Ngày 02-01-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ánh sao dẫn đường
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:55 02/01/2017
Lễ Chúa Hiển Linh, năm A
Is 60,1-6; Ep 3, 2-3a.5-6; Mt 2, 1-12

Ánh sao dẫn đường

Hôm nay chúng ta mừng lễ Hiển Linh, lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, cho mọi người, cho thế giới mà đại diện là ba nhà đạo sĩ, trong đó có tất cả chúng ta. Tin Mừng thánh Matthêu Viết :” Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện “ ( Mt 2, 2 ). Ánh sao xuất hiện trên trời dẫn đường chỉ lối cho ba nhà đạo sĩ tìm tới hang đá Bêlem gặp gỡ Hài Đồng Giêsu.

Vâng, ba nhà đạo sĩ từ phương Đông dõi theo một ánh sao. Ánh sao chính là người dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ đi tìm gặp Hài Đồng Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người ngoại, những người chưa được biết Chúa, những người mà dân Do Thái xưa cho là sống ngoài, không thuộc phe mình. Tuy nhiên, những người ngoại giáo này lại là những người được ánh sao lạ dẫn đường. Họ đã có một niềm tin dù rằng đức tin của họ vẫn còn ẩn khuất. Họ đã lên đường khác với những điều mà thánh Gioan đã viết về những người Do Thái ” Ngài đã đến nơi nhà của Ngài mà người nhà đã không tiếp nhận Ngài “. Cái bi đát là Ngôi Lời đã nhập thể và nhập thế :” Chúa Giêsu đã được sinh ra nơi đất nước Do Thái “, nhưng chính những người Do Thái, những người Chúa chọn lại không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài. Ba nhà đạo sĩ đã hoàn toàn khác với những người nhà tức là những Pharisêu, Kinh sư, Biệt phái…Những người bị coi là vô đạo lại đi tìm gặp Đấng Cứu Thế đúng như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo từ nhiều năm trước nay đã thành hiện thực :” Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước…Lạc đà từng đàn rợp đất, lạc đà của người Mađian và Êpha, hết thảy từ Saba kéo đến, mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Chúa “ ( Is 60, 1-6 ). Ba nhà đạo sĩ trên đường đi đã gặp biết trở ngại, khó khăn.Có lúc ánh sao lạ hiện ra rõ ràng, những có lúc ánh sao lạ ấy hầu như mất hút. Đêm hôm ấy, có lẽ đã có biết bao nhiêu người trên thế giới này đã nhìn lên bầu trời, có lẽ họ đã nhìn thấy biết bao nhiêu ánh sao, biết bao nhiêu vì tinh tú sáng rực bầu trời, nhưng họ đã không nhìn thấy ánh sao lạ như ba nhà đạo sĩ để có thể dõi theo ánh sao để đi tìm gặp Hài Đồng Giêsu:” Đấng Cứu Độ, đang được Mẹ Maria vấn tã đặt trong hang đá Bê Lem “. Ba nhà đạo sĩ vẫn trung kiên dò hỏi nơi này nơi kia, có lúc họ đã gặp khó khăn khi ánh sao khuất bóng, họ đã tránh được cạm bẫy nham hiểm, độc ác của vua Hêrôđê, bề ngoài xem ra nhân nghĩa, nhưng lòng đầy gian tham, ác độc…Ba nhà đạo sĩ đã không bị lừa và tỉnh thức để nhận ra những lời đường mật của Hêrôđê quả là giả bộ, lừa lọc. Nên, khi đã tới được hang đá Bêlem, họ đã cung tiến Vua Giêsu : Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược là ba báu vật quý giá của phương Đông và họ đã không trở về đường cũ để gặp lại Hêrôđê. Ánh sao dẫn đường cho ba nhà đạo sĩ chính là người dẫn đường đưa họ đến gặp Hài Đồng Giêsu. Ánh sao lạ cũng lạ lùng là không kêu to, la lớn, mà chỉ âm thầm hiện ẩn trong thầm lặng chiếu sáng cuộc lữ hành của ba nhà đạo sĩ.

Ba nhà đạo sĩ đã gặp được Hài Đồng Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Họ đã vui mừng, hạnh phúc vì chính lòng tin ẩn tàng thâm sâu của họ đã mách bảo họ :” Họ đã gặp được Đấng Cứu Thế muôn dân hằng trông đợi “. Tin mừng không viết mẹ Maria, thánh Giuse đã nói gì với họ và họ đã nói gì với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và thánh Giuse, nhưng chính thái độ cung kính, bái quỳ, dâng những báu vật quý giá của địa phương, của phương Đông đã nói lên lòng tin sâu xa của họ và sự kính trọng thâm sâu của họ đối với Đấng Cứu Độ Giêsu.

Lễ Hiển Linh là lễ Giáng Sinh của Giáo Hội Đông Phương, lễ Giáng sinh của người ngoại và cũng là lễ Chúa tỏ mình thực sự, rõ ràng cho chúng ta bởi vì Thiên Chúa hằng ngày vẫn tỏ mình ra cho chúng ta, không phải là bằng những ánh sao, hay những đốm mắt hỏa châu sáng rực bầu trời. Ngài vẫn tỏ mình ra cho chúng ta trong những biến cố vui buồn của cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn tỏ mình ra cho nhân loại, cho mọi người, cho chúng ta qua những cảnh vật, những tạo dựng của Ngài như mặt trời chiếu sáng, vầng trăng đẹp vằng vặc trên bầu trời, Ngài tỏ mình ra qua những cảnh hùng vĩ của núi đồi, biển khơi. Ngài tỏ ra cho chúng ta qua tiếng nói của lương tâm, của tâm hồn. Ngài tỏ mình ra qua những việc từ thiện bác ái, qua ánh mắt, nụ cười vv… Ngài hiện diện và tỏ ra cho con người ngay trong cõi nhân sinh của cuộc sống. Thế nhưng, chúng ta có nhận ra Ngài hay không ? Đó mới là điều đáng nói hay nhiều khi vì quá mải mê với việc làm ăn vất vả, với danh vọng, tiền bạc…mà chúng ta quên không tìm kiếm Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn mau mắn, nhanh nhẹn, nhiệt thành, can đảm đi tìm gặp Chúa như ba nhà đạo sĩ khi xưa đã hết lòng nhiệt tâm đi tìm gặp bằng được Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Ba nhà đạo sĩ từ đâu đi tìm gặp Hài Đồng Giêsu ?
2.Ánh sao lạ là gì ?
3.Ba nhà đạo sĩ có gặp khó khăn khi dõi theo ánh sao lạ để tìm gặp Hài Đồng Giêsu ?
4.Vua Hêrôđê có thật lòng không ? Vì sao ? Thái độ của ba nhà đạo sĩ ?
 
Xây dựng một gia đình hạnh phúc
Lm Đan Vinh - HHTM
06:07 02/01/2017
Chúa nhật Lễ Thánh Gia A
Hc 3,3-7.14-17a ; Cl 3,12-21 ; Mt 2,13-15.19-23

Xây dựng một gia đình hạnh phúc

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23
(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !”. (14) Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi va mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: “Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”.(19) Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, (20) báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì chưng kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. (21) Ông liền trỗi dậy, đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”.

