Ngày 17-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một tên gọi mới cho một cuộc sống mới
Lm. Minh Anh
00:41 17/01/2021
MỘT TÊN GỌI MỚI CHO MỘT CUỘC SỐNG MỚI
“Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện Anrê đưa anh mình là Simon đến với Chúa Giêsu sau khi nói với Simon rằng, ông đã gặp Đấng Messia. Lập tức, Chúa Giêsu nhận cả hai người làm tông đồ và sau đó, Ngài tiết lộ cho Simon rằng, danh tính của ông từ nay sẽ được thay đổi. Simon sẽ được gọi là Kêpha, có nghĩa là “Đá”; ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’.

Khi ai đó được đặt một tên mới, điều này thường có nghĩa là họ cũng được trao cho một sứ mệnh mới và một ơn gọi mới trong cuộc sống. Theo truyền thống Kitô giáo, mỗi người chúng ta được mang một tên mới khi lãnh nhận bí tích Rửa tội hoặc Thêm sức; ngoài ra, khi một người nam hay một người nữ trở thành một tu sĩ, họ thường được đặt một cái tên mới để biểu thị một cuộc sống mới mà họ được gọi để sống. Simon được đặt một tên mới là Phêrô, nghĩa là “Đá”, vì Chúa Giêsu có ý định biến ông thành nền tảng cho Giáo Hội tương lai của mình. Sự đổi tên này cho thấy, Simon phải trở nên một tạo vật mới trong Đấng Kitô để hoàn thành ơn gọi cao cả của mình, Simon đã có ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’.

Cũng thế, với mỗi người chúng ta. Có thể chúng ta không được kêu gọi để trở thành một giáo hoàng hay một giám mục như Phêrô, nhưng từ ngày được rửa tội, chúng ta có ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’, chúng ta được kêu gọi để trở nên một tạo vật mới trong Chúa Kitô và sống một cuộc đời mới để hoàn thành những sứ mệnh mới; và, theo một nghĩa nào đó, chính sự mới mẻ của cuộc sống này phải được sống hàng ngày một cách mới mẻ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm về sự kiện Thiên Chúa mời gọi mỗi người sống một đời sống ân sủng mới trong Con của Người, Thiên Chúa hứa sẽ cung cấp tất cả những gì cần thiết để chúng ta thực hiện nó. Ước gì mỗi chúng ta sẵn sàng và nhanh nhẹn thưa “Vâng” với Chúa Giêsu khi Ngài gọi; vì này đây, chúng ta sẽ thấy những điều khó tin xảy ra trong cuộc sống mình. Sự sẵn sàng ấy có thể được đọc thấy nơi cậu bé Samuel trong bài đọc thứ nhất hôm nay; giữa đêm trường trong đền thánh, Samuel nghe tiếng Chúa gọi và cậu đã thưa, “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Cảm động thay! Từ ngày ấy trở đi, Thánh Kinh cho biết, “Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất một lời nào của Chúa”; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng lặp lại thái độ mềm mỏng này, “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài”.

Cuộc sống mới là một cuộc sống trong Chúa Kitô Phục Sinh vốn được Thánh Phaolô nói đến trong thư Côrintô hôm nay, lý do là vì “Thiên Chúa, Đấng đã cho Đức Kitô sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng của Người mà làm cho chúng ta sống lại”; “sống lại” ở đây, có nghĩa là sống một đời sống mới trong Đấng Phục Sinh. Phaolô nói, “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?”.

John Frederick Oberlin, một nhà truyền giáo thánh thiện người Đức ở thế kỷ 18, đi bộ ngang qua một cánh rừng vào một ngày mùa đông; rủi thay, một cơn bão tuyết nghiêm trọng ập xuống. Lạc lối trong làn tuyết, ông sợ rằng, mình sẽ chết cóng; trong cơn tuyệt vọng, ông ngồi thụp xuống vì không biết phải đi lối nào. Tình cờ, một người đàn ông dừng xe và giải cứu; người ấy dìu Frederick Oberlin lên xe, đưa ông vào làng và bảo đảm với Oberlin rằng, ông sẽ được chăm sóc. Oberlin được phục hồi nhanh chóng. Hôm sau, khi chuẩn bị lên đường, Frederick Oberlin nói, “Xin vui lòng cho tôi biết tên của ông để ít nữa, tôi có thể nhớ đến ông trước mặt Chúa”. Người đàn ông, giờ đây đã nhận ra Oberlin, trả lời, “Ngài là một vị thánh, xin hãy nói cho tôi biết tên của người Samaritanô nhân hậu trong Tin Mừng”; Oberlin nói, “Tôi không thể, vì Tin Mừng không cho biết”. Vị ân nhân của ông đáp lại, “Cũng thế, cho đến khi ngài có thể cho tôi biết tên của người Samaritanô ấy, xin ngài vui lòng cho tôi được phép từ chối nói tên của mình”.

Anh Chị em,

Tên của người tốt lành trong khu rừng ngày ấy là Xót Thương, là Cứu Giúp, là Thánh Thiện, là Khiêm Tốn, là Nhân Từ…; đúng hơn, tên của người ấy là Giêsu, cũng là tên mà Thiên Chúa ước ao mỗi người chúng ta mang lấy; đó là ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’; cuộc sống ân sủng của Thiên Chúa; bởi lẽ trong Ngài, chúng ta đã được trở nên một tạo vật mới.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con mau mắn thưa “Vâng” với Chúa như Mẹ Maria, như Samuel; nhờ đó, con có thể sống một cuộc sống mới đầy ân sủng mà Chúa đã chuẩn bị cho con; vì Chúa cũng đã ban cho con ‘một tên gọi mới cho một cuộc sống mới’, một cuộc sống ân sủng có tên “Giêsu””. Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thấy, Theo, Thương Thầy
Lm. Nguyễn Xuân Trường
00:49 17/01/2021
THẤY, THEO, THƯƠNG THẦY

Phúc Âm tuần này kể chuyện những môn đệ đầu tiên theo Chúa qua các bước: Thấy Chúa, theo Chúa, và thương mến Chúa.

1. Thấy Chúa.Trước hết là ông Gioan đã thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa.” Chiên không chỉ là biểu tượng cho những người hiền lành, mà chiên còn có một ý nghĩa sâu xa hơn: Đức Giêsu là Con Chiên đã bị giết, đổ máu để cứu chuộc nhân loại. Còn các môn đệ thì thấy Đức Giêsu là Rabbi - nghĩa là một người thầy đáng kính, và hơn nữa thấy Đức Giêsu là Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để thi hành một sứ mạng. Đấng mà nhân loại đã trông đợi từ bao đời nay.

2. Theo Chúa. Hai môn đệ sau khi nghe Gioan giới thiệu liền đi theo Đức Giêsu. Họ đã đến xem và ở lại với Chúa. Theo ai là quyến luyến và gắn bó đời mình với người ấy. Tại sao 2 môn đệ lại mau chóng đi theo Đức Giêsu vậy? Bởi vì họ đã thấy được rằng: Đức Giêsu không phải là một người thầy như bao người thầy ở trần gian này, mà Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Người ta dễ đi theo nhau khi thấy được những giá trị quý báu nơi nhau.

3. Thương Chúa. Các môn đệ theo Chúa và ở lại với Ngài. Các môn đệ đã thương mến Chúa một cách mãnh liệt như thể “phải lòng” Chúa. Vì đã yêu thương mãnh liệt như thế nên mới hiểu được tại sao các môn đệ là những chàng thanh niên trẻ lại mau chóng bỏ hết mọi sự: bỏ nhà cửa, bỏ công việc, bỏ gia đình để theo Chúa, để ở với Chúa, để thực thi ý Ngài.

Chúa vẫn tiếp tục cất tiếng gọi hàng ngày. Xin cho mỗi người chúng ta mở rộng lòng dạ để lắng nghe và quyết chí để dấn thân theo Chúa. Theo Chúa để hưởng tình thương của Ngài và đem chia sẻ tình thương ấy cho những người xung quanh. Amen.

Bắc Ninh, Việt Nam
 
Thứ Hai 18/1: Ý nghĩa đích thực của chay tịnh - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:21 17/01/2021


PHÚC ÂM: Mc 2, 18-22

“Tân lang còn ở với họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: “Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Đó là lời Chúa.
 
Cuộc Hạnh Ngộ Và Một Thuở Ban Đầu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10:11 17/01/2021
Chúa Nhật II Thường Niên B 2021

Nếu Chúa Nhật khai mạc mùa Phụng vụ Thường Niên – Chúa Chịu Phép Rửa, Tin Mừng Máccô đã trình bày chân dung một Đấng Emmanuel “đi xuống” dòng sông Giođan để ông Gioan Tiền Hô thanh tẩy và đã “đi lên” khỏi nước để chính thức “Đăng quang sứ vụ Cứu Thế”, thì Chúa Nhật hôm nay, Tin Mừng Gioan lại trình bày một Đấng Cứu Thế bắt đầu “đi ngang qua” trên những “nẻo đường thế giới” để dấn thân vào chương trình Cứu Thế của Ngài.
Thế nhưng, để nắm bắt được lộ trình đầu tiên trong chương trình “đi ngang qua” của Đấng “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta”, cộng đoàn chúng ta phải dừng lại để lắng nghe một số chỉ dẫn của sứ điệp Lời Chúa vừa được công bố.

Trước hết, yếu tố “con người” vẫn là ưu tiên hàng đầu của mọi chương trình hành động, cho dù đó là “chương trình hành động của Thiên Chúa” trong lịch sử cứu rỗi.
Thật vậy, kể từ khi Thiên Chúa dựng nên “con người đầu tiên” để cọng tác với Ngài trong công trình Tạo Dựng (St 1,26), thì liền lạc sau “thảm trạng sa ngã”, Ngài đã từng bước chọn gọi những con người đặc biệt theo “tiêu chí” của chính Ngài và ra tay huấn luyện họ để “những kẻ được chọn” nầy cọng tác vào chương trình cứu nhân độ thế: Noe, Abraham, Môse, Samuel, Đavít…, Giuse, Maria, Các Tông Đồ…
Câu chuyện “tiếng gọi ban đêm giữa đền thánh dành cho cậu bé Samuel” được sách Samuel quyển thứ nhất ghi lại mà chúng ta vừa nghe công bố qua Bài đọc một là một thuyết minh cụ thể. Vâng, đây là câu chuyện xảy ra vào cuối “thời Quan Án”, thời mà dân Chúa chọn được chăn dắt bởi những “nhà Thẩm Phán” (Quan Án) được chính Chúa kêu gọi và chọn trao sứ mệnh dẫn dắt dân Chúa vượt qua những “bão giông thế sự” hay “thế cuộc hiểm nguy”. Cho dù là một “Quan Án đã hết thời”, thầy cả Hêli lại “nhân tố cần thiết” được Chúa dùng để trở thành “nhà đào tạo chính quy”, hướng dẫn cậu bé Samuel bằng phương pháp sư phạm tuyệt vời: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'”. Chính “nguyên tắc vàng” đó đã giúp cho Samuel đi đúng con đường Chúa chọn để trở nên vị “Quan Án” sau cùng dẫn dắt dân Israel bước qua một thời đại mới trong lịch sử cứu độ: giai đoạn dân Chúa lớn lên thành một quốc gia quân chủ thục thụ mà vị Minh quân Đavít chính là Tổ phụ Đấng Cứu Thế. Và có một điều cần ghi nhận trong sự kiện “chọn gọi lịch sử nầy” đó chính là thái độ “sẵn sàng lắng nghe và đáp trả” trước Lời Chúa của Samuel: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”. Đây chính là “thái độ” mang mẫu số chung dành cho mọi ơn gọi trong dân Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi; và dĩ nhiên, đó không là chuyện “lắng nghe suông” mà phải như Samuel: “không để rơi mất lời nào của Chúa”.
Từ “tiếng gọi và lời đáp trả” của Samuel trong Cựu ước, Lời Chúa tiếp tục dẫn dắt chúng ta qua câu chuyện “cuộc hạnh ngộ đầu tiên” giữa Chúa Giêsu và nhóm môn sinh tiên khởi được chính một đương sự trong nhóm đó lược trình qua Tin Mừng thứ tư; một biến cố để đời, ghi dấu ấn sâu đậm, đến nỗi sau sáu bảy chục năm mà vị Thánh sử nầy vẫn nhớ như in: “lúc đó độ chừng giờ thứ mười”. Thật vậy, thánh Gioan đã kể lại “kỷ niệm sâu sắc” nầy bằng những từ ngữ ẩn dụ mà nội hàm cưu mang những ý nghĩa sâu xa phong phú:
- hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi qua: Chúa đang đi qua cuộc đời của hai ông hay của mỗi người chúng ta. Chắc chắn đây không là một cuộc “dạo bước” vô tình, bàng quan, nhưng là một cuộc “đi ngang qua” đầy “hữu ý”, “ĐI NGANG QUA” ĐỂ HỌ “ĐI THEO”, như cách diễn tả của đoạn đầu bài thơ “NGÀI ĐI NGANG QUA NƠI ẤY”:
Đâu có tình cờ,
Chẳng phải bàng quang,
Hơn một lần “Ngài đi ngang qua nơi ấy” !
Nơi có những chàng trai mộng đời đang dậy,
Có thuyền, có lưới,
có cha mẹ già có cả người yêu…
Ngài đi ngang qua để lại đôi mắt diễm kiều,
“Con mắt có đuôi” mang tia nhìn vẫy gọi !...

- “Đây chiên Thiên Chúa”… “Các ngươi tìm gì?”: Và như lời giới thiện ngắn gọn của thầy Gioan Tẩy Giả, “Đấng Đi Ngang qua” đó lại là “Chiên Thiên Chúa”, tước hiệu ám chỉ đến Đấng Mêsia mà dân Chúa đang ngóng cổ trông chờ, khao khát đến mòn hơi. Ở giữa một “chợ đời” vàng thau lẫn lộn, nếu được một ai đó, một vị tôn sư chân chính, một huynh trưởng, một người bạn sẵn sàng mách bảo “ai là người phải bước theo”, “ai là người xứng đáng để phụng sự”, “ai là người sẽ chọn lựa yêu thương hết mình”… thì không quý giá và cần thiết lắm sao? Soi vào cuộc sống hôm nay, tôi thử xét lại: “Tôi đang chọn ai và theo ai? Ai là thần tượng đúng nghĩa của tôi bây giờ?”… Vâng, Chúa cũng đang tiếp tục hỏi tôi bằng chính câu hỏi của hai ngàn năm trước: “Các ngươi tìm gì?”. Không thiếu những “ơn gọi bị gãy đổ” khi thay vì đi tìm “viên ngọc quý”, “kho tàng quý báu nhất” là chính Chúa Giêsu, là Nước Trời, là Tin Mừng Tám Mối, là Khổ nạn và Phục Sinh… lại tìm kiếm những giá trị thuộc trần tục: thoải mái bản thân, chức quyền danh phận, tiền của giàu sang…; hay như lời cảnh báo của Thánh Phaolo trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, “tìm kiếm dục vọng”, “tôn thờ thể xác”, một lối sống đang là những “tiêu chí thời thượng” của xã hội tiêu thụ và hưởng dụng vật chất: “thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại… Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” (BĐ 2).

