Ngày 09-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nước! Dầu! Nến! Khăn Trắng
Nguyễn Trung Tây
02:49 09/01/2021

Em hỏi,

— Cha ơi! Sao lại Rửa Tội bằng Nước, có Dầu, có Nến Phục Sinh và Khăn Trắng?

Nghe em hỏi, tôi chỉ tay ra bên ngoài, hỏi lại em,

— Con thấy gì ở bên ngoài?

Nhìn thấy em ngơ ngác, tôi nói thêm,

— Bây giờ Úc Châu đang là mùa gì?

Em lần này nói ngay,

— Cha! Úc Châu đang là mùa hè... Cha biết mà, sao cha lại hỏi con. Mà năm nay mùa hè nóng quá cha ơi!

Em nói đúng. Mùa hè Úc Châu năm nay nóng thật! Tin tức khí tượng chiếu bản đồ nước Úc đỏ lửa hừng hực từ trên xuống dưới. Melbourne, Sydney, Brisbane mấy ngày liền cao ngất ngưởng con số trên 40 độ. Lên Facebook, gặp cư dân phố, ai nấy đều than như bọng: “Nóng! Nóng quá!”. Hè về kéo theo gió trời thổi khô môi. Nắng hè tô đen xạm làn da trắng ngà! Gió nóng đốt cháy rừng và phố xá nhiều nơi. Gió nóng ngập bầu không khí! Gió nóng đặc sền sệt trong văn phòng! Gió nóng ngộp thở nhà xứ, nhà thờ, và gian cung thánh đèn bật sáng chưng! Hít vào buồng phổi không khí nóng. Từng tế bào nhỏ li ti của hai lá phổi cũng cảm nhận được cái nóng. Nóng nhăn nhăn mặt! Nóng ướt mồ hôi! Xong một thánh lễ, cởi áo ra, linh mục ướt như vừa tắm mưa. Lớp Kinh Thánh hằng tuần học tại nhà thờ phải di tản chạy về văn phòng nhà xứ. Nơi đó có máy thổi hơi lạnh mát dịu hồn người. Nóng! Nước uống ừng ực. Nước vòi sen, sáng, trưa, chiều và khuya, bốn lần dội xuống thân thể làm dịu cái nóng. Nước hồ bơi, người người bơi tựa cá! Nước lạnh chai nhựa để trong tủ lạnh uống dịu hồn. Nước sương sáng sớm đọng trên cỏ dịu mát một cõi lòng trằn trọc! Nước! Mơ nước! Nhìn lên bầu trời trong xanh không gợn một sợi mây. Tu sĩ mơ ước trời chuyển mây xám kéo mưa về tưới mát người và hồn.

NƯỚC

Gió nóng mùa hè gợi nhớ vùng đất Trung Đông nhiều sa mạc. Nước bình thường đã quan trọng, nơi sa mạc, nước lại càng thêm quan trọng. Nơi sa mạc, hạt nước cũng là hạt vàng. Nơi sa mạc, cư dân có phong tục tẩy rửa, tẩy rửa người, tẩy rửa hồn. Không lạ chi tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo thường xuyên dùng nước để thanh tẩy. Đặc biệt Israel có dòng sông Jordan bắt nguồn từ thượng nguồn núi Hermon đổ vào Biển Hồ Galilee. Sông xuôi nguồn kéo dài xuống phương Nam, dừng lại những dòng nước tại Biển Chết. Dọc theo hai bên bờ sông Jordan, ngôn sứ sa mạc Gioan đã từng mời gọi đồng hương nhận nước thanh tẩy. Nhiều người đã tới nhận dòng nước mát từ hai bàn tay ngôn sứ sa mạc. Đức Giêsu từ Galilee cũng tới. Nước mát dòng sông đã từng tắm mát tâm hồn người truyền giáo một đời lấm lem đất bùn để cho đời sạch hơn...

Không nước, không tất cả. Không lạ chi Sách Sáng Thế Ký mở ra câu chuyện Sáng Thế 2:4b-25 với bối cảnh khô khốc! Sách kể,

...Vào ngày Thiên Chúa làm ra trời và đất, (khi đó) chưa có cây cối trên mặt đất, chưa có cỏ cây ngoài đồng, vì Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và chưa có người để canh tác… Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên, tưới khắp cả mặt đất (2:5-6).

Từ khi nước xuất hiện, bối cảnh khô khốc biến dạng. Nước gặp đất khô biến thành bùn đất. Từ bùn đất, Thiên Chúa nặn ra con người. Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở thành sinh vật (2:7-8). Bởi có nước, hạt mầm nứt vỏ, cỏ xanh vươn cao. Mầu khô khốc biến mất nhường chỗ cho mầu xanh sự sống. Vườn Địa Đàng xanh tươi được Thiên Chúa tạo dựng. Vườn có con người và cây trái. Cây cỏ, con người, vườn Địa Đàng lần lượt xuất hiện. Tất cả cũng bởi vì có NƯỚC.

Bốn năm tu sĩ làm việc trong sa mạc Úc Châu. Bốn năm vừa đủ dài để cảm nghiệm trực tiếp và thường xuyên về một đời sống nếu có hoặc nếu không có nước. Mưa không đổ xuống, sa mạc Úc Châu cỏ chết khô trải thảm mênh mông mầu chết khô. Nhưng chỉ cần một trận mưa đổ xuống. Chỉ một trận thôi! Qua một đêm. Mặt trời vươn vai chiếu sáng rực rỡ một vùng hừng hực ngút ngàn mầu xanh mới. Mầu xanh sự sống mới trải thảm nguyên cả một sa mạc bao la. Mầu xanh cỏ non ngút ngàn kéo dài tới tận cuối đường chân trời. Tu sĩ mê sa mạc vào những giây phút đó. Tu sĩ thích đứng giữa trời sa mạc khi đang mưa. Giơ tay ra hứng lấy những hạt mưa trời. Nếm vị nước của trời. Say lâng lâng bởi những hạt nước sa mạc Thổ dân Úc Châu…

…Bước vào nguyện đường Thổ dân, tu sĩ đổ những hạt Nước lạnh lên đầu em bé thổ dân tóc và mắt mầu đen lay láy,

— Teresa, cha rửa tội con. Nhân danh Cha…

Ngoài trời nắng gắt. Nguyện đường Thổ dân không máy lạnh. Khí ẩm ngột ngạt nguyện đường. Những hạt Nước lạnh đầu tiên đổ lên đầu tắm mát em. Nước mát, bé mở miệng cười toe toe! Những ngón tay hồng hồng nhỏ xíu vẫy vẫy. Em toét miệng cười nhìn dòng Nước rơi. Một lần nữa Nước mát lại đổ xuống trên đầu em, lần này tu sĩ đọc,

— Và Con…

Em vẫy vẫy hai chân bé tí xíu. Em cười rộn ràng! Tu sĩ lại nghiêng người, đổ xuống những hạt Nước mát lên cái đầu bé tí ti, tóc đen rậm rạp xoăn xoăn có lọn. Lần này tu sĩ đọc,

— Và Thánh Thần.

Nước tắm mát em, em đôi mắt hạt nhãn cười tươi roi rói, em cười nhe hai lợi răng trống chưa mọc răng…

Tu sĩ giải thích với cộng đoàn,

— Nước ban tặng sự sống, sự sống mới trong Đức Kitô.

Tu sĩ nhìn mọi người,

— Sáng, ai cũng tắm. Không tắm, không ai muốn đứng gần…

Tu sĩ bịt mũi, nói rõ,

— Bởi hôi!

Nguyện đường Thổ dân rộn ràng tiếng cười với câu nhận xét của linh mục chủ tế. Tu sĩ gợi ý suy tư,

— Nước thanh tẩy những vết dơ của tội…

Tu sĩ kết luận vai trò của Nước trong Bí tích Rửa Tội,

— Trong Nước và bởi Nước, con người được sinh ra và thanh tẩy trở nên một người môn đệ, một Kitô hữu của Đức Kitô.

DẦU

Dầu trong Bí tích Rửa Tội thì khác. Trong khi Nước mang đặc tính toàn cầu, Dầu Rửa Tội và Dầu Thánh (Chrism Oil) mang nét địa phương. Dầu Rửa Tội và Dầu Thánh bắt nguồn từ tinh dầu của cây dầu olive vùng Trung Đông. Dầu Rửa Tội và Dầu Thánh thơm ngào ngạt. Mùa Chay, Linh Mục về nhà thờ Chánh tòa đồng tế với Giám Mục địa phận Thánh Lễ Truyền Dầu. Linh Mục nhận Dầu Rửa Tội, Dầu Xức Dầu và Dầu Thánh. Ngài mang về giáo xứ. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Dầu Rửa Tội, Dầu Xức Dầu và Dầu Thánh được giáo dân từng người rồi từng người rước lên cung thánh. Trong nhiều nhà thờ, ba lọ dầu Rửa Tội, Xức Dầu và Dầu Thánh được để trong hộp kiếng đèn vàng bật sáng tô đậm mầu vàng của dầu.

Tới phần Dầu trong Nghi Thức Rửa Tội, tu sĩ nói,

— Dầu Rửa Tội được xức trên trán của em trong hình thánh giá. Thánh giá và Dầu, hai dấu ấn xác nhận em từ bây giờ thuộc về Đức Kitô.

Tu sĩ nhìn cộng đoàn, nói chậm lại,

— Mà nếu thuộc về Đức Kitô, tôi nào sợ ai, nào sợ chi?

Tu sĩ mượn lời Thánh Vịnh,

— Có Đức Kitô “là núi tảng, là thành lũy chở che” (TV 18:2), tôi an tâm bước đi. “Dù bước qua thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, bởi có Chúa ở cùng tôi” (TV 23:4).

Tu sĩ nhìn bố mẹ và bố mẹ đỡ đầu,

— Kính mời bố mẹ và bố mẹ đỡ đầu…

Bố mẹ của em, từng người rồi từng người, nhúng đầu ngón tay vào Dầu Rửa Tội, xức lên trán em theo hình thánh giá, miệng nói,

— Thường, con hãy nhận lấy ấn tín của Đức Kitô.

Sau Dầu Rửa Tội, tu sĩ quay sang cộng đoàn, giơ cao Dầu Thánh,

— Thời Cựu Ước, vua Saul, vua David và các vua Do Thái, trong nghi thức tấn phong, họ được xức dầu.

Tu sĩ quay sang em,

— Hôm nay, đại diện cho Hội Thánh, cha cũng xức Dầu Thánh lên trán em, phong em lên hàng quân vương…

Nhìn cộng đoàn, tu sĩ giải thích,

— Em, con trai, em được xức dầu tấn phong hoàng đế. Em, con gái, em được xức dầu tấn phong nữ hoàng. Là hoàng đế, là nữ hoàng, em là vương đế như vua David, như nữ hoàng Esther thủa xưa. Cả hai đều đã hướng dẫn dân riêng của Chúa đi về một hướng. Hướng đi tới Ngài.

Nhúng đầu ngón tay vào Dầu Thánh, tu sĩ xức dầu lên trán em,

— Huyền, con nhận dầu thánh, trở thành Nữ Hoàng. Mai này con lãnh đạo, con hướng dẫn bạn con và người thân tới Chúa và về với Chúa.

Tu sĩ giải thích thêm về Dầu Thánh,

— Người nhận Dầu Thánh trong ngày Rửa tội cũng được chia sẻ năng quyền Tư Tế.

Tu sĩ nói về vai trò của Tư Tế thời Cựu Ước và Linh Mục của Tân Ước,

— Cả hai, Tư Tế và Linh Mục đều cử hành nghi thức phụng vụ. Cả hai đại diện cộng đoàn dân Chúa dâng lời kinh nguyện lên Giavê Thiên Chúa.

Tu sĩ xức dầu lên trán em,

— Daniel, con hãy nhận Dầu Thánh, trở thành Tư Tế của Đức Kitô.

Tu sĩ nói,

— Dầu Thánh xức trên trán phong chức Ngôn Sứ cho người nhận dầu. Ngôn Sứ như Ngôn sứ Isaiah đã từng tuyên xưng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó!” Ngôn sứ như Ngôn sứ Gioan trong hoang mạc, kêu gọi dân chúng dọn đường cho đấng Thiên Sai. Ngôn sứ như Ngôn sứ Giêsu can đảm đối mặt với cường quyền. Mặc dù biết tính mạng sẽ bị đe dọa, nhưng Ngôn sứ Giêsu vẫn không ngần ngại. Ngài cất tiếng lên án những sai trái của những nhà lãnh đạo trong xã hội.