2. Ý CHÍNH: XUẤT HÀNH TỪ AI CẬP.
Tin Mừng hôm nay muốn nói lên tư tưởng Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa bảo vệ khỏi bàn tay độc ác của bạo vương Hê-rô-đê. Người là Mô-sê Mới, dẫn đầu dân Ít-ra-en Mới, xuất hành ra khỏi Ai Cập trần gian để về miền Đất Hứa là thiên đàng đời sau.

3. CHÚ THÍCH:
- C 13-14: + Sứ thần Chúa hiện ra: Tin Mừng Mát-thêu ghi lại 4 lần sứ thần Chúa hiện ra với ông Giu-se (Mt 1,20; 2,13; 2,19; 2,22). + Báo mộng cho ông Giu-se: Sứ thần Chúa hiện đến cùng Giu-se trong giấc mộng và thay mặt Thiên Chúa ra lệnh cho Giu-se phải làm theo. + Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập: Lệnh truyền này nói lên sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Hài Nhi Cứu Thế. Ai Cập là một nước lớn nằm sát bên nước Do thái về phía Nam, và là nơi những người Do thái bị ruồng bắt thường tìm đến lánh nạn (x. 1V 11,40). Đi từ Bê-lem tới Ai Cập mất khoảng 5-6 ngày đường. + Vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy: Hài Nhi Giê-su được đem sang Ai Cập để trốn khỏi sự khủng bố của vua Hê-rô-đê độc ác, giống như Mô-sê ngày xưa cũng phải trốn khỏi sự ruồng bắt của Pha-ra-ô nước Ai-cập (x. Xh 2,15). + Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập”: Câu này rút ra từ sách ngôn sứ Hô-sê (x. Hs 11,1), nói về cuộc Xuất hành của dân Ít-ra-en xưa. Khi đó dân Ít-ra-en đã được Đức Chúa gọi là “con Ta” (x. Xh 4,22).
- C 19-20: + Thánh gia trốn sang Ai-cập trong thời gian bao lâu: Khoảng từ vài tháng tới 3 năm. Giả sử thánh gia được triệu về ngay sau khi Ác-khê-la-ô lên kế vị (năm 750 tức khoảng năm thứ 4 đến thứ 6 sau Công Nguyên), thì thời gian ở bên Ai-cập của Thánh Gia không thể quá 3 hay 4 năm được. + Công Nguyên là gì: Công Nguyên hay Kỷ Nguyên Chung được tính bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh. + Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập: Khi vua Hê-rô-đê Cả chết, ông Giu-se lại được sứ thần Chúa hiện đến trong giấc mơ ra lệnh cho ông mau đem Hài Nhi và mẹ Người trở về quê hương, vì mối nguy đã chấm dứt với cái chết của vua Hê-rô-đê. + Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi: Câu này chính là lời Đức Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô Ai-cập (x. Xh 4,19). Đây là một bằng chứng cho thấy Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi chính là Mô-sê của thời Tân Ước.
- C 23: + Và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét: Thánh Gia về cư ngụ ở Na-da-rét là ứng nghiệm lời sấm đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: “Người sẽ được gọi là người Na-da-rét”. Ta có thể hiểu rằng Mát-thêu dùng danh xưng này để ám chỉ việc tự hạ của Đấng Cứu Thế. Nói Đấng Cứu Thế là người Na-da-rét cũng giống như nói Người đã bị người đời miệt thị khinh dể vậy.

4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Giu-se phải đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập ? 2) Thánh Gia trốn sang Ai Cập đến khi nào về ? 3) Tại sao Giu-se lại đem Hài Nhi đến ở thành Na-da-rét ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập (14):

2. CÂU CHUYỆN:

1) MẸ CHUYỂN NHÀ ĐỂ DẠY CON NÊN NGƯỜI.
Khi Mạnh Tử còn bé, tóc để hình trái đào, mặt mũi khôi ngô, tính ham học hỏi thắc mắc và bắt chước người khác. Mẹ của Mạnh Tử rất thương yêu con, mong cho con học hành giỏi giang, trở thành hiền tài, nên bà luôn tìm phương cách dạy dỗ con tốt nhất.
Bấy giờ, nhà Mạnh Tử ở gần một nghĩa địa. Ngày nào trong nghĩa địa cũng có các đám tang chôn cất người chết. Trong đám tang, Có người thì khóc thương thảm thiết, người khác đào huyệt rồi cùng nhau chôn quan tài xuống huyệt và lấp đất làm thành ngôi mộ. Bọn trẻ con gần đó rủ nhau đi xem đám ma, rồi bắt chước người lớn chơi trò đưa đám. Chúng chia nhau ra: Em đóng vai người chôn cất, em khác thì đội khăn tang theo sau quan tài khóc lóc thảm thiết. Một hôm, mẹ Mạnh Tử đang ngồi dệt vải, nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc gần nhà và xen lẫn tiếng người hô hoán khác lạ. Bà liền rời khung cửi ra ngõ xem điều gì xảy ra và bà giật mình khi thấy bọn trẻ đang chới trò đám tang giả. Bà thấy Mạnh Tử nhà bà cũng đang bắt chước người lớn đào huyệt, chôn xác, rồi cũng có lúc giả bộ lăn lộn trên đất giống như người nhà trong các đám tang mà chúng vẫn xem. Bà mẹ lo lắng tự nhủ: "Con ta thơ dại mà lại chơi trò đào, chôn, lăn, khóc như thế này tâm trí ắt sẽ bị ảnh hưởng, còn tâm trí đâu mà học hành nữa". Rồi bà liền quyết định dọn nhà sang ở nơi khác, để thay đổi môi trường sống cho con. Lần này Mạnh Tử ở gần khu chợ sầm uất. Hằng ngày Mạnh Tử bắt chước người lớn ăn nói chua ngoa tục tĩu và chơi trò mua bán gian xảo. Bà mẹ Mạnh Tử một lần nữa lại dời nhà đến ở gần trường học. Tại đây bà thấy con trai học theo các học trò chăm chỉ đến lớp nghe lời thầy giáo dạy dỗ. Bà liền quyết định ở hẳn lại nơi này để Mạnh Tử con bà có điều kiện học hành chăm chỉ. Về sau Mạnh Tử đã thi đỗ và trở thành người tài đức giúp ích cho đời.

2) TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIỜ KINH TỐI GIA ĐÌNH:
Một cha xứ kia đi thăm các gia đình trong xứ để kiểm tra nhân danh. Gặp một đôi vợ chồng không đọc kinh tối gia đình, cha hỏi: “Gia đình ông bà có đọc kinh chung gia đình không ?”. Họ trả lời vì không có thời giờ do con cái phải đi học thêm hay phải đi làm theo ca. Gia đình ông ta phải kiếm sống trước đã như câu “Có thực mới vực được đạo !” Bấy giờ cha xứ lại hỏi: “Nếu ông bà biết rõ là nhờ đọc kinh tối hàng ngày mà một đứa con sẽ tránh được một cơn bệnh hiểm nghèo, tránh được một tai nạn; Nhờ đọc kinh tối mà chúng mới có công ăn việc làm đều, chúng mới có đủ sáng suốt để làm được bài thi ở trường; Nhờ đọc kinh mà các linh hồn tiên nhân ông bà cha mẹ và những người thân đã chết sẽ sớm được về thiên đàng… thì ông bà có tổ chức đọc kinh gia đình hàng ngày không ?” Họ trả lời rằng: “Có thể chúng con sẽ đọc”. Cha xứ lại hỏi: “Giả như gia đình làm ăn thất bại phải mang nợ tới 100 triệu đồng, khó lòng có thể trả được cả vốn lẫn lãi, mà nếu ngày nào có đọc kinh tối gia đình 15 phút, thì sẽ được chủ nợ trừ bớt số lời 100.000 đồng, thì ông bà có đọc kinh tối chung không ?”. Bấy giờ ông kia hỏi lại: “Thưa cha, cha hỏi như vậy để làm gì ?” Bấy giờ cha xứ mới ôn tồn trả lời: “Tôi nói như vậy để cho thấy nguyên nhân gia đình ông bà không đọc kinh tối, không phải vì không có thời giờ hay vì bận làm việc, mà lý do chính là vì nghĩ rằng đọc kinh tối gia đình là điều không cần thiết, chỉ cần đi lễ nhà thờ là đủ. Tôi hỏi vậy để cho thấy việc đọc kinh cũng quan trọng không kém gì việc giữ gìn sức khỏe và sự an toàn của các người thân trong gia đình, cũng có giá trị như một số tiền thiêng liêng, giúp bớt phần phạt cho người thân là tiên nhân ông bà đã qua đời, và giá trị của việc đọc kinh cũng có thể tương đương với số tiền cần chi dùng hàng ngày”.

3. SUY NIỆM:

1) THÁNH GIU-SE - GƯƠNG MẪU CỦA GIA TRƯỞNG:
- Mau mắn tuân giữ lời Chúa: Giu-se đã thi hành ba lệnh truyền của Chúa: Một là rước Ma-ri-a đang có thai về nhà làm vợ mình; Hai là tôn trọng lời khấn của Ma-ri-a dâng hiến toàn thân phụng sự Chúa bằng việc không ăn ở với bà. Ba là đặt tên cho con trẻ là Giê-su để nhận mình làm cha của Hài Nhi về luật pháp (x. Mt 1,24-25).
- Quyết tâm bảo vệ Hài Nhi: Khi vừa được mộng báo, Giu-se đã lập tức trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập ngay lúc đêm khuya và đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, ông lại vâng lời sứ thần trỗi dậy mang Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Ông cũng khôn ngoan phòng tránh cho Hài Nhi khỏi bị nguy hiểm: Khi về tới Be-lem, nghe tin Ác-khê-lao đã lên kế vị vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê cũng độc ác nên ông đã lui về miền Ga-li-lê đến sống tại thành Na-da-rét.
- Tín thác vào Chúa quan phòng: Tín thác là dấu chỉ của một đức tin chân chính. Thánh Giuse luôn lắng nghe Lời Chúa và mau mắn vâng theo với sự tín thác hoàn toàn vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa quan phòng.
2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
- Sống đúng vai trò của mình: Một tờ báo ở Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ ?” Kết quả cho có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 20% trả lời “Mẹ vợ tôi làm chủ”. Chỉ có một số ít trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !” Như vậy, không lạ gì Anh quốc là nước số gia đình ly hôn chiếm tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.
- Tránh thái độ gia trưởng độc đoán: Vợ chồng cần trao đổi để nên một lòng một ý trong cách ứng xử với tha nhân, nuôi dạy con cái, mua sắm đồ dùng, và trong công việc làm ăn sinh sống. Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và “Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
- Gia đình phải có Chúa hiện diện: Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức, thì sẽ thương yêu và nhường nhịn lẫn nhau. Chồng thương yêu vợ, vợ yêu thương chồng, con cái thảo kính cha mẹ và anh chị em trong nhà thương yêu nhường nhịn nhau. Trong đời sống vợ chồng, chắc chắn sẽ có lúc vui lúc buồn, khi thành công lúc thất bại, và nhiều khi còn phải vác thánh giá là bệnh tật và các thói hư của nhau và phải vác đến chết để đền tội.
- Vợ chồng hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau: Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép Thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai có cây Thánh giá xin đem lên gần gian cung thánh để được làm phép. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây Thánh giá thì lại cõng bà vợ bị tê liệt lên. Tới lúc cha đến trước từng người đang cầm cây thánh giá để rấy nước thánh. Thay vì giơ cây Thánh giá lên cho cha làm phép thì ông lại cố bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa cha, đây là cây thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này cho đến cùng !” Qua lời nói của ông cụ, chúng ta hiểu người bạn đời chính là thánh giá sống động mà chúng ta phải mang từ khi lấy nhau cho đến hết. Vợ là thánh giá của chống và chồng là thánh giá của vợ. Ai cùng Chúa Giê-su trung thành vác thánh giá ấy cho đến cùng, thì sau này sẽ được sống lại với Chúa Giê-su và cùng được hưởng vinh quang Nước Trời với Người.
- Vợ chồng cùng nhau nhìn về một hướng là nuôi dạy con cái nên người: Cần ý thức con cái chính là tài sản quý giá nhất của cha mẹ, là tương lai của cha mẹ sau này, nên vợ chồng phải hy sinh mọi sự như thời giờ, tiền bạc, công việc… để lo cho con cái được sống trong bầu khí hạnh phúc và môi trường sống an toàn. Câu chuyện mẹ thày Mạnh Tử sẵn sàng dời nhà từ nghĩa trang đến gần trường học để tránh cho con khỏi bị lây nhiễm các thói hư và chăm chỉ học tập trở thành người tài đức giúp ích cho đời, là gương mẫu cho các cha mẹ hôm nay.

