Ngày 22-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa chữa người bị quỷ ám
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
19:38 22/01/2018
Chúa Nhật IV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Sau khi thánh Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu trở về Galilê công khai giảng dạy trong Hội đường. Cùng với lời giảng, Chúa thực hiện nhiều phép lạ. Hôm nay, Tin mừng theo thánh Marcô cho biết, phép lạ của Chúa là phép lạ trừ quỷ.

I. VÌ SAO CHÚA CẤM MA QUỶ TUYÊN XƯNG?

Chúng ta lấy làm lạ: Chúa Giêsu đến trần thế là để mạc khải cho loài người biết Chúa là Con Thiên Chúa. Vậy tại sao khi ma quỷ tuyên xưng: "Tôi biết Ông là ai: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa", thì Chúa lại quát: "Hãy câm đi"? Vì sao ma quỷ nói đúng về thân thế của Chúa mà Chúa lại cấm? Có hAi lý do:

Lý do 1: Đây là thời gian đế quốc Rôma đang chiếm đóng Israel. Sống dưới ách nô lệ của người Rôma, dân chúng khao khát một vị anh hùng dân tộc có thể đứng lên lãnh đạo dân, đấu tranh giành lại độc lập cho quê hương.

Trong khi đó, Chúa Giêsu vừa bắt đầu rao giảng, dân chúng chưa hiểu Chúa nhiều. Do đó, Chúa chưa muốn mạc khải về mình. Chúa tránh bị dân chúng hiểu lầm "Đấng Thánh của Thiên Chúa" cũng là thủ lãnh làm chánh trị đảo chánh quân Rôma.

Nếu họ chỉ dừng ở mức độ xem Chúa là vị lãnh đạo như bao nhiêu vị lãnh đạo trần thế, thì việc Chúa đưa họ vào ơn cứu độ, vào tình yêu của Thiên Chúa, sẽ khó khăn.

Lý do 2:

- Chúa cấm ma quỷ tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh, vì tự bản chất, ma quỷ là sự dữ, sự xấu, dối trá, đen tối. Nó hoàn toàn đối lập với Đấng Thánh, Đấng là Ánh Sáng, Đấng có quyền trao ban ánh sáng.

Ma quỷ không có tư cách nói về Chúa, không có tư cách tuyên xưng Chúa, càng không có tư cách minh chứng mầu nhiệm Nước Trời. Để rao giảng về Chúa, cần người lành thánh. Ma quỷ không thể là nhân vật đầu tiên nói về Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Nó không xứng đáng. Chúng không có sự thật nơi mình. Chúng không có khả năng nói sự thật. Chính Chúa Giêsu từng tuyên bố: "Dối trá là bởi ma quỷ mà ra" (Mt 5, 37).

- Trong bài Tin Mừng, ma quỷ có tên là "thần ô uế". Nó kiêu ngạo như chính bản chất mà nó vốn có, khi tự cho mình "biết" Chúa Giêsu: “Tôi biết Ông là ai”.

Chỉ có ai thuộc về Thiên Chúa mới “biết” Chúa Giêsu. Thần ô uế không thuộc về Thiên Chúa. Nó nhập vào con người, làm họ bị tha hoá, xa rời Thiên Chúa. Nó phá hoại công trình, chống đối và tách mình khỏi Thiên Chúa. Nó không thể biết Chúa Giêsu, hay không thể biết đầy đủ như chính Chúa là Đấng cần phải biết.

- Chúa cấm ma quỷ nói về Chúa vì nó không thể nói sự thật, không có sự thật để nói. Nó không có phương tiện để nói. Nó phải gây tội ác: Nhập vào con người, biến họ thành dụng cụ và mượn tiếng của họ để nói. Tội ác không thể nói đúng về Đấng Thánh.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA MA QUỶ.

Ma quỷ vẫn lộng hành bằng nhiều hình thức: nhập vào con người, nhẹ nhàng lôi kéo hướng về sự dữ, lèo lái con người thực hiện tội ác, dùng mưu mô phá rối trật tự cuộc sống của con người, của thế giới… Người bị quỷ nhập không nhiều. Nhưng chắc chắn ảnh hưởng của ma quỷ trên con người thì không thể nói hết được.

Ma quỷ thường được mô tả xấu xí, đáng sợ. Nếu thế, chúng ta dễ nhận ra và nó cũng khó cám dỗ ta. Thực tế, ma quỷ không hiện nguyên hình để cám dỗ. Nó ẩn nấp dưới những hình dáng xinh đẹp, hấp dẫn. Nó tấn công bằng thủ đoạn tinh vi, ngọt ngào. Nó nắm rõ điểm yếu từng cá nhân cũng như tập thể, từ đó lôi kéo ta xa Chúa. Thúc giục ta chống đối Thiên Chúa, chống đối hạnh phúc đích thực của con người.

Chúng ta tự hào mình không bị quỷ ám. Thực ra, ma quỷ có thể ám bằng cách lừa gạt ta chạy theo hạnh phúc giả tạo như: cuốn hút vào tham vọng, dục vọng, oán thù, ích kỷ, hưởng thụ… Ma quỷ ám ta bằng cách làm cho ta tôn sùng tiền bạc, tiện nghi, thời trang, công việc làm ăn, phim ảnh…

Loại quỷ ám nào cũng làm mất tự do, mất trong trắng, dễ phạm tội, đi ngược đường lối và giáo lý của Chúa. Nó bắt ta phải nghĩ, phải sống theo một lập trình. Ta không thể làm khác, không thắng được bản năng và thói quen.

Ảnh hưởng của ma quỷ vẫn là sức mạnh lớn. Vì thế, Chúng ta cần đến ơn Thiên Chúa phù hộ, chở che, nâng đỡ. Hãy nhớ:

- Đời sống cầu nguyện luôn là điểm mốc quang trọng nhất để ta thoát khỏi ảnh hưởng của ma quỷ. Hãy luôn cầu nguyện. Hãy cầu nguyện chân thành, khiêm tốn.

- Tín thách đời mình trong tay Chúa. Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình. Hãy để Chúa hướng dẫn bằng cách không để mình hướng chiều về sự tội.

- Làm việc lành phúc đức, sống tinh thần bác ái, sống khiêm nhường và tránh mọi thứ kiêu ngạo, hống hách, cậy mình hơn người...

- Tránh xa mọi dịp gây tội, mọi cám dỗ, mọi nguy cơ vi phạm lề luật của Chúa…

- Không dẫn mình vào những nơi, những hoàn cảnh có thể đưa tới tội lỗi.

- Siêng năng tham dự thánh lễ, chầu và rước Mình Thánh Chúa, xưng tội, lãnh nhận các bí tích cần thiết khác.

- Siêng năng làm việc lành, thực hành các công tác đạo đức, quảng đại dấn thân vì tha nhân, yêu thương đón nhận mọi người vì họ cùng là Con của Chúa như ta.

- Sống đứng đắn, đoan trang, gìn giữ ngũ quan, không khoe khoang, không ham hố, không chiều theo xác thịt.

- Thường xuyên đọc, suy gẫm và cầu nguyện bằng Lời Chúa. suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa giêsu.

- Kính mến Thánh tâm Chúa, kính mến Thánh giá, Đức Mẹ và các thánh. Hãy luôn ao ước học đòi bắt chước gương thánh thiện của Chúa Giêsu và các thánh.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tin ghi nhanh của Associated Press về ngày sau cùng của Đức Phanxicô tại Peru
Vũ Văn An
16:13 22/01/2018
Hãng A.P. đánh đi bản tin ghi nhanh sau đây về ngày cuối cùng của Đức Phanxicô tại Peru, 21 tháng 1 năm 2018, theo giờ địa phương Lima, thủ đô Peru.

9:30 giờ sáng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một nhóm khách đặc biệt đến thăm ngài tại trú sở của Vatican ở Peru: bốn tù nhân được trả tự do trong một thời gian ngắn để đến chào kính ngài.

Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, nói rằng ba người đàn ông và một người đàn bà đến từ các nhà tù ở Arequipa, Ayacucho, Cuzco và Castro.

Việc chào kính đã diễn ra trước khi Đức Phanxicô chủ tọa một buổi cầu nguyện vào sáng Chúa Nhật với hàng trăm nữ tu chiêm niệm và nội cấm tại đền thánh Chúa Làm Phép Lạ, nơi có tượng Chúa Kitô thoát hư hại sau trận động đất tàn hại năm 1655 và được rất nhiều người Peru tôn kính.

Đức Phanxicô kêu gọi các nữ tu dâng các lời cầu nguyện của họ cho những người bị xã hội “vứt bỏ”, bao gồm tù nhân, di dân và người nghiện ma túy.

Ngài nói với họ: "Bằng các lời cầu nguyện của các con, các con có thể chữa lành các vết thương của nhiều người."

Đức Phanxicô thường xuyên gặp gỡ các tù nhân trong các chuyến đi nước ngoài của ngài và thăm nhà tù nữ ở Santiago, Chile trong chuyến đi kéo dài bảy ngày của ngài đến nước đó và Peru.

9:45 giờ sáng

Cuộc tranh cãi về lời Đức Phanxicô cáo buộc các nạn nhân của linh mục ấu dâm tai tiếng nhất của Chile là vu khống đã theo ngài tới Peru.

Một tấm bảng treo từ một tòa nhà gần nhà thờ Lima, nơi Đức Phanxicô cầu nguyện vào Chúa Nhật này, viết như sau "Thưa Đức Phanxicô, ở đây có bằng chứng" và đưa ra bức ảnh của người sáng lập bị thất sủng của một phong trào Công Giáo Peru, là Sodalitium Christianae Vitae.

Tuần qua, Vatican đã tiếp quản phong trào trên sau khi các công tố viên Peru tuyên bố họ muốn bắt giữ người sáng lập, Luis Figari. Một cuộc điều tra độc lập thấy Figari đã kê gian các người được tuyển lựa và buộc họ mơn trớn ông và mơn trớn nhau, thích xem họ "trải nghiệm đau đớn, khó chịu và sợ hãi", và nhục mạ họ trước mặt người khác.

Tại Chile, Đức Phanxicô cáo buộc các nạn nhân của người lạm dụng tình dục tai tiếng tiếng nhất nước này, là Cha Fernando Karadima, tội vu khống một giám mục khác bằng cách nói rằng vị này biết việc lạm dụng của Cha Karadima nhưng không làm gì cả. Đức Phanxicô nói rằng "không có một mẩu bằng chứng nào" liên hệ đến vị giám mục và những lời tố cáo ngài là "vu khống".

Những nhận xét đó đã gây ra nhiều phản đối đến nỗi cố vấn hàng đầu của ngài về lạm dụng tình dục đã đưa ra một lời phê phán công khai rất không bình thường đối với Đức Giáo Hoàng.

12:15 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng vụ bê bối hối lộ của Odebrecht từng lan tràn ra khắp Châu Mỹ La Tinh “chỉ là một giai thoại nhỏ” trong đại họa tham nhũng khắp khu vực.

Đức Phanxicô nói với các vị giám mục ở Peru hôm Chúa Nhật rằng chính trị ở phần lớn châu Mỹ Latinh đang ở trong trạng thái "khủng hoảng" vì vụ hối lộ.

Đây là lần thứ hai ngài đề cập đến nạn tham nhũng trong chuyến thăm Peru, một trong những quốc gia bị lôi cuốn vào vụ tai tiếng Odebrecht.

Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski đã thoát khỏi việc đàn hặc (impeachment) vì các mối liên hệ của ông với công ty xây dựng khổng lồ của Brazil hồi tháng Mười Hai. Hai cựu tổng thống đã bị tố cáo nhận hối lộ, và vị thứ ba thì đang bị điều tra.

Odebrecht thừa nhận đã trả hàng trăm triệu đô la tiền hối lộ cho các chính trị gia khắp khu vực để lấy được hợp đồng làm việc béo bở.

12:30 giờ trưa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang yêu cầu các nhà chức trách Congo làm mọi điều có thể để tránh bạo lực trong các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Đức Phanxicô đã kêu gọi như thế từ thủ đô Peru, nơi ngài vừa hướng dẫn hàng ngàn người trẻ cầu nguyện.

Ngài nói về Congo: "Tôi yêu cầu các nhà chức trách và những người có trách nhiệm và tất cả những người ở đất nước yêu quý đó sử dụng cam kết và nỗ lực tối đa để tránh mọi hình thức bạo lực và tìm kiếm các giải pháp có lợi cho ích chung."

Cảnh sát Congo đã dùng hơi cay và bắn súng để giải tán hàng ngàn người biểu tình vào hôm Chúa Nhật trong các vụ đụng độ làm 5 người chết và làm bị thương hơn 33 người. Những người biểu tình đã diễn hành sau các buổi lễ ở nhà thờ kêu gọi Tổng thống Joseph Kabilato từ chức.

Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã lên án các phản ứng của lực lượng an ninh Congo đối với các cuộc biểu tình tại hơn 160 nhà thờ, trong đó hơi cay đã bị bắn vào bên trong và các cậu giúp lễ bị bắt.

Kabila, mà nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 12 năm 2016, đã đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử của Congo sau đó cho hay cuộc bỏ phiếu chỉ có thể được tổ chức vào tháng 12 năm 2018.

12:55 giờ trưa

Đức Phanxicô đang nói với những người trẻ Peru rằng họ thế nào, Thiên Chúa yêu thương họ như thế và không cần phải “sửa hình” ("Photoshop") trái tim họ để làm chúng có vẻ hoàn hảo.

Tại buổi cầu nguyện trưa tại Plaza de Armas ở Lima, Đức Phanxicô đã tìm cách nói chuyện với những người trẻ bằng ngôn ngữ riêng của họ để khuyến khích họ trong đức tin.

Ngài nói: "Cha biết tất cả chúng ta đều muốn thấy các bức ảnh được cải tiến kỹ thuật số, nhưng điều đó chỉ hữu hiệu cho các bức ảnh mà thôi, chúng ta không thể sửa hình (photoshop) cho người khác, cho thế giới hoặc cho bản thân chúng ta".

Ngài nói thêm rằng "có những hình ảnh rất ưa nhìn, nhưng hoàn toàn giả tạo. Hãy để cha đảm bảo với các con rằng trái tim không thể được sửa hình, bởi vì đó là nơi mà tình yêu và hạnh phúc đích thực có thể được tìm thấy."

Đức Phanxicô nổi tiếng với lối nói thẳng thừng. Chúa Nhật, ngài đã nói với các giám mục Peru rằng các vị cần phải nói ngôn ngữ của người trẻ để giúp họ hiểu sứ điệp của Tin Mừng, giống như các nhà truyền giáo Công Giáo La Mã đã học các ngôn ngữ của các dân tộc bản địa khi họ làm việc để các dân tộc này trở lại đạo.

4:25 giờ chiều

Vị Hồng Y Hoa Kỳ, người đã công khai phê phán Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì các nhận xét của ngài về các nạn nhân bị lạm dụng tình dục ở Chile, đang đồng tế Thánh Lễ cuối cùng của Đức Phanxicô tại Peru.

Đức Hồng Y Sean O'Malley là tổng giám mục của Boston và là cố vấn hàng đầu của Đức Phanxicô về lạm dụng.

Ngài là một trong hàng chục giám mục và Hồng Y cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật tại bàn thờ đặt dưới một chiếc lều vĩ đại, dựng trên một sân bay Lima bụi bặm; đây là biến cố cuối cùng của chuyến đi một tuần của Đức Giáo Hoàng tại Chile và Peru.

Đức Hồng Y O'Malley đã công khai phê phán Đức Phanxicô vào hôm thứ Bảy vì đã tố cáo các nạn nhân của linh mục ấu dâm tai tiếng nhất của Chile là vu khống một giám mục khác với các tuyên bố của họ.

Đức Hồng Y nói rằng lời lẽ của Đức Giáo Hoàng là "nguồn gây đau đớn rất lớn cho những nạn nhân bị lạm dụng tình dục."

Đức Phanxicô có thể sẽ phải đương đầu với những câu hỏi về vấn đề này trong cuộc họp báo trên không của ngài khi trở về Rôma.

4:45 giờ chiều

Các nhà chức trách nói rằng hơn một triệu người tụ tập tại căn cứ không quân để tham dự Thánh Lễ cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Peru khi ngài kết thúc chuyến đi nhiều biến cố ở Châu Mỹ La tinh.

Tham dự có Juan Rivera, một kỹ sư máy tính 31 tuổi. Ông nói ông hy vọng nghe được "những lời khích lệ" có thể giúp người Peru hòa giải các khác biệt của họ.



Nhiều người trong nước đang buồn trước việc ân xá mới đây cho nguyên người hùng Alberto Fujimori, người bị kết án 25 năm tù vì vai trò của ông trong các vụ giết 25 người bởi lực lượng an ninh lúc ông làm tổng thống.

Quốc gia này cũng bị kích động bởi một vụ tai tiếng tham nhũng chính trị khắp khu vực liên quan đến công ty xây dựng khổng lồ Odebrecht của Ba Tây.

Một số phụ nữ khóc khi Đức Phanxicô rời Tòa Khâm sứ và làm phép các cỗ tràng hạt của họ.

Tại căn cứ không quân ở ngoại ô phía nam của Lima, các lính cứu hỏa đã phun nước đám đông dưới bầu trời nóng nực và các hàng cờ phấp phới của Vatican và Peru.

Phát ngôn viên của cảnh sát là Veronica Marquez cho hay 1.2 triệu người đã tham dự Thánh Lễ. Phát ngôn viên của Vatican, ông Greg Burke, cho biết con số 1.3 triệu người, dựa vào ước tính của các viên chức địa phương.

Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ trở lại Rôma chiều Chứa nhật này.

7:12 chiều

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trên đường trở lại Rôma sau một chuyến đi kéo dài một tuần ở Nam Mỹ, một chuyến đi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi bạo lực và hệ lụy của một vụ tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Chiếc máy bay của Đức Giáo Hoàng đã cất cánh từ thủ đô Peru vào tối Chúa Nhật tiếp theo một Thánh lễ với sự tham dự của 1.3 triệu tín hữu, một kết thúc ấm áp cho chuyến đi nhiều biến cố.

