Ngày 08-01-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:50 08/01/2020

33. Đức nhẫn nại lãnh đạo chúng ta, bảo vệ chúng ta ở với Thiên Chúa.

(Thánh Cyprianus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:55 08/01/2020
11. ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG

Thái giám phòng bị ở Nam kinh tên là Cao Long, có người dâng cho ông ta một bức hoạ nổi tiếng, trên bức hoạ nổi tiếng ấy có một chỗ trống.

Cao Long không hiểu ý nghĩa của chỗ trống ấy nên chỉ chỗ trống ấy mà nói:

- “Tốt, tốt lắm, chỗ này có thể vẽ thêm bức “Tam chiến Lữ Bố”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 11:

Có những bức hoạ người ta chỉ vẽ có một dấu phẩy mà bức hoạ rất có giá trị, có những bức hoạ người ta vẽ cả trăm con ngựa phi nước đại mà vẫn còn chỗ trống, hoặc có bức tranh vẽ cả trăm con chim đang bay mà vẫn còn không gian để điểm vài áng mây rất đẹp; có bức tranh vẽ kín không chừa một chỗ trống, có bức tranh vẽ chừa nhiều chỗ trống nhưng vẫn có nét hài hoà, đó là do bàn tay và trí sáng tạo của hoạ sĩ.

Có chỗ trống chết người và chỗ trống làm cho con người thoải mái hạnh phúc.

Con người là một bức hoạ tuyệt vời của Thiên Chúa, đời sống của con người được Thiên Chúa vẽ đầy những yêu thương với yêu thương nên không còn chỗ trống cho sự ghét ghen, nhưng ma quỷ đã lợi dụng những chỗ trống do con người tạo ra để phá hoại bức tranh ấy của Thiên Chúa, chỗ trống chết người nơi con người là sự rảnh rỗi không muốn làm việc, là để cho thời gian qua đi mà không làm một việc gì có ích cho tha nhân cũng như cho đời sống tâm linh của mình:

- Các linh mục để trống thời giờ thì sẽ là mối lợi lớn cho ma quỷ tung hoành, bởi vì linh mục là người ban phát ân sủng của Thiên Chúa mà lại ăn không ngồi rỗi, không làm việc thì ma quỷ chẳng từ một việc xấu xa nào mà không làm nơi các ngài cũng như nơi công việc truyền giáo của các ngài.

- Các tu sĩ nam nữ để trống thời giờ thì ma quỷ sẽ “vẽ” vào chỗ trống ấy những nét xấu xa thô lỗ tục tằn, làm mất đi vẽ đẹp bức tranh quý hiếm của Thiên Chúa là chính bản thân của mình.

- Giáo dân để trống thời giờ không chịu làm việc, không lợi dụng giờ rảnh rỗi để làm sáng danh Thiên Chúa, thì ma quỷ sẽ ngày ngày “đi uống cà phê” thưởng thức thành quả mà nó đã làm nơi giáo dân, đó là rảnh rỗi để ghét ghen, rảnh rổi để tìm khuyết điểm của anh chị em mà nói xấu, rảnh rổi để hưởng thụ, rảnh rỗi để hại người...

“Điền vào chỗ trống” bằng những hành vi bác ái yêu thương là việc làm khôn ngoan đầy ân sủng Thánh Thần của người Ki-tô hữu trong mọi thời đại...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Văn Kiện Tự Do Tôn Giáo của Ủy Ban Thần học Quốc Tế: Quyền tự do tôn giáo của con người
Vũ Văn An
04:29 08/01/2020
3. Quyền tự do tôn giáo của con người

29. Trong nhân chủng học Kitô giáo, mỗi người cá thể luôn trong tương quan với cộng đồng nhân loại, từ lúc thụ thai qua suốt diễn trình chín mùi của cuộc đời họ: "Khi nói đến con người đó, người ta có ý nói đến bản sắc không thể rút gọn và nội tâm tính vốn tạo thành hữu thể cá nhân đặc thù, cũng như mối tương quan căn bản với những con người khác vốn là nền tảng của cộng đồng nhân loại" [20]. Mối tương quan này, trong đó hình thành, về phương diện lịch sử, phẩm tính nhân bản của cá nhân và xã hội, là một chiều kích riêng của kiếp nhân sinh và của chính thân phận tâm linh của họ. Thiện ích của con người và thiện ích của cộng đồng không nên được hiểu như là nguyên lý đối lập nhau, nhưng như các cùng đích hội tụ của cam kết đạo đức và phát triển văn hóa.

30. Cuộc đối thoại về chân lý được mọi người mưu tìm và về sự thiện được mọi người ước mong, trong chân trời sống chung, do đó, làm chúng ta cam kết phát triển các điều kiện tốt nhất để suy nghĩ và thực hành chân lý về nhân chủng học và về các quyền của con người trong đối thoại. Chúng ta phải chắc chắn làm nhiều hơn nữa, vì đây là vấn đề văn hóa có lẽ có tính quyết định nhất để nối lại các sợi dây liên kết nền văn minh hiện đại, nền kinh tế và kỹ thuật với chủ nghĩa nhân bản toàn diện về con người và cộng đồng. Đây cũng là một vấn đề chủ chốt đối với tính khả tín nhân bản của đức tin Kitô giáo, một vấn đề, trong việc tận tụy đối với nền công lý của chủ nghĩa nhân bản toàn diện này, thừa nhận một chứng từ về tầm quan trọng phổ quát đối với việc hoán cải tinh thần và cõi lòng hướng tới sự thật của tình yêu của Chúa.

Các cuộc thảo luận về các nền tảng lý thuyết

31. Phản ứng chống lại kinh nghiệm đau thương của chủ nghĩa toàn trị, một chủ nghĩa, trong thế kỷ XX, đã tàn sát các cá nhân nhân danh quyền lực Nhà nước, được coi như tuyệt đối trong đó mọi người bị cuốn hút vào như các chức năng và công cụ để thể hiện nó, phản ứng ấy đóng vai trò chính trong việc khai triển và bảo vệ các quyền bất khả nhượng của mỗi cá nhân. Trong bối cảnh này, quyền tự do tôn giáo xuất hiện như một trong các quyền căn bản của mỗi con người [21]. Hầu như tất cả thế giới đều đồng ý dựa trên sự kiện này "các quyền căn bản của con người" được xây dựng trên "phẩm giá của nhân vị". Nhưng bản chất của phẩm giá này là đối tượng để thảo luận và chống đối. Nền tảng này, về phương diện khách quan, vượt trên quyền tự quyết của con người hay tùy thuộc hoàn toàn việc nhìn nhận của xã hội? Nó thuộc trật tự hữu thể học hay có bản chất thuần túy pháp lý? Đâu là tương quan của nó với tự do chọn lựa cá nhân, với việc bảo vệ thiện ích chung, với sự thật của bản chất con người? Nếu không có một sự đồng thuận - hoặc ít nhất một xu hướng chung - trong việc xác định các tiêu chuẩn cho việc thực hiện chân chính các quyền tự do tôn giáo, thì đặc tính tùy tiện trong các thực hành và sự mâu thuẫn trong các giải thích sẽ trở nên không tài nào quản lý được đối với xã hội dân sự (và nguy hiểm cho cộng đồng nhân loại). Nguy cơ sẽ tăng bội trong các xã hội nơi việc tôn giáo hướng tới siêu việt không còn được coi như một yếu tố thống nhất cho niềm tin chung đối với ý nghĩa phận người, mà đúng hơn chỉ như sự tồn tại lịch sử của một viễn kiến cổ lỗ và bây giờ đã bị vượt qua.

Phẩm giá và sự thật về nhân vị

32. Những chữ đầu của Dignitatis Humanae đã liên kết các quyền của nhân vị, nhất là quyền tự do tôn giáo, với phẩm giá của nó. Trong một ý nghĩa rất tổng quát, phẩm giá đề cập đến sự hoàn hảo bất khả nhượng của chủ thể hữu thể (l’être-sujet) trong trật tự hữu thể học luân lý hay xã hội [22]. Khái niệm này được sử dụng trong trật tự luân lý của các mối tương quan liên chủ thể để chỉ những gì có một giá trị ngay trong nó và do đó không bao giờ có thể bị đối xử như thể chỉ là một phương tiện đơn thuần. Do đó phẩm giá là một sở hữu vốn có của ngôi vị như là ngôi vị.

33. Xét theo quan điểm siêu hình học cổ điển, được tích hợp và khai triển lại một cách chi tiết bởi tư tưởng Kitô giáo, ngôi vị (personne) được định nghĩa một cách truyền thống, vì tính độc đáo không thể giản lược và phẩm giá cá thể của nó, như là "một bản thể cá biệt có bản tính hữu lý" [23]. Tất cả các cá nhân, do xuất phát sinh học của họ, đều thuộc về loài người, chung phần bản tính này. Do đó, mỗi cá nhân có bản tính con người, bất kể tình trạng phát triển sinh học hoặc tâm lý của họ, bất kể giới tính hay sắc tộc của họ, đều nhận ra khái niệm ngôi vị và kêu gọi người khác tôn trọng nó tuyệt đối, một việc chính đáng phải làm. Bản tính con người trong tính bất khả giản lược của nó nằm ở chân trời thế giới tâm linh và thế giới vật thể [24]. Phẩm giá của ngôi vị do đó cũng liên quan tới cơ thể vốn là chiều kích cấu thành ra nó và "dự phần vào imago Dei [hình ảnh Thiên Chúa]" [25]. Cơ thể không thể bị coi như một phương tiện đơn thuần hoặc một công cụ, như thể nó không phải là một chiều kích tạo nên phẩm giá bản vị. Cơ thể chia sẻ số phận của nhân vị và ơn gọi được thần hóa của nó [26].