Tôi lại xức dầu, lần thứ ba, lên trán em,

— Minh, con hãy nhận dầu thánh, trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa.

LỬA

Tu sĩ không thích bóng tối! Nhiều người chắc cũng như vậy. Bước vào văn phòng hay phòng riêng, tu sĩ tìm kiếm nút, bật sáng chưng ngọn đèn. Khi chọn phòng, nếu được chọn, tu sĩ luôn luôn chọn căn phòng có những cánh cửa sổ cửa phòng mở ra hướng mặt trời. Tu sĩ, vào buổi sáng, hay mở tung cửa, đón nhận nắng trời. Tu sĩ thích tắm ánh sáng trời bình minh! Tu sĩ mê ánh sáng, sáng của trời, sáng của đèn, và sáng của lửa!

Hồi xưa thế gian chưa có lửa, người ta sống trong đêm đen bóng tối. Nhưng có lẽ vào một giây phút bất ngờ, nhân loại nhìn thấy sấm sét từ trời cao đánh thẳng vào cây khô. Cây khô bừng cháy phát ra những tia lửa bập bùng soi sáng một khoảng thời gian dài sống trong đêm đen của nhân loại. Gió trời nổi lên đốt thêm sáng ngọn lửa của trời. Lửa sắc lem lẻm bừng bừng đốt sáng rơm khô. Bắt đầu từ đó người ta học cách thổi rơm đốt lửa. Lửa sấm sét của trời cao không còn lơ lửng cháy trên không trung, nhưng cháy bập bùng trên mặt đất, soi sáng những khuôn mặt tiền sử bán khai. Đêm đêm buông mình ru ngủ nhân loại, cả bộ tộc ngồi quanh đám lửa cháy. Lửa cháy tí tách ấm áp xua tan băng giá của trời mùa thu và mùa đông. Lửa xua tan hoang dại, chặn bước dã thú hùm beo. Bởi lửa, rắn bò xa, hổ chờn vờn không dám nhảy tới. Bởi lửa, sói hoang lìa bầy nằm ngủ ngoan hiền với con người, biến thành chó con vẫy đuôi mừng gọi. Bởi lửa, gấu không còn đe dọa nhân gian khi màn đêm buông phủ kéo màn. Bởi lửa, thịt tươi không còn đỏ máu, nhưng cháy vàng thơm ngon dưỡng nuôi, khiến bộ óc của con người ngày càng tăng trưởng và phát triển. Óc tăng, chất xám phát triển, nét hoang sơ biến mất, hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người hiện rõ, đậm nét. Lửa tách biệt con người và thú vật. Bởi có lửa, bởi biết giữ lửa cháy âm ỉ tro than, con người thôi không ăn lông ở lỗ. Họ bắt đầu biết chế tạo vũ khí cung tên lẫy nỏ. Thời kỳ đồ đá trôi vào quá khứ. Thời kỳ đồ sắt đồ đồng, rồi là bây giờ, những năm đầu tiên của thiên niên kỷ 2000.

Đêm Vọng Phục Sinh, nhà thờ tắt đèn, ngoại trừ cột lửa ngoài sân nhà thờ. Từ ngọn lửa này, linh mục chủ tế đốt cháy Cây Nến Phục Sinh, tung hô ba lần,

— Ánh sáng Chúa Kitô!

Mọi người đáp,

— Tạ ơn Chúa!

Cây Nến Phục Sinh khi đó đại diện Đức Kitô, Ngài đã chết như mọi người, Ngài chôn trong mồ cũng như mọi người, nhưng Ngài đã chiến thắng Thần Chết, Ngài sống lại. Cây Nến Phục Sinh khi đó trở thành ngọn lửa soi đường cho Kitô hữu, nhắc nhở Kitô hữu nếu chúng ta đã rửa chung một phép rửa với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ sống lại như người. Cây Nến Rửa Tội do đó trở thành một biểu tượng nhắc nhở một niềm tin,

— Là Kitô hữu cũng có nghĩa là Sẽ-Sống-Lại trong Đức Kitô Phục Sinh.

Tu sĩ cầm Cây Nến Rửa Tội, đưa cho bố mẹ đỡ đầu. Tiến tới Cây Nến Phục Sinh, bố mẹ em giơ cao Cây Nến Rửa Tội của em, đốt cháy sáng từ Cây Nến Phục Sinh. Bố mẹ trao cho em Cây Nến Rửa Tội mới được đốt cháy, miệng nói,

— Hương, con hãy nhận lấy Cây Nến Rửa Tội.

KHĂN TRẮNG

Trong khi cử hành Nghi Thức Rửa Tội, tu sĩ hay hỏi cộng đoàn câu hỏi,

— Tại sao lại có Khăn Trắng trong Nghi Thức Rửa Tội? Tại sao không là mầu đỏ? Hoặc mầu xanh?

Câu trả lời từ cộng đoàn luôn luôn chính xác: “Mầu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, ngây thơ, mầu của thuả ban đầu.”

Có những lần trong Lớp học về phép Rửa Tội của giáo xứ, người mẹ giơ tay hỏi,

— Nếu mình may áo trắng cho em mặc vào ngày Rửa Tội, có được không cha?

Tu sĩ gật đầu,

— Được chớ! Cũng là trắng! Thay vì Khăn Trắng, em mặc Áo Trắng Rửa Tội. Khăn Trắng hoặc Áo Trắng đều là những biểu tượng nhắc nhở bố mẹ, bố mẹ đỡ đầu, và cộng đoàn dân Chúa một trách nhiệm...

Bố mẹ và bố mẹ đỡ đầu trong Lớp Rửa Tội ngạc nhiên, nhìn tu sĩ. Có người hỏi ngay,

— Trách nhiệm gì vậy, thưa cha?

Tu sĩ trả lời,

— Trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn để mầu trắng của Khăn Trắng Rửa Tội tinh tuyền mầu trắng nguyên thủy như ngày em nhận phép Rửa.

Bố mẹ và bố mẹ đỡ đầu xuýt xoa, lo ngại,

— Nhiệm vụ này khó khăn quá cha ơi.

Tu sĩ gật đầu, xác nhận

— Vâng! Nhiệm vụ này không dễ...

Tu sĩ phân tích thần học Nước Rửa Tội và Thánh lễ An Táng,

— Ngày áo quan được mang vào nhà thờ, Linh Mục chủ tế tiến ra sân nhà thờ. Ngài đại diện Giáo Hội dẫn người Kitô hữu đang an nghỉ, vô lại nhà thờ. Lần này là lần cuối. Linh Mục vẩy nước phép trên áo quan nhắc nhở cộng đoàn dân Chúa người Kitô hữu đang an nghỉ trong Chúa đã từng được thanh tẩy trong nước. Nếu Đức Kitô đã từng được thanh tẩy trong nước, chết đi và sống lại; người tín hữu đang ngủ yên cũng sẽ sống lại trong ngày sau hết trong Đức Kitô.

Tu sĩ giải thích về thần học Khăn Trắng Rửa Tội và Khăn Trắng (Pall) che phủ áo quan,

— Khăn Trắng áo quan nhắc nhở Khăn Trắng người anh chị em chúng ta đã khoác vào người trong ngày Rửa Tội. Mặc dầu gặp nhiều thử thách trong đời sống đức tin, người anh chị em chúng ta ngày hôm nay quay về nhà thờ với khăn trắng che phủ áo quan. Khăn Trắng áo quan nhắc nhở những lỗi lầm người anh chị em chúng đã phạm khi còn sống. Những lần té ngã trên đường đời khiến Khăn Trắng lấm lem, hoen ố bởi bùn đen tội lỗi!

Tu sĩ giải thích thần học Cây Nến Phục Sinh,

— Ngày người anh chị em chúng ta rửa tội, ngọn Nến Phục Sinh đốt sáng. Hôm nay, Cây Nến Phục Sinh được đốt sáng nhắc nhở chúng ta về sự phục sinh của Đức Kitô và niềm tin vào sự phục sinh của người anh chị em đang nghỉ yên trong Đức Kitô…

TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Tu sĩ quay xuống nhìn cộng đoàn dân Chúa,

— Kính mời mọi người chúng ta, bố mẹ, bố mẹ đỡ đầu, bạn bè và tất cả những người hiện diện trong nhà thờ đứng lên. Chúng ta cùng tuyên xưng đức tin.

Tu sĩ hỏi,

— Anh chị em có tin Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần?

Cộng đoàn dân Chúa đáp rộn ràng,

— Thưa, con tin.

— Anh chị em có từ bỏ Satan không?

— Thưa, con từ bỏ.

— Anh chị em có tin Hội Thánh?...

— Thưa, con tin.

Tôi mời gọi,

— Rất nhiều tín điều để chúng ta tin và hân hoan với niềm tin mà Thiên Chúa đã trao ban tặng cho mỗi một cá nhân.

Tôi giơ Chứng Chỉ Rửa Tội lên,

— Chúc mừng em, công dân mới của Giáo hội.

Em mặc áo đầm trắng, tóc cài nơ trắng. Em mặc vét trắng, thắt cà vạt trắng, quần trắng. Em mở to cặp mắt tròn vo ngây thơ ngẩng đầu lên. Em nhận lấy tờ Chứng Chỉ từ tay tu sĩ. Mọi người vỗ tay, chúc mừng công dân tí hon của Giáo hội. Cộng đoàn dân Chúa và tu sĩ cùng hòa vào niềm vui rộn ràng với em, với Bố Mẹ, và với Bố Mẹ đỡ đầu của em.

□ Nguyễn Trung Tây
 
Hành trình của Niềm Vui
Lm. Minh Anh
03:51 09/01/2021
HÀNH TRÌNH CỦA NIỀM VUI

“Niềm vui của tôi như thế là đầy đủ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hẳn các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã phải sững sờ khi nghe thầy mình giải đáp thắc mắc về việc một ông Giêsu nào đó, người được Gioan làm phép rửa, nay lại dám cạnh tranh và ‘dành khách hàng’ của thầy mình. Gioan đã trả lời cho họ một cách hồn nhiên vui tươi, “Niềm vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Thật bất ngờ! Chúng ta gặp được niềm vui của một vị thánh. Để cho Thiên Chúa lớn lên và con người biết nhỏ lại, đó là đường nên thánh của Gioan; đúng hơn, một hành trình nên thánh có tên là ‘hành trình của niềm vui’.

Để có được một niềm vui hồn nhiên đến thế, hẳn Gioan Tẩy Giả đã phải trải qua một hành trình dài; ‘hành trình chờ đợi’, ‘hành trình khám phá’, ‘hành trình thanh luyện’, ‘hành trình cảm nghiệm’ và ‘hành trình làm chứng’ cho Đấng mình tiền hô. Việc đi trước, chuẩn bị cho Con Thiên Chúa của Gioan không phải là một cuộc bách bộ trong rừng hay một cuộc dạo chơi ngoài công viên; trái lại, Gioan đã trả một giá khá đắt cho ‘hành trình của niềm vui’ đó, hành trình của một sứ vụ. Ngay khi còn trẻ, Gioan đã từ bỏ tất cả mọi thứ để đặt Thiên Chúa lên hàng đầu, Gioan chăm chú lắng nghe Người với tất cả trái tim và chí khí của một người trẻ; Gioan rút vào sa mạc, tước bỏ những nhu cầu cấp thiết của mình để tự do bay theo sức đẩy của Thánh Linh. Tất nhiên, một số tính cách đặc thù của Gioan là duy nhất, không trùng lặp ở đâu khác, chúng không phải là những gì cần có cho mọi người; thế nhưng, chứng tá của Gioan là mẫu mực cho bất cứ ai tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mình và muốn sở hữu một niềm vui đích thực. Đặc biệt, Gioan là kiểu mẫu tuyệt vời cho người tông đồ vốn được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác. Họ cũng sở hữu niềm vui như Gioan bằng cách rứt mình khỏi mọi ràng buộc của bản thân, ràng buộc của thế gian; không lôi cuốn người khác về phía mình nhưng hướng họ về phía Chúa Giêsu.

