Ngày 19-01-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
00:01 19/01/2019

78. Chỉ có người nhận rõ chân lý và sống đời thánh thiện, thì mới có thể tìm được bình an chân chính trong tâm hồn.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

---------
http://www.vietcatholicnews.net
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
 
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên 20/1/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:50 19/01/2019
Bài Ðọc I: Is 62, 1-5

“Người chồng sẽ vui mừng vì vợ”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Vì Sion, tôi sẽ không im tiếng, và vì Giêrusalem, tôi sẽ không nghỉ ngơi, cho đến khi Ðấng công chính xuất hiện như ánh sáng, Ðấng Cứu độ Sion đến như ngọn đuốc sáng ngời. Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người. Chính Chúa sẽ đặt cho ngươi một tên mới. Ngươi sẽ là triều thiên vinh hiển trong tay Chúa, và vương miện quyền bính trong tay Thiên Chúa ngươi, ngươi sẽ không còn gọi là kẻ bị ruồng bỏ, và đất ngươi sẽ không còn gọi là chốn hoang vu. Ngươi sẽ được gọi là “kẻ Ta ưa thích”, và đất ngươi sẽ được gọi là đất có dân cư, vì ngươi đẹp lòng Thiên Chúa, và đất ngươi sẽ có dân cư.

(Như) thanh niên sẽ ở cùng trinh nữ, con cái ngươi sẽ ở trong ngươi; (như) người chồng sẽ vui mừng vì vợ, Thiên Chúa ngươi sẽ vui mừng vì ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 7-8a. 9-10ac

Ðáp: Hãy tường thuật phép lạ Chúa giữa chư dân

Xướng: Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới, hãy ca mừng Thiên Chúa đi, toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên chúa, hãy chúc tụng danh Người.

Xướng: Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc.

Xướng: Hãy kính tặng Thiên Chúa, hỡi người chư dân bá tánh, hãy kính tặng Thiên Chúa quyền thế với vinh quang, hãy kính tặng Thiên Chúa vinh quang xứng với danh Người.

Xướng: Hãy mặc lễ phục, thờ lạy Thiên Chúa. Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước thiên nhan, hãy công bố giữa chư dân rằng Thiên Chúa ngự trị. Người cai quản chư dân theo đường đoan chính.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 4-11

“Cùng một Thánh Thần ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, có những hồng ân khác nhau, nhưng vẫn là một Thánh Thần; có nhiều chức vụ khác nhau, nhưng chính là một Chúa; và có những hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người. Ơn Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi khác, cốt để mưu cầu công ích. Người thì được Thánh Thần cho lời khôn ngoan, kẻ khác thì được lời thông minh, theo cùng một Thánh Thần; người khác được đức tin, trong cùng một Thánh Thần; kẻ khác nữa được ơn chữa bệnh, trong cũng một Thánh Thần đó; có người được ơn làm phép lạ, có kẻ được ơn tiên tri, người khác được ơn phân biệt các thần trí; có người được ơn nói nhiều thứ tiếng; người khác được ơn giải thích các thứ tiếng. Nhưng cùng một Thánh Thần duy nhất thực hiện tất cả những điều đó. Người ban phát ơn riêng cho mỗi người theo như Người quy định.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến, bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 2, 1-12

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, Con với bà có can chi đâu, giờ Con chưa đến”. Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo”. Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do-thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu ra, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này”. Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

Sau đó Người xuống Capharnaum làm một với mẹ Người, anh em (Người) và môn đệ của Người, nhưng các Ngài chỉ lưu lại ở đó ít ngày thôi.

Ðó là lời Chúa.
 
Tình Yêu với Chai Rượu Cana
Lm. Alf Nguyễn Công Minh, OFM
10:43 19/01/2019
Tình Yêu với Chai Rượu Cana

Năm 2000 tôi có cơ hội hành hương Đất Thánh (Nước Do Thái) và đến thăm nhà thờ tiệc cưới Cana nơi kỷ niệm Chúa làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon để giúp cho đôi vợ chồng mới cưới khỏi bẽ mặt vì thiếu rượu.

Tại nhà thờ hôm đó, những cặp vợ chồng đi chung với nhau, lại nắm tay nhau như trước kia đã từng nắm để hâm lại tình yêu, khi linh mục thay mặt đọc lại lời thề ước hôn nhân. Trong các cặp, có một đôi vừa mới cưới được đúng 2 tuần ở Mỹ, đã tham gia cuộc hành hương và muôn cặp mắt đổ dồn về cặp đó. Xem ra cặp này cảm động lắm lắm, nên mặt đỏ hây hây, có thể cũng vì rượu cưới chưa kịp phai.

Sau nghi lễ, ai cũng chen chân ghé văn phòng Nhà Thờ, do mấy thầy dòng Phanxicô chăm sóc, đóng ít đồng và lấy giấy chứng nhận đã từng nắm tay nhau tại Cana, nơi Chúa hóa nước thành rượu.

Và dĩ nhiên sau nghi lễ phải ghé tiệm rượu ngay sát nhà thờ.

Chủ tiệm mời dùng thử rượu cưới, tự do. Ai uống bao nhiêu cứ uống. Tôi cũng uống. Thấy người ta mua, tôi cũng mua. 5 chai 15 đô. Khi mua không nghĩ gì đến chuyện mang về khó khăn, nhưng khi di chuyển từ miền Bắc, tức từ Nagiaret xuống miền Nam, Bê-lem, và nghĩ đến chuyện mang về Mỹ là cả một công trình, tôi mới bàn với mấy linh mục bạn cùng đi : "Thôi mỗi ngày chúng ta mừng nhau một chai và như thế trong mấy ngày chúng ta thanh toán hết và không còn phải lo lắng gì đến chuyện phải mang về khó khăn nữa.” Nói là làm. Nhưng cũng may giữ được một chai đem về.

Trong một lễ cưới, tôi dùng chai rượu Cana để làm hình ảnh chia sẻ về ý nghĩa tình yêu:

-Chai rượu này quí vì nó chỉ được bán ở một nơi duy nhất trên thế giới đó là Cana.

-Nó quí vì nó nhắc lại việc Chúa hiện diện trong tiệc cưới làm cho đôi vợ chồng được sung sướng hạnh phúc.

-Hơn nữa nó còn quí ở chỗ công phu gìn giữ khi phải di chuyển từ miền Bắc nước Do Thái là Cana xuống miền Nam là Bê-lem, và đi lên Giêrusalem rồi quay lại miền Trung là Tel Aviv để bay về Paris, rồi lại từ Paris bay về Mỹ. Thật là cả một công trình vất vả khó khăn. Phải lấy vải lấy khăn bọc chai rượu lại rồi xếp cẩn thận trong vali nhỏ và lúc nào cũng xách theo mình không dám gửi xe bus hay hành lý máy bay vì sợ vỡ.

Cũng như rượu Cana này, tình yêu của các cặp vợ chồng dành cho nhau thật cao quí vì nó phát xuất từ Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu đó còn cao quí vì nó gói ghém sự trao ban trọn vẹn của cặp vợ chồng trao cho nhau.

Tuy nhiên cũng như chai rượu này dễ bể dễ vỡ, tình yêu thật cao quí nhưng cũng rất dòn mỏng, dễ vỡ dễ mất, chỉ một chút không để ý, một chút tự ái ích kỷ, một chút kiêu ngạo cố chấp, một chút đụng chạm nhau, cũng có thể làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Gìn giữ một chai rượu thật khó khăn, nhưng đập bể nó thì dễ vô cùng. Chỉ cần cho rơi là rớt hết rượu.