3) CHA MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÁO DỤC CON CÁI?
Từ thời mở cửa, gia đình Việt Nam đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Số cặp vợ chồng ly hôn ngày một gia tăng. Con cái không còn vâng lời cha mẹ như xưa. Nhiều gia đình tuy công việc làm ăn kinh tế có khá hơn, nhưng con cái lại bỏ bê việc học hành và sa đà vào các thói hư như : ăn chơi sa đọa, bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội như sì-ke ma túy, cướp bóc, quậy phá… làm cho cha mẹ xấu hổ và gia đình tan nát ly tán. Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, các bậc cha mẹ hãy học tập noi gương Thánh Gia là thánh cả Giu-se và Thánh Mẫu Ma-ri-a.
- Quan tâm chăm sóc dạy dỗ con cái: Cha mẹ không phải chỉ quan tâm đến con bằng việc cho chúng tiền bạc tiêu xài, mà quan trọng hơn là cho con tình thương, sự chăm sóc dạy dỗ ngay từ khi chúng còn nhỏ dại, và cảm thông động viên khi chúng trưởng thành. Nên nhớ rằng : Dù cha mẹ có thành công trong việc làm ăn kinh tế hay thăng quan tiến chức xã hội, mà để con cái mình sa đà vào thói hư như hút sách bài bạc… thì sự thành công kia trở thành thất bại gây cho cha mẹ nhiều nỗi ân hận đau khổ nhất. Vì thế, cha mẹ cần bảo vệ con cái mình khỏi tác hại của sách báo phim ảnh xấu trên các trang mạng internet, khỏi các bạn bè xấu… Nếu cần cha mẹ hãy đem con cách ly khỏi nanh vuốt của Hê-rô-đê gian ác của thời nay để đưa con yên tâm học tập và trở thành những người trưởng thành hữu dụng sau này.
- Phải dạy cho con cái hiếu thảo với cha mẹ và biết lễ độ với người trên: Muốn việc giáo dục thành công, chính cha mẹ phải được huấn luyện các đức tính nhân bản trước rồi mới biết đường dạy dỗ con cái. Cần dạy con bằng gương sáng của cha mẹ hơn là lời nói suông: Cần nói năng trung thực, khiêm tốn phục vụ và biết giữ chữ tín khi giao tiếp với tha nhân.
- Gia Đình cần học sống Lời Chúa : Cha mẹ cần tạo thói quen lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình, bằng việc phân công cho con cái mở Kinh Thánh để đọc Lời Chúa, rồi cầu nguyện để quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy hằng ngày.

4. THẢO LUẬN:
1) Các gia trưởng và hiền mẫu Công giáo cần học tập những gì nơi thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a để gia đình được hạnh phúc ?
2) Nguyên nhân làm cho các gia đình đổ vỡ ly hôn là gì ? Khi xảy ra ly hôn thì trong hai vợ chồng ai là người có lỗi hơn ?
3) Bạn có đồng ý với câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” không ? Tại sao ?

5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Mỗi lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật là hạnh phúc: Với nét mặt rạng rỡ và trong bộ y phục trắng đẹp mới tinh, họ đi bên nhau lên cử hành hôn lễ. Nhưng rồi năm tháng qua đi, con thấy gia đình họ lại biến thành hỏa ngục trần gian, khi “kẻ thì khóc lóc đau khổ, người lại nghiến răng giận hờn”. Lý do đổ vỡ hạnh phúc có rất nhiều: Tại tính xấu của người này hay tại thói hư của người kia ? Theo con nghĩ thì “tại anh tại ả tại cả đôi đàng !”. Tại hai người đã không biết nuôi dưỡng tình yêu ban đầu. Tình yêu có đặc điểm là không đòi hỏi, nhưng là hy sinh cho nhau. Cây tình yêu của hai vợ chồng rất cần được hai người bắt đi những con sâu đục khoét hạnh phúc gia đình như: Sâu ích kỷ “chỉ nghĩ đến mình”, sâu độc đoán hẹp hòi, sâu vô trách nhiệm khi chỉ biết say sỉn cờ bạc hút sách, sâu tình cảm bất chính vụng trộm… Cây tình yêu cũng đòi phải được tưới bón bằng lời cầu nguyện cho nhau, bằng những lời khen tặng nhau thành thật, bằng những lời nói cử chỉ âu yếm dành cho nhau.
- LẠY CHÚA, xin ban cho các gia đình tín hữu chúng con biết luôn “trên thuận dưới hòa”, “một lòng một ý”. Xin giúp các đôi vợ chồng trẻ biết cách duy trì được tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho nhiều hơn nhận”, biết “ân cần phục vụ” cho nhau, biết “quảng đại tha thứ và nín nhịn các sự yếu đuối lỗi lầm” của nhau. Biết “nói ít làm nhiều”, và “sẵn sàng vác thánh giá” là chịu đựng người bạn đời của mình”... Nhờ đó các gia đình chúng con hy vọng sẽ trở thành một thiên đàng trần gian, là dấu chỉ chúng con sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu sau này.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:05 02/01/2017
94. RÂU LỚN RÂU NHỎ.
Tôn Cách Lão, Tôn Cự Nguyên cùng nhậm chức trong sứ quán, lại vừa là cử nhân, do đó mà các chức viên trong sứ quán rất khó mà gọi và xét đoán, bèn thỉnh giáo với Liễu Cống Phụ.
Liễu Cống Phụ nói:
- “Tại sao không căn cứ vào râu của họ mà xét đoán ?”
Các chức viên nói:
- “Ai cũng có râu cả, làm sao mà phân biệt được ai là ai chứ ?”
Liễu Cống Phụ nói:
- “Tại sao không căn cứ vào vóc dáng cao thấp của họ để mà xét đoán ?”
Thế là các chức viên trong sứ quán đều gọi Tôn Cách Lão là Tôn cử nhân râu lớn, gọi Tôn Cự Nguyên làTôn cử nhân râu nhỏ.
(Phủ Chưởng lục)

Suy tư 94:
Chuyện râu lớn và râu nhỏ cũng giống như hai em bé nói đến chuyện người nọ có hai bà vợ:
Em bé A hỏi:
- “Sao ba tao chỉ có một vợ mà ông kia lại có hai vợ ?”
Em bé B nói:
- “Là tại vì ông ta thích lấy nhiều vợ.”
Em bé A lại hỏi:
- “Vậy thì ông ta không sợ Chúa phạt sao ?”
Em bé B nói:
- “Thì Chúa phạt rồi đó, hai bà vợ ngày nào cũng chửi nhau, con cái của họ thì đi bụi, còn ông thì ngày nào cũng ra quán uống rượu đến say mèm...”

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

----------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:07 02/01/2017

7. Tôi muốn dùng thời gian suy ngắm ngắn nhưng lợi ích thì rất lớn, so với việc dùng thời gian dài nhiều năm để suy niệm mà không làm việc gì có giá trị gì đối với Thiên Chúa, thì càng tốt hơn.

(Thánh Teresa of Avila)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ thảm sát tại Istanbul
Đặng Tự Do
07:12 02/01/2017
Hôm thứ Hai 2 tháng Giêng, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào hộp đêm Reina mà chúng cho là “một trong những hộp đêm nổi tiếng nhất, nơi các Kitô hữu cử hành ngày lễ bội giáo của chúng” và mô tả Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia trở mặt với Hồi Giáo và quay ra “bảo vệ thập giá”.

Cuộc tấn công gây bàng hoàng và phẫn nộ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì hộp đêm này đối diện với một đồn cảnh sát. Điều này khiến người ta lo ngại bọn khủng bố Hồi Giáo IS có thể tấn công vào bất cứ nơi nào chúng muốn. Hơn thế nữa, hung thủ tẩu thoát dễ dàng và không để lại bất cứ dấu vết nào.

