sống trên đồng bằng, mèo là con vật hữu dụng, phổ quát hơn. Con thỏ hiếm thấy, nên cha ông ta xưa đã chọn con mèo làm con vật cho chi Mão. Năm Mão lại đến, chúng tôi lại có dịp mở Kinh Thánh để tìm xem con mèo có được các sách Kinh Thánh nhắc đến không?

Gốc gác con Mèo

Trong chuyện cổ nước ta có nhiều chuyện nói đến lai lịch con Mèo. Nhưng chúng tôi muốn nhắc đến con mèo của Bà E-và. Ai cũng biết Kinh Thánh ghi rằng Bà E-và là Mẹ chúng sinh (xem St 3, 20), nên nếu có con mèo của bà E-và, ắt hẳn nó phải là con mèo đầu tiên được người nuôi trên trái đất.

Chúng tôi nhớ mãi hồi còn nhỏ, chúng tôi đã đọc được chuyện con mèo của bà E-và trong một tờ báo với trí tưởng tượng như sau: Khi bà E-và thấy ông A-đam có con hổ làm hầu cận, bà E-và rất thích con hổ, nhưng nó quá uy dũng lại to lớn, bà không thể ôm ấp cưng chiều nó. Vì thế bà nũng nịu vòi ông A-đam xin Chúa cho bà một con vật hoàn toàn giống như con hổ, nhưng nhỏ nhắn, mềm mại hơn để bà có bạn. Chúa truyền cho A-đam lấy đất và bông gòn làm thành con vật như ý E-và, rồi đem trình trước Chúa. Chúa thổi hơi ban sự sống cho nó. Khi A-đam trao con vật cho E-và, con vật vui vẻ kêu lên những tiếng “meo meo”, dụi đầu vào người E-và, bà liền gọi nó là con Mèo. Từ đó bà E-và luôn đem theo con mèo bên mình. Những buổi trưa nóng bức, bà thường tìm đến ngồi mát dưới bóng râm của cây Cấm. Bà đang thiu thiu ngủ … bỗng bà nghe tiếng kêu chế diễu “eo…eo” và tiếng phun phì phì của con mèo. Bà nhìn lên thì thấy có con rắn to tướng quấn trên cành cây cấm…Con mèo không theo bà đến gốc cây cấm nữa.

Bà E-và dùng sợi dây thắt một cái nơ thật đẹp trên cổ mèo, sợi dây không cho mèo xa bà, nên mèo phải miễn cưỡng theo bà ra gốc cây cấm. Cho đến một hôm con mèo thấy bà hái trái cấm (xem St 3,6), nó liền khép chặt con ngươi trong đôi mắt lại, không dám nhìn bà.

Vì thế giống mèo cứ đến trưa thì tròng đen của mắt chúng khép chặt lại, và dáng bộ con mèo ủ rũ buồn chán, như nhớ lại giờ tội lỗi nhập vào thế gian. Cũng từ đó hễ con mèo gặp rắn là lại phun phì phì như phỉ nhổ vào biểu tượng của quân cám dỗ.

Kinh Thánh có nói đến Mèo không?

Chả mấy người nghĩ rằng trong Kinh Thánh có nhắc đến con mèo, Vì khi nghe Sách Thánh, trong suốt 3 năm trong chu kỳ Phụng vụ, không nghe đến con mèo bao giờ. Các ông bà Dòng Ba Đaminh, hằng ngày nguyện các giờ Kinh Phụng vụ, cũng chẳng đọc được chữ mèo khi nào. Quý vị đã thấy chúng tôi trích từ Kinh Thánh những câu nói đến con chuột của năm Tỳ. Con trâu của năm Sửu, Con hùm của năm Dần. Còn trong năm Mão, không biết Thánh Kinh có nói đến con Mèo không?