Một em bé sau khi nghe xong bài Tin Mừng hôm nay về việc Chúa tham dự tiệc cưới và đã làm phép lạ cho nước hóa rượu giúp cho cặp vợ chồng mới cưới được sung sướng hạnh phúc, về nhà ông bố hỏi: "Con đã học được gì nơi bài Tin Mừng đó ?" Em bé suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: "Nếu có đám cưới, hãy làm thế nào để Chúa phải có mặt ở đó."

Vào một buổi chiều mùa đông, từ trong nhà, người vợ trông thấy như có thấp thoáng bóng ai đó đang đứng ở trước cửa nhà. Ra mở thấy có 3 cụ già tóc bạc phơ đang ngồi ngay cửa căn nhà mình. Nhìn thấy họ có vẻ xa lạ, chắc là những người từ phương xa qua đường dừng chân lại đây trong khi chưa tìm được chỗ trọ. Thấy tội nghiệp, người vợ liền lịch sự lên tiếng mời:

- "Chào quý cụ, tuy con chẳng biết quý cụ từ đâu đến, nhưng chắc quý cụ cũng đã rất mệt vì cuộc hành trình, và chắc cũng đã đói lắm rồi, kính mời quý cụ vào trong nhà con nghỉ ngơi và ăn chút gì lót dạ cho nó đỡ đói".

3 cụ già đồng thanh lên tiếng hỏi:

- "Xin hỏi, ông chủ có ở nhà không?"

Người vợ nhanh nhẹn trả lời:

- "Dạ thưa quý cụ, chồng con đi làm chưa về."

3 cụ già bèn nói:

- "Thế thì chúng tôi không vào nhà được".

. . .

Ðến tối, khi người chồng về tới nhà (chắc là về cổng sau), người vợ bèn đem câu chuyện 3 cụ già trước cửa nhà kể lại cho chồng nghe. Nghe xong, người chồng bèn bảo vợ:

- "Vậy thì bây giờ em ra bảo họ, anh đã về tới nhà đây rồi, và mời họ vào nhà nghỉ ngơi."

Người vợ đi ra ngoài cửa và mời 3 cụ già vào nhà.

3 cụ già đồng thanh trả lời:

- "Chúng tôi không thể đồng loạt cùng vào nhà".

Người vợ bèn hỏi:

- "Tại sao vậy?"

Một cụ già trong nhóm bèn lên tiếng giải thích, vừa giơ tay chỉ từng cụ già và giới thiệu:

- "Cụ này là người giàu có, tên là Ðặng Phát Tài, cụ kia là một người làm gì được nấy tên là Ðặng Thành Công, còn tôi là người chuyên về việc từ thiện có tên là Ðặng Nhân Ái", nói đoạn, cụ già ngước nhìn bà chủ nhà và nói tiếp: "Bây giờ bà hãy vào thương lượng với chồng bà, trong 3 người chúng tôi, gia đình bà muốn mời người nào vào trong nhà?"

Người vợ bèn vào nhà và kể lại cho chồng nghe tất cả mọi chi tiết. Nghe xong, người chồng vui mừng khôn tả và bảo vợ:

- "Thì ra là như vậy, thế thì chúng ta hãy mời cụ Thành Công vào nhà!"

Nghe chồng nói, người vợ không đồng ý nên nói:

- "Này anh, hay là chúng ta mời cụ Phát Tài vào nhà được không anh ?"

Cô con dâu trong nhà nãy giờ nghe được câu chuyện hai vợ chồng đang thảo luận, bèn lên tiếng góp ý kiến:

- "Thưa ba mẹ, chúng ta nên mời cụ Nhân Ái vào nhà có hay hơn không ?"

Nghe thế, người chồng bèn bảo vợ:

- "Vậy thì em hãy ra mời cụ Nhân Ái vào nhà nghỉ ngơi"

Người vợ nghe lời chồng, đi ra cửa nói với 3 cụ già:

- "Thưa quý cụ, trong quý cụ ai là cụ Nhân Ái, gia đình chúng con rất hân hoan mời cụ vào nhà ạ ?"

Nghe bà chủ nhà nói xong, cụ Nhân Ái bèn đứng lên và chuẩn bị đi vào nhà. Hai cụ già kia cũng đứng lên theo và cùng tiếp bước vào nhà. Người vợ thấy thế thì ngạc nhiên, liền được giải thích:

- "Nếu qúy gia chủ mời cụ Thành Công hoặc cụ Phát Tài vào nhà, thì 2 cụ còn lại sẽ không vào, nhưng nếu quý gia chủ mời cụ Nhân Ái vào nhà, thì bất kể cụ Nhân Ái bước đi đâu chúng tôi đều cất bước đi theo. Ở đâu có Nhân Ái thì ở đó có Phát Tài và Thành Công".

Ở đâu có Nhân Ái thì ở đó có Phát Tài và Thành Công.

Câu này rất na ná câu vẫn thường nghe hát, “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời.”

Câu trả lời của em bé: học được gì qua phép lạ Cana là “hãy mời Chúa Giêsu cho bằng được” đáng cho ta suy nghĩ. Bởi vì khi Chúa Giêsu và Mẹ Người vào rồi thì sẽ kéo theo nhiều cái khác. Lúc đó chai có lỡ bể, rượu chảy ra, đã có Chúa Giêsu ở đó làm nước lã hóa rượu ngon.

Cách thế gìn giữ tình yêu tốt nhất, là hãy mời Chúa Giêsu, Đấng Nhân Ái vào nhà. Các cụ khác : trung thành, tha thứ, bình an…kể cả cụ hạnh phúc sẽ vào theo.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

góp nhặt
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cách đền thờ Thánh Phêrô vài dặm có đền thờ đạo Mormon đầu tiên ở Roma
Nguyễn Long Thao
12:01 19/01/2019
Cách Đền Thờ Thánh Phêrô tại Vatican chỉ vài dặm, một đền thờ của đạo Mormon đã được xây dựng và khánh thành hôm qua 19 tháng 1 năm 2019. Đền thờ có tháp nhọn nhưng không cao bằng mái vòm của đền thờ Thánh Phêrô.

Giới chức cao cấp cai quản đạo này là Ronald Rasband mà đặc ngữ đạo Mormon gọi là Huynh Trưởng (Elder) nói việc chọn Roma để xây dựng đền thờ có ý nghiã lịch sử vì Roma là trung tâm của Kitô Giáo.

Huynh Trưởng Rasband nói tiếp“ Những vị tông đồ đầu tiên đã sống, đã phục vụ và đã tử đạo tại đây vì vậy Giáo Chủ Đạo Momon là tiên tri Russell M. Nelson ( Prophet President Russell M. Nelson)đã chọn Ý để xây dựng đền thờ đạo Mormon.

Theo Huynh Trưởng Ronald Rasband khi xây dựng đền thờ, giới chức lãnh đạo Mormon đã thảo luận dự án với giới chức Vatican. Huynh Trưởng nói tiếp:

"Chúng tôi là bạn với Giáo Hội Công Giáo, tôi đã tham gia phái đoàn chính thức đến Vatican, gặp gỡ các Hồng Y và những giới chức khác, không chỉ về dự án này, mà còn liên hệ đến mối quan hệ giữa chúng tôi với bạn bè Công Giáo trên toàn thế giới, chúng tôi đã cộng tác với nhau về các vấn đề nhân đạo, tị nạn và tự do tôn giáo”.

