Ngày 08-01-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:38 08/01/2018
34. GIẢ VỜ THÌ GÂY RA TAI NẠN
Ở phía đông thành có một gia đình hoàn cảnh rất nghèo nhưng vẫn cứ thích mặc áo quần đẹp đẽ hoa lệ, thức ăn thì phải làm thật cầu kỳ, lại còn khoe khoang gia đình rất là sung túc giàu có. Bọn ăn trộm cho rằng ông ta là một phú ông, bèn đến trộm tất cả các đồ vật trong rương của ông ta, thế là ông ta lâm vào cảnh nghèo nàn mà không thể tự thoát khỏi.
Ở phía tây thành có người lâu nay nổi tiếng là rất giàu có, có một lần ông ta mang nhiều tiền bạc cùng ngồi thuyền với mọi người, ông ta hoá trang giả làm một người nghèo, thuyền đến trong vùng nước chảy thì gặp sóng lớn dữ dội, tên chủ thuyền cho rằng ông ta là một người nghèo nên không cứu ông ta.
Ai dà, giả mạo người giàu có thì làm cớ cho kẻ cướp, giả dạng người nghèo khổ thì gây ra tai nạn cho mình, tất cả đều là tự mình hại mình, cái nguy hại của ăn gian làm dối thật là quá lớn vậy.
(Luỵ Ngoã tập)

Suy tư 34:
Người ta thường nói ở đời khôn cũng chết mà dại cũng chết, chỉ có biết mới sống ! Tôn tử nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” không ngoài ý ấy.
Nhưng có những người biết rồi mà vẫn cứ chết mới đúng là kỳ cục, chẳng hạn như có người biết phạm tội là mất ơn nghĩa với Chúa nhưng vẫn cứ phạm tội; có người biết luật Chúa dạy chỉ có một vợ một chồng nhưng vẫn cứ làm ngơ kiếm thêm mụ vợ khác; có người biết vu oan giá hoạ cho người khác là một trọng tội, nhưng vẫn cứ ngậm máu phun người không biết tội lỗi là gì...
Giàu cũng chết mà nghèo cũng chết, giả bộ làm người giàu cũng chết, giả bộ làm người nghèo cũng tiêu đời, nhưng chỉ có ai biết nhận ra ý Chúa trong cảnh giàu nghèo của mình mới sống, mà là sống đời đời với Thiên Chúa mới là đáng sống !
Mà người nhận ra thánh ý Chúa trong cuộc sống của mình không phải là những người Ki-tô hữu sao ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:41 08/01/2018

25. Khả năng tìm được Thiên Chúa và làm cảm động Thánh Tâm của Ngài không phải lời cầu nguyện thật dài, nhưng là cầu nguyện với lòng nhiệt tâm yêu mến.

(Thánh Louis Grignion of Montfort)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa, trong "Cách ngôn thần học tu đức"

---------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholicnews.com
http://nhantai.info
 
Đi theo Chúa
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
07:09 08/01/2018
Chúa Nhật II Thường , năm B
Ga 1,35-42

Chúa Giêsu khi kêu gọi các môn đệ và thiết lập Nhóm Mười hai, Ngài luôn có cái nhìn của Ngài. Tin Mừng cho hay Chúa Giêsu đã cầu nguyện lâu giờ, Ngài đã trò chuyện thân mật với Thiên Chúa Cha và rồi Ngài tuyển chọn các môn đệ đầu tiên.

Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Chúa, gặp gỡ Chúa. Tuy nhiên, Gioan đã không ích kỷ, không giữ riêng cho mình, Ngài đã chỉ cho các môn đệ của mình và nhiều người khác biết Đức Giêsu Kitô. Gioan Tẩy Giả khi giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho Anrê, chính ông này lại giới thiệu cho Simon là anh của mình và họ đều đi theo Chúa Giêsu. Xem ra mọi cuộc gặp gỡ của những người được Chúa chọn cũng xẩy ra như vậy. Trở về thời Cựu Ước, chúng ta cũng nhận ra Thiên Chúa gọi ai là hoàn toàn do ý của Ngài.Thiên Chúa gọi Abraham, Môsê, Isaia, Samuel là do lòng thương xót của Ngài.Vâng, mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc sống là dấu chỉ của Tin Mừng, mỗi cuộc gặp gỡ hằng ngày là lời mời gặp chính Đức Giêsu. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu gặp gỡ Chúa trong những công việc nhỏ của cuộc sống, Ngài thấy Chúa nơi chị em, nơi sự khó chịu mà chị em gây ra cho mình. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô gặp Chúa nơi các bạn trẻ và ngược lại các bạn trẻ nhận ra Chúa nơi Ngài. Mẹ Têrêsa Calcutta nhận ra Chúa nơi những người nghèo, nơi những người hấp hối, nơi những cô gái lỡ lầm vv…

Các môn đệ là những người đáp trả lại lời mời gọi của Chúa Giêsu.Do đó, khi được giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã đến xem nơi Đức Giêsu ở, họ đã cảm nghiệm Đấng là Con Chiên Thiên Chúa là thế nào! Các môn đệ đã chứng kiến cách sống, sự hãm mình, gương sáng, những lời nói vàng ngọc chân thực của Chúa và thấy những phép lạ Chúa làm cho tha nhân. Các Ngài đã cảm nghiệm sâu xa Lòng Thương Xót của Chúa đối với mọi lớp dân nghèo. Chúa đã tiếp xức với mọi thành phần xã hội, Ngài cho các môn đệ hiểu thấu tình thương của Ngài, qua đó, Ngài dạy các môn đệ về Tình thương, Lòng Thương Xót của Ngài đối với con người. Các môn đệ đã đi vào mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, Thầy của mình. Càng sống các môn đệ càng nhận ra sự nhân từ, lòng quảng đại của Thầy Giêsu :” Đến để chiên được sống và sống dồi dào “ ( Ga 10, 10 ).Mối tương giao thân tình, mật thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ càng làm cho các Ngài nhận ra Con người của Chúa Giêsu:” Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống “. Chính tình yêu vô vị lợi, tình yêu tự hiến, nhưng không đã nối kết Chúa Giêsu với các môn đệ.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã viết :” Khi đôi mắt của Chúa đã nhìn ai, người đó không thể nào cưỡng lại được “.Câu nói thật cao sâu, thâm thúy. Bởi vì, khi Chúa đã chiếm đoạt ai người ấy không thể rời Ngài được. Thánh nữ đã gặp Chúa ở mọi người, ở mọi công việc dù nhỏ bé nhất vì Thánh nhân đã sống sâu thẳm mối tình cao sâu với Chúa. Còn thánh Augustinô một Vị thánh đã cảm nghiệm thế nào về tình Chúa thương ngài, nên ngài đã thốt lên :” Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Thánh Augustinô quả thật đã sống cảm nghiệm tình thương cao vời của Chúa và luôn muốn sống trong tình yêu của Ngài.