34. Chiều kích bản vị nội tại trong bản tính con người được triển khai trong trật tự luân lý như khả năng tự quyết định và tự điều hướng tới điều thiện, nghĩa là như một tự do có trách nhiệm. Phẩm tính này hoàn toàn tạo thành phẩm giá của bản tính con người, đối tượng của trách nhiệm và chăm sóc toàn bộ cộng đồng nhân loại. "Cũng có một hệ sinh thái của con người. Con người cũng có một bản tính mà họ phải tôn trọng và không thể thao túng theo ý muốn. Con người không những không phải là một tự do tự tạo. Con người không tự tạo ra chính mình "[27]. Thực thế, ngay từ đầu, người đàn ông và người đàn bà cuối cùng đã tự khám phá ra mình như được Thiên Chúa ban cho chính mình qua cha mẹ của mình. "Hữu thể được ban cho" này đòi hỏi phải được tiếp nhận, tích hợp với việc phát triển ý thức. Nó không tạo giới hạn cho việc tự do tự thể hiện mình, mà đúng hơn đại diện cho một điều kiện nhằm hướng tự do như "hữu thể ơn phúc" (être-don) tới người khác. Sự nhìn nhận nguyên khởi này ngăn chặn khái niệm tự tham chiếu của tính cá nhân, bằng cách hướng việc xây dựng ngôi vị theo hướng phát triển chung tính hỗ tương.

35. "Trong truyền thống thần học Kitô giáo, ngôi vị có hai khía cạnh bổ sung cho nhau" [28]. Khái niệm ngôi vị "đề cập đến tính duy nhất của một chủ thể hữu thể học, một chủ thể, vì có bản chất tâm linh, nên được hưởng một phẩm giá và một quyền tự chủ tự biểu lộ trong việc tự ý thức về chính mình và tự do làm chủ các hành động của mình" [29]. Cũng chủ thể tâm linh này "tự biểu lộ trong khả năng bước vào tương quan: ngôi vị triển khai hành động của nó trong trật tự liên chủ thể và hiệp thông trong tình yêu" [30]. Sự cần thiết phải làm cho hoàn toàn hiển nhiên hơn nữa lý do của sợi dây liên kết nguyên ủy giữa hữu thể-cá nhân (être-individuel) và hữu thể-tương quan (être-relationel), một liên kết tự khẳng định mình bên trong trí hiểu đức tin, sự cần thiết này đã tạo ra những phát triển dứt khoát làm phong phú thêm cho tư tưởng Kitô giáo và các tiềm năng của nó để đối thoại với nền văn hóa hiện đại. Về phần mình, triết học, khoa học, nhân học xã hội của thời hiện đại, nhờ cũng biết chấp nhận sự lôi kéo của viễn kiến Kitô giáo nguyên ủy, đã đem lại một động lực mạnh mẽ cho các cơ cấu của hữu thể ngôi vị - nhất là ý thức và tự do – bằng cách xác định chúng như các chiều kích cấu thành của bản chất con người.

36. Trong việc làm nổi bật giá trị hiện đại của tính độc đáo nơi con người, các chiều kích lịch sử tính và triết lý hành động (praxis) đã được nhấn mạnh chưa từng có so với truyền thống trước đó. Chẳng hạn, trong việc nhấn mạnh tới tính vô điều kiện của tự do cá nhân, trong lãnh vực chính trị, xúc cảm và luân lý, trong một bối cảnh trong đó việc chấp nhận giải thích khoa học coi các yếu tố vô ngã và vật chất như điều kiện tạo nên tư tưởng, tình cảm, và các quyết định của con người ngày một trở nên mạnh mẽ hơn. Về phần nó, Thần học, từ trước Công đồng Vatican II, đã bắt đầu tự đương đầu với các điển hình của nền văn hóa nhân học mới mẻ dưới Mặc Khải. Bất chấp bằng cách xem xét một cách sâu sắc hơn lời kêu gọi của Thiên Chúa mời gọi mỗi ngôi vị cá thể tiếp nhận trách nhiệm tự thể hiện mình qua hành động lịch sử của mình. Hay bằng cách khám phá sâu hơn phẩm tính xã hội của hữu thể ngôi vị, được kêu gọi tự định nghĩa mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với người khác, với thế giới và lịch sử.

Hữu thể ngôi vị (l’être-personne) vốn cố hữu trong thân phận làm người

37. Trong khuôn khổ biện chứng này, người ta có thể tóm tắt một cách tổng hợp điểm nhân học chính của văn kiện công đồng. Dignitatis Humanae thiết lập mối liên kết căn để giữa các quyền bất khả xâm phạm của con người, và do đó quyền tự do cá nhân của họ, với chính bản tính hữu thể - ngôi vị của họ. Thực vậy, có một tiêu chuẩn độc đáo để nhận ra một cách hữu hiệu tính ngôi vị tiên thiên: việc thuộc về loài người về sinh học. Phẩm giá ngôi vị, và các nhân quyền vốn cố hữu nơi họ, đã được khắc ghi vô điều kiện trong việc thuộc về đó. Theo cách hiểu này, hữu thể - ngôi vị không phải là một sự quy kết liên quan đến một phẩm tính hay năng khiếu chuyên biệt của hữu thể nhân bản, như ý thức hay khả năng tự quyết. Cũng không phải là một tiềm năng hay kết quả của sự trưởng thành của họ. Phẩm giá ngôi vị vốn cố hữu một cách căn để nơi mỗi cá nhân, như một yếu tố cấu thành nên thân phận làm người của họ: thân phận này là cung lòng của mọi phẩm tính cá nhân, của mọi điều kiện hiện sinh, của bất cứ mức độ phát triển nào. Sự hiện hữu ngôi vị biến hóa và phát triển, chắc chắn như thế; tuy nhiên, hữu thể - ngôi vị không phải là một điều mà mỗi người có thể tự thêm vào cho mình (hoặc cho người khác). Không hề có diễn trình nào của hữu thể nhân bản qua đó"một điều gì đó" trở thành "một ai đó": người ta luôn luôn và không thể tách biệt là hữu thể - nhân bản và hữu thể- ngôi vị, vì người ta không trở thành nhân bản nếu là một điều gì khác. Và cách hiện hữu nhân bản là trở thành cá nhân tính hữu vị.

38. Việc nhìn nhận hữu thể-ngôi vị, như một chiều kích cố hữu nơi mỗi con người, thiết lập ra cộng đồng các hữu thể nhân bản, trong đó mỗi người chiếm một vị trí không thể bị thu hồi và tự đặt mình thành người có phẩm tước hưởng các quyền bất khả chuyển nhượng. Trong các điều khoản này, người ta có thể nói rằng các quyền của ngôi vị là các quyền của con người. Do đó, cộng đồng nhân loại nào có tham vọng tước mất của cá nhân phẩm giá nhân bản – ngôi vị của họ, là ngay lúc đó bắt đầu vi phạm phẩm giá riêng của họ và tự hủy hoại chính mình: cả trong tư cách cộng đồng lẫn trong tư cách nhân bản. Mặt khác, điều cũng rõ ràng là việc công nhận phẩm tính ngôi vị bất khả chuyển nhượng của mỗi hữu thể nhân bản là chính nguyên tắc thuộc về nhân loại của mỗi cá nhân. Và chính sự thuộc về này, một sự thuộc về vốn hợp pháp hóa dự án tự thể hiện mình cách trọn vẹn, không được trao phó cho tính võ đoán của họ, mà là trách nhiệm của họ đối với tính nhân bản, vốn là điều của chung. Và do đó đối với mọi người. Việc nhìn nhận và thực hành của cộng đồng nhân loại, trong tư cách nhân bản và được tạo thành bởi các ngôi vị, chính là cách mà mỗi người thể hiện và tôn vinh phẩm tính ngôi vị nhân bản riêng và không thể bị giản lược của mình. Trong viễn tượng này, dường như tuyệt đối rõ ràng là việc tôn trọng phẩm giá ngôi vị của cá nhân và việc tham gia của cá nhân vào việc xây dựng nhân bản trong cộng đồng tương ứng hoàn toàn với nhau.

39. Cam kết hỗ trợ ý niệm tương quan của hữu thể ngôi vị con người vì thế có tầm quan trọng đặc biệt, khi khai triển một suy tư nhân học có khả năng sửa chữa một cách thuyết phục các tầm nhìn cá nhân chủ nghĩa về chủ thể [31]. Mặt khác, không những các xu hướng quan trọng nhất của tư tưởng triết học gần đây, mà cả những luồng chính của tri thức chính trị, kinh tế và cả khoa học nữa cũng hội tụ đáng kể để làm nổi bật chiều kích cấu thành tính năng động tương quan. Sự tương tác và tính hỗ tương vốn lên đặc điểm cho việc hiện hữu bản vị tương ứng với tình trạng sâu sắc của sự độc đáo nhân bản, trong sự sống của cơ thể cũng như sự sống của tinh thần. Ngôi vị tự biểu lộ trong mọi vẻ đẹp của nó qua khả năng tự thể hiện chính nó trong tương quan với nội tâm tính tâm linh theo trật tự các mối tương quan liên chủ thể và trong trật tự bản chất của thế giới. Không cần phải nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng căn bản của sự hiệp thông giữa mọi ngôi vị, cuối cùng được hoàn tất bằng chân lý của tình yêu, trong viễn kiến Kitô giáo về ngôi vị và cộng đồng [32].