Trong những báo cáo sơ khởi, giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hung thủ mặc quần áo ông già Noel khi xả súng bắn vào đám đông. Tuy nhiên, thủ tướng Binali Yıldırım bác bỏ chi tiết này.

Theo ông Binali Yıldırım, vào khoảng 1:15 rạng sáng mùng một tết Dương Lịch, hung thủ, mặc toàn đồ đen, bắn chết một cảnh sát viên và một nhân viên an ninh của hộp đêm Reina khi hai người này ngăn cản hắn ta vào hộp đêm. Trong 7 phút đồng hồ, hắn ta bắn 180 viên đạn vào đám đông ước chừng 600 người đang có mặt tại hộp đêm. 39 người bị thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Nhiều người nhanh trí nhảy xuống sông Bosporus nên thoát chết. Các camera cho thấy hung thủ cởi bỏ áo khoác bên ngoài, quăng lại khẩu AK-47, và lẫn vào trong đám đông hỗn loạn thoát ra ngoài dễ dàng.

Trong năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu hơn 30 cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, lực lượng an ninh chẳng mấy khi bắt được hung thủ thực sự. Các vụ khủng bố tiêu biểu là vụ tấn công vào một đoàn xe quân sự ở Ankara vào ngày 13 tháng Hai, làm 37 người chết; vụ đánh bom ngày 28 tháng 6 vào sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul giết chết 41 người; vụ tấn công một tiệc cưới ở Gaziantep ngày 20 tháng 8 giết chết 30 nạn nhân; vụ tấn công một đoàn xe cảnh sát bên ngoài sân vận động Besiktas, Istanbul, vào ngày 10 tháng 12 khiến 44 người tử vong.

Trong một hành động nhằm xoa dịu dư luận, sáng 2 tháng Giêng, bộ trưởng Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong tuần qua cảnh sát đã câu lưu 147 người trong đó có 25 người chính thức bị bắt vì có dính líu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Bến Sắn: Lễ Thánh Gia Thất và chúc lành hôn phối
Ané Ánh Tuyết
09:46 02/01/2017
LỄ THÁNH GIA THẤT VÀ CHÚC LÀNH HÔN PHỐI

- GIÁO XỨ BẾN SẮN

"Những khó khăn trong đời sống gia đình ngày hôm nay là một thách đố lớn, có thể đẩy chúng ta gục ngã bất cứ lúc nào. Nhưng chính điều đó lại là một cơ hội và là điều kiện tốt để chúng ta nên thánh và giúp cho các phần tử của gia đình nên thánh".

Xem hình

Đó là lời chia sẻ chân thành mà Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước - Giám mục Giáo phận Phú Cường, dành cho các gia đình và đặc biệt là 19 gia đình được chúc lành hôn phối trong ngày lễ mừng kính Thánh Gia Thất được cử hành tại Giáo xứ Bến Sắn vào lúc 17h30 ngày 30/12/2016, do ngài chủ sự.

Đồng tế với Đức Cha Giuse có cha Đa Minh Nguyễn Đức Trung - Chánh xứ Giáo xứ Bến Sắn. Trong Thánh lễ còn có sự hiên diện của quý thầy, quý soeur cùng bà con giáo dân trong và ngoài xứ.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Giuse mời gọi cộng đoàn hướng về Thánh Gia Thất là gương mẫu cho các gia đình và hiệp lời nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ cho các gia đình con cái của Ngài, cách riêng là các gia đình kỷ niệm hôn phối, luôn ý thức rằng mình đang được sống trong tình thương Chúa. Chúng ta cũng xin Chúa ban ơn cách đặc biệt qua bí tích Hôn phối để những ai sống trong đời sống gia đình cũng biết theo gương Thánh Gia và nhờ sự cầu bầu chở che của Thánh Gia mà biết sống cách tốt đẹp hơn, nhờ đó làm nền tảng cho Giáo Hội và xã hội.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Giuse đã khắc họa lại bức tranh Thánh Gia Thất cho cộng đoàn được thấy, cũng như bao gia đình khác, gia đình thánh này cũng phải đối diện với biết bao nhiêu khó khăn và gian nan thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng các ngài lại được gọi là một “gia đình thánh” vì trong gia đình đó có Chúa Giêsu – Đức Maria – Thánh Giuse luôn biết sống và vâng phục theo thánh ý Chúa, nhờ thế, đời sống các Ngài mới được Chúa cải biến vào uốn nắn cho nên thánh thiện.

Và qua những ưu tư của Giáo Hội về gia đình, Đức Cha Giuse cũng làm nổi bật lên ý nghĩa của một gia đình Kitô hữu tại trần gian này, nếu không có gia đình thì sẽ không có những con người thánh thiện. Vì gia đình là một Hội Thánh tại gia, là tế bào căn bản của Giáo Hội và xã hội, là vườn ươm của các ơn gọi và là nơi đào tạo, rèn luyện những con người nên thánh. Vì thế, cần ý thức rằng mỗi một ngày còn được sống vững vàng trong đời sống gia đình, đó là một ân ban mà Chúa dành cho mình, cần phải tin tưởng, tạ ơn, cầu xin Chúa nâng đỡ và dẫn dắt để mỗi người biết sống theo thánh ý Chúa, dẫu biết rằng trong cuộc sống, vẫn còn đó những khó khăn thử thách, nhưng hãy tin rằng ơn Chúa vẫn có đó, vẫn đủ để giúp chúng ta sống và chiến đấu để đạt được những chiến thắng và làm trổ sinh những ân huệ tốt lành làm cho gia đình mình được nên thánh, và nhờ đó Giáo Hội và xã hội ngày càng được biến đổi cách tốt lành hơn.

Sau phần phụng vụ Thánh Thể, ông Phêrô Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, đại diện cộng đoàn dâng lên Đức Cha Giuse và cha sở Đa Minh những lời tri ân chân thành, cùng những đóa hoa tươi thắm thay cho lòng biết ơn của toàn thể cộng đoàn.

Đáp lại lời tri ân, Đức Cha Giuse đã chúc mừng và trao vi bằng chúc lành hôn phối đến các gia đình, cùng phép lành trọng thể đến toàn thể cộng đoàn dân Chúa

Thánh lễ kết thúc lúc 19 giờ, trong sự hân hoan của mọi thành phần. Sau lễ, các gia đình cùng Đức Cha và cha Đa Minh chụp ảnh lưu niệm.

Anê Ánh Tuyết – Truyền thông giáo phận phú Cường
 
Thánh lễ kỷ niệm năm hôn phối tại xứ Sơn Lộc, Phú Cường
Toma Đỗ Lộc Sơn
09:53 02/01/2017
Chiều ngày 30/12/2016 tại Giáo xứ Sơn Lộc đã diễn ra Thánh lễ tạ ơn, kỷ niệm 25, 40,50 năm hôn phối của các gia đình thật nồng ấm, trang trọng.

Thánh lễ được cha xứ Simon chủ tế, tham dự có 11 gia đình gồm: 1 gia đình kỷ niêm 50 năm. 5 gia đình kỷ niêm 40 năm, 5 gia đình kỷ niệm 25 năm hôn phối cùng nhiều con cháu và bà con giáo dân trong xứ ước khoảng 700 người.