Câu hỏi làm kẻ viết bài này phải gia công tìm kiếm mãi cho ra câu trả lời. Chắc chắn Kinh Thánh cũng có nhắc đến con mèo. Nếu không, chúng tôi đã không dám nêu chủ đề “12 con giáp trong Kinh Thánh”. Chỉ. không rõ là KinhThánh nói đến mèo nhiều hay ít. Tổ tiên ta xưa đã đặt con trâu là biểu tượng cho năm Sửu, con mèo là biểu tương cho năm Mão, chứ không theo Tầu đật con bò, con thỏ cho hai năm đó (chứng tỏ Việt Nam chúng ta không lệ thuộc Tầu). Con Mèo là con vật cầm tinh cho năm Mão, nên Tết này chúng tôi phải nói chuyện về con mèo trong Kinh Thánh thì mới hợp với ý của tiền nhân xưa, đã coi người sinh năm Mão được gọi là người tuổi con Mèo.

Vì thế năm Mão này, mời quý vị theo dõi chuyện Mèo, chúng tôi trích từ Kinh Thánh. Mậc dầu trong Kinh Thánh hiếm có sách nói đến con mèo.

Mèo trong sách Tiên tri I-sai-a

Ngôn sứ I-sai-a được coi là anh hùng của đất nước Do Thái vì sự tham gia tích cực của ông vào những vấn đề của quốc gia. Ông còn là một thi sĩ có biệt tài, chiều hướng tôn giáo vẫn nổi bật nơi ông. Ông luôn tin tưởng Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đấng Uy dũng, Đấng đầy quyền năng, Đấng cai trị muôn loài trên trời, dưới đất. Con người là một thực thể bị tội lỗi làm nhơ uế, và Thiên Chúa đòi hỏi họ phải sám hối đền tội, để được tình yêu của Thiên Chúa che chở.

Khi Ít-ra-en bị lưu đầy bên Ba-by-lon, I-sai-a đã tuyên sắm rằng Ba-by-lon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, biến ra nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ:

“Cho đến ngàn thu, nó sẽ không có người ở, không có một lều trú cho đến đời đời. Ờ đó mèo hoang làm ổ và cú vọ ở đầy. Ổ đó đà điểu sẽ lưu trú, và dê rừng tha hồ quẩng dỡn.(Is 13, 20-21)

Không những Ba-by-lon, mà còn Ê-đom cũng bị nguyền rủa. Nhắc việc xưa, dân Ít-ra-en trên đường về Đất Hứa, gần đến Ê-đom đã cho sứ giả đến đề nghị Ê-đom cho mượn đường đi ngang qua, nhưng nhà cầm quyền Ê-đom không cho quá cảnh mà còn đe dọa sẽ cho binh đội kéo ra đón đánh nếu xâm phạm lãnh thổ họ. Ít-ra-en phải rẽ qua hướng khác.

Ê-đom ở sát biên giới Giu-đê-a về phía nam, luôn thù nghịch với Ít-ra-en, lúc Ít-ra-en mất quyền kiểm soát Giu-đê-a, Ê-đom lợi dụng cơ hội đã lấn đất của Giu-đê-a. Vì thế ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm cho Ê-đom sẽ ra hoang phế, trở thành nơi trú ẩn của muông thú, chim chóc hoang dã:

“Lâu đài của nó mọc gai tua tủa, đồn canh phòng thì cây dại tầm na, mắc cở mọc um tùm. Nó biến thành hang ổ của thú hoang, sân chim đà điểu. Ở đó mèo hoang sống với chó rừng, dê núi tìm nhau kéo đến ở.” ( Is 34, 14).

Như vậy, dưới cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, mèo hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, dữ dằn gớm tởm đối với con người.

Ngôn sứ Ba-rúc cũng nói đến mèo

Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giê-ri-mi-a, sách Ba-rúc được viết tại Ba-by-lon sau cuôc phát lưu và được gửi về Giê-ru-sa-lem để người còn ở lại đọc trong các buổi nhóm hội phụng vụ. Sách được viết khoảng giữa thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Trong phần thư của ngôn sứ Giê-ri-mi-a được Ba-rúc trích lại, là một bình luận minh giáo, chống lại việc thờ ngẫu tượng.