Đức Phanxicô lần đầu tiên đến Chile, nơi ngài gặp gỡ và xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Nhưng sau đó ngài làm nhiều người không hài lòng khi nói: những lời tố cáo của các nạn nhân cho rằng một giám mục biết vụ lạm dụng nhưng không làm gì để ngăn chặn nó "tất cả đều là vu khống”.

Một số nhà thờ bị đốt cháy trong chuyến đi của Đức Phanxicô tại Chile, và cảnh sát đã bắn hơi cay vào những người biểu tình bên ngoài Thánh lễ ở thủ đô Santiago.

Đức Phanxicô nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt hơn ở Peru khi ngài đi sâu vào vùng Amazon để bênh vự quyền lợi của người dân bản địa và lên tiếng chống tham nhũng.
 
Lý do ơn gọi gia tăng tại giáo phận Lincoln, Nebraska, Hoa kỳ
Hồng Thủy
16:27 22/01/2018
CHICAGO - Tại hội nghị Tình bạn Sinh viên Công Giáo (FOCUS) lần thứ 18 được tổ chức tại Chicago hôm đầu tháng 1, Đức cha James Conley, Giám mục Giáo phận Lincoln từ năm 2012, đã cho biết nguyên nhân của sự gia tăng ơn gọi trong Giáo phận.

Từ những năm gần đây, Giáo phận Lincoln, bang Nebraska, Hoa kỳ, một Giáo phận nhỏ nhưng trở nên nổi tiếng với việc gia tăng ơn gọi. Giáo phận Lincoln là một Giáo phận nhỏ với 90 ngàn tín hữu, nhưng hiện giờ có 39 chủng sinh, 146 Linh mục đang làm việc với độ tuổi trung bình là 41. Trong vòng hai năm, Giáo phận Lincoln có 17 tân linh mục, vượt xa các Tổng giáo phận lớn hơn như Los Angeles. Giáo phận Lincoln cũng nổi tiếng là pháo đài của sự chính thống và phụng vụ theo nghi lễ Latinh.

Theo Đức cha Conley, có nhiều lý do giải thích về sự bùng nổ ơn gọi tại Giáo phận và rõ ràng đó là do nhiều ơn phúc. Nhưng ngài muốn đề cập đến một lý do đóng góp trực tiếp đến sự gia tăng ơn gọi, đó là sự lãnh đạo của các Giám mục. Đức cha nói đến hai vị tiền nhiệm của ngài, Đức cha Fabian Bruskewitz, Giám mục của Lincoln trong 20 năm, và Đức cha Glennon Flavin, Giám mục của Giáo phận khoảng 22 năm. Trong những năm hỗn độn sau công đồng Vatican II, hai Đức cha này luôn rất rõ ràng trong giáo huấn và rất trung thành với Huấn quyền và gia sản của Giáo hội . Và cả phụng vụ.

Sau Công đồng đã có cuộc cách mạng dưới nhiều hình thức và hình dáng, ví dụ như cách mạng tính dục, và cả cách mạng phụng vụ, hay cách mạng tín điều. Nhưng hai đức cha đã lèo lái Giáo phận trên con đường chắc chắn và do đó đã không có sự sai lầm về phụng vụ. Các linh mục được dạy cử hành Thánh lễ theo cách Giáo hội muốn Thánh lễ được cử hành, các trường học và các linh mục dạy học thuyết lành mạnh đúng với truyền thống. Hai kết quả đã nảy sinh từ sự trung thành này.

Thứ nhất là ơn gọi trong Giáo phận phát triển đều đặn. Đức cha Conley khẳng định đó là kết quả của sự lãnh đạo mà ngài được hưởng nhờ từ hai Đức cha tiền nhiệm. Đức cha giải thích tiếp rằng khi chúng ta có các Linh mục trẻ tại các giáo xứ và trường học, đại học thì người trẻ sẽ nhìn thấy mẫu gương của đời tu.

Đức cha cũng đề cập đến vai trò của các nữ tu, hiện là hiệu trưởng các trường và dạy học. Trong Giáo phận có 37 nữ tu mặc tu phục dạy tại các trường và 48 Linh mục tham gia vào việc điều hành và dạy tại các trường của Giáo phận. Vì vậy giáo dục Công Giáo có một vai trò quan trọng về sự thành công của Giáo phận. Tóm lại, phụng vụ và cầu nguyện, nơi dân chúng cảm thấy rằng khi họ tham dự Thánh lễ, họ giao tiếp với Đấng siêu việt. Đức cha nhận thấy đây là nơi mà ngài nghĩ Phụng vụ thánh rất quan trọng.

Phụng vụ Thánh là di sản của Giáo hội và Phụng vụ là để đưa con người gặp gỡ Đấng siêu việt. Linh hồn chúng ta ao ước gặp gỡ Đấng Thánh và nếu thiếu điều này chúng ta sẽ khô héo. Khi con người khám phá Đấng Thánh thì họ càng ao ước hơn. Đó là lý do Đức cha đang cổ võ chầu Thánh Thể tại nhiều giáo xứ bao nhiêu có thẻ, bởi vì chúng ta cần những giây phút bên Chúa để nghe Chúa nói với con tim chúng ta. Chúng ta cần những giây phút như thế. Nhà chầu Thánh Thể là một trong những nơi cuối cùng có thể tìm thấy sự thinh lặng. (The Catholic World Report 17/01/2018
 
Toàn bộ cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên chuyến bay từ Lima về Rôma hôm 21/1/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
18:51 22/01/2018
Trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma hôm Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã dành cho các nhà báo một cuộc phỏng vấn. Sau lời giới thiệu của ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã trả lời các câu hỏi phỏng vấn trong gần một giờ.

Source: Vatican Insider “This is why I celebrated that marriage aboard the flight”

“Tôi xin lỗi nếu tôi đã làm tổn thương các nạn nhân bị lạm dụng bằng những lời của tôi trong trường hợp của Đức Cha Barros”. Đức Thánh Cha nói khi trả lời các câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Lima trở về Rôma, và thừa nhận rằng ngài đã dùng sai từ ngữ khi trình bày về trường hợp của Đức Cha Juan Barros, giám mục giáo phận Osorno của Chí Lợi. Đức Cha Barros bị các nhóm tín hữu trong giáo phận của ngài chống đối với cáo buộc cho rằng ngài biết rõ những lạm dụng tình dục của “cha bố” là linh mục Fernando Karadima; và họ cho rằng vị Giám Mục đã bao che cho những tội ác này.

Vào ngày thứ Năm tuần trước (21/1) ở Iquique, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên địa phương, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“El día que me traigan una prueba contra el obispo Barros, ahí voy a ver. No hay una sola prueba contra el obispo Barros, todo es calumnia” (Ngày họ mang đến cho tôi một chứng minh chống lại Đức Cha Barros, tôi sẽ xem xét, chẳng có một thứ chứng minh nào chống lại Đức Cha Barros, toàn là những lời vu khống.)

Những lời này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nạn nhân bị lạm dụng ở Chí Lợi và Đức Hồng Y Sean O 'Malley đã ra một tuyên bố về vấn đề này.

Đức Giáo Hoàng cũng đã nói về đám cưới giờ đây đã trở thành thời danh trên chuyến bay từ Santiago đến Iquique. Đức Phanxicô biện minh cho sự lựa chọn của ngài bằng cách giải thích rằng đôi hôn phối này đã được chuẩn bị tốt, đã theo các khóa học trước hôn nhân và đã lãnh nhận bí tích hòa giải.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi chuyến đi Chí Lợi và Peru là một cuộc hành trình “tiệt trùng”, giống như sữa, bởi vì chúng ta đã trải qua những nhiệt độ khác nhau từ nóng đến lạnh.

Câu hỏi 1: Vào ngày đầu tiên ở Chí Lợi, Đức Thánh Cha đã gửi một thông điệp mạnh mẽ chống lạm dụng trẻ em. Nhưng rồi khi tuyên bố về trường hợp Đức Cha Barros, ngài lại nói về “vu khống”. Tại sao ngài không tin các nạn nhân mà lại tin Đức Cha Barros?

Tại Chí Lợi, tôi đã nói hai lần về những hành vi lạm dụng: trước chính phủ và trong nhà thờ chính tòa với các linh mục. Tôi tiếp tục chính sách không một chút khoan dung (zero-tolerance) đã được khởi đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Và trong 5 năm tôi đã không ký bất kỳ một yêu cầu xin khoan hồng nào. Nếu phạm lỗi lần thứ hai, cách duy nhất là người phạm lỗi phải thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng và xin khoan hồng. Trong 5 năm, tôi đã nhận được khoảng 25 thỉnh cầu xin được khoan hồng. Tôi chưa ký một trường hợp nào. Về trường hợp của Đức Cha Barros: Tôi đã nghiên cứu, và điều tra kỹ. Thực sự không có bằng chứng nào là ngài có lỗi. Tôi yêu cầu trưng ra bằng chứng thì tôi mới thay đổi quan điểm của mình. Tại Iquique, khi họ hỏi tôi về Đức Cha Barros, tôi nói: “ngày nào có một chứng minh, tôi sẽ nói”. Tôi đã sai khi sử dụng từ prueba “chứng minh”, ý tôi muốn nói là evidencia “bằng chứng”: Tôi biết rằng nhiều người bị lạm dụng không thể có những chứng minh cụ thể. Họ không có, hoặc không thể có, hay nếu có đi chăng nữa họ cảm thấy xấu hổ: bi kịch của những nạn nhân của sự lạm dụng thật là khủng khiếp. Tôi đã gặp một người đàn bà đã bị lạm dụng 40 năm trước, đã kết hôn và có ba đứa con, bà ấy không thể rước lễ được vì bà ấy thấy nơi tay của linh mục, bàn tay của kẻ đã lạm dụng bà. Từ “chứng minh” không phải là từ tốt nhất, tôi muốn nói “bằng chứng”. Trong trường hợp của Đức Cha Barros, tôi đã nghiên cứu và kiểm tra đi kiểm tra lại, mà không có bằng chứng nào để lên án ngài. Và nếu tôi lên án ngài mà không có bằng chứng hoặc sự xác tín về mặt luân lý, tôi sẽ phạm tội xét đoán sai.

Câu hỏi 2: Một trong những lá thư Đức Thánh Cha gởi đến các Giám mục Chí Lợi đã được công khai. Trong bức thư đó, ngài đã đề cập đến việc có thể cho Đức Cha Barros ngưng việc trong một năm...

Tôi phải giải thích lá thư này cho các bạn đó là vì sự thận trọng nên mới nói về một thời gian kéo dài 10 đến 12 tháng. Khi vụ tai tiếng Karadima nổ ra, chúng tôi bắt đầu xét xem có bao nhiêu linh mục cha Karadima đã từng dạy, đã bị lạm dụng hoặc chính họ thực hiện các lạm dụng. Có ba giám mục ở Chí Lợi từng được cha Karadima gửi đến chủng viện. Một số vị trong Hội Đồng Giám Mục đã gợi ý rằng họ nên từ chức, lấy một năm sabbatical để Giáo Hội vượt qua cơn bão này: các Giám Mục này là những người tốt, các giám mục tốt, như Đức Cha Barros, người có hai mươi năm làm giám mục và lúc đó sắp hoàn thành nhiệm vụ của mình trong vai trò Giám Mục quân đội. Có ý kiến yêu cầu ngài từ chức. Ngài đến Rôma gặp tôi và tôi nói không, bởi vì điều đó có nghĩa là thừa nhận một tội lỗi được giả định như thế. Tôi đã bác đơn từ chức của ngài. Sau đó, khi được bổ nhiệm làm giám mục Osorno, phong trào phản kháng này nảy sinh: Tôi đã nhận được đơn từ chức lần thứ hai của ngài. Và tôi đã nói: không, Đức Cha cứ tiếp tục! Đức Cha Barros vẫn tiếp tục bị điều tra, nhưng không ai tìm được bằng chứng nào cả. Tôi không thể lên án ngài, tôi không có bằng chứng, và tôi tin rằng ngài vô tội.

Câu hỏi 3: Còn phản ứng của nạn nhân đối với các tuyên bố của Đức Thánh Cha thì ngài nghĩ thế nào?

Tôi phải xin lỗi trước những cảm nhận của những người bị lạm dụng. Từ “chứng minh” đã làm tổn thương rất nhiều người trong số họ. Họ nói: ‘Tôi đi tìm một giấy chứng nhận hay sao?” Tôi xin lỗi họ nếu tôi làm tổn thương họ mà không nhận ra điều đó, tôi không có ý đó. Và điều này gây cho tôi rất nhiều đau đớn, bởi vì tôi đã gặp họ: ở Chí Lợi có hai cuộc họp được công chúng biết đến, những cuộc họp khác đã không được tiết lộ. Trong mỗi chuyến đi, tôi luôn có cơ hội để gặp gỡ các nạn nhân, cuộc họp ở Philadelphia đã được công bố, nhưng các trường hợp khác không được đề cập đến. Khi nghe rằng Đức Giáo Hoàng bảo họ: “Hãy trình cho tôi một lá thư với bằng chứng, là một cái tát” vào mặt các nạn nhân, tôi nhận ra rằng cách dùng chữ của tôi đã không được tốt, và tôi hiểu, như Peter viết trong một lá thư của anh ta rằng lửa đã nổi lên. Đó là những gì tôi có thể nói rất thành thật.

Câu hỏi 4: Các lời khai của những nạn nhân bị lạm dụng không phải là bằng chứng đối với ngài sao, thưa Đức Thánh Cha?

Lời khai của các nạn nhân luôn là bằng chứng. Trong trường hợp của Đức Cha Barros không có bằng chứng ngài đã từng lạm dụng...

Câu hỏi 5: Người ta không cáo buộc ngài lạm dụng, nhưng đã che giấu các hành vi lạm dụng.

Không có bằng chứng nào về điều này cả.... Tôi mở rộng con tim ra để đón nhận những bằng chứng ấy.

Câu hỏi 6: Đức Thánh Cha đã phản ứng như thế nào đối với lời tuyên bố của Đức Hồng Y O 'Malley về cách dùng từ “vu khống” của ngài trong trường hợp Đức Cha Barros, là từ đã gây ra nhiều đau đớn cho các nạn nhân?

Đức Hồng Y nói rằng Đức Giáo Hoàng đã luôn luôn áp dụng chính sách “không khoan dung”. Rồi thì có chuyện lựa chọn không tốt từ ngữ, tôi đã nói về vu khống, để nói về một ai đó cứ quyết liệt khăng khăng một điều mà không có bằng chứng gì cả. Nếu tôi nói rằng: bạn đã ăn cắp, mà bạn không có đánh cắp, thì tôi đang lăng mạ, bởi vì tôi không có bằng chứng. Đó là một thành ngữ chẳng may. Nhưng tôi chưa hề nghe nói có bất cứ ai là nạn nhân của Đức Cha Barros. Họ không bước ra, chẳng hề ra mặt, họ đã không đưa ra được bằng chứng nào trước tòa. Tất cả chỉ là những lời gió thoảng mây bay vậy thôi. Đúng là Đức Cha Barros nằm trong nhóm thanh thiếu niên của cha Karadima. Nhưng chúng ta hãy rõ ràng: nếu bạn quyết liệt cáo buộc ai đó mà không có bằng chứng gì cả, thì đó là vu khống. Tuy nhiên, nếu một ai đến và đưa ra bằng chứng, tôi sẽ là người đầu tiên lắng nghe họ. Tuyên bố của Đức Hồng Y O'Malley là rất đúng, và tôi đã cảm ơn ngài. Ngài đã nói về nỗi đau của các nạn nhân nói chung.

Câu hỏi 7: Ủy ban Bảo vệ Trẻ em của Tòa thánh đã hết hạn. Có phải điều này có nghĩa là nó không còn là một ưu tiên nữa?

Ủy ban đã được bổ nhiệm trong ba năm. Một khi nó hết hạn, một ủy ban mới sẽ được nghiên cứu. Đã có quyết định gia hạn các thành viên và bổ nhiệm các thành viên mới. Danh sách chung cuộc đã được trình lên tôi trước khi bắt đầu chuyến tông du này, và giờ đây nó sẽ theo thủ tục bình thường của Giáo Triều. Chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ các thành viên mới. Có một vài nhận xét cần làm rõ. Nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không làm điều đó... đây là những khoảng thời gian bình thường cần phải có.

Câu hỏi 8: Đức Thánh Cha sẽ nói như thế nào với những người cho rằng chuyến viếng thăm của ngài đến Chí Lợi là một thất bại, đối với vài người, và thực tế là Giáo Hội còn chia rẽ hơn so với trước đó?

Đây là lần đầu tiên tôi nghe điều này. Tôi rất vui về chuyến đi đến Chí Lợi, tôi không mong đợi nhưng có nhiều người trên đường phố, và những người này đã không đến vì được trả tiền!

Câu hỏi 9: Tại Peru, tầng lớp chính trị đã lừa dối dân chúng với những hành vi tham nhũng và với những thứ ân xá do thương lượng với nhau [ý người ký giả này muốn đề cập đến việc đương kim tổng thống đã ân xá cho cựu tổng thống Alberto Fujimori]. Đức Thánh Cha nghĩ sao về điều này?

Tôi biết có tham nhũng ở một số nước châu Âu. Và ở Mỹ Latinh cũng có nhiều trường hợp. Có nhiều người nói về vụ án Odebrecht [đó là một công ty của Brazil ở trung tâm bão của những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Tổng thống Peru Paolo Kuczynsky], nhưng đây chỉ là một ví dụ điển hình trong danh sách dài. Nguồn gốc của tham nhũng là căn nguyên tội lỗi dẫn chúng ta ra như vậy. Tôi đã viết một cuốn sách nhỏ có thông điệp là: tội lỗi thì được, nhưng băng hoại thì không. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, khi chúng ta phạm tội lỗi mà không nhận ra điều ác và không xin được tha thứ thì đó là băng hoại. Tội lỗi không làm tôi sợ hãi, nhưng băng hoại thì tôi lo lắm, bởi vì nó làm hư hỏng linh hồn và thân xác. Người băng hoại quá tự tin khi cho rằng họ không thể quay trở lại... đó là sự hủy diệt của con người. Các chính trị gia thu tóm quá nhiều quyền lực, và cả các doanh nhân chỉ trả một nửa số tiền mà họ nợ công nhân cũng là tham nhũng. Một bà chủ nhà nghĩ rằng bà ta có thể lợi dụng người giúp việc của mình hoặc đối xử tệ hại với người ấy cũng là chuyện tham tàn. Tôi đã có lần nói chuyện với một chuyên gia trẻ 30 tuổi đã đối xử với những người giúp việc trong nhà của mình một cách tệ hại, tôi đã bảo anh ta đó là một tội lỗi. Và anh ta cãi lại: đừng so sánh những người này với tôi, những người này đáng như thế mà. Đây là những gì những người khai thác tình dục người khác, và những người khai thác sức lao động nô lệ nghĩ như vậy: họ là những kẻ băng hoại.