Sự trung gian của lương tâm

40. Sự thật trên về thân phận con người chất vấn con người qua lương tâm luân lý, nghĩa là "phán xét lý lẽ theo đó nhân vị nhận ra phẩm chất đạo đức của một hành động cụ thể mà họ sắp đề ra, đang thực hiện hoặc đã hoàn thành "[33]. Ngôi vị không bao giờ được hành động chống lại phán đoán của chính lương tâm mình – họ có trách nhiệm phải đào tạo một cách chính trực với mọi sự giúp đỡ cần thiết. Đồng ý hành động chống điều lương tâm tin là đòi hỏi của điều tốt, và do đó, phân tích đến cùng, là chống lại ý muốn của Thiên Chúa đều sẽ là trách nhiệm của lương tâm [34]. Vì chính Thiên Chúa nói với chúng ta trong "trung tâm bí nhiệm nhất của con người, đền thánh nơi họ ở một mình với Thiên Chúa" [35]. Hành động chống lại phán đoán của lương tâm đã được đào tạo đúng đắn của mình là điều sai lạc về mặt luân lý. Tương ứng với bổn phận luân lý không được hành động chống lại phán đoán của chính lương tâm mình, dù nó sai lầm một cách không cưỡng lại được, là quyền của ngôi vị không bao giờ bị bất cứ ai ép buộc phải hành động chống lại chính lương tâm của mình, nhất là trong các vấn đề tôn giáo. Các thẩm quyền dân sự có nghĩa vụ tương ứng phải tôn trọng và làm người khác phải tôn trọng quyền căn bản này trong các giới hạn chính đáng của thiện ích chung.

41. Quyền không bị buộc phải hành động chống lại chính lương tâm của mình là hoàn toàn hài hòa với niềm tin Kitô giáo, một niềm tin vốn cho rằng việc thống thuộc tôn giáo, trong yếu tính, vốn được xác định bởi một thái độ, đức tin, mà, tự bản chất, không thể không được tự do. Sự nhấn mạnh của Kitô giáo vào quyền tự do không thể miễn chước của hành vi đức tin có lẽ đã đóng một vai trò hàng đầu trong diễn trình giải phóng lịch sử cá nhân trong thời đầu hiện đại. "Sự vâng phục đức tin" (Rm 1:5) là việc gắn bó tự do của con người vào kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, Đấng, nhờ Chúa Kitô và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, mời gọi mọi người bước vào mầu nhiệm Hiệp thông Ba Ngôi. Hành động đức tin là hành động nhờ đó, "con người trao phó hoàn toàn và tự do vào tay Thiên Chúa [...] trong một sự qui phục tự nguyện đối với sự mặc khải mà Người đã thực hiện" [36]. Do đó, bất chấp các tác phong lịch sử của các Kitô hữu mâu thuẫn nghiêm trọng với học lý bất biến [37], Giáo hội biết rằng Thiên Chúa tôn trọng tự do hành động của con người và việc lồng họ vào diễn trình sống và diễn trình lịch sử. Khi bảo vệ sự tự do của hành vi đức tin, Giáo hội cung ứng cho mọi người một chứng từ cao cả: nếu đúng là tự do phát triển cùng với sự thật, thì điều cũng rõ ràng là sự thật cần một bầu khí tự do để triển nở (xin xem Ga 8:32).

42. Thực thế, nghĩ cho kỹ, tự do đức tin là mô hình cao quí nhất người ta có thể quan niệm cho phẩm giá con người. Trong khuôn khổ này, người ta hiểu Giáo hội diễn giải sứ mệnh căn bản của mình theo nghĩa cứu chuộc tự do khỏi quyền lực của tội lỗi và sự ác, những điều muốn thuyết phục tạo vật tin mình không thể được Thiên Chúa yêu thương. Sự nghi ngờ mà con rắn quỉ quái muốn nói xa gần được sách Sáng thế đề cập (xem St 3), đã giam hãm con người trong ý nghĩ thù địch Thiên Chúa cách bí mật. Sự làm sai lạc hình ảnh của Thiên Chúa này tạo ra xung đột giữa các hữu thể nhân bản, bóp nghẹt tự do, phá hủy các mối liên hệ. Hình ảnh chuyên chế về Thiên Chúa, do sự lừa dối của kẻ ác nói bóng gió, được phản ánh trong mọi mối liên hệ nhân bản (bắt đầu từ mối liên hệ giữa đàn ông và đàn bà) và phát sinh ra một lịch sử bạo lực và khuất phục, dẫn đến sự xuống cấp của phẩm giá bản vị và sự thoái hóa của mối liên kết xã hội [38]. Học thuyết xã hội của Giáo hội minh nhiên quả quyết rằng trung tâm và nguồn gốc của trật tự chính trị và xã hội chỉ có thể là phẩm giá của nhân vị, được khắc ghi dưới hình thức tự do [39]. Đây là một nguyên tắc tuyệt đối, vô điều kiện. Cách tiếp cận này qui tụ, ở điểm này, với một nguyên tắc được mọi người chấp nhận do tính hiện đại triết học và chính trị: nhân vị không bao giờ có thể bị coi chỉ như một phương tiện, nhưng như một cùng đích [40].

Kỳ tới: 4. Quyền của các cộng đồng được hưởng tự do tôn giáo
 
Chuyện vui mới nhất: Sau sự cố đập tay một bà, ĐGH hôn má một nữ tu sau khi sơ ấy hứa sẽ không cắn!
Trần Mạnh Trác
10:06 08/01/2020
(Tin Reuters, Ngày 8 tháng 1 năm 2020, 6 giờ sáng, giờ GMT)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hôn má một nữ tu sau khi nói đùa với Sơ ấy rằng "Cha sợ bị cắn lắm! Cha sẽ cho con một cái hôn nhưng con phải bình tĩnh. Đừng có cắn!"


VATICAN - Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mới đây đã giận dữ đập vào tay một phụ nữ khi bà ấy lôi kéo ngài, ngày thứ Tư vừa qua đã có một phản ứng nhẹ nhàng hơn và điển hình với phong cách của ngài hơn khi một nữ tu xin ngài một cái hôn. Ngài nói đồng ý, với điều kiện là Sơ ấy phải hứa sẽ không cắn.



Cuộc trao đổi nhẹ nhàng đã diễn ra vào lúc bắt đầu cuộc tiếp kiến chung hàng tuần. Khi ngài đi vào hội trường lớn, qua dãy người đang đứng đợi, một nữ tu đã hào hứng xin ngài một cái hôn, Sơ ấy hét lên bằng tiếng Ý "Bacio, Papa!" (Xin một cái hôn, Đức Thánh Cha!)

Đức Phanxicô trả lời: "Ồ, (nhưng) Sơ cắn!", Khiến mọi người đứng gần cười rộ.

Sau đó, ĐGH Phanxicô nói đùa: "Hãy bình tĩnh nhé! Cha sẽ cho con một nụ hôn nhưng con phải bình tĩnh. Đừng cắn!"

Người nữ tu nhỏ bé hứa "Si" (Vâng). Rồi ĐGH đã hôn lên má phải cuả Sơ ấy, khiến cho Sơ ấy trở nên ngây ngất hơn trước và nhảy lên nhảy xuống "Grazie, Papa". (Cảm ơn, ĐTC).

Nhắc lại vào đêm giao thừa, Đức GH Phanxicô, 83 tuổi, đã giận dữ đập vào tay một phụ nữ sau khi bà ta lôi ngài về phía bà tại quảng trường Thánh Phêrô.

Đoạn video về vụ việc đó đã lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội và ngày hôm sau, ĐGH đã xin lỗi, nói rằng ngài đã nêu ra một cái gương tồi tệ.

Đức Phanxicô, khác với các vị tiền nhiệm, thường rất thân mật với những người tới dự trong các sự kiện công cộng, như dừng lại để hôn các em bé, ban phép lành cho những người khuyết tật và bắt tay với hàng trăm người tới gần.

Nhưng có lần ngài đã cau mày không cho phép người ta hôn tay ngài trong một số sự kiện lớn, nói rằng ngài không muốn cử chỉ tôn kính đó làm lây lan vi trùng.

Sự cố đập tay một người vào tháng trước là một sự cố đặc biệt. Tương tự như trước đây vài năm, Đức Phanxicô đã la rầy một người phụ nữ thái quá, đã kéo ngài quá mạnh đến nỗi ngài suýt ngã vào một người ngồi xe lăn.

(Báo cáo của Philip Pullella, Biên tập do William Maclean)
 
Đức Phanxicô và các trận hoả hoạn ở Úc: tôi gần gũi với nhân dân Úc
Vũ Văn An
16:06 08/01/2020
Theo Vatican News, trong buổi yết kiến chung hôm Thứ Tư, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kêu gọi cầu nguyện cho Nước Úc đang tranh đấu chống các trận hỏa họan khủng khiếp.



Thực vậy, ngài xin mọi người "cầu cùng Chúa giúp nhân dân [Úc] trong thời buổi khó khăn này". Nói với các khách hành ương Úc tại buỗi Yết kiến, Đức Phanxicô nhấn mạnh "tôi gần gũi với nhân dân Úc".

Các trận cháy lớn đã bùng phát khắp nước Úc, với hơn 10.3 triệu mẫu Tây (25.5 triệu mẫu Anh) đất bị cháy trong mấy tuần lễ qua. HƠn 20 người thiệt mạng trong các trận hỏa hoạn này.

Nhà cầm quyền cảnh cáo nhiều trận hỏa hoạn sắp tới

Các nhà cầm quyền Úc cảnh cáo người dân hôm Thứ Tư phải chuẩn bị đối với đợt di tản mới khi nhiệt độ tại vùng Đông Nam xứ sở lên cao sau một số ngày mát mẻ, đem lại nguy cơ sẽ có những trận hỏa hoạn mới.

Các nhân viên cứu hỏa đang sử dụng thời gian không nóng lực và gió mạnh lắm này để tăng cường các đường ngăn chặn quanh các đám cháy lớn, trong khi các nhân viên quân sự tiếp tục các cố gắng của họ nhằm cung ứng tiếp tế cho hàng ngàn người hiện không còn nhà ở.

Giữa các cố gắng phục hồi trên, các nhà cầm quyền tiên đoán đợt mới của nhiệt độ lên cao vào thứ Sáu này, với thật ít mưa rơi, và nguy cơ có những đợt cháy lớn bùng phát.

Đáp ứng của Giáo Hội Úc

Đầu tuần này, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, đã ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu" diễn ra cho đất nước. Giống Đức Giáo Hoàng, ngài cũng kêu gọi mọi người cầu nguyện: "Một đáp ứng có tính Công Giáo chân chính đối với một cuộc khủng khoảng cỡ này phải rút sức mạnh từ lời cầu nguyện, một lời cầu nguyện sẽ linh hứng cho ta đưa ra hành động cụ thể và đầy cảm thương".