Sách của ngôn sứ Ba-rúc thuyết phục dân Chúa không phải sợ các thần dân ngoại tại nơi bị lưu đày: Rồi đây tại Ba-by-lon, anh em sẽ thấy những tượng thần bằng vàng bạc hay bằng đá. Vì các thần ấy đều do tay con người làm ra. Tay thần cầm gươm cầm rìu nhưng không tự bảo vệ được mình. Người ta thắp cho thần nhiều đèn nến nhưng dù một đốm lửa thần cũng chẳng nhìn thấy… Còn nhiều những lý do ngôn sứ đưa ra chứng minh rằng những thần ấy không phải là linh thiêng, cho nên dân Chúa không phải sợ hãi mà tôn kính các thần ấy, như dân ngoại tôn kính.

Những thần ấy được đặt trong đền miếu, nhưng đúng là bị người ta nhốt như giam giữ kẻ phạm pháp, mặc cho chim chuột tung hoành, tranh nhau đồ cúng rơi rớt chung quanh, mà thần cũng không làm gì được: “Mặt thần đã bị khói từ đèn nến hun đen thui, trên thân mình chúng cũng như trên đầu chúng, người ta thấy bay lượn nào dơi, nào nhạn và các thứ chim khác, lại có cả mèo nữa. Cứ thế anh em đủ biết chúng không phải là thần: sợ chúng mà làm chi!” (Br 6, 20-22).

Có lẽ mèo xuất hiện tại đền miếu là để tìm săn chim chuột… những con vật lợi dụng lúc vắng người, bò ra kiếm ăn. Vì thế bàn thờ thần biến thành nơi cho các con vật dơ bẩn tìm đến tranh giành đồ ăn thức uống, từ những đồ cúng rơi rớt

Con mèo của Thánh Gia

Việt Nam ta là nước nông nghiệp, trước kia nhà nào cũng có nuôi ít là một con mèo để giệt chuột, giúp bảo vệ lương thực, mùa màng. Tuy nhiên, người Việt Nam không quý mèo như người Ai-cập. Tại Ai-cập các nhà khảo cổ đã khám phá ra nhiều bãi tha ma chôn hàng chục ngàn con mèo, với những ngôi mộ kiên cố, thật đẹp chứa xác ướp của mèo. Người Ai-cập coi mèo như là thần linh ban phúc, nếu không thì là phù thủy giáng họa, đàng nào cũng phải kính sợ mèo. Cho nên không những khi mèo chết người ta đã ướp xác lập mộ, mà khi mèo còn sống người Ai-cập rất cưng chiều cung phụng. Chính vì thế mà có chuyện “con mèo của Thánh Gia”.

“Khi Thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Erore đi tìm Đức Chúa Giêsu mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ichitô, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy”. (Tây-ban-nha gọi Ai-cập là “iexiptô” nên các cố Yphanho chuyển âm qua tiếng Việt là Ichitô). Không những Đức Mẹ phải trốn đi vượt biên ban đêm, mà còn bị người Ai-cập xua đuổi không cho trú nhờ. Cho đến khi Thánh Giuse đeo theo gói hành trang đi gõ cửa thêm một căn nhà nhỏ, để năn nỉ lần nữa. Chủ nhà hé cửa thò đẩu ra hỏi, anh ta thấy trong gói hành trang của Thánh Giuse có con mèo nhô đầu lên, anh chủ nhà vội vàng mở rộng cánh cửa, niềm nở tiếp đón Thánh Gia vào nhà. Khác với Việt Nam “mèo đến nhà thì khó” người Ai-cập được mèo đến nhà là một hạnh phúc như thần linh tới phù hộ. Từ đó chị chủ nhà cung phụng phục vụ Hài nhi Giêsu trước cả con nhỏ của mình. Truyền thuyết kể rằng, mỗi chiều chị đều sắp nước cho Hài nhi tắm xong, rồi chị dùng lại nước đó tắm cho con chị, con chị khỏi hết ghẻ lở và các bệnh khác. Người ta còn nói, người trộm lành cùng chịu án đóng đinh với Chúa Giêsu, chính là đứa trẻ được mẹ dùng lại nước tắm của Hài nhi thánh khi trước.