- “…Thầy ở đâu?”… “hãy đến mà xem”: Nếu chịu khó đọc lại Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy “nơi ấy của Thầy”. Vâng, từ máng cỏ Bêlem đến đỉnh đồi Núi Sọ; từ những nẻo đường xuôi ngược khắp xứ Palestina, “nơi ấy của Ngài” là yêu thương, khó nghèo, hy sinh, phục vụ, như đoạn kết của bài thơ đã trích:
Nơi ấy “Canvê” một chiều nắng úa,
Bụi bặm, hỗn hào, thập giá, máu loang…
Nơi ấy “mộ hoang” một sáng huy hoàng,
Đường Giêrusalem ngập “Tin mừng Sống lại” !
Và hôm nay,
Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”,
Vẫn “ánh mắt có đuôi” vang tiếng gọi mời:
“Hãy đến mà xem”,
Xem gì, chẳng nhà, chẳng chỗ, chẳng nơi…
cả “viên đá gối đầu” cũng không,
vâng, chỉ Ngài thôi, Đường, Sự Thật, Sự Sống !

- Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy: Và đó là “câu chuyện kết” của ơn gọi: “biết chỗ của Người” và sẵn sàng “ở lại”. Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở đang cần những “ơn gọi”, những con người như thế, những con người không chỉ rung động, phấn khởi của “cái thuở hội ngộ ban đầu”, nhưng là “lời đáp kiên trung của từng ngày” thành một “thiên tình sử”, như lời khuyến dụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến: “Sau lần gặp gỡ đầu tiên đầy hứng thú với Chúa Ki-tô, rõ ràng còn cần phải bền chí cố gắng bằng lời đáp hằng ngày, điều nầy biến ơn gọi thành một thiên tình sử với Chúa” (ĐSTH số 64).

Và như thế, chúng ta có tóm kết nội dung sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải trong Chúa hôm nay đó là:
- Hãy mở lòng ra trước tiếng gọi của Chúa và dấn thân đi gặp gỡ Ngài như “lời đáp” của cậu bé Samuel (Bđ 1): “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
- Hãy can đan đảm dấn thân và kiên trung với ơn gọi và sứ mệnh như các Tông Đồ đầu tiên của Chúa Giêsu: “Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người” (TM).
- Hãy biến cuộc đời thành khí cụ để tôn vinh và phụng sụ Thiên Chúa như lời khuyên dạy của Thánh Phaolô: “Anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em” (BĐ 2).

Ước gì chúng ta đều có một “cuộc hạnh ngộ” và “một thuở ban đầu” của ơn gọi theo Chúa như thế. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 17/01/2021

23. Thời gian Thiên Chúa đợi con người ta hối cải càng nhiều, mà khi họ không muốn hối cải thì sự trừng phạt của Thiên Chúa càng nghiêm trọng.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:18 17/01/2021
38. CÙNG TÊN CÙNG CHỮ

Ông đốc học ở Giang Thạch tên là Lý Không Đồng, có một học trò cùng tên với ông ta.

Lúc điểm danh theo danh sách, ông ta bèn nói:

- “Trò làm sao có thể trùng tên với ta được?”

Thế là lấy câu đối thử anh ta:

- “Lan Tương Như, Tư Mã Tương Như, tên thì giống, nhưng thực không giống”.

Anh học trò ấy đối:

- “Ngụy Vô Kỵ, Trường Tôn Vô Kỵ, người không sợ, tôi cũng không sợ”.

Lấy tên của những người nổi tiếng thời cổ đại để đối nhau.

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 38:

Ở đời trùng tên trùng họ là thường, có gì phải bắt bẻ nhau chứ, có bắt bẻ chăng là vì mình tự cảm thấy mình có danh có vọng, có chức quyền và cấm mọi người không được có tên như mình, đó là họ đeo một cục kiêu ngạo to tổ chảng trong óc mình. Người ta trùng tên trùng họ với mình nhưng chưa chắc là đã có tính nết xấu nhiều như mình; có người trùng tên họ với mình nhưng thông minh xuất chúng hơn mình, thì mới là việc đáng suy nghĩ hơn là làm khó dễ người ta.

Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa, Ngài không giận dữ khi chúng ta mang tên Ki-tô hữu -trùng tên với Ngài- trái lại Ngài còn chúc lành cho những ai mang danh Ngài mà sống như lời của Ngài dạy, đó là một hạnh phúc cho chúng ta -những người Ki-tô hữu trong mọi thời đại.

Tên của mình dù đẹp dù hay nhưng cuộc sống của mình không đẹp không hay thì cũng như tên xấu rồi vậy, có gì mà phải giận dữ khi có người khác trùng tên với mình !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trở nên một tạo vật mới
Lm. Minh Anh
23:38 17/01/2021
TRỞ NÊN MỘT TẠO VẬT MỚI

“Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ”;
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúng ta đã từng nghe nhiều lần ẩn dụ vải mới, áo cũ; bầu cũ, rượu mới của Chúa Giêsu. Đó là hai trong số những ẩn dụ mà chúng ta có thể lý thú khi nghe; nhưng sau đó, vội quên mà không cần nhận thức thấu đáo ý nghĩa của chúng. Vậy mà cả hai ẩn dụ này đều nói lên một sự thật trong đời sống thiêng liêng. Chúng tiết lộ rằng, để có thể nhận được sứ điệp Tin Mừng mới mẻ, có sức biến đổi của Chúa Giêsu, trước hết, mỗi người chúng ta phải ‘trở nên một tạo vật mới’.

Cuộc sống tội lỗi của chúng ta như chiếc bình cũ không thể chứa đựng ‘quà tặng ân sủng mới’. Đến như Chúa Giêsu, để trở thành vị Thượng Tế Tối Cao, Ngài cũng được sinh lại bởi Chúa Cha; điều này được tác giả thư Do Thái hôm nay viết, “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng thế, để có thể nhận được thông điệp của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, trước hết, chúng ta phải được Thiên Chúa tạo dựng lại một lần nữa, nghĩa là phải ‘trở nên một tạo vật mới’. Về điểm này, Chúa Giêsu đã từng nói, “Ai đã có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất”; ở đây, một thông điệp tương tự được gửi đi, rằng, khi chúng ta được tràn đầy sự mới mẻ của ân sủng, ân sủng càng đổ xuống cho chúng ta nhiều hơn.

Vậy “rượu mới” và “vải mới” mà Chúa Giêsu muốn ban cho chúng ta là gì? Đó là những phước huệ và ân sủng của Thánh Thần. Vậy, nếu sẵn sàng để cho cuộc sống của mình được làm mới lại, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, chúng ta sẽ được đổ thêm nhiều hơn một khi đã nhận được nhiều hơn; sự dồi dào sẽ được ban dẫy đầy hơn một khi nó đã được nhận lãnh một cách tràn trề. Cứ như thể ai đó đã trúng số, quyết định tặng tất cả cho người giàu nhất mà người ấy có thể tìm thấy. Đây là cách thức ân sủng Thiên Chúa hoạt động mà chúng ta sẽ rất kinh ngạc, nhất là với những ai chưa từng trải nghiệm. Thế nhưng, có một điều đáng mừng, là Thiên Chúa luôn muốn rằng, tất cả chúng ta đều được giàu có và dồi dào. Nhiều lần, Thánh Phaolô nói đến một đời sống Kitô hữu vốn đã ‘trở nên một tạo vật mới’ trong Chúa Kitô; qua thư Êphêsô, ngài không ngần ngại sử dụng những từ ngữ như giàu có, giàu sang, dư dật, dồi dào… đó là một đời sống sung mãn, quyền năng, sâu sắc và thực tế; chính Thánh Phaolô đã cầu nguyện để các tín hữu của mình được đầy dẫy mọi phúc lành thiêng liêng của Thiên Chúa, Đấng giàu có vô cùng.

Nói đến một đời sống thiêng liêng mới mẻ của một Kitô hữu vốn đã được ‘trở nên một tạo vật mới’ trong Chúa Kitô, nhà truyền giáo người Mỹ Dwight Lyman Moody thế kỷ 19 đã đưa lên một chiếc bình kín trước một cử toạ đông đảo và hỏi, “Làm cách nào để chúng ta lấy hết không khí ra khỏi chiếc bình?”. Một bạn trẻ la lên, “Hút nó ra bằng máy bơm!”; Moody trả lời, “Điều đó sẽ tạo chân không và làm vỡ bình”. Sau nhiều ý kiến, Moody mỉm cười; ông cầm một bình khác đầy nước và đổ đầy chiếc bình kia. Ông nói, “Tất cả không khí, giờ đây, đã được loại bỏ”. Ông giải thích, chiến thắng trong đời sống Kitô hữu không được hoàn thành bằng cách ‘hút sạch tội lỗi chỗ này chỗ kia’, nhưng bằng việc được đầy ân sủng Thánh Thần; bấy giờ, họ trở nên một con người mới.

Anh Chị em,

Con người mới là con người được biến đổi bên trong để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trải qua nhiều đau khổ, đã lớn tiếng kêu van khóc lóc khi còn trong kiếp phàm nhân nhưng cũng là Đấng được tái sinh. Vì đã trải qua đau khổ, nên Ngài có thể xót thương những ai khổ đau trong kiếp phàm nhân. Nay, Ngài toàn thắng và đang ngự bên hữu Chúa Cha; là Thượng Tế đời đời, cũng là Đấng đổ đầy ân huệ Thánh Thần cho những ai biết mở lòng mình ra với Ngài. Ngài muốn chúng ta ‘trở nên một tạo vật mới’ trong Ngài để ơn thánh Ngài có thể đổ xuống. Cuộc sống của chúng ta sẽ phong phú biết bao và như thế quả là, “Ai đã có, sẽ được cho thêm”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con khát khao được trở nên mới mỗi ngày; nhờ đó, con có thể đón nhận ‘cuộc sống dư dật’ mà Chúa dành cho con. ‘Trở nên một tạo vật mới’, chắc chắn con sẽ phú túc, dẫy đầy ơn thánh Chúa; từ đó, con có thể quảng đại chia sẻ cho anh em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người Nam Dương chết vì cơn động đất
Thanh Quảng sdb
03:55 17/01/2021
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người Nam Dương chết vì cơn động đất

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi và bảo đảm tâm tình cầu nguyện cho những người bị ảnh hưởng bởi cơn động đất ở đảo Sulawesi Nam Dương, nơi các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay ngài rất đau buồn khi nghe biết những mất mát thê lương về nhân mạng và thiệt hại do trận động mạnh xảy ra tại đảo Sulawesi của Nam Dương. Trong bức điện thư do Đức Hồng Y Tổng trưởng Ngoại giao Pietro Parolin gửi đi nhân danh Đức Thánh Cha, để bày tỏ “tình hiệp thông chân thành với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên này và ngài cầu nguyện cho việc an táng những người chết, cứu chữa và an ủi những người bị thương và những ai bị ảnh hưởng... "

Trận động đất ở Nam Dương mới đây làm cho ít nhất 46 người chết, hàng trăm người bị thương. Đây là một trận động đất mạnh 6,2 độ richter đã làm rung chuyển đảo Sulawesi Nam Dương vào nửa đêm thứ Sáu ngày 15/1/2021 làm co nhiều người thiệt mạng và bị thương.

Các nhà chức trách cho hay vẫn còn đang thu thập thông tin về thương vong và các thiệt hại ở các khu vực bị ảnh hưởng. Bản báo cáo còn cho biết có nhiều người vẫn còn bị kẹt trong các đống đổ nát của những ngôi nhà bị sập.

Đức Thánh Cha bảo đảm với Đức Sứ thần Tòa thánh tại Nam Dương và chính quyền địa phương về tâm tình cầu nguyện và hỗ trợ của ngài dành cho những người tham gia vào các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn.
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 17 tháng Giêng
Đặng Tự Do
07:46 17/01/2021
Chúa nhật 17 tháng Giêng là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên. Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan cho chúng ta biết về việc Chúa mời gọi các tông đồ đầu tiên như sau:

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi trong kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên (x. Ga 1: 35-42) trình bày cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên của Người. Bối cảnh diễn ra gần sông Jordan, một ngày sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chính Gioan Tẩy Giả đã chỉ ra Đấng Messia cho hai môn đệ ông bằng những lời này: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (c. 36). Và hai môn đệ ấy, tin tưởng vào lời chứng của Gioan, đã đi theo Chúa Giêsu. Ngài nhận ra điều đó và hỏi: “Các ngươi tìm gì?”, Và họ hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đang ở đâu?” (c. 38).

Chúa Giêsu không trả lời: “Tôi sống ở Ca-phác-na-um hay ở Nadarét”, nhưng nói: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Đó không phải là một tấm danh thiếp, mà là một lời mời đến với một cuộc gặp gỡ với Người. Cả hai đi theo Người và chiều hôm đó họ vẫn ở bên Người. Không khó để hình dung họ đang ngồi đặt câu hỏi với Ngài và hơn hết là lắng nghe Ngài nói, cảm thấy trái tim họ ngày càng ấm lên khi nghe lời Thầy. Họ cảm nhận được vẻ đẹp của lời nói đáp lại niềm hy vọng lớn lao nhất của họ. Và đột nhiên họ phát hiện ra rằng, khi trời tối xung quanh họ, thì trong họ, trong trái tim họ, ánh sáng bùng nổ mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Một điều đáng chú ý là một trong số họ, sáu mươi năm sau, hoặc có thể hơn, đã viết trong Phúc âm rằng: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” (Ga 1:39), người môn đệ viết lại giờ giấc. Và đây là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: mọi cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu đều lưu lại trong ký ức sống động, không bao giờ quên được. Anh chị em quên nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu luôn luôn vẫn còn. Và những điều này, nhiều năm sau, vẫn nhớ rõ cả giờ giấc, họ không thể nào quên được cuộc gặp gỡ quá đỗi hạnh phúc, đong đầy này đã làm thay đổi cuộc đời họ. Sau đó, khi họ bước ra khỏi cuộc gặp gỡ này và trở về với anh em của họ, niềm vui này, ánh sáng này tràn ra từ trái tim họ như một dòng sông cuồng nộ. Một trong hai người, là ông Anrê, nói với anh trai mình là Simon - mà Chúa Giêsu sẽ gọi là Phêrô khi Ngài gặp ông: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (câu 41). Họ xác tín rằng Chúa Giêsu là Đấng Messia.

Chúng ta hãy dừng lại một chút về kinh nghiệm liên quan đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng kêu gọi chúng ta ở với Ngài. Mỗi tiếng gọi của Chúa là một sáng kiến của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chúa luôn luôn là Người chủ động, Người mời gọi anh chị em. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với sự sống, đến với đức tin, và mời gọi chúng ta đến một ơn gọi cụ thể của cuộc sống: “Ta muốn con ở đây”. Lời kêu gọi đầu tiên của Thiên Chúa là mời gọi chúng ta đến với sự sống, nơi Ngài tạo nên chúng ta như những con người; đó là một lời kêu gọi cá vị, bởi vì Thiên Chúa không làm việc theo kiểu hàng loạt. Sau đó, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đến với đức tin và trở thành một phần của gia đình Người, như con cái của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với một ơn gọi cụ thể trong cuộc sống: đó là hiến mình trong con đường hôn nhân, trong đời sống linh mục hoặc đời sống thánh hiến. Đó là những cách khác nhau để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta, và luôn là kế hoạch của tình yêu. Chúa luôn mời gọi. Và niềm vui lớn nhất đối với mỗi tín hữu là được đáp lại lời kêu gọi này, được hiến thân phục vụ Thiên Chúa và anh em mình.

