Phụng Vụ - Mục Vụ
Con là Con yêu dấu của Cha
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:44 09/01/2024
LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B : MC 1,7-11
Khi ấy, ông Gio-an rao giảng rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
CON LÀ CON YẾU DẤU CỦA CHA
Trong một ngôi nhà thờ đầy người ở miền quê Trung Quốc, các lễ nghi phụng vụ đang bắt đầu thì một anh lính có vũ trang đi vào. Cộng đoàn hoảng hốt (Ở Trung Quốc, chỉ những nhà thờ thuộc Giáo hội Yêu nước mới được mở). Thấy thế, anh làm cho mọi người yên tâm bằng cách làm dấu Thánh giá, một dấu hiệu chứng tỏ anh tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng hình ảnh đặc trưng nhất về mầu nhiệm đó. Như trong bài Tin Mừng lễ Hiển linh tuần trước, nó cũng được viết sau biến cố Phục sinh. Dưới ánh sáng của mầu nhiệm này, tác giả Tin Mừng ngược dòng thời gian trở về biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa, để giúp ta khám phá nơi sự kiện ấy việc hoàn tất những lời đã hứa cho Ít-ra-en xưa và việc mạc khải một mầu nhiệm mới liên can tới bản thân Người. Được các thánh sử kể lại ngay trước khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ, trình thuật cho thấy từ nay phải hiểu toàn bộ cuộc đời công khai của Người dưới ánh sáng đó (nó chiếu rọi trước hào quang Phục sinh). Và rồi, trong lần hiển hiện đầu tiên của Thánh Thần này, trong cuộc xuất đầu lộ diện của Con Thiên Chúa giữa loài người này, ta chứng kiến thời buổi cánh chung đã khởi đầu, triều đại Thiên Chúa đã khai mở.
1. Hoàn tất những lời hứa xưa
Trước hết, cuộc “ra mắt” nhân vật Giê-su được thuật lại bằng một công thức vay mượn từ Cựu Ước, lấy ở đầu sách Xuất hành (2,11), chỗ nói về cuộc ra mắt của Mô-sê : “Hồi đó, ông Mô-sê đã lớn, ông ra ngoài thăm anh em đồng bào”. Ngay từ đầu, Đức Giê-su được giới thiệu như là Mô-sê mới (y như trong Mát-thêu)
Cuộc thần hiện của Thiên Chúa xảy ra khi Đức Giê-su “vừa lên khỏi nước”. Nhận xét này có ý trình bày Người như Mô-sê mới một lần nữa. Quả thế, ta tìm thấy nơi ngôn sứ I-sai-a một lời cầu tha thiết xin Thiên Chúa tái diễn lại những hành động cứu thoát như thời Xuất hành. Mác-cô được gợi hứng từ một đoạn sách trong đó có câu : “Đâu rồi, Đấng đã đưa vị mục tử đàn chiên của Người (=Mô-sê) lên từ biển?” (Is 63,11). Phép rửa Đức Giê-su chịu là một cuộc vượt qua mới khỏi Biển Đỏ. Người sẽ là Mô-sê mới, đưa dân mình vượt qua nước trong một cuộc Xuất hành mới, để tiến tới một Giao ước mới, hướng về một Đất hứa mới.
“Đức Giê-su liền thấy các tầng trời xé ra (mở tung ra)…”. Theo truyền thống Do-thái, từ thời các ngôn sứ cuối cùng, các tầng trời nơi Thiên Chúa ngự đã khép lại. Ngôn sứ chẳng còn nữa, nên mối liên lạc giữa Thiên Chúa với loài người cũng đã bị cắt đứt. Bởi thế đến hôm nay, khi Người đáp lại tiếng van nài của vị ngôn sứ trong cảnh lưu đày khốn khổ : “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63,19), thì đúng là một thời mới đã mở màn, mối liên lạc đã được tái lập giữa TC với phàm nhân. Kiểu nói “xé ra” sau này chỉ trở lại dưới ngòi bút Mác-cô vào giây phút Đức Giê-su tắt thở trên thập giá : “Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (15,38). Điều đã được khai mở hôm nay trên dòng sông Gio-đan rồi đây sẽ được hoàn tất mỹ mãn trên gò Sọ : Đức Giê-su sẽ mở ra một lối đi cho hết mọi người được tự do đến với Thiên Chúa. Chiều Thứ sáu đẫm máu ấy, với việc tấm màn Đền thờ ngăn cách toàn dân với Nơi thánh bị xé toang, ai ai cũng có thể thong dong đến với Người, miễn là tâm thành ý thiện.
Và “… thấy Thần khí ngự xuống trên mình”. Trước khi Đức Giê-su đến, Thần Khí đã như bị dập tắt : Người chẳng còn ngự xuống để khơi dậy thêm những ngôn sứ mới nữa. Ở đây, việc Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su chỉ định Người làm vị Ngôn sứ của thời cánh chung.
Cuối cùng, tiếng phán từ trời vọng lại và hoàn tất ý nghĩa một số câu nói trong Cựu Ước. Trước hết, nó vọng lại một câu nói trong Thánh vịnh 2 : “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (c.7) mà truyền thống Do-thái vẫn đọc lên như lời sấm về Đấng Mê-si-a. Ngay từ những trang đầu của Tin Mừng, Đức Giê-su đã được tuyên phong là Vua Cứu Thế thuộc dòng dõi Đa-vít. Tiếng phán cũng vọng lại câu nói được nhắc lui nhắc tới 3 lần trong Sáng thế 22, lúc Áp-ra-ham, vì vâng lệnh Thiên Chúa, toan ra tay sát tế I-xa-ác, “đứa con yêu dấu” của ông. Đức Giê-su được xem như một I-xa-ác mới, khác chăng là Người đã chẳng thoát khỏi tử thần. Sau cùng là vọng lại nhiều từ trong Is 42,1 : “Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến…”. Như tôi trung này, Đức Giê-su, Đấng Thiên Chúa hằng một niềm dấu ái và Thần Khí ngự xuống dư đầy, nay được sai đi thi hành sứ mạng là “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42,6-7). Và cũng cùng thân phận với Tôi trung được ngôn sứ tiên báo, Đức Giê-su sẽ phải thực hiện sứ mạng ấy qua con đường tự hạ, đau khổ.
2. Mạc khải một mầu nhiệm mới
Thế nhưng, ngoài việc thể hiện các tiền ảnh đó, Đức Giê-su còn mạc khải một điều rất mới liên quan đến bản thân mình. Về mầu nhiệm của Người, các nhà chuyên môn nói đến Ki-tô học hướng lên (đi từ Đức Giê-su con người lên Đức Giê-su Con Thiên Chúa) và Ki-tô học hướng xuống (đi từ Ngôi Lời TC xuống Đức Giê-su người Ga-li-lê). Lời gợi nhớ việc đi xuống gây chóng mặt nhất là lời của thánh Gio-an : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Còn sự đi lên lạ lùng nhất được mô tả trong bài Tin Mừng chúng ta đang suy niệm : từ Đức Giê-su Na-da-rét lên Con yêu dấu của Chúa Cha.
Người con của ông Giu-se này đã ra đi từ một ngôi làng khiêm tốn xứ Ga-li-lê để đến nhận phép rửa thống hối trao ban bên bờ sông Gio-đan bởi Gio-an Tẩy giả. Đức Giê-su kín đáo đứng cuối hàng và dìm mình xuống nước trước mặt Gio-an như bất cứ ai. Nhưng ngay khi bước lên bờ, Người liền bùng vỡ cảm thức mình là ai, và một tiếng nói tự trời vang xuống : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.
Như Mác-cô nói, khi thiên hạ vừa nghe lời khẳng định như thế, “các tầng trời mở tung ra (xé ra)”, Thiên Chúa tự mạc khải. Sở dĩ Đức Giê-su là Con, chính vì Thiên Chúa có một người Con ! Nhưng phải hiểu điều này thế nào? Thiên Chúa là một hay ba? Anh em Chính thống trả lời : Thiên Chúa là Thiên Chúa, Người đã mạc khải sao thì y như vậy.
Đức Giê-su là kẻ mạc khải. Mạc khải về Chúa Cha bằng cách mải miết nói đến các liên hệ độc nhất của mình với Đấng mà Người gọi là Abba (Lạy Cha? Ba ơi? Cha yêu dấu?) Đừng lọc lựa vô ích, chúng ta chẳng có từ để diễn tả mầu nhiệm này. Nhưng khi sống đủ với Chúa Con, chúng ta sẽ được cho biết một điều gì đó về cái thực tại vượt trên ngôn từ như vậy. Rồi dẫu Đức Giê-su đã dùng lời để mạc khải về Thần Khí ít hơn, Tin Mừng vẫn không ngớt cho ta hay Người tràn đầy Thần Khí, theo sự hướng dẫn của Thần Khí, ban cho ta chính Sức Mạnh ấy để hiểu Người và sống nhờ Người.
Đức Giê-su, kẻ xuất thân từ làng Na-da-rét ấy, là Con Thiên Chúa, đó không chỉ là một định nghĩa hay một danh xưng, mà còn là một liên hệ tình yêu, một mối dây “gia đình”. Tiếng Chúa Cha đã vang lên trìu mến đúng là một khẳng định của tình yêu : Đức Giê-su vừa là kẻ xuất thân từ Na-da-rét, vừa đồng thời là Đấng sống mật thiết với Cha trên trời. Đây mới thực là “mầu nhiệm” của Người, mà ta chẳng bao giờ tát cho cạn, suy cho thấu. Mầu nhiệm của một con người hoàn toàn sống cho tình yêu, tràn đầy Thần Khí tình yêu. Cuộc đời Đức Giê-su ngay tự ban đầu đã được xác định qua tương quan với Chúa Cha và với Thần Khí. Đó chính là nét thâm sâu của bản thân Người. “Con Chí Ái của Cha” chính là danh thiếp của Người vậy.
Chính từ những mạc khải đó đã nảy sinh từ “Ba Ngôi” nơi các Ki-tô hữu. Giáo Hội và các nhà thần học đã xây dựng cả một ngôn ngữ để ta có thể nói chút ít về mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất và ba ngôi. Nhưng mầu nhiệm này, vừa mời gọi ta đến gần Thiên Chúa, vừa làm cho việc đó thành rất khó khăn. Vì những khó khăn ấy, nhiều Ki-tô hữu trong thực tế sống bên lề mạc khải Ba Ngôi. Tuy nhiên, nói mạc khải là nói quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta có từ chối quà tặng này chăng? Đức tin Ki-tô giáo không phải là việc trí tuệ ta đi lên một Thiên Chúa của các ý tưởng, song trước hết là việc đón tiếp điều Thiên Chúa đã muốn nói với ta về Người, điều Người đã có thể nói với các từ của chúng ta, và đặc biệt qua sự hiện diện của Con Người. Từ đó, vâng, từ đó đức tin chúng ta mới là công việc của trí tuệ, một công việc được làm trong cầu nguyện, khiêm tốn và biết ơn. Lạy Chúa, xin chúc tụng Chúa đã cho các thánh sử nói với chúng con rằng Đức Giê-su là Con yêu dấu của Ngài.
Làm chứng và tìm kiếm Đức Giêsu nào?
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
02:45 09/01/2024
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 1,35-42
Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
LÀM CHỨNG VÀ TÌM KIẾM ĐỨC GIÊ-SU NÀO?
Có một ông lão được nhận vào bệnh viện để điều trị. Sau khi giúp ông cụ được thoải mái, cô y tá hỏi ông vài câu theo lệ thường, để điền vào giấy tờ thủ tục nhập viện. Một trong những câu cô hỏi ông là : “Ông quý chuộng tôn giáo nào hơn cả?” Cụ già nhìn cô y tá và bảo : “Tôi rất vui sướng được cô hỏi câu ấy, tôi luôn muốn là một người Công Giáo, cũng như muốn tế nhị tỏ ra điều đó cho mọi người, nhưng trước đây chưa hề có ai hỏi tôi như vậy. Chính cô là người đầu tiên đã hỏi tôi. Xin cám ơn cô”.
1. Những người làm chứng
Trong chúng ta, có nhiều người do dự khi chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác. Làm như thế, họ chẳng giống tí nào với những chứng nhân mà chúng ta bắt gặp trong bài Tin Mừng hôm nay và trong những câu trước đó nữa. Dựa vào Ga 1,29.35.43 (Hôm sau) và 2,1 (Ngày thứ ba), vài học giả phân chia giai đoạn đầu này trong sứ vụ của Đức Giê-su làm 7 ngày. Đó là tuần lễ đầu tiên của cuộc tạo thành mới (Ga 1,19-2,11), so chiếu với 7 ngày của cuộc tạo thành cũ; mỗi ngày đều có chứng từ về Tác giả cuộc tân sáng tạo. — Ngày thứ nhất (1,19-28) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả trước các tư tế và Lê-vi; chứng từ : Gio-an không phải là Đấng Ki-tô, không phải là Ê-li-a vị ngôn sứ được trông đợi của Ml 3,23, cũng chẳng phải là vị Ngôn sứ của Đnl 18,15.18, mà chỉ là “tiếng của người hô trong hoang địa”; ông tự xét không đáng cởi quai dép cho vị đến sau mình. — Ngày thứ hai (1,29-34) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả khi thấy Đức Giê-su; chứng từ : Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”; Người trổi hơn Gio-an, được Thần Khí ngự trên mình, làm phép rửa trong Thần Khí, và là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. — Ngày thứ ba (1,35-39) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả trước hai môn đệ mình, họ đi theo Đức Giê-su lúc 10 giờ và ở lại với Người; chứng từ : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. — Ngày thứ tư (1,40-42) : chứng nhân : An-rê cho Si-môn; chứng từ : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”. — Ngày thứ năm (1,43-51) : chứng nhân : Phi-lip-phê cho Na-tha-na-en; chứng từ: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp”; chứng nhân: Na-tha-na-en; chứng từ : “Chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en” — Ngày thứ sáu, hiểu ngầm trong 2,1 (ngày thứ ba là ngày thứ bảy trong tuần lễ khai mạc). — Ngày thứ bảy (2,1-11) : chứng nhân : phép lạ của Đức Giê-su ở Cana; chứng từ : “Đức Giê-su …đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người”.
Trình thuật hôm nay bao gồm ngày thứ ba và thứ tư theo lối phân chia nói trên. Nó gồm hai cuộc làm chứng. Trước hết là của Gio-an Tẩy giả, sau đó là của An-rê. Gio-an chứng nhận trước hai môn đệ thân tín rằng Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng xin lưu ý : Tin Mừng thứ tư không hề mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và Gio-an Tẩy giả. Chẳng lời trao đổi nào giữa hai vị được thuật lại. Gio-an nhìn thấy, giới thiệu và nói về Đức Giê-su thôi. Ông không phải là môn đệ mà chỉ là chứng nhân cho Người. Là tiền hô của Đấng phải đến, là bạn của Tân lang, là tiếng nói của Ngôi Lời, là ngọn đèn của Ánh sáng. Điều ông phải nói, ông đã học được từ Đấng sai ông. Sau phép rửa trong nước của ông là phép rửa trong Thánh Thần. Gio-an vừa là kẻ được chiêm ngưỡng cái thực tại mới mẻ, như Mô-sê được nhìn thấy Đất hứa từ xa, vừa là kẻ hướng mọi người về đó, bằng cách giới thiệu Đức Giê-su : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Lời nói của Gio-an tác động ngay trên các môn đệ. Họ theo Đức Giê-su liền. Gio-an phải có được sức mạnh từ bỏ thật lớn lao mới có thể sẵn sàng gởi chính các môn đệ yêu của mình đến với Đức Giê-su như thế. Ông đã không chỉ dọn đường cho Người, mà còn dọn lòng thế nhân để họ biết và theo Người. Chứng nhân đích thực phải là kẻ biết xóa mình, luôn để mình nhỏ xuống hầu Đức Giê-su được lớn lên.
Hình tượng Gio-an dùng để chỉ Đức Giê-su là một hình tượng giàu ý nghĩa, đã có trong Cựu Ước từ lâu. Chiên (cừu) trước hết là con vật hiền lành, im lặng ngoan ngoãn để người ta xén lông hay dẫn vào lò mổ. Ngôn sứ I-sai-a (53) thành thử đã dùng nó để ám chỉ người công chính bị hành hạ ngược đãi, phải trải qua đau thương và sự chết để xóa tội cho đời, mở ra cho đời một tương lai xán lạn. Ngoài ra, trong các truyền thống Do-thái thời Đức Giê-su, người ta có nói đến một “chiên chúa” mọc sừng cừu đực và ra sức bảo vệ đàn chiên; hình tượng này được Gio-an lấy lại trong Khải huyền, khi ông mô tả Con Chiên bảo vệ anh em mình và tấn công các thù địch (x. Kh 6,16; 7,17; 17,14). Nó húc tung mọi chướng ngại, hất đổ mọi thế lực của sự ác. Sau cùng là con chiên mà người Do-thái bày trên bàn ăn đêm lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày dân tộc họ được giải phóng khỏi nô lệ Ai-cập. Tất cả các hình ảnh ấy đều thích hợp để nói về Đức Giê-su : Người là Tôi Trung đau khổ gánh lấy vào mình mọi khổ đau của nhân loại, là chiến sĩ hòa bình phá tan mọi ngục tù, là thực phẩm được dùng trong lễ Vượt Qua mới mà chúng ta cử hành trên các chặng đường chiến đấu cho tự do đích thực.
2. Những kẻ kiếm tìm
Ngay khi vừa tiếp nhận các môn đệ của Gio-an Tẩy giả, Đức Giê-su khai trương sứ mạng của mình liền : “Các anh tìm gì thế?” Người hỏi Gio-an và An-rê. Đây là tiếng đầu tiên của Người, âm thanh đầu tiên của giọng nói sắp tỏ lộ cho họ lắm chuyện lạ lùng, và dẫn họ đi thật xa. Đức Giê-su thấy họ đang tìm kiếm. Cho đến lúc ấy, họ đã theo Gio-an Tẩy giả; không ngập ngừng, họ bỏ ông để đi theo kẻ lạ mặt này. Đây sẽ là cơ may kỳ diệu của họ, nên Gio-an cẩn thận ghi chú thời điểm : giờ thứ mười (bốn giờ chiều), Đức Giê-su đã lập tức có cảm tình với họ, Người yêu những kẻ có thể vì Người mà bỏ tất cả. Nhưng ngay câu đầu tiên Người hỏi đã muốn đi sâu vào họ rồi : “Các anh tìm gì thế? Các anh sắp đợi chờ gì ở tôi?” Vì đâu phải hễ nghe lời chứng của thầy cũ là đủ. Họ cần ý kiến cá nhân và kinh nghiệm trực tiếp.
Người phải hỏi như thế, bởi lẽ thiên hạ lầm lẫn rất nhiều về Người. Cũng một câu hỏi tương tự như thế sẽ là lời đầu tiên Đấng Phục Sinh sau này ngỏ với Ma-ri-a Mác-đa-la : “Bà tìm ai?” (tìm Đấng Sống hay kẻ chết?). Câu hỏi ấy đã gợi lên cho hai môn đệ ý thức rõ điều họ thực sự đang tìm kiếm, đồng thời mời gọi chính chúng ta là những độc giả Tin Mừng hôm nay biết đặt mình trước mặt Đức Giê-su để làm sáng tỏ ý nghĩa sau cùng của cuộc hành trình nội tâm của chúng ta. Vì lúc này đây, Người cũng bảo chúng ta : “Bạn tìm gì? Bạn tìm ai khi bạn tới với tôi?”
Có lẽ cảm thấy khá mơ hồ, nên Gio-an và An-rê hỏi lại : “Thầy ở đâu?” Câu hỏi này vượt xa chuyện chỉ đơn giản liên can đến nơi ăn chốn ở của Đức Giê-su, nó đã hướng tới đời sống thân mật của Đức Giê-su với Cha Người (“Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” Ga 1,18). Và chính Đức Giê-su mời gọi các ông : “Đến mà xem”. Lời mời không chỉ là tới tham quan cho biết chỗ Người chọn làm nhà ở, mà là đi vào một cuộc gặp gỡ thiết thân với Người, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin mình. Vì thế chúng ta đã đọc thấy nơi 1Ga 1,1-3: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã đụng chạm… Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi”. Chúng ta hôm nay cũng hỏi như vậy : “Thầy ở đâu?” Bởi lẽ chúng ta tìm Người trong Tin Mừng nhưng chẳng còn tiếng nói lẫn đôi mắt của Người. Đối với chúng ta, Người sẽ mãi mãi là một mầu nhiệm hiện diện-khiếm diện gây bối rối.
Chúng ta biết Người có đó, Người đang tác động lên thế giới và Người muốn tác động lên cuộc đời chúng ta, nhưng phải có sức mạnh đức tin biết bao (chỗ bám duy nhất của ta !) để tiếp xúc với Người và duy trì việc tiếp xúc ấy. Chúng ta bị cám dỗ chỉ nghĩ đến con người hôm qua. Người đã nói, và chúng ta dễ coi Người như một bậc thầy khôn ngoan, sử dụng Người để hỗ trợ các ý tưởng hay nhất của chúng ta về công lý, mở Tin Mừng như mở một hòm châu báu để tìm trong đó những lời vàng ngọc.
Nhưng phần Người thì sao? Người hằng sống ! Người chờ đợi bước chân chúng ta để quay lại mà bảo : “Bạn muốn gì?” Trước câu hỏi này, chỉ có một câu đáp, câu thay đổi cuộc đời, ân sủng của mọi ân sủng, khi nó xuất phát từ tất cả bản thân ta : “Cái con muốn, chính là Chúa”. Chính là Chúa như Đấng Cứu độ duy nhất, Đấng Giải phóng đích thực, chứ không chỉ là lẽ khôn ngoan của Ngài, và càng không phải là những ân huệ vật chất của Ngài. Chính là Chúa như tình yêu tuyệt đối của con, sự sống viên mãn của con, hạnh phúc vĩnh cửu của con, ý nghĩa tối hậu của đời con !.
Ngày 10/01: Cầu nguyện có thể ví như Xạc bình điện – Lm. Giuse Phêrô Vũ Hải Đăng, SDD
Giáo Hội Năm Châu
02:47 09/01/2024
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,
Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy".
Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Đó là lời Chúa
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:34 09/01/2024
2. Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin.
(Thánh Thomas Aquinas)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:39 09/01/2024
48. VỪA CHỬI VỪA ÔM
Có người nọ làm Kinh Tây lộ đề điểm hình ngục (1) .
Một hôm người nọ đi tuần tra đến một thành nọ, nhìn thấy huyện úy Trương Bá Hào không thuận mắt bèn chửi ông ấy để ông ấy xuống ngựa mà đi bộ, ông ta chửi ông ấy là người vô tài bất tướng.
Qua lúc sau, đề điểm hình ngục đến ở nơi lữ xá trong thành, có người vào báo:
- “Người mà ngài chửi hồi nảy chính là con rể của quan ngự sứ đài trưởng Đào Mỗ đó”.
Đề điểm hình sự kinh hoàng nhảy xổm lên nói:
- “Tại sao mày không nói sớm cho ta biết.”
Bèn tất tật đi chào huyện ủy, ngồi cùng một chiếu với ông ta. Uống trà xong, cùng cười nói:
- “Trước khi tôi đến thành này, thì đã nghe nói ngài có nhiều tài cán, vừa rồi mới thấy ngài tôi cố ý nói mấy câu khiến cho ngài nhụt chí, nhưng ngài tài nhiều sức lớn, ngôn ngữ sắc mặt đều giống như không có nghe tôi nói, thật là kỳ tài, tiền đồ vô lượng đấy nhé !”
Và ra lệnh cho quan thư ký viết bản tiến cử đưa cho huyện úy.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 48:
Vừa chửi vừa ôm thì có hai loại: một là những người thân thiết nhất với nhau, vừa góp ý cho nhau nhưng vẫn yêu thương nhau; hai là những người nịnh hót muốn lấy lòng người khác, hoặc là cấp trên muốn lấy lòng cấp dưới.
Những người thân thiết với nhau thì họ góp ý cho nhau rất thân tình, dù cho lời góp ý ấy có khi làm đau nhói tâm can của họ, nhưng họ vẫn không lấy làm khó chịu vì họ biết rằng vì yêu thương mình nên mới góp ý, đó là những người có cái tâm thành thật muốn trở nên người tốt, nên sẵn sàng chấp nhận lởi góp ý chân thành của người thân; trái lại những người nịnh nọt thì vừa tâng bốc vừa nói xấu người khác khi ý đồ của mình chưa toại ý, họ trước mặt thì ôm nhưng sau lưng thì chửi, hoặc là những cấp trên khi thấy nhiệm kỳ làm việc của mình sắp hết thì lấy lòng cấp dưới, chiều chuộng hết mình khi cấp dưới yêu cầu, “ôm thắm thiết” cấp dưới khi có lễ lạt nhưng trong lòng thì chẳng có chút gì gọi là yêu thương...
Người Ki-tô hữu thì luôn có một tâm hồn biết cầu tiến và hoàn thiện mình, cho nên họ vui lòng chấp nhận những góp ý rất chân thật của những người khác, dù lời góp ý có khi rất đau, bởi vì họ biết rằng: Thiên Chúa dùng lời góp ý chua cay (hay nhẹ nhàng) của người khác để dạy cho mình một bài học mà vì lo bon chen, lo ham danh, lo kiếm tiền mà quên mất mình là ai...
Vừa chửi vừa ôm chỉ đúng nghĩa của nó khi mà cả hai bên đều có tâm hồn yêu thương thông cảm và lo lắng cho nhau, đó chính là tâm tình của người Ki-tô hữu vậy !
(1) Tên quan coi tất cả các châu về tư pháp, hình ngục và kiểm tra.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Có người nọ làm Kinh Tây lộ đề điểm hình ngục (1) .
Một hôm người nọ đi tuần tra đến một thành nọ, nhìn thấy huyện úy Trương Bá Hào không thuận mắt bèn chửi ông ấy để ông ấy xuống ngựa mà đi bộ, ông ta chửi ông ấy là người vô tài bất tướng.
Qua lúc sau, đề điểm hình ngục đến ở nơi lữ xá trong thành, có người vào báo:
- “Người mà ngài chửi hồi nảy chính là con rể của quan ngự sứ đài trưởng Đào Mỗ đó”.
Đề điểm hình sự kinh hoàng nhảy xổm lên nói:
- “Tại sao mày không nói sớm cho ta biết.”
Bèn tất tật đi chào huyện ủy, ngồi cùng một chiếu với ông ta. Uống trà xong, cùng cười nói:
- “Trước khi tôi đến thành này, thì đã nghe nói ngài có nhiều tài cán, vừa rồi mới thấy ngài tôi cố ý nói mấy câu khiến cho ngài nhụt chí, nhưng ngài tài nhiều sức lớn, ngôn ngữ sắc mặt đều giống như không có nghe tôi nói, thật là kỳ tài, tiền đồ vô lượng đấy nhé !”
Và ra lệnh cho quan thư ký viết bản tiến cử đưa cho huyện úy.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 48:
Vừa chửi vừa ôm thì có hai loại: một là những người thân thiết nhất với nhau, vừa góp ý cho nhau nhưng vẫn yêu thương nhau; hai là những người nịnh hót muốn lấy lòng người khác, hoặc là cấp trên muốn lấy lòng cấp dưới.
Những người thân thiết với nhau thì họ góp ý cho nhau rất thân tình, dù cho lời góp ý ấy có khi làm đau nhói tâm can của họ, nhưng họ vẫn không lấy làm khó chịu vì họ biết rằng vì yêu thương mình nên mới góp ý, đó là những người có cái tâm thành thật muốn trở nên người tốt, nên sẵn sàng chấp nhận lởi góp ý chân thành của người thân; trái lại những người nịnh nọt thì vừa tâng bốc vừa nói xấu người khác khi ý đồ của mình chưa toại ý, họ trước mặt thì ôm nhưng sau lưng thì chửi, hoặc là những cấp trên khi thấy nhiệm kỳ làm việc của mình sắp hết thì lấy lòng cấp dưới, chiều chuộng hết mình khi cấp dưới yêu cầu, “ôm thắm thiết” cấp dưới khi có lễ lạt nhưng trong lòng thì chẳng có chút gì gọi là yêu thương...