Câu hỏi 10: Có những băng hoại trong Giáo hội, chúng ta hãy suy nghĩ về trường hợp Sodalizio [đó là phong trào giáo dân do ông Luis Figari thành lập ở Peru đang bị cáo buộc tội lạm dụng tính dục].

Vâng, có những băng hoại trong Giáo Hội. Đã có những trường hợp trong lịch sử của Giáo Hội. Người sáng lập ra Sodalizio đã bị báo cáo là không chỉ lạm dụng tình dục mà còn lèo lái cả lương tâm người ta. Toà Thánh đã tiến hành phiên tòa đó, một bản án đã được đưa ra, bây giờ ông ta sống một mình, với sự trợ giúp của một người giúp việc. Ông ta tuyên bố mình vô tội và kháng cáo lên Tòa Ân Giải Tối Cao, là tòa án tư pháp cao nhất của Tòa Thánh. Nhưng đây là cơ hội cho các nạn nhân khác khiếu nại cả trong các vụ kiện dân sự và giáo hội. Nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn đã nổi lên, tư pháp dân sự đã can thiệp và tôi nghĩ là một hướng đi đúng trong những trường hợp lạm dụng như thế này; và tôi tin rằng tình hình đã trở nên bất lợi cho người sáng lập. Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất, có những chuyện khác không được rõ ràng như thế, là những chuyện có bản chất liên quan đến kinh tế. Sodalizio hiện nay đang bị điều tra. Một trường hợp tương tự là trường hợp liên quan đến phong trào Đạo Binh [Chúa Kitô], đã được giải quyết: Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 quyết liệt không dung thứ cho những điều này và tôi đã học được nhiều từ ngài.

Câu hỏi 11: Sau cuộc hôn nhân giữa người nữ tiếp viên và anh chàng quản lý trên máy bay, Đức Thánh Cha sẽ nói gì với các linh mục giáo xứ trước những cặp vợ chồng muốn kết hôn trên máy bay hay trên tàu thủy?

“Đức Thánh Cha có nghĩ đến đám cưới trên du thuyền hay không?” Một người trong số các bạn nói với tôi rằng tôi rất điên khi làm những việc này. Nó đơn giản thôi. Chàng ta [Carlos Ciuffardi] đã tham gia chuyến bay vào ngày hôm trước. Còn nàng ta [Paula Podest] thì không. Chàng ta đã nói chuyện với tôi. Tôi nhận thấy rằng anh ta đang thử tôi đó mà... đó là một cuộc trò chuyện tốt. Ngày hôm sau cả hai đều có mặt ở đó và khi chúng tôi chụp hình chung, họ nói với tôi rằng họ đã kết hôn dân sự cách nay 8 năm và định là cử hành phép hôn phối tại giáo xứ, nhưng nhà thờ sụp đổ vì động đất một ngày trước đám cưới. Và như vậy chưa có hôn phối đạo. Họ nói: chúng ta sẽ làm phép hôn phối vào ngày mai, hay ngày mốt. Sau đó, cuộc sống dần qua: một đứa con gái, rồi đến một đứa khác. Tôi hỏi họ những câu hỏi và họ nói với tôi rằng họ đã học các khóa học giáo lý hôn nhân. Tôi đánh giá là họ đã được chuẩn bị. Các bí tích là dành cho dân chúng, và nếu mọi điều kiện đều rõ ràng thì tại sao không thể làm những gì có thể được thực hiện ngày hôm nay? Chờ đợi vào ngày mai có lẽ sẽ có nghĩa là chờ thêm 10 năm nữa. Cả hai đều đã dọn mình trước mặt Chúa với bí tích sám hối. Họ nói với tôi rằng họ đã dự trù một số ý định của họ: “Chúng ta hãy đi gặp Đức Giáo Hoàng để xin ngài làm phép cưới cho chúng ta. Tôi không biết điều đó có đúng thế không. Hãy nói với các linh mục giáo xứ rằng Đức Giáo Hoàng đã hỏi họ rất kỹ, đó là một tình huống bình thường thôi mà.

Câu hỏi 12: Ở Amazon, Đức Thánh Cha đã nói về “sự suy đồi” của một số chính sách thúc đẩy việc bảo tồn thiên nhiên mà không tính đến con người. Ngài có nghĩ rằng có một loại chủ nghĩa môi sinh cuối cùng lại đâm ra chống lại nhân loại?

Vâng, tôi nghĩ thế. Trường hợp cụ thể tôi đang đề cập đến là những lo ngại về khu vực Amazon: để bảo vệ rừng, một số bộ lạc đã bị di dời. Cuối cùng là chính khu rừng đã bị khai thác. Có những số liệu thống kê. Một số bộ lạc đã bị loại ra khỏi sự tiến bộ thực sự.

Câu hỏi 13: Một trong những mục tiêu của Giáo hội là chống lại đói nghèo: Chí Lợi đã hạ thấp tỷ lệ đói nghèo từ 40 chỉ còn 11 phần trăm, và đó là kết quả của một chính sách tự do. Có điều gì là tốt trong chủ nghĩa tự do?

Chúng ta cần xem xét cẩn thận các trường hợp kiên quan đến chính sách tự do. Một số quốc gia ở Mỹ Latinh đã thực hiện các chính sách tự do và đã dẫn tới sự nghèo đói cùng cực. Tôi không biết phải trả lời ra sao, nhưng nói chung một chính sách tự do mà không liên quan đến tất cả mọi người, là một chính sách chọn lọc và dẫn đến những thoái hóa. Tôi không biết trường hợp của Chí Lợi, nhưng ở các nước khác nó dẫn đưa các quốc gia đi xuống.

Câu hỏi 14: Một tin liên quan đến Đức Hồng Y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga đã nổ ra: ngài bị cáo buộc là lấy tiền từ Đại học Công Giáo Honduras. Đức Thánh Cha nghĩ sao?

Đức Hồng Y Maradiaga đã đưa ra một tuyên bố về vấn đề này trên truyền hình và tôi lặp lại những gì ngài nói.

Câu hỏi 15: Ấn tượng của ngài về chuyến đi này là gì thưa Đức Thánh Cha?

Đó là ấn tượng về một dân tộc trung tín, những người đã trải qua và vẫn còn đang trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn có một đức tin gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Một dân tộc đã thể hiện được niềm vui và niềm tin của mình. Họ là một dân tộc “insantata”, là một dân tộc Mỹ Latinh có nhiều vị thánh hơn cả. Từ Peru, tôi mang theo tôi một ấn tượng về niềm vui, niềm tin, hy vọng, và trên hết là tôi đã thấy nhiều trẻ em! Tôi thấy những hình ảnh đã từng thấy ở Phi Luật Tân và Colombia khi các bà mẹ và các ông bố giơ cao con mình lên... Điều này nói về tương lai, nói về hy vọng. Đó là bảo chứng cho sự thịnh vượng này.

 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cương quyết bênh vực Đức Cha Barros của Chile
Vũ Văn An
22:12 22/01/2018
Theo nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, các tuyên bố của Đức Phanxicô liên quan tới những người muốn kết tội Đức Cha Barros của Chile đã gây ra một phản ứng tiêu cực rầm rộ, nhất là tiếp theo lời phê phán của Đức Hồng Y O’Malley đối với các tuyên bố này.

Người phản ứng tiêu cực hạng nhất lẽ dĩ nhiên là Peter Saunders, cựu thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên nhưng đã bị Ủy Ban này cho nghỉ “gia hạn không lương” và sau đó đã phải từ chức khỏi Ủy Ban và cũng là người được Đức Hồng Y O’Malley khuyến khích thành lập 1 “panel” để góp ý với Ủy Ban.

Anh ta hết lòng ca ngợi hành động của Đức Hồng Y O’Malley, coi ngài xứng đáng làm giáo hoàng hơn Đức Phanxicô! Anh ta nói: “Tôi thực sự nghĩ O’Malley thích hành động, và nếu ngài làm giáo hoàng, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy 1 thế giới khác hẳn”.

Đối với Đức Phanxicô, anh ta bảo: “việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn công các nạn nhân của Karadima đã làm ngài mất nhiều bạn hơn ngài nghĩ. Ngài chắc chắn không phải là con người tôi nghĩ ngài là trước đây.”

Thế nhưng, cũng theo Inés San Martín, trong một bài báo khác, tuy Đức Phanxicô cho rằng ngài sử dụng từ ngữ không khéo lắm nhưng ngài cương quyết bênh vực Đức Cha Barros. Ngài nói thế trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Lima trở lại Rôma hôm Chúa Nhật 21 tháng 1 năm 2018.

Vụ Đức Cha Barros

Nói với các nhà báo trên chuyến bay, ngài cho biết ngài xác tín sự vô tội của Đức Cha Barros, vị giám mục bị tố cáo là che đậy các hành vi lạm dụng của Cha Karadima, một linh mục tai tiếng nhất ở Chile về tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Ngài nói như đinh đóng cột: Đức Cha Barros “sẽ tiếp tục ở lại nhiệm sở của ngài, tôi không thể kết án ngài mà không có bằng chứng. Bản thân tôi xác tín ngài vô tội.”

Tuy nhiên, Đức Phanxicô tỏ ý tiếc cung cách ngài nhấn mạnh tới điểm trên ở Chile. Ngài cho rằng nói về việc trên, đáng lẽ ngài nên rõ ràng hơn trong việc phân biệt “evidence” (bằng chứng) và “proof” (chứng cớ) nhất là vì các nạn nhân bị lạm dụng thường trải nghiệm việc chịu thiệt hại sâu xa nhưng không nhất thiết ở vị trí có thể “chứng minh” được nó.

Một cách căn bản hơn, Đức Phanxicô nói rằng ngài biết các nạn nhân rất đau khổ, và ngài thừa nhận rằng “cảm thấy Đức Giáo Hoàng nói vào mặt họ, ‘hãy cho tôi một lá thư với bằng cớ,’” quả là “một cái tát vào mặt”.

Nên nhớ hôm thứ Năm, ngày cuối cùng ở Chile, khi ngài đang chuẩn bị cử hành Thánh Lễ ở Iquique, Đức Giáo Hoàng được một nhà báo địa phương hỏi về vụ Đức Cha Barros. Đức Phanxicô trả lời rằng ngày nào ngài nhận được chứng cớ chống lại Đức Cha Barros, ngài sẽ quyết định sẽ làm gì. Lúc đó, ngài nói: “không hề có một chứng cớ chống lại ngài, tất cả chỉ là vu khống.”

Ngài nói với các nhà báo trong chuyến bay rằng ngài đã nghĩ có nên trả lời câu hỏi của nhà báo địa phương hay không, và đã quyết định trả lời vì Đức Cha Barros vốn là giám mục Iquique và người hỏi câu hỏi này thuộc về giáo phận ấy, do đó, ông ta có quyền được biết chuyện.

Rồi ngài quả quyết: ngài đã cho điều tra vụ Đức Cha Barros và cuộc điều tra đã kết luận: “không có bằng chứng” nào cả. Ngài nhấn mạnh: “không có bằng chứng, không có chứng cớ phạm tội. Tôi đợi bằng chứng để thay đổi cách tôi nghiêng về. Cho đến lúc đó, tôi áp dụng nguyên tắc pháp lý của bất cứ tòa án nào: vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội.”

Ngài nói rõ thêm: “vụ Đức Cha Barros đã được nghiên cứu đi nghiên cứu lại, mà vẫn không có bằng chứng. Đó là điều tôi muốn nói. Tôi không có bằng chứng để kết án ngài. Và nếu tôi phải kết án ngài mà không có bằng chứng hay sự chắc chắn tinh thần nào, thì là tôi phạm tội làm quan tòa xấu.”

Nhắc đến câu trả lời của ngài với nhà báo địa phương, Đức Phanxicô cho rằng chữ “chứng cớ” (proof) có lẽ “không phải là chữ tốt nhất để tiếp cập một trái tim bị thương tổn.”

Ngài nói thêm: “Tôi đang nói tới bằng chứng. Dĩ nhiên, tôi biết rằng có nhiều nạn nhân bị lạm dụng mà không thể mang chứng cớ, họ không có chứng cớ. Họ không thể hoặc đôi khi không có [chứng cớ], hay họ mắc cỡ và dấu chứng cớ đi, và âm thầm chịu đau khổ. Bi kịch của những người bị lạm dụng này thật khủng khiếp.”

Đức Phanxicô cũng tâm sự rằng Đức Cha Barros đã đệ đơn từ chức hai lần, 1 lần trước khi Đức Phanxicô cử ngài lãnh đạo giáo phận miền nam năm 2015 và 1 lần sau đó.

Sau vụ Cha Karadima bùng nổ, một vị trong hội đồng giám mục Chile có đề nghị Đức Cha Barros và 3 vị giám mục khác trước đó từng được Cha Karadima “gửi về chủng viện” nên đệ đơn từ chức.Trong bốn vị này, một vị đang bệnh nặng, nên không ai lưu ý và dù sao cũng không còn lãnh đạo 1 giáo phận nào.

Kế hoạch là các vị giám mục nói trên sẽ từ chức, lấy 1 năm nghỉ, và khi sóng gió đã qua, sẽ quyết định phải làm gì.

Đức Phanxicô quả quyết rằng: sở dĩ có đề nghị đó là để “tránh các tố cáo, vì đây là những giám mục tốt lành. Chúng tôi yêu cầu từ chức, và Đức Cha Barros đã quảng đại đáp ứng. Ngài tới Rôma, nhưng tôi nói không. Đức Cha không hành xử như thế được, vì như thế là nhận tội.”

Khi Đức Cha Barros được thuyên chuyển từ chức giám mục tuyên úy quân đội sang làm giám mục giáo phận Osorno, và các vụ phản đối tiếp diễn chống lại ngài, một lần nữa ngài lại đệ đơn từ chức với Đức Phanxicô, “và tôi lại nói không, Đức Cha về [giáo phận mới].”

Các nhà báo nói tiếng Anh hỏi Đức Phanxicô về lời tuyên bố hôm thứ Bẩy của Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston, chủ tịch Uỷ Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên, về nhận định của Đức Giáo Hoàng về Đức Cha Barros. Trong lời tuyên bố ấy, Đức Hồng Y nói rằng vì Đức Giáo Hoàng cam kết với chính sách tuyệt đối không khoan dung, nên “dễ hiểu” việc các lời lẽ của ngài gây “đau đớn lớn”.

Đức Phanxicô lưu ý tới phần thứ hai của các lời tuyên bố ngài đưa ra hôm thứ Năm, về các lời tố cáo chống lại Đúc Cha Barros là “Vu khống.” Ngài nói “nhấn mạnh mà không có bằng chứng về việc này hay về việc nọ là vu khống. Nếu tôi bảo một ai đó ăn cắp một vật gì, mà không có bằng chứng, thì là vu khống. Tôi chưa được nghe một nạn nhân nào của Đức Cha Barros. Họ không đến [gặp tôi]. Họ không cung cấp bằng chứng.”

Nói với các nhà báo, Đức Giáo Hoàng cho hay: “qúy vị bảo tôi có bằng chứng,” nhưng nhấn mạnh rằng ngài chưa thấy bằng chứng nào của các nạn nhân vì “họ không tự trình diện.”

Một số nạn nhân tố cáo Đức Cha Barros tội bao che đã nhiều lần nói chuyện với các nhà báo để trình bầy trường hợp của họ, nhưng cho đến nay, người ta không rõ liệu họ có bao giờ chính thức xin được gặp Đức Giáo Hoàng hoặc qua Tòa Thánh hoặc qua đại diện của ngài tại Chile.

Các giáo dân ở Osorno từng phản đối việc bổ nhiệm Đức Cha Barros cho Crux hay trước cuộc tông du của ngài, họ có xin gặp Đức Phanxicô, nhưng cuộc gặp gỡ đã không diễn ra, nhưng họ không phải là các nạn nhân bị lạm dụng.

Nhân dịp này, Đức Phanxicô cho hay chính vị tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI, đã áp đặt chính sách “tuyệt đối không khoan dung” đối với các vụ lạm dụng, và ngài chỉ là người bước theo. Bất kể các tường trình của một số giới, Đức Phaxicô quả quyết rằng ngài chưa bao giờ ký lệnh ân xá cho bất cứ giáo sĩ lạm dụng tình dục nào trong suốt 5 năm làm giáo hoàng.

Cũng trái với nhận định nói chung của báo chí thế tục coi cuộc tông du Chile là một thất bại, Đức Phanxicô quả quyết rằng nghĩ như thế là “chuyện thần tiên”. Ngược lại, ngài rất hài lòng khi rời nước này vì “không ngờ lại đông người đến thế ra đường phố” nghinh đón ngài.

Tuyên bố của Đức Hồng Y Sean O’Malley

Cũng trái với đồ đoán của truyền thông thế tục, Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên vẫn tiếp tục hiện hữu và hoạt động. Đây là nhận định của vị chủ tịch Ủy Ban này là Đức Hồng Y Sean O,Malley, Tổng Giám Mục Boston.

Như bạn đọc đã biết thứ Bẩy vừa qua trong một bản tuyên bố đăng trên trang mạng của Tổng Giáo Phận Boston và được VaticanNews của Tòa Thánh đăng lại, Đức Hồng Y O’Malley quả quyết cam kết của Đức Phanxicô đối với các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục. Cũng trong tuyên bố này, Đức Hồng Y bình luận lời tuyên bố của Đức Phanxicô tại Chile liên quan đến vụ Đức Cha Barros.

