Ngày 03-01-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:19 03/01/2021

11. Ai không chịu đau khổ và thống hối tội mình đã phạm, thì họ không đáng để được Chúa an ủi.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:24 03/01/2021
26. CỦ CẢI THẾ GÀ

Con gà bị chủ giết để mời khách rất là không phục, nên đến âm ty cáo trạng với diêm vương:

- “Dùng thịt gà để mời khách là chuyện thường, nhưng chủ nhân không nên bắt tôi đây mời rất nhiều khách”.

Té ra chủ nhân giết gà và nấu chung với củ cải, hơn nữa lại còn mời hơn ba chục khách lại ăn.

Diêm vương không tin, nói:

- “Làm gì có chuyện đó hử?

Gà liền yêu cầu chuyển tin mời củ cải đến làm chứng nhân.

Củ cải làm chứng, nói:

- “Lời nói của gà cũng không thật, hôm mời khách, chỉ thấy củ cải là tôi, làm gì thấy gà chứ !”

(Tuyết Đào Hài Sử)

Suy tư 26:

Làm thịt một con gà mời ba mươi thực khách thì thật là người keo kiệt; gà vì sĩ diện mà phải nói là tiếp đãi ba mươi khách ăn, chỉ có củ cải là nói thật, vì củ cải là thức ăn bình dân mà lại rẻ tiền nên có thể đãi nhiều khách ăn mà không sợ tốn tiền nhiều như mua thịt. Một con gà thì không thể mời ba mươi thực khách, cho nên mới bỏ củ cải vào cho thật nhiều để khách ăn, thịt gà chỉ là mùi vị mà thôi.

Khi đói nghèo thì thịt một con gà cho nhiều người ăn là chuyện thường, nhưng khi gà bị dịch tràn lan thì dù có làm thịt ba mươi con gà cho một người ăn thì cũng chẳng ai thèm ăn, bởi vì mạng sống con người lớn hơn miếng thịt gà rất nhiều.

Có một vài người Ki-tô hữu đem linh hồn của mình đi đổi miếng thịt gà nơi bàn nhậu, ăn miếng thịt gà nhỏ xíu nơi bàn nhậu có rượu bia và có mấy em phục vụ tới nơi tới chốn thì chắc chắn là thua lỗ, vì miếng thịt gà không thể nào quý trọng cho bằng linh hồn của mình được.

Củ cải còn thế gà được, nhưng không có gì có thể thay thế mình trước tòa phán xèt của Thiên Chúa.

Ai cũng biết linh hồn rất quý trọng, nhưng ai cũng thích ăn miếng thịt gà có bia rượu và gái đẹp, bởi vì đường xuống hỏa ngục thì rộng thênh thang ai cũng thích đi. Hỏi có mấy ai thích đi đường hẹp để lên.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ân Sủng quá đắt
Lm. Minh Anh
22:34 03/01/2021
ÂN SỦNG GIÁ ĐẮT

“Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói, “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần”.

Kính thưa Anh Chị em,

Khi mắt chúng ta vẫn chưa rời khỏi hang đá Bêlem thì bất ngờ, Tin Mừng hôm nay mời chúng ta dõi theo Chúa Giêsu trên bước đường truyền giáo của Ngài. Ngạc nhiên thay! Khởi đầu sứ vụ, khi chưa dạy dỗ một điều gì, Chúa Giêsu lại đưa ra bản tóm tắt trọng tâm của tất cả những gì Ngài sẽ giáo huấn, đó là, “Hãy hối cải”; không chỉ hối cải, Ngài còn nói, “vì Nước Trời đã đến gần”. Thế mà, Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ là Nước Trời; đó chính là lý do chúng ta phải hối cải. Vì để chúng ta có thể sống một đời sống con cái trong Nước Ngài, Con Thiên Chúa đã trả một giá quá đắt, ân sủng chúng ta lãnh nhận quả là một ‘ân sủng giá đắt’.

Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy Con Thiên Chúa đã không tiếc gì cho Vương Quốc mà Ngài muốn thiết lập; phận là phận của một vì Thiên Chúa, Ngài đã hoá nên nghèo khó, Ngài hoá ra không để con người trở nên giàu có. Chúng ta phải hối cải vì chúng ta chưa nên giống Ngài; chúng ta chưa dám ra khỏi sự an toàn ấm áp của mình để đến với những ai chưa biết Ngài; chúng ta chưa nhẫn nhục đủ để có thể chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận cuộc sống đôi khi còn khó khăn. Nhìn vào hang đá, chúng ta thấy một người cha nhẫn nhục, một người mẹ nhẫn nhục; đang khi trong mọi đấng bậc, chúng ta không ngừng phàn nàn, trách cứ Thiên Chúa, trách cứ con người. Từ trong hang đá, Chúa Giêsu đã trả một giá đắt để chúng ta có thể sống một đời sống ân sủng, một ‘ân sủng giá đắt’ để chúng ta nên giống Ngài. Chúng ta phải hối cải là vậy!

Chỉ trong ít ngày nữa, chúng ta cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa và sau đó, trở lại mùa Thường Niên. Suốt mùa Thường Niên, chúng ta gẫm suy những gì xảy ra trong sứ vụ công khai của Chúa, tập trung vào giáo huấn của Ngài; thế nhưng, tất cả mọi điều Ngài nói, mọi việc Ngài làm, cuối cùng, cũng hướng chúng ta đến việc hối cải, đoạn tuyệt với tội lỗi và quy về Chúa bằng một đời sống trong ân sủng Ngài, một loại ‘ân sủng giá đắt’ đòi hỏi bỏ mình và vác thập giá.

Mỗi ngày, chúng ta phải nghe Chúa Giêsu nói lại những ấy, “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần”. Đừng nghĩ, Ngài nói điều này vào thuở xa xưa; đúng hơn, hãy nghe những lời ấy hôm nay, bên máng cỏ; ngày mai và mọi ngày suốt cuộc đời. Sẽ không bao giờ có một lúc nào đó mà chúng ta không cần hối cải; vì lẽ, sẽ không bao giờ chúng ta hoàn hảo trong cuộc đời này. Hối cải phải là nhiệm vụ hàng đầu và hằng ngày, vì ân sủng Chúa ban là một loại ‘ân sủng giá đắt’.

Về điểm này, Thánh Gioan lưu ý trong bài đọc hôm nay, “Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ”. Giữ giới răn Chúa là xa lánh tội lỗi, sống trong ân sủng và quy về Chúa. Thánh Gioan dạy, nhờ Thánh Thần hằng ở trong chúng ta, hãy phân định để khôn ngoan, sống đẹp lòng Chúa, “Hãy nghiệm xét các thần trí, coi có phải bởi Thiên Chúa hay không”.

Trong cuốn sách của mình, “The Cost of Discipleship”, tạm dịch, “Cái Giá Của Người Môn Đệ”, Dietrich Bonhoeffer, một thần học gia người Đức viết, “Ân sủng giá rẻ là ân sủng chúng ta tự ban cho mình; là rao giảng sự tha thứ mà không đòi hỏi ăn năn; là rửa tội mà không cần giữ luật; là rước lễ mà không cần xưng tội; ân sủng giá rẻ không làm cho ai đó trở thành môn đệ; ân sủng giá rẻ không có thập giá, không có Chúa Giêsu Kitô đang sống và nhập thể. ‘Ân sủng giá đắt’ là sự trị vì của Chúa Giêsu trong Vương Quốc Ngài; ở đó, vì phần rỗi của mình, người nam, người nữ sẽ móc mắt để khỏi phạm tội. Đó cũng là lời mời gọi của Đấng mà vì Ngài, nhiều người đã dám bỏ lưới, bỏ chài, bỏ cha, bỏ mọi sự mà đi theo Ngài”.

Anh Chị em,

“Hãy hối cải”, cũng là sứ điệp của Gioan Tiền Hô. Có Chúa Giêsu, ‘ân sủng giá đắt’ sẽ thuộc về chúng ta! Để được vậy, chúng ta sẽ không thoả hiệp với sự dễ dãi để nhận lấy thứ ân sủng rẻ hời của thế gian và của chính mình. Biết sống đời sống hối cải, chúng ta sẽ đồng hành với Chúa từ hang đá Bêlem đến thập giá núi Sọ và cùng chôn mình vào huyệt đá với Ngài; để cuối cùng, chúng ta phục sinh vinh hiển với Ngài, sống đời làm con viên mãn trong Vương Quốc Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thành tâm thống hối mọi tội lỗi trong đời con; xin ban cho con ân sủng để thoát khỏi những ràng buộc ngăn cản con với Chúa. Xin cho con không chỉ từ bỏ tội lỗi mà còn quay về với Chúa là nguồn mạch mọi ‘ân sủng giá đắt’ hầu con luôn để mắt đến Vương Quốc Nước Trời và làm tất cả những gì có thể để chia sẻ Vương Quốc đó tại đây và bây giờ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Ba 5/1 – Con người vô cảm còn Chúa chạnh lòng thương – Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Minh-Ước SJ
Giáo Hội Năm Châu
23:40 03/01/2021


Video bắt đầu lúc 7g tối 4/1 giờ Việt Nam

Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô. (Mc 6:34-44)

Khi Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.” Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngả lưng thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngả lưng xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ khởi thủy Thiên Chúa đã muốn giao tiếp với chúng ta. Huấn đức của Đức Thánh Cha ngày 3/1
Đặng Tự Do
06:49 03/01/2021
Tại nhiều nơi trên thế giới, Chúa nhật 3 tháng Giêng là Chúa Nhật Lễ Hiển Linh hay còn gọi là Lễ Ba Vua. Tuy nhiên, tại Ý và nhiều nơi khác có truyền thống mừng lễ Hiển Linh vào đúng ngày chính lễ 6 tháng Giêng, thì Chúa nhật 3 tháng Giêng là Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Giáng Sinh.

Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan có chủ đề là “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Trong bài huấn dụ ngắn từ Thư Viện của Dinh Tông Tòa, trước khi đọc kinh Truyền Tin, trong khi ngoài trời mưa tầm tã, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Giáng sinh, Lời Chúa không cung cấp cho chúng ta một đoạn trong cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng nói với chúng ta về thời điểm trước khi Ngài giáng sinh. Trình thuật này đưa chúng ta ngược dòng thời gian, để mạc khải nhiều điều về Chúa Giêsu trước khi Ngài đến giữa chúng ta. Phần mở đầu của Tin Mừng Gioan bắt đầu như thế này: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1: 1). Lúc khởi đầu: đây là những lời đầu tiên của Kinh thánh, cũng giống như lời tường thuật về sự sáng tạo bắt đầu như sau: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1:1). Tin Mừng hôm nay nói rằng Đấng mà chúng ta đã chiêm ngưỡng trong lễ Giáng Sinh, như một hài nhi, Chúa Giêsu ấy đã hiện hữu trước: trước khi vạn vật khởi đầu, trước cả vũ trụ. Người có trước không gian và thời gian. “Ở nơi Người vẫn có sự sống” (Ga 1:4) trước khi sự sống xuất hiện.

Thánh Gioan gọi Người là Ngôi Lời. Thánh nhân muốn nói với chúng ta điều gì? Thưa: Lời được sử dụng để giao tiếp: anh chị em không nói một mình, anh chị em nói với ai đó. Chúng ta luôn nói chuyện với ai đó. Khi thấy một người đi trên đường lẩm bẩm nói chuyện với chính mình, chúng ta nói: “Người này lạ chưa, có chuyện gì đó đang xảy ra với cô ấy…” Chúng ta không lẩm bẩm với chính mình nhưng luôn nói chuyện với ai đó. Sự kiện là Chúa Giêsu là Ngôi Lời ngay từ đầu có nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa muốn giao tiếp với chúng ta, Ngài muốn nói chuyện với chúng ta. Con một của Chúa Cha (x. câu 14) muốn nói với chúng ta về vẻ đẹp của việc được làm con cái Thiên Chúa; Người là “ánh sáng thật” (c. 9) và muốn ngăn cách chúng ta khỏi bóng tối của sự dữ; Người là “sự sống” (c. 4), Người biết cuộc sống của chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng Người luôn yêu thương chúng ta. Chúa yêu mến tất cả chúng ta. Đây là thông điệp tuyệt vời của ngày hôm nay: Chúa Giêsu là Lời, Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng luôn nghĩ đến chúng ta và muốn giao tiếp với chúng ta.

Và để làm như vậy, Người đã vượt ra ngoài lời nói. Thực thế, ở trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được biết rằng Ngôi Lời “đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta” (c. 14). Ngài đã trở thành nhục thể: tại sao Thánh Gioan lại sử dụng cách nói này, “nhục thể”? Thánh Gioan không thể nói một cách thanh lịch hơn rằng Người đã trở thành một người đàn ông sao? Thưa: Không, thánh nhân dùng từ nhục thể vì nó biểu thị tình trạng con người chúng ta trong tất cả sự yếu đuối của nó, trong tất cả sự mong manh của nó. Từ ngữ ấy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã tự tạo ra sự yếu đuối dường ấy để chạm vào sự yếu đuối của chúng ta. Vì vậy, kể từ khi Chúa trở thành phàm nhân, không có gì trong cuộc sống của chúng ta là xa lạ đối với Ngài. Không có gì mà Ngài khinh thường, chúng ta có thể chia sẻ mọi điều với Ngài, mọi thứ.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để nói với chúng ta, để nói với anh chị em rằng Ngài yêu anh chị em ngay tại đó, rằng Ngài yêu chúng ta ngay trong tình trạng của chúng ta, trong sự yếu đuối của chúng ta, trong sự yếu đuối của anh chị em; ngay đó, nơi chúng ta xấu hổ nhất, nơi anh chị em xấu hổ nhất. Điều này thật táo bạo, quyết định của Thiên Chúa thật táo bạo: Ngài đã trở thành phàm nhân ngay tại nơi chúng ta thường xấu hổ; Người bước vào sự xấu hổ của chúng ta, để trở thành anh em với chúng ta, để chia sẻ hành trình cuộc sống.

Người đã trở thành nhục thể và một đi không trở lại. Ngài không coi nhân loại của chúng ta như một tấm áo mặc vào và cởi ra. Không, Người chưa bao giờ tách mình ra khỏi xác thịt của chúng ta. Và Người sẽ không bao giờ rời khỏi nó: bây giờ và mãi mãi Người ở trên trời cùng với nhân tính. Người đã mãi mãi kết hợp với nhân loại của chúng ta, chúng ta có thể nói rằng Người đã “kết hôn” với nhân loại chúng ta. Tôi thích nghĩ rằng khi Chúa cầu nguyện với Chúa Cha cho chúng ta, Ngài không chỉ nói với Chúa Cha, nhưng Ngài còn chỉ cho Chúa Cha thấy những vết thương của xác thịt, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương mà Ngài đã chịu vì chúng ta. Đây là Chúa Giêsu: bằng xác thịt của nhân loại, Người là Đấng chuyển cầu, Người cũng muốn mang những dấu chỉ đau khổ. Chúa Giêsu, với xác thịt của mình ở trước mặt Chúa Cha. Trên thực tế, Tin Mừng nói rằng Người đến ở giữa chúng ta. Người không đến thăm chúng ta và sau đó bỏ đi, Người đến sống với chúng ta, ở lại với chúng ta.

Chúa Giêsu muốn gì ở chúng ta? Thưa: Ngài mong muốn sự thân mật tuyệt vời. Người muốn chúng ta chia sẻ với Người niềm vui và nỗi buồn, mong muốn và sợ hãi, hy vọng và nỗi buồn, mọi người và mọi tình huống. Anh chị em hãy làm điều đó, với sự tự tin: chúng ta hãy mở lòng ra với Ngài, hãy nói với Ngài tất cả mọi thứ. Chúng ta hãy dừng lại trong thinh lặng trước máng cỏ để cảm nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để gần gũi với chúng ta. Và đừng sợ, chúng ta hãy mời Người đến với chúng ta, về nhà của chúng ta, về gia đình của chúng ta. Mọi người đều biết rõ điều này là chúng ta hãy mời Người đến với những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta hãy mời Người đến, để Người nhìn thấy vết thương của chúng ta. Ngài sẽ đến và cuộc sống sẽ thay đổi.

Xin Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành Ngôi Lời, giúp chúng ta chào đón Chúa Giêsu, là Đấng đang gõ cửa trái tim chúng ta để sống với chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi đến anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới vừa bắt đầu. Là các tín hữu Kitô, chúng ta tránh xa những suy nghĩ theo thuyết định mệnh hoặc ma thuật: chúng ta biết rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau làm việc vì thiện ích chung, đặt những người yếu nhất và thiệt thòi nhất làm trung tâm. Chúng ta không biết những gì chào đón chúng ta trong năm 2021 này, nhưng những gì mỗi chúng ta và tất cả chúng ta cùng nhau có thể làm là cam kết chăm sóc lẫn nhau và thiên nhiên, là ngôi nhà chung của chúng ta nhiều hơn một chút.

Đúng là, có sự cám dỗ chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, tiếp tục gây chiến, chẳng hạn, chỉ tập trung vào thành tích kinh tế, sống theo chủ nghĩa khoái lạc, tức là chỉ cố gắng thỏa mãn thú vui của chính mình… Có, vâng có những cám dỗ như thế. Tôi đọc một mẩu tin trên báo làm tôi buồn: ở một đất nước, tôi không nhớ là nước nào, để thoát khỏi sự cô lập và có thể có một kỳ nghỉ tốt, hơn 40 máy bay đã cất cánh bay đi vào chiều hôm đó. Nhưng những người đó, những người có thể là tốt, đã không đoái hoài gì đến những người ở nhà, những vấn đề kinh tế của bao nhiêu người mà cái lệnh khóa cửa ném xuống đất, và những người bệnh sẽ ra sao? Chỉ cần đi nghỉ và tận hưởng niềm vui của riêng họ. Điều này làm tôi đau đớn rất nhiều.