Rõ ràng, sự khiêm nhường đã trở nên nền tảng căn bản của niềm vui nơi Gioan, một niềm vui đòi hỏi người môn đệ một quá trình bỏ mình, chọn lựa Thiên Chúa và trở nên dễ bảo với Thánh Thần; quá trình đó là một hành trình dài, một hành trình thanh tẩy nội tâm, cũng là ‘hành trình của niềm vui’. Chìa khoá để giữ lấy niềm vui này cũng là chìa khoá để hiểu vai trò của mỗi người trong sứ vụ tông đồ, cũng như để hoàn thành vai trò riêng của mình. Nếu chúng ta tâm niệm “Tất cả chỉ vì vinh danh Chúa và cứu các linh hồn” thì không gì có thể khiến chúng ta chùn bước; thế nhưng, chúng ta cần biết khi nào phải hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, khi nào phải lùi bước để người khác làm theo ý muốn của Người. Phải, làm theo ý muốn của Thiên Chúa, không hơn, không kém và không gì khác. Thêm vào đó, tâm niệm của Gioan phải luôn vang vọng trong lòng chúng ta, “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Đây là một hình mẫu lý tưởng tông đồ cho tất cả những ai phục vụ Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài, những ai muốn đi hết hành trình của mình, ‘hành trình của niềm vui’.

Một ngày kia, một cậu bé ấn tượng bởi hình ảnh một người tội nghiệp bị đóng đinh trên cây thập giá; lớn lên hình ảnh Chúa Giêsu khổ nạn vẫn đeo bám cậu và cậu luôn suy gẫm, chiêm ngắm thánh giá của Ngài. Và cậu bé ấy đã sáng tác bài thánh ca đầu tiên của mình, “When I Survey the Wondrous Cross”, tạm dịch, ‘Khi Tôi Chiêm Ngưỡng Thánh Giá Kỳ Diệu’. Cậu bé ấy là Isaac Watts. Và “Joy to the World”, tạm dịch, ‘Niềm Vui Cho Nhân Loại’, một trong những tác phẩm cuối cùng trong số gần 350 thánh ca Isaac Watts viết, đó là bài thánh ca hơn 300 tuổi, được yêu chuộng, đứng sau “Đêm Thánh Vô Cùng” bất hủ mỗi khi Giáng Sinh về trên hàng trăm quốc gia.

Anh Chị em,

Từ việc ‘Chiêm ngắm thánh giá kỳ diệu’ của Chúa Giêsu, Isaac Watts thấy được ‘Tình yêu cứu độ của một Hoàng Tử Vinh Quang chuộc lại một thế giới đã mất’; để rồi, ‘Tất cả những điều viển vông, những điều quyến rũ tôi nhất, tôi hy sinh chúng cho máu thánh của Ngài’. Để ‘nhân loại và chính tác giả’ có được niềm vui thực sự như nội dung bài hát, Isaac Watts đã hy sinh cho máu thánh Chúa; đây cũng là một sự thanh tẩy nội tâm. Và chúng ta có thể nói, hành trình sáng tác của Isaac Watts là một hành trình đầy cam kết, dấn thân, cũng là ‘hành trình của niềm vui’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì không một giây phút nào mà con không hoàn toàn phó thác toàn thân cho Chúa như một chiếc bình để Ngài đổ đầy vào đó Thánh Thần và tình yêu. Và như thế, hành trình đời con cũng sẽ là một ‘hành trình của niềm vui’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phép Rửa khai mở thời đại cứu độ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
04:09 09/01/2021
CHÚA NHẬT I THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Phép Rửa khai mở thời đại cứu độ
Is 55,1-11; 1 Ga 5,1-9; Mc 1,6b-11

Với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Thường Niên, chấm dứt những suy niệm về mầu nhiệm nhập thể để bắt đầu chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của chúng ta trên con đường rao giảng Tin Mừng.

1- Con Thiên Chúa hạ mình trong Phép Rửa

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, công việc đầu tiên của Chúa là đến sông Giođan để chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Đây là một ngày lễ đầy ý nghĩa mà truyền thống phụng vụ Đông Phương làm nổi bật. Nên Giáo Hội muốn cử hành thánh lễ này một cách trọng thể như một đại lễ. Bởi lẽ, biến cố này là tột đỉnh của việc Con Thiên Chúa tỏ mình ra cho loài người, bắt đầu từ lễ Giáng Sinh, đến lễ Hiển Linh và nay là lễ Phép Rửa.

Kỷ niệm biến cố này, Giáo Hội muốn ghi dấu ngày Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn dật, nay xuất hiện công khai để bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Cứ điểm xuất phát của Người là bờ sông Giođan thuộc vùng Giuđa, xứ Palestina. Đây là một nhánh sông trong khu vực Bêtania mà Chúa Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả.

Chúng ta biết rằng phép rửa của Gioan không phải là bí tích, nhưng chỉ là một hình thức sám hối tội lỗi. Nên nó không thể xóa bỏ tội lỗi hay thông ban ơn thánh hóa, nó chỉ là hình bóng của phép rửa mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập sau này. Thực ra Chúa Giêsu không cần phải chịu phép rửa vì Người là Đấng Thánh, tinh tuyền và trong sạch. Nhưng khi xin chịu phép rửa này, Chúa Giêsu nhìn nhận sứ vụ của vị tiên tri này là dọn đường và chuẩn bị dân chúng tin vào Chúa Giêsu. Đó là sứ vụ quan trọng và cần thiết cho Người. Trong cuộc gặp gỡ này, chính Gioan Tẩy Giả cũng nhắc nhở dân chúng ý thức vai trò của ông: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7).

Hơn nữa, việc Chúa Giêsu đến hòa mình vào đám đông xin lãnh nhận phép rửa của Gioan nói lên sự hạ mình sâu thẳm của Người với các tội nhân. Người trở thành một người ở giữa họ, gần gũi với họ, chia sẻ thân phận tội lỗi với họ. Có lẽ trong những lần tỏ mình ra trước đây, chưa bao giờ Chúa Giêsu lại hạ mình sâu thẳm như hôm nay. Bởi lẽ, khi tỏ mình cho các mục đồng và các đạo sĩ, Con Thiên Chúa hiện thân trong một em bé rất dễ thương. Khi tỏ mình cho cụ già Simêon và bà Anna, Người được chiêm ngắm như là “ánh sáng muôn dân.” Khi tỏ mình cho các tư tế, các luật sĩ trong đền thờ lúc 12 tuổi, Người là một người thông thái uyên bác. Nhưng ở sông Giođan, Chúa Giêsu xuất hiện như một tội nhân khiêm hạ giữa đoàn dân tội lỗi.

2- Một cuộc thần hiện mới

Vậy, tại sao Chúa Giêsu lại hạ mình xuống xin Gioan làm phép rửa? Để trả lời cho câu hỏi này, trong bài Tin Mừng theo thánh Máccô, chúng ta tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi đó. Thánh Máccô kể lại: “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11). Quả thật, biến cố phép rửa tại sông Giođan khai mở một giai đoạn mới của thời kỳ cứu độ. “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra.” Đây là chi tiết đầu tiên quan trọng. Với sự phản bội của tổ tông loài người, Thiên Chúa đã đóng cửa trời lại, việc giao thông và liên lạc của con người với trời trở nên khó khăn. Nhưng giờ đây, nhờ Chúa Giêsu chịu phép rửa, các tầng trời xé ra. Trời đất được giao hòa, con người được thông giao với Thiên Chúa. Giờ “thiên địa nhân tương dữ.”

Chi tiết thứ hai cũng không kém phần quan trọng, đó là “thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.” Đây chính là sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba trong hình ảnh chim bồ câu. Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, Người là tác giả làm cho cuộc nhập thể của Con Chúa được thực hiện. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần xuất hiện và ngự xuống trên Chúa Giêsu để đồng hành và hoạt động với Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Bởi vì, Chúa Thánh Thần là tác nhân và là linh hồn của sứ vụ truyền giáo.

Chi tiết thứ ba là một mạc khải rất hiếm hoi trong Kinh Thánh về Chúa Cha: “Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” Ở đây, Chúa Cha phán hay nói. Từ khởi nguyên, Chúa Cha đã phán và mọi sự được tạo thành. Giờ đây, Chúa Cha cũng phán để công bố cuộc tạo thành mới, khai mở giai đoạn cứu độ mới nhờ Chúa Giêsu. Qua đó, Người công bố cách long trọng rằng: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng luôn làm đẹp lòng Cha và Người đến để thi hành ý Cha.

Theo ý nghĩa này, thánh Gioan trong bài đọc II giải thích: “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người” (1 Ga 5,9). Đó là mạc khải do chính Chúa Cha thực hiện.

3- Phép rửa khai mở thời đại cứu độ

Như thế, biến cố phép rửa là cuộc thần hiện mới của Ba Ngôi Thiên Chúa và khai mở một giai đoạn cứu độ mới cho nhân loại. Điều mà tiên tri Isaia loan báo trong bài đọc I giờ đây được thực hiện nhờ sự xuất hiện của Chúa Giêsu: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến là quà tặng nhưng không, không phải mua bằng tiền bạc, cũng không phải trả đồng nào, nhưng theo thánh Gioan, chúng ta cần có niền tin vào Người và giữ các giới răn của Người (x. 1 Ga 5,1-2). Đó là bằng chứng về lòng yêu mến của chúng ta với Thiên Chúa.

Hôm nay, cử hành lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu, chúng ta nhớ lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Đó là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ và các tội riêng. Chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa và được gia nhập vào Giáo Hội. Chúng ta được tha dự ba sứ vụ tư tế, vương đế và ngôn sứ của Chúa Kitô để là men, muối và ánh sáng cho trần gian. Vì thế, chúng ta được mời gọi nhớ đến hồng ân cao cả đó để không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời không ngừng có gắng để trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô và biết cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa cho tha nhân. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Sống hiền hòa khiêm hạ noi gương Đấng Thiên Sai Giêsu
Lm. Đan Vinh
14:24 09/01/2021
CN CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B

Is 42,1-4.6-7; Cv 10.34-38; Mc 1,7-11

SỐNG HIỀN HÒA KHIÊM HẠ NOI GƯƠNG ĐẤNG THIÊN SAI GIÊ-SU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 1,6b-11

(c 7) Khi ấy, Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người: (c 8) Tôi làm phép rửa cho anh em nhờ nước; Còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần. (c 9) Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. (c 10) Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. (c 11) Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU ĐƯỢC TẤN PHONG LÀM VUA MÊ-SI-A

Tin mừng Mác-cô trình bày việc Đức Giê-su được tấn phong làm Vua Mê-si-a tương tự như một lễ phong vương gồm 3 nghi thức như sau:

- Một là thanh tẩy: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả dìm trong nước sông Gio-đan.

- Hai là xức dầu: Đức Giê-su được Thần Khí, qua hình ảnh chim câu, từ trời đáp xuống trên mình để xức dầu thiêng liêng tấn phong làm Vua Mê-si-a.

- Ba là tung hô: Đức Giê-su cũng được Chúa Cha công khai thừa nhận là “Con rất yêu dấu” luôn làm mọi việc theo thánh ý Cha.

3. CHÚ THÍCH:

- C 7-8: +Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi: Gio-an là “Sứ giả của Giao Ước”, có nhiệm vụ như Ê-li-a ngày xưa: đến trước để chấn hưng mọi sự, hầu dọn đường cho Đức Chúa ngự đến (x. Ml 3,1-3.23-24). Mọi lời Gio-an rao giảng đều liên quan tới Đấng Thiên Sai. Tuy Đấng Thiên Sai đến sau Gio-an nhưng Người lại có đầy sức mạnh và Thần Khí của Đức Chúa để chiến thắng kẻ thù (x. Is 11,2), cụ thể là chiến thắng Xa-tan cám dỗ (x. Mc 1,12-13). +Tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người: Cởi quai dép là việc làm của người nô lệ. Gio-an khiêm tốn nhận mình không đáng làm nô lệ cho Đấng Thiên Sai sắp đến. +Phép rửa nhờ nước: Khi chịu phép rửa này, người chịu phép được Gio-an dìm xuống sông Gio-đan như dấu hiệu“tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x. Mc 1,4). Từ đây họ được gia nhập vào nhóm những người chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a. +“Phép rửa trong Thánh Thần”: Phép Rửa này ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ của Đức Giê-su. Những kẻ chịu phép rửa do Đức Giê-su thực hiện sẽ nhận được Thần Khí tuôn đổ vào lòng. Nhờ đó họ được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Họ sẽ được tặng một quả tim mới bằng thịt biết yêu thương, thay cho quả tim đã hóa ra chai đá (x. Is 44,3).