Sau đây là nguyên văn Bản Tuyên Bố của Đức Hồng Y O’Malley:

“Điều dễ hiểu là các câu tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày hôm qua ở Santiago, Chile là một nguồn gây ra sự đau đớn lớn lao cho các nạn nhân bị một số giáo sĩ lạm dụng tình dục hay các kẻ vi phạm khác. Lời lẽ nào chuyển tải sứ điệp “nếu bạn không thể chứng minh lời ta thán của bạn thì bạn sẽ không đáng tin” đều đã bỏ rơi những người từng chịu các vi phạm hình sự đáng bị khiển trách, xúc phạm tới nhân phẩm của họ và đầy ải các người sống sót vào cuộc lưu đầy mất thể diện.

Vì không được đích thân can dự vào các vụ việc vốn là đề tài của cuộc phỏng vấn hôm qua, nên tôi không thể nói tại sao Đức Thánh Cha đã chọn các từ ngữ đặc thù mà ngài sử dụng lúc ấy. Tuy nhiên, điều tôi biết là Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhìn nhận đầy đủ các thất bại quá sức của Giáo Hội và chính hàng giáo sĩ đã lạm dụng các trẻ em và tác động tàn hại do các tội ác này này gây ra cho các người sống sót và người thân của họ.

Tháp tùng Đức Thánh Cha trong nhiều buổi gặp gỡ các người sống sót, tôi đã mục kích nỗi đau đớn của ngài khi biết chiều sâu và chiều rộng của các vết thương tạo nơi những người bị lạm dụng và diễn trình phục hồi có khi cần cả một đời người. Các câu tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rằng không có chỗ nào trong đời sống Giáo Hội cho những người lạm dụng trẻ em và chúng ta phải duy trì chính sách tuyệt đối không khoan dung cho các tội ác này đều chân thực và là các cam kết của ngài.

Lời cầu nguyện và quan tâm của tôi sẽ luôn ở với các người sống sót và các người thân yêu của họ. Chúng ta không bao giờ có thể cởi bỏ được nỗi đau khổ mà họ vốn cảm nghiệm, hoặc chữa lành hoàn toàn nỗi đau khổ của họ.Trong một số trường hợp, ta phải nhìn nhận rằng ngay các cố gắng của chúng ta để đề xuất trợ giúp cũng có thể là một nguồn gây đau buồn cho các người sống sót và chúng ta phải lặng lẽ cầu nguyện cho họ trong khi cung cấp sự hỗ trợ để chu toàn bổn phận tinh thần của ta. Tôi vẫn luôn tận tụy đối với việc hàn gắn tất cả những ai bị làm hại như thế và thận trọng làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm sự an toàn cho các trẻ em trong cộng đồng Giáo Hội để những tội ác này sẽ không bao giờ tái diễn nữa.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Tạ ơn khánh thành và cung hiến nhà thờ GX. Dak-Nhau GP Ban Mê Thuột
Ban VHTT - BMT
11:00 22/01/2018
Từ 08g00 sáng ngày 17. 01. 2018, khuôn viên nhà thờ giáo xứ Dak-nhau, giáo hạt Đồng Xoài, thuộc Giáo phận Ban Mê Thuột (tỉnh Bình Phước) rộn rã tưng bừng, cờ xí tung bay phất phới trong ánh nắng ban mai huy hoàng. Hàng ngàn gười người nô nức tiến về giáo đường trong những trang phục đủ sắc màu rực rỡ, làm cho khung cảnh một vùng quê thêm sinh động, hiếm có tại các thôn làng, buôn sóc xa xôi hẻo lánh... Bởi hôm nay là ngày trọng đại của giáo xứ: ĐGM giáo phận về dâng thánh lễ khánh thành và cung hiến tân thánh đường.

Xem Hình

Đến nơi đây, người ta ngỡ ngàng thấy một thánh đường, sừng sững uy nghiêm nổi bật giữa rừng cây xanh màu lá…Thánh đường được được thiết kế theo kiểu nhà Rông, trên một gò đất cao do giáo dân trong giáo xứ đổ hàng ngàn xe đất bồi đắp...

Trong không khí hân hoan, cha Quản xứ P.A. Trương Hồng Chương và toàn thể giáo xứ vui mừng chào đón Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận BMT, 60 linh mục, quý tu sỹ, đông đảo quý khách trong và ngoài giáo xứ... ĐGM thân tình thăm hỏi giáo dân với nụ cười luôn nở trên môi.

Vì số người đến rất đông, để dành chỗ trong nhà thờ cho quý khách, bà con giáo dân trong giáo xứ tham dự qua hai màn hình led lớn phía trước và hai màn hình nhỏ hai bên hông nhà thờ.

Đúng 09g30, đoàn rước kiệu Linh cốt 06 Thánh tử Đạo tiến vào tiền đường trong tiếng trống, tiếng kèn, cồng chiêng vang dội. Trước tiền sảnh nhà thờ, ĐGM ngỏ lời với cộng đoàn: “Chúng ta vui mừng tề tựu tại đây, để cung hiến nhà thờ mới bằng cử hành Hy Tế của Chúa, Chúng ta hãy sốt sắng tham dự các nghi lễ thánh này, lắng nghe Lời Chúa với đức tin, khi được tái sinh từdòng nước Thanh Tẩy và được nuôi dưỡng bởi cùng một bàn tiệc ThánhThể, cộng đoàn chúng ta trở thành đền thờ thiêng liêng, tâm hồn chúng ta được nâng cao nhờ tình yêu trên trời”. ĐGM cắt băng khánh thành và mở cửa nhà thờ.

Trong phần phụng vụ Lời Chúa đều được đọc bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng dân tộc M’ Nông. Bài giảng sau đoạn Tin Mừng (Ga2, 13-22), ĐGM nhắn nhủ cộng đoàn: “Đức Giê-su đuổi những người buôn bán súc vật ra khỏi khuôn viên Đền Thờ, vì đây là thánh địa được dành riêng cho việc cầu nguyện. Nhà Thờ phải luôn thanh sạch. Nhà thờ là Nhà Thiên Chúa, là nơi mọi người gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em… Vì thế, tất cả mọi hoạt động tại nơi này phải được thực hiện theo tinh thần bác ái, yêu thương và phục vụ vô vị lợi…”

Sau đó, ĐGM cử hành nghi thức cung hiến: đặt linh cốt Thánh Tử Đạo VN vào nơi trang trọng, gồm: Thánh Anna Lê Thị Thành, Emmanuel Lê Văn Phụng, Phao-lô Phạm Khắc Khoan, Philiphê Phan Văn Minh, Gioan Đạt và Phao-lô Lê Bảo Tịnh.

Thánh lễ diễn ra rất trang trọng và sốt sắng. Sau bữa tiệc huynh đệ, mọi người ra về trong niềm hân hoan phấn khởi: Từ nay giáo xứ có ngôi thánh đường khang trang xứng đáng là nơi Chúa ngự, là nơi cộng đoàn gặp gỡ nhau trong tình Chúa và tình người.

Được biết, Giáo họ Đak-nhau được Đức cố Giám mục, Giám Quản Tông tòa BMT, nâng lên hàng giáo xứ vào ngày 27. 03. 2009, và cử linh mục Phanxicô Assisi Trương Hồng Chương làm cha Quản xứ tiên khởi. Tuy giáo xứ còn non trẻ, nhưng nhờ tài tháo vát, năng nổ của cha quản xứ Trương Hồng Chương, giáo xứ đã không ngừng phát triển. Số tín hữu người kinh, anh em dân tộc M’Nông và Stiêng tăng nhanh. Đời sống đức tin của bà con giáo dân ngày càng vững mạnh. Từ 03 hộ gia đình Công Giáo (1980) đến nay đã có 2.644 hộ với 11.473 giáo dân. Hiện nay với sự cộng tác của quý cha phó xứ Giáo xứ đã có đầy đủ các ban ngành, đoàn thể... và một dãy nhà sinh hoạt đa năng đang trong giai đoạn hoàn thành. Giáo xứ có 06 giáo họ gồm: Bom Bo I, Bình Minh, Bom Bo 2, Đức Liên, Bù Oai và Đăng Điêng R'Hách. Ngày 16. 05. 2017 giáo họ Bình Minh được tách thành giáo xứ Bình Minh.

Ban VHTT - BMT
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Càng Xây Càng Vỡ
Phạm Trần
22:07 22/01/2018
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm cách không tự đào hố chôn mình trong công tác thanh lọc hàng ngũ trước Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào tháng 05/2018.

Đây là kế họach “Xây Dựng Đảng” không có lối thoát được gọi là “chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, từng quy định tại kỳ họp Trung ương lần thứ ba của khóa đảng VIII, ngày 18/06/1997, thời Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Nhưng sau 21 năm thi hành, qua 4 đời Tổng Bí thư (Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng), công tác cán bộ vẫn là khúc xương khó nuốt của đảng CSVN. Trong nội bộ, các tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, chạy chức chạy quyền, lợi ích nhóm, suy thoái đạo đức, tư tưởng lệch lạc, công khai chỉ trích Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, xa dân, lánh đảng, trên bảo dưới không nghe, “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” ra ngoài chủ trương, đường lối đảng v.v… đã bộc lộ công khai và lan rộng trên khắp lĩnh vực, kể cả trong Quân đội và Cộng an.

Công tác cải tổ hành chính, thực hiện từ mấy chục năm, để cho bộ máy nhà nước tinh gọn, nhẹ bớt gành nặng phải chi tiền nhiều cửa cho dân, thực tế chỉ để “hành dân”. Trong khi chủ trương giảm bớt cán bộ, viên chức trong guồng máy cai trị từ Trung ương xuống cơ sở chỉ giúp phình to ra năm sau cao hơn năm trước. Thậm chí có tới 30% cán bộ, viên chức ăn lương mà không có việc gì để làm, ngoài việc hẹn nhau đi nhậu để chạy áp-phe, môi giới dự án kiếm tiền bỏ túi.

Nhiều viên chức lãnh đạo đảng và Đại biểu Quốc hội đã than phiền từ năm này qua năm khác mà tình hình vẫn như vịt nghe sấm, không Tổng Bí thư nào có khả năng thay đổi.

NGANG TẦM – DƯỚI TẦM

Vậy Nghị quyết 03-NQ/HNTW ngày 18/06/1997 của đảng khóa VIII đã nói gì, hãy nghe:” Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Đảng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ ngang tầm, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.”

Nhưng “ngang tầm” với ai, theo tiêu chuẩn nào mà từ đó đền nay (2018), sau 21 năm, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng vẫn còn than trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 rằng :”Đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo.” (Hội nghị Trung 6/Khóa XII đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc ngày 11/10/2017)

Đến ngày 19/01/2018 tại Hà Nội, ông Trọng lại than tại “Hội nghị toàn quốc Ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018” :”Tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.”

Ông nói:”Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước.”

Ngoài ra, Tổng Bí thư Trọng còn nhìn nhận:”Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?”

Ông Trọng là Tổng Bí thư, người có quyền hành cao nhất nước, nắm trong tay mọi chỉ tiêu, nhất cử nhất động phải được ông đồng ý mà hỏi cán bộ dưới quyền như thế thì nhân dân biết hỏi ai bây giờ ?

Nên biết chuyên gia kinh tế Bà Phạm Chi Lan từng báo động :”Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy….Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.” (theo tin gốc của ViệtTimes được VietNamNet đăng lại ngày 09/06/2016)

Ngoài ra, Bà còn tố cáo đảng đã lấy tiền của dân để chi tiêu cho các Tổ chức chính trị của đảng, thay vì các dự án kinh tế ích quốc lội dân. Bà nói :” Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS (Thanh niên Cộng sản) Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN (Liên hiệp Phụ nữ) Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB (Cựu chiến binh) Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ (Tổng liên đòan Lao động) Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.” (theo tin gốc của ViệtTimes được VietNamNet đăng lại ngày 09/06/2016)

Như vậy thì có phải chính đảng đã đẻ ra rồi nuôi ăn đám cán bộ mà đảng hô hào phải biên chế, tinh giảm để bớt gánh nặng cho ngân sách ?

CẤP CHIẾN LƯỢC

Sau Hội nghị 6, công tác cán bộ chưa ra ngô khoai gì cả thì đảng lại bày ra đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Theo lời ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phát biểu tại Hội nghị xin ý kiến Hội đồng Lý luận Trung ương và một số cấp lãnh đạo các cơ qan đảng ngày 12/1/2018 tại Hà Nội, thì Đề án quan trọng này sẽ trình Bộ Chính trị (cuối tháng 3-2018) và trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (đầu tháng 5-2018).

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng, ngày 11-01-018)

Tầm quan trọng của Hội nghị 7 còn được ông Trọng diễn giải:”Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hoá, cụ thể hoá Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng. Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực.” (Trích phát biểu ngày 19/01/2018)

NGHỊ QUYÊT 3/VIII

Tham vọng nhiều như thế, nhưng những “chứng hư tật xấu” của cán bộ, đảng viên, không những đã tồn tại mà còn nghiêm trọng hơn theo lời than của Lãnh đạo đảng. Vậy ta nên xem lại những yếu kém nêu trong Nghị quyết 3/khóa đảng VIII để xem đảng CSVN đã tiến được bước nào trong 21 năm.

Hồi ấy, đảng khóa VIII báo cáo:

- Một số cán bộ dao động, giảm sút niềm tin, nhận thức mơ hồ về chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội, hoài nghi đường lối của Đảng; có người do bất mãn cá nhân đi đến phản bội Đảng và lợi ích của nhân dân.

- Một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất về đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính, lãng phí của công; quan liêu, ức hiếp dân, gia trưởng độc đoán; có tham vọng cá nhân, cục bộ, kèn cựa địa vị, cơ hội, kém ý thức tổ chức kỷ luật, phát ngôn và làm việc tuỳ tiện, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng.

Đáng chú ý là những biểu hiện tiêu cực này đang có chiều hướng phát triển, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

- Nhiều cán bộ lãnh đạo không nghiêm túc tự phê bình và tiếp thu phê bình, tính chiến đấu kém. Có tình trạng nể nang, né tránh, không nói thẳng, nói thật với nhau, bằng mặt mà không bằng lòng.

- Đội ngũ cán bộ tuy đông nhưng không đồng bộ, vẫn còn tình trạng "vừa thừa vừa thiếu". Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là về quản lý kinh tế thị trường, quản lý xã hội, luật pháp... Nhiều cán bộ lười học, lười nghiên cứu, một số học lướt chỉ cốt để lấy được bằng cấp.

Nhìn chung đội ngũ cán bộ hiện nay, xét về chất lượng và cơ cấu có nhiều mặt chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.”

Ngoài ra, Nghị quyết 3/VIII còn “hưá Tiều hứa Qủang” rằng:”

Bảo đảm có đủ nguồn cán bộ để mỗi nhiệm kỳ có thể đổi mới khoảng 30%-40% số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp, cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang. Phấn đấu đến năm 2020 số người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên bằng khoảng 4% dân số cả nước.”

Thực tế đã không xẩy ra như đảng muốn, ngoài con số có nhiều cán bộ, đảng viên mang bằng gỉa, hay mua được bằng thật.

NGHỊ QUYẾT 4/XII NÓI GÌ ?

Đến Hội nghị Trung ương 4/khóa đảng XII năm 2016, tức 19 năm sau, đảng vẫn ngổn ngang trăm mối tơ vò với cái tổ ong cán bộ biến chất và suy thoái tiếp tục nghiêm trọng.

Nghị quyết số 04-NQ/TW được ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 viết như sau:

-“Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.

-Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém.

-Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái.

-Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao.

Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng.

-Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

-Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

-Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao.”

Cuối cùng đảng cảnh cáo :”Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.”

TIỀN ĐÂU ?

Như vậy thì cái đảng lúc nào cũng oang oang cái mồm “không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân” bây giờ như thế nào ?

Hãy đọc vài đọan phỏng vấn của báo Đại Đòan Kết (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) với ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Báo ĐĐK:”Vào dịp cuối năm, các nơi đều tổ chức tổng kết, kiểm điểm, gắn với đánh giá công việc của từng thành viên trong đơn vị. Tuy nhiên trong tự phê bình và phê bình nhiều nơi còn mang tính hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm

Trao đổi với ĐĐK về vấn đề này, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, ở nhiều nơi, tự phê bình và phê bình trở thành hình thức, là dịp để khen nhau. Vì vậy phải thay đổi cách tổ chức sinh hoạt tự phê bình và phê bình làm sao cho thực chất.

Phóng Viên: Nhận định tình hình về công tác xây dựng Đảng những năm qua, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. Vậy theo ông tình trạng này tới nay đã được cải thiện?

Ông Nguyễn Túc: Tự phê bình và phê bình trong bối cảnh hiện nay khác nhiều so với trước đây. Hiện tự phê bình thường ít nói về khuyết điểm, thích nói nhiều đến ưu điểm. Đối với người phê bình thường hay khen hơn là chê. Trước đây, người ta coi được giao chức vụ, quyền hạn là một trách nhiệm nhưng nay được thăng chức là quyền lợi.

Phục vụ là mục đích tối cao của người đảng viên, làm sao suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhưng hiện giờ lấy mục tiêu đầu tiên của một số người là “tiền đâu”? lên chức là “lên tiền” nên có tình trạng chạy chức chạy quyền. Điều đó dẫn đến chuẩn mực của tự phê bình và phê bình của hai giai đoạn rất khác nhau. Cho nên một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất đưa lợi ích vật chất lên trên. Điều đó khiến nhiều nơi không khí đấu tranh nội bộ trong Đảng không sôi động như trước đây.

Phóng viên: Thưa ông, khi bắt đầu quá trình đổi mới Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng đặt ra nhiều vấn đề trong tự phê bình và phê bình nhưng đến nay sau 30 năm đổi mới nhiều chi bộ vẫn chưa đạt được điều này?

Ông Nguyễn Túc:”Bước vào đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ những việc cần làm ngay, trong đó nêu rõ mỗi người phải xem mặt mạnh, mặt yếu của mình, không ai “xem mình trung thực hơn bằng bản thân mình xem mình”. Nếu chúng ta làm đúng theo những vấn đề trước đó được đặt ra thì tự phê bình và phê bình sẽ khác đi. Qua 30 năm đổi mới những ý kiến đó hình như nhiều cấp ủy đã quên mất, chỉ “tâng bốc” nhau làm cho bệnh thành tích ngày càng trầm trọng thêm. Vì bệnh thành tích dẫn đến che giấu khuyết điểm, cấp dưới che dấu khuyết điểm đối với cấp trên. Điều đó làm cho chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới không sát với thực tế. Một loạt vụ việc xảy ra vừa qua đã cho thấy điều đó. Nếu không thực tâm với bản thân, nhận ra thiếu sót khuyết điểm hạn chế thì trước hết cơ quan không tiến được, và cả đất nước không tiến nhanh được. Đó là một trong những khía cạnh trong xây dựng chỉnh đốn Đảng không thể không lưu tâm.”

(Theo ĐĐK, ngày 16/12/2018)

Như vậy, nếu so sánh 2 Nghị quyết 3/VIII và 4/XII, cộng thêm với nhận xét của ông Nguyễn Túc thì ta sẽ thấy khi có nhiều lãnh đạo đảng đề cao và hô hào xây dựng đảng thì số cán bộ, đảng viên tụt hậu và suy thoái càng lên cao.

Vấn đề bây giờ là liệu ông Nguyễn Phú Trọng có đủ bản lĩnh để thanh lọc hàng ngũ tại Hội nghị Trung ương 7 vào tháng 5/2018, hay ông lại sợ vỡ bình mà không dám đập chuột,hoặc chỉ biết đút củi vào lò đốt cho đẹp mắt ? -/-

Phạm Trần

(01/018)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự liên hệ theo Giáo luật giữa Giám mục giáo phận và Dòng tu trong địa hạt
Peter Khôi
12:10 22/01/2018
SỰ LIÊN HỆ THEO GIÁO LUẬT
GIỮA GIÁM MỤC GIÁO PHẬN VÀ DÒNG TU TRONG ĐỊA HẠT


Khoản luật 383 của Bộ Giáo Luật 1983 dạy rằng Giám Mục Giáo Phận, với tư cách là chủ chăn, phải có trách nhiệm và bổn phận với mọi người cư ngụ hay đang ở trong lãnh địa Giáo Phận của mình. Thế nên, bất luận người đó là tín hữu Công Giáo, hay thuộc tôn giáo khác, bất kể người đó thuộc quốc tịch, màu da, giai cấp nào cũng đều được thụ hưởng sự săn sóc từ Giám Mục Giáo Phận. Nói như thế, các Dòng Tu hay các cộng đoàn tu trì đang cư ngụ và hoạt động trong Giáo Phận thì chắc chắn còn được sự chăm sóc đặc biệt hơn bởi họ là những cánh tay nối dài giúp Giám Mục Giáo Phận trong việc chăm sóc dạy dỗ cho những người đang cần sự giúp đỡ mà một mình Giám Mục không thể chu toàn hết được.

Trách nhiệm của Giám Mục Giáo phận là như thế, nhưng đâu là phạm vi quyền hạn thực sự của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu đang cư ngụ trong địa hạt. Có phải Giám Mục Giáo Phận có mọi quyền hành trên các Dòng Tu trong dịa hạt của mình? Hay Giám Mục Giáo Phận chỉ được quyền can thiệp trong một vài lãnh vực nào đó mà thôi? Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta cần xem xét hai điểm chính: A) sự khác biệt giữa các Dòng Tu và B) quyền và trách nhiệm giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu trong địa hạt.

A. Sự khác biệt giữa các Dòng Tu

Sự khác biệt giữa các Dòng Tu là một đề tài lớn, cần nhiều thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu. Hy vọng sẽ có dịp trình bày vào một dịp khác. Trong phạm vi bài chia sẻ này, chỉ xin trình bày đôi nét để độc giả có một cái nhìn khái quát trước khi bước vào đề tài chính.

1/ Các hình thức tu trì

Các hình thức tu trì được phân chia thành hai nhóm, đó là: Tu Hội Dòng Tận Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ. Trong Tu Hội Dòng Tận Hiến được phân chia làm hai hình thức: Dòng Tu và Tu Hội Đời. Như vậy ta có ba hình thức tu trì chính được nhắc đến trong Bộ Giáo Luật 1983 từ khoản luật 573 đến 746: Dòng Tu, Tu Hội Đời, và Tu Đoàn Tông Đồ. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu đâu là sự khác biệt giữa ba hình thức tu trì này.

Dòng Tu là một xã hội trong đó các phần tử tuyên giữ các lời khấn công khai, trọn đời hay tạm thời, và sống chung đời huynh đệ.[1 ] Trong khi đó, Tu Hội Đời là một hội dòng tận hiến, trong đó các phần tử sống giữa đời và tự bó buộc giữ các lời khuyên Phúc Âm.[2 ] Cuối cùng, có thể nói, Tu Đoàn Tông Đồ là sự kết hợp của hai hình thức vừa kể ở trên, các phần tử của Tu Đoàn Tông Đồ không có lời khấn công khai nhưng lại sông chung đời huynh đệ.[3 ]

2/ Các lời khấn

Như đã đề cập ở trên, một trong những điểm để phân biệt các hình thức tu trì là lời khấn. Dòng Tu có lời khấn công khai, còn Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ không có lời khấn công khai, nhưng một số Tu Đoàn chấp nhận giữ các lời khuyên Phúc Âm.

Khoản luật 1192 §1 định nghĩa rằng một lời khấn được gọi là lời khấn công khai khi được bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; ngược lại, là lời khấn tư. Tuy nhiên, chỉ dựa vào định nghĩa trên thì rất khó phân biệt đâu là lời khấn công khai và đâu là lời khấn tư bởi vì trong nghi thức khấn của một số Tu Hội Đời và Tu Đoàn Tông Đồ, các bề trên đều đứng ra nhận lời khấn như các Dòng Tu khác. Do đó, để biết một cách chính xác lời khấn là công hay tư thì phải tìm hiểu trong hiến pháp của Dòng Tu đó.

Lời khấn có hai hình thức : khấn trọng thể và khấn đơn thường. Triệt 2 của khoản luật 1192 phân biệt như sau: lời khấn được gọi là trọng thể nếu được Giáo Hội công nhận như vậy, ngược lại là lời khấn đơn thường. Đọc định nghĩa trên dường như chẳng giúp chúng ta hiểu thêm gì cả. Để cho dễ hiểu, một người khấn trọng thể hay khấn trọn đời nghĩa là người đó quyết định giành cả cuộc đời còn lại của mình cho Dòng Tu, có những quyền lợi và bổn phận nhất định, và không được sở hữu tài sản riêng.[4 ] Người đã công khai khấn giữ khiết tịnh trọn đời không thể kết hôn hữu hiệu, trừ khi đã được giải lời khấn.[5] Ngược lại với người khấn trọn là người khấn tạm, người khấn tạm vẫn được quyền sở hữu tài sản,[6 ] vẫn có quyền và bổn phận trong nhà dòng nhưng bị hạn chế so với người khấn trọn,[7 ] và nếu vì một lý do nào đó mà người khấn tạm kết hôn khi vẫn bị bó buộc bởi lời khấn, thì hôn phối của người đó vẫn hữu hiệu nhưng bất hợp pháp. Nói tóm lại, một lời khấn có thời hạn rõ ràng luôn là lời khấn đơn thường.

3/ Sự khác biệt giữa các Dòng Tu

Khoản luật 589 phân biệt Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng và Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận. Dòng thuộc luật Giáo Hoàng là do Toà Thánh thành lập hoặc phê chuẩn do một sắc lệnh hợp thức. Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận là do Giám Mục Giáo Phận thành lập, và chưa được nghị định phê chuẩn của Toà Thánh.

Các hội dòng thuộc luật Giáo Hoàng tuỳ thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Toà Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật.[8 ] Trong khi các dòng thuộc luật Giáo Phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận.[8 ]

B. Quyền và trách nhiệm giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu trong địa hạt

Mối liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu nằm trong địa hạt của Giáo Phận là một vấn đề chẳng có gì mới, nhưng để hiểu rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên là điều cần xem xét và tìm hiểu để có những cách giải quyết vấn đề cho thoả đáng.

Để tránh việc Giám Mục Giáo Phận can thiệp quá sâu vào mọi hoạt động của các Dòng Tu trong địa hạt của mình cai quản, khoản luật 586 đã nhắc nhớ như sau: Giám Mục có bổn phận tôn trọng và bảo đảm quyền tự trị của mỗi hội Dòng về nếp sống, cai trị, hiến pháp, thu nhận và huấn luyện các thành viên,... Vậy đâu là phạm vi quyền hạn mà Giám Mục Giáo phận có thể can thiệp? Chúng ta cùng xem xét quyền và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng, kế đến là quyền và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận.

1/ Sự liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng

Khoản luật 593 nói rõ rằng “Các hội dòng thuộc luật Giáo Hoàng tuỳ thuộc trực tiếp và duy nhất vào quyền Toà Thánh trong việc cai trị nội bộ và kỷ luật.” Tuy nhiên, vì hiện diện trong phạm vi của một Giáo Phận nào đó nên cũng có liên quan đến Giám Mục Giáo Phận ở một số vấn đề.

a/ Cần sự đồng ý của Giám Mục Giáo Phận

Để thành lập một nhà hay cộng đoàn thì cần có sự đồng ý bằng văn bản cụ thể của Giám Mục Giáo Phận trong địa hạt đó; đối với các Đan Viện Nữ thì cần có thêm phép của Toà Thánh.[10 ] Một khi Giám mục đã đồng ý cho thành lập, nghĩa là Giám Mục phải bảo đảm các quyền lợi của nhà Dòng như: được sống theo đặc tính và mục đích riêng của Dòng; được thi hành các công tác riêng của Dòng hợp với quy tắc của luật; và đối với Dòng giáo sĩ thì được có một nhà thờ và được thi hành các chức vụ chức thánh.[11 ]

Sau khi đã được Giám Mục Giáo Phận đồng ý cho thành lập nhà trong địa hạt của ngài, nhà dòng được thi hành công việc Tông Đồ theo tôn chỉ của hiến pháp như đã thoả thuận với Giám Mục. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà nhà Dòng muốn thay đổi hay chuyển hướng hoạt động này thì cần phải có sự đồng ý của Giám Mục Giáo Phận.[12 ]

Một điểm khác cần đến sự đồng ý của Giám mục Giáo Phận liên quan đến các Dòng Tu không giáo sĩ. Khi một Dòng Tu không giáo sĩ cần một vị giải tội thường xuyên cho các phần tử của mình trong Dòng, vị giải tội này cần được Giám Mục Giáo Phận phê chuẩn.[13 ]

b/ Cần hỏi ý Giám Mục Giáo Phận

Sau khi nhà đã được thành lập và hoạt động trong Giáo Phận, nhưng vì một lý do nào đó, ví dụ như thiếu nhân sự trầm trọng hay điều kiện kinh tế quá khó khăn không thể tiếp tục duy trì nhà (cộng đoàn) được nữa, thì Bề Trên Tổng Quyền, sau khi đã bàn hỏi với Giám Mục Giáo Phận, có quyền đóng cửa nhà (cộng đoàn) đó. Tuy nhiên, nếu đó là Dòng Nữ Đan Viện tự trị thì thuộc thẩm quyền của Toà Thánh.[14 ]

Nếu có một giáo sĩ triều muốn gia nhập một Dòng nào đó, bề trên Dòng đó không thể chấp nhận cho người đó vào làm tập sinh nếu chưa hỏi ý kiến Giám Mục của đương sự. Việc hỏi ý kiến có thể bằng miệng hoặc văn bản, nhưng khuyến khích thực hiện bằng văn bản để có bằng chứng cụ thể rõ ràng. Trong trường hợp toà Giám Mục đang trống ngôi, nghĩa là không có Giám Mục Giáo Phận, vậy bề trên Dòng phải hỏi ý kiến ai? Bề trên có thể hỏi ý kiến vị Giám Quản hay Tổng Đại Diện (trong trường hợp Giám Mục Giáo Phận bị ngăn trở).

c/ Tu sĩ dưới quyền Giám Mục Giáo Phận

Tu sĩ phải vâng phục bề trên của mình và phải tuân hành những kỷ luật của Hội Dòng. Tuy nhiên khi hoạt động trong một Giáo Phận, tu sĩ còn phải thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận trong các lĩnh vực như: coi sóc các linh hồn, cử hành phụng vụ công khai, và các hoạt động tông đồ khác.[15 ]

Một khi Giám Mục Giáo Phận và Bề Trên Dòng thoả thuận để một tu sĩ đảm trách một công việc trong Giáo Phận, thì tu sĩ ấy dưới quyền điều hành và chỉ đạo của Giám Mục Giáo Phận. Bề Trên Dòng có quyền đề cử nhân sự cho chức vụ đó nhưng Giám Mục là người quyết định chọn hay không;[16 ] hoặc nếu Giám Mục chọn nhân sự thì Bề Trên có quyền đồng ý hay từ chối. Nếu vì một lý do nào đó mà Giám Mục muốn bãi chức của tu sĩ thì chỉ cần báo với Bề Trên của đương sự, không cần đợi Bề Trên đồng ý hay không.[17 ]

Nếu một tu sĩ phạm một lỗi trầm trọng, sau khi Bề Trên của đương sự đã được thông tri mà không có biện pháp thoả đáng, thì Giám Mục Giáo Phận có quyền cấm phần tử đó không được lưu trú trong Giáo Phận.[18 ] Còn nếu tu sĩ phạm sai lầm trong các lĩnh vực thuộc quyền Giám Mục Giáo Phận, thì ngài có quyền áp dụng hình phạt trên tu sĩ ấy.[19 ]

Giám Mục Giáo Phận có quyền thanh tra các cơ sở đã được uỷ thác cho các tu sĩ coi sóc như nhà thờ, nhà nguyện, trường học, hay các cơ sở khác, nhưng Giám Mục không được thanh tra các cơ sở của riêng nhà Dòng.[20 ] Giám Mục Giáo Phận chỉ được thăm các phần tử và Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng trong những trường hợp được luật quy định rõ ràng.[21 ]

2/ Sự liên hệ giữa Giám Mục Giáo Phận và các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận

Khoản luật 594 nói như sau các dòng thuộc luật Giáo Phận được đặt dưới sự chăm sóc đặc biệt của Giám Mục Giáo Phận. Nghĩa là Giám Mục có nhiều quyền hơn đối với các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phân. Trong khi đó điều luật 586 nói rõ Bản Quyền sở tại phải tôn trọng quyền tự trị của mỗi Hội Dòng ở trong Giáo Phận mình. Vậy đâu là quyền của Giám mục và đâu là quyền của Hội Dòng thuộc luật Giáo Phận?

a/ Cần sự đồng ý của Giám mục Giáo Phận

Một yếu tố không thể thiếu của mỗi Dòng Tu là hiến pháp. Đối với Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, Giám Mục Giáo Phận có quyền phê chuẩn hiến pháp của Dòng sau khi Toà Thánh đã xác nhận không có gì ngăn trở (nihil obstat). Trong quá trình tồn tại, nếu cần phải tu chính lại hiến pháp, tổng công nghị cần đạt được 2/3 số phiếu để thông qua, và phải được Giám Mục Giáo Phận phê duyệt.[22 ]

Để giải quyết những vấn đề hệ trọng liên quan đến toàn thể hội dòng mà vượt quá thẩm quyền của nhà chức trách nội bộ (Tổng Công Nghị), thì Đức Giám Mục Giáo Phận là người có quyền quyết định. Nếu hội dòng đã phát triển ở nhiều nơi khác nữa thì Giám Mục của nhà chính cần bàn hỏi các Giám Mục của những nơi kia, nhưng Giám Mục nhà chính vẫn là người có quyết định sau cùng.[23 ]

Giám Mục Giáo Phận có quyền can thiệp vào những chi tiêu hay sang nhượng tài sản vượt quá qui định thông thường. Để việc giao dịch được hữu hiệu thì ngoài văn bản đồng ý của Bề Trên và hội đồng cố vấn, cần có sự đồng ý bằng văn bản của Giám Mục. Nhưng nếu tài sản vượt quá mức độ cho phép mà Toà Thánh đã ấn định cho mỗi vùng, hoặc những tài sản có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử, thì quyền quyết định dành cho Toà Thánh.[24 ]

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, mức độ cho phép nhà chức trách có thẩm quyền trong việc chuyển nhượng tài sản của Dòng Tu là từ 500.000 USD đến 3.500.000 USD. Nghĩa là, nếu giá trị nhỏ hơn 500.000 USD được hiểu là những giao dịch thông thường, thì quyền quyết định thuộc nội bộ của Dòng Tu ấy; nếu nằm trong khoảng 500.000 USD đến 3.500.000 USD thì thuộc nhà chức trách có thẩm quyền; nếu trị giá lớn hơn 3.500.000 USD thì thuộc thẩm quyển của Toà Thánh. Vậy, trong phạm vi cho phép chuyển nhượng tài sản, nếu là Dòng Tu thuộc luật Giáo Hoàng, thì quyền quyết định thuộc nhà chức trách có thẩm quyền của Dòng Tu đó, còn nếu Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, thì nhà chức trách có thẩm quyền là Giám Mục Giáo Phận.

Mọi tu sĩ trong Dòng Tu phải giữ đời sống chung với cộng đoàn. Tuy nhiên, sẽ có vài trường hợp tu sĩ phải sống tách rời cộng đoàn, thì tuỳ theo thời gian bao lâu sẽ phải cần sự đồng ý của những người có trách nhiệm khác nhau. Nếu là sự vắng mặt thông thường thì chỉ cần phép của bề trên nhà (cộng đoàn); nếu vắng mặt trong thời gian lâu thì cần có phép của Bề Trên Tổng Quyền, đồng thời với sự đồng ý của ban cố vấn và có lý do chính đáng, nhưng không quá một năm. Nếu vắng mặt hơn một năm thì phải có một trong những lý do như đi học, bệnh tật, hay thực hiện một nhiệm vụ nào đó của Dòng; quyền cho phép thuộc Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn.[25 ]

Nếu vì một lý do trầm trọng nào đó mà một tu sĩ đã khấn trọn đời muốn tạm thời ra khỏi Dòng, thì Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn, được quyền cho phép tu sĩ ấy rời khỏi Dòng, nhưng không quá ba năm. Nếu thời gian rời khỏi Dòng vượt quá ba năm thì phải xin phép Toà Thánh nếu là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng, còn nếu là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì phải xin phép Giám mục Giáo Phận.[26 ]

Nếu một tu sĩ không muốn tiếp tục sống đời ơn gọi nữa và muốn ra khỏi Dòng thì cần phải có phép của những ai? Để bỏ Dòng hữu hiệu khi đang khấn tạm hoặc đã khấn trọn, tu sĩ ấy phải đệ đơn lên Bề Trên Tổng Quyền. Nếu tu sĩ chỉ mới khấn tạm, thì Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý của ban cố vấn, có thể ban đặc quyền bỏ Dòng khi đương sự có lý do trầm trọng. Nếu đó là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng thì không cần xin phép ai nữa, nhưng nếu đó là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì cần có sự xác nhận của Giám Mục Giáo Phận. Khi đó đặc quyền rời bỏ Dòng mới có giá trị.[27 ]

Nếu một tu sĩ đã khấn trọn đời khi có lý do rất trầm trọng muốn rời bỏ Dòng thì đương sự phải đệ đơn lên Bề Trên Tổng Quyền. Bề Trên Tổng Quyền sẽ cho biết ý kiến của riêng mình cùng với ý kiến của ban cố vấn, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ lên nhà chức trách có thẩm quyền. Nếu là Dòng thuộc luật Giáo Hoàng thì quyền quyết định dành cho Toà Thánh; nếu là Dòng thuộc luật Giáo Phận thì Giám Mục Giáo Phận có quyền quyết định.[28 ]

Đối với Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, Giám Mục Giáo Phận có vai trò rất quan trọng trong việc đồng ý hay quyết định cho một tu sĩ rời bỏ Dòng. Vậy Giám Mục nào sẽ quyết định? Giám Mục nơi nhà chính của Dòng hiện diện, hay Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) hiện diện? Đương nhiên Giám Mục nơi nhà chính của Dòng sẽ có vài trò lớn hơn, nhưng luật cũng cho phép Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) của Dòng hiện diện cũng có quyền quyết định. Lý do là vì Giám Mục nơi nhà (cộng đoàn) của Dòng đang làm việc sẽ biết rõ về tu sĩ ấy hơn Giám Mục của nhà chính.[29 ]

Đan cử một ví dụ như sau: Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa trực thuộc Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Tu Hội cũng có thành lập cộng đoàn ở vùng Bạch Lâm thuộc Giáo Phận Xuân Lộc. Vậy nếu một tu sĩ của Tu Hội đang phục vụ ở cộng đoàn Bạch Lâm muốn rời bỏ đời tu, đương nhiên Giám Mục Sài Gòn có quyền xác nhận, nhưng Giám Mục Xuân Lộc cũng được quyền đó.

Riêng đối với Đan Viện Nữ đang cư ngụ tại một Giáo Phận, nếu một người không phải là thành viên của Đan Viện muốn vào nội vi của Đan Viện, thì ngoài sự đồng ý của Bề Trên Đan Viện, cũng cần có sự cho phép của Giám Mục Giáo Phận. Cũng vậy, nếu một nữ Đan sĩ muốn ra khỏi nội vi Đan Viện vì lý do thực sự cần thiết cũng cần sự đồng ý của Bề trên và sự cho phép của Giám Mục Giáo Phận.[30 ]

b/ Những quyền khác của Giám mục Giáo Phận

Việc bầu Bề Trên Tổng Quyền là một sự kiện quan trọng trong các Hội Dòng. Do đó, sự hiện diện của Giám Mục là một điều hết sức tự nhiên. Bộ Giáo Luật 1983 chỉ rõ rằng Giám Mục Giáo Phận sẽ chủ toạ việc bầu Bề Trên của các Đan Viện Nữ tự trị và bầu Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận. Tuy nhiên cho phép chủ toạ cuộc bầu cử không có nghĩa là cho phép Giám Mục có quyền công nhận hay phủ quyết kết quả bầu cử đó.[31 ] Điều này khác với Bộ Luật cũ 1917. Triệt 4 khoản luật 506 của Bộ Luật 1917 cho phép Giám Mục được quyền đồng ý hay phủ quyết kết quả bầu cử của Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận.

Giám Mục Giáo Phận có quyền và nghĩa vụ kinh lý các Đan Viện Nữ tự trị và các nhà (cộng đoàn) thuộc luật Giáo Phận đang hiện diện trong Giáo Phận mình.[32 ] Bên cạnh đó, các Đan Viện Nữ tự trị và các nhà (cộng đoàn) thuộc luật Giáo Phận đang hiện diện trong Giáo Phận phải trình bày sổ sách lên Giám Mục Giáo Phận mỗi năm một lần.[33 ]

Kết Luận

Chúng ta vừa có một cái nhìn khái quát một số quyền hạn và trách nhiệm của Giám Mục Giáo Phận đối với các Dòng Tu đang hiện diện trong Giáo Phận. Giáo Luật cũng chỉ rõ đâu là quyền hạn và đâu là phạm vi thi hành quyền hạn đó. Mỗi bên, Giám mục Giáo Phận và Dòng Tu, đều có quyền hạn của riêng mình, thế nên cần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để tránh có những lạm quyền quá đáng xảy ra.

Nói đến sự lạm quyền thì không thể nào người dưới quyền có thể lạm quyền, mà chỉ là người bề trên có quyền. Nếu có lạm quyền xảy ra mà không thể giải quyết được giữa Giám Mục Giáo Phận và Dòng Tu, thì cần phải nại đến sự can thiệp của Sứ Thần Toà Thánh đang hiện diện ở đó, hoặc nếu không thì phải trình bày vấn đề lên Bộ Tu Sĩ ở Rôma. Nhưng nếu sự việc xảy ra đến mức như vậy thì làm sao có thể nhìn mặt nhau trong cùng một Giáo Phận.

Một vấn đề hết sức tế nhị ở đây đó là các Dòng Tu thuộc luật Giáo Phận, vì cả nể hay để dĩ hoà vi quý, mà luôn im lặng, nhẫn nại chịu đựng một số quyết định quá đáng của Giám Mục Giáo Phận, rồi âm thầm nhỏ to với nhau mà không biết chia sẻ cùng ai. Ước mong mỗi bên đều có những cố vấn về Giáo Luật để hành động cho hợp tình hợp lẽ.

Chú thích:
[1] c. 607 §2.
[2] cc. 710, 712.
[3] c. 731.
[4] c. 668 §§ 4-5.
[5] c. 1088.
[6] ibid. §1.
[7] cc. 266 §2: nhập tịch vào Dòng Tu; 623: điều kiện để được bầu làm bề trên; 651 §1: điều kiện để trở thành giám đốc nhà tập.
[8] c. 593.
[9] c. 594.
[10] c. 609.
[11] c. 611.
[12] c. 612.
[13] c. 630 §3.
[14] c. 616
[15] c. 678.
[16] Về luật đề cử, xin xem khoản luật 158 và 161.
[17] cc. 681, 682.
[18] c. 679.
[19] c. 1320.
[20] c. 683.
[21] c. 397 §2.
[22] c. 595.
[23] Ibid.
[24] cc. 638, 1291,1292.
[25] c. 665.
[26] c. 686.
[27] c. 688.
[28] c. 691.
[29] cc. 688, 691.
[30] c. 667 §4.
[31] c. 625 §2.
[32] c. 628 §2.
[33] c. 637.


Tài liệu tham khảo
1. Codex Iuris Canonici auctoritate Ioannis Pauli PP. II promulgates (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1983). Bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương et al.
2. Codex Iuris Canonici Pii X Pontificis Maximi Iussu Digestus Benedicti Papae XV Auctoritate Promulgatus (Rome: Typis Poliglottis Vaticanis, 1917).
3. Beal, John P. et al., eds. New Commentary on the Code of Canon Law. New York/Mahwah, NJ: Paulist Press, 2000.
4. McDermott, Rose, SSJ. “Associations of the Faithful Becoming Religious Institutes or Societies of Apostolic Life: Responsibilities of Diocesan Bishops (Canon 579).” The Jurist 73 (2013) 439-462.
5. Graham, Joanne, OSB. “The Relation between Religious Institutes and the Diocese.” CLSA Proceedings 60 (1998) 82-90.
6. Conn, James J., SJ. “Bishops and the Apostolates of Religious.” CLSA Proceedings 63 (2001) 49-83.
7. McDermott, Rose, SSJ. “Associates and Associations Joined to Religious Institutes.” CLSA Proceedings 60 (1998) 132-149.
 
Thông Báo
Phân Ưu Bà Nguyễn Thị Minh Phượng phu nhân giáo sư Trần Văn Cảnh
Vietcatholic
10:03 22/01/2018
PHÂN ƯU

Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo:



Bà NGUYỄN THỊ MINH PHƯỢNG

Phu Nhân gìáo sư Trần Văn Cảnh - Cộng tác viên thường trực của Vietcatholic tại Paris

Đã an nghỉ trong Chúa lúc 13g30, ngày 20.01.2018

tại nhà thương Pitié-Salpêtrière, 75013-Paris

Hưởng thọ 67 tuổi

CHƯƠNG TRÌNH VIẾNG XÁC VÀ NGHI LỄ

Thứ ba, ngày 23.01.2018:

1. Từ 15g00 đến 16g00: viếng xác, cầu nguyện tại Chambre Mortuaire, số 22, đường Bruant Paris 75013, do Thầy phó tế Phạm Bá Nha hướng dẫn.

Thứ tư, ngày 24.01.2018:

2. 8g00, Đức Ông Mai Đức Vinh và tang gia cử hành nghi thức tẩm liệm, làm phép xác, làm phép khăn tang và phát tang. 8g30 đi Giáo Xứ.

3. 9g30 tại nhà thờ GXVN Paris, 2 Villa des Épinettes, 75017 Paris, Đức Ông chủ tế Thánh lễ an táng và giảng lễ. Cha Nguyễn Kim Sang và cha Vũ Minh Sinh cùng đồng tế. Ca đoàn Lê Bảo Tịnh hát lễ. 11g đi nghĩa trang

4. 12g00 Đức Ông chủ trì nghi thức hạ huyệt tại nghĩa trang Cimetière Parisien d’Ivry, 44 Avenue Verdun, 94200 Ivry sur Seine. 12g30 chấm dứt.

LM Trần Công Nghị -Toàn Ban Giám Đốc và Ban Biên Tập Thành Kính Phân Ưu
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đến Với Chúa
Dominic Đức Nguyễn
09:43 22/01/2018
ĐẾN VỚI CHÚA
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Qua Mẹ Maria,
chúng ta đến với Chúa dễ dàng hơn.

Through Mary we come to her Son more easily.
(Pope John Paul II)
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 22/1/2018
VietCatholic Network
00:07 22/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Peru vui mừng đón tiếp Đức Thánh Cha đến thăm quê hương của họ.

2- Ngày đầu tiên của chuyến tông du, ĐTC ghé thăm thành phố Puerto Maldonado và gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia.

3- Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Vùng Amazzonia cũng là một kho tàng văn hoá cần dược duy trì.

4- Đức Thánh Cha gặp chính quyền Peru.

5- 400.000 tín hữu tham dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Huanchaco.

6- Sinh họat của Đức Thánh Cha ngày cuối cùng ở Lima trước khi về Vatican.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:


1- Dân chúng Peru vui mừng đón tiếp Đức Thánh Cha.

Tin Lima, Peru - Đức Phanxicô sau khi từ biệt Chilê vào lúc 5g chiều hôm thứ Năm 18 tháng 1, Ngài đã đến sân bay quốc tế thủ đô Lima của Peru sau 2 giờ 10 phút bay, vượt chặng đường dài 1.200 cây số. Một chuyện đáng ghi nhớ là trên chuyến bay này, ĐTC đã làm phép hôn phối cho một đôi nam nữ tiếp viên hàng không. Họ đã kết hôn dân sự và dự định làm phép cưới trong nhà thờ nhưng trận động đất năm 2010 đã hủy hoại nhà thờ giáo xứ của họ ở Santiago de Chile. Đức Thánh Cha cử hành lễ nghi trong khi chiếc Airbus đang bay ở độ cao 10,900m. Và ngài nói, “Tôi hy vọng rằng những gì anh chị làm ngày hôm nay sẽ truyền cảm hứng cho các cặp vợ chồng khác trên thế giới.” Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo Hoàng đầu tiên cử hành phép hôn phối trên máy bay. Nói về Peru, quốc gia này là một nước cộng hoà dân chủ, bắc giáp giới với Ecuador và Colombia, đông giáp giới với Brasil, đông nam giáp giới với Bolivia, nam giáp giới với Chilê và phiá tây với Thái Bình Dương. Peru rộng hơn 1 triệu 265 ngàn cây số vuông, có hơn 33 triệu dân, 45% là thổ dân Amerindi, 37% lai giống, 15% da trắng, 2% da đen lai giống và người Zambos, và 1% gốc Á châu. Ngôn ngữ chính của người dân Peru là tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có hai thứ tiếng khác là Quechua và Aymara và nhiều thổ ngữ khác.
Trên bình diện tôn giáo 81,3% theo Công Giáo, 12,5% theo Tin lành, 3,3% theo các tôn giáo khác và 2,9% không theo tôn giáo nào. Giáo Hội Công Giáo Peru hiện có 58 Giám Mục, 3.361 linh mục, 55 Phó tế, 587 tiểu chủng sinh, 1.539 đại chủng sinh, 422 tu huynh, 5.568 nữ tu, 179 thành viên tu hội đời, 11.120 thừa sai giáo dân và 51.367 giáo lý viên. Tính trung bình mỗi linh mục phải trông coi hơn 8.300 giáo dân. Giáo Hội điều khiển 995 trường tiểu học với hơn 248.000 học sinh, 524 trường trung học với hơn 196.000 học sinh, 90 trường cao học và đại học với gần 59.000 sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều hành 38 nhà thương, 323 trạm y tế, 4 trung tâm phong cùi, 90 nhà dưỡng lão, 244 trại mồ côi, 145 văn phòng cố vấn gia đình, 36 trung tâm giáo dục cải huấn và 581 cơ sở bác ái xã hội.
Lima là thủ đô của Peru, có hơn 9 triệu 886 ngàn dân cư, nằm trên bờ Thái Bình Dương, trên độ cao 124 mét, giữa các thung lũng của các con sông Chillón, Rimac, Surco và Lurio. Tuy có sa mạc kế bên nhưng khí hậu dễ chịu vì ẩm và có sương mù. Lima là trung tâm chính trị, văn hoá, tài chánh và thương mại. Năm 1988 trung tâm thủ đô Lima được Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách gia tài văn hoá của nhân loại. Các sinh hoạt kinh tế chính của Peru là nông nghiệp và đánh cá, khai thác các quặng mỏ và kỹ nghệ dệt vải.
Tổng giáo phận Lima được thành lập này 12 tháng 2 năm 1546, có gần 2 triệu 900 ngàn dân đa số theo Công Giáo.
Sau khi máy bay dừng, ĐTGM Nicola Girasole, Sứ Thần Toà Thánh và vị chưởng nghi lễ đã lên máy bay chào ĐTC. Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và phu nhân đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Hai trẻ em mặc sắc phục truyền thống đã dâng hoa cho ĐTC. Đại bác đã bắn 21 phát chào vị quốc khách. ĐTC và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự. Tiếp đến ban nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Perù, rồi tới phần giới thiệu phái đoàn hai bên. Tổng thống và phu nhân đã tháp tùng ĐTC tới xe, trong khi các nhóm dân ca vũ cử hành các bài ca và vũ điệu truyền thống.
Sau đó ĐTC đã đi xe về Toà Sứ Thần Toà Thánh cách đó 13 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Dọc đường đã có rất đông tín hữu chào mừng ĐTC.

2- Tại Peru, Đức Thánh Cha thăm thành phố Puerto Maldonado và gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia.

Tin Puerto Maldonado - Thứ sáu ngày 19 tháng 1, ĐTC đã bắt đầu chương trình viếng thăm với thánh lễ riêng cử hành lúc 7 giờ sáng trong nhà nguyện Toà Sứ Thần. Sau đó ngài đi ra phi trường “Nhóm 8 Lima” đáp máy bay đi Puerto Maldonado cách đó 850 cây số. ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã dùng điểm tâm trên máy bay. Sau 1 giờ 45 phút bay ĐTC đã tới phi trường Jose Aldamiz của thành phố Puerto Maldonado. Tiếp đón ĐTC tại phi trường có ĐC David Martinez de Aguirre Guinea, dòng Đa Minh, Giám quản tông toà Puerto Maldonado, thống đốc và thị trưởng thành phố vài trăm tín hữu và một ca đoàn 150 thiếu nhi.
Puerto Maldonado là một thành phố nhỏ có gần 75.000 dân cư thuộc vùng Tambopata, và tọa lạc ở điềm giao thoa giữa hai con sông Madre de Dios và Tambopata. Thành phố này tiêu biểu cho sự khác biệt sinh thái, và là điểm khởi hành tốt cho việc khám phá và viếng thăm các tài nguyên thiên nhiên phong phú không thể tưởng tượng được của vùng Amazzonia. Ngày nay nghành du lịch và sinh hoạt trồng và sản xuất hạt dẻ trở thành hai nguồn lợi kinh tế quan trọng của dân chúng toàn vùng.
Toà Giám Quản Puerto Maldonado được thành lập ngày mùng 10 tháng 3 năm 1949 rộng 150.000 cây số vuông, có hơn 334 ngàn dân cư, đa số theo Công Giáo. Giáo đoàn địa phương có 21 giáo xứ, 4 nhà thờ, 40 linh mục triều, 3 đại chủng sinh, 18 nữ tu, 21 tu huynh và 33 thành viên các dòng nữ. Giáo hội điều khiển 65 cơ sở giáo dục và 11 trung tâm bác ái xã hội.
Từ phi trường ĐTC đã đi xe về trung tâm thể thao Coliseo Mẹ Thiên Chúa cách đó hơn 4 cây số để gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia. Trung tâm thể thao này ba tầng có 5.000 chỗ đã đuợc xây năm 2010 và khánh thành năm 2013. ĐTC đã đi một vòng để chào 4.000 tín hữu thuộc nhiều bộ tộc thổ dân quy tụ về đây.
Chương trình gặp gỡ mở đầu với vũ điệu chào đón của các trưởng lão Arambut. Tiếp đến là lời chào mừng của ĐC David Martinez de Aguirre Guinea, giám quản Puerto Maldonado, rồi chứng từ của một cặp vợ chồng đại diện các dân tộc vùng Amazzonia. Sau đó là lễ nghi trao bản dịch Thông điệp Laudato si trong các ngôn ngữ địa phương, trong khi ca đoàn trình tấu một bài ca Machirenga.
Đứng trước hàng ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em bản địa, nhiều người để ngực trần và mặc những chiếc mũ đầy màu sắc, ĐTC tuyên bố Amazon là "trái tim của Giáo Hội" và kêu gọi bảo vệ ba giá trị sự sống, đất đai và văn hoá của nó. Ngài cảnh báo rằng các dân tộc bản địa đang bị đe dọa nhiều hơn bao giờ hết. Ngài nói thêm rằng điều thiết yếu là các chính phủ và các định chế khác phải coi các bộ lạc là các đối tác hợp pháp khi đàm phán các dự án phát triển và bảo tồn. Các quyền lợi, các nền văn hoá, các ngôn ngữ và truyền thống của họ phải được tôn trọng và phục hồi.

ĐTC đã nói với đám đông: "Anh chị em là một ký ức sống động của sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó cho tất cả chúng ta: bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta."

3- ĐTC nhấn mạnh rằng: Vùng Amazzonia cũng là một kho tàng văn hóa cần dược duy trì.

Khi gặp gỡ các dân tộc vùng Amazzonia tại trung tâm thể thao Coliseo Mẹ Thiên Chúa. ĐTC đã nghe chứng từ của ông Hector, hai bà Yescica và Maria Luzmila, đại diện các dân tộc vùng Amazzonia. Sau đó là lễ nghi trao bản dịch “Thông điệp Laudato sí” trong các ngôn ngữ địa phương, trong khi ca đoàn trình tấu một bài ca Machirenga.
Ngỏ lời với mọi người ĐTC đã mạnh mẽ tố cáo các đường lối phát triển khai thác chỉ nhắm các lợi nhuận gây thiệt hại cho các thổ dân và nền văn hoá của họ. Ngài đề cao các giá trị văn hoá phong phú và tinh thần cao quý của các thổ dân và khích lệ họ cộng tác với Giáo Hội trợ giúp các giám mục và các thừa sai nam nữ trong việc đối thoại với tất cả mọi người, và nhào nắn một Giáo Hội với gương mặt Amazzonia, một Giáo Hội với gương mặt thổ dân, duy trì căn tính và bênh vực các quyền lợi của thổ dân.
ĐTC nói: “Sự hiện diện của anh chị em giúp tôi trông thấy gần, nơi gương mặt của anh chị em, phản ánh của vùng đất này. Một gương mặt đa diện, một khác biệt vô tận, và một sự phong phú sinh thái, văn hoá và tinh thần. Những người không ở trong vùng này cần tới sự khôn ngoan, các hiểu biết của anh chị em có thể vào sống tại đây mà không tàn phá kho tàng của vùng này. Tôi nghe vang lên các lời Thiên Chúa nói với sông Môshê: ‘Hãy cởi dép ra, vì đất trên đó ngươi đang đứng là thánh địa’. Xin anh chị em cho phép tôi lập lại một lần nữa ‘Lạy Chúa, chúc tụng Chúa vì công trình kỳ điệu của các dân tộc Amazzoni và toàn sinh thái khác biệt mà các vùng đất này chứa đựng!’”
ĐTC nói thêm: “Bài ca chúc tụng này bị bẻ gẫy, khi chúng ta lắng nghe và trông thấy các vết thương sâu đậm mà vùng Amazzonia và các dân tộc của nó đang mang trong mình. Tôi đã muốn đến để viếng thăm và lắng nghe anh chị em, để ở trong con tim của Giáo Hội, hiệp nhất với các thách đố của anh chị em, và tái khẳng định việc lựa chọn xác tín bênh vực sự sống, bảo vệ đất đai và các nền văn hoá.
Có lẽ chưa bao giờ các dân tộc vùng Amazzonia bị đe dọa như hiện nay trong chính vùng đất sống của mình. Amazzonia là vùng đất bị tranh luận trên nhiều phiá: một đàng là tân chủ trương khai thác và áp lực mạnh của các lợi nhuận kinh tế lớn hướng dẫn các tham lam của chúng đối với dầu hoả, hơi đốt, vàng, các trồng tiả chuyên nhất của kỹ nghệ nông nghiệp; đàng khác là sự đe dọa chống lại đất đai của anh chị em, cũng đến từ vài đường lối chính trị thăng tiến “việc duy trì” thiên nhiên, mà không chú ý tới con người, và cụ thể là không chú ý tới các anh chị em Amazzoni sống trong đó.
ĐTC khẳng định: Việc bảo vệ trái đất không có mục đích nào khác hơn là bảo vệ sự sống. Chúng ta biết có người trong anh chị em đã đau khổ vì dầu hoả chảy ra ngoài, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống gia đình anh chị em và gây ô nhiễm môi sinh. Song song cũng có một sự tàn phá sự sống khác nữa gây ô nhiễm môi sinh đó là việc khai thác bất hợp pháp: tôi muốn nói tới việc buôn người: công nhân làm việc như nô lệ và việc lạm dụng tính dục. Bạo lực chống lại các người trẻ và phụ nữ là một tiếng kêu thấu tới trời. Tình trạng của những người trở thành đối tượng của các hình thức buôn người đã luôn luôn khiến tôi đau đớn.
Nền văn hoá của các dân tộc chúng ta là một dấu chỉ của sự sống. Ngoài việc là một vùng sinh thái, Amazzonia cũng là một kho tàng văn hoá cần dược duy trì trước các chủ trương thực dân mới. Gia đình là và sẽ luôn luôn là cơ cấu xã hội góp phần nhiều nhất vào việc duy trì sống động các nền văn hoá của chúng ta.
Sau cùng ĐTC nhắc tới phần đóng góp và các hy sinh của biết bao nhiêu các thừa sai nam nữ dấn thân bênh vực quyền lợi của các thổ dân và thăng tiến cuộc sống của họ. Ngài nhắn nhủ mọi người đừng ngã quỵ trước các âm mưu nhổ mất gốc rễ đức tin Công Giáo của họ. Mọi nền văn hoá đều làm giầu cho Giáo Hội. Vì thế ĐTC kêu gọi các thổ dân trợ giúp các GM và các thừa sai trong việc nhào nắn một Giáo Hội có gương mặt Amazzoni.

4- Đức Thánh Cha gặp chính quyền Peru.

Tin LIMA, Peru - Trong buổi gặp gỡ chính quyền Peru, chiều ngày 19-1-2018, ĐTC tố giác nạn khai thác bóc lột vùng Amazzonia và nạn tham nhũng tại Peru.
Sau khi từ thành Maldonado miền Amazzonia về thủ đô Lima, ĐTC đến trụ sở chính phủ Peru để gặp gỡ tổng thống, chính quyền và 500 người thuộc đoàn ngoại giao, giới lãnh đạo doanh nghiệp, và đại diện giới văn hóa và xã hội. Lẽ ra cuộc gặp gỡ này diễn ra vào ban sáng, nhưng vì lý do thời tiết ở miền Amazzonia có thể thay đổi bất chợt, nên được dời vào ban chiều cùng ngày. Trên đường từ phi trường Lima về dinh chính phủ, xe ĐGH bị xì lốp nên ngài phải đổi xe.
Đến trụ sở chính phủ vào lúc gần 5 giờ, ĐTC được Tổng thống Peru, ông Pablo Kuczynski và phu nhân tiếp đón và mời ngài tiến lên lễ đài trong khuôn viên tòa nhà, trong khi một ban nhạc thiếu nhi Manchay trình diễn một bài chào mừng.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Peru, ĐTC đã đi từ khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ngài tại nước này là ”Đoàn kết để hy vọng” và nói:
”Khi nhìn đất nước này, tự nó, đã là một động lực để hy vọng. Một phần lãnh thổ đất nước quí vị là vùng Amazzonia mà tôi đã viếng thăm sáng nay, và là một rừng nhiệt đới lớn nhất và hệ thống sông ngòi trải rộng nhất thế giới. Buồng phổi này là một trong những vùng có nhiều sinh vật khác nhau nhất thế giới với những giống loại rất khác biệt.. Quí vị cũng có sự đa nguyên rất phong phú về văn hóa, ngày càng ảnh hưởng với nhau.. Giới trẻ tại đây cũng là một thực tại sinh động nhất mà xã hội này sở hữu.. Perù thực là phần đất hy vọng mời gọi hiệp nhất và thách thức dân tộc này hãy đoàn kết với nhau. Dân tộc này có trách nhiệm đoàn kết, hiệp nhất với nhau, để bảo vệ tất cả những động lực hy vọng”.
Tuy nhiên, ĐTC cũng nhắc đến bóng đen đang đe dọa: nhân loại có bao nhiêu quyền lực trên chính mình và không gì có thể bảo đảm nhân loại sẽ dùng quyền lực ấy một cách tốt đẹp, nhất là nếu chúng ta để ý cách thức mà nhân loại đang sử dụng quyền lực ấy. Ngài nói: ”Điều này được biểu lộ rõ ràng qua cách thức chúng ta đang khai thác bóc lột phần đất của các tài nguyên thiên nhiên, nếu không có các tài nguyên này thì không thể có hình thức sự sống nào. Sự đánh mất các rừng già và rừng cây không những có nghĩa là đánh mất đi các loại sinh vật, nhưng còn có thể là đánh mất trong tương lai những tài nguyên hết sức quan trọng, và đánh mất cả những tương quan sinh tử, rốt cuộc khiến cho toàn thể hệ thống môi sinh vị biến thái.
ĐTC đặc biệt nêu ví dụ sự khai thác quặng mỏ bất hợp pháp trở thành một nguy cơ hủy hoại sự sống con người; các rừng cây và sông ngòi tị tàn phá cùng với tất cả những phong phú của chúng.
Cũng trong diễn văn trước chính quyền Peru, ĐTC cảnh giác về nạn tham nhũng và nói rằng:
”Đoàn kết làm việc để bảo vệ hy vọng đòi phải rất chú ý đến một hình thức tinh vi khác, làm suy thoái môi trường, và dần dần làm ô nhiễm các môi trường sinh tử, đó là nạn tham nhữung. Thứ vi khuẩn xã hội này gây thiệt hại dường nào cho người Mỹ châu la tinh chúng ta và cho các nền dân chủ tại đại lục được chúc phúc này; đó là một hiện tượng làm nhiễm độc mọi sự, và những người nghèo và trái đất là mẹ bị tổn thương nhiều nhất... Chiến đấu chống lại tai ương xã hội này là điều có liên hệ tới tất cả mọi người.

5- 400.000 tín hữu tham dự Thánh Lễ của ĐTC tại Huanchaco.

Tin HUANCHACO, Peru - Sáng ngày 20-1-2018, 400 ngàn tín hữu ở miền bắc Peru đã tham dự thánh lễ với ĐTC tại Huanchaco và ngài kêu gọi chống lại các thứ ”bão tố” trong cuộc sống.
Sáng thứ bẩy ngày 20-1, ĐTC đã rời thủ đô Lima bay đến thành phố Trujillo cách đó 500 cây số về hướng tây bắc, để tiếp tục chương trình thăm viếng Peru.
Trujillo hiện có 800 ngàn dân cư, ở bờ biển phía bắc của Peru, một thành phố du lịch nổi tiếng, quen được gọi là ”Thành mùa xuân vĩnh cửu”. Thành có trung tâm lịch sử rất đẹp, từ thời thuộc địa và có những di tích khảo cổ tiền Tây Ban Nha, với những vết tích về những nền văn hóa cổ kính trước thời thổ dân Inca, như văn hóa của người Mochica và Chim. Về phương diện tôn giáo, Trujillo là một tổng giáo phận có gần 1 triệu 300 ngàn tín hữu Công Giáo, do Đức TGM Héctor Cabrejos dòng Phanxicô coi sóc, với 75 xứ đạo, do 86 linh mục giáo phận đảm trách. Ơn gọi khan hiếm, năm ngoái chỉ có 1 tân linh mục.
Đến phi trường Trujillo vào lúc quá 9 giờ, ĐTC đã dùng xe đi thêm 4 cây số đến thành phố cổ kính Huanchaco ở phía bắc để cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại khu vực sát bờ biển. Tại đây vào lúc 10 giờ sáng, trước sự hiện diện của 400 ngàn tín hữu, ngài đã chủ sự thánh lễ kính Đức Mẹ Maria là Cửa Trời. Đồng tế với ĐTC có đông đảo các GM và LM thuộc 11 giáo phận miền bắc Peru.
Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu hiện diện, không những từ địa phương nhưng còn từ nhiều nơi ở miền bắc Peru để cử hành niềm vui Tin Mừng này.
Ngài nhắc đến thiên tai ”Nino” hồi năm ngoái xảy ra tại vùng này với những hậu quả đau thương vẫn còn đè nặng trên bao nhiêu gia đình, nhất là những người chưa thể tái thiết gia cư của mình.
Trong bài giảng, ĐTC cũng nói đến những bão tố khác. Ngài nói: Bão tố đó được gọi là nạn tội phạm có tổ chức, như một tổ chức giết mướn, ”thích khách” và tình trạng bất an mà nó tạo ra; sự thiếu cơ may giáo dục và công ăn việc làm, nhất là nơi những ngừơi trẻ, khiến họ không kiến tạo được một tương lai xứng đáng, thiếu nhà ở chắc chắn cho bao nhiêu gia đình buộc phải sống trong những vùng bất bất an và không có những lối vào chắc chắn; và bao nhiêu tình trạng khác mà anh chị em biết rõ và chịu đau khổ vì chúng, giống như nạn lụt trầm trọng làm rúng động sự tín nhiệm nhau, sự tín nhiệm rất cần thiết để xây dựng một mạng nâng đỡ và hy vọng. Những trận lụt phủ ngập tâm hồn và đòi chúng ta phải có dầu để đương đầu với chúng.
Sau thánh lễ tại Huanchaco, ĐTC còn đến khu vực Buenos Aires cách đó 13 cây số để viếng thăm dân chúng tại nơi bị lụt hồi tháng 4 năm ngoái vì hiện tượng thay đổi khí hậu, el nino, khiến cho hàng trăm ngàn người không còn nhà cửa, đường phố đầy bùn, nghĩa trang bị cuốn mất các ngôi mộ, hơn 150 người chết. Sau đó ngài về tòa TGM Trujillo để dùng bữa trưa.

6- Sinh họat ngày cuối cùng của Đức Thánh Cha tại thủ đô Lima của Pêru.

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày Chúa Nhật 21/1 diễn ra trong phạm vi thủ đô Lima. Ban sáng, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với 500 500 nữ đan sĩ chiêm niệm từ các nơi ở Peru đã tề tựu về đây để tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC. Ngài tiến lên bàn thờ và đứng cầu nguyện trong thinh lặng trước ảnh Chúa làm Phép Lạ ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.
Đền thánh này ở trung tâm lịch sử của thành Lima, dâng kính Bổn mạng của nước Peru là Chúa làm phép lạ. Đền thánh do các nữ đan sĩ Cát Minh nhặt phép coi sóc. Tại Đền thánh có bức bích họa Chúa Kitô chịu đóng đanh được vẽ trên tường hồi thế kỷ 17. Trận động đất dữ dội năm 1655 đã tàn phá bình địa phần lớn các dinh thự và nhà cửa ở Lima, nhưng bức tường có bức họa Chúa Kitô vẫn đứng nguyên. Cả những lần động đất sau đó cũng vậy. Các tín hữu rất sùng kính ảnh này và nhiều người được ơn lạ, phép lạ qua các thế kỷ. Vì thế, bích họa được đổi tên là ”Ảnh Chúa phép lạ”.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh chiều kích truyền giáo của kinh nguyện là nòng cốt đời sống chiêm niệm. Ngài nói: ”Kinh nguyện truyền giáo là kinh nguyện liên kết chúng ta với các anh chị em trong các hoàn cảnh khác nhau của họ và cầu nguyện để họ không bị thiếu tình yêu và hy vọng.” Ngài cũng kêu gọi rằng: “Khi ta sống ơn gọi trong sự trung thành, thì cuộc sống trở thành lời loan báo Tình yêu của Thiên Chúa. Tôi xin chị em đừng bao giờ ngưng nêu chứng tá ấy.
Tiếp đến Ngài đến đến viếng nhà thờ chính tòa thánh Gioan Tông Đồ và Thánh Sử của tổng giáo phận thủ đô Lima. Tại đây ngài cầu nguyện trước hài cốt các 5 vị thánh người Peru, trước khi gặp gỡ 60 vị thuộc Hội Đồng Giám Mục nước này, rồi chủ sự kinh truyền tin trưa Chúa Nhật với các tín hữu tại Quảng trường Quân đội trước nhà thờ. Ban chiều lúc 4 giờ, Đức Thánh Cha đến căn cứ không quân Lima để cử hành thánh lễ rồi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

Lúc 12h30, ngài sẽ dùng bữa trưa với các Giám Mục tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

Lúc 4h15 chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại căn cứ không quân Las Palmas.

Sau thánh lễ, lúc 6h30 sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Jorge Chavez của Lima.

Lúc 6h45 Ðức Thánh Cha đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2h15 chiều thứ Hai, 22 tháng Giêng.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 22/1/2018: Đức Phanxicô: Mục tử chân chính phải can đảm tố cáo bất công
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:36 22/01/2018
Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày Chúa Nhật 21 tháng Giêng đã diễn ra trong phạm vi thủ đô Lima.

Ban sáng, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9h15 với các nữ tu chiêm niệm ở Ðền Thánh Chúa làm phép lạ.

Lúc 10h30, Đức Thánh Cha kính viếng hài cốt các thánh người Peru tại nhà thờ chính tòa Lima, rồi ngài gặp gỡ các Giám Mục Peru tại tòa Tổng Giám Mục địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12h với các tín hữu.

Trong diễn từ với các Giám Mục, Đức Thánh Cha nói:

Các hiền huynh Giám Mục thân mến,

Tôi cám ơn những lời tốt đẹp Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Lima và cũng là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục gởi đến tôi đại diện cho tất cả các hiền huynh hiện diện nơi đây. Tôi đã mong đợi được ở đây với các hiền huynh. Tôi nhớ lại với niềm vui chuyến thăm ad-limina năm ngoái của các hiền huynh.