Đức Tổng Giám Mục Coleridge tuyên bố rằng Hội đồng Giám mục Úc đang soạn một đáp ứng toàn quốc đối với các trận hỏa hoạn, bao gồm việc giúp đỡ các người bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, hợp tác với các cơ quan trợ giúp, và sẽ có cuộc quyên tiền đặc biệt vào cuối tuần này.

Ngài nói: "Với những chi rễ rộng và sâu khắp quốc gia, Giáo Hội sẵn sàng cùng bước đi bên cạnh nhân dân suốt trong hành trình phục hồi của họ"

 
Nhận định bất ngờ của Kitô hữu địa phương truớc cuộc tấn công của Iran vào quân đội Mỹ tại Iraq
Đặng Tự Do
16:46 08/01/2020
Peter BetBasoo, chủ biên của Assyrian International News Agency, gọi tắt AINA nói với chúng tôi rằng:

“Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi. Nếu chiến tranh xảy ra thật sự, tình hình sẽ rất là khó khăn.”

Tuy nhiên, ký giả này hy vọng rằng cuộc tấn công của Iran vào quân đội Mỹ đồn trú tại Iraq không có ý muốn khai mở chiến tranh nhưng là muốn tạo điều kiện để cả hai bên xuống thang trong danh dự.

Theo anh, cái gọi là “cuộc trả thù đích đáng” của người Hồi giáo Iran trước cái chết của tướng Qassem Suleimani, bằng hai đợt tấn công hỏa tiễn tầm ngắn vào các căn cứ ở Iraq, chỉ có tính biểu tượng.

Các tên lửa được phóng vào khoảng 1:30 giờ sáng theo giờ địa phương, gần như cùng vào một thời điểm với cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết Suleimani vào sáng thứ Sáu tuần qua.

Các cố vấn an ninh hàng đầu của Iran cũng đã bắt chước tổng thống Trump tweet những bức ảnh lá cờ của Iran trước và trong khi cuộc tấn công diễn ra. Tổng thống Trump cũng đã làm như thế trong cuộc không kích giết chết tướng Suleimani.

Video về các tên lửa được phóng lên bầu trời đã được chuyển cho các phương tiện truyền thông Iran nhằm mục đích tuyên truyền.

Các phương tiện truyền thông Iran tuyên truyền với dân chúng họ rằng ít nhất 80 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng. Trong khi Hoa Kỳ, và các nước khác trong Liên Quân, cho biết không có thương vong.

Đạo trưởng Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, nói vụ tấn công bằng hoả tiễn sáng thứ Tư là “một cú tát vào mặt Hoa Kỳ”.

Nhưng theo Peter, những luận điệu này chỉ có tính chất “tâm lý chiến”. Thực tế, các cuộc tấn công dường như đã được tính toán cẩn thận để tránh tối đa thương vong cho đối phương. Thậm chí, tài khoản Twitter của thủ tướng Iraq, Adel Abdul Mahdi, đã đưa ra một tuyên bố nói rằng ông đã được báo trước qua một tin nhắn bằng lời nói từ phía Iran ngay sau nửa đêm nói rằng phản ứng của họ đối với vụ ám sát Qassem Soleimani đã bắt đầu, hoặc sẽ bắt đầu ngay sau đó, và sẽ giới hạn trong phạm vi quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại Iraq.

Ngoại trưởng Iran nói rằng “các cuộc tấn công đã kết thúc” và mô tả chúng là một phản ứng tự vệ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế - chứ không phải là phát súng đầu tiên khởi sự một cuộc chiến.

Tổng thống Trump, trong những bình luận đầu tiên của mình sau các cuộc tấn công, cũng đã tìm cách đánh giá thấp các cuộc tấn công này.

Peter nói anh cầu nguyện rằng hai bên sẽ dùng cuộc tấn công này như một cách để xuống thang trong danh dự.

Trong khi đó, các cơ quan thông tấn nhà nước Iran cho biết rằng ít nhất 50 người chết và hơn 200 người bị thương trong vụ giẫm đạp lên nhau tại tang lễ tướng Soleimani.

Trong một diễn biến khác, một chiếc máy bay chở khách đi từ Tehran đến thủ đô Kiev của Ukraine đã bị rơi vài phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế chính của thủ đô Tehran, làm 176 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, là ông Gulym Prystaiko, cho biết nạn nhân của vụ tai nạn bao gồm 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, bốn người Afghanistan, ba người Đức và ba người Anh.

Máy bay bị rơi chỉ năm phút sau khi cất cánh có lẽ là do vấn đề kỹ thuật và dường như không liên quan đến cuộc tranh chấp giữa Iran và Hoa Kỳ.
 
ĐGH phân ưu vụ máy bay rớt tại Iran làm 176 ngưới thiệt mạng
Trần Mạnh Trác
17:33 08/01/2020
ĐGH Phanxicô đã gửi điện phân ưu sau khi một chiếc máy bay thương mại cuả Ukraine bị rớt tại Iran sau khi cất cánh từ phi trường Imam Khomeni ở Tehran để đi tới Kyiv, làm 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Phần đông hành khách là người Iran và Canada.

Bức điện thư do Quốc Vụ Khanh Hồng Y Pietro Parolin ký. Trong thư Đức Giáo Hoàng “phó thác các linh hồn cho tình thương xót của Đấng toàn năng, và Ngài gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của những người đã bị mất.”

Đức Giáo Hoàng cũng xin Chúa ban sức mạnh và sự an bình cho những người đang bị ảnh hưởng bởi bởi sự bi thương này.

Những gì chúng ta biết được cho đến nay về vụ tai nạn máy bay ở Iran đêm qua thì còn rất bí ẩn,

Người ta được biết là vào sáng sớm ngày thứ Tư, một chiếc máy bay phản lực của Ukraine International Airlines đi đến Kyiv đã bị rơi ngay sau khi cất cánh từ Tehran, Iran. Vụ việc xảy ra vào một thời điểm đặc biệt căng thẳng, chỉ vài giờ sau khi Iran bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự cuả Mỹ để trả thù cho việc giết chết Qassem Soleimani.

Chiếc máy bay là một chiếc Boeing 737-800 đã rơi xuống một cánh đồng chỉ vài phút sau khi cất cánh. Ukraine International Airlines cho biết rằng máy bay cuả họ đã bay lên bình thường và vào lúc 2.5 phút thì đã đạt được độ cao khoảng 7.800 feet (2.4 km) với tốc độ hơn 300 dặm một giờ, nhưng đã đột ngột không phát ra dữ liệu về chuyến bay nữa. Phi công cũng không liên lạc với đài không lưu để báo cáo bất kỳ vấn đề nào, và máy bay cũng mất kết nối với tháp điều khiển địa phương (cuả Iran).

Một video cuả Cơ quan Thông tấn xã do Sinh viên cuả nhà Nước Iran đã ghi được tai nạn cho thấy chiếc máy bay bốc cháy lúc rơi xuống và sau đó nổ lớn khi chạm đất.

Tất cả 167 hành khách, 82 người Iran, 63 người Canada, hai người Ukraine, 10 người Thụy Điển, bốn người Afghanistan, ba người Đức và ba người Anh cùng với chín thành viên phi hành đoàn Ukraine đã chết trong tai nạn. Có ít nhất 25 trẻ em , 16 dưới 10 tuổi và hai cặp vợ chồng mới cưới.

Số nạn nhân lớn từ Canada làm cho đây là một thảm họa giao thông tồi tệ nhất cuả quốc gia kể từ năm 1985 , khi một máy bay phản lực của Air India bị ném bom.

Người ta chưa rõ nguyên nhân của vụ tai nạn là gì. Đã có một loạt các lý thuyết mâu thuẫn nhau, và nhưng dường như không ai có câu trả lời dứt khoát.

Tin tức từ nhà nước Iran đã đổ lỗi tai nạn là việc động cơ bị cháy. Tuy nhiên, những chuyên gia về hàng không cho rằng một chiếc máy bay vẫn có thể bay được ngay cả khi một động cơ bị hỏng và hiếm khi động cơ bị hỏng gây ra sự cố nào khác cho các bộ phận khác (như mất liên lạc truyền tin). Đại sứ quán cuả Ukraine tại Iran lúc ban đầu cũng cho rằng kỹ thuật là nguyên nhân, nhưng ngay sau đó đã rút lại lời tuyên bố.

Một số người suy đoán rằng tai nạn có thể liên quan đến cuộc tấn công tên lửa của Iran xảy ra vài giờ trước đó. Iran đã bắn hơn một chục tên lửa đạn đạo vào sáng sớm thứ Tư tới hai căn cứ quân sự cuả Mỹ ở Iraq. Cuộc tấn công là một nỗ lực để trả đũa việc giết chết Soleimani, mặc dù không gây thương vong hay thương tích. Trong quá khứ đã có các máy bay thương mại bị hư hại trong các khu vực xung đột: Năm 2014, một tên lửa do Nga sản xuất đã đâm vào chuyến bay của Malaysia Airlines bay qua Ukraine, làm 298 hành khách chết.

Chính phủ Iran đã chối bỏ các tên lửa của họ đã bắn phải chiếc máy bay này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi công chúng không suy đoán về nguyên nhân cho đến khi có thêm bằng chứng công khai. Mặc dù thời điểm có thể đáng ngờ, hiện tại không có bằng chứng đáng kể nào liên quan giữa việc bắn tên lửa với vụ tai nạn.

Hãng hàng không quốc tế Ukraine đã tuyên bố thêm rằng ba phi công cuả họ là rất giàu kinh nghiệm và phi hành đoàn cũng không xa lạ với loại Boeing 737, vì vậy khả năng gây ra lỗi do con người là không thể, đặc biệt là khi máy bay đã bay lên bình thường.