Người Ki-tô hữu thì luôn có một tâm hồn biết cầu tiến và hoàn thiện mình, cho nên họ vui lòng chấp nhận những góp ý rất chân thật của những người khác, dù lời góp ý có khi rất đau, bởi vì họ biết rằng: Thiên Chúa dùng lời góp ý chua cay (hay nhẹ nhàng) của người khác để dạy cho mình một bài học mà vì lo bon chen, lo ham danh, lo kiếm tiền mà quên mất mình là ai...
Vừa chửi vừa ôm chỉ đúng nghĩa của nó khi mà cả hai bên đều có tâm hồn yêu thương thông cảm và lo lắng cho nhau, đó chính là tâm tình của người Ki-tô hữu vậy !
(1) Tên quan coi tất cả các châu về tư pháp, hình ngục và kiểm tra.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Cho người khác
Lm. Minh Anh
15:09 09/01/2024
CHO NGƯỜI KHÁC
“Này con đây!”.
Trong “No Cross, No Crown”, “Không Thập Giá, Không Vương Miện”, William Penn viết, “Không ai thích hợp để chỉ huy người khác nếu người ấy không thể chỉ huy mình! Không ai thích hợp để trở nên một người cho người khác, nếu người ấy không biết quên mình!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay cho thấy thế nào là một người ‘cho người khác!’: Cậu bé Samuel trong đền thờ; và chàng trai Giêsu, một ‘Samuel khác’.
Bài đọc Cựu Ước tường thuật một trong những câu chuyện cảm động nhất về một lần gọi Chúa dành cho một cậu bé, mà rồi đây, cậu sẽ trở thành một người ‘cho người khác’. Đêm hiu hắt huyền hoặc trong đền Chúa, Samuel nghe ‘Ai đó’ gọi tên. Cả ba lần, cậu chạy lại thầy cả Êli và thưa lên, “Này con đây!”. Không ai trong chúng ta không có một người nhỏ hơn để phục vụ mình! Sự hồn nhiên của Samuel chứng tỏ sự chóng vánh của cậu, không chỉ với Êli, nhưng với cả Thiên Chúa, Đấng gọi cậu, Đấng mà cậu sẽ luôn thưa lên “Này con xin đến để thực thi ý Ngài” suốt cuộc đời mình như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca.
Với bài Tân Ước, Marcô cho thấy từ sáng sớm, Chúa Giêsu vào nhà mẹ vợ Phêrô, thấy bà sốt, Ngài cầm tay, nâng dậy, “Cơn sốt biến mất, bà phục vụ các ngài”. Nhạc mẫu Phêrô tiếp tục cuộc sống bình thường, lập tức nghĩ đến người khác, và điều này rất quan trọng. Đó là dấu hiệu của ‘sức khoẻ’ thực sự! Đến chiều, Ngài tiếp tục giảng dạy, chữa lành, xua trừ quỷ ma. Ngài không nghĩ về mình, không tự trách đã để người khác chiếm hết thời giờ. Ngài ở đó vì mọi người, phải làm nhiều hơn; tình yêu buộc Ngài cống hiến hết mình mà không cần ai trả công, “Cả thành xúm lại trước cửa”. Ngài mở rộng lòng cho mọi người; để rồi đây, sẽ chết cho họ. Từ Bêlem đến Gôlgôtha, Ngài quả là một người ‘cho người khác!’. Như vậy, cuộc sống của Chúa Giêsu là một cuộc sống liên lỉ thưa “Này con đây!”.
Tuyệt vời hơn, Chúa Giêsu còn là một người ‘cho Người Khác’ viết hoa, Chúa Cha. Sau một ngày làm việc, nghỉ ngơi đôi chút, Ngài dậy thật sớm để đi cầu nguyện. Có một sự cân bằng giữa việc tông đồ và cầu nguyện nơi Ngài; Ngài không quá vất vả để có thể tìm được sự cô tịch cần thiết để lòng bên lòng với Cha. Ngài chăm chú cầu nguyện đến nỗi những người khác phải đi tìm. Rõ ràng, một người ‘cho người khác, và Người Khác’ luôn là một con người được tìm kiếm! Chính đời sống cầu nguyện thâm sâu giúp Ngài đủ sức để không ngừng thưa lên “Này con đây!”.
Anh Chị em,
“Này con đây!” là nhịp đập liên lỉ của trái tim Chúa Giêsu, nhịp đập này vang vọng trong suốt cuộc đời Ngài. Và giờ đây, nhịp đập đó vẫn vang lên trong lòng nhân loại nơi trái tim của những ai chọn Ngài, được Ngài chọn và sai đi. Bạn và tôi, những người được chia sẻ sự sống sung mãn thần linh của Thiên Chúa, những kẻ tiếp nối sứ mạng của Ngài, tiếp tục thưa lên “Này con đây!” và tiếp tục ra đi sống ‘cho người khác’. Muốn được vậy, mỗi ngày, chúng ta tìm nơi thanh vắng mà cầu nguyện, lắng nghe, ở lại với Chúa Giêsu hầu đủ sức sống ‘cho người khác’ như Ngài!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con sống cho mình, nhưng cho Chúa và ‘cho người khác!’. Để được vậy, cho con luôn làm điều đẹp lòng một ‘Người Khác’, Chúa Cha!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Ngày 11/01: Cách Ly vì bệnh – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
23:33 09/01/2024
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,
Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo : “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giê-su không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Đó là lời Chúa
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐHY Robert Sarah chỉ trích Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là lạc thuyết, kêu gọi các Giám Mục trên thế giới phản kháng
J.B. Đặng Minh An dịch
19:06 09/01/2024
Đức Hồng Y Robert Sarah, nguyên tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã có một thông điệp gởi các Hồng Y, Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân trên toàn thế giới liên quan đến Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.
Nguyên bản tiếng Pháp có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Rôma, ngày 6 Tháng Giêng năm 2024, lễ Chúa Hiển Linh
Vào ngày lễ Giáng Sinh, Hoàng tử Hòa bình đã trở thành một người phàm vì chúng ta. Ngài mang đến cho mọi người thiện tâm sự bình an đến từ Thiên Đàng. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14:27). Sự bình an mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta không phải là một đám mây trống rỗng, không phải là sự bình an trần thế mà thường chỉ là một sự thỏa hiệp mơ hồ, được thương lượng giữa lợi ích và sự dối trá của mỗi người. Sự bình an của Chúa là sự thật. “Chân lý là sức mạnh của hòa bình, vì nó mặc khải và hoàn thành sự hiệp nhất của con người với Thiên Chúa, với chính mình và với người khác. Sự thật củng cố hòa bình và xây dựng hòa bình”, Thánh Gioan Phaolô II dạy [1]. Sự Thật nhập thể đã đến sống giữa loài người. Ánh sáng của chân lý không làm phiền. Lời Ngài không gieo rắc sự nhầm lẫn và hỗn loạn, nhưng mặc khải thực tại của mọi sự. Người “là” sự thật và do đó là “dấu chỉ mâu thuẫn” từ đó “những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2,34-35).
Sự thật là điều đầu tiên trong lòng thương xót mà Chúa Giêsu ban cho những người tội lỗi. Liệu đến lượt chúng ta, chúng ta có dám thể hiện được lòng thương xót trong sự thật không? Đối với chúng ta, có một rủi ro lớn là tìm kiếm hòa bình trần thế, sự nổi tiếng thế gian được mua bằng giá của sự dối trá, mơ hồ và sự im lặng đồng lõa.
Hòa bình trần thế là giả dối và hời hợt. Bởi vì sự dối trá, thỏa hiệp và nhầm lẫn tạo ra sự chia rẽ, nghi ngờ và chiến tranh giữa anh em. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhắc lại điều này: “Ma quỷ có nghĩa là 'kẻ chia cắt'. Ma quỷ luôn muốn gây chia rẽ” [2]. Ma quỷ chia rẽ vì “sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối.” (Ga 8:44).
Chính sự nhầm lẫn, sự thiếu rõ ràng, thiếu chân lý và chia rẽ đã làm xáo trộn và làm đen tối lễ Giáng Sinh năm nay. Một số phương tiện truyền thông khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo khuyến khích việc ban phước lành cho các kết hợp đồng giới. Họ nói dối. Họ làm công việc của người chia rẽ. Một số giám mục cũng đi theo hướng này, gieo rắc nghi ngờ và tai tiếng trong tâm hồn các tín hữu bằng cách tuyên bố chúc lành cho những kết hợp đồng giới như thể chúng hợp pháp, phù hợp với bản chất do Thiên Chúa tạo dựng, như thể chúng có thể dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc cho con người. Họ chỉ tạo ra những lầm lạc, những tai tiếng, những nghi ngờ và thất vọng. Các vị giám mục này phớt lờ hoặc quên đi lời cảnh báo nghiêm khắc của Chúa Giêsu đối với những kẻ xúc phạm những kẻ bé mọn: “ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18,6). Một tuyên bố gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, được công bố với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã không thể sửa chữa những sai sót này, cũng chẳng hành động như một công việc của sự thật. Hơn nữa, với sự thiếu rõ ràng, nó chỉ làm tăng thêm sự nhầm lẫn ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ.
Phải làm gì trước sự nhầm lẫn mà ma quỷ đã gieo vào lòng Giáo hội? “Bạn không thể tranh luận với ma quỷ!”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “ma quỷ không có đàm phán, không có đối thoại; bạn không thể đánh bại ma quỷ bằng cách đối phó với nó, ma quỷ mạnh hơn chúng ta. Chúng ta đánh bại ma quỷ bằng cách Lời Chúa, bằng đức tin. Bằng cách này, Chúa Giêsu dạy chúng ta bảo vệ sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau khỏi sự tấn công của những kẻ chia rẽ. Lời Chúa là câu trả lời của Chúa Giêsu trước sự cám dỗ của ma quỷ” [3]. Theo logic của giáo huấn này của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cũng không tranh cãi với kẻ gây chia rẽ. Chúng ta không cần tranh cãi với Tuyên ngôn “Fiducia supplicans”, cũng như những cách sử dụng khác nhau của nó mà chúng ta đã thấy nhiều lần. Chúng ta chỉ đáp lại bằng Lời Chúa, bằng huấn quyền và giáo huấn truyền thống của Giáo Hội.
Để duy trì hòa bình và hiệp nhất trong sự thật, chúng ta phải từ chối tranh luận với những kẻ gây chia rẽ, chúng ta phải đáp lại sự nhầm lẫn với Lời Chúa. Vì “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12).
Như Chúa Giêsu trước mặt người phụ nữ xứ Samaria, chúng ta hãy có can đảm dám nói lên sự thật. “Cô nói đúng khi nói rằng 'Tôi không có chồng'. Vì cô đã có năm đời chồng, và người hiện nay không phải là chồng cô; ở điểm này cô đã nói sự thật” (Ga 4:18). Chúng ta nói gì với những người liên quan đến các kết hiệp đồng tính đây? Thưa: như Chúa Giêsu đã làm, chúng ta hãy có can đảm thực hiện lòng thương xót đầu tiên: đó là nói lên sự thật khách quan của các hành động.
Do đó, với Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo (2357), chúng ta có thể tuyên bố: “Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng ( x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10 ), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ”Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” ( x. CDF, décl “persona humana” 8 ). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào”.
Bất kỳ đường lối mục vụ nào không gợi lại sự thật khách quan này sẽ thất bại trong công việc đầu tiên của lòng thương xót là ban tặng ân sủng sự thật. Tính khách quan này của sự thật không trái ngược với sự chú ý đến ý định chủ quan của con người. Nhưng lời dạy tuyệt vời và dứt khoát của Thánh Gioan Phaolô II phải được nhắc lại ở đây:
“Cần phải xem xét cẩn thận mối quan hệ đúng đắn tồn tại giữa tự do và bản chất con người, đặc biệt là vị trí mà cơ thể con người có trong các vấn đề về luật tự nhiên. […]
“Con người, kể cả thân xác, được ủy thác hoàn toàn cho chính mình, và chính trong sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác mà con người trở thành chủ thể của các hành vi đạo đức của chính mình. Con người, qua ánh sáng của lý trí và sự hỗ trợ của nhân đức, khám phá ra nơi thân xác mình những dấu chỉ báo trước, sự diễn tả và lời hứa hiến thân, phù hợp với kế hoạch khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. […]
“Một học thuyết tách hành vi luân lý ra khỏi các chiều kích vật chất của việc thực thi nó là đi ngược lại với những lời dạy của Thánh Kinh và Thánh Truyền: học thuyết này làm sống lại, dưới những hình thức mới, một số sai lầm cũ mà Giáo hội luôn đấu tranh, khi chúng giản lược con người xuống mức thấp nhất là một sự tự do 'tinh thần', hoàn toàn hình thức. Sự giảm thiểu này bỏ qua ý nghĩa đạo đức của thân xác và những hành vi liên quan đến thân xác (x. 1Cor 6,19). Thánh Phaolô tông đồ tuyên bố rằng 'những kẻ vô đạo đức, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, dâm ô, kê gian, trộm cắp, tham lam, say sưa, vu khống và tống tiền' đều bị loại trừ khỏi Nước Trời (x. 1Cor 6,9-10). Sự lên án này - được Công đồng Trentô xác nhận - liệt kê là 'tội trọng', hay 'những hành vi ô nhục', đó là một số hành vi cụ thể mà sự chấp nhận tự nguyện ngăn cản các tín hữu tham gia vào di sản đã hứa. Thực ra, thân xác và linh hồn không thể tách rời: nơi con người, nơi chủ thể tự nguyện và trong hành động có chủ ý, chúng cùng tồn tại hoặc cùng mất đi” (“Veritatis splendor” 48-49).
Nhưng người môn đệ của Chúa Giêsu không thể dừng lại ở đây. Đối mặt với người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu đã tha thứ trong sự thật: «Tôi cũng không lên án chị; từ nay về sau đừng phạm tội nữa” (Ga 8:11). Người đưa ra một con đường hoán cải, một con đường sống trong sự thật.
Tuyên ngôn “Fiducia supplicans” viết rằng phép lành thay vào đó được dành cho những người “cầu xin rằng tất cả những gì chân thật, tốt lành và có giá trị nhân bản trong cuộc sống và các mối quan hệ của họ sẽ được phong phú, chữa lành và nâng cao nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần” (số 31). Nhưng điều gì là tốt, chân thật và có giá trị về mặt nhân bản trong một mối quan hệ đồng tính luyến ái, được Kinh thánh và Truyền thống định nghĩa là một sự sa đọa nghiêm trọng và “rối loạn nội tại”? Làm sao một bản văn như vậy có thể tương ứng với Sách Khôn Ngoan vốn khẳng định: “Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa. Kẻ ngu đần thử thách Đấng Quyền Năng sẽ bị Người làm cho bẽ mặt. Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ. Thần khí thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa” (Kn 1,3-5). Điều duy nhất cần yêu cầu ở những người đang sống trong mối quan hệ không tự nhiên là hãy hoán cải và tuân theo Lời Chúa.
Với Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo (2358-2359), chúng ta có thể làm sáng tỏ hơn nữa khi nói:
Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. Những người này được kêu gọi thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, và, nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp các khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình, với hy lễ thập giá của Chúa. Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi sống khiết tịnh. Nhờ các nhân đức giúp tự chủ dạy cho biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính họ có thể và phải dần dần và cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo.”
Như Đức Bênêđíctô XVI đã nhắc lại, “là con người, những người đồng tính xứng đáng được tôn trọng; […] không nên bị từ chối vì lý do này. Tôn trọng con người là điều tuyệt đối cơ bản và quyết định. Nhưng điều đó không có nghĩa đó là lý do tại sao đồng tính luyến ái là đúng. Vẫn còn điều gì đó hoàn toàn trái ngược với bản chất của điều Thiên Chúa muốn ban đầu.”
Do đó, Lời Chúa được Thánh Kinh và Thánh Truyền truyền lại là nền tảng vững chắc duy nhất, nền tảng chân lý duy nhất mà trên đó mọi hội đồng giám mục phải có khả năng xây dựng việc chăm sóc mục vụ về lòng thương xót và sự thật đối với những người đồng tính luyến ái. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo cống hiến cho chúng ta một sự tổng hợp mạnh mẽ, nó đáp ứng mong muốn của Công đồng Vatican II “dẫn dắt mọi người, bằng cách làm cho sự thật của Tin Mừng được tỏa sáng, tìm kiếm và đón nhận tình yêu của Chúa Kitô vượt quá mọi hiểu biết” [4].
Tôi phải cảm ơn các hội đồng giám mục đã thực hiện công việc chân lý này, đặc biệt là các hội đồng ở Cameroon, Chad, Nigeria, v.v., những người đã có những quyết định và sự phản đối kiên quyết đối với tuyên bố “Fiducia Supplicans” mà tôi chia sẻ và trích dẫn. Chúng ta phải khuyến khích các hội đồng giám mục quốc gia hoặc khu vực khác và mọi giám mục cũng làm như vậy. Khi làm như vậy, chúng ta không chống đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng ta kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo đang làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, vì nó đi ngược lại đức tin và Truyền thống Công Giáo.
Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng “khái niệm ‘hôn nhân đồng tính’ mâu thuẫn với tất cả các nền văn hóa của nhân loại đã nối tiếp nhau cho đến ngày nay và do đó có nghĩa là một cuộc cách mạng văn hóa đi ngược lại toàn bộ truyền thống của nhân loại cho đến ngày nay”. Tôi tin rằng Giáo hội Phi Châu nhận thức sâu sắc về điều này. Nó không quên sứ mạng thiết yếu mà các giáo hoàng cuối cùng đã giao phó cho nó. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục, khi nói chuyện với các giám mục Phi Châu tụ tập tại Kampala vào năm 1969, đã tuyên bố: “'Nova Patria Christi Africa': quê hương mới của Chúa Kitô là Phi Châu”. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã hai lần giao phó cho Phi Châu một sứ mệnh to lớn: trở thành lá phổi tinh thần của nhân loại vì sự phong phú đáng kinh ngạc về con người và tinh thần của con cái, của các nền văn hóa của nó. Ngài nói trong bài giảng ngày 4 tháng 10 năm 2009: “Phi Châu đại diện cho một ‘lá phổi’ tinh thần to lớn cho một nhân loại dường như đang gặp khủng hoảng về đức tin và hy vọng. Nhưng 'lá phổi' này cũng có thể bị bệnh. Và hiện tại, có ít nhất hai căn bệnh nguy hiểm đang ảnh hưởng đến nó: trước hết là một căn bệnh đã lan rộng ở thế giới phương Tây, đó là chủ nghĩa duy vật thực dụng, kết hợp với tư duy tương đối và hư vô. […] Cái gọi là thế giới 'thứ nhất' đôi khi đã xuất khẩu và đang xuất khẩu chất thải tinh thần độc hại, lây nhiễm sang người dân ở các lục địa khác, đặc biệt là những người ở Phi Châu” [5].
Đức Gioan Phaolô II nhắc nhở người Phi Châu rằng họ phải tham gia vào cuộc đau khổ và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để cứu rỗi nhân loại, bởi vì “tên của mỗi người Phi Châu được viết trên bàn tay bị đóng đinh của Chúa Kitô” [6].
Sứ mệnh quan phòng của ngài ngày nay có lẽ là để nhắc nhở phương Tây rằng đàn ông không là gì nếu không có phụ nữ, đàn bà không là gì nếu không có đàn ông và cả hai đều không là gì nếu không có yếu tố thứ ba là trẻ em. Thánh Phaolô Đệ Lục đã nhấn mạnh “sự đóng góp không thể thay thế của các giá trị truyền thống của lục địa này: tầm nhìn thiêng liêng về cuộc sống, tôn trọng phẩm giá con người, ý thức về gia đình và cộng đồng” (“Africae terrarum” 8-12). Giáo hội ở Phi Châu sống nhờ vào di sản này. Vì Chúa Kitô và vì lòng trung thành của Giáo Hội với lời dạy của Người và bài học cuộc sống của Giáo Hội, Giáo Hội không thể chấp nhận những ý thức hệ vô nhân đạo được cổ vũ bởi một phương Tây suy đồi và phi Kitô giáo.
Phi Châu có nhận thức sâu sắc về sự tôn trọng cần thiết đối với thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng. Đó không phải là vấn đề về tư duy cởi mở và tiến bộ xã hội như các phương tiện truyền thông phương Tây tuyên bố. Vấn đề là liệu cơ thể tình dục của chúng ta là món quà của sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa hay là một thực tại vô nghĩa, nếu không nói là nhân tạo. Nhưng ở đây Đức Bênêđíctô XVI cũng cảnh báo chúng ta: “Khi chúng ta từ bỏ ý tưởng sáng tạo, chúng ta từ bỏ sự vĩ đại của con người”. Giáo hội Phi Châu trong Thượng Hội đồng vừa qua đã mạnh mẽ bảo vệ phẩm giá của người nam và người nữ do Thiên Chúa tạo dựng. Giọng nói của Giáo Hội thường bị những người có nỗi ám ảnh duy nhất là làm hài lòng các nhà vận động hành lang phương Tây phớt lờ, coi thường hoặc coi là quá đáng.
Giáo hội Phi Châu là tiếng nói của người nghèo, người đơn sơ và nhỏ bé. Nó có nhiệm vụ công bố Lời Chúa trước các Kitô hữu phương Tây, những người giàu có, được trang bị nhiều kỹ năng về triết học, thần học, kinh thánh và khoa học kinh điển, tin rằng họ tiến hóa, hiện đại và khôn ngoan theo sự khôn ngoan của thế giới.. Nhưng “cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cô-rinh-tô 1:25). Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các giám mục Phi Châu, trong hoàn cảnh nghèo khó của các ngài, ngày nay lại là những người loan báo sự thật thiêng liêng này trước quyền lực và sự giàu có của một số giám mục phương Tây. Bởi vì “những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, để không ai có thể tự phụ trước mặt Thiên Chúa” (1Cor 1,27-28). Nhưng liệu chúng ta có đủ can đảm để lắng nghe họ trong phiên họp tiếp theo của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị không? Hay chúng ta nên tin rằng, bất chấp những lời hứa lắng nghe và tôn trọng, những lời cảnh báo của các ngài sẽ không được tính đến, như chúng ta thấy ngày nay? Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chừng loài người” (Mt 10:17), bởi vì tất cả sự lầm lạc này, được khơi dậy bởi Tuyên ngôn “Fiducia Supplicans”, có thể xuất hiện trở lại dưới những công thức khác tinh tế hơn và ẩn giấu hơn trong phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, vào năm 2024, hoặc trong lập luận của những người giúp Đức Thánh Cha viết tông huấn hậu thượng hội đồng. Chẳng phải Sa-tan đã cám dỗ Chúa Giêsu ba lần đó sao? Chúng ta sẽ phải cảnh giác trước những thủ đoạn và dự án mà một số người đang chuẩn bị cho phiên họp tiếp theo của Thượng Hội đồng.
Mọi người kế vị các tông đồ phải dám nghiêm chỉnh xem xét những lời của Chúa Giêsu: “hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ma quỷ.”(Mt 5,37). Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo cho chúng ta một ví dụ về một lời nói rõ ràng, sắc bén và can đảm như vậy. Bất kỳ con đường nào khác chắc chắn sẽ bị cắt ngắn, mơ hồ và gây lầm lạc. Vào lúc này, chúng ta nghe thấy nhiều bài phát biểu tinh vi và méo mó đến mức cuối cùng chúng rơi vào lời nguyền rủa do Chúa Giêsu tuyên bố: “Thêm thắt điều gì là do ma quỷ”. Những ý nghĩa mới của từ ngữ được phát minh ra, Kinh thánh bị mâu thuẫn và xuyên tạc trong khi vẫn cứ tuyên bố trung thành với chân lý. Cuối cùng chúng ta không còn phục vụ sự thật nữa.
Cũng cho phép tôi không rơi vào những lời ngụy biện vu vơ về ý nghĩa của từ phước lành. Rõ ràng là chúng ta có thể cầu nguyện cho tội nhân, rõ ràng là chúng ta có thể cầu xin Chúa cho họ hoán cải. Rõ ràng là chúng ta có thể chúc phúc cho người từng chút một quay về với Thiên Chúa để khiêm tốn cầu xin ân sủng có được một sự thay đổi thực sự và triệt để trong cuộc đời mình. Lời cầu nguyện của Giáo Hội không bị từ chối với bất cứ ai. Nhưng nó không bao giờ có thể bị chuyển hướng sang việc hợp pháp hóa tội lỗi, cơ cấu tội lỗi, hoặc thậm chí cơ hội gần nhất của tội lỗi. Tấm lòng thống hối và sám hối, dù còn xa mới nên thánh, cũng phải được chúc phúc. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, trước sự từ chối hoán cải và sự cứng nhắc, không có lời chúc phúc nào phát ra từ miệng Thánh Phaolô mà đúng hơn là lời cảnh báo này: “lòng chai dạ đá không chịu hối cải, anh em càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu anh em, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm.”(Rm 2:5-6).
Chúng ta có nhiệm vụ phải trung thành với Đấng đã phán với chúng ta: “Tôi đã đến thế gian nhằm mục đích làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37). Chúng ta, đến lượt mình, với tư cách là giám mục, linh mục, là người đã được rửa tội, có trách nhiệm làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta không dám trung thành với lời Chúa, chúng ta không những phản bội Ngài mà còn phản bội những người mà chúng ta hướng về. Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng giới nằm trong sự thật của lời Chúa. Làm sao chúng ta lại dám làm cho họ tin rằng việc họ ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và theo thánh ý của Thiên Chúa? “Nếu anh em ở lại trong lời của Ta, thì anh em thật là môn đệ Ta; anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,31-32).
Vì vậy, chúng ta đừng sợ nếu chúng ta không được thế giới hiểu và chấp nhận. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thế gian ghét Ta, vì Ta làm chứng cho họ rằng công việc của họ là xấu xa” (Ga 7:7). Chỉ những người thuộc về sự thật mới có thể nghe thấy giọng nói của Người. Việc được chấp thuận và có sự đồng thanh không phụ thuộc vào chúng ta.
Chúng ta hãy nhớ đến lời cảnh báo nghiêm trọng của Đức Thánh Cha Phanxicô vào đầu triều đại giáo hoàng của ngài: «Chúng ta có thể đi bao nhiêu tùy thích, chúng ta có thể xây dựng nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô thì điều đó không đúng. Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ phúc lợi, nhưng không phải là Giáo hội, Hiền thê của Chúa… Điều gì sẽ xảy ra khi bạn không xây dựng trên đá? Điều xảy ra với những đứa trẻ trên bãi biển là khi chúng làm những lâu đài cát, mọi thứ đều sụp đổ, không có sự nhất quán. Khi một người không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, câu nói của Léon Bloy hiện lên trong tâm trí: 'Ai không cầu nguyện với Chúa là cầu nguyện với ma quỷ'. Khi bạn không tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, bạn tuyên xưng tính trần tục của ma quỷ, tính trần tục của ma quỷ” (14 tháng 3 năm 2013).
Một lời từ Chúa Kitô sẽ phán xét chúng ta: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói; còn các ông, các ông không chịu nghe, vì các ông không thuộc về Thiên Chúa.” (Ga 8:47).
[1] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc tế Hòa bình, 1 tháng 1 năm 1980.
[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 2 năm 2023.
[3] Kinh Truyền tin ngày 26 tháng 2 năm 2023.
[4] Đức Gioan Phaolô II, tông hiến “Fidei Depositum”.
[5] Đức Bênêđictô XVI, Bài giảng khai mạc Thượng hội đồng Giám mục đặc biệt lần thứ hai về Phi Châu, ngày 4 tháng 10 năm 2009. Ngài sẽ sử dụng cùng một cách diễn đạt “Phi Châu, lá phổi thiêng liêng của nhân loại” trong “Africae munus”, n. 13.
[6] Đức Gioan Phaolô II, “Giáo hội ở Phi Châu”, n. 143.
Source:Diakonos
Nguyên văn bài diễn văn của Đức Phanxicô trước ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh đến chúc mừng năm mới
Vũ Văn An
21:44 09/01/2024
Theo tin Tòa Thánh, Sáng nay, 1 tháng 8, 2024, tại Sảnh Phép lành, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh để trao đổi lời chúc mừng năm mới.