Xem hình

Mở đầu Thánh lễ, cha chủ tế mời gọi cộng đoàn hiệp ý dâng Thánh lễ kính thánh Gia Thất và tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân Chúa đã ban cho các gia đình trong giáo xứ kỷ niệm hôn phối.

Trong bài giảng lễ, cha chủ tế chia sẻ: Đứng trước thực trạng đang xuống cấp trầm trọng về nhân bản, đạo đức và tâm linh; Vì vậy, Hội đồng giám mục Việt Nam đã đề ra ba năm 2017, 2018 và 2019 là năm gia đình, nhằm nâng cao đời sống gia đình trong các khía cạnh trên. Giáo Hội mời gọi mỗi người chiêm ngắm gia đình Thánh là mẫu gương cho mọi gia đình trên thế giới, cách riêng cho các gia đình Công Giáo. Hôm nay, Giáo xứ Sơn Lộc có 11 gia đình cùng với con cái, cháu chắt quy tụ nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa trong 25,40 và 50 năm qua.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các gia đình và giúp họ luôn biết sống hạnh phúc bên nhau.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Nhóm thự viện giáo xứ Việt Nam Paris tống cựu nghinh tân
Lê Đình Thông
10:22 02/01/2017
NHÓM THƯ VIỆN GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
TỐNG CỰU NGHINH TÂN

Ngày 31 lễ Saint-Sylvestre
Cùng nghinh tân mừng Tết năm nay
Anh em Thư viện xum vầy
Thầy, Sœur, cha Sách Tết Tây đón mừng (1).

Lều ấm cúng tưng bừng họp mặt (2)
Nhà Trúc Tiên son sắt hiệp dâng
Này là Thánh Lễ xin vâng
Ý Cha cả sáng lâng lâng hương trầm.

Thêm một tuổi tơ tầm duyên kết
Kinh kệ nhiều thấm mệt sách ngăn
Cha nay tóc trắng mây ngàn
Hồn thơ lai láng miên man sách đèn.

Trần Anh Dũng cánh sen Thư Viện
Anh chị em mài miệt góp công
Công trình văn hóa vun trồng
Thiên kinh vạn quyển tương đồng xem chung.

Năm 17 lễ mừng Bảy Chục
Giáo Xứ ta ân đức cao dầy
Đức Ông, Cha Sách đó đây
Cả hai chung sức dựng xây cộng đoàn.

Sau Thánh lễ lo toan thịnh soạn
Ăn món này hồn lạc thiên cung
Tiếp theo bếp nóng lửa hồng
Bước vào âm phủ hương nồng mắm nêm.

Đêm Sylvestre uống thêm chén rượu
Cùng nâng ly mực thước làm chi
Sœur, Thầy, Thi sĩ Cung Chi
Thành viên Thư viện nhâm nhi rượu nồng.

Plaisir, ngày 31/12/2016
Lê Đình Thông
---
(1) Thầy Phạm Bá Nha, Thầy Cao Trọng Nghĩa, Sœur Sophie Nguyễn Thị Phú.
(2) Trúc Tiên và Vũ Hạ đặt tên căn nhà ở Plaisir là Túp Lều.





 
Văn Hóa
Lễ Hiển Linh : Sao sáng dẫn đường
Đinh Văn Tiến Hùng
14:40 02/01/2017
Sao Sáng Dẫn Đường
( Lễ Hiển Linh : 8/1/17 )

*’ Đức Giêsu đã sinh ra tại Belem xứ Giuđê, thời vua Hêrođê thì có những Đạo sĩ Phương Đông đến Jerusalem hỏi rằng : “Vua dân Do thái mới sinh hiện ở đâu ? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài bên trời Đông và chúng tôi đến bái yết Ngài…” ( Mt.2: 1-2 )

Ba nhà Đạo Sĩ Phương Đông,
Ngắm nhìn Sao là trên không sáng ngời,
Tiên tri báo trước những lời :
Một Vị Cứu Thế ra đời rồi đây !
Hành trình vội vã đi ngay,
Ánh sao dẫn lối đêm ngày ruổi rong,
Nhưng chưa đạt được ước mong,
Ánh sao vụt tắt nơi vùng Be-lem.
Vào vua He-rốt hỏi xem,
Sao lạ xuất hiện báo điềm gì đây ?
Thày Cả, Thông Luật trình bày,
Tiên tri có chép nơi này Be-lem :
‘Dù ngươi nhỏ bé khó hèn,
Xuất hiện Một Đấng sẽ đem an bình ‘
Nhà vua nghe bỗng giật mình,
Truyền ba Đạo Sĩ đăng trình đi ngay :
‘Khi xong hãy trở lại đây,
Trẫm cũng sẽ đến tỏ bày lòng ta ’.
Ba vị Đạo Sĩ trở ra,
Ánh sao dẫn lối chói lòa trên không,
Đến nơi chiêm bái Hài Đồng,
Giờ đây thỏa nguyện ước mong đêm ngày,
Nhũ hương, mộc dược, vàng đây,
Tiến dâng Vương Tử đêm nay giáng trần.
Rồi trong giấc ngủ an tâm,
Thiên Sứ báo mộng phải tuân trở về.
Từ đây lòng đã thỏa thuê,
Cuộc đời đổi mới tràn trề hồng ân.

Chúa ơi !
Bao năm con đã lỗi lầm,
Nhìn Ánh Sao lạ chẳng cần quan tâm,
Đời con Chúa gọi bao lần,
Con vẫn chìm đắm xác thân bụi trần,
Con nghe tiếng Chúa rất gần,
Nhưng con mê mài vì cầu lợi danh
Lạy Chúa xin hãy đồng hành,
Dắt dìu nâng đỡ chớ đành bỏ con,
Thân con giờ đã mỏi mòn,
Dựa bên lòng Chúa chẳng còn sợ chi !
Tháng ngày lặng lẽ trôi đi,
Đời con Chúa thấy còn gì nữa đâu,
Tâm thành tha thiết nguyện cầu,
Phó dâng tất cả, ân sâu nơi Ngài !

Đinh văn Tiến Hùng
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Viễn Xứ
Đặng Đức Cương
20:19 02/01/2017
TRĂNG VIỄN XỨ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Nhìn trăng soi bóng Cali
Nhớ về làng cũ
hàng cau trăng rằm…
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 27/12/2016-02/01/2017: Giáng Sinh trên khắp thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:37 02/01/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giáng Sinh tại Bethlehem.

Đông đảo các tín hữu và khách hành hương đã chen chúc nhau tham dự thánh lễ Nửa Đêm Giáng Sinh tại Bethlehem vào tối thứ Bảy 24 tháng 12.

Star Street, là hành lang chính dẫn vào quảng trường Máng Cỏ được trang trí với những ngọn đèn lễ hội trên tường và các cửa hàng, trong khi đông đảo người dân Palestine bày bán các loại thực phẩm truyền thống.