Cuộc xung đột leo thang giữa Iran và Mỹ sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực điều tra tai nạn. Trong trường hợp bình thường , nhà sản xuất máy bay và các quan chức của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ và cuả Ukraine sẽ đến hiện trường để hỗ trợ điều tra. Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra thảm kịch, Iran đã báo hiệu rằng họ không quan tâm đến việc hợp tác và tuyên bố rằng họ sẽ không bàn giao máy ghi âm (hộp đen) cho Boeing và Tổ chức Hàng không Dân dụng của Iran sẽ chịu trách nhiệm phân tích nội dung. Chính phủ Ukraine có kế hoạch gửi tới một nhóm cứu hộ để xác định thi thể của những người thiệt mạng và Hoa Kỳ cũng đề nghị giúp đỡ Ukraine và kêu gọi hợp tác quốc tế trong vấn đề này.

Riêng tại Canada, chính quyền Canada cho biết trong số người Canada bị tử nạn có nhiều du học sinh và một gia đình 4 người.

Thủ tướng Justin Trudeau đã lên tiếng kêu gọi Iran hợp tác để điều tra như sau:

"Thay mặt chính phủ Canada, Sophie và tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất của chúng tôi cho những người đã mất gia đình, bạn bè, và những người thân yêu trong thảm kịch này," Trudeau cho biết trong một tuyên bố. "Chính phủ của chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc tế của mình để đảm bảo rằng tai nạn này được điều tra triệt để, và rằng câu hỏi của người Canada được trả lời."

Nhận được câu trả lời từ Iran có thể là rất khó khăn vì Canada đã đóng cửa đại sứ quán của mình và đình chỉ quan hệ ngoại giao với Iran trong năm 2012.
 
Văn hóa vứt bỏ hết khôn dồn đến dại: Sửa lời bài hát thiếu nhi để thóa mạ người già trên TV. Biểu tình lớn tại Đức
Đặng Tự Do
18:12 08/01/2020
Biểu tình nổ ra dữ dội tại Đức để phản đối phiên bản châm biếm của một bài hát thiếu nhi được phát trên đài truyền hình quốc gia ngay sau lễ Giáng Sinh. Bài hát chế giễu các thói quen không thân thiện với môi trường của một người bà hư cấu đã đánh mạnh vào sự khác biệt giữa các thế hệ tại Đức.

Hầu hết trẻ em Đức ở tuổi mầm non đều quen thuộc với một bài hát thiếu nhi về Oma, tức là bà nội hay bà ngoại trong gia đình. Bài hát này có tựa đề “Meine Oma fährt im Hühnerstall Motorrad”, nghĩa là “Bà tôi đi xe máy trong sân nuôi gà.”

Mỗi phiên khúc trong bài hát kể về những cuộc phiêu lưu kỳ thú của một người bà kết thúc bằng một điệp khúc: “Bà tôi thực là một người phụ nữ khéo léo”.

Nhưng ngay sau ngày Giáng sinh, đài truyền thanh truyền hình Tây Đức có trụ sở ở Köln, gọi tắt là WDR, đã tung ra một video trong đó một ca đoàn thiếu nhi đã hát một phiên bản hài hước mới của bài hát này. Bài hát được đổi tên thành “Meine Oma ist ein altes Umweltschwein”, nghĩa là “Bà tôi là một con heo môi trường già nua.” Trong đó có những câu đầy xúc phạm như bà tôi có chiếc xe máy đốt một nghìn lít xăng mỗi tháng, và ăn những miếng thịt heo tạo ra bao nhiêu hiệu ứng khí thải nhà kính hàng ngày vì thịt từ siêu thị giảm giá rất rẻ.

Đoạn phim sau đó kết thúc với một trích dẫn từ một thiếu nhi hoạt động môi trường tên là Greta Thunberg của nhóm “Những ngày Thứ Sáu cho Tương lai”: “Chúng tôi sẽ không để bà làm như thế đâu”.

Nhưng sau khi đài truyền hình cho chiếu video này và đưa lên Facebook, chỉ trong một ngày trang Facebook này đã thu được khoảng 40,000 lời bình luận bày tỏ sự kinh ngạc, thất vọng và phẫn nộ. WDR đã xóa video này khỏi trang Facebook của mình.

Dưới hashtag #Omagate, màn trình diễn này đã gây ra sự phẫn nộ trên phương tiện truyền thông xã hội và tái hiện cuộc chiến văn hóa sôi nổi ở Đức giữa thế hệ Boomers, những người sinh trong khoảng 1946 đến 1960, và Thế hệ Z, tức là thế hệ đương đại.

Những nỗ lực của chính phủ Đức trong việc chống biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng trong những tháng gần đây; trong đó nhóm “Những ngày Thứ Sáu cho Tương lai” bày tỏ sự khinh miệt và hằn học đối với những người già và kết án họ đã không hành động, hay đã thất bại trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Armin Laschet, thống đốc bang North Rhine-Westphalia, nhận xét rằng cuộc tranh luận về bảo vệ khí hậu đang ngày càng được một số người lèo lái thành một cuộc xung đột thế hệ.

Wolfgang Kubicki, phó chủ tịch Quốc Hội Liên bang Đức, nhận xét rằng dàn hợp xướng thiếu nhi đã bị lạm dụng cho các mục đích đề cao các ý thức hệ quá khích theo cùng một cách thức chế độ cộng sản Đông Đức đã từng thực hiện.

Trong ảnh này là một thiếu nữ trong một cuộc biểu tình về bảo vệ môi trường tại Munich ngày 20 tháng 9 năm ngoái với sự tham dự của 1.4 triệu người ở Đức. Miếng giấy dán trên đầu cô có 3 chữ bị gạch đi là könnte, hätte, wollte , nghĩa là có thể, có lẽ sẽ, mong muốn; chỉ còn lại một chữ cuối cùng là Machen!, nghĩa là “Làm đi”. Ý cô là muốn thúc giục phải có ngay hành động chứ đừng bàn cãi nhưng nhị gì cả.

Phản ứng dữ dội

Những người già và cả những người trẻ hơn cũng như một nhóm những người biểu tình mặc áo đen liên kết với các đảng phái ở miền tây nước Đức đã nhanh chóng phản kháng trước trụ sở của đài truyền hình ở Köln.

Cũng có những người khác biểu tình nhằm bảo vệ đài WDR sau khi xe hơi của một ký giả bị đốt trong sân đậu xe ở chung cư nơi ông cư ngụ vào đúng đên Giao Thừa. Chiếc xe bị hư hại hoàn toàn, hai chiếc xe khác kế bên cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong khi đó, WDR đã đề nghị chính phủ bảo vệ các nhà báo, những người thực sự đã nhận được những lời dọa giết về vấn đề này.

Tờ Spiegel Online tường thuật: “Bài hát của những đứa trẻ đã đến các lời dọa giết. Phản ứng về bài hát thiếu nhi này cho thấy sự phẫn nộ lên đến mức nào. Các lực lượng chính trị đã được huy động rất nhanh.”

Trong một nỗ lực làm giảm bớt sự phẫn nộ, Tom Buhrow, giám đốc WDR, nói ông xin lỗi về bài hát này “không có nhưng nghị gì cả.”

Tự do ý kiến?

Liên minh các nhà báo của Đức, gọi tắt là DJV, thì lại nói rằng WDR không cần xin lỗi. Họ cho rằng quyền châm biếm phải được bảo vệ như một phần của quyền tự do ngôn luận.

Trong khi đó, người đứng đầu dàn hợp xướng WDR cho rằng cô ta bị bất ngờ trước những lời chỉ trích. Cô ta thanh minh rằng “Oma, người bà trong bài hát này là tất cả chúng ta”. Đối với nhiều người, đó chỉ là một lời sáo rỗng.

Một nhà hoạt động nhân quyền sinh năm 1945 tweet rằng “Chúng tôi đang phải sống một cuộc sống không có ngày mai”. Bà nhắc nhở độc giả của mình rằng các thế hệ cũ đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm sau chiến tranh. “Nhưng điều này đã không xảy ra với giá phải trả của thế hệ tiếp theo. Chúng tôi cần phải được tôn trọng.”

Sau những trào lưu an tử và trợ tử, mà trong nhiều trường hợp thực tế là bức tử, việc sử dụng quyền tự do ngôn luận để xúc phạm người già là một biểu hiện rất cụ thể khác của nền văn hóa vứt bỏ thường được Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo.

Sau khi nhắc lại sách Huấn Ca “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu”, tờ Tagestpost của Công Giáo Đức, nhận xét rằng “Châm biếm chỉ tốt nếu nó dám chống lại cường quyền.”

“Có những vấn đề cần được đặt ra khi châm biếm. Những lời châm biếm phải dám giễu cợt, phải dám lôi kéo ai đó ra khỏi chiếc bệ của người ấy. Và đó là lý do tại sao, nếu nghĩ đúng như thế, thì cũng có một sự châm biếm lành mạnh, trong đó chúng ta thực sự chỉ cười nhạo những kẻ cường quyền, chống lại ‘những kẻ trên cao’. Còn những kẻ nhạo báng những người đã yếu thế thì không xứng đáng được gọi là những người có lòng can đảm.”

“Những lời châm biếm trên truyền hình công cộng ở Cộng hòa Liên bang của chúng ta rất thường không phải là thứ dám chế nhạo ‘những kẻ trên cao’, nhưng được ‘những kẻ trên cao’ đó ra lệnh.”


Source:Tagestpost
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Sự Hình Thành & Phát Triển của 5 Giáo Họ: Yên Hội, Kẻ Mây , Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền. ĐP Hà Tĩnh. 9.1.2020
Lm Francis Lý văn Ca
06:06 08/01/2020
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NĂM GIÁO HỌ:

Yên Hội, Kẻ Mây (nay gọi là Vĩnh Hội), Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền

Trực Thuộc Giáo Xứ Mẹ Vĩnh Hội, Giáo Phận Hà Tĩnh.