Đền thờ rộng 3700 mét vuông được làm bằng đá cẩm thạch và đá granit của Ý. Giới chức Mormon không tiết lộ kinh phí xây dựng đền thờ là bao nhiêu, nhưng những đồ trang trí thì đắt giá như đèn chùm pha lê được dát bằng vàng 24 ca ra.

Đền thờ Mormon được sử dụng chủ yếu để rửa tội và hôn nhân. Theo tin của CNN thì chỉ những thành viên đạo Mormon có đức tin tốt mới được vào những phòng bên trong. Du khách nếu không phải là người đạo Mormon thỉ chỉ được phép vào khu dành cho du khách.

Đạo Mormon thường được chính thức gọi là Giáo Hội Jesus Christ of Latter-day Saints, được thành lập tại New York vào năm 1830 do Ông Joseph Smith, người đã tuyên bố nhận được sự mặc khải từ Thiên Chúa.

Ở Hoa Kỳ hiện có khoảng 6,5 triệu người theo đạo Mormon, Nam Mỹ có 4 triệu, Âu Châu 500,000, Ý có 6000 người. Đền thờ ở Ý mới khánh thành là ngôi đền thứ 12 ở Âu Châu và thứ 162 trên toàn thế giới.

Về đạo Mormon 53% người Mỹ có ý kiến tích cực về đạo này trong khi đó 27% không có thiện cảm với đạo này. Đạo Mormon có bản doanh chính ở tiểu bang Utah và một trong những nét đặc biệt của đạo này là cho đa thê.

52% những người theo đạo Mormon nói họ cũng thuộc Kitô giáo, nhưng hơn 60% những người không theo đạo Mormon cho rằng Mormon không có gì là Kitô Giáo cả

Nguyễn Long Thao
 
Tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô giải tán Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei
Đặng Tự Do
13:42 19/01/2019
Trong số ra ngày 19 tháng Giêng, 2019, tờ Quan Sát Viên Rôma đã công bố một Tông Thư dưới dạng tự sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô giải tán Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), được thành lập bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tự sắc cùng tên vào ngày 2 tháng 7 năm 1988.

Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn Tông Thư dưới dạng tự sắc này của Đức Thánh Cha Phanxicô:


Trong hơn ba mươi năm qua, Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa), được thành lập bởi tự sắc Ecclesia Dei, ngày 2 tháng 7 năm 1988, đã thực thi với lòng chân thành và đáng khen ngợi nhiệm vụ cộng tác với các Giám mục và các Bộ của Giáo Triều Rôma trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiệp thông đầy đủ với Tòa Thánh của các linh mục, chủng sinh, các cộng đồng hoặc cá nhân nam nữ tu sĩ đã từng gắn bó với Huynh Đoàn do Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre sáng lập, là những người muốn duy trì sự hiệp nhất với Người kế vị Thánh Phêrô trong Giáo Hội Công Giáo, trong khi vẫn muốn giữ truyền thống linh đạo và phụng vụ của họ.[1]

Nhờ thế, Ủy ban đã có thể thực thi quyền lực và thẩm quyền của mình đối với các Hiệp hội và Đoàn thể nói trên nhân danh Tòa Thánh, trừ khi có quy định khác.[2]

Sau đó, với tự sắc Summorum Pontificum ngày 7 tháng 7 năm 2007, Ủy ban Giáo hoàng đã mở rộng quyền lực của Tòa thánh đối với các tổ chức và cộng đồng tu sĩ gắn bó với hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma và các truyền thống tu trì trước đó, duy trì sự giám sát đối với việc thi hành và áp dụng các quy định của tự sắc này.[3]

Hai năm sau đó, Người tiền nhiệm đáng kính Bênêđíctô XVI của tôi, với tự sắc Ecclesiae Unitatem, ngày 2 tháng 7 năm 2009, đã tổ chức lại cấu trúc của Ủy ban Giáo hoàng, để làm cho nó phù hợp hơn với tình huống mới được tạo ra do sự dỡ bỏ vạ tuyệt thông áp đặt trước đó đối với bốn giám mục [của Huynh Đoàn Thánh Piô X] được tấn phong mà không được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng. Hơn nữa, xem xét rằng, sau một hành động ban ơn như vậy, các vấn đề được giải quyết bởi Ủy ban Giáo hoàng này giờ đây chủ yếu chỉ còn là vấn đề tín lý, người tiền nhiệm của tôi đã liên kết Ủy ban với Bộ Giáo lý Đức tin một cách hữu cơ hơn, trong khi vẫn giữ các mục tiêu ban đầu của nó, nhưng sửa đổi cấu trúc cho phù hợp. [4]

Cuộc họp thứ tư hàng tuần của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 15 tháng 11 năm 2017 đã đề nghị rằng cuộc đối thoại giữa Tòa thánh và Huynh Đoàn Thánh Piô X nên được tiến hành trực tiếp bởi Bộ Giáo lý Đức tin. Vì các vấn đề được giải quyết về bản chất là các vấn đề tín lý, nên tôi đã chấp thuận đề nghị ấy trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Luis Ladaria, SJ vào ngày 24 tháng 11 2017. Đề nghị này cũng đã được tán thành bởi Phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin được tổ chức từ ngày 23 đến 26 tháng Giêng năm 2018. Do đó, tôi đã đến quyết định sau đây, sau khi suy nghĩ chín chắn.

Xem xét vào thời điểm hôm nay các điều kiện đã đưa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei; đồng thời nhận thấy rằng các tổ chức và cộng đồng tu sĩ thường cử hành thánh lễ với hình thức ngoại thường ngày nay đã đạt được sự ổn định về số lượng và cuộc sống của họ; và cũng thấy rằng các mục tiêu và các vấn đề được giải quyết bởi Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei về bản chất chủ yếu là các vấn đề tín lý; với mong muốn rằng những mục tiêu này là rõ ràng hơn bao giờ đối với lương tâm của các cộng đồng giáo hội, với Tông Thư dưới dạng tự sắc này:

Tôi truyền rằng:

1. Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, được thành lập vào ngày 2 tháng 7 năm 1988 với tự sắc Ecclesia Dei, nay được giải tán.

2. Các nhiệm vụ của Ủy ban nêu trên được chuyển giao hoàn toàn cho Bộ Giáo lý Đức tin, trong một Phân Bộ đặc biệt sẽ được thiết lập để tiếp tục công việc giám sát, thúc đẩy và bảo vệ mà cho đến nay được thực hiện bởi Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei vừa được giải tán.

Ngân sách của Ủy ban Giáo hoàng là một phần trong kế toán thông thường của Bộ nói trên.

Hơn nữa, tôi truyền rằng tự sắc này phải được chấp hành bất kể nếu có điều gì mâu thuẫn, ngay cả khi đáng được đề cập cụ thể. Tự sắc được công bố trong ấn bản ngày 19 tháng Giêng năm 2019 của tờ Quan Sát Viên Rôma, có hiệu lực ngay lập tức, và sau đó được đưa vào công báo chính thức của Tòa thánh, Acta Apostolicae Sedis.

Ban hành tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma, ngày 17 tháng Giêng năm 2019, trong năm thứ Sáu triều Giáo hoàng của tôi.

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

[1] Xem: Joannes Paulus PP. II, Litterae Apostolicae ‘Motu proprio datae’, Ecclesia Dei adflicta’, 2 Iulii 1988, AAS, LXXX (1988), 12 (15 Nov. 1988), 1495-1498, 6a.