Con mèo của Thánh Gia đã đem hên đến cho gia đình người đón tiếp các ngài.

Hơi hướm Thánh Kinh

Con mèo của bà Evà, con mèo của Thánh Gia dĩ nhiên không có trong Sách Thánh, cùng lắm thì hai con mèo ấy cũng chỉ có hơi hướm một chút Kinh Thánh, nhưng vì trong Kinh Thánh Công giáo chỉ có hai sách nhắc đến mèo. (Chúng tôi nói Kinh Thánh Công giáo, vì bên anh em Tin Lành không có sách của Tiên tri Barúc) nên chúng tôi mới có dịp theo truyền thuyết nhắc lại cho thêm vui câu chuyện Tết con mèo

Trong sách “Tìm Từ Kinh Thánh Tân Ước” của linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ, nhà xuất bản Tôn Giáo, không có chữ “Mèo”. Như vậy chứng tỏ trong Kinh Thánh Tân Ước không nói đến con mèo. Quả đúng như vặy, chúng tôi cũng đã để ý mỗi khi đọc Tân Ước cũng không gặp được chữ “Mèo”, kể cả trong một vài bản dịch ngoại ngữ.

Kính chúc quý độc giả nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ một Năm Mói an khang, mọi điều như ý mong muốn.
 
Con Mèo trong tục ngữ, thành ngữ Việt Nam
Đặng Quốc Minh Dương
12:26 24/01/2011
Trong bài vè về "Mười Hai Con Giáp”, mèo được phác họa như sau:

…Tuổi Mão, là con mèo ngoao
Hay quấu hay quào, ăn vụng quá tinh.


Mèo là loài thú được thuần dưỡng từ lâu và trở thành một con vật thân thiết, hữu ích đối với các gia đình. Cũng từ rất lâu, nuôi mèo, “chơi” mèo là thú vui của các gia đình – đặc biệt là gia đình khá giả (chẳng hạn, trong giai thoại Truyện Trạng Quỳnh có truyện Ăn trộm mèo). Nhân năm mới Tân Mão đến, chúng tôi thử làm cuộc khảo sát về con mèo trong văn hóa dân gian – chủ yếu là qua tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam.

Trước khi tìm hiểu vấn đề, xin được nói sơ về tên gọi. Ngoài tên gọi quen thuộc thuần Việt là mèo, còn vật này còn được gọi bằng các khác tên như: mão, miêu (Hán Việt), mỉu, miu và gần đây, “dân nhậu” còn “sáng tạo” ra tên gọi mới là “tiểu hổ”!