Lời Tựa:

Trong bài 1 đã được đăng tải trước, chúng tôi đã trình bài về Giáo Xứ (GX) Vĩnh Hội là GX Mẹ của các Giáo Họ (GH) Yên Hội, Kẻ Mây (nay gọi là Vĩnh Hội), Yên Thịnh, Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền.

Trong khuôn khổ của bài viết kế tiếp nầy, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày sự “Hình Thành và Phát Triển của 5 GH thuộc GX Mẹ Vĩnh Hội.

Sự hình thành và phát triển của 5 GH nầy đang rất cần những bàn tay từ ái của nhiều người từ khắp nơi. Cha Chính Xứ Phêrô, rất năng động đi khắp nơi trong cả nước và ra hải ngoại nữa, nhưng nhu cầu của GX chính Vĩnh Hội còn đang dở dang và những nhu cầu của ‘5 Giáo Họ Con’ cần rất nhiều thời gian trong tương lai cần sự trợ giúp của rất nhiều ‘Ân Nhân Xa Gần’ mới có thể hoàn thành được.

Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi bài viết về 5 Giáo Họ nầy…

1. Giáo họ Yên Hội:

Được thành lập vào năm 1957, cơ sở vật chất buổi đầu đang còn rất thô sơ. Năm (1960-1973) bị bom mỹ phá hoại, năm 1974 làm lại nhà thờ tạm, đến năm 2001 do Cha Gioan Trần Minh Cẩn chủ trì sửa lại bằng nhà thờ xây cho đến nay.

Với vị trí địa lý thấp trũng, nên hằng năm chịu sự ảnh hưởng của lũ lụt, thiên tai.

Nay đã có đất đai và san ủi mặt bằng xong để di chuyển nhà thờ lên cao.

Tổng số hộ hiện nay là 47 hộ bao gồm cả Hòa Duyệt, có 209 nhân danh.

Giáo họ nhận Thánh Anton Padova làm quan thầy.

2. Giáo họ Kẻ Mân nay là họ Vĩnh Hội:

Thành lập trước năm 1919 và là họ trị sở của giáo xứ, đồng thời cũng là nhà thờ của giáo xứ. Qua nhiều lần di chuyển, hiện nay năm 2017 nhà thờ đã ở vị trí cao không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 113 hộ, có 449 nhân danh.

Giáo họ nhận Thánh Phê-rô làm quan thầy.

3. Giáo họ Yên Thịnh:

Được thành lập vào năm 1937. Buổi đầu thành lập đang còn rất thô sơ, qua nhiều lần di chuyển và làm lại nhà thờ. Đến nay 2017 đã có nhà thờ xây kiên cố, nhà phòng khuôn viên tường rào đầy đủ không bị ngập lụt.

Tổng số hộ của giáo họ là 52 có 190 nhân danh.

Giáo họ nhận thánh Giu-se Thợ làm quan thầy.

4. Giáo họ Vĩnh Sơn:

Được thành lập năm 2003, ngày đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn ngăn trở, cho đến nay năm 2017 đã có nhà thờ xây, khuôn viên nhà phòng không bị ngập lụt hằng năm. Tổng số hộ là 27 hộ, số nhân danh là 104.

Giáo họ nhận Thánh Gioan Baotixita làm quan thầy.

5. Giáo họ Vĩnh Điền: hội tụ năm 1993, là một giáo họ thuộc vùng sâu vùng xa, đến năm 2003 mới được chính thức lập họ và đặt tên là Vĩnh Điền, do Cha Gioan Trần Thanh Đạt.

Đến năm 2013 chuyển vị trí ở của toàn giáo họ đi nơi khác về vị trí mới đang còn rất khó khăn, đến nay năm 2017 mới có đất đai. Đã san ủi mặt bằng và có nhà thờ tạm không bị ngập lụt. Tổng số hộ của giáo họ là 28, có 98 nhân danh.

Giáo họ nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.

Linh mục quản nhiệm và kiêm nhiệm qua các thời kỳ

Tt Họ tên Quê quán Vai trò Thời gian

1 Cha Jb. Nguyễn Liên Thành lập giáo xứ 1919

2 Cha Phêrô Phúc Quản xứ 1921-1924

3 Cha Hoan

4 Cha Tính

5 Cha Tuần

6 Cha Hữu

7 Cha Chân

8 Cha An Phụ trách 1954

9 Cha Gb. Trương Văn Tạo - Thổ Hoàng Quản xứ 1957-1973

10 Cha Bang - Phụ trách

11 Cha Giuse Võ Văn Thìn - Bột Đà Phụ trách 1976-1994

12 Cha Gio-an Trần Minh Cẩn - Thanh Dạ Phụ trách 1994-2002

13 Cha Phê-rô Hồ Đức Hân - Thổ Hoàng Nghỉ hưu 1980-1982

14 Cha Gioanbaotixita Trần Thanh Đạt - Thuận Nghĩa Quản xứ 2002-2004

15 Cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu- Nghi Lộc Quản xứ 2005-2010

16 Cha Phê-rô Nguyễn Huy Lưu Nhượng Bạn Quản xứ Từ 2010 cho tới nay

Danh sách các Cha An nghỉ nơi Giáo xứ

Tt Họ tên Sinh Mất

1 Jb. Nguyễn Liên 1864 - 1945

2 Gioan Trương Văn Tạo 1889 - 1973

3 Phê-rô Hồ Đức Hân 1882 - 1982

4 Jb. Malo 1899 - 1955

Danh sách các hội đoàn:

1. Hội Mân Côi

2. Hội Lòng thương Xót Chúa

3. Hội Thiếu Nhi Thánh Thể

Danh sách các trùm xứ qua các thờ kỳ:

Họ tên:

Trước không rõ

1. Cố Phê-rô Nguyễn Thông 10. Phê-rô Tràn Văn Hậu

2. Cố Phê-rô Nguyễn Văn Ba 11. Phê-rô Nguyễn Văn Khôi

3. Cố Phê-rô Lập 12. Phê-rô Nguyễn Văn Niên

4. Cố Phê-rô Phan Linh 13. Phê-rô Nguyễn Văn Lục

5. Phê-rô Nguyễn Hiển 14. Phê-rô Nguyễn Văn Phương

6. Lê Trọng Quyền 15. Gioan Nguyễn Văn Hà

7. Nguyễn Văn Trung 16. Phê-rô Nguyễn Văn Trúc

8. Phê-rô Trần Đường (Liên) 17. Phê-rô Trần Văn Trúc

9. Cố Phê-rô Nguyễn Xin (Hứa) 18. Phê-rô Nguyễn Văn Mân

Các Tu sĩ con cái trong giáo xứ:

Tt Họ tên Giáo họ Ghi chú



1 Gioan Nguyễn Văn Năng - Vĩnh Hội - Đang học tại ĐCV

2 G.b Trần Viết Đồng - Vĩnh Sơn - Đang học tại TCV

3 Maria Nguyễn Thị Tuyết - Vĩnh hội - Dòng TSBA Vinh

4 Phan Thị Hiền - Yên Hội - Đệ tử

5 Phan Thị Thảo - Yên Hội - Đệ tử

6 Trần Thị Trang - Yên Hội - Đệ tử

7 Nguyễn Thị Hiên - Vĩnh Hội - Đệ tử

8 Nguyễn Thị Trâm - Vĩnh Hội - Đệ tử

9 Giusu Nguyễn Văn Thắng - Yên Thịnh - Dòng An-tôn Padova

10 Trần Thị Trà - Yên Thịnh - Đệ tử

11 Trần Thị Tùng - Yên Thịnh - Đệ tử

Tổng số giáo dân trong xứ hiện nay: 1078 nhân danh

Tổng số hộ trong giáo xứ hiện nay: 277 hộ

Quan thầy của giáo xứ là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Các thành viên cộng tác:

1. Phê-rô Nguyễn Văn Phương (nguyên chủ tịch)

2. Phê-rô Nguyễn văn Khôi (nguyên chủ tịch)

3. Phê-rô Lê Hoàng Cảnh (nguyên phó xứ)

4. Giu-su Trần Văn Trường (nguyên giáo lý xứ)

5. Phê-rô Nguyễn Văn Hải (nguyên giáo lý họ)

Thay Lời Kết:

Trong bài viết kế tiếp, chúng tôi sẽ viết về Giáo Họ Vĩnh Điền, thuộc Giáo Xứ Mẹ Vĩnh Hội, do một sự may mắn ‘Tình Cờ’ nhưng đó là do sự ‘Quan Phòng-Diệu Kỳ’ của Thiên Chúa, ngày 21.1.2020 sắp tới, Đức Đương Kiêm Giám Mục GP Hà Tĩnh sẽ Làm Phép và Đặt Viên Đá Đầu Tiên, xây dựng Nguyện Đường, với Tước Hiệu là Thánh Phanxicô Xaviê, Quan Thầy của Giáo Họ, Nguyện Đường nầy được Dâng Kính-Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Kính mời Quý Đọc Giả theo dõi bài viết về Ngày Lễ Làm Phép-Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây cất Nguyện Đường nầy trong những ngày sắp tới.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Nhà chầu Thánh Thể bên trong một nhà thờ.
Nguyễn Trọng Đa
09:55 08/01/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giáo xứ của con, nhà chầu Thánh Thể nằm phía trái bàn thờ, và nhà tạm có thể được nhìn thấy cho khoảng một phần ba giáo dân ngồi ở ghế của họ. Như vậy, trong khi cầu nguyện ở ghế trước khi Thánh lễ bắt đầu, chúng con là đang cầu nguyện trước Thánh Thể không, thưa cha? - T. B., Courtenay, British Columbia, Canada.


Đáp: Các quy định liên quan đến vị trí của nhà tạm, được tìm thấy trong Quy Chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM), là:

“Nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa

“314. Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện. Thông thường thì chỉ có một nhà tạm, không thể di chuyển, làm bằng vật liệu cứng, chắc chắn, không trong suốt và phải được khóa kỹ để ngăn ngừa tối đa nguy cơ bị xúc phạm. Ngoài ra, nên làm phép đúng theo nghi thức trong Sách Nghi lễ Rôma: Sách các chúc lành, trước khi đem dùng trong phụng vụ.