- C 9-10: +Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan: Đúng như lời Gio-an loan báo, Đức Giê-su đã xuất hiện và trước hết Người đến với ông Gio-an. Gio-an đã thi hành sứ mạng tiền hô khi làm phép rửa cho Người trong nước sông Gio-đan.+Người liền thấy: Mác-cô tường thuật cuộc Thần Hiện của Đức Giê-su lúc chịu phép rửa như một thị kiến mà chỉ riêng mình Người trông thấy, đang khi các Tin Mừng còn lại như Mát-thêu, Lu-ca và Gio-an lại tường thuật đúng như đã xảy ra (x. Mt 3,13-17; Lc 3,21-22; Ga 1,32-34). +Các tầng trời xé ra: Đây là sự đáp ứng của Thiên Chúa cho lòng khát vọng của dân Ít-ra-en và của nhân loại. Người ta chờ mong “trời mở ra và Thiên Chúa sẽ xuống cứu độ dân Người”. Hôm nay qua hiện tượng các tầng trời xé ra, Thiên Chúa bắt đầu thực hiện những lời Ngài đã hứa qua các ngôn sứ (x. Is 63,19b). Ngài sai Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su, giống như Đức Chúa trong cuộc Xuất hành đã ngự xuống trên con dân Ít-ra-en (x. Xh 19,11.18). Với việc trời xé ra, Đức Giê-su bắt đầu ra khỏi Na-da-rét để công khai thi hành sứ mạng cứu độ loài người, đối lập với A-đam ngày xưa (x. Rm 5,12-19). +Người liền thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình: Câu này nhắc tới sự kiện Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước khi Chúa sáng tạo nên trời đất muôn vật (x. St 1,2), nhằm diễn tả một một cuộc sáng tạo mới được thực hiện nơi Đức Giê-su sau khi chịu phép Rửa. Thánh Thần xức dầu thiêng liêng tấn phong và giới thiệu Người là Đấng Thiên Sai, qua hình ảnh một con chim câu đậu xuống trên mình Người (x. Is 11,2; 42,1).

- C 11: +“Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”: Qua câu này, Mác-cô muốn làm nổi bật dung mạo của Đức Giê-su: Người chính là Vua Thiên Sai, được xức dầu tấn phong để cai trị muôn dân (x. Tv 2,7); Người là Con Một yêu dấu của Chúa Cha, trở thành của lễ hiến tế trên bàn thờ thập giá (x. St 22,2); Người là Tôi Trung của Thiên Chúa, được sai đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chịu chết để đền tội thay cho loài người và sống lại để phục hồi sự sống đời đời cho loài người (x. Is 42,1).

4. CÂU HỎI: Tại sao Đức Giê-su là “Đấng quyền thế hơn” mà lại xuất hiện như một tội nhân đứng xếp hàng để được Gio-an làm phép rửa tại sông Gio-đan?

ĐÁP: Việc Đức Giê-su tự nguyện đến xin chịu phép Rửa của Gio-an không phải để sám hối tội lỗi như bao người khác, vì Người vô tội (x. Dt 5,15b; 7,26). Nhưng qua hành động này, Người muốn chia sẻ thân phận yếu hèn với các tội nhân và cảm thông với họ (x. Pl 2,6) và sau này Người sẽ còn chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho họ.

Đàng khác, việc toàn thân Đức Giê-su được Gio-an dìm xuống nước sông Gio-đan, chính là hình ảnh của phép rửa sẽ phải trải qua trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sau này (x. Rm 6,3-4). Từ mầu nhiệm Phục Sinh, Đức Giê-su sẽ thiết lập bí tích Rửa Tội, để tái sinh các tín hữu trở nên con Thiên Chúa và canh tân họ nhờ nước và Thần Khí. Đây là điều kiện cần có để được gia nhập vào Nước Thiên Chúa (x. Ga 3,3-6). Ngoài ra, đây còn là cơ hội để Gio-an Tẩy Giả thi hành sứ mạng tiền hô đi trước dọn đường và làm chứng Người thực là Đấng Thiên Sai với dân Do thái. Cuối cùng, Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an để biến đổi phép rửa bằng nước trở thành bí tích Rửa Tội trong Thánh Thần (x Mc 1,8) và lửa (x Lc 3,16;Cv 2,3-4), để ban ơn cứu độ cho các tín hữu.

II.SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA: Khi ấy, Gio-an rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Người” (Mc 1,7).

2.CÂU CHUYỆN:

1) GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHIÊM HẠ GIỮA ĐỜI THƯỜNG:

Một tài xế xe tải kia không dám cho xe tải chạy qua cầu, vì theo anh nghĩ chiếc xe tải có mui xe cao hơn thành cầu tới 10 phân. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, không biết nên giải quyết thế nào, thì có người đề nghị: Hãy xì bớt hơi cho các bánh xe xẹp xuống. Anh tài xế liền làm theo lời khuyên này và cuối cùng chiếc xe của anh đã có thể an toàn đi qua cầu.

Xì hơi cho bánh xe xẹp bớt cũng giống như thái độ khiêm nhường. Trong giao tiếp với tha nhân, nếu “biết mình biết người, thì trăm trận trăm thắng !”. Cũng nhờ biết ứng xử khiêm tốn nhún nhường với tha nhân mà chúng ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.

2) KHIÊM TỐN LÀ LUÔN TRONG TƯ THẾ QUÂN BÌNH:

Một hôm Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công nước Lỗ, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng thì hỏi thăm và được người giữ miếu cho biết:

- Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua luôn để gần ngai vàng để nhắc nhở mình.

Khổng Tử nói:

- Ta nghe đồn nhà vua có một bảo vật: không cho nước vào thì lọ sẽ đứng nghiêng; Đổ nước vào vừa phải thì lọ sẽ đứng thẳng. Còn nếu đổ nước đầy tới miệng thì lọ lại sẽ bị đổ ngã. Có lẽ đó là chiếc lọ này chăng?

Rồi ngài bảo học trò múc nước để kiểm tra thì kết quả đúng như thế.

Bấy giờ Khổng Tử mới dạy bài học về sự trung dung như sau:

- Người thông minh thánh trí thì hãy giữ quân bình bằng cách làm việc như một người tầm thường chứ không muốn được nổi bật hơn người khác. Kẻ lập được công to thì hãy giữ quân bình bằng thái độ và lời nói khiêm hạ chứ không khoe mình. Kẻ có sức khỏe vô địch thì nên giữ quân bình bằng thái độ ứng xử nhún nhường chịu đựng tha nhân. Nếu đang là một người giầu có thì hãy giữ quân bình bằng sự quảng đại chia sẻ cơm áo cho người nghèo khổ. Cái lọ của vua Hoàn Công chính là bài học giúp thực hành lối sống quân bình để khỏi bị sụp đổ vậy”.

3) TÔI MỚI ĐƯỢC 2 TUỔI:

Một ông cụ mãi đến năm 80 tuổi mới có điều kiện tin theo Chúa và được lãnh bí tích rửa tội để được tái sinh làm con Thiên Chúa. Từ ngày theo đạo, ông cụ đã thay đổi hẳn trở thành một người mới, ông đã bỏ được sở thích uống rượu say xỉn và không còn chơi bài bạc. Ông đi dự lễ nhà thờ hằng ngày và có lối ứng xử khiêm tốn và bác ái với mọi người chung quanh. Hai năm sau cụ lâm trọng bệnh và bị thày thuốc khám bệnh cho biết cụ sắp chết. Nhiều bạn bè đến thăm và có người thắc mắc hỏi cụ được bao nhiêu tuổi. Ông cụ trả lời: ”Tôi mới được hai tuổi. Tám mươi năm trước tôi có sống cũng như chết. Chỉ từ ngày theo đạo tôi mới trở nên một người mới và đến nay mới được hai tuổi”.

3.SUY NIỆM:

Tin mừng lễ Đức Giê-su chịu phép rửa hôm nay dạy chúng ta bài học về mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giê-su. Người chính là Con Thiên Chúa đã đến lập cư giữa loài người và trở thành người phàm giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ không có tội. Khi đứng xếp hàng để được Gio-an dìm xuống dòng sông chịu thanh tẩy bằng nước, Đức Giê-su đã thiết lập bí tích rửa tội để thanh tẩy các tín hữu chúng ta bằng Nước và Thánh Thần hầu ban ơn thánh hóa giúp chúng ta trở nên con Thiên Chúa giống như Người. Từ nay chúng ta không còn phải là kẻ xa lạ, nhưng là người nhà của Thiên Chúa. Qua bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tháp nhập làm chi thể của đầu nhiệm thể là Đức Giê-su. Hơn nữa, chúng ta còn được tham phần vào ba chức vụ của Người là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Tuy nhiên, điều quan trọng chúng ta cần học tập Chúa Giê-su hôm nay là thực thi đức khiêm hạ trong lời nói và việc làm.

1) GƯƠNG KHIÊM HẠ CỦA ĐỨC GIÊ-SU VÀ CỦA GIO-AN TẨY GIẢ:

- Đức Giê-su đã dạy các môn đệ học tập đức khiêm nhường của Người như sau: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Người đã nêu gương khiêm hạ khi rửa chân hầu hạ các môn đệ và sau đó dạy các ông bài học khiêm nhường: “Anh em gọi Thầy là “Thầy” là “Chúa”, điều đó phải lắm. Vì quả thật, Thầy là “Thầy” là “Chúa”. Vậy nếu Thầy là “Chúa” là “Thầy”, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (x. Ga 13,13-15). Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã biểu lộ đức khiêm nhường khi đứng xếp hàng để xin Gio-an làm phép rửa, dù Người hoàn toàn vô tội (x. Mc 1,9).

- Còn Gio-an Tẩy Giả cũng thể hiện sự khiêm nhường khi thú nhận mình không đáng làm đầy tớ cho Đấng Thiên Sai như sau: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Ông cũng khẳng định mình không phải là Đấng Ki-tô Thiên Sai mà chỉ là tiếng người la to trong hoang địa để kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận Đấng Ki-tô sắp đến (x. Ga 1,20.23). Gio-an còn chứng tỏ về đức khiêm nhường khi ông thừa nhân thân phận tiền hô của mình đới với Đấng Thiên Sai Giê-su: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (x.Ga 3,30), và truyền cho họ bỏ ông để theo làm môn đệ Đức Giê-su.

2) Chúng ta cần làm gì để thực hành nhân đức khiêm nhường?:

- Khiêm nhường trong lời nói: Hãy nói ít nghe nhiều; Không khoe khoang thành tích của mình; Không phê bình nói xấu người vắng mặt; Sẵn sàng xin lỗi khi mắc phải sai sót khiến tha nhân buồn lòng; Kịp thời khen thưởng người cộng tác để động viên những cố gắng của họ; Can đảm bênh vực những người yếu đuối thân cô thế cô bị kẻ khác đàn áp bóc lột.

- Khiêm nhường trong thái độ: Năng dâng lời cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và cám ơn những ai làm ơn cho mình; Luôn có thái độ hiền hòa và nhẫn nhịn tha nhân; Biết làm chủ tính nóng giận và không to tiếng la mắng người dưới; Luôn sống châm ngôn “dĩ hoà vi quí”, tránh thái độ “Bé xé ra to”, hoặc “chuyện không có gì mà làm cho ầm ĩ”; Sẵn sàng đi bước trước đến với tha nhân; Biết bỏ ý riêng mình để làm theo ý Chúa thể hiện qua ý bề trên hay ý chung của tập thể.