“Mất điểm” trong quan niệm dân gian

Khảo sát kho tàng tục ngữ, thành ngữ người Việt, chúng tôi nhận thấy rằng, mèo có vẻ bị mất điểm trong quan niệm dân gian. Số câu thành ngữ, tục ngữ có sự xuất hiện của mèo mang nghĩa tích cực không nhiều lắm. Chúng tôi chỉ thấy 04 lần mèo có “phút huy hoàng”. Đó là khi cha ông mô tả cách ăn từ tốn, “ăn nhỏ nhẻ” của mèo và từ đó mượn câu nói “Ăn nhỏ nhẻ như mèo” để khuyên người phụ nữ về nết ăn. Phụ nữ ăn nhỏ nhẻ được khen là có nết. Nhưng đàn ông ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu. Khi so sánh cách ăn của hai phái này, dân gian đã nói “Nam thực như hổ - nữ thực như miu” là vậy. Ngoài câu thành ngữ trên, chúng tôi còn thấy thêm 2 câu nữa có ý nghĩa tích cực khi nói về mèo là Có ăn nhạt mới thương tới mèo. Câu này ngụ ý nói khi lâm cảnh khổ thì người ta mới biết thương người không may mắn bằng mình. Câu Mèo con bắt chuột cống chỉ người trẻ tuổi tài cao, làm được việc mà nhiều người lớn làm không nổi. Riêng câu Rình như mèo rình chuột để chỉ ý chí và sự kiên nhẫn, siêng năng khi thực hiện công việc của một ai đó nhưng cũng có nghĩa là chê bai ai đó tò mò, xăm soi chuyện người khác. Câu Mèo già hóa cáo ngụ ý nói người già sống lâu nên đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Ngoài ra, nó còn nghĩa là người mới đầu làm việc gì thì rụt rè nhút nhát, nhưng ở lâu năm thì tinh ma ranh mãnh. Hai câu này có nghĩa trung tính, ý nghĩa kép.

Ngoài những điểm sáng trên, số còn lại là các thành ngữ, tục ngữ mà hình ảnh của mèo được nhìn với cái nhìn tiêu cực. Chẳng hạn như để nói về kẻ hà tiện, bủn xỉn, dân gian nói Buộc cổ mèo, treo cổ chó. Khi chê những người đần độn, ngu ngốc hoặc không có tài năng người xưa cũng lôi mèo vào Chó gio, mèo mù. Ai đó tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách chửi mắng vu vơ thì được mô tả là chửi chó mắng mèo hay khi bực mình người khác mà trút giận qua những con vật nuôi trong nhà thì gọi là Đá mèo, quèo chó. Ngay cả một tập tính rất đáng quý – mà con người cũng cần phải học là trước khi đại tiện, mèo thường moi một lỗ để sau khi “hành sự” xong thì chôn dấu đi cũng bị gia chủ nói Giấu như mèo giấu cứt. Câu này ý chê những người giấu diếm thứ gì, điều gì đó quá ư là kỹ. Mượn thói quen Im ỉm như mèo ăn vụng để ám chỉ những kẻ cố tình che giấu tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hoặc những kẻ hễ thấy lợi là giấu giếm hưởng một mình, không cho ai hay biết.

Thương mèo nhất là khi nói về hạng người vô lại, trai trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét thì dân gian nói đồ Mèo mả gà đồng. Tương đồng với thành ngữ này là câu: Mèo hoang lại gặp chó hoang/anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai. Và đặc biệt, do quan niệm mê tín, người ta cho rằng tự dưng mèo đến nhà thì thường mang lại điều xui sẻo: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu.

Về mối quan hệ của mèo với các con vật khác có vẻ cũng không…ổn lắm. Trước hết là quan hệ với chó. Mèo với chó thường tranh giành thức ăn của nhau, cắn xé nhau. Chính vì vậy mà khi anh em trong gia đình hay mâu thuẫn, cãi lộn nhau, bố mẹ hay so sánh: “Anh em như chó với mèo”. Nhưng có lẽ mối quan hệ giữa chuột và mèo mới là điểm không thể bỏ qua. Người ta cho rằng đó là “mối thù truyền kiếp”. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại: Con mèo, con méo, con meo/Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà. Nói về “thâm tình” này, người ta hay nhắc đến câu đồng dao trào lộng: Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.

Mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, triết lý nhân sinh

Song song với nhận định trên, tác giả dân gian đã mượn hình ảnh mèo để gởi gắm những kinh nghiệm, đúc kết những triết lý sống ở đời.