“315. Vì tính cách dấu chỉ, tốt hơn là đừng đặt nhà tạm có Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh lễ. Vì thế, tùy theo quyết định của Giám mục giáo phận, nên đặt nhà tạm ở những vị trí sau đây:

“a) Hoặc ở trong cung thánh, ngoài bàn thờ dùng để cử hành Thánh lễ, theo hình dáng và vị trí thích hợp hơn, kể cả tại bàn thờ cũ không còn dùng để dâng Thánh lễ nữa (x. số 306);

“b) Hoặc ở trong một nhà nguyện nhỏ thích hợp để các tín hữu chầu và cầu nguyện riêng, nhà nguyện này phải nằm trong cấu trúc của nhà thờ và các Kitô hữu dễ dàng thấy được.

“316. Theo tập quán xưa nay, bên cạnh nhà tạm phải có một ngọn đèn luôn cháy sáng, bằng dầu hay sáp, để chỉ rõ và tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô.

“317. Cũng đừng quên những điều luật đã quy định liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh Chúa” (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Chúng tôi xin đưa thêm các chỉ dẫn của Huấn thị năm 2004 Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ):

“130. “Tùy theo cấu trúc của mỗi nhà thờ và theo thói quen chính đáng của mỗi địa phương, nên lưu giữ Mình Thánh Chúa trong một nhà tạm đặt trong một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.” Trước nhà tạm có một khoảng trống có thể xếp một số ghế dài hay ghế một, với bàn quỳ. Vả lại, phải chăm chú tuân theo tất cả những quy định của các sách phụng vụ và những quy tắc của giáo luật, đặc biệt nhằm mục đích tránh mọi nguy cơ xúc phạm” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Các hướng dẫn của tài liệu “Built of Living Stones, Được dựng xây từ các viên đá sống động”, của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng nêu ra chỉ dẫn hữu ích:

“Vị trí của Nhà tạm:

“§ 74. Có thể một số không gian là phù hợp cho việc lưu giữ Mình Thánh. Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM) nói rằng thật là thích hợp hơn là “đừng đặt nhà tạm có Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, nơi cử hành Thánh lễ.” Giám mục phải xác định nơi đâu đặt Nhà tạm và đưa ra thêm các hướng dẫn. Giám mục có thể quyết định rằng Nhà tạm được đặt trong cung thánh, tách rời bàn thờ cử hành Thánh lễ, hoặc trong một nhà nguyện riêng thích hợp cho việc chầu Thánh Thể, và cho tín hữu cầu nguyện riêng. Khi quyết định, Giám mục cần xem xét tầm quan trọng khả năng của cộng đoàn về tập trung vào hành động thờ lạy Thánh Thể, lòng mộ đạo của tín hữu, và phong tục của địa phương. Vị trí cũng nên cho phép người ngồi xe lăn và người khuyết tật khác dễ dàng tiếp cận được nữa.

“§ 75. Khi thực thi trách nhiệm của mình cho đời sống phụng vụ của giáo phận, Giám mục giáo phận có thể ban hành thêm các chỉ thị liên quan đến việc lưu giữ Mình Thánh. Trước khi các giáo xứ và các tư vấn phụng vụ của họ bắt đầu nội dung giáo dục và quá trình thảo luận, điều quan trọng là tất cả các người liên quan phải biết rõ các chỉ thị nào, hoặc hướng dẫn đặc biệt nào, mà Giám mục giáo phận đã công bố. Sự giao tiếp tốt ở giai đoạn đầu của quá trình sẽ giúp tránh nhầm lẫn hoặc xung đột giữa các kỳ vọng của giáo xứ, kinh nghiệm của nhà tư vấn và các chỉ thị giáo phận.

“§ 76. Cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, và ủy ban xây dựng nên kiểm tra các nguyên tắc nằm dưới mỗi sự lựa chọn ấy, xem xét các lợi thế phụng vụ của từng khả năng, và phản ánh về tập tục và lòng đạo của giáo dân. Nhiều văn phòng phượng tự giáo phận hỗ trợ giáo xứ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình nghiên cứu và thảo luận với giáo xứ. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà tư vấn phụng vụ có thể giúp đỡ nhiều cho giáo xứ.

“Nhà nguyện lưu giữ Mình Thánh

“§ 77. Giám mục giáo phận có thể chỉ đạo giáo xứ lưu giữ Mình Thánh trong một nhà nguyện tách biệt khỏi lòng nhà thờ và cung thánh, nhưng “nhà nguyện này phải nằm trong cấu trúc của nhà thờ và các Kitô hữu dễ dàng thấy được.” Vị trí và thiết kế nhà nguyện này có thể củng cố sự tôn kính, cung cấp sự yên tĩnh và sự tập trung cần thiết cho cầu nguyện cá nhân, và nó cần có ghế quỳ và ghế ngồi cho người đến cầu nguyện.

“§ 78. Một số giáo xứ đã khởi xướng việc chầu Thánh Thể liên tục. Nếu, vì một lý do tốt nào đó, sự đặt Mình Thánh cho việc chầu liên tục phải diễn ra trong một nhà thờ giáo xứ, Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã chỉ đạo rằng việc này phải diễn ra trong một nhà nguyện riêng biệt, 'tách biệt khỏi nhà thờ, sao cho không can thiệp vào các hoạt động bình thường của giáo xứ, hoặc việc cử hành phụng vụ hàng ngày'.

“Nhà tạm trong Cung thánh

“§ 79. Một khu vực đặc biệt có thể được thiết kế trong cung thánh. Cần lập kế hoạch cẩn thận, sao cho vị trí được chọn không thu hút sự chú ý của các tín hữu khi tham dự Thánh lễ, và không chú ý đến các thành phần của Nhà tạm ấy. Ngoài ra, vị trí phải cho phép người ta tập trung vào Nhà tạm cho các thời kỳ cầu nguyện thinh lặng, ngoài giờ tham dự Thánh lễ.

“§ 80. Thông thường, thật là hữu ích khi có một khoảng cách giữa Nhà tạm và Bàn thờ. Khi một Nhà tạm nằm trực tiếp ngay sau bàn thờ, cần cân nhắc việc sử dụng khoảng cách, ánh sáng, hoặc một số thiết bị kiến trúc khác, nhằm tách biệt Nhà tạm và khu vực lưu giữ Mình Thánh, nhưng cho phép Nhà tạm được nhìn thấy rõ ràng bởi cộng đoàn thờ phượng, khi phụng vụ Thánh Thể không được cử hành.”

Ngoài ra còn có các hướng dẫn được công bố dưới sự bảo trợ của Hội Đồng Giám Mục Canada, nhưng chúng không có sẵn ở đây. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng chúng là rất khác với các chỉ dẫn ở trên. Ngoài ra, như đã thấy rõ từ các tài liệu này, đây là một lĩnh vực mà ở đó Giám mục địa phương có thẩm quyền rộng rãi, và do đó có thể có một loạt các giải pháp địa phương hợp pháp.

Để giải quyết câu hỏi chính của bạn đọc, các tài liệu trên nói về nhà chầu Thánh Thể như “là được dính liền với nhà thờ và dễ thấy đối với giáo dân”, “là một nơi trang trọng xứng đáng, dễ thấy, có trang trí và thích hợp cho việc cầu nguyện.” Các điều kiện này phải được đáp ứng trong chừng mực như cấu trúc của nhà thờ cho phép.

Trong một số trường hợp, cấu trúc của một nhà thờ có thể có kết quả, như trong tòa nhà của bạn đọc nói, là rằng nhà tạm không thể nhìn thấy được cho toàn bộ cộng đoàn trong khi cử hành Thánh lễ. Tôi sẽ nói rằng nếu vị trí của nhà chầu Thánh Thể (khác biệt với chính nhà tạm) là dễ thấy cách hợp lý cho cộng đoàn, các điều kiện đã được đáp ứng rồi. Các tín hữu nào muốn cầu nguyện riêng tư trước khi Thánh lễ bắt đầu, hoặc tạ ơn Chúa sau Thánh lễ, họ có thể đến nhà chầu Thánh Thể cách đễ dàng để làm như vậy.

Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng ngay cả điều này là không thực sự cần thiết, vì các tín hữu biết rằng Thánh Thể hiện diện trong nhà thờ, và nơi đâu Thánh Thể Chúa được lưu giữ, họ có thể cầu nguyện với Chúa, ngay cả khi nhà tạm không được nhìn thấy ngay lập tức, do một số trở ngại được gây ra bởi cấu trúc của tòa nhà.

Mọi thứ có thể rõ ràng là sẽ khác đi, nếu nhà chầu Thánh Thể là hoàn toàn không được nhìn thấy chút nào, và vì thế không đáp ứng đủ các các điều kiện quy định ở trên. (Zenit.org 7-1-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/blessed-sacrament-chapels-inside-a-church/
 
Văn Hóa
Bác thằng Bần
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
23:55 08/01/2020
Những ngày cuối năm, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bên cạnh những tin liên quan đến thời sự, lương, thưởng Tết …; lại rộ lên những tin tức liên quan đến tiền bạc như bể hụi, đòi nợ, trốn nợ …. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu trung có thể nói đa phần vì lòng tham của con người. Trong kinh nhà Phật, tham đứng đầu trong tam độc “tham, sân, si” là những nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não và ưu tư cho con người.

Lòng tham khiến con người đầu tư hầu hết thời gian và tâm trí vào những việc để có thể đạt được danh vọng đồng thời tích lũy cho được thật nhiều tiền bạc, của cải vật chất. Lòng tham lam sẽ dẫn người đi xa đến mức sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn nào, cách thế nào để có thể vơ vét và gom hết về cho bản thân mình mọi thứ được coi là quí giá dưới mắt con người.