- Khiêm nhường trong cách ứng xử: Không đổ lỗi cho người khác, nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”; Kiên nhẫn lắng nghe lời phê bình góp ý của người khác; Tận tình phục vụ tha nhân vô vụ lợi kèm theo sự khôn ngoan để tránh bị lợi dụng; Tránh thái độ “Thượng tôn hạ đạp”; Can đảm đứng ra bênh vực những người “thân cô thế cô”; Khi công việc bị thất bại sẽ không đổ lỗi cho người khác, mà nhận phần trách nhiệm của mình; Khi thành công thì nhận là do ơn Chúa ban và là công của tập thể. Khi làm được điều gì tốt thì hãy khiêm tốn tự nhủ: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng. Chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

4. THẢO LUẬN: Tuần này bạn sẽ làm gì để tập sống đức khiêm nhường noi gương Chúa Giê-su và ông Gio-an Tẩy Giả?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua việc tình nguyện xếp hàng xin Gio-an làm phép rửa, Chúa muốn dạy chúng con thực thi đức khiêm nhường, là nền tảng của sự thánh thiện. Về phần con, con mang trong mình đầy những tội lỗi khuyết điểm, thế mà con lại thường ngại ngùng khi phải thú tội trong tòa giải tội. Con chỉ là một kẻ bất tài vô đức, thế mà con lại thích được người đời khen ngợi về tài năng và lòng đạo đức của mình. Con thiếu khả năng lãnh đạo, thế mà con lại muốn giữ chức vụ quan trọng trong tập thể...

- Lạy Chúa Giê-su, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, xin thanh tẩy con sạch mọi thói hư tật xấu, nhất là thói tự ái cao và tự mãn. Xin giúp con thành tâm hoán cải để luôn ứng xử hiền lành và khiêm tốn hơn, để con đáng được Chúa thứ tha tội lỗi và sau này được Chúa ban hạnh phúc Nước Trời đời đời.

X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Làn sóng bắt giữ ở Hương Cảng nhắm vào các chính trị gia, và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ
Đặng Tự Do
15:51 09/01/2021


Hôm thứ Tư 6 tháng Giêng, cảnh sát ở Hương Cảng bắt giữ hơn 50 người, cáo buộc họ vi phạm “luật an ninh quốc gia” do Trung Quốc áp đặt lên thành phố này. Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các vụ đàn áp cho thấy nhiều người Công Giáo nổi tiếng ủng hộ dân chủ đã bị bắt và bị buộc tội.

Trong số những người bị bắt ngày 06 Tháng Giêng có một số chính trị gia và các nhà tổ chức đã tham gia không chính thức cuộc bầu cử “sơ bộ” để lựa chọn ứng cử viên đối lập cho các cuộc bầu cử tiếp theo ở Hương Cảng. Lãnh thổ này dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9 năm 2020, nhưng các quan chức đã trì hoãn cuộc bầu cử đó, với lý do nguy hiểm do đại dịch coronavirus gây ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc bắt giữ là cần thiết để ngăn chặn “các thế lực và cá nhân bên ngoài thông đồng phá hoại sự ổn định và an ninh của Trung Quốc”.

Một số người bị bắt trong tuần này là các ứng cử viên đối lập hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào quốc hội của lãnh thổ, hay còn gọi là Hội đồng Lập pháp. Các cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức được tổ chức vào tháng 7 năm 2020 với khoảng 600,000 người Hương Cảng tham gia.

Nhóm Hong Kong Watch có trụ sở tại Vương quốc Anh gọi vụ bắt giữ là “cuộc thanh trừng nặng nề đối với toàn bộ phe ủng hộ dân chủ”. Một nửa số ghế trong Hội đồng Lập pháp đã được kiểm soát bởi những người có quyền lợi trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong số những người bị bắt có một công dân Mỹ, là luật sư John Clancey. Ông là người nước ngoài đầu tiên bị bắt theo luật an ninh quốc gia. Theo UCA News, Clancey là thủ quỹ của tổ chức điều phối các cuộc bầu cử sơ bộ dân chủ.


Source:Catholic News Agency
 
Lễ Giáng sinh của Chính Thống Giáo Nga
Đặng Tự Do
15:52 09/01/2021


Tử vong tại Nga vì coronavirus, tính đến ngày 8 tháng Giêng, đã lên đến 60,457 người chết, trong số 3,332,142 trường hợp nhiễm coronavirus.

Nga đang trong đợt COVID-19 thứ hai và bất chấp chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu vào cuối tháng 12, Chính thống giáo Nga vẫn tiếp tục bị nhận chìm trong đau thương bởi hàng loạt cái chết của các giáo sĩ.

Vào ngày 5 tháng 12, Cha Oleg Burlakov, một linh mục rất tích cực ở Giáo phận Shakhtinsk, miền nam đất nước, đã qua đời vì virus ở tuổi 59.

Năm 2020, số linh mục và giám mục Chính thống giáo chết tăng gấp ba lần so với một năm trước đó.

Trong bối cảnh đó, Đức Thượng Phụ Kirill ra lệnh cho tất cả các nhà thờ chỉ cử hành các nghi lễ Giáng sinh với sự hiện diện của một số rất ít tín hữu được mời.

Đó là những gì ngài đã làm trong lễ kỷ niệm đêm long trọng tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Mạc Tư Khoa, được phát sóng trên kênh Russia 1 TV, mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đức Thượng Phụ Kirill đã bị cách ly nghiêm ngặt kể từ đầu tháng 10 tại tư dinh của ngài ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, nơi ngài chỉ bỏ ra ngoài một lần vào ngày 31 tháng 12 để cử hành Phụng Vụ cuối năm tại nhà thờ chính tòa Mạc Tư Khoa.

Trong thông điệp Giáng sinh của mình gửi đến các giáo sĩ và các tín hữu, Đức Thượng Phụ Kirill nói: “Ngày nay, khi các dân tộc trên trái đất đang đau khổ vì mới thử thách chông gai của căn bệnh mới, khi trái tim của con người bị xáo trộn vì sợ hãi và lo lắng cho tương lai, chúng ta đặc biệt cần phải củng cố thói quen cầu nguyện của cộng đồng và cá nhân”.

Ngài nhấn mạnh rằng “không có gì có thể hủy hoại tinh thần của con người, nếu người ấy giữ vững đức tin sống động của mình và phó thác trong tay Chúa tất cả mọi sự”. Ngài nói thêm rằng “không ai không bị ảnh hưởng trước sự ra đời của Chúa như chuyến thăm của các đạo sĩ cho chúng ta thấy.”

Truyền thuyết của Nga tin rằng không phải chỉ có 3 đạo sĩ hay ba vua, nhưng có đến 4 người. Vị Vua thứ tư từ khu vực Ilmen của Nga đã đến Bethlehem. Ông là Vua Oleg.

Tuy nhiên, ông đã đến muộn vì lạc vào rừng taiga, và bọn cướp đã đánh cắp món quà mà nhà vua định mang đến cho Chúa Hài Đồng.

Theo truyền thuyết của Nga, Vua Oleg vẫn đang du hành trong những cánh rừng bất tận của nước Nga, cố gắng tìm kiếm món quà đó, là linh hồn của nước Nga, để tặng cho Đấng Cứu Thế.


Source:Asia News
 
Lễ Giáng sinh của Công Giáo Ukraine
Đặng Tự Do
15:53 09/01/2021


Cầu mong Chúa Cứu Thế lau sạch mọi giọt nước mắt của chúng ta - Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói trong thông điệp Giáng sinh

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã thúc giục đàn chiên của mình gác lại những “nỗi sợ hãi và buồn phiền” để mừng lễ Giáng sinh.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lời kêu gọi trên vào ngày 6 tháng Giêng, khi những người Công Giáo Ukraine cử hành đêm Giáng sinh, theo lịch Giulianô.

“Hôm nay thiên sứ nói với tất cả chúng ta: ‘Đừng sợ!’ Khi đứng trước khung cảnh Chúa giáng sinh, hãy để nỗi sợ hãi và buồn phiền biến mất khỏi trái tim chúng ta ngày hôm nay”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Trong thánh lễ tại Nhà thờ Chúa Kitô Phục sinh ở thủ đô Kiev /ki-ép/ của Ukraine, ngài đã đề cập đến đến những khó khăn mà đất nước, bị tàn phá bởi chiến tranh kể từ năm 2014, đang phải đối diện.

“Xin gửi lời chào tới những người đang ở Ukraine và những người đang ở trong các khu định cư; những người cử hành ở trước hoặc trong tù, hoặc có thể trên giường bệnh”.

“Dù thế nào Chúa với đến với tất cả chúng ta hôm nay để ban phước lành của Ngài, để nâng chúng ta dậy, tràn đầy sức sống, niềm vui và sự lạc quan.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến các tín hữu Kitô trên khắp thế giới nhân ngày lễ Giáng sinh theo lịch Giulianô vào ngày 7 tháng Giêng.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Hiển Linh 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi bày tỏ tình cảm với các anh chị em của các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống Đông phương, những người, theo truyền thống của họ, ngày mai mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tôi chân thành gởi đến họ những lời chúc chân thành về một lễ Giáng Sinh thánh thiện, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là hòa bình và hy vọng của chúng ta”.

Đức Thánh Cha đã tweet lời chúc mừng Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng.

Kể từ năm 2011, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma.

Ngài đã nêu bật hoàn cảnh của người Ukraine sau khi chiến tranh bùng nổ ở vùng Donbas. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại đại kết trong nước, vốn đã chứng kiến sự chia rẽ gay gắt giữa người Công Giáo và Chính thống, cũng như bên trong cộng đồng Chính thống giáo.

Lễ Giáng sinh của Công Giáo Ukraine sẽ kết thúc vào ngày 19 tháng Giêng, lễ Hiển linh, còn được gọi là Yordan, kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Jordan.

Kết thúc thông điệp Giáng sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Cầu mong Chúa Hài Đồng, sinh tại Bethlehem, là ánh sáng và ngôi sao hàng đầu của chúng ta trong những năm sắp tới của cuộc đời chúng ta. Cầu xin Đấng Cứu Rỗi ban phước lành cho mỗi gia đình chúng ta, lau đi mọi giọt lệ trên mắt chúng ta, và xin cho nỗi buồn biến thành niềm vui”.


Source:Catholic News Agency
 
Covid bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền đóng cửa các nhà thờ Bắc Kinh.
Trần Mạnh Trác
17:32 09/01/2021
Theo tin South China Morning Post thì vào hôm thứ Bảy này, chính quyền Cộng Sàn vừa ra lệnh đóng cửa tất cả 155 địa điểm tôn giáo ở Bắc Kinh sau khi có tin "một số" bệnh nhân coronavirus từ tỉnh Hà Bắc, nằm sát phía Nam cuả Bắc Kinh, đã tham dự các lễ nghi tôn giáo.

Theo Reuter, chính quyền thành phố Thạch Gia Trang (Shijiazhuang), thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, cũng đã đình chỉ mọi dịch vụ giao thông công cộng.

Toàn Tỉnh bị đặt trong một tình trạng "thiết quân luật" để chiến đấu với việc lây lan.

Trong cuộc họp báo thứ Bảy, chính quyền tỉnh cho biết việc thử nghiệm virus hàng loạt sẽ được tiến hành cho tất cả 11 triệu cư dân của Thạch Gia Trang và cuả thành phố Hình Đài sát bên.

Từ hôm thứ Năm đã có lệnh cấm mọi người rời khỏi Thạch Gia Trang và sau đó là lệnh mọi người phải ở nhà ít nhất là 7 ngày, ngay cả sau khi xét nghiệm không có mắc bệnh.

Theo South China Morning Post thì tính đến thứ Năm, đã có khoảng 300 người xác nhận là bị covid ở thành phố Thạch Gia Trang. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm xảy ra tại vùng nông thôn quanh thành phố, và có thêm 15 trường hợp khác cũng được phát hiện ở thành phố Hình Đài (Xingtai), phiá Nam Thạch Gia Trang.

Trước đây, tỉnh Hà Bắc đã không có một ca lây nhiễm coronavirus nào vòng trong 6 tháng vừa qua.

Được biết tỉnh Hà Bắc là trung tâm Công Giáo lớn ở Trung Quốc, với nhiều hoạt động cuả cả hai nhóm hầm trú cũng như quốc doanh.

Năm ngoái nhà nước Cộng Sản đã đình chỉ mọi hoạt động tôn giáo trên cả nước và các nhà thờ chỉ mới được mở cửa trở lại được vài tháng mà thôi.

Lần này, theo báo cáo y tế tại chỗ và được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cuả Trung Quốc, thì trường hợp đầu tiên được xác định ở Hà Bắc là một phụ nữ 61 tuổi từ một ngôi làng làm nghề nông ở huyện Trần Thành (Gaocheng) cuả Thạch Gia Trang. Bệnh nhân đã bị sốt và bị xét nghiệm dương tính vào ngày 2/1.