Mỗi Kitô đều được mời gọi sống với Chúa, ở lại với Ngài. Sống và ở lại với Chúa có nghĩa là được sống thân tình, sống trong sự kết hợp thâm sâu với Ngài. Sống mật thiết với Chúa, người Kitô hữu và chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Tuy nhiên, muốn được sống trong sự thân mật, chí tình với Chúa, chúng ta và mọi người phải lắng nghe lời của Chúa và thực hành những điều Ngài truyền cho chúng ta.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ đức tin của chúng ta cho những người khác.Tại sao chúng ta được Chúa cho chúng ta ơn nhận biết Ngài, tin và đi theo, ở lại với Ngài. Chúng ta đã tin vào Ngài, tại sao chung ta không mau mắn chia sẻ đức tin chúng ta đang thụ đắc cho những người khác để họ cũng nhận ra Chúa Giêsu , tin và đi theo Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dạy chúng con và hãy cho chúng con biết ở trên trái đất này, trên thế giới này, chúng con là đôi tay của Chúa, chúng con là nụ cười, là tiếng nói của Chúa, là con tim quảng đại của Chúa.Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu ai cho Chúa Giêsu ?
2.Chiên Thiên Chúa nghĩa là gì ?
3.Người Do Thái quan niệm thế nào về Chiên Thiên Chúa ?
4.Có lúc nào Ông,Bà, Anh chị em giới thiệu Đức Kitô cho người khác ? Bằng cách nào ?
5.Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã cảm nghiệm thế nào về Chúa ?
 
Ở lại với Chúa
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
21:00 08/01/2018
Chúa Nhật II B

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Sản phẩm quảng cáo thì cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền. Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh. Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy. Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất. Mục đích của giới thiệu là để biết nhau. Nhờ sách vở, báo chí, tivi, internet… chúng ta có thể nắm bắt đầy đủ thông tin về các vùng miền trên thế giới. Tuy nhiên người ta vẫn muốn đi đến tận nơi để chính mình mắt thấy tai nghe. Muốn giới thiệu một người thì phải biết về người đó, tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu. Có ba lời giới thiệu tiêu biểu. Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là con Ta yêu dấu,làm đẹp Ta mọi đàng” ( Mt 4,17). Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: “Ai thầy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: “ Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian” ; “Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi …Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần” (x.Ga 1,29-34). Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđêa đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình và lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài. Gioan giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình,nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Phúc Âm hôm nay kể câu chuyện: “Thấy Đức Kitô đi ngang qua, ông lên tiếng nói: đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Kitô” (Ga 1,36-37). Bấy giờ Gioan rất nổi tiếng. Những người Do thái ở Giêrusalem cử các Thầy Tư tế và Lêvi đến hỏi xem liệu ông có phải là Đức Kitô, là Êlia hoặc ngôn sứ không? (Ga 1,19-23). Gioan trả lời trung thực: “Không! Tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1,20). Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa (1,23). Đức Kitô là Đấng đến sau ông, cao trọng hơn ông vì có trước ông (1,30). Đấng ấy được Thánh Thần xức dầu (1,33), và sẽ rửa mọi người trong Thánh Thần và lửa (1,33; Mt 3,11). Đấng ấy cao trọng đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài (1,27). Nhiệm vụ của ông là làm cho mọi người và cả các môn đệ của ông hiểu đươc điều đó. Gioan mong ước khi có dịp sẽ giới thiệu cho các môn đệ về vị Thầy đích thực mà họ cần phải theo. Bởi thế, khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan liền lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hiểu ý thầy, hai môn đề liền đi theo Chúa Giêsu trong hân hoan. Thay vì nuối tiếc, Gioan đã hạnh phúc hối dục họ lên đường. Nếu hai môn đệ không muốn theo Chúa mà cứ nấn ná ở lại với Gioan thì giáo dục tôn giáo của Gioan đã thất bại. Nếu hai môn sinh cứ đòi ở lại với Gioan là dấu chứng Gioan chỉ nói về mình, gây ảnh hưởng cho mình. Lên đường theo Chúa như một khám phá mới của hai môn sinh là kết quả thành công của Gioan trong sứ mạng làm người dọn đường cho Chúa.

Chúa Giêsu quay lại và hỏi: Các anh tìm gì thế? Hai môn đệ đã không đi “tìm gì” mà là tìm một Con Người. Họ đi tìm Đức Kitô. Họ mang nặng nổi khát khao đi tìm một trái tim, một vị thầy. “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Câu hỏi ấy là câu hỏi muốn hiểu, muốn tìm đến và muốn ở lại với Thầy. Chúa Giêsu không trả lời là Ngài ở nơi này nơi kia và cũng không mời họ đến thăm chơi. Chúa nói “hãy đến mà xem” rồi sẽ biết. “Đến mà xem” là lời mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ thân thiết. Trăm nghe không bằng mắt thấy “cứ đến mà xem” cũng là câu nói Philipphê thuyết phục Nathanael (Ga 1,46). Thánh sử Gioan kết thúc câu chuyện các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô bằng hình ảnh: “Họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người” (1,39).

Chỗ ở của Chúa Giêsu có gì hấp dẫn mà giữ chân các ông ở lại? Đầy đủ tiện nghi và sung túc chăng? Chắc chắn là không rồi, vì Chúa đã từng nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Rày đây mai đó nên nơi Chúa ở là “khách sạn ngàn sao”, chẳng có gì hấp dẫn như biệt thự hay khách sạn mấy sao. Sự hấp dẫn các môn đệ chính là con người Chúa Giêsu. Chính cuộc sống và lời giảng dạy của Ngài đã hấp dẫn họ và họ nhận ra Ngài là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, vị Thầy mà họ đáng theo. Chúa đã mời họ “đến mà xem” để họ có thời gian bên Chúa, biết được những gì Chúa muốn cho họ biết về Ngài. Cuộc gặp gỡ đã để lại một ấn tượng sâu đậm, rất có thể là một sự kiện đổi đời, đến nỗi nhiều năm sau đó, Gioan vẫn còn nhớ khoảnh khắc đó, ngài viết: “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười (bốn giờ chiều)”.

Chúa kêu gọi các môn đệ, trước hết để họ “ở lại với Ngài” trong bầu khí huynh đệ thân tình (x. Ga 1,35-39). “Ở lại với Ngài” nên hết lòng tin tưởng, cậy trông, yêu mến và học hỏi giáo huấn cũng như đời sống của Chúa. “Ở lại với Ngài” nên có những cuộc gặp gỡ tiếp xúc giữa cá nhân mình với Chúa, lắng nghe Lời Chúa và đón nhận sức sống của Chúa thông ban giúp cho mình được biến đổi trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa. Từ đó Chúa mới sai họ đi thi hành sứ vụ. Yêu thương nhau là một dấu chỉ, là chứng từ cốt yếu, là đòi hỏi tiên quyết và đồng thời cũng là điều kiện cơ bản của người môn đệ Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Đi tìm con người Đức Kitô là theo Ngài, thuộc về Ngài, ở với Ngài. Các môn đệ vui mừng hân hoan, họ muốn chia sẻ với người thân yêu nên khi trở về, Anrê gặp em là Simon, nói với em về Đấng mà mình đã gặp và dẫn em đến diện kiến Chúa. Simon được Chúa đổi tên thành Phêrô. Trên đá tảng Phêrô, Chúa xây Hội Thánh và cửa hỏa ngục sẽ không thắng được. Một cuộc gặp gỡ. Một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng. Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, những ai đã gặp Người đều thay đổi dần cuộc đời mình.