Tệ hơn nữa, vì muốn chiếm hữu hết mọi thứ nên khi đang lo chạy theo tiền của, người ta sẽ mù quáng đến mức quên mất cả sự an toàn cho bản thân mình. Để rồi đến một lúc nào đó không ngờ, họ sẽ bị rơi tỏm xuống vực thẳm của nó và có khi phải trả giá đắt bằng chính mạng sống mình. Ðúng như câu nói “tham thì thâm” rất chí lý mà ông bà ta đã để lại.

Đó thường là những người lười biếng, ngán ngại lao động; chỉ muốn ngồi mát ăn bát vàng, “gặt những thứ mà họ không bao giờ gieo”. Họ nghĩ rằng mình sẽ có thể kiếm tiền, làm giàu dễ dàng bằng chơi cờ bạc, cá độ, xổ số; và lao đầu vào những cuộc đen đỏ. Lúc đầu chỉ là mua một vài tờ vé số cầu may, nhưng rồi ngày càng nhiều hơn; cho đến lúc máu ăn thua nổi lên thì những hình thức cờ bạc bất hợp pháp bắt đầu lôi kéo họ.

Ngày nay có rất nhiều hình thức đánh bạc: người giàu có thể du lịch nước ngoài vào casino, đánh bài với máy, chơi games sử dụng tiền ảo nhưng lại chung chi bằng tiền thiệt, đá gà, cá độ trên mạng internet...; nhưng phổ biến và bình dân nhất là chơi số lô, số đề. Nhiều người cho rằng ngay từ khi nhà nước phát hành xổ sổ kiến thiết thì việc đánh bạc bằng hình thức chơi lô đề cũng đã xuất hiện. Nó đánh trúng tâm lý thích ăn thua đủ của dân ham mê cờ bạc và muốn làm giầu một cách nhanh chóng.

Không cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi tại nhà bấm điện thoại là người ta có thể ghi “đề”. Thiếu tiền ư? Đã có đội ngũ những “ngân hàng cột điện” sẵn sàng cho vay với “lãi suất 0%” và thủ tục tối giản! Tất cả những kịch bản này như những cái vòi bạch tuộc len lỏi vào mọi tầng lớp, mọi thành phần… khiến nhiều người (trong đó không ít những người Công Giáo chúng ta) mang nợ nần ngập đầu; tài sản và sự nghiệp tiêu tan, gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát.

Đã là con bạc tất nhiên phải “khát nước”, thắng thì họ nhất định muốn chơi tiếp để kiếm thêm, khi có người can ngăn thì họ nói rằng khi nào kiếm đủ thì sẽ thôi. Nhưng cuộc đời biết thế nào là đủ, biết lúc nào mới đáp ứng được cái lòng tham vô đáy của con người. Rồi lại có lúc thua, thua thì xót xa nhưng vẫn hậm hực muốn chơi tiếp để gỡ lại khoản tiền đã mất. Thế là họ cứ loanh quanh, luẩn quẩn với cái vòng chơi ấy.



Khi hết tiền, họ sẵn sàng vay công mượn nợ với lãi suất cao, mượn đầu này đắp đầu kia. Khi không còn khả năng xoay sở, bị chủ nợ đe dọa, khủng bố; họ “đưa” cha mẹ, anh em, con cháu đứng ra trả thay. Nhục nhã ê chề nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy. Như con thiêu thân liều chết lao đầu vào lửa, họ vẫn tiếp tục quay cuồng đánh cược với những con số, để rồi biết bao đồ đạc trong nhà phải ra đi mà không thèm đội nón. Khi đến cái nhà cũng bị siết nợ thì “bần cùng sinh đạo tặc” làm liều trộm cướp, dấn thân vào con đường phạm pháp tù tội như câu nói dân gian:

Cờ bạc là bác thằng bần

Cửa nhà bán hết tra chân đi cùm
.

Có những con bạc đi nhà thờ, hành hương khắp nơi với mục đích cầu xin cho mình được trúng số, trúng lô, trúng đề hoặc thắng bạc để có nhiều tiền dâng hiến cho nhà thờ này, xứ đạo kia hoặc cho các mục đích từ thiện! Nhưng thực sự thì ít có người nào đạt được điều mình xin, từ đó người ta dần dần xa rời đạo Chúa. Còn số ít những người may mắn trúng thì chỉ vài năm sau lại rơi vào hoàn cảnh tồi tệ hơn trước khi họ trúng số.

Thinh thoảng nếu có người nào đó dùng tiền cờ bạc để làm việc bác ái thì chắc chắn đây không phải là việc đẹp lòng Chúa vì "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24; Lc 16, 13). Hàng ngàn năm trước, Chúa Giêsu đã cảnh báo: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15).

Cờ bạc thể hiện rõ nét nhất qua việc tập trung vào lòng yêu thích, ham muốn tiền của và sức cám dỗ có thể làm giàu nhanh chóng và dễ dàng. Chúng ta hãy cảnh giác với cờ bạc, đừng nghĩ rằng mình chỉ chơi cho vui trong những ngày nghỉ lễ, Tết hoặc với những đồng tiền lẻ là vô hại. “Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”, thói quen tưởng chừng như vô hại đó sẽ dẫn chúng ta đến sự đam mê tiền bạc và lòng ao ước sự giàu có.

“Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1Tm 6, 9-10). Thế nên người Kitô hữu hãy tránh xa tệ nạn cờ bạc, lô đề để “đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13, 8).
 
VietCatholic TV
Bên bờ vực chiến tranh - Iran phóng hàng chục hỏa tiễn tấn công quân đội Mỹ đồn trú tại Iraq
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
00:29 08/01/2020
Sáng sớm ngày thứ Tư 8 tháng Giêng, theo giờ địa phương, Iran đã phóng hơn một chục tên lửa vào hai căn cứ của Iraq trong đó quân đội Mỹ đang đồn trú để trả thù cho một cuộc không kích trước đó của Mỹ, vào hôm 3 tháng Giêng, giết chết Qasem Soleimani, một vị tướng hàng đầu của Iran.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Hoa Kỳ đã dùng một chiếc máy bay không người lái MQ-9 tấn công vào một đoàn xe, tại Sân bay Bagadad của Iraq. Soleimani, một số phụ tá của ông và các thủ lĩnh dân quân chủ chốt khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Iran đã thề sẽ trả thù mạnh mẽ cho cái chết của ông ta.

Các cố vấn cho tổng thống Trump đã lên kế hoạch cho một bài diễn văn của tổng thống Trump trước quốc dân đồng bào vào tối thứ Ba giờ Washington. Tuy nhiên, giờ chót tổng thống Trump đã tweet rằng “Tất cả đều bình an! Tên lửa được phóng từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Đánh giá về thương vong và thiệt hại đang diễn ra ngay bây giờ. Đến nay mọi sự đều ổn thỏa! Vào thời điểm hiện nay, chúng ta có quân đội mạnh nhất và được trang bị tốt nhất ở bất cứ nơi nào trên thế giới! Tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào sáng mai.”

Trong một tuyên bố từ phía Iran, Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, một đội quân tinh nhuệ của quân Iran, viết tắt là IRGC, cho biết các cuộc tấn công là một đòn trả đũa mạnh mẽ cho cái chết của Soleimani. IRGC cho biết thêm bất kỳ quốc gia nào có quân đội Mỹ trú đóng đều có thể phải chịu các hành động thù địch này, và kêu gọi công dân Mỹ biểu tình đòi chính phủ Mỹ rút quân ra khỏi khu vực.

Tuyên bố này gọi Hoa Kỳ là “đại Satan” và nói thêm:

“Hỡi bọn đại Satan, chúng tôi cảnh báo rằng nếu các ngươi lặp lại sự gian ác của mình hoặc thực hiện bất kỳ động thái bổ sung nào hay bất kỳ hành vi gây hấn nào khác, chúng tôi sẽ đáp trả bằng những phản ứng mạnh mẽ và tàn bạo hơn”.

Giá dầu tăng mạnh hôm thứ ba sau khi tin tức Iran phóng hơn một chục tên lửa đạn đạo vào các căn cứ ở Iraq. Dầu thô ở Mỹ đã tăng hơn 4% lên hơn 65 Mỹ Kim một thùng vào tối thứ Ba.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ đưa ra những nhận xét của ngài về tình hình nghiêm trọng này trong buổi triều yết chung thứ Tư 8 tháng Giêng.

Tưởng cũng nên nói thêm, tướng Qasem Soleimani là kiến trúc sư của Iran trong việc mở rộng thế lực của nước này ở Trung Đông. Ông sinh năm 1957 tại tỉnh Kerman, Iran. Ông bỏ học vào năm 13 tuổi để làm công nhân xây dựng. Sự nghiệp quân sự của ông bắt đầu trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên 1980. Tám năm chiến tranh với Iraq đã mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm chiến trường. Ông trở thành người đứng đầu Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran vào năm 1998. Trong nhiều năm, Soleimani đã giúp củng cố các thế lực ngoại vi của Iran tại Trung Đông. Ông đã trở nên nổi bật hơn khi áp dụng bạo lực thẳng tay trong cuộc Nổi dậy Ả Rập, chống lại các chế độ độc tài trong vùng. Tháng Tư 2019, Hoa Kỳ đã liệt kê Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, được hình thành vào năm 1998, là một nhóm khủng bố. Hoa Kỳ đổ lỗi cho Soleimani về cái chết và thương tích của hàng trăm người Mỹ. Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng ông ta đang âm mưu tấn công nhiều hơn vào các quyền lợi của Hoa Kỳ trong khu vực. Đó là lý do biện minh cho cuộc không kích của Hoa Kỳ tấn công đoàn xe của ông tại Sân bay Bagadad của Iraq vào ngày 3 tháng Giêng. Soleimani, một số phụ tá của ông và các thủ lĩnh dân quân chủ chốt khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Iran đã thề sẽ trả thù mạnh mẽ cho cái chết của ông ta.


Source:CNN