[2] Xem: Rescriptum ex Audientia Sanctissimi, 18 Oct. 1988, AAS, LXXXII (1990), 5 (3 Maii 1990), 533-534, 6.

[3] Xem: Benedictus PP. XVI, Litterae Apostolicae ‘Motu proprio datae’, Summorum Pontificum, 7 Iulii 2007, AAS, XCIX (2007), 9 (7 Sept. 2007), 777-781, 12.

[4] Xem: Benedictus PP. XVI, Litterae Apostolicae ‘Motu proprio datae’, Ecclesiae unitatem, 2 Iulii 2009, AAS, CI (2009), 8 (7 Aug. 2009), 710-711, 5.


Source: Libreria Editrice Vaticana LETTERA APOSTOLICA IN FORMA DI «MOTU PROPRIO» DEL SOMMO PONTEFICE FRANCESCO CIRCA LA PONTIFICIA COMMISSIONE "ECCLESIA DEI"
 
Sứ Thần Tòa Thánh Christophe Pierre: Những người phò sinh đang canh tân xã hội Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:49 19/01/2019
Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, là Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã cảm ơn những người tham dự vào cuộc diễn hành phò sinh vì chứng tá đức tin Công Giáo của họ cả trong Thánh lễ và trên đường phố Washington.

Những người trẻ tham gia vào cuộc tuần hành ủng hộ sự sống được ủy thác trách nhiệm canh tân xã hội Mỹ. Đây là thông điệp của Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre gửi đến các tham dự viên đứng chật sân vận động Capital One vào sáng thứ Sáu trước cuộc diễn hành vì sự sống ở Washington, DC.

Phát biểu trước đám đông vào đầu Thánh lễ trong đó ngài là vị chủ tế, vị đại diện Đức Thánh Cha tại Hoa Kỳ đã cảm ơn những người có mặt vì đã chứng tá đức tin Công Giáo của họ trong Thánh lễ, sau đó trên đường phố Washington, và thậm chí quan trọng hơn khi họ trở về nhà.

“Anh chị em hãy biết rằng mình đang đóng góp vững chắc cho sự đổi mới của xã hội Hoa Kỳ,” ngài nói.

“Tương lai của đất nước rộng lớn này nằm trong tay những người trẻ tuổi như chính các bạn, những người tin rằng đất nước này đã được hình thành như một quốc gia dưới sự phù trì của Thiên Chúa, và không có quyền lực nào của con người được phép thách thức luật pháp của Thiên Chúa.”

Hơn 18,000 người tuần hành ủng hộ sự sống đã tràn ngập vận động trường Capital One ở trung tâm thành phố Washington vào ngày 18 tháng Giêng để tham dự Thánh lễ vì sự sống hàng năm và sau đó vào cuộc tuần hành chống phá thai thường niên trong suốt 46 năm qua. Dòng người đã xếp thành đội ngũ tề chỉnh ngay cả trước thời điểm các cánh cửa vào sân vận động được mở ra lúc 6:15 sáng.

Cuộc diễn hành được bắt đầu với hơn hai giờ thuyết trình và thánh ca, bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Xe buýt của các nhóm từ các giáo xứ, các trường trung học và đại học trên khắp đất nước đổ vào các khu vực khác nhau, với nhiều nhóm đội mũ và đồng phục rất tề chỉnh.

Vận động trường Capital One, là sân nhà của các đội thể thao Washington Capitals và Wizards đông chật người. Khi một nữ tu xướng danh các nhóm đến từ các tiểu bang như Pennsylvania, Illinois, Tennessee và Nebraska, những tiếng reo hò và những tràng pháo tay nổ ra, với bầu không khí giống như một trận chung kết hơn là một buổi cầu nguyện vào sáng sớm.

Trong suốt phần tập hợp vào buổi sáng, những hàng dài được hình thành trong các hành lang của tầng trên sân vận động, nơi các linh mục ban bí tích Hòa Giải cho hàng ngàn người.

Trong đám đông rải rác cũng có các linh mục, tu sĩ nam nữ, những bậc cha mẹ và thầy cô giáo, nhưng phần lớn các tham dự viên là những người trẻ dưới 30 tuổi.

9 giờ sáng, bầu không khí náo nhiệt đột ngột chuyển sang nghiêm trang, sùng kính khi kinh Mân côi được cất lên.

Thánh lễ bắt đầu lúc 9:20, do Đức Tổng Giám Mục Pierre chủ tế, cùng với các Đức Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Washington là các Đức Cha Mario Dorsonville và Đức Cha Roy Campbell. Trong số các giám mục khác còn có Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP của Sydney, Úc.

Trong những lời chào mừng của ngài, Đức Sứ Thần Tòa Thánh đã gửi một thông điệp từ Đức Thánh Cha Phanxicô đến các tham dự viên.

“Đức Thánh Cha biết ơn sâu sắc anh chị em vì chứng tá xuất sắc này cho quyền sống của những thành viên vô tội và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình nhân loại của chúng ta,” Đức Sứ Thần Tòa Thánh nói.

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “đề cao phẩm giá bất khả xâm phạm của cuộc sống con người và làm mọi cách để luật pháp phải bảo vệ sự sống là thách thức của mọi thế hệ và đặc biệt là giới trẻ.”

Ngài viết tiếp: “Tôn trọng sự thánh thiêng của mỗi sự sống con người là nền tảng cho việc xây dựng một xã hội thực sự tốt, công bằng và tự do, trong đó mỗi người được coi trọng và được chào đón như một người anh, một người chị, hay một người em”.

Đám đông đổ ra đường phố Washington sau Thánh lễ, hướng về các điểm tập hợp của họ cho cuộc tuần hành vào ban chiều. Khi họ rời khỏi sân vận động, một linh mục hô hào nhóm của ngài rằng:

“Ngày nay là để mang lại sự sống cho mọi người - chúng ta đã xưng tội và nhận Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, đó là cuộc sống phong phú nhất chúng ta có thể nhận được. Hãy mang cuộc sống ấy đến cho những người khác trong ngày hôm nay.”


Source: Catholic Herald ‘You are renewing American society’ nuncio tells Mass for Life
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Khánh thành nhà thờ Giáo Xứ Tân Thông-Hạt Củ Chi-Giáo Phận Phú Cường.
Cây Viết Chỉ Nhỏ
10:31 19/01/2019
Vào lúc 09 giờ sáng thứ bảy 19/1/2019 Nhà Thờ Thánh Tâm thuộc Giáo Xứ Tân Thông chính thức hoàn thành và khánh thành. Trong niềm tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và hân hoan vui mừng, cùng toàn thể giáo dân Giáo Xứ Tân Thông đón chào Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước Giám Mục Giáo Phận Phú Cường, quý Cha từ các giáo xứ trong giáo phận, các tu sĩ của các dòng tu,cùng đông đảo quý ân nhân, quý khách đến từ các giáo xứ lân cận thuộc giáo phận Saigon đã đến hiệp thông dâng thánh lễ tạ ơn cung hiến và khánh thành nhà thờ. Đức Cha Giuse cắt băng khánh thành và chủ sự thánh lễ.

Xem Hình

Nhà Thờ Giáo Xứ Tân Thông nằm trên địa bàn Huyện Củ Chi Saigon thuộc vùng ven ngoại thành, bà con giáo dân đa phần sống bằng nghề nông nghiệp còn nghèo khó.

Nhà thờ được xây dựng nhờ nhiều nguồn đóng góp từ các mạnh thường quân khắp nơi.

