Ngày 03-01-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Vấn đề hiệp thông giữa Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo
LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
01:45 03/01/2011
Hỏi:

Xin cha giải thích rõ:

1- Tại sao người Công Giáo không được tham dự nghi thức bẻ bánh và uống rượu nho với anh em Tin lành.

2- Tại sao và trong trường hợp nào người Công giáo được lãnh các bí tích trong Giáo hội Chính Thống?

Trả lời:

1- Trong một bài trước đây, tôi đã có dịp nói về sự khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và các giáo phái ngoài Công giáo. Liên quan đến các giáo phái Tin lành (Protestants), thì sự khác biệt này được nhận rõ trong những điểm căn bản sau đây:

Trước hết, anh em Tin lành, nói chung, chỉ dựa vào Kinh Thánh làm nền tảng cho niềm tin và sứ vụ của họ. Nghĩa là họ chỉ nhận và tin có Kinh Thánh (Sola Scriptura) mà thôi, trong khi Giáo Hội Công Giáo – ngoài Kinh Thánh – còn có thêm kho tàng Mặc khải (revelatio) và Thánh Truyền (Traditio) Quyền Giáo Huấn ( Magisterium) như những nguồn suối khác thông truyền đức tin và chân lý.

Chính vì chỉ dựa vào Kinh Thánh và hiểu Kinh Thánh theo cách cắt nghĩa riêng của họ, nên anh em Tin lành khác biệt Công Giáo về những điểm chính yếu sau đây:

a- Không tin có chức linh mục (priesthood) được Chúa Kitô thiết lập trong Bữa tiệc ly cùng với bí tích Thánh Thể như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo tin.

b- Không tin Đức Mẹ trọn đời đồng trinh vì căn cứ vào các trình thuật trong Mt 12:46-50; Mc 3:31-35; Lc 8:11-15 kể lại việc Đức Mẹ và một vài “anh em Chúa Giêsu đến gặp Người”. Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống hiểu cụm từ “anh em” ở đây theo nghĩa thiêng liêng, trong khi người Tin lành hiểu theo nghĩa huyết tộc. Vì thế, họ tin là sau khi sinh Chúa Giêsu với quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ còn sinh thêm một vài người con khác, cho nên Đức Mẹ chỉ đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Giêsu mà thôi.Điều này trái với niềm tin Công Giáo dạy rằng Đức Mẹ trọn đời đồng trình( ever-virgin) trước khi sinh và sau khi đã sinh con duy nhất là Chúa Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần.

c- Chỉ công nhận bí tích rửa tội. Không tin có các bí tích thêm sức, hòa giải, thánh thể, xức dầu bệnh nhân, truyền chức thánh.

d- Không công nhận Đức Giáo Hoàng là Thủ lãnh Giáo Hội, người kế vị Thánh Phêrô.

Theo tín lý của Giáo Hội Công Giáo thì chức linh mục được Chúa Kitô lập ra để phục vụ cho bí tích Thánh Thể, căn cứ vào lời Chúa Giêsu trong Bữa tiệc ly: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” ( 1 Cor 11: 24-25). Nghĩa là phải có chức linh mục thì mới có bí tích thánh thể để biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa Kitô trong Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) làm sống lại không những bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với 12 Tông Đồ mà đặc biệt là Hy tế đền tội của Người dâng lên Chúa Cha trên thập giá để xin ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại. Đây là niềm tin của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo Đông Phương (Eastern Orthodox Churches).

Anh em Tin lành, ngược lại, không chia sẻ niềm tin này. Nghĩa là họ không nhìn nhận Chúa Giêsu đã lập chức linh mục và bí tích Thánh Thể trong Bữa tiệc sau cùng. Vì thế việc họ hội họp và bẻ bánh, uống rượu không phải là việc cử hành Bữa ăn và Hy tế của Chúa Kitô như Giáo Hội Công Giáo thực hành mà chỉ để làm những gì họ đọc và hiểu qua các trình thuật trong Kinh Thánh Tân Ước về bữa ăn này của Chúa Giêsu mà thôi.

Do đó, người công giáo, nếu vì xã giao phải tham dự một nghi thức nào của anh em tin lành, thì không được tham gia vào việc bẻ bánh và uống rượu này; vì trước hết, đây không phải là Mình và Máu Chúa Kitô.

Sau nữa, làm như vậy có nghĩa là chia sẻ niềm tin của họ về việc không tin có chức linh mục và bí tích thánh thể. Nói khác đi, vì anh em tin lành không tin có chức linh mục, nên họ không thể có bí tích Thánh Thể gắn liền với chức Linh Mục mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong bữa tiệc ly, và truyền cho các Tông Đồ và những người kế vị hãy “làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”, như Giáo Hội Công Giáo tin mỗi khi cử hành Thánh lễ Tạ Ơn.

Đây là điểm khác biệt lớn lao giữa Công Giáo và Tin lành về việc cữ hành Bữa ăn của Chúa Giêsu.

2- Cũng liên quan đến vấn đề trên, thì giữa Giáo Hội Công Giáo và anh em Chính thống Đông Phương lại không có sự khác biệt nào về niềm tin, về nguồn gốc tông đồ và về các bí tích của Giáo Hội. Nghĩa là, Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận anh em Chính Thống có chung một nguồn gốc Tông Đồ và có các bí tích hữu hiệu như Công Giáo. Chỉ khác một vài điểm không liên quan đến tín lý và thần học là họ không công nhận vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng và không buộc các linh mục phải giữ luật độc thân (celibacy) như Công Giáo mà thôi.Ngoài ra, trong phụng vụ thánh, anh em Chính Thống dùng bánh có men (leavened bread) khác với Công Giáo dùng bánh không men ( unleavened bread).

Chính vì các Giáo Hội Chính Thống có các bí tích hữu hiệu, nên người Công giáo, trong trường hợp không tìm được nhà thờ Công giáo nơi cư ngụ, hoặc trường hợp nguy tử không tìm được linh mục Công giáo, thì được phép tham dự phụng vụ và lãnh các bí tích Thánh Thể, hòa giải, và xức dầu nơi các tư tế Chính Thống.

Tóm lại, chỉ có các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương là gần gũi Giáo Hội Công Giáo về thần học, bí tích và phụng vụ mà thôi. Đó là lý do vì sao Giáo Hội cho phép giáo dân được tham dự phụng vụ và lãnh các bí tích trong Giáo Hội Chính Thống, nhưng chỉ trong những trường hợp đặc biệt nói trên mà thôi.
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày - Tuần I Mùa Thường Niên
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
20:58 03/01/2011
Thứ hai sau Chúa nhật 1 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn mạch tình yêu. Chúa đã mang tình yêu đến để giải thoát chúng con khỏi lo âu, sợ hãi về những yếu đuối của bản thân. Tình yêu Chúa cho chúng con sức mạnh đổi mới, vực dậy sau những lần vấp ngã. Xin tình yêu Chúa luôn nâng đỡ, tha thứ và giúp chúng con sửa mình mỗi ngày. Xin ban ơn can đảm để chúng con dám sám hối và cải thiện đời sống cho hoàn hảo hơn.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn mời gọi chúng con sám hối để tin vào tin mừng. Sám hối không dừng lại ở hành vi buồn phiền, lo âu về quá khứ tội lỗi mà quan yếu ở niềm tin vào tình yêu của Chúa. Chúa không bỏ rơi con người. Chúa luôn tìm đến để nói lời tha thứ đầy yêu thương con người. Vì bản tính Ngài là Tình Yêu. Xin cho chúng con luôn tin vào tình yêu sắt son không thay đổi của Chúa. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình và tràn đầy vui mừng vì tình yêu Chúa vẫn ở bên chúng con. Tình yêu của Chúa vẫn phủ lấp muôn vàn tội lỗi của chúng con. Tình yêu Chúa vẫn cho chúng con niềm vui, thành công và hoan lạc trong cuộc sống.

Lạy Chúa, là Đấng giầu lòng thương xót. Xin thương đến phận người yếu đuối của chúng con. Xin cho chúng con luôn tín thác vào tình yêu Chúa. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 1 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa là Thiên Chúa quyền năng hằng hiện hữu giữa muôn loài tạo vật chúng con. Mọi vật đều bởi Chúa mà ra. Muôn loài đều nương nhờ sức sống của Chúa và đêu quy hướng về Chúa. Xin cho chúng con luôn biết quy hướng về Chúa để tận hưởng ân lộc của Chúa và cùng với vạn vật hát khen mừng Chúa. Xin giúp chúng con biết khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là hạt cát thật bé bỏng trong vũ trụ bao la này, để chúng con biết nhìn nhận nơi quyền năng sáng tạo của Chúa.

Lạy Chúa, nếu như mọi vật tồn tại đều cần có nguyên nhân tác động, thì muôn vàn vạn vật sống trên trái đất này đều cần có một nguyên nhân tổng thể để dẫn dắt, an bài. Nguyên nhân đó không thể đến từ con người. Nguyên nhân đó càng không thể tự mình mà có. Cần phải có một Đấng Thượng Trí, Thượng tôn, là chính Chúa tác sinh muôn loài.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Trong cuộc sống dương gian, Chúa đã làm thật nhiều phép lạ để thể hiện quyền năng của mình. Chúa chữa lành bệnh tật. Chúa xua trừ ma quỷ, phục sinh kẻ chết. Chúa còn làm cho sóng gió ba đào phải dưới quyền Chúa. Xin cho chúng con luôn tin nhận Chúa. Xin giúp chúng con biết ca khen về quyền năng của Chúa. Quyền năng của Chúa đã an bài mọi sự, đã tạo dựng nên con, đã dẫn dắt chúng con đi trong tình thương của Chúa. Xin giúp chúng con luôn nhận ra phép lạ Chúa vẫn làm trong cuộc sống của chúng con để hết lòng ca hát, ngợi khen Chúa. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 1 thường niên

Mc 1, 29 – 39

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của linh hồn. Chính Chúa khi mang thân phận con người Chúa vẫn luôn cầu nguyện. Cho dẫu Chúa có bận trăm công nghìn việc, Chúa vẫn dành thời giờ để thưa chuyện với Chúa Cha. Chúa vẫn tìm ý Chúa Cha để thực thi trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết dành thời giờ để đến với Chúa, để được bổ sức, nâng đỡ qua việc kết hợp với Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã sống một cuộc đời để tôn vinh Chúa Cha qua đời sống phục vụ và yêu thương đồng loại. Chúa hằng chữa lành bệnh tật cho dân. Chúa luôn thi ân giáng phúc cho những ai tin nhận nơi Chúa. Vâng, lạy Chúa, “vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”, xin cho chúng con biết phụng sự Chúa qua những hành vi bác ái dấn thân phục vụ anh em. Xin cho chúng con mặc lấy tinh thần vô vị lợi để sống yêu thương mọi người. Xin loại trừ trong chúng con tính ích kỷ và thói hưởng thụ để chúng con sống có ích cho anh em. Đồng thời, chúng con cũng luôn biêt dành thời giờ để cầu nguyện cùng Chúa, vì “hoa trái của cầu nguyện lả bác ái yêu thương”. Chính đời sống cầu nguyện sẽ nâng đỡ và giúp sức cho chúng con thể hiện tình yêu thương đến cho mọi người.

Lạy Chúa, Chúa luôn tìm thời giờ để cầu nguyện cùng Chúa Cha. Xin cho chúng con luôn siêng năng cầu nguyện cùng Chúa để cùng Chúa chúng con mang yêu thương đến cho mọi người. Amen

Thứ năm sau Chúa nhật 1 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Chúa biết rõ những toan tính của chúng con. Chúa biết rõ những yếu đuối, bất toàn, bất xứng của chúng con. Xin tẩy rửa chúng con khỏi những bợn nhơ tội lỗi. Xin canh tân đổi mới linh hồn chúng con nên trắng như tuyết bằng ân sủng và tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống là thế giới hưởng thụ và ích kỷ. Người ta đặt mục đích trên mọi phương tiện. Người ta dùng tự do một cách thái quá đến độ đánh mất lương tri con người. Đúng như ai đó đã nói trong xót xa: “ Lương tâm không bằng lương tháng. Lương tháng không bằng lươn lẹo”. Người ta dùng sự khôn ngoan để lừa đảo thay vì để tìm chân lý. Người ta dùng quyền để gom góp thay vì trao ban. Vì tiền mà nhiều người đã bán rẻ lương tâm và đánh mất nhân phẩm của mình. Một xã hội mà đồng tiền là thước đo giá trị con người thì nhân phẩm sẽ bị xem thưởng. MỘt xã hội đánh mất Thiên Chúa thì cũng vong than và đánh mất chính mình. Xin cho chúng con can đảm bước ra ánh sáng của Chúa, bước theo chân lý của Chúa. Xin giúp chúng con mạnh dạn thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa Giê-su, xin thương chữa lành hồn xác chúng con. Xin cho chúng con được thấy ánh sáng của chân lý để vượt ra khỏi những đam mê lầm lạc”.

Lạy Chúa, xin tạo cho chúng con trái tim trong sạch, lương tâm trong sáng để chúng con làm chứng cho chân lý của tin mừng giữa dòng đời gian dối, tội lỗi hôm nay. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 1 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Thiên Chúa chúng con tôn thờ. Ngoài Chúa ra chúng con không tìm được đâu sự tín thác cậy trông. Xin nâng đỡ cuộc đời chúng con trong tình thương quan phòng của Chúa. Xin Chúa biến đổi lòng chúng con thanh sạch xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, việc Chúa làm thật đáng ca ngợi từ đời này đến đời kia. Chúa thi ân giáng phúc cho mọi hạng người. Chúa ban ơn thiêng để cứu thoát biết bao mảnh đời bất hạnh lầm than. Người người đến với Chúa đều tìm được niềm vui của ơn giải thoát. Ai đền với Chúa cũng tìm được niềm vui của ân sủng và tình thương của Chúa. Xin cho chúng con biết chạy đến cùng Chúa mỗi khi gặp thử thách gian truân. Trên vạn nẻo đường với biết bao rủi ro xin cho chúng con biết tín thác nơi tình yêu quan phòng của Chúa. Xin đừng để chúng con thất vọng vì biết bao sự dữ bủa vây mà thiếu bàn tay nâng đỡ của Chúa. Xin Chúa luôn ở cùng chúng con mọi ngày như lời Chúa đã hứa. Xin Chúa luôn là thành luỹ chở che cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng thành tín và rất mực yêu thương xin giúp chúng con luôn ngợi ca tình thương của Chúa qua những ơn lành Chúa ban xuống trên hồn xác chúng con. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 1 thường niên

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến trần gian để giao hoà trời với đất. Chúa đã nối lại tình Trời với nhân loại chúng con. Chúa là nhịp cầu để chúng con được trở về làm con cái Thiên Chúa. Xin giúp chúng con biết gìn giữ ân huệ làm con Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện, công bình và bác ái của mình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, ông Lê-vi đã tìm được lẽ sống khi ông được Chúa viếng thăm. Ông đã tìm được sự bình an của tâm hồn khi Chúa không chấp tội lỗi của ông mà còn cho ông được đồng bàn cùng Chúa. Ông đã canh tân đời sống bằng việc thực thi công bình và bác ái. Ông sẵn lòng đền bù những thiệt hại và trao ban cho những người đói khát lầm than. Xin giúp cho chúng con biết siêng năng lắng nghe lời Chúa và sẵn lòng cải hoá đời sống. Xin Chúa cũng đến viếng thăm gia đình chúng con và ban bình an xuống trên gia đình chúng con. Một sự bình an mà thế gian không thể ban được. Một sự bình an là quà tặng nơi chính Chúa là Tin Mừng được ban cho chúng con. Xin Chúa là Đấng đã đến để tìm kiếm những người tội lỗi xin giúp những người đang sống trong cảnh lầm lạc được ơn trở về cùng Chúa.

Lạy Chúa là Đấng hay xót thương, xin thương ngự đến tâm hồn chúng con và ban ơn đổi mới cho chúng con. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoà bình và lòng thương xót
Lm. Giuse Trần Đình Long
02:07 03/01/2011
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”


Sau ngày 30-04-1975, khi tiếng súng ngừng hẳn, hai miền Nam Bắc thống nhất, hoà bình về trên quê hương Việt Nam, ai cũng nghĩ từ đây chiến tranh, hận thù chém giết không còn, mọi người sẽ được sống trong cảnh “thái bình thịnh trị”. Thế nhưng thực tế không phải như thế. Thời gian gần đây người dân luôn sống trong nơm nớp lo âu. Những băng đảng giang hồ thanh toán nhau bằng súng đạn giữa ban ngày trong thành phố như trong phim xã hội đen mà dân lành dễ bị “tai bay vạ gió”. Những cuộc chém giết lạnh lùng để đòi nợ, để trả thù, để dằn mặt không chút xót thương, đôi khi nạn nhân lại là những người hoàn toàn vô tội bị chết oan. Chỉ vì tranh chấp nhà cửa ruộng đất, vì ghen tuông, vì đồng tiền mà chồng đốt chết vợ, con chém chết cha, cháu đánh chết bà. Chạy xe thì lo gặp tai nạn vì bị rớt xuống những “hố tử thần”, vì những tài xế xay xỉn chạy ẩu, vì gặp đám quái xế “đi bão”. Trời mưa thì sợ chết vì rò rỉ điện, vì cây rớt, vì sụp hố. Trong nhà ngoài phố đâu đâu cũng thấy chiến tranh, hận thù, chết chóc.

Báo Pháp Luật số Chúa Nhật 05-12-2010 bắt đầu đăng loạt bài chuyên đề điểm nóng “Huyết Án Trong Sân Trường”:

- Giữa tháng 11-2010, một nhóm học sinh lớp 10 trường THPT Lê Thị Hồng Gấm (Q.3) đang trên đường đi học về thì bị một nhóm thanh niện khác chận lại, dùng lưỡi lê đâm chết tại chỗ em Đặng Hoàng Tiến (15 tuổi) ngay gần khu vực cổng trường. Hung thủ là học sinh trường Nam Sài Gòn, khai đâm chết Tiến là do xích mích chuyện tình ái.

- Cách đây một năm, tại trường THCS Tân Bình, do tranh dành bạn gái, một học sinh lớp 8 tên Lê Công Hoàng đã đánh nhau và dùng dao thủ sẵn đâm Minh gục ngay giữa sân trường. Hoàng tiếp tục đâm trọng thương 2 học sinh khác vào can ngăn trước sự chứng kiến của hàng trăm học sinh, giáo viên, giám thị…

Chiều 06-12, anh Nguyễn Đức Lộc (28 tuổi) cùng bạn là Châu Đoàn Vũ (26 tuổi) đi dự tiệc sinh nhật bạn ở tỉnh Bình Dương, khi chạy xe máy đến ấp Bình Đường 2, xã An Bình, huyện Dĩ An thì va chạm với nhóm “choai choai” đi đường dẫn đến đánh nhau. Hậu quả, Lộc bị chém chết tại chỗ, Vũ bị thương nặng (Báo Thanh Niên 08-12-2010).

Trần thị Bích Trâm (23 tuổi, Kiên Giang) bị công an huyện Nhà Bè bắt giữ để làm rõ hành vi giết người. Do mâu thuẫn gia đình, Trâm dùng dao đâm chết chồng là anh Nguyễn Thành Công (24 tuổi) tại nhà trọ xã Phước Kiểng, Huyện Nhà Bè (Báo Tuổi Trẻ 10-12-2010).

Bao lâu nay hoà bình vẫn luôn là khát vọng thâm sâu nhất của nhân loại. Ai cũng mong mỏi hoà bình, nhưng dường như con người chẳng bao giờ được sống trong an bình, lúc nào cũng lo sợ chiến tranh và bạo lực. Hegel đã phải chua xót nhận xét rằng: “Lịch sử nhân loại là một núi sọ hay một thung lũng đầy xương khô. Những thời kỳ hạnh phúc chỉ là những trang giấy trắng!" Hòa bình ơi!

Từ Việt Nam nhìn ra thế giới, ta thấy nhận xét của Hegel quả không sai. Trong thế kỷ 20, hai cuộc thế chiến đã tiêu diệt hơn 50 triệu sinh mạng. Năm 1945, trái bom nguyên tử đầu tiên thả xuống Hiroshima chỉ trong vài phút đã tàn sát hàng trăm ngàn thường dân vô tội. Sau thế chiến II, hơn 20 triệu người đã bị chết thảm khốc trong 150 cuộc chiến. Những cuộc chiến ngày càng bùng nổ với mức độ tàn phá ghê gớm và thảm khốc hơn bởi những vũ khí tinh vi hủy diệt hàng loạt do chính con người chế tạo ra để hủy diệt con người.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc ra đời với nỗ lực xây dựng nền hòa bình trên hành tinh này với lời cam kết: "Chúng tôi, các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc kiên quyết tránh cho các dân tộc thảm họa chiến tranh". Thế nhưng từ đó đến nay, súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, và máu vẫn chảy. Thế giới đang lo sợ cuộc chiến tranh nguyên tử giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên mà hậu quả thật khôn lường. Hiểm hoạ chiến tranh hạt nhân luôn ám ảnh và đe dọa sự sống còn của nhân loại.

Hoà bình vẫn là mơ ước ngoài tầm tay với, vì nỗ lực của các quốc gia giải quyết những tranh chấp và xung đột bằng đối thoại và bất bạo động dường như phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ mạnh. Hoà Bình ơi!

Giáo Hội Công Giáo cũng miệt mài tìm kiếm nền hòa bình đích thực cho nhân loại. Năm 1920, Đức Bênêdictô XV ban hành thông điệp “Hoà Bình của Thiên Chúa” (Pacem Dei). Từ năm 1939 đến 1957, qua các Sứ Điệp Giáng Sinh, Đức Piô XII luôn kêu mời các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới hãy kiến tạo một nền hòa bình đích thực trên hành tinh này và cùng nhau xây dựng một thế giới liên đới công bằng. Năm 1963, Đức Gioan XXIII ra thông điệp "Hoà Bình Trên Thế Giới" gởi đến tất cả những người thành tâm thiện chí trên thế giới để kêu gọi các quốc gia xây dựng một nền hoà bình chống lại chiến tranh. Năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng "Công Lý và Hòa Bình", và từ năm 1968, lập ra ngày "Hoà Bình Thế Giới" cử hành vào ngày mồng một tháng giêng hàng năm. Đức Gioan Phaolô II đã tổ chức những buổi "cầu nguyện liên tôn" cho hoà bình tại Assisi và đưa ra sáng kiến "Ăn Chay vì Hoà Bình". Năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Năm 1993 và 1994, ăn chay cho hòa bình tại Bosnia. Năm 2001, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới sau biến cố 11-9 tại Hoa Kỳ.

Muốn có được nền hòa bình đích thực, con người không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt chiến tranh, giải trừ quân bị, thực thi công lý, nhưng còn phải đi xa hơn, vươn tới tận nguồn của bình an là tình yêu thương, được thể hiện qua lòng biết lòng xót thương nhau như Chúa đã dạy: “Phúc cho ai biết xót thương người thì sẽ được Chúa xót thương”. Hai quốc gia không gây hấn nhau, không xâm phạm chủ quyền của nhau, nhưng không quan hệ với nhau, không giúp đỡ nhau thì mới dừng lại ở mức thực thi công lý. Tôi không làm thiệt hại gì ai, không lỗi đức công bằng với ai, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm đến ai, “sống chết mặc bay” thì tôi vẫn còn phải đấm ngực vì “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và …những điều thiếu sót”!

Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả mối tương quan giữa lòng thương xót và công lý như sau: "Lòng thương xót đích thực là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công lý. Nếu công lý tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót, mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót Kitô giáo là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người, và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên sự bình đẳng do công lý mang lại chỉ giới hạn ở lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người".

Trong sứ điệp "Ngày Hòa Bình Thế Giới" năm 1998, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhắc đến mối tương quan giữa công lý và lòng xót thương: "Công lý vừa là một nhân đức luân lý vừa là một khái niệm pháp lý. Ðôi khi công lý được biểu thị như một người mắt bít kín; thật ra, nhiệm vụ riêng của nó là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến kích một sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá hủy, đưa tới hòa giải thay vì phục thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó, công lý bén rễ trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa nhất. Vì thế, công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác".

Đúng như thế, khi “công lý tách khỏi tình khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác” và có nguy cơ châm ngòi cho những cuộc chiến. Những bữa tiệc buffet linh đình cả trăm đô, những lễ đài nguy nga hàng trăm triệu, những lễ hội với sân khấu lộng lẫy hoàng tráng tiêu tốn bạc tỉ, những món quà lưu niệm cho lễ hội được tính bằng vàng…tất cả sự hoang phí đó được biện minh là để lo cho lợi ích chung, là của ân nhân tự nguyện đóng góp, đâu có bóc lột của ai, đâu có vi phạm công lý. Trong khi đó những người dân nghèo thấp cổ bé họng chỉ được đứng vòng ngoài nhìn những lễ hội một cách thòm thèm mà xót xa cho sự tốn kém lãng phí. Những nạn nhân lũ lụt bởi “thiên tai” hay “nhân tai” đang mòn mỏi trông chờ từng gói mì, lon gạo, bịch quần áo cũ mà vẫn chưa có. Nếu bớt đi những chi phí không cần thiết mang nặng tính khoa trương trong những lễ hội đạo cũng như đời để làm công việc bác ái, để xây những trường học, bệnh viện, mái ấm cho trẻ mồ côi, người khuyết tật, già neo đơn, để làm những cây cầu cho vùng nông thôn, để giúp học bổng cho các sinh viên học sinh hiếu học. Nếu làm được như vậy thì những lễ hội mới mang được ý nghĩa đích thực, mới để lại dấu ấn cho người tham dự lẫn người không được mời tham dự! Bằng không, người tổ chức và người tham dự lễ hội đã trở thành “lạnh lùng-vô cảm” vì đã tách “công lý” khỏi “lòng thương xót”. Không đóng góp chia sẻ vật chất, thậm chí cũng không chia sẻ mất mát tinh thần, không dành ra ít phút tưởng niệm, tưởng nhớ những nạn nhân lũ lụt, mà vẫn nhởn nhơ vui chơi ăn uống ca hát nhảy múa trong những lễ hội thì lòng xót thương quả là món hàng quý hiếm trong thời đại này.

Tôi không đụng chạm ai, cũng đừng ai đụng đến tôi. Tôi không làm thiệt hại ai mà cũng chẳng giúp đỡ ai. Tiền của tôi muốn làm gì tôi làm. Tôi phải lo cho anh em tôi, gia đình tôi, hội đoàn tôi, nhà thờ tôi, giáo xứ tôi. Cũng đúng thôi. Thế nhưng còn đồng bào tôi, giáo hội tôi thì ai lo? Đồng bào và giáo hội đó cũng là của tôi mà. “Công lý tách khỏi lòng thương xót sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác” Đức cố Gioan Phaolô II đã nhận định thật chính xác và chua xót.

Thượng Hội Đồng các Giám Mục về "Công Lý Trong Thế Giới Hôm Nay" đã xác quyết: "Không thể tách rời công lý và tình yêu Kitô giáo đối với tha nhân. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công lý, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân; đồng thời công lý chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và anh em của Ðức Kitô, người Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa, và yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa".

Chính vì tin tưởng vào xác quyết đó mà có một giáo xứ ở thành phố khi mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, cha xứ đã kêu gọi giáo dân trong xứ đóng góp để xây dựng một ngôi nhà nguyện cho anh em dân tộc ở vùng sâu vùng xa thay vì làm cuốn “kỷ yếu” hay ăn uống tiệc tùng tốn kém. Chính vì “nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa” mà hàng ngàn người tham dự thánh lễ và giờ cầu nguyện lòng thương xót mỗi chiều thứ năm tại một xứ đạo đã chắt chiu hàng tuần để chuyển hàng trăm tấn gạo đến cho đồng bào lũ lụt Miền Trung, tặng quà Noel cho bệnh nhân trại phong ở Bắc Ninh, người khuyết tật ở Thái Bình và hàng ngàn học bổng cho sinh viên học sinh nghèo hiếu học. Chính vì thấy “yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa” cho nên một vài xứ đạo đã có những phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mái ấm cho người già neo đơn, thăm viếng và chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cũng như ngoài giáo xứ, nhất là nơi vùng sâu vùng xa. Ước mong những đốm lửa này được lan rộng hơn nữa

Chúa Kitô được Isaia loan báo là “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai. Danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẻ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận…" (Is 9, 5-6).

Đức Kitô, vị thủ lãnh có đầy “dũng mãnh” và “quyền bính trên vai” nhưng không thống trị, áp bức người dân bằng quyền lực, bằng lý lẽ của kẻ mạnh. Vị thủ lãnh ấy không phải là “ông vua con một cõi” muốn gì là giáo dân phải vâng phục, phải chấp hành bất chấp điều ấy có hợp tình hợp lý hay không. Trái lại vị thủ lãnh đó “đã chào đời để cứu ta”, đã đối xử với người dân như “người Cha muôn thuở” chứ không như vua chúa quan liêu hống hách với bề tôi. Đó là vị “thủ lãnh hoà bình” chứ không phải thủ lãnh chỉ lo củng cố địa vị ngai vàng của mình, đi gây hấn, gây ảnh hưởng, gây thù chuốc oán, gây tang thương chết chóc cho dân lành.

Vị thủ lãnh hoà bình đó “là bình an của chúng ta” và “đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét. Nhờ thập gía, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập gía, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-16). Chính vị thủ lãnh hoà bình đó đã giao hòa loài người với Thiên Chúa “vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Cl 1,19-20).

Bình an chỉ có được khi ta biết xót thương người vì cảm nghiệm chính ta luôn được Chúa xót thương, dù ta có tội lỗi yếu hèn thế nào đi chăng nữa. Bình an chỉ có được từ lòng xót thương. Thương người như thể thương thân. Thương xót con người trầm luân trong đau khổ mà tôi không chất thêm khổ đau cho họ nữa. Tôi tập nhường nhịn, tha thứ, không chấp nhất, không xô xát, to tiếng, chen lấn giành giật. Tâm tôi có được bình an khi không còn bị xao động bởi những ham muốn, háo danh, ganh tỵ, ghen ghét, muốn hơn người. Làm sao tôi có được bình an khi chung quanh tôi còn bao người đau khổ cùng cực? Làm sao xã hội gọi là bình an khi người ta vẫn sống dửng dưng vô cảm trước khổ đau của đồng loại, khi tiêu tốn lãng phí trong những lễ hội mà không chạnh lòng nghĩ tới đồng bào mình đang sống trong cảnh màn trời chiếu nước ? Chính lòng xót thương thúc đẩy tôi dấn thân đi chia sẻ, làm việc bác ái, vun đắp an vui, giúp con người sống hòa bình với chính mình và với tha nhân. Đó chính là cách thực hiện lời mời gọi của vị chủ chăn giáo phận “chung sức xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương” để “bước theo Chúa Kitô sống,làm chứng và loan báo Tin Mừng.”

Muốn “xây dựng nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương” thì lời “Kinh Hoà Bình” của Thánh Phanxicô Assisi, giáo huấn của Ðức Kitô, và đặc biệt là “Bài Giảng Trên Núi” phải trở thành kim chỉ nam, thành hiến chương cho cuộc sống của những người đi xây dựng hoà bình theo chân vị “thủ lãnh hoà bình” là Đức Kitô:

"Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc cho ai khát khao nên công chính,vì họ sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.

Phúc cho ai xót thương người,vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính,vì Nước Trời là của họ" (Mt. 5,3-10).

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục trong “Lời Chủ Chăn” tháng 12-2010 nhấn mạnh: “bài học truyền thống văn hoá ‘Tu Thân-Tề Gia-Trị Quốc-Bình Thiên Hạ’, vẫn còn nguyên giá trị và thật cần thiết cho công cuộc xây đắp nếp sống văn hoá mới hôm nay”

Muốn “thiên hạ bình” thì trước tiên “thân phải tu”, tu tập để có lòng thương xót, có từ tâm. “Tình yêu và chỉ có tình yêu, bao gồm tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót, mới có thể trả con người về lại với chính mình.”

Không có lòng tình yêu và lòng thương xót thì bao giờ mới có hoà bình ?

Sài Gòn, những ngày cuối năm
 
Sự ra đời của mỗi em bé là một mầu nhiệm
Pt Huỳnh Mai Trác
09:37 03/01/2011
Ngày chủ nhật 26 tháng 12, là ngày lễ tôn kính Thánh Gia. Nơi Hang Đá Bêlêm nơi Chúa Giáng sinh ra đời, Thánh Gia đã trải qua những thử thách khốn khó nhưng đầy niềm vui, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn chia sẻ niềm vui đó với tất cả với mọi gia đình nhân loại.

“Tin Mừng thánh Luca kể lại những người mục đồng ở Bê Lem, sau khi nghe các Thiên Thần loan báo Đấng Cứu Độ đã sinh ra, họ vội vàng tất tả tìm đến và họ đã thấy Maria và Guise, và một trẻ thơ nằm trong máng cỏ” (Lc 2.16). Những người nhìn tận mắt cuộc giáng trần của Chúa Giêsu với cảnh trí một gia đình: một người mẹ, một người cha và một trẻ sơ sinh. Bởi vậy phụng vụ dành ngày Chúa nhật đầu tiên sau lễ Giáng sinh để tôn kính Thánh Gia.

“Sau ngày lễ Giáng Sinh, năm này sẽ tôn kính sự thắng lợi của thánh Stêphanô, nhắc nhở chúng ta nhìn ngắn tượng ảnh hài đồng Giêsu là trung tâm của lòng yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Các tthánh tổ phụ đã viết: “Trong Hang đá Bê Lem nghèo hèn tỏa ra một ánh sáng sinh động, phản chiếu mầu nhiệm sâu xa bao trùm Hài Đồng này; nổi niềm Đức Bà Maria và thánh Guise giữ trong lòng tỏa ra trong ánh nhìn, cử chỉ và nhất là trong sự lặng thinh. Lẽ dĩ nhiên các ngài giữ trong tâm khảm, những lời mà Thiền thần truyền tin với Maria: “người con sinh ra sẽ được gọi là Con của Đấng Tối Cao” (Lc 1.35).

“Thật vậy, mỗi em bé khi sinh ra mang theo với mình một sự mầu nhiệm! Cha mẹ em nhận lãnh như một món quà và họ thường luôn luôn nhận biết điều đó. Thường chúng ta hay nghe người cha hoặc người mẹ nói: “Đứa bé này là một món quà, đây thật là một phép lạ!”

Đúng như vậy, con người trong việc sinh sãn không chỉ là một hành động truyền giống, nhưng họ còn cảm thấy một sự phong phú, cho nên mỗi con người xuất hiện trên thế gian như một dấu chỉ của Đấng Tạo Hóa và của Người Cha ở trên trời. Thật là quan trọng biết dường bao, mỗi em bé, khi sinh ra đời, được đón nhận trong niềm yêu thương nồng nhiệt của gia đình! Mặc dù hoàn cảnh bên ngoài: Chúa Giêsu được sinh ra nơi hang bò lừa và chiếc nôi là máng cỏ nhưng tình yêu của Đức Bà Maria và thánh Giuse mang lại sự dịu hiền và vẽ đẹp yêu thương được yêu mến.

“Đó là điều mà các trẻ thơ cần có: Tình yêu thương của người cha và người mẹ. Chính điều đó mang lại cho đứa bé sự an toàn, để khi khôn lớn, có thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống. Gia đình thánh gia ở Nagiaret đã trải qua nhiều thử thách sóng gió, như đã được Tin Mừng thánh Matthêu ghi lại “Cuộc thảm sát các Hài Nhi vô tội”, bắt buộc thánh Guise và Đức Bà Maria phải trốn sang Ai cập. Nhưng luôn tin cậy vào Thiên Chúa, các ngài đã tìm thấy một đời sống ổn định và bảo đảm cho Chúa Giêsu một tuổi trẻ an bình và và một nền giáo dục vững chắc.”

“Các bạn than mến, Thánh Gia lẽ dĩ nhiên là một gia đình đặc biệt và duy nhất, nhưng là một gia đình kiểu mẫu cho mỗi gia đình, bởi vì Chúa Giêsu, là người thật, đã muốn sinh ra trong một gia đình loài người, và chính điểm này Ngài đã ban phúc lành và thánh hiến gia đình.

Vì vậy chúng ta hãy phú thác vào Đức Trinh Nữ Maria và thánh Giuse mọi gia đình, để đừng chán nản thất vọng trước những thử thách và khó khăn, nhưng mãi phát huy tình yêu vợ chồng và hết lòng tin tưởng vào công việc bảo trì và giáo dục đời sống. (tin VIS)
 
Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố các tín hữu Kitô
LM Trần Đức Anh OP
19:53 03/01/2011
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 mạnh mẽ lên án vụ khủng bố tại một nhà thờ Copte Ai cập hôm 1-1-2011 làm cho 22 người bị thiệt mạng và 80 người bị thương.

Vụ khủng bố bằng xe bom đã xảy ra trước một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alexandria, Ai Cập, vào cuối thánh lễ nửa đêm tại Nhà thờ Các Thánh (Al Kidissine). Một linh mục ở địa phương cho biết con số nạn nhân có thể cao hơn nhiều nếu xe bom nổ chậm hơn vài phút, nghĩa là sau khi thánh lễ kết thúc và các tín hữu rời khỏi nhà thờ.

Ngỏ lời với hơn 50 ngàn tín hữu trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 2-1-2011 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Sáng hôm qua chúng tôi đã đau buồn hay tin về vụ khủng bố trầm trọng chống lại cộng đoàn Kitô Copte ở thành Alexandria Ai Cập. Hành động sát nhân hèn nhát, cũng như vụ đặt bom gần nhà các tín hữu Kitô ở Irak để buộc họ ra đi, đó là điều xúc phạm đến Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, chính ngày hôm qua, 1-1, nhân loại đã cầu nguyện cho hòa bình và bắt đầu một năm mới trong hy vọng. Đứng trước chiến lược bạo lực này, nhắm vào các tín hữu Kitô, và có những hậu quả trên toàn dân, tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, đồng thời khuyến khích các cộng đoàn Giáo Hội hãy kiên trì trong đức tin và trong việc làm chứng về sự bất bạo động như Tin Mừng đã dạy. Tôi cũng nghĩ đến nhiều nhân viên mục vụ bị giết trong năm 2010 tại nhiều nơi trên thế giới: tôi cũng thân ái nhớ đến họ trước mặt Chúa. Chúng ta hãy đoàn kết với nhau trong Chúa Kitô là niềm hy vọng và an bình của chúng ta!”.

Một số phản ứng

Sau lời tuyên bố trên đây của ĐTC, đại Imam thủ lãnh Đại học Hồi giáo Al Azhar, Sheik Ahmed Mohamed Almed El-Tayeb, là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnít, cho rằng ”ĐGH xen mình vào nội bộ của Ai Cập” và ông nêu vấn nạn: ”Tại sao ĐGH không lên tiếng bênh vực người Hồi giáo khi họ bị sát hại tại Irak?” Imam cũng lên án vụ khủng bố tại Alexandria và kêu gọi các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Ai Cập đối thoại, sống chung hòa bình và tránh bạo động”.

Vị Imam đã tuyên bố như trên trước khi đến thăm Đức Thượng Phụ Shenuda III Giáo chủ Copte Ai Cập để tỏ tình liên đới, nhưng xe của ông đã bị nhiều tín hữu Copte nổi giận tấn công và đòi hỏi chấm dứt tình trạng kỳ thị các tín hữu Kitô tại Ai Cập.

- Về lời cáo buộc của đại Imam Viện trưởng đại học Al Azhar, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, khuyên không nên đặt nặng và nói rằng: ”Có lẽ lập trường của Iman là do sự hiểu lầm trong việc thông tin.. Điều quan trọng là Iman đã lên án vụ khủng bố và mời gọi đối thoại, sống chung hòa bình giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Ai cập.. Về lời cáo buộc của Iman cho rằng ĐGH xen mình vào chuyện nội bộ của Ai Cập, cần phải xem Iman muốn nói gì và đã nhận được loại thông tin nào. Cũng như trong Sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới, trong lời tuyên bố sau kinh truyền tin chúa nhật 2-1, ĐGH bày tỏ tình liên đới với cộng đồng Kitô Copte bị thương tổn nặng nề như vậy, nhưng đồng thời ngài cũng bày tỏ quan tâm về hậu quả của bạo lực trên toàn dân, dù là Kitô hay Hồi giáo.. ĐGH, cũng như mọi người hữu lý, đều chống lại bạo lực điên rồ và sát nhân gây ra cho một thánh đường Kitô, và ngài lo lắng cho các tín hữu Kitô thiểu số đang phải chịu bạo lực. Sự lên án như vậy là điều hợp pháp, và điều này không có nghĩa là muốn biện minh hoặc coi nhà bạo lực chống lại tín đồ các tôn giáo khác”.

Mặt khác, LM Samir Khalil Samir, dòng tên người Ai Cập, chuyên gia về Hồi giáo, nhận xét rằng tại Ai Cập người ta thấy có sự gia tăng căng thẳng giữa người Hồi giáo và Kitô hữu. Từ lâu quốc gia này là trung tâm của phong trào Hồi giáo cực đoan, trong những năm gần đây, phong trào này trở nên mạnh hơn vì chính quyền đời trở nên yếu thế. Những người Hồi giáo cực đoan lợi dụng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay để làm suy yếu vị thế của chính phủ. Qua những cuộc tấn công khủng bố như thế, họ tìm cách hủy bỏ chính quyền, và chiếm quyền hành một cách vĩnh viễn.

Giáo Hội Chính Thống Copte tại Ai Cập chiếm 10% trên tổng số 80 triệu dân Ai Cập. Tại nước này cũng có Giáo Hội Công Giáo Copte nhỏ bé với tòa thượng phụ tại Alexandria. Nhiều tín hữu Kitô Copte đã thịnh nộ vì tên của Thánh Đường bị khủng bố đã bị nhóm Hồi giáo quá khích đe dọa nhiêu lần qua các thông tin trên Internet.

Tại Irak

Về tình trạng các tín hữu Kitô tại Irak được ĐTC nói đến trong buổi đọc kinh truyền tin, hãng tin Asia News cho biết:

Vài giờ trước khi bắt đầu năm mới, nhiều quả bom đã nổ tại thủ đô Baghdad, trước nhiều tư gia của các tín hữu Kitô làm cho ít nhất 2 người bị thiệt mạng.

Đức Cha Shlemon Warduni, GM phụ tá tại Baghdad, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê, nhận định rằng những vụ khủng bố này muốn đánh dấu một năm đầy những vụ tấn công và bách hại chống các tín hữu Kitô.. Họ không cảm thấy ô nhục khi thi hành những hành động như thế. Đó là những người vô lương tâm và vô tôn giáo. Điều mà họ làm thực là chống lại Thiên Chúa, chống lại nhân loại, và chống lại chính bản thân và gia đình họ, vì họ không được sống trong an bình.

Đức Cha Warduni cho biết các gia đình Kitô sống trong bao nhiêu cay đắng: cha mẹ, con cái, anh chị em, tất cả đều ở trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm. ”Chúng tôi cám ơn ĐTC vì đã nhớ đến chúng tôi trong sứ điệp Hòa Bình nhân ngày đầu năm mới và chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho ngài sức mạnh để có thể tiếp tục hướng dẫn đoàn chết, Giáo Hội của Ngài, để tất cả chúng ta có thể tôn vinh Chúa, trong hòa bình và an ninh”.
 
Đức Thánh Cha bắt đầu Năm Mới với lời kêu gọi cho tự do tôn giáo và chấm dứt bạo lực
Bùi Hữu Thư
20:44 03/01/2011
VATICAN (CNS) -- Đức Thánh Cha Benedict XVI khai mạc Năm Mới 2011 với lời kêu gọi mạnh mẽ cho tự do tôn giáo. Ngài lên án vụ tấn công tàn bạo chống các kitô hữu và loan báo một đại hội liên tôn mới vào mùa thu tới tại Assisi, Ý.

Trong Thánh Lễ ngày 1 tháng 1, 2011, đánh dấu Ngày Hòa Bình Thế Giới và một phép lành vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha bầy tỏ ưu tư của ngài về những biến cố bạo hành và kỳ thị mới đây đối với các nhóm kitô hữu thiểu số tại Trung Đông.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha lên án vụ tấn công ngày 1 tháng 1 vừa qua chống những kitô hữu Chính Thống tại Ai Cập. Ngài nói “đây là một hành động ghê tởm của thần chết.”

Một trái bom đã nổ trong khi các giáo dân đang rời khỏi một nhà thờ tại Alexandria, Ai Cập, khiến cho 25 người thiệt mạng và mấy chục người khác bị thương.

Đức Thánh Cha nói vụ tấn công này nằm trong “một chiến thuật bạo hành mà mục tiêu là các kitô hữu,” và có những hậu quả tiêu cực đối với toàn thể dân chúng.

Ngài dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình. Đức Thánh Cha cũng tố cáo các thực hành mới đây là “gài bom gần các tư gia của các tín hữu Kitô giáo tại Iraq để buộc họ phải di cư đi nơi khác.”

Ít ra cũng có bẩy nhà kitô hữu tại Baghdad đã là mục tiêu của các vụ tấn công bằng bom ngày 30 tháng 12, khiến cho ít nhất cũng có 13 người bị thương.

Đức Thánh Cha nói các vụ tấn công gần đây nhất tại Ai Cập và Iraq “làm cho Thiên Chúa và nhân loại phẫn nộ.”

Nói với các khách hành hương vào lúc ban phép lành buổi trưa ngày 2 tháng 1, Đức Thánh Cha cho hay ngài dự trù mời các lãnh đạo các tôn giáo của các đạo giáo lớn đến tụ họp tại Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, để “long trọng tái thiết cam kết của các tín đồ mọi tôn giáo là sống đức tin của họ như để phục vụ cho lý tưởng hòa bình.”
 
Điềm gở đầu năm báo hiệu ngày Tận Thế? Chim sa cá lặn ở Arkansas
Trần Mạnh Trác
21:30 03/01/2011
Những người đón giao thừa ở phố Beebe, một thị trấn nhỏ vùng quê Arkansas, đang ngửa mặt lên trời xem pháo bông thì thay vì những tia lửa rơi xuống, họ đã nhìn thấy những bóng đen nhào lộn trong ánh sáng lập lòe rồi hàng ngàn xác chim (blackbirds ) lịch bịnh rơi xuống.

Khi ánh sáng ban mai đủ tỏ, người ta đếm được trên 4000 (5000?) xác chim blackbirds nằm la liệt trên mái nhà, vỉa hè, đường phố. "Thật là khó mà lái xe trên đường mà không đè bẹp một vài xác chim," Ông Robby King một nhân viên kiểm lâm than phiền như vậy.

Sự kiện những con chim đen với cánh đỏ bị chết cả đàn như vậy thì không hiếm, đã có hiện tượng chúng chết chùm vì thuốc độc, vì gió bão hoặc bị sét đánh. Nhưng số tử vong lên tới hàng ngàn trong một đêm là một hiện tượng có một không hai.

Đó là chưa kể ngày hôm trước đó, người ta phát hiện ra trên 100,000 xác cá nằm chết rải rác trên 20 dậm bờ sông Arkansas ở miền Ozark cách Beebe 125 dậm.

Đối với một số người, cảnh chết chóc như thế gợi lên hình ảnh của ngày tận thế và đã cắt ngắn buổi lễ hội mừng năm mới. Nhiều gia đình đã gọi điện cho cảnh sát thay vì mở chai champagne.

"Chúng tôi phải trả lời điện thọai suốt đêm," theo lời Đại úy cảnh sát Eddie Cullum. "Đối với những người dễ tin vào chuyện tận thế (doomsayers,) thì đây chắc chắn là ngày Thế Mạt."

Không ai biết nguyên do tại sao đàn chim đã chết.

"Chúng tôi có nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời", Karen Rowe, một nhà nghiên cứu chuyên về chim của văn phòng Lâm và Ngư sản cùa Arkansas. Cô cho biết hiện đã có một số tài liệu về trường hợp các loài chim trở nên bối rối và đâm xuống đất.

Cô Rowe cho biết trong năm 2001, sét đã giết chết khoảng 20 chim mallards tại Hot Springs, và một đàn bồ nông chết đã được tìm thấy trong rừng khoảng 10 năm trước.

Hồi năm 1973, một cơn mưa đá đã vất nhiều xác chim xuống từ bầu trời ở Stuttgart, Ark. Một số chim đã bị hút lên theo chiếu gió ngược (updrafts) trong cơn bão mạnh và bị đông đá trước khi rơi xuống.

Giám đốc phòng thí nghiệm John Fitzpatrick của Đại học Cornell nghiên cứu Chim ở Ithaca, NY, thì đóan rằng rất có thể là do bạo lực của thời tiết. Có thể là hàng ngàn con chim đã ngủ trên một ngọn cây duy nhất, rồi một cơn giông xóay theo "kiểu máy giặt" hút chúng lên không, làm chúng mất phương hướng hoặc ướp lạnh chúng và gây ra tử vong.

Nếu thời tiết là nguyên nhân, những con chim có thể đã chết trong một số cách, Fitzpatrick nói. Chúng có thể trở nên mất phương hướng - bay quàng trong đêm tối - và đập vào mặt đất, hoặc chết vì lạnh.

Kiểu thời tiết như vậy đã xảy ra hôm thứ Sáu, nhưng điểm tệ nhất thì đã đi qua vùng Beebe lâu rồi khi các xác chim bắt đầu rơi xuống, theo lời ông Chris Buonanno, một nhà tiên đóan thời tiết quốc gia ở Bắc Little Rock.

Rowe và Fitzpatrick cho biết ngộ độc có thể là một nguyên nhân nhưng không chắc lắm. Rowe cho biết các động vật khác, bao gồm chó, mèo đã ăn xác nhiều con chim bị chết và không có tác động xấu.

"Mỗi con chó và mèo trong khu phố đêm đó đã có một bữa ăn tươi giao thừa", Rowe cho biết.

Rowe nói thêm "Điều quan trọng là phải hiểu rằng một con chim bị ngộ độc không thể bay. Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra với những con chim đã xảy ra rất nhanh chóng. Một cái gì đó đã làm chúng tuôn ra khỏi cây vào ban đêm... và sau đó một cái gì đó chúng gặp phải trong không khí đã gây ra cái chết của chúng."

Những thí nghiệm mới nhất cho biết một số chim đã chết vì nội tạng bị bể, rất có thể là do sức nổ của pháo hoặc bị giật mình quá mạnh.

Bất kể nguyên do là gì thì số chim chết sẽ không làm một ai trong vùng mủi lòng. Tại đây nhiều đàn chim lớn đã tụ tập và để lại những lớp phân cao tới mắt cá chân hoặc có khi cao lên đến đầu gối.

Gần một thập kỷ trước, chính quyền đã dùng súng đại bác để gây tiếng động mà đuổi chúng đi. Nhưng trong những năm gần đây, chúng lại trở về.

Blackbirds cánh đỏ là loài chim nhiều nhất tại Bắc Mỹ, với dân số khỏang từ 100 triệu tới 200 triệu con.

Còn về chuyện cá chết trôi trên sông Arkansas thì các quan chức Thủy Lâm cho biết cái chết của cá không liên quan đến những con chim, và cũng cho biết rằng chỉ có một loài cá đã bị ảnh hưởng, có thể là vì dịch.

"Phải mất khoảng một tháng" để xác định nguyên nhân, Keith Stephens, một phát ngôn viên của Ủy ban Lâm Ngư Sản Arkansas cho biết.

Theo thống kê thì 95% cá chết là cá trống và nguyên nhân tử vong rất có thể là bệnh vì chỉ có một loài cá bị ảnh hưởng.

"Nếu đó là từ các chất gây ô nhiễm, thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lòai cá và tất cả các giống chứ không chỉ là cá trống", Stephens nói.

Đây là lọại cá có tên là Drum, lọai ăn đáy, cũng không là lọai cá câu, cho nên không có lệnh cấm đánh bắt cá để phòng ngừa. Stephens cho biết. "Nếu bây giờ bạn đi lên đó, bạn có thể vẫn có cá bass và cá crappie và các lọai cá da trơn. Nhưng nhất định đừng ăn cá chết..."

Stephens cho biết thiên nhiên sẽ tự làm sạch. "Chúng tôi thực sự không có một chương trình dọn dẹp vì môi trường sông hồ quá lớn và sẽ để cho muông thú tiêu thụ chúng."

David Lyons, chủ tịch câu lạc bộ Sierra địa phương, cho biết họ đang theo dõi và "đang chờ kết quả bệnh lý học và các xét nghiệm độc tố trước khi đưa ra lời bình luận về các loài chim và cá chết.

"Cho đến nay, các bằng chứng cho thấy không có ô nhiễm trong cả hai trường hợp," nhưng ông nói thêm. "Nếu kết quả thử nghiệm cho thấy có chất gây ô nhiễm, thì các nhóm môi trường sẽ có một số câu hỏi và có những quan tâm về hai sự kiện trên."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang - Những thông tin cuối ngày 03/01/2011
Ban Thông Tin
08:20 03/01/2011
Tượng Đức Mẹ La Vang mới đã hoàn thành
Cồng Chính (cổng Tam Quan)
Giáo dân lãnh bí tích Hòa giải
LAVANG - Chiều ngày 3/1/2011, Ban thông tin chúng tôi đi vòng quanh khu vực Linh Địa Mẹ La Vang. Những con đường đưa du khách đến Linh Địa Mẹ đều đã được san bằng, mở rộng và giăng các biểu ngữ. Xung quanh khu vực, những lá cờ tung bay phất phới như đón chào quý khách hành hương.

Xin lưu ý, nếu đoàn hành hương đến La Vang bằng xe hơi lớn, nhỏ thì đều phải dừng lại trước cổng chính (Cổng Tam Quan), đỗ khách xuống và quay xe trở ra lại liền. Ngoài khu vực La Vang sẽ có những bãi giữ xe lớn, tuỳ du khách chọn chỗ gởi xe thích hợp. Đây cũng là dịp để chúng ta thể dục, thư giản đôi chân sau một quãng đường dài ngồi bó gối. Đây cũng là dịp để chúng ta tạo những hy sinh mang đến dâng Mẹ La Vang như các hiền sĩ ngày xưa đến viếng Hài Nhi Giêsu vậy. Hơn nữa, từ ngày mai, tức ngày 4/1/2011 con cái Mẹ từ khắp muôn nơi sẽ lần lượt kéo nhau về đông đảo, nên tránh khỏi bị ứ đọng, nghẹt đường. Cũng bắt đầu từ ngày mai sẽ có những Thánh lễ liên tiếp được Quý Đức Cha cử hành tại Linh Địa Mẹ, cho nên sẽ có rất nhiều người hành hương đến nơi đây. Còn nếu Qúy khách nào đi xe honda, chúng ta có thể tiến vào sâu hơn bên trong, có những bãi đậu xe, và có người hướng dẫn rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ai cũng ý thức rằng, mình đến nơi đây với mục đích gì rồi. Chúng ta không tìm sung sướng ở trần gian này, nơi thân xác chóng hư nát đây, nhưng chúng ta sẽ tìm những giá trị đích thực cho cuộc sống vĩnh cửu mai ngày. Chỉ có xe hơn của Quý Đức Cha và Quý Cha được ưu tiên sẽ vào bãi đậu gần Nhà Hành Hương. Chúng tôi xin đính kèm sơ đồ các bãi giữ xe.

Chiều nay, Ban Trật tự, đứng đầu là Linh Mục Đôminicô Phan Phước, đã họp bàn phân chia cụ thể trách nhiệm và phận vụ của mỗi người. Ai cũng tích cực, vui tươi cộng tác vào việc tổ chức Đại lễ Bế mạc Năm Thánh này.

Các Linh mục đến sớm đều bắt đầu phục vụ cộng đoàn dân Chúa bằng việc giải tội, chắc chắn khi chúng ta đến với Mẹ trở về thì tâm hồn đều được thanh sạch, tràn đầy ân sủng và bình an, lãnh nhận được Ơn Toàn Xá. Vì chúng ta không phải hành hương theo thói quen, niềm vui chốc lát, hay theo chân người khác đến để “xem lễ”; song chúng ta đến đây với hết cả tâm tình tin kính sâu sắc, yêu mến hết lòng và cậy trông vững vàng vào muôn Ơn Thánh Mẹ sẽ ban cho chúng ta.

Những màn hình rộng cũng được giăng lên để chuẩn bị cho những ai ở xa Lễ Đài vẫn sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ. Âm thanh rất tốt, vang vọng đến hết mọi người, ở xa hay gần lễ đài.

Đặc biệt, tượng Đức Mẹ La Vang đã được hoàn thiện sau bao cố gắng sơn mài, đánh bóng. Nhìn Mẹ giữa đám mây trắng, tà áo xanh ngọc, bồng ẵm Chúa Hài Nhi đang giơ tay chúc lành cho hết mọi con dân lương giáo, gần xa. Mẹ luôn mong ước con cái mình sống thánh thiện, hiệp nhất yêu thương, và Mẹ sẵn sàng ban muôn ơn cần thiết cho những ai thành tâm tìm đến Mẹ. Xin Mẹ cầu cùng Chúa ban sự Bình an cho các con cái Mẹ đang trên đường tìm về Trung Tâm Hành Hương La Vang. Xin Mẹ đón nhận mọi thiện chí của những tâm hồn quảng đại hy sinh cách này cách khác cho dịp Đại lễ được tốt đẹp.

Xin lưu ý: Mỗi người đến tham dự Đêm Diễn Nguyện, xin mang theo một cây nến

Sơ đồ tổng quát Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang


(Nguồn: tongigaophanhue.net)
 
Giáo hạt Đức Tánh cử hành thánh lễ bế mạc Năm Thánh
Lm Gia-cô-bê Tạ Chúc
09:51 03/01/2011
PHAN THIẾT - Hòa trong không khí ấm áp của mùa Giáng sinh và năm mới dương lịch, cùng niềm vui chung với Giáo Hội Việt Nam trong những ngày đại lễ kết thúc Năm Thánh của Giáo Hội.

Sáng nay, ngày 3/01/2011, tại Giáo xứ Võ Đắt, thuộc Hạt Đức Tánh, cha Gioanbaooxita Trần Văn Thuyết, hạt trưởng Hạt Đức Tánh, và 13 linh mục trong hạt, với các tu sĩ nam nữ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa, đã long trọng cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam.

Đoàn rước cung nghinh di ảnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các linh mục đồng tế niệm hương trước bàn thờ của các Ngài. Cha giảng lễ Fx: Đinh Quang Hùng đã nhắc lại ý nghĩa của Năm Thánh trong Kinh Thánh và kêu gọi mọi người tiếp tục sống chứng tá và cầu nguyện cho mọi thành phần dân Chúa.

Thật cảm động, trong nghi thức kết thúc: nghi thức sai đi, mọi người đưa cao nến cháy sáng và cùng nhau hát Kinh hòa bình.

Sau thánh lễ, quý linh mục, tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân chúa cùng nhau chia sẻ bữa cơm thân mật tại Giáo xứ Võ Đắt. Mọi người ra về với những tâm tình yêu mến, hiệp thông và sứ vụ.
 
Những hình ảnh mới nhất tại Lễ đài Trung tâm Hành hương La Vang
Ban Thông Tin
15:27 03/01/2011


 
Đại lễ bế mạc Năm Thánh: Thông tin tổng hợp - Cần lưu ý
Ban Thông Tin BMNT
17:58 03/01/2011
ĐẠI LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH

THÔNG TIN TỔNG HỢP - CẦN LƯU Ý




1 - Chương trình:

- Thứ Ba ngày 4.1.201: có giải tội tại nhà nguyện và 5g00 chiều có Thánh lễ do Đức Cha Mt. NGUYỄN VĂN KHÔI, GM PG Quy Nhơn chủ tế. Lúc 8g00 tối có kiệu Đức Mẹ La Vang và lần hạt Mân côi.

- Thứ Tư ngày 5.1.2011: có giải tội tại nhà nguyện và buổi sáng có 3 thánh lễ:

+ lúc 6g00 Thánh lễ do Đức Cha Giuse VÕ ĐỨC MINH, GM. GP Nha Trang

+ lúc 8g00 Thánh Lễ tại Đảo (phía tay phải từ trong nhìn ra)

+ lúc 10g00 Thánh lễ do Đức Cha Vinh Sơn NGUYỄN VĂN BẢN, GM. GP Ban Mê Thuột.

Buổi chiều 15g30 có Nghi lễ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đón tiếp chào mừng phái đoàn Tòa Thánh và các Thượng khách, trong đó có nghi thức làm phép pho tượng Đức Mẹ La Vang mới.

Buổi tối lúc 19g30 sẽ bắt đầu chương trình Cộng đoàn Canh thức Bên Mẹ tại lễ đài chính, với phần suy tôn Thánh Thể là cao điểm. Xin nhớ mang theo nến để hòa nhịp với chương trình canh thức diễn mà nguyện!

- Thứ Năm ngày 6.1.2011

+ Lúc 8g00 là Đại Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trong đó có nghi thức Làm phép Viên đá Đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường La Vang. Anh chị em giáo dân nên đến sớm hơn để ổn định vị trí.



2 - Về việc ăn ở:

- Qúy Linh mục - quý Bề Trên Dòng: Ban Tiếp Tân đón tiếp tại La Vang: có nơi ăn ở.

* Xin quý cha mang theo lễ phục trắng - áo dòng đen (hoặc clergyman)

- Qúy Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh: Ban Tiếp Tân đón tiếp tại La Vang và sẽ phục vụ nơi

ăn ở vào tối 5/1 đến trưa 6/1.

* Xin vui lòng mang theo giấy chứng nhận Cộng đoàn Dòng Tu, Tu hội...



- Qúy Đại biểu giáo dân (mỗi Giáo phận 10 người): Ban Tiếp Tân đón tiếp tại La Vang và sẽ phục vụ nơi ăn ở vào tối 5/1 đến trưa 6/1.



- Các đội phục vụ: Ca đoàn - diễn nguyện - trống kèn...liên lạc với Cha Phó Giuse Huỳnh Đình Hào, Đt: 0982.233.177 - Email: ttlavang@gmail.com

- Các Đoàn giáo dân về tham dự Đại Lễ: xin vui lòng ở tại các Lều Trại đã dựng sẵn; ăn uống xin tự túc. Trực tiếp liên lạc với Ban Tiếp Tân để được chỉ dẫn.

3 - Về thời tiết: nhiệt độ trong 3 ngày từ thứ ba 4.1 đến thứ năm 6.1 theo TTDBTVTW sẽ mưa nhỏ hoặc không mưa - nhiệt độ trung bình từ 17 đến 22 độ C. Nên mang theo đồ ấm, áo đi mưa. Có ô dù, nón mũ càng tốt.



4 - Đề phòng: Luôn cảnh giác kẻ gian lợi dụng cảnh chen lấn, ví dụ lúc rước lễ...

5- Trật tự: Tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của Ban trật tự - Ban tiếp tân - nhất là vấn đề giao thông, đi lại, bến bãi đỗ xe. Tuyệt đối giữ các lối đi trong Linh đài và Lễ đài khi hành lễ luôn thông thoáng.
 
Bế mạc Năm Thánh, nhớ tới một người
+GM Gioan B. Bùi Tuần
19:45 03/01/2011
Năm Thánh Việt Nam đang khép lại. Sau bế mạc, mỗi người công giáo Việt Nam vẫn tiếp tục hành trình riêng của mình. Hành trình về với Chúa.

Không phải hành trình nào cũng dẫn về Chúa. Nhưng chỉ những hành trình đúng với ý Chúa, được Chúa chúc lành. Hành trình đó là thế nào?

Ở đây, tôi nhớ tới một người. Đó là Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, bạn tôi. Ngài đã âm thầm giúp tôi trong hành trình đi về với Chúa. Điều mà Ngài đã giúp tôi chính là linh đạo về bình an yêu thương. Ngài và tôi, chúng tôi nhận ra hành trình mà Chúa muốn chúng tôi thực hiện, sẽ là hành trình làm chứng cho sự bình an yêu thương, đóng góp vào sự bình an yêu thương của Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam.

Tôi xin được chia sẻ vắn tắt.

1/ Đón nhận sự bình an yêu thương của Chúa từ những nguồn của Chúa

Thời gian đó, tôi đang ở Cộng Hoà Liên Bang Đức để chữa bệnh. Ngài công tác bên Toà Thánh. Ngài biết tôi rất thao thức về Hội Thánh và Quê Hương Việt Nam. Ngài quyết định sẽ sang Đức thăm tôi. Điểm hẹn mà Ngài chọn, là một nhà dòng nữ, miền Bắc nước Đức.

Hôm ấy, trời đã về chiều, tôi có mặt ở sân bay. Anh em mừng rỡ gặp lại nhau. Chúng tôi đến nhà dòng đã hẹn. Nhà dòng toạ lạc giữa một vùng thanh vắng. Trời mùa đông giá lạnh. Bầu khí nhà dòng ấm áp vì những nữ tu toả tình mến Chúa yêu người trên khuôn mặt đón tiếp. Chỗ nào trong nhà dòng cũng gặp được cầu nguyện và bình an yêu thương. Buổi tối, Ngài và tôi tâm sự rất lâu. Trước khi về ngủ, chúng tôi hứa sáng mai sẽ trao đổi cho nhau những gì mỗi người sẽ viết trong đêm. Sáng hôm sau, thánh lễ được cử hành trong bầu khí gia đình. Ngài chủ lễ và giảng. Tôi đồng tế. Các nữ tu hát. Tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang được gặp Chúa trong sa mạc hay trên núi, mà Phúc Âm thường nhắc tới. Sau lễ, chúng tôi trao đổi cho nhau những gì mỗi người đã viết trong đêm. Thực lạ lùng, cả hai cùng diễn tả những khát vọng và những dự kiến về bình an yêu thương cho Hội Thánh Việt Nam.

Chúng tôi cùng nhau nhận ra rằng: Để có thể góp phần đem lại bình an yêu thương cho người khác, chính chúng tôi phải có sự bình an yêu thương trước. Không phải bất cứ sự bình an yêu thương nào. Nhưng phải là sự bình an yêu thương của Chúa. Sự bình an yêu thương của Chúa không do chúng tôi hay ai làm ra được. Nhưng chúng tôi phải đón nhận từ Chúa. Chúng tôi đang nhận từ Chúa trong phép Thánh Thể, trong Lời Chúa, trong giờ cầu nguyện, trong bầu khí đạo đức của nhà dòng, trong điều kiện nội tâm được nghỉ ngơi giữa biển cả tình yêu Thiên Chúa.

Sự bình an yêu thương của Chúa mà chúng tôi đón nhận, được tôi cảm nghiệm như một sự giải cứu. Tôi thấy mình thuộc trọn về Chúa. Tôi thấy mình phải sống cho những người khác.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi thực ngắn ngủi. Ngay buổi sáng hôm đó, Ngài bay về Rôma, còn tôi trở lại Aachen. Tôi rất hài lòng với nhận thức quan trọng về hành trình phục vụ cho sự bình an yêu thương. Nhận thức đó là: Tôi phải có trong chính mình sự bình an yêu thương của Chúa nhận được từ những nguồn của Chúa.

Tôi biết hành trình đời tôi chắc sẽ chỉ là một chuỗi ngày thường. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn cần đón nhận sự bình an yêu thương của Chúa một cách thường xuyên. Mỗi ngày phải có thời gian tĩnh lặng, để cầu nguyện, suy niệm, gặp gỡ thân mật với Chúa. Tôi thuộc về Chúa, tôi đón nhận từ Nguồn, để tôi có thể sống cho những người khác theo thánh ý Chúa.

Khi chia tay, bạn tôi nói với tôi: "Chú về Việt Nam, tôi ở lại nước ngoài. Nhưng hai anh em cùng phục vụ bình an yêu thương cho đồng bào, cho Hội Thánh Việt Nam, cho Quê Hương Việt Nam".

2/ Phục vụ bình an yêu thương

Tôi sẽ sống cho những người khác thế nào? Tôi sẽ phục vụ bình an yêu thương cho những người xung quanh với những việc cụ thể nào? Bạn tôi đã ảnh hưởng nhiều đến tôi.

a) Trước hết hãy giải cứu lương tâm người ta khỏi quá khứ nặng nề.

Tôi hay bối rối về tội cũ. Một hôm, bạn tôi kể cho tôi câu chuyện này: Trong một giáo xứ nọ, có một bà đạo đức đến trình với cha Sở là bà mới được Chúa Giêsu hiện ra. Cha tỏ vẻ không tin. Mấy ngày sau, bà lại tới, bà quả quyết là Chúa Giêsu đã vẫn hiện ra với bà. Cha Sở cũng không tin. Sau nhiều lần như vậy, cha Sở nói với bà là bà hãy xưng tội đi, rồi nếu Chúa Giêsu hiện ra với bà, thì bà hãy hỏi Chúa Giêsu xem, bà đã xưng những tội gì với cha Sở. Hôm sau, bà tới cha Sở và trình rằng: Con hỏi Chúa như cha đã dặn con. Chúa Giêsu trả lời rằng: Chúa không nhớ. Chúa tha tội là xoá tội, để con người được bình an. Nghe xong, cha Sở nói: Bây giờ thì tôi tin Đấng hiện ra với bà là Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa là tình yêu thương xót. Bình an Chúa ban là giải cứu khỏi tội và mặc cảm bởi tội.

Từ câu chuyện trên đây, bạn tôi tỏ rõ thái độ của người được Chúa sai đi đem lại bình an yêu thương cho người khác. Đó là thái độ thương cảm giải cứu, giúp người ta tin vào tình yêu bao dung tha thứ của Chúa. Ngài coi việc đem quá khứ sai lầm ra dằn vặt, là sai ý Chúa. Làm cho lương tâm mình thêm nặng nề đã là một sai lầm. Làm cho lương tâm người khác phải nặng nề là một lầm lỗi.

b) Để phục vụ bình an yêu thương, cần tránh lối sống câu nệ vào hình thức.

Hôm đó, mệt mỏi và đau bệnh, tôi nói với bạn tôi là tôi còn phải đọc xong kinh Phụng vụ và lần chuỗi Mân Côi, mới yên tâm đi ngủ được. Bạn tôi trấn an tôi: "Chú không nên câu nệ vào hình thức. Bệnh và mệt quá, thì đọc ít kinh cũng được. Ít kinh mà sốt sắng với nhiều lòng mến, thì hơn là nhiều kinh mà khô khan máy móc".

Nhân dịp, bạn tôi thỉnh thoảng nói tới thói quen của một số người hay căn cứ vào hình thức để giữ đạo. Đọc kinh nhiều, tổ chức lớn, tuyên ngôn đẹp, nhưng trong lòng chẳng mến Chúa thực, chẳng yêu người thực. Cũng không thiếu trường hợp, có những người xấu đã khoác hình thức đạo, nhưng để phá đạo, thế mà cũng có người tin theo.

Để góp phần canh tân trong Hội Thánh, Ngài giúp tôi làm quen với những phong trào đạo đức mới xuất hiện sau Công Đồng Vatican II và được Toà Thánh chấp nhận. Những phong trào đạo đức này nhấn mạnh đến cầu nguyện, sống yêu thương hoà hợp, đi sâu vào đời sống nội tâm và có tinh thần phục vụ cao.

c) Trong phục vụ bình an yêu thương, nên chọn một số ưu tiên để thực hiện.

Theo Đức cố Hồng Y Thuận, một vấn đề cần đặt lên hàng ưu tiên, đó là hoà giải. Hoà giải trong nội bộ Hội Thánh. Hoà giải giữa đời và đạo. Hoà giải giữa giàu và nghèo. Hoà giải giữa cũ và mới.

Một trong những cách nên chú ý để đào tạo những người hoà giải là họ năng được dự những tuần tĩnh tâm chiêm niệm. Ngài nói với tôi: "Khi về hưu, hai anh em sẽ ở chung một nơi, sẽ cùng nhau chuyên lo việc tổ chức tĩnh tâm". Ngài xác tín: Con người phục vụ bình an yêu thương tốt, con người hoà giải tốt là con người tĩnh tâm.

d) Tất cả mọi việc phục vụ bình an yêu thương đều phải bắt nguồn từ cái tâm.

Cái tâm có Chúa Giêsu ngự trị. Nhờ đó, con người đón nhận mọi sự từ Chúa là Nguồn bình an. Cũng nhờ đó, con người biết phục vụ bình an yêu thương cho những người khác, theo gương Chúa Giêsu.

Có lần, Ngài cho tôi xem cây thánh giá nhỏ bằng nhôm mà Ngài đã làm trong tù. Ngài nói: "Hành trình đời chúng ta cũng đi theo hành trình Chúa Giêsu. Yêu thương đến cùng".

e) Việc phục vụ bình an yêu thương đòi phải chiến đấu và tỉnh thức.

Việc phục vụ bình an yêu thương sẽ không luôn dễ dàng. Điều mà Đức cố Hồng Y hay nhắc cho tôi là: Satan sẽ phá bằng mọi cách, từ cách thô lỗ đến cách tinh vi. Nhưng hãy vững vàng cậy tin ở Chúa giàu tình yêu thương xót. Ngài bảo tôi: "Hãy luôn luôn hy vọng nơi Chúa". Sống bình an yêu thương theo ý Chúa là một hồng ân. Hồng ân cao đẹp đó không miễn trừ chúng ta khỏi phải chiến đấu. Chúa Thánh Linh sẽ giúp chúng ta phân định thiện ác, việc nào do Chúa, việc nào do quỷ, việc nào có khả năng xây dựng bình an yêu thương, việc nào mang tính cách phá hoại an bình thương yêu.

Với chia sẻ trên đây, tôi xác tín hành trình cuộc đời của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là một hành trình phục vụ cho bình an yêu thương. Cuộc đời của Ngài là một thánh lễ kéo dài cầu nguyện cho Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam được bình an yêu thương một cách tốt đẹp nhất.

Trong tâm tình tạ ơn và phó thác, tôi xin được cùng Đức cố Hồng Y thân ái gởi tới anh chị em lời chào chúc bình an yêu thương rất cần cho hành trình đời sống mọi người chúng ta.

Long Xuyên, ngày 3 tháng 01 năm 2011
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giao tiếp với thiếu niên
Trâm Thiên Thu
01:55 03/01/2011
Những năm tuổi thiếu niên là thời gian khó khăn và nhạy cảm. Đó là do thiếu niên bắt đầu phát triển cá tính, trải nghiệm những thay đổi tâm sinh lý, gặp nhiều áp lực bất ngờ, muốn biết về giới tính…

Thường thường đây là thời kỳ lo lắng nhiều đối với cha mẹ trong việc xử lý với độ tuổi thiếu niên. Suốt thời gian này, giao tiếp hiệu quả với con cái là điều tối quan trọng vì có thể cản trở hoặc nối kết quan hệ cha mẹ – con cái đối với tương lai. Đây là cách bạn có thể giao tiếp tốt hơn với con cái tuổi thiếu niên:

Dành thời gian gần gũi con cái

Ở độ tuổi này, thiếu niên thích dành thời gian ở bên bạn bè hơn ở bên cha mẹ. Tuy nhiên, với tư cách là cha hoặc me, quan trọng là bạn cần dành thời gian gần gũi con cái qua các hoạt động như ăn uống, xem phim, đi mua sắm,… Điều này tạo cơ hội tốt gắn bó với con cái và biết những gì đang xảy ra với chúng.

Kiên nhẫn

Thiếu niên thường đối mặt với nhiều lẫn lộn về nhiều thứ và việc quyết định. Hãy kiên nhẫn nếu chúng làm gì sai. Thay vì quát mằng hya đánh đập chúng, hãy nói chuyện với chúng và để chúng giải thích nguyên nhân khiến sự cố xảy ra. Rồi cha mẹ nên cho chúng biết cảm giác đối với cách quyết định của chúng. Chắc rằng chúng luôn có thể nói chuyện với cha/mẹ, nếu chúng cần gì, hãy cho chúng biết rằng cha mẹ luôn yêu thương chúng.

Tôn trọng “khoảng riêng”

Cha mẹ rất muốn “theo dõi” con cái với quyền phụ mẫu. Tuy nhiên, việc nghe lén chúng nói điện thoại, kiểm tra mail hoặc đối xử nghiêm khắc với chúng về các trang mạng xã hội là không nên. Thiếu niên là “người lớn còn trẻ” và cần có “khoảng riêng” nào đó. Nếu chúng thấy cha mẹ “giám sát” chúng thì chúng sẽ coi đó là dấu hiệu không tin tưởng và mất niềm tin vào cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần đặt “biên độ” đối với sự mong đợi về chúng, chỉ cần biết chúng chơi với ai, chúng đi đâu và làm gì tốt hay xấu, chứ cha mẹ không nên là mật thám.

(Chuyển ngữ từ The Times of India)
 
Văn Hóa
Thơ Mẹ
Trần Phùng Linh Duyên
01:49 03/01/2011


Con vẫn gọi tên Me



Ngày xưa con tập nói

Một vài tiếng đầu đời

Nhìn trời con đã gọi

Chưa rõ lời “Mẹ ơi”



Mẹ trần gian bú mớm

Mẹ trên trời ban ơn

Con bây giờ đã lớn

Suốt đời không quên ơn



Với đôi bàn tay trắng

Chập chững bước vào đời

Bao lần long trống vắng

Bao lần nước mắt rơi



Con gọi thầm tên Mẹ

Cầu xin trong trầm tư

Dù tuổi con còn trẻ

Đã mang nhiều thói hư



Con không quên cầu khấn

Muốn đưa cả đôi tay

Vì đời con lận đận

Khổ đau biết bao ngày.









Mẹ La Vang



Mẹ La Vang nơi khô cằn sỏi đá

Đêm thâm u Mẹ là ánh sao trời

Niềm cậy trông qua một ngày vất vả

Lời cầu kinh hoà trong gió chơi vơi



Mẹ La Vang ánh mắt đầy nhân ái

Thương đàn con khốn khó lúc loạn ly

Mẹ dẫn lối chỉ đường thời vụng dại

Đến bây giờ ơn Mẹ vẫn khắc ghi





Mẹ La Vang cạnh dân nghèo khổ cực

Tìm miếng ăn giữa cuộc sống lầm than

Bên Mẹ yêu dù gặp nhiều khổ nhục

Đàn con vui với Mẹ để bình an.





Mẹ La Vang qua bao nhiêu năm tháng

Vẫn thương yêu che chở lúc tù đày

Thời gian qua như mây trời phiêu lãng

Mẹ mãi là chốn nương tựa từ đây





Mẹ La Vang trải qua nhiều thời đại

Thuở thanh bình hay những lúc chiến tranh

Mẹ còn đó với thời gian mãi mãi

Ban muôn ơn vì Mẹ rất nhân lành





 
Hòa bình đích thực bắt đầu từ chúng ta
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
01:52 03/01/2011
Hòa bình đích thực bắt đầu từ chúng ta
Biết cúi xuống giữa gầm vang tiếng súng
Để đỡ nâng những tâm hồn vô vọng
Đang cóng tê vì buốt lạnh oán thù

Hòa bình không là cõi mơ
Khi mặt trời của bình minh yêu thương bừng sáng
Khi màn sương của đêm trường bi thán
Biến tan nhanh bởi nóng ấm tình người

Hòa bình sẽ tới
Nơi cái bắt tay thân thiện khiêm cung
Nơi ánh mắt tỏa rộng bao dung
Và nơi con tim xả kỷ đến vô cùng

Sao ta mải tìm hòa bình giữa gièm pha náo động ?
Mà lãng quên lời trao gửi chân thành
Sao ta mải tìm hòa bình giữa đặt điều vu khống ?
Mà lãng quên một lối bước quang minh

Xin hãy đồng ca giai khúc hòa bình
Để hát lên tình đệ huynh, hỡi bạn
Xin hãy nối vòng tay vô tận
Để yêu thương nên quà tặng diệu vời !


(ĐCV Vinh Thanh)





 
Cuối năm
Trâm Thiên Thu
01:57 03/01/2011
Có nỗi buồn rất xa

Nỗi-buồn-không-thể-nói-ra

Dù rất thực

Tháng ngày cứ chồng chất

Ta nhặt vài câu thơ

Ta gom dăm khúc hát

Ta vá lại đôi ước mơ

Ôm vào đời cho bớt chút cô độc



Mùa này mà vẫn mưa

Những hạt lâm thâm cho lòng ta ướt

Mưa phùn

Triệu triệu hạt buồn!



Cuối năm ngồi tính sổ

Những trang đời viết dở

Đâu là bến, đâu là bờ

Vẫn lênh đênh giữa dòng, thuyền ta…

Đốt dùm kỷ niệm xưa xa

Cho ta vẫn chỉ là ta ngày nào

 
Dốc tử thần
Đại Ngàn
02:02 03/01/2011
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ…” (Mc 13,35-36)

Thú thật khi nghe đoạn Tin Mừng này vào chúa nhật đầu Mùa Vọng, tôi chẳng nghĩ điều đó sẽ xảy đến với mình, với các bạn trong Đội Quân Áo Xanh. Đơn giản một điều là chúng tôi nghĩ mình còn trẻ, còn khoẻ, còn hoạt động tốt, chắc còn lâu mới đến phiên mình ! Chỉ khi chúng tôi leo lên con “dốc tử thần” cận kề cái chết trong chuyến công tác bác ái ở Bù Gia Rái-Cát Tiên ngày 28-11-2010, lúc đó tôi mới nghiệm được Lời Chúa nói thật đúng “phải tỉnh thức, vì không biết ngày nào giờ nào”!

Đây là chuyến công tác thứ 30 của Đội Quân Áo Xanh của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa xứ Chí Hòa với hơn 1000 phần quà lên miền cao nguyên gió lạnh trong “chuyến xe định mệnh”.

Ngoằn Ngoèo Đường lên Cát Tiên-Dateh

Sau lời kinh dâng Mẹ, đúng 10 giờ đêm 27-12-2010, những Cánh Chim Xanh lao về phía trước, bỏ lại sau lưng những tòa nhà chọc trời với ánh đèn xanh đỏ và những tiếng nhạc xập xình của thành phố đêm cuối tuần. Đoàn xe gồm 150 Chim Xanh, cõng theo mình đến 10 tấn gạo, 500 thùng mì, 2 tấn muối, và cả trăm bao quần áo, trực chỉ về hướng Đông Bắc, lên tận miền cao nguyên Madaguoi – DaTeh – Cát Tiên – Lâm Đồng với những địa danh ngộ nghĩnh như dốc Mạ Ơi, dốc Khỉ, dốc Mây ngoằn ngoèo, khúc khuỷu… Trong mọi chuyến công tác bác ái, không chuyến nào là dễ dàng, thoải mái, vì phải lặn lội đến những vùng sâu vùng xa, đèo heo hút gió. Lần nào cũng đi trong đêm, ngủ vật vã trên xe, đến nơi thì trời mờ sáng, sau một ngày phục vụ cật lực lại ra về ban đêm, về đến thành phố lúc trời cũng …mờ sáng. Gian khổ, khó khăn, nguy hiểm trong 29 chuyến công tác trước đã nhiều, nhưng không ai trong chúng tôi nghĩ rằng chuyến “bay đêm” thứ 30 này đưa chúng tôi đến… ngưỡng cửa tử thần cận kề cái chết chỉ trong gang tấc.

Trong những chuyến công tác lên cao nguyên, đến chân đèo Bảo Lộc, bao giờ chim đầu đàn cũng cho chúng tôi dừng lại viếng Đức Mẹ để xin Mẹ chúc lành cho những người chúng tôi sẽ phục vụ, những nơi chúng tôi sẽ đến, và những công việc chúng tôi sẽ làm. Xin Mẹ đồng hành với chúng tôi trong hành trình gian nan hiểm trở. Có Mẹ chúng tôi vững dạ an tâm.

Từ Madaguoi, đường vào Cát Tiên bắt đầu xấu đi nhiều lắm. Hết ổ gà đến ổ voi. Đoàn xe phải bò từ từ, nghiêng ngả, lắc lư, chẳng ai có thể nhắm mắt ngủ được. Nhìn ra ngoài bầu trời âm u tịch mịch, không một bóng người, cây cối hai bên um tùm vi vu tiếng gió đêm.

Giáo xứ Cát Tiên, thuộc vùng kinh tế mới, cách ngã ba Madaguoi 43 cây số, giáp giới hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, khi xưa chỉ có người dân tộc Châu Mạ sinh sống. Vùng này gồm thị trấn Đồng Nai và 10 xã. Cát Tiên là giáo xứ xa xôi nhất trong giáo phận Đà Lạt nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên, phía nam của tỉnh Lâm Đồng. Giáo xứ được hình thành vào năm 1991, gồm những giáo dân nghèo tha phương cầu thực, trôi giạt đến vùng kinh tế mới này khẩn hoang lập nghiệp, phương tiện giao thông khó khăn, đời sống của bà con còn rất nhiều thiếu thốn, khổ cực vất vả, nhiều gia đình đói ăn đã phải đi tìm nơi khác sinh sống.

Không kịp nghỉ ngơi, chúng tôi vội vã chuyển hàng xuống. Công việc vừa xong, chuông nhà thờ điểm 5 giờ sáng. Thánh lễ Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng được linh mục lãng tử cử hành thật sâu đậm, sống động. Bà con từ các nưỡng rẫy xa xôi kéo đến tham dự thánh lễ rất đông. Món quà không bao giờ thiếu trong những chuyến công tác loan truyền Lòng Thương Xót Chúa là tràng chuỗi Mân Côi và tấm hình Lòng Thương Xót.

Thánh lễ vừa tan, theo sự hướng dẫn của Chim Đầu Đàn, những Cánh Chim Xanh ai vào việc nấy, nhịp nhàng chuẩn bị quà để trao cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Kinh nghiệm dày dạn của 30 chuyến công tác giúp chúng tôi hoàn thành công việc chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ. Hơn 650 phần quà đã được trao tận tay bà con. Mỗi phần có gạo, mì, muối, quần áo, và một trái bóng to thật đẹp. Chỉ tội nghiệp cho nhóm y bác sĩ. Bao giờ cũng bị quá tải. Thầy thuốc thì ít mà bệnh nhân thì nhiều. Nhóm bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ, không kịp ăn sáng, đôi khi nhịn cả buổi trưa. Làm sao đành lòng để bệnh nhân đi hàng chục cây số đến đây rồi về tay không ? Bao nhiêu năm mới có đoàn bác sĩ từ thành phố xuống khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho nên bà con ai cũng tranh thủ đi khám bệnh. Mà thực ra ai chẳng mang mầm bệnh trong người, hễ khám là…thấy bệnh!

Hiểm Nguy “Dốc Tử Thần” Bù Gia Rá

Khi phần quà cuối được trao và bệnh nhân cuối cùng được phát thuốc, chúng tôi vội vàng lót dạ bằng gói mì ly để kịp đến Đồng Nai Thượng-Bù Gia Rá trên con đường vô vàn khó khăn hiểm trở. Có một vài bạn lưỡng lự không dám dấn thân lên đường. Chim Đầu Đàn khích lệ mọi người dù gian nan hay nguy hiểm thế nào cũng không bỏ cuộc. Tất cả cùng sát cánh bên nhau như là những chiến binh của Lòng Thương Xót Chúa, dũng cảm ra đi đem tình yêu Chúa đến cho những anh chị em vùng sâu vùng xa chịu nhiều thiệt thòi. Họ chính là đối tượng ưu tiên của lòng Chúa xót thương, làm sao chúng tôi bỏ cuộc được. Đã bao phen Chúa cứu chúng tôi khỏi lạc đường, chìm xuồng, đắm đò, sập cầu, sa hố trong những chuyến công tác trước rồi. Lần này sao chúng tôi lại run chân, yếu tin? Tin tưởng phó thác vào lòng Chúa xót thương, chúng tôi mạnh dạn leo lên “chuyến se định mệnh” vượt con “dốc tử thần”!

Đây quả là con “dốc tử thần” vì không có phương tiện nào có thể đưa hàng trăm người và bao nhiêu tấn hàng hóa đi qua được ngoại trừ xe “ben”. Chim đầu đàn ra lệnh để 3 chiếc xe bus và 6 chiếc xe tải ở lại. Tất cả người và hàng hóa chất chồng lên 4 chiếc xe ‘ben” chuyên chở đất đá. Đường lên thôn Bù Gia Rá phải băng qua nhiều đồi núi và thung lũng rất khó đi, nếu không muốn nói là “trần ai khoai củ”. Mỏm đồi này nối tiếp mỏm đồi khác nhiều như bát úp. Xe máy muốn chạy được ở vùng này đều phải độ lại nhông, sên, đĩa và nhiều thứ khác mới mong "thọ" được. Đường mới ủi, toàn đất đỏ, không có đá sỏi, cho nên nắng thì bụi mà mưa thì lầy. Mùa mưa, đường xình lầy trơn trợt, phải dùng dây xích quấn vào bánh xe, tạo độ bám sâu mới có thể di chuyển được.

Để vượt qua “con đường đau khổ - nắng bụi mưa lầy” dài hơn 32 cây số, cả đoàn chúng tôi “nín thở” vượt qua dốc Mây, dốc Tử Thần, những khúc cua cùi chỏ gắt ghê rợn, xe nhồi lên nhồi xuống, lắc lư làm chúng tôi ngã té dồn cục. Có lúc tưởng chừng như cả xe và người bổ nhào xuống vực thẳm. Nhiều bạn nhắm chặt mắt lại không dám nhìn con đường đang băng qua mà tài xế chỉ sơ sẩy một chút là cả đoàn xe lao xuống vực thẳm hay đâm vào vách núi. Bụi đỏ mịt mù. Quần áo mặt mũi ai cũng lem luốc. Mồ hôi nhễ nhãi. Tóc tai nhuỗm thắm đất đỏ. Thế nhưng chúng tôi không chùn bước. Dù khó khăn cách mấy cũng phải đến điểm hẹn cho kịp vì biết bao người đang ngóng chờ chúng tôi.

Sau 3 tiếng đồng hồ leo “dốc tử thần” hồn vía ai cũng lên mây. Ghé vào một quán ven đường dùng bữa cơm trưa trộn lẫn với bụi mờ mịt, tay chân lem luốc, áo quần nhuộm một mầu đỏ của đất bụi cao nguyên. Dằn bụng xong chúng tôi đi bộ xuống ngôi nhà nguyện nằm dưới thung lũng. Xa xa, trên con đường đất đỏ quanh co bụi mù, những người đàn ông đèo cả nhà trên xe thồ, những người mẹ trẻ địu con trên lưng. Người già, trẻ con cùng nhau tíu tít hướng về nhà thờ. Những người dân tộc theo đạo công giáo định cư trên này từ lâu lắm rồi. Không có nhà thờ. Không có linh mục tu sĩ chăm sóc đời sống tâm linh. Thế nhưng niềm tin của họ vẫn được nuôi dưỡng bằng những buổi họp nhau đọc kinh lần hạt liên gia do chính họ tự tổ chức lấy. Cha mẹ truyền khẩu lại cho con cái những câu kinh những bài hát thuộc lòng. Niềm tin “cha truyền con nối” cứ như thế cho đến khi cha xứ Cát Tiên được phép về đây dâng thánh lễ. Họ tham dự thánh lễ ngoài trời cạnh bìa rừng. Thế rồi chỉ trong một tuần lễ họ kéo cây rừng về dựng lên một ngôi nhà nguyện đơn sơ nhỏ bé với mái tôn cũ, nền đất và bốn chung quanh trống hỗng chỉ có vài cây cọc chống đỡ. Nhà thờ nhỏ hẹp mà người dự lễ lại đông, đứng chen chúc tràn ra ngoài sân, dưới bóng mát vườn điều. Đúng 3 giờ chiều, thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa được cử hành lần đầu tiên giữa bạt ngàn núi rừng. Những gương mặt chai sạn nắng gió hồn nhiên thành kính đón nhận chuỗi Mân Côi và hình Lòng Thương Xót Chúa với niềm tin đơn sơ chân chất.

Sau thánh lễ, mây đen bắt đầu kéo đến, trời lất phất mưa. Chim đầu đàn thoáng lo âu hối các bạn Áo Xanh nhanh chóng trao 350 phần quà tận tay bà con để họ về kẻo trời sắp đổ cơn mưa. Đặc biệt ở đây mỗi em thiếu nhi được phát một trái bóng to đẹp mầu sắc rực rỡ mà có lẽ từ bé đến giờ các em chưa thấy bao giờ. Nhìn những ánh mắt trong veo của trẻ thơ miền núi dán chặt vào trái bóng tung tăng nhảy nhót thấy thương làm sao. Thấy bà con tay xách nách mang quà nặng trĩu ra về trong vui mừng, hớn hở, những mệt nhọc sau một đêm không ngủ và cả ngày vất vả của chúng tôi tan biến mất. Các bác sĩ phải dốc sức làm việc hết năng xuất để khám bệnh và phát thuốc cho đến người cuối cùng, không bỏ lỡ một bẹnh nhân nào.

Đến Ngưỡng Cửa Tử Thần

Khi người cuối cùng được khám bệnh phát thuốc xong, lúc chúng tôi hối hả thu dọn ra về cũng là lúc cơn mưa ập đến. Nét băn khoăn ưu tư hiện rõ trên khuôn mặt của chim đầu đàn. Tiến thoái lưỡng nan. Ở lại qua đêm giữa núi rừng bạt ngàn này biết tìm đâu chỗ trú cho 150 người. Nguy hiểm luôn rình rập. Hơn nữa ai cũng mong về cho kịp sáng thứ hai người thì đi làm kẻ thì đi học. Về trễ gia đình lại mong ngóng lo âu. Đàng khác, anh tài xế xe “ben” cho biết không thể xuống được vì trời mưa, đường đất đỏ rất trơn trượt, rất dễ lạc tay lái, xe xuống dốc dễ mất đà lật ngang hoặc lao vào vách núi. Dân địa phương cũng cho biết xưa nay rất ít xe nào dám xuống núi khi trời mưa. Nguy hiểm vô cùng. Tất cả mọi người lo âu nhìn chim đầu đàn chờ quyết định cuối cùng. Ngước mắt lên trời khẩn cầu lòng Chúa xót thương, nén tiếng thở dài, chim đầu đàn run run đưa tay lên chúc lành cho chuyến xe đầu tiên xuống núi. Không còn cách nào khác. Chiếc xe ben đưa 70 bạn trẻ lầm lũi lăn bánh trong mưa rừng mờ mịt, chỉ biết tin tưởng phó thác cho Chúa. Hơn 3 tiếng đồng hồ, từ khi xe lăn bánh cho đến khi đến nơi, trên xe luôn vang lên lời kinh tiếng hát. 70 bạn trẻ xiết chặt tay nhau, truyền niềm tin, hy vọng và sức mạnh cho nhau. Có những người cho biết chưa bao giờ đọc kinh sốt sắng như vậy vì thấy cận kề với cái chết rồi. Bạn khác cho biết chỉ mong về được đến nhà hôn đứa con thơ rồi có phải ra đi cũng an tâm nhắm mắt!

Nét lo âu càng hằn sâu trên gương mặt chim đầu đàn khi cho chiếc xe thứ hai lăn bánh. Trời bắt đầu tối xầm lại, mưa càng nặng hạt có nghĩa là đường về càng nguy hiểm. Các bạn trên chiếc xe này chỉ đọc được 3 kinh, hát bài “con vẫn trông cậy Chúa” rồi im bặt. Sự sợ hãi nặng chĩu đến mức không thể cất nổi lời kinh, chỉ biết phó thác. Thinh lặng và hãi sợ khủng khiếp mỗi lần chiếc xe bò lên con dốc rồi trơn trượt không lăn bánh nổi nữa, hoặc khi xuống dốc cũng trôi lướt đi theo lớp đất đỏ nhão nhoét.

Chiếc xe thứ ba đưa tất cả hàng hoá còn lại với 37 người cuối cùng nặng nề ì ạch lăn bánh lúc trời đã tối mịt. Xe chở nặng, đường trơn. Bốn lần leo lên được nửa con dốc thì không lên nổi nữa, xe trơn tuột xuống tự do làm những người ngồi trên đó chỉ biết nhắm mắt…chờ chết! Đành phải xuống xe cuốc bộ lên dốc. Đến con “dốc tử thần”, như có linh tính mách bảo, bác tài yêu cầu mọi người xuống xe đi bộ qua con dốc. Khi xe xuống lưng chừng dốc thì gặp chiếc xe ủi đất chết máy nằm giữa đường. Tài xế phải lách sang một bên để tránh. Thế là… “ầm”! Xe lao vào vách núi nằm một đống. Tạ ơn Chúa. Nếu không xuống xe đi bộ thì số phận 37 người trên xe sẽ ra sao? Cũng từ đó 37 người phải cuốc bộ. Bụng thì đói. Miệng thì khát. Người thì lạnh vì quần áo ướt sũng. Chân tay mỏi nhừ. Dép guốc đứt hết vì dính đất nặng chĩu. Trời tối đen như mực. Không một ánh đèn. Không một bóng nhà. Điện thoại bị mất sóng không liên lạc được. Chỉ có tiếng mưa rơi và gió rừng lồng lộng. Thêm nỗi sợ hãi lạc lõng giữa rừng cấm thú dữ rình chờ. Hoàn toàn thất vọng nhưng mọi người bảo nhau không thể dừng lại được. Nếu muốn sống sót thì phải tiến lên. Cả nhóm dắt díu nhau vừa đi vừa hát thánh ca để giữ vững niềm hy vọng. Đã có những tiếng khóc. Đường phía trước còn mịt mù xa tắp. Chỉ có niềm tin dẫn đường và tình đồng đội hỗ trợ nhau, tiếp cho nhau sức mạnh để lết từng bước từng bước chờ xe về trước lên tiếp cứu.

Xe thứ hai khi biết tin xe cuối bị nạn, tất cả các bạn đã dừng lại giữa đường xuống đi bộ để cho xe không chạy ngược lên đón nhóm bị nạn. Xe đầu tiên đã về đến nhà xứ an toàn lại quay ngược lên đón nhóm thứ hai. Cứ như thế cả đoàn vượt qua con dốc tử thần trong niềm tin yêu phó thác vào lòng thương xót của Chúa và sự phù trì của Mẹ Maria.

Chim đầu đàn ra ôm từng người trong niềm xúc động trào dâng vì tưởng không còn cơ hội để gặp mặt nhau nữa trong cái “đêm định mệnh” ấy. Những Cánh Chim Xanh đã về đến bến an lành. Không con chim nào bị gãy cánh giữa đường, mặc dù con chim nào cũng tả tơi bầm dập vì mệt lạnh đói khát. Mọi người quây quần bên mâm cơm tối mừng mừng tủi tủi rớm nước mắt. Bây giờ mới hoàn hồn. Bây giờ mới biết chắc mình còn sống. Bây giờ mới thấy thương nhau quý mến nhau nhiều hơn. Trong cơn hoạn nạn vẫn sống chết có nhau không bỏ rơi nhau.

Như những người sống sót trở về, bây giờ chúng tôi mới thấy trân quý món quà sự sống mà Thiên Chúa trao ban. Ấy vậy mà đôi khi tôi lại coi thường món quà ấy. Chúa nói: “Ta đến để chiên ta được sống và sống dồi dào” Đôi khi tôi sống mà như đã chết vì để cho những đam mê bất chính chiếm ngự, vì sống ích kỷ chỉ biết có mình và những gì có lợi cho mình. Sự sống Thiên Chúa trao ban đã bị bóp ngẹt bởi danh lợi thú mà lúc sống tôi tìm mọi cách để chiếm giữ cho bằng được, nhưng khi chết tôi chẳng mang theo được những thứ đó. Trải nghiệm vụ “chết hụt” ở “dốc tử thần” đã cho tôi thấm thía Lời Chúa dạy là phải “luôn tỉnh thức và sẵn sàng”, nhất là biết tôn trọng sự sống của mình và của anh em, biết cách sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa bằng việc dấn thân yêu thương phục vụ để làm cho chính mình và anh em có được “sự sống dồi dào”.

Chiều Dốc Mây-Cát Tiên