Tôi gửi lời chào đặc biệt tới những người đang bắt đầu một năm mới với nhiều khó khăn hơn, những người bệnh tật, những người thất nghiệp, những người đang sống trong hoàn cảnh bị áp bức hoặc bóc lột. Và với lòng yêu mến, tôi muốn gửi lời chào đến tất cả các gia đình, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ hoặc những người đang mong chờ sinh nở, là điều luôn luôn là một lời hứa của hy vọng. Tôi gần gũi với những gia đình này: Xin Chúa phù hộ cho anh chị em!

Chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ, và hãy luôn nghĩ đến Chúa Giêsu, Đấng đã hóa thành nhục thể để luôn sống với chúng ta, luôn luôn, giữa những điều tốt và những điều xấu của chúng ta. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!


Source:Holy See Press Office
 
Thông cáo gây kinh ngạc của Tòa Thánh liên quan đến Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz
Đặng Tự Do
07:41 03/01/2021
Hôm Chúa Nhật 3 tháng Giêng, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra thông báo toàn văn như sau:

Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn từ chức khỏi trách nhiệm chăm sóc mục vụ do Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Tổng Giám mục Thủ đô Minsk-Mohilev (Belarus), nộp lên ngài theo giáo luật 401 triệt 1, và đồng thời Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha Kazimierz Wielikosielec, dòng Đa Minh, Giám Mục hiệu tòa Blanda và là Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Pinsk làm Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận vừa trống tòa nói trên.

Người Công Giáo tại Belarus chắc chắn sẽ rất ngỡ ngàng. Từ cuối tháng 8 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz của Minsk-Mohilev, và đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Belarus, đã bị lưu vong tại Ba Lan. Nhà độc tài Alexander Lukashenko đã cấm không cho ngài về nước và cáo buộc ngài khích động dân chúng nước này tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ tự do.

Hộ chiếu của Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz đã bị vô hiệu hóa và ngài đã bị lực lượng biên phòng ngăn chặn khi trở về Belarus sau chuyến viếng thăm Ba Lan vào ngày 31 tháng 8. Hành động này của nhà cầm quyền Belarus được coi là một đòn trừng phạt Đức Tổng Giám Mục vì ngài đã lên tiếng bảo vệ người dân tham gia các cuộc biểu tình sau một cuộc bầu cử tổng thống đầy gian lận.

Belarus đã chứng kiến các cuộc biểu tình lan rộng kể từ sau cuộc bầu cử đó. Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 9 tháng 8 sau khi tổng thống Alexander Lukashenko được tuyên bố đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cùng ngày với hơn 80% số phiếu bầu.

Lukashenko đã là tổng thống Belarus kể từ năm 1994. Ông ta cho rằng Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz có thể là công dân của nhiều quốc gia, và nhận lệnh của các quốc gia khác nhằm xúi giục các cuộc biểu tình.

Đích thân, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, là ngoại trưởng Tòa Thánh, đã sang tận Belarus từ 11/9 đến 14/9 để thuyết phục Alexander Lukashenko cho Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz về nước nhưng không thành công.

Ngày 3 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Ante Jozić, là Tân Sứ Thần Tòa Thánh đến trình quốc thư, vẫn không thành công sau rất nhiều vòng đàm phán cam go.

Cuối cùng, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, Sứ thần Tòa thánh tại Vương quốc Anh, đã đóng vai trò là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc gặp gỡ với Lukashenko hôm 17 tháng 12. Đức Tổng Giám Mục Gugerotti từng là Sứ thần Tòa thánh tại Belarus từ năm 2011 đến năm 2015. Ngài nói thông thạo tiếng Belarus.

Năm ngày sau đó, hôm 22 tháng 12, Vladimir Makei, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus, mới cho biết chính quyền Belarus nhượng bộ.

Makei nói:

“Vì sự tôn trọng sâu sắc nhất đối với Đức Giáo Hoàng và vì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Đức Tổng Giám Mục Gugerotti, nguyên thủ Belarus cho rằng có thể đáp ứng yêu cầu của Đức Giáo Hoàng và đã đưa ra các chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao tìm ra giải pháp cho vấn đề, có tính đến tất cả các cơ chế pháp lý hiện có,”

“Kỳ nghỉ lễ lớn sắp tới là Giáng sinh và các sự kiện lễ hội là một lý do bổ sung để đưa ra quyết định này đối với thành phố Minsk và Tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz mặc dù có một số điều tiêu cực về người này,” Makei nói thêm.

Việc Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz xuất hiện trong thánh lễ Giáng Sinh là một phép lạ mùa Giáng Sinh đối với người dân Belarus.

Đức Tổng Giám Mục Kondrusiewicz sinh ngày 3/1/1946. Như thế, ngày 3/1/2021 ngài tròn 75 tuổi. Theo giáo luật ngài phải nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, thông thường, Đức Thánh Cha sẽ yêu cầu các Giám Mục đảm nhiệm chức vụ hiện nay thêm một thời gian nữa, trong nhiều trường hợp có thể lên đến vài năm.

Mất bao nhiêu công đàm phán như thế chỉ để làm thêm có 11 ngày! Hay đó là điều kiện của tên độc tài Lukashenko? Điều oái oăm gây ngơ ngác hơn nữa là người thay thế ngài, Đức Cha Kazimierz Wielikosielec (sinh ngày 5/5/1945) thậm chí còn già hơn ngài.


Source:Holy See Press Office
 
Đức Thánh Cha chia sẻ trong buổi triều yết: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tất cả những yếu đuối của chúng ta.
Thanh Quảng sdb
18:02 03/01/2021
Đức Thánh Cha chia sẻ trong buổi triều yết: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với tất cả những yếu đuối của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về việc Chúa mặc lấy xác phàm, Thiên Chúa đã đồng hóa chính mình với nhân loại, yêu thương chúng ta với tất cả sự yếu đuối của chúng ta và mời gọi chúng ta chia sẻ mọi sự với Ngài.

(Tin Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong giờ kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3/1/2021 đã kêu gọi các tín hữu hãy mời Chúa vào nhà, vào gia đình và chia sẻ với Chúa tất cả những yếu đuối và lo âu của mình để Chúa thay đổi cuộc đời chúng ta.

Phát biểu trong buổi triều yết, đọc kinh Truyền Tin vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Giáng sinh, Đức Thánh Cha đã suy tư chia sẻ nét dịu dàng của Hài Nhi Giêsu trong nôi, và suy ngẫm về Tin Mừng thánh Gioan (Ga 1: 1), đặc biệt trong phần mở đầu của Tin mừng, “đề cập cho chúng ta hay về Chúa trước khi Ngài được sinh ra.”

ĐTC nói thánh sử xử dụng những từ tương tự như những từ được xử dụng trong Kinh Thánh với tường thuật về Sáng Tạo, nhưng nói rằng ngày nay “Đấng mà chúng ta chiêm ngắm lúc Ngài chào đời, đã hiện hữu: trước khi mọi vật được khởi đầu, ngay cả trước khi vũ trụ được tạo dựng... Ngài có trước cả không thời gian. “Ngài là sự sống” (Ga 1: 4), trước khi sự sống xuất hiện.”

Thiên Chúa giao tiếp với chúng ta

Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Thánh Gioan gọi Chúa là “Logos”, tức là Ngôi Lời.” Và ĐTC giảng giải từ này dùng để giao tiếp: "người ta không nói một mình, người ta nói với ai đó."

Thật vậy Chúa Giêsu, ngay từ thuở ban đầu, là Ngôi Lời, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “có nghĩa là ngay từ đầu Thiên Chúa muốn liên hệ với chúng ta, Ngài muốn nói với chúng ta.”

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: Người Con của Thiên Chúa “muốn mặc khải cho chúng ta về nét đẹp của việc làm con Chúa,” ngài muốn đẩy lui bóng tối của sự dữ ra khỏi chúng ta: “Ngài là 'sự sống', Ngài biết rõ cuộc sống của chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng Ngài luôn yêu thương chúng ta.”

ĐTC nói: “Chúa Giêsu là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng luôn nghĩ tới chúng ta và muốn tiếp xúc với chúng ta”.

Ngôi Lời đã trở thành xác phàm để ở giữa chúng ta luôn mãi.

ĐTC giải thích Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hay Chúa Giêsu đã vượt lên trên các ngôn từ, và thực vậy “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta”.

ĐTC đã suy ngẫm về sự lựa chọn mà Thánh Gioan xử dụng từ xác phàm, để nói về tình trạng con người của chúng ta trong tất cả sự yếu đuối của nó, trong tất cả nỗi yếu hèn của nó.

“Hài nhi Giêsu cho chúng ta hay Thiên Chúa mặc lấy xác phàm để có thể cảm thông những yếu hèn của con người chúng ta”.

“Hãy bày tỏ những thương đau thể xác của chúng ta lên Thiên Chúa,” Đức Thánh Cha nói, “Chúa Giêsu sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta”.

Từ lúc Chúa mặc lấy xác phàm, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích, không còn gì trong cuộc sống của chúng ta là ngoại lai với Ngài: “Không có gì mà Chúa khinh khi, nên chúng ta có thể chia sẻ mọi sự với Ngài”.

“Anh chị em thân yêu, Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để nói cho chúng ta hay Ngài yêu chúng ta dường bao, ngay trong những yếu hèn lỗi lầm của chúng ta”.

Đức Thánh Cha tiếp tục trình bày chi tiết về việc Thiên Chúa không hối tiếc, “Ngài không mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta như mặc một chiếc áo rồi lại cởi ra,” Ngài không bao giờ tách chính Ngài ra khỏi xác thân của chúng ta nữa, và Ngài sẽ không bao giờ lìa xa nó.

ĐTC giải thích rằng như Phúc âm nói, “Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta, chứ Ngài không đến thăm chúng ta”.

Hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa

“Vậy Thiên Chúa mong muốn gì nơi chúng ta?” Đức Thánh Cha tự hỏi!

"Một sự mật thiết tuyệt vời!"

Thiên Chúa mong muốn chúng ta chia sẻ với Chúa những niềm vui, nỗi buồn đau của chúng ta, những ước muốn và những sợ hãi, niềm hy vọng và nỗi sầu buồn, con người và mọi cảnh trạng của con người chúng ta.

ĐGH kết luận bằng kêu mời các tín hữu hãy mở rộng trái tim cho Chúa và thân thưa với Ngài mọi điều.

“Chúng ta hãy dừng lại trong im lặng trước máng cỏ để cảm nhận nét dịu hiền của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên gần gũi, Đấng đã mặc lấy xác phàm. Và đừng sợ hãi, chúng ta hãy mời Ngài đến ở với chúng ta, vào nhà chúng ta, vào gia đình chúng ta, đụng chạm tới những yếu hèn của chúng ta. Chúa sẽ đến và thay đổi cuộc sống của chúng ta”.

Lời cầu chúc Năm mới đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi những lời cầu chúc năm mới tốt đẹp vừa mới bắt đầu cho mọi người. ĐTC nói: là những người Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng mọi sự sẽ được thành toàn trong Chúa, nếu chúng ta biết cùng nhau hoạt động cho lợi ích chung, "đặt những lo toan cho những người yếu hèn và thua thiệt như là trung tâm của mọi hoạt động của chúng ta."

ĐTC nói: “Chúng ta không biết năm 2021 sẽ mang lại những gì, nhưng điều mà mỗi chúng ta và tất cả chúng ta có thể làm là cam kết chăm sóc lẫn nhau và kiến tạo dựng xây cho ngôi nhà chung của chúng ta”.

ĐTC cho hay ngài rất đau buồn khi thấy trên báo chí có những người coi thường những lời khuyến cáo của y tế, vẫn tiến hành “những kỳ nghỉ hè vui chơi” mà không nghĩ đến những người khác đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng của cơn đại dịch.

Đức Thánh Cha bày tỏ lời chào thăm đặc biệt đến với những ai “bắt đầu một Năm Mới với những khó khăn lớn hơn: những người mắc bệnh, thất nghiệp, và những người sống trong hoàn cảnh bị áp bức bóc lột”.

ĐTC cũng cho hay ngài gần gũi với những gia đình đang mong đợi sự chào đời của một thành viên mới trong gia đình vì: “Một sự chào đời của một người con luôn là một niềm vui chan chứa hy vọng!”
 
Thuốc chủng Covid xử dụng tại Vatican là phát minh cuả một nữ bác học di dân từ nước Hungary.
Trần Mạnh Trác
18:24 03/01/2021
Theo lời bác sĩ Andrea Arcangeli là vị giám đốc Y tế cuả Vatican thì họ đã thiết lập xong một tủ lạnh với nhiệt độ thấp để có thể bảo quản vắc-xin và dự kiến sẽ bắt đầu chủng ngừa cho toàn thể công dân và nhân viên cuả Vatican vào giữa tháng Giêng tại giảng đường Paul VI.

Cũng trong tuyên bố ngày 2 tháng 1 năm 2021, thì “Ưu tiên sẽ dành cho các nhân viên y tế và an ninh công cộng, cho người già và cho những nhân viên thường xuyên tiếp xúc với công chúng.”

Vị giám đốc dịch vụ y tế Vatican nói thêm rằng Nhà nước Thành phố Vatican dự kiến sẽ nhận đủ liều vắc xin cuả hãng Pfizer vào tuần thứ hai tháng Giêng để đáp ứng nhu cầu của Tòa thánh và cuả Quốc gia thành phố Vatican.

Quốc gia thành phố Vatican là một quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới và chính thức chỉ có 800 công dân, nhưng cùng với các cơ quan Tòa thánh, số người phục vụ tại Vatican là 4.618 người, theo thống kê năm 2019.

Kể từ khi bắt đầu bùng phát coronavirus, tổng cộng đã có 27 người xét nghiệm dương tính với COVID-19 ở Thành phố Vatican. Trong số đó, ít nhất 11 người là thành viên của Lực lượng Bảo vệ Thụy Sĩ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc tế cho phép người nghèo tiếp cận với vắc-xin chống lại virus coronavirus đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,8 triệu người trên toàn thế giới tính đến ngày 2/1.

Trong bài diễn văn Giáng sinh “Urbi et Orbi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay, trong thời kỳ tăm tối và bấp bênh vì đại dịch, nhiều tia sáng hy vọng đã xuất hiện, chẳng hạn như việc phát hiện ra vắc xin. Nhưng để những ngọn đèn này chiếu sáng và mang lại hy vọng cho tất cả mọi người, vắc xin cần được cung cấp cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể cho phép các hình thức chủ nghĩa dân tộc khác nhau tự cô lập và chỉ lo cho một mình mình và ngăn cản chúng ta sống như một đại gia đình nhân loại thực sự."

Những tia sáng hy vọng mà Đức Giáo Hoàng nói trên hàm ý đến một loại vắc xin được hai hãng Pfizer và Moderna sản xuất dựa vào những khám phá về mRNA cuả một nữ bác học người Hung Gia Lợi đang dịnh cư tại Hoa Kỳ là nữ bác học Katalin Kariko.

Chúng tôi sẽ có sơ lược về mRNA trong phần Note đính kèm sau đây, bây giờ thì xin được tiếp tục nói về nhân vật đã mang lại món quả vô giá cho nhân loại trong dịp Noel này, mà hoàn cảnh cũng đã phải di cư, cũng đã lao đao và bị xua đuổi giống như hoàn cảnh cuả Đức Trinh Nữ Maria ngày xưa.

40 năm nghiên cứu đầy cam go thử thách

Khi các thử nghiệm cho thấy vắc-xin Pfizer-BioNTech coronavirus an toàn và hiệu quả tới 95% vào tháng 11 năm 2020, thì đó là thành tựu quan trọng sau 40 năm nghiên cứu của bà Katalin Kariko về mã di truyền RNA (axit ribonucleic). Phản ứng đầu tiên của bà là cảm giác “nhận được ơn cứu chuộc”, bà Kariko nói với báo The Daily Telegraph.

“Tôi đang cố gắng để hít thở không khí, tôi quá phấn khích và sợ rằng mình có thể chết được,” bà trả lời phỏng vấn từ căn nhà riêng ở Philadelphia. “Những lần tôi bị đánh gục, tôi biết cách tự vùng dậy, tôi luôn luôn yêu thích công việc… Tôi tưởng tượng ra tất cả những căn bệnh mà tôi có thể chữa trị”.

Sinh vào tháng 1 năm 1955 trong một gia đình Công Giáo ở thị trấn Szolnok, miền trung Hungary, một năm trước cuộc tàn xát bằng xe tăng cuả Liên Xô đè bẹp cuộc nổi dậy Budapest chống lại chế độ cộng sản.

Bà Kariko lớn lên ở vùng Đồng bằng lớn cuả Hungary, cha bà làm nghề đồ tể bán thịt. Bà đã say mê khoa học từ khi còn trẻ, và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu ở tuổi 23 tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh học của Đại học Szeged, sau khi lấy xong bằng Tiến sĩ.

Đó là nơi mà lần đầu tiên bà quan tâm đến RNA. Nhưng các phòng thí nghiệm của nước Hungary cộng sản không có đủ tài chánh, cho nên vào năm 1985 thì bà bị sa thải.

Bà Kariko phải tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, và may mắn được Đại học Temple ở Philadelphia bên Mỹ đỡ đầu. Lúc đó người Hungary bị cấm không được mang tiền ra khỏi nước, vì vậy bà đã bán chiếc xe của gia đình được $1200.00 và giấu số tiền trong con gấu bông của cô con gái 2 tuổi. “Đó là một chiếc vé một chiều, (để về nhà)" bà nói với Business Insider. "Chúng tôi không biết ai cả."

Không phải mọi thứ đều diễn ra một cách êm ả sau khi đến Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 1980, thì cộng đồng khoa học đang tập trung vào DNA, vốn được coi là chìa khóa để hiểu cách điều trị các bệnh ung thư. Nhưng mối quan tâm chính của bà Kariko là RNA, là mã di truyền cung cấp cho các tế bào những hướng dẫn về việc tạo ra protein.

Vào thời điểm đó, những thí nghiệm về RNA đã bị chỉ trích nhiều vì hệ thống miễn dịch của cơ thể coi RNA là một kẻ xâm nhập, cho nên thường gây ra các phản ứng viêm mạnh. Cho đến năm 1995, bà Kariko đáng lý được bổ nhiệm làm giáo sư thực thụ cuả Đại học Pennsylvania, nhưng thay vào đó, bà chỉ được bổ nhiệm vào ngạch làm một nhà nghiên cứu.

"Thông thường, với một hoàn cảnh như vậy, mọi người sẽ nói lời tạm biệt và bỏ rơi tất cả vì nó quá kinh khủng", bà Kariko đã tâm sự như vậy trên ấn phẩm y khoa Stat. Vào lúc đó, bà cũng đang trải qua một nỗi lo sợ khác nữa vì mắc phải một căn bệnh ung thư, trong khi chồng thì lại bị mắc kẹt ở Hungary vì gặp trục trặc trong vấn đề về thị thực. Cũng vào thời điểm đó, một nữ hoa học gia chưa được đánh giá cao, cho nên mỗi khi có một đồng nghiệp đi vào phòng thí nghiêm cuả bà thì họ thường hay hỏi tên của người giám sát là ai. Họ đều không nghĩ một phụ nữ có thể cai quản một phòng thí nghiệm!

Bà Kariko đã kiên trì đối mặt với những tình huống khắc nghiệt như thế. “Nhìn từ bên ngoài, nó có vẻ điên rồ, chật vật, nhưng tôi thấy hạnh phúc khi được ở trong phòng thí nghiệm,” bà nói với Business Insider. “Ngay cả ngày hôm nay, chồng tôi vẫn thường nói, 'Đây có vẻ là một trò giải trí cho em.' Mà đúng như thế, tôi thường không nói rằng tôi đi làm vì nó giống như là đi chơi vậy”.

Nhờ có một vị trí tại Đại học Pennsylvania, bà Kariko đã có thể giảm học phí chỉ còn 1 phần 4 cho cô con gái của mình là Susan Francia theo học tại đây. Cô Francia đã đoạt được nhiều huy chương vàng cho đội tuyển chèo thuyền cuả Hoa Kỳ tại hai Thế vận hội 2008 và 2012.

Một cuộc gặp gỡ tình cờ khi đứng đợi trước một máy photocopy vào năm 1997 đã thúc đẩy sự nghiệp của bà Kariko. Bà đã tiếp chuyện với một nhà nghiên cứu vắc-xin HIV là ông Drew Weissman. Họ đã quyết định hợp tác và đã phát triển thành công một phương pháp cho phép RNA không tạo ra những báo động miễn dịch trên cơ thể con người. Đó là một thành công được hoan nghênh rộng rãi vào năm 2005. Sau đó hai người lại tiếp tục nghiên cứu và thành công trong việc đặt RNA vào bên trong các hạt nano lipid, là một lớp phủ ngăn chặn chúng khỏi phân hủy quá nhanh và tạo điều kiện cho chúng xâm nhập vào các tế bào.

Các nhà nghiên cứu vắc xin cuả Pfizer-BioNTech và Moderna đã sử dụng các kỹ thuật trên để phát triển vắc xin của họ. Cả hai hãng đều sử dụng một chiến lược là đưa các hướng dẫn di truyền vào cơ thể để kích hoạt việc sản xuất một loại protein giống với protein của coronavirus, do đó tạo ra phản ứng miễn dịch mong muốn.

Bà Katalin Kariko và ông Drew Weissman hiện là những người được coi là xứng đáng nhất để nhận giải Nobel về Y học.

Dù đã chiến thắng sau 40 năm dài đấu tranh, bà Kariko cho biết vẫn chưa phải là lúc bà mở nắp chai sâm panh. Bà ấy còn đang đợi kết quả cuả các đợt tiêm chủng hàng loạt để loại bỏ mối đe dọa coronavirus. “Chỉ lúc đó, tôi mới thực sự có thể ăn mừng,” bà nói với CNN.

Note về vắc xin mRNA.

(Dựa theo tài liệu đang được phổ biến cuả văn phòng Ngừa Bệnh CDC cuả bộ Y Tế Hoa kỳ)

Vắc xin dựa vào mRNA là một loại vắc xin mới, nhưng không phải là chưa từng biết tới.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và làm việc với vắc-xin mRNA từ nhiều thập kỷ. Điều lợi cuả loại vắc-xin này là chúng có thể được phát triển trong phòng thí nghiệm với những chất liệu có sẵn. Điều này cũng có nghĩa là quá trình phát triển vắc-xin nhanh hơn so với các phương pháp làm vắc-xin truyền thống.

Vắc-xin mRNA đã từng được nghiên cứu cho các bệnh cúm, Zika, bệnh dại và cytomegalovirus (CMV). Ngay sau khi có thông tin cần thiết về loại virus gây ra COVID-19, thì các nhà khoa học đã có thể thiết kế mRNA để gây cho các tế bào tự sản xuất ra các spike protein độc đáo để tạo ra vắc-xin mRNA.

Công nghệ vắc-xin mRNA trong tương lai có thể cho phép một loại vắc-xin bảo vệ nhiều bệnh, do đó giảm số chích ngừa so với việc sử dụng vắc-xin thông thường.

Ngoài việc làm vắc-xin, nghiên cứu ung thư cũng đã sử dụng mRNA để kích hoạt hệ thống miễn dịch cho các tế bào ung thư.

Vắc-xin mRNA khác với các vắc xin truyền thống như thế nào?

Một số vắc-xin truyền thống sử dụng mầm bệnh - là toàn bộ một virus hoặc vi trùng (Được nuôi trong trứng gà hoặc thịt) - để dạy cho cơ thể chúng ta xây dựng khả năng miễn dịch. Những mầm bệnh này đã bị triệt sinh hoặc đã làm cho suy yếu đi.

Có vài loại vắc-xin khác thì sử dụng một phần cuả các bộ phận của vi-rút hoặc vi trùng mà thôi. (Quá trình thu thập, thích ứng và vận chuyển có thể mất ít nhất là 4 tháng để bắt đầu tạo ra vắc-xin)

Có một công nghệ vắc-xin khác gọi là tái tổ hợp, thì sử dụng men, nấm hoặc tế bào cuả một vi trùng để tạo ra những bản sao, hoặc là một phần hoặc là nhiều phần, cuả các protein tạo ra bệnh.

Vắc-xin mRNA bỏ qua những bước này. Chúng được tổng hợp bằng hóa học mà không cần dùng tế bào hoặc mầm bệnh, (thời gian chỉ mất 1 tuần) làm cho quá trình sản xuất đơn giản hơn. Vắc-xin mRNA mang các thông tin cho phép các tế bào của chúng ta tự tạo ra các protein hoặc các mảnh protein của mầm bệnh.

Quan trọng hơn, vắc-xin mRNA chỉ mang theo vừa đủ thông tin để tạo ra một phần nhỏ của mầm bệnh. Từ thông tin này, các tế bào của chúng ta không thể tạo ra toàn bộ mầm bệnh.

Cả hai loại vắc-xin mRNA COVID-19 mà Pfizer/BioNTech và Moderna đã phát triển đều không thể gây ra COVID-19. Chúng không mang theo thông tin đầy đủ cho các tế bào của chúng ta để làm ra virus SARS-CoV-2, và do đó, không thể gây nhiễm trùng.

Mặc dù khái niệm vắc-xin mRNA có vẻ đơn giản, nhưng công nghệ này thì khá tinh vi.

RNA là một phân tử dễ vỡ. Đưa mRNA vào tế bào trong cơ thể chúng ta là những thách thức chính trong việc phát triển vắc-xin.

mRNA không ở lại lâu trong các tế bào của chúng ta. Một khi nó đã phát ra các hướng dẫn để làm protein, các enzym được gọi là ribonucleases (RNases) sẽ làm suy thoái mRNA.

mRNA không thể di chuyển vào hạt nhân của tế bào vì nó thiếu các tín hiệu cho phép nó đi vào khoang này. Điều này có nghĩa là RNA không thể tích hợp vào DNA của người được chủng ngừa.

Không có nguy cơ thay đổi di truyền lâu dài với vắc-xin mRNA.

Các vắc-xin mRNA COVID-19 của Pfizer và Moderna đã trải qua thử nghiệm an toàn trong các thử nghiệm lâm sàng trên con người.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) cho vắc-xin pfizer mRNA sau khi xem xét dữ liệu an toàn từ hơn 37.000 người tham gia.

"Các tác dụng phụ thường kéo dài vài ngày, là đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, đau khớp, và sốt," theo tuyên bố cuả FDA.

"Lưu ý là nhiều người sẽ cảm thấy nhiều tác dụng phụ với liều thứ hai nhiều hơn liều thứ nhất, vì vậy các người cung cấp tiêm chủng và các người nhận cần biết là sẽ có thể có một số tác dụng phụ sau việc tiêm chủng, và có thể nhiều hơn nữa sau liều thứ hai."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giới Trẻ Giáo Hạt Hội An ,Đà Nẵng Giao Lưu Thánh Ca tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa
Giới Trẻ Giáo Hạt Hội An ,Đà Nẵng Giao Lưu Thánh Ca tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa
18:28 03/01/2021
Tối Chúa nhật ngày 3 / 1 / 2021, Ban điều hành Giới trẻ Giáo hạt Hội An, đã tổ chức chương trình Giao lưu Thánh ca kết hợp ẩm thực tại khuôn viên Giáo xứ Nhượng Nghĩa- Giáo phận Đà Nẵng.

Chương trình với Chủ đề “ GIÊ-SU – NIỀM CẬY TRÔNG”. Qua Chương trình này, Ban tổ chức mời gọi Cộng đoàn tham dự, hướng đến việc đồng hành và cầu nguyện cách riêng cho người trẻ theo tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới về người trẻ. Đồng thời mỗi người cảm nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa để tín thác cuộc đời vào Chúa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, và làm nhân chứng Thiên Chúa tình yêu giữa dòng đời.

Xem Hình

Đây là lần thứ 4 Giới trẻ Giáo hạt Hội An tổ chức các Chương trình giao lưu Thánh ca này, là sân chơi, là nơi giao lưu gặp gỡ học hỏi, làm sống động các phong trào, làm phát huy nhiều năng khiếu nơi các bạn trẻ. Các bạn trẻ được nâng đỡ đời sống tinh thần, làm phong phú và đa dạng hóa các sinh hoạt giới trẻ. Nhất là các bạn trẻ ý thức hơn việc làm Nhân chứng Tin Mừng trong hoàn cảnh, điều kiện và năng khiếu của mình.

+ Lần 1: ngày 17 / 6 / 2018 tại Giáo xứ An Hải, với Chủ đề “ Ghi Ơn Cha Mẹ”

+ Lần 2: Ngày 9 / 9 / 2018 tại Giáo xứ Cồn Dầu, với Chủ đề “ Ca Vang Đời Chứng Nhân”

+ Lần 3: ngày 26 / 5 / 2019 tại Giáo xứ Sơn Trà, với Chủ đề “ Mẹ ! Suối Nguồn “

Chương trình có 14 tiết mục với nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau: Hòa tấu, Hợp ca, tốp ca, Đơn ca, hò Lô-tô nhận quà trúng thưởng là những bảng Lời Chúa viết theo phong cách thư pháp ….

Trong lời khai mạc, Cha Đa-minh Đăng Bá Linh- Quản xứ Nhượng Nghĩa nói đến niềm vui gặp gỡ. Cha đã mời gọi Cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa vì nhiều ơn lành Thiên Chúa ban cho từng người trong năm qua, dâng cuộc đời và tương lai cho Thiên Chúa. Cha Giuse Đặng Quang Ngọc – Quản xứ La Nang cũng đến tham dự và chung chia niềm vui với Giới trẻ trong chương trình này.

Được biết, ngoài các chương trình này, các bạn trẻ trong Giáo hạt Hội An còn có hương trình nồi cháo tình thương, Bánh Chưng – bánh Tét cho gia đình khó khăn trong dịp Tết cổ truyền, giúp đỡ những cụ già neo đơn, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn giáo phận không phân biệt lương giáo, đi thăm và giúp các nạn nhân bão lũ ở một số địa phương tại tỉnh Quảng Nam, sau cơn bảo số 9 và số 12 trong năm 2020 vừa qua.

Cám ơn Ban Điều hành và các bạn trẻ Giáo hạt Hội An. Sức sống, tinh thần Hiệp Nhất, Yêu Thương, Phục Vụ nơi các bạn trẻ trong Giáo hạt thật mạnh mẽ và hăng say.

Xin Thiên Chúa, qua sự nâng đỡ của Quý Cha, Quý Tu sỹ, Quý Ân nhân, Quý Hội đồng mục vụ các Giáo xứ, tạo mọi điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất và giúp đỡ cho các hoạt động của Giới trẻ ngày càng tốt hơn và đi vào chiều sâu là làm nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa dòng đời.

Giới Trẻ Giáo Hạt Hội An,Đà Nẵng Giao Lưu Thánh Ca tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bánh Xe
Nguyễn Trung Tây Lm.
13:31 03/01/2021
BÁNH XE
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Dòng đời lăn tựa bánh xe,
Sáng, trưa, chiều tối, thương em từng ngày!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Vũ Hán tưng bừng đón Tết, Âu Châu lặng lẽ chào Xuân. Thương vong virút kinh hoàng nhất của Giáo Hội
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:40 03/01/2021


1. Thế giới những ngày đầu năm dương lịch

Tại Vũ Hán, Trung Quốc, hàng nghìn người đã tập trung trên đường phố để ăn mừng năm mới.

Thành phố này tưng bừng như chưa từng là một tâm chấn của một đại dịch kinh hoàng mà cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này đã giết chết 1,842,901 người, trong số 84,960,492 trường hợp nhiễm coronavirus.

Ồ dịch COVID-19 Vũ Hán đã được truyền thông quốc doanh Trung Quốc loan báo đầu tiên vào ngày 31 tháng 12 năm 2019.

Thật lạ lùng, kể từ tháng 5, thành phố không có trường hợp nhiễm vi-rút nào được báo cáo sau cuộc khóa cửa 76 ngày được thực thi nghiêm ngặt đối với 11 triệu công dân của nó.

Những hình ảnh từ thành phố này cho thấy sau khi được giải phóng khỏi mối đe dọa từ COVID-19 và cuộc sống đã trở lại gần như bình thường, người dân Vũ Hán giờ đây có thể ăn mừng năm mới bằng cách chen chúc trên đường phố để chào đón năm mới.

Cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược với những gì có thể thấy ở hầu hết phần còn lại của thế giới, nơi các biện pháp y tế công cộng khẩn cấp ngăn cản các đám đông thường thấy ở các thành phố nổi tiếng nhất thế giới.

Tại Paris, ngoài xe cảnh sát không có ai di chuyển ngoài đường phố. Ở Nice thậm chí từ 6 giờ chiều đã giới nghiêm.

Trong khi đó tại Kinh Thành Vĩnh Cửu là giáo đô Rôma của chúng ta, đường phố vắng hoe trong đêm giao thừa. Sinh hoạt sôi nổi nhất được các phương tiện truyền thông tường thuật là những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Theo một truyền thống lâu đời, các vị nam giới này nhảy xuống sông Tiber trong ngày đầu năm mới.

2. Thương vong kinh hoàng nhất gây ra bởi virus Vũ Hán: nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật

Tử vong toàn thế giới tính đến sáng ngày 3 tháng Giêng đã lên đến 1,842,901 người, trong số 84,960,492 trường hợp nhiễm coronavirus.

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình EWTN ngày 27 tháng 12, ngài cho rằng bên cạnh thương vong kinh hoàng về nhân mạng và kinh tế, thương vong lớn nhất gây ra bởi virus Vũ Hán là nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật - được một số ít người Công Giáo tuân thủ - trong nhiều năm qua đã nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Nghĩa vụ này đã chết trong năm đại dịch vừa qua. Sự phục sinh của nó vẫn chưa được nhìn thấy trên đường chân trời.

Bộ Giáo luật Công Giáo nói rõ ràng: “Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ” (1247). Một số ít người Công Giáo sau khi được rửa tội tuân giữ điều đó; ở nhiều nước, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ.

Những người đã được rửa tội nhưng không được giáo dục hoặc đào tạo về tôn giáo có khả năng thậm chí còn không biết rằng họ có nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật. Không kể những trường hợp cá biệt như thế, nhiều người trong số những người tự coi mình là người Công Giáo thực hành đạo không coi Thánh lễ Chúa nhật là một nghĩa vụ giáo luật, bất kể là điều đó được đề cập đến trong Điều răn thứ ba, là điều được xếp hạng còn quan trọng hơn những giới răn như “Chớ giết người” hoặc “Chớ muốn vợ chồng người”.

Trước đại dịch, nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật đã ở trong tình trạng tồi tệ. Sau đó, vì lý do chính đáng, các giám mục trên toàn thế giới đã đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật. Khó có thể khác hơn được; với việc các thánh lễ công cộng bị hủy bỏ, các nhà thờ bị đóng cửa hoặc hoạt động với công suất giảm đi rất nhiều, nghĩa vụ này khó có thể được tuân giữ. Giáo luật không bắt buộc điều không thể thực hiện được, đó là lý do tại sao, ví dụ, người ốm, nằm bệnh viện và bị buộc phải ở nhà không bị bắt buộc theo Giáo luật 1247.

Chính thức đình chỉ nghĩa vụ Chúa Nhật do đó thay đổi rất ít. Tuy nhiên, trải nghiệm của đại dịch đã thay đổi các chuẩn mực mặc định. Nếu trước đây mặc định đối với một người Công Giáo là phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, thì đại dịch đã thay đổi mặc định đó thành không cần tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, đặc biệt là ở những khu vực mà mọi người được khuyến khích đừng đến nhà thờ nếu họ là người già, bệnh tật, đang chăm sóc người bệnh, tiếp xúc với người bệnh hoặc lo lắng về việc bản thân bị bệnh.

Các linh mục giáo xứ báo cáo rằng sau đó, khi các nhà thờ được mở cửa trở lại, những giáo dân đã từng đến tham dự Thánh lễ hàng ngày trong nhiều thập kỷ vẫn tiếp tục ở nhà xem Thánh lễ trực tuyến. Các nhà thờ giới hạn ở mức 50%, 30% hoặc 20% sức chứa vẫn còn nhiều chỗ trống vào ngày Chúa Nhật. Nhiều mục tử lo lắng về việc làm thế nào để ghi danh mọi người tham dự Thánh lễ, nhằm tuân theo các yêu cầu giảm sức chứa, nhanh chóng nhận ra đó sẽ không thành vấn đề. Cuộc tranh cãi công cộng tập trung vào việc chính phủ phải coi việc thờ phượng là một “hoạt động thiết yếu”. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là liệu các tín hữu Công Giáo có coi Thánh Lễ Chúa Nhật là “hoạt động rất cần thiết” hay không. Việc chính thức đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật đã vô tình thúc đẩy một sự thay đổi trong chuẩn mực mặc định đối với Thánh lễ Chúa Nhật. Từ việc phải giữ ngày Chúa Nhật thành ra một điều không cần thiết hay không bắt buộc.

Trong năm qua, vô số tuyên bố về nỗi đau của việc không có Thánh lễ Chúa nhật đã trích dẫn các vị Tử đạo hồi thế kỷ thứ tư tại Abitene: “Sine dominico non kangumus”, nghĩa là “Chúng ta không thể sống thiếu Chúa nhật”. Tuy nhiên, rõ ràng là có quá nhiều người Công Giáo quen sống “không có ngày Chúa nhật”.

Việc chính thức đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật có nghĩa là, trong một thời gian, Giáo hội đã có quan điểm cho rằng chúng ta phải sống không có ngày Chúa nhật. Dù không có những lựa chọn khả thi khác, hiệu quả của việc sống không có ngày Chúa nhật vẫn còn. Chắc chắn rằng các giám mục đã bị buộc phải chuẩn chước nghĩa vụ ngày Chúa nhật, nhưng bất cứ văn hóa nào của nghĩa vụ ngày Chúa nhật còn sót lại trước đây sẽ không quay trở lại. Nó đã bị bệnh trước đây; và bây giờ nó đã chết.

Sau nghĩa vụ Chúa nhật, Bộ Giáo luật chuyển từ nghĩa vụ giữ các ngày lễ sang việc giữ chay. Điều 1250 quy định tất cả các ngày Thứ Sáu và toàn bộ Mùa Chay là “những ngày đền tội”. Điều 1251 nói về “kiêng thịt hoặc một số thức ăn khác theo quy định của hội đồng giám mục” trong những ngày đền tội.

Ngay cả trong số các linh mục, chứ đừng nói đến các tín hữu, có rất ít người hiểu biết về ý nghĩa của những “quy định” đó. Trên thực tế, việc kiêng thịt vào Thứ Sáu đã trở thành một sự đền tội chung chung vào ngày Thứ Sáu, trong đó kiêng thịt hay không là một tùy chọn. Ngày thứ Sáu sám hối giờ đây đã đi đến mức trở thành một tùy chọn hoàn toàn. Khi làm tuyên úy Đại Học, tôi không cho phép món thịt vào ngày thứ Sáu, nhưng điều đó đòi hỏi phải giới thiệu với các sinh viên một tư duy hoàn toàn mới. Tôi đã được phục vụ thịt vào các ngày thứ Sáu tại các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, chứng kiến các giám mục gắp thịt heo xông khói và trứng trong các bữa điểm tâm sáng thứ Sáu, đứng xếp hàng sau các linh mục trong các quầy hàng tự chọn ngày thứ Sáu, nơi có lựa chọn thịt và được nhiều người yêu thích, ở các trường Công Giáo câu lạc bộ phục vụ thịt vào ngày Thứ Sáu - thậm chí Thứ Tư Lễ Tro cũng có.

Không có gì ngăn cản người Công Giáo kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu - và cũng không có gì bắt buộc họ phải kiêng thịt. Nhưng thực hành được khuyến khích và rất tôn kính đó từ lâu đã biến mất như một chuẩn mực mặc định trong văn hóa Công Giáo, và cùng với nó, nghĩa vụ sám hối ngày thứ Sáu cũng bị lãng quên. Điều tương tự đã xảy ra vào năm 2020 liên quan đến nghĩa vụ Chúa Nhật; chúng ta sẽ thấy điều đó diễn ra vào năm 2021.

Tất nhiên, nhiều người Công Giáo sẽ đi lễ vào ngày Chúa Nhật, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên sau khi cuộc sống bắt đầu bình thường trở lại. Tuy nhiên, nó chủ yếu sẽ được xem như là một lựa chọn được khích lệ, và không còn được coi là một nghĩa vụ do Điều Răn Thứ Ba xác lập và thẩm quyền của Giáo Hội quy định.

Quyết định đầu tiên về thời điểm kết thúc việc đình chỉ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật sẽ được thực hiện bởi các giám mục. Điều đó sẽ đến, sớm hay muộn.

Quyết định thứ hai sẽ dành cho các giáo xứ, về việc họ có kết thúc việc phát các thánh lễ trực tuyến hay không, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm sau khi các nhà thờ ở Ý được mở cửa trở lại.

Quyết định thứ ba sẽ dành cho các giáo dân, về việc họ có trở lại nhà thờ hay không. Điều đó cũng vẫn còn được xem. Rất nhiều người sẽ không. Đó sẽ là một thách thức lớn về truyền giáo.

Một thách thức chính cho năm 2021 sẽ là việc đưa người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ sau một năm khóa cửa, đóng cửa và hạn chế. Nhưng đó sẽ là một chặng đường khó khăn, vì đại dịch đã giết chết một thứ còn sót lại của nền văn hóa Công Giáo trước đây, là nghĩa vụ giữ ngày Chúa Nhật.


Source:National Catholic Register
 
Thực hư các báo cáo ngoạn mục Đức Mẹ hiện ra tại Amsterdam. Bolsonaro: Tổng thống Trump của Brazil
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:35 03/01/2021


1. Giáo gian Alberto Fernández bán linh hồn cho Planned Parenthood để lấy hàng triệu đô la

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, trong một bài được công bố vào thứ Tư, ngày 30 tháng 12, chỉ vài giờ sau khi việc phá thai được hợp pháp hóa bởi Thượng viện Á Căn Đình, một trong những chi nhánh quốc tế của Planned Parenthood, Liên đoàn Planned Parenthood Khu vực Tây bán cầu, gọi tắt là IPPFWHR, khoe khoang về việc đã tài trợ rất lớn cho các chính trị gia và các phương tiện truyền thông ở quốc gia Nam Mỹ này để thúc đẩy hợp pháp hóa phá thai.

Bài ăn mừng trên trang web IPPFWHR mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Á Căn Đình Alberto Fernández, người đã đưa ra luật phá thai và nhiều lần bác bỏ những lo ngại rằng luật này trên thực tế đã được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế như Planned Parenthood và Ford Foundation hơn là ý chí của người dân Argentina.

Theo một cuộc khảo sát tháng 11 năm 2020 do nhà thăm dò độc lập Giacobbe & Asociados thực hiện, 60% người Á Căn Đình phản đối luật, trong khi chỉ 26.7% ủng hộ.

“Thượng viện Á Căn Đình vừa bỏ phiếu để hợp pháp hóa phá thai đến 14 tuần! Đây là một khoảnh khắc lịch sử đối với khu vực của chúng ta, hoan nghênh các đối tác đáng kinh ngạc của chúng ta tại Á Căn Đình, và cơ man các nhà hoạt động và các tổ chức đã hình thành nên ‘làn sóng xanh’”, IPPFWHR tuyên bố.

Bài báo cũng tiết lộ rằng IPPFWHR “đã nuôi dưỡng một hệ sinh thái gồm các tổ chức và nhà hoạt động vì nữ quyền trong hơn 15 năm, góp phần tạo nên ngày hôm nay”.

“IPPFWHR hỗ trợ trực tiếp bảy đối tác ở Á Căn Đình, họ lần lượt cấp vốn cho 20 tổ chức cơ sở khác trên khắp đất nước. Họ đã liên kết với nhau xung quanh các hoạt động chia sẻ, chẳng hạn như vận động với các nhà hoạch định chính sách và bảo đảm các chiến dịch truyền thông ủng hộ quyền phá thai được nêu rõ trong các bài diễn thuyết công khai. Họ cũng đang tích cực lập kế hoạch làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho việc thực thi luật mới”.

Sau khi Thượng Viện Á Căn Đình thông qua luật phá thai tại quê hương của Đức Giáo Hoàng, giáo gian Alberto Fernández tuyên bố “Hoy es el mejor día de mi vida”, nghĩa là “Hôm nay là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”. Tuyệt vời ở đây có thể là ước muốn mãnh liệt tàn sát các thai nhi đã thành hiện thực. Nhưng với tuyên bố của Liên đoàn Planned Parenthood Khu vực Tây bán cầu thì có lẽ tuyệt vời là vì ngày hôm nay hàng triệu đô la chảy vào tài khoản của giáo gian Alberto Fernández.