Tại lối vào Quảng trường Máng Cỏ, nơi có Nhà thờ Giáng Sinh, là nơi Chúa Giêsu xuống thế làm người, lực lượng an ninh của chính quyền Palestine đứng dày đặc để bảo vệ, và kiểm tra các túi xách, trong khi một số đông các tay súng quan sát khu vực quảng trường từ trên nóc các tòa nhà gần đó.

Một dàn hợp xướng địa phương đã hát các bài hát Giáng Sinh truyền thống bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, trong khi các khách hành hương tham gia cùng với họ.

Theo nguồn tin của Bộ Du Lịch Israel, 120,000 du khách đã đến thăm Israel và khu vực Tây Ngạn sông Jordan trong tháng 12 này.

Mờ sáng ngày 25 tháng 12, Đức Cha Pierbattista Pizzaballa, giám quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh đã chủ sự thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Tham dự thánh lễ có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và các quan chức khác. Nhà thờ Giáng Sinh, nơi cử hành thánh lễ đầy chật người tham dự.

2. Lễ Giáng Sinh tại Mosul

Một cây Giáng Sinh đã được dựng lên giữa cảnh đổ nát cuả Mosul, ngay trong tầm đạn cuả bọn khủng bố Hồi Giáo IS như để thể hiện một quyết tâm mừng lễ Giáng sinh.

Các cộng đồng Kitô giáo ở vùng này đã phải cử hành lễ Giáng Sinh thứ ba trong lưu vong, nhưng vẫn hy vọng họ sẽ sớm trở về nhà.

Tuy nhiên, ở thị trấn Bartell, một thị trấn Kitô giáo Assyriô 13 dặm về phía đông của thành phố Mosul, hàng trăm các tín hữu Kitô lưu vong đã đến được nhà thờ chính toà vào đêm Giáng Sinh.

Đây là lễ Giáng Sinh lần đầu tiên được cử hành tại đây kể từ năm 2013.

“Chúng tôi đã có những vui buồn lẫn lộn”, Đức Cha Mussa Shemani nói với báo chí. “Chúng tôi rất buồn khi nhìn thấy những gì xảy ra cho những nơi linh thiêng nhất của chúng tôi , nhưng đồng thời chúng tôi rất vui mừng vì đây là thánh lễ đầu tiên từ tháng 6 năm 2013.”

Binh sĩ Iraq đã bảo vệ các đoàn xe của các Kitô hữu, vì khu vực nhà thờ vẫn còn nằm trong vùng giao tranh.

Một cây thánh giá đã được dựng lên trên nhà thờ. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tàn phá tất cả, các biểu tượng tôn giáo và những bức tượng của các thánh đã bị phá hủy hoặc bị đập vỡ.

Giáo dân đốt nến khi bước vào nhà thờ, các phụ nữ ngân nga những giọng điệu dân tộc, họ hát thánh ca, cầu nguyện và nghe một bài giảng để tạ ơn việc tái chiếm thành phố.

Trong bài giảng, Đức Cha Shemani cho biết: “Vẫn còn có một đám mây đen bao phủ trên Iraq Nhưng chúng tôi sẽ ở lại đây. Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta...”

3. Trong thông điệp Giáng Sinh, Đức Thượng Phụ thành Babylon ca ngợi quân Iraq và quân Kurd trong chiến dịch giải phóng Mosul.

Trong thông điệp Giáng Sinh Đức Hồng Y Raphael Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê thành Babylon đã lên tiếng cảm ơn quân đội Iraq và người Kurd, cũng như các chiến binh Kitô, đang giúp “giải phóng các vùng đất Iraq bị chiếm đóng bởi những bọn khủng bố Hồi Giáo IS.”

Đức Hồng Y Raphael Louis Sako là nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo Hội Công Giáo Chanđê -một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

Ngài cũng cảm ơn chính quyền khu tự trị Iraq Kurdistan đã hỗ trợ các Kitô hữu và những người dân tị nạn khác đang lưu trú trong thành Erbil sau khi lánh nạn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê.

Các lãnh thổ bên ngoài Mosul đã được giải phóng và lần đầu tiên, kể từ tháng 6 năm 2013, nhiều cộng đoàn Kitô đã có thể cử hành lễ Giáng Sinh tại các ngôi nhà thờ của họ mà họ đã phải bỏ lại sau lưng khi tháo chạy trước sức tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

4. Thánh lễ đầu tiên của Công Giáo Maronite tại nhà thờ chính tòa Aleppo kể từ 2012.

Sự thất bại của các lực lượng nổi dậy ở Aleppo, thành phố có thời là lớn nhất tại Syria, đã cho phép người Công Giáo nghi lễ Maronite cử hành Thánh Lễ đầu tiên trong nhà thờ chính tòa của họ kể từ năm 2012.

Hãng tin Reuters cho biết Kitô hữu tại Aleppo tưng bừng đón chào chiến thắng gần đây của Tổng thống Bashar al-Assad. Họ đã dựng một cây thông Giáng Sinh khổng lồ, lấp lánh ánh đèn, sáng choang một vùng. Lần đầu tiên sau năm năm nội chiến, người ta mới thấy được quang cảnh tưng bừng như thế. Niềm vui dâng trào trong các cộng đoàn Kitô vì hòa bình xem ra đang quay trở lại sau khi quân chính phủ kiểm soát được hoàn toàn thành phố này vào tuần trước.

Sự sụp đổ của quân phiến loạn ở miền Đông Aleppo là chiến thắng lớn nhất của quân chính phủ trong cuộc nội chiến gần sáu năm qua tại Syria.

Những người lính Nga, hỗ trợ cho tổng thống Assad, đã tham dự lễ Giáng Sinh chung với các Kitô hữu địa phương tại nhà thờ Thánh Elias.

5. Tham dự lễ Giáng Sinh tại Bắc Kinh là một cực hình.

Theo nguồn tin của UCANews việc tham dự lễ Giáng Sinh tại Bắc Kinh trong năm nay là một thử thách, nếu không muốn nói là 'cực hình'.

Ở Bắc Kinh có 4 nhà thờ chính là Nam Đường, Bắc Đường, Đông Tự và Tây Tự. Nhà thờ Tây Tự đang được sửa chữa, nên giáo dân đã phải dồn qua 3 nhà thờ khác. Do đó thánh lễ nửa đêm do Đức Giám Mục Joseph Lý Sơn của Bắc Kinh tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm, hay còn gọi là Nam Đường, đã đông hơn thường lệ.

“Khoảng một nửa trong số 5000 người tham dự là những gương mặt đến từ các nhà thờ khác hoặc là những cư dân ở ngoài Bắc Kinh,” theo lời ông Joseph Trương, một giáo dân của nhà thờ Nam Đường.

“Chúng tôi đã phải xếp hàng 3 giờ để kiểm tra an ninh. Thánh Lễ nửa đêm thì kéo dài 2 tiếng đồng hồ nữa.”