Trước hết, đó là kinh nghệm cảnh giác khả năng ăn vụng của mèo bằng cách Chó treo, mèo đậy hoặc Mỡ (chớ để) để miệng mèo. Nhiều nhất là mượn hình ảnh của mèo để gởi gắm, đúc kết hoặc phê phán những thói hư ở đời. Chẳng hạn như, khi ai đó tự đắc về tài cán của mình, quá tự tin vào khá năng chắc thắng của mình, dân gian nhắc: Chẳng biết mèo nào cắn mỉu nào. Câu này ý nói mỗi người đều có sở trường riêng của người ấy, chưa chắc ai đã hơn ai. Từ công việc của mỗi loài: Chó giữ nhà, mèo bắt chuột, dân gian khái quát: ai cũng có nghề nghiệp chuyên môn của mình, đừng tị nạnh nhau, và cũng đừng can thiệp vào việc của nhau. Nhận định Không có chó bắt mèo ăn cứt ý nói phải dùng một người trong một tình huống bất đắc dĩ, không đúng với sở trường, khả năng của người đó. Khi bắt tay vào việc, dân gian khuyên rằng Mèo nhỏ bắt chuột con. Câu này ngụ ý nhắc nhở hãy biết liệu sức mình mà đảm đương công việc. Tài hèn sức mọn mà ham đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy thất bại thôi. Do vậy mà khi nói về ai đó làm một việc nguy hiểm, liều lĩnh, dân gian nói Chuột cắn dây buộc mèo hoặc Chuột gặm chân mèo. Để phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người, dân gian nói Chó chê mèo lắm lông. Một người tài thô trí thiển mà muốn cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng cho phép dân gian nói Mèo vật đụn rơm. Còn những người không có tài cán gì, nhưng lại đòi hỏi quyền lợi cao thì dân gian lại phê phán Mèo miệng đòi ăn xôi vò. Những người không có tài năng đi lang thang, vơ vẩn thì bị dân gian chê là Chó khô mèo lạc. Hình ảnh Mèo mù móc cống được dân gian mượn để chỉ những kẻ không còn phương kế sinh nhai. Câu nói quen thuộc Mèo khen mèo dài đuôi thực ra, còn một vế nữa “Chuột khen chuột nhỏ dễ chui, dễ trèo. Câu này ý chê trách ai đó quá tự cao, tự hào về bản thân. Suy tư về chuyện quyền chức, địa vị thì mượn tương quan của cọp với mèo: Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt. Càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp.

Dân gian khá dị ứng với những người đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột, thay vì chỉ còn biết âm thầm sống đến già, không mong được ai cưới hỏi nữa, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh giá mình. Họ phê phán rất tinh tế Mèo lành ai nỡ cắt tai/gái kia chồng rẫy khoe tài làm chi? Tương đồng với nhận định này là câu Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm. Từ đó, dân gian gởi gắm những bài học trong quan hệ vợ chồng: Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó con liếm mặt/vợ phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai. Câu này có ý khuyên các ông chồng không nên nuông chiều vợ quá, mà cũng không nên hiếp đáp quá. Nuông chiều thì vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia đình mất hòa khí, mất hạnh phúc.

Trên đây là vài phác thảo về chân dung con mèo trong kho tàng văn hóa dân gian. Bức tranh chung về mèo là…mất điểm. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng, mèo đã/đang làm vật hy sinh, làm tấm bia để cho chúng ta thấy rõ những vấn đề của cuộc sống để từ đó mà sống tốt, sống vui ở đời hơn. Đây cũng là tâm nguyện và mong ước của chúng tôi khi viết những dòng này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Oanh Vàng
Lê Trị
22:21 24/01/2011
OANH VÀNG

Ảnh của Lê Trị

Oanh vàng nhảy nhót trên cành

Cất cao tiếng hót mừng chào Xuân sang

Lòng người viễn xứ mênh mang!

Đón Xuân thiếu pháo, mai vàng năm xưa!!!

(Lê Trị)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền