Ngày 09-01-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 10/01: Uy Quyền của Chúa Giêsu – Lm. Giuse Lăng Kinh Luân, CS
Giáo Hội Năm Châu
02:48 09/01/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy: Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Đó là lời Chúa
 
Lời chân lý, lời quyền năng
Lm. Minh Anh
15:59 09/01/2023

LỜI CHÂN LÝ, LỜI QUYỀN NĂNG
“Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”.

Một cậu bé 3 tuổi cảm thấy an toàn trên đôi vai chắc như núi của cha khi hai bố con đang đứng trong một hồ bơi. Nhưng để lý thú hơn, người cha bắt đầu chậm rãi đi ra chỗ sâu hơn. Những đứa bé khác và cả người lớn đứng chung quanh hù doạ nó, “Chết, chết!”; nhưng cha cậu bé vẫn thì thầm một ‘câu thần chú’ như để một mình cậu đủ nghe, “Sâu hơn, sâu hơn và vui hơn, vui hơn!”. Nước càng lúc càng cao; cao đến chân, đến tay; thậm chí gần ngực cậu bé. Ấy thế, cậu bé không hề sợ hãi; càng sâu, cậu bé càng ôm chặt đầu bố; và càng sâu, nó càng sung sướng ngửa mặt hét lên như người chiến thắng. Nó tin vào ‘lời quyền năng’ của cha nó!

Kính thưa Anh Chị em,

“Nó tin vào ‘lời quyền năng’ của cha nó!”. Không chỉ ‘lời quyền năng’, Tin Mừng hôm nay còn nói đến ‘lời chân lý’! Không phải của một người cha, nhưng của Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa! Lời của Ngài đối lập với lời của các kinh sư; Marcô viết, “Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”; bởi lẽ, Lời của Chúa Giêsu là ‘lời chân lý, lời quyền năng’.

Trong thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý, thánh Gioan Phaolô II nói đến mối liên hệ cần thiết giữa tự do, chân lý và điều lành. Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền vì Ngài là chân lý và là Đấng nhân lành. Ngài đang nói với chúng ta một chân lý: chúng ta là con cái Thiên Chúa; đang làm cho chúng ta một điều vô cùng tốt lành: giải thoát để chúng ta được tự do.

Khi sự tự do của chúng ta chối nhận Giêsu là chân lý, chối nhận điều tốt nhất là yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ cảm thấy bị đe doạ bởi Ngài; phản ứng của tên quỷ trong Tin Mừng hôm nay là một ví dụ, “Hỡi Giêsu Nazareth, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao?”. Bấy giờ, chúng ta sẽ tìm cách giữ lấy những gì tốt đẹp mà chúng ta tưởng là tốt đẹp; đang khi Ngài không muốn lấy đi những gì tốt đẹp nơi chúng ta. Đúng hơn, Ngài chỉ muốn xác định ‘những điều tốt đẹp’ ấy là gì; để rồi, gia tăng chúng và nhân chúng lên. Vì thế, điều quan trọng là phải cho phép những gì ‘ít tốt’ hơn nơi chúng ta, ngay bây giờ, phải chết đi để những điều ‘tốt hơn’, và ‘tốt nhất’ của Chúa, có thể tăng lên, nhân lên với sức mạnh lớn nhất.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới ‘hoả mù’ bởi chủ thuyết tương đối. Tôn giáo tương đối, luân lý tương đối, tình yêu tương đối… nơi mà sự thật là ‘bất cứ điều gì bạn muốn’ và phương châm sống của thời hiện đại là, “Bất cứ điều gì bạn thích, hãy có và hãy làm!”. Vậy mà, Chúa Giêsu cho biết, không phải thế! Ngài phá vỡ khuôn mẫu của thuyết tương đối, Ngài tiết lộ sự dối trá ẩn tàng bên trong nó; Ngài tuyên bố, Ngài là sự thật vì chỉ Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tin Mừng của Ngài có thể đòi hỏi, nhưng nó mặc khải một lẽ thật rằng, Thiên Chúa là tình yêu, lòng thương xót, sự tốt lành và niềm vui; và đó là phước huệ cho những ai đi trong ‘Ánh Rạng Ngời Chân Lý’, chính Ngài. Vậy, tôi có yêu mến và cố gắng sống trong sự thật Giêsu không? Lời Ngài có là ‘lời chân lý, lời quyền năng’ cho cuộc sống của tôi không?

Anh Chị em,

“Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền!”. Giêsu, Đấng ban Lời, vị Anh Cả của bạn và tôi đã bước sâu hơn không phải trong một hồ nước, nhưng trong phận người. Thư Do Thái hôm nay viết, “Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần”; “Người chịu chết thay cho mọi người”. Vì thế, “vui hơn” cho chúng ta, Ngài trở nên vị lãnh đạo thập toàn, dẫn mọi người tới ơn cứu độ. Lúc này đây, chúng ta không chỉ ở trên đôi vai ‘chắc hơn núi’ của Ngài, nhưng ở trong Ngài, và Ngài ở trong chúng ta, để bước qua những quãng đường chông gai của kiếp nhân sinh. Hãy vững tin vào Ngài, Đấng có ‘lời chân lý, lời quyền năng’, vốn mạnh mẽ hơn mọi câu thần chú!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và tin vào Lời Chúa, biết ghì chặt vào Thánh Thể, đôi vai ‘chắc hơn núi’ của Chúa; nhờ đó, con có thể mạnh mẽ để luôn tiến về phía trước!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tản mạn quanh lễ an táng Đức Bênêđíctô XVI
Vu Van An
00:10 09/01/2023

Đời một cụ già 95 tuổi, lại rơi vào phạm trù gây tranh cãi, hiển nhiên sẽ có nhiều điều để nói về trong dư luận quần chúng, nhất là dư luận truyền thông lề phải lề trái. Đức Bênêđíctô XVI hẳn đã không tránh được lẽ thường tình này.



Hủy các ghi chép bản thân

Truyện đầu tiên, theo Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein là Đức Bênêđíctô XVI đã ra lệnh phải hoàn toàn hủy mọi ghi chép tư riêng của ngài, “không một ngoại lệ và không một chỗ hở nào”. Một lênh tương tự cũng đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra. Nhưng vị thư ký của ngài là Stanislaw Dziwisz đã không tuân lệnh, trái lại đã giữ lại cho nghiên cứu lịch sử. Đức Tổng Giám Mục Gänswein không nói gì về việc ngài có bất tuân mệnh lệnh của Đức Bênêđíctô thứ 16 hay không, nhưng có cho hay ngài có nhận được lệnh phải trao cho ai thứ gì, nhất là từ thư việc của ngài, từ bản thảo các cuốn sách tới các tài liệu của Công Đồng Vatican II và các thư từ. Đức Tổng Giám Mục cũng nhận được lệnh phân phối gia tài vật chất của Đức cố Giáo Hoàng. Đức Tổng Giám Mục cho hay Đức cố Giáo Hoàng đã thay đổi các mệnh lệnh này nhiều lần và lần cuối cùng là năm 2021.

Bị từ chối Mình Thánh

Theo JD Flynn của The Pillar, một video đang được phát tán trên các mạng xã hội cho thấy một người đàn ông bị từ chối Mình Thánh bởi một linh mục trong thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16. Cho đến nay, dù được The Pillar yêu cầu, văn phòng báo chí Tòa Thánh vẫn chưa đưa ra lời bình luận. Theo video này, một người đàn ông trung niên tiến đến chỗ cho rước lễ, qùy xuống, bỏ khăn trùm đầu, ngẩng mặt lên để rước lễ kiểu cũ tức trên lưỡi, linh mục cho rước lễ hỏi ông ta điều gì đó, sau đó linh mục rút Mình Thánh lại, ông ta đứng lên, hình như cố gắng để được rước lễ, nhưng không được, ông ta bình thản đi xuống.

Vì cử chỉ qùy gối và rước lễ bằng miệng là cử chỉ thường thấy trong Thánh Lễ trước Vatican II, Thánh lễ mà Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 cho phép một cách nồng nhiệt, trong khi Đức Phanxicô hạn chế cũng một cách nồng nhiệt không kém, nên đã phát sinh nhiều suy đoán không có gì là tích cực cả. JD Flynn thì cho rằng lý do không cho rước lễ thì nhiều lắm, chứ không phải chỉ có một: có thể người đàn ông này đã chịu lễ trong thánh lễ này rồi, hoặc có thể ông ta nói điều gì đó bị vị linh mục cho là không thích đáng, có thể ông ta say rượu hoặc một điều gì đó không xứng đáng rước lễ.

JD Flynn cho rằng các lý do trên có vẻ xa xôi. Tại sao lại phải hỏi người rước lễ, trừ khi linh mục đọc “Mình Thánh Chúa Kitô” mà ông ta không biết thưa “Amen”, ngược lại nói một điều bất xứng, nhưng tại sao lại đứng lên và cố gắng xin rước lễ một lần nữa. Thành thử cách giải thích dễ dàng nhất là tại vì qùy gối và rước lễ trên lưỡi, nhưng qùy gối và rước lễ trên lưỡi được rất nhiều người Công Giáo thực hành, ngay tại giáo xứ tôi, thành thử khó hiểu lý do ông ta bị từ chối Mình Thánh.

Kinh nguyện Thánh Thể 3

JD Flynn cũng cho biết trong những ngày trước Thánh Lễ An Táng, có cuộc tranh luận về cách thế thích đáng để tôn vinh “vị giáo hoàng hưu trí” ngay trong việc cử hành phụng vụ, trong đó có việc sử dụng Kinh Nguyện Thánh Thể 3 thay vì Kinh Nguyện Thánh Thể 1 là Kinh Nguyện chính thức gọi là Kinh Nguyện Rôma, có từ thế kỷ thứ 7 và là Kinh Nguyện duy nhất trong Lễ Nghi Latinh cho tới tận thế kỷ 20. Tuy nó được thường xuyên sử dụng trong các Thánh lễ Chúa Nhật và là một phương thức dùng cho các thánh lễ cầu hồn.

Vậy mà một số người trên mạng xã hội cho việc sử dụng hình thức hiện đại hơn (có từ Vatican II) là “đáng buồn”, “đáng xấu hổ” và “một điều ô nhục”. Một số người cho là một việc làm mất mặt vị giáo hoàng đã làm rất nhiều để mở rộng việc tiếp cận với các hình thức cũ hơn của Thánh Lễ. Dù trên thực tế, Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 thường cử hành Thánh lễ với Kinh Nguyện Thánh thể 3, vả lại Kinh Nguyện này có phần chi tiết hơn trong lời cầu nguyện cho người quá vãng.

Có điều, chính JD Flynn cũng thừa nhận là hình thức cử hành Thánh Lễ An táng Đức Đức Bênêđíctô thứ 16 không trọng cũng không hèn (Not fish or fowl). Tuy ngài là Giáo Hoàng nhưng qua đời trong tư cách “Giáo Hoàng Hưu trí”, một tước hiệu lạ mà ít nhiều do chính ngài tạo ra. Khi một Giáo Hoàng tại vị qua đời, việc này để lại một lỗ hổng ở thượng tầng phẩm trật và chúng ta thương tiếc không những cái chết của một cá nhân mà là việc trống tòa.

Chào giã từ “Cha Bênêđíctô”

Để qua một bên bút chiến và chính trị nhân cách của các nhà bình luận, người Công Giáo bình thường cảm nhận bản chất bản thân, hơn là định chế, cái chết và tang lễ của ngài.

JD Flynn đã hầu truyện một số người trong số hàng trăm ngàn người tới viếng xác ngài quàn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, tất cả đều cho ông hay một câu truyện khác về lý do tại sao họ đến để kính viếng ngài: phần lớn là các lý do bản thân, về việc Đức Bênêđíctô thứ 16 trong tư cách nhà văn, nhà tư tưởng, và nhà lãnh đạo đã in đậm dấu ấn của ngài ra sao trong cuộc sống của họ.

Một nữ tu từ Nigeria phát biểu, “đối với tôi, ngài là một vị thánh”. Ngài có khả năng vĩ đại trong việc truyền đạt tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa và nhất là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một sinh viên từ Nam Hàn nói cô đang đi du lịch thì nghe tin Đức Bênêđíctô thứ 16 qua đời: “Tôi thấy ngài đã qua đời, và tôi ngay lập tức muốn được thấy ngài. Trong Nhà thờ, tôi cầu nguyện: ‘Tạm biệt Cha, thưa Cha, tạm biệt Cha”.

Điều làm JD Flynn ngạc nhiên là con người được báo chí tường thuật là thích được gọi là “Cha Bênêđíctô” lúc về hưu nay quả đã được toại nguyện.

‘Phong thánh tức khắc!’

Về cuối thánh lể an táng Đức Bênêđíctô thứ 16, trước khi quan tài ngài được khiêng trở lại bên trong Nhà thờ Thánh Phêrô, những tiếng hô tự phát “Phong thánh ngay lập tức” (Santo Subito) vang lên giữa đám đông và được hưởng ứng vang dội.

JD Flynn bèn đi kiếm những người hô vang và hỏi họ tại sao họ lại sẵn sàng gọi Đức Bênêđíctô thứ 16 là thánh. Họ cho biết: các trước tác và gương sáng của ngài đã thay đổi đời họ. Một người Công Giáo Pháp cho biết: “Ngài là đá tảng. Một điều gì đó vững vàng, một điều gì đó chân thật. Ngài là người chúng tôi tín thác. Ngài là đá tảng đối với tôi”. Đối với họ, ngài là một mục tử, một người để lại một dấu ấn sâu xa và bản vị sâu sắc trên đời sống nhiều người.

Đoán đúng phoong phoóc

Cha Raymond J. de Souza, ngày 31 tháng 12, ngay sau khi Đức Bênêđíctô thứ 16 qua đời, có nhắc lại Lễ an táng Thánh Gioan Phaolô II trong đó Đức Hồng Y Joseph Ratzinger vừa là chủ tế vừa là vị giảng thuyết. Phần lớn các bài giảng lể an táng một vị Giáo Hoàng đều tan biến trong làn gío thoảng. Nhưng bài giảng của Đức Hồng Y Ratzingzer đã nói nhiều về cuộc đời Đức Gioan Phaolô II một cách lỗi lạc như thường lệ...

Còn Đức Phanxicô? Ngài sẽ nói gì trong thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16? Cha de Souza tự hỏi. Theo cha, Đức Phanxicô thừa nhận sự vĩ đại của Đức Bênêđíctô như một linh mục, học giả và mục tử. Đức Phanxicô thường nói tới Đức Bênêđíctô một cách rất âu yếm, qúy mến và ca ngợi, nên không hoài nghi gì là ngài sẽ có khả năng, nhân danh toàn thể Giáo Hội, bày tỏ tình yêu của ngài cho vị Giáo Hoàng quá cố.

Nhưng liệu ngài có làm thế hay không? Cha de Souza không nghĩ vậy: Vì Đức Phanxicô thích sử dụng các chủ đề từ Kinh Thánh. Trong các bài giảng phong thánh, kể cả các vụ phong thánh cho các Đức Gioan XXIII, Gioan Phaolô II, và Phaolô VI, chỉ có rất ít dòng nói về vị thánh mới.

Bài giảng Thánh lễ an táng của Đức Bênêđíctô thứ 16 đã chứng minh trọn vẹn điều trên, làm nản lòng nhiều người.

Vô tiền khoáng hậu?

John L. Allen Jr. của CruxNow cho hay một số người nghĩ rằng việc một vị Giáo Hoàng chủ trì thánh lễ an táng cho một vị Giáo Hoàng khác, cụ thể là Đức Giáo Hoàng Phanxicô an táng vị tiền nhiệm, Đức Bênêđíctô thứ 16, là chuyện tuyệt đối chưa bao giờ có. Thực ra thì đã có rồi: đó là chuyện của Đức Piô VI, vị Giáo Hoàng bị quân đội Napoléon bắt đưa và tống giam tại Pháp và chết tại nơi đất quê người tại Valence năm 1799. Xác ngài được chôn tại một nghĩa trang dân sự ở Valence mà không có nghi thức an táng. Trong một sỉ nhục tột độ, mộ phần được đánh dấu bằng hàng chữ “Công dân Giannangelo Brashchi”, tên riêng của vị Giáo Hoàng sau đó mới thêm “cũng được gọi là Giáo Hoàng”.

Gần hai năm sau, vào hôm vọng Lễ Giáng sinh năm 1801, nhà cầm quyền Pháp mới cho phép thi hài của Đức Piô VI được khai quật và đưa về Vatican. Một lễ an táng Công Giáo long trọng đã được tổ chức cho ngài vào ngày 19 tháng Hai năm 1802 tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, trước sự hiện diện của vị kế nhiệm, Piô VII.

Thành thử lễ an táng của Đức Bênêđíctô thứ 16 vào ngày 5 tháng 1 năm 2023 không phải là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng tham dự Thánh Lễ an táng cho một vị Giáo Hoàng khác.

Tuy nhiên, các sử gia ghi nhận rằng Đức Piô VII thực sự không “cử hành” thánh lễ an táng cho Đức Piô VI; việc này được ủy thác cho Đức Hồng Y Leonardo Antonelli, là vị Hồng Y đầu tiên do Đức Piô VI tấn phong năm 1775. Trình thuật lúc đó nói rằng Đức Piô VII hiện diện và “phụ giúp” trong thánh lễ.

Như thế, thánh lễ an táng Đức Bênêđíctô thứ 16 cũng na ná như thế, khi Đức Phanxicô không “cử hành” Thánh Lễ mà là Đức Hồng Y Giovani Battista Re, niên trưởng Hồng Y đoàn. Đức Phanxicô, theo một nghĩa nào đó, cũng chỉ “phụ giúp” giảng lễ và đọc các lời cầu nguyện, một sự “phụ giúp” tuy có nhiều hơn Đức Piô VII.

Có thể vì mấy giấc này, vì chứng đau đầu gối, Đức Phanxicô có thói quen “chủ trì” các Thánh Lễ đại trào cách đó, chứ không thực sự trực tiếp “cử hành”, như trong Thánh Lễ đầu năm, trong đó ngài chủ trì, với Đức Hồng Y Parolin làm chủ tế. Tuy thế, ta cũng nên lưu ý, sau Vatican II, có hình thức đồng tế. Nên cũng khó mà quả quyết là ngài không “cử hành”. Đúng hơn, nên nói ngài không phải là chủ tế.
 
Đức Thánh Cha tiếp Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân
Đặng Tự Do
05:17 09/01/2023


Trước khi bắt đầu khởi hành trở về Hương Cảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân.

Cuộc gặp diễn ra tại nhà trọ Santa Marta của Vatican, theo tin từ tạp chí America của dòng Tên. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân sẽ mùng thọ 91 tuổi trong vài ngày nữa, 13 tháng Giêng.

Đức Hồng Y Đức Hồng Y Quân đã bị đưa ra xét xử cách đây vài tuần sau khi bị bắt vào tháng 5 vì một vụ liên quan đến Luật An ninh Quốc gia đầy tai tiếng của Trung Quốc: Ngài bị phạt tiền vì không báo cáo quỹ hỗ trợ các nạn nhân của cuộc đàn áp biểu tình năm 2019, và ngài đã bị tịch thu hộ chiếu. Đức Hồng Y Quân chỉ có thể đến Rôma để dự đám tang của Đức Bênêđictô XVI với giấy phép rất ngắn do thẩm phán cấp.

Phát biểu với tạp chí America, Đức Hồng Y Quân – một nhân vật cực kỳ thẳng thắn trong việc không đồng ý với Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục được Tòa thánh ký với Bắc Kinh và được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái – đã nói về các cuộc trao đổi thân thiện với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi giữ bí mật về nội dung, ông nói về việc cảm ơn Đức Thánh Cha đã trao “một giám mục tốt” cho Hương Cảng, ý muốn nói Đức Giám Mục, Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) bề trên giám tỉnh dòng Tên, được bổ nhiệm vào năm 2021.

Đức Hồng Y cũng nói với Đức Thánh Cha về mục vụ của mình giữa các tù nhân trong các nhà tù ở Hương Cảng, một công việc mục vụ mà ngài đã làm trong hơn 10 năm. Ngài cũng kể lại rằng ngài đã rửa tội cho một số tù nhân trong những năm này và tiếp tục mục vụ này cho đến ngày nay.

Tại Hương Cảng hiện có hơn 1.300 người đang ngồi tù hoặc các cơ sở cải huấn vì các tội danh chính trị liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại Đạo luật An ninh Quốc gia.

Sau đó, Đức Phanxicô cho Đức Hồng Y Quân xem một bức tượng Đức Mẹ Xà Sơn - bức ảnh Đức Mẹ được tôn kính trong đền thờ Thượng Hải - nhận được như một món quà vào ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng và bức tượng này được ngài giữ trong phòng của mình.

Đức Hồng Y Quân - người gốc Thượng Hải, nơi gia đình ngài đã bỏ trốn sau khi những người cộng sản của Mao đến - đã bày tỏ mong muốn của ngài rằng hy vọng một ngày nào đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm ngôi đền.

Trong khi đó, những lời chứng quan trọng tiếp tục đến từ Trung Quốc Đại lục về tình cảm mà người Công Giáo Trung Quốc đã tưởng nhớ đến hình ảnh của Đức Bênêđictô XVI và tình yêu của ngài đối với đất nước của họ.

Tại thành phố lịch sử Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Đức Giám Mục Antôn Đang Minh Ngạn (Dang Mingyan - 党明彦) đã tổ chức một Thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Phanxicô ở Tây An vào ngày tang lễ của Đức Bênêđíctô tại Vatican. Đức Cha Đang Minh Ngạn là là vị kế nhiệm nhà xây dựng lại Công Giáo vĩ đại ở Trung Quốc, Đức Tổng Giám Mục Antôn Lí Đoan (Li Duan, 李端) người mà chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã mời tham dự Thượng hội đồng về Thánh Thể năm 2005.

Trang web Công Giáo Trung Quốc xinde.org đưa tin rằng tất cả những người tham dự thánh lễ đều cúi đầu ba lần trước ảnh của Đức Bênêđíctô. “Ngài đã trung thành hoàn thành nhiệm vụ của mình,” Đức Cha nói nói khi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện. Các lễ cầu cho Đức Bênêđíctô cũng được tổ chức tại các nhà thờ ở các giáo phận khác ở Thiểm Tây.
Source:Asia News
 
Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI<
Đặng Tự Do
17:05 09/01/2023


Ký giả Andrea Gagliarducci chuyên về Vatican có bài tường trình đăng trên Catholic News Agency nhan đề “Analysis: A closer look at the ceremonial details of Benedict XVI’s funeral”, nghĩa là “Bài Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Không còn nghi ngờ gì nữa, tang lễ của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng Giêng là một tang lễ của một vị giáo hoàng. Nghi thức tang lễ không chỉ được báo trước cho cái chết của một giáo hoàng, mà tất cả các nghi thức đi kèm với nó cũng diễn ra như vậy.

Ví dụ, các huy chương và đồng xu của triều đại giáo hoàng, “rogito” (tài liệu ngắn mô tả triều đại giáo hoàng), và các dây pallium đặc trưng cho hoạt động của ngài - của tổng giám mục Munich, của niên trưởng Hồng Y đoàn, và của giáo hoàng — được chôn cất cùng với Đức Bênêđíctô trong quan tài, theo thông lệ đối với một giáo hoàng.

Ngoài ra, lễ kỷ niệm là một trong những kinh điển về cái chết của giáo hoàng, ngoại trừ việc bãi bỏ những lời cầu của Giáo phận Rôma và của các Giáo hội Đông phương. Trên thực tế, cả hai lời cầu này đều đặc biệt liên quan đến cái chết của một vị giáo hoàng đang trị vì và sẽ không được chỉ định cho vị giáo hoàng hưu trí.

Nghi thức tang lễ cho Đức Bênêđictô XVI tiếp nối nghi thức được dành cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Tuy nhiên, có một số khác biệt nhỏ, chẳng hạn như quyết định không sử dụng Sách Lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể cổ xưa nhất của Giáo hội Rôma, mà cho đến nay vẫn luôn là thông lệ. Thay vào đó, Kinh nguyện Thánh Thể III đã được sử dụng.

Trong mọi cử chỉ, tất cả các nghi thức cho thấy Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo và triều đại giáo hoàng của ngài là một phần lịch sử của Giáo hội.

Mặt khác, việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI khác với sáu lần từ chức giáo hoàng khác đã diễn ra trong những năm trước. Người duy nhất trong số này có lẽ có thể so sánh được là Đức Celestinô Đệ Ngũ, hay Pietro di Morrone, người đã trở lại làm tu sĩ cho đến cuối đời. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI đã mở ra một con đường mới: Đó là sự từ bỏ đầu tiên của một vị giáo hoàng không phải vì ngài bị áp lực hay bất lực mà vì ngài ý thức rõ ràng rằng mình không còn đủ sức để chèo chống con thuyền Phêrô.

Vì lý do này, tang lễ của Đức Bênêđictô XVI là tang lễ của một giáo hoàng, nhưng không phải là tang lễ của một giáo hoàng qua đời khi đang trị vì. Và điều này có thể được nhìn thấy trong nhiều chi tiết.

Đầu tiên, không có tình trạng “sede vacance” nghĩa là “trống ngôi Giáo Hoàng”, và do đó không có nghi thức “sede vacance.” Những điều đó đã được thực hiện vào cuối triều đại giáo hoàng, vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Hồng Y Nhiếp Chính, cùng với các thành viên của Tông Tòa đến dinh thự của giáo hoàng để cử hành các nghi thức vào cuối triều đại giáo hoàng: bao gồm việc phá vỡ chiếc nhẫn Ngư Phủ, những con dấu được dán vào căn hộ của giáo hoàng. Ngay cả khi đó, vẫn chưa có một bước quan trọng là xác nhận cái chết.

Tuy nhiên, khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, đã có một vị giáo hoàng trị vì. Do đó, tất cả quyền tài phán đều thuộc về giáo hoàng đương kim và do đó, thuộc về Phủ Quốc vụ khanh của Tòa thánh.

Từ quan điểm chính thức, việc xác nhận cái chết được thực hiện bởi chính Đức Thánh Cha Phanxicô, người đầu tiên được Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein thông báo và đã chạy đến bên giường bệnh của Đức Bênêđíctô sau khi ngài qua đời.

Thông báo sau đó được đưa ra với một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh. Cơ quan này phổ biến thông tin chính thức từ Tòa thánh, nhận thông tin từ Quốc vụ khanh.

Ngược lại, khi một đương kim giáo hoàng qua đời, thông báo được đưa ra từ Điện Tông tòa. Nó được công bố bởi vị đại diện của giáo hoàng cho Giáo phận Rome - khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, chính Phó Quốc vụ khanh lúc bấy giờ, là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, đã tuyên bố về sự qua đi của Đức Giáo Hoàng.

Sự vắng mặt của các phái đoàn chính thức trong lễ tang của Đức Bênêđíctô là một đặc điểm khác có sức nặng nhất định. Nếu Đức Giáo Hoàng đang trị vì băng hà, thì các phái đoàn của các quốc gia tham dự lễ tang đều là phái đoàn chính thức, vì trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng là nguyên thủ quốc gia. Trong trường hợp của Đức Bênêđíctô, ngài không còn là nguyên thủ quốc gia nên Tòa Thánh chỉ mời Ý và Đức là hai phái đoàn chính thức, bất kỳ sự tham gia nào của các nguyên thủ quốc gia, quốc vương hoặc thành viên chính phủ đều là với tư cách cá nhân.

Tất cả những điều này xảy ra bởi vì có một “see plena,” tất cả các quyền lực của ngai tòa Giáo Hoàng còn nguyên vẹn. Do đó, những người đứng đầu các bộ vẫn chưa kết thúc nhiệm vụ của mình khi Đức Bênêđictô XVI qua đời vì triều đại giáo hoàng vẫn chưa kết thúc. Và Nhiếp Chính của Giáo hội Rôma chưa nắm quyền vì triều đại giáo hoàng vẫn còn.

Đức Hồng Y Kevin J. Farrell, Nhiếp Chính, không có mặt khi quan tài được đóng lại vào ngày 4 tháng Giêng.

Thay vào đó, đã có:

Đức Hồng Y Giovan Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn;

Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô;

Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám Quản giáo phận Rôma;

Đức Hồng Y Fernando Vergez, Thống đốc Quốc gia Thành phố Vatican;

Đức Tổng Giám Mục Edgar Pena Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh, và Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô

Khi thi hài của Đức Bênêđictô XVI được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô, buổi cầu nguyện do Đức Hồng Y Gambetti chủ trì chứ không phải bởi Vị Nhiệp Chính vì Tòa thánh không trống ngôi Giáo Hoàng.

Chính những chi tiết này giúp hiểu rằng chính vị giáo hoàng danh dự đã qua đời chứ không phải vị giáo hoàng đương kim. Ngay cả tiếng chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô cũng không vang lên để thông báo về cái chết của Đức Bênêđíctô.

Không có ngày để tang, và tang lễ không được tuyên bố chính thức đối với quốc gia thành Vatican ngay cả trong ngày tang lễ, mặc dù nhiều nhân viên của Vatican đã tham dự nghi lễ.

Nói cách khác, các tín hiệu nghi lễ đã được gửi đi để làm rõ rằng Đức Bênêđictô XVI không phải là đương kim giáo hoàng.

Đồng thời, không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng và tang lễ của ngài nên được tổ chức theo nghi thức dành cho các vị giáo hoàng.

Theo cách tương tự, cần phải xem xét rằng dường như cái chết của giáo hoàng đã xảy ra hai lần: lần đầu tiên, khi từ chức, trong thời gian đó bắt đầu “sede vacante”, và một mật nghị đã diễn ra để bầu người kế vị, và sau đó là lúc Đức Bênêđíctô chết thực sự. Nói cách khác, đám tang là nửa sau của các cử hành bắt đầu với việc trống ngôi vào ngày 28 tháng 2 năm 2013.

Cuối cùng, Tông Hiến Dominici Gregis, hiến pháp của Đức Gioan Phaolô II quy định các thủ tục sau khi giáo hoàng qua đời, tuyên bố các nghi thức tang lễ của giáo hoàng quá cố phải được “cử hành trong chín ngày liên tiếp, xác định thời điểm bắt đầu, theo cách sao cho việc chôn cất sẽ diễn ra, trừ những lý do đặc biệt, từ ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi chết.”

Theo những tiêu chuẩn này, lễ tang của Benedict được cử hành trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, sẽ không có chín ngày để tang chính thức liên tục, mặc dù các Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn của Đức Bênêđictô XVI sẽ được cử hành.

Cuối cùng, một sự tò mò: Đức Bênêđictô XVI đã không đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ, chiếc nhẫn đã bị đập bể vào cuối triều đại giáo hoàng của ngài, như một thủ tục. Thay vào đó, ngài đeo chiếc nhẫn Thánh Bênêđíctô, mô phỏng các biểu tượng trên huy hiệu của Thánh Bênêđíctô, tượng trưng cho mối liên hệ độc đáo của ngài với vị thánh đến từ Nursia, người đồng bảo trợ của Âu Châu.


Source:Catholic News Agency
 
Bài diễn văn đầu năm 2023 của Đức Giáo Hoàng với Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa thánh
Vu Van An
21:05 09/01/2023

Theo tin Tòa Thánh, sáng nay, 9 tháng 1 năm 2023, tại Phòng Ban Phép lành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thành viên của Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh để trình bày những lời chúc cho năm mới. Sau lời giới thiệu của Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài Georges Poulides, Đại sứ Cộng hòa Síp tại Tòa thánh, Đức Thánh Cha đã có bài phát biểu sau đây:



Diễn văn của Đức Thánh Cha

Thưa ngài niên trưởng, thưa quý đại sứ,
Thưa qúy bà và qúy ông


Tôi cảm ơn sự hiện diện của qúy vị tại cuộc họp thường lệ của chúng ta, cuộc họp mà năm nay chúng ta muốn nó trở thành lời kêu gọi hòa bình trong một thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ và chiến tranh ngày càng gia tăng.

Tôi đặc biệt biết ơn Niên Trưởng Ngoại giao đoàn, Ngài George Poulides, vì những lời chúc tốt đẹp mà ngài đã nhân danh tất cả mọi người dành cho tôi. Tôi xin gửi lời chào của riêng tôi tới từng người trong qúy vị, tới gia đình của qúy vị, đồng nghiệp của qúy vị cũng như tới nhân dân và chính phủ của các quốc gia mà qúy vị đại diện. Đối với tất cả qúy vị và chính quyền các quốc gia của qúy vị, tôi cũng rất biết ơn về những thông điệp chia buồn đã được gửi về cái chết của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI và sự gần gũi thể hiện trong tang lễ của ngài.

Chúng ta vừa kết thúc mùa Giáng Sinh, trong đó các Kitô hữu tưởng niệm mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng sinh. Tiên tri Isaia đã báo trước về sự ra đời đó bằng những lời sau: “Một con trẻ đã sinh ra cho chúng ta, một bé trai được ban cho chúng ta; thẩm quyền nằm trên vai em; và em được mệnh danh là Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Quyền Năng, Cha Đời Đời, Hoàng Tử Bình An” (Is 9:6).

Sự hiện diện của qúy vị là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của hòa bình và tình huynh đệ nhân loại mà đối thoại giúp xây dựng. Nhiệm vụ của ngoại giao chính là giải quyết các xung đột và do đó thúc đẩy bầu không khí hợp tác và tin tưởng lẫn nhau vì mục đích đáp ứng các nhu cầu chung. Có thể nói, ngoại giao là một thao tác khiêm tốn, vì nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh một chút gì đó về bản thân để xây dựng mối quan hệ với người khác, để hiểu suy nghĩ và quan điểm của họ, từ đó chống lại sự kiêu ngạo và tự phụ của con người, vốn là nguyên nhân của mọi ý chí gây chiến.

Tôi rất biết ơn về sự quan tâm của các quốc gia qúy vị đối với Tòa thánh, được đánh dấu trong năm vừa qua không chỉ bởi các quyết định của Thụy Sĩ, Cộng hòa Congo, Mozambique và Azerbaijan bổ nhiệm các đại sứ thường trú tại Rome, cũng như việc ký kết các hiệp định song phương mới với Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe và với Cộng hòa Kazakhstan.

Ở đây tôi cũng muốn đề cập đến việc, trong bối cảnh đối thoại mang tính xây dựng và tôn trọng, Tòa Thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đồng ý gia hạn thêm hai năm hiệu lực của Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục, được quy định ở Bắc Kinh vào năm 2018. Tôi hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác này có thể gia tăng, vì lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và của người dân Trung Quốc.

Tại cuộc họp này, một lần nữa tôi cũng xin bảo đảm với qúy vị về sự hợp tác đầy đủ của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh và các Bộ của Giáo triều Rôma. Với việc ban hành Tông hiến mới Praedicate Evangelium, Giáo triều đã được tổ chức lại trong một số cơ cấu của mình, để có thể thực hiện công việc của mình “với tinh thần Tin Mừng, hoạt động vì lợi ích và phục vụ sự hiệp thông, hiệp nhất và xây dựng Giáo hội hoàn vũ, đồng thời cũng chú ý đến các hoàn cảnh của thế giới trong đó Giáo hội được kêu gọi thi hành sứ mệnh của mình”.[1]

Thưa các Đại sứ,

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 60 năm Thông điệp Pacem in Terris của Thánh Gioan XXIII, được ban hành chưa đầy hai tháng trước khi ngài qua đời.[2]

Hiện diện rất nhiều trong tâm trí của “vị Giáo hoàng tốt lành” là mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, được nêu ra vào tháng 10 năm 1962 bởi cái gọi là cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba. Nhân loại sẽ chỉ còn cách sự hủy diệt của chính mình một bước chân, nếu nó không được chứng minh là có thể làm cho đối thoại thắng thế, khi thừa nhận những tác động tàn phá của vũ khí nguyên tử.

Đáng buồn thay, ngày nay cũng vậy, mối đe dọa hạt nhân lại gia tăng, và thế giới lại một lần nữa cảm thấy sợ hãi và khổ não. Ở đây, tôi chỉ có thể tái khẳng định rằng việc sở hữu vũ khí nguyên tử là vô đạo đức, bởi vì, như Đức Gioan XXIII đã nhận xét, “mặc dù khó tin rằng có ai đó dám nhận trách nhiệm khởi xướng sự tàn sát và hủy diệt kinh hoàng mà chiến tranh sẽ mang lại sau đó, không thể phủ nhận rằng tai họa lớn có thể được bắt đầu bởi một số tình huống ngẫu nhiên và không lường trước được”.[3]

Từ quan điểm này, mối lo ngại đặc biệt được đặt ra bởi sự đình trệ trong các cuộc đàm phán nhằm nối lại Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Tôi hy vọng rằng có thể đạt được một giải pháp cụ thể càng nhanh càng tốt để bảo đảm một tương lai an toàn hơn.

Ngày nay, chiến tranh thế giới thứ ba đang diễn ra trong một thế giới hoàn cầu hóa, nơi xung đột chỉ liên quan trực tiếp đến một số trong các khu vực của hành tinh, nhưng trên thực tế liên quan đến tất cả chúng ta. Thí dụ gần nhất và gần đây nhất chắc chắn là cuộc chiến ở Ukraine, với sự trỗi dậy của chết chóc và hủy diệt, với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự khiến nhiều người thiệt mạng không những vì súng đạn và hành động bạo lực, mà còn vì đói và lạnh cóng. Về phần mình, Hiến chế công đồng Gaudium et Spes tuyên bố rằng “mọi hành động chiến tranh nhằm phá hủy bừa bãi toàn bộ các thành phố hoặc các khu vực rộng lớn cùng với cư dân của chúng là một tội ác chống lại Thiên Chúa và nhân loại đáng bị lên án mạnh mẽ và dứt khoát” (Số 80). Chúng ta cũng không thể quên rằng chiến tranh đặc biệt ảnh hưởng đến những người yếu đuối nhất – trẻ em, người già, người tàn tật – và để lại dấu ấn không thể xóa nhòa đối với các gia đình. Hôm nay, tôi cảm thấy buộc phải lập lại lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột vô nghĩa này, mà những tác động của nó được cảm nhận ở toàn bộ các khu vực, kể cả bên ngoài Châu Âu, do những hậu quả của nó trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng và lương thực, đặc biệt là ở Châu Phi và ở Trung Đông.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hiện nay diễn ra từng phần cũng khiến chúng ta phải xem xét các đấu trường căng thẳng và xung đột khác. Một lần nữa trong năm nay, với nỗi buồn vô hạn, chúng ta phải nhìn về vùng đất bị chiến tranh tàn phá là Syria. Sự tái sinh của đất nước đó phải diễn ra thông qua những cải cách cần thiết, bao gồm cả cải cách hiến pháp, trong nỗ lực mang lại hy vọng cho người dân Syria, những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng, đồng thời bảo đảm rằng các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một dân tộc từng phải chịu quá nhiều đau khổ.

Tòa Thánh cũng theo dõi một cách đầy lo ngại về sự gia tăng bạo lực giữa người Palestine và người Israel, điều đáng buồn là dẫn đến con số các nạn nhân và hoàn toàn mất lòng tin lẫn nhau. Giêrusalem, thành phố linh thiêng của người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi điều này. Cái tên Giêrusalem gợi lên sứ mệnh trở thành một thành phố hòa bình, nhưng thật đáng buồn, nó đã trở thành một đấu trường của xung đột. Tôi tin tưởng rằng nó có thể tái khám phá ơn gọi trở thành một địa điểm và biểu tượng của sự gặp gỡ và chung sống hòa bình, đồng thời việc tiếp cận và tự do thờ phượng ở những nơi linh thiêng sẽ tiếp tục được bảo đảm và tôn trọng theo nguyên trạng. Đồng thời, tôi bày tỏ niềm hy vọng các cơ quan chức năng của Nhà nước Israel và Nhà nước Palestine có thể lấy lại can đảm và quyết tâm đối thoại trực tiếp để thực hiện giải pháp hai nhà nước về mọi phương diện, phù hợp với với luật pháp quốc tế và tất cả các nghị quyết thích hợp của Liên hiệp quốc.

Như qúy vị đã biết, vào cuối tháng, cuối cùng tôi sẽ có thể đến Cộng hòa Dân chủ Congo với tư cách là một người hành hương hòa bình, với hy vọng bạo lực sẽ chấm dứt ở phía đông của đất nước, và con đường đối thoại và ý chí làm việc vì an ninh và lợi ích chung sẽ thắng thế. Cuộc hành hương của tôi sẽ tiếp tục ở Nam Sudan, nơi tôi sẽ được tháp tùng bởi Đức Tổng Giám Mục Canterbury và Vị Tổng Điều Hợp Giáo hội Trưởng lão Scotland. Cùng nhau chúng tôi mong muốn đoàn kết trước lời kêu gọi hòa bình của nhân dân cả nước và góp phần vào tiến trình hòa giải dân tộc.

Chúng ta cũng không được quên những tình huống khác vẫn còn bị đè nặng bởi ảnh hưởng của những cuộc xung đột vẫn chưa được giải quyết. Tôi đặc biệt nghĩ đến tình hình ở Nam Caucasus. Tôi kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn, và tôi nhắc lại rằng việc thả các tù nhân quân sự và dân sự sẽ chứng tỏ là một bước quan trọng hướng tới một thỏa thuận hòa bình rất được mong đợi.

Tôi cũng nghĩ đến Yemen, nơi đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 10 vừa qua, nhưng nhiều thường dân vẫn tiếp tục chết vì bom mìn, và đến Ethiopia, nơi tôi tin tưởng tiến trình hòa bình sẽ tiếp tục và cộng đồng quốc tế sẽ tái khẳng định cam kết đáp ứng cuộc khủng hoảng nhân đạo mà quốc gia này đang trải nghiệm.

Tôi cũng quan tâm sâu xa đến tình hình ở Tây Phi, ngày càng bị tàn phá bởi các hành động bạo lực khủng bố. Tôi đặc biệt nghĩ đến những tình huống bi thảm mà người dân Burkina Faso, Mali và Nigeria phải chịu đựng, và tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng các quá trình chuyển tiếp đang diễn ra ở Sudan, Mali, Chad, Guinea và Burkina Faso sẽ diễn ra trong sự tôn trọng đối với nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân có liên hệ.

Tôi đặc biệt chú ý đến tình hình của Myanmar, hai năm nay đã trải qua bạo lực, đau khổ và chết chóc. Tôi mời cộng đồng quốc tế làm việc để cụ thể hóa các tiến trình hòa giải và tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện lại con đường đối thoại, để khôi phục lại niềm hy vọng cho người dân của vùng đất thân yêu đó.

Cuối cùng, tôi nghĩ đến Bán đảo Triều Tiên, và tôi bày tỏ hy vọng rằng thiện chí và cam kết hòa giải sẽ không giảm sút, để đạt được hòa bình và thịnh vượng mà toàn thể người dân Triều Tiên rất mong muốn.

Tuy nhiên, tất cả các cuộc xung đột đều dẫn đến những hậu quả chết người của việc liên tục sử dụng đến việc sản xuất các loại vũ khí mới và ngày càng tinh vi hơn, điều này đôi khi được biện minh bằng lập luận cho rằng “hòa bình không thể được bảo đảm ngoại trừ trên cơ sở cân bằng vũ khí như nhau”.[4] Cần phải thay đổi lối suy nghĩ này và tiến tới giải trừ quân bị toàn diện, vì không thể có hòa bình khi các công cụ chết chóc đang sinh sôi nảy nở.

Kính thưa quý vị đại sứ

Vào thời điểm xảy ra xung đột lớn như vậy, chúng ta không thể không băn khoăn về việc làm thế nào chúng ta có thể dệt lại những sợi chỉ hòa bình. Chúng ta bắt đầu ở đâu?

Để phác thảo một câu trả lời, tôi muốn cùng qúy vị trình bày một số yếu tố của thông điệp Pacem in Terris, một văn bản tiếp tục rất hợp thời, mặc dù bối cảnh quốc tế đã thay đổi rất nhiều. Thánh Gioan XXIII đã xác tín rằng hòa bình có thể thực hiện được khi tôn trọng bốn điều thiện căn bản: sự thật, công lý, liên đới và tự do. Những điều này đóng vai trò trụ cột điều chỉnh mối tương quan giữa các cá nhân cũng như các cộng đồng chính trị.[5]

Các chiều kích này giao thoa trong tiền đề căn bản này “mỗi con người là một ngôi vị, sở hữu một bản chất được phú cho trí thông minh và ý chí tự do. Như vậy, anh ấy hoặc cô ấy có các quyền và nghĩa vụ cùng nhau phát sinh do hệ quả trực tiếp của bản chất của anh ấy hoặc cô ấy. Những quyền và nghĩa vụ này là phổ quát và bất khả xâm phạm, và do đó hoàn toàn không thể chuyển nhượng”.[6]

Hòa bình trong sự thật

Xây dựng hòa bình trong sự thật trước hết có nghĩa là tôn trọng con người với “quyền được sống và sự toàn vẹn về thân thể”[7] của họ và bảo đảm “quyền tự do điều tra sự thật cũng như quyền tự do ngôn luận và xuất bản” của họ [số 8]. Điều này đòi hỏi các thẩm quyền dân sự phải “đóng góp tích cực vào việc tạo ra một môi trường tổng thể, trong đó các cá nhân có thể vừa bảo vệ các quyền của chính mình vừa thực hiện nghĩa vụ của mình, và có thể làm như vậy một cách dễ dàng”.[9]

Bất chấp những cam kết của tất cả các quốc gia nhằm tôn trọng quyền con người và các quyền tự do căn bản của mỗi người, thậm chí ngày nay, ở nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn bị coi là công dân hạng hai. Họ phải chịu bạo lực và lạm dụng, đồng thời bị từ chối cơ hội học tập, làm việc, sử dụng tài năng của mình và được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí cả thực phẩm. Xét rằng khi quyền con người được công nhận đầy đủ cho tất cả mọi người, phụ nữ có thể cống hiến những đóng góp độc đáo của họ cho đời sống xã hội và trở thành đồng minh đầu tiên của hòa bình.

Hòa bình trước hết đòi hỏi phải bảo vệ sự sống, một điều tốt đẹp mà ngày nay đang bị đe dọa không những bởi xung đột, đói kém và bệnh tật, mà còn quá thường xuyên ngay cả khi còn trong bụng mẹ, thông qua việc cổ xúy cho “quyền được phá thai”. Tuy nhiên, không ai có thể đòi quyền đối với cuộc sống của một người khác, đặc biệt là một người không có sức mạnh và do đó hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Vì lý do này, tôi kêu gọi lương tâm của những người nam nữ thiện chí, đặc biệt là những người có trách nhiệm chính trị, hãy cố gắng bảo vệ quyền của những người yếu thế nhất và chống lại nền văn hóa vứt bỏ, một nền văn hóa vứt bỏ cũng ảnh hưởng một cách bi thảm đến người bệnh, người khuyết tật và người già. Các quốc gia có trách nhiệm chính là bảo đảm để các công dân được hỗ trợ trong mọi giai đoạn của cuộc sống con người, cho đến khi chết tự nhiên, và làm như vậy theo cách khiến mỗi người cảm thấy được đồng hành và chăm sóc, ngay cả trong những thời khắc nhạy cảm nhất của cuộc đời họ.

Quyền sống cũng bị đe dọa ở những nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như trường hợp trong những ngày này ở Iran, sau các cuộc biểu tình gần đây đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phẩm giá của phụ nữ. Hình phạt tử hình không thể được sử dụng cho một nền công lý bị coi là của Nhà nước, vì nó không tạo ra sự can gián cũng như không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao báo thù. Vì vậy, tôi kêu gọi chấm dứt án tử hình, vốn luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó tấn công quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người, theo luật pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới. Chúng ta không thể bỏ qua sự thật này là, cho đến giây phút cuối cùng của họ, một người vẫn có thể hối cải và thay đổi.

Đáng thương thay, chúng ta ngày càng chứng kiến sự xuất hiện của một “nỗi sợ” phải sống, nỗi sợ mà ở nhiều nơi đã biến thành nỗi sợ tương lai và một khó khăn trong việc tạo lập gia đình và đưa con cái vào thế giới. Trong một số bối cảnh, tôi nghĩ chẳng hạn như ở Ý, tỷ lệ sinh đang giảm một cách nguy hiểm, một mùa đông nhân khẩu học thực sự, gây nguy hiểm cho chính tương lai của xã hội. Tôi muốn một lần nữa khuyến khích người dân Ý yêu quý hãy kiên cường đương đầu và hy vọng những thách thức của thời điểm hiện tại bằng cách khơi dậy sức mạnh từ cội nguồn tôn giáo và văn hóa của họ.

Các nỗi sợ hãi được thúc đẩy bởi sự thiếu hiểu biết và định kiến, và do đó dễ biến thành xung đột. Giáo dục là thuốc giải độc cho điều này. Tòa Thánh thúc đẩy một tầm nhìn toàn diện về giáo dục, trong đó “việc trau dồi các giá trị tôn giáo có thể bắt kịp với kiến thức khoa học và không ngừng nâng cao tiến bộ kỹ thuật”.[10] Công việc giáo dục luôn đòi hỏi phải bày tỏ lòng tôn trọng toàn diện đối với con người, đối với diện mạo tự nhiên của họ, và tránh áp đặt một cách nhìn mới lạ và mơ hồ về con người. Điều này đòi hỏi phải tích hợp các quá trình của con người, tinh thần, trí tuệ và tăng trưởng nghề nghiệp, do đó cho phép con người được giải phóng khỏi nhiều hình thức nô lệ và, trong tự do và trách nhiệm, đảm nhận vị trí của mình trong xã hội. Về vấn đề này, không thể chấp nhận được việc một bộ phận dân tộc bị loại khỏi giáo dục, như đang xảy ra với phụ nữ Afghanistan.

Giáo dục là con mồi của một cuộc khủng hoảng thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn do tác động tàn phá của đại dịch và bởi kịch bản địa chính trị đầy rắc rối. Về vấn đề này, Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục do Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập tại New York vào tháng 9 năm ngoái đã mang đến cho các chính phủ cơ hội duy nhất để áp dụng các chính sách dũng cảm nhằm đối mặt với “thảm họa giáo dục” hiện nay và ban hành các quyết định cụ thể, nhằm đạt được việc giảng dạy có chất lượng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Cầu mong các quốc gia tìm được lòng can đảm để đảo ngược mối tương quan đáng xấu hổ và không cân xứng giữa tài trợ công cho giáo dục và chi tiêu cho vũ khí!

Hòa bình cũng kêu gọi sự công nhận hoàn cầu về tự do tôn giáo. Điều đáng lo ngại là mọi người đang bị bức hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình và ở nhiều quốc gia, quyền tự do tôn giáo bị hạn chế. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những điều kiện này. Cùng với việc thiếu tự do tôn giáo, còn có sự đàn áp vì lý do tôn giáo. Tôi không thể không nhắc đến, như một số thống kê đã cho thấy, cứ bảy Kitô hữu thì có một người bị bách hại. Tại đây, tôi bày tỏ hy vọng rằng Đặc phái viên mới của Liên minh Châu Âu về thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng bên ngoài Liên minh Châu Âu, sẽ có thể bố trí các nguồn lực và phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mình một cách thỏa đáng.

Đồng thời, chúng ta không nên bỏ qua thực tế là bạo lực và các hành vi kỳ thị chống lại các Kitô hữu cũng đang gia tăng ở các quốc gia mà Kitô hữu không phải là thiểu số. Tự do tôn giáo cũng bị đe dọa ở bất cứ nơi nào các tín hữu thấy khả năng bày tỏ niềm tin của họ trong đời sống xã hội bị hạn chế do hiểu sai về tính bao trùm (inclusiveness). Tự do tôn giáo, không thể bị rút gọn vào tự do thờ phượng, là một trong những điều kiện tối thiểu để có một lối sống đàng hoàng. Các chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ quyền này và bảo đảm để mỗi người, theo cách phù hợp với lợi ích chung, đều có cơ hội hành động theo lương tâm của mình, kể cả trong lĩnh vực công cộng và trong khi thực hiện nghề nghiệp của họ.

Tôn giáo cung cấp những cơ hội đích thực cho việc đối thoại và gặp gỡ giữa các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau. Quốc hội Timor-Leste đã làm chứng cho điều này trong quyết định nhất trí phê duyệt Văn kiện về Tình huynh đệ Nhân loại mà tôi đã ký với Đại Imam của Al-Azhar vào năm 2019 và bằng cách đưa Văn kiện vào các chương trình của các tổ chức văn hóa và giáo dục của quốc gia. Cá nhân tôi đã có thể trải nghiệm điều này trong chuyến thăm Kazakhstan vào tháng 9 năm ngoái nhân dịp tham dự Đại hội lần thứ bảy của các nhà lãnh đạo các tôn giáo thế giới và truyền thống, tôi đã chia sẻ một số mối quan tâm về thế giới ngày nay và tận mắt chứng kiến điều này: các tôn giáo “không phải là một vấn đề, nhưng là một phần của giải pháp cho một cuộc sống hài hòa hơn trong xã hội”.[11] Một điều quan trọng không kém là chuyến viếng thăm của tôi đến Bahrain, nơi mà một bước tiến xa hơn đã được thực hiện trong cuộc hành trình của các tín hữu Kitô giáo và Hồi giáo.

Người ta thường cố gắng đổ lỗi cho tôn giáo về những xung đột khác nhau trong gia đình nhân loại của chúng ta, và những nỗ lực đáng trách đôi khi được thực hiện để lợi dụng tôn giáo cho những mục đích thuần túy chính trị. Điều này đi ngược lại với cách hiểu của Kitô giáo, vốn coi gốc rễ của mọi xung đột là ở sự mất cân bằng hiện diện trong trái tim con người: theo lời của Tin Mừng, “từ bên trong, từ lòng người mà ra những ý nghĩ tà ác ” (Mc 7: 21). Kitô giáo là một lực lượng hòa bình, vì nó khuyến khích hoán cải và thực hành nhân đức.

Hòa bình trong công lý

Xây dựng hòa bình đòi hỏi phải theo đuổi công lý. Cuộc khủng hoảng năm 1962 đã được ngăn chặn nhờ sự đóng góp của những người nam nữ thiện chí, những người có thể đưa ra các giải pháp phù hợp để ngăn chặn căng thẳng chính trị biến thành một cuộc chiến thực sự. Đó cũng là do niềm tin này: các tranh chấp có thể được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và thông qua các tổ chức đó, chủ yếu là Liên hiệp quốc, được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai và khuyến khích ngoại giao đa phương. Theo lời của Thánh Gioan XXIII, “Tổ chức Liên Hiệp Quốc có mục tiêu đặc biệt là duy trì và củng cố hòa bình giữa các quốc gia, khuyến khích và hỗ trợ các mối quan hệ hữu nghị giữa họ, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác sâu rộng trong mọi lĩnh vực nỗ lực của con người”.[12]

Cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine đã làm cho cuộc khủng hoảng từ lâu đã ảnh hưởng đến hệ thống đa phương trở nên rõ ràng hơn, hệ thống này cần phải suy nghĩ lại một cách sâu sắc nếu nó muốn đáp ứng một cách thỏa đáng những thách thức của thời đại chúng ta. Điều này đòi hỏi một cuộc cải cách các cơ quan cho phép nó hoạt động hữu hiệu, để chúng có thể thực sự đại diện cho các nhu cầu và sự nhạy cảm của tất cả các dân tộc, và tránh các thủ tục mang lại sức nặng lớn hơn cho một số người, gây bất lợi cho những người khác. Vấn đề không phải là tạo ra các liên minh, mà là tạo cơ hội cho mọi người trở thành đối tác trong cuộc đối thoại.

Điều tốt đẹp vĩ đại có thể đạt được bằng cách cùng nhau làm việc. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến những sáng kiến đáng ca ngợi nhằm xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người di cư, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân và cung cấp viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các diễn đàn quốc tế khác nhau đã chứng kiến sự gia tăng của tình trạng phân cực và nỗ lực áp đặt một lối suy nghĩ duy nhất, cản trở đối thoại và gạt ra ngoài lề những người có cách nhìn sự việc khác biệt. Đang có nguy cơ trôi dạt vào điều ngày càng có vẻ như một chủ nghĩa toàn trị về ý thức hệ thúc đẩy sự không khoan dung đối với những người bất đồng với những quan điểm nhất định được cho là đại diện cho “sự tiến bộ”, nhưng trên thực tế có vẻ như sẽ dẫn đến sự thụt lùi tổng thể của nhân loại, với sự vi phạm tự do tư tưởng và tự do lương tâm.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều nguồn lực được chi cho việc áp đặt các hình thức thực dân hóa ý thức hệ, đặc biệt là đối với các nước nghèo hơn, và kết nối trực tiếp việc cung cấp viện trợ kinh tế với việc chấp nhận các ý thức hệ đó. Điều này đã làm căng thẳng cuộc tranh luận trong các tổ chức quốc tế, cản trở những trao đổi hữu hiệu và thường dẫn đến xu hướng giải quyết các vấn đề một cách độc lập và do đó, trên cơ sở các mối quan hệ quyền lực.

Trong chuyến thăm Canada vào tháng 7 năm ngoái, tôi đã có thể trực tiếp trải nghiệm những hậu quả của việc thực dân hóa, đặc biệt là trong các cuộc gặp gỡ của tôi với những người dân bản địa đã phải chịu đựng các chính sách đồng hóa trong quá khứ. Những nỗ lực nhằm áp đặt lối suy nghĩ xa lạ lên các nền văn hóa khác mở đường cho sự đối đầu gay gắt và đôi khi thậm chí là bạo lực.

Nhân danh tình liên đới đó “được sinh ra từ ý thức cho rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự mong manh của người khác khi chúng ta cố gắng xây dựng một tương lai chung”,[13] chúng ta phải quay trở lại với đối thoại, lắng nghe và thương lượng lẫn nhau, đồng thời cổ vũ trách nhiệm và hợp tác chung trong việc theo đuổi lợi ích chung. Các cố gắng nhằm ngăn chặn hoặc phủ quyết thảo luận sẽ chỉ thúc đẩy sự chia rẽ hơn nữa.

Hòa bình trong liên đới

Trong Sứ điệp hàng năm của tôi cho Ngày Hòa bình Thế giới, tôi đã lưu ý rằng đại dịch Covid-19 đã để lại “nhận thức rằng tất cả chúng ta đều cần đến nhau”.[14] Con đường hòa bình là con đường liên đới, vì không ai có thể được cứu rỗi một mình. Chúng ta sống trong một thế giới kết nối với nhau đến mức, cuối cùng, hành động của mỗi người sẽ gây hậu quả cho mọi người khác.

Ở đây, tôi muốn kéo sự chú ý đến ba lĩnh vực trong đó, mối liên kết qua lại này vốn hiệp nhất gia đình nhân loại ngày nay, được cảm nhận một cách đặc biệt, và là những lĩnh vực đặc biệt cần đến tình liên đới hơn nữa.

Lĩnh vực đầu tiên là vấn đề di cư, liên quan đến toàn bộ các khu vực trên thế giới. Thường thì đó là vấn đề của những cá nhân chạy trốn khỏi chiến tranh và bách hại, và những người phải đối đầu với những nguy hiểm to lớn. Sau đó, “mọi người đều có quyền tự do đi lại… di cư đến các quốc gia khác và cư trú ở đó”[15] và mọi người nên có khả năng trở về quê hương của mình.

Di cư là một vấn đề mà chúng ta không thể “tiến lên một cách ngẫu nhiên”. Để hiểu điều này, chúng ta chỉ cần nhìn vào Địa Trung Hải, nơi đã trở thành một ngôi mộ đồ sộ. Những sinh mạng bị mất đó là biểu tượng của sự sụp đổ của nền văn minh, như tôi đã lưu ý trong chuyến đi đến Malta vào mùa xuân năm ngoái. Ở châu Âu, có một nhu cầu cấp thiết là củng cố khung pháp lý thông qua việc phê chuẩn Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm tiếp nhận, đồng hành, thúc đẩy và hội nhập người di cư. Đồng thời, tình liên đới đòi hỏi rằng gánh nặng của các hoạt động cần thiết để hỗ trợ và chăm sóc những người bị đắm tàu không hoàn toàn đổ lên người dân của các điểm cập bến chính.

Lĩnh vực thứ hai liên quan đến nền kinh tế và việc làm. Các cuộc khủng hoảng trong những năm gần đây đã làm nổi bật những giới hạn của một hệ thống kinh tế hướng đến việc tạo ra lợi nhuận cho một số ít hơn là tạo cơ hội mang lại lợi ích cho nhiều người; một nền kinh tế tập trung vào tiền hơn là sản xuất hàng hóa hữu dụng. Điều này đã tạo ra nhiều doanh nghiệp mong manh hơn và thị trường lao động bất công. Cần phải khôi phục phẩm giá cho doanh nghiệp và việc làm, chống lại mọi hình thức bóc lột dẫn đến việc coi người lao động như một món hàng, vì “không có công việc xứng đáng và được trả công công bằng, những người trẻ tuổi sẽ không thực sự trưởng thành và sự bất bình đẳng sẽ gia tăng”.[ 16]

Lĩnh vực thứ ba là chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta đang liên tục chứng kiến kết quả của biến đổi khí hậu và những tác động nghiêm trọng của chúng đối với cuộc sống của toàn thể người dân, hoặc bằng sự tàn phá mà chúng tạo ra, như trường hợp của Pakistan ở những khu vực bị lũ lụt, nơi dịch bệnh bùng phát do nước tù đọng gây ra tiếp tục gia tăng; hoặc ở những khu vực rộng lớn của Thái Bình Dương, nơi sự hâm nóng hoàn cầu đã gây ra thiệt hại lớn cho nghề đánh cá, là cơ sở của cuộc sống hàng ngày cho toàn bộ dân cư; hay ở Somalia và toàn bộ vùng Sừng châu Phi, nơi hạn hán đang gây ra nạn đói trầm trọng; và trong những ngày gần đây cũng vậy, tại Hoa Kỳ, nơi mà những trận bão tuyết bất ngờ và dữ dội đã gây ra nhiều cái chết.

Mùa hè năm ngoái, Tòa thánh đã chọn tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, như một phương tiện hỗ trợ tinh thần cho nỗ lực của tất cả các quốc gia trong việc hợp tác, phù hợp với trách nhiệm và khả năng tương ứng của họ, nhằm đưa ra một giải pháp hữu hiệu và ứng phó phù hợp với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Hy vọng rằng các bước được thực hiện tại COP27 với việc thông qua Kế hoạch thực hiện Sharm el-Sheikh, dù còn hạn chế, có thể nâng cao nhận thức của mọi người về một vấn đề cấp bách không thể bỏ qua. Tuy nhiên, các mục tiêu đầy hứa hẹn đã được thống nhất trong Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15) được tổ chức tại Montreal vào tháng trước.

Hòa bình trong tự do

Cuối cùng, xây dựng hòa bình đòi hỏi không dành chỗ cho “sự vi phạm tự do, toàn vẹn và an ninh của các quốc gia khác, bất kể việc mở rộng lãnh thổ của họ là gì hoặc khả năng phòng thủ của họ là gì”.[17] Điều này chỉ có thể xảy ra nếu, trong mỗi cộng đồng đơn nhất, không tồn tại thứ văn hóa áp bức và xâm lược, trong đó người lân cận của chúng ta bị coi là kẻ thù phải tấn công, thay vì là anh chị em để chào đón và ôm ấp.[18]

Nguyên nhân gây lo ngại là ở nhiều nơi trên thế giới, nền dân chủ và phạm vi tự do mà nó tạo ra đang suy yếu, dù có những hạn chế của bất cứ hệ thống nhân bản nào. Chính phụ nữ hoặc các dân tộc thiểu số thường phải trả giá cho điều này, cũng như toàn bộ các xã hội trong đó tình trạng bất ổn dẫn đến căng thẳng xã hội và thậm chí xung đột vũ trang.

Trong nhiều lĩnh vực, một dấu hiệu suy yếu của nền dân chủ là sự phân cực chính trị và xã hội ngày càng gia tăng, không giúp giải quyết các vấn đề cấp bách của công dân. Tôi nghĩ đến các quốc gia khác nhau ở Châu Mỹ nơi mà các cuộc khủng hoảng chính trị đầy rẫy những căng thẳng và các hình thức bạo lực làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội. Đặc biệt, tôi muốn đề cập đến các sự kiện gần đây ở Peru và trong những giờ gần đây nhất ở Brazil, và tình hình đáng lo ngại ở Haiti, nơi các biện pháp cuối cùng đang được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã diễn ra trong một thời gian. Có một nhu cầu liên tục để vượt qua những lối suy nghĩ đảng phái và làm việc để thúc đẩy lợi ích chung.

Tôi cũng đã theo dõi sát sao tình hình ở Libăng, nơi vẫn đang chờ cuộc bầu cử Tổng thống mới của nước Cộng hòa. Tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo chính trị sẽ nỗ lực hết sức để giúp đất nước phục hồi sau tình hình kinh tế và xã hội đầy kịch tính mà đất nước hiện đang trải qua.

Thưa các đại sứ, thưa qúy bà và qúy ông,

Thật tuyệt vời biết bao nếu, chỉ một lần thôi, chúng ta tụ họp lại đơn giản để tạ ơn Chúa Toàn năng vì những ơn lành liên tục của Người, mà không cần phải liệt kê tất cả những sự kiện bi thảm đang hoành hành trên thế giới của chúng ta. Nếu tôi có thể trích dẫn một lần nữa những lời của Đức Gioan XXIII, “tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng rằng, bằng cách thiết lập liên lạc với nhau và bằng chính sách đàm phán, các quốc gia sẽ nhận thức rõ hơn về các mối quan hệ tự nhiên ràng buộc họ với nhau như những người đàn ông và đàn bà. Chúng ta cũng hy vọng rằng họ sẽ nhận thức một cách công bằng hơn một trong những nhiệm vụ chính bắt nguồn từ bản chất chung của chúng ta: đó là tình yêu, chứ không phải sự sợ hãi, phải chi phối mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa các quốc gia. Đặc điểm căn bản của tình yêu là nó lôi kéo những người đàn ông và đàn bà lại với nhau bằng mọi cách, chân thành gắn kết với nhau trong mối quan hệ của tinh thần và vật chất; và đây là sự kết hợp mà từ đó có thể tuôn đổ muôn vàn phúc lành”.[19]

Với những tình cảm trên, tôi gửi đến qúy vị và các quốc gia mà qúy vị đại diện những lời chúc tốt đẹp chân thành nhất cho năm mới.

Cảm ơn qúy vị!

________________________________________

[1] Tông hiến Praedicate Evangelium (19 tháng 3 năm 2022), Art. 1.

[2] Ngày 11 tháng 4 năm 1963. Cf. AAS 55 (1963), 257-304.

[3] Pacem in Terris (ed. Carlen), 111.

[4] Pacem in Terris, 110.

[5] X. Đd., 85.

[6] Đd., 9.

[7] Đd., 11.

[8] Đd., 12.

[9] Đd., 63.

[10] Đd., 153.

[11] Diễn văn trước Phiên họp toàn thể của Đại hội VII Lãnh đạo các Tôn giáo Thế giới và Truyền thống, Astana, ngày 14 tháng 9 năm 2022.

[12] Pacem in Terris, 142.

[13] Thông điệp Fratelli Tutti (3 tháng 10 năm 2020), 115.

[14] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2023 (8 tháng 12 năm 2022), 3.

[15] Pacem in Terris, 25.

[16] Diễn văn trước những người tham gia Sự kiện “Nền kinh tế của Francesco”, Assisi, ngày 24 tháng 9 năm 2022.

[17] Pacem in Terris, 124. X. PIUS XII, Thông điệp phát thanh Giáng sinh, 24 tháng 12 năm 1941.
 
Đức Tổng Giám Mục thư ký lâu năm của Đức Bênêđictô XVI có âm mưu chống Đức Giáo Hoàng không?
Đặng Tự Do
22:16 09/01/2023
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng lâu năm của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô sáng thứ Hai 9 tháng Giêng. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như trên trong một thông báo ghi rất cẩn thận rằng Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là Tổng Giám Mục hiệu tòa Urbisaglia, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

Cuộc gặp gỡ của vị Tổng Giám Mục người Đức với Đức Thánh Cha diễn ra chỉ bốn ngày sau khi Đức Bênêđictô XVI được an nghỉ trong hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô hôm thứ Năm, 5 tháng Giêng.

Cuộc gặp gỡ cũng diễn ra ngay trước khi cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein trình bày chi tiết gần 20 năm phục vụ của ngài cho Đức Bênêđictô XVI, được dự kiến ra mắt vào ngày 12 tháng Giêng. Cuốn sách được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng. Một bản xem trước bằng tiếng Anh, được gởi cho các ký giả, cho thấy cuốn sách dày 330 trang có tựa đề “Nothing But The Truth - My Life Beside Benedict XVI”, nghĩa là “Không Có Gì Ngoài Sự Thật – Cuộc Sống Của Tôi Bên Cạnh Đức Bênêđíctô XVI”. Phiên bản tiếng Anh được nhà xuất bản Ignatius, do Cha Joseph Fessio, linh mục dòng Tên điều hành. Cuốn sách được viết cùng với nhà báo người Ý Saverio Gaeta.

Trái với những đồn thổi của các phương tiện truyền thông cho rằng cuốn sách nhằm chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô. Độc giả có thể thấy xuyên suốt 330 trang của cuốn sách một thái độ điềm tĩnh, kính trọng dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Người ta có thể thấy rõ gần như ngay lập tức là cuốn sách nhằm mục đích bảo vệ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 và di sản của ngài.

Cuốn sách thực sự có bao gồm các chi tiết về những bất đồng được cho là của vị giáo hoàng người Đức với người kế nhiệm người Á Căn Đình về các vấn đề như việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô hạn chế Thánh lễ Latinh truyền thống và những tuyên bố của ngài liên quan đến các vấn đề đạo đức như phá thai và đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, nó được trình bày một cách ôn tồn. Đặc biệt, tường thuật được báo chí nhắc đến nhiều là cho rằng Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein viết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “làm tan nát trái tim” của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô khi cấm nghi thức cổ xưa bằng tiếng Latinh. Chi tiết này không hề được viết ở bất cứ đâu trong cuốn sách. Đó là câu chuyện được dựng đứng từ A đến Z.

Một tình tiết khác được cho là đã được thảo luận trong cuốn sách là việc Đức Tổng Giám Mục Gänswein bị sa thải khỏi vai trò Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, xảy ra vào đầu năm 2020. Chuyện này thì có. Tuy nhiên, cách tường thuật của báo chí đã trầm trọng hóa vấn đề.

Họ nói rằng Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô 2 “mũi tên”. Mũi tên thứ nhất là chuyện “làm tan nát trái tim” vừa nêu ở trên. Mũi tên thứ hai chuyện Đức Thánh Cha sa thải vị Tổng Giám Mục.

Ban đầu được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng vào năm 2012, Đức Tổng Giám Mục Gänswein tiếp tục giữ chức vụ này trong triều Giáo Hoàng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chức năng chủ yếu của vị Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng là tổ chức các buổi yết kiến chính thức với Đức Thánh Cha.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã ngừng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến vị trí này sau một cuộc tranh cãi vào tháng Giêng năm 2020 xung quanh một cuốn sách về luật độc thân của linh mục, được xuất bản lần đầu bởi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và Đức Hồng Y Robert Sarah người Guinea. Cuốn sách, “From the Depths of Our Heart” nghĩa là “Từ Sâu Thẳm Trái Tim Chúng Ta”, được xuất bản trong bối cảnh thượng hội đồng toàn Amazon đang gây tranh cãi và được nhiều người coi là một bài phê bình từ Đức Giáo Hoàng Danh dự về việc Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép đem ra thảo luận các vấn đề liên quan đến khả thể phong chức linh mục cho những người đã kết hôn.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã yêu cầu Đức Hồng Y Sarah xóa tên của Đức Giáo Hoàng Danh dự với tư cách là đồng tác giả của văn bản và nói rằng một “sự hiểu lầm” đã dẫn đến việc vị giáo hoàng về hưu được đưa vào làm đồng tác giả.

Chức vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein không thay đổi sau vụ này, nhưng việc ngài ngừng các nhiệm vụ phụ trách Phủ Giáo Hoàng được Phòng Báo Chí Tòa Thánh giải thích là phản ảnh việc “phân phối lại các công việc và nhiệm vụ khác nhau” của các nhân viên trong Phủ Giáo Hoàng.

Trong cuốn sách sắp xuất bản của mình, Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã viết rằng, sau sự đồng tác giả, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với ngài “ngày mai đừng quay lại làm việc”. Ngài đã “bị sốc và không nói nên lời”. Ngài cũng viết rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã viết hai lá thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu khôi phục nhiệm vụ của Đức Tổng Giám Mục Gänswein vì vị tổng giám mục người Đức đang “bị tấn công từ mọi phía”, nhưng việc phục hồi của ngài không bao giờ diễn ra. Đức Tổng Giám Mục Gänswein than thở rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã biến ngài thành “một vị giám chức nửa vời”. Có vẻ quá đáng khi gọi những lời than thở của Đức Cha Gänswein là “mũi tên” bắn vào Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc phân chia công việc như thế nào là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Việc ngài không yêu cầu Đức Tổng Giám Mục thực thi các công việc thường lệ của mình nữa mà dành thời gian lo cho Đức Giáo Hoàng danh dự không thể bị phê phán. Đức Tổng Giám Mục Gänswein, có bằng tiến sĩ giáo luật tại Đại Học Ludwig Maximilian vào năm 1993, đương nhiên ngài hiểu được đó là thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thành ra, chúng tôi nghĩ rằng vụ “giám chức nửa vời” này có lẽ chỉ là một tiếng thở dài hơn là một lời tố cáo.

Giờ đây, Đức Bênêđíctô không còn trên trái đất này nữa, cơn lũ phân tích được mong đợi về “cuộc chiến” sắp xảy ra giữa các mặt trận của Giáo hội đã bắt đầu tràn ngập mọi kênh truyền thông có thể. Báo chí, TV, trang web và mạng xã hội. Báo chí thế tục cho rằng người hâm mộ của cả hai Giáo hoàng sẵn sàng rút kiếm và cho nhau một trận tơi bời. Bên cạnh các báo chí, có cả các linh mục sẵn sàng chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng bằng những bài mạ lỵ Đức Tổng Giám Mục Gänswein.

Hãy nghĩ xem, trong tình cảnh của Đức Tổng Giám Mục Gänswein hiện nay, khi Đức Bênêđíctô không còn sống, không rõ tương lai ra sao, ngài chống Đức Thánh Cha Phanxicô để làm gì?

Thành ra, với tư cách là một người đã đọc cuốn sách của Đức Tổng Giám Mục Gänswein, chúng tôi bảo đảm với anh chị em rằng cuốn sách ấy không nhằm mục đích chống Đức Thánh Cha mà là để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Danh dự.

Việc Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục và thông báo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh ghi cẩn thận như thế cho thấy chính Đức Thánh Cha cũng không nghĩ Đức Tổng Giám Mục chống lại ngài.

Theo thông lệ tiêu chuẩn dành cho các buổi tiếp kiến riêng, văn phòng báo chí của Vatican không chia sẻ chi tiết về cuộc gặp gỡ, trừ khi đó là cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia.

Có lẽ cần phải đợi một thời gian nữa mới biết được Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm ngài trong công việc gì: phục hoạt đầy đủ chức vụ Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, hay giao cho ngài chăm sóc một giáo phận, hay quay trở lại công việc học thuật của ngài.
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức TGM Hà Nội thăm mục vụ và làm phép ba công trình tại giáo xứ Ngọc Lũ
TGP Hà Nội
08:57 09/01/2023
 
Tưởng niệm LM Dominic Hạnh, vị sáng lập đại hội Ngày Thánh Thề ở Kerens TX
Trần Mạnh Trác
13:36 09/01/2023
ChaHanhBDTT-005

LM Dominic Hạnh-Nguyễn Đức Hạnh, OSP, vừa qua đời vào ngày Giáng Sinh 25 tháng 12 vừa qua, là vị đan viện trưởng tiên khời cuả đan viện Biển Đức Thiên Tâm ở Kerens TX. Ngài đồng thời cũng là vị sáng lập ra những đại hội gọi là Ngày Thánh Thể được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 6, qui tụ được nhiều chục ngàn giáo dân từ những thành phố của Texas như Dallas, Ft Worth, Austin, Houston và từ nhiều tiểu bang lân cận như Oklahoma, Louisiana, Alabama...

Những đại hội ‘Ngày Thánh Thể’ ấy càng ngày càng được nhiều người biết tới và số người đến cắm trại hằng năm dưới những khu rừng mát mẻ cuả đan viện thì càng đông đảo thêm lên. Đặc biệt những năm gần đây đại hội đã qui tụ được rất nhiều tu sĩ nam nữ từ Việt Nam đi du học, có thể vì tháng 6 là đúng vào dịp nghỉ hè cho nên các du học sinh lấy dịp này để giao du với nhau, gặp gỡ bà con thân thuộc, làm quen với kiều bào, và có khi là để từ giã những năm tháng du học trước khi lên đường về nước...

Qua 3 năm đại dịch, những đại hội vẫn được tổ chức không gián đoạn dù cho số người tham gia có vắng đi phần nào. Vào tháng 6 tới đây (năm 2023) thì con số cuả Ngày Thánh Thể sẽ là số 14 (XIV).

Tuy nhiên Ngày Thánh Thể XIV sẽ vắng đi một người!

Đó là hình ảnh cuả một chiếc áo dòng Biển Đức còn rất trẻ, khiêm nhường, tươi cười, nhỏ nhẹ, và luôn luôn hiện diện trong tất cả các nghi lễ và sinh hoạt cuả đại hội. Đó là hình ảnh cuả ‘Cha Hạnh’, nói theo tiếng gọi thân ái cuả các anh chị em thiện nguyện phục vụ cho đại hội.

Những anh em cộng sự viên cuà VietCatholic đã được Cha Hạnh miềm nở chào đón ngay từ những ngày khởi đầu cuả đan viện, và chúng tôi đã đồng hành với đan viện từ đó cho đến nay. Đó là một hân hạnh to lớn cho tất cả các anh em VietCatholic chúng tôi, trong đó phải kể đến những anh Lê Phước, Phạm Thái Hùng, Thanh Đậu.

Lần chót gặp ngài, ngài đã cám ơn những phóng sự VietCatholic viết về nhà dòng và ngỏ ý xin viết thêm nữa. Trả lời cho nhận xét là chúng tôi đã viết khá nhiều rồi, thì ngài chỉ mỉm cười và than “vẫn chưa đủ”.

Cho nên để “cho đủ hơn chút nữa”, và cũng là để ‘tiễn chân’ cho một ‘tri âm’ đã trở về nhà Cha, chúng tôi xin phát hành album sau đây, tổng hợp những hình ảnh cuà Cha Hạnh, ghi nhận từ ngày thành lập Đan Viện cho đến nay.

Xem Album
 
VietCatholic TV
Âm mưu bí mật muốn lật đổ Đức Giáo Hoàng Phanxicô?
VietCatholic Media
02:57 09/01/2023


1. Về bài báo giật gân của tờ Telegraph cho rằng có âm mưu bí mật muốn lật đổ Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Ký giả Nick Squires của tờ The Telegraph có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Pope Francis could be ousted in 'secret plan' by Vatican hardliners”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể bị lật đổ trong một kế hoạch bí mật bởi các thành phần cứng rắn của Vatican”.

Bài báo này đang gây xôn xao dư luận. Nick Squires có thể là một người Công Giáo, nhưng hiểu biết về Vatican của anh ta thấp đến mức nhiều người không tin anh ta là một người Công Giáo.

Trước hết, trong bài này, Nick Squires, rõ ràng là chịu ảnh hưởng bởi chính trị tại Anh trong đó chính phủ của các thủ tướng Boris Johnson, và Liz Truss lần lượt bị lật đổ. Thủ tướng Liz Truss thậm chí chỉ cầm quyền được có 49 ngày. Họ bị lật đổ dưới các áp lực chính trị, chẳng hạn như một chiêu thức thường thấy là hàng loạt các bộ trưởng đồng loạt từ chức, hay yêu cầu một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Người ta không thể tưởng tượng được một áp lực tương tự như vậy có thể lật đổ được một vị Giáo Hoàng.

Anh ta cũng viện dẫn Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Hồng Y Raymond Burke, Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller trong các lý luận của mình như các “thành phần cứng rắn của Vatican”. Tất cả các vị được nêu không có vị nào là “thành phần của Vatican”.

Chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ cuộc phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trên tờ La Repubblica, đã bị trích dẫn sai lạc trong bài báo của tờ The Telegraph.

Thưa Đức Cha, cái chết của Đức Bênêđictô XVI có ảnh hưởng đến Giáo hội không?

Tôi nghĩ như vậy bởi vì sau cái chết của một nhân vật có tầm vóc và chiều sâu như Đức Giáo Hoàng Danh dự, người ta bắt đầu đọc lại những gì ngài đã viết. Đây là cơ hội để có thể làm phong phú thêm sự khôn ngoan của Giáo hội và kiểm điểm lại những gì Giáo hội đã làm và đã nói. Tôi nghĩ rằng việc ngài từ giã cõi đời này cũng là một lời mời để đào sâu giáo huấn của ngài và sự đóng góp của ngài cho Giáo hội”.

Điều nào, đặc biệt, cho tương lai gần của Giáo hội, thưa Đức Cha?

Trước hết là cách giải thích đích thực về Công đồng Vatican II: ngài đã tham gia vào đó với tư cách là một chuyên gia và có rất nhiều điều để cống hiến. Đó là một câu hỏi vẫn còn rất sống động trong Giáo hội. Sau đó, ngài đã đóng góp rất nhiều với ba cuốn sách về Chúa Giêsu, một cơ hội để ngày càng đến gần Chúa hơn bằng cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ cá nhân và tập thể của chúng ta.

Vào ngày tang lễ, một số người ở quảng trường đã hét lên “Santo Subito” “Phong thánh ngay”: Đức Cha nghĩ sao?

Tôi tin rằng trong tương lai, quá trình này chắc chắn sẽ bắt đầu. Nhưng tôi cũng nghĩ và, nếu tôi dám, tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô sẽ đồng ý với tôi rằng những điều này sẽ chín muồi theo thời gian. Tôi không nghi ngờ gì về việc Đức Joseph Ratzinger đang ở trên thiên đường nhưng đối với tôi, dường như Giáo hội có thời điểm, phương pháp của mình để thực hiện một quy trình bình thường, dành thời gian để nghiên cứu trường hợp và cũng để xem liệu có bất kỳ phép lạ nào được cho là do sự can thiệp của ngài hay không. Tôi nghĩ rằng còn hơi sớm cho tất cả những điều này.'

Đức Cha có nghĩ rằng triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô sẽ thay đổi kể từ bây giờ?

Tôi không thể trả lời. Có lẽ khả năng rút lui sẽ khả thi hơn khi Đức Giáo Hoàng danh dự đã ra đi, nhưng đây rõ ràng chỉ là suy đoán thuần túy vì tôi không biết Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ gì về điều đó.

Có vẻ như ngài sẽ sớm thoái vị, phải không thưa Đức Cha?

Không, trên thực tế, tôi thấy rằng ngài vừa tổ chức lại giáo phận của Rôma: đối với tôi, ngài dường như là một người đang tiếp tục tiến lên. Nhưng tôi cũng thấy sự khó khăn, thực tế là ngài không thể cử hành: tất cả đều là những yếu tố của công việc mục vụ bình thường không thể thiếu. Nhưng tất nhiên, ngài luôn là người quyết định liệu mình có đủ sức để tiếp tục hay không.

Những ngày này, thư ký riêng của Đức Bênêđictô, Georg Gänswein, đang công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng: ngài có ấn tượng gì về giá trị, phương pháp và thời điểm?

Tôi thú nhận rằng tôi chưa đọc những gì ngài nói, nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Đức Thánh Cha, chúng ta không nên đưa ra thông qua các phương tiện thông tin đại chúng mà phải trực tiếp với cá nhân ngài. Và tôi coi Đức Tổng Giám Mục Gänswein như một người bạn.

Đức Cha có nghĩ rằng đang có một trận chiến đang diễn ra trong Giáo hội giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ không?

Tôi không thích những thuật ngữ này lắm nhưng vâng, có những căng thẳng giữa những người cấp tiến và những người bảo thủ. Có lẽ, lúc nào cũng có như thế nhưng bây giờ dường như rõ ràng hơn nhiều đối với tôi. Chúng ta thấy một số giám mục Đức đang tiến tới Tiến Trình Công Nghị, và tôi chắc chắn không thể đồng ý với điều này, nó sẽ là một nguồn căng thẳng. Nhưng cũng có những lời chỉ trích từ phía bên kia, cũng có thể được phóng đại. Vâng, phải công nhận rằng có những căng thẳng.

Và cách tốt nhất để quản lý những căng thẳng này là gì, thưa Đức Cha?

Đó luôn là một nghệ thuật, nhưng lắng nghe là điều rất quan trọng: tôi tin rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy chúng ta rất nhiều điều.

Chúng ta phải cho mọi người cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình, đồng thời chúng ta cũng phải cố gắng giảm bớt sự cay đắng mà đôi khi chúng ta cảm thấy: thật khó để tưởng tượng rằng đây là những người của Giáo hội, trên hết là một sự hiệp thông của tình yêu. Chúng ta có thể không đồng ý, nhưng chúng ta cần tìm cách bày tỏ sự chỉ trích một cách huynh đệ, bác ái và tránh sự khắc nghiệt đáng sợ này.

Đức Cha có nghĩ rằng chính từ Hoa Kỳ và chính xác chống lại vị Giáo hoàng này, những lời chỉ trích trước đây không thể tưởng tượng được đã đến?

Những lời chỉ trích cũng đến từ những người có lẽ không đọc tất cả những gì Đức Giáo Hoàng nói, hoặc những người chỉ đọc các bài báo trên báo chí. Sau đó là cách thức và cách phản biện. Đúng là Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ là một trong những giáo hội trung thành nhất với Đức Giáo Hoàng Rôma và có lẽ chúng ta đã quên cách bày tỏ sự bối rối hoặc yêu cầu làm rõ.

Nhưng tôi có thể nói rằng phần lớn các giám mục Hoa Kỳ chắc chắn đã không chỉ trích một cách trực tiếp. Có một số giám mục cá nhân đã nói những điều mà chúng ta không quen nghe, nhưng nói chung, chúng tôi luôn cố gắng nói với sự tôn trọng và bày tỏ sự tin tưởng và tình huynh đệ của chúng ta với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Ưu tiên của Đức Cha trong vài năm tới là gì? Phải chăng là vấn nạn phá thai?

Chắc chắn là vấn đề về quyền sống, sau đó chúng tôi cố gắng dạy giáo lý tốt hơn cho các tín hữu về Bí tích Thánh Thể, nhưng người nghèo và người di cư cũng là trung tâm của mối quan tâm của chúng ta, và việc trở lại tham dự thánh lễ sau đại dịch.
Source:La Repubblica

2. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 8 tháng Giêng

Chúa Nhật 8 tháng Giêng, trong khi một số nơi cử hành Lễ Hiển Linh, các nơi khác như ở Ý cử hành Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vì hôm 6 tháng Giêng họ đã mừng lễ Hiển Linh.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” Chúa Giêsu liền đáp lại: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Chịu Phép Rửa, và Tin Mừng trình bày cho chúng ta một cảnh tượng đáng kinh ngạc: đó là lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng sau khi Ngài sinh ra ở ẩn tại Nazareth; Ngài đã đến bờ sông Giođan để được Gioan làm phép rửa (Mt 3:13-17). Đó là một nghi thức dành cho mọi người ăn năn và cam kết hoán cải; một bài thánh ca phụng vụ nói rằng những người đi chịu phép rửa “tâm hồn trần trụi” – một tâm hồn cởi mở, trần trụi, không che đậy bất cứ thứ gì – nghĩa là với lòng khiêm nhường và tấm lòng trong sáng. Nhưng, khi nhìn thấy Chúa Giêsu hòa mình với những người tội lỗi, chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi: tại sao Chúa Giêsu lại chọn làm như vậy? Ngài là bậc Thánh Nhân, Con Thiên Chúa vô tội, tại sao lại lựa chọn làm như vậy? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong những lời Chúa Giêsu nói với Thánh Gioan: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (c. 15). Giữ trọn đức công chính: nghĩa là gì?

Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu mặc khải công lý của Thiên Chúa, công lý mà Ngài đến để mang lại cho thế giới. Chúng ta thường có một ý tưởng hạn chế về công lý, và nghĩ rằng nó có nghĩa là: những người làm sai phải trả giá, và theo cách này, đền bù cho điều sai trái mà họ đã làm. Nhưng công lý của Thiên Chúa, như Kinh thánh dạy, còn vĩ đại hơn nhiều: mục đích của công lý Thiên Chúa không phải là kết án kẻ có tội, mà là cứu rỗi và tái sinh họ, khiến họ trở nên công chính: từ bất công thành công chính. Đó là một công lý xuất phát từ tình yêu, từ lòng trắc ẩn và lòng thương xót sâu thẳm của chính trái tim Thiên Chúa, là Cha, Đấng cảm động khi chúng ta bị sự dữ áp bức và gục ngã dưới sức nặng của tội lỗi và sự yếu đuối. Như thế, công lý của Thiên Chúa không nhằm phân phát các hình phạt và trừng phạt, nhưng đúng hơn, như Thánh Tông đồ Phaolô khẳng định, nó bao gồm việc làm cho chúng ta, con cái của Người, nên công chính (x. Rm 3,22-31), giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của sự dữ, chữa lành chúng ta, nâng chúng ta lên một lần nữa. Chúa luôn ở đó, không sẵn sàng trừng phạt chúng ta, nhưng dang tay nâng đỡ chúng ta vươn lên. Và như thế, chúng ta hiểu rằng, bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý nghĩa sứ vụ của Người: Người đến để thực thi công lý của Thiên Chúa, đó là công lý cứu độ những người tội lỗi; Ngài đến để gánh trên vai mình tội lỗi của thế gian và xuống nước vực sâu, sự chết, để cứu chúng ta khỏi chết đuối. Ngài cho chúng ta thấy ngày nay rằng công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng nhân từ, nhưng Thiên Chúa là Đấng thương xót, bởi vì công lý của Ngài thực sự là lòng thương xót cứu độ, là tình yêu chia sẻ thân phận con người của chúng ta, là tình yêu gần gũi, liên đới với đau khổ của chúng ta, đi vào bóng tối của chúng ta. để khôi phục lại ánh sáng.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định “Thiên Chúa muốn cứu chúng ta bằng cách tự mình xuống tận đáy vực thẳm này để mọi người, kể cả những người đã sa ngã đến mức không còn nhận ra Thiên Đàng, có thể tìm thấy bàn tay của Thiên Chúa để bấu víu vào và vươn lên khỏi vực sâu, khỏi bóng tối để nhìn thấy lại ánh sáng mà vì đó họ được tạo ra” (Bài giảng, 13 tháng 1, 2008).

Thưa anh chị em, chúng ta sợ hãi khi nghĩ đến một công lý nhân từ như vậy. Chúng ta hãy tiến lên: Chúa giàu lòng thương xót. Công lý của Ngài là nhân từ. Chúng ta hãy để mình được Ngài nắm lấy tay. Cả chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, cũng phải thực thi công lý theo cách này, trong các mối quan hệ với người khác, trong Giáo hội, trong xã hội: không phải bằng sự hà khắc của những người xét đoán và lên án, chia rẽ người ta thành tốt và xấu, nhưng bằng lòng thương xót của những người chào đón bằng cách chia sẻ những vết thương và sự yếu đuối của anh chị em mình, để nâng đỡ họ. Tôi xin diễn đạt như thế này: không phải chia rẽ, mà là chia sẻ. Không phân chia, nhưng chia sẻ. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu đã làm: chúng ta hãy chia sẻ, chúng ta hãy mang gánh nặng cho nhau thay vì ngồi lê đôi mách và phá hoại, chúng ta hãy nhìn nhau với lòng trắc ẩn, chúng ta hãy giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi là người chia rẽ hay là người chia sẻ? Hãy suy nghĩ một chút: tôi là môn đệ Chúa Giêsu yêu thương hay là môn đệ của những kẻ ngồi lê đôi mách, gây chia rẽ. Ngồi lê đôi mách là một vũ khí chết người: nó giết chết, nó giết chết tình yêu, nó giết chết xã hội, nó giết chết tình huynh đệ. Chúng ta hãy tự hỏi: tôi là người chia rẽ hay người chia sẻ? Và giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đã ban sự sống cho Chúa Giêsu, dìm Người vào sự yếu đuối của chúng ta để chúng ta có thể nhận lại sự sống.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Sáng nay, theo thông lệ, tôi đã rửa tội cho một số trẻ sơ sinh, con của các binh sĩ của Tòa Thánh và của Thành quốc Vatican, trong Nhà nguyện Sistina. Tuy nhiên, giờ đây, vào Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, tôi hân hạnh được gửi lời chào và phép lành đến tất cả các em nam nữ hôm nay, hoặc trong thời kỳ này, đã lãnh nhận hoặc sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Đồng thời, tôi xin nhắc lại với tất cả anh chị em – và trước hết là với chính tôi – lời mời cử hành ngày chúng ta chịu phép rửa, nghĩa là ngày chúng ta trở thành Kitô hữu. Tôi xin hỏi anh chị em: có ai trong anh chị em biết ngày mình chịu Phép Rửa không? Một số anh chị em chắc chắn không biết. Hãy hỏi cha mẹ của anh chị em, họ hàng của anh chị em, cha mẹ đỡ đầu của anh chị em: và sau đó, hàng năm, hãy cử hành ngày đó, bởi vì đó là một sinh nhật mới, một sinh nhật của đức tin. Đây là nhiệm vụ của ngày hôm nay, đối với mỗi người trong anh em: hãy tìm ra ngày Rửa Tội của mình, để có thể cử hành lễ này.

Đặc biệt, tôi xin chào ca đoàn “Tiếng hát Thiên thần” từ Bethlehem. Anh chị em thân mến, tôi xin chân thành cảm ơn anh chị em, bởi vì, cùng với các bài thánh ca của anh chị em, anh chị em đã mang đến “hương thơm của Bêlem”, và chứng tá của cộng đồng Kitô hữu tại Thánh Địa. Cảm ơn anh chị em! Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho anh chị em, và chúng tôi gần gũi với anh chị em!

Và chúng ta đừng quên những người anh chị em Ukraine của chúng ta. Họ đau khổ rất nhiều vì chiến tranh! Giáng Sinh chiến tranh này, không có ánh sáng, không có hơi ấm, họ đang phải chịu đựng rất nhiều! Xin đừng quên họ. Và hôm nay, khi nhìn thấy Đức Mẹ ẵm Hài Nhi trong cảnh Chúa Giáng Sinh, đang cho con bú, tôi nghĩ đến những người mẹ của các nạn nhân chiến tranh, của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến này ở Ukraine. Bà mẹ Ukraine và bà mẹ Nga, cả hai đều mất con. Đây là cái giá của chiến tranh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người mẹ đã mất đi những đứa con trai là quân nhân, cả người Ukraine và người Nga.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Cơ hội cuối cùng của Putin: Nga và Ukraine tung hết các lực lượng thiện chiến vào Donbas
VietCatholic Media
03:13 09/01/2023


1. Tình hình tại thành phố Soledar

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết trong 24 giờ qua, tình hình căng thẳng nhất là tại thành phố Soledar.

Soledar, có nghĩa là 'món quà muối', thuộc tỉnh Donetsk của Ukraine, cách Bakhmut 18 km. Dân số trước chiến tranh là 10.490 người.

Trong cuộc tấn công miền Đông Ukraine trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, các lực lượng Nga và lực lượng ly khai đã đặt mục tiêu chiếm giữ vùng Donbas, bao gồm các tỉnh Donetsk và Luhansk. Nhiều bộ phận của các vùng này, bao gồm cả các thủ phủ Donetsk và Luhansk, đã bị chiếm giữ trong các cuộc nổi dậy thân Nga vào năm 2014.

Vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm 2022, vùng Luhansk gần như nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nga sau khi Ukraine rút quân khỏi Sievierodonetsk và Lysychansk. Chiến trường chuyển sang các thành phố Bakhmut, Siversk và Soledar, tất cả đều là các thị trấn trọng yếu ở khu vực Donetsk.

Trận pháo kích đầu tiên ở Soledar bắt đầu vào ngày 17 tháng 5, khi lực lượng Nga sử dụng máy bay không người lái và hỏa tiễn tấn công Soledar, Klinove và Vovchoiarivka. Quân Nga đánh liên tục từ đó đến nay nhưng không đạt được bao nhiêu tiến bộ.

Sau khi lực lượng Nga chiếm được Bakhmutske vào ngày 27 tháng 12, các nguồn tin của Nga cho rằng lực lượng Nga đã chiếm được nhà ga xe lửa Dekonskaya ở ngoại ô phía nam của Soledar vào ngày 4 tháng Giêng. Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố đã có 76 cuộc tấn công bằng pháo binh vào Soledar chỉ riêng trong ngày 7 tháng Giêng, là ngày mà Putin gọi là thời gian ngưng bắn mừng Giáng Sinh.

Hiện nay, trong thành phố này, lực lượng chủ yếu của Ukraine là Lữ Đoàn Dù số 46. Bên cạnh đó còn có lực lượng biên phòng và Địa Phương Quân.

Quân Nga có Sư Đoàn 144 Súng Trường Cơ Giới của Tập Đoàn Quân Cận Vệ số 1, Trung Đoàn 45 Công binh chiến đấu, lính đánh thuê Wagner, Tập đoàn quân số 2 và Trung Đoàn 6 Cossack của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Luhansk tự xưng. Các Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga thường có hơn 300 quân. Tuy nhiên, theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh, tổn thất của quân Nga kinh hoàng đến mức có các tiểu đoàn chỉ còn 6 người sống sót. Do đó, Putin phải bổ sung bằng các tân binh mới bị gọi nhập ngũ. Họ thiếu kinh nghiệm chiến trường và thời tiết khắc nghiệt nên tổn thất nhân mạng lên đến vài trăm người mỗi ngày.

Trong 24 giờ qua, 430 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến, cùng với 3 xe tăng, 5 xe thiết giáp và 3 hệ thống pháo.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 8 tháng Giêng, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 111.170 quân xâm lược Nga. Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy 3.069 xe tăng Nga, 6.130 xe bọc thép, 2.065 hệ thống pháo, 431 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 217 hệ thống phòng không, 285 máy bay, 272 trực thăng, 1.849 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 723 hỏa tiễn hành trình, 16 tàu chiến, 4.801 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 183 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Ukraine bắn hạ 3 trực thăng Nga trong ngày 8 tháng Giêng

Máy bay Ukraine hôm Chúa Nhật 8 tháng Giêng đã tiến hành 10 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung quân nhân Nga, trong khi quân phòng thủ Ukraine đã bắn hạ 3 máy bay trực thăng của đối phương. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng và cho biết tin tức này mới nhận được nên không có trong bảng thống kê.

Quân Nga đang tiến hành các hoạt động tấn công ở khu vực Bakhmut, Avdiivka và Lyman. Ngoài ra, quân Putin cũng đang cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật của họ trong khu vực Kupiansk. Quân đội Nga đang tập trung nỗ lực đánh chiếm khu vực Donetsk nhưng không đạt được thành công nào.

Trong suốt cả ngày, những kẻ xâm lược đã tung ra một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 19 cuộc không kích. Họ cũng đã thực hiện hơn mười cuộc tấn công bao gồm cả cơ sở hạ tầng dân sự bằng các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt.

Để duy trì kỷ luật quân đội và ngăn chặn sự hoảng loạn lan rộng trong các binh sĩ của lực lượng xâm lược hoạt động trong khu vực Zaporizhzhia, Quân Nga đã triển khai thêm 3 Tiểu Đoàn quân cảnh Kadyrovites. Vào ngày 5 tháng Giêrusalem, gần Chistopillia, sáu người mưu toan đầu hàng Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã bị quân cảnh Kadyrovites bắn chết.

Để làm mất uy tín của giới lãnh đạo quân đội Ukraine, Quân Nga đang lan truyền thông tin sai lệch về Lực lượng Phòng vệ Ukraine đang chuẩn bị pháo kích các cơ sở y tế của vùng Luhansk nơi những kẻ xâm lược Nga bị thương đang được điều trị.

Vào ngày 8 tháng Giêng, máy bay Ukraine đã tiến hành 10 cuộc tấn công vào các khu vực tập trung của Quân Nga, cũng như hai cuộc tấn công vào các vị trí của hệ thống hỏa tiễn phòng không của chúng.

Quân phòng thủ Ukraine cũng bắn hạ 3 máy bay không người lái của đối phương. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã bắn hạ 3 trực thăng, bao gồm một chiếc Mi-24, một chiếc Ka-52 và một chiếc trực thăng chưa xác định loại.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công hai khu vực tập trung quân nhân và một kho nhiên liệu của quân xâm lược.

3. Kyiv bác bỏ tuyên bố của Nga rằng một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong vụ tấn công Kramatorsk

Trong cuộc họp báo qua truyền hình tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng, Đại Tá Serhii Cherevatyi, phát ngôn nhân của lực lượng liên hợp phía Đông đã bác bỏ tuyên bố của Mạc Tư Khoa rằng một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần đây của Nga ở Kramatorsk, miền đông Ukraine.

Tuần trước, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, thừa nhận rằng 63, sau đó tăng lên 89, binh sĩ Nga đã bị thiệt mạng tại thị trấn Makiivka sau khi trúng hỏa tiễn của quân Ukraine. Daniil Bezsonov, phát ngôn nhân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk do Nga dựng nên, đã công khai thách thức các tuyên bố của Konashenkov; và cho rằng hơn 400 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Để cân bằng tỷ số, hôm Chúa Nhật 8 tháng Giêng, Konashenkov tuyên bố rằng quân Nga đã phóng hỏa tiễn giết chết một lúc 600 binh sĩ Ukraine tại Kramatorsk để “trả đũa” cuộc tấn công của Ukraine vào thị trấn Makiivka.

“Điều này thật vô nghĩa,” Đại Tá Serhii Cherevatyi, nói để đáp lại tuyên bố của Nga.

Một nhóm phóng viên CNN tại Kramatorsk đã không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu thương vong lớn nào trong khu vực. Nhóm nghiên cứu cho biết không có hoạt động bất thường nào trong và xung quanh Kramatorsk, kể cả khu vực lân cận nhà xác thành phố.

Một cựu chỉ huy Nga là Igor Girkin than thở: “Than ôi chúng ta đang đánh đổi các thương vong thật thê thảm để đổi lấy các chiến thắng giả.”

Một trò chơi đổ lỗi công khai hiếm hoi đã nổ ra giữa chính phủ Nga và một số nhà lãnh đạo ủng hộ Điện Cẩm Linh và các chuyên gia quân sự sau cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết “nguyên nhân chính” của cuộc tấn công ở thành phố Makiivka bị xâm lược là việc binh lính Nga sử dụng điện thoại di động tràn lan, “trái với lệnh cấm”, cho phép Ukraine “theo dõi và xác định tọa độ của vị trí của những người lính.”

Nhưng lý do đó đã bị một blogger quân sự có ảnh hưởng bác bỏ một cách giận dữ. Cách giải thích của Bộ Quốc Phòng Nga cũng hoàn toàn mâu thuẫn với nhà lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền đông Ukraine.

4. Zelenskiy: Những ngày này thế giới lại thấy rằng Nga đang nói dối

Những ngày này, thế giới một lần nữa chứng kiến Nga dối trá ngay cả khi nó muốn gây chú ý đến tình hình ở tiền tuyến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu qua video trước quốc dân đồng bào.

“Những ngày này, thế giới lại chứng kiến rằng Nga nói dối ngay cả khi nước này thu hút sự chú ý đến tình hình ở tiền tuyến bằng những tuyên bố của riêng mình. Nga pháo kích Kherson bằng đạn gây cháy ngay sau lễ Giáng Sinh. Các cuộc tấn công vào Kramatorsk và các thành phố khác của Donbas - chính xác là vào các đối tượng dân sự và chính xác khi Mạc Tư Khoa báo cáo về sự “im tiếng súng” của quân đội họ. Thêm mối đe dọa của các quan chức Nga đối với Âu Châu và thế giới. Tất cả những điều này xảy ra khi Mạc Tư Khoa đang nói về cái gọi là 'thỏa thuận ngừng bắn' của họ,” Tổng thống nói.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng sẽ không có nỗ lực nào của Nga nhằm thao túng chính trị và ngoại giao có thể hoạt động trở lại.

“Chỉ có sự củng cố của Ukraine, chỉ có những thành công của Ukraine, chỉ có sự khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, chỉ có sự trở về của tất cả người dân của chúng ta từ sự giam cầm của Nga mới là những bảo đảm cho hòa bình. Chúng ta đang đưa nó đến gần hơn mỗi ngày,” ông nói.

Theo báo cáo của Ukrinform, phương tiện truyền thông tuyên truyền của Nga cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin, được cho là đã ra lệnh áp dụng “chế độ ngừng bắn” dọc theo toàn bộ giới tuyến ở Ukraine từ 12h trưa ngày 6 tháng Giêng đến 24h ngày 7 tháng Giêng.

Theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, bất chấp điều này, trong ngày qua, Quân Nga đã phát động 9 cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, 3 cuộc không kích và thực hiện 40 cuộc tấn công bằng nhiều hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, đặc biệt là nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự.

5. Bakhmut và Soledar vẫn nằm trong số những nơi đẫm máu nhất ở tiền tuyến - Tổng thống

Tình hình mặt trận vẫn còn khó khăn, quân đội Ukraine đang điều động thêm các đơn vị để tăng cường phòng thủ ở Bakhmut và Soledar.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói điều này trong bài phát biểu video hàng ngày trước quốc dân đồng bào.

“Các trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở khu vực Luhansk và Donetsk - mọi điểm nóng ở những hướng này đều được biết đến. Bakhmut đang cầm cự bất chấp mọi thứ. Và mặc dù phần lớn thành phố đã bị phá hủy bởi các cuộc tấn công của Nga, binh lính của chúng ta đã đẩy lùi các nỗ lực tấn công liên tục của Nga ở đó. Soledar đang cầm cự. Mặc dù ở đó thậm chí còn bị tàn phá nhiều hơn và rất khó khăn”, Tổng thống lưu ý.

Ông nhấn mạnh rằng Bakhmut và Soledar vẫn nằm trong số những nơi đẫm máu nhất trên tiền tuyến.

Ông Zelenskiy cũng cho biết thêm, Tư lệnh Lực lượng Lục Quân Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi hôm nay đã đến thăm các binh sĩ bảo vệ vùng ngoại ô Bakhmut và Soledar. Ông đã trao giải cho các chiến binh vì sự kiên cường của họ. Ngay tại chỗ, ông ra lệnh tăng cường phòng thủ, đặc biệt là chuyển các đơn vị bổ sung đến đó.

“Chúng ta nên hiểu rằng tất cả các vị trí của chúng ta, tất cả các hành động của chúng ta trong phòng thủ đều được kết nối với nhau, và khả năng phục hồi và hiệu quả của các hành động ở mặt trận nói chung phụ thuộc vào khả năng phục hồi và hiệu quả của các hành động ở từng khu vực của mặt trận,” Zelenskiy nói.

Như đã đưa tin trước đó, từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 8 tháng Giêng năm 2023, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tiêu diệt khoảng 111.170 quân xâm lược Nga, trong đó có 430 binh sĩ trong một ngày qua.

6. 50 quân nhân trở về Ukraine từ sự giam cầm của Nga

Năm mươi quân nhân gồm 33 sĩ quan và 17 binh nhì và trung sĩ - đã trở về Ukraine sau khi bị Nga giam cầm.

“Lại một cuộc trao đổi tù nhân thành công. Chúng ta đã đưa 50 quân nhân về nhà. Đây là những người đến từ Lực lượng Vũ trang Ukraine, Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, Vệ binh Quốc gia, công an Biên phòng, Hải quân, Lực lượng Hoạt động Đặc biệt,” Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak đăng trên Telegram.

Theo ông, 33 sĩ quan và 17 binh nhì và trung sĩ đã được trả tự do.

“ Chúng ta đang đưa những người bị bắt tại Nhà máy điện hạt nhân Chornobyl trở về nhà, cũng như những người bảo vệ Mariupol, những người từ hướng Donetsk, Bakhmut, từ vùng Kyiv, vùng Chernihiv, vùng Kherson và các vùng khác nơi diễn ra các hoạt động quân sự. “, Chánh Văn phòng tổng thống lưu ý.

Ông nhấn mạnh đây không phải là cuộc trao đổi cuối cùng: “Nhiệm vụ của chúng ta là đưa tất cả người của chúng ta trở về, và chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ đó”.

Yermak cảm ơn Trụ sở Điều phối Đối xử với Tù binh Chiến tranh “vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Như đã báo cáo, 1.596 thành viên dịch vụ và thường dân đã được giải thoát khỏi sự giam cầm của Nga vào năm ngoái.

7. Thứ trưởng Maliar nói về tình hình ở vùng Donetsk: 'Thật khó khăn ở Soledar'

Ở phía đông Ukraine, quân đội Nga đã tập trung nỗ lực đáng kể để tiếp cận biên giới của khu vực Donetsk.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar đã báo cáo như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng

“Ở phía đông, tình hình rất khó khăn. Ở một số khu vực của khu vực Donetsk, chúng ta đang tiến lên từng chút một. Trong khi ở một số khu vực khác, Quân Nga đang tiến lên. Maliar nói: “Không chỉ quân đội chính quy mà cả quân đội tư nhân cũng đang tấn công chúng ta”.

Theo cô, Quân Nga đã tập trung nỗ lực đáng kể để tiếp cận biên giới của khu vực Donetsk hoặc ít nhất là vì mục đích tuyên truyền rằng họ đã chiếm được ít nhất một thành phố.

“Bây giờ ở Soledar, tình hình rất khó khăn,” Maliar nhấn mạnh.

Theo cô, một phần lớn quân đội Ukraine bao gồm các công dân mới được huy động, tức là quân nhân không chuyên nghiệp.

“Và chúng ta, với tư cách là một xã hội trưởng thành về mặt đạo đức, phải hiểu rằng dân thường đã phải đối mặt với một bài kiểm tra cực kỳ khó khăn cả về đạo đức và thể chất bởi thực tế quân sự của chiến tranh. Tất cả mọi người đều khác nhau, do đó họ vượt qua các bài kiểm tra theo những cách khác nhau. Nhưng tất cả những điều này là vì mục tiêu cao cả chung của chúng ta – bảo vệ nhà nước Ukraine và giành chiến thắng, “ Maliar nói.

8. Haidai: Người Nga triển khai lại một số Tiểu Đoàn lính dù, thiết bị hạng nặng tới Kreminna

Quân Nga tung lính dù và thiết bị hạng nặng xuống Kreminna nhưng vẫn chùn bước. Sau khi rút lui khỏi Kherson, hai Tiểu Đoàn Dù của Lữ Đoàn Dù 108 được điều động đến Kreminna vào trung tuần tháng 11. Họ rút về vùng Kherson sau khi bị tổn thất quá nặng.

“Người Nga đã tái triển khai một số Tiểu Đoàn lính dù và thiết bị hạng nặng ở đó. Quân Nga đang dần chùn bước ở đó… Quân xâm lược cố gắng giữ Kreminna để ngăn chặn tuyến phòng thủ của họ ở vùng Luhansk bị chia đôi,” Thống Đốc Luhansk là ông Serhiy Haidai, cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Hai mùng 9 tháng Giêng.

Ông nói thêm rằng các vụ tai nạn xảy ra ngày càng thường xuyên hơn tại các cơ sở hạ tầng ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược vào mùa đông vì cấp trên không quan tâm đến tình trạng của họ.
 
Đức Thánh Cha tiếp Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Quy luật của TQ: Được đằng chân lân đằng đầu
VietCatholic Media
05:15 09/01/2023


1. Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp của Giêrusalem đến Bethlehem

Các tín hữu và khách hành hương tụ tập bên ngoài nhà thờ, nơi được các Kitô hữu tin là nơi sinh của Chúa Giêsu Kitô, và thưởng thức các ban nhạc diễn hành cũng như bầu không khí lễ hội trong khi chờ đợi Đức Thượng phụ. Ngài đã được chào đón bởi các giáo sĩ và các quan chức Palestine.

Linh mục Essa Thaljeya cho biết: “Đây là một thông điệp của Chúa Giêsu vì khi sinh ra ở Bethlehem, Ngài đã truyền bá hòa bình và tình yêu cho tất cả các quốc gia. Chúng tôi mong được sống tình yêu đích thực này và sống ở các thành phố Palestine của chúng tôi với an ninh, hòa bình và tình yêu, và sống như phần còn lại của thế giới mà không bị hạn chế và xâm lược, với sự tự do cho các tù nhân và những người sống trong sự bất công.”

Hàng năm và vào khoảng tuần đầu tiên của tháng Giêng hàng năm, thành phố Bethlehem chào đón những tín hữu và khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới theo lịch phương đông đến đón lễ Giáng Sinh tại Bethlehem.

Chuông ngân vang trên thị trấn Kinh thánh Bethlehem vào hôm thứ Sáu khi đám đông cầm thánh giá nến cao đi qua những con đường ướt đẫm mưa để đánh dấu Lễ Giáng Sinh Chính thống.

Hàng trăm chàng trai và cô gái đã diễn hành qua Bethlehem ở Bờ Tây bị xâm lược để tham gia cuộc diễn hành thường niên của các hướng đạo sinh, chơi các bài quốc ca và thánh ca tôn giáo của Palestine bằng kèn túi và trống lớn. Thượng phụ Chính thống Hy Lạp của Giêrusalem, Theophilos III, đã tham gia cùng các tín hữu khi họ kéo đến Nhà thờ Giáng Sinh, được các Kitô hữu tôn kính là địa điểm truyền thống của nơi sinh của Chúa Giêsu. Các lễ kỷ niệm tương tự đã diễn ra tại Khu phố Kitô của Thành phố Cổ có tường bao quanh của Giêrusalem.
Source:Reuters

2. Chính thống giáo Ukraine mừng lễ Giáng Sinh trong bóng tối xung đột

Người dân Kyiv đã mạo hiểm đi ra ngoài trời có tuyết rơi nhẹ để mua quà, bánh ngọt và đồ tạp hóa cho lễ kỷ niệm gia đình vào đêm Giáng Sinh, vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn bắt đầu.

Trong một thông điệp video, Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy ca ngợi người Ukraine “đoàn kết hơn bao giờ hết” và than thở rằng cuộc xung đột đã buộc nhiều người phải từ bỏ các truyền thống dân gian Giáng Sinh như cấm may vá và săn bắn.

“Cấm khâu, đan nhưng chúng ta đành phải dệt lưới ngụy trang, may áo chống đạn, chiến thắng cái ác. Ngày nay, tổ tiên của chúng ta không đi săn, nhưng chúng ta chiến đấu để không trở thành con mồi và để đánh bại con thú”, ông nói.

Người Ukraine, giống như người Nga và Chính thống giáo ở một số quốc gia khác, theo truyền thống tổ chức Lễ Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng. Nhưng năm nay, Giáo Hội Chính thống Ukraine, không liên kết với Giáo Hội Nga,, gọi tắt là OCU, và là một trong hai chi nhánh của Chính thống giáo trong nước, đã đồng ý cho phép các tín hữu ăn mừng vào ngày 25 tháng 12. Nhiều người đã làm như vậy, nhưng những người khác vẫn giữ nguyên lịch cũ.

Trong một diễn biến được nhiều người đánh giá cao. Chính phủ Ukraine hôm thứ Năm đã tiếp quản nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Yên Nghỉ tại tu viện Kyiv-Pechersk từ Giáo Hội Chính Thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC và cho phép Giáo Hội Chính thống Ukraine sử dụng ngôi thánh đường này cho nghi lễ Giáng Sinh của Chính thống giáo. Động thái này nêu bật những căng thẳng kéo dài giữa hai Giáo Hội đang trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Điều đáng chú ý là lần đầu tiên từ thế kỷ thứ 17 đến nay, thánh lễ Giáng Sinh tại ngôi thánh đường này được cử hành bằng tiếng Ukraine, thay vì tiếng Nga.

3. Đức Thánh Cha tiếp Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Trước khi bắt đầu khởi hành trở về Hương Cảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân.

Cuộc gặp diễn ra tại nhà trọ Santa Marta của Vatican, theo tin từ tạp chí America của dòng Tên. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân sẽ mùng thọ 91 tuổi trong vài ngày nữa, 13 tháng Giêng.

Đức Hồng Y Đức Hồng Y Quân đã bị đưa ra xét xử cách đây vài tuần sau khi bị bắt vào tháng 5 vì một vụ liên quan đến Luật An ninh Quốc gia đầy tai tiếng của Trung Quốc: Ngài bị phạt tiền vì không báo cáo quỹ hỗ trợ các nạn nhân của cuộc đàn áp biểu tình năm 2019, và ngài đã bị tịch thu hộ chiếu. Đức Hồng Y Quân chỉ có thể đến Rôma để dự đám tang của Đức Bênêđictô XVI với giấy phép rất ngắn do thẩm phán cấp.

Phát biểu với tạp chí America, Đức Hồng Y Quân – một nhân vật cực kỳ thẳng thắn trong việc không đồng ý với Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục được Tòa thánh ký với Bắc Kinh và được gia hạn vào tháng 10 năm ngoái – đã nói về các cuộc trao đổi thân thiện với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi giữ bí mật về nội dung, ông nói về việc cảm ơn Đức Thánh Cha đã trao “một giám mục tốt” cho Hương Cảng, ý muốn nói Đức Giám Mục, Đức Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) bề trên giám tỉnh dòng Tên, được bổ nhiệm vào năm 2021.

Đức Hồng Y cũng nói với Đức Thánh Cha về mục vụ của mình giữa các tù nhân trong các nhà tù ở Hương Cảng, một công việc mục vụ mà ngài đã làm trong hơn 10 năm. Ngài cũng kể lại rằng ngài đã rửa tội cho một số tù nhân trong những năm này và tiếp tục mục vụ này cho đến ngày nay.

Tại Hương Cảng hiện có hơn 1.300 người đang ngồi tù hoặc các cơ sở cải huấn vì các tội danh chính trị liên quan đến các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại Đạo luật An ninh Quốc gia.

Sau đó, Đức Phanxicô cho Đức Hồng Y Quân xem một bức tượng Đức Mẹ Xà Sơn - bức ảnh Đức Mẹ được tôn kính trong đền thờ Thượng Hải - nhận được như một món quà vào ngày ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng và bức tượng này được ngài giữ trong phòng của mình.

Đức Hồng Y Quân - người gốc Thượng Hải, nơi gia đình ngài đã bỏ trốn sau khi những người cộng sản của Mao đến - đã bày tỏ mong muốn của ngài rằng hy vọng một ngày nào đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm ngôi đền.

Trong khi đó, những lời chứng quan trọng tiếp tục đến từ Trung Quốc Đại lục về tình cảm mà người Công Giáo Trung Quốc đã tưởng nhớ đến hình ảnh của Đức Bênêđictô XVI và tình yêu của ngài đối với đất nước của họ.

Tại thành phố lịch sử Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Đức Giám Mục Antôn Đang Minh Ngạn (Dang Mingyan - 党明彦) đã tổ chức một Thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Phanxicô ở Tây An vào ngày tang lễ của Đức Bênêđíctô tại Vatican. Đức Cha Đang Minh Ngạn là là vị kế nhiệm nhà xây dựng lại Công Giáo vĩ đại ở Trung Quốc, Đức Tổng Giám Mục Antôn Lí Đoan (Li Duan, 李端) người mà chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã mời tham dự Thượng hội đồng về Thánh Thể năm 2005.

Trang web Công Giáo Trung Quốc xinde.org đưa tin rằng tất cả những người tham dự thánh lễ đều cúi đầu ba lần trước ảnh của Đức Bênêđíctô. “Ngài đã trung thành hoàn thành nhiệm vụ của mình,” Đức Cha nói nói khi kêu gọi các tín hữu cầu nguyện. Các lễ cầu cho Đức Bênêđíctô cũng được tổ chức tại các nhà thờ ở các giáo phận khác ở Thiểm Tây.
Source:Asia News
 
Tiểu Đoàn Trưởng xe tăng Nga quay súng phơ sập bộ chỉ huy. Tướng Mỹ: Tháng 8 Kyiv tái chiếm Crimea
VietCatholic Media
15:06 09/01/2023


1. Chỉ huy Tiểu Đoàn xe tăng quay súng phơ sập bộ chỉ huy

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “In This Russian Battalion, The Tanks Don’t Work And The Colyander Is A Drunk Pyromaniac”, nghĩa là “Trong tiểu đoàn xe tăng này, xe tăng không hoạt động, và tiểu đoàn trưởng là một tay say sưa và thích phóng hỏa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Khi cuộc chiến rộng lớn hơn của Nga với Ukraine đang bước vào tháng thứ 11, xe tăng của quân đội Nga đang ở trong tình trạng tồi tệ. Kinh nghiệm được tường trình từ một Tiểu Đoàn xe tăng cho thấy rõ điều đó.

Khả năng sẵn sàng chiến đấu kém vô cùng thảm hại của Tiểu Đoàn này dường như tạo ra sự nhạo báng đối với mối đe dọa tái xâm lược miền bắc Ukraine của Nga... 10 tháng sau khi lực lượng của họ rút khỏi miền bắc Ukraine.

Vladlen Tatarsky, một blogger và phóng viên chiến trường thân Nga nổi tiếng, vào ngày 3 tháng Giêng đã nêu bật Tiểu Đoàn xe tăng thuộc một sư đoàn được cho là tinh nhuệ, đang chuẩn bị triển khai tới mặt trận Ukraine.

Tatarsky chuyển tiếp ý kiến từ một trong những người lính tăng của Tiểu Đoàn khi người đàn ông này kiểm tra chiếc T-72 nặng 42 tấn, chở được ba người của mình. “Không thể khởi động động cơ,” người lính lái xe tăng rên rỉ. “Không thể kiểm tra hoạt động của các hệ thống. Súng không nạp đạn được.”

Nói cách khác, xe tăng vô dụng trong chiến đấu. Và nó không phải là ngoại lệ. “Không ai làm bất cứ điều gì để khôi phục công nghệ,” người lính tuyên bố. “Không có phụ tùng thay thế.... Và không ai quan tâm! Không rõ có bao nhiêu xe tăng của Tiểu Đoàn có khả năng tham chiến.”

Mặc dù vậy, Tiểu Đoàn - mà Rob Lee, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, xác định là thuộc Sư đoàn Súng trường Cơ giới số 2 - gần đây đã vượt qua cuộc kiểm tra của tướng. “Ông ta đã đánh giá cao nó một cách hài lòng và bỏ đi,” người lính than thở.

Chỉ huy của Tiểu Đoàn, Thiếu tá Rasim Tagiev, bị bắt rất sớm trong cuộc chiến và trải qua 4 tháng làm tù binh của Ukraine trước khi trở về sư đoàn của mình.

Bây giờ anh ấy là một người nghiện rượu - và một người thích phóng hỏa. “Đã hai lần anh ta phơ sập trụ sở Tiểu Đoàn,” người lính xe tăng báo cáo. “Anh ta không quyền hành nào đối với các sĩ quan và binh lính.”

Tiểu Đoàn này - theo lý thuyết có khoảng 40 xe tăng và 400 quân - dường như đang ở Belarus, tái thiết sau khi Lữ đoàn xe tăng số 1 của quân đội Ukraine tiêu diệt hoàn toàn nó trong Trận Chernihiv hồi tháng 2 và tháng 3. Trận chiến đó đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực kéo dài sáu tuần đầy cam go của Nga nhằm chiếm Kyiv từ phía bắc với mơ tưởng là nhanh chóng kết thúc cuộc chiến rộng lớn hơn.

Hôm nay, Tiểu Đoàn mà Tatarsky nhấn mạnh là một trong những đội hình của Nga, đã được triển khai lại tới Belarus và miền nam nước Nga để trang bị lại, hiện đang sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công mới vào Kyiv.

Các nguồn tin của Nga và Belarus tiếp tục ám chỉ về cuộc tấn công được cho là sắp xảy ra này. Quân đội Ukraine đang xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc và đã tăng cường binh lính dọc theo biên giới phía bắc của Ukraine. Quân tiếp viện bao gồm Lữ đoàn tấn công số 47 mới được thành lập và xe tăng M-55S cũ của Slovenia.

Nhưng nếu tình trạng đáng buồn của Tiểu Đoàn xe tăng thuộc Sư đoàn súng trường cơ giới số 2 là cũng xảy ra ở các đơn vị khác, thì quân đội Nga thiếu sức mạnh chiến đấu để tiến hành một nỗ lực nghiêm trọng thứ hai nhằm chiếm Kyiv. Đặc biệt là khi các lực lượng của Nga và đồng minh tiếp tục sử dụng một số lượng lớn nhân lực và thiết bị cho những nỗ lực thất bại nhằm chiếm giữ các vị trí của Ukraine ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

Không thể xác minh một cách hoàn toàn chắc chắn rằng báo cáo của người lính xe tăng là đúng và tiêu biểu. Nhưng ít nhất nó cũng phù hợp với nhiều giai thoại khác từ bên trong cái dường như là một nỗ lực chiến tranh đang dần sụp đổ của Nga.

Mất 100.000 quân và hàng nghìn phương tiện bọc thép, trong đó có 1.600 xe tăng, quân đội Nga có lẽ không đủ sức để tiến hành một cuộc tấn công lớn mới. Thật vậy, chính người Ukraine, chứ không phải người Nga, dường như đang hoạch định một cuộc tấn công quy mô lớn vào năm 2023.

2. Nga và Belarus sẽ tổ chức tập trận không quân chung bắt đầu từ ngày 16 tháng Giêng

Nga và Belarus sẽ tổ chức các cuộc tập trận không quân chung tại Belarus từ ngày 16 tháng Giêng đến ngày 1 tháng 2, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo hôm Chúa Nhật.

Bộ này cho biết một đội không quân Nga đã đến Belarus hôm 9 tháng Giêng.

“Trong cuộc tập trận bay chiến thuật, tất cả các sân bay và cơ sở huấn luyện của Lực lượng Phòng không và không quân của Lực lượng Vũ trang Belarus sẽ tham gia”

Bộ Quốc Phòng Belarus cho biết hôm thứ Năm rằng họ đang tiếp tục tăng cường nhóm quân sự chung với Nga ở Belarus.

“Nhân sự, vũ khí, quân sự và thiết bị đặc biệt của các lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ tiếp tục đến Cộng hòa Belarus”

Thông tin cơ bản khác: Một số lực lượng Nga đóng tại Belarus và đã sử dụng lãnh thổ của nước này trong cuộc xâm lược Ukraine lần đầu vào tháng Hai. Nhưng Tổng thống Alexander Lukashenko đã nỗ lực hết sức để bảo đảm rằng quân đội Belarus không tham gia vào cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Tháng trước, Ukraine cho biết họ “không loại trừ” một “hành động khiêu khích có chủ ý” từ phía Nga đứng đằng sau các báo cáo của Belarus rằng mảnh vỡ của một hỏa tiễn Ukraine đã rơi xuống lãnh thổ của họ.

3. Máy bay Nga lượn trên bầu trời Berdiansk, Melitopol để truy tìm du kích Ukraine

Sau một loạt vụ nổ ở các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của vùng Zaporizhzhia, máy bay Nga đang lượn nhiều vòng trên Berdiansk và Melitopol để truy tìm các du kích quân. Theo các tin tức sơ khởi, du kích đã đặt bom nhà máy Hydromash.

“Cư dân Berdiansk báo cáo rằng các máy bay trực thăng của quân phát xít tiếp tục lượn quanh thành phố ngày hôm nay sau những vụ nổ lớn ở Melitopol và Tokmak,” Ủy ban điều hành của Hội đồng thành phố Berdiansk đăng trên Telegram.

Có thông tin cho rằng họ đang bay về phía Berdiansk Spit. Những người bị thương có khả năng được đưa đến đó.

Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov báo cáo rằng máy bay địch cất cánh ngay sau vụ nổ tại nhà máy Hidromash bị chiếm, nơi quân Nga đặt một căn cứ quân sự khác.

Trước đó có thông tin cho rằng quân đội Nga đã chiếm các trung tâm giải trí Berdiansk để làm bệnh viện dã chiến

4. Vương quốc Anh và Hà Lan đồng tổ chức cuộc họp quốc tế lớn tại London về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine

Bộ trưởng Tư pháp Vương quốc Anh Dominic Raab sẽ tổ chức một cuộc họp cùng với người đồng cấp Hà Lan vào tháng 3 tại London, nơi sẽ chứng kiến các bộ trưởng tư pháp từ khắp nơi trên thế giới tập hợp để hỗ trợ cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, về cáo buộc tội ác chiến tranh của Nga ở Ukraine.

“Nó nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ tài chính và thực tế toàn cầu được cung cấp cho ICC và phối hợp các nỗ lực để bảo đảm ICC có tất cả những gì cần thiết để thực hiện các cuộc điều tra và truy tố những người chịu trách nhiệm,” một tuyên bố của chính phủ Anh cho biết hôm thứ Bảy.

“Gần một năm kể từ cuộc xâm lược bất hợp pháp, cộng đồng quốc tế phải hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho ICC để tội phạm chiến tranh có thể bị buộc phải chịu trách nhiệm cho những hành động tàn bạo mà chúng ta đang chứng kiến,” Raab nhận xét trong tuyên bố.

Công tố viên của ICC, Karim Khan sẽ phát biểu tại cuộc họp ở London, cung cấp cái nhìn sâu sắc về công việc của tòa án và “vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ các cuộc điều tra của tòa án.”

Tuần này cũng chứng kiến các chính trị gia Anh từ khắp các phe phái chính trị bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra “tội ác xâm lược” của Nga ở Ukraine.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia Anh bao gồm lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer và cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ và nghị sĩ Iain Duncan Smith, theo tờ The Observer của Anh, cho biết một bản sao của tuyên bố đã được chia sẻ với họ.

5. Cựu tướng quân đội dự đoán Ukraine giải phóng Crimea 'vào cuối tháng 8'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ex-Army General Predicts Ukraine Liberates Crimea 'by End of August'“, nghĩa là “Cựu tướng quân đội dự đoán Ukraine giải phóng Crimea 'vào cuối tháng 8'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trung tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Ben Hodges dự đoán hôm thứ Bảy rằng Ukraine sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea vào cuối tháng 8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình đối với Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 với hy vọng giành được chiến thắng nhanh chóng. Tuy nhiên, cuộc chiến đã bộc lộ những điểm yếu trong quân đội của nhà lãnh đạo Nga, chẳng hạn như những khó khăn trong việc duy trì quân đội được huấn luyện tốt.

Những thách thức này - cùng với nỗ lực phòng thủ mạnh mẽ của Ukraine được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây - đã cho phép Ukraine chiếm lại hàng nghìn dặm lãnh thổ bị xâm lược trước đây và xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình.

Khi cuộc chiến dần dần tiến đến năm đầu tiên mà không có dấu hiệu chậm lại, Hodges đã dự đoán trên Twitter rằng Ukraine chỉ còn vài tháng nữa là giành lại quyền kiểm soát Crimea.

Crimea là khu vực Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 và do Mạc Tư Khoa kiểm soát kể từ đó, mặc dù đây vẫn là điểm tranh chấp chính giữa hai quốc gia Đông Âu. Các nhà lãnh đạo Ukraine cho biết họ hy vọng sẽ tái lập quyền kiểm soát Crimea trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào để chấm dứt chiến tranh.

Hodges, người từng là tướng chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, đã viết trên Twitter rằng ông tin rằng Crimea sẽ trở lại tay Ukraine vào cuối tháng 8, trích dẫn báo cáo rộng rãi rằng quân đội của Putin thiếu động lực.

“Tất nhiên thời gian đang đứng về phía Ukraine. Họ không gặp vấn đề về nhân lực và tình hình hậu cần của họ trở nên tốt hơn mỗi tuần. Không một người lính Nga nào thực sự muốn ở đó và các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại. Ukraine giải phóng Crimea vào cuối tháng 8,” ông viết trên Twitter.

Nhận xét của Hodges được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng chiến tranh Nga-Ukraine có thể lan sang Crimea. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine Andriy Chernyak tuần trước nói với các phóng viên rằng Ukraine tin rằng Nga đang chuyển quân đến phía bắc Crimea, gần nơi có một cây cầu trên đất liền nối bán đảo này với Ukraine.

Chernyak nói thêm rằng quốc gia bị chiến tranh tàn phá này đang lên kế hoạch tấn công các mục tiêu của Nga ở Crimea, Ukrinform đưa tin.

“Xét rằng các đối tác nước ngoài của chúng tôi cung cấp cho chúng tôi các loại vũ khí mới, cái gọi là hành lang đất liền tới Crimea chắc chắn không an toàn. Ukraine sẽ tấn công các vị trí của Nga trên khắp lãnh thổ bị xâm lược,” ông nói.

Sau hơn 10 tháng giao tranh, cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng khởi động các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Cả hai đã nói về những điều kiện cần phải đáp ứng để đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông có kế hoạch kiểm soát Crimea, trong một bài phát biểu hồi tháng 8: “Đây là của chúng tôi. Và cũng như xã hội của chúng tôi hiểu điều đó, tôi muốn quân xâm lược Nga cũng hiểu điều đó. Sẽ không có chỗ cho họ trên đất Ukraine... Quân xâm lược nên biết: chúng tôi sẽ hất cẳng họ ra biên giới. Những kẻ xâm lược phải biết rõ điều đó.”

Mặt khác, Nga tuyên bố sẽ từ chối chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào yêu cầu nước này rút quân khỏi những nơi mà nước này coi là lãnh thổ của mình.

Ngoài yêu cầu này áp dụng cho Crimea, Mạc Tư Khoa cũng sẽ từ chối thỏa thuận yêu cầu rút quân khỏi Donbas, Zaporizhzhia và Kherson, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết vào tháng trước.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và các nhà phân tích an ninh để bình luận.

6. Cựu Tư lệnh Nga nói Lực lượng của Putin 'Đã thất bại'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Forces 'Already Lost,' Former Russian Colyander Says”, nghĩa là “Cựu Tư lệnh Nga nói Lực lượng của Putin 'Đã thất bại'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Lực lượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã thua một trận đánh quan trọng ở Ukraine, theo một cựu chỉ huy quân đội Nga hôm Chúa Nhật.

Putin đã ra lệnh cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Cuộc giao tranh đã tiếp diễn trong hơn 10 tháng khi quân đội của Putin phải vật lộn để giành được những chiến thắng quan trọng trước nước láng giềng Đông Âu, nước có nỗ lực phòng thủ được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây.

Giữa những tổn thất của Nga, giao tranh vẫn tập trung ở phía đông nam Ukraine tại thành phố Bakhmut, nơi trong nhiều tháng đã là nơi diễn ra một số cuộc giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến. Quân đội Nga trong khu vực đang được lãnh đạo bởi Tập đoàn Wagner, một lực lượng quân sự tư nhân được thành lập bởi Yevgeny Prigozhin, đồng minh của Putin, đã phải đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền và tấn công dân thường.

Giao tranh ở Bakhmut, nơi có các mỏ gần đó chứa tài nguyên chiến lược bao gồm muối và thạch cao, vẫn tiếp diễn vào cuối tuần. Nga dường như đạt được lợi ích ở Soledar gần đó, với các chuyên gia quân sự Nga cho rằng binh lính Ukraine ở Bakhmut có thể đối mặt với mối đe dọa bị bao vây.

Tuy nhiên, Igor Girkin, cựu chỉ huy Nga nổi tiếng với vai trò trong chiến dịch Crimea năm 2014 của Nga, cho biết ngay cả một chiến thắng chiến thuật ở Bakhmut cũng không thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Điện Cẩm Linh. Ông ta đã viết trong một bài đăng trên Telegram vào hôm Chúa Nhật rằng quân đội của Putin đã thua về mặt chiến lược.

Girkin cho biết chiến thắng của Nga ở Bakhmut vẫn còn “rất xa”, dự đoán nó sẽ kéo dài ít nhất một tháng nữa. Ngay cả khi Nga đạt được một chiến thắng chiến thuật, ông nói rằng đó vẫn sẽ là một tổn thất chiến lược, vì ông cho rằng các mục tiêu khác ở Ukraine có thể xứng đáng hơn với những nguồn lực này.

Girkin viết: “Và ngay cả khi quân đội của chúng ta giành được chiến thắng về mặt chiến thuật, thì về mặt chiến lược, chúng ta đã thua, một lần nữa ném những lực lượng và phương tiện tốt nhất' vào một đối tượng không xứng đáng.

Ông nói thêm rằng Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga phần lớn có lỗi trong việc ra lệnh xâm lược, nhưng Tập đoàn Wagner cũng có lỗi trong việc cho phép quân đội của mình được sử dụng trong cuộc chiến này.

Ông viết: “Người chỉ huy để binh lính của mình bị lãng phí một cách vô ích và vô nghĩa (cho dủ là hành động theo mệnh lệnh đi chăng nữa) không thể được coi là một nhà lãnh đạo quân sự giỏi trong bất kỳ trường hợp nào”.

Khi xung đột tiếp diễn, căng thẳng về Bakhmut gia tăng trong giới lãnh đạo Nga. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tập đoàn Wagner đã tìm cách đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng Nga vì tiến độ chậm chạp trong trận chiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Nga, Prigozhin cho biết các binh sĩ của Tập đoàn Wagner đã phải vật lộn để vượt qua các phòng tuyến của Ukraine “do không đủ xe bọc thép, đạn dược và đạn pháo 100 ly”, ISW đưa tin.

Girkin, người ngày càng chỉ trích vai trò lãnh đạo của Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến, hôm thứ Bảy cho biết rằng Điện Cẩm Linh đang chứng kiến sự chia rẽ trong ban lãnh đạo về cuộc xâm lược sau một báo cáo rằng Prigozhin cáo buộc các nhà tài phiệt làm mất uy tín của Tập đoàn Wagner.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

7. Xe chiến đấu M-2 của Ukraine không phải là xe tăng Nhưng Chắc Chắn Có Thể Tiêu Diệt Xe Tăng.

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s M-2 Fighting Vehicles Aren’t Tanks. But They Sure Can Kill Tanks.”, nghĩa là “Xe chiến đấu M-2 của Ukraine không phải là xe tăng Nhưng Chắc Chắn Có Thể Tiêu Diệt Xe Tăng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phiên bản xe chiến đấu M-2 Bradley mà Mỹ viện trợ cho Ukraine không phải là phiên bản mới nhất. Không, đó là biến thể của phương tiện nặng 25 tấn mà Quân đội Hoa Kỳ đã phát triển sau hậu quả của Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.

M-2A2 ODS cho đến nay là một phương tiện đã 30 tuổi. Nhưng tuổi của nó mang lại cho người ta niềm tin vào hiệu quả của nó. M-2 ba người là một phương tiện chiến đấu bộ binh có nhiệm vụ chở một đội bộ binh sáu người vào trận chiến, bảo vệ bộ binh khi họ xuống xe, sau đó hỗ trợ họ bằng pháo tự động 25 ly và hỏa tiễn chống tăng của xe.

Việc bảo vệ bộ binh là chìa khóa. Vâng, M-2 là một chiếc taxi chiến đấu với lớp giáp mỏng hơn nhiều so với bất kỳ loại xe tăng nào. Nhưng đó là một chiếc taxi chiến đấu tiêu diệt xe tăng. Laura Cooper, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu: “Bradley đặc biệt có khả năng chống thiết giáp đáng gờm, bạn biết đấy, sẽ chống lại mọi loại khả năng thiết giáp mà Nga đã triển khai ở Ukraine.

Quân đội Hoa Kỳ và nhà sản xuất phương tiện United Defense, sau này là BAE Systems, đã phát triển M-2 vào những năm 1960. Các đội quân cơ giới nhiều thập kỷ trước đã học được rằng xe tăng, mặc dù nhanh và mạnh, nhưng rất dễ bị bộ binh phục kích từ hai bên và phía sau. Xe tăng cần bộ binh thiện chiến để bảo vệ chúng khỏi bộ binh địch. Nhưng bộ binh thiện chiến cần một số cách để theo kịp những chiếc xe tăng thần tốc và triển khai an toàn giữa cuộc đọ súng.

Quân đội Đức là những người đầu tiên giải quyết vấn đề này với HS.30— là xe bọc thép chở bộ binh có lối ra phía sau và súng hạng nặng gắn trên tháp pháo xuất hiện lần đầu vào cuối những năm 1950. Marder, một xe chiến đấu được cải tiến nhiều, đã nhanh chóng thay thế HS.30 trong kho vũ khí của Đức. Trong khi đó, quân đội Liên Xô đang trang bị thế hệ đầu tiên của xe chiến đấu của riêng mình, là BMP.

Người Mỹ tụt hậu xa về công nghệ bộ binh cơ giới. Bradley là xe chiến đấu thực sự đầu tiên của Quân đội Hoa Kỳ và nó đã không được đưa vào sử dụng cho đến năm 1981, gần 25 năm sau khi HS.30 xuất hiện lần đầu tiên.

Người Mỹ đã làm việc chăm chỉ để bắt kịp. M-2 vẫn còn là một thiết kế non trẻ khi Hoa Kỳ và các đồng minh tham chiến với Iraq vào năm 1991. Trong trận xa lộ 73 phiá Đông Iraq ngày 26 tháng 2, 1991, lữ đoàn 2 kỵ binh Hoa Kỳ cùng với 100 xe tăng M-2 và một trăm xe tăng M-1 đã tiêu diệt hai lữ đoàn quân đội Iraq.
 
Hàng triệu người rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1 tại Manila, Phi Luật Tân
VietCatholic Media
17:00 09/01/2023


1. Cuộc rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ngày 9/1/2023

Có những báo cáo khác nhau về số người tham dự cuộc rước kiệu rước tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene ở Manila, Phi Luật Tân trong năm nay. Tuy nhiên, một con số được nhiều nguồn in đề cập đến là 9 triệu người.

Tượng Chúa chịu nạn Black Nazarene, làm bằng gỗ, với kích thước như người thật, nhìn xa giống như làm bằng đồng đen nhưng thực ra làm bằng gỗ.

Bức tượng được một nghệ nhân Mễ Tây Cơ chạm trỗ vào thế kỷ thứ 16 và được các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Augustinô đưa đến Phi Luật Tân vào năm 1606. Truyền thuyết cho rằng bức tượng có màu đen sau khi trải qua một trận hỏa hoạn trên chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha chở bức tượng này.

Năm 1650, Đức Giáo Hoàng Innôcentê thứ 10, ban phép cho các sư huynh dòng Santo Cristo Jesús Nazareno được dùng bức tượng này trong việc truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu chịu nạn tại thủ đô Manila của Phi Luật Tân. Trong những thập niên đầu, bức tượng được trưng bày tại nhiều nhà thờ khác nhau. Lý do là vì bức tượng được cho là có quyền năng kỳ diệu. Càng ngày càng có nhiều người nhận được ơn lạ, cho nên bức tượng phải được dời đến các nhà thờ lớn hơn cho phù hợp với số tín hữu đến kính viếng. Cuối cùng, vào năm 1787, sau khi Tiểu Vương Cung Thánh Đường Black Nazarene được xây xong tại quận Quiapo, bức tượng được đưa đến đây từ đó cho đến nay.

Mỗi năm bức tượng được đưa ra khỏi Tiểu Vương Cung Thánh Đường trong các cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng, ngày thứ Sáu Tuần Thánh và ngày 31 tháng 12.

Trong ba cuộc rước trên, cuộc rước vào ngày 9 tháng Giêng là trọng thể hơn cả vì đó là dịp người dân Phi Luật Tân cầu mong một năm mới tốt lành. Năm ngoái cuộc rước kéo dài 7km này bị hủy bỏ vì đại dịch coronavirus.

Trong cuộc rước ngày 9 tháng Giêng hàng năm, bức tượng được đưa từ Tiểu Vương Cung Thánh Đường đến nhà thờ San Nicolás de Tolentino trong khu Intramuros hay Nội Thành, là nơi bức tượng được trưng bày trước khi được chuyển đến Quiapo.

Tại nhà thờ Quiapo các thánh lễ được tổ chức từ nửa đêm 8 tháng Giêng cho đến sáng ngày mùng 9 khi bức tượng được long trọng rước trở lại để tái diễn lại việc di dời bức tượng. Cuộc rước này, do đó, gọi là Traslación, nghĩa là “chuyển giao long trọng” từ nhà thờ cũ ở Intramuros về nhà thờ mới.

Trong cuộc rước kiệu ngày 9 tháng Giêng, hàng chục ngàn người đi chân đất mặc áo màu vàng và màu hạt dẻ cố chen lấn để chạm được vào tượng Chúa chịu nạn. Nhiều trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ và tức khắc đã được ghi nhận.

Những ai không thể chạm vào bức tượng thì ném những chiếc khăn tay của họ vào các tình nguyện viên đứng trên xe hoa được các thanh niên kéo bằng dây thừng. Các tình nguyện viên sẽ lau những khăn này trên những phần của thập tự giá và bức tượng với niềm tin chủ nhân của những chiếc khăn ấy sẽ được chữa khỏi những bệnh tật, được sức khỏe tốt, và một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đám rước hàng năm này, luôn luôn là một sự kiện náo nhiệt và gây nhiều cảm xúc, đã diễn ra dưới sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Khoảng 5,000 cảnh sát và quân đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cuộc rước kiệu, cùng với những con chó đánh hơi bom và máy bay do thám vần vũ trên bầu trời.

Năm ngoái, vì đại dịch coronavirus, đã không có cuộc rước kiệu long trọng này.

Trong năm ngoái 2022, Nhà thờ Quiapo đã ấn định giới hạn 400 người cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, 15 thánh lễ được cử hành trong ngày lễ 9 tháng Giêng. Điều này có nghĩa là chỉ 6,000 người có thể tham gia các cử hành bên trong nhà thờ.

2. Chính thống giáo Serbia mừng lễ Giáng Sinh trong bóng tối xung đột

Ở Serbia, các tín hữu Chính Thống Giáo nước này đã tuân theo các truyền thống như đốt cành sồi khô vào buổi tối và chuẩn bị cho các buổi lễ lúc nửa đêm trong các nhà thờ, với buổi lễ chính do Thượng phụ Porfirije chủ trì tại nhà thờ lớn nhất Belgrade, là Đền thờ Thánh Sava.

Mặc dù hầu hết thông điệp Giáng Sinh truyền thống của ngài tập trung vào tình hình của người dân tộc Serb ở Kosovo, nơi chủ yếu là người dân tộc Albania, Thượng phụ Serbia cho biết ngài đang cầu nguyện cho cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, mà ngài nói là đang được thúc đẩy từ bên ngoài.

Porfirije nói: “Thật đáng buồn khi chúng ta chứng kiến các cuộc xung đột, chiến tranh và các nạn nhân, trong đó, công khai hoặc bí mật, nhiều người đang tham gia. Hậu quả của cuộc xung đột bi thảm, huynh đệ tương tàn, được kích động hàng ngày từ bên ngoài, thật khủng khiếp, và ngọn lửa chiến tranh, hơn bao giờ hết, đang đe dọa toàn thế giới.”

Giáo Hội Chính thống Serbia có quan hệ chặt chẽ với Giáo Hội Nga và thường xuyên chỉ trích phương Tây và các chính sách của họ.

3. Chính thống giáo Ai Cập mừng lễ Giáng Sinh trong khó khăn kinh tế

Ở Ai Cập, nơi các Kitô hữu Coptic chiếm khoảng 10% dân số 104 triệu người của quốc gia, lễ Giáng Sinh Chính Thống Giáo đã diễn ra giữa sự bất ổn nghiêm trọng về nền kinh tế của quốc gia.

Ở vùng ngoại ô phía bắc Shobra của Cairo và các trung tâm Kitô giáo khác, đèn vàng thần tiên và đồ trang trí theo chủ đề Giáng Sinh đã tô điểm cho các đường phố. Mặc dù Shobra thường nhộn nhịp với các gia đình mua quà trước Giáng Sinh Chính thống, nhưng năm nay các chủ cửa hàng cho biết doanh số bán hàng giảm mạnh. Đồng bảng Ai Cập đã sụt giảm giá trị so với đồng đô la, chạm mức thấp mới vào đầu tuần này khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ do Nga đưa quân vào Ukraine.

Trong bài phát biểu của mình tại Thánh lễ Đêm Giáng Sinh của người Coptic ở Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã nhấn mạnh tác động tai hại của cuộc giao tranh ở Ukraine đối với đất nước ông.

“Sau cuộc khủng hoảng hiện tại, thế giới sẽ khác với thế giới mà chúng ta đã thấy trước đây. Cuộc khủng hoảng kinh tế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia nếu chiến tranh tiếp diễn trong năm nay hoặc lâu hơn”, el-Sissi nói.

El-Sissi đã tham dự một số nghi lễ Đêm Giáng Sinh do thiểu số Chính thống giáo Coptic của đất nước tổ chức, trong một hành động công khai thể hiện sự đoàn kết giữa các tôn giáo. Ở Ai Cập chủ yếu là người Hồi giáo, Kitô hữu Coptic chiếm khoảng 10% dân số 104 triệu người của quốc gia và phải đối mặt với nhiều hạn chế, bao gồm hôn nhân khác tôn giáo và xây dựng nhà thờ.

Một thánh lễ Giáng Sinh ở Dohuk, thuộc khu vực người Kurd ở Iraq, đã thu hút các tín hữu Armenia từ khắp thành phố.

Các tín hữu cùng nhau cầu nguyện và hát những bài thánh ca trong một nhà thờ đá cũ, cầu xin sức khỏe và bình an. Các Kitô hữu từng là một thiểu số đáng kể ở Iraq, ước tính khoảng 1,4 triệu người. Nhưng số lượng của họ bắt đầu giảm trong bối cảnh hỗn loạn sau năm 2003 khi các chiến binh Sunni thường tấn công vào các Kitô hữu. Họ đã nhận thêm một đòn nữa khi nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan quét qua miền bắc Iraq vào năm 2014.


Source:AP

4. Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI

Ký giả Andrea Gagliarducci chuyên về Vatican có bài tường trình đăng trên Catholic News Agency nhan đề “Analysis: A closer look at the ceremonial details of Benedict XVI’s funeral”, nghĩa là “Bài Phân tích: Một cái nhìn sâu hơn về các chi tiết nghi lễ trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Không còn nghi ngờ gì nữa, tang lễ của Đức Giáo Hoàng Danh dự Bênêđictô XVI vào ngày 5 tháng Giêng là một tang lễ của một vị giáo hoàng. Nghi thức tang lễ không chỉ được báo trước cho cái chết của một giáo hoàng, mà tất cả các nghi thức đi kèm với nó cũng diễn ra như vậy.

Ví dụ, các huy chương và đồng xu của triều đại giáo hoàng, “rogito” (tài liệu ngắn mô tả triều đại giáo hoàng), và các dây pallium đặc trưng cho hoạt động của ngài - của tổng giám mục Munich, của niên trưởng Hồng Y đoàn, và của giáo hoàng — được chôn cất cùng với Đức Bênêđíctô trong quan tài, theo thông lệ đối với một giáo hoàng.

Ngoài ra, lễ kỷ niệm là một trong những kinh điển về cái chết của giáo hoàng, ngoại trừ việc bãi bỏ những lời cầu của Giáo phận Rôma và của các Giáo hội Đông phương. Trên thực tế, cả hai lời cầu này đều đặc biệt liên quan đến cái chết của một vị giáo hoàng đang trị vì và sẽ không được chỉ định cho vị giáo hoàng hưu trí.

Nghi thức tang lễ cho Đức Bênêđictô XVI tiếp nối nghi thức được dành cho Đức Gioan Phaolô II vào ngày 8 tháng 4 năm 2005. Tuy nhiên, có một số khác biệt nhỏ, chẳng hạn như quyết định không sử dụng Sách Lễ Rôma, Kinh nguyện Thánh Thể cổ xưa nhất của Giáo hội Rôma, mà cho đến nay vẫn luôn là thông lệ. Thay vào đó, Kinh nguyện Thánh Thể III đã được sử dụng.

Trong mọi cử chỉ, tất cả các nghi thức cho thấy Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng của Giáo Hội Công Giáo và triều đại giáo hoàng của ngài là một phần lịch sử của Giáo hội.

Mặt khác, việc từ chức của Đức Bênêđictô XVI khác với sáu lần từ chức giáo hoàng khác đã diễn ra trong những năm trước. Người duy nhất trong số này có lẽ có thể so sánh được là Đức Celestinô Đệ Ngũ, hay Pietro di Morrone, người đã trở lại làm tu sĩ cho đến cuối đời. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI đã mở ra một con đường mới: Đó là sự từ bỏ đầu tiên của một vị giáo hoàng không phải vì ngài bị áp lực hay bất lực mà vì ngài ý thức rõ ràng rằng mình không còn đủ sức để chèo chống con thuyền Phêrô.

Vì lý do này, tang lễ của Đức Bênêđictô XVI là tang lễ của một giáo hoàng, nhưng không phải là tang lễ của một giáo hoàng qua đời khi đang trị vì. Và điều này có thể được nhìn thấy trong nhiều chi tiết.

Đầu tiên, không có tình trạng “sede vacance” nghĩa là “trống ngôi Giáo Hoàng”, và do đó không có nghi thức “sede vacance.” Những điều đó đã được thực hiện vào cuối triều đại giáo hoàng, vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, khi đó là Hồng Y Nhiếp Chính, cùng với các thành viên của Tông Tòa đến dinh thự của giáo hoàng để cử hành các nghi thức vào cuối triều đại giáo hoàng: bao gồm việc phá vỡ chiếc nhẫn Ngư Phủ, những con dấu được dán vào căn hộ của giáo hoàng. Ngay cả khi đó, vẫn chưa có một bước quan trọng là xác nhận cái chết.

Tuy nhiên, khi Đức Bênêđictô XVI qua đời, đã có một vị giáo hoàng trị vì. Do đó, tất cả quyền tài phán đều thuộc về giáo hoàng đương kim và do đó, thuộc về Phủ Quốc vụ khanh của Tòa thánh.

Từ quan điểm chính thức, việc xác nhận cái chết được thực hiện bởi chính Đức Thánh Cha Phanxicô, người đầu tiên được Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein thông báo và đã chạy đến bên giường bệnh của Đức Bênêđíctô sau khi ngài qua đời.

Thông báo sau đó được đưa ra với một tuyên bố từ Văn phòng Báo chí Tòa thánh. Cơ quan này phổ biến thông tin chính thức từ Tòa thánh, nhận thông tin từ Quốc vụ khanh.

Ngược lại, khi một đương kim giáo hoàng qua đời, thông báo được đưa ra từ Điện Tông tòa. Nó được công bố bởi vị đại diện của giáo hoàng cho Giáo phận Rome - khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, chính Phó Quốc vụ khanh lúc bấy giờ, là Đức Hồng Y Leonardo Sandri, đã tuyên bố về sự qua đi của Đức Giáo Hoàng.

Sự vắng mặt của các phái đoàn chính thức trong lễ tang của Đức Bênêđíctô là một đặc điểm khác có sức nặng nhất định. Nếu Đức Giáo Hoàng đang trị vì băng hà, thì các phái đoàn của các quốc gia tham dự lễ tang đều là phái đoàn chính thức, vì trong trường hợp này, Đức Giáo Hoàng là nguyên thủ quốc gia. Trong trường hợp của Đức Bênêđíctô, ngài không còn là nguyên thủ quốc gia nên Tòa Thánh chỉ mời Ý và Đức là hai phái đoàn chính thức, bất kỳ sự tham gia nào của các nguyên thủ quốc gia, quốc vương hoặc thành viên chính phủ đều là với tư cách cá nhân.

Tất cả những điều này xảy ra bởi vì có một “see plena,” tất cả các quyền lực của ngai tòa Giáo Hoàng còn nguyên vẹn. Do đó, những người đứng đầu các bộ vẫn chưa kết thúc nhiệm vụ của mình khi Đức Bênêđictô XVI qua đời vì triều đại giáo hoàng vẫn chưa kết thúc. Và Nhiếp Chính của Giáo hội Rôma chưa nắm quyền vì triều đại giáo hoàng vẫn còn.

Đức Hồng Y Kevin J. Farrell, Nhiếp Chính, không có mặt khi quan tài được đóng lại vào ngày 4 tháng Giêng.

Thay vào đó, đã có:

Đức Hồng Y Giovan Battista Re, Niên trưởng Hồng Y Đoàn;

Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám Quản Đền Thờ Thánh Phêrô;

Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám Quản giáo phận Rôma;

Đức Hồng Y Fernando Vergez, Thống đốc Quốc gia Thành phố Vatican;

Đức Tổng Giám Mục Edgar Pena Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh, và Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô

Khi thi hài của Đức Bênêđictô XVI được chuyển đến Đền Thờ Thánh Phêrô, buổi cầu nguyện do Đức Hồng Y Gambetti chủ trì chứ không phải bởi Vị Nhiệp Chính vì Tòa thánh không trống ngôi Giáo Hoàng.

Chính những chi tiết này giúp hiểu rằng chính vị giáo hoàng danh dự đã qua đời chứ không phải vị giáo hoàng đương kim. Ngay cả tiếng chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô cũng không vang lên để thông báo về cái chết của Đức Bênêđíctô.

Không có ngày để tang, và tang lễ không được tuyên bố chính thức đối với quốc gia thành Vatican ngay cả trong ngày tang lễ, mặc dù nhiều nhân viên của Vatican đã tham dự nghi lễ.

Nói cách khác, các tín hiệu nghi lễ đã được gửi đi để làm rõ rằng Đức Bênêđictô XVI không phải là đương kim giáo hoàng.

Đồng thời, không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng và tang lễ của ngài nên được tổ chức theo nghi thức dành cho các vị giáo hoàng.

Theo cách tương tự, cần phải xem xét rằng dường như cái chết của giáo hoàng đã xảy ra hai lần: lần đầu tiên, khi từ chức, trong thời gian đó bắt đầu “sede vacante”, và một mật nghị đã diễn ra để bầu người kế vị, và sau đó là lúc Đức Bênêđíctô chết thực sự. Nói cách khác, đám tang là nửa sau của các cử hành bắt đầu với việc trống ngôi vào ngày 28 tháng 2 năm 2013.

Cuối cùng, Tông Hiến Dominici Gregis, hiến pháp của Đức Gioan Phaolô II quy định các thủ tục sau khi giáo hoàng qua đời, tuyên bố các nghi thức tang lễ của giáo hoàng quá cố phải được “cử hành trong chín ngày liên tiếp, xác định thời điểm bắt đầu, theo cách sao cho việc chôn cất sẽ diễn ra, trừ những lý do đặc biệt, từ ngày thứ tư đến ngày thứ sáu sau khi chết.”

Theo những tiêu chuẩn này, lễ tang của Benedict được cử hành trong khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, sẽ không có chín ngày để tang chính thức liên tục, mặc dù các Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn của Đức Bênêđictô XVI sẽ được cử hành.

Cuối cùng, một sự tò mò: Đức Bênêđictô XVI đã không đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ, chiếc nhẫn đã bị đập bể vào cuối triều đại giáo hoàng của ngài, như một thủ tục. Thay vào đó, ngài đeo chiếc nhẫn Thánh Bênêđíctô, mô phỏng các biểu tượng trên huy hiệu của Thánh Bênêđíctô, tượng trưng cho mối liên hệ độc đáo của ngài với vị thánh đến từ Nursia, người đồng bảo trợ của Âu Châu.


Source:Catholic News Agency