Những ngày tôi trải qua với các hiền huynh thật rất là nồng nhiệt và đáng hài lòng. Tôi đã có thể học hỏi và trải nghiệm những thực tại khác nhau hình thành nên những vùng đất này và có thể chia sẻ tận mắt niềm tin của người dân thánh thiện và trung thành của Chúa, điều đó làm cho chúng ta phấn chấn. Cảm ơn các hiền huynh đã cho tôi cơ hội “đụng chạm” đến niềm tin của dân Chúa đã được giao phó cho các hiền huynh.

Chủ đề của chuyến tông du này nói với chúng ta về sự hiệp nhất và hy vọng. Đây là một chương trình đầy thách thức nhưng thú vị, làm chúng ta nghĩ đến những thành quả anh hùng của Thánh Turibius thành Mogrovejo, từng là Tổng Giám Mục của Tòa này và cũng là quan thầy của các giám mục Mỹ Latinh, đó là một gương sáng của một “người xây dựng tình hiệp nhất giáo hội”, như người tiền nhiệm của tôi, là Thánh Gioan Phaolô II đã mô tả về ngài trong lần tông du đầu tiên đến vùng đất này. [1]

Điều đáng nói là vị thánh quan thầy này thường được mô tả như một “Môsê mới”. Như các hiền huynh đã biết, Vatican có một bức tranh trong đó Thánh Turibius đang vượt qua một con sông lớn, và nước mở ra trước mắt ngài như Biển Đỏ, để ngài có thể đi đến bờ bên kia, nơi một nhóm người bản địa đang chờ đợi ngài. Đằng sau Thánh Turibius là một đoàn lũ đông đảo, đại diện cho dân trung tín, những người đi theo vị mục tử của họ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. [2] Hình ảnh đẹp này có thể đóng vai trò là một chiếc neo trong suy tư của tôi với các hiền huynh. Thánh Turibius, là người đàn ông muốn đến bờ bên kia.

Chúng ta quan sát ngài từ lúc ngài chấp nhận nhiệm vụ đến vùng đất này với sứ mệnh là một người cha và một mục tử. Ngài bỏ lại sau lưng sự an toàn của môi trường quen thuộc xung quanh để bước vào một vũ trụ hoàn toàn mới, chưa biết và đầy những thách thức. Ngài đã tiến đến một vùng đất hứa được hướng dẫn bởi đức tin như một “bảo chứng cho những điều mong đợi” (Dt 11: 1). Niềm tin của ngài và lòng trông cậy của ngài vào Chúa đã thúc đẩy ngài, và suốt cả cuộc đời còn lại của ngài, để sang bờ bên kia, nơi chính Chúa đang đợi ngài ở giữa đám đông.

Ngài muốn đến bờ bên kia để tìm kiếm người xa đàn chiên và lạc lối. Để làm như vậy, ngài phải để lại đằng sau sự thoải mái của tòa giám mục và dọc ngang trên lãnh thổ được ủy thác cho ngài trong các chuyến viếng thăm mục vụ liên tục; ngài đã cố gắng đến thăm bất cứ nơi nào cần đến ngài, và họ cần ngài biết ngần nào! Ngài ra ngoài để gặp gỡ mọi người, theo những con đường mà theo lời người thư ký của ngài, được dành cho dê hơn là cho người. Thánh Turibius đã phải đối mặt với những thay đổi rất nhiều về khí hậu và địa hình, “trong hai mươi hai năm giám mục của ngài, 18 năm ngài đã trải qua bên ngoài thành phố, ba năm lang thang suốt dọc dài lãnh thổ của mình” [3] Ngài biết rằng đây là cách duy nhất để trở thành một mục tử: đó là gần gũi với đàn chiên của mình, ban phát các phép bí tích, và ngài thường xuyên khích lệ các linh mục mình làm như vậy. Ngài đã làm như thế không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chứng tá của ngài trên tuyến đầu của việc loan báo Tin Mừng. Theo kiểu ngày nay, ta sẽ gọi ngài là một giám mục “đường phố”. Một giám mục có đôi giày mòn lẳng vì lang thang, di hành liên tục, tiến ra để “rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người: mọi nơi, mọi lúc, không do dự, miễn cưỡng; vì niềm vui của Phúc Âm là dành cho mọi người: không ai có thể bị loại trừ”. [4]. Thánh Turibius biết rõ điều này biết là ngần nào! Không sợ hãi và không do dự, ngài đắm mình trong lục địa của chúng ta để loan báo tin vui.

Ngài muốn đến bờ bên kia không chỉ về mặt địa lý mà còn về mặt văn hoá. Thành thử, ngài đã cố gắng bằng nhiều cách khác nhau để có thể truyền bá Tin Mừng bằng ngôn ngữ bản địa. Với Công Đồng Thứ Ba của Lima, ngài đã chuẩn bị để các sách giáo lý được biên soạn và dịch sang tiếng Quechua và Aymara. Ngài khuyến khích hàng giáo phẩm học ngôn ngữ của đàn chiên của họ để có thể ban phát các bí tích cho họ theo một cách thức mà họ có thể hiểu được. Khi thăm và sống với dân mình, ngài nhận ra rằng hiện diện về thể chất thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải học cách nói ngôn ngữ của người khác, chỉ bằng cách này Phúc Âm mới có thể được hiểu và làm rung động được những con tim. Tầm nhìn này cần thiết cho chúng ta, là những mục tử của thế kỷ 21 này, biết bao! Chúng ta cần phải học những ngôn ngữ hoàn toàn mới chẳng hạn như những ngôn ngữ thời kỹ thuật số để hiểu được ngôn ngữ thực sự của những người trẻ, gia đình, và con cái chúng ta. .. Như Thánh Turibius đã nhận ra một cách rõ ràng, có mặt và chiếm một khoảng không gian thôi thì không đủ; chúng ta phải có khả năng tạo ra các quy trình trong cuộc sống của người dân để đức tin của họ có thể bắt rễ và có ý nghĩa đối với họ. Và để làm điều đó, chúng ta phải có thể nói được ngôn ngữ của họ. Chúng ta cần phải đến những nơi có những câu chuyện và mô hình mới đang được nảy sinh để mang lời Chúa Giêsu đến tận trung tâm của các thành phố và các dân tộc của chúng ta. [5] Phúc âm hóa văn hoá đòi hỏi chúng ta phải đi vào trái tim của chính nền văn hoá đó để nó có thể được chiếu sáng từ bên trong bởi Tin Mừng.

Thánh Turibius muốn đến bờ bên kia của lòng bác ái. Đối với vị quan thầy của chúng ta, không thể có phúc âm hóa mà không có những công việc bác ái. Ngài biết rằng hình thức phúc âm hóa tối cao nhất chính là mô hình hóa sự tự hiến của Chúa Giêsu Kitô nơi chính cuộc sống của chúng ta, vì tình yêu đối với mọi người nam nữ. Cứ dấu này người ta nhận ra đâu là con cái Thiên Chúa và đâu là con cái của ma quỷ: tất cả những ai không thực hành công lý thì không đến từ Thiên Chúa, và những người không yêu mến anh chị em của mình cũng không đến từ Thiên Chúa (xem 1Ga 3:10). Trong những lần thăm viếng của mình, ngài đã có thể nhìn thấy những lạm dụng và gánh nặng mà các dân tộc đã phải chịu đựng, và vì thế vào năm 1585, không chút sợ hãi, ngài đã ra vạ tuyệt thông cho quận công Corregidor miền Cajatambo, đặt mình vào vị thế chống lại toàn bộ hệ thống tham nhũng và một mạng lưới lợi nhuận, “thu hút về phía mình sự thù hằn của bao nhiêu người”, bao gồm cả viên Thái Thú [6]. Như vậy, chúng ta thấy, người mục tử phải biết rằng lợi ích siêu nhiên không bao giờ có thể được tách rời khỏi những thiện ích vật chất, và đặc biệt là khi sự liêm chính và phẩm giá của con người gặp nguy cơ. Tính chất tiên tri trong tinh thần của một giám mục phải là: không sợ tố cáo những lạm dụng và dã man đối với dân của chúng ta. Bằng cách này, Thánh Turibius nhắc nhở toàn thể xã hội, và mỗi cộng đồng, rằng lòng bác ái phải luôn đi kèm với công lý. Và rằng không thể có một cuộc phúc âm hoá chân chính mà không chỉ ra và tố cáo mọi tội lỗi chống lại cuộc sống của anh chị em của chúng ta, đặc biệt là những người rốt nhất

Ngài muốn đến bờ bên kia trong việc đào tạo các linh mục của mình. Ngài thành lập chủng viện đầu tiên sau Công Đồng Tridentinô ở phần đất này của thế giới, nhờ đó ngài đẩy mạnh việc đào tạo các giáo sĩ địa phương. Ngài nhận ra rằng viếng thăm mọi nơi và nói cùng ngôn ngữ với người dân cũng chưa đủ đâu: Giáo Hội cần phải nuôi nấng những mục tử địa phương của mình và trở nên một người mẹ hiền. Để đạt được mục đích này, ngài bảo vệ việc truyền chức linh mục cho những thổ dân – là một vấn đề gây tranh cãi vào thời điểm đó - và tìm cách làm cho người khác thấy rằng nếu cần phải có sự đa dạng trong hàng giáo sĩ ở mọi khu vực, thì sự đa dạng ấy phải dựa trên sự thánh thiện chứ không phải là nguồn gốc chủng tộc của họ [7]. Việc đào tạo này không chỉ dừng lại ở khuôn viên các chủng viện mà còn được tiếp tục qua những chuyến viếng thăm liên tục của ngài. Ở đó, ngài có thể nhìn thấy “tình trạng của các linh mục của mình” và bày tỏ sự quan tâm của ngài đối với họ. Chuyện kể rằng vào đêm Giáng sinh, em gái ngài tặng cho ngài một chiếc áo sơ mi để ngài có thể mặc trong dịp lễ. Cùng ngày đó, ngài đi thăm một linh mục, và nhìn thấy điều kiện sống của vị linh mục ấy, ngài cởi ngay chiếc áo sơ mi mới tinh và tặng cho vị này. [8] Ngài là mục tử biết đàn chiên của mình. Một mục tử cố gắng thăm họ, đồng hành với họ, khuyến khích họ và khuyên bảo họ. Ngài nhắc nhở các linh mục của mình rằng họ là các mục tử, chứ không phải người bán hàng, và vì vậy họ phải chăm sóc và bảo vệ người dân như con cái mình [9]. Tuy nhiên, ngài đã không làm điều này từ bàn làm việc, và vì thế ngài biết những con chiên của mình và họ cũng nhận ra giọng nói của vị mục tử của họ.

Ngài muốn đến bờ bên kia của sự hiệp nhất. Trong một cách đáng khâm phục và đầy tính tiên tri, ngài hoạt động để mở ra khả năng hiệp thông và dự phần giữa các thành viên khác nhau của dân Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã nhắc đến điều này khi nói chuyện với các giám mục ở vùng đất này. Ngài lưu ý rằng: “Công Đồng thứ ba của Lima là kết quả của nỗ lực do Thánh Turibius hướng dẫn, khuyến khích và chỉ đạo; nó đem lại kết quả là một sự phong phú tình hiệp nhất trong đức tin, các tiêu chuẩn mục vụ và tổ chức, và những hiểu biết hữu ích cho sự hội nhập hằng được mong muốn của Mỹ Latinh “[10]. Chúng ta biết rất rõ rằng tình hiệp nhất và sự đồng thuận này đã ngoi lên được từ những căng thẳng và xung đột. Chúng ta không thể phủ nhận những căng thẳng và khác biệt; cuộc sống không thể không có xung đột. Tuy nhiên, chúng đòi hỏi chúng ta, nếu chúng ta là những người đàn ông và những Kitô hữu, phải dám đối mặt với chúng và đối phó với chúng. Nhưng phải đối phó với chúng trong tinh thần liên đới, đối thoại chân thành và thẳng thắn, mặt đối mặt, cẩn thận để không bị cám dỗ để lờ đi quá khứ, hoặc giam hãm mình trong quá khứ, thiếu tầm nhìn để có thể phân định được đâu là những nẻo đường hiệp nhất và hòa bình. Một nguồn động viên, trong cuộc hành trình của chúng ta như là một Hội Đồng Giám Mục, đó là biết rằng sự hiệp nhất sẽ luôn luôn chiếm ưu thế hơn [11] Các hiền huynh thân mến, hãy hoạt động cho tình hiệp nhất. Không nên cứ mãi là những tù nhân của những chia rẽ đang tạo ra những bè phái và cản trở ơn gọi của chúng ta là trở nên một bí tích hiệp thông. Hãy nhớ rằng: điều thu hút của Giáo Hội tiên khởi chính là các Kitô hữu yêu thương nhau. Đó là - và luôn luôn là - cách tốt nhất để loan báo Tin Mừng.

Đã đến lúc Thánh Turibius lên bờ cuối cùng, đến vùng đất mà ngài đã nhiều lần nếm trước trên tất cả các bờ biển mà ngài đã bỏ lại sau lưng. Lần này, tuy nhiên, ngài không cô đơn. Như trong bức tranh mà tôi đã đề cập trước đây, ngài đã đi gặp các thánh bao quanh bởi một đoàn lũ thật đông đảo. Ngài là một mục tử chất đầy “túi xách của mình” với những tên và khuôn mặt. Họ là hộ chiếu của ngài để lên trời. Tôi không muốn vượt qua giai điệu cuối cùng này, là thời điểm khi vị mục tử trao phó linh hồn mình cho Chúa. Ngài đã làm ra đi giữa dân mình, và một người bản xứ đã hát một bài hát bằng chiếc tù và của mình để linh hồn người mục tử của anh cảm thấy bình an. Các anh em, xin cho khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình cuối cùng này của mình, chúng ta cũng có thể có cùng trải nghiệm này. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều này [12]

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi.

[1] Diễn từ trước các Giám mục Peru (2 tháng 2 năm 1985), đoạn 3.
[2] x. Phép lạ của Thánh Turibius, Vatican Pinacoteca.
[3] Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, Bài giảng Thánh Lễ, Aparecida (16 tháng 5 năm 2007).
[4] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 23.
[5] X. thượng dẫn., 74.
[6] x. Ernesto Rojas Ingunza, El Perú de los Santos, Kathy Perales Ysla (biên soạn), Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 57.
[7] x. Joséantonio Benito Rodríguez, Santo Toribio de Mogrovejo, Kathy Perales Ysla (ed.),
Cinco Santos del Perú. Vida, obra y tiempo, Lima (2016), 178.
[8] x. thượng dẫn, 180.
 
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23/1/2018: Nghi thức tiễn biệt Đức Thánh Cha tại phi trường quốc tế Lima.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:24 22/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 4h15 chiều Chúa Nhật 21 tháng Giêng, Ðức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu của tổng giáo phận Lima tại căn cứ không quân Las Palmas.

Sau thánh lễ, lúc 6h30 đã có nghi thức tiễn biệt tại phi trường quốc tế Jorge Chavez của Lima.

Khi ra đến phi trường quốc tế Jorge Chavez của thủ đô Lima, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và phu nhân đón tiếp trước cửa phòng khánh tiết của sân bay. Hai ông bà được tiếng là những người rất ngoan đạo.

Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski năm nay 79 tuổi, đã đảm nhận chức vụ từ ngày 28 tháng 7 năm 2016 trong một nhiệm kỳ 5 năm. Ông từng là thủ tướng chính phủ và cũng từng làm bộ trưởng nhiều bộ khác nhau.

Một đội quân danh dự của Peru đã chào đón Đức Thánh Cha.

Trước khi lên máy bay, Đức Thánh Cha đã có một cuộc gặp gỡ riêng với tổng thống Pedro Pablo Kuczynski và phu nhân. Phó tổng thống Martín Vizcarra sau đó cũng đến chào Đức Thánh Cha cùng với tổng thống và vị đệ nhất phu nhân. Ông Martín Vizcarra năm nay 54 tuổi là phó tổng thống thứ nhất. Cơ cấu chính quyền Peru còn có một vị phó tổng thống thứ hai là bà Mercedes Aráoz năm nay 56 tuổi. Bà Mercedes cũng là thủ tướng chính phủ.

Một dàn nhạc thiếu nhi đang hát những bài hát tiễn biệt Đức Thánh Cha.

Các vị trong phái đoàn Tòa Thánh và các vị trong phái đoàn chính phủ đang chào Đức Thánh Cha, tổng thống và phu nhân.

Trước đó, tại căn cứ không quân Las Palmas ở Lima, Đức Thánh Cha đã chào tạm biệt 1.3 triệu tín hữu Peru, và cảm ơn tất cả những ai đã giúp vào việc chuẩn bị cho chuyến tông du của mình.

Trong lời nhắn nhủ sau cùng với anh chị em tín hữu, Đức Thánh Cha nói

“Tôi bắt đầu cuộc hành trình giữa anh chị em với lời mô tả về Peru như một vùng đất của hy vọng. Một vùng đất hy vọng vì sự đa dạng sinh học và vẻ đẹp của cảnh quan, giúp chúng ta khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Đây cũng là vùng đất của hy vọng bởi những truyền thống và phong tục phong phú của nó, đã hình thành nên linh hồn của dân tộc này. Một vùng đất hy vọng cho những người trẻ tuổi, những người không chỉ là tương lai nhưng chính là hiện tại của Peru”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thúc giục người dân Peru “khám phá nơi sự khôn ngoan của những bậc ông bà và người cao niên, DNA đã hướng dẫn các vị thánh vĩ đại của họ.” “Đừng để mất đi căn cội của mình,” ngài nói.

Đức Giáo Hoàng cũng thúc giục họ, “không phải sợ trở nên những vị thánh của thế kỷ 21”.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi dân chúng vùng đất này “bảo vệ hy vọng của anh chị em.” “Không có cách nào tốt hơn để bảo vệ hy vọng của anh chị em cho bằng việc duy trì tình hiệp nhất, để những lý do hy vọng này có thể triển nở từng ngày trong trái tim anh chị em.”

Máy bay đã cất cánh vào lúc 7:10 phút giờ Lima.

Đức Thánh Cha đã về đến Rôma lúc 2h15 chiều thứ Hai theo giờ địa phương.