Anh chị em thân mến, đối diện với lời kêu gọi của Chúa, có thể đến với chúng ta theo hàng ngàn phương cách ngay cả thông qua những con người cụ thể, những biến cố vui buồn, đôi khi thái độ của chúng ta có thể là một sự từ chối - “ Không… tôi sợ… tôi từ chối bởi vì nó có vẻ trái ngược với nguyện vọng của chúng ta; và cũng có thể là một sự sợ hãi, vì chúng ta cho rằng nó quá đòi buộc và không thoải mái: “Ồ, tôi không làm được đâu, tốt hơn là không, tốt hơn là sống một cuộc sống yên bình… Thôi nhé, Chúa cứ ở đó, còn tôi ở đây”. Nhưng lời mời gọi của Chúa là tình yêu, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm tình yêu đằng sau mọi tiếng gọi, và đáp lại lời mời gọi ấy bằng tình yêu. Ngôn ngữ đáp lại một lời mời gọi xuất phát từ tình yêu phải là tình yêu. Khởi đầu có một cuộc gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta về Chúa Cha, làm cho chúng ta biết tình yêu của Người dành cho chúng ta. Và rồi tự phát sinh trong chúng ta mong muốn truyền đạt điều đó cho những người chúng ta yêu thương: “Tôi đã gặp Tình yêu”, “Tôi đã gặp Đấng Messia”, “Tôi đã gặp Chúa”, “Tôi đã gặp gỡ Chúa Giêsu”, “Tôi đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”. Nói tắt một lời: “Tôi đã tìm thấy Chúa”.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biến cuộc đời mình thành một bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi của Chúa và, trong sự khiêm tốn và vui vẻ, thực hiện thánh ý Chúa. Nhưng chúng ta hãy nhớ điều này: trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có một thời điểm mà Thiên Chúa đã làm cho sự hiện diện của Người mạnh mẽ hơn, bằng một lời kêu gọi. Hãy ghi nhớ thời điểm đó. Chúng ta hãy quay lại khoảnh khắc đó, để ký ức về khoảnh khắc đó luôn làm mới chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm:

Anh chị em thân mến,

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân trên đảo Sulawesi, Indonesia, nơi vừa gánh chịu một trận động đất rất mạnh. Tôi cầu nguyện cho những người đã chết, những người bị thương và những người bị mất nhà cửa và công ăn việc làm. Xin Chúa an ủi họ và nâng đỡ nỗ lực của những người dấn thân giúp đỡ. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người anh em của chúng ta ở Sulawesi, và cả những nạn nhân của vụ tai nạn máy bay diễn ra vào thứ Bảy tuần trước, cũng ở Indonesia.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay ở Ý, Ngày dành cho việc đào sâu và phát triển cuộc đối thoại giữa người Công Giáo và người Do Thái được tổ chức. Tôi rất vui mừng với sáng kiến này đã diễn ra trong hơn ba mươi năm qua và tôi hy vọng rằng nó sẽ mang lại những hoa trái dồi dào của tình huynh đệ và sự cộng tác.

Ngày mai là một ngày quan trọng: Đó là ngày bắt đầu Tuần Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô Giáo. Năm nay chủ đề đề cập đến lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (x. Ga 15: 5-9). Vào thứ Hai ngày 25 tháng Giêng, chúng ta sẽ kết thúc bằng việc cử hành Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phêrô Ngoại Thành, cùng với các đại diện của các cộng đồng Kitô khác hiện diện tại Rôma. Trong những ngày này, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để ước muốn của Chúa Giêsu được thực hiện: “Để chúng nên một” (Ga 17:21). Sự đoàn kết, luôn thắng vượt trên xung đột.

Tôi gửi lời chào thân ái đến anh chị em, những người được kết nối thông qua các phương tiện giao tiếp xã hội. Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
Hồng Y người Brazil, tổng giám mục Glasgow qua đời vì COVID-19 trong cùng ngày
Đặng Tự Do
16:16 17/01/2021


Trong cùng một ngày, Giáo Hội Công Giáo trên hai lục địa đã mất hai nhà lãnh đạo quan trọng vào tay virus Tầu độc địa. Cả hai vị đều là những người bảo vệ Giáo Hội rất mạnh mẽ.

Đức Hồng Y người Brazil Eusebio Scheid, 88 tuổi, đã qua đời tại tiểu bang São Paulo vào ngày 13 tháng Giêng, chỉ sau vài ngày sau khi vào bệnh viện vì COVID-19.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, ở Tô Cách Lan, Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia của Glasgow, 70 tuổi, đã qua đời tại nhà riêng, nơi ngài đã tự cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với COVID 19 ngay sau Lễ Giáng sinh.

Đức Hồng Y Scheid, sinh năm 1932 tại bang Santa Catarina, được tấn phong vào tháng 7 năm 1960 và phục vụ tại các tổng giáo phận Florianópolis và Rio de Janeiro trước khi nghỉ hưu vào năm 2009. Thánh Gioan Phaolô II đã phong ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2003.

Hội Đồng Giám Mục Brazil cho biết:

“Tưởng nhớ người anh em này của chúng ta là muốn nói đến sự cống hiến và quan tâm của ngài đối với việc đào tạo hàng giáo phẩm, cũng như sự khuyến khích của ngài trong việc phúc âm hóa và chăm sóc mục vụ.”

Hồng Y Scheid còn được nhiều người ghi nhớ vì cuộc tranh cãi với Tổng thống lúc đó là Luiz Inácio Lula da Silva trong mật nghị năm 2005 bầu Đức Bênêđíctô XVI.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Lula da Silva đã tổ chức một phái đoàn bay tới Vatican và bày tỏ mong muốn tân giáo hoàng phải là người Brazil, cụ thể là Đức Hồng Y Cláudio Hummes được coi là một trong những ứng viên sáng giá.

Đức Hồng Y Scheid buộc tội Lula muốn khai thác giai đoạn khó khăn này của Giáo Hội để đạt các mục tiêu chính trị và nói rằng Lula “không theo đạo Công Giáo, và là kẻ gây hỗn loạn”.

Đức Tổng Giám Mục Tartaglia, thụ phong linh mục năm 1975, từng là lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo lớn nhất Tô Cách Lan kể từ năm 2012.

Tuyên bố do Tổng giáo phận Glasgow viết:

“Với nỗi buồn lớn nhất, chúng tôi thông báo về cái chết của tổng giám mục chúng tôi”.


Source:UCANews
 
Thách thức đầu tiên của ông Joe Biden: Hàng ngàn người đang lũ lượt đi bộ đến Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:17 17/01/2021


Các nhà chức trách Guatemala hôm thứ Bảy 16 tháng Giêng đã đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn hàng nghìn người Honduras, nhiều người trong số họ đi thành từng gia đình với trẻ em, trong đoàn lữ hành di cư đến Hoa Kỳ ngay khi ông Joe Biden sắp bước vào Tòa Bạch Ốc.

Theo cơ quan nhập cư của Guatemala, khoảng 7,000 đến 8,000 người di cư đã tràn vào Guatemala kể từ hôm thứ Sáu, để chạy trốn đói nghèo và bạo lực trong một khu vực bị tàn phá bởi đại dịch và các cơn bão dữ dội vào tháng 11.

Ở nhiều nơi lực lượng an ninh Guatemala đã đụng độ với một nhóm hàng trăm người di cư, đang tìm cách vượt qua hàng rào phong tỏa của cảnh sát tại làng Vado Hondo, gần Chiquimula ở phía đông Guatemala.

“Một nhóm nhỏ đã vượt qua được và những người còn lại bị giam giữ”. Alejandra Mena, một phát ngôn viên của cơ quan nhập cư Guatemala, cho biết.

Từ thứ Sáu đến thứ Bảy, Guatemala cho biết đã đẩy lui gần 1,000 người di cư từ Honduras, khi đoàn lữ hành di chuyển về phía Mễ Tây Cơ. Tuy nhiên, trong thực tế đoàn lữ hành các lúc càng đông.

Đoàn lữ hành có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn ở Mễ Tây Cơ. Một quan chức Mễ Tây Cơ cho biết thỏa thuận di cư giữa Mễ Tây Cơ với Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực.

Vào tối thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mễ Tây Cơ đã thúc ép các nhà chức trách địa phương dừng tiến trình của đoàn lữ hành, và chỉ ra rằng cần phải ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mễ Tây Cơ ca ngợi chính phủ Guatemala đã hành động một cách “kiên quyết và có trách nhiệm” đối với những người di cư đã “vi phạm chủ quyền của Guatemala” và kêu gọi Honduras ngăn chặn những cuộc di chuyển của người dân.

Mễ Tây Cơ cho biết, họ đã cam kết thực hiện việc di cư có trật tự và sẽ phản đối mọi hình thức nhập cảnh trái phép.

Đoàn di cư đầu tiên trong năm 20121 diễn ra chưa đầy một tuần trước khi Joe Biden nhậm chức. Bất kể các biện pháp ngăn chặn, đoàn lữ hành đã tăng lên đáng kể vào ngày thứ Bảy, họ viện dẫn cuộc khủng hoảng lương thực và vô gia cư ở Honduras là lý do để tham gia.

Maria Jesus Paz, một người mẹ của 4 đứa con cho biết: “Chúng tôi không có gì để nuôi con mình và hàng ngàn người trong số chúng tôi đã phải ngủ trên đường phố. Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra quyết định này, mặc dù chúng tôi biết rằng cuộc hành trình có thể trả giá bằng mạng sống của chúng tôi”.

Các đợt đóng cửa liên quan đến Coronavirus đã phá hủy nền kinh tế của Honduras, nơi mà năm ngoái đã phải chịu sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất.

Melvin Paredes, người tham gia đoàn lữ hành với anh trai, cho biết: “Đầu tiên tôi mất việc vì đại dịch, và sau đó tôi mất nhà trong cơn bão. “Điều duy nhất tôi còn lại là chiến đấu cho sự sống còn của gia đình tôi.”


Source:Reuters
 
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Sự hiệp nhất thì luôn mạnh hơn những xung đột!
Thanh Quảng sdb
17:31 17/01/2021
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Sự hiệp nhất thì luôn mạnh hơn những xung đột!

Đức Thánh Cha Phanxicô giới thiệu “Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu” bằng cách khuyến khích các tín hữu hãy cầu nguyện để khẩn cầu Chúa Giêsu ban ơn sự hiệp nhất cho tất cả mọi người chúng ta.

(Tin Vatican)

Sau khi đọc kinh Truyền Tin trưa Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng "ngày mai là một ngày quan trọng", vì nó mở đầu một tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Những người tin vào Chúa Kitô được mời gọi cầu nguyện trong tuần lễ Cầu nguyện, kỷ niệm lần thứ 54 cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu.

ĐTC Phanxicô cho hay chủ đề năm nay làm nổi bật "lời khẩn cầu của Chúa Giêsu “xin cho chúng ta tuân hành giới luật yêu thương, hầu chúng ta có thể gặt hái được nhiều hoa trái". ĐTC cho hay tuần lễ “Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu” sẽ kết thúc vào ngày 25 tháng 1 với việc hát Kinh Chiều tại Vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành Rome, "chung với đại diện của các Giáo hội và các cộng đồng tin theo Chúa Kitô khác ở Rome".

Trong những ngày này, Đức Thánh Cha kết luận "chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để nguyện vọng của Chúa Giêsu được hoàn thành - tất cả chúng nên một: tình hiệp nhất luôn luôn cao trọng hơn những xung đột".

Quí vị có thể tìm thêm thông tin về “Tuần Cầu nguyện cho Hiệp nhất Kitô giáo” năm 2021 trên trang web của Hội đồng Tòa Thánh về Thúc đẩy sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Đối thoại giữa người Công Giáo và Do Thái giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý rằng tại Ý, “Ngày kỷ niệm lần thứ 32 về đào sâu và phát triển các cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Do Thái” đang được diễn ra.

Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng quá trình này, đã diễn ra hơn 30 năm qua "có thể phát sinh ra hoa trái của tình huynh đệ và sự cộng tác".
 
Đức Tổng Giám Mục Philip Wilson, nạn nhân của các phương tiện truyền thông bài Công Giáo, đã qua đời
Đặng Tự Do
20:37 17/01/2021


Giáo Hội tại Úc đang để tang cái chết của Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Adelaide.

Theo Tổng giáo phận Adelaide, mặc dù ngài bị một loạt các vấn đề về sức khỏe trong những năm gần đây, bao gồm cả bệnh ung thư, nhưng cái chết của ngài vào hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng Giêng là điều bất ngờ đối với nhiều người.

Đức Cha Mark Coleridge, Tổng Giám Mục Brisbane, và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Úc đã tweet rằng “Đức Cha Philip Wilson, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Adelaide, đã bất ngờ qua đời vào chiều nay… một mục tử chân chính của Giáo hội và một người bạn tốt đã chịu nhiều đau khổ.”

“Vượt ra khỏi bóng tối của đồi Canvê, cầu mong cho ngài thấy được ánh sáng của Lễ Phục sinh.”

Đức Cha Wilson sinh tại Cessnock, New South Wales vào ngày 2 tháng 10, 1950. Ngài là con cả trong gia đình có 5 người con. Ở tuổi thiếu niên, ngài đã quyết định theo đuổi ơn thiên triệu và khi hoàn thành trung học, ở tuổi 18, ngài vào Chủng viện St Patrick, Manly. Năm 1974, ngài nhận được bằng Cử nhân Thần học tại Học viện Công Giáo Sydney.

Sau khi được thụ phong vào năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm cha phó tại giáo xứ East Maitland, New South Wales. Cha sở giáo xứ là James Fletcher, là người sau này bị kết tội lạm dụng tình dục vào những năm 1970. Đức Cha Wilson chỉ ở giáo xứ này một thời gian ngắn vì sau đó ngài sang New York học về giáo dục tôn giáo tại Thành phố New York trong suốt hai năm 1977 và 78. Sau khi về lại Úc, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Giáo dục giáo phận Maitland, trước khi làm Cha Tổng Đại Diện Giáo Phận.

Năm 1996, Đức Cha Wilson được bổ nhiệm thay thế Đức Cha William Murray làm Giám mục Wollongong, và vào ngày 10 tháng 7, ngài được Đức Hồng Y Edward Clancy tấn phong Giám Mục. Ở tuổi 45, Đức Cha Wilson trở thành giám mục Công Giáo trẻ nhất ở Úc.

Tháng 11 năm 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Cha Wilson làm Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Adelaide, khi Đức Tổng Giám Mục Leonard Faulkner sắp nghỉ hưu. Thánh lễ chào đón ngài tại nhà thờ chính tòa Thánh Phanxicô Xaviê của tổng giáo phận Adelaide vào ngày 1 tháng Hai, 2001 là thánh lễ đầu tiên tại Úc được trực tiếp truyền hình trên Internet. Ngày 3 tháng 12, 2001, ở 51 tuổi, Đức Cha Wilson được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Adelaide. Ngài trở thành vị Tổng Giám Mục Công Giáo trẻ nhất ở Úc.

Tháng Năm 2010, một người bị cha James Fletcher lạm dụng tính dục tố cáo rằng vào năm 1976, anh ta đã xưng tội với cha Wilson là bị cha James Fletcher lạm dụng, nhưng bị ngài nạt ngang. Trong khi đó, Đức Cha Wilson nói rằng ngài không nhớ có ai xưng tội như thế hay không và ngài chỉ ở giáo xứ đó một thời gian ngắn trước khi sang New York du học.

Dưới các áp lực của các phương tiện truyền thông, tháng Ba, 2015 cảnh sát New South Wales truy tố ngài về tội “che giấu không báo cáo một tội nghiêm trọng liên quan đến trẻ em.” Đức Cha đã nộp đơn lên Tòa Thánh xin nghỉ phép vô thời hạn.

Vào năm 2018, ngài đã bị kết án che đậy tội ác của cha James Fletcher chỉ bằng vào lời tố cáo không bằng không chứng của nạn nhân này.

Ngài từ chức, nhưng tiếp tục kháng cáo. Kết quả là tòa kháng án đã bác bỏ bản án của tòa dưới.

Khi bác bỏ phán quyết kết tội của tòa dưới, thẩm phán của Roy Ellis cho biết “không có bằng chứng rõ ràng” rằng Đức Tổng Giám Mục Wilson đã được kể về vụ lạm dụng hay đã từng tin rằng nạn nhân đã bị cha Fletcher lạm dụng tính dục.