“Có quá nhiều nhân viên an ninh. Bạn có thể thấy cứ 3 mét thì có một tay an ninh. Người ta không được mang theo chai nước, túi xách hoặc bật lửa,”một giáo dân khác là bà Teresa Vương Đức Lan nói.

Cũng thế, các biện pháp an ninh trong các nhà thờ khác cũng gay gắt như thế. Hàng dài người phải chờ đợi kiểm tra trước khi được vào bên trong các ngôi thánh đường này.

Các biện pháp an ninh tại các nhà thờ lớn đã được gia tăng đặc biệt ở thủ đô kể từ năm 2013, sau khi một chiếc xe phát nổ ở quảng trường Thiên An Môn, mà nhiều người gọi đó là cuộc tấn công khủng bố đầu tiên trong lịch sử của Bắc Kinh. Kiểm tra an ninh tương đối chặt chẽ hơn trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm vì có nhiều người Công Giáo từ các nước khác, trong đó có những nhân viên ngoại giao, tham dự.

Ở Trung Quốc, Giáng Sinh không phải là một ngày nghỉ lễ. Nhiều người Công Giáo thường vội vàng đi nhà thờ sau giờ làm việc rồi sau đó vội vã ra về nghỉ ngơi và chuẩn bị làm việc ngày hôm sau.

6. Tai ương khủng bố gây lo ngại trong mùa Giáng Sinh.

Trong lúc các Kitô hữu trên khắp thế giới đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh thì bọn khủng bố Hồi Giáo IS ra thông báo kêu gọi các cảm tình viên của họ hãy tấn công khủng bố các nhà thờ.

Các hãng thông tấn trên thế giới đều loan tin Tòa Thánh Vatican, cũng như nhiều quốc gia như Pháp Đức , Bỉ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. đều gia tăng và xiết chặt các biện pháp an ninh để đề phòng khủng bố.

Riêng tại Hoa Kỳ, Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) và Bộ An Ninh Nội Điạ hôm thứ Sáu 23 tháng 12 năm 2016 đã ra thông báo cho các cơ quan an ninh biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS có âm mưu tấn công khủng bố các nhà thờ trong dịp giáo dân cử hành lễ Giáng Sinh hay những địa điểm có đông người tụ họp trong dịp lễ này.

Lời cảnh báo của cơ quan an ninh Hoa Kỳ được đưa ra sau khi các cảm tình viên của Nhà Nước Hồi Giáo đưa lên mạng lưới xã hội công khai kêu gọi các cảm tình viên của họ tấn công vào các nhà thờ ở trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Theo cơ quan FBI lời đe doạ của nhóm khủng bố là đáng tin cậy.

Danh sách các nhà thờ ở Mỹ bị đe dọa tấn công được viết bằng tiếng Ả Rập và được một người có tên là Abu Marya al-Iraqi đưa lên mạng. Lời kêu gọi tấn công khủng bố có câu “ Hãy làm cho việc cử hành Tết đầu năm của người Kitô Giáo thành buổi lễ đẫm máu”.

7. Đức Thánh Cha chia buồn với nhân dân Nga sau tai nạn máy bay thảm khốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời chia buồn của ngài với nhân dân Nga sau khi một máy bay của Bộ Quốc phòng Nga bị rơi gần Sochi, làm thiệt mạng tất cả 92 người trên máy bay

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lời chia buồn này trong diễn từ sau kinh Truyền Tin ngày 26 tháng 12, kính thánh Stêphanô Tử Đạo tiên khởi.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Tôi bày tỏ lời chia buồn chân thành của tôi / trước những tin tức bi thảm liên quan / đến chiếc máy bay Nga bị rơi tại Biển Đen. Nguyện xin Chúa an ủi người dân Nga thân yêu / và gia đình của các hành khách trên chiếc máy bay / bao gồm các nhà báo, và dàn hợp xướng nổi danh của các lực lượng vũ trang Nga”

“Xin Đức Trinh Nữ Maria nâng đỡ các hoạt động tìm kiếm đang diễn ra.”

Đức Thánh Cha cho biết thêm:

“Năm 2004, dàn hợp xướng này / đã trình diễn tại Vatican vào năm thứ 26 triều đại giáo hoàng / của Thánh Gioan Phaolô II. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

Cũng nên nói thêm là:Hôm 25 tháng 12, 84 thành viên trong dàn hợp xướng cùng với 8 người trong phi hành đoàn đã thiệt mạng sau khi chiếc TU-154 chở họ lao xuống Biển Đen sau khi cất cánh được vài phút từ phi trường Sochi của Nga / để bay đến phi trường Latakia của Syria.

8. Cha Tom Uzhunnalil vẫn còn sống và kêu gọi sự trợ giúp.

Cha Tom Uzhunnalil, một linh mục dòng Salêdiêng, Ấn Độ, là người bị bắt cóc ở Yemen vào đầu tháng Ba, đã cầu xin sự giúp đỡ trong một đoạn video đã được đăng tải trên internet vào ngày 26 tháng 12.

Tính xác thực của video chưa được xác nhận. Tuy nhiên, bạn bè và người thân nói người xuất hiện trên video clip dài 5 phút trông rất mệt mỏi và yếu đuối chính là Cha Uzhunnalil.

Cha Tom Uzhunnalil đã bị bắt giữ bởi những kẻ khủng bố khi chúng bắn chết bốn nữ tu của Dòng Thừa Sai Bác Ái / trong cuộc tấn công ngày 04 tháng 3 tại một nhà dưỡng lão ở Aden, Yemen. Kể từ thời điểm đó đến nay vẫn chưa có tin tức rõ ràng về số phận của ngài.

Cha Uzhunnalil nói trong video “Tôi rất chán nản. Sức khỏe của tôi xấu đi rất nhanh”. Ngài than phiền rằng chẳng có gì đã được thực hiện để bảo đảm việc trả tự do cho ngài, mặc dù những kẻ bắt cóc đã liên lạc với chính phủ Ấn Độ.

Hôm 2 tháng Tư, một phái đoàn từ Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ với Sushma Swaraj, bộ trưởng ngoại giao của Ấn, để thảo luận về mối quan tâm của các ngài cho số phận của Cha Uzhunnalil, “đặc biệt là bây giờ, khi những tin đồn khủng khiếp đang được lan truyền.” Vị bộ trưởng chính phủ “bảo đảm dứt khoát với phái đoàn rằng cha Tom Uzhunnalil đang được an toàn”.

Ông Swaraj từ chối tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về cuộc đàm phán giữa chính phủ Ấn Độ và những kẻ bắt giữ ngài. Tin đồn lưu hành tuần trước cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tiếp cận các quan chức Ấn Độ, tìm kiếm một khoản tiền chuộc lớn cho việc trả tự do cho vị giáo sĩ của dòng Salesian. Swaraj không bình luận gì về những tin đồn, nhưng cho biết nhiệm vụ của mình là làm việc để bảo đảm việc trả tự do cho Cha Uzhunnalil.

Bây giờ thì đã rõ là người ta chẳng làm gì cả.