Bệnh nhân chỉ sống ở nhà, thường chỉ có gia đình đến thăm, có tham dự các nghi lễ tôn giáo trong làng nhưng lúc nào cũng đeo mặt nạ. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng đã tham dự một tiệc cưới trong làng có khoảng 250 thực khách vào ngày 28 tháng 12.

Theo ghi chú trong hồ sơ bệnh lý thì chủng virus được phát hiện ở Thạch Gia Trang gần giống với chủng coronavirus ở Nga.

Cũng theo lời khai cuả người đại diện làng Tiểu quốc trang (Xiaoguozhuang) ở Trần Thành thì "một số bô lão" vẫn thường xuyên tham dự các hoạt động tôn giáo.

"Ngoài tiệc cưới, một số bô lão của chúng tôi cũng đã tham dự các buổi đọc kinh tại gia vào các thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật hàng tuần. Thường có khoảng vài chục người tại mỗi cuộc tụ tập", theo lời ghi chép cuả bản bá cáo.

Nhưng Hiệp hội Công Giáo Yêu nước cuả Thạch Gia Trang và giáo phận Công Giáo trong thành phố đã phủ nhận các hoạt động nhà thờ có liên quan đến sự lây lan của virus.

"Tính đến [thứ năm], chỉ có một người Công Giáo ở Thạch Gia Trang là được xác nhận có Covid-19 mà thôi," theo tuyên bố cuả hiệp hội.
 
Trước vụ tấn công vào nhà Quốc hội Hoa Kỳ, ĐTC lên án bạo lực! ngài nói: Đã đến lúc hàn gắn!
Thanh Quảng sdb
17:33 09/01/2021
Trước vụ tấn công vào nhà Quốc hội Hoa Kỳ, ĐTC lên án bạo lực! ngài nói: Đã đến lúc hàn gắn!'

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý, được phát vào Chủ nhật, ĐTC Phanxicô phản ứng lại cuộc tấn công vào Điện Capitol của Hoa Kỳ ở Washington DC trong tuần qua, Ngài chỉ trích và lên án bạo lực và kêu mời mọi người Mỹ hãy “học hỏi quá khứ”. ĐTC cũng nói về khả năng chống lại covid-19, ngài mô tả nó như một lựa chọn đạo đức và bày tỏ hy vọng mọi người sẽ chọn làm như vậy.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô nói các diễn biến xảy ra ở Đồi Capitol Washington DC ngày 6 tháng Giêng đã “gây sửng sốt” cho ngài. Tuy nhiên, ĐTC lưu ý, không có xã hội nào có thể tự coi mình là không có các phần tử phản loạn...

Cuộc phỏng vấn ĐTC được mạng truyền hình “kênh số 5” của Ý thực hiện, và sẽ được phát vào tối Chủ nhật.

Bạo lực bị lên án

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi rất ngạc nhiên, bởi vì Hoa kỳ là một dân tộc rất kỷ luật và có nền dân chủ cao…”

Tuy nhiên, ĐTC nói, ngay cả những xã hội trưởng thành cũng có thể có những sai sót, và thường có những người "hay chống lại cộng đồng, chống lại dân chủ và chống lại lợi ích chung."

Đức Thanh Cha nói: "Những hành vi bạo loạn phải được lên án, bất kể do ai gây ra nó."

Sau vụ bạo loạn ở đồi Capitol, thời gian này là thờ gian "hàn gắn"

Đức Giáo Hoàng nói: “Không có một xã hội nào có thể tự hào về việc chưa từng có một ngày hoặc một trường hợp bạo loạn nào xảy ra…”

Do đó, ĐTC nói đây là một vấn đề về "sự hiểu biết, để sự kiện đó không lặp lại và đây là một học hỏi lịch sử."

ĐTC Phanxicô kết luận, trong mọi trường hợp, "sự hiểu biết là cơ bản", bởi vì đó là cách duy nhất để tìm ra một "phương thuốc hàn gắn".

Vắc xin chống covid

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cũng nói về khả năng lựa chọn thuốc vắc-xin chủng ngừa covid-19, một lựa chọn mà ĐTC mô tả là "một việc làm đạo đức", và ngài bày tỏ hy vọng rằng mọi người cùng nhau thực hiện vì sinh mạng và sức khỏe của những người khác.

ĐTC Phanxicô tiết lộ rằng bản thân ngài đã đăng ký để được tiêm chủng khi Vatican bắt đầu chiến dịch chủng ngừa covid-19 trong những tuần tới.
 
Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô chết vì các biến chứng COVID-19
Đặng Tự Do
19:18 09/01/2021


Bác sĩ riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ông Fabrizio Soccorsi, đã qua đời vì các biến chứng sức khỏe liên quan đến coronavirus.

Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết vị bác sĩ 78 tuổi, đã được cấp cứu tại Bệnh viện Gemelli ở Rôma vì các biến chứng phức tạp do nhiễm coronavirus, đã qua đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ông Soccorsi là bác sĩ riêng của ngài vào tháng 8 năm 2015, sau khi không gia hạn nhiệm kỳ của bác sĩ Patrizio Polisca, bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, và cũng là người đứng đầu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vatican.

Kể từ triều Giáo hoàng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chức vụ bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng và chức vụ đứng đầu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Vatican đã được gắn liền với nhau, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã tách khỏi truyền thống này bằng cách chọn Soccorsi, một bác sĩ từ bên ngoài Vatican.

Với tư cách là bác sĩ riêng của Đức Phanxicô, Soccorsi đã đi cùng với Đức Thánh Cha trong các chuyến công du quốc tế. Trong chuyến thăm Fatima, Bồ Đào Nha vào tháng 5 năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt hai bó hoa hồng trắng trước tượng Đức Mẹ Đồng trinh cho con gái Soccorsi, người bị bệnh nặng và qua đời vào tháng sau đó.

Soccorsi được đào tạo về y học và phẫu thuật tại Đại học La Sapienza của Rome. Sự nghiệp của ông bao gồm cả thực hành và giảng dạy y tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu về gan, hệ tiêu hóa và miễn dịch học.

Bác sĩ Soccorsi cũng đã làm công việc tư vấn cho văn phòng sức khỏe và vệ sinh của Quốc gia Thành phố Vatican và là một phần của hội đồng các chuyên gia y tế tại Bộ Phong thánh.


Source:Catholic News Agency
 
Giám mục Venezuela, 69 tuổi, chết vì COVID-19
Đặng Tự Do
19:19 09/01/2021


Sáng thứ Sáu, 8 tháng Giêng, Hội đồng Giám mục Venezuela đã công bố rằng Đức Cha Cástor Oswaldo Azuaje, 69 tuổi, Giám Mục giáo phận Trujillo, đã qua đời vì COVID-19.

Một số linh mục trên khắp đất nước đã chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch tràn tới đất nước này, nhưng Đức Cha Azuaje là giám mục Venezuela đầu tiên chết vì căn bệnh quái ác này.

Đức Cha Azuaje sinh tại Maracaibo, Venezuela vào ngày 19 tháng 10 năm 1951. Ngài gia nhập Dòng Cát Minh và hoàn thành việc đào tạo tại Tây Ban Nha, Israel và Rôma. Ngài khấn trọn trong Dòng Cát Minh vào năm 1974, và được thụ phong linh mục vào Ngày Giáng sinh, 1975, tại Venezuela.

Đức Cha Azuaje đã từng đảm nhận một số trách nhiệm lãnh đạo trong Dòng tu của mình.

Năm 2007, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá cho Tổng Giáo phận Maracaibo, và năm 2012, Đức Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm ngài làm Giám mục Trujillo.

Thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục viết:

“Hội đồng Giám mục Venezuela hiệp thông trong nỗi buồn trước cái chết của một anh em chúng tôi trong hàng giám mục, chúng tôi hiệp thông với giáo phận trong niềm hy vọng Kitô từ sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”.

Venezuela có 42 giám mục đang tại chức.


Source:Catholic News Agency
 
Cẩn thận với vi rút Tầu độc địa: Tử vong tăng hơn 4 lần tại Los Angeles. Các nhà xác đã quá tải
Đặng Tự Do
19:23 09/01/2021


Tờ Los Angeles Times cho biết các nhà xác bệnh viện đã bị quá tải trước số lượng thi thể tăng vọt trong bối cảnh số ca tử vong do COVID-19 gia tăng kinh hoàng tại tiểu bang này. Nhiều quận của California đang phải vật lộn trong việc lưu giữ thi thể của những người đã chết.

Văn phòng pháp y của quận Los Angeles đang cố gắng đẩy nhanh nỗ lực lưu giữ tạm thời các xác chết khi số người chết tại địa phương đạt mức kỷ lục.

Sarah Ardalani, phát ngôn viên của văn phòng cho biết, trong tuần này, sáu thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia California đã đến để hỗ trợ nhân viên quận chuyển các thi thể từ các nhà xác của bệnh viện đến 12 đơn vị bảo quản lạnh đậu tại văn phòng pháp y. Những người trợ giúp bổ sung từ Vệ binh Quốc gia dự kiến sẽ đến vào tuần tới.

Mùa xuân năm ngoái, văn phòng điều tra đã dự đoán số người chết tăng vọt và ít nhất tăng gấp bốn lần khả năng lưu trữ bình thường. Vì thế, họ đã tăng khả năng lưu trữ lên ít nhất 2,000 thi thể bằng cách đưa vào thêm 12 xe đông lạnh. Ngoài ra, còn có các cải biên cho các xe đông lạnh này để có thể chứa thêm khoảng 25 thi thể mỗi chiếc.

Tính đến hôm thứ Hai, văn phòng pháp y của quận Los Angeles đang giữ 757 thi thể.

Vào cuối tháng 11, thời điểm bắt đầu đợt tăng COVID-19 gần đây nhất, mỗi xe đông lạnh chỉ chứa khoảng 60 thi thể.

Sau đó, tốc độ tử vong bắt đầu tăng lên. Vào đầu tháng 12, khoảng 30 người chết mỗi ngày; nhưng vào hôm thứ Sáu 8 tháng Giêng, mức trung bình trong bảy ngày trước đó là khoảng 190 người một ngày.

Hơn 4,200 ca tử vong vì COVID-19 đã được báo cáo kể từ ngày 1 tháng 12, đó là một con số đáng kinh ngạc chỉ trong vài tuần. Số người chết vì coronavirus tại quận Los Angeles cho đến nay là 11,872 người.

Chỉ trong bốn ngày qua, trung bình 250 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày đã được báo cáo tại Quận Los Angeles. Con số này cao hơn số người chết trung bình hàng ngày do tất cả các nguyên nhân khác cộng lại, bao gồm bệnh tim, ung thư, đột quỵ, tiểu đường, tai nạn xe hơi, tự tử và giết người, là khoảng 170 người.

California rất cần thêm các nhân viên y tế tại những cơ sở có bệnh nhân coronavirus, nhưng hầu như không có sự trợ giúp nào từ một chương trình tình nguyện mà Thống đốc Gavin Newsom đã tạo ra vào thời điểm bắt đầu đại dịch. Ban đầu, đội quân tình nguyện này gồm 95,000 người đã xung phong gia nhập. Nhưng đến nay chỉ có 14 người hiện đang làm việc thực sự.

Rất ít tình nguyện viên thực sự đáp ứng đủ điều kiện của Quân đoàn Y tế California, và một số lặng lẽ rút lui.


Source:Los Angeles Times
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Phân Định Thần Khí
Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF
10:40 09/01/2021
Qua hiện tượng Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc với “Tiếng Nói Sự Thật” và các phong trào Thánh Linh, đặt tay, chữa bệnh, trừ quỷ đang nổi lên trên khắp thế giới cũng như ở Việt nam, chúng ta cần nhận thức rõ về đặc sủng của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo hội. Một trong những phục hồi vĩ đại nhất của công đồng Vatican II đối với vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội là vai trò của đặc sủng, công đồng được coi như là một Lễ Hiện Xuống mới. Thời đại của Giáo hội ngày nay, trong cuộc hành trình về cánh chung và sự quang lâm của Chúa Kitô, là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Có rất nhiều văn kiện của Giáo hội nói về mô hình Giáo hội tham gia (Participatory Church), mà mục đích chính là đề cao vai trò của người giáo dân và khuyến khích họ tham gia vào mọi lãnh vực của Giáo hội. Đây là vấn đề đã được nói tới từ lâu, nhưng nó vẫn còn và sẽ còn là vấn đề nóng trong Giáo hội trong thế kỷ 21 này. Bên cạnh đó, việc thành lập các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (Basic Ecclesial Community, viết tắt: BEC) như là một cách thức mới để thể hiện Giáo Hội (A new way of being Church), một cách thức mới để người giáo dân tham gia tích cực vào mọi sinh hoạt của Giáo hội.