“Tôi không ở đây để trừng phạt Giáo Hội Công Giáo vì những hành vi thiếu sót về thể chế, hoặc trừng phạt Philip Wilson vì tội lỗi của James Fletcher hiện đã qua đời, bằng cách kết luận Philip Wilson có tội, chỉ đơn giản trên cơ sở rằng ông là một linh mục Công Giáo” Ellis nói.

Đức Tổng Giám Mục Patrick O'Regan, người kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục Wilson vào năm ngoái trong cương vị Tổng Giám mục Adelaide, cho biết: “Một giai đoạn khó khăn của các lời tố cáo, các cáo buộc, kết tội và cuối cùng là sự trắng án là một chương quan trọng trong cuộc đời của Đức Cha Philip, nhưng thành tích của ngài về việc ủng hộ và biện hộ cho những nạn nhân là một phần di sản quan trọng của ngài”.

“Đức Cha Philip biết những nỗi đau mà nhiều người đã phải chịu đựng và gánh chịu do những hành động bệnh hoạn của một số người trong Giáo hội. Ngài góp phần đưa ra các giải pháp, và được công nhận rộng rãi như vậy,” Đức Tổng Giám Mục O’Regan nói.


Source:Catholic Leader
 
Biden và việc hợp nhất Nước Mỹ
Vũ Văn An
22:12 17/01/2021

Biden hứa hẹn sẽ tái lập sự hợp nhất quốc gia. Nhiều nhà bình luận Công Giáo đã nhận xét về lới hứa hẹn hoa mỹ này. Nay, Russell Shaw, tác giả của hơn 20 cuốn sách, viết về đạo đức học và thần học luân lý, hàng ngũ giáo dân Công Giáo, chủ nghĩa giáo sĩ trị, lạm dụng bí mật trong Giáo Hội... và hàng ngàn bài báo trên các tờ báo và tạp chí như Wall Street Journal, The Washington Times, L’Osservatore Romano, America, Crisis, Catholic World Report, The National Catholic Reporter..., cũng có đề cập đến vân đề này (xem https://www.catholicnewsagency.com/column/biden-national-unity-4259).



Tác giả này cho rằng với các hình ảnh quần chúng ô hợp bạo động tại Thủ Đô Hoa Kỳ vẫn còn mới mẻ trong ký ức, Joe Biden nhậm chức Tổng thống như một người có tiềm năng hàn gắn các chia rẽ và băng bó các vết thương. Thế nhưng các cam kết trước đó của ông có thể ngăn cản ông thành công trong các vai trò này.

Bất kể bạn cảm nhận ra sao về Joe Biden, điều trên quả là tin xấu, không những cho ông mà còn cho cả một quốc gia đang hết sức cần hợp nhất sau khi có đủ chứng cớ cho thấy quốc gia này thực sự chia rẽ ra sao.

Chắc chắn, Biden nhìn nhận tình trạng tan nát của đất nước. Ngay trước khi người biểu tình tràn vào Điện Capitol, ông đã nói người Mỹ “đòi hành động và họ muốn sự hợp nhất”, rồi ông nói thêm “chúng tôi có thể cung hiến cả hai”. Nhưng ngoại trừ có việc đổi lòng đổi dạ, hành trang ý thức hệ của ông về các vấn đề xã hội trong đó, có vấn đề phá thai, đe dọa sẽ duy trì cảnh phân hóa của Hoa Kỳ ở mức độ sôi động.

Dĩ nhiên, không hoàn toàn do lỗi của ông. Lối ăn nói và các vạy vọ luật pháp của Tổng Thống Trump nhằm đảo ngược kết quả bỏ phiếu hồi tháng Mười Một, bất kể các thất bại của nhiều vụ kiện cáo, đã mang lại những hoa trái đắng đót trong cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol và tạo ra tâm thức hoài nghi bàng bạc đầy tính đe dọa không giống như bầu khí nhã nhặn thường được tái lập sau các cuộc bầu cử liên bang.

Hơn nữa, nhìn dưới một viễn ảnh rộng lớn hơn, cảm thức về việc các mối dây hợp nhất quốc gia ngày một trở nên mong manh hơn đã có từ những ngày chưa có tổng tuyển cử.

Cảm thức ấy đã xuất hiện ra sao? Nhà bình luận bảo thủ David French lúc ấy cho xuất bản cuốn Divided We Fall (Chúng ta Sa vào Cơn Chia Rẽ). Ông cảnh báo về khả thể một cuộc tan vỡ quốc gia qua ngả ly khai nhằm phản ứng chống lại phong trào “tái tạo” Hoa Kỳ của phe cấp tiến duy thế tục. Không chỉ có thế, một nhà duyệt sách chỉ trích French đã không tấn công đủ nghiêm túc các giá trị truyền thống.

Việc duyệt xét trên, bởi nhà khoa học chính trị của Đại Học Notre Dame, Vincent Phillip Munoz, trên tờ First Things, đáng được trích dẫn vì phần tóm lược của ông về chủ trương ly khai: “Sự hợp nhất tiếp diễn của Hiệp Chúng Quốc là điều không chắc chắn. Hoa Kỳ có thể tan vỡ thành 2 hay nhiều quốc gia, vì người Hoa Kỳ không còn là một dân tộc nữa. Chúng ta thiếu một nền văn hóa chung, chúng ta sống biệt lập, chúng ta tin những điều khác nhau, chúng ta mỗi ngày một ghét đối thủ chính trị của mình. Và sự việc chỉ mỗi ngày một tệ hơn”.

Thêm vào đó, Munoz cho rằng giải pháp đề nghị của French đối với cuộc khủng hoảng, bao gồm một loạt các điều chỉnh khiêm nhường về thủ tục, có tính bất cập.

Dù sao, sự sợ hãi ngay lúc này phát xuất từ sự kiện Biden, bất chấp bối cảnh trung lưu của ông ta, xem ra đang đem tới một nghị trình cấp tiến. Nếu đúng như thế, thì ông ta, và cả chúng ta nữa, có thể quên sự hợp nhất đi.

Đó là bối cảnh để phán xét tác động của việc Biden lớn tiếng ủng hộ các vấn đề LGBTQ và ý định đã được tuyên bố đi tuyên bố lại nhiều lần trong lúc tranh cử là sẽ gạt qua một bên các hạn chế về phá thai do nhiệm kỳ Tổng thống của Trump đặt để.

Trong một phân tích được Tổ Chức Gia Đình Quốc Tế phổ biến, Allan Carlson, nhà văn kỳ cựu phò gia đình và là một chủ bút, nhận định rằng các khía cạnh vừa nhắc bao gồm chính sách thuế khóa phò gia đình, vài trò Hoa Kỳ phò gia đình tại Liên Hiệp Quốc, các cố gắng hủy tài trợ cho Planned Parenthood, và việc bổ nhiệm các thẩm phán liên bang bảo thủ về phương diện xã hội. Carlson cảnh cáo “Joe Biden sẽ loại bỏ tất cả những điều ấy, một cách nhanh chóng và toàn diện bao nhiêu có thể”.

Nhưng ta hãy dành những lời sau hết cho nhà cấp tiến “có thẻ” đàng hoàng, tức Frank Bruni, nhà bỉnh bút của tờ New York Times. Viết về viễn ảnh có một nhiệm kỳ Tổng Thống Biden, ông viết: “Chúng ta một là bước những bước chập chững trở lại chương trong đó chính phủ Hoa Kỳ ít có tính đảng phái man rợ hơn ít năm, và thập niên qua, hai là phải chấp nhận sự phân hóa và tê liệt như là khung cảnh đương nhiên cho một tương lai có thể suy đoán được”.

Shaw cho rằng Bruni không thể nào đúng hơn. Liệu Joe Biden có chịu lắng nghe hay không?
 
Văn Hóa
Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa, Chương Mười Bẩy
Vũ Văn An
04:11 17/01/2021

Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





Chương Mười Bẩy: Đấng Giải Phóng

Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô.
Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.


Đôi khi khó thấy nơi Chúa Giêsu của cả chủ nghĩa duy lý lẫn chủ nghĩa lãng mạn lý do tại sao Người có bao giờ chịu đóng đinh. Hình ảnh về Người đã bị tinh thần của thời đại thích ứng rất nhiều. Chẳng hạn, một trong những cuốn sách được đọc rộng rãi nhất xưa nay bằng tiếng Anh, tức cuốn In His Steps (Theo Bước Chân Người) của Charles Monroe Sheldon xuất bản năm 1896, là một mô tả đầy tính lý tưởng hóa về sự thành công trong thương trường và trong xã hội, một thành công đang chờ đón một cộng đồng Hoa Kỳ trong đó, mọi người quyết định bước chân theo Chúa Giêsu một cách nghiêm túc. Chắc chắn, một điển hình về tính thực tiễn tuyệt vời như thế, một bâc thầy về tính hữu lý đầy thuyết phục như thế, một khuôn mặt đẹp đẽ trong sáng như thế hẳn phải hấp dẫn đối với thế kỷ thứ nhất cũng như đối với thế kỷ 18 và 19.

Ấy thế nhưng, cùng nhà văn Nga thế kỷ 19, mà trình thuật trong Crime and Punishment về Sonia và Raskolnikov cùng nhau đọc truyện Tin Mừng về việc phục sinh Ladarô đã đem lại một phát biểu hết sức sinh động cho việc tri nhận Chúa Giêsu như Thi Sĩ của Thần Khí, cũng phát biểu, có lẽ còn sâu sắc hơn bất cứ ai trước đó và kể từ đó, ý nghĩa của Chúa Giêsu, Đấng Giải Phóng, như Đấng mà thế kỷ thứ nhất, hay bất cứ thế kỷ nào của lịch sử con người, buộc phải bác bỏ. Dostoevsky thực hiện điều này trong viễn kiến của Ivan Karamazov về Đại Quan Tòa Dị Giáo (Grand Inquisitor) (1). Chúa Kitô trở lại trần gian và được nghinh đón bởi những người được Người chúc phúc bằng sự hiện diện và các phép lạ của Người. Nhưng một lần nữa, Người lại bị bắt, lần này bởi lệnh của Đại Quan Tòa Dị Giáo, Hồng Y tổng giám mục của Seville và là người bênh vực đức tin, và bị đối chất bởi phát ngôn viên này của một Kitô giáo định chế từng thành công sửa lại mọi sai lạc Người đã làm lúc còn trên dương thế. Trong một bức khắc gỗ nổi danh của William Sharp, hai người đứng ở một thế tương phản đầy kịch tính. Hình dáng dữ tợn của Quan Tòa Dị Giáo già nua, mặc áo giáo sĩ, được chiếu sáng, đối diện với Chúa Giêsu Tù Nhân. Gương mặt Chúa Giêsu không trông rõ vì Người quay về phía Quan Tòa Dị Giáo, quay lưng lại người xem; nhưng đó là khuôn mạo đen tối của một Tù Nhân, không phải khuôn mặt được chiếu sáng của Quan Tòa Dị Giáo, một khuôn mặt nổi bật bức tranh. Vì Chúa Giêsu, thực sự, là Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng. Như Quan Tòa Dị Giáo nhìn nhận khi nhắc lại 3 câu hỏi mà Satan “thần khôn ngoan và đáng sợ, thần tự hủy và không hiện hữu” đã ngỏ cùng Chúa Giêsu lúc cám dỗ Người trong Hoang Địa. “Vì trong 3 câu hỏi này, toàn bộ lịch sử tiếp sau đó của nhân loại, như thể, được đem lại với nhau kết thành một toàn bộ duy nhất, và được loan báo trước, và trong đó, mọi mâu thuẫn lịch sử chưa được giải quyết của bản chất nhân loại đã được thống nhất”.

Câu hỏi đầu tiên của Satan, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho các viên đá này thành các ổ bánh mì” (Mt 4:3), trình bày một lựa chọn giữa việc biến các viên đá thành bánh mì, để “nhân loại khỏi chạy theo ông như một đoàn cừu, biết ơn và vâng phục” và “một lời hứa hẹn tự do nào đó, sự tự do mà trong tính đơn sơ và tính vô kỷ luật tự nhiên của họ, đến hiểu họ cũng không thể có”; “vì không có điều gì khó hỗ trợ đối với con người và xã hội hơn tự do”. Chúa Giêsu quyết định làm Đấng Giài Phóng hơn là Vua Bánh Mì, nhưng trong điều này, Người đã bị hiểu lầm. Tự do được Người hứa hẹn không phải chỉ dành cho giai cấp ưu tú. Từ lúc có sự hiểu lầm này, các kẻ theo Người đã nắm được quyền lực thế gian, cả trong Giáo Hội lẫn Nhà Nước, để “đặt tự do của họ dưới chân ta, mà nói, ‘Hãy biến chúng tôi thành nô lệ của ngài, nhưng hãy nuôi sống chúng tôi'”. Khi Quan Toà Dị Giáo kết thúc nhận định của mình về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu,

“Ông đợi một thời gian để Tù Nhân của ông trả lời ông... Nhưng [Chúa Giêsu] bỗng nhiên im lặng tiến lại gần người đàn ông già, và nhẹ nhàng hôn đôi môi già hết máu của ông ta. Câu trả lời của Người chỉ có thế. Người đàn ông già rùng mình. Môi ông động đậy. Ông buơớc về phía cửa, mở nó ra, và nói với chính mình ‘đi khuất đi, đừng đến nữa... đừng đến nữa, đừng bào giờ, đừng bao giờ nữa’. Và ông ta để Người đi vào ngõ hẹp tối tăm của thị trấn.Tù Nhân đi khỏi”.

Và Dostoevsky (hay, đúng hơn, Ivan Karamazov) ngầm cho thấy như thế, Người không bao giờ trở lại nữa.

Bên cạnh những bức chân dung qui ước nói về Chúa Giêsu như trụ cột của hiện trạng (status quo) nơi nhà nước và Giáo Hội, vẫn có truyền thống liên tiếp mô tả Người, vào thời của Người và mọi thời tiếp sau đó, như là Đấng Giải Phóng. Điều ấy rõ ràng đến nỗi nhiều người cùng thời với Người đã coi Người như Đấng thách thức mọi hệ thống xã hội và đòi nó phải giải trình trước phiên tòa của Thiên Chúa. Nhưng trước hết, trong các thế kỷ 19 và 20, vị Tiên Tri của thế kỷ thứ nhất, Đấng vốn rao giảng công lý của Thiên Chúa như có chiều hướng chống lại các kẻ áp bức của nhân loại, mới trở thành Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng. Và Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng trở thành, và trong thời đại ta đã trở thành và hiện là, một lực lượng chính trị lật đổ các đế quốc, kể cả thứ gọi là đế quốc Kitô giáo. Hiến chương và nghị trình giải phóng nơi Chúa Giêsu Kitô đã được lên khuôn trong điều gọi là Đại Hiến Chương Tự Do Kitô Giáo, tức thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô... Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (2). Không còn là Do Thái hay Hy Lạp; không còn là nô lệ hay tự do; không còn là nam hay nữ, mỗi thứ trong tư thế lịch sử của nó, cả ba thứ cầm tù này nguyên ủy được biện minh nhân danh Chúa Kitô Tạo Dựng và là Chúa trong tư cách thuộc về trật tự tự nhiên và luật tự nhiên, nhưng cuối cùng đã bị thách thức, và kết cục đã bị vượt qua, nhân danh Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng.

Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, lý lẽ thử thách dai dẳng nhất để giải quyết thế lưỡng nan phức tạp trong tính liên quan của tước hiệu Chúa Giêsu Đấng Giải Phóng đối với trật tự xã hội là cuộc tranh luận về nạn nô lệ (3). Cả hai phía đều nại tới bản văn Kinh Thánh và thế giá của con người Chúa Giêsu. Như Abraham Lincoln đã nói trong Lễ Nhậm Chức Lần Thứ Hai, ngày 4 tháng 3 năm 1865, cả hai phía “cùng đọc một Kinh Thánh, và cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa; nhưng mỗi bên khẩn cầu sự giúp đỡ của Người chống lại bên kia”. Mặt khác, như ông đã vạch ra, “điều xem ra lạ lùng là bất cứ người nào cũng dám cầu xin sự giúp đỡ của Thiên Chúa công chính để vắt bánh mì của mình từ mồ hôi trán người khác”. Nhưng ông nói thêm, bằng cách trích dẫn giới răn của Chúa Giêsu trong Bài Giảng Trên Núi, “chúng ta đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Mt 7:1). Nhưng trên hết, chính ý thức tin rằng “vì con người là hữu hạn nên họ không bao giờ có thể biết chắc một cách tuyệt đối rằng mình cảm nhận đúng thánh ý của Thiên Chúa vô hạn” đã làm cho “Abraham Lincoln trở thành trung tâm lịch sử Hoa Kỳ theo nghĩa đích thực” (4). Đối với một nhà chủ trương bãi bỏ (abolitionist) như James Russell Lowel, chủ bút tờ Anti-Slavery Standard và là nhà văn học sáng chói của vùng New England, thế giá của Chúa Giêsu đối với tình thế ít mơ hồ hơn (5). Đối đầu với các hệ quả cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ vì tương lai nô lệ, ông lớn tiếng chống lại sự bất công của cả nạn nô lệ lẫn chiến tranh, trong một bài thơ viết năm 1845, một bài thơ, trong hơn 100 năm sau, đã trở thành chiến ca của Tin Mừng Xã Hội:

Mọi người mọi nước
Đến lúc phải quyết định,
Trong cuộc chiến sự chân với sự giả,
Cho sự thiện hay sự ác;
Một số chính nghĩa vĩ đại, Đấng tân Mêxia của Thiên Chúa,
Mỗi người cung ứng tuổi nở hoa hay tuổi tàn rụi,
Và sự lựa chọn mãi mãi diễn ra
Giữa bóng tối và ánh sáng.

Nhờ ánh sáng các tử đạo
Tôi luận tìm bàn chân chẩy máu của Chúa Giêsu,
Vất vả leo lên mãi những đồi Canvari mới
Với cây thập giá không bao giờ lui bước;
Cơ hội mới dạy những bổn phận mới,
Thời gian khiến điều tốt xưa trở thành thô vụng;
Những ai muốn theo kịp chân lý
Vẫn cứ phải leo lên, tiến lên phía trước.

Do đó, một đàng, Robert Sanderson, một Giám Mục Anh Giáo ở thế kỷ 17, tuyên bố rằng các Kitô hữu “không nên thừa nhận bất cứ ai làm Chủ Tể Tối Cao của chúng ta, cũng không nên để mình bị cai trị hoàn toàn hay tuyệt đối bởi ý chí của bất cứ người nào... nhưng chỉ bởi Chúa Kitô, Chúa và Chủ ta ở trên trời”. Nhưng mặt khác, trong cùng bài giảng ấy, ngài lại bác bỏ bất cứ giải thích nào về quyền chúa tể tối cao của Chúa Kitô đối với mọi ông chủ trần gian diễn tiến “như thể Chúa Kitô hay các Tông Đồ của Người nhằm mục đích... làm giảm bớt các gân cốt... vốn cột thành một cơ thể... tứ chi và nhiều thành phần làm nên các xã hội con người” và điều đó bao gồm các gân cốt của nạn nô lệ (6).

Việc đặt cạnh nhau hai tuyên bố trên trong cùng một bài giảng về điều nó có nghĩa gì, và không có nghĩa gì, khi gọi Chúa Giêsu là Đấng Giải Phóng, rất dễ được lặp đi lặp lại trong các trước tác của cuộc tranh luận về nạn nô lệ. Tuy nhiên, sự căng thẳng được chúng đại diện không độc đáo đối với thời hiện đại, vì dường như nó đã có trong chính các mô tả của Tin Mừng về Chúa Giêsu rồi. Trong số những người tự coi mình là người theo chân Chúa Giêsu, từ lâu vẫn cảm thấy khó chịu đối với định chế nô lệ. Họ thừa nhận rằng vì sự xuất hiện của Người “nạn nô lệ mất hết việc cho mình là một cần thiết nội tại phát xuất từ cơ cấu bản chất con người” (7). Thánh Augustinô phát biểu rõ sự khó chịu này khi ngài tuyên bố ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Dựng là “tạo vật có lý trí của Người không có quyền làm chủ trên bất cứ điều gì mà chỉ trên các tạo vật không có lý trí mà thôi, con người không thống trị con người, nhưng con người chỉ thống trị thú vật mà thôi”. Cho nên, nạn nô lệ không phải là một định chế tự nhiên do Thiên Chúa tạo ra, nhưng nó là kết quả của việc loài người sa vào tội lỗi” (8). Nhưng trong thế giới sa ngã, nơi cần phải chấp nhận các thiếu sót trong các định chế của con người, nạn nô lệ cũng cần được dung túng, và không nên nại tới thẩm quyền của Chúa Kitô Giải Phóng để biện minh cho việc lật đổ nó bằng sức mạnh cách mạng. Chứng từ thuyết phục nhất biện hộ cho chủ nghĩa bảo thủ xã hội như thế tìm thấy trong thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn. Trong đó, cũng vị tông đồ này, người từng công bố Đại Hiến Chương “không còn nô lệ hay tự do nữa” đã thông báo cho Philêmôn, một người chủ nô lệ, rằng ngài gửi Onesimus, một nô lệ trốn thoát, trả về cho ông, để “không làm điều gì không có sự đồng ý của anh”; nhưng ngài hy vọng Philêmôn “được lại người này vĩnh viễn, không như nô lệ, nhưng hơn một người nô lệ, như một người anh em”, điều mà John Knox hiểu là Onesimus có thể trở thành một Kitô hữu rao giảng Tin Mừng (9). Mặc dù, theo lời Giám Mục Lightfoot, “chữ ‘giải phóng’ dường như run run trên môi miệng ngài” (10), Thánh Phaolô bác bỏ việc buộc Philêmơn phải giải phóng Onesimus như một bổn phận của Kitô hữu (Pl 14-16), và ngài không đề cập (cách này hay cách khác) đến vấn đề tổng quát trong thái độ của Kitô giáo đối với nạn nô lệ như một thể chế.

Những ai tiếp tục thấy thể chế ấy có thể dung túng được, do đó, có thể cho rằng lá thư đó là điều Tân Ước đã nói: nói đúng ra, cả trong Cựu Ước lẫn trong Tân Ước, việc sở hữu một con người khác chắc chắn không chống lại luật” (11). Như việc trả thuế cho Xêda (Mt 22:21), ở đây cũng thế, Tân Ước dường như coi là đương nhiên việc có nạn nô lệ trong xã hội. Thậm chí nó còn sử dụng việc này như một loại suy để so sánh với mối liên hệ của tín hữu đối với quyền chúa thượng của Chúa Kitô, cũng như mối liên hệ của kẻ có tội đối quyền chúa tể của ma qủy (12). Thành thử, sử dụng lời nói của Chúa Giêsu như một vũ khí chống nô lệ không chính đáng gì hơn việc sử dụng lời nói của Người về Nước Thiên Chúa làm cơ sở để lên án mọi vương quốc trần gian là tiếm quyền. Nhưng tinh thần của lá thư gửi Philêmôn, nếu không phải chính lá thư, quả có nghi vấn thể chế nô lệ, và các hoàn cảnh mới quả có dạy các bổn phận mới. Cho nên dù Giáo Hội “để cho [thể chế nô lệ] tồn tại, nhưng vẫn ý thức trọn vẹn tính bất nhất giữa thể chế này và sự tự do và bình đẳng nội tại vốn là lý tưởng của Kitô giáo” (13). Chỉ là vấn đề thời gian, dù quả là một thời gian dài, trước khi việc thừa nhận sự bất nhất ấy giữa việc dung túng nạn nô lệ và việc công bố Chúa Giêsu như Đấng Giải Phóng tạo được hành động dứt khoát.

Việc tái khám phá Chúa Giêsu Giải Phóng không chỉ giới hạn trong cuộc tranh luận về nạn nô lệ, hay trong tư duy Anh và Mỹ. Có lẽ việc tái khám phá nổi tiếng khắp nơi trong thế kỷ 19 là của Lev Tolstoy. Trong cuốn tiểu thuyết Resurrection (Phục Sinh) của ông, mà bản không bị kiểm duyệt được xuất bản 2 thập niên sau Anh Em Nhà Karamazov, cùng một tương phản giữa Đấng Giải Phóng và Quan Tòa Dị Giáo đã xuất hiện, một lần nữa trong một nhà tù, nơi một khách vãng lai “ngạc nhiên thấy bức Tượng Chịu Nạn treo ở một hốc tường, ông ta tử hỏi ‘tượng ở đây để làm gì?’, tâm trí ông tự động liên kết hình ảnh Chúa Kitô với việc giải phóng, chứ không với việc giam cầm” (14). Sứ điệp của cuốn Resurrection của Tolstoy là giáo huấn của Chúa Giêsu có ý định được hiểu theo nghĩa chiểu tự. Chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết là một lời bình luận về một số phần trong các sách Tin Mừng, trên hết, là các mệnh lệnh của Bài Giảng Trên Núi, trong đó, người chủ đạo “vẽ cho mình điều cuộc đời này có thể là nếu người ta được dạy phải vâng theo các mệnh lệnh này”. Sự phấn khích và ngất trí, lúc ấy xâm chiếm ông, “như đã xâm chiếm số rất đông những người đọc các sách Tin Mừng”, thuyết phục ông rằng “bổn phận duy nhất của con người là chu toàn các mệnh lệnh này, đến nỗi ý nghĩa hữu lý duy nhất của đời người hệ ở việc đó”. Trong cái ngộ ra đó, “dường như, sau một cuộc đau buồn và đau khổ lâu dài, bỗng nhiên ông tìm được bình an và giải phóng” (15).

Một khảo cứu bác học chuyên đề của sử gia văn học Xôviết G.I. Petrov từng nhận xét “Khi tiểu thuyết Resurrection ra đời năm 1899, nó là dịp không vui và bối rối cho chính phủ và giới cao cấp của Giáo Hội” (16). Kitô giáo cấp tiến của Tolstoy bị Giáo Hội Chính Thống Nga ra vạ tuyệt thông nhưng việc ông tái giải thích sứ điệp của Chúa Giêsu cũng đã lôi kéo sự chú ý sùng đạo của hàng ngàn người cả bên trong lẫn bên ngoài Nga và cả Nền Chính Thống nữa. Họ hành hương tới Yasnaya Polyana để viếng thăm nhà tiên tri của tân Kitô giáo này, và họ viết cho ông từ khắp nơi trên thế giới. Ngay George Bernard Shaw cũng thư từ với ông về nền “thần học” của riêng ông ta, mặc dù Tolstoy coi là xúc phạm sự khiếm nhã của Shaw khi đối sử với Tin Mừng, vì “vấn đề về Thiên Chúa và sự ác là điều quá quan trọng đến không thể nói đùa giỡn được” (17). Như Isaiah Berlin từng phát biểu, trong các tiểu thuyết của ông, “Tolstoy tri nhận thực tại trong tính đa dạng của nó, như một hợp tuyển các thực thể riêng biệt mà quanh đó và trong đó ông thấy rất rõ và sâu sắc như chưa từng có”. Nhưng trong triết lý và thần học của ông, “ông chỉ tin vào một toàn bộ rộng lớn duy nhất, đơn nhất” điều cuối cùng ông phát biểu như “nền đạo đức học Kitô giáo đơn giản ly dị khỏi bất cứ nền thần học hay siêu hình phức tạp nào..., sự cần thiết phải trục xuất mọi điều không chịu suy phục một tiêu chuẩn rất tổng quát, rất đơn giản nào đó: như, các nông dân muốn gì và không muốn gì, hoặc các sách Tin Mừng công bố điều gì tốt” Hai tiêu chuẩn thường như nhau đối với Tolstoy (18). “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa (Mt 5:39). Các quan điểm cấp tiến của Tolstoy về việc áp dụng từng chữ các lời lẽ này của Chúa Giêsu, đối với phần lớn các tiên tri của giải phóng và các mạnh thường quân của người bị áp bức, xem ra ở đỉnh cao của tính không thực tiễn (impracticality), một thứ đầu hàng bất công, quả là “thuốc phiện lê dân”.

Ngoại lệ là viên luật sư trẻ gốc Ấn Độ ở Nam Phi, người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nền triết lý tôn giáo và đạo đức của Tolstoy. Cuốn The Kingdom of God Is within You (Nước Thiên Chúa Ở Trong Các Ngươi) của Tolstoy, một cuốn ông sẽ viết sau này, “tràn ngập tôi. Nó để lại một ấn tượng lâu dài trên tôi. Trước lối suy tư độc lập, nền luân lý sâu sắc, và tính nói thật của cuốn sách này, mọi cuốn sách (Kitô giáo khác)... xem ra đều vô nghĩa” (19). Sau đó, ông còn thiết lập một công xã Tolstoy ở Nam Phi năm 1910, năm Tolstoy qua đời. Tolstoy viết một lá thư (bằng tiếng Anh) cho người ái mộ mình này ở Nam Phi ngày 7 tháng 9 năm 1910, chỉ 2 tháng trước ngày qua đời. Ngoại trừ một số nhận định cá nhân ngắn gọn gửi cho bạn bè và gia đình ra, đây quả là lá thư cuối cùng, gần như một chúc thư tôn giáo và triết lý cuối cùng của ông:

“Càng sống, và nhất là nay khi cảm thấy rõ ràng sắp sửa qua đời, tôi muốn nói với nhiều người khác điều tôi cảm nhận một cách hết sức thấm thía, và điều theo ý kiến tôi hết sức quan trọng, tức là điều được gọi là bất đối kháng, nhưng là điều trong yếu tính chẳng là gì khác hơn là giáo huấn yêu thương không bị bóp méo bởi các giải thích sai lệch... Luật này được công bố bởi mọi hiền triết của thế giới, Ấn Độ, Trung Hoa, Do Thái, Hy Lạp và La Mã. Tôi nghĩ nó được phát biểu rõ ràng nhất bởi Chúa Kitô.... Toàn bộ nền văn minh Kitô giáo, hết sức sáng chói ngoài mặt, đã lớn lên trên một sự hiểu lầm và mâu thuẫn rõ ràng, lạ lùng và đôi khi hữu thức nhưng thường là vô thức [về giáo huấn chân chính của Giêsu Đấng Giải Phóng]... Suốt 19 thế kỷ, nhân loại theo Kitô giáo đã sống cách này... Có một mâu thuẫn rõ ràng đến nỗi chẳng sớm thì muộn, có lẽ rất sớm, nó sẽ bị vạch trần và sẽ kết liễu một là việc chấp nhận Kitô giáo vốn cần thiết cho việc duy trì quyền lực hai là sự hiện diện của một đạo quân và trọn bạo lực nâng đỡ nó, điều cũng rất cần để duy trì quyền lực” (20).

Chính phủ “Anh của ông, cũng như chính phủ Nga của chúng tôi”, với việc trung thành gắn bó của họ vào quyền chúa tể của Chúa Giêsu Kitô, sẽ phải đối diện với sự mâu thuẫn này và các hậu quả của nó.