Sau lời giới thiệu của Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài Georges Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp tại Tòa thánh, Đức Giáo Hoàng đã có bài phát biểu sau đây:
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Tôi vui mừng được chào đón quý vị sáng nay và gửi lời chào riêng của tôi cũng như những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới. Một cách đặc biệt, tôi cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Trưởng đoàn Ngoại giao, vì những lời nói nhân ái, thể hiện một cách hùng hồn mối quan tâm của cộng đồng quốc tế vào đầu một năm mà chúng ta hy vọng là một năm hòa bình, nhưng thay vào đó đã lộ diện giữa những xung đột và chia rẽ.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dịp thích hợp để tôi cảm ơn quý vị vì những nỗ lực của quý vị nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và các quốc gia tương ứng của quý vị. Năm ngoái, “gia đình ngoại giao” của chúng ta thậm chí còn trở nên lớn mạnh hơn nhờ việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Oman và việc bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của nước này có mặt tại đây.
Ở đây tôi xin lưu ý rằng Tòa Thánh hiện đã bổ nhiệm một Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, sau khi ký kết thỏa thuận liên hệ về tư cách của Đại diện Giáo hoàng vào tháng 7 năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy ý định theo đuổi tiến trình đã được khởi xướng trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, cũng nhờ vào những liên hệ thường xuyên ở bình diện định chế và hợp tác với Giáo hội địa phương.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc phê chuẩn Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận ngày 24 tháng 9 năm 1998 giữa Tòa thánh và Kazakhstan về quan hệ hỗ tương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện và hoạt động của các cơ quan mục vụ ở quốc gia đó. Năm vừa qua cũng đánh dấu việc cử hành những ngày kỷ niệm quan trọng: kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Panama, kỷ niệm 70 năm quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran, 60 năm quan hệ với Hàn Quốc, và 50 năm quan hệ ngoại giao với Úc.
Kính thưa các Đại sứ,
Một chữ đặc biệt vang lên trong hai ngày lễ chính của Kitô giáo. Chúng ta nghe thấy điều đó trong bài hát của các thiên thần đã loan báo trong đêm Đấng Cứu Thế giáng sinh, và chúng ta nghe thấy điều đó một lần nữa trong lời chào của Chúa Giêsu phục sinh. Chữ đó là “hòa bình”. Hòa bình trước hết là một món quà của Thiên Chúa, vì chính Người đã để lại cho chúng ta sự bình an của Người (x. Ga 14: 27). Tuy nhiên, đó cũng là một trách nhiệm mà tất cả chúng ta phải mang vác: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9). Phấn đấu cho hòa bình. Một chữ rất đơn giản nhưng lại rất đòi hỏi và giàu ý nghĩa. Hôm nay tôi muốn tập trung suy tư của chúng ta về hòa bình, vào một thời điểm trong lịch sử khi nó ngày càng bị đe dọa, suy yếu và một phần bị mất đi. Về vấn đề này, trách nhiệm của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế là trở thành tiếng nói tiên tri và kêu gọi lương tâm.
Vào đêm Giáng sinh năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã gửi một Thông điệp vô tuyến đáng nhớ tới các dân tộc trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc sau hơn 5 năm xung đột và nhân loại cảm nhận được – theo cách nói của Đức Giáo Hoàng– “một ý chí rõ ràng và vững chắc hơn bao giờ hết: biến cuộc chiến tranh thế giới này, biến biến động hoàn cầu này thành điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự đổi mới sâu xa”.[1] Khoảng 80 năm sau, động lực cho “sự đổi mới sâu xa” đó dường như đã rút đi và thế giới của chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột đang dần biến điều mà tôi thường gọi là “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần” thành một cuộc xung đột hoàn cầu thực sự.
Ở đây, trước sự hiện diện của quý vị, tôi không thể không nhắc lại mối quan tâm sâu xa của tôi đối với các sự kiện đang diễn ra ở Palestine và Israel. Tất cả chúng ta vẫn còn bị sốc trước cuộc tấn công vào người dân Israel ngày 7 tháng 10, trong đó rất nhiều người vô tội bị thương, bị tra tấn và sát hại khủng khiếp, và nhiều người bị bắt làm con tin. Tôi nhắc lại sự lên án của mình đối với hành động này và mọi trường hợp khủng bố và cực đoan. Đây không phải là cách giải quyết tranh chấp giữa các dân tộc; những tranh chấp đó chỉ càng trầm trọng hơn, gây đau khổ cho mọi người. Quả thực, cuộc tấn công đã gây ra phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel ở Gaza, dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người Palestine, chủ yếu là dân thường, trong đó có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đặc biệt nghiêm trọng và những đau khổ không thể tưởng tượng được.
Với tất cả các bên liên quan, tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn trên mọi mặt trận, bao gồm cả Lebanon và giải phóng ngay lập tức tất cả các con tin bị giam giữ ở Gaza. Tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được viện trợ nhân đạo và các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng nhận được mọi sự bảo vệ cần thiết.
Tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ quyết tâm theo đuổi giải pháp cho hai quốc gia, một Israel và một Palestine, cũng như một quy chế đặc biệt được quốc tế đảm bảo cho Thành phố Jerusalem, để người Israel và người Palestine cuối cùng có thể sống trong hòa bình và an ninh.
Cuộc xung đột hiện nay ở Gaza càng làm mất ổn định thêm khu vực mong manh và đầy căng thẳng. Đặc biệt, chúng ta không thể quên người dân Syria, đang sống trong tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị trầm trọng hơn sau trận động đất hồi tháng Hai năm ngoái. Mong cộng đồng quốc tế khuyến khích các bên liên quan thực hiện một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và nghiêm túc cũng như tìm kiếm các giải pháp mới, để người dân Syria không còn phải chịu đau khổ do các lệnh trừng phạt quốc tế nữa.
Ngoài ra, tôi bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đối với hàng triệu người tị nạn Syria vẫn còn hiện diện ở các nước láng giềng như Jordan và Lebanon.
Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Lebanon thân yêu và bày tỏ mối quan tâm của tôi đối với tình hình kinh tế và xã hội mà họ đang trải qua. Tôi hy vọng rằng tình trạng bế tắc về định chế vốn càng đè nặng thêm lên họ sẽ được giải quyết và Vùng đất Tuyết tùng (Cedars) sẽ sớm có Tổng thống.
Vẫn về lục địa Á Châu, tôi cũng kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến Myanmar và khẩn cầu rằng mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để mang lại niềm hy vọng cho vùng đất này và một tương lai xứng đáng cho giới trẻ của nó, đồng thời không bỏ qua tình trạng nhân đạo khẩn cấp mà người Rohingya tiếp tục trải qua.
Bên cạnh những tình huống phức tạp này, cũng có những dấu hiệu hy vọng, như tôi đã trải nghiệm được trong chuyến hành trình đến Mông Cổ, với chính quyền của họ, một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp của họ. Tôi cũng muốn cảm ơn chính quyền Hungary vì sự hiếu khách mà tôi đã nhận được trong chuyến thăm đất nước này vào tháng 4 năm ngoái. Đó là một cuộc hành trình vào trung tâm Châu Âu, giàu lịch sử và văn hóa, nơi tôi cảm nhận được tình cảm của nhiều người, nhưng cũng cảm nhận được sự gần gũi một cuộc xung đột mà chúng ta coi là không thể tưởng tượng được ở Châu Âu của thế kỷ XXI.
Đáng buồn thay, sau gần hai năm chiến tranh quy mô lớn do Liên bang Nga tiến hành chống lại Ukraine, nền hòa bình vô cùng mong muốn vẫn chưa thể bén rễ trong tâm trí, bất chấp số lượng nạn nhân rất lớn và sự tàn phá nặng nề. Người ta không thể cho phép sự tồn tại dai dẳng của một cuộc xung đột tiếp tục lan rộng, gây tổn hại cho hàng triệu người; cần phải chấm dứt thảm kịch hiện nay thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tôi cũng bày tỏ mối quan ngại của mình đối với tình hình căng thẳng ở Nam dẫy Caucasus giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi các bên tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình. Điều cấp bách là phải tìm ra giải pháp cho tình hình nhân đạo bi thảm của những người sống trong khu vực đó, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người tị nạn trở về quê hương của họ một cách hợp pháp và an ninh cũng như tôn trọng những nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau hiện diện ở đó. Những bước đi này sẽ góp phần xây dựng bầu không khí tin cậy giữa hai nước, hướng tới nền hòa bình vô cùng mong muốn.
Hướng ánh nhìn về Châu Phi, chúng ta đang chứng kiến sự đau khổ của hàng triệu người do vô số cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nhiều quốc gia vùng cận Sahara phải trải qua do chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các vấn đề chính trị xã hội phức tạp và những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu gây ra. Thêm vào đó là những ảnh hưởng của các cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra ở một số quốc gia và một số quy trình bầu cử được đánh dấu bằng tham nhũng, đe dọa và bạo lực.
Đồng thời, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về những nỗ lực nghiêm túc từ phía tất cả những người tham gia vào việc áp dụng Thỏa thuận Pretoria tháng 11 năm 2022 nhằm chấm dứt tình trạng thù địch ở Tigray. Tương tự như vậy, để theo đuổi các giải pháp chuyên biệt cho những căng thẳng và bạo lực đang tấn công Ethiopia, cũng như cho cuộc đối thoại, hòa bình và ổn định giữa các quốc gia vùng Sừng Châu Phi.
Tôi cũng muốn nhắc đến những biến cố bi thảm ở Sudan, nơi đáng buồn sau nhiều tháng nội chiến không có lối thoát, cũng như hoàn cảnh của những người tị nạn ở Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi đã vui mừng được đến thăm hai quốc gia vừa kể vào đầu năm ngoái, như một dấu hiệu cho thấy sự gần gũi của tôi với những người dân đang đau khổ của họ, mặc dù trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới chính quyền của cả hai nước vì những nỗ lực của họ trong việc tổ chức những chuyến thăm này và vì lòng hiếu khách của họ. Cuộc hành trình của tôi đến Nam Sudan cũng mang hương vị đại kết, vì tôi được tham gia cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, như một dấu chỉ cam kết chung của các cộng đồng giáo hội của chúng ta đối với hòa bình và hòa giải.
Mặc dù không có chiến tranh công khai ở châu Mỹ, nhưng căng thẳng nghiêm trọng vẫn tồn tại giữa một số quốc gia, chẳng hạn như Venezuela và Guyana, trong khi ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Peru, chúng ta thấy có dấu hiệu phân cực làm tổn hại đến sự hài hòa xã hội và làm suy yếu thể chế dân chủ.
Tình hình ở Nicaragua vẫn còn rắc rối: một cuộc khủng hoảng kéo dài với những hậu quả đau đớn đối với toàn thể xã hội Nicaragua và đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo. Tòa Thánh tiếp tục khuyến khích một cuộc đối thoại ngoại giao tôn trọng vì lợi ích của người Công Giáo và toàn thể người dân.
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Trong bối cảnh mà tôi đã phác họa mà không có bất cứ cao vọng đầy đủ nào, chúng ta thấy một thế giới ngày càng bị xé nát, nhưng thậm chí còn hơn thế nữa, hàng triệu người - đàn ông, đàn bà, cha, mẹ, con cái- mà khuôn mặt của họ phần lớn chúng ta không biết đến, và thường xuyên bị làm ngơ.
Hơn nữa, các cuộc chiến tranh hiện đại không còn chỉ diễn ra trên những chiến trường được xác định rõ ràng, cũng không chỉ liên quan đến binh lính. Trong bối cảnh mà dường như sự khác biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự không còn được tôn trọng, thì không có cuộc xung đột nào mà không kết thúc bằng cách nào đó tấn công dân thường một cách bừa bãi. Các sự kiện ở Ukraine và Gaza là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Chúng ta không được quên rằng những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế là tội ác chiến tranh, và việc vạch mặt chúng là chưa đủ mà còn cần phải ngăn chặn chúng. Do đó, cần có nỗ lực lớn hơn từ phía cộng đồng quốc tế để bảo vệ và thực thi luật nhân đạo, vốn dường như là cách duy nhất để bảo đảm việc bảo vệ phẩm giá con người trong các tình huống chiến tranh.
Vào đầu năm nay, lời khuyên của Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes dường như đặc biệt hợp thời: “Về vấn đề chiến tranh, có nhiều công ước quốc tế khác nhau, được nhiều quốc gia ký kết, nhằm mục đích làm cho hành động quân sự và hậu quả của nó bớt vô nhân đạo hơn. … Những thỏa thuận này phải được tôn trọng; thực sự các cơ quan công quyền và chuyên gia trong những vấn đề này phải làm tất cả trong khả năng của họ để cải thiện những công ước này và do đó mang lại sự kiềm chế tốt hơn và hiệu quả hơn sự tàn khốc của chiến tranh”.[2]
Có lẽ chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn rằng nạn nhân dân sự không phải là “thiệt hại tài sản gián tiếp hàng ngang” mà là những người đàn ông, đàn bà, có họ tên, đang thiệt mạng. Họ là những đứa trẻ mồ côi và bị tước đoạt tương lai. Họ là những cá nhân phải chịu đói, khát và lạnh, hoặc bị què quặt do sức mạnh của chất nổ hiện đại. Nếu chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt từng người, gọi tên họ và tìm hiểu điều gì đó về lịch sử bản thân của họ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh thực sự là như thế nào: không gì khác hơn là một thảm kịch to lớn, một “cuộc tàn sát vô ích”,[ 3] một điều xúc phạm phẩm giá của mỗi con người trên trái đất này.
Tuy nhiên, các cuộc chiến vẫn có thể tiếp tục nhờ vào kho vũ khí khổng lồ sẵn có. Cần phải theo đuổi chính sách giải trừ vũ khí, vì thật là viển vông khi nghĩ rằng vũ khí có giá trị răn đe. Điều ngược lại mới đúng: sự sẵn có của vũ khí sẽ khuyến khích việc sử dụng chúng và tăng cường sản xuất chúng. Vũ khí tạo ra sự ngờ vực và chuyển hướng nguồn lực. Có bao nhiêu sinh mạng có thể được cứu với những nguồn tài nguyên mà ngày nay đang bị sử dụng sai mục đích cho vũ khí? Sẽ tốt hơn nếu đầu tư những nguồn lực đó để theo đuổi an ninh hoàn cầu thực sự? Những thách thức của thời đại chúng ta vượt qua biên giới, như chúng ta thấy từ hàng loạt cuộc khủng hoảng – về lương thực, môi trường, nền kinh tế và chăm sóc sức khỏe – đã đánh dấu sự khởi đầu của thế kỷ này. Ở đây tôi nhắc lại đề xuất của mình là thành lập một quỹ hoàn cầu để cuối cùng loại bỏ nạn đói[4] và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hành tinh.
Trong số những mối đe dọa do những công cụ giết người này gây ra, tôi không thể không nhắc đến những mối đe dọa do kho vũ khí hạt nhân tạo ra và sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt và tinh vi hơn. Ở đây, một lần nữa, tôi khẳng định sự vô đạo đức của việc sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân. Về vấn đề này, tôi bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể để khởi động lại Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn được gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran”, để đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để theo đuổi hòa bình, việc loại bỏ các phương tiện chiến tranh thôi thì chưa đủ; nguyên nhân gốc rễ của nó phải được loại bỏ. Đầu tiên trong số này là nạn đói, một tai họa tiếp tục gây đau khổ cho toàn bộ khu vực trên thế giới của chúng ta trong khi những khu vực khác lại bị đánh dấu bởi sự lãng phí lương thực khổng lồ. Sau đó là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm giàu cho một số ít người trong khi khiến toàn bộ người dân, những người được hưởng lợi tự nhiên từ các tài nguyên này, rơi vào tình trạng cơ cực và nghèo đói. Gắn liền với điều này là tình trạng bóc lột những người bị buộc phải làm việc với mức lương thấp và thiếu triển vọng thực sự để phát triển nghề nghiệp.
Nguyên nhân của xung đột còn bao gồm thiên tai và thảm họa môi trường. Chắc chắn có những thảm họa mà con người không thể kiểm soát được. Tôi nghĩ đến các trận động đất gần đây ở Maroc và Trung Quốc đã cướp đi hàng trăm nạn nhân, cũng như trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Syria, gây ra nhiều thương vong và tàn phá khủng khiếp. Tôi cũng nghĩ đến trận lũ lụt tấn công Derna ở Libya, đã phá hủy thành phố một cách hữu hiệu, nhất là vì sự sụp đổ đồng thời của hai con đập.
Tuy nhiên, cũng có những thảm họa do hoạt động của con người hoặc do sự thờ ơ của con người và góp phần nghiêm trọng vào cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, chẳng hạn như nạn phá rừng Amazon, “lá phổi xanh” của trái đất.
Khủng hoảng khí hậu và môi trường là chủ đề của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức vào tháng trước tại Dubai. Tôi rất tiếc vì không thể đích thân tham gia. Hội nghị bắt đầu cùng với thông báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới rằng năm 2023 là năm ấm nhất được ghi nhận so với 174 năm trước đó. Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi một phản ứng ngày càng cấp bách và sự tham gia đầy đủ của tất cả mọi người, bao gồm cả cộng đồng quốc tế nói chung.[5]
Việc thông qua văn kiện cuối cùng tại COP28 thể hiện một bước tiến đáng khích lệ; nó cho thấy rằng, trước nhiều cuộc khủng hoảng ngày nay, chủ nghĩa đa phương có thể được đổi mới thông qua việc quản lý vấn đề khí hậu hoàn cầu trong một thế giới nơi các vấn đề môi trường, xã hội và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tại COP28, rõ ràng là thập niên hiện tại rất quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc công trình sáng tạo và hòa bình “là những vấn đề cấp bách nhất và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.[6] Vì lý do này, tôi bày tỏ hy vọng rằng những gì được thông qua ở Dubai sẽ dẫn đến “sự tăng tốc mang tính quyết định của quá trình hoán cải sinh thái, thông qua các phương tiện… [cần] đạt được trong bốn lĩnh vực: hiệu năng năng lượng; các nguồn tài nguyên có thể tái tạo; việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục về lối sống ít phụ thuộc hơn vào loại nhiên liệu vừa kể.[7]
Chiến tranh, nghèo đói, việc ngược đãi ngôi nhà chung của chúng ta và việc liên tục khai thác tài nguyên, dẫn đến thiên tai, cũng khiến hàng ngàn người phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh. Trong cuộc hành trình, họ liều mạng dọc theo những tuyến đường nguy hiểm, như những tuyến đường xuyên qua sa mạc Sahara, trong rừng Darién ở biên giới giữa Colombia và Panama ở Trung Mỹ, ở phía bắc Mexico ở biên giới với Hoa Kỳ, và trên hết là trên biển Địa Trung Hải. Đáng buồn thay, trong mười năm qua, Địa Trung Hải đã trở thành một nghĩa trang lớn, khi những thảm kịch tiếp tục xảy ra do những kẻ buôn người vô lương tâm. Chúng ta đừng quên rằng con số lớn các nạn nhân bao gồm nhiều trẻ vị thành niên không có người đi cùng.
Thay vào đó, Địa Trung Hải phải là một phòng thí nghiệm hòa bình, “nơi mà các quốc gia và thực tại khác nhau có thể gặp nhau trên cơ sở tình người mà tất cả chúng ta đều chia sẻ”.[8] Tôi muốn nhấn mạnh điều này ở Marseille, trong chuyến tông du Rencontres Méditerranéennes (Gặp Gỡ Địa Trung Hải) và tôi biết ơn những người tổ chức và chính quyền Pháp đã biến chuyến đi đó thành khả hữu. Đối diện với một thảm kịch to lớn như vậy, cuối cùng chúng ta có thể dễ dàng khép kín trái tim mình, cố thủ trong nỗi sợ hãi về một “cuộc xâm lược”. Chúng ta nhanh chóng quên rằng chúng ta đang đối xử với những con người có khuôn mặt và tên tuổi, và chúng ta bỏ qua ơn gọi cụ thể của vùng này, vùng “biển của chúng ta” (mare nostrum), không phải là một ngôi mộ mà là nơi gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau giữa các cá nhân, các dân tộc và các nền văn hóa. Điều này không làm mất đi sự kiện này là việc di cư cần được qui định để chấp nhận, cổ vũ, đồng hành và hội nhập những người di cư, đồng thời tôn trọng văn hóa, sự nhạy cảm và an ninh của những dân tộc có trách nhiệm đối với việc chấp nhận và hội nhập đó. Tương tự, chúng ta cần nhấn mạnh đến quyền của mọi người được ở lại quê hương và nhu cầu tương ứng là tạo điều kiện để thực thi quyền này một cách hữu hiệu.
Khi đối diện với thách thức này, không quốc gia nào được để một mình, cũng như không quốc gia nào có thể nghĩ đến việc giải quyết vấn đề một cách cô lập, thông qua luật pháp hạn chế và đàn áp hơn được thông qua đôi khi dưới áp lực của sự sợ hãi hoặc để theo đuổi sự đồng thuận bầu cử. Về phương diện này, tôi hoan nghênh cam kết của Liên minh Châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp chung thông qua việc thông qua Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, đồng thời lưu ý một số hạn chế của nó, đặc biệt liên quan đến việc công nhận quyền tị nạn và nguy cơ bị giam giữ tùy tiện.
Kính thưa các Đại sứ,
Con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống, sự sống của mỗi con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, sự sống không thể bị đàn áp hoặc biến thành đối tượng buôn bán. Về vấn đề này, tôi thấy thật đáng trách về việc thực hành điều gọi là làm mẹ thay thế, một hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm giá của người phụ nữ và trẻ em, dựa trên việc khai thác những hoàn cảnh nhu cầu vật chất của người mẹ. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là nền tảng của một hợp đồng thương mại. Do đó, tôi bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực ngăn cấm thực hành này trên toàn thế giới. Trong mọi thời điểm hiện hữu của nó, sự sống con người phải được bảo tồn và bảo vệ; tuy nhiên tôi lưu ý với sự tiếc nuối, đặc biệt là ở phương Tây, sự lan rộng liên tục của một nền văn hóa sự chết, nhân danh lòng thương xót giả tạo, loại bỏ trẻ em, người già và người bệnh.
Con đường dẫn tới hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, phù hợp với công thức đơn giản nhưng rõ ràng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm. Những nguyên tắc này là hiển nhiên và được chấp nhận rộng rãi. Đáng tiếc là trong những thập niên gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa ra các quyền mới nhưng không hoàn toàn phù hợp với những quyền được xác định ban đầu và cũng không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Chúng đã dẫn đến những trường hợp thuộc địa hóa về mặt ý thức hệ, trong đó lý thuyết giới tính đóng vai trò trung tâm; điều vừa kể cực kỳ nguy hiểm vì trong chủ trương của mình, nó hủy bỏ những khác biệt nhằm biến mọi người thành bình đẳng như nhau. Những trường hợp thực dân hóa ý thức hệ này tỏ ra có hại và tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia, thay vì thúc đẩy hòa bình.
Mặt khác, đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế. Tình hình hiện nay cũng là kết quả của sự suy yếu của các cấu trúc ngoại giao đa phương nảy sinh sau Thế chiến thứ hai. Các tổ chức được thành lập để thúc đẩy an ninh, hòa bình và hợp tác không còn có khả năng đoàn kết tất cả các thành viên quanh một bàn thương nghị. Có nguy cơ xảy ra “thuyết đơn tử [monadology]” và chia rẽ thành các “câu lạc bộ” chỉ thừa nhận các quốc gia được coi là tương thích về mặt ý thức hệ. Ngay cả những cơ quan quan tâm đến ích chung và các vấn đề kỹ thuật, vốn đã tỏ ra hiệu quả cho đến nay, cũng có nguy cơ bị tê liệt do sự phân cực về ý thức hệ và sự bóc lột bởi các quốc gia riêng lẻ.
Để khởi động lại cam kết chung phục vụ hòa bình, cần phải khôi phục cội nguồn, tinh thần và các giá trị đã hình thành nên các tổ chức đó, đồng thời tính đến bối cảnh đã thay đổi và biểu lộ sự quan tâm đối với những người không cảm thấy được đại diện đầy đủ trong cơ cấu của các tổ chức quốc tế.
Chắc chắn, đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và khả năng biết lắng nghe, thế nhưng, khi những nỗ lực chân thành được thực hiện nhằm chấm dứt những bất đồng thì có thể đạt được những kết quả quan trọng. Một thí dụ xuất hiện trong đầu tôi là Thỏa thuận Belfast, còn được gọi là Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, được ký bởi chính phủ Anh và Ái Nhĩ Lan, được kỷ niệm 25 năm vào năm ngoái. Chấm dứt ba mươi năm xung đột bạo lực, nó có thể là một thí dụ để thúc đẩy và khuyến khích các nhà chức trách tin tưởng vào các tiến trình hòa bình, bất kể những khó khăn và hy sinh mà chúng vốn hàm chứa.
Con đường dẫn đến hòa bình là thông qua đối thoại chính trị và xã hội, vì đó là nền tảng cho sự chung sống dân sự trong một cộng đồng chính trị hiện đại. Năm 2024 sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử được tổ chức ở nhiều quốc gia. Bầu cử là một thời điểm quan trọng trong đời sống của bất cứ quốc gia nào, vì chúng cho phép mọi công dân có trách nhiệm lựa chọn người lãnh đạo của mình. Những lời của Đức Piô XII vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết: “Bày tỏ quan điểm riêng của mình về những nghĩa vụ và những hy sinh đặt lên họ; không bị buộc phải tuân theo trước khi được lắng nghe - đây là hai quyền của công dân được phát biểu trong nền dân chủ, như chính tên gọi của nó. Từ sự ổn định, hài hòa và những thành quả tốt đẹp được tạo ra bởi sự tiếp xúc này giữa người dân và chính quyền nhà nước, người ta có thể nhận ra liệu một nền dân chủ có thực sự lành mạnh và cân bằng hay không, đồng thời cảm nhận được sức sống và sự phát triển của nó”.[9]
Do đó, điều quan trọng là các công dân, đặc biệt là những người trẻ sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên, coi việc đóng góp vào việc thăng tiến ích chung thông qua việc tham gia bầu cử một cách tự do và có hiểu biết là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của họ. Về phần mình, chính trị phải luôn được hiểu không phải là chiếm đoạt quyền lực mà là “hình thức bác ái cao nhất”, [10] và do đó là phục vụ người lân cận trong cộng đồng địa phương hoặc quốc gia.
Con đường dẫn tới hòa bình cũng phải trải qua cuộc đối thoại liên tôn, vốn trước hết đòi hỏi phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tôn trọng các nhóm thiểu số. Chẳng hạn, thật đau lòng khi nhận thấy rằng ngày càng có nhiều quốc gia đang áp dụng các mô hình kiểm soát tập trung đối với tự do tôn giáo, đặc biệt là bằng việc sử dụng rộng rãi kỹ thuật. Ở những nơi khác, các cộng đồng tôn giáo thiểu số thường rơi vào hoàn cảnh ngày càng bấp bênh. Trong một số trường hợp, họ có nguy cơ tuyệt chủng do sự kết hợp của chủ nghĩa khủng bố, các cuộc tấn công vào di sản văn hóa của họ và các biện pháp tinh vi hơn như phổ biến luật chống cải đạo, thao túng các quy tắc bầu cử và hạn chế tài chính.
Điều đặc biệt quan tâm là sự gia tăng các hành vi bài Do Thái trong những tháng gần đây. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng tai họa này phải được loại bỏ khỏi xã hội, đặc biệt thông qua việc giáo dục tình huynh đệ và sự chấp nhận người khác.
Điều đáng lo ngại không kém là sự gia tăng các cuộc đàn áp và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu, đặc biệt trong mười năm qua. Đôi khi, điều này liên quan đến các trường hợp bất bạo động nhưng có ý nghĩa xã hội về việc dần dần bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ khỏi đời sống chính trị và xã hội và năng lượng cũng như khỏi việc thực thi một số nghề nghiệp, ngay cả ở những vùng đất có truyền thống Kitô giáo. Tổng cộng, hơn 360 triệu Kitô hữu trên khắp thế giới đang phải chịu sự phân biệt đối xử và đàn áp ở mức độ cao vì đức tin của họ, với ngày càng nhiều người trong số họ bị buộc phải rời bỏ quê hương.