Cuối Thánh Lễ Đức Cha Giuse cũng kêu mời mọi người nổ lực hơn nữa để giúp đỡ Cha Chánh Xứ cho Ngài chu toàn công trình tốt đẹp về tài chánh cũng như cơ sở vật chất.

( Ví như Chúa chẳng xây nhà thợ nề vất vả cũng là uổng công. TV 127,1)
 
Hội Dòng Thánh Tâm Huế Tổ Chức Vui Xuân Cho Người Nghèo Và Khuyết Tật
Trương Trí
10:35 19/01/2019
Sáng hôm nay 19 tháng 1 năm 2019, nhằm ngày 14 tháng Chạp m lịch, Hội Dòng Thánh Tâm Huế đã tổ chức vui Xuân cho hơn 600 người đến từ khắp nơi thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Người mù các huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền và thành phố Huế. Những người mù đã được xe 16 chỗ do Hội Dòng đến đón về Nhà Mẹ để tham dự ngày vui xuân. Các tu sĩ dòng Thánh Tâm đã dìu dắt từng đoàn từng nhóm vào chỗ ngồi.

Xem Hình

Khai mạc chương trình Vui Xuân với chủ đề: Xuân Yêu thương-Cho Bạn-Cho Tôi do linh mục Giuse Phan Tấn Hồ, Bề trên Nhà Mẹ Dòng Thánh Tâm, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu: Xuân Yêu thương không dành cho riêng một ai, mà dành cho Bạn-cho Tôi. Ban Tổ chức qua sự trợ giúp của những nhà hảo tâm đến từ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại để hôm nay có thể chia sẻ niềm vui ngày Tết Nguyên đán Cổ truyền của dân tộc cho hơn 600 người già yếu và trẻ em, trong đó có những người khuyết tật.

Chương trình Xuân Yêu thương-cho Bạn cho Tôi với những tiết mục biểu diễn đặc sắc của các ca sĩ thiện nguyện như: ca sĩ Minh Lý; ca sĩ Thu Phương; ca sĩ Anh Thư; ca sĩ Trâm Trần; ca sĩ Phan Thu; ca sĩ Thanh Bình; ca sĩ Đăng Côi; ca sĩ Ngọc Đồng. Đặc biệt với sự góp mặt của hai ca sĩ nhí Mỹ Khánh và Á quân giọng hát Việt nhí 2018 Xuân Phương thuộc Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam, Tổng Giáo phận Huế.

Tham dự chương trình vui Xuân, dù hết sức bận rộn công việc, nhưng để tỏ tình liên đới với Hội Dòng, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh-Chủ tịch HĐGM Việt Nam-Tổng Giám mục Huế đã đến dự và chung vui với mọi người. Linh mục Lecleir Stephann từ Vương quốc Bỉ cùng đi với Đức Tổng tham dự ngày vui. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Linh mục Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Phêrô Nguyễn Đức Huyền, linh mục Phó Bề trên Tổng quyền Antôn Huỳnh Đầy và đông đảo linh mục và tu sĩ thuộc Dòng Thánh Tâm.

Một điều hết sức đặc biệt là từ rất xa xôi, một số nhà hảo tâm cũng đã đến tham dự để cùng sẻ chia và cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc của những con người thiếu thốn, bất hạnh. Như gia đình anh chị Maria Vũ thị Lệ Thủy đến từ Giáo xứ Thủ Thiêm-Sài Gòn; anh Phêrô Nguyễn Ngọc Út đến từ giáo xứ San José- C.A.

Chia sẻ với Hội Dòng Thánh Tâm và mọi người trong ngày vui, Đức Tổng Giám Mục Giuse nói: Mỗi một năm, dòng Thánh Tâm Huế đều tổ chức một buổi gặp mặt với người nghèo, lý do đơn giản là Giáo lý của Chúa Giêsu-Đấng sáng lập Đạo Công Giáo dạy moị người hãy yêu thương nhau, và đối tượng ưu tiên hàng đầu của Ngài là người nghèo. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng không thể có điều kiện để lo hết cho người nghèo, dòng Thánh Tâm Huế là một trong những Hội Dòng đi đầu trong việc giúp đỡ người nghèo, vì vậy mà hôm nay chúng ta sắp đón Tết Cổ truyền thì Hội Dòng ngoài việc lo cho các Cộng đoàn mà Hội Dòng phụ trách ăn Tết, Hội Dòng cũng nhớ đến những người nghèo từ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ăn Tết. Với tư cách là lãnh đạo của Giáo phận, Ngài hết lòng cảm ơn cha Bề trên Tổng quyền và Đại Gia đình dòng Thánh Tâm đã đi đầu trong công việc phục vụ người nghèo. Ngài cũng xin cảm ơn các vị ân nhân đã cộng tác với dòng Thánh Tâm để tổ chức được những buổi vì người nghèo như hôm nay. Và Ngài cũng xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả những ai đã có tấm lòng quảng đại để cùng với nhà dòng chia sẻ với những khó khăn và những mãnh đời bất hạnh. Ngài cũng cầu chúc mọi sự tốt lành sẽ đến với tất cả mọi người trong năm mới này.

Linh mục Lecleir Stephann phát biểu qua phiên dịch của Đức Tổng Giuse, ngài nói: Tôi may mắn đã được gặp một người Việt Nam là bậc Đáng kính: Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chính người đã trao lại cho tôi kho tàng khôn ngoan của người Việt Nam, đã dạy cho tôi bài học vượt qua sự đau khổ, ở tại Huế đây, mọi người ai cũng biết ngài là người Phủ Cam của Tổng Giáo phận Huế. Ngài bày tỏ lòng cảm ơn với mọi người về chứng từ hôm nay, chứng từ của lòng bác ái yêu thương, là việc làm ý nghĩa nhất đối với những người khó khăn.

Thay mặt cho những ân nhân hiện diện trong ngày vui hôn nay, chị Vũ thị Lệ Thủy với tâm tình xúc động trước những hoàn cảnh khó khăn, đã mượn lời bài hát “Tình Ngài gọi con” để chia sẻ tâm tình:

“Ngày nào mang nỗi đau, tôi mới hiểu nỗi đau là gì

Ngày nào trong khát khô, tôi mới hiểu phận người ăn xin

Cần một ly nước thôi, cần một bát cơm vơi, chờ đợi bàn tay ai đó đưa ra.”

Sự sẻ chia chính là rao giảng Tin mừng thiết thực nhất, mong sao nỗi đau của người nghèo chính là nỗi đau của mọi người, và hạnh phúc của người nghèo chính là hạnh phúc của chúng ta. Mong sao tất cả những người nghèo khó vượt qua được những bất hạnh.

Những tiết mục biểu diễn của những ca sĩ hết sức nhiệt thành để giúp cho những người nghèo có được ngày vui, đặc biệt hai ca sĩ nhí Xuân Phương và Mỹ Khánh đã trình bày bài “Ba ngọn nến lung linh” của ca sĩ Ngọc Lễ, là chủ đề mà Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh đã nhắc về Gia đình, là nguồn hạnh phúc của những gia đình đoàn tụ bên nhau dù có khó khăn. Kết thúc bài hát, Đức Tổng và cha Bề trên Tổng quyền đã lên chụp hình lưu niệm với các cháu.

Kết thúc ngày vui hôm nay, mọi người được cùng nhau ăn bữa cơm thân mật, Hội Dòng cũng đã trao tặng mỗi người một phần quà góp vào ngày Tết, tổng giá trị lên đến 170 triệu đồng.

Trong cuộc sống, mỗi một người chúng ta ai cũng có rất nhiều nơi để đi, những chỉ có duy nhất một chốn để về, đó là ngôi nhà đầy tràn niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Hy vọng rằng, nhờ vào những tấm lòng nhân ái mà Hội Dòng Thánh Tâm Huế hàng năm sẽ tổ chức được Ngôi Nhà yêu thương, để cho người người nghèo khổ, những mãnh đời bất hạn có thể quay về cùng nhau hưởng trọn niềm yêu thương và niềm vui hạnh phúc gia đình.

Trương Trí
 
Cộng Đồng Công Giáo Tổng Giáo Phận Melbourne thắp nến cầu nguyện cho Lộc Hưng
Trần Văn Minh hình Lê Hải
22:57 19/01/2019
Melbourne, vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, Ngày 19 Tháng Một, Năm 2019. Tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Tôma Thiện vùng Keysborough. Thánh lễ đồng tế trọng thể đã được cử hành, để cầu nguyện cho đồng bào Lộc Hưng, là nạn nhân của bạo quyền Cộng sản Việt Nam.

Hình Lê Hải

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Vũ Ngọc Tuyển, Quản nhiệm cộng đoàn chủ tế cùng với quý Cha Đặng Nhật Trường và Phạm Minh Ước đồng tế. Với sự hiện diện quý quan khách gồm quý ông Nguyễn Văn Bon Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc châu. Bà Nguyễn Phượng Vỹ Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do Tiểu bang Victoria, ông Trần Ngọc Cẩn trưởng ban mục vụ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne, cùng đông đảo bà con, với đủ mọi lứa tuổi từ nam, phụ, lão, ấu, không phân biệt tôn giáo cùng đến tham dự cầu nguyện.

Trước khi cử hành thánh lễ, linh mục chủ tế đã nói về ý nghĩa cầu nguyện và giới thiệu quý khách. Trong bài chia sẻ, Linh mục Phạm Minh Ước giới thiệu đôi nét về Lộc Hưng, từ địa lý, dân số và các thành phần người dân sinh sống tại đấy. Cuộc cưỡng chế mang tính cách ăn cướp chứ không phải lối hành xử khôn ngoan của chính quyền! Ba thành phần được nhắm tới là: thứ Nhất, gia đình tù nhân chính trị đơn cử là ông Tú và bà Phạm Thị Thanh Nghiên. Thứ Hai là các ông cựu Thương phế Binh Việt Nam Cộng Hòa cô đơn. Và thứ Ba là các anh chị em sinh viên, học sinh nghèo. Cuộc cưỡng chiếm rất vô nhân đạo đẩy nhiều người sống trong cảnh màn trời chiếu đất nhất là trong dịp tến sắp đến! Đã được mạng xã hội và các đài quốc tế loan tin.

Sau Thánh lễ, ông Nguyễn Ngọc Trúc thuộc ban mục vụ cộng đồng đã thông báo chương trình thắp nến ngoài trời trước Đài Đức Mẹ La Vang. Mọi người theo Thánh Giá nến cao và đoàn đồng tế ra trước tượng đài Đức Mẹ La Vang để cùng thắp nến và cầu nguyện.

Linh mục Vũ Ngọc Tuyển đã đọc lời nguyện lên Thánh Mẫu La Vang (đại ý) để xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa xin Chúa ban bình an cho quê hương, cho dân tộc, sớm thoát ách cai trị bạo tàn, bất công của đảng Cộng Sản, đưa quê hương đến hòa bình đích thực, để người dân được sống trong ấm no hạnh phúc, với quyền con người, mà mọi người dân được hưởng trong công bình, không còn cảnh bất công trong xã hội.

Sau đó mọi người đã đọc kinh, hát thánh ca và đưa cao ngọn nến trên tay. Trời đã về chiều, dù 9 giờ tối, nhưng vùng trời Nam Bán Cầu đang mùa Hè, nên trời vẫn còn sáng đẹp, khí hậu lại mát mẻ sau những ngày nóng bức. Buổi thắp nến rất thành công và mọi người ra về sau lời cám ơn của ông Trần Ngọc Cẩn và ông cũng chúc mọi người ra về bình an.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kết thúc phóng sự Giáng Sinh tại Vatican: Cuộc chiến giữa Máng Cỏ và Cây Thông.
Trần Mạnh Trác
13:35 19/01/2019
Xem hình ảnh
Đối với chúng ta sống ở ngoài nước Ý, thì một ‘Cây Thông trang hoàng rực rỡ’ hay một ‘Máng Cỏ với ngôi sao lấp lánh’ đều nhắc nhở tới một điều duy nhất, là muà Giáng Sinh.

Chúng ta có thể thấy một nhà thờ trang hoàng một cách rất tự nhiên và vô tư một Máng Cỏ với nhiều cây thông làm hậu cảnh, có nơi còn đặt một cây thông lớn hơn ở đằng trước với những phong bì kêu gọi tặng quà cho trẻ em nghèo.

Còn ở bên Ý, ít ra là ở Roma, thì đâu có Thông là không có Máng Cỏ và ngược lại. Thường thì các nhà thờ chỉ trang hoàng Máng Cỏ, còn nơi buôn bán thì chỉ có Thông…Phải chăng ở đây đang xảy ra một cuộc tranh chấp nào đó, có thể là một cuộc chiến tranh giữa Tôn Giáo và Thế Tục, giống như cuộc chiến chống ‘Giáng Sinh’ do các thế lực vô thần đang phát động ra ở bên Mỹ hay không? Câu hỏi đó làm chúng tôi đau buồn nếu chúng tôi đã không đươc ‘thở phào nhẹ nhỏm’ khi nhìn thấy trên Công Trường Thánh Phêrô có một Cây Thông vĩ đại, nằm cạnh một chiếc Hang Đá bằng cát cũng vĩ đại không kém.

Nhưng, tuy không phải là một cuộc tranh chấp công khai về tôn giáo, đây đã là một cuộc chiến Văn Hoá kéo dài nhiều thập niên ở Ý. Máng Cỏ và Cây Thông và là hai hình ảnh không thể ‘đội trời chung’ được! Một bên là ‘quốc hồn quốc tuý’ còn bên kia là ‘ảnh hưởng ngoại lai!’

Trên những tờ rơi quảng bá cho cuộc triển lãm quốc tế “100 Máng Cỏ” nổi danh, người ta đọc thấy: “’100 Máng Cỏ’ là cuộc triển lãm những nghệ thuật có giá trị (preseptial: từng có điạ vị), đã khởi đầu từ năm 1976 do sáng kiến cuả ông Manlio Menaglia, để tái khẳng định nền văn hoá truyền thống cuả nước Ý mà nhiều năm qua đã bị xâm phạm bởi một thời trang mới là Cây Thông, ngoại lai với nền văn hoá cuả chúng ta.”

“Máng Cỏ” được gọi là văn hoá truyền thống bởi vì đã được sáng chế ra bởi Thánh Phanxicô, là một người Ý ở Assisi, cách đây 800 năm về trước. Từ đó đến nay các văn nghệ sĩ Ý đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. “Máng Cỏ” không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn phô trương cuộc sống thường nhật cuả người dân bản xứ, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những “Máng Cỏ” cuả Ý, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá cuả nhiều khu vực qua nhiều thời đại.

Còn “Cây Thông” bị gọi là “thời trang ngoại lai” bởi vì đây là một phong tục du nhập từ các xứ lạnh Bắc Âu (từ Estonia), được các nhà thờ Thệ Phản (khởi đầu từ Lutherô) ở Đức cổ động từ 500 năm qua, và được Liên Bang Sô Viết sử dụng như một công cụ tuyên truyền trong dịp đầu năm với ngôi sao đỏ ở trên đỉnh.

Người Cộng Sản Nga khi mới cầm quyền đã cấm đoán việc trang trí cây thông cuả giáo hội Chính Thống Giáo, nhưng sau khi nhận thấy ngày Giáng Sinh cuả Chính Thống Giáo là ngày 7 tháng 1, đi sau ngày Tết Dương Lịch, cho nên họ đã cho phép trang trí cây thông với ngôi sao đỏ, với những hình tượng xe tăng và máy bay thay cho thiên thần và bong bóng, và cướp lấy nó làm một cơ hội tuyên truyền cho cách mạng vô sản vào dịp đầu năm.

Quan điểm ‘bảo vệ Máng Cỏ tức là bảo vệ văn hoá truyền thống’ này đã dành được khá nhiều hậu thuẫn chính trị ở Ý, bởi nhiều vị Tổng Thống, Thủ Tướng, Thượng Viện, các Bộ và các chính phủ cuả các Miền.

Do đó mà vào năm 1982 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II du nhập cây thông vào Vatican thì đã gặp không ít chống đối, ngươì ta cho đó là một thứ trang trí ‘không đúng chỗ’ (out of place), không phù hơp với khung cảnh trang nghiêm cuả Trung Tâm Toà Thánh.

Nhưng cây thông cuối cùng vẫn trở thành một truyền thống không thể thiếu được trong những lễ nghi muà Giáng Sinh ở Vatican. Không những thế, Thánh Gioan Phaolô còn muốn nâng cao ý nghiã cuả cây thông, gọi nó là biểu hiệu cuả Chuá Kitô (2004) “Phong tục cổ xưa này,” Ngài nói “làm nổi bật giá trị của cuộc sống, vì vào mùa đông, những cây xanh trở thành dấu hiệu của sự sống bất tử, và nó nhắc nhở các Kitô hữu về "Cây Sự Sống" trong Sáng Thế Ký 2:9, là hình ảnh của Chúa Kitô, món quà tối cao của Thiên Chúa ban cho nhân loại.”

Ngài (Thánh GH Gioan Phaolô) cũng không thấy có sự đối nghịch nào giữa hai biểu hiệu Máng Cỏ và Cây Thông. Ngài nói (2003): "Bên cạnh Máng Cỏ, thì Cây Thông Giáng Sinh, với ánh đèn lấp lánh, nhắc nhở chúng ta rằng với sự ra đời của Chúa Giêsu, thì Cây Sự Sống đã nở hoa một lần nữa trên sa mạc của nhân loại. Máng Cỏ và Cây Thông là những biểu tượng quý giá gợi lại ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh. "

Vị giáo hoàng kế tiếp, đức Bênêdictô XVI, cũng tiếp tục ủng hộ cho Cây Thông. Ngay khi mới lên ngôi (2005) Ngài lên tiếng kêu gọi mỗi nhà nên trang hoàng một cây thông trong mùa Giáng Sinh.


Nhưng hình như ở bên Ý, mọi việc sẽ từ từ có cách giải quyết riêng cuả nó. Năm nay, cuộc triển lãm quốc tế “100 Máng Cỏ” nhận thêm được sự bảo trợ cuả một cơ quan Công Giáo, là “Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá”.

Tổng giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá, đã nhiệt tình chào đón cuộc triển lãm như là một công cụ đẩy mạnh công việc Truyền Giáo. “Cái Máng Cỏ,” vị tổng giám mục nói “ngoài việc là một truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được sáng chế ra do thiên tài của Thánh Phanxicô Assisi và đã lan truyền ra khắp thế giới, cũng còn là một công cụ mạnh mẽ để truyền giáo. Nhiều người đứng trước Máng Cỏ với những bức tượng nhỏ, thường là những kiệt tác nghệ thuật, đã cảm nghiệm ra được mầu nhiệm cuả Tình Yêu Thiên Chuá dành cho loài người khi trở thành một đứa con trẻ cho chúng ta.”

Vị Tổng Giám Mục đã không đề cập gì đến Cây Thông cả, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội không muốn khơi lên những gì đem đến bất đồng và chỉ muốn cổ võ những gì dẩn đến sự hợp tác.

Một dấu hiệu khác nữa cho thấy cuộc chiến giữa Máng Cỏ và Cây Thông sẽ phải nguội đi, chung qui chỉ vì hai chữ “thực tế.”

Chúng tôi đến thăm công trường Navona vào một buổi chiều tối, nơi đây qui tụ mọi gian hàng bán đồ Giáng Sinh.

Người ta đi dạo phố rất đông, người già và con trẻ thì chăm chú theo dõi các con ‘muá rối’ cuả một vở kịch Giáng Sinh trên một sân khấu nhỏ ở đầu công trường, còn những cặp thanh niên thiếu nữ thì ríu rít nói tiếng Ý đi bên nhau, tay cẩm các gói ‘hạt dẻ nướng than’ thơm phưng phức.

Thưởng thức món hạt dẻ vừa mới nướng trên ngọn lửa hồng vào lúc tối trời trong mùa lạnh thì tuyệt diệu!.. Nhưng cũng thật là đắt! 5 Euros cho một gói có 8 hạt dẻ…!

Ngay trước các quán ăn có xếp ghế lấn ra tới nửa mặt đường, trang trí với những dây thông đèn đỏ, và tiếp viên thì năng nổ mời khách một cách xâm phạm, là một dẫy các gian hàng bán hình tượng về Giáng Sinh, đủ mọi tầm cỡ lớn nhỏ.

Mọi bộ hình đều đẹp, đều chi tiết và lộng lẫy, người ta có thể mua một món kỷ niệm ở đây và sẽ được yên tâm là mua được một tuyệt tác mỹ thuật có phẩm chất cuả Ý, làm ở Ý. Tuy nhiên một câu hỏi bỗng phát hiện ra là sẽ có bao nhiêu người có khả năng mua một món kỷ niệm như thế này?

Giá một bức tượng bằng sành cuả Chúa Hài Đồng nho nhỏ, chỉ bằng hai ngón tay chụm lại, là 20 Euros! Giá một bộ hình thì vô giá, nhiều nhiều lần gấp bội.

Điều đó đưa tới một ưu tư, là tuy Thánh Phanxicô đã thực sự ‘bình dân hoá’ biến cố Giáng Sinh một cách thật hữu hiệu, nhưng ngày nay liệu việc kỷ niệm Giáng Sinh như thế có thể còn ‘bình dân’ được nữa hay không? Hay là nên nghe theo lời kêu gọi cuả Đức Giáo Hoàng về hưu Bênêdictô là mỗi nhà nên có một cây thông, cho hợp với ‘thực tế kinh tế’ ngày nay?


Cũng như đã nói ở trên, ở bên Ý thì mọi việc sẽ có cách giải quyết riêng cuả nó, thí dụ một tiết mục đầu năm mà mọi người đều muốn được tham dự là xem pháo bông. Theo các tin bình luận về du lịch thì 2 nơi đáng giá để thưởng thức pháo bông ở Roma là công trường Navona và ở Vatican. Chúng tôi chọn Vatican, nghĩ rằng những ngọn pháo bông nổ trên pháo đài Castel Sant'Angelo sẽ có bóng giải xuống giòng sông Tiber rất thơ mộng.

Nhưng năm nay sau buổi kinh chiều với ĐGH chấm dứt, mọi người đều đã ra về mau chóng để lại một khu vực Vatican hoàn toàn vằng vẻ.

Rất ngạc nhiên, chúng tôi đi tìm hỏi một anh cảnh sát đang đứng trực thì được anh cho biết là các chương trình pháo bông ổ Roma đều đã bị ‘loại ra ngoài vòng pháp luật’ (illegal.)

Tuy nhiên, anh nói thêm, anh không chắc chắn là sẽ không có pháo bông và ở đâu!

Không hiểu được cái uẩn khúc về câu nói cuả anh, chúng tôi đã trở về khách sạn đi ngủ sớm.

Vào đúng 12g đêm, nhiều tiếng nổ lớn đánh thức chúng tôi dậy, và ánh chớp loang loáng từ phiá cửa sổ làm cho chúng tôi phải vén màn nhìn ra ngoài, thì…pháo bông, pháo bông đầy trời, những tia pháo xuất phát từ đường phố bay lên đầy bầu trời Roma và nở hoa đầy rộ.

Khach sạn cuả chúng tôi nằm bên cạnh 2 khu chợ rất lớn là chợ bán hoa Mercato dei Fiori và chợ bán đồ ăn Mercato Ingresso, là những nơi rộng thoáng, cho nên có nhiều đám thanh niên đã tụ tập để đốt pháo, và màn pháo bông đã diễn ra cả nửa giờ mà không hề có sự can thiệp nào cuả cành sát cả.

Chúng tôi đã đón chào một năm mới với nhiều ngạc nhiên và thích thú ở Ý, với ý nghĩ rằng, ở đây, mọi sự đều có cách giải quyết riêng cuả nó.
 
Văn Hóa
Biết Gọi Ai Đây …
Joseph Hoàng
17:00 19/01/2019
Anh Tài(AMI/65) email báo tin cha Kiên đã được Chúa gọi về lúc 7:30 sáng nay (14 tháng 1, 2019) tại tư gia, Santa Ana, CA.

Lớp Ami mất đi một ami. Tôi mất đi một người bạn (dễ thương, hiền lành, khiêm nhường), thuộc lớp đàn em trong gia đình Long Xuyên.

Joseph Vũ viết “…Cánh Bèo tên Nguyễn Văn Kiên đã trôi ra đại dương.Vâng, Cánh Bèo, Một Cánh Bèo. “

Có thểgọi cha là “Bèo Kiên” như Joseph Vũ viết, nhưng tôi nghĩ cuộc đời cha Kiên cũng có thể gọi là “một nút vòng xoay” (mượn chữ nghĩa của Thông Vi Vu (RIP 2017)).

Đọc lý lịch (rất ngắn) của cha và trích ngang trích dọc thì thấy có nhiều nút vòng xoay:

- Khi êm ả rất thơ của tuổi học trò những ngày tháng trong chủng viện Long Xuyên, tiểu cũng như đại.

- Khi như bão lớn tìm ra đại dương với chuyến vượt biên qua Malaysia và tới Mỹ.

- Khi thao thức với Ơn Gọi tại ĐCV St Joseph, Bắc Cali và tiếng kêu lên đường Truyền Giáo tại giáo phận Tân Chúc, Đài Loan.

- Và vòng xoay trở lại Mỹ, phục vụ tại giáo xứ VN St Patrick, San Jose (nhà thờ này bị hoả hoạn tàn phá tháng 8 năm 2012 và được đổi tên thành giáo xứ Đức Mẹ La Vang vào tháng 4 năm 2013). Tôi muốn dừng ở vòng xoay này lâu hơn.

Cha Kiên là LM biệt phái cho không tự nguyện không sự vụ lịnh (chỉ qua lời mời) tới giúp phục vụ giáo dân VN tại giáo xứ St. Patrick dưới thời cha Giuse Văn Thư (con đỡ đầu cha cố giám đốc Dominic Đặng công Hiến) làm cha sở; nhưng tới thời cha Nguyễn minh Hiền làm cha sở, năm 2008 thì cha Kiên (và một cha nữa tên Chính) bị cho nghỉ việc, nói nặng ra thì là “bị đuổi” và phải rời nhiệm sở trong cùng ngày. Tôi không rõ, sự thật “chìm” bên trong ra sao; nhưng sự thật “nổi” là thế. Chuyện cũ đã qua, không mấy tốt đẹp gì, tử tế gì (không nên nhắc lại thì đúng hơn?), có nhắc lại đây (rất ngắn) chỉ vì “Bèo Kiên” và (nói cho cùng) những chơi không đẹp, xử thế không tử tế vẫn là chuyện dài nhiều tập (không thể thiếu) của đời người. Cha xuôi về Nam và không lâu sau, tôi được biết cha xoay vòng qua Giáo Phận Honolulu, bang Hawaii, Linh mục quản nhiệm Cộng Đoàn Việt Nam – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Những vòng xoay đã xoay vòng, đã dài và tạm đủ rồi về cha Kiên và cái rất quan trọng là những “nút vòng xoay ấy”,cho dẫu có êm ả thư sinh, có bão lớn mất tăm hay có ngả nghiêng kiếp người trong cô đơn, hụt hẫng, bị bỏ rơi; nhưng luôn vòng xoay trong qũy đạo và có trung tâm điểm là Thầy Chí Thánh Giêsu, vị Linh Mục thượng phẩm đời đời như cái định mệnh qua tên gọi của cha. Cha Kiên đã đi trọn đường trần và đi rất đẹp trong “kiên trì” cái hình ảnh sống động của Chúa Kitô, vị Linh Mục thượng phẩm đời đời với “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 28-30).

Gặp cha Kiên lần cuối dịp họp mặt Về Nguồn 4 năm 2016 tại Nam Cali khi cuộc đời cha và trí nhớ cha đã chạm ngõ chiều tà, nhớ ít quên nhiều. Phải nói đến hai ba lần cha mới nhớ và nhận ra tôi, gật gù mỉm cười. Xót xa và thương cảm cho cha qúa đi thôi! Cha rất hiến lành và tôi cũng khá hiền lành nên hai anh em trong chủng viện (những tháng năm dài) không có những va chạm xung khắc, nên cha khó nhớ tôi chăng?

“Cha Kiên ơi”. Giờ này, có nói cha không nghe, có gọi cha cũng không trả lời. Im lìm, hụt hẫng, trống vắng … Cha chết thật rồi!

“Biết Gọi Ai Đây”; nhưng tôi xác tín rằng “gọi cha” trong đời sống thần linh trong cầu nguyện sẽ có nghe và có trả lời vì “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sựsống đời sau (kinh Tin Kính).

Chào cha Kiên, chào “Bèo Kiên”, chào “vòng xoay Kiên” và rất kinh điển xin chúc cha như bài hát dân gian “thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang” (TCS).

Joseph Hoàng – 01/18/2019

Viết như lời từ biệt Cha & tạ lỗi với cha từ Bắc Cali

vì không thể tham dự lễ an táng tiễn cha lần cuối vào ngày mai (01/19/2019)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Heo Đất Thời Nay
Đặng Đức Cương
09:21 19/01/2019
HEO ĐẤT THỜI NAY
Ảnh của Đặng Đức Cương
Ngày xưa heo đất tiền hào
Ngày nay heo đất bỏ vào bạc trăm
Mong sao tính sổ cuối năm
Đủ tiền sắm Tết đầu năm tiệc tùng.
(nđc)