Source:Catholic News Agency

2. Tổng thống Brazil Bolsonaro chỉ trích việc Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai

Trong một thông điệp ngắn được đăng trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã chỉ trích quyết định của Thượng viện Á Căn Đình về việc hợp pháp hóa việc phá thai và thề rằng việc phá thai sẽ không bao giờ trở thành hợp pháp ở Brazil - quốc gia Mỹ Latinh lớn nhất - dưới thời ông làm tổng thống.

“Tôi vô cùng tiếc thương cho cuộc sống của những đứa trẻ Á Căn Đình, giờ đây đã bị giết từ trong bụng mẹ chúng với sự đồng ý của Nhà nước. Chừng nào tôi và chính phủ của tôi còn nắm quyền ở quốc gia này, việc phá thai sẽ không bao giờ được chấp thuận trên đất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của những người vô tội!”, ôg Bolsonaro tweet.

Một luật phá thai mới đã được Thượng viện Argentina thông qua vào thứ Tư, ngày 30 tháng 12. Luật mới, trên thực tế, sẽ cho phép phá thai bất cứ lúc nào cho đến khi sinh và không có điều khoản nào về việc bảo vệ em bé nếu em ấy sống sót sau một lần phá thai muộn.


Source:Catholic News Agency

3. Hình ảnh ngày đầu năm tại Tokyo, Nhật Bản

Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này tử vong tại Nhật Bản đã lên đến 3,460 người chết, trong số 234,395 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ của ngày thứ Năm 31 tháng 12, có 3,476 trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận, và 65 người chết vì COVID-19. Số người chết vì tự tử do mất công ăn việc làm, hục hặc trong gia đình trong thời gian bị cô lập vì COVID-19 gấp 5 lần con số những người chết vì virus Tầu độc địa này.

Kinh tế khó khăn là cảm nhận chung của người dân Nhật. Tiền mướn nhà đã tăng nghi ngút trong năm 2020 vì các hạn chế liên quan đến số người có thể cư ngụ trong một mái nhà mà không có cùng huyết thống.

Đó là lý do tại sao có một con số đông đảo người đến đền Meiji ở Tokyo để cầu phúc cho năm mới, trong một quốc gia gần như vô thần.

Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.

Trong các nước trên thế giới, Nhật Bản được kể là quốc gia nơi chủ nghĩa thế tục được coi là khủng khiếp nhất. Đa số người dân Nhật không có bất cứ một niềm tin tôn giáo nào. Theo tin tưởng chung, xã hội Nhật có thể coi là một xã hội duy vật chất thậm chí nói được là vô đạo.

Cuộc điều tra của viện Gallop vào năm 2006 cho thấy 70% dân số Nhật không có một niềm tin tôn giáo nào. Trong 30% còn lại, 15% xưng mình theo Thần Đạo (Shinto), 75% xưng mình là tín hữu Phật Giáo nhưng trong thực tế niềm tin tôn giáo không có mấy ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Điều này thể hiện rõ trong xu hướng tự tử tăng mạnh trong thanh niên và những người già cả, phá thai được dùng như cách thức kiểm soát sinh sản, và một tình trạng tổng quát của một cuộc sống không chút hy vọng.


Source:Reuters

4. Vatican tái khẳng định câu chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Amsterdam không có nguồn gốc siêu nhiên

Giáo phận Haarlem-Amsterdam của Hà Lan đã khẳng định phán quyết bác bỏ của Vatican đối với các vụ được cho là Đức Mẹ hiện ra vào giữa thế kỷ 20 ở Amsterdam. Những lần hiện ra này đã hình thành nên phong trào tôn sùng Đức Mẹ dưới danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước”. Phong trào này đã lan rộng ra ngoài biên giới của Hà Lan.

Theo Đức Cha Jan Hendriks, Giám Mục bản quyền của Giáo phận Haarlem-Amsterdam, Đức Mẹ có thể được tôn kính với danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước”, nhưng điều này không nên được trình bày như một sự công nhận các cuộc hiện ra và các thông điệp liên quan đến các cuộc hiện ra này. Ngài bày tỏ quan điểm trên trong một tuyên bố hôm 30 tháng 12.

Bà Ida Peerdeman, sinh năm 1905 và qua đời năm 1996, tuyên bố vào đầu thập niên 1970 rằng Đức Maria đã hiện ra với bà nhiều lần và đưa ra các thông điệp từ năm 1945 đến năm 1959. Bà cũng tuyên bố rằng Đức Maria đã yêu cầu bà viết thư cho Đức Giáo Hoàng và yêu cầu ngài ban hành tín điều Đức Mẹ là “Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, Đấng Trung Gian, và Đấng Biện Hộ”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate”– tính chất không siêu nhiên được chứng thực, nói nôm na là do người ta nghĩ ra, không phải là thật.

Phong trào tôn sùng Đức Mẹ dưới danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước” ở Hà Lan, quốc gia rất nhạt đạo, đã làm bùng lên nhiều hy vọng cho Giáo Hội địa phương. Cho nên, một phán quyết liên quan đến các thị kiến của bà Ida Peerdeman cần phải được suy xét hết sức cẩn thận.

Sau một thời gian dài nghiên cứu một núi khổng lồ các tài liệu liên quan đến vấn đề này, tất cả các thành viên của một ủy ban, do Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành, đã kết luận rằng các cuộc hiện ra được bà Ida Peerdeman báo cáo là “non constat de supernaturalitate”: tính chất không siêu nhiên được chứng thực.

Đức Cha Hendriks chỉ ra rằng phán quyết của Bộ Giáo Lý Đức Tin “đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phê chuẩn vào ngày 5 tháng 4 năm 1974 và được công bố vào ngày 25 tháng 5 năm 1974, đã bác bỏ tính chất siêu nhiên của các cuộc được cho là hiện ra này. Ngoài ra, phán quyết còn đòi hỏi - và vẫn còn đòi hỏi - một chỉ thị chấm dứt mọi hoạt động quảng bá về những lần hiện ra và các thông điệp” do bà Ida Peerdeman đưa ra.

Phong trào cổ võ các “thông điệp” của Bà Ida Peerdeman đã bùng phát trong thời gian gần đây khi Hà Lan trải qua trận đại dịch coronavirus kinh hoàng. Tính đến ngày 2 tháng Giêng, tử vong tại Hà Lan đã lên đến 11,565 người, trong số 813,765 trường hợp nhiễm coronavirus. Đó là những con số thương vong kinh khủng đối với một quốc gia chỉ có 17,280,000 dân.

Theo Đức Cha Jan Hendriks, tình hình trở nên phức tạp vào năm 2002 khi vị tiền nhiệm của ngài là Đức Cha Jos Punt công nhận tính chất siêu nhiên của các cuộc hiện ra. Ngài khẳng định cho đến nay “chỉ có một tuyên bố duy nhất vào năm 1974” đã được biết đến.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Katholiek Nieuwsblad, một thành viên của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng Đức Cha Punt đưa ra quyết định này mà không có sự chấp thuận của Vatican.

Sau khi tham khảo ý kiến với Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Cha Hendriks đã đưa ra tuyên bố vào ngày 30 tháng 12. Ngài lưu ý rằng danh hiệu “Mẹ Của Mọi Dân Nước” tự nó có thể chấp nhận được về mặt thần học. Ngài viết: “Việc cầu nguyện với Đức Maria và nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của các dân tộc chúng ta, sẽ giúp ích cho sự phát triển của một thế giới thống nhất hơn, trong đó tất cả đều nhận mình là anh chị em với nhau, tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Cha chung của chúng ta”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng các tín hữu có thể sử dụng hình ảnh “Mẹ Của Mọi Dân Nước” và một kinh nguyện được Bộ Giáo Lý Đức Tin phê duyệt vào năm 2006. Tuy nhiên, tất cả những điều này “không thể hiểu là sự công nhận – dù là hiểu ngầm - về đặc tính siêu nhiên của một số hiện tượng, trong khuôn khổ mà danh hiệu đó dường như đã được khởi nguồn”.

“Theo nghĩa đó, Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh tính hợp lệ của phán quyết phủ nhận đặc tính siêu nhiên của những ‘cuộc hiện ra và các mặc khải’ đối với nữ giáo dân Hà Lan Ida Peerdeman”.

Ngài nhìn nhận rằng “nhiều tín hữu có thể cảm thấy bị tổn thương trước phán quyết bác bỏ của Bộ Giáo Lý Đức Tin về các cuộc hiện ra”. Ngài nói rằng ngài hiểu sự thất vọng của họ và hy vọng rằng lòng sùng kính ở dạng đã được phê duyệt “có thể là một niềm an ủi cho họ”.

Đức Cha Hendriks kêu gọi tất cả những người có liên quan nên tuân theo “phán quyết của Giáo Hội” trong khi tin tưởng rằng “Chúa dẫn dắt Giáo Hội của Người và không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội; và phán quyết ấy chắc chắn không làm tổn thương đến lòng nhiệt thành yêu mến của chúng ta đối với Đức Maria, Mẹ của mọi Dân tộc”.


Source:Crux