1. Cơ Cấu Phẩm Trật và Cơ Cấu Thần khí.

Ðức Kitô xây dựng Hội Thánh Ngài với một thể chế và hai cơ cấu: cơ cấu phẩm trật và cơ cấu Thần khí. Cả hai cơ cấu đều phát nguồn từ Ðức Kitô qua Chúa Thánh Thần.

a. Cơ cấu phẩm trật: Vì Hội Thánh là một tổ chức hữu hình, nên Hội Thánh cũng có các cơ cấu và phẩm trật tùy theo ơn gọi của mỗi phần tử trong Hội Thánh. Cơ cấu phẩm trật gồm có những giám mục, linh mục và phó tế: “Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo hội, được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau, mà từ xưa đã được gọi là giám mục, linh mục và phó tế” (LG 28a). Giáo luật cũng trình bày: “Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội có các thừa tác viên chức thánh, được gọi theo luật, là các Giáo sĩ; còn các người khác thì được gọi là Giáo dân” (Can 207 §1). Các giáo sĩ làm thành phẩm trật gồm ba bậc: giám mục, linh mục và phó tế.

Người giáo dân cũng được mời gọi tham gia vào vào việc xây dựng Giáo hội: “Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo điều kiện của mình” (LG 31).

Tuy nhiên, vì Giáo hội học thường nhấn mạnh đến cơ cấu phẩm trật, nên đa số người giáo dân thường tỏ ra thụ động, mọi việc đều trông chờ vào các đấng, các bậc. Các ngài bảo gì thì cứ làm theo. Bởi đó, Giáo hội như vướng phải óc duy giáo sĩ và nệ lề luật.

b. Cơ cấu Thần Khí: Cơ cấu Thần khí hay còn gọi là cơ cấu Thần thiêng, cơ cấu Đặc sủng.

Trong Tân ước, từ đặc sủng (charism)[1] được tìm thấy 17 lần: 16 lần trong các thư của thánh Phaolô (Rm 1, 11; 5, 15.16; 6, 23; 11, 29; 12, 6; 1Cor 1,7; 7,7; 12, 4.9.28.30.31; 2Cor 1, 11; 1Tm 4, 14; 2Tm 1, 6) và 1 lần trong 1Pr 4, 10.

Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người vì lợi ích chung. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người (x. 1Cor 12, 4-7. 11; LG 12).

Thánh Phaolô đã ví Giáo hội như Thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể con người, mọi bộ phận đều quan trọng như nhau và mỗi bộ phận đều có phận vụ riêng của mình mà không bộ phận nào khác có thể thay thế được. Các bộ phận đều nhắm chung một mục đích là tạo ra sự hài hòa và làm phát triển cho thân thể mình. Các bộ phận đều có liên quan đến nhau. Nếu bộ phận nào gặp trục trặc thì toàn thân đều bị ảnh hưởng. Trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội cũng vậy, mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Ngài phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Ngài. Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (x. 1Cor 12, 13. 18). “Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1Cor 12, 24- 26)

Đặc sủng cho phép mỗi người hoà nhập vào toàn thể, cộng tác hài hòa vào đời sống Giáo hội. Được ban cho mỗi người vì lợi ích chung hơn là lợi ích cá nhân, và được phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Thần khí, nên đặc sủng có thể mất đi mà không phương hại đến toàn bộ Giáo hội. Một đặc sủng là một công việc của Thần khí để định hướng người tin hướng về ơn cứu độ trong Chúa Kitô, nên không ai có thể kích động hay ép buộc nó. Mặc dù thánh Phaolô đã qui những đặc sủng một cách đặc biệt cho Thần khí, nhưng đặc sủng cũng xuất phát từ tình thương bao la của Chúa Cha và Chúa Con (x. 1Cor 12, 4-6; 12, 28; Ep 4, 11).

Thiên Chúa muốn ban phát các đặc sủng cho mỗi người để phát triển đời sống nội tâm và cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô (x. 2Pr 1, 3-4; 1Pr 4, 10). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24). Thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến điều này khi ngài nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (1Pr 4, 10-11) Ơn của Thần Khí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, bởi vì “không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không ở trong Thần Khí” (1Cor 12:3).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dạy: “Cần phải thay đổi não trạng, trước hết là cái nhìn về người giáo dân, từ chỗ coi họ là cộng tác viên của hàng giáo sĩ đến chỗ chấp nhận họ là những người đồng trách nhiệm thật sự trong việc thể hiện và trong hoạt động của Giáo hội, thúc đẩy một hàng ngũ giáo dân trưởng thành và nhiệt thành theo chiều hướng này.”[[2]]

Điều này cũng đã được các Giám mục tại Á châu khẳng định: Giáo hội tại Á Châu phải là Giáo hội tham gia mà trong đó không ai cảm thấy bị loại trừ (x. EA 45). Trong Châu Á ngày nay, Chúa Thánh Thần đang thúc giục những môn đệ của Chúa Kitô sống và làm chứng về sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương, đặc biệt là tại lãnh vực giáo xứ, xây dựng một Giáo hội tham gia mà trong đó các Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cùng hiệp thông, chia sẻ, hợp tác và đồng trách nhiệm trong sứ vụ loan báo Tin mừng.[[3]]

Trong Giáo Hội, mọi người đều có phẩm giá ngang nhau, dù chức năng có khác nhau: “Chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Phép Rửa, một dân riêng của Thiên Chúa, cùng chung một phẩm giá của những chi thể đã được tái sinh trong Đức Kitô, cùng có một ân huệ làm con cái Thiên chúa, một ơn gọi nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Đức Kitô và trong Giáo hội không có sự hơn kém về nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ.” (LG 32).

“Giáo hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng Giáo phẩm.” (AG 21).

Mỗi Kitô hữu nhận được một ân sủng của Thánh Thần vì lợi ích chung (x. 1Cr 12, 7). Những đặc sủng này cần được khơi dậy, cần được khuyến khích để xây dựng Giáo hội. Khi giảng dạy hoặc dạy giáo lý, chúng ta thường chú trọng đến Giáo hội như là một tổ chức, nhưng Giáo hội cũng là Giáo hội của Thần khí. Chính Thần khí làm cho Giáo hội sinh động. Giáo hội như một toàn khối liên kết với nhau và sống động nhờ các đặc sủng.

2. Đặc Sủng và Thừa Tác Vụ

Trong Giáo hội, phẩm trật có trách nhiệm chăm lo cho toàn thể các tín hữu, cách riêng là để gìn giữ hiệp nhất và bảo toàn kho tàng mạc khải. Đặc sủng thường gắn liền với chức vụ, thừa tác vụ hoặc với hoạt động.

Thánh Phaolô đã liệt kê ra 20 đặc sủng khác nhau:

- “Người thì được ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1Cor 12, 8-10)

-“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.” (1Cor 12, 28)

-“Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12, 6-8)

-“Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.” (Ep 4, 11)

Một người nắm giữ một chức vụ nào đó có thể nhận được một hoặc nhiều đặc sủng và một người nhận được nhiều đặc sủng có thể thi hành một hoặc nhiều tác vụ. Thánh Phaolô đã nhận mình là tiên tri, thầy dậy và là người nói các tiếng lạ (x. 1Cor 14, 6. 18). Như vậy, đặc sủng có thể linh động việc thực hành các chức vụ chính thức trong Hội thánh.

Theo nguồn gốc, một đặc sủng không phải là một thừa tác vụ hay một hoạt động; đúng ra, đó là một ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm cho một người hướng đến một tác vụ nào đó. Nhưng dần dần, các đặc sủng chỉ được biết đến qua các hoạt động, nên chúng được đồng hóa với các hoạt động. Từ đó, các đặc sủng lại được gắn với những chức vụ trong Giáo hội (x. Ep 4, 11) và có khunh hướng đồng hóa với một ơn gọi (x. 1Cor 7, 7-9).[4]

Đặc sủng được ban cho cá nhân, nhưng là để phục vụ cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô. Thật vậy, đặc sủng được ban là để phục vụ Lời Chúa (x. Cv 6, 4) và để xây dựng Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô (x. Ep 4, 12. 26; Gl 4, 7, 11-12; 1Cr 14, 12; 12, 7). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24).

Giáo hội cần thận trọng để phân định đặc sủng, vì đó là ân huệ Chúa Thánh Thần ban cho toàn Giáo hội. Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 19-22)

3. Phân Định Thần Khí

a. Thần Khí Giả:

Chúa Giêsu lưu ý các môn đệ của Ngài về thần khí giả:

-“Họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.” (Mt 7, 15)

-“Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây là Đấng Kitô”, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mt 24, 4-5)

- “Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em: “Này, Đấng Kitô ở đây” hoặc “ở đó”, thì anh em đừng tin. Thật vậy, sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã được tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy!” (Mt 24, 23- 25; x. Mc 13, 5- 23)

- Thánh Gio-an Tông đồ nhiều lần nói đến việc đề phòng ngôn sứ giả trong thư thứ nhất của ngài:

+ “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện. Do đó, chúng ta biết được rằng đây là giờ cuối cùng. Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của chúng ta.” (1 Ga 2, 18- 19)

+ “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian…. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em thuộc về Thiên Chúa, và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian. Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm.” (1Ga 4, 1-6)

Có những người được ơn nói tiên tri, ơn giảng thuyết, ơn chữa bệnh,…,lôi cuốn rất nhiều người; nhưng sau đó, vì được ca tụng, hoặc có thể bị ma quỷ tác động, nên tìm cách đánh bóng cá nhân, trở nên kiêu căng, tự phụ, tư lợi, … Như vậy, không còn phải là phục vụ lợi ích chung và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô nữa.

b. Các Tiêu Chuẩn Để Nhận Ra Thần Khí Thật

- Đức Ái

Đặc sủng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Để nhận biết một đặc sủng có phải phát xuất từ Thần Khí hay không, chúng ta cần xem xét những lời của thánh Phaolô:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cor 13, 1-2)

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4-7)

“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ghanh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Chúng ta có thể thấy được hoa quả của Thần Khí qua bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 19-23)

- Thần Khí Luôn Làm Chứng Cho Chúa Kitô

Chứng thực của Thần khí là luôn luôn làm chứng cho Chúa Kitô: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26) “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15) “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Chúa Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa.” (1Ga 4, 2-3)

Các tông đồ cũng được tràn đầy Thánh Thần và quyền năng để làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 1, 8; 2, 1-41).

- Sự Phục Vụ

Các đặc sủng được ban là vì công ích, vì sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội. Do đó, đặc sủng luôn hướng đến phục vụ cộng đoàn, một sự phục vụ quên mình và vô vị lợi.[5]

Các tác vụ trong Hội thánh được trao phó từ Chúa Kitô; các đặc sủng đến từ Thần khí, Đấng được Chúa Kitô sai đến để hoạt động trong lòng mỗi người. Do đó, đặc sủng và tác vụ bổ túc cho nhau. Hành động của Thần khí không bao giờ xung đột với giáo huấn đích thực của Hội thánh, Thân Thể Chúa Kitô, vì cũng một Thần khí đổ ân sủng của Ngài xuống cho các tín hữu và hướng dẫn quyền giáo huấn của Hội thánh. Vì đều phát sinh từ một Thần Khí, nên tất cả đểu phải cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất của thân thể duy nhất là Giáo hội. Ơn của Thần Khí xuống trước hết trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, khiến Giáo hội được khai sinh (x. Cv 2, 1-4). Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Thánh Linh không chỉ thánh hóa và huớng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu ‘phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài’ (1Cr 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội.” (LG 12b).

Mỗi người chúng ta cũng rất dễ bị ma quỷ tác động, dùng đặc sủng Chúa ban để làm lợi cho chính mình, chỉ trích người khác, thay vì nói về Chúa thì lại nói về mình, thay vì rao giảng về nước Thiên Chúa lại rao giảng về chính mình, thay vì xây dựng Giáo hội lại chia bè chia phái,….


Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF


[1] Đặc sủng được ban nhằm phục vụ lợi ích cộng đoàn; còn ơn thánh sủng nhằm thánh hoá bản thân người nhận.

[2] Huấn từ của ĐTC vào ngày 7/3/2010, x.www.hdgmvietnam.org

[3] X. UCAN News, Ucan Commentary - The Role of Religious amid the Asian Crisis, November 16, 1998 at http://www.ucanews.com/html/uca/index.html.

[4] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 33.

[5] x. Leonardo Boff, Church: Charism & Power- Liberation Theology and the Institutional Church (New York: Crosss, 1992), tr. 154- 164.
 
VietCatholic TV
Các linh mục xin cẩn thận: Một vị bị đánh tại ga tàu New York - Lễ Giáng sinh Giáo Hội Đông phương
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:50 09/01/2021


1. Phó tế Công Giáo bị đánh đập tại ga tàu điện ngầm ở New York

Hàng giáo sĩ Công Giáo ngày càng gặp nhiều rủi ro hơn khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Tờ New York Post, trích dẫn các báo cáo của Sở Cảnh Sát New York cho biết phó tế vĩnh viễn Frederick Kurr, 74 tuổi - phục vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Núi Carmêlô ở khu Belmont của quận Bronx, New York đã bị đấm vào mắt vào khoảng 10:10 sáng thứ Ba 5 tháng Giêng.

Tại cửa quay ở ga tàu điện ngầm Kingsbridge Road, thầy phó tế Kurr gặp khó khăn khi quẹt thẻ MetroCard của mình. Nghi phạm, lúc đó đang đi theo chiều ngược lại, đã bất ngờ đấm vào mặt thầy.

Hung thủ bị cảnh sát bắt giữ, đã nói với cảnh sát rằng lúc đó hắn ta “cảm thấy như muốn đấm ai đó”. “Đừng la hét”, kẻ tấn công đã nói với phó tế Frederick Kurr khi thầy kêu la cầu cứu.

Lý do thực sự không phải vì hung thủ “cảm thấy như muốn đấm ai đó”. Nhưng vì thầy phó tế Frederick Kurr mặc áo có cổ côn. Hắn ta tấn công thầy vì lòng thù hận đức tin.

Các nhà chức trách mô tả nạn nhân là một linh mục, nhưng một nữ tu và một phụ nữ chứng kiến vụ này nói với tờ New York Post rằng thầy Frederick Kurr là một phó tế.

Con gái của thầy phó tế, Heidi Kurr, cho biết cô “rất quan tâm đến tình trạng của cha mình”. Thầy Frederick đang được kiểm tra tại bệnh viện để xác định xem có bị nội xuất huyết hay không.

“Bị đấm vào mặt chẳng vì lý do nào cả … điều đó thật đáng buồn,” cô nói. “Tôi rất sợ và lo lắng cho cha tôi vì ông đã 74 tuổi”.

Linh mục Israel Bodi, cha phó tại giáo xứ, cho biết Kurr thường xuyên tham dự Thánh lễ buổi trưa và chắc chắn sẽ có mặt ở đó vào ngày thứ Tư - lễ Hiển linh, hay lễ Ba Vua - nếu ông không bị hành hung”.

“Tôi có thể tưởng tượng bản thân ông ấy cảm thấy thế nào vào lúc này,” cha Bodi nói. “Ông ấy thật là một người hiền lành. Có lẽ ông ấy đã dâng những đau đớn này cho Chúa. Nhưng nỗi đau thể xác chắc chắn là có”.


Source:New York Post

2. Làn sóng bắt giữ ở Hương Cảng nhắm vào các chính trị gia, và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ

Hôm thứ Tư 6 tháng Giêng, cảnh sát ở Hương Cảng bắt giữ hơn 50 người, cáo buộc họ vi phạm “luật an ninh quốc gia” do Trung Quốc áp đặt lên thành phố này. Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các vụ đàn áp cho thấy nhiều người Công Giáo nổi tiếng ủng hộ dân chủ đã bị bắt và bị buộc tội.

Trong số những người bị bắt ngày 06 Tháng Giêng có một số chính trị gia và các nhà tổ chức đã tham gia không chính thức cuộc bầu cử “sơ bộ” để lựa chọn ứng cử viên đối lập cho các cuộc bầu cử tiếp theo ở Hương Cảng. Lãnh thổ này dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 9 năm 2020, nhưng các quan chức đã trì hoãn cuộc bầu cử đó, với lý do nguy hiểm do đại dịch coronavirus gây ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc bắt giữ là cần thiết để ngăn chặn “các thế lực và cá nhân bên ngoài thông đồng phá hoại sự ổn định và an ninh của Trung Quốc”.

Một số người bị bắt trong tuần này là các ứng cử viên đối lập hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào quốc hội của lãnh thổ, hay còn gọi là Hội đồng Lập pháp. Các cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức được tổ chức vào tháng 7 năm 2020 với khoảng 600,000 người Hương Cảng tham gia.

Nhóm Hong Kong Watch có trụ sở tại Vương quốc Anh gọi vụ bắt giữ là “cuộc thanh trừng nặng nề đối với toàn bộ phe ủng hộ dân chủ”. Một nửa số ghế trong Hội đồng Lập pháp đã được kiểm soát bởi những người có quyền lợi trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong số những người bị bắt có một công dân Mỹ, là luật sư John Clancey. Ông là người nước ngoài đầu tiên bị bắt theo luật an ninh quốc gia. Theo UCA News, Clancey là thủ quỹ của tổ chức điều phối các cuộc bầu cử sơ bộ dân chủ.


Source:Catholic News Agency

3. Lễ Giáng sinh của Chính Thống Giáo Nga

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là Lễ Giáng Sinh của Chính Thống Giáo Nga, được cử hành vào ngày 25 tháng 12 theo lịch Giulianô, tức là ngày 7 tháng Giêng theo lịch Grêgôriô.

Tử vong tại Nga vì coronavirus, tính đến ngày 8 tháng Giêng, đã lên đến 60,457 người chết, trong số 3,332,142 trường hợp nhiễm coronavirus.

Nga đang trong đợt COVID-19 thứ hai và bất chấp chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu vào cuối tháng 12, Chính thống giáo Nga vẫn tiếp tục bị nhận chìm trong đau thương bởi hàng loạt cái chết của các giáo sĩ.

Vào ngày 5 tháng 12, Cha Oleg Burlakov, một linh mục rất tích cực ở Giáo phận Shakhtinsk, miền nam đất nước, đã qua đời vì virus ở tuổi 59.

Năm 2020, số linh mục và giám mục Chính thống giáo chết tăng gấp ba lần so với một năm trước đó.

Trong bối cảnh đó, Đức Thượng Phụ Kirill ra lệnh cho tất cả các nhà thờ chỉ cử hành các nghi lễ Giáng sinh với sự hiện diện của một số rất ít tín hữu được mời.

Đó là những gì ngài đã làm trong lễ kỷ niệm đêm long trọng tại Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Mạc Tư Khoa, được phát sóng trên kênh Russia 1 TV, mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Đức Thượng Phụ Kirill đã bị cách ly nghiêm ngặt kể từ đầu tháng 10 tại tư dinh của ngài ở ngoại ô Mạc Tư Khoa, nơi ngài chỉ bỏ ra ngoài một lần vào ngày 31 tháng 12 để cử hành Phụng Vụ cuối năm tại nhà thờ chính tòa Mạc Tư Khoa.

Trong thông điệp Giáng sinh của mình gửi đến các giáo sĩ và các tín hữu, Đức Thượng Phụ Kirill nói: “Ngày nay, khi các dân tộc trên trái đất đang đau khổ vì mới thử thách chông gai của căn bệnh mới, khi trái tim của con người bị xáo trộn vì sợ hãi và lo lắng cho tương lai, chúng ta đặc biệt cần phải củng cố thói quen cầu nguyện của cộng đồng và cá nhân”.

Ngài nhấn mạnh rằng “không có gì có thể hủy hoại tinh thần của con người, nếu người ấy giữ vững đức tin sống động của mình và phó thác trong tay Chúa tất cả mọi sự”. Ngài nói thêm rằng “không ai không bị ảnh hưởng trước sự ra đời của Chúa như chuyến thăm của các đạo sĩ cho chúng ta thấy.”

Truyền thuyết của Nga tin rằng không phải chỉ có 3 đạo sĩ hay ba vua, nhưng có đến 4 người. Vị Vua thứ tư từ khu vực Ilmen của Nga đã đến Bethlehem. Ông là Vua Oleg.

Tuy nhiên, ông đã đến muộn vì lạc vào rừng taiga, và bọn cướp đã đánh cắp món quà mà nhà vua định mang đến cho Chúa Hài Đồng.

Theo truyền thuyết của Nga, Vua Oleg vẫn đang du hành trong những cánh rừng bất tận của nước Nga, cố gắng tìm kiếm món quà đó, là linh hồn của nước Nga, để tặng cho Đấng Cứu Thế.


Source:Asia News

4. Cầu mong Chúa Cứu Thế lau sạch mọi giọt nước mắt của chúng ta - Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói trong thông điệp Giáng sinh

Nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã thúc giục đàn chiên của mình gác lại những “nỗi sợ hãi và buồn phiền” để mừng lễ Giáng sinh.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã đưa ra lời kêu gọi trên vào ngày 6 tháng Giêng, khi những người Công Giáo Ukraine cử hành đêm Giáng sinh, theo lịch Giulianô.

“Hôm nay thiên sứ nói với tất cả chúng ta: ‘Đừng sợ!’ Khi đứng trước khung cảnh Chúa giáng sinh, hãy để nỗi sợ hãi và buồn phiền biến mất khỏi trái tim chúng ta ngày hôm nay”, Đức Tổng Giám Mục nói.

Trong thánh lễ tại Nhà thờ Chúa Kitô Phục sinh ở thủ đô Kiev /ki-ép/ của Ukraine, ngài đã đề cập đến đến những khó khăn mà đất nước, bị tàn phá bởi chiến tranh kể từ năm 2014, đang phải đối diện.

“Xin gửi lời chào tới những người đang ở Ukraine và những người đang ở trong các khu định cư; những người cử hành ở trước hoặc trong tù, hoặc có thể trên giường bệnh”.

“Dù thế nào Chúa với đến với tất cả chúng ta hôm nay để ban phước lành của Ngài, để nâng chúng ta dậy, tràn đầy sức sống, niềm vui và sự lạc quan.”

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng gửi lời chúc mừng Giáng Sinh đến các tín hữu Kitô trên khắp thế giới nhân ngày lễ Giáng sinh theo lịch Giulianô vào ngày 7 tháng Giêng.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày lễ Hiển Linh 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi bày tỏ tình cảm với các anh chị em của các Giáo Hội Công Giáo và Chính thống Đông phương, những người, theo truyền thống của họ, ngày mai mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Tôi chân thành gởi đến họ những lời chúc chân thành về một lễ Giáng Sinh thánh thiện, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là hòa bình và hy vọng của chúng ta”.

Đức Thánh Cha đã tweet lời chúc mừng Giáng Sinh vào ngày 7 tháng Giêng.

Kể từ năm 2011, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma.

Ngài đã nêu bật hoàn cảnh của người Ukraine sau khi chiến tranh bùng nổ ở vùng Donbas. Ngài cũng nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại đại kết trong nước, vốn đã chứng kiến sự chia rẽ gay gắt giữa người Công Giáo và Chính thống, cũng như bên trong cộng đồng Chính thống giáo.

Lễ Giáng sinh của Công Giáo Ukraine sẽ kết thúc vào ngày 19 tháng Giêng, lễ Hiển linh, còn được gọi là Yordan, kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở sông Jordan.

Kết thúc thông điệp Giáng sinh của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Cầu mong Chúa Hài Đồng, sinh tại Bethlehem, là ánh sáng và ngôi sao hàng đầu của chúng ta trong những năm sắp tới của cuộc đời chúng ta. Cầu xin Đấng Cứu Rỗi ban phước lành cho mỗi gia đình chúng ta, lau đi mọi giọt lệ trên mắt chúng ta, và xin cho nỗi buồn biến thành niềm vui”.


Source:Catholic News Agency