Gioan Tẩy Giả là mẫu mực cho người tông đồ hôm nay. Giới thiệu Chúa, còn mình thì lặng lẽ rút lui để Chúa lớn lên. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng được trao ban. Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương. Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương. Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều. Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng. Dung mạo đúng nhất của Thiên Chúa là tình yêu thương “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Để giới thiệu Chúa, tôi phải biết Chúa. Bài học đầu tiên của các môn đệ là “ở lại với Chúa”. Chỉ khi sống với Chúa mới biết Chúa. Vì thế, để giới thiệu về Chúa, phải biết Chúa. Để biết Chúa, chỉ có con đường duy nhất là sống với Chúa. Sống với Chúa chính là chuyên chăm học hỏi, suy niệm Lời Chúa và chiêm nghiệm trước Thánh Thể mỗi ngày để trở nên người giới thiệu Chúa cách trung thực và chính xác cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy sự từ bỏ của Gioan và hai môn đệ mà xét lại bản thân. Con đang giới thiệu Chúa hay dùng Chúa để mình được lợi. Con đang theo Chúa hay chỉ theo người của Chúa. Xin cho con luôn chọn Chúa qua những chọn lựa nhỏ bé nhiều lần trong ngày để Chúa chiếm trọn cuộc sống con và để con thông hiệp vào cuộc sống Chúa nhờ đó con được ở lại với Chúa.

Và Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng mỗi ngày trong đời con. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
23 vụ tấn công người Kitô giáo Ấn Độ trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua
Nguyễn Long Thao
11:39 08/01/2018
New Delhi - Các cộng đồng Kitô Giáo ở Ấn Độ đã bị ít nhất 23 cuộc tấn công vì lý do tôn giáo trong dịp lễ Giáng Sinh năm 2017 vừa qua. Đây là một trong những mùa Giáng sinh bạo lực nhất trong lịch sử Ấn Độ. Sự kiện này làm các tín hữu lo sợ.

Mục sư Prabhu Kumar nói với hãng thông tấn Fides: "Ở đây, chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy bị nguy hiểm, thiếu sự bao dung như hiện giờ”

Trong số những vụ tấn công nghiêm trọng nhất có vụ 20 dân quân Ấn giáo tấn công lễ Giáng sinh ở Rajasthan. Nơi đây lễ Giáng Sinh đã được chính thức công nhận từ lâu. Một vụ khác nữa là 30 người Công Giáo đang hát thánh ca Giáng Sinh ở Madhya Pradesh thì bị tấn công.

Sau những vụ tấn công vào các cộng đồng Kitô Giáo, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ, Đức Hồng Y Baselios Cleemis, tuyên bố: " Các Kitô hữu không còn đặt nhiều niềm tin vào chính phủ Ấn Độ. Kitô hữu chỉ yêu cầu được bảo đảm tự do tôn giáo như đã được quy định trong hiến pháp."

Trong khi đó tổ chức Vishwa Hindu Parishad theo chủ nghĩa dân tộc Hindu độc tôn mở chiến dịch “quay về nhà", buộc các người Dalit theo Kitô Giáo phải quay trở về Ấn Giáo vì họ cho rằng những người Kitô Giáo Dalit đã theo Kitô Giáo vì bị mua chuộc, ép buộc hay hăm dọa

Những cáo buộc của các nhóm Ấn Giáo cực đoan bị các nhà trí thức và các nhà quan sát bác bỏ. Ông Ram Puniyani, nhà hoạt động nhân quyền, nói với hãng thông tấn Fides rằng "Điều mà xã hội Ấn Độ đang bị tấn công chính là chủ nghiã đa nguyên”.

Nguyễn Long Thao
 
Các sắc dân bản địa vùng Amazon đang mong đợi đón Đức Thánh Cha viếng thăm
Thanh Quảng sdb
17:36 08/01/2018
Các sắc dân bản địa vùng Amazon đang mong đợi đón Đức Thánh Cha viếng thăm

Một trong những điểm nổi bật của chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha tại Pêru là cuộc gặp gỡ những sắc dân bản địa trong rừng nhiệt đới Amazon ở thành phố Maldonado.
Chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tới thành phố Puerto Maldonado của Peru chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui và hy vọng cho những sắc dân bản xứ vùng Amazon.
Trong một cuộc phỏng vấn được xuất bản trên trang mạng Giáo hội Pan-Amazonian - Repam - Cha Manuel Jesus Romero phát ngôn viên của Giám quản Tông tòa Puerto Maldonado cho biết người dân bản địa của vùng Amazon đang có những nhu cầu cấp thiết làm sao cho các quyền lợi của họ được nhìn nhận đang lúc càng ngày họ càng bị đẩy ra khỏi vùng đất của đất tổ tiên của họ.
Nguy cơ của Người thổ dân ở Amazon
"Lãnh thổ của họ ngày càng bị xâm chiếm, không gian của họ ngày càng thu hẹp; những sinh kế mà họ sống trong nhiều thế kỷ qua đang bị phá hủy: đánh cá, săn bắn, cây cỏ và sông núi càng ngày càng có nguy cơ bị hủy diệt. Vì vậy cuộc sống của họ đang đối diện với nhiều khó khăn nguy hiểm”
Cuộc viếng thăm ngày 19/1 tới đây của Đức Thánh Cha tới thành phố Puerto Maldonado là một niềm cậy trông hy vọng cho các cộng đồng người bản địa ở Peru. Ở đây, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ đại diện của các cộng đồng sắc tộc khác nhau ở Amazon, hầu họ có thể chuyển đạt những mối quan tâm của họ lên ĐTC và được ĐTC lắng nghe và giúp giải quyết...
Puerto Maldonado trước nhiều vấn nạn
Sau khi tuyên bố chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tại Peru từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 1, Hội Đồng Các Giám Mục Peru (CEP) cho hay lý do đằng sau quyết định của ĐTC ghé thăm Puerto Maldonado là một thành quả sâu đậm qua nhiều cuộc tranh đấu của thành phố miền đông nam này trước những nạn khai thác rừng trái phép, lạm dụng sức lao động trẻ em và nạn buôn người.
Cuộc thăm viếng của Đức Thánh Cha đến khu vực này cũng là hỗ trợ và kiện cường nhu cầu bảo vệ môi trường của thành phố trước một vấn nạn nan giải vì thành phố này là cửa ngõ của của khu rừng Amazon về hướng nam.
60% của rừng Amazon nằm trên lãnh thổ của đất nước Peru, và cung cấp một lượng lớn nước sạch không lồ cho đất nước và thế giới.
Cuộc viếng thăm lần thứ 3 tới Peru của ĐTC
Chuyến thăm viếng sắp tới của ĐTC Phanxicô đến Chilê là cuộc tông du thứ ba của các ĐTC tới Peru, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm vùng này hai lần vào các năm 1985 và 1988 và lần thứ ba này được thực hiện bởi Đức Phanxicô vào những ngày sắp tới.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Tuyên Khấn Dòng Trinh Vương Úc Châu.
Diệp Hải Dung
08:59 08/01/2018
Sáng Chúa Nhật 7/01/2018 rất đông quan khách và giáo dân Úc Việt đã đến Nhà thờ Chánh Tòa St. Patrick, Giáo Phận Parramatta tham dự Thánh lễ Tuyên Khấn của hai Nữ Tu Maria Đoàn Thanh Thảo (Khấn Trọn Đời) và Têrêsa Bùi Thanh Tâm (Tuyên Khấn Lần Đầu) thuộc Dòng Nữ Tu Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương Úc Châu. Do Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long Giáo Phận Parramatta chủ sự.

Xem Hình

Trong bài giảng Thánh lễ hôm nay Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long nói về Thiên Chúa đã kêu gọi Ba Vua đến với Người trong một môi trường đơn sơ nghèo hèn và cũng chính ngày hôm nay hai Nữ Tu Đoàn Thanh Thảo và Bùi Thanh Tâm cũng đã được Chúa kêu gọi đến với Chúa trong tâm tình hiến dâng cuộc đời. Đức Giám Mục chúc mừng hai Nữ Tu.

Sau đó là nghi thức tuyên Khấn, qúy Nữ Tu đứng trước Đức Giám Mục và Nữ Tu Tổng Quyền Maria Justina Phạm Thị Trân, tuyên đọc 3 lời khấn “Khiết Tịnh, Vâng Lời, Khó Nghèo”, quý Nữ Tu quyết tâm tận hiến dâng trọn cuộc đời cho Chúa để phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân qua những sứ vụ Chúa giao phó. Đặc biệt Nữ Tu Maria Đoàn Thanh Thảo, Khấn Trọn Đời đã được Đức Giám Mục làm phép Nhẫn và xỏ vào tay Sơ để làm dấu chứng Tình Yêu Chúa Giêsu KiTô mà Nữ Tu Đoàn Thanh Thảo đã kết ước trọn đời cho Chúa.

Sau khi chấm dứt nghi thức Tuyên Khấn là phần dâng Thánh lễ tạ ơn do Đức Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long chủ tế cùng với 9 vị Linh Mục Úc Việt đồng tế.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Nữ Tu Maria Đoàn Thanh Thảo ngỏ lời cám ơn Đức Giám Mục, quý Cha, quý Tu Sỹ và tất cả mọi người đã đến tham dự Thánh lễ Tuyên Khấn và cầu nguyện. Đặc biệt cám ơn Nữ Tu Bề Trên Tổng Quyền Phạm Thị Trân và quý Nữ Tu Dòng Trinh Vương Úc Châu đã cùng đồng hành, yêu thương, nâng đỡ, trợ giúp nên mới có ngày Tuyên Khấn hôm nay. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện để luôn làm tròn sứ vụ Tông Đồ mà Chúa giao phó. Kê tiếp Đức Giám Mục tuyên đọc Chứng Nhận Phép Lành Tòa Thánh Vatican và trao tặng cho Nữ tu Maria Đoàn Thanh Thảo.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, quý Nữ tu cũng đã ngỏ lời mời Đức Giám Mục, quý Cha cùng tất cả mọi người ở lại tham dự bữa tiệc nhẹ thân mật trong hội trường của nhà thờ Chánh Tòa để chung vui cùng Quý Nữ tu

Diệp Hải Dung
 
Giáo Đoàn La Vang Seattle mừng lễ Bổn Mạng 2018.
Nguyễn An Quý
18:18 08/01/2018
TUKWILA. Giáo Đoàn La Vang là một trong năm Giáo Đoàn Việt Nam của Giáo Xứ Thể Nhân CTTĐVN Tổng Giáo Phận Seattle gồm những gia đình cư ngụ các thành phố phụ cận và chung quanh nhà thờ như Tukwila, SeaTac, Burien, SW Seattle,ngược về phiá Nam gồm Des Moines, Federal, Auburn, một số gia đình phiá Bắc Tacoma,và một số gia đình ở Kent, Renton. Dù điạ bàn khá rộng lớn, nhưng các thành viên trong Giáo Đoàn cũng đã liên kết trong sinh hoạt của Giáo Đoàn, nhất là khá đông đảo thiện nguyện đã tham gia nhiều công tác của giáo xứ.

Xem hình

Hôm nay Chúa Nhật ngày 07 tháng 01 năm 2018, một ngày vui đến với Giáo Đoàn trong ngày mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Từ sáng sớm , các thành viên trong Ban Đại Diện Giáo Đoàn đã tập trung để lo trang trí phòng tiệc cho buổi họp mặt thân mật của Giáo Đoàn sau thánh lễ.

Trước giờ thánh lễ, một số thành viên đại diện Giáo Đoàn đã sẵn sàng với cờ hiệu của Giáo Đoàn tham gia vào nghi đoàn cùng với quý cha đồng tế chuẩn bị thánh lễ.

Đúng 11giờ 30, sau lời dẫn lễ, ca đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với đoàn đồng tế theo tiếng hát của ca đoàn cung nghinh Thánh Giá tiến lên BànThánh. Ca Đoàn Celia phụ trách hát lễ. Đoàn đồng tế có cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế cùng đồng tế có cha Nguyễn Son Miên cha Trần Hữu Lân và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế nói: "Hôm nay cùng với Giáo Hội , chúng ta mừng kính trọng thể lễ Chúa Hiển Linh, còn gọi là lễ Ba Vua. Ngày Chúa tỏ mình cho dân ngoại, ánh sáng tin mừng hôm nay được chiếu toả cho nhân loại, đặc biệt cùng với Giáo Đoàn La vang mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng của Giáo Đoàn. Giáo Đoàn La Vang mới thành lập gần ba năm nay. Giáo Đoàn là Cộng Đoàn của giáo xứ, các Cộng Đoàn cũ là Cộng Đoàn hiện nay tại các điạ phương trong các giáo xứ Mỹ. Xin chúc mừng các thành viên trong Giáo Đoàn La Vang, xin cho một tràng pháo tay để chúc mừng và chào đón nhau ( tiếng vỗ tay khá dài)

Thánh lễ được tiếp tục theo phần phụng vụ Chúa Nhật lễ Hiển Linh qua các bài đọc thể hiện qua sách tiên tri Isaia: "Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi".

Trong Bài Đọc 2, ThánhPhaolô lên tiếng xác minh cho mọi người: nhờ Thánh Thần, và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Bài Tin Mừng Thánh Matthêu giới thiệu bối cảnh Ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông tìm kiếm Hài Nhi như sau: "Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình".

Cha chủ tế phụ trách giảng lễ. Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về niềm tin của Ba Vua khi họ nhận ra nguồn sáng của ánh sao lạ và họ tin sự hiện diện của Đấng Hài Nhi, ngài nói: Ba Vua từ Phương Đông, khi các ngài nhận ra một vị sao xuất hiện và họ tin ngay vào điềm lạ báo nơi sinh ra của Đấng Hài Nhi. Cả Ba Vua gặp nhau và cùng nhìn về một hướng đầy hy vọng, hướng ngôi sao xuất hiện, họ đã đi theo ánh sáo dẫn đường và đã tìm gặp Đấng Hài Nhi. Xin cho mỗi người chúng ta cũng được vững tin và luôn nương tựa vào ánh sao dẫn đường đó là sống và thực hành Lời Chúa dạy để vững bước và hy vọng như Ba Vua luôn nương theo đường ánh sao để tìm gặp Hài Nhi" Trở về ngày lễ Bổng Mạng của Giáo Đoàn La Vang, ngài nói:" hôm nay cùng với Giáo Đoàn La Vang mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Giáo Đoàn La Vang là một trong những Giáo Đoàn trực thuộc Giáo Xứ CTTĐVN, tuy trải dài trên một diện tích khá rộng, nhưng các thành viên trong Giáo Đoàn cũng đã liên kết trong sinh hoạt của Giaó Đoàn cũng như có rất nhiều thiện nguyẹn viên đã giúp cho giáo xứ nhiều công tác. Xin Mẹ Maria luôn gìn giữ và đồng hành với mọi thành viên trong Giáo Đoàn, xin Chúa chúc lành và ban nhiều ân sủng cho tất cả Gia đình Giáo Đoàn".

Trước khi kết thúc thánh lễ, một lần nữa , cha chủ tế cám ơn và chúc mừng Giáo Đoàn La Vang trong ngày lễ Bổn Mạng, cha chánh xứ cũng mời gọi các thành viên trong Giáo Đoàn đứng lên và qúy cha đã cùng chúc lành cho Gia Đình Giáo Đoàn La Vang một cách long trọng.

Sau thánh lễ là buổi họp mặt thân hữu trong buổi tiệc mừng tại Hội trường Giáo Xứ. Tham dự tiệc mừng có đại diện của các Hội Đồng, các Giáo Đoàn, các Hội Đoàn và đông đảo Gia Đình Giáo Đoàn La Vang tham dự. Cha chánh xứ Đoàn Xuân Thành khai mạc bữa tiệc qua phút cầu nguyện và chúc lành cho những của ăn trong bữa tiệc trở nên những ân ích mà Chúa đã ban cho mọi người được hưởng nhờ. Mọi người hiện diện trong bữa tiệc đều thíc thú với những món ăn khá ngon miệng cộng với chương trình nhạc sống khá phong phú . Ban nhạc sống khá hay nên đã tạo được bầu khí sinh trong suốt gần 3 tiếng đồng hồ. Buổi tiệc kết thúc lúc 3giờ 20, mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn, một số anh chị em mê hát đã tiếp tục ca hát cho đến chiều tối.

Nguyễn An Quý
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đá Mòn
Richard Drysdale
10:00 08/01/2018
ĐÁ MÒN
Ảnh của Richard Drysdale
Cứng như đá núi giữa trời
Gió mưa gọt đẽo đá rồi mòn thôi
Cương, nhu, thắng, bại tùy thời.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 08/01/2018: Tình cảnh các tín hữu Kitô Coptic
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:48 08/01/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi với các Kitô hữu Chính thống giáo sau vụ tấn công ở Ai Cập

Sau khi đọc kinh Truyền tin vào Chúa Nhật 31/12/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện cho nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố ở Cairo hôm thứ Sáu tuần trước.

Chín người đã bị chết trong hai cuộc tấn công khác biệt vào cộng đoàn Kitô giáo Chính thống tại Cairo vào thứ sáu tuần trước. Tổ chức gọi là Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố lãnh trách nhiệm cho cả hai vụ.

Hãy thay đổi “trái tim bạo lực”

Sau khi đọc kinh tại Quảng trường Thánh Phêrô vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha bày tỏ “gần gũi của Ngài với Giáo hội Chính Thống” và cầu nguyện cho các nạn nhân, những người bị thương và toàn thể cộng đoàn. Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện đặc biệt xin Thiên Chúa biến đổi “tất cả những trái tim bạo lực.”

Chỉ trong năm 2017, hơn 100 tín hữu tin vào Thiên Chúa giáo đã bị giết chết ở Ai Cập do các cuộc tấn công khủng bố, phần lớn là do các nhóm thánh chiến địa phương…

Lễ Gia đình Thánh gia

Chúa Nhật hôm nay cũng là Lễ Gia đình Thánh gia. Phúc âm Thánh Luca tường thuật biến cố cha mẹ Chúa dâng Chúa trong đền thờ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh cách Mẹ Maria và Thánh Giuse đi lên đền thờ là một minh chứng xác nhận “Bé Giêsu thuộc về Thiên Chúa và các ngài chỉ là người giám hộ chứ không phải là chủ sở hữu. Đức Thánh Cha nói “Mỗi gia đình, được mời gọi bảo vệ và giáo dục con em để chúng có thể “mở lòng qui hướng về Thiên Chúa”.

Trong bài đọc của Thánh lễ hôm nay nhắc lại lời tiên tri của Simeon, Đức Thánh Cha dẫn giải lời của ông già Simeon, nói về Chúa Kitô như là “một dấu chỉ mâu thuẫn”. Chúa Giêsu đã đến “thanh tẩy những hình ảnh sai lạc mà chúng ta có về Thiên Chúa và về chính chúng ta”. Đức Thánh Cha kết luận: “Khi nào các gia đình “trở về với nguồn cảm nghiệm của Kitô giáo thì con đường mới và những gì con người không mường tượng ra sẽ được mở ra cho chúng ta”.

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào hỏi đặc biệt tới các gia đình, và mọi người đang hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô và những ai theo buổi cầu nguyện này qua các phương tiện truyền thông.

Đức Thánh Cha nói: Các anh chị em thân mến, Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với các anh em Chính Thống ở Ai Cập, trong những vụ tấn công cách đây hai ngày bằng vào nhà thờ và tại siêu thị ở ngoại ô Thủ đô Cairo. Nguyệnxin Thiên Chúa đón nhân linh hồn các nạn nhân và ủi an những ai bị thương, gia đình họ và toàn thể cộng đoàn, và xin Thiên Chúa hãy hoán đổi những trái tim bạo lực.

Hôm nay tôi xin gửi chào đặc biệt đến các gia đình đang hiện diện nơi đây, cũng như những ai đang theo dõi buổi cầu nguyện này qua các phương tiện truyền thông. Xin Chúa Thánh Thần ban phước lành cho tất cả và hướng dẫn tất cả trên bước đường của anh chị em.

Tôi xin chào đón tất cả anh chị em, những cư dân Rôma cũng như các khách hành hương; đặc biệt, các nhóm Kitô hữu, các hiệp hội và các nhóm trẻ. Chúng ta đừng quên hôm nay cũng là ngày tạ ơn Thiên Chúa cho năm nay về mọi hồng ân tốt đẹp mà chúng ta đã lãnh nhận.

Xin cầu chúc cho tất cả mọi người một Chúa Nhật tươi vui và kết thúc một năm an bình. Tôi cảm ơn tất cả về các lời cầu chúc và tâm tình cầu nguyện cho tôi. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho tôi. Chúc các bạn ăn trưa ngon nhé!

2. Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Ai Cập lên án cuộc tấn công các tín hữu Chính Thống Coptic và kêu gọi các tín hữu Hồi Giáo đón mừng lễ Giáng Sinh

Đại Giáo Trưởng của Đại Học al-Azhar và toàn Ai Cập đã lên án vụ tấn công khủng bố gần đây nhắm vào các Kitô hữu Coptic “với những lời mạnh mẽ nhất” và kêu gọi những người Hồi giáo Ai Cập ăn mừng Giáng sinh để bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu.

Đại Giáo Trưởng Ahmed el-Tayeb, hiệu trưởng Đại Học al-Azhar mà người Hồi giáo coi như là trung tâm Thần Học Hồi giáo Sunni cao nhất, nói: “Tất cả mọi người Ai Cập đều bị buộc phải quyết liệt chống lại âm mưu tà ác này” và tham gia cùng “anh em Coptic của chúng ta trong ngày kỷ niệm Giáng Sinh của Chúa Kitô”.

Ngày 29 tháng 12, các tay súng đi trên những chiếc xe gắn máy đã tấn công một nhà thờ Chính thống Coptic ở Helwan, một quận có 640,000 thuộc ngoại ô Cairo, khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có các nhân viên an ninh. Các phương tiện truyền thông nhà nước Ai Cập báo cáo rằng một tay súng đã bị các lực lượng an ninh giết chết trong một cuộc đọ súng, trong khi một người khác đã bị bắt.

Cùng ngày, hai người Kitô giáo Coptic lại bị giết chết trong một vụ tấn công ngay tại cửa hàng của họ ở Helwan. Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính thống Coptic, đã ra tuyên bố lên án các thành phần cực đoan Hồi Giáo đã gây ra các vụ việc đau đớn này là “hèn nhát” và “phản bội” lại tiến trình xây dựng xã hội.

Ngài nói thêm: “Tôi gởi lời chia buồn đến gia đình các Kitô hữu và thân quyến các cảnh sát viên thiệt mạng, Giáo Hội và người dân Ai Cập vẫn sẽ mạnh mẽ và có khả năng đánh bại các thế lực vô cảm, tối tăm, bạo lực, và không có lương tâm.”

3. Đức Hồng Y Kurt Koch ca ngợi đức tin của anh chị em tín hữu Ai Cập

Phản ứng trước hai vụ tấn công trong ngày 29 tháng 12 tại quận Helwan, thuộc ngoại ô thủ đô Cairo, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu đã lên tiếng ca ngợi các tín hữu Kitô Ai Cập.

Ngài nói: “Chọn lựa thực hành đức tin trong hoàn cảnh liên tục bị bách hại và khủng bố là một dấu chỉ cho thấy Kitô hữu có thể ban cho thế giới là một đức tin vĩ đại, một sự lựa chọn để sống cuộc sống mình trong mầu nhiệm Chúa Kitô.”

Ngài nói thêm rằng “chúng ta có thể học được nhiều điều từ các tín hữu này.”

Chữ “Coptic” là tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “Ai Cập”.

Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành mô tả câu chuyện ông Môisê đưa dân ra khỏi Ai Cập. Họ là dòng dõi của dân tộc do các vua Pharaon lãnh đạo. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.

Các Kitô hữu Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập thường bị công khai phân biệt đối xử và chính phủ nước này chủ yếu là do người Hồi giáo nắm giữ thường xuyên bị chỉ trích vì đã làm ngơ trước cảnh ngộ của họ. Vì thế, từ thời Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, tình cảnh của các Kitô hữu Coptic luôn là một mối âu lo của các triều Giáo Hoàng.

4. Đức Thánh Cha ký tên vào một tấm ảnh rất bi thảm …và truyền cho công bố vào ngày cuối năm

Trong nhiều dịp khác nhau Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng thế giới đã bước vào một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ Ba từng mảnh. Những diễn biến bi đát trong năm 2017, đã khiến cho Đức Giáo Hoàng âu lo hơn về tương lai của thế giới, nhất là viễn ảnh nhân loại đang chập chờn trên bờ vực của một cuộc chiến hạt nhân.

Vì thế, vào dịp cuối năm, Đức Thánh Cha đã ký tên một vào tấm ảnh rất bi đát và truyền cho Vatican media công bố.

Bức ảnh cho thấy một cậu bé Nhật Bản đang cõng em trai của mình trên lưng. Đứa em đã chết, và cậu bé đang đứng xếp hàng chờ đợi trước một lò hoả thiêu.

Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O'Donnell sau khi một quả bom nguyên tử rơi vào Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết thêm một nhận xét ngắn gọn, “..il frutto della guera” (hoa trái của chiến tranh), tiếp theo là chữ ký của ngài.

Những dòng chữ bên dưới là tiếng Tây Ban Nha nghĩa là:

“Đứa bé trai đang xếp hàng tại một lòa hoả thiêu cõng đứa em mình đã chết. Ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O'Donnell sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki. Cảm giác buồn bã của cậu bé thể hiện nơi đôi môi căng mọng và rướm máu.”

5. Hồ sơ 15,000 trang bằng chứng cho tiến trình phong chân phước cho sơ Lucia

Ngày 27 tháng 12 năm 2017 các viên chức trong ủy ban tiến trình phong chân phước cho Nữ tu Lucia dos Santos đã thu thập hàng ngàn trang tài liệu chứng từ về sự thánh thiện của nữ tu, một trong ba trẻ là nhân chứng cho các cuộc hiện ra nổi tiếng của Đức Maria tại Fatima.

Tài liệu thu thập được về sơ Lucia bao gồm hơn 15.000 thư, lời khai và các tài liệu khác hỗ trợ nguyên nhân cho tiến trình phong chân phước cho sơ. Đức Giám Mục Virgilio Antunes của Giáo phận Coimbra, Bồ Đào Nha lưu ý rằng những trang chứng từ này đã mất hơn 8 năm thu tập, vì chúng bao gồm các thư cá nhân và lời khai của hơn 60 người.

Các trang chứng từ này được đệ trình trong một buổi lễ tại nguyện đường của tu viện nơi sơ Lucia đã sống tại Coimbra, và sau đó các hồ sơ này sẽ được gửi tới Bộ Phong Thánh ở Vatican để phê chuẩn, hầu tiến tới các bước tiếp theo của việc phong thánh. Trường hợp này cũng phải được duyệt y bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong các cuộc hiện ra của Đức Maria, ba em nhỏ có liên quan đến Mẹ Fatima là những người nổi tiếng. Vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, hai anh em Francisco 7 tuổi và Jacinta Marto 9 tuổi - và người chị họ Lucia dos Santos 10 tuổi đang chăn cừu gần thị trấn Fatima của Bồ Đào Nha thì các em nhìn thấy một người đàn bà mặc đồ trắng và cầm một chuỗi hạt.

Sau lần xuất hiện đầu tiên này, Đức Trinh Nữ Maria sau đó xuất hiện với các em vào các ngày 13 của hàng tháng từ tháng Năm đến tháng Mười. Thông điệp về những sự hiện ra của Fatima có thể được tóm lược chủ yếu như một lời kêu gọi ăn năn đền tạ và cầu nguyện.

Vào năm 1930, Giáo Hội Công Giáo công nhận tính chất siêu nhiên của những cuộc hiện ra và một ngôi đền được xây cất tại Fatima. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến viếng thăm Linh địa Fatima ngày 13 tháng 5 năm 1967, và sau đó Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đều đến kính viếng.

Thánh Gioan Phaolô II đã có một lòng súng mộ đặc biệt với Đức Mẹ Fatima. Sau cuộc ám sát năm 1981, Đức Thánh Cha nhìn nhận Ngài còn sống nhờ vào sự can thiệp kỳ diệu của Mẹ Fatima. Để đánh dấu cho lòng biết ơn của mình, Ngài đã đặt viên đạn được lấy ra từ vụ ám sát không thành công này lên vương miện của Mẹ Fatima.

Trong dịp đó Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu: “Xin anh chị em hãy cầu nguyện cho người đã bắn Cha, mà Cha đã tha thứ với tất cả tấm lòng thành. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về Chúa Kitô, như một linh mục và nạn nhân, Cha muốn hiến dâng những đau khổ của Cha cho Giáo Hội và thế giới “.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Fatima vào tháng 5 vừa qua nhân dịp kỷ niệm 100 năm các cuộc Đức Mẹ hiện ra. Ngài đã phong thánh cho hai trong số 3 trẻ là Francisco và Jacinta Marto, cả hai đều chết trẻ vỉ chứng viêm phổi và đã được phong chân phước vào năm 2000.

Sr Lucia qua đời vào năm 2005 ở tuổi 97.

6. Người đã từng khinh khi phỉ báng những tín hữu đi lễ - nay đã trở thành là một linh mục

Theo Thông tấn xã EWTN và CAN thì sau một thời trai trẻ, đầy hận thù với Giáo Hội, Juan José Martínez tự thú ngài đã khám phá ra chân lý “Thiên Chúa hiện hữu và muốn ngài làm linh mục.”

Ngài kể ngày xưa “Mỗi sáng Chúa Nhật đứng trên ban công nhà nhìn những ai đi tới nhà thờ tham dự thánh Lễ, tôi thường phỉ báng và khạc nhổ lên họ. Tôi nói với họ rằng Giáo Hội là một tổ chức làm tiền, móc túi họ!” Nay ngài trở thành một linh mục thuộc Giáo phận Almeria, Tây Ban Nha.

Cha mẹ của Juan José không phải là người Công Giáo sốt sắng. Chính ngài cũng chẳng nhận được một sự giáo dục tôn giáo nào! Ngược lại khi còn tại ghế nhà trường, tôi luôn phản bác chống lại các giờ về đạo đức tôn giáo! Ngài cũng không tưởng nổi, khi kết thúc cuộc hành trình như hiện nay ngài trở thành kẻ lôi cuốn bạn bè và tha nhân vào Giáo hội. Cha Juan José còn nhớ rất rõ lần đầu tiên ngài bước vào nhà thờ Công Giáo, “ngài đã vào để vui lòng những người đã mời ngài mà thôi”. Đó là vào tháng giêng năm 1995, một số bạn bè trong lớp mời tôi tham dự buổi cầu nguyện đại kết giữa Hồi giáo và Công Giáo tại giáo xứ. Tôi nhớ tôi đã nói với họ rằng tôi không muốn họ tẩy não tôi. Và trong cả tháng, họ vẫn kiên trì. Cuối cùng vào một ngày thứ năm tháng hai năm 1995, lần đầu tiên tôi bước vào nhà thờ Công Giáo. “

Một hộp vàng

Rất nhiều bạn bè của tôi đang hiện diện và tôi rất ngạc nhiên bởi vì “tất cả đều tập trung hướng về một cái hộp bằng vàng ở trên gian cung thánh nhà thờ. Tôi không biết đó là cái gì, và tôi nghĩ có lẽ đó là nơi mà linh mục giáo xứ cất giữ tiền bạc!”

Hộp vàng đó là Nhà tạm.

Cha Juan José nói rằng ngài đã vào nhà thờ để làm cho bạn bè vui, nhưng tôi nghĩ “các bạn của tôi điên hết rối! Trong lòng tôi cười chế nhạo, nhưng vì lịch sự mà tôi cố che giấu nó. Tôi quyết định thứ Năm tuần sau tôi sẽ trở lại với họ để cười nhạo thêm.”

Nhưng lạ lùng thay vào thứ năm đó chàng Juan José đã bị thuần hóa và buông bỏ những định kiến chống lại Giáo hội và tôn giáo.

Ngài chia sẻ Ngài đã nhìn ra “Linh mục là một người thông minh, sẵn sàng giúp đỡ tha nhân”. Và rồi ý niệm ấy thấm nhập vào tâm hồn ngài. “Lúc ngài lên 15 tuổi, ngài bắt đầu đi hát Lễ vào các ngày Thứ Bảy. Và ở trước nhà tạm dần dần tôi nhận ra rằng Thiên Chúa hiện diện và yêu thương tôi. Tôi cảm được tình yêu của Chúa. Nhóm Canh Tân mà trước đây tôi tham gia vì vui, đã giúp tôi rất nhiều”.

'Tôi là người của tha nhân bất luận lúc nào họ cần'

Cha Juan José đã chịu phép rửa tội và rước lễ lần đầu theo mong ước của cha mẹ nhưng tôi không có một mối quan hệ nào với Thiên Chúa. Cha tôi không bao giờ đi lễ, chỉ có mẹ tôi thực hành niềm tin… nhưng dầu sao một lúc nào đó chính là khoảnh khắc độc nhất vô nhị trong cuộc đời tôi đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần và niềm tin vào Chúa. “

Trong nhiều năm tháng, chàng trẻ tuổi Juan José đã cố cự tuyệt lại tiếng gọi làm linh mục. “Tôi nói với Chúa rằng tôi không muốn những phiền hà xảy ra… Nhưng tư tưởng đó lúc nào cũng đeo đuổi tôi cho đến lúc tôi quyết định sẽ trở thành một linh mục.”

Vào một chiều Thứ Bảy lúc chàng vừa tròn 17, Juan José mạnh dạn thưa với cha mình rằng con muốn gia nhập chủng viện. Bố của ngài đã đánh cá “chuyện đó chỉ xảy ra khi Jose bước qua xác chết của ông!”