Tên của người học trò và thư tín Ấn độ của Tolstoy ở Nam Phi chính là Mohandas K. Gandhi. Triết lý của ông ta về điều Erik Erikson gọi rất đúng là “bất bạo động đấu tranh” (militant non-violence) là một pha trộn các yếu tố của Ấn giáo cổ truyền, mà thoạt đầu ông vốn bác bỏ nhưng sau đó đã nhìn một cách thuận lợi hơn, và các yếu tố của Kitô giáo, hay nói chuyên biệt hơn, của giáo huấn Chúa Giêsu. Các giải thích của Tolstoy giúp ông hiểu sứ điệp chân chính của Chúa Giêsu, trong và đàng sau Kitô giáo cổ truyền mà ông và các đồng bào Ấn độ của ông đã học được từ các nhà truyền giáo. Và nhờ thế, “một tập hợp các nhà kinh tế học thấy mình được thuyết giáo (‘có lẽ ông coi việc can dự của tôi như một đi trệch đáng hoan nghinh khỏi con đường đã bước’) về Chúa Giêsu” (21). Đến lúc Gandhi qua đời như một vị tử đạo vào ngày 30 tháng 1 năm 1948, lịch sử đã ứng nghiệm lời tiên tri của Tolstoy. “các đế chế “Anh của ông” và “Nga của chúng tôi”, cả hai vốn cho là mình hiện thân cho các giá trị Kitô giáo trong chính phủ, đã bị lật nhào bởi các lực lượng tự cho là quán quân giải phóng và bất bạo động, dù không phải là niềm tin truyền thống của Kitô giáo vào sứ điệp của Chúa Giêsu Giải Phóng.

Tuy thế, Gandhi tiếp tục có nhiều đệ tử tin vào tin mừng bất bạo động của ông theo tinh thần của Chúa Giêsu Giải Phóng. Họ nên học điều này là bước chân theo Chúa Giêsu Giải Phóng, và theo Mahatma Gandhi, có thể tạm thời dẫn họ, như đã dẫn chính Gandhi, tới cuộc diễn hành chiến thắng giống cuộc diễn hành vào Chúa Nhật Lễ Lá (Mt 21:1-11). Nhưng cuối cùng, nó có thể dẫn họ đến chỗ đối đầu với giới quyền uy (Establishment), một đối đầu tiếp liền ngay sau việc chiến thắng (22). Và có thể có một số người mà nẻo đường theo chân Chúa Giêsu Giải Phóng (nói theo tựa sách của Sheldon) “theo gót chân Người” sẽ dẫn họ vượt qua trọn khoảng cách từ Chúa Nhật Lễ Lá qua Thứ Sáu Tuần Thánh, cho con đường chiến thắng trở thành con đường thập giá và việc noi gương Chúa Kitô mang một hình thức hoàn toàn theo nghĩa đen, nói theo Tân Ước, là “trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (23). Một trong số những người này là Martin Luther King Jr., người, giống như Gandhi, đã tử vì đạo bởi viên đạn của kẻ sát nhân ngày 4 tháng Tư năm 1968.

Triệt để đồng hình đồng dạng với cuộc đời Chúa Giêsu, và thậm chí với cả cái chết của Người nữa, và vâng theo một cách cách mạng mệnh lệnh của Người không hề xa lạ đới với các truyền thống đặc thù mà từ đó, Martin Luther King vốn phát xuất. Cả như một người Mỹ Da Đen lẫn như một người Baptist Mỹ tin mình cũng thuộc dòng dõi tinh thần của những người Tái Tẩy (Anabaptist) thế kỷ 16 ở Lục Địa, ông đều là hậu duệ của những bậc cha ông, trong lịch sử, vốn là nhóm thiểu số bị khinh miệt và thường bị buộc phải học “cái giá làm môn đệ” là chịu bị áp bức và thậm chí chết chóc. Giống nhiều nhà lãnh đạo Thệ Phản, ông xuất thân từ một gia đình có nhiều người làm mục sư, và trong nhiều năm sau này, ông hay nhắc lại việc nghe các câu truyện và lời nói của các sách Tin Mừng trong nhà thờ và trong gia đình trước khi học đọc chúng ở trường. Quyết định cuối cùng của ông trong tư cách một sinh viên chưa tốt nghiệp bước chân theo cha và ông nội gia nhập thừa tác vụ Kitô giáo đã đưa ông vào chủng viện thần học rồi vào trường cấp bằng tiến sĩ. Các nghiên cứu học thuật của ông phát triển nơi ông các nguyên tắc thần học, triết học và luân lý sẽ lên khuôn đời ông, lên khuôn sứ điệp của ông, xác định nghề nghiệp công khai của ông, và đem ông đến cái chết.

Mặc dù nhiều cuốn sách ông nghiên cứu khi còn là một chủng sinh và sinh viên tiến sĩ đều là những tựa sách tiêu chuẩn mà phần lớn các sinh viên thần học Thệ Phản thời ấy quen đọc, luận án của ông bàn về học lý Thiên Chúa trong tư tưởng Paul Tillich và Henry Nelson Wieman: một tên tuổi nổi bật trong danh sách các sách đọc của ông nhưng vắng mặt đối với hầu hết các danh sách khác là Mohandas K. Gandhi, mà cái chết vào năm 1948 trùng hợp với kỳ thi tuyển vào đại học của ông ở chủng viện. Gandhi, trong khi sử dụng các phương tiện bất bạo động trong cuộc chiến đấu giải phóng Ấn Độ khỏi chủ nghĩa thực dân dưới thời đế quốc Anh, vốn tỏ ý hy vọng rằng nhờ người da đen Mỹ, “sứ điệp tinh tuyền bất bạo động sẽ được chuyển tới khắp thế giới”. Một Kitô hữu da đen có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ mang nợ nhiều ở Gandhi là Howard Thurman (24). Nhờ triết lý của Gandhi, Thurman đã đạt tới, thậm chí vượt quá, sứ điệp của Chúa Giêsu, một sứ điệp mà Gandhi vốn dựa vào, mô tả Chúa Giêsu như Đấng Giải Phóng, đặc biệt của những ai bị tước mất cơ hội và thành tựu. Nhưng chính Mordecal Johnson, một nhà giảng thuyết và tư tưởng gia da đen hàng đầu khác, người mà bài giảng tại Chủng Viện Thần Học Crozer ở Philadelphia đã đem người sinh viên thần học trẻ đối diện với tư tưởng của Gandhi như một hệ thống đương thời có hiệu quả một cách ưu việt. Ông cho hay chính Johnson đã gợi dậy nơi ông xác tín rằng Gandhi là “người đầu tiên trong lịch sử biết sống đạo đức yêu thương của Chúa Giêsu cao hơn tương tác đơn giản giữa các cá nhân”. Nhiều năm sau này, trong cuốn sách sau cùng của ông, ông vẫn trích dẫn Gandhi để chống lại “nền triết học chủ hư vô” (nihilistic philosophy) và căm thù vốn đe dọa biến cuộc cách mạng của ông thành “đổ máu và bạo động”. King tuyên bố “điều mới mẻ về phong trào của Mahatma Gandhi ở Ấn độ là ông phát động một cuộc cách mạng hy vọng và tình yêu, hy vọng và bất bạo động”(25).

Lối giải thích ấy về giáo huấn của Chúa Giêsu như một nền đạo đức học tình yêu chủ trương bác bỏ bạo lực và vượt quá chủ nghĩa cá nhân nói lên nền tảng tri thức và luân lý của tư tưởng và hành động nơi King. Vì cần cả hai hành động và tư tưởng. Bài Giảng Trên Núi, tức bài giảng ông từng học ở chủng viện như một bản văn Kinh Thánh, đã trở nên, trong các năm tháng trưởng thành làm thừa tác vụ, một sách giáo khoa cho hoạt động tranh đấu xã hội và chính trị. Như ông nhớ lại vào những năm sau này:

“Khi tôi tới Montgomerry trong tư cách mục sư, tôi không hề có bất cứ chút ý nghĩ nào là sau này mình sẽ liên lụy tới một cuộc khủng hoảng trong đó việc đối kháng bất bạo động có thể áp dụng được. Tôi cũng không khởi đầu cuộc biểu tình phản đối hay gợi ý về nó. Tôi chỉ đáp lại lời kêu gọi của người dân muốn có một phát ngôn viên. Khi cuộc biểu tình bắt đầu, tâm trí tôi, một cách có ý thức hay vô thức, được đầy trở lại với Bài Giảng Trên Núi, với giáo huấn tuyệt vời của nó về tình yêu, và với phương pháp đề kháng bất bạo động của Gandhi” (26).

Gandhi và Bài Giảng Trên Núi là gợi hứng liên tiếp của ông. Âm điệu của Bài Giảng Trên Núi, như chính ông học được suốt trong các kinh nghiệm nhằm giải thích nó, vang lên trong mọi bài diễn thuyết và tài liệu công khai của ông.Tài liệu sâu sắc nhất trong số này có lẽ là “Lá Thư Gửi Từ Nhà Tù Birmingham” của ông, viết xong ngày 16 tháng 4 năm 1963, trong đó, ông nói lên niềm hy vọng có tính tiên tri rằng “một ngày kia, Miền Nam sẽ biết rằng khi những con cái Thiên Chúa bị tước đoạt gia sản này ngồi quanh quán ăn trưa, họ thực sự đang đứng lên vì những điều tốt đẹp nhất trong giấc mơ Hoa Kỳ, và vì các giá trị thánh thiêng nhất của gia tài Do Thái – Kitô giáo” (27).

Điều ấy nghe có vẻ ngây thơ đối với những người phê phán ông vả cả môt số người ủng hộ ông nữa, cũng như đối với phần lớn các nhà giải thích bác học và thần học về giáo huấn của Chúa Giêsu và Bài Giảng Trên Núi, những vị, đến lúc đó, đã phần nào đạt được sự nhất trí cho rằng sứ điệp của Chúa Giêsu là một “cánh chung nhất quán”. Nhưng giải thích của King về Bài Giảng Trên Núi, thực ra, đã được suy tư cẩn thận và là một chiến lược tinh vi cao độ. Năm 1959, ông và vợ, Bà Coretta Scott King, đi hành hương Ấn Độ, quê hương của Gandhi, nơi họ thấy một số thành quả cụ thể đã được Mahatma “ngây thơ” thu hái được. Qua “bất bạo động đấu tranh”, Gandhi đã hoàn thành một cuộc giải phóng mà những cuộc nổi dậy nhiều lần tại Ấn độ trước đây, từ cuộc Binh biến Sepoy năm 1857 và sau đó, đã không thu hái được. King báo cáo, “khi tôi rời Ấn Độ, xác tín hơn bao giờ hết rằng đối kháng bất bạo động là vũ khí hiệu nghiệm nhất sẵn có cho những người bị áp bức trong cuộc chiến đấu giành tự do của họ”. Ông nói thêm về thành tựu có tính lịch sử của Gandhi, “Quả là một điều tuyệt diệu được thấy các kết quả của chiến dịch bất bạo động” (28).

Trong loạt chiến dịch bất bạo động của chính ông trong một thập niên sau, Martin Luther King đem triết lý ấy ra thử nghiệm. Ngay nhiều người theo ông, cả da đen lẫn da trắng, cũng thúc giục ông rằng thời dành cho bất bạo động đã qua đi rồi, sứ điệp giải phóng trong Bài Giảng Trên Núi không thể thành công như “vũ khí hiệu nghiệm nhất sẵn có cho những người bị áp bức trong cuộc chiến đấu giành tự do của họ”. Ông liên tiếp công nhận rằng càng ngày ông càng thấy luận điểm của họ có tính thuyết phục hơn, sự mất kiên nhẫn của họ có tính lôi cuốn hơn, các chiến lược hành động trực tiếp của họ có tính cám dỗ nhiều hơn. Nhưng lần nào, kết cục ông cũng tái khẳng định cam kết nền tảng của ông với tính thực tiễn của giáo huấn trong Bài Giảng Trên Núi, coi nó như một chương trình chính trị nhằm giải phóng người da đen Hoa Kỳ. Ở tâm điểm chương trình này là viễn kiến coi xã hội con người như một “cộng đồng của những người thương yêu nhau” (beloved community) (29). Ông mô tả cộng đồng này một cách chi tiết đặc biệt trong cuốn Stride toward Freedom (Bước Dài Hướng Tới Tự Do) (30). Đó phải là một xã hội trong đó, trong bộ ba tiêu chuẩn công lý, quyền lực, và tình yêu, định nghĩa có tính lịch sử về công lý dần dần trở thành một thực tại qua việc tình yêu làm dịu (moderation) quyền lực. Ông biết điều này không diễn ra một cách đột ngột và ông thực tiễn đủ để nhìn nhận rằng có rất nhiều cá nhân mà mệnh lệnh yêu thương của Tin Mừng không thay đổi được; chỉ có pháp luật, và việc chấp hành pháp luật, mới có thể thay đổi họ. Nhưng ông học được từ Gandhi rằng “tương tác giữa các cá nhân mà thôi” không phải là ý nghĩa sâu sắc nhất “của đạo đức học tình yêu của Chúa Giêsu”, bất chấp hàng thế kỷ giải thích. Đúng hơn, đạo đức học tình yêu cần phải thấm sâu và cải tổ các cơ cấu của chính xã hội và, qua các cơ cấu này, tạo nên một bối cảnh yêu thương và công lý mà qua quyền lực ngay cả người ngoan cố nhất cũng phải sống theo.

Khi một học giả lỗi lạc của nền văn chương da đen Mỹ được hỏi tại sao Martin Luther King không trở thành một người Macxít và tại sao những người theo ông không chấp nhận triết lý bất bạo động của ông, đã do dự trả lời: “Vì sức mạnh quá thắng thế của nhân vật Giêsu”. Đây cũng là lý do để có câu trả lời tích cực, dù đến hết sức chậm, câu trả lời mà sứ điệp của King vốn kêu gọi nơi các Kitô hữu da trắng. Hiển nhiên, vẫn còn một nhóm lớn không trả lời kiểu này, và Martin Luther King Jr., đã trở thành nạn nhân của họ, như từ lâu ông đã biết thế. Nhưng trong cái chết của mình, ông đã thực hiện điều ông biết lúc còn ở trên đời, rằng ông được kêu gọi bước theo chân Một Người Khác. Và do đó, khi nhận Giải Nobel Hoà Bình năm 1963, ông nhắc lại, một lần nữa, các giới điều và lời hứa của Chúa Giêsu trong tin mừng giải phóng như đã được liệt kê trong Bài Giảng Trên Núi:

“Khi các năm tháng qua đi và khi ánh sáng chói chang của sự thật tập chú vào thời đại diệu kỳ chúng ta đang sống trong này, các người đàn ông và đàn bà sẽ biết các trẻ em sẽ được dạy rằng chúng ta đang có một lãnh thổ đẹp đẽ hơn, một dân tộc tốt đẹp hơn, một nền văn minh cao quí hơn, vì những con cái này của Thiên Chúa sẵn lòng ‘chịu đau khổ vì công chính’”.