Cuối cùng, con đường dẫn đến hòa bình phải thông qua giáo dục, vốn là phương tiện chính để đầu tư vào tương lai và giới trẻ. Tôi có những kỷ niệm sống động về việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới ở Bồ Đào Nha vào tháng 8 năm ngoái. Khi tôi nhắc lại lòng biết ơn của mình đối với các nhà chức trách Bồ Đào Nha, dân sự và tôn giáo, vì công việc khó khăn của họ trong việc tổ chức sự kiện này, tôi tiếp tục trân trọng cuộc gặp gỡ với hơn một triệu người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, tràn đầy nhiệt huyết và niềm say mê cuộc sống. Sự hiện diện của họ là một bài thánh ca tuyệt vời cho hòa bình và là một bằng chứng cho sự thật rằng “sự hiệp nhất lớn hơn xung đột” [11] và rằng “có thể xây dựng sự hiệp thông giữa những bất đồng” [12]
Trong thời gian gần đây, những thách thức mà các nhà giáo dục phải đối diện bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật mới một cách có đạo đức. Các kỹ thuật loại này có thể dễ dàng trở thành một phương tiện truyền bá sự chia rẽ hoặc dối trá, “tin giả”, nhưng chúng cũng đóng vai trò là nguồn gặp gỡ và trao đổi lẫn nhau, và là phương tiện quan trọng cho hòa bình. “Những tiến bộ đáng chú ý trong kỹ thuật thông tin mới, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, do đó mang đến những cơ hội đầy phấn chấn cũng như những rủi ro nghiêm trọng đối với việc theo đuổi công lý và sự hòa hợp giữa các dân tộc”.[13] Vì lý do này, tôi nghĩ điều quan trọng là dành Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay cho chủ đề trí khôn nhân tạo, một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới.
Điều thiết yếu là việc phát triển kỹ thuật phải diễn ra một cách có đạo đức và có trách nhiệm, tôn trọng vị trí trung tâm của nhân vị, mà vị trí của nó không bao giờ có thể bị thay thế bởi một thuật toán hay máy móc. “Phẩm giá vốn có của mỗi con người và tình huynh đệ gắn kết chúng ta trong tư cách thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất phải củng cố sự phát triển của các kỹ thuật mới và đóng vai trò làm tiêu chuẩn không thể tranh cãi để đánh giá chúng trước khi chúng được sử dụng, để tiến bộ kỹ thuật số có thể diễn ra một cách tôn trọng thích đáng đối với công lý và góp phần vào chính nghĩa hòa bình”.[14]
Do đó, cần phải có sự suy gẫm cẩn thận ở mọi bình diện, quốc gia và quốc tế, chính trị và xã hội, để đảm bảo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo vẫn phục vụ đàn ông lẫn đàn bà, thúc đẩy chứ không cản trở – đặc biệt là trong trường hợp giới trẻ – các mối quan hệ liên bản vị, một tinh thần huynh đệ lành mạnh, tư duy phê phán và khả năng phân định.
Về phương diện này, hai Hội nghị Ngoại giao của Tổ chức Sở hữu Trí thức Thế giới, sẽ diễn ra vào năm 2024 với sự tham gia của Tòa thánh trong tư cách một Quốc gia Thành viên, sẽ tỏ ra đặc biệt quan trọng. Theo quan điểm của Tòa Thánh, sở hữu trí thức chủ yếu hướng đến việc cổ vũ ích chung và không thể tách rời khỏi các yêu cầu đạo đức, kẻo nảy sinh những tình huống bất công và bóc lột quá mức. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ di sản di truyền của con người, bằng cách cấm các thực hành trái với phẩm giá con người, chẳng hạn như cấp bằng sáng chế cho vật liệu sinh học nhân bản và việc sinh vô tính các hữu thể nhân bản.
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Năm nay Giáo Hội đang chuẩn bị cho Năm Thánh sẽ bắt đầu vào lễ Giáng Sinh tới. Cách đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền Ý, cấp quốc gia và địa phương, vì những nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị cho Thành phố Rôma chào đón số lượng lớn người hành hương và giúp họ rút được hoa trái thiêng liêng từ kinh nghiệm của họ về Năm Thánh.
Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần một Năm Thánh. Giữa nhiều nguyên nhân đau khổ dẫn đến cảm giác tuyệt vọng không chỉ ở những người bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn trong toàn xã hội chúng ta; giữa những khó khăn mà giới trẻ của chúng ta phải trải qua, những người thay vì mơ về một tương lai tốt đẹp hơn lại thường cảm thấy bất lực và thất vọng; và giữa bóng tối của thế giới dường như đang lan rộng hơn là lùi xa này, Năm Thánh là một lời công bố rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân của Người và luôn luôn mở cửa cho Vương quốc của Người. Theo truyền thống Do Thái-Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng giúp chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa và hồng ân bình an của Người. Đó cũng là mùa của sự công chính, trong đó tội lỗi được tha thứ, sự hòa giải chiến thắng sự bất công, và trái đất được yên nghỉ. Đối với tất cả mọi người – Kitô hữu cũng như không Kitô hữu – Năm Thánh có thể là thời điểm mà gươm đao biến thành lưỡi cày, thời điểm mà một dân tộc sẽ không còn giơ gươm lên chống lại dân tộc khác, cũng như không còn học chiến tranh nữa (x. Is 2:4).
Anh chị em thân mến, đây là lời chúc chân thành của tôi dành cho mỗi người trong số quý vị, thưa các Đại sứ thân mến, cho gia đình và đồng nghiệp của quý vị cũng như cho những dân tộc mà quý vị đại diện.
Cảm ơn và chúc mừng năm mới tất cả quý vị!
______________________________
[1] Thông điệp phát thanh Giáng sinh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24 tháng 12 năm 1944.
[2] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes về Giáo hội trong thế giới hiện đại (7/12/1965), 79.
[3] Xem. BENEDICT XV, Thư gửi các nhà lãnh đạo các dân tộc hiếu chiến (1 tháng 8 năm 1917).
[4] Xem Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bạn xã hội (3 tháng 10 năm 2020), 262.
[5] Xem Tông huấn Laudate Deum gửi mọi người có thiện chí về cuộc khủng hoảng khí hậu (4 tháng 10 năm 2023).
[6] Bài phát biểu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 2 tháng 12 năm 2023.
[7] Như trên.
[8] Diễn văn bế mạc “Rencontres Méditerranéennes”, Marseille, 23 tháng 9 năm 2023, 1.
[9] Thông điệp Giáng sinh trên đài phát thanh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24 tháng 12 năm 1944.
[10] PIUS XI, Tiếp kiến các nhà lãnh đạo Liên đoàn Đại học Công Giáo, 18 tháng 12 năm 1927.
[11] Tông huấn Evangelii Gaudium về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (24 tháng 11 năm 2013), 228.
[12] Như trên.
[13] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024 (8 tháng 12 năm 2023), 1.
[14] Như trên, 2.
Sau lời giới thiệu của Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài Georges Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp tại Tòa thánh, Đức Giáo Hoàng đã có bài phát biểu sau đây:
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Tôi vui mừng được chào đón quý vị sáng nay và gửi lời chào riêng của tôi cũng như những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới. Một cách đặc biệt, tôi cảm ơn Ngài Đại sứ George Poulides, Trưởng đoàn Ngoại giao, vì những lời nói nhân ái, thể hiện một cách hùng hồn mối quan tâm của cộng đồng quốc tế vào đầu một năm mà chúng ta hy vọng là một năm hòa bình, nhưng thay vào đó đã lộ diện giữa những xung đột và chia rẽ.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một dịp thích hợp để tôi cảm ơn quý vị vì những nỗ lực của quý vị nhằm thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và các quốc gia tương ứng của quý vị. Năm ngoái, “gia đình ngoại giao” của chúng ta thậm chí còn trở nên lớn mạnh hơn nhờ việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Oman và việc bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên của nước này có mặt tại đây.
Ở đây tôi xin lưu ý rằng Tòa Thánh hiện đã bổ nhiệm một Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, sau khi ký kết thỏa thuận liên hệ về tư cách của Đại diện Giáo hoàng vào tháng 7 năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy ý định theo đuổi tiến trình đã được khởi xướng trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, cũng nhờ vào những liên hệ thường xuyên ở bình diện định chế và hợp tác với Giáo hội địa phương.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc phê chuẩn Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận ngày 24 tháng 9 năm 1998 giữa Tòa thánh và Kazakhstan về quan hệ hỗ tương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện và hoạt động của các cơ quan mục vụ ở quốc gia đó. Năm vừa qua cũng đánh dấu việc cử hành những ngày kỷ niệm quan trọng: kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Panama, kỷ niệm 70 năm quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran, 60 năm quan hệ với Hàn Quốc, và 50 năm quan hệ ngoại giao với Úc.
Kính thưa các Đại sứ,
Một chữ đặc biệt vang lên trong hai ngày lễ chính của Kitô giáo. Chúng ta nghe thấy điều đó trong bài hát của các thiên thần đã loan báo trong đêm Đấng Cứu Thế giáng sinh, và chúng ta nghe thấy điều đó một lần nữa trong lời chào của Chúa Giêsu phục sinh. Chữ đó là “hòa bình”. Hòa bình trước hết là một món quà của Thiên Chúa, vì chính Người đã để lại cho chúng ta sự bình an của Người (x. Ga 14: 27). Tuy nhiên, đó cũng là một trách nhiệm mà tất cả chúng ta phải mang vác: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình” (Mt 5:9). Phấn đấu cho hòa bình. Một chữ rất đơn giản nhưng lại rất đòi hỏi và giàu ý nghĩa. Hôm nay tôi muốn tập trung suy tư của chúng ta về hòa bình, vào một thời điểm trong lịch sử khi nó ngày càng bị đe dọa, suy yếu và một phần bị mất đi. Về vấn đề này, trách nhiệm của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế là trở thành tiếng nói tiên tri và kêu gọi lương tâm.
Vào đêm Giáng sinh năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã gửi một Thông điệp vô tuyến đáng nhớ tới các dân tộc trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc sau hơn 5 năm xung đột và nhân loại cảm nhận được – theo cách nói của Đức Giáo Hoàng– “một ý chí rõ ràng và vững chắc hơn bao giờ hết: biến cuộc chiến tranh thế giới này, biến biến động hoàn cầu này thành điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới được đánh dấu bằng sự đổi mới sâu xa”.[1] Khoảng 80 năm sau, động lực cho “sự đổi mới sâu xa” đó dường như đã rút đi và thế giới của chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột đang dần biến điều mà tôi thường gọi là “một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần” thành một cuộc xung đột hoàn cầu thực sự.
Ở đây, trước sự hiện diện của quý vị, tôi không thể không nhắc lại mối quan tâm sâu xa của tôi đối với các sự kiện đang diễn ra ở Palestine và Israel. Tất cả chúng ta vẫn còn bị sốc trước cuộc tấn công vào người dân Israel ngày 7 tháng 10, trong đó rất nhiều người vô tội bị thương, bị tra tấn và sát hại khủng khiếp, và nhiều người bị bắt làm con tin. Tôi nhắc lại sự lên án của mình đối với hành động này và mọi trường hợp khủng bố và cực đoan. Đây không phải là cách giải quyết tranh chấp giữa các dân tộc; những tranh chấp đó chỉ càng trầm trọng hơn, gây đau khổ cho mọi người. Quả thực, cuộc tấn công đã gây ra phản ứng quân sự mạnh mẽ của Israel ở Gaza, dẫn đến cái chết của hàng chục nghìn người Palestine, chủ yếu là dân thường, trong đó có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em, đồng thời gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đặc biệt nghiêm trọng và những đau khổ không thể tưởng tượng được.
Với tất cả các bên liên quan, tôi nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn trên mọi mặt trận, bao gồm cả Lebanon và giải phóng ngay lập tức tất cả các con tin bị giam giữ ở Gaza. Tôi yêu cầu người dân Palestine nhận được viện trợ nhân đạo và các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng nhận được mọi sự bảo vệ cần thiết.
Tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ quyết tâm theo đuổi giải pháp cho hai quốc gia, một Israel và một Palestine, cũng như một quy chế đặc biệt được quốc tế đảm bảo cho Thành phố Jerusalem, để người Israel và người Palestine cuối cùng có thể sống trong hòa bình và an ninh.
Cuộc xung đột hiện nay ở Gaza càng làm mất ổn định thêm khu vực mong manh và đầy căng thẳng. Đặc biệt, chúng ta không thể quên người dân Syria, đang sống trong tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị trầm trọng hơn sau trận động đất hồi tháng Hai năm ngoái. Mong cộng đồng quốc tế khuyến khích các bên liên quan thực hiện một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và nghiêm túc cũng như tìm kiếm các giải pháp mới, để người dân Syria không còn phải chịu đau khổ do các lệnh trừng phạt quốc tế nữa.
Ngoài ra, tôi bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đối với hàng triệu người tị nạn Syria vẫn còn hiện diện ở các nước láng giềng như Jordan và Lebanon.
Tôi đặc biệt nghĩ đến người dân Lebanon thân yêu và bày tỏ mối quan tâm của tôi đối với tình hình kinh tế và xã hội mà họ đang trải qua. Tôi hy vọng rằng tình trạng bế tắc về định chế vốn càng đè nặng thêm lên họ sẽ được giải quyết và Vùng đất Tuyết tùng (Cedars) sẽ sớm có Tổng thống.
Vẫn về lục địa Á Châu, tôi cũng kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến Myanmar và khẩn cầu rằng mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để mang lại niềm hy vọng cho vùng đất này và một tương lai xứng đáng cho giới trẻ của nó, đồng thời không bỏ qua tình trạng nhân đạo khẩn cấp mà người Rohingya tiếp tục trải qua.
Bên cạnh những tình huống phức tạp này, cũng có những dấu hiệu hy vọng, như tôi đã trải nghiệm được trong chuyến hành trình đến Mông Cổ, với chính quyền của họ, một lần nữa tôi bày tỏ lòng biết ơn vì sự đón tiếp của họ. Tôi cũng muốn cảm ơn chính quyền Hungary vì sự hiếu khách mà tôi đã nhận được trong chuyến thăm đất nước này vào tháng 4 năm ngoái. Đó là một cuộc hành trình vào trung tâm Châu Âu, giàu lịch sử và văn hóa, nơi tôi cảm nhận được tình cảm của nhiều người, nhưng cũng cảm nhận được sự gần gũi một cuộc xung đột mà chúng ta coi là không thể tưởng tượng được ở Châu Âu của thế kỷ XXI.
Đáng buồn thay, sau gần hai năm chiến tranh quy mô lớn do Liên bang Nga tiến hành chống lại Ukraine, nền hòa bình vô cùng mong muốn vẫn chưa thể bén rễ trong tâm trí, bất chấp số lượng nạn nhân rất lớn và sự tàn phá nặng nề. Người ta không thể cho phép sự tồn tại dai dẳng của một cuộc xung đột tiếp tục lan rộng, gây tổn hại cho hàng triệu người; cần phải chấm dứt thảm kịch hiện nay thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tôi cũng bày tỏ mối quan ngại của mình đối với tình hình căng thẳng ở Nam dẫy Caucasus giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi các bên tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình. Điều cấp bách là phải tìm ra giải pháp cho tình hình nhân đạo bi thảm của những người sống trong khu vực đó, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho những người tị nạn trở về quê hương của họ một cách hợp pháp và an ninh cũng như tôn trọng những nơi thờ phượng của các tôn giáo khác nhau hiện diện ở đó. Những bước đi này sẽ góp phần xây dựng bầu không khí tin cậy giữa hai nước, hướng tới nền hòa bình vô cùng mong muốn.
Hướng ánh nhìn về Châu Phi, chúng ta đang chứng kiến sự đau khổ của hàng triệu người do vô số cuộc khủng hoảng nhân đạo mà nhiều quốc gia vùng cận Sahara phải trải qua do chủ nghĩa khủng bố quốc tế, các vấn đề chính trị xã hội phức tạp và những tác động tàn khốc do biến đổi khí hậu gây ra. Thêm vào đó là những ảnh hưởng của các cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra ở một số quốc gia và một số quy trình bầu cử được đánh dấu bằng tham nhũng, đe dọa và bạo lực.
Đồng thời, tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình về những nỗ lực nghiêm túc từ phía tất cả những người tham gia vào việc áp dụng Thỏa thuận Pretoria tháng 11 năm 2022 nhằm chấm dứt tình trạng thù địch ở Tigray. Tương tự như vậy, để theo đuổi các giải pháp chuyên biệt cho những căng thẳng và bạo lực đang tấn công Ethiopia, cũng như cho cuộc đối thoại, hòa bình và ổn định giữa các quốc gia vùng Sừng Châu Phi.
Tôi cũng muốn nhắc đến những biến cố bi thảm ở Sudan, nơi đáng buồn sau nhiều tháng nội chiến không có lối thoát, cũng như hoàn cảnh của những người tị nạn ở Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Tôi đã vui mừng được đến thăm hai quốc gia vừa kể vào đầu năm ngoái, như một dấu hiệu cho thấy sự gần gũi của tôi với những người dân đang đau khổ của họ, mặc dù trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới chính quyền của cả hai nước vì những nỗ lực của họ trong việc tổ chức những chuyến thăm này và vì lòng hiếu khách của họ. Cuộc hành trình của tôi đến Nam Sudan cũng mang hương vị đại kết, vì tôi được tham gia cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Vị điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, như một dấu chỉ cam kết chung của các cộng đồng giáo hội của chúng ta đối với hòa bình và hòa giải.
Mặc dù không có chiến tranh công khai ở châu Mỹ, nhưng căng thẳng nghiêm trọng vẫn tồn tại giữa một số quốc gia, chẳng hạn như Venezuela và Guyana, trong khi ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Peru, chúng ta thấy có dấu hiệu phân cực làm tổn hại đến sự hài hòa xã hội và làm suy yếu thể chế dân chủ.
Tình hình ở Nicaragua vẫn còn rắc rối: một cuộc khủng hoảng kéo dài với những hậu quả đau đớn đối với toàn thể xã hội Nicaragua và đặc biệt đối với Giáo Hội Công Giáo. Tòa Thánh tiếp tục khuyến khích một cuộc đối thoại ngoại giao tôn trọng vì lợi ích của người Công Giáo và toàn thể người dân.
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Trong bối cảnh mà tôi đã phác họa mà không có bất cứ cao vọng đầy đủ nào, chúng ta thấy một thế giới ngày càng bị xé nát, nhưng thậm chí còn hơn thế nữa, hàng triệu người - đàn ông, đàn bà, cha, mẹ, con cái- mà khuôn mặt của họ phần lớn chúng ta không biết đến, và thường xuyên bị làm ngơ.
Hơn nữa, các cuộc chiến tranh hiện đại không còn chỉ diễn ra trên những chiến trường được xác định rõ ràng, cũng không chỉ liên quan đến binh lính. Trong bối cảnh mà dường như sự khác biệt giữa các mục tiêu quân sự và dân sự không còn được tôn trọng, thì không có cuộc xung đột nào mà không kết thúc bằng cách nào đó tấn công dân thường một cách bừa bãi. Các sự kiện ở Ukraine và Gaza là bằng chứng rõ ràng cho điều này. Chúng ta không được quên rằng những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế là tội ác chiến tranh, và việc vạch mặt chúng là chưa đủ mà còn cần phải ngăn chặn chúng. Do đó, cần có nỗ lực lớn hơn từ phía cộng đồng quốc tế để bảo vệ và thực thi luật nhân đạo, vốn dường như là cách duy nhất để bảo đảm việc bảo vệ phẩm giá con người trong các tình huống chiến tranh.
Vào đầu năm nay, lời khuyên của Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes dường như đặc biệt hợp thời: “Về vấn đề chiến tranh, có nhiều công ước quốc tế khác nhau, được nhiều quốc gia ký kết, nhằm mục đích làm cho hành động quân sự và hậu quả của nó bớt vô nhân đạo hơn. … Những thỏa thuận này phải được tôn trọng; thực sự các cơ quan công quyền và chuyên gia trong những vấn đề này phải làm tất cả trong khả năng của họ để cải thiện những công ước này và do đó mang lại sự kiềm chế tốt hơn và hiệu quả hơn sự tàn khốc của chiến tranh”.[2]
Có lẽ chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn rằng nạn nhân dân sự không phải là “thiệt hại tài sản gián tiếp hàng ngang” mà là những người đàn ông, đàn bà, có họ tên, đang thiệt mạng. Họ là những đứa trẻ mồ côi và bị tước đoạt tương lai. Họ là những cá nhân phải chịu đói, khát và lạnh, hoặc bị què quặt do sức mạnh của chất nổ hiện đại. Nếu chúng ta có thể nhìn thẳng vào mắt từng người, gọi tên họ và tìm hiểu điều gì đó về lịch sử bản thân của họ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh thực sự là như thế nào: không gì khác hơn là một thảm kịch to lớn, một “cuộc tàn sát vô ích”,[ 3] một điều xúc phạm phẩm giá của mỗi con người trên trái đất này.
Tuy nhiên, các cuộc chiến vẫn có thể tiếp tục nhờ vào kho vũ khí khổng lồ sẵn có. Cần phải theo đuổi chính sách giải trừ vũ khí, vì thật là viển vông khi nghĩ rằng vũ khí có giá trị răn đe. Điều ngược lại mới đúng: sự sẵn có của vũ khí sẽ khuyến khích việc sử dụng chúng và tăng cường sản xuất chúng. Vũ khí tạo ra sự ngờ vực và chuyển hướng nguồn lực. Có bao nhiêu sinh mạng có thể được cứu với những nguồn tài nguyên mà ngày nay đang bị sử dụng sai mục đích cho vũ khí? Sẽ tốt hơn nếu đầu tư những nguồn lực đó để theo đuổi an ninh hoàn cầu thực sự? Những thách thức của thời đại chúng ta vượt qua biên giới, như chúng ta thấy từ hàng loạt cuộc khủng hoảng – về lương thực, môi trường, nền kinh tế và chăm sóc sức khỏe – đã đánh dấu sự khởi đầu của thế kỷ này. Ở đây tôi nhắc lại đề xuất của mình là thành lập một quỹ hoàn cầu để cuối cùng loại bỏ nạn đói[4] và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hành tinh.
Trong số những mối đe dọa do những công cụ giết người này gây ra, tôi không thể không nhắc đến những mối đe dọa do kho vũ khí hạt nhân tạo ra và sự phát triển của các loại vũ khí hủy diệt và tinh vi hơn. Ở đây, một lần nữa, tôi khẳng định sự vô đạo đức của việc sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân. Về vấn đề này, tôi bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong thời gian sớm nhất có thể để khởi động lại Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay còn được gọi là “Thỏa thuận hạt nhân Iran”, để đảm bảo một tương lai an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, để theo đuổi hòa bình, việc loại bỏ các phương tiện chiến tranh thôi thì chưa đủ; nguyên nhân gốc rễ của nó phải được loại bỏ. Đầu tiên trong số này là nạn đói, một tai họa tiếp tục gây đau khổ cho toàn bộ khu vực trên thế giới của chúng ta trong khi những khu vực khác lại bị đánh dấu bởi sự lãng phí lương thực khổng lồ. Sau đó là việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm giàu cho một số ít người trong khi khiến toàn bộ người dân, những người được hưởng lợi tự nhiên từ các tài nguyên này, rơi vào tình trạng cơ cực và nghèo đói. Gắn liền với điều này là tình trạng bóc lột những người bị buộc phải làm việc với mức lương thấp và thiếu triển vọng thực sự để phát triển nghề nghiệp.
Nguyên nhân của xung đột còn bao gồm thiên tai và thảm họa môi trường. Chắc chắn có những thảm họa mà con người không thể kiểm soát được. Tôi nghĩ đến các trận động đất gần đây ở Maroc và Trung Quốc đã cướp đi hàng trăm nạn nhân, cũng như trận động đất nghiêm trọng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Syria, gây ra nhiều thương vong và tàn phá khủng khiếp. Tôi cũng nghĩ đến trận lũ lụt tấn công Derna ở Libya, đã phá hủy thành phố một cách hữu hiệu, nhất là vì sự sụp đổ đồng thời của hai con đập.
Tuy nhiên, cũng có những thảm họa do hoạt động của con người hoặc do sự thờ ơ của con người và góp phần nghiêm trọng vào cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, chẳng hạn như nạn phá rừng Amazon, “lá phổi xanh” của trái đất.
Khủng hoảng khí hậu và môi trường là chủ đề của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức vào tháng trước tại Dubai. Tôi rất tiếc vì không thể đích thân tham gia. Hội nghị bắt đầu cùng với thông báo của Tổ chức Khí tượng Thế giới rằng năm 2023 là năm ấm nhất được ghi nhận so với 174 năm trước đó. Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi một phản ứng ngày càng cấp bách và sự tham gia đầy đủ của tất cả mọi người, bao gồm cả cộng đồng quốc tế nói chung.[5]
Việc thông qua văn kiện cuối cùng tại COP28 thể hiện một bước tiến đáng khích lệ; nó cho thấy rằng, trước nhiều cuộc khủng hoảng ngày nay, chủ nghĩa đa phương có thể được đổi mới thông qua việc quản lý vấn đề khí hậu hoàn cầu trong một thế giới nơi các vấn đề môi trường, xã hội và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tại COP28, rõ ràng là thập niên hiện tại rất quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc công trình sáng tạo và hòa bình “là những vấn đề cấp bách nhất và chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.[6] Vì lý do này, tôi bày tỏ hy vọng rằng những gì được thông qua ở Dubai sẽ dẫn đến “sự tăng tốc mang tính quyết định của quá trình hoán cải sinh thái, thông qua các phương tiện… [cần] đạt được trong bốn lĩnh vực: hiệu năng năng lượng; các nguồn tài nguyên có thể tái tạo; việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục về lối sống ít phụ thuộc hơn vào loại nhiên liệu vừa kể.[7]
Chiến tranh, nghèo đói, việc ngược đãi ngôi nhà chung của chúng ta và việc liên tục khai thác tài nguyên, dẫn đến thiên tai, cũng khiến hàng ngàn người phải rời bỏ quê hương để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh. Trong cuộc hành trình, họ liều mạng dọc theo những tuyến đường nguy hiểm, như những tuyến đường xuyên qua sa mạc Sahara, trong rừng Darién ở biên giới giữa Colombia và Panama ở Trung Mỹ, ở phía bắc Mexico ở biên giới với Hoa Kỳ, và trên hết là trên biển Địa Trung Hải. Đáng buồn thay, trong mười năm qua, Địa Trung Hải đã trở thành một nghĩa trang lớn, khi những thảm kịch tiếp tục xảy ra do những kẻ buôn người vô lương tâm. Chúng ta đừng quên rằng con số lớn các nạn nhân bao gồm nhiều trẻ vị thành niên không có người đi cùng.
Thay vào đó, Địa Trung Hải phải là một phòng thí nghiệm hòa bình, “nơi mà các quốc gia và thực tại khác nhau có thể gặp nhau trên cơ sở tình người mà tất cả chúng ta đều chia sẻ”.[8] Tôi muốn nhấn mạnh điều này ở Marseille, trong chuyến tông du Rencontres Méditerranéennes (Gặp Gỡ Địa Trung Hải) và tôi biết ơn những người tổ chức và chính quyền Pháp đã biến chuyến đi đó thành khả hữu. Đối diện với một thảm kịch to lớn như vậy, cuối cùng chúng ta có thể dễ dàng khép kín trái tim mình, cố thủ trong nỗi sợ hãi về một “cuộc xâm lược”. Chúng ta nhanh chóng quên rằng chúng ta đang đối xử với những con người có khuôn mặt và tên tuổi, và chúng ta bỏ qua ơn gọi cụ thể của vùng này, vùng “biển của chúng ta” (mare nostrum), không phải là một ngôi mộ mà là nơi gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau giữa các cá nhân, các dân tộc và các nền văn hóa. Điều này không làm mất đi sự kiện này là việc di cư cần được qui định để chấp nhận, cổ vũ, đồng hành và hội nhập những người di cư, đồng thời tôn trọng văn hóa, sự nhạy cảm và an ninh của những dân tộc có trách nhiệm đối với việc chấp nhận và hội nhập đó. Tương tự, chúng ta cần nhấn mạnh đến quyền của mọi người được ở lại quê hương và nhu cầu tương ứng là tạo điều kiện để thực thi quyền này một cách hữu hiệu.
Khi đối diện với thách thức này, không quốc gia nào được để một mình, cũng như không quốc gia nào có thể nghĩ đến việc giải quyết vấn đề một cách cô lập, thông qua luật pháp hạn chế và đàn áp hơn được thông qua đôi khi dưới áp lực của sự sợ hãi hoặc để theo đuổi sự đồng thuận bầu cử. Về phương diện này, tôi hoan nghênh cam kết của Liên minh Châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp chung thông qua việc thông qua Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, đồng thời lưu ý một số hạn chế của nó, đặc biệt liên quan đến việc công nhận quyền tị nạn và nguy cơ bị giam giữ tùy tiện.
Kính thưa các Đại sứ,
Con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống, sự sống của mỗi con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, sự sống không thể bị đàn áp hoặc biến thành đối tượng buôn bán. Về vấn đề này, tôi thấy thật đáng trách về việc thực hành điều gọi là làm mẹ thay thế, một hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm giá của người phụ nữ và trẻ em, dựa trên việc khai thác những hoàn cảnh nhu cầu vật chất của người mẹ. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là nền tảng của một hợp đồng thương mại. Do đó, tôi bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực ngăn cấm thực hành này trên toàn thế giới. Trong mọi thời điểm hiện hữu của nó, sự sống con người phải được bảo tồn và bảo vệ; tuy nhiên tôi lưu ý với sự tiếc nuối, đặc biệt là ở phương Tây, sự lan rộng liên tục của một nền văn hóa sự chết, nhân danh lòng thương xót giả tạo, loại bỏ trẻ em, người già và người bệnh.
Con đường dẫn tới hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng nhân quyền, phù hợp với công thức đơn giản nhưng rõ ràng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà chúng ta vừa kỷ niệm 75 năm. Những nguyên tắc này là hiển nhiên và được chấp nhận rộng rãi. Đáng tiếc là trong những thập niên gần đây đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa ra các quyền mới nhưng không hoàn toàn phù hợp với những quyền được xác định ban đầu và cũng không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Chúng đã dẫn đến những trường hợp thuộc địa hóa về mặt ý thức hệ, trong đó lý thuyết giới tính đóng vai trò trung tâm; điều vừa kể cực kỳ nguy hiểm vì trong chủ trương của mình, nó hủy bỏ những khác biệt nhằm biến mọi người thành bình đẳng như nhau. Những trường hợp thực dân hóa ý thức hệ này tỏ ra có hại và tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia, thay vì thúc đẩy hòa bình.
Mặt khác, đối thoại phải là linh hồn của cộng đồng quốc tế. Tình hình hiện nay cũng là kết quả của sự suy yếu của các cấu trúc ngoại giao đa phương nảy sinh sau Thế chiến thứ hai. Các tổ chức được thành lập để thúc đẩy an ninh, hòa bình và hợp tác không còn có khả năng đoàn kết tất cả các thành viên quanh một bàn thương nghị. Có nguy cơ xảy ra “thuyết đơn tử [monadology]” và chia rẽ thành các “câu lạc bộ” chỉ thừa nhận các quốc gia được coi là tương thích về mặt ý thức hệ. Ngay cả những cơ quan quan tâm đến ích chung và các vấn đề kỹ thuật, vốn đã tỏ ra hiệu quả cho đến nay, cũng có nguy cơ bị tê liệt do sự phân cực về ý thức hệ và sự bóc lột bởi các quốc gia riêng lẻ.
Để khởi động lại cam kết chung phục vụ hòa bình, cần phải khôi phục cội nguồn, tinh thần và các giá trị đã hình thành nên các tổ chức đó, đồng thời tính đến bối cảnh đã thay đổi và biểu lộ sự quan tâm đối với những người không cảm thấy được đại diện đầy đủ trong cơ cấu của các tổ chức quốc tế.
Chắc chắn, đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì và khả năng biết lắng nghe, thế nhưng, khi những nỗ lực chân thành được thực hiện nhằm chấm dứt những bất đồng thì có thể đạt được những kết quả quan trọng. Một thí dụ xuất hiện trong đầu tôi là Thỏa thuận Belfast, còn được gọi là Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, được ký bởi chính phủ Anh và Ái Nhĩ Lan, được kỷ niệm 25 năm vào năm ngoái. Chấm dứt ba mươi năm xung đột bạo lực, nó có thể là một thí dụ để thúc đẩy và khuyến khích các nhà chức trách tin tưởng vào các tiến trình hòa bình, bất kể những khó khăn và hy sinh mà chúng vốn hàm chứa.
Con đường dẫn đến hòa bình là thông qua đối thoại chính trị và xã hội, vì đó là nền tảng cho sự chung sống dân sự trong một cộng đồng chính trị hiện đại. Năm 2024 sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử được tổ chức ở nhiều quốc gia. Bầu cử là một thời điểm quan trọng trong đời sống của bất cứ quốc gia nào, vì chúng cho phép mọi công dân có trách nhiệm lựa chọn người lãnh đạo của mình. Những lời của Đức Piô XII vẫn còn hợp thời hơn bao giờ hết: “Bày tỏ quan điểm riêng của mình về những nghĩa vụ và những hy sinh đặt lên họ; không bị buộc phải tuân theo trước khi được lắng nghe - đây là hai quyền của công dân được phát biểu trong nền dân chủ, như chính tên gọi của nó. Từ sự ổn định, hài hòa và những thành quả tốt đẹp được tạo ra bởi sự tiếp xúc này giữa người dân và chính quyền nhà nước, người ta có thể nhận ra liệu một nền dân chủ có thực sự lành mạnh và cân bằng hay không, đồng thời cảm nhận được sức sống và sự phát triển của nó”.[9]
Do đó, điều quan trọng là các công dân, đặc biệt là những người trẻ sẽ bỏ phiếu lần đầu tiên, coi việc đóng góp vào việc thăng tiến ích chung thông qua việc tham gia bầu cử một cách tự do và có hiểu biết là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của họ. Về phần mình, chính trị phải luôn được hiểu không phải là chiếm đoạt quyền lực mà là “hình thức bác ái cao nhất”, [10] và do đó là phục vụ người lân cận trong cộng đồng địa phương hoặc quốc gia.
Con đường dẫn tới hòa bình cũng phải trải qua cuộc đối thoại liên tôn, vốn trước hết đòi hỏi phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tôn trọng các nhóm thiểu số. Chẳng hạn, thật đau lòng khi nhận thấy rằng ngày càng có nhiều quốc gia đang áp dụng các mô hình kiểm soát tập trung đối với tự do tôn giáo, đặc biệt là bằng việc sử dụng rộng rãi kỹ thuật. Ở những nơi khác, các cộng đồng tôn giáo thiểu số thường rơi vào hoàn cảnh ngày càng bấp bênh. Trong một số trường hợp, họ có nguy cơ tuyệt chủng do sự kết hợp của chủ nghĩa khủng bố, các cuộc tấn công vào di sản văn hóa của họ và các biện pháp tinh vi hơn như phổ biến luật chống cải đạo, thao túng các quy tắc bầu cử và hạn chế tài chính.
Điều đặc biệt quan tâm là sự gia tăng các hành vi bài Do Thái trong những tháng gần đây. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại rằng tai họa này phải được loại bỏ khỏi xã hội, đặc biệt thông qua việc giáo dục tình huynh đệ và sự chấp nhận người khác.
Điều đáng lo ngại không kém là sự gia tăng các cuộc đàn áp và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu, đặc biệt trong mười năm qua. Đôi khi, điều này liên quan đến các trường hợp bất bạo động nhưng có ý nghĩa xã hội về việc dần dần bị gạt ra ngoài lề và bị loại trừ khỏi đời sống chính trị và xã hội và năng lượng cũng như khỏi việc thực thi một số nghề nghiệp, ngay cả ở những vùng đất có truyền thống Kitô giáo. Tổng cộng, hơn 360 triệu Kitô hữu trên khắp thế giới đang phải chịu sự phân biệt đối xử và đàn áp ở mức độ cao vì đức tin của họ, với ngày càng nhiều người trong số họ bị buộc phải rời bỏ quê hương.
Cuối cùng, con đường dẫn đến hòa bình phải thông qua giáo dục, vốn là phương tiện chính để đầu tư vào tương lai và giới trẻ. Tôi có những kỷ niệm sống động về việc cử hành Ngày Giới trẻ Thế giới ở Bồ Đào Nha vào tháng 8 năm ngoái. Khi tôi nhắc lại lòng biết ơn của mình đối với các nhà chức trách Bồ Đào Nha, dân sự và tôn giáo, vì công việc khó khăn của họ trong việc tổ chức sự kiện này, tôi tiếp tục trân trọng cuộc gặp gỡ với hơn một triệu người trẻ từ khắp nơi trên thế giới, tràn đầy nhiệt huyết và niềm say mê cuộc sống. Sự hiện diện của họ là một bài thánh ca tuyệt vời cho hòa bình và là một bằng chứng cho sự thật rằng “sự hiệp nhất lớn hơn xung đột” [11] và rằng “có thể xây dựng sự hiệp thông giữa những bất đồng” [12]
Trong thời gian gần đây, những thách thức mà các nhà giáo dục phải đối diện bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật mới một cách có đạo đức. Các kỹ thuật loại này có thể dễ dàng trở thành một phương tiện truyền bá sự chia rẽ hoặc dối trá, “tin giả”, nhưng chúng cũng đóng vai trò là nguồn gặp gỡ và trao đổi lẫn nhau, và là phương tiện quan trọng cho hòa bình. “Những tiến bộ đáng chú ý trong kỹ thuật thông tin mới, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số, do đó mang đến những cơ hội đầy phấn chấn cũng như những rủi ro nghiêm trọng đối với việc theo đuổi công lý và sự hòa hợp giữa các dân tộc”.[13] Vì lý do này, tôi nghĩ điều quan trọng là dành Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm nay cho chủ đề trí khôn nhân tạo, một trong những thách thức quan trọng nhất trong những năm tới.
Điều thiết yếu là việc phát triển kỹ thuật phải diễn ra một cách có đạo đức và có trách nhiệm, tôn trọng vị trí trung tâm của nhân vị, mà vị trí của nó không bao giờ có thể bị thay thế bởi một thuật toán hay máy móc. “Phẩm giá vốn có của mỗi con người và tình huynh đệ gắn kết chúng ta trong tư cách thành viên của một gia đình nhân loại duy nhất phải củng cố sự phát triển của các kỹ thuật mới và đóng vai trò làm tiêu chuẩn không thể tranh cãi để đánh giá chúng trước khi chúng được sử dụng, để tiến bộ kỹ thuật số có thể diễn ra một cách tôn trọng thích đáng đối với công lý và góp phần vào chính nghĩa hòa bình”.[14]
Do đó, cần phải có sự suy gẫm cẩn thận ở mọi bình diện, quốc gia và quốc tế, chính trị và xã hội, để đảm bảo rằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo vẫn phục vụ đàn ông lẫn đàn bà, thúc đẩy chứ không cản trở – đặc biệt là trong trường hợp giới trẻ – các mối quan hệ liên bản vị, một tinh thần huynh đệ lành mạnh, tư duy phê phán và khả năng phân định.
Về phương diện này, hai Hội nghị Ngoại giao của Tổ chức Sở hữu Trí thức Thế giới, sẽ diễn ra vào năm 2024 với sự tham gia của Tòa thánh trong tư cách một Quốc gia Thành viên, sẽ tỏ ra đặc biệt quan trọng. Theo quan điểm của Tòa Thánh, sở hữu trí thức chủ yếu hướng đến việc cổ vũ ích chung và không thể tách rời khỏi các yêu cầu đạo đức, kẻo nảy sinh những tình huống bất công và bóc lột quá mức. Cần phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ di sản di truyền của con người, bằng cách cấm các thực hành trái với phẩm giá con người, chẳng hạn như cấp bằng sáng chế cho vật liệu sinh học nhân bản và việc sinh vô tính các hữu thể nhân bản.
Thưa quý vị, thưa quý bà và quý ông,
Năm nay Giáo Hội đang chuẩn bị cho Năm Thánh sẽ bắt đầu vào lễ Giáng Sinh tới. Cách đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền Ý, cấp quốc gia và địa phương, vì những nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị cho Thành phố Rôma chào đón số lượng lớn người hành hương và giúp họ rút được hoa trái thiêng liêng từ kinh nghiệm của họ về Năm Thánh.
Ngày nay, có lẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần một Năm Thánh. Giữa nhiều nguyên nhân đau khổ dẫn đến cảm giác tuyệt vọng không chỉ ở những người bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn trong toàn xã hội chúng ta; giữa những khó khăn mà giới trẻ của chúng ta phải trải qua, những người thay vì mơ về một tương lai tốt đẹp hơn lại thường cảm thấy bất lực và thất vọng; và giữa bóng tối của thế giới dường như đang lan rộng hơn là lùi xa này, Năm Thánh là một lời công bố rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân của Người và luôn luôn mở cửa cho Vương quốc của Người. Theo truyền thống Do Thái-Kitô giáo, Năm Thánh là mùa ân sủng giúp chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa và hồng ân bình an của Người. Đó cũng là mùa của sự công chính, trong đó tội lỗi được tha thứ, sự hòa giải chiến thắng sự bất công, và trái đất được yên nghỉ. Đối với tất cả mọi người – Kitô hữu cũng như không Kitô hữu – Năm Thánh có thể là thời điểm mà gươm đao biến thành lưỡi cày, thời điểm mà một dân tộc sẽ không còn giơ gươm lên chống lại dân tộc khác, cũng như không còn học chiến tranh nữa (x. Is 2:4).
Anh chị em thân mến, đây là lời chúc chân thành của tôi dành cho mỗi người trong số quý vị, thưa các Đại sứ thân mến, cho gia đình và đồng nghiệp của quý vị cũng như cho những dân tộc mà quý vị đại diện.
Cảm ơn và chúc mừng năm mới tất cả quý vị!
______________________________
[1] Thông điệp phát thanh Giáng sinh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24 tháng 12 năm 1944.
[2] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes về Giáo hội trong thế giới hiện đại (7/12/1965), 79.
[3] Xem. BENEDICT XV, Thư gửi các nhà lãnh đạo các dân tộc hiếu chiến (1 tháng 8 năm 1917).
[4] Xem Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bạn xã hội (3 tháng 10 năm 2020), 262.
[5] Xem Tông huấn Laudate Deum gửi mọi người có thiện chí về cuộc khủng hoảng khí hậu (4 tháng 10 năm 2023).
[6] Bài phát biểu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 2 tháng 12 năm 2023.
[7] Như trên.
[8] Diễn văn bế mạc “Rencontres Méditerranéennes”, Marseille, 23 tháng 9 năm 2023, 1.
[9] Thông điệp Giáng sinh trên đài phát thanh gửi các dân tộc trên thế giới, ngày 24 tháng 12 năm 1944.
[10] PIUS XI, Tiếp kiến các nhà lãnh đạo Liên đoàn Đại học Công Giáo, 18 tháng 12 năm 1927.
[11] Tông huấn Evangelii Gaudium về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay (24 tháng 11 năm 2013), 228.
[12] Như trên.
[13] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024 (8 tháng 12 năm 2023), 1.
[14] Như trên, 2.
Tin Giáo Hội Việt Nam
Rửa tội cho Trẻ em và tân tòng_ Gx Tuỵ Hiền Hà Nội
BTTGx. Tụy Hiền
18:21 09/01/2024
EM NHỎ VÀ 6 TÂN TÒNG GIA NHẬP HỘI THÁNH DỊP LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA TẠI GIÁO XỨ TUỴ HIỀN TGP. HÀ NỘI
Lễ Giáng Sinh mang lại cho chúng ta niềm vui và ơn thánh với sự tràn đầy trong Lễ Chúa Giêsu Kitô chịu Phép Rửa.
Ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa tại giáo xứ Tuỵ Hiền đã trở thành thông lệ mấy năm nay. Cha xứ An-tôn khi cử hành Thánh lễ thường rửa tội cho các em nhỏ và cả tân dự tòng trong dịp này.
Vào lúc 17 giờ 00 ngày 08 tháng 01, khởi đầu Thánh lễ, Cha xứ đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, liên hệ đến Phép Rửa tội của mỗi người chúng ta. Ngài đã cắt nghĩa từng cử chỉ từ thẩm vấn các thỉnh nhân, người đỡ đầu bảo đảm các thỉnh nhân, đến việc ghi dấu Thánh giá, khước từ ma quỉ, tuyên xưng đức tin của thỉnh nhân cũng như người đỡ đầu tuyên xưng thay cho các em nhỏ, ý nghĩa của việc xức Dầu Dự tòng, làm phép nước, rửa tội, xức Dầu Thánh, trao nến sáng, mặc áo trắng, tại sao lại là Bí tích Khai Tâm mà người tân tòng lãnh nhiền liền một lúc cả ba.
Trong dịp này, ngài đã rửa tội cho 13 em và 5 tân tòng thuộc các họ trong giáo xứ Tuỵ Hiền.
Xem Hình
Church Documents
Thu Trinh News 10 Jan 2024
J.B. Đặng Minh An dịch
20:23 09/01/2024
1. Nhà điều hành mạng lưới điện cho biết hơn 1.000 thị trấn và làng mạc Ukraine không có điện
Nhà điều hành lưới điện Ukraine cho biết thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã khiến hơn 1.000 thị trấn và làng mạc không có điện ở 9 khu vực, do hệ thống năng lượng bị suy yếu do các cuộc tấn công của Nga, Reuters đưa tin.
Ukrenergo, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện thuộc sở hữu nhà nước, cho biết mức tiêu thụ điện đang ở mức cao nhất trong tuần này khi nhiệt độ giảm xuống khoảng -15 độ C ở nhiều nơi trên cả nước.
“Mức tiêu thụ tiếp tục tăng do nhiệt độ giảm đáng kể trên khắp đất nước,” nó cho biết.
Ukraine phải nhập khẩu điện từ nước láng giềng Rumani và Slovakia để có thể đáp ứng nhu cầu, Ukrenergo cho biết.
Người ta nói rằng lượng điện tiêu thụ sáng nay đã cao hơn ngày hôm trước 5,8%.
“Tính đến sáng nay do thời tiết xấu - gió mạnh, năng lượng băng đã bị cắt ở 1.025 khu định cư”, cơ quan này cho biết thêm.
Ukrenergo cho biết hệ thống điện đã hoạt động ở công suất tối đa và kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhiều nhất có thể.
Nhà điều hành lưới điện cho biết các nhà máy nhiệt điện Ukraine vẫn đang phục hồi sau cuộc tấn công của Nga vào mùa đông năm ngoái, đồng thời cho biết thêm các nhà máy điện mặt trời không thể hoạt động hết công suất do mây dày đặc và thời tiết xấu.
Khoảng 10 tháng sau cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã thực hiện làn sóng tấn công vào các nhà máy điện và các nhà máy khác có liên kết với mạng lưới năng lượng, gây ra tình trạng mất điện luân phiên ở nhiều khu vực khác nhau.
2. Nghị sĩ Ukraine cho biết luật nghĩa vụ quân sự sẽ không bao gồm phụ nữ
Một nhà lập pháp cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng dự thảo luật huy động quân sự của Ukraine sẽ không bắt phụ nữ phải tòng quân hoặc rút thăm nhập ngũ. Ủy ban an ninh của Quốc hội sẽ bỏ phiếu hôm nay về những việc cần làm với dự luật.
Yehor Chernev, phó chủ tịch ủy ban quốc hội về an ninh, quốc phòng và tình báo, cho biết: “Tôi có thể chắc chắn nói rằng sẽ không có rút thăm nhập ngũ, không huy động phụ nữ”. “Sẽ không có quan điểm vi hiến.”
Hàng chục ngàn nam giới tình nguyện chiến đấu cho Ukraine trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng sự nhiệt tình đã suy giảm 22 tháng sau đó, khiến Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phải xem xét luật mới.
Đề xuất thay đổi các quy định về huy động quân đội nhằm cho phép Kyiv triệu tập nhiều người hơn và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với việc trốn quân dịch đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng. Ủy viên nhân quyền của quốc hội cho biết một số đề xuất là vi hiến. Hiệp hội Doanh nghiệp Âu Châu hôm thứ Hai cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng sau khi xem xét dự thảo luật được đề xuất trước đó, họ lo ngại về một số điều khoản được đề xuất, bao gồm cả rủi ro tham nhũng.
Ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo đã xem xét những thay đổi được đề xuất đối với dự luật kể từ thứ Năm. Vào thứ Ba, Ủy ban sẽ phê duyệt những thay đổi được đề xuất hoặc gửi lại dự luật cho chính phủ để sửa đổi.
“ Chúng tôi đã làm việc về dự thảo luật trên cơ sở từng điều khoản. Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận bao gồm hàng giờ thẩm vấn các quan chức quân sự và bộ quốc phòng hàng đầu.
Nếu được ủy ban thông qua, luật sẽ được tranh luận và có thể thay đổi sau hai hoặc ba lần đọc tại quốc hội khi cần có sự phê duyệt. Sau đó, nó cần có chữ ký của Zelenskiy để trở thành luật.
3. Không quân Ukraine thừa nhận thiếu hỏa tiễn phòng không dẫn đường
Ukraine đang thiếu hỏa tiễn dẫn đường phòng không, phát ngôn nhân lực lượng không quân Yury Ihnat cho biết.
“Ukraine đã dành một khoản dự trữ đáng kể cho ba cuộc tấn công đã diễn ra,” Ihnat nói với đài truyền hình Ukraine. “Rõ ràng là đang thiếu hụt hỏa tiễn phòng không dẫn đường”.
Quốc hội Mỹ tháng trước đã không phê duyệt khoản viện trợ an ninh trị giá 50 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine khi các nhà đàm phán không đạt được thỏa thuận.
Ukraine đang chờ riêng để nhận gói trị giá 50 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu, việc giao gói hàng này có vẻ không chắc chắn sau khi Hung Gia Lợi chặn Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt viện trợ.
Ihnat cho biết ông hy vọng sự chậm trễ trong các gói viện trợ của phương Tây sẽ sớm được giải quyết vì Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung cấp của phương Tây cho một loạt nhu cầu phòng thủ.
Ông nói: “Ngày nay chúng ta ngày càng có nhiều thiết bị của phương Tây và do đó, nó cần được bảo trì, sửa chữa, cập nhật, bổ sung và đạn dược tương ứng”.
Bình luận này được đưa ra sau khi tờ New York Times đưa tin hôm thứ Bảy rằng các quan chức Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài cảnh báo việc cung cấp hỏa tiễn đánh chặn Patriot có thể sớm không bền vững, với một hỏa tiễn được cho là có giá từ 2 triệu đến 4 triệu Mỹ Kim mỗi chiếc.
4. Các quan chức cho biết, cuộc pháo kích của Ukraine đã làm ba người bị thương ở vùng Belgorod của Nga vào tối thứ Ba.
Belgorod chỉ cách biên giới với Ukraine hơn nửa giờ lái xe, khiến nơi đây trở thành điểm dừng quan trọng trong các tuyến tiếp tế của Nga. Thành phố này đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo kích và máy bay không người lái trên diện rộng trong nhiều tháng.
Các cuộc tấn công của Ukraine vào Belgorod vào ngày 30 tháng 12 đã giết chết 25 người, các quan chức địa phương cho biết.
Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết: “Thành phố Belgorod lại bị pháo kích đêm qua và có người bị thương”.
“Hiện có 3 người đang được chăm sóc đặc biệt, tất cả đều đã trải qua ca phẫu thuật. Các bác sĩ đánh giá tình trạng của họ ổn định và nghiêm trọng.”
Nhà điều hành lưới điện Ukraine cho biết thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã khiến hơn 1.000 thị trấn và làng mạc không có điện ở 9 khu vực, do hệ thống năng lượng bị suy yếu do các cuộc tấn công của Nga, Reuters đưa tin.
Ukrenergo, nhà điều hành hệ thống truyền tải điện thuộc sở hữu nhà nước, cho biết mức tiêu thụ điện đang ở mức cao nhất trong tuần này khi nhiệt độ giảm xuống khoảng -15 độ C ở nhiều nơi trên cả nước.
“Mức tiêu thụ tiếp tục tăng do nhiệt độ giảm đáng kể trên khắp đất nước,” nó cho biết.
Ukraine phải nhập khẩu điện từ nước láng giềng Rumani và Slovakia để có thể đáp ứng nhu cầu, Ukrenergo cho biết.
Người ta nói rằng lượng điện tiêu thụ sáng nay đã cao hơn ngày hôm trước 5,8%.
“Tính đến sáng nay do thời tiết xấu - gió mạnh, năng lượng băng đã bị cắt ở 1.025 khu định cư”, cơ quan này cho biết thêm.
Ukrenergo cho biết hệ thống điện đã hoạt động ở công suất tối đa và kêu gọi người dân tiết kiệm điện nhiều nhất có thể.
Nhà điều hành lưới điện cho biết các nhà máy nhiệt điện Ukraine vẫn đang phục hồi sau cuộc tấn công của Nga vào mùa đông năm ngoái, đồng thời cho biết thêm các nhà máy điện mặt trời không thể hoạt động hết công suất do mây dày đặc và thời tiết xấu.
Khoảng 10 tháng sau cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã thực hiện làn sóng tấn công vào các nhà máy điện và các nhà máy khác có liên kết với mạng lưới năng lượng, gây ra tình trạng mất điện luân phiên ở nhiều khu vực khác nhau.
2. Nghị sĩ Ukraine cho biết luật nghĩa vụ quân sự sẽ không bao gồm phụ nữ
Một nhà lập pháp cho biết vào cuối ngày thứ Hai rằng dự thảo luật huy động quân sự của Ukraine sẽ không bắt phụ nữ phải tòng quân hoặc rút thăm nhập ngũ. Ủy ban an ninh của Quốc hội sẽ bỏ phiếu hôm nay về những việc cần làm với dự luật.
Yehor Chernev, phó chủ tịch ủy ban quốc hội về an ninh, quốc phòng và tình báo, cho biết: “Tôi có thể chắc chắn nói rằng sẽ không có rút thăm nhập ngũ, không huy động phụ nữ”. “Sẽ không có quan điểm vi hiến.”
Hàng chục ngàn nam giới tình nguyện chiến đấu cho Ukraine trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng sự nhiệt tình đã suy giảm 22 tháng sau đó, khiến Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phải xem xét luật mới.
Đề xuất thay đổi các quy định về huy động quân đội nhằm cho phép Kyiv triệu tập nhiều người hơn và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với việc trốn quân dịch đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng. Ủy viên nhân quyền của quốc hội cho biết một số đề xuất là vi hiến. Hiệp hội Doanh nghiệp Âu Châu hôm thứ Hai cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng sau khi xem xét dự thảo luật được đề xuất trước đó, họ lo ngại về một số điều khoản được đề xuất, bao gồm cả rủi ro tham nhũng.
Ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo đã xem xét những thay đổi được đề xuất đối với dự luật kể từ thứ Năm. Vào thứ Ba, Ủy ban sẽ phê duyệt những thay đổi được đề xuất hoặc gửi lại dự luật cho chính phủ để sửa đổi.
“ Chúng tôi đã làm việc về dự thảo luật trên cơ sở từng điều khoản. Ông nói thêm rằng các cuộc thảo luận bao gồm hàng giờ thẩm vấn các quan chức quân sự và bộ quốc phòng hàng đầu.
Nếu được ủy ban thông qua, luật sẽ được tranh luận và có thể thay đổi sau hai hoặc ba lần đọc tại quốc hội khi cần có sự phê duyệt. Sau đó, nó cần có chữ ký của Zelenskiy để trở thành luật.
3. Không quân Ukraine thừa nhận thiếu hỏa tiễn phòng không dẫn đường
Ukraine đang thiếu hỏa tiễn dẫn đường phòng không, phát ngôn nhân lực lượng không quân Yury Ihnat cho biết.
“Ukraine đã dành một khoản dự trữ đáng kể cho ba cuộc tấn công đã diễn ra,” Ihnat nói với đài truyền hình Ukraine. “Rõ ràng là đang thiếu hụt hỏa tiễn phòng không dẫn đường”.
Quốc hội Mỹ tháng trước đã không phê duyệt khoản viện trợ an ninh trị giá 50 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine khi các nhà đàm phán không đạt được thỏa thuận.
Ukraine đang chờ riêng để nhận gói trị giá 50 tỷ euro từ Liên Hiệp Âu Châu, việc giao gói hàng này có vẻ không chắc chắn sau khi Hung Gia Lợi chặn Liên Hiệp Âu Châu phê duyệt viện trợ.
Ihnat cho biết ông hy vọng sự chậm trễ trong các gói viện trợ của phương Tây sẽ sớm được giải quyết vì Ukraine phụ thuộc vào nguồn cung cấp của phương Tây cho một loạt nhu cầu phòng thủ.
Ông nói: “Ngày nay chúng ta ngày càng có nhiều thiết bị của phương Tây và do đó, nó cần được bảo trì, sửa chữa, cập nhật, bổ sung và đạn dược tương ứng”.
Bình luận này được đưa ra sau khi tờ New York Times đưa tin hôm thứ Bảy rằng các quan chức Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài cảnh báo việc cung cấp hỏa tiễn đánh chặn Patriot có thể sớm không bền vững, với một hỏa tiễn được cho là có giá từ 2 triệu đến 4 triệu Mỹ Kim mỗi chiếc.
4. Các quan chức cho biết, cuộc pháo kích của Ukraine đã làm ba người bị thương ở vùng Belgorod của Nga vào tối thứ Ba.
Belgorod chỉ cách biên giới với Ukraine hơn nửa giờ lái xe, khiến nơi đây trở thành điểm dừng quan trọng trong các tuyến tiếp tế của Nga. Thành phố này đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo kích và máy bay không người lái trên diện rộng trong nhiều tháng.
Các cuộc tấn công của Ukraine vào Belgorod vào ngày 30 tháng 12 đã giết chết 25 người, các quan chức địa phương cho biết.
Thống đốc Vyacheslav Gladkov cho biết: “Thành phố Belgorod lại bị pháo kích đêm qua và có người bị thương”.
“Hiện có 3 người đang được chăm sóc đặc biệt, tất cả đều đã trải qua ca phẫu thuật. Các bác sĩ đánh giá tình trạng của họ ổn định và nghiêm trọng.”
BRK4LV-News13Jan2023
J.B. An Dang
23:15 09/01/2024
BRK4LV-News11Jan2023
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
9 triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân
Các linh mục, Giám Mục trả lời 'người có thị kiến' khuyến khích sử dụng Bí tích Thánh Thể trong các nghi lễ
LHQ kêu gọi Nicaragua tiết lộ nơi giam giữ Đức Giám Mục Isidoro Mora
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. 9 triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân
Khoảng 9 triệu người đã tham dự cuộc rước kiệu rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ở Manila, Phi Luật Tân trong năm nay.
Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.
Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.
Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.
Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.
Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Cuộc rước kéo dài 7km này bị đã hủy bỏ trong 2 năm vì đại dịch coronavirus.
Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros hay Nội Thành, là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.
Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.
Cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng năm nay được đánh giá là hòa bình hơn vì tượng Chúa chịu nạn được đặt trong lồng kính. Đây là lần đầu tiên ban tổ chức làm như thế.
Trong những năm trước, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận. Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.
BRK4LV-News12Jan2023
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Đức Hồng Y Sarah lên tiếng chống lại việc các giáo sĩ chúc phúc cho các kết hợp đồng giới
Linh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổiLinh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổi
Ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Syro-Malabar?
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. Đức Hồng Y Sarah lên tiếng chống lại việc các giáo sĩ chúc phúc cho các kết hợp đồng giới
Đức Hồng Y Robert Sarah đã đáp lại tuyên bố gây tranh cãi của Vatican cho phép các giáo sĩ ban phước cho các cặp đồng giới trong một số tình huống nhất định bằng cách hướng dẫn các tín hữu hãy “phản ứng bằng Lời Chúa trước sự lầm lạc” trong một bài suy niệm ngày 6 tháng Giêng.
“Chúng ta không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng ta kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, vì nó đi ngược lại đức tin và Truyền thống Công Giáo,” Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư mà ngài chia sẻ với tờ Settimo Cielo.
Đức Hồng Y Sarah, 78 tuổi, là một giám mục người Guinea, từng giữ chức vụ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021.
Ngài viết: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu dành cho tội nhân. Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc Chúa ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và đáng mong muốn?”
Trong khi các giám mục trên toàn cầu bị chia rẽ về tuyên bố này, nhiều giám mục Công Giáo trên khắp Phi Châu đã công khai bác bỏ những lời kêu gọi gây tranh cãi của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Một số hội đồng giám mục ở Phi Châu đã yêu cầu các linh mục không được ban phép lành cho người đồng giới trong những tuần gần đây.”
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Sarah khuyến khích “mọi giám mục hãy làm điều tương tự” như các hội đồng giám mục ở Cameroon, Chad và Nigeria.
Ngài lưu ý rằng tuyên bố “đã không thể sửa chữa những sai sót này” của Giáo hội ở Đức, nơi mà tranh cãi về Tiến trình Công Nghị đã gây ra sự chia rẽ trong Giáo hội.
Vào tháng 3 năm 2023, Tiến trình Công Nghị Đức, một sự hợp tác giữa Hội đồng Giám mục Đức và một tổ chức vận động giáo dân đầy quyền lực, ZdK, đã phê duyệt việc phát triển các văn bản nghi lễ chính thức hóa để ban phước lành cho người đồng giới. Tuyên bố của Vatican cho phép “các phép lành tự phát” nhưng không cho phép các phép lành phụng vụ.
Nhưng theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, tuyên bố của Vatican đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Ngài nói: “Hơn nữa, với sự thiếu rõ ràng, Tuyên ngôn chỉ khuếch đại sự nhầm lẫn ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”.
Ngài viết rằng nên tránh “những lời ngụy biện vô ích về ý nghĩa của từ phước lành”.
Trong khi lưu ý rằng các phước lành dành cho những người tội lỗi là điều hiển nhiên, Đức Hồng Y Sarah nhấn mạnh rằng Giáo hội “không bao giờ có thể bị chệch hướng bằng cách biến nó thành một sự hợp pháp hóa tội lỗi, cấu trúc tội lỗi, hoặc thậm chí là dịp tội lỗi tiếp theo.”
Ngài cũng bày tỏ lo ngại rằng sự nhầm lẫn do Fiducia Supplicans mang lại có thể “tái xuất hiện” một cách tinh vi trong Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm 2024.
Ngài đề nghị rằng Giáo hội nên đáp lại các cặp đồng giới bằng lòng thương xót của sự thật.
“Phải nói gì với những người tham gia vào các cuộc hôn nhân đồng giới? Thưa: Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy dám thực hiện lòng thương xót đầu tiên: đó là nói lên sự thật khách quan của các hành động”
Theo Đức Hồng Y Sarah, việc chúc phúc cho một cặp đồng giới không phải là một phản ứng thích đáng.
“Điều duy nhất cần yêu cầu những người đang có mối quan hệ chống lại thiên nhiên là hoán cải và tuân theo lời Chúa”.
Đức Hồng Y Sarah, người sinh ra và lớn lên ở Guinea, nhớ lại lời chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đối với Phi Châu là hãy trở thành “lá phổi” tinh thần của nhân loại, trái ngược với chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tương đối đang ảnh hưởng đến phương Tây.
“Giáo hội Phi Châu là tiếng nói của người nghèo, người đơn sơ và nhỏ bé”, đồng thời lưu ý rằng Giáo hội phải công bố Tin Mừng cho các Kitô hữu phương Tây, những người “tin rằng mình là người tiến hóa, hiện đại và khôn ngoan theo sự khôn ngoan của thế giới.”
Ngài nói thêm: “Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các giám mục Phi Châu, trong tình trạng nghèo khó của họ, ngày nay lại là những người loan báo sự thật thiêng liêng này trước quyền lực và sự giàu có của một số giám mục ở phương Tây”.
BRK4LV-News13Jan2023
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Chánh Văn phòng Tổng thống đã có cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tòa Thánh không mở Văn khố tòa Sứ thần tại Thụy Sĩ
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói 'vận động đồng tính', ngân hàng Vatican không liên quan gì đến việc từ chức của Đức Bênêđíctô
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. Tòa Thánh không mở Văn khố tòa Sứ thần tại Thụy Sĩ
Tòa Thánh từ chối mở văn khố Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Thụy Sĩ, theo lời yêu cầu của các nghiên cứu gia về những vụ lạm dụng tính dục trong Công Giáo tại nước này.
Theo báo Sonntagsblick, số ra ngày 07 tháng Giêng vừa qua tại Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã trả lời như sau cho những người hỏi: “Chiếu theo Công ước Vienne về ngoại giao (năm 1961), Văn khố của các sứ quán là điều luôn luôn bất khả xâm phạm và ở mọi nơi”. Vì thế, chúng tôi không thể mở Văn khố của Tòa Sứ thần Tòa Thánh”.
Để làm sáng tỏ về những vụ lạm dụng trong quá khứ trong Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Sĩ, hai nữ nghiên cứu gia thuộc Đại học Zurich, do Giáo Hội Công Giáo tại nước này ủy nhiệm, đã yêu cầu được đọc các tài liệu văn khố của Giáo hội ở nhiều cấp độ, và các nơi, trong đó có cả Văn khố của Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Berne. Phúc trình đầu tiên được công bố ngày 12 tháng Chín năm ngoái (2023), theo đó trong vòng 70 năm qua, đã có hơn 1.000 vụ với hơn 500 người lạm dụng trong môi trường Giáo hội. Đức Hồng Y Parolin cho biết mặc dù văn khố của Tòa Sứ thần không được mở, nhưng các tài liệu trong văn khố của các Giáo Hội Công Giáo ở Thụy Sĩ cũng như của Bộ Giáo lý đức tin có thể được mở cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu.
Bộ Giáo lý đức tin là cơ quan xét xử những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Tuy có lời tuyên bố như trên của Đức Hồng Y Parolin, hai nữ nghiên cứu gia cho biết sẽ tiếp tục vận động để có thể tìm tòi trong Văn khố Tòa Sứ thần, vì theo hai bà, văn khố này rất quan trọng. “Điều thiết yếu là theo dõi thư từ giữa Thụy Sĩ, Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Berne và Roma để khám phá những vụ thực sự được tố giác và thủ tục diễn tiến như thế nào”
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
9 triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân
Các linh mục, Giám Mục trả lời 'người có thị kiến' khuyến khích sử dụng Bí tích Thánh Thể trong các nghi lễ
LHQ kêu gọi Nicaragua tiết lộ nơi giam giữ Đức Giám Mục Isidoro Mora
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. 9 triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân
Khoảng 9 triệu người đã tham dự cuộc rước kiệu rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ở Manila, Phi Luật Tân trong năm nay.
Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.
Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.
Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.
Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.
Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Cuộc rước kéo dài 7km này bị đã hủy bỏ trong 2 năm vì đại dịch coronavirus.
Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros hay Nội Thành, là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.
Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.
Cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng năm nay được đánh giá là hòa bình hơn vì tượng Chúa chịu nạn được đặt trong lồng kính. Đây là lần đầu tiên ban tổ chức làm như thế.
Trong những năm trước, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận. Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.
BRK4LV-News12Jan2023
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Đức Hồng Y Sarah lên tiếng chống lại việc các giáo sĩ chúc phúc cho các kết hợp đồng giới
Linh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổiLinh mục Alabama bị hoàn tục sau cuộc hôn nhân dân sự với cô gái 18 tuổi
Ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo của Giáo hội Syro-Malabar?
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. Đức Hồng Y Sarah lên tiếng chống lại việc các giáo sĩ chúc phúc cho các kết hợp đồng giới
Đức Hồng Y Robert Sarah đã đáp lại tuyên bố gây tranh cãi của Vatican cho phép các giáo sĩ ban phước cho các cặp đồng giới trong một số tình huống nhất định bằng cách hướng dẫn các tín hữu hãy “phản ứng bằng Lời Chúa trước sự lầm lạc” trong một bài suy niệm ngày 6 tháng Giêng.
“Chúng ta không phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng chúng ta kiên quyết và triệt để phản đối tà giáo làm suy yếu nghiêm trọng Giáo hội, Thân thể Chúa Kitô, vì nó đi ngược lại đức tin và Truyền thống Công Giáo,” Đức Hồng Y Sarah viết trong bài suy tư mà ngài chia sẻ với tờ Settimo Cielo.
Đức Hồng Y Sarah, 78 tuổi, là một giám mục người Guinea, từng giữ chức vụ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2014 đến năm 2021.
Ngài viết: “Sự thật là lòng thương xót đầu tiên mà Chúa Giêsu dành cho tội nhân. Sự tự do mà chúng ta phải trao cho những người sống trong các kết hợp đồng tính luyến ái nằm trong sự thật của lời Chúa”. “Làm sao chúng ta có thể làm cho họ tin rằng việc Chúa ở lại trong ngục tù tội lỗi là điều tốt lành và đáng mong muốn?”
Trong khi các giám mục trên toàn cầu bị chia rẽ về tuyên bố này, nhiều giám mục Công Giáo trên khắp Phi Châu đã công khai bác bỏ những lời kêu gọi gây tranh cãi của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Một số hội đồng giám mục ở Phi Châu đã yêu cầu các linh mục không được ban phép lành cho người đồng giới trong những tuần gần đây.”
Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng Y Sarah khuyến khích “mọi giám mục hãy làm điều tương tự” như các hội đồng giám mục ở Cameroon, Chad và Nigeria.
Ngài lưu ý rằng tuyên bố “đã không thể sửa chữa những sai sót này” của Giáo hội ở Đức, nơi mà tranh cãi về Tiến trình Công Nghị đã gây ra sự chia rẽ trong Giáo hội.
Vào tháng 3 năm 2023, Tiến trình Công Nghị Đức, một sự hợp tác giữa Hội đồng Giám mục Đức và một tổ chức vận động giáo dân đầy quyền lực, ZdK, đã phê duyệt việc phát triển các văn bản nghi lễ chính thức hóa để ban phước lành cho người đồng giới. Tuyên bố của Vatican cho phép “các phép lành tự phát” nhưng không cho phép các phép lành phụng vụ.
Nhưng theo quan điểm của Đức Hồng Y Sarah, tuyên bố của Vatican đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Ngài nói: “Hơn nữa, với sự thiếu rõ ràng, Tuyên ngôn chỉ khuếch đại sự nhầm lẫn ngự trị trong lòng và một số người thậm chí còn lợi dụng nó để hỗ trợ cho nỗ lực thao túng của họ”.
Ngài viết rằng nên tránh “những lời ngụy biện vô ích về ý nghĩa của từ phước lành”.
Trong khi lưu ý rằng các phước lành dành cho những người tội lỗi là điều hiển nhiên, Đức Hồng Y Sarah nhấn mạnh rằng Giáo hội “không bao giờ có thể bị chệch hướng bằng cách biến nó thành một sự hợp pháp hóa tội lỗi, cấu trúc tội lỗi, hoặc thậm chí là dịp tội lỗi tiếp theo.”
Ngài cũng bày tỏ lo ngại rằng sự nhầm lẫn do Fiducia Supplicans mang lại có thể “tái xuất hiện” một cách tinh vi trong Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm 2024.
Ngài đề nghị rằng Giáo hội nên đáp lại các cặp đồng giới bằng lòng thương xót của sự thật.
“Phải nói gì với những người tham gia vào các cuộc hôn nhân đồng giới? Thưa: Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy dám thực hiện lòng thương xót đầu tiên: đó là nói lên sự thật khách quan của các hành động”
Theo Đức Hồng Y Sarah, việc chúc phúc cho một cặp đồng giới không phải là một phản ứng thích đáng.
“Điều duy nhất cần yêu cầu những người đang có mối quan hệ chống lại thiên nhiên là hoán cải và tuân theo lời Chúa”.
Đức Hồng Y Sarah, người sinh ra và lớn lên ở Guinea, nhớ lại lời chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đối với Phi Châu là hãy trở thành “lá phổi” tinh thần của nhân loại, trái ngược với chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tương đối đang ảnh hưởng đến phương Tây.
“Giáo hội Phi Châu là tiếng nói của người nghèo, người đơn sơ và nhỏ bé”, đồng thời lưu ý rằng Giáo hội phải công bố Tin Mừng cho các Kitô hữu phương Tây, những người “tin rằng mình là người tiến hóa, hiện đại và khôn ngoan theo sự khôn ngoan của thế giới.”
Ngài nói thêm: “Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các giám mục Phi Châu, trong tình trạng nghèo khó của họ, ngày nay lại là những người loan báo sự thật thiêng liêng này trước quyền lực và sự giàu có của một số giám mục ở phương Tây”.
BRK4LV-News13Jan2023
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Chánh Văn phòng Tổng thống đã có cuộc điện đàm với Đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tòa Thánh không mở Văn khố tòa Sứ thần tại Thụy Sĩ
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói 'vận động đồng tính', ngân hàng Vatican không liên quan gì đến việc từ chức của Đức Bênêđíctô
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. Tòa Thánh không mở Văn khố tòa Sứ thần tại Thụy Sĩ
Tòa Thánh từ chối mở văn khố Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Thụy Sĩ, theo lời yêu cầu của các nghiên cứu gia về những vụ lạm dụng tính dục trong Công Giáo tại nước này.
Theo báo Sonntagsblick, số ra ngày 07 tháng Giêng vừa qua tại Thụy Sĩ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã trả lời như sau cho những người hỏi: “Chiếu theo Công ước Vienne về ngoại giao (năm 1961), Văn khố của các sứ quán là điều luôn luôn bất khả xâm phạm và ở mọi nơi”. Vì thế, chúng tôi không thể mở Văn khố của Tòa Sứ thần Tòa Thánh”.
Để làm sáng tỏ về những vụ lạm dụng trong quá khứ trong Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Sĩ, hai nữ nghiên cứu gia thuộc Đại học Zurich, do Giáo Hội Công Giáo tại nước này ủy nhiệm, đã yêu cầu được đọc các tài liệu văn khố của Giáo hội ở nhiều cấp độ, và các nơi, trong đó có cả Văn khố của Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Berne. Phúc trình đầu tiên được công bố ngày 12 tháng Chín năm ngoái (2023), theo đó trong vòng 70 năm qua, đã có hơn 1.000 vụ với hơn 500 người lạm dụng trong môi trường Giáo hội. Đức Hồng Y Parolin cho biết mặc dù văn khố của Tòa Sứ thần không được mở, nhưng các tài liệu trong văn khố của các Giáo Hội Công Giáo ở Thụy Sĩ cũng như của Bộ Giáo lý đức tin có thể được mở cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu.
Bộ Giáo lý đức tin là cơ quan xét xử những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Tuy có lời tuyên bố như trên của Đức Hồng Y Parolin, hai nữ nghiên cứu gia cho biết sẽ tiếp tục vận động để có thể tìm tòi trong Văn khố Tòa Sứ thần, vì theo hai bà, văn khố này rất quan trọng. “Điều thiết yếu là theo dõi thư từ giữa Thụy Sĩ, Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Berne và Roma để khám phá những vụ thực sự được tố giác và thủ tục diễn tiến như thế nào”
VietCatholic TV
Tư Lệnh Thiết Giáp Binh Chủng Nhảy Dù Nga tử trận Kherson. Ukraine phóng hỏa tiễn Ma Cà Rồng vào Nga
VietCatholic Media
03:04 09/01/2024
1. Sĩ quan hàng đầu của lực lượng Dù Nga tử trận ở Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Top Russian Airborne Officer Killed in Ukraine: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho thấy sĩ quan hàng đầu của lực lượng Dù Nga bị giết ở Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một đại tá ưu tú của Nga được cho là đã bị giết khi đang cố gắng nâng cao tinh thần cho quân đội Nga trên tiền tuyến ở Ukraine.
Cố vấn nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho biết trong một bài đăng hôm thứ Hai gửi tới X, rằng Đại tá Arman Ospanov đã chết sau khi đứng trên một bãi mìn. Theo Gerashchenko, Ospanov chỉ huy sư đoàn thiết giáp của Lực lượng Dù Nga, nổi tiếng với lực lượng lính dù đội mũ nồi xanh.
Gerashchenko viết: “Các kênh Telegram của Nga đưa tin rằng Arman Ospanov, một đại tá Nga và nhà lãnh đạo lực lượng thiết giáp của Lực lượng Dù Nga, đã đến các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine để nâng cao tinh thần của binh sĩ”. “Ở đó, anh ta giẫm phải mìn và tử trận.”
Một bài đăng hôm thứ Hai trên tài khoản Telegram của Lực lượng Dù có tên “Vì Sự trung thực và Công lý của Nga”, có liên kết với các sĩ quan từ Nhóm Dnipro của Lực lượng Vũ trang Nga, đã xác nhận cái chết của Ospanov.
Bài đăng có đoạn: “Chúng tôi đã nhận được tin này ngày hôm qua nhưng hoãn lại không công bố để thông báo cho gia đình biết trước”. “Thật không may, người đồng chí tốt bụng của chúng tôi, Đại tá Arman Ospanov, đã hy sinh ở mặt trận. Anh ta đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự của mình đến cùng”.
“Đây là một mất mát to lớn đối với tất cả lính dù, kể từ khi Ospanov đứng đầu Lực lượng Thiết giáp Dù. Chúng tôi sẽ báo cáo về hoàn cảnh cái chết của anh ta sau, khi chúng tôi nhận được sự cho phép và biết rằng điều này sẽ không gây hại cho ai.”
Một bài đăng X của blogger quân sự Ukraine Igor Sushko lưu ý rằng Ospanov đã chết ở Kherson và là “bạn thân của” Thượng Tướng Mikhail Teplinsky, chỉ huy Lực lượng Nhảy dù Nga.
Sushko cũng chỉ ra rằng nguyên nhân cái chết của Ospanov vẫn còn gây tranh cãi, với một số báo cáo cho rằng nguyên nhân là do mìn, trong khi những báo cáo khác khẳng định rằng một cuộc tấn công bằng pháo binh của Ukraine đã gây ra cái chết của viên đại tá.
Một bài đăng trên Telegram từ kênh Spy Dossier của Nga đã than thở về “tổn thất lớn đối với Lực lượng Dù” trong khi đưa tin rằng Ospanov đã thiệt mạng do hỏa lực pháo binh Ukraine khi cố gắng giúp kéo một xe thiết giáp của Nga.
Tài khoản này cũng cho biết Trung sĩ Alexander Anatolyevich, thuộc Sư đoàn Dù 104 của Nga, đã “bị giết ngay tại chỗ” cùng với Ospanov, trong khi hai binh nhì của Sư đoàn 104 bị thương.
Lính dù thuộc Lực lượng Dù, còn được gọi là VDV, thường được mô tả là một trong những chiến binh đáng sợ nhất của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, họ cũng được cho là phải chịu tỷ lệ thương vong cao bất thường kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu gần hai năm trước.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố rằng Sư đoàn dù 104 của Nga đã “chịu tổn thất đặc biệt nặng nề” khi chiến đấu ở Ukraine.
Cựu đặc vụ báo chí quân sự của Điện Cẩm Linh, Mikhail Zvinchuk tuyên bố trong lần xuất hiện trên truyền hình Nga vào Tháng Giêng năm 2023 rằng “lực lượng dù đã mất 40-50% nhân viên” ở Ukraine kể từ khi họ được triển khai lần đầu.
Teplinsky đã xác nhận con số này trong một bài phát biểu hồi tháng 8, khi ông nói rằng 8.500 lính dù đã bị thương vong.
Trong khi các đơn vị lính dù có thể chịu thương vong cao do hỏa lực của đối phương và các tai nạn liên quan đến nhảy dù, một số tổn thất của Nga trong cuộc chiến Ukraine cũng có thể là do hỏa lực của quân bạn.
Hôm Chúa Nhật, kênh Telegram của Nga Cẩm Linh Snuffbox đưa tin rằng hai lính dù gần đây đã vô tình bị lực lượng phòng không Nga bắn chết trong một cuộc tập trận gần biên giới Ukraine.
2. Cây cầu hỏa xa quan trọng nối Mariupol bị tạm chiếm với lục địa Nga nổ tan tành
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Destroys Key Rail Bridge Connecting Occupied Mariupol to Russia”, nghĩa là “Ukraine phá hủy cây cầu hỏa xa quan trọng nối Mariupol bị tạm chiếm với Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Theo một quan chức Ukraine, lực lượng Ukraine đã phá hủy một tuyến hậu cần mới quan trọng của Nga nằm sâu trong lãnh thổ do Mạc Tư Khoa nắm giữ, điều này có thể là một đòn giáng mạnh vào khả năng vận chuyển tài nguyên đến và đi từ miền nam Ukraine trong tương lai của Nga.
Petro Andriushchenko, cố vấn của thị trưởng lưu vong Mariupol, cho biết hôm Chúa Nhật rằng các chiến đấu cơ Ukraine đã tấn công một cây cầu hỏa xa vẫn đang được xây dựng ở miền nam Donetsk hôm thứ Bảy.
Andriushchenko cho biết Nga đã mất “cây cầu hỏa xa đang xây dở” cùng với các thùng nhiên liệu xung quanh làng Hranitne, phía đông bắc Mariupol. Ông cho biết cây cầu này được dự định là một phần của “tuyến hỏa xa trực tiếp từ Nga”.
Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến cuộc tấn công vào khu vực hậu cần của nước này vào thứ Bảy hoặc Chúa Nhật. Cuối tuần qua, Mạc Tư Khoa cho biết lực lượng của họ đã tấn công quân đội Ukraine xung quanh thị trấn Vuhledar bị phá hủy, cũng như Novomykhailivka và Staromaiorske, ở phía tây bắc Hranitne. Nga đã tấn công hơn 10 khu định cư, trong đó có Vuhledar và Staromaiorske, trong ngày hôm trước, quân đội Ukraine cho biết hôm Chúa Nhật.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận qua email.
Andriushchenko đã đăng thông tin về cây cầu vào cuối tháng 9, cho biết nó sẽ là một phần của mạng lưới hỏa xa nối thành phố cảng phía nam Mariupol, thành phố Volnovakha của Donetsk ở phía bắc Mariupol và thủ phủ khu vực Thành phố Donetsk ở phía đông bắc. Vào thời điểm đó, ông cho biết tuyến mới sẽ kết nối với các thành phố Taganrog và Rostov-on-Don phía tây nam nước Nga.
Nga sử dụng hỏa xa để vận chuyển quân đội và thiết bị lên xuống lãnh thổ Ukraine mà nước này kiểm soát, và Ukraine đã nhiều lần tấn công vào những tuyến đường này. Bộ Quốc phòng Anh cho biết vào tháng 10 năm 2023: “Hậu cần hỏa xa tiếp tục là một thành phần quan trọng trong việc duy trì cuộc xâm lược của Nga”.
Chính phủ Anh đánh giá vào mùa thu: “Mạng lưới hỏa xa ở vùng Ukraine bị tạm chiếm phần lớn vẫn khả thi nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp lẻ tẻ của pháo binh, hỏa tiễn phóng từ trên không và các hoạt động phá hoại của Ukraine”.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết thêm: “Nga gần như chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì và cải thiện các tuyến hỏa xa liên lạc ở Ukraine và đang xây dựng một tuyến hỏa xa mới tới Mariupol, điều này sẽ giảm thời gian di chuyển để tiếp tế cho mặt trận Zaporizhzhia”.
Ông Andriushchenko nói thêm rằng cây cầu sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Nga vào các tuyến hỏa xa thông qua Cầu Crimea.
Đẩy mạnh qua “cầu đất liền” từ tiền tuyến hiện tại ở Donetsk đến thành phố Mariupol do Nga kiểm soát, nằm trên Biển Azov, là một trong những mục tiêu của Kyiv trong cuộc phản công mùa hè. Nhưng bất chấp một số chiến thắng cục bộ, Ukraine cuối cùng vẫn chưa đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, bao gồm cả việc giành lại quyền kiểm soát của Nga đối với Melitopol và Berdiansk.
“Cầu đất liền” của Nga là một vùng lãnh thổ do Mạc Tư Khoa kiểm soát ở phía đông nam Ukraine, trải dài từ phía đông Donbas đến Crimea do Nga sáp nhập.
Ngay sau khi Mạc Tư Khoa sáp nhập Crimea vào năm 2014, nước này đã xây dựng Cầu Crimea, còn được gọi là Cầu Kerch. Đây là tuyến đường quan trọng để cung cấp quân sự đi qua bán đảo và duy trì nỗ lực chiến tranh của Điện Cẩm Linh ở miền nam Ukraine.
3. Không quân Putin vô tình thả bom xuống vùng Luhansk bị Nga tạm chiếm
Tại khu vực Luhansk bị Nga tạm chiếm ở miền đông Ukraine, một chiến đấu cơ của Nga đã vô tình thả một quả bom xuống thị trấn Rubizhne, Leonid Pasechnik, nhà lãnh đạo chính quyền khu vực do Mạc Tư Khoa chỉ định, cho biết.
Ông cho biết quả bom FAB-250 mang đầu đạn có sức nổ mạnh tàn phá một khu vực nhưng không gây thương tích, hãng tin AP đưa tin.
Vụ việc xảy ra chỉ sáu ngày sau khi Nga vô tình thả bom xuống làng Petropavlovka ở vùng Belgorod.
Nga đã xâm lược một phần khu vực Luhansk kể từ năm 2014. Sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, quân đội Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ phần lớn khu vực, bao gồm cả Rubizhne, theo Kyiv Independent.
4. Lực lượng không quân Ukraine cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy 18 trong số 51 hỏa tiễn được phóng trong đợt không kích của Nga hôm thứ Hai.
Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Nga đã phóng 32 hỏa tiễn hành trình trong đêm cũng như 8 máy bay không người lái “Shahed” và tất cả các máy bay không người lái này đã bị bắn hạ.
Ông cho biết: “Các cơ sở hạ tầng quan trọng, cơ sở công nghiệp dân sự và quân sự đã bị tấn công. Tại khu vực phía đông Kharkiv, một phụ nữ lớn tuổi được kéo ra khỏi đống đổ nát của ngôi nhà ở thành phố Zmiiv đã qua đời.”
Ông nhấn mạnh rằng Ukraine đang phải hứng chịu một số làn sóng đe dọa từ hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo ở một số khu vực.
Các quan chức quân sự Ukraine ở các thành phố khác, bao gồm Dnipropetrovsk và Khmelnytskyi cũng cho biết các thành phố của họ đang bị Nga “tấn công hỏa tiễn quy mô lớn”.
5. Nga cho biết 300 cư dân đã di tản khỏi Belgorod vì các cuộc tấn công ở Ukraine
Nga đã di tản khoảng 300 cư dân của Belgorod, một thành phố gần biên giới Ukraine, vì các cuộc tấn công của Kyiv, thống đốc khu vực cho biết hôm thứ Hai.
Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod, cho biết: “Khoảng 300 cư dân của Belgorod, những người đã quyết định di tản tạm thời, hiện đang ở trong các trung tâm trú ẩn tạm thời ở Stary Oskol, Gubkin và quận Korochansky”, nằm xa biên giới hơn..
Cuộc di tản khỏi Belgorod là cuộc di tản lớn nhất đối với một thành phố lớn của Nga kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.
Belgorod chỉ cách biên giới với Ukraine hơn nửa giờ lái xe, khiến nơi đây trở thành điểm dừng quan trọng trong các tuyến tiếp tế của Nga. Thành phố này đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo kích và máy bay không người lái trên diện rộng trong nhiều tháng.
Các cuộc tấn công của Ukraine vào Belgorod vào ngày 30 tháng 12 đã giết chết 25 người, các quan chức địa phương cho biết.
6. Nga báo cáo Ukraine tấn công xuyên biên giới vào khu vực Bryansk
Alexander Bogomaz, Thống đốc khu vực Bryansk của Nga, báo cáo rằng 8 tòa nhà dân cư, nhà phụ và 3 xe hơi đã bị hư hại trong cuộc pháo kích của lực lượng vũ trang Ukraine vào khu vực Bryansk.
Ông nhấn mạnh rằng “hơn mười quả đạn pháo đã được bắn vào các mục tiêu dân sự”.
Ông cho biết hệ thống đèn đường bị hư hỏng một phần và các đội cấp cứu đang làm việc tại chỗ. Không có báo cáo về bất kỳ thương vong nào.
Trước đó, hôm Chúa Nhật 31 Tháng Mười Hai, Bogomaz cho biết một đứa trẻ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào “các các cơ sở hạ tầng dân sự” ở hai thị trấn. Bogomaz không nêu rõ thời điểm các cuộc tấn công diễn ra.
Bogomaz cho biết: “Những kẻ khủng bố Ukraine đã pháo kích vào các làng Kister và Borshchovo, quận Pogarsky.”
“Hơn 10 quả đạn pháo đã được bắn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt vào các mục tiêu dân sự. Thật không may, một đứa trẻ sinh năm 2014 đã chết vì một vụ tấn công khủng bố. Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình người đã khuất. Mọi sự hỗ trợ cần thiết cho gia đình sẽ được cung cấp.”
7. Vụ tấn công bằng hỏa tiễn ma cà rồng do Tiệp sản xuất vào Belgorod.
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Blames Ukraine for Vampire Rocket Attack on Belgorod”, nghĩa là “Nga đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công bằng hỏa tiễn ma cà rồng vào Belgorod.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công của lực lượng quân sự Ukraine vào vùng Belgorod của Nga.
Theo Bộ này, lực lượng phòng thủ của Nga đã phá hủy 10 quả đạn pháo từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt RM-70 Vampire của Tiệp được Ukraine sử dụng.
Ukraine chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công ở khu vực biên giới Belgorod. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine do Putin phát động gần hai năm trước, Belgorod hầu như không bị tấn công. Điều đó đã thay đổi vào mùa xuân năm 2023, khi khu vực này hứng chịu nhiều cuộc tấn công mà các nhóm vũ trang thân Kyiv của Nga đã nhận trách nhiệm thực hiện.
Trong những tuần gần đây, Belgorod một lần nữa trở thành mục tiêu tấn công và thống đốc khu vực đã khuyên người dân di tản khỏi khu vực cách biên giới Ukraine khoảng 20 dặm.
“Khoảng 300 cư dân Belgorod, những người đã quyết định di tản tạm thời, hiện đang được đưa đến các trung tâm trú ẩn tạm thời ở Stary Oskol, Gubkin và quận Korochansky,” Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết trong một tin nhắn đăng lên Telegram vào sáng thứ Hai.
Thông điệp của ông ta được đưa ra vài giờ trước khi một đợt tấn công mới được cho là nhắm vào Belgorod. Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng “nỗ lực của chế độ Kiev nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng cách sử dụng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt RM-70 Vampire nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn. Hệ thống phòng không làm nhiệm vụ đã phá hủy 10 quả rocket trên vùng Belgorod.”
Theo chính quyền Nga, vào ngày 30 tháng 12, một cuộc tấn công vào Belgorod đã khiến 25 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Trong khi Ukraine không nhận trách nhiệm về vụ tấn công, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đổ lỗi cho Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã giúp Kyiv thực hiện vụ tấn công.
Bà Zakharova nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS: “Vương Quốc Anh đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố, vì nước này phối hợp với Mỹ đang kích động chế độ Kiev thực hiện các hành động khủng bố vì nước này hiểu rằng cuộc phản công của Ukraine đã thất bại”. “Luân Đôn, như các đại diện văn phòng tổng thống Ukraine gần đây cho biết, đã cấm chính quyền Kyiv tổ chức các cuộc đàm phán với phía Nga, nhằm giành 'chiến thắng trên chiến trường'“.
Bà nói thêm: “Không có một cơ hội nào để cải thiện tình hình tồi tệ 'trên thực địa' của quân đội Ukraine, người Anglo-Saxon đã thực hiện chiến thuật tấn công khủng bố vào dân thường.”
Trong khi đó, đại diện Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Điện Cẩm Linh “chịu hoàn toàn trách nhiệm” về thương vong trong các cuộc tấn công vào Belgorod.
Quan chức này nói: “Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột này và những bi kịch con người đi kèm với nó, mà nước này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
8. Thống đốc vùng Zaporizhzhia của Ukraine thông báo rằng 5 người đã bị thương, một người bị thương nặng trong các cuộc không kích của Nga hôm thứ Hai.
Suspilne, đài truyền hình nhà nước Ukraine, dẫn lời Yury Malashko nói: “Tính đến giờ này, được biết có 5 người bị thương do vụ pháo kích. Một người đàn ông đang trong tình trạng nghiêm trọng sau khi bị cắt cụt chi”.
Nhà lãnh đạo khu vực cho biết Nga đã sử dụng hỏa tiễn Iskander và S-400 trong cuộc tấn công buổi sáng.
Zaporizhzhia là một trong những khu vực của Ukraine mà Liên bang Nga đã đơn phương tuyên bố sáp nhập.
Suspilne, đài truyền hình nhà nước Ukraine, đưa tin hôm nay một trung tâm cấp cứu động vật ở Kharkiv đã bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga làm vỡ cửa sổ. Một công nhân tại địa điểm này, Yaryna Vintonyuk, nói với Suspilne rằng bốn con chó chạy khỏi trung tâm vì sợ hãi đã bị bắt lại. Vintoniuk nói với hãng tin: “Không có nơi nào để di dời họ, vì vậy hôm nay chúng tôi dự định bịt kín các cửa sổ để giữ nhiệt”.
9. Skynex là gì? Vũ khí mới uy lực của Ukraine từ Đức
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Is Skynex? Ukraine's Powerful New Weapon From Germany”, nghĩa là “Skynex là gì? Vũ khí mới uy lực của Ukraine từ Đức.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Ukraine đã nhận được sự tăng cường đáng kể về khả năng phòng không nhờ gói viện trợ quân sự mới nhất của Đức.
Thỏa thuận viện trợ, vừa được chính phủ liên bang Đức công bố, bao gồm việc cung cấp Oerlikon Skynex, một hệ thống phòng không do Đức sản xuất được thiết kế để phòng thủ tầm ngắn. Đức lần đầu tiên công bố hợp đồng trị giá 200 triệu Mỹ Kim với Rheinmetall, nhà sản xuất Skynex, vào tháng 12 năm 2022, với lời hứa rằng hệ thống phòng thủ đầu tiên trong số hai hệ thống phòng thủ có trong hợp đồng sẽ đến Ukraine vào đầu năm 2024.
Việc giao hàng diễn ra sau lời cầu xin của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đối với các đối tác phương Tây của ông để cung cấp thêm hệ thống phòng thủ và vũ khí khi Nga tăng cường các cuộc tấn công trên không trên khắp Ukraine. Viện trợ bổ sung trong gói cập nhật của Đức bao gồm hai radar giám sát trên không TRML-4D, 30 hệ thống phát hiện máy bay không người lái, hai xe tăng rà phá bom mìn và pháo binh và đạn dược bổ sung.
Skynex là gì?
Skynex, theo nhà sản xuất, được trang bị để chống lại máy bay không người lái chiến thuật cỡ lớn, hỏa tiễn không đối đất, súng cối và hỏa tiễn pháo binh. Hệ thống này bao gồm một radar thu thập mục tiêu 3D, có khả năng xác định các mối đe dọa trên không trong phạm vi 50 km.
Hệ thống này còn được trang bị để vận hành tới 4 khẩu súng ổ quay Mk3 35ly, theo Rheinmetall có thể bắn tới 1.000 viên đạn mỗi phút. Trong một video thông tin được chia sẻ trên YouTube, nhà sản xuất cho biết súng ổ quay cũng được trang bị radar theo dõi, TV và camera hồng ngoại cũng như máy đo khoảng cách bằng laser để tấn công “ngay cả mục tiêu nhỏ nhất”.
Guy McCardle, biên tập viên quản lý của Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, cáo buộc Skynex cũng có thể hoạt động cùng với các hệ thống phòng không khác. Theo trang web của nhà sản xuất, các hệ thống như vậy bao gồm các đơn vị Skyguard và Skyshield hiện do Rheinmetall sản xuất, cũng như các hệ thống Patriot do Mỹ cung cấp, được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm xa.
McCardle, khi đề cập đến cách Skynex có thể tăng cường khả năng quân sự của Ukraine, nói với Newsweek: “Sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không, chẳng hạn như Skynex kết hợp với công nghệ cũ hơn và thông thường hơn như Patriot, cung cấp một mạng lưới bảo vệ rộng rãi chống lại các mối đe dọa trên không nhỏ như máy bay không người lái và những mối đe dọa lớn hơn như hỏa tiễn đạn đạo dẫn đường”.
Skynex so sánh với Patritot như thế nào?
Trong khi Ukraine đã có rất nhiều hệ thống phòng không nhờ các đồng minh phương Tây, bao gồm cả Patriot, chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine Sergiy Naev cảnh báo tuần trước rằng quân đội Kyiv sắp hết đạn cho các hệ thống phòng không di động sau các đợt pháo kích liên tục của Nga vài ngày trước đó. Theo Nayev, người đã nói chuyện với Agence France-Presse hôm thứ Tư, Ukraine chỉ có đủ nguồn cung cấp cho các hệ thống Patriot của mình để “chống chọi lại một vài cuộc tấn công mạnh mẽ tiếp theo”.
McCardle nói với Newsweek rằng ngoài tính linh hoạt, Skynex còn có giá cả phải chăng hơn nhiều so với các hệ thống Patriot - trong khi các hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất có giá khoảng 1,1 tỷ Mỹ Kim mỗi chiếc, Đức đã ký hợp đồng mua hai chiếc Skynex với giá chỉ 200 triệu Mỹ Kim.
McCardle nói: “Nó cũng hiệu quả hơn đáng kể khi chống lại các vật thể nhỏ, chuyển động nhanh, chẳng hạn như máy bay không người lái”. “Và như tất cả chúng ta đều biết, Ukraine có đầy rẫy máy bay không người lái.”
Ông nói thêm: “Nó đặc biệt hiệu quả khi chống lại các đàn máy bay không người lái nhờ loại đạn có hiệu quả tấn công và hủy diệt nâng cao. Thật tình cờ, Patriot giỏi hơn trong việc hạ gục hỏa tiễn đạn đạo tầm xa. Loại mà Nga tuyên bố là sắp cạn kiệt.”
McCardle cũng lưu ý rằng Skynex rất dễ vận chuyển, “một điểm cộng lớn khi đối phương đã xác định được vị trí của bạn và muốn phá hủy khả năng phòng không của bạn”.
10. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn sự hỗ trợ của Kuwait
Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối 8 Tháng Giêng, Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn Kuwait vì đã “ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các nghị quyết quan trọng của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cũng như cung cấp viện trợ năng lượng và máy phát điện kịp thời cho giai đoạn mùa đông”.
Tổng thống Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với Sheikh Meshal al-Ahmad al-Sabah, người đã trở thành tiểu vương Kuwait vào tháng trước sau cái chết của Sheikh Nawaf al-Ahmad al-Sabah.
Các Giám Mục Pháp chỉ thị các linh mục không được áp dụng Tuyên ngôn Fiducia. Satan có kế hoạch tàn phá GH
VietCatholic Media
04:50 09/01/2024
1. Các giám mục Pháp chỉ thị các linh mục không được chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái
Chín giám mục từ Pháp đã chỉ thị cho các linh mục trong giáo phận của các ngài rằng các linh mục có thể ban phước cho những người đồng tính luyến ái với tư cách cá nhân nhưng không nên ban phép lành cho các cặp đồng giới, theo Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.
Tổng giáo phận Rennes, do Đức Tổng Giám Mục Pierre d'Ornellas lãnh đạo, đã đưa ra tuyên bố vào ngày 1 Tháng Giêng thay mặt cho các giám mục của Giáo tỉnh Rennes.
Các giám mục nói: “Trong xã hội của chúng ta, nơi hôn nhân đã bị tầm thường hóa bằng cách trở thành một khái niệm của luật dân sự, bỏ qua đặc điểm nền tảng của sự khác biệt giới tính, chúng ta có sứ mệnh khẳng định một cách tiên tri vẻ đẹp tuyệt vời trong kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra con người, có nam có nữ.”
“Trong bối cảnh này, thật thích hợp để chúc lành một cách tự phát, riêng lẻ cho mỗi người trong hai người đang hợp thành một cặp, bất kể xu hướng tính dục của họ, những người xin Chúa chúc lành với lòng khiêm nhường và với ước muốn ngày càng tuân theo thánh ý Người.”
Việc xuất bản tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican là chủ đề của những cách giải thích trái ngược nhau, với một số giám mục ở Phi Châu và Đông Âu cấm các phép lành được đề xuất trong khu vực pháp lý của họ trong khi những người khác coi tài liệu này như một sự khẳng định về nỗ lực thay đổi của họ.
Các giám mục Pháp khẳng định rằng Fiducia Supplicans không bắt buộc phải ban phép lành cho các cặp đồng tính mà thay vào đó cho phép “khả năng” tùy thuộc vào nhận thức của các linh mục và giám mục rằng những phép lành đó sẽ không gây ra tai tiếng hoặc nhầm lẫn về lập trường của Giáo hội đối với hôn nhân.
Các giám mục Pháp cho biết: “Các tiêu chuẩn để phân định là sự khiêm nhường và mong muốn thực hiện thánh ý của Thiên Chúa”.
Các giám mục không đồng tình với việc tuyên bố nhấn mạnh đến việc ban phép lành cho “các cặp”.
Một cặp không phải là 2 người mà thôi. Một cặp nghĩa là 2 người và mối quan hệ giữa hai người đó. Thành ra, khi chúc phúc cho một cặp, không phải là chúc phúc cho 2 cá nhân riêng lẻ nhưng là chúc phúc cho mối quan hệ giữa hai người, hình thành nên khái niệm “cặp”.
Khi mối quan hệ giữa hai người không theo kế hoạch của Thiên Chúa hay bất hợp lệ việc chúc phúc được kể là một hành vi báng bổ vì Thiên Chúa không thể chúc phúc cho tội lỗi.
Vị linh mục khi chúc phúc cho các trường hợp như thế, không kêu cầu Chúa, nhưng kêu cầu một lực lượng nào đó chống lại Chúa, chúc dữ cho những người tin rằng họ đang được chúc lành. Vị linh mục ấy không còn là linh mục của Chúa, nhưng là một thứ đạo sĩ đang triệu hồi các thứ hồn phách ma quỷ. Chúc lành như thế không những làm phương hại đến phần rỗi các linh hồn của những người xin, mà còn gây nguy hiểm đến phần rỗi của chính vị linh mục Công Giáo mà giờ đây đã biến thành một đạo sĩ của ma quỷ.
Các Giám Mục nhấn mạnh rằng “Hơn cả trong quá khứ, xã hội tục hóa của chúng ta đã mất đi sự hiểu biết về ý nghĩa đáng ngưỡng mộ của sự khác biệt giới tính. Hôn nhân phải được coi như một sự đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Đó là một ơn gọi,” họ tiếp tục.
“Chúng ta hãy vui vẻ đặt mình với lòng bác ái để phục vụ các cặp vợ chồng đang chuẩn bị kết hôn hoặc đã kết hôn. Chúng ta hãy cẩn thận đồng hành cùng những người đang vật lộn, những người đang lãng quên hoặc không còn biết cách chăm sóc cho tình yêu của mình”, tuyên bố tiếp tục.
2. Vatican 'làm rõ' Fiducia Supplicans
Đáp lại làn sóng phản đối Fiducia Supplicans của các giám mục Công Giáo trên khắp thế giới, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra một thông cáo báo chí dài để làm rõ tài liệu này.
Tài liệu mới khẳng định rằng những phản ứng tiêu cực đối với Fiducia “không thể được hiểu là sự phản đối về mặt giáo lý, bởi vì tài liệu này rõ ràng và dứt khoát về hôn nhân và tình dục”. Do đó, Bộ Giáo Lý Đức Tin cho rằng sự phản đối rộng rãi đối với chỉ thị này bắt nguồn từ việc hiểu sai mục đích cơ bản của nó.
Trong khi Bộ Giáo Lý Đức Tin lập luận rằng Fiducia không thể được hiểu là cấp phép mục vụ cho các kết hợp đồng giới, và có “một số cụm từ không thể tranh cãi trong tuyên bố khiến điều này không còn nghi ngờ gì nữa”, thì các giám mục liên quan đã chỉ trích tài liệu này vì đã gây ra sự nhầm lẫn sâu sắc về điểm đó.
Khi đưa ra lời thanh minh này – chỉ hơn hai tuần sau chỉ thị ban đầu – Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ngầm thừa nhận có sự nhầm lẫn đang lan rộng. Trong chính Fiducia Supplicans, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã nói rằng chỉ thị này đã đưa ra hướng dẫn rõ ràng về các loại phép lành mà nó khuyến nghị, và do đó “không nên mong đợi thêm câu trả lời nào về những cách có thể để điều chỉnh các chi tiết hoặc tính thực tiễn liên quan đến các loại phép lành này”.
Đặc quyền của các giám mục
Thông cáo báo chí thừa nhận rằng các giám mục giáo phận có thể đưa ra những đánh giá của riêng mình về cách thực hiện chỉ thị của Vatican: “Mỗi Giám mục địa phương, nhờ thừa tác vụ của mình, luôn có quyền phân định tại địa phương, nghĩa là, ở nơi cụ thể mà ngài biết. tốt hơn những người khác chính vì đó là đàn của chính mình.” Tuy nhiên, Bộ Giáo Lý Đức Tin đặt ra giới hạn đối với sự phân định của cá nhân giám mục, nói rằng ngài có thể “cho phép các phương pháp áp dụng khác nhau, nhưng không được phủ nhận hoàn toàn hoặc dứt khoát” thông điệp của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans.
Thông cáo báo chí nói tiếp rằng một số giám mục có thể chọn không cho phép ban phép lành cho các cặp đồng giới vì luật pháp địa phương coi hoạt động đồng tính luyến ái là một tội ác. Trong những trường hợp như vậy, “điều hiển nhiên là một lời chúc phúc sẽ là thiếu thận trọng”. Nói chung hơn, Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng sự phản đối Fiducia có thể bắt nguồn từ “các vấn đề văn hóa và thậm chí pháp lý mạnh mẽ đòi hỏi thời gian và các chiến lược mục vụ vượt ra ngoài thời gian ngắn hạn”. Một lần nữa, Bộ Giáo Lý Đức Tin không thừa nhận khả năng – được nêu lên nhiều lần trong các tuyên bố của các giám mục từ các quốc gia khác nhau – rằng Fiducia truyền tải một hàm ý rằng Giáo hội ủng hộ các cặp tham gia vào các kết hợp đồng giới.
Trả lời những lo ngại như vậy, thông cáo báo chí của Bộ Giáo Lý Đức Tin cho biết, liên quan đến phước lành của một cặp đồng giới: “Rõ ràng đó không phải là một cuộc hôn nhân, nhưng cũng không phải là sự 'chấp thuận' hay phê chuẩn bất cứ điều gì.” Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng linh mục khi ban phép lành không thể hiện sự ủng hộ đối với hoạt động đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, thông cáo báo chí nói tiếp rằng rõ ràng rằng vị linh mục ban phép lành như vậy “không áp đặt các điều kiện và không hỏi thăm về đời sống thân mật của những người này”.
Ở đây, Bộ Giáo Lý Đức Tin không phản hồi quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, người đã chỉ ra rằng theo truyền thống Byzanytine, phép lành của linh mục luôn mang ý nghĩa chấp thuận, và do đó thông điệp của Fiducia Supplicans không thể áp dụng được đối với các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.
Theo thông cáo báo chí “sự mới lạ thực sự” của Fiducia Supplicans “không phải là khả năng chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong những tình huống bất thường. Đó là lời mời gọi phân biệt giữa hai hình thức ban phép lành: 'phụng vụ hoặc nghi thức hóa' và 'tự phát hoặc mục vụ.'“ Trong lá thư ngày 18 tháng 12 giới thiệu chỉ thị, Hồng Y Manuel Fernandez đã nói rằng Fiducia cho phép “mở rộng và làm phong phú thêm các sự hiểu biết cổ điển về phước lành.”
“Sự phát triển thực sự” này trong giáo huấn của Giáo hội, mà Bộ Giáo Lý Đức Tin ghi công cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho phép ban các phép lành “không đòi hỏi những điều kiện giống như các phép lành trong bối cảnh phụng vụ hoặc nghi lễ”. Bỏ qua khả năng một số cặp đồng giới sẽ tìm kiếm phước lành trong những tình huống giống với phụng vụ (và nhiều linh mục sẽ ban cho họ), Bộ Giáo Lý Đức Tin không giải thích các phước lành được đề xuất trong Fiducia Supplicans sẽ khác với các phước lành mà bất kỳ người Công Giáo nào cũng có thể yêu cầu nơi bất kỳ linh mục nào, vào bất kỳ lúc nào theo truyền thống của Giáo Hội.
Thông cáo báo chí được đưa ra để làm dịu tình hình, nhưng xem ra nó đang làm tăng thêm làn sóng chỉ trích và yêu cầu Hồng Y Manuel Fernandez từ chức.
Source:Catholic World News
3. Nhật Ký Trừ Tà số 273: Satan có kế hoạch
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #273: Satan Has A Plan”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 273: Satan có kế hoạch”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Satan và tay sai của hắn không làm điều “ngẫu nhiên”. Ác ma có một kế hoạch, giống như bất kỳ chỉ huy quân sự nào cũng có. Nhìn vào thế giới xung quanh chúng ta, không khó để nhận ra một số yếu tố chính trong kế hoạch của chúng:
1. Phá hủy gia đình. Những cuộc tấn công vào sự toàn vẹn của gia đình chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế. Gia đình là “giáo hội tại gia”, theo giáo huấn của Giáo hội và là nền tảng của một xã hội lành mạnh và thánh thiện. Tôi vô cùng ngưỡng mộ những gia đình can đảm ngày nay đang sống Tin Mừng giữa những cuộc tấn công liên tục. Xin Thánh Gia cầu thay cho gia đình chúng ta và giữ cho họ được mạnh mẽ!
2. Tấn Công Giáo Hội. Tương tự như vậy, Giáo hội là người loan báo sứ điệp của Chúa Kitô và là công cụ thánh hóa thế giới. Phải thừa nhận rằng nhiều cuộc tấn công chống lại Giáo hội có thể xảy ra do tội lỗi thực sự của hàng giáo sĩ, mà chúng ta phải ăn năn và cầu xin sự tha thứ. Tuy nhiên, kể từ tháng 5 năm 2020, đã có khoảng 300 vụ việc chống lại các Giáo Hội Công Giáo bao gồm việc phá hủy các tượng tôn giáo, đốt nhà thờ, làm xấu bia mộ và các hình thức phá hoại khác. Tôi biết không có tiền lệ tương tự nào như thế trong thời hiện đại.
3. Phá hủy niềm tin. Cuối cùng, chính niềm tin vào Thiên Chúa và Chúa Giêsu đã nâng đỡ con người và thế giới này. Sự hiện diện của đức tin cho phép Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ trong cuộc sống của chúng ta và việc thiếu đức tin sẽ cản trở điều đó (Mt 13:58). Không có gì bí mật rằng đức tin trong Giáo Hội chúng ta đang bị xói mòn một cách lớn lao và đều đặn. Các bậc cha mẹ Công Giáo thường nói với tôi rằng họ rất đau buồn khi con cái họ lớn lên trong môi trường Công Giáo lại quay lưng lại với đức tin. Và nhiều người khác không hề được dạy về đức tin. Nghiên cứu khảo sát cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ và đều đặn về số lượng thành viên nhà thờ ở Hoa Kỳ, lần đầu tiên hiện dưới 50%. Và nó cho thấy sự gia tăng nhanh chóng ở những người không tuyên xưng tôn giáo nào, hiện ở mức 30%.
4. Tích lũy một đội quân thực hành pháp thuật và theo dõi. Sự gia tăng nhanh chóng của những người thực hành phép thuật phù thủy, wicca, những điều huyền bí, ngoại giáo và chủ nghĩa Satan là đáng kinh ngạc. Ví dụ: WitchTok đã có hơn 18,7 tỷ lượt xem tính đến tháng 10 năm 2022. Satan đang tích lũy một đội quân theo dõi. Một số người trong số họ cố tình đi theo Ma quỷ, nhưng hầu hết đều vô tình trói buộc mình làm nô lệ cho Satan bằng cách làm phép, tham gia vào những điều huyền bí và thờ phượng các vị thần ngoại giáo.
5. Thay thế đời sống/giá trị Kitô giáo bằng chương trình nghị sự về cái chết. Sự an tử đang gia tăng. Hợp pháp hóa ma túy và quá liều liên quan đến ma túy rất nhiều. Việc phá thai vẫn tiếp tục được thực hiện và hiện nay nó được những người theo đạo Satan công khai ủng hộ. Sự nhầm lẫn tình dục ngự trị. Buổi cầu nguyện ở trường bị gạt “ra ngoài” và sau giờ học là các nhóm Satan “vào”. Các bức tượng tôn giáo đang bị phá hủy và tượng Baphomet xuất hiện ở những nơi công cộng. Tỷ lệ tự tử ở Mỹ đang gia tăng đều đặn.
6. Lan truyền xung đột, hỗn loạn và bạo lực. Diễn ngôn công khai hợp lý, tôn trọng đã không còn nữa. Bạo lực đang lan rộng trong các thành phố của chúng ta và sự chia rẽ trong đất nước chúng ta và thế giới của chúng ta. Ví dụ, các vụ khủng bố ở Hoa Kỳ khiến tâm trí chúng ta bối rối. Năm mươi năm trước không ai đến nơi công cộng và ngẫu nhiên giết hại những người vô tội. Ngày nay nó là chuyện bình thường. Đây là dấu hiệu của một xã hội đã trở nên vô cùng sai lầm.
Tóm lại, kế hoạch của Satan là biến trái đất này thành địa ngục. Điều đáng chú ý là Ma quỷ đang tấn công dữ dội vào tất cả sáu mặt trận trên cùng một lúc. Một số người suy đoán rằng thời kỳ cuối cùng đã gần kề. Tôi không biết. Nhưng tôi tin rằng “100 năm”* của ma quỷ đã sắp hết và như Kinh thánh nói: “Thời gian còn ngắn ngủi” (1 Cô-rinh-tô 7:29). Chắc chắn chúng ta đang ở trong một trận chiến quyết định với Satan, kẻ đang ở cuối sợi dây của hắn. Như thể toàn bộ địa ngục đã trống rỗng cho một trận chiến lớn.
Tôi có thể hiểu những người bi quan. Nhìn từ bên ngoài thì mọi thứ có vẻ tồi tệ và ngày càng tồi tệ hơn. Chắc chắn Sa-tan nghĩ hắn đang thắng. Tôi nghi ngờ Sa-tan và tay sai của hắn dám nghĩ rằng chúng đã thắng khi Chúa Giêsu chết trên thập tự giá.
Những lời trong Nghi thức Trừ quỷ nói lên Sự thật với Satan: “Vậy tại sao ngươi lại đứng lên chống cự, dù biết rằng Chúa Kitô sẽ phá hủy kế hoạch của ngươi?” Và chúng ta, được truyền cảm hứng từ những lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, nhớ lại câu nói thường được trích dẫn: “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ta sẽ chiến thắng”.
Hốt hoảng, chỉ một tuần không quân Nga đã ném bom dân Nga hai lần. Người đẹp của Putin bất đắc kỳ tử
VietCatholic Media
15:34 09/01/2024
1. Tuyên truyền viên trên TV hàng đầu của Putin bất đắc kỳ tử
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Mystery As Putin's Top Propagandist Found Dead After Suspected 'Poisoning'“, nghĩa là “Bí ẩn nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin được phát hiện đã chết sau khi bị nghi 'đầu độc'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Các quan chức cho biết Zoya Konovalova, nhà lãnh đạo một trong những kênh truyền hình nhà nước của Putin, được phát hiện đã chết sau một vụ nghi ngờ bị đầu độc.
Konovalova, 48 tuổi, tổng biên tập Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Kuban, được tìm thấy cùng với thi thể của chồng cũ, 52 tuổi, tại một ngôi nhà ở vùng Krasnodar vào ngày 5 Tháng Giêng.
“Nhà lãnh đạo nhóm Internet của Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Kuban Zoya Konovalova đã qua đời. Đồng nghiệp của chúng tôi đã 48 tuổi”, kênh truyền hình này cho biết trong một tuyên bố.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin không có vết thương nào được tìm thấy trên thi thể của Konovalova và chồng cũ.
“Nguyên nhân cái chết được cho là do bị đầu độc”, kênh truyền hình này cho biết và cho biết thêm rằng cô bỏ lại một con gái và con trai 15 tuổi.
Konovalova sinh ra ở Murmansk ở tây bắc nước Nga và làm việc ở thủ đô Mạc Tư Khoa trước khi chuyển đến Lãnh thổ Krasnodar vào năm 2003. Trong năm qua, Konovalova đã lãnh đạo phòng biên tập kỹ thuật số của Công ty Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Kuban, địa phương. Các phương tiện truyền thông Nga cho biết như trên.
2. Thời điểm cho đợt giao hàng F-16 lớn của Ukraine
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's Major F-16 Delivery Gets New Timeline”, nghĩa là “Ukraine's Major F-16 Delivery Gets New Timeline.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một mốc thời gian đã được thiết lập cho việc chuyển giao dự kiến ít nhất một số chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine.
Tờ báo Đan Mạch Berlingske hôm thứ Bảy đưa tin rằng đợt giao hàng đầu tiên của sáu chiếc máy bay do Mỹ sản xuất, dự kiến ban đầu là vào đầu năm 2024 khi được công bố vào tháng 8, đã bị trì hoãn khoảng sáu tháng.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch xác nhận trong một tuyên bố với Newsweek hôm Chúa Nhật rằng chuyến hàng “hiện dự kiến sẽ diễn ra trong quý 2 năm 2024”, đồng thời lưu ý rằng “tiến trình quyên góp có thể thay đổi”.
Đài Tiếng nói Mới của Ukraine hôm Chúa Nhật đưa tin rằng Đại tá Yurii Ihnat, phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine, gần đây đã xuất hiện trên truyền hình Ukraine để phủ nhận sự chậm trễ, đồng thời gợi ý rằng các máy bay phản lực sẽ đến vào mùa xuân.
Ihnat được cho biết rằng ông đang “mong đợi” nhóm phi công F-16 “tiên tiến” nhất của Ukraine sẽ được đào tạo đầy đủ về máy bay phản lực vào mùa xuân, mặc dù một số khóa đào tạo có thể kéo dài đến năm 2025.
Ihnat cho biết: “Một nhóm phi công đang học tập tại Anh là những sinh viên tốt nghiệp khóa 2023 và họ sẽ được đào tạo ở đó tối đa hai năm trước khi được chuyển sang F-16”. “Một nhóm khác đang học tập tại Hoa Kỳ ở Arizona, nơi người Mỹ thông báo rằng khóa đào tạo sẽ kéo dài đến cuối năm 2024.”
“Có lẽ ai đó sẽ được đào tạo sớm hơn,” ông nói thêm. “Đối với Đan Mạch, đây là một bảng đấu tiên tiến. Cả chiến đấu cơ và phi công sẽ là người nhanh nhất từ đó. Khi nào họ sẽ nhanh nhất? Thưa: Chúng tôi vẫn đang trông chờ vào mùa xuân.”
Đan Mạch cam kết tặng tổng cộng 19 chiếc F-16 cho Ukraine. Trong số đó, 14 chiếc ban đầu dự kiến được giao vào năm nay, 5 chiếc còn lại dự kiến được giao vào năm 2025.
Ngoài sáu chiếc máy bay dự kiến vào mùa xuân, vẫn chưa rõ liệu có bất kỳ mốc thời gian giao hàng nào khác của Đan Mạch có thay đổi hay không.
Newsweek đã đưa ra bình luận với Bộ Quốc phòng Ukraine qua email vào thứ Hai.
Đan Mạch đang đóng vai trò là trung tâm huấn luyện chính cho chương trình F-16 còn non trẻ của Ukraine, với một số đồng minh gần đây đã giao máy bay phản lực cho nước này vì mục đích huấn luyện.
Trong khi có nhiều đồn đoán về việc Ukraine nhận máy bay sớm hơn mùa xuân, Ihnat đã bác bỏ ý tưởng đưa máy bay phản lực vào “tầm ngắm của đối phương” trước khi quá trình huấn luyện hoàn tất trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine vào cuối tháng 12.
Ihnat cho biết: “Cơ sở hạ tầng, các phi công hiện đang được đào tạo với những người hướng dẫn, cũng như nhân viên kỹ thuật hàng không là những điều cơ bản mà chúng ta cần”. “Chúng ta dùng máy bay để chiến đấu với chúng chứ không phải để giữ chúng trong kho.”
Ngoài Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan và Na Uy đều đã đồng ý cung cấp chung cho Ukraine hàng chục chiếc F-16 để chiến đấu. Hà Lan dự kiến sẽ là nhà tài trợ lớn nhất, đóng góp tổng cộng 42 máy bay phản lực.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tháng trước rằng lô 18 máy bay phản lực đầu tiên đang được chuẩn bị để giao hàng mà không công bố công khai thời điểm giao hàng chính xác.
Những chiếc F-16 không còn được coi là công nghệ tiên tiến nhưng việc chúng đến Ukraine sẽ là một sự nâng cấp đáng kể đối với Không quân Kyiv, lực lượng vốn dựa vào một phi đội chủ yếu bao gồm các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô kể từ khi Nga xâm chiếm vào ngày 24 tháng 2. 2022.
Putin đã lập luận rằng các máy bay phản lực sẽ chẳng giúp ích được nhiều cho Ukraine, đồng thời phát biểu trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông vào tháng 9 rằng việc mua sắm các máy bay phản lực “chỉ đơn giản là kéo dài xung đột”.
3. Một đoạn hỏa xa ở vùng Urals của Nga bị 'nổ tung'
Một đoạn hỏa xa gần thành phố Nizhny Tagil ở vùng Urals của Nga đã bị tấn công và người ta có thể nghe thấy một tiếng nổ lớn, hãng thông tấn Tass và RBC đưa tin hôm thứ Hai, dẫn lời văn phòng công tố viên giao thông vận tải.
Các phương tiện truyền thông chính thống của Nga thường xuyên sử dụng thuật ngữ “bang” như một uyển ngữ để chỉ một vụ nổ.
Baza, một cơ quan truyền thông của Nga, cho biết vụ nổ trên hỏa xa xảy ra gần ga San-Donato, gần một kho chứa dầu.
Tháng trước, một nguồn tin Ukraine nói với Reuters rằng cơ quan tình báo nội địa Ukraine đã làm nổ tung một tuyến hỏa xa của Nga nằm sâu trong Siberia.
Các hãng thông tấn Nga hôm thứ Hai cho biết không có ai bị thương và không có thiệt hại gì từ vụ việc mới nhất.
RBC dẫn lời Hỏa xa Nga cho biết giao thông trong khu vực bị “hạn chế” và một số chuyến tàu có thể chạy chậm so với lịch trình
4. Chỉ trong một tuần, Nga đã vô tình ném bom vào dân thường hai lần
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Accidentally Bombs Own Civilians for Second Time in a Week”, nghĩa là “Nga vô tình ném bom vào dân thường lần thứ hai trong một tuần.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Quân đội Nga hôm thứ Hai đã vô tình nhắm vào dân thường của mình lần thứ hai trong một tuần.
Một máy bay Nga đã thả một quả bom xuống thị trấn Rubezhnoye ở Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, nằm ở vùng Donbas của Ukraine nhưng bị kiểm soát bởi các cơ quan lập pháp do Điện Cẩm Linh thành lập.
Nhà lãnh đạo khu vực được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn, Leonid Pasechnik, cho biết như trên: “Khi các nhiệm vụ chiến đấu được thực hiện bởi máy bay của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga trên thành phố Rubezhnoye, một vụ phóng khẩn cấp đạn máy bay FAB-250 đã xảy ra”.
Pasechnik cho biết những người sống trong những ngôi nhà gần đó đã được di tản và có cơ hội ở tại một trung tâm lưu trú tạm thời.
Quan chức này cho biết một cuộc điều tra đã được một cơ quan của Bộ Nội vụ Nga và đại diện của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga tiến hành.
Đây là trường hợp thứ hai máy bay Nga vô tình bắn trúng khu định cư do Nga kiểm soát trong vòng một tuần.
Vào ngày 2 Tháng Giêng, một chiếc máy bay đã vô tình bắn hỏa tiễn vào một thị trấn ở miền Tây nước Nga, phá hủy nhiều ngôi nhà.
Trong một lần thừa nhận hiếm hoi, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một trong những chiến đấu cơ của nước này đã vô tình tấn công vào làng Petropavlovka, làm hư hại ít nhất 6 tòa nhà thuộc sở hữu tư nhân. Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một miệng hố lớn trên mặt đất do một vụ nổ gây ra và các mảnh vỡ rải rác
Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố: “Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 2 Tháng Giêng,, khi một máy bay của lực lượng không quân đang bay qua làng Petropavlovka ở vùng Voronezh, đã xảy ra vụ thả khẩn cấp đạn dược hàng không”.
“Một cuộc điều tra đang được tiến hành về hoàn cảnh của vụ việc. Một ủy ban đang làm việc tại chỗ để đánh giá bản chất thiệt hại và hỗ trợ khôi phục các tòa nhà,” nó nói thêm.
“ Chính quyền Nga xác nhận rằng một hỏa tiễn của Nga đã rơi ở vùng Voronezh của Nga,” Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết trên X. “Thông tin đã được thống đốc vùng Voronezh Gusev chính thức xác nhận. Ông gọi vụ việc là 'một vụ hạ đạn khẩn cấp.'“
Ông Gerashchenko nói thêm: “Trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Ukraine, người Nga ở các khu vực nằm trên đường đi của hỏa tiễn nên đến nơi trú ẩn”. “Quân đội Nga là mối đe dọa đối với người Nga.”
Thống đốc vùng Voronezh Alexander Gusev yêu cầu người dân giữ bình tĩnh và cho biết không có thương vong. Ông cho biết cư dân ở một số đường phố trong thị trấn bị ảnh hưởng đang được di dời đến nơi ở tạm thời.
5. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh cảnh báo Anh có nguy cơ 'tụt hậu' trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo người kế nhiệm ông, Grant Shapps, rằng Anh có nguy cơ “tụt hậu” trong việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine vì các bộ trưởng vẫn chưa công bố ngân sách viện trợ quân sự cho năm 2024-2025.
Cựu bộ trưởng nói với quốc hội rằng ông đã chính thức yêu cầu khoảng 2,3 tỷ bảng Anh - mức hàng năm hiện tại - và 2,6 tỷ bảng tài trợ cho Ukraine vào tháng 6 trước khi ông rời chính phủ, nhưng không có thông báo nào được đưa ra kể từ đó.
“Các nhà lập kế hoạch trong Bộ Quốc phòng cần thời gian, cũng như người Ukraine, để làm quen với điều đó. Nếu chúng ta không bắt đầu đưa ra thông báo sớm, chúng ta sẽ tụt hậu so với nhiều đồng nghiệp Âu Châu, những người đã vượt qua chúng ta về mặt hỗ trợ”, Wallace nói với các nghị sĩ có mặt khi trả lời các câu hỏi quốc phòng.
Đáp lại, Shapps ca ngợi công việc của người tiền nhiệm nhưng từ chối đưa ra con số. Thay vào đó, anh ta nói rằng Wallace “sẽ không thất vọng và anh ta sẽ không cần phải đợi quá lâu”.
Bộ trưởng quốc phòng đối lập của Đảng Lao Động, John Healey, cũng nhấn mạnh đến vấn đề này, cảnh báo rằng “nguồn tài trợ viện trợ quân sự hiện tại của Vương quốc Anh sẽ cạn kiệt trong vài tuần nữa”. Ông nói rằng ông đã yêu cầu một cam kết tài trợ mới vào tháng 11.
Anh đã viện trợ quân sự 2,3 tỷ bảng Anh cho Ukraine trong hai năm liên tiếp, nhưng trong khi khoản tài trợ năm nay đã được công bố trước sáu tháng thì ngân sách năm tới vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, Shapps nhấn mạnh cam kết hiện có với Kyiv sẽ kéo dài đến tháng 4 và không có nguy cơ hết thời gian.
6. Cảnh báo đáng lo ngại cho người dân của Thụy Điển về nguy cơ chiến tranh bùng phát với Nga
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Sweden Issues Ominous Warning to Citizens”, nghĩa là “Thụy Điển đưa ra cảnh báo đáng lo ngại cho người dân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy
Các quan chức Thụy Điển đang cảnh báo công dân của họ hãy sẵn sàng hơn bao giờ hết trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Vào tháng 5 năm 2022, Thụy Điển và Phần Lan, nổi tiếng với lập trường trung lập, tuyên bố sẽ gia nhập NATO để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm đó. Trong khi Phần Lan chính thức gia nhập liên minh vào tháng 4 năm 2023, nỗ lực gia nhập của Thụy Điển gặp phải trở ngại khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan chỉ trích việc quốc gia này bị cáo buộc không hành động chống lại chủ nghĩa bài Hồi giáo, gọi đó là “ranh giới đỏ”. Hung Gia Lợi cũng bày tỏ lo ngại về tư cách thành viên của Thụy Điển.
Erdoğan sau đó đã chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO, mặc dù phiên khoáng đại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần bật đèn xanh cho việc này. Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán cho biết vào cuối năm ngoái rằng nước ông không vội chấp thuận đề nghị của Thụy Điển.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với hãng tin DPA của Đức vào tuần trước rằng Thụy Điển đã có tất cả những nhượng bộ cần thiết, dự đoán rằng nước này sẽ được chấp thuận là thành viên thứ 32 của NATO tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, diễn ra vào tháng 7 tại Washington, DC.
Việc Thụy Điển gia nhập liên minh sẽ tăng cường tác động khu vực của NATO, mang lại cho cả 5 quốc gia Bắc Âu gần như toàn quyền kiểm soát “Hồ NATO”, ám chỉ tầm quan trọng chiến lược của Biển Baltic. Các chuyên gia trước đây đã nói với Newsweek rằng sức mạnh không quân được cung cấp cho NATO từ Thụy Điển sẽ là một thách thức đối với các lực lượng Nga trên biển.
Giờ đây, sau gần hai năm xảy ra xung đột Nga-Ukraine và giữa cuộc chiến Israel-Hamas ở Gaza, công dân Thụy Điển đang được yêu cầu phải thận trọng và chuẩn bị hơn bao giờ hết.
“Đối với một quốc gia mà hòa bình là người bạn đồng hành dễ chịu trong gần 210 năm, ý tưởng rằng hòa bình là một hằng số bất di bất dịch đã gần kề trong tầm tay,” Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin phát biểu hôm Chúa Nhật trong một hội nghị thường niên ở Sälen, một thành phố thị trấn ở phía đông của đất nước.
Ông nói tiếp: “Nhưng việc tự an ủi trong kết luận này đã trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết”. Nhiều người đã nói điều đó trước tôi, nhưng hãy để tôi nói điều đó với tư cách chính thức, rõ ràng hơn và cụ thể hơn rằng: Có thể xảy ra chiến tranh ở Thụy Điển.”
Bohlin cho biết lời nói của ông không nhằm mục đích gây sợ hãi mà là để tạo ra “nhận thức về tình hình”. Ông lưu ý rằng người Ukraine có thể nghĩ xung đột của họ với Nga đã là chuyện quá khứ cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định sáp nhập trái phép Crimea vào năm 2014 và 8 năm sau đó tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước này.
Bohlin nói: “Khả năng phục hồi của xã hội đòi hỏi chính xác điều đó: nhận thức về tình huống — nhận thức của từng công dân, nhân viên, doanh nhân và người ra quyết định trong hành chính công”. “Nhưng chỉ suy ngẫm về câu hỏi thôi thì chưa đủ. Phòng thủ dân sự chủ yếu không phải là một bài tập lý thuyết. Nhận thức phải được chuyển thành hành động thiết thực, những biện pháp thực sự nâng cao ngưỡng.”
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson đã đưa ra cảnh báo tương tự trong bài phát biểu của ông hôm thứ Hai tại Sälen. Ông cho biết các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông cho thấy “thế giới đã trở nên nguy hiểm hơn so với chỉ một năm trước”.
Ông cũng trích dẫn “sự không chắc chắn” về hướng đi của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử năm 2024. Nhiều thành viên Quốc Hội tại Hạ viện Hoa Kỳ tỏ ra khó chịu trong việc tiếp tục cung cấp tài chính cho Ukraine, với lý do các vấn đề trong nước cần được quan tâm khẩn cấp hơn, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ.
Jonson nói: “Không thể loại trừ một cuộc tấn công vũ trang chống lại Thụy Điển. Chiến tranh cũng có thể đến với chúng ta. Những thời điểm nghiêm trọng này đòi hỏi tầm nhìn rõ ràng, khả năng hành động và sự kiên trì - tầm nhìn rõ ràng để hiểu rằng mục tiêu của Nga vẫn là xóa bỏ một Ukraine tự do và tạo ra một Âu Châu trong đó 'quyền lực là đúng', với các quốc gia vùng đệm và các lĩnh vực quan tâm.
“Chúng ta đã từng trải qua điều này trong quá khứ. Chúng ta không được quay lại đó và để con cái chúng ta lớn lên ở Âu Châu theo kiểu đó”, Jonson nói.
Những cảnh báo này đi kèm với một kế hoạch phòng thủ “lịch sử” rộng lớn hơn dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay, kế hoạch mà các quan chức Thụy Điển tin rằng sẽ tăng cường tác động của nước này với tư cách là một đồng minh NATO.
Jonson đề cập đến bốn mục tiêu: xây dựng một quân đoàn vững mạnh hơn, có đầy đủ cả lính nghĩa vụ và quân nhân chuyên nghiệp; sử dụng việc mua sắm đạn dược dài hạn trong khu vực Bắc Âu để rút ngắn thời gian chờ đợi các vật liệu liên quan đến quốc phòng; giới thiệu chiến lược đổi mới quốc phòng được cải tiến để đạt được ưu thế công nghệ trên chiến trường; và mở rộng nhanh chóng về an ninh và thiết lập “hệ thống phòng thủ dựa trên tăng trưởng”.
Lời nói của Jonson và Bohli phản ánh lời nói của các quan chức Thụy Điển khác. Ngoại trưởng Thụy Điển Billström nói với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter hôm Chúa Nhật rằng Nga sẽ vẫn là mối đe dọa vô thời hạn đối với Thụy Điển và NATO.
Billström nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài sẽ tiếp diễn chừng nào Nga còn vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và trật tự an ninh Âu Châu”.
Mikhail Troitskiy, giáo sư thực hành tại Đại học Wisconsin-Madison, nói với Newsweek rằng chiến lược của các nước như Thụy Điển và các đồng minh NATO khác đang được chú trọng vì viện trợ của Ukraine từ các nước như Mỹ có thể chấm dứt. Nga có thể coi đây là cơ hội để “lan tỏa” sang các vùng đất nước ngoài khác.
Troitskiy nói: “Các quốc gia này đang tích cực đánh giá những rủi ro của họ, chẳng hạn như vị trí gần khu vực chiến tranh ở Ukraine, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, căng thẳng xã hội, sự mất lòng dân của chính phủ, v.v.” “Chính phủ của họ đang chịu áp lực phải cảnh báo người dân về nguy cơ leo thang của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine nhằm tăng cường sự chuẩn bị và huy động dư luận ủng hộ việc giúp đỡ Ukraine.
Ông nói: “Đối với các chính phủ Âu Châu, đó là một trong số ít chiến thuật sẵn có để chống lại sự quen thuộc của dư luận về cuộc chiến ở Ukraine”.
Troitskiy cho biết thêm, Thụy Điển, do nằm ở khu vực Baltic và dân số thưa thớt, từ lâu đã cảnh giác về vị thế địa chính trị của mình. Suy nghĩ về các biện pháp leo thang có thể có của Nga, đặc biệt là sau khi Phần Lan gia nhập NATO và nỗ lực gia nhập của Thụy Điển, là điều khôn ngoan.
“Khi các nhà lãnh đạo Âu Châu đang cân nhắc về tác động lan tỏa của chiến tranh ở các khu vực đó, vấn đề nan giải chính của họ là tìm ra sự cân bằng giữa các lời kêu gọi chi tiêu và chuẩn bị quân sự nhiều hơn, một mặt và đáp ứng nhu cầu của công dân họ về tăng trưởng kinh tế, phúc lợi và, trong một số trường hợp. Mặt khác, khôi phục mối quan hệ kinh tế có lợi với Nga”, ông nói.
7. Nga duy trì lực lượng 19.000 binh sĩ ở biên giới với khu vực Sumy và Chernihiv của Ukraine
Các lực lượng Nga đã xâm chiếm hai tỉnh phía bắc khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 nhưng đã bị đẩy lùi về phía sau biên giới vào tháng 4 năm đó.
“Con số này không thay đổi trong vài tháng nên không cần phải bàn về dấu hiệu đối phương đang thành lập bất kỳ nhóm tấn công nào”, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết như trên.
Ông nói thêm rằng một đội quân cỡ này có thể được sử dụng để bảo vệ biên giới nhưng không thể chọc thủng phòng tuyến của Ukraine.
Mặc dù không bị đe dọa bởi một cuộc tấn công lớn, hai khu vực này thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công xuyên biên giới của các nhóm phá hoại và pháo kích của Nga.
Ông nhấn mạnh rằng: “Hiện tại, chúng tôi có thể nói rằng đối phương đang thực hiện hỏa lực quấy rối ở mức độ lớn hơn”.
8. Ukraine đã xuất khẩu 15 triệu tấn hàng hóa qua hành lang vận chuyển Hắc Hải
Phó thủ tướng phụ trách phục hồi của nước này, Oleksandr Kubrakov, cho biết Ukraine đã xuất khẩu 15 triệu tấn hàng hóa qua hành lang vận chuyển Hắc Hải, bao gồm 10 triệu tấn hàng nông sản.
Ukraine đã triển khai hành lang ôm lấy bờ biển phía Tây Hắc Hải gần Rumani và Bulgaria vào tháng 8 năm ngoái ngay sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Hắc Hải do Liên Hiệp Quốc làm trung gian năm 2022 và đe dọa coi tất cả các tàu là mục tiêu quân sự tiềm năng.
Kubrakov cho biết trong một tuyên bố: “Trong 5 tháng hoạt động của hành lang, 469 tàu mới đã ghé các cảng Ukraine của chúng tôi để bốc hàng.
Ông cho biết 39 tàu đang được xếp hàng tại các cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi, trong khi 83 tàu khác đã xác nhận sẵn sàng ghé cảng và xuất khẩu 2,4 triệu tấn hàng hóa khác nhau, Reuters đưa tin.
9. Thụy Điển sẽ gửi quân tới Latvia vào năm tới dù chưa là thành viên NATO
Thủ tướng Thụy Điển tuyên bố rằng Thụy Điển sẽ gửi quân đến Latvia vào năm tới như một phần của lực lượng do Canada lãnh đạo nhằm ngăn chặn Nga tấn công – mặc dù chưa phải là thành viên chính thức của NATO.
Cảnh báo rằng Nga đang “cố gắng gây bất ổn cho toàn bộ Âu Châu” bằng các mối đe dọa, thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng, Ulf Kristersson cho biết “vị trí tự nhiên của Thụy Điển là ở Nato” và rằng ông sẽ “không lãng phí thời gian để chờ phê chuẩn cuối cùng”.
Thụy Điển vẫn đang chờ Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi phê duyệt đơn ghi danh NATO mà nước này đã nộp vào tháng 5 năm 2022, cùng thời điểm với Phần Lan, là nước đã trở thành thành viên NATO vào tháng 4 năm ngoái.
Thủ tướng Kristersson nói hôm thứ Hai rằng:
Chúng ta và các nước láng giềng đang sống trong cái bóng trực tiếp của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng các mối đe dọa, thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng của Nga đang cố gắng gây bất ổn cho toàn bộ Âu Châu.
Điều đó dẫn tôi đến một số kết luận trọng tâm.
Thứ nhất: sự kiên trì trong sự hỗ trợ của Thụy Điển, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ dành cho Ukraine. Sự hỗ trợ liên tục của Mỹ đòi hỏi phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Âu Châu. Những lời chỉ trích về việc thiếu sự tham gia của Mỹ là sai lầm nếu bản thân chúng ta không đứng lên bảo vệ lục địa của mình.
Ông nói thêm rằng ông nhìn thấy “vị trí tự nhiên” của Thụy Điển là phải ở trong NATO, nói rằng “Thụy Điển có khả năng quân sự độc đáo – trên không và dưới nước; với năng lực tình báo và những người lính dày dặn kinh nghiệm mùa đông.”
Ông nói, Thụy Điển sẽ “góp phần vào chiến lược phòng thủ và răn đe của NATO” và “sẵn sàng đóng góp các đơn vị chiến đấu trên bộ để bảo vệ các quốc gia Baltic”.
Ông nói thêm: “Hôm nay, tôi có thể nói rằng chỉ đạo của chính phủ là Thụy Điển tham gia với một tiểu đoàn cùng với lực lượng do Canada lãnh đạo ở Latvia”.
Ông nói Ukraine đã chứng minh rằng “nguồn lực quan trọng nhất của một quốc gia trong chiến tranh là ý chí chung để bảo vệ”, đó là lý do tại sao, ông nói, vào ngày 19 Tháng Giêng, Thụy Điển sẽ áp dụng lại nghĩa vụ dân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Dân sự Carl-Oskar Bohlin cho biết nghĩa vụ dân sự sẽ triển khai các thường dân được đào tạo phù hợp với các dịch vụ khẩn cấp, củng cố khả năng của họ để ứng phó với tình trạng khẩn cấp hoặc một cuộc tấn công.