“Cha tôi không hiểu nổi vì sao tôi muốn làm linh mục. Nên cha tôi đề nghị ông sẽ trả học phí cho tôi sang Hoa Kỳ du học, và ông cương quyết không bao giờ trả một đồng xu cho chủng viện. “

Trong một thời điểm khó khăn như vậy, Cha Juan José nhớ lại ngài chỉ biết cầu nguyện với tâm tình của Thánh nữ Têrêsa Avila: “Đừng sợ hãi... Điều mà con cần là Thiên Chúa mà thôi” và lúc cha cậu cản ngăn, ngài chỉ biết ôm lấy cha và nói: “Con mong một ngày ba sẽ hiểu...”

'Mừng vui'

Trên thực tế, cha ngài đã đi hơi xa là đe dọa bất cứ một linh mục nào giúp con ông đeo đuổi ơn gọi của ngài. “Cha tôi đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản, nhưng Thánh ý của Chúa còn mạnh hơn”.

Để làm vui lòng cha đẻ của mình, cha Juan José đã không vào chủng viện ngay, ngài bắt học và làm nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Almeria. Trong nhiều năm, ông kiên nhẫn, và tiếp tục trung thành với ơn gọi của ông là trở nên linh mục Chúa. Cho đến một ngày tháng 5 năm 1999, Ngài nhớ mẹ ngài tâm sự với ngài rằng bà đã nói chuyện với ba ngài, thuyết phục ông để ông cho phép ngài gia nhập chủng viện. “Tôi đã òa khóc và khóc dòng. Tôi nhớ khi tôi nói với cha linh hướng của tôi về biến cố này, Cha linh hướng cũng ôm chặt lấy tôi...”

Tháng 9 năm 2000, Juan Jose vào chủng viện.

Chàng Juan Jose đã gia nhập chủng viện vào tháng 9/2000 và sau những năm học thần học, năm 2006, cha José được chịu chức tại nhà thờ Almeria. Người cha của ngài cũng tham dự buổi lễ. “Dù không chấp nhận cho tôi trở thành linh mục, nhưng ba thấy tôi hạnh phúc nên ông đành chấp nhận.”

Và trên thực tế, cha nhớ lại rằng cách đây hai năm, “trước khi ba của ngài qua đời, chính cha đã Xức dầu cho ba và lo liệu hậu sự cho ba của ngài.”

Cha Jose nói: “Khi có ai đó nói với cha rằng anh hay chị ta không tin vào Thiên Chúa, thì ngài luôn luôn trả lời rằng chính ngài cũng đã không tin vào Chúa, và ngài đã lầm, vì ngài chỉ khám phá ra niềm hạnh phúc đích thực nơi Chúa Giêsu mà thôi. Nếu bạn không có hạnh phúc tròn đầy bạn hãy cầu xin Chúa ban cho bạn, vì chỉ mình Chúa mới có thể ban cho bạn thứ hạnh phúc mà trái tim bạn đang khát mong.”

7. Ngôi nhà thờ ở Tây An đã bị phá hủy sau Giáng Sinh vì nằm trên vùng Đất Vàng.

Ngôi nhà thờ duy nhất cuả làng Chí phương, quận Hỗ nghi, gần Tây an, Thiểm tây đã bị nhà cầm quyền dùng vũ lực san bằng và không cho biết lý do.

Ngôi nhà thờ được xây dựng gần 20 năm trước đây, với tất cả giấy phép cần thiết từ Cục Tôn Giáo và được người Công Giáo địa phương sử dụng không ngừng từ năm 1999.

Nhà thờ nằm gần trục xa lộ Bắc kinh - Côn minh gần ngõ ra cuả làng Chí phương nối với đường cao tốc Tây an - Hán trung. Nơi đây đã trở thành một chỗ ‘Đất Vàng’ mà chỉ mới 20 năm trước từng bị coi là một khu hoang phế.

Người Công Giáo đã loan báo tin tức về sự phá hủy trên các mạng truyền thông, cùng với hình ảnh các giấy tờ pháp lý, cho thấy rằng ngôi nhà thờ đã được xây cất hợp lệ, đã được phê duyệt và có tất cả các giấy phép cần thiết về việc sử dụng đất đai. Các giấy tờ cũng cho thấy rằng việc sử dụng đất đai là “vĩnh viễn”.

Ngược lại, không hề có sự tham vấn với cộng đồng, nhà chức trách chỉ ban hành một lưu ý đơn giản vào ngày 20 tháng 12 và tiến hành việc phá hủy sau ngày Giáng Sinh.

Thánh giá đã bị phá hủy, những ảnh tượng cuả Đàng Thánh Giá, Nhà Tạm và các trang trí phụng vụ, cũng như áo lễ và ghế quì đã bị xe tải đưa đi hết.

Trước và trong quá trình phá hủy, giáo dân không được phép đến gần ngôi nhà hoặc lấy đi bất kỳ vật gì trên Cung Thánh.

Người Công Giáo đã tổ chức biểu tình ở trước ủy ban hành chánh địa phương nhưng không được hồi đáp.

8. Ðức Thánh Cha kêu gọi tiếp nhận và trợ giúp người di cư tỵ nạn.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin lúc 12 giờ trưa ngày đầu năm mới, Ðức Thánh Cha đã lập lại chủ đề của Ngày hoà bình thế giới năm nay: “Các người di cư và tỵ nạn: các người nam nữ kiếm tìm hoà bình”.

Đức Thánh Cha nói: “Một lần nữa tôi muốn là tiếng nói thay cho các anh chị em khẩn nài một chân trời hoà bình cho tương lại của họ. Vì hoà bình này là quyền của tất cả mọi người, nhiều người trong họ sẵn sàng liều mạng trong một cuộc du hành, đa số lâu dài và nguy hiểm, đương đầu với mệt nhọc và khổ đau (Sứ điệp cho Ngày hoà bình thế giới 2018,1). Chúng ta đừng dập tắt niềm hy vọng trong tim của họ, đừng bóp nghẹt các chờ mong hòa bình của họ! Thật là quan trọng từ phía tất cả mọi người, các cơ cấu dân sự, các thực tại giáo dục, bác ái và giáo hội, sự dấn thân bảo đảm cho các người tỵ nạn di cư và tất cả mọi người một tương lại hoà bình. Xin Chúa ban cho chúng ta biết hoạt động trong năm mới này với lòng quảng đại để thực hiện một thế giới liên đới và tiếp đón hơn. Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho điều này trong khi chúng ta cùng nhau tín thác cho Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa năm 2018 vừa bắt đầu: “Dưới sự che chở của Mẹ chúng con tìm nơi ương ẩn. Hỡi Mẹ Thiên Chúa xin đừng khinh rẻ các lời khẩn cầu của chúng con đang sống trong thử thách, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi hiểm nguy, ôi lậy Ðức Trinh Nữ vinh quang và được chúc phúc.”