Bất chấp tính hàm hồ của nó, thuộc thần học cũng như chính trị, lối đọc như thế đối với sứ điệp của Chúa Giêsu tiếp tục gây cảm hứng cho chiến dịch giải phóng con người. Đặc biệt trong Thế Giới Thứ Ba, Chúa Giêsu Giải Phóng đang được đặt ở thế chống lại mọi thứ Quan Tòa Dị Giáo, bất kể là thánh thiêng hay phàm tục. Nhưng nay, Người được coi như đảo ngược lời tuyên bố khởi thủy của Người (Mt 4:4) để đọc là: con người không sống nguyên nhờ Lời Chúa, mà còn sống nhờ cơm bánh nữa, như chế tài không những bất bạo động đấu tranh mà cả hành động trực tiếp, như không những chúc lành cho đức nghèo khó thiêng liêng vốn chờ mong thiện ích siêu nhiên ở đời sau mà còn lãnh đạo người nghèo của thế giới này tới các thiện ích tự nhiên ở cuộc sống này và ở thế giới này. Đó là điều Casalis gọi là “Kitô học của triết lý hành động cách mạng” (christology of revolutionary praxis) (31). Sự tương phản giữa hình ảnh này về Chúa Giêsu Giải Phóng và các hình ảnh trước đây về cùng một Chúa Giêsu Giải Phóng có lẽ trở nên hiển hiện hơn nếu ta so sánh hai phiên bản trong Tân Ước về cùng một Mối Phúc. Như các người ủng hộ lối giải thích phi chính trị về Chúa Giêsu Giải Phóng lúc nào cũng chỉ ra, phiên bản quen thuộc hơn trong Tin Mừng Mátthêu đọc như sau: “Phúc cho người nghèo khó trong tinh thần, vì nước trời là của họ” (Mt 5:3). Thế nhưng, nền thần học giải phóng dựa trên nhắc nhở cho rằng trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng “Phúc cho người nghèo...nhưng khốn thay cho các ngươi những kẻ giầu có” (Lc 6:20, 24) (32). Nhưng nếu dã sử của Dostoevsky về Quan Tòa Dị Giáo là bức chân dung sâu sắc nhất về Chúa Giêsu Giải Phóng, thì chính Cuộc Chiến Tranh Hoa Kỳ giữa các Tiểu Bang đã khơi dậy không những việc Lincoln nhìn nhận tính hàm hồ khi trích dẫn Chúa Giêsu như một thẩm quyền cho hành động chính trị chuyên biệt, mà cả lời kêu gọi kích thích nhất phải sống và chết nhân danh Chúa Giêsu Giải Phóng. Tháng hai năm 1862, Julia Ward Howe, dựa vào hình ảnh Chúa Giêsu của phong trào Lãng Mạn, đã cho xuất bản cuốn “Ca Khúc Chiến Đấu Của Nền Cộng Hòa”:

“Giữa những bông huệ đẹp tươi, Chúa Kitô ra đời bên kia biển cả,
Với vinh quang trong lòng Người hiển dung bạn và tôi;
Người đã chết để làm con người nên thánh thiện thế nào,
Ta cũng hãy chết để làm con người được tự do như vậy,
Trong khi Thiên Chúa tiếp tục tiến bước”
______________________________________________________________________________________

Ghi chú

(1) Dostoevsky, The Brothers Karamazov 5.5.
(2) Gl 3:28; 5:1.
(3) Muốn có một tường thuật ngắn, xin xem John Francis Maxwell, Slavery and the Catholic Church (London: Barry Rose, 1975) nhất là các trang 88-125.
(4) Mead, Lively Experiment, tr. 73.
(5) Xem Julian, Dictionary of Hymnology, 2:1684.
(6) David Brion Davis, The Problem of Slavery in Western Culture (Ithaca, N.Y., Cornell University Press, 1966) tr. 199-200.
(7) Wilhelm Gass, Geschichte der christlichen Ethik, 3 vols. (Berlin: G. Reimer, 1881-87) 1:226.
(8) Thánh Augustine, City of God 19.15.
(9) John Knox, Philemon among the Letters of Paul. (Chicago: University of Chicago Press, 1935) tr. 46-56.
(10) J.B. Lightfoot, Saint Paul’s Epistles to the Colossians and to Philemon (London:Macmillan, 1900) tr.321.
(11) Isaac Mendelsohn, Slavery on the Ancient Near East: A Comparative Study (New York:Oxford University Press, 1949).
(12) Rm 6:16; Ga 8:34; 2Pr 2:19.
(13) Ernst Troeltsch, The Social Teachings of the Christian Churches, bản dịch của Olive Wyon, 2 vols. (1931; New York: Harper Torchbooks, 1960) 1.133.
(14) Lev Nikolaevich Tolstoy, Resurrection, pt. 1, chap.41
(15) Tolstoy, Resurrection, pt. 3, chap.28.
(16) G.I. Petrov, Otluchenie L’va Tolstogo od Tserkvi (Việc Tách rời của Lev Tolstoy khỏi Giáo Hội) (Moscow: Isdatyelstvo “Zannie”, 1978) tr. 28.
(17) Tolstoy to Shaw, 9 May 1910, trong Tolstoy’s Letters, ed. R.K. Christian, 2 vols., (New York: Charles Scribner’s Sons, 1978) 2:700.
(18) Isaiah Berlin, “The Hedgehog and the Fox”, Russian Thinkers, ed. Henry Hardy and Aileen Kelly (New York: Penguin Books, 1978) tr.51-52.
(19) Mohandas K. Gandhi, An Autobiography: The Story of My Experiments with Truth, bản dịch của Mahadev Desai (BOston: Beacon Press, 1957) tr.137-38.
(20) Tolstoy to Mohandas K. Gandhi, 7 September 1910, Letters 2:706-08.
(21) Erik Erikson, Gandhi’s Truth: On the Origins of Militant Non-violence (New York: Norton, 1969) tr.281.
(22) Mt 21:12-17; Mt 23.
(23) Pl 3:10.
(24) Howard Thurman, Jesus and the Disinherited (New York: Abingdon-Cokesbury Ptress, 1949).
(25) Martin Luther King, Jr., Where Do We Go from Here: Chaos or Community? (Boston: Beacon Press, 1968) tr. 44.
(26) Martin Luther King, Jr., Stride toward Freedom (New York: Harper and Brothers, 1958) tr.101.
(27) David Levering Lewis, King: A Critical Biography (1970;in lại, Baltimore: Penguin Books, 1971) tr. 191.
(28) Lewis, King tr.105.
(29) Kenneth L. Smith and Ira G. Zepp, Jr., Search for the Beloved Community: The Thinking of Martin Luther King, Jr. (Valley Forge, Pa.: Judson Press, 1974).
(30) King, Stride toward Freedom, tr. 102-06, 189-224.
(31) Casalis, Correct Ideas Don’t Fall from the Skies, tr.114.
(32) Gustavo Guttierez, A Theology of Liberation: History, Politics, and Salvation (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1973).
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chia Sẻ
Joseph Ngọc Phạm
13:48 17/01/2021
CHIA SẺ

Ảnh của Joseph Ngọc Phạm

Chim kia vui vẻ ăn cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một loài

Sống chung chia sẻ hài hòa

(bt)
 
VietCatholic TV
Nghĩa cử cao đẹp cuối cùng Tổng thống Trump có thể làm được cho Việt Nam
Giáo Hội Năm Châu
02:29 17/01/2021


1. Nghĩa cử cao đẹp cuối cùng Tổng thống Trump có thể làm được cho Việt Nam

Cú đấm cuối cùng của chính quyền Trump dành cho Trung Quốc và các công ty của họ

Chính quyền Trump trong những ngày cuối đã tung một đòn nữa đối với Trung Quốc và các công ty lớn nhất của họ vào thứ Năm, áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cán bộ và công ty nào bị cáo buộc có hành vi sai trái ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với 9 công ty khác.

Các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân đội, cùng với tập đoàn dầu mỏ khổng lồ CNOOC sẽ phải đối mặt với những hạn chế mới vì cáo buộc sử dụng biện pháp cưỡng bức đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Hoa Kỳ luôn sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á nào đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong thông báo về các lệnh trừng phạt.

Pompeo cho biết Washington đang áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hải quân.

Ông nói, các hạn chế cũng có thể áp dụng cho các thành viên trong gia đình.

Bộ Thương mại cáo buộc CNOOC quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, “với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.”

2. Tổng thống Mễ Tây Cơ chống lại việc Twitter đóng account của Tổng thống Trump

Tổng thống Mễ Tây Cơ hôm thứ Năm tuyên bố sẽ dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để chống lại những gì ông cho là chính sách kiểm duyệt của mạng truyền thông xã hội đã chặn rồi cuối cùng đình chỉ tài khoản của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính quyền của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đang liên hệ với chính phủ khác để thành lập một mặt trận chung về vấn đề này.

“Tôi có thể nói với bạn rằng tại cuộc họp G20 đầu tiên mà chúng tôi có mặt, tôi sẽ đưa ra một đề xuất về vấn đề này,” López Obrador nói. “Đúng vậy, mạng xã hội không nên được sử dụng để kích động bạo lực và tất cả những điều đó, nhưng điều này không thể được sử dụng như một cái cớ để đình chỉ quyền tự do ngôn luận.”

“Làm thế nào một công ty có thể hoạt động như thể nó là là một cơ chế đầy thế lực, toàn năng, như một loại Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha về những gì được đưa lên?” ông đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đối ngoại Marcelo Ebrard cho biết Mễ Tây Cơ đang bắt đầu xây dựng một chiến dịch quốc tế xung quanh vấn đề này.

“Vì Mễ Tây Cơ, thông qua tổng thống của chúng tôi, đã lên tiếng, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với những người khác có cùng suy nghĩ”, Ebrard nói, lưu ý rằng họ đã lắng nghe các quan chức ở Pháp, Đức, Liên minh châu Âu, châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á.

“Lệnh của tổng thống là liên hệ với tất cả họ, chia sẻ mối quan tâm này và làm việc để đưa ra một đề xuất chung,” Ebrard nói. “Chúng tôi sẽ xem những gì được đề xuất.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel nằm trong số những người đã công khai chỉ trích hành động chống lại Tổng thống Trump của các mạng xã hội. Người phát ngôn của bà cho biết hôm thứ Hai, nhà lãnh đạo Đức nhận thấy “có vấn đề” khi các nhà quản lý công ty có thể từ chối quyền truy cập của ai đó theo các quy tắc không được pháp luật xác định.

Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, sau đó đã kêu gọi các quy định mới sẽ chi phối việc sử dụng Facebook, Twitter và Instagram ở Liên minh châu Âu. Ông nói rằng “chủ sở hữu của các công ty khổng lồ không nên quyết định quan điểm nào là đúng và quan điểm nào là không đúng.”

3. Thống đốc tiểu bang South Dakota dự định ban hành luật bảo vệ sự sống các thai nhi mang bệnh Down

Thống đốc South Dakota, Kristi Noem hôm thứ Ba ngày 12 tháng Giêng nói bà đang mong muốn cơ quan lập pháp của tiểu bang thông qua một dự luật ngăn cấm việc phá thai dựa trên chẩn đoán hội chứng Down.

Vị thống đốc từng nổi tiếng với lời khẳng định cứng rắn vào năm ngoái “họ không thể làm chuyện đó khi tôi còn canh giữ” khi có lời hăm doạ sẽ cho nổ tung các bức tượng 5 vị tổng thống Mỹ trên ngọn núi Mt Rushmore ở tiểu bang South Dakota sau khi hiệu ứng domino của biến cố George Floyd lan ra khắp nơi. Bà Noem, thuộc đảng Cộng Hoà, là một người theo đạo Tin Lành, và có chủ trương phò sinh quyết liệt. Nhân cơ hội đoạt giải hoa hậu sắc đẹp vào năm 1990, bà có cơ hội đi thuyết giảng khắp nơi và tham gia vào chính trường tiểu bang, tranh đấu cho giá trị truyền thống của gia đình, góp phần đem công ăn việc làm cho người dân bản xứ. Nhờ vậy bà đã đắc cứ thống đốc tiểu bang South Dakota vào tháng Giêng năm 2019.

Liên quan đến dự luật bảo vệ sự sống của thai nhi mang triệu chứng bệnh Down, thống đốc Noem nói trong buổi đàm luận trên đài Fox News với vợ chồng cựu dân biểu Sean Duffy của tiểu bang Wisconsin rằng “mạng sống nào cũng đáng quý, bất kể hoàn cảnh của gia đình họ như thế nào.”

Người vợ của dân biểu Duffy, Bà Campos-Duffy, cũng là một cộng tác viên của Fox News, đã bày tỏ sự trân trọng dành cho chủ trương phò sinh của thống đốc Noem, và dự tính biến lời nói của mình thành hành động, cụ thể qua dự luật cấm phá thai hài nhi bệnh Down sắp hình thành.

“Tôi không cho đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi bà là một người mẹ, và (dự luật) này đang được hình thành bởi một người mẹ làm thống đốc. Tôi chỉ muốn nói với bất kỳ phụ nữ nào bị chẩn đoán (có con mang bệnh Down, người nào từng được bác sĩ gọi báo tin đó giống như tôi rằng, bé Valentina (con gái bị bệnh Down của ông bà Duffy) đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui và niềm tự hào như bất kỳ đứa con nào khác của mình. Bé là người Mỹ và bé cũng có quyền được sống như tất cả mọi người. “ Bà Campos Duffy nói.
 
Đại nghịch bất đạo: Linh mục luận tội các Hồng Y, Giám Mục Mỹ chống Joe Biden, cáo buộc gây bạo loạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:15 17/01/2021


1. Hồng Y người Brazil, tổng giám mục Glasgow qua đời vì COVID-19 trong cùng ngày

Trong cùng một ngày, Giáo Hội Công Giáo trên hai lục địa đã mất hai nhà lãnh đạo quan trọng vào tay virus Tầu độc địa. Cả hai vị đều là những người bảo vệ Giáo Hội rất mạnh mẽ.

Đức Hồng Y người Brazil Eusebio Scheid, 88 tuổi, đã qua đời tại tiểu bang São Paulo vào ngày 13 tháng Giêng, chỉ sau vài ngày sau khi vào bệnh viện vì COVID-19.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, ở Tô Cách Lan, Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia của Glasgow, 70 tuổi, đã qua đời tại nhà riêng, nơi ngài đã tự cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với COVID 19 ngay sau Lễ Giáng sinh.

Đức Hồng Y Scheid, sinh năm 1932 tại bang Santa Catarina, được tấn phong vào tháng 7 năm 1960 và phục vụ tại các tổng giáo phận Florianópolis và Rio de Janeiro trước khi nghỉ hưu vào năm 2009. Thánh Gioan Phaolô II đã phong ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2003.

Hội Đồng Giám Mục Brazil cho biết:

“Tưởng nhớ người anh em này của chúng ta là muốn nói đến sự cống hiến và quan tâm của ngài đối với việc đào tạo hàng giáo phẩm, cũng như sự khuyến khích của ngài trong việc phúc âm hóa và chăm sóc mục vụ.”

Hồng Y Scheid còn được nhiều người ghi nhớ vì cuộc tranh cãi với Tổng thống lúc đó là Luiz Inácio Lula da Silva trong mật nghị năm 2005 bầu Đức Bênêđíctô XVI.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời, Lula da Silva đã tổ chức một phái đoàn bay tới Vatican và bày tỏ mong muốn tân giáo hoàng phải là người Brazil, cụ thể là Đức Hồng Y Cláudio Hummes được coi là một trong những ứng viên sáng giá.

Đức Hồng Y Scheid buộc tội Lula muốn khai thác giai đoạn khó khăn này của Giáo Hội để đạt các mục tiêu chính trị và nói rằng Lula “không theo đạo Công Giáo, và là kẻ gây hỗn loạn”.

Đức Tổng Giám Mục Tartaglia, thụ phong linh mục năm 1975, từng là lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo lớn nhất Tô Cách Lan kể từ năm 2012.

Tuyên bố do Tổng giáo phận Glasgow viết:

“Với nỗi buồn lớn nhất, chúng tôi thông báo về cái chết của tổng giám mục chúng tôi”.


Source:UCANews

2. An ninh nghiêm nhặt tại Washington DC

Trung tâm của Washington DC đã bị khóa từ hôm thứ Năm sau khi hơn 20,000 lính Vệ binh Quốc gia có vũ trang được huy động đến đây do lo ngại về an ninh trước lễ nhậm chức của tổng thống của ông Joe Biden.

Cảnh sát trưởng Washington Robert Contee cho biết thủ đô Hoa Kỳ đang phải đối mặt với “mối đe dọa an ninh lớn”, một tuần sau khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tấn công vào Điện Capitol.

Một ngày sau khi Tổng thống Trump bị Hạ Viện luận tội với cáo buộc cho rằng ông hỗ trợ cho cuộc tấn công đó, nhiều rào cản hơn đã được dựng lên và dây thép gai được đặt vào hôm thứ Năm như một phần của biện pháp phòng ngừa trước sự kiện ngày 20 tháng Giêng.

Hầu hết trung tâm thành phố Washington bị giới hạn giao thông, một nhà báo đã so sánh nó với “Khu vực xanh”, nghĩa là khu vực an ninh cao độ của Baghdad.

Cơ quan Mật vụ, phụ trách an ninh, đang cân nhắc việc đóng cửa toàn bộ National Mall nơi thông thường hàng trăm nghìn người tụ tập để ăn mừng lễ nhậm chức của một tân tổng thống.

Các quan chức an ninh cảnh báo rằng những người ủng hộ Tổng thống Trump, có thể trang bị vũ khí và chất nổ, sẽ gây ra mối đe dọa nguy hiểm cho Washington cũng như các thủ phủ các tiểu bang trong tuần tới.

ABC News đưa tin rằng một bản tin nội bộ của FBI cảnh báo rằng một nhóm vũ trang đã lên kế hoạch “xông vào” các văn phòng chính phủ ở tất cả 50 tiểu bang để phản đối Biden.

Bản tin cho biết thêm: “FBI đã nhận được thông tin về một nhóm vũ trang được xác định có ý định tới thủ đô Washington vào ngày 16 tháng Giêng”.

Tờ New York Times đưa tin FBI đã yêu cầu các sở cảnh sát trên khắp đất nước cảnh giác trước hoạt động cực đoan và cung cấp thông tin tình báo.


Source:Reuters

3. Thách thức đầu tiên của ông Joe Biden: Hàng ngàn người đang lũ lượt đi bộ đến Hoa Kỳ

Các nhà chức trách Guatemala hôm thứ Bảy 16 tháng Giêng đã đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn hàng nghìn người Honduras, nhiều người trong số họ đi thành từng gia đình với trẻ em, trong đoàn lữ hành di cư đến Hoa Kỳ ngay khi ông Joe Biden sắp bước vào Tòa Bạch Ốc.

Theo cơ quan nhập cư của Guatemala, khoảng 7,000 đến 8,000 người di cư đã tràn vào Guatemala kể từ hôm thứ Sáu, để chạy trốn đói nghèo và bạo lực trong một khu vực bị tàn phá bởi đại dịch và các cơn bão dữ dội vào tháng 11.

Ở nhiều nơi lực lượng an ninh Guatemala đã đụng độ với một nhóm hàng trăm người di cư, đang tìm cách vượt qua hàng rào phong tỏa của cảnh sát tại làng Vado Hondo, gần Chiquimula ở phía đông Guatemala.

“Một nhóm nhỏ đã vượt qua được và những người còn lại bị giam giữ”. Alejandra Mena, một phát ngôn viên của cơ quan nhập cư Guatemala, cho biết.

Từ thứ Sáu đến thứ Bảy, Guatemala cho biết đã đẩy lui gần 1,000 người di cư từ Honduras, khi đoàn lữ hành di chuyển về phía Mễ Tây Cơ. Tuy nhiên, trong thực tế đoàn lữ hành các lúc càng đông.

Đoàn lữ hành có thể sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn ở Mễ Tây Cơ. Một quan chức Mễ Tây Cơ cho biết thỏa thuận di cư giữa Mễ Tây Cơ với Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực.

Vào tối thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mễ Tây Cơ đã thúc ép các nhà chức trách địa phương dừng tiến trình của đoàn lữ hành, và chỉ ra rằng cần phải ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mễ Tây Cơ ca ngợi chính phủ Guatemala đã hành động một cách “kiên quyết và có trách nhiệm” đối với những người di cư đã “vi phạm chủ quyền của Guatemala” và kêu gọi Honduras ngăn chặn những cuộc di chuyển của người dân.

Mễ Tây Cơ cho biết, họ đã cam kết thực hiện việc di cư có trật tự và sẽ phản đối mọi hình thức nhập cảnh trái phép.

Đoàn di cư đầu tiên trong năm 20121 diễn ra chưa đầy một tuần trước khi Joe Biden nhậm chức. Bất kể các biện pháp ngăn chặn, đoàn lữ hành đã tăng lên đáng kể vào ngày thứ Bảy, họ viện dẫn cuộc khủng hoảng lương thực và vô gia cư ở Honduras là lý do để tham gia.

Maria Jesus Paz, một người mẹ của 4 đứa con cho biết: “Chúng tôi không có gì để nuôi con mình và hàng ngàn người trong số chúng tôi đã phải ngủ trên đường phố. Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra quyết định này, mặc dù chúng tôi biết rằng cuộc hành trình có thể trả giá bằng mạng sống của chúng tôi”.

Các đợt đóng cửa liên quan đến Coronavirus đã phá hủy nền kinh tế của Honduras, nơi mà năm ngoái đã phải chịu sự suy giảm kinh tế tồi tệ nhất.

Melvin Paredes, người tham gia đoàn lữ hành với anh trai, cho biết: “Đầu tiên tôi mất việc vì đại dịch, và sau đó tôi mất nhà trong cơn bão. “Điều duy nhất tôi còn lại là chiến đấu cho sự sống còn của gia đình tôi.”


Source:Reuters

4. Đại nghịch bất đạo: Linh mục luận tội các Hồng Y, Giám Mục đã dám chống lại ông Joe Biden

Đức Cha Richard Stika, Giám Mục giáo phận Knoxville bày tỏ sự bất mãn của ngài về một bài viết gần đây của linh mục James Martin cho rằng những lời chỉ trích của các nhà lãnh đạo Công Giáo đối với lập trường của ông Joe Biden về vấn đề phá thai đã góp phần tạo ra các điều kiện dẫn đến cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng tại Điện Capitol Hoa Kỳ.

James Martin là linh mục dòng Tên, hoạt động cho quyền của người đồng tính, đã phát biểu ủng hộ ông Joe Biden và bà Kamala Harris trong Đại Hội của đảng Dân Chủ. Ông được xem là một khai quốc công thần cho triều đại Joe Biden vì lập được công lớn là vận động người Công Giáo ủng hộ Biden bất kể các chống đối quyết liệt của các Hồng Y, Giám mục và linh mục.

Bài viết của Martin có tựa đề “How Catholic Leaders Helped Give Rise to Violence at the U.S. Capitol,” nghĩa là “Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã góp phần dẫn đến bạo loạn tại Điện Capitol Hoa Kỳ như thế nào” đăng ngày 12 tháng Giêng trên trang web của tạp chí Dòng Tên America, nơi Martin là cộng tác viên biên tập.

Bài viết này khá nguy hiểm vì nó gán cho các Hồng Y, Giám Mục, và linh mục chống lại ông Joe Biden tội tung ra các “hate speech”, tức là các “diễn từ thù hận”. Đó là một tội hình sự tại Hoa Kỳ. Nó có tác dụng răn đe và làm chùn bước những ai chống lại các chính sách phò phá thai tại Hoa Kỳ và hải ngoại của chính quyền mới.

Martin đã thu thập nhiều bài bình luận của các giám mục và linh mục, trong đó các ngài chỉ trích lập trường của Biden liên quan đến phá thai, và đặt câu hỏi liệu một người Công Giáo có nên bỏ phiếu cho ông Joe Biden hay không. Mặc dù những lời chỉ trích này dao động từ nhẹ nhàng đến bốc lửa, Martin cho rằng những lời chỉ trích của các giám mục và linh mục “không phản ánh đầy đủ giáo huấn của Giáo Hội” và gửi đi thông điệp rằng cuộc bầu cử vừa qua là “một trận chiến gần như là chung cuộc giữa thiện và ác”.

Martin nhận định rằng “có lẽ những bình luận này đã góp phần vào tình trạng bất ổn trong nước”.

Đức Cha Stika đã đáp lại lời chỉ trích của Martin về những bình luận của ngài liên quan đến Biden.

“Tôi không xin lỗi về những dòng tweet của mình vì tôi đồng ý với Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ rằng phá thai là vấn đề tối thượng trong thời đại ngày nay”, Đức Cha Stika nói trên Twitter ngày 13 tháng Giêng “Ông Biden thích nói về đức tin Công Giáo của mình. Có lẽ ông ta nên nhận ra rằng việc phá thai liên quan đến nhân quyền của trẻ em, và tối hậu là việc lạm dụng trẻ em. Có lẽ tôi còn chưa nhấn mạnh đủ trong bài báo liên quan đến vấn đề phá thai như một vấn đề tối thượng”.

Tranh cãi đã nổ ra sau bạo lực và bạo loạn tại Điện Capitol giữa những người ủng hộ Tổng thống Trump và cảnh sát vào tuần trước, đã dẫn đến 5 người chết và hàng chục cảnh sát bị thương. Các công tố viên dường như đang giam giữ một nghi phạm có liên quan đến hai thiết bị nổ được bỏ lại tại trụ sở chính của các đảng chính trị lớn.

Trong một bài viết dài, Martin đã tìm cách kết nối tình trạng bất ổn với những người chỉ trích mạnh mẽ việc phá thai. Ông cáo buộc đã có “sự phỉ báng cá nhân phổ biến đối với các ứng cử viên từ các nhà lãnh đạo Công Giáo” dẫn đến vụ bạo động ở Điện Capitol Hoa Kỳ. Ông nêu danh tính nhiều vị trước khi trích dẫn hai bài bình luận do Đức Cha Stika viết trên Twitter ngày 21 tháng 8.

Đức Cha Stika viết: “Tôi không hiểu làm thế nào mà ông Biden có thể tự nhận mình là một người Công Giáo tốt và trung thành khi ông ta phủ nhận quá nhiều giáo huấn của Giáo hội, đặc biệt là việc lạm dụng nghiêm trọng các thai nhi và vi phạm nhân quyền của những người vô tội nhất, là các thai nhi chưa được chào đời”.

“Ông ta lại còn ca ngợi người đứng liên danh với mình, là người hết lần này đến lần khác đã thể hiện trong các phiên điều trần tại Thượng viện rằng bà ta là một người bài Công Giáo một cách quyết liệt.”

Martin đã không trích dẫn phần còn lại trong lời bình luận trên Twitter của Đức Cha Stika “Thật buồn cho liên danh này. Trước đây tôi chưa từng nghĩ rằng Tổng thống đương nhiệm là người hoàn toàn ủng hộ cuộc sống, nhưng ông ấy chính thật là người chống phá thai cũng như ủng hộ tự do tôn giáo”.

Sau khi trích dẫn các tweets của Đức Cha Stika, Martin ngay lập tức trích dẫn một dòng tweet bốc lửa đã bị xóa của Cha Frank Pavone, giám đốc quốc gia của phong trào Linh mục vì Sự sống và là một cựu thành viên trong nhóm Công Giáo ủng hộ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Martin lập luận rằng “sự phỉ báng cá nhân từ hàng giáo sĩ Công Giáo chắc chắn làm phát sinh sự thiếu tôn trọng nơi các tín hữu, khiến anh chị em giáo dân dễ dàng phỉ báng chính phủ và các nhà lãnh đạo dân sự”. Martin đã luận tội hàng giáo sĩ Công Giáo Hoa Kỳ với cáo buộc rằng “một số lượng đáng báo động các giáo sĩ Công Giáo đã góp phần tạo ra môi trường dẫn đến cuộc bạo loạn chết người tại Điện Capitol Hoa Kỳ. Nực cười thay, các linh mục và giám mục, những người tự cho mình là phò sinh đã giúp tạo ra một môi trường đầy thù hận dẫn đến tình trạng lộn xộn, bạo lực và cuối cùng là cái chết”.

Trong cố gắng dập tắt các tiếng nói phò sự sống, bài viết của Martin đã chỉ trích mạnh các linh mục đã rất nổi tiếng trên internet như Cha James Altman của Giáo phận LaCrosse. Video lan truyền trên YouTube của Cha Altman “Bạn không thể vừa là người Công Giáo vừa theo Đảng Dân chủ” đã thu hút khoảng 1.2 triệu lượt xem trước cuộc bầu cử.

Các đối tượng chỉ trích khác của Martin bao gồm cả Đức Hồng Y Raymond Burke. Vị Hồng Y cho rằng Biden có liên quan đến “tội ác nghiêm trọng, vô đạo đức và là nguồn gốc của tai tiếng”. Martin cũng tấn công Đức Cha Thomas Daly, Giám mục Spokane, là người đã đặt câu hỏi làm thế nào một người Công Giáo có thể bỏ phiếu cho “một ứng cử viên như Biden nếu phá thai là một tội ác nội tại”.

Martin cũng trích dẫn những tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, người đã gọi Biden là “một con rối do giới tinh hoa thao túng, một con rối trong tay những người khát quyền và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bành trướng nó”.

Martin cho biết những ví dụ như vậy đã dẫn đến bạo lực tại Tòa Nhà Quốc Hội và ông ta có bổn phận phải sửa sai các Hồng Y, Giám Mục và linh mục.

Ông ta viết:

“Các giám mục và linh mục cần phải hiểu những tác động thực tế của ngôn ngữ khinh miệt và thậm chí là mất nhân tính như vậy. Các giám mục và linh mục Công Giáo có trách nhiệm dạy dỗ đạo đức, nhưng họ không được tạo ra nhằm mục đích phán xét người khác hoặc đối xử với người khác bằng sự khinh miệt cay đắng như vậy. Hậu quả nhãn tiền của loại ngôn ngữ này đã được phơi bày tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng.”

“Sai lầm của các nhà lãnh đạo Công Giáo phải được sửa chữa, đó là sai lầm mà Giáo Hội bây giờ cần phải ăn năn.”

Cần phải nhấn mạnh rằng nhận xét của linh mục James Martin cho rằng các giám mục và linh mục dùng đến ngôn ngữ “mất nhân tính” là hàm hồ và sống sượng. Trong suốt bài viết rất dài, ông ta không đưa ra được một trường hợp cụ thể nào để chứng minh cho nhận xét của mình. Các giám mục và linh mục chỉ đề cập đến giáo lý Công Giáo về sự sống con người chứ không tấn công cá nhân ông Joe Biden và bà Kamala Harris. Ngay cả các phương tiện truyền thông Công Giáo, cũng không ai dùng các từ hạ cấp để đề cập đến hai nhân vật này. Chẳng hạn, quý vị độc giả sẽ không tìm thấy bất cứ bài viết nào của chúng tôi trong đó gọi ông Joe Biden là “thằng”.

Rõ ràng là linh mục James Martin đang muốn dằn mặt các Hồng Y, Giám Mục và linh mục tại Mỹ. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cách thức các linh mục thân cộng ở Sàigòn đối xử với Đức Khâm Sứ Toà Thánh và các Giám Mục khi cộng sản chiếm được miền Nam Việt Nam.

Bài viết của James Martin tiên báo cho một thời kỳ khó khăn mới của Giáo Hội. Trong hoàn cảnh đảng Dân Chủ đã nắm được Hành Pháp, nắm luôn cả Lập Pháp tại cả lưỡng viện Quốc Hội, các vị Hồng Y, Giám Mục, linh mục nào dám lên tiếng chống phá thai, hôn nhân đồng tính, an tử có thể sẽ gặp rắc rối to, cả về mặt dân sự và ngay bên trong nội bộ Giáo Hội với các linh mục cấp tiến được đảng Dân Chủ ủng hộ như James Martin.


Source:Catholic News Agency